TL_PhanUuWrathNew1.jpg
TƯỞNG NIỆM THI SĨ KIÊN GIANG
                             1929-2014
 
Thi sĩ, ký giả Kiên Giang, soạn giả tuồng cải lương Hà Huy Hà, tên thật Trương Khương Trinh sanh 17-2-1929 tại Rạch Giá đã trút hơi thở cuối cùng lúc 18 giờ ngày 31-10 tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, thọ 86 tuổi, được an táng tại Nghĩa trang Bình Dương, xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương.
______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________ 
.
Anh Tú, Đông An, Lê Trúc Khanh, Trần Bang Thạch, Huyền Vân Thanh, Nguyễn Văn Sâm :
 
AnhTu_Nov5_KienGiang.jpg 

Anh Về Với Đất

-Kính viếng hương hồn Thi Sĩ Kiên Giang Hà Huy Hà 

Tám chục năm hơn sức chán chường

Giã-từ bè bạn với văn-chương

Nơi tiên cảnh một mình cô quạnh

Cõi trần-gian vạn kẻ nhớ thương

"Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím"*

Tiếng thơm còn vướng với tơ vương

Vài dòng thô thiển buồn đưa tin

Một đấng tài-hoa theo khói hương!

Anh Tú

November 1, 2014

*Thơ Kiên Giang

KIẾP TẰM NHẢ TƠ

(Kính Dâng Lên Hương Hồn Thi Sĩ KIÊN GIANG  - HÀ HUY HÀ)

Trong phút chốc người trở về cát bụi

Hạt mưa buồn giăng kín khắp không gian

Mùi hương cau bàng bạc cõi mông lung

Cánh hoa trăng dịu dàng rơi tản mạn

            Áo tím chập chờn kinh cầu khẻ nguyện

             Cài lên đây cành hoa trắng mong manh 

              Góc giáo đường lầu chuông rưng rưng đổ

                Gọi hồn ai, giục giả tiếng chuông ngân

Mối tình thơ chở áo tím băng trinh

Con gió đung đưa làn khói bềnh bồng

Hai bóng nhạt nhòa lung linh mờ ảo

phía nhà thờ xưa, trên nóc giáo đường

                   Làn khói trắng bay về nơi chốn xa

                    Ngậm ngùi thăm xóm Mẹ những ngày qua

                     Hàng cau trước ngõ gầy xao xác

                      Nhịp võng buồn hiu Mẹ hát ru hời

Cuộn khói trắng hoàng hôn sầu rắc lá

Nghiêng bóng mờ ôm sóng áo Mẹ hiền

Giọt nắng chiều rơi rụng xuống lênh đênh

Mẹ sàng gạo đơn côi miền quá khứ

                        Hương khói trắng mang mùi thơm ngây ngất 

                         Hương nước mưa, hương tóc lẫn vào nhau

                         Mặc thói đời dời đổi khát khao

                         Theo chân ngoại lượm mù u thắp sáng

Chuyến tàu cuối chuyến tàu đời chia biệt

Mà tình đời là những chuyến tàu qua 

Chiếc cầu tre nối đôi bờ không lạ

Đồng tiền duyên- cầu gụt gãy giữa dòng

                           Lượn sóng tiền ngã nghêng cùng chiều gió

                            Khói lá bay xa vút tận trời cao

                            Tiền và lá một con đường hai lối rẽ

                             Nên nhịp cầu duyên tan vỡ gập ghềnh

Kiếp tằm nặng nợ duyên thơ

Hoàng hôn lịm tắt sương mờ thiên thu.

                 

                                     Saigon, ngày 6 tháng 11 năm 2014

                                                           Đ.A.

 

         LÊ TRÚC KHANH

_____________________________________________

CẦN THƠ VÀ MỘT MỐI TÌNH THƠ.

 

               Có thể nói không quá lời, giới trẻ các thành thị miền Nam trước năm 1975, hầu như ai cũng ít nhất một lần nghe, thuộc , những câu thơ đầy xúc động :

                            Lạy Chúa, con là người ngoại đạo

                            Nhưng tin có Chúa ngự trên trời

                           Trong lòng con giữa màu hoa trắng,

                            Cứu rỗi linh hồn con- Chúa ơi!

                Đây là đoạn cuối trong bài thơ " Hoa trắng thôi cài trên áo tím" của nhà thơ Kiên Giang-Hà huy Hà.Trái tim thơ mộc mạc, chơn chất nhưng  cũng hết sức trong sáng hồn nhiên đó đã gửi lại cho đời chuyện tình buồn mà đẹp với một  người con gái đất Tây Đô.

 Ngày 31/10/2014, trái tim ấy đã ngừng đập vĩnh viễn - thêm một tài hoa Nam Bộ giã biệt cõi nhân sinh.

Xin một lần trở về  con đường tình yêu thời học trò  để cùng gặp  lại Kiên Giang-Hà Huy Hà với  Cần Thơ - và một mối tình thơ.

                  Từ những  năm đầu thế kỷ XX, Cần Thơ - một phần đất của Nam Kỳ lục tỉnh-  chính quyền Pháp đã mở nhiều trường Trung học để đào tạo một lớp học sinh có trình độ cao hơn  các bậc Tiểu học đã xây dựng từ trước đó. Một trong những trường trung học đầu tiên ở  vùng sông Hậu  là trường College de Can tho, được xây dựng từ năm 1917.Đây là  trường trung học duy nhất dành cho toàn thể học sinh thuộc các tỉnh miền Tây. Điều đó,  đã tạo cho Cần Thơ trở thành nơi hội tụ của nhiều thế hệ học trò từ Long Xuyên , Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu cho đến Rạch Giá , Cà Mau.

                  Nhưng do điều kiện trường lớp thời bấy giờ, nên không phải anh học trò nào cũng có may mắn được ngồi trong ngôi trường công lập Cần Thơ. Chính vì thế , thêm một hệ thống trường Trung học tư thục ra đời để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trường tư thục Nam Hưng hình thành trong hoàn cảnh đó. Đây là một ngôi trường nhỏ , nằm ở gần cuối đường Phan Đình Phùng. Khoảng thập  niên 60 thế kỷ trước, trường mang  tên khác  là tư thục Tân Văn. Từ sau 1975, cơ s trường có lúc sử dụng đề làm trường Bổ túc Văn hóa TP Cần Thơ và hiện nay, địa điểm nầy là UBND Phường An Lạc, Quận Ninh Kiều -Thành phố Cần Thơ.

                     Năm 17 tuổi, anh học trò Trương Khương Trinh (tên thật của Kiên Giang) rời vùng quê Rạch Giá lên Cần Thơ học lớp đệ nhị ( tức là lớp 11 hiện nay ) ở Trường trung học tư thục Nam Hưng. Vốn là người có hoa tay: vẽ vời và viết chữ rất đẹp nên anh  được nhà trường giao thực hiện một tờ bích báo lấy tên là Ngày xanh. Lúc đó,  hầu như các tờ báo tường đều được viết bằng tay. Cô bạn học trò Nguyễn thị  Nhiều viết chữ rất đẹp trở thành người luôn  gắn bó cùng anh Trinh trong những buổi họp nhóm làm báo.  Hai người bạn trẻ quí nhau  vì tài, mến nhau vì  sắc, nên qua  ánh mắt, cử chỉ, lời nói... đã  gởi cho nhau trọn cả  tâm hồn . Thế nhưng, tình yêu ấy mãi mãi  là một mối tình câm,  như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp. Anh học trò Trinh chỉ lẽo đẽo theo sau cô bạn gái trong những lần cô  đi lễ nhà thờ. Nhà cô Nhiều ở xóm đạo Cần Thơ trong gia đình Công giáo.

                           E lệ em cầu kinh nhỏ nhỏ

                          Thẹn thùng anh đứng lại không đi.

 .                    Cứ như thế, hai con người- một mối tình lặng thầm bên nhau cho đến Cách mạng tháng 8/1945. Anh Trinh về quê tham gia kháng Pháp, ngậm ngùi chia tay Cần  Thơ và cô bạn học mà không có một lời hứa hẹn. Thế mà khi anh học trò nghèo ngồi ở bến xe Cần Thơ đợi chuyến thì cô bạn học đã gửi cho anh tiền xe mà chắc chắn trong đó, có cả trái tim mình.

                          Bãi trường tết không tiền về xứ

                          Ngồi bến xe khuya ngóng bạn bè

                          Em lén trao anh  tiền bỏ ống

                          - Nè anh lấy đỡ chút tiền xe..

 Lửa khói chiến tranh đã ngăn cách cả hai từ những năm dài biến động. Anh học trò xưa theo kháng chiến và lập gia đình . Trong khi đó, anh không hề hay biết, suốt những năm dài đen tối của quê hương, khi "Mùi diêm thuốc súng hòa hương khói- Chuông vọng niềm đau khóc thái bình", thì  cô Nhiều vẫn lặng lẽ chờ ai...

                      Sau nầy, chính nhà thơ Kiên Giang tâm sự :

                       Bài thơ"Hoa trắng thôi cài trên  áo tím" là tâm tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo. Mối tình học trò tinh khiết, ngây thơ, không nhuốm bụi trần. Năm 1944, tôi ở Cần Thơ học trường tư thục Nam Hưng, dốt toán nhưng giỏi luận, chuyên làm bài giùm cho bạn cùng lớp, trong đó có NH - cô bạn dễ thương thường mặc áo bà ba trắng, quần đen, mang guốc mộc. Có những buổi tan học lẽo đẽo đi theo sau NH. đến tận nhà cô ở xóm nhà thờ. Cách mạng nổ ra, không có tiền đi đò về quê, NH. biết ý gửi cho, rồi tôi đi kháng chiến, gặp người quen trong đội quân nhạc nhắn : ‘"Con Tám NH. vẫn chờ mày". Điều xót xa (sau này mới biết) là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp mặt tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa hình ảnh và tâm sự của hai đứa vào bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, làm tại Bến Tre năm 1958. Sau   tôi nghe tin NH. lấy chồng có con đầu lòng đặt tên là tên ghép lại của tôi và NH. vì thế chồng cô biết rất ghen tức. Chính vì lý do nầy tôi đổi bốn câu kết bài thơ này, giống như tống tiễn mối tình học trò trinh trắng.

                  

KienGiang_Mung81.jpg

Từ lâu, những người thường xuyên tiếp xúc với Kiên Giang - Hà Huy Hà biết có một

Thi sĩ Kiên Giang mừng Sinh Nhật 81 (với các nghệ sĩ Hương Lan & Hồng Vân) 

con người thật ngoài đời tạo nên chất xúc tác để nhà thơ sáng tác nên bài thơ tình trên. Nhưng mãi đến ngày mừng sinh nhật 81 tuổi, chính Kiên Giang - Hà Huy Hà mới công bố trước nhiều người bức di ảnh của người yêu cũ. Gọi là người yêu cũ nhưng tình yêu đó trong ông không hề tàn phai bởi nó đã theo ông từ thời thanh niên đến tuổi xế chiều. Và người nữ trong "Hoa trắng thôi cài lên áo tím" mãi mãi là tình yêu trong sáng, đẹp đẽ nhất đời ông. Đó là một cô gái Cần Thơ tài hoa, ngoan đạo, nhưng cuộc đời cũng không kém long đong.

