NhanTran_newPic.jpg

TRUYỆN

ĐAN QUẾ PHONG

 Cựu HS PTG-ĐTĐ 

 East Brunswick,New Jersey

______________________________



CHẠY MÀ KHÔNG CHẠY

 

 DanquePhong_chay_1.jpg

Sau khi đọc một câu chuyện của Tuệ Tâm,"Ngôi nhà cuối cùng của tôi" kể chuyện  một người già ngày mai sẽ từ bỏ tất cả để đi vào nhà thương dưỡng lão. Chuyện kể cái tâm trạng xót xa khi biết rằng cái gia tài cả đời vợ chồng bà tạo dựng giờ chỉ được ém trong một gian phòng. Bà phải chọn, tất cả mọi thứ cho gọn, nhỏ và chỉ MỘT: bàn, ghế , tủ lạnh,  giừơng đơn, vi tính, microwave, và "một mình".  Quần áo đủ dùng vì mặc cho ai xem mà có còn đi đâu nữa đâu!.. Bà phải từ bỏ căn nhà to đẹp với hầu hết những thứ mà bà đã lựa chọn, trân quý.  

Nghĩ gì ? Có phải đây là hình ảnh của bạn của tôi đã, đang, hay sẽ xảy ra. Từ câu chuyện trên tôi học được rằng  sau sáu bảy chục năm của đời người, tất cả chỉ là một cuộc rong chơi, nhìn mọi thứ cho đã mắt, ngắm thật chán chê, sờ mó vuốt ve, mân mê thỏa thích rồi cũng bỏ lại thế gian nầy. Người thân ư? Hết rồi thời con rồi cháu quấn quýt bên chúng ta, hò hét, chạy đuổi, lật tung căn nhà làm mình mệt nhoài, cò cò chạy theo mà cười híp mắt. Những bữa cơm đoàn tụ bà mẹ lo cuống cuồng trổ tài nấu nướng sắp xếp hoàn chỉnh, ông cha cố chen vào những chiếc ghế trong phòng ăn vì số con cháu ngày một tăng. Giờ đây bọn chúng đã lớn có bạn bè, đi đại học, chim con đủ lông đủ cánh chúng phải bay đi tìm tổ riêng tư. Chúng ta mừng cho con thành nhân, cũng đồng lúc đối diện với cái tổ trống vắng trần trụi xơ xác mòn cũ như sự tàn héo của tuổi già. Chiếc lá mùa thu chín đỏ, ông hay bà lìa cành đi trước và người còn lại tự hỏi bao giờ sẽ tới phiên ta?!.  

Có chọn lựa hay sao từ khi mới sanh khóc oa oa mở mắt. À đây là cha kia là mẹ. Lăn vào đời mổi người một hoàn cảnh. Nhìn một vòng những bạn bè thân quen chưa biết rằng ai nghiệt ngã hơn ai? Giờ đây nhìn bạn hay tôi đã đến thất thập, hay bát tuần, mình nên chua xót chấp nhận hay thanh thản đối diện. 

Sáng Chủ Nhật tuyết lất phất rơi nhẹ nhàng. Dù chỉ mới bước vào giữa tháng 11 mà vùng Bắc Mỹ đã nhận hai trận tuyết. Tuần trước ngay cả các tiểu bang phía Đông Nam tuyết cũng trãi dầy xa lộ chào đón lễ Tạ Ơn. Bao nhiêu căn hộ mất điện, trường học đóng cửa hay mở trể và trên tin tức một chuyên buồn cười và dễ thương là sau khi thiếu chuẩn bị cho đợt tuyết đầu tiên (vì tiên đoán thời tiết sai) nhiều tai nạn xãy ra bị dân chúng phàn nàn, ông Thống Đốc của tiểu bang sợ quá, chuyến nầy nhiệt độ mới 40 F mà bốn chiếc truck chở đầy muối đã khởi hành đi rãi trước?  Có vừa lòng dân cái xứ Cờ Hoa nầy đâu. Có người gọi vào bình phẩm, "tiền của dân đống thuế đó nghe cha nội, sao mà hành xử ngu quá vậy" Ở đây làm tôi mọi cho dân không dễ chút nào. Chả bù chế độ Cộng Sản dân khóc dân than là đã bị "An Ninh Mạng" chăm xóc sức khỏe.                                                                                                     

Tôi phải gọi điện thoại kể chuyện nầy cho vợ chồng Tín nghe mới được. Cũng đã hơn tháng nay tôi chưa liên lạc em.

Sau vài hồi chuông ren vợ Tín trên phôn

 - Hương đó hả, vợ chồng em khỏe không?

 - Dạ tụi em thì khỏe nhưng Lợi đang bệnh, ảnh đang đi ra nhà thuốc lấy trụ sinh cho nó, còn Nhiệm đang tắm sau khi chất hết mớ gạo người ta phân phối cho tiệm. Xin lỗi chị cũng không biết chừng nào ảnh mới về tới.

 - Không sao nói chuyện với em cũng được. Chuyến nầy Lợi bị sao vậy em.

 - Cũng là vấn đề bao tử, sau khi ăn dĩa cơm tấm sáng hôm kia thì nó bị nôn hết và nóng sốt nữa!

 - Thức ăn có vấn đề gì không? -Lại đụng thịt heo chết tẩm hóa chất chứ gì, tôi tự nghĩ--

 - Hàng cơm nầy quen. Chị ơi, ngay cả đôi khi ăn cơm nhà nó vẫn.. À em đã bị về hưu non 55 tuổi nhưng em cũng chẳng khỏe khoắn gì hơn. Mong được đi du lịch cho biết đây biết đó như người ta nhưng hoàn cảnh thằng con em chị cũng biết, nói mãi cũng vậy thôi, chỉ có một thay đổi là thu nhập thì ít mà tóc bạc thì nhiều..

_ Em đã về hưu rồi?  Nhớ em nhỏ hơn chị cả một con giáp thế mà thời gian quả là nhanh, chạy cũng không kịp.

Xem chừng như tôi đã gọi không đúng lúc để nói chuyện thời tiết, trăng mây. Lợi đứa cháu tôi, đã bệnh đang bệnh, và gần như luôn luôn bệnh.  Lúc Lợi sanh ra bà mụ vô trách nhiệm không móc sạch đờm rãi, nó bị ngạt tới xanh tím đi. Kết quả là óc bị hư khi thiếu oxy cho nên bây giờ cơ thể thì lớn nhưng mãi mãi là em bé, Thằng bé nầy là cái sản phẩm của chế độ trì trệ, làm việc chiếu lệ, Lợi nghe mà không thể nói, ăn nhưng không thể tự vệ sinh, (đúng như họ mong muốn), đặt lên đầu vợ chồng Tín một cái khổ nạn. Tín nói đó là số mệnh của em, Hương nói đó là vì kiếp trước em đã làm điều ác!. Khi nghe tôi lại có thêm cháu nội Tín chúc mừng nhưng tôi cũng hiểu khổ tâm của vợ chồng nó, đứa trai nhỏ thì như đã kể trên còn đứa lớn thi gần 30 mươi rồi mà không chịu cưới vợ. Thật không biết Nhiệm có bình thường, khi tuổi đó mà vẫn chưa có bạn gái, dù cũng cao lớn khỏe mạnh đẹp trai?  Mổi lần lên face book nhìn những hình gia đình tôi vợ chồng Tín đều khen, và thỉnh thoảng kèm theo câu " không biết bao giờ em mới được bồng cháu"  

Tôi chỉ nói thêm vài câu bâng quơ rồi cúp phôn Thêm một người "bất như ý".

Chán nản tôi trở lại với ly café của tôi. hương thơm quen thuộc. Lò sưởi làm ấm dần căn phòng lạnh ngắt buổi sáng sớm, lửa bắt đầu dè dặt le lưỡi thăm dò tâm trạng ưu tư của nữ chủ nhân.  Tôi mở vi tính ra xem điện thư và tin tức như thường lệ thì điện thoại reo. Ai mà gọi sớm như nầy trong ngày cuối tuần?

 - Ồ chị Thúy. Đi làm về tới rồi sao?

 - Chủ Nhật xong phiên trực ở 5 giờ, sẽ đi ngủ sau. Chị ơi, về tới ăn xong muốn chuyện trò với chị một chút vì tâm tư dường như nặng nề quá.

Tự nhiên tim tôi đập mạnh lo sợ không biết Quỳnh có sao không?; Thúy là em họ của Quỳnh; cô bạn thân từ thời Trung học đang ở trong dưỡng trí viên. Tôi yên lặng,

 - Tôi không đánh thức chị chứ?

 - Dĩ nhiên là không, già rồi chị biết tôi ngủ như "gà" mà. Tin gì vậy, chị làm tôi lo quá. Quỳnh có khỏe không?

 - Quỳnh không sao nhưng chị Bảo thì đang đương đầu với sự tái phát của bệnh ung thư ngực cách đây hơn 10 năm.

 - Chị Bảo? Mình mới gặp chị, ồ cũng đến mấy tháng trước ở Wallmart. Hôm ấy vì gấp rút mình cũng không nói chuyện nhiều. Khổ thật, kể mình nghe rõ hơn tí đi.

 - Anh của mình đã bị tai biến 4 năm nay, chị Bảo thì vẫn đi làm vừa lo cho chồng, cũng may anh ấy tự lo vệ sinh cá nhân và từ từ nói chuyện được khá hơn .Thật mệt cho bà chị dâu của tôi, không trách là vừa 65 tuổi có được Medicare, chị nghỉ làm ngay cũng gần 6 tháng rồi. Tuấn sanh đứa con trai thứ hai và Tú thì có bồ sắp tiến tới hôn nhân, nó dẫn về giới thiệu với mọi người trong ngày hội Tết năm rồi, anh chị cũng có mặt phải không?

 - Mỗi năm không có chị Bảo làm sao có Tết. Hân hạnh cho chúng tôi đã được chia xẻ bầu không khí gia đình nầy.Tôi thật là bàng hoàng khi nghe được tin dữ chị Thúy ạ. Chị Bảo lận đận thật, mới về hưu chưa nghỉ ngơi, chưa đi chơi đây đó, chưa có giờ nựng nịu cháu nội.


 Đúng 40 năm trước, căn nhà đầu tiên của tôi ở gần nhà anh chị, là gia đình Việt Nam gần nhất trên bước đường luân lạc tha hương. Chúng tôi trở thành bạn, thường giúp đỡ lẫn nhau, Trân Bích từng giữ Tuấn Tú khi chị bị bận.                                                                                              

Ai cũng gặp khó khăn nhưng trong số đó chắc cũng phải cộng thêm anh chị ấy vào danh sách. Nhà chị và một đàn em chen chúc nhau trong một cái town house 3 phòng ngủ. Họ ra đi từ những ngày tháng đen tối 1975. Anh là con lớn và cha mẹ kẹt lại Việt Nam trong cuộc xô lấn của chuyến bay định mệnh. Anh dắt díu một bầy em 8 đứa sang đây lúc mới 24 tuổi. Anh đã gặp chị sau đó, cả hai lo cho từng đứa một đi học, dựng vợ gã chồng. -Chị cũng có hai cô em gái và đứa nhỏ nhất là bạn cùng lớp với em tôi-. Sau bao nhiêu năm, bạn có thể tưởng được là gia đình nầy đã lớn lên bao nhiêu. Có một lần ngay ngày Mother day tôi ghé nhà chị tình cờ tôi thấy bình hoa với thiệp đề _happy sister day- Chị nói ngày Father day anh cũng nhận được chay rượu, gói quà -happy brother day- từ các em mình.

 Tết, dù cho có nhiều đứa đi tiểu bang khác chúng cũng ráng tề tựu về với anh chị như cái tổ mà chúng quần thảo nhau mà lớn lên. Những đứa em chia nhau, mổi người mổi thứ từ bánh chưng, bánh tét, giò chả, bào ngư cho đến phong pháo hiếm hoi, cành đào rực rỡ hay chậu mai mùa xuân và tiếng cười dòn thổi tan những lớp tuyết dầy của cuối tháng giêng dương lịch lạnh giá New Jersey.

 Hội Tết nhà anh chị cộng thêm vài cặp bạn thân trong phòng khách trang trí kiểu Việt Nam với tranh lụa thiếu nữ mặc áo dài, nhâm nhi ly rượu vang nóng - Mulled wine-  và kể chuyện ngày xưa.Tết năm nào cũng thế, các cháu xung xăng trong bộ y phục cổ truyền, với con Lân nho nhỏ nhảy lon ton theo tiếng pháo nổ dòn, các phong lì xì màu đỏ xinh xinh được trao tay nếu chúng nói được câu chúc bằng tiếng Việt. Tôi nhớ năm Vũ con trai tôi 5, 6 tuổi gì đó, khoanh tay ngọng nghịu "Chúc bác mạnh khỏe vui vẻ và không có ghẻ."!

 - Vũ, bậy bạ cái gì mà "không có ghẻ!' Ai dạy con vậy?- Tôi nói-

 - Chị ba dạy. - nó trả lời chắc nịt rồi biến mất, để lại một tràng cười-

Cháu ngoại tôi mê được tới nhà chị Bảo để trình diễn bài đàn dương cầm mới học, nhận tiền tết mới toan, ăn thức ăn ngon qua tài nấu tuyệt vời của chị. Nhưng mà với chừng ấy sức sống cùng sự hoạt náo ấm áp thân yêu, làm sao mà cơn bệnh quái ác nầy có thể lạnh lùng ghé lại !..Không thể chấp nhận được. Tôi nghẹn ở cổ..

 - Chị biết, những người bị bệnh dù đã dứt nhưng họ phải được theo dõi hàng năm, mình bây giờ cũng đi Mammogram test mổi 2 năm chứ gì. Vấn đề là khi nó trở lại, nó đã lan qua nhiều cơ phận khác nữa không biết có chặn nổi không, chưa kể người già sức đề kháng không cao lắm đâu

Tôi yên lặng. Sao lại mới vừa nghỉ chưa được bao lâu thì lại đương đầu với bệnh, Anh Bảo còn khắc khoải với nửa người không di động dễ dàng, chị lo cho anh bao lâu khổ sở thế mà chị cũng không bao giờ than van. Thật bất công! Tôi cũng từng nghe Ellen, người làm chung cùng tôi, kể về chị chồng của bà ấy vừa nghỉ làm là bị ung thư tử cung rồi mất sau một năm. (Nếu vẫn đi cày thì bệnh không đến sao, tàn nhẩn quá!)

 - Cám ơn chị Thúy nghe, mình sẽ liên lạc chị Bảo    

Nói về Quỳnh bạn tôi trong nhóm Ngủ hổ Chi Hoa của trường Đoàn năm xưa đang chết buồn trong dưỡng trí viện. Năm đứa con gái học cùng một lớp, cùng dễ thương như "mèo" nhưng cô em chồng tôi cho rằng vì sanh năm cọp nên người gãy gánh giữa đường, người thì lận đận tình duyên, người thì lỡ làng duyên số. Không biết lâm vào trường hợp nào thì khá hơn.

Tuy nhiên Quỳnh cô bé đẹp nhất, giàu nhất, dễ thương nhất nhưng yếu đuối nhất nên không chịu nổi đã buông xuôi trước khổ nạn của cuộc sống.

Lần tôi đi thăm Quỳnh nhìn cái đầu be bé có mái tóc dài sợi trắng như màu khói, lì lợm trơ cứng theo tuổi đời, đang chạy trốn hiện tại. Sinh ngữ chính của Quỳnh là Pháp văn nên nàng có thể nói tiếng Pháp,lại không thể học tiếng Anh dù đang ở Mỹ. Nàng nhớ rõ tôi và cứ rũ tôi ra vườn hái trái, nhớ những bài thơ nàng ngâm và bài đàn piano nàng dạo. Ngồi với tôi Quỳnh tưởng mình đang ở căn nhà to ở gần cầu củi bên cửa sỗ có cội Hoàng Lan hương thơm dìu dịu trong những đêm hè, chùm mận đỏ chia cùng các bạn, ly nước đá mít tố nữ từ vườn hái vô. Nàng nói đến những lần ngâm thơ văn nghệ, phát thưởng, họp đoàn, tiếng vổ tay, và tiếng cười trong veo. Nàng chon lựa chạy trốn hiện tai, chỉ muốn giữ cho mình những hình ảnh cũ, hiền hòa dễ thương của ngày xưa.

