Trần Bang Thạch
truyện
Trên vách núi
có
một dòng sông
Lúc tôi đến thì
ông K. đang ở sân sau. Ông đang ngồi trên một khúc
cây sần sùi, hướng mặt về ngọn đồi thấp sau nhà. Xa
nữa là dãy núi cao như đụng trời. Nửa điếu thuốc trên
tay ông không còn một chút lửa. Đêm ở đây đến
thật muộn. Gần một giờ trước, khi tôi vừa tới trạm xe buýt
thị trấn thì đèn đường đã sáng choang. Vậy mà
ở đây, bây giờ, trời vẫn chưa tối hẳn, để tôi còn
có thể nhìn dáng dấp ông K. nhỏ nhoi, bất động in trên
nền trời xanh nhạt có những dãy mây chết cứng. Chừng như
gió cũng không tới thung lũng này. Trước mắt tôi là một
bức tranh tĩnh vật có đồi có núi và có người đàn
ông của mấy mươi năm cũ. Thiên nhiên mênh mông mà im
lặng quá. Người tình có đó mà như không. Tôi đang
đứng sau lưng K. mấy bước mà như ngàn ngàn dặm xa.
“ Chứng bịnh của ba con mấy
tuần nay trầm trọng quá. Ba con hầu như quên hết mọi chuyện đã
qua. Có một cái tên duy nhất mà ba cứ nhắc hoài. Đó
là tên của cô đó, cô T. ạ. Đôi mắt của ba bây
giờ tệ lắm, chỉ thấy mờ nhạt dáng người. Nhiều lúc
Ba cũng chẳng nhận ra con. Chuyện vặt trong nhà ba vẫn làm được,
nhờ quen tay và quen chỗ”
Tôi nghe tiếng khóc của cháu Nga bên kia đầu
giây điện thoại. Tôi như nghe cả cái quặn thắt của cõi
lòng Nga từ hàng trăm dặm xa xôi. Hay là chính cõi lòng tôi
đang trùng trùng sóng vỗ?
“ Ngày nào cũng như ngày nấy, dù nắng dù mưa
dù sáng dù tối, ba một mình ngồi lặng lẽ ở sân sau,
mắt vô hồn nhìn ngọn đồi trước mặt. Chắc đã nhiều
ngày rồi ba không gọi cô?”.
“ Phải, nhiều ngày rồi. Con biết đó,
cả tháng nay cô chỉ có thể nói chuyện với con thôi. Có
lẽ ba cũng đã quên người cố vấn tâm thần nầy rồi”.
“Chắc con phải
đưa ba trở lại bệnh viện tuần tới. Cô T. à, tự nhiên
con nghĩ rằng sự có mặt của cô tại đây rất là cần
thiết, trong lúc này. Cô đồng ý đến đây một lần
nhe cô, cô T.?”
“ Ừ. Đón cô tại trạm xe buýt thị trấn lúc 6 giờ
chiều mai”. Tôi nói nhanh , chỉ sợ mình đổi ý.
“ Cô nói thật
phải không cô? Phải không cô T. ?”
“ Thật”.
“ Cám ơn Trời Phật. Cô làm con ngạc
nhiên quá. Con cảm ơn cô”.
“ Cô sẽ khoác cái áo
gió màu tím than, đó là dấu hiệu để con dễ nhận
ra cô”.
“
Không khó nhận nhau đâu, thưa cô. Vì vào giờ đó,
tại thị trấn đèo heo hút gió nầy, chắc chỉ có hai người
Việt Nam là cô cháu mình thôi. Cô làm con mừng quá. Với
sự có mặt của cô, con nghĩ bệnh của ba con sẽ giảm”.
.
