VĂN
LƯƠNG NGỌC THÀNH
Rạch Giá
Cựu học sinh PTG
______________________________
CÁI TÊN THÀNH XÌ.
Trường
tôi có những điều khiến nhiều trường khác trên thế
giới này phải chào thua và tôi, một học trò bình thường,
có cái nick name mà ai nấy đều phải thích thú, dễ nhớ,
thắc mắc và ấn tượng, "Thành Xì."
Dẫu cho không thật sự hài lòng với cái
nick name này cho lắm, tôi cũng như bất cứ ai trong trường, kể cả
ông hiệu trưởng đáng kính, bác Nhất hiền lành, dù
không muốn, dù không thích, cũng không thể nào chối bỏ
hay hoán cải cái tên mà chỉ có dân NLS Bảo Lộc chúng
tôi mới có mà thôi. Cứ nghĩ mà xem? Đâu có ai tự
dưng nặn óc, suy nghĩ với một sự quan tâm nhất định cho cái
tên của ta đâu nhỉ? Hồi tôi còn bé, bố mẹ tôi phải
vâng theo ý của bà nội tôi để gọi tôi là "Tèo".
Bà đã thương yêu thằng cháu trai đầu lòng lắm đấy
chứ. Ông nội tôi, người ưa nói vần nói điệu, ủng
hộ ngay,
"Tên xấu xí làm
cho ông bà không để ý."
"Thằng Tèo rồi tới thằng Tài.
Đẻ con trai có tiền xài hoài."
Có ai nói tên Tèo xấu chưa nhỉ? Nghe ai
gọi tên "Tèo", tôi nghĩ ngay đến những người trong giòng
họ nội ngoại ở Tham Lương, Bà Điểm hoặc vài người
hàng xóm ở Cần Thơ hồi tôi còn bé.
Vào Trung học Phan Thanh Giản, tôi đã không
có tên gì nhưng vừa đặt chân vào trường NLS Cần Thơ,
tôi có một nhóm anh em kết nghĩa, gồm những chàng trai cứng
đầu, quyết chí lên Bảo Lộc. Người đầu sỏ, Lý
Thái Lâm, là Hai Khùng. Tôi đứng thứ 6- Sáu Ngố. Nhưng
cái tên này ít ai biết và không có gây một ấn tượng
gì cả. Tôi thậm chí nhiều lúc đã quên bẳng cái
tên đó. Nhưng ở đại học tôi có một tên còn được
gọi cho đến bây giờ, Lương Cộ. Rõ ràng lớp phó Lý
Xuân Tha- MS-71 đã đặt tên này cho tôi. Cứ mỗi khi lớp tôi
đi lao động, ngoại khóa, công tác hay thực tập, việc gì
lớn nhỏ nặng nhọc đều được tôi gánh vác. Đệm
hát một bài hát nào mới cả lớp gọi tôi. Làm một
bài bích báo, ban báo chí réo gọi tôi. Nửa đêm đói
bụng cồn cào, tụi bạn cùng phòng lôi tôi dậy. Mỗi khi
tới phiên phòng tôi trực nấu cơm cho ký túc xá, tôi dĩ
nhiên làm bếp trưởng. Khi không đủ tiền trả cho chầu cà
phê nào đó, tôi chắc phải đương đầu với chủ
quán thôi. Những bó củi, giỏ đồ đá banh, bao gạo nặng
chịch được lớp phó Lý Xuân Tha giao cho tôi "cõng".
Khi có những mâm thức ăn thừa, hơi hôi thiu hắn vừa mỉm cười
vừa ra hiệu cho tôi "tém sạch."
Vì Long Kh'mer thương mến, coi tôi như một hướng
đạo sinh. Nó đã đặt tên tôi là "Gấu Rừng đảm
đang." Thấy tôi chu toàn công việc những hè lên ở
tại lò nem Má Chánh trên Bảo Lộc, Long Kh'mer còn nói,
"Trên đây ai cũng thương nhắc
tên mầy hoài đó thằng quỷ xứ. Mầy biết ba tao nói về
mầy thế nào không hả?"
Một
hôm ông nói với tao, "Thằng Thành Xì có tướng lắm
đó."
Tao hỏi ngay,
"Tướng gì vậy ba?"
Ổng tỉnh bơ nói ngay,
"Tướng cướp."
Cả hai đứa tôi cười sặc sụa vì tôi
chưa hề làm trái khuấy một chuyện gì và vì tôi quá
lành tính lành nết hay "sinh viên chân yếu tay mềm" như
theo cách nói của má Chánh.
Rất nhiều người đã thắc mắc. Rất nhiều giả
thuyết giai thoại đã được họ đặt ra. Rất nhiều lời
đàm tiếu về cái tên Thành Xì. Họ kê ra nhiều cái
"xì", xì ke, Xì be, xì dách, xì thẩu, xì trum, xì
tin, xì po hoặc thậm chí là xì xằng. Có lần tôi nghe ai đó
giả định "xì" là xì gà. Có kẻ khác cho rằng
tôi ưa ăn xì dầu mới có cái tên này. Những ai ở
miền tây, người ưa lấy cái thứ tự để ráp vào
tên tục như: Hai Đoàn, Sáu Nghĩa, Út Vinh, rất ấn tượng
khi nghe giới thiệu tên tôi. Các vị nữ nhi thì mỉm cười
và tôi chẳng hiểu chữ "xì" ấy tạo nên điều gì
trong cái cười của họ.
Vậy
nên tôi có quyền tự hào, khoái chí khi có nhiều người
quan tâm đến cái tên của tôi.
Mới lên Bảo Lộc được một ngày, chúng
tôi đã được phong danh là "Băng Cần Thơ." Tuần sau
đó, khi Tâm Dê thấy Phúc Lùn mừng vui đến đỏ mặt
khi nhận bất cứ bức thơ nào, nó phát biểu,
"Đúng là Băng Cần ‘Thơ' rồi."
Có lẽ, trước khi chết, tôi sẽ căn
dặn vợ con hay tôi tự tay viết vào di chúc,
"Để bạn tôi dễ tìm thăm ,
mình và hai con nhớ khắc trên mộ bia hai chữ
Thành Xì."
Bà Bảng chủ nhà cho chúng tôi ăn ngon, đúng giờ, thức
ăn bốc khói nghi ngút. Tuổi dậy thì và việc chuyển lên
ở một nơi có độ cao, nhiệt độ khá lý tưởng đã
khiến chúng tôi thay đổi rất nhanh. Tôi lên cân hàng tuần.
Bữa ăn nào cũng được chúng tôi thanh toán thật nhanh. Các
thứ bát, đĩa được chúng tôi "liếm" sạch bóng.
Sau bữa ăn, cái bụng chúng tôi chỉ được đầy hơn
phân nửa, nhất là tôi, người lên cân nhiều nhất. Đầu
năm học tôi có 45 ký lô- chiều cao 1m 65. Tháng thứ ba sau khi nhập
học, tôi cân được 52 ký- chiều cao 1m 67. Không lên được
Bảo Lộc học, chắc tôi mãi còn là anh chàng cao kều.
Thành Xì tại Úc 2018: Thành
Xì Po
Sau hai tháng đầu
đói rét, chúng tôi có một vị cứu tinh. Trọng Cọp cho
biết bác nó có một miếng vườn bỏ hoang. Với xà bất,
túi bao, dao, mác trong tay, chúng tôi được nó dẫn đi đến
tận nơi để "khai thác." Như chuột sa hủ nếp, chúng tôi
chặt quày chuối này, nhổ lên vài gốc khoai mì ở nơi kia
nhưng cái thứ khoái khẩu nhất là mấy giồng khoai lang. Như một
mỏ lộ thiên, xới nhẹ lên chúng tôi nhận ra ngay các củ
khoai tím. Chỗ nào có một vài lá mầm nhú lên y như
là phía dưới ấy là một củ khoai tròn to như một cái
bát ăn cơm. Thay vì cùng tụi nó đào bới, tôi kéo
nhẹ lên các củ khoai như thể đó là chiến lợi phẩm
của riêng tôi.
Ngay tối đó, chúng tôi nấu một nồi
khoai lang to tướng. Khi các anh chàng khác chọn lựa củ này, củ
nọ, tôi chỉ nhắm vào củ nào to tròn như trái vú sữa,
rất nhiều tinh bột. Sau bữa ăn, tôi là người đầu tiên
phát ra cái âm thanh vừa gây buồn cười vừa gây ngạc nhiên.
Tôi cứ nhằm cái mầm non để kéo lên củ to tròn khi đi
ăn trộm và tôi cũng trung thành nhằm vào củ to tròn đó
mà tọng vào mồm hằng đêm. Suốt một năm học lớp 10,
suốt những đêm dài, cái điệp khúc ấy, cái tiếng
xì ấy đã khiến tôi có cái tên độc đáo như
thế đấy.
Ngoài cái
giai thoại ấy, tôi còn là kẻ không chịu ăn một chút gia
vị gì vì sợ khó tiêu hóa. Có thể tôi là người
duy nhất trong lớp tôi không uống cà phê- một chất kích thích,
theo suy nghĩ của tôi lúc ấy. Trong lớp tôi là tay chơi thể thao
đúng điệu, cần cù, chịu tập luyện rất "xì po".
Trong đội bóng đá đại diện tỉnh năm 1972 đi dự Đaị
Hội Thể Dục Thể Thao Học Sinh tại Phan Rang, khi mà Trần Ngọc Sĩ
(TL- 72) làm thủ môn, tôi là tiền đạo. Tôi cũng là người
chơi bóng rổ tiến bộ nhất trong băng Cần Thơ của tôi.
Không có trường Bảo Lộc,
không có các củ khoai tròn to ấy, chắc không có tôi như
ngày nay. Và không có cái tên Thành Xì, tôi chắc phải
có cái tên nào khác đấy thôi. Nhưng thú thật, tôi
rất yêu thích cái tên của tôi. Nếu cần hiểu thêm điều
gì, xin mail cho tôi: thanhxi19855@gmail.com.
Rạch Giá 21- 5- 2012
Thành Xì TL- 71
MỒNG HAI TẾT
Có biết
bao nhiêu điều người ta có thể làm trong ngày mồng hai tết
mà tôi có thể hình dung ra nhưng họ không thể tưởng tượng
nỗi tôi đã làm gì từ 3 giờ sáng ngày mồng hai của
năm Nhâm Ngọ 2002.
Có một dạo sau năm 1975, dãy phố ngay
góc rẻ xuống Cầu Trắng, Tiệm kính Phú Vinh cũ, đã từng
là nhà sách, cửa hàng văn hóa phẩm và là "Cửa
hàng ăn uống". Mỗi khi lên Bảo Lộc, đi ngang qua đây, tôi
đều ghé mắt nhìn vào dảy phố ấy. Năm 1977, trong cửa hàng
có treo một bức tranh sơn dầu đen trắng. Nó đập ngay vào
tâm trí tôi và đã khiến tôi luôn ước ao vẽ lại
nó trong khỏang 10 năm cho đến lúc tôi tình cờ mua được
tập tranh của họa sĩ - một giáo sư giảng dạy về phong cảnh
người Nga- Ivan Ivanovich Shishkin (1832 - 1898). Bức tranh gây ấn tượng mạnh
mẻ đến mức ngày ngày tôi luôn mong đến lúc vẽ lại
cái phong cảnh rừng nỗi tiếng thế giới ấy.
Chính vì
thế mà trong một chuyến lên Dalat nhân để kỷ niệm 5 năm ngày
cưới 1989, tôi đã đặt mua một khung tranh 2 x 1,2 mét để chuẩn
bị cho bức tranh tôi mong muốn sẽ có ngày nào đó chép
vẽ lại.
Vào năm 1998,
ngay phía trước nhà, tôi mở ra một phòng vẽ quảng cáo
như là cách kiếm thêm ít thu nhập, giúp được 2 nhân
công và cách tôi tự khẳng định mình. Tôi đã có
dịp thiết kế một số kiểu chữ, một số bảng hiệu, neon sign
đẹp mắt và làm bảng hiệu mica hộp đèn lần đầu
tiên tại Rạch Giá.
Việc dạy học chiếm khá lớn thì giờ của tôi trong năm. Nhưng
những học trò của tôi vội vàng nghỉ ngay từ rằm tháng
chạp và rồi họ đi học lại khoảng rằm tháng giêng. Họ
cứ thoải mái nghỉ còn tôi mất một tháng thu nhập một
cách không thoải mái. Tôi có một nhóm học trò thân
thiết đến thăm vào ngày mồng 4 tết vài năm liên tiếp.
Sau đó, tôi cảm thấy trống trãi, buồn bả ngay từ ngày
mồng hai tết.
Trước đó 6 năm, tôi đã từng thuê
xe tải sang lấp đất cái mương to phía sau vườn sau khi đã
mua 15 mét khối đất ruộng. Có được khoảng đất 18 mét
x 40 mét vườn sau nhà, tôi quyết định trồng xoài cát Hòa
Lộc. Các cây giống chiết cành mau phát triển và mẹ tôi
mau chóng có một niềm vui thật lớn với các bà bạn gần
xa, có một vườn xoài thẳng tấp. Có năm tôi chọn việc
làm cỏ miếng vườn ngay sáng mồng hai tết và từ chối đi
qua Cần Thơ chơi với vài đứa bạn đồng môn Phan Thanh Giản
bên ấy.
Năm nào tôi
cũng có lời mời của Thi Lùn lên Bảo Lộc, Cậu Doản lên
Đà Lạt. Bạn bè mong muốn làm tôi vui nhưng làm sao tôi
có thể vui thú gì khi mà tôi chẳng có một khoản để
dành ít nhất cho tiền lì xì, tiền vé xe, tiền xăng, và
cho khoảng nhỏ nhất để vá xe...? Làm sao tôi có thể thoải
mái khi mà lòng tôi nặng nỗi lo mưu sinh, nỗi buồn cho cái
cách tôi phải bó tay bó chân ở cái nơi mà cơ hội
khá ít ỏi với tôi. Nhìn mẹ tôi ngày càng già đi,
con tôi ngày càng lớn lên, tôi ngày càng buồn phiền, lo toan,
vẩn vơ, ngày ngày làm những điều tôi phải làm chứ
không phải những điều tôi ưa thích.
Ngày 13 tháng 6 năm 2001, mẹ tôi vĩnh viễn ra đi,
để lại trong lòng tôi một lổ hỏng thật lớn, một nỗi
buồn không thể diển tả được bằng lời và một nỗi
đau không có loại thuốc men nào làm có thể làm thuyên
giảm được. Cuối năm ấy, tôi mang ra cái khung tranh để ráp
lại. Tôi sơn lót miếng ván ép và ráp vào khung. Chiều
ngày mùng một, kê khung tranh lên giá vẽ, bày biện các tube
sơn dầu, cọ vẽ trên bàn để sáng sớm hôm sau, mồng
hai tết, tôi vẽ lại bức tranh tôi đã nhìn thấy trên Bảo
Lộc 23 năm trước.
Từ 3 giờ sáng ngày mồng hai, tôi
bắt tay vào việc, phóng bức tranh mẩu, 6,5 x 14 cm thành bức trang lớn
hơn 30 lần. Tôi chọn tâm điểm là con gấu đứng ngước
nhìn lên, mảng sương mù chung quanh là vùng ánh sáng tương
phản. Suốt ngày mồng hai tết, tôi chẳng hề có khách hoặc
học trò đến thăm. Tôi chẳng hề phải nghỉ tay, không có
một phút bận lòng. Tôi đứng trước giá vẽ như một
tay thợ chép tranh mải mê việc cho kịp ngày giao cho khách hàng.
Tôi quên hết mọi việc xảy ra chung quanh. Tôi chăm chú vào các
đường nét rỏ nét nhất, các nhánh cây, vết nứt tét
của cái cây thông và hàng trăm chi tiết sinh động sống
thực khác.
Sáng ngày
hôm sau, người đầu tiên nhìn thấy tôi vẽ là thầy Danh.
Khi đi thể dục ngang nhà, ông thầy giáo có tiếng ở đây
có thể cho rằng tôi có một bức tranh chép phải hoàn tất
trong tháng giêng. Những ai khác có thể rất ngạc nhiên khi nhìn
cái tông màu trắng đen và họ không thích thú gì với
công việc tôi đang làm. Nhưng tôi chỉ làm cái tôi thích,
vẽ ra cái tôi cảm nhận và muốn được ai đó nhìn
ngắm.
Sáng ngày mồng
4, bức tranh dần hiện ra cái nội dung của nó. Bước ra phòng
vẽ trước nhà ngắm nhìn một lúc, đứa con gái nhỏ
ngây thơ reo lên,
"Ah, ba vẽ mấy
con gấu của nhà mình."
Tay
chân bê bết các vết sơn dầu, tôi không thể xoa lên tóc
con bé được. Cuối thấp người xuống, nhìn vào gương
mặt xinh xắn của đứa con gái 4 tuổi, tôi hỏi nó,
"Con gấu ba đâu? Gấu con đâu?"
Con bé trỏ ngón tay lên,
"Gấu ba to nhất đứng dưới đất. Gấu
con đang đứng trên cây nhìn xuống gấu anh hai đó, phải không
ba?"
Tôi cảm động hỏi nhỏ,
"Còn gấu mẹ đâu con?"
Ánh mắt sáng quắt, con bé tiếp tục
chỉ tay qua bên phải một tí,
"Ba
đang vẽ ra đó. Con gấu mẹ đang đứng canh chừng 2 anh em con đó!"
Tôi quay ngang giấu diếm giọt nước mắt
ứa xuống. Tôi rất e ngại phải nghe nó hỏi,
"Gấu bà nội đâu rồi ba?"
Trên bàn thờ mẹ tôi giửa phòng
khách, di ảnh của người rỏ ra đấy. Bà nhìn buồn bả,
ưu phiền. Mỗi khi con tôi điều gì đấy sai quấy, tôi đều
bảo cháu đến trước bàn thờ bà nội lạy bà 3 lần
để xin lỗi. Nó thơ ngây không hiểu tại sao người ta cho "cái
hộp bằng gỗ rất to" của bà cháu xuống đất ở trên
Bà Điểm Hốc Môn. Nó có thể tự hỏi nay sao có hình
bà nội trên cái bàn cao cao này. Khi muốn xin trái cây mà
mẹ cháu vừa cúng bà nội, cháu đều hỏi tôi. Tôi
nghiêm mặt lại trả lời con gái,
"Con ra xin bà nội đi con."
Konica
ngoan ngoản như anh nó, Canon. Nó làm theo lời tôi. Khi cháu trở
lại, tôi hỏi,
"Bà nội
nói sao vậy con?"
Nó thản
nhiên nói dối với tôi,
"Nội
nói, con muốn ăn gì thì cứ lấy đi."
Đến
xế chiều ngày mồng 5, tôi có một học trò ghé thăm. Lâm
NguyênVũ, từ Hà Tiên ra Rạch Giá chơi rồi đến chúc
tết tôi,
"Tết có gì vui
không thầy?"
Chỉ vào bức
tranh sắp hoàn chỉnh, tôi trả lời,
"Niềm vui rất lớn tôi mới có ở trong đó đó."
Tôi nhờ hắn phụ một tay để treo
tác phẩm của tôi lên ngay giửa phòng khách như người ta
treo một vật quý giá nhất. Tôi nhìn ra các nét cọ vụng
về, thô thiển và tôi tự hứa sẽ có ngày tôi mang nó
xuống để tô điểm lại. Ngày ấy có thể sẽ là
ngày mồng hai tết của năm nào đó tôi vừa có một
mất mát nào khác. Ngày ấy có khi sẽ không bao giờ đến
vì tôi sẽ vẽ một bức tranh khác với một tinh thần khác.
Nhưng thế nào tôi cũng sẽ bắt đầu một công việc gì
mới mẻ vào sáng mồng hai tết.
Đến khi con
gái đủ khôn lớn, tôi sẽ kể cho nó nghe cái gì tôi
đang vẽ ra hôm nay đây, bốn con gấu trong rừng. Cuộc đời giống
như một cánh rừng to lớn mênh mông vô tận. Cuộc đời
như một mái nhà chung cho nhiều thứ. Nó có thể chứa mọi
thứ đẹp xấu. Nó cũng có thể chứa mọi thứ rất giá
trị, rất vô giá trị. Trong đời, biết bao nhiêu nỗi hiểm
nguy điều tốt đẹp, biết ngần nào là cơ may, mất mát.
Người ta được sinh ra đời như ai đó đi vào rừng mà
không có một chút hiểu biết gì về nó cả.
Mỗi người giống như một lá cây trong rừng. Sau khi rụng xuống,
chiếc lá trở về với đất mẹ. Nó sẽ được hồi
sinh ở một thế giới mới mẻ nào khác hoặc nó chỉ sẽ
nằm yên nơi đấy với mẹ cho đến mục rữa thành một
phần của mẹ.
Rạch Giá, mồng hai tết năm Quý
tỵ
Lương
Ngọc Thành
BÁC
BA
Trong những người cha mẹ của bạn học, Bác
Ba là người thương tôi nhất và tôi để lại trong lòng
Bác ấy nhiều ấn tượng tốt đẹp ngay từ khi biết tôi
cho đến những ngày sau cùng của bác.
