|
|
|
TRUYỆN & THƠ NGUYÊN
NHUNG _________________________________________________
YOUTUBE: XIN MÙA
THU Ở LẠI Thơ: Nguyên Nhung
Nhạc: Cao Minh Hưng Ca
sĩ: Trần Ngọc và Ban Văn Nghệ CLB Tình Nghệ Sĩ https://youtu.be/RKH-mS9O1Iw Ảnh trên: Nguyên
Nhung & Cao Minh Hưng
_______________________________________________________________________________________________________________________________
YOUTUBE: Mosai Culture 2018 (Gatineau/QUÉBEC)https://youtu.be/4104NzAd-J0
Mùa
Thu Canada Mùa Thu Canada Một lần quay trở lại Bạn bè
bao năm trước Vẫn ấm tình phương xa Những con đường
ngập lá Lặng lẽ không nguời qua Mùa thu hiu hiu gió Lá
rớt trên mặt hồ... Rừng lá
vàng lá đỏ Lẩn khuất trong chiều sương Vách núi
từ muôn thuở Lặng đứng im bên đường Mùa thu lòng quặn
nhớ Vài bóng hình thân quen Thời gian như cơn gió
Đã cuốn trôi về đâu?
Mùa thu cơn mưa ngâu Bên hiên nhà
tí tách Chiều mênh mang nỗi nhớ Trong từng giọt mưa mau...
Thơ Nguyên Nhung
https://youtu.be/WYVOQJ9kYEI CANADA mùa thu 2018 youtu.be Hình ảnh kỷ niệm chuyến
viếng thăm Canada mùa thu 2018 qua các thành phố Montréal, Gatineau của
tỉnh bang Québec và thủ đô Ottawa, tỉnh bang Ontario của Canada. ___________________________________________________________________________________________
NHỮNG CÂY THÔNG ĐÀ LẠT Nếu không tình cờ nhận được
cú phôn của người bạn cũ, tôi đã không biết là
Huy giờ này cũng đang có mặt trên nước Mỹ. Ba mươi
năm rồi còn gì, kể từ khi Huy rời trường mẹ Ðà Lạt,
ngày ra trường anh được thuyên chuyển về một chiến trường
miền Ðông, hai đứa xa nhau từ đấy. Những mối tình Ðà
Lạt, như đã bị vùi chôn trong thung lũng mù sương, tự
nhiên bỗng sống lại khiến lòng tôi xúc động đến ngậm
ngùi. Hóa ra có những điều người ta tưởng có thể
quên, mà nó vẫn còn đó, vẫn mập mờ ẩn hiện trong
những cây thông, mà tôi gọi là Những Cây Thông Ðà
Lạt. Ðiều ngỡ ngàng hơn cả khi nghe người bạn kể
lại, tình cờ gặp Huy trong một buổi họp mặt ở Cali, Huy đi đứng
không được bình thường, hóa ra anh bị cụt bên chân
phải, đã được gắn một chiếc chân giả. Ðiều này
khiến thắc mắc của tôi về lá thư của chàng gần ba mươi
năm trong phút chốc đã được giải đáp, chưa chắc
Huy đã phụ bạc tôi như lá thư chàng viết về Ðà
Lạt sau ngày chàng ra đơn vị. Lá thư như một vết dao cứa
nát trái tim người con gái miền cao nguyên, khi hai đứa đã
có một cuộc tình thật nên thơ suốt bốn năm chàng còn
là một sinh viên trường Võ Bị. Những lá thư nồng
nàn bỗng nhiên bị cắt đứt một thời gian trong bao nhiêu hờn
giận lo lắng, không hiểu Huy thời gian ấy ra sao khi những mặt trận
càng ngày càng khốc liệt, từ chiến trường miền Trung tới
chiến trường miền Nam. Khi ấy Huy là một đại đội trưởng,
đơn vị chàng trú đóng ở vùng Long Khánh, nơi có
những rừng cao su đất đỏ mà chàng bảo rằng ở đây
chỉ một đoạn đường chàng có thể bay về Ðà Lạt,
và cũng có thể về Sài Gòn để được gần gũi
mẹ già. Trong tôi chập chùng bao kỷ niệm của Ðà
Lạt năm xưa, bốn năm có chàng ở Ðà Lạt, một thời
gian hoa mộng của những chiều thứ Bảy trên đồi thông, khu rừng
Ái Ân bên bờ hồ Than Thở, đã ghi lại bao nhiêu đằm
thắm cuả một mối tình, chỉ có những cây thông làm chứng
cho những lời hẹn thề, gắn bó. Những sáng chủ nhật Ðà
Lạt nắng ấm, quanh khu Hòa Bình, ven bờ Hồ Xuân Hương mặt
nước lặng lờ, Ðồi Cù bãi cỏ xanh, Lâm Viên lộng gió,
nơi nào cũng có tiếng thông reo, nơi nào cũng có nắng ấm
và gió lạnh, nơi nào cũng có bước chân chàng và
tôi ở đó. Vậy mà Huy đã có thể quên, khi
rời xa Ðà Lạt chàng bỏ lại người yêu bé bỏng, có
căn nhà gỗ xinh xinh nơi dốc hoa vàng, những cánh hoa mimosa li ti rơi
kín mặt đường khuya như bài thơ chép vội vàng trong lớp
học, một buổi sáng nhớ chàng đến quay quắt:
"Chỉ tại anh nên trời khuya trở gió, Mimosa phủ kín mặt đường khuya, Vương đầy tóc,
em bắt đền anh đó, Gỡ giùm đi, đứng cười
mãi ô kìa!" (Thơ Nhất Tuấn) Thuở học trò những bài thơ chép đầy trang vở,
tình yêu không chỉ những khi một mình một nơi yên lặng,
nó còn xôn xao len lén vào lớp học. Bởi vậy, khi lá thư
cuối cùng của Huy gửi về Ðà Lạt, như một cắt đứt
mà chàng cho rằng chẳng qua định mệnh đã oái oăm chia lìa,
để hai đứa phải xa nhau. Huy đã quen một người con gái nơi
chàng trú quân, và cũng vì những giây phút yếu lòng
của tuổi thanh niên, Huy đành phải chấp nhận người đàn
bà ấy làm vợ, khi cô ta đã mang trong mình giọt máu của
chàng. Lá thư ấy đến Ðà Lạt một thời gian sau
ba tháng chàng bặt tin, như tiếng sét trong cơn mưa, hầu như đã
tàn phá tất cả bao hình ảnh đẹp trong lòng tôi thuở ấy.
