TSHLongVan.jpg

Tiến Sĩ 

HUỲNH LONG VÂN

Sydney, Úc Châu 

Cựu HS Phan Thanh Giản Cần Thơ 

______________________________________________________________________________ 

 

Đài phát thanh RFI phỏng vấn Tiến Sĩ HUỲNH LONG VÂN (sydney): 

Những quan ngại

về dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé

Thanh Phương phỏng vấn

Phát Thứ Hai, ngày 26 tháng 11 năm 2018

 

 Click link để nghe: TẠP CHÍ VIỆT NAM - Những quan ngại về dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé

Hay đọc bản văn dưới đây:

HLV_peasant.jpg

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Sydney 23/11/2018
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181126-nhung-quan-ngai-ve-du-an-thuy-loi-cai-lon-cai-be     

 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng hạ lưu cuối cùng của sông Mekong, thành hình hơn 3000 năm trước do bồi tụ phù sa. Đây là một đồng trũng có vùng bị ngập nước vào mùa mưa và vùng ngập mặn vào mùa khô ; đất bị nhiễm phèn, nhiễm mặn.

Hệ thống thủy lợi theo nguyên tắc trị thủy ở đồng bằng sông Hồng, được xây dựng sau năm 1975 đã giúp Việt Nam, chỉ trong vòng một thế hệ, từ một nước nghèo, nơi mà Nhà nước phải chia khẩu phần gạo theo nhân khẩu, trở thành một trong số các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới và có mức thu nhập trung bình.

Nhưng sau vài năm, lần lượt lộ ra những tác động tiêu cực trên môi trường và những bất cập của các công trình thủy lợi ở ĐBSCL. Đê bao làm ruộng đồng mất đi nguồn dinh dưỡng quan trọng. Rửa chua tháo phèn cải tạo đất đai lại làm ô nhiễm và acit hóa nguồn nước trong các sông rạch. Xây đê biển và các cống hạn chế nước mặn xâm nhập vào mùa khô để trồng lúa thì lại tạo nên mâu thuẫn mặn- ngọt, làm gián đoạn giao thông thủy nội địa ở các địa phương, làm chết các loại rừng phòng hộ ở ven biển.

Những vấn đề môi trường to lớn này đã thúc đẩy các nhà khoa học trong và ngoài nước kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp hài hòa giữa lợi ich kinh tế và môi trường trong dài hạn. Nhưng bất chấp mọi quan ngại của nhiều tầng lớp trong xã hội, Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn (BNN&PTNT) vẫn tổ chức thảo luận triển khai dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé (CLCB). Điều này gây lo ngại và bất đồng trong giới các nhà khoa học về những tác động môi trường và hiệu quả của dự án.

Hôm nay chúng tôi xin mời quý vị nghe ý kiến của tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc nhóm Nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu, trả lời phỏng vấn RFI từ Sydney.

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Sydney23/11/2018Nghe

RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, để thính giả hiểu rõ hơn vấn đến, trước hết xin ông nói sơ qua về Dự án thủy lợi Cái Lớn Cái Bé?

TS Huỳnh Long Vân : Vùng dự án này được giới hạn phía Bắc là kênh Cái Sắn, phía Nam và Đồng Nam là kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp, phía Đông Bắc là sông Hậu và phía Tây là vịnh Thái Lan, trên địa bàn của 6 tỉnh thành Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang và Cần Thơ.

Các mục đích của dự án là : Kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa nuôi trồng thủy sản ven biển và sản xuất nông nghiệp trong vùng ; ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển vào mùa khô, phòng chống cháy rừng ; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua cải tạo đất phèn ; kết hợp giao thông thủy bộ trong vùng dự án

RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, vậy các nhà khoa học có những quan ngại gì về các mục tiêu của dự án này, trước hết là về mục tiêu kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn mặn - ngọt ?

TS Huỳnh Long Vân : Công trình CLCB không thể ngặn mặn cho toàn vùng của dự án, mà chỉ chận được nước biển tràn vào từ vịnh Thái Lan, vì nước mặn còn xâm nhập vào vùng dự án từ biển Đông theo hướng từ sông Hậu qua ngả sông Cái Côn, rạch Mái Dầm, hướng từ Đại Ngải Sóc Trăng theo các kênh trục và hướng Bạc Liêu đổ về Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thanh, thuộc tỉnh Hậu Giang, một đơn vị nằm trong vùng của dự án. Vì thế, mục tiêu kiểm soát mặn của dự án không đạt được, ngay cả sau khi giai đoạn 2 của công trình được hoàn tất.

Xây cống ngăn mặn không giải quyết, mà ngược lại gây ra mâu thuẫn giữa mặn và ngọt : Dự án Quản Lộ-Phụng Hiệp ngọt hoá bán đảo Cà Mau, có trị giá đầu tư gần 1400 tỉ đồng (thời giá 1990), với hàng trăm cống đập, đê biển, đê sông ngăn mặn, được xây dựng với mục đích đưa nước ngọt từ sông Hậu về bán đảo Cà Mau, cấp nước tưới ruộng lúa cho tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang. Tuy nhiên, sau 5 năm xây dựng đã bộc lộ những bất cập trong mục tiêu, gây bất mãn và thất vọng cho người dân địa phương. Hàng trăm nông dân đã đòi phá cống, phá đập để lấy nước mặn nuôi tôm. Để giải quyết mâu thuẫn mặn-ngọt, chính phủ đã quyết định chuyển đổi 450.000 ha đất trồng lúa sang nuôi tôm và mô hình tôm-lúa được áp dụng.

Dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau xem như thất bại, phá sản, là một bài học đắt giá và một kinh nghiệm quý báu cho thấy xây công trình thủy lợi Cái Lớn Cái Bé sẽ không đem lại sự hài hòa mặn - ngọt.

RFI : Thưa ông Huỳnh Long Vân, dự án CLCB cũng tiềm ẩn những nguy cơ gì đối với các loại thủy sản nuôi trồng trong vùng ?

TS Huỳnh Long Vân : Nghêu, sò, tôm, cua biển và một số thủy sản mặn, lợ khác được nuôi trồng ở 2 huyện ven biển An Minh và An Biên nằm trong vùng của dự án. Nếu hai cống thủy lợi CLCB được thiết kế và đóng lại vào mùa khô, khối nước bên trong sẽ bị ô nhiễm do tích tụ các chất phế thải, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón v.v. và khi cống mở, nguồn nước ô nhiễm này sẽ theo nước ròng thoát ra cửa biển, làm thủy sản bên ngoài cống và ở vùng ven biển cận kề chết trắng.

Cá tép nước ngọt di chuyển từ sông rạch ra các bãi đẻ nơi cửa sông để sinh sản và các ấu trùng ngược lại theo dòng triều vào bên trong sông tìm các bãi ăn để tăng trưởng. Vì thế, khi được xây, các cống ngăn mặn CLCB sẽ làm gián đoạn chu trình sinh trưởng của thủy sản nước ngọt và lượng cá tôm trong sông sẽ giảm dần.

Như thế khó có thể đồng thuận với lập luận cho rằng dự án CLCB sẽ góp phần ổn định phát triển sản xuất thủy sản ở vùng ven biển tỉnh Kiên Giang.

RFI : Thưa ông Huỳng Long Vân, còn các mục tiêu ứng phó BĐKH, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển, phòng chống cháy rừng có còn phù hợp với tình hình của vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay ?

TS Huỳnh Long Vân : Những người chủ trương công trình CLCB cho rằng ĐBSCL có trọng trách đảm bảo an ninh lương thực và do tình hình hạn hán năm 2016, nước biển dâng và nguồn nước ngọt sẽ cạn kiệt do tác động từ thượng nguồn, nên cần cấp bách xây dựng công trình CLCB.

Quan niệm ĐBSCL có trọng trách đảm bảo an ninh lương là tư duy thuộc về quá khứ, vì theo tinh thần nghị quyết 120/NQ-CP phát triển bền vững ĐBSCL, chính phủ có chủ trương chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, chú trọng đến chất lượng hơn số lượng.

Nước biển dâng do tác động của BĐKH chỉ khoảng 3mm/năm, trong khi ĐBSCL bị sụt lún trung bình khoảng 3cm/năm, tức 10 lần nhiều hơn và nguyên nhân chính là do khai thác nước ngầm để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Xây công trình CLCB gây thêm ô nhiễm, gián tiếp tạo thêm môt động lực làm gia tăng tốc độ sụt lún và ĐBSCL sẽ chìm trong nước biển sớm hơn, không cần đến ảnh hưởng của nước biển dâng do tác động của BĐKH. Vì thế, "cấp bách xây dựng công trình CLCB để ứng phó với BĐKH và nước biển dâng" là điều không hợp lý.

Ngoài ra công trình CLCB làm gián đoạn sự trao đổi chất dinh dưỡng giữa nước sông với thủy triều, làm mất đi môi trường nước lợ, vì thế sẽ làm cho rừng ngập mặn như rừng đước, rừng nước lợ với cây dừa nước chết dần, từ đó làm suy giảm khả năng ứng phó với những tác động của BĐKH, giông bảo, sạt lở bờ biển và phá vỡ kế hoạch tái tạo rừng ngập mặn ở ven biển được một số quốc gia như Đức, Hà Lan v.v.. tài trợ.

Về mục tiêu cung cấp nước ngọt cho vùng ven biển và phòng chống cháy rừng, dự án CLCB sẽ chuyển nước sông Hậu theo ngả kênh đào Thốt Nốt và kênh trục KH6 cung cấp nước ngọt cho vùng bán đảo Cà Mau. Tuy nhiên, ở phía Tây sông Hậu có chằng chịt những kênh đào thẳng góc với nhau, có nhiều vùng giáp nước, các kênh bị bồi lấp, nên không đủ khả năng chuyển tải nước từ sông Hậu đến cuối kênh. Theo dự tính, kênh Thốt Nốt và KH6 sẽ được nạo vét, nhưng thử hỏi có bảo đảm đem được nước sông Hậu đến khu vực ven biển phía Tây không ? Vì trước đây, trong dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau, có dự trù dẫn nước ngọt của sông Hậu theo ngả sông Cái Côn, kênh Quản Lộ-Phụng Hiệp tưới ruộng đất bán đảo Cà Mau, nhưng đã thất bại vì nguồn nước chỉ đến địa hạt Sóc Trăng.

RFI : Thưa ông Huỳng Long Vân, dự án CLCB cũng được cho là nhằm chống những tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn. Mục tiêu này có đúng không ?

TS Huỳnh Long Vân : Nói rằng vì những tác động của các đập thủy điện ở thượng nguồn khiến nguồn nước bị cạn kiệt vào mùa khô và nước biển dâng, nên phải xây dựng công trình CLCB là hoàn toàn sai, vì tác động tiêu cực của các đập thủy điện là giữ lại phù sa và ngăn trở các loài cá di chuyển đến các nơi sinh sản và tăng trưởng.

Vận hành đập thủy điện không giữ lại nước như lầm tưởng, mà có hệ quả ngược lại. Thật vậy, từ khi các đập thủy điện của Trung Quốc xây trên dòng chính sông Mêkông vận hành, lưu lượng dòng chảy của sông Mêkông đo được tại trạm quan trắc Chiang Saen, nơi biên giới Trung Quốc và Lào, đã tăng khoảng 30% vào mùa khô.

Nếu vì lo ngại việc Thái Lan và Cam Bốt chuyển nguồn nước sông Mêkông để gia tăng sản xuất nông nghiệp, làm cạn kiệt nguồn nước dòng chính sông Mekong mà xây công trình CLCB và trữ ngọt bằng cách chuyển nước sông Hậu vào vùng dự án, thì đây quả thật là một lập luận thơ ngây và đầy mâu thuẫn, vì dự kiến này không phải để ứng phó, mà thực ra đồng lõa với 2 quốc gia láng giềng làm cạn kiệt dòng nước sông Mêkông.

Trước tình huống này, đúng ra phải tiết kiệm nước ngọt bằng cách bỏ lúa vụ 3, giảm dần diện tích trồng lúa ở vùng ven biển phía Tây, hay cấy trồng các loại lúa chịu mặn sẵn có, hoặc thay vì công trình CLCB, nhà nước nên đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến nước ngọt từ nước biển, hoàn toàn thân thiện với môi trường, để giải quyết bài toán mặn - ngọt và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm của ĐBSCL.

RFI : Các nhà khoa học có những quan ngại gì về tác động môi trường và những lợi ích không thiết thực của dự án CLCB ?

TS Huỳnh Long Vân : Bản Đánh giá Tác động Môi trường của dự án do Viện Kỹ thuật Biển-Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện cho rằng khi vận hành, các cống chỉ đóng trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, mỗi tháng đóng cửa cống vài ngày, mỗi ngày đóng vài giờ để kiểm soát mặn. Tất cả thời gian còn lại cửa cống luôn mở để nước được lưu thông, do đó ô nhiễm môi trường rất ít.

Nhưng tác động của thủy triều Biển Đông, Biển Tây, và dòng nước sông Hậu trên vùng dự án rất phức tạp, nên việc vận hành các cống không hề đơn giản như tuyên bố.

Ngoài việc trấn an với tác động môi trường rất nhỏ, báo cáo còn cho rằng công trình CLCB sẽ đem lại lợi ích từ gia tăng diện tích trồng lúa 3 vụ, nhưng quên đi một hậu quả là mỗi ha lúa 3 vụ phải cần đến 7.5kg thuốc bảo vệ thực vật. Vùng dự án rộng hơn 900 ngàn ha và chỉ một phần của diện tích tự nhiên này trồng lúa 3 vụ, thì môi trường cũng sẽ bị ô nhiễm đến mức độ rất đáng ngại.

Tóm lại, dự án thủy lợi CLCB là một công trình rất tốn kém, tổn phí gần 7.000 tỷ đồng, nhưng phần tác động môi trường được đánh giá sơ sài, chủ quan, những lợi ích nêu lên trong đề cương xét ra rất mâu thuẫn, khó tin, tuy nhiên hiện đang manh nha từng bước tiến hành xây dựng.

Những nghiên cứu khoa học và tham khảo với người dân và cán bộ địa phương của một số nhà khoa học chuyên ngành ở ĐBSCL, cùng những thất bại của những công trình thủy lợi trước đây, cho thấy những mục tiêu dự án CLCB đề ra khó có thể đạt được và sẽ gây ra vô vàn hệ lụy về môi trường cho một vùng rộng lớn gần bằng ¼ diện tích ĐBSCL.

Vì thế, thay mặt Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu, tôi xin kiến nghị thủ tướng chính phủ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam không phê duyệt dự án thủy lợi CLCB, một công trình có khả năng phá vỡ chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với BĐKH của Nghị quyết 120 /NQ-CH do chính TT phê duyệt và ban hành vào ngày 17/11/2017.

 

_______________________________________________________________________________________________________________ 

 

 

Đài phát thanh RFI phỏng vấn TS HUỲNH LONG VÂN (Úc Châu) 

Sạt lở đồng bằng Cửu Long: Kịch bản không hồi kết

Thanh Phương phỏng vấn

Phát Thứ Hai, ngày 09 tháng 7 năm 2018

 

TL_AnGiangsatlo.jpg

Một phần tỉnh An Giang bên bờ sông Cửu Long chìm trong lũ lụt.

Ảnh chụp ngày 28/9/2011REUTERS/Duc Vinh

 

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi sinh sống của khoảng 20 triệu người, là vùng canh tác nông nghiệp lớn nhất nước, nhưng do những tác động gây ra bởi các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của con người, cũng như những đặc tính thiên nhiên của vùng châu thổ, nên bờ sông, bờ biển của khu vực bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa mưa lũ mà ngay cả trong mùa khô, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng, tài sản và cuộc sống của cư dân và các công trình cơ sở hạ tầng.

Theo những tài liệu của hai Bộ Nông Nghiệp & Phát Triển Nông Thôn và Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, ĐBSCL có 562 vị trí ở bờ sông, bờ biển bị sạt lở với tổng chiều dài gần 800km, trầm trọng nhất ở An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu và Cà Mau.

Trước đây sạt lở chỉ xảy ra ở bờ biển phía Đông của bán đảo Cà Mau nhưng trong vòng vài năm gần đây cả ở phía Tây nằm trong vịnh Thái Lan. Vào tháng 5 vừa qua một số vị trí nằm trên bờ kinh Thạnh Đông, quận Cái Răng, vàm sông Ô Môn (Thành Phố Cần Thơ), bờ sông Chợ Mới Cái Côn, thuộc thị trấn Mái Dầm (Tỉnh Hậu Giang) và bờ kinh Hai Quý, thị xã Bình Minh (Tỉnh Vĩnh Long) cũng bị sạt lở, khiến nhiều nhà cửa sụp chìm trong đáy nước.

Sau đây mời quý vị nghe phần phỏng vấn Tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu.

Tiến sĩ Huỳnh Long Vân 09/06/2018 

RFI: Xin kính chào ông Huỳnh Long Vân, trước hết ông có thể cho biết là những nguyên nhân nào khiến bờ sông, bờ biển ĐBSCL bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng như thế?

TSHuynhLongVan.jpg

TS Huỳnh Long Vân: Sạt lở ở ĐBSCL do tác động cộng hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau:

1. Các đập thủy điện thượng nguồn của Trung Quốc (TQ) giữ lại khoảng 50% khối lượng phù sa thô.

2. Khai thác bừa bãi bùn cát làm biến dạng lòng sông và thay đổi dòng chảy (không chỉ Việt Nam mà Cam Bốt và Lào cũng nạo vét cát sông Mêkông để xuất khẩu).

Hai nguyên nhân nêu trên phá vỡ trạng thái cân bằng có từ lâu đời của các lớp phù sa trầm tích ở ĐBSCL, khiến bờ sông bị sạt lở và bờ biển bị xói mòn khủng khiếp, riêng Cà Mau mỗi năm mất đến hàng trăm ha đất dọc bờ biển.

3. Khai phá rừng ở thượng nguồn tạo ra lũ có tác động xói mòn trong khi đó hệ thống đê bao khép kín hầu hết những vị trí thoát lũ.

4. Ghe máy có mã lực cao vận chuyển trên sông rạch.

5. Địa hình và những đặc tính địa chất của ĐBSCL: ĐBSCL có địa thế thấp dễ bị ngập nước và cấu tạo bởi những lớp than bùn, phù sa xốp, đất cát pha lộn, nên có độ kết dính rất thấp, do đó dễ tan rã trước những tác động của các dòng nước xoáy và sóng to. Ngoài ra ĐBSCL có nhiều sông rạch chằng chịt thẳng góc với sông Tiền và sông Hậu, điều kiện để dòng chảy ở những nơi hợp lưu tạo ra những luồng xoáy ngầm bào khoét các bờ sông. Điển hình là vụ sạt lở bờ sông trong tháng 5 vừa qua ở phường Thới Lợi, huyện Ô Môn, Thành Phố Cần Thơ.

RFI: Vậy cho tới nay chính quyền Việt Nam đã thực hiện những giải pháp nào để ứng phó với tình trạng sạt lở này?

TS Huỳnh Long Vân: Trong nhiều năm qua, chính quyền trung ương và địa phương đã đề ra những biện pháp ứng phó như xây dựng đê biển, kè bê tông, phục hồi các rừng phòng hộ, trồng các loại cây dọc bờ sông nơi có nguy cơ sạt lở, chỉ thị thiết lập bản đồ những khu vực có nguy cơ sạt lở để gia cố và thiết lập các khu tái cư. Và trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng trong tháng qua, thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ 2.500 tỷ đồng đề khắc phục sạt lở vùng ĐBSCL.

RFI: Nhưng vì sao những giải pháp đó không có tác động gì đáng kể trong việc ngăn chận tình trạng sạt lở ở ĐBSCL?

Bờ biển ĐBSCL bị sạt lở nghiêm trọng do việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn Mêkông, khai thác nước ngầm và những tác động của biến đổi khí hậu mực nước dâng cao, mưa bão và sóng to, gió mạnh. Còn sạt lở các bờ sông là do việc khai thác bùn cát thiếu kiểm soát, bên cạnh những tác động của các đập thủy điện thượng nguồn.