1975, nhà giàu thì đi kinh tế mới, căn nhà bị lấy, Quỳnh giã biệt mọi thứ ở cái tuổi 25, bị  mất ngay cả chính mình. Dù sao người đàn bà của Tuệ Tâm cũng còn lại một căn phòng tiện nghi, một tủ lạnh nhỏ nhưng bao giờ cũng đầy và nhất là tấm thẻ nhà bank.

Quản đời tươi đẹp đã qua. Người yêu đã bỏ em đi, Quỳnh cố gắng trở lại nhờ vã người anh lớn khác mẹ với Quỳnh ở Cần Thơ. Cơm  không lành canh không ngọt, Quỳnh nhận đi dạy học trong Rạch Gòi một xã điêu hiu..  và nhan sắc ấy đã quyến rũ bọn ruồi nhặng nham nhỡ của cái quầng thể bát nháo vô luân nên thân gái không áo giáp đã bị vỡ vụng, dùi nát. Đúng ra Hoa Quỳnh nở cho tao nhân mặc khách thưởng ngoạn với, rượu quý trà thơm nhưng than ôi" nước mất nhà tan sói lang rời hang động!" Người con gái ấy đã mất tất cả trước khi cái tuổi mà bạn và tôi sắp mất và sẽ mất.Thế thì thế nào?

Chúng ta đều phải đứng dậy sau khi té. Quỳnh theo cha mẹ định cư, cũng đi làm cũng có thiện chí dựng lại đời mình nhưng bản chất yếu đuối và sự tổn thương nặng nề làm cho Quỳnh chao đảo. Những cuộc tình sau đó không đi đến đâu, Quỳnh đã luôn hoãng sợ vì gợi nhớ thảm kịch ngày nào nên, đôi khi bất ngờ chạy trốn, dấu 

DanquePhong_2.jpg

mặt và khóc nức nở. Sau nầy Quỳnh từ chối hẹn hò, tự nói chuyện một mình và không còn phân biệt điểm thời gian.

 

Chuyện người già trên quê hương tôi Nguồn Kết nối miền Tây

         Đâu đó trên báo Nguồn Kết Nối Miền Tây có video clip ngắn quay cảnh của đôi vợ chồng già vì nhìn ra hoàn cảnh con mình nghèo quá nên lặng lẻ dắt díu nhau ra sống trên một chiếc ghe bỏ hoang. Bà đã 89, ông 99 tuổi, ngay ngày đi bán vé số kiềm chút tiền còm đem về lo rau cháo cho ông. Có lẽ người làm phim đem thịt gà quay xà lách tới nên cụ bà xé thịt gà đút cho cụ ông ăn. Cụ ngọt ngào hỏi:  "Ông ăn ngon không? Lâu lắm mới có được bữa ăn ngon!" Cụ ông móm mém gật đầu. Sau miếng thứ hai, cụ ông nói với cụ bà: "Bà ăn đi!" Nhưng cụ bà lắc đầu. Khi cụ ông ra dấu không muốn ăn nữa, cụ bà dỗ dành: "Không ăn thịt gà thì ăn cháo nha''.

Nghe đoạn Video, nhìn hình ảnh bà đi bán vé số ông nằm chờ trên chiếc võng, như nói hết đâu đó cái tình mộc mạc, cái nghĩa vợ chồng thật thà, trìu mến thâm sâu không tính toán cân đo. Sống nghèo khó mà vẫn vui vẻ không than van, chấp nhận rồi sẽ tới cái ngày bà nằm xuống, chỉ sợ ông bơ vơ!  Bất chợt tôi nhớ tới hình ảnh bà Trần Tế Xương. Quý lắm, thương lắm cái đặc thù dân tộc Việt nói chung và nét đẹp thuần khiết hiền hòa đôn hậu của người đàn bà Việt Nam nói riêng làm xao xuyến xúc động lòng người.  

Má tôi cũng rất già nhưng mai mắn hơn. Bà có tám đứa con, tôi bay mất đã gần 40 năm, làm "khúc ruột ngàn dặm" thì không kể rồi. Con gái thứ tám mất lúc mới hơn ba mươi, làm bà khóc đến mờ mắt. Sáu đứa ở VN xem ra rất có hiếu, thay phiên chăm xóc bà những ngày bóng xế tà dương. Lúc còn khỏe mạnh với sự chu cấp vật chất của đứa con Việt Kiều thì bà cũng rủng rỉnh chút tiền còm trong túi, có đủ uy quyền của một bà mẹ tự lập, vui với tình thương sự tôn kính và đôi khi vòi vĩnh của bầy cháu.                 

Cả cuộc đời tôi lần đầu vê Việt Nam sau 15 năm, cha mất đã 21 ngày, thăm mẹ như thăm bẫy ngỡ ngàng nhìn "bãi biền biến thành ruộng dâu" chị em, bè bạn nói năng giữ kẻ. Tự biết mình đã không còn thuộc nơi nầy.       

Rồi tới phiên mẹ bệnh, lần đó, ngồi cùng mẹ suốt ba tuần lễ, nói những lời thương yêu có thể là lần cuối. Nhìn làn da nhăn nheo như  trái nho khô, đôi tay cành củi trơ xương và mái tóc trắng, tôi bất giác lo sợ và biết rằng thời gian còn lại với mẹ đếm bằng ngày bằng giờ!.Tôi phải tận dụng nó không rời nửa bước.Tôi tận tụy đút cho bà miếng cháo lõng, củ khoai nghiền, dẫn bà tập tểnh đi lại sau cuộc giải phẩu giành giật cùng thần chết chờ tôi về. Tôi cố nói những lời an ủi trấn an bà hay cũng trấn an chính tôi. Anh chị em thay phiên nhau làm y tá. Mẹ không bị đi nhà thương dưỡng lão, không phải tập dần sự chia cắt, bà được vây quanh cùng con cháu nhưng dường như bà cũng chẳng cần. Cổ máy từ từ chậm cho dù mình cố thay bao nhiêu cơ phận thì một lúc nào đó nó cũng sẽ èn ẹt  từ chối chuyển động. Bà đã mệt  mỏi như ngọn đèn cạn dầu, không thiết ăn, muốn ngủ sâu và từ từ không biết gì!  Tôi sắp bảy bó, bà hơn tôi 20 tuổi. Đây có phải là hình ảnh của tôi 20 năm sau.                                                                           

Tuổi già ai cũng sẽ đối diện phải xót xa chối bỏ, chạy trốn hay mĩm cười chấp nhận. Làm sao ngăn được dòng sông sắp đổ ra cửa khẩu, gập ghềnh xao động hay êm ã, an bình, tự tâm chúng ta chọn lựa mà thôi.

Một nhà văn nào đó đã nói tuổi về hưu là" tuổi vàng" .Còn khỏe mạnh đi lại được thì làm sao mà cô đơn với hội đoàn, chùa, nhà thờ, và các chương trình thiện nguyện. Tôi còn mai mắn hơn vì có Thầy, có Bạn có mổi năm một lần họp mặt trường xưa cùng trao đổi thư từ trên mạng và còn cùng các cô cậu học trò từ nơi xa xôi vẫn theo đuổi lý tưởng của mình mong góp một tay làm điều tốt cho xã hội. Cám ơn các em giúp tôi tin yêu và quên hết tuổi đời.

Xin mượn bài thơ sau đây của YOUTH để làm câu kết luận 

"Không một ai lại già cỗi đi vì những năm tháng trôi qua. Chúng ta già nua bởi vì ruồng bỏ lý tưởng của mình. Năm tháng có thể làm nhăn nhúm làn da của chúng ta, nhưng sự từ bỏ tinh thần hăng say, phấn khởi mới làm tâm hồn chúng ta héo hắt.'


By Samuel Ullman (1840-1925)

ĐAN QUẾ PHONG   1-11-2019

 

 

THẾ NÀO LÀ HẠNH PHÚC

 

TL_HeartInPalms.jpg 

 

-Ngày mai em có thể ném chiếc đồng hồ báo thức vào sọt rát rồi anh ạ. Không cần thức đúng giờ nữa. Thế là "Thênh thang thơ túi rượu bầu" anh xem mình sẽ dự kiến đi chơi đâu bây giờ.

-Chúc mừng em được nghỉ hưu, anh đã chờ cho em cũng được ở nhà, vì thật bất công nếu anh có thể ngủ nướng mà em thì không.

-Em đã đọc đâu đó rằng 65 tuổi chỉ là mới bắt đầu cho cuộc rong chơi. Anh nghỉ trước em vậy anh thấy như thế nào?

-Hãy tự mình chiêm nghiệm vì có thể anh khác hơn em, chưa kể không ai giống ai về sở thích, mong rằng sức khỏe chúng ta vẫn ổn để làm mọi việc mà em gọi là 65 tuổi chỉ mới bắt đầu.

-Mình đi Việt Nam đi. Trước là thăm má em sau là chu du hết một vòng từ Nam ra Bắc, thăm Bến Hải đến Cà Mau, lên cao nguyên nhìn những cô gái Thái Trắng mà anh thường ca tụng. Đến cột mốc Lao Cai Sa Pa nhìn sang biên giới Việt Trung để ngậm ngùi  đâu rồi thác Bản Dốc, ải Nam Quan!!..

 

  • Và chúng tôi đi VN, đó là chỗ duy nhất ông xã tôi muốn đi. Thế là trãi nghiệm dài dài từ tô phở be bé Hà Nội, bánh tôm chiên đượm dầu Hồ Tây, và oằn oại đau bụng vì mắm tôm Đà Nẵng. Thật buồn vì tôi đã không còn quen nổi với thức ăn lạ..

-Chắc rau quả tôm cá lóc nướng trui, rau tươi miền Nam sẽ dễ chịu hơn hả anh.

-Anh cũng nghĩ vậy. Có một điều anh muốn thú thật với em là đôi chân anh nó đòi nghỉ ngơi,  lúc leo lên chùa Yên Tử ở Bà Nà hay xuống động Thiên Đường ở Quảng Bình nó kêu lên răn rắc đó em.

-Anh vẫn còn khỏe lắm mà, anh ráng lên nếu không vài năm nữa ai có thể nói trước được. Giang san Nam Việt đẹp vô ngần, em vẫn còn mê đắm và mơ ước đi nhiều nơi khác nữa, nhưng nếu chỉ có mình em đi thôi không thể vui. 

  • Và chúng tôi thăm Châu Đốc, Hà Tiên, Thái Lan, xứ chùa Tháp Angkor wat. Đi Bạc Liêu ra tới tận bờ biển mặn đục mùi bùn, ăn cua biền, ba khía, cá kèo tươi. Về quê Bún Tàu xứ cá rô đồng biết nói, ăn lẫu với rau đắng mọc sau hè và một tháng trôi qua. Nguyên không nói gì nhưng tôi bắt đầu buồn chán... Nhớ nhà, nhớ chiếc bếp tiện nghi theo ý mình, nhớ chiếc giường có thật nhiều gối sạch và êm, nhớ mấy chậu Lan bên cửa sỗ chẳng biết có còn tươi, nhớ con cháu ngoại ngày tôi đi ôm chân khóc đòi theo, và bây giờ không biết có còn nhỏng nhẻo đòi tôi đắp chăn mỗi đêm mới chịu lên giường. Và đám cưới cho thằng Út, áo dài cho cô dâu, chú rễ đang đặt may, nữ trang, xính lễ, ôi thôi sao mà lắm chuyện...Hình như dưỡng già cơ thể mà bộ óc chưa chịu nằm yên.

 

  • Năm đầu đi hai ba nơi, sau đó từ từ mỗi năm môt chỗ. Đi chơi Úc Châu, đi Yellow Stone Park rồi đi Cruise. Dù sao thì thời gian cũng rất thừa thải, tôi làm bếp tự thử thách mình. Đi chợ thứ gì cũng mua. Lên mạng học nấu những món lạ. Ông xã lúc đầu còn hoan hô hết mình và cảm thấy sung sướng vì cứ được đổi món dù ngon hay dở nhưng từ từ tôi thấy Nguyên chỉ im lặng và thức ăn cứ tiếp tục chồng chất vào hộp mà không ai buồn nhìn lần thứ hai. Tôi hỏi:

-Món Bún Gỏi Già nầy như thế nào, có ngon không?

-Thì anh đang ăn nè...

-Còn món Bánh Tráng Trộn hôm qua anh cất lại sao không thấy anh đụng tới, còn ề Bánh Canh và Bánh Xèo nữa..

Nguyên nhìn tôi một lúc rồi nói:

-Ngày nào cũng có món mới tội gì ăn món cũ, em nhìn xem những cái quần không còn gài nút được, còn em  thì ăn như mèo...

Tôi cúi mặt biết mình phải làm gì!

 

DanQuePhong_Husbandrandchild.jpg

 

Hạnh phúc là đây. 

Thì đổi bài bản, không đi chợ thức ăn, tôi đi chợ gia dụng. Biết bao nhiêu đồ hạ giá lúc còn đi làm đâu có giờ nhìn qua, rẻ quá chừng. Mua thêm thì Nguyên không nói gì nhưng ném đi thì anh không nỡ, kết quả đến chính tôi cũng thấy cần suy nghĩ cho cái chỗ chứa như lớp học không đủ bàn cho học trò. Ví dụ như tôi mua thêm bốn cái tô Oneida xong khi chất vô tủ thì thấy mình quên là đã có bốn bộ tô Lenox có luôn cả dĩa Trân mới tặng hôm Chistmas, và hai thùng quà tặng cho công nhân làm việc 25 năm, 30 năm từ Dow Jones. Nguyên chọn bộ dao J. A. Henckels ba thằng hình của Đức, tôi chọn bộ nồi Calphalon 8 cái còn mới toanh. Lấy ra dùng ngay, lại nấu ăn ư?  Thôi thì tấn công phòng ngủ vậy. Tôi thay bộ đồ trãi giường, màn, gối...Tối đó Nguyên than khổ vì chẳng còn đủ chỗ nằm... Với 8 cái gối và hai gối ôm dài tôi biện hộ:

-Khi đọc sách ta dùng chêm lưng, gác chân mệt nghỉ chẳng thích sao, từ nhỏ em đã cần gối ôm. 

     Nguyên yên lặng, tôi đảo mắt nhìn. Giường để nằm hay để chứa gối? Vứt bỏ chăng? Cái nào cũng mới. Không cần phải tiêu tiền ở đây nữa.

 

  • "Nhàn cư vi bất thiện" tôi lại quay sang mua sắm cho bản thân. Cuối tuần là đi một vòng Macy's, Outlet toàn là hàng hiệu. Tôi có bệnh mê giày và xách tay... Tôi chưa đến nổi mua LV, Gucci hai ba ngàn nhưng dạo nầy tôi đã có gần 10 cái Coach, tự nhiên tôi nhớ đến một cô gái làm việc cùng tôi ở nhà báo The Wall Street Journal vì mê xách tay Coach mà biển thủ mấy ngàn đồng tiền của hãng bị đuổi việc. Họ xét nhà cô có 7 cái xách tay Coach! Một công việc tốt bị mất với cái giá quá rẻ.

 

 Thương cho bọn trẻ, nhiều nhu cầu mà không tiền, thật bất công thay khi đến lúc già thế nầy thì, hết đi giày cao, hết mặc đầm đẹp để đi làm mỗi ngày thì trang phục đẹp dùng vào chỗ nào đây? Tại sao người già được trúng số mà người trẻ thì rất ít khi. Cứ mỗi lần Sinh Nhât, Noel, lễ Mẹ là các con tôi lại tặng thêm áo, khăn, giày. Mặc đi đâu? Chỉ dùng ngày Chủ Nhật đi nhà thờ. Ngày thường lấy một cái đầm ra mặc thì ông xã hỏi

 -Bà định đi đâu vậy? !..

À hà, đi ra đi vô! Có phi lý không?  Tôi soạn áo quần thời đi làm loại ra từ từ cho cơ quan từ thiện. Nữ trang ư. Tôi đang phải suy nghĩ xem thứ nào cho đứa nào một khi trăm tuổi.  Chưa kể sau vụ trộm vào nhà tôi thấy sắm vàng ngọc chi cho bận tâm, mọi người chỉ khen đẹp chứ đâu hỏi xem thật hay giả. Bọn trẻ bây giờ phải đeo sao cho thích hợp với xiêm y nên đổi mỗi ngày và ném lăn lóc sau vài tháng vì cho là đã lỗi thời; không như má tôi vừa giải phẫu xong là hỏi "đôi bông cẩm thạch của mẹ đâu rồi?" (Đôi bông cưới của ba tôi cho). Nguyên hay nói: "ngày xưa thèm ăn không có mà ăn, bây giờ thực phẩm đầy dẫy thì sợ cao máu, cao mỡ tiểu đường."

