TBT_So tay May 2009

         

ba.JPGSỔ TAY TRANG NHÀ

trần bang thạch

___________________________________________________

 .

NHỮNG GHI NHẬN

TRÊN ĐƯỜNG VỀ ĐẠI HỘI

XIII – 2009 Nam California

Bắt đầu gõ chữ đầu tiên cho trang Sổ Tay này, tôi bỗng chợt nghĩ một điều: Từ hơn mười năm nay hình như chưa có năm nào tôi thiếu cái háo hức và nỗi mong đợi cái ngày N đó của năm. Hình như Ng. cũng vậy, cũng có cùng một tâm cảm như tôi. Ngày N đó là ngày Đại Hội thường niên của trường mình tại hải ngoại bắt đầu từ 1997 tại Houston, Texas. Dù cho có đi xa hay dự đại hội ở ngay tại thành phố nhà thì nỗi háo hức vẫn như nhau; nhưng nỗi mong chờ thì khác một chút: muốn ngày ấy chậm lại, chậm lại để ban tổ chức chúng tôi có thêm thì giờ. Hai lần Houston tổ chức Đại hội, mặc cho chúng tôi chạy vắt giò lên cổ từ gần cả năm, chúng tôi vẫn thấy còn nhiều việc chưa ổn khi đến ngày khai mạc. Biết vậy cho nên chúng tôi thường đến với ĐH bằng niềm vui từ đầu chí cuối cho dù gặp vài điều không như ý mình. Được gặp nhau, được sống lại những phút giây kỷ niệm là đã đủ vui rồi. Người ta làm ĐH với thiện chí và với tấm lòng vì trường mẹ, cốt để mọi người cùng vui hạnh ngộ; chớ đâu thể nào làm vui hết cho từng cá nhân. Có phải?

Năm nay cũng không ngoại lệ, chúng tôi mong đến ngày đầu tháng 5. Và chúng tôi đã lên đường từ 1 tuần trước ngày ĐH. Chúng tôi đi 1 vòng từ Houston, qua Canada ghé Montreal rồi sang Toronto. Từ Toronto, chuyến bay Air Canada đưa chúng tôi tới Quận Cam, về với ĐH XIII. Tôi không tới ĐH, mà về với ĐH, về một mái nhà chung tại hải ngoại có thầy cô và bạn cùng lớp, cùng trường, có thương yêu, có tuổi trẻ và kỷ niệm.

Như vậy 13 lần ĐH Hải Ngoại thì chúng tôi có mặt đủ 13 lần. Những ĐH trong tương lai thì chưa biết sao. Để hạ hồi phân giải

Thật ra chuyến đi lần này là một công đôi ba việc. Hay nói cho rõ đây là chuyến đi viếng người chết và thăm người sống.

.

HAI NGÀY TẠI MONTREAL:

Toronto_NhaMo.jpgTôi có người anh vợ tại Montreal. Anh đã gần tám mươi, mắt mờ, rất khó đi lại. Vợ anh mất tháng trước, chúng tôi không đến tiễn đưa chị ấy về nơi an nghỉ cuối cùng được.

 Ảnh bên: Nhà mồ: âm trong các vách tường là ngăn kéo ( hoa gắn ờ ngoài) chứa các hũ tro cốt hay chứa cả cái quan tài

Bây giờ chúng tôi đến muộn để ở bên anh đôi ngày, vừa an ủi anh, vừa viếng nắm tro tàn của chị trong một tòa building to tọa lạc giữa nghĩa trang. Tòa building Mausolée Saint-Pierre et Saint-Paul cũng chính là 1 nghĩa trang thật lạ lùng mà tôi chỉ thấy đây là lần đầu trong đời. Cái nghĩa trang khác thường này chứa hàng ngàn hũ tro cốt và hàng trăm quan tài trên mặt đất. Tro cốt của chị đựng trong một hũ bằng sành để trong một hộp vuông trong lồng kính, kế bên còn một khoảng trống vừa đủ cho phần xương cốt của anh trong tương lai. Những hộc chủ nhật đựng nguyên cả cái quan tài với xác ướp bên trong, hộc nầy nằm kế hộc kia và

