Anh Nguyễn Ngọc Khôi (sinh năm 1950 Canh Dần), là CHS Trường
Phan Thanh Giản niên khóa 62-69. Từ thời đi học anh Khôi đã sớm
ham mê văn chương và là một cây bút thơ văn có tiếng
trong Thi văn đoàn Về Nguồn ở Cần Thơ, trước năm 1975, với
bút danh Nguyễn Hoài Vọng, Chân Phương, Nh' Phương, Đan Phượng...
Năm 1970, sau khi nhập ngũ và thụ huấn khóa 6/70 SQTB Thủ Đức,
anh Khôi được cho đi học thêm một khóa hành chánh quân
y rồi về phục vụ tại Kho thuốc của Liên đoàn 72 Quân y,
trực thuộc Quân đoàn II quân lực Việt Nam Cộng Hòa, KBC 6296,
trú đóng tại thị xã Pleiku. Thiếu úy Nguyễn Ngọc Khôi
cũng là một nhân chứng sống trong cuộc triệt thoái tan tác,
bi thảm của quân và dân Quân đoàn II, rút khỏi cao nguyên,
vượt qua con đường 7B đầy xác người, kinh hoàng vào
giữa tháng 3-1975.
Sau ngày rã
ngũ, bị đi cải tạo hơn một năm ở trại Chi Lăng, anh Khôi
về Cần Thơ học nghề sửa đồng hồ của thân phụ rồi
hành nghề đắp đổi qua ngày. Năm 1983 anh Khôi lập gia đình
với chị Nguyệt (nhân viên trị sự báo Cần Thơ) và năm
1984 vợ chồng sinh được một bé gái tên Nguyễn Đan Phượng
rất xinh xắn. Nhưng hạnh phúc vừa lóe lên chẳng mấy chốc
bị dập tắt. Sau thôi nôi vài ngày (1985) Đan Phượng bị một
căn bệnh lạ, trí óc và cơ thể ngừng phát triển từ
ấy đến giờ. Đến nay tính theo tuổi mụ đã 32 tuổi, Phượng
vẫn bé choắt như đứa trẻ lên bảy: không đi được,
không nói được và cũng không biết tự ăn uống, vệ
sinh. Cú sốc quá lớn nầy làm cả hai vợ chồng không dám
có con lần nữa. Công việc nuôi một đứa con dị tật có
những lúc rất khó khăn, nhưng hai vợ chồng cũng cố xoay xở
từ suất lương hưu của vợ và thu nhập từ tủ sửa đồng
hồ lề đường của Khôi. Thế nhưng vận rủi vẫn chưa
chịu buông tha cho gia đình nầy. Hai năm trước, vợ Khôi vừa
nghỉ hưu vài năm đã bị nhiễm viêm gan siêu vi C phải điều
trị ngoại trú 18 tháng ở Sài Gòn mới vừa ổn thì đến
lượt Khôi bị bệnh phổi, phải sắm máy trợ thở trong nhà
mà gia đình anh Khôi gần như cạn kiệt. Cuối tháng 3-2015 trong
lần tình cờ ghé thăm biết chuyện, tôi đã báo tin cho một
số bạn bè của Khôi hay và anh em đã quyên góp giúp tiền
cho Khôi mua được máy trợ thở và vài triệu VN đồng.
(Trong đó có hai bạn bè văn nghệ của anh Khôi ở ptgdtdusa.com
là anh Lê Hoàng Viện và anh Nguyễn Công Danh gởi cho $250). Nhưng,
theo như lời anh Nguyễn Công Danh nhận xét thì tình hình tài
chánh và bệnh hoạn của anh Khôi vẫn chưa ổn. Do bệnh đã
lâu mà không được chữa trị đúng mức nên anh Khôi
kiệt sức dần. Và vào lúc 2:30 ngày 07-4-2015, anh Khôi đã
mãn phần để lại người bạn đời yếu đuối và
đứa con bệnh tật thật tội nghiệp. Rất mong các bạn bè gần
xa của Khôi trong đại gia đình ptgdtd khắp nơi, nếu có điều
kiện xin chung tay giúp đỡ cho vợ con Khôi vượt qua giai đoạn thắt
ngặt nầy.
