Truyện
LêDung
Cựu Học Sinh / Cựu
Giáo Sư Phan Thanh Giản
CHÒI GIỮA ĐỒNG
Chuyện đời khổ...
kể hoài không hết..
Ở giữa rẫy dưa, căn chòi của bác Ba là cao
nhất, có gì đâu, bởi bác không muốn phải bò mà
chỉ khom lưng chui tọt vào. Bác được đặt tên là bác
Ba Sào vì lẽ đó.
Mùa nắng
nhưng chòi khá mát. Giàn khổ qua, dưa leo không đủ nước
tưới mà sao vẫn xanh tươi. Dây leo bắt đầu lấm tấm điểm
bông vàng thấy mà sướng.
Lạch
nước nhỏ, buổi chiều vàng, đám rau non cũng đủ níu
kéo người đi qua phải ngắm nhìn. Cỏ được dọn sạch
sẽ, ai cũng tưởng đó là chòi tạm trú mưa nắng. Không,
bác Ba ở luôn đó. Đống lá dừa, chum gạo, lu nước nhỏ
cũng đủ giúp tồn tại một con người.
Bác trồng thêm rau om, ngò gai, húng cây rau quế,
tần dày lá...Bác bán rẫy, không bán rau thơm, chỉ để
cho. Ai mà lội ra ruộng rẫy xin rau bác, nhà nào ở quê cũng
có ít nhiều rau thơm, chanh ớt..
Vậy
mà có người đến xin mỗi ngày mới lạ chớ.
Đó là chị hai Phấn. Xin rau mà cho lại
cá tôm, đậu phộng, thuốc rê...phen này bác Ba lời dữ.
Người đời ở không, ai cũng thích chỉ
trỏ vào nhà người khác. Xóm ruộng chỉ có vài tivi,
buồn chết đi được.
Chuyện
bác ba Sào có tình ý với hai Phấn đáng tuổi con, nghe sao
mà hấp dẫn, ai cũng muốn nghe, người kể ngắn quá, bắt kể
lại, thêm bớt cho dài nghe mới đã.
Kể dài là vầy: bác Ba tặng hai Phấn đôi bông
tai vàng y, Phấn giấu mang gởi chị bán vịt ngoài chợ, chị bán
vịt lấy đeo đi đám cưới. Có người tòe loe, Phấn
đòi lại, hai bên cãi nhau và giận luôn. Chị bán vịt không
mua vịt của Phấn nữa, Phấn tức nói cái đồ nhỏ mọn,
tiểu nhân...bác Ba nhờ Phấn bán dưa leo khổ qua, đưa tiền
Phấn giữ giùm, nhờ Phấn mua rượu thuốc ông già đấm
lưng...
Miệng đời cũng ác, gặp
bác Ba đi ngang, hỏi vói : " hôm nay không ở nhà cho rau à?".
Hai Phấn thì không ai nói kịp theo bước đi như chạy của chị.
Nhà Phấn ở ngoài vàm gần chợ, cách
chòi giữa đồng hơn cây số. Chị ở với bà ngoại gần
bảy mươi, cậu Út lưới cá, làm cỏ đốt đồng,
cũng kiếm ăn qua ngày.
Chị Phấn
già khằn so với tuổi, mà đâu có ai biết tuổi thật của
chị, khi thì nói theo giấy tờ, khi thì nói tuổi mụ..cũng không
rõ. Nhà chị có gien nói ít làm nhiều. Suốt cả ngày
chỉ bấy nhiêu công việc, việc ai nấy làm. Ngoại đau khớp
chân đi đứng chậm chạp mà cứ phải cà nhắc đi, không
đi thì ai bán cá, thằng Út bán cá ai thèm mua. Con Phấn
thì phải ở nhà nuôi heo, nấu cám nấu cơm, nuôi thêm bầy
vịt nhà chừng ba chục con thôi, cũng hết ngày.
Ngoại sống như nhà tu, xuống tóc, mặc áo lam
nhưng ít khi ăn chay, có gì ăn nấy. Ngoại nói ăn để
mà sống chớ không phải sống để mà ăn. Câu nói đầy
triết lý và có đẳng cấp, ai chỉ cho mà ngoại nói nghe
hay vậy. Nhiều lúc Phấn thấy ngoại ít nói, nhưng hễ nói
câu nào cũng như từ trong sách rút ra. Đó là ngoại không
biết chữ, biết chữ chắc còn phải nói những câu ác chiến
hơn nữa kìa. Phấn thầm phục ngoại mình, ngoại nói gì
Phấn cũng không dám cãi.
Ở
nhà quê hay chạy qua chạy lại, một câu nói ra là như muốn
cho cả làng biết. Vậy mà nhà ngoại vẫn còn giữ điều
bí mật. Chưa nghe ngoại nói gì về mẹ Phấn, sống chết ra
sao và ở đâu. Chết phải có đám giỗ để mọi người
tới mà ăn. Chưa nghe ngoại nói cha Phấn là ai, Phấn lấy họ
của ngoại. Nếu tò mò theo giấy tờ thì hình như Phấn là
con chớ không phải là cháu. Nhưng người ta có cách giải
thích, khắc tuổi cha tuổi mẹ, thầy bói bắt phải kiếm người
tuổi này, họ này...miễn là Phấn có giấy khai sinh, cha vô
danh. Phấn đi học đến lớp chín, hết lớp ở trường làng,
lớp mười phải lên huyện, Phấn nghỉ học.
Phấn trở thành gái già hồi nào không hay, nấu
cơm ngon, kho cá khéo, ngoại vừa lòng là Phấn vui.
Ba con người độc thân sống với nhau cam chịu, không
ai than thở. Tạm gọi là cuộc sống êm đềm ven sông, xóm
nhỏ ấm tình người.
Cho tới
khi căn chòi giữa đồng mọc lên, rau cũng mọc lên.
Hình như ngoại có biết điều gì đó,
ngoại không ra ruộng ra chòi, vậy mà ngoại biết Phấn hay lui tới
để xin rau.
Ngoại hay để ý canh
chừng sao Phấn đi lâu quá, sao hay mặc áo mới. Ngoại không nói
ra nhưng Phấn biết ngoại không muốn Phấn đi gặp ai đó ngoài
chòi giữa đồng.
Đến
mùa nước nổi, nước vào nhà cao đến năm tấc, căn
chòi không ai ở, xiêu vẹo muốn sập. Giàn mướp giàn bầu
leo rậm rịt, chỗ nào leo được thì leo để mà sống.
Bác Ba Sào đi đâu mất, Phấn ngồi nhà với ngoại. Mùa
nước nào cũng vậy. Nước nổi lại thấy vui hơn, cá tôm
ở đâu về đầy đồng, rau trời xanh mướt ăn hoài không
hết. Cậu Út kiếm khá, có vàng đeo ngón tay. Nước rút
chòi cũng sập. Phấn kiếm mớ lá dừa, xin mấy cây tre nhờ
cậu Út cất lại chòi như cũ.
Chòi
giữa đồng không ai ở trở thành chòi chung. Mấy đứa trẻ
chăn trâu vào đụt nắng trú mưa. Phấn cũng vào ngồi
thừ ra vài giờ rồi về, chắc Phấn nhớ người nào đó.
Ai cũng mừng thầm cho Phấn thoát được cuộc tình khập khiễng,
thấy chòi không ai giữ thì lo sợ có kẻ xấu trốn vào
ở, muốn giở chòi đi mà chưa biết làm sao.
Bỗng ngoại
lâm bệnh, ngoại không ăn được, chỉ ôm bụng kêu đau
dữ dội, đưa đi nhà thương thì mới biết nặng lắm
rồi, ung thư cuối, bấy lâu ngoại đau mà giấu. Nếu có tiền
và điều trị sớm thì có thể sống thêm vài năm...
Phấn mang ngoại về uống thuốc Nam cầm cự. Cậu Út đi đâu
mất biệt ba ngày, Phấn lo cậu về không kịp.
Cậu không
về một mình mà về với bác ba Sào. Ai dè bác Ba có
quen thân với nhà Phấn, với cả mẹ Phấn nữa. Mọi việc sáng
tỏ như ban ngày.
Số là, năm
mười sáu tuổi mẹ Phấn đã mang bầu, để con ở nhà
bà dì rồi đi mất, nghe nói theo gánh hát, không phải theo
kép mà lại theo cô đào chánh, xin đi theo hầu hạ giặt
giũ đấm bóp...rồi mẹ Phấn trở thành người hầu cho cả
gánh hát một cách tự nguyện.
Mê
gì mê lạ, nói không ai tin. Mẹ bỏ con không cần biết con sống
chết ra sao, no đói thế nào. Mẹ Phấn coi đứa con Phấn là
cục nợ của tên lưu manh nào đó chính bà cũng không
biết rõ, mười sáu tuổi mà, ai có kinh nghiệm chuyện mang bầu
đẻ chửa.
