web_MerryXmas.gif
THƠ
 &  TRUYỆN
GIÁNG SINH

 
 
 
2019:
1.Trầm Vân - 2.đoàn xuân thu - 3.Kim Quang - 4. Xướng họa: Danh Hữu, Mailoc - 5.Dương Hồng Thủy
 
 
2015:
Mailoc, Đỗ Chiêu Đức, Trầm Vân, Kim Oanh, Đông An, Danh Hữu
Nguyên Nhung, Huỳnh Minh Bích Nga, Dương Hồng Thủy, Trần Bang Thạch
 
_________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________ 
 
 
  Thơ, truyện Giáng Sinh 2019:
 
1. TRẦM VÂN:
 
TV_KQ_Haimuanoel.jpg 
 
TV_KQ_DongdinhThanhgia.jpg
 
2. TẠP GHI đoàn xuân thu:
 

Mùa Giáng Sinh vui!

 dxt_muaGSvui.jpg

Hồi xưa, quê mình tựu trường vào tháng Chín, học riết tới tháng Sáu mới bãi trường, nghỉ ‘hè' (tức ra hè mà nghỉ).  Còn Úc tựu trường vào cuối tháng Giêng; bãi trường vào cuối tháng Chạp, cũng là nghỉ ‘hè', ra biển chọc cá mập cho nó ‘phập'.

Niên học chia ra làm 4 học kỳ; cứ học 9, 10 hoặc 11 tuần là nghỉ xả hơi hai tuần, ở nhà ‘quậy'. Cuối học kỳ 4, nghỉ lâu nhứt tới 5 tuần cả thảy, để học trò ăn lễ Giáng Sinh, Merry Christmas và mừng Năm mới, Happy New Year!

Mùa lễ hội của Mỹ bắt đầu từ lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) tới giao thừa Tây. Còn ở Úc là từ Melbourne Cup (Đua ngựa), thứ Ba đầu tiên, tháng Mười Một tới giao thừa Tây.

So lại, Úc ăn rồi chơi nhiều hơn Mỹ. Hổng có gì lạ đâu, thưa bà con, vì Úc nổi tiếng làm biếng nhứt thế giới mà.

Riêng người Việt tỵ nạn mình ở Úc, hổng cần đợi tới cuối năm mới nhậu, cứ cuối tuần là có ‘độ', tuần nào y như tuần nấy.

Mùa lễ hội, Mít mình thì khoái ăn thịt gà ta; còn Úc khoái ăn thịt gà tây. Nên đám gà ta cà nanh với đám gà tây "Tụi bây chỉ bị ‘xử đẹp' vào ngày lễ Tạ Ơn và lễ Giáng Sinh thôi hả? Thiệt là may mắn! Bọn tớ, Chúa nhựt nào cũng đi chầu ông bà ông vải hết trơn hè!"

(Có anh mình hơi bị tự ti mặc cảm nên cảm thán rằng tây bao giờ cũng hơn ta. Ngay gà ta cũng thua gà tây nữa! Nghĩ vậy không hoàn toàn đúng! Đâu phải ta lúc nào cũng thua. Tùy lúc chớ! Như tui nè hồi mới chân ướt chân ráo, bị Úc nó chơi gác, ăn hiếp dài dài từ trong sở ra tới ngoài đời. Nhưng ở đây lâu, mình mọc nanh, đâu có ngán đứa nào. Biết điều, nhậu nhẹt bù khú với nhau; cầm bằng ra vẻ ta đây là ‘Úc rặt', ngon hơn; thì xin lỗi... nhà ai nấy ở, rượu ai nấy uống; vợ ai nấy ‘cự' vậy thôi. Làm gì nhau hè?)

***

Nhớ mùa Giáng Sinh năm ngoái, dắt em yêu đi mua sắm ở ‘High Point Shopping Centre' trong tiếng nhạc rộn ràng Jingle Bells của mùa Giáng Sinh.

Trong siêu thị, có Santa Claus ngồi để bà con mình chụp hình kỷ niệm (có trả tiền, dĩ nhiên).

Santa Claus gọi tui bằng ‘bro' tức ‘brother' (anh); trong lúc gọi em yêu của tui bằng ‘cháu'. Em yêu khoái qua trời vì nghĩ mình vẫn còn thuở thanh xuân; chẳng qua em mới vừa nhuộm tóc. Còn tui, giận xanh râu luôn! "Ê! Santa kỳ thị tuổi tác phải không? ‘Boss' của chú mầy là ai, kêu nó ra đây để tao chính thức ‘còm len' (than phiền) một chút coi!"

Santa nghe tui hăm như vậy, mặt xanh chành như đít nhái, vì sợ mất ‘job' nên giả lả là: "Take it easy mate!" (Thôi! Bỏ qua đi Tám!)

Tối về, khi em yêu của tui đã ngáy ‘ò ó o', tui vẫn còn ấm ức, tức, nên sau vài ly rượu đỏ; lên Facebook, tui gọi cho thằng bạn học cũ bên Little Saigon để trút bầu tâm sự. Ai dè nó cũng va vào hoàn cảnh đau đớn hịt như tui.  

"Để ăn mừng lễ Giáng Sinh, kiểu Mỹ, bắt chước thần tượng Sở Khanh, mày râu nhẵn nhụi; áo quần bảnh bao, tao bèn đi hớt tóc đầu đinh, xong còn nhuộm đen kịt, không quên xức nước hoa ‘Xà neo' ba số 5.

Mặc cái quần jean mới nè, có xé te tua ở đầu gối, hết 150 đô, cái áo chim cò mới có chữ ‘Free hugs' (ôm miễn phí) nè hết 100 đô; đôi giày thể thao Adidas gần 200 đô.  Xong dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi, đưa em xuống phố trưa nay đang còn nhức mỏi hai vai.

Sở dĩ đóng bộ đàng hoàng như vậy vì tao muốn ‘xứng' với em yêu, mái tóc người vợ trẻ, từ Hốc Bà Tó Việt Nam tao khều ra, rồi lãnh qua đây.

Hai đứa ‘tính tình tang' lang thang vô siêu thị. Em đòi chụp hình Giáng Sinh ở Mỹ để gởi về Tía Má em bên ấy an tâm là em đang sống trong một cuộc đời nhung lụa ở cái xứ tư bản giãy chết nầy.

Ôi muốn là chiều! Dù chụp chỉ mấy tấm hình mà bay hết một ông ‘Benjamin Franklin'. Trong lúc móc chi tới 100 đô, đau quá; thì em yêu lại khoái quá chừng vì được Santa gọi là cháu; còn hỏi em có muốn ngồi lên đùi nó để chụp hình kỷ niệm hay không?

Tao trừng mắt nhìn, em cụp xuống, hổng dám ho he gì ráo; xong tao chuyển đôi mắt hình viên đạn qua Santa thì bất ngờ thay, ‘giả' phân bua bằng tiếng Việt: "Con giỡn chút chơi mà ghen tuông gì ông Ngoại?"

Tao ngạc nhiên đến ‘đứng hình' luôn. Người Việt mình ốm yếu nhỏ con, thì làm sao kiếm được cái ‘job' mập, làm Santa Claus, cho được chớ?

Santa Claus dê xồm nầy sợ tao ghen, nóng mặt lên là nó mũi ăn trầu cái đầu xỉa thuốc; bèn tìm cách làm tao bớt giận bằng câu chuyện làm quà là: "Từ hôm Lễ Tạ Ơn là con Mỹ đen, vợ cháu đã tẩm bổ bằng gà lôi đút lò rồi. Ngày nào cũng gà lôi và gà lôi, bụng lồi lên nhưng trái khinh khí cầu. Mà nó cứ dụ: "Honey! Honey! Rán ăn đi, cho mập cho có da, có thịt hai đứa mình giống hịt...mới được! Chớ đứng gần nhau cứ số 1 và số 0 hoài, kỳ quá. Hai nhờ cái thể hình ‘ú nu' như vậy mới kiếm được ‘job' mập, làm Santa Claus, thêm chút đỉnh tiền để bánh mì bơ cho bầy con lủ khủ, ăn như xáng xúc! Vợ chồng dẫu cày sâu cuôc bẩm suốt năm chỉ đủ cái bỏ vào mồm. Phép thường niên 4 tuần, năm, honey cứ tụ bè tụ đảng ăn nhậu hoài thì trước sau gì nhà nầy cũng thành ‘homeless'!"

Nhưng công bằng mà nói: tay Santa Claus gốc Mít nầy nhận xét cũng hổng có trật! Hai đứa mình giờ cũng già rồi. (Giống như cây thông Giáng Sinh, chủ yếu để trưng bày, trang trí coi chơi; chớ đâu còn làm ăn gì được nữa?)

***

Mít dê Mít là chuyện thường tình! Úc cũng hay dê sảng con gái Việt Nam mình lắm. Vì mấy em, mình hạc xương mai, dáng đi uyển chuyển như ‘Thanh Tuyền' và giọng nói ngọt ngào như ‘Đan Nguyên' vậy. Còn con vợ Úc của nó, chụp hình Giáng Sinh hồi năm ngoái về nhà in ra để lộng kiếng (liệng cống) mà giờ vẫn chưa xong.

Mới đây nè bên Mỹ, có một em nặng tới 300 pounds vô ý đè chết ông chồng đó. Tay bạn nhậu người Úc nghe tui kể chuyện khó tin nhưng có thiệt nầy xanh mặt mày hết ráo, run run hỏi: "Hổng biết chừng nào sẽ tới phiên tui?"

Thằng bạn Úc nầy nó tên là ‘Ó zì' (Ozzie), tui chọc quê gọi nó là "Ó đâm' (‘đâm' phiên âm chữ ‘dump' nghĩa là ngu).

Qua nước người ta, nhiều phong tục tập quán sở tại, không biết hỏi ai; chi bằng mình hỏi dân thổ địa. Dẫu vậy có nhiều câu tui hỏi nó cũng bí lù hè. (Thiệt là ngu thấy ớn).

"Xứ tao chuông nhà thờ luôn óng ả; còn xứ nầy sao ít nghe tiếng chuông ngân?" Thì ‘Ó zì' cắt nghĩa: "Ít thiệt! Nhưng lai rai cũng có! Úc, đất nước tự do, đa văn hóa, đa sắc tộc, đa tôn giáo: Anh giáo, Thiên Chúa giáo, Cơ Đốc giáo, Tin lành rồi đạo Phật, đạo Hindu, đạo Hồi... và còn nhiều đạo khác

Chuông nhà thờ, giáo đường, đền chùa cũng có luật có lệ. Nước Úc tự do không phải muốn làm gì là làm. Điều căn bản nhứt của quyền tự do là trước hết phải tôn trọng quyền tự do của người khác.