Hình như những cây thông đều rũ xuống và không còn
mang theo tia nắng ấm reo vui những ngày Ðà Lạt mộng mơ. Hình
như cả Ðà Lạt đều hay tin tôi bị tình phụ. Hình như
trong đám bạn bè đã có những nụ cười mỉa mai giấu
kín trong ánh mắt. Hình như và hình như, những con đường,
những bờ cỏ, những đồi thông năm xưa có dấu tích của
hai đứa, bỗng một ngày trở thành những bóng đen đè
nặng trong lòng người con gái ngây thơ là tôi ngày ấy. Nỗi đau như một cơn bão đã cuốn đi tất cả niềm
vui tuổi trẻ, khiến trong mắt tôi ngày ấy, hình ảnh những chàng
trai Võ Bị, không còn là thần tượng để ngưỡng mộ
và say đắm. Tôi nguyền rủa chàng triền miên khi nghe tiếng thông
reo và tiếng gió hú mỗi đêm Ðà Lạt mưa gió, gót
giày tôi nghiến mạnh lên những bông mimosa vàng úa rớt đầy
trên mặt đường khuya, như giày xéo lên những kỷ niệm
của tôi và chàng, cho tan nát, cho mất hút đi theo lòng người
bội bạc. Tự ái của người con gái không cho phép
tôi gậm nhấm hoài mối sầu vạn cổ, như câu chuyện một
người con gái Ðà Lạt, cũng vì yêu mà hủy hoại mạng
sống, để khi chết còn xin được chôn trên một ngọn đồi,
quay đầu về hướng ngôi trường Võ Bị, nơi ngày xưa
hai người đã quen nhau ở đó. Tôi yêu Huy thật nhiều nhưng
không thể để con tim mềm yếu đến độ chết vì yêu.Tôi
phải quên chàng như chàng đã quên tôi, tôi sẽ đi khỏi
Ðà Lạt để tâm hồn khỏi gặm nhấm những nỗi sầu
với tiếng thông reo trên ngọn đồi cỏ mượt, như tiếng
gió lao xao lướt trên mặt hồ những sáng chủ nhật, như những
cánh mimosa màu vàng rơi xuống phủ đầy mặt đường khuya. Ðịnh mệnh đưa đẩy gia đình tôi rời Ðà Lạt
cùng lúc với nỗi đau của cô con gái bị phụ tình. Căn
nhà ở dốc hoa vàng để lại cho người cô, tôi xa Ðà
Lạt như để vùi quên một nấm mộ tối. Mãi đến sau
này sau nhiều năm, khi sắp sửa đi xa hẳn quê hương, tôi bỗng
dưng ao ước được trở về Ðà Lạt, thăm căn nhà
xưa, và để lần cuối nhìn lại những kỷ niệm cũ từ
nhiều năm về trước, thấp thoáng vẫn thấy hình bóng người
xưa trên những con đường cũ, và những cây thông Ðà
Lạt... oOo Thế rồi tôi cũng trở về Ðà lạt
một lần, trước khi đi xa, để thăm lại người cô ruột
nay đã già yếu, vẫn sống trong căn nhà gỗ nơi dốc hoa vàng,
gần trường Bùi thị Xuân ngày xưa. Chuyến xe về Ðà
Lạt vượt đoạn đường đèo, chênh vênh vách núi
có những đoạn đường quanh co của miền Ðông nhiều đồi
núi và cây rừng. Khi chuyến xe chạy ngang những khu đồi thông
nối tiếp nhau để đưa về Ðà Lạt năm xưa, tôi bỗng
thấy lòng rưng rưng, và giây phút đó bao nhiêu kỷ niệm
về Ðà Lạt lại hiện về trong lòng tôi. Những ngọn thông
xanh Ðà Lạt đã đủ sức réo gọi bao hình ảnh năm
cũ, khiến tôi không khỏi thở dài nghĩ về Huy. Bây giờ tôi
không còn là người con gái xinh xinh má đỏ môi hồng của
Ðà Lạt năm xưa, thay vào đó là nét chững chạc của
người phụ nữ khép kín, nhưng vẫn còn chút duyên dáng
của một thời xuân sắc. Ngày rời Ðà Lạt năm xưa
tôi hai mươi tuổi, lần trở về tôi đã ở cái tuổi
hai lần hai mươi, không còn trẻ để gậm nhấm những nỗi
buồn, nhưng cũng không hẳn quên dễ dàng những kỷ niệm một
thời quá đậm nét. Khi loanh quanh những con đường quen, nay đã
ủ ê và tàn tạ với thời gian, và cũng vì đất nước
đã trải qua bao cơn dâu bể, Ðà Lạt như một người
đàn bà tàn phai nhan sắc, nét mơn mởn, vẻ xinh tươi đã
không còn nguyên vẹn, tôi có cảm tưởng rằng nụ cười
của Ðà Lạt không còn tươi thắm, chỉ gượng gạo như
nét cười của người cô phụ. Ðêm hôm đó,
trong căn nhà gỗ và chiếc lò sưởi vẫn lách tách bay những
mảnh hoa than thật mỏng, tôi và cô tôi ngồi bên nhau ôn lại
chuyện cũ. Hầu như chúng tôi nhắc lại hết những khuôn mặt
cũ, và khi vô tình bà cô hỏi tới Huy, tôi không sao nén
được tiếng thở dài. Từ ngày ấy khi rời xa Ðà Lạt,
tôi về Sài Gòn tiếp tục đi học, rồi đi làm, sau đó
lấy chồng, tôi không muốn quen thêm một người lính nào
nữa. Trong lòng tôi một hình ảnh Huy cũng đủ làm tôi nghĩ
ngợi, khi cho rằng cuộc đời chiến chinh rày đây mai đó, giữa
sự sống chết xảy ra hằng ngày, tôi khó có một đời
sống bình an và hạnh phúc khi có một người chồng là
quân nhân. Bài học đầu đời vẫn còn đó. Cứ
xem như là Huy không muốn phản bội tôi, nhưng cuộc sống buồn
chán ở những vùng đóng quân khiến chàng chỉ một chút
mà đã sa chân vào con đường không lối thoát, để
cũng vì thế mà bao nhiêu tình yêu và mộng đẹp trong đời
tôi đã bay đi, như những áng mây hồng trên bầu trời
lúc hoàng hôn, phút chốc đã biến mất vào đêm đen
vô tận. Cô tôi ngồi trên chiếc ghế vải bọc nệm,
lúc nào cô cũng đan áo. Không đan áo cho cô thì cũng
đan cho cháu nội, cháu ngoại, và cả đan mướn cho những tiệm
đan len trong thành phố, để bán cho khách nhàn du khi ghé thăm
Ðà Lạt. Cô sống với người con gái chưa chồng, dù tuổi
đã lỡ thời nhưng vẫn không dám lập gia đình vì đã
nhìn thấy cuộc sống quá khó khăn, người lớn còn chật
vật huống gì sinh sản thêm những đứa trẻ thơ thiếu ăn,
thiếu mặc. Buổi chiều hôm ấy tôi một mình đi xuống
dốc hoa vàng, ngắm nhìn lại những căn nhà năm xưa, hỏi thăm
cô tôi về những người quen trong xóm. Ðời quả là dâu
bể, chỉ hai mươi năm mà bể hóa dâu hay dâu hóa bể
là chuyện thường, huống gì cả nước đã chìm vào
cơn dâu bể. Tuy vậy, con đường có những cây mimosa hoa vàng
hình như vẫn giữ được nét riêng của nó, như chút
duyên thầm Ðà Lạt. Những căn nhà màu sơn có lợt lạt
đi, những bụi cúc vàng vẫn rung rinh trên lối sỏi vào nhà,
và bây giờ thì những ngọn thông đã vươn cao lên trên
những nóc nhà, in vào mảnh trời chiều một nỗi buồn hiu hắt.
Tôi cứ men theo bờ cỏ để đi lên đi xuống con đường
này, như để ghi nhận vào lòng những hình ảnh đẹp
của một thời đã qua, bởi vì tôi biết khó có thể
trở lại Ðà Lạt một lần nữa, khi gia đình đi định
cư ở nước ngoài. Tối hôm ấy, sau bữa cơm chiều với
cái mát mẻ của rau xanh Ðà Lạt, hai cô cháu tôi ngồi bên
lò sưởi, cô tôi vừa đan áo vừa rủ rỉ kể tôi
nghe nhiều chuyện Ðà Lạt. Những chuyện xảy ra quanh đời sống
của những người quen ở dốc hoa vàng, bây giờ thì tôi mới
được biết thêm về câu chuyện của những cây thông Ðà
Lạt. Nghe như chuyện hoang đường, nhưng đối với những người
dân giàu tình cảm ở miền đất lạnh, Ðà Lạt vẫn
là vùng đất sản sinh ra những mối tình lãng mạn và bi
thương. Ðôi tay vẫn đan thoăn thoắt, cô tôi nhìn
ra khung kính cửa sổ, đêm ấy lại là một đêm trăng thật
sáng, tôi có thể nhìn thấy những bóng cây thông lay động
bên ngoài khu vườn mờ mờ tối. Khó tìm đâu ra cái
ấm cúng gia đình như không khí Ðà Lạt, mà cũng khó
tìm đâu ra cái rét mướt của những nỗi sầu cô quạnh
bằng Ðà Lạt. Bên tách trà nóng, cô tôi bỗng hỏi
tôi: - "Cháu có nhớ căn nhà màu hồng ngày xưa
ở cuối con dốc này không?" Tôi cố nhớ lại tất
cả những căn nhà ngày xưa ở dốc hoa vàng, hình như căn
nhà ấy là của một sĩ quan làm việc trong trường Chiến Tranh
Chính Trị. Tôi trả lời sau một phút hồi tưởng: -
"À, cháu nhớ rồi, căn nhà của ông M., có cô con gái
xinh xinh học ở trường Bùi thị Xuân phải không cô?"