Trong khi đó những giải pháp chống sạt lở hiện nay rất tạm bợ, không mang tính chiến lược bền vững và sau đây là một số dẫn chứng cho thấy Việt Nam có vẻ thiếu tự tin, kém phần tích cực trong việc khắc phục những nguyên nhân sạt lở cốt lõi nêu trên.

RFI : Phản ứng của Việt Nam đối với việc Trung Quốc, Lào và Cam Bốt xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông ra sao?

TS Huỳnh Long Vân: Ở Trung Đông, khi chính phủ Jordani công bố ý định xây đập trên dòng chính sông Jordan, Israel đã dọa sẽ dùng vũ lực và đã ngăn chặn được kế hoạch này. Trong khi đó, Việt Nam vì quá yếu so với Trung Quốc nên e dè và không đưa ra những phản đối hay đe dọa trả đũa nào.

Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc xác định quyền sử dụng tài nguyên nước của các quốc gia nằm trong lưu vực của một dòng sông quốc tế, nhưng với điều kiện không gây tổn hại cho các quốc gia khác trong cùng lưu vực. Nhưng Việt Nam không đưa vấn đề này ra trước Liên Hiệp Quốc hay một Tòa án Quốc Tế, vì biết rằng ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc có quyền phủ quyết và thái độ trịch thượng của Trung Quốc bất chấp phán quyến của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực về đường chữ U chín đoạn (đường lưỡi bò) ở Biển Đông cho thấy con đường pháp lý sẽ không mang lại kết quả mong muốn. Ấy là chưa kể hành động này sẽ làm mất lòng ông láng giềng khổng lồ ở phía Bắc.

Lào và Cam Bốt sẽ xây 11 đập thủy điện trên dòng chính hạ lưu Mekong và khi đưa vào sử dụng sẽ giữ thêm 30% khối lượng phù sa, vì thế tình trạng sạt lở ở ĐBSCL sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Thảm họa trước mắt nhưng trớ trêu thay trong số các đơn vị trúng thầu xây các đập thủy điện này lại có một công ty của Việt Nam bên cạnh những Tập đoàn của Trung Quốc.
Như vậy phải chăng  Việt Nam không chỉ  chịu lépvế  mà còn góp tay với các quốc gia thượng nguồn khai thác tài nguyên nước gây tác hại cho ĐBSCL?

RFI : Đó là nói về nguyên nhân bên ngoài, còn về những nguyên nhân nội tại, những biện pháp đã được thực hiện cũng chẳng có tác động gì? Vì sao vậy, thưa ông?

TS Huỳnh Long Vân: Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng khai thác thiếu ý thức tài nguyên thiên nhiên.

Khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất nông ngư nghiệp khiến nền đất ĐBSCL sụt lún, làm gia tốc những tác động gây sạt lở do nước biển dâng cao dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Người dân được khuyến cáo chuyển đổi canh tác lúa sang sản xuất hoa màu tiết kiệm nước; nhưng hoa quả sản xuất không có thị trường tiêu thụ, được mùa thì mất giá gây thua lỗ, nên người dân cứ tiếp tục trồng lúa. Lúa thóc bán không hết không sợ ế ẩm, vì có thể dự trữ, không bị hư hao như rau quả.

Việt Nam đang trên đà phát triển cần tiếp tục xây dựng các cơ sở hạ tầng, các khu kỹ nghệ, nên rất cần cát bùn để làm nền nhà và mặt bằng, vì thế việc khai thác cát sẽ không bị đình chỉ và tệ hại hơn nữa là mỗi tỉnh thành trong ĐBSCL được quyền tùy tiện cấp phép nạo vét cát trong sông.

Phải chăng người dân ĐBSCL cam chịu số phận ngậm bồ hòn làm ngọt!

RFI: Thưa ông Huỳnh Long Vân, như vậy tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL sẽ không thể nào chấm dứt ?

TS Huỳnh Long Vân: Mặc dù chính quyền trung ương và địa phương rất quan tâm về những tai họa này, nhưng toàn thể bờ sông, bờ biển của ĐBSCL không thể được bao bọc bởi các hệ thống đê, kè dựa trên các công nghệ tân tiến kiên cố, vì phạm vi rộng lớn, nên quá tốn kém, vượt quá khả năng tài chính của Việt Nam.

Giả sử có thực hiện được đi nữa thì bất cứ công trình nào cũng có tuổi thọ, nên sau một thời gian sẽ suy sụp, không còn hữu dụng như trường hợp đê biển ở Gành Hào, Cà Mau là một bằng chứng cụ thể. Vì thế phải chấp nhận giải pháp tìm cách gia cố những nơi có nguy cơ sạt lở. Nhưng gia cố chỗ này, thì chỗ khác sẽ bị tác động, phá sóng nơi này, thì sóng sẽ đập vào các vị trí kế cận.

Tóm lại tình trạng sạt lở ĐBSCL là một kịch bản gần như không có hồi kết, hay nói khác hơn đây là một chứng bệnh trầm kha nhưng không có phương cách trị liệu hữu hiệu. Như thế thử hỏi "Con đường phát triển bền vững ĐBSCL" sẽ đi về đâu?

 

_______________________________________________________________________________________________________ 

 

TẠP CHÍ VIỆT NAMPodcast


Thanh Phương

Phát Thứ Hai, ngày 11 tháng 12 năm 2017

 

Đài phát thanh RFI phỏng vấn TS HUỲNH LONG VÂN

(CHS/PTG, hiện sống ở Sydney, Úc Châu)

Nghe qua link hay bản văn dưới đây:

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20171211-dong-bang-song-cuu-long-truoc-nhung-tac-dong-do-chinh-con-nguoi-gay-ra

 

Đồng bằng Cửu Long trước những tác động của con người

Đồng bằng sông Cửu Long, với tổng cộng 13 tỉnh, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước. Tính đến tháng 04/2017, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thuỷ sản xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đối đầu với ba thách thức lớn mang tính sống còn: Thứ nhất, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thứ hai, quá trình phát triển nội tại. Thứ ba, tác động do khai thác và sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn.

Nhìn chung, những thách thức mà đồng bằng sông Cửu Long đang đối phó là do tác động của con người hơn là do tác động của biến đổi khí hậu. Hôm nay, xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn tiến sĩ Huỳnh Long Vân, thuộc Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai-Cửu Long, Úc châu, về vấn đề này:

RFI : Thưa ông Huỳng Long Vân, trước hết về tác động của khai thác và sử dụng nước của các quốc gia ở thượng nguồn, có mối liên quan nào giữa tình trạng sạt lở trầm trọng của bờ biển đồng bằng sông Cửu Long và các đập thủy điện của Trung Quốc?

TS Huỳnh Long Vân: Hiện nay, trên dòng chính sông Mekong có 8 hồ chứa thủy điện, 7 của Trung Quốc và 1 của Lào. Đồng bằng sông Cửu Long nhận khoảng 89% khối lượng nước từ thượng nguồn, và 160 triệu tấn phù sa/năm, trong đó 50% là phù sa thô. Phù sa thô là vật liệu chắn sóng bảo vệ vùng ven biển chống sạt lở và bồi lấp đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, kể từ khi các đập thủy điện của Trung Quốc vận hành, khối lượng phù sa thô này hoàn toàn bị giữ lại ở các hồ chứa nước, khiến cho dọc theo bờ biển đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có 49 điểm/266km bị sạt lở nghiêm trọng và mỗi năm đồng bằng sông Cửu Long mất khoảng 500 ha đất.

Về sạt lở bờ sông, theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, miền Tây hiện có 513 điểm sạt lở, với tổng chiều dài 520 km, đe dọa cuộc sống hàng nghìn hộ dân cùng nhiều công trình hạ tầng. Tác động xói mòn của "dòng nước đói phù sa" và việc khai thác cát ở các lòng sông là nguyên nhân chính gây ra sạt lở các bờ sông. Và sạt lở dọc theo các kinh, rạch là do vận chuyển của các ghe thuyền trang bị các động cơ quá mạnh.

RFI : Vậy thì, thưa ông Huỳnh Long Vân, chúng ta phải có những giải pháp ứng phó như thế nào với tình trạng sạt lở đó?

TS Huỳnh Long Vân : Đối với sạt lờ bờ biển, ta có thể thiết lập hàng rào phá sóng bằng những vật liệu rắn chắc như các trụ cột, các khối đá hoặc bê tông, đồng thời tái tạo, phục hồi rừng ngập mặn. Đối với sạt lở bờ sông, phải chấm dứt tệ nạn khai thác cát trái phép, không đúng quy hoạch. Đối với sạt lở kinh rạch, phải cấm ghe máy sử dụng các động cơ mã lực cao.

RFI : Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay còn gặp tình trạng bị sụt lún. Vậy thì nguyên nhân là vì sao và phải có giải pháp nào để ngăn chận tình trạng đó ?

TS Huỳnh Long Vân : Kết quả nghiên cứu của dự án " Rise and Fall" tại đồng bằng sông Cửu Long, do Đại học Cần Thơ phối hợp với Đại học Utrecht (Hà Lan) thực hiện, cho thấy sự sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề đáng lo ngại. Nguyên nhân là do việc khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát và quá trình đô thị hóa. Riêng ở Cà Mau - tỉnh ngày đêm khai thác hơn 400.000 m3 nước ngầm, theo nghiên cứu của các chuyên gia thuộc Viện Địa Kỹ Thuật Hoàng Gia Na Uy, nền đất của tỉnh Cà Mau mỗi năm sụt lún 1.56-2.3cm và mảnh đất ở phần cuối của lãnh thổ Việt Nam có nguy cơ biến mất trong vài thập niên nữa.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng khoảng 3mm/năm, trong khi ở nhiều nơi vùng nông thôn của đồng bằng sông Cửu Long, mức độ sụt lún khoảng 10-20mm/năm. Riêng khu vực thành thị và ở các khu công nghệ, mức độ sụt lún khoảng 25mm/năm. Sụt lún còn có tác động cộng hưởng với việc mất nguồn phù sa thô, khiến cho bờ biển bị sạt lở trầm trọng hơn, mất rừng, nước mặn xâm nhập sâu vào nội vùng, các sông và các tầng nước ngầm. Riêng đối với tỉnh Cà Mau, nếu để tình trạng sạt lở sụt lún tiếp tục như hiện nay, mỗi năm có thể mất đến 90.000ha .

Để ngăn chặn tình trạng sụt lún ở đồng bằng sông Cửu Long, các chuyên gia đều đồng ý là cần có biện pháp hạn chế khai thác nguồn nước ngầm và đưa ra những đề xuất như sau:

Ở vùng thượng nguồn châu thổ (Đồng Tháp, Khu Tứ Giác Long Xuyên..), có nguồn nước mặt dồi dào, nên có thể xây dựng các hồ trử nước trong mùa lũ, giảm sản xuất lúa vụ 3 và giảm xây dựng đê bao để vừa giữ được nước mặt, vừa bổ cập cho nước ngầm.

Ở vùng giữa của châu thổ với các đô thị như Cần Thơ, Long An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, phải triệt để cấm khai thác nước ngầm, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trang bị công nghệ tái sử dụng nước thải sau khi đã được xử lý.

Ở vùng ven biển, cần xây dựng các hồ chứa nước mưa, kết hợp với việc xây dựng các đường ống dẫn nước ngọt từ khu vực thượng nguồn châu thổ.

Được biết, tỉnh Cà Mau đang triển khai kế hoạch xây dựng các hồ chứa nước ngọt, có diện tích từ 200 ha đến 300 ha. Bên cạnh đó, địa phương cũng dự kiến tận dụng một số các tuyến sông, kinh, rạch để tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất. Bến Tre cũng đã tiến hành xây các hồ chứa nước ngọt có dung tích 1 triệu m3.

Chính phủ cũng đang tiến hành kế hoạch đầu tư 1.7 tỷ đôla và o dự án cung cấp 200.000-300.00 m3/ngày đêm nước ngọt, lấy từ sông Hậu cung cấp cho 7 tỉnh thành của miền Tây sông Hậu.

Ngoài ra, hiện nay công nghệ biến nước mặn thành ngọt bằng những kỹ thuật Nano và Reverse Osmosis tương đối rẻ tiền, nên thiết nghĩ đây cũng là một giải pháp khả thi cần được lưu ý.

RFI: Riêng Cần Thơ thì hiện nay bị ngập vào mùa nước nổi. Tác động của các đê bao là như thế nào ? Vì sao Cần Thơ và các thành phố khác bị ngập khi có mưa to ?

TS Huỳnh Long Vân : Các đê bao ở Đồng Tháp và khu Tứ giác Long Xuyên được xây dựng để ngăn chận nước lũ tràn vào ruộng đồng của vùng này giúp canh tác lúa vụ 3. Kế hoạch này dẫn đến hậu quả tai hại là gần như toàn bộ khối nước lũ theo sông Tiền và sông Hậu đổ xuống các vùng phía dưới như Cần Thơ, Sóc Trăng, Long An, Vĩnh Long. Những tỉnh thành này vốn có nền đất rất thấp so với mặt biển và không được bao che bởi các bờ đê, nên nước lũ tràn bờ ngập phủ nhiều tuyến đường trong thành phố, đặc biệt ở những nơi gần các kinh rạch.

Ở Cần Thơ vào tháng 09 và 10 vừa qua, mực nước sông Hậu đã lên cao đến 1,90m, mức báo động 3, cùng lúc với triều cường, nên một số tuyến đường như các đường 30 Tháng 4, Châu Văn Liêm, Mậu Thân ở quận Ninh Kiều, đường Bùi Hữu Nghĩa, ở quận Bình Thủy bị ngập nước (mặc dù mặt đường đã được nâng cao nhiều lần với các lớp nhựa), khiến xe cộ ì ạch, cư dân bì bõm trong nước. Riêng ở Sóc Trăng, nông dân phải đốn mía dù còn non, để tránh bị ngập úng.

Trong tháng 09 vừa qua, tại Hội nghị thảo luận chiến lược chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng với biến đổi khí hậu, tổ chức tại Cần Thơ, thủ tướng đã đồng ý cấp ngân khoản để kiện toàn, nâng cao khả năng xả lũ của đập Trà Sứ và khuyến cáo giảm dần canh tác lúa vụ 3. Ngoài ra, được biết thành phố Cần Thơ cũng có dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải và ứng phó với tình trạng ngập úng ở hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy.

Ngoài ảnh hưởng của đê bao, thành phố Cần Thơ và một số nơi khác như ở thành phố Hồ Chí Minh, mỗi khi có mưa lớn, một số nơi trong thành phố cũng bị ngập nước. Nguyên nhân là do hệ thống thoát nước cũ kỹ hay quá sơ sài; ngoài ra cũng do một số kinh rạch, vốn là nơi nước rút, nay được lấp đất để làm mặt bằng trong kế hoạch đô thị hóa; mở rộng và xây thêm đô thị dàn trải, khiến một diện tích lớn đất đai bị xi măng hóa, nên việc thoát nước bị chậm lại. Tình trạng ngập nước này trở nên tồi tệ hơn nếu xảy ra cùng lúc với triều cường.

RFI: Trước những tác động của biến đổi khí hậu và việc Thái Lan chuyển dòng nước sôngMêkông và Cam Bốt cũng có ý định muốn sử dụng nguồn nước ở Biển Hồ để gia tăng sản xuất nông nghiệp, đồng bằng sông Cửu Long phải có kế hoạch ứng phó như thế nào trước tình trạng sẽ thiếu nước trầm trọng vào mùa khô?

TS Huỳnh Long Vân : Thái Lan định làm dự án Khon-Loei-Chi-Mun để hàng năm chuyển 4,5 tỉ m3 nước từ sông Mekong qua sông Loei, để tưới vùng Đông Bắc. Cam Bốt cũng rục rịch muốn sử dụng khối nước ở Biển Hồ để mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp.

Trước đây, vào năm 1989, Thái Lan đã triển khai, nhưng thất bại, một dự án tương tự để chuyển nước sông Mekong, trong kế hoạch gia tăng sản xuất nông nghiệp ở khu vực Isaan, miền Đông Bắc Thái Lan. Còn ý định của Cam Bốt hiện còn trong giai đoạn thai nghén.

Tuy nhiên, thiết nghĩ nhà chức trách Việt Nam cũng nên tiến hành xây dựng các hồ chứa nước, để ứng phó với tình trạng thiếu nước trầm trọng có thể xảy ra trong tương lai và xem đây như một "biện pháp không hối tiếc", nghĩa là nếu kế hoạch của Thái Lan một lần nữa thất bại và Cam Bốt từ bỏ ý định của mình, thì việc xây dựng các hồ chứa nước cũng sẽ góp phần đáng kể vào giải pháp ứng phó với tình trạng sụt lún của đồng bằng sông Cửu Long do việc khai thác nước ngầm quá đáng. Và trước những toan tính này của hai quốc gia láng giềng, việc giảm dần canh tác lúa vụ 3 để tiết kiệm nước cũng là điều phải dứt khoát.

RFI: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, tình trạng ngập úng ở vùng Đồng Tháp, Tứ Giác Long Xuyên sẽ trầm trọng hơn và nước mặn sẽ lấn sâu vào nội địa khiến diện tích canh tác giảm dần. Vậy phải có giải pháp nào để sản xuất và cuộc sống người dân không bị ảnh hưởng hoặc tồi tệ hơn ?

TS Huỳnh Long Vân: Ngày 17/11/2017, thủ tướng chính phủ CHXHCN Việt Nam đã ban hành nghị quyết 120/NQ-CP, công bố chiến lược chuyển đổi mô hình phát triển đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiến lược này xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao là xu thế tất yếu, một thách thức lớn lao đối với đồng bằng sông Cửu Long và vạch ra đường hướng phát triển kinh tế đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai, bao gồm hai tiểu vùng nêu ra trong câu hỏi trên.

Nghị quyết còn nhấn mạnh là việc phát triển đồng bằng sông Cửu Long phải phù hợp với điều kiện thực tế, và trong quy hoạch không chỉ có nước ngọt, mà nước lợ, nước mặn cũng được xem là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế.

Và nghị quyết120/NQ-CP đưa ra một số giải pháp tổng thể, trong đó có phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xây dựng đô thị thích hợp với các tiểu vùng sinh thái:

Vùng ngập sâu (Đồng Tháp và một phần của khu Tứ giác Long Xuyên) trở thành vùng quản lý ngập và trữ nước ngọt, nhằm chủ động cung cấp nước ngọt cho toàn thể châu thổ; diện tích lúa vụ 3 sẽ được giảm dần và lối sản xuất nông nghiệp độc canh, tăng sản lượng lúa gạo sẽ được chuyển sang luân canh với các loại cây trồng, thủy sản khác để tận dụng nước lũ ; hoàn chỉnh các công trình xây dựng những cụm dân cư vượt lũ và phát triển đô thị ở tiểu vùng này được hạn chế.

Vùng sinh thái nước ngọt (nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và Tây sông Hậu) là vùng sản xuất nông nghiệp (lúa, trái cây và hoa màu...). Đây là tiểu vùng thuận lợi cho phát triển đô thị, nhưng không dàn trải, để dành đất nông nghiệp màu mở cho sản xuất.

Vùng ven biển (ven biển Đông, biển Tây và bán đảo Cà Mau là vùng có những chuyển đổi, sẽ mở rộng nuôi trồng thủy sản nước lợ trong điều kiện nước mặn xâm nhập, gắn với trồng rừng ngập mặn, và phát triển luôn cả ngành nuôi hải sản ở vùng biển ngoài khơi (nuôi trồng rong biển, cá biển, tôm hùm, ..). Việc mở rộng đô thị ở vùng này cũng cần hạn chế, để giảm rủi ro do thiên tai gây ra bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Giải pháp nêu trên không can thiệp thô bạo vào điều kiện tự nhiên, không xây dựng các đê biển bao bọc toàn bộ vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long, như ở Hà Lan, nhưng dựa vào tính đặc trưng của từng tiểu vùng để thúc đẩy phát triển đô thị và kinh tế của mỗi khu vực, đảm bảo cuộc sống của người dân trong châu thổ. Giải pháp này dựa theo phương châm "chủ động sống chung với lũ, với nước lợ và mặn" để biến thách thức thành cơ hội.