Như Anh giáo tấu nhạc thánh ca trong giáo đường; Phật giáo tụng kinh trong chùa; Hồi giáo trong ‘mosque; chớ không có bắt ‘ô bẹt lưa' vọng ra ngoài đường như mấy cái xứ Trung Đông."

Biết vậy, nhưng mỗi mùa Giáng Sinh, tui lại nhớ hoài, nhớ tha thiết tiếng chuông nhà thờ Tân Định, Sài Gòn, tui cùng em yêu (40 năm tình cũ) tay trong tay tan lễ nửa đêm ngày ấy.

***

Thằng bạn Úc ‘Ó zì' của tui cũng tin vào Thượng Đế nhưng không ngoan đạo lắm; ít khi đi nhà thờ trừ những ngày lễ lớn.

Năm rồi, Thánh lễ nửa đêm vừa xong, linh mục chánh xứ làm chủ lễ đứng trước cửa, bắt tay giáo dân chúc: "Merry Christmas!" Một mùa Giáng sinh vui!

‘Ó zì' bước tới; vị linh mục bắt tay nó, rồi kéo sang một bên nói: "Con phải gia nhập Đạo quân Chúa Cứu Thế nhe!""Thưa Cha! Con đã gia nhập rồi đó ạ!" "Ủa! Sao cha ít gặp con quá! Năm chỉ hai lần, một vào lễ Giáng Sinh; hai là vào lễ Phục Sinh?" "Thưa Cha chẳng qua trong Đạo quân Chúa Cứu Thế con làm việc cho Sở Mật vụ!"

‘Ó zì' có một đứa con trai tên là "Oi' năm nay lên 8 tuổi. Sở dĩ đặt tên con là ‘Oi' vì năm nào tranh giải quần vợt quốc tế mở rộng, vào đầu tháng Hai tại Melbourne nè, Úc thắng được chỉ một cú đánh là cố động viên một đứa xướng lên "Ozzie! Ozzie! Ozzie" Cả khán đài phụ họa hò reo ‘Oi! Oi! Oi" Vui hết biết!  (Nếu dịch ra tiếng Việt mình là "Úc! Úc! Úc! Ơi! Ơi! Ơi!" vậy mà).

Một vài ngày trước Lễ Giáng Sinh, vợ vẫn còn đi làm nên ‘Ó zì' phải lui cui dưới bếp. Thằng ‘Oi' đang chơi xe lửa chạy bằng pin, (quà Giáng Sinh) trong phòng khách.

Chiếc xe lửa ngừng lại và giọng của ‘Oi' vang lên: "Tất cả những thằng ‘quỷ hó' và những đứa con gái ‘cà chớn lửa' xuống xe ngay. Đây là trạm cuối cùng. Hành khách nào còn lại thì dán chặt cái ‘mông' vào ghế ngồi; vì chiếc xe lửa sẽ xuống dốc để quay đầu trở lại. Nghe rõ không mấy con bò tót ?!"

‘Ó zì' nghe vậy, giận quá: "Nè không được dùng cái ngôn ngữ đường phố, đá cá lăn dưa chợ Victoria trong nhà nầy. Chú mầy là con nhà gia giáo! Giờ đứng vô góc phòng, hai tiếng đồng hồ để ăn năn tội lỗi của mình. Hết giờ phạt, chú mầy sẽ được tiếp tục chạy xe lửa; nhưng hãy nhớ dùng ngôn ngữ thiệt lịch sư nghe không?"

Hai tiếng sau, hết giờ phạt, ‘Oi' lại chơi với chiếc xe lửa. Lần nầy thì: "Hành khách lưu ý! Lưu ý! Quý vị nào xuống xe lửa xin vui lòng nhớ mang theo tất cả các hành lý của mình. Xin cám ơn quý vị đã đáp chuyến xe nầy, Hy vọng đây là một hành trình thú vị. Mong quý khách sẽ tiếp tục đi xe lửa nầy lần tới. Xin đa tạ!

Còn quý vị nào còn ngồi trên xe, xin cảm phiền để hành lý dưới chỗ ngồi của mình và xin nhớ không được hút thuốc trong xe. Mong quý vị đã có một chuyến đi thoải mái và vui vẻ với chúng tôi hôm nay. Xin cám ơn."

Khi nghe con mình nói vậy, ‘Ó zì' rất lấy làm hài lòng, bỗng nghe nó nói tiếp: "Còn quý khách nào đã bị trễ hai tiếng đồng hồ; nếu bực bội thì xin than phiền với ‘ông già cà chớn' đang nấu cơm trong bếp!"

Merry Christmas!

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

3. KIM QUANG 
 
KQ_HongAnThienChua.jpg 
 
KQ_Muadongquetoi.jpg 
 
4. XƯỚNG HỌA: Danh Hữu, Mailoc: 
 

 

Bài Xướng:

 

 

Giáng Sinh

 

 

 " Rộn rã ngày về góp sức ta"

Nghe sao mà, ấm áp chan hòa !

 Đường đời đâu mãi, sầu khôn dứt;

 Trần thế rồi ra, họa cũng qua.

 "Nhộn nhịp Giáng Sinh, mừng Chúa Thánh

 Tưng bừng Thế Nước, rực đèn hoa"

 Dẫu là mơ mộng, là hy vọng;

 Đất nước tuy xa, lòng chẳng xa !

 Nói chẳng xa! dù cách núi sông,

 Cuối năm, cánh thiệp mượn chim hồng :

 Vài lời nhắn nhủ về quê mẹ,

 Dăm tiếng hẹn hò theo gió đông.

 Mỗi độ xuân sang, se sắt dạ,

 Từng khi tết đến, vẩn vơ lòng.

 Năm năm thêm tuổi, đầu thêm bạc,

 Chồng chất thêm nhiều, bao ước mong ...

 

 Danh Hữu

 Paris 2015

 

 ***

Bài Họa:

 

 

Nỗi Niềm Cuối Năm

 

Song vắng năm tàn rượu với ta 

Quê hương thương nhớ lệ chan hoà 

Thời gian lặng lẽ nhanh nhanh bước

 Cánh hạc rã rời thấp thoáng qua 

 Cúc trắng bên hè đã rụi cánh 

Đào hồng sân ngọai sắp ra hoa 

 Ngày về hi vọng dường không thấy 

 Đất nước dân tình dạ xót xa !

 Xót xa đầu bạc với non sông 

 Da diết tình quê gởi hạc hồng 

 Thiên hạ tưng bừng mừng Thánh Chúa 

 Một người rười rượi thắm chiều đông 

 Buồn tênh đất khách cho thương cảm 

 Lạnh lẽo đèn khuya khiến chạnh lòng 

 Đất nước dậm chân không chuyển đổi 

 Hết rồi hi vọng với hoài mong!

 

Mailoc

 12-19-15  

 

 5. Dương Hồng Thủy
 

Mùa Noel Năm Cũ

Đêm Noel chúng mình

Giáo đường sáng lung linh

Ta hát mừng Thánh Chúa

Tìm nhau vai để dựa.

 

Ngày ấy đã xa xôi

Hai ta cách biệt rồi

Em đi không trở lại

Tình mình chỉ thế thôi ?

 

Đêm nay Chúa ra đời

Nhưng ta buồn ngơ ngác

Không thương con phận bạc

Mỗi mùa Noel qua...

 

Sáng qua ta gói quà

Gởi về người đi xa

Một trái tim rướm máu

Kẻ lảng tử không nhà.

 

Dưới trời sao lấp lánh

Môi ta chừng tê lạnh

Chúc em được bình yên

Bên Thiên Chúa nhân từ...

 

Dương hồng Thủy

24/12/2018

  
_________________________________________________________________________ 
 
 
 
.THƠ GIÁNG SINH 2015                                                     
 

Giáo Đường Galang

 

Giáo đường lung linh bóng ,                          

Hương gió tràn mênh mông .                        

Trên trời cao tiếng hát ,                                  

Phút thiêng liêng ngập lòng .                         

 

Bên tượng Mẹ kính yêu ,                                 

Đôi mắt sầu đăm chiêu                                    

Trái tim từ sâu thẵm ,                                       

Đã ban ơn thật nhiều .                                     

 

Thánh giá xa vời lắm ,                                      

Theo gió chuông chiều ngân  .                        

Tiếng A-men trầm lắng ,                                   

Hồn thánh thót mưa dầm                                

 

Dáng xinh xinh tiên kiều ,                                

Êm ái tiếng kinh chiều .                                    

Muôn hoa đèn lấp lánh  ,                                 ,

Sao nghe lòng hắt hiu  .

 

       ***  ***  ***

Nay , giáo đường im bóng ,

Tôi lặng thầm mong ngóng .

Đôi mắt huyền nhung trong ,

Còn vương mãi tơ lòng .

 

Gió , tóc huyền lay lay ,

Tôi nhớ nàng như say .

Bài thánh ca đêm ấy ,

Ngàn đời thật khó phai

 

Lá rơi rơi mơ hồ ,

Mối duyên xưa xa mờ ,

Ôi ! làm tôi xao xuyến ,

Thuyền xa rồi bến mơ .

 

Biết tới đâu tìm kiếm ,

Sóng mắt huyền nhung trong .

Phút thần tiên quá ngắn ,

Lưu luyến mãi không cùng !

 

                                 Mailoc

                              ( 12-15-15 )

 

                                 Giáo Đường In Bóng
 
                                   Giáo đường in bóng lung linh,                   
                                   Gió hương tràn ngập nghe tình mênh mông.                     
                                   Trời cao tiếng hát vút không,                                
                                   Phút thiêng liêng bỗng ngập lòng cô liêu                         
 
                                  Ngước nhìn tượng mẹ kính yêu,                                
                                  Xa xăm đôi mắt đăm chiêu bên trời.                                 
                                  Trái tim sâu thẳm tình người,                                
                                   Đã ban ơn khắp cho đời ngát hương.                                   
 
                                   Cao cao trên nóc thánh đường,                                 
                                  Tiếng chuông theo gió gió luồn đưa chuông.                     
                                  A-men  trầm lắng u  buồn,                                
                                  Hồn như tắm gôi ơn nhuần Chúa ban.                              
 
                                  Dáng xinh trong buổi chiều tàn,                            
                                  Yêu kiều gió quyện qua làn tóc ai.                                
                                  Cầu kinh nho nhỏ bên tai,                              ,
                                  Đêm sao lắp lánh cho dài ngẩn ngơ.
 
                                                                     *****
                                 Giáo đường im bóng ơ hờ,
                                 Lặng thầm tôi nhớ ai chờ ai mong.
                                 Nhìn trời ánh mắt ai trong,
                                 Nghe như xao xuyến tơ lòng vấn vương.
 