Nói tới đây, tôi lại chạnh nhớ đến Huy, nhớ tới
tôi những ngày tháng ấy. Tôi lắc đầu, không muốn bị
ám ảnh vì những hình bóng cũ, nhưng đấy cũng chỉ là
tự dối lòng mà thôi, vì ít nhiều gì khi trở về Ðà
Lạt lần này, tôi vẫn có nghĩ tới chàng. Cô tôi lại
tiếp tục câu chuyện: - "Ông M. mất rồi, chết trong trại
Cải tạo ở miền Bắc. Căn nhà ấy được bán cho người
khác, cả cô con gái cũng chết trong thời gian ấy, nhưng hình
như linh hồn nó không siêu thoát được, cho nên những đêm
trăng như thế này, ai đi đâu về khuya, vẫn thấy dưới gốc
thông trước sân có hai cái bóng trắng đứng ôm nhau ở
đó, nhưng hễ lại gần là biến mất." Không tin
lắm chuyện ma quỷ, nhưng giữa một đêm Ðà Lạt trăng sáng
như đêm ấy, tôi không khỏi rùng mình và cũng chợt
nhìn ra khung cửa sổ. Óc tò mò khiến tôi phải tìm ra cái
uẩn khúc của những hồn ma dưới gốc thông nơi con dốc hoa
vàng, tôi hỏi cô tôi: - "Nhưng sao lại có những hai
chiếc bóng dưới gốc cây thông hở cô?" Cô tôi
bỏ thêm than vào lò sưởi, những chiếc hoa than lại bay lên kêu
lách tách, khiến câu chuyện trong đêm vừa ly kỳ mà lại
thêm điều gì u uẩn đến lạnh người. Cô tôi chậm
rãi kể: - "Con bé ấy xinh đẹp, dễ thương mà
chết sớm quá, đúng là hồng nhan bạc mệnh. Cháu có nhớ
sau năm 75, các sĩ quan bị đưa đi tập trung cải tạo, cha của
nó cũng bị đưa ra Bắc vì ông ta là một sĩ quan cấp
tá. Gia đình lâm vào cảnh cùng cực, bà vợ hồi xưa
sống dựa vào chồng cho nên khi ông ta đi tù thì đời sống
gia đình thê thảm lắm. Họ phải mở một cái quán nước
để mẹ con bấu víu vào đấy mà sống, mấy đứa con
phải nghỉ học để giúp mẹ. Cái tội nhất là cô con
gái mà cháu biết. Nó thật xinh đẹp nết na, ngày xưa cũng
có quen với một anh chàng bên Võ Bị, hai đứa chúng nó
hứa hẹn là khi ra trường sẽ làm đám cưới, nhưng..." Không biết tại sao tôi lại buột miệng cắt lời cô với
một vẻ mỉa mai, khi nhớ tới chuyện của mình ngày xưa: - "Có phải khi anh ta ra đi là quên mất lời thề, và cô
ta đã bị bỏ rơi." Hình như hiểu được lòng
tôi, cô tôi chỉ mỉm cười - "Không phải thế đâu
cháu, đâu phải trái đất này chỉ đầy những con người
phản bội. Nếu thế thì làm gì có chuyện hai hồn ma hiện
về dưới bóng cây thông mỗi đêm trăng sáng." Tôi cũng mỉm cười, trở lại với câu chuyện dang dở của
hai cô cháu: - "Vâng, có lẽ cháu nhìn đời không
được bình thường thôi cô ạ. Thế chuyện làm sao nữa
hả cô?" Cô tôi nhắp một ngụm trà rồi hắng giọng
kể tiếp: - "Những năm sau cuộc chiến, bao nhiêu chuyện xảy
ra thật là bi thảm cho nhiều gia đình người dân miền Nam, cho
nên, nhà con bé An, cũng là một trong những cảnh đáng thương
mà cô nhìn thấy. Người yêu của nó sau khi ra trường, được
đổi về một đơn vị ngoài Ban mê Thuộc, chính là điểm
khởi đầu cho cuộc tiến công vào miền Nam, và anh ta không bao
giờ trở về nữa cháu ạ. Nghe nói khi hay tin anh ta chết, con bé An
có đi tìm đến gia đình anh ta, nhưng hầu như chẳng bao giờ
còn có hy vọng tìm được xác người lính ấy nữa.
Thật tội nghiệp! Từ đấy, con bé như người mất hồn, bố
lại bị đi cải tạo, được vài năm thì chết trong tù,
gia đình ấy tan tác từ đấy. Con bé cứ buồn rầu mãi,
người xanh lướt như tàu lá, vì đời sống ăn uống
thiếu thốn, dồn dập bao nhiêu chuyện buồn, cho nên vào một năm
trời Ðà Lạt bỗng trở lạnh hơn mọi năm, tự nhiên nó
lang thang đi ra ngoài lúc ban đêm, về nhà bị cảm lạnh, sưng
phổi rồi chết." Cô tôi ngưng lại như để nén
những xúc cảm đang dâng trong lòng cô. Tôi cũng im lặng mà
nghe như trong bóng đêm đầy ắp một nỗi buồn. Tôi nhớ
cô bé An, nhỏ hơn tôi vài tuổi, rất xinh xắn trong chiếc áo
len màu xanh đồng phục của trường Bùi thị Xuân, mỗi buổi
sáng vẫn hay đi ngang nhà tôi, khép nép chào bố mẹ tôi
mỗi lần gặp. Bây giờ cô đã ra người thiên cổ, và
gặp người yêu ở bên kia thế giới. Thế cũng là một điều
vui, chẳng hơn tôi và Huy, vẫn còn ăn còn thở mà đời
thì như đã nghìn trùng xa cách... Nhìn ánh trăng mờ
ảo ngoài khu vườn đầy bóng cây lay động dưới gió
đêm, nghe hàng thông phía sau nhà reo vi vu trong đêm tối, tôi
vẫn trăn trở với hai chiếc bóng của đôi tình nhân trong
ngôi nhà cuối dốc. Tôi hỏi: - "Bây giờ gia đình
An còn ở đấy không hả cô?" Cô tôi khẽ thở
dài, vẫn đưa những mũi kim nhanh thoăn thoắt dưới ánh đèn
dìu dịu của căn phòng, và tiếng than hồng vẫn tí tách
trong lò sưởi: - "Không, nhưng câu chuyện chưa chấm
dứt ở đây, để cháu thấy là thế giới của linh hồn
có những điều kỳ diệu mà mình không hiểu được.
Cô nghe kể lại rằng, hồi hai đứa nó yêu nhau, có trồng
một cây thông ngay lối vào nhà, và không biết họ đã
hẹn thề với nhau như thế nào, nhưng cây thông ấy thì càng
ngày càng cao lên theo tình yêu của họ. Nhưng từ lúc anh chàng
Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị ấy ra trường, rồi hy sinh ngoài mặt trận,
người ta chưa nhắc tới chuyện hồn ma nơi gốc thông ấy. Chỉ
đến khi con bé An chết đi, người ta vô tình mới phát hiện
được hai cái bóng đứng ôm nhau dưới gốc thông mỗi
đêm trăng. Từ đằng xa, rõ ràng có hai cái bóng trắng
quấn quýt dưới gốc thông, người trong xóm về khuya cứ tưởng
là có người đang hẹn hò tâm sự dưới đêm khuya,
nhưng đến khi lại gần thì không nhìn thấy gì nữa, hai cái
bóng đã biến mất. Không phải một lần mà người ta
đã tin, nhưng đã có nhiều người nhìn thấy rồi, cho
nên dù không tin cũng phải tin, có người còn mua cả hoa thơm
và nhang đèn để cầu cho đôi bạn ấy được siêu
thoát." Nghe cô tôi kể tới đây, tự nhiên tôi
cũng phải rùng mình, và càng cảm thương cho một mối tình
chung thủy, đẹp tuyệt vời của đôi tình nhân, huống gì
cô bé An lại là người hàng xóm của tôi ngày xưa.
Cô tôi lại tiếp tục kể: - "Thật tội nghiệp cho những
người tuổi trẻ yêu nhau thời chinh chiến. Linh hồn họ bị những
lời thề ràng buộc mãi vào nơi chốn trên trần gian, cho nên
vẫn tìm cách đến với nhau dù đã xa lìa cõi thế.