Có ai ngờ ma đưa
lối quỷ dẫn đường, bà cặp với tên cướp trốn chạy
vào rạp hát. Lúc ấy ở hậu trường không có ai, hắn
năn nỉ và bà đã nhận hắn là chồng cũ, bà xin mọi
người giúp đỡ hắn.
Người
hầu của gánh hát có thêm người hầu, giống như trong truyện
Hồng Lâu Mộng, người hầu có người hầu cấp dưới
cho thêm phần cao sang của một danh gia vọng tộc.
Từ đó gánh hát có đủ thứ chuyện xảy
ra. Không phải là chuyện mất cắp tiền bạc mà là mất cắp
tình yêu. Vài ba cặp chửi nhau ghen tuông ầm ĩ cả ngày, không
ai chịu nổi, một người phải ra đi, đó là mẹ Phấn. Bây
giờ tên cướp chồng hờ mẹ Phấn trở thành người yêu
của cô đào chính.
Mẹ Phấn
ở nhờ nhà vợ bé ông chủ gánh hát, trở thành người
giúp việc không tiền công. Rồi một trận ốm nặng đẩy
bà ra khỏi nhà, bà lại ở nhờ chị bán nước mía,
khỏe khỏe bà theo mấy người quen lên rừng đốn gỗ lậu,
bà nấu cơm cho đám thợ, ngủ gốc cây gốc đá, lúc
nào cũng lo sợ bị bắt. Rồi bị bắt thật. Người ta thấy
bà chỉ nấu cơm nên tha.
Bà
mất chỗ dựa, thôi thì ai thuê gì làm nấy, ra đứng đường
hồi nào không hay. Tình cảnh vậy sao dám nhắn tin cho gia đình,
đứa con còn quăng cho mẹ nuôi sao dám vác mặt về.
Rồi bà mắc bệnh nan y.
Lúc ở trại giam, tình cờ bà quen anh xe ôm chở
người tù trốn trại nên bị bắt đưa vào đây. Ai
ngờ khi hỏi thăm, biết anh này ở cùng quê, gốc là vậy
nhưng anh này đã bỏ quê đi lâu rồi, bây giờ trở lại
có khi không nhớ đường về. Bà than thở chuyện nhà, kể
hết chuyện con gái, giờ chắc gần ba mươi mà chưa biết mặt,
chắc chồng con cả bầy, nếu giờ gặp được con cháu rồi
chết cũng sướng.
Anh xe ôm mấy
lần dang dở, có con nhưng mấy bà vợ ôm con bỏ đi, bỗng dưng
nghe chuyện đau thương chạnh lòng, nhớ vợ con mình, nên hứa
sẽ trở về tìm con Phấn, coi nó như con ruột. Anh xe ôm gãy cánh
giang hồ, suýt tù lâu năm, muốn có chỗ dựa tìm chút
hơi ấm tình người.
Khi lâm vào
bước đường cùng, người đồng cảnh dễ tương lân.
Giữa hai bờ sống chết, người ta dễ trở thành bạn tốt của
nhau.
Đó là bác Ba Sào trồng
rau, chỉ cho không bán.
Lúc đầu
bác về kiếm thăm Phấn, Phấn tưởng cha mình, thấy cha xơ xác
quá, tưởng cha ở tù về hay trốn trại giam. Phấn bảo cha cất
chòi ở, ăn nhiều chớ ở bao nhiêu, thời buổi này có nơi
nương dựa là phước đức rồi.
Bà ngoại thấy người lạ, không niềm nở lắm, nghe kể
thì bán tín bán nghi. Mấy chục năm trời bỏ xứ, con gái
không ngó ngàng gì đến mẹ già con dại, nó còn tệ
hơn con chó, chó không bỏ con. Bà không nhớ tới nữa, có
lúc nó gởi về mấy chục ngàn đồng bạc với bộ quần
áo con nít tám, chín tuổi mà con nó đã mười lăm
tuổi rồi.
Bà ngoại cũng nghe người ta đồn đãi chuyện
nọ kia, bà không muốn cháu bà lớn lên biết rõ về mẹ
mình mà xấu hổ. Mà Phấn đâu còn là con nó nữa,
Phấn là con gái bà, bà phải đứng ra làm khai sinh cho đứa
nhỏ đi học. Thôi coi như mẹ Phấn đã chết.
Bà phải ráng lo tu hành, lo đứa cháu chưa
chồng, xong xuôi bà vào chùa ở luôn, nghiệp của bà còn
nặng lắm, muốn tu xuất gia mà có được đâu, vào chùa
rồi thì sao làm ra tiền giúp con giúp cháu. Xóm làng này
mà biết hết chuyện về mẹ Phấn chắc bà và Phấn sống
không nổi. Chỉ có bà ngoại và cậu Út biết chuyện này,
Phấn chỉ biết chút ít. Bác Ba là người quen cần giúp
đỡ nhưng chưa biết thực hư ra sao, thận trọng vẫn hơn, con người
khó hiểu lắm, biết lúc nào hay lúc đó, tốt đó
rồi xấu đó, biết đâu mà lường.
Bà ngoại cắt nghĩa cái gì cũng có dây có
nhợ, Phấn không hiểu hết nhưng tin chắc bà ngoại nói là
phải đúng.
Thỉnh thoảng bác
Ba có đi về thăm mẹ Phấn, yếu lắm, ở một trung tâm từ
thiện. Mẹ Phấn không muốn người thân gặp mặt. Lần trước
bác Ba nói đi có hơi lâu vì phải lo chôn cất mẹ Phấn,
vừa về đến bến sông thì gặp cậu Út. Phấn mới rõ
ngọn ngành.
Hôm sau ngoại mất,
chưa tỉnh lại lần nào để nghe kể sự thật về con gái
mình, thôi cũng may, cho ngoại đỡ khổ. Nhưng Phấn nghĩ, chết
rồi thì cái gì ngoại cũng biết, ngoại sẽ hết giận khi
gặp mẹ ở bên kia thế giới. Mẹ và bà không còn đơn
độc nữa.
Bác Ba về chòi giữa
đồng, tiếp tục sống như trước. Bác nói đã đi gặp
bà vợ đầu có con trai trạc tuổi Phấn. Bác định xin cậu
Út cất lại nhà chòi lớn hơn để coi rẫy, nhà ở thì
phải đàng hoàng, an cư mới lạc nghiệp, nghiệp này tuy muộn
màng nhưng có còn hơn không.
Bác
Ba lúc này nói hơi nhiều. Bác nói vì theo lời yêu cầu
của mẹ Phấn, bác phải giữ bí mật, bà mắc chứng bệnh
ai cũng khinh miệt, sợ ảnh hưởng gia đình. Bà bỏ đi lâu
rồi chắc ai cũng quên bà rồi. Bà biết bác Ba bơ vơ nên
mới bảo bác về quê bà mà sống, thằng em út có nghề
cá, có gì nhờ nó giúp đỡ nhưng đừng để lộ
quá khứ, mẹ bà khó tính lắm.
Lần trở lại này bác Ba vui vì vợ con bác thấy bác
khổ cũng thương bác chí thú làm ăn, già rồi giận
hờn làm chi nữa, con trai cũng cần có cha bên cạnh, nó chưa vợ
vì nghèo quá, cũng chạy xe ôm.
Bác sẽ kêu nó về đi lưới cá kiếm thêm với
cậu Út, còn phải cưới vợ nữa chớ. Bác Ba nhìn Phấn
cười cười nheo nheo con mắt. Cậu Út dường như hiểu bác
muốn nói gì, cũng cười cười.
Cậu Út có hứa để cho bác Ba miếng đất đủ
cất nhà rộng cho cả gia đình. Còn ruộng rẫy phải tự kiếm
mua mà làm ăn, bác Ba giỏi lắm, làm gì cũng giỏi giàu
lên mấy hồi.
Bây giờ hai nhà
thành một, chạy qua chạy lại. Cả xóm thêm vui vì có thêm
nhà mới đến ở. Căn chòi giữa đồng không lẻ loi hoang
vắng, bác Ba trồng thêm rau xanh, vẫn cho không bán, nhiều nhỏi gì,
có mấy đồng lẻ, cho để bà con tới lui, vui cửa vui nhà.
Bác Ba còn giữ rẫy giùm cho bà con xung quanh.
Ai cũng nói có bác Ba, dân rẫy đỡ lo mất trộm lặt vặt,
xin thì bác cho, còn lấy trộm thì bác nhéo tai không tha, đau
lắm.
Lêdung
6/07___________________________________________________________________
Nghe tiếng con cười.
