NỖI NHỚ VÀO XUÂN

 (tặng bạn tôi, ghi lại một chuyện tình

chôn kín tại quê nhà sau cuộc chiến tang thương)

 

LHV_Jan17_self.jpg

 

truyện

LÊ CẦN THƠ

 

         Cánh đồng Trường Long không lớn lắm, nhưng vào thời tuổi trẻ, Ba Hoanh cảm thấy nó quá rộng lớn, mênh mông và bát ngát vô cùng. Từ bờ vườn của dòng Sông Cái thuộc ấp Trường Thuận, nhìn sang phía bờ rạch Cai Cẩm thuộc ấp Trường Khương, có  lằn ranh đất chạy dài từ hướng vàm rạch vô tới cuối rạch giáp với Xẻo Lá, đã thấy xa vời vợi. Những giồng cỏ chia ranh các thửa ruộng của hai phía đan thành những ô đất hình chữ nhật, nếu đứng trên cao nhìn xuống như bàn cờ. Có những con kinh, con mương xẻ ngang, xẻ dọc để dẫn nước từ Sông Cái, từ rạch Cai Cẩm vào đất ruộng, lúc nước lớn lên có thể chống xuồng để đi sâu vào các thửa ruộng, đây cũng là phương tiện dẫn nước phù sa để bồi đắp chất màu mỡ lên mặt ruộng đồng, nên những năm 1950 - 1960 của thế kỷ trước, cánh đồng nầy năm nào ruộng lúa cũng trúng mùa, bà con nông dân không cần sử dụng phân bón hoá học và thuốc trừ sâu. Mỗi công ruộng có thể cho năng suất hai ba chục giạ lúa mà sau nầy dù phương tiện kỹ thuật tân tiến cũng chưa đạt được như vậy. Mỗi năm người dân chỉ làm một mùa lúa theo chu kỳ: tháng năm gieo mạ, tháng bảy cấy giâm, tháng chín cấy liền và tháng chạp, tháng giêng gặt lúa. Sau khi gặt lúa, đất ruộng để trống "nghỉ ngơi" chờ những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, tháng năm âm lịch mới bắt đầu vào mùa. Khoảng thời gian trống nầy, người dân thường dành một hai công đất biền để tỉa đậu, bắp, hay lên giồng trồng khoai lang, khoai mì... Năm nào cũng vậy, dù miền quê nầy thời đó không có điện, nhà nhà phải xài đèn dầu, nhà nào khá giả thì mua đèn măng-sông để thắp trong các đêm có khách hay chuẩn bị cúng giỗ quy tụ con cháu khắp nơi về.

         Ba Hoanh là con trai thứ hai trong gia đình. Người anh cả thời kháng chiến chống Pháp đã theo thanh niên tiền phong và đã đi tập kết ra Bắc năm 1954, gia đình không còn tin tức gì hết. Hai đứa em gái thứ Tư và thứ Năm, ba thằng em trai là Sáu Già, Bảy Đoàn và Út Kết còn nhỏ sống với cha làm nghề hớt tóc. Mẹ của Ba Hoanh đã mất sau khi sanh ra thằng Út Kết được mấy tháng do bạo bệnh. Những năm sau đình chiến 1954, gia đình quây quần sống với bao nhiêu nhân sự đó trong một căn nhà lá ba gian hai chái khá ngăn nắp dưới sự chăm sóc của người cha "gà trống nuôi con", mà Ba Hoanh bây giờ trở thành cánh tay "trụ cột" bên cạnh ba mình.

         Mười lăm công đất ruộng thuê mướn của chủ điền Tư Quản do chính bàn tay của Ba Hoanh chăm lo thay cho ba, bởi vì ba hằng ngày còn phải xách tông-đơ đi hớt tóc dạo cho người lớn và trẻ em trong xóm, khi không có ai kêu hớt tóc, ba mới ra đồng tiếp con lo việc ruộng nương. Người ta nói tuổi "mười bảy bẻ gảy sừng trâu", nhưng Ba Hoanh đã hai mươi mốt vẫn chưa tính chuyện lập gia đình bởi đàn em nhỏ dại như vậy. Những cô bạn gái cùng trang lứa với Ba Hoanh như cô Láng, cô Dung, cô Thu, cô Mười, cô Út... đều thường xuyên gặp gỡ nhau trên cánh đồng vào mùa cấy, gặt. Họ đều vui vẻ, chuyện trò thân thiện với nhau, trong đó Ba Hoanh có để ý đến một cô mà chưa dám mở lời. Chuyện tình cảm trai gái vào thời đó không phải như bây giờ, kín đáo, dè dặt và ngại sợ người lớn biết được sẽ cản ngăn, bởi quan niệm "môn đăng hộ đối", hay tư tưởng "nam nữ bất tương thân". Dù vậy, tình cảm riêng tư khó mà che giấu nhau, nhất là với các bạn nam nữ cùng gặp gỡ nhau trong công việc đồng áng.

