tbx_jul8_portrait.jpg tl_vanTBX.jpg

Trần Bá Xử

 chs Phan Thanh Giản

Springfield, Massachusetts,

 

Lối cũ                  

 

"Để nhớ lại con đường Hàng Xoài mà chúng tôi đã đi qua một thuở nào thật xa, xa lắm"

Trần bá Xử, chs PTG/Cần Thơ

 

Hai ba hôm nay trời bỗng nhiên quá nóng, cái nóng thật bất thường, nhứt là đối với tiểu bang Massachusetts bé nhỏ của chúng tôi, một tiểu bang được xem là lạnh có hạng xếp vào loại hạng nhì hoặc ba sau các tiểu bang Minnesota, North Dakota, Wyoming, chưa kể Alaska lạnh quanh năm suốt tháng! Phải nói là quá nóng vì nhiệt độ thường leo lên hàng 8 như 88, 89, rồi phút chốc vọt lên 99, 100 hoặc hơn đôi chút?

Vì quá nóng như vậy nên người học trò già tui bèn chơi trội mở máy nóng, ủa quên, mở máy lạnh, để nhớ về cái lạnh mát dịu của Thung Lũng Hoa Vàng San Jose thuộc miền Bắc tiểu bang California, cách Cựu Kim Sơn (San Francisco) 50 dặm về phía bắc và cách Los Angeles 390 dặm về phía nam. Đây là nơi có cộng đồng người Việt-Nam lớn thứ nhì ở hải ngoại. San Jose nằm trong thung lũng Santa Clara ngày nào là vùng trồng cây ăn trái ngút ngàn nay trở thành vùng khoa học kỹ thuật hàng đầu với những trường đại học nổi tiếng như Stanford và Berkeley mà bây giờ được xem là Silicon Valley (Thung Lũng Điện Tử) với những hãng xưởng sản xuất những bộ phận tinh vi ngành điện tử và mạng lưới internet toàn cầu với những hãng xưởng lẫy lừng dẫn đầu cuộc cách mạng tin học hiện nay như Cisco, HP, Oracle, Google, eBay, IBM, v.v.

Silicon Valley còn có mỹ danh là Thung Lũng Hoa Vàng, vì mùa Xuân trong vùng còn có nhiều loài hoa dại nở vàng rực trên những ngọn đồi trông rất đẹp mắt, nên danh xưng này còn có nghĩa bóng là vùng "đất lành chim đậu", ăn nên làm ra, và có thể nói không ngoa tí nào khi người dân ở đây có mức thu nhập bình quân cao nhất nước Mỹ.

 

Sở dĩ tui nói vòng vo tam quốc trước khi nhảy vào câu chuyện chánh là vì đề tài chính chỉ vỏn vẹn có hai chữ ngắn ngủn Lối Cũ lấy gợi ‎‎‎‎‎ý‎‎ từ bản nhạc Đường Xưa Lối Cũ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, và cũng là nguồn cảm hứng "cho lâu đài văn" Phạm Tín An Ninh (người hiền đệ luôn luôn không nhận mình là nhà văn) với bài viết có cùng tên trong tập truyện Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân. "Lối Cũ" tuy quá ngắn ngủi nhưng lại gói ghém không biết cơ man nào là kỷ niệm của tuổi học trò từ khi tôi bắt đầu làm quen với những địa danh dễ thương từ bến bắc Cần Thơ đến Cầu Đôi, Vườn Thầy Cầu, Đàng Tiên, bến Ninh Kiều, v.v., hay dọc theo đường Nguyễn Trãi (may quá, đường nầy vẫn còn giữ tên cũ, hay nôm na là đường Nhà Đèn) qua dinh tỉnh trưởng chạy dọc theo đường Hàng Xoài dài hun hút đến tận Đầu Sấu, Cái Răng. Tui rất tâm đắc khi nghe hai nhạc khúc Đường Xưa Lối Cũ để thấy lòng mình rưng rưng khi nhớ đến những Lối Cũ của một thuở học trò vô tư lự năm nào dưới mái trường Phan Thanh Giản Cần Thơ khoảng đầu thập niên 50 nhưng vẫn còn in đậm cho đến tận bây giờ trong tâm trí ông lão đang quay mòng mòng trong vòng bát thập cổ lai hi?

Lần này cái lối cũ xa xôi dịu vợi ấy đã ập về trong tôi mãnh liệt hơn bao giờ hết với lời nhạc êm dịu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua hai câu:

"chạnh lòng thương nhớ những phút xưa, phút xưa qua qua rồi..."(câu thứ nhất)

"mà hình bóng cũ, thiếu trong tôi mỗi khi nghe chiều rơi...."(câu thứ hai)

 

Đặc biệt với Đại Hội Thế Giới Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm lần thứ XXII tại thành phố San Jose năm 2018, lối cũ lại hiện về rõ nét khi các cựu học sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ từ khắp mọi nơi trên thế giới lần lượt quy tụ về Thung Lũng HoaVàng để đánh dấu điệp khúc "San Jose, 19 Năm Hạnh Ngộ´ , một chủ đề mà Ban Tổ Chức Đại Hội đã nêu lên để trân trọng kính mời quí Thầy Cô, quí niên trưởng, đồng môn, và qu‎í thân hữu quy tụ về tham dự Đại Hội Thế Giới trường trung học PTG-ĐTĐ CầnThơ kỳ XXII tại thành phố San Jose, Bắc California được bắt đầu từ ngày 5 đến ngày 7 tháng  5 năm 2018 chưa kể thời gian du ngoạn sau Đại Hội.

 

Gặp gỡ các đồng môn tại quê nhà Cần Thơ trước ngày tổ chức Đại Hội XXII tại San Jose, Bắc California:

TBX_Standingclassmates.jpg 

Vào sáng mùng bốn Tết Nguyên Đán năm Mậu Tuất 2018, đề chuẩn bị cho ngày đại hội sắp tới, tại quán cà phê Phiếm quen thuộc do tiểu muội Nguyễn Kim Quang, nguyên Hiệu Trưởng Trường Trung học Tân Hưng, Cái Răng "làm chủ xị" mời gọi, bản chức đã rất vui mừng gặp lại những gương mặt cũ rất thân quen mà trước tiên là anh Nguyễn Lương Sinh, người bạn học cùng lớp đã từng cùng nhau đi mòn con đường Hàng Xoài dài hun hút, bắt đầu từ đường Pétrus Ky‎, nơi hai chúng tôi ở trọ cùng một vài bạn học đến từ các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, đặc biệt rất vui mừng và hí ha hí hửng khi có sự hiện diện của hai cô chủ nhà trọ xinh đẹp cùng lứa tuổi với chúng tôi (ngày xa xưa ấy mà chúng tui đã biết thả dê ăn so đủa rồi mới phiền chớ bà con cô bác?). Ngày ấy, bạn Sinh thuộc thành phần bạch diện thư sinh với nét mặt dường như lúc nào cũng có nét buồn một cách vô cớ, nhưng bi giờ anh ta cũng thuộc hàng "Không Không Sư Tổ" có tài ăn nói hoat bát không kém chi ai. Anh ta luôn nhắc đến câu chuyện học trò ngày ấy với vẻ tiếc nuối là tại sao tuy "bảnh tỏn" như anh ta nhưng người nữ y tá rất "mignonne" mà anh ta mê say đắm hổng thèm ngó ngàng gì tới anh ta mà lại tò tò lẽo đẽo theo sau cậu học trò xấu huơ xấu hoắc" (là tui đây chớ ai trồng khoai đất nầy), nên, theo anh kể lại, có lẽ tui có xạo nhiều lắm lắm, sau này anh ta ứa gan làm thơ tình nghêu ngao chơi cho bỏ ghét. Ngoài ra, anh bạn Lương Sinh đa tài (và đa tình) của tui, dưới bút danh Nguyễn Bích Như, còn miệt mài qua các công trình dịch thuật có giá trị những tác phẩm nổi tiếng trong kho tàng văn học nghệ thuật Pháp qua nhiều tác phẩm như Trà Hoa Nữ của Alexandre Dumas, Ben-Hur của Lewis Wallace, Thần Thoại La Mã  của G. Chandon, cùng những tác phẩm nổi tiếng khác như Những Người Khốn Khổ, Ba Người Lính Ngự Lâm, Bá Tước Monte-Cristo, Hoa tuylip đen, Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Quo Vadis,v.v.  Có lẽ ngày xưa tui có vẻ quá bất công khi xem bạn Lương Sinh cũng chỉ là người bạn "sàng sàng bậc trung" như tui nhưng ngày hôm nay, ở thiên niên kỷ 21 này, bạn là người đã vượt xa tui về mọi mặt, có lẽ có bà cô bé con của bạn ta là GS Hiệu trưởng Trung học Tân Hưng Cái Răng Nguyễn Kim Quang xác nhận rõ điều này, điều vượt trội của anh ta mà tui cũng rất hãnh diện với bạn bè.

 

TBX_inclass.jpg

Kế đó là sự xuất hiện thật bất ngờ và thật cám động của anh Nguyễn Trung Nghĩa trong lần hội ngộ bỏ túi kỳ nầy. Tôi không khỏi bùi ngùi khi tối hôm trước anh, khi nghe tôi gọi điện thoại mời anh tham dự, anh đã khước từ không đến được vì anh bị nhiều hạn chế trong việc di chuyển cùng vài vấn đề khác như ăn uống chẳng hạn. Đến sáng hôm sau, khi thấy cô con gái anh cho biết anh cố gắng đến làm tôi rất ngỡ ngàng, nhất là khi anh ráng hết sức mình bước xuống xe taxi qua sự tiếp sức của con gái, bạn Sinh và tôi vội vàng chạy ra nắm hai cánh tay anh dắt vào ghế ngồi khi anh đi thật chậm rãi từng bước một cách rất cực nhọc. Thật lòng mà nói, trong tận đáy lòng, chúng tôi không cầm được nước mắt khi dìu anh từng bước một rất khó khăn, nhất là khi bước lên bậc thềm để vào quán cà-phê. Không còn tình đồng môn nào cao quí hơn những giây phút lắng đọng nầy! Điều đáng mừng là anh đã nhận biết hầu hết những gương mặt tất cả mọi đồng môn đến tham dự, từ hai anh bạn cùng lớp Nguyễn Lương Sinh và Trần Bá Xử dĩ nhiên, đến nhà thơ, nhà văn Dương Hồng Thủy/ Vương Thủy Tùng cũng như GS Kim Quang, GS Hồ Hữu Hậu và phu nhân, thi sĩ Hồ Nguyễn, anh Dương Hoàng Trung là anh bạn thân tình rất tài hoa ngụ cùng hẽm Võ Tánh với tôi, người bạn với tiếng đàn Hạ Uy Di và ngón đàn vĩ cầm thật điêu luyện làm say đắm lòng người. Ngoài ra còn có sự hiện diện của vài anh bạn tôi vừa về từ tiểu bang lạnh ngắt ở Mỹ, và nhất là Học Trò Già (nhưng không già chút xíu nào hết) Hồ Trung Thành tuy còn chưa lành hẵn bệnh nhưng nghe nói có ông bạn già vong niên là bản chức nên cũng cố hết sức bình sinh đến xem cái bản mặt mốc thích của cái ông già nầy có biến đổi gì hông?

Anh Nghĩa rất vui khi gặp lại tất cả bạn bè già trẻ bé lớn trong buổi họp mặt mà người hạnh phúc nhất phải là tôi qua sự ưu ái đặc biệt của anh làm cho Lương Sinh và tôi không khỏi bồi hồi xúc động. Tôi nghĩ chắc hẵn không có món quà nào quí giá cho bằng xuyên qua tình bằng hữu thật khắng khít và quí hóa như vậy! Trong suốt buổi hội ngộ, anh ăn uống rất ít nhưng cứ nhìn anh em đồng môn mà cười thật vui, nhất là với hai thằng quỷ sứ bạn cùng lớp là Nguyễn Lương Sinh và tôi là Trần Bá Xử, mà các bạn cùng lớp thuở ở Collège de Vinh Long ưu ái tặng cho tôi hỗn danh Hà Bá Xử nghe thiệt oai hùng? Nhìn anh, tôi bất giác hồi tưởng cái dáng vẻ cao to của anh ở thập niên 50 thế kỷ trước lúc anh còn là một trong những tay đập bóng chuyền xuất sắc của trường Phan Thanh Giản Cần Thơ để thấy lòng mình chùn xuống khi bánh xe thời gian vẫn lăn đều.  Anh rất vui khi gặp chúng tôi, nhắc lại những chuyện cũ, cũng như tiếc nuối vì không tìm được quyển Lưu Bút Ngày Xanh kỷ niệm thuở học trò vui nhộn ngày nào. Anh cố gắng chung vui với chúng tôi và lưu lại gần hai mươi phút (thời gian thật quá dài so với tình trạng sức khỏe của anh lúc bấy giờ) rồi ra về qua sự tiếp tay của con gái yêu quí của anh và anh em chúng tôi. Chúng tôi rất quyến luyến không nỡ rời xa nhau và ước mong sức khỏe của anh sẽ sớm khả quan hơn để hy vọng một ngày không xa chúng tôi sẽ còn gặp lại nhau.

 

Không có bữa tiệc nào không tàn nên sau hơn ba giờ gặp gỡ nhau, cuối cùng rồi chúng tôi, tất cả đồng môn Trường Trung học Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm Cần Thơ cùng quí‎ thân hữu nói lời tạm biệt, hy vọng còn có cuộc hội ngộ trong tương lai để hàn huyên tâm sự dài dài sau này. Tiếp theo cuộc gặp nhau đầy ắp kỷ niệm lần nầy, người học trò già (già thật sự này) xin được chia tay bạn bè trong niềm luyến tiếc vô biên nhưng rất vui  khi được tay bắt mặt mừng hai anh bạn cùng lớp, một người là nhà phỏng dịch đại tài các tác phẩm nổi danh của văn học Pháp, và một người từng là giáo sư Pháp văn, cũng có nhiều năm dịch sách Pháp sang tiếng Việt và cũng từng làm trưởng phòng công chứng tại tòa án. Tôi rất hãnh diện được làm bạn đồng song với hai anh, và rất mong có dịp được may mắn hội ngộ cùng các anh khi điều kiện cho phép. Sau hơn sáu mươi năm mà còn gặp lại nhau là một diễm phúc lớn nhất của đời tôi.

 

Sau khi về lại quê hương miền đất hứa, tôi sẽ chờ đến đầu tháng 5 năm 2018 với hy vọng gặp một vài đồng môn cùng lứa, ít nhất là anh Dương Quang Ngự, trước cư ngụ tại Bình Thủy, nay ở tiểu bang Minnesota giá lạnh, kế đó là anh Lâm Văn Mẫn, đốc sự hành chánh đang ngụ tại Sacramento, thủ phủ tiểu bang California, và mong sao có sự hiện diện của anh Nguyễn Hữu Phước, cũng ngạch đốc sự hành chánh, cựu Giám đốc Nha thuộc Bộ Kinh Tế, là anh ruột của cố giáo sư Nguyễn Hiếu Đức và giáo sư thi sĩ Mai Lộc của trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, hiện cư ngụ tại thành phố San Jose (Bắc California). Nếu được như vậy thì người học trò già này cũng mãn nguyện lắm rồi.

 

Gặp gỡ các đồng môn tại Đại Hội Thế Giới lần thứ XXII ở San Jose, CA:

TBX_5nguoi.jpg

Từ trái (hàng sau): Nguyễn Lương Sinh, Trần Bá Xử, Lê Trung Cang

(hàng trước): Huỳnh Hữu Phước, Trần Văn Giêng 

Như đã đề cập trong phần mở đầu, Đại Hội Thế Giới Trung Học Thanh Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm kỳ XXII với chủ đề San Jose, 19 Năm Hội Ngộ sẽ được long trọng tổ chức tại Thung Lũng Hoa Vàng Silicon Valley trong 3 ngày từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 5 năm 2018 với hơn năm trăm vị tham dự, từ quí‎ vị giáo sư, quí‎ niên trưởng, đồng môn và quí thân hữu từ mọi nơi trên thế giới, từ Úc Châu đến Âu Châu, từ Canada đến Việt Nam, và hầu hết 50 tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

 

Cũng như những lần hội ngộ của những đại hội khác, phái đoàn của vùng New England/Massachusetts gồm hơn 10 người trông cũng ngon lành lắm. Dường như "có huông" hay sao ấy mà lần nầy tôi cũng là người đến sớm nhất. Đối với tôi, có lẽ đến sớm  cũng là cái tội hay sao ấy? Tôi còn nhớ trong một lần đại hội nào đó, khi giáo sư Chung Phước Khánh còn tại thế, chúng tôi ba người, như ba người ngự lâm pháo thủ ngày xưa ấy, gồm có giáo sư Chung Phước Khánh, anh Vũ Đức Báu và tui, chúng tôi đặt chung một phòng. Lần gần đây nhứt, khi giáo sư Chung Phước Khánh đã bỏ chúng tôi ra đi, bộ ba chúng tôi chỉ còn mỗi anh Vũ Đức Báu và tôi. Và cũng vì cái tật đến sớm nên tối hôm đầu tiên, tôi nằm chèo queo một mình lạnh thấy mồ! Chuyện đã hết đâu, tôi vừa nằm đợi anh Báu đến, hổng biết tại sao anh ấy bỏ tôi bơ vơ một mình làm có đôi lúc tôi cũng hơi chột dạ khi nghĩ vào một lúc nào đó có một bàn tay sờ gáy tôi, ớn quá bà con ui, tôi vội xuống nước nói nhỏ như là tâm sự hay đúng hơn là năn nỉ với GS Khánh vậy "anh đừng đùa dai với tui nhen?" vì ngày trước ba anh em chúng tôi hợp tính nhau lắm, và hay đùa giỡn với nhau rất là tâm đắc. Vì tui bày đặt lớn tuổi hơn hai bạn cùng phòng nên được GS Khánh gọi là đại ca, trong khi bồ tèo Báu là tiểu đệ còn GS Khánh là nhị ca, kể ra cũng ngon lành cho tui lắm đó chớ bộ? Mãi đến khi tiểu đệ Báu từ Massachusetts về nhập bọn thì tui mới cảm thấy an tâm, hổng phải tui sợ ma đâu vì dầu sao tui cũng có gốc nhà binh nhưng nằm một mình bơ vơ trong căn phòng rộng thênh thang giữa đêm khuya như vậy thì dẫu có run một chút xíu cũng là lẽ thường mà, phải hông bà con?

Khi tiểu đệ Báu về nhập bọn một lúc và chuẩn bị đi ngủ muộn thì bổng nhiên không hiểu sao khi khổng khi không đèn trong phòng chợt tắt ngúm. Bồ tèo Báu vội mở máy điện thoại cầm tay để cố liên lạc với các bạn trong đoàn thì máy điện thoại cũng "chết" mất tiêu. Vì phòng mất điện nên hai anh em mò mẫm trong bóng tối nhưng vì không chuẩn bị đèn pin nên chúng tôi loay hoay, đặc biệt là tui lúi húi cố tìm cái điện thoại của tui cũng không thấy vì tối hù? Lúc bấy giờ trong đầu tôi lóe lên một nghi vấn "chẳng lẽ nhị ca Khánh của chúng tôi muốn đùa dai và ghẹo phá chúng tôi hay sao ấy?" Dòng tư tưởng ấy còn đang lởn vởn trong đầu tôi thì bổng nhiên tiểu đệ Báu chúng tôi vui mừng reo lên "điện thoại liên lạc được rồi", đồng thời đèn trong phòng bật sáng??? Không hiểu trong bộ óc thông minh của người tiểu đệ đốc sự của chúng tôi có manh nha một sự nghi ngờ dù tí ti nào hay không về biến cố bất ngờ vừa qua hay không, nhưng đối với cá nhân tôi, từ trong tiềm thức của riêng tôi, cho mãi đến giờ phút này, tôi vẫn canh cánh bên lòng một ảo giác có lẽ người giáo sư hiền lành vui tính của chúng tôi muốn về đùa với chúng tôi trong giây lát hơn là cố hù chúng tôi???

 

Trở về đại hội, ngay sáng sớm hôm sau, tuy ngụ cùng phòng mà riêng tôi đã mất ngủ khá nhiều vì những suy tư mông lung trong đêm vừa qua, chúng tôi xuống phòng khách dùng bữa ăn sáng cùng với quí anh chị em trong đoàn. Điều ngạc nhiên thật lí thú đầu tiên mà tôi gặp phải là tôi đã thấy sự hiện diện thật bất ngờ của gia đình anh Dương Quang Ngự bạn học cùng lớp với tôi (Tân Đệ Nhị và Tân Đệ Nhất niên khóa 1953-1955) cùng thời với quí‎ bạn Trương Quang Minh, Huỳnh Minh Bảo, Hồ Công Minh, Hồ Công Tâm, Nguyễn Trung Nghĩa/pự con, Nguyễn Lương Sinh, Hứa Xướng Văn, Lâm Văn Mẫn, v.v... Gia đình anh Ngự gồm có anh chị và ba người con ngoan với hai gái một trai đến từ tiểu bang giá lạnh Minnesota (lạnh hơn cả tiểu bang Massachusetts nơi tôi đang cư ngụ).  Vì lần đại hội trước tại Houston, TX, tôi  đã gặp chị Ngự rồi nên Chị nhận ra tôi ngay tức khắc. Có lẽ nhờ đã thấy hình tôi trong các bài tôi viết trong Đặc san của Trường Mẹ nên anh Ngự đã nhận ra tôi ngay với dáng vóc nhỏ thó và gương mặt khó có ai xấu cho bằng!!! Tay bắt mặt mừng sau hơn 60 năm xa cách, thật là không có niềm vui nào sánh bằng! Anh Ngự vẫn không thay đổi với chiều cao ngất ngưởng như cây tre miễu nhưng không mập thêm một kí thịt nào cả vì nghe Chị nói sau này Anh hơi bịnh hoạn một chút. Không biết ngày còn đi học anh ấy có nói nhiều hay không nhưng bi giờ tui thấy anh "tám" cũng khá, cũng giống tui vậy mà, sau không biết cơ man năm tháng nào xa cách kể cho xiết. Anh kể chuyện trên trời dưới đất, từ cái thuở còn ở Cần Thơ khi còn là một học sinh con nhà giàu, có quyền có thế với căn nhà tổ nổi tiếng ở gần phi trường Trà Nóc, cho đến khi vào quân đội rồi giải ngũ nhờ có gốc gác pự tổ chảng? Nói đến Anh mà không đề cập đến Chị thì quả là một thiếu sót vì theo lới Anh kể, ngày xưa anh dạy chị học khi chị ấy chị còn rất trẻ và là mỹ nhân trong vùng nên anh "hốt" cô học trò bé bỏng của anh về dinh để làm người phu nhân trẻ nhất trong vùng của riêng anh bạn Dương Quang Ngự của tui! Giờ này đây, cứ mỗi lần anh kể lại câu chuyện tình xa xưa nhưng rất có hậu của anh chị là mỗi lần chị nở nụ cười e ấp bẽn lẽn với sự hãnh diện tột cùng của anh và xen lẫn với những nụ cười dòn tan của các con anh chị! Còn gì hạnh phúc cho bằng! Hai ngày sau, chúng tôi vẫn gặp nhau trong tình thân ái vô bờ bến rất đáng ngưỡng mộ tuy anh phải xa tôi sớm hơn dự định.

 

Mãi đến đêm tổ chức Đại hội, tôi mới gặp anh bạn rất thân thiết xuất thân từ trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ mà đúng ra tôi phải gặp hai bạn, đó là các anh Lâm Văn Mẫn, đốc sự ở Sacramento và anh Nguyễn Hữu Phước, cũng là đốc sự, nhưng vào giờ chót chỉ có bạn Nguyễn Hữu Phước tham dự mà thôi. Bạn Phước rất nhiệt tình với cá nhân tôi với tấm lòng bác ái vô biên khó ai sánh kịp. Anh lớn hơn tôi một tuổi, là anh ruột của cố giáo sư Nguyễn Hiếu Đức, phu nhân của giáo sư Hiệu Trưởng Lưu Khôn hiện cư ngụ tại San Jose; anh cũng là anh ruột của giáo sư/thi sĩ tuổi trẻ tài cao Mai Lộc hiện đang ở Nam California. Anh Phước là vị khách đặc biệt ngồi chung bàn với các vị niên trường có vai vế đăc biệt trong đêm đại hội tối hôm nay. Anh Phước luôn yêu cầu tôi vào ngồi chung bàn với anh nhưng tôi bị "kẹt giỏ" vì ngại tách rời khỏi nhóm New England/Massachusetts của chúng tôi, hơn nữa tui cũng ngán ngồi chung bàn với mấy ông lớn trong đêm đại hội đặc biệt nầy! Cuối cùng tui phải như con thoi chạy qua chạy lại hai bàn và nhờ em Mai Lộc đặc biệt tiếp đãi anh Phước là anh ruột mình.

 

Để thay lời kết, trong năm 2018 nầy, tôi đã có cơ may gặp lại vài người bạn chung lớp một thời học chung tại trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, mà thời bấy giờ gọi là Lycée  Phan Thanh Giản Cần Thơ, vào những năm từ 1953 đến 1955.

Vào đầu năm (Tết Nguyên Đán 2018), tại thành phố thân thương Cần Thơ, tôi đã hân hạnh hội ngộ với bạn Nguyễn Lương Sinh với bút danh Nguyễn Bích Như, đã phỏng dịch những kiệt tác của những văn thi sĩ lừng danh của nền văn học Pháp qua các thời đại khiến tôi phải ngã mũ chào thua. Sau đó, tôi lại rất hân hạnh và cảm kích với tấm thịnh tình mà anh Nguyễn Trung Nghĩa đã đặc biệt dành trọn vẹn cho tôi làm cho cuộc hạnh ngộ bỏ tùi này gói ghém một ‎ý nghĩa thật đặc biệt.

 

Riêng tại Thung Lũng Hoa Vàng với Đại Hội Thế Giới Hải Ngoại PTGĐTĐ kỳ XXII, tôi lại rất hân hạnh gặp lại anh Dương Quang Ngự (Minnesota) và Nguyễn Hữu Phước (San Jose) khiến cho chúng tôi là những cựu học sinh già với tuổi đời từ 82 đến 85 là lứa tuổi tạm gọi "cổ lai hi" cảm thấy rất hạnh phúc được may mắn gặp lai nhau ở giai doạn cuối đời này.

 

Nhìn bao quát, trong khi tôi đang miên man hồi tưởng về Lối Cũ với con đường Hàng Xoài dài hun hút, tôi mơ màng nhận thấy khá nhiều bạn chúng tôi gặt hái được những thành công vượt trội đáng khích lệ trên đường đời trong khi tôi cố gắng lẹt đẹt chay theo sau muốn đứt hơi mới chụp được một vài kết quả khiêm nhường, thật khiêm nhường.

 

Thành phố Springfield, MA,

ngày 9/7/2018, trời nóng quá...

TRẦN BÁ XỬ      

___________________________________________________________________________________________ 

 

  

 

 

Những Bước Chập Chững Trên Hành Trình Tị Nạn...

(Để riêng tặng Nhà Tôi) _________________________ 

 

 

 

Vài lời phi lộ:

Tôi là một cựu học sinh Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ vào đầu thập niên 50 của thiên niên kỷ 19. Sau bốn năm theo học Trường Cao Đẳng Tiểu Học Vĩnh Long, tôi may mắn giật được mảnh bằng Thành Chung và hồi hộp thi tuyển vào lớp Tân Đệ Nhị (Seconde Moderne) của Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Thật lòng mà nói, tuy là một học sinh khá giỏi của trường nhưng cá nhân tôi và một số bạn học cùng lớp gốc ở Sa Đéc với tôi vô cùng hồi hộp vì số lượng thí sinh nộp đơn thi kỳ này khá đông trong khi Cần Thơ là nơi quy tụ học sinh từ rất nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long như Long Xuyên, Châu Đốc, Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Vĩnh Long, và dĩ nhiên là Cần Thơ, do vậy việc ganh đua rất cam go đòi hỏi mỗi thí sinh phải có khả năng loại bỏ tối thiểu 4. 5 thí sinh khác mới hy vọng được vào vòng trong. Một lần nữa, thần may mắn lại mỉm cười với tôi nên tôi được hân hạnh vào học nơi ngôi trường nổi tiếng của Tây Đô ngoài Trường Trung Học Le Myre de Villers ở Mỹ Tho và Trường Trung Học Pétrus Trương Vĩnh Ký, chưa kể Trường Chasseloup của Pháp ở thủ đô Saigon.

 

TBX_VoBi.jpg

Sau khi đậu Tú Tài I tại Trường Chasseloup Laubat, tôi lên Saigon tiếp tục việc học, sau đó ghi danh vào Đại Học Sư Phạm, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, và Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, tiền thân của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam sau này. Ba Má tôi rất mong tôi sẽ là một giáo chức nhưng khi được chấp thuận vào trường sư phạm và trường võ bị, tôi lại xin phép song thân cho tôi lựa chon giải pháp 2 khiến ba tôi không vừa ý nhưng rồi cuối cùng nghiệp kiếm cung đã thôi thúc tôi lên thành phố sương mù bất chấp sự cản ngăn của ba mẹ và ông chú từ miền Trung đã tức tốc vào Saigon để can gián.

Sau hơn hai năm học tập kể cả thời gian học tại Hoa Kỳ, tôi trở về phục vụ trong quân đội đến khi thăng cấp trung tá váo đầu năm 1971. Nhưng Quân Lực VNCH bị bức tử vào tháng 4 đen năm 1975, và hơn 8 năm tù đày là cái giá tôi phải trả với mỹ từ học "tập cải tạo". Hơn 10 năm sau, tôi cùng vợ và hai con độc thân được đến Hoa Kỳ để tị nạn vào cuối năm 1993. Gần 20 năm sau, vào đúng ngày Chúa Giáng Sinh năm 2012, Nhà Tôi đã bỏ lại tôi một mình với bao tiếc nuối khôn nguôi.    

 

Cuộc Sống Nơi Miền Đất Hứa:

Tính từ ngày Nhà Tôi bỏ tôi ra đi cho đến nay cũng gần 5 năm rồi, chính xác hơn là xuýt xoát bốn năm bảy tháng.

Nhớ lại ngày nào gia đình bốn người chúng tôi ngơ ngơ ngác đến thành phố Springfield giá lạnh của miền đông bắc Hoa Kỳ trong cảnh thiếu trước hụt sau nầy mà tính đến nay đã ngót nghét 24 năm rồi.

TBX_Sept22_LeftTSNForUSA_TSN93.jpg

Sau gần một năm cư ngụ tại ngôi nhà mướn của vợ chồng một người Ý, chúng tôi dã cố gắng cắc ca cắc cỏm để dành một số tiền rất khiêm nhường và ráng mua trả góp một căn nhà rẻ theo thời giá lúc bấy giờ trong thời hạn 30 năm.

 Rời SG đi Mỹ 

Hồi tưởng ngày nào mới qua định cư gần như với hai bàn tay trắng vì cả gia tài của chúng tôi chỉ võn vẹn có khoảng hai trăm Mỹ kim kể cả 100 do anh chị bạn ở Hong Kong biếu tặng ! Theo quy chế tị nạn ở thời điểm đó, chúng tôi được hưởng  8 tháng tiền trợ cấp tị nạn chỉ vừa đủ trang trải mọi chi tiêu trong gia đình, do vậy vợ chồng chúng tôi phải lo tìm việc làm dù cực nhọc đến đâu chăng nữa ngoài những giờ học lớp Anh Ngữ như sinh ngữ 2 (ESL) tai LSS/ Lutheran Social Services và ghi danh tìm việc làm tùy khả năng của mỗi người. Vào thời điểm này, Lutheran Social Services, còn được gọi là LIRS (Lutheran Immigration and Refugee Service) và USCC (United States Catholic Conference) là hai trong chín cơ quan thiện nguyện (VOLAG/Voluntary Agencies) trực thuộc Bô Ngoại Giao Hoa Ky (US State Department) chuyên phụ trách tìm việc làm, lớp học Anh ngữ ESL và các dịch vụ xã hội khác cho các sắc tộc qua tị nạn tại Hoa Kỳ trong đó có Việt-Nam.  

 

Tại cơ quan thiện nguyện LIRS, tôi may mắn vượt qua phần học ESL khi giáo viên chỉ định tôi làm phụ giáo (TA, teacher-aid) vì thấy tôi có tí ti vốn Anh ngữ khả dĩ có thể phụ giúp anh ta trong lãnh vực này. Khoảng một tuần lễ sau, vào một buổi sáng đẹp trời, tôi được anh phụ trách tìm việc làm chở tôi đến Marriott Hotel của thành phố để tôi thực tập làm nhân viên tiếp tân cho khách sạn vào ca 3 (từ 10 giờ đêm đến 7 giờ sáng) nên tôi buộc lòng phải từ chối vì còn vài việc gia đình cần đến tôi trong

thời gian này  Hai hôm sau, tôi lại được "xách" đi đến cửa hàng TJ Maxx để thự tập bán hàng (salesperson), nhưng một lần nữa, tôi lại từ chối vì tự nhận thấy tôi không có khiếu buôn bán, hơn nữa tôi tự nhận thấy chưa đầy đủ khả năng Anh ngữ để giao tiếp với khách hàng? Tôi hơi chán nản với hai công việc trên vì không phù hợp với khả năng của mình cho đến hai hôm sau tôi được đứa cháu hàng xóm giới thiệu vào làm trong một hảng nhôm cũng vào ca 3, phải nói là cực hết biết! Thiệt là "ghét của nào trời trao của ấy", tôi đã tránh ca 3 ở khách sạn có vẻ nhẹ nhàng hơn thì phải nhảy vào làm ca 3 nặng nhọc hơn với việc đúc những khuôn bằng nhôm (mold). Có lẽ tui là kẻ lù đù nên có ông "cù" độ mạng (tui cứ nói đại chớ có biết ông cù là ông nào đâu)? Hôm đầu tiên vào làm việc khoảng 10 giờ đêm, tôi gặp một anh Mỹ già "cốt-xìn-tô" (là đô lực sĩ đó) làm supervisor có vẻ cũng ngầu lắm nên tôi cũng hơi ê càng không dám kênh xì-po với anh ta. Nói vậy cho oai chơi chớ tui ốm nhom ốm nhách thì kênh cái nỗi gì, anh ta chỉ cần búng một cái là tui đã bị bay biệt mù sơn dã rồi? Anh ta hỏi tôi và khoảng 5 tân binh mà hảng mới thu nhận thì may mắn thay, nhờ có chút vốn liếng Anh ngữ nên tôi hơi ba hoa chích chòe làm đại cái chức thông dịch viên "bất đắc dĩ" vì hấu hết không có anh nào  thèm nói tiếng Anh gì cả?. Do vậy, mỗi khi có nhu cầu thông dịch viên thì anh chàng đô lực sĩ bèn xách cổ tôi lên để dịch (hổng biết xác suất chính xác được bi nhiêu, có trời biết mà thôi, may quá bà con ơi!). Nhờ vậy, từ đó về sau, tôi được biệt đãi làm việc ở cái "khâu" thanh tra thành phẩm, ngon lành chưa? Xin phép bà con cô bác cho tui được xài đại cái từ "khâu" của đỉnh cao trí tuệ miến Bắc ấy mà vì xưa nay tui chỉ nghe nói đến khâu vá hay may vá mà thôi! Được hơn một tuần thì "ông cố nội đô lực sĩ" tới hạch hỏi tôi và xực tôi một trận với ly do là "mức dộ thanh tra để sản xuất thành phẩm" của tôi quá chậm? Tôi hơi nóng mặt vì tự nhận thấy đã làm việc hết mức mong muốn rồi. Tôi bèn hỏi anh ta lý do chậm trễ của tôi và nhờ anh ấy chỉ điểm cách làm nhanh hơn. Anh ta bèn nhanh nhẩu cầm một khuôn nhôm đúc chưa thanh tra lên, xem mã số của khuôn và đưa vào máy kiểm tra. Khi đèn xanh bật sáng báo tín hiệu khuôn đúc tốt thì anh ta lấy tất cả các khuôn có chung mã số với khuôn vừa rồi xếp vào nơi chuẩn bị cho xuất xưởng, như vậy tiết kiệm rất nhiều thời gian. Tôi hỏi lại anh ta "tại sao không kiểm soát các khuôn khác còn lại, anh làm như vậy là không đúng, và nếu làm như vậy, tôi cũng sẽ hoàn tất nhanh như anh ta vậy chớ đâu có chậm rì như anh ta bảo. Anh ta lý luận rằng những  khuôn nào có cùng mã số với khuôn tốt vừa rồi chứng minh các khuôn này đều tốt như nhau. Theo lời hướng dẫn khá hợp lý của anh giám thị (supervisor), từ đó về sau tôi làm rất nhanh nên không bị chê trách nữa.

Tuy công việc thanh tra thành phẩm khá nhàn hạ nhưng vì làm ca 3 thường làm tôi mất giấc ngủ có hại đến sức khỏe nên tôi tìm cách kiếm một công việc khác ở những ca khác như ca 1 hay ca 2 để gìn giữ sức khỏe.

Ngoài ra còn một lý do khác khá quan trọng là hảng nhôm chuyên đúc những khuôn nhôm (aluminum mold) là môi trường có nhiều chất độc hại vì sức nóng trên 2000 độ để đúc khuôn nhôm sẽ tạo ra chất hóa học sulphate d'alumium ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe nên nếu cứ phải ngửi liên tục sẽ bị ung thư, đặc biệt là ung thư phổi.

Sau gần 4 tháng làm việc tại đây, một cơ may đã đến khi có người cháu họ giới thiệu tôi vào làm tại một hảng chuyên sản xuất dây điện tử (electronic cable) có rất nhiều đồng hương Việt-Nam làm chung do đó tôi hăng hái đến ghi danh và đã được chấp nhận cho vào làm ca 2 nên rất thuận tiện cho gia đình chúng tôi.

TBX_ChiTBXInSG.jpg

Về phần Nhà Tôi, nhờ trước đây là y tá đã từng phục vụ trong ngành y tế cả bên Việt Nam lẫn Hoa Kỳ nên khi khi vừa đặt chân lên miền đất hứa này, nhà tôi đã

 

Nhà tôi 

ghi danh theo học khóa Phụ Y Tá (nurse-aid) vì khả năng Anh ngữ còn hạn hẹp về thuật ngữ y khoa (medical terminology) tuy nhà tôi rành thuật ngữ bằng Pháp văn. Cùng lúc đó tôi cũng nộp đơn xin theo học chung lớp với nhà tôi, và kết quả bị từ chối vì kỷ năng chuyên môn y tá của nhà tôi có tính thuyết phục hơn tôi nhiều. Thế là nhà tôi ngày ngày cắp sách đi học chung với một số khóa sinh gốc Nga, Tây Ban Nha, Puerto Rico. Theo nhà tôi kể lại, trong những ngày đầu tiên, mấy cô gốc Tây Ban Nha và Puerto Rico nói tiếng Anh như gió làm nhà tôi khớp quá chừng chừng nhưng khi phải viết bài thì họ lọng cọng viết sai rất nhiều nên nhà tôi cũng thấy an ủi phần nào. Ở trên cõi đời này, ngay cả giày dép còn có số nên nhà tôi cũng không phải là ngoại lệ. Sau gần một tháng học tập khá chăm chỉ tuy vẫn còn khớp, trong một ngày định mệnh, có một số chị em trong thành phố đến tâm sự với nhà tôi (không biết là may hay rủi đây), họ tỉ tê với nhà tôi khi biết nhà tôi có ba người con còn ở quê nhà mà nhà tôi (nhất định cũng có phần tôi) rất thương yêu và lo cho tương lai của chúng, họ khuyên nhà tôi ngưng kế hoạch dài hạn là đi học của nhà tôi để đi làm việc kiếm được tiền ngay để gởi về Việt-Nam cho các cháu. Dĩ nhiên đây là việc làm không chính thức gọi nôm na là "under the table" không phải đóng thuế. Vì chúng tôi mới chân ướt chân ráo mới qua Mỹ nên đã phạm phải sai lầm, đến khi sửa đổi lại để có một việc làm chính thức có đóng thuế thì lớp học đã qua rồi!!! Sau này, mỗi lần nhắc lại câu chuyện sai lầm không tiếp tục học ngành y tá thì vợ chồng chúng

tôi vô cùng tiếc nuối, riêng tôi thấy tội nghiệp nhà tôi vô cùng, nhưng biết làm sao hơn vì đây là số mệnh nghiệt ngã khiến nhà tôi không được tiếp tục ngành y mà nhà tôi đã theo đuổi hơn 20 năm qua từ khi là một cô nữ y tá quốc gia! Vì không có bằng cấp y tá của Mỹ nên nhà tôi phải làm những công việc ít lương hơn so với nghề y tá cho mãi đến sau này.

Riêng cá nhân tôi đã được chuyển đến hảng cung cấp dây cáp điện tử như là một chuyên viên chạy máy (machine operator) với số lương khiêm nhường không cao nhưng tương đối thoải mái mà gia đình chúng tôi vui lòng chấp nhận. Cho đến một hôm, có lẽ tôi có cung Thiên Di chiếu mạng hay sao ấy, mà bổng dưng có một anh bạn giới thiệu tôi về làm tại một hảng giấy (papermills) dọc bờ sông thành phố Holyoke cùng tiểu bang chuyên cung cấp những ấn bản như các logo đủ loại. Điểm đặc biệt là lương bổng khá hơn, vả lại còn làm ca 1 nên cuộc sống của gia đình chúng tôi có phần thoải mái hơn nhưng đòi hỏi sự khéo léo gần như tuyệt đối để có những thành phẩm thật chính xác đúng như bản mẫu đã đề ra trong thao tác thực hiện những logo rất nhỏ. Tôi đã cố gắng hoàn tất những design khuôn logo hình vẽ và chữ đạt phẩm chất cao khiến các supervisor và general manager rất hài lòng. Công việc nơi đây tuy có phần nhàn hạ nhưng đòi hỏi sự chính xác cao nên sau một thời gian ngắn làm việc tai hảng giấy này, tôi được liên tục tăng lương hai lần khiến tôi rất hy vọng sẽ nhận được mức lương cao hơn sau này.

Tôi đang vui vẻ tận hưởng những thành quả tốt đẹp này thì một sự kiện bất ngờ đã xảy đến tạo ra một khúc quanh thay đổi hoàn toàn nếp sống tị nạn của tôi về sau này. Số là tại thành phố chúng tôi sinh sống có một tổ chức gọi là Việt-Mỹ Dân-Vu-Hội (VACA) chuyên phụ giúp những đồng hương mới đến định cư, đặc biệt là những vị cao niên già yếu với số vốn Anh ngữ hạn chế, cần đền những cơ quan chính phủ để xin các phụ cấp về an sinh xã hội, tem phiếu thực phẩm, những phúc lợi công cộng, đi khám sức khỏe tại các bệnh viện cùng các dịch vụ khác về pháp lý, xin thẻ an sinh xã hội, xin thi lấy bằng lái xe cùng các trợ giúp linh tinh khác.

Trong một lần đi Boston, thủ phủ của tiểu bang Massachusetts cùng với anh bạn trẻ đang làm giám đốc điều hành văn phòng VACA, cháu này đã trình bày những khó khăn đang gặp phải cần đến sự trợ giúp của một người lớn tuổi như tôi để phụ trách chương trình người cao niên nên cháu đã thiết tha mong mỏi tôi giúp một tay. Là một người ít khi từ chối sự giúp đỡ những đồng hương đang tị nạn thiếu điều kiện trong sự giao tiếp với người Mỹ trong cuộc sống hằng ngày, tôi  đã đồng cảm sâu sắc với họ và cuối cùng đã tạm thời nói với anh bạn trẻ sẽ nghĩ lại về đề nghị này và hứa sẽ trả lời trong một này rất gần. Tôi thực sự còn đang phân vân vì số lương hiện tại của tôi khá đủ cho gia đình chúng xoay sở trong cuộc sống tha hương này chưa cần một sự thay đổi nào khác. Khi về nhà, tôi đã thảo luận với nhà tôi mà tôi đã linh cảm, với lòng nhiệt tình của nhà tôi với cộng đồng, nhất là những người già yếu thiếu khả năng giao tiếp với bên ngoài, chắc hẳn nhà tôi sẽ tán đồng ý kiến để tôi phục vụ cộng đồng tuy mức lương của một điều hợp viên không hơn số tiền tôi đang hưởng tại hảng giấy.

Một tháng sau, tôi phải tìm mọi lý do chính đáng để xin chuyển đến Việt-Mỹ Dân-Vụ-Hội, với một "nghề" mới chuyên làm việc bằng tim óc, để đặc biệt phục vụ cho những đồng hương yêu quý của tôi rất cần sự giúp đỡ khi phải tiếp xúc với các cơ quan chính phủ chuyên lo phục vụ lợi ích công cộng cho những người tị nạn, chấm dứt hoàn toàn những bước thăng trầm khi phải làm việc cực nhọc bằng tay chân của tôi trong hơn một năm vừa qua.

Trần bá Xử

Springfield, MA, ngày 18/11/2017.


ĐẠI HỘI XXI, một thoáng hồi tưởng....

 

Trần Bá Xử

Springfield, MA

 

Trong Đại Hội Thế Giới XXI - 2017 lần này, tôi có ý định "gác kiếm" không dám múa may quay cuồng nữa vì đã thành người "cổ lai hy" mất rồi,trên tám bó rồi chớ bộ, hổng phải thất thập như thường tình nhi nữ đâu nhen bà con? (xin lỗi quý thầy cô và quý vị trưởng thượng vì mới mở màn mà đã dám dùng dao to búa lớn rồi).

Thiệt ra thì khi tạt qua Cần Thơ trước khi lên Saigon để bay dìa thành phố Cánh Đồng Xuân (Springfield) xa xôi dịu vợi, tôi đã được người hiền đệ văn thi sĩ tài hoa Vương Thủy Tùng cùng với hiền muội GS Kim Quang gốc gác ở Cái Răng, cũng đã nhắc nhở người đại ca học trò già tôi phải có một bài viết nói về ngày đại hội rất đặc biệt kỳ này!

Mà không đặc biệt sao được khi Đại Hội Thế Giới XXI - 2017 - Houston Texas Hải Ngoại năm nay đã cùng một lúc nhằm tưởng niệm 150 năm cụ Phan tuẩn tiết (1867-2017), vừa kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ, đồng thời đánh dấu 20 năm sinh hoạt Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Hải Ngoại.

 Tôi còn đang phân vân vì thật ra tui còn kiếm đâu để mà gác thì bất thình lình chị bạn  đồng song với tôi vào cái thuở còn là học sinh ở Collège de Vĩnh Long từ năm 1949 là GS Phạm Thị Kim Chi, nguyên Hiệu Trưởng Trường Đoàn Thị Điểm Cần Thơ đến bên tôi và phán một câu xanh dờn gần "như lệnh xé xác"vậy:  "kỳ này anh phải viết một bài về sinh hoạt đại hội tối hôm nay nhen?". Để thêm phần thuyết phục, bà ta còn nhắc câu chuyện cũ (thật mắc cỡ vô cùng khi nhắc lại chuyện nầy) vào cái lúc tôi mới vào học năm thứ nhứt (Première Année) và được nhà trường quyết định chuyển tôi qua học chung lớp với các cô bé nữ sinh nhí nha nhí nhảnh lớp con gái của chị ấy (vì lớp nam quá đông học sinh) nên tôi đã hoảng hồn hoảng vía òa lên khóc (có lẽ vì sợ học kém con gái, vì thú thật với quý thầy cô và quý đồng môn thân hữu là thuở ấy tôi nhát gái lắm chớ hổng phải bổng nhiên trở thành quỷ sứ như bi giờ đâu?), tuy nhiên tôi vẫn còn tí ti thông minh  trong người nên bèn chạy u, dĩ nhiên vừa chạy chậm chậm chớ hổng phải chạy marathon, vừa khóc vừa mếu máo lên gặp vị GS Giám Học là thầy Phạm Văn Thàn, thân phụ của chị Kim Chi, để xin được ở lại lớp con trai chúng tôi. Vì thầy rất cưng tôi, tôi có vẻ chủ quan quá quý vị à, và cũng vì sợ tôi khóc nhè lâu quá làm ướt cả sân trường, nên thầy quyết định thuyên chuyển anh Nguyễn văn Phẩm qua lớp nữ làm "vật tế thần" thay thế tôi còn tôi được trở về "đơn vị gốc" cùng với mấy tay bạn đực rựa phá như quỷ của chúng tôi. Chị GS Phạm Thị Kim Chi đã quánh trúng tử huyệt của tôi nên giờ này tôi mới hì hục mổ cò, đánh máy hai ngón đó mà, để mần sao cho tròn nghĩa vụ quân sự là có bài nộp cho người tổng bí thư, ủa quên, người tổng biên tập, là người hiền đệ đa tài Nguyễn Công Danh/Trần Bang Thạch của trang nhà trường chúng ta đó mà.