Cuối cùng, sau cái chết của chồng và cô con gái, mẹ cô
An đưa các con về Ðơn Dương làm rẫy, căn nhà được
bán lại cho người khác..." Tôi tò mò ngắt lời
cô: - "Thế linh hồn đôi tình nhân còn hiện về
dưới gốc thông những đêm trăng nữa không cô?" Cô tôi gật đầu: - "Vẫn còn, hình như khi sống
họ ở đâu, đến khi chết linh hồn chưa siêu thoát, họ
cứ theo lối cũ mà về. Mãi tới khi làm lại con đường
cho rộng hơn theo chỉ thị của nhà nước, phải chặt cây thông
vì nó nằm gần vệ rào, từ đấy đôi tình nhân
mới thôi trở về với nhau. Nhưng tội lắm cháu ạ, hôm đốn
cây thông cô cũng ra xem, trời cứ âm u suốt ngày hôm ấy,
lúc cây thông được đốn ngã xuống những dòng nhựa
tươm đầy dưới gốc thông. Nó màu đỏ cháu ạ,
đỏ sậm như máu, thay vì màu nâu nâu như thứ mủ thông
cháu thường thấy, mủ cây thông này lại màu đỏ. Nhìn
nó cô cứ tưởng như những dòng máu đỏ của chàng
trai Võ Bị năm xưa đã nằm xuống khi tuổi còn thanh xuân,
và cho một lời thề còn dở dang..." Nghe cô tôi kể
tới đây, tôi rợn cả người, trong khi ấy bên ngoài khung cửa
sổ, tôi nhác thấy những bóng thông oằn oại dưới ánh
trăng. Ðêm Ðà Lạt rét mướt, ẩm ướt những sương
khuya, tiếng thông reo như một bài tình ca bất tận, những chiếc
hoa than vẫn lách tách trong lò sưởi, bỗng dưng tôi nghe như có
những giọt nước mắt ngậm ngùi rơi âm thầm trong bóng tối
của một đêm tôi trở về Ðà Lạt. oOo Bây giờ
ở xứ người, tôi vẫn nhìn thấy bóng dáng cây thông
Ðà Lạt năm xưa. Mỗi mùa Xuân sang, trời ấm áp, những
chiếc hoa thông đầy phấn vàng, những bóng nắng lấp lánh
trên ngọn thông, tôi vẫn nhớ về Ðà Lạt và câu chuyện
tình của cô bé tên An với chàng trai Võ Bị. Cú điện
thoại của người bạn cũ và câu chuyện gặp lại Huy với
chiếc chân đi khập khiễng, làm lòng tôi mơ hồ nhớ lại
chuyện mình năm xưa. Và tôi cũng chợt nhớ đến thời con
gái còn ngây thơ, tham gia trong một tổ chức thiện nguyện của
nhà thờ, tôi và cô bạn cũ thường hay dành những chiều
thứ Bảy để đi thăm những người thương binh trong quân y
viện. Lần ấy, chúng tôi đã bị từ chối bởi một người
sĩ quan trẻ cụt cả hai chân, mặt xanh lướt, đắp một tấm
chăn mỏng trong phòng dưỡng thương của bịnh viện. Anh nằm yên
lặng, đôi mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà, tấm chăn
đắp cho thấy anh chỉ còn hơn nửa phần trên của cơ thể.
Khi thấy chúng tôi ngỏ ý thăm anh, anh quay mặt vào vách tường
và bảo người lính đóng cửa phòng lại. Tôi còn nhìn
thấy trên khuôn mặt xanh lướt ấy, đôi mắt anh như chất
chứa một đám mây đen tuyệt vọng. Bây giờ khi tôi
chợt hiểu về lá thư tuyệt tình của Huy gần ba mươi năm
trước, thời gian trôi đi khá lâu để tôi không còn cơ
hội tìm gặp chàng, để cảm tạ ân tình cao đẹp của
người trai Võ Bị năm xưa, khi anh cũng mang mặc cảm giống như
người thương binh bị cụt chân nằm trong Quân Y viện, không
muốn bắt người yêu hy sinh và chia xẻ gánh nặng với mình
trong suốt nẻo đường trần. Anh đã chịu mọi thiệt thòi,
mất mát nhất của người trai trong thời ly loạn, kể cả việc
bị tôi nguyền rủa anh là kẻ bạc tình, và đã quên
anh như quên một chiếc bóng bên đường. Không biết
tôi có nên tìm lại anh để nói những lời giải bày
cho một chuyện tình ngày trẻ tuổi. Có lẽ cũng không nên
gặp lại khi cả hai đã có một cuộc đời riêng, như định
mệnh đã xô đẩy hai đứa về hai phương trời khác
biệt. Nhưng tôi biết rằng từ hôm nay, tôi vẫn yêu Ðà
Lạt, vẫn giữ mãi trong lòng những ngọn thông xanh Ðà Lạt
năm xưa, khi ngồi với Huy dưới một gốc thông trong khu rừng Ái
Ân, bên bờ hồ Than Thở. Nguyên Nhung
YOUTUBE: XIN MÙA THU Ở LẠI Thơ: NGUYÊN NHUNG Nhạc: CAO MINH HƯNG Ca
sĩ: NGỌC QUÝ https://youtu.be/d4OjO4ejTNU
PHỐ GÍO CHICAGO...
Gió, gió, gió!
Cuối tháng Tư trời đã
sang xuân, thế nhưng khi chuyến bay từ Houston vừa đáp xuống phi trường
O'Hare là chúng tôi đã được những cơn gió lạnh buốt
của thành phố Chicago chào đón. Lâu rồi có ai đó đi
du lịch tới đây, khi về nhắc tới Chicago là đã phải nói
về Gió, tuy đã chuẩn bị quần áo lạnh đầy đủ,
thế mà lúc thò đầu ra ngoài để đón xe, tôi lại
thụt ngay vào vì Gió. Nếu không có "thằng út" rủ rê bố mẹ đi chơi
chắc giờ này chúng tôi cũng chưa đến thăm chính thức
Chicago dù đã một lần dừng lại tại phi trường O'Hare để
chuyển chuyến bay, nên đâu biết rằng đây là một thành
phố lớn nổi tiếng của nước Mỹ, với rất nhiều khu chung cư
cũ kỹ, đa số là dân da màu sinh sống, ở đó có khu
Harlem nổi tiếng nhiều dân "anh chị" mà chúng tôi đã
được đọc qua trên sách vở từ hồi còn đi học.
Thành phố lạ, phương
tiện giao thông tiện dụng nhất là hệ thống xe điện mà ở
đây người ta gọi là "train", nối kết các ngả đường
xa gần trong thành phố bằng rất nhiều chuyến xe, người ta dùng
cách gọi từng trạm theo màu sắc để người đi dễ phân
biệt các trạm lên xuống, và dĩ nhiên với cách này sẽ
không bị lạc. Chúng tôi chọn xe điện, tuy hơi mất thì giờ
ngồi trên xe nhưng bảo đảm đi đâu thì đi, xuất phát
và trở về bao giờ cũng tới phi trường O'Hare. Chicago thuộc tiểu bang Illinois, là thành
phố đông dân xếp vào hàng thứ ba của nước Mỹ với
dân số khoảng 2 triệu, 7 trăm ngàn người. Vào thế kỷ hai
mươi, Chicago là thành phố đầu tiên có những tòa nhà
chọc trời với những kiến trúc tân kỳ nổi tiếng trên thế
giới. Được xây dựng ngay cạnh
bờ hồ Michigan, một trong Ngũ Đại Hồ nằm giữa biên giới Mỹ
và Canada, với bốn mùa gió lộng nên đã được đặt
biệt danh là "Thành Phố Gió" (Windy City). Năm 1871 Chicago bị thiêu
hủy nhiều dặm vuông sau một trận hỏa hoạn khủng khiếp, đẩy
nhiều trăm ngàn cư dân vào cảnh không nhà! Chỉ ba chục
năm sau, Chicago đã được xây dựng, phục hồi nhanh chóng, dân
số cũng gia tăng, đưa Chicago thành một trong năm thành phố lớn
nhất hành tinh vào năm 1900. Tuy nhiên, trong hiện tại khi xe chạy qua các
ngả đường từ phi trường vào thành phố, chúng tôi không
khỏi nhìn thấy một mặt khác của nước Mỹ vì những
khu chung cư nghèo nàn, nhếch nhác, chi chít như những cái hộp
vuông với các bức tường gạch xậm màu vì mưa nắng.