         Một hôm, từ con đường đất nhỏ hẹp dẫn ra đám ruộng của mình, Ba Hoanh đã "bị" Tám Sơn gạn hỏi:

         - Chuyện mầy với con Láng tới đâu rồi?

         - Tới đâu là sao?

         - Là... hai người có gì với nhau chưa?

         - Đừng nghĩ bậy. Chưa ai nói với ai câu nào hết. Đồn rùm beng lên, chết cả đám!

         - Đồn cái gì. Hai đứa thương nhau thì nói thương chớ đồn cái gì?

         - Ba má cô Láng khó tính lắm. Nghe nói, gia đình của cô Láng là gốc người Tàu, không gả con cho người Việt...

         - Ai nói?

         - Thì tao nghe vậy!

         - Để tao dọ hỏi cho...

         - Đừng có tào lao nghe mậy! Cô Láng mà nghe được thì mầy bị "chửi tắt bếp" à nghen!

         - Nhưng tao hỏi thiệt, mầy có thương con Láng không?

         - Mầy hỏi để làm gì?

         - Để mừng cho mầy. Tao thấy hai đứa xứng đôi lắm...

         - Xạo hoài.

         Chỉ đối đáp tới đó là đã thu gần khoảng cách với đám ruộng sẽ cấy vào ngày mai của Ba Hoanh. Hôm nay, Tám Sơn tiếp Ba Hoanh dọn xong phần đất để buổi chiều hai người gánh mạ ra bỏ khắp mấy công đất cho khuya sớm nhóm bạn trong tổ vần công đổi công cùng nhau cấy hết phần đất của Ba Hoanh. Cứ theo cách sắp xếp như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, tất cả phần đất ruộng của ấp Trường Thuận sẽ cấy xong, màu mạ non rồi sẽ bén rễ và vươn xanh lên cả cánh đồng để tạo nên mầm sống truyền đời của người dân nơi đây.

 

         Khi tiếng gà gáy rộ cũng là giờ báo thức cho bà con trong ấp Trường Thuận thức dậy chuẩn bị ra đồng. Ba Hoanh có dặn Ba đừng thức sớm, để anh lo "xôi" nồi cơm nếp và "chưn" tô mắm cá trê trắng cho tổ vần công ăn sáng sớm trước khi xuống ruộng cấy là được. Bởi vậy, buổi tối trước khi đi ngủ, Ba Hoanh đã ngâm nếp trong cái thau lớn; cắt lá chuối lót cái xửng đặt lên trên cái nồi lớn đổ đầy nước để  nấu "xôi". Củi cũng được chuẩn bị sẵn, để nửa khuya anh thức dậy làm việc bếp núc mà không gây tiếng động cho cả nhà ngủ. Anh cũng đã giở khạp gắp mấy con mắm trê để vô cái tô lớn, xắt củ hành phủ lên mặt, chế một chút mỡ heo, thêm chút đường và rắc tiêu hột lên sẵn, đặt trong cái nồi để chưn cách thủy tô mắm nầy ăn với xôi. Vô mùng giăng trên chiếc chõng tre, Ba Hoanh chun vô nằm cố ngủ một giấc khi nghe tiếng gà gáy canh hai là anh thức dậy cuốn mùng, xếp chiếu cẩn thận rồi vào chái nhà bếp.

         Đang lui cui nhóm bếp, chợt Ba Hoanh nghe tiếng gọi nho nhỏ ngoài hè:

         - Anh Ba, anh Ba...

         - Ai vậy?

         - Tui, Láng nè...

         - Trời, sao cô đến sớm vậy?

         - Mở cửa đi, tui vô nấu nướng tiếp cho. Anh làm "mình ên" sao kịp...

         Ba Hoanh bước lại cửa rút cây "xông hồng" gài chận ngang cánh cửa, giở lên cho cô Láng bước vô. Anh lúng túng nhìn Láng, muốn hỏi điều gì thì Láng cười:

         - Đừng có nhìn tui như vậy. Hôm trước, tui có nghe nói anh định cho mấy Cô Chú, mấy anh chị em ăn xôi nếp với mắm chưn, tui mới đi sớm qua tiếp với anh cho mau. Tui biết, trong nhà chỉ có "mình ên" anh lo mọi chuyện, phụ giúp anh hổng được sao?

         - Phiền cô quá. Cô còn phải đi cấy nữa, thức sớm ra đồng buồn ngủ làm sao cấy được.

         - Được chớ sao không? Thôi, chuyện nấu bếp anh để tui lo. Vô nằm ngủ thêm một chút đi. Cần gì thì tui kêu...

         - Bỏ cô nấu bếp, tôi đi ngủ coi sao được.

         - Bây giờ hổng nghe lời tui phải không?

         Ba Hoanh chống chế:

         - Đâu phải không nghe. Nhưng tôi với cô cùng nấu, để cô một mình buồn chết.

         - Bảo không là không. Anh không nghe, tui dìa liền bây giờ.

