TRƯỜNG XƯA DÁNG CŨ IV
Phan Thành Khâm
BBT: Nhiều năm trước đây đồng
môn PTG Phan Thành Khâm đã viết và đã đăng
trên các ĐS PTGĐTĐ các phần I, II và III của loạt hồi ký
TRƯỜNG XƯA DÁNG CŨ. Hôm nay Trang Nhà rất hân hoan nhận được
TXDC IV. Cảm ơn Tác giả và trân trọng giới thiệu cùng quý
đọc giả Trang Nhà.
Ai ai cũng đều có một thưở thiếu thời
để thương, để nhớ, dù vui hay buồn. Tôi ở trọ bên
Xóm Chài, tại một ngôi chùa ngay đầu voi, trong niên khóa
đầu tiên khi vào Phan Thanh Giản.
Một hôm tôi đến thăm Bà Hai (thân mẫu của
anh Kiếm, một cựu học sinh PTG, giáo sư trường trung học Nguyễn
Thông, Vĩnh Long, và sau nầy là một dân biểu Việt Nam Cộng Hòa).
Bà hỏi tôi: “ Con học lớp mấy?” Tôi trả lời: “Dạ
con học lớp đệ thất”. Bà cho biết nhà Bà có người
học trò từ Sóc Trăng lên ở trọ, để bà gọi ra xem
có quen không. Khi thấy tôi, Thìn nói ngay: “Anh nầy học cùng
lớp với con”. Bà nói thêm; “Được vậy tốt lắm,
mỗi chiều đi học về, sau khi qua đò, nhờ con đưa giùm Thìn
về nhà, vì mắt Thìn bị “quán gà” không thấy đường
khi trời nhá nhem tối. Bác phải ra bến đò đón Thìn, nếu
không Thìn bị té lủi nhủi theo các mương lạn hai bên đường,
thật tội nghiệp!” Tôi quen thân với Trần Canh Thìn từ đó.
Thìn tâm sự với tôi: “Nhà
tao nghèo lắm, tao chỉ mong học xong đệ tứ (tức lớp 9) có trung
học đệ nhất cấp, tao sẽ thi vào sư phạm cấp tốc, đi
dạy học để đền ơn lại cho ba tao, không ao ước gì hơn!”
Thìn học rất giỏi, thi sẽ đậu, nhưng “cái nghiệp”
oái oăm vẫn cố bám theo người. Khi thi môn Lý Hóa cuối
cùng, Thìn có lòng tốt giúp ngưới bạn ngồi cạnh, bị
giám thị bắt gặp, lập biên bản cấm 3 khóa thi, tức khóa
thi hiện tại, khóa thứ nhì năm đó và khóa thứ nhứt
năm sau, tức năm lớp 10. Sau hè năm lớp 10, khi Thìn đậu bằng
trung học đệ nhất cấp thì đã qua kỳ thi vào sư phạm.
Không còn cách chọn lựa, Thìn phải theo học lớp 11 và sau
khi thi đậu Tú Tài I, Thìn mới vào sư phạm rồi đi dạy
ở Hòa Tú, Sóc Trăng. Nhưng trong “cái rũi lại có cái
may”, nhờ có đà mà hai năm sau Thìn thi đậu luôn Tú
Tài 2 và ghi danh học luật ở viện đại học Cần Thơ vài
năm sau đó. Bây giờ nhắc lại chuyện cũ, Thìn đã nói:
“Thật ra tao nên cám ơn Thầy Lượng, đã đuổi 3 khóa
thi, nên tao phải học tiếp, thi đậu tú tài 1 và sau nầy tú
tài 2”. Đó là cái nhìn rộng lượng của một
Phật Tử, khi nghiệp đến chấp nhận trả nghiệp, không oán
trách và rồi len lỏi chịu đựng cho nghiệp qua đi để đón
nhận những cơ may khác trong cuộc đời. Gia đình Thìn sinh hoạt
trong ngành giáo dục, hiền hậu, nên khi về già được hưởng
phúc lộc: Năm người con đều thành đạt, nhà cửa thênh
thang. Gia đình chỉ có hai người, hồi năm 63, năm mươi năm
sau, mùng một Tết năm nay (2013), đã qui tụ một đại gia đình
24 người: con, rễ, cháu, chắc.. Thìn không để những thói
quen như thuốc lá, bia, rượu làm bận rộn mình cho nên cuộc
sống bây giờ rất thảnh thơi, không có nhu cầu gì hơn. Tuy
có chút thương tật, nhưng nhờ thâm nhiễm triết lý đạo
Phật nên sống ung dung tự tại. Thật là một đại phúc: gieo
nhân lành, gặt quả tốt!