Con đường Phan Đình Phùng - một trong những con đường xưa nhất  nằm ở trung tâm thành phố Cần Thơ. Thời gian đã in rõ dấu ấn đổi thay, xóa mờ đi những vết tích một thời. Cuối đường, nằm bên tay phải  là UBND Phường An Lạc. Nơi đây , đã từng có một ngôi trường tư thục, để từ đó anh học trò thi sĩ  mang tới cho đời những dòng thơ ngọt ngào mà đầy nuối tiếc. Đến ngã ba cầu Xéo, thêm  một đoạn đường  ngắn là đến nhà thờ Chánh Tòa uy nghi, trầm mặc. Qua nhiều lần trùng tu, ngôi giáo đường cũng có nhiều  đổi thay, nhưng gác chuông nhà thờ- dù đã không còn ở vị trí cũ-  vẫn gợi  trong lòng ta hình ảnh một thời. Ta liên tưởng anh học trò năm 40 thế kỷ trước đứng bâng khuâng khi chợt trông thấy dáng cô bạn gái với chiếc áo bà ba trắng vừa qua khuất lầu chuông:

                     Thuở ấy anh hiền và nhát quá.

                     Nép mình sau gác thánh lầu chuông

                     Để nghe khe khẻ lời em nguyện

                     Thơ  thẩn chờ em trước  thánh đường.

                      Bên cạnh nhà thờ, là con hẻm nhỏ dẫn vào nhà cô học trò xưa. Xóm đạo bình yên, nay đã rộn ràng hơn, cửa nhà san sát. Nhưng mấy ai biết được nơi nầy đã khởi đầu cho một mối tình thơ ?

                      Tôi lại trở về đây, khi Kiên Giang đã vào cõi trường sinh- căn nhà nhỏ trong hẻm nhà thờ- nơi có một cô gái Cần Thơ đã tạo nguồn rung cảm cho một bài thơ bất tử. Hai  đứa con của người trong cuộc giờ đã thành nhân, ngôi nhà cũng đã sửa sang lại khang trang, đẹp đẻ hơn nhiều, so với cái thời Kiên Giang " ghé ngang Cần Thơ, xin phép má của NH. để tâm tình suốt đêm với NH. bên ánh đèn dầu". Nhưng cũng chính nơi nầy, sau năm 1999, nhà thơ nhiều lần trở  lại để hoài niệm người xưa. Tôi không quên được, những lần cùng anh tới viếng người đã khuất. Anh thường ngồi yên lặng nhìn lên chân dung người đã mất sau làn khói hương nghi ngút. Những  người con của chị là giáo viên- rất hiền hành, mực thước, rất quí trọng nhà thơ và gọi anh là cậu. Một điều cũng rất lạ là tên anh em trong gia đình đều bắt đầu bằng vần Tr..( Ba của các em cũng có tên Trinh, giống như tên nhà thơ Kiên Giang).Có phải chăng từ một góc sâu thẳm trong trái tim người con gái xóm đạo vẫn là nỗi hoài niệm khôn nguôi về một mối tình thời học trò thơ dại?

                      Kiên Giang còn  kể lại, đầu năm 1999 Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) thực hiện một bộ phim tài liệu về ông mang tên "Chiếc giỏ đời người", trong kịch bản có một cảnh quay tại Cần Thơ. Khi ông và ê kíp làm phim đến nhà "người xưa" mời bà Nhiều ra quay cảnh ở nhà thờ Chánh tòa thì thấy ngôi nhà đóng kín  cửa. Người hàng xóm cho biết bà Nhiều đã qua đời năm 1998. Ông thật xót xa... Hôm sau ông trở lại, cô con gái của bà Nhiều kể rằng lúc bà mất, tang gia có gửi thiệp báo tin cho ông nhưng tiếc là ông đã không nhận được để tiễn biệt cố nhân lần  sau cuối.

                       Và tất cả đã đi vào thiên cổ. Nhà thơ quê Rạch Giá với mối tình  thời thơ dại, thấm đẫm chất nhân văn -đã làm rung động hằng triệu con tim khi nhắc về cô gái Cần Thơ tài hoa, thùy mị, nết na  qua một bài  thơ để lại cho đời.

Yêu Cần Thơ, ta càng yêu biết bao nhiêu những con đường quen thuộc, con đường qua ngang mái trường yêu dấu, con đường nhỏ dẫn về xóm đạo, hay đó là con đường học trò hoa mộng mà mỗi chúng ta chỉ có một lần qua không trở lại bao giờ...

Cần Thơ, 2/11/2014

LÊ TRÚC KHANH.

 

TÔI GẶP THI SĨ KIÊN GIANG

(để thay lời tiễn biệt Người đang cởi hạc về trời) 

Khoảng cuối năm 1965 khi vừa chân ướt chân ráo "du học" Sài Gòn tôi được làm phóng viên cho nhựt báo Thời Đại qua thư giới thiệu của Cậu Hai tôi với Chủ Nhiệm Nguyễn Kiên Giang (Lý Thanh Cần) vốn là bạn của Cậu tôi (nhà sách báo Văn Nhiều). Tại đây tôi hay gặp thi sĩ Kiên Giang. Đối với tôi, một 1 ngòi bút non choẹt từ tỉnh lẻ, 1 phóng viên tay mơ thì Thi Sĩ Kiên Giang Trương Khương Trinh là cây đại thụ, cho nên mỗi khi gặp Thi Sĩ tại tòa soạn tôi chỉ có thể nhìn lén và nghe lén trong lúc 2 ông "Kiên Giang Rạch Giá" vừa  nhả khói Mélia vàng vừa chuyện trò toa moa thân mật. Gặp nhau chỉ vài lần và vài câu chào hỏi nên chắc Thi Sĩ không nhớ tôi là ai đâu.

Tưởng vậy mà không phải vậy. Một tối khoảng đầu năm 1968, nhạc sĩ Anh Việt Thu (Huỳnh Hữu Kim Sang) ghé phòng trọ của chúng tôi tại Đại Học Xá Minh Mạng ở ngả Sáu Chợ Lớn với Thi Sĩ Kiên Giang! Hai người đèo nhau trên chiếc Vélo Solex cọc cạch của Thu. Quả là rồng tới nhà tôm! Anh Anh Việt Thu thì ghé chơi với chúng tôi thường (anh phục vụ  ở trạm phát tuyến Phú Thọ, rất gần) nhưng sự có mặt Thi Sĩ Kiên Giang là bất thường. May là Thi Sĩ nhận ra tôi ngay nên chuyện trò cũng dễ tuy không thân mật lắm. Hai người chỉ tình cờ ghé chơi thôi, không có mục đích gì hết. Có lẽ không mặn mà với câu chuyện của chúng tôi -Anh Việt Thu, 2 anh cùng phòng và tôi -  nên thi sĩ Kiên Giang ơ hờ thấy xấp báo Chỗ Đứng tôi mới lấy về từ nhà in, lấy 1 tờ đọc. Thi Sĩ hỏi tôi về tờ báo, hỏi về ý nghĩa của cái logo hình chữ nhật nửa đen nửa đỏ trên tựa báo. Tôi nói đây chỉ là báo cò con của Ban Đại Diện SV/ĐHSP, in chui mỗi tháng có 500 tờ, phát hành trong các khuôn viên ĐH SG và CT. Luôn tiện tôi mạnh dạn xin bài. Thi Sĩ nói để coi. Cho tới khi chúng tôi rời trường 1970, Chỗ Đứng chết mà vẫn không có bài nào của Thi Sĩ. Sau đó cũng không gặp lại Thi Sĩ.

Xin mượn những dòng tuy ngắn ngủi nhưng là 1 kỷ niệm rất đẹp của cá nhân nhỏ nhoi của tôi với Thi Sĩ Kiên Giang để tiễn biệt NGƯỜI về nơi Vĩnh Cửu. 

 "Nghe tiếng cu kêu sực nhớ làng"

Câu thơ nầy của Thi Sĩ sẽ theo tôi suốt những tháng ngày còn lại nơi quê người. Cảm ơn Thi Sĩ Kiên Giang. Cảm ơn.

Trần Bang Thạch 

THI SĨ

KIÊN GIANG

HÀ HUY HÀ

 

NGƯỜI LÀM THƠ CHO MẸ

TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG

 

HuyenVanThanh_KienGiang.jpg

 

 

"Với Kiên Giang thơ như một thứ vũ khí của kẻ yếu: Vũ khí cũng rất mộc mạc, thô sơ nhưng thấm đẫm lòng người hơn, gợi nhiều hình ảnh thân yêu hơn, lên tiếng bi phẫn hơn. Kiên Giang làm thơ như vậy, một người mang cả tính chất dân Hậu Giang đầy đủ nhất còn sót lại ngày nay..."

 

bài của

HUYỀN VÂN THANH

(Văn Nghệ Về Nguồn  - Tây Đô)

 

         Hằng năm, cứ vào tháng Bảy âm lịch, theo truyền thống Phật giáo và những ai trong gia đình có bàn thờ cúng ông bà gia tiên, thì đây là mùa báo hiếu, là dịp để cho những người con cháu hiếu hạnh bày tỏ lòng thành kính biết ơn công lao sâu dày của các bậc sinh thành và nuôi dưỡng mình nên vóc nên hình. Biểu hiện hành động nầy là mỗi người con cháu đến các chùa để tham dự các chương trình cầu nguyện đặc biệt, gởi sớ cầu siêu cho người chết và cầu an cho người còn sống; để cho những người con thảo cháu hiền hồi hướng phước báo cho cửu huyền thất tổ, ông bà cha mẹ kẻ mất được siêu thăng, người sống được khoẻ mạnh. Trong dân gian, chúng ta thường nghe nói đến công lao cha mẹ, mà ngay từ thuở mới đặt chân đến trường học vỡ lòng, ai mà không nghe dạy câu:

            Công Cha như núi Thái Sơn

            Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra

            Một lòng thờ Mẹ kính cha

            Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

                                                (Ca dao)

 

         Thờ Cha kính Mẹ không chỉ nói suông bằng lời, mà đòi hỏi mỗi chúng ta còn phải biểu hiện bằng hành động thực tế, bằng tấm lòng sáng trong:

            Đêm đêm con thắp đèn trời

            Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con.

         Bởi vì:

            Có Cha có Mẹ thì hơn

            Không cha không Mẹ như đờn đứt dây.

