HTTL_Jun29_catwriting.jpg
HOÀNG THỊ T LANG
_____________   

Má tôi và vầng trăng ngày cũ

 



HTTL_Demtrangbuon.jpg

 

Những ngày ở VN đêm nào tôi cũng ngồi nói chuyện với Má suốt cho đến khi Má bắt đầu thời công phu lúc 10 giờ. Ở cái tuổi 90 Má tôi vẫn còn yêu thơ như thuở nào, Má vẫn còn làm thơ, bài nào làm xong Má hay đọc cho tôi nghe, tôi nhớ hoài bài Đêm trăng buồn của Má. Tôi biết vầng trăng ngày cũ đã xa Má lâu lắm rồi. Trăng đã buồn theo đời Má từ cái ngày tháng Tư năm ấy. Từ cái ngày Ba bỏ Má mà đi. Má ngược xuôi, xuôi ngược một thân một mình nuôi đàn con dại, sống với đồng lương cô giáo $50 mỗi tháng nhỏ nhoi của tôi. Áo góa phụ choàng lên đôi vai gầy guộc của Má buồn hơn theo năm tháng, theo vận nước nổi trôi. Ngày ấy trong đêm một mình tôi hay nghe Má khe khẽ ngân nga mấy câu thơ của ai nghe mà đứt ruột:


Chẳng biết thuở nào trăng hết xanh

Sương buồn như lệ hết long lanh

Bao giờ mây biếc thôi say gió

Tôi hết vương mang một ảnh hình

 

Mấy câu thơ Má ngâm tôi không cầm được nước mắt. Tôi biết Má nhớ Ba. Má nhớ ngày xưa của Má. Vầng trăng xưa của Má đâu rồi.? Ôi vầng trăng xưa ai xẻ làm đôi.  Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường. Rồi trăng buồn hơn. Trăng lẻ loi hơn từ lúc con của Má lần lượt bỏ Má mà đi.Trong hoàn cảnh hiện tại, quê nhà không còn là nơi chốn để dung thân, những đứa con của Má như những cánh lục bình trôi dật dờ tới những bến bờ xa lạ...

Má - một người con gái quê xưa, ở thập niên 20 - 30, mà tâm hồn Má rất khác thường, không giống như những người cùng tuổi tác thế hệ của Má. Nếu nói Má thuộc cả quyển Chinh Phụ Ngâm thì dễ có mấy ai tin. Nhưng sự thực là như thế. Sau tháng 4 năm ấy Má khóc, má ôm cả chồng sách cũ đem vào ruộng nhà Ngoại chôn dấu. Má nhờ người đào hố, rồi Má bỏ xuống cái khạp lớn và chất những cuốn sách mà một thời Má yêu quí. Xong rồi Má cứ phập phồng lo. Rồi Má sợ đủ thứ. Má sợ bị xét nhà bị ghép tội cất giữ văn hòa phản động, Má lại đem lên và ngồi một mình trong đêm đốt từng trang sách mà nước mắt rưng rưng. Má bảo tôi Má sợ không thể giữ được quyển Chinh Phụ ngâm nầy và bằng mọi cách Má phải học cho thuộc để mà còn dù ở trong hoàn cảnh xấu nhứt không thể giữ được Nó, và chỉ trong thời gian ngắn Quyển Chinh Phụ Ngâm đã được cất giữ bên Má suốt đời suốt kiếp. Để rồi trong những đêm trường tĩnh mịch một mình trong đêm Má ngân nga những câu trong chinh phụ ngâm nghe thật não nùng ai oán

 

Chàng thì đi cõi xa mưa gió

Thiếp lại về giường cũ chiếu chăn

Đoái trông theo đã cách ngăn

Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh...

 

Má tôi không giống như các bà Má cùng tuổi Má. Má ăn mặc rất là giản dị. Một cái áo bà ba trắng với chiếc quần đen là đủ rồi. Thế mà tâm hồn Má trẻ lắm. Chị em tôi hay đùa với nhau bằng một niềm hãnh diện khôn cùng - Má mình mà -. Vâng Má mình là thế đó. Má thích làm thơ. Má thích đọc thơ. Má thích nói chuyện thơ văn với những người trẻ tuổi. Ngày xưa lúc còn đi dạy, bạn bè tôi đến nhà hay được má làm cà phê phin cho uống và cùng Má nói chuyện thi văn. Ai nói thơ đến đâu, má nói tới đó. Má như trẻ lại trong cái thế giới thi ca của Má. Những Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính và nhất là TTKH. Đó là những dòng thơ mà Má tôi yêu thích. Bài nào Má cũng nhớ, cũng thuộc không sót một câu. Tôi thích ngồi nghe Má đọc thơ. Má nói thơ. Sau 75 Má làm thơ nhiều hơn. Bài thơ một lần mà Má đến Kinh làng Thứ Bảy tìm tôi sau chuyến đi năm ấy, mới đó mà đã 35 năm.

 

 

HTTL_andMother.jpg

Sóng nước mênh mông thuyền bé nhỏ

Vượt đường gian khổ đến thăm con

Từng không lớp lớp mưa rơi xuống

Thấm ướt bờ mi lệ tủi hờn

 

Đã bốn mươi ba năm qua. Tiếng tụng kinh của Má vẫn đều đều trong đêm trường thanh vắng. Chẳng biết câu kinh, tiếng kệ có làm cho Má tôi phôi pha chuyên ngày tháng cũ? Quên đi rồi chuyện nước non?

 

Ôi! Vầng trăng ngày ấy của Má đâu rồi? Có ai khâu dùm tôi lại miền ký ức xưa chở về cho Má ánh trăng của một khoảng đời yêu dấu cũ...

 

Hoàng thị Tố Lang

HTTL_Sig.jpg 

 

  

 HTTL_Trangnhatky.jpg

Thế là tôi lại lỗi hẹn. Cái lỗi hẹn đã bao nhiêu lần. Tôi cũng không hiểu tại sao nữa. Lần nào cũng như lần nào Visa, Passport, hành lý đã sẵn sàng và quyết định cuối cùng là ở lại thôi không về nữa. Nhà tôi lắc đầu thở dài khẽ bảo "Em làm sao ấy, cứ về như mọi người đã về, đừng nghĩ ngợi gì nữa có hơn không!

 

Tôi lại lỗi hẹn với người ở bên nhà. Ở lại thành phố buồn tẻ nầy đón thêm cái Tết ly hương của những đứa con lưu lạc. Tôi nhớ một câu hát nào đó xa lắm rồi "nếu mai không nở em đâu biết xuân về hay chưa".
Tôi hát nho nhỏ và nước mắt chực rơi. Xứ người mai cũng không có và mùa xuân Tết về cũng nào có thấy. Trời Winnipeg cuối tháng Giêng buồn tênh. Bên trong cửa sổ nhìn ra tuyết trắng cả bầu trời. Trong những ngày cuối năm lòng tôi quanh quẽ hơn bao giờ hết. Những nhớ nhung quay quắt tưởng chừng muốn điên lên được. Tưởng là tất cả đã ngủ yên. Tưởng là phận đời ngày xưa đã xếp lại nhưng không, tất cả vẫn còn đó. Vẫn nằm yên đó. Chỉ cần một câu nói, một lời ca, một ảnh hình nào đó tất cả sẽ hồi sinh; như sáng nay trước giờ đến sở nhà tôi bảo:

"Em ở nhà lau dọn bàn thờ, nấu cơm để chiều nay mình cúng mời Ông Bà về ăn Tết, và 12 giờ trưa em nhớ phone cho mẹ chúc Tết. 12 giờ trưa bên nầy là giao thừa ở Vịêt Nam..." Cả một khung trời dĩ vãng trở về, những lớp sóng xưa đã chỗi dậy: Giao thừa, cơm chiều cuối năm. Nhớ ngày xưa mẹ tôi thường hay nói "Đi đâu thì đi, ngày tư ngày Tết buổi cơm chiều cuối năm đứa nào cũng phải có mặt ở nhà. Tôi vẫn nhớ lời mẹ dạy song đứa con lưu lạc vẫn chưa về trong chiều nay... Tôi nhìn lên bàn thờ xem còn thiếu cái gì nữa không. Tôi muốn làm những gì mà ngày xưa mẹ tôi đã làm. Tôi cũng hầm một nồi khổ qua nhồi thịt, làm mấy lọ dưa cải chua ăn kèm với thịt kho nước dừa. Nồi thịt kho của mẹ tôi ngày xưa thì còn có cá lóc béo ngây và thêm vài chục trứng vịt. Tôi còn nhớ hồi còn nhỏ ngày đầu năm chẳng bao giờ tôi dám đụng đũa tới cái hột vịt mẹ tôi rất ngạc nhiên vì món nầy là món tủ của tôi. Mẹ cứ hỏi "Sao con không ăn hột vịt đi, mẹ kho riu riu, hột vịt thấm ngon lắm con à". Tôi cứ bảo "Nhiều món quá mẹ để từ từ cho con", nhưng sau nầy mẹ mới vỡ lẽ ra tôi sợ ăn hột vịt đầu năm sẽ xui trọn năm vì chị Hai tôi đã nói với mẹ "Chắc nó sợ đầu năm làm bài bị ăn trứng vịt đó mẹ" Từ đó về sau ngày Tết mẹ không còn ép tôi ăn hột vịt nữa. Tối đêm qua tôi cũng đã gói dăm đòn bánh tét và mấy chục bánh ít. Vừa gói mà vừa khóc, khóc ngon lành như chưa bao giờ được khóc. Tôi muốn dựng một cái Tết quê hương nơi xứ người mà tôi có dựng được đâu. Những hân hoan, rộn ràng của năm xưa có còn đâu nữa. Chị em tôi đâu còn quay quần bên mẹ để đón xuân về. Đứa ở Mỹ, đứa ở Canada, đứa ở tận Úc Châu xa tít. Nhà tôi ngồi xuống bên tôi vỗ về, anh là người hơn ai hết hiểu được tâm trạng của tôi trong chiều nay "Làm chi cho cực vậy em, ngoài chợ có bán đủ cả, mua về cúng có sao đâu". Anh nói thế chứ anh đã phụ tôi làm cái giò thủ bao tử từ mấy ngày trước. Anh cùng các con tôi xúm xít bên tôi lau lá, cột dây. Con Ty con gái lớn của tôi chợt nói "Sao mẹ làm nhiều thứ quá" Tôi trả lời cũng như ngày xưa mẹ tôi hay nói "Tết mà con". Mẹ tôi con đông năm nào cũng thế mẹ gói cả hơn 50 đòn bánh tét, bánh ít thì cả trăm. Mẹ hay bảo "Tết nhất phải có đồ ăn đầy nhà con biết không." Hồi còn nhỏ trong số các chị em tôi tôi là đứa hay quấn quít bên mẹ để được, mẹ sai vặt. Tôi gật đầu bảo "Con biết" mà thực ra tôi có biết gì đâu, tôi đâu có nghĩ như mẹ, cái trí óc non nớt của tôi ngày ấy tôi chỉ nghĩ ngày Tết có thức ăn nhiều để ăn cho thỏa thích thế thôi.

Nhà tôi đang sửa sọan để cúng cơm chiều 30 Tết, trên bàn thờ đèn đuốc sáng choang, mâm ngũ quả lóng lánh đủ màu đủ sắc. Các con tôi phụ Bố bày thức ăn lên bàn thờ. Nhà tôi thắp nến, đốt nhang, ngọn nến lung linh, mùi nhang thơm của Nhật Bản nhè nhẹ một mùi hương thanh thóat. Không khí vừa trang nghiêm mà vừa buồn bã. Tôi nghe lòng rưng rưng, không cầm được giọt lệ khi nghe nhà tôi lâm râm khấn nguyện "vợ chồng con và các cháu có chút cơm canh xin rước ông bà hai bên nội ngọai về đây ăn tết với gia đình chúng con". Thấy mẹ khóc, mấy đứa con tôi không hiểu chuyện gì cũng òa khóc theo, nhà tôi mắt đã đỏ hoe tự bao giờ.... Ôi! Cái tết ly hương sao mà buồn vậy. Thằng út đến bên tôi thỏ thẻ "Mẹ nhớ bà ngọai phải hông mẹ."

 

Vâng đêm nay tôi nhớ mẹ tôi hơn bao giờ hết. Thế mà tôi xa mẹ tôi hơn hai mươi năm rồi. Ngày ra đi tóc hãy còn xanh. Bây giờ tóc đã bạc màu. Mẹ tôi một mẫu người đàn bà miền nam hiền lành đôn hậu song có một tâm hồn tuyệt vời. Tâm hồn mẹ tôi ướp bằng thơ văn, bằng nhạc. Mẹ không học nhiều chỉ đến bằng tiểu học ngày xưa nhưng ở mẹ là cả một rừng sách vở có quyển nào của Tự Lực Văn Đòan mà mẹ không đọc. Một người con gái quê sinh ở thập niên 20-30 mà tư tưởng rất hòa đồng với thế hệ tôi. Bạn bè dạy cùng trường với tôi rất qúi mẹ, lần nào đến nhà cũng được mẹ pha caphê phin cho uống và cùng mẹ nói chuyện thi văn. Mẹ rất yêu thơ Nguyễn Bính. Ngày còn nhỏ mẹ thường ru tôi ngủ bằng những bài lục bát dễ thương của Nguyễn Bính. Thơ Nguyễn Bính bài nào mẹ cũng thuộc. Chẳng biết mẹ có tâm sự gì không mà mẹ đọc bài "Lỡ bước sang ngang" thật là não nùng.


HTTL_NgBinh.jpg

Trời mưa ướt áo làm gì

Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng

Người ta pháo đỏ rượu hồng

Mà trong lòng chị một vòng hoa tang.

... 

Nhưng em ơi một đêm hè

Hoa soan nở xác con ve hoàn hồn

Dừng chân trên bến sông buồn

Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang...

Nguyễn Bính

(Lỡ bước sang ngang)

 

Theo lời mẹ tôi kể có lần Nguyễn Bính xuống Rạch Giá, mẹ tôi đã lén ngọai để đi xem buổi ngâm thơ mong nhìn thấy mặt nhà thi sĩ, tài hoa mà mẹ từng mến mộ. Tôi ghẹo mẹ: Chắc Nguyễn Bính, đẹp trai lắm hở mẹ. Mẹ cười thật dễ thương và nói: Nguyễn Bính mặt rỗ chằng hà. Nhưng không vì thế mà ngai vị thần tượng sụp đổ trong lòng mẹ. Có lẽ từ sự đam mê ấy mẹ làm thơ rất hay, những dòng thơ mang âm hưởng của Nguyễn Bính rất nhiều mà mẹ không học từ trường lớp nào cả.

Thế rồi biến cố 30-4 xảy đến như một tai trời ách nước. Mẹ lại gồng gánh nuôi chồng nuôi con, nước mắt mẹ đã thấm con đường thăm nuôi từ Nam ra Bắc.

Con Cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non.

 

 

 


Mẹ là hiện thân của Cái Cò Tản Đà năm xưa. Ba đi rồi một thân một mình mẹ bương chải ngược xuôi để nuôi đàn con dại. Lúc ấy đồng

HTTL_TLvaMe.jpg

 lương cô giáo 50$ một tháng của tôi làm sao có thể thay Ba để nuôi sống gia đình. Sau một thời gian bán buôn ế ẩm mẹ về ngọai bám víu mảnh vườn của ngọai ở ngọn Vàm Trư Rạch Giá mong kiếm miếng cơm đắp đổi qua ngày. Sáng sớm mẹ đi, chiều tối mẹ với về. Hôm nào mẹ về trễ chị em tôi đứng ngồi không yên, lo cho mẹ đi đò qua sông có chuyện gì không, mẹ mà có bề gì tôi mới làm sao đây. Có hôm tối mịt, đèn đường đã lên mẹ mới về đến nhà với gánh hàng kĩu kịt trên vai đủ thứ trái cây để hôm sau đem ra chợ bán. Thế mà mẹ cũng không quên gói về mấy khúc cá chiên, một nhúm tép rang cho các con, chị em tôi mừng biết bao nhiêu khi có thức ăn cho buổi cơm chiều. Giọng mẹ tràn đầy thương yêu "Ăn cơm đi con". Nhìn các con ngồi ăn tôi nghe mẹ thở dài rồi mẹ rấm rức khóc...

 

Sống trong chế độ hiện tại các em tôi phải gia nhập vào đội ngũ văn nghệ phường khóm để khỏi phải đi lao động. Bài hát thịnh hành nhất vào những ngày đầu giải phóng vướng vấn chút nhiều tình cảm lãng mạn là bài Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Em tôi chơi đàn Mandoline tuyệt vời. Có hôm vừa đàn nó vừa nghêu ngao hát "Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn hai đứa ở hai đầu xa lạ, đường ra trận mùa nầy đẹp lắm Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây". Mẹ kêu em tôi đến vừa khóc vừa nói: Mẹ khổ lắm con ơi, thương mẹ về nhà con đừng hát mấy bài nầy nữa... nữa. Cái tình nước non đầy ắp trong tâm hồn mẹ. Lúc nầy mẹ làm thơ nhiều lắm. Hai chị lớn của tôi đã đi lấy chồng trước 75, ngòai tôi ra mẹ đâu còn ai để tâm sự các em tôi còn nhỏ quá. Mẹ chỉ biết trang trải nỗi lòng bằng những dòng thơ đa sầu đa cảm của mình. Làm xong bài nào mẹ cũng đọc cho tôi nghe. Tôi hỏi mẹ sao không chép vào vở. Mẹ lắc đầu và không trả lời câu hỏi của con gái. Có bài thơ của mẹ mà tôi nhớ mãi dù đã mấy chục năm qua.

 

Người đã xa rồi ta nhớ mong.