 xếp chồng lên nhau từ chân tường lên đến trần nhà. Mặt tường bằng đá granite bóng láng. Nhìn như những ngăn kéo, mỗi mặt ngăn kéo đều có gắn hoa. Khi thân nhân đến viếng, người ta mở cửa cái ngăn kéo thì hiện ra cái quan tài trông như mới nguyên, chứa cái xác hàng mấy chục năm. Người ta có thể mua trước những ngăn kế nhau như vậy để người thân có thể ngàn thu nằm cạnh nhau; dĩ nhiên là phải trả một giá khá cao, 30 ngàn Gia kim một hộc.

Tại Montreal tôi có dịp ngồi ngoài phố uống tách cà phê, bàn chuyện văn nghệ văn gừng với vài người bạn làm văn làm bào cho đến quá nửa đêm. Nhớ làm sao những đêm cà phê thuốc lá trên vĩa hè Sài Gòn thời sinh viên nghèo làm văn nghệ. Rất muốn đi Quebec thăm Thầy Cô V.V.T nhưng thì giờ không đủ cho 1 chuyến buýt đi và về nên chỉ gọi phone thăm Thầy. Cũng muốn đi nhìn tượng đồng Cụ Nguyễn Trãi trong một công viên ở Quebec như lời đề nghị của Nguyên Nhung. Lực bất tòng tâm! Hẹn với Thầy và với người xưa lần sau vậy.

.

HAI NGÀY TẠI TORONTO

.

Thời giờ hai ngày tại Toronto của chúng tôi rất chật vật: thăm mấy người bà con của Ng., thăm Thầy Cô Nguyễn Văn Kỷ Cương và đến chia buồn đồng thời thắp hương trước bàn thờ đồng môn Trần Ngọc Xướng và Thầy Trần Thanh Giản. Việc gặp gỡ đồng môn Toronto cũng phải có.

Từ Montreal chúng tôi đi chuyến buýt khởi hành từ 7 giờ sáng ngày Thứ Ba, 28-4, đến Toronto gần 4 giờ chiều. Người bạn từ trung học đến đại học của chúng tôi là anh Phép đã đưa chúng tôi ghé thăm người Dì và gia đình các con của Dì.  Chỉ ghé thăm một chút vì chúng tôi còn phải về nhà Phép để chuẩn bị đến nhà hàng dùng cơm tối với những đồng môn đã hẹn trước.

Thật là vui khi gặp lại những bạn cũ. Đặc biệt GS/ĐTĐ Ngô Thị Thu còn là  đồng môn của tôi khi học tại Cần Thơ và SG.

Toronto_dinner2.jpg

Anh Đến, anh Phép, anh Hên,GS Thu, GS Trung, Nguyệt, chị Đến, Thu Viên, anh Mẫn, Danh,

thiếu Bảo (đang chụp tấm ảnh này)

Trên đường về nhà, chúng tôi ghé nhà chị Xướng và thắp nén hương trước bàn thờ anh. Anh Xướng mất ngày Oct.22/2008. Mới 3 tháng trước, chúng tôi đã gặp anh tại ĐH XII – Calgary Jul. 18 & 19/2008, bây giờ thì thấy di ảnh anh trong bộ quân phục SVSQ Thủ Đức đặt trên bàn thờ! Mới thấy đó bỗng liền mất đó!

Toronto_XuongAltar.JPG Toronto_ThayGianAltar.JPG

Trước bàn thờ anh Trần Ngọc Xướng         Trước bàn thờ Thầy Trần Thanh Giản

Sáng hôm sau, Thứ Tư 29-4, chúng tôi đến nhà thăm anh chị DS Lê Văn Hai. Anh Hai và tôi cùng học lớp đệ nhất A2 năm 1964-65 tại PTG. Anh chị ăn chay trường nên chúng tôi được thưởng thức buổi điểm tâm chay thật ngon và lạ. Anh Hai còn đọc cho chúng tôi nghe bài thơ anh làm tựa là Hai Hạt Bụi (có đăng trên trang web này). Nghe bài thơ hôm ấy thì cảm động, nhưng hôm nay đọc lại thì cảm thấy buồn, buồn khi nghĩ tới chính mình trong những năm tháng tới.

