CHS/GS Nguyễn Thị Hường, New York

BOSTON, QUÊ HƯƠNG CHỒNG

          Từ một vùng trời của đất nước nhỏ bé, giã từ Việt Nam quê hương qua một cuộc hải trình gian khổ, được ơn thương xót của Đức Chúa Trời, tôi đến Boston, thủ phủ của tiểu bang miền cực Bắc nước Mỹ. trong những ngày bắt đầu mùa đông băng giá, với những hoa tuyết rơi rơi bay trong gió, rải rác xuống đường, đáp đậu nhẹ nhàng trên những nhành cây trụi lá, bám víu vào những nhánh thông xanh chung quanh nhà.  Màu trắng tinh anh của tuyết và màu xanh bất diệt của thông, hiền hòa quyện vào nhau, cho tôi một mối cảm hoài bất tận, nhìn hoài không mỏi mắt.

          Boston, nơi mà từ đó, chồng tôi được sinh ra, lớn lên, đi vào đời, tập rèn đời binh nghiệp và sau hơn bảy năm tạm dung, với tôi, đã trở nên quê hương chồng, mà dù với gió trong tim vì xa quê hương ruột thịt, mà dù với bão trong lòng vì những người chung quanh không cùng một màu da, khác chủng tộc, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, tôi vẫn nhìn thấy sự gắn bó nồng nàn cho tương lai trước mắt.

          Boston, quê hương chồng, nơi mà từ đó, tôi có cơ hội về thăm mõm đất cuối cùng của Bắc Mỹ, Cape Cod với hình dáng của một khuỷu tay, cong cùi chỏ, với dãy nhà của một gia đình nổi tiếng của lịch sử nước Mỹ, Kennedy Compound, mang tên vị Tổng thống trẻ tuổi của nước Mỹ, với một câu nói làm chấn động lòng người “Bạn đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn mà nên hỏi bạn đã làm được gì cho đất nước.  Cape Cod cho tôi những ngày nắng ấm dịu dàng trên những bãi biển trải dài cát trắng, nơi cho tôi những làn sóng nhấp nhô, mang những con blue fish, seabass, flounder ngọt ngào hương vị của thịt cá và mặn mòi của nước biển; nơi cho tôi thưởng thức hoài không bao giờ ngán, những sớ thịt dai giòn của những con tôm hùm màu đỏ pha xanh, những con cua đá khổng lồ, những con ngêu, sò xòe ra như những cánh quạt nhỏ, với từng đàn ốc gạo trắng, nằm phơi mình trên những viên đá tảng hay lén lút ẩn mình dưới chân của những cọng cỏ rong rêu…

          Boston, quê hương chồng, nơi đã đón tôi trong vòng tay yêu thương như một người phối ngẫu, nơi đã chọn tôi làm cô dâu trong những ngày tay trắng, với kiếp sống lưu vong và một tương lai mịt mù để rồi, giúp tôi trưởng thành, đứng vững vàng trong cuộc sống mới tuy thật khiêm nhường nhưng cũng đủ tạm gọi là “thành công” nơi xứ người, một sự thành công, nếu nhìn về vật chất thì chẳng là gì, nhưng về linh năng thì quả thật là một sự “thành công” khó mà tưởng tượng; một sự vượt bực, tôi không bao giờ dám nghĩ hay mơ ước đến. Một sự thành công đã giúp tôi ra khỏi vùng u ám của một cuộc rượt bắt, chạy theo ảo ảnh của cuộc đời gồm đủ tiền tài, vật chất, danh vọng, dễ phai tàn theo năm tháng, và phải bỏ lại, sau khi nằm xuống giữa lòng đất lạnh, để nhận lãnh được vùng ánh sáng chan hòa của một tình yêu không điều kiện ban cho cách nhưng không từ Thượng Đế.

          Boston, quê hương chồng, tôi xin mời Thầy Cô và các bạn bè xưa cũ cùng bước với tôi qua những con đường lót đầy gạch đỏ trong lòng thành phố với một vài di tích lịch sử của một thành phố khá cổ kính, được khám phá từ năm 1630 với hơn 600,000 ngàn dân nầy, trong những cuộc chiến dài lâu, chống lại sự đàn áp của Anh quốc, và những người lãnh đạo cuộc Cách Mạng đã trút đổ 45 tấn trà của Anh quốc xuống biển.  Nhiều sư đoàn thiện chiến, dưới sự lãnh đạo của George Washington, sau nầy trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của Mỹ quốc, đã chiến thắng vẻ vang, chiếm lại chủ quyền của Boston năm 1776.

