lhv_jan27_GSTruong.jpgCHS NGUYỄN VĂN TRƯỜNG

THAY MẶT

GIA ĐÌNH PTGĐTĐ HOUSTON

CHÚC TẾT

______________________________________________________________

.

Kính thưa quí vị giáo sư

Kính thưa quí vị quan khách,

Là một trong những học trò cũ cao niên nhất của trường Phan Thanh Giản Cấn Thơ, và là thành viên của nhóm PTG-ĐTĐ Houston, tôi may mắn được chọn để đại diện cho huynh đệ tỷ muội chúng tôi lên đây để chúc tết quí thầy cô của chúng tôi và quí vị quan khách.

Thưa quí thầy cô, giáo sư hai trường Phan và Đoàn,
Chúng em những học trò cũ của trường xin quí thầy cô nhận nơi đây lòng kính thương và biết ơn của chúng em. Chúng em kính chúc thầy cô một Năm mới Quí Tỵ sức khỏe thật tốt, con cháu mạnh giỏi thành công, mọi việc được an vui, hạnh phúc.

Thưa quí vị quan khách,
Chúng tôi xin cám ơn quí vị quan khách và những bằng hữu của chúng tôi đến chung vui với chúng tôi trong buổi tiệc tất niên hôm nay. Chúng tôi ghi nhận trong tâm cái tình sâu đậm mà quí vị dành cho anh chị em chúng tôi. Nhân đón năm mới, chúng tôi xin chúc quí quị một Năm Quí Tỵ Phước Lộc Thọ tràn đầy.

Sau cùng cho phép tôi có vài lời với anh chị em chúng tôi.

.
Anh Chị Em thân mến,

Theo Đông Phương, Quí Tỵ , mệnh là Trường Lưu Thủy. Có người viết:

Trường lưu Thủy là dòng nước chảy liên tục, chuyển động không ngừng theo năm tháng mà không bao giờ biết nghỉ. Dòng nước này vượt qua hàng trăm ghềnh thác của núi rừng, đi qua hàng vạn dặm đường trên các vùng đồng bằng châu thổ, khi thì gầm réo vang rền, ầm ầm như bão tố, khi thì nhẹ nhàng êm dịu như hát ru vạn vật.’

Diễn dịch ra thì năm tới mà ta đang chờ và chào đón, chỉ có thể là một năm tốt, thuận hòa cho mọi người, cho mọi việc.
Tuy nhiên cũng phải thêm ‘giòng nước chảy’ tượng trưng cho cái âm nhu, tha thước yêu kiều của phái nữ. Nhu mà không nhược. Nhu mà đá rắn cách mấy cũng phải soi mòn. Cổ nhân nói: Nữ Quí là như vậy đó. ‘Trường lưu thủy’ cũng nói cái công sức, sinh lực, trí tuệ, đầu tư hằng ngày, hằng giờ với sự kiên nhẫn liên tục không ngưng nghỉ trong công việc. Như quí thầy cô chúng ta, mỗi ngày một chút, tôi luyện chúng ta qua những bài thơ văn, triết học, khoa học, sử ký, địa dư, và những bộ môn khác… Nói ‘Trường lưu thủy’ là nói sức mạnh của sự thẩm thấu.
Nhờ vậy, chúng ta luôn sẵn sàng trực diện với thử thách, xem thách đố là tất nhiên của giòng đời, và là cơ duyên giúp ta lớn mạnh.

Nhìn lại, chúng ta là một giòng sông dài—một ‘trường lưu thủy’—mà cái nhánh Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm Houston, đã hình thành và lớn mạnh. Không mấy chốc, thế mà cũng gần hai thập niên. Chúng ta có gặp khủng hoảng, và đã sớm vượt qua. Chúng ta hiểu là con người không ai là hoàn hảo, cuộc đời vốn bất toàn, chân lý con người là tương đối. Nhờ vậy, chúng ta xem dị biệt là đương nhiên, và là duyên cho trăm hoa đua nở.

Những năm qua:

· Chúng ta có những buổi ăn chung hàng tháng, gặp nhau, chuyện cũ, chuyện mới, chuyện nắng mưa, chuyện văn chương, chuyện Đông Tây,..
Cốt yếu là gặp nhau, tay bắt mặt mừng, cảm nhận cái tình dành cho nhau.

· Chúng ta cũng có một trang web: ptgdtdusa.com phong phú.
Chỉ lướt qua trang văn học nghệ thuật, ta có những cây viết cổ thụ:
Thơ truyện: Trầm Vân, Đoàn Xuân Thu, Dương Hồng Thủy, Kim Quang, Nguyên Nhung, Trần Bang Thạch, Lê Cần Thơ, Diễm Phượng, Nguyễn Hồng Ẩn, Đông An, Mỹ Trinh,.. Cổ văn: Lưu Khôn, Phan Khắc Trí, Chân Diện Mục, Danh Hữu, Đổ Chiêu Đức, Mai Vĩ Sinh, Quên Đi, Mai Lộc, Song Quang,..
Luận và nghiên cứu: Lưu Khôn, Nguyễn Trung Quân, Hà thị Phong, Đoàn Văn Liêm,..
Đó là chỉ kể vài tác giả quen thuộc với tôi, mà tôi thường thọ lãnh thơ văn, tư tưởng…Ngoài ra còn nhiều, rất nhiều cây viết khác, kể hoài cũng không hết!
Xưa ở VN, có Tao Đàn Nhị Thập Bát Tú, mà ánh sáng thì không xa hơn triều đình nhà vua là bao nhiêu, vì thi thơ được viết theo chữ Hán và chữ Nôm, mà đại đa số quần chúng thì mù chữ. Nhờ thời đại Internet, trang nhà chúng ta được quảng bá khắp năm châu, và là duyên liên lạc các anh em đồng môn ở mọi nơi. Cũng nên ghi nhận sự chịu khó của quí anh chị trách nhiệm trang nhà ptgdtdusa, tuồi hầu hết đã thất thập, nhưng vẫn giữ cho Trang Nhà một cái đẹp trang nhã, và luôn kịp thời cập nhật. Thật đáng hoan nghênh.

· Ngoài ra hằng năm chúng ta còn có một Đặc San, phong phú ở tin tức, thơ văn, khảo cứu.

Ôn cố, tri tân. Đã là một ‘trường lưu thủy’, lại gặp năm ‘trường lưu thủy’, ắt những sinh hoạt của chúng ta sẽ thuận tiện hơn, theo đó phong phú hơn.
Cho nên, trong cái nhìn ‘trường lưu thủy’ nầy, tôi xin chúc quí anh chị em và
em cháu chúng ta
::

Một Năm sức khỏe thật tốt để:

· Vui hơn trong những buổi gặp gỡ hàng tháng.

· Sinh động hơn trong những đóng góp cho trang nhà và cho Đặc San 2013 của chúng ta.

· Góp sức tích cực cho Đại Hội Hawai 2013

Và cũng chúc quí anh chị em và em cháu chúng ta cùng gia đình một Năm Mới: thành công, thịnh vượng, an vui, hạnh phúc.