Địa chỉ:
Chị Đinh Thị Nguyệt, số nhà 107/33 đường Xô Viết Nghệ
Tỉnh, phường An Cư, Tp. Cần Thơ.
Rất mong.
PHAN THY_________________________________
Lê
Trúc Khanh
NGUYỄN
HOÀI VỌNG -
KẺ
LÃNG DU TRÊN DÒNG SINH MỆNH
1.
Mùa
Xuân Mậu Thân 1968, trường TH Phan thanh Giản theo thông lệ- cho
ra đời tờ giai phẩm mang chủ đề "Xuân và quê hương".Nguyễn
Hoài Vọng - cậu học trò lớp Đệ Tam A ( nay là lớp 10) - góp
mặt như một hiện tượng: cả tờ giai phẩm có 34 sáng
tác đủ loại với 29 tác giả, thế mà phần Vọng đã
có tới 5 bài- từ thơ, truyện, ghi nhận sinh hoạt văn nghệ, cho
đến cả..sớ táo quân! Việc tuyển chọn bài vở, chúng
tôi đã phân công trong Ban biên tập,mỗi nhóm phụ trách
một thể loại rồi sau đó họp chung lại. Quí thầy chỉ
giữ vai trò cố vấn chớ không quyết định việc chọn bài.Bản
thân tôi, với danh nghĩa là Ủy viên học tập-văn nghệ-báo
chí của trường, là người mang tở báo đi in ở Sài
gòn cũng không biết. Khi tờ giai phẩm phát hành, thì người
"tiết lộ" tin nầy đầu tiên với tôi là Hà Huy
Thanh,bạn cùng lớp và cùng trong nhóm Về Nguồn. Thực ra , tôi
đã quen Nguyễn Hoài Vọng từ lâu, vì từ tháng 8/1966,
Vọng đã cùng Hà Huy Thanh, Thanh Trân, Thanh Điệp và Đỗ
Thanh Hoàng gia nhập nhóm Về Nguồn và đã có nhiều bài
đăng trên thi tuyển của nhóm cũng như trên các tuần san, tạp
chí ở miền Nam.Mùa xuân năm đó, trước cơn binh biến
Mậu Thân, bạn bè tôi đã có những ngày vui mà cả
đời không thể nào quên. Hai ấn phẩm ra đời trong thời gian
kỷ lục: tuyển tập thơ "Giấc lửa" với các
tác giả : Lê trúc Khanh, Lê Uyên Sơn,Huyền Vân Thanh, Hà
Huy Thanh, Vũ Phan Trần , Nguyễn Hoài Vọng,Lê Hà Uyên, Thông
Xanh ,Lê Viễn Xứ .. và tờ tin trong đêm họp mặt mang tên
"Góp lửa" với 45 thành viên Ban Văn Nghệ-Báo
chí trường Phan Thanh Giản. Phải nói người có công đầu
cho cả hai ấn phẩm nầy là anh Lê Hoàng Viện (Huyền Vân Thanh)..Anh
vừa đãm nhiệm việc đánh stencils, vừa cùng các bạn khác
trình bày, rồi in ronéo , kiêm cả việc đóng tập, dán
bìa. Hai ấn phẩm của thập kỷ 60 chắc chắn không đẹp như
kỹ thuật in ấn hôm nay, mực in đôi chỗ nhòe nhoẹt, bài
viết vội vàng... mà sao quá đổi yêu thương và trân
trọng.
Dòng cuối của tờ báo vẫn còn ghi rất cụ thể: Cần
Thơ, đêm 23 rạng 24 tháng giêng Dl 1968..Mới đó
mà đã 47 năm trôi qua như giấc mộng. Thầy bạn chúng
ta ngày nào như :Thầy Lai Thanh Tòng (Thông Xanh), các bạn Trịnh
Ngọc Thảo ( Cỏ May), Phạm Trường Giang, Hồ văn Khê, Hà Huy Thanh,
Lăng Cảnh Huy, Lê Công Tâm (Đặng Thư Cưu), Mai Huỳnh Văn...và
còn ai nữa đã"rong chơi cuối trời quên lãng" ?