 

Có nhiều người số cực nên nhàn quá sẽ sanh bệnh. Chắc tôi ở trong số đó.  Tôi sợ ăn ngon vì quá béo, đang khỏe mạnh thì phải giữ gìn trọng lượng, đi chơi toàn ăn ngoài, hàng quán chỉ chủ động vừa miệng, biết trong đó có gì, nhất là Việt Nam, thực phẩm nghi ngờ quá, còn thức ăn Tây cũng tàm tạm không hợp khẩu vị  trừ một vài món.. Canh chua cá kho tộ vẫn đứng hàng đầu. 

     Còn một vấn đề nữa. Đi chơi đương nhiên cần có bạn đồng hành, cá nhân tôi, Ông Xã cặp chân không tốt lắm chỉ muốn nằm nhà. Tìm được một bạn đi cùng thật khó khan, kết quả chỉ có những chuyến đi dài cùng con cháu là tôi vui, hay những lần họp mặt bạn bè cùng trường, nhưng một năm mới có một lần, kéo dài tối đa là mười hôm. Tôi sẽ dùng thời gian còn lại như thế nào đây?                                                                      

 

Căn nhà hai vơ chồng già, mọi thứ đâu vào đấy không cần dọn dẹp như ngày xưa. Làm vườn trồng tỉa chỉ có được mấy tháng hè. Vùng tôi ở không có nhiều bạn Việt Nam để quần tụ cuối tuần. Lướt qua mạng chuyện trò cùng các bạn từ mọi nơi, người thì ông nội tại gia người thì mới lên chức bà ngoại. Mấy cô em họ thấy tấm ảnh tôi cùng các cháu vây quanh đều bảo vui quá, chị có phước quá, cháu ngoại chị xinh đẹp làm sao!! Tôi nhìn lại bức hình giống phật Di Lặc và đàn trẻ của tranh Tàu phong sắc hồng vàng tươi thắm mà lúc trẻ tôi cứ tự hỏi: "làm sao có trẻ bụ bẫm phương phi tươi như những đóa hoa thế ấy, chắc là tiền thân của Tiên Đồng Ngọc Nữ trên trời?"  Cháu tôi cũng đẹp lắm, con lai mà,  trẻ ở Tây phương tròn lẳn, trắng trẻo không bị ràng buộc, hiếu động, trần trùng trục trong mùa hè, không sợ nắng, sợ gió bao che quá độ, trùm kín như người mình. Tự nhiên tôi muốn tiếp tục làm bà ngoại bà nội để nghe chí chóe tiếng trẻ thơ cho thấy mình còn hữu ích.

 

Khương bước ra cửa sau khi hôn Tuyết Dung trên má và hôn tôi trên tóc.

-Con thương mẹ. Nếu mệt thì nói với con.

Khương không quên nói với đứa con 5 tháng của mình đại khái như:

-Dung không được làm khó bà nội nghe chưa, ngoan nghe chưa, Nội thương con lắm đó biết không..

DanQuePhong_AvalonandAbe.jpg

Tôi nhìn thằng bé ra xe, sơ mi trắng kẻ xọc nhỏ màu xanh lơ tay cầm chiếc túi da đen đựng giấy tờ, móc thêm trên khuỷu tay chiếc veston cùng màu với quần nó đang mặc, không có cravat, chứng tỏ hôm nay nó không ra toà. Khương đứng lại trước khi mở cửa xe, nó soi mặt và sửa lại mái tóc bằng kiến chiếu hậu, thằng con nầy thà chọn nghề thầy cãi bấp bênh mà được mặc áo đẹp, nói chuyện trước đám đông. Loay hoay nó cũng đã làm việc ở văn phòng nầy gần 5 năm rồi.

...và hạnh Phúc cũng là đây! 

     Khương, con trai út của tôi đáng lẽ phải được đặt tên là "út Ráng" vì 36 tuổi tôi mới ráng ra được một cậu con trai trong khi chị lớn nó đã 11 tuổi chị kế 9 tuổi. Nó nói nhờ nó mà tôi trẻ ra hay nhờ nó mà đến tuổi nầy tôi vẫn xông pha lái xe mỗi tuần hàng trăm cây số xuống đây, đẩy cháu đi vòng vòng, pha sữa, thay tả và hát ầu ơ ví dầu.

 

Trước tháng 7 tôi  vẫn ở nhà Bích, lo cho Hồng và Trang từ thứ hai tới thứ sáu Nhà Bích chỉ cách nhà tôi 15 phút lái xe, công việc nhẹ nhàng hơn: cho hai đứa cháu lên xe bus lúc 6 giờ 50 và lo cho chúng ăn uống ở 4 giờ 30, cộng với đi học bơi thứ hai; học võ thứ ba, thứ tư; học đàn thứ năm...Thời biểu mỗi ngày: Sáng 6 giờ đèn bật sang, vệ sinh thông thường xong là bọn trè ngồi vào tập đàn 15 phút, làm bài tập toán 10 phút, ăn sáng thật nhanh là bước ra cửa lên xe bus lúc 6 giờ 50, không quên hôn tôi một cái và nói: "Con thương bà ngoại rất nhiều, con nghe lời bà ngoại.." Chúng nó nói như con cưỡng thay cho câu "bye bye", câu nầy cũng được nói trước khi đi ngủ. Thật không biết chúng thương tôi được bao nhiêu nhưng nghe cũng vui vui, mỗi lần đi hè hay nghỉ lễ phài xa nhau hàng tuần là Trang khóc xước mước... "Một tuần lâu lắm, con nhớ bà ngoại" thế là đủ cho ngoại nầy phải bỏ hết mọi thứ mà đến với chúng; tôi cũng nhớ thương chúng. Trang là con bé nói nhiều giống mẹ Bích như in tới mức trong lớp học võ nhiều khi tôi đã gọi nó là Bích. Tôi bơi trong ánh mắt thiên thần và thích thú lắng nghe những suy luận, hồn nhiên trẻ trung đến ngỡ ngàng.                                                                                                                                  

  • Thiên Trang giận mẹ vì ngày lễ Do Thái giáo tuần nầy nó không thể đi lớp toán được nó tuyên bố không nói chuyện với mẹ. Đến trưa đói bụng không biết làm sao nó nghĩ ra rằng: Không nói nhưng viết lên giấy thì được thế là Trang viết: "con đói bụng" và trao cho cha nó chuyền đến mẹ nó. Trên giấy còn nói thêm: "có thể ngày mai nó sẽ nói chuyện lại, cũng có thể là tới tháng giêng mới nói...". Giáo dục tự do bình đẳng ở Mỹ là như thế mà trẻ con lớn lên với mọi hình vóc, kỳ hoa dị thảo, không theo khuôn khổ nào.

 

Bây giờ thì tôi bị "đổi nhiệm sở", công việc thì cũng như thế nhưng 4 ngày cho Khương, 1 ngày cho Bích và ông ngoại tiếp1 ngày, còn lại thì Henry gánh lấy. Bích biết Khương cần tôi hơn và tôi cũng đã giúp nó 10 năm rồi.

Trang mê em bé Tuyết Dung của Khương, không biết có ganh tị không nhưng chị nàng nói với tôi trước khi tôi ra cửa :

-"Ngoại thật may mắn được chơi với T. Dung bốn ngày một tuần, cậu Khương và mợ Janet thì sống với em bé suốt ngày đêm".

-Trang nên biết là nhiều khi em bé khóc, ì ra thúi ùm phài thay tã, dỗ dành, tắm, rửa cực khổ lắm chứ nó đâu có cười suốt ngày đâu.

-Con chịu săn sóc nó mà.

    Con gái trời sinh là như vậy??

 

Một chút khác một chút lo. Con dâu chứ không phải con gái. Mà con dâu Mỹ nữa, tôi và thằng con chỉ nói tiếng Việt với nhau, tôi cố tình như thế, thỉnh thoảng Khương cũng dịch ra cho vợ nhưng nó nói với vợ là cần kiện toàn tiếng Việt của nó, mà thật sự khi ở cùng tôi mới thấy tại sao Khương từng nói với tôi là  những thân chủ người Việt của nó nói với nó là nó nói tiếng Việt "buồn cười", tôi bắt đầu chú ý và bắt được ngay. Cái lối dịch từ tiếng Anh ví như:

  • "Dạo nầy Xuân Hồng "mọc" (grow up) lên nhanh quá hết còn là con nít ... hay là con "cầm" (hold ) con của con chỉ một tay thôi giống như ba hay nhắc lại là ngày xưa "cầm" mỗi chị trên một tay.

 

Vào nhà Khương tôi học thêm cái lịch sự hơi nhiều của chúng, ngay cả con trai tôi: cám ơn cho mỗi một việc tôi làm: Cám ơn mẹ lo cho Tuyết Dung, Cám ơn mẹ chất dùm con máy rửa chén. Cám ơn mẹ, cám ơn mẹ nhiều đến nổi tôi phải nói:

-Có phải người ngoài đâu mà phải cám ơn, hãy giữ ở trong lòng.

-Không sao, nói để nhớ mẹ tốt như thế nào,và nhắc cho Janet biết gia đình mình khác hơn gia đình kiểu Mỹ bao nhiêu.

 

Thời biểu của một người gẩn 70, đã về hưu như thế nầy chắc ai cũng ngao ngán: "Chèn ơi còn cực hơn thời đi làm". Tôi lại được nghe nhiều lời khuyên của bạn bè, đồng tình cũng có mà phản bác thì nhiều hơn:

  • " - Mình đã nuôi nó, con nó thì nó tự mà nuôi- Nào là - Đừng có dại dột bán hết nhà cửa mà về ở chung mất hết tự do: kho cá thì hôi nhà, chưa kể nếu bạn xào mắm ruốc thì nó tưởng là xì ống gas - và tệ hơn nữa nhiều người cảnh báo chúng tôi -Tại sao phải nô lệ cho dâu rễ, khi già nó cũng đẩy vô nhà thương dưỡng lão thôi"

 

Tôi cũng như bạn. Đã ý thức cuộc đời phù du, qua nhanh, sợ hết còn đi nổi cần phải hưởng thụ, đi chơi thật nhiều ngay bây giờ, ăn thứ gì thích dù cho đắt bao nhiêu, mua thứ gì ngày xưa mơ ước không nệ giá cả... Lợi dụng đúng cái tâm lý đó nên bao nhiêu dịch vụ cho người già sinh ra kể cả làm đẹp cho các bà và "dung dăng dung dẻ" cho các ông. Họ làm giàu từ chúng ta.

Tôi không phê phán chọn lựa của mỗi người nhưng cá nhân tôi dạo mới nghỉ việc tôi đã thử sống du hí như đã kể trên. Bạn bè thân quen thương thì mới truyền kinh nghiệm cho nhau, nhưng đúng như Nguyên nói mình hãy tự chiêm nghiệm. Tôi đã mua sắm, du ngoạn nhưng dường như tôi đang chạy trốn cái hiện tại vô dụng khi tôi vẫn hữu dụng, sợ hãi sắp chết tới nơi rồi dù chưa chết nên tiêu hoang oan uổng những đồng tiền một thời chắt chiu dành dụm, và đổ tiền vô các dịch vụ hưởng lạc mà tôi chẳng thấy vui bao nhiêu. Tại sao lại hối hả lo già khi chưa thật già. Cố trèo núi băng sông khi cơ thể mệt nhoài chỉ muốn ngồi nhà ngắm mấy chậu hồng, nhìn vườn rau xanh mướt. 

Với tôi làm những việc mình thích là hạnh phúc. Tôi giúp con nuôi cháu vì tôi muốn làm, không vì nhu cầu cơm áo, muốn nghỉ thì nghỉ.

Tiền hưu liểm rủng rỉnh già rồi ăn bao nhiêu. Không như thời nhìn sắc mặt cấp trên và lo lắng phải bị sa thải. Bọn con cháu thừa thông minh để hiểu, nếu muốn mẹ mình ở trong nhà. Phải nói là tôi được khá nuông chìu - tôi vui với không khí gia đình và tình yêu thương, hiện nay phải nói là "chơi" chứ không phải công việc. Đọc tới đây nhiều người sẽ phản đối hay nói:

  • -Vì tôi có phước có con có hiếu nên mọi sự dễ dàng, nếu gặp đứa con không ra gì thì sao?
  • -Hay tại bà còn dùng được nên bọn nó ân cần, khi bà nằm một chỗ xem có đứa nào nó muốn bà nữa hay không?

 

       Vâng, sự thật, mặt trái của cuộc sống luôn có chỗ xấu xí. Bạn mặc áo bạn đâu có lộn bề trái ra ngoài; bức ảnh nào khó coi bạn đâu muốn ai nhìn thấy. Tôi chỉ muốn nhìn cái đẹp của một dòng sông thì tôi cũng chỉ muốn nhớ cái dễ thương, câu nói ngọt ngào của đàn cháu con thân yêu hiện tại. Hãy sống ngay hôm nay, hớp lấy, uống những lời mật ngọt của đàn cháu thân yêu, đừng lo đừng sợ mà phí uổng tuổi vàng đang được nuông chìu. Chuyện bạn già, da nhăn nheo, đi ba chân rồi bốn chân rồi nằm một chỗ như trẻ sơ sinh xấu xí, trần trụi rồi sẽ tới một cách tự nhiên không ai có thể chọn lựa thì lo làm gì cho đời mất vui. Tất cả là do ta gieo hạt nào thì gặt quả nấy tôi tin như thế. Con tôi nó sẽ hành xử thế nào là chuyện của chúng nó, là không đúng khi phê phán ngay bây giờ và tôi cũng tự mình chọn lựa thế nào cho những ngày cuối của cuộc đời mình chứ không đổ lên trách nhiệm nặng nề nầy cho những đứa con thân yêu của tôi.

 

            Xã hội chúng ta sống không giống xã hội Việt Nam ngày nay. Tôi đã cho các con không tính toán hiện tại và không đòi trả gì ở tương lai. Khi đã nghỉ dưỡng cũng có tiền hàng tháng, dù không dành dụm được nhiều thì tối thiểu, đủ chi phí đi hè hàng năm, không ăn bám đứa nào, phải hay không phải thì về lại cái nôi của thuở chân ướt chân ráo, cái nhà mà lần lượt từng đứa, từng đứa bước qua, với biết bao kỷ niệm thân thương.

Lạc quan một chút, bao dung là thanh thản, vì biết đâu chúng ta ngủ qua đêm sẽ bay thẳng lên thiên đàng, chết khỏe re. Nếu vô nhà thương dưỡng lão thì hãy tìm bạn, tìm sách để đọc để nghe. Nếu bị lẫn lộn quên hết thì đâu còn biết vui hay buồn...số bạn thế nào bạn cũng cám ơn là nhất định trên đất Mỹ nầy chúng ta còn một mái che, con cháu chúng ta sẽ sống tốt nếu chúng làm việc.

 

Tôi sẽ tiêu tiền khi cần tiêu chứ không vì phải tiêu.

Tôi sẽ đi du ngoạn nếu tôi muốn đi.

Tôi sẽ nói không nếu tôi không thích.

Tôi đã cho con và không cần đòi lại.

Chúng có thể lợi dụng tôi, dù đó là sai trái nhưng cũng là trách nhiệm dạy dỗ của tôi.

Tôi sẽ tha thứ mọi lỗi lầm của chúng, để chúng tự học một mình.

Hạnh phúc ngay trong tầm tay.

 

Đan Quế Phong

 

 

 

MỘT CỌNG GIÁ MỘT LÁ RONG

 

 tl_beach.jpg

Anh Điền mình có biết gì về anh ta đâu.  Ảnh có thương mình không? Nhớ đêm Tân Hôn ảnh nhậu tới say mèm rồi nhào lên giường lăn ra ngủ, hai đêm sau cũng đến khuya mới về. Một tuần lấy chồng mà mình vẫn còn trinh!!!  Mệt mỏi, mình cần chút không gian riêng tư để chìm lắng, suy nghĩ và thở.                                                                                                                                                                            

Điền và bà Hoàng đã bay về Mỹ, không biết bao giờ trở qua, mình về lại căn nhà ở trên triền của bãi Sao, mình nghĩ là vẫn nên đi dạy ở An Thới ít lắm cho tới hết năm. Xem ra chưa biết bao giờ xong thủ tục giấy tờ nếu họ thật sự xúc tiến, mình tin bà Hoàng và Bi thương mình. Ngày đi, chắc cũng còn lâu.