Lấy công tâm mà nói thì quả thật Đại Hội Thế Giới XXI năm 2017 tổ chức tại Houston Texas có quá nhiều điểm rất đặc biệt so với các lần đại hội khác:

1.     Thành Phần tham dự:

Qua 20 kỳ Đại Hội, kể từ Đại Hội lần 1 tổ chức ngày 2 vả 3 tháng 8 năm 1997 tại Houston Texas cho đến Đại Hội XXI từ ngày 5 và 6 tháng 5 năm 2017 cũng tại thành phố nắng ấm tình nồng Houston Texas thì lần này đã quy tụ một số lượng người tham dự cao nhứt so với các nơi khác (lần đầu tiên vào năm 1997 với số người tham dự trên 300 người, và năm nay đã đạt đến mức kỷ lục là 746 người. Riêng thành phần giáo sư năm nay cũng đạt mức cao nhứt là 46 vị).

Quý vị giáo sự cùng quý đồng môn, thân hữu và gia đình tham dự Đại Hội đã quy tụ từ khắp nơi trên thế giới, từ Âu Châu đến Úc Châu, Mỹ Châu, cho đến Việt-Nam, mà lần này TP Saigon có vị GS uyên bác Lê Đức Cửu, còn TP Cần Thơ có hai vị giáo sư quen thuộc là GS/thi sĩ Lê Trúc Khanh/Lê Phước Nghiệp và nữ GS Phan Thị Thu Vân.

2.     Ban Tổ Chức Đại Hội:

Tôi xin phép được đưa mục Ban Tổ Chức Đại Hội lên trước để đề cao tinh thần làm việc tích cực tuyệt vời của ban này vì như người MC tuổi trẻ tài cao đến từ xứ sở con "cănguru/kangaroo" Úc Châu là GS Bùi Hữu Việt đã nhiều lần tiết lộ trong đêm Đại Hội là ông trời đã quá ưu đãi thành phố nắng ấm tình nồng Houston Texas nên thanh phố này đã tóm thâu quá nhiều nhân tài không biết cơ man nào mà kể cho hết. Sơ sơ trên chóp bu có vị GS khả kính Nguyễn Văn Trường từng là Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH hai nhiệm kỳ đã cùng với nữ GS Phạm thị Kim Chi, Hiệu Trưởng Trung Học Đoàn Thị Điểm nổ phát pháo đầu tiên đồng ý đứng ra tổ chức Đại Hội lần này. GS Trường còn tình nguyện đưa đón khách tham dự từ phi trường Hobby, TX về khách sạn khi tuổi đời của GS đã ngót nghét lên hàng 90? Sở dĩ cổ xe khổng lồ này chạy một cách êm ả không chê vào đâu được là nhờ sự phục vụ hết mình của tất cả mọi thành viên, mà hai con chiến mã Nguyễn Công Danh/Trần Bang Thạch và Lê Hoàng Viện/Lê Cần Thơ  (xin lỗi hai hiền đệ nhen) đã chiếm công đầu, tuy nhiên phải công bằng ban tặng cho tất cả quý GS và đồng môn trong Ban Tổ Chức Houston TX điểm A++ mới tương xứng với sự cống hiến rất đáng khen của mọi người.  

3.     Diễn tiến hai buổi lễ Tiền Đại Hội và Đại Hội:

  • Đưa đón khách tham dự ĐH.

Ngoại trừ các đồng môn thân hữu và gia đình ngụ tại Houston và phụ cận, tất cả thành phần tham dự đều được đưa đón tại một trong hai phi trường IAH/Bush và Hobby về Marriott Hotel, một khách sạn rất khang trang xem như căn nhà chung của đại gia đình PTGĐTĐ trong mấy ngày đại hội. Ban Tổ Chức đã khéo léo dàn xếp với giá cả thật đặc biệt, họ chỉ thu với giá khá thấp so với các khách sạn tương tự trong vùng Houston Westchase, với giá biểu $79.00 và $89.00 một ngày thay vì bình thường với giá $249.00 một ngày, dĩ nhiên bao gồm cả free breakfast.

  • Đêm Tiền Đai Hội 5/5/2017.

Trọn buổi sáng ngày 5/5/2017, khách tham dự được tự do đi thăm viếng thành phố nắng ấm tình nồng Houston TX, đến khoảng 4 giờ chiều thì lên xe bông (ủa xe bus chớ bộ) đến nhà hàng Kim Sơn dự đêm Tiền Hội xem như đêm Hạnh Ngộ (ăn mặc thoải mái). Đêm nay là đêm khai mạc Chợ Đêm Ninh Kiều mở cửa trong 1 tiếng đồng hồ với trên chục món ăn chơi rất ngon của tuổi học trò như hột vật lộn , ủa quên, hột vịt lộn Xóm Gà chớ bộ, nem nướng Cái Răng nữa nè, chè Cô Tám, xôi bắp Ninh Kiều nữa nè, các loại bánh nướng chợ Cần Thơ, cóc, ổi Ngô Quyền (mới nghe đã muốn chảy nước miếng tùm lum tà la rồi bà con ui), rồi còn có đậu phọng, bánh su sa, khô bò nữa nè, thiệt là ngon quá xá mấu? Không biết cô em xinh gái Thiên Hương của tui đứng bán hàng có len lén "nhón" món ăn ngon nào trong chợ đêm này hông? Sau một giờ trưng bày thì các gian hàng bán sạch sành sanh, láng coón luôn! Thiệt là ngon quá mờ!

Sau phần khai mạc Chợ Đêm Ninh Kiều là phần dành cho bà con tham dự tha hồ "tám" một cách thoải mái để hồi tưởng cái thuở học trò vô tư lự năm nào. Nói lén mấy cú nường chớ "tám" là nghề của mấy nàng thiệt mà. Tui thử đi kiểm chứng xem thực hư ra sao nên bèn tạt qua bàn cô em kết nghĩa ở Saigon qua tham dự thì bắt gặp ngay một nhóm toàn là cựu sinh viên dược khoa, vui không thể tưởng tượng vì cô nào cũng tranh nhau "tám" như cái chợ chồm hỗm? (Tui xin lỗi mấy bà chớ thực sự là tui nói thiệt đó nhen, có bồ Bùi Hữu Trạng đi bên cạnh tui làm chứng mờ)? Nhắc  tới đôi uyên ương tài hoa Bùi hữu Trạng và Trương thị Ngọc Anh thì tui hổng thể nào quên những nụ cười dòn tan và dễ thương của hai bồ này mà dường như tui còn nợ họ một chiện "làm mai mối" gì đó hổng biết đến bao giờ mới kết thúc câu chuyện tình đầy sóng gió một cách có hậu đây, thôi thì hẹn ngày tái nạm (lại quên rồi, ngày tái ngộ chớ bộ) vào năm sau tại San Jose (nếu tui có khả năng) để luôn tiện diện kiến với ông anh đẹp trai, trẻ mãi không già cùng tuổi với tui là GS Nguyễn Như Hùng cho trọn tình trọn nghĩa (nói như vậy có vẻ như thấy người sang bắt quàng làm họ không bằng, phải hông bà con?

  • Du Ngoạn.

Ngày hôm sau (6/5/2017), ai ghi danh đi du ngọan thì lên xe bus để được hướng dẫn đi viếng Moody Gardens khu ven biển Galveston để thưởng ngoạn Rainforest với Aquarium Pyramid và Rainforest Pyramid hầu tận mắt thấy rừng nhiệt đới ở Phi Châu và Á Châu hâm hấp nóng như thiệt vậy. Sau đó chúng tôi vội vã ra xe bus đúng giờ để về khách sạn chuẩn bị tham dự đêm Đại Hội chính thức.

  • Đêm Đại Hội, 6/5/2017

Thời khắc mong đợi cho đêm Đại Hội sắp đến. Đúng 4 giờ chiều, chúng tôi ra xe bus gồm 5 chiếc dài ngoằng chuẩn bị đến nhà hàng Ocean Palace (cả hai nhà hàng Kim Sơn và Ocean Palace đều có sức chứa một ngàn thực khách). Riêng nhà hàng Ocean Palace nằm trên đại lộ Bellaire, có tên Việt-Nam là đại lộ Saigon, cùng vài con đường xung quanh có tên VN như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, v.v..

Nhà hàng được trang trí rất đẹp mắt với cờ VNCH và Hoa Kỳ, với những cành phượng bông đỏ rực rỡ cùng cách trang trí rất trang nghiêm dành cho đêm lễ hội quan trọng này.

Các phái đoàn về tham dự Đại Hội được sắp xếp ngồi theo quốc gia (Úc Châu, Âu Châu, Việt-Nam) hay theo tiểu bang, nhưng sau đó vì quá đông nên có thể ngồi xen kẻ vào các chỗ còn trống. Do vậy phái đoàn tiểu bang Massachusetts/New England của chúng tôi và New Jersey có 2 bàn.

Đại Hội XXI tại Houston TX năm nay đã quy tụ 3 MC kiệt xuất nức danh dưới trời Á Đông, nói vậy chớ 3 anh tài xuất chúng này, một đến từ Melbourne, Úc Châu với GS tài hoa Bùi Hữu Việt, kế đó là anh Phó Ngoại Vụ trong Ban Tổ Chức là GS Nguyễn Công Danh/Trần Bang Thạch , người đã điều hành rất khéo léo cùng với GS Việt và cháu Hoàng Thúy thành một bộ ba để đưa đêm Đại Hội đến thành công mỹ mãn. Cháu Hoàng Thúy là ái nữ của Trưởng Nhóm Houston TX Phan Thị Huệ, người hiền muội đồng môn tuy nhỏ con nhưng là đai đen nhu đạo của lò thầy Tỉnh Trưởng Phạm Đăng Cao, cùng thời với đồng môn trưởng tràng cố Trung Tá Lưu Trọng Kiệt (Lưu Départ), Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 42 BĐQ vang bóng một thời.

Mở đầu chương trình, MC trưởng ban điều hợp Nguyễn Công Danh đã nói về ý nghĩa thiêng liêng của ngày đại hội đối với Tổ Quốc, đối với Quốc Tổ, và đối với Cụ Lương Khê Phan Thanh Giản và Bà Hồng Hà Đoàn Thị Điểm.

Tiếp nối chương trình là lễ rước linh vị Cụ Phan và Bà Đoàn lên sân khấu được trang hoàng rất đẹp đẽ, theo sau đó là nghi thức chào quốc kỳ VNCH-Hoa Kỳ và quốc ca hai nước đã diễn ra trong bầu không khí thật trang nghiêm.

Sau hai nghi thức trọng thể trên là phần phát biểu của các GS Nguyễn Văn Trường, GS Lưu Khôn, GS Phạm Thị Kim Chi, GS Lê Đức Cửu (Việt-Nam), GS Phạm Văn Đàm, GS Nguyễn Trung Quân, Tiến sĩ Huỳnh Long Vân (Úc Châu), GS Lê Phước Nghiệp/Lê Trúc Khanh (Việt-Nam).

Tiếp nối chương trình là phần văn nghệ vô cùng phong phú của các phái đoàn đến từ Nam Bắc California, Melbourne, Úc Châu, Houston, v.v.

  • Phát Đặc San 22

Đặc biệt năm nay Đặc San 22 đã quy tụ đúng 100 cây viết trên 300 trang giấy với chủ đề Trở Về Mái Nhà Xưa để kỷ niệm 100 năm Trường Phan Thanh Giản, một công trình văn nghệ đặc sắc dưới sự điều hợp đầy sáng tạo của hai cộng tác viên xuất sắc nhứt của trang nhà <www.ptgdtdusa.com> là Nguyễn Công Danh/Trần Bang Thạch và Lê Hoàng Viện/Lê Cần Thơ.

  • Đi CRUISE

Sau khi kết thúc đêm Đại Hội, qua ngày hôm sau phái đoàn được chia làm hai nhóm: một nhóm trở về "nguyên quán" vào ngay ngày hôm sau, nhóm còn lại ghi danh đi du thuyền lớn "CARNIVAL BREEZE CRUISE LINE" trong 7 ngày từ ngày 7/5/2017 đến ngày 14/5/2017.

Để thay lời kết, người học trò già via cốc đế tui đây rất muốn tham dự quá chừng chừng chuyến đi cruise vô tiền khoáng hậu này nhưng bắt buộc phải đáo nhậm đơn vị cũ vì những lý do bất khả kháng, không được cái diễm phúc đi du thuyền cùng quý thầy cô và đồng môn thân hữu để ghi lại phần tiếp theo nên rất buồn và tiếc hùi hụi khi phải đặt dấu chấm hết nơi đây.

 

TRẦN BÁ XỬ

Springfield, MA, ngày 10/5/2017

(trời đã lập Xuân nhưng vẫn còn se lạnh)

 

BẾN CŨ

Trần bá Xử

Springfield, MA, ngày18/1/2017

 

Không phải đây là lần đầu tiên người học trò già này trở về thăm ngôi trường cũ và thành phố Cần Thơ thân thương năm nào nhưng bổng nhiên tôi lại nghĩ đến hai chữ Bến Cũ cùng tên với bản nhạc nổi tiếng của người đại niên trưởng tài ba của tôi là nhạc sĩ Anh Việt, tức  cố Đại Tá Trần văn Trọng, đã từng một thời là Giám Đốc Nha Quân Cụ, sau là Cục Trưởng Cục Quân Cụ của QLVNCH. Bất giác tôi liên tưởng đến đọan đầu của bản nhạc để thấy lòng mình rưng rưng, thật rưng rưng  như bất chợt quay về những kỷ niệm xa xưa của đời tôi, của một thời anh học trò bé nhỏ nhưng liến thoắng ngày ngày đã từng cắp sách đến trường mẹ, Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ những niên học đầu thập niên 50:

"Bến ấy ngày xưa người đi vấn vương biệt ly,

                   Gió cuốn muôn phương về đây,

                   Thấy bóng người về hay chăng....."

 

Thấy bóng người về hay chăng?

 

kq_TBXMong.jpg

Đã hơn 60 năm trôi qua, người xưa nay đã trở về thăm mái trường cũ mà những vết tích thân thương ngày nào vừa tròn 100 năm đã dần dần bị bôi xóa, tuy nhiên chỉ bị xóa mờ trên thực tế nhưng luôn luôn vẫn còn ngự mãi trong tim tôi! Và đây là lần thứ ba tôi quay về chốn cũ để giải đáp câu "Thấy bóng người về hay chăng" mà tôi thâm nghi chưa chắc gì cá nhân tôi sẽ còn có dịp "Trở Về Mái Nhà Xưa" như tên bản nhạc "Come Back to Sorento" vì giờ nầy tuổi đời đã chồng chất lên đỉnh cao mất rồi!!!

Theo dòng thời gian, tôi đã trở về thăm mái trường xưa, đi qua những con đường quen thuộc ngày nào đã dần thay đổi mà tôi không nhận ra? Trong sâu thẳm của ký ức, có lẽ giờ đây tôi chỉ còn nhớ một vài con đường cùng đia danh rất quen thuộc như đường Nguyễn Trãi (đường Nhà Đèn) mà thôi. Cầu Đôi ọp ẹp ngày ấy (dẫn đến Ô Môn, phi trường Trà Nóc, Bình Thủy) đã lột xác hoàn toàn, rồi cầu Tham Tướng, rồi Vườn Thầy Cầu, xóm Hai Địa? Nay còn đâu đường Hàng Dương, đường Hàng Bã Đậu, đường Hàng Xoài dài hun hút, đường Pétrus Ký, đường Capitaine d'Hers, đường Phan Thanh Giản, bệnh viện Phan Thanh Giản, sân banh (bóng đá), bãi đáp trực thăng cạnh sân banh của Cần Thơ năm nào? Nay còn đâu đoạn đường dài ngút ngàn từ đường Hàng Xoài trải dài đến Đầu Sấu, Cái Răng ? Ngày ấy con sông Cái Răng quá chật hẹp bên cạnh Chợ Nổi với cây cầu dài khoảng vài chục thước nay được thay thế bằng chiếc cầu dài ngoằng biệt mù sơn dã nối liền Cái Răng Bé, Cái Răng Lớn?

Thời gian lưu lại Cần Thơ:

kq_TBXhoppho.jpg 

Gần cuối năm Bính Thân 2016, tôi quay về chốn cũ để họp mặt các bạn bè đồng môn Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm lần thứ nhất, mà thật ra là lần thứ ba nếu kể từ ngày tôi quay về quê mẹ lần đầu tiên. Hồi tưởng lại gần hai năm về trước, tôi đã hội ngộ với gần 20 đồng môn thân hữu, đặc biệt có 3 anh học cùng lớp là Nguyễn Thới Lai, Nguyễn Trung Nghĩa, và người thấp nhất là cá nhân tui chỉ cao có 1m,67 khi ghi danh nhập học Trường Võ Bị Quốc Gia VN Đà Lạt, mà hổng biết tại sao giờ nầy các bạn bè và con cháu bảo tui chỉ còn tối đa là 1m, 65, ôi thật đau buồn cho cái tuổi già nó xồng xộc ập tới khiến cả cái chiều cao khiêm nhường của tui cũng bị cắt xén mất tiêu luôn! Tuy vậy, để bù lại, lần họp mặt kỳ này, qua trung gian của bà cô GS Kim Quang, cựu Hiệu Trưởng Trường Trung học Tân Hưng, Cái Răng, tôi rất hân hạnh được gặp mặt người cháu cô ta là anh bạn cùng lớp Nguyễn Lương Sinh, người bạn trẻ tuổi đẹp trai nhất lớp mà có thời gian chúng tôi ở trọ chung nhà tại đường Pétrus Ký có hai cô chủ nhà đẹp gái hết biết (theo tiết lộ của anh bạn Lương Sinh  còn nhớ cả tên chị Điểu và Alice Cang nữa, chứ tôi hoàn toàn ngây thơ vô...số tội, họa chăng có Trời biết mà thôi?). Lần họp mặt kỳ này cũng khá vui nhộn tuy thiếu vắng người niên đệ vui tính và ồn ào nhất là Luật sư Hồ Trung Thành vì bận du lịch Winnipeg, Canada nên không "đáo nhậm đơn vị mới" kịp thời. Cũng trong lần tái ngộ  này có sự vắng mặt của anh bạn cùng lớp đã tham dự lần trước là Nguyễn Trung Nghĩa. Ngày ấy, anh cao lớn vạm vỡ từng là hảo thủ bóng chuyền của trường, nhưng lần này anh bị bệnh đi khập khiễng phải chống gậy, cô Kim Quang và tôi đề nghị cho người chở anh ấy đến chỗ họp mà anh nhất quyết khước từ vì sợ gây phiền phức cho bạn bè.  Anh còn cho biết hiện đang lưu giữ quyển lưu bút ngày xanh có bút tích của các bạn cùng lớp như Nguyễn Thới Lai, Huỳnh Minh Bảo, Trương Quang Minh, và tui nữa, v.v. nên tui mừng húm nài nỉ anh đưa tập này cho bạn bè xem nhân ngày họp mặt nhưng sau đó anh bảo quyển lưu bút quý giá ấy biến đâu mất (có lẽ vì tuổi già và bệnh tật đã khiến anh quên để đâu mất rồi), khiến tui tiếc hùi hụi nhưng biết làm sao hơn khi sức khỏe của anh không cho phép!

Sau đó, tôi trở lên Saigon chứng kiến một sự kiện trọng đại: năm trước tôi về Saigon tham dự đám cưới đứa cháu ngoại trai cưng thì năm nay cháu ấy mới có đứa con trai đầu lòng, như vậy tôi bổng chốc lên tới chức ông cố một cách ngon lành? Nếu Nhà Tôi còn tại thế, chắc hẵn Nhà Tôi sẽ hạnh phúc biết bao vì ngày xưa vợ tôi từng bồng bế nâng niu cháu ngoại trai của chúng tôi một thời gian dài thì bà sẽ cưng đứa cháu cố này vô cùng tận rồi.

Hơn nửa tháng sau, tôi lại trở về Cần Thơ để tham dự ngày rằm tháng giêng thượng nguơn do cô hiệu trưởng Kim Quang tổ chức hằng năm với hơn 20 bạn bè thân hữu đồng môn tham dự. Tất cả chúng tôi đều dùng cơm chay, nhưng không vì thế mà thiếu sự ồn ào vui nhộn với sự trở về của niên đệ LS Hồ Trung Thành. Do sự sắp xếp của GS Kim Quang cùng với người ca nhạc sĩ tài danh Ngô văn Thanh (đến từ North Carolina, Hoa Kỳ) qua tiếng đàn guitare điêu luyện ngọt xớt, tui đã bạo gan lọt vào mê hồn trận nghêu ngao bài Chiếc Lá Cuối Cùng của Tuấn Khanh để riêng tặng Nhà Tôi khiến tui bổng chốc đã trở thành "thằng chột làm vua" bất đắc dĩ?

Trở Về Quê Hương Thứ Hai:

Cuối cùng rồi tui cũng "lên xe bông", ủa quên lên máy bay trở về quê hương thứ hai sau một thời gian lưu lại Saigon. Trên chuyến bay từ Saigon qua Tokyo, Nhật Bản rồi từ Nhật về thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, mọi việc đều rất xuôi chèo mát mái nên tôi rất vui mừng tuy không bao giờ tôi dỗ được giấc ngủ trên máy bay. Từ Washington DC, sau khi xong thủ tục nhập cảnh, tôi lên máy bay nhỏ để về Hartford, CT gần thành phố Springfield, MA nơi tôi cư ngụ với chỉ gần một giờ bay mà thôi nên tôi mong cho sớm về đến nhà để nghỉ ngơi. Bấy giờ mới 5 giờ chiều nhưng bầu trời vần vũ như sắp có giông bão. Vì là máy bay loại nhỏ đi quảng đường ngắn nên tôi có cảm giác máy bay đang khiêu vũ trên bầu trời xám ngắt qua những  hố không khí (trou d'air) làm tôi hơi lo ngại, chẳng lẽ còn một đọan đường rất ngắn mà tôi không được yên thân hay sao? Tuy nhiên, cuối cùng chúng tôi cũng về đến phi trường bình an vô sự. Ra khỏi phi trường, tôi cảm thấy cái lạnh bất chợt xâm nhập tuy tôi đã chuẩn bị trước áo ấm rồi. Tôi về tới nhà thì trời đã chạng vạng tối khi độ lạnh tăng dần, lúc bấy giờ đã khoảng 2 độ F, gần âm 15 độ C. Thành phố Springfield thân yêu đã đón tiếp tôi như vậy trong ngày trở về? Nồng hậu hơn nữa là qua hai ngày hôm sau thì trận tuyết dầy hơn 3 tấc (khoảng hơn 1 foot) đã ụp xuống thành phố (cả trường học và hảng xưởng đều nghỉ việc) nên con tôi phải vất vả ủi tuyết để có chỗ di chuyển đó đây.

Để thay lời kết, tôi có cảm giác là dường như Thượng đế muốn thử thách sức chịu đựng của tôi qua cái rét run người mỗi lần từ Việt Nam trở về Mỹ. Thật vậy, trong năm trước tôi đã được nếm cái lạnh thấu xương khi đáp xuống phi trường O'Hare ở Chicago, và năm nay, trận tuyết muộn màng đã trìu mến đón tiếp tôi và để lại trong tôi một dấu ấn khó phai sau mỗi chuyến viễn du.

TRẦN BÁ XỬ, chs PTG/CT

Springfield, MA, mùa giá rét để đời, 2017

 

 

  

Tạp Ghi

THƠ VỚI THẨN________________

Trần Bá Xử

Springfield, MA

 

Vài lời phi lộ:

Người học trò "già via cốc đế" nầy thấy một số đồng môn Trường Phan Thanh Giản -
Đoàn Thị Điểm của chúng ta đã sáng tác nhiều bài thơ hay tuyệt vời, từ vị giáo sư
đànanh khả kính Phạm Khắc Trí đến Tây Đô Cuồng Sĩ Chân Diện Mục, rồi nhiều
biệt thự ...thơ như  Trầm Vân, như Vương Thủy Tùng hoặc lâu đài...thơ tuổi trẻ tài cao

Mai Lộc với những bài thơ ướt át cùng những bài phỏng dịch thơ các thi sĩ Pháp vang

bóng một thời hay hết ý nè, tuy nhiên nếu không nhắc đến người nữ thi sĩ chưa lọt tuốt

xuống sông "Cái Răng ..Khểnh" Kim Quang thì sẽ là một thiếu sót lớn, phải hông hiền

đệ Nguyễn Công Danh của ngu huynh? Do vậy bỗng nhiên tui lại thấy ngứa ngáy tay chân,

ngứa tay thì đặng chớ ngứa chưn để làm cái gì ở đây nè, nói túm lại tui muốn tỉ tê đôi điều

về những lâu đài...thơ của cái xứ Phờ-Lăng-Xa xa xôi dịu vợi, nước Phốp í mà, vì hồi nhỏ

tui cũng thích thơ với thẩn lắm nhưng chẳng đẻ ra được một bài thơ nào cho ra hồn ra vía gì

cả. Nói vậy chớ thủa ấy lúc mới học từ lớp "xanh kèm" trở lên gì đó (cinquième), tui đã nổi

hứng và gồng mình viết thư cho anh bạn thân ở Châu Đốc toàn bằng thơ không mới là lọa và

oai chớ bộ, nhưng sau đó bị ngẩn tò te và cụt hứng như bị xì lốp xe khi nhận được lời khen

của ông anh người bạn là thi sĩ có tiếng thứ thiệt (hổng biết có đúng là khen thiệt hay khen

giả hay không) nên tui bị ê càng và dẹp tiệm luôn vì không dám múa rìu qua mắt thợ nữa.

Trong bài Tạp Ghi nầy, tui chỉ dám đề cập đến trào lưu lãng mạn ở phương Tây, đặc biệt là

Pháp Quốc, kể từ những năm 30 của thế kỷ thứ XIX, trong sự đảo lộn sâu sắc của xã hội và

sự yếu thế của đức tin tôn giáo, cộng với sự phát triển và thống trị của chủ nghĩa tư bản, mà

đặc biệt sau cuộc đại cách mạng 1789 của Pháp. Trong bối cảnh đó, xuất hiện nhiều khuynh

hướng trong đó có chủ nghĩa lãng mạn trong lãnh vực văn chương, hội họa và âm nhạc mà

tui xin phép được nói qua về văn chương mà thôi.

Văn chương lãng mạn:

Trong văn chương, chủ nghĩa lãng mạn thể hiện rõ nét nhất ở Pháp, nơi có nền văn học phát

triển rực rỡ, hay nói như Maxime Gorki là nền văn học có tính quyết định (decisive) của châu

Âu. Chủ nghĩa lãng mạn đối nghịch với chủ nghĩa cổ điển, ra đời từ cuối thế kỷ thứ 18 đầu

thế kỷ 19, nguyên thủy là chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực rồi tiến dần lên tích cực, tạo ảnh hưởng

lớn cho các nhà văn hiện thực sau nầy như Prospée Mérimé hay Honoré de Balzac, hoặc

George Sand và Victor Hugo từ lãng mạn tích cực tiến gần đến hiện thực phê phán.

Thực ra chủ nghĩa lãng mạn trước tiên bắt nguồn từ Anh và Đức vào khoảng năm 1795,

mà trước đó đã bàng bạc qua các lãnh vực đề cập ở trên trong một số tác phẩm như

Confessions và Rêveries d'un promeneur solitaire  (1782) của Jean Jacques Rousseau

hay Werther (1774) của Goethe. Qua đầu thế kỷ 19 ở Pháp, Chateaubriand và Mme de

Stael cũng khởi xướng chủ nghĩa lãng mạn dựa theo nền văn chương non trẻ của Đức,

nhưng mãi đến năm 1820 thì dòng văn học lãng mạn mới định hình ở Pháp. Từ năm 1827,

người thi bá đầu đàn Victor Hugo, được hội tụ chung quanh ông với những Lamartine,

Alfred de Musset, Alfred de Vigny, Gérard de Nerval, v.v. cùng với họa sĩ Delacroix, đã

đưa chủ nghĩa lãng mạn đạt đến đỉnh cao nhất.  Như vậy, nói không phải nói ngoa là chủ

nghĩa lãng mạn là một hiện tượng nghệ thuật quan trọng nhất của thế kỷ 19. Từ năm 1848,

với sự sụp đổ của nền quân chủ Pháp với các trào lưu dần dần suy yếu nên họa chăng chỉ

còn một vài tài năng như Victor Hugo, nhưng với Beaudelaire, và tiếp theo đó là những

nhà siêu thực, ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn vẫn còn kéo dài cho đến cuối thế kỷ 19.

Một vài nhà thơ lãng mạn:

Như đã nói ở trên, thế kỷ 19 của nền văn học Pháp đã sản sinh ra nhiều thi sĩ tài danh mà

trong số đó chúng ta không thể không nhắc đền những tên tuổi  lẫy lừng như Victor Hugo,

Lamartine, Alfred de Musset, Alfred de Vigny, và sau cùng là Félix Arvers, một nhà thơ vĩ

đại với chỉ có một bài thơ (sonnet) Tình Tuyệt Vọng trong Mes Heures Perdues.

  • Victor Hugo:
TBX_Hugo.jpg

Victor Hugo rất nổi tiếng với những tác phẩm văn học lẫy lừng như

Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris, 1831)) hoặc Người Khốn Khổ

(Les Misérables, 1862), hay những bài thơ lừng danh thế giới như Odes

et Póesies Diverses (1822), Nouvelles Odes (1824), Odes et Ballades

(1826), Les Orientales (1829), Les Feuilles d'Automne (1831), Les Chants

du Crépuscule (1835).

Về kịch thì ông đã thành công với Préface de Cromwell (1827) hay với Hernani (1830), Ruy Blas (1838).

Victor Hugo không chỉ nổi tiếng với những tác phẩm nghê thuật lẫy lừng nêu trên mà còn

được biết đến như tác giả của những bức thư tình khiến trái tim mọi phụ nữ ở mọi thời đại

phải tan chảy, dù có đem lòng yêu mến ông hay không qua những bức thư nóng bỏng gởi

cho nàng Adele Foucher là người yêu đầu đời của ông ta. Chàng thanh niên V. Hugo là

phải hông quý vị, chắc hẵn hổng thua gì người học trò già quỷ sứ nầy là cái chắc vì mới

bi nhiều tuổi đầu mà đã biết tán gái rồi?).  Cô nàng Adele Foucher là cô bé hàng xóm, nhưng

cuộc tình mới chớm nở nầy đã bất thành vì gia đình hai bên đều từ chối, nhà trai từ chối do

không môn đăng hộ đối (cha V. Hugo là một tướng quân dưới trướng của Napoléon Đại Đế

chớ có ít ỏi gì đâu) còn nhà gái không ưng thuận vì cu cậu V. Hugo này quá bay bướm (chắc

cũng na ná giống như tác giả quá bà con ơi), nhưng cà hai vẫn bí mật đính hôn, và vì chữ hiếu

nên chàng V. Hugo chỉ chính thức cưới Adele Foucher sau cái chết của mẹ vào năm 1822. 

  • Lamartine (Alphonse de Lamartine):
TBX_Lamartine.jpg

Từ thuở nhỏ, Lamartine (1790-1869) đã say mê đọc sách của J.J. Rousseau, Chateaubriand, Dante, Swedenborg, và những tác giả nầy đã có ảnh hưởng

đến văn chương của ông sau này. Qua Lamartine, chúng ta được biết đến

những tác phẩm lừng danh như Méditations Póetiques (1820), Nouvelles Méditations ( 1823), Harmonies Póetiques et Religieuses (1830), Jocelyn

(1836), La Chute d'un Ange (1836), Recueillements Póetiques (1839),

Confidences (1849), Graziella (1852).

 

Lamartine, nhà thơ và nhà chính trị Pháp, đã nhiều lần đi du lịch nước ngoài (Ý, Trung Á)

trong đội cảnh vệ Hoàng gia. Cái chết của người yêu Elvire (12/1817) là mất mát lớn nhất

trong đời, đã gợi cảm hứng cho ông vào tập thơ đầu tiên Trầm Tư (Méditations Póetiques)

cho ta thấy những cảm xúc và suy tư về tình yêu, thiên nhiên, thân phận con người, cái chết

và Chúa. Tập Trầm Tư đã làm nức lòng dân chúng Pháp được thấy lại chất thơ trữ tình đã

mất sau khi Ronsard (Pierre de Ronsard, 1524-1585) ra đi vĩnh viễn.

Chùm tập thơ Trầm Tư (Méditations Póetiques)

 

Ở ngưởng cửa trung học, không mấy ai trong chúng ta là không biết đến những bài thơ

trữ tình của Lamartine trong một chuỗi 7 bài thơ xuất sắc trong Trầm Tư (Méditations)

như  Le Lac (Hồ Xưa), L'Isolement (Cô Đơn),  Souvenir (Kỷ Niệm), Milly ou La Terre

Natale (Cố Hương), L'Automne (Mùa Thu), Le Vallon (Thung Lũng), và Un Nom (Tên Cố

Nhân). Như chúng ta thấy theo thứ tự, bài thơ Le Lac (Hồ Xưa hay Hồ Ơi) có lẽ được vinh

dự đứng hàng đầu mà rất nhiều thi sĩ đã phỏng dịch, trong đó dĩ nhiên không thiếu tên chàng

tuổi trẻ tài cao Mai Lộc của Trường Mẹ chúng ta.

Ngày ấy, tui cũng nhớ lỏm bỏm vài câu đầu và 4 câu chót ra vẻ ta đây cũng ngon lành chớ bộ:

 

"Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,

  Dand la nuit éternelle emportés sans retour...."

(Cứ xô đẩy về phía bờ mới lạ,

Chẳng quay về - Đêm vĩnh cửu mênh mang,

Có bao giờ trên biển cả thời gian

Ta neo giữ được một ngày dừng lại- Hoàng Nguyên Chương dịch)

 Và 4 câu chót ra cái điều le lói một giây rồi chợt tắt cho phải phép:

"Que le vent qui gémit, le roseau qui soupire,

  Que les parfums legers de ton air embaumé,

  Que tout ce qu'on entend, l'on voit ou l'on respire,

  Tout dise: "Ils ont aimé".

(Có thể còn trong lau sậy thở dài, tiếng gió rỉ rên,

Trong hương thơm nhẹ nhàng theo khí trời tỏa ngát,

Có thể mọi vật đang lắng nghe, đang nhìn dào dạt,

Tất cả đồng thanh rằng "Họ đã yêu nhau" H. Nguyên Chương dịch)

 

Theo tài liệu ngày ấy cho rằng, Lamartine và Julie Charles, còn có tên là Elvire, đang bị

bệnh phổi, đã vô tình gặp nhau tại hồ Bourget, và bất ngờ Lamartine đã cứu Elvire khỏi bị

chết đuối, và họ đã quen nhau, yêu nhau, và có rất nhiều kỷ niệm thật êm đềm. Họ hẹn nhau

sẽ gặp lại vào năm sau nhưng chàng không gặp nàng. Đau buồn quá, Lamartine đã làm bài

thơ để tặng nàng nhưng nàng không bao giờ có dịp để đọc vì nàng Elvire yêu dấu của chàng

đã mất trước đó vào tháng 12/1817.

 

Ngoài Le Lac, Lamartine còn có bài trường thi L'Isolement (Cô Đơn) với 52 câu với 13 phân

đoạn mà lâu đài thơ MaiLộc nói đùa với tui là có vẻ hơi ê càng vì dài quá. Trong bài Cô Đơn,

chúng ta thấy 4 câu đầu như sau;

" Souvent sur la montagne, à l'ombre du vieux chêne,

   Au coucher du soleil, tristement je m'assieds:

   Je promène au hazard mes regards sur la plaine,

   Dont le tableau changeant se déroule à mes pieds...

(Ngồi dưới bóng sồi già trên đỉnh núi

Lúc chiều vàng tôi buồn bã lâng lâng

Dõi mắt nhìn cánh đồng ở dưới chân

Đang đổi sắc thay màu khi nắng xuống...)

và 4 câu chót:

" Quand là feuille des bois tombe dans la prairie,

   Le vent du soir s'élève et l'arrache aux vallons;

   Et moi, je suis semblable à la feuille flétrie:

   Emporté moi comme elle, orageux aquilons!"

(Khi cánh đồng bị lá rừng phủ kín

Gió đêm lên cào xé khắp trũng sương

Và tôi đây như chiếc lá còn vương

Hỡi giông tố, hãy cuốn tôi theo lá!)

 

Khi đọc Lamartine, tui cũng muốn dành đôi ba phút để vinh danh bài Milly ou La Terre

Natale (Cố Hương) mà nhà thơ MaiLộc đã phỏng dịch rất hay, trong đó tui tâm đắc nhất

2 câu thơ cuối cùng:

" Objets inanimés, avez-vous donc une âme,

   Qui s'attache à votre âme, et la force d'aimer?"

   (Hỡi những vật vô tri kia đó, Nói cho ta mi có hồn không?

   Nào hay cái vẽ lạnh lùng, Mà tình mi cột tận cùng hồn ta!)

                             ____________________________MaiLộc

 

  • Félix Arvers:
TBX_Arvers.jpg

Để chấm dứt phần tản mạn những vần thơ lãng mạn trong nền

văn học Pháp vào thế kỷ thứ XIX, học trò già này xin mạn phép

quý thầy cô, quý đồng môn niên trưởng và môn đệ cho tôi được

ba hoa chích chòe đôi điều  về nhà thơ mà tôi tâm phục khẩu

phục nhất tuy ông ta là tác giả nhiều vở kịch khá thành công,

nhưng những tác phẩm của ông đã bị lãng quên, ngoại trừ duy

nhất có một tập thơ Mes Heures Perdues (Những Giờ Khắc Bị

Đánh Mất) nên người ta gọi ông là "Người Thi Sĩ của Một Bài

Thơ". Đúng vậy, ông là thi sĩ một bài thơ nhưng là bài thơ rất

nổi tiếng đã để lại đời đời cho hậu thế.

Vào nửa đầu thế kỷ XIX, thời kỳ rực rỡ nhất của trường phái

lãng mạn, trong lúc các tác giả khác thông thường phóng túng

trong nội dung và hình thức thì ngược lại, Félix Arvers lại chọn

sonnet, một thể thơ đòi hỏi nhiều ràng buộc về hình thức. Mỗi bài

sonnet chỉ có 14 câu, bao gồm 2 khổ thơ 4 câu (quatrain) và 2 khổ thơ 3 câu (tercet), trong

đó mỗi câu gồm 13 âm tiết (syllable). Cách gieo vần cũng theo một quy định chặt chẽ: nếu

ở các khổ 4 câu có thể dùng các loại vần thông dụng (usual rhythm), thí dụ như vần chéo:

ABAB (diagonal rhythm), hoặc vần ôm: ABBA (rhyme embrassé),còn các thể 3 câu phải

gieo vần liền 2 khổ theo kiểu CCD / EED hoặc CCD /EDE. Félix Arvers đã chọn thể thơ

sonnet rất khó thực hiện trong các thể loại thơ lãng mạn, nhưng ông đã thực hiện một

cách thật hoàn chỉnh, rất đáng được khen ngợi như chúng ta đã biết.

Ngày trước, có một lần tôi đã thắc mắc không biết người đẹp mà ông ta si mê là ai vì đây

là một người đẹp rất đoan trang, hiền thục mà chính nàng cũng không biết người được

miêu tả trong những vần thơ trác tuyệt ấy là ai đến nỗi có lần nàng đã vô tình và thản

nhiên dẫm chân lên cả khối tình của người khác đã nâng niu trao tặng trong 2 câu thơ

mà tôi tâm đắc nhất:

"Elle ira son chemin, distraite et sans entendre

Ce murmure d'amour élevé sur ses pas"

"Đường đời lặng lẽ bước tiên

  Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình"

 Không phải riêng cá nhân kẻ hèn này mà cũng có nhiều người, khi đọc xong những

vần thơ hay tuyệt vời của Félix Arvers, có ý tò mò muốn biết ai là nguyên mẫu, và là

nguồn cảm hứng khiến ông ta ôm mối tình tuyệt vọng viết nên bài thơ sonnet trác tuyệt

nêu trên.

Không ít người cho rằng đây chỉ có tính cách phúng dụ (allegorical), biểu tượng cho

sự trong trắng, chân thật của nhân vật được mô tả nhưng thiết nghĩ giả thuyết nầy không

đứng vững và không có tính thuyết phục cao.

 Một ý kiến khác suy đoán rằng người đẹp là phu nhân của Victor Hugo tên Adèle, bạn

thân của Arvers mà ông ta đã kín đáo nhắc đến tên Adèle bằng cách dùng chữ "fidèle"

và "d'elle" trong khổ thơ cuối.

(À l'austère devoir, pieusement fidèle,

Elle dira, lisant ces vers tout remplis d'elle:

"Qualle est donc cette femme?" et ne comprendra pas.)

Ngoài ra, còn có một ý kiến khá vững cho rằng đây là nàng Marie Nodier, ái nữ của

viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp Charles Nodier (1780-1844), người thường tổ chức những

buổi bình thơ văn tại thư viện Arsenal quy tụ nhiều thi sĩ lừng danh như V. Hugo, Lamartine,

A. de Vigny, A. de Musset... Những lần gặp gỡ thường xuyên nời đây đã khiến Arvers

thầm yêu trôm nhớ Marie Nodier mà không hề ngỏ ý cho đến khi nàng sang ngang vào

năm 1833 và trở thành bà Marie Mennessier - Nodier (theo bái viết của Thân Trọng Sơn).

Dù sao thì bài thơ tuyệt tác Sonnet của F. Arvers đã được nhà văn Khái Hưng trong Tự

Lực Văn Đoàn dịch rất xuất sắc và Lãng Nhân Phùng Tất Đắc cũng đã có một bài dịch

rất hay để cho chúng ta nghiền ngẫm.

Riêng thi sĩ F.Arvers đã mất rất sớm ở lứa tuổi 40 trong nghèo nàn và bệnh hoạn.

 Thay cho lời kết, tôi rất say mê chủ nghĩa và nền văn chương lãng mạn của Pháp vào

thế kỷ thứ XIX tuy chủ nghĩa này khởi đi từ Anh và Đức trước tiên ở cuối thế kỷ 18 và

đầu thế kỷ 19, nhưng chỉ nở rộ ở Pháp và lên đến tột đỉnh qua những tên tuổi lớn như

Victor Hugo, Lamartine, Alfred de Musset. Alfred de Vigny, hay Chateaubriand, Anatole

France, Félix Arvers là tiêu biểu, nên chắc hẵn đã làm cho cả thế giới phải ngã mũ chào

một cách trang trọng và kính phục.

TRẦN BÁ XỬ

Springfield, MA, trời lập Thu, 2016

_______________________________________________________________________________ 

 

 

TẠP GHI         

 

LANG THANG VỀ QUÊ MẸ____________________

     TRẦN BÁ XỬ - CHS PHAN THANH GIẢN CẦN THƠ

 

Trên cõi đời có rất nhiều chuyện bất ngờ mà chúng ta rất khó dự đoán trước được ví vượt ngoài mức tưởng tượng của chúng ta, trong đó dĩ nhiên có những bất ngờ thật thú vị, êm đềm nhưng cũng có không ít những điều gây cho chúng ta những lo âu, sửng sốt, vượt khỏi những suy tư thông thường của chúng ta.

htt_tbx_DSC04485.jpg 

           Trò TÙNG, trò HỒ NGUYỄN, trò NGHĨA,  trò KIM QUANG, trò XỬ, trò TRUNG, trò THỚI LAI, trò Hát Tê Tê, trò HẬU, trò TRUNG NGHĨA, trò ĐỨC, trò LƯU, trò NGHIỆP, trò DÂN và trò BỒI. 

 

Trong năm 2014, là một cựu học sinh già nua chậm chạp của Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ đang chuẩn bị bước một chân vào ngưỡng cửa nghĩa trang Quân đội (xin lỗi quý thầy cô và quý đồng môn vì tôi cứ ngỡ tôi vưỡng còn là dân nhà "banh"} khi nhận biết mình ở lứa tuổi cổ lai hi, nên tôi cố gắng quay về cố hương để thăm lại những cảnh cũ người xưa (bi giờ chỉ cò lèo tèo một hai "trự" là nhiều lắm rùi) của cái  thưở học trò chuyên nô đùa phá phách  một cách dễ thương, cũng có nhiều lúc đáng ghét dễ bị ăn đòn như chơi cùng những mối tình học trò chợt đến trong thoáng chốc, chợt bay đi rồi biến mất. Cũng trong năm này, ngoài việc gặp lại những đờng môn niên đệ thân thương như nhà giáo Anh Văn vá Pháp Văn Nguyễn Kỳ Phương hay người Học Trò Già (HTG) Luật sư Hồ Trung Thành, điều hạnh phúc nữa là được hàn huyên tâm sự với anh bạn đồng môn học cùng lóp ở thập niên 50 với các vị thầy khả kính Nguyễn Băng Tuyết, thầy Nguyễn Cao Thăng, thầy Nguyễn Văn Trọng, thầy Mạnh, Cường, Thiệu, Quan, Quý, Cam, Hựu, v.v. Niềm hân hoan và điều tâm đắc nhứt được nhân lên bội phần khi tui được gặp lại anh bạn cùng xóm Võ Tánh ở bên hông trường Mẹ đã mất tin tức gần nửa thế kỷ, một nhạc sĩ vĩ cầm và tây ban cầm Hạ Uy Di nổi tiếng với biệt danh là "người nghệ sĩ lăn tuốt xuống mương?"

htt_tbx_DSC04490.jpg 

học trò già PTG.HTT, trò XỬ, trò TRUNG NGHĨA, trò TRUNG và trò HẬU.  

Tôi cứ ngỡ năm 2015 đã khép kín cánh cửa không cho tôi cơ hội quay vè Cần Thơ lần này nhưng bất ngờ vẫn là bất ngờ như đã nêu ở trên, hơn nữa lại là một sự bất ngờ thật kinh hoàng mà tôi sẽ kể tiếp dưới đây.

