NguyenNgocTuyet_self.jpg

THƠ VĂN

Nguyễn Ngọc Tuyết 

 

 

Cần ThơCHS-GS Phan Thanh Giản           

 

 

        

CAU TRẦU GÓC CHỢ

TL_Traucau_2.jpg 



 

 

Mỗi sáng tôi đều ra ngồi quán cà phê trước khu chợ gần nhà. Quán bình dân, cà phê không ngon nhưng ngồi riết rồi quen, không đi lại thấy nhớ. Nhớ cái không khí bát nháo, tiếng nói chuyện ồn ào của những người buôn gánh bán bưng, mấy anh công chức, mấy cụ già sáng sáng tấp vào đây. Tiện thể mình cũng đi bộ một vòng tập thể dục luôn vậy mà. Quán cà phê ở gần con đường nhỏ dẫn vào chợ. Ngay góc chợ đó hôm nào một chị tuổi trung niên, mặt mày hiền lành cũng bày ngay dưới đất một mẹt cau, một ốp trầu, hũ vôi bên cạnh mấy sề chuối, cóc và mấy thứ linh tinh khác. Trầu xanh chỉ một ốp đặt trên mâm, buồng cau kế bên cũng ít trái thôi chứ chẳng phải đầy đặn gì. Cái chỗ ngồi và mấy món hàng nhỏ nhoi dường như lọt thỏm trong khu chợ đông đúc và mấy hàng trái cây bề thế bên trên khiến tôi không để ý mỗi lần vào chợ. Hôm rồi có chị bán vé số ngồi uống cà phê bàn bên chợt bị chú ong vò vẻ bay lạc đến chích cho một phát, đau đến nhảy dựng. Ai đó liền kêu chị chạy lại góc chợ xin một ít vôi bôi vào sẽ hết nhức ngay tức thì. Đúng là vôi ăn trầu hay thiệt! Chị bán vé số chạy về miệng cười tí toét. Vậy nên tôi mới biết tới cái góc nhỏ bán trầu cau kia.

 

TL_traucau.jpg

Mon men lại hỏi chuyện lúc chị bán hàng đang ngồi không mới biết nhà chị ở ngay thành phố, mấy món hàng kia đều có mối đem lại. Thường ngày trầu cau bán được rất ít. Giờ đâu ai ăn trầu nữa cô, họa chăng còn mấy bà lão, mấy người khách lại mua chỉ để cúng thôi. Lâu lâu mấy nhà có đám cưới chạy lại đây đặt buống cau, ốp trầu thì tui đặt lại dùm. Chị bán trầu cau nói vậy. Nghe mà chạnh nhớ đến hàng cau tầm vung trước cửa nhà ở quê chồng. Ngày trước cả xóm còn rất nhiều người ăn trầu nên má chồng tôi trồng thêm mấy nọc trầu vàng trong vườn. Mấy dây trầu quấn quanh, uốn lượn trên mấy cây dừa thẳng tắp, chỉ để biếu cho mấy bà bạn chứ không bao giờ bán. Thỉnh thoảng có người đến xin mấy dây lương (dây mọc dưới đất) để làm thuốc chửa bệnh đau cột sống hay thấp khớp gì đó. Những lúc có đám giỗ, đám cưới trong quê, nhìn mấy cụ già vừa nói chuyện vừa thong thả ngồi ngoáy trầu trên bộ ngựa gõ rồi nhai bỏm bẻm mà cảm thấy ấm áp làm sao! Tưởng như thời gian như đi chậm lại, hồn xưa phách cũ của làng quê, bến nước, sân đình vẫn còn đây và nét đẹp truyền thống của một nền "Văn hóa làng" vẫn còn hiện diện đâu đó. Giờ thì hàng cau trước nhà tôi đã bị đốn hết để mở rộng hương lộ, mấy dây trầu vàng bóng mượt từ ngày má chồng tôi mất cũng đã rụi tàn. Vả lại trong làng trong xóm nào còn ai ăn trầu nữa đâu. Thế hệ của những ông già bà cả cỡ má chồng tôi đã lần lượt khuất bóng hết rồi. Mấy đứa nhỏ lớp con cháu sau này có khi còn chưa thấy dây trầu, buồng cau nữa là.. Và vẻ đẹp rực rỡ một thời, nổi tiếng một thời của những miệt như "Mưới tám thôn vườn trầu", của những cô gái vườn trầu xưa chắc cũng trở thành huyền thoại mất thôi!

