Sổ Tay Trang Nhà
Tháng
9/2008
____________________________
.
Trần Bang Thạch
.
LÒNG TÔI LẠI HOANG MANG….
…CỦA
BUỔI TỰU TRƯỜNG
Mùa
bãi trường vừa chấm dứt. Đã hết những tháng học trò
nghỉ hè. Các trường lớp đã
khai giảng cả tuần nay. Từ các bậc phụ huynh đến các con
em ít nhiều đã có những chuẩn bị cho năm học mới. Hình
như ở đâu cũng vậy, ngày khai trường bao giờ cũng là
một ngày quan trọng cho cả gia đình. Ông bà lo cho cháu. Cha mẹ
lo cho con. Người đi học thì lo cho tương lai của chính mình. Cho
nên tương lai của người đi học là tương lai của gia đình
và của xã hội.
.
Trong dịp bãi trường và nhất
là trong tháng qua, các gia đình người Việt vừa nhập chung vào
giòng sinh hoạt bản xứ với những lễ tốt nghiệp, những buổi
hội thảo chọn môn, chọn trường… vừa tham gia những
lễ hội truyền thống của văn hóa mình. Những thủ khoa, á
khoa và hàng ngàn, hàng ngàn những tân khoa…đã có
dịp cùng nhau đứng trên bục khán đài nhìn lại thành
tích của mình và đón nhận phần thưởng tinh thần từ
cha mẹ mình, từ quan khách, từ các giới chức địa phương.
Một thị trưởng đã hân hoan tuyên bố: “Chúng tôi
có lý do để mong đợi một gặp gỡ vô cùng quý báu
và vô cùng ý nghĩa hàng năm: Đó là nhìn tận mắt
những tinh hoa của một cộng đồng đang mỗi ngày một lớn mạnh,
một cộng đồng đang mỗi ngày góp thêm những thành tựu
của xã hội này”. Mỗi hè là thêm một dịp để
con em mình chứng tỏ cái học và cái hạnh là truyền thống
cao đẹp ngàn đời của ông cha mà mình đã mang theo trên
bước đường viễn xứ. Cha mẹ nào mà không rưng rưng
ngấn lệ khi thấy con cái đã không phụ công lao khó nhọc
của mình và đã chứng tỏ cho cha mẹ thấy rằng công lao
ấy không uỗng phí một chút nào. Càng không uỗng phí
cho những chuyến đi vượt phong ba bão táp, cái sống giữa trùng
khơi như ngàn cân treo sợi tóc. Các con cháu hãnh diện một
thì bậc phụ huynh hãnh diện gấp trăm lần. Tổ tiên mình
ở đâu đó chắc cũng đang mĩm cười.
.
Nói gì thì nói, một xã hội biết
coi trọng giáo dục, trong đó từ nhà cầm quyền đến những
nhà giáo dục biết đề ra những triết lý giáo dục đứng
đắn, thực tiễn, khoa học, hiện đại, nhân bản, khai phóng…
thì xã hội đó chỉ có tiến mà không lùi trước
trào lưu học thuật của thế giới và trước những tiến
bộ nhanh như hỏa tiển của hoàn cầu. Xã hội Hoa Kỳ đã
có chế độ giáo dục phổ thông hoàn toàn miễn phí
và bắt buộc từ nhiều thập kỷ trước. Cố Tổng Thống
J.F.Kennedy đã nhiều lần nói tới sức mạnh của tri thức và
đức lý (Intellectual & moral strength); đồng thời đề cao ý nghĩa
thích hợp của tinh thần trách nhiệm (renewed sense of responsibility). Úng cử
viên tổng thống đảng Dân Chủ Barack Obama lúc 8 giờ
tối ngày 28-8 vừa qua, trong diễn văn chấp nhận sự đề cử
của Đại Hội Đảng Dân Chủ tại Denver đã hùng hồn
vạch ra con đường giáo dục: “Đã đến lúc chúng
ta phải đối diện với một bó buộc tinh thần: đó là
cung cấp cho mỗi trẻ em một nền giáo dục hàng đầu của thế
giới. Michelle và tôi sở dĩ được có mặt hôm nay vì
chúng tôi có cơ may được hưởng nền giáo dục này.