Bà xoa xoa trên đỉnh đầu nghe bác sĩ
chụp hình nói là bị hoá vôi. Xoa đầu lâu ngày thành
thói quen. Dù khi đầu không căng nhức, bà vẫn cứ xoa, nếu
không chẳng biết làm gì cho qua ngày tháng. Động đậy một
tí tay chân cho máu huyết lưu thông. Sáng nay nhóc con ra khỏi nhà
lặng lẽ rồi đóng cửa cái rầm, nằm trong phòng nghe dội
trong lồng ngực. Bà lại xoa đầu. Nếu ngày xưa còn ở bển,
ngoài giờ giấc đi làm, con cái ra khỏi nhà, dù đã lớn,
cũng phải thông báo: con đi làm nhe mẹ. Hoặc: trưa nay con không
về nhưng chiều tối có ăn cơm bình thường. Hoặc trưa nay
con về với một đứa bạn, mẹ nấu nhiều chút nhe mẹ. Qua đây
có gì xui khiến mà mấy cái lịch sự lễ phép đó
không còn nữa. Thôi kệ. Mấy bà VN mới qua lấy làm lạ,
hỏi thăm, mấy bà qua lâu nói vậy không chị ơi, tui hỏi nó
mua nhà bao nhiêu nó còn không nói còn vặn vẹo, mẹ hỏi
chi. Người già trở thành xa lạ ngay cả với con cái. Được
con cái nhờ vả giữ con, nấu giùm nồi cơm, lặt giùm mớ
rau là mừng húm. Đó không phải là bất hiếu, mà vì
nó không muốn cha mẹ cực nhọc, nhưng nó đâu biết rằng
người già ở đâu cũng vậy, muốn làm gì đó cho
con cái trước khi trở thành vô dụng hoàn toàn. Sống lâu
mới được già, bên này khác với bên kia. Bà biết,
rất biết, nhưng mà sao... Bà cũng không theo xưa, câu nệ chuyện
lễ phép bắt bẻ rắc rối...có lần nghe nói các quý bà
xứ Huế ở VN khi con cái có lỗi thì phải quỳ xuống mà
xin lỗi, lỗi của vợ cũng bắt cả vợ chồng cùng quỳ. Nói
không ai tin...thời buổi này. Khó vậy mà chi, để trả công
chín tháng, hay công mười tám năm. Bà nghĩ, thật quá đáng.
Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình...để đâu rồi? Mấy
bà già xưa ở không sinh tật. Các đứa con xưa cũnng rảnh
quỳ chờ mẹ tha lỗi. Mà có gì đâu, chuyện nhỏ như
hạt bụi. Nói lớn tiếng với mẹ chút vì sợ mẹ không
nghe, sao bữa đó mẹ nghe rõ nói lớn làm mẹ giật mình,
mẹ giận tưởng nạt nộ bà già, tội thành lớn. Bà
già buồn vì cứ ăn rồi nằm. Thời gian qua mau, mới xếp mền
dọn gối rồi lại dọn gối xếp mền. Ai cũng nói bà hên,
được ở với con, thấy cũng đúng, bên này ít ai được
sống chung với con. Người già bên này giỏi lắm, bảy tám
mươi mà mạnh mẽ tháo vát chẳng khác gì thanh niên mới
ra trường Đại học vừa đi làm chính, làm phụ, vừa học
thêm vừa được mẹ dẫn đi coi mắt vợ. Còn bà thì
vừa điếc vừa câm, lại không chịu học lái xe, đi đâu
mà cần đến xe. Riết như con chim non trong lồng son, như tù nhân
VIP không bị trói, không đánh đập... Nghĩ vậy chớ không
dám nói ra, sợ con buồn, có lần nói chơi mẹ giống như
ở tù thì nó nói, con cũng muốn vậy đó. Hết ý kiến.
Thôi kệ, ở đâu cũng được bên này hay bên kia, miễn
được gần con. Đọc báo, thấy các nhà nghiên cứu Giáo
dục Mỹ, sang tận Trung Quốc tìm hiểu xem làm thế nào xây dựng
được Ngôi nhà tứ đại đồng đường, ngũ đại
đồng đường...
Qua
xứ người, cái gì thấy hay thì mình học. Trước hết
là học giữ gìn sức khỏe cho khỏi vô bệnh viện cấp cứu.
Có chị nhõng nhẽo chút thấy hơi mệt, chồng đưa vào,
hôm sau ra, tốn mười hai ngàn, may có bảo hiểm nên chỉ đóng
hơn trăm thôi. Sau đến học cách ăn uống ngủ nghỉ cho đúng
kiểu xứ người, học cách giao tiếp khác hẵn bên quê nhà,
già rồi khó lắm, dù từ xưa ông bà mình có dạy:
học ăn, học nói, học gói, học mở...cái gì cũng phải
học...từ việc nhỏ xíu...Còn việc đối xử với con cái,
lại là việc không nhỏ chút nào. Cũng đành. Con cái có
cái khổ cái lo của nó, nói ra thì cũng không ai chia sẻ được,
nói làm chi. Cha mẹ có cái khổ cái lo của người già,
lo quá mức không lo nổi mà vẫn cứ lo. Như từ nghìn xưa,
các bậc cha mẹ Việt Nam lo con cái đến hết đời mình thì
thôi. Nước mắt cứ chảy xuôi...chảy xuôi.. Bà không ray rứt
buồn nữa. Được sống cạnh con mình chẳng phải là hạnh
phúc nhất đời sao? Nhiều bà già
bên này chẳng đã ganh tỵ với bà sao? Được nghe tiếng
con cười trong lòng nó sướng làm sao...như nắng hạn gặp
được mưa rào...như nghe tiếng pháo nổ lúc giao thừa năm
mới...như lần đầu nghe con biết bi bô gọi mẹ gọi cha...Niềm
vui sướng này không có bán ngoài chợ, không thể mua bằng
tiền mà bằng cảm xúc chất ngất của ruột thịt tình thâm.
Nói sao cho hết. Có khi nghe tiếng con cười nắc nẻ giữa khuya, không
biết cười cái gì...bà nằm trong phòng mình cũng thấy
sướng, nhớ khi con còn bé xíu, cù vào gan bàn chân, nó
cũng chòi đạp và cười nắc nẻ như thế...thật ấm
lòng biết bao. Hạnh phúc cuộc đời thật giản dị, có khi
không hiểu kịp niềm vui bỗng dâng trào vì sao. Mà cần chi tìm
hiểu...giống như để thất lạc bức hình cũ kỷ niệm, bỗng
tình cờ thấy nó trong cuốn sách cũ...thấy vui gì đâu,
lại đem cất. Chắc rồi cũng bị thất lạc nữa. Chỉ nghe tiếng
con cười, bà đã thấy mình nhẹ lòng, bà thấy mình
vẫn còn may mắn lắm. Những chuyện thường ngày nhà ai mà
không có. Thôi kệ, miễn được sống gần con, được
nghe tiếng con cười, còn mong muốn gì hơn ...Mọi thứ giá trị
trên đời, nói cho cùng, cũng chỉ thế thôi..
Lêdung.
BUỔI
SÁNG BUỒN
Viết theo lời kể
của chủ nhân Thung lũng hoa đào
Cơn
mưa suốt đêm khuya vẫn còn dư âm tận sáu giờ sáng.
Trời đất âm thầm một màu xám hứa
hẹn tận cả ngày. Phố phường đang nhộn nhịp bỗng chậm
lại hẵn đi. Hôm nay là thứ sáu, coi như cuối tuần. Mọi khi
ngày này đi tới đâu cũng vang tiếng cười vui, mặt đường
cười, phố xá cười và xe cộ cũng cười.
Ngồi trên ban công, ông Sinh có thể quan sát cả
con hẻm dài trước nhà và phiên chợ nhỏ.
Mưa đêm qua mát thật, ông thấy khỏe khoắn
hẵn, nhìn mọi người đi qua lại cũng là niềm vui ít ỏi
nhỏ bé của ông.
Nhà
có hai vợ chồng già lúc nào cũng vắng vẻ im ắng như giữa
đồng không mông quạnh. Bà vốn thích nói nhưng chỉ vì
ông lỡ nói hớ một câu " bà nói nhiều làm rộn tôi
quá ", bà giận, bà câm nín từ đó.
Người già trở thành trẻ con hay giận hờn
như cơm bữa. Chuyện chẳng ra làm sao, nói nhỏ không nghe được
cũng giận, nói to giật mình cũng giận.
Nhà chỉ có một mụn con gái, lại gả chồng xa,
ông bà muốn ở gần con nhưng còn lưỡng lự.
Ở cuối hẻm có ngôi Nhà nguyện nhỏ, sau buổi
cầu kinh mọi người ở lại ghé qua nhà ông bà, uống nước
trò chuyện cả giờ rồi mới về nhà. Nhờ vậy mà không
gian buồn thiu của ông bà được khua động lên đôi chút.
Có nhiều chuyện kể nghe não lòng.
