THƠ - TRUYỆN

Năm Mới 2019 & Tết Kỷ Hợi

_______________________________________________________________________________________ 

 Trầm Vân, Mailoc, Songquang, Phương Hà, Nguyễn Ngọc Tuyết, đoàn xuân thu, Đan Quế Phong, Trúc Ty, Mai Duy Khôi

 

TRẦM VÂN:

TV_KQ_Chucvmungnammoi19.jpg 

 

MAILOC, SONGQUANG, PHƯƠNG HÀ:

 NĂM  TÀN

 

Thư phòng quạnh quẽ, lạnh chiều đông.

Mưa gió lê thê buốt giá hồn.

Sương trắng mơ hồ giăng khắp phố

Lá vàng tan tác chảy theo dòng.

Đèn sao nhấp nháy rực đường phố

Nhạc thánh u trầm vọng cõi không.

Thoi thóp năm tàn, cuốn lịch mỏng

Mấy tờ còn lại, sắt se trông!

         Mailoc

      12-23-18 

 Họa: 

VẮNG EM, MƯA CHIỀU CUỐI NĂM

 

Bên phố nhỏ chiều mưa lạnh vắng

Ta một mình đọng lắng sầu tư

Màn mưa như sáng sương mù

Nhớ em chỉ biết tìm dư ảnh người

 

Ngày cuối năm chiều rơi lặng lẽ

Cảm thương ta quạnh quẻ thân già

Nỗi buồn len lén lan xa

Bao năm đất khách xem là khói mây

 

Trời vào Đông đêm dài ngày ngắn

Bóng thời gian lẵng lặng chôn vùi

Tìm đâu lại được ngày vui ?

Bên em ,đã mất ....bùi ngùi nhớ thương

 

Cơn mưa tạnh,phố phường tấp nập

Người dập dìu hấp tấp chen vai

Góc kia một lão ăn mày

Nghĩ thương số kiếp cùng loài lạc đâu ?

 

Bản "Đêm đông" lời sao buồn bả

Tiếng ca ai rỉ rả chiều hôm

Đã len vào tận tâm hồn

Tìm em nào thấy ...chỉ còn trong mơ

songquang

(Một chiều cuối tuần cuối năm 2018)

        Dallas 12/29/2018

 

Chiều Buồn Cuối Năm

 

Chầm chậm bước trong chiều im vắng

Ta nghe lòng nhẹ lắng trầm tư

Hoa dầu xoay tít cánh dù

Mỏng manh, vô định, phù du kiếp người.

 

Đã buông bỏ cuộc đời chẳng luyến

Thì tiếc chi một chuyến dối già

Hãy bay, bay tít thật xa

Lượn chao chấp chới, la đà trong mây.

 

Dẫu đã biết có ngày tóc trắng

Từng sợi buồn vương vấn rơi...rơi..

Mắt mờ, môi héo, da mồi

Mà sao lòng vẫn bồi hồi tiếc thương.

 

Còn đâu nữa bạn đường một thuở

Lá thư tình bỡ ngỡ trao tay

Bây giờ tình chửa nhạt phai

Mà người xa vắng tìm hoai, thấy đâu ?

 

Mưa nhẹ rơi, giọt sầu rỉ rả

Trời tối sầm hối hả đêm buông

Nghe trong hơi lạnh buốt hồn

Mùa đông vẫn đó, xuân còn...rất xa !

 

Phương Hà

( Saigon, chiều cuối năm 2018 )

  

3. NGUYỄN NGỌC TUYẾT:

TRÊN BẾN SÔNG XUÂN       

           NguyenNgocTuyet_2019card.jpg                                                                                                     

          Một giọt nước bắn vào mặt làm Mai giật mình ra khỏi giấc ngủ mê mệt. Không phải sương mà là giọt mưa. Ôi, trong miền Nam này mà có mưa xuân sao? Đúng là thời tiết thất thường thiệt! Cơn mưa chỉ rỉ rả, chỉ rì rào trên mui ghe lợp lá nhưng cũng đủ ướt đống xoài, đống bưởi ngoài kia bởi trên chiếc ghe lớn của nhà, mui ghe chỉ bung ra có nửa, đủ cho hai mẹ con co rúc qua đêm thôi mà. Mai nhìn ra ngoài, mẹ đang lúi húi trùm mấy tấm ni lông cho mớ trái cây còn vun đầy. Cũng phải thôi, mẹ con Mai mới từ Cái Chanh chạy ra chợ trên bến sông này chiều qua, sáng mai mới có bạn hàng đến cân xoài, cam, bưởi về bán Tết. Hi vọng đắt hàng thì lui ghe trước Tết vài ngày, kịp lo cúng kiếng. Ế hàng như năm rồi có khi trưa hai mươi chín, ba mươi mới về nhà. Sống dựa vào mấy công vườn trồng bưởi, xoài, đu đủ, cam sành năm nào Mai cũng theo mẹ ra khu chợ Cần Thơ này, bán trái cây cho bạn hàng trên chợ kiếm ít tiền lo Tết cho nhà. Đi riết thành quen, cứ qua ngày cúng ông Táo lòng cô gái trẻ lại chộn rộn, náo nức, thèm thuồng cái không khí nhộn nhịp, ồn ào trên bến chợ nức tiếng vùng sông nước miền Tây này.       

          Nghe kìa, trời mới tinh mơ mà chợ dưới mé sông đã rộn ràng, náo nhiệt rồi. Mấy ghe nhỏ, ghe lớn đậu chung quanh đã tất bật hẳn lên. Chị Ba kế bên chuẩn bị sắp mấy buồng chuối ra mũi ghe, ông Tư hôm nào cũng ra chợ thật sớm để lên dừa tươi. Dừa lên hết trên vựa là ông lại quay ghe đi về các xóm trong bẻ dừa tiếp. Ghe dưa của thiếm Bảy năm nào cũng đậu trên sông đến cuối phiên chợ Tết, năm bán hết, năm phải chở về bán rẻ cho mấy nhà nghèo trong rạch. Còn lại cam, quýt, bưởi không đếm xuể. Những ghe thương hồ thoắt đến, thoắt đi nhưng hầu như cứ gần Tết là lại về đây nên Mai hầu như quen thuộc rất nhiều người, cô không cần nhìn cây bẹo treo ở mũi cũng biết ghe đó bán gì rồi. Thậm chí Mai còn có thể chuyền từ ghe này qua ghe khác để lên bờ nữa.

          Mới rửa mặt xong, gánh bún riêu của bà Ba đã đến. Bún riêu.. bún giò heo đây.. Tiếng rao lãnh lót trôi dài theo sông nước. Mai mỉm cười. Bà Ba thiệt là.. Mấy chục năm bán bún riêu cập bến sông, tiếng rao của bà vẫn vang lên sớm nhất và không thể lẫn lộn được. Nghe nói có lần nhà báo phỏng vấn, bà nói "bao nhiêu năm gắn với chiếc ghe, gánh bún nuôi con cái trưởng thành, giờ có thể nghỉ ngơi nhưng ở nhà buồn quá, sáng sớm cứ phải ra chợ bán thôi.

          Mai ló ra ngoài cùng lúc ghe bún cập lại. Bà Ba cười tươi rói:

-         Sao, ăn gì con? Ra hồi nào?

-         Cho con tô bún giò. Con mới ra chiều qua. Chợ có gì mới không bà Ba?

Vừa cúi xuống bóc bún vào tô, bà Ba vừa lắc đầu:

-  Thì chợ Tết năm nào chẳng vậy hả con? Nhưng coi bộ bông năm nay "hiu" à Mai. Bông cúc, bông mai là bông chủ lực mà trước Tết rớt hết rồi, không biết còn bông bán Tết không? Mấy hôm nay tao thấy vạn thọ, xương rồng lên nhiều, bông hồng thì lai rai, chờ vài bửa nữa coi.

Mới nói tới bông là đã thấy ghe bông trờ tới rồi. Mai vui vẻ kêu lớn:

-         Anh Quân phải không? Hay quá, lại gặp anh nữa rồi!

Chàng trai đứng trên chiếc ghe vừa mới tới cũng cười toe toét:

-         Cô Mai đây rồi. Tôi biết mà, không có Mai làm sao có Tết chứ!

-         Thôi đi ông hàng bông, giỡn hoài. Năm nay anh có mai tốt không nè?

Nhìn mấy chậu bông chất đầy ghe, Quân lắc đầu:

-  Mai coi đi, còn chừng chục gốc là đang nụ nở kịp Tết thôi, mấy gốc kia đã nở bung hết, giờ chỉ còn lá thôi. Giữ cách gì cũng không được.

Mai nhìn sang ghe bông rồi nhìn Quân, anh bạn từ Bình Thủy hằng năm vẫn đậu ghe gần cô mà buồn theo anh. Quân không bỏ học giữa chừng như Mai, anh đang học đại học năm thứ hai thì cha mất, anh phải bỏ học về gồng gánh gia đình, tiếp mẹ nuôi hai em ăn học. Cả nhà mấy đời trồng bông, vừa bỏ mối suốt năm, vừa bán Tết. Mai quen Quân từ những chuyến chở hàng bán Tết trên bến sông này mấy năm nay. Quân lớn hơn 3 tuổi nên Mai vẫn xem Quân như anh, tình bạn mỗi năm mỗi thân thiết dù thỉnh thoảng cả hai mới gặp nhau vào lúc cận Tết như vầy.

-         Sao, năm nay cây trái thế nào?

Tiếng Quân hỏi làm Mai giật mình:

-  Thì..cũng tàm tạm vậy thôi. Có điều năm nay bưởi nhà em thất thu quá, neo bán Tết không được bao nhiêu. Chừng nào về anh nhớ qua em lựa một cặp chưng bàn thờ nghe!

-  Ừ, anh cũng sẽ chọn cho em cặp cúc cao dậu một chút. May mà cúc của anh không bị dịch bệnh đó.

Đúng là mấy chậu cúc ta, cúc đại đóa trong ghe đẹp thật. Riêng đám cúc mâm xôi là Mai chẳng ưa chút nào. Nhưng Quân nói:

-  Bán có này có kia mà em. Sở thích mỗi người mỗi khác chứ. Giống như em thích mai truyền thống 5 cánh, người ta thích mai phú quý nhiều lớp cánh hay mai tứ quý nở suốt năm vậy mà.

Đúng là anh hàng hoa lẻo lự thiệt. Nghĩ vậy nhưng sau khi phụ mẹ cân mấy chục ký xoài, vài chục bưởi cho một vựa quen trên bờ, Mai cũng vui vẻ theo Quân lên chợ giữ dùm chỗ cho Quân dọn bông lên. Chợ đông, lại ít tiền nên Quân chỉ thuê được một khoảnh tí nị để chưng bông. Gặp khách mua nhiều phải dẫn xuống ghe. Được cái chỗ bán bông của anh nằm kế quán cà phê rất ngon bên đường nên mỗi lần có khách vào uống cà phê, ngắm bông cũng tiện.. Quán nước này mấy ngày Tết làm ăn được lắm, tàu du lịch liên tục ghé lại, Khách vãng lai ngồi ngoài sân cũng đông, chủ quán pha cà phê mệt nghỉ.  Chợ Tết trên bến Ninh Kiều nổi tiếng từ xưa đến nay nên mấy ngày xuân "trên bến dưới thuyền" vẫn hấp dẫn, vẫn phong phú sắc màu là vậy, làm sao không ra họp chợ cho được.

Mấy ngày chợ Tết rồi cũng qua mau. Trên bến sông xuân đã có nhiều ghe bông, ghe trái cây mở máy quay về sau khi chất hết hàng cho vựa hoặc cho người mua lẻ. Đám chủ dưa hiu hắt vì mấy cơn mưa sát Tết làm dưa hấu thất thu đã lui ghe từ sớm. Thiếm Bảy lái dưa than:

-  Năm nay chắc nhà thím ăn Tết héo rồi Mai ơi. Mấy cơn mưa trái mùa  làm dưa mới búng hường nổ hết trơn. Đám dưa còn lại vét bán cũng không được bao nhiêu!

 Mẹ con Mai cũng ráng bán mão hết số trái cây còn lại, chuẩn bị về nhà, mai đã 29 còn gì.

Đêm hai tám Tết, Mai lên chợ, ngồi bán tiếp Quân mấy chậu bông cuối cùng. Có lẽ vì bông năm nay ít nên ghe bông của anh đã bán gần hết. Chợ bông đêm nay đông nghẹt người mua bởi đây đã là đêm sát Tết rồi. Nếu không mua thì mai chỉ còn bông vụn thôi.

Đang cầm bình tưới sương cho mấy chậu cúc, Mai chợt nghe Quân la lên:

-         Thầy! Cô! Thầy cô đi mua bông hả?

Nhìn lên, một cặp tuổi trung niên đang đứng săm soi đám cúc vàng rực trong khi Quân chạy tới bên cạnh. Anh hàng hoa lộ vẻ mừng rỡ ra mặt, lăng xăng chỉ hết chậu bông này đến chậu bông khác. Cuối cùng ông thầy lựa được cặp cúc thật đều bông, dậu cao, thanh thoát. Quân ôm cặp cúc ra xe cho thầy rồi quay lại, cười tươi rói với Mai:

-         Thầy cũ hồi trung học của anh đó. Lâu quá mới gặp lại.

-         Vậy bán cho thầy cặp cúc bao nhiêu?

Anh chàng trợn mắt:

-  Bán chác gì! Tặng thầy còn không hết. Sợ thầy không chịu lấy, năn nỉ muốn chết đó. Vui quá trời!

Mai nhìn gương mặt rạng rỡ của anh bạn, lòng ngập tràn niềm vui. Hình như anh hàng hoa tíu ta tíu tít thường ngày đã trở về làm anh học trò nhỏ, tâm hồn trong trẻo hồn nhiên như thuở nào.

Đêm mùa xuân vẫn trôi...trôi về sáng. Mai trở về ghe giúp mẹ dọn đồ để quay về. Từ biệt Quân, từ biệt mấy ghe quen còn ở lại với lời hẹn mọi khi:

-         Ăn Tết vui vẻ! Năm sau gặp lại!