Kể cũng thật là lạ.Tôi đã có
một quyết định quá nhanh mà tôi không ngờ. Tôi sẽ phá
bỏ một lề luật mà tôi đã cố giữ từ hơn hai năm
nay. Tôi đã đầu hàng dễ và nhanh đến vậy sao? Tôi
sắp tới một nơi mà tôi nghĩ suốt đời tôi sẽ không
tới. Không nên bao giờ đặt chân tới. Phố núi Prairie View, chưa
thấy lần nào mà đã sợ, chưa đến lần nào mà
chừng như đã quá thân quen. Từ ba năm trở lại đây, nơi
chốn ấy đã cất giữ gần hết phần hồn của tôi, chứ
không phải phố biển Seal Beach này với người chồng tên Steven,
là nơi tôi đã gởi tấm thân từ hơn ba mươi năm nay.
Phố núi Prairie View
nghe chừng ngọt ngào như hơi thở. Vì nơi đó có K.
.
K. đã đến đất nước
nầy thật muộn màng. Nhưng chàng đã đến trong đời tôi
thật sớm, và ở lại thật lâu, cho tới tận bây giờ. Ở
một khắc giây nào đó của hơn ba mươi năm trước,
Steven đã đan cho tôi một chiếc lồng muôn hồng ngàn tía,
rồi nhấc bỗng tôi đi, vượt bao sông dài biển lớn tới
cái xứ sở lạ hoắc lạ lơ nầy. Nhưng K., chính K. mới là
người sập xuống cánh cửa lồng nhốt chặt mảnh linh hồn của
tôi, để con tim tôi cứ đập rộn rã ở quê nhà, cõi
lòng tôi vẫn cứ bập bềnh theo con nước lớn nước ròng
trên dòng sông cũ, và ánh mắt tôi cứ dõi về một
phương trời lửa đạn ở một chiến trường xa. Và người
xưa ...
.
Người xưa
đã vì tôi mà một ngày thật xa nào đó, đã
bỏ lớp, bỏ trường đi vào binh lửa, cố quên hình bóng
một người tình. Rồi một ngày sau hơn bốn mươi năm, người
lính trở thành người tù đó đến xứ sở nầy với
một tấm thân bệnh hoạn, một trí não lúc nhớ lúc quên,
lúc mê lúc tỉnh, nhưng con tim vẫn hướng về người tình
phụ năm xưa.
.
Bóng
tối đang lên, xóa mờ những đỉnh núi xa. Ở đó bây
giờ là bóng đêm. Vùng đồi thấp sau nhà cũng bắt đầu
nhạt nhòa sương khói. Tôi không nghe một hơi thở nào quanh
đây, nhưng tôi nghe chút gió bay qua tóc mình, và nghe một
tiếng chim cô đơn lạc lõng giữa buổi chiều tà. K. đứng
lên, ném nửa điếu thuốc đã tắt từ lâu, định quay
vào nhà.
“ Ông
K. Kính chào ông K. Thành thật xin lỗi nếu tôi đã làm
ông bất ngờ”.
“ Dạ ...Dạ ...”
“ Tôi là Cindy Trần, người thường nói chuyện
với ông qua điện thoại đó. Ông K. không nhận ra tiếng tôi
sao?”
“
Có, có. Dạ, kính chào bà Trần. Tôi không ngờ được
gặp bà hôm nay. Thật là không ngờ. Bà làm tôi ngạc nhiên
quá, thưa bà Trần”.
“ Trái đất nầy tròn mà ông K. Mình là
bạn từ hơn 2 năm nay thì sao không có ngày gặp !”
“ Ờ...Ờ...Phải,
phải. Hơn 2 năm nay cứ nghe tiếng nói nhau mà hôm nay cha con tôi mới
được hân hạnh gặp bà. Kính mời bà Trần vào nhà.
Trời sắp lạnh rồi”.
Tôi bước theo K., vào nhà. Căn nhà như một
cái lều nhỏ của người dân da đỏ quanh đây. Vách là
những khúc gỗ chưa lột da xếp chồng lên nhau làm thành bốn
góc của cái hộp hình chữ nhựt. Hai mái nhà cao chụm lại
trên chóp như một nóc giáo đường. Cửa trước hướng
ra chiếc sân rộng. Chiếc sân ngó xuống ga xe lửa dưới chân
đồi, có con đường liên tỉnh chạy ngoằn ngoèo hai bên
thành đá dựng . Chỉ một bóng đèn mờ nơi gọi là
phòng khách, không đủ sáng để tôi nhìn rõ mặt người
đàn bà trong khung ảnh nhỏ đặt trên đầu tủ ngăn phòng
khách với căn phòng phía sau, có lẽ là nhà bếp.