Niềm riêng canh cánh ở bên lòng

Sầu dâng lai láng buồn man mác.

Dặm liễu mờ xa ai ruổi dong

... 

Ta cố quên đi ngày tháng cũ

Cho lòng vơi bớt nỗi đau thương

Nhưng nhìn non nước màu tang tóc

Lạnh buốt tim ta mấy đọan trường

... 

Chẳng biết thuở nào ta trở lại.

Sống thời tươi đẹp thuở xa xưa

Nụ cười đượm nở trên môi thắm

Chẳng lệ chia tay chẳng tiễn đưa


Mơ ước chỉ là mơ ước thôi

Thời gian đã xóa giấc mơ đời

Giờ đây thực tại buồn,  thương lắm

Muôn vạn niềm đau hận chơi vơi

... 

Ta sống âm thầm trong tiếc thương

Muôn người vượt sóng lướt trùng dương

Chân mây xa thẵm xin cầu nguyện

Cho người mạnh tiến chốn biên cương

 

Và mong một sớm trời tươi nắng

Muôn vạn người đi quay trở về

Phất phới tung bay cờ chiến thắng

Đẹp tình non nước trọn tình quê

 

  Tôi kính phục mẹ tôi vô cùng. Trong cuộc sống dầu sôi lửa bỏng thế mà mẹ còn cả một tấm lòng cho non nước. Từ mẹ tôi đã học được tình quê hương. Mẹ đã vạch ra lý tưởng cho chị em tôi theo đó mà đi. Ngày còn trẻ mẹ yêu biết bao nhiêu là kháng chiến mùa thu. "Mùa thu rồi ngày 23 ta đi theo tiếng ca sơn hà nguy biến" Thế rồi kháng chiến mùa thu đã làm vỡ mộng biết bao tâm hồn yêu nước. Ngày ấy mẹ cũng gia nhập vào đòan thể "Phụ Nữ Tân Văn" Có lần ngoại kể chuyện về mẹ cho tôi nghe và ngoại cười "Chẳng biết mẹ mầy giống ai" ý ngọai nói là mẹ không giống ngoại song tôi thầm cám ơn Trời Phật đã ban cho tôi một người mẹ thật tuyệt vời như thế.

 

HTTL_ThuyenTrang.jpg

Ôi! Cả một trời kỷ niệm dấu yêu tôi đã bỏ lại nơi quê nhà. Tôi không ân hận đã bỏ mẹ mà đi. Chỉ buồn cho hòan cảnh của quê hương không cho phép mình ở lại. Hai mươi mấy năm qua mà hình ảnh buổi sáng tiễn biệt năm nào vẫn còn đây. Mẹ như chết đứng. Nước mắt dầm dề, không nói nên lời khi tôi ôm mẹ thốt lên lời giã biệt. Tôi không chịu đựng nổi, nấn ná thêm phút giây nào nữa tôi sẽ bỏ cuộc. Tôi sẽ ở lại. Tôi buông mẹ ra, đi thật nhanh như trốn, như chạy. Sau lưng tôi, tôi nghe tiếng mẹ đứt đọan "Thôi ở lại đi con, để các em con tụi nó đi một mình, con đi mẹ khổ lắm." Tôi đã mềm lòng cùng lúc ấy hình ảnh run rẩy của mẹ trong đêm khuya vắng khi nghe tiếng gõ cửa trổi lên. Mẹ giục hai em tôi chui ngay xuống cái khạp chôn dưới chân giường để trốn. Lúc ấy chính quyền trong tỉnh đang phát động chiến dịch "Thanh niên thi hành nghĩa vụ quân sự". Tôi nói thật nhỏ, thu hết can đảm, nói lời sau cùng "Mẹ yên tâm, rồi con sẽ về mà". Nơi bến đò Ông Dình Ký Rạch Giá buổi sáng hôm ấy lại tiễn người đi. Thuyền từ từ tách bến. Qua làn sương mỏng ban mai tôi nhìn quê nhà lần cuối cùng. Thuyền càng ra xa thành phố chỉ còn là một chấm nhỏ, nhỏ dần và khuất hẳn, chỉ còn nghe tiếng máy đuôi tôm nổ phành phạch cùng tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền. Tôi ngồi bệt xuống khoang thuyền ôm mặt khóc nức nở...

 

Thế là tôi xa mẹ từ buổi sáng hôm ấy. Đã hai mươi mấy năm trôi qua tôi vẫn chưa một lần về thăm chốn cũ. Tôi vẫn biết mẹ buồn lắm khi tôi lại thêm một lần lỗi hẹn. Có chọn lựa nào mà không mất mát đâu. Tôi nghe lòng thanh thản hơn khi viết xong những dòng nhật ký sau cùng trong đêm nay. Như một món quà cho mẹ, cho quê hương bỏ lại. 


Đêm nay nơi phương trời viễn xứ xa cách quê nhà ngàn trùng sóng nước biết bao nhiêu người cùng một tâm sự như tôi đang sửa sọan đón thêm một mùa xuân lạnh lùng nơi đất khách. Bao nhiêu giọt lệ ngậm ngùi ứa ra trong giờ phút giao thừa. 

Xin gửi về mẹ, về quê hương những giọt lệ chung tình của con nơi ngàn dặm xa xôi...

HTTL_Chucmungnammovansunhuy.jpg 

 

HTTL_signing.gif 

 

  

HTTL_Jun29_catwriting.jpg
HOÀNG THỊ T LANG
_____________________________________________________
 
 
 

Thu về cho tôi nhớ

HTTL_Thu_1.jpg 

 


Kính dâng hương hồn cô Dương thị Hồng Diễm - Vị Thầy mà tôi hằng thương mến.

HTTL

 
 
Đêm qua dễ chừng đến 2 giờ tôi mới chợp mắt được, vậy mà 6 giờ sáng tôi đã thức giấc. Tung chăn dậy. Tôi khép nhẹ cửa phòng bước ra ngoài. Không thể ngủ thêm nữa nhất là buổi sáng chủ nhật. Cái thói quen đã từ bao năm nay là như thế. Một buổi sáng chủ nhật cho riêng mình. Tôi thích một mình như thế nầy trong sáng nay. Bên tách cà phê. Hớp từng ngum nhỏ tôi đưa mắt nhìn qua song cửa. Thành phố tôi ở gió nhiều quá. Đêm qua gió ơi là gió. Không ngủ được, tôi nghe cả tiếng gió lùa qua khe cửa. Lá vàng sáng nay rụng nhiều quá, phủ đầy sân. Trải vàng khắp lối đi. Mùa thu đã về tự bao giờ.


Tôi đến thành phố nầy cũng một buổi chiều thu của 30 năm về trước. Lạc lỏng. Bơ vơ. Chiếc áo khoác của cơ quan từ thiện cho không đủ ấm. Từng cơn gió lướt qua cho lá vàng bay, cho tôi co ro, cho tôi bậm môi, buồn tủi. Một chút ngậm ngùi nào đó cho tôi nghe mằn mặn bờ môi. Lá vàng cả thành phố. Lá bay trong gió. Tôi ngất ngây trước cái đẹp não nùng của mùa Thu xứ người mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy trong đời.

 


Rạch Gíá quê tôi hai mùa mưa nắng, cho tôi say mê mùa Thu qua sách vở, qua bài Gỉang văn đầu tiên của năm xưa mới bước vào ngưỡng cửa Trung Học "Hàng năm cứ vào cuối Thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc. Lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường... Buổi mai hôm ậy. Một buổi mai đầy sương thu và gió lanh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường nầy tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần nầy tự nhiên tôi thấy lạ Cảnh vật chung quanh đều thay đổi vì chính lòng tôi hình như có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học". Cái áng văn mượt mà  ấy  đã theo tôi suốt chặng đường học sinh cho mãi đến ngày hôm nay và hình ảnh cô giáo sư trẻ tuổi  vơí vóc dáng nhỏ nhắn, xinh xinh và với bài Giảng văn đầu tiên đã ướp hình ảnh mùa thu vào tâm hồn tôi từ thuở ấý và suốt 3 năm liên tiếp của bậc Trung học tôi đã được nghe từ cô, say mê nhừng mùa thu tuyệt vời của bao thi nhân mà Cô đem vào lớp học như
 

"Trận gió thu phong rụng lá vàng.

Lá bay hàng xóm lá bay sang

Vàng bay mấy lá năm già nữa

Hờ hững ai xuôi thiếp phụ cháng" (Tản Đà) 


Ngày đó trong những bài thơ mùa Thu tôi yêu nhứt ngày ấy là Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Chỉ một bài thơ thật ngắn mà lãng đãng cả một trời thơ mộng.

"Em nghe chăng mùa Thu.

Dưới trăng mờ thổn thức.

Em nghe chăng rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu.
Trong lòng người cô phụ 
Em nghe chăng rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác.

Đạp trên lá vàng khô.

Rồi từ Tiếng Thu Cô dẫn học trò đi vào thế giới của Chinh phụ ngâm

Hồn tử sĩ gió ù ù thổi.
Mặt chinh phu trăng dõi dõi dòi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người.
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn"...