Còn đối với vấn đề nước biển dâng khiến diện tích canh tác bị giảm dần thì trong mô hình phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long ứng phó với biến đổi khí hậu cho thấy: "kinh tế nông nghiệp" có chất lượng cao sẽ thay thế lối canh tác nông nghiệp trước đây chú trọng đến sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực; những giống lúa đặc sản, cao sản sẽ được lựa chọn và gieo gặt trên những cánh đồng lớn bằng phương tiện cơ giới ; công nghệ chế biến thực phẩm sẽ được kết hợp để gia tăng chuổi giá trị của sản phẩm nông nghiệp.

Như thế, mặc dù diện tích canh tác sẽ bị thu hẹp, nhưng mức thu nhập của nông dân sẽ được nâng cao.

 

NTQ_Jul25_CuPTG.jpgTưởng niệm Kinh lược sứ

PHAN THANH GIẢN:

Tấm gương sáng

cho hậu thế   

______________________________________________________

 

                                                                                                   Huỳnh Long Vân Ph.D

 

Phan Thanh Giản sinh năm 1796 mất năm 1867, quê quán tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Ông là một danh nhân của vùng đất Bến Tre. Cuộc đời ông là những ngày tháng trắc trở, gian truân từ lúc sinh ra cho đến cuối đời. Ông là vị Tiến sĩ Nho học đầu tiên và duy nhứt của đất Nam kỳ, phụng sự 3 triều vua: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.

41 năm (1826 đến 1867) cụ Phan Thanh Giản phụng sự đất nước và dân tộc là thời điểm của cao trào chủ nghĩa thực dân và ngoại giao bằng tàu chiến và súng đạn. Các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hoà Lan, Anh, Pháp, Ý, Hoa Kỳ  sau cuộc ‘Cách mạng Kỹ nghệ' thành công đã đua nhau tràn sang Châu Á tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa, chiếm cứ đất đai để khai thác tài nguyên bản địa phục vụ cho nền kỹ nghệ chính quốc.
Bi kịch cuối đời của cụ Phan gắn liền với giai đoạn các tỉnh Nam kỳ bị thực dân Pháp xâm chiếm (1862-1867), mà đỉnh điểm là việc ba tỉnh miền Tây Nam kỳ gồm Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên lọt vào tay quân xâm lăng Pháp lúc ông đang được giao trọng trách Kinh lược sứ trấn giữ các tỉnh này. Thành mất, cụ Phan Thanh Giản đã chọn cho mình cái chết như một vị tướng trung liệt.

Nhắc đến cái chết của cụ Phan khiến tôi bùi ngùi xúc động nhớ lại hình ảnh bà nội tôi 70 năm về trước, lau chùi nước mắt mỗi khi nghe bộ đỉa hát "Phan Thanh Giản tuẩn tiết". Hỏi sao lại khóc, bà lặng lẽ trả lời: "Tội nghiệp Ông Cố quá". Thực hư ra sao và gần xa thế nào của mối liên hệ này thật tình tôi không rõ, tuy nhiên có một sự ngẩu nhiên đầy thích thú  là tên họ Phan Thanh Giản ít nhiều đánh dấu từng giai đoạn của cuộc đời tôi: thời thơ ấu học trường làng và ở chung nhà với người Bà, thỉnh thoảng mở "dàn máy hát" để Bà nghe lại cuộc đời cụ Phan; lên trung học xuống Cần Thơ mỗi ngày theo đường Phan Thanh Giản cấp sách đến trường Trung học Phan Thanh Giản; vào đại học yêu cô nữ sinh viên Kim Chung học cùng phân khoa Dược và cô ta, nay là hiền thê của tôi,  ở trọ trong căn nhà ở đường Phan Thanh  Giản; tốt nghiệp đại học được trưng tập vào binh chủng quân y, phục vụ nhiều năm trong  một bệnh viện có tên Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ, một đơn vị chửa trị thương bệnh binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu để gìn giữ an ninh lãnh thổ miền Tây Nam phần Viêt Nam. Sau ngày 30/04/1975 tên tuổi Phan Thanh Giản ở mọi nơi đều bị xóa mất, nhưng sợi dây vô hình liên kết đời tôi với cụ Phan vẫn không bị đứt đoạn, vì hình ảnh và công đạo của cụ được gói gém trọn vẹn trong nguyện  vọng của tôi, tha thiết mong thấy danh dự cụ được phục hồi và đây là một phần của đề tài

Tưởng niệm Kinh lược sứ  Phan Thanh Giản:
Tấm gương sáng cho hậu thế

trình bày, trong buổi lễ tưởng niệm 150 năm cụ Phan Thanh Giản tuẩn tiết tổ chức tại Việt Việt Học ở California, Hoa Kỳ, với 4 phần chánh sau đây:

  • Mất 6 tỉnh Nam kỳ và những chánh sách sai lầm của vua Tự Đức và Triều đình Huế
  • Xử trảm hậu cụ Phan: Bản án bất công và oan nghiệt
  • Cần Thơ với nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản
  • Nhân phẩm Phan Thanh Giản và những bài học cho các thế hệ sau

1.       Mất 6 tỉnh Nam kỳ vào tay quân Pháp và những chánh sách sai lầm của vua Tự Đức và Triều đình Huế

Triều Nguyễn có những đóng góp to lớn vào việc thống nhứt đất nước, mở rộng bờ cỏi, nhưng cũng chính trong triều đại này, đặc biệt dưới thời vua Tự Đức, Việt Nam bị thực dân Pháp thôn tính, trước tiên là 6 tỉnh Nam kỳ. Nguyên nhân của việc mất nước, tuy có nhiều nhận định khác nhau nhưng các học giả và các nhà sử học đều đồng ý ở một điểm: nhà Nguyễn đã thi hành môt số chánh sách sai lầm, tai hại nhứt là ‘bế quan tỏa cảng và "cấm đạo, sát đạo".

Lỗi lầm này rất hiển nhiên khi chúng ta so sánh những chánh sách ngoại giao, ngoại thương của Nhật Bản, Thái Lan với những đường lối điều hành việc nước của Trung Quốc và Việt Nam vào giữa thế kỷ thứ XIX trước làn sóng xâm lăng của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Y Pha Nho v.v..

1.1   Nhật Bản

Vào tháng 8 năm 1853, đề đốc Matthew Perry của hải quân Hoa Kỳ với 4 hắc thuyền tiến vào vịnh Edo mang thư của Tổng Thống Millard Fillmore, yêu cầu Nhật Bản mở cửa giao thương và hẹn một năm sau sẽ trở lại để nhận trả lời từ phía Nhật Bản. Khi chiến hạm ra đi họ nổ súng rầm trời với đạn mã tử bắn từ 73 khẩu súng thần công để thị oai. Không đợi đến một năm, mà sáu tháng sau đề đốc Perry đã hối hả trở lại với 10 chiến thuyền và 1600 binh sĩ để làm áp lực và một hiệp ước thuộc loại bất bình đẳng được ký kết giữa chánh quyền Mạc phủ của Nhật Bản và Hoa Kỳ, mở cửa cho hai nước, và sau đó với các quốc gia phương Tây khác, giao thương. Qua hiệp ước này Nhật Bản thấy được sự yếu kém của mình nên nhanh chóng tiến hành canh tân xứ sở, tiếp thu toàn diện văn minh thế giới phương Tây và sau 15 năm từ một đất nước phong kiến Nhật Bản tiến lên hàng cường quốc, bảo toàn được xứ sở khỏi cao trào xâm lăng của phương Tây.


1.2   Thái Lan

Vào năm 1855, khi Ông John Bowring, Thống đốc Hồng Kông, xuất hiện trên một chiến hạm ở cửa sông Chao Phraya, Hoàng đế Mongkut (Rami IV) nhanh chóng ký Hiệp ước Bowring, hủy bỏ độc quyền thương mại của nhà vua, bải bỏ thuế nhập khẩu, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc buôn bán của Anh Quốc ở Thái Lan. Những hiệp ước tương tự cũng được ký với nước Phổ (Đức) vào năm 1862, với Áo và Hung Gia Lợi vào năm 1869. Ký các hiệp ước bất bình đẳng này, hoàng gia mất đi phần lớn nguồn lợi tức có từ lâu đời nhưng ngược lại giúp Thái Lan hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, biến Thái Lan trở thành một trung tâm đầu tư và một thị trường tiêu thụ hàng hóa của phương Tây. Mặt khác sản phẩm của Thái Lan như gạo, khoáng sản, và gổ liêm cũng được nhà vua cho phép xuất khẩu sang phương Tây. Sau đó vua Mongkut tiến hành canh tân xứ sở, xây dựng đường xá, đào kinh, cải cách nông nghiệp gia tăng diện tích đất canh tác và cho người Hoa nhập cư để gia tăng sản xuất nông nghiệp, giúp Thái Lan trở nên phổn thịnh. Vua Mongkut (Rama IV) và người kế vị là vua Chulalongkorn (Rama V), ứng dụng những phát minh khoa học của phương Tây để phát triển quốc phòng, học hỏi những kiến thức tân tiến ngay cả với những thừa sai thay vì sát hại họ, giao thiệp với Tòa thánh Vatican và các lãnh đạo phương Tây, áp dụng đường lối ngoại giao khôn khéo biến Thái Lan thành vùng trái độn, ngăn chận được ý đồ xâm lăng của Pháp và Anh quốc.

1.3   Trung Quốc

Trong khi đó với Trung Quốc  thì hoàn tòan trái ngược; trước đòi hỏi của chính phủ Anh được quyền tự do buôn bán nha phiến từ Ấn Độ thuộc Anh, nhà Mãn Thanh tuyệt đối nghiêm cấm, từ đó xảy ra hai cuộc chiến tranh Nha phiến giữa Trung Quốc và  Anh quốc; kết quả Trung Quốc thảm bại nên phải công nhận thương quyền buôn nha phiến của ngoại quốc và phải ký nhiều hiệp ước bất bình đẳng, mở nhiều cảng cho các nước ngoài vào thông thương. Hồng Kông bị cắt làm nhượng địa cho Anh quốc, Ma Cao trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Nhiều nước khác như Đức, Pháp, Nhật, Nga...theo chân nước Anh buộc Trung Hoa phải chấp nhận nhiều điều kiện bất bình đẳng. Với hiệp ước Hoàng Phố 1844, Pháp chánh thức đặt chân lên lãnh địa Trung Hoa. Ở phía Bắc, năm 1850 quân đội Nga Hoàng tràn xuống Hắc Long Giang chiếm đóng Mãn Châu.

1.4   Việt Nam

1.4.1       Vương triều Nguyễn và vua Tự Đức

Từ lâu đời là một chư hầu của Trung Quốc, nên trong điều hành quốc sự, vua quan Việt Nam rập khuôn theo nhà nước phong kiến ở phương Bắc và trước áp lực xâm lăng của ngoại bang vào giữa thế kỷ XIX đã áp dụng chánh sách bế quan tỏa cảng và cấm đạo.

Vua Gia Long đã nhiều lần từ chối người Anh đến xin được mua bán và ngay cả người Pháp việc mua bán cũng không được thuận lợi. Gia Long và Minh Mạng đã khước từ tổng cộng 30 đoàn ngoại giao và ngoại thương phương Tây muốn đặt quan hệ với Việt Nam. Chánh sách bế quan tỏa cảng làm cho Việt Nam cô lập với thế giới bên ngoài và công thương nghiệp bị đình đốn nghiêm trọng.

Nhằm đề phòng và ngăn chặn sự mở rộng truyền bá đạo Thiên Chúa ở trong nước, vua Minh Mạng cho ban hành các chỉ dụ cấm đạo, truy nã ráo riết các thừa sai, điều này đã dẫn tới một hậu quả là máu của các thừa sai và giáo dân đã đổ. Đến thời Tự Đức, việc cấm đạo càng gắt gao hơn, nhằm mục đích tận diệt Thiên Chúa giáo ở Việt Nam khiến các thừa sai phải kêu gọi chánh phủ Pháp can thiệp vào Việt Nam để giải cứu người theo Thiên Chúa giáo.

Ngoài hai chánh sách đầy lỗi lầm trên, dưới thời triều Nguyễn tuy "trọng nông ức thương" nhưng nông dân vẫn bị bốc lột. Dân chúng khổ sở nên có hàng trăm cuộc nổi dậy từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, nổi bật hơn cả là các cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành, Nông Văn Vân, Lê Văn Khôi, Cao Bá Quát. Trong khi xã hội trở nên bất ổn vua Tự Đức cho xây thành ‘Vạn Niên Cơ' tức Khiêm Lăng. Công việc sưu dịch xây lăng quá cực khổ, lại bị quan lại đánh đập tàn nhẫn, dẫn đến cuộc nổi loạn Chày Vôi của dân phu xây lăng.

Mặt khác vốn bị ảnh hưởng nặng nề của  tư  tưởng Nho giáo, triều đình nhà  Nguyễn từ  Minh Mạng trở  đi, đặc biệt dưới  thời vua Tự  Đức lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh làm mẫu mực, rất chú  trọng đến văn chương thi phú, và  xao lãng về  quân sự  và  quốc phòng. Vũ khí và trang thiết bị không được tân trang. Trang bị bộ binh rất lạc hậu: đa phần là gươm và giáo, 10 người mới có 1 khẩu súng, mỗi năm chỉ tập bắn 1 lần 6 viên đạn. Súng thần công được bố trí không để phát huy hỏa lực mà là để tránh khỏi bị nước mưa làm hư hại. Thủy binh không có đủ khả năng để bảo vệ bờ biển chống hải tặc. Việc giảng dạy binh pháp không chú trọng tới sách vở phương Tây mà quay trở về với binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo.

1.4.2        Triều thần

Đám quần thần cũng giam mình trong những giáo lý đã chết cứng của Thánh hiền nên rất bảo thủ, vẫn nghĩ phương Tây kém văn minh không đáng tin cậy nên quay lưng lại mọi trào lưu tiến hóa trên thế giới, khước từ mọi đề nghị cải cách đất nước của từng lớp trí thức yêu nước cấp tiến và không noi theo gương Nhật Bản, Tháí Lan đã khôn ngoan tiếp đón Tây Phương, học hỏi những tiến bộ về  khoa học kỹ thuật để canh tân xứ sở và tránh được ngoại xâm.

Gỏ cửa yêu cầu được tự do truyền đạo và buôn bán nhưng bị làm ngơ nên nhiều cuộc tấn công của hải quân Pháp vào Việt Nam đã diễn ra, mở đầu  bằng cuộc bắn phá cửa biển Đà Nẵng năm 1856.

*        Từ năm 1858 đến 1861 quân Pháp nhiều lần tiến đánh Đà Nẳng và Gia Định  và quân ta thảm bại trên khắp mặt trận, nhưng triều đình Huế vẫn tiếp tục bác bỏ những yêu cầu của Pháp và Y Pha Nho được tự do truyền đạo và giao thương.

*        Từ tháng 02/1861 đến tháng 03/1862 quân Pháp lần lượt đánh chiếm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, Bà Rịa và Vĩnh Long.

*        Tiếp đến Pháp dùng tàu chiến phong tỏa đường biển, chận nguồn tiếp tế lương thực từ đồng bằng sông Cửu Long ra Phú Xuân khiến triều đình Huế bị "chết nghẻn". Bó tay nên vào tháng 04/1862 vua Tự Đức đề nghị xin mở cuộc hoà đàm và chấp nhận những điều kiện tiên quyết của Pháp đưa ra.

 

1.4.3        Phan Thanh Giản và sứ mạng cứu vãn tình thế tuyệt vọng của đất nước

a.      Hòa ước Nhâm Tuất 1862

Phan Thanh Giản được vua Tự Đức cử làm Chánh sứ toàn quyền đại thần và Lâm Duy Thiếp làm Phó sứ để đám phán với Pháp. Sau 4 ngày thương thuyết từ 30/05/1862 đến 02/06/1862  Việt Nam đồng ý nhường Biên Hòa, Gia Định, Định Tường và  Côn Đảo; bồi thường chiến phí 4 triệu đồng bạc trả trong 10 năm, và chấp thuận cho người Pháp và Y Pha Nho được quyền tự do truyền đạo và buôn bán.

b.      Đi sứ sang Pháp năm 1863 để chuộc 3 tỉnh miền Đông

Mặc dù Hòa ước Nhâm Tuất 1862 được vua Tự Đức phê chuẩn nhưng nhà vua vẫn lo lắng tìm cách chuộc lại phần đất đã mất. Điều đình với soái phủ Pháp ở Sài Gòn thất bại, nên triều đình Huế quyết định gởi sứ bộ sang Pháp và Y Pha Nho để thương thuyết. Phan Thanh Giản được cử làm Chánh sứ và Phạm Phú Thứ làm Phó sứ.

Ở Paris Phan Thanh Giản đã trình lên Hoàng đế  Napoleon III mục đích của sứ bộ là xin chuộc 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ. Vào ngày 17/07/1864, Aubaret  đại diện cho Pháp tới Huế ký với Phan Thanh Giản một hòa ước mới, trong đó Pháp sẽ trả 3 tỉnh miền Đông cho Việt Nam.

Nhưng các tướng tá từng chỉ huy các trận chiến ở Việt Nam kịch liệt phản đối. Bộ Trưởng Hải quân và Thuộc địa, Chasseloup Laubat, khuyến nghị giữ nguyên Hòa ước 1862 nếu không sẽ từ chức. Vì thế Napoleon phải nhượng bộ và việc chuộc lại 3 tỉnh miền Đông bất thành. Sứ mạng không thành vì sự thắng thế của phe chủ chiến của Pháp chứ không phải vì cụ Phan không hết lòng.

c.       Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây và Phan Thanh Giản tuẩn tiết

Bộ trưởng Hải quân và Thuộc địa Chasseloup Laubat khẳng định: chiếm luôn các tỉnh miền Tây sẽ giúp ổn định toàn bộ Nam kỳ và mở đường sang Cao Miên, nên đầu năm 1867 quân Pháp đã làm xong kế hoạch, lập 8 Thanh tra tòa cho 3 tỉnh và bố trí nhân sự để chờ lệnh đến nơi làm việc. Ngày 15/06/1867 De la Grandière rời Sài Gòn xuống Vĩnh Long với 17 chiến hạm. Nửa đêm 19/06/1867 hạm đội tới Vĩnh Long và  sáng hôm sau ra lệnh cho Phan Thanh Giản phải nộp thành trong vòng 2 tiếng đồng hồ với lý do Pháp cần chiếm 3 tỉnh miền Tây để chấm dứt "phiến loạn" và "giặc cướp" mà triều đình bất lực trong việc ngăn chận. Nghĩ rằng đụng độ tại chỗ với Pháp đầy vũ khí tối tân là vô ích, chỉ làm tổn hại thêm quân lính, cụ Phan Thanh Giản ra lệnh không cho đánh trả. Pháp chiếm Vĩnh Long và trong các ngày sau đó thôn tính luôn hai thành An Giang và Hà Tiên.

Mất thành Vĩnh Long, cụ Phan Thanh Giản sau 15 ngày tuyệt thực không chết, quyết định uống thuốc độc chấm dứt cuộc đời.

2.       Xử trảm hậu cụ Phan Thanh Giản: Bản án bất công và oan nghiệt

Sau khi mất 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, ngày 24/10/1867 vua Tự Đức xuống chiếu truyền truy cứu trách nhiệm của tất cả những quan chức liên quan đến việc làm mất sáu tỉnh Nam kỳ. Đầu năm 1869, nhà vua cho công bố bản án kết tội Phan Thanh Giản có trách nhiệm trong việc để mất sáu tỉnh Nam kỳ vào tay giặc Pháp: ba tỉnh miền Đông vì mất cảnh giác và lơ là trong việc thương thuyết với  Pháp, ba tỉnh miền Tây vì không nắm được thời cơ. Với tội danh này, tên tuổi Phan Thanh Giản bị đục khỏi bia tiến sĩ, và mặc dầu đã chết vẫn cứ bị kêu án chặt đầu, xem như  là lời cảnh cáo đối với các thế hệ sau.

Thử hỏi phán quyết này có đúng không?