         Ba Hoanh đành phải bước nằm lên chiếc võng giăng giữa hai cây cột ngăn qua chái nhà bếp, cứ thao thức không sao nhắm mắt được. 

         Láng nhóm bếp xong, một bếp nấu xôi, một bếp chưn mắm. Cô lấy cái ghế đẩu đặt chỗ bếp, ngồi chụm củi và chờ cho xôi chín. Cô lan man suy nghĩ đủ điều. Chuyện mình qua nhà của anh Ba Hoanh để phụ cho anh ấy nấu bữa ăn sáng cho tổ vần công đổi công là cô đã có xin phép mẹ, với lý do là hoàn cảnh gia đình anh Ba Hoanh đơn chiếc, sang giúp đỡ chớ không có tình ý gì. Mẹ của cô nghe thấy vậy cũng không ngăn cấm, nhưng bà dặn, "con gái, làm gì làm nhưng phải giữ gìn, đừng làm điều gì không tốt mang tiếng cả đời nghe con!". Thật tình, mẹ của cô cũng thấy được con gái mình có cảm tình với Ba Hoanh, bà cũng mong cho con có được tấm chồng để an phận sau nầy, nhưng trong lòng bà cũng lo là không biết chồng bà gốc người Quảng Đông có chấp nhận hay không? Bởi vì, dù bà là người Việt, con gái mình là con Việt lai Tàu, bà con nói nó là người "minh hương", không lẽ duyên nợ bị trớ trêu do chủng tộc như vậy? Ba của cô Láng có phần đất ruộng phía sau nhà nhưng mọi việc ông để cho con gái chăm lo. Phần ông hàng ngày trông coi bán đồ tạp hoá cho bà con trong xóm xài. Một cái chòi cất góc trái phía trước nhà gie ra, ba bề dừng kín bằng lá, trước mặt nhìn ra sông bên dưới đóng bằng thiếc mỏng, bên trên đóng mặt cáo ô vuông cho ánh sáng rọi vào. Dọc theo vách là các kệ hai ba tầng, bên trên để đủ loại hàng hoá để nấu ăn, có đường, đậu, muối bọt, muối cục, tương hột, các keo chao, tôm khô, cá khô; có các loại thuốc cao đơn huờn tán, dầu gió. Phía dưới đất có dầu lửa, nước mắm, nước tương... Có các loại bánh kẹo cho con nít thích ăn. "Chệt Hai" là tên mà bà con ở đây gọi ba của Láng. Còn mẹ Láng, bà con cũng gọi thân mật là "Bà Chệt Hai", gọi theo chồng chớ bà là người Việt chánh tông, tên bà là Nguyễn Thị Thân. Chệt Hai và cô Thân ăn ở với nhau có 4 mặt con, thằng con trai lớn chết sớm sau cơn bệnh ngặt nghèo lúc mới lên năm tuổi, nếu còn sống cũng đã 23 tuổi. Láng là con gái kế tiếp, năm nay vừa tròn 18 tuổi. Hai đứa sau cùng là thằng Hối 12 tuổi và con Muối 8 tuổi đang đi học tại lớp của thầy giáo Thuật. Bà Thân phụ lo buôn bán với chồng, nhưng cũng thường ra đồng tiếp với con gái chăm lo mười công ruộng thuê mướn của chủ điền từ trước khi Chệt Hai mở tiệm tạp hoá. Cuộc sống gia đình tương đối, không phải chật vật như một số gia đình nghèo khó khác trong ấp.

         Cô Láng ngồi chụm củi nồi xôi và nồi mắm chưn, suy nghĩ đủ điều, vá víu hết chuyện nầy đến chuyện khác nên không thấy buồn ngủ. Thỉnh thoảng cô quay lại nhìn Ba Hoanh đang đong đưa trên chiếc võng mắc giữa hai cây cột nhà, chẳng biết có ngủ được hay không. Việc cô Láng xin phép mẹ qua lo phần ăn của đội vần công cấy trên phần đất Ba Hoanh là một việc tự nguyện, thành thật chớ cô không có tình ý gì riêng. Ba Hoanh cũng chẳng nghi ngờ, nhưng có lẽ anh ngại bạn bè biết được thì đồn đại bất lợi cho việc giao tiếp lối xóm. Bất ngờ, Ba Hoanh ngồi nhỏm dậy, nhìn quanh quất một chút, anh rón rén bước lại đứng sau lưng cô Láng:

         - Buồn ngủ lắm không? Bước lại nằm đỡ trên võng một chút, khi gà gáy rộ tôi kêu.

         - Được rồi, tui ngồi đây cũng được. Gà sắp gáy rồi...

         - Thiệt, tôi cám ơn cô nhiều lắm. Nhưng tôi thấy ái ngại. Biết trả công cô cách nào đây?

         - Công cán gì. Tui tiếp anh cũng như làm việc gia đình hàng ngày chớ có khó khăn gì...

         - Cô Láng nè...

         - Gì vậy anh Ba?

         - Tôi muốn hỏi cô điều nầy?