Đứng nói chuyện một lúc lại có một cô còn khá trẻ đến nhờ chị têm sẵn chục miếng trầu cau đem về. Cũng chẳng phải têm trầu cánh phượng hay làm khéo gì, chị bán trầu chỉ cuộn miếng trầu xanh thành hình phễu rồi bổ trái cau làm tư nhét vào mỗi cái một miếng là xong. Không biết người mua đem về cúng kiếng hay đặt lên mâm thay thế cho cả buồng cau, ốp trầu trong đám cưới. Mọi thứ giờ tinh giản lắm rồi, đâu phải như ngày xưa nhà trai phải lựa buồng cau cho tròn, trái cau phải chẵn, phải đẹp, ốp trầu đặt trên mâm cũng phải là trầu vàng, lá nào lá nấy phải đều nhau..Chưa hết, khi mâm trầu cau đưa lên bàn thờ, cô dâu chú rễ còn chui vào trong màn tranh nhau hái cau, lấy trầu với ý nghĩ ai hái được trước sẽ cầm chịch trong gia đình. Đúng là vui hết biết luôn!

Chị bán hàng còn cho biết, có ngày chị chỉ bán được chục trái cau, vài lá trầu, chẳng nhiều nhặn gì, toàn khách quen thôi. Nghe mà nuối tiếc những ngày huy hoàng của trầu cau thuở nào. Lại nghĩ, giờ đã bước vào mùa xuân, mùa cưới xin rộn rả, không biết rồi có mấy người đến góc chợ này đặt những ốp trầu, buồng cau để trang trọng đặt lên mâm lễ cho cô dâu chú rễ chui vào màn tranh nhau hái cau, lấy trầu như ngày xưa? Dĩ nhiên, đời sống công nghiệp mà, "Đất lề, quê thói" đã ngày càng phai nhạt rồi! Và, những câu thơ như thế này có phải rồi sẽ bị lãng quên:

 

Nhà em có một giàn trầu

Nhà tôi có một hàng cau liên phòng

(Tương tư- Xuân Diệu)


Nguyễn Ngọc Tuyết

_________________________________________________________________________________________________________________________________________ 

 

BẰNG HỮU CA

 

DHT_thayQuan_3.jpg

Bạn cũ ngồi quanh bàn

Chuyện trò cười híp mắt

Xa trường bốn sáu năm

Nay lại về họp mặt.

 

Xòe bày tay mãi đếm

Bạn xưa còn nhiêu đây

Một vòng bàn chưa kín

Cho nỗi nhớ dâng đầy!

 

Bạn tóc giờ bạc trắng

Bạn mặt hằn nếp nhăn

Nước thời gian gội mãi

Phai tàn nét thanh xuân.

 

Nhưng tiếng cười xưa ấy

Vẫn hào sảng vang vang

Rót đầy niềm hạnh phúc

Cuộc hạnh ngộ miên trường.

 

Nâng ly mừng bạn cũ

Chúc cả người phương xa

Một vòng bàn chưa kín

Bạn vẫn về bên ta.

 

Rồi bắt chước người xưa

Cụng ly mà ca rằng :

« Bằng hữu chi giao đạm nhược thủy »

Rượu say.. lòng rưng rưng..


 

TRONG CÁNH CỬA MÙA XUÂN

 

Trong ngăn kéo mùa đông
Tôi dấu tròn giọt nước mắt
Cuốn theo cả những mùa hè, mùa thu
Đong đưa giấc ngủ dài,
Như loài thú say giấc đông miên
Như chú nhím xếp gai nhọn nằm yên nghi ngại,
Sợi nắng rớt hững hờ,
Cuộn mình tôi làm kén .

Ngày qua mau qua mau
Dòng sông hiền hòa rộng lượng
Mở lòng khôn cùng
Cho tôi về hong tóc bằng mặt trời hồng Vỡ tung mình theo gió,
Biết mùa xuân bên thềm !

Mùa xuân về thả bay bay nỗi nhớ
Con suối nhỏ chảy tràn
Qua tháng năm, qua từng gương mặt bạn bè,
Qua tình yêu một thời xa khuất
Thoảng hương nồng nguyệt quế
Ngào ngạt cả một thời tuổi trẻ
Kỷ niệm về lớp lớp như mây
Đêm giao thừa thắp hồng ngọn nến
Mắt sóng sánh biết cười,
Khi mùa xuân bay qua, bay qua ...

Trong ngăn kéo mùa đông
Tôi dấu tròn giọt nước mắt
Đợi mùa xuân về chảy tràn nỗi nhớ
Rót xuống dòng sông rộng lượng
Đón chút hương nồng ai đốt lá mà thơm !

 

QUA CẦU NGẢ NÓN ...