.
Nga khoác lên người chiếc áo
dạ, nói con phải xuống phố mua ít món đãi cô Cindy một
bữa ăn vùng núi mới được.
Tôi kiếm chỗ máng cái áo gió rồi ngồi trên cái
ghế sắt cạnh cửa ra vào. Ông K. đứng giữa phòng khách
cứ xoa xoa hai bàn tay với nhau, có vẻ khó mở lời.
“ Dạ...Kính mời bà Trần ngồi nghỉ.
Xin phép bà Trần cho tôi mấy phút để pha bình trà”.
“ Dạ...Không dám
làm phiền ông, ông K. ạ”.
Trời ơi , chúng tôi phải ăn nói lịch sự, trang trọng,
khách sáo đến như vậy sao? Từ bao giờ chúng tôi chỉ là
hai người quen, hai người đồng hương bình thường, chớ không
phải là hai người đã có thời yêu nhau tha thiết? Cái mặc
cảm thua thiệt của K. hơn mấy mươi năm trước hay chứng bịnh
quên trước nhớ sau, quên hình nhớ bóng của K. bây giờ?
Hay là cái mặc cảm tội lỗi quá lớn của tôi đã giăng
một màng sương tuy mỏng mà lạnh căm, để chúng tôi thành
hai pho tượng băng giá đứng giữa trời đông nhìn nhau mà
không cất lên được lời nào. Hơn hai năm qua , mỗi tháng
đôi lần trên đường giây điện thoại có lẽ chúng
tôi đã nói quá nhiều, quá đủ về một chuyện tình
thật xa nhưng không bao giờ cũ. Chuyện người nữ sinh mười tám
tuổi đã bỏ cái thị trấn tuổi nhỏ nghèo nàn để
bước vào đời; đã bỏ người tình từ thuở học
trò để lấy chồng rồi về quê hương chồng ở một
chốn xa xôi Seal Beach đó. Chuyện người con trai hai mươi đã
không giữ được người yêu thì màng chi đến việc
đèn sách. Chuyện tình như vậy thì đâu có gì là
lạ trong thế gian. Và người tình si suốt đời, thế gian cũng
đâu bao giờ cấm cản. Qua điện thoại, người mang bệnh tâm
thần tên K. cứ tiếng còn tiếng mất, lúc tỉ tê, lúc ngọt
ngào, khi giận hờn, khi tức tối ...Chuyện tình cũ theo đó mà
mới hoài. Từ hơn hai năm nay tôi dần dà trở thành người
kịch sĩ thượng thặng trong vai trò người chuyên viên khoa tâm
lý trị liệu bất đắc dĩ với cái tên Cindy Trần. Tôi
diễn xuất nhập vai đến nỗi bên kia đầu giây tại phố
núi Prairie View, K. không ngờ mình đang nói chuyện với người
tình tên T. của gần bốn mươi năm trước. Và tôi, lắm
khi trí não tôi cũng lững lững lơ lơ, tâm trạng tôi cũng
mờ mờ ảo ảo trong câu chuyện tình của chính mình. Có
lúc tôi thấy mình là T., cô Phan Ngọc T. của thị trấn đìu
hiu Long Thạnh đang lắng nghe tâm sự của người tình cũ; có
lúc tôi thấy mình thật là khốn đốn, khổ sở trong vai trò
người chuyên viên tâm lý Cindy Trần của phố biển Seal Beach. Trong
những lần điện đàm như vậy, có thể có lần tôi
khóc, hay từ bên kia đầu giây chính K. cũng khóc; có thể
một lúc nào đó hai trái tim chúng tôi cùng một nhịp,
cùng thổn thức, cùng nghẹn ngào. Chúng tôi đã sống lại
những ngày yêu thương cũ tại hai nơi hoàn toàn xa lạ đối