Cái nhà bà Khánh, theo con đi Mỹ, có sáu đứa
con, trai có gái có, vậy mà phải về ở với đứa cháu
họ xa. Bà giấu không dám nói nhưng có người đi chợ,
gặp đứa cháu hỏi thăm, nó than thở giùm bà.
Ông
Phê là thầy giáo hưu cũng theo con, không hiểu sao lại vào Viện
dưỡng lão, rồi mất luôn ở đó. Con cái cũng không báo
tin về quê, tình cờ có người cám cảnh nhắn về làm
lễ cầu siêu. Người già chết thì ở đâu cũng chết,
nhưng chết nơi đất khách quê người không giọt nước
mắt tiễn đưa thì tủi thân lắm.
Lại thêm một chuyện
nặng nề hơn làm ông buồn suốt cả buổi sáng nay.
Bà Thu là giáo viên tiểu học có ba con,
góa chồng từ năm bốn mươi tuổi, đồng lương không
đủ sống bà nghỉ dạy ra buôn bán chợ trời.
Chợ dẹp, vốn liếng cũng tiêu tan, một mình
nuôi ba con lao đao lận đận. Bà xoay sở đủ cách, có lúc
bà phải đi giúp việc nhà ông nha sĩ, chăm sóc ông bố
tâm thần nhẹ. Bà được trả thêm một chút tiền, ăn
thì không phải tốn, nhà cửa không phải lo, con trai lớn dạy
kèm thêm, thế cũng đủ cho mấy mẹ con.
Từ từ chúng lớn lên, ăn học cũng khá, biết tự
lo.
Sáu năm sau khi chồng chết, bà
Thu ở nhà bán tiệm tạp hoá nhỏ. Con trai lớn và con gái lấy
chồng lấy vợ và xuất cảnh theo diện đoàn tụ. Chúng từ
từ gởi tiền cho bà buôn bán, mở rộng cửa hàng làm đại
lý bia nước ngọt, phất lên rất nhanh. Bà cưới vợ cho con
trai và xây nhà tầng.
Sau khi chồng
chết gần hai mươi năm, bà đã làm được nhiều việc
lớn : dựng vợ gả chồng cho con, xây nhà, còn có vốn để
buôn bán ngày càng khấm khá.
Phần
con út xong, bà tính chuyện sang Mỹ nuôi cháu.
Đã qua rồi thời khổ, đời bà bắt đầu
gặp vận may. Một người phụ nữ luống tuổi cô đơn như
bà...cũng được xuất ngoại.
Ngày bà theo con gái lên phi trường, bà thuê chiếc xe bốn
mươi lăm chỗ ngồi để cả xóm được đi Saigon chơi.
Ai cũng mừng cho bà may mắn hạnh phúc cuối đời.
Trời cao có mắt, không phụ người hiền.
Bà ra đi lòng hớn hở và nghĩ mình còn sức khỏe, nuôi
cháu lớn lớn một chút sẽ xin đi giữ trẻ, rửa chén...để
có tiền riêng về giúp con trai út và bà con họ hàng.
Vừa qua Mỹ bà có việc làm ngay, giữ cháu
nội và lau dọn giặt giũ nhà con trai, quần quật suốt ngày không
nghỉ trưa. Có lần bà bị cảm sốt cao, con dâu nhắn con gái
qua rước bà về, ở đây sợ lây cho đứa bé mới sinh,
chừng nào khỏi bệnh thì trở lại làm tiếp.
Buồn quá, mẹ ốm mà con trai không hỏi thăm mẹ
một câu, coi mẹ như đầy tớ, ốm thì cho nghỉ việc. May mà
bà còn đứa có gái để an ủi.
Bà Thu cũng mau lại sức, chỉ mấy bữa bà đã ngồi
dậy nấu cơm dọn dẹp. Bà không trở về con trai nữa. Con dâu
có phần hối tiếc người giúp việc đắc lực tin cậy,
gọi điện mời bà trở về nhưng bà nín thinh. Bà thấm
thía thân phận ăn nhờ ở đậu nhà con trai, chỉ ở với
con gái thôi, có gì than thở cũng dễ.
Cháu ngoại nhỏ bắt đầu đi mẫu giáo. Nó không
quen ẵm bồng ôm ấp. Bà lại thương cháu thích ôm cháu
vào lòng, nó giẫy ra. Mẹ cha nó cũng không muốn bà ngoại
gần gũi với cháu.
Con gái gần
đây cũng ít nói chuyện với bà. Chồng nó là Tàu
lai, sinh đẻ ở ViệtNam, trước cũng vui vẻ, cũng hiếu thảo gởi
tiền về đều đều cho bà có vốn làm ăn buôn bán
và có tiền xây nhà. Sao bây giờ nó trở nên nghiêm nghị,
tiền bạc chặt chẽ lắm, có lần cãi nhau với anh vợ, không
hiểu là chuyện gì, mà lạnh nhạt lây luôn qua bà má
vợ.
Mỗi ngày bà chỉ có mỗi công việc là nghe chuông reng
ngoài cổng chạy ra mở cửa.
Bà không hề bước ra khỏi nhà, mà bước ra khỏi nhà
để làm chi. Tivi, băng đĩa nhạc, phim ảnh, dụng cụ tập thể
dục..đều có đủ trong nhà, chỉ thiếu hình bóng và
tiếng nói một con người.
Reng..reng..cửa mở thật nhanh.
Reng..reng..xe vào thật nhanh, không ai có
thì giờ lên xuống mở cửa.
Vào
nhà xong là họ chui vào phòng riêng, không ai nói bà câu
nào cho ra câu. Họ làm khác chỗ, và khác giờ nên số
lần đóng mở nhiều hơn, nhưng có vất vả gì chuyện đóng
mở cửa đâu.
Bà nấu cơm
ăn một mình. Thức ăn mua để sẵn cả tháng, chỉ cần nhấn
nút vài cái là xong. Bỗng dưng tay chân thừa thãi, muổn làm
gì cũng không có việc mà làm.
Chỉ còn việc đóng và mở cửa thôi. Bà phải cố
gắng để làm tốt
Đóng
mở cửa có gì khó mà phải cố gắng? Có, phải thật
thính tai phân biệt nghe ngóng tiếng xe chạy vào cổng, chực chờ
sẵn để mở chớ không đợi tiếng reng reng. Lòng bà thì
muốn vậy, nhưng không hiểu sao bà chưa lần nào túc trực
sẵn được, cũng phải đợi reng reng.
Trước đây bà có niềm vui sùng kính Chúa, mỗi
ngày cầu nguyện không biết bao lần. Ngày nào bà cũng đi
lễ. Lắng nghe tiếng chuông nhà thờ mà lòng bà rộn ràng
như nghe tiếng gọi thiêng liêng cứu rỗi linh hồn. Bà thức trước
tiếng chuông cả giờ, rồi ngồi đó hồi hộp đợi tiếng
chuông. Không biết ai truyền tụng bốn câu thơ này, bà có
biết thơ phú gì đâu, nhưng nghe thấm tình lắm :
Đúng ngọ là giờ chuông ngọ đổ
Là giờ chuông ngọ đổ chơi vơi
Con nghe chuông đổ rồi
con khóc
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi !
Chỉ hai câu cuối
là hợp với tâm trạng bà.
Bà chỉ hiểu giản dị :
con khóc Chúa ơn, cứu rỗi hồn con Chúa ơi.
Có những lúc bà muốn nói ra, muốn trải lòng
mà không biết tâm sự cùng ai. Bà không có bạn. Và từ
đó, nửa bài thơ trở thành bạn của bà, bà đọc
nhỏ nhỏ cho mình bà nghe. Bà không cần biết tác giả là
nhà thơ Nguyễn Bính và bài thơ nói gì.
Gần đây sao bà thấy hình như mình già thật
rồi. Bà không còn ham muốn gì nữa, ăn ngủ là phải ăn
cho cái bụng đừng đói đừng đau, phải ngủ cho con mắt
nghỉ ngơi đỡ mỏi. Nói cho cùng con người cũng như cái
máy, chạy hoài cũng phải nghỉ, vậy thôi.
Bà mang tiếng đi nước ngoài, lại là nước
Mỹ giàu có văn minh, mà có khác gì người ở tận
xứ cùng trời cuối đất Việtnam nước ngập mặn muỗi mòng
đâu. Bà chỉ đi được hai nơi là từ nhà con trai qua nhà
con gái.
Mặc thì chỉ có vài
bộ đồ thay đổi. Ăn thì chỉ thịt khó tiêu mặn chát.
Cạn nước thịt thì bà lại cho thêm nước lả vào, ăn
hoài mà không hết thịt trong nồi. Con gái cũng không biết mẹ
ăn nhiều ăn ít.
Trước đây,
bà bận bịu tối ngày rồi chạy qua hàng xóm nói chuyện
vui lắm. Tối nằm xuống là ngủ một giấc tới sáng. Bây giờ
không có đêm nào bà ngủ thẳng giấc, sáng dậy thấy
bần thần khó chịu.