 

TL_CTbridge.jpg

Buổi sáng chị lại ra con đường mới phóng phía sau nhà. Đứng ở đây có thể thấy rõ con lộ chạy dài ra hướng cầu Cần Thơ. Mấy ngày nay trong xóm, trong phường chỗ nào cũng râm ran chuyện cầu Cần Thơ đã được hợp long, trước thời hạn cả tháng. Quả là chuyện đáng mừng. Nhưng đọc báo chị cũng biết con đường dẫn lên cầu còn bề bộn lắm, hạn định thông cầu không biết có đúng kỳ như niềm mong mỏi của người dân đồng bằng không? Thằng em chồng bên Vĩnh Long mới hôm rồi chạy qua đây hồ hởi:

- Mấy cây cầu dẫn bên em gần xong cả rồi! Sao bên này "chậm như rùa vậy"?

- Chú hỏi tôi tôi biết hỏi ai? Tôi có phải nhà thầu thi công đâu. Dân vùng này đa số chỉ đi nhổ cỏ mướn, ngày 30.000 đồng thôi.

Thằng nhỏ còn nói ra vẻ như người lớn:

- Phải chi anh Thanh còn sống, bây giờ đã được thấy thành quả rồi!

Tim chị như hụt một nhịp đập. Mấy năm rồi mà sao vẫn đau nhói. Thằng nhỏ thiệt kỳ! Đang vui sao cứ nhắc chuyện buồn. May mà con bé Như không có đó. Chứ không thế nào nó cũng khóc rồi cự nự cậu út nó rum trời cho coi. Mới mười tuổi hơn mà nó như già trước tuổi, khôn lanh, nhạy bén đến nổi chị còn thấy sợ. Mỗi lần ra đây, nhìn hút theo con đường chạy ra ngoài xa kia người mẹ trong chị lại xót xa nhớ từng câu nói của con:

- Sao mình phải về quê ngoại vậy mẹ? Bên kia người ta lên nhà lầu hết rồi.

- Sao mình giỗ ba bên này chứ không phải bên nhà nội? Sao chú ba, cô tư, chú Út mỗi lần đến nhà mình lại khóc? Mấy người đó nhớ ba hả mẹ?

Mỗi lần nghe con hỏi, mỗi lần nhìn vào đôi mắt long lanh, trong sáng của con chị lại nhớ anh tha thiết. Trời, sao mà đôi mắt con bé giống ba nó đến vậy! Dường như biết trước mình sẽ đi xa, anh đã để lại cho chị, người vợ trẻ cái phiên bản này đây. Để mỗi lần nhìn vào đôi mắt con gái, chị vừa ngậm ngùi xa xót lại vừa có chút ấm áp của tình yêu nồng thắm còn đọng lại.

Như bây giờ vậy, chị đi lần đến cây cầu bắc qua rạch Cái Răng sắp sửa hoàn thành, hình dung ra con đường dẫn lên cầu lớn lòng lâng lâng. Chị biết, phía dưới kia còn một cây cầu y như thế vẫn đang thi công. Mấy tháng qua, cây cầu xi măng nhỏ bắc vào ngôi đình xưa của vùng này đã được dở ra, nâng lên cao vút cho những xà lan chở vật tư, chở sắt thép đi ngang qua. Giờ cầu đã được thả về vị trí cũ, có nghĩa là cây cầu bắc ngang qua con rạch phía trong cũng sắp xong rồi. Gió sáng thổi mát rượi, trong trí chị, hình ảnh những con đường từ khắp nơi trong vùng châu thổ như những mạch máu hồng hào, tươi rói cùng chảy về cây cầu lớn vừa được hợp long trên dòng sông Hậu phù sa màu mỡ, nước chảy cuồn cuộn thật hoành tráng, lớn lao biết chừng nào. Giống như những con sông lớn, sông bé, những kinh rạch chằng chịt của vùng đất mênh mông đã một thời là mạch sống còn của những lưu dân đi mở cõi, những con đường đang thi công hướng về tâm điểm cầu Cần Thơ hôm nay chính là huyết mạch của cuộc sống bừng bừng cuộn chảy trên đất "Chín Rồng" đó thôi. Huống hồ...trong lớp lớp phù sa mỗi năm theo mùa nước nổi tràn về dòng sông Hậu này còn thấm cả máu của những người xây cầu! Ừ, sao mà chị cứ nhớ làm gì, nỗi đau thắt gan thắt ruột ấy. Mọi thứ chẳng phải đã trôi qua như nước chảy dưới chân cầu rồi sao? Dù gì chị cũng đứng vững, đã nuôi nấng con cái đàng hoàng. Trong chị mọi thứ vẫn như mới hôm qua. Cái hôm buổi sáng anh cười thật tươi, hôn phớt trên má vợ rồi đi làm như mọi ngày, rồi đi mãi không về. Nhưng có lúc, chị cũng nhận ra chuyện ấy dường như đã lùi xa mịt mù. Điều đó cũng không lấy gì làm lạ phải không?