Phan Thanh Giản được triều đình giao phó sứ mạng hòa đàm với Pháp, và cụ Phan ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 nhường 3 tỉnh miền Đông. Việc làm này của cụ xét ra đúng với thẩm định của vua Tự Đức và triều đình; vì trước  đó khi cử Phan Thanh Giản làm Chánh sứ toàn quyền đại thần vua tôi đã bàn định kỹ các khả năng, giải pháp  kể cả việc "cắt đất": "Kẻ kia (Charner) trước có xin giao hết cả tỉnh thành và đất phụ thuộc của Gia Định, Định Tường và đóng quân ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa. Nay bọn kia tất không khỏi cố ý yêu cầu cắt đất Biên Hòa, Vĩnh Long giao cho họ để mong cho hòa ước cũ tất phải thành. Nay vâng xét nghĩ: ở Gia Định từ thành cũ, kẻ kia đã lập đồn để đóng và địa giới ở ven sông hai huyện Tân An, Cửa An thuộc hạt ấy, một số vùng ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa và đất phụ cận ở ngoài thành tỉnh Định Tường, nghĩ hãy tạm cho bọn kia quản nhận cư trú; còn điạ phận các hạt khác cùng là toàn hạt tỉnh Vĩnh Long, đều nên giao trả về nước ta quản trị..."

Ngoài ra nếu Phan Thanh Giản ký hòa ước nhượng đất cho Pháp trái ý vua thì tại sao Tự Đức tiếp tục giao phó nhiều trọng trách giao thiệp với Pháp và năm 1863 chính vua Tự Đức đã phê chuẩn hòa ước, làm lễ đại triều ở điện Thái Hòa tiếp sứ thần hai nước Pháp, Y Pha Nho để trao đổi văn bản hòa ước.

Dẩu sao trong Hòa ước Nhâm Tuất 1862, cụ Phan đã đòi lại được tỉnh Vĩnh Long và trong cái thế chiến trường tan nát ấy, việc dành lại được một tỉnh cũng là một thắng lợi, tuy khiêm nhượng;  đúng ra phải được ghi công hơn là bắt tội. Vì thế việc vua Tự Đức kết tội cụ Phan "đem 3 tỉnh Gia Định, Biên Hoà, Định Tường cho người khác một cách dễ dàng"  là điều không hợp lý và oan nghiệt.

Về việc mất 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ, những văn bản của triều đình còn lưu lại cho thấy khi  nhận được mật tin  quân Pháp  muốn chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ vua Tự Đức và triều đình thấy "thế đất (miền Tây) cheo leo, muốn giữ cho không lấn cũng khó" nên đưa cụ Phan Thanh Giản vào Nam, không để chuẩn bị đánh nhau với quân Pháp, mà là hy vọng vào uy tín và tài ngoại giao của cụ để thuyết phục quân Pháp nghiêm chỉnh thi hành Hòa ước Nhâm Tuất 1862. Là  một nhà  thâm Nho nên nghĩ rằng không phải vũ lực mà nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mới đáng sợ nên khi giao cho cụ Phan Thanh Giản trọng trách này vua Tự Đức dặn dò như sau "Lấy trung tín làm đầu thì cọp dữ cũng phải tránh qua; con cá sấu hung bạo cũng bơi xa. Mọi người đều phải nghe theo điều nhân nghĩa". Những chủ trương, và suy nghĩ của triều đình như thế ắt dẫn đến hậu quả tất nhiên là không thể nào giữ được ba tỉnh miền Tây và giả sử vua Tự Đức có cử bất cứ nhà ngoại giao nào thì chắc chắn cũng không thuyết phục được Pháp từ bỏ ý đồ chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ.
Chúng ta là những chứng nhân của lịch sử Việt Nam thời cận đại, hẳn không quên 2 sự kiện lịch sử quan trọng: Hiệp định Paris 1973 và biến cố lịch sử ngày 30/04/1975.
Ký hiệp định Paris 1973 dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của chánh thể Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), và Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhận lãnh trách nhiệm này. Hai Ông Ngoại trưởng Phạm Đăng Lâm và Trần Văn Lắm lần lượt là Trưởng phái đoàn đàm phán của VNCH  không hề bị khiển trách, và sau này được đề cử và tín nhiệm vào những chức vụ quan trọng khác: một Ông được bổ nhiệm Đại sứ VN tại Anh Quốc và một vị được bầu vào chức vụ Chủ tịch Thượng Nghị viện. Trái lại trong Hoà ước Nhâm Tuất 1862, thay vì phải liên đới chịu trách nhiệm trước dân tộc vì đã áp dụng những chánh sách sai lầm trong việc giữ nước trước áp lực xâm lăng của quân Pháp, vua Tự Đức và triều đình lại tìm cách đổ trút tội lỗi lên vai vị Chánh sứ đại thần Phan Thanh Giản. Bất công nào bằng!
 Còn về việc mất 3 tỉnh miền Tây vào tay quân Pháp thì bi kịch lịch sử này đã tái diễn khi các tỉnh vùng Hậu Giang và phần còn lại của lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa rơi vào tay quân đội Cộng sản Bắc Việt vào ngày 30/04/1975. Mặc dù sau đó có hàng trăm ngàn quân, cán, chánh Việt Nam Cộng Hòa phải bị tù đày và hơn triệu người bất chấp hiễm nguy bỏ xứ ra đi tìm tự do, nhưng hơn 40 năm trôi qua  không hề có một tập thể  hay phiên tòa nào kết án Tổng Thống Dương Văn Minh là hèn nhát, vì biết rằng quyết định của Ông ra lệnh cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa  buông súng là hành động thức thời trước tình thế tuyệt vọng của đất nước; và thật sự quyết định này đã tránh được những đổ nát và chết chóc vô ích. Cán cân quân sự vào thời điểm 1975 nghiên hẳn vế phía lực lượng Cộng sản Bắc Việt và đó cũng là tình huống mà cụ Phan Thanh Giản đã gặp phải trước sức mạnh xâm lăng của quân đội Pháp có nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân, và lối đánh chưa từng có trong binh thư phương Đông. Để tránh những tổn hại sinh mạng, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản đã không đối đầu với quân Pháp.
Công lý nào có thể biện hộ cho phán quyết bất công đối với vị Đại thần suốt đời yêu nước thương dân? Phải chăng xử trảm hậu cụ Phan là chuyện" Trăm dâu đổ đầu tầm" cốt để gở tội cho vua Tự Đức và đám triều thần bảo thủ đã thi hành những chánh sách sai lầm trước âm mưu xâm lăng của thực dân Pháp.

3.       Cần Thơ với nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản

Năm 1885, vua Đồng Khánh xóa án trảm hậu và khôi phục hàm cũ là Hiệp tá Đại học sĩ cho cụ Phan, nhưng oan nghiệt vẫn tiếp tục bám riết cụ. 96 năm sau ngày tuẫn tiết vẫn không được nằm yên dưới đáy mồ, vì trong cuộc hội thảo lịch sử được tổ chức tại Hà Nội năm 1963, dưới sự chỉ đạo của Ông Trần Huy Liệu, cụ Phan Thanh Giản lại bị lôi ra tòa và bị kết án là kẻ hèn nhát dâng thành cho giặc Pháp, tên bán nước. Chính vì bản chất vu oan và  thóa mạ này mà sau ngày 30/4/1975 ở miền Nam Việt Nam có những chỉ thị và hành động thất nhân tâm đối với cụ Phan - nào là bức tượng cụ Phan ở Văn Thánh Miếu Vĩnh Long vị bắn xuyên tim, bức tượng trước 1975 đặt tại trung tâm thị xã Bến Tre bị vùi lấp ở vũng lầy, bức tượng giữa sân trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ bị đập phá cùng với ngôi trường bị mất học hiệu, các con đường mang tên Phan Thanh Giản cũng bị thay tên - khiến quần chúng phẩn uất.

Trước những phê phán sai lầm này của giới sử học miền Bắc, đại diện người dân Cần Thơ là tập thể các cựu giáo sư và cựu học sinh trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ ở hải ngoại đã đồng hành với người dân hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre tích cực vận động, kiên nhẩn đòi hỏi Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVH) phải trả lại công bằng cho vị Tiến sĩ Nho học đất Nam kỳ.

3.1   Cụ Phan Thanh Giản được lịch sử tôn vinh

Ngày 20/01/2008 Viện Sử học CHXHCNVN trong công văn số 16/VSH phúc đáp công văn số 04/DSVH-DT ngày 02/01/2008 của Cục Di sản Văn hóa về việc đánh giá sự nghiệp công lao đóng góp của cụ Phan Thanh Giản có ý kiến trả lời như sau:

".......Về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản đã có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, nhiều cuộc Hội thảo khoa học được tổ chức để đánh giá một cách khách quan về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến của Ông đối với lịch sử dân tộc. Về cơ bản, các nhà sử học đánh giá cao về công lao của ông trên nhiều lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa. Khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây (1867), Ông đã tuẩn tiết để giữ trọn chữ trung. Với nhận thức mới trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản xứng đáng được tôn vinh bằng nhiều hình thức khác nhau....."

Viện Trưởng

Nguyễn Văn Nhật

3.2   Tôn tạo các di tích cụ Phan

Dựa trên những kết luận đánh giá của Viện Sử học, ngày 24/01/2008 Cục Di sản Văn hóa đã có công văn cho phép tôn vinh Phan Thanh Giản và trên cơ sở đó kiểm kê các di tích liên quan đến nhân vật, lập kế họach tu bổ, tôn tạo.

Tháng 05/2008 GS Nguyễn Trung Quân và tôi đã về Việt Nam: ở Hà Nội chúng tôi tiếp xúc với TS Nguyễn Quốc Hùng, Cục Phó Thường trực, Cục Di sản Văn hóa, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký,  và ở Cần Thơ tham dự buổi họp đặc biệt của Hội đồng Nhân dân Thành phố Cần Thơ để thảo luận và triển khai công việc bảo tồn, tôn tạo các di tích cụ Phan trong đó có ngôi trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ.

Trước tin vui cụ Phan được lịch sử tôn vinh, tôi tham gia chương trình "Mỗi người một giọt đồng dựng tượng cho Danh nhân" do Tạp chí Xưa & Nay, Cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chủ trương để bảo tồn và tôn tạo các di tích Phan Thanh Giản.

  • Vào ngày 05/08/2008 tượng cụ Phan Thanh Giản do Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Thủ Tướng CHXHXNVN phụng hiến, đã được an vị ở Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Vì vừa từ Việt Nam trở về Sydney vào cuối tháng 5 nên tôi đã đề nghị Ban Tổ chức mời ba cựu giáo sư Lê Minh Thuận, Lê Văn Quới, Quách Thị Trang và ba cựu học sinh La Phú Xương, Huỳnh Phước Duyên, Hồ Trung Thành của trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ tham dự buổi lễ khánh tượng này.
  • Năm sau vào ngày 18/04/2009 tôi và Kim Chung về Việt Nam tham dự lễ an vị tượng cụ Phan - do chúng tôi phụng hiến - tổ chức tại trường Trung học Phan Thanh Giản ở quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
  • Đến ngày 26/08/2017 tới đây, thêm một tượng cụ Phan - cũng do chúng tôi phụng hiến - sẽ được an vị tại Ngôi Miếu thờ cụ Phan trong khuôn viên Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt, Sài Gòn; tôi và Kim Chung sẽ về Việt Nam tham dự buổi lễ này.


Xua & Nay ........@yahoo.com>

5 Jun at 12:21 PM

To: Van Huynh

Message body

Chào anh Long Vân

Tôi vừa trao đổi với Ban Quý Tế Lăng Lê Văn Duyệt, được biết ngày giỗ lần thứ 150 cụ Phan Thanh Giản là ngày 26 tháng 8 năm 2017 (ngày 5 tháng 7 Âm lịch) , Ngày giỗ cụ Phan năm nay được tổ chức trang trọng vì là năm chẵn (150 năm) kết hợp với lại lễ an vị tượng cụ . Vậy thông tin để anh có kế hoạch về Việt Nam tham dự
Về dòng lạc khoảng để sau bức tượng có nội dung :

Chương trình "Mỗi người một giọt đồng đúc tượng Danh nhân"

Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam - Tạp chí Xưa và Nay chủ trương
Ông, bà Huỳnh Long Vân - Cựu học sinh Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ
Phụng hiến

Chúc sức khỏe anh chị và gia đình

Kính

Nguyễn Hạnh

3.3   Bảo tồn kiến trúc trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ

PTG_old.jpg

 

Cần Thơ có ngôi trường lớn nhứt ở miền Hậu giang mang tên vị Kinh lược sứ, được xây vào năm 1917 nay đã hư hỏng xuống cấp không đảm bảo an toàn cho giảng dạy. Giới hữu trách của Thành Phố Cần Thơ sau nhiều lần họp bàn có quyết định đập bỏ xây mới hoàn toàn. Vì ngôi trường có giá trị lịch sử và được sự ủng hộ của giới sử học, Hội đồng Di sản Văn hóa, các giáo sư chuyên gia kiến trúc trong nước nên tôi đã đề nghị và được lãnh đạo Thành Phố Cần Thơ cứu xét chấp thuận để một dãy lầu được giữ nguyên và trùng tu. Hy vọng trong tương lai chúng ta sẽ nhìn thấy tên họ vị Tiến sĩ Nho học đất Nam kỳ ghi trong danh hiệu của di tích lịch sử này

4.       4.      Nhân phẩm Phan Thanh Giản và những bài học cho các thế hệ sau

Cụ Phan Thanh Giản có tính ngay thẳng cương trực, không phù hợp mấy với nếp truyền thống vua chúa thời phong kiến vì thế trong cuộc đời quan lộ có những bước thăng trầm: có lúc bị cách chức, bị giáng chức. Nhưng trong bất cứ cương vị nào ông cũng luôn luôn trung thành, mẫn cán, lo làm tròn sứ mạng phò vua, giúp nước. Ngoài tài năng, phẩm giá đáng quý, ở cụ Phan là tấm lòng yêu nước thương dân, và cuộc sống cần kiệm thanh bạch. Làm quan có lúc đến nhất phẩm triều đình, nhưng quyền lực và danh vọng không làm ông bị tha hóa như nhiều quan chức khác, trước sau ông vẫn giữ nhân cách cao đẹp của mình.

Những năm 1843, 1849, 1852, 1853, 1859 cụ Phan Thanh Giản dâng sớ lên vua Thiệu Trị  và  Tự  Đức nêu lên thực trạng của đất nước về kinh tế, xã hội và đề xuất yêu cầu "cải cách chốn quan trường", "lựa người trung lương", "chỉnh đốn thói quen của sĩ phu", "quan tốt mà dân yên", "dựa vào pháp luật mà cai trị",  "chửa hồi bệnh đau khổ của nhân dân", "nuôi dân chăm cày cấy", "nuôi quân trù phương lược", "binh giỏi lương đủ như nguồn nước chảy mãi không hết".

Khi đi Pháp về, tầm mắt của cụ được mở rộng, cụ đã kêu gọi bá quan văn võ mau thức tỉnh canh tân đất nước trong bài Tự Thán:

 

Từ ngày đi sứ đến Tây Kinh

Thấy việc Âu Châu phải giựt mình

Kêu rú đồng ban mau thức dậy

Hết lời năn nỉ chẳng ai tin.

 
và khuyên vua mở cửa  giao thiệp với các nước bạn, giao thương với nước ngoài, cho dân xuất dương du học. Đó cũng là những việc sau này Nguyễn Trường Tộ và Phan Châu Trinh đề xướng.

Nhân cách và lối sống của cụ Phan cao đẹp như thế nên dù ở bất cứ giai đọan lịch sử nào cũng là những tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.

Mỗi đức tính "Thanh Liêm" của cụ cũng là một bài học quý báu dành cho xã hội Việt Nam ngày nay vì giờ đây "Tham Nhũng" đã trở thành một "Quốc Nạn".

42  năm trôi qua nơi quê nhà dân chúng sống trong cảnh an bình, nhưng xã hội vẫn chưa thật sự phồn vinh, vì  nền kinh tế còn ọp ẹp, quá lệ thuộc vào Trung Quốc, không sánh bằng một số nước  khác trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt khi so với Hàn Quốc, từng  là một trong những  xứ nghèo nhứt thế giới, nhưng sau khi đất nước có được một thể chế dân chủ tự do thật sự và chỉ sau 20 năm xây dựng (1980-2000)  trở nên giàu mạnh, và hiện nay là quốc gia có nền kinh tế đứng  hàng thứ  4 ở Á  châu và  thứ  11 trên thế  giới.

Ngoài ra ngày nay, mặc dù quê hương Việt Nam đã im tiếng súng nhưng hiễm họa ngoại xâm từ phương Bắc vẫn còn đó, an ninh và chủ quyền biển đảo ở Biển Đông là vấn đề thời  sự nóng bỏng nên một số điều cụ Phan Thanh Giản đã đề xuất với vua Thiệu Trị, Tự Đức ngày trước trong các sớ tâu, như "lấy ý dân để sửa đổi chánh pháp", "cải cách việc tuyển dụng quan lại", đáng kể nhứt  là "tư tưởng canh tân để nước nhà phồn thịnh và hùng mạnh" vẫn còn có giá trị  cho đất nước Việt Nam và đối với những ai nặng lòng với tổ quốc, quan tâm đến sự phát triển xứ sở, toàn vẹn lãnh thỗ lãnh hải và tiền đồ của dân tộc.

 

Tài liệu tham khảo

 

1.      Châu bản triều Nguyễn. Tự Đức nhị thập niên. Tứ nguyệt Thất nguyệt. Ngày 17-11-T Đ XX (1867) tr.187-190

2.      Đại Nam thực lục, t.31. Hà Nội, 1974, tr. 65-66.

3.      Đại Nam thực lục, t.31. Hà Nội, 1974, tr. 296.

4.      Đại Nam thực lục, t.37. Hà Nội, 1977, tr. 23-35

5.      Đại Nam chính biên liệt truyện, t.4. Huế 1993, tr. 37-42

6.       Hoàng Lại Giang: "Phan Thanh Giản - Một Nhân cách lớn". Thế kỷ XXI Nhìn về Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản tr.165-171. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn. Số ĐKKHXB: 794-2006/CXB/2-13-06/VHSG

7.      Huỳnh Long Vân: "Phan Thanh Giản và việc mất 6 tỉnh Nam kỳ". Tập san số 11 năm 2017 Nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long Úc châu tr. 71-90

8.      Huỳnh Long Vân: "Vận động bảo tồn kiến trúc Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ". Phát biểu tại ĐH PTG& ĐTĐ XXI tổ chức vào  ngày 06/5/2017 tại Houston, Texas, USA, www.ptgdtdusa.com

  1. Lăng Tự Đức https://vi.wikipedia.org/wiki/Lăng_Tự_Đức

10.  Nguyễn Nghị, Nguyễn Hạnh: "Phan Thanh Giản, nhà yêu nước, người mở đường". Thế kỷ XXI Nhìn về Nhân vật Lịch sử Phan Thanh Giản tr.221-228. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn. Số ĐKKHXB: 794-2006/CXB/2-13-06/VHSG

11.  Phạm Văn Sơn: "Chung quanh cái chết và trách nhiệm của Phan Thanh Giản trước các biến c của Nam kỳ cuối thế kỷ XIX". Đặc khảo về Phan Thanh Giản tr. 84-100. Tập San Sử Địa. Nhà Xuất bản Hồng Đức. Tạp chí Xưa & Nay. Số ĐKKHXB: 4054-2015/CXBI-PH/25-105/HĐ.

12.  Phan Huy Lê: "Phan Thanh Giản (1796-1867) con người, sự nghiệp và bi kịch cuộc đời". Thế kỷ XXI Nhìn về Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản tr. 291-307. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn. Số ĐKKHXB: 794-2006/CXB/2-13-06/VHSG

13.  Phù Lang Trương Bá Phát: "Kinh Lược Đại thần Phan Thanh Giản với sự chiếm cứ ba tỉnh miền Tây". Đặc khảo về Phan Thanh Giản tr. 46-83. Tập San Sử Địa. Nhà Xuất bản Hồng Đức. Tạp chí Xưa & Nay. Số ĐKKHXB: 4054-2015/CXBI-PH/25-105/HĐ.