Và tôi sẽ không để cho một đất nước Hoa Kỳ
trong đó trẻ con không có cơ hội này. Tôi sẽ đầu
tư giáo dục ngay giai đoạn đầu của từng học sinh. Tôi sẽ
thu nhận hàng loạt những thầy cô giáo mới, hỗ trợ họ và
trả lương cao hơn. Bù lại, họ phải chứng tỏ họ có một căn bản và một sự tín nhiệm vượt trội. Và
chúng ta sẽ giữ lời tuyên hứa này đối với mỗi người
bạn trẻ Hoa Kỳ - Nếu các em sẵn lòng phục vụ quần chúng
và phục vụ đất nước nầy, chúng tôi chắc rằng các
em sẽ được thủ đắc một nền giáo dục đại học”.
.
Phải đợi đến tối
Thứ Hai Sept.01, 2008 khi Đảng Cộng Hòa Họp Đại Hội mới có
thể biết chủ trương của ứng viên Tổng Thống McCain về giáo
dục như thế nào. Chắc chẳng khác gì nhau khi Koa Kỳ đã
có một nền giáo dục hàng đầu.
.
Nhìn
người rồi nghĩ đến ta: Một xã hội trong đó mỗi năm
có từ 6 trăm ngàn đến một triệu thầy cô giáo bỏ trường,
bỏ lớp, có 70% học sinh bỏ học và một nền giáo dục mà
người đi học phải đóng góp hơn 40% chi phí cho việc đến
trường lớp như ở Việt nam hiện tại thì chúng ta không ngạc
nhiên khi chỉ có 2% dân số là học sinh học hết bậc trung học;
có 60% thanh thiếu niên không biết Quốc Tổ Hùng Vương là
ai, nhưng mà oái oăm thay, có tới 85% thanh thiếu niên biết rất
rành cô ca sĩ Madonna, từ vòng eo đến hỗn danh Material Girl!!! Đến
nỗi cựu đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lúc cùng nghiên
cứu với các nhà khoa học, ngày 5 tháng 9 năm 2007 đã tuyên
bố: “ Nền giáo dục nầy thua xa các nước láng giềng”.
Vậy thì đừng cảm thấy khó chịu khi một sinh viên năm cuối
ban toán của một ĐH Tổng hợp không biết Ông Lương Thế
Vinh là thần đồng toán học, mà cho rằng ông Lương Thế
Vinh chính là vị quản cơ cầm quân ở Bãi Sậy, đã
làm cho quân Pháp thất điên bát đảo!.
.
Bây giờ ngồi ngoài đất nước nhìn
nền giáo dục như vậy, mình thấy chính mình mới là người
thất điên bát đảo! Đất nước mình rồi sẽ ra sao
với những điều nghe thấy mà đau đớn lòng như vậy? Tổ
tiên mình ở đâu đó chắc cũng đang buồn bã trong lòng.
Cũng từ một nơi ngoài đất
nước mình, nhìn hàng đoàn xe buýt vàng của những khu
học chánh nhả ra những gương mặt ngây thơ, vô tư, người
giàu, kẻ nghèo, kẻ đen, người trắng, kẻ nâu, người
vàng; nhìn những thầy cô giáo đón học sinh từ cửa lớp
mới thấy đây là đất nước của cơ hội
đồng đều (Land of Equal Opportunity). Ở VN thì với dân số cả nước
trên trăm triệu, chỉ có 10% học sinh lớp 12 vào đại học;
ở Hoa Kỳ thì 20% sinh viên con cháu của hơn 2 triệu người VN có
bằng hậu đại học.
.
Trong cái
vui lẫn với cái buồn nhân ngày tựu trường, xin được
nhắc lại một câu văn đã trở thành kỷ niệm:
“Hằng
năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và
trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại
nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”
(Thanh Tịnh)
.
Houston, mùa tựu trường niên học 2008-2009
.
Trần
Bang Thạch