TẤM LÒNG CỦA MỘT ĐỨA TRẺ

MỒ CÔI TẬT NGUYỀN

.

Huỳnh Văn Công, CHS PTG, Australia

Năm 2008 tôi trở về Việt Nam để thăm mẹ đã già yếu. Quê tôi là một xã hẻo lánh thuộc huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp. Trên đường từ thị xã Sa Đéc về quê cách nhà mẹ tôi độ nửa cây số, bên trái đường có một ngôi nhà còn thật mới, to, đẹp, bề thế, thiết kế theo lối kiến trúc Âu Mỹ. Tôi nói đùa với bà xã:

- Nhà nầy chắc của đại gia nào đó ở đâu về cất cho cô bồ nhí. Anh biết cả ấp nầy dân chúng đều sống bằng nghề nông. Sau 30.4.75 tất cả ruộng đều bị qui hoạch làm tập đoàn, tập thể. Sau đó chính quyền có trả lại cho nông dân, nhưng không ai còn ruộng nhiều như ngày xưa nữa, nhất là thời nầy làm ruộng đủ sống là may lắm rồi, làm gì có tiền để xây nổi cái nhà to đồ sộ như thế nầy.

Về đến nhà, sau một vài phút mừng vui sum họp, tôi hỏi đứa em trai:

 - Ở đầu xóm trong có đại gia nào mới xuất hiện cất ngôi nhà vừa to vừa đẹp quá vậy?

 - Nhà của chị Tư Thung, vừa mới xây xong tháng rồi, nghe nói trên hai tỷ đấy.   

       - Chị Tư nghèo nhất ấp, chắc trúng số?

 - Anh có nhớ thằng Tèo, con trai đầu lòng của chị Tư không? Nó bị tật bẩm sinh, khi

mới sinh ra hai chân teo nhỏ và dị dạng cho tới lớn vẫn đi không được, phải ngồi xe lăn. Khi nó được 3 tuổi, vừa bị tật vừa bị bệnh hoạn hoài, èo ọt khó nuôi, gia cảnh chị Tư lại quá nghèo nên phải đành đem cho viện mồ côi của nhà thờ Công Giáo Sa Đéc. Khi miền Nam Việt Nam hấp hối sắp lọt vào tay cộng sản miền Bắc, có một số trẻ em mồ côi may mắn được di tản sang Mỹ trong đó có Tèo. Đến Mỹ, Tèo được gia đình một Bác sĩ gốc Ba Lan nhận làm con nuôi. Vợ chồng người Bác sĩ nầy quá tốt và nhân hậu, coi Tèo như con ruột, rất hết lòng thương yêu, lo lắng, chăm sóc, dạy dỗ, và cho ăn học đến nơi đến chốn.

Khi Tèo được 10 tuổi, một hôm vợ chồng ông gọi nó vào phòng riêng, vừa để tâm tình, vừa để khuyên dạy một số điều cần thiết chuẩn bị cho tương lai:” Như con đã biết, ba mẹ là người Mỹ gốc Ba Lan. Nước Mỹ là một quốc gia quá lý tưởng, giàu, đẹp, tự do, văn minh, nhất là luôn luôn tạo cơ hội cho tất cả mọi người dân, thành công hay thất bại, tươi sáng hay đen tối đều cho chính bản thân ta mà thôi. Ba mẹ cũng từ bàn tay trắng, nước Mỹ đã giúp ba gần như có được tất cả. Kể cả con, ba mẹ có 2 trai và 2 gái đều ngoan, dễ thương, học giỏi. Ba mẹ lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện. Thế mà không biết tại sao, thỉnh thoảng nằm suy tư, ba vẫn cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó, vẫn còn nhớ nhớ về đất nước Ba Lan, vẫn còn thương thương  con người Ba Lan. Vài năm gần đây tự dưng trong lòng ba cảm thấy nao nao muốn về thăm lại Ba Lan quê hương yêu dấu của ba. Bây giờ tất cả đều thay đổi, tất cả đều xa lạ, nhưng khi về lại, vừa đặt chân chạm đất Ba Lan, ba có cái cảm giác thật thân quen và dễ chịu. Ba thở ra từ từ cho hết cái không khí của Mỹ, rồi hít vô từ từ cho đầy ấp cái không khí Ba Lan, tâm hồn ba cảm thấy rạo rực và lâng lâng hạnh phúc.