          Cũng như những thành  phố lớn khác, trong phần đầu của thế kỷ thứ 20, Boston không tránh những thăng trầm, tuột dốc thê thảm về tệ nạn xã hội, nhưng cũng đã hồi phục trong sự vươn lên với những  hoạt động của các nhà máy công kỹ nghệ, những bịnh viện y khoa nổi tiếng khắp thế giới cùng những đại học lừng danh như Havard, Massachusettes Institude of Technology (MIT) và đại học Boston. Tuy đứng vào hàng thứ 20 của những thành phố lớn nhứt Mỹ quốc nhưng Boston với những di tích lịch sử hùng hồn, những truyền thống văn hóa nổi tiếng đã mang hàng triệu du khách đến viếng thăm, tìm hiểu, để nhìn thấy Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ trong những năm đầu lập quốc.

          Vừa là một chiếc xe, vừa là một chiếc tàu. Vừa là cả hai, du khách cũng rất hài lòng với sự phục vụ của Boston Duck Tours, một cấu trúc vận chuyển từ chiến tranh thế chiến thứ hai, vì họ có thể ngắm nhìn phần lớn những thắng cảnh nổi tiếng của Boston khi ngồi trong 80 phút trên chiếc tàu mang hình dáng của con vịt từ tòa thị sảnh, một tòa nhà cổ xưa nhứt có vị trí địa dư và chính trị trên đường Beacon Hill với 45 phút tham quan bên trong, mỗi năm có thể thu hút 90,000 du khách, đến khu phố sầm uất trên đường Newbury, cùng quan sát những chiến tích oai hùng trong trận chiến thế giới thứ hai cho đến cuối góc của dòng sông Charles… tiếp tục chạy sẽ có dịp đưa tay vẫy chào nhau khi gặp những con tàu vịt khác ngược chiều và cuối cùng thì… vịt lội xuống nước mang theo trên mình đoàn hành khách để họ có thể nhìn thấy bao quát hai đại học nổi tiếng Cambridge, Harvard, và hàng loạt những di tích lịch sử hùng vĩ khác.

          Ngôi chợ Quincy, còn gọi dưới một tên khác Faneuil Hall, là một nơi khang trang, rộng lớn, cả bên trong lẫn bên ngoài, để du khách dừng lại tìm đủ loại thực đơn thật ngon, hấp dẫn, vừa túi tiền, vừa ăn, vừa mua sắm các loại hàng hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, mang về làm kỉ niệm tặng người thân thương. Nằm trong trung tâm của thánh phố Boston, trong hơn 250 năm, ngôi chợ Quincy là sự kết hợp của ba tòa nhà từ thế kỷ thứ 19, với sự phối hợp của 49 cửa hàng, 44 ngã rẽ nối liền, 13 nhà hàng và 35 gian hàng thực phẩm vẫn là điểm tập trung, hội ngộ, hẹn hò của những người dân thường trú tại Boston.

Ngôi chợ Quincy không những tượng trưng cho nét đẹp cổ kính của Boston, mà còn là nơi pha trộn nghệ thuật, mỹ thuật và khẩu vị khác nhau của nhiều nơi trên thế giới, nhứt là trong những ngày đông lạnh giá, du khách vẫn có thể được ấm lòng qua tách cà phê nóng, qua miếng bánh ngọt thơm nồng hương vị, nhìn ngắm tuyết rơi ngoài kia khung cửa kính, nghe lòng rộn rã một sự an bình, dễ chịu, để chờ đến mùa hè, với chai bia Sam Adams mát lạnh trong tay, tự do thưởng thức miễn phí mọi ngành nghệ thuật từ đàn, trống, kèn, từ bài hát, từ những trò ảo thuật cho đến những vở bi, hài kịch ngắn ngoài trời, theo từng phong tục, tập quán của từng miền khác nhau trên khắp toàn cầu. Hay hơn nữa thì chọn bơi lội thong dong dưới biển xanh, đi rong chơi qua những con đường nhỏ xuyên các rừng cây, hoặc là nhìn ngắm sao trời lấp lánh khi cắm trại trong những công viên, nghe mình thoát tục. Và những chiếc phà xuôi ngược trên hòn đảo của hải cảng Boston (Boston Harbor Island) là hòn đảo mang những di tích lịch sử của cửa khẩu mà du khách không cần phải ra khỏi thành phố boston, vẫn có thể nhìn thấy được cách bao quát. 