Với những công trình
xây dựng vô cùng đồ sộ và đẹp mắt vẫn còn đang
tiếp tục dọc theo sông Chicago, du khách có thể chiêm ngưỡng
và được giới thiệu tỷ mỷ khi lấy một chuyến du thuyền
ngắm cảnh trên sông. Hôm ấy mưa phùn và gió lạnh, chúng
tôi được thêm một buổi thưởng thức bất đắc dĩ
thời tiết khắc nghiệt của thành phố này. Mỗi người phải
mặc tới 4 lớp áo, 2 lớp quần mà chân tay vẫn tê cứng khi
ngồi trên du thuyền chạy lòng vòng trên sông để ngắm nhìn
vẻ đẹp của những toà nhà phản chiếu trong các ô cửa
kính, tạo nên hình thái đặc biệt như rừng cây đang
nhảy múa tít trên cao. Suốt những
ngày ở đây, ngày nào cũng như ngày nấy chúng tôi
thường dậy sớm và đón chuyến xe của khách sạn lúc
7 giờ để ra phi trường, thay vì phải lang thang, lếch thếch ra đón
xe bus giữa tiết trời buốt giá. Và cũng vì vậy mà sáng
nào cũng được cuốc bộ trong phi trường tới trạm xe điện,
để thấy lòng chùng xuống khi mới sớm mai, nhìn thấy những
người "homeless" cũng đang lang thang trong ngõ ngách đường
hầm xe điện, lục lạo trong thùng rác để tìm một chút
thức ăn thừa đỡ dạ. Nơi đây cũng có khá nhiều nghệ
sĩ lang thang, họ chơi nhạc và hát khá hay nhưng chắc vì "sinh
bất phùng thời",nên đành đem giọng hát tiếng đàn
để hát dạo, khách du lịch thương cảm thường bỏ vào
chiếc hộp nhỏ vài, ba đồng để giúp họ độ nhật
qua ngày.
Chicago có phi trường quốc
tế O'Hare, được đánh giá là phi trường nhộn nhịp nhất
nhì thế giới, chỉ sau phi trường Hartfield-Jackson của Atlanta. Vì vậy
các chuyến bay phải tuân hành nghiêm nhặt lịch trình bay đã
được sắp xếp. Trong chuyến bay của chúng tôi đến từ
Houston, sau khi đáp an toàn, trưởng phi cơ thông báo một tin vui là
do thời tiết thuận lợi, gió xuôi, nên chuyến bay đã đến
Chicago sớm được 15 phút. Ngay sau đó ông ta lại loan báo một
tin không vui là vì đến sớm nên không có bãi đậu
và phi cơ phải nằm đợi thêm một thời gian ngoài bãi trống
mới vào được trạm cho hành khách xuống , thế là... "huề
vốn"! Tuy nằm cách
xa trung tâm thành phố Chicago gần hai mươi dặm nhưng O'Hare được
nối liền với downtown Chicago bằng một hệ thống xe điện mà nhà
ga chính nằm không xa khu lấy hành lý với nhịp độ 8 phút
một chuyến suốt 24 giờ nên rất thuận lợi cho du khách. Đồng
thời hệ thống khách sạn nằm trong vành đai phi trường cũng
cung cấp xe buýt để đưa đón khách ra sân bay mỗi 20 phút.
Vì vậy, tuy không mướn xe nhưng chúng tôi vẫn có thể dùng
những phương tiện giao thông này để đi thăm khắp nơi nổi
tiếng của thành phố Chicago. Chicago cũng là thành phố
đứng hàng thứ hai về số lượng du khách, nội địa cũng
như quốc tế ghé thăm với 55 triệu người hàng năm, chỉ
thua thành phố New York với 59 triệu người. Những địa điểm
thu hút du khách nổi tiếng của Chicago có: Millennium Park với Cloud Gate, một công trình nghệ
thuật của Sir Anish Kapoor, một nghệ sĩ người Anh gốc Ấn Độ,
với kiến trúc hình hạt đậu khổng lồ được đánh
bóng như gương, nên còn được gọi là "Hạt đậu của Chicago" (The bean of Chicago) phản chiếu
lại phong cảnh chung quanh cũng như hình ảnh của du khách đến thăm.
Tạo ra những phông ảnh đẹp và lạ mắt nên là nơi du
khách chụp hình nhiều nhất. Grant Park còn có Burkingham fountain, công trình vòi phun nước
trên một kiến trúc hình dạng chiếc bánh cưới lớn nhất
thế giới với nhiều tác phẩm nghệ thuật. Ban đêm cả khu vực
được chiếu sáng bằng một hệ thống đèn màu rất
đẹp. Cạnh bờ
hồ Michigan có Navy Pier, trong thành phố có The Art Institute of Chicago, Willis (Sears)
Tower sẽ đưa du khách lên tòa nhà chọc trời cao 110 tầng. Tại
tầng 103 có độ cao 1.353 feets khách sẽ bước vào một phòng
kính được đưa giang ra ngoài trời khoảng một thước và
nghiêng xuống 15 độ để ngắm thành phố phía dưới chân
mình (những ai yếu tim thì không nên thử nhé!). Và bạn cũng đừng lo, nếu thèm
thức ăn Á Đông bạn cũng có thể tới khu phố Tàu
nằm không xa về phía nam của trung tâm thành phố, nhưng không
được sầm uất, đông vui như China Town của New York hay San Francisco! Chỉ
có một ít cửa hàng buôn bán khách hàng thưa thớt! Riêng
các nhà hàng thì khá đông vào giờ ăn vì ở đây
có tiểm xấm rất ngon và rẻ. Đặc biệt ở đây có
một chi nhánh thư viện của thành phố, nơi các nghệ sĩ người
Hoa thường xuyên tập họp, tổ chức các buổi trình diễn nhạc
dân tộc lôi cuốn nhiều khán giả đến thưởng lãm.