     Mùa hè năm trước, một bước ngoặc của đời cô. Năm nào ngày giỗ mẹ cậu mợ út cũng nấu một mâm cơm dù đơn sơ nhưng thân mật trong gia đình để nhớ chị mình, cũng là ngày cô chào biệt Phú Quốc về nương náo cậu mợ. Đã đi dạy hai năm nay, có thể tự bày cỗ cúng mẹ mình nhưng Hiếm cũng muốn ít lắm mổi năm một lần về thăm cậu mợ không kể dịp Tết. Đi dạy tằn tiện, dành bao nhiêu tiền ngoài chút y phục đơn sơ hàng ngày, dịp Hiếm tiêu dùng chỉ là Tết hay Giỗ mẹ. Sau khi trả tiền anh xe ôm cô tự mở cửa vào thẳng nhà bếp. Mọi người đang bận rộn nhặt lông vịt rửa rau, tay xách giỏ cua biển hơn hai chục con, thứ nầy cả nhà ai cũng mê, tay kia nặng trĩu chiếc thùng lạnh chứa cá tươi, tôm, mực khô đủ loại đủ dùng vài tháng. Cô đặt hàng ch ỗ quen, ngon và rẻ mang về làm quà.

-Chèn ơi, tính dọn nhà hay sao mà gồng gánh dữ vậy cháu; mợ Tú nói

-Thưa mợ, em Thiên Vân.. và.. - có một bà trông cở tuổi mợ Tú nhưng trắng và có da thịt hơn, cô chưa gặp bao giờ, đang ngồi ôm cậu bé , khoảng ba bốn tuối -

-Kim Hoàng, em của mợ ở Mỹ mới về, con gọi là cô Tư đi con. Bi cháu nội của cô đang hơi nhõng nhẽo.. và đây là Hiếm cháu của anh Tú chị từng kể với em..hiền hậu dễ thương lắm, cháu ấy đang nghỉ hè, nếu chị cần và Hiếm nó đồng ý thì cháu nó có thể bầu bạn cùng chị lúc chị ở Việt Nam -Mợ Út giới thiệu-.

-Cô giáo phải không? Tôi có nghe chị Diệu Lan-mợ Út- nói về cô.                                                                                  

Bà nhanh miệng nhìn lướt qua tôi, tôi gật đầu lí nhí chào bà với cái mặc cảm chắc mình không giống ai. Tóc thì quấn cao lòa xòa lết bết mồ hôi, áo sơ mi màu xám tro cuộc ngang lưng, tay áo xăng cao, quần kaki đen bạc màu..

-Thưa cô Tư, cháu là Hiếm - Tôi liếc nhìn cậu bé ốm xanh xao, mũi cao, da thật trắng, hình như là con lai dù tóc dầy đen tuyền, cặp mắt nâu ngơ ngác. -Chào Bi.

Đặt mọi thứ xuống, tôi hơi ngơ ngác vì người khách lạ dù cũng có được nghe mợ út kể qua về gia đình nầy, Thiên Vân đứng lên gỡ nhẹ bị quần áo trên vai tôi và nói.

-Chị sẽ ngủ ở phòng em.

-Ồ, cám ơn em, chị sẽ làm gì đây? - vừa nói tôi vừa trút mấy con cua ra một cái thao nhựa, chúng sột soạt quơ mấy cái càng quờ quạng trong không gian tìm đường thoát. Bi hơi ngẩn đầu lên nhìn, tôi quay lại.

-Bi muốn xem cua biển không? Nó đang vật lộn với nhau đó.

-Vật lôn?  Nó nói tiếng Việt lơ lớ như Mỹ, măt không rời nhìn Hiếm rồi  nhìn bà Hoàng.

-Là đánh nhau hay giởn với nhau như con và ba con vậy..- Bi nằm xuống không thèm nói năng gì, bà Hoàng cười phân bua.

-Nó giận ba mẹ nó nên không muốn nhắc tới... Bà muốn nói thêm nhưng có lẻ thấy có tôi thì lại thôi.

Chợt nhìn thấy lẫn giữa đám cua biển, e lệ một con cua đá nhỏ nhắn màu đen, đang co ro nép bên gia đình "ghẹ" họ hàng xa đồng chủng nhưng khác màu với nó... Sao mà giống Bi! Tôi ngần ngại mang lại chỉ cho Bi cái mui trên lưng mờ mờ hình trái tim, đôi mắt như hai hạt cườm láo liên sợ sệt đáng tội nghiệp ấy. Bi tuột khỏi tay bà nội ngồi bẹp xuống để nhìn cho rõ, nó hỏi.

-Con có thể sờ nó không cô, nó đang bị ăn hiếp đó, nó nhỏ quá!

             "Bị ăn hiếp". Bà Hoàng đột nhiên nhớ đến hình ảnh của Điền ngày bà mới đặt chân lên xứ Cờ Hoa. Năm 1994 theo diện HO dẫn theo Điền lên 6 tuổi về N.J sống cùng người chị chồng trong cái nhà xe cho tới khi ông Hoàng tìm được việc gác cỗng cho Dow Jones và vợ chồng bà ra mướn một căn hộ riêng sao cho vừa túi tiền ở New Brunswick, nơi mà hệ thống trường học không nơi nào tệ hơn.                                                            

Bà đi làm lau dọn cho h ãng xưởng từ 5-11 giờ đêm (lúc nhân viên ban ngày ra về). Bà nhớ chuyện cậu con trai duy nhất của bà bắt đầu nằm mơ la hét, ú ớ, tè ra quần ban đêm dầu cậu đã 6 tuổi. Điền lén dấu bà thay ra và vụng về đứng giặt trên cái bồn rửa mặt, nước vung vãi.  Bà lo lắng theo dọ hỏi mãi cậu cũng không nói thét rồi cậu trả lời:

-Con không sao, con là con trai mà, con không sợ "thằng đen" đó và con không khóc đâu...-nhưng cậu không nhìn vào mắt mẹ mình.

-Thằng Đen nào, đừng gọi ai đó là "thằng", con có bạn ở trường không?

-Có chứ... Ai cũng là bạn mà, cùng lớp là bạn Ba nói như thế... nhưng...con cũng có nghe Ba chưởi mấy "thằng" Cộng sản đốn mạt...

-Nhưng.. .,ba không gọi bạn ba như thế. Lớn lên con sẽ hiểu.  Bà Hoàng nói lãng đi và Điền cũng muốn đổi sang chuyện khác.

-À mà Mẹ có thích tất cả bạn của mẹ không?

-Dĩ nhiên là thích như cô Hoa cô Nguyệt hay tới nhà mình hồi ở Việt Nam tuy nhiên không phải tất cả. Bạn cùng lớp là bạn học, mình biết mặt, học cùng và từ đó mình chỉ thấy thích một vài người nào đó và người đó có thể trở thành bạn thân.

-Ồ.. ; và Điền nín lặng, nghĩa là mình phải tìm cho ra người mà mình thích;  

Và một ngày nọ, cái ngày đen tối, xấu hỗ, đầm nước mắt, "thằng đen" nhéo tai cậu, tụt cái quần kaki rộng rinh của cậu và chế nhạo chiếc kết lính mà cha cậu đã tặng cậu trong ngày sinh nhật 7 tuổi. Macherla cô bé nhỏ xíu cùng lớp, hiên ngang, nói tiếng Mỹ cao tít trên mây, dằn Bob ra, đứng chống nạnh hai quai quắc mắt, thách Bob.

-Hey, tại sao mầy bắt nạt con nít- làm như chị ta người lớn lắm vậy- dám đánh con gái không, chị thách mày ngon thì nhào vô, báo trước là chị có võ đó.                                                                                                                                                                            Điền run quá, Bob cao hơn Macherla một cái đầu. Không biết Bà Trưng, bà Triệu chống quân Tàu mà ba hay kể có oai phong hơn không nhưng cái cô bé dám đứng ra mắng Bob, cứu một nạn nhân đáng thương mất ‘tự do ngôn luận, tay không vũ khí" như Điền thì đúng là nữ anh thư trong đầu anh.               

Sau đó đương nhiên họ đã trở thành đôi bạn thân, Điền học cái ngôn ngữ xa lạ, học nếp sống mới, cách tiêu xài hơi lãng phí và cách kiện toàn thể lực để hành xử tự tín hơn phần lớn từ cô ta...


Mãi đến ba năm sau bà Hoàng biết thêm rằng mình phải đổi nhà vì tương lai của đứa con. Ông bà mua nhà ở South Brunswick, bà trở lại Đại học, Điền vào trường tốt. Ở Trung học cậu nằm trong đội bóng đá- Soccer- đay đen võ Đại Hàn- Taekwondo- tuy nhiên chưa bao giờ đánh nhau, vẫn trầm lặng khép kín suốt ngày đối diện với người tình "mặt vuông"; Computer; và cuối cùng cậu tốt nghiệp ở đại học Rutger về Vi Tính. Cậu chẳng thích ai nhất là các cô gái Việt Nam rụt rè e-lệ, có phải từ cái ngày đẫm lệ xa xưa đó Điền đã từ thán phục đến thầm yêu cái cô bé tính thẳng đuồn đuột, không bao giờ chịu ghép mình, lạ lùng kiêu ngạo rất Mỹ kia.                                                                                                                                                    

Điền đã gặp lại Macherla nay là Luật Sư làm cho tòa án địa phương. Cả hai thật khác nhau nhưng cả hai đã cưới nhau. Xung đột nho nhỏ không thể tránh và rồi sau khi sanh Bi 6 tháng thì Macherla bỏ mặc con, về nhà cha mình.                                                                                                                                                         

Điền chạy theo Macherla, cố kéo lại cuộc tình, dằn dai khá lâu nhưng không xong, họ đã ly dị. Ông bà Hoàng ôm nuôi cháu nội, một năm sau đó ông qua đời... Bi èo uột, lười ăn, tiếp tục gầy ốm mà bác sĩ không tìm thấy bệnh gì. Điền bỏ mặc công việc, la cà chè chén. Một đêm tỉnh lại sau cơn say Điền hốt hoảng nhìn đôi mắt trõm sâu ngơ ngác không hồn của Bi. Lo sợ cho sức khỏe của con nên cậu đồng ý cho mẹ mang Bi đi, khi bà Hoàng được chị đề nghị thử về Việt Nam thay đổi khí hậu.


           Hiếm và Bi thân nhau thật dễ dàng... Ngồi trên hòn đá cheo leo quen thuộc cuối bãi nhìn xa về bờ nước xanh màu lá uốn cong hình nửa vầng trăng viền màu cát trắng quen thuộc. Đã ba tháng nay bà Hoàng dẫn cháu theo Hiếm ra đảo tu sửa lại căn chòi của Hiếm sau rặng dừa ở bãi Sao cho tiện nghi hơn rồi ngày ngày tắm nắng vàng, ăn cá tươi, uống nước dừa. Cô chơi với Bi thật vui, và với sự chỉ dạy nấu nướng như một bà mẹ mà cô khao khát của bà Hoàng, họ đã biến những rau quả đạm bạc ở địa phương thành cao lương. Bi đã quên xứ Mỹ xa xôi lạnh lẽo mà đùa giỡn hồn nhiên, khỏe mạnh hồng hào như những đứa trẻ bản xứ quần cụt, áo thun, chân trần, tóc cháy nắng. Cô thấy cảm kích lòng tốt của bà Hoàng, thương yêu Bi và cám ơn họ đã cho cô biết thế nào là không khí gia đình. Cho tới những ngày cuối trước khi về Mỹ bà tỏ ý với cậu mợ Tú là muốn cưới Hiếm cho con trai bà. Ngạc nhiên một chút nhưng không hiểu sao Hiếm lại cuối đầu hứa suy ngh ĩ nếu con trai bà cũng đồng ý dù chỉ thấy ảnh của Điền.                                                                                                                                                                                            

"Phận bèo bao quản nước sa, Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh" Có lẽ vâng lời cậu mợ cũng là một cách đền ơn đã cưu mang cô. Nhìn lại cuộc đời ba chìm bảy nổi chín long đong trong mấy năm qua, Hiếm tự nghĩ: Có gì để mất đâu? Dù sao cũng phải chạy ra khỏi cái tầm ảnh hưởng của tên dê chúa khóm trưởng vô sỉ đang ve vãn mình, dầu gì Điền cũng dễ coi hơn nhưng nghe đâu anh ta có cái tật say sưa, dĩ nhiên không thể dựa vào Điền rồi!  Ai cũng muốn được đi Mỹ, nhưng sang đó rồi thì làm gì ăn đây. Thôi phú mặc cho số phận. Ngày mai sẽ tính.                                                                                            


Mùa nầy du khách thưa thớt dần, nhưng trời hôm nay tự nhiên nóng oi bức lạ. Biển thật im ẳng xa xa trong nắng sớm, những cây dừa nghiêng bóng trãi xuống tới bờ nước, mình ngẫng cao. Ôi nhỏ bé làm sao giữa biển trời bao la mà cỏ cây, con người bị trùm phủ bởi vòm cao úp trên đầu, cũng màu xanh lơ rồi thẩm đậm u hoài, huyền bí. Cô nhìn cảnh vật rồi tư nhủ: Đừng bao giờ bị đánh lừa bởi cảnh trời tô khéo, mỹ miều như một bức tranh thủy mạc với những tãng bông mây vô tư trôi, để rồi ùn ùn vần vũ, đồng lõa với gió, vồ vập, bay lượn cuốn mọi thứ vào lãnh địa của qu ỹ, bán bổ thánh thần!  Giông bão là một sự nổi giận vô cớ của thiên nhiên, mà cô không hiểu nổi, nó đánh mất niềm tin trong tuổi thơ thuần khiết của cô.                                                                                                                                                                                   

Nếu không ở bên lằn ranh sống còn, một đêm mất cả như "Một con cá trích cắn ngang, Mắm tôm quyệt ngược tan hoang cửa nhà" thì cô cũng mê lắm những con sóng bạc đầu tỉ tê đập vào cồn đá và vui đùa dẫm chân trên bờ cát mịn, hụp lặn đi tìm thạch thảo muôn màu, sống cuộc đời cô gái quê miền biển.                                                                                                                                                                                  

Đã lớn rồi, hiểu nhiều hơn để chấp nhận nghịch cảnh, hôm nay cô lại về đây. Bể vắng lặng gió gọi mời, cô có thể thấy những con cá nhỏ, rằn ri muôn màu luyến thoắng vui đùa trong làn nước xanh. Trời nóng bất chợt tại sao cô không dầm mình xuống nước cho mát. Tuy nhiên cô lại chẳng mang khăn hay bộ quần áo nào nữa để thay, hay là cứ nhảy ùm xuống nước như vậy cũng ổn thôi. Nắng Phú Quốc tôm cá còn khô nữa là chiếc áo bộ bà ba vải phin mỏng dính nầy.                                                                                                                                    

Nghĩ là làm, Hiếm dò dẫm cẩn thận tuột xuống cạnh phiến đá, nhè nhẹ trôi từ từ ra chổ nước sâu hơn. Lâu quá rồi cô không bơi, nhưng là dân biển cô như mỹ nhân ngư, mái tóc dài như lá rong bập bềnh, Cô nhởn nhơ bình thản đùa với mấy con cá Diều, cá Chim, sờ mấy con Lương biển dị dạng hiền từ, và bơi cạnh đàn Sứa trắng tinh nhởn nhơ uốn lượn theo từng cơn sóng. Xa một chút, điểm xuyết mấy chị sứa lửa màu hồng, màu tím đẹp mỹ miều vẽ vời lên cái phông thạch thảo vàng trắng muôn màu rung rinh theo sóng. Ôi quyến rũ, ôi đam mê nhưng thừa biết không thể dạy dột sờ vào những "lằn điện đại dương" đó, cô bơi trở lại.                                                                                                                                          

Mới vào tháng chín, còn lâu mới ăn Tết, thứ hai nầy học sinh trở lại đi học. Hiếm rùng mình đứng lên, chiếc áo màu m ỡ gà dán sát vào thân hình cô, lồ lộ những đường cong, cặp đùi chắc nịch của tuổi 25, không thể dục thẩm mỹ nhưng là kết quả dễ thương của mổi ngày phải đạp xe hơn 10 cây sổ đi dạy học. Gương mặt trái xoan, da nâu hồng mịn màng nhờ uống biển mặn, tưới nắng vàng, mắt sáng ngời lân tinh của tuổi mới lớn như lửa nhiệt đới bập bềnh ầm ỉ làm ấm cái lạnh của gió se phe phẩy.                                                                                                                                                                             

Phía khe đá đằng xa, có nhiều đốm đen xám, lấp lánh di chuyển qua lại, cô vén mấy bệt tóc dán vào má, đứng lên tay che ánh nắng chói chan, nhìn thật kỹ: "Cua đá". Trời ấm chúng ra khỏi hang rồi, hay là mình nên bắt về một ít cho món canh cua, nhưng nhốt chúng vào đâu? Cô thấy chiếc giỏ đệm đang đựng quyển sách, có dây buột túm miệng. Tốt lắm, dùng nó để đựng thì còn gì tốt hơn, nếu bị dơ thì mình sẽ giặt lại. Cô xách giỏ vừa rượt đuổi bọn cua vừa nghĩ thầm một cách hãnh diện về Miền Nam của cô, tiền rừng bạc biển, dưới sông cá lội từng đàn tung tăng.. Yêu lắm thay quê hương Phú Quốc thân yêu.                                                                                                                                                                             

Sau khi bắt được kha khá, Hiếm hý hoáy bươi một trũng chừng bằng miệng thúng định cho nước vào để ngâm chúng và cô sẽ nằm sưởi nắng. Cô hát nho nhỏ: "Nước non, đã bao phen đớn đau ưu phiền. Ta như dân phiêu lưu.."