           Do đó, ba đề nghị với con, nên đi học thêm tiếng Việt, thứ nhứt là biết được nhiều ngôn ngữ càng có lợi cho cuộc đời, thứ hai là nếu đến một lúc nào đó, con có cái cảm giác giống như ba, cảm thấy nhớ nhớ về đất nước Việt Nam, về ba mẹ, về những người thân yêu thì con nên trở về thăm lại Việt Nam của con. Biết nói tiếng Việt mới giúp cho con có nhiều cơ hội để truy tìm nguồn cội của mình. Với tất cả tấm lòng biết đâu có một phép lạ mầu nhiệm nào đó giúp cho con tìm lại được ba mẹ và các em.

          Giờ phúc hạnh ngộ mà không nói chuyện được với nhau, không hiểu nhau thì thật là bất hạnh và đau khổ. Con phải cố gắng học hành cho giỏi để tốt nghiệp Đại học, có công ăn việc làm vững chắc, có dư giả tiền bạc con mới có điều kiện thực hiện những gì cần thiết cho đời mình. Ráng đi, ba sẽ cho con biết tất cả chi tiết về lai lịch của con. Ba hy vọng sẽ có một ngày đẹp trời nào đó, máu Việt Nam của con sẽ nóng lên, hồn Việt Nam của con sẽ bừng dậy thôi thúc con quay về. Ba mẹ lúc nào cũng thương yêu và hết

lòng ủng hộ cho con.”

           Nhờ có cha mẹ nuôi quá tốt, luôn luôn khuyến khích và yểm trợ, Tèo học rất giỏi, tốt nghiệp Đại học ngành computer, làm việc cho ngân hàng. Năm 2004, nó nhờ một người bạn cùng về Việt Nam 3 tuần lễ, tìm đến nhà thờ Công giáo Sa Đéc, nơi mà có viện mồ côi đã nuôi nó đến 5 tuổi trước khi được di tản sang Mỹ. Nhà thờ cũ kỹ vẫn còn đó, nhưng quí Cha, quí Sơ đều thay đổi, đều xa lạ nên không ai biết gì về nó. Nó thật buồn và thất vọng trở về Mỹ.

           Không nản, năm 2005, nó và người bạn lại về Việt Nam 3 tuần lễ nữa, một mặt nhờ báo chí đăng tìm hộ, một mặt về tận nhà thờ Sa Đéc tìm những người già cả xung quanh hỏi thăm nhưng cũng thất vọng, buồn và đành lặng lẽ trở về Mỹ.

           Có lẽ có một sự linh thiêng mầu nhiệm nào đó thôi thúc, nó và người bạn quyết tâm trở về Việt Nam lần thứ ba, lần nầy ở lại một tháng thay vì 3 tuần như hai lần trước. Sau khi nhờ tất cả các tờ báo ở Saigon đăng tìm giúp, nó bay về thị xã Sa Đéc mướn khách sạn ở, mỗi ngày đều đến nhà thờ cầu nguyện, sau đó đi lang thang từ xóm nầy đến xóm khác để hy vọng gặp một vài bô lão biết nhiều về viện mồ côi trước năm 1975.

            Ơn trên không phụ kẻ có lòng, Tèo về Sa Đéc được hơn một tuần thì tình cờ gặp anh Bảy Đức. Anh Đức đi nuôi con bị bệnh đang nằm điều trị tại bệnh viện Sa Đéc, nhà thờ nằm đối diện bên kia đường gần đó. Là người đạo Công giáo, thỉnh thoảng anh sang nhà thờ để cầu nguyện nên gặp được Tèo. Nhà anh ở cạnh nhà chị Tư Thung, cũng là bạn chòm xóm lâu năm nên biết rất rõ trước năm 1975 về gia cảnh của chị.