Trời lạnh buốt, thêm
cơn mưa chợt đến chợt đi, tôi chui vào một gian hàng bán
quần áo để mua một cái mũ len đội đầu cho đỡ lạnh,
lại như một chiếc khăn quấn quanh cổ, thế là tha hồ ấm. Nhờ
nói chuyện với cô bán hàng, chúng tôi mới biết mình
đến Chicago không đúng mùa, vì gọi là xuân sang rồi mà
tiết trời có thua gì mùa đông ở miền Bắc. Muốn thưởng
thức vẻ đẹp tuyệt vời của thành phố này thì nên
đi vào cuối tháng Năm, lúc ấy bao nhiêu vẻ đẹp của
hoa xuân sẽ mỉm cười hân hoan đón khách du lịch khắp nơi
đổ về thành phố. Lại một chuyến xe điện và 1 chuyến xe bus nữa chúng tôi
tới một thành phố nhỏ khác, cũng thuộc Chicago, ở đây có
Botanic Garden, một vườn hoa rộng 385 acres được chia ra thành 27 khu vườn
khác nhau rất hài hòa cùng thiên nhiên với nhiều loại kỳ
hoa dị thảo nhưng lại không phải trả tiền vào cửa. Hoa vẫn
chưa nở, hàng liễu thướt tha thả bóng ẻo lả xuống mặt
hồ, khu vườn này đến mùa xuân mới thật sự là một
cảnh nhân tạo đẹp tuyệt vời mà không phải ở đâu
cũng có. Nhân dịp này,chúng tôi
đến thăm anh chị Đức, đang cư ngụ tại một thành phố
kế bên cách Chicago khoảng 40 phút. Đây là một thành phố
tuy cũng xây dựng từ mấy chục năm trước,nhưng phố xá,
nhà cửa, tiệm buôn có vẻ ngăn nắp và đời sống cư
dân ở đây êm đềm hơn bên Chicago. Anh chị đón tiếp
chúng tôi bằng tất cả chân tình của những người bạn
cũ từ cuối thập niên 60, bữa cơm chiều đầy hương
vị Việt Nam thật ngon miệng, và trong lúc ngồi bên nhau hàn huyên
chuyện cũ từ 50 năm trước, chúng tôi được biết thêm
về thành phố này. Tuy xa xôi và ít người Việt, nhưng vẫn
có chợ VN, quán phở, tiệm tùng do người Việt làm chủ,
nhà thờ dành cho giáo dân người Việt và đặc biệt
là dù ở một thành phố nhỏ, vẫn có sinh hoạt của cộng
đồng người Việt Quốc Gia. Thế rồi sau một tuần chúng tôi
cũng trở về Houston, phi trường O'Hare đi lại nhiều lần nên đã
trở nên quen thuộc. Nhưng trong trí tôi vẫn nhớ mùa thu 2011, từ
Canada về, máy bay dừng lại để chuyển tiếp tại phi trường
này, chúng tôi phải đợi đến 2 tiếng mới có chuyến
bay về Houston thì trời đã khuya, nhờ vậy mới có dịp ngắm
một vầng trăng bay theo suốt chuyến bay dài:
"Rồi tôi cũng về, về lại Houston Chuyến bay đêm có vầng
trăng đưa đón Trời nhung thẫm bóng trăng
treo lồng lộng Theo chuyến tàu đêm trăng đón
tôi về
Trăng lặng lẽ như muôn đời lặng
lẽ Vẫn dịu dàng
tỏa sáng xuống trần gian Những dòng sông
lấp lánh ánh trăng vàng Những thành phố,
vạt rừng thêm huyền ảo
Khi con tàu run rẩy vút lên cao Trăng vẫn bay theo không hề
mỏi mệt Và hình như có một mình trăng
biết Có một người đang ngắm ánh trăng
khuya..." Riêng lần này khi bay về Houston,
một buổi sáng trời xuân chỉ có gió theo chúng tôi đến
tận cửa bước vào phi cơ mới chịu ở lại. Ôi muôn đời
sẽ nhớ mãi Chicago, thành phố Gió. Nguyên Nhung __________________________________________________
Để nhớ ngày chia đôi đất nước 20 tháng
7 năm 1954
Cuộn Phim Buồn Quê người một
sớm heo may đến Có
ai gửi lại cuộn phim buồn Nửa thế kỷ rồi sao vẫn nhớ Nhớ ngày tất tả chạy vào Nam
Ba
đứa con khờ còn ăn bám Mẹ gánh oằn vai một núi sầu Cha tôi vừa mất vài hôm trước Mộ còn chưa ráo
những thương đau
Lén lút mẹ con dắt díu nhau Bỏ nhà bỏ cửa chạy
đi đâu? Ngoái
trông chốn cũ sau màn lệ Vội vã theo nhau bước xuống tàu
Nước mắt
ngắn dài ai hiểu thấu Trong lòng mẹ khổ biết bao nhiêu Đứa lớn tuổi đời còn niên thiếu Đứa còn bé xíu
biết gì đâu
Dù vậy trong đầu cô bé
thơ Bóng dáng
mẹ tôi vẫn chẳng mờ Vai gầy nặng trĩu đôi quang gánh Tiếng gà eo óc lúc tinh mơ
Hôm
nay ai gửi cho xem lại Những
hình bóng cũ tự ngày xưa Nước mắt rưng rưng tôi nhớ mẹ Nỗi buồn năm cũ vẫn còn đây
Tôi cố tìm tôi mà chẳng thấy Những ngày thơ bé, lúc vô Nam Ai thấy xin vui lòng chỉ hộ Trên đầu cô bé
chít khăn tang...
Nguyên Nhung Cảm tác khi xem xong cuộn phim ngày đất nước
chia đôi 1954
Một Thời Chinh Chiến Điêu Linh
Nguyên Nhung Dưới đây là truyện viết về
1 phóng viên chiến trường thuộc vùng IV chiến thuật: Phóng viên
MAI HÒA. Đây là 1 nhà báo quân đội chuyên nghiệp, xuất
thân từ Việt Nam Thông Tấn Xã. Khoảng thời gian của thập
niên 60, ngòi bút và những hình ảnh, những thước phim tại
chỗ của Mai Hòa ngự trị trên báo chí hầu như hàng ngày.
Qua đó đọc giả như thấy cuộc chiến diễn ra sống động
ngay trước mắt mình. Ký giả Mai Hòa hay Giuse Nguyễn Văn Hòa chính
là người anh cả của nhà văn Nguyên Nhung. Giuse đã thanh thản
về với Chúa hôm 16/11/2015 tại Sài Gòn. Trang Nhà xin thành kính
chia buồn cùng Đông - Nhung và Tang quyến. Nguyện cầu Hồng Ân
Thiên Chúa sớm đưa linh hồn Giuse về Nước Thiên Đàng. Trang Nhà ptgdtdusa.com____________________________ Anh là một phóng viên chiến trường,
ngoài phần lương khô và vật dụng cá nhân trong ba lô mang
trên lưng như bao nhiêu người lính khác, anh còn phải đeo
lủng lẳng cái máy quay phim và caméra trước ngực. Hành trang
anh chỉ có thế, mũ sắt trên đầu, cuốn sổ tay trong chiếc
túi áo có nắp gắn hai chữ "Báo Chí", hai tấm thẻ
bài, một bộ râu tua tuả vì đã mấy ngày anh theo đoàn
quân tiến vào trận địa. Người lính ra chiến trường
đã có cây súng làm bạn, riêng anh, người phóng viên
chiến trường đi vào vùng lửa đạn, chỉ vỏn vẹn có
chiếc máy quay phim, đã ghi lại biết bao nhiêu hình ảnh trung thực
của người lính sống thời chiến chinh gian khổ, trên mọi nẻo
đường đất nước.Tiếng đạn bay líu chíu ngang đầu,
anh thầm nghĩ : "Không biết sống chết lúc nào". Chiếc máy
quay phim đã thu vào bao nhiêu thước phim giữa mặt trận khi nóng
bỏng, lúc âm ỉ đến lạnh người. Ðoàn quân lầm lũi
tiến vào rừng dừa trước mặt, phân tán mỏng theo lệnh viên
sĩ quan chỉ huy. Những bóng người lầm lũi bước , đôi giày
vải ướt sũng trên thửa ruộng sâm sấp nước, đói
và mệt, chiếc ba lô trên vai anh như nặng trĩu xuống. Trong bóng
chiều nhập nhoạng, thần chết như rập rình chiếc lưỡi hái
trên thân phận người lính, cơn mưa chiều luồn những giọt
tái tê vào lòng người chiến sĩ.Anh nhớ lại trận đánh
ở vùng Thới Lai, Cờ Ðỏ vào mùa mưa năm trước, trong
một vùng dầy đặc cỏ lác và sông rạch. Không phải
lần nào quân ta cũng thắng. Ðêm ấy, anh bị mất phương
hướng, giữa bóng đêm chập chùng và ánh trăng khuya mờ
ảo, anh lần mò ra được đường cái, ở đấy có
một ngôi chuà nằm chơ vơ ven quốc lộ. Dưới ánh trăng
mờ, ngôi chùa âm u không một ánh đèn, không một tiếng
chuông tiếng mõ, chỉ có mùi dìu dịu của hoa sứ phảng
phất giữa đêm khuya. Ðã mấy ngày mà trận đánh chưa
kết thúc, sự yên tĩnh tạm thời để chờ một cuộc đụng
độ tiếp theo, dân chúng hầu như đã tản cư ra quận lỵ,
hoặc chạy theo phía bên kia vào những làng mạc xa hơn.Ngôi chùa
tương đối nằm ở khu khá yên tĩnh giữa hai lằn đạn,
nhưng không có bóng dáng người dân nào ở đó. Trong
bóng tối mờ mờ và yên lặng, anh lần mò men theo mấy bụi
cây thấp trước cổng chùa, anh nhìn thấy nhiều thân người
nằm la liệt trên sân, im lặng như một bãi tha ma. Họ đang ngủ,
quá mệt mỏi cho nên anh chỉ kịp cởi ba lô vứt xuống đất,
rồi cứ thế nằm vật xuống bên cạnh một người lính.