-Cô định trốn tôi hả?                                                                                                                                                 Hiếm giật nẩy mình, quay người lại xem là ai.                                                                                                              

Tên Công hô khóm trưởng bên An Thới đang áp mặt gần sát cổ, cô có thể cám giác hơi thở nóng dồn dập. Cô xoay người né sang bên. Hắn cũng lùi lại một chút nhưng hai cánh tay dang rộng mời gọi cùng giọng cười hô hố...  Cô nhìn gương mặt thỏn dài rổ chằn chịt, tóc cắt thật ngắn lồ lộ hai hóc mắt sâu trắng dờ, dát lệch dưới đôi mày thưa vô trật tự trên cái trán vồ và, hàm răng hô tranh đi trước chiếc mũi hỉnh phập ph ồng của ác ma!.. Cảm thấy mình như bị lột trần trước cái nhìn thô bạo ấy, hốt hoảng cô đưa tay che ngực.

-Cô hấp dẫn thế nầy mà lại đi lấy thằng Việt Kiều nào vậy. Định rời nơi nầy không một lời từ giã sao em Hiếm của anh.

-Tôi đã làm đơn xin từ chức rồi..

-Ai cho phép em. Em biết anh yêu em mà.

-Ông đã có vợ tôi đã có chồng. Xin ông...

-Đúng đúng cho nên bây giờ mình rất xứng đôi, anh không để mất cơ hội nữa đâu... Quên chồng em, vợ anh đi, mình hãy vui vẻ nào ...Và hắn đã nhào tới thật.

 Sẵn đang nắm giỏ cua trong tay cô ném nào mặt hắn và chạy bằng tất cả sức nhanh có thể về hướng nhà mình... Tới đoạn dừa ba ngọn, tóc cô bay phất phới, cô thở hụt hư ỡi. Cô đã kiệt sức còn hắn dường như ngày một hăng hơn. Một cái với tay hắn tóm được áo Cô rách toạt.

-Không;  cô hét to;  ai đó cứu tôi với..

Một cái bóng thoáng qua, một cú đá trời giáng..

-Hịch, ối da.!! . -Hắn ôm ngực-

-Tên vô loại, mầy muốn gì mà sỗ sàng với vợ tao như thế hả, tao giết mầy..

-Anh, anh Điền,-

               Mắt tôi tóe lửa nhập nhòe cảnh hai người đàn ông quầng thảo trên cát. Hiếm xỉu xuống bên cội dừa ba ngọn sắp đổ ụp xuống vịnh, cô cũng đổ ụp... Và sau đó như thế nào mà cô về được túp lều của mình, hình như Điền cõng cô, chỉ biết khi tỉnh lại thì thấy anh ngồi đó, lau mặt cho cô bằng chiếc khăn duy nhất trong nhà, được nhúng vào lu nước mưa trước hiên, cặp mắt hiền từ. Hiếm đã được thay áo, nhưng chiếc quần thì vẫn bám đầy cát, vẫn chưa được khô. Mặt Điền đỏ vì nắng cháy, cũng bị xướt vì đá cụi, chiếc áo đứt nút xốc xếch, chỏ tay rướm máu. Cô gượng ngồi dậy, anh ra dấu hãy nằm xuống Hiếm nói.

-Sao anh tới đây, sao anh biết nơi khỉ ho cò gáy nầy? Ồ anh trở lại Việt Nam khi nào?

-Muốn biết thì tìm biết thôi. Có gì khó, chỉ có một con đường làng quê và một cô giáo Hiếm dạy học trò ở An Thới.. -Mặt Điền trở nên ởm ờ, lém lĩnh-.

-Cũng đâu có cần xuống đây, giấy tờ chưa xong, em phải trở lại dạy lớp. Mùa hè đã đi qua...                            Dụ dự một chốc Điền nói nhanh

-Anh cũng..có nhiều câu hỏi trong đầu mình: Ví dụ như sao em chịu ưng anh thằng đàn ông say sưa, có con mọn, lêu lõng như anh đây? Có phải em cũng đang dùng anh như một cái vé sang sông trên con đò mà dòng nước chãy xiết nghiệt ngã. Phải thôi, đời là một chuổi lợi dụng, anh không nên kỳ vọng gì nhiều! Nhưng anh có bổn phận nói cho em biết rằng tấm vé nầy có thể không có giá trị vì anh đang thất nghiệp.

-Ưng anh đã là đánh liều, anh biết em lợi dụng anh sao anh chịu cưới em?

-Anh cũng không biết, cho nên.. cho nên anh tôn trọng đời con gái của em. Anh xin lỗi, anh đang cố tìm hiểu lòng mình..

-Anh không có lỗi gì, đâu có ai bắt buộc con tim mình được khi anh đâu biết gì về em. Anh đã nghe theo má anh, và vì Bi rất thương em đúng không? Em săn sóc má anh bà gợi nhớ hình ảnh má em, và lo cho Bi là bằng tấm lòng chân thật. Anh nói đúng, em cũng muốn chạy trốn ra khỏi cái quá khứ buồn thảm, "cá chọn nơi sâu, người tìm chỗ tốt"  thử làm lại cuộc đời.; Hiếm nhắm mắt mệt mỏi lần về quá khứ..

Một năm trước, sau khi ra trường khóa Sư Phạm mình nhận đi dạy nơi đèo heo hút gió nầy, nơi mà không một đứa bạn nào muốn, chúng nó thà lo tiền chạy cho được một ch ỗ tốt. Thân côi cút như mình thì làm sao có bao thư dù cậu Tú đề nghị mình gọi cho dì Kim ở Mỹ nhờ giúp đ ỡ, cậu nói: "Về đó không có tương lai, làm sao kiếm chồng, cậu biết con nhớ căn nhà thuở ấu thơ, nhưng con à. Đó là cơn ác mộng, con nên quên nó đi".                                                                                                                    

Hiếm biết cậu đúng nhưng cô cũng nên tự lực sinh tồn. Đã nhờ cậu và dì Kim lo cho ăn học đến ngày nay, là quá lắm rồi. Họ cũng trả lương đủ và nếu ở căn nhà ngày xưa thì chi phí sẽ không đến nhiều như ở thành phố.

Cậu ơi làm sao mà quên cái đêm giông bão.  Đêm ba mươi. Cậu kêu cứu, con gào khóc, chạy ùa ra bờ đá, mưa rát mặt, sấm chớp gầm thét loáng thoáng cái bóng mẹ bị đốn gục như một mảnh vỡ, như một chiếc lá tả tơi tiếp tục bị nghiền, bị dập bởi những con sóng đen dữ dằn nhô những chiếc răng cong vút sắt nhọn tàn bạo. Nếu đêm đó không có cậu xuống thăm thì con sẽ ra sao?  Cậu nói dường như mẹ đã chuẩn bị nên thư bảo cậu xuống dẫn con lên Cần Thơ cho con đi học. Cậu không ngờ mẹ lại muốn đi tìm cha. Tại sao mẹ đành... tại sao? Những câu hỏi ray rức đầu óc con bé mới 9 tuổi đầu ...                        

Đêm đó cậu cháu ôm nhau trong căn nhà lớn ở Dương Đông, cũng như 4 năm về trước mẹ và cô lo lắng nghe tiếng gió, lo cho ba ngàn trùng ngoài khơi mà thuyền thì mong manh. Ba đi đánh cá theo thói quen cổ xưa, đánh hơi muối mặn: xem "Cá ngoi mặt nước là trời đổ mưa" để mà đi biển thì cũng đâu có gì lạ khi bị vướng vào cơn bão, không ai tiên đoán trước. Ba cô không về, ông bị chôn theo con thuyền đánh cá nhỏ nhoi sâu hút của nơi nào đó trên mũi Gành Dầu hay gần hải giới của Campuchia. Lúc đó cô còn khá nhỏ, ấn tượng mất mát chưa sâu lắm nhưng với mẹ, với thời gian lớn lên nghèo khó, một chiếc xe đạp cũ kỷ cọc cạch trên đoạn đường rừng cong queo từ nhà lên An Thới ngày ngày làm nghề vá lưới độ nhật, khi cuối ngày mang về một ít cá mua rẻ từ đó cho bữa cơm của hai mẹ con, lao tâm lao lực, mẹ đã đổ bệnh.                                                                                                                                                                            

Lúc ba còn sống, mẹ chỉ đợi cha về, sau vài ngày hay lâu lắm là một tuần... Ba lúc nào cũng lo bảo vệ thương yêu mẹ con nên muốn mẹ chỉ ở nhà vung trồng, chăn nuôi chút chút, mẹ đở cực, con bình yên, ba yên tâm. Nhưng biển đã cướp ba đi. Lây lất qua ngày, mẹ đến thời kỳ chót của bệnh phổi mà lúc đó, thuốc thang ở VN hoàn toàn khan hiếm...Mẹ quá nghèo không muốn kéo dài làm khổ mọi người.

Như đọc được tâm tư của người con gái côi cúc, một mình bơ vơ, mới vừa bị ức hiếp tự nhiên Điền nhớ cái thuở mình bị bắt chẹt ở trường và được Macherla bênh vực. Mình thán phục và "yêu" cô ấy. Nực cười thay bây giờ mình đang bênh vực Hiếm. Hiếm cũng có thán phục và yêu mình không? Hoàn cảnh giống nhau nhưng tại sao mình và Macherla lại có cái kết cục như thế nầy, vậy đi với Hiếm thì tới một ngày nào đó mình lại bỏ Hiếm hay ngược lại. Không "cọng giá" trắng trẻo một thời ngày xưa đã thành cây đậu xanh biếc vươn cao tầng trời, nghiêng mắt nhìn nhân thế, vâng vê một lá rong mỹ miều mong manh mềm như lụa, sắp tan tác bởi triều cường. Điền rung động chân thành nói:

-Xin lỗi em vì anh muốn có một chút thời gian. Nhưng tại sao em về đây một mình, nếu không có anh can thiệp kịp thời thì chuyện gì sẽ xãy ra. Em đã bị hắn ức hiếp bao lâu rồi hay đây là lần đầu tiên em gặp hắn?                                                                                                                                                                              

Tôi đỏ mặt xấu hỗ:

-Hắn là khóm trưởng An Thới, hắn có ve vãn em nhưng không hiểu sao lần nầy hắn làm hỗn, cám ơn anh... Nhưng sao anh có mặt hôm nay.

-Ờ thì.. thì anh đi tìm em sau khi cậu Quân báo cho anh hay là em bỏ về đây và bức thư!.                             

Tôi rơm rớm nước mắt quay vào trong vách.


Đan- Quế Phong

7-3-2018

 

 

Viết về ĐHXXII - San Jose 2018

CANH CHUA CÁ KHO TỘ

 

NhanTran_DH22_DemDH.JPG

Đại Hội PTG ĐTĐ năm nay tổ chức ở San Jose California vào đầu tháng 5. Khí trời thật mát, tình người mặn nồng trong cái khí hậu 80 độ F và gió biển Thái Bình gợi nhớ quê Việt Nam.                                       

Quý Thầy Cô rải rác mỗi năm một ít !!! Những chiếc lá khô còn bám cành buồn vời vợi nhìn những chiếc vừa bảng lảng quay lưng. Một năm thôi chúng ta đã mất ba đại sư huynh: Trương hữu Đạt, Trần văn Kỳ, và Võ văn Nghi, rồi thầy Trường, thầy Đức... Nhưng, những người bạn cũ của nửa thế kỷ bềnh bồng luân lạc tưởng chừng vời vợi xa bạc ngàn, lại lác đác tìm về ngày một đông hơn.

Hãy nhìn đoàn lữ hành vẫn trôi như dòng chảy của sông Hậu hiền hòa, dìu nhau đánh vòng sân cỏ xanh non chiều mùa xuân tháng 5 ngày 6 năm 2018. Họ tìm cửa vào phòng hội- vì xe bus đổ không đúng nơi-. Nữ áo dài trịnh trọng muôn màu sang cả, nam thì cravat chỉnh tề. Cũng có các bà mặc đầm, cũng có các ý trung nhân người nước ngoài, cũng có các cháu nói tiếng Mỹ tiếng Pháp pha lẫn tiếng mẹ đẻ. Phần lớn người nào người nấy cũng hơn bảy "bó". Họ đi chầm chậm, nhiều xe chạy từ từ liếc nhìn không biết đoàn người lụ khụ nầy đang biểu dương cái gì đây? Không lầm đâu, họ đang biểu dương thật đó: sự bền vững và thương yêu. Nhìn thầy bạn chân mỏi gối dùng, dìu tìm lại nhau, mắt tôi nhòa lệ và tim tôi dạt dào yêu thương. Anh hỏi tôi mệt không? Mệt một chút, nhưng niềm vui chan hòa, luôn tìm được những đột phá bất ngờ, những nụ cười bâng quơ.

Năm trước ở Houston Texas mình có hơn 700, năm nay hơn 500. Tôi nói mà chàng rễ người Nga của tôi tròn mắt không tin..Dĩ nhiên là nó không thể tin rồi vì làm sao nó hiểu được cái truyền thống Tôn Sư trọng đạo, nhân bản đầy tình người của Việt Nam ta.

NhanTran_DH22_CoLeHongDiep.JPG NhanTran_DH22_HueNhan.JPG nhantran_dh22_phnglewinriverresortcasino.JPG NhanTran_DH22_SeaLionsPier.JPG

Nhãn Trần với Cô Lê Hồng Diệp  Lili Huệ & Nhãn Trần       Phương Lê, Win-River Resort Casino       Sea Lions, Pier 39

Đêm hôm qua: Tiền đại hội, buổi sáng xe chở đi thăm Golden Gate Bridge, Palace of Fine Arts, và Pier 39 với những con sư tử biển (sea lions) nằm sưởi nắng chúng tôi được ngắm Ca-Li tiếu bang đất bới ra vàng dù bây giờ hết rồi nhưng màu vàng của nắng vẫn rực rỡ chói chang trên biển Đông Hải, để nheo một mắt cố nhìn nhân dáng quê hương ốm gầy ẩn hiện bên kia bờ xa thật là xa.                                                   Tối Tiền Đại Hội ban tổ chức đã cho ăn những đặc sản miền Cần Thơ như:  bánh tầm nước cốt dừa, gỏi cuốn tôm màu hồng tươi, cháo đậu đỏ cá cơm kho làm ngỡ ngàng người định cư vùng bắc Mỹ như tôi. Các cô tiếp tân áo dài tươi tắn phục dịch hơn 500 người. Nghe đâu chị trưởng ban tổ chức Ngô Kim Chi phải thức đến 2 giờ khuya, , ngồi cọ rửa mười mấy cái nồi không có giờ tô son điểm phấn mà mặt vẫn sáng ngời, miệng vẫn chúm  chím cười, ngọt ngào như dâu miền Tây. Không hổ với lời ca tụng của nhà thơ hồ Dzếnh

Cô gái Việt Nam ơi   

Nếu chữ hy sinh có ở đời   

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực

Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.