14.  Trần Mỹ Vân: "Phan Thanh Giản: 150 năm nhìn lại". Bài thuyết trình tại buổi phát hành Tập san số 11 năm 2017 Nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai &  Cửu Long Úc châu tổ chức vào ngày 09/04/2017 tại Cabramatta Bowling Club,NSW, Australia, www.Lyhuong.net

15.  Trần Quốc Giám: "Cuộc đời Phan Thanh Giản (1796 -1867)". Đặc khảo về Phan Thanh Giản tr.101-124. Tập San Sử Địa. Nhà Xuất bản Hồng Đức. Tạp chí Xưa & Nay. Số ĐKKHXB: 4054-2015/CXBI-PH/25-105/HĐ

16.  Văn Tạo: "Sự nghiệp và vai trò lịch sử của Phan Thanh Giản". Thế kỷ XXI Nhìn về Nhân vật Lịch sử Phan Thanh Giản tr.23-36. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn. Số ĐKKHXB: 794-2006/CXB/2-13-06/VHSG

_______________________________________________________________________________________________________________________ 

 

 

Bài phát biểu tại ĐH PTG-ĐTĐ XXI

6/05/2017

Houston, Texas.

USA

Vận động bảo tồn kiến trúc trường TH Phan Thanh Giản Cần Thơ

                                               
                                                                 
Huỳnh Long Vân Ph. D

                                                      chs PTG niên khóa 1954 -1961

Kính thưa quý Thầy, Cô, anh chị em chs hai trường Phan Thanh Giản - Đoàn Thị Điểm (PTG-ĐTĐ), đồng hương Cần Thơ và thân hữu.

Hôm nay ngày Đại Hội (ĐH) PTG-ĐTĐ thế gới lần thứ XXI tưởng niệm 150 năm cụ Phan Thanh Giản tuẫn tiết và kỷ niệm sinh nhựt lần thứ 100 của Trường Trung Học Phan Thanh Giản (TH PTG) Cần Thơ, tôi thành thật cám ơn Ban Tổ chức dành cho cơ hội trình bày quá trình vận động bảo tồn kiến trúc trường TH Phan Thanh Giản Cần Thơ.

Cụ Phan Thanh Giản chết không phải chỉ 1 lần mà đến 3 lần

  • Lần thứ nhứt sau khi không giữ được ba tỉnh miền Tây Nam kỳ, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản xem đây là một trọng tội đối với triều đình nên đã tự xử bằng chén thuốc độc kết liểu cuộc đời.
  • Lần thứ hai cụ Phan bị vua Tự Đức bức tử với bản án "truy đoạt tất cả chức hàm, đẻo bỏ tên ở bia Tiến sĩ, giữ mãi cái án trảm giam hậu, xem đây là một lời cảnh cáo đối với các thế hệ mai sau". Nhưng đến năm 1885 cụ Phan Thanh Giản được vua Đồng Khánh xóa án và phục nguyên hàm Hiệp tá Đại học sĩ.
  • Và lần thứ ba tại cuộc hội thảo lịch sử được tổ chức tại Hà Nội năm 1963, dưới sự chỉ đạo của Ông Trần Huy Liệu, cụ Phan Thanh Giản lại bị lôi ra tòa và bị kết án là kẻ hèn nhát dâng thành cho giặc Pháp, tên bán nước. Chính vì bản chất vu oan và thóa mạ này mà sau ngày 30/4/1975 ở miền Nam Việt Nam có những chỉ thị và hành động thất nhân tâm đối với cụ Phan, khiến quần chúng phẩn uất và đòi hỏi nhà cầm quyền CS Việt Nam phải trả lại công bằng cho vị Tiến sĩ Nho học đất Nam kỳ.

I.          Thành phần tích cực vận động để danh dự cụ Phan được phục hồi vào năm 2008

  • Trước hết là người dân hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre.
  • kế đến là bức thư của ông Nguyễn Sinh Trung người làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, viết năm 1994, gởi lên Bộ Chánh trị, Chủ Tịch Nước và Quốc hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
  • và các cựu giáo sư (cgs) và cựu học sinh (chs) trường Phan Thanh Giản Cần thơ ở hải ngoại.

CuPhanThanhGian_color.jpg


II.          Tôn tạo di tích cụ Phan

  • Vào ngày 05/8/2008 tượng cụ Phan Thanh Giản do một nhân vật trong nước phụng hiến, đã được an vị ở Văn Thánh Miếu Vĩnh Long. Vì vừa trở về Úc châu từ Việt Nam vào cuối tháng 5/2008, nên tôi cáo lỗi vắng mặt nhưng đã đề nghị ban tổ chức mời 3 cgs và 3 chs trường TH PTG Cần Thơ sang tham dự.
  • Năm sau vào ngày 18/4/2009 tôi và nhà tôi là cựu nữ sinh Huỳnh Thị Kim Chung về Việt Nam tham dự lễ an vị tượng cụ Phan, tổ chức tại trường TH PTG ở quận Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Tượng này do tôi phụng hiến.
  • Và trong vài tháng tới đây, thêm một bức tượng khác của cụ Phan, cũng do tôi kính tặng, sẽ được đặt tại Lăng Ông Bà Chiểu, Sài Gòn; một nơi hiển linh của vùng đất Nam Kỳ.

III.          Vận động phục hồi học hiệu Phan Thanh Giản

Đã có kế họach chuyển tên họ người cán bộ CS Châu Văn Liêm sang trường Đảng Cần Thơ và hoàn trả học hiệu Phan Thanh Giản cho trường cũ của chúng ta, nhưng vì nhân vật có thế lực chánh trị mạnh mẽ, người đã nhiệt tình hậu thuẩn kế hoạch này, từ trần đột ngột, nên mọi việc dang dở. Những chi tiết vận động có trong bài viết của tôi trong Đặc san 22 của ĐH PTG-ĐTĐ lần này.

IV.          Bảo tồn kiến trúc ngôi trường cổ

  • Từ năm 2010, dựa theo tinh thần Công văn số 190/SXD-QLXD đề ngày 15/3/2010 của Sở Xây dựng Thành Phố (TP) Cần Thơ, sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ nhiều lần đề nghị với Ủy Ban Nhân Dân (UBND) TP Cần Thơ đập bỏ và xây mới trường PTG/Châu Văn Liêm (PTG/CVL), nhưng lần nào cũng gặp phải những ý kiến phản đối mạnh mẽ của quần chúng nên buộc phải tạm gác lại để bàn bạc; thỉnh thoảng ra thông cáo trường xuống cấp không còn an toàn để giảng dạy và cứ thế kéo dài năm này qua năm khác, sửa chữa vá víu nên trường ngày càng hư hỏng trầm trọng hơn.
  • Không đồng ý với thái độ chủ quan này của sở GD&ĐT TP Cần Thơ và nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập bang giao giữa Cộng hòa Pháp Quốc và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước kia và nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nên ngày 07/ 02/ 2013 tôi đã gởi thư đến Ông Jean Noel Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam nêu lên cách xử lý trái ngược của TP Cần Thơ đối với 2 công trình Pháp xây cất trước đây: đó là việc nhà cầm quyền Cần Thơ đã sớm tu sửa Cái khám lớn Cần Thơ thành một địa điểm tham quan, trưng bày những hình ảnh, bích chương và mô hình thực dân Pháp đàn áp, tra tấn dã man những người Cộng sản Việt Nam (CSVN), trong khi đó thì gần như bỏ mặc trường PTG/CVL mà tiền thân là Collège de Cần Thơ, đang suy sụp xuống cấp.
  • Nếu vì mối hận thù của một dân tộc từng bị đô hộ ngày xưa mà giờ đây tìm cách xóa bỏ một cơ sở tượng trưng sự đóng góp của thành phần tiến bộ trong chánh quyền Pháp cho người dân miền Tây Nam phần Việt Nam trong lãnh vực giáo dục thì quả thật là một động thái không hợp thời, đặc biệt trong giai đoạn mà hai chánh phủ Việt Pháp đang tiếp tục cải thiện và nâng cao mối bang giao giữa hai quốc gia. Vì thế tôi trân trọng đề nghị Ông Đại sứ Pháp thảo luận với lãnh đạo TP Cần Thơ đồng thời thúc giục để ngôi trường được trùng tu.
  • Đáp lại yêu cầu của tôi, vào tháng 11/2013, Ông Đại sứ Pháp từ Hà Nội vào Cần Thơ thăm trường PTG/CVL và cả Cái khám lớn Cần Thơ; 2 tuần sau đó 2 kỹ sư người Pháp đến khảo sát trường và một công ty trùng tu của Pháp phát hoạ 2 phương án trùng tu: trùng tu một dãy nhà tốn 32 tỉ VN, trùng tu toàn bộ là 72 tỉ VN, họ bảo hành 10 năm và công trình sẽ được gìn giữ thêm 100 năm nữa.

Điều này cho thấy đập bỏ xây mới không phải là giải pháp duy nhứt. Nhưng thử hỏi

  • Phải chăng vì bản tính cố chấp nên vào tháng 7/2015, Ông Trần Trọng Khiếm, Giám đốc sở GD&ĐT TP Cần Thơ công bố: "Sau bốn năm bàn bạc giữa các cơ quan hữu quan và được Thành ủy, Hội Đồng Nhân Dân (HĐND), UBND TP Cần Thơ cho ý kiến, và chiếu theo Quyết định số 3178/QĐ-UBND phê duyệt vào ngày 30/10/2014, sở đã chọn phương án xây mới trường, với tổng kinh phí xây dựng 98 tỷ đồng. Chủ đầu tư cũng đã ứng vốn 54,7 tỷ đồng để chuẩn bị xây dựng và để có mặt bằng giao cho đơn vị thi công, ngôi trường sẽ được đập bỏ vào ngày 20/7/2015".
  • Tin tức này làm tôi bùi ngùi xúc động, đã thúc đẩy tôi tìm mọi cách để tạm ngưng kế họach đập bỏ này.

1.      Yêu cầu  Hội Khoa Học Lịch Sử VN (KHLSVN) và Hội đồng Di sản Văn hóa VN can thiệp

Tôi trực tiếp trình bày sự việc này với nhà sử học Dương Trung Quốc (Phó Chủ tịch Hội Khoa Học Lịch sử Việt Nam) và Giáo sư Tiến sĩ Vũ Minh Giang (Phó Giám Đốc Trường Đại Học Quốc gia Hà Nội kiêm Phó Chủ Tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam).

  • Vài ngày sau đó một đại diện của Hội KHLSVN đã trình bày với lãnh đạo TP Cần Thơ, cho rằng trường TH PTG/CVL không phải là di sản riêng của TP Cần Thơ mà là một di sản cấp quốc gia, nên TP Cần Thơ cần xem xét lại quyết định đập bỏ này.
  • Và trong một phiên họp định kỳ, Hội đồng Di sản Văn hoá VN cũng có ý kiến thống nhứt là nên có phương án trùng tu.

2.      Ý kiến phản biện của các Giáo sư Kiến trúc

Tiếp đến tôi đã tiếp xúc với:  Kiến trúc sư (KTS) Hoàng Đạo Kính, Ông là Giáo sư Tiến sĩ trường (GSTS)  Đại Học (ĐH)  Kiến trúc Hà Nội và KTS Trần văn Khải, là Phó Giáo sư Tiến sĩ  (PGSTS) trường ĐH Kiến Trúc và Trường ĐH Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh yêu cầu hai vị này tham gia công tác phản biện.

[* GSTS Hoàng Đạo Kính cũng là thành viên của Nhóm các chuyên gia quốc tế  Ba Lan, Ý, Pháp, Anh và Việt Nam (Hoàng Đạo Kính, Đặng Văn Bài) đảm trách công tác trùng tu Quần thể Tháp Chăm Mỹ Sơn, một di tích văn hóa thế giới, thuộc xả Trà Kiệu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

* PGSTS Trần Văn Khải từng đọat giải thưởng kiến trúc và trùng tu ở ĐH Rotterdam, The Netherlands].

 

  • Trao đổi ý kiến với tôi, GS Hoàng Đạo Kính đã nói:

"Thưa anh,
Tôi xin chia xẻ tâm tư và nguyện vọng của các cựu th
y cô và học sinh trường PTG/CVL. Tôi sẽ cố gắng hết sức để góp phần giữ lại ngôi trường có học hiệu này".

Và sau đó trong một bài viết đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 09/7/2015, GS Hoàng Đạo Kính đã nêu lên quan điểm "Không việc gì phải tuyên án tử trường THPT Châu Văn Liêm" và Ông tình nguyện làm cố vấn không công cho việc trùng tu ngôi trường.

  • PGS Trần Văn Khải có bài viết cho rằng "Bảo tồn trường Châu Văn Liêm là khả thi" trên báo Tuổi Trẻ ngày 14/7/2015 và đến ngày 24/7/2015, KTS Trần Văn Khải và đại diện của Hội KHLSVN đi Cần Thơ khảo sát trường Châu Văn Liêm. Ban tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ đã trực tiếp hướng dẫn đi thăm Trường. KTS Trần Văn Khải có ý kiến như sau: "mặc dù trường đã có nhiều lần trùng tu, nhưng do làm không đến nơi đến chốn nên xuống cấp nhiều, tuy nhiên Trường có khả năng trùng tu được, vì đây là công trình đơn giản chứ không phức tạp lắm". KTS Trần Văn Khải cũng khẳng định với các vị của Ban tuyên giáo là giữ nguyên ý kiến đã viết trên báo Tuổi Trẻ trước đây.
    Trong điện thư gởi cho tôi sau đó, KTS Trần Văn Khải viết:
    "Chào anh Vân,
    Thành thật cám ơn lại anh đã viết email cám ơn tôi. Tôi rất ít khi xuất hiện trước công luận.........nhưng lần này tôi thấy bức xức quá trước những quan niệm sai lầm rõ ràng và tai hại nên nhận viết bài trên báo. Thật vui khi được nhiều người hưởng ứng và xin cám ơn".

3.      Đề nghị những giải pháp trùng tu ngôi trường

Vì trước đây Tòa Đại sứ Pháp đã tỏ ra quan tâm đến ngôi trường nên một lần nữa vào ngày 19/7/2015 tôi gởi đến Ông Đại sứ Jean Noel Poirier một bức thư yêu cầu  nghiên cứu, hỗ trợ về mặt kỹ thuật [kể cả tài chánh nếu có thể] để cùng với các chuyên gia Việt Nam đề ra phương án trùng tu, bảo tồn kiến trúc ngôi trường cổ ở Cần Thơ mà Pháp đã xây dựng vào năm 1917.

Tôi đề nghị:

  • toàn ngôi trường gồm 3 dãy lầu nên gia cố, bảo quản và giữ lại như một di tích, còn trường Châu Văn Liêm thì dời đi vĩnh viễn đến trường An Khánh thay vì tạm thời như theo kế hoạch của sở GD&ĐT TP Cần Thơ trước đây.
  • hoặc trùng tu "một khu vực giới hạn" gồm một dãy lầu và cái cổng chánh (quay mặt ra đường Xô Viết Nghệ Tỉnh) để trở thành một di tích.

    Đề nghị này cũng được chuyển đến TP Cần Thơ.

4.      Cần Thơ định đoạt số phận ngôi trường trăm tuổi

PTGSchool_New.jpg

Ảnh mới chụp cuối tháng 4/2017: Dãy đầu (đường Phan Thanh Giản) vẫn đứng vững sau khi các dãy khác bị phá huỹ để trùng tu 

  • Ngày 16/3/2016 trong buổi hội thảo "Dự án trường TH Phổ Thông Châu Văn Liêm", UBND TP Cần Thơ cho biết có mời công ty kiến trúc Arep của Pháp khảo sát, tư vấn, và đơn vị này đã đưa ra 3 phương án trùng tu, cải tạo. Nhưng theo Ban Quản Lý Dự Án Xây dựng số 2-TP Cần Thơ thì cả 3 phương án đều có tổng mức đầu tư cao hơn xây mới, với nhiều loại vật liệu phải nhập khẩu. Tin tức báo chí còn cho biết thêm là trong phần kết luận buổi hội thảo, ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, địa phương sẽ lựa chọn giữa hai phương án được nhiều đại biểu đặt ra là: xây mới hoàn toàn hoặc giữ một phần nhỏ để làm di tích.
  • Hoang mang vì tin tức trên, nên ngày 26/4/2016 tôi đã điện thoại về Cần Thơ hỏi thăm hai vị Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ về dự án xây dựng trường PTG/CVL, và được cho biết "vì báo chí không nắm vững tình hình nên có những thông tin thiếu chính xác; kế hoạch xây mới toàn trường đã bị dẹp bỏ, và trường sẽ được trùng tu theo một phương án phù hợp với điều kiện thực tiễn. Hiện đang chờ chỉ thị của Thành Uỷ để thông qua quyết định này ở HĐND trong khóa họp sắp tới".
  • Ngày 22/7/2016, tại kỳ họp thứ hai HĐND TP Cần Thơ, các đại biểu đã thông qua nghị quyết về xây dựng Trường Trung Học Phổ Thông Châu Văn Liêm, theo phương án trùng tu kết hợp với xây dựng mới theo kiến trúc cũ với tổng kinh phí dự tính 105 tỉ đồng. Cụ thể là:

-          trùng tu nâng cấp theo hiện trạng và kiến trúc cũ của Pháp đối với dãy nhà (giáp đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) và khối nhà hiệu bộ (giáp phía góc đường Ngô Quyền và Trương Định)  

-          xây dựng mới các khối còn lại theo kiến trúc cũ của Pháp.

-          Thời gian thi công từ tháng 02/2017 đến hết năm 2018.

  • Quyết định này đúng với đề nghị "Trùng tu một khu vực giới hạn" mà tôi đã đưa ra trước đây, một phương án giữ được nét kiến trúc cũ và đảm bảo an toàn. Đây là tin mừng mà tôi đã mong đợi từ nhiều năm qua, và liền sau đó tôi điện thoại cám ơn và gởi điện thư cho một vị Phó Chủ tịch của UBND TP Cần Thơ ghi nhận thiện chí và tinh thần cầu thị của giới hữu trách, đồng thời đưa ra 3 đề nghị như sau:

-           tận dụng các vật liệu còn nguyên vẹn của hai dãy lầu được tháo dỡ vào công việc trùng tu

-          thiết lập hồ sơ xếp hạng dãy lầu quay mặt ra đường Xô Viết Nghệ Tỉnh thành một di tích

-          dành khối nhà hiệu bộ làm Phòng Truyền thống .

  • Sau đó tôi nhận được điện thư phúc đáp có nội dung như sau:

"Kính chào TS Huỳnh Long Vân

Xin cám ơn và rất trân trọng những ý kiến đề nghị của Ông. Thật sự tôi rất vui mừng khi biết được việc quyết định phương án đã được sự thống nhất đồng tình của cộng đồng đặc biệt của những Cô Chú anh chị là cựu học sinh của Trường. Tôi sẽ tiếp thu và lưu ý các đề nghị của Ông và sẽ trưng cầu ý kiến góp ý trong quá trình triển khai thiết kế chi tiết và thi công.
Kính chúc Ông và gia đình mọi sự như ý và tiếp tục có nhiều đóng góp hữu ích.
Xin trân trọng cám ơn.  Kính chào"

 

  1. Kết luận
  • Là người dân đất Nam kỳ Lục tỉnh, tôi rất hân hạnh và cảm kích được tham gia phong trào vận động phục hồi danh dự cụ Phan Thanh Giản, vị đại thần từng được vua ban thưởngchiếc kim khánh khắc 4 chữ "Liêm, Bình, Cần, Cán", một nhà trí thức yêu nước thương dân nhưng cuối đời phải lâm vào cảnh bế tắc trong bối cảnh gian truân và đau thương của đất nước.
  • Là một chs của ngôi trường lớn nhứt Hậu giang, tôi hãnh diện và sung sướng được đứng trong đại gia đình Phan Thanh Giản Cần Thơ, trong nghĩa Thầy Trò, tình bằng hữu của những năm tháng dưới mái trường thân yêu, góp phần vào công cuộc gìn giữ từ học hiệu đến kiến trúc và những giá trị văn hóa - giáo dục của ngôi trường mẹ, chiếc nôi của Viện Đại học Cần Thơ.
  • Trong hơn 10 năm qua, hiểu rõ tiếng nói của mình không đủ trọng lượng, nhưng không vì thế mà "trùm chăn bó gối". Được sự ủng hộ nồng nhiệt của 3 vị GS cựu Hiệu trưởng, tôi đã chọn con đường "đối thoại trực tiếp, thẳng thắn với giới hữu trách trong nước" và đạt được những kết quả nêu trên. Với một phần của ngôi trường được trùng tu, tôi hy vọng trong tương lai sẽ nhìn thấy tên họ vị Tiến sĩ Nho học đất Nam kỳ trong danh hiệu của di tích lịch sử này.
    Trân trọng kính chào và kính chúc tất cả có được những ngày họp mặt vui vẻ và nhiều ý nghĩa.