Lúc nào
bà cũng chờ nghe tiếng reng reng. Tiếng chuông cửa hay tiếng chuông
nhà thờ. Cũng là tiếng chuông réo gọi bà. Lần hồi tiếng
reng reng trở thành nỗi ám ảnh của bà đi cả vào giấc
ngủ. Nhiều đêm đang ngủ, bà bật ngồi dậy, mơ màng nghe
tiếng chuông reng reng.
Khổ nỗi, đêm
thì nghe rất rõ reng reng mà ngày thì cứ ù ù ngang tai, khi có
khi không.
Và có lần bà bị
con rể nói nặng :
- Bộ điếc sao, reng reng cả chục tiếng mà
không ra mở cửa.
Bà giả bộ điếc thật, coi như không
nghe con rể mắng.
Bà vào phòng
đóng cửa nằm mà giận cái lỗ tai mình, bộ nó muốn
phản mình, nó muốn hại mình sao chớ.
Già, cái gì cũng dở.
Già, lại còn hay hờn
giận vu vơ, tủi thân tủi phận nhiều lúc vô duyên lãng xẹt.
Cháu nó không thích bà ẵm bồng thì bà đừng đụng
tới nó. Tiếng chuông mà không nghe thì lần sao phải chăm chú
hơn, canh chừng giờ gần về thì ra cổng ngồi chờ sẵn.
Ủa, mà mình giữ nhà nghe chuông như vầy,
sao giống con tôtô nhà này quá. Chó thính tai lắm và cũng
chạy ra rất nhanh, nhanh hơn bà nên nó thường được chủ
ôm vào lòng hôn hít, cho ăn sôcôla, vuốt ve nựng nịu bằng
những lời âu yếm như với người.
- Tôtô ngoan quá, tôtô có nhớ bố không, tôtô
đã ăn no chưa, đã tắm chưa.
Có lần bà buột miệng
:
- Tôtô sướng hơn má, được cưng, được trò
chuyện ngọt ngào..má thua cả con chó.
Chàng rể quý nghe được.
Hôm đó không biết bực tức thế nào mà chàng rể túm
ngay câu nói, hỏi mẹ vợ:
- Má nói má thua con chó là
ý má trách tụi con đối xử với má không tốt phải
không? Tụi con đi làm về mệt lắm, ở xưỡng thì bị chủ
chửi mắng, về nhà bị má chê trách. Biết làm sao cho vừa
lòng mọi người. Má ở đây không được thì còn
chỗ bên anh Hai, má qua bển ở đi.
- Má không ở bên anh
Hai được nữa, con à.
- Vậy má muốn về thằng Út
không? Thì đưa má về liền, về ngay bây giờ, má khỏi
trách ai hết.
Bà Thu biết khó sống ở đây được
nữa rồi, bà nói :
- Ừ, thôi cho má về cũng được.
Tưởng giận nói lẩy, ai ngờ nó làm thật.
Lập tức, bằng cơn giận có đẳng cấp
chưa từng thấy, bà Thu được đưa ra sân bay ngay chiều hôm
đó. Bà không kịp từ giã con trai con gái.
Chàng rể đi cùng mẹ vợ như dẫn độ phạm
nhân, mặt hầm hầm không nói lời nào. Cũng may nó đưa
bà về cho vợ khỏi trách, chớ không vứt bỏ bà ở sân
bay với chiếc vé cầm tay.
Vừa tới trước cửa nhà ở
Vĩnhlong, chàng rể vội vàng quay lưng ra khỏi nhà để về
Saigon ngay, dù lúc ấy đã hơn mười giờ khuya. Xe đang chờ
sẵn bên ngoài.
Bà về, lối
xóm chạy mừng, bà cũng bình thản không để lộ mặt
buồn, bà nói về vội quá không có quà, hẹn ngày mai
ra siêu thị muốn gì cũng có.
Lối
xóm mừng, con trai và con dâu không mừng.
Ngay hôm sau, con trai hỏi mẹ về làm gì, sao không ở luôn
bên đó.
Rồi bằng giọng hằn
học, thằng con nói tiếp :
- Má
về đây vì má tiếc cái nhà này phải không?
Sao
lúc trước má nói cho con ?
Bà ôn tồn mong con thông cảm
:
- Má về ở luôn đây, ở bên kia không hợp khí hậu,
thức ăn cũng không ăn được.
Thằng con vẫn chưa chịu
buông tha:
- Má về thì làm gì mà sống, hai người bên
kia không nuôi được má sao ?
Bà tưởng phải nói
cho con yên tâm :
- Má còn đi làm thuê được mà.
Thằng con vẫn thắc mắc :
- Họ đuổi má về mà không
cho má tiền à ?
Bà thấy
thằng con tra hỏi đủ thứ, bà bực mình bỏ vào phòng, nghĩ:
nhà mình mình về ở, nó có ý không muốn cho là sao
?
Mấy ngày sau bà đi Nhà thờ,
nghe mọi người xì xào bàn tán thằng con bà tính bán
nhà lấy tiền mua đất cát gì đó, bà về thì tờ
ủy quyền không giá trị nữa. Thằng con không bán được
nhà, nhận tiền đặt cọc rồi. Chưa biết tính sao đây.
Bà đi thăm họ hàng, thăm mồ mả ông
bà như tạ tội bỏ nhà ra đi giờ sám hối quay về.
Con trai không nhắc lại chuyện trở về, cũng
không hỏi han mẹ sống bên ấy thế nào. Hai người con bên
kia cũng bặt tin, khác hẵn trước đây.
Hồi đi Mỹ, bà để hết cho con trai trông coi cửa
tiệm. Bốn tháng sau bà về, hàng hóa chỉ còn lèo tèo,
vì bán ra mà không mua vào
Bà
hỏi vay thêm tiền, xin làm đại lý bia nước ngọt như cũ.
Khi mọi việc gần xong xuôi thì thằng con cản trở.
Nó nói bà già rồi, mọi thứ phải để
nó đứng tên. Bên này chỉ có một mẹ một con, sợ gì
mà không cho con đứng tên.
Bà
luôn nghĩ bà có ba con, khi bà chết cũng phải chia đều, dù
chúng có đối xử thế nào. Hơn nữa căn nhà này cũng
có hai đứa kia góp tiền xây dựng.
Hai mẹ con cứ hục hặc , cứ như mặt trời mặt trăng. Giấy
phép kinh doanh vẫn chưa có.
Một
lần bà đi ra ngoài, thấy mưa lâm râm bà vội trở vào
phòng đóng cửa lạ, không ai biết bà đang có mặt ở
nhà. Bà nghe rõ tiếng hai người bàn bạc.
Con trai bà cằn
nhằn :
- Không biết về làm chi, ở bển thì ở luôn đi,
lộn xộn rắc rối quá.
- Anh cứ mặt sưng mày sỉa, làm
má khó chịu là má đi chứ gì.
- Ừ, nhưng má trở
về bển, ai rước má. Từ hôm má về có ai hỏi thăm đâu,
tiền bạc cũng không thấy nữa. Chẳng lẽ má lại đi ở
đợ, ai thèm mướn bà già, mà thiên hạ còn cười
chê con cái.
- Em tính vầy, để em bảo ba má em bán nhà,
qua đây ở với tụi mình, thế nào mình được nửa
tiền nhà, ba má khỏi lo tiền ăn. Má anh ở chung không được
phải đi thôi.
- Trời, em tính sao giỏi quá, vậy mà anh tính
không ra. Ừ, phải rồi, cho má về bên cù lao ở với cậu
Năm.
Cả hai vợ chồng cười
ngặt nghẽo, bà thở không được, bật ra tiếng gằn giọng.
Hai vợ chồng biết bà về, bỏ đi luôn tới tối.
Bà không hiều sao chúng bất hiếu dữ vậy.
Nhà bà mà chúng muốn đuổi bà đi.
Biết đi đâu ?
Về
với cậu Năm sao được ? Để cậu biết hết chuyện con bất
hiếu của nhà bà, còn mặt mũi nào nữa ? Bà không còn
mẹ già để có cớ về quê phụng dưỡng mẹ.
Biết về đâu ?
Có lần bà nghe mấy bà bên Nhà thờ kể chuyện
ở Nhật vào cái thời xửa thời xưa đói kém quá, người
ta khôn g nên sống lâu.
Hễ bảy
mươi là răng cửa phải rụng để ăn ít đi, để
chừa cho con cháu. Ai chưa rụng răng thì con nít đọc bài vè
rêu rao khắp làng, có bà xấu hổ vì chưa rụng răng, phải
lấy đá ghè răng rồi để miệng đầy máu đi khắp
làng, cho mọi người thấy răng mình không còn nguyên.
