BBT.- Chỉ trong vòng hơn 48 tiếng đồng hồ, Trang Nhà nhận 2 bài viết liên quan đến Phật Giáo của 2 đồng môn PTG. Đề tài này rất tế nhị và dễ tạo nên những tranh luận. Nhưng nhìn vào nội dung rất xây dựng và 2 tác giả mong muốn được người đọc góp ý để cùng trao đổi, nên chúng tôi rất hân hạnh đăng tải và cũng sẽ rất hân hạnh đăng những góp ý xây dựng.

 

                Ý KIẾN TRAO ĐỔI           

 

VỀ TÊN GỌI THỨC ĂN CHAY CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ GÂY QUỸ DO CHÙA TỔ CHỨC

bài của

MINH THÔNG

(Phật tử tại Houston TX)

                                                     

tL_littleBudda.jpg

         Tôi là một Phật tử được thầy Thích Huệ Thành làm lễ Quy Y tại chùa Phật Học Cần Thơ vào ngày rằm Tháng Tư âm lịch (Lễ Phật Đản) năm 1961 và được Thầy ban cho Pháp danh MINH THÔNG mà mỗi lần sinh hoạt tại các chùa tôi đều ghi tên Pháp danh như vậy. Tôi không có số xuất gia đi tu như một vài bạn học thời trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, bây giờ ra hải ngoại đã có đẳng cấp trong Phật giáo mà mỗi lần gặp nhau tôi đều kính cẩn xưng gọi bằng Thầy (như Thầy Thích Chơn Tôn - thế danh Phan Phú ở Phoenix - Arizona và Thầy Thích Minh Tuyên - thế danh Từ Văn Dưỡng ở San Diego - CA), hay như một đồng hương Cái Răng - Cần Thơ là Thầy Thích Tịnh Trí (Chùa Tịnh Luật, Houston – TX). Nhưng tôi là một Phật tử được ban Pháp danh, tôi đã biết ăn chay ngày mùng Một và ngày Rằm (15 âm lịch) mỗi tháng. Người Phật tử, tuỳ theo điều kiện, có người ăn chay mỗi tháng 2 ngày (như tôi), 4 ngày, 8 ngày, 10 ngày hay ăn chay trường. Ăn chay ở Việt Nam thời đó rất đơn giản, chỉ có tương hột và chao với rau luộc mà thôi, vậy mà tôi vẫn giữ đúng việc ăn chay đó. Ra hải ngoại nầy, tôi cũng có dịp đi lễ chùa, đi dự các lần hội chợ do các chùa tổ chức, dự các bữa ăn cơm gây quỹ xây dựng chùa có chương trình văn nghệ phụ diễn giúp vui với nhiều ca nhạc sĩ nổi danh hay các ca sĩ địa phương. Tôi mới phát hiện ra, những món ăn chay có rất nhiều chớ không đơn giản như tôi nghĩ.  Tôi lẩm nhẩm những tên gọi: Bún Mắm chay, Bún Bò Huế chay, Bún Riêu chay, Bún măng vịt chay, Bún thịt xào chay, Hủ tiếu xào chay, Mì chiên giòn chay, Cà ri gà chay, Dưa mắm chay, Mắm Thái chay, Tôm kho tàu chay, Tôm rim chay, Cá kho tộ chay, Canh chua tôm chay,  Chả cá chiên chay, Thịt heo quay  chay,  Bánh tằm bì chay, Bì chay, Chả giò chay, Bún chả giò chay, Paté thịt nguội chay, Bò nướng lá lốt chay,v.v..  Nói chung là món ăn chay rất phong phú, đầy ắp những món nấu rất ngon, rất thẩm mỹ…, kể cả các gian hàng bán đồ ăn chay cho Phật tử mua về nhà để ăn...  Thế nhưng, cá nhân tôi nghiệm lại thấy không ổn chút nào về những tên gọi các món ăn chay đó. Phần văn nghệ phụ diễn giúp vui vẫn còn một vài điều tôi nghĩ là “chưa trọn”, nên bài viết góp ý xây dựng nầy tôi xin phép được trình bày hai vấn đề nêu trên để xin được lãnh giáo ở các bâc Thầy chân tu tôn kính, các bậc cao niên nhiều kinh nghiệm, để học hỏi và bổ sung kiến thức hạn hẹp của mình.

I.- Trước hết là vấn đề tên gọi thức ăn chay.- Lý do rất đơn giản theo tôi nghĩ: Ăn chay là để tâm thanh tịnh, là tránh không phạm tội sát sanh (là một trong ngũ giới cấm mà người Phật tử khi quy y đều phải biết). [Xin ghi lại nội dung của năm giới cấm đó mà tôi còn nhớ (nếu có gì sai sót xin quý Thầy và quý bạn đọc chỉ sửa giùm, cảm ơn).

