LTKhanh_Son nam

viết về __________________________________________________________________

MỘT NIÊN TRƯỞNG ĐỒNG MÔN

VỪA NẰM XUỐNG________________________________

 VanSi_Son_Nam.jpg

“THANH SƠN TỰ TIẾU ĐẦU TƯƠNG HẠC”....

LÊ TRÚC KHANH

(Về Nguồn - Tây Đô)

 

“Chúng ta muốn giáo dục học sinh lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, thế mà thế hệ trẻ hôm nay không hiểu gì về thời khai hoang mở cõi. Để có đuợc một “địa đàng xanh”, một vùng “nước bạc cơm vàng”, một “vựa lúa của cả nước” hôm nay đâu phải  là điều đơn giản. Máu, mồ hôi của bao bậc tiền hiền đã nhỏ xuống đất nầy, để cho bóng đèn mù u đổi thành nguồn điện sáng. Những điều đó - tôi nghĩ - chỉ cần cho học sinh đọc quyển “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam là các em đã thấm thía đuợc cái nghĩa, cái tình của người và đất phương Nam”.

Trên đây là trích đoạn 1 bài viết về Nhà Văn SƠN NAM của một CHS Phan Thanh Giản: Lê Trúc Khanh. Từ giữa thập niên 60, Lê Trúc Khanh là cây bút nổi tiếng, đặc biệt trong giới cầm bút của Trường Phan Thanh Giản và của Miền Tây.

Trang Nhà xin đặc biệt giới thiệu bài viết nầy như một lời tiễn biệt một Niên Trưởng của Trường ta, và là một nhà văn lớn của Miền Nam.

Chúc Niên Trưởng thong dong về với hương của Rừng và cái nghĩa cái tình của Đất.

Trang Nhà ptgdtdusa.com 

     1.

         Tôi đuợc quen biết nhà văn Sơn Nam trong những năm 60 của thế kỷ 20. Lúc ấy,còn là học sinh trường Trung Học Phan Thanh Giản (Cần Thơ), nhưng anh em tôi cũng tập tễnh làm thơ, văn gửi đăng trên các nhật báo, tạp chí ở miền Nam. Thơ tôi đuợc giới thiệu trên chương trình thi văn Mây Tần của đài Phát thanh Sài Gòn do nhà thơ Kiên Giang-Hà huy Hà phụ trách.

         Nhờ vậy, nhiều lần  nhóm Về Nguồn được phỏng vấn trực tiếp về nội dung, đường lối sáng tác... mà người phát ngôn của nhóm là anh Lê Văn Quới - anh tôi - và tôi. Cũng từ đó, anh em chúng tôi được gặp nhà văn Sơn Nam, ông hết lòng khuyến khích và xem chúng tôi như những người bạn vong niên, dù tôi nhỏ hơn anh đến  hơn 20 tuổi.

         Cùng với Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam nhiều lần về Cần Thơ và nơi hai anh tìm đến là nhà tôi - một căn nhà vách lá, lợp tôle nằm khiêm tốn trong một con hẻm nhỏ của thành phố Cần Thơ. Anh thích nằm đưa kẽo kẹt trên chiếc võng làm bằng vải bố của má tôi nối qua hai cây cột dầu vuông.

         Năm 1970, khi chúng tôi thực hiện Tạp chí Khơi Dòng, một hoạt động khác của giới văn học ở miền Tây, thì hai người đóng góp sáng tác trước tiên mà không hề đặt bất kỳ một yêu cầu nào về nhuận bút, vẫn là Sơn Nam và Kiên Giang. Nguyệt san Khơi Dòng số 1 với chủ đề “Mùa xuân và con người”, xuất bản vào tháng Giêng 1970, trên đó có bài thơ “Lúa sạ Miền Nam” của Kiên Giang và truyện “Người đẹp Cần Thơ” của Sơn Nam. Có lẽ, theo ngôn ngữ hiện nay, thì phải gọi đây là ký hoặc là tự truyện mới chính xác. Tác giả kể về một nữ sinh CầnThơ, sinh cuối năm 1932 và mất tháng 6 năm 1950. Cô nữ sinh nầy sớm có năng khiếu văn chương, làm thơ, làm văn lúc mới hơn 10 tuổi. Nhưng cô vẫn không vượt khỏi qui luật muôn đời “tài hoa bạc mệnh”. Di vật còn để lại cho đời một quyển tập học trò dày hơn trăm trang với những sáng tác của cô, viết trong những năm tháng quê hương còn mịt mù lửa đạn. Truyện ngắn nầy của Sơn Nam trước đó, chưa hề đăng trên bất kỳ một tờ báo nào và sau đó, tôi cũng không thấy nó xuất hiện lần thứ hai. Có lẽ, nhà văn muốn giữ lại chút tình riêng cho đất Cần Thơ, nơi mà một thời ông là học sinh với bao nhiêu ước mơ tuổi trẻ?

         Mới đó mà đã hơn 40 năm trôi qua. Khi còn sống, nhiều lúc má tôi hỏi: “Cái ông nhà văn ôm cặp da thiệt bự chuyên đi bộ đó, sao lúc nầy không thấy xuống thăm tụi bây?” Anh em tôi chỉ cuời mà không trả lời. Hồi đó - nói như một số anh em làm văn nghệ - lên Sài Gòn cứ thấy ông nào đầu bạc, ôm cặp da, đi lầm lũi trên đuờng, thì 90% đó là nhà văn Sơn Nam”! Cách nhìn có vẻ hài hước đó lại là sự thật, mà suy cho cùng, đã nói lên được cái cách sống bất cần đời của một nhà văn Nam Bộ.