Anh cần ngủ hơn tất cả mọi thứ trên đời, dù chưa ăn
uống gì nhưng anh không cảm thấy đói, chỉ có giấc ngủ
mới làm anh tạm quên đi tiếng đạn réo, tiếng bom rơi, tiếng
đại bác rền rĩ trong những giờ phút căng thẳng của chiến
trường. Anh thiếp đi thật mau, trong lúc ngủ mê hình như anh có
đạp chân vào người lính kế bên nhưng không nghe tiếng
chửi thề, hạnh phúc nhất của người lính có lẽ là
những phút giây hiện tại, tạm quên đi nỗi nguy hiểm, cận
kề với nỗi chết.Chưa bao giờ anh có một giấc ngủ ngon lành
đến thế. Không chiêm bao mộng mị, không giường, không chiếu,
chỉ có một mặt đất ẩm lạnh và bầu trời nhấp nháy
sao đêm. Gió đêm như được ướp mùi hương của
những bông hoa sứ làm loãng đi mùi gì tanh tanh giống như mùi
máu.Sáng ra, ánh mặt trời rọi vào mặt anh khiến anh thức giấc,
chim chóc hót líu lo chào một ngày vừa lên, sự sống của
muôn loài vẫn diễn ra bình thường dù chiến tranh và sự
chết đang hiện diện quanh quất, đó đây. Anh hoàn toàn tỉnh
giấc, thèm một ly cà phê và điếu thuốc thơm buổi sáng,
rồi lạ lùng ngó đám người nằm ngủ trên sân chuà,
chợt một cảm giác lạnh toát chạy dài trên sống lưng người
lính. Giờ thì anh đã hiểu, đêm qua anh đã ngủ một
giấc ngủ tròn trịa và yên bình bên những người lính
tử trận, xác họ ngày hôm nay sẽ được chở về nhà
xác trên tỉnh lỵ, chờ thân nhân đến nhận." Không phải
lúc nào ta cũng thắng ", anh nghĩ như vậy khi nhìn những tử
thi nằm lạnh lẽo suốt đêm trên sân chùa. Chiến tranh là
vậy, thắng hay thua thì bên nào cũng có người nằm xuống,
có những giọt nước mắt của mẹ già, vợ dại, con thơ,
chỉ có điều thật buồn khi tất cả đều là người
Việt Nam. Anh nghe có tiếng bước chân nhẹ nhàng của một tà
áo đà lướt bên hiên chùa, và mùi nhang thoảng bay trong
gió. Một vị sư già có lẽ là người duy nhất còn
lại nơi đây, đang cầm một nắm nhang ra cắm xuống trước
những thây người nằm la liệt dưới sân chùa, miệng lầm
rầm niệm Phật. Ðôi mắt nhà sư thoáng một vẻ ngơ ngác
và sợ hãi, khi nhìn thấy một người sống đang ngồi thu lu
giữa đám người chết, cả hai cùng im lặng không nói được
lời nào.Năm 1969, anh theo cuộc hành quân miền biên giới giữa
Campuchia và Việt Nam, Cộng quân đang cố thủ trong vùng núi Cô
Tô, Châu Ðốc. Người phóng viên chiến trường hơn ba mươi
tuổi, đang độ chín mùi của nghề nghiệp, hăng say lao vào
vùng lửa đạn khi Cộng quân dùng Campuchia làm bàn đạp
thôn tính miền Nam.Gia đình anh gốc gác miền Bắc, cả một
thời ấu thơ và thanh niên anh gắn bó với quê nhà, may mà
năm 1954 anh nhanh chân chạy thoát. Bố anh chết ngay năm đó, tất
cả gia tài, sự nghiệp bỗng dưng mất hết trong một ngày khiến
người cha phẫn chí mà chết. Mẹ anh dẫn ba đứa em dại, đầu
quấn khăn tang lếch thếch lên chuyến tàu há mồm xuôi Nam. Một
cuộn phim của dĩ vãng vừa hiện về trong trí anh, căn nhà gạch
hai gian bề thế phố Cửa Tiền, rặng bàng trước cửa, hoa gạo
đỏ mùa hè, giếng nước Tiền Hùng, cái ao sau nhà xanh
um khóm chuối ngự, cả một tuổi thơ đầm ấm và mối tình
đầu tuổi thanh xuân nằm lại sau lưng cho một tất tả bỏ chạy. Từ trên máy bay trực thăng anh nhảy xuống theo gót chân người
sĩ quan chỉ huy, máy quay phim chạy rè rè thâu vào hình ảnh
núi non chất ngất, những người lính chạy lúp xúp nép
vào những bờ đá cao tiến tới. Ðịch bắn ra như mưa, viên
đạn đi ngọt như cắt từ một hốc núi bay thẳng tới ngực
anh, anh chưa thấy đau vì tầm đạn đi nhanh quá khiến anh ê
ẩm như bị một viên gạch ném tới đột ngột. Cho đến
khi anh thấy ấm ấm và rát bỏng trên ngực áo, máu đã
ướt thẫm hai chữ Báo Chí trên chiếc áo nhà binh. Anh loạng
choạng ngã xuống với thước phim đang quay dở, chỉ kịp nhìn
thấy loà nhoà hình ảnh người lính cứu thương bế anh
lên chiếc trực thăng tải thương, đang phần phật đôi cánh
quạt trên một vùng cỏ xanh.Lần ấy viên đạn đi cách
tim anh khoảng hai cm, nếu không giải phẫu kịp, máu ứ đầy phổi
có lẽ anh đã nằm xuống ngay tuổi ngoài ba mươi . Anh thoát
chết trong đường tơ kẽ tóc, phải nằm trong Quân y viện mấy
tháng trời, để được nhìn thấy sự hy sinh và đau đớn
tận cùng của người lính trong thời chiến.Những hình ảnh
ấy vương vấn trong hồn anh, mãi mãi về sau, tim anh vẫn thắt lại
khi bất chợt hôm nào nhìn thấy trên vỉa hè, người thương
binh lê đôi nạng gỗ, khập khễnh bước khi đôi mắt chất
chứa nỗi bất hạnh cho cả một tương laiNăm 1972, mặt trận lại
sôi động ở vùng biển Long Toàn, Trà Vinh. Bom đạn rền rền
át cả tiếng sóng biển rì rào, người dân Khờ Me sống
ở những làng mạc hiền hoà với chuà chiền cổ kính, lại
vội vã bỏ vùng quê đi lánh bom đạn. Nhà cửa đổ
nát, vườn tược tan hoang, anh ứa lệ nhìn hai đứa bé lạc
mẹ, mặt mày nhem nhếch nước mắt, nước mũi giữa cảnh
khói lửa tơi bời. Giữa vùng giao tranh, chỉ có lằn đạn
líu chíu trên đầu người thường dân vô tội, quê
hương mình sao khốn khổ đến thế.Anh nhớ lại một ngày
năm 54, năm ấy anh mới mười tám tuổi và đứa em út mới
lên sáu, mẹ anh trắng hai bàn tay làm lại cuộc đời trên
miền Nam tự do. Những buổi chiều gió mưa, mẹ con ngậm ngùi nhớ
về quê nhà. Khu phố êm ả có rặng bàng trở màu khi mùa
thu đến, những buổi chợ phiên người trong các làng quê kĩu
kịt gánh hàng ra chợ Nghệ.Người phóng viên chiến trường
đâu phải lúc nào cũng ngồi trên máy bay, đâu phải
lúc nào cũng theo đuôi Tư lệnh để quay cảnh chiến thắng,
gắn huy chương lên ngực áo người chiến sĩ. Anh đã phải
ngắm nhìn chiến tranh như phải xem một bức tranh vẽ bằng máu,
thâu vào hình ảnh và sự chiến đấu cam go của người
lính nơi vùng lửa đạn. Trong khi ấy, chiến tranh quả là khó
hiểu, những bàn tay dấu mặt như mụ phù thuỷ đang vẽ vời
những lời nguyền ruả sấm sét xuống quê hương anh. Chiến trường
này tiếp nối đến chiến trường khác, những cuộc hành
quân liên miên từ tháng này qua tháng nọ, nghĩ đến đời
sống gian khổ của người lính trong vùng đóng quân đầy
những rủi ro bất trắc, anh chỉ ao ước một ngày nào chiến
tranh chấm dứt. Một ngày nào đó những thước phim của anh