                                               (Ca dao)

 

         Đặc biệt, đối với Mẹ, là người mang nặng đẻ đau, chín tháng cưu mang, ba năm bồng ẵm con mình, thì tấm lòng của người con dành cho Mẹ càng sâu đậm, càng tuyệt vời hơn mới xứng đáng:

            Mẹ già như chuối ba hương

            Như xôi nếp một như đường mía lau.

                                                 (Ca dao)

 

         Và, chính vì tấm lòng của Mẹ ví như biển rộng bao la, nên trong sáng tác thơ ca, có một người làm thơ mà tôi được biết, ngoài những bài thơ tình yêu viết thuở học trò với màu mực tím mồng tơi, với hình tượng quê hương đơn sơ mộc mạc, trữ tình, bằng ngôn ngữ thơ ca gắn liền với hơi thở hiền hoà của quê hương đất nước đồng bằng Nam Bộ Việt Nam. Biểu hiện rõ nét qua tập thơ thứ hai của anh là QUÊ HƯƠNG THƠ ẤU (1964) và một số bài trong tập thơ đầu HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM (Phù Sa SG - 1960)... Còn rất nhiều bài thơ viết về Mẹ rất cảm động, mà theo tôi, nếu như tác giả có điều kiện sẽ in trong tập thơ thứ ba mang tên XE TRÂU. Đó là thi sĩ KIÊN GIANG HÀ HUY HÀ.

 

         Đối với người sống ở Miền Nam, có lẽ ai cũng một lần nghe nhắc tới tên thi sĩ KIÊN GIANG - HÀ HUY HÀ, bởi suốt nhiều năm anh làm báo ở Sài Gòn, phụ trách trang THƠ của các báo, chẳng hạn TIA SÁNG, ĐIỆN TÍN, PHỤ NỮ DIỄN ĐÀN v.v... ở mục LỀU THƠ, TIẾNG SÁO DIỀU, và phụ trách chương trình Thi văn MÂY TẦN trên đài phát thanh SÀI GÒN với câu mở đầu chương trình thường xuyên: "Người ta có thể tách bước rời khỏi quê hương, nhưng không thể tách rời con tim khỏi quê hương được". Anh tên thật TRƯƠNG KHUÔNG TRINH, sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929 tại làng Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá. Xuất thân trong một gia đình trung nông, theo tây học tới năm thứ tư bậc trung học và biết làm thơ cũng ngay từ hồi ở trường lớp ấy. Khi bước vào làng thơ, anh từng đăng thơ trên các báo Đời Mới, Dân Mới, Bông Lúa, Tiếng Chuông, Dân Báo, Lẽ Sống, Thế Giới, Phổ Thông, Dân Ta, Dân Tiến, Kịch Ảnh ... Ngoài bút hiệu Kiên Giang, anh còn ký các bút hiệu khác như Cửu Long Giang, Hà Huy Hà.

 

         Thời còn theo bậc Trung học anh sang Cần Thơ ở trọ và học trường Nam Cường. Chính thời điểm đi học nầy mới nảy sinh trong tâm hồn anh mối tình hết sức thơ mộng - mối tình mà sau nầy được anh viết thành bài thơ HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM, được phổ thành nhạc từ mấy mươi năm qua. Người con gái được nói đến trong bài thơ của anh, mà lúc có dịp về qua Cần Thơ khoảng đầu thập niên 70, anh nói với chúng tôi là "Cô ấy đã có gia đình và vẫn còn sống hạnh phúc với chồng con ở hẻm phía sau nhà thờ chánh toà Phong Dinh". Thời đi học tại Cần Thơ, anh có nhiều bài thơ tình thật đẹp, chẳng hạn mấy câu trong bài Tình Trắng:

 

            Xóm Chài ửng nét duyên thôn nữ

            Gió thổi lồng bay áo túi hồng

            Cô lái đò ngang cười chúm chím

            Thầm trêu "hàn sĩ" lúc sang sông.

 

                                                (Kiên Giang)

 

         Và, chúng ta còn biết đến anh qua soạn giả Cải lương với các kịch bản được nhiều người yêu thích như NGƯỜI VỢ KHÔNG BAO GIỜ CƯỚI, ÁO CƯỚI TRƯỚC CỔNG CHÙA, ĐẸP DUYÊN CHÙA THÁP, NGƯỜI ĐẸP BÁN TƠ, HỒI TRỐNG HỌC ĐƯỜNG, GÁNH CHIẾU TÀ NIÊN, HỘI CHÙA THÁNG GIÊNG v.v... Có lần anh nói với tôi, hai soạn giả Hà Triều và Hoa Phượng so tuổi tác thì  chênh  lệch chút ít với anh, nhưng soạn tuồng cải lương thì sau anh. Kiên Giang cho biết, khi anh viết tuồng thì hai anh Hà Triều và Hoa Phượng thay nhau chép lại giùm anh thành hai bản khác, bởi vì hai anh ấy rất yêu thích sáng tác cải lương. Và, hai anh đã hợp soạn chung vở cải lương hương sắc Phù tang KHI HOA ANH ĐÀO NỞ mà đoàn ca kịch Thúy Nga trình diễn, Thành Được thủ vai Tô Điền Sơn, đã đưa hai anh vào hàng tên tuổi sau nầy. Kiên Giang nhận xét, "Hà Triều có óc sáng tạo và kết cấu cốt chuyện tài ba, còn Hoa Phượng thì văn chương trau chuốt, bay bướm như thơ ca, cả hai hợp tác trong viết tuồng sẽ thành công, khó ai sánh kịp". Và, đã đúng như vậy, vì như chúng ta nhớ lại ở Miền Nam trước năm 1975, có một lúc hai soạn giả nầy vì một bất đồng đã tách rời nhau, mỗi người viết tuồng riêng thì... không tìm đâu kịch bản ăn khách như trước nữa! Bởi vậy, nhắc tới Hà Triều là phải có Hoa Phựợng và ngược lại. Nhiều vở cải lương của hai soạn giả nầy nổi tiếng trong nhiều năm ở thập niên 60-70 tại Việt Nam.

 

         Tôi quen thi sĩ Kiên Giang từ năm 1964, khi chúng tôi lập Văn đoàn VỀ NGUỒN tại Cần Thơ, sau đó thực hiện chương trình phát thanh Thi văn VỀ NGUỒN trên đài phát thanh Cần Thơ (từ 1968 -1975), và gởi thơ về chương trình thi văn MÂY TẦN của anh, được diễn ngâm liên tục trên đài phát thanh Sài Gòn. Nhưng chính thức gặp được anh vào giữa năm 1965, lúc đó anh và nhà văn Sơn Nam đang làm việc tại tòa soạn nhật báo TIA SÁNG ở đường Phát Diệm. Hôm đó, tôi và Lê Trúc Khanh có dịp đi Sài Gòn ghé tìm anh. Cả hai biết chúng tôi từ Cần Thơ lên nên đã rời toà soạn sớm. Anh Kiên Giang đi chiếc xe Lambretta cũ kỹ (thuộc loại cổ, mà lúc đó tôi có ý nghĩ, có lẽ cả miền Nam chỉ còn lại duy nhất một chiếc đó mà thôi!). Đề máy không nổ, anh Sơn Nam đứng phía sau đẩy một đoạn để lấy trớn, nó mới chịu phun khói và máy kêu bành bành. Anh Sơn Nam phóng lên ngồi phía sau, ôm eo ếch Kiên Giang, nhắm hướng Trần Hưng Đạo. Chúng tôi đi xích lô máy theo địa chỉ của anh ghi, về nhà anh ở một căn trong hẻm nhỏ đường Trần Hưng Đạo. Anh đã chờ sẵn tại đầu hẻm. Chúng tôi theo sau anh, đến một căn nhà nhỏ, anh gõ cửa kêu Tài Ba Vá, là đứa con trai nuôi của anh, năm đó nó chỉ trên dưới mười tuổi, đầu hớt để ba vá và mặc bộ bà ba màu nâu già giống chú tiểu trong chùa ra mở cửa. Vào trong, đồ đạc anh để không gì ngăn nắp, báo chí, bản thảo vất lung tung. Anh lục tìm cho chúng tôi mỗi đứa một tập thơ QUÊ HƯƠNG THƠ ẤU. Riêng tập HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM đã hết, anh hẹn có dịp sẽ gởi tặng chúng tôi.

 

         Năm 1966 tại rạp QUỐC THANH, chương trình Đại nhạc hội LÒNG MẸ VIỆT NAM đã diễn ngâm bài thơ dài của anh, mang tên XE TRÂU, được khán giả nhiệt liệt khen ngợi, và muốn có bài thơ đó, theo anh giới thiệu sẽ in trong tập thơ cùng tên sắp xuất bản. Ông Tô Yến Châu đã cho đăng đầy đủ bài thơ nầy trên nhật báo THỜI SỰ MIỀN NAM để tặng người yêu thơ... thì mãi đến đầu thập niên 70, một tác giả ở Trà Vinh, ký bút hiệu Từ Toàn đã lấy bài thơ nầy đổi tựa là GIÒNG ĐỜI rồi ký tên mình gởi dự thi trên tuần báo HOA TÌNH THƯƠNG do anh Phương Triều tuyển chọn. Tôi đã lên tiếng việc đạo thơ nầy, và Toà soạn ngay sau đó đã có lời xin lỗi thi sĩ Kiên Giang cùng bạn đọc (Báo do Bà Tố Oanh làm Chủ nhiệm kiêm chủ bút). Bài thơ XE TRÂU viết về Mẹ rất hay, ngay mấy câu mở đầu  đã gợi chúng ta sự xúc cảm:

 

            Xe trâu cót két

            Cót két xe trâu

Bánh xe nằng nặng in sâu lối mòn

Tay cầm vàm nhỏ

Tay nọ ẵm con

Nắng vàng Xẻo Đước

Con trâu khát nước

Thở dốc từng cơn

Bánh xe nghiền nát cốt mòn

Nát thân không nát nổi hồn mẹ quê...