Rồi - hôm nay thêm Nguyễn Hoài Vọng ra đi.Chàng thư sinh gầy gò,
ốm yếu đó có một nội lực sáng tác thật vô cùng.Năm
1970, khi chúng tôi thực hiện tờ Nguyệt san Khơi Dòng, đã giao
Vọng làm Tổng thư ký tòa soạn.Một mình Vọng chạy ngươc
chạy xuôi , vừa sửa bài tại nhà in"Cần Thơ ấn quán",
vừa chọn, đọc bài và trả lời thư độc giả. Thời
điểm nầy, là lúc anh em chúng tôi "rã đàn tan nghé".Anh
Huyển vân Thanh đang ở Ngã tư Cây Dương nặc nồng tử khí,
Thanh Điệp thì làm lính gác cầu Phụng Hiệp, Lăng Cảnh
Huy đang đóng quân tại chiến trường Chương Thiện, Hà
Huy Thanh bị giam ở quân lao vì..bỏ ngũ, rồi sau đó trở
về làm lính giữ đài Phát Thanh Cần Thơ.Bản thân tôi
phải lao vào cuộc mưu sinh với nghề dạy học, vừa lo vận động
tài chánh để tờ Khơi Dòng sống được và lo cho chương
trình thi văn mỗi tuần trên đài Phát thanh Cần Thơ.
Cơm áo- chiến tranh- làm bao nhiêu ước mơ một thời học trò
trong sáng hồn nhiên trôi vào quá vãng.Ngậm ngùi khi đọc
lại một dòng ngắn trên nguyệt san Khơi Dòng số mùa xuân
Tân Hợi 1971:
Cơ sở xuất bản văn nghệ Về Nguồn
Sẽ gới thiệu
TRÔI DẤU BÈO SAO
Thơ Nguyễn Hoài Vọng
Nhưng điều nầy đã không bao giờ trở thành hiện thực.
Sau tập thơ đầu tay " Trong nỗi nhớ đời"của
Vọng., anh em ao ước tiếp tục xuất bản thơ của các bạn trong
nhóm, nhưng rồi hệ lụy cuộc đời đã làm băng hoại.Như
bao nhiêu người trẻ miền Nam khác, chúng tôi sinh ra và lớn
lên trong thời binh lửa, sống hôm nay mà chưa biết ngày mai.Năm
1970, trước "Mùa hè đỏ lửa", Vọng đã vào
trường bộ binh Thủ Đức rồi sau khi tốt nghiệp khóc
6/70 , tiếp tục theo dòng đời trôi dạt đến Phú Phong, một
quận thuộc tỉnh Bình Định (Qui Nhơn),sau đó lại đến
Pleiku . Tháng tư 1975, chàng thiếu úy quân y theo dòng người di tản
trở lại quê nhà. Từ sau 1975, Vọng hầu như không có bất
kỳ sáng tác nào nữa, mà mỗi ngày gò lưng trên chiếc
xe đạp cũ đến điểm sửa đồng hồ ờ bến xe mới
mưu sinh độ nhật. Điều đó, như lời dự báo
cuộc đời nhà- thơ -lãng- tử tựa một dấu bèo sao, trôi
giữa dòng sinh mệnh đầy nghiệt ngã để cuối cùng trở
lại nguồn xưa...
Có một chuyện vui mà anh em thường nhắc lại: Trong những năm làm
văn nghệ trước 1975, hai anh Kiên Giang, Sơn Nam thường xuống Cần
Thơ gặp gỡ và giúp đỡ chúng tôi.Nhớ nhất là lần
ra mắt nguyệt san Khơi Dòng,tổ chức tại quán cà phê Mây
Hồng nằm trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Nguyễn Hoài
Vọng trong Ban tổ chức, tiếp đón bạn bè khắp nơi về họp
mặt. Khi Nguyễn Hoài Vọng ngồi cạnh nhà văn Sơn Nam, thì giống
hệt như một bản sao! Vọng cũng gầy, cũng"khô" như Sơn
Nam nên bạn bè thường trêu chọc:Đây là "con riêng"
của Sơn Nam ! Vọng chỉ cười hiền lành, nhỏ nhẹ : "Ừ,
giống thiệt!". Ngay cả những ngày cuối đời , khi tôi cho Vọng
xem tấm hình tôi chụp để gửi cho các bạn đồng môn
, Vọng cũng gật gù:" Sao tui càng già càng giống ông Sơn
Nam!".Bây giờ, có lẽ hai người đã gặp nhau ở một
cõi bình yên.Ở đó, không có nỗi lo về khổ nghèo,
bệnh tật.. mà chỉ có thơ ,có rượu và bao ước mơ
về hạnh phúc ,tương lai đang mùa đơm hoa kết trái.Vọng
ơi, nơi đó có giống và đẹp long lanh như thời học trò
xưa ở trường Phan Thanh Giản ?