Ừ, năm hết Tết đến, như Quân, như chị Ba, thiếm Bảy, ông Tư mình nhất định trở lại nơi này. Bởi trên dòng sông xuân này, ở khu chợ quen thuộc này, không chỉ có những ghe thương hồ bán buôn mọi thứ ghé lai mỗi độ xuân về, không chỉ có những quán cà phê đông nghẹt dọc theo con đường, những chuyến đò ngang đưa người qua lại sáng sáng, chiều chiều và những con người bao năm trôi nổi với dòng sông, với bến sông xưa...Mà, đó còn là tình yêu thương gắn kết của những cảnh đời gian khó, là cảm xúc đôi lúc thăng hoa, đẹp đẽ tưới đẫm tâm hồn của những con người họp tan theo con nước lớn nước ròng.

Ghe rời bến, những chiếc ghe chở bông từ từ quay đầu, từ từ tỏa ra như những bông hoa bung cánh rực rỡ sắc màu, khu chợ trên bến sông mới đây ghe xuồng san sát, đông ken đã lùi dần, lùi dần. Trước mắt Mai, trong lấp lánh nắng xuân hình ảnh hai chậu cúc Quân ôm trong tay cho ông thầy cũ vẫn vàng rực, lung linh...

NGUYỄN NGỌC TUYẾT

Cần Thơ 

 

ĐOÀN XUÂN THU:

 

NHƯN MỠ ĐÒN BÁNH TÉT!

 dxt_duamodonbanhtet.jpg

Ngày Tết, miền Bắc ăn bánh chưng với dưa hành (cũ hành ta). Chính vì vậy mới có câu đối là: ‘Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh'. Miền Trung ăn bánh tét với dưa món (đu đủ, củ kiệu, cũ hành tím, cà rốt, ớt hoặc trái su). Miền Nam, nhứt là miệt Lục tỉnh Nam Kỳ ăn bánh tét với dưa cãi hay cũ cãi giòn rụm ngâm nước mắm y.

Có người cho rằng bánh tét nguyên ủy là của người Chàm, nước Chiêm Thành (192-1832) phần đất nay thuộc về miền Trung Việt Nam. Rồi bực thức giả nầy cầm cọ lên vẽ vời, gắn râu, thêm ria là: "Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, anh hùng áo vải Nguyễn Huệ (người Tây Sơn, phía Tây Bình Định, miền Trung đất của nước Chiêm Thành ngày cũ) mang quân ra Bắc, đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh do Vua Lê Chiêu Thống cõng rắn cắn gà nhà.

Lúc bấy giờ quân lính được nghỉ ngơi, ăn Tết sớm, trước khi đánh vào thành Thăng Long. Trong số quân lính có anh lính nọ được người nhà gửi cho món bánh làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh, hình dạng như bánh tét ngày nay.

Anh lính mang bánh mời vua Quang Trung. Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính kể, bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho. Mỗi lần ăn bánh, anh càng thương, càng nhớ vợ nhiều hơn. Anh mắc chứng đau bụng nhưng khi ăn bánh này thì lại không thấy đau nữa (?!) (Chắc anh lính nầy bị đau bao tử)

Cái huyền thoại nầy có nhiều chỗ khó tin, khó thuyết phục. Một là bánh nầy nguyên ủy của Chiêm Thành thì ắt người Chàm đã đặt tên. Thí dụ như ‘mắm bò hóc' của người Khmer thì mình cũng kêu là ‘mắm bò hóc' đấy thôi).

Hai là đi lính, vợ ở nhà làm bánh tét gởi cho. (?!) Đâu có KBC (khu bưu chính) như sau nầy, biết anh yêu ở đâu mà gởi chớ?

Ba là làm lính trơn dễ gì gặp mặt, kề cận được long nhan để ‘long nhong' mời Hoàng thượng ăn bánh? Rồi Vua mới đặt tên là bánh Tết?  

Tui cho rằng tét bánh ra từng khoanh bằng dây lạt, tước từ thân cây chuối lúc đó hay bằng cọng chỉ cắn vào răng như sau nầy nên nó tên là bánh tét.

Cái tên bánh là do quý phụ nữ quê mình đặt đấy. Bột gạo tráng trên lò cách thủy thì gọi là bánh tráng. Nướng nó cong vồng lên thì gọi bánh phồng. Giống cái lỗ tai heo thì gọi là bánh tai heo. Giống miếng thịt ba rọi thì gọi là bánh da lợn...

(Nhân đây mình cũng bàn vô tán ra về mấy cái địa danh của vùng lục tỉnh quê mình luôn. Ngoài cái tên của vua chúa ban cho, chỉ xài tên giấy tờ, còn người dân mình lần đầu tiên đặt chưn tới thấy sao kêu vậy hè. Như Mỹ Tho, tiếng Khmer có nghĩa là con gái đẹp. Có cây cầu băng qua sông, quẹo đeo giống cái cổ cò thì gọi là cầu Cổ Cò.

Ngay cả cái đất Cần Thơ, nơi sông nước có nhiều cá sặc rằn, nên người Khmer đặt tên là ‘Kìn Tho'; người Việt mình gọi trại thành Cần Thơ.

Nhưng cũng có ông anh mình, đầu óc cực kỳ địa phương, bác bỏ cách giải nghĩa từ nguyên về địa danh Cần Thơ của Nam bộ học Sơn Nam, cứ khăng khăng cho rằng: Chúa Nguyễn Ánh đêm trăng nghe tiếng đàn, tiếng thơ véo von trên sông Hậu nên đặt tên là Cầm Thi đọc riết thành Cần Thơ (?)

Lịch sử cho thấy rằng Nguyễn Huệ nhứt định truy nã ráo riết nhằm giết cho được Nguyễn Ánh để  trừ hậu hoạn, nên trên đường bôn tẩu xang bang xấc bất thì có thời giờ đâu mà cầm với thi chớ?

Phần Cần Thơ, tên loài cá sặc rằn, hay hết biết rồi thì cần chi phải là Cầm Thi mới hay ? Sài Gòn là một rừng gòn hay quá thể; sau nầy VC cố gắng xóa tên mà đâu có được nè. Nhưng có cái nầy là tui tin nè. Bánh tét là do mấy bà vợ làm, còn mấy chồng chỉ có biết ăn.

Cái tui tin nhứt bánh tét, để lâu không bị thiu, là một loại quân lương của đồng bào mình nấu sẵn, khi quân ta trẩy qua, bà con hậu phương ủng hộ tiền tuyến, cho mỗi chú lính vài đòn, vắt tòn ten trên đòn gánh. Nhanh và gọn khỏi dừng quân nấu cơm lâu lắc, hầu thần tốc hành quân ra Bắc để rượt Tôn Sĩ Nghị chạy có cờ về bên kia Lưỡng Quảng.

Tui ngờ rằng quân Tàu ăn bánh bao không no lâu bằng quân ta ăn bánh tét. Đói bụng cứ ăn bánh bao hoài hè, cứ lo hẩu xực bánh bao nên quân ta mới thừa cơ xuất kỳ bất ý, tốc chiến tốc thắng rượt quân nó hoảng loạn, chạy sập cả cầu phao bắt qua sông Hồng thuở ấy.

 

Rồi ông bà mình từ miền Trung vào miền Tây khai khẩn, trên con đường lưu lạc, vác gạo theo để nấu cơm thì nhiêu khê, nặng nề quá! Chi bằng trước khi bỏ xứ lên đường lưu lạc, chơi một nồi bánh tét ế kinh, quảy theo ăn suốt cuộc hành trình khai khẩn đất phương Nam.

***

Dân làm ruộng quê mình chuyên trồng lúa nước nên có gạo, có nếp là chuyện đương nhiên. Gạo để nấu cơm ăn mỗi ngày; còn nếp để thổi xôi và làm bánh tét. Cũng như Tây trồng lúa mì nên nó ăn bánh mì chớ không ăn cơm như chúng ta.

Tui cũng ngờ rằng bánh tét cũng nếp, cũng nhưn thịt mỡ y chang như cái bánh chưng của đồng bào miền Bắc. Hai loại bánh nầy là anh em ruột thịt với nhau. Bánh chưng có trước làm anh, bánh tét có sau làm em.

Bánh chưng hình vuông vì gói bằng lá dong, to bảng, khó xé, miền Bắc có rất nhiều. Vào tới miền Trung lá dong ít, lá chuối nhiều, dễ xé, thì thay vì hình vuông bánh chưng dài ra thành đòn bánh tét.

Miền Trung, miền Nam nước Việt mình chuối nhiều cơ man nào mà nói, lá chuối dùng để gói, dây chuối dùng để buộc, trái chuối dùng để làm nhưn.

Bà con mình khoái ăn thịt heo nên không có gì ngạc nhiên khi bánh tét có nhưn mỡ.

Miền Tây mình bánh tét bán lai rai năm mười hai tháng. Thèm cứ ra chợ mua ăn

với dưa kiệu, dưa cãi, dưa đu đủ xanh, dưa hành, dưa bông điên điển, dưa cà pháo chua chua ăn cho đỡ ngán. Còn muốn mằn mặn thì ăn với cũ cải trắng ngâm nước mắm.

Cái sâu sắc của truyền thống tối giao thừa nhà nào cũng có một nồi bánh tét ế kinh để ăn trong ba bữa Tết là vầy: Anh mình yêu và xót em suốt cả năm quần quật hoài trong bếp, giờ tết chỉ có ba hôm, phải cho em khỏi nấu cơm, để mấy em hưởn, rảnh rang, ngày xòe tướng xanh tướng đỏ, đánh bài tứ sắc; còn đêm về rũ chàng, đôi ta sẽ lắc bầu cua.

Thương vợ nhưng không nói ra vì sợ nó nhỏng nhẻo, nó lừng, nên bày đặt chuyện ba ngày Tết cấm lửa. Làm gì có chuyện đó. Ông Táo chầu trời bữa 23 al rồi, đêm giao thừa là ổng đã lù lù trở lại sau một tuần ‘vacation' quá đã với tiên nữ trên thiên đình rồi giờ về  thì phải về nổi lửa lên chớ!

Vậy mà có em cạn suy, kém nghĩ, không hiểu tình anh yêu em bao la như núi Thái Sơn cứ càm ràm chồng chúa vợ tôi miết hè.

Suốt cả năm, viết bài khều nhẹ, chọc quê em yêu, giờ tới Tết tui cũng phải tự mình ăn năn, hối lỗi bằng cách nịnh xạo để em vui. Vì chữ có câu rằng lời nói không mất tiền mua lựa lời mà nói cho vừa lòng em. Vừa lòng em mà không tốn tiền quà cáp, quần áo, nước hoa gì ráo trọi thì ngu sao mà mình hổng làm?

Nịnh rằng: Em yêu không những là một người làm bánh tét tài hoa mà còn là một nhà họa sĩ. Đòn bánh tét với em là một tác phẩm hội họa xuất sắc như tranh của Picasso.

Nếp trắng em nhuộm màu xanh, hy vọng tình ta không có xót xa bằng màu xanh vắt từ lá dứa hay rau bò ngót. Em là dân Cần Thơ, muốn độc quyền cầm, bánh tét hổng giống ai, chơi luôn màu tím hoa sim, bằng lá cẩm.

Em còn dùng nếp màu trắng, màu xanh, màu tím để chơi vào ruột một đòn bánh chữ "ANH", đòn còn lại chữ "YÊU". Em dùng cọng chỉ tét ra hai khoanh đặt lên trên dĩa trẹt, hiện ra hai chữ "ANH YÊU'! Còn cục mỡ làm nhưn, ẩn dụ là em. Ai bảo bánh tét không mang tình thơ mộng gì ráo đâu nè?

 

***

Ôi nhớ xưa hồi mới cưới vợ, em yêu và tui mướn cái nhà trong hẻm 5 đường Lý Thái Tổ Cần Thơ, gần bên hẻm Tài Xỉu và nhà vẽ Bút Ngân.

Cách nhà một căn là một lò bánh Tét. Cả ngày những nồi nấu bánh Tét to đùng nghi ngút khói và hơi nước. Những đòn bánh tét nấu vừa xong, lấy ra khỏi nồi, nhúng vào nước lạnh, treo lủng lẳng trên những cây sào vắt ngang bờ tường, chờ xe ba bánh đến chở ra chợ bán.

Nhà ấy có một em, da mặt trắng như bông bưởi, (chắc có lẽ nhờ xông hơi nước thoát ra từ nồi nấu bánh tét của má em), làm sở Mỹ, ăn diện rất văn minh, son môi còn thắm Sylvie Vartan.

Sau tháng Giêng năm 73, Mỹ theo kế láu cá của Henry Kissinger bắt tay với Tàu cộng bỏ rơi bạn đồng minh, rút chạy về nước hết ráo. Mười giờ ông Chánh về tây, cô ba ở lại lấy thầy thông ngôn. Nhưng em không lấy thầy thông ngôn mà cứ ở vậy, cà nhỏng chống xâm lăng, để mấy thằng háo sắc như tui thèm nhễu nước miếng chơi. Tui ‘địa' em hoài, nước chảy đá cũng mòn, có lần em cho tui một đòn bánh tét nhưn mỡ. Chu choa ngon thấu trời!

Thiên hạ thường nói: Đường đến tim phải qua cái bao tử của anh. Con gái nó khoái mình là nó cho mình ăn cục mỡ nhưn đòn bánh tét trước; còn cục mỡ của em thì em cứ nhứ nhứ trước miệng mèo.

Bà chằn lửa của tui đánh hơi được cái thói mèo mả gà đồng, mắt em trợn dọc trắng dã làm tui xanh mặt. Qua nhà em bánh tét, tui hổng dám nhìn quanh nhìn quất chỉ gầm mặt bước đi luôn. Thiệt là nhục mà!

Đá mòn sông cạn, sau cuộc biển dâu, tui vọt luôn qua Úc. Có lần thằng bạn còn kẹt trong nước, qua facebook, hỏi tui còn nhớ em ba lò bánh tét năm xưa ngày cũ hay  không?

Bây giờ em đã là bà ba Giám đốc công ty bánh tét lá cẩm nổi tiếng nhứt Cần Thơ, bánh tét xuất cảng qua tới tận Singapore cho con cháu của Lý Quang Diệu tét... nên giàu thôi hết biết.

Việt kiều Úc, bèo cỡ chú mầy, chưa chắc rớ được tới cục nhưn mỡ trong đòn bánh tét của em đâu.

Thôi tình ta đã dỡ dang. Xin hẹn nhau kiếp sau ta tìm thấy nhau, để anh ‘quằm' cái nhưn mỡ, nằm cốt lõi, ngay chính giữa đòn bánh tét của em, anh ăn được có một lần, nên vẫn còn thèm lắm đó.