 

         Tôi có dịp hỏi anh KIÊN GIANG, vì sao anh thường viết thơ cho Mẹ mà không thấy ca tụng hình ảnh người cha? Anh nói đại ý, vì hình ảnh của người Mẹ đã in sâu vào tâm tưởng anh từ thuở nhỏ, Mẹ đã cần cù sớm hôm, bán buôn tần tảo để lo cho anh ăn học thành người - bà đã thức khuya dậy sớm đi bán từng cân mắm để mua gạo, dành tiền cho anh mua tập vở, bánh kẹo. Biết anh mồ côi cha từ rất sớm nên tôi không gợi lại hình ảnh người cha khi tiếp chuyện với anh; vả lại, anh còn mẹ già, cho nên anh dành trọn tình cảm mình để nói về Mẹ là điều hợp lẽ phải và đạo lý. Anh từng nói, trái tim người Mẹ đúng là một kỳ quan tuyệt xảo, bao nhiêu lời lẽ ca tụng người Mẹ cũng không bao giờ đủ đầy, cho nên còn sống là anh cứ viết về Mẹ, viết để Mẹ anh và tất cả những bà Mẹ Việt Nam đọc được, hiểu được tấm lòng của những đứa con được sinh ra và lớn lên bằng chính bầu sữa nồng ấm, căng đầy nhựa sống mà Mẹ đã ban phát cho từ khi con mở mắt chào đời. Một trong số những bài thơ mà thi sĩ KIÊN GIANG đã viết về Mẹ, hiện tôi còn giữ, là bài thơ KHÓI TRẮNG, xin ghi lại đây tặng các bạn yêu thích thơ:

 

            KHÓI TRẮNG

            * Kính dâng Mẹ của tôi và của bạn

                        với tất cả niềm thương kính                                                           

 

            Hương cau thơm phức ngôi sao Mẹ

            Thơm ngát mái nhà, thơm áo cơm

            Con thở trong mùi thơm bát ngát

            Thịt da mái tóc quyện mùi thơm.

 

            Nước mắt chảy xuôi... tình mẫu tử

            Chảy theo nước mắt cuộn mồ hôi

            Mẹ đem cái chết làm nên sống

            Nước mắt một dòng... vẫn chảy xuôi.

 

            Ngày xửa ngày xưa thời trẻ dại

            Con đau rên xiết Mẹ rầu lo

            Bán đôi bông cưới mua thang thuốc

            Mua bánh tai heo, giấy học trò.

 

            Đêm nào con khóc đòi ru ngủ

            Mẹ thức mỏi mòn: nhịp võng đưa

            Thân lạnh nằm khoanh lòng Mẹ ấm

            Mẹ ơi! Con lớn giữa niềm ru.

 

            Nhớ ngày Mẹ ốm nằm trong xó

            Chiều lạnh ủ không ấm vóc gầy

            Đau đớn... không hề rên xiết khẽ

            Sợ con nghe tiếng mà buồn lây.

 

            Nói làm sao hết Mẹ hiền ơi

            Công đức, niềm đau lẫn tiếng cười

            Mẹ lấy bụi đời làm phấn sáp

            Che dù trời nắng, đội trời mưa.

 

            Nhớ mùa cau trổ trong vườn cũ

            Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân

            Khói trắng lên trời như tóc bạc

            Con ngờ khói tóc quyện Mây Tần.

 

            Chiều nay dừng gót trên bờ biển

            Nhìn sóng bạc đầu, mây trắng trôi

            Con ngỡ khói vườn hay tóc bạc

            Bay tìm con lạc bước đường đời.

                       

            Mai mốt con về thăm xóm Mẹ

            Thăm mùa cau trổ, bóng làng xưa

            Để rình nghe lại trong hiu quạnh

            Tiếng hát ngày xưa, nhịp võng đưa.

 

            Con sẽ kính dâng lên gối Mẹ

            Gói trà tàu, gói bánh tai heo

            Hương cau lại quyện hai màu tóc

            Nước mắt đoàn viên ấm xóm nghèo.

 

            Nguyện cầu Đức Phật và danh Chúa

            Rũ đức từ bi, xuống phước lành

            "Mẹ sống muôn đời cùng vũ trụ

            Ngôi sao MẸ ngự giữa thiên đình".

 

                                             Vũng Tàu, một giờ đêm 13-1-1961

                                                      KIÊN GIANG

 

         Một bài thơ khác, bài SÀNG GẠO cũng nói đến hình ảnh người Mẹ gắn liền với nhịp thở cuộc đời mà chính anh đã tiếp nhận hình ảnh hằn sâu đó trong tâm khảm mình :

 

            SÀNG GẠO

 

Mẹ rắc hoàng hôn theo hạt tuyết

Cám bay phảng phất quyện hương cau

Nghiêng nghiêng bóng xế sau lưng mẹ

Gạo trắng như màu tóc trắng phau.

 

Thuở bé về quê ăn gạo giã

Đắng cay nước mắt trộn mồ hôi

Mùi thơm gốc rạ thơm hương khói

Con lớn dần theo số tuổi đời.

 

Từ khi xa xứ lên đô thị

Tiếng máy rồ vang át tiếng chày

Cổng kín tường cao đà khuất lấp

Bóng người sàng gạo cuối chân mây.

 

Cái gì còn lại tràng sàng gạo

Là hạt kim cương: hạt ngọc trời

Phấn cám bụi đời bay lẫn lộn

Mẹ ơi! Cơm trắng bởi mồ hôi.

 

Suốt đời cực khổ, đời làm dâu

Cay đắng chín muồi nỗi khổ đau

Lừa lọc ân tình theo hạt thóc

Trái bồ hòn lẫn hạt trân châu.

 

Lâu quá con thèm ăn gạo giã

Thèm mùi sữa ngọt sữa con so

Thèm thêm trăng sáng chày khua cối

Làm rụng Hằng nga xuống tứ thơ.

 

Chiều nào con đứng bên hàng trúc

Thấy tóc mẹ rơi giữa nắng tà

Tóc trắng mầm chôn trong gạo trắng

Mẹ ngồi nhặt thóc mới hay già.

 

Cái thời thơ dại không còn nữa

Cát bụi mù bay khắp nẻo đời

Gạo chợ đã phai mùi gốc rạ

Men đời đắng lắm mẹ hiền ơi!

 

Lâu quá: nhốt đời trong ngõ hẻm

Lầu cao che khuất áng mây trôi

Mẹ ơi! đâu hướng về quê mẹ

Nắng giữa hồn con đã tắt rồi.

 

                          KIÊN GIANG

 

         Với thi sĩ KIÊN GIANG, tác giả Trần Tuấn Kiệt trong THI CA VIẸT NAM HIỆN ĐẠI (1880 -  1965 - quyển II) đã viết:

 

         "Làm thơ, vốn chịu nhiều thiệt thòi, hiện ông đang gà trống nuôi con, hằng đêm viết kịch trường, làm thơ, viết kịch phẩm nhưng vẫn quanh năm không đủ sống. Tâm hồn ông dường như có chứa đựng nhiều mặc cảm sầu hận, tính thật thà. Có cảm xúc thật nhanh, tâm hồn đó hướng về xã hội nghèo khổ, vọng lên những tiếng chua xót của một con chim mang tên bay khắp trời. Một lần Phạm Công Thiện nói với tôi tại quán trước nhà KIÊN GIANG. "KIÊN GIANG hắn đúng là thi sĩ, còn bọn mình làm thơ chứ không là thi sĩ được". Cái dáng dấp nhiều suy tưởng về hành động của Phạm Công Thiện, lúc khoái gì thì nói nấy. Lúc hắn viết: "Hoàng Trúc Ly xứng đáng là bậc thầy của thi nhân ngày nay". Lúc hắn lại viết về tập NAI của tôi (tức TTK) một câu "Thơ Trần Tuấn Kiệt lớn hơn thơ Tagore" và bảo in ngoài trang nhứt câu nói của hắn, hắn sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nhưng tôi biết khá về tính bốc đồng đó lắm. Lúc nào hắn tỏ vẻ là nhà tư tưởng (hắn sống thật với tư tưởng chứ không vẽ vời gì đâu) với tôi, tức thời tôi tỏ tính bạt mạng ngang tàng ra ngay. Hắn cãi và rốt lại xin huề. Chúng tôi như vậy, KIÊN GIANG thì lầm lì, lờ đờ, như rắn hổ... lâu lâu mổ một cái, khó chịu lắm. Nhưng mổ bọn người vong bản bán nước kìa!... Có lúc tôi khoái thơ KIÊN GIANG và chép thơ ông, đã nhiều lần Tam Ích (thầy tôi hồi xưa) bàn tới thơ ông, khen ngợi cho là có dân tộc tính. Mà thật, bản sắc quê nhà, nhất là tính tình chất phác, hay giận lẩy, hay lôi thôi, lại hay mơ mộng, bền bỉ chịu đựng, hơi ruộng rẫy, hơi đất phù sa đều có trong bản chất thơ ông cả. Với KIÊN GIANG thơ như một thứ vũ khí của kẻ yếu: Vũ khí cũng rất mộc mạc, thô sơ, nhưng thấm đậm lòng người hơn, gợi nhiều hình ảnh thân yêu hơn, lên tiếng bi phẫn hơn. KIÊN GIANG làm thơ như vậy, một người mang cả tính chất dân Hậu Giang đầy đủ nhất còn sót lại ngày nay. Vì vậy tính KIÊN GIANG hiền nhưng trung chánh, ai chê khen điều gì anh chỉ nói lai rai rồi bỏ qua, giữ bình tĩnh, bền chặt với lòng tin tưởng ở tiếng thơ chan chứa tình yêu thương về dân tộc, gia đình của anh hơn hết". (SĐD tr. 775-776)

 

         Nói về KIÊN GIANG trong thời gian kháng chiến chống Pháp mà lúc đó còn trai trẻ anh có tham gia, nhà văn Xuân Vũ trong bài "Sơn Nam, Huy Hà: Cây Đàn Miền Bắc và Đẹp Hậu Giang" có đoạn:

 

         "Riêng Huy Hà thì có vẻ gọn gàng hơn. Y phục thay đổi luôn. Khi sơ mi túi có nắp và cầu vai, khi quần Tây cụt, khi quần Tây dài. Đặc biệt anh mang một chiếc sắc cốt vải viền da không biết lượm ở đâu hay lính nào cho. Trong sắc bao giờ anh cũng có những bài thơ làm nửa chừng. Anh thích đề dưới bài thơ những câu giang hồ lãng mạn như "một chiều bên bờ lau tắt nắng. Một sáng mùa thu đầy sương"...v.v... Anh có 2 câu thơ cực hay, không hiểu sao tôi mê dữ vậy:

 

"Soi đèn ta thấy trong dòng nước

Có máu miền Tây máu Hậu Giang..."

                       (Đẹp Hậu Giang - 1949)

 

         Anh có vợ có con ở thành. Có cô vợ tên là cô Lành. Một hôm anh gọi tôi ra chỗ vắng rồi bảo:

         - Mày có muốn vợ không, tao gả em vợ cho!

         Rồi anh lấy ảnh trong sắc ra đưa cho tôi coi. Anh Tày cũng bảo tôi:

         - Ê, Xuân Vũ, mày nên lấy vợ đi. Kháng chiến còn lâu dài. Nhà mày xa. Rủi bệnh hoạn ai nuôi. Mày về nhà vợ mày nó cho mày cái trứng gà, trứng vịt...