Năm học đệ ngũ, 8-2, NLS Cần Thơ- 1968, tôi
phải đến nhà Hậu để đi quá giang nó trên chiếc xe
đạp đòn giông của nó. Hằng sáng tôi luôn đến
sớm. Bác Ba thấy tôi luôn đến đúng giờ trong khi người
trong nhà phải gọi 6 Hậu dậy. Bác có khi cằn nhằn nó,
"Hậu đâu rồi? Lẹ lên để
thằng Thành chờ tự nãy giờ"
Dịp kế đó Bác Ba gặp tôi khi tôi đang nấu cơm tại
hàng ba trước lớp trong lúc hè chúng tôi ở trên trường
làm ruộng. Bác Ba lắc đầu hỏi tôi,
"Lát nữa tụi con ăn cơm với cái gì?"
Tôi gãi đầu gãi tai, ấp úng như
đứa học trò không thuộc bài,
"Chắc tụi con ăn chao nữa."
Bác Ba móc bóp ra, dúi vào tay tôi một ít tiền,
"Con đi mua thịt xá xíu hay cái
gì đó. Mua thêm rau nữa nghe không? Có thức ăn mới có
sức để làm việc chứ."
Sau
khi cả nhà 6 Hậu dọn nhà về nơi ở mới, tôi phụ suốt
mấy buổi. Tôi phải ăn cơm với cả nhà. Trong những lúc vắng
vẻ sau bữa ăn, vì xem tôi như người thân thiết, Bác Ba gái
đã buộc miệng kể với tôi,
"Thằng Hậu có phước lắm. Cả nhà thương nó
như ruột thịt. Mẹ nó bỏ cho ổng bắt về nuôi khi nó mới
một hai tuổi gì đó. Con thân với nó, con khuyên nó ráng
học. Bác Ba chỉ mong nó học giỏi để lo tấm thân nó thôi."
Đúng là 6 Hậu được đối
xử công bằng, cái công bằng của Bác Ba Phép- một cán
bộ hành chánh khi mà Ba tôi lâu nay đâu có biết hai anh em
tôi sống ra sao. Bác Ba thường nhắc thằng Hùng- em út trong nhà-
chở tôi đến nhà để hai đứa tôi tập bơi ở cái
lung khá lớn sau nhà mỗi khi con nước lớn. Sau lần đầu tiên
tôi theo Hậu về bên Nội nó, đa số Cô Dượng thương
tôi đặc biệt là Bà Nội. Sau lần đó, mỗi dịp tết,
Bác Ba lại sai thằng Hùng đến nhà tôi để xin phép má
tôi cho tôi được theo cả nhà về bên Nội. Tôi nhớ rõ
năm đầu tiên, Bác Ba giới thiệu tôi với bà con xa gần,
"Thằng Thành này là bạn học
với thằng Hậu."
Năm sau đó
và mãi về sau này, Bác đổi lại,
"Thằng này là cháu tôi."
Ít ai hình dung nỗi sung sướng của tôi như thế
nào đâu. Ít ai thèm một tiếng kêu yêu thương như thế.
Tôi được xem như có một quê hương mới, có một vị
trí như 6 Hậu. Bà Nội thấy tôi hiền lành, chịu khó nên
càng "kết" tôi hơn. Bà có vài lần hỏi tôi,
"Con về đây chơi thường có
để ý đứa nào không? Con của Cô nào cũng được
hết há. Nội đứng ra lo hết cho. Nội gả không cho"
Nghe vậy, Bác Ba thích ý lắm, cười
híp mắt,
"Thằng Thành thế
nào cũng làm cháu rể trong gia đình này rồi."
Tôi thẹn thùng đỏ mặt hoài. Chị
Năm, chị Hằng, tiếp lời Bác ba,
"Bà Nội chịu là xong hết hà Thành ơi. Chà Chà,
Thành sướng hơn 6 Hậu rồi còn gì."
Tôi chỉ mong 6 Hậu không mặc cảm. Tôi muốn nó
được Bác Ba thương lo như tôi tự mong được có người
cha như Bác vậy, cái mong mỏi bình thường của một đứa
con trai rất bình thường. Hậu ít nói như tôi nhưng nó ngông
như tên gọi của nó- 5 Ngông còn tên tôi là 6 Ngố- theo
bí danh trong Bụi Gia Trang của chúng tôi. Nó không hề hé môi
về cái lai lịch của nó, về ý kiến của Bác Ba hay về
những gì Nội nói với tôi. Lần đầu tiên đến nhà
tôi- 12/5 Lê Lai- là lần Bác Ba được tôi mời đến dự
tiệc "chia tay để đi Bảo Lộc học" do chính tay tôi tổ
chức. Bác ngạc nhiên vì không thấy có ai khác trong nhà.
Biết Bác muốn hỏi gì đó, tôi nhỏ nhẹ giải thích,
"Dạ Má con đi làm ca tối. Chị
con chắc là có tiệc tùng gì với mấy người đồng nghiệp.
Còn em con... nó đi chơi tối ngày."
Bác ái ngại hỏi tôi một chi tiết,
"Ai lo nấu nướng mấy món này?"
"Dạ con có nhờ chị hàng xóm
phụ một chút. Con tự nấu hết. Dạ con nấu quen rồi."
Đã từng dự hàng ngàn buổi tiệc,
Bác Ba không ngờ có một bữa tiệc do một thằng con trai 15 tuổi
tổ chức. Dĩ nhiên, Bác khuyên chúng tôi cố học và mời
cả nhóm chúng tôi ăn sáng trước khi lên đường. 6 Hậu
chắc không để ý tôi đã hãnh diện đến dường
nào đâu. Đầu kỳ nghỉ hè năm 1973, sau một năm có nhiều
kẻ đã phải gác bút nghiên để đi quân dịch, 6 Hậu
đã làm một chuyện quá sức ngông mà dĩ nhiên làm
tôi sững sốt và làm Bác Ba rất đau lòng. Biến mất hôm
đầu tiên, nó lái chiếc xe Honda của Bác Ba đi dong ruỗi đến
tận Đà Lạt với một nhóm bạn. Bao nhiêu ngày nó vắng
nhà là bấy nhiêu buồn phiền chồng chất khiến mái tóc
của Bác Ba bạc hơn và Bác Ba như già đi 10 tuổi. Hằng ngày,
trên đường đi đến lớp luyện thi của "Thầy Trí Ba
Túi dạy toán"- "Thầy Lễ dạy triết", tôi đi tắt
ngang nhà 6 Hậu. Lần nào gặp tôi là lần ấy Bác cảm thấy
đau nhói vì thấy tôi đi học trong khi 6 Hậu đi chơi. Sau khi 6 Hậu
trở về, Bác Ba- một cán bộ ngành cảnh sát, chở nó ra
một tiệm hớt tóc quen. Đưa tiền cho nó xong, Bác phải đi
công chuyện ngay. Cũng vài phút ngay sau đó, 6 Hậu rời tiệm hớt
tóc- với cái mái tóc vẫn như cũ.
Năm học lớp đệ nhất, năm khó khăn nhất,
có một việc rất lớn xảy ra giữa hai cha con. Bác Ba chậm gởi
tiền lên cho nó. 6 Hậu xem như ông già muốn làm khó nó.
Thay vì lo học, nó vùi đầu vào quán cà phê, những cuốn
truyện dịch dầy cộm. Cậu Doãn là một đồng minh thân cận.
Băng Cần Thơ chúng tôi hết ý kiến. Tôi chỉ thỉnh thoảng
gặp nó trong lớp.
Bác
Ba phải đi cải tạo sau ngày giải phóng nên tôi đã không
gặp Bác trong những lần tôi từ trường ghé lại thăm nó.
Cái dịp đặc biệt- trung tuần tháng tư- tôi ghé thăm cũng
là lần cuối cùng tôi gặp được Bác Ba. Tôi thẩn thờ
hay tin nó đang ở trong trại giam Cây Gừa. Ngoài việc mang theo cho nó
một đôi giày và một áo thun đá banh củ, tôi còn
mang theo một món quà tinh thần rất lớn lao mới mẻ- "tao sắp
ra trường rồi đây nè."
Bác
Ba xế chiều hôm đó, đang ngồi chùi ống khói, chăm dầu
hôi vào hai cây đèn. Buồn bã, già nua và mệt mỏi, Bác
Ba nói một câu tôi còn nhớ đến bây giờ,
"Thằng Hậu lại bỏ đi nữa rồi Thành
ơi. Nó bỏ bạn, bỏ bè lại rồi con ơi."
Rạch Giá Sep 4- 2010
Lương Ngọc Thành- Thành Xì TL71
MẠ CHÁNH
(Ở Bảo Lộc nhiều người biết
tiếng lò nem của bà Chánh nhưng rất ít ai biết Mạ Chánh
có một tình sử thật độc đáo.)
Tại số
23/3 đường Gia Hội, xóm Trần Trạch, mạ Chánh đã được
sinh ra và lớn lên trong phủ của bà Công chúa Đồng Phú.
Là con út trong một gia đình nho giáo dòng giõi thứ 25 của
vua Thiệu Trị, đang học lớp 5, Cours Supérieur, tuổi 15, mạ Chánh không
biết chi ngoài việc học lấy bằng Primaire Élémentaire.
Cậu học sinh con một Trương Chánh
từ huyện Tam kỳ, Quảng Nam, được gia đình gửi ra Hội An trọ
học. Sống gần một khu nhà thổ, nơi ăn chơi ồn ào náo
nhiệt của giới mày râu, cậu học trò vốn thường nghịch
phá ấy đã có rất ít tiến bộ. Dù chỉ theo nghề
nem chả của ông bà, ba ruột của Chánh luôn luôn mong cậu con
một ấy học giỏi. Vốn không sanh được con, cô dượng của
cậu xem Chánh như con ruột. Cha ruột và cha nuôi, một thầy thuốc,
cùng quyết định đưa cậu Chánh đang học lớp đệ tứ,
rời Hội An ra học trường Tư Thục Thuận Hóa, cố đô Huế.
Một hôm, một người bạn
của dì của Mạ đến xin cho một cậu học trò Chánh lớn
hơn Mạ 4 tuổi ở trọ học. Vốn rất ít nói nhưng học
khá giỏi, Chánh nhanh chóng khiến cho ông ngoại thương yêu. Dù
tuổi cao đang bệnh hoạn, ông luôn quan tâm đến người học
trò xứ Quảng ấy. Mỗi khi có quà bánh, thức ăn ngon, ông
đều nhắc cô con gái út chia phần cho Chánh. Biết sức khỏe
yếu dần, người cha xứ Huế rất muốn cho "con ni" gần với
"thằng nớ" hơn. Quá thương Chánh, ông ta luôn thầm nghĩ
ra cách để giữ người học trò xứ Quảng ấy ở lại
Huế luôn. Ông bảo Trương Đức Chánh dạy kèm cho cô con
gái út môn toán và Pháp văn, 3 buổi tối một tuần. Được
sống trong khung cảnh nên thơ của vùng có nhiều đền đài
lăng tẩm núi Ngự sông Hương, Trương Chánh còn bị một
sức hấp dẫn rất mạnh từ người con gái Huế mà chàng
giảng dạy.
Sau khi nghỉ tết
năm Ất Dậu, 1944, Trương Chánh từ Tam Kỳ, Quảng Nam trở ra Huế
với một cái chân bị băng bó. Thay vì hỏi han "ông thầy
dạy kèm" vừa bị tai nạn gì, cô học trò nhỏ, Trần
Thị Mãi Tiếu, cứ che miệng cười ra vẻ trêu chọc. Chàng
đã cứ tưởng là,
"Mãn mùa toóc gạo rơm khô,
Bạn về quê
bạn biết nơi mô kiếm tìm?"
Tiếu càng ít quan tâm đến cái vết thương ấy, ông
thầy Chánh càng dỗi hờn. Chánh chỉ còn biết trách thầm,
"Người mô mà vô tình như
rứa?"
Sự vô tình ấy như
thúc giục thêm chàng trai xứ Quảng, họ Trương tiến thêm
một bước. Sau gần một năm dạy kèm cho cô học trò Huế,
một buổi tối, trong giờ học, thầy Chánh viết ra trên một mẩu
giấy nhỏ một thông điệp vô cùng vắn tắt và độc
nhất vô nhị. Lòn tay xuống dưới mặt bàn, dùng chân khều
chân của cô học trò nhỏ, thầy Chánh trao một mảnh giấy
nhỏ,
"Tiếu có
thương anh không?"
Đang rất
lo lắng về 10 bài toán phải nộp vào sáng mai, nhất là đang
ngồi trong bàn học gần giường bệnh của cha, không hé miệng
nói đến nửa lời, người học trò Mãi Tiếu vò ngay
mảnh giấy nhỏ ấy và buông nó rơi xuống sàn nhà.
Không màng đến chuyện gì chung quanh,
thầy Chánh lòn tay xuống bàn cố trao cho người học trò đang
ngồi thẹn thùng trước mặt một mảnh giấy nữa, với cùng
một câu hỏi,
"Tiếu
có thương anh không?"
Lần
nào cũng vậy, chữ Tiếu được chàng viết hoa và gạch
dưới. Lần nào đón nhận, người thiếu nữ Huế chưa
biết thế nào là thương yêu ấy cũng vò nhỏ rồi buông
rơi nó xuống sàn nhà, thầm mong sao cho thời gian trôi qua thật nhanh.
"Tình về Đại Lược.
Duyên ngược Kim Long.
Tới đây là chỗ rẽ của
lòng.
Gặp nhau còn biết
trên sông bến nào?"
Một
bên, người con gái 16 tuổi, "ốt dột", không nói một
lời nào. O Mãi Tiếu chỉ cúi rủ mái tóc dài che mặt,
trong lòng vừa lo sợ vừa hờn giận. Bên phía bên kia bàn, người
thanh niên họ Trương, 20 tuổi, cũng không nói một lời nào
mà cứ tiếp tục viết và trao cho O Tiếu mảnh giấy khác cho đến
hết buổi học. Những mẩu giấy bị vò nhỏ ấy vương vãi
khắp dưới mặt bàn.
"Núi cao chi lắm núi ơi,
Núi che mặt trời
không thấy người thương."
Sau khi không được nàng phúc đáp, chàng bèn viết thư
về cho cha ruột và cha nuôi. Hai người cha lập tức ra Huế để
gặp ngay người anh cả của Mãi Tiếu để xin làm đám
hỏi và có thể là cưới "chạy tang". Bà mẹ của
Tiếu liền phản đối, vì theo lời bà giải thích,
"O Tiếu còn nhỏ lắm, còn phải đi học.
Mai này, sau khi ông quy tiên, mạ còn trông nhờ vào O, chăm sóc
kề cận chứ hỉ."
Ba của
Tiếu thì cho rằng đến lúc sắp ra đi như vầy ông chỉ
muốn nhìn thấy cảnh Trương Chánh trở thành con rể. Ông
mong sao được cặp tân lang tân nương dâng cho ông miếng bánh,
ly rượu lễ.
Biết ngày
một yếu dần, ông đồng ý làm một đám cưới gấp
trước khi ông trút hơi thở sau cùng.
Khoảng 11 giờ đêm hôm ấy, với 3 mâm trầu rượu,
1 trên bàn thờ tổ tiên, một trên bàn thờ Phật và một
mâm lễ. Xính lễ của gia đình họ Trương là một đôi
bông tai và 3 tờ giấy bạc Đông Dương. Cạnh giường bệnh,
người anh rể của Mãi Tiếu viết tay tờ giấy hôn thú. Mãi
Tiếu không được mặc áo cưới, không trang điểm, không
có họ nhà gái chúc mừng, cho quà và không có lạy
xuất gia. Khi cặp nam nữ ấy đang đứng sánh đôi thắp hương
bàn thờ tổ tiên, tiếng pháo nổ trước sân khiến nhiều
người hàng xóm chạy đến xem. Ông được đỡ dậy
để nhìn thấy quang cảnh đám cưới của cô gái út.
Để ông hưởng chút ít lễ cưới, người con rể đút
cho ông một tí bánh. Ông vui lòng nhấm nháp trên đầu
môi. Một số người dự lễ lại có ý kiến để ông
nhấm chút rượu. Ông mỉm cười nhìn đôi tân lang tân
nương rồi nhấm nháp một chút rượu được người
rể lớn dâng đến miệng. Cốc rượu lễ vừa được
lấy ra, Ông cũng vừa ngả đầu nhẹ về phía phải, nhắm
mắt ra đi trong tiếng khóc rống lên của mọi người.
Sau cái đám cưới chạy
tang ấy, cô dâu Tiếu thi đậu bằng Primaire và chú rể Chánh
thi đậu Diplôme và được bà mẹ vợ làm một cặp
vịt vừa để cúng người chồng quá cố vừa để khao
chàng rể hiền, hiếu học.
Suốt đời Mạ chỉ có ba Chánh và cuộc tình của Mạ
thật đáng đọc.
Rạch Giá 21- 05- 2013
Thành Xì- TL 71
MÁ
NĂM
Nếu kiếp sau được phép chọn một
người mẹ đẻ, tôi chọn ngay Má Năm vì nhiều lý do và
Má Năm chắc sẽ hạnh phúc hơn, Long Kh'mer cũng sẽ vui hơn nhiều.
Ngay sau khi gặp Long Kh'mer, sáng hôm
sau nó dắt chúng tôi đến quán Má Năm để uống cà
phê. Má nhận ra thằng Khuê Bầu ngay. Long giới thiệu tôi như là
một người bạn mới của nó và công dân mới của Bảo
Lộc. Má Năm pha hai cái "phin" đãi 2 đứa tôi một cách
ân cần. Trưa hôm ấy, chúng tôi ra quán để tận dụng
khoản cơm cháy trong cái nồi cơm to má vừa bán xong. Má nấu
các món ăn mặn thật đặc sắc. Dân xe tải gốc nam bộ
rất mê món ăn của Má Năm. Khách đi xe Đà Lạt sau ghé
ăn một lần, luôn luôn buộc tài xế ghé quán của má
dẫu cho phải ngồi chờ má bắt thêm cơm hay làm thêm món
ăn họ đặt. Chị Năm cũng góp phần làm quán đắt
khách với cái cách chị hỏi chuyện vừa dọn bàn vừa trả
lời các câu hỏi của thực khách một cách thân mật tự
nhiên. Vài hôm tối trời, má còn mời mấy tay tài xế một
đĩa đồ nhấm khi họ quyết định ngủ lại Bảo Lộc, bên
lề đường, ngay trước quán của Má Năm.
Gọi là quán vậy thôi chứ nó chỉ
là một khoảng hơn 10 mét vuông, trong cái mái che ở phía sau
của chợ Bảo Lộc. Quán gồm một cái quầy- cái hộp hình
chữ nhật có 3 cạnh, chiều dài vừa bằng chiều cao của má
và đủ chỗ cho hai mẹ con chui vào lọt thỏm trong đó và
2 bộ bàn nhôm xếp, ọp ẹp, ghế đẩu hơi xiêu vẹo và
không có bảng hiệu. Mặt trên quầy là chỗ má bày những
thứ cần cho việc buôn bán, cái tủ thuốc lá, một vài
hũ rượu, một cái kệ gỗ cũ kĩ chứa chai lọ đựng đồ
gia vị hay bất cứ thứ gì khác. Má Năm không hề hé răng
than phiền cái cơ nghiệp má có để nuôi sống hàng chục
người trong nhà. Mỗi khi trời mưa, chị Năm phải lay hoay che chèn
chỗ hổng này, hứng nước dột chỗ khác. Trừ chị Tư ở
nhà nuôi một cháu tàn tật và làm nội tướng, Thành
Lát, Hạnh Ù, Dung Đen phải đi làm để phụ với má.
Mọi người trông nhờ vào cái quán này của Má Năm.
Má Năm có cái tên khai sinh
trùng khớp với tên của "Liên Hải Cẩu"- Nguyễn Thị Liên-
quê quán Trà Vinh. Ba Năm gốc Tàu- Quảng Đông, từng là
thợ cơ khí của hãng Bason. Sau khi thua lỗ trong việc làm ăn, và
sau khi được giới thiệu lên Bảo Lộc sửa xe cho một ông tây
chủ đồn điền, ba Năm dắt má Năm và 6 đứa con lên
B'lao lập nghiệp. Trước khi về Pháp, ông tây giới thiệu má
nấu ăn cho cha sở. Sau này cha sở giúp má Năm vào làm thợ
nấu cho Tòa hành chánh huyện B'lao. Sinh thêm 3 đứa con nữa, tảo
tần suốt năm, má Năm đến nay chưa có dịp nào về thăm
lại nơi "chôn nhau cắt rún". Sau ngày Giải phóng, má bày
ra một sạp bán ngay ở Bến xe. Chưa có lần nào Má Năm nghỉ
bán để đi đâu cả. Mọi chuyện trong nhà chị Tư chăm
lo. Chị Năm sát cánh với má lo cho nồi cơm chung cho 11 người.