Đứng trên con lộ mở về phía chân cầu bên này, chị lại nhớ về xóm cũ, về căn nhà một thời đã là tổ ấm của gia đình chị. Anh sống khôn thác thiêng chắc sẽ hiểu hết nỗi lòng của chị, hiểu vì sao chị đem con về quê ngoại và cũng sẽ hiểu cả tâm sự của chị mỗi lần về lại quê chồng mà.

NNTuyet_logo.jpg

Vừa về đến đầu xóm, chị hai Ngà đang ngồi trước cửa nhà đã kêu í ới:

- Mới về hả em? Con Như đâu, không dắt về à?

- Dạ, em về thăm bà nội một lát. Nghe thằng Út nói bà bị cảm.

Người phụ nữ cùng xóm xởi lởi:

- Ôi, bệnh già mà. Trái gió trở trời là rêm mình rêm mẩy vậy thôi.

Rồi chị huyên thuyên kể cho cô bạn láng giềng đủ thứ chuyện nơi này, cứ như cô ta đã rời xa xóm cũ hàng chục năm rồi vậy. Nào là bà Bảy xe lôi tuy ông Bảy không còn chạy xe lôi được nữa nhưng nhờ mấy trăm triệu đền bù cho thằng con trai đã lên nhà lầu. Nào là con nhỏ Huệ bán chuối nưóng trong xóm đã lấy chồng khác, thằng chồng mới như "Chuột sa hủ nếp" bởi con vợ trong sổ tiết kiệm có sẵn mấy trăm triệu. Còn bà Ba Thời, có hai thằng con trai bị nạn giờ khá giả lắm nhưng tối ngày rầu rỉ, khóc đến mờ mắt bởi đứa con dâu lớn tập tụi theo đám bạn chưng diện mốt miết đi đàn đúm tối ngày sáng đêm ở đâu đó, bỏ mặc nhỏ cháu nội sáu bảy tuổi cho bà lo. May mà thằng em khi bị tai nạn còn chưa có vợ. Còn nữa, gia đình ông Năm Sĩ sau khi thằng con trai lớn bị nạn đã bỏ xứ lên Sài Gòn mở quán cơm, quán nước gì rồi...

Dứt được mấy câu chuyện miên man của chị Hai Ngà quả là hết hơi. Chị nhớ mỗi lần về lại xóm cũ, những câu chuyện cứ bủa vây, siết chặt khiến chị muốn ngộp thở. Những con người, những cái tên một thời quen thuộc với chị biết mấy giờ sao trở nên lạ lẫm ngỡ ngàng bởi những thay đổi đột ngột, những quay ngoắt dữ dội của họ. Tai nạn ụp xuống, cả một xóm nghèo tan đàn sẩy nghé, tang thương trùm phủ. Tiếng kêu khóc, rên rỉ bởi cảnh ngộ đau lòng khiến nhà nhà như thu mình lại, gắn kết vào nhau thành một khối với cùng một tấm lòng. Cái xóm xiêu vẹo, ngả nghiêng dọc bờ sông này đã cố gắng đứng vững, cố gắng sống còn sau mấy ngày kinh hoàng, thảm khốc. Riêng chị, lao đao trước cái chết của chồng đã không đủ can đảm ở lại đây. Chị thấy mình như một kẻ hèn nhát, giáo gẫy gươm tàn trên trận mạc khi đưa đứa con gái nhỏ tìm về mái nhà bình yên của mẹ, núp bóng từ đó đến nay, lúc nào cũng tự nhũ: "không được nhớ, không được nhìn lại! Phải quên hết, cắn răng lại mà quên để tiếp tục sống".

Vậy mà, mỗi lần về thăm chị không sao khỏi choáng váng, chóng mặt. Cái xóm nhà lá, nhà cây xơ xác, liêu xiêu giờ đã mất tăm. Thay vào đó là dãy nhà mới cất, không đồng bộ, mỗi nhà mỗi kiểu nhưng nhà nào cũng khang trang, bề thế. Giá không phải người từng ở xóm này có khi chị còn tưởng mình đi lạc nữa đó. Thiệt là mừng thì có mừng nhưng dù sao cũng nghe như có gì đó vướng víu trong lòng. Bởi không chỉ có bọn trẻ mới lớn đua đòi, bài bạc, đá gà, ngồi quán suốt ngày mà người lớn xóm này cũng sống khác lắm. Những người lao động chân chất ngày nào đâu vắng cả rồi? Cái xóm trước đây từng cung cấp thợ hồ, thợ sơn, thợ xây cho thành phố, cái xóm có những nhà nông cần cù, chắt chiu trồng rau, làm vườn trên từng mảnh đất nhỏ giờ còn được gì?