         Câu khuyên của anh Tày vô cùng thực tế. Tình cảm của anh Huy Hà thật chân thành.(...). Anh Tày là người rất tự do sáng tác. Ngoài những bài viết cho báo, anh và Huy Hà làm thơ văn riêng không theo đơn đặt hàng. Ông chủ bút Rum Bảo Việt thì thông cảm sự sáng tác, nhưng có vài ba ông kẹ trong Phòng Chính Trị lại bắt bẻ các anh là "sáng tác cá nhân" . Anh Tày và Huy Hà phản ứng kịch liệt. Tuy không đối đáp chánh thức nhưng lời nói của các anh cũng đến tai họ:

         - ĐM chúng nó chớ sáng tác cá nhân! Sáng tác cá nhân là nghĩa gì? Người làm thơ viết văn là phải có thơ có văn cho dân cho lính đọc chớ! Không có thơ văn, báo lấy gì in, lính và dân lấy gì đọc. Sao họ không sáng tác luôn đi để bắt tụi này làm? Về quân sự thì ông Giáp rành hơn tụi này, nhưng văn chương thì phải để tụi này làm chớ!

         Sự phản ứng cao nhất của hai anh là cáo bịnh và xin phép về nhà dưỡng bịnh. (...).

         Năm 1952, tình hình kháng chiến bết bát lắm. Cán bộ trẻ về nhà gần hết. Toà soạn báo (đổi tên là Kháng Địch, bỏ tiếng súng) không còn mấy người. Tôi được về tỉnh đội Cần Thơ cùng với thi sĩ Huy Hà. Anh không vui, cho là ở trên không cần mình nữa, nên một bữa nọ, ngủ thức dậy, theo thói quen của cơ quan là tập thể dục rồi đi hái rau bắt cá kiếm ăn, anh nói với tôi :

         - Thôi mày ở lại nhé. Tao đi.

         - Đi đâu?

         - Rồi mày sẽ biết tao đi đâu.

         Thế là tôi vắng Anh Tày, mất cả anh. Cả tuần lễ sau ở trên cho biết anh đã ra Rạch Giá theo đường Xẻo Rô. (...).

         Và, cuối bài, nhà văn Xuân Vũ đã viết:

         Lại có người mới về Sài Gòn gặp anh Huy Hà, khoe có gặp tôi. Huy Hà bảo thằng Xuân Vũ là lính của tao. Nói tao gởi lời thăm nó! Hai anh đã trên 70 cả. Mong gặp lại, biết có gặp được không ?

 

                                               (Xuân Vũ - tháng 8/95)

 

         Sau khi nhà xuất bản Phù Sa in tập thơ HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM năm 1960 tại Sài Gòn, có những nhận xét như sau:

         "Thi phẩm này của Kiên Giang, một thi sĩ  miền Nam có nhiều triển vọng, gần hai chục bài thơ trường thiên, giọng thơ nhẹ nhàng, êm đẹp và gợi cảm, diễn tqả hương vị miền nam nước Việt, nhất là những bài: Dưới bóng dừa, Bến Tre, Đẹp Hậu Giang, Hương nươc mư, Hoa trắng thôi cài trên áo tím, Nhạc xe bò, Tình quê tình nước, Gởi nàng xuân nữ...".

 

                           (Văn Hoá Nguyệt San số XI - 07-08-1962)

 

         "Người ta thường nói trong trái tim của mỗi người đều có riêng một góc nhỏ bé để chứa đựng những kỷ niệm riêng tây. Kiên Giang đã để tiếng nói chân thật của thi ca đem ánh sáng lùa vào cái góc nhỏ bé đó. Nhiều người đọc và gặp trong thơ Kiên Giang những điều mà trước đây họ đã tưởng là nỗi bí ẩn của riêng mình.

         "Trong các lớp thi sĩ trước, chúng ta đã có hẳn một số thi phẩm tạm gọi là thi ca điền viên. Nhiều tác giả như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân... đã viết rất nhiều về cảnh quê và thôn quê đất Bắc. Trong thơ cũng như trong văn xuôi sáng tác tại miền Nam, chúng ta thấy rất hiếm loại thơ điền viên này.

         "Ngay những tác giả nổi tiếng từ thời tiền chiến, cũng đợi mãi tới về sau, nghĩa là sau khi đất nước trải qua nhiều cơn dao động trọng đại, mới để tâm diễn tả cái sắc thái đặc biệt của quê hương. Trong số ngưòi hiếm hoi, chúng ta thấy có một tác giả mới nổi: Kiên Giang".

                                          (PHONG NHÃ, nhật báo Tự Do

                                                       số 1.585 ra ngày 01-07-1962)

 

         "Nhiều kỷ niệm của tuổi hoa niên, nhiều cảnh sống đau thương trong xã hội được phác lại và diễn tả trong "HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM" bằng lời thơ nhẹ nhàng. Bình dị, làm rung động người đọc như một bản nhạc tâm tình... Thơ Kiên Giang mang những hình ảnh của quê hương, mang những màu sắc của dân tộc nên dễ cảm thông với chúng ta. Tôi nghĩ rằng ông đã chọn được con đường đi rinêg cho ông trong việc sáng tác, và trên con đường đi đó, tôi tin ông còn sẽ đem lại cho người yêu thơ sau đây nhiều hương vị mới lạ...".

                                 (Thượng Sĩ, trang phê bình Văn Nghệ)

                        

         Thi sĩ KIÊN GIANG làm thơ rất dễ dàng, những câu thơ rời của anh phổ biến truyền miệng đã trở thành ca dao từ lúc nào, chẳng hạn hai câu:

 

"Ong bầu đậu đọt mù u

Có chồng càng sớm tiếng ru càng buồn"

 

được người đời lưu truyền rồi cải biên cho đến đây giờ đã trở thành ca dao mà khi nghe qua, anh cảm thấy tiếc, là vì sự sửa đổi đó khi nghe qua thì mượt mà và đẹp, nhưng nội dung và ý nghĩa thì chẳng ra sao cả:

"Bướm vàng đậu nhánh mù u

Có chồng càng sớm tiếng ru càng buồn".

 

         Có lần tôi ngồi uống bia nói chuyện với thi sĩ KIÊN GIANG trước trụ sở Hội Sân Khấu SG (chiều ngày 6 tháng 7 năm 1989), anh đã kể chuyện nầy. Đại ý, anh nói rằng con ong bầu mới có khả năng bay cao và đậu đọt mù u để hút mật chớ con bướm vàng chỉ bay là sà dưới thấp, làm sao bay cao để đậu nhánh mù u và đậu để làm gì? Câu lục mà lại hình tượng con bướm thì có ăn nhằm gì đến câu bát? Trong khi con ong bầu tiếng kêu của nó khi bay phát ra âm thanh gợi cho ta cảm giác như tiếng ru buồn mới gắn liền với ý của câu bát! Và dịp nầy, anh cũng kể tôi nghe một giai thoại giữa anh với nhà thơ Nguyễn Bính khi từ Bắc vào Nam lưu lạc đến đất Kiên Giang:

 

         "Lúc còn lưu lạc ở Rạch Giá, Nguyễn Bính trọ nhà một người, cô vợ anh ta yêu thơ quá, tối ngày cứ ngâm nga thơ Nguyễn Bính... đến nỗi anh chồng "ghen", Nguyễn Bính phải đi tìm nơi khác ở. Lúc đó Kiên Giang còn đi học, rất yêu thơ và tập làm thơ, đã "lén lấy gạo, mắm và tiền bán mắm của má để mướn nhà nuôi Nguyễn Bính" (lời KG), đã tìm mướn được căn nhà bỏ hoang, rêu phong bám đầy bởi không ai lui tới, cùng đưa Nguyễn Bính về ở. Hàng ngày anh đến hủ hỉ với nhà thơ. Hôm mới dọn về, nhà thơ Nguyễn Bính thấy cảnh rêu phong ở trước cửa nên bàn với Kiên Giang để nguyên như vậy, vào bằng cửa hông.

 

         Nguyễn Bính xấu trai, lưng tôm, nhưng tính tình rất dễ mến. Nguyễn Bính cùng Kiên Giang xuống mé sông ngồi nhìn dòng nước mặn trong xanh từ biển đưa vào và xuất khẩu thành thơ, đọc tặng Kiên Giang bài thơ đầu tiên 4 câu:

 

Có những dòng sông chảy rất mau

Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu

Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp

Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau.

 

         Đây là bài thơ in vào tâm khảm Kiên Giang. Nhưng trong đời có lẽ bài thơ TỪ ĐỘ VỀ ĐÂY của nhà thơ Nguyễn Bính có kỷ niệm sâu sắc hơn đối với anh. Bởi chán cảnh đời phiêu bạt đói nghèo, người đời hiểu lầm đố kỵ, Nguyễn Bính đã viết 4 câu thơ đưa Kiên Giang ra dán trước cửa nhà rêu phong như sau:

Từ độ về đây sống rất nghèo

Bạn bè chỉ có gió trăng theo

Những phường phú quý xin đừng đến

Hãy để thềm ta xanh sắc rêu.

 

         Đầu năm 1947, Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp, phụ trách đoàn Văn hoá cứu quốc tỉnh Rạch Giá, có thời gian làm Phó Chủ nhiệm tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá rồi chuyển sang công tác ở ban Văn nghệ khu 8 ở Đồng Tháp Mười, sáng tác thơ, viết tùy bút, truyện ký. Năm 1954 đi tập kết ra Bắc, tiếp tục sáng tác. Năm 1956 chủ trương báo TRĂM HOA và có liên quan đến Nhân Văn và Giai Phẩm nên cuộc đời nhà thơ sống lận đận cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay tại Nam Định (ngày 20-01-1966).

 

         KIÊN GIANG cũng có tham gia kháng chiến và cùng với nhà văn Sơn Nam (ở Viện Văn hoá Nam bộ) viết cho tờ Tiếng Súng Kháng Địch mà ông Quang Phong (bút hiệu Vô Ngã, tức Nguyễn Tử Quang sau nầy) đang ở trong nhóm phụ trách báo đó. KIÊN GIANG ở lại miền Nam, lên Sài Gòn mướn nhà ở khu xóm lao động. Nhà anh ọp ẹp rêu phong, đối diện với nhà một anh cảnh sát từng làm việc cho Pháp trước kia. Anh KIÊN GIANG đã mở cửa hông và hàng ngày sử dụng xe mô-by-lết đen để di chuyển tới lui. Một hôm, do xe quá cũ kỹ, khi đạp máy nổ inh ỏi, bị anh cảnh sát ra la lối, "cấm từ nay mầy muốn đạp máy xe hãy dẫn ra ngoài đầu đường !". Anh nhịn nhục xin lỗi vì sợ mích lòng sinh ra làm khó dễ, lỡ bị truy ra tung tích có tham gia phong trào Việt Minh chống Pháp của mình. KIÊN GIANG nhẫn nhục chịu đựng bao điều phiền toái xung quanh, nhưng tâm hồn thơ thì anh khó mà dứt bỏ đi. Anh chợt nhớ bài thơ của Nguyễn Bính viết và dán trước cửa nhà trọ ở Rạch Giá năm nào, khung cảnh cũng giống như nhà trọ của anh bây giờ, nên Tết năm 1956, anh đã chép lại bài thơ đó, có sửa mấy chữ ở câu 3. Ban đầu mấy chữ PHƯỜNG PHÚ QUÝ anh đổi thành THẰNG THEO PHÁP, nhưng viết vậy quá lộ liễu, nguy hiểm, nên anh đã chọn ba chữ khác là THẰNG BẤT NGHĨA. Bài thơ gốc TỪ ĐỘ VỀ ĐÂY của Nguyễn Bính được KIÊN GIANG sửa lại và treo trước cửa:

 

Từ độ về đây sống rất nghèo

Bạn bè chỉ có gió trăng theo

Những thằng bất nghĩa xin đừng đến

Hãy để thềm ta xanh sắc rêu...

