TBT_So Tay 4/09

Sổ Tay.

Trần Bang Thạch

_______________________________________________

 .

BƯỚC CHÂN KHÔNG RỜI

.TaiLieu_BoatPeople305a.jpg

Để chỉ sự quyến luyến lúc chia tay, người Mỹ có câu nói “Going but not leaving”. Đi mà không rời. Ngẫm thật chí lý. Dạ thì không muốn, nhưng chân vẫn phải bước. Bước đi mà con tim để lại. “Lên xe tiễn em đi chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly”. Trước khi nhà thơ Cung Trầm Tưởng nghẹn ngào nói với người yêu câu trên đây tại một sân ga ở Paris, Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm qua bản dịch tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn đã viết: “Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy/ Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Tình chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”. Rõ ràng là người chinh phu với chiếc áo đỏ như ráng pha trên thân ngựa sắc trắng như là tuyết in đã mang theo ánh mắt trông theo và con tim của người chinh phụ. Còn người ở lại thì ôm mang hình ảnh chàng trong cuộc đời làm chinh phụ của mình.  Đi mà không rời. Ở cũng không nguôi.

.

Thử hỏi sau cơn sấm sét của một ngày 30 tháng Tư 75 có mấy ai bước đi mà không ngoảnh lại. Rồi suốt nhiều năm tiếp theo. 34 năm rồi vẫn có những cái đầu ngoảnh lại. Và vẫn có những ánh mắt trông theo. Trở lui về thời lập quốc xa xăm của 4889 năm cũ, 50 con theo cha Rồng xuống biển, 50 con theo mẹ Tiên lên ngàn, tránh sao khỏi những ánh mắt ngó mong đẫm lệ. Rồi thời Trịnh Nguyễn phân tranh với Sông Gianh làm lằn ranh chia cách, ngàn giọt lệ chắc đã đẫm ướt đôi bờ. Genève 54 chia hai đất nước, người đi kẻ ở, ruột thắt gan bầm.

.

Tôi thức trắng đêm sầu trắng mắt

Ngó dòng sông nhỏ hệt chỉ tay

Ai xắn lằn dao đau xé đất

Để rần rần máu chảy đêm ngày.

(Lệ Sử - Cao Vị Khanh)

.

Những chia cắt ấy nghĩ cho cùng là những cơn đau lịch sử. Con bịnh đã trải qua những cơn thập tử nhất sinh để vươn vai đứng dậy. Trăm con phải dằn cơn đau , chua sót chia tay để ra đi trấn giữ cõi bờ, từ núi non, đồng bằng ra đến hải đão. Vết chém Thục Vương ngang lưng Mỵ Châu từ ngàn năm vẫn là vết đau lịch sử. Bao nhiêu những vết thương ấy đã làm nên Thánh Gióng ở làng tre Phù Đỗng, làm nên tua tũa cọc nhọn trên sông Bạch Đằng, làm nên 10 năm nằm gai nếm mật trên núi Chí Linh. Nam Quốc Sơn Hà, Nam Đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư, Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm, Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Rồi thì cơn đau Trịnh Nguyễn phải chăng là một định mệnh lịch sử để khiến bờ nam Sông Gianh là điểm khởi hành cho cuộc Nam Tiến để hình thành một giải giang san hình chữ S bây giờ? Tiếp theo là cơn đau Quốc, Cộng cũng là một định mệnh lịch sử để thêm một lần nữa con sông Gianh thay tên đổi họ để tiếp tục làm vết chém ngang lưng một Việt Nam sau hơn tám mươi năm bị đô hộ. Từ đó một nửa dân tộc từ bờ bắc giòng Bến Hải là con bịnh trầm kha sống mà như chết của một oái oăm lịch sử; và hơn một triệu người từ Bắc vào Nam đã thổi một luồng sinh khí mới vào một xã hội Miền Nam vừa trải qua chế độ cai trị Thuộc Địa từ chánh quyền Pháp. Tâm cảm người nửa nước bên này cũng đau nỗi đau chia cắt, nhưng lịch sử miền Nam vẫn có những bước đi dài. Văn hóa, Xã hội, Ngôn ngữ, phong tục tập quán…tại Miền Nam sau 1954 là một vườn hoa đầy hương sắc.