Bà má chồng nằm trên giường bệnh thấy con dâu về gắng gượng ngồi dậy:

- Cái thằng Út chỉ tài lanh. Già cả rồi nay đau mai ốm vậy thôi chứ có gì nặng đâu. Con về làm gì. Bỏ con bỏ cái cho ai?

- Dạ không sao. Con Như học bán trú trong trường má à. Chiều mới phải rước về.

Chị nhìn bà má chồng, nhớ lại những giận hờn, trách móc của bà khi chị ngỏ ý đưa con về quê ngoại.

- Chồng mới chết mà cô đành lòng bỏ nhà bỏ cửa ra đi sao? Có muốn gì cũng chờ xả tang chồng đã chứ! Xóm này bộ chỉ mình cô mất chồng à?

May làm sao mấy đứa em chồng đã ủng hộ chị. Có lẽ chúng hiểu nỗi đau, nỗi hoãng loạn trong lòng chị. Cũng có thể vì bé Như nữa. Nó còn nhỏ quá, rời xa chốn này nó sẽ không bị ám ảnh về sau. Giờ lâu ngày có vẻ bà má chồng đã nguôi ngoai rồi. Có lần bà nắm tay chị, ngọt ngào:

- Có khi con đem con về quê lại là điều hay. Xóm này tụi nhỏ nhiều đứa bỏ học chơi bời hư hỏng lắm rồi. Tại cha mẹ anh chị chúng rủng rỉnh tiền bạc mà không nên thân mới vậy.

Ừ, hoá ra đồng tiền có sức mạnh hũy hoại đến vậy sao? Trước đây xóm nhỏ nghèo khổ, ai cũng lo kiếm ăn đầu tắt mặt tối. Tai nạn ụp xuống nào ai muốn. Giờ nhà cửa khang trang rồi sao nhiều người sa đà lạc lối quá. Hay mọi người tưởng tiền ăn hoài không hết bởi trước giờ họ có nhiều tiền vậy đâu!

Mỗi lần về đây, nhìn những biến động quay cuồng của cái xóm nghèo ngày nào chị cứ băn khoăn, ray rứt trong lòng. Cứ nghĩ, nếu thảm hoạ không xảy ra thì sao? Chắc mọi người vẫn cần cù lao động, vẫn đổ mồ hôi sôi nước mắt nhọc nhằn kiếm sống. Vậy cuộc sống khấm khá của họ giờ đây chẳng tốt hơn sao? Cớ gì chị phải nhọc tâm. Dù sao, mọi người vẫn vui mùng khi thấy chị. Những cô bác chị em vẫn vồn vả níu kéo chị vào nhà đấy thôi. Uống một ngụm nước, nghe bao nhiêu là chuyện chỗ này chỗ khác, vui buồn cứ lẫn lộn, đầu óc cứ ong ong u u thế nào. Bởi chị nghiệm ra niềm vui của những bạn chung xóm ngày nào hầu như chỉ là chuyện sắm sửa đồ đạc, áo quần, vui chơi thoả sức. Hoạ hoằn mới có người khoe gửi tiết kiệm lấy lời lo cho con ăn học... Ít thấy ai suy tính chuyện làm ăn, lao động cho căn cơ, ổn định.

Có phải vì vậy mà lần nào về lại quê chồng chị cũng cảm thấy mệt mỏi, rã rời. Dường như mấy nhịp cầu sập năm đó đã làm sập luôn cuộc sống bình dị mộc mạc của cái xóm nghèo này dù không phải tất cả đều bị mất mát. Mai này cầu lớn thông rồi, chẳng biết những người bên ấy có tìm được vận hội mới nào không hay cứ sống "thả nổi" cho đến khi tiền bạc bay hết trong những vui chơi hưởng thụ không cần biết tới ngày mai?

NNTuyet_logo.jpg

Buổi trưa vừa đi làm về, bà má đã đón chị ở cái cổng tre ngoài ngõ thông báo tin sốt dẽo:

- Thằng Lợi con bà Hai Lựu mới bị công an bắt hồi sáng?

- Sao vậy? Thằng nhỏ hiền lành lắm mà!

- Vậy mới nói. Tại thằng Út nhà mầy đó. Tự nhiên xúi thằng nhỏ qua bên đó coi đá gà.