Tôi bồi hồi xao xuyến với cả một trời kỷ niệm đi về...Hay buồn hơn Thu về, se sắt cõi lòng ly biệt của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu

Từ vào thu đến nay 
Gió thu hiu hắt
Trăng thu đẹp
Sương thu lạnh, khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghành
Song thu đưa lá bao lần biệt ly...


Mùa thu về! Cho sáng nay tôi nhớ Cô vô chừng là nhớ. Nhớ từng câu thơ cô đọc. Nhớ cô với gió thu.  Nhớ cô với bàng bạc trăng thu. Nhớ cô với đôi mắt tròn xoe, xinh như búp bê. Nhớ Cô với những dòng thơ đa cảm đa tình. Không biết cô ngày áy có tâm sự gì không mà sao những vần thơ cô đọc sao mà tha thiết quá:

 

"Em là gái bên song cửa.
Anh là mây bốn phương trời"  (LTL)

hay não nùng hơn với:

 

"Đưa người sao không đưa qua sông.
Sao có tiếng sóng ở trong lòng. 

Bóng chiều không thắm không vàng vọt.
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong... (Thâm Tâm)

hoặc Mõi mòn của Thanh Tịnh mà hai câu cuối của bài thơ giọng cô chùn xuống, hụt hẩng, nào nề... 


Ngựa hồng đã tới bên hiên.
Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người.


Dươi ánh mắt của con bé học trò lớp Đệ Thất thôi mà từ ngày ấy tôi đã xem cô như một thần tượng. Cho tôi dệt ước mơ. Cho có lần tan học về nhà tôi thỏ thẻ với Má "Má ơi sau nầy lớn lên con sẽ làm Cô Giáo nghe Má". Rồi bao năm trôi qua. Ươc nguyện ngày còn thơ đã thành tưu.Tôi đã trở lại trường xưa làm cô giáo như Cô. Tôi đứng trên bục giảng như cô ngày nào và tôi say sưa đọc biết bao lần bài giảng văn của Thanh Tịnh năm xưa cho học sinh của tôi mỗi khi niên học mới bắt đầu.

 

Sau 1975, đắt nước đổi thay. Tôi và Cô còn ở lại. Cô trò tôi vẫn đến trường đi dạy như xưa. Nhưng bài giảng văn năm xưa tôi không còn có lần đọc cho học trò nghe ở buổi tựu trường nữa. Cuộc sống hiện tại  là đầu tắt mặt tối, là vật lộn với miếng cơm manh áo, là chắt chiu từng giỏ đồ đi thăm nuôi, là những chuyến tàu ra khơi đi tìm một nơi chốn dung thân ở một vùng trời lạ xa khác. Những chiếc áo dài xinh đẹp một thời của Cô của tôi đâu rồi. Còn đâu hình ảnh con nai vàng ngơ ngác năm xưa. Cho đến năm 1978 lúc đó phòng Giáo Dục Tỉnh triệu tập một buổi gặp gỡ tất cả thầy cô giáo với nhà thơ Lưu Trọng Lư. Buổi chiều đó nơi tầng dưới của trường NguyễnTtung Trực cũ lần đầu tiên tôi diện kiến tác giả của Tiếng Thu. Bằng tất cả niềm tự tin nhà thơ giới thiệu mình bằng sự nhắc nhở bài Tiếng thu năm xưa với mọi người .Tôi còn nhớ ông bảo "Có lẽ trong tất cả các bạn có mặt trong hội trường hôm nay tôi nghĩ không ai là không có lần nghe qua tiếng Thu của Lưu Trọng Lư". Hội trường vỗ tay như một lời chào mừng nhà thi sĩ mà lân đầu tiên mọi người gặp mặt. Tác giả đọc lại bài thơ xưa mà từng câu, từng chữ như ru hồn người về một bến bờ mộng mơ năm nào mà giờ đây đã như xa xôi lắm rồi. Ôi mùa Thu ngày ấy đã xa. Chỉ còn chăng chút dư hương ngày tháng cũ. Tác giả bảo đó là bài Tiếng Thu 1 được sáng tác năm 1939 trước Cách Mạng mùa thu. Thời gian sau tác giả ý thức được về hình ảnh của người thanh niên trong chế độ mới ông đã sáng tác môt bài cũng là Tiếng Thu. Đó là Tiếng thu 2. Tôi còn nhớ bài thơ như sau

Mắt bàng hoàng 

khóc trước mảnh gương soi 
Xa chưa... Xa chưa 
cánh bèo trôi dập dờn sóng nước 
Hết rồi những đau buồn đêm trước
Lá vàng không rụng nữa
lá vàng ơi 
Và con nai vàng 
không còn ngơ ngác nữa em ơi....


Cả hội trường im phăng phắc. Tác giả đọc lại từng câu và và nhấn mạnh đến tai sao "con nai vàng không còn ngơ ngác nữa". Tác giả nói nhiều lắm. Cái phân tích. Cái lập luận sắc bén nhuốm màu sắc chính tri, đứng trên lập trường của XHCN làm mọi người hụt hẩng. Tôi tự hỏi "Bài thơ một phần nào có phải chăng là nỗi lòng của tác giả. Ngay câu mở đầu của bài đà cho ta thấy ngay cái khắc khoải, niềm đau của chính mình khi nhìn lại mình trước mảnh gương soi...Tôi không muốn nhắc lại. Tôi chỉ thấy thương cảm. Một chút tội nghiệp nào đó cho thân phận con người trong một chế độ. Cái bẽ bàng của người cầm bút. Phải bẻ gãy ngòi bút để sinh tồn. Có người nghe xong bài thơ trên bảo nhỏ với nhau rằng tiếng thu đã chết. Tác giả của con nai vàng ngơ ngác năm xưa thật sự đã chết rồi. Còn đâu Lưu Trọng Lư của

 

Vầng trăng lên mái tóc mây
Một hồn thu tạnh, mơ say hương nồng.
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em. (Trăng lên, LTL)

Cô tôi cũng có mặt trong buổi chiều hôm ấy. Tôi không hiểu Cô nghĩ sao về bài thơ ấy. Riêng tôi con nai vàng ngơ ngác ngày xưa mãi mãi vẫn còn. Tiếng thu xưa và nhừng sáng tác của Lưu Trọng Lư thời tiền chiến vẫn sống mãi trong lòng mọi người vì tôi nghĩ rằng chế độ phi nhân bản hiện tại không thể nào tạo được một LTL với những áng thơ tuyệt vời như thế, bằng chứng bài thơ Tiếng Thu 2 của ông hình như không có lần đươc nhắc nhở đến. Có thể theo cách diễn giải của người dân miền Nam bài thơ như một lời oán trách chế độ từ 2 câu mở đầu của bài thơ chăng và như nói lên tâm sự và nỗi lòng của người dân Việt Nam sau cuộc đổi đời của đất nước. Tôi chỉ suy luân như thế và có thể vì như thế bài thơ không được phổ biến rộng rãi và dường như không mấy ai biết đến và đã chìm vào lãng quên của mọi người. 

HTTL_Thu_2.jpgTừ đó đến nay cũng hơn 30 năm. Chẳng biết các Thầy cô hiện diện trong buổi nghe thơ LưuTrọng Lư có còn nhớ chăng bài thơ ấy. Riêng tôi, tôi xem buổi hôm xưa đó như là một kỷ niệm cho môt lần được gặp nhà thơ mà mình hằng mến mộ. Thế thôi. Tôi chỉ biết và đọc thơ ông, yêu thơ ông của ngày tháng cũ. Tôi không cần biết và không cần tìm hiểu các sáng tác sau nầy của ông. 
30 năm qua. Dòng đời biết bao thay đổi. Tôi lưu lạc xứ người đã bao năm. Sáng nay nghe thu về tôi chạnh lòng nhớ chuyện xa xưa. Tôi nhớ cô. Mấy năm trước lúc cô còn sinh tiền, có lần tôi nghe kể lại có người học trò Rạch Giá xưa về quê thăm nhà có ghé thăm Cô. Cô không nhớ anh học trò đó là ai nhưng Cô lại hỏi "Ở Canada mà em có biết TốLang không? Tố Lang cùng ở bên ấy". Tôi nghe người bạn thuật lại mà nghe lòng rưng rưng và tự hỏi. Không biết Cô còn nhớ bài luận văn đầu tiên của tôi ở năm Đệ Thất mà Cô cho điểm cao nhất và Cô đọc cho cả lớp nghe không? Bây giờ Cô tôi đã ra người thiên cổ. Ngày cô ra đi tôi không có ở bên nhà để thắp cho cô nén hương đưa tiễn sau cùng, nhưng cô ơi bài Giảng văn của Cô ngày nào vẫn còn đó. Mùa thu và những dòng thơ văn lãng mạn cô gieo vào tâm hồn em ngày thơ vẫn còn đó, dù em đi tận chân trời góc biển nào. Em vẫn nhớ.  Cô ơi...