Trước đây, tôi vẫn  ước mơ được viếng thăm quý thầy cô và đồng môn, thân hữu quê ở Cần Thơ hoặc xuất thân từ Trường Phan Thanh Giản - Đoàn Thị Điểm Cần Thơ hiện đang định cư tại Houston và vùng phụ cận tiểu bang Texas, Hoa Kỳ vì theo thiển ý của tôi  Houston nói riêng và Texas nói chung là cái nôi của Hội Phan Thanh Giản - Đoàn Thị Điểm Cấn Thơ của Thế Giới, là tổng hành dinh (lại dùng danh từ "nhà banh" nữa rùi), nếu không thì tại sao khi khổng khi không lại xuất hiện từ khuya trang nhà www.ptgdtdusa.com. Viết đến đây tôi có yêu cấu rất nhỏ là hai người niên đệ tài ba của tui là Nguyễn Công Danh và Lê Hoàng Viện (những công thần sáng giá nhứt của trang nhà) đừng đỏ mặt nhen các hiền đệ! Cũng vì sự ngưỡng mộ và cảm tình này mà tôi đã lặn lội đến Hoston, tuy hổng có vượt sông vượt biển gì ráo trọi, để gặp dung nhan mùa Xuân của của quý thầy cô và đồng môn (ngon lành chưa?}.

 Đúng ra thời gian lưu lại Houston sẽ dài hơn nhưng, chữ "nhưng" quái ác này đã khiến tôi phải tức tốc trở về Springfield, MA ngay vào giữa trưa hôm sau để bay về Saigon ngay vào khuya cùng ngày.

Sự việc này là "hỏa tốc" vì con gái đầu lòng của tôi vừa về Saigon thăm gia đình khoảng ba tuần trước thì bị tai nạn xe cộ, bị chấn thương sọ não (brain injury) phải giải phẩu khẩn cấp (brain surgery) để lấy máu bầm trong não ra. Bác sĩ  yêu cấu có sự đồng ý gấp của thân nhân để giải phẩu, cũng may đứa em gái đã xuống kịp thời trước đó, và trong vòng 5 phút cháu được giải phẩu ngay. Trước đó, đứa em gái có đề nghi Bệnh Viện Đa Khoa Rạch Giá chở chị cháu về Bệnh Viện Chợ Rẩy/Saigon  để chửa trị nhưng bác sĩ bảo không kịp thời gian.

Ngồi trên máy bay Korean Air mà lòng tôi như lửa đốt. Người tôi như bay bổng ở trên không, quên trước quên sau không nhớ gì cả. Về đến nhà thì chỉ còn hai đứa cháu ngoại vì ba mẹ cháu đang ở bệnh viện. Tôi gọi điện thoại để mua vé xe xuống Rạch Giá gấp nhưng hai con khuyên tôi nên chờ vì xe chạy trong mấy ngày Tết rất nguy hiểm dễ gây tai nạn chết người, chúng nó không muốn có thêm một người bệnh nữa, hơn nữa trong lúc này, đã gần 3 ngày rồi, mà con gái tôi vẫn còn mê man bất tĩnh nên tôi có xuống cũng chẳng làm gì được. Vì quá lo lắng nên tôi đã nhờ đứa cháu làm ở dịch vụ du lịch hàng không để lo tím vé máy bay nhưng không còn một vé nào cả vào lúc bấy giờ. Mãi đến trưa mùng hai Tết tôi mới đến bệnh viện. Trông thấy con mà tôi không cầm được nước mắt, nhưng nhờ ơn Trời Phật, mà tôi nghĩ cũng có sự che chở của Nhà Tôi là mẹ cháu đã cầu xin ơn trên phù hộ che chở cho đứa con gái đầu lòng của chúng tôi nên sau hơn ba tuần điều trị tại Bệnh Viện Đa Khoa Rạch Giá, cháu đã tai qua nạn khỏi và đang dần dần hồi phục

Hơn nửa tháng sau, bác sĩ điều trị cho phép xuất viện. Để bảo đảm an toàn tối thiểu, cháu tiếp tục nằm chăm sóc đặc biệt hơn một tuần tại nhà người cháu bà con có thân nhân đang làm Phó Giám Đốc tại Bệnh Viện Đa Khoa sở tại.

Khi bác sĩ xác nhận cháu có thể về Saigon một cách an toàn, cháu được về Bệnh Viện Chợ Rẩy để tái tổng kiểm tra lần cuối cùng.

Vì cháu di máy bay Nhật (JAL) trong khi tôi đi máy bay Đại Hàn (Korean Air) nên tôi phải hũy bỏ chuyến bay của tôi và mua vé máy bay cùng chuyến với cháu để lo lắng cho cháu, như vậy tôi phải vừa mất tiền vé may bay hảng Korean Air vừa phải về sớm hơn dự định cả hai tuần lễ để lo việc chuyên chở cháu đi khám sức khỏe tại Mỹ.

Đoạn Kết.

Khi về đến Saigon, tôi đã phác họa trong cái đầu già chậm hiểu mau quên của tôi là sẽ dành ít nhứt năm ba ngày để về thăm thầy cô, bạn bè, đồng môn và thân hữu ở Đầu Sấu, Bình Thủy, Phong Điền, Ô Môn, Bến Ninh Kiền, v.v Cần Thơ, để thỏa lòng mong ước. Do vậy, tôi đã gọi điện thoại cho các anh Nguyễn Ký Phương và HTG Luật sư Hồ Trung Thành, nhưng dường như các "bồ" nhà ta có giác quan thứ sáu hay sao ấy mà cả hai bồ đều khuyên tôi nên ưu tiên lo cho con gái trước, nếu còn dư dả thời gian thì hãy mới tính sau.

   htt_tbx_DSC04497.jpg 

    Trò HỒ NGUYỄN, trò HẬU, trò HTT, trò XỬ, trò NGHĨA và trò KIM QUANG. 

Bây giờ, trước khi trở về Mỹ, con gái Mỹ-Linh của tôi đã mời tôi và các em vá cháu của nó lên thăm nhà nó mới xây cất xong ở Đà-Lạt năm trên ngọn đồi thoai thoải với những dãy thông bạt ngàn trong bốn năm ngày khiến tôi nhớ lại những ngày tôi chỉ mới là những sinh viên sĩ quan Võ Bị còn non choẹt hồi giữa thập niên 50. Như vậy, khi trở về Saigon sau những ngày viếng thăm Đà-Lạt. tôi và con gái tôi chỉ còn hai ba ngày để trở về Mỹ, không còn cơ hội để về thăm Tây Đô nữa rồi.

 

                                    Viết xong vào giữa trưa hè Saigon oi bức tháng 4 năm 2015

                                                                           TRẦN BÁ XỬ

 

VUI BUỒN TUỔI HỌC TRÒ______________________________________________

Chs TRẦN BÁ XỬ

TBX_secondePTG.jpg 

Lớp Seconde Moderne II cuối niên học 1953-1954

2 hàng đứng từ trái qua phải:

    Hình 1* Hàng trước: Phạm huy Hoàng (con thầy Liêu), Nguyễn văn Tiết (kỹ sư), Lâm văn Mẫn (đốc sự),Lâm văn Miếng, Châu minh Thiện, Trần bá Xử,Lưu bỉnh Khiêm, Lê khắc Nghĩa, Nguyễn phú Quí, Hứa xướng Văn, Dương quang Ngự.

    * Hàng sau: Trương quang Minh (HT), Nguyễn trung Nghĩa, Lê văn Hai (trung tá),Huỳnh minh Bảo (kỹ sư), Hồ công Minh (hàng hải thương thuyền/marine marchande), Hồ công Tâm (em ruột Hồ công Minh). 

 

Lời Mở Đầu:

Khi chọn tựa đề bài viết Vui Buồn Tuổi Học Trò, người học trò già này liên tưởng ngay đến quyển sách Vinh Nhục Đời Lính (Grandeur et Servitude Militaires) của nhà văn kiêm nhà thơ nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ 19  thuộc trường phái lãng mạn  là Alfred De Vigny vì có lẽ hơi giống nhau ở hai thái cực vui và buồn trong cuộc đời. Dưới đây tôi xin phép quý thầy cô và quý niên trưởng, đồng môn và thân hữu được nêu lên vài câu chuyện vui buồn tuổi cắp sách đến trường mà đa số buồn nhiều hơn vui trong suốt chiều dài ở Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ trong nửa đầu thập niên 50.

Câu chuyện của chị đồng môn Nguyễn Thị Cẩm Lệ.

Nguyên nhân chính và sâu xa nhứt khiến tôi viết bài này bắt nguồn từ khi tôi mày mò xem bài VUI BUỒN CỦA TUỔI ĐỜI HỌC SINH do chị đồng môn Nguyễn thị Cẩm Lệ viết trong chuyên mục TRƯỜNG TÔI TRONG TRÍ NHỚ (TẬP I) xuất hiện trên giai phẩm PHAN THANH GIẢN  & ĐOÀN THỊ ĐIỂM được xuất bản năm 2002. Như vậy có thể nói bài Vui Buồn Tuổi Học Trò của tôi là phần nối tiếp bài viết của chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ vì lúc đọc bài của chị tôi rất vui khi nhận ra "đây là bà con của mình đây mà" vì chúng tôi học cùng một thời và cùng một trình độ như nhau, chỉ khác biệt ở chỗ chị học ở série Classique, section Moderne đi từ Sixìème đến Première Moderne trước khi lên classe terminale, còn tôi thuộc  enseignement Secondaire, section Moderne đi từ Première Année đến Première Moderne trước khi qua classe terminale.

Đúng như chị đã viết là người ta nói hễ già hay nhớ chuyện xưa nên bây giờ tôi không thoát ra khỏi thông lệ đó, do vậy tôi thường hay hồi tưởng lại cái thuở cắp sách đến trường từ cái ngày mới là cậu bé học ở trường làng bậc tiểu học nhưng phải nói nhớ nhứt là thời gian mài đủng quần ở các trường trung học đệ nhứt cấp và đệ nhị cấp, cái thời gian nhiều kỷ niệm êm đềm nhứt mà mỗi lần nhớ lại là không sao tránh khỏi nỗi bâng khuâng tiếc nuối như đã đánh mất đi cái thời vàng son quý báu nhứt của cuộc đời.

Vì trong bài viết của chị có đoạn cho biết Chị còn nhớ nhiều đồng môn bên nam cùng thời với chị nên tôi hớn hở liên lạc với đồng môn niên đệ Lê Hoàng Viện được xem như quyển tự điển sống của sinh hoạt PTGĐTĐ hải ngoại để hy vọng được liên lạc với chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ và ba hoa chích chòe đôi điều với chị về cái thuở được hân hạnh làm học trò của Collège de Cần Thơ xa xưa ấy, nhưng than ôi, bản đin thư hồi âm của niên đệ Lê Hoàng Viện như gáo nước lạnh dội vào người khi được biết hung tin là chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ đã qua đời đã hơi khá lâu nhưng vì chị và phu quân là anh Trương Kim Thạch ở tận bên phương trời Âu Châu xa tít mù khơi là Hy Lạp nên chỉ có bạn bè ở Houston TX là biết được tin này mà thôi. Đây là tin buồn đầu tiên trong một chuổi dài những tin buồn liên quan đến chuyện Vui Buồn Tuổi Học Trò nêu trên. Trong kỳ Đại Hội đầu tiên các Cựu Học Sinh Trung Học Phan Thanh Giản- Đoàn Thị Điểm Hải Ngoại tổ chức tại Houston TX năm 19 97 kỷ niệm  80 năm ngày thành lập trường, các đồng môn luôn nhắc đến sự kiện chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ rất vui mừng khi gặp lại thầy xưa bạn cũ đến bật khóc  trông rất dễ thương và cảm động. Ngày xa xưa ấy nay còn đâu hỡi chị Cẩm Lệ thân thương, và như vậy là điều mong mỏi thiết tha nhứt của tôi được tâm sự với chị sẽ không bao giờ thực hiện được; qua bài viết này, tôi xin kính cẩn đốt nén hương lòng để tưởng nhớ đến chị, một chị bạn đồng song mà tôi rất mến mộ khi xem bài viết đầy chân tình của chị mà chưa bao giờ tôi hân hạnh được diện kiến với chị để biết thêm những tin tức về các bạn đồng môn cùng thời ở đầu thập niên 50 với chúng ta.

Câu chuyện về đồng môn Huỳnh Minh Bảo

Anh Huỳnh Minh Bảo là người bạn rất thân học cùng lớp với tôi những niên học 1953, 1954 và 1955. Tuy thời gian học chung với nhau chưa đủ dài nhưng tình cảm giữa hai chúng tôi rất khắng khít mà chúng tôi xem như anh em ruột vậy. Ngày ấy, khi Mối Tình Học Trò chớm nở, tuy chỉ trong tư tưởng mà thôi, nhưng anh là nhân chứng đặc biệt quan trong khi anh đang ở đường Capitaine d'Hers, sau này gọi là đường Phan Thanh Giản, dường như ngụ chung nhà với "người đẹp" giống Nhật (quê ở Sóc Trăng) học Đệ Ngũ A cùng lớp với cô Huệ Judo và Bích Hằng con thầy hiệu trưởng Nguyễn Băng Tuyết mà các bạn quỹ sứ lớp tôi đã đùa nghịch, trêu chọc và gán ghép với tôi vì biết tôi rất nhát gái, có trời mà biết thôi quý vị à? Đến khi tôi gởi thiệp chúc Giáng Sinh cho người đẹp mà không được hồi âm, chính anh Bảo là người tôi nhờ hỏi thăm tin tức dùm tôi vì tôi biết anh cũng mến tôi và tôi đặt hết tin tưởng vào anh vì dĩ nhiên tôi biết anh không đùa nghịch với tôi như một vài bạn khác. Sau này, khi tôi gia nhập Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt thì cũng đúng lúc anh Bảo vào học Trường Quốc Gia Nông Lâm Súc ở Blao (Bảo Lộc) nên có đôi ba lần anh xuống thăm tôi tại Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Một thời gian sau, khi tôi là Trung úy huấn luyện viên, sau đó làm Trưởng Ban 3/Huấn Luyện của Liên Đòan B Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thì một sự bất ngờ thú vị đã xảy ra khiến tôi gặp lại anh trong hoàn cảnh dở khóc dở cười ngoài ý muốn của anh để tôi được dịp giúp lại người bạn cũ chí cốt ngày xưa mà cháu Huỳnh Minh Bích Nga, con gái đầu lòng của anh đã ghi lại trong trang nhà của trường Mẹ qua bài Một Cách Sống Của Ba.

Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây vì sau biến cố 30.4.1975, tôi được định cư tại Mỹ sau những năm tháng lao tù, còn anh, tuy cũng là sĩ quan và là kỹ sư ngành Nông Lâm như vẫn ở lại Saigon với gia đình. Chúng tôi vẫn liên lạc qua thư từ và vẫn giữ tình cảm sâu đậm với nhau như ngày nào. Trong lần về thăm nhà vào cuối năm 2013, tôi dự định mời anh về thăm Cần Thơ và trường Mẹ nhưng sức khỏe anh suy yếu dần dần nên tôi hứa với anh khi trở về Saigon, hai anh em sẽ rủ nhau đi uống cà-phê, nhưng ngày tôi trở lại thì cũng là ngày tôi tiễn anh đến ga cuối cùng của cuộc đời. Anh Bảo ơi, còn đâu những giây phút chúng ta gặp nhau ở Đà Lạt, một dân sự và một quân sự, hay những giây phút ở nhà anh cùng chị và các cháu, đặc biệt cháu Bích Nga luôn túc trực bên cạnh để chăm sóc cho anh từng ly từng tí một không rời xa anh một bước! Mong anh ở chín tầng mây bạc luôn phù trợ cho Chị và các cháu được mọi việc an lành.

Câu chuyện về đồng môn Trương Quang Minh.

Trong hai năm học lớp Seconde Moderne II và Première Moderne II từ năm 1953 đến 1955, bạn Trương Quang Minh là học sinh Trưởng Lớp (major) gương mẫu. Phải nói một cách công tâm rằng gần như hầu hết các bạn cùng lớp với tôi học hành chăm chỉ, ngon lành lắm chớ bộ, nhưng chỉ có vài trự vượt trội "đè đầu đè cổ" chúng tôi trong đó phải nói đến bạn Trương Quang Minh. Anh chẳng những học giỏi mà tính tình rất dễ mến. Da dẻ anh hồng hào như con gái mà mỗi khi ai chọc anh mắc cở thì y như rằng anh có vẻ bẽn lẽn như con gái và ít tranh cải với ai, nhưng trong học tập, anh luôn luôn có những ý kiến sắc bén đầy tính thuyết phục người nghe. Đặc biệt trong giờ Physique (Vật Lý), thầy Nguyễn Văn Trọng (FM Đầu Bạc) thường gọi bạn lên giảng bài cho cả lớp nghe, và từ những giây phút đầu tiên ấy, anh đã có đầy đủ đức tính của một giáo sư lành nghề sau này.

Từ  khi lên Saigon học tiếp rồi gia nhập Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt trở về sau, tôi không biết tin tức về người bạn học cùng lớp giỏi giang này nữa, mãi cho đến kỳ Đại Hội Thế Giới XVI PTG-ĐTĐ tổ chức tại thủ phủ Boston, Massachusetts gần nơi tôi cư ngụ, tôi đã thăm hỏi một số đồng môn các nơi về tham dự Đại hội 16, đặc biệt là hai đồng môn chuyên trách trang nhà của Trường Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm (mà tôi mới có dịp làm quen lần đầu tiên) là Nguyễn Công Danh và Lê Hoàng Viện, khi ấy tôi mới được biết tin bạn Trương Quang Minh đã vĩnh viễn ra đi tại Melbourne, Úc Châu vào đầu năm 2005 để lại trong tôi vô vàn luyến tiếc khôn nguôi.

Câu chuyện về những đồng môn khác cùng lớp với tôi.

Đúng theo tinh thần của chủ đề Tìm Về Kỷ Niệm của Đại Hội Truyền Thống PTG&ĐTĐ và Một Thời Để Nhớ của Đặc San số 19, qua thông tin cung cấp bởi đồng môn niên đệ Hồ công Nghiệp là em của hai đồng môn bạn cùng lớp với bạn Trương quang Minh và tôi là Hồ công Minh và Hồ công Tâm, học trò già Luật sư Hồ Trung Thành đã chuyển đến quý Thầy Cô và đồng môn 2 tấm hình ngày xưa của các bạn học cùng lớp Seconde Moderne II với tôi chụp vào cuối niên khóa 1953-1954 tại Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ (danh xưng ngày ấy là Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ).

TBX_secondePTG3a.jpg

Hình 2:(chỉ thêm một anh ngồi đàng sau chỗ cao nhứt là Nguyễn thới Lai, GS đại úy, còn những người khác như hình 1.

Hàng sau cùng có anh Nguyễn thới Lai ngồi cao nhứt

* Hàng thứ 4: Các anh Hồ công Minh, Nguyễn trung Nghĩa, Trần bá Xử, Lâm văn Mẫn, Huỳnh minh Bảo, Hồ công Tâm

* Hàng thứ 3: Dương quang Ngự, Lưu bỉnh Khiêm, Nguyễn phú Quí, Hứa xướng Văn, Phạm huy Hoàng, Lê văn Tiết

* Hàng thứ 2: Lâm văn Miếng, Lê khắc Nghĩa

* Hàng đầu: Trương quang Minh, Châu minh Thiện, Lê văn Hai 

 

Một trời kỷ niệm đã ập đến với tôi khi nhìn thấy các diện mạo còn trẻ măng của bạn cũ năm nào từ bạn Phạm Huy Hoàng, con cố GS Phạm kim Liêu hiện ở Hoa Kỳ, bạn Nguyễn văn Tiết là kỹ sư hiện còn ở Việt Nam, đến các bạn Lâm văn Mẫn, đốc sự hành chánh hiện ở Sacramento, CA, bạn Hồ công Minh tốt nghiệp hàng hải thương thuyền hiện ở Westminster, CA, và em là GS Hồ công Tâm, cựu Trưởng Phòng Văn Hóa Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu hiện ở Tân Định, quận 1 Saigon, bạn Nguyễn thới Lai, GS hiện ở An Hội, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Trong hình còn có bạn Châu minh Thiện, kỹ sư là em của cố Trung tá Châu minh Hiền và cố Thiếu tá Châu minh Huệ là con của cố GS Châu văn Đồng (?) ở Châu Đốc mà tôi không biết bạn Thiện bây giờ ở đâu cũng như các bạn Nguyễn văn Miếng, Lưu bỉnh Khiêm, Lê khắc Nghĩa, Nguyễn phú Quí, Dương quang Ngự cao nhòng, Lê văn Hai từng ở Phủ Tổng Thống Đệ Nhị Cộng Hòa, anh Nguyễn xuân Nghĩa, và đặc biệt là anh Hứa xướng Văn trọ học tại Sca-Radio cạnh sông cái ngang nhà chị em người đẹp 11 bia (onze bis hay ông già bích). Cũng trong hình thứ hai này còn có hai anh bạn đã nêu ở phần trên là bạn trưởng lớp Trương quang Minh, cố Hiệu Trưởng trường PTG, cố Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh Phong Dinh và cố kỹ sư Huỳnh minh Bảo đã rời bỏ các bạn cùng lớp chúng tôi năm 2014 vừa qua.

 Một điểm đặc biệt khác nữa là trong lớp tôi có hai cặp là anh em ruột, cặp thứ nhứt là hai bạn Hồ công Minh và Hồ công Tâm, còn cặp thứ hai quê ở Sa Đéc là hai bạn Trần văn Dẫu và Trần văn Dược là bạn rất khắng khít với đồng môn bác sĩ Nguyễn việt Tân Roland, con trai duy nhứt của thầy Nguyễn gia Lịnh, hiện đang định cư tại Miami, Florida.

Điểm đặc biệt cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến trước khi chấm dứt việc ba hoa chích chòe ở đây là lúc bấy giờ (những năm 1953-1955) trong lớp tôi có hai bạn là người Miên mà tôi không nhớ tên. Từ năm 1956 trở về sau, chúng tôi chưa bao giờ gặp lại nhau mãi cho đến năm 1971, lúc bấy giờ tôi là Trung tá phục vụ tại Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu, trong dịp tiếp đón Phái đoàn Campuchia trong thời gian Lon Nol lãnh đạo quốc gia này, bấy giờ Quân Lực VNCH giúp Campuchia huấn luyện binh sĩ của họ tại TTHL Lam Sơn ở Vùng 2 Chiến Thuật. Khi tiếp rước phái đoàn  Kampuchia (Délégation Cambodienne), điều bất ngờ thú vị là tôi đã gặp lại anh bạn đồng học cùng lớp năm xưa ở Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ khi ấy anh mang cấp bậc Trung tá của Quân đội Campuchia, dĩ nhiên là anh ta đã rất vui mừng nên đã xí xô xí xào bằng tiếng Việt Nam với tôi một lúc khá lâu trước sự ngạc nhiên của cả hai phái đoàn Cao Miên và Việt Nam.

 

Viết tại Springfield, Massachusetts, mùa thu năm 2015

CHS/PTG TRẦN BÁ XỬ

TẠP GHI

 

VĨNH-LONG, MỘT THỜi ĐỂ NHỚ___________________________

 web_TBX_VanThanhMieu.jpg

Văn Thánh Miếu 

Tôi được ra đời và lớn lên tại Sa Đéc, một địa danh có liên hệ gần gặn với danh từ đa âm của người Kmer như Ông Nguyễn Hữu Hiếu của Hội Sử Học tỉnh Đồng Tháp từng nhận xét nhưng tôi vẫn muốn được nhận mình là người Sa Đéc một cách thân thương và vẫn thích được xem như là người của sông Sa hiền hòa, nói cách khác là người Sa Giang cho có vẻ nên thơ vậy mà?

Tuy chủ đề được tản mạn xoay quanh thành phố Vĩnh Long, nơi đã từng cưu mang tên nhóc con như tôi suốt cả chiều dài bốn năm từ khi chập chững bước vào ngưỡng cửa Trung học nhưng tôi vẫn miên man nghĩ đến tỉnh Sa Đéc luôn gắn liền với tỉnh Vĩnh Long như anh em một nhà vì ngay từ ngày còn bé tí tẹo, lúc tôi vừa khoảng trên mười tuổi thôi, tôi vẫn thường nghe danh xưng ba tỉnh của đồng bằng sông Cửu thường được ghép chung với nhau, dĩ nhiên có cả tỉnh Sa Đéc của tui nữa, là Sa Đéc- Vĩnh Long- Trà Vinh mà hệ thống giáo dục được đặt dưới quyển kiểm soát của vị Thanh Tra Học Chính Liên Tỉnh, lúc bấy giờ gọi là Inspecteur Inter-Provincial trong đó gồm có Sa Đéc, Vĩnh Long và Trà Vinh nên tôi cũng cảm thấy hãnh diện vì Sa Đéc của tui được đứng ở hàng đầu (cái hãnh diện rất ngây thơ của tuổi con nít lúc bấy giờ. Đến khi tôi nhận được quyển Đặc san Phù Sa Sông Cửu Xuân Quý Tỵ 2013 của Hội Ái Hữu Vĩnh Long-Vĩnh Bình-Sađéc do anh Lê Tấn Lộc, người bạn đồng môn cùng lớp với tôi từ ngày mới thành lập Collège de Vĩnh Long năm 1949 gởi tặng thì tôi thấy cái tỉnh Sa Đéc của tui nhảy xuống hạng "bét dèm", tôi chỉ nói đùa chớ thứ hạng nào cũng vậy thôi có ăn nhậu gì đâu mà âu với sầu, cũng tương tự như cái tên Vĩnh Bình hay Trà Vinh thì cũng na ná như thế. Nói vậy chớ khi nhắc đến tỉnh Trà Vinh thì tôi rất tâm đắc với tựa đề "Một Thoáng Trà Vinh" mà người tiểu muội đa tài trường Đoàn Thị Điểm Nguyên Nhung đã phỗng tay trên" trong Đặc san Xuân Ất Mùi 2015 mất rùi nên tui làm sao bắt chước được nữa?

Như đã nói ở trên, hồi ở bậc Cao Đẳng Tiểu Học (Trung Học Đệ Nhất Cấp), tôi học ở Trường Cao Tiểu Vĩnh Long (Collège de Vĩnh Long) trong bốn năm từ 1949, một thời gian không quá dài nhưng cũng đủ lưu lại trong trong tôi nhiều kỷ niệm thật trẻ con, thật êm đềm và thú vị về tỉnh Vĩnh Long vì đang ở trong giai đọan mới phát triển của tuổi học trò.

Ngày ấy, chỉ riêng tỉnh Trà Vinh là tôi ít có dịp ghé thăm nhiều lần vì không có bà con thân thích cư ngụ tại đây, mãi đến khi tôi vào quân đội và phải trầy da tróc vảy leo lên đến cấp đại úy (sau gần 8 năm mang cấp Trung úy thời Đệ Nhứt Cộng Hòa) vào đầu năm 1966 mới có cô cháu con bà chị ruột tốt nghiệp kỹ sư Công Chánh được bổ nhiệm về làm Trưởng Ty Công Chánh tỉnh Vĩnh Bình thì lúc bấy giờ thỉnh thoảng tôi cùng Nhà Tôi tôi mới có dịp ghé thăm tỉnh này.

web_tbx_congthanmieu.jpg

 

 Công Thần Miếu

Riêng hai tỉnh Vĩnh Long và Sa Đéc có nhiều quan hệ mật thiết dây mơ rễ má với nhau qua một thời gian dài xem như hai tỉnh anh em. Ngược dòng thời gian, vào thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, Sa Đéc là một tỉnh riêng biệt cũng ngon lành lắm chớ có thua ai đâu, nhưng đến ngày 8/10/1957, khi khổng khi không tỉnh Vĩnh Long được tái tổ chức thành 6 quận trong đó lại có sự sát nhập của tỉnh Sa Đéc của tui nữa, sau đó vào ngày 2/8/1969, tỉnh Vĩnh Long lại tăng lên thành 7 quận với quận Châu Thành và các quận Chợ Lách, Tam Bình, Bình Minh, Minh Đức,Trà Ôn, và Vũng Liêm, gạt bỏ chàng nhóc tì Sa Đéc "ra rìa" để Sa Đéc trở thành một tỉnh như trước đây.

 

Vĩnh Long chỉ cách Sa Đéc có 24 cây số nên việc qua lại giữa hai tỉnh rất nhanh chóng, đôi khi chỉ đi bằng xe đạp cũng rất dễ dàng, nhứt là vào dịp cuối tuần hay ngày lễ mà tôi đã có dịp mô tả khi tôi cùng anh bạn cùng lớp hớn hở chạy u từ Vĩnh Long về Sa Đéc bằng xe đạp qua các nẻo đường từ cầu Cái Cam, Cái Côn, chạy ngang qua ngã ba cầu Bắc Mỹ Thuận, rồi qua Cái Tàu Hạ, v.v. Khi đên Nha Mân chỉ còn cách Sa Đéc có 8 cây số, nơi có chợ Nha Mân khang trang và một địa danh gọi là Chuồng Dê (có tiếng là nguy hiểm vào Tết Mậu Thân 1968) là chúng tôi bắt đầu tăng tốc độ như những cu-rơ nhà nghề vậy. Chúng tôi càng háo hức chạy nhanh hơn khi đến khu Xẽo Vạc, Cái Xếp với một dãy lò gạch nối tiếp nhau, khi ấy chúng tôi đã thấy khu chợ Sa Đécthấp thoáng ở phía xa xa dọc theo dòng sông Sa thì chúng tôi gò lưng chạy thật nhanh để mong sớm về đến nhà gặp mặt cha mẹ thân yêu mà tôi biết chắc mẹ tôi sẽ mừng rỡ vô cùng khi thấy bóng dáng cậu con trai út của mình.

Ngày trở lại Vĩnh Long không vui nhộn như bận đi nên tốc độ chạy xe có phần chậm hơn nhưng cuối cùng chúng tôi cũng về đến nơi trọ để chuẩn bị cho ngày học mới.

web_TBX_TinhXaNgocVien.jpg

Nhắc đến Vĩnh Long chắc hẵn chúng tôi không thể nào quên những địa danh rất quen thuộc như Cầu Lộ khi vừa vừa qua Ngã Ba Cần Thơ rồi quẹo trái đến Cầu Cái Cá mà tôi có rất nhiều kỷ niệm với xóm chài vì ở đây có vài anh bạn cùng quê đang trọ học, đặc biệt có anh Hoàng người bé tí tẹo nhưng lại là là một tay bơi cự phách khi anh dám bơi một lèo qua Sông

 Tịnh xá Ngọc Viên

Cái rộng mênh mông không cần phải nhờ đến chiếc ghe mà chúng tôi thường mướn chở thức ăn để qua bên kia sông. Cũng trên chiều dài con sông này tôi có một kỷ niệm thật êm đềm, trước hết là tạo cơ hội cho tôi thực hành bơi đường trường với lý do đơn giản là trên đoạn sông dài này thường có một cô bạn học cùng trường chuyên ngồi học bài trên căn nhà sàn mỗi

 buổi chiều, và đó là dịp may để tôi tung tăng thực tập bơi ngang qua chỉ để vẫy tay chào "người đẹp" một hai cái rồi tiếp tục bơi luôn như trong phim "The River of No Return", cũng nhờ vậy mà sau này tôi cũng lượm được một vài huy chương về bơi đường dài? Nhưng eo ơi, cũng chính tại con sông này, gần bên nhà thờ Vĩnh Long, có một lần khi vừa bơi ra khỏi bờ khoảng 10 thước thì tôi thấy một vật gì nổi lềnh bềnh phía trước, bất giác khi định thần nhìn kỹ thì đó là "thằng chổng chết trôi" (thây ma đó mà) nên tôi lính quýnh vội vã bơi vô bờ nhưng có lẽ vì tôi ráng bơi nhanh nên nước cuốn cái thây ma làm như nó muốn rượt theo tôi, cũng may tôi không bị vọp bẻ nên đã may mắn vô được bờ bình an vô sự thì sau đó cái thây ma cũng tấp vào bờ luôn nên tôi mừng hú vía và không dám tiếp tục bơi để chiêm ngưỡng cô bạn học nữa trong một thời gian dài. Trên giữa khoảng đường từ Cầu Cái Cá đến nhà thờ có một nhà in tên Long Hồ Ấn Quán cạnh nơi đó có hai chị em học cùng trường, người chị tên Huỳnh Mai và người em tên Điểu học ngang lớp với tôi mà thuở ấy tôi rất thích nhìn cặp mắt to và đen láy của cô chị, để làm gì có trời mà biết?

Vĩnh Long có khá nhiều cầu, không chỉ có Cầu Lộ, Cầu Cái Cá mà còn có Cầu Thiền Đức cạnh nhà giáo sư Phạm Văn Thàn, thân phụ của cô nữ sinh Henriette ngày xưa (sau này là giáo sư Phạm Thị Kim Chi, hiệu trưởng trường nữ trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ) và Cầu Lầu (gần nhà thầy Lê Văn Sĩ, giáo sư hội họa, bác của anh bạn học phá như quỹ của tui là Lê Tấn Hội và cũng là cậu của cô Kim Chi) trên đường đi Trà Vinh.

Lúc mới nhập học Collège de Vĩnh Long, tôi ở trọ nhà cô giáo Nam dạy học ở Ecole Francaise de Vĩnh Long. Nhà cô ở ngang đất thánh Tây mà người địa phương thường gọi là cimetìère. Nơi đây đã gieo rắc trong tôi tính đa cảm đa sầu vì lâu lâu tại đây có đám tang mấy quân nhân Pháp với tiếng kèn đồng buồn não nuột khiến tôi lâu lâu lại nằm khóc một mình giữa đêm vắng do buồn và nhớ nhà vì mới ở lứa tuổi 12, 13. Lúc bấy giờ, ở nhà trọ, ngoài cô hiệu trưởng Nam còn có người em gái là cô Tám, tốt nghiệp trường Sorbonne, Pháp  cùng người cháu gái rất dễ mến là chị Sáu và cô Châu là phu nhân của Đại tá Điềm (Pháo Binh) sau này. Tôi vẫn còn nhớ rõ như in là vào mỗi buổi sáng có ông "cò-mi" tên Phép ỏ cùng đường thường đi ngang qua nhà chúng tôi và cất tiếng chào các cô rõ to "Mes hommages, Mesdames". Ngoài ra, cô Châu có người em ruột tên Bảng cũng ở trọ chung với chúng tôi cùng với bạn Trực học sau tôi một lớp. Bạn Trực là con của thầy ruột tôi là ông Đốc Nguyễn Văn Lãnh ở Sa Đéc, anh hiền lành nhự cục bột trong khi bạn Bảng rất lém lỉnh, bạn Trực và tôi thường bị anh ấy ăn hiếp, sau này anh theo học khóa 10 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, cuối cùng mang cấp bậc Trung tá của Bô TTM. Kế nhà trọ của chúng tôi còn có anh bạn học cùng lớp tên Nguyễn thế Hưởng rất hài hước và vui tính là một hảo thủ đánh bi-da nổi tiếng của Vĩnh Long mà thân phụ anh ấy là kỹ sư chuyên sản xuất dầu thơm cho tỉnh nhà.

Nhắc đến quý thầy cô và quý đồng môn, như tôi đã có lần nhắc đến khi trường mới thành lập, trước tiên phải nhắc đến giáo sư Nguyễn Văn Kính với biệt danh thân thương là Mơ-xừ Te (Inspecteur Interprovincial/Thanh Tra Liên Lỉnh Sa Đéc-Vĩnh Long-TràVinh) kiêm Ông Đìa (Directeur/Hiệu Trưởng). Phần nữ giáo sư chỉ độc nhứt có mỗi một cô là giáo sư Nguyễn Thị Sương rất trẻ đẹp là phu nhân của giáo sư âm nhạc khét tiếng Trần Văn Khê với hai người con trai mà ông dùng biệt danh này để gọi tên ông (Hải Minh) khi nói đến âm nhạc.  Như bạn Lê tấn Lộc đã mô tả,, trước 1975, cô dạy học ở trường Gia Long, sau sang Pháp đoàn tụ với chồng rồi trở về Việt-Nam sống với hai con Quang Hải và Quang Minh. Trước ngày sang Mỹ tị nạn chính trị, bạn Lê tấn Hội và tôi có đến từ giả Cô tại cư xá Ngân Hàng bên kia cầu Xa Lộ khiến Cô mừng rỡ vô hạn, lúc ấy Cô vẫn còn nét đẹp cao quý ngày nào. Cách đây khoảng hai năm, chúng tôi nghe tin Cô vừa qua đời ở lứa tuổi gần 90 (?) Về phía nam giáo sư thì phải kể Giáo sư Phạm Văn Thàn, ông thầy ruột của tôi và cũng là thân phụ của cô Henriette học rất giỏi, nay là giáo sư Phạm Thị Kim Chi, hiệu trưởng trưởng nữ trung học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ. Kế đó phải nhắc đến vị giáo sư dạy Pháp văn tuyệt vời là thầy Phạm Văn Tệt, thân phụ của bạn Triều học cùng lớp với tôi sau này sang du học bên Pháp. Ngoài ra còn có giáo sư Phạm Văn Thiết (gia đình họ Phạm hơi nhiều?) tốt nghiệp trường Sorbonne (Pháp) dạy Sử Địa mà tôi còn nhớ lúc bấy giờ thầy giao trọng trách cho chi Khiêm (bị cận thị nặng) lớp con gái và tôi vẽ một bàn đồ thế giới "pự tổ chảng" ngay tại tư gia của chị để thày dạy học mà tôi không nhớ nó mất tiêu lúc nào hổng biết, có lẽ nó quá đẹp hay quá xấu chăng? Thuở ấy còn có vị giáo sư trẻ tên Khiêm dạy tóan thật xuất sắc, sau đó cả hai thầy Thiết và Khiêm đều vào Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, trước 30.4,1975 thầy Thiết là trung tá Quân Cụ còn thầy Khiêm là dại tá Pháo Binh. Ngoài ra còn có giáo sư dạy Việt văn là thầy Dương văn Tường và thầy Tư Hón dạy Thể dục với sự hỗ trợ tận tâm của thầy Tổng giám thị Nguyễn văn Kỹ Mậu và thầy Giám thị Nguyễn văn Mẫn (?).

web_TBX_QuanAmCuuLong.jpg

Về phía nữ học sinh (suýt tí nữa tôi phải nhảy qua lớp nữ nếu không nhờ thầy Phạn văn Thàn cứu "trò" cho trở về lớp "đực rựa") tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng mấy "cô nương" gốc Vĩnh Long như chị Liễu, Gấm,  Henriette/giáo sư hiệu trưởng "Kim Chi", Lê thị Cẩm Hồng, Lê thị Cẩm Vân, chị Nhơn, Tương, Điểu, Xuân Lan, Nguyễn thị Trưởng Nhi, Lê thị Lý (bác sĩ), Nguyễn thị Lý (Cán sự Điều dưỡng) chị Điểu, Khiêm, Xuân Lan, Oanh, Loan, Thường, Nguyệt, Trương thị Cẩm, Cam thị Mỹ, Lê thị Bửu, v.v., phía Sa Đéc có các chị Trịnh thị Mai, Trần thị Hường, Lê thị Bằng, Trương thị Lan Anh (vừa mới mất cách đây mấy hôm (tháng 5/2015) tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ),  v.v.

 Quán Âm Cửu Long 

Về phe các đực rựa, ngoài hai cây cổ thụ đứng đầu lớp Nguyễn văn Vẹn và Lương ngọc Ẩn chuyên môn học nhảy lớp, sau này trở thành giáo sư Toán và Pháp văn của trường mẹ được cải danh thành Nguyễn Thông-Tống Phước Hiệp, có các nam học sinh quê ở Vĩnh Long gồm những bạn Lễ (Petit Lễ), Lê tấn Lộc, Thục, Bếp, Bảy (Phi Vấn), Nguyễn thế Hưởng, Võ ngọc Các, Võ trung Thứ, Giáo, Giác, Lê an Lòng, Lê hoàng Tông,Võ minh Kiểng,  Bùi thế Xương, Tiết, Ba (gà cồ), Hòa, Triều, v.v. Về phần học sinh quê ở Sa Đéc của tui gồm có các bạn Giêng, Thoại, Phẩm, Trọng, Hội, Cang, Dẫu, Dược, Thiết, Thiện, Phước, và tui là Trần bá Xử mà bạn Lê Tấn Lộc cùng một số bạn ưu ái tặng thêm hỗn danh là Hà Bá Xử cho có vẻ oai hùng và dữ tợn. Không riêng gì tôi mà một vài bạn khác trong lớp tôi cũng được sửa đổi tên như bạn Bùi thế Xương thành Bò Té Sông, Trần văn Giêng thành Trần văn Điên, Lê an Lòng thành Lê ăn...., "Sáu" Trọng, "Các dùi đục", "Bảy Bùi", "Thoại tiệm vàng", "Ba Tàu Tông", "Hưởng-dầu thơm hay bi-da", Nhựt "thòi lòi", chị N. "hột mít"...cùng một dọc tên vui nhộn như "Các-Thứ-Lòng-Tông-Giáo Giác. Đặc biệt tỉnh Trà Vinh chỉ có một "ngoe" là bạn Lê văn Lộc để phân biệt với Lê tấn Lộc, bạn Lộc (Trà Vinh) sau này theo học khóa 10 Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt như một số bạn cùng lớp và tử trận ở Sa Đéc với cấp bậc Trung tá.

Ngày xa xưa ấy, đã hơn sáu mươi năm rồi còn gì, trong những ngày cuối tuấn, tôi thường đi rong chơi bằng xe đạp qua khỏi ngả ba Cần Thơ gần một cây số trên đường đi Cần Thơ thì có những mảnh vườn hay ruộng dọc đường có trồng dưa gan mà tôi rất thích ăn với đường thẻ. Tôi thường tạt qua để mua một hai trái để ăn, nếu dưa chưa chin tới thì tôi đem về ngâm vào lu nước để hôm sau lấy ra thì mùi thơm lừng làm tôi thèm nhỏ dãi. Đôi khi tôi có thú vui tiếp tục đạp xe mải miết rong chơi gần đến Ba Càng thì mới quay về, không dám thách quá giá để chạy tới Cái Vồn, Cần Thơ sợ đôi giò làm reo hổng chịu đi nữa thì mệt!

Cũng trong những ngày ấy, có khi ba tôi xuống Vĩnh Long thăm tôi thì tôi có dịp đi ăn tiệm ở gần bến xe mà cạnh bên trường Ecole Francaise của cô Nam có một nơi (gần tòa án) chuyên bán món "civet lapin/xi-vê thỏ" mà thuở ấy tôi chưa bao giờ được nếm qua, nhưng tôi chú ý thấy ông chủ người Ấn Độ lột da con thỏ rất lành nghề chỉ trong giây lát thôi, bấy giờ tôi chỉ biết phục tài ông chủ nhưng chưa hề nghĩ đến việc tội nghiệp chú thỏ đáng thương!

Thời gian qua nhanh quá, từ một cậu bé học sinh 12, 13 tuổi nay đã ngót ngét bát tuần, tôi bùi ngùi nhớ lại một thời đã qua mà chiều dài vượt quá ba phần tư đời người, hình dung lại những gương mặt thân thương ngày nào, hồi tưởng xem ai còn ai mất mà lòng thấy rưng rưng khi đặt dấu chấm hết ở đây.

         Miền Đông Bắc Hoa Kỳ vào cuối Hạ 2015

                                      Trần Bá Xử

  

TẠP GHI

CẦN THƠ, MỘT THỜI ĐỂ NHỚ______________________

 

 

 

Như đã lâu lắm rồi, từ cái ngày còn trai trẻ với biết bao mộng mơ, với không ít hoài bảo chưa hay không bao giờ thực hiện được vì quá xa vời để rồi không còn dịp quay trở về chốn cũ sau biết bao năm tháng thăng trầm của cuộc đời. Cho mãi đến hôm nay, cái hôm nay của đầu thế kỷ 21, khi đang sống trong cảnh xa quê hương hơn cách nửa vòng trái đất, tôi mới có dịp "tung cánh chim tìm về tổ ấm" để mong tìm lại cái không khí thân quen ngày nào, từ làn gió thoảng qua cánh đồng bao la bát ngát thơm ngát mùi mạ non của miệt vườn và đồng ruộng đồng bằng sông Tiền, sông Hậu rất quen thuộc của những ngày xưa thân ái ấy. Tuy nhiên, mọi thứ trước mắt tôi đều đã quay ngược lại 360 độ so với trước đây khi cảnh vật quanh tôi đều trở nên hoang vắng xa lạ mà tôi có vẻ như đi lạc vào một vùng đất hay một thế giới hoàn toàn mới, mới từ những con đường rộng rãi thênh thang với những tòa nhà cao vút khác hẳn những con đường tràn ngập bóng mát ở Hàng Bả Đậu đi vào nhà lồng chợ đến đường Hàng Xoài dài hun hút, từ bờ sông Cầu Cái Khế, Cầu Đôi, xóm Hai Địa, xóm Cả Đài đến cầu Lộ Mới mà bây giờ đã trở nên quá cũ hay không còn hiện diện nữa với thời gian.

Lòng nặng trĩu ưu khi tư hồi tưởng  một thời đã qua, ít nhứt cũng đã hơn cả nửa đời người chớ có ít ỏi gì đâu, tôi miên man đi bách bộ trên con đường Nguyễn Trãi thân quen ngày nào, rất may là vẫn còn giữ được tên cũ, với biết bao kỷ niệm ngọt ngào của tuổi thanh xuân. Tôi chạnh lòng khi chợt nhớ đến cây Cầu Đôi lát gỗ mà cạnh bên dốc cầu là nơi trú ngụ của một chú trăn to và dài quá khổ nằm trong một cái lồng thép kiên cố to tổ nái, mà chú không bao giờ chịu thua tôi khi chú le lưỡi nhát lại tôi mỗi khi bị bị tôi trêu chọc. 

Dọc bên trái về phía nhà đèn là tiệm bán dụng cụ máy thu thanh với tên là Sca-Radio, nơi anh Hứa Xướng Văn, bạn học cùng lớp Tân Đệ Nhị Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ với tôi ở trọ. Tôi còn nhớ mãi vào một ngày cuối tuần, vài anh bạn học cùng tôi mướn một chiếc ghe khá lớn chở thức ăn gọn nhẹ chèo qua sông cái ở ngang nhà, nơi đó là một cồn cát hơi cạn có rất nhiều cây bần. Có thể nói hầu hết những học sinh chúng tôi đều rất thích ăn trái bần chấm muối hoặc muối ớt mà hương vị chua chua, chát chát của trái bần cộng với hương vị mặn mà cay cay của muối ớt khiến chúng ăn mải mê đến phát ghiền. Hôm ấy trời rất đẹp và trong sáng không một gợn mây. Không ai bảo ai, chúng tôi đồng loạt leo lên các cây bần để tha hồ "rứt' mấy trái bần xuống để vào chiếc ghe bên dưới gốc cây bần. Riêng cá nhân tôi cũng rất ham ăn nên đã "nhón" rất nhiều trái khá to để đớp cho thỏa thích với cảm giác được vị chua, chat quyện vào vị mặn khi chảy vào cổ họng để nhận biết được việc ăn trái bần nó thú vị đến mức độ nào. Chúng tôi đang mải mê thưởng thức thì bất thình lình có một anh bạn đang trèo lên một cây bần ở cách xa chúng tôi khoảng 2 thước hét to lên rồi rơi bịch xuống mặt nước. Té ra anh bạn chúng tôi không may mắn vớ phải một ổ ong vò vẽ, nhưng may mắn là chỉ có hai ba con ong mà thôi, nếu không chắc có chuyện lớn xảy ra, nên khi anh vô tình chạm vào ổ ong thì bị chích một phát khiến anh ta nhảy dựng lên và rơi tõm ngay xuống nước. Như đã nói ở phần trước là nước ở đây hơi cạn mà lại rất trong nữa mới tai hại chớ bộ? Vì vậy khi anh ngoi đầu lên để thở thì chú ong này, có lẽ đã có bằng Tú Tài nên thông minh hơn chúng tôi, nên cứ lởn vởn bay theo cái đầu của anh bạn để khi thấy vừa ngoi lên khỏi mặt nước tí ti là chích tiếp khiến anh ta phải lặn ra xa hơn 2 thước mới tránh được trận oanh kích của chú ong ranh mãnh kia. Thật là hú vía nhưng cũng hơi buồn cho anh ta khi phải ôm cái đầu sưng vù về nhà, dĩ nhiên là đau ghê lắm, mất cả bửa tiệc thịnh soạn chưa tới màn kết thúc, tuy nhiên đối với riêng tôi thì kể từ giây phút ấy, màn gặm nhắm trái bần chua chát mặn mà ngày nào cũng bắt đầu kết thúc vì bổng dưng tôi cảm thấy ngán khi nhìn thấy trái bần phơi mình trong các rổ bán trái cây ở ngoài chợ.