         - Điều gì?

         - Bác... Hai trai có "khó" lắm không?

         - Khó chuyện gì?

         - Tôi nghe người lớn nói...

         - Nói Ba tui không gả con gái cho người Việt chớ gì!

         - Sao cô biết?

         - Ai cũng "đồn" như vậy. Nhưng hổng có đâu, Ba tui ổng dễ lắm. Má tui cũng dễ nữa...

         - Vậy à!

         Khi gà gáy rộ trong xóm thì nồi xôi đã chín. Ba Hoanh và cô Láng chỉ nói chuyện tới đó thì ông Bá Hộ thức giấc, từ trong buồng bước ra chỗ bàn thờ bật quẹt cháy ngọn đèn ống khói, chiếu sáng cả gian phòng. Ông hỏi vọng vô chái nhà bếp:

         - Hoanh à, con thức rồi hả?

         - Dạ! Con đã nấu xôi và chưn mắm xong rồi Tía. Sao Tía không ngủ, thức chi sớm vậy.

         - Bữa nay cấy phần đất của mình, Tía phải ra ngoải tiếp với con chớ.

         - Không cần đâu Tía. Với lại, hồi khuya tới giờ, có cô Láng lại làm bếp tiếp với con nên mọi việc xong xuôi hết rồi.

         - Ủa, có cháu Láng đến sớm vậy hả?

         - Thưa Bác, cháu qua làm bếp tiếp anh Ba.

         - Cảm ơn cháu nghe Láng.

         Ông Bá Hộ vói tay lấy ba cây nhang, đưa vô ống khói mồi rồi xá ba xá, cắm lên 3 cái lư hương trên bàn thờ gia tiên theo thói quen mỗi khuya thức sớm.

         - Bác uống trà để con nấu.

         Nghe Láng hỏi, ông Ba cảm động.

         - Được rồi cháu, để một chút nữa Bác nấu.

         - Lẹ lắm Bác. Cháu nấu liền cho Bác đây... 

         Từ trong chái bếp, Ba Hoanh và Láng đã lo dỡ xôi vô thúng và tô mắm chưn với muỗng, đũa đem theo, chờ các anh chị, cô chú trong đội vần công đến thì cùng ra đồng cấy lúa và hừng đông sáng sẽ cùng ăn. Ông Bá Hộ ngồi hút thuốc, uống trà, hỏi han Ba Hoanh với cô Láng việc đồng áng, về nhiều chuyện linh tinh khác. Ông cũng hỏi han việc bán buôn của tiệm tạp hoá nhà Láng, về việc chuẩn bị dọn đất để cấy sắp tới. Tuyệt nhiên, ông tế nhị không tỏ vẻ gì thắc mắc sự có mặt của cô Láng qua nhà giúp thằng con trai mình lo nấu phần ăn cho đội vần công.

        

         Chiến tranh càng lúc càng khốc liệt. Làng quê của nhóm bạn trong đội vần công bị bom đạn cày xới khắp nơi. Nhà thờ Ông Hào thuộc ấp Trường Thọ bên kia sông bị bom B52 san bằng vì Tiểu Đoàn Tây Đô của VC đặt khẩu súng phòng không chỗ tháp chuông để bắn máy bay. Sau trận nầy, bà con trong hai ấp Trường Thọ và Trường Thuận đã tản cư đi khắp nơi. Ông Bá Hộ đã cho Ba Hoanh lên chợ Kỳ Son thuộc tỉnh Tân An để ở với gia đình bà con bên vợ và nhờ lo việc giấy tờ lính tráng vì ngại ở đây bị bọn du kích "rù quến" theo chúng. Trước hôm ông Bá Hộ đưa Ba Hoanh đi Tân An, cô Láng và Ba Hoanh có gặp nhau và hai người nói lời chia tay trong ngậm ngùi.

         - Anh Ba đi mạnh giỏi...

         - Ờ, cô cũng vậy nghe. Dù đi xa, nhưng lúc nào tôi cũng nhớ tới cô.

         - Nhớ thiệt hông?

         - Thiệt mà! Tại hoàn cảnh tôi phải đi. Nếu tình hình an ninh ở đây không tốt, cô với Hai Bác cùng mấy đứa em cũng phải tản cư nghe. Đi tới đâu cũng nhớ tìm cách nhắn tin cho tôi biết...

         - Anh Ba...

         Láng như muốn nói điều gì nhưng ngập ngừng. Ba Hoanh nhìn thẳng vào mặt cô Láng, chợt nhiên nghe lòng xao xuyến lạ lùng. Muốn nói lời yêu thương nhưng không dám nói. Hứa hẹn gì đây? Bày tỏ gì đây? Hình như trong lòng hai người có sự đồng cảm nào đó? Bất chợt, Ba Hoanh nói trước:

         - Cô Láng, tôi nói câu nầy, nếu cô không đồng ý thì đừng giận nghe!

         - Chuyện gì vậy anh Ba?