Nhà không được có hơn ba thế hệ
sống chung, nếu có đứa chắt ra đời thì ông bà cố
phải ra đi sớm hơn.
Đến bảy
mươi tuổi phải ra đi.
Ra đi
đâu ? Con cõng cha mẹ đi qua ba ngọn núi rồi đặt cha mẹ ngồi
trên tảng đá ở bãi tha ma đầy xương trắng và chờ
chết.
Bà ước gì bây giờ
cũng có tục chết như vậy, bà tới tuổi chết rồi. Chết
theo tập tục vẫn tốt hơn tự tử mà chết.
Trước đây bà đi lễ cầu xin khỏe mạnh
sống lâu, giờ thì ngược lại, bà cầu cho chết thật nhanh
cái rầm là tắt thở.
Bà không chết mà thằng con trai đột ngột
ngã lăn ra chết, mới ngộ chớ, nói không ai tin.
Buổi chiều sắp tới giờ mở quay xổ số, đứa
bé bán vé số chỉ còn ba tờ đến nài nỉ thằng con
mua giùm. Thằng con định mua nhưng không có sẵn tiền, chạy vào
nhà lấy. Có anh xe ôm đang ngồi chờ khách thấy đứa nhỏ
đợi lâu, rút tiền ra mua. Một giờ sau ba tờ trúng độc đắc.Thằng
con tiếc ngẩn ngơ rồi đột nhiên phát lên cười to lên,
cười sặc sụa điên dại và bất ngờ gục xuống chết.
Bà mẹ kêu trời. Sao không để bà chết
giùm con trai, bà đang muốn chết quá mà.
Thằng con chết thì mọi dự tính của hai vợ chồng nó
tiêu tan.
Đứa con dâu về nhà
cha mẹ, nó không con cái gì, chắc về nhà dễ lấy chồng
hơn.
Bà Thu mời vợ chồng em trai lên
ở chung nhưng cậu em chỉ để con gái hai mươi tuổi lên ở
và học may. Bà có người bầu bạn tuổi già.
Ông bà Sinh có thêm kinh nghiệm về con cái,
thấy mình vẫn còn may mắn, còn đủ vợ đủ chồng, người
già có đôi vẫn hơn. Ở đây bạn bè quây quần trò
chuyện mỗi ngày, thiên đàng địa ngục ở trong Thánh kinh
chắc cũng không khác gì chuyện đời nay.
Sống nhờ người không dễ chút nào, cả với
con cái cũng vậy.
Lêdung.
* Nói thêm:
Anh Mười kể cho tôi nghe đời khổ của một bà giáo
với các ý chính:
- có ba con, hai con đầu ở Mỹ, có gởi
tiền về giúp mẹ buôn bán
- xây nhà, cưới vợ cho
con trai út, bà đi Mỹ nuôi cháu. Ở với con trai không được,
sang ở với con gái, không làm gì, chỉ chờ chuông mở cửa,
bà nói bà thua cả con chó, chàng rể tức giận đưa bà
về quê lập tức
- vợ chồng con trai âm mưu chiếm nhà, đuổi
bà đi. Con trai chết bất ngờ vì mua hụt vé số độc đắc
Tôi có gởi anh Mười đọc, anh nói : sao tôi chỉ kể chút
mà cô viết đủ thứ nhiều nhiều..giỏi giỏi. Tôi nói
: tại em nhiều chuyện mà. Anh nói : kỳ tới rảnh sẽ kể nhiều
chuyện cho mà viết, chuyện có thiệt nghen. Nỗi khổ người già
kể hoài không hết.
* Câu
chuyện xảy ra những năm 2000, nên mới có việc bấm chuông mở
cửa. Giờ thì không, đóng mở được điều khiển từ
xa.
_______________________________________________________________
MÁ
ƠI ! ĐỪNG ĐÁNH CON ĐAU
Chuyện dường như có mình trong đó. Tôi viết.
Nhà Húng ở hẻm sâu, đi mỏi chân hai lần
nghỉ mới đến. Nhà chỉ có ba má và năm đứa em. Húng
là con đầu, năm nay mười hai tuổi học lớp sáu, học dở
quá chắc phải bị ở lại lớp.
Má nói:
- Bài dài
có hai lóng tay mà viết sai mười hai lỗi chính tả thì ở
nhà cho rồi. Ở nhà phụ khiêng gạch làm hồ mỗi ngày cũng
được hai chục, có lý hơn. Không làm thầy thì làm
thợ, không làm ông thì làm thằng, có chết đâu.
Húng cãi lại:
- Bộ má nói viết sai chính tả là ở
nhà là ở nhà à, vậy chớ cái ông nào hồi xưa viết
sai chính tả tên con đó, có ở nhà không. Ai đời tên
là Hùng mà viết Húng, có cái dấu sắc dấu huyền mà
cũng không phân biệt, ổng còn ẹt hơn con nữa đó nghen.
- Thì má xin lỗi giùm cho ổng rồi, chỉ tại ba con bữa đó
xỉn quá không để ý cái dấu sắc.
- Nhờ vậy mà
tên được tụi bạn đổi thành Húng nhũi, Húng cây,
Húng quế...toàn là rau thơm, má thử coi có cái gì đi
kèm với Húng mà hay hơn không.
Má nói:
- Thằng này
nói dai quá, có cái tên mà nói hoài.
Húng nói với:
- Cũng tại cái tên mà con học không khá nổi. Tên Húng
này chỉ đi khiêng gạch như má nói thôi. Báo còn đăng
tin mấy cái tên như Nghĩa Trang, Sầu Mộng...cũng không kiếm được
việc làm nói gì tên Trịnh Hũ Húng, gọi đã kỳ, viết
ra còn kỳ hơn.
Má cãi không lại, mắc cười đành
nói lảng:
- Nói hay quá không ai nói lại, vậy ráng học
hay học giỏi như nói đi. Thôi đi dọn cơm, mấy em đói
rồi.
Húng là con trai lớn nhanh nhẹn giỏi giang má nhờ lắm
nhưng cũng có khi Húng tức má lắm. Má mà giận lên thì
sập nhà sập cửa, trước tiên là má hỏi thăm mấy cái
mông của Húng, của con Hiền, con Lành, thằng Mạnh. Có lần Mạnh
tám tuổi bị mời phụ huynh vì tội đánh bạn, biết thế
nào cũng ăn đòn nên mặc sẵn ba quần để bị đánh
ít đau. Để dạy con, má dùng roi vọt, "thương cho roi cho vọt"
là câu nói cửa miệng của má, mấy anh em Húng phải hi sinh
cái mông để má trút cơn.
Má đánh con nhà nghề
chuyên nghiệp đến nỗi mua sẵn một bó roi mây. Roi mây nhỏ
bằng cây đũa đánh mới đau mà không gây hậu quả
thương tật. Có lần thằng Mạnh giấu mất bó roi, má mua bó
khác gởi chú Sáu ở sát bên nhà. Chú Sáu cũng khoái
đánh con để hả giận cuộc đời đen bạc như má.
Đời má đen bạc vì có chồng bán vé số hoài không
khá lên nổi. Má phải chạy rong ngoài đường, da mặt cháy
nắng như cá lóc nướng trui. Má đi bỏ mối bánh kẹo
cho căn tin các trường học. Từ quận một qua quận ba đến quận
mười, mỗi ngày má đi vòng hết Saigon hai lần sáng chiều,
việc nhà đã có ba vì ba làm ở gần nhà, ba bán vé
số ngoài đầu hẻm.
Má đi hoài nên về tới nhà
là nổi cơn tam bành, nhà đầy rác, chén bát chưa rửa,
chưa nấu cơm. Thằng Mạnh chạy không kịp, tội của nó là
để quần áo bừa bãi không xếp gọn, phải nằm dài ra
mà chưa mặc thêm quần, ba về không dám can vì má đang
giận mà can là như đổ dầu vào lửa.
Ba phải đè
nó nằm cho ngay thẳng chỉ đủ đưa cái mông lên để
má nện một roi là cùng, còn giẫy giụa là thêm vài
roi nữa. Mạnh ré lên:
- Trời đất ơi, vợ chồng nhà
này xúm nhau đánh con.
Má mắc cười quá, chỉ để
roi trên mông nó, hẹn giờ mới cho ngồi dậy.
Húng đi học
buổi chiều, chín giờ sáng vừa nấu cơm vừa học bài, ăn
cơm xong đi học là vừa.
Má sai bảo gì thì Húng làm
đúng như vậy. Húng thương má cực quá, thương cả
nhà đông anh em. Nếu không có mấy cô dì chú bác giúp
đỡ, nhà Húng không có đủ cơm mà ăn chớ đừng
nói học hành. Dòng họ nội ngoại Húng đều đông người,
xúm nhau mà chia sẻ đỡ đần cho con cháu lớn lên, rồi đứa
lớn lo cho đứa nhỏ từ từ xong hết.
