trần bang thạch

S TAY
tháng 6

___________________

MỘT CHUYẾN ĐI DÀI

Trên  SỔ TAY tháng trước trên Trang Nhà, có lẽ chúng ta đã thấy được Tình Thương đã có mặt qua câu chuyện về một căn nhà mệnh danh là Mái Ấm Tình Thương. Tình Thương từ ngàn dặm gởi về quê hương không chỉ giới hạn trong một làng nhỏ Phong Điền. Và dĩ nhiên Lòng Nhân Ái hiện diện hầu hết nơi mọi người hải ngoại. Người mình ở trong nước từ nhiều năm nay hẳn đã thấy muôn ngàn Sợi Chỉ Hồng Nhân Ái đã nối liền đôi bờ Biển Thái. Chúng ta xa đất nước, nhưng đất nước mình, dân tộc mình luôn hiện diện trong mỗi trái tim người xa xứ.

Dưới đây là thêm một Sợi Chỉ Hồng Nhân Ái.

Đến đầu tháng 8 nầy thì mục sư Nguyễn cùng vài người cộng sự sẽ thực hiện chuyến đi thứ 47, từ Quận Cam về quê nhà. Thật sự thì mỗi chuyến đi của mục sư Nguyễn không hẳn được gọi là dài dù cho được nối bằng 20 giờ đường hàng không. Hơn 15 năm trước, chuyến đi lần đầu tiên từ Sài Gòn đến trại phong cùi Bến Sắn dài chỉ hơn 40 cây số. Rồi chuyến đi thứ 37 vài năm trước đến Ninh Bình, Yên Bái có lẽ là dài nhất cho tới nay, thì cũng chỉ có trên ngàn cây số đường bộ từ Sài Gòn. Như vậy, có lẽ sự dài ngắn nhằm vào ý nghĩa  liên tục của những chuyến đi. Cũng nên kể tới tấm lòng thật dày, thật sâu và thật bao la của những người tự nguyện khăn gói lên đường. Họ cứ đi, mỗi năm ít nhất là 2, 3 lần. Họ không muốn dừng lại. Dù cho mái tóc xanh ngày nào bây giờ đã bạc gần hết, dù cho thể xác đôi khi có mệt mõi, nhưng trong lòng của họ lúc nào cũng vang lên lời cố gắng. Cứ như vietnamfl2.jpgvậy mà những chuyến đi tiếp tục thành hình. Vậy thì, có coi là quá đáng không khi gọi đó là một chuyến đi dài? Chuyến đi bắt đầu từ một khởi điểm là nơi gặp gỡ của tình thương với những nỗi khốn cùng. Chuyến đi, qua nhiều năm nhiều tháng, đã ghé lại, đã ưu ái gởi trao ân tình, đã mang đi đôi điều bất hạnh. Chuyến đi dù chưa kết thúc nhưng điểm tới chắc cũng vẫn là tụ điểm của tình thương.


Cuộc hành trình tình thương của mục sư Nguyễn bắt đầu từ những ngày thật xa, hơn năm mươi năm trước, khi cậu bé con nhà nghèo 15 tuổi bước ra khỏi căn nhà lá, vách đất nằm dưới chân ngọn đồi nhỏ ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Trong căn nhà đó, Nguyễn đã sống trọn thời niên thiếu của mình trong thiếu thốn, thiếu cả sự chăm sóc thương yêu của mẹ. Bạn của Nguyễn là những vệt nắng nghiêng trên hiên nhà buổi sáng, là những chú dế con buổi trưa kêu buồn bã, là những dãi mây bay lang thang trên lưng chừng núi buổi chiều, và buổi tối Nguyễn lắng hồn mình vào những trang thánh kinh nhoẹt nhòe chữ nghĩa do ông nội để lại cho đứa cháu duy nhất của mình. Chung quanh cậu bé Nguyễn thời ấy là nghèo. Người nghèo. Đất cũng nghèo. Sỏi đá mọc trên từng tấc đất. Nghèo nàn mọc trên từng thân phận con người ở đây. Hận thù có lúc đã bứng văng tình yêu thương để đâm chồi nẫy lộc ngay trên vùng đất khô cằn sỏi đá này. Và hình như cũng đã có một tia sáng nào đó đã nhiệm mầu chiếu rọi vào trí óc còn non nớt của cậu học trò vừa học hết lớp đệ ngũ trường quận. Nguyễn học được rằng con người sinh ra bình đẵng và tình thương phải được san sẽ cho mọi người. Khi được chánh thức nhập vào dòng sống của một hội thánh tại Sài Gòn thì cuộc hành trình đi về vùng tình người ấm áp của Nguyễn như được chắp thêm đôi cánh. Rồi những năm tháng du học và tu học tại Seoul đã là những hành trang quý giá cho mục sư Nguyễn đi tiếp bước đường đã chọn của mình. Mục sư Nguyễn nhớ nhất là những ngày dài của thập niên sáu mươi tại bịnh viện Cộng Hoà. Thương bệnh binh nhập viện có cả trăm mỗi ngày. Sự đau đớn hiện diện trên mỗi bệnh nhân và trên mỗi thân nhân đến thăm. Vết thương quá đau đớn làm bật dậy những tiếng rên la trên giường bệnh. Nỗi thương xót quá lớn của người vợ trẻ làm bật dậy những tiếng khóc bi ai. Niềm đau vật vã của bà mẹ già làm thoát ra những tiếng kêu thương nức nở. Mục sư Nguyễn đã cùng sống với nỗi đau của bệnh nhân, cùng sống với tiếng khóc của người mẹ già neo đơn, của người vợ sớm làm thân góa bụa. Người sứ giả của tình thương ấy đã sống hàng giờ, hàng đêm bên giường bệnh. Sống cả với niềm đau, với nỗi tuyệt vọng của đàn con nhỏ dại khi cỗ quan tài của cha mình được đưa về khu chung sự trong tiếng kèn đồng hòa trộn với tiếng khóc dưới lớp khăn sô. Nhiều năm như vậy đã khiến vị mục sư trẻ chừng như đã cạn dòng nước mắt.