 

đoàn xuân thu.

Melbourne

 

ĐAN QUẾ PHONG 

MÀU TÍM HOA MUA

DanquePhong_TuYlan.jpg 

TỬ Y LAN

 

Mùng hai Tết, tôi muốn ra ngoài. Lúc mọi người vẫn còn say ngủ vì thức trể đón giao thừa Thạch thả bộ ra bến Ninh Kiều tìm một quán café hy vọng có một số tiệm đã khai trương.

Sau khi tìm được một quán nhỏ bên cạnh hàng phượng vĩ nổi bật lá xanh như tán dù, thân được sơn trắng trồng dọc theo lối đi dọc bờ sông.                                                                                     

Rũ mình yểu điệu từ ngàn xưa vẫn là những cây liễu liêu trai lã ngọn xuống bờ nước. Xen kẻ đầy sáng tạo, thật dễ thương, thật tiện nghi cho các cặp tình nhân khi người ta xen vào một cái băng đá ẩn đâu đó trong bóng một giàn hoa giấy, dưới tàng của khóm dừa, hay cạnh một bức tượng. Những chiếc du thuyền nho nhỏ buông chèo đậu dọc theo cái cầu tàu xa lạ, có lẻ mới xây, bắt gie ra bến sông. Cái quán nhỏ bé được căng bằng vải tăng màu ngà ngà xọc xanh dương cũ kỷ đang phần phật tung gió sớm rải rác độ mươi chiếc bàn con. Chàng chọn cái chỗ ngồi có thể nhìn ra bờ con sông quen thuộc nơi mà Thạch đã hối hả rời bỏ trong một ngày hoảng loạn, hoàng hôn nức nở, chia ly xé lòng cách đây 40 năm. Duyên số. - Thạch lẩm bẩm

 - Cái chậu hoa tím của chị??

 - Ông muốn nói chậu hoa Mua? Bà chủ nói  đặt nó trong tiệm sẽ mua may bán đắc. Những tiệm "Mua, Café " đều có một chậu hoa nầy làm biểu tượng.

 Thạch chợt quay lại vì nghe tiếng phía sau lưng mình.

 - Hôm nay trời không có nắng, khí hậu lạ lùng, mưa rào ngày hôm qua, ra ngoài không tốt cho sức khỏe của ba đâu!

 - Ba cần chút không khí tươi mát, nằm hoài đối diện bốn bức tường buồn chán lắm con không hiểu đâu.

 - Anh Giang đi chơi mệt ngủ trễ vì chưa quen lắm với múi giờ ở đây, con sẽ về chở anh ấy tới rồi mình tìm chỗ ăn sáng. Ba thấy trong người thế nào?

 - Từ khi ngưng tiêm hóa trị ba thấy khá hơn chút con ạ. Hơn 60 tuổi thì sống là phần thưởng, mà phần thưởng thì không thể  đòi hỏi, ba rất sẵn sàng. Được trở lại Viêt Nam thăm mồ mả cha mẹ thì chuyến đi có thể là lần cuối nầy còn đòi hỏi gì hơn.

 - Con không muốn nghe tư tưởng bi quan nầy của ba nữa đâu. Đây cũng là ý kiến của anh Giang để cả nhà chúng ta tổ chức gặp nhau và ăn Tết ở đây, bây giờ ba muốn đi đâu thì con chở ba đi? Con mượn xe của cậu Tuấn, con chạy vững lắm ba đừng lo.

 - Ba biết, nhưng hiện tại ba chỉ thích ngồi đây một lát rồi cuốc bộ vòng vòng thôi. Cần Thơ nhỏ lắm.

 - "Mua, Café " cái tên quán nầy lạ quá phải không ba? .

 - Con có thấy chậu hoa tím nhỏ khiêm tốn núp sau hòn non bộ kia không?  Hoa Mua đó, họ chọn làm tên cho cửa tiệm. Con nhìn xem cây cỏ vùng nhiệt đới thật sung sướng vì ấm quanh năm có những loại hoa vô danh nhưng đẹp dịu dàng. Thỉnh thoảng người ta lại khám phá ra một loại hoa rừng, một loại Lan lạ như tiên nữ trong rừng sâu trong chuyện liêu trai. Hãy nhìn những cây Liễu yểu điệu làm dáng nghiêng bóng bên dòng con sông Hậu lúc triều lên ba thấy nó đẹp đến não lòng, và vị trí cái quán café nầy thật là tuyệt vời phải không con?

 - Ba là hòn đá lớn chẻ dòng chảy làm đôi cho ra Thanh Giang và Thanh Thủy trong veo mỹ miều, theo con là tuyệt vời nhất cho nên không còn chỗ cho đóa hoa Sim tím đó đâu ba.

 - Sao lại ganh tị với hoa! "Hoa Sim", nó là "hoa Mua" Hoa Sim rất nổi tiếng, tên của thơ Hữu Loan, nhạc Phạm Duy, đầu tiên là Dzũng Chinh và sau đó các ca sĩ khác thi nhau đưa cao giọng hát, còn đóa hoa nầy quê mùa như tên gọi, nép mình sợ gió lay, từng cánh từng cánh âm thầm không tranh sắc khoe hương nhưng... Ai đem hoa ra phố thị cho hoa sợ hãi, khép nép ngỡ ngàng.       

Thạch bổng ngưng lại, tự nhiên sao lại nói nhiều thế.

 - Thầy uống café nóng hay lạnh đây?

 -Cô cho café đen không đường pha kiểu espresso làm ơn.  

     Thạch già đi từ một năm nay, xanh xao, bàn tay gầy nổi những đường gân, vẫn thích nhấm nháp ly café tí tẹo đặc quánh pha nước nhứt. Thủy biết ý ba mình từ bao nhiêu năm. Không cần nhiều chỉ cần thơm ngon.

 - Cho cho tôi café đen lạnh và thêm một ly sữa tươi nóng cho ba tôi.  

Quay sang Thạch, Thanh Thủy nói:

 - Có sữa tốt hơn ba à. Con có được chiếc xe làm chân, sẽ khám phá quanh thành phố. Ở đây cũng đẹp nhưng ngồi một nơi lâu đôi chân cứ ngọ nguậy khó chịu!

 - Ba hiểu mà, ba có thể tự lo được con gái ạ

Thanh Thủy uống nhanh ly của mình, quay sang hôn lên má Thạch một cái rồi quay xe chạy trở lên hướng đường Huê Viên cũ.

       Mình thật yêu đóa hoa Mua cô lẻ nhỏ nhắn đó mà đến ngôi quán bé nhỏ nầy một tuần nay sao? Có hương sáng tinh mơ của sương mai pha cùng cây cỏ, có tia nắng sớm xa xa của bình minh gợi nhớ một ngày của 50 năm xưa.

Vợ chàng muốn con mình là dòng chảy của mình nên chọn tên con gái Thanh Thủy- cho tới hiện tại, giống vợ chàng, rất dịu dàng xen vào đời sống của chàng từ khi mẹ nó mất -con trai Thanh Giang rất dễ thương nhưng hơi cứng cổ, luôn chống đối chuyện lập gia đình dù đã hơn 30, may thay Tết nầy nó hứa giới thiệu chàng cô bạn gái nửa Úc nửa Việt mà nó đã bị tiếng sét. Chàng thấy mệt, bao giờ thì hết trách nhiệm đây?  Chàng sợ nước, nước dễ sợ như thế nào Thạch đã biết nhưng sao số kiếp Thạch cứ vướng víu vào nước không ngừng nghỉ. Hồi xưa cha Thạch hay giãng cho chàng nghe về vũ trụ, hay về thiên nhiên "sức mạnh của nước" mà cái ấn tượng đập vô đầu chàng nhiều nhất là câu "nước chảy đá mòn" Chàng là đá mà vậy đối thủ đầu tiên của chàng không ai xa lạ là nước, thứ mà không nắm bắt được: Tùy lúc mà mềm mại uyển chuyển theo dòng suối mơ, hay gặp thời cơ bay lượn nhởn nhơ khoe sắc mây hồng. Rơi xuống trần nước cũng lấp lánh nhỏ xinh làm giọt sương trong. Góp nhặt được sức mạnh thác nước ầm ầm là nguồn của bao con sông lớn. Nước là cứu tinh của nhân loại và cũng là Đại Hồng Thủy tận diệt mọi người. Người con gái mang tên Thủy vợ chàng có đầy đủ hết mọi đức tính đó!!  "sơn cùng thủy tận", Như Thủy đã về với biển cả sau khi bào nhẵn ngọn đồi trọc và lưu lại đây trách nhiệm cho chàng với Thanh Giang và Thanh Thủy. 

     Thanh Thủy đang đi dạy toán ở Trung học, đã lập gia đình với người bản xứ chưa có cháu nào. Thanh Giang cũng vừa hoàn tất cao học ở Boston College, sau một năm trao đổi học sinh ở Đại học Úc Đại Lợi trở về tự nhiên đòi món quà là cùng gia đình đi chơi ở Việt Nam. Tháng trước, vừa vặn bệnh Ung thư của chàng đã phát táng qua lá phổi thứ nhì và bác sĩ cho biết chỉ còn độ 6 tháng chàng vẫn chưa cho con trai biết. Trách nhiệm của người làm cha xong thì đổ gục. Trách nhiệm làm con chàng đã theo lệnh cha cưới Như Thủy cô láng giềng hiền thục đền cái ơn Như Thủy đùm bọc gia đình cha mẹ chàng lúc chàng đi học tập. Sao đời tôi có quá nhiều trách nhiệm! Tôi chỉ muốn một chút thả lỏng.

 Cho tầm mắt lãng đãng nhìn về phía chậu hoa Mua bị khuất sau chậu Hạnh và Mai. Con bé bưng café ra nói- Tết mà bà chủ đã mua thêm mấy chậu hoa hôm chiều 30-, làm cái hủ sành cao màu da bò trồng Mua bị dời sát bờ kè. Hôm nay Mua chỉ nỡ có một đóa nhưng 6 cánh màu tím thẩm, nhụy cong rúng rẩy chừng như đã quen với nắng gió bụi trần.

Thạch định bước lại vuốt nhẹ cánh hoa tiên thì có một chiếc Honda dừng bên đường, hai thiếu phụ vào quán, chọn ngay chiếc bàn cạnh cội dừa kiểng. Vì đúng vào hướng nhìn của chàng nên chàng chú ý: Một bà mặc áo khoát xám ngắn đeo khẩu trang, người thứ hai mặc áo tím nhạt cổ bâu thấp, không mang áo ngoài, dù chưa tới 8 giờ, tiết xuân lành lạnh. Họ gở nón đội đầu đặt lên bàn, ngồi xuống và quay lưng về phía tôi góc 45 độ. Chị chủ bước tới chào hai người. Họ chừng như thân quen gọi:

"Một ly café sữa nóng đi cô Oanh và ...hình như một cafe đen không đường? Giọng bà kia nhỏ và nhẹ, chỉ nghe tiếng: "cám ơn em " khi chị chủ quay lưng đi.                                                                                           

Thạch chú ý người mặc áo tím như có một hấp lực. Dáng bà ta không thể nói là ốm nhưng thon gọn bước đi tự tin cho cái tuổi ít lắm cũng ngủ tuần nầy. Chiếc áo vải ren màu hoa cà cắt khéo, kết dài trước ngực hàng nút hạt trai trắng đơm dầy, điểm thêm chiếc nơ cuộc hờ ngang vòng eo sau lưng. Tay áo lửng, muselin mềm cùng màu trang nhã hơi loe ra từ chỏ tay cũng kết nơ mỗi bên làm duyên một cách kín đáo. Mái tóc nâu đen, cắt lô lô làm gương mặt phúc hậu, trẻ hơn tuổi đời vì chỉ trang điểm nhẹ, nước da trắng thiếu nắng không mang khẩu trang như đa số quý bà quý cô địa phương, Thạch quyết đoán là Việt Kiều, nhưng bà không mặc đầm, chỉ chiếc quần lụa đen, mềm, giày cũng nâu đen như màu cái bóp da nhỏ quàng qua vai. Bà bước vòng qua khỏi mấy khóm cây đến đứng tựa vào bờ kè, nhìn ra bến sông trầm tư. Xa xa những chiếc ghe chờ khách đến thuê chèo đi dạo qua bờ xóm chài hay cồn Ấu, bà vơ một cành Liễu đang lã lơi theo gió lướt thướt ngậm vào miệng. Lá Phượng xanh mướt, không đúng mùa trổ hoa cũng xung xăng như rì rào, thân thiết tỉ tê, như cần vuốt ve.  Bà ngồi xuống băng đá thở nhẹ như luyến tiếc, như bâng khuâng. Lúc sau bà quay vào:

 - Ô, ô!

 Tự nhiên bà đứng lên tiến gần chậu hoa Mua, đóa hoa tím thẩm nổi bật giữa màu lá xanh đã làm bà chú ý. Như không tin, bà gở đôi kiếng cận để nhìn cho kỷ, mắt bà sáng long lanh một cách thích thú rồi há hốc mồm ngạc nhiên, hai tay nắm chặt tì lên ngực như dằn cơn xúc động, lẩm bẩm "TỬ Y LAN" đoạn quay lại hỏi bà kia.

 - Có thật là Tử Y Lan tươi mát, giữa Mai vàng Cúc tím Thược dược, Mẫu đơn?  

 - Chị không nhận ra chậu hoa Mua chị từng tưng tiu trước khi rời Việt Nam sao?

 - Em vẫn giữ cho nó sống tới hôm nay?! Hồi đó có nhiều hoa hơn.

           Thạch thấy ngờ ngợ với chiếc mũi dọc dừa thật cao, chiếc miệng nhỏ và đôi mắt sâu. Ai mà biết tên nàng tiên hoa của chàng. Chỉ có một người con gái độc nhất cùng chàng khám phá ra loại hoa bị bỏ quên nầy bên bờ lạch nước trong chảy róc rách một ngày xưa thật là xưa,Tuyền!                                                                     Đôi mắt vô hồn từ ngày chàng bị bệnh như sáng lên chớp thật nhanh rồi nhắm lại một giây, môi mấp máy muốn nói gì nhưng khép lại, xoay mặt qua hướng khác cho nàng không nhìn thấy, bần thần nhìn những tảng Lục Bình theo con nước rong đầu tháng dâng cao dập dềnh bên mạng những chiếc thuyền neo xa xa như điểm xuyết cho mặt sông màu khói.