Lần nữa xin cám ơn quí vị

Thân kính,

Nguyễn Văn Trường

___________________________________________________________________________

Tôi học làm thầy giáo

Nghĩ về

Học và Dạy

_________________________________________________
Nguy
n văn Tr
ường


BBT Trang Nhà: GS Nguyễn Văn Trường là cựu học sinh Collège de Cantho 1943-1948. Tác giả đã du học Pháp khi còn rất trẻ, lúc chưa xong bậc trung học tại quê nhà. Ngay tại Pháp quốc tác giả đã bắt đầu nghề giáo của mình. Trở về nước Giáo sư đã sống gần hết đời mình trong ngành giáo dục. Bài viết sau đây tác giả đã đưa ra một cái nhìn rất mới và lạ về việc dạy và học. Chẳng hạn khi nói về vai trò của người thầy, tác giả dùng ý niệm "Thập tự gíá ông thầy" tức là ông thầy phải chịu đau đớn mà làm im lặng cái TÔI của ông thầy để đi đúng cái Thiên Chức làm Thầy. Ở phần kết luận, tác giả viết: "Góp nhặt liên tục và suốt đời, để đến một lúc thấy rằng phải im lặng tất cả cái ấy, "xả bỏ" chúng đi, để sống tối đa các ân sủng Trời ban. Cuộc sống tự nó đã là một ân sủng. Hình như ai ai cũng vậy, đi vào nếp, vào những thang giá trị, những nguyên lý, nguyên tắc, phương pháp, kỹ xảo,..., rồi vỡ lẽ  là phải im lặng tất cả những thứ ấy, im lặng mọi sở đắc, buông bỏ những bức tường thành an toàn của cái TÔI, để đón lấy một cái gì bấp bênh, mong manh, bất ổn, bất an, chưa biết. Đó là cái giá phải trả để trưởng thành, để sống thực, sống đầy. Và riêng ông giáo, để là một ông giáo biết việc, biết  trọn vẹn với ân sủng được cuộc sống  học và dạy  của mình."
C
ó rất nhiều người trong gia đình PTGĐTĐ là những nhà giáo, có lẽ hôm nay cũng là dịp chúng ta thử nhìn lại một đoạn đường mình đã đi qua nhiều chục năm trước sau khi đọc bài viết rất công phu và giá trị dưới đây.
Thay mặt BBT Trang Nhà, chúng tôi xin cảm ơn Giáo Sư Nguyễn Văn Trường và xin đặc biêt giới thiệu bài viết cùng bạn đọc
._______________________________________________

Một
: Vì sao tôi chọn nghề giáo. Duyên Trời.


Nếu hỏi vì sao tôi chọn nghề dạy học, thì thật thà mà nói: cuộc đời đưa đẩy.

Trước hết là vì muốn chọn cái dễ, ít thử thách. Nhớ lại, tôi đã đặt một chân vào một trường kỹ sư rồi chớ, nhưng rồi bỏ cuộc ra học Trường Khoa Học. Như vậy, nhàn  hơn, không bị hối thúc bởi bài vở, có nhiều thì giờ trống để vui chơi, và nếu cần phải sinh sống thì có thời giờ để vừa học vừa đi  làm. Nhờ vậy mà được 3 năm làm giám thị toàn thời gian cho các trường trung học, và trong 3 năm ấy vì trường thiếu giáo sư toán, nên tôi có dạy phụ trội 4 giờ rồi 8 giờ mỗi tuần. Làm giám thị nội trú cho một trường trung học, bên ngoài nghe thấy thì khủng khiếp, nhưng nhập cuộc, khi thích nghi được với môi trường, thầy trò đã biết nhau, thì thật nhất thế chi thần tiên. Có thể là cái thần tiên chi nhất thế này đẩy đưa tôi sâu vào nghề giáo.

Có thể vì lười, thiếu kiên định, cũng có thể vì tính phóng túng của tuổi trẻ mà tôi chọn nghề dạy học. "Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể". Nghĩ vậy, thì không lý do gì mà chỉ chăm chăm vào việc sách đèn. Không đàng này, cũng có đàng khác. Trời không bỏ một ai.

Nhiệm sở đầu tiên của tôi tại quê nhà là Viện Đại Hoc Huế, vì tôi không được nhiều lựa chọn.  Vả lại, Sông Hương, Núi Ngự, Cố Đô cảnh đẹp, người đẹp, văn kỳ thanh, nhưng chưa biết. Huế với tôi rất mới, và cái mới nào cũng hiểm nguy, nhưng nhiều cuốn lôi và hứa hẹn.

"Huế đến thì dễ mà khó về." Tôi đã thành rể của xứ Huế, và "từ ấy", tôi thành người của làng giáo. Như xứ Huế, làng giáo, vào chẳng khó, nhưng lắm người mải miết trong ấy đến bạc đầu mà chẳng nghĩ bước ra. Đó là trường hợp của tôi.


Hai
.  Nhập gia tùy tục.


"Khảo sát môi trường" là từ mà chúng tôi thường nói đùa với nhau khi nhận nhiệm vụ mới. Cụ thể, phải học hỏi về ban giám hiệu, về đồng nghiệp, về những quyền hạn mà có khi không có trong nội quy, hay trong luật pháp học đường.

Ở đâu rồi cũng phải học hỏi gia phong ở đó.

Về Huế, tôi không chỉ có "ông chủ", "ban hội tề" của ông, quí vị đồng sự và sinh viên của tôi. Tôi không chỉ tuân theo có luật pháp học đường, những qui định về quyền hạn và trách nhiệm, những cấu trúc hành chánh và pháp lý trực tiếp chi phối chúng tôi.  Đâu đâu cũng có những quyền lực ngoài pháp lý. Vị thế cho quyền, quyền cho sức mạnh. Cho nên, người mình thường ghép thế với lực, quyền với lực. Thế lực, quyền lực. Quyền thế có khi phải ngầm hiểu là quyền lực chỉ do cái vị thế xã hội mà thành, hoặc vị thế do quyền lực tạo nên. Quyền thế của chủ nợ, của điền chủ,...đôi khi trực tiếp, gần gũi, dai dẵng và khó chịu. Những cái đó không có trong sách vở, và nếu mình hiểu được, mình có thể tránh không biết bao nhiêu phiền toái. Vì không được qui định trên giấy trắng mực đen, nên chúng đổi thay vô chừng, như gió như mây. Và như với gió, không một ai đứng ngoài được.

Nói chung, trong  những  thuận nghịch của môi trường, Huế, Sàigòn, Đà Lạt, Tây Ninh, suốt cuộc đời dạy học, môi trường có dành cho tôi  nhiều may mắn.


Ba
: Tôi học làm thầy giáo


Trên đây là cái nhìn chung của tôi về việc học hỏi và hội nhập. Chính yếu là ở chỗ nhận thức được những phản ảnh từ quí vị đồng sự, bạn bè, sinh viên, nói rộng hơn là từ tha nhân ở mọi nơi chốn mà mình có qua, và không chỉ về cá nhân mình mà cả về công việc chung.

Cụ thể ở Viện Đại Học Huế, cái gì xảy ra ở một trường nào khác của Viện, hẳn có tác động trên trường tôi. Chúng tôi thật là đồng hội đồng thuyền. Chúng tôi phải sớm từ bỏ cái nhìn cục bộ của một trường. Gần như lúc nào chúng tôi cũng trao đổi thông tin, học hỏi lẫn nhau để có một cái nhìn chung của Viện Đại Học trong trong những quan hệ chằng chịch với sinh viên, phụ huynh, chính quyền, các đồng nghiệp ở các ngành nghề khác bên ngoài,....

Nghe được những âm vang về việc làm của mình là một điều rất khó. Khó hơn nữa là người Huế kín đáo và tế nhị. Ngôn ngữ địa phương, giọng nói, cách diễn tả địa phương lắm khi làm cho tôi không bắt được thông điệp. Ngoài ra còn những nghi thức, lễ giáo, những tinh tế rất cố đô, mà tôi thì có khi chậm hiểu. Không những vậy, tuổi trẻ thường háo thắng, bồng bột, nông nổi trong một cái TÔI to lớn, mà tôi không là một biệt lệ. Cái TÔI ấy vừa là động cơ thúc đẩy bước lên, tiến tới, nhưng cũng là màng che làm con người không thấy được cái thật sự của sự việc để học hỏi, hiểu biết, và thích nghi.

