Trần Bang Thạch

S TAY

___________________

CoolClips_busi1066.jpgTHÁNG 5,

MÙA TT NGHIP, MÙA VUI


T
háng 5 nước Mỹ chưa vào Hè. Nhưng Houston đã bắt đầu nóng. Cái nóng gây khó chịu vì độ ẩm cao từ biển Galveston và vùng vịnh Mễ Tây Cơ thổi vào. Thỉnh thoảng có những cơn gió nóng từ miền Nam Mỹ đem đến những ngày nóng dữ bất ngờ. Vậy mà từ nhiều năm nay, như là một thói quen, hàng năm N. và tôi hay chờ tháng Năm đến. Tháng Năm với những buổi lễ ra trường.


Có lẽ thói quen bắt đầu từ những lễ ra trường của các con chúng tôi. Hết con ra trung học, đại học rồi tới cháu ngoại ra mẫu giáo. Hết con cháu người thân nhân nầy đến con cháu người bạn bè nọ. Riết rồi đâm ra ghiền. Nhớ tháng Năm bên nầy như nhớ Tháng Sáu bên nhà. Tháng Năm Mùa Tốt Nghiệp. Tháng Sáu Mùa Thi, mùa bãi trường, mùa của ve sầu râm ran trên cây phượng vĩ, và mùa của chia tay. Mỗi năm đến Hè lòng man mác buồn. Tháng Năm được tham dự những lễ ra trường là niềm vui rất lớn đối với chúng tôi. Bất kể là nhìn người tân khoa lạ hay quen nào thì lòng cũng vui. Quen thân với mình thì thích thú và thấy gần gũi hơn. Không quen thì vui với niềm vui của thiên hạ. Chiều Chủ Nhật 10 tháng 5 vừa qua, thấy cậu con trai út của hai em  Hoài Bảo và Kiêm Anh là Trần Đình Phi mặt non như học sinh vừa xong lớp 12  trở thành một luật khoa tiến sĩ lòng mình cũng vui như niềm vui của chính mình. Được tin con gái người thầy cũ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành micro-technique tại Pháp và đang làm việc cho một trung tâm nghiên cứu khoa học tại Thụy Sĩ.  Nghe như nghe tin vui của gia đình mình. Đọc bản tin người học sinh già Bill Cook nhận bằng tốt nghiệp trung học ở tuổi 82 tại trường Stephen F. Austin High School ngày 31-5-2008,  mình cũng thấy vừa vui vừa thán phục ý chí có công mài sắt có ngày nên kim của người cựu chiến binh thế chiến II này. Lòng mình vô cùng hãnh diện khi các thủ khoa Việt Nam Vũ Thị Thanh Vân, Phan Hiền, Nguyễn Mai, Hồ Hồng, Lê Dạ Minh, Andy Hồ, Thái Hồng, Diệp Mỹ, Adam Nguyễn…của các trung học vùng Houston vững chãi, tự tin, đường hoàng trên khán đài đại diện cho cả ngàn học sinh của trường mình nói lời cảm tưởng. Tại vùng Houston, sĩ số học sinh gốc Việt lớp 12 chưa bằng 1% của tổng số học sinh lớp 12 toàn vùng; vậy mà đã có 22% là thủ khoa gốc Việt! Á khoa thì xấp xỉ 30%. Có phải niềm hãnh diện dân tộc đã làm thêm niềm vui của mình chăng?


Mùa tốt nghiệp năm nay chúng tôi có một sự ngạc nhiên khi biết được một lễ tốt nghiệp thật lạ, khá là bất thường. Đáng suy gẫm. Đó là lễ tốt nghiệp trung học của tân khoa tên Jeff Greenwood.


Tại một ngôi trường trung học nhỏ ở ngoại ô thành phố Great Falls, tiểu bang Montana, khoảng 10 dặm phía nam biên giới Mỹ - Canada, ông Thống đốc tiểu bang là diễn giả chánh của buổi Lễ Tốt Nghiệp Trung học. Ngồi cùng với ông trên khán đài là vị Trưởng Khu Học Chánh cũng là Hiệu Trưởng và đông đủ các giáo sư, tất cả đều mũ áo chỉnh tề. Việc tổ chức buổi lễ  không khác gì những lễ tốt nghiệp khác vào mỗi tháng 5 hàng năm trên toàn nước Mỹ. Năm nay cũng vậy, hàng ngàn lễ tốt nghiệp đang xảy ra ngay giờ phút nầy. Hàng triệu tân khoa từ các lớp mẫu giáo đến các lớp trung học, cao đẳng và đại học đang hớn hở làm Lễ Tốt Nghiệp. Diễn văn. Mũ cao, áo choàng rộng. Niềm vui. Niềm hy vọng. Niềm hãnh diện. Họ xếp thành những hàng dài lần lượt tiến lên khán đài nhận văn bằng trong tiếng vỗ tay và tiếng reo vui của cả ngàn người trong hội trường.