 

 

                            Nhìn lại hơn 10 năm sinh hoạt:

Tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long Úc Châu

là ‘nhịp cầu giữa quá khứ và hiện tại'

 

  * Ngọc Hân, Đài VOA Washington DC phỏng vấn TS HUỲNH LONG VÂN

 

Sinh hoạt của cộng đồng Người Việt ở nước ngoài rất đa dạng nhưng không phải tại đâu cũng có tổ chức nghiên cứu văn hóa và đặc biệt là ấn phẩm nghiên cứu văn hóa người Việt. Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long và tập san nghiên cứu có thể là một ngoại lệ đáng ghi nhận.

HLV_Carl.jpg

Chúng tôi thảo luận với Chủ bút, Tiến sĩ Huỳnh Long Vân về nội dung của Tập San Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long, được xuất bản và phát hành liên tục tại Sydney từ năm 2007.

 Tiến sĩ Carl Thayer trả lời phỏng vấn của Ngọc Hân tại Hội Thảo Biển Đông do Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long tổ chức, Sydney 22-5-2011 (Photo: TQL)

 

Ngọc Hân: Kính chào Tiến sĩ Huỳnh Long Vân - Với tư cách là cựu chủ bút nhiều năm, xin Anh cho biết Tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long phản ảnh như thế nào mục đích của tổ chức nghiên cứu?

 

Ts Huỳnh Long Vân: "Thân chào Cô Ngọc Hân và quí thính giả Đài VOA - Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.

 

"Những bài vở đăng trong tập san Nghiên cứu Văn hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu phản ảnh đúng tôn chỉ và mục đich của Nhóm đề ra  với rất  nhiều bài viết về

 

- Xứ sở ở đồng bằng sông Cửu Long như Cần Thơ qua mấy vần ca dao, Bạc Liêu quê hương tôi, các điạ danh như Bến Tre, Saigon, Gia Định, Cao Lãnh, Vĩnh Long cũng được nhắc đến qua những bài hồi ký;

 

- Tôn giáo đặc biệt của vùng đất mới này như đạo Cao Đài, Hoà Hảo, Bữu sơn Kỳ Hương;

 

- Nghệ thuật thì có những bài viết về Ông Cao văn Lầu người khai sinh ra bài  vọng cổ, cải lương, hát bộ v.v.;

 

- Những nhân vật đặc biệt của miền Nam như Ông Phan Thanh Giản, Petrus Trương Vĩnh Ký, Trần Văn Hương, Nguyễn Văn Lộc v.v.;

 

- Lịch sử khai phá vùng đất phương Nam thì có những bài viết về Vương quốc Phù Nam , vai trò của người Hoa trong việc sáng lập miền Tây với công trình của Mặc Cửu, công lao của nhà Nguyễn mở mang bờ cõi;

 

- Giáo dục thì có những bài viết nêu lên những đặc tính ưu việt của nền giáo dục VNCH, cổ vũ cho các chương trình dạy tiếng Việt cho con trẻ Việt Nam;

 

- Môi trường thì không thiếu những bài vở nghiên cứu sâu rộng về những ảnh hưởng của các đập thuỷ điện xây trên dòng chính và biến đổi khí hậu trên sản xuất nông ngư nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long".

 

Ngọc Hân: Như Anh vừa trình bày, những bài viết nầy nhìn về quá khứ lịch sử. Tập san có nêu và thảo luận các vấn đề đương đại mà Việt Nam và các nước trong Vùng đối phó không Anh?

 

Ts Huỳnh Long Vân: "Tuy nhiên nếu nhìn lại những sinh hoạt của Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long trong thời gian qua, chúng ta có thể  nhận thấy là Nhóm không theo đuổi chiều hướng "inwards looking" nghĩa chỉ nhìn về quá khứ, mà công việc nghiên cứu đã được mở rộng, "có xưa phải có nay" sinh hoạt của Nhóm trở nên linh động hơn, có nhiều quan tâm đến tình hình đất nước. Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long dần dần trở thành như một tổ chức phi chánh quyền NGO và chương trình sinh hoạt ít nhiều mang sắc thái của một tổ chức xã hội dân sự, mặc dù những mục đích đề ra ban đầu vẫn được giữ nguyên.


"Trong chiều hướng mới này thì Nhóm đã làm những gì trong thời gian qua?

 

"Về nhân sự: Ban điều hành của Nhóm không chỉ gồm những anh em sinh ra ở vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh mà con được sự hợp tác của những anh em sinh quán miền Bắc và miền Trung. Tác giả bài vở là những học giả người Việt có quê quán từ Bắc chí Nam và những thân hữu hiện sống ở Hoa Kỳ Canada, Anh Quốc, Pháp, Đức v.v...

 

"Bài vở không chỉ nói về vùng đất Nam Phần. Những bài viết và phát biểu trên các hệ thống truyền thanh và truyền hình về môi trường, không chỉ chú tâm đến sông Cửu Long mà còn bao gồm cả miền Trung và miền Bắc như những tại họa gây nên bởi việc các đập thủy điện ở miền Trung xả lũ, tình trạng sạt lở bờ biển Việt Nam từ Bắc chí Nam, ảnh hưởng của Biến đổi Khí hậu trên các châu thổ sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long.

 

"Những yếu kém trong nền giáo dục hiện tại ở VN so với thời trước 1975.

 

"Tình trạng lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam đối với Trung Quốc.

 

"Nghiên cứu về những ảnh hưởng của hiệp ước TPP đối với kinh tế và tiến trình dân chủ hoá ở Việt nam và của Thoả ước Paris về Biến đổi Khí hậu đối với tình trạng ngập lụt vào mùa mưa và ngập mặn vào mùa khô ở đồng bằng sông Cửu Long.

 

"Thêm vào đó là những nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt ở Úc châu, về tổ chức Phật giáo Việt Nam tại Úc".

Ngọc Hân: Trong suốt 10 năm qua, có những dấu ấn nổi bật nào đáng chú ý, thưa Anh?

 

Ts Huỳnh Long Vân: Những hoạt động nổi bật gồm những diễn tiến sau đây:

 

"Mỗi năm khi phát hành tập san đều có những diễn giả có tầm vóc quốc tế đến để thuyết trình và thảo luận về một đề tài liên quan đến tình hình Việt Nam. Về diễn giả người Việt trước hết là Ls Lưu Tường Quang, cựu Tổng Giám Đốc Hệ thống Truyền Thanh đa ngôn ngữ Úc châu, cá nhân tôi, cựu Thẩm phán Trương Minh Hoàng, Gs Ts Nguyễn Thanh Liêm, cựu Thứ Trưởng Bộ Giáo dục VNCH, Gs Ts Nguyễn Viết Trương, cựu Khoa Trưởng Đại học Nông học Cần Thơ kim cựu Phó Viện Trưởng VĐH Cần Thơ. Về diễn giả ngoại quốc có Gs Ts Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc Châu, Gs Ts Philip Hirsh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên sông Mekong, Gs Ts Suiwah Leung, chuyên gia kinh tế Việt Nam thuộc Viện Đại Học Quốc Gia Úc Châu ANU và trong dịp phát hành TS 11 sắp tới vào ngày 09/04/2017 Ts Trần Mỹ Vân, Viện Đại học South Australia sẽ là diễn giả và trình bày đề tài : "Phan Thanh Giản: 150 năm nhìn lại".

 

"Trong lãnh vực vận động ngoại giao, Nhóm cũng đã nhiều lần tiếp xúc với Bộ Ngoại giao Úc cũng như gởi những văn thư đến Ngoại trưởng của các quốc gia tài trợ Ủy hội sông Mekong như Úc Châu, Hoa Kỳ, Nhật Bản nêu lên mối quan tâm của chúng tôi về những tác động tiêu cực của các đập thủy điện xây trên dòng chính hạ lưu sông Mekong đối với sự phát triển bền vững nông ngư nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long và yêu cầu có những biện pháp nhằm chận đứng hay làm giảm bớt những tác hại về môi trường gây ra bởi các đập thuỷ điện này.

 

"Và mới đây để đáp lại lời kêu gọi của Bộ Ngoại Giao chánh phủ Liên bang Úc châu, Nhóm cũng đã gởi Bản Văn đóng góp ý kiến trong việc thiết lập chánh sách ngoại giao trong tương lai của Úc, đặc biệt đối khu vực Á châu và Thái Bình Dương trong đó có mối bang giao của Úc với Trung Quốc và Việt Nam

 

"Những nét nổi bật đặc biệt trong sinh hoạt của Nhóm Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long Úc châu sở dĩ đạt được, trước tiên nhờ sự đồng tâm của tất cả thành viên của Nhóm. Tuy nhiên bên cạnh đó là nhờ sự nhiệt tâm và hỗ trợ đắc lực của một vài nhân vật nếu chúng tôi không nêu ra ở đây thì quả là điều thiếu sót to lớn và người mà tôi muốn nhắc đến là Ls Lưu Tường Quang. Ngoài những đóng góp rất to lớn với khả năng và kiến thức chuyên môn sâu rộng, Ls Lưu Tường Quang còn tạo điều kiện để chúng tôi nhận được sự hỗ trợ quý báu của các cơ quan truyền thông quốc tế  - trước hết phải nhắc đến Đài VOA và Thông Tín Viên Ngọc Hân, kế đến Chương trình Việt Ngữ của đài phát thanh quốc tế Pháp RFI, đài truyền thanh điạ phương 2VNR, và đài truyền hình VietFaceTV Úc Châu, đã giới thiệu những sinh hoạt của Nhóm với khán thính giả Việt Nam trên toàn cầu".

HLV_chairmen.jpg 

            Hội thảo "40 Năm Nhìn Lại" (từ trái) Ts Huỳnh Long Vân, Ls Lưu Tường Quang, Giáo sư Ts Carl Thayer, Ls Nguyễn Văn Thân và cựu Thẩm Phán Trương Minh Hoàng nhân Lễ Phát hành Tập san 9 Nghiên Cứu Văn Hoá DN &CL tại Sydney ngày 12.04.2015    (Photo (c) Mã G Tường)

Ngọc Hân: Các diễn giả danh tiếng góp phần vào chủ đề như thế nào, thưa Anh?

Ts Huỳnh Long Vân: "Gs Ts Carl Thayer là chuyên gia hàng đầu thế giới về an ninh khu vực Biển Đông, Á châu và Thái Bình Dương và có những hiểu biết sâu rộng về tình hình chánh trị Việt Nam. Ông đã hai lần tham dự lễ phát hành Tập San Nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long và lần lượt trình bày về "Tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Brunei" và "Những tranh chấp trong Nội bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam và Dự đoán về thành phần của Bộ Chánh trị Việt Nam sau Đại Hội 12".

 

"Gs Ts Philip Hirsh là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên sông Mekong AMRC, thuộc Đại học Sydney. Ông đã trình bày về những tác động tiêu cực trên môi trường của các đập thủy điện xây trên dòng chính hạ lưu Mekong và đề nghị dùng những kinh nghiệm của Úc Châu trong việc quản lý nguồn nước của hệ thống các sông Murray và Darling của Úc để quản lý nguồn nước sông Mekong.

 

"Gs Ts Suiwah Leung là Giáo Sư về Kinh tế của Học Viện Crawford về các Chánh sách Công thuộc ANU. Gs Suiwah Leung, chuyên gia về Kinh tế Việt Nam, đã trình bày về "Kinh tế vĩ mô của Việt Nam" nêu lên những sai lầm nghiêm trọng và tình trạng tham nhũng trong việc thưc thi các chánh sách kinh tế của Việt Nam, và đưa ra những thay đổi cải tổ sâu rộng cần phải có trong các lãnh vực ngân hàng, đầu tư, doanh nghiệp quốc doanh nếu Việt Nam muốn đạt được những tăng trưởng bền vững".

 

Ngọc Hân: Thưa Ts Huỳnh Long Vân - Nhìn về tương lai, Nhóm Nghiên cứu và Tập san sẽ như thế nào trong 5 năm sắp tới?

 

Ts Huỳnh Long Vân: "Chúng tôi đã sinh hoạt trong hơn 10 năm qua và đến ngày 9/04/2017 chúng tôi phát hành Tập San 11 tức là 11 năm theo đuổi mục đích đề ra. Trong cuộc sống bình thường, 11 năm là thời gian không quá dài cho một sự nghiệp, nhưng vì hầu hết anh em chúng tôi đều, tóc không phải điểm sương, mà đều đã trắng như hoa tuyết, sống nay chết mai, nên trả lời câu hỏi về sinh hoạt của Nhóm trong 5 năm sắp tới thì quả thật là điều khó khăn.

 

"Nói thế nhưng ít nhiều chúng tôi cũng có một vài dự định:

- Sẽ cố gắng phát hành Tap San 12 và sau đó tùy cơ ứng biến, có thể sẽ ngưng hình thức in ấn phát hành Tập San hằng năm như hiện nay và bài vở sẽ đưa lên website của Nhóm và trong khi đó hằng năm vẫn tiếp tục tổ chức những buổi hội thảo thường lệ.

- Ước mong có sự tham gia và tiếp tay của thành phần trẻ để tiếp nối con đướng chúng tôi đề ra".

 

Ngọc Hân: Xin cảm ơn Ts Huỳnh Long Vân.

 

* Ngọc Hân tường trình Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA từ Sydney Australia.

(Nguồn: Chương trình VOA lúc10 giờ tối Thứ Hai 20.03.2017)

_____________________________________________________________________________________ 

 

Phan Thanh Giản

và việc mất 6 tỉnh Nam kỳ

CuPhanThanhGian_color.jpg 

Huỳnh Long Vân Ph.D

Phan Thanh Giản, có tên tự là Tịnh Bá và Đạm Như, hán hiệu là Lương Khê và biệt hiệu là Mai Xuyên, xuất thân trong một gia đình nghèo khổ, tổ tiên từ Bình Định di cư vào đồng bằng sông Cửu Long và trên quê hương mới cũng phải 3 lần thay đổi mới  định cư ở thôn Tân Thạnh, huyện Tân  An, dinh Long Hồ (sau là huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Cha làm Thủ hạp là một viên chức nhỏ, bị tội oan phải tù 3 năm ở Vĩnh Long. Phan Thanh Giản mồ côi mẹ từ lúc lên 7 tuổi, được mẹ kế và nhiều người giúp đở cho ăn học thành tài. Năm 29 tuổi (1825) đậu cử nhân ở Gia Định, năm sau (1826) đậu Tiến sĩ ở kỳ thị Hội tại Kinh đô Huế và được triều đình bổ dụng ngay sau đó. Vị Tiến sĩ Nho học đầu tiên và duy nhứt này của đất Nam kỳ phụng sự 3 triều vua Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức nhưng trên đường quan lộ trải qua nhiều bước thăng trầm, tột đỉnh vinh quang là Thượng Thư, thành viên Viện Cơ Mật và tận cùng làm người quét dọn nơi công quán.

Vua Minh Mạng khen ông là: "Người ngay thẳng, quả cảm, học lực rộng và có biệt tài; ông được vua Tự Đức ban thưởng chiếc kim khánh khắc bốn chữ "Liêm-Bình-Cần-Cán". Đến khi ‘lão lai, tài tận" Phan Thanh Giản vẫn được vua Tự Đức sử dụng.

Điều đau đớn là 41 năm (1826 đến 1867) Phan Thanh Thanh Giản phụng sự triều Nguyễn là giai đoạn đầy biến động trên đất nước Đại Nam và cả thế giới. Các quốc gia phương Tây đua nhau tràn sang phương Đông tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa, chiếm cứ đất đai khai thác tài nguyên bản địa để phục vụ cho nền kỹ nghệ chính quốc. Đặc biệt 5 năm cuối đời Phan Thanh Giản (1862-1867) là thời gian đầy thách thức gây ra bởi hai biến cố có tầm vóc quốc sự, tạo nên hoàn cảnh bế tắc khiến Ông phải tuyệt mạng:

1.Trách nhiệm của Phan Thanh Giản trong việc ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 nhượng ba tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa) và Côn Đảo, bồi thường chiến phí 4 triệu đồng bạc trả trong 10 năm, chấp thuận cho người Pháp và Tây Ban Nha được quyền tự do truyền đạo và buôn bán.

2. Để mất ba tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên năm 1867.

   I.            Nội bộ triều Nguyễn dưới thời Minh Mạng và Tự Đức.

Vua Gia Long là người rất thông minh, do được nhiều tướng tá Tây phương giúp đánh Tây Sơn, nên có dịp thăm dò chủ trương của Tây phương đối với các nước lạc hậu thời bấy giờ. Thấy người da trắng ào ạt kéo sang Á Đông vào cuối thế kỷ 18 và chiếm các nước nhược tiểu như Ấn Độ, Nam Dương, Phi Luật Tân, Mã Lai, Miến Điện v.v.. làm thuộc địa, Gia Long hiểu rõ dã tâm của Tây phương: áo dài thâm đi trước, binh lính thực dân đi sau là hai hiện tượng gắn liền, khiến nhà vua hốt hoảng, nên sau khi hạ được nhà Tây Sơn, Ông liền áp dụng chánh sách bế quan tỏa cảng và sau đó đã tiểu di cho Minh Mạng những thủ đoạn ghê gớm của đám "Bạch Quỷ" để liệu bề đối phó trong tương lai.

Dưới triều Minh Mạng, Pháp hết nài nỉ đến dọa nạt triều đình Huế để được tự do truyền giáo, điều này không những không được triều đình Huế chấp thuận mà các con chiên đạo Ki tô  còn bị đàn áp thẳng tay theo chủ trương cấm đạo của vua thế tổ. Biết rõ sớm muộn Pháp cũng sẽ gây sự nên vua Minh Mạng cử phái đoàn Tôn Thất Lương qua Paris và London nhằm xoa dịu tình thế căng thẳng giữa Việt Nam với hai cường quốc Anh, Pháp, nhưng trong khi sứ đoàn có mặt ở Pháp thì Hội truyền giáo người Pháp và phái đoàn của điện Vatican đã ngấm ngầm vận động  với hai chánh phủ Anh, Pháp tẩy chay những giao hảo với triều đình Huế; vì thế phái đoàn Tôn Thất Lương không thể làm tròn sứ mạng được giao phó.

Đến đời Tự Đức, âm mưu của thực dân càng trắng trợn hơn: tháng 4/1857 vua Napoleon III thiết lập Ủy ban nghiên cứu các quốc gia Đông Dương và đến tháng 05/1857 Ủy ban này trình lên nhà vua đề nghị mở cuốc viễn chinh qua Việt Nam.
Vào tháng 11/1857 nhân cớ  2 giáo sĩ người Tây Ban Nha bị hành quyết theo lệnh của vua Tự Đức và việc sứ giả Charles de Montigny không thể làm áp lực lên  triều đình Huế, Hoàng đế Napoleon III ra lệnh cho Rigault de Genouilly đem quân đánh phá Việt Nam và trừng phạt triều đình Huế.

II.            Mất ba tỉnh miền Đông Nam kỳ và Hòa ước Nhâm Tuất 1862

1.     Quân lính Tây phương đánh phá Việt Nam

Ngày 1/9/1858 Rigault de Genouilly với 15 chiến hạm, 1500 tên lính Tây và 850 tên lính Phi Luật Tân, thuộc dân của Tây Ban Nha đánh vào cửa Đà Nẵng. Vua Tự Đức cho hạ ban 2000 lính, cử Trần Hoàng, Tổng đốc Nam Ngãi và Tham tán Đào Trí  chỉ huy cuộc chiến chống Pháp; sau đó lại cử thêm nhiều danh tướng, kể cả Nguyễn Tri Phương là kỳ tướng nhất của triều đình, tham gia chống giặc, nhưng quân ta bị đánh tan khắp nơi. Hai thành An Hải và Điện Hải bị vây hãm, đồn Nại Hiện, Hóa Quê cũng bị tấn công; tướng tá chết hằng loạt. Qua năm 1859, quân Pháp đánh đồn Hải Châu. Tướng Tống Phước Minh và Nguyễn Duy cũng thua trận.