Cho nên, muốn biết là một việc, tiếp cận, nghe thấy và học được ở môi trường là một việc khác. Bạn bè thường bảo bọn người Nam là vô sự. Thiết nghĩ: khi còn ù ù cạc cạc, ngớ ngẩn, khi còn đóng đinh mình trong một hình ảnh ít nhiều to lớn về ông thầy giáo ở trong mình, thì muốn "hữu sự " hay "sinh sự" cũng không được.

Yếu tố văn hóa địa phương tối quan trọng, quan trọng hơn nữa là chúng tôi ở trong thời kỳ khai phá khởi công của Viện Đại Học Huế. Truyền thống "tôn sư trọng đạo" là thuận duyên, nhưng có thể làm cho người dạy thỏa mãn trong vị trí ban bố kiến thức, mà quên rằng cái học –học làm thầy, học làm người—là thường xuyên và suốt đời. Học làm thầy giáo không chỉ là nhằm một số kiến thức về triết lý giáo dục, tâm lý trẻ con thanh thiếu niên, cách điều hành lớp học, luật pháp học đường, v.v. hay trong một vài giờ thực tập. Học làm thầy giáo tiên quyết phải biết môi trường, và chính yếu là ở lớp học, mỗi ngày, mỗi giờ. Lớp học là nơi người dạy thực tập tiếp cận với học viên, người dạy học nghề trong những tác động qua lại, thầy với trò và trò với trò.

Có lần cuối niên học, tôi đưa cho mỗi sinh viên của tôi một tờ giấy trắng để xin một lời góp ý. Người tiêu thụ biết món hàng hơn bất cứ ai, người học trò biết cái dạy của ông thầy hơn bất cứ ai. Về việc này, người sinh viên Huế, khả ái, nương tay, thường khuyến khích bằng những lời lẽ tích cực. Thế nên, khó cho ông thầy biết để sửa sai. Riêng tôi, tôi được cái may hiếm có. Hai sinh viên của tôi, một gái một trai, đã lễ phép cho tôi biết rằng trong lớp học, có lúc tôi quá nóng nảy, lớn tiếng và "điều này chỉ làm cho chúng con quớ thêm mà thôi".

Tôi hiểu mình dễ nóng nảy, từ lúc còn dạy một đôi giờ mỗi tuần ở trung học. Cho nên, tôi có những biện pháp giữ mình, nhất là trong một môi trường mới. Tôi giữ khoảng cách cần thiết cho sự tương kính bằng cách gọi sinh viên tôi là "Anh, Chị"[1]. Tôi có lễ phép mời lớp học tôi ngồi khi họ đứng dậy chào tôi, và không quên có lời cám ơn khi rời lớp học. Thiết nghĩ những nghi thức ấy có thể nhắc tôi là "hậu sinh khả quí", mà khi giận, mất khôn nên quên đi. Vài năm sau, tôi mới biết là "hậu sinh khả úy". Với người Nam chúng tôi, "úy" và "quí" đồng âm. Nhờ vậy, tôi có quí sinh viên tôi mà không úy kỵ.  Nếu còn cơ may trở lại dạy học, tôi sẽ xin lớp học một phút im lặng để khởi đầu giờ học. Một phút này có thể nhắc nhở lớp học và riêng tôi, phải gìn giữ một không khí dễ chịu cho mọi người. Tôi vẫn giữ "khả quí" hơn là "khả úy".

Tôi nhớ mãi bài học và tự dặn mình phải bình tĩnh hơn.

Hình như đến giờ này tôi vẫn chưa học xong. Hiểu, biết, cố gắng sửa là một việc. Sửa được là một việc khác. Thay đổi một hành vi cho chính bản thân, thật là khó. Thay đổi hành vi của một người khác, nói riêng của một học viên, ắt phải khó hơn gấp bội. Thay đổi như vậy là một phần của việc tu sửa, tu tâm sửa tánh cho mỗi ngày thêm thích hợp cho cuộc sống hợp quần. Tu sửa là giáo dục, giáo dục bản thân, giáo dục con em học sinh.


Bốn
: Tôi học làm giáo dục.


Sau niên học đầu, Trường Đại Học Sư Phạm Huế được mở rộng đào tạo giáo sư trung học đệ nhị cấp. Tôi được bổ nhậm làm phụ tá học vụ về khoa học cho ông khoa trưởng trường tôi.

Lúc bấy giờ vốn liếng sư phạm của tôi thật quá non. Kinh nghiệm trung học quá ít. Kinh nghiệm ở Việt Nam thì hoàn toàn không có. Nhưng may, tôi có được một tuần lễ huấn luyện trong một CEMEA (Centre d'entrainement aux méthodes d'éducation active, Trung Tâm huấn luyện phương pháp giáo dục hoạt động), nhằm để giữ trẻ con trong các trại hè (moniteur des colonies de vacances). Cái vốn liếng ấy, gần như không, nhưng là gạch nối và là mầm dẫn dắt tôi vào các vấn đề giáo dục.

Tôi bắt đầu theo dõi các bulletins của CEMEA, đọc các chỉ thị của Bộ Giáo Dục về việc khai triển các chương trình ở Trung và Tiểu Học, gởi xin các thông tri của Institut Pédagogique National ở Paris. Tôi bắt đầu lắng nghe và học hỏi với các đồng nghiệp. Những mẫu chuyện với quí vị giáo sư, hiệu trưởng, thanh tra ở các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Hàm nghi, Nguyễn Tri Phương, Bán Công, và Nha Đại Diện Giáo Dục giúp tôi không ít, về kinh nghiệm cũng như về triết thuyết giáo dục học đường.


Tôi học về giáo dục.

Vì tất cả sinh hoạt các khoa đều tập trung ở một vài cơ ngơi còn ít oi của Viện, nên tôi cũng học được nhiều ở quí anh chị dạy các khoa khác.

Đây là thời kỳ tôi làm quen với những tên tuổi lớn của giáo dục Lycurge, Socrate, các nhà sophistes, Khổng Mạnh, Dewey, Montessori,....   Đó là thời kỳ lượm lặt những kiến thức đó đây, không hệ thống, và cũng là thời kỳ mà tôi được khai tâm về Nhân Bản, Dân Tộc, Khai Phóng.

Tôi thích thú với định nghĩa của Institut Pédagogique National, Paris: "Mỗi giáo sư, dầu toán, lý hóa, vạn vật, ... hay chi chi khác đều phải là một nhà giáo dục."  Giáo dục không chỉ là truyền lại kiến thức hay dạy nghề. Giáo dục nhằm giúp trẻ học làm người.

Tôi cũng về Huế đúng cái lúc mà "Sông Hương vắng khách .....". Xứ của ngàn năm văn vật, không có chỗ cho khách tà dâm, cho cờ bạc, hút sách, cho sự đồi trụy. Nếu có thì lén lút đâu đó. Ông thầy giáo trong cảnh này cũng chỉ có thể có những thú vui tao nhã. Nếu có tà thì chỉ "tà tà" mà thôi, hoặc cũng lén lút, hai mặt, bên ngoài đạo đức che kín cái tà bên trong. Trong cái không khí thánh thiện hay "tà tà" ấy, một trong những thú vui của tôi là đọc truyện Tàu. Tôi đã "tà tà" xem Thủy Hử. Thủy Hử dẫn tôi đến Tây Sương Ký[2], vì cả hai đều thuộc Lục Tài Tử.