Toronto_anhHai.JPG Toronto_ThayCuong.JPG

Trước sân nhà anh chị Lê Văn Hai           Viếng thầy cô Nguyễn Văn Kỷ Cương

Rời nhà anh Hai, chúng tôi đến nhà thăm Thầy Cô Nguyễn Văn Kỷ Cương. Thầy bị cơn stroke vài tháng trước nên đi đứng khó khăn, nói năng cũng không được bình thường. Thầy tâm sự rằng cơn stroke xảy ra khi Thầy cố gắng giảng xong bài toán cho 1 học trò. Nghĩ mà càng thương Thầy, gần trọn đời lo lắng cho môn sinh.

Sau đó chúng tôi đi ngay đến nhà Cô Trần Thanh Giản trước là thăm sau là chia buồn với Cô và thắp nén hương trước bàn thờ Thầy. Thầy mất ngày Nov.18/2008. Nhìn chúng tôi cúi mình trước bàn thờ và nghe chúng tôi nhắc lại những kỷ niệm với Thầy Giản, Cô đã rất xúc động. Trong 1 tháng, PTGĐTĐ Toronto đã mất 1 người Thầy và 1 đồng môn gắn bó với các sinh hoạt trường nhà ngay từ buổi đầu.

Toronto_Phep_Tien_Chin.JPG

Bốn người cùng vào đệ thất năm 1959: Từ trái: Phép, Tiến, Danh (3 người cùng lớp 7D), Nguyệt (7Y), Chín (7Z)

Tại nhà anh chị Phép, Chín, chúng tôi có dịp dùng cơm với người bạn học cùng lớp 7D với tôi và Phép là Trần Thành Tiến. Chúng tôi thường gặp nhau mỗi lần ĐH. Năm nay Tiến bận việc nhà không đi ĐH được.

Hai chặng đường chúng tôi đã đi qua tại Canada quả đúng là viếng người chết và thăm người còn sống. Chặng đường kế tiếp chắc là vui hơn vì chỉ gặp toàn người sống, nhứt là gặp những Người PTGĐTĐ

.

MỘT TUẦN TẠI NAM CALI

Trưa Thứ Năm Apr. 30, chúng tôi đã tới khách sạn Ramada trên đường Garden Grove, khu Little Saigon. BTC đã giới thiệu khách sạn này trong Thông Báo trước đây. Những lần đi dự ĐH ở các nơi khác chúng tôi đều thích ở tại khách sạn để có thể thường xuyên gặp mặt người về dự ĐH ngay khi ĐH chưa bắt đầu. Gặp mặt ở đây vui và thoải mái lắm, bao nhiêu là lần tay bắt mặt mừng, bao nhiêu là bất ngờ khi gặp lại người thầy hay người bạn cũ tưởng đã biệt tăm! Cho nên nếu ở nhà thân nhân thì làm sao có những niềm vui nầy. Nếu chỉ gặp nhau ở ngày ĐH thì nhiều lắm chỉ trao đổi mấy câu. Lắm khi lúc về nhà mới biết anh nọ, chị kia đã có mặt tại ĐH, muốn gặp lại họa chăng là ở ĐH năm tới!

Một tuần ở Nam Cali sao mà ngắn quá.

Viếng chùa Tây Lai & vườn hoa Huntington

Buổi sáng tham gia phái đoàn viếng thăm Chùa Tây Lai và vườn bách thảo Huntington. Ngôi chùa của người Trung Hoa này thật đồ sộ tọa lạc trên đỉnh đồi, kiến trúc rất hiện đại. Xem cũng chỉ là xem mà thôi vì ngôi chùa không có cái tĩnh mịch, đạo vị của 1 thiền môn cổ kính. Thật ra tại Hoa Kỳ này có bao nhiêu ngôi chùa mái ngói rêu phong ẩn mình trong núi rừng trầm mặc? Vườn bách thảo thì khỏi phải nói, trăm hoa ngàn tía, thả rong 1 ngày chưa chắc đã thưởng thức hết cái đẹp của hoa kiểng ở đây. Các chị tha hồ chụp hình, các ông thì dù mõi tay cũng phải bấm máy cho người đẹp vui. Thì giờ eo hẹp cho nên chỉ cởi ngựa xem hoa, chưa mãn nhãn mà đã mãn giờ.

