Sổ tay văn hóa

Trần Bang Thạch

_________________________________________________

MỖI NĂM XUÂN LẠI VỀ

Chỉ còn non mười ngày nữa là năm cũ đi, năm mới đến. Nghĩ tới 28 mùa xuân trên xứ người. Ngày nào chân ướt chân ráo tới đây, tuổi xuân còn lưng lững trong túi hành trang đời người, lòng tuy không đầy vì những tang thương dồn dập sau Tháng Tư Đen nhưng nụ xuân chưa héo để kịp hứng một giọt Xuân mới đang chờ trước mặt. Mới đó mà đã 28 năm. Ngày tháng thì trôi nhanh nhưng nghĩ tới ngần ấy năm xa quê thì nghe sao mà dài quá. Gần 30 năm! Nếu tính đời người là 60 thì đã nửa đời trên đất khách! Nếu kéo thêm mười, mười lăm năm sống nữa thì cứ thế mà cộng thêm chuỗi ngày ly xứ! Thêm một mùa Xuân là thêm một Tết ly hương. Có trách nàng Xuân như nhà thơ Chế Lan Viên:

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu,

đem chi xuân đến gợi thêm sầu

thì nàng Xuân vẫn đến. Cũng như tuổi già: dù không chờ thì nó vẫn đến. Nhà thơ Vương Duy của thời thịnh Đường bên Tàu của hơn 1200 năm trước đã nói rồi:

Nhật nhật nhân không lãoNN_cardPTGDTD.JPG

Niên niên xuân cánh qui.

Tương hoan hữu tôn tửu

Bất dụng tích hoa phi

(Tống Xuân Từ của Vương Duy 699-759)


Bản dịch của Phạm Khắc Trí

Thêm tuổi thêm già tự nhiên thôi,

Mỗi năm Xuân lại đâu đợi mời.

Cười chúc mừng nhau một chén rượu

Bận tâm chi nhỉ chuyện hoa rơi.


Chắc chắn như vậy rồi: Ngày qua ngày thì tuổi thêm già cũng như mùa xuân năm nào cũng vẫn đến. Luật thiên nhiên là như vậy. Nhưng mà tâm trạng con người cũng có buồn, có vui.

Xuân vẫn đến. Tâm trạng mình vui thì Xuân đẹp biết bao, dù cho Xuân chưa có mặt:

Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm

Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu

Thế là Xuân. Tôi không hỏi chi nhiều

Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng

(Xuân Diệu)

Hay như người bạn thơ Mường Mán vốn người Trung nhưng khi lang bạt vào Nam cũng thấy xuân qua chút duyên sau chéo khăn rằn:


Nhà ai quết bánh phòng khuya quá

Nhịp chày khoan nhặt thức cùng trăng

Môi em đỏ như là mận chín

Giấu chút duyên sau chéo khăn rằn


Và ra Bắc cũng thấy Xuân với hoa đào qua phố và hoa Quỳnh thức giấc giữa đêm:


Hoa đào qua phố rao xuân chín

Áo đào qua ngõ gọi thầm nhau

Hà Nội chừng như thôi trở rét

Đóa quỳnh chợt thức giữa chiêm bao


Còn Thế Lữ thì có khác:


Hôm nay tạm nghỉ bước gian nan

Trong lúc gần xa pháo nổ vang

Rũ áo phong sương trên gác trọ

Lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang

(Thế Lữ)


Người khách trọ Thế Lữ nhìn Xuân đến cảm thấy buồn dù cho khách và Xuân cùng ở trên một quê hương thân yêu, quen thuộc, có pháo có người có xuân ngoài ngõ. Nhưng so với Thế Lữ thì những người-xa-quê-nửa-vòng-trái-đất như chúng ta thì chắc buồn hơn nhiều vì Xuân chỉ có lặng lẽ ở trong lòng. Vài ba buổi tiệc tất niên, tân niên bây giờ e rằng không đủ đem lại cho mình không khí của những cái tết quê nhà. Đầu chải briantine bóng mượt, mặc một bộ đồ pijama mới tinh, mang đôi guốc vông lốc cốc ra đường đã thấy lòng vui như pháo tết. Khuya lơ ngồi ngủ gục bên vai mẹ trước nồi bánh tét nước sôi ùn ục vẫn mơ thấy bao giấy đỏ lì xì. Không pháo nổ vang, không có thiên hạ đón xuân chung quanh mình như ở quê xưa. Không có không khí Tết thì Xuân chỉ là tên gọi của một trong 4 mùa. Chẳng thế mà Nguyễn Bính đã từng than thở:


Tha hương chẳng gặp người tri kỷ

Một cánh hoa tươi đủ ấm lòng

Tết nầy chưa chắc em về được

Em gửi về đây một tấm lòng


Chén rượu tha hương, trời: đắng lắm!

Trăm hờn nghìn giận một mùa đông

(Nguyễn Bính)


Em xa chị vào dịp Tết mà đã buồn như vậy thì người ly hương xa nhà, xa xứ, xa người thân thì xuân buồn biết bao nhiêu!

Ngay thời buổi bây giờ có non hai triệu người Việt ly xứ thì tâm cảm của ngần ấy người chắc cũng gần giống nhau: Nhớ nước, thương cha, nhớ mẹ, nhớ người thân, người tình… và cả người dưng. Nhớ lắm mà biết có dìa được không!


“Em còn có mẹ già bên ấy!”

tiếng thơ buồn như một tiếng than!

anh đọc thấy hàng hàng nước mắt;

Sydney buồn mà anh lại quá xa.


Anh cũng có mẹ già bên ấy:

mẹ anh đã nằm dưới mộ sâu,

cỏ trên mồ chắc xanh thương nhớ,

mẹ chắc nhớ anh, nhớ để rầu.


Hai lăm tháng chạp về tảo mộ

hẹn lần, hẹn lữa, hẹn năm sau,

năm nào cũng vậy, tiền không có;

không tiền, không có vé máy bay!


Ngày khánh tận mà anh khánh kiệt,

chỉ biết tàng xe đến phi trường,

ai về xứ Việt, quê hương đó

cho ké, dùm tôi, nỗi đoạn trường!”

(Lau lệ mình ên, thơ Đoàn Xuân Thu, Úc Châu)


Cho nên càng nghĩ càng thương cho Cụ Tiên Điền Nguyễn Du. Năm 1805 Cụ phải ra Lạng Sơn đón sứ thần nhà Thanh giữa một ngày Xuân. Xuân đẹp nhưng chắc Cụ Tiên Điền không thấy vui chút nào nên đã tự thán:


Nhân tự tiêu điều, Xuân tự hảo

Đoàn Thành thành hạ nhất triêm cân


Cụ đã không ngắm xuân mà ngắm hạt châu của mình đang rơi xuống dưới thành Đoàn! Thương thay cho Cụ.

Rồi cũng phải thương cho mình. Đêm Ba Mươi bấm thẻ ra khỏi sở thì đã gần nửa đêm. Về đến nhà thì không còn ai thức. Giao Thừa đâu chẳng thấy! Sáng Mùng Một đã vội vã ra đi như 365 ngày khác. Tết đâu chẳng thấy!

Tết bây giờ dù có vui chắc cũng không giống nỗi vui xưa. Nếu có vui thì là vui gượng.

Đúng là người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!


Trần Bang Thạch

Ngày đưa Ông Táo Đinh Hợi

Site built & maintained by tranbt21@yahoo.com