 

 

NhanTran_DH22_ThayTuThayNhonThayThu.JPG

Thầy Trần Văn Nhơn, Thầy Đào Ngọc Tứ, Thầy Phan Thanh Thư

Đêm chính, ngày Chủ nhật, tôi may mắn gặp được Thầy Đào Ngọc Tứ ông giáo sư đẹp trai tôi học toán  năm Đệ Thất và  cô Loan Anh I người Cái Răng mà tôi hân hạnh học Việt Văn năm Đệ Tứ và năm Đệ Nhị. Cô vẫn ốm cao thanh nhã, đôi mắt biết cười sáng long lanh như ngày nào.  Nhóm đông nhất dĩ nhiên là Califonia, và dư hương đại hôi Houston vẫn thơm ngát bay xa với hai màn trình diễn hùng tráng. Cao Bồi Texas và "Chiếc áo bà ba" với các sư tỷ hoa "VạnThọ" cười rạng r thơm nồng. Nhìn các chị hiền khô nhưng thách ông Mỹ đen, Mỹ trắng hay   anh Việt Nam râu quặm nào dám bén mảng ghẹo nguyệt trêu hoa. Con gái Việt Nam trông hiền nhưng cay như

NhanTran_DH22_GSLoanAnhFamily.JPG Ớt Chỉ Thiên. Tôi ở chung với một chị chồng mất từ mấy chục năm nay, nhan sắc mặn mà nhưng vẫn ở vậy nuôi con. Tôi hỏi tại sao thì chị nói: Tại gia tùng phụ, Xuất giá tùng phu, Phu tử tùng tử.. _ "Ở vậy cho thiên hạ thèm chơi". Tôi chẳng nói thêm đâu. Bà nầy thuộc loại ớt chùm ai không tin cứ thử là biết đắng cay cở nào.   





Gia đình GS Loan Anh 

     Văn nghệ nhiều màn lắm. Ban tổ chức có mời cả giọng ca vàng VSTAR kids: Victoria Thúy Vi và Lena Phượng Vi hát bài quốc ca Mỹ, Việt và trình diễn bài Trường Cũ Tình Xưa, 10 giờ xe bus rước mà vẫn chưa xong. Thật tiếc màn múa của vợ anh Bùi Hữu Trạng, chị Trương thị Ngọc Anh được chuẩn bị công phu mà được xếp cuối cùng- Màn đặc sắc mà, mong mọi người phải nhớ mãi tới năm sau, khổ nổi lúc ấy nhiều thầy đã ra về và khán giả hơi mệt.


      Rồi chuyến du ngoạn Redding 3 ngày 2 đêm sau đó. Quãng đường xuyên sơn dài hơn 3 tiếng lái xe còn phải dừng xả hơi và giải quyết vấn đề bao tử nên bao nhiêu chuyện vui, chuyện buồn thi nhau kể mà anh Bùi Hữu Việt duyên dáng hoạt trò làm cho đoạn đường như nở hoa. Tội nghiệp cảnh vật hai bên, xanh biên biếc rừng Olive, rừng đào rừng táo, ẩn hiện rặng núi xanh phủ tuyết như Phú Sỉ sơn mà không ai buồn nhìn. Mọi người quá vui quên mệt. Cám ơn anh Việt, cho cái miệng thật ngọt, anh quảng cáo Úc Châu của anh nhiều thật nhiều làm cho tôi thật cũng muốn một lần nữa viếng thăm.                                                            

Ngày đầu ghé Lasen Volcanic National Park, Ngày thư nhì ghé, Shasta Dam, Shasta Cavern.                         

Tôi đọc những đôi mắt đầy niềm tin, của đại đa số ở cái tuổi "Thất Thập Nhi Tòng Tâm Sở dục bất du củ", -lòng muốn gì chẳng được nhưng không vượt qui củ- ở buổi thăm Hang Shasta. Chúng tôi chia nhóm sắp hàng đếm số trật tự đi xuống phà, không hề chen lấn, nhường chổ cho nhau trên chuyến xe chở lên đỉnh núi rồi từng bước dò dẫm xuống hang sâu. Không tin cũng phải tin, những hơn 600 bậc thang trơn trợt, tối tăm nhiều chổ tour guy phải rọi đèn pin, nước rơi lỏm bỏm trên đầu, mà quý thầy cô anh chị có người đã hơn 80 vẫn đều bước. Một cặp vơ chồng đến từ Úc đứng trước tôi nắm tay rất tình cùng người bạn đời lần dò cẩn trọng thân ái tránh hụt hẫng bước chân. Anh Phép dịu dàng dìu chị luôn nhắc nhở "Em coi chừng".  Tôi tương đối trẻ hơn một chút, mới dự đại hội hai lần thôi, nhìn các thầy cô và các đàn anh đàn chị với đôi mắt thán phục và cần học hỏi thật nhiều.

Trên đường về được viếng Burney Fall. Thác nước nầy theo tôi là cảnh đẹp nhất trong chuyến du ngoạn nầy.

Bên lề đại hội còn tiếp nối chuyến đi 2 ngày 1 đêm Yosemite- Mono Lake . Diệu e-mail tôi nói là cảnh đẹp chư tiên không đi quá uổng. Làm sao đây!  Vì biết tin trể tôi đã không tham dự được thật đáng tiếc.                                                                                                                                                   

Nói thật lòng, tôi đói quá. Tôi đang nghĩ lang mang về đủ thứ thức ăn Tàu, hay Việt đây? Chán đồ  Mỹ rồi sau bửa ăn buffet ở Rolling Hills Resort Casino ngày cuối cùng của chuyến du ngoạn Redding!  Xin lỗi tôi phàn nàn môt chút về tiệm ăn Thái- Lào ở cái ngày đầu tiên.  - Xin lỗi, nó tệ chưa từng tệ hơn. Món Pad Thái ngọt như chè, trộn Ketchup màu cam cam, thêm vài cọng giá le que, nghe đâu các bạn khác chọn cơn chiên cũng chẳng khá hơn nên hôm sau tour guy đề nghị ăn Phở ở đó mọi người sợ quá, chào thua. Ai cũng đồng ý chẳng thà ghé một siêu thị mua sandwick, mì ly về nhâm nhi trong khách sạn.                     

Trên xe bus, tôi đang nghĩ lang mang đến khi về nhà mình phải làm một bữa trả thù, mà ăn cái gì đây?

Điện thoại reo nhìn ra là của ông chồng thân mến của tôi. Chắc nhớ rồi đây!

_Anh, sao khỏe không, mai 5 giờ em tới nhà. Không có gì lạ chứ?

_Không, Livi nhớ em lắm..

_ Còn anh? Chỉ có cháu nó nhớ thôi hả.

_Còn phải hỏi, anh nôn nao lắm nên xem lịch bay hình như tới sớm nửa giờ. Em có muốn ra ngoài ăn không, anh đi chợ cho em rồi. Mua nhiều rau xanh và cá tươi.  

Ở Mỹ gần 40 năm, vì mê rau nên tôi mê món xà lách vừa bổ dưỡng, vừa tươi mát của xứ Hiệp Chủng nầy. Tuy nhiên nói thích thì khó mà gọi là thích, sao bằng gỏi đu đủ gỏi ngó sen của quê mình. Khi đi làm xuống câu lạc bộ đành dùng tạm và lâu dần thành quen cho cái chọn lựa không thể chọn, đâu phải như ở Little Saigon có thể trồng rau quả Việt Nam quanh năm. Sà lách cũng là món ăn đại diện cái đặc thù vì Mỹ Quốc gồm dân tứ xứ, nhiều khuông mặt, nhiều màu da. Dù sao nó cứ lổn ngổn, lục cục lòn hòn, người già hết răng rồi nên hơi khó nhưng hy vọng bọn trẻ ăn nhiều xà lách hơn để những cái lổn ngổn, kì cục kia sẽ tiêu hóa và biến thành chất bổ về sau.

  _Sợ về đến nhà quá trể, em không muốn ra ngoài ăn. Món sa lách thì hồi trưa xe dừng lại tại một casino  cho mọi người ăn bao bụng (buffet) em đã ăn thả ga tất cả rau xanh mà em có thể tìm được rồi. Anh nấu cái gì đi.

_ Thế thì ăn món mì Ý thì sao?

Dĩ nhiên đó là món duy nhất ông xã tôi làm được, trừ cháu trắng, hay mì ly. Món ăn Tàu dầu mỡ nhiều sau nầy chúng tôi ít ăn hơn. Steak thì chỉ có chồng Quế Chi làm mới ngon. Tôi lang mang nghĩ nếu có món Canh Chua Cá Kho tộ và cơm trắng gạo thơm hiệu ba con voi của Thái Lan nóng hổi thì tuyệt vời.

 Phở gầu tái nạm vò viên

Chả giò nem nướng có tiền anh mua

Sao bằng cơm trắng quê mùa

Kho tiêu cá bống canh chua bạc hà

Nghĩ thôi mà nước miếng đã chảy ra. Nếu người Mỹ là tô xà lách muôn màu đơn điệu. Món ăn Việt Nam: không thể là món Phở trôi lều bều, thịt bò tai tái, không phải chả giò mỡ chảy hay cơm tấm thịt xường mà là món cơm Canh Chua Cá Kho Tộ mặn mòi, bình dị đượm tình quê, đậm đà đầy màu sắc, vừa rẻ vừa ngon lại ấm lòng.

Dĩ nhiên, phở dễ ăn nhất, nhưng đứa con gái của tôi dẫn người bạn trai của nó vào quán ăn VN liền giới thiệu món mà nó và mẹ đều mê: Canh chua cá basa. Cậu Mỹ gốc Nga vừa ăn vừa hít hà. Wow, lát ớt mỏng dính kia sao mà cay khủng!..Mồ hôi toát ra, cậu ta lùa bao nhiêu cơm trắng, nhờ phục vụ châm đầy ly đá lạnh và thoải mái làm sao với đĩa tôm kho. Nghe con bé kể, tôi cười nói:

_Con cũng còn nhân đức, nếu con đãi đúng bộ với cá bống kho tiêu thì Felix khó mà qua nổi. Sao con không giới thiệu Phở cho nó trong lần đầu tiên.

_Mẹ à, Phở thì dễ quá. Gia đình Việt Nam mình thường sẽ ăn những bữa cơm như thế nào trong nhà, thì con đã mang ra mà đãi nó: Nó nói canh chua thoạt nhìn rất đẹp, vị cũng không tệ, dù hơi lạ. Nó thích nhìn cái màu sắc hồng cam của cà tomates, màu vàng của khóm, nằm cạnh màu xanh ngọc của những lát Bạc Hà, màu xanh biếc của rau quế, màu trắng cọng giá non non, và đỏ rực những lát ớt- làm toát mồ hôi-. Con thêm vào: Tô canh đẹp như tình buổi ban đầu, nhưng cuộc sống còn có cay chua." thì cũng có nước canh ngọt lịm để chưa cháy khi nhai phải ớt. Lúc lấy nhau rồi, hết còn diễm lệ nhưng còn mặn nồng yêu thương. Cơm trắng ăn cùng cá kho chắc bụng no lòng. Nếu dễ thương một chút, cá có thể chuyển thành tôm, thành thịt và cay nhiều hay ít còn tùy độ tiêu ớt mà ta cho vào, nó có chịu nổi thì tiến lên còn không thì đi chổ khác.

 _Con chỉ biết thứ canh trong cái tộ sứ trắng đầy màu sắc nấu cùng những thứ mua từ chợ. Tô Canh Chua nấu với Cá hay Tôm có thể thay đổi đôi chút nhiên liệu cho thêm hải sản như Mực và Cua. Tiệm ăn họ dùng những món căn bản mà bạn con thấy có thể thêm Ngò Gai, Đậu Bắp, Cần Tây. Ngày xưa tộ canh mà mẹ biết đầu tiên ở nhà ông Cốc con nấu bằng thân cây chuối, hay hoa chuối. Thỉnh thoảng mùa Sua Đủa ra hoa cũng có thể hái đem nấu cùng Tôm, và mùa nước nổi lại nấu canh chua với Ngó Sen, Bông Súng.  

_Cái gì?  Con có thấy hình cây chuối to đùng làm sao mà ăn.

_Tất cả nhiên liệu từ trong vườn nhà. Xắn một thân chuối non tướt sạch tơ sợi, thái mỏng, trắng nỏn nà khi ngâm trong cơm mẻ, và cũng nấu cùng cá khô được dự trử với mẻ tạo vị chua, cho thêm rau ôm, ngò gai, xả, ớt, phi thơm trong vài muổng mỡ nước.. Không thể thiếu chén nước mắm trôi đầy ớt hiểm mẳn và tộ cá kho khô. Đặc biệt người miền Tây dùng loại cá Bóng Dừa, Rồng Rồng, Hủng Hỉnh, Bảy Trầu nhỏ tí tị bằng ngón tay út..Người đầu bếp kho rất khéo, con cá cứng không bị nát, nước mắm quẹo nâu đặc sánh rắc tiêu thơm lừng ngon tuyệt vời trong những ngày mưa lạnh cả nhà quay quần bên mâm cơm bốc khói, còn hạnh phúc nào hơn.

_Cá nhỏ như thế, ăn cả xương luôn?

_Đương nhiên, bây giờ có tiền cũng không tìm ra đâu con.

_Con thấy ở Phila tiệm Việt Nam có bán cá bống Trứng cũng rất nhỏ như mẹ nói. Mẹ muốn con sẽ mua cho mẹ.

_Không tươi, hôi dầu, mẹ đã thử rồi. Canh chua thì người Việt nào cũng biết nhưng gồm có thứ gì hay kiểu nấu thì đôi khi khác nhau, nói chung là có gì thì dùng thứ đó. Rau muống luột lên vặn tí chanh của người Bắc hay người Trung cũng là canh chua. Cái bất biến là vị chua chua mặn mặn, ngọt ngọt. Ăn canh chứ không uống súp, có "quặng mỏ" dù đôi khi chỉ là rau, nhưng rau thiếu gì, mình dùng đũa để gấp lên chấm vào nước mắm ăn cùng với cơm kèm theo món mặn như Cá, Tôm, kho khô, cho hành, rắc tiêu. Nếu nghèo ngay cả chỉ kho bằng nước mắm cho quẹo lại. Bữa cơm nầy ý nghĩa lắm. Đầy đủ : mặn, lạt, chua, cay, lẫn ngọt bùi như cuộc đời chứa chan Tân Khổ của mổi người chúng ta. Canh Chua đã đi với người mình lâu như thế không đáng làm món ăn biểu tượng hay sao

_ Con đâu biết tô canh nầy đã cải biến theo thời gian cũng giống như các bà bây giờ mặc áo dài thay vì áo bà ba đạm bạc chân quê nhưng, mẹ nói đúng, chỉ có người Việt mới mặc áo bà ba bất kể nam hay nữ, và biết  ăn canh chua cay nồng mùi ớt chan cùng cơm trắng, cùng tô cá kho nồi đất vàng nâu rắc đầy tiêu hả mẹ. Còn Phở thì sao? Nhiều bạn bè cùng lớp với con chỉ biết Phở hay Chả giò.

_ Người ngoại quốc nói tới thức ăn Việt là nói tới Phở hay Chả Giò, nhưng phải nói Phở nhập cư từ miền Bắc của những người khá giã. Trong các hàng ăn chứ các bà nội trợ ngày xưa không hề tự nấu. Họ biết Phở cũng giống như bạn trai con biết con qua cái dáng vẽ bên ngoài, cái xả giao bên lề, ly café buổi sáng. Đơn giản no là được. Phở ngon, phở dở họ đâu có biết như mẹ đây ăn dĩa mì Ý Mẹ không biết phải chọn phomat gì, cần rắc thêm hương liệu gì?  Rất nhiều bà con ta mê Phở, nhưng con có nghe chuyện bác Hải tuyên bố "tôi có thể ăn phở trừ cơm" nhưng khi vợ bác về thăm mẹ chị ấy nấu cho bác nồi phở ăn đúng một tuần, bác phải chạy sang nhà mình tìm cơm, con nhớ không?