- Coi đá gà hay cá độ đá gà?

- Không. Hôm nay giỗ bà Hai, thằng nhỏ nghèo quá chưa biết lấy gì cúng thì nghe thằng Út nói là "Gà xác" bên đó bán rẻ lắm. Thằng Lợi mới qua chỗ đá gà chờ tụi nó đá xong mua con gà xác về làm giỗ. Ai dè mới đứng xớ rớ bị công an ụp tới, bắt luôn.

- Tội nghiệp quá! Mà sao má lại cười?

Bà già vẫn cười ngất:

- Nó về rồi. Con vợ nó quýnh quá chạy đến nhà ông thầy cũ thời trung học. Nghe nói ông thầy thương cho hoàn cảnh của nó nhờ mấy thằng học trò làm công an bảo lãnh nó ra đó. Hú hồn thằng nhỏ!

Quả là chuyện bi hài! Nghe mà cười chảy nước mắt. Cũng chẳng trách được thằng em chồng. Nó chỉ muốn giúp thằng bạn học cũ thôi mà. Thằng Lợi lại càng tội nghiệp! Xưa giờ nó là đứa con hiếu thảo lắm. Chỉ tại số nghèo không ngóc đầu lên được. Con vợ lúc trước đi nhổ cỏ cho nhà thầu Trung Quốc làm cầu ngày cũng được ba chục ngàn đủ tiền gạo, thằng chồng làm mộc đang lúc ế ẩm nên nhà lúc nào cũng túng bấn.

Từ chuyện thằng Lợi chị lại nghĩ về cái xóm bên kia sông Hậu. Ý là có cái bắc Cần Thơ mà thằng nhỏ còn liều mạng sang đó, sau này đường đi thông thống rồi cái xóm nhỏ ấy không biết có đổi thay phát triển gì không? Khi đi lên cầu có thể nào họ quên bao người thân đã hoà trộn máu thịt vào mảnh đất dưới chân cầu này! Chẳng lẽ nỗi đớn đau mất mát không làm người ta sống tốt đẹp được sao?

NNTuyet_logo.jpg

Chị lại thấy mình ra đứng ngó mông về phía con đường tráng nhựa đang làm dang dỡ dưới chân cầu. Nhìn hút tầm mắt cũng chỉ thấy con đường chạy về phía xa chứ nào thấy cầu kì gì nhưng chị vẫn hình dung cây cầu rõ mồn một. Đã là những ngày giáp Tết. Chẳng mấy tháng nữa thôi người dân đồng bằng sẽ vui sướng được đứng trên cây cầu lớn nhất vùng châu thổ để nhìn xuống quê nhà. Hạnh phúc thay khi trong khoảng trăm năm của cuộc đời, hạnh vận của cư dân xứ này đã đến những hai lần với hai cây cầu đẹp đẽ tráng lệ như những giấc mơ hoa, như những chuyện cổ tích giữa đời thường.

Đứng trên con đường vỗng cao, nhìn về phía thành phố rồi nhìn xuống mái đình cong vút rêu phong và những căn nhà lúp xúp chạy dài theo con rạch vào Cái Chanh, Cái Muồng, lòng chị dậy lên bao nỗi cảm hoài. Chị nghĩ đến người chồng yêu dấu đã mất, nghĩ đến ngày mình dắt tay con lên cầu Cần Thơ, hoà vào dòng người cuồn cuộn kéo về từ khắp nơi, nao nức, vui mừng, nghĩ đến những vận hội mới mở ra cho người dân cần cù, lam lũ của vùng đất này...Ừ, mình có cầm lòng để cười vui được không đây?

Trước mắt chị, cây cầu lớn lao đẹp đẽ hình những chữ A chỉa thẳng lên trời, vươn mình trong nắng ấm phương Nam vẫn lấp loáng, rưng rưng...

 

Nguyễn Ngọc Tuyết 

 

ĐI QUA TRƯỜNG CŨ                            

PTG_old.jpg

                                                         

                    Tôi đi qua ngôi trường

          Thấy ngổn ngang gạch đá,

          Những viên gạch rơi xuống từ bức tường

          Mới đập xuống hôm qua để xây trường mới

          Lòng bỗng nhói đau

          Ôi trăm năm trường xưa!

          Trăm năm nước thời gian gội rửa

          Trăm năm rồi "Nước vẫn một dòng trong"!

 

          Dãy hành lang vẫn còn nguyên màu gạch đỏ

          Còn ấm dấu chân người lớp lớp đan xen,

          Và trong từng khung cửa lớp

          Nghe đâu đó tiếng cười vui khúc khích

          Những tia nắng ban mai nghịch ngợm

          Dệt thành tơ vương vấn mãi hồn ai!