.

Thêm một bất hạnh đến với cả dân mình. Cơn đau lịch sử Tháng Tư Bảy Lăm đã viết những dòng chữ mới trên trang đời của mọi người, không phân biệt bên này hay bên kia, từ bờ đông sang bờ tây. Những dòng chữ máu bầm. 34 năm rồi vẫn không quên được một buổi chiều trong phòng làm việc tại một thị trấn miền núi, ngó quanh ngó quất  chỉ thấy ông Tổng Giám Thị già với mấy người thư ký, hầu hết bạn bè đã bay về Sài Gòn từ những ngày Ban Mê Thuột vừa mất. Trước đó tụm năm, tụm ba giữa các giờ dạy, đứng trước bản đồ nhìn bước tiến của Bắc quân, nhìn những địa phương lần lượt bị mất. Làm sao quên được những cái mốc thời gian ấy. Ngày 17/3 rút bỏ Cao Nguyên. Ngày 29/3 rút bỏ Đà Nẵng. Rồi ngày 3/4 bỏ Cam Ranh, ngày 21/4 bỏ Xuân Lộc. Làm sao không nhớ được từ ông Tổng Thống đến ông Thủ Tướng, ông đại tướng cao nhất Bộ Tổng Tham Mưu lần lượt bỏ chạy. Tưởng rằng mọi sự chấm dứt từ đó. Chấm dứt từ lúc 10 giờ 15 phút ngày 30/4 khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Hơn 30 năm rồi vẫn không quên được buổi tối dắt vợ con lén lút xuống chiếc ghe nhỏ đậu dưới bến vắng, không kịp ôm từ giã mẹ già. Ngoảnh nhìn lại chỉ thấy màn đêm mịt mùng. Tưởng mọi sự chấm hết từ cái đêm tối trời ấy.

.

Rồi những ngày đầu chân ướt chân ráo trên đất nước xa lạ, học từ cách ăn, cách nói, cách sống. Đặc biệt là phải biết quên cái vui chơi, cái hưởng thụ của cá nhân mình để chú tâm làm việc, chú tâm lo cho con cái. Hai điều nầy thì không sơ hở được. Còn việc làm thì còn cơ hội bước tới để làm lại cuộc đời. Làm sao để có những đứa con ngoan, chăm học để xứng đáng với ý nghĩa của một lần bỏ lại quê hương qua cuộc vượt thoát một sống mười chết.

.

Cơn bịnh lịch sử thêm một lần nữa đã không vật ngã được con bịnh mang tên Việt Nam. Ngược lại, sau cơn bịnh Tháng Tư Bảy Lăm, 34 năm qua, hàng triệu con bịnh mang dòng máu Rồng Tiên đã hiên ngang đứng dậy trên khắp hoàn cầu. Thế hệ đầu đã xứng đáng và hãnh diện làm kẻ đưa đường cho thế hệ tiếp nối.

.

TaiLieu_trinh_eugene_1.jpgCác thế hệ kế tiếp rồi cũng sẽ hiên ngang ngẩng mặt lên đường, chen vai cùng năm châu bốn biển. Đã lên đường những Nguyễn Hữu Xương, Dương Nguyệt Ánh, những  Eugene Trịnh, Nghiêm Đạo Đại, Nguyễn Thị Cẩm Vân, Nguyễn Tuệ, Cai Văn Khiêm... Đã và đang tiếp tục lên đường là hàng triệu thế hệ con em kế tiếp.  

 .

Đi tới, nhưng mong sao đừng một ai quên những lần nhìn lại nguồn cội của mình, không một ai quên ngó về một đất nước mà cha ông đã hơn bốn ngàn năm tạo dựng bằng chính xương máu và tâm huyết của mình. Ngó lại để làm nên một lịch sử mới.

.

Tháng Tư 2009

Trần Bang Thạch

Enter supporting content here