Đêm Tiền Hội và Đêm Đại Hội thì đã có người lược thuật trên trang Web này rồi nên chỉ xin ghi nhận vài điều có tính riêng tư:

DH13_ThayPhi_D_Nghia.jpgGặp Thầy Võ Văn Phi: Mấy tuần trước ĐH chúng tôi đã biết thầy Phi đã từ VN bay qua Nam Cali. Chúng tôi có gọi phone thăm mà không gặp được cho nên rất nôn nóng gặp thầy Phi tại ĐH.  Thầy thì chắc không nhận ra trò, nhưng trò thì làm sao quên được thầy, thấy thầy ngồi đó là nhận ra

ngay.Thầy trò hơn bốn mươi năm mới gặp lại, thật là vui.

Ảnh bên: Thầy Võ Văn Phi và 2 học trò lớp 7D: Lê Đình Nghĩa & Danh

Không gặp Thầy Chiêm Kiêm Chên: Cũng vì chúng tôi ngồi tại cái bàn bên cánh gà sân khấu nên khó thấy những gì xảy ra ngay phía trước sân khấu nơi quý thầy cô ngồi. Cũng rất khó nghe những gì MC nói khi có nhiều tiếng ồn ào. Về nhà mới biết hôm ấy có thầy Chên, thầy dạy lý hóa của tôi ở lớp đệ nhất 1964-1965! Vuột mất cơ hội gặp thầy! Thật tiếc! Hai ngày nay phone thầy vẫn không có người trả lời.

DH13_TLong440.JPGChâu về hiệp phố: Quả đúng như vậy, đúng là của tìm người. Đó là câu chuyện của cặp bạn trẻ thật dễ thương ở Nam Cali: Câu chuyện trúng số độc đắc tại Đêm ĐH của cặp Thiên Long và Thanh Xuân. Trước đây gần 1 năm, Thiên Long là người trưởng

 Ảnh bên: CHS Thiên Long & BS Thanh Xuân: The Big Winner (1st prize)!

ban tổ chức bầu cử chức vụ hội trưởng PTGĐTĐ & Đồng hương Cần Thơ Nam Cali, người đắc cử chức vụ hội trưởng là cô Mindy Hà, trưởng BTC ĐH XIII. Lô độc đắc  phải chăng là phần thưởng cho người đã bắt đầu đặt viên gạch cho ĐH này?

ĐI ĐÓ ĐI ĐÂY SAU ĐH

Ba ngày tiếp theo đây thì không có nhiều “chất ĐH” vì đa số là viếng các thắng cảnh như San Diego, Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ hay gặp gỡ riêng tư; cũng xin phép ghi ra vài chuyện cho tròn bài “Ghi Nhận”.

 Hạnh ngộ bất ngờ tại nhà anh Phan Văn Tánh:

Cũng nhờ cái anh chàng tốt bụng này mà chúng tôi mới đến được nhà anh Tánh. Thật là một gặp gỡ bất ngờ. Đã có mặt nơi patio là chủ nhà, anh Trạng (Melbourne), chị Thu Hương (AZ), hai em Nhơn & Đức (San Jose), anh chị Châu Minh Hoàng (San Jose), hai bạn BS Hiếu Nghĩa & BS Hoa Công, chị Mỹ Ngọc (Nam Cali). Cộng với phái đoàn chúng tôi nữa ngồi đầy một cái bàn dài. Vừa ăn BBQ, trái cây, vừa nói chuyện. Vui và nhộn hết biết nói! Tôi nhắc lại Bản Tin đầu tiên của PTGĐTĐ hải ngoại tên là Hạnh Ngộ do bạn Đặng Hiếu Nghĩa thực hiện bằng thủ công ngay sau khi Nhóm PTGĐTĐ đầu tiên ra đời tại Houston năm 1996. Hạnh Ngộ chỉ đến với một số rất ít đồng môn, và chỉ phát hành 1 số . Đây có thể nói là tiền thân của các đặc san PTGĐTĐ sau này. Trước khi chia tay, chúng tôi còn trao đổi các thông tin về viêm gan B&C và ung thư gan vì chính anh Tánh là người đã thoát qua cơn bịnh hiểm nghèo này và đang dốc lòng chỉ dẩn, cố vấn và tạo cơ hội cho bịnh nhân gặp gỡ các BS chuyên môn gan. Xin xem thêm chi tiết công tác thiện nguyện của Nhóm anh Tánh và chị Mỹ Ngọc cũng trên Web site này.

