Sổ tay văn hóa
TRẦN BANG THẠCH
____________________________________
MÙA THU ĐÔNG BẮC
và
MÙA THU TUỔI VÀNG
Tuần trước chúng tôi có dịp đi lên
vùng Đông Bắc nước Mỹ. Những
ngày
này cây cối các nơi ấy đang đi vào
Thu. Lá bắt đầu đổi từ xanh sang vàng nhạt, vàng đậm,
tim tím hay hung đỏ. Những con đường dưới các gốc cây
cũng đầy lá vàng. Trên đầu là tấm lụa vàng rung lung
linh trong cơn gió mát rượi. Hình như tôi thấy cả ngọn gió
cũng nhuộm sắc vàng. Lá phong như những bàn tay dát vàng vẩy
vẩy trên cao. Dưới chân là tấm thảm màu hoàng yến, trộn
lẫn với những đốm màu rượu chát. Một ngọn gió nhẹ
thổi qua, lá như những cánh bướm vàng bay lẩn quẩn dưới
chân. Buổi trưa, nắng vừa đủ để làm sáng thêm màu
vàng óng ả, lấp lánh của rừng phong. Buổi chiều, rừng phong
nhuốm lạnh để màu vàng có thêm một chút tối và
một chút u buồn. Không thể có lời nào để tả hết
cái đẹp của nàng Thu Đông Bắc. Nàng cao sang như vương
tôn mệnh phụ và trữ tình như người nữ yêu kiều, đằm
thắm, hiền dịu của thế gian. Người nhan sắc này có mặt
để làm chủ một góc thiên nhiên và một góc trong trái
tim người. Nàng có mặt để được ngắm nhìn và
được chiêm ngưỡng. Đứng trong tấm áo lụa vàng, người
ta thấy mình cũng là một thứ vương tôn công tử bên
dáng ngọc lượt là. Hoàng hoa mỹ tửu chưa uống mà đã
chếnh choáng say, hay ta say vì thiên nhiên ướp mật? Để rồi
lúc chiều sắp tắt, khi Người Nhan Sắc phất tay áo ra đi, để
lại mùi trầm hương mộng mị, người thơ bỗng thấy từ
một chốn nào thơ mình chập chờn ẩn hiện trên xác lá
khô. Thơ bay, hương bay hay lá bay, người thơ không biết. Cũng
không biết là Nàng đã bay vút lên trăng hay trăng đang hóa
ra Nàng, để đêm thu nhả xuống trần gian muôn ngàn sóng
vàng, sóng bạc.
Có áo lụa vàng rắc lá trên cây
Có
mắt ướt theo mưa rớt vội
Em có
phải chiều qua ngõ tối
Để trăng
non bỗng hóa trăng đầy
Tôi bỗng thành kẻ giữa cơn say
Nghe
lướt thướt mây vờn trên tóc,
Xin
hãy chậm chân, người len lối trúc
Để
thiên thu còn một thu này.
(Thu, thơ
TBT)
Chỗ chúng tôi đến là Richmond, thủ phủ của tiểu bang Virginia. Người ta biết được
Richmond như một nơi mà bốn trăm năm trước (1607) đã đón
toán di dân thứ nhì từ Anh Quốc đặt chân đến vùng
Đất Mới. Được đặt tên là Richmond vì con sông James nơi nầy giống
như dòng Thames tại thành phố Richmond của quê hương Anh Cát Lợi. Richmond có nhiều cái “nhứt”
của nước Mỹ. Sông James cũng là một thắng cảnh của Richmond, là hệ thống
kinh đào thứ nhứt của Mỹ quốc. Cũng như bịnh viện của
Richmond, hay đài truyền hình của Richmond, và người thống đốc
da màu của Richmond là những cái đầu tiên của nước Mỹ.
Nhưng đối với tôi thì có thêm một cái nhứt mà sử
sách tại đây chưa ghi. Đó là vị giáo sư của phân
khoa Xã Hội thuộc Đại Học Commonwealth của Virginia (VCU). Đại học này có hơn 33 ngàn
sinh viên, tọa lạc trên một khu đất mênh mông của Richmond. Tiến sĩ Ellen
N. gần 20 năm nay là giáo sư của các Đại Học Xã Hội
(School of Social Work), từ Arkansas đến Virginia, là giáo sư đỡ đầu
cho hàng trăm luận án tiến sĩ xã hội từ trước đến
nay. Bà cũng là giáo sư đỡ đầu ( mentor) cho những giáo
sư mới về trường giảng dạy. Giáo Sư là tác giả của
trên hai mươi bộ sách nghiên cứu, trong đó có nhiều quyển
được dùng làm tài liệu giáo khoa và tham khảo tại các
đại học toàn nước Mỹ và các quốc gia khác. Sách
của Giáo Sư viết về những nghiên cứu tường tận những
vấn đề xã hội, văn hóa…liên quan tới các lứa tuổi,
đặc biệt là tuổi già, như việc chăm sóc sức khỏe căn
bản cho người già, như chương trình cần có tại các
địa phương nhằn giải quyết những khó khăn của người
cao tuổi, v.v…
Tôi đã có dịp được gặp
và đàm đạo với Tiến sĩ Ellen N. về các vấn đề
của người cao tuổi. Hơn 2 tiếng đồng hồ bàn bạc về người
cao tuổi Mỹ trắng, Mỹ da màu và Người Mỹ gốc Việt…
đã cho tôi những bài học thật quý giá; cũng qua trao đổi,
người giáo sư từng trãi và có kiến thức chuyên môn
sâu rộng này đã thêm một lần nữa bổ túc nhận định
của mình về người già Á Đông, nhất là người
Việt Nam mà Giáo Sư chỉ vừa mới để tâm nghiên cứu
từ vài năm nay. Tôi thấy mình vui khi những góp ý nhỏ nhoi,
khiêm tốn của mình được giáo sư ghi nhận.
Tiếc là khuôn khổ của trang bài không cho phép tôi viết thêm
về buổi mạn đàm kỳ thú và bổ ích này.
XXX
Vợ chồng chúng tôi tiễn Tiến Sĩ Ellen N. ra đến xe đậu ngoài
đường. Lá vàng trên không, lá vàng dưới đất. Không hẹn mà chúng
tôi cùng ngước lên cái vòng cung vàng như hoàng bào.
Rồi chúng tôi cùng nhìn nhau, và mĩm cười.Tôi không biết
Giáo Sư nghĩ gì, nhưng tôi nghĩ tới cái màu vàng trên
cao, cái màu vàng êm ả, đằm thắm, nhẹ nhàng, không vướng
bận của Mùa Thu Tuổi Vàng mà chúng tôi đang bước vào.
Richmond, VA., Oct.22-2007
Trần
Bang Thạch