                                 Gió lay lay tóc người thương,
                                 Nhớ nàng tôi nhớ nhớ dường như say.
                                 Thánh ca dìu dịu bên tai,
                                 Tình tôi lãng đãng khó phai ngàn đời.
 
                                  Mơ hồ trông lá rơi rơi,
                                  Mối duyên xưa đã xa rời bến mơ.
                                  Lòng ôi, xao xuyến bơ phờ,                                         
                                  Thuyền mơ rời khỏi bến mơ mất rồi !
 
                                  Biết đâu tìm kiếm bên trời,
                                  Mắt huyền tựa sóng thu rơi mộng vàng.
                                  Phút thần tiên ngắn vội tan,
                                  Luyến lưu lưu luyến bàng hoàng niềm tây !
 
                                                                                     Đỗ Chiêu Đức
                                                                                    (12-16-2015 )
                     (Cảm tác qua bài hát "Giáo Đường Im Bóng" của Nguyễn thiện Tơ)  

 

Nô En Hoài Vọng

 

Mùa Nô En lại đến

Những tiếng chuông leng keng

Bóng ông già Nô En

Lờ mờ trong sương khói

 

Đất chuyển mình bối rối

Rung từng cành cây khô

Mầm xanh nhú bật ngờ

Trên núi đồi hoang gió

 

Giáo đường hồi chuông đổ

Mừng Chúa sinh ra đời

Tiếng đồng ca reo vui

Thắp sáng trời hy vọng

 

Những câu kinh cháy bỏng

Cầu chấm dứt chiến tranh

Cầu muôn nẻo an lành

Hoa tình thương rực nở

 

Gió đong đưa nhịp võng

Đón bao người rong chơi

Phố lấp lánh nụ cười

Niềm vui hòa nhịp thở

 

Mình lang thang bên phố

Nhớ quá bóng em xa

Chuông nhà thờ Đức Bà

Gõ buồn lên quá khứ

 

Nhớ Nô En ngày đó

Dắt nhau đến giáo đường

Tóc em ngát hương thơm

Chúa mỉm cười độ lượng

 

Câu kinh em cầu nguyện

Rực đỏ bờ môi ngoan

Chợt thấy bóng thiên đàng

Lửng lơ trên thánh giá

 

Rồi Nô En xa lạ

Tình lầm lỡ chia ly

Chỉ còn xót xa ghì

Bước chân buồn đơn lẻ

 

Đêm Nô En quạnh quẽ

Gửi về em vần thơ

Có cho tình ngủ nhờ

Trên bờ mi khép mở ?

 

Có chớp dài nỗi nhớ

Kéo kỷ niệm về giăng

Trái tim vỡ phiến băng

Nô En về mở cửa ?

 Trầm Vân

 

Tiếng Gọi Đêm Giáng Sinh

Vô phương tìm kiếm người ta
Giáng Sinh về khắp mọi nhà người ơi
Người đang ở tận phương trời
Có nghe tiếng gọi của tôi ..... nhớ người..???

Giáo Đường vắng bóng ai rồi
Bên hàng bạch lạp tôi ngồi tự soi
Bóng tôi hoà lẫn bóng người
Nhưng đôi lòng vẫn tách rời hai phương

Hồi chuông vang vọng Thánh Đường
Tim tôi hoà nhịp nghìn thương trăm lời
Vang tiếng ca đến vạn nơi
Nguyện xin Ân Chúa cho vơi nỗi sầu

Kim Oanh 

 

LẠY CHÚA TÔI

Cây thông đứng- đèn hoa treo chớp tắt

Ông Noel khẻ khẻ nhíu đôi mày

Những hồi chuông rung đổ vọng đâu đây

Như giục giã mọi tâm hồn yêu nước

 

Lại Giáng Sinh trên khắp miềnTổ Quốc

Lòng nao nao nguyện khấn Chúa Ngôi Hai

Mắt sáng ngời đức Chúa ngự trên cao

Quì dưới Chúa con cúi đầu ước nguyện:

 

Đất Việt Nam cơ đồ liền một dãy

Từ tiền nhân dựng nước thuở Vua Hùng

Được vẹn nguyên được an lạc thanh bình

Vùng biển đảo đồng bằng cùng đồi núi

 

Người nông dân từ miền quê nhiểm mặn 

Nước về nguồn thắm ngọt cả non sông

Dẫn nước qua vạn nẻo dẫu thăng trầm

Màu xanh lúa trãi dài theo gió lộng

 

Lạy Chúa Tôi nơi đèn hoa tối sáng

Phố thị đông xin Chúa nhỏ hồng ân

Kẻ sống gầm cầu kẻ khố rách áo ôm

Hết đói lạnh giữa tiết trời băng giá

 

Những trẻ thơ lạc loài nơi phố xá

Sống lang thang bởi số phận không nhà

Tìm miếng ăn với bao nổi xót xa

Không là bé bán diêm thời mông muội

 

Lạy Chúa Tôi Việt Nam nhiều thứ "lạ"

Chất chồng lên trĩu nặng mỗi con người
 Chất độc lạ loan ra như nước lũ

Hại dân lành vô tội nát tả tơi...

 

Chúa Ơi!

Giáng Sinh chuông đổ ngân nga

Mong niềm vui tới mọi nhà ấm êm.

 Đông An

Saigon, ngày 16 tháng 12 năm 2015 

 

 Mừng Giáng sinh đến

Giáng sinh lại đến, nhớ quê xa,

Mừng Chúa trên trời, nở vạn hoa.

Dẫu cảnh vẫn y tuồng, lối cũ,

Mà người như đã khác, ngày qua.

Ngọ Mùi tuế khứ chưa bình ổn,

Thân Dậu niên lai ước thái hòa.

Mong biết mấy, nước non vận hội,

Để ta về, góp sức quê ta.

Danh Hữu 

       

II. TRUYỆN GIÁNG SINH 2015

 

NGỌN NẾN LUNG LINH

* Nguyên Nhung                              

TL_lightingCandle2.gif 

Tôi không nhớ được mùa Giáng Sinh năm ấy tôi bao nhiêu tuổi, nhưng chắc chỉ độ lên mười. Có lẽ đó là một mùa Giáng Sinh khá buồn và ảm đạm vì các anh chị tôi đi làm, đi học xa chưa về kịp, ở nhà quạnh quẽ chỉ còn hai mẹ con. Thời thơ ấu, tôi thèm lắm những bóng đèn xanh đỏ chớp nháy trên cây Giáng Sinh, một hang đá bằng giấy quết mực đen với những tượng Thánh xinh xinh bằng đất nung. Nhưng mộng ước ấy xa vời lắm đối với một đứa trẻ mười tuổi quá bé bỏng, trong lúc mẹ tôi xoay sở lo cho các con cơm ăn áo mặc là một gánh nặng nhọc nhằn, trên đôi vai bé nhỏ của người đàn bà góa bụa.

Là một đứa trẻ con, nhưng dường như ông Trời đã cho tôi một tâm hồn khá nhạy cảm để âm thầm tìm niềm vui cho mình từ những nhỏ nhoi nhất. Bởi vậy, đêm Giáng Sinh năm ấy dù không có đèn sao nhấp nháy, những trái châu xanh đỏ, nhưng tôi đã biết dùng những chiếc kẹo đủ màu để treo lên nhánh cây dương xỉ nhặt được trong khu nhà thờ, khi người ta đến đó trang hoàng hang đá cho mùa Giáng Sinh. Duy nhất một ngọn nến trắng bập bùng, ánh sáng lung linh hắt lên tường bóng một cành cây và một bóng người. Ngọn nến trắng đêm ấy đã làm cho cành cây và cái bóng của đứa trẻ thơ như lớn hơn, in lên tường chập chờn một giấc mơ tuyệt vời ấm áp. Tôi không nhớ được hết cảm giác đó vì thời gian qua đi khá lâu, nhưng cảm nhận về ngọn nến trắng thời thơ ấu đã giúp tôi vượt qua nhiều nỗi buồn, mỗi khi lẻ loi, thất vọng, tôi vẫn cứ nhớ hoài ngọn nến trắng mùa Giáng Sinh năm tôi mười tuổi. Tôi còn nhận được một món quà đặc biệt của bà hàng xóm, bạn của mẹ tôi, cho đến bây giờ dù thời gian qua đi mấy chục năm, tôi vẫn hình dung ra được hình dáng và mùi vị của nó: một củ khoai lang nướng.

Món quà Giáng Sinh nghèo nàn của bà hàng xóm quê mùa thật vừa bụng tôi lắm, dù rằng mẹ tôi có làm vài món ăn đặc biệt cho ngày Lễ. Tôi mơ màng nhìn ngọn nến lung linh soi lên cây Giáng Sinh của tôi, cứ gọi như vậy vì nó là niềm vui có thể làm được của một đứa trẻ con mười tuổi, củ khoai nướng gói trong mảnh lá chuối còn nóng hổi, mùi mật ngọt của khoai bốc lên thơm lừng, mùi rơm rạ hình như còn ủ trong lớp vỏ khoai cháy xém. Nụ cười trìu mến trên khuôn mặt hiền lành của bà hàng xóm, khi đưa cho tôi món quà Giáng Sinh nghèo nàn ấy. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ khuôn mặt quê mùa, chân thật của bà, củ khoai lang nướng đêm Giáng Sinh ngày thơ ấu đã theo tôi vào đời. Khi trưởng thành, những lúc bụng đói mắt cay, đời gặp lúc gian nan, buồn tủi, tôi cũng nhớ củ khoai nướng, nhớ mùi khoai lang nướng. Khi sung sướng hạnh phúc ở quê người, đời no đủ những cao lương mỹ vị, tôi cũng nhớ mùi khoai nướng. Phải chăng trong tôi vẫn vấn vương thứ TÌNH NGƯỜI nhỏ nhoi ấy, không thể mua được bằng tiền. . .

2-

Tôi yêu đóm lửa ngọn nến trắng từ hồi còn thơ ấu, chắc là ngọn nến sáng mùa Giáng Sinh năm xưa cũng đi theo tôi đến những chặng đường còn lại của đời người. Có một câu chuyện tôi sắp kể ra đây, đó là câu chuyện của ông cụ Rôbéctô tôi có dịp gặp ở ngôi nhà nguyện. Mỗi ngày, sau Thánh Lễ buổi sáng, mọi người đã lục tục ra về, ngôi nhà nguyện đóng kín cửa như chìm trong yên lặng và bóng tối, chỉ còn lại duy nhất một ngọn nến trắng trên bàn thờ. Ánh nến hắt lên tường những chấm sáng lung linh, soi lên bức tượng Đức Mẹ bồng con bằng thạch cao trắng toát. Nến trắng và tượng trắng, tất cả chỉ là một màu trắng nhưng nghe trong thinh lặng chút bình an tràn ngập tâm hồn.

