LTKhanh_PTG
PTGian21758.thc6b0e1bba3ng20thc6b020phan20thanh20gie1baa3n.jpg

“ DÀU DÀU MÂY BẠC CÕI NGAO CHÂU”.....

LÊ TRÚC KHANH

(Về Nguồn – Tây Đô)

     1.   

         Năm 1867, thực dân Pháp tấn công Vĩnh Long và chiếm nốt ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Kinh lược sứ Phan Thanh Giản chọn cái chết để “trả ơn vua đền nợ nước” theo quan niệm của thế hệ trí thức Việt Nam chịu ảnh hưởng luân lý Khổng Mạnh mấy nghìn năm.

         Người nho sĩ mù đất Đồng Nai - Nguyễn Đình Chiểu - đã khóc cụ Phan bằng những dòng thơ đầy bi tráng :

                              Non nước tan tành hệ bởi đâu

                              Dàu dàu mây bạc cõi Ngao Châu

                              Ba triều công cán đôi hàng sớ

                              Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu

                              Ải Bắc ngày chờ tin nhạn vắng

                              Thành Nam đêm chạnh tiếng quyên sầu

                              Minh linh chín chữ lòng son tạc

                              Trời đất từ nay mặc gió thu...

         “Minh linh chín chữ”- vì trước khi đi vào cõi vĩnh hằng - cụ Phan đã dặn con cháu mình chỉ đề trên bia mấy chữ Nam Kỳ hải nhai lão thơ sanh Phan công có nghĩa đây là mộ người học trò già ở góc biển Nam Kỳ. Theo quan niệm Nho Giáo, thu nằm ở hướng Tây, nên khi viết “mặc gió thu” cũng có nghĩa cụ Phan khi đã qua đời, kẻ thù xâm lược phương Tây mặc tình ngang dọc. Bài thơ được viết bởi người đương thời về một nhân vật đương thời, tuyệt nhiên không một lời lên án mà chỉ thể hiện niềm thương cảm đối với hành động “thung dung tựu nghĩa” của một bậc lão thần trước cảnh quốc phá gia vong. Theo dòng thời gian, trên 140 năm  trôi qua với vô vàn biến động của lịch sử dân tộc. Đã có biết bao lời phẩm bình, khen chê, biện hộ, lên án... về vị Tiến sĩ đầu tiên của vùng Nam kỳ Lục tỉnh. Nhưng khi lớp bụi thế nhân được thổi tan đi, thì trong cái im lặng vô cùng của người xưa vẫn rạng ngời khối ngọc. Xin được trở lại để phác hoạ đôi nét về hoàn cảnh lịch sử, xã hội, về một con người mà cho đến hôm nay, dù đã có cách nhìn nhận, đánh giá công bình, nhưng vẫn chưa phải là nhất quán.

         Với âm mưu xâm lược nước ta đã có từ cuối thế kỷ XVIII, tháng 9-1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng thực hiện âm mưu chiếm nước Việt Nam bằng kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh nhưng đã bị thất bại. Liên quân Pháp -Tây Ban Nha rút khỏi Đà Nẵng vào Nam tấn công quân và dân ta ở Gia Định (tháng 2 năm 1859). Sau hai năm giao tranh ác liệt, quân Pháp đã chiếm Gia Định, thừa thắng chiếm luôn các tỉnh Định Tường, Biên Hoà và Vĩnh Long vào cuối năm 1861.

         Tuy chiếm đuợc ba tỉnh miền Đông nhưng phía thực dân Pháp gặp nhiều khó khăn, lúng túng trước phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Kỳ. Trước những khó khăn ở chính quốc, không đủ quân để giữ đất đã chiếm được nên thực dân Pháp chỉ mong muốn sớm ký được với triều đình Huế một nghị hoà để vừa giữ được đất đã chiếm vừa có thời gian chuẩn bị mở rộng phạm vi chiếm đóng khi có điều kiện.