Cũng ngang chỗ anh Văn ở trọ, nếu tôi nhớ không lầm, thì có hai chị em, chắc cũng là nữ sinh trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, có sắc đẹp "nghiêng thùng đổ nước", thật ra có vẻ là sắc nước hương trời xếp ngang hàng với nàng Tây Thi ngày xưa chớ hổng phải nói chơi đâu. Thuở ấy tôi còn là nhóc con chuyên tâm lo ăn học nên chỉ biết xuýt xoa chiêm ngưỡng mà thôi chớ tuyệt nhiên không dám léng phéng tới gần làm quen, nhưng do bản tính tò mò, có lẽ còn hơn cả mấy "cú nường" nữ sinh nữa đó (xin lỗi nghe mấy cô nương nhí nhảnh của chúng tôi nghen), nên mới biết dường như hai giai nhân nổi tiếng nhất Cần Thơ này đang cư ngụ tại số nhà "11 bis" mà các bạn tôi và thiên hạ nói trại ra là "hai cô ở số <ông già bích> theo kiểu đánh bài cơ, rô chuồng, bích không bằng?

Kể ra thì ngoài việc học hành,Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ chúng tôi có nhiều điểm nổi bật lắm quý vị à, như tôi đã từng kể lể dài dòng trước đây.

Trước tiên, môn thể dục thể thao và võ thuật được nhà trường đặc biệt chú trọng vừa để rèn luyện thân thể vừa để tạo niềm tự tin cho học sinh khi tiếp xúc với thế giới bên ngoài mà, không phải "mèo khen mèo dài đuôi dễ chạy", nhưng phải công nhận trường chúng tôi được đánh giá là một trong rất ít trường ở toàn vùng miền nam Việt-Nam đã đạt được thành tích xuất sắc nhứt.

Không ngon lành nhứt sao được khi vào những năm đầu thập niên 1950, đội bóng chuyền học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ đã từng giữ chức quán quân nhiều năm liền khi giao đấu với các trường học khác, đặc biệt là kể cả các đội bóng hàng đầu của những tỉnh miền Tây lúc bấy giờ nữa.

Về môn nhu đạo, phái đoàn nhu đạo của trường Phan Thanh Giản Cần Thơ cũng từng làm rạng danh trường khi giao đấu với phái đoàn của lò nhu đạo Hàn Bái Đường là ngôi sao bắc đẩu của thủ đô Saigon vào thuở ấy với sự góp mặt của những võ sư Quan, Kiệt, Chơi lừng danh một thời mà vị võ sư Chơi đã từng đạt được đai đỏ thập đẳng.

Về xà đơn (barre fixe), xà đôi (parallèle), học sinh Phan Thanh Giản cũng ghi được dấu son cho Trường Mẹ khi có một anh quay được vòng lớn của xà đơn là grand soleil nhờ phong trào thể dục thể thao của trường luôn được các thầy hướng dẫn và khuyến khích tập dượt không ngừng. Hồi tưởng lại lúc mới đến trường, tôi chỉ đạt được từ 10 đến 12 điểm về xà đơn, nhưng sau khi tập luyện trong một thời gian rất ngắn, tôi đã đạt điểm tối đa khi thực hiện thành công 7 động tác liên tục ở trên xà, sau đó tôi còn quay được petit soleil, nhưng đến grand soleil thì đành xếp giáp quy hàng!

Tôi cũng chưa quên ngày ấy tôi biết một anh học trên tôi một lớp có quốc tịch Pháp, lúc nào đi học cũng có một cô bạn gái cùng lớp cặp tay đi sát bên nhau, sau này họ là vợ chồng, mà lúc bấy giờ báo chí ở Saigon xuống Cần Thơ làm bài phỏng vấn, có viết một đoạn cho biết tại Tây Đô có một cặp học sinh lúc nào cũng như cập đủa khi cặp kè tay trong tay bên nhau mỗi lần đến trường học. Nếu có dịp đọc được bài này, tác giả rất mong anh Đại tá Henri Kinh, nguyên Chỉ Huy Trưởng Quân Cảnh của QLVNCH và phu nhân vui lòng tha lỗi cho người đồng môn niên đệ này, thuở ấy cùng ở ngành quân huấn với anh khi niên trưởng là Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Cảnh tại Vũng Táu.

Về hội họa, không ít họa sĩ đã được thành danh nhờ sự tận tâm chỉ dạy của thầy Cường qua bao năm tháng ở trường Mẹ, riêng tác giả thì chỉ được cái "quơ quào" lúc ở Trường Cao Tiểu Vĩnh Long khi mày mò theo học lớp hàm thụ "cours ABC de Dessin" ở Pháp nhưng rốt cuộc chỉ là "nửa thầy nửa thợ" không đâu vào đâu cả, chỉ còn vớt vát được chút xíu là có nét chữ cũng hơi dễ coi để may ra viết thư tình mà thôi nhưng rốt cuộc rồi cũng bị từ chối (như trong Mối Tình Học Trò) nên về sau cũng dẹp tiệm luôn.

Nhưng tui hổng hiểu tại sao trong xóm tui ở, xóm Võ Tánh nhỏ tí tẹo ấy mà chỉ có tui là lẹt đẹt theo sau cầm đèn lái, còn các bạn tui anh nào cũng ăn nên làm ra như các bạn Võ Sáng Nghiệp, Nguyễn Hữu Phước, Lâm Văn Mẫn, còn các cô nữ sinh Hoàng, Xuân, Huệ cũng đâu kém chi ai.

Để tạm đánh dấu chấm hết về một thời để nhớ với biết bao kỷ niệm êm đềm ở miền Tây Đô thân thương năm nào, tui không thể không nhắc đến mật tài năng trẻ lúc bấy giờ đã làm cho Cần Thơ được thêm thăng hoa trên lĩnh vực âm nhạc. Nhắc đến âm nhạc ở Cần Thơ thì không thể nào quên được tiếng đàn Hạ Uy Di với những tiếng vuốt có nét đặc trưng của thổ dân Hawaii để ta có cảm tưởng như đang ở bãi biển Waikiki, Oahu, Maui hay ở phi trường Honolulu của tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ. Đặc biệt tiếng đàn lục huyền cầm Hạ Uy Di ở hẽm Võ Tánh do anh Dương Hoàng Trung độc tấu cũng làm say mê lòng người không kém mà cá nhân tui, tuy cũng cố gắng tập dượt nhưng chỉ làm bà con lối xóm mất ngủ do tiếng vuốt nghe trẹo bản họng của tui thì làm sao mà ngủ ngon cho đặng? Ngoài tiếng đàn rất êm dịu này, anh Trung còn là một tay đàn vĩ cầm có hạng ở Cần Thơ chỉ sau hai năm luyện tập mà thôi nhờ anh có sẵn năng khiếu về âm nhạc. Nhờ sự giúp đỡ của đồng môn hiền đệ Nguyễn Công Danh trong ban biên tập trang nhà của Trường Mẹ, tôi đã may mắn và rất vui mừng khi tìm được lại anh bạn tài hoa rất thân thiết là anh Dương Hoàng Trung sau gần 50 năm xa cách.

 

TRẦN BÁ XỬ

Viết xong tại thành phố Springfield, MA vào tiết Đông Chí 2014.

  

Tạp Ghi

Sa Giang thương mến của tôi_____________________________________________________

TRẦN BÁ XỬ

 

Tôi là người con trai út trong một gia đình nghèo gồm 6 người con sinh sống ở tận miệt vườn xã Tân Hưng quận châu thành Sa Đéc. Trước năm 1945, thân phụ tôi vốn thuộc nguyên quán ở huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi ở tận miền Trung Việt Nam. Thuở còn nhỏ, ông thích du lịch đó đây và có khiếu về kỹ thuật nên sau khi tốt nghiệp Tiểu Học ở huyện Đức Phổ, ông đã mầy mò ra tỉnh Quảng Ngãi để theo học Trường Kỹ Thuật tương tự như Trường Kỹ Thuật Cao Thắng ở Saigon lúc bấy giờ. Trong khi ấy, người chị cả của tôi có chồng ở làng Diên Trường, huyện Đức Phổ cho đến năm 1958 thì theo chồng vào miền đông Nam Phần để làm nghệ trồng trà và cà-phê. Người anh thừ ba có tư chất thông minh từ thuở nhỏ và là niềm tự hào của gia đình, đã tiếp tục theo học hết Tú Tái 2, sau đó được tuyển chọn ra Hà Nội tiềp tục học để lấy được mãnh bằng kỹ sư mà lúc bấy giờ trong cả tỉnh Sađéc chỉ có 3 thí sinh tốt nghiệp mà thôi. Người anh thứ tư chuyên lo hành nghề lái xe đò trong khi bà chị thứ 5 kém may mắn đã mất đi khi còn rất trẻ. Còn lại người chị thứ 6 đã cố gắng theo học lớp ý tá để sau này về phục vụ tại Ty Y Tế tỉnh Kiến Phong ( Cao Lãnh), sau đó thuyên chuyển về hành nghề y tại xã Tam Hà, quân Thủ Đức, Saigon. Riêng người con trai út duy nhứt, với vóc dáng nhỏ thó nhưng tôi rất ham thích tập dượt thể dục như xà đơn, leo dây, cử tạ nhẹ và tham gia các môn thể thao như  chạy đua, bơi lội, nhu đạo, đánh bóng bàn, bóng chuyền, đá banh, v.v. nên sức khỏe cũng ở mức trung bình.

Lúc ban đầu, sau khi tốt nghiệp Trường Kỹ Thuật ở Hà Nội, ba tôi đã chuyển qua làm nghề đấu thầu (entrepreneur) xây cất nhà cửa cũng như các trường học hơặc bệnh viện ở tận bên Ai Lao xa dịu vợi, nhưng sau bao nhiêu năm vật lộn với đời, vận may đã không mỉm cười nên ông bị phá sản phải quay về Sađéc và kết duyên với mẹ tôi trong hoàn cảnh gia đình dưới mức trung bình nếu không muốn nói là nghèo nàn.

Thuở bấy giờ, vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu nên cha tôi buộc lòng quyết định cho người chị thứ 6 tạm nghỉ học hai năm để phụ giúp việc nhà tạo cơ hội cho một mình tôi tiếp tục bậc Tiểu học. Trong điều kiện kinh tế gia đình xuống dốc thê thảm như thế, vì không có phương tiện di chuyển để đi học nên vào mỗi buổi sáng, tôi phải thức dậy thật sớm để đi bộ đến Trường Làng Tân Vĩnh Hòa cách xa nhà khoảng 3 cây số để đến lớp cho kịp giờ học. Cũng do hoàn cảnh túng thiếu của gia đình nên tôi quyết tâm  cố vươn lên học hành rất chăm chỉ để trở thành một học sinh xuất sắc của trường, do đó Ban Giám Học nhà trường đã đặc cách chấp thuận   cấp cho tôi một học bổng toàn phần, đồng thời cho phép tôi được ở lại ăn cơm trưa tại trường học và mãi đến xế chiều mới về nhà.. Năm ấy cũng là lúc Quân đội Nhật chiếm đóng Saigon và các tỉnh miền Tây nên cả gia đình tôi phải chạy loạn (tản cư) trên một chiếc ghe tam bản ngày đêm bồng bềnh trên sóng nước, ban ngày núp dưới các tàn cây sum sê để tránh máy bay Nhựt oanh tạc, còn ban đêm thì tiếp tục đi lẩn trốn vào vùng xa hơn để mong được an toàn hơn.

Khi lệnh báo động chấm dứt, hòa bình được vãn hồi tạm thời vì phong trào yêu nước (Việt Minh) lúc bấy giờ vẫn còn hoạt động thì gia đình nghèo nàn của chúng tôi cũng gấp rút trở về thành thị để cho tôi kịp chuẩn bị dự thi Sơ Học Yếu Lược. Tôi luôn luôn ghi tạc trong lòng cái ngày đi thi đầy ắp kỷ niệm hôm đó khi bụng chưa hoàn toàn no vì cảnh bần hàn, tuy nhiên Trời Phật trên cao đã thương xót phù trợ cho tôi có một trí nhớ khá tốt để có khả năng hoàn tất bài thi một cách hoàn hão và nhanh chóng.Tôi làm sao quên được vị giám khảo ngày hôm ấy là người thầy ruột của mình. Tên của thầy là Huỳnh Vĩnh Minh, vị thân phụ của anh Huỳnh Vĩnh Lại, sau này là Đại tá Chỉ Huy Trưởng Trường Sinh Ngữ Quân Đội của Quân Lực VNCH, đã tạ thế tại Houston, TX ngày 19 tháng 3 năm 1998 vừa qua, và cũng là thân phụ của bạn học cùng lớp tôi tên Huỳnh Vĩnh Lộc, sau này là Trung tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu đoàn Công Binh Chiến Đấu. Tôi hoàn tất bài thi sớm nhứt nên thầy Minh đã thu bài của tôi trước tiên và đem lên bàn của Ban Giám khảo.

Mùa thi năm đó, tôi đã ghi được một điểm son cho Trường Tiều học Tân Vĩnh Hòa Sa Đéc với thành tích là thi đậu Sơ Học Yếu Lược hạng nhứt toàn tỉnh Sa Đéc. Ngày phát thưởng được tổ chức rất long trọng với sự tham dự của tất cả quý vị thanh tra tiểu học, quý thầy cô cùng học sinh các trường Tiểu học và phụ huynh học sinh tỉnh Sa Đéc. Phần thưởng danh dự được đích thân ông Tỉnh Trưởng người Pháp trao tặng do chính ba tôi phụ giúp mang về vì phần thưởng cao khỏi đầu của thí sinh đoạt giải..

Ngày ấy, hệ thống giáo dục bậc Tiểu học Pháp gồm các lớp Năm, Tư, Ba, Nhì một năm, Nhì hai năm, Nhất 1 và 2 năm, và lớp Tiếp Liên trước khi thi lên năm thứ nhứt trung học, tạm dịch như sau "Cours Enfantin, Cours Préparatoire, Cours Élémentaire, Cours Moyen 1ère Année, Cours Moyen 2è Année, Cours Supérieur, đôi khi có Cours Supérieur 2è Année, et Cours des Certifíés. Nhờ thành tích nhận phần thưởng danh dự  nên nhà trường cho phép tôi học nhảy lên lớp Cours Moyen 2è Année thay vì Moyen 1ère Année.

Nói đến những học sinh cùng những thành tích học tập của họ mà không ghi nhận những công lao giảng dạy của quý thầy cô là một điều thiếu sót rất lớn vì học sinh luôn luôn nhớ nằm lòng câu "không thầy đố mày làm nên". Vào cuối thập niên 40 và đầu thập niên 50, Ty Tiểu Học Sa Đéc có hai trường học ngoại trừ trường làng. Vế phần nam học sinh thì có Trường Nam Tiểu Học ở bên cạnh một bồn chứa nước rất lớn và cao vút của tỉnh giống như một tháp nước mà ngày ấy người dân và cả học trò chúng tôi cũng đều gọi là "château d'eau". Khuôn viên trường cũng khá rộng rãi mà thuở ấy các bạn tôi và tôi thích nhứt là được tự tay trồng trọt và chăm sóc các rau cải và bông hoa trong một khu vườn nhỏ xinh xắn có những luống rau hay hoa quả ngay hàng thẳng tắp trông rất đẹp mắt dành riêng cho những học sinh hay phá phách như chúng tôi khi được vinh hạnh xếp hạng ba sau quỷ và ma.

Trong trường còn có một sân quần vợt dành cho quý thầy tập dượt ngoài giờ dạy học. Tôi còn nhớ như in là có một lần trong giờ giải lao, khi quý thầy vào phòng hội để nghỉ ngơi thì ở ngoài sân quần vợt, do bản tính tò mò, vả lại vì gia đình quá nghèo đâu biết đến chiếc vợt tennis tròn hay méo là gì, nên tôi bèn rón rén đến gần một chiếc vợt của một vị thầy đang để trên sân, nhẹ nhàng cầm một chiếc vợt lên và bắt chước động tác của thầy thử đánh trái banh bay đi như giao bóng vậy, không ngờ chiếc vợt vuột khỏi bàn tay khẳng khiu của tôi và bay đi xa đến hai ba thước. Với nét mặt tái mét không còn một giọt máu vì kinh hãi tột độ, tôi vội chạy bay đến cầm chiếc vợt lên xem có bị gãy hay trầy trụa gì không thì cũng vừa đúng lúc thầy Nguyễn Văn Lãnh là chủ nhân chiếc vợt từ tốn đi ra, xem xét sơ qua rồi cười vui vẻ, sau đó vò đầu tôi và nói một câu thật dễ thương "Lần sau hãy cẩn thận nghe con, con phải tập dượt nhiều mới có thể giao bóng tốt được". Nói đến thầy Lãnh, một vị giáo viên dày dạn kinh nghiệm trong ngành sư phạm từng được đánh giá là một trong vài giáo viên xuất sắc nhứt của trường nam, nghe nói sau này thầy lên làm Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Sa Đéc.

Bên cạnh những vị giáo chức khả kính của Ty Giáo Dục tỉnh Sa Đéc tuyệt nhiên  không thể không nhắc đến ông Thanh Tra Liên Tỉnh Sa Đéc-Vĩnh Long-Trà Vinh Nguyễn Văn Thu, thân phụ của anh Nguyễn Trung Sơn, sau này là Đại tá Không Đoàn Trưởng Không Đoàn Yểm Cứ Tân Sơn Nhất, và hai người em là Nguyễn Trung Hải cũng thuộc quân chủng Không Quân và người em út là Nguyễn Trung Nguơn tốt nghiệp trường Chasseloup Laubat và sau này dường như làm Hiệu trưởng của chính trường Mẹ của mình. Kế đó tất cả học sinh không bao giờ có thể quên vị Thanh tra Tiểu học kiêm giáo viên tài ba xuất chúng của tỉnh là thầy Trịnh Quang Lai. Phương pháp giảng dạy của thầy thật là vô tiền khoáng hậu, công thêm sự tận tâm cao vời vợi và tinh thần bất vụ lợi đáng được tôn vinh. Vào năm 1948, khi các bạn học cùng lớp và tôi chuẩn bị ráo riết với hy vọng được chấp nhận vào học năm thứ nhứt Collège de Vĩnh Long, thầy Trịnh Quang Lai đã tập họp khoảng chin mười học sinh khá nhứt trường cả nam lẫn nữ để giảng dạy đặc biệt miễn phí với quyết tâm bằng mọi giá phải thi đậu vào trường trung học mới thành lập của tỉnh Vĩnh Long. Kết quả là không có một thí sinh nào phải "xách xe không" chạy về Sa Đéc cả, nghĩ là đã đậu tất cả làm tăng uy tín cho thầy Lai nói riêng, và cho tỉnh Sa Đéc nói chung. Về mặt giáo dục được sáng ngời như thế nhưng vô phúc thay khi phu nhân của thầy là nữ giáo viên Nguyễn Thị Mỹ (?) vừa xinh đẹp, thùy mị vừa dạy học giỏi lại bất hạnh qua đời để lại biết bao nỗi tiếc thương cho mọi người. Mộ của Cô chỉ cách nhà tôi ở khoảng 100 thước nên nhiều học sinh, kể cả gia đình chúng tôi, thường xuyên đến viếng Cô gần như vào mỗi cuối tuần. Thầy Lai có ba người con rất xinh xắn, riêng cô em út  học rất giỏi cùng chung lớp với tôi, còn hai người anh theo học Học Viện Hải Quân Pháp ở thành phố cảng Brest, Pháp Quốc mà sau này đều thăng cấp Hải Quân Đại Tá với những chức vụ rất quan trọng. Tuy bước đường quan lộ và học vấn của các con Thầy theo chiều hướng rất thuận lợi nhưng sau khi Cô mất đi khoảng 5, 6 năm sau đó thì điều bất hạnh ụp xuống gia đình Thầy khi hai người con trai cương quyết không chịu cho Thầy tái giá. Tuy tôi và một học trò ruột cũ của Thầy cũng vào quân đội và giữ chức vụ khá lớn ở Phủ Tổng Thống và Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng chúng tôi vẫn luôn luôn giữ lễ "tôn sư trọng đạo" với vị thầy đáng kính có nhiều ơn nghĩa với các môn sinh của thầy bằng cách thỉnh thoảng đến vấn an thầy trong khi thầy vẫn sống lẻ loi một mình trong cư xá Lữ Gia mà hai cậu con trai không bao giờ đến thăm viếng do sự bất hòa năm xưa. Rồi có một hôm hai chúng tôi nhận được hung tin muộn màng qua báo chí cho biết có một xác chết không người nhận vì không có lý lịch trong người nên đã được chôn cất sơ sài tại một ngôi mộ vô thừa nhận mà nửa tháng sau đó mới có người láng giềng trong cư xá của thầy báo tin nên mới biết đến sự mất tích của vị thầy khả kính của các cựu học sinh tỉnh Sa Đéc chúng tôi.Thật không có sự việc nào đáng thương tâm và đau lòng như thế nao giờ!

Ngoài các thầy kể trên, còn có nhiều vị xuất sắc khác như thầy Đoàn Văn Ban cũng dạy lớp Nhứt hoặc Tiếp Liên, thân phụ của Trung tá Anh sau này làm Tiểu Khu Phó Tiểu khu Sa Đéc và hai bạn học cùng lớp với tôi. Nhắc đến giáo viên nghiêm khắc thì  đặc biệt có thầy Nghi mà học trò rất sợ mỗi khi thầy dùng thước gỗ khẻ vào bàn tay học sinh thật đau điếng đến phải bật khóc. Bên cạnh đó còn có thầy Trần Bá Mậu là chú ruột của Thiếu Tướng Trần Bá Di trước đạy lớp tôi học là Moyen 2è Année, sau này là Hiệu trưởng Trường Nam Tiểu học, trong khi ấy thì bên Trường Nữ Tiểu Học có Cô Nguyễn Thị Nữ là phu nhân của thầy Trần Bá Mậu làm Nữ Hiệu Trưởng.

Có một điểm hơi trùng hợp là hầu như một số đông quý thầy cô thường cư ngụ phía bên kia cầu sắt trên đường đi Cao Lãnh, trong khi ở phía bên này sông và khu cầu Cái Sơn chỉ có thầy Lai, Thu, Điểu, Thời. Về hội họa thì có thầy Huề dạy rất giỏi, riêng họa sĩ Thủy Tiên rất nổi bật với những bức họa truyền thần làm bằng lụa trông rất đẹp mắt mà hai người con đều nối nghiệp cha, riêng con trai tên Hiếu Đệ là một họa sĩ tài danh có một thời sống tại Pháp.

Nhắc đến cây cầu sắt đi qua nhà thương Sa Đéc ở miệt Tân Hưng, tôi có một kỷ niệm thật vui và buồn cười rất khó quên Khi còn là một cậu bé, mỗi khi đến trường tôi phải đi qua cây cầu sắt này, nếu không có ai đi kèm một bên thì tôi không bao giờ dám ngang nhiên đi bộ trên cầu vì mỗi lần nhìn xuống dòng sông đang chảy cuồn cuộn phía dưới chân cầu là tôi hoảng sợ nên chỉ dám bò qua từng bậc thang một, mãi một hai tháng sau tôi mới hết sợ và đi đứng tự nhiên hơn.

Về phía bên này cầu sắt cách Trường Nam và Nữ Tiểu Học  không xa, quê hương Sa Đéc nhỏ bé của chúng tôi cũng có một vài nhà thuốc tây mà tôi chỉ còn nhớ nhà thuốc Nguyễn Viết Nguơn cùng một số bác sĩ như bác sĩ Ngởi, bác sĩ Nghiên ở đường Tống Phước Hòa, bác sĩ Sanh ở gần Cầu Cái Sơn, v.v.

Sa Đéc cũng không thiếu những đặc sản như hủ tiếu Sa Đéc, tiệm mì Chú Dầu ngon nổi tiếng ngay cạnh bờ sông gần cầu sắt, bún cá, nem Lai Vung, lẫu gà nòi, bánh tráng sữa, phở bò , và đặc biệt nhứt là bánh phồng tôm Sa Giang mà chủ nhân là người rất quen thuộc với tôi, ông ta là một sĩ quan tốt nghiệp khóa 1Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức từng phục vụ tại TTHL Quang Trung, dường như sau này đã qua định cư tại Pháp.

Sa Đéc cũng là nơi đào tạo nhiều anh tài cho đất nước. Trong quân đội đã có những vị tướng lãnh như Trung Tướng Tư Lệnh Không Quân Trần Văn Minh, Thiếu Tướng Trần Bá Di, Chỉ Huy Trưởng TTHL Quang Trung,Thiếu tướng Nguyễn Văn Chức, Cục Trưởng Cục Công Binh cùng nhiều Đại tá các quân binh chủng, các Chánh Sự Vụ thuộc Bộ Quốc Phòng, Bộ Tổng Tham Mưu, v.v.. Về phía dân sự phải nhắc đến  Thủ Tướng Trần Văn Hữu, Bộ Trưởng Quốc Gia Giáo Dục Nguyễn Thành Giung, Thứ Trưởng Giáo Dục, bạn cùng lớp với tôi là Giáo sư Tiến Sĩ Trần Kim Nở, cùng nhiều  Chánh Sự Vụ các Bộ Kinh Tế, Nha Thương Cảng Saigon, v.v.  

Đôi dòng về sự ra đời của tỉnh Sa Đéc quê hương tôi.

Về các tỉnh củ của miền Tây Nam Bộ lúc ấy được gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh với 6 tỉnh sơ khởi là Saigon, Mỹ Tho, Biên Hòa, Vĩnh Long, Châu Đốc và Hà Tiên.

Theo dòng lịch sử, sau khi Nam Kỳ bị chiếm trọn năm 1867, lục tỉnh trở thành thuộc địa của Pháp mà mỗi tỉnh được xem như Tham biện hay Hạt Thanh tra (Inspection).

Ngày 20/12/1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ký Nghị định bải bỏ chữ Tham biện và gọi là tỉnh (province), chữ Inspecteur đổi thành Administrateur hay Tỉnh Trưởng (Chef de Province), có hiệu lực từ 1/1/1900. Và cũng từ đó, Nam Kỳ thuộc địa có 21 tỉnh mới chính thức được ghi danh theo thứ tự cố định trong đó tỉnh Sa Đéc đứng hàng thứ 6, mà lúc bấy giờ rất nhiều người thuộc vanh vách như sau: GIA (Định), CHÂU (Đốc), (Tiên), RẠCH (Giá), TRÀ (Vinh), SA (Đéc), BẾN (Tre), LONG (Xuyên), TÂN (An), SÓC (Trăng), THỦ (Dầu Một), TÂY (Ninh), BIÊN,(Hòa) MỸ (Tho), (Rịa), CHỢ (Lớn), VĨNH (Long), (Công), CẦN (Thơ), BẠC (Liêu), CAP (Saint Jacques).

Qua các chính quyền của Việt Nam Cộng Hòa, tỉnh Sa Đéc cũng đã trải qua những bước thăng trầm chính yếu như vào cuối năm 1956 tỉnh lỵ bị giải thể, về mặt hành chánh vẫn thuộc xả Tân Vĩnh Hòa, đóng vai trò là quận lỵ quận Sa Đéc, sau đó vào năm 1966, tỉnh Sa Đéc tiếp tục tồn tại tách ra từ tỉnh Vĩnh Long chỉ gồm phần đất nằm giữa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang. Tỉnh lỵ Sa Đéc khi đó có tên là Sa Đéc, về mặt hành chánh vẫn thuộc xã Tân Vĩnh Hòa; từ 1966-1975 thị xã Tân Vĩnh Hòa vẫn tiếp tục đóng vai trò là quận lỵ quận Châu Thành (sau 1968 gọi là quận Đức Thịnh) và chính thức là tỉnh lỵ Sa Đéc, tiếp tục tồn tại và bị mất tên gọi đơn vị hành chánh cấp tỉnh từ tháng 2 năm 1976 cho đến nay.

Nguồn gốc của danh xưng Sa Đéc    

Theo Hội Nghiên Cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) thành lập ngày 23/2/1883 với chức năng nghiên cứu các vấn đề nông nghiệp, kỷ nghệ, lịch sử, ngôn ngữ, khảo cổ, mỹ thuật, dân tộc. Hội có thư viện riêng, ra tập san Nghiên Cứu Đông Dương (Bulletin de la Société des Études Indochonoises, viết tắt là BSEI) với những sưu tập để ở Viện Bảo Tàng Saigon.

Căn cứ theo Hội, hiện vẫn còn trong quyển Địa Phương Chí (monographie) của từng tỉnh của Nam Kỳ được biên soạn từ những năm đầu thế kỷ 20, trong đó Địa Phương Chí (Monographie de la province de Sa Đéc) ấn hành năm 1903 ghi rõ tỉnh Sa Đéc có xuất xứ từ hai chữ Phsar (có nghĩa là chợ) và Dek là sắt, xem như chợ bán sắt được dịch ra tiếng Pháp là "marché aux fers", địa danh này được ghi như vậy từ hơn một thế kỷ trôi qua cho đến bây giờ. Tuy nhiên cũng có người cho rằng Sa Đéc là một danh từ đa âm của người Khmer để gọi cái miếu, có đền thờ thủy thần mà theo Ông Nguyễn Hữu Hiếu của Hội Sử Học tỉnh Đồng Tháp nói rõ thêm là ở chợ Sa Đéc có một miếu thờ người con gái họ Thạch (danh từ Miên) nhưng hậu thế không biết tìm kiếm ở đâu sau hơn một thế kỷ trôi qua nên không có căn bản nghiên cứu vững chắc.

(Tham chiếu: trích đoạn Sa Đéc (tỉnh) - Wikipedia tiếng Việt)

 

TRẦN BÁ XỬ

Springfield, MA, mùa Đông 2014

________________________________________________________________________ 

 

Tạp Ghi

NGƯỜI CHÁU GÁI _______________________________________________

Trần Bá Xử

 

Ngày ấy đã xa lắm rồi, khi mới 12 tuổi đầu, tôi phải xa gia đình, rời bỏ Trường Tiểu học  một tỉnh lỵ hiền hòa với những địa danh mộc mạc như Ngã Bát, Ngã Cạy, cầu Rạch Rắn, cầu Bà Ban, cầu Nhà Thờ, Tân Phú Đông, Tân Vĩnh Hòa, Tân Hưng, Lai Vung, Lấp Vò, v.v.để đi du học, ủa không phải du học mà tiếp tục đi học tại một tỉnh lỵ lớn hơn tí ti gọi là Vĩnh Long. Ngày ấy, vào năm 1949, ba tỉnh Sađec, Vĩnh Long và Trà Vinh đều trực thuộc hệ thống giáo dục chung điều hành bởi một vị thanh tra liên tỉnh gọi là Inspecteur Inter-Provincial, và đây là Trường Trung Học đầu tiên tại Vĩnh Long với danh xưng Collège de Vĩnh Long, còn gọi là Trường Cao Tiểu Vĩnh Long, tiền thân của Trường Nguyễn Thông, Tống Phước Hiệp sau này.

Cũng vào thời điểm xa xưa ấy, tôi vẫn có nhớ quý Thầy Cô như như giáo sư Hiệu trưởng có biệt danh là "Ông Đìa" Nguyễn Văn Kính (director), vị thanh tra liên tỉnh đã nêu ở trên, rồi đến vị nữ giáo sư duy nhứt của trường tên Nguyễn Thị Sương dạy Pháp Văn, quý thầy Phạm Văn Thàn dạy Toán Lý Hóa, thầy Dương Văn Tường cũng là thi sĩ Dương Bích Thủy dạy Việt Văn, thầy Phạm Văn Tệt dạy Pháp Văn, người đã có công đặt mua những quyển Sách Hồng (livre rose) từ bên Pháp về và hướng dẫn cách đọc rất chuẩn và tóm tắt ngắn nhứt, đặc biệt là phương pháp chia động từ một cách tuyệt dịu, nhất là hai nhóm thứ hai và thứ ba cùng tận cùng bằng hai chữ "ir" như "finir' và "venir" rất dễ bị lẫn lộn (conjugaison des verbes du 2è et 3è groupe). Kế đó phải nhắc đến vị giáo sư thầy dạy Pháp văn Phạm Văn Thiết tốt nghiệp Trường Đại học Sorbonne, Pháp với những bài luận đề luân lý (dissertation morale) mà sau này cả hai thầy trò chúng tôi đều vào lò "đại học cải tạo", và giáo sư Khiêm, cử nhân Toán sau này là Đại tá Pháo Binh. Về môn hội họa có thầy Lê Văn Sĩ tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở Hà Nội nên nói tiếng Pháp theo giọng đặc sệt thành phố cảng Marseille của miền Nam nước Pháp với câu mở đầu không bao giờ thay đổi mỗi khi vào lớp "Regardez tous au tableau noir" (Xin các trò nhìn lên bảng đen), với chữ "dessin/vẽ" khác giọng Paris thành ra (đết-xanh) hay chữ "main/bàn tay" thành ra (manh) hoặc"demain/ngày mai" thành ra (đờ-manh). Có một chuyện dở khóc dở cười là thầy hay ghét người cháu ruột tên Lê Tấn Hội là bạn rất thân với tôi. Anh ta vẽ không đến nỗi tệ lắm nhưng mỗi lần xem tập vẽ của người cháu ruột mình là y như rằng thầy chỉ phê cao nhất là 12 điểm nên bạn ấy đã ấm ức chạy đến nhờ tôi ráng vẽ cho thật đẹp với hy vọng có điểm cao hơn. Nhưng cũng như mọi lần, khi thấy tập vẽ của anh ta, dĩ nhiên đã do tôi nắn nót vẽ thật kỹ, thì thầy cũng chỉ phê y chang12 điểm mà thôi làm anh bạn tôi muốn bật mí nhưng không dám nói mà chỉ lầu bầu với các bạn học "Tụi bây thấy không, thằng Xử nó quẹt quẹt có mấy cái mà ổng cho tới 16, 17 điểm, còn tập của tao chỉ được cao nhứt 12 điểm dù tao đã nhờ nó tận tình nắn nót cho tao đó nghen?" Về phần nâng khăn sửa túi cho học sinh hay chọc phá như chúng tôi thì đả có quý thầy Nguyễn Văn Mẫn làm Giám Thị và thầy Nguyễn Văn Kỷ Mậu đặc trách Tổng Giám Thị.

Tại trường trung học đầu đời này, cứ cách nhau hai ba tuần vào mỗi trưa Thứ Sáu, một anh bạn học chung lớp cùng quê Sađec với tôi và tôi thường gò lưng trên xe đạp để chạy đua từ Vĩnh Long về nhà thăm gia đình để xem ai về nhanh nhứt. Tuy hơi ốm yếu ho hen hơn anh bạn nhưng thông thường tôi thường cán mức đến trước bạn tôi gần chục thước có lẽ nhờ sự háo hức nóng lòng muốn được gặp cha mẹ sau thời gian ngắn xa cách. Tôi đã năn nỉ ba tôi trang bị những bộ phận khá tốt cho chiếc xe đạp cà tàng của tôi để sau này tôi đã bất ngờ lập được thành tích đáng khích lệ với 55 phút trên chiều dài 24 cây số từ Vĩnh Long về Sađec nhứt là từ Nha Mân đến Xẻo Vạc tới đoạn lò gạch ở Tân Xuân khi tôi nhìn thấy thành phố thân yêu dọc theo bờ sông thì tôi vượt nhanh lên bức phá như những tay đua xe đạp chuyên nghiệp không bằng?

Vào thời điểm đầu của thập niên 50, khi đang theo học chương trình Pháp tại Collège de Vĩnh Long, tôi đã cố gắng dồn hết mọi nổ lực trong học tập  để chuẩn bị ráo riết cho kỳ thi Cao Đẳng Tiểu Học (DEPSI/Diplôme d'Études Primaires Supérieures Indochinoises) tổ chức tại Trường Trung học  Le Myre De Vilers, tiền thân của Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho sau này vì lúc bấy giờ miển Nam Việt Nam chỉ có hai Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ và Pétrus Trương Vĩnh Ký tổ chức kỳ thi này còn Trường Chasseloup Laubat chỉ có thi BE (Brevet Élémentaire) và BEPC (Brevet d'Études  du Premier Cycle) mà thôi.

Thuở ấy, lúc nào ba tôi cũng đi theo sát bên cạnh tôi trong các cuộc thi cử từ tỉnh lỵ Sađec bé nhỏ đến các tỉnh Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ và Saigon. Trong gia đình tôi, ngoài tôi ra còn có  người anh thứ ba học rất giỏi đã từng được trúng tuyển ở Saigon và được phép ra Hà Nội cùng hai, ba thí sinh khác để dự thi và đã tốt nghiệp kỹ sư nhưng sau này anh tôi bị Việt Minh giết chết vì bị gán tội là Việt gian khi anh ấy làm giám đốc cho một hãng khá lớn mà ngày ấy tôi chỉ biết loáng thoáng là hãng Simon de Paris tại Saigon do người Pháp điều hành. Sau khi anh ba tôi mất đi, ba tôi luôn luôn nuôi hy vọng tôi sẽ noi gương người anh quá cố để mong đạt được chút ít thành tựu tương đối trong xã hội vì gia đình chúng tôi không thuộc thành phần khá giả. Có lẽ do mặc cảm thua sút bạn bè vì gia cảnh thấp kém của mình, phần khác nhờ sự khuyến khích cổ võ không ngừng của người cha luôn muốn con mình vượt trội hơn người khác nên tôi đã chuyên tâm học hành và tôi đã không khiến cha tôi thất vọng trong giai đoạn đầu tiên này.

Như đã nói ở trên, tôi thường thích chạy xe đạp về thăm nhà vào những dịp lễ hay xa nhà khá lâu nhưng lần này thú vui lướt gió chạy u về nhà không còn nữa vì tôi phải chuẩn bị bài vở để chuẩn bị thi vào lớp Seconde Moderne tại Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ sau khi thi xong ở Mỹ Tho. Lần này tôi đi xe đò trên lộ trình từ Vĩnh Long về Sađec, chỉ mang một túi hành lý khá nặng trong đó chủ yếu là sách vở để chuẩn bị cho cuộc thi tuyển lựa gay go sắp đến.

Ngồi bên cạnh tôi là một cô gái xinh đẹp còn rất trẻ, có lẽ cũng xấp xỉ tuổi với tôi mà thọat mới nhìn thoáng qua tôi có cảm giác như rất quen thuộc. Vì mới quen biết nhau nên sau vài câu hỏi xã giao một cách bâng quơ vô thưởng vô phạt, tồi ngồi im để ngắm nhìn cô bé, ngang tuổi với người ta mà dám gọi là cô bé mới oai và vô phép chớ bộ? Quảng đường trên 20 cây số từ Vĩnh Long về Sađec rút ngắn dần, tuy không dài nhưng cũng đủ cho các chàng trai lém lỉnh tha hồ ba hoa chích chòe, nhưng tôi chỉ dám hỏi được năm ba câu chuyện về sông nước khi biết cô ta thích bơi lội, một môn thể thao ưa thích nhứt của tôi nữa đó mà, nhưng tôi lại tịt ngòi luôn, có lẽ vì sự duyên dáng và sắc đẹp có vẻ gần như nghiêng nước nghiêng thùng của cô bé khiến tôi cứ ú ớ nói không ra lời. Quả thật là cái miệng phản chủ? Ngoài ra, trong lúc chuyện trò, cô ấy thường gọi tôi bằng anh, trời đất quỷ thần ơi, hồi cha sanh mẹ đẻ đến giờ này có ai thèm gọi tôi bằng chữ anh ngọt ngào này bao giờ đâu nên tôi như chú ngố rừng đang bay lơ lửng trên không mà chưa biết giây phút nào sẽ rớt xuống đất cái bịch đây nè. Mà cô bé cũng tinh nghịch ghê, vì tôi nghe nói con gái thường thông minh sớm hơn con trai phải không quý vị? Cô ta cứ thao thao bất tuyệt nói chuyện về biển rộng sông dài vì tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng nhà cô ta ở gần biển nhưng tôi đâu còn nhớ là biển Nha Trang hay biển Thái Bình, và dường như cô ta đang đùa nghịch với tôi và quay tôi chư chong chóng vậy.

Cuối cùng rồi chúng tôi cũng đến bến xe Sađec, điều khiến tôi phải tỉnh giấc nam kha để chuẩn bị trở về nguyên quán. Cô ta đã chào từ biệt đến lần thứ hai tôi mới qua cơn mê mà tôi cũng đã quên béng hỏi nơi cô về gặp người thân, may mà tôi chỉ còn nhớ mang máng tên cô ta là Bé Ba, một cái tên có vẻ quê mùa vô cùng nên tôi khó quên được, nhưng cũng chưa quê một cục như thằng tôi khi leo lên xe cyclo đạp với nỗi ấm ức trong lòng khi nghĩ đến câu "tìm em như thể tìm chim!"

Ngày hôm sau, tôi nghe lời ba mẹ lần lượt đi thăm bà con mà xa nhứt có lẽ là ở miệt Tân Hưng khi phải qua một bến đò trên sông Sa hiền lành uốn khúc lên vùng cao hơn gần tỉnh Cao Lãnh cạnh Đồng Tháp Mười. Tôi mon men đi bộ sau khi qua bến đò để đến thăm người Cô là chị ruột của ba tôi. Ngày còn bé, cứ mỗi độ Xuân về, tôi thường hay qua thăm Cô Dượng mà người Bắc gọi là bác để được lì xì nhờ số tôi rất hên nên mỗi lần tôi đi xông đất sáng sớm mồng một Tết thì hai bác tôi đều gặp hên ghê lắm. Lần này không phải ngày tư ngày tết gì cả nhưng tôi có sứ mạng cao cẳng (cao cả chớ hổng phải cao cẳng hay cao giò gì cả) là tôi bắt buộc phải đến thăm hai bác cho phải đạo. Cũng như những lần trước đi thăm Cô vì Cô rất thương yêu tôi như Mẹ tôi vậy nên tôi vui mừng hí hửng đi như chân sáo vào nhà Cô ở sát bờ sông Sa để thường được nghe Cô mắng yêu  một câu rất dễ thương "mẹ cha mầy đi đâu mà ào ào như vậy?" Không như những lần trước. lần này Cô tôi ra vẻ nghiêm nghị nói vọng vào bên trong như một mệnh lệnh:" Con ra chào Chú đi con?' Tôi còn đang ngỡ ngàng thì một thiếu nữ từ nhà sau tiến ra phía trước để chào hỏi tôi. Tôi đang định xem cô cháu gái này ở đâu chui ra nhưng tôi chỉ kịp há hốc mồm không thốt nên lời trong khi cô bé hí hửng định gọi tôi "Anh đó hả?" thì sực nhớ đến thân phận của mình nên chỉ lí nhí trong cổ họng dường như có hai chữ "Chào Chú" cộc lốc pha lẫn sự ngạc nhiên tột độ. Những hình ảnh trên chuyến xe đó ngày hôm qua còn quá đệm nét trong tâm trí tôi, thật lòng mà nói, tôi cũng có ý thích cô bé nhí nha nhí nhảnh ăn nói có duyên này mà vẻ đẹp rất hao hao giống ba cô bé là anh tôi. Cũng may cho tôi khi hai chú cháu chỉ trao đổi với nhau những câu nửa vời về nơi cư ngụ (ở vùng biển Vũng Tàu) và sở thích bơi lội mà chưa kịp hay chưa dám nói điều gì khác có ảnh hưởng không tốt về sau này.

          Sau đó, hai chú cháu ngồi cạnh bên nhau để tâm sự rất nhiều chuyện. Cháu nói líu lo như chim họa mi hầu như không có chuyện gì xảy ra trong khi tôi vẫn chưa thoát khỏi tâm trạng bối rối khi nhớ lại lúc ngồi cạnh nhau trên xe đò ngày hôm qua. Quả thật cháu gái tôi rất đẹp, nét đẹp của một nữ lực sĩ thẩm mỹ, với làn da hơi bánh mật nhưng không sạm nắng nhiều vì là dân miền biển mà, và với thân hình nở nang thật cân đối nhờ thường xuyên bơi lội. Có lẽ vì biết tôi cũng đam mê bơi lội khi tôi tỉ tê trên xe nên cháu tự động vào nhà trong thay đồ tắm và rủ tôi ra bơi lội trên dòng sông trước cửa nhà có lẽ vì hiếu kỳ và muốn xem tài nghệ của tôi đến mức độ nào. Rất may cho tôi là khi học ở Vĩnh Long, mỗi chiều tôi đều tập bơi đường dài ngang qua nhà sàn cô bạn học đang ngồi học bài và vẫy tay chào hỏi ra cái điều mình cũng biết bơi đó nhen? Nhờ công trình tu luyện (luyện tập chớ có tu gì đâu) nên tôi mới tương đối bơi cầm cự với cô cháu một cách gần ngang ngửa khiến cháu rất thích thú và nằng nặc rủ tôi thường xuyên qua bơi lội với cháu cho đở buồn, dĩ nhiên là tôi cũng rất vui vẻ nhận lời để có dịp thi thố tài năng với người cháu xinh xắn tươi đẹp như hoa của mình.

          Thắm thoát mà hơn mười lăm năm đã trôi qua mà tôi không biết được tin của người cháu gái thương mến sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc đời kể từ sau lần gặp cháu ở Sađec. Bổng nhiên, vào một ngày đẹp trời trong năm 1968, tại cư xá tôi đang trú ngụ, bất ngờ qua trung gian của người cháu gọi tôi bằng ông chú (là con gái của cháu tôi ngày xưa đó mà) tôi được biết chồng của cháu gái tôi cũng tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đalat. Khi gặp lại nhau, tuy cháu có vẻ già giặn hơn nhưng vẫn còn giữ được nét thanh xuân ngày nào, và khi kể lại cuộc tao ngộ bất ngờ trên chuyến xe đó ngày xưa, hai chú cháu cười nói rất tâm đắc mà có một lúc bất chợt tôi bật mí với cháu là nếu ngày ấy cháu không phải là cháu của chú thì không biết ngày sau sẽ ra sao khiến cháu cười thật vui với nét mặt thật rạng rỡ và dễ thương biết chừng nào. Tôi có cơ hội gặp lại cháu một lần nữa khi cháu cùng gia đình chuẩn bị qua định cư tại Mỹ mà đến bây giờ tôi cũng chưa biết họ ở đâu.

           Ngày nay, tuổi đã ở bên bờ 80 "cổ lai hi", khi bất chợt hồi tưởng lại những chuyện trùng hợp của một thời đã qua, những bất ngờ thật thú vị đầy kịch tính, những thời gian nở hoa bên dòng sông Sa hiền hòa với những cánh lục bình trôi dạt đôi bờ và lững lờ trôi lên xuống hằng ngày, tôi bổng chạnh lòng nhớ lại người cháu gái xinh đẹp, duyên dáng và dễ thương ngày xa xưa ấy xem như một kỷ niệm đẹp, thật đẹp không bao giờ có thể quên được trong đời.