Với những ưu thế về quân sự, Pháp buộc Việt Nam phải ký một Hiệp ước cho phép được tự do truyền đạo Công giáo, cho tàu thuyền Pháp vào buôn bán, nhường cho Pháp một vùng đất hoặc Việt Nam phải chịu sự bảo hộ của Pháp. Nhưng bị triều đình Huế một mực bác bỏ.

Sau đó quân Pháp phần bị dịch tả hoành hành nặng nề, phần khác được tin có 10 ngàn dân quân của triều đình trên đường từ Huế tiến vào Đà Nẳng, nên De Grenouilly bỏ ý định tiến quân đánh chiếm Huế và đưa đại bộ phận theo đường biển trực chỉ vào Nam Kỳ với ý định đánh chiếm xứ này tạo thêm áp lực với triều đình Huế. Đại tá Toyon và một số quân lính được để lại ở Đà Nẳng.

Tháng 2/1859  Đô đốc Rigault de Genouilly đưa quân đánh phá thành Gia Định. Từ ngày 9/02/1859 đến 17/02/1859 quân hai bên giáp chiến, hỏa lực của địch rất mạnh, quân Việt Nam thua tơi bời chạy tán loạn đi các tỉnh lận cận. Đề đốc Võ Duy Ninh, Án sát Lê Từ tuẫn tiết. Trương Văn Uyển Tổng đốc Long Tường (Vĩnh Long, Định Tường) đem quân tiếp viện, thấy thành Gia định đã mất phải vội vàng rút lui.

Sau khi thanh toán được vị trí này Rigault giao thành cho Trung tá hải quân Jauréguibéry rồi trở ra Trung kỳ một lần nữa đánh phá Đà Nẵng, công hãm các đồn dễ dàng như những lần trước và tiến quân đến đâu Nguyễn Tri Phương phải rút lui đến đó. Qua một người Hoa làm môi giới, Rigault đề nghi  mở cuộc thương thuyết với triều đình Huế với 3 đòi hỏi chủ yếu: tự do truyền đạo Công giáo, tàu thuyền Pháp được tự do ra vào các cửa khẩu và nhượng cho Pháp một cửa khẩu làm căn cứ. Việt Nam chỉ đồng ý cho tàu thuyền Pháp ra vào buôn bán ở Đà Nẵng.

Đầu năm 1860 Đô Đốc Page thay thế De Grenouilly cũng yêu cầu mở lại hòa đàm với đòi hỏi cho Công giáo được phép truyền đạo và xin đặt 3 lãnh sự Pháp ở 3 cửa khẩu, nơi tàu thuyền Pháp được ra vào buôn bán.

Triều đình Huế họp bá quan văn võ tham khảo ý kiến về 3 điểm: hòa, thủ hay chiến.  

Phan Thanh Giản, Trương Đăng Quế đứng đầu phe chủ hòa, cho rằng cơ giới của địch quá mạnh, ta không chống nổi, tuy nhiên hảy cố thủ đã rồi mới nghị hòa để giảm bớt tham vọng của đối phương.

Một số đông khác còn nêu ra trường hợp nhà Thanh  bên Trung Quốc, cũng chịu thua bọn "Bạch Quỷ" ở các thương cảng, nay ta còn kém Trung Quốc mà đo tài thử sức với họ chưa chắc gì làm hơn được, nên lấy cách chủ đải khách mà đối phó là tốt hơn cả, nghĩa là thi hành kế trì cửu rồi tùy cơ ứng biến sau.

Một nhóm khác trái lại chủ trương Công hơn Hòa. Đứng đầu có Tô Linh, Phạm Hữu Nghị, Hồ Sĩ Thuần...

Vua Tự Đức trước sự bối rối của các đình thần, kẻ chẳng người chuộc, hạ chiếu trưng cầu ý kiến toàn quốc, quan từ tri huyện trở lên, đại chúng thì đủ mặt sắc dân, rồi cũng chẳng ai nghĩ được phương lược giá trị nào. Thế rồi Nguyễn Tri Phương được vua cử đứng ra thương thuyết, trách Pháp đưa ra quá nhiều yêu sách và phía Việt Nam chỉ đồng ý cho tàu Pháp thông thương buôn bán, không cho đặt lãnh sự, còn Công giáo thì ai đã trót theo đạo thì được giữ đạo nhưng không được nhận thêm tân tòng. Cuộc thương thuyêt kéo dài trong 3 tháng nhưng không mang lại môt kết quả nào.

Đầu năm 1861 sau khi chiến tranh ở Trung Quốc chấm dứt, Đô Đốc Charner  gom quân vào Việt Nam, đánh chiếm thêm một số đồn lủy và tỉnh thành: triệt hạ đồn Chí Hoà (Pháp gọi là đồn Kỳ Hòa) sau hai ngày tấn công (24-25/2/1861), thành Mỹ Tho sau 12 ngày (1-12/04/1861). Lúc này điều kiện hòa đàm của Pháp còn nặng nề hơn, ngoài việc yêu cầu được tự do truyền đạo Công giáo và thông thương buôn bán, còn đòi nhượng cho họ toàn bộ các  tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Thủ Dầu Một, kèm thêm 4 triệu đồng bạc bồi thường chiến phí. Việt Nam bác bỏ cả hai yêu sách.

Ngày 29/11/1861 Bonard thay thế Charner, một mặt củng cố các vị trí đã chiếm được và mặt khác mở rộng khu vực chiếm đóng: chiếm thêm Biên Hòa vào ngày 16/12/1861, Bà Rịa ngày 7/01/1862 và Vĩnh Long ngày 22/03/1862.

Đến thời điểm này Pháp không còn nghĩ tới thương thuyết nữa, nhưng tàu Forbin, trong lúc đi tuần tiểu chặn đường tiếp tế lương thực của Việt Nam, đã ghé Thuận An vào tháng 04/1862 và đột nhiên nhận được thư của triều đình Huế đề nghị mở cuộc hoà đàm. Được tin tức do tàu Forbin mang về, Bonard lập tức cho tàu Forbin trở lại Thuận An mang theo 2 điều kiện tiên quyết là Huế phải ứng trước 100 ngàn quan cho tiền bồi thường chiến tranh và cử ngay Đặc sứ toàn quyền theo tàu Forbin vào Sài Gòn bắt đầu thương thuyết. Triều đình Huế ưng thuận

2.     Lý do triều đình Huế muốn hòa đàm

Có nhận định cho rằng vua Tự Đức và triều đình Huế, đột nhiên muốn hòa đàm vớí Pháp vào thời điểm này, vì triều đình muốn được rảnh tay ở phía Nam để đánh dẹp các cuộc nổi dậy ở miền Bắc, vì dưới thời nhà Nguyễn, ở Bắc kỳ thường xảy ra lụt lội, mất mùa sanh ra cướp bóc và bất ổn. Từ đầu triều Tự Đức đến năm 1862 có hơn 40 cuộc nổi dây, dưới danh nghĩa phù Lê, hay của một số giáo dân  được các thừa sai Pháp và Tây Ban  Nha ủng hộ, đặc biệt là nhóm do chủng sinh Lê Duy Phụng cầm đầu được Cố Trường làm quân sư. Thực ra  các toán nổi dậy này trang bị thô sơ không phải là những địch thủ đáng sợ của quân triều đình, nên hòa đàm với Pháp không để dẹp loạn phía Bắc mà chính là để triều đình được tồn tại. Phú Xuân sống nhờ lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đường tiếp tế lúa gạo bằng đường biển từ miền Nam ra Huế hoàn toàn bi phong tỏa bởi tàu của Pháp theo chiến lược của Đô đốc Charner nên Huế buộc lòng phải ngồi vào bàn thương thuyết.

3.     Hòa ước Nhâm Tuất 1862

Vua Tự Đức hạ chiếu cử Phan Thanh Giản làm Chánh sứ toàn quyền đại thần và Lâm Duy Hiệp làm Phó sứ. Theo Đại Nam Thực lục chánh biên đệ tứ kỷ thì trước khi các sứ giả vào Nam điều đình, vua tự Đức cho triều thần bàn định từng điểm đề nghị của Pháp làm chuẩn để các sứ giả tuân theo. Bản phúc tâu của triều thần viết "Kẻ kia (Charner) trước có xin giao hết cả tỉnh thành và đất phụ thuộc của Gia Định, Định Tường và đóng quân ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa. Nay bọn kia tất không khỏi cố ý yêu cầu cắt đất Biên Hòa, Vĩnh Long giao cho họ để mong cho hòa ước cũ tất phải thành. Nay vâng xét nghĩ: ở Gia Định từ thành cũ, kẻ kia đã lập đồn để đóng và địa giới ở ven sông hai huyện Tân An, Cửa An thuộc hạt ấy, một số vùng ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa và đất phụ cận ở ngoài thành tỉnh Định Tường, nghĩ hãy tạm cho bọn kia quản nhận cư trú; còn điạ phận các hạt khác cùng là toàn hạt tỉnh Vĩnh Long, đều nên giao trả về nước ta quản trị..."

Vua phê bảo rằng "Khoản đạo Gia Tô công hành, quyền không cho được, nếu bất đắc dĩ thì bắt giáo sĩ đó phải trình các chỗ, như ở Nam kỳ thì cho ở Gia Định, Bắc kỳ thì cho ở Nam Định hoặc Hải Dương. Hai khoản nói "người Tây được qua lại trong toàn quốc; "đặt quan ở Kinh" cũng quyền không cho được.Ở các hạt Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, chỉ cho họ ở một đôi chỗ để buôn bán nếu không thuận thỉ chỉ chuộc lại mà thôi. Khoản người Y Pha Nho xin ở và đánh thuế, nên bác.... "

Đại Nam thực lục đệ tứ kỷ viết tiếp:

Khi các sứ giả vào bái biệt, vua Tự Đức ban ngự tửu và dặn dò ân cần: "Nước đang lâm vào hồi nguy cấp, phải nhờ những nhà lão luyện, đem hết tài năng, giữ cho được biên cương: công ấy cao hơn Lạn Tương Như đã đem ngọc Biện Hòa về cho nước Triệu".

Ngày 15/05/1862, sứ giả Việt Nam xuống tàu Hải Bằng, từ Huế đến cửa Hàn (Đà Nẵng) rồi theo tàu biển Đoan Loan nhờ tàu Forbin kéo vào Gia Định. Tới nơi ngày 26/05/1862.
Theo phúc tấu của Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp gởi triều đình Huế, ngay sau khi ký kết Hòa ước, thì chỉ có một cuộc họp chung giữa Bonard và Palanca với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp vào ngày 29/05/1862 trong buổi lễ kiểm tra thư ủy quyền của đại diện các bên. Từ 30/05/1862 đến 02/06/1862, trong bốn ngày, là những cuộc trao đổi giữa các sứ giả của triều đình Huế và Aubaret với một thông dịch viên người Hoa, Lý Liên Phương. Thoạt đầu phía Pháp đưa ra bản dự thảo gồm 8 khoản, trong đó có 2 khoản bắt Việt Nam phải trả 5 triệu đồng bạc tiền bồi thường chiến tranh và nhượng cho Pháp 6 tỉnh Nam kỳ; phía Việt Nam không chấp nhận. Sau đó Pháp đưa ra đề nghị bồi thường 4 triệu thay vì 5 triệu và nhường 4 tỉnh thay vì 6; phía Việt Nam cũng không chấp nhận. Cuối cùng sau vài ngày bàn cải, Pháp đồng ý trả lại Vĩnh Long và đảo Phú Quốc.

Hòa ước gồm 12 khoản, được ký kết trên soái hạm Dupersé giữa đại diện 3 nước vào ngày 05/06/1862.

Bản phúc tấu của Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp còn cho biết "Đối với các nhận xét của thần đẳng về khoản liên quan đến "tự do tôn giáo", ông Aubaret quyết liệt phản bác. Nhận thấy tính tình của viên chỉ huy là người cương trực nhưng nóng nảy, đã thay đổi những điều có thể được trong bản hoà ước, thần đẳng thấy không được phép kéo dài thêm các cuộc thảo luận sợ làm hỏng việc hòa đàm và gây thêm rắc rối, thần đẳng đã ký tên vào bản hòa ước ".

Đại cương, Pháp hưởng mọi quyền lợi, Y Pha Nho chỉ hưởng quyền truyền giáo, thương mại hạn chế và một phần tiền bồi thường chiến phí. Vài điều khoản quan trọng của Hòa ước như:

  • Khoản 2. Người Pháp và Y Pha Nho được tự do giảng đạo Gia Tô.
  • Khoản 3. Nhường cho Pháp Biên Hoà, Định Tường và Gia Định, đảo Côn Lôn. Người Pháp được tự do đi lại trên sông Nam kỳ.
  • Khoản 5. Người Pháp và Y Pha Nho được buôn bán ở Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên.
  • Khoản 8. Đại Nam phải trả 4 triệu đồng chiến phí trong hạn 10 năm.

Hai hôm sau, sứ bộ Việt Nam rời Sài Gòn về Huế, tới nơi ngày 10/06/1862.
Khi sứ giả tâu bày kết quả lên vua Tự Đức, nhà vua than rằng: "Ôi con dân mấy triệu! Tội gì đến thế! Đau lòng thay! Hai ngươi không chỉ là tội nhân của bản triều mà còn là tội nhân của muôn đời nữa".

Vua Tự Đức bất bình muốn trì hoãn việc phê chuẩn Hòa ước, nhưng Bonard không ưng thuận và sau cùng lễ hỗ giao Hòa ước được tổ chức vào ngày 14/04/1863 tại điện Thái Hoà.

Sau đó vì đình thần chủ trương: "Việc nhường đất bồi tiền như thế không hợp, nhưng điều ước mới định mà cải nghị ngay, vị tất họ không chịu, vậy xin chi 2 sứ thần đến ở gần, từ thương chước để chuộc lỗi trước, rổi sẽ sai sứ thông vấn, tùy cơ chước nghị" nên Tự Đức bèn cử Phan Thanh Giản làm Tổng đốc Vĩnh Long, Lâm Duy Hiệp làm Tuần vũ Thuận Khánh để tiện việc giao thiệp với Pháp.

III.            Phan Thanh Giản đi sứ sang Pháp và Y Pha Nho

Sau ngày Hòa ước Nhâm Tuất được ký kết, vua Tự Đức vẫn lo lắng tìm cách chuộc lại phần đất đã mất vì Gia Định là quê hương của Từ Dũ Thái hậu và Nam kỳ là đất khai cơ của nhà Nguyễn.

Điều đình với soái phủ Pháp ở Sài Gòn thất bại, nên triều đình Huế quyết định gởi sứ bộ sang Pháp và Y Pha Nho để thương thuyết. Phan Thanh Giản được cử làm Chánh sứ và Phạm Phú Thứ làm Phó sứ. Ngày 21/06/1863, trước khi sứ bộ ra đi, vua Tự Đức đã dặn dò Phan Thanh Giản như sau:

- "Ta nhất sơ thông sứ để mưu chuộc đất, ý quan Pháp thế nào?"

- "Ý họ thế nào tôi chưa biết rõ, nhưng gấp quá e chưa tất được."

- "Vậy thì sai sứ đi có ích chi? Phan Thanh Giản còn không biết rõ huống hồ người khác. Các ngươi đi chuyến này liệu nói thế nào cho được, nếu không nghe, nên lưu lại cố nói, sao cho động lòng họ, chứ đi không về rồi hoặc bỏ mạng không về thì có ích lợi gì cho nước?"

Vua Tự Đức hỏi thêm:

- "Trước kia ngươi bỏ Nam kỳ chắc là có cân nhắc, vậy ngươi còn có ý gì nữa không?"

- "Xem kỹ thời thế, không thế không được. Tôi nay phụng mệnh đi sứ, xong việc hay không còn tùy được ở hai nước. Tôi chỉ biết hết lòng hết sức mà thôi."

Vua Tự Đức cảm động không cầm được nước mắt khi bảo các quan:

- "Đất đai ấy, nhân dân ấy của tiền triều mở mang, nhóm họp để lại, nay các ngươi phải đồng tâm lo liệu sao cho ta khỏi hổ thẹn, khỏi lo lắng."

Rồi vua dặn dò sứ thần:

- "Quốc thư phải đưa cho đến nơi, đừng để các quan đương sự ngăn đón, đừng chuyên tin lời người thông ngôn  v.v.. Sứ thần là người thay mặt vua, đừng lạy mà nhục quốc thể".

Khi tiển chân ra cửa điện, vua còn hỏi thêm Phan Thanh Giản:

- "Nếu người ta không cho chuộc thì ngươi có cách gì đối phó không? "

Phan Thanh Giản tâu:

- "Tôi xin nhận chân sứ mạng, dầu cuộc đàm phán bị bế tắc, thì lũ tôi có thể duy trì mối tình thân thiện, để nuôi hy vọng về tương lai; nếu có thể "đem ngói đổi vàng" thì lúc nào lũ tôi cũng sẵn sàng, ngoài ra lũ tôi không có cách gì khác".

Vua Tự Đức vỗ vai Phan Thanh Giản và nói:

- " Ngươi đã chịu hy sinh trước sứ mạng, thì ta cũng chắc được khỏi tội với đời sau; đất 3 tỉnh là xương máu của dân, chuộc lại là chuộc tội cho ta, để cho dân thỏa lòng nguyện vọng".

Sứ bộ tới Paris ngày 13/09/1863 và đến ngày 07/11/1863 vào bệ kiến Napoleon III tại điện Tuileries. Phan Thanh Giản đệ trình quốc thư lên Napoleon III và trình bày mục đích của sứ bộ là xin chuộc 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ.

Vài hôm sau, Bộ Ngoại giao Pháp mời sứ bộ tới, hứa sẽ nghiên cứu rồi sửa lại Hòa ước 1862, và sau đó sẽ ký kết một hòa ước khác. Phan Thanh Giản cũng tuyên bố đại lược rằng: "Sứ bộ Việt Nam xin chuộc 3 tỉnh miền Đông và Việt Nam sẽ trả mỗi năm 2 hay 3 triệu vô hạn định hoặc sẽ trả 40 triệu trong 1 lần. Người Pháp có quyền cư trú tại 3 hải cảng của Việt Nam và tự do thương mại, đồng thời Việt Nam sẽ nhượng cho Pháp hải cảng Sài Gòn".

Chánh phủ Pháp chấp thuận việc sửa đổi Hòa ước 1862, soạn ra một bản dự thảo mới và trao cho sứ bộ Việt Nam trước khi đoàn lên đường sang Y Pha Nho.

Sau khi xong việc sứ bộ về đến Việt Nam ngày 21/03/1864, Phan Thanh Giản tường trình kết quả lên vua Tự Đức. Vua Tự Đức và triều thần đều vui mừng và tán thưởng công lao của sứ bộ. Vua Tự Đức bèn phong Phan Thanh Giản lúc ấy đã 68 tuổi làm Thương thư bộ Lại như cũ.

Sau đó không lâu, Aubaret  đại diện cho Pháp tới Huế ký với Phan Thanh Giản một hòa ước mới vào ngày 17/07/1864, trong đó Pháp sẽ trả 3 tỉnh miền Đông cho Việt Nam.

Tuy nhiên không khí hân hoan mừng vui ở triều đình Huế không kéo dài được bao lâu vì phe nhóm thuộc Bộ Hải quân và Thuộc địa, đứng đầu là Chasseloup Laubat, Bonard, De la Grandière đã ráo riết vận động chống lại việc cho chuộc đất. Tháng 11/1864 Chasseloup Laubat đệ trình lên Napoleon III bản phúc trình, dưạ theo quan điểm của De la Grandière và đặc tính trù phú của vùng đất Nam kỳ, kịch liệt chỉ trích ý kiến chiếm đóng thu hẹp ở Nam kỳ và khuyến nghị giữ nguyên Hòa ước 1862. Và theo đó Napoleon quyết định không cho chuộc đất, điều này khiến vua tự Đức tức giận và Phan Thanh Giản lại một lần nữa bị cách lưu.