với mỗi người “ Bà Trần biết không, có bao giờ tôi
nghĩ tới một ngày tôi phải bỏ con sông thân yêu chảy lặng
lờ phía trước nhà, nơi tuổi trẻ tôi đã từng ngụp
lặn, nơi chúng tôi đứng bên nhau hàng giờ nhìn từng cụm
lục bình bình thản trôi. Những đêm trăng sáng, con nước
lớn như ngừng trôi để chúng tôi thấy bóng mình in trên
sóng nước. Làm sao tôi biết được một ngày nào đó
tôi phải vĩnh viễn mất T., người yêu đầu đời của
tôi. T. bỏ đi. Tôi cũng bỏ lại sau lưng dòng sông tuổi nhỏ,
bỏ lại đoạn quốc lộ sụp lở vào những mùa nước
nổi”. Trời ơi, K. đã nhắc tới những góc thật nhỏ
của quê hương tôi, đã rung hồi chuông thật khẽ mà làm
từng giây thần kinh tôi đau nhức. Làm sao tôi không nhớ được
những đêm trăng trên bến nước, nhớ lắm, nhớ thật nhiều,
nhớ từng cánh lục bình trôi; tôi như thấy trước mắt
mình hình ảnh K. đã từng dìu tôi bước qua đoạn quốc
lộ tróc lở đó để vào trường tiểu học. Rồi cũng
chính K. là người dìu tôi qua mấy đoạn đường trơn
trợt để vào trường trung học. Vậy mà có một ngày
tôi đã bỏ lại tất cả. Và bây giờ định mệnh nào
đã trớ trêu để chúng tôi gặp nhau trong tình cảnh lỡ
làng nầy. Suốt hơn hai năm chuyện trò qua điện thoại, nhiều
lần tôi phải tự nhủ mình : hãy đi theo con đường mình
đã chọn từ khi hay tin K. đến Mỹ: Chuyện tình của hơn bốn
mươi năm trước, từ thuở tóc hãy còn xanh, đã trót
dỡ dang; mỗi người bây giờ tóc đã hoa râm, mỗi người
có một hoàn cảnh riêng, trân quí giữ trong sâu thẳm lòng
mình những thân ái cũ chẳng phải là một hạnh phúc sao?
K. trở ra phòng
khách với bình trà. Ông đã mặc vào bộ bà ba trắng
còn nguyên nếp gấp. Râu ria cũng được cạo sạch nên trông
K. bớt đi cái vẻ tiều tụy so với lúc tôi vừa mới gặp.
Nhưng đôi mắt K. thì vẫn vậy: như có lớp mây mỏng che
ngang khiến sự di chuyển có phần nghiêng chao. Hình như tôi chưa
tìm gặp dấu vết thân quen nào đó trên dáng dấp của
người đàn ông dấu mặt đã từ hơn bốn mươi năm
nay vẫn đi bên cạnh đời tôi. Tôi kịp nén một tiếng
thở dài.
“ Để
bà Trần ngồi lâu một mình, tôi thành thật xin lỗi. Kính
mời bà Trần dùng ly trà nóng”.
“Dạ không dám. Kính mời ông K.”
“Dám hỏi bà
Trần, cơ may nào đưa bà Trần ghé thăm nhà chúng tôi
?”
“Chỉ
tiện đường ghé qua thôi. Thưa ông K.”. Tôi hơi
nhếch mép cười sau câu trả lời không thật ấy.
“Cảm ơn, rất cảm ơn
bà Trần”.
“Dạ, không dám, thưa ông K.”
.
Những lời vô cùng khách sáo như vậy cứ
như thế mà tuôn ra suốt buổi hay sao ? Cách nhau cái bàn chỉ
rộng mấy gang tay mà trước đôi mắt mờ mịt của K. tôi
vẫn là Bà Trần xa xôi chớ đâu phải là người tình
tên Phan Ngọc T. của khung trời yêu thương bốn mươi năm cũ!
