Sổ Tay Trang Nhà
trần bang thạch
.
LAN MAN
TRONG
MẮT BÃO
.
1.
Ngay khi con chữ
đầu tiên của bài viết nầy rơi trên mặt monitor thì bão
Ike còn cách bờ biển Galveston 52 dặm. Tính ra còn khoảng 4 tiếng đồng hồ nữa
Ike mới đánh vào bờ. Đường kính của Ike rộng quá,
500 dặm, choáng gần hết Gulf of Mexico, từ Palacios ở mạn Đông lên
mạn Tây giáp với tiểu bang Louisiana. Đường kính rộng như
vậy cho nên dù là bão đang ở cấp 2 nhưng mạnh tương
đương cấp 4. Gió thì đã bắt đầu thổi mạnh từ
lúc hơn 6 giờ chiều. Ngoài khơi, có lúc sức gió lên đến
105 dặm/giờ. Trên màn ảnh truyền hình, đã thấy những con
sóng cao gần 20 feet. Có chiếc tàu chết máy đậu ngoài khơi,
23 thủy thủ đã được cứu. Có chiếc truck với 2 người
thanh niên bị mắc lầy trên bãi biển Galveston giữa cơn cuồng nộ của sóng
và gió. Họ cũng được cứu nhưng phải nghe vài lời cằn
nhằn của toán cấp cứu. Nghe nói có tới hơn 40% dân chúng
thuộc vùng ven biển không theo lịnh di tản bắt buộc của chánh
quyền. Chắc rồi khoảng 20,000 người nầy cũng phải kêu cứu
khi nước đến chân mà chưa nhảy kịp, hay chỉ nhảy kịp
lên… nóc nhà! Trên đất liền từ vùng Đông Nam Texas
cho tới Trung Nam Louisiana gió lên đến trên 70 dặm/giờ.
Cho
tới giờ nầy, gần 11 giờ đêm Thứ Sáu 12-9-2008, nghe báo cáo nói là
đã có trên 30 căn nhà ở Matagorda County town of Sargent bị sóng biển làm hư hại nặng. Vùng phía trên
của Texas Gulf Coast thì chưa thấy thiệt
hại gì. Nhưng theo dự đoán thì sẽ có tới vài chục
quận hạt và thành phố ven biển sẽ là nạn nhân của cơn
bão chết người nầy.
Các dự báo thời tiết
cũng giữ vững lập trường là bão sẽ vào thẳng Galveston, rồi tiến
theo trục xa lộ I- 45 lần lên phía bắc Houston với bán kính 70 dặm, sức
gió sẽ giãm thành cấp 1. Cũng hơi yên tâm nhưng không khỏi
lo sợ khi trên màn ảnh sóng cao như cái nhà lầu, và bên
ngoài gió mỗi lúc một mạnh thêm.
Con sóng, ngọn
gió nầy làm nhớ tới những ngày lênh đênh
trên biển rộng gần ba mươi năm trước. Suốt 3 ngày đêm
chiếc ghe dài 20 thước với 120 con người như chiếc lá có
lúc lặn sâu xuống chân sóng rồi trồi lên ngọn sóng cao
như tòa building 20 tầng. Hình như lúc đó không ai tỏ ra sợ
sệt, hay nỗi sợ hãi tan loãng trong tiếng kinh cầu. Hay nỗi sợ ấy
không đáng gì so với nanh vuốt của con hổ luôn rình mò,
chực chờ để bóp nghẹt mỗi phận người. Con hổ ấy mình
vừa bỏ lại. Bão to, sóng cả gì cũng phải đi tới.
.
2.
Ike.
Bão nầy tên là Ike. Sẽ là cơn bão dữ dội nhất kể
từ bão Alicia đánh thẳng vào Houston ngày 18-8-1983 với sức gió
127 dặm/giờ và với 23 trận cuồng phong lớn (tornadoes) trên đất
liền làm cây cối ngã; sau cơn bão, nếu gom số cây nầy
chất thành đống sẽ đầy diện tích 1 sân football với độ
dầy là 1,200 feet. Như một quả núi lớn. Nghĩ tới Alicia mà đâm
ra sợ Ike. Sợ nhưng không trách mình đã tử thủ. Không muốn
gặp cái cảnh kẹt xe 3 năm trước trong trận bão Rita nên dù
không muốn cũng phải “lì”.