Đất khách Mùa thu 2010
HTTL 

HTTL_Sig.jpg 

  

ĐỌC & NGHE 1 TRUYỆN NGẮN HAY:

Chuyện Một Người Mang Tên Nguyễn Thị Di Tản
- tác giả Hoàng Thị Tố Lang

Nghe đọc truyện & Nhạc:




NguyenThiDiTan

Tên tôi là Nguyễn thị Di Tản. Cái họ Nguyễn của tôi đã chứng tỏ tôi là người Việt Nam chính hiệu con nai vàng. Song có điều tôi là đứa bé Việt Nam chào đời ở một miền đất lạ xa - đảo Guam- một nơi chốn thật lạ lẫm với quê hương tôi. Theo lời mẹ tôi kể tôi chào đời vào những tháng ngày buồn thảm nhất của miền Nam Việt Nam. Tôi đã nằm trong bụng mẹ, theo mẹ trên con đường di tản của dân tộc tôi. Tôi đã là một chứng nhân của lịch sử. Tiếng khóc chào đời của tôi ở một quần đảo nơi quê người đã giúp mẹ tôi nhiều can đảm vượt qua những thử thách, gian truân của cuộc đời. Tôi đã là Nguyễn Thị Di Tản từ ngày ấy. Thế mà đã hơn một phần tư thế kỷ kể từ 30 tháng 4 năm ấy. Thế mà đã 35 năm qua...


Đã 35 năm qua. Tôi đã lớn. Đã trưởng thành nơi miền đất tạm dung của một tỉnh lỵ miền Tây Canada. Thành phố Winnipeg buồn hắt hiu như tâm sự "Người di tản buồn" của mẹ. Mẹ rất yêu bản nhạc "Người di tản buồn" của Nam Lộc. Ngày còn bé, bằng bài hát ấy mẹ đã ru tôi ngủ. Riết rồi tôi quen với từng lời ca tiếng nhạc. Mẹ bảo đêm nào không nghe bài hát ấy tôi không ngủ. Đến lúc tôi bập bẹ biết nói mẹ dạy tôi hát. Tôi vừa quấn quít bên mẹ vừa đỏ đẻ hát:

Chiều nay có một người đôi mắt buồn
Nhìn xa xăm về quê hương rất xa
Chợt nghe tên Việt Nam ôi thiết tha
Và rưng rưng lệ vương mắt nhạt nhòa
Bạn ơi đó là người di tản buồn
Ngày ra đi lặng câm trong đớn đau.
Rồi đêm đêm hằn lên đôi mắt sâu
Thời gian đâu còn những phút nhiệm mầu
Cho tôi xin lại một ngày, ở nơi nơi thành phố cũ
Cho tôi xin lại một đời, một đời sống với quê hương
Cho tôi đi lại đoạn đường, hàng cây vươn dài bóng mát
Cho tôi yêu lại từ đầu, bên người yêu dấu ngày xưaChiều nay có một người di tản buồn
Nhìn quê hương còn ai, hay mất ai ?
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu ?
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù ?
Ở đây có những chiều mưa rất nhiều !
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn khi rừng khuya vang tiếng bom
Ngày vui ơi giờ đâu nước không còn
Cho tôi xin lại một lần, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bìa rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lời chào, chào bao nhiêungười đã khuất
Cho tôi xin một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi !
 
Tôi hát như sáo. Mẹ hát sao tôi hát theo vậy. Mẹ bằng lòng lắm. Dần dà tôi có thể hát được cả bài. Bạn bè của mẹ đến nhà chơi mẹ,đem con sáo của mẹ ra khoe. Mẹ bắt tôi hát. Mỗi lần hát xong các bác các cô, bạn của mẹ ai cũng đều rươm rướm nước mắt. Có lần tôi thỏ thẻ hỏi mẹ "Sao con hát hay mà mẹ với các bác lại khóc". Mẹ ôm tôi vào lòng và nói "Bao giờ con lớn con sẽ hiểu tại sao". Cái trí óc non nớt ngày ấy của tôi mơ hồ cảm nhận có một điều gì khác thường ở mẹ, một cái gì mất mát lớn lao trong đời mẹ. Những lúc rảnh rỗi, sau giờ cơm chiều mẹ dạy tôi nói, tôi đọc:
-Con là người gì ?
-Dạ thưa con là người Việt nam
-Con tên gì ?
-Con tên là Di Tản
-Con có yêu nước Việt Nam không ?
-Con yêu Việt Nam lắm !
 
Tôi đã thuộc nằm lòng những câu mẹ dạy. Tôi đã quen thuộc với cái tên Di Tản. Tôi thấy tên tôi nó ngồ ngộ, dễ thương làm sao. Đến lúc tôi lên năm, mẹ dắt tôi đến một ngôi trường tiểu học ở gần nhà để ghi tên đi học. Từ ngày còn bé tôi chỉ loanh quanh ở cái apartment mẹ ở mà thôi. Chung cư nầy đa số là người Việt nam. Lần đầu tiên đến trường, một khung cảnh mới, người mới. Các học sinh cùng lớp với tôi hoàn toàn là những khuôn mặt lạ xa. Cô giáo cũng thế. Không giống mẹ. Không giống các bác, các cô đến chơi nhà mẹ. Lúc mẹ chào cô giáo ra về. Tôi ở lại trường với tâm trạng thật lạc lõng, bơ vơ. Tôi muốn khóc. Tôi muốn theo mẹ ra về làm sao. Tôi ngồi cô đơn một góc lớp. Cô giáo rất trẻ, đến bên tôi nhỏ nhẹ hỏi
- "What is your name ?".
Tôi cúi mặt, bặm môi chừng như rướm máu, lí nhí đáp bằng cái giọng Việt Nam đặc sệt -Dạ .. Di Tản. Cô giáo chừng như không hiểu, cô xem lại quyển sổ và hỏi lại tôi -your name is Đaithen. Tôi lắc đầu và lập lại "Di Tản". Cả lớp rộ lên cười. Tôi bật khóc. Tôi khóc ngon lành như bị ai ức hiếp. Sau buổi học, mẹ đến đón tôi về. Trên suốt quãng đường từ trường về nhà Tôi lặng thinh, không nói một điều gì cả với mẹ. Mẹ âu yếm hỏi tôi "Con đi học có vui không". Chừng như tôi chỉ chờ mẹ hỏi, Tôi òa lên khóc và bảo:
- Sao mẹ không đặt cho con một cái tên nào dễ kêu như Helen, như Cindy hay Linda như tụi nó mà mẹ đặt tên con là Di Tản. Cô giáo đọc không được tên con, mấy đứa cùng lớp tụi nó chọc ghẹo con.
Mẹ tôi dịu dàng, từ tốn bảo:
- Con có biết cả nước Canada nầy có biết bao nhiêu là Helen, là Cindy không con. Còn tên Di Tản chỉ có mỗi một mình con. Con không thấy con đặc biệt sao con. Con phải hãnh diện vì cái tên rất là Việt Nam của con mới phải. Tôi nũng nịu pha một chút hờn dỗi:
- Mà cô giáo đọc là Đaithen mẹ thấy có kỳ không ?
Mẹ trìu mến đưa tay vuốt tóc tôi, hiền hòa khẽ bảo:
-Tại cô giáo không biết cách phát âm của ngươì Việt Nam mình đó thôi. Con phải đọc lại cho cô biết rồi từ từ cô sẽ đọc đúng.
Giọng mẹ thiết tha hơn, chùng xuống, sũng đầy nước mắt.
-Mẹ đã mất tất cả rồi con ơi. Mẹ chỉ còn cái tên Việtnam mẹ gửi cho con. Con có biết như thế không ?
Đầu óc của một đứa bé lên năm làm sao tôi hiểu đuợc hết những gì mẹ nói, song tôi biêt mẹ buồn lắm. Có một cái gì làm cho mẹ khổ tâm lắm. Tôi cảm thấy ân hận. Tôi ôm mẹ, hôn me, và bảo:
- Con xin lỗi mẹ. Con làm mẹ buồn lắm phải không mẹ.
Tôi thấy mắt mẹ long lanh ngấn lệ.
- Không phải đâu con, con của mẹ ngoan lắm.
 