   Hồi ức một lần nữa lại trở về

  Trong khi cả đoàn cấm trại trong ngày lễ Phật đãn trên chùa Kiến Quốc, cùng chia nhau chơi trò chơi tìm báu vật, tôi và Tuyền ngẩn ngơ nhìn những đóa hoa tím thẩm ngậm sương long lanh e lệ điểm dáng giữa rừng lá xanh. Nhìn đôi mắt long lanh say đắm của Tuyền quỳ xuống ve vuốt từng cánh rồi hôn lên hoa áp vào má và kể cho tôi nghe đây là một khám phá thú vị riêng của nàng khi còn ở nhà quê Tuyền dẫn con bò "bê bê "đi ăn cỏ, và nàng cũng không biết hoa tên gì!? Sau một lúc hai chúng tôi bèn đồng ý gọi là loài hoa hoang dã lẻ loi đó là "Tử Y Lan" cái tên nghe cải lương làm sao nhưng ngại gì chỉ có tôi và Tuyền gọi như thế.

 Sao lại là Tuyền? Hơn bốn mươi năm như cái chớp mắt. Mình đã già sao lòng vẫn nhớ! Cô bé nữ sinh trường Đoàn dáng mành như liễu có mái tóc dài. Những ngày chạy xe đạp theo sau dõi bước chân em đi nhẹ nhàng như trôi chầm chậm trên đường Ngô Quyền quanh qua Hòa Bình lung lay bóng phượng, con đường học trò và tôi về nhà nắn nót, trau chuốt chọn lời, viết lên một bài thơ mà không dám gởi cho ai kia.

Đại lộ Ngô Quyền in gót em.

Cơn gió chiều hôn tóc em mềm

Nghe thương sao dáng em hờn mát,

Anh bước quay về thức trắng đêm. -HLT-

Nhà nghèo chiến tranh lan tràn mình tản cư ra thành phố bỏ hết ruộng đất trong Kinh Cùng. Ba tôi tập tểnh tìm một việc xắp xếp sách vở ở thư viện Đại Học Cần Thơ lương ba cọc ba đồng, mẹ buôn quần áo cũ dưới chợ, mình dùng khai sanh của thằng em cho tuổi nhỏ xuống và đậu được vào trường Phan  một năm với Tuyền. Mình gặp Tuyền từ năm đệ ngủ, Tuyền 15 mà mình đã 18 tuổi trong lớp Judo Thanh Long của thầy Ung Phụng Võ cũng là đàn anh ở trung học tỉnh nhà. Mình đọc ở đâu đó cái định nghĩa tình yêu là "tiếng sét", là cái rung động của con tim ngay lần gặp gở ban đầu. Hôm đó cũng như thường lệ sau khi cơm nước xong mình cuộn bộ đồ võ quảy lên vai tàng tàng lội bộ xuống trường võ ở đường Ông Hành, nó nhìn ra mặt sông, sau Sân Banh, trước khi tới cầu Tham Tướng. Như thường lệ cũng có rất đông khán giả đa số là nhóm trẻ, đứng nhìn từ hai góc của cái "Tapis" . Mắt mình chợt dừng lại trước một nữ võ sinh mới, tóc rẽ đôi cuộc hai lọn gọn gàng với hai sợi nơ vải tím. Gương mặt cô bé bầu bỉnh da ngâm, miệng nhỏ, mũi thật cao như được thẩm mỹ và đôi mắt tròn. Đôi mắt! đôi mắt nai ngơ ngác nhìn chăm chú anh Ung Phụng Võ đang giảng về cách đánh của môt đòn vai, cách xoay người như thế nào để bứng đối phương lên mà ném. Tiếng "Ki ai" hét lên của anh trước khi vụt Lương vinh Kiều (con thầy Lương Vinh Sanh) làm cô bé giật mình đặt tay lên ngực. Chắc thấy mình "chết nhát" nên xấu hỗ nhìn chung quanh, không thấy ai chú ý cô cúi mặt mĩm cười, ôi nụ cười làm tôi đau và say đến trọn kiếp người.

Tôi không giỏi võ, vì trong lớp tôi còn hai anh cao đai hơn. Học vấn thì chỉ bằng lớp với nàng, thì làm sao lọt vào mắt xanh của em. Chúng tôi có làm Bích Báo ở võ đường và khám phá ra rằng Tuyền viết cũng khá thế là L.V. Kiều khuyên tôi mở hội thơ -vì biết tâm sự của tôi- để mời Tuyền vào.

Sau hai năm ở võ đường Thanh Long,Tuyền bị ba mình bắt bỏ Judo (ông không thích sự đụng chạm nam và nữ khi luyện võ mà Tuyền giờ đã lớn), em chỉ mới lên đai xanh dương. Chiếc cầu nối của chúng tôi trong thơ văn, học tập và đoàn đội. Chẳng ai nói gì với ai nhưng giữa chúng tôi "Tình trong như đã". Rồi tôi rủ áo thư sinh sau năm tú tài 1. Tôi thành sĩ quan Pháo binh sau khóa Thủ Đức và Tuyền tiếp tục Sư Phạm đại học. Thời gian nầy những cánh thư chiến trường xa, những cánh hoa Mua tím buồn ép vào trang thư trên đường hành quân mỗi khi có dịp, tôi không dám đi xa hơn vì biết thân "Chiến trường da ngựa" còn em thì im lặng đợi chờ ngày tôi chiến thắng trở về. Nhưng tôi không chiến thắng. Làm sao tôi quên được cái lần về phép năm 1974 đúng ra là dự lễ tốt nghiệp Cử Nhân của nàng như thư nàng mời, tôi chỉ nép mình trong một góc quán café vệ đường ngang Đại học len lén nhìn từ xa. Tôi đang gặp khó khăn khi chống lại quyết định của Ba Mẹ tôi, muốn chọn lựa Như Thủy về làm dâu. Cô láng giềng tôi xem như em gái, là cánh tay mặt của mẹ tôi, là ân nhân của gia đình tôi sau cơn bạo bệnh của ba tôi, từ ngày  tin em tôi đền nợ nước.

Đá vẫn lì lộm dù hết còn góc cạnh, nhưng có lẻ đến biến cố 1975, Thạch tôi không còn là viên đá lớn bên dòng suối mà đã biến thành sỏi và tan tác vì tiếng gầm thét của tai nhà, vận nước và từ bao giờ tôi đã bị cuốn ra khơi, bị đẩy chới với theo ngọn triều lên, dìm miên mang sâu thẳm dưới vực biển, hoãng loạn đánh mất cành Mua của một trời hoa bướm.

Như Thủy đã cuốn tôi đi theo gia đình nàng vượt biên và tôi định cư Mỹ!

 

 - Má, dì út.  anh Giang, chúng con gặp nhau ở trường, đã từng nói qua với má. Chào má và dì đi anh.

 - Thưa hai cô, con là Thanh Giang bạn của Cẩm Thạch, hôm nay hân hạnh diện kiến cô và dì Út.

 - Chào cậu, nói tiếng Việt cũng khá ha. Tốt lắm. Ngồi xuống, muốn uống gì gọi cho cháu nó mang ra, quán nầy của em gái cô, cháu Giang khỏi phải trả tiền.

Thạch chết điếng, Cẩm Thạch, Cẩm Thạch đứa con gái Thanh Giang muốn giới thiệu chàng là con của Tuyền. Chàng lặng lẻ đứng lên nhẹ nhàng rút lui về phía bên kia của hàng hoa giấy sau khi dằn tiền café trên bàn.

 - Ô ba, con nè, chờ con chút, con muốn giới thiệu ba...

Làm sao đây? Sao chàng chẳng chết sớm hơn 6 tháng! Sao chàng về Việt Nam làm gì. Đáng lẻ chàng chuồn đi nãy giờ thì đâu gặp cảnh nầy.!!...

 

ĐAN QUẾ PHONG

 

TRÚC TY:

       GIỌT XUÂN TRÊN ÁO
         
               Những chùm hoa nguyệt quế vừa nở đêm qua
          Thoảng hương nồng ngoài khung cửa
          Ngắt vài cánh hoa thả vào ly nước
          Như giữ chút hương thầm ngày cũ
          Nụ hôn đầu bên thềm xưa
          Xanh thẳm trời cao ngút mắt
          Say đắm xuân thì một thuở nào xa!
 
          Có giữ được không, được không?
          Đêm về mộng mị
          Sóng sánh mắt nhìn, rượu ngọt chảy trên môi
          Một mảnh trăng nghiêng chao vào giấc ngủ
          Ươm nụ cười- hạnh phúc ngu ngơ!
          Có giữ được không, được không?
          Trên bàn tay bé nhỏ
          Hơi thở nồng nàn đọng lại đêm qua
          Giọt nước mắt tiễn người đi xa mãi
          Đón mùa xuân bằng nụ cười buồn!
 
          Những chùm hoa nguyệt quế rưng rưng
          Cứ nở thêm, nở thêm ngào ngạt
          Nỗi cô đơn cũng ngào ngạt như đêm
          Thương một giọt xuân vừa rơi trên áo
          Ta cuộn mình vào ôm trọn giấc cô miên!

                                                TRÚC TY 

MAI DUY KHÔI:

tl_hoamai.jpg

 

 Ngày Tết 

nói chuyện Mai

Tặng hiền nội Thanh Mai

MAI DUY KHÔI

 

 

1. Một chút cội nguồn...
TL_hoamaihoadao.jpgMiền Nam nước ta nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới là môi trường thích hợp cho hoa mai đơm bông nẩy lộc mỗi độ xuân về - khác với miền Bắc, khí hậu có phần lạnh lẽo hơn, nên thuận lợi cho hoa đào khoe sắc. 
Đào đỏ, mai vàng. Màu đỏ tươi thắm như một biểu tượng của vận may, hạnh phúc. Màu vàng dịu ngọt như hàm chứa sự vinh hiển, thanh cao. Đào - Mai từ rất lâu đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết của ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Cây mai vàng - loài cây nhiệt đới - đã mọc từ lâu ở miền Nam, được xem như một loại cây rừng, ít ai để ý tới. Đến năm 1698, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đưa ông cha ta vào Nam lập nghiệp. Theo phong tục cổ truyền, Tết đến là phải có cành đào, nhưng ở miền Nam, làm sao tìm được loại cây quý hiếm này. Thấy cây mai vàng cũng ra hoa đúng tết, ông cha ta mới có sáng kiến, chặt cành mai chưng thế cho cành đào. Kể từ đó mới bắt đầu có phong tục chưng mai trong ba ngày Tết ở miền Nam.
Mai vàng miền Nam còn gọi là Huỳnh Mai thuộc họ Ochnaceae, có tên khoa học Ochna integerrima, là cây đa niên, có thể sống trên 100 năm, gốc to, rễ lồi lõm, thân xù xì, cành nhánh nhiều, lá mọc xen. Ngoài thiên nhiên, cây mai tự rụng lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Do đó, ông cha ta đã lảy hết lá mai vào tháng chạp âm lịch, để kích thích cho cây mai ra hoa rộ vào dịp Tết Nguyên đán.
Trong vườn nhà của dân miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long, gần như người nào, nhà nào cũng chú ý tạo cho cây mai vàng vốn mọc ngoài mép vườn, bờ mương thành cây kiểng quý trước sân nhà, để hàng năm có hoa vàng chào đón xuân mới. Một cành mai vàng là biểu tượng của Phúc và Lộc. Một cây kiểng mai vàng còn là biểu tượng của THỌ nữa. Mai trong quan niệm của người miền Nam là may mắn: (nói: "may" thành "mai" và xem "mai" khác nào "may").
2. Sứ giả của mùa xuân... tri kỷ của bao tao nhân mặc khách
Mỗi loài hoa đều có đức tính riêng, mang vẻ đẹp riêng. Nhưng trong đám muôn hồng nghìn tía ấy, dễ có hoa nào sánh được với hoa mai. Người đời yêu cành mai mềm mại, phảng phất dáng dấp của người con gái dịu dàng. Thi nhân xem mai tượng trưng cho niềm tiết tháo, cho sự thanh cao của mình. Bởi vậy cây mai không chê đất xấu, chẳng sợ mưa nắng bất thường; hoa mai không mang nét đẹp kiêu sa, nhưng trong sự dung dị có ẩn tàng nét tinh anh, phảng phất hương thơm thanh khiết. Hương mai rất thơm. Đặc biệt khi tiết trời đầu năm càng lạnh, hoa mai càng tỏa hương thơm ngát. Hoa mai có tính kiên định, biết tự khẳng định mình, không bị thời tiết đổi thay làm cho thay đổi. Có khi xuân đến sớm hay muộn so với thời gian, nhưng không vì thế mà hoa mai trễ nải việc đơm hoa kết nụ của mình. Trơ gan cùng tuế nguyệt, giữa thời tiết bất thường, mai vẫn âm thầm đơm hương, và đến thời khắc, dẫu gió xuân chưa về, mai vẫn khai hoa.
Lựa một nhành mai chưng Tết, khách yêu mai khó tính, thường chú ý các điểm sau: các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nụ bụ bẫm, lá non vừa nhú, nhụy âm dương, cành tứ quý... Nhụy âm dương chỉ đạo vợ chồng hòa hợp, cành tứ quý chỉ bốn mùa gió thuận mưa hòa. Người ta còn cho rằng một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là không tốt.
Chưa có loài hoa nào được thơ văn nước ta nhắc đến nhiều như hoa mai. Mai đi vào "Thơ thiền" của Mãn Giác thiền sư đời Lý: "Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận - Đình tiền tạc dạ nhất chi mai".
(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết - Đêm qua sân trước nở cành mai). Mai có mặt trong "Thơ thần" của Nguyễn Trãi đời Lê: "Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà? Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết" (Yêu mai, yêu tuyết vì đâu? Vì tuyết trắng trong, mai thơm thanh khiết). Hình ảnh hoa mai cũng được thi hào Nguyễn Du mượn để tả nét đẹp quý phái, đoan trang của nhị Kiều "Mai cốt cách, tuyết tinh thần - Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười" Tản Đà thì dùng hình ảnh "Xương mai một nắm hao gầy" để nói lên nỗi niềm của mình trong lời "Thề non nước". Ngay như Nguyễn Đình Chiểu, khi đôi mắt của ông không còn nhìn được sắc vàng rực rỡ của hoa mai, thì hình ảnh về loài hoa xuân ông từng yêu quý vẫn được ông ghi lại trong ký ức và được vẽ ra bằng nét bút tài hoa: "Hữu tình thay ngọn gió đông. Cành mai nở nhụy, lá tòng reo vang". Và khi muốn nói về cuộc hội ngộ đầy nét thi vị, tao nhã giữa đôi trai tài gái sắc Vân Tiên - Nguyệt Nga, ông lại mượn hình ảnh của mai để so sánh "Mai hòa vận điểu, điểu hòa vận mai". Rồi Sương Nguyệt Anh, Quách Tấn, Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên, Thanh Hải... cũng có những vần thơ đằm thấm trữ tình viết về hoa mai... Không làm sao ghi kể hết! Chừng đó thôi, cũng đủ nói lên cái địa vị cao quý của hoa mai trong lòng thi nhân Việt Nam! Theo một số nhà Mai học, có hai câu thơ, tương truyền của Chu thần Cao Bá Quát, xứng đáng là câu tuyệt bút, với ngôn từ đẹp nhất, trân trọng nhất mà người ta có thể viết ra để xưng tụng hoa mai:
"Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa"
(Mười năm chu du tìm gươm cổ
Cả đời chỉ cúi lạy hoa mai)
3. Tôi và Mai...
Từ nhỏ tôi đã yêu hoa mai. Khu vườn nhỏ của ngoại tôi, được vây bọc bởi một hàng rào trồng toàn mai. Mỗi độ tết, bọn trẻ con chúng tôi tụ tập đùa vui nơi đây, lòng tôi ngất ngây với rừng mai vàng rực rỡ. Lớn lên, biết đọc sách, biết yêu, tôi yêu nhất những người con gái tên Mai. Tôi mê Sơn nữ Chi Mai trong tiểu thuyết "Bông hoa rừng", tôi say đắm cô Mai hiền thục trong "Nửa chừng xuân" (Khái Hưng). Và tôi cũng mê luôn cụ Đào Tấn, một nhà thơ lỗi lạc, một nhà viết tuồng xuất sắc quê Bình Định - vì cụ đã một đời sống chết với hoa mai. Cụ trồng cả một vườn mai trước sân nhà ở làng Vĩnh Thịnh với câu liễn treo trưa trước "Mai viên" (Vườn mai):
"Dĩ vi danh tự, vi viên phố
Diệc hữu nhân duyên, hữu tính tình"
(Đã có tên hiệu, tên vườn
Âu cũng là nhân duyên, là cốt cách)
Cụ lấy bút hiệu là Mộng Mai, Mai Tăng, làm rất nhiều thơ về mai, chọn núi Huỳnh Mai để gởi nắm xương tàn với bài "Đề Mai Sơn thọ viên" qua hai câu kết:
"Mai Sơn tha nhật tàng mai cốt
Ưng hữu mai hoa tác mộng hồn"
(Mai mốt non mai ta gởi xác
Ưng cho mai dỗ giấc Mai tăng)
Và như tiền định, tôi gặp người con gái tên Mai và cùng nhau đi trọn đường trần... 
Người ta từng gọi tên của một quốc gia bằng một loài hoa, dù loài hoa đó không là tài sản riêng của đất nước ấy lại hiện diện ở hầu khắp thế giới: Bungari là đất nước hoa hồng, Hà Lan là xứ sở của hoa tulip, anh 