TL_buddhismsymbol.jpg1.- Chúng con nguyện trọn đời giữ giới KHÔNG SÁT SANH. Nghĩa là chúng con không tự mình giết người bằng mọi cách, không sai bảo kẻ khác giết người, không vui thích thấy nghe kẻ khác giết người. Cho đến những con vật lớn, chúng con cũng không nhẫn tâm giết hại, mà hằng bảo vệ sinh mạng chúng sanh.

2.-  Chúng con nguyện trọn đời giữ giới KHÔNG TRỘM CƯỚP. Nghĩa là chúng con thấy tài sản, vật dụng của người không khởi lòng tham lén lấy hay giựt lấy, mà luôn luôn bảo vệ tài sản của người như tài sản của mình.

3.- Chúng con nguyện trọn đời giữ giới KHÔNG TÀ DÂM. Nghĩa là chúng con chỉ một vợ một chồng, chớ không có lòng mê hoa đắm sắc làm điều tà vạy, gây đau khổ cho gia đình mình và gia đình người, mà hằng tán thán ca ngợi đời sống trinh bạch.

4.- Chúng con nguyện trọn đời giữ giới KHÔNG NÓI DỐI. Nghĩa là chúng con không  do lòng tham nói lời dối trá lừa bịp người, không do lòng nóng giận nói lời hung dữ khiến người buồn giận, không do lòng hiểm ác nói lời vu oan, vu cáo khiến người bị khó khăn tù tội, mà hằng nói lời chơn thật ngay thẳng.

5.- Chúng con nguyện trọn đời giữ giới KHÔNG UỐNG RƯỢU. Nghĩa là chúng con không uống các thứ rượu mạnh và nhẹ khiến tâm trí rối loạn mờ tối, thân thể sanh nhiều bệnh hoạn, chuốt lỗi lầm với thân nhân quyến thuộc, cho đến các thứ á phiện, xì ke, ma tuý thảy đều tránh xa.]

Trở lại nội dung bài viết trao đổi ý kiến nầy. Tôi nói tên gọi thức ăn “không ổn” vì tôi nhận ra rằng, tại sao tên gọi nào cũng phải dùng ctl_nov7_chay_1.jpghữ CHAY. Không lẽ nhà chùa đãi hay bán cho người ăn, người mua đồ ăn MẶN hay sao? Tại sao đồ ăn CHAY phải đệm sau tên đồ ăn MẶN mới được? Phải chăng muốn nhắc nhớ người ăn hay người mua đây là món nấu giống như món ăn mặn, để ai thích ăn mặn món nào thì dùng món đó cho đỡ nhớ? Vậy, khi ăn CHAY hay mua đồ CHAY mà trong tâm tưởng cứ nghĩ đến những món ăn MẶN thì có nên, có thật lòng hay không? Có phải chúng ta đã tự dối lòng, đã phạm giới thứ tư trong ngũ giới cấm?

Tôi có dịp đôi ba lần ngồi uống trà với Thầy Thích Tịnh Trí, biết Thầy có tâm nguyện muốn dành thời gian để chuyển dịch 100 bộ kinh từ tiếng Phạn sang tiếng Việt, để mỗi Phật tử khi đọc Kinh hay niệm Kinh biết được mình đọc gì, niệm gì… với ý nghĩa như thế nào, nên tôi rất tôn kính đến tâm nguyện của Thầy. Tôi cũng được biết Thầy từng tự tay làm đồ ăn chay và cũng từng làm các món ăn chay gởi các chợ Việt Nam để bán lấy tiền lời trả nợ vay tiền mua đất lập chùa ở ngoại ô Houston trước đây, nên tôi đem suy nghĩ về tên gọi món ăn chay thường ngày dành cho Phật tử, với đề nghị Thầy tìm xem trong lời Kinh Phật, có thể dùng các từ ngữ nào để đặt tên các món tl_nov7_chay_3.jpgăn chay hay không, rồi đề xuất việc đặt tên cho những món ăn chay mà không dùng hay không nhắc tới tên món ăn mặn kèm thêm chữ CHAY phía sau như phần đông người Phật tử thường sử dụng theo thói quen từ xưa cho đến ngày nay? Tôi cũng nói thêm rằng, thay đổi thói quen rất lâu trong xã hội là một việc không dễ dàng gì, nhưng nếu thay đổi được để xoá đi những mâu thuẫn, không hợp lý đã lâu đời diễn ra quanh cuộc sống, nghĩ rằng cần thiêt lắm, thực tế lắm. Giống như một cuộc canh tân, một cuộc cách mạng trong Phật giới!  