Tôi ngồi lại một lúc giữa những hàng ghế chỏng trơ không còn ai, nhìn chăm chăm lên ngọn nến. Tôi ở lại một mình chỉ vì thích đóm lửa nhỏ nhoi của ngọn nến, say sưa nhìn đóm lửa  lay lắt tỏa ánh sáng hắt hiu xuống chiếc khăn trải bàn cũng màu trắng, trong cái tĩnh lặng của tâm hồn. Tôi không cầu nguyện gì đâu, nhưng cảm giác bình yên khi nhìn ánh sáng của cây nến trắng đã rất đủ. Chắc hẳn trong mỗi đời người ai cũng có lúc thèm sự yên tĩnh của tâm hồn. À không, ở dãy ghế bên kia còn một ông già Mễ Tây Cơ, ông vẫn quỳ im lặng nhìn lên ngọn nến như tôi vậy, nhưng khác hơn là miệng ông mấp máy cầu nguyện. Mặt ông héo quắt với chòm râu bạc, đôi mắt đăm đăm nhìn lên ngon nến, nét mặt thành khẩn như đang cố bám lấy một niềm hy vọng nơi bức tượng Thánh trên bàn thờ.

Buổi sáng nay đi ngang công viên để đến nhà nguyện, tôi đã nhìn thấy mùa Đông trở về, một rừng lá vàng khô xôn xao đuổi nhau lăn xuống cuối dốc, trơ lại những nhánh cây khô, treo trên đó là những thân tầm gửi đang đong đưa theo gió sớm. Buổi sáng đầu mùa Đông mang theo chút giá buốt, khu công viên chỉ lác đác dăm người đi bộ, và những cây hoa dại có một sức chịu đựng dẻo dai, nở những bông hoa li ti trên bờ cỏ ven đường.

Khi ngọn nến tàn là lúc ấy tôi với ông già Mễ cùng ra khỏi ra nguyện. Ánh sáng leo lét của ngọn nến cháy bập bùng rồi gần như lả xuống trong lòng chiếc bình thủy tinh trong suốt, y như cái ngoẹo đầu cuối cùng của một người khi từ giã cõi đời. Ông già Mễ mỉm cười chào tôi trước sân nhà nguyện, ở đấy có một vườn hoa nhỏ và hai băng ghế dài đặt song song đối diện nhau. Có khi tôi cũng ngồi lại một chút để nhìn vẩn vơ lũ chim sẻ đang nhảy nhót trên sân tìm mồi, bỗng đồng loạt bay ào lên khi thấy có bóng người bước tới. Đôi khi tôi và ông Rôbéctô hay trao đổi vài câu chuyện nhỏ, cái miệng móm mém của ông phều phào kể cho tôi nghe những nỗi buồn nho nhỏ trong gia đình, ông hay đi nhà thờ để cầu nguyện cho đứa cháu đang đi lính ở phương xa.

Khi biết tôi ở lại một mình cũng chỉ vì thích ánh sáng lung linh của ngọn nến trắng, và câu chuyện mùa Giáng Sinh thời thơ ấu, ông RôBécTô cảm động lắm. Đôi mắt ông hấp háy, nhòa ướt qua giọng nói khàn khàn ẩm đục. Mùa Giáng Sinh đến, trời bắt đầu lạnh hơn, tôi có ý nghĩ chuẩn bị một món quà cho ông bạn già vong niên trước ngày Lễ Giáng Sinh. Có gì đâu, tôi lại nhớ đến củ khoai lang nướng bà hàng xóm tặng tôi đêm Giáng Sinh, bây giờ nghe ông Rôbéctô thích vài món ăn Việt Nam, tôi nghĩ đến chuyện tặng ông một hộp cơm rang và chục cái chả giò tôm thịt. Chẳng có gì hơn bằng một món quà đáp ứng đúng sự ưa thích của người nhận, ông Rôbéctô cảm động lắm khi nhận món quà của tôi buổi sáng trước Lễ Giáng Sinh vài hôm, tôi thấy đôi mắt ông nhòa lệ khi nắm lấy tay tôi nói phều phào những lời cảm ơn.

 

Tôi không nghĩ đến việc cho đi để nhận lại một món quà thật dễ thương của ông Rôbéctô vài hôm sau đó. Khi tan buổi lễ, ông gặp tôi trước sân nhà nguyện, với một gói giấy hoa thật đẹp, thì ra ông già đã nhờ cô con gái mua hộ cho tôi một món quà thật xinh: đó là chiếc áo len màu hồng nhạt. Vẫn cái giọng Mễ Tây Cơ lùng bùng những thanh âm nằng nặng, ông nói rằng món quà này thật là thích hợp cho tôi, người phụ nữ Á Đông có dáng dấp nhỏ nhắn và nước da trắng trẻo. Quả thật chiếc áo len màu hồng khi mặc vào đã làm tôi như trẻ lại hằng chục tuổi. Món quà của ông Rôbéctô đã thắp lại trong tôi ngọn nến sáng mùa Giáng Sinh năm nào, với củ khoai lang nướng khi tôi là cô bé lên mười thuở ấy. . .

Ông Rôbéctô đã qua đời vài năm nay, ông chết vì bịnh ung thư phổi. Những năm cuối của cuộc đời, ông không đến được nhà nguyện mỗi ngày, nhưng trước khi chết ông vẫn mong được gặp lần cuối khuôn mặt yêu thương của những người Việt ông quen biết. Rất tiếc là tôi không thường gặp ông sau này, nhưng tôi biết ông ra đi rất êm ả. Người ta kể rằng trong những giây phút cuối cùng của đời người, ông chỉ xin đốt lên cho mình một ngọn nến. . .

3-

Những ngày cuối năm với những cơn mưa mùa Đông làm ẩm ướt không gian, đất trời như nặng trĩu một nỗi sầu da diết. Trong căn nhà vắng lặng, bóng chiều hình như đến vội với những giọt mưa rả rích ngoài hiên. Trời rét lắm, gió và rét khiến những chú chim sẻ nhiều chuyện không ríu rít như mọi ngày, chúng rủ nhau vào trốn gió sau bụi mía, lả mình vào hàng rào đang rung rung những chiếc lá úa. Những con chim sẻ mùa Đông trông thật dễ thương, xù lông ra tròn quay như một cụm len màu nâu xám biết nhảy nhót.

Góc vườn nơi cửa sổ nhà bếp rất khuất gió, bụi mía sắp tàn như một mái nhà tranh trống trước hở sau, che tạm cho một gia đình nghèo khổ. Sau cơn mưa, trời chuyển qua những đợt gió lạnh buốt xương, tôi đứng từ trong nhà nhìn ra khung cửa kính nhà bếp, tò mò nhìn mấy chú chim sẻ núp dưới vòm lá mía. Cũng đỡ buồn lắm khi ngắm nhìn bầy chim sẻ mùa Đông, y như những đứa trẻ bụi đời trên vỉa hè thành phố một đêm mưa nào đó, rúc vào nhau trong tấm chiếu trải bên lề đường, cuộn tròn lại với nhau đưới tấm chăn bẩn . Mấy con chim sẻ cũng khôn ngoan rủ nhau tụ vào một chỗ, có con đang co ro ngủ gật, có con mắt láo liên, thỉnh thoảng lại lách chách bay lên tàu lá như vừa tìm được một con mồi đỡ lòng cho ngày Đông buốt giá. Nhu cầu ăn để sống vẫn bắt nó phải tìm mồi dù đôi cánh lảo đảo trong gió rét như muốn rơi xuống thảm cỏ, trông thật tội nghiệp.

Đứng trong nhà nhìn qua lớp cửa kính trong suốt, ở góc phòng chớp tắt những chiếc đèn nhấp nháy trên cây Giáng Sinh, tôi thấy con chim bé bỏng đang vỗ vỗ đôi cánh nhỏ, rồi gõ cái mỏ nhỏ xíu lên mặt kính, cũng tò mò nhìn tôi, làm như nó cũng thèm thuồng được vào trú ẩn trong căn nhà có ánh đèn ấm áp. Tôi chia xẻ được gì đây? Người và chim là hai thế giới khác hẳn nhau, và có lẽ dù được cho ăn no, chú chim sẻ vẫn không thích thú gì khi bị con người giam chú vào cái lồng chim chật hẹp. Những chú chim sẻ mùa Đông như những búp len xậm màu, xếp hàng xúm xít vào nhau để trốn gió sau rặng mía ven bờ rào, lại dẫn đưa tôi đến một khía cạnh khác của con người, mà ở câu chuyện này tôi vẫn thấy cái đẹp nhỏ nhoi của Tình Người ấm áp biết bao nhiêu. Đó là câu chuyện của hai người vô gia cư, hay là chuyện "lá rách đùm lá nát" đã làm thức dậy chút bâng khuâng trong tâm hồn những quả tim chai đá.

4-

Một buổi tối mùa Đông trước ngày Lễ Giáng Sinh, trời mưa phùn, rét như cắt ruột. Đường phố vắng xe qua lại, phía xa là những ánh đèn màu rực rỡ chớp tắt quấn trên những thân cây ven đường. Suốt một tuần sắp lễ Giáng Sinh, thời tiết bỗng dưng âm ỉ rét, những đợt gió lạnh từ hướng Bắc thổi về, người có việc ra đường co ro trong những chiếc áo ấm dày cộm và khăn phu la quấn quanh cổ. Hình như người ta ngại đi ra đường vào một tối trời mưa như vậy, chỉ còn một vài cửa hàng bán "fast food" và cà phê là còn mở cửa, có dăm người khách ngồi im lặng trầm ngâm trước khay thức ăn ăn uống uể oải. Khách đến tiệm vào giờ này có lẽ là những kẻ xa nhà, thiếu một bếp lửa hồng để sưởi ấm cõi lòng cô quạnh, ngày giáp Lễ thường sau giờ làm việc, ai nấy hối hả về nhà chuẩn bị đón mừng lễ Giáng Sinh.

Người phụ nữ bán hàng đang dọn dẹp mấy thứ lặt vặt, mong đến giờ đóng cửa để đi về, vì chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là đến nửa đêm. Bà nghĩ đến hai đứa con đi học xa vừa về nhà với mẹ mấy hôm nay, đã lâu lắm người mẹ chỉ mong được gặp các con trong những dịp Lễ Tạ Ơn hay mùa Giáng Sinh, và bà đã chuẩn bị những món ăn truyền thống mùa Giáng Sinh cho các con từ mấy ngày hôm trước. Gia cảnh đơn chiếc vì năm ngoái người chồng đã qua đời sau một tai nạn, bà vẫn ở một mình trong căn chung cư cũ kỹ, những ngày gió mưa căn nhà nhỏ như càng ẩm ướt, lạnh lẽo.