     2.

         Là một giáo viên dạy Văn, tôi vô cùng vui mừng khi trong giai đoạn cải cách giáo dục những năm 80, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã mạnh dạn đưa vào chương trình Văn học 12 tác phẩm “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” của Sơn Nam. Thế nhưng cái chưa “mạnh dạn” là chắc chắn giáo viên nào lúc đó dạy Văn cũng ngầm hiểu là tác phẩm nầy không bao giờ nằm trong phần cho đề thi tốt nghiệp. Và đáng tiếc hơn, trong những đợt cải cách lần sau, “Bắt sấu rừng U Minh Hạ” đã không còn chỗ đứng! (Nói đúng hơn, nó chỉ còn là bài đọc thêm trong bộ SGK Ngữ Văn Ban KHXH và NV).

         Chúng ta muốn giáo dục học sinh lòng yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, thế mà thế hệ trẻ hôm nay không hiểu gì về thời khai hoang mở cõi. Để có đuợc một “địa đàng xanh”, một vùng “nước bạc cơm vàng”, một “vựa lúa của cả nước” hôm nay đâu phải  là điều đơn giản. Máu, mồ hôi của bao bậc tiền hiền đã nhỏ xuống đất nầy, để cho bóng đèn mù u đổi thành nguồn điện sáng. Những điều đó - tôi nghĩ - chỉ cần cho học sinh đọc quyển “Hương rừng Cà Mau” của Sơn Nam là các em đã thấm thía đuợc cái nghĩa, cái tình của người và đất phương Nam.

         Hơn thế nữa, chúng ta đừng quên Hương Rừng Cà Mau - nói chung, và Bắt sấu rừng U Minh Hạ - nói riêng, được viết ra trong thời kỳ đất nước còn chia cắt. Chính quyền miền Nam lúc đó không muốn nhắc nhớ những từ như U Minh, vì nó gợi lại cả quá khứ hào hùng của quân dân ta thời chống Pháp. Sơn Nam là một trí thức tại thành phố, ông nhắc lại những địa danh thân thương U Minh, Chắc Băng, Trèm Trẹm... thông qua những sáng tác viết về miền Nam, là một cách truyền đạt khéo léo và hữu hiệu bằng ngòi bút sắc bén của mình để lại cho đời. Thế thì “hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” bằng tài năng và cả dũng khí nữa, có đáng cho thế hệ đi sau nhắc nhở và trân trọng?

     3.

         Tựa đề bài viết nầy là một “câu chữ” trong bài hát nói “Ông phổng đá” của nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ. Theo một giai thoại văn học, ông viết bài thơ nầy lúc đang dạy học tại nhà Tổng Đốc Hoàng Cao Khải. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, Nguyễn Khuyến chọn thái độ bất hợp tác, lấy cớ đau mắt để từ quan. Thực dân Pháp ngẩm sai Hoàng Cao Khải theo dõi ông bằng cách mời ông ra dạy học cho con mình. Chung quanh họ Hoàng bấy giờ là bọn tân quan mũ cao áo rộng, chỉ biết tuân phục kẻ thù đổi lấy hư danh. Khi vào ra nhà Hoàng cao Khải, họ nhìn thấy nhưng không biết ông già đầu bạc dạy học ấy là ai mà cứ âm thầm lặng lẽ như một tượng đá. Từ cái thắc mắc của những người trẻ chưa thấy Thái sơn, Bắc đẩu ấy, Nguyễn Khuyến sáng tác bài thơ “Ông phổng đá”, trong đó có hai câu :

                                           Thanh sơn tự tiếu đầu tương hạc.

                                            Thương hải thuỳ tri ngã diệc âu

Tạm dịch: Ngọn núi xanh (chỉ bọn tân quan) cười ta đầu bạc trắng như chim hạc, (nhưng) ngoài biển xanh ai cũng biết ta là chim âu .

         Xin đuợc mượn câu “Thanh sơn tự tiếu đầu tương hạc” để nói về một ngọn núi phương Nam đã đi vào cõi vĩnh hằng. Ngọn núi đó, cũng bạc trắng mái đầu, cũng sống lặng thầm bên cạnh dòng chảy ào ạt của Sài Gòn dập dìu xe ngựa, vẫn luôn giữ đuợc cái bản chất thực thà nhân hậu mà vô cùng hào phóng của những người lưu dân thời khai hoang, mở đất.

         Anh như con ong cả đời kiên trì hút mật đem lại hương vị cho người, nhưng không phải ai cũng hiểu rằng trong vị ngọt ngào kia có lẫn nhiều cay đắng. Mấy mươi năm quen biết, anh em chúng tôi vẫn xem anh là một tấm gương của lòng say mê sáng tạo và trân trọng từng trang viết của một nhà văn gắn đời mình cùng quê hương đất nước. Ngọn núi phương Nam không còn nữa, nhưng tài hoa còn thấm đẫm khắp rừng đước, rừng tràm để muôn đời bát ngát một màu xanh. Những dòng viết chia tay, xin được xem như một lời ai điếu.

Cần Thơ, tháng 8/2008

 LÊ TRÚC KHANH.

Site built & maintained by Tranbt21