đào là biểu tượng của xứ Phù Tang... Cũng là hoa, là lá, là cỏ cây như bao loài thảo mộc khoác, nhưng những loài hoa ấy mang trên mình sứ mệnh của một đất nước, chuyển tải cái hồn của cả một dân tộc, được xưng tụng là "quốc hoa". Hoa mai ở Việt Nam - mỗi độ xuân về - từ Huế trở vào - nhà nào cũng tươi thắm một nhành mai trên bàn thờ gia tiên! Hơn một nửa dân tộc quý chuộng loài hoa xuân này, cái vị trí của Mai - theo thiển ý - rất xứng đáng là "quốc hoa" - tiêu biểu cho cốt cách của dân tộc Việt Nam... 

Cuối năm 2018 

Mai Duy Khôi 

 

 

 

 

  

  

 

 

 

_______________________________________________________________________________ 

  

TRUYỆN XUÂN 2018

 

TL_caymai.jpg
CHÂU LÊ
 

CÂY MAI GIÀ
CỦA 40 NĂM TRƯỚC

 

         Mới vừa rồi, ông anh cả của tôi từ quê nhà Trường Long gọi điện thoại qua hỏi thăm sức khoẻ gia đình tôi, vì thỉnh thoảng anh có nghe tin nầy tin kia liên quan đến địa phương tôi đang cư ngụ bây giờ. Anh em nói chuyện vui vẻ với nhau, chợt nhiên anh nhắc tới Ba của chúng tôi qua đời năm 1980 lúc tôi còn đang "miệt mài" trong trại "tù cải tạo" tận rừng già Xuyên Mộc tỉnh Đồng Nai. Anh nói: "Sắp đến Tết rồi, mỗi khi nhìn thấy cây mai trồng trước sân nhà là anh buồn đến rơi nước mắt. Công lao của Ba vun trồng từ nhỏ, còn sống đến bây giờ. Ba kể thời điểm trồng, tính đến nay đã tròn 40 năm rồi". Mốc thời gian tính tới nay tròn 40 năm, có nghĩa là Tết năm 1973, cái Tết đầu tiên vừa có Hiệp định Paris ký tại Pháp ngày 27 tháng giêng 1973..., đồng minh bắt đầu rút quân khỏi miền Nam của VNCH để rồi kéo theo bao nhiêu hệ lụy cho đến ngày cả miền Nam bị cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm ngày 30-4-1975! Tôi thở dài nói với anh tôi: "Anh nhắc cây mai, em nhớ ngay là anh nhắc tới công lao của Ba khi "bứng" cây mai phía sau vườn đem trồng trước sân nhà mình và ra công chăm sóc để nhắc nhớ một thời điểm trọng đại của cuộc nội chiến Quốc - Cộng suốt hơn 21 năm dài đăng đẳng. Ba có ngờ đâu chỉ mấy năm sau, cả miền Nam phải gánh chịu bao thảm hoạ... cho đến ngày ba mất vì trọng bệnh!".

         Bên kia đầu dây điện thoại, anh tôi nói với giọng buồn buồn. Tôi chen vào "nói trên đường dây như vầy, rủi họ theo dõi thì phiền cho anh". "Không sao đâu. Anh già rồi, còn sợ gì nữa!". Rồi anh nói như ngại không còn dịp để tỏ bày với em út: "Những năm chú còn bị "kẹt trong trại tù cải tạo", ba bệnh sạn thận hành hạ nhưng cứ dặn anh đừng cho chú biết. Phần Ba, ba kể rằng, Ba trồng cây mai trước sân nhà, chỗ mà trước đây đặt bàn thờ thông thiên ngoài trời, hằng đêm đốt nhang cầu trời khẩn Phật cho đất nước thanh bình, nhà nhà êm ấm, nhưng... phải phá bỏ, vì chính phủ của Việt Minh thời đó bắt đầu kiểm kê tài sản từng nhà để thu thuế đảm phụ. Họ cho đếm từng cái lư hương trên bàn thờ, đếm từng gốc cây cau, cây dừa, cây xoài, cây cóc..., tức là những cây ăn trái, lúc đó quê mình rất ít người trồng cam quít, để họ ước tính "hoa lợi" mà đánh thuế từng nhà. Nhiều nhà trong quê mình đồng loạt dẹp bỏ bớt lư hương, chỉ để trên bàn thờ một lư hương để thờ cúng gia tiên, bàn thờ thông thiên phải dẹp bỏ... Nhiều cây cau, cây dừa, bà con đốn bỏ để khỏi phải đóng thuế. Hình ảnh sinh hoạt làng xóm thời Việt Minh kiểm soát tiêu điều như vậy ở quê mình, Ba kể lại nghe buồn não nuột. Qua thời Đệ Nhất Cộng Hoà, đời sống của nhân dân khá lên, quyền tự do của con người được tôn trọng, những vườn cây ăn trái như cam, quít, cau, dừa phát triển mạnh thật nhanh, Ba nói "quê mình "an cư lạc nghiệp" thật rồi. Thế nhưng... chiến tranh ‘Quốc - Cộng" lại bùng lên, nhất là sau ngày có tổ chức của bọn Việt Minh nằm vùng được miền Bắc dựng lên tháng 12-1960 "Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam", làng xóm lại tiêu điều thêm. Đệ Nhất Cộng Hoà ở miền Nam bị quân nhân đảo chánh, nhiều biến cố đau lòng liên tục xảy ra. Rồi bước sang Đến Nhị Cộng Hoà đời sống bất an nhiều hơn bởi cuộc chiến "Quốc - Cộng" ngày thêm ác liệt. Mãi đến tháng giêng 1973, Ba nghe nói Hiệp định Paris ký kết đem lại Hoà Bình cho đất nước. Ba nói rằng để "thử nghiệm xem Hoà Bình kéo dài bao lâu?, đời sống an cư lạc nghiệp đến mức độ nào?", nên Ba mới trồng một cây mai ngay chỗ mà ngày trước ba đã dẹp bàn thờ thông thiên trước sân nhà để... chờ xem". Giọng của anh tôi chợt nhiên nhỏ lại, với giọng xúc động: "Nhưng, chú ơi, Ba đã tàn hơi kiệt sức chỉ vài năm sau cái ngày tháng 30-4 1975 oan khiên đó, để rồi vĩnh viễn rời bỏ cõi đời trước khi chú được ra khỏi tù, Ba đâu còn sống để chứng kiến thảm hoạ đau lòng của đất nước và dân tộc trong thời "cai trị" của nhà nước CS bây giờ!". Tôi chận lời: "Thôi, anh đừng nói nữa. Mọi điều xảy ra trên đất nước mình, bây giờ ở hải ngoại nầy tụi em đều nghe, đều biết hết rồi, không chừng biết còn nhiều hơn những gì anh kể. Anh chị và các cháu hãy thận trọng và tự bảo vệ. Chủ nghĩa CS tàn độc vô nhân là như vậy. Thật bất hạnh cho đất nước và dân tộc mình. Anh đâu biết, đất nước mình sắp sửa trở thành một quận huyện của Tàu Cộng rồi còn gì!". Anh tôi nói: "Không hiểu chú có biết trong nước bây giờ xảy ra quá nhiều tệ nạn. Mỗi lần nói chuyện với vài viên chức chính quyền địa phương, tụi nó thuộc lớp tuổi con cháu của mình, có ý nói "sao nạn cướp giựt, hành hung giết chết người nhiều quá mà không có biện pháp gì nhăn chận?". Tụi nó nói: "Có chớ. Nhưng tất cả đều do tàn dư Mỹ Ngụy để lại!". Anh nói "đã gần 40 năm rồi, làm sao còn tàn dư Mỹ Nguỵ mà mấy đứa nói như vậy?". Tụi nó trả lời: "Mỗi lần dự hội họp, các đồng chí lãnh đạo cấp trên đều nhắc câu đó!". Tôi chen vào: "À, thì ra vậy!".

         "Nói chuyện với chú, anh chợt nhớ Tết năm nay Giáp Ngọ cũng là năm tuổi của Út Tâm - em  trai út của chúng mình? Năm đó anh nghe kể lại, má sanh nó vào đúng giờ giao thừa 1954, cũng là năm mà Hiệp Định Geneve được ký kết và chia cắt đất nước kéo dài đến hai mươi năm sau lại có thêm Hiệp định Paris. Rất buồn, nó đã vượt ra được khỏi đất nước để tạo lập cuộc sống mới, vậy mà không được hưởng gì, phải lìa đời ở tuổi 30 do bạo bệnh. Có lẽ Ba của chúng ta sống vào những thời điểm đau thương của đất nước như vậy nên mới có ý định trồng một cây mai trước nhà để mà nhắc nhớ!".

         Chuyện cây mai mà Ba trồng cách đây đã bước qua khỏi năm thứ 40, là đất nước mình đã trải qua ngần ấy năm thống hận. Tôi ngậm ngùi "Tội nghiệp Ba của chúng mình lúc nào cũng mang canh cánh bên lòng về tương lai và cuộc sống con người trước thử thách của một chủ nghĩa, một chế độ như chế độ CS, mà bản chất của nó vốn không tốt đẹp gì đã bị những "tín đồ ngoạn đạo" như HCM đến các đàn em kế tục lãnh đạo ở Bắc Bộ Phủ duy trì, củng cố suốt mấy chục năm qua, cố vơ vét tài sản của nhân dân, đất nước để trở thành "Tư Bản Đỏ" trước sự đói nghèo của toàn dân, và lại còn luồn cúi để làm tai sai cho bọn Tàu Cộng nữa". Từ phía bên kia đầu dây, tôi nghe tiếng thở dài của ông anh cả thương kính của mình. 

 

CHÂU LÊ 

(Houston - Texas - Vào Tết Giáp ngọ 2014)   

 

 

______________________________________________ 

 


TRUYỆN XUÂN 2016

Huỳnh Minh Bích Nga, Trẩn Cẩm Quỳnh Như, Trần Bang Thạch 

TL_chucMungNamMoiBinhThan.gif 

 

HMBNga_Thiep.jpg

NHỮNG CÁNH THIỆP CÒN NGUYÊN TRONG HỘP

Huỳnh Minh Bích Nga 

Mở thùng lưu trữ, nguyên một hộp sắt hiện ra. Cái hộp bánh tây xưa cũ mà người già vẫn dùng để cất giấy tờ các thứ.

Ngồi bần thần mãi, trong hộp là những tấm thiệp Giáng Sinh, Tết Tây, Tết Ta xưa .. Phong bì ngoài bìa đã vàng ố, nhưng sắc màu son thếp bên trong vẫn rực rỡ tươi nguyên.  Nhìn những tấm thiệp, mà vài tấm có số tuổi gần nữa thế kỷ..Lại nhớ ba quay quắt.

Ba là một người tỉ mỉ, chu đáo. Và cần kiệm nữa.

Cứ đầu tháng 12 là ba đi ra Khai Trí mua thiệp. Cũng như mở lại cái hộp lưu trữ xem lại số thiệp năm trước để đi gởi thiệp chúc  Tết.