 

         Bài thơ TỪ ĐỘ VỀ ĐÂY được phổ biến rộng rãi ở các tỉnh phía Nam, và mãi đến sau nầy, ngay cả trong Tuyển tập NGUYỄN BÍNH (NXB Văn Học + NXB Long An - 1986) cũng có in ở phần bổ sung nội dung như bài có sửa 3 chữ của anh KIÊN GIANG.

 

         Nghe thi sĩ KIÊN GIANG kể, tôi chợt hỏi anh: "Anh là người trong cuộc có dính dấp tới bản gốc của bài thơ 4 câu trên, sao anh không viết thư cho con gái của nhà thơ với người vợ miền Nam là cô Nguyễn Bính Hồng Cầu, nghe nói đang làm việc tại NXB Cửu Long nói rõ việc nầy, để lần tái bản sau điều chỉnh lại cho đúng, hoặc ghi thêm chi tiết nầy? Dù sao đây cũng là một giai thoại lý thú mà người yêu thích văn học cần được biết. Bởi vì sự kiên liên quan được chính người trong cuộc kể lại?". Anh KIÊN GIANG mỉm cười, đưa ly bia Sài Gòn lên hớp một ngụm, gật gù bảo sẽ viết thư cho cô Hồng Cầu! Dù biết anh hứa như thế, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, trong cuộc sống nầy, đâu phải chỉ xảy ra duy nhất có một câu chuyện như vậy, nên chưa chắc gì anh KIÊN GIANG đã có thời gian viết thư cho Nguyễn Bính Hồng Cầu? Và liệu khi có sự lên tiếng nầy, những người chủ trương biên tập và in ấn Tuyển tập NGUYỄN BÍNH lại dễ dàng chấp nhận đưa vào phần bổ sung cho tác phẩm thêm hoàn chỉnh? Sở dĩ tôi đặt nghi vấn, là vì tôi có dịp chứng kiến hai sự việc liên quan đến văn học mà nhân bài viết nầy xin được nêu lên một cách vắn tắt, để bạn đọc có thể hình dung được. Đó là trường hợp bài thơ TIỀN VÀ LÁ của KIÊN GIANG và bài thơ THƠ NGÀY MƯA của Hoàng Lộc.

 

         Trước hết, xin nói về bài thơ THƠ NGÀY MƯA của thi sĩ Hoàng Lộc. Thi sĩ Hoàng Lộc sống ở Việt Nam Cộng Hoà và làm thơ có tiếng tăm, đăng trên các tạp chí uy tín ở Sài Gòn. Bài thơ THƠ NGÀY MƯA của anh đăng trên tạp chí BÁCH KHOA số 360 xuất bản tháng giêng 1970 tại Sài Gòn, vậy mà năm 1990 (?) trên tuần báo VĂN NGHỆ của Hội Nhà Văn Việt Nam (Hà Nội), sau đó có một vài báo khác đăng lại, tiết lộ đó là bài thơ hay của Định Nguyễn, một nhà thơ làm biên tập cho nhà xuất bản Văn Học Hà Nội - bạn bè ông Định Nguyễn đã chính thức công bố bài thơ trên khi ông vừa mới đột ngột qua đời. Bài thơ đã trích từ trong sổ tay của người bạn được chép tặng với bút tích và chữ ký của Định Nguyễn hẳn hoi. Để trang trọng giới thiệu xuất xứ bài thơ, tác giả chịu khó chụp hình bút tích của Định Nguyễn với lời giải thích tại sao ông ta sáng tác bài thơ THƠ MÙA MƯA (thay vì THƠ NGÀY MƯA). Định Nguyễn cho rằng, sau việc ly tan của vợ chồng ông khoảng cuối năm 1979 đầu năm 1980 và khoảng hai năm sau ông viết bài thơ nầy (?). Bài thơ của Hoàng Lộc nói về hình ảnh MẸ thì Định Nguyễn đã đổi lại là CHA, tức là có sự sửa đổi đôi chút chớ không giữ nguyên tác. Anh em văn nghệ Sài Gòn ngày xưa còn sống ở quê nhà, đã phát hiện trường hợp ăn cắp thơ khá kỳ khôi nầy, chịu khó lên thư viện Sài Gòn truy lục, mới tìm được tạp chí BÁCH KHOA số 360 nói trên, ngay phần mục lục vắn tắt ở trang bìa cũng đã có in tựa bài thơ với tên Hoàng Lộc là tác giả. Anh Đynh Trầm Ca đã photocopy nhiều bản để gởi kèm theo bài phản đối đến các nơi, nhất là tuần báo VĂN NGHỆ Hà Nội để yêu cầu lên tiếng đính chính, nhưng tất cả đều im lặng. Tuần báo tỉnh An Giang đã cùng lúc in hai bản song song, một bản đúng với trang báo BÁCH KHOA và một bản đúng với trang báo VĂN NGHỆ để bạn đọc dễ thấy so sánh và phát hiện việc làm không chân chính của Định Nguyễn (dù ông ta đã chết, nhưng những người cố tình bênh vực, bao che việc nầy còn đang có chức có quyền trong hội Nhà Văn Việt Nam - Hà Nội). Sau đó tôi có dịp tranh cãi với một người viết báo ngoài Hà Nội vào Cần Thơ về trường hợp nầy. Anh ta lúc nào cũng khen Định Nguyễn, và cho rằng: "Tại sao các anh không đặt vấn đề Hoàng Lộc đạo thơ Định Nguyễn?". Tôi nói thẳng anh ta: "Câu nầy đúng lý anh phải để tôi hỏi. Bởi vì nhà thơ Hoàng Lộc ở miền Nam đã in bài thơ nầy từ đầu năm 1970, có nghĩa được sáng tác trước năm 70. Báo ở miền Nam bán rộng rãi, có thể những người làm công tác văn hoá văn nghệ các anh mua được và chuyển ra Bắc, Định Nguyễn làm công tác biên tập có dịp đọc và nghiên cứu; hoặc biết đâu trong đoàn quân vượt Trường Sơn vào Nam có mặt Định Nguyễn và ông ta có dịp đọc được bài thơ nầy rồi thấy thích chép vào sổ tay, để sau đó, chuyện xảy ra lâu rồi tưởng không ai nhớ, bèn mượn đỡ để tự nhận của mình, vì bài thơ đúng với tâm trạng của ông ta? Còn nói Hoàng Lộc ăn cắp thơ Định Nguyễn thì không thể có, vì bài thơ của Định Nguyễn ở miền Bắc còn trong dạng bản thảo viết tay (lại chép tặng một người bạn), chưa hề được đăng báo, mà lại cho biết đã sáng tác khoảng năm 1982 (?), sau khi bài thơ của Hoàng Lộc xuất hiện trên BÁCH KHOA tới một con giáp 12 năm. Làm sao có chuyện ngược đời như vậy?"

 

         Tôi nói với giọng gay gắt, anh bạn thơ Huỳnh Kim sợ chúng tôi có những thái độ đối kháng quyết liệt không hay, nên đề nghị bỏ qua chuyện thơ văn khá điên đầu nầy đi. Anh bạn làm báo Hà Nội trước sau vẫn công nhận tài năng của Định Nguyễn. Tôi thì ra mặt không bao giờ phục một con người làm văn nghệ không chân chính như thế... Và, mãi đến khi tôi rời nước Việt Nam thì vụ đạo thơ của Định Nguyễn vẫn còn trong vòng im lặng đáng trách. Tôi được biết, hình như nhà thơ Hoàng Lộc ngày xưa đang ở Hoa Kỳ thì phải (?), và người giúp anh Đynh Trầm Ca (nhà thơ, nhạc sĩ tác giả bản nhạc khá nổi tiếng trước đây là RU CON TÌNH CŨ, mới sau nầy có bản SÔNG QUÊ cũng nổi tiếng) công bố nội dung việc đạo thơ trên là người tên Dũng, tự nhận là học trò của nhà thơ Hoàng Lộc! Vì uy tín của Thầy mình nên chịu khó giúp anh Đynh Trầm Ca phanh phui nội vụ cho ra lẽ vậy thôi!

 

         Trường hợp thứ hai cũng khá gây cấn. Đó là bài thơ TIỀN VÀ LÁ của thi sĩ KIÊN GIANG. Thật tình, trong buổi nói chuyện với anh KIÊN GIANG vào chiều ngày 6 tháng 7 năm 1989 tại quán cốc trước Hội Sân Khấu Sài Gòn (số 5B Võ Văn Tần), kể về Nguyễn Bính, KIÊN GIANG có đề cập tới bài thơ TIỀN VÀ LÁ của anh được in trong tập HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM (Phù Sa SG - 1960) và anh đã khen Nguyễn Bính có sửa mấy chữ thơ mà anh cho là rất đắt. Đó là:

 

(...) Tiền không là lá em ơi

Tiền là giấy bạc của đời phồn hoa

Người ta giấy bạc đầy nhà

Cho nên mới được gọi là chồng em...

(của KIÊN GIANG)

 

(...) Tiền không là lá em ơi

Tiền là giấy bạc của NGƯỜI in ra...

(của Nguyễn Bính sửa)

 

         Và, anh KIÊN GIANG rất phục cách dùng từ ám chỉ nhiều nghĩa của Nguyễn Bính mà thực tình lúc đó anh chưa hề nghĩ tới. Bài thơ phổ biến rộng rãi ở miền Nam trong nhiều năm kể từ tập thơ HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM ra đời, vậy mà một tác giả ở Hà Nội đã viết trên báo NHÂN DÂN CHỦ NHẬT số 2, tiết lộ một cách vui mừng là: "Mới phát hiện bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính chưa bao giờ phổ biến: TIỀN VÀ LÁ (!)", và bài viết đã in lại nguyên văn bài thơ mà tác giả cho là của Nguyễn Bính. Nhà thơ Trần Ngọc Hưởng (dạy học tại Long An), vốn có duyên văn thơ với anh KIÊN GIANG, đã viết một bài khá gay gắt và đăng báo Long An, sau đó gởi phản đối trên báo NHÂN DÂN nhưng vẫn không thấy họ lên tiếng trả lời. Mặc nhiên điều gì những người làm công tác văn nghệ văn hoá xuất thân từ Hà Nội gây ra đều cho là đúng, đều được bảo vệ? Như trường hợp nhà thơ Định Nguyễn kể trên? Hay như bài báo tiết lộ bài thơ hay chưa bao giờ phổ biến của Nguyễn Bính (mà thực tế đã được phổ biến ở miền Nam trên 30 năm rồi!).