Ngay khi ấy, cánh cửa tiệm bật mở đem theo một làn gió buốt lạnh vào trong tiệm ăn, hai người đàn ông chùm đụp trong những tấm chăn bẩn bước vào tiệm. Người phụ nữ nghĩ đó là hai người khách cuối cùng, vì bà cũng nhớ ra đó là hai người đàn ông nghèo khổ, không có một mái nhà, chỗ trú của họ là cái gầm cầu ngoài xa lộ đi về hướng Galveston. Thỉnh thoảng họ có dắt nhau đến đây, trông họ có vẻ là hai anh em, người đàn ông lớn tuổi trông vẻ mặt rất ngây ngô như một đứa trẻ chậm phát triển.

Trong hai người đàn ông ấy, ông già gương mặt đờ đẫn, ngờ nghệch nhìn thế giới xung quanh ông như nhìn một thế giới khác, thời gian đã cày lên khuôn mặt ông những nếp nhăn chằng chịt, bộ râu hung hung nay đã xám ngoét, bết vào nhau như một cụm rơm bẩn. Người đàn ông kia trẻ hơn, có đôi mắt màu xanh lơ trông hiền lành như màu biển, co ro trong chiếc áo rét bằng dạ xám bẩn và cũ. Họ rét lắm, chằng đụp lên người những quần áo và chăn bẩn, bốc lên một mùi hôi. Ngoài trời, cơn mưa phùn mùa Đông như những chiếc kim khâu luồn từng giọt căm căm vào xương tủy, gió nhiều hơn mưa, mưa và gió lại là hai vị Thần nguy hiểm của những người bần cùng, nghèo khổ.

Hai người đứng xếp hàng chờ đợi. Người đàn ông trung niên vét mãi hết túi này đến túi kia được một nắm hào lẻ, chưa đầy một đồng bạc nhưng cũng đủ mua một ly cà phê nóng. Theo quy định của cửa hàng, khách vào tiệm phải mua một món gì mới được phép ngồi lại. Trời rét ngọt ở bên ngoài, nhưng trong tiệm thật ấm vì có máy sưởi, quần áo của hai người đàn ông nghèo khổ toát ra một mùi hôi khiến những người trong tiệm phải nhăn mặt. Mua xong ly cà phê, họ vội vã dẫn nhau vào cái bàn xa nhất, như sợ rằng mùi hôi trên quần áo, cái nheo nhóc, bẩn thỉu của thân phận người nghèo cũng sẽ làm những người xung quanh khó chịu.

Người phụ nữ bán hàng để ý nhìn hai người "homeless" mà chỉ mua có một ly cà phê. Khi nhận ly cà phê trên tay bà, người đàn ông trẻ hơn vội vã đưa cánh tay dìu người đàn ông già đi về chiếc bàn trong góc tối. Hình ảnh đó khiến bà xúc động, một người "không có gì" cũng đang cố sức giúp một người" không có gì" gượng đứng trên cõi đời đầy đau khổ, khi họ nhường cho nhau ủ đôi bàn tay lạnh cóng vào ly cà phê nóng còn bốc khói. Người đàn ông trẻ hơn đẩy ly cà phê vào đôi tay ông bạn già đang run rẩy, rồi một chốc người kia lại đẩy ly cà phê sang phía người đối diện, họ cứ chuyền tay nhau ly cà phê nóng còn bốc khói mà không uống ngụm nào. Họ cần một chút ấm trong đêm nay, mà cơn gió tháng chạp lạnh lẽo đã luồn vào gầm cầu trống trải khiến họ rét run bần bật . Thời tiết và thời gian là đôi bạn đồng hành ác độc đè lên đôi vai họ một cách nghiệt ngã, để họ không còn sức chịu đựng mà chống chỏi cơn giá rét mùa Đông như những năm trước.

Người phụ nữ đứng trong quầy hàng, như bứt rứt  trước cái khổ của đồng loại. Dù sao bà cũng có một mái nhà để chui ra chui vào, dù sao bà cũng có hai đứa con, và lát nữa đây khi tiệm đóng cửa, con bà sẽ đến đón mẹ về nhà để đón mừng ngày Lễ Giáng Sinh. So sánh giữa hai cái khổ, bà vẫn thấy mình hạnh phúc hơn hai người đàn ông "homeless" kia. Không biết nghĩ sao, bà móc túi tìm vài đồng bạc lẻ, và thật sung sướng khi đóng vai một người khách, bà có đủ tiền mua tặng cho hai người đàn ông nghèo khổ một khay thức ăn nóng hổi. Bà bưng khay thức ăn đến cái bàn của hai người đàn ông, với một nụ cười dịu dàng và câu chúc "Giáng Sinh Vui Tươi", bên chiếc khay còn thêm một ngọn nến trắng cắm trong cái ly nhỏ bằng thủy tinh trong suốt, bà vừa mua nó hồi trưa nay tại một tiệm chín mươi chín xu để buổi tối đặt trên bàn ăn, đốt lên ngọn lửa giáng sinh ấm áp mừng ngày xum họp trong gia đình.

Hai người "homeless" ngỡ ngàng nhìn người phụ nữ. Người đàn ông mắt màu xanh lơ có chòm râu bạc nhìn chăm chăm vào khuôn mặt của người phụ nữ tốt bụng, nói lời cảm ơn nghẹn ngào với đôi mắt rưng rưng. Ông đẩy khay thức ăn qua cho người bạn già ngớ ngẩn của mình, bằng ánh mắt thương yêu trìu mến. Ngọn nến mà người đàn bà tốt bụng vừa đốt lên để mừng Giáng Sinh, cho họ một cảm giác tuyệt vời hạnh phúc, vì họ đang tận hưởng được sự trân trọng như những con người bình thường trong xã hội.

Sau khi ăn xong khay thức ăn, người đàn ông trẻ tuổi dọn dẹp rồi lại dìu người bạn già ra khỏi tiệm ăn. Đi qua chỗ người phụ nữ, ông ta ngước đôi mắt xanh và mấp máy một lời chúc tốt lành nhất mùa Giáng Sinh đến người phụ nữ, họ mỉm cười với nhau. Đã tới giờ đóng cửa, hai kẻ cùng khổ không nhà ấy dẫn nhau trở về cái dạ cầu, nơi trú ẩn của họ hằng bao nhiêu năm nay, họ xin người đàn bà cho họ mang theo ngọn nến trắng. Bụng đã no, lòng đã ấm vì tình người như một món quà Giáng Sinh quá bất ngờ, vừa rơi xuống từ Trời để họ biết là vẫn còn những tấm lòng tử tế trên cõi đời này. Người phụ nữ cũng sửa soạn ra về, mang theo trong lòng một niềm vui nhỏ nhoi mà thật là ấm áp. Đôi mắt xanh hiền hậu của người "homeless" nhìn bà lúc nãy trông quen quá, dường như bà đã nhìn thấy ở đâu? Sau một phút nghĩ ngợi, bà chợt "à"ø lên một tiếng nhỏ. Phải rồi, đó là đôi mắt tượng Chúa treo trên vách nhà nguyện, ngồi giữa một bầy trẻ thơ đang ríu rít đứng xung quanh.

5-

Người ta kể cho tôi nghe một câu chuyện khác, lần này thì tôi nhớ ra ông Tom, người đưa thư da đen quen thuộc vùng ngoại ô SouthEast. Ông Tom gốc gác người Phi Châu, da đen bóng, tổ tiên ông bao đời đã từng sống nơi vùng đầm lầy Lousiana, người du lịch đó đây có thể thấy bên ven đường đi Baton Rouge, đài kỷ niệm những bước chân đầu tiên của người nô lệ da đen trên xứ Mỹ.

Ông Tom làm nghề phát thư cho khu vực này khá lâu, từ khi hàng cây sồi ven đường còn bé tý, những căn nhà khang trang thuở ấy nay đã cũ kỹ, và chủ nhân những căn nhà ấy bây giờ có thể là một bà cụ già đi không vững, đám trẻ đã đi đâu mất, chỉ còn những tiếng chim ríu rít trên rặng sồi là còn y nguyên. Ông Tom biết hết những căn nhà trên con đường River, biết cả những căn nhà lần lượt đổi chủ, và những phụ nữ xinh đẹp dễ thương năm nào, nay bước vào tuổi già còn lại một mình trong khu nhà êm ả đầy bóng cây râm mát.

Ông Tom thân với cụ Mary nhất, cũng từ cái hôm ông bị một con chó trong khu vực ra được cổng rào, rượt ông chạy trối chết rồi vấp chân vào bậc xi măng bên vệ đường, ngã lăn ra trước cổng nhà cụ Mary, đúng vào lúc bà cụ ra mở thùng thư để lấy thư như thường lệ. Bà cụ nhìn người đưa thư da đen ái ngại, rồi bà mời ông vào ngồi nghỉ trên chiếc ghế đá ở sân trước, trong khi ông Tom chưa hoàn hồn vì cái ngã đau làm đầu gối ông bị trầy trụa, rướm máu.

Bà cụ Mary vào nhà, lúc trở ra bà bưng cho ông một ly nước cam, với một túi vải đựng dăm thứ thuốc sát trùng và băng cá nhân. Bà dịu dàng bảo ông Tom vén ống quần lên cho bà xem vết thương, nhẹ nhàng lau vết thương cho ông rồi băng lại cẩn thận. Ông Tom cảm thấy dễ chịu quá, trước kia ông vẫn ngấm ngầm cho rằng đâu đó là sự chia cách của màu da, của con người giữa những tầng lớp xã hội, và những đau buồn của dĩ vãng từ đời tổ tiên khiến ông có ít nhiều mặc cảm với người da trắng. Hai người mỉm cười với nhau, chỉ có thế mà ông Tom nhớ mãi vì hôm ấy là một ngày đẹp nhất của mùa thu . . .

Từ đó họ thành đôi bạn vong niên của nhau. Ông Tom cũng biết thêm bà cụ Mary sống cu ky có một mình, con cháu bà ở một thành phố khác, từ khi cụ ông qua đời thì bà Mary cô quạnh thêm vì vắng người hủ hỉ. Mỗi ngày đem thư đến khu vực này, ông Tom luôn mong thấy khuôn mặt và nụ cười hiền lành của bà bạn vong niên ra lấy thư, hôm nào vắng bà cụ là ông Tom lại cảm thấy không yên bụng.