Tại ngôi trường biên giới nầy thì khác một chút. Cũng với khung cảnh và diễn tiến của lễ tốt nghiệp như vậy: Ông Hiệu Trưởng mở đầu chương trình trước khi ông Thống Đốc Brian Schweitzer trịnh trọng tiến đến bục giảng, đọc bài diễn văn soạn sẵn. Xong là tới phần phát biểu của Chủ Tịch Ban Đại Diện Học Sinh toàn trường: Đó là học sinh Jeff Greenwood. Rồi đến vài lời phát biểu của đại diện tân khoa: Đó là Thủ khoa Jeff Greenwood. Tiếp là phần trao văn bằng: người đầu tiên tiến đến trước mặt ông Hiệu Trưởng LeRoy Nelson để nhận văn bằng là Jeff Greenwood. Hết. Không có tân khoa kế tiếp. Nhận văn bằng rồi chụp ảnh. Bức ảnh duy nhất chụp tân khoa duy nhất Jeff Greenwood của Lễ Tốt Nghiệp ngày 18-5-2008 tại trường Opheim High School. Jeff Greenwood bước xuống hội trường, tung mũ lên không rồi ôm và cảm ơn cha mẹ. Các máy ảnh và các máy quay phim đều hướng về Jeff. Buổi lễ chấm dứt. Mọi người ra về vui vẻ.


Lễ Tốt Nghiệp khá lạ trên đây không hẳn là duy nhất: Năm ngoái cũng vị Thống Đốc nầy đã đọc diễn văn nhân buổi lễ tốt nghiệp của tân khoa duy nhất tại một vùng quê khác của tiểu bang Montana. Người Mỹ đã trân quý chữ nghĩa như vậy. Thà tốn hàng mấy chục ngàn Mỹ kim một năm cho một học sinh hơn là để  học sinh thất học, dù chỉ có một. Chính sách Giáo dục cưởng bách cho tới hết bậc trung học có từ mấy mươi năm nay. “No Child Left Behind” cũng là một chính sách giáo dục khác của chánh phủ Hoa Kỳ dưới 2 nhiệm kỳ của Tổng Thống George W. Bush.


Ba mươi ba năm qua, con em của người Việt mình đã hưởng thật đủ đầy nền giáo dục nầy. Mới chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ, chưa rành đường đi nước bước, cái kính cận nặng độ chưa kịp đổi tròng, chưa quen với tiếng Ăng Lê, chưa mờ trong trí nhớ cả chục năm lặn lội gian nan hành quân diệt địch, còn hằn trên thịt da những tàn tích của năm tháng dài tù tội… vậy mà người trung đội trưởng thám kích của sư đoàn 23 hăm hở trở lại giảng đường để hoàn thành văn bằng cử nhân Điện toán, rồi Cao học Toán. Tưởng chữ nghĩa đã cao chạy xa bay theo tầm đạn pháo và khói lửa chiến trường. Nguyên ký giả thao trường Huyền Vũ đậu bằng cử nhân báo chí khi đã 72 tuổi. Người cựu sinh viên tranh đấu Nguyễn Trọng Nho của thời 63-64 đã là vị chánh án tại quận Cam từ cả chục năm nay. Người-tù-cả-đời là cựu biệt kích Nguyễn Hữu Luyện sau mấy mươi năm gông cùm trong lao tù miền Bắc từ trước 1975, đã kiên nhẫn bút nghiên tại đại học Boston và đang kiên trì bảo vệ tư cách tị nạn chánh trị của người Việt hải ngoại. Nhiều, rất nhiều sinh viên già Việt Nam như vậy. Còn tân khoa trẻ Việt Nam, thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba thì có ai mà đếm cho hết. Cả con cái của các bạn thân quen mình cũng không nhớ nỗi. Chắc không phải là quá đáng nếu nói trung bình mỗi gia đình VN hải ngoại có một cử nhân hay cao học, tiến sĩ. Ngành nghề nào cũng có bóng dáng người Việt. Y, luật, khoa học, nghệ thuật, thể thao, văn chương, xã hội, cơ khí, thương mại…. Phi hành gia, chuyên viên vũ khí tối tân hiện đại, phi công phản lực chiến đấu cơ, sĩ quan hải, lục, không quân…Nói hoài cũng không hết.


Nền giáo dục nầy đã cho mình nhiều và rồi mình cũng đã trả ơn cho xã hội nầy cũng không ít.

Tháng Năm là tháng của Mùa Tốt Nghiệp, là tháng của Mùa Vui.


Houston, mùa bãi trường 2008

Trần Bang Thạch

Enter supporting content here