Những đề nghị nầy tôi cũng có dịp nói chuyện với một số bạn bè, kể cả một anh bạn cùng sở làm với tôi, anh ăn chay trường và làm đồ chay gởi bán hay tham gia gian hàng bán thức ăn trong các hội chợ do chùa tổ chức, tất cả nghe rồi bỏ qua, không thấy có sự thay đổi nào ngoài xã hội, trong các chùa, hay trong các nơi có bày bán đồ ăn chay. Dịp may mới đây tôi tham dự bữa cơm gây quỹ tại Viên Thông Tự (diễn ra ngay trong chùa nữ Viên Thông chiều ngày 12 tháng 10-2013), bắt gặp tờ thực đơn đặt mỗi bàn, tôtl_Nov7_chay_4.jpgi thật sự vui mừng, cảm động đến rơi nước mắt (tôi nói rất thực cảm xúc nầy), vì trên tờ thực đơn, không có món ăn nào đề chữ CHAY, nấu rất ngon, tất cả có tên gọi đúng như tôi từng mong ước gần cả cuộc đời mình. Xin kể thực đơn rất gọn, trình bày trang nhã như sau: Khai vị: Bánh bột lọc, Chả giò. Món ăn phụ: Soup măng tây, Gỏi pha lê. Món chánh: Bánh bao, Tàu hủ ky quay, Mì căn khìa, Đậu ngọt xào [(ăn với cơm trắng) người viết ghi thêm] . Món tráng miệng: Chè Khoai môn đặc biệt. [Ghi chú của người viết; món Bánh bao – Tàu hủ ky quay, nếu là mặn tương đương với Bánh bao - Vịt Bắc Kinh].

Thưa quý vị, một bữa ăn chay, với ngần ấy món ăn, ngần ấy tên gọi, dù không dùng tên mặn và không dùng đến chữ chay, thực khách ăn vẫn ngon, vẫn biết mình đang ăn chay. Tôi cũng đọc được thực đơn trong vegetarian buffet TỊNH LUẬT (đường Bellaire Houston) bước đầu có tên những món ăn: Phở Nhân Quyên, Mì Giác Ngộ, Cháo La Hán, Hủ Tiếu, Mì Quảng, Bún Huế, Bún Mắm, Bún Măng, Bún Riêu, Bánh Canh... (không có đệm chữ CHAY phía sau).

Dịp nầy, tôi có chút suy nghĩ mọn về một vài món ăn chay mà không cần mượn tên mặn để phải thêm chữ CHAY phía sau, chẳng hạn:

Thí dụ: lNên nhớ, trong các bữa ăn chay, tiệc chay do chùa tổ chức, tất cả các món ăn đều nấu chay chớ không có món nào mặn cả, đâu cần phải có thêm chữ chay kèm tên gọi. Người ăn hay người mua các món ăn cũng nên nhớ như vậy, đừng bận tâm nghĩ ngợi đến tên gọi của món mặn rồi so sánh với món ăn chay nữa!]

tl_nov7_chay_2.jpgDưa mắm chay,  có thể là dưa gang muối?

Chả giò chay, sao không ghi chả giò?

Bún thịt xào chay, sao không ghi bún xào?

Bún bò Huế chay, sao không bún nước?hay canh bún?

Mì xào giòn chay, sao không ghi mì xào giòn?

Bò nướng lá lốt chay, sao không ghi đậu hủ nướng lá lốt? v.v..

(....)

Chắc chắn, có nhiều tên gọi rất dễ thương dễ nhớ cho những món ăn chay, được làm bằng đậu hủ, mì căng, các rau quả sẵn có ngoài chợ. Có điều, các người nội trợ, các Phật tử chế biến thức ăn, cố tránh dùng các loại gia vị có sẵn (có thể gặp chất độc hại, không lợi cho sức khoẻ người dùng) để bảo đảm cho sức khoẻ mọi người. Đó là điều, tôi nghĩ ai cũng mong như thế. Về tên gọi, từ từ sẽ quen, mỗi chúng ta đừng vô tình “đánh lừa chính mình” khi ăn chay mà cứ tưởng mình ăn mặn. Tìm thức ăn chay bằng tên gọi đồ mặn rồi thêm chữ CHAY sau cuối, nghe không hay không đẹp chút nào!