Ike. Sao lại Ike? Thật là trớ trêu. Ike là cái tên gọi thân
thương trên miệng của người Mỹ một thời. Tận trời Đông
bên kia biển Thái, kẻ viết bài nầy, lúc còn tấm bé,
cũng đã một thời ngưỡng mộ người mang tên Ike. Đó
là cái tên thân mật để gọi vị Tổng Thống thứ 34 của
Hoa Kỳ (1953-1961) : Tổng Thống Dwight D. Eisenhower. Nếu Hiến Pháp
Mỹ Quốc cho phép vị Tổng Thống đương nhiệm tái
ứng cử thêm lần thứ 2 thì chắc vị tướng 5 sao anh hùng
của Thế chiến thứ 2 sẽ đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa.
Người ta yêu thương đứa con cưng của Texas nầy vì tài
thao lược trong thời chiến và vì đức độ và tài năng
của một chánh khách đã lèo lái một nước Mỹ trở
thành một siêu cường trước áp lực của Liên Bang Xô
Viết trong thời gian chiến tranh lạnh. Ike cũng là người đẫy mạnh
cuộc chạy đua chinh phục không gian với Liên Bang Xô Viết.
Vậy
mà cái tên Ike lần nầy sao mà đáng sợ và đáng
ghét !
.
3.
Ghét
luôn cái anh chàng Neil Armstrong ! Tự nhiên từ mặt đất, đeo
phi thuyền Apollo 11, vượt 240 ngàn dặm, đặt chân xuống mặt trăng
lúc gần nửa đêm ngày 20-7-1969, gởi ngay mấy chữ ngắn gọn
xuống địa cầu : “ Magnificient desolation” (vùng hoang địa tuyệt
vời). Sau đó, cùng với bạn đồng hành Buzz Aldrin còn ghi chép,
chụp ảnh mặt trăng suốt 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Còn nhớ
sau đó vài tháng, tại thư viện Abraham Lincoln trên đường
Lê Quí Đôn Sài Gòn người ta xếp hàng dài cả cây
số để xem những mẫu đá lấy từ mặt trăng.
Ghét
Armstrong, ghét các mẫu đá trong hộp thủy tinh vì huyền thoại
Hằng Nga, Cung Quảng từ trăm ngàn năm bỗng một sớm một chiều
bị phá vỡ. Đường Minh Hoàng nếu còn sống đến ngày
nay cũng phải vỡ mộng du Nguyệt Điện. Trước mắt là các
em thiếu nhi, kể từ Apollo 11, có còn mỗi độ Trung Thu, xách lồng
đèn tung tăng đi dưới trăng, ngước nhìn trăng thấy nơi
xa thăm thẳm ấy là Chàng Cuội bên gốc cây đa với chị
Hằng và chú thỏ bạch? Chuyện kể ngày xưa…xưa lắm
có vợ chồng nhà kia sống trong cánh rừng bên cạnh
cây thuốc cứu, rồi người vợ một hôm…có còn
được các em bé nghe say sưa đến quên con trăng đã xế?
Lúc
đó, sau khi bước ra khỏi cổng thư viện Abraham Lincoln, muốn quên
hết những mẫu đất đá, quên hình ảnh Apollo 11, quên anh
chàng Armstrong in trên các trang ảnh màu lộng lẫy treo trên tường
thư viện. Quên hết để cái thơ mộng của cung trăng còn
sống mãi trong tâm trí ngây thơ tuổi nhỏ.
Đó
là mùa Trung Thu đầu tiên tuổi trẻ trên mặt đất thấy
Trăng không còn là thơ với mộng. Từ đó trẻ em đón
trăng chỉ như một dịp vui chơi, hội hè. Chú Cuội, Chị Hằng
chỉ còn là hình ảnh thân thương trong trí nhớ.
.
4.
Nói
nhiều về Ike và về Armstrong vì những dự định tổ chức Tết
Trung Thu cho các cháu tại nhiều nơi trong thành phố vào cuối tuần
nầy phải bỏ dở. Ike làm thời gian bị trở ngại. Armstrong làm
Trung Thu với Trăng Rằm mất phần nào thơ mộng.
.
5.
Viết thêm, sau cơn bão.
Phần sau nầy viết tiếp sau hơn một tuần lễ mất điện.