 

             TRẦN BÁ XỬ, Springfield, Massachusetts

             Một đêm đông lạnh lẻo, 6 tháng 12, 2014 

Hồi Ký

MỐI TÌNH ĐẦU DANG DỞ

"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở"

________________Hồ Dzếnh

 

Lời Mở Đầu

Ở độ tuổi học trò, chắc hẳn có khá nhiều học sinh thường nghêu ngao hai câu thơ quen thuộc dưới đây:

"Tình chỉ đẹp khi còn dang dở

Đồi mất vui khi đã vẹn câu thề"

 

Thuở ấy tôi cũng không phải là biệt lệ nên cũng mày mò tìm xem tập thơ Quê Ngoại của thi sĩ Hồ Dzếnh để thấy được những câu thơ trữ tình trong bài "Ngập Ngừng", lúc bấy giờ được phổ thành nhạc mà tôi rất tâm đắc với câu "Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân..." để mở đầu cho những vần thơ ướt át tiếp nối như:

"Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé,

Tôi sẽ trách - cố nhiên - nhưng rất nhẹ,

Nếu trót đi, em hãy gắng quay về,

Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề,

Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở...."

 

Chữ "dang dở" trên đây dường như cứ quấn quit mãi bên tôi nên tôi thường hay gặp những tình huống dỡ khóc dỡ cười trong các hoàn cảnh dang dở không trọn vẹn như thế trên bước đường học vấn cũng như trong cuộc sống sau này.

Về học vấn, vào cuối thập niên 1940, cha tôi đã lo lắng và chuẩn bị mọi thủ tục cho tôi xin vào học năm đầu tiên (lớp sixìème) của Trường Chasseloup Laubat, Saigon từ hành trang quần áo đến giày vớ, sách vở theo quy định của trường, nhưng cơ may không đến khi gần đến ngày tựu trường mà chưa nhận giấy chấp thuận cho nhập học vì nhà trường còn đợi quyết định cho miễn tuổi (dispense d'âge) của viện đại học Đà Lạt (Recteur de Dalat), Cuộc học bị dở dang vì khi giấy chấp thuận gởi về thì trường đã khai giảng được một tuần rồi!

Sau đó, một phú ông có quốc tịch Pháp ở cùng quê cho phép tôi qua Pháp để học chung với hai cậu con trai của ông là bạn học cùng lớp với tôi nhưng Mẹ tôi khóc sướt mướt không chịu vì không nỡ đành xa tôi một thời gian dài. Thế là dở dang trên bước đường học vấn mà tương lai có lẽ sẽ sáng sủa hơn.

Tôi cũng đã để vuột khỏi tầm tay một dịp may cuối cùng của thời học sinh khi tôi và vài anh bạn học giỏi cùng lớp được phép tham dự buổi trắc nghiệm xem có đủ khả năng lên trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn dự kỳ thi BEPC (Brevet d'Études Premier Cycle) của Pháp tương đương Trung Học Đệ Nhất Cấp khi đang học năm thứ 3 (Troisième Année) để nhảy một lớp, nhưng trời xuôi đất khiến thế nào mà trưa hôm đó tôi bị nhức đầu và ngủ quên, đến khi thức dậy thì đã trễ giờ thi rồi nên tôi đã đánh phải chịu dở dang đánh mất một cơ hội bằng vàng.

 

Mối Tình Đầu Dang Dở

Những ngày tháng mới quen nhau.

Riêng tập hồi ký nhỏ này nêu lên sự dang dở rất đáng tiếc trong mối tình đầu đầy thơ mộng của đôi trai gái sống chung dưới một mái nhà, thương yêu nhau thắm thiết từ thuở còn rất trẻ khi nàng sắp đến tuổi trăng tròn và chàng chỉ hơn nàng bốn tuổi, với một mối tình trong sáng theo đúng khuông phép Khổng giáo, một mối tình đầu keo sơn tưởng như không bao giờ có thể phân ly được để trở thành một cặp uyên ương lý tưởng của trần gian trong tương lai.

Ngày ấy, chàng là cậu học sinh mới lớn lên vừa tốt nghiệp Trung học đệ nhất cấp Pháp (BEPC/Brevet d'Études du Premier Cycle), và mới vượt qua kỳ thi đua gay go với các thí sinh đến từ đồng bằng sông Cữu Long như Long Xuyên, Châu Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Sađéc, Vĩnh Long, Trà Vinh và Cần Thơ để vào học lớp Seconde Moderne của Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ.

Gia đình nàng và chàng rất thân thích như ruột thịt vì cha của hai người nguyên là anh em kết nghĩa cùng với một ông bạn khác được ví như như bộ ba "đào viên kết nghĩa" thời Tam Quốc (Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi) hay "ba người ngự lâm pháo thủ" cùa đại văn hào Pháp Alexandre Dumas (Les Trois MousquetairesAthos, Porthos, và Aramis). Riêng về ba người ngự lâm pháo thủ Việt-Nam này thì ba của chàng là anh cả còn ba của nàng là em út, họ kết thân với nhau như anh em ruột thịt trong gia đình vậy, nên khi chàng trai được chấp thuận nhập học Trường Phan Thanh Giản nổi tiếng của miền Nam Việt-Nam lúc bấy giờ thì thân phụ chàng đã vui mừng giao trọng trách nuôi dưỡng cậu trai út cho vợ chồng người em kết nghĩa của mình. Bởi lý do trên nên tuy có tiếng là ở trọ nhưng trên thực tế cũng như ở chung trong một gia đình vậy. Cậu học sinh này thứ bảy, học cũng khá giỏi và được nuông chìu tử thuở còn bé, vì là con trai út trong gia đình, nhưng khi qua Cần Thơ cậu bổng nhiên trở thành người anh cả trong gia đình thứ hai này. Vì ba nàng mới lập gia đình, đặc biệt là do ba của chàng làm chủ hôn, nên năm người con đều còn rất trẻ mà cô gái lớn nhất chỉ ngắp nghé tuổi trăng tròn mà thôi cùng với hai em trai và hai em gái còn nhỏ dại ngây thơ. Ngày ấy, dưới tầm mắt của chàng, nàng chỉ mới là cô bé mà chàng thầm nghĩ như là "con nít con nôi hôi bọ chét" nên trong suốt nửa năm đầu, chàng có vẻ bất công khi xem nàng như cô bé "mủi dãi lòng thòng" không đáng quan tâm nên ra cái điều là kẻ cả tuy không dám bắt nạt nàng mà thôi. Mà cũng bất công thật khi mấy chị em đều rất trắng trẻo giống như cha mẹ chứ không đen ngòm xấu xí như chàng trai này đâu. Có lẽ vì chàng trai không quan tâm đến mấy chị em cô nàng do phải chăm lo việc học kẽo thua sút bạn bè. Về phần cha mẹ nàng thì rất mực thương yêu chàng và xem chàng như con ruột mình vậy nên chàng trai rất yên tâm chuyên chú vào việc học.

 Trong hai năm theo học Tú Tài I, chương trình lớp Seconde (Tân Đệ Nhị) có phần nhẹ nhàng hơn lớp Tân Đệ Nhất nên ngoài việc cần cù học tập chàng còn có một số thời gian rổi rảnh để rèn luyện thân thể như tập thể dục, thực tập các môn xà đơn (barre fixe), xà đôi (parallèle), leo dây, nhảy xa, nhảy cao, chạy bộ hay học nhu đạo, đánh bóng chuyền, bóng bàn, bơi lội qua sông Cần Thơ, v.v. . Theo thời gian, càng ngày cô chị cả cảng "trổ mã" trông cũng xinh xắn tệ, nàng tránh nhìn thẳng váo mắt chàng và có dáng vẻ bẽn lẽn hơn trước khi chàng mới đến ở trọ. Da các em nàng rất trắng, riêng nàng có thêm vẻ phơn phớt hồng trông rất dễ thương, nhưng lúc bấy giờ chàng chưa thấy rung động khi đứng trước mặt nàng.

Từ thuở còn ở bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp, chàng đã ôm giấc mộng được đứng lên bảng đen để giảng dạy tuy ngày ấy chàng vẫn chưa bộc lộ được khả năng này. Đến khi qua Cần Thơ, nhất là vào năm Seconde Moderne, vì anh chàng thấy có một số thời gian rổi rảnh sau giờ học nên mới manh nha nảy ra sáng kiến đi dạy kèm học sinh như một gia sư (nói cho có vẻ oai vậy mà) hoặc mở lớp dạy kèm một vài em học sinh có ý định luyện thi vào năm thứ nhất bặc Trung học (đệ thất hay lớp sáu). Một dịp may đến vừa đúng lúc cô bé chung nhà chàng (người chị cả trong nhà tức là nàng đó mà) cũng cần có người hướng dẫn để luyện thi vào lớp 6 nên khi chàng nêu lên ước muốn mở lớp luyện thi với cha mẹ nàng thì cha nàng, cũng là Chú của chàng, tán đồng ý kiến ngay. Cha nàng là một người có trình độ học vấn cao, dường như có bằng Tú Tài Pháp thời bấy giờ nên rất quan tâm đến việc học của các con mình. Thế là nhờ sự động viên của cha nàng và sự giới thiệu cùa cha mẹ nàng với hàng xóm láng giềng và nhất là nàng, nên chỉ trong một thời gian ngắn, số ứng cử viên, ủa quên không phải là ứng cử viên mà là vài cô bé đang học gần xong lớp 5, cùng với nàng rầm rộ kéo đến căn nhà bé nhỏ của nàng để xin "thọ giào" cùng anh chàng  giáo viên bé tí tẹo chỉ hơn các cô nàng học sinh khoảng bốn năm tuổi mà thôi. Ngày ấy, sĩ số lớp học đầu tiên của chàng chỉ vỏn vẹn có tám "cô nương" tham dự, điểm đặc biệt là không có một cậu "nhóc tì" nào cả, có lẽ con trai trong xóm của chàng còn kỳ thị cậu giáo viên cũng còn nhóc con như họ chăng?  

Ngày còn mài đủng quần dưới mài trường Collège de Vĩnh Long, chàng rất chăm chỉ học và thường mua những quyển sách dành cho giáo sư giảng dạy (livre du maitre) thay vì livre d'élève dành cho học sinh vì có phần giảng thêm mà đôi lúc học sinh có thể chưa biết đến, đồng thời chàng cũng rất chăm chú nghe lời chỉ dạy của các giáo sư nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực giáo dục để trang bị những kiến thức căn bản tối thiểu rất hữu ích cho việc giảng huấn sau này. Khi bắt đầu mở lớp dạy kèm mấy cô nữ sinh bé tí nhí nha nhí nhảnh này, chàng đã chú tâm đem những kinh nghiệm quý báu đã học hỏi được ở trường để truyền đạt lại cho các em và ước mong sao đạt được kết quả khả quan trong kỳ thi vào lớp 6 sắp tới đây. Sự miệt mài giảng dạy của chàng đã không khiến chàng thất vọng khi biết tin tất cả tám cô học sinh "đầu tay" của chàng đều đậu hết. Niềm vui được chia đều cho tất cả học sinh và gia đình có con em thi đậu, nhưng chắc hẳn có lẽ có hai người vui nhất, trước tiên là người học trò ruột của chàng, cô nàng học sinh con gái đầu lòng cưng của Chú Thím chàng chứ còn ai vào đây nữa, và kế đó dĩ nhiên phải là chàng, một cậu giáo viên "bất đắc dĩ", được xếp hạng như "le maitre malgré lui". Ngoài ra, niềm hân hoan này được nhân lên gấp bội vì sau đó chàng đã nhận được một phần thưởng rất đáng khích lệ khi các bà mẹ và phụ huynh các cô nương học sinh khệ nệ mang đến biếu "thầy giáo bé con" nào xoài cát, xoài thanh ca, và không biết cơ man nào là chuối, cam, quit, mận, ổi, v.v., tóm lại là những thứ mà anh chàng rất thích, rất hẩu xực!

Tiếng lành đồn xa nên sau đó lớp học tư bé nhỏ của chàng được mở rộng hơn trước để đón nhận nhiều học sinh hơn trong suốt thời gian chàng theo học lớp Seconde Moderne. Rồi kỳ nghỉ hè cũng đến, chàng phải trở về quê để gặp cha mẹ và gia đình. Không ngờ, ở tỉnh lỵ quê chàng cũng có một trường trung học tư thục mà người chú của chàng là hiệu trưởng. Khi biết cậu cháu về quê nghỉ hè và nghe qua vài thành tích khiêm nhường của người cháu có lẽ do cha chàng thổi phồng nên ông chú mời chàng phụ giúp chú giảng dạy môn Pháp văn, đặc biệt chú trọng về vở bi-hài kịch Le Cid (tragic-comédie Mocedades Del Cid) vào thế kỷ 17 do đại thi hào Pháp Pierre Corneille (6/6/1606 - 1/10/1684) sáng tác. Cuối cùng, chàng đã nghe lời cha để phụ giúp ông chú giảng dạy cho xong năm chương diễn từ 1 đến 5 (Acte I đến Acte V) mà hai chương đầu đề cập đến mối tình thơ mộng của chàng trai anh tuấn tài ba Don Rodrigue con của Don Diègue và nàng kiều nữ xinh đẹp con của Bá tước Don Gormas là Chimène.  Ngày còn ở trường học, chàng rất say mê vở kịch nổi tiếng này và rất thích thú về mối tình tuyệt đẹp nhưng đầy trắc trở của cặp tình nhân trai tài gái sắc này nên khi giảng đến đoạn này, chàng đã say mê đem hết tâm trí vào việc diễn tả những tình tiết gay cấn trong vở kịch khi nàng Chimène bị giằng co giữa tình phụ tử và tình yêu nên chàng đã vô tình quên béng mất bản thân mình cũng chỉ là một cậu trai mới lớn lên mà thôi. Khi bài giảng chấm dứt, chàng ung dung ra về và chợt nghe có tiếng cười khúc khích khá gần chỗ chàng đang rảo bước với lời nhận xét dường như cố tình đủ để chàng nghe thấy "anh thầy giáo bé con này mà cũng bày đặt giảng dạy về tình yêu, thật ngộ nghĩnh vô cùng phải không các bồ?". Trên đường về, anh chàng thấy quá ngượng ngùng và có ý định xin phép ông chú cho nghỉ dạy nhưng không được cả người cha và chú chấp nhận.

Khi trở lại Cần Thơ, chàng trai vẫn duy trì lớp học một thời gian nữa rồi bắt buộc phải chấm dứt để chuyên lo luyện thi Tú Tài I cho chính bản thân mình, tuy nhiên chàng vẫn tiếp tục hướng dẫn riêng cô nàng học thêm để khỏi thua sút bạn bè nhất là khi có một "gia sư" luôn luôn ở bên cạnh. Lửa ở gần rơm có ngày cũng xảy ra hoả hoạn nhưng đây không phải là lửa cháy rừng mà là ngọn lửa tình đang âm ỉ cháy trong lòng cặp trai gái vẫn gặp nhau hằng ngày dưới một mái nhà. Rồi có một hôm, việc gì đến ắt sẽ đến, chiều hôm ấy, nhân lúc cha nàng đang làm việc tại hảng xe Đại Đồng, một hảng xe lớn của tỉnh lỵ Cần Thơ và mẹ nàng bận ra chợ Cần Thơ mua thức ăn cho gia đình, chàng đã lợi dụng cơ hội ngàn năm một thuở này để ngồi kế bên nàng và tâm sự, nhưng tựu trung vẫn là chuyện trên trời dưới đất, chuyện nắng chuyện mưa, nghĩa là những chuyện không vào đâu cả mà chưa bao giờ đá động đến chuyện tình cảm càng ngày càng sâu đậm giữa hai người. Mà nói gì bây giờ vì khi nhìn thấy mặt nhau thì nàng vội bẻn lẻn cuối đầu không dám ngước lên nhìn thẳng vào mắt chàng trong khi chàng cũng ngượng nghịu hết vò nát chiếc lá cây đang cầm trong tay đến dẫm chân trên mặt đất dường như đang nghiền nát một con kiếng vô tội nào đó đang vô tình chạy qua. Cuối cùng chàng cũng ráng lấy hết can đảm để báo một cái tin lảng xẹt là vào cuối niên học này chàng sẽ phải lên Sài-Gòn học tiếp nên không còn ở Cần Thơ nữa để hướng dẫn việc học của nàng nữa, nhưng không ngờ câu nói ấy khiến nàng buồn bã đứng lặng người một thoáng chốc rồi vội vã chạy vào nhà nằm úp mặt vào gối và thút thít khóc một mình. Chàng hốt hoảng rượt theo nàng thì cũng vừa đúng lúc mẹ nàng đi chợ về làm chàng khựng người lại để chạy ra phụ mang thức ăn vào nhà. Sau đò, chàng đã tỏ ra tiếc hùi hụi vì đã bỏ dịp may quý hơn vàng để tâm sự nhiều hơn với nàng, nhưng thật sự chàng cũng chẳng có đề tài gì để nói với nàng ngoài những chuyện bâng quơ không đâu vào đâu cả. Nhưng cũng kể từ dạo ấy nàng tỏ vẻ chăm sóc chàng nhiều hơn ở một chừng mực hạn chế trong vòng lễ giáo. Như đã đề cập ở trên, cha nàng là người có ăn học, các anh của cha nàng là những bậc khoa bảng mà hai ông anh đều là hiệu trưởng trường trung học tư thục Tân Thanh, một trường tư thục nổi tiếng của Sài-Gòn lúc bấy giờ, nên tỏ ra rất dè dặt trong cách ứng xử với mọi người. Chàng rất hiểu cha nàng rất thương quý chàng nhưng không bao giờ nói ra những điều thầm kín trong lòng. Riêng đối với mẹ nàng thì cách ăn nói dịu dàng âu yếm chứng tỏ chàng đã có một vị trí rất thuận lợi qua ánh mắt dịu dàng của một người mẹ rất mực thương yêu con gái rượu của mình. Tuy gia đình nàng không được khá giả như gia đình chàng nhưng mỗi khi có dịp tốt là mẹ nàng thường hay mua bành trái về để thết đãi các con mà chàng lúc nào cũng được ưu tiên hơn nên chàng rất cảm động xem như đây là gia đình ruột thịt của mình vậy. Dần dà mối tình đầu chớm nở một cách kín đáo giữa đôi trai gái và càng ngày càng thăng hoa với thời gian. Sau đó không lâu, một dịp may lại đến khi đôi trẻ có dịp gần nhau để tâm tình cởi mở hơn nhưng vẫn trong vòng lễ giáo mà chàng ước mơ sẽ có ngày cùng nàng lên hoa và dành cho nàng tất cả những gì trân quý nhất trong lễ vu quy của nàng. Và chỉ đến ở chừng mực ấy mà thôi nên lúc nào chàng cũng tôn trọng nàng không bao giờ dám làm điều gì lỗ mãng trái ngược với lễ giáo, ngay đến cả việc nắm lấy bàn tay nàng chàng cũng không dám.

Thời gian đã trôi qua thật nhanh, thật vô tình. Thắm thoát mà sắp đến ngày phải xa gia đình nàng để lên Sài-Gòn chuẩn bị thi Tú tài I tại Trường Chasseloup Laubat Sài-Gòn. Lúc bấy giờ ở xóm nàng cư ngụ nói riêng và ở tỉnh lỵ Cần Thơ nói chung thường xảy ra trộm cướp vào ban đêm nên thường có tiếng chó sủa suốt canh thâu làm nhiều gia đình nơm nớp lo sợ, kể cả gia đình của nàng vì mỗi lần cha nàng đi công tác ở Sài-Gòn thì ở nhà, ngoài chàng ra, thì chỉ còn lại võn vẹn có mỗi một người đàn bà và ba cô con gái còn rất trẻ.

Chàng còn nhớ mãi cái đêm sau cùng trước khi lên Sài-Gòn chuẩn bị thi Tú Tài I, cũng như mọi đêm, chó thường hay sủa rất lâu và nhiều. Chàng đang miên man suy nghĩ và lo lắng cho những ngày sau này khi vắng bóng chàng thì mẹ con gia đình nàng sẽ đối phó ra sao khi có kẻ cướp, rồi dần dần đi vào giấc ngủ chập chờn thì chợt giật mình khi thấy có bóng một người con gái đến gần cái divan nơi chàng đang ngủ. Chàng choàng tĩnh dậy và nhớ loáng thoáng có lẽ khi đang mơ màng chàng đã vô tình gây tiếng động nên nàng cứ ngỡ chàng có ý gọi nàng để đề phòng ăn cướp nên mới đi ra gặp chàng. Vẫn chưa tĩnh cơn mơ, chàng vội ngồi dậy để hỏi nhỏ nàng có chuyện gì thì nàng khẻ bảo cháng "em lo sợ ăn cướp quá anh ơi!" Cũng không kém phần sợ hãi như nàng nên trong một vài giây phút quýnh quáng như còn đang trong giấc mơ,  chàng bất chợt vén mùng lên để mời nàng chui vào cho có vẻ an toàn hơn? Trời đất quỹ thần ơi, đây là lần đầu tiên hai người cùng nằm chung trên bộ ván divan nên chàng không biết nói năng làm sao mà nàng có lẽ vì có cảm tình với chàng nên cũng riu ríu nằm xuống cạnh bên chàng mà không thốt nên một lời nào. Như đã nói ở trên, hai người luôn luôn tôn trọng lẫn nhau nên hai người chỉ đề cập đến chuyện cướp và chàng khuyên nàng nên cẩn thận đề phòng khi chàng vắng mặt mà thôi, và không biết nói thêm câu nào cho ra hồn nữa. Tay chân của chàng bổng nhiên thừa thãi không biết phải làm gì, cuối cùng lần đầu tiên trong đời, chàng cảm thấy thương yêu nàng vô cùng nên  đã bạo gan thủ thỉ bên tai nàng "Cho anh hôn em một cái nghe em?", và không kịp có thời gian nghe câu trả lời của nàng, chàng vội choàng qua người nàng và hôn phớt lên trán nàng một cái thật nhẹ như gió thoảng qua vậy. Nàng co rúm người có lẽ vì mắc cở chớ không nói năng gì cả, chàng càng thấy nàng quá mong manh tự như hơi sương có thể tan biến lúc nào không biết nên tình thương yêu nàng càng tăng lên bội phần nhưng chỉ biết thủ thỉ bên tai nàng với lời khuyên nên tự biết bảo vệ mình trong thời gian vắng xa nhau, ráng lo học hành và giúp đỡ ba mẹ và các em nàng. Ngoài ra, điều quan trọng nhứt chàng muốn nhắn nhủ để nàng yên tâm là chàng sẽ nhờ ba má qua gặp ba má nàng để dạm hỏi nàng trong khi chờ đợi chàng tốt nghiệp Tú Tài toàn phần và có công ăn việc làm vững chắc sau này. Nàng không nói gì cả, chỉ tiếp tục tựa đầu vào vai chàng và dường như đang nghẹn ngào trong tiếng nấc khe khẻ khiến lòng chàng xốn xang vô cùng Sau đó, vì thấy thời gian gần nhau đã khá lâu nên chàng vội vàng bảo nàng về ngủ vì ngại sẽ đánh thức mẹ nàng đang ngủ chung giường với nàng ở bên cạnh. Nàng riu ríu nghe lời chàng và trở về ngủ tiếp. Trong tận đáy lòng chàng, dường như có cái gì còn vương vấn và tiếc ngẩn tiếc ngơ nhưng chàng kịp kềm chế lòng mình với ước mơ sau này sẽ dành cho nàng thật trọn vẹn trong ngày cưới hỏi đàng hoàng có sự chứng kiến của cha mẹ hai bên. Chàng không ngờ đó là cái đêm định mệnh chứng kiến khúc quanh của một mối tình vừa chớm nở của hai người thương yêu nhau thắm thiết để rồi chàng không giữ được lời hứa ban đầu khiến cho cuộc tình bị dở dang một cách oan uổng gây tiếc nuối cho cả hai trong suốt cả cuộc đời.

Những Ngày Xa Cách - Thời Gian Ở Quân Trường

Sau cái đêm đầy ắp kỷ niệm đó, nàng đã ôm mối tình đầu đầy mộng mơ khi vừa mới bước qua ngưỡng cửa của tuổi 16. Nàng vẫn tiếp tục việc học ở trường Trung Học Phan Thanh Giàn Cần Thơ với ước mơ sẽ gặp lại người trong mộng trong một tương lai không xa.

Phần chàng, con đường còn xa ở phía trước vì nay mai rất gần chàng phải thi đậu Tú Tài I, sau đó tiếp tục phần 2 để có đủ điều kiện thi vào Trường Đại Học Sư Phạm với hy vọng thực hiện giấc mơ trở thành thầy giáo mà chàng đã mong ước từ rất lâu. Tuy nhiên, trong cuộc đời có những ước mơ không bao giờ trở thành hiện thực được. Khi chàng vừa đủ điều kiện để thực hiện mộng làm nghề gỏ đầu trẻ thì cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc bổng chốc trở nên khốc liệt. Lúc bấy giờ, vài anh bạn cùng lớp với chàng bị động viên vào Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức hay tình nguyện vào Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt để đáp ứng nhu cầu chiến trường, có một số phải đổi ra tận miền Bắc để chiến đấu ngay, và có một vài anh đã tử trận khi chưa kịp hưởng lương sĩ quan!

Dạo ấy, chàng có người anh bà con là Đại úy đang phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu cho biết Thủ Tướng Ngô Đình Diệm vừa mới về nước chấp chánh, một người đã từng du học và họat động nhiều năm ở các nước tân tiến, một người có đầu óc cấp tiến, muốn phát triển và nâng cao hiệu năng của quân lực hầu có thể theo kịp đà tiến bộ của các nước văn minh trên thề giới. Ông đã phối hợp chặt chẽ với chính phủ Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ để mở lớp huấn luyện đào tạo sĩ quan hiện dịch tại Trường Võ Bị Đà-Lạt hoàn toàn theo chương trình huấn luyện của Mỹ thay vì Pháp với thời gian học 2 năm và tu nghiệp 1 năm tại Hoa Kỳ để nâng cao phẩm chất của Quân đội. Nghe tin trên, chàng vừa làm đơn gởi Trường Đại Học Sư Phạm vừa gởi về Bộ Tổng Tham Mưu để tham gia lớp đào tạo sĩ quan hiện dịch. Vài tuần lễ sau, chàng nhận giấy gọi nhập học của cả hai nơi. Khi trình giấy gọi cho phụ thân thì cha chàng cương quyết từ chối cho chàng theo binh nghiệp mặc dù chàng đã trình bày các lợi ích trước mắt là thời gian học khá dài (khoảng 3 năm) khỏi phải ra chiến trường đang trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng đầy hiểm nguy như lúc bấy giờ nhưng cha chàng chỉ muốn chàng trở thành giáo chức mà thôi. Cuối cùng, chàng phải nhờ mẫu thân là người rất mực thương chàng là con trai út nên không muốn chàng gặp nguy hiểm tánh mạng, Cuối cùng, mẹ chàng đã thắng, và như vậy là chàng đã đánh mất giấc mộng làm giáo viên và xếp bút nghiên theo việc kiếm cung. Trước khi khởi hành lên Đà Lạt, chàng tạm trú ở nhà ông bác "đào viên kết nghĩa" thứ hai và cũng là anh kết nghĩa của cha người yêu bé bỏng của chàng đang ở Cần Thơ đó mà. Vì còn mong mỏi con trai mình theo ngành giáo dục nên cha chàng đã theo chàng lên Sài-Gòn và nhở chú cùa chàng đến nhà ông bác để thuyết phục chàng cả một đêm yêu cầu chàng bỏ ý định đi Đà-Lạt, nhưng không thành vì chàng đã nhất quyết chọn binh nghiệp cho đời mình rồi.

Nghe tin chàng theo võ nghiệp, nàng cũng có vẻ buồn vì theo thiển ý của nàng, việc chàng phục vụ trong quân ngũ không hẵn đã được an toàn nhưng nàng chỉ nhắn người nhà của chàng ở Sa-Đéc báo cho chàng biết nàng không phản đối, chỉ thiết tha mong sao chàng sớm về đoàn tụ với nàng để tránh những ngày sống lẻ loi ở quê nhà không có chàng ở bên cạnh để chở che an ủi.

Những ngày tháng dài ở quân trường nổi tiếng vùng Đông-Nam-Á đã rèn luyện chàng trở thành một sĩ quan gương mẫu có kỷ luật thép và kỹ thuật hiện đại như ở quân trường Saint-Cyr của Pháp hay West Point của Hoa Kỳ.

Trong suốt thời gian dài đăng đẳng xa nhau, tuy chỉ cách xa nhau hơn ba trăm cây số nhưng cặp tình nhân thấy dường như họ là cặp Ngưu Lang - Chức Nữ không biết bao giờ mới gặp lại nhau! Trong ngần ấy thời gian xa nhau, chỉ hơn một năm trước khi sang du học tại Hoa Kỳ sau khi tốt nghiệp Trường Võ Bị Đà Lạt, họ chỉ liên lạc với nhau qua thư từ chừng ba hay bốn lần là cùng vì chương trình học quân sự và văn hóa ở quân trường rất vất vả không còn thời gian trống để biên thư cho nhau. Trong thời gian này, nàng vẫn tiếp tục học ở trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ cùng ngang lớp với người em con ông chú của chàng ngụ tại Đầu Sấu tỉnh lỵ Cần Thơ, do vậy chàng vẫn luôn luôn nhận được tin tức của nàng qua trung gian của cậu em con ông chú của chàng.

Thời gian thắm thoát như thoi đưa, cuối cùng rồi chàng cũng tốt nghiệp Trường Võ Bị Liên Quân Đà lạt với sự chủ tọa của Tổng Thống Ngô Đình Diệm trong ngày lễ mãn khóa với tên khóa "Cộng Hòa" để đánh dấu khóa học đầu tiên của nền Đệ Nhất Cộng Hòa do Ông đề xướng và theo dõi từng bước chân đi của khóa học mà mỗi lần Ông lên viếng trường đều luôn luôn được sinh viên sĩ quan cả khóa ra tận phi trường Liên Khương dàn chào và tiếp đón.

Thời gian du học

Gần hơn nửa tháng sau ngày mãn khóa, cả khóa học đều được gởi đi thụ huấn hai khóa bổ túc quân sự và chuyên môn hơn 10 tháng tại Trường Bộ Binh Fort Benning, tiểu bang Georgia, Hoa Kỳ. Ngày đầu tiên đến Hoa Kỳ, chàng đã viết cho nàng một bức thư dài nói lên lòng thương yêu và nỗi nhớ nhung vô vàn khi ở đất khách quê người. Gần một tháng sau chàng mới nhận được thư hồi âm mà chàng xem như báu vật.

Bổng nhiên, cuộc tình thật lãng mạn và êm đềm của cặp tình nhân tưởng chừng như hạnh phúc nhất hành tinh này đã gặp ngay một khúc quanh đầy trắc trở mà khi viết những dòng chữ này, chàng vẫn thấy tiếc nuối tận đáy lòng và trách sao con tạo lại quá trêu ngươi! Khoảng ba tháng sau, chàng nhận được một bức thư của người em con ông chú đang cùng học chung trường với nàng báo cho chàng hay một tin "động trời" đáng ngờ vực đưa đến cho chàng một dấu hỏi vĩ đại. Chàng xem bức thư cả chục lần, đọc cẩn thận từng chữ một như không tin vào chính mắt của mình. Trong bức thư, người em cho biết có một hôm đã vô tình chứng kiến cảnh người chị dâu tương lai của em, là nàng chớ còn ai vào đây nữa, đã nói chuyện thân mật với một nam học sinh khác lớp khá lâu, và cậu nam sinh này đã trao cho nàng một quyển tập mà em để ý thấy có để một bức thư trong đó trước khi hai người từ giả nhau. Cũng vẫn theo lời người em, em cho biết đã thấy hai lần tương tự như vậy?  Tình yêu của chàng dành cho nàng rất trong sáng không có một chút vẩn đục nào cả, chàng cũng như nàng đều mong mỏi có ngày được kết hợp với nhau thành một để nên duyên chồng vợ suốt cả cuộc đời. Ban đầu, lá thư của người em đã khiến chàng buồn vô hạn khi nghĩ đến câu "cách mặt xa lòng" như Pháp có câu "loin des yeux loin du coeur' hay câu "out of sight out of mind" của Anh nên chàng rất đắn đo suy nghĩ để phân tích xem nàng có phải thuộc hạng ngưới chóng quên mối tình đầu mặn nồng đã vun đắp trong một thời gian dài hay không? Suy nghĩ mãi chàng vẫn chưa tìm ra đáp số vì chàng vẫn luôn luôn tin tưởng vào sự thủy chung của nàng. Sau hơn một ngày suy tư, chàng bèn viết ngay bức thư gởi về Cần Thơ cho nàng vì chàng muốn được chính nàng xác nhận sự thật của nguồn tin trên. Một tuần, rồi một tháng trôi qua trong im lặng, rồi một tháng nữa đã trôi đi trong sự nóng lòng muốn nhận được tin của nàng nhưng vô vọng. Sau đó, chàng cũng có viết thư về cho cậu em nhưng cũng không nhận được thư phúc đáp. Như vậy là bí mật đã trùm kín lên cậu chuyện do cậu em đưa tin, một câu chuyện đã đóng góp vào việc tan vỡ mối tình đầu đẹp nhứt trần gian của hai người đang quấn quit bên nhau mà sau này phải xa lìa nhau mãi mãi trong uất ức, nghẹn ngào.

Rồi thời gian cũng qua mau, thắm thoát mà hai khóa tu nghiệp cũng sắp chấm dứt. Chàng vẫn luôn luôn nghĩ đến người yêu bé bỏng đang cách xa nửa vòng trái đất ở tận mãi bên kia bờ Thái Bình Dương tuy trong lòng đôi khi có những lo ngại vu vơ vì chưa biết thực hư ra sao. Trong niềm ước ao được sớm trở về quê nhà để hỏi nàng nguyên nhân bặt tin của nàng tuy đôi lúc chàng còn biện hộ cho nàng vì đang còn là học sinh không có đủ điều kiện để gởi thư đi quá xa và dĩ nhiên quá tốn kém đối với nàng. Chàng đã cùng với anh bạn thân ra phố mua khá nhiều quà tặng cho người vợ tương lai của mình trong đó có một chiếc đồng hồ hiệu Longines cho phụ nữ với dự định khi về nước sẽ trao cho nàng làm quà cưới.

Trở về quê hương - Tình tan vỡ ngoài  ý muốn

Gần một năm trôi qua với biết bao biến đổi trên quê hương vẫn còn trong tình trạng chiến tranh ý thức hệ giữ hai miền Nam Bắc. Có đi ra nước ngoài mới thấy sự thanh bình, sự văn minh tiến bộ và sự phồn thịnh của đất nước tự do Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ để khi nhìn lại đất nước mình thì thật đau lòng xót dạ. Mới trở về nước, tất cả tân sĩ quan chúng tôi được nghỉ phép khoảng một tuần trước khi trình diện đáo nhậm đơn vị mới trong đời quân ngũ.

Lợi dụng thời gian nghỉ phép ngắn ngủi này, chàng đã nhờ một ngườn bạn thân ở Sa-Đéc chở qua Cần Thơ bằng xe vespa để thăm nàng và gia đình. Lúc bấy giờ nhà nàng chỉ có mẹ nàng và nàng đang loay hoay dưới bếp. Trông thấy chàng, mẹ nàng mừng rỡ thấy rõ nên sau nhiều câu thăm hỏi gia đình chàng, đã ân cần dặn nàng ngồi tiếp khách trong khi mẹ nàng lo vào bếp chuẩn bị thức ăn ngon để đãi khách quý. Người bạn của chàng đã xin phép ra thành phố Cần Thơ để chúng tôi được nói chuyện và hàn huyên tâm sự với nhau một cách thoải mái. Sau bao năm xa cách, nay gặp lại nhau trông nàng đã là một thiếu nữ cao lớn hơn, trắng trẻo hơn và dĩ nhiên là đẹp hơn trước nhiều. Nàng nhìn chàng với dáng vẻ bẽn lẽn và với đôi má ửng hồng trông thật duyên dáng vô cùng khiến chàng cảm thấy ngất ngây khi nghĩ tới ngày được cùng nàng nên duyên chồng vợ. Trong niềm vui thầm lặng ấy bất chợt chàng nhớ đến những thắc mắc còn vương vấn trong lòng trong thời gian xa cách nhau, đặc biệt về cái tin mà chú em của chàng cho biết vẫn chưa được nàng giải đáp thỏa đáng. Lúc đầu chàng yêu cầu nàng cho biết sao không có hồi âm, và tiếp theo là sự thật về nguồn tin nàng giao du thân mật với mới một học sinh khác, đồng thời nhỏ nhẹ tâm sự với nàng "Không ai có quyền ngăn cấm vấn đề tình cảm của người khác, nếu em thật sự có tình ý với anh ta thì anh không có quyền can thiệp vào, vậy anh xin em cho anh biết sự thật để chúng ta giải quyết thỏa đáng vấn đề này". Tuy nói cứng như vậy nhưng tim chàng cũng đau nhói khi nghĩ phải xa người mà mình rất yêu thích từ thuở còn rất trẻ. Chàng chăm chú nhìn nàng để xem phản ứng của nàng nhưng nàng chỉ cuối mặt xuống bàn đối diện mà không thốt ra lời nào cả. Chàng nhắc lại lần thứ hai thì cảm nhận thấy vai nàng đang run lên dường như nàng đang thút thít khóc thì phải.. Chàng đang miên man suy nghĩ rất nhiều, chàng không muốn mất nàng vì quá yêu thương nàng, nhưng cũng vì yêu nên chàng cũng pha lẫn lộn sự ghen tuông khi liên tưởng đến việc trong tim nàng còn có người khác. Qua vài lần chàng gạn hỏi mà nàng vẫn một mực giữ im lặng khiến chàng có phần gia tăng sự nghi ngờ. Bây giờ khi bình tâm suy nghĩ lại, chàng tự trách tại sao không vào hỏi ý kiến của mẹ nàng , biết đâu sẽ có lối thoát tốt đẹp hơn, nếu lúc ấy mẹ nàng xuất hiện thì đâu đến nỗi có hoàn cảnh éo le về sau, âu đó cũng là duyên số của hai người đang yêu nhau tha thiết phải gặp trắc trở như thế này. Vì không muốn ép buộc nàng phải hấp tấp trả lời một vấn đề vô cùng trọng đại nên chàng đã xin phép nàng ra phố khoảng nửa giờ để nàng có thời gian lấy lại bình tĩnh và suy nghĩ chính chắn trước khi trả lời. Khi chàng quay trở lại, nàng vẫn còn ngồi tại chỗ cũ, có lẽ nàng không vào bên trong để nói chuyện với mẹ nàng hay sao ấy, biết đâu chừng khi nàng hỏi ý kiến mẹ nàng, có thể mọi việc sẽ diễn biến khác hơn. Chàng tiếp tục đặt lại câu hỏi và nàng vẫn giữ thái độ im lặng? Đến đây là khúc quanh định mệnh của hai người khi chàng đưa ra một đề nghị thật trẻ con và hết sức ngu xuẩn đưa đến một hậu quả thật bi đát khiến chàng phải ân hận suốt cả cuộc đời. Không ai có thể đùa giỡn với tình yêu bao giờ , thế mà trong giây phút nghiêm trọng này, chàng đã đưa ra một đề nghị có tính cách quyết định như thế này: "Từ nảy giờ, em đã có đủ thời gian để suy nghĩ và tự chọn một hướng đi đúng nhứt cho mình rồi. Bây giờ anh hỏi em lần chót "em có quen biết thân mật với ai ngoài anh không?", nếu em bảo "không" thì mọi việc sẽ tốt đẹp như ngày trước, và anh sẽ là người hạnh phúc nhứt trần gian này. Không biết có phải định mệnh đã an bài trước hay sao mà kết quả vẫn là sự im lặng như các lần trước nên buộc lòng chàng đã đưa ra một đề nghị rất trẻ con và vô lý như sau: "bây giờ anh sẽ đếm từ 1 đến 3, nếu sau 3 tiếng mà em cho biết "không có" thì mọi việc sẽ rất tốt đẹp như chưa có gì xảy ra, nếu em vẫn giữ im lặng thì xem như em đã có người khác rồi để anh rút lui vĩnh viễn". Điều chàng không bao bao giờ mong muốn cuối cùng đã xảy ra khi sự im lặng của nàng đã tạo ra bấu không khí thật nặng nề sau khi chàng ngập ngừng đếm hết tiếng thứ ba. Điều này khiền chàng rất đau khổ nên chàng đã nói lên sự nuối tiếc khi nàng vẫn một mực giữ sự im lặng thật khó hiểu, sau đó chàng đã buồn bã từ giả nàng để trở về Sa-Đéc trong nỗi tuyệt vọng tột cùng quên luôn cả lịch sự tối thiểu là chào tạm biệt mẹ nàng, biết đâu khi ấy mẹ nàng sẽ có lời giải đáp thích đáng cho bí mật đang bao trùm lên cuộc tình vhưa có đoạn kết của hai người đang yêu nhau? Như vậy là bao nhiêu hy vọng tràn trề trong suốt lộ trình từ Sa-Đéc qua Cần Thơ giờ đây đã tan thành mây khói.

Khi trở về nhà trước khi chuẩn bị lên Saigon trình diện Bộ Tổng Tham Mưu để nhận nhiệm sở mới, chàng có hỏi phụ thân về việc hứa hôn của chàng trong thời gian chàng du học tiến triển ra sao thì cha chàng cho biết hai song thân đã gặp nhau rất lâu nhưng chưa có hứa hẹn gì cả khiến chàng thất vọng vô cùng vì nếu đã có ràng buộc qua việc hứa hôn thi chàng phải tuân theo cha mẹ chàng mà thôi. Với biết bao nỗi buồn dồn dập trên, tinh thần chàng bị suy sụp nặng nề nên chàng bị cảm sốt trong ba ngày liên tục, sau đó chàng cố gắng lên Saigon nhận sự vụ lệnh bổ nhậm về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung để làm nhiệm vụ huấn luyện tân binh quân dịch.

Trong suốt thời gian hai năm sau đó chàng không nhận được tin tức gì của nàng cả cho đến khi chàng lập gia đình. Khi ấy, chàng đã thăng cấp Trung úy chuyên trách huấn luyện môn vũ khí nhẹ bao gồn môn lựu đạn, mìn và cạm bẫy. Trong một lần về Saigon, chàng lái xe lambretta đổ xăng thì bất ngờ gặp lại nàng đang làm kế toán viên tại trạm xăng khá lớn ở đây. Khi nàng ngước mắt nhìn lên và thấy chàng, nàng mừng rỡ vô hạn còn chàng cũng không dấu nỗi lòng thương cảm của mình nhưng biết làm sao bây giờ khi chàng đã lập gia đình rồi. Sau một lúc lâu ngồi tâm sự ôn lại chuyện ngày xưa, nàng cho biết hiện đang ở chung với cha mẹ ngay tại Saigon. Chàng hứa sẽ đến viếng thăm cha mẹ nàng trong một ngày không xa. Khoảng gần một tuần sau, chàng đã chở vợ đếm thăm ba mẹ nàng. Mẹ nàng đón tiếp chàng cùng vợ với sự ân cần chu đáo nhưng trong ánh mắt mẹ nàng cũng không dấu được nỗi buồn kín đáo mà chàng đã nhận ra. Sau đó, thỉnh thoảng gia đình chàng đến thăm viếng gia đình nàng, riêng mẹ nàng vẫn giữ thái độ thương mến chàng như ngày còn ở Cần Thơ năm nào.

Thời gian trôi qua nhanh, thoáng chốc mà chàng đã thăng cấp Thiếu tá và đã chuyển về phục vụ tại Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu. Trong một dịp khi chàng vừa lái xe jeep gần tới chỗ cha nàng và nàng đang làm việc chung với nhau, dường như hảng bảo hiểm ở đương Nguyễn Chu Trinh, Saigon thì phải, thì chàng thấy nàng đang rảo bước  đến gần xe chàng đang chạy khiến chàng ngừng xe lại. Đột nhiên, nàng leo lên ngồi ngang chỗ chàng và bất ngờ ôm chặt chàng vào lòng và khóc nức nở khiến chàng bàng hoàng pha lẫn cảm xúc không biết nguyên nhân ra sao. Sau đó, nàng cho biết vừa trở về từ bệnh viện Grall ở Đồn Đât với tin sét đánh là nàng bị ung thư. Có lẽ nàng quá xúc động với tin chẳng lành này, và sự bộc lộ sau bao nhiêu dồn nén về tình cảm bấy lâu nay khiến nàng không còn dè dặt gì nữa khi biết mình sắp lìa bỏ tất cả. Nàng ôm chàng rất lâu, đây là lần đầu tiên trong đời hai người ôm nhau như thế này, sau đó nàng dẫn chàng lên lầu hai là nơi làm việc của cha nàng và nàng để nàng bàn giao mọi thứ trước khi thôi việc mà nàng dự định để chuẩn bị cho những ngày cuối của cuộc đời mình trước cặp mắt tò mò lẫn ngạc nhiên quá độ của các nhân viên đồng sự. Chàng thực sự cảm động tận đáy lòng về tấm chân tình của người con gái mà chàng đã yêu say đắm một thời gian khá dài.

Khoảng một năm sau đó vào đầu năm 1971, chàng được thăng cấp Trung tá, và đã cùng vợ đến thăm gia đình nàng thì được biết lời chẩn đoán nàng bị ung thư trước đây không đúng sự thật nên nàng đã tìm được sự bình yên  trong cuộc sống. Hơn một năm sau đó, bất ngờ nàng đến thăm gia đình chàng và ngồi tâm sự với chàng rất lâu, điều đặc biệt là vợ chàng cũng rất quý mến nàng, sau đó nàng đã nói riêng với chàng một câu mà chàng nhớ mãi suốt đời "Em đến báo cho anh biết tin em Thới, người em trai út của nàng, sắp tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức (trường đào tạo sĩ quan trừ bị), đây là lần đầu tiên em nhờ anh và cũng xem như là bổn phận của anh, phải lo mọi việc cho em ấy". Chàng đã vui vẻ nhận lời và đã nhờ bạn bè lo cho em nàng để sau này em được về phục vụ tại Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Vũng Tàu mà nếu không có biến cố Tháng Tư Đen thì chàng cũng sẽ về làm việc chung với em tại đây.

Bức màn bí mật    

Qua không biết bao nhiêu thăng trầm từ sau ngày chàng phải đi tù cải tạo trong hơn 8 năm, chàng chỉ được biết nàng đã cùng chông qua định cư tại Canada trong khi cha mẹ nàng và các em qua Mỹ sinh sống, chàng luôn luôn mong muốn có dịp được biết tin tức của gia đình nàng nhưng vẫn không tìm thấy.