Má Húng giỏi xoay
sở, rất thương con nhưng má thương con theo kiểu má. Má không
đời nào nói ngọt, cực như trâu nói ngọt sao nổi. Má
nói có lần má chạy xe ngoài đường thấy con chó nằm
ngủ phễnh bụng ra ngay mé đường, mặc người ta xe cộ qua lại
vẫn ngủ ngon lành, má ước gì má được như nó.
Húng nghe má nói càng thương má hơn.
Trong nhà má
hay tâm sự với Húng nhưng má cũng chưa tha Húng trận đòn
nên thân nào. Má cưng Út lớn và Út nhỏ vì má
gởi cho ngoại, má không chăm sóc chúng được. Nhà còn
lại bốn đứa má nuôi trầy trật lắm rồi. Hai đứa út
sinh đôi bà ngoại cưng lắm, ngoại chỉ khoái mấy đứa
cháu nhỏ dễ nghe lời, chừng mười tuổi trở lên là cứng
đầu khó bảo thấy ghét rồi.
Ba Húng thì trái ngược
với má. Ba bán vé số mỗi ngày kiếm được tiền gạo,
trả tiền điện nước. Thỉnh thoảng ba được khách trúng
số lì xì mấy đứa nhỏ, không nhiều cao lắm lắm là
năm mươi ngàn. Ba cũng thiệt thà mang về nói lì xì mấy
đứa nhỏ, má lấy hết. Ba nói má cũng là mấy đứa
nhỏ của ba.
Ba thiệt thà quá nên không phát triển nghề
vé số chỉ suốt đời chỉ gắn bó với cái bàn nhỏ
xíu. Bán lâu năm như ba, có người thành chủ thầu, xây
nhà lầu. Má nói ba mầy không có tao thì tụi bây đến
cám cũng không có mà ăn. Ba chỉ cười. Coi vậy chớ ít
khi ba má cãi nhau, ba chịu nhịn thì má sao cãi được. Có
lần, nhịn quá hết chịu nổi ba phải tự an ủi :
- Thôi,
trời không chịu đất, đất phải chịu trời.
Một lần
nhà Húng có chuyện.
Số là, ba có tật hay quên. Ba mới
nhận hàng về đầy bàn chưa bán được tờ nào, thường
buổi sáng khách chưa mua, chỉ bỏ mối cho mấy đứa đi bán
dạo. Má khi đi bán, dặn ba nấu cho má thêm nồi cháo cho má
ăn đổi bữa với trứng muối. Nấu cháo là phải ngồi canh
sợ cháo sôi trào. Ba phải đi ra đi vào, gởi vé số cho
chị Hai bán chè, ai dè chị Hai mang chè vào nhà cho khách, vậy
là cả bàn vé số bay mất sạch trơn. Lần này thì sạt
nghiệp thiệt rồi.
Má nổi cơn giông tố, đại hồng thủy,
động đất sóng thần, cuốn trôi chồng và cả các con.
Đã đời rồi đi luôn một mạch qua ngoại nói không thèm
về nữa, cho luôn bốn đứa con ba nuôi mà nhờ. Ba chỉ biết
đi lượm bọc nylon không làm gì được hết.
Húng
thương ba nhưng biết làm sao đây, má đương giận thì
để má giận, vài ba bữa má nguôi nguôi thì ba qua rước
má về.
Ba không rước má, bảo Húng đưa thư, má
về thì ba đi rồi. Ba xuống chú Năm đi ghe chở gạo lên Thành
phố rồi chở phân bón về An Giang.
Ba nói ba không làm gì
nên thân, chỉ biết đi làm thuê ở đợ, rồi ba sẽ gởi
hết tiền công về cho má giống như hồi ba còn bán vé số,
má không được cho đứa nào nghỉ học, phần Húng thì
phải bớt xem phim, ráng học để lên lớp, ở nhà giúp má
chăm sóc các em học bài tắm rửa.
Nhà tan cửa nát, đôi
ngả chia ly.
Nhà hết nấu nướng, tất cả đều ra quán
cơm đầu đường, má không còn ai để cự nự, má
ở nhà nhiều hơn, dọn dẹp nhà cửa, đưa rước các
con như hồi chưa bỏ kẹo bánh căn tin. Không hiểu má nghĩ gì
nữa.
Một bữa Húng đi học về trời mưa, quần áo phơi
hồi trưa chưa lấy vào ướt hết. Má đã về, bảo
Húng thay đồ rồi lên nằm đây. Má nhịp nhịp cây roi,
má kể:
- Ba mầy đã bỏ đi, má mầy phải làm thân
trâu ngựa, đã dặn đi dặn lại mùa này là mùa mưa,
trước khi đi học phải lấy quần áo vô nhà, chưa khô
cũng lấy để đó, bây giờ ướt sạch hết rồi mai lấy
gì mặc đây.
Húng biết má mới nói lời mở đầu
chào hàng, còn tranh thủ xin xỏ được.
- Má nói
con phải đi học đúng giờ, lúc con đi thấy trời nắng lắm,
đồ chưa khô. Tại thằng Mạnh thay đồ chậm quá, tại con
Hiền con Lành chạy đi trước để khỏi đóng cửa...
- Còn gì nữa không nói hết đi. Hiền Lành Mạnh đâu
ra đây nằm xuống. Má bây bữa nay cho tụi bây ăn bánh tét
nhưn mây khỏi ăn cơm, con cái gì.. muốn má tụi bây bỏ
đi nữa không.
Má nhịp nhịp cây roi. Hùng sợ nhất cây
roi nhịp nhịp, thà đánh đại mấy roi cho rồi, nhịp nhịp thấy
ớn lắm. Má kể tiếp :
- Thằng Húng tội không lấy
đồ vô, chịu mấy roi? Hiền Lành là con gái mà không nhắc
anh, còn trốn việc khoá cửa, tội nữa là con gái mà để
anh hai nấu cơm hoài, mỗi đứa cách nhau có một tuổi, xúm
lại mà làm...chịu mấy roi ? Thằng Mạnh chỉ việc thay đồ
lẹ để đi học với anh mà sao thay chậm để anh quên lấy
đồ vô...mấy roi?
Mấy đứa nói nhỏ nhỏ: không chịu
roi nào hết, má cứ nhắc tội cũ tội mới cộng lại, đít
nào mà chịu nổi.
Húng thấy mình phải cò kè nói
lý lẽ với má:
- Má tha cho anh em con lần này đi, tụi con hứa
không dám làm má buồn nữa. Có gì má nói, tụi con
nghe má, má đánh mỏi tay má, má đi tối ngày má mỏi
tay rồi. Tụi con thương má lắm má ơi.
Má biết thằng
Húng này mồm miệng dẻo ngọt, là con trai lớn biết thương
em thương má nhưng lệnh đã đánh đòn thì phải
đánh đòn. Không có ba ở nhà thì má phải làm gà
trống cọp đực dạy con, coi thử có dạy được không.
Húng nói tiếp:
- Má tha mấy anh em con đi má, để tụi
con còn ăn cơm học bài.
- Tha đâu có dễ vậy. Bây thấy
ngày xưa trong "Nhị thập tứ hiếu" con trai lớn bốn năm chục
tuổi mà còn nằm cho cha đánh, một hôm cha đánh con khóc
thì cha hỏi sao trước không khóc mà giờ khóc, con trai nói
khóc vì cha đánh không đau như trước nữa, vậy là cha
già yếu rồi nên khóc thương cha già, không còn sống với
cha bao lâu nữa...Thấy chưa, con có hiếu đâu sợ mẹ cha đánh
đòn.
Húng nghe má kể dông dài là má nguôi giận
rồi, có hi vọng được tha nhưng lại tức tức.
Hiếu gì
mà hiếu kỳ cục vậy, con già rồi, bốn năm chục tuổi chắc
có cháu nội ngoại rồi mà còn ăn đòn không sợ con
cháu cười. Còn ông cha sao sung quá, ỷ đẻ con ra rồi muốn
đánh lúc nào là đánh sao? Bây giờ ông này còn
chắc bị tội xúc phạm thân thể, xâm phạm quyền con cái,
thế nào cũng bị phạt.
Má nói cho đã rồi bỏ vào
giường nằm, gác tay trên trán thấy mình nóng quá cũng
tội nghiệp con, nhà người ta có người giúp việc, mấy đứa
con nít đâu phải bị đòn như vầy, nhưng chưa tha liền
được, chờ chút nữa.
Lát sau, Hùng khều nhẹ mấy em
ngồi dậy vào trong tắm rửa, xúc mỗi đứa tô cơm má
nấu. Đang ăn cơm má không bao giờ đánh. Trời đánh còn
tránh bữa ăn.
Vậy là xong bữa tối sum họp gia đình, thoát
được trận đòn ai cũng nhẹ re.