2.
Tôi đến thăm
Nguyễn Hoài Vọng những ngày nằm bệnh trong ngôi nhà cấp
4 hẻm 103 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh ( xưa là hẻm 18 căn
đường Phan Thanh Giản) thuộc quận Ninh Kiều. Căn nhà nầy vốn
là "Nhà tình Thương" được báo Cần Thơ hỗ
trợ xây tặng năm 2008 vì vợ Vọng là nhân viên của báo.Ngôi
nhà đơn sơ là nơi trú ngụ của 3 mảnh đời bất hạnh.
Năm 1978, Vọng lập gia đình. Cô gái nghèo Đinh thị Nguyệt
trở thành vợ của nhà thơ số phận long đong. Mối tình
đó đã tạo nên một báu vật là bé Đan Phượng,
lúc ra đời cũng khỏe mạnh, càng lớn càng dễ thương
và bắt đầu bập bẹ .Nhưng sau thôi nôi, cháu ngã bệnh
và cuối cùng dẫn tới bại não để đến hôm nay, đã
32 năm trôi qua, mà cháu chưa được hưởng hạnh phúc cuộc
đời, dù chỉ một mùa xuân!
Trưa ba mươi Tết Át Mùi ( 2015) , Vọng đạp xe từ chỗ làm
về nhà rồi sau đó không còn gượng nổi. Những cơn
đau, nghẹn thở càng lúc càng tăng .Vọng không thể ăn được,
chỉ có thể uống vài muỗng sữa. Con người gầy gò đó
càng gầy gò thêm và trước ngày mất không lâu, Vọng
chỉ còn 24 ký !Vậy đó mà khi có khách quen hỏi sửa
đồng hồ, Vọng hứa hẹn là "tuần sau đi làm trở lại!"
Bè
bạn ở Cần Thơ cùng chung tay giúp đỡ.Đó là anh chị
Nguyễn Thanh Hội, anh Lê Hà Uyên, Lê Tiến Minh, Nguyễn Ngọc Tuyết,Nguyễn
Tấn Vĩnh.. là bạn của vợ lẫn chồng, nhưng cũng chỉ góp
phần giúp Vọng thở được khá hơn với một bình dưỡng
khí thủ công.Cảm động biết bao, khi những anh chị, bạn đồng
môn, bạn văn nghệ ..đang ở "góc biển chân trời" gửi
về Vọng cả tấm lòng yêu thương và quan ngại. Mỗi lần
đến gặp Vọng, tôi đều chuyển lời thăm hỏi và khuyên
nhủ: "Vọng phải khỏe, phải ráng ăn, uống sữa nhiều..phải
tích cực trị bệnh để sống vì con.." Đó là nhắn
gửi của anh Viện, chị Nữ, Anh Danh, Chị Gấm, anh Nghĩa, chị Công..và
bao nhiêu người nữa mà tôi không nhớ hết. Mỗi lần như
thế, Vọng rất mừng , gắng ngồi viết mấy dòng cảm ơn và
trong đôi mắt mệt nhọc hình như lóng lánh niềm vui.Sáng
thứ hai 6/4/2015, tôi đến nhà, trao lại hai vợ chồng số tiền anh
chị Bác sĩ Nghĩa ( Nguyên Thy ) chuyển về. Nguyệt cho biết là
mới vừa xin được thẻ bào hiểm y tế, nên sáng
thứ ba sẽ đưa Vọng vào bệnh viện Đa Khoa thành phố Cần
Thơ.Nhưng một lần nữa, hình như sự may mắn đã quay lưng
với một kẻ " tài hoa bạc mệnh".Nhớ trong số Giai phẩm kỷ
niệm "7 năm Văn Nghệ Về Nguồn" vào năm
1971 tôi đã nhắc về Nguyễn Hoài Vọng: "...một tài
hoa còn trong tối.Vọng viết thật bền, thơ, truyện, cả biên khảo
nữa.Vọng sẽ còn đi xa hơn, nhưng định mệnh cay nghiệt vẫn
không ngừng theo đuổi.Chẳng biết Vọng có đủ sức vác
trung liên bar ở quân trường Thủ Đức hay không ? Cái hình
hài ốm yếu ấy đáng lẽ sinh ra chỉ để làm thơ,
để lang thang từ quán nầy sang quán khác , để đốt từng
điếu thuốc lá đen mà xót xa cho ước vọng chưa tròn."