         - Tôi... thương cô nhiều lắm!

         - Anh Ba, đừng nói, tui sợ... !

         - Sợ gì?

         - Sợ chuyện mình không thành...

         - Môn đăng hộ đối?

         - Không! Sợ chiến tranh ác nghiệt!

         - Đừng sợ. Nhưng cô hứa với tôi, chờ tôi...

         - Anh Ba cũng hứa với tui như vậy nghe...

         Nói xong, cô Láng đâm đầu bỏ chạy như sợ có người nghe được chuyện hứa hẹn của hai người. Ba Hoanh nhìn theo mà nghe trong tim rộn ràng khó tả. Vậy là từ bấy lâu nay, cô Láng cũng đã ngầm yêu mình cũng như mình thầm thương trộm cô gái láng giềng, mà Tám Sơn đã có lần nói như vậy.

         Sáng hôm sau, khi chiếc tàu đò của cậu Mười Lố chạy chậm và quay mũi ghé vào cặp bến nhà ông Bá Hộ, Ba Hoanh tay xách cái rương cây trong đựng mấy bộ quần áo, đi theo ba bước xuống đò, trong khi các đứa em chạy theo, đứng trên bờ vẫy tay. Ông Bá Hộ quay lại bảo mấy đứa con trở vô nhà và dặn tối ngủ nhớ gài cửa cẩn thận. "Hai bữa nữa Tía về!". Ba Hoanh cố nhìn về phía nhà Chệt Hai, anh thấy dáng cô Láng đứng nhìn chăm chăm chiếc tàu đò, anh thầm nghĩ, chắc cô buồn nhiều lắm và đang chảy nước mắt cũng nên!.

         Ngồi trên tàu, Ba Hoanh mới thì thầm với ba:

         - Tía ơi, con với cô Láng thương nhau. Hoàn cảnh con phải đi. Ở nhà nếu có gì xảy ra cho gia đình cô Láng, Tía giúp đỡ giùm. Nếu có gặp riêng cô Láng, tía cũng an ủi cô ấy, tội nghiệp.

         - Tía cũng đoán biết chuyện hai đứa. Giữ gìn nhau như vậy là tốt lắm. Qua tới Kỳ Son, cậu mợ Năm lo giúp giấy tờ xong, một thời gian trở về, tiá sẽ lo làm lễ hỏi cưới cho hai đứa. 

         Nhưng, thời chiến tranh đâu ai lường trước được những biến cố xảy ra quanh cuộc sống. Chưa đầy sáu tháng thì lại có chiến trận lớn xảy ra. Cả làng Trường Long phải bỏ làng quê chèo chống đi tản cư để tránh bom đạn. Một số gia đình chạy ra tạm trú ngoài Cần Thơ như rạch Đầu Sấu, Bình Thủy, Xóm Chài, hoặc xuống Cái Tắc, Rạch Gòi. Gia đình ông Bá Hộ cùng nhiều gia đình chạy xuống tới miệt Thứ hay Chắc Băng, Cạnh Đền bằng chiếc ghe muôi với mấy đứa con nhỏ dại. Gia đình Chệt Hai cũng chèo chống vô miệt Bà Đầm Thác Lác gì đó. Những gia đình từng sống thân thiết nhau nay đã đi tứ tán bởi tránh bom đạn chiến tranh. Đâu ai nghĩ rằng cuộc chiến kéo dài, sự chia cách thân tình thôn xóm dài đằng đẵng những năm sau đó.

         Ba Hoanh sang chợ Kỳ Son, cậu mợ Năm đã nhờ người lo hồ sơ hộ tịch mà trước đây anh không hợp lệ tuổi tác đi quân dịch. Rồi cuộc sống ở đây đã cuốn hút mọi sinh hoạt thường ngày, Ba Hoanh mất đường dây liên lạc với gia đình, nên đã không biết tin "tản cư" lớn tại quê nhà Trường Long. Ba Hoanh đã vào làm lính Dân Vệ (sau nầy là Nghĩa Quân) đóng đồn cách chợ Kỳ Son gần một cây số, nhưng không làm sao liên lạc được với gia đình ở quê nhà. Cậu mợ Năm có dọ hỏi thì được biết dân làng nầy phần đông tản cư từ lâu lắm chưa trở lại. Số người trở về thì không có gia đình ông Bá Hộ cũng như gia đình ông Chệc Hai.

         Khi Ba Hoanh bị thương trong một trận bị VC tấn công đồn, anh bị cụt một chân trái và được xuất ngũ, Ba Hoanh quyết định về lại làng xưa vào sau Tết Mậu Thân năm 1968. Làm một thương binh với chiếc nạng chống đi khập khiễng chỗ bến đò Phong Điền, Ba Hoanh cố hình dung lại ngôi chợ xã ngày xưa, bây giờ đã trở thành Quận lỵ tấp nập ghe xuồng, anh xuống một chiếc "võ lãi" để về vàm Ông Hào với hy vọng gặp lại gia đình. May mắn Ba Hoanh đã gặp lại người bạn cũ, anh Tám Sơn là người lái chiếc võ lãi đưa khách.