Năm nay mùa Giáng Sinh lại đến. Mùa Đông rét hơn mọi năm, hay là ông Tom nay đã yếu để thấy rằng cơn gió mùa Đông Bắc bỗng dưng lại khắc nghiệt hơn những năm trước. Sau mùa Giáng Sinh ông Tom sẽ có những ngày nghỉ phép, ông về thăm lại anh em của mình ở vùng đầm lầy Lousiana, ông sẽ trở về khu nhà tồi tàn, cũ kỹ nhưng ấm áp tình thương gia đình. Trước khi đi, ông Tom sẽ nói cho bà Mary biết những ngày ông đi vắng, và ông cũng mong rằng con cháu bà sẽ về xum họp với bà trong những ngày nghỉ lễ cuối năm. Những ngày cuối năm bận rộn, ông Tom lái xe đem đầy nhóc những cánh thiệp Giáng Sinh, thùng thư nào cũng có những cánh thiệp mang đầy lời chúc tốt đẹp, nhưng hai ngày qua mà thùng thư của bà Mary vẫn còn nguyên, không thấy bà lấy thư như mọi khi.

Ông Tom lái xe đi rồi lại băn khoăn nghĩ ngợi mãi, không yên lòng chút nào cả. Bà bạn già của ông không biết đi đâu, ra sao? Lúc trước mỗi lần đi vắng đôi ngày, bà có nói cho ông Tom biết, nhưng lần này ông chỉ nghe bà khoe người con trai sẽ về thăm, lũ cháu đi nghỉ Đông với bạn bè ở miền Bắc. Chắc chắn là bà Mary ở trong nhà, nhưng lý do nào mà thùng thư của bà hai hôm rồi vẫn chưa lấy? Đáng lẽ ông Tom lái xe về Bưu Điện khi đã bỏ hết thư trong ngày, nhưng nghĩ sao ông lại quành xe về nhà bà cụ Mary, và ông rón rén mở cánh cổng rào thấp, hồi hộp gõ cửa chờ đợi. Ông gõ năm, bảy lần, ông bần thần trong dạ, linh tính cho ông biết bà bạn già không đi đâu, nhưng chẳng biết vì sao bà không mở cửa.

Tuổi già sống một mình như bà cụ Mary là chấp nhận tất cả nỗi cô đơn, buồn rầu, hiu quạnh, chưa kể những cơn bịnh đến bất ngờ không chống đỡ được. Ông Tom định bỏ đi nhưng lòng không an ổn, ông nhớ lại buổi chiều thu hôm nào bà Mary đã lật đật lấy cho ông một ly nước cam, đã lau chùi băng lại vết thương trầy trụa trên đầu gối ông, đã cho ông một nụ cười hiền dịu nhất của tình nhân loại. Không nghĩ gì nữa, ông Tom quyết định gọi "emergency" để báo cáo về sự vắng mặt của bà bạn già dễ mến của mình. Khi người ta phá cửa vào nhà, bà Mary chỉ còn thoi thóp thở, nằm bất động trên giường với khuôn mặt xanh lướt. . . .

Câu chuyện của người đưa thư da đen cứu sống một người đàn bà già nua cô độc trong căn nhà ở đường River, người ta có đưa lên chương trình truyền hình địa phương buổi tối áp lễ Giáng Sinh. Chẳng biết có ai nghĩ gì về những nỗi buồn đầy ắp trong cuộc sống thường ngày, hay chỉ có ông Tom đang cầu nguyện cho bà bạn già mau bình phục.

 NGUYÊN NHUNG______________________________

 

NHỮNG MÙA ĐÔNG ĐI QUA

Huỳnh Minh Bích Nga                                               

 

cadeau8.gif

Ba tôi  chưa bao giờ ghét mùa Đông, dù cái lạnh sẽ khiến chân ông tê buốt. Khi đó ông sẽ vừa xoa chân vừa cười: Ba kế thừa ông nội chứng viêm khớp.

Trước Giáng sinh hai tuần, ba tôi sẽ mở cái hộp giày, trong đó là những tấm thiệp Giáng Sinh năm cũ kẹp trong cuốn sổ ghi chép. Ông chậm rãi đọc lại từng nội dung, xem lại từng tấm hình. Rồi trân trọng mở bút, chọn thiệp, nắn nót từng câu chữ.

Với những người bạn đã mất, ông ngừng lại một chút. Rồi lại chọn thiệp, suy nghỉ về lời chúc dành cho những người thân của họ..Công việc đó sẽ khiến ông mất cả ngày. Nhưng sau khi hoàn thành cái việc viết thiệp chúc mừng Giáng Sinh và Năm Mới cho từng người, bỏ vào bao thư niêm kín, rồi đi ra Bưu Điện gởi. Ông về và ngủ rất ngon.

Gia đình tôi không theo đạo, nhưng nhà vẫn trưng bày cây thông. Đêm 24 có bánh khúc cây, có cháo hà hay cà ri gà. Bữa ăn chiều 24 bao giờ ba tôi cũng thấy rất vui, không vì có nhiều thức ăn ngon- mà vì sum họp gia đình.

Năm 74, gia đình tôi mới về lại Sài Gòn. Tôi đọc trong sách báo về chuyện đi chơi Giáng Sinh ở trung tâm, nơi có đèn màu, hoa giấy và ngập tràn người đi bộ trong trang phúc đẹp nhất. Nhưng ước gì thì ước, ba tôi không chở ra, ông bảo: Ra đó để dẫm bẹp nhau chứ làm gì ( ông vẫn còn ám ảnh cái sự dẫm bẹp trên chiếc cầu trong Sở Thú thời trẻ). Bù lại, ông cho phép tôi và các em đi chơi loanh quanh trong cư xá, thăm viếng cái nhà thờ nhỏ trong con đường cuối xóm, và có thể đi xa hơn: Qua xứ đạo Nam Hòa xem người ta đi lễ.

Tôi lớn, có người yêu. Chúng tôi đã có một giáng sinh tay trong tay đi dạo quanh những con đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi. Ngắm nam thanh nữ tú trong trang phục đẹp, ngắn bánh kem qua cửa kính các cửa hàng  Givral và Brodard, mặc kệ tóc đầy hoa giấy mà những đứa trẻ tung ném. Khi về, ba tôi luôn là người chờ cửa.

Khi tôi đi lấy chồng, rồi em trai tôi cưới vợ. Ba tôi như buồn hẳn. Nhà tôi tuy đông người, nhưng những người còn lại, chẳng mấy khi nói cười với ngọt ngào được. ba tôi xem báo, rồi xếp trang báo có câu tựa về chuyện hạnh phúc, về sự ngọt ngào yêu thương nhau. Về câu chuyện ngụ ngôn về cái cây phiền muộn. mà như ông từng kể: Ba muốn đi làm về là bỏ hết mọi phiền muộn ở bên ngoài. Ba ước gì cả nhà luôn đối xử với nhau dịu dàng..

Mùa Đông rồi vẫn tới, cây thông Noel vẫn  nhấp nháy đèn vui tươi. Căn nhà nơi ba tôi ở ngày càng chật chội hơn, vì vừa phải chứa hàng mua sắm của vợ và con gái lớn. Không có cái không khí ấm áp và tiếng cười. ba tôi vẫn ngồi chờ cửa, nhưng là chờ các con đi chơi đêm về khuya, để là người cuối cùng khép cửa trong sự an lòng, vì đã điểm danh đầy đủ sự trở về bình an và yên ngủ của các con.

Mùa Đông, tôi hay về thăm ba. Để xoa bóp hộ ông tấm thân phải ngồi lâu hay bị tê cứng. Để kiểm tra ba tôi có còn đủ thuốc tiểu đường và viêm khớp.

Và để nghe ông nói như than về những lời muối xát của các đứa con vô tâm. Về chuyện ông khuyên chúng chớ đi khuya quá, thời buổi trộm cướp.. Đáp lại là sự hỗn xược vô lễ.

Để chỉ biết an ủi vỗ về: Thôi đừng chấp ba ạ.

Giáng sinh cũng vào dịp gần cuối năm, ai cũng cầu mong cho gia đình, người thân, bạn bè qua một năm gặp được nhiều điều an lành. Ba tôi cũng vậy.

Những năm sau nầy, ba tôi không còn viết thiệp giáng sinh và năm mới nữa. ông mệt và không đủ sức.

Rồi ba tôi mất, những người đến viếng đều nhắc về những tấm thiệp chúc Giáng Sinh và Năm Mới của ba tôi. Đều rưng rưng: Khi thấy cuối năm không có thiệp của ba con, gia đình bác biết ba con đã yếu nhiều. Nhà bác ai cũng trân trọng từng tấm thiệp ấy, chữ ba con đẹp hiếm có.

Sau tang lễ là dọn dẹp, tôi bê về nhà cái hộp giày của ba, ngồi mở xấp thiệp cột theo thứ tự từng năm ra. Xem sổ ghi chép, rồi xem những tấm thiệp ba tôi đã chuẩn bị gởi theo từng địa chỉ.

Có lúc, tôi cũng muốn kế thừa công việc của ba, tiếp tục gởi đi những cánh thiệp cho những người bạn của ba tôi và gia đình của họ. Nhưng tôi không thể viết, tay và đầu cứ khô cứng.

Tôi biết mình không thể là ba, cả đời ông sống tận tụy, hy sinh để mang niềm vui, bình an đến cho gia đình, bạn bè, và cho muôn người khác. 

Một mùa giáng sinh lại đến, những bài hát Giáng Sinh lại reo vang. Những thiên thần sẽ chấp cánh bay ước nguyện cho mọi người.

Ba tôi chính là một  trong những thiên thần đó. ông đã vỗ nhẹ đôi cánh bay qua đời tôi- và đời rất nhiều người, như ngàn ngọn đèn lung linh soi sáng.

Cho một mùa Giáng sinh an lành. 

HUỲNH MINH BÍCH NGA

Sài Gòn, Dec 2015 ________________________________

 

Cần Thơ - Những Ngày Chớm Đông

 * Dương hồng Thủy                                             

 

web_ChodemCT.jpg
Chợ đêm Cần Thơ

 

Cần Thơ làm gì có mùa Đông ?  Nhưng tôi yêu Cần Thơ  nhất là vào thời điểm tháng cuối năm dương lịch. Thời gian nầy, buổi chiều dạo chơi bến Ninh Kiều đôi lúc gió tạt phất phơ khiến bạn rùng mình. Hơi lạnh đấy. Cái lạnh như nhẹ nhàng ve vuốt, mơn trớn thịt da...

Vào chặp tối du khách bách bộ càng nhiều. Những tà áo tung bay đủ màu sắc. Những chiếc xe đẩy, những gánh hàng rong hai bên đường cũng ... nhiều hơn. Không biết phải vui hay buồn khi những mãnh đời cơ cực kiếm sống về đêm đông hơn khách đi dạo.