Đọc Tây Sương Ký, có hai điều đáng ghi:

Một. Truyện có thể hay trong cái thời của nó, nhưng riêng tôi, Tây Sương Ký hay là nhờ tựa và lời bình của Kim Thánh Thán. Ngẫm lại, chưa có một Thánh Thán nào cho Trường Đại Học Sư Phạm của chúng tôi. Chính quyền không làm, và nếu muốn làm cũng không làm được. Chỉ có những sinh viên của chúng tôi làm được mà thôi. Nói cách khác, tác phẩm phải tự giới thiệu với môi trường. Không một tha lực nào làm được việc này.

Hai. Tôi học được 4 chữ. Nhuộm Mây Nẩy Trăng của Thánh Thán. Vẽ mây cho trăng.

Nếu người xem tranh chỉ thấy mây đẹp mà không thấy trăng. Kể như thất bại.
Dạy học là lấy kiến thức tôi luyện con người. Kiến thức là phương tiện, là mây, con người là cứu cánh, là trăng. Nếu sau cùng ta chỉ có những " giá treo bằng cấp", minh chứng cho những bồ kiến thức, thì như mây đẹp đã làm mất cái đẹp của trăng. Tôi thèm muốn lấy hình ảnh "vẽ mây cho  trăng" này làm tôn chỉ cho trường tôi.


Năm
: Thập tự giá ông thầy.


Trên 30 năm trong làng giáo, qua nhiều chế độ khác nhau, phong trần cũng lắm, có dạy ở các trường công, trường đạo—Cao Đài, Đà Lạt, Vạn Hạnh, Bán Công Huế, Kiểu Mẫu Thủ Đức—, giờ đây, gần về điểm hẹn với ông bà, nếu phải ghi lại về nghề giáo, hay công tác giáo dục, để làm một ông giáo biết việc, thiết nghĩ có thể tóm lược trong năm chữ: "Thập Tự Giá Ông Thầy". Ông thầy ở đây nên hiểu trong nghĩa rộng là ông giáo, bà giáo.

Thập tự giá ông thầy có nghĩa là:

1.      Thu nhỏ cái hình ảnh, hay nói rộng hơn, làm im lặng con người của ông thầy, nhằm cho cái dạy có tình, có nghĩa hơn.

2.      Muốn làm được điều này, người dạy lắm khi phải qua những thử thách có thể đau đớn. Tuy khó so với việc bị đóng đinh trên thập giá. Nhưng về phương diện tâm linh, thì không khác một sự thập tự giá.

3.      Có như vậy, người thầy giáo—một con người thế tục—mới có khả năng vươn lên một thiên chức. Và đó cũng là con đường giải thoát, thoát ra khỏi những ngụp lặn hàng ngày, để không ngừng bằng lòng với chính mình, để cuộc sống ngày thêm phong phú.

Trong phần này, chúng tôi cố gắng nói rõ hơn về ba điều trên đây

@     Làm Im Lặng cái TÔI của ông thầy.

Dạy và học là hai khái niệm tương quan. Tuy nhiên dạy là nhằm cho người học. Người học là chính, người dạy là phụ. Theo truyền thống và thực tiễn học đường ta thì thầy cô giáo quá quan trọng, quá cao. "Không thầy đố mầy làm nên".  "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy". "Lương Sư Hưng Quốc". Cuộc sống thầy giáo càng khó khăn, càng khổ cực, người thầy càng được "vinh danh" trong "thiên chức". Thiết nghĩ không nên ru mình trong những lời hay tiếng đẹp có khi quá đáng ấy.  Phải trở về với thực tiễn hằng ngày. Cái thực tiễn quan trọng nhất, tiên quyết nhất là: người thầy trả lại cho người học vai chính của họ, và ngươì thầy  trở về với vai phụ của mình. Nói "trả lại", “trở về” vì trong thời của tôi, ông thầy là chính mà học trò là phụ.

Đó là ý nghĩa đầu tiên của "thập tự giá ông thầy".

Dạy không là tẩy não. Tẩy não hàm ý là tẩy sạch những gì khác cái được xem là chính thống. Trong một giới hạn nào đó, không một ai, thầy và trò, được nghĩ, nói, hành động ra ngoài cái chính thống.

Dạy cũng không là tuyên truyền. Tuyên truyền thường khuếch đại (hay giảm thiểu), bóp méo, có một nói mười (hay có mười nói một), có khi đặt điều ra mà nói.

Ông giáo, bà giáo không gói học trò mình trong cái nhìn hay những giá trị của mình. Cũng không đặt điều, thêm, bớt hay nói dối. Mình không áp đặt những giá trị của mình hay của đông đảo quần chúng.  Lúc nào cũng nhớ: tất cả đều là phụ, chỉ có người học là chính.

Và như trên có nói qua, dạy cũng không có nghĩa là đơn thuần truyền đạt kiến thức. Có truyền đạt kiến thức, nhưng chỉ là phụ. Vậy, không  có kẻ trên, người dưới, kẻ ban bố kiến thức và người thụ nhận. Đừng buộc rằng cái dạy của thầy là lời vàng thước ngọc. Đừng tập người học nhất nhất phải nghe lời mình dạy, đừng tập họ a dua, đừng làm họ khiếp sợ trước quyền lực, hay quyền bính của thầy; cũng đừng tập họ ỷ lại, cái gì cũng trông chờ ở thầy cô. Thầy cô đều là người, và là người thì cái gì cũng tương đối, có đúng có sai. Đừng tạo thói quen suy nghĩ rằng thầy thì thế nào mà sai được. Thầy cô có thể sai, sai thì nhận rằng mình sai, rồi sửa cho  đúng. Với học trò không gì bằng sự chân thật. Đừng nghĩ rằng tuổi trẻ không hiểu những câu sáo, những gượng ép nói cho qua, hoặc không biết thùng rỗng thì khua to.

Cũng nên tránh xa  cái thói quen dạy người phải làm thế này thế khác: một khuyết  tật rất  thầy giáo là xem người khác non kém chẳng biết gì.

Nên tập con người khi thấy mình hay bất cứ ai mà lúc nào cũng nghĩ đúng, nói đúng, làm đúng thì phải suy xét lại: ngay trong tự thân của người đó, chắc chắn đã có một cái gì bất ổn, cần đổi thay.

Nên để người học suy nghĩ và trách nhiệm về hành vi và nói chung về cuộc sống của họ. Xin nhắc lại lần nữa: họ là chính, hãy để họ tập trách nhiệm về cuộc sống của họ.

Thập tự giá ông thầy là nhấn mạnh trên những cái không, đừng, nên nêu trên đây.

Đó là triệt tiêu các ý đồ tẩy não, tuyên truyền cho một "chân lý", các ý nghĩ trừng trị, các thói quen làm thầy đời, lấy mình làm thước đo, triệt tiêu những ý đồ áp đặt những giá trị trên người học,... triệt tiêu mọi  cái như vậy trong người thầy.

Nói như vậy, không có nghĩa là phủ định vai trò hay quyền bính của người dạy, để rồi thầy trò cá mè một lứa. Không một ai có thể làm việc được trong tình trạng hổn mang, vô trật tự, vô kỷ cương. Trường qui là cần thiết, và cho mọi người, trong đó có thầy, có trò. Những qui pháp bất thành văn cũng vậy, phải được tôn trọng. Nhưng trên hết, người thầy  lúc nào cũng nhớ phải tôn trọng cái nhân cách đang hình thành trong người học.