Boston còn là một thành phố làm sống lại những gì đã xảy ra trong quá khứ do những hoạt động hết sức sinh động trong đời sống hằng ngày. Không cần biết vào khoảng thời gian nào của năm, những hoạt động tại Boston không lúc nào có sự ngưng trệ, đình chỉ.  Boston vô cùng nổi tiếng về các món ăn hải sản mà còn là nơi đào tạo nhiều đầu bếp nổi danh từ việc pha chế rượu bia, đến việc nêm nếm, biến đổi hương vị mặn mà của thực đơn, Boston luôn luôn chiếm ngôi vị hàng đầu trong thức ăn và thức uống cho thực khách không những cho cả Mỹ quốc mà còn cho trên toàn thế giới. Những bảo tàng viện của Boston trưng bày những tác phẩm nghệ th uật sáng giá nhứt của thế giới.  Được du khách dừng chân nhiều nhứt là viện Museum of Science tọa lạc trong khuôn viên Science Park, với hơn 400 công trình kiến trúc, xây dựng khác nhau như the Virtual Fish Tank, an IMAx theater và một hành tinh hệ rất bổ ích cho trẻ em.

 Boston còn là quê hương cội nguồn của đội banh dã cầu nổi tiếng Red Sox từ năm 1912. So với các thành phố trẻ khác, Boston không giấu được sự già cỗi, lại mang nét cổ kính của lối kiến trúc của Âu châu, nhưng đồng thời Boston cũng mang đầy nét hùng tráng, tràn đầy sức sống với sự thu hút mạnh mẽ một số lượng rất lớn các sinh viên trẻ từ khắp nơi trong nội địa cũng như trên thế giới tựu về. Boston là thủ đô của Massachusetts, một trong sáu tiểu bang gồm Maine, New Hampshire, Vermont, Massachusetts, Rhode Island, và Connecticut, gọi chung là New England, có biên giới giáp liền với Đại tây dương, Cananda và tiểu bang New York. New England rất nổi tiếng với món soup Claim Chowder ngon tuyệt vời, không đâu sánh bằng.

Du khách có thể viếng thăm ngôi nhà cổ xưa, có một vườn hoa kiểng thật đẹp của cố Tổng thống John Adam, một trong rất ít Tổng thống có cơ duyên con trai mình cũng trở thành Tổng thống.  Du khách cũng không thể nào bỏ qua, không thăm viếng nơi cố Tổng thống Kennedy đã sống với gia đình trong thời thơ ấu của ông qua một đoạn phim ngắn, và rồi tiếp tục đến Viện bảo tàng và thư viện cũng mang tên vị Tổng thống hào hoa, trẻ tuổi nầy với một đoản phim 18 phút, kể lại chính lời nói cùng những hoạt động trong sự tranh cử của Tổng thống của ông vào năm 1960 tại Los Angeles.

          Con tàu Mayflower cũng là một di tích lịch sử nổi tiếng vì đã vượt biển năm 1620. Mang nhiều đàn ông, phụ nữ và trẻ em từ Anh quốc, xuyên qua biển Đại tây dương, vượt thoát sự bách hại về tôn giáo với hi vọng tìm một vùng đất mới an lành, hạnh phúc và được tự do tín ngưỡng.  Cuộc hải hành thật vất vả kéo dài trong 66 ngày đêm, thiếu thực phẩm và nước uống. Cuối cùng đã cặp bến tại bờ biển của thành phố Plymouth, một số người bị chết, một ít trẻ em đã chào đời và ngày nay còn in dấu bằng một tảng đá lớn gọi là Plymouth Rock.  Họ đã được những người dân da đỏ tốt bụng chỉ cho cách trồng trọt, cách bắt cá, nhưng trong mùa đông lạnh giá thì không làm sao tìm ra được thực phẩm.  Với đức tin mãnh liệt trong lòng, họ đã cùng quì gối, ngước nhìn trời cao và bền bỉ cầu nguyện cùng Thượng đế trong nhiều ngày, giúp họ thoát khỏi sự đói trong suốt mùa đông dài lê thê. Rồi, một ngày kia, quá tuyệt vọng khi không nghe thiên nhiên báo hiệu, trả lời, họ trông thấy từng đoàn, từng đoàn, hàng loạt gà lôi rừng xuất hiện không biết từ đâu, nhưng họ tin chắc rằng, quyền năng của Đức Chúa Trời đã cứu họ. Họ đã quì gối cầu nguyện để cầu xin và bây giờ, họ cũng đã quì gối cầu nguyện để cảm tạ.  Lễ Tạ Ơn đầu tiên khởi đầu khi họ mời các người bạn da đỏ cùng chung vui vào mùa thu năm 1621 với thịt của gà lôi rừng. Cũng từ đó, thì gà lôi là món ăn chính theo truyền thống của ngày Lễ Tạ Ơn bên cạnh bí đỏ, khoai tây, đậu và bắp.