IV.            Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây và Phan Thanh Giản tuẫn tiết

Sau khi hòa ước Aubaret bị bãi bỏ, ở ba tỉnh miền Tây nghĩa quân ta đánh phá khắp nơi; thế là người Pháp tính ngay đến việc chiếm nốt những tỉnh này để hoàn tất việc thôn tính và bình định toàn bộ Nam kỳ. Biết được âm mưu của địch, Tổng đốc Vĩnh Long là Trương Văn Uyển mật tâu về triều đình. Tự Đức muốn cử một người được Pháp tin phục vào Nam để đối phó với bọn chúng, nên theo đề cử của  Đoàn Thọ và Trần Tiển Thành, bèn tha tội cách lưu và phong cho Phan Thanh Giản hàm Hiệp biện Đại học sĩ Hộ bộ Thượng thư, sung Kinh lược sứ 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Nhưng Phan Thanh Giản dâng sớ xin từ khước sự khai phục [vì trước đó không lâu có lẽ vì quá chán nản và mệt mỏi lắm rồi nên Phan Thanh Giản đã dâng sớ xin về hưu, nhưng bị Tự Đức khước từ].

Buộc lòng phải nhận một sứ mạng vô cùng khó khăn, nên trước khi ra đi Phan Thanh Giản tâu rằng chủ trương của ông là hành xử đúng theo tinh thần Hòa ước Nhâm Tuất 1862.Tự Đức cũng ngỏ ý "muốn hòa bình cho dân tộc được yên ổn, nhưng không nên vì lẽ ấy mà khuất phục tình hình một cách thụ động".

Trong khi ở Vĩnh Long, ngoài việc phải xoa dịu Pháp về sự đánh phá của nghĩa quân, Phan Thanh Giản còn thương thuyết với họ về yêu sách đòi nốt 3 tỉnh miền Tây.

Năm 1866 trước những khó khăn ở Nam kỳ, Phan Thanh Giản lại dâng sớ xin hưu trí, viện lẽ tuổi già sức yếu không đảm đương được việc lớn; nhưng một lần nữa không được Tự Đức chấp thuận.

Trong khi đó về phía Pháp, được sự đồng ý của tân Tổng trường Hải quân và Thuộc điạ Rigault de Genouilly nên De la Grandière thảo kế hoạch hành quân, quyết định vào mùa mưa, sẽ dùng đường thủy mở cuộc tấn công đánh chiếm 3 tỉnh miền Tây.

Ngày 15/06/1867 De la Grandière rời Sài Gòn xuống Vĩnh Long với 17 chiến hạm. Nửa đêm 19/06/1867 hạm đội tới Vĩnh Long. Theo báo cáo của Tổng đốc Trương Văn Uyển thì sáng hôm sau De la Grandière cho viên quan ba hải quân cùng với tên Cố Trường vào thành đưa phong thư và mời tỉnh quan xuống tàu nói chuyện. Trong thư đại ý nói rằng: "Viên quan Tây thấy bọn giặc quấy rối lâu nay phần nhiều là dân của tỉnh Châu Đốc, nay y muốn quí quốc nhường lại ba tỉnh miền Tây để y kiểm soát thì chúng không dám quấy rối như xưa". Xem xong thư, Tổng đốc Trương Văn Uyển và các tỉnh quan cùng nhau thương nghị và sau đó Kinh lược sứ Phan Thanh Giản và Án sát Võ Doãn Thanh theo bọn chúng xuống soái hạm cố biện thuyết, trách Pháp đã vịn vào cớ nhỏ mọn mà đã vội làm thương tổn đến đại nghĩa v.v.. nhưng De la Grandière trả lời rằng: "Hổn ý thế nào, đã nói trong bức thư" và ra lệnh cho Phan Thanh Giản phải nộp thành trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, khi không còn gì để thương thuyết, Phan Thanh Giản và Võ Doãn Thanh trở về thành, thì quân lính Pháp với súng ống vào theo: khi thấy quan Kinh lược là người có quyền hành cao nhứt trở về và không biết kết quả cuộc thương thảo ra sao, các quan đầu tỉnh của Vĩnh Long như Tổng đốc Trương Văn Uyển, Bố chánh Nguyễn Văn Nhã, Lãnh binh Huỳnh Chiêu không biết làm gì và muốn làm gì cũng trở tay không kịp. Thế là thành Vĩnh Long bị quân Pháp chiếm. Phan Thanh Giản yêu cầu Pháp đừng nhiễu hại dân và tiền lúa trong kho vẫn do Việt Nam nắm giữ. Sau đó Phan Thanh Giản lấy tiền lúa nộp cho Pháp để thanh toán một phần tiền bồi thường năm đó.

Sau khi đã làm chủ thành Vĩnh Long, De La Grandière đã ép buộc Kinh lược sứ Phan Thanh Giản viết thư bắt quan chức hai tỉnh Châu Đốc và Hà Tiên phải đầu hàng. Phan Thanh Giản đã viết bức thư thông báo về tình hình ở Vĩnh Long, nhưng De la Grandière dùng bức thư có dấu ấn và với mưu kế gian xảo chiếm nốt Châu Đốc ngày 21/06/1867 và Hà Tiên 3 hôm sau đó mà không tốn một viên đạn.

Sau khi mất thành Vĩnh Long, Phan thanh Giản ra tạm trú ở một ngôi nhà tranh ở ngoại ô Vĩnh Long và vào ngày 08/07/1867, Phan Thanh Giản viết một lá sớ gửi lên vua Tự Đức, nội dung như sau:

" Nay gặp thời gian bĩ, việc dữ khởi ở trong cõi, khí xấu xuất hiện ở biên thùy; việc cõi Nam kỳ, một chốc đến thế này, không thể ngăn cản nổi, nghĩa tôi đáng chết, không dám sống cẩu thả để cái nhục lại cho quân phụ. Đức hoàng thượng rộng xét xưa nay, biết rõ trị loạn: người thân kẻ hiền trong nước cùng lòng giúp đỡ, kình cẩn phép trời, thương người cùng khổ, lo trước tính sau, đổi dây thay bánh, thể lực còn có thể gì làm được.Tôi tới lúc tát nghỉ, nghẹn ngào không biết nói sao, chỉ gạt nước mắt tỏ lòng quyến luyến, trông mong khôn xiết".

Sau đó ông xếp triều phục, ấn triện, 23 đạo bằng sắc được cấp thưởng từ khi làm quan, kèm với lá sớ trao cho một người đem ra Huế. Con cháu được gọi tới đông đủ, Phan Thanh Giản bắt đầu tuyệt thực ngày 19/07/1867. Bình tĩnh và sáng suốt Ông khuyên con cháu nên lo học hành, không được làm việc cho Pháp và căn dặn lo liệu tang ma cho ông thật giản dị và di bút: "Minh tỉnh thỉnh tỉnh, nhược vô ứng thư. Đại Nam hải nhai lão thư sanh tánh Phan chi cữu, diệc dĩ thứ chi mộ", nghĩa là "tấm minh tinh xin bỏ đi, nếu không thì ghi: cái cữu của người học trò già họ Phan ở góc bể nước Đại Nam, mộ chí cũng để như thế" đồng thời ông còn làm mấy vần thơ tuyệt mạng:

Thời trời, lợi đất, lại người hòa,

Há dễ ngồi coi phải nói ra,

Lăm trả ơn vua đền nợ nước,

Đành cam gánh nặng ruổi đường xa.

Lên ghềnh xuống thác thương con trẻ,

Vượt biển trèo non cám phận già,

Những tưởng một lời an bốn cõi,

Nào hay ba tỉnh lại chầu ba!

Không chết sau 15 ngày tuyệt thực, Phan Thanh Giản quyết định uống dấm thanh hòa với thuốc phiện chấm dứt cuộc đời và thi hài của ông được con cháu đưa về an táng tại làng Bảo Thạnh theo như ý muốn của người.

V.            Vụ án Phan Thanh Giản và các các quan chức ở sáu tỉnh Nam kỳ.

Tháng 9/1867 Nguyễn Tri Phương và Vũ Trọng Bình tâu xin xét xử Phan Thanh Giản và các tỉnh thần ba tỉnh miền Tây Nam kỳ đã không biết chống giữ.

Nhưng ngày 24/10/1867, vua Tự Đức xuống chiếu truyền truy cứu trách nhiệm của tất cả những quan chức liên quan đến việc làm mất sáu tỉnh Nam kỳ, từ Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Cáp, Phạm Thế Hiển, cho tới Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp và các quan chức của ba tỉnh miến Tây Nam kỳ.

Dụ rằng: "sáu tỉnh Nam kỳ bị mất, bọn Nguyễn Tri Phương, Tôn Thất Thiệp, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Bá Nghi đánh giá bất lực để mất nước; Phan Thanh Giản, Lâm Duy Thiếp nghị hòa bỏ mất, hỏng ở quảng giữa; kế tiếp lũ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản vâng mệnh đi sứ lại không được công trạng gì bỏ mất ở sau; từ đấy về sau lũ Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển, Nguyễn Huy Cơ, Trần Hoán nhân câu thả hèn kém, mất ở sau cùng, giao nghị xử ngay chờ chỉ quyết định..."

Tháng 4/1868, Cơ Mật Viện và đình thần đem vụ án ra xét xử, chủ yếu là Phan Thanh Giản và các quan chức ở Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên.

Đầu năm 1869, nhà vua cho công bố bản án của tất cả các quan lại liên quan đến việc mất sáu tỉnh Nam kỳ từ Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Bá Nghi cho tới lãnh binh các tỉnh Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên đều bị giáng chức hoặc tù đày. Riêng "nguyên Hiệp biện Đại học sĩ lãnh Kinh lược sứ Phan Thanh Giản trước đã cùng Lâm Duy Thiếp sơ suất định hòa ước, đem ba tỉnh Định, Biên, Tường khinh thường cho người; sau sung Kinh lược sứ lại để lở cơ hội, nên các tỉnh Long-Giang-Hà đều mất. Hai tội đều nặng, tuy sau khi việc đã rồi, chết cũng chưa đủ che được tội. Vậy Phan Thanh Giản cho cùng với Lâm Duy Thiếp đã quá cố đều tước bỏ chức hàm và đẽo bỏ tên ở bia tiến sĩ, để mãi cái án trảm giam hậu. Giết kẻ đã chết để răn về sau..."

VI.            Kết tội Phan Thanh Giản: bản án bất công và oan nghiệt

Tại đồn Chí Hoà vua Tự Đức phong cho Nguyễn Tri Phương chức Tổng thống quân vụ đại thần, nghĩa là được quyền thay vua điều hành mọi việc để giữ thành Gia Định. Nguyễn Tri Phương có gần một năm để điều động mấy vạn dân binh tu bổ thành theo ý mình. Tiền muôn bạc trượng đã dồn vào thành này! Thử hỏi hai vị Tổng thống quân vụ và "phó vương" đại thần này đã giữ thành được bao lâu?

"2 ngày rưỡi"!

Nguyễn Duy, em ruột bị tử trận. Phạm Thế Hiển bị thương. Rồi chính Nguyễn Tri Phương cũng bị trúng đạn. Quân lính Đại Nam dù dũng cảm, quyết tử cũng không sao chống lại giặc Tây Dương.

Mất Gia Định và mất luôn 3 tỉnh miền Đông thêm cả Vĩnh Long, một tỉnh miền Tây. Vua Tự Đức thảng thốt kêu lên giữa đình thần:

"Tội để mất Gia Định thành trước hết thuộc Nguyễn Tri Phương và tội này phải chịu xử trảm".

Trên chiến trường đã như thế, thì không thể nào một nhà ngoại giao có thể thay đổi được tình thế.

Cuối năm 1861, Charner  đòi cắt toàn tỉnh Gia Định, một phần Định Tường xung quanh Mỹ Tho và Thủ Dầu Một trong tỉnh Biên Hòa, nhưng triều đình Huế bác bỏ. Là người Việt Nam có lương tri không ai muốn cắt đất nhường cho Pháp nhưng trước tình thế nguy ngập vào đầu năm 1862, nếu muốn hòa hoãn với Pháp, thì không thể nào không nhượng bộ. Trong bản phúc tấu của triều thần, việc cắt nhượng đất theo như đòi hỏi trước của Charner được coi là không thể tránh. Ngoài ra nếu Phan Thanh Giản và Lâm Duy Thiếp ký hòa ước nhượng đất cho Pháp trái ý với triều đình là phạm tội lớn, đáng chém đầu thì chữ ký phải bị triều đình phủ nhận và hòa ước không được Tự Đức phê chuẩn.  Nhưng hai chánh và phó sứ chỉ bị khiển trách nhẹ nhàng là "phần nhiều chưa phù hợp", xếp đặt chưa giỏi và vẫn được thăng quan tiến chức, tiếp tục được giao phó cho những trọng trách giao thiệp với Pháp:  Ông chánh làm Tổng đốc và Ông phó làm Tuần vũ tỉnh Vĩnh Long và năm 1863 chính Tự Đức đã phê chuẩn hòa ước, làm lễ đại triều ở điện Thái Hòa tiếp sứ thần hai nước Pháp, Y Pha Nho để trao đổi văn bản hòa ước.

Dẩu sao trong Hòa ước Nhâm Tuất 1862, Phan Thanh Giản đã đòi lại được tỉnh Vĩnh Long. Trong cái thế chiến trường tan nát đó thì việc dành lại được một tỉnh Vĩnh Long cũng là một thắng lợi, tuy khiêm nhượng. Và kết quả đó là nguyên do của cuộc đi sứ sang Pháp và Y Pha Nho của phái bộ Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản. Trong hoàn cảnh khó khăn về tài chánh của chánh phủ Pháp, Phan Thanh Giản đã làm được một việc: thuyết phục được vua Napoleon III chấp nhận cho triều đình Huế chuộc lại 3 tỉnh miền Đông. Nhưng cuối cùng việc ấy không thành vì sự tranh dành và thắng thế của phe chủ chiến của Pháp chứ không phải vì cụ Phan không hết lòng.

Sau khi Gia Định thành thất thủ, đáng lẽ triều đình Huế phải phái vào Nam kỳ một vị quan võ năng lực nhứt, nhưng đình thần lại nghị cụ Phan, một quan văn vào chống đở. Tại sao lại có quyết định nghịch lý này? Những văn bản của triều đình còn lưu lại cho thấy vua Tự Đức đưa cụ Phan Thanh Giản vào Nam là hy vọng vào uy tín và tài ngoại giao của cụ để thuyết phục quân Pháp thông cảm mà nghiêm chỉnh thi hành Hòa ước Nhâm Tuất 1862. Nhưng cụ Phan không làm được việc ấy. Và giả sử vua Tự Đức có cử bất cứ ai khác ngoài cụ Phan thì chắc chắn cũng không ai giử được 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ. Ngoài ra tưởng cũng cũng cần nêu lên ở đây một tài liệu trong Châu bản triều Nguyễn có ghi:

Bài tấu của Nguyễn Tri Phương, Vũ Trọng Bình, Trần Tiễn Thành, Phan Huy Ích, Phạm Phú Thứ xét trình tội trạng của Phan Thanh Giản, Trương Văn Uyển, Nguyên Hữu Cơ, Trần Hoàn trong vụ Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ. Những người này đã bỏ thành không kháng cự trước sức tấn công của quân Pháp là vì có lời thẩm nghị trước đây của đình thần là: các quan chức phải bỏ thành, không được chống cự nếu quân Pháp tấn công. Nếu quân Pháp chiếm Vĩnh Long thì rút về An Giang, Hà Tiên...Như thế về mặt pháp lý thì Phan Thanh Giản đã tuân thủ đúng thẩm nghị của đình thần.

Ngoài ra theo Đại Nam thực lục thì vào năm 1866, khi biết rõ âm mưu của quân Pháp muốn chiếm nốt ba tỉnh miền Tây, Tự Đức và triều đình một mặt "khiến ba tỉnh ấy một lòng chống giữ" mặt khác lại thấy "thế đất cheo leo, muốn giữ cho không lấn cũng khó" và ‘tư cho quan Kinh lược không đánh nhau với quân Pháp, tự giải rút lui". Những chủ trương và giải pháp này của triều đình ắt phải dẫn đến hậu quả tất nhiên là không thể nào giữ được ba tỉnh miền Tây.

Mất ba tỉnh miền Tây là hậu quả của những chủ trương sai lầm của Tự Đức và triều Nguyễn, nhưng Phan Thanh Giản là một tín đồ của Nho giáo rất mực trung thành với nhà vua, yêu nước thương dân cũng xem đây là một tội lỗi của mình nên đã tự xử bằng cái chết

Tuy nhiên kết tội Phan Thanh Giản bán nước dâng thành cho giặc là một bản án bất công oan nghiệt, nhằm đổ tội cho Phan Thanh Giản để bao che những  sai lầm của Tự Đức và triều Nguyễn. Có lẽ tác giả Đại Nam chính biên liệt truyện phần nào đã thấu hiểu Phan Thanh Giản khi nhận xét: "Thanh Giản là người ngay thực, giữ lòng liêm khiết, làm quan cần mẩn, thận trọng, gặp việc dám nói. Trải thời ba triều, vẫn được yêu quý. Đến khi mang cờ tiết đi Nam, thế không làm sao được, biết tội tự uống thuốc độc chết. Thực là ở chổ người ta khó xử. Xem tờ sớ để lại thì lòng trung ái chứa chan ở ngoài lời nói". Có lẽ  vì thế mà năm 1885, vua Đồng Khánh đã khôi phục hàm cũ là Hiệp tá Đại học sĩ cho Phan Thanh Giản.

 

Tài liệu tham khảo

 

1.      Trần Quốc Giám: "Cuộc đời Phan Thanh Giản (1796 -1867)". Đặc khảo về Phan Thanh Giản tr.101-124. Tập San Sử Địa. Nhà Xuất bản Hồng Đức. Tạp chí Xưa & Nay. Số ĐKKHXB: 4054-2015/CXBI-PH/25-105/HĐ

2.      Phạm Văn Sơn: "Chung quanh cái chết và trách nhiệm của Phan Thanh Giản trước các biến c của Nam kỳ cuối thế kỷ XIX". Đặc khảo về Phan Thanh Giản tr. 84-100. Tập San Sử Địa. Nhà Xuất bản Hồng Đức. Tạp chí Xưa & Nay. Số ĐKKHXB: 4054-2015/CXBI-PH/25-105/HĐ.

3.      Phù Lang Trương Bá Phát: "Kinh Lược Đại thần Phan Thanh Giản với sự chiếm cứ ba tỉnh miền Tây". Đặc khảo về Phan Thanh Giản tr. 46-83. Tập San Sử Địa. Nhà Xuất bản Hồng Đức. Tạp chí Xưa & Nay. Số ĐKKHXB: 4054-2015/CXBI-PH/25-105/HĐ.

4.      Hoàng Lại Giang: "Phan Thanh Giản - Một Nhân cách lớn". Thế kỷ XXI Nhìn về Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản tr.165-171. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn. Số ĐKKHXB: 794-2006/CXB/2-13-06/VHSG

5.      Phan Huy Lê: "Phan Thanh Giản (1796-1867) con người, sự nghiệp và bi kịch cuộc đời". Thế kỷ XXI Nhìn về Nhân Vật Lịch Sử Phan Thanh Giản tr. 291-307. Nhà Xuất Bản Văn Hóa Sài Gòn. Số ĐKKHXB: 794-2006/CXB/2-13-06/VHSG

6.      Đại Nam thực lục, t.31. Hà Nội, 1974, tr. 65-66.

7.      Đại Nam thực lục, t.31. Hà Nội, 1974, tr. 296.

8.      Đại Nam thực lục, t.37. Hà Nội, 1977, tr. 23-35.

9.      Đại Nam chính biên liệt truyện, t.4. Huế 1993, tr. 37-42.

10.  Châu bản triều Nguyễn. Tự Đức nhị thập niên. Tứ nguyệt Thất nguyệt. Ngày 17-11-T Đ XX (1867) tr.187-190.

 

Enter supporting content here