             Là người cẩn thận, anh Đức không vội nói với Tèo điều gì cả, yên lặng về quê báo cho chị Thung biết, hiện ở nhà thờ Sa Đéc  có một Việt kiều Mỹ tên Nam, bị tật bẩm sinh hai chân, ngồi xe lăn, giống trường hợp của cháu Tèo con chị, đã về Sa Đéc nhiều lần để cố tìm cho được cha mẹ. Anh khuyên chị nên đi gặp Nam biết đâu  sẽ gặp lại Tèo, nhưng chị từ chối và bảo:

           - Không nuôi nỗi một đứa con tật nguyện, phải đem cho viện mồ côi, tôi cảm thấy xấu hổ và đáng trách lắm, ba nó đã mất, bây giờ nó là Việt kiều, dù nó đúng là con của tôi, tôi cũng không đủ tư cách nhìn mặt nó. Suốt cuộc đời nầy lương tâm tôi luôn luôn ray rứt và đau khổ vì đã bỏ nó. Tôi xin cam chịu về những hình phạt nầy.

            Bà con hàng xóm hay tin kéo đến đều khuyên chị nên đi gặp cháu Nam. Một đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi không nuôi dưỡng, thế mà nó không trách, không oán, không hận. Xa lìa cha mẹ từ lúc 3 tuổi, không thể hình dung nỗi cha mẹ là ai, ra sao, cũng không hề nhớ một kỷ niệm tình cảm yêu thương nào của cha mẹ dành cho nó, thế mà nó vẫn không quên cội nguồn, vẫn biết trân trọng, vẫn biết yêu thương đấng sinh thành. Nếu không có tấm lòng hằng đêm ước mong và tha thiết muốn được gặp lại cha mẹ mình thì tội gì nó phải mất 3 lần trở lại Việt Nam để lặn lội, để tìm kiếm, vừa tốn kém vừa trăm bề vất vả và khó khăn, nhất là với một người tật nguyền phải đi bằng xe lăn. Đây là một đứa con vĩ đại. Đây là một đứa con tuyệt vời. Chắc chắn là nó rất hiểu, rất thương, rất thông cảm cho hoàn cảnh của chị. Chị hãy sung sướng và hãnh diện vì được sinh ra nó. Nghìn trùng xa cách, cũng có thể coi như ngàn năm cách biệt, thế mà cháu vẫn quay về tìm mẹ. Chúng tôi nghĩ, đây là ơn phước Thiên Chúa ban cho chị và gia đình, dưới trần gian nầy có một món quà nào quí giá hơn, chị hãy đón nhận và cám ơn Thiên Chúa.

            Nghe mọi người nói, nghe mọi người khuyên, chị Tư chỉ biết ngồi bó gối khóc nức nở thật bi thương. Khi cơn khóc diệu lại, chị nói trong nghẹn ngào:

            - Nếu sau lưng của nó, bên vai trái có một cái bớt đen to bằng đồng xu thì nó chính là con của tôi. Hiện tôi đang bị xúc động quá và nhớ nó lắm, gặp lại nó chắc tôi chết mất.

            Thấy vậy, anh Đức vội trở ra thị xã Sa Đéc, đến nhà thờ tìm cháu Nam, thuật lại những điều chị Tư nói. Đúng là Tèo ngày xưa của mẹ Thung. Nó quì ngay xuống trước mặt tượng đức Chúa Trời làm dấu thánh giá, cầu nguyện, nghẹn ngào.

            Quên cả chào từ giả mọi người, nó vội vã theo anh Đức chạy bay về quê để gặp lại mẹ và các em. Sau trên ba mươi năm mới gặp lại, gần như chưa hề quen biết, gần như hai người xa lạ, nhưng hình như có một sợi dây thiêng liêng mầu nhiệm ràng buộc tình máu mủ, vừa thấy nhau là tình cảm mẹ con ngập lòng, chỉ biết xúc động, chỉ biết nghẹn ngào, chỉ biết ôm nhau rồi khóc mặc cho bà con chòm xóm đến vây quanh để chúc mừng và thăm hỏi.

              Tèo ở lại nhà mẹ thêm 3 tuần, đưa mẹ và các em đi du lịch Saigon, Đà Lạt, Nha Trang. Và đề nghị với mẹ, muốn mua cho mẹ một căn nhà ở Saigon để mẹ và các em ở, sẽ tìm cách tạo điều kiện về công ăn việc làm cho các em, dù sao cũng tốt hơn ở quê nhiều. Nhưng chị Tư không bằng lòng. Chị bảo, mẹ đã quen sống ở đồng ruộng, xung quanh có bà con chòm xóm thân quen như người nhà, làm sao mà mẹ bỏ nơi chôn nhau cắt rún mà đi cho được. Vì nghèo, các em con đều dốt chỉ biết làm ruộng, làm rẩy. Saigon không phải là đất thích hợp cho gia đình mình sống.