Bây giờ, thì không ai có thể cấm Nguyễn Hoài Vọng "lang
thang từ quán nầy sang quán khác".Tiếc một điều là
khi đứa con đầu lòng mang bạo bệnh, hai vợ chồng Vọng quá
sợ cảnh đói nghèo, nên không dám có con lần hai, vì
thế, Vọng đã thiếu một truyền nhân ! Nhưng tôi biết,
Vọng cũng không muốn tạo hệ lụy cho người. Kẻ lãng du trên
dòng sinh mệnh đó đến với nhân gian hơn sáu mươi năm,
rồi cũng dứt áo ra đi, âm thầm như lúc tới quán trọ
cuộc đời. Nghe nói, vợ Vọng cũng không chứng kiến được
giờ khắc giã từ của chồng minh. Mòn mỏi vì phải chăm sóc
chồng con, lúc hơn một giờ đêm, Vọng vẫn bình thường.
Nhưng khi Nguyệt ngủ quên giây lát, thì Vọng đã ra đi nhẹ
nhàng, thanh thản.
Vĩnh biệt người bạn đồng môn, Vĩnh biệt người bạn
văn chung nhóm Về Nguồn. Nguyễn Hoài Vọng ơi, lòng tôi đau
nhói.Biết đến bao giờ anh em chúng ta mới có những ngày hạnh
phúc, từ mái trường thân yêu hình như đang rêm nhức
vì mưa nắng thời gian, từ con đường dẫn đến Đài
phát thanh mỗi chiều Chủ nhật, hay một góc quán nghèo uống
trà đá chanh đường ghi sổ..Nhớ con đường thứ 20 với
ánh đèn vàng hiu hắt, dù sớm nắng chiều mưa , nhưng đó
cũng là một điểm dừng chân cho bạn bè trong tháng năm thống
khổ, trong những đêm bóng hỏa châu long lanh từ miệt phi trường
Bình Thủy như lời thôi thúc lên đường... Tất cả đã
đi vào quá vãng mà mỗi chúng ta , trên con sông đời
cuộn sóng, chỉ là một dấu bèo sao. Xin được giữ mãi
màu xanh của ước mơ và hy vọng, màu xanh một thời lãng
mạn tuổi đôi mươi để viết lên những dòng thơ ngọt
ngào ân nghĩa:
Rũ lòng anh giữa phù hoa
Trắng bàn tay- nỗi xót xa không rời
Gửi cho em nửa khung trời
Nửa vầng trăng- với một đời làm thơ...
Cần
Thơ, 7/4/2015
LÊ TRÚC KHANH.
THƠ NGUYỄN HOÀI VỌNG.
1/ LỜI THÚ.
Vết thương nào
ung mủ
em buồn bao nhiêu tuổi
Con vât nào
hai chân tôi
buồn suốt một đời
Nhục nhằn
tôi tự nhủ
còn em làm an ủi
Bao giờ tôi một
chân
còn em ngoài cuộc đời.