Mãi đến đầu năm 2014, chàng đã nhờ người cộng sự viên thân tín ngày xưa đăng tin nhắn trên một tờ nhật báo ở Nam Cali với hy vọng sẽ biết tin tức của gia đình nàng. Cuối cùng, trời cũng không phụ lòng người nên vào khoảng giữa năm 2014, chàng đã liên lạc được với hai người em của nàng, một cô em gái và người em trai út. Qua tin tức của hai người em, chàng được biết hiện tại gia đình nàng chỉ còn ba người, mẹ nàng nay đã 92 tuổi bị lú lẩn (mất trí nhớ) và hai chị em. Người ra đi sớm nhứt là em gái nàng mất vào tháng 9 năm 2000, kế đó là ba nàng mất vào tháng 6 năm 2001, và sau đó là nàng, người yêu đầu đời và cũng là người vợ chưa bao giờ cưới của chàng, đã mất ngày 8/9/2003, một điều khiến chàng rất đau xót vì chàng vẫn chưa biết nguyên nhân sự tan vỡ của mối tình đầu. Tuy nhiên, theo tiết lộ của người em gái đã từng sống khắng khít với chị cả của mình nên chỉ vài tuần sau đó, bức màn bí mật được dần dần vén lên cho biết một sự kiện rất to tát và khó tin đối với chàng, một sự kiện vô cùng bất ngờ khiến chàng càng chua xót tận đáy lòng. Như đã nói ở trên, trước khi chàng đi du học Mỹ, chàng đã căn dặn ba chàng liên lạc với ba của nàng để hai anh em bàn bạc với nhau về cuộc hứa hôn của đôi trẻ để khi hồi hương sẽ tiến hành ngay lễ cưới. Như cha chàng cho biết, cha của nàng có qua thăm gia đình chàng khá lâu nhưng cha chàng không nhắc đến việc tổ chức lễ hỏi gì cả, Khi nghe cha chàng cho biết sự việc trên, chàng nghĩ có lẽ chưa có kết quả là vì cha nàng không dám mở lời trước vì e ngại mình là em mà dám đặt vấn đề trước với anh mình, trong khi đó cha chàng cò lẽ cũng ngại vì muốn để em mình đề nghị trước rồi người anh cả sẽ quyết định sau. Không ngờ mọi tiên đoán của chàng đều không đúng sự thật. Theo lời nàng tâm sự với em gái mình thì sau khi về nhà, cha nàng cho biết cha chàng có vẻ "chê" gia đình nàng nghèo hay sao ấy nên ba nàng tự ái không cho xúc tiến những thủ tục khác sau đó.

Bây giờ, cả cha của chàng và nàng đều đã quy tiên rồi, nhưng trong hiện tại, khi suy nghĩ lại, chàng rất buồn và có ý trách cha mình đã có những suy nghĩ mà chàng không thể chấp nhận được vì thật ra gia đình chàng có khá giả hơn gia đình nàng cho cam, hơn nữa cha và các chú bác của nàng đều là những vị có học vấn cao, cao hơn cả ba chàng là khác, thì việc so sánh hay kỳ thị là một điều hoàn toàn vô lý không thể chấp nhận được. Việc buồn lòng lớn lao nhất thứ hai và cũng là mấu chốt của vấn đề là nếu, nếu, nếu.... ngày ấy cậu em con người chú của chàng ở Đầu Sấu cùng học chung Trường Phan Thanh Giản với nàng (sau này làm hiệu trưởng một trường tiểu học thì phải, và bây giờ cũng đã mất rồi) nếu cậu ta không gởi bức thư "định mệnh" báo tin chẳng lành cho chàng thì mọi việc có thể sẽ xuôi chèo mát mái, đâu xảy ra cuộc chất vấn không thể và không nên xảy ra với biết bao hậu quả quá đau lòng!

Nhắc lại chuyện xưa vào thời điểm này quả thật đã quá muộn màng khiến chàng vô cùng bàng hoàng và hối hận. Ngoài ra, chàng đã suy nghĩ mọi việc cũng có thể do thiên ý đã an bài sẵn khi chàng và nàng chỉ có duyên nhưng không có nợ với nhau để có thể ăn đời ở kiếp với nhau được. Giá như trong ngày chàng trở về quê hương mà nàng hoặc mẹ nàng cho biết sự thật về ý nghĩ của cha chàng thì vì tình yêu khắng khít giữa hai người, chắc hẩn chàng sẽ cương quyết về nhà năn nỉ cha mẹ cho phép chàng được cưới nàng làm vợ với bất cứ giá nào, nhứt là mẹ chàng lúc nào cũng cưng chìu chàng là con trai út độc nhứt của gia đình, chắc hẵn mẹ chàng sẽ hết lòng xin cho chàng được toại nguyện.

Ngoài sự kiện xảy ra giữa cha nàng và chàng trong thời gian chàng du học, chàng vẫn chưa rõ nguyên nhân nào đã khiến cho nàng vẫn giữ thái độ im lặng để rồi cuối cùng chỉ ngồi khóc một mình sau khi chàng đã vặn hỏi nàng nhiếu lần khi hai người gặp lại nhau ở Cần Thơ trong khi nàng vẫn một lòng thương yêu chàng sâu sắc. Theo chàng suy luận, chắc hẳn cha nàng đã cho nàng biết toàn bộ sự thật khi hai đấng sinh thành đã gặp nhau, đã thảo luận việc cưới hỏi mà không đạt được kết quả tốt đẹp nào cả, sau đó cha nàng buộc lòng phải khuyên nàng dập tắt mối tình đầu đầy thơ mộng và lãng mạn để nàng chịu cảnh bẽ bàng, ngang trái? Vì là người con có hiếu nên nàng đã ngoan ngoản vâng lời cha mẹ, buộc lòng gạt hẳn tình cảm cá nhân qua một bên ngoài ước mong thầm kín của nàng, chịu hết mọi thiệt thòi về phần mình để rồi cuối cùng phải mang mối tình đầu dang dở xuống tuyền đài không một lời oán than, không một câu trách móc thật đáng tội nghiệp và đáng thương tâm biết chừng nào!

 

                                    TRẦN BÁ XỬ

                                    Springfield, MA, trời lập Đông 2014

 

Hồi Ký

KỶ NIỆM BUỒN THỜI NIÊN THIẾU

______________________________________________________________________________________________ 

Những năm học cuối cùng (1953-1955) của hai lớp Seconde Moderne và Premìère Moderne tại Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ rồi cũng nhanh chóng trôi qua. Trong bầu không khí buồn bã vì phải xa người thân yêu và bạn bè đồng song, Hà bịn rịn lên xe đò Đại Đồng lên Saigon để chuẩn bị cho cuộc thi đầy cam go sắp tới, Tú Tài Phần I (Baccalauréat Premìère Partie) tổ chức tại Trường Chasseloup Laubat, Saigon. Đây là một chuỗi dài thi cử đầy cam go để nếu may mắn thi đậu thì sẽ tiếp tục học lớp cuối cùng (classe terminale) tại Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký hay Trường Chasseloup Laubat đều ở ngay thủ đô Saigon tráng lệ để lãnh bằng Tú Tài II (Baccalauréat Deuxìème Partie).

Bao nhiêu năm đèn sách từ khi vượt qua bậc Cao Đẳng Tiểu Học để qua bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp, nay chỉ còn khoảng một tháng ngắn ngủi nữa để phân định con cá "Hà" này có thể "hóa long" hay không để còn hy vọng tiếp nối nghiệp văn vào những năm tháng sắp đến.

Cuộc tranh tài giật lấy mảnh bằng Tú Tài I sắp xảy ra vào khoảng giữa tháng 6 của niên học. Tất cả thí sinh từ các trường trung học công lập miền Nam Việt-Nam bao gồn Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ, Trường Trung Học Le Myre de Villers Mỹ Tho, Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký  đến hội tụ cùng học sinh các Trường Taberd, Marie Curie và Lýcée Chasseloup Laubat tại Saigon để mong đem mũ mão về làng làm hài lòng đấng sinh thành và rạng danh xóm làng.

TBX_chasselou.jpg

Rồi ngày thi cũng qua đi trong lo âu của từng thí sinh một. Chiều ngày tuyên bố kết quả thi viết năm ấy, trời lất phất mưa nên các sĩ tử vừa run lên vì lạnh và cũng vì hồi hộp. Cuối cùng thì Hà cũng đến được chỗ dán yết thị cho hội đồng giám khảo của Hà (jury d'examen). Mỗi jury có khoảng từ 20 đến 30 thí sinh tham dự, và ô kìa, Hà rất vui mừng khi thấy tên mình ở gần cuối bảng nên Hà vội chạy u ra thông báo cho phụ thân đang đứng đợi ở ngoài cổng trường để cùng chia xẻ niềm vui với gia đình. Đến giờ phút này thì Hà đã yên tâm phần nào với hy vọng tràn đầy sẽ vào phần vấn đáp một cách trót lọt.

 Có thể đây là lần đầu tiên trong đời,  Hà đã ỷ lại vào sự trợ giúp của người khác theo sự sắp xếp người cha luôn luôn theo sát bên cậu con trai út trong suốt chiều dài con đường học vấn của Hà nên Hà phải trả một giá rất đắt sau này. Từ xưa đến nay Hà luôn luôn tin vào  khả năng học tập của mình vì trước đây Hà đã từng là học sinh xuất sắc của trường, bằng chứng cụ thể là gần đây nhất Hà đã lãnh phần thưởng hạng nhất sau bốn năm học tại Trường Cao Tiểu Vĩnh Long (Collège de Vĩnh Long). Nếu Hà vẫn tiếp tục cố gắng học hành như hiện nay không nhờ vã vào ai khác thì việc vượt qua phần vấn đáp sẽ không là vấn đề tối quan trọng đối với Hà. Nhưng ở trên đời có những ngã rẻ khó lường trước được (turning-point) ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của mình. Nguyên nhân là cha của Hà có một cậu em từng giao du thân mật với một giáo sư Việt Nam duy nhất dạy tại Trường Chasseloup Laubat. Ông ta có hai con đang học tại Trường Chasseloup Laubat và Trường Nữ Marie Curie nên có sự liên hệ mật thiết với vị giáo sư này. Theo lời cậu em thì khi được biết Hà dự thi Tú Tài I khóa này, ông ta bảo đảm với ông cậu nếu Hà đậu phần thi viết thì ông ta sẽ bảo đảm phần thi vấn đáp một cách trót lọt. Bây giờ khi nghĩ lại Hà thấy không có cái dại nào bằng khi không biết dựa vào chính sức lực của mình, mà nếu Hà là một học sinh dưới trung bình cho cam, nên mới phải ỷ lại vào sự phụ giúp của người khác, nên âu đó cũng là bài học quá đắt giá mà Hà phải trả để bị ân hận suốt đời.

Đến trưa hôm sau là ngày thi vấn đáp, vì quá tin vào lời hứa của người cậu em của cha, Hà cũng ôn lại bài vở như thường lệ nhưng ở một chừng mực giới hạn thay vì phải chuyên tâm ôn luyện những bài học quan trạong, lại là một sai lầm to lớn khác mà sau này Hà không bao giờ dám tái phạm, nhưng có lẽ đã quá muộn màng rồi! Hà đã đi cùng với ba và một người bạn thân cùng trường cũng dự thi vấn đáp đã đến trường rất sớm, có lẽ khoảng gần hơn một giờ trước giờ quy định. Trong khi chờ đợi, Hà và người bạn đi vòng các hành lang trong sân trường. Hà chú ý thấy có một phòng đang thi vấn đáp sớm môn La-tinh và Hy Lạp (Latin & Grèque) cho thí sinh série Moderne mà Hà nghĩ không liên quan gì đến anh thuộc section khác. Vốn hay tò mò nên anh bạn và Hà phải đu lên bực cửa sổ để xem cho rõ bên trong phòng thi vì cửa sổ của trường Chasseloup Laubat rất cao so với trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Ngay khi ấy Hà trông thấy một nữ giám khảo người Pháp trông rất trẻ nhưng lại mang kính cận thị thật dầy xem ra có đến 4, 5 độ. Không hiểu trời xui đất khiến thế nào mà cái miệng vô duyên của Hà bỗng phát ra một tiếng cười "định mệnh" khiến cô giám khảo giật mình ngước mắt ra ngoài cửa sổ thì đã nhận diện ngay gương mặt đáng ghét của Hà còn đang chới với ở trên cao vì vụng về và lính quýnh nên tuột xuống không kịp, trong khi bạn của Hà đã nhanh tay lẹ chân dọt xuống ngay một cách êm ái. Thật là hú vía sau biến cố vừa qua nhưng rồi mọi việc cũng trở nên yên tịnh trở lại như không có điều gì quan trọng xảy ra. Không  ngờ đó chỉ là phần mở đầu cho một biến cố nguy kịch khác sắp giáng xuống đầu Hà khoảng một giờ sau đó. 

Cuối cùng rồi cũng đến giờ thi vấn đáp của anh bạn và Hà. Vì có niềm tin cao về môn văn học sử Pháp (littérature francaise) nên Hà mạnh dạn bước vào ngay phòng thi môn tâm đắc này và ngồi ngay bàn đầu của lớp học. Khoảng vài ba phút sau, vì giám khảo vào lớp. Khi ngước mặt nhìn lên, Hà sững sờ khi thấy chính cô giáo sư trẻ với cặp kính cận thị dầy côm mà Hà vừa thấy khi nãy đang nhẹ bước vào phòng. Dường như, có lẽ Hà đã suy đoán lầm hay chăng, vị giám khảo đã không quên gương mặt mốc đáng ghét của Hà, một kẻ đã dám cả gan cười cô ta cách đây hơn nửa tiếng đồng hồ, nên đã gọi Hà lên bắt thăm bài thi vấn đáp. Tuy phân vân không biết tại sao cô ta mới chấm thi môn La-Tinh và Hy-Lạp mà lại nhào vô chấm thi văn học sử Pháp? Tuy nghĩ như vậy nhưng Hà vẫn ngoan ngoản lên bàn giám khảo để bắt một đề tài thi. Liếc qua đề tài thi trong tay, Hà bối rối thấy rõ vì đây là một đề tài rất xa lạ đối với Hà với câu hỏi "Préface de Cromwell de Victor Hugo. Différence avec le classicisme du XVIIè siècle". Khi trở về chỗ ngồi, Hà bỗng sực nhớ ra là anh chưa học bài này, mà theo quy chế dành cho thí sinh các trường công lập thì thí sinh được phép xin đổi lại câu hỏi khác mà không bị trừ 5 điểm.

Nguyên nhân sâu xa của vấn đề, không biết Hà có sai lầm hay không, là vì Linh Mục Choimet, giáo sư dạy văn học sử Pháp cho lớp Premìère Moderne chỉ dạy các bài (đã có ghi trong học bạ/livret scolaire) như Hernani, La Vache, Booz Endormi, và L'Expiation của đại văn hào Pháp Victor Hugo mà Hà đã nhìn thấy học bạ của mình đang ở trên bàn của giám khảo. Vì giáo sư Choimet là Linh Mục nên Cha đặc biệt không thích những triết gia thế kỷ 18 của Pháp như Voltaire (1694-1778), Montesquieu (1689-1755), Denis Diderot (1713-1784), Jean-Jacques Rousseau (1712-1778). Đặc biệt với Voltaire, con chim đầu đàn phong trào khai sáng Pháp của thế kỷ 18 được xem là thời đại ánh sáng (le siècle des lumìères), một thành tựu của tinh thần khoa học của triết lý Tây phương. Voltaire là một thiên tài văn học Pháp mà theo ông, văn chương đồng nghĩa với khoa học trong sự hùng biện và sắc sảo của nó. Vì ông đả kích chế độ cường quyền của vua Louis XV và sự thiếu khoan dung của nhà thờ Ki-Tô Giáo và giáo điều của nhà thờ tuy ông không phải là vô thần nên Cha Choimet luôn chỉ trích Voltaire cùng các triết gia khác mà ông thường ví họ như những con ruồi, con muỗi khi ông giảng bài "cette mouche de Voltaire"? Cũng có lẽ vì thời gian đả kích giới triết gia Pháp quá nhiều nên thời lượng dành cho thế kỷ thứ 19 đã vô tình bị cắt xén đi phần nào chăng?

Hà vội vàng trở lên bàn vị giám khảo để phân trần lý do trong sổ học bạ không có ghi bài học liên quan đến đề thi nhưng cô ta không thèm nhìn vào học bạ đang nằm ở góc phải của bàn mà chỉ yêu cầu Hà về chỗ để soạn bài. Cũng theo thông lệ của trường thi, thí sinh đầu tiên có khoảng từ 10 đến 15 phút để chuẩn bị bài. Đến khi thí sinh đầu tiên này lên dự phần vấn đáp thì thí sinh kế tiếp lên bắt thăm và có đủ thời gian chuẩn bị trong khi giám khảo hỏi bài thí sinh đầu tiên, và cứ thế mà tiếp tục theo dây chuyền sau này.

Hà không được hưởng ưu tiên này nên chỉ trong năm ba phút ngắn ngủi, Hà phải lên trả bài ngay trong khi tâm trí đang bấn loạn và chưa ổn định vì chưa chuẩn bị kỹ lưỡng bài thi.

Hà khá thuộc bài về classicisme (chủ nghĩa cổ điển) hay théâtre classique (sân khấu cổ điển) của Pháp vào thế kỷ 17 với Corneille, Racine, Molière  qua quy luật rất khắt khe gọi nôm na là "Luật Ba Đơn Vị" hay "Ba Sự Thống Nhất" (Règle Des Trois Unités) được hệ thống hóa một cách rõ ràng dễ hiểu do cha đạo Aubignac (abbé d'Aubignac) đề ra tuy trước đó đã có nhà bác học Ý tên Jules César Scaliger ghi nhận vào năm 1630 trong Bức thư về Kịch nghệ (Lettre sur l'Art Dramatique) dưới thời Đức Hồng Y Richelieu của Pháp, là tiêu biểu của ngôn ngữ sân khấu sau này được gọi là sân khấu cổ điển.

Hà đang cố tình dành nhiều thời gian giải thích "règle des trois unités" bao gồm unité d'action (thống nhất hành động), unité de lieu (thống nhất địa điểm), và unité de temps (thống nhất thời gian) của thế kỷ 17 mà chưa đá động gì đến thế kỷ 19 của Victor Hugo nhưng vị nữ gám khảo đã đánh đúng vào tử huyệt của Hà khi hỏi một câu rất ngắn gọn "còn thế kỷ 19 thì sao?" (et the 19è siècle?) khiến Hà lúng túng thấy rõ. Chỉ trong vài giây ngập ngừng của Hà cũng đủ để vị giám khảo trẻ măng phán một câu rùng rợn mà Hà luôn ghi mãi trong lòng "Sortez" (Ra Ngoài) nhằm đuổi Hà ra khỏi phòng thi. Thật đau đớn và nhục nhã cho Hà khi bị đánh rớt với môn học tâm đắc nhất của mình! Đến lúc đó, Hà như người tĩnh cơn mê khi vẫn còn mang máng nghe đâu đây câu nói đầy tự tin của người cậu "Chỉ cần nó đậu phần viết thì cứ yên chí, mọi việc còn lại cứ để em lo". Trong nỗi hoang mang vì bị thua keo đầu, dường như Hà đã đánh mất lòng tự tin nơi chính bản thân mình nên đã tiếp tục vào thi các môn kế tiếp với tâm trạng của một kẻ mộng du. Khi đến phần thi về Việt Văn là phần Hà tự thấy yếu nhất với những vần thơ của Chinh Phụ Ngâm Khúc, Cung Oán Ngâm Khúc hay Đoạn Trường Tân Thanh . Hà vào phòng thi như đang lơ lửng trên không nhưng khi gặp vị giám khảo người Việt Nam, Hà khựng người lại vì kinh ngạc lẫn vui mừng vì ông ta chính là người bạn thân quen với ông cậu. Hà vẫn còn mang một tia  hy vọng cỏn con có thể vớt vát những gì đã mất nên cậu ta hăm hở bước đến bốc thăm đồng thời nhìn thẳng vào mắt vị giám khảo ước mong ông ta có vài thay đổi trên nét mặt khi nhìn thấy tên cậu, nhưng tuyệt nhiên không có động tịnh gì cả. Cầm mẫu câu hỏi, Hà bối rối thấy rõ vì cậu khá dốt về các điển tích trong các truyện Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc hay Chinh Phụ Ngâm Khúc. Tuy bối rối nhưng Hà vẫn còn nhớ mang máng vài câu mà giám khảo yêu cầu dịch ra Pháp văn như sau:

                 "Dắt díu nhau lên cạn mà chơi,

                 Lò cừ nung nấu sự đời

                Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương"

Phải thật lòng mà nói, lúc bấy giờ Hà không hiểu điển tích về "lò cừ" hay "bức tranh vân cẩu" là thế nào thì làm sao dịch cho trơn tru được nhưng thật khôi hài là lúc ấy Hà vẫn còn tin vào sự giúp đỡ của người quen mà vị giám khảo đang ngồi trước mặt không phải người quen là gì? Với tâm trạng lạc quan nửa vời ấy, Hà buột miệng dịch ba câu thơ nói trên sang tiếng Pháp một cách thật là "bồi" nên khi dịch xong, Hà lại bật cười nho nhỏ như tự chế giễu mình. Vì đây là lần đầu tiên trong đời Hà thực hiện được một kỳ công, một công trình dở nhất thế giới xứng đáng được ghi vào sách kỷ lục Guiness? Lần này, câu nhận xét của vị giám khảo "Dịch như vậy mà cũng gọi là dịch à?" đã khiến Hà tỉnh giấc mộng nam kha, đồng thời rất buồn khi suy đoán có lẽ gia đình Hà đã bị cho ăn bánh vẽ rồi! Hà vẫn tiếp tục dự các môn thi khác khi trời đã chạng vạng tối. Bài thi cuối cùng là Vật Lý (Physique). Khi Hà vào phòng thi thì cũng vừa lúc chỉ còn một nữ thí sinh cuối cùng. Cô bé trông cũng xinh xắn tệ, lúc bấy giờ mà Hà còn lòng dạ để ý đến phái nữ vì cô ta đẹp thật và rất duyên dáng. Khi vị giám khảo thật trẻ người Pháp nhắc nhở cô trả lời thì không biết vì lý do gì thì cô cứ ngập ngừng, có lẽ cũng không thuộc bài như Hà vậy chăng, kịp đến khi vị giam khảo nhắc lại lần thứ hai thì bỗng nhiên cô ta bật khóc, có lẽ giống như tiếng khóc của Tây Thi ngày xưa vậy nên càng tăng thêm vẻ đẹp một cách não nùng khiến Hà cũng mủi lòng muốn khóc theo? Lúc bấy giờ, dường như vị giám khảo cũng ra sức dỗ cho cô ngưng khóc thì phải, cuối cùng cô cũng rời khỏi phòng thi chỉ còn mỗi một mình Hà mà thôi. Hà cồ gắng hoàn tất bài thi hạch miệng khá trôi chảy và không quên nhìn tên nữ thí sinh "người đẹp Tây Thi" trước khi rời khỏi phòng thi vấn đáp trong lúc trời đã tối hẵn. Lòng Hà nặng trĩu ưu tư với một nửa ngày thi đầy sóng gió mà Hà đoán trước chắc chắn kết quả sẽ chằng lạc quan tí nào.

Cuối cùng, Hà không còn nhớ rõ nhưng có lẽ hai ngày sau mới có kết quả chung cuộc kỳ thi viết và vấn đáp Tú Tài I được niêm yết tại trước cổng trường Chasseloup Laubat ở đường Hồng Thập Tự Saigon. Hà cũng hồi hộp khi xem kết quả chung cuộc tuy đã đoán trước một tương lai màu xám thay vì màu hồng của mình. Nhìn danh sách hội đồng thi (jury d'examen) của Hà, tổng cộng chỉ còn 8 trên 25 thí sinh trúng tuyển, điều ngạc nhiên lớn nhất trong cuộc đời học sinh của Hà là cô gái xinh đẹp tựa như Tây Thi đã khóc sướt mướt đêm nào lại là thí sinh cuối cùng được lọt vào danh sách trúng tuyển? Riêng Hà phải xách xe không về nhà (Bùi Kiệm rồi còn gì nữa mà âu với sầu). Đây cũng là đầu tiên trong đời Hà thi hỏng vì trong những lần thi khác, Hà không những đậu mà lại còn chiếm những vị trí rất cao.

Sau khi xem lại sách vở, Hà mới chợt hiểu khi so sánh giữa classicisme của thế kỷ 17 với Jean Racine và Pierre Corneille qua règle des trois unités và thế kỷ 19 của Victor Hugo thì sự khác biệt lớn nhất là không còn luật "Ba Đơn Vị/Thống Nhất" rất kắt khe nữa mà chuyển qua trường phái cách mạng mới là Lãng Mạn (romantisme) hũy bỏ và đối lập hoàn toàn với quy luật trên (l'abandon de unités) ngoại trừ l'unité d'action  còn duy trì như chúng ta thấy không còn một địa điểm duy nhất (lieu), một thời gian giới hạn trong 24 giờ (temps) với nhiều vai diễn pha lẫn giữa văn xuôi và thi ca, giữa sự cao cả và sự tầm thường, để rồi đến năm 1843, vở kịch Burgraves đã đánh dấu chấm hết cho trường phái lãng mạn và chuyển tiếp qua giai đoan phim ảnh (cinéma). Kịch bản Préface de Cromwell (1827) của Victor Hugo là sự biện hộ và bảo vệ thể loại kịch lãng mạn của thế kỷ 19 được tóm lược như sau:

1.    La Théorie des trois ages (lý thuyết 3 thời thống nhất); 2. Les temps primitives (thời đại nguyên thủy); 3. Les temps antiques (thời đại cổ xưa); 4. Les temps modernes (thời kỳ hiện đại); 5. La théorie du drame (lý thuyết của kịch nghệ); 6. Le mélange des genres (sự pha lẫn các thể loại); 7. L'abandon des unités (sự loại bỏ các thể loại "thống nhất"); 8. La couleur locale (màu sắc có tính cách cục bộ).

Cũng may mắn cho Hà là vẫn còn sau lưng kỳ thi hạch miệng lần thứ nhì (2è session) mà Hà nguyện với lòng sẽ quyết tâm không xao lãng việc học, phải tự trông cậy vào sức mình để không phụ công ơn dưỡng dục và sự lo lắng của cha mẹ. Tuy có muộn màng, nhưng có còn hơn không, Hà đã vượt qua một cách trót lọt kỳ thi vấn đáp lần thứ hai đem lại biết bao nỗi vui mừng cho gia đình và danh dự cho xóm làng, đặc biệt là các ngôi trường từ Sađec qua Vĩnh Long và đến Cần Thơ đã đào tạo cho Hà nên người.

Tuy nhiên khi quay lưng nhìn lại quá khứ, Hà không khỏi chạnh lòng nghĩ đến nỗi phiền muộn của đấng sinh thành cũng như cá nhân Hà qua sự thất bại chua cay không nên có của lần thi trước, một điều chắc chắn đã hằn sâu trong tâm khảm của Hà như một kỷ niệm buồn, thật buồn trong đời.

 

                             TRẦN BÁ XỬ

                             Springfield, MA, trời lập Đông, năm 2014 

  

 

tbx_mar5_withDHTrung.jpgHồi Ký                                                                     

CUỘC HẠNH NGỘ BẤT NGỜ

ĐẦY KỊCH TÍNH

SAU 46 NĂM XA CÁCH

 Ảnh: Đôi bạn trẻ thành đôi bạn già Dương Hoàng Trung (CT) & Trần Bá Xử (Springfield, MA) gặp lại nhau ngày 2/4/2014 tại CT sau 46 năm xa cách.

Tôi không phải là triết gia mà chỉ là một học sinh quèn nhưng cũng bày đặt bắt chước thiên hạ quan niệm rằng trong cuộc giao tiếp hằng ngày, nhiều lúc có những bạn bè đã quen biết rất lâu nhưng không để lại dấu ấn gì quan trọng trong tiềm thức của mình, tuy nhiên trái ngược lại có những người bạn sơ giao, chỉ mới quen biết trong thoáng chốc ấy mà, nhưng đã khiến cho ta dành cho một thiện cảm đặc biệt không bao giờ mờ nhạt và đã để lại một ấn tượng  thật tốt đẹp trong suốt cả cuộc đời. Điều này được minh chứng rõ nét trong trường hợp giữa anh bạn Dương Hoàng Trung và tôi trong thập niên 50 khi tôi đang theo học Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, lúc bấy giờ được gọi dưới danh xưng là Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ. Ngày ấy, khi mới quen nhau, chúng tôi ở cùng chung một xóm được gọi là Hẽm Võ Tánh, hồi đó thường được gọi là Ruelle de Võ Tánh, nằm bên hông trường  Phan Thanh Giản, nghĩa là rất gần trường tôi đang theo học hai năm Seconde Moderne II và Premìère Moderne II, vì mỗi buổi sáng tôi chỉ đi bộ một khoảng đường rất ngắn, thật ngắn độ hơn hai mươi thước là đến cổng trường rồi.

Điều đặc biệt giữa hai chúng tôi là anh Trung lớn hơn tôi khoảng năm tuổi nên khi tôi thi đậu vào lớp Seconde Moderne thì cũng vừa lúc anh ấy anh đã đậu bằng Brevet (BEPC) và thi đậu vào làm thư ký ngạch Công Chánh (secrétaire des Travaux Publics), ngày ấy nếu có bằng Tú Tài sẽ được thi vào ngạch Tham sự, gọi nôm na là ngạch “cò-mi”. Lúc bấy giờ anh Trung không tiếp tục học ở Lycée Phan Thanh Giản chung với tôi nữa mà đã đi làm, giống như anh Nguyễn Hữu Phước cùng ở hẽm Võ Tánh làm thư ký hành chánh (secrétaire du gouvernement) vậy. Các anh chị trong hẽm Võ Tánh (rất ngắn) thân với nhau như cùng trong một đại gia đình, trong đó phải kể đến các anh Võ Sáng Nghiệp, Lâm Văn Mẫn và tôi cùng học chung một lớp mà anh Trương Quang Minh là trưởng lớp (major), các anh Trung và Phước đang làm ở ngạch thư ký, ngoài ra còn các chị Xuân, Hoàng và Huệ (judo).và một số học sinh lớp dưới nữa.

Tôi giao du thân mật với các bạn đồng môn nhưng với anh Trung tôi lại có một thiện cảm đặc biệt vì có nhiều sở thích giống nhau. Mỗi buổi chiều, sau giờ làm việc ở Ty Công Chánh cũng như sau giờ học ở trường, anh và tôi thường hay chạy xe đạp tà tà ra khu bungalow ở bến Ninh Kiếu để hưởng làn gió mát trong lành cạnh bờ sông cái và đặc biệt để ngữi mùi hoa sứ thơm lừng khiến người ta muốn ngất ngây. Thêm vào đó, và cũng điều quan trọng nhất mà chúng tôi thường đến đây, là để bàn chuyện trên trời dưới đất mà tựu trung vẫn là để thảo luận về quan niệm cho cuộc sống tương lai. Bây giờ suy nghĩ lại tôi thấy không biết tại sao lúc bấy giờ chúng tôi lại quan tâm đến đề tài tẻ nhạt như vậy, tuy nhiên lúc ngày ấy có một thực tế không thể chối bỏ được là thực trạng tình hình đất nước trong những năm từ 1953 đến 1955 không hoàn toàn sáng sủa như mong muốn khi miền Bắc không từ bỏ ý định xâm lược miền Nam Việt Nam. Với nhiệt tâm muốn ngăn chận làn sóng đỏ, việc động viên mọi tầng lớp quân nhân các cấp là điều quan trọng nhằm bảo vệ chính nghĩa quốc gia dân tộc. Do vậy, hằng ngày, ngay trong giờ học, thường có nhân viên của Ty An Ninh Liên Bang (sureté fédérale) xông vào lớp học để đọc giấy gọi nhập học ( lettre de convocation). Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh gọi động viên với giọng không mấy lịch thiệp  ấy của họ, nhưng để đối phó lại, anh trưởng lớp đã nhã nhặn cho biết là học sinh này mới về quê tuy anh ta thực sự đang hiện diện trong lớp học. Thật là hú vía! Và sự việc gọi nhập ngũ như vậy đã khiến cho một số học sinh bỏ dỡ việc học nửa chừng. Vì lý do này nên anh Trung và tôi thực sự lo lắng cho tương lai thật bấp bênh có thể sẽ đổ ập xuống đầu chúng tôi, và lúc bấy giờ hai chúng tôi đều có chung quan điểm là tìm một ngành nghề tự do nào đó giúp chúng tôi không bị lệ thuộc vào người khác, và thực sự anh ấy đã thực hiện được ước mơ của mình ở phân nữa cuộc đời còn lại của anh khi anh là chủ nhân ông một cửa hàng đặc trách về điện lạnh. Riêng cá nhân tôi thì suốt đời vẫn bị lệ thuộc vào người khác vì khi tôi làm trưởng ban huấn luyện thì có ông trưởng khối huấn luyện “đè đầu đè cổ” cho đến khi là trung tá chủ sự phòng thì cũng có ông đại tá chánh sự vụ sở ở trên chỉ huy tôi! Lần sau cùng trước khi quân đội tan hàng, tôi đã gặp anh vào năm 1968 khi tôi là thiếu tá ở Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu đi công tác tại TTHL Chi Lăng và luôn tiện gặp anh trong giây lát tại đường Võ Tánh (đường Nhà Đèn) khi anh quản lý cửa hàng điện lạnh. Từ đó trở đi, tôi chưa bao giờ gặp lại anh nữa.

Bây giờ, sau hơn 46 năm, tôi không biết tin tức của anh nên đã nhờ người niên đệ đồng môn là anh GS Nguyễn Công Danh đăng bản Nhắn Tin vào trang nhà của trường mẹ PTGĐTĐ. Trong chuyến về Saigon trị bệnh thần kinh tọa/thoái hóa cột sống, tôi đã tìm cách về Cần Thơ thăm trường mẹ và các đồng môn trong ba lần, đến lần thứ ba thì cơ may đã đến gần như phép lạ vì anh ấy đã thay đổi chỗ ở đến hai ba lần, từ hẽm Võ Tánh đến hẽm Hai Địa rồi đến địa điểm hiện tại ở một khu tái định cư xa lơ xa lắc thuộc phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Trước đó, tôi đã nhờ đồng môn giáo sư Nguyễn Kỳ Phương “đèo” xe Honda chở đi lùng sục các hang cùng ngõ hẽm để tìm ra tung tích các bạn đồng môn cũ và anh ấy qua các địa danh nêu trên nhưng chỉ gặp được mỗi một anh, đặc biệt với anh, thì biệt vô âm tính “tìm anh như thể tìm chim”? Cuối cùng, nhờ sự hướng dẫn của đồng môn Hồ Công Nghiệp, em của hai bạn học cùng lớp là Hồ Công Minh và Hồ Công Tâm mà tôi vừa mới gặp ở Tân Định, Saigon, tôi đã may mắn gặp lại cố nhân mà tôi xem như người anh trong gia đình.

Để thay lời kết, tôi xin mạn phép được ghi lại một trích đoạn trong bức thư gởi cho anh ấy, vì anh không dùng máy vi tính, để hồi tưởng một thời đã qua:

 “Anh Trung mến,

Những năm 1953-1955, chúng ta đã quen thân với nhau, bây giờ, sau nửa thế kỹ rồi còn gì, sau bao thăng trầm của cuộc sống, sau không biết bao nhiêu lần tìm kiếm, cuối cùng Thượng đế đã xót thương cho chúng ta có cuộc hạnh ngộ ngày Thứ Tư, 2/4/2014, tại thành phố Cần Thơ thân thương năm nào khi anh Trung hào hoa phong nhã với mái tóc bồng bềnh, với ngón đàn Hạ Uy Di tuyệt luân và tiếng đàn vĩ cầm thánh thót làm rung động lòng người của ngày nào, mà bây giờ bánh xe thời gian đã biến anh thành một cụ ông với mái tóc bạc phơ, với đôi kính cận dày cộm, nhưng tôi vẫn nhận ra anh qua giọng cười vui rất dễ thương, với vầng trán thông minh, và vẫn với mái tóc dợn sóng của người “nghệ sĩ lăn tuốt xuống mương” thay vì “lăn lóc gió sương” của thập niên 50! Không gì vui cho bằng khi gặp lại cố nhân…không bút mực nào tả cho xiết nỗi vui mừng vô hạn trên hai gương mặt có nhiều vết chân chim của chúng ta khi hồi tưởng lại một thời đã qua với biết bao kỷ niệm êm đềm, thật êm đềm, phải không anh Trung thân quý của tôi”.

                                                                   Trần bá Xử

                                                                   Saigon, Xuân 2014

 

Tạp ghi

Vài cảm nghĩ nhân chuyến về thăm trường mẹ sau gần 60 năm xa cách.

 

Tôi là một cựu học sinh Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ từ đầu thập niên 50 mà chương trình giáo dục lúc bấy giờ đều thực hiện bằng Pháp ngữ. Tôi được sinh ra trong chiến tranh tại đồng bằng sông Cửu Long phì nhiêu, hiền hòa và thanh bình. Danh từ thanh bình ở đây có lẽ đã mâu thuẩn với cụm từ chiến tranh nêu trên nhưng thực tế là như vậy vì tuy miền Tây đất nước chúng tôi đang thực sự yên vui trong hòa bình nói riêng nhưng cả miền Nam chúng tôi nói chung vẫn còn chịu cảnh chiến tranh ý thức hệ giữa lý tưởng quốc gia dân tộc ở miền Nam so với chế độ Cộng sản ở miền Bắc Việt-Nam. Vì vậy cho nên cuộc chiến Quốc Cộng vẫn âm ỉ kéo dài mà miền Nam luôn luôn tâm niệm là một cuộc chiến ôn hòa nhằm bảo vệ chính nghĩa quốc gia trong khi phía bên kia từng bước một tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược với ý đồ nhuộm đỏ toàn bộ nước Việt-Nam thân yêu của chúng ta.

Là trai của thời loạn nên chúng tôi phải thi hành nghĩa vụ quân sự khi đến tuổi quy định. Riêng cá nhân tôi đã ghi danh tình nguyện theo học Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt để trở thành sĩ quan hiện dịch phục vụ cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một quân đội hùng mạnh với trang thiết bị hiện đại và với quân số hơn một triệu mốt từng được xếp hàng thứ ba trên thế giới thời bấy giờ. Tôi rất hãnh diện được phục vụ trong một quân đội oai hùng như vậy nhưng một bóng đêm kinh hoàng đã bao trùm lên đất nước khốn khổ của chúng tôi qua Tháng Tư Đen năm 1975. Trong phút chốc, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử một cách oan uổng do sự sắp xếp giữa phe Cộng sản quốc tế và người bạn đồng minh không thủy chung của chúng tôi.

Bao nhiêu hoài bảo của tuổi trẻ đã tan thành mãnh vụn sau biến cố trọng đại trên đưa đến nhiều hệ quả đau thương khiến hàng trăm ngàn sĩ quan thuộc mọi lực lượng cùng các viên chức trong chính phủ phải vào các trại tập trung “cải tạo”, một điều không hề xảy ra sau cuộc nội chiến của Mỹ quốc (1861-1866) cũng như sau khi bức tường Bá Linh bị sụp đỗ (1989). Cùng chung số phận với các đồng đội của chúng tôi, tôi cũng đã phải trả một cái giá thật nghiệt ngã qua hơn tám năm đầy tủi nhục trong các trại tập trung từ Nam ra Bắc.

TBX_Mar25_CTFriendsDSC00318_OK.jpg

Thanh, Long, Dân, Xử

TBX_mar25_CTFriendsDSC00323.jpg

TBX_mar25_XuFriendDSCN0520.jpg TBX_mar25_DSC00326_XuLai.jpg

                                                                                 Xử, Lai

TBX_mar25_CTFriendsDSCN0521.jpg 

Giờ đây, khi đang vào tuổi “cổ lai hi” với mái tóc đã điểm sương với một chân đang ở ngoài và một chân đang bước vào nghĩa trang (chớ không phải đang chuẩn bị bước vào), tôi có cơ may được trở về mái trường mẹ Phan Thanh Giản Cần Thơ để hồi tưởng lại những kỷ niệm êm đềm của những ngày xưa thân ái đã qua sau gần đúng sáu mươi năm xa cách (1955-2014). Có một thực tế không thể chối cải được là mọi thứ ở thành phố Cần Thơ thân yêu ngày nào hầu như đều đã trở nên xa lạ, với biết bao thay đổi, từ những địa danh thân thương ngày trước đến những trường học, những đại lộ, những con đường, những đường hẽm, cây cầu hay bệnh viện, sân banh, v..v.. khiến tôi như bị lạc lỏng, bị hụt hẫng vì sự đổi mới gần như hoàn toàn này. Nếu như không có sự giúp đỡ rất nhiệt tình của anh bạn đồng môn, dĩ nhiên là trẻ tuổi hơn tôi khá nhiều, là anh Nguyễn Kỳ Phương, thì chắc hẵn tôi đã không có được một chuyến về thăm trường Mẹ một cách trọn vẹn. Anh Phương nhỏ hơn tôi bảy tuổi, khi tôi vừa rời mái trường xưa thì cũng là lúc anh vào nhập học năm đầu tiên của trường trung học nhưng chúng tôi đã rất tâm đắc trong nhiều lĩnh vực, từ những kiến thức tổng quát cho đến những giao tiếp ngoài đời, xứng đáng với sự giới thiệu nồng nhiệt của đồng môn Bùi Hữu Trạng, đại diện cựu học sinh Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm Cần Thơ tại Úc Châu. Anh Phương là người rất khiêm nhường không muốn nói nhiều về mình nhưng tôi cũng xin được phép bật mí một tí về người đồng môn đa năng này. Anh đã từng là giáo sư Anh ngữ, vừa phụ trách giảng dạy vừa lo cả việc dịch thuật đã từng là giám học (censeur), điều quan trọng và đặc biệt hơn hết anh còn là đồng sự và bạn thân của anh bạn cùng lớp với tôi là anh Trương Quang Minh, nguyên là giáo sư và hiệu trưởng Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, đã từng một thời là Giám đốc Sở Học chánh, sau cải danh thành Ty Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, đã tạ thế tại Úc Châu. Trong dịp về thăm lại Cần Thơ, anh Phương đã chở tôi đi thăm ngôi trường cũ Phan Thanh Giản, gọi trường cũ với danh xưng Phan Thanh Giản vì trường mới đã có danh xưng khác là trường Châu Văn Liêm, nhưng trường cũ chưa bao giờ mất tiếng như đồng môn Bùi Hữu Trạng ở Úc Châu đã minh xác “Đại Hội Úc Châu mở rộng nhằm nối kết tình thầy trò, nghĩa đồng môn PTG-ĐTĐ để thắt chặt thêm nghĩa tình giữa những người cùng xuất thân dưới mái trường thân thương đồng thời để tự hào dù Trường xưa tuy đã mất tên nhưng chưa bao giờ mất tiếng”. Điều khiến tôi cảm động tận đáy lòng là khi nhìn thấy mái trường xưa vẫn còn giữ nguyên cấu trúc cũ làm cho tôi chạnh nghĩ đến những ngày nào thường xuyên đến trường, nhớ đến buổi lễ chào cờ mỗi sáng thứ hai, đến những giờ tập thể dục, thể thao với các môn barre fixe tuyệt vời,với môn bóng chuyền vô địch từng khiến các đội bóng chuyền các tỉnh bạn nể phục, với môn nhu đạo lừng danh một thời với thầy Quang, anh Kiệt “đề-ba” khi tham dự những trận đấu với các võ sinh nổi tiếng của lò võ Hàn Bái Đường ở Sài-Gòn, chưa kể đến những bộ môn khác như leo giây, nhảy xa, nhảy cao,  parallèle, ném tạ, v..v.. Tôi thật sự không nén nỗi bâng khuâng khi đi ngang qua khu vực tôi đã từng cư ngụ ở ruelle de Võ Tánh bên hông trường Mẹ , nơi tôi đã từng đến trường mỗi buổi sáng, nhưng bây giờ đã đổi khác quá nhiều với những dãy phố sầm uất khiến tôi không thể nào nhận ra được. Lúc bấy giờ tôi bổng nhớ đến lời nhắn nhủ của người bạn cùng lớp tôi là anh Huýnh Minh Bảo đang nằm dưởng bệnh tại nhà ở khu cư xá Bắc Hải, Sài-Gòn nên tôi đã đi ngang qua nơi anh đã từng cư ngụ, nơi ấy còn có các nữ sinh rất dễ thương nhưng phá như…học trò ở trọ “vang bóng một thời của lớp Đệ ngũ A” trong đó có cô Bích Hằng, ái nữ của giáo sư Hiệu trưởng Nguyễn Băng Tuyết, cô “Huệ judo” và người đẹp Phù Tang trong “Mối Tình Học Trò” của tôi. Đó là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, một cái tên lạ hoắc sau hai lần dổi tên từ Capitaine d’Hers đến Phan Thanh Giản. Khi tôi viết đến những dòng chữ này thì anh bạn Huỳnh Minh Bảo thân thương của tôi, một danh thủ bóng chuyền của trường, cũng là kỹ sư Lâm nghiệp và là sĩ quan Quân Lực VNCH ngày nào, đã vẩy tay chào vĩnh biệt chúng tôi để lại bao nỗi tiếc thương khôn nguôi cho chị và các cháu! Cũng theo sự hướng dẫn của anh Bảo, chúng tôi đến hẽm Vú Sữa dọc theo đường Phan Thanh Giản cũ, nay cải danh thành hẽm 1 Hoàng Văn Thụ An Hội (lại có thêm chữ An Hội để tăng độ dài “lòng thòng” cho hợp thời trang? Sau nhiều lần tìm kiếm chạy ngang chạy dọc qua các đường hẽm chi chít chật hẹp, cuối cùng tôi đã vô cùng mừng rỡ khi gặp được anh bạn học cùng lớp Nguyễn Thới Lai, với mái tóc bồng bềnh giống như “người nghệ sĩ..lăn tuốt xuống mương” do tôi phịa ra nhái theo lời một bản nhạc về bến đò xưa mà tôi quên béng tên vì bản thân là một ông “già via cốc đế” rồi còn gì nữa! Ngày xa xưa ấy, bạn Lai của tôi là một người nghệ sĩ rất thích môn văn chương khi học với thầy Bửu Trí và Linh mục Pháp Choimet, ngày xa xưa ấy anh đã để lại đôi dòng trong quyển Lưu bút viết cho tôi mà tôi vẫn còn nhớ mãi một  đoạn ngắn như sau “et comme Chateaubriand, j’ai porté mon coeur en écharpe”. Anh cũng từng là giáo sư Anh văn và Pháp văn nhưng không có duyên mặn mà với quân đội (vì có thời gian giải ngũ rồi tái ngũ theo lệnh tổng động viên) nên chỉ leo lên đến cấp đại úy mà thôi. Anh em chúng tôi đã tâm sự với nhau rất lâu, kể cho nhau nghe những chuyện vui của thời học sinh và hẹn ngày tái ngộ! Sau đó, chúng tôi loay hoay trong khu hẽm Hai Địa kế bên hẽm Vú Sữa để mong gặp được anh bạn Dương Hoàng Trung, người có tiếng đàn Hạ Uy Di nổi tiếng ở cùng hẽm Võ Tánh với tôi (đã được người hiền đệ đồng môn tài ba của tôi là CHS/Giáo sư Nguyễn Công Danh đưa vào bàn Nhắn Tin đã khá lâu nhưng chưa có hồi âm) để nhớ lại những đêm trăng sáng hai đứa lang thang ra khu bungalow bến Ninh Kiều thơm ngát mùi hoa sứ để ngồi tâm sự và nói chuyện tương lai? Ngoài tài đàn Hạ Uy Di anh cón rất giỏi môn violon mà anh học rất nhanh. Sau này hai đứa ở hai phương trời cách biệt, tôi chỉ còn nhớ mang máng trong một lần công tác ngắn ngủi ghé lại Cần Thơ khi tôi là một anh Thiếu tá trẻ, tôi có dịp gặp lại anh khi ấy đang là chủ nhân ông một tiệm bán tủ lạnh ở đường Nguyễn Trãi được nôm na gọi là đường Nhà Đén. Tôi đã cố công đi tìm nhưng vẫn chưa có kết quả, rất mong có đồng môn hay vị nào biết tin anh ấy và nhắn cho anh ấy biết thì tôi xin chân thành cảm tạ. Anh Phương cũng chở tôi đi dọc theo đường Nhà Đèn/Nguyễn Trãi, nơi mà thời học sinh thường nhắc đến số nhà 11 bis (mà chúng tôi thường kháu với nhau là “ông già bích” vì ở đó có một giai nhân mà chúng tôi gán cho mỹ danh là “cô ông già bích” vì không dám hỏi tên cô ta, hơn nữa tôi có bao giờ dám tiếp cận cô ấy để mong biết được tên với tuổi? Cũng trên đường Nguyễn Trãi ấy, lần đầu tiên tôi ở trọ trước khi chuyển đế hẽm Võ Tánh, tôi đã làm quen với chị Quế, một võ sinh Judo có hạng khác, và anh Thế ở cạnh nhà sau này theo học khóa sĩ quan trừ bị tại Thủ Đức. Tôi cũng còn nhớ con đường ấy khi gần đến Cầu Đôi có một con trăn rất lớn nằm trong lồng sắt mà mỗi lần đi ngang qua tôi đều tò mò đừng nhìn nó uốn éo và lè lái lưỡi ra nhát tôi.