Dù sao, Cần Thơ chớm Đông không có những cành phượng với những bông hoa màu đỏ nhưng về cuộc sống vẫn đỏ đậm tình người. Từng cặp. Từng cặp, biểu hiện tình yêu qua từng hành động nắm tay, từng ánh mắt, nụ cười, lời nói cho nhau.

Thời tuổi trẻ, khi có chuyện buồn đến mùa Đông mới thấu hiểu. Có những tối cô đơn trong mưa chiều mới được cãm thông.  Mùa Đông là một nỗi ám ảnh của cuộc đời khi tình yêu bị lãng quên. Tôi yêu mùa Đông luôn đong đầy thương nhớ thật lâu như mặt trời đang chạy trốn đâu đó trên bầu trời...

... Bên vệ đường, phía đầu phiên chợ đêm, những bà cụ, những em gái đang xoay tròn quả bắp nướng trên bếp than hồng. Cạnh đó, là những chị đang ép mỏng từng khoanh khoai mì đã chín cho vào vĩ nướng. Mùi thơm khoai mì nướng sực nức hương lúa đồng quê, gợi lại thuở nào tuổi ấu thơ.

 Phía bên kia đường là những xe bán trái cây gọt sẵn gồm cóc , ổi, chùm ruột. Gần bên, có những nồi chè, thúng xôi... Cạnh đó là xe đẩy đang chiên chuối chiên, khoai lang chiên, có cả trái sa kê chiên bóng bẩy màu vàng, bắt mắt mời gọi khách nhàn hạ đi ngang...Tới lui tạo thành ảo ảnh là những em bé bán đậu phộng rang, những ông lão bán vé số, những người tàn tật ôm đàn đi hát rong...

Càng khuya, tiết trời càng mát lạnh. Dường như, chớm Đông gió lạnh như rượt đuổi nhau quay về quấn quýt phiên chợ từ chiều. Những khách âm thầm đi dạo. Những ông tây, bà đầm vẫn rão bước đều trong đêm lạnh. Hoạt cảnh cũng tự tỏa lên sức sống dịu ngọt yên bình của một thủ phủ miền Tây sông nước.

web_cucHoami.jpg

Sáng nay, mùa Đông Cần Thơ đã rõ nét quay về. Nắng ươm vàng soi rọi hững hờ trên

 Cúc họa mi

con phố hoa đường Hai bà Trưng. Trời trong xanh. Gió nhẹ hiu hiu. Những cô gái đẹp đang cầm những bó hoa trên tay. Chiếc khăn quàng mỏng điệu đà quanh cổ. Những chiếc áo choàng dường như khoe gu thời trang, màu sắc của chủ nhân hơn là để bảo vệ cái lạnh đầu mùa. Chồi hoa Cúc mơn mởn hực vàng như  điểm tô màu má của em. Ôi những hoa cúc vàng của mùa Đông. Cúc càng rực rỡ hơn khi cái lạnh gia tăng của một ngày Đông vừa hiện diện.

Ngoài kia, trên các con đường nhựa, nắng vẫn vàng hụ hợ với màu vàng hoa Cúc. Đông về luôn thầm lặng nhưng quyến rũ vô cùng. Cũng như chuyện tình yêu luôn ràng buộc bâng khuâng giữa nhớ và thương. Không có mùa nào trong năm thể hiện rõ nét chuyện của lứa đôi - những câu chuyện thường sôi nổi dịp Đông về.

Ngày nay, nhiều loại cúc vàng nhập từ Châu Âu, Nhật Bản hay được cấy mầm, lai giống. Chúng rất đẹp và sang trọng Nhưng tôi yêu cúc thuần Việt của tôi. Có bao giờ bạn nhìn loài hoa cúc vàng và tự hỏi : tại sao loài hoa giản dị đến vậy, với những lá răng cưa bé tí đến vậy lại có thể cho ra những chùm cúc vàng chóe tinh khôi luôn làm say đắm lòng người.

Những ngày bãng lãng mùa Đông cũng khiến tôi nhớ và thích những chậu Cúc họa mi có từng cánh trắng mỏng manh, thân dày, lá mảnh, đơn sơ như lứa tuổi mười tám, hai mươi.

Cúc họa mi tinh khôi trong đáy mắt em. Cho gò má em hây hây của mỗi sáng trên đường phố. Bông cúc họa mi bé như một cúc áo nhỏ nhoi, cánh hoa mỏng tang, nụ hoa e ấp... mà tỏa hương thơm làm ngây ngất lòng người.

 

Không cần rực rỡ kiêu sa, hoa cúc họa mi vẫn khiến cho lòng người say đắm vì vẻ thuần khiết giản dị của nó. Hoa cúc họa mi làm cho đất trời bãi hoãi se sắt khi vào Đông. Vẻ đẹp của cúc họa mi khiến bạn nao lòng.

Cần Thơ hàng năm vẫn vậy. Cần Thơ vào Đông vẫn là Cần Thơ sông nước của miền đồng bằng. Mùa Đông Cần Thơ vẫn có nắng vàng nhạt ấm áp tình người. Mùa Đông đã quay lại Cần Thơ như em đang đi bỗng ngoảnh lại nở một nụ cười duyên, háy mắt với người tình muôn thuở.

Cũng như... em vẫn là mùa Đông của tôi.

 

Dương hồng Thủy  __________________________                

 

MÓN QUÀ GIÁNG SINH

      Trần Bang Thạch                                            

arbre7.gif

Không thể như thế được. Anh Armin nói thầm với mình nhiều lần như vậy. Không thể có chuyện nầy. Nhưng cuối cùng Armin phải nhận đó là sự thật. Chữ nghĩa lõm bõm, nhưng Armin có thể đọc và hiểu được. Trước mắt anh là bản tin nhỏ nằm khiêm nhường dưới góc mặt của trang báo Tin Địa Phương : Tin về cái chết của bà Jean DeLong. Đúng hai tuần lễ sau khi đưa bà Jean lên xe cứu thương, Armin mới biết được tin tức của bà. Một tin rất buồn đối với anh. Tên của bà Jean nằm giữa 12 tên khác. Đây là tên của những người mới chết, tử thi đã được giảo nghiệm nhưng vẫn còn để trong nhà xác của quận hạt Harris vì không có thân nhân nhận xác. Bài báo cũng có nói là chuyện này xảy ra rất thường. Tháng nào cũng có vài trường hợp như vậy. Sau một thời gian thông báo, tử thi nào vẫn không có người nhận thì văn phòng chung sự quận hạt sẽ lo việc chôn cất, dĩ nhiên là tại một nghĩa trang công cộng nghèo nàn và thiếu hẳn những nghi thức an táng trọng thể trước khi hạ huyệt. Sẽ không có một thân nhân nào khóc thương hay nói lời giả biệt cuối cùng với người chết. Sẽ không có một cành hoa từ bàn tay thân nhân thả rơi xuống nắp quan tài. Nghĩ đến điều nầy Armin thấy đau lòng thêm. Con mèo, con chó khi chết còn có người chủ mình khóc lóc tiễn đưa và trang trọng chôn cất nơi nghĩa trang đặc biệt dành cho những con vật thương yêu. Có con chó chết đi còn để lại món tiền kếch sù do cái " will"của người chủ đã chết. Có con mèo chết đi khiến người chủ khóc lóc suốt tuần, mất ăn, biếng ngủ. Armin không phải là thân nhân bà Jean, cũng không có khả năng tài chánh để làm người hảo tâm tình nguyện đứng ra lo việc chi tiêu mai táng người đàn bà mà nhiều năm nay Armin đã coi như người thân nhứt của mình. Armin nghèo quá, lại một thân một mình nơi xứ lạ này.

 

Armin không quên được giờ phút cuối cùng anh thấy bà Jean. Hôm đó, hai tuần lễ trước, bà Jean quị ngã sau cánh cửa bà vừa mở để Armin bước vào nhà. Armin buông vội túi giấy đựng thực phẩm và mấy món gia dụng trên tay để kịp thời đỡ bà Jean không va đầu xuống nền nhà. Ngồi dựa vào anh, bà Jean ngoẽo đầu sang một bên, hơi thở nặng nề, đứt quãng. Bà cố nói, tiếng được tiếng không, Armin không hiểu gì nên càng lúng túng, nhưng anh cũng biết điều cần thiết phải làm ngay. Armin bồng bà Jean để nằm trên sofa rồi bấm số 911.

 

Khi nhân viên xe cứu thương đến làm vài động tác cấp cứu, bà Jean trông tĩnh hơn một chút, bà 
arbre6.gif
cầm tay Armin thì thào hai tiếng "cám ơn". Armin cũng muốn nói tiếng "cám ơn" với bà nhưng mọi chuyện bây giờ khẩn cấp quá. Armin phải đứng dang xa để nhân viên cấp cứu làm phận sự. Armin nắm vội mấy ngón tay xương xẫu của bà Jean trước khi người ta đưa bà lên xe. Armin khóa cửa nhà rồi trao chìa khóa cho nhân viên cứu cấp. Armin biết từ đây sẽ không có ai vào ra căn nhà nhỏ nầy ngoại trừ bà Jean khi bà mạnh khỏe trở về. Từ đó Armin mỗi ngày trông ngóng bà Jean trở về. Điện thoại nhà bà không có người trả lời. Cửa nhà vẫn khóa, bên trong không một ánh đèn.Vốn tiếng Anh tiếng Mỹ nghèo nàn, lại mang thân phận người di dân thiếu giấy tờ hợp pháp, Armin không biết đi tới bịnh viện nào để thăm viếng bà Jean. Cũng không có ai là thân nhân của bà Jean để hỏi. Ngày ngày trôi qua. Trong lòng Armin như có lửa đốt. Bản tin ngắn gọn hôm nay đã làm thành ngọn lửa đốt cháy niềm mong đợi của Armin.