         Rồi chuyện quê nhà, chuyện những người thân của Ba Hoanh được Tám Sơn kể chi tiết lúc hai người uống cà phê trong quán bà Tư Ựng để chờ khách. Ông Bá Hộ đã về lại nền nhà cũ và đang ở với hai đứa con trai út là thằng Bảy Đoàn và thằng Út Kết. Hai người em gái Ba Hoanh đã có gia đình, cô Tư Hướng và chồng ở trong Trà Ếch; cô Năm Lầu và chồng ở trong ngọn rạch Cai Cẩm. Thằng Sáu Già đã chết vì cãi cha theo du kích. Gia đình ông bà Chệc Hai, cô Láng và mấy đứa em nghe nói khi tản cư đã qua vùng Bà Đầm Thác Lác tạm ở dưới ghe một thời gian thì bị tai nạn; một đêm có một trái đạn pháo binh từ hướng Thới Lai bắn vào vùng Bà Đầm, rớt gần chiếc ghe và giết chết cả gia đình cô Láng. Ba Hoanh lắng nghe mà hai hàng nước mắt ràn rụa. Thảm nạn chiến tranh đã đổ ập lên những người thân yêu nhất của mình. Sự trở về của một thương binh với nỗi buồn thảm như thế đó.

 

         Biến cố Tết Mậu Thân khắp nhiều đô tỉnh thị miền Nam do bọn Cộng Sản đã gây nhiều thương tích lớn trong lòng mọi người. Ba Hoanh về lại gặp người cha ốm đau còm cõi với hai đứa em trai út trong nỗi bùi ngùi xúc động. Cánh đồng Trường Long cũng đã vào mùa gặt, nhưng cảnh trí ngoài đồng đã khác lạ hơn xưa. Đồng cỏ bỏ hoang nhiều, những thửa ruộng có người trồng cấy lúa lỏm bỏm trông thật buồn bã. Ba Hoanh đã theo hai đứa em trai ra đồng, nhìn cảnh cắt gom lúa chín đã gợi hình ảnh ngày xưa của tổ vần công đổi công mà chính Ba Hoanh đã có mặt nơi đó. Những hình ảnh của Hai Phát, Tư Em, Năm Vu, Năm Nghĩa, Bảy Có, Mười Lùn, hay của cô Láng, cô Dung, cô Thu, cô Mười, cô Út, ... bây giờ đâu còn nữa. Chỉ còn Tám Sơn thì bỏ ruộng để làm lái đò đưa rước khách, Ba Hoanh là thương phế binh không còn năng động được như xưa. Ba Hoanh nhớ và nhớ quay quắt hình ảnh hiền lành, thơ mộng của một thời tuổi trẻ trên một miền quê những năm đầu của thập niên 1960. Ba Hoanh nhớ quay quắt đến những cử chỉ rụt rè, e ấp chuyện tình yêu của chính mình với cô Láng, yêu thương nhau, gần gũi nhau thường ngày mà không ai dám nói với ai dù một lời thật đơn giản. Khi ấp úng hứa hẹn nhau chưa tròn vẹn thì đã cách chia và mãi mãi đi vào cõi vĩnh hằng. Cuộc đời có bất công và cay nghiệt lắm không đối với thân phận của mỗi con người? Bây giờ một nách tay trái chống gậy, một chân phải đứng nhìn mấy công đất cũ năm xưa, lúa đã chín vàng lã ngọn, anh nghĩ đến công sức vun bón của hai đứa em trai cũng như ngày xưa anh cùng các bạn trong tổ vần công đổi công đã thân thiết bên nhau của một thuở thanh bình thời đệ nhất cộng hoà. Bây giờ Ba Hoanh không còn khả năng làm gì được bởi thương tích chiến tranh đã gây cho mình nghiệt ngã quá. Tình yêu đầu đời trên cánh đồng quê hương cũng đã mù tăm theo dòng thời gian nhiều đổi thay đau xót. Có lẽ quãng đời còn lại của một thương binh, Ba Hoanh thắm thía với tâm trạng của một con người mãi mãi sống hoài niệm và mang nỗi nhớ vào xuân mà thôi.