Đó là câu chuyện ngày lên năm của tôi. Mãi cho đến những năm sau nầy tên tôi vẫn là một đề tài cho lũ bạn chọc ghẹo. Cái chọc ghẹo cho vui chứ không có một ác ý nào cả. Lúc tôi vào Highschool tôi đã lớn lắm rồi. Tôi đã hiểu những u uất của đời me. Tôi thương mẹ hơn bao giờ hết. Thấm thoát mà tôi đã là cô gái 18. Soi gương tôi cũng biết mình đẹp lắm. Mẹ không cho tôi cắt tóc ngắn. Cả trường con gái mái tóc dài chấm lưng với khuôn mặt Á Đông của tôi vẫn là một đề tài nổi bật nhất. Lại thêm cái tên Di Tản nữa. Lúc nầy tôi không còn buồn mỗi lần bị giáo sư đọc trật tên. Bạn bè tôi, những đứa quen nhau từ lớp mẫu giáo đến giờ được tôi huấn luyện cách phát âm nên đọc tên tôi đúng lắm. Tụi nó bỏ dấu còn lơ lớ nhưng tạm được. Nhưng mỗi lần bắt đầu một niên học mới, tên tôi lại là một tràng cười cho lũ bạn cùng lớp mỗi khi các giáo sư mới gọi tên tôi. Giáo sư nào cũng thế. Ngập ngừng một hồi lâu rồi mới đọc. Tôi cũng không nín cười được cái giọng như ngọng nghịu của một giáo sư người Canada đọc một cái tên lạ quơ lạ quắc chưa bao giờ thấy và gặp trong lịch sử dân tộc. Trên tay cầm bài Test của tôi, ngập ngừng rồi vị thầy gọi "Đai then". Cả lớp ồ lên một loạt " Oh, my god". Vị giáo sư lúng túng, đảo mắt nhìn quanh lớp. Cả lớp nhao nhao lên như bầy ong vỡ tổ. Chừng như tụi nó thích những dịp như thế để câu giờ, "nhứt quỉ, nhì ma, thứ ba học trò" mà. Con Linhda ngồi cạnh, hích nhẹ cùi chỏ vào tôi và khẽ bảo:
-Ditan, ổng đọc sai tên mầy rồi kìa, mầy sửa cho ổng đi.
Tôi đỏ mặt. Tôi chưa kịp nói gì cả thì tụi con trai ngồi sau lưng tôi ào ào lên như chợ nhóm " Ditản, Ditản not Đai then". Vị giáo sư lúc đó mới vỡ lẽ ra, mới biết là mình phát âm sai, ông gục gặt đầu nói lời xin lỗi và lập lại "Ditản Ditản".Lúc nầy tôi không còn nhút nhát như ngày xưa nữa. Bạn bè tôi Tây Tàu, Canadian nữa đều "cứu bồ" tôi mỗi lần có tình trạng như trên vừa xảy ra. Dần dà mọi người gọi tên tôi rất ư là dễ thương. Đến bây giờ nhớ lại những lời mẹ nói với tôi ngày nào, tôi hãnh diện vô cùng về cái tên mẹ đã cho tôi. Tôi thương mẹ vô cùng. Cái đất nước Việt Nam khổ đau muôn chiều đã gắn liền với mẹ tôi như hình với bóng trong cuộc đời lưu lạc xứ người hơn một phần tư thế kỷ. Một điều mà tôi có thể khẳng định rằng "dù hoàn cảnh có thể tách rời mẹ ra khỏi quê hương, nhưng không có một hoàn cảnh nào tách rời quê hương ra khỏi tâm hồn mẹ được". Mẹ sống như chờ đợi, như mong mỏi một điều gì sẽ đến. Có lần tôi bắt gặp mẹ ngồi một mình trong đêm, tay mân mê, vuốt ve bức ảnh bán thân của bố tôi. Mẹ vẫn nuôi hy vọng Bố còn sống và sẽ có lần gia đình tôi laị đoàn tụ như xưa. Nhưng định mệnh đã an bài. Sau khi nhờ một người bạn làm ở Usaid đưa mẹ con tôi di tản. Bố hứa Bố sẽ gặp lại mẹ sau. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng Bố bảo sao, mẹ nghe vậy. Một mình mẹ bụng mang dạ chửa mẹ đã lên phi cơ, theo đoàn người di tản và mong có ngày gặp lại Bố. Nhưng niềm hy vọng đó đã vơi dần theo năm tháng cho đến một ngày mẹ được tin Bố đã nằm xuống nơi trại cải tạo. Mẹ như điên loạn. Rồi mẹ tỉnh lại. Mẹ biếng cười, biếng nói. Cuộc sống của Mẹ đã thầm lặng bây giờ càng thầm lặng hơn xưa. Ngoài giờ ở sở. Về nhà cơm nước xong, trò chuyện với tôi đôi lát rồi Mẹ vào phòng. Cái khoảng đời quá khứ ngày xưa. Những kỷ niệm ngọc ngà ngày nào của Bố và Mẹ như chút dấu yêu còn sót lại. Thời gian không làm nhạt nhòa mà ở Mẹ không một hình ảnh nào mà Mẹ không nhớ. Mỗi lần nhắc tới Bố, Mẹ như trẻ lại. Mắt Mẹ long lanh ngời sáng. Mẹ kể cho tôi nghe chuyện tình của cô sinh viên Văn khoa với chàng thủy thủ Hải Quân. Tôi thuộc nhiều bài hát Việt Nam lắm nên tôi ghẹo Mẹ "Mẹ và Bố giống em hậu phương còn anh nơi tiền tuyến quá". Ngoài tình mẹ con ra, tôi như một người bạn nhỏ để Mẹ tâm sự, để Mẹ trang trải nỗi niềm nào là "con biết không Bố hào hoa và đẹp trai lắm .. v.v... và v.v...Tôi nịnh Mẹ:
-Bố không đẹp trai làm sao cua được Mẹ.
Mẹ cười thật dễ thương. Một điều mà tôi biết chắc chắn rằng không ai có thể thay thế hình bóng Bố tôi trong tim Mẹ. Tôi không ích kỷ. Song điều đó làm tôi yên tâm hơn. Tôi muốn cùng Mẹ nâng niu, giữ gìn những kỷ niệm dấu yêu, ngọc ngà của Mẹ và Bố cho đến suốt cuộc đời.
Hôm nay nhân ngày giỗ lần thứ 35 của Bố. Con muốn thưa với Bố một điều. Con cám ơn Bố Mẹ đã tạo cho con nên hình, nên vóc. Dù chưa một lần gặp mặt Bố. Dù bây giờ Bố đã nằm xuống. Bố đã đi thật xa, không có lần trở lại với Mẹ, với con. Song với con Bố vẫn là một hiện hữu bên con từng giờ, từng phút. Con nghĩ Bố đã che chở Mẹ con con hơn một phần tư thế kỷ nay. Xin Bố hãy giữ gìn, che chở Mẹ, con trong suốt quãng đời còn lại. Con mong làm sao ngày nao đất nước thật sự thanh bình Mẹ sẽ đưa con trở về thăm lại quê hương. Con sông xưa sẽ trở về bờ bến cũ. Ngày ấy ở một phía trời nào đó của quê hương con thấy bố mỉm cười và Bố nói với con .. Bố sung sướng lắm, con biết không ? Con yêu dấu !
 
Đất khách Tháng Tư 2010

Hoàng thị Tố Lang 

HTTL_Jun29_label.jpg 

 

HTTL_Jun29_catwriting.jpg

Hoàng Thị Tố Lang

_______________________________________________________________________________________ 

Hội Ngộ Tha Hương, những giọt lệ tao phùng,

HTTL_Jun29_HTTL.jpg

Phải nói chuyến đi về VN lần nầy của tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác một cách đầy thú vị. Người xưa có nói "Tha Hương ngộ cố tri". Xa Xứ mà gặp người quen thì còn gì bằng. Còn trên phố ảo  thì sao? Có thể ta có lần gặp nhau chăng ?  Chuyện thật là không tưởng. Thế mà kỳ lạ thay tôi đã gặp Thầy Trầm Vân rồi, và hôm nay chị Kim Quang mới vừa phone cho hay ngày mai theo "gánh hát Kim Quang"  sẽ có  sư huynh Trần Bang Thạch cùng phu nhân Ánh Nguyệt tháp tùng chị lên đường  đi về Rạch Gía, và trong buổi hội ngộ nầy sẽ có thầy Cao đình Vưu tức nhà thơ Cao Thoại Châu từ Tân An sẽ về Rạch Gía để chung vui ngày Blog Tha Hương Thầy Trò hội ngộ.

Như thế Tha Hương có còn là phố ảo nữa chăng? Nhớ một email nào anh TBTviết cho tôi "Trời ơi Tố Lang ơi! Winnipeg và Houston anh em mình  không thể gặp nhau mà phải về VN, rồi xuống tận Rạch giá mới gặp được cô em nè trời". Như vậy thì quí vị cũng hiểu thế giới ảo gặp được nhau như thế nầy không phải là chuyện dễ mà phải có một  nhân duyên nào đó mới được.

 Sáng nào cũng vậy, trời còn sớm lắm tôi đã thức. Tôi thả bộ một vòng ra biển, từ hôm về đến giờ tôi đã có thói quen nầy như từ bao giờ. Từ nhà ra biển không xa lắm. Khác với cái oi bức của buổi trưa, buổi hừng đông sáng gió hây hây từ biển trổi về cho tôi một vuốt ve thật dễ chịu. Từng bước, từng bước một mình trên con đường đi học ngày xưa.. Bên bờ biển trong buổi bình minh, nhìn mặt trời lên tôi như sống trọn vẹn cho mình, cho riêng mình trong giây phút nầy, lòng vô cùng thanh thản và cảm thấy một hạnh phúc thật tuyệt vời nào đó, một yên bình thật sự hơn lúc nào hết.