         Ngày 5-5-1862, Bô-Na cho phái viên mang thư xin nghị hoà ra Huế, vua Tự Đức thiếu cân nhắc đã vội vàng tiếp nhận, thực hiện chủ trương hoà hoãn, thương lượng với Pháp, hy vọng vào con đuờng nầy có thể chuộc lại ba tỉnh miền Đông và thành Vĩnh Long mà quân Pháp đã chiếm đóng.

         Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp được Tự Đức chọn để thực hiện việc ký hoà ước với Pháp tại Sài Gòn vào tháng 6-1862. Kết quả của cuộc thương thuyết nầy như ta đã biết: Triều đình nhượng ba tỉnh miền Đông, đảo Côn Sơn cho Pháp, bồi thường chiến phí cho Pháp bốn triệu, Pháp trả lại tỉnh Vĩnh Long, triều đình phải triệt tiêu mọi lực lượng kháng chiến chống Pháp ở tất cả Nam kỳ Lục tỉnh.

         Việc ký kết hiệp ước năm 1862 và để mất ba tỉnh miền Tây tiếp sau đó hoàn toàn không thể qui trách nhiệm cho Phan Thanh Giản. Vốn nặng tư tưởng Nho giáo, Phan Thanh Giản không thể làm trái lệnh thiên tử. Vả lại, trước khi cụ lãnh sứ mệnh nghị hoà, Tự Đức, các quan đại thần ở Viện Cơ Mật, cũng đã có sự luận bàn; giao nhiệm vụ cho Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp. Cử sứ thần đi “nghị về việc hoà” thì các khả năng để đưa đến hoà hoãn, kể cả khả năng cắt đất và bồi thường tiền bạc cho giặc, do đó Phan Thanh Giản không thể và không có quyền để thực hiện những điều mà nhà vua không chỉ dụ. Điều nầy ta dễ dàng nhận biết đó là việc Tự Đức phê chuẩn hiệp ước, chỉ phê trách cụ Phan chiếu lệ, không cách chức mà trái lại còn giao tiếp nhiệm vụ như Tổng đốc Vĩnh Long, Kinh lược sứ đại thần phụ trách ba tỉnh miền Tây Nam kỳ. Phan Thanh Giản một lần nữa được vua Tự Đức tín nhiệm cử đi Pháp để đàm phán xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông mặc dù biết sự việc sẽ không thành. Trước khi phái đoàn sứ bộ do Phan Thanh Giản làm Chánh sứ lên đuờng, Tự Đức dò hỏi: Nếu người ta không cho chuộc thì ngươi có cách gì để đối phó không?”   Phan Thanh Giản trả lời: “ Tôi xin nhận sứ mạng dù cuộc đàm phán bị bế tắc thì lũ tôi có thể duy trì mọi mối tình thân thiện để nuôi hy vọng về tương lai”.

         Hy vọng về tương lai của Phan Thanh Giản đối với thực dân Pháp chỉ sau khi ký hoà ước có 5 năm là tiêu tan. Với việc thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, cụ mới nhận thức được hết dã tâm của quân xâm lược  :

                                   Những tưởng một lời an bốn cõi

                                   Nào hay ba tỉnh lại chầu ba.

         Đường lối chủ hoà của vua Tự Đức mà Phan Thanh Giản là người đồng tình và thực hiện đã đưa đến hậu quả nghiêm trọng là mất Nam kỳ lục tỉnh năm 1876 rồi tiếp tục đưa đất nước đến  bại vong.