chỉ là hình ảnh nụ cười dễ thương của trẻ thơ,
là nét mặt vui tươi của người lính giữa khung cảnh ấm
cúng của gia đình, là đôi mắt hấp háy của mẹ già
không ứa lệ, khi đêm đêm vẫn thì thầm cầu nguyện sự
an bình cho những đứa con.Anh phóng viên chiến trường giơ ống
kính lên, thâu bằng cận ảnh hai khuôn mặt ngây thơ, bốn
con mắt ngơ ngác giữa khói lửa mịt mù của hai đứa trẻ
thơ mà anh bắt gặp, khi cuộc chiến không bao giờ tính toán được
sự bi thảm của nó. Những đôi mắt trẻ thơ sợ hãi, ngác
ngơ khi địch quân dùng khu vực nhà dân làm bàn đạp
để tiến quân, hai đứa bé còn lại khi cha mẹ chúng có
thể đã ngã xuống bởi những lằn đạn vô tình.Tình
cảm giữa người và người bắt anh phải quên đi những thước
phim, những tấm hình giá trị khi lọt vào tay bọn thông tấn
nước ngoài.Hai tay bế hai đứa bé anh băng ra khỏi khu nhà đang
rần rật cháy, giờ phút ấy anh chỉ có một ý nghĩ phải
mang hai đứa bé ra khỏi vùng giao tranh, dù có thể lãnh một
viên đạn của đối phương.Suốt một đời làm lính
và xông pha nơi những chiến trường nóng bỏng, anh phóng viên
chiến trường đã bao phen đối mặt với tử thần. Anh còn
bị thương một lần nữa trước khi chiến tranh kết thúc, chiếc
máy bay trực thăng bị hỏa tiễn tầm nhiệt bắn trúng đằng
sau đuôi, như một khối sắt khổng lồ rớt xuống cánh đồng
ngập nước vùng Ðồng Tháp Mười. May là Thượng đế
đã che chở anh, đã cho anh trở về với một xác thân lành
lặn.Ngày chiến tranh kết thúc, một kết thúc bi thảm khiến anh
hụt hẫng. Người lính bại trận trở về miền quê với
những vết đau âm ỉ mỗi lần nhớ đến bạn đồng đội
cũ. Trong những chiều gió mưa, lòng anh bùi ngùi khi hồi tưởng
đến một khoảnh khắc nào đó, bóng dáng những người
lính năm xưa giờ như những bóng ma buồn bã trong dĩ vãng,
và anh lặng lẽ nghe những giọt nước mắt buồn tủi chảy ngược
vào tim buốt lạnh.Từ đây cuộc đời bắt đầu là
những chia xa, bạn bè anh tan tác mỗi người mỗi nơi mỗi ngả.
Có những người nằm xuống trong giờ thứ 25 của cuộc chiến,
đã bị quên lãng với mồ hoang mả lạc. Có những người
ra đi làm cánh chim cô đơn, gậm nhấm nỗi sầu vong quốc.
Có những người đi vào chốn lao tù với đói khát triền
miên, khi trở về chỉ là những chiếc bóng ngác ngơ , sợ
hãi cả tiếng bước chân của chính mình.Sau ba mươi năm
ngày chiến tranh kết thúc, người phóng viên chiến trường
năm xưa nay đã già, ngồi bán cá kiểng, cá đá cho
trẻ con trước khuôn viên một trường tiểu học, cạnh ngôi
giáo đường cổ kính. Mỗi lần nghe tiếng chuông ngân ban chiều,
anh lại thì thầm đọc mấy câu kinh cho những linh hồn đã
khuất.Gia tài của anh chỉ có một hồ cá bằng thủy tinh với
những con cá đủ màu bơi lội nhởn nhơ. Cả một xã hội
cá quây quần bên nhau lượn lờ tranh sống, những cọng rong xanh,
vài con lăng quăng sót lại từ bữa ăn chiều. Anh chép miệng,
bầy cá đã no rồi, chứ lúc đói chúng nó cũng tranh
nhau đớp mồi như đám người khốn khổ chen nhau chờ phát
chẩn. Lúc này anh đâm lẩn thẩn như thế, chuyện cá chuyện
người cứ lẫn lộn trong con mắt người phóng viên đã
hết thờiLúc ấy trời đã về chiều, hai đứa bé đánh
giày độ trên mười tuổi vào hàng, ngắm nghía mấy
con cá lia thia được rọng riêng trong những chiếc keo thủy tinh trên
bệ gỗ, giữa mỗi cái keo đều có một tấm giấy cứng
để che cho chúng khỏi nhìn thấy mặt nhau. Mỗi đứa chọn một
con, chúng thò tay vào túi lôi ra những đồng tiền nhàu nát,
đưa cho người bán cá. Hai thằng nhỏ bày ra cuộc đá
cá ngay cửa hàng của người bán cá, tự nhiên anh cũng cảm
thấy hào hứng muốn theo giõi trận đá cá của hai đứa
trẻ con. Không biết ở đâu lố nhố mấy đưá trẻ nữa
quần áo bẩn thỉu, chân đi đất, xúm vào bu xung quanh hai thằng
nhỏ đánh giày, khiến anh tự nhiên hồi hộp như ngày xưa
mỗi lần theo đoàn quân vào vùng lửa đạn.Hai con cá trong
một cái keo, không biết thù nhau tự kiếp nào xông vào nhau,
hai cái thân cá mình xanh vây đỏ lúc ấy phồng lên những
chiếc vảy óng ánh, mình chúng như to ra qua thành thuỷ tinh, xoắn
lấy nhau đẩy ra những cú húc tơi tả. Lũ trẻ vây xung quanh
nín thở, hai con cá lia thia mê mải tấn công nhau, thỉnh thoảng chiếc
mỏ cá lại va vào thành keo đau điếng. Sau một lúc quần
nhau dữ dội, một con như ngộp thở ngoi lên mặt nước hớp không
khí, cái mình cá vẩy óng ánh màu xanh nay đã nhợt
nhạt như màu miếng vỏ dưa cố chạy thoát thân, lũ trẻ
đứng bên ngoài vỗ tay hét rộ lên những tràng cười
khoái chí.Tan cuộc, hai thằng nhỏ đánh giày bỏ hai con cá
cho người bán cá, bưng hộp đồ nghề đi về ngả thành
phố, chỗ "hotel" và mấy quán rượu có đông người
ngoại quốc và đám Việt kiều về thăm quê. Trời giăng
giăng những đám mây đen khiến phố xá chừng như tối xầm
lại, bất giác anh chợt nhớ đến cơn mưa đầu mùa của
tháng tư năm nào làm lòng quặn lên một nỗi buồn. Tự
nhiên, người phóng viên chiến trường năm xưa cảm thấy
ngùi ngùi, tưởng mình như con cá bại trận manh giáp tả
tơi, bị vứt lại bên lề đường một cách thảm thươngTội
nghiệp anh, những cuộn phim của dĩ vãng như run rẩy theo làn khói
thuốc, anh bập hoài điếu thuốc đen trên môi, những móng
tay cáu vàng ám khói. Cơn mưa chiều đột ngột đổ xuống
rơi lộp độp trên tấm poncho nhà binh che trên vỉa hè, gõ
những nhịp trống vào đầu khiến anh nghĩ đến những cơn
mưa nơi vùng hành quân năm xưa, khi anh còn là một người
lính. Anh tưởng tượng lát nữa đây khi về nhà, với
âm thanh hùng hồn của một ngày nào rất xa, anh sẽ tường
thuật cho đứa cháu ngoại nghe trận đá cá chiều hôm nay
trước cửa trường học. Hai con cá cùng một loại đá
nhau chí tử, một con thắng nhưng cũng ê ẩm, lòng vòng trong chiếc
keo thuỷ tinh chật hẹp, không hy vọng đá nổi một trận nữa,
một con bại anh quăng ra mặt đường, đã nát mình dưới
những vòng xe lăn.Phố đã lên đèn, anh thu dọn cửa hàng
để về nhà mà lòng nặng trĩu một nỗi buồn không tên
tuổi. Anh phóng viên chiến trường năm xưa thì thầm nói với
mình, " Hơn ba mươi năm rồi, chẳng biết còn ai nhớ đến
mình không nhỉ ? " Viết cho anh
tôi, 1 phóng viên chiến trường. NN
|
|
|