Tưởng đã cạn dòng nước mắt. Tưởng đã hụt bước chân đi về vùng sương đêm tấm đẫm tình người. Vậy mà không. Những lời thánh kinh dưới chân đồi ngày nào vẫn nghe như mới. Lời trối trăn của nội vẫn còn văng vẳng bên tai: “Phải biết sống làm người, nghe con!”. Nhịp đập của trái tim đầy tình người vẫn  rộn ràng trong lòng ngực. Bước chân vẫn chưa chùn. Tình thương của đồng bào hải ngoại không thiếu. Những món quà tình nghĩa phải tới tay người thương khó ở quê nhà. Tất cả phải có người chuyển về. Hết trại cùi Bến Sắn đến các trại cùi Núi Sạn, Qui Hòa, trại cùi Đắc Kia, Đắc Kring. Hết theo chân cơn bão số 5 ra Quảng Nam, Đà Nẵng đến cơn bão số 7, số 8 ra Thanh Hóa, Yên Bái. Rồi xuôi Nam đào giếng nước, bắc những nhịp cầu xi măng cốt sắt ở miền quê Bạc Liêu, Cao Lãnh. Những chiếc xe lăn. Những xe gạo đầy ắp từ Vĩnh Long ra Trung, ra Bắc. Những mùng, mền, quần áo, thuốc thang, kẹo bánh, giấy mực, sách vở…Những chuyến xe đầy đồ cứu trợ đi trên những đoạn đường đất chuồi vòng quanh chân núi, gập ghềnh, trắc trở. Chỉ một chút xãy tay, sự rũi ro, mất mạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Những đêm ngủ tạm bợ bên đường, dãi dầu mưa nắng. Đi. Khó khăn thế nào cũng đi. Đi làm nhiệm vụ của một nhịp cầu. Đi đến những người đang chờ đợi. Người phế binh ở Điện Thắng đã rớt nước mắt nhìn chiếc xe lắt tay mới tinh của mình trước mặt mà tưởng như mơ. Cụ già phong cùi ở Đắc Kia không tưởng được bàn tay cụt hết TBT_VNflood.jpgngón của mình đang được vuốt ve trong đôi bàn tay của người mục sư trước mặt. Qua hai cơn bão dữ Demrey và Chamchu, bà mẹ Quảng Trung, Thanh Hóa vừa mất một lượt con trai, con dâu và hai cháu nội, đang đứng trước những người khách lạ. Họ đến với tình thương và với những sự giúp đỡ cần thiết trong cảnh khốn cùng. Bà mẹ có khóc cũng không còn đủ nước mắt, có cảm ơn cũng không đủ lời.


Một điều rất tự nhiên: Người ta, tại nhiều nơi trên đất nước, ở miền quê, ở miền núi, miền duyên hải, từ nhiều năm nay, đã coi sự có mặt của phái đoàn mục sư Nguyễn là thường kỳ. Người ta chờ ông như chờ người thân quen đi xa sắp về. Người già, người trẻ nhớ ông. Quá một thời gian hạn định nào đó, không thấy phái đoàn về làng, người ta lo ngại có điều chẳng lành bất ngờ xảy ra cho mục sư Nguyễn.


Cứ như vậy mà cuộc hành trình tiếp tục để thành một chuyến đi dài.

 tbt

Enter supporting content here