Thầy trò sống với nhau ắt có nghĩa và tình. Nghĩa nói nhiệm vụ, bổn phận, trò đối với thầy, thầy với trò. Tình nghĩa tương sinh. Nghĩa là nền, là cơ sở luân lý cho tình, làm cho tình càng thêm bền vững. Nghĩa có một cái đẹp đặc thù trong nền văn hóa Đông Phương. Tuy nhiên, văn chương, thơ phú, truyện cổ, tuồng tích của ta hình như đều nhằm gắn con người vào nghĩa tình, mà nghĩa là chính yếu. Nếu có tả tình thì cái tình ấy thì cũng phải sao cho thuận với nghĩa, hoặc nếu không trọn thì đổ lỗi cho ông Trời hay do nghiệp chướng an bài. Cho nên, tuy nói tình, tuy có khai thác những gút mắc, bên tình bên nghĩa, chung qui rồi thì vẫn là vì nghĩa quên tình, hoặc là "hợp tình, hợp lý" chung chung cho thuận chiều. Dạy học nên nói tình hơn là cột người trong nghĩa, nên để nghĩa được hiểu vô hình chung ẩn tàng đâu đó, hay chỉ là một hệ quả đương nhiên của tình.

Yêu thương người học trò, ắt phải nhìn nhận nó là một giá trị. Giá trị ấy cũng là hoài bảo, hi vọng của mình. Cả cái thế hệ của nó là "tương lai của đất nước", nói rộng hơn, của nhân loại. Nếu thật tình nghĩ như thế, thì phải biết nâng niu, trân trọng giá trị ấy. Và không chỉ có vậy, còn phải tạo bên trong người học lòng tự tin. Nó phải tin rằng nó thật sự là một giá trị, nó mới thấy cần thiết tu dưỡng. Trọng tâm vẫn là những thay đổi bên trong nó: Nó muốn làm cho nó thăng hoa.

Vậy, không thể tùy tiện. Nói riêng, mọi biện pháp bạo hành, gieo rắc khiếp sợ phải được loại bỏ. Tẩy não, tuyên truyền, lấy quyền lực để áp đặt một giá trị trên người khác là bạo hành tâm linh. Thương không lúc nào là cho roi cho vọt. Thương cũng không là chế diễu, làm cho nó hỗ thẹn, làm nó cảm thấy con người nó nhỏ bé đi, để nó chừa bỏ, đừng tái diễn lỗi lầm. Làm như vậy cũng là bạo hành. Cho ngọt, cho bùi, đúng nơi, đúng lúc, đúng cách, làm cho người biết  rằng họ có giá trị, không có nghĩa là ghét—như nói trong câu"ghét cho ngọt cho bùi"— mà trái lại, đó là một biểu hiện của một sự chăm sóc tích cực của người thầy. Nếu sánh dạy dỗ như uốn nắn, hay cắt xén những cành hoang, để cây thêm hoa, quả, lá cành, thêm đẹp, thì phải thấy những hiểm nguy của việc làm này. Quá đà cây gãy, quá độ, cây còi. Đừng ngộ nhận con người với cây cỏ.

Những giòng này vẫn là cái lý của tình người dạy dành cho người học. Cái lý làm sáng cái nghĩa của tình.

Tình thương là tự bên trong, phát xuất từ những duyên lành cụ thể. Vui buồn, hờn giận, chán nản, hăng say, thích thú,...là những biểu hiện của tình, và thường thì xa lạ với lý luận phải trái thông thường. Phải thấu hiểu những nổi dậy bên trong ấy của người học, mà không tò mò đi sâu vào đời tư của họ. Cho nên, cần  tạo một môi trường an toàn cho người học được tự do nói lên những nghĩ suy, thổ lộ những tâm tình, mà không ngại bị chế diễu, cười chê, hay trừng phạt. Muốn được như vậy, thầy cô nên làm sao cho hình ảnh người thầy trong người học tiến về không, để nó không còn là một trở ngại tâm lý cho người học: Ngại bị phạt, ngại bị cười chê, ngại bị đánh giá thấp.

Tất cả những giòng trên chỉ nói một việc: làm im lặng cái TÔI của ông thầy.

Đó là:

-nhìn nhận mình—thầy cô giáo—là phụ, để tất cả cho vai chính—người học trò. Triệt tiêu mọi ý đồ bạo hành.

-tạo những điều kiện  thích hợp cho một sự đổi thay tâm lý nội tại trong người dạy: làm triệt tiêu mọi hình ảnh—về mình và về người học trò bên trong chính mình, hình ảnh về mình bên trong người học trò— hay rõ hơn là làm sao những hình ảnh ấy không lúc nào là một trở ngại tâm lý cho việc học, và theo đó cũng không  là một trở ngại cho việc dạy.

Nói cách khác, thập tự giá ông thầy cũng là làm im lặng những tiên kiến, những hình ảnh có trước về người và về mình, im lặng những giá trị lâu nay có gốc rễ sâu xa bên trong, để dễ nhận thức được cái mới, cái đang xảy ra trước mặt. Nói riêng, là để nhận thức được những diễn biến bên trong người học. Có như vậy, tình thương gắn liền với sự hiểu biết. Thương nó, vì nó, ắt phải tìm hiểu nó. Tạo một sự im lặng bên trong mình là một đổi thay tận gốc và cần thiết cho việc thương và hiểu này. Mình không còn bị lăng xăng vì cái "tôi là thầy của nó", "nó là học trò của tôi", hoặc phải thế này, thế khác.  Chỉ còn nó, người học, mà mình phải theo dõi tâm tư.

Nghe qua như là một nghịch lý. Dạy thông thường là truyền đạt những giá trị. Nội dung cái dạy là văn chương, triết học, toán, lý hóa, vạn vật, thiên văn, vân vân, là những giá trị.  Thập tự giá các tiên kiến, các hình ảnh nghe còn được. Bỏ đi những giá trị thì còn gì để dạy, để hướng dẫn?

Thật sự, nội dung dạy đã được qui định trong chương trình. Trước khi vào lớp thầy cô giáo đã sẵn có một giáo án. Đó là kế hoạch khai triển sinh hoạt lớp học trong một tiết, trên một đề tài qui định trước. Kế hoạch đó có thể tỉ mỉ, trong từng chi tiết, từng câu hỏi soạn trước. Có mở, có thân bài, có kết, có đóng. Ngoài ra, lúc nào nó cũng nằm trong kế hoạch của toàn niên học. Cho nên, ai cũng muốn thực hiện cho kỳ được giáo án. "Cháy giáo án" có thể xem là một sự yếu kém hay thất bại, và cũng có thể gây phiền toái. Kéo dài tiết học vài phút lấn sang giờ chơi, có khi cũng không xong. Không ai có lòng học trong một không khí ồn ào vì tiếng cười, tiếng la hét gọi nhau vọng từ sân chơi hay hành lang. Cho nên, có người phải "chạy theo giáo án", vì có một câu hỏi bất ngờ của học sinh, hoặc vì người ấy hăng say giải thích trên một điểm tế nhị nào đó của vấn đề, để khi nhìn lại thì đã gần hết giờ. Nếu chúng ta thật nghĩ rằng dạy không chỉ là truyền đạt giá trị, mà lấy giá trị làm duyên, để tôi luyện con người. Nếu giá trị là đề tài để tập thứ tự, siêng năng, cần mẫn, kiên nhẫn, trì chí, tập phân tích, tổng hợp các vấn đề, tập diễn tả những cảm nghĩ mình rõ ràng, mạch lạc,..... Nếu thật như vậy, thì ám ảnh bởi giáo án, bởi các giá trị mà phải truyền đạt, thì không nhận thức hết được sinh khí trong những hoạt động của lớp học, trong ánh mắt, cái nhìn, qua những câu hỏi, hoặc câu trả lời của mỗi học viên.