Ba Năm bó gối ở nhà. Yếm thế, buồn đời, ông dần dà
thành kẻ nghiện rượu. Khi con bé Hạnh Ù, Dung Đen hay thằng Tèo
ra quán để đem thức ăn về, tụi nó hay kể cho Má nghe ở
nhà ba Năm vừa quậy như thế nào. Dĩ nhiên, Long Kh'mer rất ray
rức về chuyện ấy. Anh của nó- Thành Lát- cũng góp phần
làm nó buồn thêm bởi cái ngang tàng bê tha của hắn và
cả chuyện hắn cãi vã với ba Năm nữa.
Một lần, khi Má Năm nghe Long kể về tôi,
"Thành Xì ở ký túc xá ăn
cơm tập thể với bo bo và bột mì. Còn cơm hả? Má mà
lấy cục cơm chọi con chó, nó dám lăn đùng ra chết lắm
đó má."
Má Năm tặc
lưỡi, hỏi tôi,
"Cực khổ
quá vậy hả con?"
Thằng Long
lẻo mép đó "châm thêm dầu vào lửa",
"Mỗi tháng nó được 21 đồng tiền
học bổng đó má. Có khi nào nó có xu nào dính túi
đâu Má?"
Má Năm trợn
mắt, nhìn tôi,
"Rồi sao con có tiền ăn quà hàng bánh
gì hả con?"
"Nó còn
cạy cơm cháy nhà bếp để ăn sáng đó má!"
Má xoa đầu tôi,
"Mèn đét ơi! Tội nghiệp thằng nhỏ quá
chừng. Thôi ráng nghen con. Ra trường xong, lên đây ở với má."
Tôi thấy run run trong
lòng dù trời đang nắng ráo. Dãy phố cũ kỹ phía sau chợ
Bảo Lộc bỗng dưng lung lay nhảy múa trước mắt tôi. Mặt đất
như đang rung rinh, như sắp có trận động đất. Sau khi có má
Chánh rồi, tôi vừa có thêm một người má nữa ở Bảo
Lộc này mà mẹ ruột của tôi nào có hay. Cái chòi, mái
tole, được che chắn tạm bợ xiêu vẹo này, cái sạp bán
tềnh toàng thế này bỗng trở thành một căn nhà nhỏ xinh
xắn ấm áp. Các vật dụng tềnh toàng bỗng trở thành bông
hoa, thành đồ trang trí đẹp mắt. Tôi thầm cảm ơn má
và ước chi tôi không còn một lựa chọn nào khác. Tôi
thầm mơ ước sao tôi có thể làm được điều gì
đó để giúp cho Má ngay tức khắc. Dọn bàn, bưng thức
ăn ra cho khách là chuyện tôi làm được. Má rầy tôi,
"Để cho chị Năm làm! Con ngồi
chơi với thằng Long đi. Con khuyên nó ít nhậu lại giùm cho má."
Quay sang nó, má cũng "mần" nó
luôn,
"Cái thằng quỷ này
nè. Cứ tới giờ cơm là nó dắt "thằng nhỏ" đi đâu
mất biệt vậy hà. Để nó ở lại quán má tẩm bổ
cho nó chứ"
Long
Kh'mer chưa kể nhiều chuyện về má Năm cho tôi nghe nhưng tôi cũng
chẳng cần biết thêm một điều nào nữa cả. Tôi chưa
nghe má than phiền ai. Tôi không hề nghe má mắc mứu một điều
gì. Má đi lễ hằng chiều chủ nhật. Cha Thịnh, vì quý tài
năng Long Kh'mer- người vẽ tặng cho cha một bức chân dung Chúa Jesus
rất tuyệt- với cái tựa đề rất sốc "Đại Ca Jesus"-
nên cũng rất quý mến Má Năm. Một lần tôi được
Má Năm rủ đi chợ. Tôi nghe biết bao nhiêu tiếng chào, tiếng
hỏi han của các bà nội trợ hay bà bán hàng. Má vui vẻ
giới thiệu tôi với mọi người,
"Bạn của thằng Long, lên đây nghỉ hè."
Có khi má lại buộc miệng,
"Cháu tôi, học ở Sài Gòn."
Tôi cảm động nhất khi nghe má bảo
với họ rằng,
"Con trai tui đó.
Nó về trên này nghỉ hè."
Ai đi chợ Bảo Lộc và nhiều người dân Bảo Lộc hôm
ấy chắc phải tự hỏi,
"Bà
Năm sao có lắm con đến thế nhỉ?"
Mỗi khi có chuyến xe tải quen ghé lại trong
một cơn mưa phùn hay vào một chiều tối có gió lạnh, má
hỏi ngay bác tài,
"Nhâm nhi
chút gì cho ấm bụng nhen con."
"Dạ, má cho gì con nhậu cái đó."
Má Năm nấu thật nhanh một món thơm phức,
bốc khói. Rót ngay một ly rượu trắng, má mời mọc người
thực khách kia như một đứa con từ xa mới về,
"Vô đi, chờ má nấu chút xíu nhen!"
Chưa có một thực khách
nào phàn nàn về bất cứ chuyện gì. Dù cho các bàn
ăn và ghế ngồi hơi lung lay, chỗ ngồi của họ có khi bị mưa
hắt vào hay bị dột, nhưng thức ăn má nấu, cái cách má
tiếp họ làm họ rất hài lòng. Cũng chưa có ai trong nhà
không thương lo và tội nghiệp cho má. Tôi thấp thỏm lo lắng,
"Ngày tháng cứ trôi qua, bà
mẹ già rồi sẽ xa ta."
Tôi
ao ước một ngày thấy má bớt vất vả. Tôi mong sao có ai
trong nhà mang má về phụng dưỡng để má chỉ ngồi ăn
trầu, đọc kinh, bồng ẵm cháu và thỉnh thoảng được về
Trà Vinh thăm quê hương.
Sau chuyến Long Kh'mer bất ngờ qua Rạch Giá thăm tôi, tháng 5 năm 1993,
chỉ nhận được một món quà rất nhỏ của tôi- hộp
dầu cù là của Thái Lan, má Năm mừng rỡ buộc miệng nói
ngay với Long Kh'mer,
"Thằng Thành
Xì tìm đâu cái hủ dầu "quá đả" vậy con. Biểu
nó có rảnh thì lên trên này chơi thăm má nghen! Nhắc
nó mua cho má một hủ dầu nữa nhen."
Khi Long Khmer xuống dự đám cưới của tôi, tháng
3 1994, thấy nó đeo tang, tôi mới biết là má Năm đã đi
hơn 3 tháng sau một cơn bệnh nặng.
Má Năm ơi,
"Con chỉ muốn
ngã vào lòng má, nghẹn ngào nói nhỏ rằng,
"Má ơi! con sẽ lên thăm má và
con sẽ mang cho má nhiều thứ má thích nữa kìa!"
Rạch Giá 16- 10- 2011
Lương
Ngọc Thành
ĐI THĂM MẸ
Ai có
mẹ đều phải thường xuyên đi thăm. Tôi đã vắng xa
mẹ tôi 4 năm. Khi đi thăm người, tôi đã có một hành
trình ít có ai tưởng tượng ra được.
Một lần chị tôi, trên
đường đi về kinh tế mới Long Đất, ghé trường ĐH Sư
Phạm Kỹ Thuật Thủ Đức để thăm tôi. Chị ấy kể cho
tôi nghe cái nơi mẹ tôi đang ở: Ngả ba kinh Quản Thống, Sóc
Xoài, Hòn Đất, Kiên Giang - nơi tôi hứa chỉ sẽ đến
sau khi tôi tốt nghiệp. Được nhà trường tiếp tục đào
tạo từ tháng 9,1975, tôi quyết tâm tự lực- không để chuyện
gia đình chi phối, không trở về gặp mẹ tôi cho đến khi thành
đạt. Trong khi chờ nhận quyết định phân công của nhà trường,
tôi đã xin phép ban quản lý ký túc xá để đi thăm
bà mẹ ruột, ngày 12 tháng 9 năm 1979. Từ 4 giờ sáng, tôi đã
có mặt tại Xa cảng miền Tây để sắp hàng mua vé xe Rạch
Giá. Quá nhiều cầu nhỏ, quá nhiều ổ gà lớn và 2 cái
phà quá tải đã khiến cho chuyến xe chậm hơn nhiều so với
mong muốn rất thông thường của đứa con đi thăm mẹ như tôi.
Đến 4 giờ rưỡi chiều, tôi mới đến bến xe Rạch Giá.
Biết không còn kịp đò, tôi đi xe lôi về bến xe Lam. Chờ
thêm vài người hành khách đi trễ, bác tài mong kiếm thêm
vài đồng bạc lúc cuối ngày. Tôi ước gì có được
khoản tiền ấy để tôi yêu cầu ông ấy cho xe lăn bánh
sớm hơn. Ngoài trời chuyển mưa rất to còn trong lòng tôi thì
có nỗi lo rất lớn. Nếu tôi không tìm được nhà mẹ
tôi đêm nay, rất có thể tôi được xem như một kẻ
xấu, như một tên tù vượt ngục.
Chiếc xe Lam khiến tôi khổ sở hơn chiều tối hôm đó.
Nó cà giật cà giật như một con gà bệnh, mắc giây thun,
như gã say rượu chân hươu đá chân nai. Cơn mưa đổ
xuống như thác nước lớn trong mùa mưa. Hai bên đường
không có một bóng người hay xe cộ nào khác. Những ánh
đèn dầu lù mù loé ra khỏi các khe cửa hớ hênh hoặc
các vách lá tềnh toàng làm cho tôi thêm lo sợ. Trên xe có
cả thảy 7 người. Họ đã quen với các chuyến xe chót như
thế trong khi, với tôi, đó là chuyến xe kinh hoàng nhất tôi
từng đi. Tiếng máy xe nổ vang, trộn lẫn trong tiếng sấm chớp,
tiếng mưa rơi nặng hạt đập lên nóc mui xe, tiếng gió rít
qua các khoảng cách giữa các ô cửa kéo và tiếng đập
hoảng loạn trong tim tôi tạo ra một bản hoà tấu kinh dị nhất
trong thế giới âm nhạc. Để tự trấn tỉnh tôi cố hình
dung ra mẹ tôi lúc ấy. Bà có thể ngồi bên bếp lò- được
kê bằng các viên gạch thẻ, chụm các bó rơm nhỏ, các
khúc gỗ đước trong một cái chòi lá thấp nhỏ bé,
không cửa sổ, không có gian, buồng hoặc bàn ghế gì cả.
Bà cũng có thể nằm thở dài trên một cái giường-
nẹp tre là cái vạt giường, miếng đệm bằng lát thay cho
miếng nệm, bốn khúc gỗ tràm to bằng bắp chân làm chân
giường- cái giường ít có một hoạ sĩ trẻ tuổi nào
có thể vẽ ra được.
Khi đó
tôi thèm được đi trên cái xe đò 52 chỗ ngồi lao vun
vút lúc xuống mấy con dốc trên quốc lộ 20 đi Bảo Lộc. Tôi
ước chi có một phép mầu đẩy chiếc xe lam cũ kĩ chậm
chạp chết tiệt này thật nhanh đến cái kênh Quản Thống gì
đó để tôi gặp mẹ tôi ngay tức khắc. Một người
khách xuống xe dọc đường làm vơi đi một ít tải trọng
nhưng lại chất thêm lên một ít hoang mang lo lắng. Một người
khách nào đó ngoắc xe dừng lại- cũng là có thể là
kẻ ngoắc tôi lại để hỏi như tát nước vào mặt
tôi:
"Đi đâu vào giờ
này hả? Xuống đây làm gì hả"
Dọc theo đừơng bộ đi Hà Tiên là
một con sông dài song song. Từ Rạch Giá, cứ mỗi 3 hoặc 5 kí
lô mét là một cây cầu- cầu số một- cầu số hai. Tôi
hỏi thăm mới biết rằng kinh Quản Thống nằm khoảng 2 phần ba tính
từ cầu số 3 đến cầu số 4- chợ Sóc Soài. Thẳng góc
về phía Long Xuyên là các con kinh nhỏ, một đầu ra biển còn
đầu kia dắt vô khu tứ giác Long Xuyên. Về bên phía đầu
kinh đổ ra biển là khu vực dân cư của người Kh'mer và một
số hộ nông dân nghèo.
Chiếc xe qua cầu số hai một cách khá vất vả. Khi xuống dốc cầu,
nó chạy nhanh hơn nhiều. Vượt qua chợ Mỹ Lâm vắng ngắt, rồi
chốc sau nó đổ lại bến xe. Mọi người trong chiếc áo mưa
lục đục xuống xe, không một tiếng chào, không một tiếng
cám ơn. Bước xuống xe nhanh nhẩu, mình trần, đầu trần, mặc
cho nước mưa tạt rát trên gương mặt còn búng ra sữa
của tôi, tôi hỏi ông tài xế hom hem, đang co ro trong cái áo
khoác đẫm nước:
"Từ
đây đến kinh Quản Thống còn bao xa nữa vậy bác?"
"Khoảng 9 cây số."
" 9 cây số! Còn xe tàu gì đi đến
đó không bác?"
"Trời
tạnh ráo thì còn đón đò, xin quá giang được. Mưa
giông như vầy thì vô phương."
Ông ta, lộ vẻ nghi ngờ, đã hỏi nhỏ tôi:
"Cậu đi đâu giờ nầy có một
mình vậy?"
"Cháu từ
Sài Gòn về thăm mẹ cháu ở kinh Quản Thống, bên kia sông."
" Tôi cứ tưởng xuống đây
để...gì gì đó chứ. Hồi nãy sao cậu không ngủ lại
Rạch Giá? Giờ này vô đó ớn lắm. Ghé nhà tôi nghỉ
lại qua đêm đi. Sáng có đò sớm. Nhà tôi gần đây
nè."
Tôi linh cảm như có
mẹ tôi đang chong đèn chờ tôi. Tôi biết mẹ tôi có
thể thức trắng đêm nay mong đợi tôi. Nếu tôi không đến
được tối nay, mẹ tôi chắc vì buồn lo mà già đi vài
tuổi, tóc bạc đi quá phân nửa. Tôi lễ phép từ chối
rồi chào ông tài xế tử tế. Mặc cho mưa gió, tôi bước
nhanh đi về phía trước.
Hai bên
đường các căn nhà lá đóng cửa im ỉm. Ánh đèn
dầu yếu ớt như cuộc đời của một kẻ đau bệnh. Tôi
bước bì bỏm trên mặt đường có nhiều ổ gà, nay
nằm chìm trong nước mưa. Có khi tôi như trên đường, có
lúc tôi như lội trong cái ao nhỏ. Đôi giày da từ thời ông
ngoại tôi còn thanh niên có thể là một vật gia bảo của
ai đó bổng trở thành một chứng nhân tội nghiệp cho chuyến
độc hành của tôi. Tôi cảm thấy hai chiếc giày như tăng
lớn lên một cỡ, da giày mềm nhũn. Cái ba lô tôi mang trên
vai, mặc dù sũng nước trở nên nhẹ tênh như tôi đang cảm
thấy mỗi khi vượt qua một đoạn đường. Sau hai kí lô
mét đầu, tôi vượt qua vài chùm tre tầm giông nơi mà
bóng tối trở nên khủng khiếp, nơi mà ai cũng có thể nghĩ
ra những điều tệ hại, ma quái nhất. Mỗi khi có sấm sét,
ánh sáng từ bầu trời rọi rất nhanh xuống như để ra hiệu
cho tôi, thúc đẩy tôi và cảnh cáo tôi. Một tay bất lương
nào đó bất kỳ có thể bất ngờ chạy vồ ra nắm lấy
tay tôi, lôi tôi xuống chiếc xuồng tam bản ọp ẹp và chèo
thẳng đến một nơi hẻo lánh nào đó như một vụ
bắt cóc ngoạn mục. Điều thú vị nhất là không có
ai trả tiền chuộc. Nếu có lục soát hết người tôi, tên
bắt cóc có thể tìm ra một số tiền mua được một bao
thuốc lá đen.
Có một luồng
điện khá mạnh chạy suốt cơ thể tôi như thể tôi bị
sét đánh vậy. Tôi muốn vụt bỏ chạy khi tôi nghe tiếng nổ
giòn tan của một chiếc xuồng máy gần đó, tiếng máy rất
to. Tôi định la to lên để át tiếng mưa, tiếng động cơ:
"Ai đó cho tôi quá giang với."
hoặc "Cứu tôi với." hay rất tội nghiệp:
"Tôi đi thăm mẹ tôi ở kinh Quản Thống,
tôi không phải là kẻ xấu. Làm ơn giúp tôi với!"
Tội nghiệp tôi ư? Ông trời
gầm một cái thật to, át tiếng kêu của tôi. Tiếp theo là
tiếng khởi động của chiếc xuồng máy, bỏ tôi lại một
mình trên đường vắng trong cơn mưa vẫn còn nặng hạt.
Tôi tự vấn:
"Chẳng phải
ta lâu nay bị bỏ rơi một mình hay sao? Chẳng phải ta đã một
mình vượt qua biết bao gian khổ hay sao? Chẳng phải ta vừa trải qua
4 năm học Đại Học với một ít tiền học bổng nhưng với
quá nhiều khó khăn. Nếu người chiến sĩ nào đó sống
sót được trong rừng một thời gian trước khi bị bắt, ta cũng
có thể đi bộ nhanh đến Kinh Quản Thống ấy trước khi bị
ai đó chụp bắt."
Tôi như tiếp thêm sức mạnh. Tôi như được một liều
thuốc tiên. Tôi như trẻ lại 5 tuổi. Tôi muốn chạy thật nhanh
đến cái kinh chết tiệt ấy, vừa chạy vừa la:
"Con về đây mẹ ơi! Con về đây mẹ
ơi!".
Vừa đến đầu
kinh, thay vì hỏi nhờ ai bơi xuồng qua sông, tôi muốn nhảy đùng
xuống và bơi ngay qua sông. Tôi muốn ôm ghì lấy mẹ tôi
và cả hai cùng khóc nức nở. Cả hai cùng không nói ra được
một lời nào.
Qua cầu
số ba, trời vẫn còn mưa to, tôi vẫn một mình trên đường.
Tôi thấy nhà dân rất thưa thớt. Kinh Kiên Hảo thẳng tắp
hướng về phía đất liền, hướng bên tay trái đổ
ra biển. Bên phải con đường, ít có nhà, chòi lá nên
quang cảnh sáng sủa hơn. Tôi không hề thấy mỏi mệt hay đói
khát. Cái cảm giác đến nhà, gặp mẹ làm tôi quên
hết mọi thứ. Tôi bền bỉ như một lực sĩ đi bộ đường
trường. Tôi biết đôi giày sắp rời ra từng mảnh. Tôi
biết có ai đang sắp đuổi bắt tôi. Tôi hình dung mẹ tôi
đang ngóng chờ tiếng gọi đò của tôi. Tôi vượt qua đoạn
đường 3 kí lô mét như người ta tản bộ trong một công
viên nhỏ. Khi thấy một cụm mái nhà lá san sát nhau và bên
kia sông có một kinh nhỏ, tôi tự nhủ chắc là đây rồi.
Tôi đi nhanh hẳn lên như có ma đang đuổi theo ở ngay sau lưng.
Tôi bỗng la lên thật to- tiếng của ai đó kêu cứu lúc nửa
đêm:
"Bà Sáu ơi! Bà
Sáu ơi."
Một cánh cửa
phên nhích lên khi có một giọng bên trong phát ra:
"Ai kiếm bà Sáu giờ nầy vậy hả?"
"Dạ, dạ, tôi là con của bà
Sáu nè. Dì làm ơn đưa tôi qua sông giùm nhe. Tôi xuống
đây trễ quá. Làm ơn nhe."
Đội nón lá lụp
xụp, tay cầm cây dầm, người phụ nữ- như được mẹ
tôi dặn dò trước nhiều lần- không hỏi, nói thêm điều
gì nữa, cẩn thận bước xuống chiếc xuồng nhỏ được
cột sát bên vách nhà và sẵn sàng đưa tôi qua sông.
Tôi vội bước xuống,
lòng nhẹ nhõm, vui như một du kích được xuồng đưa vào
khu an toàn, như người tù được đón sau một chuyến vượt
ngục gian lao. Khi qua được hơn hai phần ba con sông, trời còn mưa,
trong bóng tối đen như mực, tôi bỗng buột miệng kêu lên:
"Mẹ ơi, mẹ! Mẹ ơi, mẹ!
Con về đây mẹ ơi".
Tiếng
kêu từ trái tim của một con chim lạc đàn gọi mẹ.
Không ai từng nghe thấy. Không ai lập lại
được như thế đâu!