_Dạ nhớ, bác ấy nói nghe mùi cũng đủ sợ và xin chừa tật, bỏ cơm tìm Phở, nghĩa đen cũng như nghĩa

­­Tôi chợt nhớ năm nay bên cạnh sân khấu bàn thờ tổ sư Phan Thanh giản không phài là gánh hàng chứa đầy quả ngọt, cà chua rau muống hương liệu cho bữa cơm thanh đạm cho cả nhà chiều đến hay sao.

Đang nghĩ vơ vẫn thì điện thoại của chi Kim Cương lại reo. Bang trưa chị gọi mời đến nhà chơi tối nay. Tôi cũng chưa quyết định, sơ giao quá. Kim Cương là một nhân vật tôi mới gặp qua sự giới thiệu của Thắm cô Dược sĩ bạn tôi. Thắm nhanh miệng lắm, quảng cáo rầm rộ lần họp mặt Texas vừa qua. Chỉ xã giao cùng nhau khoảng 15 phút, biết chị là lính mới, định cư San Jose. Viên Kim Cương đã lăn vào vòng xoáy của trường nhà, rồi chị nói đứng lên đi tìm bạn mình, và chị ngồi cùng bạn ở một bàn khác.                                                                                                                                                                              Lần nầy chồng chị, anh sáu Líp trên phone. Tôi và anh Líp là hàng xóm trong cái tỉnh Cần Thơ nhỏ bé, là bạn với em gái anh ấy. Anh tốt nghiệp sĩ quan võ bị Đà Lạt. Chiều Đại Hội gặp anh thật bất ngờ. "Tha hương ngộ cố tri"

_Nhãn phải đến nhà chúng tôi một lần. 50 năm rồi mới gặp lại, anh chị sẽ đến đón khi xe về tới cho anh chị hay.

_ Sợ rằng rất trể anh ạ, họ phõng đoán 7 giờ nếu không kẹt xe.

_Không sao, có cô bạn của chị cũng đi trên chuyến du ngoạn nầy nữa, cô ấy cũng tới và còn có vợ chồng ông thầy.. không phải chỉ mình em.

Liệu khó mà chối từ tôi nhận lời. Về đến nơi sau khi cấp tốc giũ sạch bụi đường, tôi đã chễm chệ ngồi trên xe của anh chị lúc 8 giờ. Chị Kim Cương ngồi phía trước với anh. Xe dừng ở Westin Hotel để rước bạn chị, tôi cũng tò mò muốn làm quen. Một quý bà mang kính, y phục đen, áo vét mỏng cùng màu trang nhã với vòng cổ mặt ngọc trai. Ôi chao người gì mà mành như tơ liễu nhỏ nhắn thanh mảnh.

_Ô,ô, vợ chồng chị đứng cùng hàng 4, cạnh tôi ngày hôm qua lúc xuống phà qua hang Shasta, và ngồi trên bus cách tôi một hàng ghế phía sau anh chị Danh Nguyệt. Chị từ Úc tới, mình đã nói chuyện với nhau mà không biết tên..

_Tôi tên Phụng..Chồng tôi lại được một người bạn bắt cóc rồi.

_Rất vui được quen chị. Chị là bạn của Kim Cương, mới gặp lại sau gần nửa thế kỷ?

Chị Kim Cương xen vào

_Đúng vậy, chúng tôi vào ĐTĐ năm 1965..Không tin là còn có dịp gặp nhau.. Cám ơn  Đại Hội. Tôi đi lần đầu, nhưng năm sau sẽ gặp lại nếu sức khỏe cho phép.

_Chắc chắn thôi. Giờ anh Sáu cho chúng tôi về nhà phải không?

_Không, tôi muốn giới thiệu "lẩu chua Lá Vang" ở nhà hàng Nha Trang nếu các bạn không chê, sau đó mới về nhà.


_Lẩu Canh Chua Lá Vang, một khám phá mới..                                                                                                                          

Tôi chợt cười bâng quơ. "Trúng tủ"

 

Nhãn Dương Trần

NhanTran_DH22_self.jpg 

 

 

Sương Mù

 TaiLieu_Me.jpg

- Tại sao số thuốc còn lại cho ba ngày cuối tuần không đúng vậy anh Phúc?

- Chú muốn nói gì đây? Anh cho vú* uống sau khi ăn sáng viên trị tăng xông máu, chiều thì thuốc trợ tim, chú thì chích tiểu đường ngày hai lần, sáng và tối, nếu có sai sót là -chị tư em- bả không biết đọc nên cho nhầm thuốc, không phải anh, chưa kể con thuốc Tavanic 500g, thuốc Curam, và  Augmentin. v.v chứ đâu phải chỉ có hai thứ trong bịch nilon như chú nói đâu.

- Em lúc nào cũng kiểm tra trước khi giao vú cho chị ấy canh chừng ví dụ như hôm nay. Anh nghe nè, Ở đây là số thuốc mà mổi tuần phải uống, 7 viên mổi vĩ, trãi qua bốn ngày số thuốc còn lại phải là 3 viên mổi vĩ đúng không? Nhưng thuốc máu còn 4 mà thuốc tim còn 2.  Có một ngày nào đó vú bị uống hai lần thuốc trợ tim và không uống thuốc tăng xông máu.  Còn thuốc trợ sinh Curam 1000 mg, trợ phổi Tavanic em quản, chỉ khi cần mới cho vú uống thôi.

- Chú đổ lỗi cho tôi đấy hả! Tôi biết chữ mà, chú giỏi lắm chú điều khiển mọi thứ còn thằng anh lớn nầy không có quyền hạn gì. Chị hai giao tiền cho chú quản lý, chú làm luôn đi. Tôi đi về.

- Lại là vấn đề tiền, anh Phúc, mẹ là mẹ chung, anh là con trai trưởng, anh nói vậy nghe được sao? Ngày vú thập tử nhất sinh anh đâu có kề cận trong nhà thương thì em phải làm quyết định. Anh nói em dành quyền, anh cũng biết vú đã luân lạc, trôi nỗi từ nhà nầy qua nhà khác bao nhiêu nơi rồi.

 - Thì không phải 2 năm nay vú ở với vợ chồng tôi hay sao? Chỉ có chú là chưa đem bà về nuôi thôi.

- Anh Phúc, nếu tôi không có một thằng con tật nguyền và con trai tôi thành đạt như con trai anh....

- Các em làm ơn nói nhỏ chút hoặc kéo qua phòng khác mà cãi nhau, làm ơn để cho bà được yên, chị mới về một ngày thôi mà nghe đầy cả lỗ tai rồi. Vú làm sao mà sống bao nhiêu năm nay! Mẹ nuôi nỗi 8 đứa con nhưng 8 đứa không nuôi nỗi bà

Bọn chúng lại bắt đầu cãi nhau!!                                                                                                                           

Tôi đứng bên cạnh giường đây, mình đang nằm thiêm thiếp, không biết mình có nghe được gì không? Từ mấy năm gần đây tai, mắt mình càng ngày càng tệ, con Thảo nói chuyện điện thoại từ Mỹ về tôi biết mình chỉ đoán mà trả lời bừa. Thế mà hay, chí khổ cho thân tôi vì đã chết rồi nên tôi thấy hết và nghe hết nhưng không còn quyền lực mà hét chúng nó một trận như ngày còn sống, mà nghĩ cho cùng, hét hò gì cũng vậy thôi, dạo đó mình cũng chỉ dùng cái quyền làm cha như ông nội mấy đứa nhỏ cứ nhại đi nhại lại những câu ca dao tục ngữ nhàm chán:                                                                                                                

"Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra; Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ ấy là chân tu." để mà dạy răn. Nhưng chính tôi cũng đâu chấp nhận cái công cha như núi kia đâu. Bởi vì cha tôi sanh ra tôi rồi bỏ đi có bà vợ khác, má tôi phải gồng gánh nuôi một bầy con, tôi chỉ nghe và thấy:  Đêm đêm má hát ầu ơ: "Gió đưa bụi chuối sau hè, anh theo vợ bé bỏ bè con thơ. Gió mùa thu mẹ ru con ngủ, năm canh chầy thức đủ vừa năm" nhưng rồi tôi cũng mang cha mình về nuôi nhờ mình luôn nhắc tới hoàn cảnh má tôi ngày xưa mà khuyên nhủ: Anh à: "Nuôi con mới biết sự tình, cảm thương cha mẹ nuôi mình ngày xưa", cho nên bổn phận làm con "Thờ cha thờ mẹ hết lòng, Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường". Mình là con dâu hiếu đạo nên các con mình nó cũng có hiếu với mình (dù lâu lâu cũng cãi nhau chí chóe và òn ỷ móc hết túi mình).                              

Tôi mất sớm, tôi mong mình sống lâu, hưởng phúc vì khi lớn lên tôi cưới mình về, cuộc sống gian khó, làm dâu bà mẹ chồng ghẻ lạnh, ông cha chồng độc đoán, mình không hề than van. Đứa con gái lớn bị bắt đi gan bào ruột thắt, mình không có quyền phản đối, bầy con nhỏ chi chít luốt lem mình cùng tôi cày sâu cuốc bẩm nuôi dạy.                                                                                                                                                              

Xã hội Việt Nam mà, cứ dùng giáo lý Khổng Mạnh Trung, Hiếu, Tiết, Nghĩa: Cái chữ Hiếu trong luân thường ấy ai mà không trọn đạo thì người ta chê cười nhưng sao các đấng quân vương thì: dâm dì ghẻ, lấy chị dâu, giết cha, anh cướp ngôi báu, mà có ai dám bàn tán chi đâu? Chỉ là như bày cái trò "Tiết phụ khả phong". Chỉ là "trăm dâu đổ đầu tằm", làm khổ thân đàn bà như mình đây. Mình đã chẳng xa tôi 25 năm rồi sao.                                                                                                                                                                 

Tôi lặng nhìn con Thảo, nhưng nó đâu có thấy tôi. Nó đang ngồi cạnh vú nó. Đứa con bỏ chúng ta mà đi cho tới khi tôi lìa cỏi đời nầy nó không có cơ hội một lần gặp lại nhưng nó lo cho mình thật nhiều và giúp đỡ gia đình. Là tia sáng cuối đường hầm cho một đàn em. Lỗi lầm trong đời chúng ta là bỏ (phải nói là xa rời) con Thảo cho nên có một lần con Thảo chống đối hoàn cảnh phức tạp luân lạc, bị Nội bắt về thành, không được sống cùng cha mẹ nó đã lớn tiếng chống đối: "Con đâu có muốn được sanh ra đâu mà mọi người lôi con ra rồi bây giờ trao cho con bao nhiêu gánh nặng trên cuộc đời nầy.."  Con nói đúng. Con người sanh ra không được hỏi ý kiến nhưng nói theo thuyết luân hồi của Phật giáo thì phải có một nguyên nhân nào đó mà đứa thì ngậm thẻ bạc vào nhà giàu sang, đứa bị vất bên lề, lớn lên trong cô nhi viện thì cái lý luận công cha sinh mẹ dưỡng nó đã vô hình chung trở nên thật mỉa mai. Tuy nhiên, luật tự nhiên để truyền giống, con người cứ tiếp tục tăng trưởng, bị ném vào cuộc đời mai mắn thì làm giọt mưa long lanh trên giếng ngọc hay bất hạnh thì bị cuốn mất, không ai biết tới, hòa tan vào vòng xoáy đục ngầu của nước đại hồ, không chọn lựa mẹ cha, quốc gia hay sức khỏe. Làm người khi hữu phước thì hiêu hiêu tư toại khi bạc phần thì tự thán, tự vẫn hay tốt nhất chỉ là nên tự đứng lên? Cha mẹ nào lại kể lể với con công ơn chín tháng cưu mang, nuôi lo, dạy dỗ. Sinh ra đã là đương đầu với bao khó khăn và rồi bây giờ con cũng sinh con, con có hỏi ý kiến bọn nó đâu! Ha ha ha.., Và vì con không vừa ý với thời thơ ấu nên bao nhiêu lần ba nghe con nói phải "Nuôi con cho đến thành người mới nghe" và cái hoàn cảnh của vú con ngày xưa "Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn" của tất cả mọi người mẹ, chắc chắn con đã đi qua..Nên con đã về đây.                                                                                                                 

Con đông thế nầy làm sao không cãi nhau. Thằng Tín nói cũng có cái lý lẻ của nó. Con Trang và con Thảo đã vun quén cho Vân-đứa con gái út-, hy vọng mình ở cùng nó nhưng rồi nó làm cho mình phiền muộn phải chạy về vườn, mình lại chọn ở với Hà. Đâu phải chúng nó nuôi vô điều kiện đâu. Mình ở với đứa nào thì đứa đó được con Thảo trả tiền hàng tháng và giúp đỡ tận tình. Tín nói đúng, đâu phải chỉ con Thảo mới có bổn phận nuôi mẹ. "Hết sôi rồi việc." Con của Hà tốt nghiệp bác sĩ thì cũng là lúc nó đẩy mình sang nhà thằng Phúc. Và khi con thằng Phúc ra trường kỹ sư thì vợ nó lại nói là đã phụng dưỡng đủ 2 năm rồi, hết bổn phận rồi.  Chuyện thằng Trung làm tiêu 100 cây vàng, đã làm cho Thảo sắp li dị chồng, cũng mai là nó vẫn trọng tình anh em hơn là tiền bạc. Tôi biết mình buồn, mình khổ, vậy sống lâu cũng chắc gì được tiêu dao tự tại như tôi đây.                                                                                   

Chuyến đi VN lần nầy làm cho tôi lo lắng chuẩn bị hằng tháng mất ngủ. Xưa nay chưa bao giờ tôi đi VN một mình. Vú bệnh nặng lắm, nằm nhà thương hơn tháng nay tưởng là không qua khỏi nhưng, sau một liều lượng trụ sinh mạnh chắc chỉ có ở Việt Nam mới mua được đã giúp bà ra khỏi phòng cấp cứu. Tôi tự hỏi có phải bà biết rằng tôi sẽ không về để dự đám tang, nhưng tôi sẽ thăm bà nếu bà còn hiểu biết và còn nhận thức. Tôi chỉ sống cho người sống. Tôi không thích hình thức ma chay khóc than tụng niệm, không nhất thiết vì tôi theo Công giáo.                                                                                                                    

Qua một đêm mất ngủ,( bay hơn 20 giờ), từ phi trường sau khi nhận hành lý, tóc tai bụi bám, bơ phờ hơn 10 giờ sáng mới ra khỏi cổng. Có Liên đến đón, chúng tôi bắt taxi rồi xe đò về thẳng Cần Thơ. Cả nhà chú Chín (em của ba) đến thăm vú và đang chờ tôi từ Sài Gòn về dù đã hơn 3 giờ chiều, họ từ Bạc Liêu bao xe lên, chưa ăn uống gì.!. Trong khi đoạn đường từ đây trở về họ cũng phải tốn ít nhất là 3 giờ lái xe.  Vú đang ngủ, tôi lo công việc xã giao với nhà ông chú, cùng họ đi ăn tối, chụp một vài hình ảnh để nhớ vì cũng không biết còn có cơ hội gặp nhau. Chú út người cuối cùng bên họ nội trang lứa với ba còn sống.                    

Tôi trở lại sau khi tiễn khách. Vú đang nằm trên giường bệnh ở nhà Vân đứa em út của tôi, bà thiêm thiếp, nhắm mắt. Mền được đấp cao khỏi ngực chỉ lộ chiếc áo nhung màu nâu đen không che nổi cái cổ khẳng khiu, gương mặt trắng và tái, nhiều nếp nhăn, gò má nhô cao, miệng dúm vó như lằn vải xếp li ti, khép làn môi mỏng. Một bóng đèn tròn giăng ngang chiếu thẳng vào khoảng ngực bà, nói là dùng sức nóng sưởi ấm. Mồ hôi tôi toát ra nhưng người già thì dễ lạnh! Bình oxy cạnh giường. Một cái bàn chất mấy hộp thuốc, bình thủy nước nóng, khăn lau, chén ly, muổng, một lọ thức ăn xay nhuyển. Dưới bàn là rổ quần áo và bịt tả cho người già.                                                                                                                          

Tôi lần dưới lớp mền tìm thấy bàn tay bà khẳng khiêu âm ấm. Lại thêm một điều không thể chọn lựa. Ai muốn như thế nầy trong những ngày cuối đời. Ba ơi con sợ lắm. Nhiều lần con muốn cầu nguyện cho vú nhưng phái cầu như thế nào đây?! Má chồng con chết vì vỡ mạch máu não nên chẳng đau đớn gì, chỉ là chồng con bị sốc nặng nề nhưng bây giờ nhìn vú như thế nầy thì nếu con đường xuống tuyền đài ai cũng đi qua có phải ngủ qua đêm mà chết luôn thì quả là một cái chết hoàn chỉnh không ba. Con có lỗi, con không hề muốn vú bị hành hạ thân xác...