Còn nhiều địa danh để kể cho quý bạn đồng môn niên đệ vì cùng lớp tôi bây giờ ở đây chỉ còn độc nhất có anh Nguyễn Thới Lai ngoài anh Võ Sáng Nghiệp (Kỹ sư Công nghệ/Ingénieur Arts & Métiers) ở Saigon và anh Huỳnh Minh Bảo vừa tạ thế ở Saigon… như đường Háng Xoài (đại lộ Hòa Bình), cầu Cái Khế, bệnh viện Phan Thanh Giản, sân banh, bãi đáp trực thăng, đường đi Đầu Sấu, nơi ở của chú ruột và các em tôi, đường đi Cái Răng với nhiều kỷ niệm đầu đời khó quên mà mỗi sáng cuối tuần tôi đều dong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng để ngắm cảnh hoặc mang theo giá vẽ để ra cái điều ta đây cũng một “dessinateur malgré lui” như ai?

 Một trời kỷ niệm đang đầy ắp trong tôi khi nhớ đến trường mẹ, nhớ đến các bạn cùng lớp, nhớ đến những bạn bè và người thân sau hơn nửa thế kỷ cách xa nên tôi xin mượn câu thơ dưới đây của đại thi hào Pháp Lamartine để kết thúc phần tạp ghi này:

Ainsi tout change, tout passe,

Ainsi sur la terre tout s’efface,

Tout, excepté le souvenir.

                                                          TRẦN BÁ XỬ

                                                         Saigon, 25/3/2014      

 

TẢN MẠN VỀ LYCÉE PHAN THANH GIẢN, CẦN-THƠ

                   (Mến tặng quý đồng môn hai lớp Tân Đệ Nhị & Tân Đệ Nhất - 1953-1955)

           __________________________________________________ Trần Bá Xử

Phần Mở Đầu:

Quả thật thời gian đã trôi qua quá nhanh, bánh xe thời gian vẫn lướt đi một cách vô tình, thật vô tình. Hồi tưởng lại mới ngày nào còn bé tí tẹo cách đây hơn nửa thế kỷ, ngày mới chập chững bước vào ngưỡng cửa trường làng, trường tiểu học, rồi xa quê để tiếp tục bậc trung học đệ nhất cấp, đệ nhị cấp, học thêm vài năm rồi nhập ngũ làm bổn phận công dân thời chinh chiến, rồi du học, rồi trở về phục vụ quân đội, phục vụ quê hương. Nào ngờ vận nước ngã nghiêng, quân đội hào hùng ngày nào bị bức tử để rồi phải vào vòng lao lý và cuối cùng phải rời xa nơi chôn nhau cắt rốn mến yêu này trải qua kiếp sống ly hương.

Đến nay, mái tóc đã bạc màu khi đang chuẩn bị bước vào ngưởng cửa “cổ lai hi” vì bây giờ tuổi thọ trên bát tuần mới có thể cho là quý hiếm, do vậy nếu chúng ta muốn níu kéo thời gian lại như ngày xưa thi sĩ Pháp Alphonse de Lamartine (1792-1869) đã thảng thốt kêu lên “Thời gian hỡi, dừng ngay cánh lại….” trong bài thơ bất hủ Hô Xưa (Le Lac) “

O temps, suspends ton vol ! et vous, heures propices

Suspendez votre cours;

Laissez-nous savourer les rapides délices

Des plus beaux de nos jours!...”

thì e rằng đã quá muộn màng rồi. Nhưng thực tế là ông tiên thời gian đã không quá vô tình nên tôi đã có cơ may được gặp lại những đồng môn cũ thuộc Trường Trung Học Phan Thanh Giản, Cần Thơ sau gần 60 năm xa cách.

Tôi cầm tinh chú chuột cống xù , chính xác hơn là chuột cống nhum vì tôi được sinh ra và lớn lên  ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng có lẽ tôi thuộc số con vịt đẹt nên người ta thường gặp tiền hung hậu kiết, còn tôi thì tiền hung hậu kiết…(lỵ?) hay sao mà việc gì tôi cũng chỉ hơn chú rùa một tí ti thôi.

Sau  khi mãn hạn tù qua biến cố 30/4/1975, tôi nhân được Giấy Giới Thiệu (LOI/Letter of Introduction) của Tòa Đại Sứ Mỹ ở Thái-Lan từ năm 1984 cho phép gia đình tôi định cư Hoa Kỳ, nhưng tôi lay hoay thế nào mà mãi đến năm 1994 gia đình chúng tôi mới đặt chân đến miền đất hứa này. Đến đầu thiên niên kỷ 21, tôi thấy có vài hội đồng hương cũng như hội cựu học sinh các trường ở miền Nam tổ chức họp mặt nhưng theo sự hiểu biết hạn hẹp của tôi, tôi chưa nghe nói đến một vài trường ở miền Tây như Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho hay Phan Thanh Giản Cần Thơ,v.v.

Cho đến một hôm nhân dịp được mời thuyết  trình về đề tài Ý Nghĩa Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tại Hartford, Connecticut, tôi đã may mắn gặp anh Trần Tấn Minh ở Boston, MA, và rất ngạc nhiên khi biết Trường Mẹ Phan Thanh Giản/Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ của chúng tôi đã tổ chức được đến 15 kỳ Đại hội rồi và đang chuẩn bị tổ chức Đại Hội XVI tại Boston, Massachusetts. Cũng trong Đại Hội XVI này, tôi đã bất ngờ gặp lại vài đồng môn trong đó có anh Trần Khương cùng học lớp Premìère Moderne như tôi, nhưng anh học Premìère Moderne I còn tôi học Premìère Moderne II, đặc biệt có một bạn thân trước cùng làm việc tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung với tôi sau chuyển về Trường Bộ Binh, nguyên là Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức trong khi tôi về Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu. Thật không bút mực nào có thể tả nỗi sự vui mừng vô hạn của chúng tôi vì chúng tôi đã từng phục vụ trong ngành quân huấn nhiều năm và có cùng chung cấp bậc, ngoài ra tôi càng vui mừng hơn khi biết anh là huynh trưởng của tôi ở Trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ mà trước đây tôi chưa bao giờ biết.  Năm nay anh đã 85 tuổi trong khi tôi 77 tuổi nhưng chúng tôi là bạn rất thân vi đã có mối liên hệ chặt chẽ về huấn luyện trong thời gian dài, hiện anh ở Atlanta, Georgia. Gặp lại anh, tôi tự nhũ cần ghi lại nên những kỷ niệm buồn vui  trong thời gian tôi theo học Trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ.

Danh xưng của Trường & Chương Trình Học:

NNH_Sept15_GSGroup.jpg

Ảnh: Ban Giám Đốc & Ban Giảng Huấn Trung Học Phan Thanh Giản 1960

Trước năm 1953, khi còn là Trường Trung Học Đệ Nhất Cấp, Trường có danh xưng là Collège Phan Thanh Giản de Cần Thơ, cũng còn được gọi là Collège de Cần Thơ. Thí sinh tốt nghiệp được cấp bằng Thành Chung hay bằng Brevet sẽ được đề cập dưới đây. Từ năm 1953 trở đi, Trường theo chương trình giáo dục Trung Học Đệ Nhị Cấp tạo điều kiện cho học sinh dự thi Tú Tài I tại Trường Trung Học Chasseloup Laubat, Saigon, nên được  cải danh thành Lycée Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Sau khi có bằng Tú Tài I, thí sinh sẽ tiếp tục học năm cuối cùng (classe terminale) tại Trường Chasseloup Laubat hoặc Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký ở SàiGòn. Lúc bấy giờ Trường Trung Học Phan Thanh Giản có 4 lớp: hai lớp Seconde Moderne và hai lớp Premìère Moderne được phân biệt như sau (theo ngu ý của tôi, kính mong các bậc trưởng thượng, quý vị giáo sư và quý huynh trưởng và đồng môn cao minh hướng dẫn thêm nếu có sai sót, xin cám ơn).

1.     Enseignement  Secondaire, Section Moderne dành cho học sinh theo chương trình từ 1ère Année đến 4ème Année (năm thứ nhất đến năm thứ tư, tương đương với Đệ Thất, Lục, Ngũ, Tứ sau này), sau đó qua cuộc  thi concours, cuộc thi tuyển khó khăn tranh cao thấp dựa theo số lượng nhà trường cho phép mà thôi, khác với kỳ thi examen cho thí sinh đậu khi đủ điểm, không hạn chế số lượng như thi DEPSI (Diplôme d’Études Primaires Supérieures Indochinoises, gọi nôm na là bằng Thành Chung) hay BEPC/ Brevet d’Études du Premier Cycle hoặc bằng BE (Brevet Élémentaire)  mà theo tôi quan niệm thì hai bằng Thành Chung và Brevet Élémentaire tương đương nhau, còn bằng BEPC thấp hơn một tí vì trình độ Toán và Lý Hóa chỉ tương đương lớp 3ème  Année (năm thứ 3) mà thôi.

2.     Série Classique, Section Moderne dành cho học sinh bắt đầu từ lớp 6è (sixìème) lên 5è (cinquìème) , 4è (quatrième), đến 3è (troisième), rồi thi concours để lên Seconde, rồi Premìère. Học sinh ở Section Classique Moderne này thường có học và thi vấn đáp tiếng Latin (La-Tinh) và Grec (Hy-Lạp).

Boston_acKhuong.jpgRiêng cá nhân tôi lúc bấy giờ học theo Enseignement Secondaire, Série Moderne từ Seconde Moderne II đến Première Moderne II cùng với các anh Trương Quang Minh, La Quốc Bảo, Huỳnh Minh Bảo, Hồ Công Minh, Hồ Công Tâm, Nguyễn Thới Lai dáng dấp như thi sĩ, Lâm Văn Mẫn, Võ Sáng Nghiệp, Hứa Xướng Văn, Mai Hữu Chấn, hai anh em ở Sađéc Nguyễn Văn Dẫu và Nguyễn Văn Dược, Claude Phan Văn Báu, Lâm Văn Miến, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Văn Hạnh con thầy Nguyễn Cao Thăng dạy Sử Địa,  cùng một số bạn khác mà tôi đã quên tên.

Ảnh: Anh chị Trần Khương và các con cháu

Còn bên Série Classique Moderne tôi chỉ còn nhớ anh Trần Khương (hiện ở Boston, MA), anh Phạm Maurice, con GS Phạm Kim Liêu  dạy Sử Địa,…

Trên tôi một lớp, tôi nhớ có các anh Henri Nguyễn Kinh (Đại tá Chỉ Huy Trưởng Trường Quân Cảnh), anh Võ văn Hai (Trung tá), anh Lê Văn Giàu, bạn cùng khóa 12 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt-Nam với tôi từng phục vụ tại TTHL Quang Trung với tôi, sau này là Quận trưởng quận nội thành của tỉnh Phong Dinh.

Chúng tôi và các bạn đồng môn thuộc thành phần áp chót theo học chương trình Pháp từ năm thứ nhứt cho đến Tú Tài I, chương trình này được kéo dài thêm một năm nữa, sau đó chương trình giáo dục hoàn toàn chuyển sang Việt-Văn. Tiếp theo đó, trường đã đổi danh xưng thành Trường Trung Học Phan Thanh Giản, Cần Thơ.

Các Sinh Hoạt Của Trường:

a.     Học Hành và Chọc Phá:

TL_ThayTrong2.jpgTrong lớp chúng tôi có một số bạn nổi bật về một số phương diện, nhưng học đồng đều nhất và xuất sắc nhất phải kể đến anh trưởng lớp Trương Quang Minh (major)..  Anh là một học sinh rất dễ thương, ăn nói nhỏ nhẻ như con gái, nước da trắng trẻo, đặc biệt hay mắc cở như con gái, và mỗi lần như vậy là y như rằng mặt anh ửng hồng lên trông rất dễ mến. Tính tình anh rất hòa nhã và chưa bao giờ biết giận ai. Trong giờ Lý Hóa (Physique/Chimie), nhiều lần thầy Nguyễn Văn Trọng thường giaocho anh Minh trọng trách giảng bài cho các bạn trong lớp.

Ảnh: GS Nguyễn Văn Trọng

Lớp tôi có hai anh tên Bảo, một anh là Petit Bảo hay “Bảo Tiểu” (La Quốc Bảo) vì anh hơi nhỏ con so với anh Huỳnh Minh Bảo tự “Bảo Đại” cao lớn dềnh dàng là một hảo thủ bóng chuyền của trường. Cả hai anh đều học giỏi, anh Bảo Tiểu sau này lên Sài-Gòn học Math Géné, sau đó được học bổng qua Canada lấy bằng Cử Nhân Toán, riêng anh Bảo pự con sau này là Kỷ sư Nông Lâm Mục (hay Nông Lâm Súc. Trong lớp chúng tôi còn có hai anh em là Hồ Công Minh to kềnh càng cũng là tay đập bóng chuyền cừ khôi của trường và Hồ Công Tâm nhỏ con hơn anh nhiều. Nói đến anh trưởng lớp Trương Quang Minh mà không nhắc đến anh Võ Sáng Nghiệp là một thiếu sót lớn vì bạn Nghiệp cũng học rất giỏi gần ngang ngửa với anh Minh. Điểm đặc biệt là anh học rất chăm chỉ, có óc tổ chức và rất mê đọc sách nên sau một thời gian học tư tại nhà thầy Bửu Trí, anh đã xơi tái hết các sách trong thư viện mini của thầy (thầy cho phép học sinh được mượn sách thoải mái với điều kiện khi trả sách phải viết một bản tóm lược những gì đã đọc trong sách, và từ khi có sự hiện diện của con mọt sách Võ Sáng Nghiệp, thư viện nhỏ của thầy Bửu Trí đã phải bổ sung nhiều sách mới, dĩ nhiên hầu hết là sách tiếng Pháp.

Không phải “mèo khen mèo dài đuôi” nhưng hầu hết các bạn trong lớp tôi học niên học 1953-1954 và 1954-1955 học giỏi ghê lắm quý đồng môn à. Đó là nhờ công lao của các Thầy Cô Hiệu Trưởng và các Giáo Sư luôn tận tâm chỉ dạy chúng tôi về trí dục  lẫn đức dục, ngược lại chúng tôi rất biết tôn sư trọng đạo, luôn kinh trọng thầy cô khác hẵn với tình thầy trò hời hợt và lỏng lẻo trong xã hội ngày nay! Chúng tôi làm sao quên được gương mặt lạnh như băng  “vắng bóng nụ cười” và mắt cứ nhìn lên trần nhà mỗi khi giảng bài của thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Băng Tuyết, gương mặt nghiêm nghị hay “ghét học trò cười” của GS Nguyễn Văn Trọng “FM Đầu Bạc” khi giảng Physique, gương mặt dễ thương của GS Bửu Trí cũng như của GS Linh Mục Père Choimet với bộ râu xồm xoàm của người Pháp khi giảng về Văn chương Pháp (litérature Francaise), và gương mặt rất uy nghi của GS Nguyễn Cao Thăng dạy Sử nói tiếng Pháp như gió và rất nghiêm khắc nhất là đối với hai cậu quý tử là Nhã và Hạnh. Thế mà có một lần chính tôi (tác giả) là người đã dám cả gan trêu ghẹo vị GS khả kính này vì tính tình trẻ con chớ không có mảy may ác ý nào cả. Khi được GS gọi lên trả bài về trận đánh Trafalgar lẫy lừng của Nả-Phá-Luân Đệ Nhât (Napoléon 1er), tôi đã bắt chước một cách suông sẻ y hệt cách  giảng bài của GS với vài chữ thêm thắt vào kiểu người Pháp như “comment dirai-je?”, “n’est-ce-pas?”, “devant cet état de chose”, “mais quoi?”. Cả lớp đều muốn bật cười nhưng không dám, nhưng sau khi biết hậu ý dễ thương và “dễ bị đánh đòn” của HTT_ThayNgBangTuyet.jpgtôi, vị GS khả kính và nghiêm khắc này đã buột miệng cười nho nhỏ thôi! Thật là hú vía, nhưng quý bạn biết không, tôi đã phải học thật thuộc bài để có thể gồng mình và mạnh dạn lên bảng một cách khoan thai và từ tốn trả bài như GS đang giảng bài vậy! Ngoài ra còn một chuyện buồn cười nữa khi vị GS dạy Việt-Văn, dường như là GS Thiệu, bảo tôi dịch chữ “balance du pendule” của văn sĩ Pháp Pierre Loti, và tôi đã khiến cả lớp cười ngã nghiêng khi tôi cho đó là “cái trứng dái của đồng hồ” thay vì là “quả lắc của đồng hồ”???

Ảnh: GS Nguyễn Băng Tuyết

Ngoài ra, tôi vẫn còn nhớ đến quý vị GS Pháp Văn/ Hiệu Trưởng Nguyễn Mạnh, người đã cùng với GS Hiệu Trưởng tiền nhiệm Nguyễn Băng Tuyết  đã ký vào học bạ (livret scolaire) niên học từ 1953 đến 1955 của tôi, đến GS Lịnh dạy Toán, GS Cam và Thiệu dạy Việt-Văn, GS Nguyễn Cướng dạy Vẽ, GS Tài, Surveillant Général (Tổng Giám Thị), GS Nhung, Quang dạy Thể Dục Thể Thao.

 

Nói tóm lại, phải công bằng mà nói là các bạn tôi, dĩ nhiên cò tôi lẹt đẹt theo sau, cũng không học tệ lắm Mà không giỏi sao được khi bạn Trương Quang Minh sau này là Giáo Sư Hiệu Trưởng của chính Trường Mẹ Phan Thanh Giản, Cần Thơ, còn tốt nghiệp kỹ sư thì khá nhiều như các anh Nghiệp, Bảo, Khương, không thấy có bác sĩ vì có lẽ sợ dao kéo và mổ xẻ. Hai anh Phước  (đốc sự hành chánh) và Nghiệp (kỹ sư công kỹ nghệ) đều là Giám Đốc Bộ Kinh Tế, và anh Mẫn (đốc sự hành chánh) làm Giám Đốc Nha Thương Cảng sau này.

NTruongLeVGiau_OK.jpgRiêng về binh nghiệp thì như đã nói ở trên có 3 anh Henri Nguyễn Kinh (Đại tá), Lê Văn Giàu và Võ Văn Hai (Trung tá) học trên tôi một lớp, riêng trong lớp tôi chỉ có cu ky một mình tôi theo binh nghiệp vào Trường Võ Bị Quốc Gia VN ĐàLạt để rồi chỉ trèo lên đến Trung tá (1971) với hậu quả là nằm sơ sơ hơn 8 năm trong lao tù CS !

Ảnh: CHS PTG Lê Văn Giàu đang cư ngụ vùng Dallas-Fort Worth, Texas

b.     B.Thê Dục, Thể Thao & Võ Thuật;

Vào thời chúng tôi, Trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ là lò sản xuất những anh tài xuất chúng về thể dục, thể thao và võ thuật. Đội bóng chuyền của trường, gồm các anh Huỳnh Minh Bảo, Hồ Công Minh, Hân, An, Thân, Nghĩa đã từng tung hoành “vô địch thủ”  trong các tỉnh miền Tây. Sau này, khi vào Quân đội, tôi cũng bắt chước các bạn tôi và từng là thủ quân của các đội TTHL/ Quang Trung, Tổng Cục Quân Huấn , Bộ TTM và liên tục giữ chức vô địch trong 6 mùa liền.

Cũng trong thời gian ở trường, tôi đã cùng một số bạn tập leo dây, chạy bộ, chơi parallèle, barre fixe, và đã tập thuần tục 7 động tác barre fixe, và động tác petit soleil, ngoại trừ grand soleil thì chỉ có vài anh tập được mà thôi. Sau này, khi vào Trường Võ Bị Quốc Gia VN Đà-Lạt, tôi đã làm rạng danh cho Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ đi d9u71ng nhứt về môn thể dục thể thao.

Về võ thuật, đặc biệt là nhu đạo (judo), trường chúng ta có thầy Quang, anh Lưu Trọng Kiệt (Đề-Ba), chị Quế, chị Huệ là những môn sinh ruột của sư phụ Đại Tá Cao là Tỉnh Trưởng lúc bấy giờ, đặc biệt nổi bật nhất là anh Kiệt rất xuất sắc làm trưởng tràng, sau này anh là Trung tá ưu tú của binh chủng Biệt Động Quân QLVNCH (đã tử trận tại chiến trường miền Tây).

Phần  Kết:

Trường Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ đã đào tạo rất nhiều anh tài cho đất nước Việt Nam chúng ta qua nhiều lĩnh vực khác nhau, hy vọng sẽ được đề cập chi tiết hơn ở những lần sau. Rất đáng tiếc và đáng buồn thay là ngày nay, danh xưng Trường Trung Học Phan Thanh Giản không còn nữa!Tôi bị đưa vào vòng xoáy về tản mạn những kỷ niệm thuở học trò năm nào như vào mê hồn trận, khó khăn lắm tôi mới có thể đánh dấu chấm hết ở đây với bao nỗi bồi hồi xúc cảm khi hồi tưởng lại một thời đã qua, nhớ lại ai còn, ai mất với niềm xót xa khôn nguôi, nhưng có một điều chắc chắn là những kỷ niệm về sự thành công của ngôi trường Mẹ vẫn sống mãi trong tôi, bất diệt với thời gian..

                                      Springfield, MA Hoa Kỳ, mùa hạ 2013

CHS Trần Bá Xử

 

Tuổi Ô Mai

(Kính dâng lên hương hồn Thầy Giáo Sư Phạm Văn Thàn với lòng kính mến vô biên)                                                                                                                                                                                    

 TL_Aug16_nusinhgroup.jpg

Vào một đêm Thứ Sáu cuối tháng 7, 2013, khi nhận được cú điện thoại của bà GS Phạm Thị Kim Chi, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Đoàn Thị Điểm Cần Thơ từ thành phố Houston, TX gọi tới,  tôi thật sự ngỡ ngàng vì đã khá lâu tôi chưa được tin tức của Chị. Khi tôi gởi lời chào bà Hiệu Trưởng thì Chị bật cười thật dài, thật vui và thật thoải mái; cũng tương tự như lúc tôi gọi vị GS Hiệu Trưởng Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ Nguyễn Trung Quân bằng Thầy thì ông ta buột miệng nói “ông là bạn học với Thầy Hiệu Trưởng Trương Quang Minh mà gọi tôi bằng thầy cái nổi gì”? Thật ra tình sư đồ với nhau rất cao quý, nhưng tình đồng môn cũng không kém phần quan trọng và thắm thiết. Hồi tưởng lại đêm hội ngộ vào giữa tháng 10 năm 2012 của Đại Hội Thế giới XVI  2012 tại Boston, MA, khi tôi thấy một bà dáng vẻ là bà Hiệu Trưởng do cách trang phục đến hỏi tôi, tôi thực sự bất ngờ nhưng khi Chị cho biết là cựu học sinh Collège de Vĩnh Long thì tôi suy đoán có lẽ là Chị Phạm Thị Kim Chi.

Chị Chi trước đây tên là Henriette, là con gái cưng của thầy ruột tôi mà chúng tôi thường gọi trống không một cách thân thương là Thầy Thàn. Mà thật đúng như vậy, cả một bầu trời đầy kỷ niệm của tuổi thiếu niên, cái tuổi “ô-mai” đối với các nữ sinh nhí nha nhí nhảnh nhưng không kém phần duyên dáng và tinh nghịch đã  sống lại trong tôi.

  Ảnh dưới: Gặp lại sau hơn 60 năm tại ĐH XVI PTGĐTĐ, Boston Oct 2012

TBX_Aug6_CoChi_AnhXu.jpgChị Kim Chi và tôi có vài điểm rất giống nhau. Năm 1949, Chị là một nữ học sinh trẻ tuổi nhất lớp Premìère Année của “con gái” mà cũng là nữ học sinh học giỏi nhất lớp nữa, còn tôi là học sinh từ tỉnh lỵ Sađéc bé tí tẹo xuống Vĩnh Long học, cũng trẻ tuổi nhất và cũng may mắn là học rất giỏi trong lớp Première Année “con trai”. Thuở ấy, vì lớp “con gái” của chị Kim Chi còn thiếu học sinh trong khi lớp “con trai” còn dư dả học sinh nên nhà trường, lúc bấy giờ chỉ có hai lớp, do đó Ban Giám Học quyết định chuyển ba học sinh nam trẻ tuổi nhất qua lớp “con gái” và ô kìa, sao tôi lại được nhà trường “để mắt xanh” đến như vậy kìa! Cho nên tôi phải chuẩn bị “đáo nhậm đơn vị mới”, ủa quên, phải chuyển qua lớp “con gái”! Khi nghe đọc quyết định kinh khủng trên, tôi tá hỏa tam tinh bèn khóc bù lu bù loa và chạy đến xin cầu cứu Thầy Thàn là thân phụ của chị Kim Chi. Lại Thầy Thàn nữa vì tôi biết thầy rất cưng tôi, có vẻ tự tin quá, để xin Thầy ra đặc ân chỉ định bạn học khác thay thế tôi vì bấy giờ tôi rất nhát gái! Kết quả là tôi đã được may mắn ở lại lớp “con trai” phá như quỷ của chúng tôi. Không biết sự lựa chọn này của tôi có đúng không, nhưng suy đi tính lại, tôi nghĩ nếu tôi chuyển qua lớp “nữ sinh” của chị Kim Chi thì biết đâu tôi sẽ cố gắng học giỏi hơn vì sợ thua sút học sinh con gái? Tính ra thì đằng nào tôi cũng thấy không ổn vì nếu học chung với chị Kim Chi thì tôi sẽ thua chị là cái chắc rồi Còn ở bên lớp “đực rựa” chúng tôi, vài ba tháng đầu, tôi đã may mắn được đứng hạng cao nhất, nhưng sau này không biết sao tôi lại bị hai anh chàng khổng lồ Nguyễn Văn Vẹn (đã có vợ rồi) và anh Lương Ngọc Ẩn đè đầu đè cổ làm tôi ít còn cơ hội ngoi lên cầm cờ “chỉ huy” chớ không phải “cờ đỏ”? Ở cái ngày xa xưa huy hoàng ấy, mỗi khi vị Giáo sư Hiệu Trưởng Nguyễn Văn Kính, thường được gọi là ông “Đìa” (Directeur) vào kiểm tra mỗi đầu tháng đồng thời yêu cầu thí sinh lên đứng xếp hàng theo thứ hạng cao thấp thì một vài anh trong đó có tôi, thường được kêu lên đầu tiên và được ông khen ngợi làm tôi nở lỗ mũi to lắm trong khi một số bạn khác khi đứng xếp hàng phải lập lại lời thầy nhận xét “Tôi hạng thứ….Tôi đã đứng hạng thứ…”.Vậy tôi lên được mấy hạng….hoặc sụt xuống mấy hạng; nếu lên hạng cao thì “c’est excellent”, nếu xuống hạng nhiều thì “c’est énorme”, hoặc nếu tôi cầm đèn đỏ thì ôi thôi “donc, je tiens la lanterne rouge” và phải cố gắng để lần sau học khá hơn, do vậy để khuyến khích học sinh cố gắng học giỏi hơn nữa nên nhà trướng còn phát thêm một bảng danh dự về những cố gắng liên tục (tableau d’honneur pour ses efforts constants pendanh le mois de….”.

Ngoài việc học hành, bây giờ khi hồi tưởng lại “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, đôi lúc tôi cảm thấy mắc cở vô cùng, nguyên nhân là thuở ấy tôi cũng thích thơ thẩn lắm, nghĩa là thích làm thơ đó mà khi đã bắt đầu học các loại thơ luc bát, thơ ngũ ngôn, song thất lục bát, kể cả thơ yết hậu, thơ đường luật nữa, nhưng bây giờ nhớ lại tôi thấy có lẽ tôi làm thơ “con cóc” là hay nhất? Người ta học về thơ để tập làm thơ cho đúng mỗi khi thầy cô kiểm tra bài, hoặc làm thơ để nghêu ngao cho vui, còn riêng tôi lại chơi ngông là viết thư cho bạn bè toàn bằng thơ mới là kinh hoàng chớ? Thuở ấy tôi có anh bạn thân trước trọ chung nhà với tôi ở khu đất thánh Tây tại nhà bà Nguyễn Thị Nam, giáo viên Trướng École Francaise de Vĩnh Long, sau về sống chung với anh chị tại Long Xuyên. Chúng tôi chơi rất thân với nhau và thường liên lạc qua thư từ viết toàn bằng thơ, thông thường là thơ lục bát, lâu lâu tập viết một bài thơ đường luật nhưng rất khó khi phải đối câu, đối chữ, đối vần, v..v.., bây giờ tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng mấy câu phải học thuộc lòng như “nhất, tam, ngũ bất luận, nhì tứ lục phân minh, hay câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6, hoặc học thuộc lòng cách gieo vần như “bằng bằng trắc trắc bằng bằng; bằng bằng trắc trắc bằng bằng trắc bằng” chẳng hạn??? Cuộc thư từ qua lại được kéo dài khoảng gần nửa năm thì bỗng một hôm tôi nhận được bức thư của ông anh ruột của bạn tôi với lời khen ngợi mà tôi không biết đúng hay không đúng “em Xử làm thơ gởi cho em Tín rất hay, cứ tiếp tục đi nghe em?” Tôi hoang mang không biết anh của bạn tôi là ai, mãi đến thời gian một tháng sau tôi mới biết ông anh của bạn tôi là một nhà thơ có hạng của miền Nam lúc bấy giờ làm tôi ê càng nên không dám làm thơ nữa!!!

TL_Aug16_OMai.jpgCũng ở cái tuổi “ô mai” của quý cô nương nhí nhảnh ấy mà thuở ấy tôi thường so sánh với mấy ông ma mảnh đực rựa nhà tôi là tuổi “ô môi” (từ này do tôi phịa ra đó, nếu các bạn trai của tui không bằng lòng thì cứ tự nhiên “xù” luôn, chớ có hại thằng Tây nào đâu mà lo với sợ? Hỗng biết tôi nghĩ có đúng không nhưng ở vào cái tuổi í (ấy) trong bọn tôi cũng có vài anh thích thơ thẩn lắm. Vì tôi không phải là thi sĩ (chớ không phải “vì tôi là linh mục)? nên khi được biết có một số rất hiếm thi sĩ Pháp, vì tôi học chương trình Pháp nên hay để ý đến mấy vị này, chỉ có vài bài thơ, thậm chí chỉ có duy nhất một bài, mà đã nổi danh thiên hạ, thí dụ như Paul Verlaine hay Félix Arvers. Lúc bấy giờ, tôi xem mê mệt bài thơ được gọi là Tình Tuyệt Vọng (Le Désespoir) nhưng thực ra Félix Arvers chỉ có bài “Sonnet d’Arvers” đã được nhà văn nổi tiếng trong Tự Lực Văn Đoàn là Khái Hưng dịch ra với tựa đề được cải biến thành “Tình Tuyệt Vọng” được xem là hay nhất so với vài bài dịch khác như của Lãng Nhân Phùng Tất Đắt chẳng hạn. Thuở ấy, không biết các nữ sinh từ Troisième Année đến Quatrième Année (Đệ Ngũ, Đệ Tứ) ra sao, nhưng với kinh nghiệm bản thân, tôi thường cảm thấy có những mối tình vu vơ, rất nhẹ nhàng, rất thoáng, chợt đến rồi chợt đi, kiểu như “mối tình học trò” của tôi, nên rất thích xem những bài thơ ca tụng tình yêu thường là cao thượng để rồi tiếc tiếc, thương thưong, và rồi lại thôi. Vì vậy, khi xem tập thơ Mes Heures Perdues xuất bản năm 1833, thời điểm mà tên tuổi các nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn Pháp đã rực sáng, từ Lamartine với Méditations Poétiques (1820), Victor Hugo với Les Odes (1822), Les Orientales (1829), Les Feuilles d’Automne (1831), Alfred de Vigny với Poèmes Antiques et Modernes (1835), cho đến Alfred de Musset với Premières Poésies (1835), rồi khi xem đến Sonnet d’Arvers của Félix Arvers (1806-1850) thì tôi bỗng nhiên thấy tuy các bài thơ Le Lac hoặc L’Isolement hay ngay cả Le Désespoir của Lamartine đã để lại trong tôi nhiều nỗi bâng khuâng nhè nhẹ nhưng khi chỉ đọc mỗi một bài Sonnet của Félix Arvers thì tôi cứ ray rứt mãi không nguôi và cứ thắc mắc không biết người đẹp mà Félix Arvers si tình là ai; mà thắc mắc làm chi cho mệt cái thân…trẻ? Có lẽ tôi đã quá lo bao đồng nhưng khi xem những lời thơ lãng mạn như bốn câu đầu:

TL_aug16_FelixArvers.jpg“Mon âme a son secret, ma vie a son mystère

Un amour éternel en un moment cọncu

Le mal est sans espoir, aussi j’ai du le taire,

Et celle qui l’a fait en a jamais rien su…. “

và Khái Hưng đã dịch như sau:

“Lòng ta chôn một khối tình

Tình trong giây phút mà thành thiên thâu

Tình tuyệt vọng, nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay….”

Và…cũng đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ mang máng vài đoạn thơ kế tiếp mà tôi ưng ý nhất hai câu

 “Elle ira son chemin, distraite et sans entendre

Ce murmure d’amour élevé sur ses pas”

“Đường đời lặng lẽ bước tiên

  Ngờ đâu chân đạp lên trên mối tình”

Rồi đến 2 câu thơ cuối cùng:

“Elle dira, lisant ces vers tout remplis d’elle

 “Quelle est donc cette femme”? et ne comprends pas” 

  ‘Lạnh lùng lòng sẽ hỏi lòng

Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây? “ ….

thì bỗng nhiên tôi vẫn thấy thích làm thơ ghê lắm, nhưng như đã nói ở trên, tôi chỉ có biệt tài làm thơ con cóc mà thôi, hơn nữa khi chuyển qua Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ, tôi phải bận bịu đủ thứ, kể cả việc săn lùng một “Mối Tình Học Trò” (BBT: Đã đăng trên Trang Nhà, Mục VHNT - Văn Trần bá Xử)cũng lãng mạn không kém “Le Lac” của Lamartine hay “Tình Tuyệt Vọng” của Félix Arvers nên tôi xin mạn phép được tạm đánh dấu chấm hết nơi đây.

  TBXu_Jul7_portrait.jpgCHS/PTG

Trần Bá Xử

 Springfield, MA sắp sang Thu 2013     

__________________________________________________________                                                                              

tbx_jul3_QueHuongToiTitle.jpg

Kính dâng hương hn cha m tôi vi mt hoài nim khó phai….. 

Trần Bá Xử                  

                                                                                                         

Tôi được sinh ra vào giữa thập niên 30 trong vùng đồng bằng phì nhiêu sông Cửu Long, chính xác hơn là vùng Sa-Giang với dòng thủy triều muôn thuở, với tl_jul3_hoctroque.jpghai con nước lớn và ròng, và với đám lục bình lững lờ trôi lên xuống dọc theo dòng sông Sa hiền hòa..  Đây là quê ngoại tôi với địa danh mộc mạc là Ngã Cạy của tỉnh Sa-Đéc , nơi có dòng sông êm đềm uốn lượn qua một nhánh sông đối diện được gọi là Ngã Bát.  Nơi đây, tôi đã sống những ngày thơ ấu vô tư cùng với đám bạn trẻ trong xóm.  Ngày qua ngày, ngoài thời gian đi học tư với một ông giáo dễ thương, mỗi khi rổi rảnh, đám bạn hay phá phách của tôi và tôi (đứng hàng thứ ba sau quỹ và ma) thường hay thi nhau lội qua con sông khá rộng hay ném đất qua bên kia sông để xem ai giỏi hơn. Tơi thường chiếm chức quán quân về bơi lội giúp tôi sau này có dịp tập bơi đường dài dọc theo sông Vĩnh Long ra phía cồn xa tít mù, lý do đơn giản là để ngắm nhìn cô bạn bạn gái tôi thương cùng lớp Đệ Tứ (quatrìème année) đang ngồi học bài trên nhà sàn gần bờ sông với mối tình học trò một chiều không kết quả. Việc tập luyện từ thuở ấu thơ này cũng đã giúp tôi trở thành một tay ném lựu đạn có hạng và là niềm hãnh diện khi tôi có dịp biểu diễn môn ném lựu đạn tay trong nhiệm vụ huấn luyện viên môn lựu đạn tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung sau này cho đến lúc gặp một tân binh quân dịch cao quá khổ tên Dần người gốc Nha Trang.  Trong một lần thực tập ném lựu đạn huấn luyện MK2, anh ta đã ném quả lựu đạn màu xanh này bay xa tít thò lò không biết đến bến bờ nào nên kể từ đó tôi không thèm biểu diễn nữa vì bị ê càng và quê ơi là quê !  Sau này, anh ta là một cầu thủ có hạng của đội tuyển bóng chuyền quốc gia Việt-Nam.  Ngoài việc ném đất và bơi lội, tôi còn được vinh dự làm thủ lĩnh trong toán bắn chim trong làng.  Trước đó, tôi chỉ lẽo đẽo theo sau nhóm bạn và chỉ được bắn ná (nạng giàn thun) khi anh trưởng toán cho phép cho đến một hôm tôi lập được thành tích xuất sắc nhờ may mắn khi hạ được hai bạn chim sâu cùng một lúc khi cả hai cô cậu mải mê chụm đầu vào mổ một trái mận trong vườn nhà tôi.  Cái vinh dự này rồi cũng chấm dứt cho đến một hôm tôi liên tục bắn trượt hai con chim cu đang gáy cúc cu trên cành cây xoài cao vút.  Ngoài các thú vui trên, tôi còn say mê đào các hang trong ruộng nhà tôi để bắt mấy anh dế sừng sỏ nhất để tranh tài với các trự dế nổi tiếng khác trong xóm.  Có một lần tôi chộp được một anh dế đầu bự với cái hàm rất rộng mà mỗi khi anh ta hả miệng ra là các đối thủ đều xếp giáp quy hàng chạy có cờ.  Tuổi ấu thơ rồi cũng qua đi khi gia đình chúng tôi phải chạy tản cư bằng ghe về miệt vườn thật sâu cách xa thành phố có đến chín, mười cây số để tránh máy bay Nhật oanh tạc.  Khi tôi trở về thành phố thi may mắn thay cũng vừa lúc chuẩn bị thi Sơ Học Yếu Lược.  Tôi luôn nghĩ “cái tôi là đáng ghét” nhưng một lần nữa tôi xin phép được ba hoa chích chòe là thần may mắn đã gỏ cửa nên tôi đã đậu nhất tỉnh với phần thưởng danh dự cao hơn người tôi do ông Tỉnh trưởng người Pháp trao tặng, và do ba tôi phụ giúp mang về.  Thần may mắn vẫn lẽo đẽo theo tôi cho đến năm học cuối cùng (classe terminale) khi tôi nhận mãnh bằng Tú Tài 2 mà năm nào tôi cũng lãnh một trong ba phần thưởng đầu của lớp.  

Vào khoảng năm 1954, chiến tranh quốc cộng bùng nổ khá dữ dội, các bạn cùng lớp tôi, người sang Pháp hay Phi Châu học các khóa Không Quân tại Rochefort, Auxerre, Marrakech hoặc được gọi theo học Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, còn một số đông khác tình nguyện vào Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt để thi hành nghĩa vụ quân sự.  Riêng tôi, tôi nộp đơn xin vào Trường Đại học Sư Phạm, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt. Bản thân tôi rất ghét chiến tranh, một cuộc chiến huynh  đệ tương tàn, nhưng rốt cuộc tôi đã gửi đơn tình nguyện vào Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt vì lúc ấy tôi được biết khóa học này sẽ kéo dài khoảng hai năm và sẽ học thêm một năm nữa tại một quân trường ở Hoa Kỳ để bổ túc quân sự và chuyên môn.  Lúc bấy giờ, tin tức báo chí cho biết một số bạn tôi tham dự các khóa học ở Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức và Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt đã tử trận khi vừa mới rời khỏi nhà trường được vài tháng do cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt nên theo ý nghĩ nông cạn của tôi lúc bấy giờ, thời gian gần ba năm ở quân trường có lẽ là giải pháp khả thi nhất.  Do vậy, khi nhận được giấy gọi cùng một lúc của Trường Đại học Sư Phạm và Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt, tôi đã không ngần ngại chọn giải pháp thứ hai, điều này đã khiến cha tôi không vừa lòng vì lúc nào ba tôi cũng mong muốn tôi trở thành nhà giáo hay bác sĩ.

 Sau khi tốt nghiệp Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt, sau cải danh thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt-Nam, cả khóa chúng tôi được gửi đi Trường Bô Binh Fort Benning để tham dự khóa Đại Đội Trưởng Bộ Binh và khóa Sĩ quan Truyền tin Binh đoàn hoặc khóa Quân xa tại thành phố Columbus, Georgia, Hoa Kỳ.

Khi trở về nước, một số bạn chúng tôi được về một số binh chủng  binh sở như Truyền Tin, Pháo Binh, Công Binh, Quân Cụ, riêng 66 tân Thiếu Úy còn lại, trong đó có tôi, được thuyên chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vì nhu cầu huấn luyện tân binh quân dịch theo phương pháp huấn luyện mới được tiếp thu tại Hoa Kỳ.  Sau hơn tám năm liên tục làm huấn luyện viên rồi Trưởng Ban 3 Huấn Luyện, tôi được chuyển về Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu để đảm trách công tác tham mưu huấn luyện trong ròng rã chin năm qua các chức vụ Trưởng Ban, Chủ Sự Phòng và Phụ Tá Chánh Sự Vụ Sở.  Binh nghiệp của tôi chấm dứt một cách đột ngột như cuộc bức tử tức tưởi của Saigon yêu thương của mọi người Việt-Nam quốc gia chúng tôi.

Hơn tám năm trong lao tù Cộng Sản đã biến cá nhân tôi và những chàng trai đầy nhiệt huyết năm nào khi bước chân vào ngưởng cửa Trường Võ Bị Quốc Gia Việt-Nam thành những kẻ trắng tay, mất tất cả hy vọng của cuộc sống.  Trong những ngày lao động khổ sai trong ngục tù, điều đau đớn nhất đối với tôi là tin song thân tôi lần lượt qua đời mà mãi bốn, năm năm sau tôi mới được tin vì vợ con tôi không muốn hay không dám đem đến cho tôi niềm thất vọng lớn lao trong đời.

Trên chuyến tàu hỏa Thống Nhất chở những người bạn tù chúng tôi và tôi xuôi về miền Nam yêu dấu (tất cả chúng tôi đều bị còng một tay chung với nhau), tôi bất chợt bang hoàng khi con tàu ngưng tại Ga Diên Trường, thường được người địa phương gọi nôm na là “Ga Gà”  Quảng Ngãi có lẽ vì nơi đây bán nhiều gà.  Cả một trời kỷ niệm ập đến khiến tôi chợt nhớ ra rằng đây là quê hương thứ hai của tôi ngoài tỉnh lỵ Sa-Đéc với con sông Sa hiền hòa tươi mát đã mang đến cho tôi không biết bao nhiêu kỷ niệm thật êm đềm của thuở ấu thơ.  Đây là quê hương thứ hai của tôi đây mà vì ba tôi được sinh ra và lớn lên tại làng Diên Trường, huyện Đúc Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.  Thuở bé, tôi có dịp được về thăm quê nội khi vừa lên bốn.  Cho tới bây giờ, tôi vẫn còn hình dung được căn nhà bề thế (theo suy nghĩ ngây thơ của tôi khi còn bé) của ông nội tôi.  Căn nhà được xây bằng gạch thẻ với bậc thềm “cao ơi là cao” , có lẽ đây là nhận xét của tôi lúc bấy giờ vì khoảng mười năm sau đó, khi có dịp trở về thăm quê nội, tôi cũng vẫn thấy tuy thềm nhà có cao nhưng ở chừng mực nào đó, có lẽ vào khoảng bốn gang tay.  Điều đập vào mắt tôi trước tiên là ngang hông phải của căn nhà có hai cổ quan tài màu gỗ gụ, dĩ nhiên trống rỗng,  nằm chình ình ở đó khiến tôi giật mình sợ hãi không dám bén mảng đến gần vì bản tính nhút nhát sợ ma của tôi.  Bản tính này vẫn còn đeo đuổi tôi mãi ngay cả khi tôi đã trở thành sinh viên sĩ quan của Trường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt.  Có một lần khi tôi đang trực gác đêm cạnh nhà kho vắng vẻ âm u có khu rừng thông nằm ngay phía dưới thung lũng quạnh hiu thì bổng khi khổng khi không từ trên trời rớt xuống một hòn đá rõ to lăn lông lốc trên mái tôn nhà kho quỹ quái và rớt xuống ngay cạnh chân tôi làm tôi hồn vía bay lên trời nên tôi hốt hoảng vội kéo cò lên đạn một cái rột, rất may là không có đạn, để lên tinh thần nhưng vẫn hồi hộp và mong sao cho sớm xong phiên gác hầu khỏi phải nơm nớp lo sợ…ma.  

Tôi vẫn còn nhớ mãi hai cổ áo quan trống rổng mà nội tôi đã chuẩn bị sẵn cho ông bà trong tương lai.  Ngoài ra, cách nhà nội tôi không xa còn có một cây đa to lớn với cành lá xum xuê mà khi chiều đến tôi có cảm giác như nổi da gà khi bắt buộc phải đi ngang qua mỗi lần nội sai tôi đem quà qua nhà bà nội tôi ở cách xa khoảng hơn một trăm thước. Trên đường về, khi vừa ra khỏi nhà bà nội là tôi ba chân bốn cẳng chạy u về nhà ông nội tôi nhưng vẫn không quên dòm chừng cây đa vì sợ con ma có thể bất thần nhảy ra le lưỡi dài ngoằng ra nhát tôi chăng.

Còn một kỷ niệm khó quên nữa khi một hôm tôi thấy đoàn tàu hỏa sắp vừa ngừng tại ga Diên Trường thì bất chợt tôi thấy có một gói quà rớt ra từ xe lửa lăn lông lốc xuống con đường nhỏ cách tôi vài thước khiến tôi mừng rở hy vọng.  Nhìn quanh khi không thấy ai, tôi rón rén đến gần và hồi hộp khẻ bóc gói quà ra nhưng tôi hoàn toàn thất vọng vì đây chỉ là gói đựng rác và các đồ dơ bẩn khác.  Một lần khác, khi tôi bén mảng đến gần đoàn tàu vừa ngừng lại thì bất ngờ có một người đàn ông nhảy xuống dường như muốn túm lấy tôi làm tôi hồn phi phách tán chạy thục mạng về nhà nội tôi, vừa run cầm cập vừa lồm cồm bò lên bậc thềm nhà mà tôi cảm thấy thật quá cao.  Lúc bấy giờ tôi loáng thoáng nghe tin đồn có phong trào bắt cóc các em bé đem vào miền Nam nhưng không biết thực hư ra sao?