Rạch Giá 15-1-10
Lương Ngọc Thành
THU HƯƠNG - CẦN THƠ
Hằng tuần chúng tôi đều có thư từ
Cần Thơ. Trong khi thằng Phúc Lùn mừng đến đỏ mặt tía
tai khi nhận thư của Hồng Vân, giống như tôi khi nhận thư của
Thanh Vân, Trọng Thỏ- trưởng lớp- trầm tĩnh cho cái phong bì vào
sấp sách vở nó đang ôm trên tay. Ai cũng biết nó chỉ nhận
thư của một người: Nguyễn Thị Thu Hương.
Trên đường Võ Tánh, cạnh trường
tiểu học Võ Tánh, ở cùng hẻm 2, ngay góc khúc quẹo phải
vô nhà nó, Thu Hương ngày ngày để mắt tới anh chàng
hơi còm, hơi cà khêu, hơi kênh kiệu và rất ít nói
ấy. Nàng không thấy có bạn hắn đến chơi. Nàng cũng
không hề thấy chàng đi đâu ngoài giờ đi học hay đi chơi
bóng rổ. Nàng không hề thấy chàng quở trách em út, không
hề bị bố mẹ la mắng. Khi chàng vào lớp 8 Nông Lâm Súc
Cần Thơ, thấy chàng lấm lem khi đi học về, với ít rau muống,
rau lang trên cái yên xe sau, tim nàng bắt đầu rung động rộn ràng
hơn mỗi khi gặp chàng.
Thu Hương
thường tự hỏi,
"Làm sao
có anh chàng nào vừa hiền ngoan, chịu khó lại vừa lành tính
lành nết cần cù như thế này nhỉ?"
Tình cờ được cậu út dạy cho đàn guitar
cổ điển, Trọng Thỏ- vốn là kẻ ham thích âm nhạc, cần
cù với các ngón tay dẻo dai khẳng khiu này học rất nhanh. Với
cây đàn cũ khá tốt người cậu tốt bụng tặng cho hắn,
Trọng Thỏ trở thành một tay chơi guitar classic có hạng trong lứa tuổi
15 khi ấy. Tính khí của hắn vốn được bộc lộ lâu nay
qua ngòi viết- chải chuốt lả lướt, qua cú sút bóng rổ
nắn nót kỹ lưỡng, giờ đây, ôm đàn lên mỗi buổi
tối sau giờ học bài, hắn làm cho Thu Hương thêm say mê đắm
đuối. Xưa kia, nhờ có chàng Trương Chi xấu xí cất tiếng
hát, nàng Mị Nương đã nhanh chóng bình phục bệnh tình.
Nay nghe tiếng đàn của chàng Trọng Thỏ- người chắc hẳn đẹp
trai hơn Trương Chi nhiều- nàng Thu Hương bỗng dưng sinh bệnh.
Thiếu tiếng đàn của chàng,
bệnh của nàng trở nên nặng hơn. Trong hè vừa hết lớp 9,
đầu năm học 1970- 1971, biết chàng phải đi đến tận Bảo
Lộc để nộp đơn chuyển trường, Thu Hương cảm thấy xốn
xang, lo lắng, đứng ngồi không yên. Viết hết những 4 trang vở học
trò, Thu Hương vận dụng tất cả vốn liếng văn chương thi
phú và vài cánh hoa ép khô để bộc lộ tình cảm
của nàng. Nàng giải bày những điều đã khiến nàng
yêu quý, kính trọng người thanh niên cùng xóm- hai nhà đối
diện và dĩ nhiên nàng chỉ xin chàng im lặng mỉm cười với
nàng- một đặc ân duy nhất- Khéo léo thuyết phục Như
Trang- em gái của Trọng Thỏ trao thư tận tay chàng và giữ kín
chuyện này. Mối tình của hai người bắt đầu sau khi Trọng
Thỏ ta đọc thư. Tối hôm ấy, Trọng Thỏ đàn hay hơn bao
giờ hết và Thu Hương cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết
khi nhìn thấy chàng mỉm cười với nàng.
Tối hôm trước ngày chàng lên đường
đi Bảo Lộc nhập học, 27- 8- 1971, dưới gốc cây trứng cá,
họ ngồi cạnh nhau trong bóng tối trong yên lặng và ngay khi chàng
"Thỏ" ấy vừa nắm lấy tay nàng, nước mắt nàng tuôn
trào như con suối Đam Rong mùa mưa lũ. Thu Hương như muốn ngã
gục xuống chân chàng,
"Anh đi
lên đó ráng lo học và giữ sức khỏe. Em sẽ gởi lên
cho anh những thứ anh cần với cả trái tim em."
Trọng Thỏ xúc động, bối rối vì lần đầu
tiên chàng nghe những lời lẽ như thế,
"Hương ở lại ráng học. Chừng nào về
anh sẽ có quà cho Hương nhé."
Thu Hương đáp ngay như đã chuẩn
bị sẵn,
"Chỉ cần anh về
với em là đủ lắm rồi."
Trên Bảo Lộc, ngay những ngày đầu tiên, hắn rất nghiêm túc,
lo học, không hề màng tới điều gì khác ngoài việc cùng
nhóm chúng tôi lội bộ qua trường tàu Đồng Nhân chơi
bóng rổ. Cơm chiều vừa xong, nhâm nhi chút trà xanh, đánh đàn
một lúc, hắn lao ngay vào sấp tập vở. Hắn tụng bài như
một tay sư trẻ tụng kinh và muốn làm cho sư cả hài lòng.
Hắn đặt quyển vở, rất sạch với chữ đẹp bay bướm,
trên tay đi đi lại lại lầm thầm đọc bài giống như một
nhà sư sắp giác ngộ. Hắn bực dọc khi có thằng nào ồn
ào. Hắn liếc trừng mắt khi có ai chọc ghẹo, to tiếng. Giống
như khi chúng tôi chơi bóng rổ với nhau, hắn cau có, khó chịu
khi đứa nào chuyền bóng hay lên rổ trái ý của hắn hay
sút hụt một quả bóng ngon ăn. Nhưng mỗi khi đọc thư của
nàng, hắn tỏ ta tư lự, mỉm cười khá hài lòng và
trầm tĩnh.
Ngay tuần đầu tiên
hắn có thư của người tình- Thu Hương- từ Cần Thơ. Vừa
thấy mặt thằng Phúc Lùn đỏ ngây ngất như say rượu và
Trọng Thỏ vui sướng hớn hở khi nhận thư nàng, Tâm Dê- thằng
chẳng được thư của ai- đã nghĩ ngay đến cụm từ "cần
thư- thư tín". Hắn đã đặt tên cho nhóm 6 đứa chúng
tôi,
"Băng Cần Thơ đúng
là "cần thơ" mà!"
Vừa
nhận được địa chỉ nhà trọ, từ Cần Thơ, Thu Hương
gởi lên cho chàng yêu thương một chiếc áo len. Mỗi tháng
Trọng Thỏ đều nhận được quà của nàng, nào là
cá khô, bánh kẹo, tập vở, giấy viết thư, giấy chậm mực,
vải quần áo và gần ngày trung thu năm ấy, chàng nhận được
một cái bánh trung thu từ người con gái đang yêu chàng tha thiết.
Chúng tôi thèm thuồng, ganh tị. Hét Quắn cứ nhìn hắn cười
mỉm chi. Hậu Bào chọc tức hắn,
"Mầy viết thư hỏi nó coi một cái bánh làm sao đủ
chia cho cái nhà trọ mười thằng ốm đói thiếu ăn này
chứ hả?"
Phúc Lùn bênh
vực,
"Mầy ngon thì kiếm người
yêu đi rồi bảo nàng gởi bánh lên cho mày xơi một mình
nhé. Tụi này "đếch thèm đâu nhé."
Thằng Đức Cống - CT- 71- chọc quê,
"Để tớ đánh điện tín về nhà
bảo mẹ tớ gởi lên ngay 10 cái nhé. Thằng Đức Cống còm
cõi này xin tiền xài thì khó chứ xin mẹ thức ăn thì
có ngay."
Tuấn Bùi- CN-71- có
dịp vào cuộc,
"Trọng Thỏ
ơi! mầy viết thư xin nàng mấy con khô cá Sặc nữa nhé. Từ
bé đến giờ, tớ chỉ ở tại Phương Lâm chưa hề biết
cái thứ chi mà ngon đến như thế."
Thu Hương chắc vui lắm khi biết cả nhà trọ
chúng tôi trầm trồ thèm muốn các thứ nàng gởi lên.
Nếu có một cuộc thi "người tình chu đáo", tôi
sẽ bầu chọn ngay Thu Hương- người đáng làm cho tất cả
những ai từng mài đủng quần trên ghế trường NLS Bảo Lộc
phải ganh tị.
Sau 3 tháng
hè gắn bó với nhau hơn, năm học sau, Thu Hương gởi quà nhiều
hơn năm học trước. Ngoài những thứ năm trước Trọng Thỏ
đã nhận, năm sau, thỉnh thoảng chàng một mình lên bưu điện
để nhận "manđa". Để yên chí không bị mất những
thư, quà quan trọng, Thu Hương đã nhờ địa chỉ của ông
chủ nhà Vũ Ngọc Bảng. Vốn ít thổ lộ, Trọng Thỏ cất
giữ mọi thứ Thu Hương một cách kỹ lưởng hoặc nhờ bà
Bảng giữ hộ. Hắn bắt đầu mặt áo sơ mi trắng mới toanh.
Cái đồng hồ cũ năm lớp 10 bổng trở thành một cái "đổng"
mới "keng" mà thằng Hậu Bào đã thèm chảy nước
dãi.
Năm
học cuối, Trọng Thỏ- Nguyễn Phước Trọng- ăn mặc chỉnh tề
nhất lớp, học lực cũng khá nhất lớp, và Thu Hương vẫn
là người tình chung thủy nhất- người duy nhất gởi thư và
quà cho hắn nhưng lạ thay hắn chưa hề kể lể cái đoạn
kết về mối tình này. Sau ngày giải phóng, chúng tôi nghe
đồn rằng Thu Hương đã cùng gia đình vượt biên bỏ
lại một trong những mối tình nổi tiếng nhất của cả hai trường
NLS.
Rạch
Giá 17- 11-2012
Lương Ngọc
Thành
MỘT TỐI GHÉ THĂM
Càng
nhiều lần thằng Long Kh'mer hoặc Khuê Bầu ghé thăm tôi tại trường
Đ.H Sư Phạm Kỹ Thuật ở Thủ Đức, thì càng ít lần
tôi đi thăm thằng Hậu Bào tại ấp Mỹ Hưng, Cái Vồn,
Bình Minh- Vĩnh Long.
Sau ngày 30 tháng 4, trong nhóm Phan Thanh Giản
vào NLS, lập nhóm Bụi Gia Trang, Băng Cần Thơ lên Bảo Lộc để
học đệ nhị cấp ngành Lâm Nghiệp, nó và tôi có hai
thứ duy nhất. Tôi là kẻ duy nhất còn học tiếp đại học
và nó và đứa duy nhất về quê bên nội để làm
ruộng. Nhằm để giữ gìn
đất đai, để tránh tai tiếng là cảnh sát, ba của thằng
Hậu đã quyết định bán căn nhà bên rất đẹp ở
Cần Thơ để về vườn. Dẩu sống trong nơi xa xôi khó đến
đó, Hậu đôi khi cũng có bằng hữu đến thăm như thể
hắn đang ở bất cứ một nơi bình thường nào đó
ở Cần Thơ vậy. Đang ở nội trú nghiêm ngặc, thời khóa
biểu dầy đặc, thường xuyên đá banh cho đội trường,
trong nhóm bạn học Cần Thơ, tôi là người khó đi thăm
nó nhất. Hơn thế nữa, 3 tuần nghỉ hè và 8 ngày nghỉ tết,
mọi sinh viên về quê còn tôi lên Bảo Lộc thay vì về Cần
Thơ. Lắm lúc tôi đi lên Bảo Lộc chỉ một ngày trong lúc
tôi có 3 ngày được nghỉ học để ôn thi học kỳ.
Tôi cần Bảo Lộc như một người
già yếu cần dưỡng khí, như một kẻ bệnh tâm thần cần
một nơi để an dưỡng. Tôi muốn đi Bảo Lộc bất cứ
lúc nào giống như người ta muốn được xuất viện, người
lính muốn nghỉ phép, một kẻ ngồi tù muốn được về
thăm gia đình đơn giản vì, sau khi học ở đấy 3 năm, Bảo
Lộc là nơi tôi đã trải qua 3 lần nghỉ hè, ăn 2 cái
tết. Tôi đi lên đó giống như bất kỳ ai khác muốn đi
về quê nhà, như những người ở hải ngoại mong về quê
hương vậy.
May mắn thay, Hậu Bào không sống cô đơn và cần về
Bảo Lộc như tôi. Sống chung với một mẹ già và người
chị dâu góa bụa có ba đứa cháu nhỏ, nó đang có
một mái ấm gia đình. Nó làm ruộng, rẫy, chất nấm rơm,
thu hái trái cây trong vườn 4 mùa trong năm. Nó luôn bận rộn
với vài loại trách nhiệm và luôn có đầy ấp niềm
vui. Nó còn có nhiều chàng nông dân trẻ thích nó. Họ
thích chơi đá banh, uống cà phê sáng sớm hay chiều tối
để bàn luận chuyện ruộng nương, để nghe nó kể chuyện
học, chuyện đời của nó và dĩ nhiên là để bàn
việc nhậu nhẹt với nó nữa. Họ quý nó vì nó có
chữ nghĩa, có những trải nghiệm và có thể vì cái chất
"Bảo Lộc" đã thấm nhập sâu đậm trong người của
nó nữa. Có bà con bên nội rất đông và vì ba nó
là trưởng nam, nó phải lo tổ chức, hay đi dự rất nhiều đám
tiệc, giỗ chạp. Cô nào, Dượng nào cũng yêu thương nó
như con. Làm hội trưởng nông dân ấp, nó phải đi họp,
đi tiệc tùng của các hội viên. Là một chàng trai độc
thân từng trải, dáng vóc hấp dẩn, ăn nói chậm rõ chững
chạc, nó có một vài người phụ nữ lở thì, đàn
bà góa bụa đem lòng yêu thương nó cho nên nó có
thể đến với họ bất cứ lúc nào nó muốn. Là một
thầy "giáo làng", nó có nhiều phụ huynh kính quý nó.
Có thằng em trai và một chị khá giả thường rước mẹ
nó qua Cần Thơ, cho nên nó có nhiều chuyến đi qua Cần Thơ
để đón rước mẹ nó về. So với tôi, nó có hơn
tôi nhiều thứ, chỉ trừ một điều- không còn được
ngồi trong lớp học, không còn được đi đến trường.
Thế mới hiểu tại sao ngày 25 tháng 12 năm ngoái, sau khi nhóm bạn
bên Cần Thơ có một việc nhỏ nhặt gây mích lòng nhau, nó
một mình đón xe đò lên Thủ Đức để thăm tôi.
Trong một buổi xế chiều còn nắng
nóng, bất ngờ biết có được một ngày nghỉ lễ, tôi
quyết định đón xe Cần Thơ về thăm nó. Xuống xe bên dốc
cầu Cái Vồn Nhỏ lúc trời đã tối mịt, tôi cứ vội
vả đi nhanh vào. Khỏang hơn 4 cây số với khỏang 36 cây cầu
lớn nhỏ tôi mới đến được nhà nó. May cho tôi, có
hai khách bộ hành chia cho tôi chút ánh sáng từ cây đuốc
họ cầm trên tay khi qua vài cây cầu nhỏ gập ghềnh. Một trong
hai người ấy gợi chuyện trước,
"Anh Hai đi đâu"dìa chể" quá" dậy?"
Tôi phải cố gắng nói dối,
"Tôi có chút công chuyện gấp
lắm."
Họ tò mò,
"Anh đi thăm ai trong này "dậy"
anh Hai."
Biết nhiều người ở
đây biết tên ba của Hậu, tôi đáp nhanh,
" À, tôi đi thăm Bác Ba Phép."
Người đi song hành tỏ vẻ thông cảm
với tôi,
"À, ổng mất hồi
năm rồi. Bà Ba giờ cũng già yếu rồi. Chừng nào "dìa"
tới nhà tui rồi, chờ tui kiếm cho anh một cây đuốc khác nhen."
Cây đuốc là một bó
lá dừa khô được cột chặt. Khi muốn cho nó sáng thêm
hơn, người cầm đuốc quơ quơ hai ba lượt. Được chỉ
bảo như vậy, tôi cảm thấy yên tâm hơn khi một mình đi
trong bóng tối đen như mực. Vừa cố đi nhanh, tôi vừa nhẫm
đếm và cố nhớ số cây cầu tôi vừa đi qua.
Nhờ ánh lửa, tôi nhận ra cổng
vào và tránh vấp phải hàng đá xanh dắt vào nhà. Giống
như căn ba gian to lớn mái ngói trên nền cao, nhà thừa tự cạnh
bên- còn có chút ánh sáng nhỏ trên bàn thờ ông bà,
căn nhà, của gia đình nó, nhỏ mái tole cũ, được dựng
tạm sau ngày 30 tháng 4, tối thui. Tôi gọi tên nó thảng thốt,
"Hậu ơi. Hậu ơi. Thành
Xì nè."
Một chốc sau, có
tiếng trả lời yếu ớt của ai đó,
"Thành hả! ra nhà sau nè....đẩy cửa vô
đi con."
Tay cầm cây bó đuốc
đã gần tàn, khói tỏa đen thui, tay lần theo cái vách lá,
tôi tìm được cửa hông. Từ trong cái buồng nhỏ, má
nó bước ra thảng thốt hỏi tôi,
"Sao đi đâu mà giờ này mới tới? Cơm nước
gì chưa con?"
Tôi chào bà
và đáp ngay,
"Dạ,
xế chiều con mới lên xe lận. Kẹt phà Mỹ Thuận quá lâu
nữa đó Bác."
Đặt
cây đèn trên cái bàn gỗ mục nát vài chỗ, bác Ba gái run run lắc tay,
"Bây thiệt khổ quá. Chắc đói
bụng lắm rồi phải hông?"
Nghe
xong, tôi không còn thấy mệt một chút nào nữa cả. Vịn
cánh tay tôi, bà già chỉ về hướng cái bếp có ba cái
"lò cà ràng",
"Con
bưng nồi cơm qua đây, có chén mắm chưng ở trong đó đó.
Gọt mấy trái chuối chát ra ăn đở nghen Thành. Thắng Hậu
với mấy đứa nữa ra ruộng đặt lợp tự sập tối đến
giờ."
Đang bụng đói
cồn cào, tôi lẹ làng làm theo lời bác ba gái và một
mình "nhập tiệc" ngay sau khi bà trở vào trong buồng. Dìu bác
Ba đến cửa, tôi nhanh chân bước lên gian nhà trên để
đốt nhang bàn thờ của bác Ba và hai ông anh sĩ quan của nó
đã mất tích trước năm 1975.
Tôi như đang ở ngay trong nhà của chính mình. Lần đầu tiên
theo nó về đây 10 năm trước, bác Ba giới thiệu tôi là,
"bạn học của thằng Hậu.". Nhưng ngay từ lần thứ hai, tôi
nghe rõ lời bác nói
với mọi người trong cái xã này,
"Thằng Thành này là cháu tôi."
Bà nội của Hậu thương tôi như
thằng cháu cưng. Có vài lần bà bảo tôi,
"Ưng bụng đứa nào, muốn làm con rể
của ai con cứ nói đại ra đi. Bà nội đứng ra lo đám
cưới hết cho."
Cơm trắng tinh dẻo mềm lúc
đó ngon như thể là mì spaghetty của dân Ý và chén mắm
kho còn sót lại trong cái nồi đó đáng đem so với một
cái lẩu hải sản. Trái chuối chát thiệt xứng với một miếng
bắp cải Kim chi. Sống 2 năm trong nội trú, ăn nhiều bo bo, bột mì,
tôi đã quá quen những bữa ăn "hạng bét" rồi. Khi ấy, tôi như đang có một
đại tiệc. Tôi ăn ngấu nghiến đến phát nghẹn đến
mấy lần. Bình trà không còn chút hơi ấm khi đó ngon như
một ly bia Đức lạnh teo. Cái đèn dầu phộng nằm trên bàn
xếp hình tròn siêu vẹo, lúc đó trông như thể một
đèn kiểu được trang hoàng độc đáo trong một nhà
hàng sang trọng. Một mình một bàn tiệc, tôi vừa ăn vừa
suy nghĩ,
"Hạnh phúc đôi
khi thật đơn giản, thật nhỏ nhoi. Ta hưởng cái ta đang cần.
Ta tự cảm thấy đủ."
Đêm ở thôn quê thật vắng lặng. Tôi không nghe thấy gì
khác ngoài tiếng côn trùng, tiếng chó sủa từ rất xa vọng
lại. Cái bếp lờ mờ ẩn hiện trong khu nhà lá phía sau này.
Nó như muốn gợi lên cái nơi nào đó mà tôi ước
muốn được chung sống với mẹ tôi. Gian nhà lá dừa, các
cây cột tràm nhỏ khẳng khiu, cái chỏng tre ọp ẹp, cánh cửa
xiêu vẹo là tất cả những thứ tôi đang mơ đến.