Truyền đạt giá trị –vẽ mây đấy—nhưng không để mây che lấp trăng. Làm im lặng các giá trị là nhấn mạnh đừng để bất cứ giá trị nào lăng xăng trong tâm trí, hay thu hút tâm trí, làm cho mất hướng nhìn trăng.

Trong suốt giòng đời, con người thu thập kiến thức, kinh nghiệm, huân tập thói quen, hình ảnh về mình và về người khác, lưu trữ những hệ thống giá trị, thiết tha với những truyền thống, tự tạo cho mình một lối suy nghĩ, một cá tính, v. v. tất cả thứ ấy được tạm gọi ở đây là những sở đắc, hay cái TÔI.   Khi các sở đắc chiếm lãnh trọn trí tuệ, thì khó còn chỗ cho cái mới. Làm im lặng được chúng là tạo một khoảng trống và một thời khắc cần thiết  cho sự thấm thấu của những giá trị mới này. Làm im lặng được chúng thì mới có khả năng nhận thức tối đa các chuyển biến bên ngoài và bên trong của chính mình. Bên ngoài là tha nhân, là môi trường, là lớp học, là những học sinh, sinh viên cá biệt và cụ thể.  Bên trong là những trạng thái tâm linh, những cảm xúc và nghĩ suy của chính ông thầy. Trong ngoài đều không ngừng chuyển biến. Quá trình chuyển biến ấy là cuộc sống. Dạy là sống. Học là sống. Muốn sống thật nghề dạy, người thầy nên biết làm im lặng cái TÔI bên trong của mình.

Trong một số giòng tu công giáo, các tu sĩ nguyện thực hiện hạnh im lặng: đi đứng, làm việc, lúc nào cũng gìn giữ không làm tiếng động, nó chuyện với nhau thường là bằng dấu hiệu, và khi quá cần thì nói thật khẽ. Nói chung là gìn giữ sự tĩnh lặng trong nhà dòng. Điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện sự im lặng tận sâu bên trong mỗi tu sĩ. Sự vâng lời tuyệt đối có khi là một trắc nghiệm xem cái TÔI còn tồn tại đến mức độ nào.

Người học Phật, ai cũng nằm lòng "vô thường", "vô ngã" và "không".

Người thầy nên theo những gương ấy mà quản lý lớp học của mình: Tập nhận thức lớp học và học viên trong cái không ngừng chuyển biến của nó, tập im lặng cái TÔI, để cái TÔI  không lúc nào là màn che cái thật sự đang xảy ra.

Thiết nghĩ thầy giáo cô giáo không là tu sĩ.  Tuy nhiên, ai ai cũng đều biết rằng cuộc sống vốn đổi thay liên hồi, không lúc nào ngưng nghỉ. Vậy, nhìn cuộc sống trong trình tự diễn biến của nó là cần,và thiết thực. Cái TÔI, hay tập hợp các sở đắc thu lượm được chỉ là sơ đồ thô sơ của quá khứ. Không mấy khi nó phù hợp với cái mới đang xảy ra, và thường nó là một trở ngại cho sự hiểu biết. Cho nên, bất cứ ai, trong thực tiển cuộc sống đều cần im lặng cái TÔI của mình để thấu triệt vô thường. Nói riêng cho thầy cô giáo.

Cuộc sống vốn đa dạng, muôn màu, muôn sắc. Vậy, không vì khác biệt mà ghét bỏ hay diệt trừ.  Làm im lặng được cái TÔI thì đương nhiên mọi xung khắc giữa tôi và khác biệt với tôi sẽ mất đi cường độ, con người dễ chấp nhận những cái khác mình. Chấp nhận không có nghĩa là nhìn nhận rằng cái khác mình là đúng.  Những cái khác mình không nhất thiết phải đúng, hay sai. Chúng đúng với một hệ thống giá trị nào đó, và sai đối với một hệ thống khác. Người mà khác hẳn mình, trực diện đối lập với mình, vẫn có quyền có tiếng nói của họ. Vì họ ở trong một hệ thống giá trị khác, họ có thể nghĩ đến những việc mà mình chưa nghĩ đến. Đứa trẻ khó dạy là đứa trẻ cần được dạy dỗ nhất. Và có thể vì đó mà người thầy học ở nó nhiều nhất. Im lặng được cái TÔI, con người dễ chấp nhận nhau hơn, gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, thương nhau hơn.

Tóm lại, ở đây giết chết cái TÔI có nghĩa  là im lặng được những tiên kiến, giá trị sẵn có, luận cương, nguyên lý, vân vân, đang ngự trị bên trong ông giáo, bà giáo. Đó là  nhằm cho bên kia, các học viên được một môi trường phù hợp hơn cho sự phát triển.

Giết chết cái TÔI cũng còn nhằm giúp cho bên nầy, thầy giáo, cô giáo có một cuộc sống thật hơn, năng động hơn, biết học trò hơn, theo đó chắc chắn là phong phú hơn.

@      Những đau đớn tất nhiên trong việc thập tự giá cái TÔI.

Nhân bản là cái bản chất người. Một yếu tố hàng đầu của nó—ít nhất là trong cái nhìn của người dạy học— là khả năng trưởng thành.

Sự trưởng thành nào cũng có những đớn đau của nó.

Trong thời gian đứa bé tập lật, bò, đứng chựng, mọc xương, mọc răng, vân vân, ít đứa trẻ nào mà không bị nóng sốt, có khi nhiệt độ lên rất cao. Đó là thí dụ cụ thể về những đau đớn tất nhiên cho sự lớn mạnh thể chất. 

Về tâm linh, trưởng thành là mở rộng đón bắt cái mới. Cũ mới đương nhiên khác nhau, thường khi mâu thuẫn, có lúc đối kháng như đêm với ngày. Thế nên, lòng có đắn đo, rây rức, có bi kịch. Đó là nguồn của những khủng hoảng tinh thần. Bi kịch có thể biến thành thảm kịch. Vậy có nhứt đầu, nhứt óc, có đau đớn, khi tiếp cận với cái mới.

Diễn trình hình thành gà con cũng là diễn trình hủy diệt quả trứng, tương tự cho con tầm từ cái kén, cho cây non từ hột giống.  Cua muốn lớn phải lột bỏ vỏ. Thí dụ như thế không thiếu.  Nói chung diễn trình trưởng thành là diễn trình từ bỏ một cái gì đó không còn thích hợp để bắt lấy một cái gì đó thích hợp hơn. Nói cách khác, một cái cũ chết đi, một cái mới sinh khởi. Có một cái TÔI chết đi, để một cái TÔI khác thế vào. Như vậy diễn biến trưởng thành là một chuỗi tử sinh, một chuỗi thập tự giá cái TÔI[3]

Cái chết nào cũng có những đớn đau của nó. Mất một người thân, tang tóc bi thương. Để chết đi một hành vi, một thói quen, một cách suy nghĩ, để chết đi bất cứ một cái gì trong tâm linh, càng thiết thân, càng nuối tiếc, càng thêm đau đớn.

Ngoài ra, cái mới là đang sinh, mình chưa biết. Rước cái mới là chấp nhận rời bỏ cái an toàn hôm qua, là rước sự phiêu lưu, những rũi may không lường trước được.