Lại nhớ, Tết rảnh rổi là ba ngồi xem thiệp cũ. Người xưa như ba và trang lứa có cách gởi thiệp rất lạ. Một cánh thiệp mỏng in hình vẽ mang ý nghĩa trang trọng, bên trong là tờ giấy dầu mỏng. Trên tờ giấy dầu ấy, người gởi thiệp sẽ ghi lời chúc bằng nét chữ viết tay thật nắn nót. Nét chữ thường nghiêng với mở đầu bằng chữ cái in hoa thật mềm mại.

( lại nhớ ba. Ba có cách viết chữ theo kiểu Gô Tích (gothic)  thật đẹp) 

Thường thì với những tấm thiệp không quan trọng. Ba sẽ lấy phần giấy dầu hay giấy lụa mỏng có ghi lời chúc bên trong, bỏ riêng vào phong bì có lưu địa chỉ gởi và cất lại vào hộp. Còn thiệp trống, ba giao lại cho các con. Rồi ba đưa giấy, ba khuyến khích các con dán phong bì. Rồi cũng chính ba là người ngồi rọc giấy lụa. Cũng như ngồi kẻ hàng giấy kê, để các con có thế viết thẳng hàng qua dòng kẻ thẳng ở giấy lót kê ..

HMBNga_HuynhMinhBaoNew.jpg

Ngồi với ba, với bút mực, giấy chậm. Con của ba đã tập viết những dòng chúc đầu tiên đến ông bà nội ngoại, cô cậu gần xa.. Những dòng chữ trẻ con lem nhem, nhưng đó là bài học giao tế đầu đời..

Để sau nầy có thói quen, hể tháng 11 là đi xem thiệp, lựa thiệp, để mua những cánh thiệp gởi cho bạn bè, người quen..

Rồi cũng mỉm cười khi phát hiện ra mình đang có tính "tủn mủn" như ba, đó là lựa loại thiệp không in năm. Để biết đâu, người nhận có thể dùng để quay vòng tiếp..

Có thể ai đó sẽ chê trách. Nhưng đó là ba, người thiếu niên lớn lên từ đồng ruộng. Nơi có bà nội tảo tần, cần kiệm không dám ăn, dám mặc. Chắt chiu từng quyển tập, ngòi viết cho ba đi học xa để thoát khỏi binh bạo chiến chinh. Còn ba là anh trò nghèo, tiết kiệm đến từng mẫu bút chì nhỏ, cục tẩy cứng .. Vì ba biết, ba đã rất may mắn. May hơn rất nhiều bạn bè ấu thời với gia cảnh tá điền, tá thổ.. Mở mắt ra là cọng lúa với con trâu..

Còn với cái gia đình yêu thương của ba, ba có thể cho cho các con ăn no mặc ấm, thập chí ăn ngon mặc đẹp. Nhưng phải biết đâu là điểm dừng, điểm hợp. Như những tấm thiệp đó. Ba nói: Chúng được in ra từ giấy, mà để có giấy. Người ta phải đốn cây. Rừng không phải là tài nguyên thiên nhiên vô tận để muốn là lấy..    

Một tấm thiệp quay vòng, một phong bì tự dán. Một tờ giấy tận dụng, tất cả đều là bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.. mặc kệ ai đó chỉ trích là chúng ta hà tiện, keo kiệt:  Nói nếu chúng ta cứ làm như thế thì còn chổ nào cho người kinh doanh buôn bán.. Mà hãy nghỉ đến một tấm giấy loại sẽ được phân hủy sau khi đi hết một vòng đời dài hữu ích của nó.

HMBNga_Thiep2.jpg

Trong nhà, con vẫn hợp với ba hơn. Vì nếu con đánh vỡ một cái ly. Mẹ và bà ngoại sẽ gào lên, người trách con phá của, vô dụng.., rồi kẻ thì la mắng,  người thì lăm lăm đòn roi.. Để bạo lực làm bài học ghi nhớ.

Chỉ có riêng ba, ba sẽ ôn tồn nói con lấy chổi đi hốt và quét, gói cho kỹ kẻo người đổ rác sẽ bị thương vì nó. Rồi nhẹ nhàn bảo thêm: Con hãy chào tạm biệt đi, vì cái ly ấy đã làm xong phận đời cho mình. Đã kết thúc sự phục vụ tiện nghi cho cuộc sống. Hãy ráng nhớ điều đó để không phạm phải nữa ".

Ngày ba mất, con nghe như tiếng lưỡi cưa thần chết xé ngang tim mình. Như thấy một cây đại thụ che bóng xuống đời con thình lình đổ ập..

Khi đó, con đã từng hứa. Con sẽ thay ba, mỗi năm sẽ gởi những cánh thiệp đi cho những người quen của ba. Để cái dòng chảy của những cánh thiệp sẽ không bao giờ dừng lại, như ba vẫn sống.

Nhưng rồi, con cảm thấy quá khó. Chữ viết con không thể đẹp chân phương như ba, con cũng khó ngồi ngẩm nghỉ, tỉ mỉ viết rồi dán giấy, dán tem... Con đã quen gõ những ngón tay trên bàn phím vi tính..

Rồi con quyết định cất lại những cánh thiệp lưu trữ của ba vào hộp cũ. Để mỗi lần nhớ ba, lại lọ mọ mở thùng, cầm ra. Ngồi săm soi xem. Để thấy một năm lại trôi qua trên từng tờ thiệp xưa cũ. Để quen dần với nổi trống vắng của một cây đại thụ đã rút hết tinh túy cho đời.   

 QuynhNhu_Lanthancuoinam.jpg

LẨN THẨN CUỐI NĂM

Trần Cẩm Quỳnh Như 

 

14/1/10 - Bạn thân mến, còn khoảng một tháng nữa là Tết. Giờ này lối xóm đã bắt đầu sơn phết nhà cửa (ôi cái mùi sơn dễ sợ quá, hồi nhỏ thấy thơm, cứ hay rủ thằng Út chạy ra sân mà hít, bây giờ già rồi sao cơ thể tự dưng sinh ra khó khăn khó chịu, nghe mùi sơn muốn làm mệt). Đi chợ thấy hoa giả đủ màu đủ kiểu tràn xuống đường, củ kiệu, bông cải trắng phau. Những túi củ cải trắng và cà rốt phơi khô quéo làm tui nhớ củ cải nhận nước mắm của Má tui hồi xưa quá, giòn khấy mà mặn ngọt đậm đà, không cần chất bảo quản, không cần bỏ tủ lạnh mà để bao lâu cũng không hư. Cứ nhớ hoài món ăn xưa ngày Tết : một gắp củ cải nhận nước mắm đỏ au khép nép bên khoanh bánh tét "hoành tráng" chiên vàng hai mặt giòn rụm, màu lá cẩm tím lịm mướt rượt tôn lên màu đậu xanh vàng rực, ở giữa là cục mỡ trắng muốt, mới nhìn đã cảm nhận vị béo ngọt nơi đầu lưỡi (ặc ặc nuốt nước miếng). Lâu rồi không ăn bánh tét vì nhà chồng chỉ ăn bánh chưng. Ông xã lại rủ năm nay gói bánh chưng, trời mới nghe đã phát đau lưng, gói bánh chưng cực lắm bạn ơi, nhứt là đối với người bệnh tật như tui. Thôi không nói trước, tới đó khỏe thì "duyệt", còn lịch xịch thì chắc phải đi mua một cặp bánh chưng cho ổng, ghét cái họ bán mắc gấp mấy lần mình gói, mà nếp dầy mo, có khi thịt còn bị thủm, lại thấy báo nói họ bỏ cục pin vô nồi nấu cho bánh mau chín, nghe sợ quá...

20/1/10 - Còn hơn hai mươi ngày nữa là Tết. Mấy hôm trước ông trời ổng buồn, ổng mưa lạnh âm u mấy ngày liên tiếp, tui trùm đầu, mang vớ, mặc hai ba lớp áo như cái củ hành, đắp hai cái mền mà nhớ mấy đứa nước ngoài, đời sống cao, cái gì cũng hơn mình nhưng chắc chắn cái khoản nắng ấm là tụi nó thua mình xa. May mắn tui không đi được, nếu không chắc đã chết cóng nơi xứ người (nói kiểu "nho xanh không đáng miệng người phong lưu" của La Fontaine trong "Con Cáo Và Chùm Nho", đi hoài không được lại dài mỏ nói may !). May là trời chỉ lạnh có ba ngày, thấy nắng hửng lên mừng quá, đến trưa thì hầm hập, lại than trời ơi, nóng ! Thiệt ông trời cũng ăn ở chẳng vừa lòng người !!!

Mấy cây vạn niên thanh tui chiết cành cho con bạn rồi thay đất trồng lại toàn bộ luôn. Kỳ này thành công mỹ mãn, cây mau lại sức, không có thời gian héo lá. Trồng xong muốn sụm cái lưng, xới đất ra đã cực (vì nó cứng ngắc toàn là rễ), lượm trùng còn cực hơn, vì sợ bỏ đất dư vào bao cột lại mấy con trùng sẽ chết tội nghiệp nên ráng căng mắt tìm để lượm ra cho vào chậu cây mới. Lại nhớ những nhà sư vừa cuốc đất vừa đọc kinh vãng sanh cho trùng, còn tui, cứ mỗi khi xắn một xuổng đứt đôi con trùng thì tui lại xin lỗi nó, rồi tui lại tiếp tục xắn đất, rồi tui lại xuýt xoa xin lỗi, bỗng hơi mắc cỡ vì tự thấy mình sao... đạo đức giả. Xin lỗi cái nỗi gì, người ta chết ngắc rồi còn chi ! Có những thứ mất mác chết chóc không bao giờ xin lỗi cũng không bao giờ sửa sai được, nhưng người ta vẫn cứ tiếp tục làm để rồi lại tiếp tục xin lỗi tập hai, tập ba...

28/1/10 - Xem hình chậu mai của nhỏ bạn thấy ham. Nó đi làm, không có thì giờ chăm sóc nhưng mai vẫn đơm nụ ra hoa, mà hoa mai của nó cánh bầu bầu, thế cánh mạnh mẽ rất đẹp. Nhớ hồi đó mỗi Tết anh Ba tui đi mua mai rất khó tính, vô vườn mai, thích cây nào thì ảnh kêu chủ vườn cưa ngang, rồi tính bao nhiêu thì tính. Nhà tui không thích mai quá nhiều cánh (mai hăm bốn cánh lạ thì có lạ nhưng không đẹp vì cánh nằm sắp lớp như cá mòi), cũng đừng quá ít, cỡ bảy tám cánh là vừa đẹp, cánh mai phải tròn và hữu lực, mỏng manh nhưng trơn phẳng không nhăn nheo. Mua mai còn phải đoán nụ, cũng hên xui thí mồ, nụ trâu tưởng đâu hoa lớn, dè đâu lại là hoa cánh nhọn, nụ mập ú lúc nở ra cả đóa hoa chỉ bằng ngón tay cái y như mai rừng ! Cứ chờ cây nào có vài đóa "đại diện", thấy ưng ý rồi hãy mua là chắc ăn.

Chưng mai cũng là chuyện dài ! Có người biểu cho Aspirine hay B1 vào bình để hoa lâu tàn, có người lại xúi bỏ vô một muỗng thuốc tẩy. Mấy chùm mai nở rộ thì xịt phớt chút keo xịt tóc từ dưới lên, bảo đảm rất lâu không gãy cánh. Hồi tui còn nhỏ, có bà hàng xóm mua một nhánh mai đầy nụ rất xôm, bữa trước bữa sau nụ rụng tá lã xác pháo, hai vợ chồng bả lo lắng ra mặt, cho là có điềm xui. Tối đó thấy ông chồng lọ mọ đem cành mai lên phơi sương trên mái nhà, nhưng hôm sau nụ vẫn tiếp tục rụng cho tới khi cành mai trụi lủi, chỉ còn phơ phất vài cái lá non tim tím thê thảm. Lúc đó tui còn nhỏ, không để ý coi năm đó chuyện mai rụng có ảnh hưởng xấu đến chuyện làm ăn buôn bán của nhà đó không. 
Nhà tui tuy đạo Phật nhưng ít tin dị đoan. Mồng một Tết anh Ba tui hay tếu : "Anh Ba xẻ trái dưa này ra, hễ đỏ là của anh Ba, hễ "hầm tương" (hường tâm) là của tụi bây nghen !", làm tụi con nít hổng chịu cự rân trời !

Có một kỷ niệm khó quên lúc ở rẫy Long Khánh (sau 75), để tui kể bạn nghe. Một bữa gần Tết trời se lạnh, thằng Út ở đâu chạy ào vô bếp kéo tui ra, đẩy lên xe bò :" Chị Năm, đi với em đằng nầy!". Tui với lấy cái áo bà ba đen khoác trùm ngoài cái áo vá đang mặc, hai bàn tay còn lọ nghẹ đen thùi, vừa đi vừa cằn nhằn :" Đi đâu mà như ăn cướp, cái thằng khỉ đột này !". Xe bò nó mượn của thằng Bảy chuyên đi rừng đốn củi, nó giơ cây đót quất cái trót vào mông con bò y chang một tay đi rừng thực thụ. Tui xót con bò già, giằng lấy cái cây. Đó là một cây roi dài, đầu mút là một cái gai nhọn, dùng để quất vào mông con bò để nó đau, sợ mà đi nhanh. Thiệt nhẫn tâm, da bò dày vậy mà đót một cái là rịn máu liền, cho nên mông con bò kéo xe nào cũng lấm tấm thẹo đốm... 
Xa lắm, đâu mấy cây số đường rừng. Loáng thoáng vài người lom khom cuốc bên những vạt đất rừng mới dọn, khói đốt cành từng đống mù mịt, lá rừng cháy ngay ngáy buồn buồn... Thằng Út chợt chỉ tay về phía trước, nó la "Èng éng eng !". Tui trợn mắt, chợt tức ngực, ngộp thở... Kìa một rừng mai vàng rực, bát ngát. Hương mai ngan ngát, ngọt dịu như màu vàng vương giả. Một cơn gió thoảng, mai rụng lấm tấm, phơi phới, thoát tục. Tui nhảy xuống xe, len vào giữa những cây mai già cỗi, tay run run sờ từng cành lớn xù xì, hít vào đầy phổi cái không khí dịu dàng tĩnh lặng của rừng mai, tự nhiên nước mắt chảy ròng ròng... 