 

         Qua vài chi tiết kể trên và sau cuộc trao đổi với thi sĩ KIÊN GIANG Hà Huy Hà, tôi chợt nghĩ: "Chỉ có người làm thơ và yêu thơ chân chính mới dễ cảm thông và quý trọng công trình sáng tạo tim óc của người khác. Dĩ nhiên rất ghét sự đạo tác tác phẩm người khác... để lừa dối cả chính bản thân mình! Làm văn nghệ như thế, tốt hơn hết đừng làm. Bởi vì trong cuộc sống nầy, lời nói có thể thoảng bay đi, nhưng đã in trên giấy trắng mực đen thì khó mà xoá mờ dấu vết. Sự chân chính là bẩm sinh lương thiện của mỗi con người. Tôi thường nghĩ như vậy". 

 

         Đối với thi sĩ KIÊN GIANG (HÀ HUY HÀ cũng là một bút hiệu của anh), suốt thời gian được quen biết anh, tôi có rất nhiều kỷ niệm mà trong một bài viết ngắn thế nầy không thể nào kể hết. Có điều, duyên văn nghệ của anh dành cho tôi rất đậm đà, và tình cảm đối xử ngoài đời cũng vô cùng đẹp đẽ. Nhớ năm 1990 (?), khi anh đi Bạc Liêu tham dự hội thảo và kỷ niệm lớn về cố nhạc sĩ Sáu Lầu (người khai sinh cho bản Vọng Cổ miền Nam), về ngang Cần Thơ đã đi bộ từ bến xe xuống tới đường Ngô Quyền, ghé ngay nhà của chị vợ tôi, hỏi thăm tôi có còn ở đó không kể từ sau năm 1975? Gặp vợ tôi ngồi bán báo là anh nhớ ngay, gọi đúng tên và tự giới thiệu anh chính là KIÊN GIANG... Rồi anh đã hỏi thăm tôi đủ điều, xé tờ giấy ghi cho tôi mấy câu, dặn có dịp đi Sài Gòn nhớ ghé anh tại Hội Sân Khấu, số 5B Võ Văn Tần. Nhà anh ở bên Khánh Hội, nhưng anh ít về đó lắm... Các bạn tôi ở Sài Gòn nói là anh bị lận đận về nhà cửa. Nghe nói vợ thứ của anh mở tiệm bán vàng, vay tiền ngân hàng và thế chấp tài sản, thua lỗ phải bị tịch thu nhà (?)! Anh phải đi ở đậu lang thang bên đường Hưng Phú chỗ Nhà văn hóa quận 8. Biết tôi sắp xuất cảnh, anh viết cho tôi một thư tay, dặn tôi chép gởi cho anh một số bài thơ mà MÂY TẦN đã từng diễn ngâm thời trước để anh có việc cần dùng. Thế nhưng, tôi có lỗi với anh là... khi rời Việt Nam, tôi không thực hiện được lời nhắn của anh, kể cả việc tìm thăm và chia biệt với anh,  có lẽ anh trách tôi nhiều lắm. Bây giờ sang tới Hoa Kỳ, tôi cứ bị ray rứt về tình nghĩa văn chương đối với thi sĩ KIÊN GIANG - mà tôi xem như người anh đáng kính, đã cho tôi ý niệm được tâm tư, tình cảm đối với quê hương, đất nước qua thơ ca, ở đó vượt lên tất cả tầm nhìn của mỗi con người, là tình MẸ thiêng liêng. Bởi vì, một nhà văn đã nói, "trong tất cả kỳ quan, chỉ có trái tim người MẸ là kỳ quan tuyệt xảo nhất".  

 

         Mùa Vu Lan Báo Hiếu năm nay, tôi xin ghi mấy dòng nầy, nhắc nhớ đôi nét về thi sĩ KIÊN GIANG còn sống ở quê nhà, kính dâng MẸ tôi và tặng những ai diễm phúc còn MẸ trên cõi đời, bởi ở trên tôi có trích dẫn câu ca dao :

      

            Mẹ già như chuối ba hương

            Như xôi nếp một như đường mía lau...

HOUSTON, mùa Vu Lan      

viết ngày 29-7-1995

 NGUYỄN VĂN SÂM

(California)

TẢN MẠN VỀ KIÊN GIANG,

NHÀ THƠ MINH HƯƠNG VIỆT HOÁ

 

NVSam_KG_TapTho.jpg

(Bìa bản nhạc thơ Kiên Giang do Huỳnh Anh phổ. Tài liệu từ Internet.)

         Trong văn chương Việt Nam hiện đại có một sự kiện đặc biệt là ba thơ-truyện của ba nhà thơ Bắc Trung Nam nổi tiếng lại xuất hiện rất gần nhau, cuối  thập niên 40 và đầu thập niên 50. Cả ba đều đã được phổ nhạc, phổ rất đạt, tiếng nhạc lời ca tuy có tăng gia thêm giá trị cho các bài thơ, đem tác phẩm đến người thưởng thức nhiều hơn, nhưng trên căn bản cả ba bài đều được công nhận là tuyệt tác, đáng nễ. Mỗi bài có giá trị riêng nhưng lớp người thưởng thức chung quy chỉ là một nhóm: dễ ngậm ngùi vì sự bi thiết của một tình yêu có người nữ bất hạnh, có chia ly mà không có tái hợp vốn nghịch lại với sở thích truyền thống của người nghe/đọc Việt Nam. Hữu Loan và Kiên Giang với người vợ/người yêu bất hạnh, Vũ Anh Khanh với vùng quê tan tác vì bom đạn - mà ta có thể coi là tượng trưng cho sự tan tác của một cành hoa, một người nữ không may.

Tại sao họ sáng tác ngược lại với sở thích chung lâu đài mà lại được ưa thích? Phải chăng vì cảm quan con người gần đây đã đổi thay? Cũng có thể người nghe đọc thơ-truyện đó thì liên tưởng đến sự bi thương của mình hay người thân, ít ra cũng là sư bi thương của một ai đó sống trong thời đại nầy, cách câu chuyện thiệt của ba tác giả không xa.

Người ta đọc thơ của họ, thấy liền trước mắt hình ảnh từ sự thật, cho nên dễ hóa mình là một phần tử của câu chuyện, hay đi xa hơn một chút, sự kiện đó, bi kịch đó mình đã thấy hoặc đã xảy ra cho mình. Tác giả đem chính đời họ để nói giùm người thưởng thức, vì có sự tương tác và đồng cảm nên tác phẩm được chào đón nhiều.

Hữu Loan kể về người vợ đầu tiên, người vợ ông coi như tình yêu em gái, trong sáng với thương yêu che chỡ, Kiên Giang với cô Nguyễn thị Nhiều bạn học, từng trao đổi bài vỡ, buông bắt ‘chuyện không đâu vô đâu' với những ánh mắt tha thiết ‘không bao giờ nói và nhất là không hứa gì nhưng là hứa trong tâm tư rất nhiều'. Vũ Anh Khanh là chuyến về Trảng Bàng chơi nhà bạn văn đồng tư tưởng, ghé họ đạo Tha La xúc động trước sự hoang tàng do chiến tranh tác động lên đời sống của dân xóm đạo hiền lành khiến cho hầu hết thanh niên trong xóm tức giận quyết phải lên đường làm một cái gì cho xứ sở, không cần biết sau đó là kết cuộc sẽ như thế nào....

Hữu Loan và Vũ Anh Khanh đã mất từ lâu, một người chết già sau thời gian dài sống đời chua xót vì bài thơ mang đến và vì thái độ phản kháng với chế độ, một người chết trẻ khi quyết lội về vùng đất tự do để được sống và viết phù hợp với "đóa tài hoa' của mình.

Và mới hai ngày trước đây, chiều 31/10/2014 Kiên Giang đã nằm xuống. Cái chết của thi sĩ chuyên viết thơ-truyện nầy coi như Trời cho một bonus khấm khá, 87 tuổi, sanh năm 1927, chết già, tuy rằng những tháng cuối đời phải buồn bã vì bịnh tật và nghèo khổ. Bịnh tật là do ba tháng trước ông bị xe đụng. Ôi sao những người văn nghê già của đất nước ta bị tai nạn xe cộ nhiều như vậy! Sơn Nam trước đây, Kiên Giang bây giờ, và còn biết bao nhiêu người nữa mà ta không biết! Người già được BS khuyên cố tránh đừng để té ngã gảy xương, xương già khi gảy khó lành. Ta nói mà không sợ quá lố hai cái chết nầy là kết quả trực tiếp từ những tai nạn của hai ông mấy tháng trước ngày mất. Những sáng tác ấp ủ cuối đời của họ không thực hiện được vì những anh nầy ông nọ say xỉn chạy càng, phóng ẩu sau cơn vui...

Thôi ! Cứ tạm an ủi nhau để khỏi bi thiết quá độ và trách móc vô ích, ta coi như số của Sơn Nam và Kiên Giang là như vậy. Hết số thì về Trời. Tác phẩm để lại cho Đời bao nhiêu đó đã đủ. Đời chỉ đáng nhận số lượng bấy nhiêu đó từ những người -Trời nầy thôi.

 

***

Tôi giao tình thân mật với Sơn Nam từ trước 75, những năm 69-79 hai người thường nhậu rượu đế ở tệ xá trên đường Chi Lăng, trước 75 thì có chút gì nhè nhẹ rẽ tiền đưa cay, sau 76 thì nhậu khan phần lớn, nhưng chỉ có dịp quen biết với Kiên Giang độ chừng mười năm nay thôi.  Mười năm nhưng gặp nhau độ 5, 7 lần, khi thì ở hội quán Nghệ sĩ

NVSam_KG_ButTich.jpg

(Địa chỉ ông cho tôi trước khi về Long Xuyên năm 2010. Cả hai bây giờ đã trở thành hư ảo, số đt thì càng hư ảo hơn!)

đường Cô Bắc, khi thì ở quán cóc đường Nguyễn Cư Trinh, hai lần sau cùng nhân đám tang nhà văn Thẩm Thệ Hà. Chúng tôi không còn trẻ nữa nên hai người chỉ nhăm nhi cà phê, Kiên Giang ly đen nhỏ với một món ăn gì đó, người ở xa về ly cà phê sữa thiệt ít cà phê. Chuyện lan man đủ thứ không ra đầu đuôi ngô khoai gì, đụng đâu nói đó. Thỉnh thoảng do thói quen cố hữu tôi - hay người đi theo- ghi lại vài ba ý đặc biệt hoặc năm ba câu thơ của người mình nói chuyện, nhờ đó giờ đây tôi có được một vài câu thơ miệng của Kiên Giang. Tôi gọi là thơ miệng vì ông đọc cho mình, và thiệt tình không biết ông có đọc cho ai khác hay đã in ở đâu chưa.