          Và bảng đen, và phấn trắng

          Còn nhớ không em trầm ấm tiếng giảng bài,

          Trên bục này cô giáo đứng bâng khuâng

          Mắt sáng môi hồng học trò ôi thương quá

          Bởi trong cô vẫn tươi rói tuổi xuân thì

          Biết bao mùa xanh xưa trong ngôi trường cũ

          Cô trò ta thắm thiết nghĩa đồng môn!

 

          Sân trường kia vẫn mênh mông trải rộng

          Cây liêm già rắc hoa vàng rực rỡ

          Gốc bồ đề xòe tán góc sân

          Hoa phượng vĩ kết từng chùm đỏ thắm

          Bao hè vui- tiễn từng cánh chim bay

          Để tất cả lại về trong rộn rả

          Ngày hội trường trời đất cũng nồng say

          Thắp một nén nhang trên phòng truyền thống

          Ngước nhìn lên ba chữ "Sư đạo tôn"

          Tưởng nhũng ân sư đang mỉm miệng cười

          Rưng rưng niềm tưởng nhớ!

 

          Tôi đi ngang qua ngôi trường

          Tất cả sẽ thành vôi vữa

          Mai này trường mới dẫu hình hài như cũ

          Biết tìm đâu hồn phách một thời xưa!

                                                21-2-2017 

 

TÙY BÚT

                                            TRƯỜNG CŨ 

HTT_truongPTGgone.jpg       

                                                                                    

          Năm rồi nghe tin trường cũ sắp bị đập bỏ để xây trường mới, học trò khắp nơi kéo nhau về rất đông. Thứ bảy, chủ nhật nào xe gắn máy cũng đầy nghẹt bãi xe, xe hơi cũng đậu dài trước cổng. Mà cũng phải thôi, ngôi trường cổ kính dựng nên từ năm 1917 bên dòng sông Hậu hiền hòa êm ả này giờ sắp trăm năm tuổi rồi, đã xuống cấp lắm rồi! Nhà thầu xây dựng của Pháp ngay từ khi trường hơn 50 năm tuổi đã gởi thư cảnh báo mấy lần rồi. Còn nhớ những ngày hội trường 70 năm, 80 năm rồi 90 năm, nhiều thế hệ học sinh đã trở về họp mặt đồng môn, đồng song mừng mừng tủi tủi với biết bao kỷ niệm thắm nồng sống lại nơi cảnh cũ trường xưa. Đó là những ngày cả trường ngập đầy hoa, tràn trề những lời chúc mừng từ khắp nơi bay về. Những cánh chim bay xa thật xa, những học sinh thân yêu ngày cũ đã trở về, hòa nhịp đập tim mình với trường xưa để những ngày kỉ niệm ấy trở thành "hội tao phùng" của thầy xưa, bạn cũ dào dạt tình yêu thương. Những ngày hội ấy, dưới mái trường này, trên từng lối đi này, những cái đầu bạc trằng, những mái tóc muối tiêu hay đen mượt đều không có gì quan trọng. Bởi, tất cả chúng tôi là "Đồng môn", là một phần máu thịt, tinh anh của ngôi trường, là bề dày lịch sử, là kí ức vẫn luôn nằm đâu đó ở nơi này. Đáng quý nhất là trải bao nhiêu năm, bao lớp thời gian gội rửa, dáng dấp trường tôi vẫn như xưa. Mái ngói rêu phong, vòm cửa tròn thân thuộc với hình ảnh gà Gaulois bằng đồng bên trên, dãy hành lang chạy dài qua các khung cửa lớp như còn ấm dấu chân người. Cả cây bồ đề ở một góc lễ đài nữa. Võ có sù sì hơn, cành nhánh có um tùm rậm rạp hơn nhưng gốc cây già vẫn sừng sững đó, bốn mùa xanh lá gợi cho kẻ trở về những năm tháng hồn nhiên trong trẻo tuổi thanh xuân. Và đây nữa, mấy cầu thang gỗ dẫn lên lầu, bao nhiêu năm rồi in biết mấy dấu chân, giờ đã mòn lẵn nhưng vẫn đứng đó cho đám học trò  sờ lên tay vịn láng bóng bước nhẹ lên từng bậc thang mà lòng rưng rưng bao nỗi cảm hoài.