II. Văn Nghệ trong các buổi biểu diễn tại chùa hay gây quỹ giúp chùa. Đây là vấn đề khá tế nhị, tôi chỉ xin nêu một vài suy nghĩ của riêng mình, nếu quý vị phụ trách văn nghệ, các ca nhạc sĩ có tham dự những chương trình văn nghệ phụ diễn giúp chùa suy nghĩ xem có được hay không?

* Tôi có trong tay một đĩa Video thực hiện một chương trình rất hay, trong đó có một tiết mục biểu diễn (xin không nói tên đĩa và tên ca sĩ), bài ca cổ “Tâm Linh Nhiệm Mầu”, sáng tác của Tuệ Quang, phỏng theo thơ “Tâm Linh” của Huỳnh Ngu Công. Nội dung nói về tư tưởng Phật Giáo rất hay với giọng ca nữ cũng khá hay, nhưng rất tiếc đạo diễn để cho diễn viên mặc trang phục không phù hợp với nội dung bài ca: Mặc áo cánh trống hai tay đến khỏi bả vai, mặc mini ngắn đến gần đầu gối. Nếu như diễn viên mặc màu áo ni cô hay mặc chiếc áo dài đôn hậu có lẽ gây nhiều dấu ấn cho tác phẩm nầy. Tôi nghĩ, cả đĩa DVD đều được, chỉ có một bài ca nầy mà làm giảm đi giá trị nghệ thuật, thật uổng!

 * Cách đây vài năm, có một chương trình văn nghệ phục vụ tại một ngôi chùa ở Port Athur, trong phần văn nghệ có nữ ca sĩ ăn mặc hớ hênh lại hát những bản tình ca lãng mạn, từ sân khấu bước xuống hàng khán giả mà các vị Sư đang ngồi hàng ghế đầu thưởng thức, lại nhúng nhẩy qua lại trước mặt các Thầy, không thể chấp nhận được hình ảnh đó. Năm vừa qua, chương trình văn nghệ trong bữa cơm gây quỹ ủng hộ một ngôi chùa ở Austin tổ chức trong nhà hàng sang trọng thành phố Houston có một nữ ca sĩ thời danh rất vui tính cầm micro bước xuống các bàn để vận động ủng hộ gây quỹ, lại để bộ ngực lộ liễu “khêu gợi” phụ hoạ với lời của một MC trên sân khấu, làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của đêm gây quỹ cho chùa...

Những hình ảnh tương tự, nghĩ rằng còn diễn ra nhiều chỗ, nhiều nơi. Ở đây, tôi xin góp ý mấy điểm sau đây:

1.- Ban tổ chức và người phụ trách các buổi văn nghệ gây quỹ cho chùa cần hiểu rõ mục đích và ý nghĩa trong sáng khi giúp chùa thực hiện một chương trình văn nghệ chọn lọc, đề nghị phối hợp tìm những sáng tác về đạo, về quê hương, nếu là tình yêu nói về ơn nghĩa sinh thành sẽ phù hợp hơn; không nhất thiết phải sử dụng nhạc kích động cho không khí được trang nghiêm nơi cửa Phật. Các nghệ sĩ biểu diễn tìm chọn những sáng tác theo chiều hướng trên, nhất là chú tâm đến trang phục mà mình cần sử dụng khi lên sân khấu hát phục vụ một chương trình gây quỹ cho chùa chớ không phải một chương trình hát hò tự do nào khác...

2.- Quý Thầy trụ trì của chùa có ý định tổ chức chương trình gây quỹ trong các bữa cơm (dù ngay trong khuôn viên chùa hay tại nhà hàng) nên phối hợp và nhắc nhở quý vị phụ trách, quý vị mạnh thường quân ủng hộ mời gọi ca nhạc sĩ những chi tiết trên, dù nhỏ nhưng tôi nghĩ là rất cần mới có thể thành công trọn vẹn cho một chương trình gây quỹ.

Biết rằng “lời thật mất lòng”, nhưng ít ra những điều mình thấy, mình nghe dư luận phê phán, mà chẳng nói ra cũng là điều không phải. Buộc lòng tôi phải viết với lương tâm của một Phật tử mang Pháp danh MINH THÔNG từ năm 1961 đến nay. Mong được sự cảm thông và ý kiến xây dựng của tất cả quý Thầy, quý chư liệt vị đọc bài nầy.

15-10-2013

MINH THÔNG

(Phật tử tại Houston TX)

_______

Địa chỉ liên lạc: vienhoangle@yahoo.com    hoặc vienhoangle1948@gmail.com

                          Cell: 281-736-2421

Enter supporting content here