Một thí dụ: Người thầy giáo trong quá trình sống—tu tập im lặng cái tôi—đương nhiên phải rời bỏ vị trí an toàn dễ chịu của một người trên dạy kẻ dưới làm người. Thật là khó, thật là khổ, vì trong phút giây im lặng được cái TÔI ấy, bỗng nhiên, mình cảm như  bị mất quyền bính, bị truất phế ra khỏi vị trí yên ổn tôn kính ngàn đời của người thầy. Mình cảm như trở thành con người khác, chơi vơi, không còn một giá trị nào để bám giữ, để biện minh, để làm cái lý tất nhiên của cảm xúc, của nghĩ suy, của hành vi. Cuộc sống trở thành mong manh, cảm thấy như dễ bị chống đối, va chạm, tổn thương.

Vậy muốn rước cái mới, cái đang phát sinh, không thể tránh những cảm giác mất mát, hoang mang, chơi vơi, bất ổn và bất an này.

Lâu lắm rồi, tôi đã quá quen độc giảng, quen với tính thụ động của học sinh, quen với dạy một khoa học hoàn bị, một triết thuyết có hệ thống đâu ra đó, một văn chương hay đến thế là cùng, cái gì cũng đàng hoàng, có lý do vững chắc. Thật dễ cho tôi, cũng dễ cho học viên của tôi. Giờ đây, bảo tôi từ bỏ thói quen dễ chịu ấy, không chỉ cho tôi mà cho cả học viên của tôi, chỉ để nhằm tạo một không khí thuận tiện cho đối thoại. Chỉ bao nhiêu đó mà thôi, thú thật, lòng tôi chẳng muốn. Chẳng ai muốn từ bỏ một nơi êm ấm mà vượt biển phiêu lưu. Tuy nhiên, đó là cái giá phải trả để tiếp nhận thêm sinh lực, để ông thầy không cùn mòn như anh kép già lải nhải năm nầy qua tháng kia cũng những điệu bộ lúc còn thanh xuân, hoặc ca những bài xuân tình xưa cũ với giọng khàn khàn sắp tắt. 

Như vậy, chỉ nói buông bỏ một thói quen dễ chịu mà thôi, cũng lắm cân phân, ray rức. Huống chi là nguyên cả một cái TÔI "vĩ đại", mà từ lúc bé thơ nhất con người được nhồi nắn mỗi ngày nhằm xây dựng nên nó. "Phải có danh gì với núi sông", "không thành danh cũng thành nhân", "một sự nghiệp", "một cá tính", "phải thể hiện được con người của mình", đó là một vài nhóm từ mà tôi được học và còn nhớ.

Thực hiện buông bỏ cái TÔI là chấp nhận những đớn đau sinh tử trong tâm linh. Sự đau đớn không hẳn in như  bị đóng đinh trên thập giá, nhưng  nó cũng âm ĩ, nhức nhối có khi không kém.

@    Thiên Chức.

Đọc qua, những dòng trên người sắp vào nghề dạy, phải chùn bước. Người đang ở trong nghể cũng phải hãi hùng.

Tuy nhiên, phải suy nghiệm lại.

Làm im lặng cái TÔI là điều kiện cần để trực nhận được cái thật sự đang xảy ra của sự việc.  Đớn đau ở đây là tất nhiên, là cái giá phải trả cho sự lớn mạnh và để tiếp cận với cái thật nhất có được. Nói tất nhiên, tức là nói không thể tránh khỏi.

Con người bất cứ ai đều cũng bắt đầu xây dựng cho mình một cái TÔI, theo sự hướng dẫn, chỉ dạy của cha ông, của các thế hệ đi trước. Rồi đến một tuổi nào đó, con người cảm thấy vướng mắc trong cái TÔI ấy, và nhận thực rằng nó là nguồn của khổ đau. Nó tạo nên một ảo ảnh, một tâm lý tránh khó tìm dễ[4], muốn nhàn, muốn trốn chạy cái đau đớn tất nhiên, thí dụ của sinh-lão-bệnh-tử. Vì vậy, cái tất nhiên—cái không thể tránh— thường bị nhân lên với một hệ số vô cùng lớn. Càng vùng vẫy, cái lưới tất nhiên càng siết chặt. Nếu cái đau đớn tất nhiên là một, thì khổ đau vì cái TÔI quay cuồng điên đảo là vô cùng. Cho nên lắm người, đến tuổi nào đó, đi tìm đạo, tìm sự an tịnh của tâm linh.

Giê-su dạy: " Nếu ai muốn theo ta (về Nước Trời), thì hãy từ-chối mình (phủ định cái TÔI), vác thập tự giá mình (thập tự giá cái TÔI) mà theo ta. Vì hễ ai muốn cứu-mạng sống mình (cái TÔI), thì phải mất (không về được Nước của Chúa), còn hễ ai vì có ta mà mất mạng-sống mình (mất cái TÔI), thì sẽ tìm lại được (linh hồn chân thật ở Nước của Chúa)[5]." Cho nên, có những dòng tu theo hạnh khiêm cung (Christian humility) mà cốt yếu là làm im lặng cái TÔI. 

Một trong những phương tiện tu hành của người Phật Tử là phá chấp ngã tướng (cái TÔI). Ngã tướng có rơi, thì  Chân Tâm mới hiện tiền. Chừng ấy,  "cửa giải thoát—thoát khỏi cái thế tục—hé mở"

Với con người bình thường mà không có đức tin Ky Tô Giáo hay Phật Giáo, thì im lặng được cái TÔI là một phương cách để thoát khỏi những khổ đau triền miên vô cùng lớn do cái TÔI quấy nhiểu: im lặng được cái TÔI  là giữ trí não luôn mềm dẽo, tươi mát, thích nghi được với cái mới, là giữ cho tâm linh luôn linh hoạt,  luôn đáp ứng được với những đổi thay khách quan, là sống thật với vô thường. Đó có thể là con đường chân hạnh phúc.

Thế nên, khi thập tự giá cái TÔI, con người có khả năng vượt lên được khỏi những quây cuồng, điên đảo. Nhờ vậy, sống được trong cái bình thường, cái thật nhất của cuộc đời, chớ không là con rối của  cái "buộc phải là"  thế này, thế khác.  Chừng ấy nghề dạy mới có cơ may là một thiên chức. Sống trong thế tục đấy, nhưng không bị cột trong những qui định thế tục, qua "sự phải là" trong cái TÔI.  Nhờ vậy, nên có khả năng sống thêm một kích thước khác, thật hơn, trung thực hơn, biết mình và môi trường rõ hơn. Nhờ vậy mà không ngừng cải thiện— không vì lời dạy trong sách thánh hiền hay kinh kệ— mà chỉ vì thấy cần thiết cho tự thân và cho môi trường. Nói phong phú, nói thiên chức là như vậy đó.

Lời Kết

Trường Cao Đẳng Sư Phạm Huế có mặt  từ 1957, và trở thành Đại Học Sư Phạm Huế năm 1958. Từ đó liên tục tốt nghiệp các khóa giáo sư Trung Học Đệ Nhất Cấp, rồi Đệ Nhị Cấp. Sinh viên tốt nghiệp được rãi từ Bến Hải đến Hoàng Triều Cương Thổ. Vậy mà vẫn có người đi dạy tận Vĩnh Long[6], Cần Thơ[7]. Có nơi xa xôi, Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột. Có nơi xôi đậu. Cam Lộ, trên đường đi Lào, hoang vu, đèo heo hút gió. Đông Hà như một sa mạc cát nho nhỏ; mùa gió Lào, cát nóng phỏng da chân, gió tạt cát nóng hổi và rát cả mặt, nhà các giáo sư thời bấy giờ xây tường đất kín, với lổ châu mai để ngăn gió, ngăn cát, và cũng để tránh đạn pháo vô tình. Phong thổ nào, bối cảnh nào, cũng có mặt họ. Họ tự giới thiệu mình và trường mình bằng cách đem cái học về bên nhà dân. Ngày ngày họ khẳng định vị thế của họ trong nền giáo dục quốc gia.