- Chị hai về tới hồi nào?- Thục bước vào nhà-

- Mới tới vài tiếng đồng hồ trước đây thôi, em lên để thăm vú phải không?

- Thay phiên cho anh Phúc chị à. Anh ấy phải về lo cho gia đình 3 ngày, thứ hai anh ấy trở lại.

- Vú khá hơn, hôm nay khỏi cần thở dưỡng khí. Tới giờ chích đường cho vú rồi.

Tín nói xong thì chuẩn bị kim, sát trùng và vén bụng vú lên

-Em sợ chích ở vai vì vú ốm quá, nhỡ đâm trúng xương chị ạ Chị xem bụng vú bị chích đến độ chai cứng. Anh Phúc thì thường phải bóp vai bà mà lụi kim.

Thật không tin nổi, tôi liết nhìn cánh tay khẳng khiu chỉ còn da nhăn nheo và đôi mắt sâu quắm chỉ mở được hai lằn chỉ nhỏ lờ đờ nhìn tôi

-Con Thảo phải không?

         Vú còn thấy được tôi sao? Rưng rưng nước mắt tôi khụy xuống ôm hôn lên trán bà, kề sát tai bà

-Dạ, con về thăm Vú đây, con hứa vú khỏe con về thăm vú mổi năm, con giữ lời hứa thấy không? Gần Tết nữa rồi, vú phải ngồi dậy ăn Tết, con cuộn cá lóc nướng trong bánh trán cho vú ăn như năm trước okay.

-Okê, okê, cha mầy!!. bà phều phào.. Ừ  vú thích ăn rau, không thích cháo. -Ngừng một chút lấy hơi xong bà tiếp tục-...Bọn nó chỉ cho vú ăn cái thứ gì như đồ ăn con nít mà nói là bổ dưỡng. 

Tôi muốn bật cười khi nghe vú "chửi" mình.

-Vú mét với chị thấy chưa, để con đỡ vú ngồi lên, vú dựa vào đây... cố hết bệnh rồi ăn bánh xèo, gỏi cuốn..à mà vú có mang hàm răng không mà đòi ăn rau? - Bà cười phô lợi hòng hồng nheo mắt không trả lời.

        Quay sang Trung và Tín tôi nói- "chị có mua Sâm Đại Hàn về cho vú uống, không biết có giúp gì không nhưng kệ nó, nghe người ta nói bổ thì mua-"

-Vân nó cũng có mua tổ Yến chưng cho vú ăn, thuốc đắng quá.

-Chị Thảo về tới rồi vú mong quá chừng, bây giờ muốn nói gì thì nói đi.

-Chỉ muốn nó..nó ở với vú một đêm.. mà sợ nó không chịu.

Tôi sắp rơi nước mắt, tôi đã về bao nhiêu lần rồi mà có bao giờ tôi ở với bà lâu đâu. Phải nói là đi thăm vú như đi thăm "bẫy" là vọt mất tiêu, đi chơi mút mùa rồi về khách sạn!!_Vú nuôi các con đến núi mòn sông lở, Con về thăm vú như đi chợ ngày đông - Tôi quay lại trả lời:

-Chịu chứ sao lại không, con ở với vú đêm nay, thức suốt cũng được..          

 

Phúc và Thục thay phiên trực 18 giờ mổi ngày bên cạnh bà và vợ chồng Vân canh 6 tiếng hàng đêm. Vú như tỉnh hẳn lên từ khi có tôi, bà đòi ăn đủ thứ như trẻ con, từ Phở rồi bánh cuốn, rồi bún tôm, đòi ăn ngay cả lúc đêm xuống nhưng phều phào ăn chẳng bao nhiêu. Lúc nằm bà cũng ráng thể thao đôi tay, Chúng tôi thuê một người làm Vật Lý Trị Liệu thoa bóp, điểm huyệt đạo (massage), bà khó nhọc run rẩy tập từng bước đi. Khi tôi mua cho bà chiếc xe lăn đẩy bà ra thềm ngồi nhìn người qua lại, mặt bà sáng lên kiêu hãnh như muốn khoe với mọi người- con gái lớn của tôi đã về thăm tôi-.  Suốt ba tuần ở cùng vú, khi bà ngủ say tôi cuốc bộ vòng quanh hồ cho thư giãn. Suy nghĩ bản thân mình tròm trèm 70, nhìn đàn em đứa nhỏ nhất cũng đã 50, rồi nhìn vú và đoạn đường đã đi qua. Tôi cố nuốt xuống cái cục nghẹn buồn đau cho vòng xoay của một đời người.

 Các em tôi, đứa lớn nhất Hà, cách tôi một tuổi mới mở một nhà thuốc sau khi thằng con ra trường bác sĩ. Nghe rằng phải vay nợ tứ phương mong đổi đời, bận rộn suốt ngày chỉ ghé thăm vài lần. Cũng khổ lắm vì thân quá bụa lúc mới hơn 30, chồng là cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa. Ba tôi mang mẹ con nó về sau khi tàn cuộc chiến 1975, chồng chết, đau nặng. Nhờ sự giúp đỡ của gia đình, nó cũng tháo vác bương chãi một gánh hàng rong nuôi ba đứa con trai đến ngày hôm nay.  

Đứa em gái thứ tư Thục, thông minh lanh lợi từng quản lý nhà máy đường rồi nhà máy xay lúa do ba tôi đầu tư nhưng "nhờ" chính phủ mới nên đường xuống giá vì đường ngoại quốc nhập vào giết nông dân. Nuôi cá thì cá chết, nuôi tôm thì tôm ứ đọng! Con trai lớn tuổi hơn Trân, mua tàu đánh cá bị bắt ở Cambodia nó phải về ôm vú mà khóc. Vú móc hết tiền, lột hết cả nữ trang đưa đi chuộc thằng cháu ngoại..

Cậu em trai lớn Phúc chưa kịp tốt nghiệp Đại học thì mất miền Nam theo lệnh cha về nhà cày ruộng. Khi ba tôi mất, 1993 lần đầu tôi về tôi không còn nhìn ra nỗi thằng em mộng làm thi sĩ thưở nhỏ lúc nào cũng mê thơ mà bây giờ với cái lưng mốc thếch: 

Đào đìa nuôi cá

Lên liếp trồng tràm

Muỗi mòng đỉa vắt, 

Nước đọng bùn lầy (Nguyễn Bính)                                                                                                

Bao nhiêu lần vượt biên không được thôi thì đành an phận thừa kế gia tài của cha, làm lụng nuôi con hy vọng tiếp tục cái sự nghiệp mà cha nó bỏ vỡ, cho con về thành cho đỡ cực khổ. Thằng con của nó không thèm ở Cần Thơ mà về hẳn phố phường nhộn nhịp để thỉnh thoảng Phúc e-mail cho tôi hình ảnh "Tư Ếch" đi Sài Gòn, oai còn hơn chị nó ngày xưa.

Trung, đứa em tôi kỳ vọng bao nhiêu vì cưới được cô vợ vừa đẹp lại vừa khôn. Hai vợ chồng òn ỉ thế nào mà ông xã tôi sau chuyến VN đầu tiên trở qua đã đem cầm cái nhà gởi cho chúng nó mượn 100 cây vàng làm vốn. Chỉ một năm thôi, nợ nhà bank tôi gánh 15 năm ở Mỹ, vợ chồng Trung sắp bỏ nhau, nhà bị mất. Các em khác của tôi biết ra không thông cảm mà còn phiền tôi tư vị. Vợ chồng Trung bị ông xã tôi tẩy chay vì đã lường gạt ông. Tôi tìm hiểu căn cơ, chúng còn khờ quá!  Tôi cũng có lỗi vì đã bỏ hết trứng vào một cái rổ quá mềm, nhưng mà, tiền bạc đâu thể cắt được thân tình. Cũng khó khăn lắm nhưng tôi đã tha thứ cho Trung.

Tín, bây giờ mọi chi thu gì cho vú đều qua em ấy. Cũng đã gần 60 tuổi trời, em giống tôi từ gương mặt tới tính tình, cả quyết và thích chỉ huy nên đôi khi làm cho các anh chị phật lòng. Khá thành đạt trong cuộc sống, làm giám đốc cho nhà bank, mới nghỉ hưu nhưng bị khổ nạn bởi một đứa con không bình thường vì lúc mới sinh, do sai sót của y tế Việt Nam những năm sau 75. Nó nói: "Thì cũng đâu có chọn lựa nào đâu phải không chị, Em cũng muốn con em thông minh như con chị, nhưng trời kêu ai nấy dạ chị ơi".

Và cô út Vân đứa em út ít nhưng cao to đã từng trách tôi bỏ lại em mà chỉ mang theo chị Trang của nó khi vượt biên. Con bé bây giờ khá nhất nhà, có xe hơi con, cầu khẩn khó khăn lắm mới được một mụn con ở tuổi 40, thằng bé ú nu chắc là nuông chìu hơi nhiều nên vừa về đến nhà là mở ngay màn hình chơi game suốt.

 7 đứa con trừ Trang đã mất. Đông con như thế thì sao tránh khỏi sự "bằng mặt không bằng lòng", cãi nhau chí chóe mà vú thì đâu có hét ra lửa như ba chỉ khóc hay khoát tay "Thôi đi, thôi đi"..!                   

Các con của vú đã làm ông bà có xuôi gia cả rồi mà còn làm khổ vú chỉ trừ có con thôi phải không? Con chỉ có hơi bất hiếu một chút là bỏ vú đi xa hơn nửa vòng trái đất, nhưng mà con về rồi mà. Bích nó hứa sẽ về thăm mẹ lần nữa năm 2020.

Rồi ngày ra đi cũng tới. Hôm qua chị em chúng tôi ăn cơm chung, sáng nay 5 giờ sáng tôi hôn giã từ vú.

-Đêm hôm vú không ngủ được, nhìn vú hơi mệt, máu lại lên cao. Sao vú không nói với chị hai ở lâu hơn.- Tín nói-

-Không được đâu, nó đã hứa với chồng con nó rồi.  -bà đang nắm tay tôi-

-Hôm nay nhớ mua chè trôi nước cho vú nghe Vân. Cái gì bà muốn là cứ cho ăn, đừng có kiêng nữa.

Về thức ăn thì vợ Trung đảm phần nấu từ rau đậu, thịt cá đủ dinh dưỡng rồi cho vào may quay sinh tố nghiền nhuyển mổi ngày Tín ghé lấy 2 lần. Tôi năn nỉ móm cho vú từng bữa nhỏ một cánh đau khổ những thức ăn em bé nầy mổi trước hay sau khi uống thuốc.

-Có đứa nào đưa con đi không? -mẹ lờ đờ hỏi và như mơ màng nhìn đâu đâu..

-Dạ có Lợi con trai của Phúc, nó cũng về Sài Gòn mà, vú đừng lo, vú ráng khỏe năm sau con lại về.

-Chị hai nói vú nghe không?

Vú không khóc cũng không trả lời nhưng bảo Vân đỡ bà nằm xuống thay tả cho bà. Chuyện mang tả, Thục nói sẽ dễ dàng hơn là nên mặc củng (skirt). Hôm trước tôi nhờ con dâu thứ bảy tìm mua vải thun có hoa màu khá đậm và Thục đã may một lúc 10 cái, phòng khi ướt không khô kịp vào ngày mưa. Tôi nhớ thời gian Trân, Bích còn nhỏ cũng phải giặt tả phơi phất phơ như thế nầy.                                                                                         

Gương mặt vú trắng bệch, có phải do tôi tưởng tượng. Mình sẽ gặp lại, có thật mày muốn gặp lại vú không?  Liên nói: "Có người nằm như thế nhiều nhiều năm sau" . Nằm như thế nầy!  Đời một người, khi già nằm một chổ, miệng không còn răng, trí óc mụ mẫm như trẻ thơ nhưng trẻ thơ là một mầm xanh, một nụ hồng chờ đâm chồi nẩy lộc, còn vú là một cành thông khô nhựa!                                                                                                                                                               

Tín kéo chiếc valise, tôi không dám nhìn lại - Mầy đang chạy trốn, chết nhát Thảo à, mầy sợ đối diện với sự thật.

Xã hội Tây Phương bảo đảm cho người già miếng ăn ch ở, bệnh tật lúc về già. Chính phủ nợ những người đã một đời làm việc bây giờ mất khả năng nên có trách nhiệm phải cưu mang họ.                         

Còn ở Việt Nam. Xã hội làm gì mà bao nhiêu người già đi ăn xin hay bồng bế nhau đùm đíu trên chiếc ghe thương hồ gãy vụn nằm trên bãi cạn, hoặc cm lều trong nghĩa trang sống với âm hồn? Bởi vì chính quyền vắt chanh bỏ vỏ nầy đổ hết gánh nặng cho bọn trẻ. Đa số dân chúng thật là nghèo, con hàng đàn chi chít lem luốt không đủ ăn. Làm cha mẹ nuôi con, con nó nuôi con của nó. Họ không hề muốn đòi hỏi, mà tự nguyện hy sinh, rời đi.                                                                                                                                                

Bà có thấy dân mình luôn lâm râm khấn nguyện trước bàn thờ tổ tiên mong làm ăn khấm khá. Người chết không đủ quyền lực mình ơi, rồi mình cũng sớm biết thôi. Cha mẹ nào chẳng thương con, nếu họ có thể phù trợ sau khi chết thì con cháu họ hết còn vất vơ đầu đường xó chợ nghèo đói lang thang.  

       Con Thảo cũng già rồi, nó đang suy nghĩ đến, hai hoàn cảnh xã hội khác hẳn. Về vật chất thì nó không thiếu nhưng làm sao có được cảnh "lưng đau con đỡ, mắt mờ con nuôi" Ở bên đó chuyện cho cha mẹ vô nhà thương dưỡng lão vì quá bận rộn không gọi là bất hiếu nhưng đó cũng chỉ là một cổ áo quan chưa đóng nấp, cô độc, lạnh lùng, cho dù hiện tại bọn con của nó hứa rằng sẽ không làm như thế.  Nó sống thời đại giao thoa Đông và Tây, không đòi gì ở con mình và cũng không thể quên bổn phận với cha mẹ, giúp đỡ các em. Thảo luôn nói nó muốn sống như "the giving tree" không áp lực con, mong làm người hữu dụng, hy sinh cho chúng đến thân gỗ mục cuối cùng.  

Tuổi già là mùa thu cuả cuc sống, không ai biết được ngày nào gió sẽ cuốn ta đi. Định luật tự nhiên trời phamưa nhiều hơn sương mù. Nước rơi xuống tốt cho ruộng lúa nương khoai vẫn hơn bốc hơi khô hạn. Mình à, sáng hôm nay con Thảo rời Việt Nam, tôi biết mình buồn nên nằm xoay mặt vô vách. Mình đừng lo tôi bay theo tiển con của chúng ta. Bầu trời mù sương đẹp vô cùng, không nóng không lạnh, mây là là vướng vít, nước bay ngược lên chín tầng không, in ít thôi đã đủ nuôi những cành Lan treo lơ lững trên cội đa già. Sương làm cho mùa thu đi chẩm ri, tươi mát trước khi chín rực, đẹp uyển hoặc, bc lên nhẹ nhàng, bay  cao theo gió ngàn, bình yên trôi xa... 

Sương không rơi nhưng miên mang rong chơi.

Sương không mù nhưng che mắt mọi người

Mập mờ tõa buổi hừng đông hồng tím   

Se sắt thương mình cô quả sầu vơi.                                                                                                         

 

ĐAN QUẾ PHONG

(** Chúng tôi gọi mẹ là Vú, do là Nội kiên cử  sợ khó nuôi con.) 

 

Enter supporting content here