Tôi xếp Kiên Giang vô lớp nhà thơ của tình yêu: Tình yêu gái trai không trọn vẹn mà ai cũng biết, tình yêu quê hương âm ỉ, giấu giếm trong lòng, chỉ khi hứng chí tuông ra chút chút với bạn bè có chút gì liên quan đến chữ nghĩa hay ý kiến về những chuyện xảy ra chung quanh.

NVSam_Kiengiang1.jpg

(Kiên Giang Hà Huy Hà năm 2008. Hình trên mạng).

Kiên Giang có lối nói chuyện thẳng thừng, gọn, không rào đón, tiếng nói mạnh, thấy trong cách nói sự ngay thẳng của người Nam, ông thường nhấn mạnh, tôi là người gốc Hoa, có thể gọi là Minh Hương, nhưng Minh Hương gì nữa, tôi trở thành người Việt chánh cống lâu rồi hồi nào không biết, có lẽ do chơi thân với toàn là người Việt... rồi mất gốc luôn. Nơi đây là quê hương tôi, quê hương con cháu tôi...

Tôi cảm giác sờ đụng được sự thành thật trong lời nói của người thơ kiêm soạn giả cải lương nầy. Việt Nam đã có nhiều người gốc Hoa bồi đắp cho văn chương Việt bằng tác phẩm có giá trị như Trịnh Hoài Đức, Mạc Thiên Tích, Hồ Dzếnh, có thể là cả Phan Thanh Giản và nhiều nhà thơ sành chữ Hán khác của Miền Nam nữa... Dòng máu cha sanh mẹ tạo hình thành con người sinh học của ta, nhưng chính tâm hồn và cảm thức của ta  mới quan trọng, nó được cá nhân ta hoàn thiên từ từ theo thời gian và nhận thức để tạo nên con người thật là ta với bản ngã của ta. Tâm hồn Kiên Giang đáng quí ở chỗ chung thủy với người yêu, cảm thấy mình có lỗi khi không hiểu ý tình của người yêu cho nên ray rức trường kỳ, sự ray rức đó tạo nên thơ-truyện buồn Hoa Tím Thôi Cài Lên Mái Tóc. Ray rứt đó khiến ông thay đổi đoạn kết câu chuyện dầu rằng thoại trước đã thành công. Sự công bố câu chuyện tình yêu, công bố hình ảnh người tình quá vãn là sự biểu hiện đágn quí cái tâm hồn chung thủy của ông.

Tôi nhớ lần nào đó mình đã hỏi:

‘Mối tình đó anh mang trong lòng hoài làm sao chịu nỗi, làm sao sống?'

Và ông trả lời gần như gằn từng tiếng:

‘Đâu phải lúc nào cũng nhớ đâu! Nhưng mà tiếc vì mình vô tình, vì mình lo công việc riêng làm mất hụt nhiều thứ. Mình có lỗi nhiều với người ta. Nhắc nầy làm nọ cũng là cách xin lỗi.'

Ông chuyển đề tài hỏi tôi có đem theo quyển Lúa Sạ Miền Nam có bút tích của ông mà tôi mua được ở chợ sách cũ như đã hứa trước khi đến không. Tôi đưa ra mấy trang copy bút tích của ông, của Sơn Nam ..., ông cám ơn sau khi đã coi lại cẩn thận.

Tôi ngồi nhìn người thơ lớn tuổi, điếu thuốc gắn trên môi, tàn dài chưa rớt, tay lật lật những tờ giấy, ngừng lại hơi lâu ở hình chụp chung hai người trẻ Kiên Giang và Sơn Nam, tôi ngẫm nghĩ về sự cẩn thận và trân trọng của ông đối với kỷ niệm trong khi đó cũng như bạn chí cốt của ông trước đây, khi được tặng tiền đã hờ hững bỏ túi không bao giờ đếm hay sành soạn coi ít hay nhiều.

Nói chuyện với ông mấy lần tôi biết được lắm điều thú vị mà trước nay mình không biết. Chẳng hạn nhà thơ Truy Phong sống suốt đời ở quê trên cù lao Dài, quận Vũng Liêm, đã chết cách đây 4 năm. (lúc chúng tôi nói chuyện 2010), chẳng hạn như nhà văn Nguyễn Tử Quang của xứ Sóc Trăng cũng có làm thơ và ông ta ký là Vô Ngã, chẳng hạn như tuồng cải lương Trương Chi Mỵ Nương tuy để tên một mình Hà Huy Hà nhưng có sự góp sức đáng kể của Hà Triều và Hoa Phượng mà vì lý do tế nhị với đoàn hát không thể để cả ba tên.

Tôi ngạc nhiên nhiều khi ông kiên nhẫn đọc đi đọc lại cho người chép chép bài thơ của thi  sĩ Nguyễn Văn Cổn, một bài thơ quê hương nhè nhẹ kiểu thơ của thi sĩ Bàng Bá Lân:

            Tù-và văng vẳng nhớ quê xưa,

            Nhớ bóng làng ta khuất lá dừa,

            Nhớ ngọn lúa vàng bông phất phới,

            Nhớ bần bên rạch ngọn đong đưa...   (thơ Nguyễn Văn Cổn)

Phải yêu thắm thiết quê hương nầy mới nhớ được bài thơ ít người biết kia! Càng ngạc nhìên hơn nữa khi ông đọc vài bài thơ-miệng của mình  về thời thế với nội dung mà tiếng bên đó bây giờ gọi là nhạy cãm, có vấn đề, nói chơi với nhau thì được viết lên giấy trắng mực đen thiệt là gay.

Tôi thích nhứt ba câu mà  Kiên Giang nhấn mạnh trước khi đọc: ‘Tôi làm ba câu thôi, ai muốn hiểu sao thì hiểu, ai muốn làm thêm thì cứ làm, tôi không chịu trách nhiệm':

            Đỉ điếm cũng thay khung mặt nạ,

            Đổi ngón nghề, lang chạ gian manh.

            Hòa Bình tưởng hết chiến tranh... (thơ-miệng Kiên Giang)

Tôi ứng khẩu thêm vô câu cuối theo cái nhìn của người ở ngoài nước..., ông nghe xong chỉ cười cười không nói gì.

Có lần trước khi chia tay ông nhấn mạnh về tình người, tình bạn và kết luận bằng cặp thơ:

            Cho hay hết thảy đều tan biến,

            Còn lại ngàn sau chút nghĩa tình.  (thơ-miệng Kiên Giang)

Và, ông vừa nói vừa mỉm cười :-  ít thấy ở ông-  có hai câu nầy cho Việt Kiều:

            Dầu xa cách mấy trùng dương,

            Ở đâu cũng có quê hương trong lòng. (thơ-miệng Kiên Giang)

Anh Kiên Giang! Hơi khác với trường hợp anh sanh ra và sống trọn đời ở VN nên tha thiết với quê hương phong cảnh Việt, trở thành người Việt, không để ý gì đến xứ sở máu thịt Trung Hoa, chúng tôi sanh ở Việt Nam sống ở nước ngoài thời gian dài hơn sống ở nơi mình sanh ra nên có cái quê hương của tuổi trẻ trong lòng, đồng thời cũng có cái quê hương trung niên trong trí, cái quê hương thứ hai đã bao bọc và che chở chúng tôi khi bị quyền lực trên cái quê hương thứ nhứt làm khó dễ trăm bề...

Vâng, thưa anh Kiên Giang, dẫu xa quê hương cách mấy trong lòng những người xa xứ chúng tôi cũng canh cánh nhớ về cái quê hương đầu tiên nơi mình được sanh thành. Nhưng cũng từ lòng yêu quê hương thâm sâu đó chúng tôi đau đớn thấy nó bị bóc lột lợi dụng, ngóc đầu lên không nổi, thua kém những đất nước chung quanh.... 

 

Nguyễn Văn Sâm 

(California, ngày 03 tháng 11 năm 2014) 

 

Thơ KIÊN GIANG:                                

 

  

Chậu Nhỏ Đựng Đầy Hồn Cố Thổ

Kỷ niệm một chuyến trở về thăm làng cũ (Đông Yên, U Minh Thượng)

 

Năm mươi năm, bỏ làng xa xứ

Đầu bạc mới tìm về cố hương

Quên mất Vàm ngoài sông Cái nước

Không nghe gà gáy giữa canh sương


Khỉ hết chuyền cành bần hái trái

Bông không còn rụng thả trôi sông

Ngày thơ xé mắm ăn bần chín

Bóng mát lung linh chở khẳm xuồng


Cây cầu dừa bắc ngang đường lở

Trẻ quậy bùn sôi bến tắm mưa

Nay đã xây cầu, hai mố đúc

Mình quên là phải cái cầu xưa


Kìa sân phơi lúa thời thơ dại

Con nít đá banh gọt bặp dừa

Ai đá thua khum lưng, cõng bạn

Bây giờ lập miếu nhớ người xưa


Đã cất lâu ngôi trường lợp ngói

Trống da trâu đánh buổi đông trường

Thầy cô ở huyện vô đây dạy

Cha mẹ học trò đều mến thương


Thằng bạn cái thời tuổi tắm mưa

Dắt mình tìm lại đất nền xưa

Vẫn còn nguyên vẹn, không ai chiếm

Tràm mọc đầy sân, mặc gió lùa


Ở chợ, người giàu giành hết đất

Không nhà, tới chết vẫn long đong

Sao chưa trở lại U Minh Thượng

Hai đứa già ôm tuổi tắm mưa


Nắm chặt tay sần người bạn cũ

Gượng cười, đứng ngắm cánh diều bay

Còn mang nặng nợ văn chương đó

Khó trở về quê lúc trắng tay

Đứng giữa nền xưa sao muốn khóc

Hàng ba giăng võng, mẹ ru con

Sáu năm hồn mẹ vào thiên cổ

Tiếng võng nhà bên gợi nỗi buồn


Vẫn tiếng cu gù thời trẻ dại

Còn nghe gió hát lộng chồm tre

Bến sông lở đất khơi dòng chảy

Đông xóm xanh làng mát bóng quê


Móc đất giữa nền nhà bỏ trống

Đựng đầy chiếc giỏ cuối đời người

Đem hồn quê gởi nơi thành thị

Giữ lấy cố hương giữa chợ đời


Chậu nhỏ đựng đầy hồn cố thổ

Tiếng gà rừng gáy thuở khai hoang

Ngỡ sông quê chảy vờn hương khói

                    Nghe tiếng cu kêu sực nhớ làng.

                               KIÊN GIANG 

__________________________________________________________________________________________________________________________________________ 

 

Enter supporting content here