Tôi bỗng giật mình khi nghe một
tiếng kêu lên,
« Có
ai trong nhà kìa ! »
Tiếng
của thằng Hậu lên giọng rắn rõi.
«Ai trong nhà vậy ? »
Cố gắng nín thinh, lua hết những hột cơm còn xót
trong chén, vừa đặt nó xuống bàn, tôi nghe tiếng reo lên của
thằng Sáu Lát,
« Ủa,
Thành Xì ! »
Đẩy
mạnh cái cánh cửa chỉ được khép hờ, Hậu bước
vội vào để ôm tôi bỏ ngay phía sau nó, Sáu Lát, Chị
Hai và Sơn, thằng cháu trai gầy gò khoảng 12 tuổi.
Đêm khuya hôm ấy, nhà thằng Hậu tưng bừng như thể nó
có một tiệc lớn. Hàng xóm chung quanh nghe có tiếng đàn hát
nhạc du ca và Trịnh Công Sơn của tôi, tiếng cười vang của
3 đứa tôi cùng với 5 thằng bạn nông dân khác, sau đó
một đổi đã đến với chúng tôi. Mặc dù nghèo
khó, ít chữ nghĩa hoặc kiến thức, với tay lấm chân bùn,
quần áo vá víu nhiễm phèn vàng như nghệ, họ có trong
lòng những thứ mà tôi quý mến, cái trong sạch, tinh khiết,
thật thà chất phác và đôn hậu, cái thứ mà tôi
ít thấy trong những người khác ở thị thành.
Rạch
Giá 14- 10- 2012
Lương Ngọc Thành
CÁI
ĐĨA NHẠC
Nghe thêm
Tác giả đàn & hát về Mẹ:
https://www.youtube.com/results?search_query=me+toi-+tran+tien+thanh+luong+guitar
Tôi
được nhận một đĩa nhạc vừa được thu thanh của nhạc
sĩ Ngọc Lễ để chia buồn cái tang mẹ của tôi.
Anh ta còn mẹ nhưng tôi đã mất
mẹ vào tháng 6 năm 2001. Sau khi an táng bà, ngày đầu tiên
đã thật dài, thật kỳ lạ, thật trống vắng đối với
tôi. Thức dậy thật sớm và sau một lúc lâu thẫn thờ bất
động, thật tự nhiên, tôi đã mail cho Ngọc Lễ người nhạc
sĩ thân thiết với tôi sau bài "Xe đạp ơi" tôi đã
dịch.
"Ngọc Lễ thân !
Trên thế gian này không ai có thể
thay thế mẹ ta được. Buồn thay mẹ tôi vừa vĩnh viển ra đi.
Chúng ta cùng hiểu rằng không có
điều gì mà ta không thể không làm được để mẹ
ta hạnh phúc.
Tôi nhớ mẹ
tôi vô cùng."
Chiều hôm đó tôi nhận được
mail của người tôi đang mong đợi chia xẻ nỗi buồn của tôi.
Đôi nghệ sĩ Phương Thảo - Ngọc Lễ
Trong bức mail ngắn gọn đó, Ngọc
Lễ đã viết bằng tiếng Anh,
Dear
Brother Thanh (Anh Thành thân!)
We all love
Moms, don't we?
Chúng ta đều yêu
thương mẹ, đúng không anh?
We
have recorded a song "Nho den me."
Chúng
tôi vừa thu thanh xong bài "Nhớ mẹ".
We offer you this song as a small gift.
Tặng anh như là một món quà mọn.
We hope it helps you release your grief.
Mong ca khúc này giúp được anh vơi đi nỗi buồn.
Ngọc Lễ- Phương Thảo
Tôi đã nóng lòng chờ đợi
và hồi hộp khi nhận cái phong bì một tuần sau đó và
2 giọt nước mắt của tôi đã chảy thành hàng xuống
đến cằm khi tôi nhìn thấy cái CD với những chữ trên đó,
"Nhớ đến mẹ" mến tặng anh
Thành."
Như họ đã
đoán, tôi đã khóc rất nhiều khi nghe đĩa nhạc đó.
Làm sao tôi không nhớ đến mẹ tôi, người đã cưu
mang tôi 9 tháng trong bụng và đã quyết định để tôi
sống khi bà muốn cùng tôi tự vẫn lúc tôi chưa tròn một
tuổi. Làm sao tôi không nhớ đến mẹ người đã bỏ
hằng bao nhiêu ngày đêm mong tôi thành đạt, mong có cháu
ẳm bồng, mong tôi ngày một khấm khá. Thật tiếc thay tôi không
thể tự tay chăm sóc cho người nhiều hơn vì bà chỉ nằm
trên giường bệnh đúng 3 đêm hai 2 ngày sau một cơn ngưng
tim, cái hậu quả của 20 năm bị tiểu đường.
Thật
giá trị thay 48 giờ với tôi được ngồi bên giường bệnh
của người trong phòng cấp cứu, yên lặng, hiền lành, ngoan ngoãn.
Thật đáng để mọi người con xem cái cảnh tôi chăm sóc
mẹ tôi. Thật xứng đáng với tôi vì tôi đã tự
nhận ở lại VN 19 năm trước và trong lúc lâm chung chỉ có
tôi ngồi kế bên kêu gào tiếc nuối,
"Mẹ ơi! mẹ không chờ để nhìn thấy mặt
em và chị con sao mẹ ơi?"
Làm sao tôi có thể nguôi được những mất mát mà không
có thứ gì điều gì có thể khỏa lấp được.
Lúc một giờ sáng tôi đi đi lại lại trong phòng khách,
nhìn dư ảnh lần này và lần khác. Không có một phép
mầu nào, lời kinh nào, không có một thứ hương khói nào,
một lời phán truyền của bất cứ ai có thể giúp mẹ tôi
nguôi nỗi thương nhớ chúng tôi. Không có một đấng tối
cao nào có thể giúp mẹ tôi quay về. Tôi thẩn thờ, chậm
rãi đốt thêm một nén nhang cho mẹ tôi rồi khóc vì tôi
"nhớ đến mẹ".
Những gì tôi nghe khiến tôi khóc nhiều hơn,
"Mẹ hôm nào cũng ngồi nhớ thương con....
Ha há ha hà, con cũng rất nhớ mẹ, nhớ mẹ."
Tôi đã lại bỏ nhà
lên cao nguyên lập nghiệp sau ngày 30 tháng 4 khoảng 2 tuần. Tôi lại
rời mẹ tôi để đi học lại từ tháng 9 năm 1975 cho đến
khi tôi lặn lội đến cái chòi lá trong một đêm mưa
tháng 7 năm 1979. Nhưng đến năm sau đó tôi bỏ mọi thứ
đã có ở Sài Gòn. Tôi mới đưa mẹ về chung sống
trong một căn nhà lá tồi tàn mà tôi đã xin ở đậu.
Chị và em tôi đã trốn đi để lại tôi trong lòng mẹ
tôi hai lỗ hổng lớn. Họ cho tôi một cơ hội, họ vô tình
giao cho tôi trách nhiệm "được chăm sóc mẹ".
Tôi đã làm mọi thứ, giúp
những người hàng xóm hết lòng, tự tập tành hết cách,
tránh hết những điều tai tiếng để đem về cho mẹ tôi
niềm vui, niềm tự hào, tiếng khen tặng, sự kính nể và hơn
hết là hạnh phúc cái mà bà lâu nay đã không có.
Tôi mua bao xi măng để xếp thành bao đựng đường đậu.
Tôi tự đi nhận bảng về để vẽ. Tôi tự tập làm
thợ chụp ảnh dạo trong lúc tự học Anh Văn. Tôi được
thầy tôi đến tận nhà mời tôi đi dạy.
Tôi nhớ mẹ. Tôi nhớ đến những
gì tôi đã làm được những gì chưa. Tôi hồi tưởng
biết bao nhiêu buổi sáng sớm đã mài giũa đèn sách
bút nghiên trên Bảo Lộc để có ngày mà tôi làm
tròn được chữ hiếu. Tôi tưởng tượng được những
buổi sáng cùng lúc đó mẹ tôi ở Cần Thơ đang đun
nước pha cho các vị khách ghiền những ly cà phê đen nóng
hoặc những buổi như vậy, ở Rạch Giá, mẹ tôi phải chèo
xuồng vào kinh đi thăm đồng. Tôi nhớ lâu trước đó
những ngày tháng mẹ tôi vác một bao quần áo to nặng trĩu
về nhà để giặt ủi. Tôi nhớ đã lâu hơn thế là
những lúc mẹ tôi theo ba tôi đi buôn bán nhiều nơi trong thiếu
thốn vất vả trong sự chịu đựng ông chồng nhiều bê tha, ít
trách nhiệm. Tôi nhớ cái bướu cổ mà mẹ tôi mang nặng
nhiều năm cho đến ngày nó biến mất sau đám ma ông nội
tôi. Tôi nhớ những bữa cơm do mẹ tôi nấu, những con cá chiên
thật giòn cho riêng tôi, những khứa cá lóc to thắm màu với
những hạt tiêu đen bốc mùi thơm.
Tôi có thể kể ra lần tôi đã khiến
mẹ tôi trồ lên mừng rỡ ngạc nhiên, khi tôi cho bà xem bao nhiêu
tiền tôi kiếm được sau khi tôi đi chụp hình 3 ngày tết,
giao xong một cái bảng quảng cáo to tướng hay số tiền nhỏ tôi
kiếm được sau khi bán được những bao giấy đựng đường
đậu do chính tay tôi cắt dán từ những bao giấy đựng xi măng.
Tôi nhớ rõ mẹ tôi đã hãnh diện như thế nào lúc
mà tôi trả xong số tiền trả góp để lấy chiếc xe Honda Dream
mới. Tôi nhớ những lần mẹ tôi cười vui khi có những bà
bạn ra sau vườn xem 5 hàng xoài tôi đã trồng, chăm sóc
như một nhà vườn thứ thiệt, những trái xoài cát Hòa
Lộc thơm ngon bà đã cắt ra mời khách ăn ngay trong miếng vườn
to rộng sạch đẹp.
Tôi nhớ ánh mắt, vẻ mặt hớn hở của mẹ tôi hai lần
đón cháu nội chào đời. Tôi hình dung ra được cảnh
mẹ tôi bồng cháu trên tay đi sang nhà cạnh bên hay dắt cháu
đi lẩm đẩm bên cạnh bà. Tôi nhớ những lần hiếm hoi
mẹ tôi giận hai vợ chồng tôi, nào là không chịu sanh con, nào
là không chịu làm điều này, không mua sắm thứ bà đã
chọn. Tôi nhớ những mẫu chuyện bà kể về thời kỳ theo ba
tôi đi nhiều nơi. Tôi nhớ những kỷ niệm bà đã kể
khi chúng tôi ở Pleiku, Quy Nhơn. Tôi nhớ những cái tên bà thường
nhắc. Tôi thuộc lòng các câu mẹ tôi đã kể về ông
nội hay bà ngoại. Tôi nhớ những gì mẹ kể về những lần
chị hai tôi từ Sài Gòn xuống tận nơi mẹ tôi ở để
làm tình làm tội và những lần bà muốn tự vẫn vì
thằng em hút sách của tôi.
Tôi nhớ mẹ tôi nhiều đến nỗi tôi bật khóc bất cứ
lúc nào tôi kể về người. Ngọc Lễ có lẽ nên tìm
hiểu điều đó và viết thêm một ca khúc mới, "Mẹ
tôi"
Rạch
Giá, May 7, 2013
Thành Xì- TL-71
CẦN THƠ- CUỘC THĂM VIẾNG KHÔNG ĐƯỢC
PHÉP
Đâu
phải ai cũng được phép đến thăm mẹ tôi tại Cần Thơ
và cũng không phải ai cũng được phép làm nhói đau trái
tim của tôi vốn đã lâu trước đó bị ung nhọt, âm
ỉ rướm máu.
Hè năm đó, 1977, đi theo một
bạn học, ở cùng phòng, nàng xuống Cần Thơ. Trong khi cô bạn
đi thăm người anh họ, nàng có dịp riêng tư hưởng những
ngày hè ở miệt sông nước Hậu Giang trong lúc tôi lên đường
đi lên Bảo Lộc tá túc 3 tuần trong cái lò nem "Bà Chánh",
gia đình của một thằng bạn học cũ. Vì có ít thời
giờ rỗi rãi, trong khi cô bạn ấy, Thu Hương, phải lo toan ít việc
cho ông anh, thầy Hoàng, đang dạy tại N.L.S Cần Thơ, nàng tự nghĩ
đến việc thăm gia đình tôi, 12/5 Lê Lai- Khu Văn Hoá, Cần
Thơ. Dẫu cho yêu tôi rất nhiều, nàng biết rất ít về gia
đình tôi, nơi mà tôi xem như sắp sửa xụp đổ nhưng
tôi lại chẳng có thể làm gì để giúp mẹ tôi cả.
Sau 3 năm học ở Bảo
Lộc về, tôi nhận ra mức độ rạn nứt, lún lầy của căn
nhà, mức độ trụy lạc của em tôi và nỗi thống khổ
mà mẹ tôi từ lâu nay phải chịu đựng. Ba tôi từ lâu
nay chẳng hề một chút gì lo cho nó. Cái chất của thằng đàn
anh quậy phá, và cái gốc lính ngụy đã khiến cho chính
quyền ở đó cũng phải tránh né nó. Ông anh thứ Ba, đang
học cải tạo ngoài Bắc, chỉ có thể nhắn tin về thăm mẹ
tôi và nhắc tôi phải cố học. Phải theo chồng, một hạ sĩ
quan không quân, đi kinh tế mới tận trên Long Đất, Bà Rịa,
chị Tư của tôi không giúp được bà mẹ người mà
chị ấy hết mực yêu thương giống như tôi. Tôi buộc lòng
phải giấu nhẹm những chuyện này với mọi người, kể cả
với nàng. Nhiều lần bên nhau, nàng kể cho tôi nghe rất nhiều
về gia đình khá đầm ấm của nàng. Có thể nàng quên
hoặc ái ngại để hỏi tôi về những gì đang xảy ra trong
gia đình tôi. Điều duy nhất nàng biết là những tiếng thở
dài, hoặc im lặng, cái khoảnh khắc im lặng khi chúng tôi nói
về gia đình.
Tôi buộc
lòng phải đem cái nỗi đau đớn khó diễn tả đó
đổ trút ra ngoài sân bóng đá, đổ trút nó vào
những buổi tập ngòai mưa to, hoặc dưới cái nắng như lửa
đốt, trên mặt sân cát khô nóng. Tôi đem nỗi đau không
diễn tả được ấy đổ trút vào những cú sút mạnh
hoặc những lần bay người hết cỡ để chụp quả bóng bất
chấp hai cùi chỏ hay đầu gối rướm máu. Khi làm trọng tài
trong các giải đấu trong trường, không cần hai giám biên, tôi
thổi còi một cách rắn chắc để minh định cái lỗi đó
của ai trong nhiều trận đá bóng. Tiếng còi nhắc nhở mọi
người và chính tôi, đó là lỗi. Ai là người mắc
lỗi!?
Cái đau trong tim
tôi có lẽ chẳng thể nào đem sánh được với bất
cứ thứ gì tôi đã và đang cố tìm cách khỏa lấp.
Để có thể ngủ được, dầu đã mệt nhoài vì
buổi trưa tập bóng cho đến lúc mọi người kéo nhau lên
khu phòng học với ánh đèn sáng choang, tôi cố đưa nỗi
ray rức khó tả vào các đoạn nhạc classic hàng đêm sau
giờ ký túc xá tắt đèn. Tôi chơi đàn như một
thằng gàn dở, khoe khoang, ngang tàng. Tôi đánh ra hết những bài
tôi chơi được, nhớ được. Tôi vui khi biết có một
số "thính giả" đang nghe tôi và có cả những "khán
giả" trực tiếp đến dự. Những chàng sinh viên ấy ngồi
quanh tôi, nhen nhúm lửa nấu một ít nước sôi để làm
một phin cà phê mà tôi sẽ được mời nhâm nhi một ngụm
trước. Điếu thuốc đen trong những lúc ấy mới ngon làm sao.
Có nhiều đêm, tôi gục đầu trên cần đàn, các
ngón tay làm việc mãi cho đến khi chúng và tôi mỏi nhừ
mới thôi. Một đêm nọ, ngồi trong phòng ký túc xá, hướng
cây đàn về phía cái tủ âm tường, tôi đánh ngón
bài "Lòng Mẹ" hai ba lần và đã khiến năm đứa
trong phòng, theo lời Lộc nhiều năm sau có dịp xuống Cần Thơ kể
lại với tôi,
"Đêm đó,
mày làm tụi tao nhớ nhà đến mất ngủ."
Để có
thể thăng bằng một phần nào, từ trường, tôi thường lẻn
trốn về Cần Thơ bất cứ khi nào có thể, một ngày nghỉ
để ôn thi hoặc ngày cuối tuần nào đó. Để có
thể vui sống 3 tuần nghỉ hè trên Bảo Lộc, tôi đã làm
việc rất chăm chỉ như một tay thợ làm lá chuyên nghiệp trong
lò nem chả của Má Chánh. Tôi đã sống ở đấy một
cách rất ngoan hiền và nhận được nhiều lời khen ngợi, nhắc
nhở.
La Di, con gái út của
má Chánh, người thương mến tôi như anh ruột, đã vòng
tay ôm ngang bụng tôi, ngây ngô, thật thà hỏi tôi rằng,
"Sao anh không ở trên này với nhà
em? Anh học và ở đây cũng được vậy."
Tôi vuốt tóc cô bé, nghẹn ngào không
thốt lên được nửa lời. Cố gắng lắm tôi mới trả
lời được vắn tắt,
"Anh
muốn lắm chứ!"
Một người
bạn cùng phòng, Phan Văn Đon, vui tính, thật thà, đã nhận
xét,
"Đi Cần Thơ hay Bảo
Lộc về, thằng Thành Xì vui như tết. Vài hôm sau nó lại
buồn như thể nhà nó đang có tang vậy."
Người yêu tôi âm thầm trước đó, người đã
nghe tôi tâm tình ngay khi tôi mới quen nàng, đã hỏi tôi thật
ngây thơ,
"Sao anh không về với
gia đình?"
Tôi chỉ biết
im lặng khi mà trong lòng nỗi buồn chợt tăng lên hai, ba lần.
Tôi im lặng đến mức không ai hiểu
nổi. Có một lần, mấy thằng cùng lớp, vào uống cà phê
khi thấy tôi ngồi một
mình trong góc quán, đã phải lên tiếng châm chọc tôi,
"Ê, Thành Xì, nghe đồn mầy
đang luyện"thiên linh cái" phải không mậy?"
Cứ yên lặng thản nhiên như không nghe thấy
gì, tôi rít sâu vào một hơi thuốc lá như để ém
nhẹm điều mà không có từ ngữ nào diễn tả được.
Khi tôi đi dạo bên nàng những buổi chiều, dù trên bầu trời
còn chút vệt nắng đỏ cam, trong lòng tôi lại đen ngòm
như cái tối của đêm 30 vậy. Tôi chưa có ý định
nắm tay nàng khi nàng thổn thức muốn được tôi ôm vào
lòng. Như một phản xạ, tôi chiều ý nàng một cách vô
ý thức. May thay tôi còn nhận được cảm giác yêu thương
trai gái và tôi đã làm nàng hài lòng. Mừng cho nàng
thay, trong khi tôi đúng lúc ấy cũng cần có nàng để tôi
truyền cho nàng một luồng điện rất mạnh, một hơi thở thật
sâu, một niềm an ủi to lớn vì tôi được yêu và đang
thể hiện tình yêu đó với nàng. Tôi ghì nàng chặt
và đến nỗi nàng không thể thở được. Nhiều lần
nàng thì thầm với tôi,
"Em
chỉ mong đến ngày em làm cho anh thật sự hạnh phúc. Em mong được
sống bên anh."
Tôi chỉ
tự nhủ,
"Làm sao em có thể
làm anh hạnh phúc khi anh có rất nhiều nỗi đau, đau vì biết
mẹ anh khổ sở mà anh chẳng biết làm sao để có thể giúp
được người."
Làm
sao nàng sống được bên tôi trong khi tôi chỉ muốn sống bên
mẹ tôi cái cách mà chỉ có tôi mới hiểu được.
Làm sao nàng làm cho tôi được hạnh phúc khi mà nàng
không nhận ra cái đau trong lòng tôi.
Là con của một thầy giáo nghỉ hưu, người có
7 con, đang về quê hương làm ruộng, để lại căn nhà gần
kề chợ Thủ Thừa, Long An, cho người con gái lớn quán xuyến các
em nhỏ. Nàng chẳng có một ưu phiền, một vấn đề nhỏ
lớn nào trong gia đình trong khi tôi thì ngược hẳn lại. Nàng
có một lý lịch tốt, và một tương lai sau khi ra trường khá
bình thường. Ngược lại, với cái lý lịch như vậy, họ
có thể đuổi tôi bất cứ lúc nào. Họ có thể ghép
tôi với bất cứ lỗi lầm nhỏ nhặt nào để loại tôi
ra khỏi những kẻ ngoan ngoãn khác.