Về phần tôi, đã bao năm nước chảy qua cầu với bao nhiêu
mây trôi gió nổi, mấy bận đất ngã trời nghiêng, tôi
đâu còn tôi của những đêm trăng cùng K. đứng trên
bến sông nhìn những dề lục bình rau mát lặng lẽ trôi
dưới gậm cầu. Tôi đâu còn tôi của những ngày lễ
nghỉ học cùng K. ngồi xe lam từ thành phố Cần Thơ về thăm
thị trấn đìu hiu Long Thạnh. Tôi thật sự đã làm mất
tôi trong cuộc tình đầu. Cánh cổng của một tòa lâu đài
tình yêu đã đóng. Tôi ngác ngác ngơ ngơ giữa trời
cao đất rộng. Tôi chới với chơi vơi giữa mộng và thực.
Có lúc tôi thấy mình như tận lực dang tay ra cố chụp bắt
một chiếc bong bóng nhiều sắc màu đang lửng lơ trước mặt.
Đồng thời tôi cũng thấy mình co lại đôi tay, nén chặt
vuông ngực để trái tim đừng lên tiếng nói.Tôi là
gì và K. là ai, hai kẻ đang ngồi cách nhau mấy gang tay ? Tôi nghĩ
tình cảnh này sao chua xót quá. Hơn bốn mươi năm cách xa
nhau có chua xót bằng mấy giây hội ngộ đêm nay không? Tôi
biết tôi đang khóc. Tôi cũng biết K. sẽ không thấy vài giọt
nước đọng trên mi tôi đâu, cả cái dáng hình tôi
trước mặt bây giờ K. cũng còn không nhận ra nữa kia mà.
Có cần thiết để nhận nhau trong giây phút này? Hay hãy để
tình yêu xưa muôn đời ngủ thiếp trong từng ngăn kéo kỷ
miệm riêng tư?. Tôi vụt nói với K. tôi phải rời đây
ngay bây giờ. K. ngỡ ngàng đứng lên, hơi nghiêng ngã làm
đổ chén trà trên tay, nói, sao bà Trần vội quá vậy,
không chờ cháu Nga về đưa bà Trần ra trạm xe buýt. Tôi
tưởng Bà Trần ở lại dùng bữa cơm với cha con tôi mà.
Bà Trần. Bà Trần. Cái tên nghe mà chua xót! Cái tên giả
mà thực bỗng được nhắc tới liên tục ngay trong giờ phút
này càng khiến bước chân tôi rời khỏi căn nhà càng
nhanh càng tốt, trước khi tôi lỡ buột miệng nói với K. tôi
là T., Phan Ngọc T. của thị trấn Long Thạnh. Là em đây. Là em
đây. Hãy nhìn thật rõ trước mắt anh là T. của ngày
nào. Tôi thoát đi như chạy. Chân tôi còn nhanh hơn những
lời tôi sắp nói.
Con dốc ngắn, ngoằn ngoèo, lỡm chỡm đá sỏi
đưa tôi xuống dòng xe cộ dưới chân đồi. Đi hơn nửa
con dốc, tôi ngoái nhìn lên để thấy căn nhà gỗ nhạt
nhòa trong sương đêm, và thấy một cái bóng trắng cao, gầy
giữa khung cửa mở. Phía sau căn nhà là vách núi cao như chạm
trời. Ô kìa trên vách núi ! Tôi có hoa mắt không ? Ai ? Ai
đã thần tình chạm trỗ một dòng sông đêm với cánh
lục bình nằm lẻ loi dưới bến?
.
Nhìn xuống chân đồi tôi thấy người
con gái tên T. nào đó đang bồng bềnh trôi trong dòng xe cộ
giữa hai vách đá. Con tàu đêm rú một hồi còi dài,
dừng lại mấy giây rồi tiếp tục húc đầu vào núi.
.
Mọi sự đang ở phía sau lưng.
.
trần bang thạch