Dấy lên niềm phẫn nộ
tự do và nô lệ
Con ngưa chứng
bơ phờ
chiến tranh và hòa bình
Buổi
chiều plastic nổ
con người và con vật
Tôi ôm
đầu làm thơ
cơm áo và đạn bom
Chúng mình là con vật
tôi buồn cho đến chết
Chúng nó là con người
tủi nhục chẳng ra lời
Con người
là con vật
tôi buồn cho đến chết
Con vật
phải hơn người.
chết chẳng thốt ra lời..
(1968)
2/LỤC BÁT MÙA XUÂN
Tôi về theo dấu xe tang
Hồn bưng
kín lối nghĩa trang ngậm ngùi
Mùa
xuân cây cỏ dập vùi
Lủa cao
trút xuống nửa trời quê hương,
Những ngôn ngữ cũng dị thường
Bỗng dưng hồn rất dửng dưng ngại ngùng
Em về đánh
mất bao dung
Thơ ngây ngày cũ lạ
lùng bỏ đi
Áo cơm phận nhỏ
nhu mì
Lãng quên từ dó khinh
khi một đời
Tay trao vuốt gượng
nụ cười
Chợt nghe rét mướt
gọi mời hân hoan
Tôi về từ đỉnh sương giăng
Trời-cao-nguyên rũ mây ngàn lê thê
Kim châm gió gợn bốn bề
Tôi trơ trụi đứng bên lề vi vu
Ngổn ngang tiếp dựng xa mù
Trần gian lánh mặt tội tù mình tôi
Em về vóc
nhỏ mồ côi
Yêu em chưa thỏa
thôi nôi tròn bù
Tôi giờ
quên mất lời ru
Buồn em như lá
mùa thu đổ ngàn
Tóc tai che giấu
dỗi hờn
Mi xanh khép nửa chập chờn
khói sương...
VÀI
NÉT VỀ NHÀ THƠ NGUYỄN HOÀI VỌNG(1951-2015)
Nguyễn Hoài Vọng tên thật Nguyễn
Ngọc Khôi, sinh năm Canh Dần 1951 tại Châu Phú-An Giang.
-Học sinh trường TH Phan Thanh Giản từ năm1962 đến
1969.
-Nhập ngũ khóa 6/1970 tại trường
bộ binh Thù Đức, Khi ra trường, công tác trong ngành quân y ở
Phú Phong ( Bình Định) và Pleiku (Kon Tum).
-Tháng 4.1975, cấp bậc Thiếu Úy, theo đoàn di tản trở lại
quê nhà.
-Sau khi học tập cải tạo
về, làm nghề sửa đồng hồ tại khu vực Bến xe mới-Cần
Thơ.
-Lập gia đình năm 1978, có
1 con gái bị dị tật bẫm sinh từ lúc thôi nôi, đến nay đã
tròn 32 tuổi.
-Cuộc mưu sinh vất
vả, thêm nặng gánh gia đình, lại có di chứng bệnh lao từ
trước, Nguyễn Hoài Vọng trở bệnh nặng từ 30 Tết Ất Mùi.
Sau thời gian chữa trị ngoại trú, được sự giúp đỡ chân
tình của bạn bè trong và ngoài nước, nhưng do sức yếu,
bệnh nặng, Nguyễn Hoài Vọng qua đời lúc 2giờ 30 sáng ngày
Thứ ba 7 tháng 4 năm 2015 ( nhằm ngày 19 tháng 2 âl năm Ất Mùi,
hưởng thọ 64 tuổi.
-Lể động
quan cử hành lúc 7 giờ sáng ngày thứ năm 9/4/2015 ( nhằm ngày
21 tháng 2 Âl) và sau đó sẽ hỏa táng tại nghĩa trang Mỹ
Khánh( Cần Thơ).
Về hoạt
động văn nghệ :
- Thành
viên Ban thường trực TVĐ Về Nguồn từ tháng 8.1967.
-Tổng thư ký nguyệt san Khơi Dòng (1970)
-Thành viên chương trình Thi văn Về
Nguồn trên Đài PT Cần Thơ từ 1968-1975.
-Tác phẩm đã xuất bản : Trong nỗi nhớ đời
(CSXB Về Nguồn 1967).
-Nhiều sáng tác
thơ, truyện đăng trên các tạp chí, tuần
san, nhật báo ở miền Nam trước năm 1975.