Mỗi chiều tối cuối tuần khi đi bên nhau, tôi thật sự muốn
nàng giữ im lặng, hoặc gây cho tôi phải thốt ra những gì tôi
cần nói, muốn nói hoặc cả hai cùng yên lặng cho đến lúc
phải trở vào ký túc xá. Tôi muốn cho nàng hiểu sự khác
biệt trong hai đứa tôi, sự mất mát thiếu thốn trong tôi và
tôi cũng không cần che giấu cái ý định bỏ học, thay vì
trở về Cần Thơ, tôi muốn lên Bảo Lộc kiếm việc làm.
Một lần, sau khi đi một vòng ngắn quanh khuôn viên của trường,
nàng mời tôi uống cà phê tại một quán mới mở. Khi tôi
hỏi nàng uống gì, cô ấy nhìn tôi, mỉm cười với tôi
và đáp rằng,
"Anh uống
gì em uống thức ấy."
Sau đó
nàng thổ lộ với tôi là nàng sẽ làm bất cứ điều
gì tôi muốn. Cô ấy đâu ngờ tôi đã đáp lại,
"Anh chỉ muốn em thật chắc chắn
về những gì em đang nghĩ và đang làm."
Đoán biết là nàng không hiểu thấu
hết ý của tôi, tôi giải thích,
"Em có chắc rằng em sẽ được hạnh phúc với
anh sau này không?"
Ngả đầu
lên vai tôi, nàng chỉ đáp vắn tắt,
"Yêu anh, em chấp nhận hết."
Tại phòng khách nhà tôi, tự giới thiệu là bạn thân của
tôi, nàng được mẹ tôi tiếp đón niềm nở. Bà hỏi
ngay,
"Cháu có biết nó học
hành như thế nào không?"
Nàng
vui mừng trả lời,
"Ảnh học
giỏi và còn chơi thể thao rất hay trong trường nữa đó bác."
Bà rơm rớm nước mắt khi nghe nàng
kể về chuyện ăn uống, sinh hoạt...
"Thiếu thốn như vậy làm sao nó vừa học vừa chơi
thể thao được hả cháu?"
Cô
ta tỏ ra tự nhiên hơn,
"Ảnh
có khi còn chụp"gôn" cho Công ty bột giặt Viso nữa. Chắc
ảnh có tiền lương hay gì gì đó bác."
Khi kể lại cho tôi nghe cuộc thăm viếng ấy, nàng không
ngờ tôi đã bật khóc như một đứa trẻ. Nàng đã
bị tôi quát mắng và tôi tuyên bố rằng tôi sẽ không
bao giờ tha thứ cho nàng.
Tôi đã không thể hỏi nàng trọn vẹn cái câu hỏi này,
"Em có biết rằng anh
đã tự hứa gì trong lòng của anh không hả?"
Gặp
lại nhau, nhiều năm sau đó, vì nàng cứ vặn hỏi điều
mà tôi đã thề, tôi mới thổ lộ,
"Đến khi nào thành đạt,
ta mới được phép trở về nhà."
Rạch
Giá, Ngày 22- 11- 2012
Lương
Ngọc Thành
ĐIẾU THUỐC ĐẦU TIÊN
Những ai hút thuốc lá đều có riêng một lý do, nhưng thường
thì họ không nhớ rõ ngày giờ và cái nguyên cớ khiến
họ châm điếu thuốc đầu đời ấy. Với tôi, điếu
thuốc đầu tiên cũng đáng nhớ như biết bao là ký ức
khác trong thuở thiếu thời hoặc trong lúc cắp sách tới trường.
Tôi học
lớp Năm 3 tại trường Tiểu Học Tham Tướng, Cần Thơ. Một
phần ba học sinh trong lớp tôi học khá giỏi. May mắn được
ở trong nhóm đó nhưng tôi là kẻ ốm yếu nhất. Một
buổi chiều chuyển mưa, tôi bị một cơn cảm lạnh đột ngột.
Tôi thấy trời đất quay cuồng khi đang đứng nhìn cả lớp
đùa giỡn trong giờ ra chơi. Hồng Hạnh, đang đứng cạnh bên,
nhận ra sự khác thường trên gương mặt của tôi. Hạnh
kêu lên thảng thốt,
"Thành ơi ! có sao không? Ai chạy đi kêu cô giùm coi?"
Hạnh và một ai đó
mà tôi không thể nhận ra đã dìu tôi vào lớp trong khi
cô Thủy đã được báo tin rằng tôi bị trúng gió.
Cô Thủy lớp
tôi nổi tiếng là hiền thục, khó khăn, dạy giỏi và cạo
gió hay nữa. Cô gom tất cả các chai dầu gió của học trò
trong lớp. Bị cởi trần, tôi bị cô bắt đứng úp mặt
xuống bàn. Bốn năm học trò được cô chỉ định lên
để kềm tay khoá chân tôi lại. Hạnh tình nguyện làm người
thoa dầu để cô Thủy chỉ có cạo và cạo. Tôi như con
lươn bị cạo sạch nhớt trước khi bị đem ra xào nấu. Tôi
không biết thợ nấu sẽ là ai, nhưng cô Thủy đang là thợ
cạo. Đồng 50 xu bằng nhôm với cạnh sắc bén, được cô
Thủy miết sát trên da lưng, liên tục được Hồng Hạnh
bôi trơn bằng dầu gió. Trời tối sầm vì các đám mây
đen ngòm khi da lưng của tôi cũng chuyển thành màu nâu bầm
đen. Mỗi cú sấm chớp ngoài lớp giống mỗi nhác cạo như
xé da thịt. Mỗi lần cô miết kéo mạnh cái đồng 50 xu đó
là mỗi lần tôi uốn éo cái lưng hoặc kêu gào lên
đau đớn. Sau hơn nửa giờ ra tay, sau khi cạo xong, cô Thủy kêu người
gọi xe xích lô để đưa tôi về nhà và cũng chính
tay Hạnh với cô đưa tôi lên xe. Hạnh thản nhiên chen lên ngồi
kế tôi như một người chị gái như nảy giờ đã từng
vuốt ve, đã xức dầu và đã phụ giúp cô cạo tôi
cho đến khi tôi "hết gió".
Tôi cảm phục Cô Thủy và cảm ơn Hồng
Hạnh. Tôi bị Hạnh làm choáng ngợp vì cái cảm giác tiếp
xúc rất con gái của Hạnh. Chúng tôi thân với nhau hơn và
từ đó tôi giúp Hạnh viết bài, cho Hạnh xem các bài luận
văn và toán của tôi và đến một ngày kia Hạnh cho tôi
xem hình của bạn trai của nàng. Hắn ngồi cười rất tươi
trên bàn cà phê. Trên bàn tay phải thon đẹp thư sinh là
một điếu thuốc lá, toả khói. Hạnh không chút ngại ngùng
kể cho tôi nghe về hắn:
"Ảnh đang học lớp đệ tam. Ảnh học giỏi mà
chơi đàn rất hay nữa. Ảnh ít khi gặp được mình lắm.
Lâu lâu ảnh dắt mình đi uống càphê nghe nhạc. Ảnh hút
thuốc Pall Mall không à?"
Tôi bổng thấy mình như một thằng nhóc con, hỉ mũi
chưa sạch. Thằng nhóc ấy chẳng biết thế nào là đánh
đàn, hút thuốc ra làm sao thì làm gì nó có được
một cô bạn gái để dắt đi uống cà phê cơ chứ.
Lòng tự ái ở trong tôi nổi lên như một cơn sóng thần-
đập vỡ, kéo ngã mọi thứ trên đường mà nó đi
qua. Nó cũng phá tan mọi tiền lệ, định kiến, mọi ràng buộc,
mọi áp đặt. Tôi thấy mình thật đáng tội nghiệp. Có
cha là lính quân Y, tôi theo ông thuyên chuyển nhiều nơi, Pleiku, Quy
nhơn, Châu Đốc và rồi đến Cần Thơ. Tôi đã không
có một thời thơ ấu đẹp đẻ như bao nhiêu kẻ khác.
Tôi chẳng được cha tôi dạy cho một điều gì mới mẻ,
tốt đẹp. Mẹ và chị tôi dường như chẳng quan tâm gì
đến thằng nhóc con, nhỏ nhắn, ít nói lầm lì như tôi
cả.
Hồng Hạnh lớn hơn tôi hai
tuổi. Ba má nàng ly dị nhau khi nàng còn tấm bé. Từ Sài
Gòn hai mẹ con Hạnh về lập nhiệp ở Cần Thơ sau khi mẹ nàng
gãy đổ hôn nhân lần thứ hai và nhất là khi ông bố
dượng có vẻ muốn xàm xở với nàng. Cuộc sống một
mẹ một con khiến nàng dạn dĩ trưởng thành hơn trước
tuổi. Nhà của nàng là một quán cà phê khá nổi tiếng
ở khu vực này. Thỉnh thoảng nàng phụ với mẹ trông coi quán.
Hắn ta- Dũng Tiến- là một trong những khách hàng quen thuộc. Một
thanh niên, khá điển trai, sành âm nhạc, có vẻ lõi đời,
việc có bạn gái sớm như hắn là điều dễ hiểu và
cũng dễ hiểu tại sao một thằng nhóc tì, như tôi, con nhà
binh nghèo chẳng hiểu biết gì về cái thế giới của những
thanh niên. Tôi cảm thấy như có một giòng máu nóng chạy
thật nhanh vào cơ thể. Tôi thấy như có ai đó bơm cho tôi
một liều thuốc kích thích hay một loại phân hoá tố nào
đó khiến tôi như lớn hẳn lên vậy. Hạnh thường kể
cho tôi nghe việc Dũng Tiến đã hút thuốc ngần nào thì
tôi càng thường thấy mình ganh tị với hắn ngần ấy.
Sách vở và
trường học đâu có dạy tôi những điều như thế. Thầy
cô chưa hề nói ra những từ vựng mà người đời thường
hay nói như vậy. Sách vở chứa đựng quá nhiều điều
hay, nhiều chuyện đẹp, thế còn chuyện đời với những sự
thật phũ phàng, xấu xa, những con người bỉ ổi, đốn mạt,
những trò lừa phỉnh, lợi dụng nhau? Hồng Hạnh và tôi có
chung một điều muốn tìm hiểu: "Tại sao ba chúng tôi đã
bỏ đi?". Tôi có một thắc mắc: "Tại sao đàn ông
thanh niên hút thuốc? Tại sao Hạnh thích cái tên Dũng Tiến kia
mà không phải là ai khác cơ chứ?"
Hạnh thân với tôi nhất
trong lớp. Nàng cho tôi ăn quà nàng mang theo trong cặp. Nàng mua cho tôi
những ly đá đậu pha xi rô. Màu nâu đậm của những hạt
đậu quyện với màu đỏ tươi rất bắt mắt của nước
xi rô màu đỏ tươi. Sau khi mỉm cười với tôi rất duyên
dáng, nàng trao tôi ly nước và tôi như té lọt chết đuối
vào trong cái ly đá đậu lạnh teo và ngọt lịm đó.
Nàng rủ tôi đội chung áo mưa với nàng trên đường
về. Tôi thấy nóng bừng bừng như người đang lên cơn sốt
rét khi mà cái vai hoặc lưng áo trắng hồng của nàng chạm
vào người tôi. Lớn tuổi nhất trong lớp, nàng ngồi bàn
cuối cùng trong lớp. Lạc lỏng nhất trong lớp, nàng cần một ai
đó kề cận!? Thằng nhóc ốm yếu được nàng chăm
sóc như một thằng em hôm nào bị trúng gió nay thành một
người bạn trẻ, người có thể chia xẻ được nhiều
điều với nàng. Tôi muốn mình lớn nhanh lên để được
ngồi cạnh nàng. Tôi muốn thỉnh thoảng bị trúng gió để
được Cô Thủy và Hạnh chăm sóc. Tôi bổng thấy yêu
những ngày đi học. Tôi quý trọng công dạy dỗ, công cạo
gió hôm nào của cô Thủy. Tôi còn hình dung được
những cái xoa vuốt êm ái của bàn tay nàng- nóng và êm
êm đến rợn người. Tôi tự dưng thương lớp, thương
trường học. Tôi nhớ tiếng trống giờ ra chơi, tiếng trống tan
học. Tôi cảm được cái mát dịu khi chúng tôi đứng
núp nắng dưới tàng cây bàng khá to ở góc phải của
lớp tôi. Tôi có thể vẽ ra chiếc xe Suzuki Dame của cô Thủy và
mô tả tỉ mỉ cái cách cô dắt xe ra khỏi cổng trường.
Và tôi nhớ rõ ràng như vừa mới xem cái hình của chàng
Dũng Tiến đẹp trai mà Hạnh tươi cười hạnh phúc khoe với
tôi. Tôi để ý đến cái cách mà hắn kẹp điếu
thuốc trên hai ngón tay một cách rất điệu nghệ.
Tôi hoặc ít nghe Hạnh kể về Dũng Tiến hoặc tôi cũng ít
dám hỏi nàng về hắn. Giữa hai đứa tôi có một cái
gì khó tả. Nhưng tôi có thể cảm thấy nhớ nàng mỗi
khi nàng vắng mặt. Tôi thấy xốn xang khi nàng nói chuyện huyên
thuyên với đứa con trai nào khác. Tôi thấy hồi hộp, lo lắng
cho nàng mỗi khi nàng bị cô gọi trả bài. Mặt tôi nóng
bừng bừng khi nàng cầm tay tôi, hoặc nàng vổ nhẹ vào vai tôi.
Cái cảm giác rất nhanh như một luồn điện ấy cứ lập
đi lập lại khi chúng tôi đi bên nhau, tay nàng vô tình chạm
vào tay tôi. Tôi có khi- thật trẻ con- mong sao cho cái năm học lớp
năm này kéo dài mãi. Tôi, dĩ nhiên, muốn học giỏi nhất
trường để được cô Thủy và Hạnh thương quý
hơn và tôi đã có lúc- thật ngây ngô- muốn mình
thành con gái để thật thân với nàng. Tôi lại có khi-
thật ngông cuồng- muốn hút thuốc trước mặt nàng.
Chúng tôi chia nhau nhiều
thứ nhưng có một thứ mà tôi không thể chia cho nàng: sức
học của tôi. Em trai tôi đã bỏ học và điều ấy như
ép tôi học chăm chỉ lên hai ba lần. Mẹ tôi đã khóc
nhiều đêm với nó trong khi ba tôi xem như chẳng có việc gì
phải lo. Mẹ tôi đã bỏ cơm chiều thường xuyên kể từ
khi nó bỏ học, đi chơi về trễ nhưng ba tôi cứ hàng tuần
về nhà vài lần. Tôi âm thầm muốn làm mẹ tôi ngạc
nhiên, hãnh diện và hạnh phúc. Cái cách duy nhất mà khi
ấy tôi có thể làm được đó là: Thi đậu vào
lớp đệ thất trường công lập- Phan Thanh Giản- có tiếng nhất
ở miền Tây- Tôi thường nghĩ về Hạnh bất cứ khi nào
tôi nghe nói về cuộc đời, phụ nữ hoặc về hạnh phúc
gia đình. Tôi thầy mình trưởng thành nhanh hơn những đứa
con trai khác trong lớp và tôi tiến gần tới Hạnh hơn tất cả
thanh niên trên đời này.
Trong
ngày chia tay lớp học, cô Thủy rưng rưng nước mắt. Cả lớp
tôi ai nấy đều đưa tay lên chùi nước mắt khi chuyền nhau
những cuốn lưu bút. Tôi là người duy nhất được cô
khen ngợi vì tôi vượt trội lên vào cuối năm và vì
tôi sẽ thi đậu. Tôi là người được cô nhớ nhất
vì cái lần cô cạo gió cho tôi. Cô chúc mừng tôi và
rất tin là tôi sẽ tiến xa hơn nữa. Tôi cũng là người
duy nhất được Hạnh tặng cây viết Pilot với cái ngòi viết
mạ vàng và tôi cũng là người khách duy nhất được
Hạnh mời đi ăn chiều tối hôm ấy. Trong cái tiệm mì vịt
tìm gì gì đó gần bến Ninh Kiều, chúng tôi là hai thực
khách nhỏ tuổi nhất. Sau khi ăn xong, tôi rủ nàng sang một quán
cà phê cách đấy không xa- một nơi yên tỉnh- để chúng
tôi có dịp nói chuyện và chia tay nhau. Trước khi nói với nàng
câu nàng muốn nghe, tôi đã đi đến cái quầy để
hỏi mua một điếu thuốc Pall Mall. Châm điếu thuốc một cách
vụng về, cố gắng hít vào một hơi ngắn, kẹp điếu thuốc
giữa hai ngón tay, tôi lấy hết sức bình tỉnh để có thể
nói nhỏ với nàng,
"Thành sẽ không bao giờ quên Hạnh."
Tôi nắm chặt bàn tay nàng
khi tôi vừa thấy hai giọt nước mắt trào ra, lăn dài xuống
đôi gò má tròn trỉnh xinh xắn, có điểm một chút
phấn hồng. Dù cảm thấy quay cuồng, choáng váng, tôi vẫn tiếp
tục hút hết điếu thuốc trong khi nàng, để yên bàn tay cho
tôi nắm, im lặng nhìn tôi như không biết nói ra điều gì
hoặc vì có quá nhiều điều muốn nói.
Rạch Giá 28-03-12
Lương Ngọc Thành
VỀ CẦN THƠ NGHỈ TẾT
Sau khi thi xong đệ nhất
lục cá nguyệt, lớp đệ tam, trường TH. Nông Lâm Súc Bảo
Lộc, học sinh nào ở xa nhà phải lo về quê ăn Tết. "Băng
Cần Thơ"- 6 đứa chúng tôi- đã có một chuyến đi
vô tiền khoán hậu.
Tôi là người đã
nghĩ ra cái cách để đánh dấu những ngày còn lại
trên Bảo Lộc. Tôi dùng giấy bìa cứng và kẻ trên đó
những 5 ngày thi, môn thi cuối học kỳ một năm học lớp đệ
tam- 1971- 1972. Tôi dán chúng lên thanh trên của cửa ra vào như người
ta dán những lá bùa vậy. Năm thanh giấy lay động khi có ai mở
cửa ra vào, nhắc nhở chúng tôi rằng: còn 5 ngày thi nữa mới
về nhà được. Vào ngày đầu tiên, tôi rời nhà
sau cùng và giữ chìa khoá nhà. Tôi tự âm thầm thôi
thúc tôi làm bài nhanh nhất vì tôi không màng đến viết
hết ra giấy những gì trong vở như những bạn học khác. Và
đúng như điều tôi đã dự tính, tôi đã 5 ngày
liên tiếp thi xong sớm nhất, ra về nhà ngay và tự tay tôi xé
phăng đi 5 cái miếng giấy tôi đã sáng tạo ra ấy.
Thở phào nhẹ nhõm, tôi đã làm
tròn trách nhiệm, trút bỏ xong cái gánh nặng học hành của
đệ nhất lục cá nguyệt- 1/6 của ba năm học mà tôi sẽ
phải vượt qua.
Các "chiến hữu" khác lần lượt
về đến nhà. Tất cả cứ như vừa được mãn hạn
tù hoặc như vừa được cho ân xá về quê ăn Tết.
Sau buổi cơm trưa, chúng tôi không tài nào ngủ trưa được.
Trọng Thỏ là thằng đề xướng ra chuyện giặt mùng mền
vì cho rằng sau khi về tết, mùng mền sẽ lên meo mốc. Tôi hưởng
ứng ngay cái đề xướng đó. Có thằng chỉ mang đồ
ra phơi nắng buổi trưa. Thằng Phúc Lùn thì chỉ bận tâm
đến số thư sách vở và các thứ lỉnh kỉnh khác. Chưa
xong việc thứ nhất, chúng tôi nghe Hoàng Cận tung một một cái
tin hắn mới vừa thu thập về,
"Gom
ra giữa sân nhà tất cả sách vở giấy bài, áo quần, tất
vớ, giày cũ, và tất cả những thứ gì có thể đốt
được. Tối nay mình đốt lửa trại."
Mới nghe xong, tôi thấy hơi xốc. Nhưng ngẫm nghĩ lại,
tôi thấy đó là một ý kiến hay. Vừa nhận ra cái thông
tin mà các học trò của các trường Nông Lâm Súc khác
chắc phải rất ngạc nhiên, tôi xung phong làm trước. Các chàng
trai trong cái nhà trọ của Ông Bảng hết lòng theo tôi. Ai có
rương, như Thuận Què, sẽ nhận giữ những thứ quý báu
của những ai không cần mang chúng theo về Tết: giấy viết thư,
dao cạo râu, học phẩm. Trừ áo quần thường mặc ra, tất cả
được mang ra, chất thành một đống to để được chúng
tôi đốt tối hôm ấy.