         Thừa hành một đuờng lối sai lầm dẫn đến việc mất đất, Phan Thanh Giản không phải duy nhất là người có tội mà chỉ chịu một phần trách nhiệm trong việc thực hiện đường lối sai lầm nầy. Người có tội với dân, với nước là Tự Đức. Tư tưởng trung quân của Nho giáo đã buộc Phan Thanh Giản làm trái với lương tâm và tấm lòng yêu nước, thương dân của mình, không dám kêu gọi, tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp hoặc đồng tình cổ vũ để phát triển những cuộc chống Pháp đã diễn ra ở Nam Kỳ khi cụ giữ chức vụ Kinh lược sứ. Chính vì thế cụ tự thấy mình có tội với dân, với nước nên tự kết liễu đời mình, bày tỏ nỗi lòng để hậu thế phán xét. Không thể lên án Phan Thanh Giản là bán nước được, vì mục đích của bán nước là để “vinh thân phì gia”, là làm tay sai cho giặc, đầu hàng giặc cũng để đạt mục đích nầy. Thế nhưng Phan Thanh Giản không  phải là như vậy. Chính cái khó xử giữa hành động để mất đất với mục đích mong muốn an dân với một kẻ thù đầy mưu mô xảo quyệt đã đưa cụ Phan đến bước đường cùng.

         Quốc sử quán triều Nguyễn - trước chúng ta - đã có một cái nhìn xác thực, tiếp cận đuợc tấm lòng và sự suy nghĩ trước phút lâm chung của cụ Phan:

         “Thanh Giản là người ngay thực, giữ lòng liêm khiết, làm quan cần mẫn, thận trọng ,gặp việc dám nói, trải thờ ba triều vua vẫn được yêu quí. Đến khi mang cờ tiết đi Nam, thế không làm sao đuợc, biết tội tự uống thuốc độc chết. Thực là ở  vào chỗ người ta khó xử. Xem tờ sớ để lại thì lòng trung ái chứa chan ở ngoài lời nói (Đại Nam chính biên liệt truyện,trang 46,tập 4,Huế 1993) SUA TOI DAY

         Lớp trí thức Nam kỳ, từ nhà thơ yêu nước cùng thời với Phan Thanh Giản là Nguyễn Đình Chiểu cho đến nhà nghiên cứu Ca Văn Thỉnh và chúng ta hôm nay qua mỗi bước phát triển của lịch sử ngày càng có cái nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản khoa học chính xác và tiếp cận gần hơn chân giá trị của cụ, một con người mà lẽ sống, đạo đức, tư cách và học vấn là cả một niềm tự hào của xứ sở, quê hương, không chỉ của hai tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre mà còn lan toả cả Nam bộ ngày nay.

         Cụ Phan Thanh Giản mất đến nay đã trên 140 năm, nhưng trong lòng nhân dân cụ như vẫn còn tồn tại. Cơ sở của sự tồn tại nầy là: Cụ là nạn nhân của một đường lối bảo vệ đất nước sai lầm, cụ bị ép buộc phải làm mặc dù vua Tự Đức đã nhận được tờ sớ xin nghỉ hưu của Phan Thanh Giản. Cụ yêu nước thương dân, nổi tiếng thanh liêm, an bần lạc đạo; do đó nhân dân khoan dung và trân trọng. Trong mọi sự đánh giá, chỉ có sự đánh giá của nhân dân mới có giá trị lâu bền bởi tính thấu tình đạt lý của nó.

         Sai lầm của triều Nguyễn, của Tự Đức trong đó Phan Thanh Giản có phần trách nhiệm để cho thế hệ con cháu phải trả giá đắt trên một thế kỷ mới giành lại được độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Ngày nay chúng ta không kết tội tiền nhân nhưng qua nghiên cứu để nhận thức đúng những đóng góp của ông cha vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước nhằm phát huy và không để lịch sử phải lặp lại những sự kiện dù chủ quan hay khách quan mang thảm hoạ đến cho dân tộc.

         Trên tinh thần đó chúng ta đánh giá cao những cống hiến trên nhiều lĩnh vực của cụ Phan và nhận thức đúng những sai lầm, hạn chế của cụ trong trách nhiệm chống ngoại xâm bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ trong thời điểm nửa sau thế kỷ XIX.

    2.