HTTL_Jun29_rose.jpg

Tôi đi vòng ra chợ mua hoa để thay bình hoa mới. Hôm nay thì  tiệm hoa có hoa hồng lớn và rất đẹp mà người chủ tiệm  buổi sáng chào khách  đon đả, vồn vã quảng cáo "Hoa mới về đó Cô". Cô còn hỏi thêm "Hình như Cô ở nước ngoài mới về thì phải". Tôi đã nghe câu hỏi nầy nhiều lần. Tôi chỉ mỉm cười nhẹ và bảo "Tôi người Rạch Gía mà".

 Bó hoa thật đẹp mà chỉ có 200.000 VN nghĩa là 10 đô. Nhìn bó hoa thật rực rỡ tôi nghe lòng vui vui.

Mẹ tôi thì lầu bầu : 

- Mua hoa chi cho tốn tiền con, con bày vẽ quá, chưng một chút xíu thì héo, thì bỏ.

Tôi bảo Mẹ :

- Biết vậy song hôm nay phải có hoa mới vui mà ...và tôi cũng đã hiểu hoa mang đến niềm vui cho tôi tự bao giờ. Thế thôi. 

Phone reo. Phone bà chị KQ. Chị Kim Quang đang trên đường đến đây, chị hí hửng báo tin khoảng một tiêng nữa là đến Rạch Gía, Nguyên nhung không sang được vì đang trên đường ra Bắc,  có anh chị TBT nữa.

Nghe anh chị TBT qua Rạch Gía thiệt tôi nghe lòng thật vui và thật cảm động, vì chỉ còn vài ngày thôi anh sẽ lên đường trở về Texas. Thế mà anh chị cũng đã dành chút thì giờ cho buổi hội ngộ nầy. Trong cái giao tình bấy lâu anh em chúng tôi chỉ biết nhau qua sợi dây thân tình của Thầy Trò bè bạn 2 trường Nguyễn Trung Trực và Phan Thanh giản mà thôi. Tôi là học trò của Thầy Phạm Huy Viên nơi Rạch Gía. Anh là học trò của thầy Võ văn Trí nơi Cần Thơ và Thầy TRí  với Thầy Viên lại là đồng nghiệp nhau lúc Thầy Viên từ Rạch giá đổi qua CT. Chúng tôi quen nhau qua các Thầy từ đó và càng thân tình hơn trong việc trao đổi bài vở trên website vì anh cũng như HTTL. Anh em chúng tôi cùng"ăn cơm nhà vác ngà voi" mà thôi.

Chúng tôi đến với nhau như vây. Tuy không ai biết mặt ai song cái thân tình thật đep, càng ngày càng gắn bó như anh chị em cùng thầy, chung trường chung lớp tự bao giờ. Chúng tôi chia xẻ cho nhau biết là bao nhiêu điều. Như chị Kim Quang, người chủ xị buổi tiệc hội ngộ nầy tôi chưa một lần biết mặt mà chị em tôi như thân nhau từ kiếp nào. Tôi rất quí và thương chị cũng như chị bao giờ cũng xem tôi như cô em nhỏ của mình, và buổi tiệc hôm nay chị bảo "Mừng em về" đã nói lên điều đó. Chị làm tôi cảm động trong cái tình thật đẹp mà chị gửi gấm trong buổi tiệc tao ngộ nầy.

HTTL_Jun29_withson.jpg

Tôi về lần nầy như món quà tốt nghiệp cho con trai  sau 4 năm Đại Học, vì đi cùng con nên thì giờ cho riêng mình và bè bạn cũng giới han. Do đó khi nghe cô em báo tin chị KQ bảo "Em không ghé Cần Thơ được thì chị sẽ sang Rạch Gía thăm em vì biết có lần nào mà gặp được em", sẵn đó thăm Thầy Phạm Huy Viên cho biết ông Thầy luôn. Rồi chị vẽ ra một buổi tiệc thật " hoành tráng"nào là món đặc biệt nem nướng Cái Răng chị sẽ mang qua Rạch giá đãi nè rồi ... rồi lung tung món đủ thứ. Tội chị ghê! tôi nghe mà cảm động khôn cùng. Tôi không ngờ cái tình cảm chị dành cho tôi nhiều đến như vậy. Chờ cho chị nói xong tôi mới đề nghị :

-Em nghĩ mình nên làm tiệc chay đi nha chị. Em muốn thưởng thức các món chay thần sầu của chị.

Các bạn có biết tại sao tôi đề nghị thế không? Vì chị KQ là người ăn chay trường lâu nay, mà một người ăn chay trường mà mua đồ mặn để đãi mình tôi thấy nó làm sao đó và khi nghe tôi nói thế, mặc dù miệng chị nói "Không được đâu em, bắt mọi người ăn chay kỳ lắm, vui mà ăn chay ăn không được mất vui" song tôi biết chị mừng lắm vì người ăn chay mà nghe người khác muốn ăn chay thì vui vô cùng
Bàn qua bàn lại và với sự hổ trợ đặc biệt cái tiệc chay từ Cóc Con bên trời Cali, chị tôi đồng ý đãi chay và đã cho tôi cái Menu lạnh lùng sương khói như sau :  

            1/ Đồ nguội ( Chả lụa , giò thủ, ham).

           2/ Súp ( Nấm hầm bà lằng).

                3/ Gỏi + bánh phồng tôm chay

           4/ Bánh ướt thịt nướng chay 

HTTL_jun29_f1.jpg HTTL_Jun29_F2.jpg 

Soup chay                                                  Giò thủ chay 

 HTTL_Jun29_F3.jpgHTTL_jun29_F4.jpg

 Chả chiên chay                                        Ham chay

 

 HTTL_Jun29_F5.jpg HTTL_jun29_F6.jpg

   Gỏi chay                            Bánh cuốn thịt nướng chay 

Chao ơi ! Tôi nghe mà muốn nhễu nước miếng luôn các bạn ạ. Nhìn qua cái menu nầy quí vị nghe đói bụng không ? Tôi không nghe mùi chay đâu cả mà giống như  tiệc đám cưới đồ mặn quá chừng chừng  ha ha. Vơi cái tật tham ăn hàng vặt của con gái Rạch giá, tôi còn đòi chị mua sang cho mấy cái bánh cà bắp và mấy đòn bánh Tét Thập Cẩm Cần Thơ,  cùng bánh bao chay. Thấy tôi mới bị Tào Tháo rượt một trận muốn hết xí quách mà bây giờ đòi ăn tưng bừng như thế chị cũng phì cười. Tôi còn nói thêm " Em thèm ăn xôi bánh phòng nữa chị ơi ". Thế mà tưởng là nói chơi ai dè chị mang qua thiệt .... Chị mang không thiếu một món gì cả trời ạ. 


Buổi sáng 12 tháng năm trời Rạch Gía thật đep như để đón mừng khách từ phương xa đến. Em tôi đã chuẩn bị hai bàn ăn thật đẹp, khăn bàn  thật tươm tất với ly chén bày ra  vô cùng lịch sự. Người Rạch Gía quê tôi tuy nước mặn song tình thì ngọt vô cùng, nên nghe tôi bảo mai các bạn chị bên Cần Thơ sang chơi, mặc dù dở dang bán buôn buổi sáng em cũng sửa soạn đàng hoàng cho chị nó. Má tôi nghe con đãi tiệc chay má mừng lắm. 

HTTL_Jun29_KQ_HTTL.jpg

Đúng 9.30 thì xe chị và phái đoàn đã đến. Đã biết chị qua hình và nói chuyện phone nên chị em tôi không ai lạ nhau chút nhau. Đến lúc nầy tôi mới tin là sự thât. Tôi ôm lấy chị, tôi cười mà thấy giọt lệ hạnh phúc nào long lanh trong mắt. Trời ơi mừng quá chị ơi. Cả sân trước nhà rộn ràng. nhốn nháo hẳn lên. Theo sau trên xe bước xuống là anh chị Trần Bang Thạch. Anh y chang hình tôi thấy trên Web Phan Thanh giản mà thôi. Cùng dáng dấp đó. Cũng nụ cười đó. Trông anh xa xa tưởng là ông Tây nào vì tóc anh trắng quá ( tóc anh trắng quá nhìn không ra  anh ạ ) ha ha.  Cho đến hôm nay tôi mới  được diện kiến chị Ánh Nguyệt nàng thơ của anh. Thì ra vầng trăng của anh đây, theo anh trên vạn dặm đường ... Chị ơi chị nghe anh nói nè, tình quá đi thôi:


Có chút gì... như chút dễ thương

Chút mộng, chút mơ, chút hờn, chút dỗi...