          Những ngày này ngồi dở lại mấy tập kỷ yếu về ngôi trường đã mấy lần  thay tên đổi họ này mà lòng xao xuyến, bồi hồi. 70 năm, 80 năm rồi 90 năm, những cuốn kỷ yếu của collège de Cần Thơ, trung học Phan Thanh Giản, trường cấp 3 TP Cần Thơ và giờ là trường THPT Châu Văn Liêm vẫn còn nguyên vẹn trên tay dù bao nhiêu là "Nước chảy qua cầu". Giống như  ba chữ "Sư đạo tôn" trên tấm bảng gỗ trong phòng truyền thống bao nhiêu năm vẫn còn tươi màu mực, vẫn rạng ngời lòng kính ngưỡng, biết ơn các ân sư từng giảng dạy tại trường. Những tấm bảng nhỏ bằng đồng, chữ trắng ghi tên các thầy cô quá vãng cứ càng ngày càng dài thêm theo bề dày lịch sử của ngôi trường khiến lớp hậu bối chúng tôi mỗi lần vào đó, thắp nén nhang trên bàn thơ, lòng lại thấy ngậm ngùi. Trên mặt gỗ phẳng hai bên còn chạm hai câu đối bằng chữ quốc ngữ đầy ý nghĩa:

                                      Hậu học được nhờ khuôn mẫu trước

                                      Tiên công ghi nhớ nén hương nay.

          Là học trò suốt 7 năm trung học, xanh mướt một thời áo trắng sân trường, tốt nghiệp trường sư phạm tôi lại may mắn trở về đứng trên bục giảng của trường xưa , dạy dỗ lớp đàn em và vinh dự đứng trên lễ đài trong sân cờ cùng một số thầy cô cũ để càng ngày càng hiểu sâu hơn về lẽ khép mở của ngôi trường. Bởi mỗi năm cổng trường lại mở rộng cho những đàn chim tung cánh bay đi nhưng không bao giờ để mất chúng. Những cánh chim, dù có trở lại hay không vẫn giữ mãi hình ảnh ngôi trường yêu dấu ấy trong tim. Thế nên bao thế hệ học trò đã trở về, ghi lại cảnh cũ người xưa suốt năm vừa qua và tôi phải đi theo chúng mệt bở hơi tai. Đây là sân trường, nơi bọn mình tập thể dục, tập kéo co dưới sự chỉ đạo của thầy. Kia là cây liêm xẹt  thường trải thảm vàng đầy sân khi tới mùa trổ bông. Còn cây bồ đề già cỗi ngay góc sân này nữa, còn nhớ không, nhớ không, nó vẫn thả mấy trái tròn tròn đen sì  rơi xuống đất là bẹp dí, nhảo nhoẹt dơ ơi là dơ. Rồi cả cô trò kéo lên lớp cũ, dàn cảnh chụp hình một tiết học ngày xưa, có cô giảng bài, có trò đứng lên phát biểu...cười nói rân trời. Sau những cười vui, phá phách như thuở nào, có một lúc cả đám chợt lặng thinh. Ai đó cất tiếng nói bâng quơ. Không biết trường mình xây lại sẽ ra sao đây ta? Dù phục dựng y như kiến trúc cũ nhưng biết có còn hồn phách gì không? Những câu nói như chứa đầy niềm tiếc nuối, bâng khuâng khiến mọi thứ như chùng xuống..

          Nhìn đám học trò hối hả chụp hình mọi nơi, mọi góc cạnh của ngôi trường thân yêu, sao tôi cứ chạnh lòng nhớ mấy câu thơ từ một bài "chiêu niệm" trong kỷ yếu của trường:

                             ..Tiếng trống ấu thơ dẫn ta về lớp cũ,

                             Để ta gặp lại ta xưa...

                             Thầy kia- bạn đó-ai thẫn thờ- ai vội vã

                             Hành lang xưa lãng đãng bóng ai qua ?

                             Trở về trường- ta lại gặp ta... !

          Bây giờ đã là những ngày sau Tết. Mấy hôm nay đi qua trường đã thấy búc tường đầu tiên bị đập xuống rồi, gạch đá ngổn ngang. Đám học trò đã được dời qua ngôi trường dạy nghề ở gần bên, chật hẹp một chút nhưng cũng ổn. Có điều tôi phải gọi ngôi trường của tôi là « Trường cũ » để phân biệt với trường mới rồi, phải không ?

          Ôi, ngôi trường của tôi ! Sau trăm tuổi này rồi nó sẽ ra sao? Hình dáng, hồn cốt thế nào? Có lẽ tôi nên mượn lời bạt trong một tập kỷ yếu để tự an ủi mình rằng " Dẫu trăm năm hoặc nghìn năm thì trên con sông đời vô tận ấy, trường chúng ta- mãi mãi một dòng trong"...

 

                                                                   NGUYỄN NGỌC TUYẾT

 

 

 

 

         

 

  

Enter supporting content here