George Washington, Tổng thống đầu tiên của Mỹ quốc đã chọn ngày 26 tháng 11 năm 1789, làm ngày lễ Tạ Ơn. Đến thời Abraham Lincoln, vị Tổng thống có công thống nhứt Nam Bắc Mỹ, đã chọn ngày thứ năm cuối cùng của tháng 11 năm 1863 như là “Một ngày Cảm Tạ và Tôn Vinh cho sự nhân từ của Cha Thiên Thượng” (A day of Thanksgiving and praiseto our beneficient Father.) Năm 1941, Franklin D. Roosevelt, vị Tổng thống ngồi xe lăn trong thời thế chiến thứ nhứt với quyết định khẩn cấp, chống trả mãnh liệt về sự tấn công Trân Châu Cảng của Phát xít Nhật tại Hạ Uy Di đã thông qua quyết nghị chọn ngày thứ năm thuộc tuần lễ thứ tư của tháng 11 làm ngày lễ Tạ Ơn chính thức cho toàn Mỹ Quốc.

Thánh sử của Chúa và Lịch sử của loài người đã gắn liền nhau qua những trang sử hùng tráng của Hiệp Chủng Quốc Hoa kỳ, đã tạo cho Boston một chỗ đứng quan trọng trong lòng du khách qua những loại âm nhạc cổ điển, những phong tục, tập quán và lịch sử của một quốc gia thật trẻ, phát triển rất nhanh chóng, nhưng dù mang một vẻ đẹp tuyệt vời của những ngày chớm thu, khi rừng lá thay màu thì, Boston vẫn không được “thân mật” cho lắm trong những ngày đông về, với cái lạnh giá căm, tuyết phủ chắn lối đi, làm chùn chân du khách. Thăm viếng Boston, sinh viên sẽ không còn chỉ biết Boston qua sách vở, phim ảnh mà còn biết cách đích thực về lịch sự từ trong trường học cho đến trường đời.

Tôi cảm tạ ơn Chúa đã đưa tôi đến với gia đình chồng. Tôi cám ơn Boston đã cho tôi một đời gắn bó với Bostonian. Boston, nơi đã nuôi dưỡng trong tôi một tình bạn dài lâu, vượt không gian và thời gian, nơi đã cho tôi một cuộc tình gắn bó trong hôn nhân, dù đôi lúc có gợn sóng lăn tăn, nhưng chưa bao giờ gặp những cơn sóng dữ trong hơn 24 năm qua.

Boston, nơi các bạn đồng trường, đồng môn của tôi từ hai ngôi trường Phan Đoàn thân thương của những ngày xưa thân ái, nơi quê nhà xa dịu vợi, đã mong muốn cách thật lòng, được đón nhận tất cả Thầy Cô và bạn bè cũ của mình, của một thời nón lá che nghiêng, tà áo dài bay thoáng trong gió, của một thời áo trắng, quần xanh, của một thời với huy đoàn, huy hiệu Phan Đoàn cài ngực, của những giờ đổi lớp, thay Thầy Cô, bước tung tăng dưới hàng phượng vĩ che rợp nắng sân trường, bên cạnh từng hồi chuông, tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp, tan trường hay đứng nghiêm túc, lặng yên nhìn theo lá quốc kỳ màu vàng, ba sọc đỏ từ từ được kéo lên trong giờ chào cờ mỗi buổi sáng.

Tôi xin được cám ơn các bạn hữu của tôi tại Boston đã mở rộng vòng tay thân ái, siết chặt trong ba ngày Đại hội, cho sự hội ngộ, đoàn viên hàng năm. Với lời cố hữu, thân thương nhứt ở những Đại hội hàng năm trước, một lần nữa, tôi xin kính chúc Đại hội Boston năm nay được thành công rực rỡ. Tinh thần bất vụ lợi và sự năng nổ vì “Tình Thầy Trò, Nghĩa Đồng Môn” mà hi sinh thì giờ, công sức, tiền bạc của các bạn khiến tôi thấy mình, nếu không thể đóng góp được gì thì cũng phải “khăn gói lên đường”, đi họp mặt để gọi là “không xa mặt, cũng không cách lòng”. Một lần nữa, xin cám ơn quí Thầy Cô và những bằng hữu của tôi tại Boston, quê hương chồng. Hẹn gặp nhau tại Đại Hội trong những ngày lá thay màu.

                                                                   New York, 03/08/2012

                                                                   Giáo sư NGUYỄN THỊ HƯỜNG

Enter supporting content here