Khi chúng tôi đang lăng xăng dọn dẹp, ông chủ nhà tốt bụng
qua thăm:
"Có anh nào muốn mua
trà về cho gia đình không? Tôi có quen với trà Đỗ Hữu,
tôi mua được giá rẻ hơn."
Quả là một câu hỏi đáng được một tràng pháo
tay. Tôi giật thót người, tự nhủ,
"Tiền cơm tiền nhà ta còn nợ nửa tháng. Giờ ta
phải mua trà nữa ư?"
Ông
Bảng ôn tồn nói tiếp,
"Các
anh đừng ngại. Bà nhà tôi ứng tiền cho các anh mượn mua
trà. Anh nào cần cứ lên tiếng."
Cả nhà trọ của chúng tôi nhao nhao lên,
"Em mua 5 gói."
Có
tiếng của ai đó,
"Em muốn
mua 10 gói trà ngon."
Tiếng ai
đó cất lên cao,
"Em chỉ
cần 6 gói thôi anh."
Và cái
giọng Bắc rất đặc trưng của thằng Đức Cống đã kết
thúc cuộc tranh luận:
"Em gửi
anh Bảng 5 nghìn đây. Anh mua bằng hết số tiền này đi nhé.
Ai cần bao nhiêu mà chả được!?"
Gọi thằng Hải Bầu đi theo, Ông Bảng phóng chiếc xe Honda
67 nhanh ra cổng rào khi trời hơi sập tối. Chờ đợi càng lâu,
chúng tôi càng thêm phần háo hức rạo rực. Ông Bảng trở
về với 2 bịch trà thất to trên vai thằng Hải, 1 cái bao nhỏ
hơn phía trên cái bình xăng xe. Chúng tôi reo hò như lũ
trẻ con trong cô nhi viện được phát quà. Khi nhận 10 gói trà,
thằng Phúc đỏ mặt tía tai vì vui mừng như ngày đầu
tiên nó được thư của người bạn gái của nó từ
Cần Thơ vậy. Luận Già cũng đỏ mặt vì xúc động
trong khi thằng Đức Cống trào phúng:
"Bố mẹ ơi! Con có quà cho bố mẹ đây. Con cưng
của bố mẹ sắp về rồi đây!
Bố ơi! Con có chè cho bố đây. Mẹ ơi! Con sắp đem
cái thân xác còm nheo này về cho mẹ xem đây."
Đúng là chỉ mỗi thằng
Đức Cống kén ăn ấy còn nguyên vẹn cái thân còm.
Tụi tôi đều lên cân. Tôi đứng đầu trong danh sách ấy.
Lúc ra đi, từ Cần Thơ- tháng 9-1971, tôi cân đúng 45 ký.
Ngày mai, tháng 2- 1972, tôi trở về nhà nghỉ tết, sau 5 tháng học,
với một thân thể 53 ký- 8 ký lô tôi "kiếm được"
trong những tháng đi học xa nhà mặc dù ăn uống thiếu thốn.
Mẹ tôi chắc trợn mắt rồi ôm ghì lấy tôi. Các cô
gái hàng xóm chắc thích thú ngắm tôi như thể một chàng
trai trẻ mới đi học bên Tây- Âu trở về.
Buổi cơm chiều bình thường ngày hôm
ấy đã trở thành buổi tiệc tất niên. Các món ăn mà
hàng ngày chúng tôi dành nhau ấy bổng dưng trở thành các
món cao lương mỹ vị. Những ly trà nóng chúng tôi uống
sau buổi cơm bỗng biến thành các ly bia tươi mát lạnh. Một
buổi chiều đẹp nhất từ ngày chúng tôi dọn đến đây.
Buổi tối đêm ấy ấm cúng lên nhờ cái đống lửa
trại trước sân nhà. Củi đốt là những thứ chúng tôi
đã mang ra từ lúc xế chiều. Theo truyền thống bất thành văn
của học sinh xa nhà ở đây, tôi châm lửa. Tôi mang đàn
ra trong khi chúng nó đứng chung quanh. Tôi bắt đầu chương trình
văn nghệ ngẫu hứng bằng bài hát nổi tiếng: của nhạc sĩ
Phạm Đình Chương, "Ly rượu mừng."
"...Từ nơi xa xa, có bà mẹ già từ lâu mong
con mắt vương lệ nhoà. Chúc bà một sớm quê hương. Bước
con về hoà nỗi yêu thương. Há ha ha hà..."
Tôi hát vang theo khúc hát ý nghĩa ấy
và đôi mắt tôi cũng cảm được từ ngữ rất tượng
hình, ý nghĩa ấy "mắt vương lệ nhoà". Có ai mà
không cảm động chứ?.
Trời quá nửa đêm khi buổi lửa trại kết thúc. Trời lạnh
căm khi ánh lửa cuối cùng tắt đi. Chúng tôi vô nhà và
tự mỗi đứa nổi lên ngọn lửa trong lòng. Thằng nào cũng
vỡ lẽ là chăn mền chưa kịp khô. Ngồi co ro, bó gối cho đỡ
lạnh, tôi bắt đầu buổi trò chuyện cuối năm, chờ sáng,
"Khi tao về đến nhà, thế nào
má tao cũng luộc cho một nồi hột vịt lộn."
Thuận Què, với cái giọng ồ ề, ráo
quảnh, tiếp theo ngay:
"Ông bà
già tao chắc đổ bánh xèo cho cả xóm ăn quá."
"Thôi tụi mình ra bến Ninh Kiều ăn
bánh cống đi." Trọng Thỏ nói lớn.
"Tao thèm một con vịt quay quá chừng." Phúc
lùn thống thiết kêu lên.
"Tao
phải vô trong ruộng để phụ với ông bà già. Có thằng
nào theo tao về dưới chơi không? Tao dắt đi bắt chim , đuổi
chuột, tát đìa đã lắm". Hét quắn lên tiếng.
Bỗng có tiếng nhỏ nhẹ của Bác
Luận:
"Tôi phải phụ bà
già nấu xôi hàng sáng."
Có
tiếng cười khúc khích của ai đó:
"Có xôi gà không Bác Luận? Tụi tui ghé lại
ăn một bụng rồi đi tiếp."
Tôi
chen vào,
"Điệu này chắc
tụi mình thức tới sáng quá. Có gì ăn không tụi bay,
tao đói muốn xỉu rồi nè."
Thiếp đi
từ lúc nào không hay, nhưng khi giật mình thức giậy, tôi nhận
ngay ra trời khoảng gần giờ đi học. Tôi la to,
"Dậy đi thôi! Đi về. Đi về. Đi về
nè!"
Tuấn- quê ở Phương
Lâm- và Hải Bầu- người Dốc Mơ- rủ nhau về trước. Thằng
Đức Cống, người Sài Gòn, khoác trên vai một cái xách
tay nhẹ tưng, lững thững đi theo. Nó chào chung hết cả nhà, giọng
nói vang vang:
"Tớ về trước
nhé. Qua Tết này, tớ ở lại nhà luôn rồi. Ở trên này
vui mà cực khổ quá. Thằng Thành Xì dành ăn hết nên nó
to béo ra. Tớ ngày càng gầy còm. Mẹ tớ chắc nhìn tớ
không ra đâu."
Mặc xác
nó, chúng tôi đều biết nó nói đùa. Thằng Điệp
và Bác Luận đi theo Đức Cống ra bến xe Bảo Lộc. Băng Cần
Thơ chúng tôi có cái cách riêng. Chúng tôi nấu nước
chè xanh uống thay cho bữa ăn sáng. Chờ đến khi có chuyến xe
đầu tiên từ Đà Lạt về, khoảng hơn 9: 30, chúng tôi
rời nhà trọ. Đứng chung một nhóm, chúng tôi mong có một
xe còn đủ chỗ trống ghé rước cả băng chúng tôi. Sau
vài chuyến đầy khách chạy vụt qua, có một xe rước băng
tụi tôi lúc gần 10 giờ rưỡi. Dù bụng dạ cồn cào,
tay chân bủn rủn, tôi thấy như đang bay về nhà. Chiếc xe đò
ấy chứa đầy hành khách như chúng tôi chứa đầy niềm
hân hoan- về nhà nghỉ tết, năm Nhâm Tý, với một thành
tựu, một món quà lớn.
Tại quán một cơm ở Định Quán, vì hơi trễ bữa, mọi
hành khách ăn cơm rất ngon. Băng Cần Thơ chúng tôi chia nhau ăn
nguyên một quày chuối cũng rất ngon. Đường về Sài Gòn
hôm ấy dài hẳn ra mặc dù chiếc xe đò hôm ấy chạy
nhanh hơn rất nhiều. Chúng tôi xuống bến xe Petrus Ký lúc 4 giờ
rưỡi. Đón ngay xe về Cần Thơ, trong chúng tôi không có đứa
nào có cảm giác đói mệt. Thay vào đó là cái
cảm giác sắp được đón chào, sắp được yêu
thương hơn. Đoạn đường về Cần Thơ cũng như thể
cố tình kéo dài ra hơn, cố tình khiến chúng tôi sốt
ruột hơn.
Tôi thầm nghĩ,
"Về đến nhà trễ hơn, bữa
cơm tối nay sẽ ngon nóng hơn và mọi người sẽ vui mừng hơn."
Nhưng mọi thứ, mọi người chung quanh
sao thật hờ hững, vô tình. Không có ai để ý tới chúng
tôi nếu chúng tôi không có mang vác trên vai một bao trà to
tướng. Có người hỏi tôi trống lốc,
"Trà này ở đâu vậy?"
"Ở Bảo Lộc." tôi cũng cộc lốc trả
lời.
"Bảo Lộc là ở đâu
vậy?" người hành khách ngồi cạnh tôi thắc mắc.
Tôi có dịp khoe cái nơi tôi đang
học, quảng cáo ngôi trường chúng tôi vừa chuyển lên học,
"Gần Đà Lạt đó! Tụi tui
từ trường PTG Cần Thơ lên học ở Nông Lâm Súc Bảo Lộc.
Hôm nay về ăn tết. Số trà này là quà tặng của trường,
mỗi đứa một bao, mười gói trà sen, Đỗ Hữu."
Tại bến phà Cần Thơ, nhìn những ánh đèn bên kia sông
Hậu được rọi sáng hơn bởi ánh trăng rằm tháng chạp.
Mặt sông như được giác đầy vàng và lòng tôi
được lấp thêm đầy sức sống. Tôi muốn nhảy ngay xuống
giòng sông, bơi qua, chạy một mạch tới nhà. Cả xóm tôi
sẽ ngạc nhiên khi nghe tiếng kêu thảng thốt của tôi,
"Má ơi con về nghỉ Tết đây."
Rạch Giá
30- 01 -2018
Lương Ngọc Thành
QUYỂN TỰ ĐIỂN BỊ ĐÁNH TRÁO
Tôi đã từng rất nghèo khó nhưng có một kẻ
nào đó, trong Hải Quan phi trường Tân Sơn Nhất, vì nghèo
khó hơn tôi hoặc vì quá cần tiền, đã phải đánh
tráo cuốn tự điển, giá trị 5 bảng Anh- một món quà tặng
của đài BBC gửi tặng tôi sau khi họ chọn đọc truyện "Quyển
tự điển cho con", tác phẩm đầu tay của tôi.
Được vào làm một công ty bất kỳ nào đó là
một thử thách, có thể tính bằng hàng chục chầu nhậu
nhẹt, cậy nhờ những kẻ có chức quyền hoặc hàng chục lần
thăm viếng hoặc với ngần ấy tiền quà cáp. Tôi được
mời gọi đi làm sau khi được chính họ - Sở Lâm Nghiệp
Kiên Giang- đãi một tiệc lớn- vì tôi đã chụp rất
hay trong hai trận đá banh cuối giải để giúp họ đoạt giải
vô địch tỉnh năm đó. Họ rất vui mừng khi nhận ra rằng
tôi có bằng "Tú tài Lâm Nghiệp" của trường Nông
Lâm Súc Bảo Lộc và một bằng Đại học chính quy. Họ
đã không màng đến việc tôi trước đó bị một
công ty sa thải vì một chuyện tế nhị "có chị em vừa đi
vượt biên". Họ cũng đã không ngờ rằng khi tôi nhận
lời chụp cho họ hai trận đá quan trọng đó, tôi đã
đang nấu rượu lậu với gia đình bên vợ và dĩ nhiên
trước đó không có chút thì giờ rỗi để đụng
đến trái banh.
Tôi được
họ nhận vào làm cho Công Ty Lâm Sản, trong một công trường
xây dựng một xưởng cưa, 15x60 mét. Vào khoảng tháng 5 năm
1985, với bằng đại học, làm giám sát công trường, tôi
có một mức lương thấp kỷ lục- 50 đồng/ tháng- tương
đương 25 gói thuốc lá đen hạng bét. Tôi dành nhiều
thì giờ để đọc tài liệu, theo dõi từng công đoạn
nhỏ nhặt, ghi chép cẩn thận mọi phần việc vì tôi mong sao không
mắc sai phạm chuyên môn nào và học được một nghề phụ
mới, nghề xây dựng. Không có một khoản thu nhập, trợ cấp
gì thêm, tôi cảm thấy bế tắc. Một hôm tôi phải ứng
tiền của thủ quỹ để mua một món đồ cho công trình.
Tình cờ còn lại một khoản tiền ít ỏi, tôi mua một cái
radio nhỏ. Từ đấy hằng đêm tôi nghe đài BBC để mong mở
mang tầm nhìn ra bên ngoài, học được ít tiếng Anh và vào
tối 27 tháng 7, 1985, tôi bắt được một tin rất hay,
"Chúng tôi mở mục truyện
ngắn từ Việt Nam, từ các ngòi viết không chuyên và được
gởi từ Việt Nam. Đặc biệt chúng tôi không để tâm đến
chính kiến của người viết. Tác giả có truyện được
chọn đọc, sẽ được chúng tôi gởi tặng một quyển
tự điển Oxford, có giá trị 5 bảng Anh."
BBC công
bố hằng đêm khoảng suốt một tháng. Hai vợ chồng tôi mừng
như trẻ sắp được quà. Chúng tôi bàn thảo một kế
hoạch. Là thư ký đánh máy trong một công sở, cô ấy
lén đánh từng trang từ bài viết tay của tôi. Là người
chưa từng viết bao giờ, chưa từng làm văn giỏi bao giờ, tôi
phải dành rất nhiều thì giờ cho cái truyện "đầu tay"
ấy, dựa theo chuyện đứa cháu nhà nghèo nhưng hiếu học Anh
Văn. Tôi viết về việc nó không có được một cuốn
tự điển như e rằng cho con của chúng tôi sau này. Suốt 2 tuần
liền, ngày qua ngày, người viết, kẻ đánh máy, chúng tôi
hoàn tất phần đầu của cái giấc mơ nhận được món
quà- quyển tự điển- một cách đơn sơ, tội nghiệp. Tôi
thầm nghĩ sau này thằng bé con của chúng tôi sẽ rất tự
hào về cái món quà độc đáo đó. Tôi do dự,
e ngại vì có thể bị kết tội "viết thư ra nước ngoài
hoặc liên lạc với đài nước ngoài" cho đến khi nghe chuyện
đầu tiên "Cái áo len" của một tác giả ở Đà
Lạt. Vét tiền dành dụm, chúng tôi cố gởi bức thư tới
đài BBC, bên trong có 4 trang giấy đánh máy. Bức thư có
chứa một thứ tình thương thân, thương con, thương cho cái
nghèo khó nhưng nó lại chứa một hy vọng "được đền
bù xứng đáng". Tôi không hề nghĩ đến trị giá
bằng tiền- 5 bảng Anh mà tôi luôn nghĩ đến cái giá trị
tinh thần, cái giá trị nhân bản, cái giá trị của luật
nhân quả. Thứ bảy hàng tuần, từ lúc 10:30 tối, chúng tôi
hồi hộp mong đợi tin vui.
Và cái gì đến
đã đến. Đêm hôm 22-11-1985, tôi nghe BBC công bố danh sách
các chuyện sắp được đọc. Cái tiêu đề, cái cụm
từ " Quyển tự điển cho con" nghe họ đọc vừa ngọt ngào
nhưng lại vừa dữ dội như một cơn lốc mạnh. Nó như bốc
tôi lên cao, cuốn xoáy tôi trên không trung và ném tôi xuống
một cái ao đầm tăm tối với nước tanh tưởi, đen ngòm.
Tôi sung sướng như một sinh viên vừa nghe tên mình được
xướng lên trong ngày tốt nghiệp. Không giống như Archimedes đã
kêu lên: "Eureka, I have found it"- trần truồng chạy trên
đường phố sau khi phám phá ra định luật nâng của nước,
tôi đã phải nín câm, đôi khi còn lo sợ bị công an
đến hỏi tội. Ngày mà tôi nhận được quyển tự điển
của BBC có lẽ là ngày đáng ghi nhớ suốt đời tôi
và nó chắc phải là món quà ý nghĩa nhất mà một
người cha bất kỳ nào đó có thể tạo ra cho con của ông
ta.
Hằng đêm
thứ bảy chúng tôi hồi hộp nghe đọc các truyện với một
niềm vui khôn tả. Và trong cái nhà lá nhỏ được chủ
nhà cho ở tạm, dột nát, ẩm thấp và tồi tàn ấy, tôi
ấp ủ một giấc mơ. Nó đơn giản như cái giấc mơ lúc
học xong ở Bảo Lộc về Trảng Bom học Kiểm Lâm của tôi trước
đó 14 năm. Tôi mơ sẽ có một đứa con. Tôi mơ có
một nghề phụ. Tôi mơ có một căn nhà nhỏ- như cái căn
tôi đang ở nhờ đây vậy. Tôi mơ con tôi học giỏi- như
tôi đã từng mơ hồi ở Bảo Lộc. Tôi mơ làm một
người cha có trách nhiệm- người cha mà tôi đã và
đang không có. Tôi mơ đến ngày trao tay cho con tôi cuốn tự
điển "BBC" và bảo với nó rằng,
"Nếu ba tạo ra được cuốn tự điển này,
con sẽ tạo ra hàng ngàn cuốn như thế, phải không con?"
Kẻ nào, người đã đánh
tráo quyển tự điển đó nghe, đọc được điều
này, chắc sẽ hối hận lắm và sẽ phải tìm đến hay
viết thư cho tôi để xin lỗi, nếu như y còn có chút lương
tâm.
Tôi đã
viết thư cho BBC hai lần để thỉnh cầu một quyển khác hoặc
nhận được cái phiên bản truyện ngắn đó hoặc thậm
chí một thư phúc đáp nhưng tôi đã không nhận được
hồi âm gì. Tôi e ngại rằng con tôi sẽ không tin vào chuyện
này. Tôi e rằng tôi sẽ có thể làm vẩn đục cái niềm
tin mà nó đặt vào tôi. Đánh mất niềm tin của một
người, có thể được ví như việc đâm vào tim họ
một nhát dao. Việc làm ai đó thất vọng có thể được
ví như việc gây một vết thương trên thân thể kẻ đó.
Tôi không trách kẻ đánh tráo cái quyển tự điển ấy
nhiều bằng cái việc hắn"đánh tráo tình người, đánh
mất niềm tin."
Ít
ai hiểu được niềm vui rất "người" của tôi khi tôi
tự nguyện đọc báo sáng cho công nhân trong xưởng cưa nghe.
Không ai trong số họ biết rằng tôi phải rời nhà lúc 6 giờ,
đạp xe 8 cây số với cái bụng trống không, để đến
kịp lúc. Tôi đã làm như vậy hàng ngày chỉ vì tôi
sung sướng khi tất cả họ rất im lặng, lắng nghe tôi đọc. Các
thầy cô giáo chắc chắn hiểu được niềm vui đó của
tôi, "niềm vui có kẻ lắng nghe bài giảng". Những công nhân
vốn ít đến trường cũng cố gắng đến kịp giờ vì
sợ bị điểm danh như học trò trong lớp mà cũng vừa để
không phụ công tôi đọc. Họ khoái được nghe cái
giọng hoặc cách đọc của tôi. Tôi thật "phê" khi nghe
ai đó nói về tôi,
"Ông Thành đọc nghe "đã" quá."
Tôi âm thầm học được một bài học mà
tôi đặt tên là 3 T- " Tôn trọng chính mình- Tôn trọng
kẻ khác- và Trách niệm về hành vi của mình."
"Quyển tự điển cho con." kể về một thằng học trò nhỏ,
lớp 8, mồ côi cha. Là một công nhân bình thường, mẹ của
thằng bé không lo được cho nó sách hay, vở tốt chứ nói
gì đến quyển tự điển. Hằng ngày cậu bé chăm lo học
và được chọn vào lớp chuyên Anh Văn. Được sắp hạng
nhì trong lớp chuyên Anh, vì thằng bé thua hẳn người hạng nhất
về từ vựng. Xin mẹ một quyển tự điển chưa được,
thằng bé phải mượn của mấy đứa bạn học trong lớp và
thức khuya để tra từ vựng trong các bài đọc khó. Một đêm,
mẹ con đều phải thức khuya để học. Thằng bé ngủ gục
trên bàn học trong lúc mẹ nó đang chăm chú đọc một
công văn khó hiểu dài dòng. Chợt mẹ nó nghe tiếng của
thằng con mớ,
"Mẹ cố tìm
mua cho con một quyển tự điển nghe mẹ, nghe mẹ..."