Cho nên là một thiếu sót lớn nếu không dành một chỗ trang trọng ở đây cho những nhà giáo tiên phong này.

Một lẽ khác. Viết về tôi trong cái học làm thầy, thì không thể quên họ, người thầy thật sự trong cái học làm thầy giáo, mà lắm khi phải chịu đựng những cơn nóng nảy hay những hành vi nông nỗi của tôi. Ghi lại công sức đóng góp của họ, thiết nghĩ cũng là công bằng mà thôi.

“Nhuộm mây, nẩy trăng” chưa bao giờ được chính thức xem là tôn chỉ của trường ĐHSP Huế và Sàigòn.  Nhưng hình như, chúng tôi, trò và thầy, đều mặc nhiên hiểu, dạy không chỉ là truyền đạt kiến thức. Cứu cánh vẫn là con người đang hình thành trong đứa trẻ. Vậy cái ý “Nhuộm mây, nẩy trăng “ tiềm tàng đâu đó trong tâm trí chúng tôi.

Hình như chúng tôi cũng đồng thuận rằng các trường sư phạm chỉ hướng dẫn trong kỹ thuật nhuộm mây và gởi gấm vài suy nghĩ về việc nẩy trăng. Trong thực tế, nhuộm mây để làm đẹp cho trăng hoàn toàn do tri thức, cá tính và tâm hồn của nghệ nhân, người làm thầy cô giáo .

Phải sau 1975, khi tiếp cận được với lý thuyết nhà Phật, tôi mới hình dung được ma lực dữ dội của cái TÔI trong đời sống, và từ từ tập tành làm im lặng cái TÔI. Vấn đề không là kiềm hãm, ức chế nó. Càng muốn kiềm hãm, ức chế nó, "hàng phục" nó, diệt trừ nó, nó càng muốn bung lên như khí dưới sức nén. Phải gần đây, cái ý thập tự giá và thiên chức làm thầy mới đến với tôi.

Vậy nên xem đó chỉ là những giả định về nghề dạy học. Có điều là "thập tự giá" được cái TÔI, cuộc sống có thể dễ chịu hẳn đi, nhất là trong quan hệ gia đình. Đó là một điều khả thi, có khả năng thi hành được trong cuộc sống hàng ngày. Có điều phải kiên nhẫn và quyết tâm. Tập tạ, tập thể dục hàng ngày, để tôi luyện sức khỏe, thì những tháng đầu rất khổ sở. Đau các bắp thịt, đau cả châu thân, cảm giác uể oải, muốn nghỉ ngơi, thấy cần thiết nghỉ ngơi. Trong thời gian này, nếu nghĩ "cuộc đời đã khổ, sao lại tìm thêm cái khổ này", thì tập mà chỉ trông cho hết giờ tập, thì cái tâm lý khổ sẽ tăng, và sớm muộn gì rồi cũng bỏ cuộc. Không thể nóng vội, phải chịu khó và bền chí trong thời gian đầu; sau đó, không còn đau mình, không còn muốn né tránh; trái lại, ngày nào không tập thì lại thấy thiếu vắng. Dưỡng dục tâm linh cũng tương tự, dầu thành quả có thể khó thấy hơn.

Các đồng nghiệp, các  cựu giáo sinh sư phạm, chưa hẳn đã chia xớt với tôi về cái nhìn này. Đó cũng là phải thôi.

Trong thời bình, đưa trẻ thơ vào cái trật tự xã hội của người lớn, cũng đã là việc tế nhị. Thời chiến, càng khó hơn, sức ép từ nhiều phương. Không phải ở đâu cũng có cái may mắn của những người dạy ở các đô thị lớn.

Tai nạn nghề nghiệp trong làng giáo cũng nhiều. 1968, Tết Mậu Thân, chúng tôi mất Châu Khắc Túy. Có thể còn nhiều anh em  khác mà chúng tôi chưa được biết. Sau 30 tháng tư 1975, đông đảo anh em  bị đưa vào các trại tập trung hoặc bị sa thảy. Có được nghe anh Lê Phú Lư, phải bồng con bỏ xứ, vào Nam. Từ ấy không còn tin tức về anh ấy. Năm chìm bảy nổi, vận nước linh đinh, người thầy giáo phải theo cái bềnh bồng, rủi may của vận nước.

Nghĩ lại ghi về họ, những con người tiên phong đáng mến và đáng kính ấy thì cũng là một việc đương nhiên phải làm.

Là một thiếu sót khác, nếu ở đây tôi thiếu lời cám ơn của tôi đối với quí vị, đồng nghiệp, đồng sự, những sinh viên học sinh của các trường mà tôi có dịp may đứng lớp, nói riêng ở Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn. Huế là mối tình đầu, nhưng Sàigòn vẫn là buổi thiếu thời và khoảng đời còn lại.

Khởi sự bằng cái muốn được nhàn, được dễ dãi.  Rồi duyên đưa tôi vào nghề dạy. Rồi phải học làm thầy, làm giáo dục. Góp nhặt kiến thức, kinh nghiệm, xưa, nay, ở mọi nơi chốn. Góp nhặt liên tục và suốt đời, để đến một lúc thấy rằng phải im lặng tất cả cái ấy, "xả bỏ" chúng đi, để sống tối đa các ân sủng Trời ban. Cuộc sống tự nó đã là một ân sủng. Hình như ai ai cũng vậy, đi vào nếp, vào những thang giá trị, những nguyên lý, nguyên tắc, phương pháp, kỹ xảo,..., rồi vỡ lẽ  là phải im lặng tất cả những thứ ấy, im lặng mọi sở đắc, buông bỏ những bức tường thành an toàn của cái TÔI, để đón lấy một cái gì bấp bênh, mong manh, bất ổn, bất an, chưa biết. Đó là cái giá phải trả để trưởng thành, để sống thực, sống đầy. Và riêng ông giáo, để là một ông giáo biết việc, biết  trọn vẹn với ân sủng được cuộc sống  học và dạy  của mình.

Giờ đây, sau non  thập niên "rữa tay bỏ phấn", quí ngài khoa trưởng và bạn bè tôi dạy phải làm một bản tường trình cuối cùng cho sinh viên, đồng nghiệp, phụ huynh. Trên đây là những gì cuối đời nhìn lại, mong được chia sớt, góp ý, học hỏi.

Houston, Tháng 4, 2000

Nguyễn Văn Trường



[1] Tôi đã giữ cách xưng hô này cho đến khi thôi dạy.

[2] Mái Tây. Bản dịch Nhượng Tống, Tân Việt xuất bản.

[3] Trưởng thành là một quá trình đổi thay giúp cá nhân thích nghi được với cuộc sống, vốn không ngừng đổi thay. Tuy nhiên, không phải bất cứ sự đổi thay cá nhân nào cũng là một sự trưởng thành.

[4] khó dễ lắm khi chỉ vì quen hoặc không quen. Tránh khó tìm dễ có khi là một tâm lý sống trên thành quả, mà không muốn cầu tiến.

[5] Matthew 16:24, 16:25.  The New Testament in Vietnamese and English (Authorised Version). Published by The British & Foreign Bible Society for Gideons International.  Phần trong dấu ngoặc là do tác giả diễn dịch.

[6] Thí dụ:  Lê Phú Lư. Đệ Nhị Cấp. Vạn Vật

[7] Đoàn Văn Ut. Đệ Nhị Cấp. Toán

Site built & maintained by Tranbt21