Web_hoptainhaanhTanh.jpg

Từ trái: Tánh, Thu Hương, Công, Nghĩa, Trạng, Long, GS Khánh, Báu, GS Huệ, Danh, Hoàng, Nguyệt,

Nhơn, Như Bằng, Mỹ Ngọc. Thiếu Đức (người đang chụp ảnh )

Nhớ hồi ĐH Arizona năm 2004, trên cùng chuyến xe bus đi viếng Grand Canyon, anh Tánh và anh Lê Ngọc Ánh cho biết là đang gặp phải cơn bịnh ngặt nghèo. Mọi người đều thương cảm hai anh, mong sao mọi chuyện tốt lành. Anh Ánh sau đó đã ra đi. Cho nên hôm nay gặp lại anh Tánh hồng hào, khỏe mạnh ai nấy đều vui mừng. Đáng quý hơn nữa khi biết anh Tánh và các bạn dành nhiều thì giờ, nhất là mỗi cuối tuần, giúp đỡ những bịnh nhân viêm gan.

Bốn học trò viếng hai thầy cũ

Chúng tôi là 4 học trò cũ của thầy Lê Văn và Cô Lê Bảo Xuyến khi chúng tôi cùng học với thầy cô tại ĐH Văn Khoa và ĐHSP SG những năm cuối thập niên sáu mươi. Đã muốn thăm thầy cô từ lâu, nay nghe thầy cô có chuyện không vui liên quan tới Tạp chí biên khảo văn học Dòng Việt do thầy Lê Văn chủ trương hàng chục năm nay, chúng tôi càng muốn đến trước là thăm viếng, sau là mong có thể an ủi thầy cô chút gì chăng. Nhà thầy cô ở vùng Huntington Beach. Thầy trò gặp nhau mừng lắm. Thầy cô đã quá thất thập từ lâu vậy mà thầy rất khỏe, cô thì nhanh nhẹn, nói năng cứng chắc như 40 năm trước. Thầy cô trông rất cảm động khi trong tình cảnh khó khăn mà có những môn sinh từ xa cố tìm cho được nhà để viếng thăm và chia xẻ. Cô Bảo Xuyến thích cùng chúng tôi đứng chụp ảnh trước tấm lịch viết chữ TÂM. Tôi nghĩ ý cô muốn nói làm gì thì làm, lúc nào cũng nên lấy chữ TÂM làm trọng; cái TÂM trong sáng thì sá gì những nhiễu nhương xung quanh.

DH13_4hoctro_LeVan.jpgDH13_ThayLV_chuTAM.jpg

Ảnh trái: Sau khi dùng cơm trưa: Danh, Báu, GS Lê Bảo Xuyến, GS Lê Văn, Huệ, Khánh

Ảnh phải: Thầy trò chụp hình trước chữ TÂM tại tư gia của thầy cô.

 .

Tạm kết:

Như đã nói ở trên, chuyến đi này là dịp nói lời vĩnh biệt muộn màng với những người vừa mới ra đi, cũng là dịp gặp và viếng thăm những thầy cô và những bạn hữu.

Cảm ơn những BTC/ĐH đã hàng năm tạo ra cơ hội gặp gỡ hiếm quý này.

.

Houston May 18, 2009

TBT

 

Enter supporting content here