Sau hơn tám năm trong lao tù Cộng Sản, cộng thêm gần chín năm lao động cật lực sau đó với vài ngành nghề khác nhau như vẽ pa-nô quảng cáo, phiên dịch các tài liệu Anh ngữ trong quyển tự điển Oxford sang Việt ngữ, hoặc dạy Anh văn căn bản cho những người chuẩn bị di dân sang Mỹ, Úc, Canada,  cuối cùng, gia đình tôi cũng được phép định cư tại thành phố Springfield, Massachusetts, Hoa Kỳ vào cuối năm 1993 để lại sau lưng ba cháu gái vì chúng đã lập gia đình, một điều thật đắng cay khi nghĩ đến cụm từ “đoàn tụ gia đình”  thật vô nghĩa!  Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nhớ ơn đất nước Mỹ đã cưu mang chúng tôi và cho chúng tôi thấy rõ ý nghĩa thật sự của hai tiếng Tự Do.  Quả nhiên, miền đất hứa Hoa Kỳ này là mãnh đất của cơ hội (land of opportunity), nơi đã giúp không biết bao nhiêu gia đình người Việt thành công nếu có ý chí vươn lên, đặc biệt nhất với hệ thống giáo dục thực dụng tuyệt vời không phân biệt tuổi tác. Do vậy, nhiều vị cao niên vẫn còn có cơ hội cắp sách đến trường để trau dồi thêm kiến thức kỹ thuật và chuyên môn mà mình mong muốn.  Và đây là quê hương thứ ba của tôi, một nơi tạm dung mới mẻ đã đào tạo không biết bao nhiêu tài năng trẻ Việt-Nam giỏi giang không thua kém ai so với các nước khác trên thế giới.

Giờ đây, tôi có đến ba quê hương, hai quê hương ở Việt-Nam, một ở tỉnh Quảng Ngãi thuộc trung phần Việt-Nam, một ở tỉnh Sa-Đéc thuộc miền nam Việt-Nam và một ở tiểu bang Massachusetts, Hoa kỳ cách xa Thái Bình Dương vài ngàn dặm, nhưng trong tận đáy lòng, tôi vẫn luôn hướng về quê hương ruột thịt của tôi trong niềm hy vọng thiết tha được thấy một nước Việt-Nam thanh bình, thật sự được độc lập, tự do và dân chủ trong một tương lai gần đây.

                                      Trần Bá Xử

Cựu học sinh PTG Cần-Thơ

                   Mười bảy mùa thu xa quê hương…11/2010

TÁM NĂM ĐẠI HỌC CẢI TẠO

Trần Bá Xử_______________________

TBX_Jun21_traitu.jpg

Các bạn thân mến,

Thông thường thì bằng cấp cao nhất của bậc Đại học có thể là bằng Tiến sĩ như Ph.D. (Doctor of Philosophy), M.D. (Doctor of Medicine), Pharm.D. (Doctor of Pharmacy), D.D.S. (Doctor of Dental Surgery), Ed.D. (Doctor of Education), J.D. (Doctor of Jurisprudence), v..v.. và với thời gian từ 8 đến hơn 10 năm nhưng các bạn tôi và cá nhân tôi lại nhận được học vị cao nhất và ngon lành nhất là Tiến sĩ Cải-Tạo! Thời gian trên tuy quá ngắn đối với một đời người nhưng lại quá dài đối với kẻ chiến bại như chúng tôi, những người đã phải gánh chịu muôn vàn khổ nhục trong lao tù Cộng Sản.

Dưới đây là hành trình của cá nhân tôi "tuy cái tôi là đáng ghét" với những thăng trầm, vui có, buồn có, dĩ nhiên buồn nhiều hơn vui, trong những chuỗi ngày bị tù đày, mà tôi xin phép được sơ lược những mốc thời gian đáng ghi nhớ dưới đây:

Khi lịch sử lật sang trang mới, qua giờ thứ 25 sau khi Sài-Gòn thay đổi chủ, tôi cảm thấy như bị hụt hẫng không biết mình là ai, đang ở đâu, và làm những gì. Buổi sáng khi tỉnh giấc, tôi cứ tưởng mình đang mơ vì thực tế quá phũ phàng với bao nghi vấn trong đầu: mình có phải là Trung tá vẫn còn làm việc tại Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu hay là ai mà bây giờ lại rổi rảnh như một kẻ thất nghiệp vậy? Tôi và các bạn đồng cảnh ngộ đi bộ lang thang khắp Sài-Gòn, chia xẻ với nhau những ly rượu bất kể là Johnny Walker hay Ông Già Chống Gậy hoặc rượu thuốc mà trước đây tôi chưa bao giờ ghé môi tới, để tạo cái ảo giác là mình đang ở một thế giới nào khác và giúp cho đỡ buồn. Nhưng “sầu lại thêm sầu”. Bổng sau đó vài ngày, báo chí cho biết nhà nước yêu cầu các sĩ quan từ cấp Trung tá trở lên phải đến doanh trại đường Trần Hoàng Quân, Chợ-Lớn để ghi danh học tập trong một tháng với cước chú là phải mang theo tiền ăn đầy đủ. Lòng tuy hoang mang nhưng tôi vẫn thi hành như cái máy với hy vọng đoàn tụ với gia đình sau một tháng “học tập cải tạo” (thật là ngây thơ khi dùng cụm từ này vì trên thực tế là đi ở tù, ở tù mà phải đóng tiền cơm thì thật là đáng buồn cười biết bao!) Gặp các bạn tại trại Trần Hoàng Quân, chúng tôi chỉ trao đổi với nhau vài câu ngắn gọn và ai nấy lo thủ tục nhập học ngay.

Đêm 15 tháng 5 năm 1975, chúng tôi được xe Molotova kín bít bùng đưa đến một địa điểm mà sáng hôm sau chúng tôi mới biết là trường Don Bosco, một ngôi trường ở quận Gò-Vấp rất gần nhà tôi ở khu cư-xá Lê-Văn-Duyệt, Gia-Định. Đến chiều, chúng tôi được ăn cơm do nhà hàng Đồng Khánh cung cấp, điều này đã đánh tan phần nào mối hoài nghi của tôi về thực tế của cuộc đi học tập này.

          Trại Long-Giao:

Đêm hôm đó (thông thường những lần di chuyển trại đều được thực hiện vào ban đêm để tránh sự dòm ngó của dân chúng), chúng tôi lại được chở bằng xe Molotova cũ kỹ đến một địa điểm khác. Ngồi trong chiếc xe bít bùng gần ngộp thở, tôi không biết họ chở chúng tôi đến đâu. Vì xe chạy chậm, tôi đoán họ đang cho xe chạy lòng vòng để đánh lạc hướng. Gần lúc muốn ngộp thở, tôi chợt nhớ ra là có mang một con dao rất nhỏ trong túi quần nên tôi đã rọc một đường dài khoảng nửa gang tay bên hông tấm vải bạt xe trước chỗ tôi đứng  để tìm không khí đồng thời may ra có thể biết mình đã đến đâu. Tôi rất đỗi ngạc nhiên vì đã khá lâu mà chiếc xe chỉ chạy một đoạn rất ngắn. Xe chỉ mới đến khu bưu điện và cư xá Lê-văn-Duyệt là nơi tôi đang trú ngụ. Tôi cố tìm một người thân quen để liên lạc nhưng tôi đã thất vọng, chiếc xe đã vô tình lăn đều bánh đến một nơi vô định.

Với tốc độ chậm như vậy nên mãi đến sáng hôm sau xe mới đến doanh trại mà các bạn rành khu vực này cho biết là Long Giao, Long Khánh.

Kể từ hôm nay, chúng tôi bắt đầu đi lao động nhưng rất nhẹ nhàng vì phần lớn thời gian ở đây tập trung vào việc học tập 10 bài căn bản của Cộng Sản. Tôi chúa ghét ‘chính chị chính em” nên rất lơ là trong việc học tập nhưng bất hạnh thay “ghét của nào trời trao của ấy” vì tôi được chỉ định làm “B Trưởng” học tập (trung đội trưởng), và tôi phải thường xuyên đi họp để “bồi dưỡng” kiến thức tổng quát để còn biết đường hướng dẫn buổi học tập.

Một hôm, đang thảo luận về lý lịch trích dọc trích ngang gì đó, anh cán bộ giảng huấn đang lim dim gật gà gật gù bất chợt ngồi nhỏm dậy như bị điện giật và yêu cầu học viên trình bày lại đọan vừa qua. Anh cán bộ tỉnh giấc mộng vàng khi nghe anh Hoàng Mão, nguyên Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 Sư Đoàn 1 Bộ Binh diễn lại màn anh ta tiêu diệt gọn một lực lượng địch khi anh còn là Đại đội trưởng!

Cũng trong suốt thời gian học tập này, tôi cứ nghe các cán ngố ra rả suốt ngày về danh từ “ngụy quân ngụy quyền” gán cho chúng tôi. Tôi nghĩ có lẽ họ khẳng định quá sớm, sau này lịch sử trung thực sẽ phán quyết ai là chánh ai là tà.

Sau khi học xong 10 bài trong khoảng hai tháng rưỡi, các bạn chúng tôi bàn tán xôn xao về lễ mãn khóa sẽ được tổ chức tại sân vận động Cộng Hòa với sự tham dự đông đủ của gia đình học viên. Hôm sau, anh cán bộ trưởng ban giảng huấn đến thăm viếng doanh trại các cựu Trung tá và Đại tá. Một học viên đúng lên hỏi: “Thưa anh, chúng tôi được báo chí cho biết thời gian học tập là một tháng nhưng đến nay vẫn chưa nghe nói gì hết?”

Tay cán bộ tỉnh bơ phán ngay một câu: “Nếu không nói như thế thì giờ đây làm gì có mặt đông đủ các anh như thế này!”

Thật đáng sợ biết bao! Sau này, khi đến bến bờ tự do, trong luận án Cao học về Giáo dục, tôi có đề cập câu tuyên bố đó trong bài viết về Chiến tranh Việt-Nam với kết luận: “Người Cộng Sản nói chung, và Việt-Cộng nói riêng, là những tay bịp bợm nhất thế giới” (The Communists in general, and the Việt-Cộng in particular, are the best liars in the world). Chúng không những lừa dối nhân dân Việt-Nam mà con trắng trợn lừa bịp cả các nước khác trên thế giới.

Cũng trong thời gian trên, tôi hân hạnh được biết thi sĩ Hà Thượng Nhân mà tôi vẫn còn nhớ bài thơ bất hủ của anh đã được phổ thành nhạc (Đã ba mươi năm rồi còn gì, tôi chỉ còn nhớ lõm bõm vì tuổi già sức yếu, xin thi sĩ miễn chấp nếu tôi có chỗ sai sót, xin chân thành cám ơn anh):

Trời có điều chi buồn, mà trời mưa mãi thế,

Cây cỏ có chi buồn, mà cây cỏ đẫm lệ

(mà cỏ cây lệ tuôn)

Anh nhớ em từng phút, anh thương con từng giây,

Chim nào không có cánh, cánh nào không thèm bay,

Người nào không có lòng, lòng nào không ngất ngây.

Gửi làm sao nỗi nhớ, trao làm sao niềm thương,

Nhớ thương như trời đất, trời đất vốn vô thường,

Ngày xưa chim hồng hộc, vượt chín tầng mây cao,

Ngày xưa khắp năm châu, bước chân coi nhỏ hẹp,

Bây giờ giữa Long Giao, ngồi nghe mưa sùi sụt,

Cuộc đời như chiêm bao, Có hay chăng ngõ cụt,

Anh châm điếu thuốc lào, Anh châm điếu thuốc lào,

Mình say mình say sao? Mình say mình say sao?

Trại Suối Máu/Tân Hiệp (Ảnh dưới):

TBX_Jun21_SuoiMaucamp.jpgSau khi học xong 10 bài, chúng tôi được lệnh chuyển trại, lần này được đưa đến trại Suối Máu hay Tân Hiệp. Chúng tôi được phân phối thành 10 đội, mỗi đội do một đội trưởng trách nhiêm.  Tôi không thuộc đội nào cả mà thuộc toán đặc biệt như là ban chỉ huy vậy. Toán này chịu trách nhiệm tổng quát cho trại, làm gạch nối giữa ban chỉ huy trại và các học viên chuyên lo các vấn đề như thư tín, truyền tin, y tế, và trang trí. Thành phần gồm có anh Cúc (Trung tá Pháo Binh, trưởng toán), anh Cường (Trung tá bác sĩ Quân Y, y tế), Anh Khanh (Trung tá Truyền Tin, âm thanh), họa sĩ Tạ Tỵ (trung tá Tổng Cục CTCT) và tôi, Tổng Cục Quân Huấn, trang trí). Nhờ làm việc ở đây nên tôi có thể giúp các bạn chuyển thư (lậu) ra ngoài khi tình hình cho phép. Mỗi đội đều có một quản ca gồm toàn những nhạc sĩ nổi tiếng của QLVNCH như các nhạc sĩ Khôi, Vũ Đức Nghiêm, Thục Vũ, Cung Trầm Tưởng, v..v.. Họ họp nhau mỗi tuần một lần để tiếp nhận và phổ biến những bài ca của Việt-Cộng như bài “Như có bác Hồ trong ngày đại thắng”, “Tiến về Sài-Gòn” mà mỗi lần cất tiếng hát là tôi thấy rợn da gà. Một hôm, anh cán bộ phụ trách quên đem cây đàn nên định hoãn buổi họp vào lần sau, nhưng một nhạc sĩ đã yêu cầu cho xem bản nhạc, và chỉ trong một thoáng đã hướng dẫn các quản ca hát bản nhạc này một cách dễ ợt trước sự kinh ngạc và thán phục tột độ của tên cán bộ.

          tbx_jun21_TaTy.jpgHọa sĩ Tạ Tỵ (ảnh dưới) và tôi phụ trách phần trang trí doanh trại nên cũng có phần nhàn hạ ngoại trừ vào dịp lễ và Tết thì mất cả ăn uống để hoàn tất chỉ tiêu giao phó. Một hôm, sau khi thấy họa sĩ Tạ Tỵ vẽ chân dung cho một vài anh bạn để làm kỷ niệm, bác sĩ Cường đứng kế bên và ỏn ẻn nói: “Anh có thể nào vẽ cho tôi một bức chân dung để tôi gửi về cho bà xã tôi làm kỷ niệm không? Họa sĩ Tạ Tỵ ưng thuận và chỉ trong một thời gian ngắn đã hoàn tất bức họa nghệ thuật. Bác sĩ Cường hăm hở cầm lấy nhưng ngần ngừ chưa chịu rút lui. Họa sĩ hỏi tại sao chưa về phòng để nghỉ thì bác sĩ Cường ấp úng nói: “Anh vẽ cho tôi rất đẹp nhưng tôi chỉ còn có một con mắt thì sợ bà xã tôi hạch tội tôi là chỉ trong một thời gian ngắn mà đã bị chột hết một mắt làm “độc nhãn long” thì làm sao ăn nói với bả đây?”

          Họa sĩ Tạ Tỵ nhất định không chịu thay đổi ý kiến để bảo vệ trường phái Picasso (lập thể/trừu tượng) của mình. Chắc bác sĩ Cường không dám gửi bức danh họa về cho bà xã ngoại trừ khi có thêm một con mắt nữa.

Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa:

Sau  khoảng 6 tháng ở trại Suối Máu, một hôm chúng tôi nhận lệnh chuẩn bị hành quân. Riêng tôi thấy hoảng hồn và nghĩ ngày xưa chúng ta đi hành quân để diệt địch mang lại hòa bình cho đất nước, nhưng bây giờ thì còn đánh đấm gì nữa, sao lại phải đi hành quân? Sau đó tôi mới vỡ lẽ ra “hành quân” đồng nghĩa với “di chuyển”!  Gần chiều, chúng tôi được chở đến khu vực Tân Cảng (New Port) cạnh sông Sài-Gòn để chuẩn bị một cuộc hành trình mới.

          Tôi may mắn được xếp vào đội cuối cùng nên phải đợi các bạn khệ nệ vác hành lý lên tàu, kế đó phải làm sạch sẽ khu vực mới đến trước khi lên tàu (chắc tôi thuộc số con rệp!).Đây là tàu Sông Hương có sức tải khá lớn. Trên tàu, tôi thấy một khu vực rất lớn dành cho cán bộ với đủ loại máy móc, xe hơi, xe gắn máy, ti-vi, radio hằm bà lằng. Khi tôi đặt chân lên tàu thì các bạn tôi đã ổn định chỗ nằm rồi. Tôi đi lòng vòng để tìm một chỗ trống nhưng không thấy đâu cả. Chợt tôi khám phá ra một chỗ nên vội vã nhào tới như sợ có ai giành mất. Tôi mới ngồi xuống có một chốc thì dường như nghe có tiếng động ở trên đầu. Tôi ngửng đầu lên và muốn rụng rời tay chân vì có vài giọt nước rơi xuống đầu tôi, hóa ra trên đó là nhà vệ sinh nên không ai dại dột gì bén mảng đến đó. Cuối cùng, may mắn thay, tôi được một anh bạn sống cùng cư xá với tôi nhường một phần nhỏ chỗ năm của mình để tôi có thể ghé lưng bằng cách nằm nghiêng chứ không nằm ngửa vì quá chật chội. Tôi cám ơn anh bạn rối rít và hỏi thăm anh về tình hình trong cư xá nhưng anh không biết gì hơn tôi. Chiều đến, chúng tôi được phát lương khô và một ít nước uống nhưng tôi chỉ dùng một ít bánh và không dám uống nước vì anh em cho biết phải đợi rất lâu mới tới phiên mình đi vệ sinh. Tôi đã kiên trì không uống nước cho tới khi đến địa điểm mới. Mấy anh bạn thuộc Hải Quân tìm cách lên boong tàu và sau khi định hướng đã cho biết tàu đang chạy về hướng Phú Quốc. Tôi nghĩ lần này chắc phải sống tự túc trên hoang đảo như “Robinson Crusoe” ngày xưa chăng? Nhưng sau đó anh bạn này đã mất phương hướng nên chúng tôi đành phó mặc cho mọi việc đến đâu thì đến.

          Tôi không còn ý niệm về thời gian cho đến một buổi chiều, chúng tôi được thông báo là sẽ được đặt chân lên miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa mà các bạn gốc ở miền Bắc cho biết là Hải Phòng.  Vừa đặt chân lên đất liền , việc trước tiên là tôi phải xả bầu tâm sự (đi tiểu tiện), và thật là kinh hoàng khi tôi thấy nước tiểu có màu đỏ như máu vậy?

          Trên bờ, loa phóng thanh ra rả cho biết là chúng tôi được đặt chân lên miền bắc Xã Hội Chủ Nghĩa ưu việt, tự do và độc lập! Pha lẫn với tiếng loa vang dội là tiếng chó sủa bất tận, dường như chúng ngửi thấy mùi của người miền Nam và muốn ngoạm chúng tôi một miếng cho bõ ghét.

Sau đó chúng tôi được phát mỗi người một trái chuối già và đi chích ngừa. Tôi thầm nghĩ biết đâu chừng sau mũi tiêm này chúng tôi sẽ tiêu diêu nơi miền âm cảnh? Chích xong, chúng tôi được phối trí lại và đi nghỉ ngơi. Vì quá mệt mỏi nên vừa mới đặt lưng xuống là tôi đã ngủ ngay một cách ngon lành. Khi tôi được đánh thức dậy thì anh em đã đi đâu mất cả rồi. Tôi lang thang chạy theo các bạn và cuối cùng lên được tàu hỏa cho cuộc hành trình kế tiếp. Nói là tàu hỏa cho có vẻ ngon lành nhưng thật ra là một sàn tàu chở súc vật không có bàn ghế gì cả. Chúng tôi nằm ngủ trên sàn tàu chật như nêm. Tôi nằm cạnh một anh cao quá khổ, vì anh ta cao lớn nên tôi cũng có phần ngán và riu ríu nghe lời anh ta hướng dẫn: “Tôi nằm ngủ trước, anh ngủ sau”.

Vì chỗ nằm choán nhiều chỗ nên tôi phải ngồi để trông chừng anh ta nằm ngủ. Một lúc khá lâu, tôi đánh thức anh ta dậy để tôi nằm một tí. Khi tôi vừa nghỉ được một chút thì cảm thấy có cái gì đè trên ngực. Tôi tỉnh dậy và thấy cái chân dài ngoằn của anh ta gác lên ngưc tôi, xém chút nữa thì đến cổ của tôi rồi. Hóa ra anh ta đâu có ngồi mà lại tiếp tục ngủ, và vì chúng tôi nằm đổi đầu nên cái cẳng dài quá khổ của anh ta mới vượt biên và leo lên ngực của tôi (sau này khi quen thân nhau, chúng tôi nhắc lại chuyện cũ và cười muốn bể bụng luôn).

          Các trại tù ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa: Yên Bái, Nghĩa Lộ/Hoàng Liên Sơn,  Cẩm Nhân, Vĩnh Phú.

          Sau khi tàu hỏa ngừng, chúng tôi tập trung lại, chuẩn bị lên xe Molotova vượt sông Hồng để đến Yên Bái, Nghĩa Lộ thuộc Hoàng Liên Sơn. Đến đây chúng tôi bắt đầu thực sự lao động khổ sai khi năng lượng trong người chúng tôi gần kiệt quệ sau hơn một năm ở miền Nam ăn cơm gồm hầu hết là gạo mốc hết chất bổ dưỡng với ít bắp cải và cải su.  Tại đây chúng tôi được xếp thành đội theo từng cấp bậc. Tôi thuộc Trại 2 Liên Trại 2 Hoàng Liên Sơn chuyên lo về xây cất nhà trét đất và rơm. Khi còn ở miền Nam, tôi có dịp học về kiến trúc do một anh bạn kiến trúc sư chỉ dạy nên tôi được cán bộ cho tôi phụ trách vẽ đồ án xây cất. Vì thấy anh em không còn sức lực nên tôi đã chiết tính số lượng cây với đường kính nhỏ và chiều dài ngắn hơn quy định, nhưng tay cán bộ có chút căn bản về xây dựng đã bắt tôi sửa lại. Một thời gian sau, vì thiếu nhân lực nên tôi cũng phải lên rừng đốn cây và vì vậy càng biết rõ sự cực nhọc của anh em nhiều hơn.

          Có một lần tôi vác một khúc cây có đường kính gần gang tay và dài 5 thước. Đọan đường đi rất dốc và trơn trợt vì trời đang mưa. Lên gần hết dốc và chuẩn bị về trại, tôi chợt vấp ngã. May mắn thay, khúc gỗ to chỉ đè lên chân tôi và không va vào đầu, nếu không giờ này tôi đâu còn ngồi đây để viết những dòng chữ này, tuy nhiên tôi vẫn phải nằm tại chỗ hơn hai tuần lễ. Lê cái chân đau ra khỏi khúc gỗ, tôi ngồi xuống bên lề đường và khóc rấm rứt một mình như trẻ con.Tôi khấn vái Trời Phật cùng các vị thần linh khác, và khi nghĩ đến vợ con đang trông chờ nên tôi cố thu hết tàn lực để kéo lê khúc gỗ (thay vì vác) mãi đến chiều tối mới về đến trại.

          Một hôm, chúng tôi được lệnh tải gạo từ Ba Khe về trại ở Nghĩa Lộ. Sau nhiều lần thử nghiệm, anh em thử đổ gạo vào hai ống quần ngủ, cột chặt ống và lưng quần xong để trên vai xung quanh cổ mà đi, trông rất nhẹ nhàng và dễ đi. Trên lộ trình đi, thỉnh thoảng chúng tôi thấy rải rác những trái cà-na do dân cố tình để lại cho chúng tôi ăn, chứng tỏ lòng thương mến của họ, khác hẳn với thái độ thù nghịch khi chúng tôi mới đến. Có một lần chúng tôi gặp một cụ già râu tóc bạc phơ nhưng diên mạo rất phương phi đang cưỡi ngựa và dừng lại nói với chúng tôi:

 “Chúng tôi mong đợi ngày các ông ra giải phóng miền Bắc chúng tôi nhưng bây giờ như thế này thì còn trông mong gì nữa?” Ông ta thuộc thành phần trí thức hoặc tư sản mại bản bị Việt-Cộng đày lên đây với lý do là đi khu kinh tế mới.

 Bên cạnh Ba Khe là trại trà Trần Phú nổi tiếng của miền Bắc. Tôi có anh bạn thân trước kia làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù nổi danh là người nhảy dù đẹp và hay nhất của quân đội. Ngày xưa, khi chúng tôi gặp nhau trong các trận đấu bóng chuyền tại sân Phan Đình Phùng, Trung tá Vinh là tên anh, rất điển trai và đô con (75 kí) tuy da hơi ngăm đen như tôi. Khi đi Ba Khe tải gạo, chúng tôi không thể nào tưởng tượng anh chỉ còn 45 kí (trong thời gian sống chung bên nhau, anh vẫn thường ăn rau tàu bay cho đỡ đói, chúng tôi đã khuyên can nhưng anh không chịu, nghe nói rau này sẽ làm mất máu ghê lắm). Vài năm sau, chúng tôi nghe tin anh đã nằm xuống vĩnh viễn trong rừng sâu để lại biết bao tiếc thương cho anh em đồng ngũ!

          Sau đó chúng tôi được chuyển về Cẩm Nhân, Tuyên Quang. Tôi thuộc đội mộc chuyên làm bàn ghế và tủ rất cần sự tỉ mỉ khéo tay. Tôi học bào trong cả tháng mới tạm gọi là khá thành thạo. Cũng trong thời gian mới đến Cẩm Nhân, tôi được biết một tin rất buồn: anh bạn thân là Trung tá Nguyễn-Vũ Từ-Thức trước làm ở Tổng Cục Quân Huấn, sau làm Tùy Viên Quân Lực ở Úc vừa mới từ trần vì bị ngộ độc thức ăn (60 anh em khác phải vào bệnh xá).

          Trong suốt thời gian đầu ở miền Bắc, chúng tôi được các anh bộ đội quản lý nên sinh họat có phần dễ thở hơn như được tự do vào rừng đốn gỗ, giang, tre, lò-ồ, v..v.., và ban đêm trại không khóa cửa có thể đi lại tự do.

 Sau này, chúng tôi được Bộ Công An tiếp quản nên gặp nhiều khốn đốn với các tay công an mà mấy anh bộ đội gọi là bọn chó vàng vì chúng mặc quân phục màu vàng. Trạm dừng chân đầu tiên là Vĩnh Phú. Tôi vẫn tiếp tục làm mộc “mớp” (meuble/bàn ghế) khác với “mộc nhà” chuyên lo xây cất nhà trong doanh trại Vĩnh Quang B, sau đó đến Vĩnh Quang A trước khi chuyển về miền Nam năm 1982 bằng tàu hỏa và bị còng một tay với một bạn tù khác.

Thắm thoát đả 7 năm tù đày với biết bao đắng cay tủi nhục. Trên đường về Nam chúng tôi gặp những quang cảnh quen thuộc từ Thừa Thiên trở vào. Dọc đường chúng tôi chứng kiến những cảnh rất cảm động khi người mẹ gặp lại con một cách vội vã không nói nên lời, hoặc người vợ chạy theo tàu hỏa vừa mới tới bến khi hay tin muộn chồng mình đang ở trên tàu, hoặc khi bà con tặng thức ăn cho anh em bị còng (viết tới đây tôi không ngăn được dòng lệ tự nhiên tuôn trào vì chính tôi là chứng nhân mục kích rõ ràng những cảnh thương tâm đó).

Trạm dừng chân ở miền Nam là Xuân Lộc B, Long Khánh. (Z30A). Tại đây không khí có phần dễ thở hơn, hàng ngày chúng tôi thấy những chiếc xe lam chở bà con lên thăm thân nhân, nhưng riêng cá nhân tôi chỉ được thăm gia đình có một lần vào buổi sáng vì vợ tôi phải đầu tắt mặt tối với sinh kế để lo cho 5 đứa con còn nhỏ dại.

Một ngày đẹp trời giữa năm 1983, tôi được lệnh phóng thích, nâng tổng số thời gian đi tù lên 8 năm một tháng. Khi tôi bước chân vô nhà, mọi người nhìn tôi sững sờ vì tôi như một bộ xương cách trí biết đi. Với vốn liếng làm mộc học được trong tù, tôi ra sức đóng các bàn ghế để vợ con tôi bán cà-phê trong một góc nhỏ của cư xá Lê Văn Duyệt, Gia Định nay cải danh là cư xá Phan Đăng Lưu.

Hơn 10 năm sau tôi mới được sang định cư tại Hoa Kỳ, bỏ lại sau lưng ba đứa con vì chúng đã lập gia đình. Tôi thấy cụm từ “đoàn tụ gia đình” thật quá đắng cay khi hai phương trời vẫn còn cách biệt!

Các bạn thân mến,

Giờ đây, những hình ảnh kinh hoàng của một thời trong lao tù đã đi vào dĩ vãng, chỉ còn lại những kỷ niệm sẽ tồn tại mãi mãi trong tôi. Tôi muốn ghi lại những hình ảnh đó với nhiều tình tiết hơn nhưng khuôn khổ tập Kỷ Yếu có hạn nên tôi chưa ghi hết những gì đáng nói, hơn nữa vì mắt mũi kèm nhèm lại vừa trải qua một cuộc giải phẩu tim thập tử nhất sinh nên tôi xin dừng nơi đây.

tbx_Jun21_VBDaLat.jpgThưa các bạn, sau 50 năm rời mái trường Mẹ, chúng ta đã tích lũyđược nhiều kỷ niệm êm đềm của thời niên thiếu, lúc học tập tại trường và du học Hoa kỳ, kỷ niệm hào hùng của những năm tháng phục vụ Quân đội, kỷ niệm đau thương của những năm dài trong lao tù Cộng Sản. Những chuỗi ngày ở miền đất hứa này đã cho chúng ta một ý niệm sâu sắc về tình đồng khóa. Năm mươi năm đã trôi qua, tuy có nhiều thay đổi trong cuộc sống thăng trầm này nhưng những kỷ niệm của anh em khóa 12 Trường Võ Bị Liên-Quân Đà-Lạt vẫn còn đó, trường tồn bất diệt với thời gian như đại thi hào Pháp Lamartine đã viết:

Ainsi tout change, tout passe,

Ainsi sur la terre tout s’efface,

Tout, excepté la souvenir.

Trần Bá Xử

(Hà Viễn Xứ}

Miền Đông Bắc Hoa Kỳ giá lạnh, 3/12/2004

             

MỐI TÌNH HỌC TRÒ

CHS PTG Trần Bá Xử___________________________________________

TL_Jun17_songQue.jpgHà là một cậu học sinh con nhà nghèo được sinh ra và lớn lên tại một tỉnh nhỏ rất thanh bình thuộc đồng bằng sông Cửu Long, được bao bọc bởi nhiều nhánh sông nhỏ chi chít bên cạnh gìòng sông Hậu hiền hòa mà đất phù sa luôn bồi đắp nên đã tạo thành một vùng đất phì nhiêu với không biết bao nhiêu hoa quả thơm ngon như xoài và mận đủ màu đủ loại, bưởi, cam, đặc biệt loại cam sành với lớp cỏ sần sùi không đẹp mắt nhưng chất ngọt rất dễ làm người ăn mê thích. Rồi đến những trái quit mọng nước ngọt ngào làm mát lòng người ăn nhất là vào mùa hè nóng nực.  Mảnh đất dịu hiền này đồng thời cũng đã sản sinh ra biết bao cô gái xinh đẹp mỹ miều nổi tiếng miền Đồng Tháp.

Vùng Sa Giang hiền lành này cũng là nơi đào tạo ra nhiều nhân tài xuất chúng cho miền Nam Việt Nam vào những thập niên 40, 50 với những vị có học vấn uyên bác làm hãnh diện cho người dân địa phương mỗi khi nhắc đến một vài vị khoa bảng đã từng một thời giữ chức vụ Bộ Trưởng Giáo Dục hay giữ chức vụ lãnh đạo trong guồng máy chính quyền dân sự hay quân sự đương thời cùng các lĩnh vực khoa học kỹ thuật của miền Nam Việt-Nam.  Hà không nằm trong số đó nhưng cũng là một trong những học sinh xuất sắc trong vùng. Vì là con nhà nghèo nên câu ta đã chuyên tâm cố gắng học để mong sao đạt được những thành quả tốt đẹp cho tương lai. Những cố gắng không ngừng của Hà đã được đền bù xứng đáng khi cậu ta đậu Tiểu học nhất tỉnh, và những thành tựu sáng chói ớ bậc trung học sau này, điều khiến thân phụ mẫu Hà vui mừng khôn xiết và hãnh diện với hàng xóm và những người thân. Sau bậc tiểu học, ba mẹ Hà nộp đơn xin cho cậu vào trường Trung học Chasseloup Laubat, Sài-Gòn nhưng vận may không mỉm cười với cậu khi hồ sơ xin miễn tuổi (dispense d’âge) cho cậu chỉ được Viện Đại học Đà-Lạt (Recteur de Dalat) chấp thuận sau ngày nhập học hơn một tuần lễ nên cậu mất cơ hội vào học một trường nổi tiếng ở Sài-Gòn cũng như trường Albert Sarraut ở Hà-Nội lúc bấy giờ. Do vậy, cậu xin nhập học trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, nhưng những biến cố về trò Trần Văn Ơn sau đó nên thân phụ Hà xin cho cậu về học Collège de Vĩnh-Long vừa mới mở niên học đầu tiên. Tại nơi này, Hà đã nhận được học bổng toàn niên (bourse entìère) do những cố gắng không ngừng của cậu ta trong học tập và do tình trạng gia đình quá eo hẹp của cậu ta.  Học bổng này đã tạo điều kiện cho Hà mua một số sách giáo khoa ở Pháp để việc học sau này được thuận lợi hơn,. Nơi đây, cậu là một trong vài học sinh nhỏ tuổi nhất lớp nên được xếp vào học chung với các bạn nữ học sinh khiến cậu khóc cả buổi vì bị mắc cở nên cuối cùng Ban Giám Hiệu đánh phải ra đặc ân cho Hà bằng cách chỉ định một nam học sinh khác thay thế, có thể sự lựa chọn này đã khiến cậu đánh mất cơ may được thăng tiến xa hơn nữa vì biết đâu chừng khi học chung với các bạn gái cậu ta sẽ chẳng cố gắng hơn vì sợ bị thua sút bạn bè nhất là phái nữ? Tháng đầu tiên khi ông Hiệu trưởng đến viếng trường và gọi các học sinh lên xếp hàng theo thứ tự cao thấp thì Hà đã mừng rỡ vô hạn khi được xếp vào hạng cao nhất lớp. Trường Trung học này quy tụ học sinh của cả ba tỉnh Sađéc – Vĩnh-Long và Trà Vinh nên các học sinh đã cố gắng tranh đua học tập hầu đem vinh dự về cho tỉnh nhá. Ngoài việc đạt thành tích học vấn đồng đều về mọi môn học, Hà còn là một học sinh khá giỏi về môn Vẽ nên được giáo sư môn hội họa (danh xưng giáo viên bậc trung học ngày xưa) luôn khen ngợi, ngay cả sau này khi Hà tốt nghiệp bằng Thành Chung (DEPSI) tại trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Collège Le Myre de Villers),  vị giáo sư này đã khoe với các giáo sư đồng nghiệp trong Ban Giám khảo đây là học trò ưng ý nhất của ông. Cuối năm học cuối cùng ở bậc Trung học Đệ Nhất Cấp, Hà đã lãnh phần thưởng hạng nhất toàn trường với sự hiện diện của thân phụ cậu.

vtt_PTGPic_Feb14.jpgNiên học kế tiếp, Hà phải qua cuộc thi concours vào lớp Tân Đệ Nhị tại Trường Trung học Phan Thanh Giản/Lycée Phan Thanh Gian, Cần Thơ tuyển lựa vì có nhiều học sịnh  ghi danh. Lúc bấy giờ, trường Trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ là một trong ba trường trung học đệ nhị cấp của miền Nam Việt-Nam cùng thời với  trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu (Le Myre de Villers) tại Mỹ-Tho và trường Pétrus Trương Vĩnh Ký tại Sài-Gòn.

Trường Trung học Phan Thanh Giản Cần-Thơ là nơi hội tụ nhiều học sinh của đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Cần-Thơ, Sóc-Trăng, Bạc-Liêu, Kiên-Giang, An-Giang, Châu-Đốc, Cà-Mau nên sự ganh đua học tập càng diễn ra gay go, quyết liệt hơn.

Hà rất chăm chỉ học hành mong được thành đạt vẻ vang với hy vọng duy nhất xóa bỏ mặc cảm nghèo nàn của gia đình do sự phá sản gây ra. Ngoài việc chăm chú học tập, Hà không quan tâm đến việc gì khác. Nhưng, chữ “nhưng” quái ác này là khúc quanh quan trọng và nghiệt ngã  trong quảng đời học sinh của Hà. Nếu năm Tân-Đệ-Nhị (Seconde Moderne) là khoảng thời gian dễ thở thì lớp Tân-Đệ-Nhất (Premìère Moderne) lại là giai đọan cực kỳ khó khăn để thí sinh chuẩn bị thi Tú Tài phần I tại trường Trung học Chasseloup Laubat ở Sài-Gòn. Trong thời gian gay cấn này, thật bất ngờ làm sao khi Hà để ý đến một nữ sinh học dưới Hà bốn lớp. Cô ta là một cô gái khá xinh xắn có thân hình cân đối với làn da trắng như trứng gà bóc cộng với với đôi mắt một mí giống như người Nhật Bổn. Vì có sự quan tâm đến người đẹp nên Hà đã tìm mọi cách để làm quen với các em gái của anh bạn học cùng lớp với Hà đang trú ngụ cùng chỗ với cô ta. Qua sự trung gian này, Hà được biết cô ta có cái tên rất đẹp, đẹp tựa như chị Hằng của mùa thu. Hà tìm cách để làm quen với cô ta nhưng không biết bằng cách nào. Bí mật này được Hà giữ thật kín nhưng làm sao qua mặt được những ông ma mãnh chỉ xếp hàng sau “nhất quỷ, nhì ma” này nên một thời gian sau cả hai lớp Tân-Đệ-Nhất và Đệ Ngũ đều biết có một anh chàng học sinh Tân-Đệ-Nhất đang trồng cây si to tổ bố bên cạnh người đẹp của đảo Phù Tang. Bọn học trò quỷ sứ này còn trêu ghẹo Hà là Napoléon Bonaparte đang chuẩn bị tấn công nước Nhật? Sở dĩ bọn chúng kháo nhau như vậy là vì đã có một lần Hà đã dám trêu chọc vị giáo sư Sử học từ Pháp về bằng cách trả bài một cách dí dỏm gần giống như cách giảng bài bằng Pháp văn của thầy dạy Sử này về trận đánh thắng vang dội của Napoléon Đệ Nhất vào Trafalgar khi ông ta đang là vị tướng trẻ nhất của thế giới lúc bấy giờ. Tuy đang trồng cây si nhưng Hà chưa có dịp nào để được tiếp xúc trực tiếp hoặc trò chuyện với cô ta. Cậu ta chỉ có cơ may được ngắm nhìn dung nhan kiều diễm của cô ta vào mỗi sáng Thứ Hai khi lớp họp của cô ta phải xuống lầu và đi ngang qua lớp Tân Đê-Nhất của Hà để chuẩn bị dự lễ chào cờ hằng tuần. Cứ mỗi lần như thế thì các bạn học của Hà được dịp để tha hồ trêu chọc cô ta và Hà bằng cách la lên khá lớn “Hà ơi, chừng nào bạn sẽ đánh thắng trận ở Nhật Bổn đây”? làm cô ta mắc cở cuối đầu mà chẳng dám ngước lên nhìn ai vì e thẹn, chắc hẵn các cô bạn gái của cô ta, đồng thời cũng là em gái mấy anh bạn quỹ sứ nghịch ngợm của Hà đã tiết lộ cho cô ta biết về bí mật học trò này. Nhìn rõ dáng điệu luống cuống của cô ta, Hà lẩm bẩm trong cuống họng với niềm vui thích tột độ “Thật đáng yêu làm sao”. Và chỉ có thế thôi. Cho đến một hôm vận may đã mỉm cười với Hà khi mùa Giáng Sinh đến. Không phải là một tín đồ Thiên Chúa Giáo nhưng Hà cũng tìm mua cho bằng được một thiệp Giáng Sinh thật đẹp và nắn nót viết những lời chúc rất chân thành và dễ thương. Hà rất tự tin ở những dòng chữ mà bạn bè thường khen Hà có nét chữ bay bướm đẹp nhất trường. Muốn cho chắc ăn, Hà phài đạp xe đạp đến tận nơi cô ta nghỉ trọ để biết chắc chắn là địa chỉ hoàn toàn chính xác rồi mới chạy u về nắn nót ghi địa chỉ vào phong bì trước khi gởi đi. Kế tiếp là thời gian chờ đợi trong sự hồi hộp khó tả xen lẫn một chút tự tin vì trước đây Hà đã có gởi thiệp chúc Tết cho vài cô bạn không có cảm tình sâu đậm như với người đẹp Phù Tang này và đều nhận được câu trả lời rất nhã nhặn.

HaNN_SchoolTPGT.JPGi ngày, rồi ba ngày đã trôi qua mà không có một tin tức nào cả. Khi thấy bóng dáng người phát thư vừa ở trước cửa nhà là Hà vội nhảy phóc ra để xem có thư mới đến hay chăng, nhưng một tiếng “không” lạnh lùng đưa gió lộng qua cỏi lòng hồi hộp đợi mong một cái gì hết sức thân yêu mà không thấy!!! Có lẽ Hà thất tình mất rồi, cậu ta bắt đầu hơi chểnh mảng việc học hơn trước, cứ theo đà này chưa chắc Hà sẽ giành được mãnh bằng Tú Tài I sau cuối niên học ??? Không nén được sự hồi hộp, Hà bèn đánh liều cầu cứu anh bạn cùng lớp nhờ cô em gái học chung lớp với cô ta để kín đáo hỏi xem tin tức về “bức thư đã gởi đi mà không được hồi âm” này. Tin tức giữa bạn gái với nhau đi rất nhanh, và ô kìa, cô em gái của anh bạn, chứ không phải là chính cô ta, đã tiết lộ cho Hà biết nguyên văn như sau: “Bồ chuyển lời hộ cho anh ấy biết: (Mình đã có người yêu rồi, anh ta đang học kỹ sư ở bên Pháp, mình xin lỗi không thể đáp lại ân tình của anh ấy, xin anh ấy hãy quên mình đi mà chuyên tâm học hành). Khi nhận được tin chẳng lành này, Hà như người mất hồn, nhưng khi thấy bản thân mình còn quá kém bạn trai cô ta nên Hà cố tự nhủ với lòng mình để cố gắng học giỏi hơn vì bây giờ mình còn thua xa người ấy. Mối tình học trò tự dưng chết lịm trong tức tưởi, tuy nhiên cũng có tác động tốt đến việc học của Hà sau này. Cậu ta không còn có những giấc mơ viễn vong nữa mà dồn hết nổ lực vào việc học đã bị tạm thời gián đoạn trong vái ba tuần lễ đầy mộng mơ.

Năm đó, Hà thi dỗ Tú Tài I một cách chật vật vì phải thi lại phần vấn đáp vào kỳ hai, sau đó cậu cũng lấy luôn được mảnh bằng Tú Tài II. Cậu ta tiếp tục chuẩn bị dự thi vào cả hai  trường Đại học Sư phạm và Học viện Quốc Gia Hành Chánh nhưng không ngờ Hà lại có duyên với binh nghiệp nên cậu ta đã tình nguyện ghi danh vào TL_Jun17_VobiDAlat.jpgTrường Võ Bị Liên Quân Đà-Lạt, sau cải danh thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt-Nam, ngược hẵn với ước mơ của người cha yêu dấu của Hà mong muốn cậu trở thành một giáo sư hay bác sĩ. Trong thời gian này, tuy đã không biết tin tức gì về “người đẹp Phù Tang”, nhưng Hà vẫn âm thầm theo dõi việc học hành của cô vì Hà đã biết trước đây cô ta là một học sinh rất xuất sắc của trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Trong một lần xem báo, Hà được biết cô ta đã thi đậu Tú Tài II Toán với kết quả “ưu hạng”.

Sau thời gian khá dài thụ huấn tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt-Nam và tu nghiệp gần một năm tại Trường Bộ Binh Fort Benning, Georgia, Hoa Kỳ, cậu ta đã trở về Việt-Nam để phục vụ cho quê hương.

Sau hơn 10 năm phục vụ trong Quân đội, vào một buổi trưa đẹp trời, Hà, lúc bấy giờ là một  Đại-úy ngành Quân Huấn, đến thăm một người bạn trước đây cũng học trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ hiện cũng là Đại Úy phụ trách thanh tra huấn luyện. Và thật bất ngờ khi vợ anh ấy, trước đây cũng từng học chung lớp vời “người đẹp” của Hà, kéo Hà qua phòng khách để tâm sự với Hà. Chị ấy hỏi Hà; “Anh có biết bây giờ người đẹp Nhật Bổn của anh đang làm gì và ở đâu không”? Hà khựng người lại vì đống tro tàn đã nguội lạnh bây giờ bị khơi dậy. Dĩ nhiên là Hà không biết gì cả nên đã yêu cầu chị cho biết tin tức người bạn cũ với câu nhận xét :” Chuyện đã xưa lắm rồi, nhắc lại cũng có ích gì đâu, tuy nhiên tôi cũng rất cám ơn cô ấy đã cho tôi biết sự thật để tôi không sa vào mê hồn trận ở tuổi học trò, nhờ vậy tôi đã thực sự yêm tâm lo việc học sau này”. Nhưng sự thật đã khác xa với những điều Hà suy đoán khi nghe chị ấy tiết lộ sự thật như sau: “Anh biết không, tôi là bạn rất thân với cô ta. Sau lần anh bị từ chồi, thấy dáng vẻ tiu nghỉu của anh, cô ta cũng thấy tội nghiệp anh vô cùng, nhưng cô ta tự nhủ phải làm như vậy thôi và đã tâm sự với tôi là cô ta chưa hề có người yêu nào cả, nhưng nếu cô ta không dứt khoát như vậy thì đường học vấn đang lên của anh sẽ bị ngưng trệ ảnh hưởng không tốt sau này. Cô ta cũng có biết anh đã đi theo binh nghiệp, một con đường mà trước đây chắc anh chưa bao giờ nghĩ đến”. Hà thật sự bàng hoàng khi hay tin trên, và nhẹ nhàng hỏi chị: “ Bây giờ cô ta đang làm gì hả chị”? thì được chị cho biết là sau khi tốt nghiệp kỷ sư Công Chánh, cô đã được bổ nhiệm làm Trưởng Ty Công Chánh ở một tỉnh miền đông Nam phần, đồng thời chị hỏi tôi có muốn lên thăm cô ấy không vì dường như cô ta vẫn còn sống độc thân? Hà thấy bồi hồi trong tấc dạ nhưng biết làm sao bây giờ khi cậu ta vừa mới lập gia đình? Tuy nhiên trong tận đáy lòng, Hà cảm thấy lòng mình rưng rưng khi nghĩ đến cô bạn gái ngày xưa ở độ tuổi ô mai, mà cho mãi đến bây giờ Hà vẫn chưa bao giờ được hân hạnh trực diện để nói chuyện riêng tư dù chỉ trong năm ba phút ngắn ngủi, nhưng lòng cao thượng tuyệt vời của cô ta khi đã biết tự kiềm chế mình, quên mất niềm vui tuổi học trò, quên mất bản thân mình để lo lắng cho tương lai của người khác đã khiến Hà chân thành cám ơn và cảm động thật sâu sắc.

                                                                             Trần Bá Xử

                                                                             Springfield, MA, mùa thu 2011

Site built & maintained by tranbt21