Trần văn Quang xuất thân từ một gia đình công
chức khá giã, cuộc sống thiếu thời rất an nhàn, bảo bộc
cho tôi những bửa ăn sáng, những lần dạo chơi đó đây
và những chầu ciné. Thường tôi hay từ chối vì nghĩ gia
đình mình nghèo không đủ điều kiện thù tạc, nhưng
Quang cứ khăn khăn rủ đi và nói: “Tao bao mầy chớ đâu
bắt mầy phải trả lại mà mầy ngại.” Quang học giỏi nên
sau lớp 7, rời trường PTG, theo gia đình trở về Sài Gòn học
trường tư, bỏ lớp 8, học lớp 9. Sau khi thi đậu trung học đệ
nhất cấp, bỏ lớp 10, học lớp 11 và xong trung học năm 1960. Năm
63 tốt nghiệp đại học sư phạm, làm giám học rồi hiệu
trưởng trường trung học Cà Mau và sau nầy là chánh sự
vụ sở giáo dục Sóc Trăng. Sau ngày đổi đời, dùm đíu
vợ 8 con vào vùng kinh tế mới Phụng Hiệp và ở luôn nơi
đó cho đến nay. Quang bắt đầu hút thuốc, uống bia khi vào
sư phạm, khi đi dạy lại càng lậm nặng. Thói quen nầy kéo
dài đến bây giờ, có lúc bị xúc huyết bao tử phải
vào bệnh viện Chợ Rẩy điều trị, nhưng vẫn không bỏ
được! Các con Quang không được may mắn như con Thìn, gần
như không có người nào học qua được lớp 9! Âu đấy
cũng là duyên nghiệp của mỗi con người.
Trong một lá thơ tâm tình gởi Quang về hoàn
cảnh hiện tại, tôi đã viết: “Có lần tao nói chuyện với
vài người quen ở đây: “Tôi nghĩ rằng một số
những mối tình Việt kiều, không nhiều thì ít, đều mang
những mặc cả, toan tính. Người dùng ít tiền để thõa
mãn những đam mê và hưởng thụ, người khác lợi dụng
chút nhan sắc để “mượn đường ra đi, cầu may đổi
đời”, dù tuổi tác có chênh lệch! Kẻ tám
lạng người nửa cân, không có kẻ được người mất,
không ai hơn kém ai”. Ai ai cũng đều biết Việt Cộng giàu
hơn Việt kiều nhiều, nhưng vớ vào Việt kiều có nhiều cơ
may đổi đời, kiếm sống. Còn vớ vào VC chỉ có “làm
bé” hay “gái bao”. Nếu may mắn được làm lớn thì
cũng lắm phen ghen tương, u-uẩn! Thôi thì “Cũng liều nhắm mắt
đưa chân” (Kiều-Nguyễn Du). Nhờ ý thức trước như vậy
nên tao rất an nhiên chấp nhận nếu có điều gì
xảy ra.”
“Những năm
tháng cuối đời của ba đứa cùng tuổi “Canh Thìn”,
tao thấy Thìn sung sướng hơn mầy và tao nhiều. Tuy có chút thương
tật nhưng nhờ thâm nhiễm triết lý đạo Phật nên Thìn
sống ung dung tự tai. Con cháu đầy đàn, đều thành đạt
khá giã. Kinh tế gia đình ổn định. Còn đòi hỏi gì
hơn nữa trong những tháng ngày còn lại! Thìn đã gọi điện
thoại cho tao hai lần, liên tiếp trong hai tuần lễ, hỏi thăm tao “có
khỏe không”. Có lẽ nó nghĩ đến “số tuổi 73”
của tao. Lần nào tao cũng đều nghe nó nói:“Nghe giọng nói
sang sảng của mầy, tao biết mầy còn khỏe lắm, nhứt là bây
giờ có đứa con nhỏ cần phải săn sóc”. Tao cũng không
quên hỏi nó “có thường xuyên liên lạc với mầy không”.
Nó cho biết: “thỉnh thỏang có gọi mầy nhưng dạo nầy giọng
nói mầy khàng khàng, khó nghe lắm!” Không phải nói để
an ủi mầy mà đây là lời nói chân tình tận đáy
lòng: mầy hơn tao xa lắt. Con cháu đầy đàn, gái trai đều
có đủ. Tuy không giàu sang vinh hiển nhưng cũng không đến
nổi làm mầy ưu tư lo lắng cho tương lai hay sự thành đạt
của họ. Nay nơi nầy, mai nơi khác, rong chơi với người thân
hay chén chú, chén anh với bạn bè cũ, học trò xưa. Cứ
ngây ngất trong cơn say, mặc cho thế sự đổi thay, vì đó là
những sự việc xảy ra ngoài tầm tay vói của mình!