         Gành Mù U nơi sinh ra Phan Thanh Giản xưa là thôn Tân Thạnh, huyện Tân An, dinh Long Hồ; sau là huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long; ngày nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Vì vậy, Phan Thanh Giản là người Vĩnh Long hay Bến Tre đều chỉ về cùng một gốc. Xứ Gành cạnh Bãi Ngao, đất đai cằn cỗi, thiên nhiên khắc nghiệt. Cuộc sống ở đây là trồng giồng và làm muối. Dòng họ Phan Thanh Giản nghèo khó, ba đời tha hương vào đất Đồng Nai - Cửu Long và cũng đến ba lần thay đổi chỗ ở, cuối cùng về định cư ở thôn Tân Thạnh, tức xã Bảo Thạnh ngày nay. Cha cụ may mắn đuợc làm một viên chức nhỏ dưới thời Gia Long, nhưng phải tội oan bị tù giam ba năm ở Vĩnh Long. Đó là viên Thủ hạp Phan Thanh Ngạn tự Mai Dã. Mẹ đẻ, bà Lâm Thị Búp, người thôn Phú Ngãi, mất sớm lúc Phan Thanh Giản mới đuợc bảy tuổi. Mẹ kế, bà Trần Thị Dưỡng, chăm lo cho cụ ăn học vì cha bận công vụ phải xa nhà. Hàng tháng, cụ đuợc bà mẹ kế cấp cho “học bổng” bằng ba mươi tô gạo và ba mươi con mắm.

         Từ nhỏ đến năm 18 tuổi, Phan Thanh Giản theo học với sư thầy Nguyễn Văn Noa ở chùa Phú Lê. Năm 19 tuổi, cha bị tù ở Vĩnh Long, theo giúp đỡ cha khi hoạn nạn; thấy Phan nhà nghèo mà hiếu học, bà Ân ở Long Hồ giúp đỡ áo quần và tiền bạc, quan Hiệp trấn Vĩnh Long khuyến khích cố gắng học tập, ông Đốc học Vĩnh Long tận tình dạy dỗ.

         Nhờ chí thú học hành, năm 29 tuổi Phan Thanh Giản lên Gia Định thi Hương đỗ Cử nhân. Năm sau ra Kinh đô thi Hội, đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ xuất thân. Đó là khoa thi Hội năm Bính Tuất 1826, khoa nầy có 10 người đỗ Tiến sĩ, Phan Thanh Giản đứng hàng thứ 3 (3/10) và là vị tiến sĩ đầu tiên của xứ Nam kỳ.

         Ngày thi đậu, Phan Thanh Giản về quê áo vải lạy tạ ơn cha mẹ, thầy Noa, ông Đốc học, ông Hiệp trấn Vĩnh Long và bà mẹ đỡ đầu Nguyễn Thị Ân, những người đã nuôi dạy giúp đỡ cụ nên người. Không thấy ghi chép hay truyền thuyết nào nói rằng Tiến sĩ Phan Thanh Giản về quê vinh qui bái tổ, tiền hô hậu ủng, võng anh đi trước võng nàng theo sau!

         Dưới ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Phan Thanh Giản đuợc triều đình trọng dụng. Cụ làm quan trong Nội các, trấn nhậm ở các tỉnh, coi thi, đi sứ, làm Kinh lược sứ trấn Tây, Gia Định và ba tỉnh miền Tây Nam kỳ. Cụ từng lãnh chức Thượng thư, Cơ mật viện đại thần, Kinh diên Giản quan, Quốc tử giám sự vụ, Quốc sử quán tổng tài, hàm Hiệp biện Đại học sĩ. Điều đó chứng tỏ cụ là người có chí có tài trong mọi lãnh vực và là một người học sâu, hiểu rộng.

         Đời cụ trải qua lắm bước thăng trầm, làm quan nhiều năm hết được thăng rồi lại giáng. Không phải cụ bất tài hay phạm pháp, mà vì chính cụ nói và làm những việc không hợp ý vua và đình thần đang nắm trong tay rất nhiều quyền lộc.