 

Houston, tháng 01-2011

15 tháng 10-2011

 

LÊ CẦN THƠ

(tặng bạn tôi, ghi lại chuyện tình chôn kín tại quê nhà sau cuộc chiến tang thương)

[trích tập NỐI SỢI DÂY DÀI, tr. 123-136, Bản Thảo Lưu Lại - Thư Ấn Quán 2012]

* truyện in trong đặc san PTGĐTĐ Úc Châu 12 - 2012

____________________________________________________________________________________________________- 

        

 

 VĨNH BIỆT BẠN ÐỒNG MÔN

 

Nhân tròn 4 năm Nhạc sĩ Anh Việt TRẦN VĂN TRỌNG từ trần (15 tháng 3 -2008 – 15 tháng 3-2012), xin giới thiệu lại bài viết để tưởng niệm và thương tiếc một nhạc sĩ  quê hương Rạch Giá - miền Nam, tên tuổi sáng giá một thời:

 

 

lct_huyhieu.jpgVĨNH BIỆT                                   

NIÊN TRƯỞNG

Nhạc sĩ ANH VIỆT

TRẦN VĂN TRỌNG

bài của

LÊ CẦN THƠ

 

         Tôi bàng hoàng và sửng sốt khi đọc được thông báo TIN BUỒN do đồng môn Lâm Hầu Sáng, phó Hội trưởng Nội vụ/Trưởng ban Báo chí của Hội Ái Hữu PTG-ĐTĐ Bắc Cali chuyển đi lúc 11:21PM ngày Thứ bảy 3/15/2008: “Chúng tôi rất đau buồn và xin thông báo cùng đại gia đình Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm Cần Thơ khắp nơi, Nhạc sĩ tác giả hai bài Lưu Danh Trường Phan và Nữ Sinh Trường Đoàn (Nguyên Đại Tá QL. VNCH) là: niên trưởng Anh Việt TRẦN VĂN TRỌNG, sinh tại Rạch Giá, Kiên Giang, từ trần vào lúc 11 giờ đêm ngày 14 tháng 3 năm 2008 (nhằm ngày mùng 7 tháng 2 năm Mậu Tý) tại San Jose California, hưởng thọ 81 tuổi. Linh cữu hiện đang quàn tại nhà quàn Oakhill, 300 Curtner Dr, San Jose, CA 95125, ĐT: 408-297-2447...”.  Bởi suốt ngày bận nhiều việc tôi không có dịp sử dụng máy, nên mãi quá nửa đêm khi lên máy dự định xoá bỏ các tên tuổi chuyên viết những lời hằn hộc, chửi bới thô tục, kém văn hoá dẫy đầy mỗi ngày cho bớt trong hộp thơ Email, những tên tuổi mà tôi không thể ngờ được họ đã tự xưng là có trình độ mà lại viết như vậy cứ liên tục xuất hiện, nếu không xoá một vài hôm thì máy bị đứng (!), tôi đọc được nội dung trên thì đã bước sang ngày Chủ nhật, tôi vội sang trang nhà ptgdtd.com thì anh Nguyễn Công Danh đã đưa TIN BUỒN & PHÂN ƯU xong. Đóng máy đi ngủ, tôi cứ trằn trọc nghĩ về vị Niên trưởng vừa mới vĩnh biệt chúng ta.

         Tôi nhớ, cuối tháng 8 năm 1968 sau khi học xong giai đoạn I “Tân Khoá Sinh Dự Bị Sĩ Quan” tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, được chuyển sang Trường Bộ Binh Thủ Đức học tiếp giai đoạn II, tôi đã mua được bản nhạc TÊN EM của nhạc sĩ Anh Việt gởi về tặng người yêu tại Cần Thơ (là hiền nội của tôi bây giờ). Tôi không biết tác giả là ai nhưng nghe nói ông hiện đang phục vụ trong trường Bộ Binh Thủ Đức. Ra trường và lăn lộn trên chiến trường suốt những năm chiến tranh với mìn bẫy, chết chóc, tôi không còn dịp mơ mộng như lúc mới vào học ở quân trường, bản nhạc TÊN EM vẫn còn cất giữ lưu niệm trong chồng lưu bút cũ của vợ tôi. Rồi sang định cư ở Hoa Kỳ, khi sinh hoạt gia đình PTG & ĐTĐ, tôi bắt gặp tên CHS TRẦN VĂN TRỌNG ở San Jose California, là bạn của niên trưởng Nguyễn Phước Trang, tôi mới biết đó là nhạc sĩ Anh Việt mà cuối năm 1968 tôi đã mua bản nhạc TÊN EM của ông, lại là cựu Đại Tá, CHS Phan Thanh Giản thuộc hàng Niên trưởng của tôi.

        lct_AnhVietTrang.jpg Năm 1999 khi sang dự Đại Hội lần thứ III tại San Jose( 3, 4 và 5 tháng 7/1999), có hai điều ngạc nhiên là, tôi được niên trưởng Nguyễn Phước Trang giới thiệu trực tiếp với niên trưởng Anh Việt Trần Văn Trọng, niên trưởng bắt tay rồi vỗ vai tôi thật thân mật. Ông nói: “Biết em bỏ công sức ra làm các cuốn giai phẩm trường mình, tôi khâm phục lắm”. “Thưa niên trưởng, đây là công sức chung của nhiều người, chớ không phải riêng em đâu!”. “Nhưng anh Trang nói, công ban đầu làm cuốn giai phẩm số 1 là của em mà!, nếu không có cuốn 1 làm sao có cuốn 2, 3, 4...”.