Bà mẹ bật khóc và đến
trước bàn thờ của người chồng quá cố để đốt
một nén nhang và để tâm tình. Bất ngờ người mẹ nó
nhớ lại cái đồng hồ đo điện kế- cái công cụ mà
ông ta đã từng rất cần, rất yêu quý. Bà mẹ đem bán
nó đi để mua cho thằng con một quyển tự điển. Thằng bé
thật vui khi nhận món quà và nó cảm động hơn nhiều khi
đọc dòng chữ mẹ nó nắn nót viết trên trang đầu tiên,
"Tặng con yêu của mẹ. Không
có từ nào trong quyển tự điển này có thể giải thích
được tình yêu của mẹ đâu con ạ!"
Giống như những gì Carpenters hát bài Mr. Postman, ngày nào tôi
cũng trông chờ ông phát thư như thời còn đi học trên
Bảo Lộc. Người phát thư đã không đến vì tôi mượn
địa chỉ bên gia đình vợ tôi. Một ngày cuối năm, 24
tết năm đó, thằng cháu vợ hớn hở đạp xe đến nhà
tôi với bịch quà từ đài BBC. Tôi ôm ghì nó và
lì xì cho nó một ít tiền rồi hí hửng mở ra xem. Ngoài
bìa phong bì to có ghi rõ mọi thứ tôi hằng mong đợi. Nhưng
bên trong, cùng kích thước ấy là một quyển sách cũ bằng
tiếng Đức. Cái quyển tự điển tôi mong đợi ấy đã
bị đánh tráo. Tôi chết lặng và quyết định giữ nó
cho đến ngày hôm nay. Đến nay, câu chuyện xảy ra được
32 năm. Con trai tôi- Lương Nhất Anh- năm nay được 27 tuổi, khá
giỏi Anh Văn do chính tôi dạy.
Tôi vẫn thường tự hỏi,
"Có
ai muốn xem quyển tự điển bị đánh tráo đó không nhỉ?"
Dẫu sao, tôi cứ gìn giữ nó cẩn
thận như một món đồ có giá trị, giá trị thật đấy!
Rạch Giá 10-2-2017
Lương
Ngọc Thành
LỜI
HỨA ĐẦU NĂM
Trước thềm năm
mới, người Việt hay Mỹ, ở Việt Nam hay ở tại Hoa Kỳ, đều
có những quyết tâm, hứa hẹn, quyết tâm chuyển biến trong năm
mới. Vì nhiều lý do khác nhau, chính họ nuốt lời hứa và
hằng năm họ lập lại cái điệp khúc này. Vào cuối
năm 1987, tôi đã có một quyết tâm và tôi đã hoàn
toàn thực hiện được.
Bắt chước công vịêc
của thằng Khuê Bầu TL-73, làm lịch bên Cần Thơ, để làm
bớt đi cái nghèo khổ đeo đẳng và để chứng minh với
đời rằng một học trò Nông Lâm Súc có những tài
mọn và biết cách biến chúng thành nghề phụ, tôi đã
quyết định làm 100 tấm lịch. Tôi trước đó hỏi xin thằng
Khuê một khung cưa lọng. Nó còn hào phóng cho tôi luôn một
lố lưỡi cưa. Nhân khi bà chị vợ đi công tác trên Đà
lạt, tôi đã nhờ bà ấy hỏi Cậu Doãn mua giùm tôi
100 miếng ván ngo mỏng 2 mm khổ 20-40 cm để tôi cưa chữ "Chúc
mừng năm mới"- công đoạn khó nhất- một thách thức lớn
nhất với ai làm nghề này.
Không có ai phụ hoặc chỉ
dẫn, không có một ngân quỹ gì, không có thì giờ làm
chính thức, không có kinh nghiệm trước và chưa hề biết
cưa lọng, tôi chỉ có mỗi cái ý chí, niềm tin, "Làm
để học." và"Tạo tiền để sống". Với chữ "Nhẫn"
to tướng trong đầu, đúng vào sáng sớm ngày 1-8-1987 tôi
đã bắt đầu làm lịch. Ngày ngày vẫn đi làm từ
6:30 giờ sáng đến 5:30 chiều, tôi làm lịch vào buổi tối.
Công việc của một giám sát công trình của tôi khiến tôi
phải đi làm khá đúng giờ, về đúng giấc. Hằng ngày
việc ghi chép, theo dõi, mục kích các thay đổi kết cấu hoặc
các số liệu đã khiến tôi mệt nhoài.
Những buổi tối trước đây, tôi
phải dành thì giờ để đọc hiểu bản vẽ, các thông
số, quy định, chỉ số kỹ thuật trong ngành xây dựng. Vào
tối hôm ấy, tôi tập cưa lọng. Chú tâm hết mức vì
chỉ có ngần ấy lưỡi cưa, tôi đã rất vất vả. Đến
11 giờ, tôi đã làm gãy 3 lưỡi sau khi đã cưa được
3 bộ chữ. Tôi kêu bà xã tôi giăng mùng để tôi không
còn bị lũ muỗi quấy rầy. Ngồi trong mùng, tôi cưa tiếp tục
được hơn 11 bộ chữ khi trời gần sáng.
Tôi
phân chia làm hai loại lịch: loại bằng nền ván, loại kia bằng
nền giấy carton. Tôi phải làm đơn xin mua gỗ tạp và xẻ mỏng
3 mm, khổ: 32-45 cm. Trong khi tôi và nhiều công nhân ở cái Công Ty
Lâm Sản đấy biết là "họ" từng biếu không hoặc
bán rẻ cho các xếp trong ngành Lâm Nghiệp hay trong tỉnh 3 khối gỗ
tốt cất nhà, họ bác đơn xin mua 2 tấc gỗ tạp của tôi
với lời giải thích là:
"Bán
gỗ tạp cho một công nhân sẽ mang tai tiếng lắm."
Tôi đành phải đi mua gỗ cây gòn của
một khách hàng người rất xa lạ với tôi. Có thế tôi
mới thắm thía cái chuyện đời, cái bất công, cái giả
dối trân tráo không có trong sách vở. Ván được tôi
chà phẳng, hong khô, phơi, sơn lót và rồi sơn lót nền.
Carton được tôi thay bằng các miếng vách thùng giấy để
hạ giá thành. Tôi phải đạp xe đi lùng tìm mua các thùng
giấy bỏ đi. Nền tấm lịch là một trong yếu tố chánh trong
việc làm lịch. Tôi chọn sơn nền màu đỏ cho lịch bằng
gỗ và nền màu vàng cho loại lịch nền giấy bằng carton. Trong
một chuyến đi Sài Gòn, tôi tìm ra một cơ sở in còn lưu
khoảng 50 hình "Phước Lộc Thọ." Tôi chọn ngay đó làm
đề tài cho loại lịch nền giấy. Từ quyết định ấy, tôi
nghĩ ra thêm việc cưa lộng những đồng tiền và sơn thiếp
vàng. Khi những toan tính của tôi có vẻ diễn ra khá suông
sẻ, tôi tăng nhanh tiến độ và sự tự tin.
Bên
phần lịch nền gỗ, tôi tìm thêm mẫu "hoa hồng", "ông
thần tài" và "phi mã".
Từng
chiều tối, mỗi sáng sớm, mỗi giây khắc, kể từ ngày bắt
tay làm lịch, tôi dồn hết tâm sức vào mục đích tôi
đã vạch ra. Nếu tôi đã từng làm chủ bản thân tôi
trong 5 năm học ở 2 trường Nông Lâm Súc, nếu tôi đã
vác cây thang tre dài 6 mét đi vẽ bảng dạo ở Rạch Giá
được và nếu như tôi đã cầm cái máy chụp hình
cũ kỹ trên tay đi chụp dạo được, tôi cũng có thể
làm được một trăm tấm lịch đấy thôi! Không một
giây phút nào tôi đã bỏ phí như tôi đã không
hề phí một giây phút nào để học trên Bảo Lộc. Một
vài ngưòi hàng xóm đến hỏi tôi cho con em họ đến
phụ việc hoặc học nghề. Tôi phì cười và bảo với họ
rằng:
"Thì tôi cũng đang
học nghề đấy thôi!"
Từ các ý tưởng, phần
việc được tôi sửa soạn trước, tôi bắt đầu công
đoạn hoàn thiện vào ngày 15 tháng 10, 1987. Căn nhà lá nhỏ
ẩm thấp tôi đang ở nhờ, nơi Phạm Đức Ngân và Huỳnh
Thiên Tài đã từng ghé thăm, bỗng trở thành một xưởng
sản xuất lịch. Hai màu vàng đỏ phủ kín các màu khác
trong nhà. Các hình nền lịch phủ đầy đầu óc tôi.
Các chi tiết lớn nhỏ trùm kín cái đầu tôi. Các chữ
bằng gỗ thông được tôi cưa nhẹ nhàng nhanh chóng như
một thợ chuyên nghiệp. Các nét viết lá tre chữ "kính tặng" hoặc "kính
biếu" được tôi cưa nhuyễn đến độ các khách
hàng sau này tưởng rằng tôi có một thợ cưa giỏi. Tôi
không nói chuyện này với ai. Tôi không tuyên bố kết quả
này với ai. Tôi cũng đã không nhờ vả ai về bất cứ
phần việc gì. Đến lúc những tấm lịch đầu tiên được
hoàn thành, tôi mới thật sự có những giấc ngủ ngon, dẫu
cho đó là những giấc ngủ rất ngắn: 3 giờ mỗi ngày. Chủ
nhật là ngày tôi làm việc 19 giờ một ngày. Hai việc khó
làm ấy chỉ có khó đối với ai đấy thôi; chứ với
tôi đó là "điều bình thường.". Tôi luôn tự
hỏi:
"Chẳng phải ta đã
từng học 19 giờ trong những ngày chủ nhật trên Bảo Lộc đấy
sao? Chẳng phải ta đã ngủ 4 giờ hàng ngày trong năm học lớp
12 đấy sao?"
Tôi tự làm
phép so sánh và tự dặn lòng:
"Nếu ta đã từng ôm một chồng sách từ nhà trọ
vào trường học hàng sáng chủ nhật để học, thì ta
sẽ ôm một chồng lịch đi bán được đó thôi."
Cái khó khăn nào cũng có nỗi vui do nó mang lại. Chồng lịch
đầu tiên-10 tấm- tôi ra lò vào ngày 3 tháng 11. Trên đường
đi làm, tôi hân hoan, tự tin khi ghé lại một sạp báo ở
Rạch Sỏi để ký gửi. Cái giá bán hơi thấp tôi đưa
ra khiến họ nhận ngay. Niềm vui của tôi hôm ấy không có bút
mực nào diễn tả được. Từ hôm đó nó luôn lộ
trên gương mặt tôi- vốn có vẻ khó khăn gay go. Tôi tăng
tốc để sớm đưa các tác phẩm đầu tay và cũng là
duy nhất của tôi ra thị trường. Ngoài các gia đình quen biết,
tôi đã đến từng sạp báo, nhà sách ở Rạch Giá
và tôi đã ra về với một niềm tự hào rằng họ sẽ
bán hết cái sản phẩm chính tay tôi làm ra. Tôi làm hết
sức mình để đúng hẹn, để làm vui lòng chính tôi,
để làm một cảnh báo với thiên hạ rằng:
"Dân Nông Lâm Súc tụi tôi có thể
làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn."
Tôi đã bán sạch 100 tấm lịch trước ngày 22 tháng 12 năm
1987. Lợi nhuận không đáng kể, nhưng tôi thu được một
lợi ích không có gì có thể sánh được, những bài
học không có thầy cô nào có thể dạy được: lòng
tự tin. Tôi tin vào chính hai bàn tay tôi khéo léo, trái tim đầy
ắp máu nóng và khối óc minh mẫn của tôi. Tôi tin vào
những gì tôi đã dầy công tập luyện. Tôi tin vào luật
nhân quả. Tôi tin vào cái khả năng mà chỉ có học trò
Nông Lâm Súc mới tin: "Muốn thì được.", "Tạo tiền
để sống. Sống để phụng sự."
Hơn những ích lợi thông thường mà ai cũng
có thể nhận ra được, tôi được má tôi lo lắng và
thương tôi hơn. Bà khoe với hàng xóm rằng tôi có thể
kiếm được nhiều tiền lắm và quan trọng hơn là tôi
nhờ như thế mới làm cho bà được lên chức "Bà
Nội" như bà hằng mong đợi.
Những năm sau đó, những quyết
tâm, hứa hẹn đầu năm của tôi là: làm ra 100 phiên bản
một bức tranh đẹp để bán, tập chụp hình và làm thợ
chụp hình, vẽ bảng hiệu, học Anh Văn rồi thành thầy giáo.
Theo một chuổi những thành tựu đã đạt được hàng
năm, tôi đã làm tròn lời nguyện ước lớn lao của đời
tôi: "Đứa con hiếu thảo." và cái nguyện ước
lớn thứ hai: "Người cha có trách nhiệm."
Rạch
Giá 21-12-2012
Lương Ngọc
Thành
Nếu học trò đệ nhất
cấp có những bài văn, vài bức thư hoặc một bưu ảnh
từ người cha thật xúc động mà Phạm Anh Tuấn đã khoe
tôi, họ sẽ có thể học giỏi môn Việt Văn hơn, sẽ yêu
cuộc đời này hơn và họ sẽ tiến xa hơn trên con đường
đời mà trên đó có nhiều đoạn chông gai, hiểm trở
khiến nhiều lần họ ngã gục hay thậm chí muốn bỏ cuộc.
Dù chỉ thân thiết với nhau
hơn trong năm học đệ lục ở Phan Thanh Giản, Cần Thơ, nhất là
nhờ chơi bóng rổ chung, tôi không thể nhớ được nguyên
cớ gì khiến Tuấn khoe với tôi tấm bưu ảnh ấy nhưng tôi
nhớ như in cái bố cục và đặc biệt là những dòng
chữ đẹp thẳng tắp trải đầy mặt sau của nó. Trong đó,
có đầy tình thương, trách nhiệm, mong ước và những
lời khuyên bảo của người cha mà đứa con nào cũng thèm
muốn được đọc, sẽ phải ghi nhớ và rồi sẽ phải
học giỏi. Mặc áo măng tô mầu trắng xám nhạt, vóc người
tầm thước, gương mặt rắn rỏi, hai tay trong hai túi áo, ba của
Tuấn đứng chếch trước một xe lửa có người đi ra đi
vào. Trên mặt sau, ông viết đầy kín chữ màu xanh vừa nhỏ
vừa đẹp mắt.
Ba của Tuấn đã
làm đến chức tổng bí thư Dân Xã Đảng thuộc Hòa
Hảo. Trong khi ông Trịnh Minh thế và Ông Bảy Viễn làm việc cho
chính quyền. Họ nhờ ông Sĩ Thanh mua chuộc ba của Tuấn ra làm
việc với giá 1000 lượng vàng. Ông cương quyết từ chối
và bị bắt cóc. Thoát khỏi vụ bắt cóc ấy, ba của Tuấn
trốn sang Nam Vang tá túc với ông Phan Hà (còn có tên là
Thành Nam) người làm việc cho Ông Ba Cụt- một tay Việt Minh nổi
tiếng. Sau khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền, nhóm Ba Cụt, Bảy
Viễn, bị chính quyền lùng bắt.
Sáu năm chồng sống ở Nam Vang, bà mẹ của Tuấn
đã có sáu lần qua thăm chồng, học làm bánh Copo và mang
thai ba lần. Tuấn là một trong 3 đứa con ông bỏ lại ở Cần
Thơ trước đó. Từ Nam Vang ông xuống tàu qua Pháp năm 1960
khi mà Tuấn mới 5 tuổi rưỡi. Khi lưu vong bên Pháp, vì chịu
ơn nghĩa, ba của Tuấn nể tình, có phần thân thiết nhiều
hơn và sau cùng ông đã sống với người con gái của
ông Bảy Viễn. Dĩ nhiên ông ấy giấu diếm gia đình bên
Việt Nam. Bác ấy thường viết thư về nhà cho vợ và 6 đứa
con và trong mỗi bức thư ấy luôn có câu- theo lời của Tuấn,
"....mong có ngày gia đình đoàn
tụ bên Pháp."
Với tôi
lên Bảo Lộc học để thành một kiểm lâm là đủ.
Nhưng đối với Tuấn điều đó không có giá trị gì.
Nó mong ngày đi du học Pháp hoặc ngày ba nó bảo lãnh cả
nhà qua xum họp như lời ba nó đã viết trên cái bưu ảnh
đó,
"Tuấn thương yêu
của ba.
Là con trai cả, con phải
thay ba gánh vác việc gia đình. Con còn phải thay mặt mẹ lo cho hai
đứa em trai của con.
Bên này
ba không nề hà một việc lớn nhỏ gì. Sống lưu vong ba không
có gì mong muốn hơn là ngày độc lập để ba được
trở về nước, đoàn tụ với vợ con. Hơn bất cứ ai trên
đời này, ba thèm tự do, gia đình và tình cha con.
Trong cái bưu ảnh này, ba đang đứng
trước một sân ga, chuẩn bị lên tàu đi làm. Khó mà
tìm ra một người Việt Nam ở đây nhưng rất dễ mất đi
cái chất Việt Nam, cái tình quê hương, cái giá trị nhất
của người Việt Nam- gia đình- ở cái nơi được mang danh
là "thủ đô tráng lệ" này.
Là một học sinh, con chỉ phải lo có một chuyện-
học giỏi. Còn ba ư? Là một người chồng, một người cha
của 6 đứa con, là một người lưu vong ở Pháp, ba có hàng
trăm chuyện phải lo toan, đối phó.
Ba không trải hết lòng ba trên tấm bưu thiếp này được.
Để hiểu lòng của ba con cứ nhân lên một một triệu lần
những gì con vừa đọc và mười vạn lần cái cảm giác
mà con vừa có mỗi khi đọc nó.
Ba yêu thương của con."
Phạm Anh Tuấn lên Sài Gòn
để theo học trong một trường nổi tiếng Phục Hưng, 11 Ngô Lê
Cát Sài Gòn 3, để có tú tài Pháp để du học trong
khi tôi lên NLS Bảo Lộc học chuyên ngành Thủy Lâm. Tết
năm Quý Sửu, 1973, chúng tôi gặp nhau tại nhà Phùng Trương.
Dù có vẻ xa lạ, nhưng đứa nào cũng biết rằng đứa
kia có một đường đi riêng, lý lẽ riêng và có cung
cách riêng biệt. Sau ngày 30 tháng 4, giấc mơ đi du học của Tuấn
vỡ tan tành so với việc may mắn được đi học lại của
tôi. Nó còn phải nghe lời mẹ vào trong vườn ở Ba Xe- Cờ
Đỏ- để tạo ra một vẻ bọc mới, chuẩn bị cho một lối
sống mới. Quá bất đắc chí như nhiều người cùng lứa
tuổi, nó cảm thấy như sắp mất hết mọi thứ trên đời
này trừ mẹ nó ra.
Tình cờ gặp lại tôi tại nhà một thằng bạn cũ tháng
12 năm 1975, thức rất khuya với nhau, nó kể ra những thứ mà có
tôi, người nhận vào. Phước Tòng và tôi đã giúp
nó bình tâm lại. Sau tết năm Ất Mão, tôi lại có dịp
về Cần Thơ có dịp gặp lại Tuấn. Biết tôi sắp đi Cà
Mau với một người bạn mới quen, Tuấn vội vã xuống chợ xin
mẹ cho đi theo. Để được phép của mẹ, Tuấn hứa rằng
nó sẽ đồng ý về vườn sau chuyến đi ấy.
Hai ngày trong chuyến đi đó,
Tuấn rất thích đàn hát những bài nó biết hoặc nó
hát theo tôi một cách tha thiết. Nó nài nỉ tôi ghé nhà
nó để tắm và ăn trưa. Nó đạp xe đưa tôi ra bến
xe về Sài Gòn. May thay nó được giới thiệu vào đá
bóng cho một xí nghiệp và trong một lúc rỗi rãi, nó cùng
nhóm bạn đã ghé lên trường tôi ở Thủ Đức để
theo Khuê Bầu làm một chuyến về quê Quảng Ngãi và đó
là lần cuối cùng tôi gặp nó.
Theo một chuyến vượt biển tháng 7 năm 1978, nó
hoàn toàn mất tung tích. Tấm bưu ảnh ấy có thể một lúc
nào ấy nhòa đi trong tâm trí của nó hoặc theo nó xuống
đáy biển hay trôi dạt vào một hoang đảo nào đó hay
tan rữa trong nước biển nhưng nó luôn luôn còn in đậm nét
trong tâm trí tôi.
Tuấn ơi! Mày có biết như thế không?
Rạch Giá Feb 18, 2013
Thành Xì- TL 71