Cả rừng mai nhìn xa thì đẹp vô cùng, nhưng chặt một nhánh đem về chưng Tết đỡ ghiền thì xấu hoắc vì nhìn kỹ, cánh mai rừng không đẹp, năm cánh nhỏ xíu như cái móng tay đứa con nít, dầy dầy, thưa thưa. Nhánh không khí lực, cành không thứ lớp, nụ xơ rơ bé tí. So với mai cánh tròn hữu lực, mai cánh nhọn ẽo ợt, thì cánh mai rừng (nghe dân ở đây họ gọi là "mai sẻ") đơ đơ, thưa thớt, để lộ khoảng trống giữa năm cánh, giống như mai vườn bị... suy dinh dưỡng ! Đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tui được ngắm rừng mai. Tiếc là lúc đó nhà suy sụp rồi, đâu có máy chụp hình để chụp lại cảnh rừng vàng ươm làm kỷ niệm ! Nhiều lần tui muốn trở lại rừng mai nhưng anh Ba tui rầy, biểu con gái vô rừng không nên, bộ bây muốn làm cô Huỳnh Mai trong "Hương rừng Cà Mau" sao ! Ờ ờ, ở cái xó xỉnh chó ăn đá gà ăn muối đó mà gặp được một người như anh chàng Tư Lập trong truyện của Sơn Nam thì đoạn đời "ẩn sĩ quy điền" của tui chắc cũng đỡ phần tẻ nhạt hic !

Nhà tui ai cũng mê màu mai vàng quí phái (và rất không ưa mai tứ quí !), chớ không phải chỉ vì nghe người ta nói mai tượng trưng cho sự chung thủy trong tình yêu, vì nó luôn nở đúng hẹn vào dịp xuân về. Hồi xưa anh Hai tui bay đi bay về Đà Lạt - Cần Thơ, Tết nào ảnh cũng chịu khó xách về một cành đào và một bó glaïeuls đỏ thẫm để chưng mấy ngày xuân. Đào Đà Lạt màu hồng nhẹ, đẹp thanh tân chớ không đỏ lòe như đào Bắc, glaïeuls thì sang trọng, nụ hoa chắc mẫm, đỏ rực, tuy vậy vẫn phải nhường chỗ cho cành mai vàng nghiêng mình trang trọng giữa phòng khách trong cái lục bình cưng của ông Ngoại, và mai năm nào cũng phải là một cành lớn có nhánh dài rũ xuống la đà, nhánh chi chít nụ vươn ra gần hết chiều dài cái bàn cẩm lai.

Nhắc tới Tết gia đình, sao mà nhiều kỷ niệm ! Một chuyện đã đi vào giai thoại tham ăn của thằng em út nhà tui, đó là một đêm giao thừa, lúc đó tui cỡ mười tuổi, thằng Út tám. Thông thường, mấy người lớn hay thức suốt đêm Ba mươi, còn tụi con nít thì thức góp chuyện một chút đã ríu mắt rồi. Ngủ được một giấc dài, thấy no mắt rồi, tui thức dậy lắng nghe, mấy người lớn vẫn ngồi nói chuyện rôm rả ở phòng ngoài, pháo vẫn đì đùng gần xa. Tui tưởng gần sáng rồi, con nít mà, nôn Tết muốn chết, lật đật thức dậy đi rửa mặt súc miệng. Nghe Má la : "Mới hai giờ sáng hà con, đi ngủ lại đi". Tui quê quá, cười ngỏn nghẻn, chợt ngó vô phòng thấy thằng Út đang ngồi chông ngốc trong mùng, chắc cũng tính thức dậy, thấy tui lỡ bộ, nó bèn nằm xuống ngủ tiếp. 
Chợt nghe anh Ba nói : "Hay là mình khui trái vải ăn đi" (thời đó trái vải hộp Đài Loan ngon lắm, nhà tui có cái "gu" bỏ trái vải vô ngăn đá tủ lạnh, để cho nó đặc sột sột ăn ngon tuyệt cú mèo!). Chị Hai nói : "Thằng Út mà nghe thế nào cũng tỉnh ngủ liền cho coi". Thấy anh Ba nháy nháy: "Nó ngủ say rồi, tụi mình ăn hết đừng cho nó hay". Anh Ba đi dạy thì nghiêm khắc, mà về nhà hay giỡn cù nhây lắm, biết tánh thằng Út ham ăn, và cũng biết nó chưa ngủ lại, ảnh quyết tâm chọc nó tới bến, mới làm bộ lấy muỗng gõ leng keng vô ly rồi biểu chị Tư : "Con Mai đi lấy đồ khui coi, ngồi đó nhăn răng cười hoài !". Chị Hai nói : "Tao đi lấy nước đá đây!", vừa nói chỉ vừa bụm miệng ráng nín cười. Trong mùng, thằng Út nãy giờ ráng nằm im mà tức lắm, tức anh ách, tức cứng ngực, cục tức nó bự tràn rồi vỡ bờ : "Hụ hụ hụ hụ hụ !!!" Ổng khóc quá trời quá đất luôn, làm mấy anh chị em tui được một bữa cười đã đời. Sau này lớn rồi thằng Út vẫn hay bị đem chuyện này ra chọc hoài, nó ghét lắm. 
Ôi, những ngày xưa xum họp hạnh phúc nay còn đâu ! Sao tui muốn khóc quá bạn ơi !

3/2/10 - Còn đúng mười ngày nữa là Tết. Vừa dạy học vừa dọn dẹp nhà cửa mệt muốn tắt thở, lại bị thằng nhóc dụ khị : "Mẹ à, Tết rảnh mẹ con mình làm cơm rượu ăn nghe". "Mẹ con mình" có nghĩa là tui nấu nếp trộn men, vắt sơ, còn nó thì vo lại cho chắc viên cơm rượu rồi bỏ vô keo. Cơm rượu bán ngoài chợ mắc như quỉ mà còn sợ tay người ta không sạch, làm ở nhà rẻ hơn nhiều lắm, chỉ có cái ngồi vắt rồi vo, mỏi vai đau lưng lắm, nấu nửa ký nếp ngồi vo "oải chè đậu" luôn. Bởi vậy người ta bán mắc là do nặng công chớ không phải do nhiều vốn. Cơm rượu người Bắc thì khỏe re, nếp lứt trộn men rồi bỏ đại vô thố, chừng được lấy muỗng xúc ăn. Tùy theo gu, người Nam chê cơm rượu người Bắc bời rời, xột xột, hậu chua chua. Người Bắc chê cơm rượu người Nam ngọt khé cổ, "bố ai mà ăn được" !!! 

5/2/10 (22 âl) - Mấy ngày giáp Tết vệ sinh nhà cửa lu bu muốn chết mà có bà lối xóm chạy qua rủ rỉ nhờ coi tướng con dâu tương lai, trời ơi làm như mình là thầy tướng số thứ thiệt không bằng. Tui không thể nhận lời, vì biết một câu nói của mình có thể ảnh hưởng đến chuyện hôn nhân đại sự của người ta, sợ thất đức, nên tui chỉ khen con nhỏ sáng láng chớ không chịu coi tướng, viện lý do "thầy tướng" còn "non tay". Thật sự con nhỏ giọng kim quá cao nghe the thé và cặp mắt bự nhưng lộ quang sáng rực như minh tinh Lâm Đại ngày xưa, chắc là không ổn rồi. Ôi trời cũng là duyên số hết ! Nếu Nguyệt Lão đã lấy chỉ đỏ cột hai thanh tre quăng xuống hồ, tụi nó có duyên với nhau thì chạy trời không khỏi nắng hai đứa tụi nó cũng phải gắn bó với nhau cả đời để... trả nợ cho nhau !

Chuyện coi tướng cô dâu này làm tui chợt nhớ một chuyện buồn của gia đình bạn anh Ba tui. Trong đám bạn từ hồi còn để chỏm của anh Ba có một anh tên T, anh này hiền lành, hay cười, gương mặt tròn vo hao hao ca sĩ Thanh Phong (ban tam ca Sao Băng hồi xưa : Thanh Phong, Duy Mỹ, Phương Đại). Ảnh vốn là giáo sư nhưng không biết sao lại bị đi sĩ quan. Mỗi lần anh T về phép, anh Ba tui hay kéo cả đám bạn bè về nhà họp mặt ăn uống. Một bữa nghe mấy ảnh nói lén về tướng mặt của vợ sắp cưới anh T : "Sao kỳ quá, con nhỏ có nụ cười buồn bã gì đâu!". Lấy vợ đâu được vài tháng, anh T tử trận. Lần đó thấy anh Ba tui khóc hai mắt đỏ hoe... 
Lại nhớ lúc tui mới chừng mười bốn mười lăm gì đó, có nghe Ba tui nói tướng con QN công danh lận đận, chỉ được cái hậu vận bình an, nhưng quí mà không phú. Mình còn con nít, chẳng có ý niệm gì về ba cái tướng số, giờ gẫm lại dường như cũng... không sai mấy !

8/2/10 (25 âl) - Mệt mỏi. Làm hoài sao không hết việc. Loay hoay, loay hoay. Lăng xăng, lăng xăng... 
Lắm lúc thấy mình giống hình ảnh viên cỏ lông chông. Viên cỏ tròn xoe như một đóa bồ công anh khổng lồ, cứ bay lông chông theo gió qua những đồi cát miền Trung trơ trọi cằn cỗi. Gió thổi tới đâu, cỏ lăn tới đó. Lăn tới vô cực hay lăn tới buổi hoàng hôn của cuộc đời rồi nằm xuống vô danh ?

Tôi có chờ đâu, có đợi đâu 
Đem chi xuân lại gợi thêm sầu? 
Với tôi, tất cả như vô nghĩa 
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!

Ai đâu trở lại mùa thu trước 
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng? 
Với của hoa tươi, muôn cánh rã, 
Về đây đem chắn nẻo xuân sang!

Ai biết hồn tôi say mộng ảo 
Ý thu góp lại cản tình xuân?

Có một người nghèo không biết Tết 
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!

Có đứa trẻ thơ không biết khóc 
Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran!

Chao ôi! Mong nhớ! Ôi mong nhớ! 
Một cánh chim thu lạc cuối ngàn.

(Xuân - Chế Lan Viên)

 

TCQN
 02/2010 - Xuân Canh Dần

TL_TheYearOfMonkey.jpg

 

LOANH QUANH CHUYỆN TẾT NHỨT

Trần Bang Thạch 

 

1.NỖI MÌNH CUỐI NĂM

 

Cuốn lịch của năm Ất Mùi đang mõng dần. Không còn bao lâu nữa tờ lịch cuối sẽ bay đi. Chợt nghĩ đến nhiều điều. Có những điều - thật nhiều điều - mơ mơ, hồ hồ, không rõ tên, không định hình, định tướng.  Nghĩ đến cuộc sống trước măt? Nghĩ tới con, tới cháu, bà con quyến thuộc, thân hữu bạn bè? Nghĩ tới một quê hương ở xa? Nghĩ tới ngày về hưu, về kinh tế thế giới? ...Tất cả những điều này mình đã nghĩ nhiều rồi, nhiều ngày, nhiều năm rồi; đâu phải đợi đến những ngày năm cùn tháng tận này, bây giờ.

Vậy thì mình đang suy nghĩ điều gì? Có phải bắt nguồn từ một bài cổ thi vừa đọc được?

 

Nhân giai dục đắc trường niên thiếu

Vô ná bài môn bạch phát thôi

Nhất hướng phá sầu, sầu bất tận

Bách phương hồi tị lão tu lai

 

Trên đây là 4 câu đầu của bài Đường thi thất ngôn bát cú Tuế Vãn Tự Cảm của nhà thơ Vương Kiến (751-835). Bài thơ do 1 vị thầy cũ của Nhóm Thơ Thẩn Cho Vui của thầy trò chúng tôi gởi tới và thầy cũng đã cắt nghĩa từng câu và dịch toàn bài, 8 câu. Cá nhân tôi trước đây có đọc vài bài thơ của Vương Kiến nhưng chưa thấy bài này; hay đã thấy nhưng đọc vào những hoàn cảnh không gian, thời gian không thích hợp để tạo nên ấn tượng, kéo theo sự suy nghĩ của mình. Thầy PKT ơi, những ngày gần cuối năm và gần cuối đời của thầy lẫn trò mình, thầy đã giương cung nhả ra mũi tên Tuế Vãn Tự Cảm và bản dịch Nỗi Mình Cuối Năm làm trúng tim nhiều người. Phải là nhiều người vì đã có thơ phụ họa từ Hoa Kỳ, Việt Nam, Pháp, Úc...

 

Nỗi Mình Cuối Năm

PKT

 

Trẻ mãi suốt đời ai chẳng muốn,

Nhưng sao ngăn được tóc sương pha.

Sầu đong vô tận bao giờ cạn,

Già tránh trăm phương vẫn cứ già.

 

Những ngày cuối năm thường khiến cho người ta đếm tuổi và có những nỗi lo bâng quơ, cả những nỗi buồn mông lung. Nỗi mình cuối năm. Phải rồi! Những ngày này mình đã nghĩ nhiều đến nỗi mình, điều mà trước đây mình chưa hề nghĩ, hay nghĩ một cách rất lờ mờ khi cái tuổi của mình còn xanh, hay ngay cả lúc nó tròm trèm, trên dưới sáu mươi. Bây giờ thì mình đang lần mò bước qua mấy chặn đường đi đến cái đích "cổ lai hi" thì những câu thơ  "Sầu đong vô tận bao giờ cạn" bay đến, ghim ngay vào cái bầu tâm sự của mình. Hỏi sao mà không suy nghĩ?