Không
ngờ chỉ mới đi lan man tới phần 4 trên đây thì điện
bị mất. Sau này mới biết thêm về bão. Lúc đó, khoảng
2 giờ sáng, bão đã vào đất liền với sức gió lên
tới 75 dặm/giờ. Galveston và các vùng lân cận bị chôn vùi dưới
nước. Bước chân tàn phá dữ dội của Ike đã đặt
trên các vùng ven biển. Gió tiếp tục lướt về hướng
Bắc tỉnh hạt Harris làm cả một đồi thông ngã rạp trong
vùng Conroe.
Ngồi trong nhà nghe gió rít mà nhớ đêm gió nổi rùng
rợn ở quê nhà mấy mươi năm trước ngồi đọc Wuthering Heights của Emily Bronte.
Nghe gió đi mà như thấy gió cuộn mình kêu vun vút. Hết
cơn nầy tới cơn khác, như tiếng đại bác đi trên đầu.
Quéo, quéo…Cây oak hằng trăm tuổi trước nhà gãy
đổ, may là không trúng mái nhà.
Bây giờ thì
Ike đã đi lâu rồi. Điện cũng không có . Đèn dầu
làm nhớ những ngày thôn quê cũ. Không điện thoại. Không Internet. Bỗng khám
phá một khoảng trống quá lớn. Trước đây hình như mình
ít khi thấy những thứ nầy là món ăn không thể thiếu. Lệ
thuộc nhiều quá vào những tiện nghi nầy! Một trưa Thứ Bảy,
sau 8 ngày mất điện, các bóng đèn điện cùng sáng
lên một lúc. Tâm trạng mình cũng bừng sáng lên như ngày
xưa thấy mẹ đi chợ về từ gốc phố.
Vội vàng
mở Email. Hơn 500 cái! Delete cũng mõi tay. Giữ lại hơn trăm email thăm
hỏi của thầy, cô, đồng môn, của người quen, kẻ thân.
Có những người gởi tới hơn 3 lần. Trên TV, trên computer có
nhiều hình ảnh các nơi cơn bão đi qua. Một cái nhà đứng
chơ vơ giữa hàng trăm nhà khác đã thành những đống
gỗ đá vụn. Những cái quan tài trôi lềnh bềnh trên nước,
lật nghiêng, lật ngửa. Con cá sấu lội trong thành phố đỗ
nát. Chiếc ghe nằm chồng lên chiếc xe trên đường…
Một tổng kết sơ khởi: 88 thị trấn và thành phố bị ảnh
hưởng trực tiếp của Ike. Người chết là 29. Thiệt hại trên
23 tỉ Mỹ Kim. Những con số quá lớn sẽ làm những nỗi đau
kéo dài nhiều ngày sau cơn bão. Thiệt hại tài sản thì
có thể bù đắp được, nhưng người thân, những vật
kỷ niệm, những hình ảnh và những sách quí thì làm
sao tìm thấy được. Và tàng cây, ghềnh đá của một
thời hẹn hò đâu còn như xưa.
.
6.
Vừa
trở về nhà sau hơn 4 tiếng đồng hồ cùng các cháu thanh
thiếu niên vui Tết Trung Thu tại một trung tâm sinh hoạt. Tưởng Đêm
Trung Thu năm nay cũng đã bay theo Ike.
Gặp lại đêm nay âu
cũng là đúng lúc. Người lớn thì thăm nom, hỏi han sau cơn
bão nổi. Trẻ em thì hình như đã quên hết cái ông
Ike đáng ghét. Và cũng không màng nghĩ tới mấy cục đá
của cái ông gì đem xuống từ cung trăng. Cho nên đêm nay,
Đêm Trung Thu, ai nấy đều vui. Người lớn vui theo người lớn.
Trẻ em vui theo trẻ em. Chuyện Ông Trăng Chú Cuội ngày xưa…xưa
lắm…cứ thế mà còn hoài. Còn hoài như sự hồn
nhiên, tươi tắn của tuổi thơ.
Được gặp
nhau ở đây sau cơn giông tố mà mọi người đều vui thì
quả là nhiều phước hạnh trên cái cõi đời đầy
giông bão nầy.
Trong những ngày hoạn nạn, tình thầy
trò, tình đồng môn luôn có mặt. Trân trọng cảm ơn
sự có mặt vàng ngọc này.
.
Đêm 20-9-2008
trần bang thạch