“Phần tao không được may mắn như
mầy: Đứa con nhỏ chưa tới tuổi biết tự ăn, tự làm vệ
sinh trong khi chính mình không thể tự chủ có thức dậy
được sáng mai sau giấc ngủ đêm nay! Tao không
quan tâm nhiều về trai hay gái như đa số người Việt thâm nhiễm
tư tưởng Khổng Tử “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”,
nhưng khi nghĩ lại câu nói “khi lập gia đình sẽ có con trai
đầu lòng” mà người thầy bói nào đó đã
nói với vợ tao khi trước là điều sai lạc mà có lẽ
chủ yếu là nhắm vào tâm lý để tao dễ chấp nhận cuộc
tình với bà ấy hơn! Thôi thì con nào cũng là con và
như trên tao đã nói: tao rất an nhiên chấp nhận nếu
có điều gì xảy ra”.
“Bạch cư Dị, một nhà thơ nổi tiếng đời
Đường bên Trung Hoa, đến hỏi Ô-Sào Thiền Sư về tinh ý
của đạo Phật. Ô-Sào đọc một bài kệ: “Chư ác
mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tự tịnh kỳ ý, Thị chư
Phật Giáo” (Không làm điều ác, Chỉ làm việc thiện,
Giữ tâm ý trong sạch, Đó là lời Phật dạy). Bạch cư
Dị nói: “Nếu chỉ đơn giản như vậy, thì đứa con
nít 8 tuổi cũng biết”. Ô-Sào trả lời: “Đúng, đứa
con nít 8 tuổi cũng biết, nhưng ông già tám mươi tuổi vẫn
không làm được”. Quang ơi, tuổi đời chúng mình đã
“về chiều”, vậy mà vẫn còn khập khễnh bước đi
được như ngày nay cũng do phước báu, nên nghĩ về tâm
linh để đời sau khá hơn. Tao vẫn thường vô mạng nghe pháp
thoại của vài vị sư bên VN như “Bến Yêu Thương”
của Đại Đức Thích Trí Chơn. Đặc biệt Đại Đức
Thích Thiện Thuận đã nỗi tiếng với bài“Bóng Mây”
thuyết giảng trong khóa tu mùa hè cho giới trẻ tại chùa Hoằng
Pháp năm 2007. Tuy nhiên, không cần cảnh tĩnh, mầy cũng hiểu “Bóng
Ma” của Thích Thiện “Nghịch” đã bao trùm khắp chốn.”
Khi về thăm nhà năm 2004, tôi có thì giờ đến
thăm vài gia đình quen biết trước năm 75, trong đó có gia
đình BT. (ba BT. làm việc chung với tôi ở tòa án Sài Gòn).
Sau đó, tôi thường liên lạc với BT. qua mạng hay điện thoại,
BT. ngỏ lời muốn ra đi. Tuy tuổi tác có chênh lệch, nhưng là
chỗ quen biết cũ, hơn nữa, lúc đó BT. đang làm kế toán
ở quận Bình Thạnh, nhưng bị “Bóng Ma” kiếm chuyện “đì”,
phải mất chức. Tôi vì không ưa Thích Thiện “Nghịch”
nên đưa tay kéo BT. lên, khuyên BT. nghỉ làm, coi như chóng lại
“Bóng Ma”. Tôi cũng đã nhờ BT. giúp vài việc nhà
như đưa giùm các em gái tôi đi xét nghiệm, khám mắt
.v.v.. Những thứ ấy tôi coi như là một trách nhiệm và một
ân nghĩa phải đền trả (từ đó mà đã tạo nghiệp),
nên khi về thăm nhà lần sau, tôi có đến gặp thân mẫu
BT. và tôi còn nhớ trong một bửa ăn tối, bà đã nói
với tôi: “Hãy mang giùm BT. ra đi để đi làm kiếm sống”.
Nghiệp quả đã vương mang từ đó! Cũng có thể nghiệp
quả nầy đã có từ nhiều đời kiếp trước nhưng đến
thời điểm đó nghiệp lực mới trỗi dậy nẩy mầm và
bộc lộ! Mọi thủ tục giấy tờ được hoàn tất ở bên
nầy trước khi tôi về thăm nhà lần sau và BT. cũng đã
cùng tôi ra đi. Khi cháu bé ra đời, tôi cảm nhận những
nghiệp quả nầy rõ rệt hơn. Tôi thường chủ trương không
can thiệp vào việc tình cảm của người khác, vì theo quan điểm
chủ quan của mình, rất khó phù hợp với quan điểm của người
trong cuộc. Sống ở ngoại quốc lâu ngày, tôi đồng tình với
người địa phương về tư tưởng nầy: họ rất trọng
ý kiến cá nhân và tâm tình rất rộng lượng. Các
em tôi có thói quen ở Việt Nam, hay can thiệp vào chuyện riêng ngưới
khác, rồi từ đó “cái khó nó bó cái khôn”
để tôi có quyết định như ngày nay! Nhưng chung cuộc tôi
vẫn nghĩ đây là nghiệp quả!
Dù sao, con đường thênh thang hay nhỏ hẹp
mà mình đã chọn lựa thì vẫn phải bước đi.
PTK. (6/15/2013).