               Năm 2007 cháu Tèo trở về Việt Nam mua một ít ruộng cho các em và cất một ngôi nhà thật đẹp, có thể nói là đẹp nhất trong xã nầy để cho mẹ dưỡng già, rất tiếc là người cha đã mất sớm không hưởng được phước của đứa con yêu dấu, bị tật nguyền nhưng có tấm lòng thật vĩ đại và hiếu thảo.

                Ngày cúng giổ cho ba tôi, trong bàn tiệc, tôi gợi lại và ca tụng con người tuyệt vời của cháu Tèo. Anh Năm Cần ngồi cùng bàn là bạn hàng xóm của gia đình chúng tôi, hỏi tôi:

              - Anh Hai ở Mỹ, không biết thằng Mỹ nó dạy như thế nào mà một đứa trẻ mồ côi tật nguyền như cháu Tèo thành một Kỹ sư tài giỏi, hữu dụng cho gia đình và xã hội, nhất là vẫn gìn giữ được phẩm hạnh hiếm có của  một đứa con chí hiếu mặc dù bị cha mẹ bỏ rơi không nuôi dưỡng. Trong khi ở quê mình ngày nay con em  bắt đầu đi học từ mẫu giáo cho đến Trung học, Đại học đều phải học mười điều dạy, trăm điều răn để noi gương...thế mà không biết tại sao thanh niên nam nữ hư hỏng đầy rẫy. Đi ra khỏi nhà một chút thì thấy dài dài nhà trọ, quán beer  ôm, quán café võng…là những hang ổ sa đoạ trá hình. Đó là chưa nói đến nạn trộm cướp, giựt dọc, móc túi, băng đảng quậy phá, xì ke ma tuý…

             -Tôi không sống ở Mỹ nên không rành lắm, hơn nữa tôi là người thua cuộc, đã từng bỏ của chạy lấy người, xin lỗi, tôi không dám có ý kiến gì hết. Việc nầy anh nên hỏi những người hiện đang có chức có quyền nhất là những nhà cách mạng lảo thành mới có đủ tư cách trả lời, phải không?

               - Anh Hai lâu lâu mới về, chắc anh không biết nhiều về bao điều tệ hại, nhất là tình trạng đạo đức suy đồi, con chém cha, thầy hảm hiếp trò, anh em đâm nhau chỉ vì một vài công đất. Con gái chen lấn nhau đi tìm chồng Đài Loan, Đại Hàn,…bất chấp tương lai sẽ đi về đâu. Con trai thì tìm mọi cách xin đi lao động nước ngoài. Thanh niên là tương lai của đất nước, nhưng buồn thay, một số thì hư hỏng, một số thì muốn thoát ra khỏi nước. Hình như họ cảm thấy được ra khỏi nước mới là điều mơ ước, mới là đỉnh điểm tương lai. Như anh đã biết, gia đình tôi có thế, làm ăn được và khá giả, nhưng khi nghĩ đến bối cảnh của quê hương mình, tôi cảm thấy luôn ưu tư và phiền muộn. Tương lai của đất nước mình sẽ ra sao, sẽ về đâu?

              Tiệc tàn, mọi người đều ra về hết. Chiều xuống ở đồng quê thật êm đềm lặng lẽ. Tôi ngồi một mình nhìn ra bóng tối mông lung, nghĩ đến Tèo, nghĩ đến những điều anh Năm Cần nói, nghĩ đến đời sống của người dân Uc, rồi nhìn lại đời sống của người dân mình, tự dưng lòng tôi cảm thấy thật buồn, buồn vô cùng.

               Thượng Đế ơi, một trăm năm nữa Ngài có thương xót mà ban cho DÂN TỘC VIỆT NAM được hưởng ơn phước như người dân ÚC hiện nay không!?

                          

HUỲNH VĂN CÔNG             

Enter supporting content here