 

 

 

Như vậy là vĩnh viễn người đàn bà già nua, nghèo khó, cô đơn ấy sẽ không trở lại căn nhà nầy nữa rồi. Armin cũng không còn mỗi tuần một lần mang đến cho bà Jean túi thực phẩm đủ để bà dùng suốt tuần lễ. Công việc nầy Armin đã làm từ gần hai năm nay. Lúc đó Armin vừa chân ướt chân ráo đến thành phố nhỏ Waller này từ một làng nhỏ thuộc tỉnh Lerado nằm bên kia biên giới Mỹ và Mễ Tây Cơ. Armin may mắn được nhận chân bán hàng tại một tiệm bách hóa nằm ngoài rìa thành phố với đồng lương thật thấp, chỉ vừa đủ trả phòng trọ và hai bữa ăn. Nhà bà Jean cũng ở gần tiệm, cách chừng hai dặm đường. Mỗi tuần một lần bà Jean đi bộ đến tiệm mua thức ăn và vài món cần dùng cho nhà cửa. Khi biết được sức khỏe bà Jean không tốt và bà đi đứng rất khó khăn với cái tuổi trên bảy mươi, Armin tình nguyện làm người mang thực phẩm cho bà hàng tuần. Vốn là đứa bé thiếu mẹ từ lúc mới chào đời, mười tám năm nay Armin lúc nào cũng thấy mình bất hạnh, không có mẹ để được thương yêu. Chỉ cần vài lần tới lui với bà Jean, dù hai người rất khó khăn khi nói chuyện với nhau vì vấn đề ngôn ngữ, nhưng tình người hình như lúc nào cũng đi trước nên bà Jean và Armin càng ngày càng thấy gần gũi. Armin như tìm được điều mình đã mất là tình mẫu tử. Armin cũng thấy bà Jean đối với mình như người mẹ. Giáng Sinh năm 
arbre1.gif
ngoái là lần đầu tiên Armin biết thế nào là bữa Tiệc Nửa Đêm. Bữa ăn rất đơn sơ với mấy miếng thịt gà chiên và chai rượu chát đỏ nhưng thật đậm đà tình nghĩa. Hai người nghèo khó chung một niềm vui Giáng Sinh trong căn nhà nhỏ. Đêm đó trong ánh nến lung linh huyền ảo của Đêm Thánh Vô Cùng,  lần đầu tiên Armin đã khóc trên cánh tay của người đàn bà mà Armin thấy trước mặt là dáng hình Đức Mẹ Maria nhân ái. Đêm đó, không nói một lời, bà Jean đã tháo sợi dây chuyền trên cổ, bà thân ái đeo vào cổ Armin. Đó cũng là quà Giáng Sinh đầu tiên của đứa con côi cút trong suốt gần hai mươi năm có mặt trên đời. Sợi dây chuyền bằng bạc đơn sơ với tượng thánh giá nhỏ bằng ngón tay út. Có lẽ đó là món đồ quý giá nhất của bà Jean. Bà Jean nghèo lắm, nhiều lần bà Jean nhờ chủ tiệm cho bà mua thiếu. Chủ tiệm cũng là người tốt bụng. Ông nói ông biết bà Jean từ vài năm nay. Đó là người đàn bà hoàn toàn cô đơn, sống một thân một mình trong căn nhà biệt lập với các nhà hàng xóm. Nói là nhà chớ thật sự nơi bà cư ngụ là túp lều nhỏ nằm phía sau một nền nhà còn dấu vết của một cơn hỏa hoạn nhiều năm trước; cây cỏ xung quanh mọc tự do. Con lộ lót sỏi dẫn vào nhà, cách xa đường xe cộ lưu thông, thiếu bước chân đi lại nên cỏ mọc lan ra tới gần giữa đường. Khi có những cơn mưa lớn, con lộ ngập đầy nước. Căn nhà của bà cũng ngập nước. Thỉnh thoảng vào những ngày nghỉ việc, Armin chỉ đủ sức dọn dẹp cỏ rác quanh nhà cho phong quang một chút. Hai năm qua tới lui với bà, Armin chưa một lần nghe bà Jean nói tới một thân nhân nào; dễ chừng bà Jean đã sống cô đơn như thế nầy từ nhiều năm rồi.

 

 

Như vậy những năm tháng cô đơn trên thế gian của bà Jean đã hết. Nhưng sự cô đơn cố bám theo cái tử thi tàn lạnh của bà thì đau đớn quá, bi thảm quá. Một tử thi vô thừa nhận nằm mười mấy ngày trong nhà xác để từ mấy hôm nay người ta phải rêu rao trên báo tìm thân nhân. Hàng trăm, hàng ngàn bàng dân thiên hạ biết rằng trên thế gian nầy có những người vô cùng bất hạnh. Đánh mất một món đồ người ta còn tìm kiếm. Còn bà Jean, cho tới chết vẫn biệt tăm thân nhân để lo bề an táng. Hay thân nhân có biết nhưng vẫn làm ngơ? Chồng con bà đâu? Cháu chắt bà đâu? Rồi đây người đàn bà xấu số của mấy mươi năm trên đời sẽ từ giả cõi đời trong lặng lẽ, âm thầm, không tang lễ. Thân xác bà sẽ vùi chôn trong một nghĩa trang công cộng, không người viếng thăm.

Không được. Không thể nào như vậy được. Người đàn bà đã có lần là hiện thân của Đức Mẹ trước mặt Armin trong đêm Giáng Sinh năm ngoái không thể ra đi cô đơn như vậy được. Món quà Giáng Sinh của bà Jean, Armin đang đeo trên cổ, phải chăng đêm ấy bà Jean muốn nói với Armin rằng "con là người thân nhất của ta bây giờ"? Trong trí nhớ của Armin là một bà Jean  ít nói, sống khép kín với lối xóm chung quanh, nhưng không buồn bã. Mỗi lần gặp bà Jean là Armin thấy nụ cười trên gương mặt già nua nhăn nheo của bà, mười lần như một. Armin nghĩ bà Jean vừa lòng với số phận và hoàn cảnh của mình, không một tiếng oán than, không trách mình cũng không trách người. Nhiều khi Armin có cảm tưởng bà Jean chỉ thích nói chuyện với  mình, nhứt là mỗi khi hai người dọn dẹp cỏ rác, cây cối quanh nhà. Giữa thiên nhiên trông bà Jean thật vui và thật năng động. Bà vừa vun bón mấy chậu hoa, vừa hát khẽ một bài hát có âm điệu vui mà Armin đã nghe nhiều lần. Gặp con sâu, con dế hay cả con rắn nhỏ bà Jean chỉ xua chúng đi chỗ khác. Có khi bà nói về dãy mây lang thang trên nền trời, mây bay vô định, không cửa không nhà, vô thân tứ cố, nhưng mây có cuộc sống vô tư, có ai nói là mây có tâm sự buồn đâu. Con sóc, con chim trên cây sau nhà cứ chạy nhảy, ca hót, nào có nghĩ tới nhà cao cửa rộng, mồ yên mã đẹp gì đâu. Phải rồi. Lúc sống bà Jean  sống an bần, lạc đạo trong căn nhà nhỏ bằng cái hộp, thiếu những tới lui, thăm hỏi của thân nhân ruột thịt...thì khi chết chắc bà cũng không nghĩ gì tới những lễ nghi, lắm khi hời hợt, theo lề theo thói. Có nghĩa gì mấy lời thương tiếc của những người thân đã quên mất bà từ lâu. Ý nghĩ nầy đưa đến cho Armin một quyết định dứt khoát. Armin phải làm một cái gì trước khi quá trễ. Thêm một Giáng Sinh sắp tới rồi. Giáng Sinh năm ngoái, Armin không có một món quà nào cho bà Jean thân thương của mình. Năm nay phải có. Armin tuy nghèo nàn, không một đồng xu dính túi nhưng phải có một món quà Giáng Sinh cho bà Jean. Bà Jean cũng nghèo nàn, nhưng bà đã cho Armin cây thánh gíá, vật gần gũi của bà. Trong giây phút nhiệm mầu của một đêm Thánh, Bà Jean nghèo tiền, nghèo bạc nhưng giàu tình thương, qua món quà là vật thiết thân của mình,  đã cho Armin niềm tin và tình mẫu tử, cái mà mười mấy năm làm người Armin còn thiếu.

 

Nghĩ là làm. Armin đem chuyện an táng bà Jean bàn với ông chủ của mình. Ông chủ cũng đồng ý với Armin là có lẽ bà Jean cũng không mong có thân nhân đọc tin báo rồi tìm đến nhận xác bà rồi đem chôn cất nơi đàng hoàng tử tế. Giá mà có ai thương tình mà tình nguyện làm việc đó thì chắc bà Jean cũng không hài lòng. Sống thế nào thì thác thế ấy. Sống đơn giản, chết đơn giản.

-Nhưng tui muốn được đưa tiễn bà Jean.

-Đưa tiễn thì được, nhưng lãnh bà về chôn cất thì chắc mình không làm nổi. Tốn kém lắm.

-Nhờ ông chủ liên lạc với nhà xác để cho tui biết ngày giờ họ đưa bà ra nghĩa trang.

-Việc ấy thì không khó.

 

 

Chiều nay thời tiết trở nên lạnh hơn những ngày trước. Gió tháng chạp lạnh như dao cắt. Trời rắc những hạt mưa nhỏ, vừa đủ ướt áo. Ngày mai là Giáng Sinh rồi. Armin mặc phong phanh chiếc áo gió nên run lập cập. Armin đã tới nghĩa trang từ trưa. Nghĩa trang nằm cạnh cánh rừng, trong vuông đất trũng có thật nhiều cây cao xung quanh, xa phố xá và nhà cửa. Đường đi trơn trợt, nhiều đất hơn đá. Mộ là những phần đất nhỏ, bằng mặt. Không có lấy một núm mồ. Mộ bia là những trụ xi măng nhỏ, thấp, nhiều cái nghiêng ngã. Không một cây hoa kiểng. Có nơi cỏ mọc cao che hết phần mộ.Lúc chập tối đoàn đưa xác mới đến. Người ta để bốn cái quan tài chung trong một chiếc xe mui đen. Không có xe mô-tô cảnh sát hộ tống.Bốn cái lỗ huyệt đã được đào sẵn, nằm gần nhau. Như vậy là những tử thi khác theo thông báo đã có người nhận. Khi bốn quan tài đưa xuống từ chiếc xe thì thủ tục an táng làm thật nhanh, cũng có vị mục sư đọc kinh tập thể rất ngắn cho bốn quan tài. Ai cũng muốn làm xong cho nhanh để về. Chỉ có mấy nhân viên nhà xác và Armin. Không có một thân nhân nào của bốn người chết. Khi các quan tài hạ xuống huyệt, Armin đọc thầm mấy lời kinh rồi ném một bó hoa huệ trên mỗi nắp áo quan, tiễn đưa người chết. Riêng phần huyệt của bà Jean thì Armin cúi đầu thật lâu, miệng thì thầm mấy lời vĩnh 
wreath9.gif
biệt. Ngoài bó hoa huệ, Armin bỏ xuống lòng huyệt vòng nguyệt quế với dãy lụa trắng viết chữ đen :  « Thành kính tặng Mẹ món quà Giáng Sinh năm nay ».

 

 

Đoàn người và xe đã về từ lâu. Armin vẫn còn muốn ở lại đây cho tới khuya để trông thấy một thiên thần bay lên vùng trời cao rộng với vòng nguyệt quế còn ấm tay mình.

Trần Bang Thạch

 Edit Text 

 

                                              

                                 

 

  

Enter supporting content here