         Nhân dân và các bậc thân sĩ ở quê Phan Thanh Giản hiểu biết và kính trọng cụ không chỉ vì cụ đổ đại khoa làm quan lớn, mà vì cụ là người có tâm, có chí, trọng hiếu nghĩa, gặp việc dám nói, liêm chính hơn người. Người ta cảm mến cụ là một người sinh ra trên quê nghèo sớm xa cha, mồ côi mẹ, nhưng hiếu nghĩa và hiếu học ít ai sánh bằng.

         Đang làm quan, cha mất, cụ về thọ tang cha mặc quần bô áo vải, mỗi ngày ra mộ cha tự tay nhổ cỏ và gánh đất đấp mộ, không nhờ người khác làm thay vì cho rằng đây là phận sự của kẻ làm con.

         Bà Lê Thị Mẫn ở Mỏ Cày, dạy con rất nghiêm khắc, ba người con đều thi đổ Cử nhân. Bà có tiếng là người hiền thục giúp đỡ mọi người, gia phong nề nếp, vua Tự Đức sắc phong “Chánh lục phẩm an nhơn” và tấm bảng khắc bốn chữ vàng “Hảo nghĩa khả phong”. Bà Mẫn qua đời, Phan Thanh Giản đang ở Vĩnh Long đuợc tin, sai con trai là Phan Tôn đến làm lễ viếng. Trong thơ gởi cho con trai lớn Bà Mẫn, cụ viết: Không được một lạy trước linh cữu thật khả hận thay”.

         Người ta khen Phan Thanh Giản tuy việc làm thông thường như những người dân bình thường nhưng nêu được tấm gương lớn cho mọi người về đạo hiếu.

         Xứ Ba Tri quê hương Phan Thanh Giản tuy rất nghèo nhưng người dân có truyền thống thông minh và hiếu học. Chính Phan Thanh Giản là tấm gương sáng về tinh thần hiếu học ấy.

         Huyện Bảo An dưới triều Nguyễn có 10 người đổ Cử nhân, tỉ lệ người có khoa bảng cao nhất so với 4 huyện ở xứ cù lao Bến Tre hồi ấy. Trong đó, Phan Thanh Giản vừa đỗ Cử Nhân vừa đổ Tiến sĩ và là Tiến sĩ đầu tiên của các tỉnh  Nam kỳ. Tinh thần hiếu học ấy vẫn còn nối tiếp đến ngày nay.

         Đã từ lâu tại quê hương Phan Thanh Giản, rất nhiều người băn khoăn về một câu sách về cuộc khởi nghĩa của Trương Định mà một số người phẩm bình về Phan Thanh Giản thường hay trích dẫn để chứng minh cho tội bán nước của cụ. Đó là câu chuyện về anh hùng Trương Định khi đề cờ khởi nghĩa đã nêu đích danh Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình bỏ dân ).

         Ai đã viết câu nầy? Có đúng là Trương Định và người cố vấn mà ông tin cậy hỏi ý kiến khi dựng cờ khởi nghĩa tức nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở Ba tri đã hiệp ý với nhau víết lên câu nầy để thoá mạ triều đình và nêu cao uy thế của nghĩa quân?

         Ông Ca Văn Thỉnh, một học giả lão thành người Bến Tre -  nay đã quá cố, khi còn sinh thời đã gởi bài viết cho Hội thảo khoa học về địa chí Bến Tre tháng 6 năm 1985. Trong bài Các nhân vật cận đại tiêu biểu của Bến Tre, ông viết: “ Phê phán hành động của Phan Thanh Giản, nhóm Đông Kinh nghĩa thục năm 1907 đã nhắc đến chi tiết Trương Định đề cờ “Phan Lâm mãi quốc,triều đình khí dân”. Theo chỗ tôi biết thì người kháng chiến đồng thời với Trương Định là Nguyễn Thông khi viết về Trương Định không hề nói đến việc đề cờ nầy. Chúng ta tin tiểu sử Trương Định do Nguyễn Thông viết hay tin theo lời của nhóm Đông Kinh nghĩa thục phát biểu nửa thế kỷ sau nầy?” (Kỷ yếu hội thảo khoa học về địa chí văn hoá Bến Tre năm 1985, trang 71, bản đánh máy).