 Ảnh niên trưởng Anh Việt TRẦN VĂN TRỌNG (trái)        

và niên trưởng Nguyễn Phước Trang (phải)    

 Dịp nầy tôi đã chụp một bức ảnh lưu niệm hai niên trưởng Trần Văn Trọng - Nguyễn Phước Trang. Điều ngạc nhiên thứ hai là, Ban Tổ Chức Đại Hội III đã nhận được hai bản nhạc viết về Trường mà lần đầu tiên Đại Hội nầy đã trình bày ngay trong Đại Hội, nhạc phẩm “Lưu Danh Trường Phan”“Nữ Sinh Trường Đoàn” của nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng (*). Từ sau đại hội nầy, hai nhạc phẩm nầy được xem như  “hành khúc” dành cho sinh hoạt gia đình PTG & ĐTĐ hải ngoại, đặc biệt gia đình PTG & ĐTĐ Houston, các anh chị trong ban văn nghệ soạn hoà âm và tập dượt để các lần đại hội sau tham dự và trình bày hai bản nhạc nầy chánh thức trong chương trình.

         Năm 2000 tôi xuất bản cuốn bút ký Quê Hương Xa Mãi Ngút Ngàn và đã gởi tặng niên trưởng Anh Việt Trần Văn Trọng một cuốn. Sau đó tôi nhận được một phong bì trong đó có một CD nhạc BẾN CŨ gồm những bản nhạc chọn lọc của nhạc sĩ Anh Việt gởi tặng lại lưu niệm. Qua CD nầy tôi mới thấy được cả quãng đời của niên trưởng đã dành cho sáng tác nghệ thuật bằng cả nhiệt tâm và năng khiếu đặc biệt không phải ai muốn cũng được. Mãi sau nầy, dù ở vào tuổi “cổ lai hy”, niên trưởng vẫn dành trái tim và khối óc của mình khi viết hai bản nhạc mà gia đình PTG & ĐTĐ hải ngoại dùng làm “hành khúc” để hát trong những lần Đại Hội hàng năm kể từ sau lần Đại Hội III tại San Jose California được trình bày lần đầu tiên và đã thu vào CD hai bản nhạc nầy gởi tặng các ban đại diện nhóm tại các địa phương. Gia đình PTG & ĐTĐ Houston, các anh chị trong ban nhạc đã soạn hoà âm và đã tập dượt để mỗi kỳ tham dự Đại Hội đều trình bày với sự dàn dựng đặc biệt suốt mấy năm liền. “Hành khúc” “Lưu Danh Trường Phan”“Nữ Sinh Trường Đoàn” cùng tên tuổi “Anh Việt TRẦN VĂN TRỌNG” tôi  tin sẽ sống mãi với thời gian,  dù hôm nay niên trưởng đã vĩnh viễn ra đi.

         lct_hopcatruongPhan.jpgLàm sao không xúc động mỗi khi hát “Nay từ trên khắp năm châu. Môn sinh của ngôi trường xưa. Quyết tâm phục hồi danh xưng. Vị anh hùng trời Nam Phan Thanh Giản. Vị anh hùng trời Nam còn lưu danh”.   Làm sao không xao xuyến khi hát “Ghi tạc nầy Ơn Thầy. Nặng nghĩa tình đồng môn. Quyết tâm làm rạng giống Tiên Long. Vang danh muôn thuở Đoàn Thị Điểm. Trường xưa mến yêu. Trường xưa mến yêu”...

Ảnh nhóm Houston trình bày hai bản nhạc tại ĐH 2004 Phoenix AZ                                             

          Giáo sư Trầm Vân VÕ VĂN VẠN từ Sài Gòn khi đọc tin buồn, đã nhanh chóng ghi vội những lời chia buồn cùng tang quyến và cầu mong linh hồn niên trưởng sớm tiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng (qua Email lúc 12:00AM ngày 16 tháng 3/2008):

“Lưu Danh Trường Phan”, “Nữ Sinh Trường Đoàn”

Câu ca tiếng nhạc lời vẫn còn tha thiết

Người ra đi Cần Thơ buồn da diết

San Jose mây trắng dải khăn tang”.

 Xin vĩnh biệt Niên trưởng Nhạc sĩ Anh Việt TRẦN VĂN TRỌNG. Xin chia buồn cùng niên trưởng phu nhân và toàn tang quyến.

        (*)  Dịp nầy, xin giới thiệu lại hai bản nhạc Lưu Danh Trường PHAN và Nữ Sinh Trường ĐOÀN của niên trưởng, và cũng mượn trang viết nầy, một lần nữa xin gởi theo vong linh Niên trưởng lời cảm ơn chân thành, tôi nghĩ không riêng cá nhân tôi mà còn là của đại gia đình PTG & ĐTĐ Cần Thơ hải ngoại đối với một tài năng âm nhạc đã gắn bó với trường và đã vĩnh viễn ra đi.

Houston, ngày 16 tháng 3 năm 2008

.

LÊ CẦN THƠ       

lct_truongPhan.jpg
lct_truongDoan.jpg

Enter supporting content here