Chỉ một chút của em mà lòng anh bối rối

Nghe sao thương giọt nắng bên thềm

 

Nghe ngọt ngào từng hạt mưa đêm

Để anh thức làm thơ. Và làm thêm nỗi nhớ

Rồi từng hạt ngọc châu tình yêu tuổi nhỏ

nối dài thêm Xâu Chuỗi Ân Tình ....( TBT)

 

Rồi Loan bạn của chị Kim Quang với tay xách những giỏ đồ ăn nặng trĩu cười thật dễ thương chào tôi vào nhà. Đến lúc nhìn thấy như thế nầy mới biết cái tình của bà chị tôi như thế nào. Loan móc trong giỏ ra lủ khủ hai chục cái bánh bao, mấy xâu bánh cà bắp, rồi xôi vò, bánh phòng, bánh Tét thập cẩm Cần Thơ cho tới 5 đòn. Các anh lỉnh kỉnh theo sau nào  nồi súp, thau gỏi, giò chả, bánh phồng tôm lung tung đủ thứ món khác. Má tôi hôm nay thật vui. Má như vui trong nỗi vui của con gái mình  ...

 HTTL_Jun29_Group.jpg

HTTL và TBT đứng hai bên Nhà thơ Cao Thoại Châu (mang kính) & nhà thơ Chân Diện Mục 

Mọi người đã chuẩn bị đồ ăn dọn ra bàn thì tiếng lao xao ngoài ngõ . Thầy Viên đã đến cùng chị Kim Chi và Thầy Cao Thoại Châu nữa.Tôi chạy ra đón tiếp các Thầy. Thế mà cũng gần 40 năm tôi mới gặp lại vị thầy cũ năm xưa. Trong tôi vẫn còn đó hình ảnh Thầy Phạm Huy Viên trong những giờ học Việt văn năm Đệ Tam với Thầy. Đi bên cạnh Thầy Chị Kim Chi vẫn thật tươi như thuở nào. Tôi biết chị từ những ngày chưa học với Thầy, từ những ngày chị và gia đình dọn về căn phố nhà nước gần nhà tôi. Em chị là Kim Mai học cùng lớp với tôi nên chị xem tôi như em út trong nhà, vì thế mặc dù chị trở thành phu nhân của ông Thầy mà tôi vẫn quen miệng không sao sửa được, cho đến bây giờ cùng thế, xoay qua Thầy thì thưa Thầy, xoay qua chị thì thưa chị và em nghĩ có lẽ Thầy và chị cũng thông cảm cho em điều nầy phải không ?

Đây là lần đầu tôi hân hạnh gặp Thầy Cao Thoại Châu. Thầy là bạn thân của thầy Viện, thầy mới đến

 Tha Hương trong thời gian gần đây. Điểm đặc biệt tôi thấy ở Thầy là với mái tóc pha sương, dài chấm vai và xoăn xoắn lại ... và tôi nghĩ chắc các thi sĩ hay để tóc như vậy cho có vẻ nghệ sĩ chăng? Chị Kim Quang cứ líu lo hết Thầy sang bạn thấy mà thương. Chị tôi hôm nay vui quá. Chị như cô nữ sinh 15, 16 khi xưa. Hôm nay anh TBT chắc là vui hết biết, vì có ngờ đâu gặp lại ông bạn đồng nghiệp đàn anh ngày xưa "Cao Thoại Châu" nơi trường Thủ Khoa Nghĩa một thời nơi Châu Đốc. Trong cái rộn ràng mừng các Thầy lúc nầy tôi nghĩ phải có thầy Võ Văn Trí thì càng vui biết chừng nào. Ai cũng nói. Ai cũng cười. Chưa ăn mà hình như mọi người đã no. No trong cái tình Thầy Trò, bè bạn. Tội bà chị KQ, chị cứ lo mà nói :

- Nghe em xúi làm đồ chay hỏng biết có ai ăn không nữa, coi chừng ăn không ngon hết vui em ơi. 

Tôi cười  và nói cho bà chị yên lòng :

- Ha ha em vui là được, chị vui là được và Cóc con vui là đủ rồi. 

 Chị cười và đùa với tôi :

- Con nhỏ nầy ăn nói ngộ chưa. 

Tôi tiếp lời chị :

- Để rồi chị coi bày đồ ăn cho vui  thôi, không ai ăn đâu mà ngon với dở, mặn với chay, mừng gặp nhau nói chuyện cho đã đời mà thôi chị ơi.

Đến với buổi tiệc hôm nay còn có một số bạn học cũ cùng lớp, cùng trường ngày xưa với tôi như Chị Lương Minh Nhựt, anh Lê văn Thu, Trần Đức Minh, Trần Ngọc Thuận, Phạm Ngọc Yên và Lâm thị Quyên.


Bạn kể tôi nghe những ngày yêu dấu cũ
Tiếng guốc ban trưa lối nhỏ tan trường
Thầm thì kể những ngày yêu dấu cũ
Như cổ tích nào vời vợi lắm yêu thương (VX)

 Nhìn đồng hồ đã 11 giờ hơn. Chị Kim Quang kêu tôi nói đôi lời như để khai mạc buổi tiêc. Nói gì trong phút giây thật cảm động nầy đây? Tôi chỉ biết cám ơn sự có mặt của các Thầy và bạn bè đã đến trong buổi hội ngộ thật kỳ thú tuyệt vời nầy như anh TBT đã nói"Thiệt là một buổi hội ngộ vô tiền khoáng hậu" và người tôi phải nói lời cám ơn ân tình nhất là chị Kim Quang tôi vì không có chị sẽ không có buổi họp mặt đầy kỷ niệm như hôm nay. ..

Cám ơn ai có lần ta gặp lại

Hong lại tuổi đời bao năm tháng pha sương

Xóa hết nỗi buồn của kiếp sống viễn phương

Kể lại nhau nghe khoảng đời ta đánh mất ( VX)

 

 Rồi mọi người nâng ly. Kẻ thì bia, người thì nước ngọt. Tiếng cười hòa vỡ vang dậy cả một góc trời. Mọi người hả hê nói cười không ngớt. Niềm vui như bất tận tưởng chừng không bao giờ hết. Những máy ảnh đua nhau làm việc không ngừng, như để lưu dấu một lần gặp gỡ trong đời.

Các món ăn món nào cũng ngon. Xôi vò chị Kim Quang làm quá khéo, hột nếp tơi ra thật đẹp cho đến những khoanh giò thủ cắt khoanh xếp trong dĩa ai mà biết đó là món chay mà ăn thì khoái khẩu vô cùng.

HTTL_Jun29_CTChauBook.jpg

 Món xúp của chị dách lầu luôn và món sau cùng là bánh ướt thịt nướng thì thật tình tôi ăn không nổi nữa vì tôi đã lén ăn trước hai cái bánh cà bắp ha ha. Nó tham ăn như thế, mà thật ra bánh cà bắp khó mà tìm được ở xứ người quí vị ạ.

Nhà nhạc sĩ Mã Quốc Thái của Tha Hương ta vắng mặt hôm nay vì vợ bịnh, phải vào bịnh viện mổ. Thái phone gửi lời xin lỗi và cũng đã gửi một số CD với những bản nhạc mới của anh và Thầy Cao Thoại Châu trao tôi một sổ thi phẩm " Mời em uống rượu " của Thầy để mang về Canada gửi tặng thân hữu dùm Thầy,( mặc dù có lần Thầy bảo là Thầy không hề biết uống rượu ??)

Nhớ tới mấy giỏ quà của tôi, tôi trở vào nhà mang ra cùng các phong bì của anh chị em bên trời Tha Hương gửi tặng các thân hữu của Tha Hương bên nhà cũng như nhờ chị KQ mang quà về cho MQT như chút tấm lòng của người viễn xứ. Người gửi, người nhận chúng ta đã trao cho nhau những tình cảm thật quí giá trong giao tình bấy lâu nay phải không qúi Vị mà có mơ tôi cũng không nghĩ nổi có giây phút thật cảm động và chân thành như thế nầy.

HTTL_Jun29_HTTL_2.jpg

Dù cho có vui cách mấy thì tiệc nào cũng tan. Mọi người lần lượt  đứng lên từ giã ra về để chị Kim Quang và phái đoàn CT còn sửa soạn lên đường trở về Cần Thơ cho kịp trong ngày. Những cái bắt tay giã từ sao mà ngùi ngùi, đầy lưu luyến ...

Xe đã từ từ lăn bánh. Tôi còn đứng bên đường, ngùi trông theo cho đến khi xe khuất dần qua ngã ba đường. Mấy tiếng đồng hồ ngắn ngủi bên nhau song cái tình của  người viễn xứ và kẻ bên nhà thật đep. Mong rằng những giao tình đó sẽ bền chặt mãi mãi với thời gian. Tôi muốn nói vơí chị KQ điều đó.


Gặp nhau đây rồi chia tay, ngày vàng như đã vụt qua trong phút giây. Niềm hăng say còn chưa phai. Đường trường sông núi hẹn mai ta sum vầy  ....

 

Xin Cám ơn Các Thầy

Cám ơn các anh chị cùng bạn hữu

Cám ơn những ân tình ta đã có cùng nhau

hôm nay, ngày mai và mãi mãi...

HTTL_Jun29_label.jpg 

Enter supporting content here