         Ngày cụ Phan mất, Nguyễn Đình Chiểu đã viết 2 bài thơ điếu, một chữ Hán, một chữ Nôm. Nguyễn Đình Chiểu làm thơ bằng chữ Hán điếu Phan Thanh Giản là một biệt lệ. Cả đời ông chỉ làm toàn thơ Nôm, trừ bài Điếu Phan Công viết về Phan Thanh Giản là sáng tác bằng chữ Hán. Đây có thể xem là tiếng nói chính thức của nhà thơ yêu nước Nam Bộ sống cùng thời Phan Thanh Giản. Ngòi bút đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” nầy không hề có một lời lẽ nào xúc phạm đến nhân cách cụ Phan hoặc qui tội cho cụ bán nước để cầu cái chết. Trong khi đó, Nguyễn Thông đã tâu với vua Tự Đức xin ban thụy hiệu cho Phan Thanh Giản vì Phan Thanh Giản xưa là người tiết liệt, nay xin ban cho tên Thuỵ. Với một người yêu nước có tiếng như Nguyễn Thông, ta không thể cho rằng lập trường yêu nước của ông không triệt để, lời nói mâu thuẫn với việc làm trong vấn đề xem xét và đánh giá Phan Thanh Giản.

         Hai con cụ Phan là Phan Tôn, Phan Liêm theo lời di huấn của cha, ba tháng sau cái chết của cụ Phan đã nổi lên khởi nghĩa chống Pháp tại quê nhà suốt những tháng cuối năm 1867 và cuối cùng  hy sinh vì đại nghĩa.

         Thời gian – năm tháng đi qua, lịch sử vẫn là lịch sử. Hãy để cho vầng mây trắng Ngao Châu mãi mãi bay giữa khung trời xanh thanh bình hạnh phúc của Ba Tri, của Bến Tre và của cả quê hương Việt Nam  chớ không phải là “dàu dàu mây bạc”.....

     3.

         Bản thân người viết những dòng nầy tự cho mình có chút may mắn là lớp hậu sinh nhưng là đồng hương cùng “ Phan Học sĩ”. Càng may mắn hơn khi trên dòng đời lưu lạc, trong những năm quê hương mịt mù lửa khói, tôi đuợc học những năm cuối cấp ở ngôi trường lớn nhất miền Tây lúc bấy giờ - truờng Phan Thanh Giản. Tự hào biết bao khi rời giảng đường Đại học, tôi lại trở về đây nối nghiệp Thầy Cô, những bậc ân sư mà tôi trọn đời trân trọng.

         Cứ mỗi lần qua cánh cổng trường quen thuộc, nhớ bạn cũ, thầy xưa, lòng không khỏi nao nao về một con người “Liêm -.Bình - Cần - Cán”, một trí thức hàng đầu của đất Nam kỳ lục tỉnh, đã vào cõi vĩnh hằng nhưng chắc lòng còn đau đáu niềm riêng!

         Bài viết nhân mùa khai trường, mong được xem như lòng tri ân của kẻ hậu sinh với tiền nhân thời khai hoang mở cõi, đã biến rừng đước rừng tràm thành rừng Nhu, biển Thánh, khai sinh một vùng đất học. Và hơn nữa, xin đuợc như một lời tạ lỗi với người xưa...

                                                                                Cần Thơ, tháng 7 năm 2008

                                                                            LÊ TRÚC KHANH

Tài liệu tham khảo:

Bài viết của TS. Võ Xuân Đàn và Nguyễn Văn Châu

trong tác phẩm THẾ KỶ XXI NHÌN VỀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ PHAN THANH GIẢN (2006).

Site built & maintained by tranbt21