 

Cái trẻ thì không thể giữ mãi, cứ đi đi, được thôi. Vạn vật trên trái đất nầy có cái gì là không lão hóa. Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. Tóc sương pha thì cứ pha cho bạc trắng. Tóc bạc, da mồi chỉ sự sống lâu mà! Cái già muốn đến thì cứ đến, "cổ lai hi" mà! Chỉ có cái sầu là coi mòi không ổn. Có mấy ai càng già càng vơi cái sầu? Hình như cái sầu và cái lo ở tuổi già là anh em họ. Ai cũng muốn lánh xa cặp bài trùng này mà xem ra chẳng dễ. Càng già càng lo. Càng lo càng sầu. Tâm sầu bạch phát. "Nỗi mình" là ở đây. Cái lo cho mình có đó mà như đang ở đâu đâu, mênh mang trời đất, nó chạm vào tỉ tỉ nơ-rôn của mình bất cứ lúc nào, cho nên nó vô tận, nó cứ đầy. Nhiều cái sầu không tên không tuổi, không hình không tướng là vậy. Hôm qua nhận một lá thư dài của một thầy cũ gởi từ Aulnay, Pháp quốc. Thầy viết: " Sống qua cái tuổi 60, được năm nào coi như được trời cho năm đó, kể như được thêm "bonus". Thầy đã được "bonus" hơn chục năm rồi, còn các em chắc cũng được vài ba năm. Những năm "bonus" mình chỉ cần sống lành, sống đẹp, sống an lạc, thảnh thơi...Thầy tin tưởng ở "nhân quả", mình gieo nhân tốt thì sẽ gặt hái được quả tốt". Nghĩ cho cùng cái sầu của mình là do cái lo. Lo cho mình thì ít mà lo cho người thì nhiều. Sống lành, sống đẹp là cách sống hai chiều: Lấy cái Nhân để sống lành cho người là đem về cái Quả nhãn tiền, chính là cái đẹp, cái an lạc, thảnh thơi cho mình. Sống như vậy không phải là dễ.

 

Biết là "Sầu đong vô tận bao giờ cạn" Nhưng vẫn cứ nghĩ tới cái nỗi mình. Tuổi sắp thêm, sắp thêm "bonus" mà bao nhiêu cái lành, cái đẹp mình sẽ làm được đây, trong những năm tháng tới để tạo cái nhân? Bây giờ bắt đầu thì coi như đã trễ! Trễ còn hơn không!

 

Cuối cùng, có lẽ sự lo nghĩ cuối năm - nỗi mình-  là ở đó.

Ý nghĩ nầy dẫn người viết đến 1 bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác.

2.TRƯỚC MẮT VIỆC ĐI MÃI / TRÊN ĐẦU GIÀ ĐẾN RỒI

 

Có  một bài thơ của Thiền Sư Mãn Giác (1052-1096) từ nhiều năm nay thường được giới văn nhân và các phương tiện truyền thông đại chúng nhắc tới mỗi lần năm hết tết đến. Đó là bài thơ chữ Hán gồm 6 câu, tổng cộng 34 chữ tựa là Cáo Tật Thị Chúng. Đa số những bài viết hay bài nói thường không nhắc toàn bộ bài thơ mà chỉ nêu hai câu cuối, có lẽ vì nó có chất thơ và chất thiền, lại phù hợp cho những bài viết về Xuân:

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

mà có người dịch là:

Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước, nở cành mai

 

Cái khám phá thích thú có lẽ là ở điểm này: bài thơ thường xuất hiện trong các bài viết về Xuân nhưng rõ ràng không phải là một bài thơ Xuân. Tứ của bài thơ (thi tứ) không phải là miêu tả cảnh sắc của mùa Xuân. Mặc dù hai câu mở đầu tác giả có nói:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

tức là Xuân đi có trăm hoa rụng,  Xuân sang có trăm hoa nở và hai câu kết, như đã nêu ở trên, cũng có xuân, có hoa, đặc biệt là có hoa mai; nhưng rõ ràng tứ thơ nằm ở chỗ khác. Nó nằm ở tựa bài thơ là Cáo Tật Thị Chúng tức là Có Bệnh Báo Mọi Người. Hoàn cảnh để viết bài thơ có thể tạm suy diễn thế này: Một ngày tác giả có bệnh, chắc là vào một ngày Xuân, tác giả nghĩ tới mùa Xuân rồi nghĩ tới mình cho nên viết bài thơ trên. Và tứ thơ được thể hiện rõ ở hai câu thứ 3 và thứ 4:

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tòng đầu thượng lai

 dịch là:

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi.

 

Như vậy tác giả đã mượn mùa Xuân để nói tới một đời người. Xuân đến Xuân đi. Người đến người đi. Đi nhưng còn để lại một cái gì. Như một cành mai mới nở của một xuân qua. Như một dư âm của một hồi chuông đỗ. Như cái còn lại của những năm tháng trôi trên phận người. Cái còn lại không phải là bất kỳ một cái gì. Càng không thể là cái xấu.

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi.

Đọc 2 câu thơ được viết hơn 900 năm trước mà như nghe đâu đây tiếng lao xao của những mắc xích đời mình. Biết bao điều đã đi qua rồi. Tóc đã bạc trên đầu. Hơn bảy mươi mùa Xuân đã đi qua mà trước sân đời của nhà mình có mấy lần hoa nở? Mình đã làm được gì đâu mà tuổi đời gần cạn. Thiền sư Mãn Giác chỉ sống có 44 năm. Sống một đời đạo hạnh, thanh cao, nho nhã. Cành mai đời Người mà Người để lại chắc nhiều hoa. Bài thơ trác tuyệt Cáo Tật Thị Chúng là một.

Hiểu được lẽ sinh lẽ diệt không phải là chuyện dễ. Trước ngài Mãn Giác, Thiền Sư Vạn Hạnh cũng đã dạy:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhâm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

Rõ ràng thân người như ánh chớp, có rồi trở lại không. Cũng như mùa xuân cây cỏ tươi tốt, đến mùa thu thì tàn tạ khô héo. Lẽ thịnh suy là vậy, hơi đâu mà lo sợ vì thịnh suy thay nhau như khoảnh khắc của hạt sương trên đầu ngọn cỏ.

Sống chân thật với mình và với người thì sá gì cái lẽ thịnh suy. Biết sống như vậy là điều không dễ. Cuộc đời cũng đâu có dễ cho người đời!

Càng không dễ cho người biết sống!

Ngày xuân tàn, đâu phải trước sân nhà ai cũng còn một đóa mai mới nở !

 

 

3.THÊM MỘT CÁI TẾT THA HƯƠNG

 

Bạn thân mến xa xôi,

Lâu lắm không có thư gởi bạn. Biết bạn trông nhưng không làm sao được. Hết việc này tới việc kia chúng bám theo mình như hình với bóng, bám gần 40 năm qua mà chưa buông. Nhớ khi xưa, việc của sở làm thì không chạy được. Tự động bứt nó ra thì nhận giấy báo màu hồng mang đến sở xã hội xin tiền thất nghiệp. Còn vài công việc có tính cách văn hóa, xã hội mình tự góp tay vào dù có bận cách nào thì vẫn không muốn bỏ. Nó là chất bổ dưỡng, là thuốc an thần cần thiết cho cuộc sống rất ư là nhức đầu ở đây. Đi làm về khuya, ngồi gõ cho xong cái truyện, thấy hạnh phúc làm sao. Họa hoằng có một ngày nghỉ cuối tuần để có dịp tham dự một buổi thuyết trình về văn hóa, thấy một ngày có ý nghĩa. Ước chi một ngày có 36 tiếng đồng hồ chớ không phải là 24 để mình được thông thả một chút làm chuyện này chuyện nọ, và để có thể ầu ơ ví dầu với bạn cho vui. Nhiều khi tôi nghĩ có người để san xẻ, để trút bầu tâm sự cho cái đầu bớt quẩn cũng là cần thiết. Thiên hạ ở đây với những cái đầu đầy chữ nghĩa và bằng cấp chắc cần phải giải quyết mấy cái quẩn nầy trước hơn ai hết. Ở một nơi xa xôi, đèo heo hút gió ấy chắc bạn không nghe chuyện mới ràng ràng đây của một chàng địa ốc gần năm mươi tuổi, nhân đêm Giáng Sinh, chàng mặc quần áo ông Santa Claus đến nhà người vợ cũ rồi nả súng bắn chết cả chục người  kể cả cái mạng của mình. Mấy năm trước nữ phi hành gia có học vị tiến sĩ, nghề nghiệp vững vàng, chồng con đề huề, yêu ngang hông một đồng nghiệp, lại mang tội mưu sát tình địch. Cũng mấy năm trước một nữ nha sĩ cũng mang tội sát hại ông chồng nha sĩ bằng chiếc Mercedes. Trước đó đôi năm, một nữ y tá vợ một kỷ sư phục vụ tại Trung Tâm Không Gian Hoa Kỳ, gọi tắt là NASA, trấn nước giết tất cả 5 con ruột trong bồn tắm nhà mình. Cả 3 người đàn bà nầy đều thuộc giới thượng lưu trí thức và cùng cư ngụ trong vùng gia cư sang trọng Clear Lake của Houston. Tại làm sao vậy? Chất thuốc an thần nào để chữa những cái quẩn này đây? Tôi thì không lo rồi. Tôi có những bạn văn. Tôi có những sinh hoạt bổ dưỡng tinh thần. Và tôi có bạn để tâm sự mà. Phải không bạn?

Bạn thân mến xa xôi,

Hôm nay là ngày đưa ông táo về chầu Ngọc Hoàng. Bên ấy bạn cũng sắp đón Tết. Xuân là của đất trời mà. Chỉ có cái khác là bạn đón xuân trên quê hương mình. Còn tôi thì đón xuân lử thứ. Đón mấy mươi cái xuân như vậy rồi! Bạn xem có não lòng chưa? Cứ mỗi lần Tết đến là nhớ câu thơ Thế Lữ để mà buồn thêm: Rũ áo phong sương nơi gác trọ/ Lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang. Còn ông Thanh Nam hơn ba mươi năm trước đã lia thêm một nhát chém vào tâm sự của người ly hương: "Một năm người có 12 tháng, ta có năm dài một tháng Tư".Tôi đã ở trên đất nước nầy dài hơn thời gian tôi sống trên đất nước mình. Và sẽ sống nơi đây cho hết đời, chắc vậy. Nhưng mà không hiểu sao mình vẫn không bỏ được cái  ý nghĩ cho rằng nơi đây vẫn là đất tạm, là một thứ quán trọ. Cho nên cái Tết nào cũng khiến mình buồn bã vu vơ vì tết nào cũng là Tết Tha Hương. Bỗng nhớ mấy câu thơ cũ của mình :

 

nên mỗi ngày qua

thêm một nỗi buồn riêng

thêm một chút ngậm ngùi cố thổ

ở ở, đi đi ta làm khách trọ

sớm nắng chiều mưa bóng nhỏ bên đường

 

để mỗi đêm dài điếm cỏ cầu sương

 ta mơ làm người Lý Bạch

đê đầu tư cố hương

để thấy hồn mình lượn lờ nơi viễn phố.

 

Hôm nào cắc cớ, bạn thử hỏi những người mà bạn quen biết đang sống xa quê hương để xem bạn có được mấy người chờ xuân, đón xuân và vui xuân với tâm trạng y chang như thời trước ở quê nhà. Lý do đơn giản là Tết ở đây là tết ly hương; ngày Tết của mình đâu có nằm trong danh sách những ngày nghỉ lễ của nhà nước. Cho nên ai cũng phải đi cày như mọi bữa. May mắn lắm có được ngày tết rơi vào cuối tuần thì đi một vòng hội chợ tết để có cảm tưởng mình cũng ăn tết như ai.

 

Nhưng bạn ạ, nhìn những em bé mình càng thương cảm chúng nó hơn. Các cháu cũng tươi cười nhìn lân, nghe pháo, cũng rối rít nhận tiền lì xì. Các cháu bây giờ ở đây đâu có biết chờ Tết. Thấy múa lân ngồ ngộ thì cười thôi. Nghe pháo nổ từng tràng dài thì thích thú; đâu biết đấy là những tập tục rất đặc thù thường chỉ xảy ra vào dịp tết đã có từ lâu đời trên quê cha và đã trở thành những sinh hoạt có tính cách văn hóa của nước mình. Điều tội nghiệp khác nữa là các cháu cũng không có cái háu hức của mình thời trẻ. Thời đó "chờ tết" hình như thú vị hơn "ăn tết", phải không bạn? Đứa trẻ thời ấy mỗi năm đón Tết từ đầu tháng Chạp, hay trước đó nữa, khi người người trong gia đình chuẩn bị ăn tết. Đón Tết qua những đêm ngủ gà ngủ gật nhìn mẹ tráng bánh phồng bánh tráng, nhìn bà gói bánh tét bánh chưng, nhìn chị làm bánh mứt. Bộ đồ mới bằng vải sọc đơn sơ, đôi guốc vông có quai bằng mũ trong vắt có vẽ mấy cánh mai vàng cũng đủ làm đứa bé thời đó sung sướng quên ăn, tối nằm ôm đôi guốc, gối đầu trên giấc mơ đẹp mà ngủ. Ngày Tết cùng các bạn nhỏ kéo nhau đi trên đường làng, trên đường phố, tay cầm cây pháo chuột, miệng cắn hạt dưa đỏ mồm miệng. Gặp người lớn khoanh tay cúi đầu mừng tuổi, đôi khi được vài cắc lì xì. Ghé nơi nầy đặt mấy xu trên trái bầu, con cua. Ghé nơi kia xào bài ba lá. Sao mà vui quá chừng. Đứa bé nơi ấy thời ấy ăn tết ăn nhứt thỏa chí thỏa tình. Thời đó đứa bé sống trong cái háu hức chờ Tết và vui Tết của cả làng, cả phố và của cả dân tộc. Cho nên người ta nói vui như tết, thật chẳng sai.

Các cháu ở đây tuy không cảm nhận được hết ý nghĩa sâu xa và tinh thần dân tộc trong 3 ngày tết, nhưng khi các cháu có dịp cùng vui 

TL_liondance_2.gif

chơi trong những hội tết được tổ chức hàng năm tại nhiều nơi có đông người Việt thì các cháu đã phần nào sống với văn hóa mình. Các em thấy, các em tham gia rồi dần dần các em hiểu và sẽ duy trì nó. Tôi không thể tưởng tượng ở một nơi nào đó bây giờ, hay ở những năm nào đó sau nầy không có một hội tết nào được người mình đứng ra tổ chức thì mình ăn tết ở đâu, cụ già dẩn các cháu đi đến đâu để cho ông cháu sống vài giờ với cái tết dân tộc? Không có Hội Tết hàng năm thì ngày tết sẽ âm thầm lặng lẽ trôi qua và các cháu thì không biết Tết Nguyên Đán là gì.

Bạn thân mến xa xôi,

Tết tha hương thì buồn thật, nhưng những cái tết trên quê hương đã một thời in sâu trong ký ức mình cũng phần nào làm lòng mình ấm trong cái lạnh của mùa xuân xứ người.

Trần Bang Thạch

 

  

  

 

Enter supporting content here