Thỉnh thoảng ba có về,
ghe đậu ở Cát Lái, ba mang về bao gạo và một giỏ khô sặc,
gởi ngoại tiền đưa má rồi đi. Vẫn còn chiến tranh lạnh.
Má lấy tiền không nhắc gì đến ba, nhưng lại nói sao giỏ
khô nhỏ xíu.
Anh em Húng sợ đòn của má lắm, có
lúc xin tha được nhưng có lúc chưa kịp nói gì má
đã ra tay rồi. Húng nghĩ ra cách, bàn với mấy đứa em viết
từ ngoài cổng vào nhà trong tất cả tám câu, hai câu đại
diện cho một đứa :
Má ơi đừng đánh con đau
Để
con bắt ốc hái rau má nhờ.
Lần đầu má không để
ý, chừng thấy má nói: hay quá hén, giỏi quá hén và
bắt lau sạch. Từ đó thấy má có bớt đánh con hơn.
Nhưng một hôm sấm sét lại nổ ra.
Cũng tại thằng Mạnh đánh nhau với tụi xóm, người ta đến
mắng vốn. Má nén giận không được, đánh nó trận
đòn theo cách gởi tiền tiết kiệm ngân hàng có lời. Xong
má gác roi trên mông đít nó rồi bỏ đi về ngoại.
May sao lúc ấy ba về, thấy thằng nhỏ mình mẩy bầm dập hết,
ba dẫn nó theo, không mang theo bộ đồ nào, chẳng cần, để
xin đồ con chú Năm.
Ba nói:
- Hai đứa con gái phải
ở nhà, còn anh Húng lớn giúp má được nhiều việc
thì cũng ở lại, ba dẫn Mạnh theo một thời gian để tập nó
bơi, nó hiếu động quá hay đánh nhau, phải rèn tập từ
từ chớ đánh như vầy không dạy được nó đâu.
Chừng anh Húng nghỉ hè ba cho theo ghe chơi. Kỳ tới ba về mua cho cái
tivi để mấy đứa khỏi chạy qua hàng xóm xem nhờ nữa.
Ba nói chuyện ôn hoà, Húng thấy thương ba quá.
Đứa
nào cũng muốn theo ba vì sợ ngọn roi của má, nhưng cũng thương
má cực khổ kiếm tiền, cực quá nổi khùng.
Đứa nào
cũng muốn ba má trở lại sống như xưa. Coi bộ ba kiếm khá
hơn bán vé số, công việc ổn định suốt năm, ba mập mạp
ra. Bà nội mới bán miếng đất nhỏ ngoài cù lao không ai
trông coi, cho ba số vốn hùn với chú Năm mua gạo chở lên thành
phố bán cho các tàu lớn. Ba chỉ lo trình giấy tờ và coi bốc
dỡ hàng, ba lanh lợi hơn hồi bán vé số, ngồi bán ế rầu
rĩ thấy tội. Ba vẫn đưa tiền về đều đều nên má
đã bớt chạy hàng xa, chỉ đi nơi gần đỡ mệt hơn.
Gia đình Húng bỗng dưng chia đôi, hoàn cảnh mà.
Buồn
xa cách nhưng vui ba má khỏi cãi nhau và các con khỏi bị đòn.
Thỉnh thoảng mấy má con về nội thăm thằng Mạnh. Nó hết
dám đánh nhau vì ở đây ai cũng to cao hơn nó. Ba nói hễ
đánh nữa thì ba bắt chẻ đống củi dừa phía sau nhà
nội.
Chờ hoài không thấy ba nói gì, má phải nói trước,
quen vậy mà:
- Má tính với ba như vầy, vợ chồng giận
nhau chớ không bỏ nhau. Mấy đứa nhỏ phải có đủ cha đủ
mẹ. Tạm thời ba vẫn lo chuyện của ba, má vẫn bỏ mối bánh
kẹo, không dễ gì tìm được mối mua mối bán đâu,
bỏ uổng lắm. Má cho mướn căn nhà đang ở để về
ngoại, phụ thêm với ngoại coi sóc năm đứa nhỏ. Lúc nào
nghỉ hè, căn tin nghỉ bán má dẫn tụi nhỏ theo ghe chơi.
Má nói với mấy con:
- Con đông quá có khi chăm sóc không
xuể sao khỏi mắc sai sót. Má đánh con, má còn đau hơn
con. Không đánh không được. Có ở nhà đâu mà
dùng lời lẽ ngon ngọt từ từ nói, phải giải quyết chuyện
nhà nhanh lẹ cái rụp để giao hàng cho đúng giờ chớ. Tụi
con lớn thêm ngoan thêm, má không đánh nữa mà má phạt
như ba phạt thằng Mạnh . Đứa nào không nghe lời má không
cho về thăm nội, thăm em nữa nghen.
Ba nghe má nói, ba cười
cười:
- Còn ba, má phạt sao đây, bắt quỳ gối mấy ngày,
đánh mấy roi ?
Lêdung
06/07
______________________________________________
SAIGON MƯA
* Bức thư cũ gửi cô giáo
xa quê, viết cách đây hơn mười năm. Gửi Phương Lan, Cali.
* Một chút chia sẻ với bà con Cần thơ đang chịu cảnh nước
ngập. Cảm ơn nhiều bạn đã chụp ảnh, cảm ơn Trường
Xuân...
Cô
em gửi e-mail cho chị: "tháng mười một này vợ chồng em về,
không hiểu Saigon lúc ấy còn mưa không chị?"
Thật thương cho cô em tôi, mới xa Saigon mười năm
lẻ mấy tháng mà quên không nhớ Saigon mưa nắng thế nào.
Chắc có lẽ vì cuộc sống êm ả của vợ chồng em lọt
thỏm trong dòng đời bận bịu xuôi ngược nơi xứ người
chăng?
Đúng là gần đây trái đất có thay đổi,
thường làm mình làm mẩy đủ thứ với con người.
Nhưng Saigon vẫn như xưa hồi em ra đi, có thêm một chút gió
vì những "con đường có lá me bay" bây giờ lấn vô
trong sân, mấy biệt thự trơ mặt ra đường thấy thương. Cả
một khuôn viên bề thế mà xít một bước lộ mặt ra,
giống như tiểu thư con nhà giàu không chịu ngồi trong nhà "
êm đềm trướng rũ màn che" lại ra đứng ngoài vĩa
hè hóng mát vậy.
Saigon hay đua đòi bắt chước nhiều
lúc phát ghét. Cái gì cũng biến thành mốt hết.
Có
lúc miền Trung bị ễ mình mưa lụt chút đỉnh, để không
làm tủi thân tác giả bài hát "Trời hành,Trời làm
cơn lụt mỗi năm..." thì Saigon cũng lây bệnh nhức đầu
sổ mũi. Thiên hạ túa ra đường mua sắm, áo len đổ đầy
đường Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng. Ai cũng náo nức mua, sợ
mai hết lạnh không còn cớ mua áo len áo gió nữa..
Hồi miền Tây nước lụt tràn lên mặt
đường, xe đò chạy đua với xuồng ghe, qua mặt nhau vỗ tay rần
rần - Cũng ngộ, chị nhớ xe đò và xuồng ghe có lời thề
không đi chung đường mà - thì Saigon cũng ớn lạnh, dầm dề
mấy bữa cho có tình thương mến với miền Tây bão lụt.
Báo hại học trò nghỉ học, trẻ em bị sốt xuất huyết và
cá tôm về đầy đồng.
Mà hễ lụt lội xong là năm
sau trúng mùa lúa, nhưng úa mùa cam quýt.
Em có nhớ
bản nhạc "Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt. Trời
không mưa anh cứ lạy trời mưa.."?
Vậy là tháng sáu
trời mưa không dứt thật.
Tháng sáu năm nào mình cũng
đi chấm thi tốt nghiệp. Nhớ không? Có lần mới ngày đầu
chị em mình phải núp mưa đến cả giờ, chị phải đội
mưa về, rồi dắt bộ hết con đường Pasteur, về giận chồng
nói lời cuối, xếp vài bộ đồ qua nhà Uyển Dung lánh nạn.
Hôm sau em đến thăm dò và mách: chị à, ổng dám gọi
chị là "con nhỏ", con nhỏ này không biết đi đâu rồi.
Nghĩ lại mắc cười...
Hôm rồi, chị bệnh, nghỉ ở nhà,
chị tìm xem lại mấy xấp hình cũ, cả tập bài hát viết
tay, có bài "Em đến thăm anh đêm ba mươi" ghi: chép
tặng chị ngày 22/10/88.
Hai mươi năm. Thật dài mà cũng thật ngắn. Với bọn mình,
thời gian đó có ý nghĩa vô cùng.
Bỗng dưng chị rớt
nước mắt em à. Sao thời xưa đẹp quá vậy? Sáng chỉ
ăn nắm xôi, có khi không có cả xôi, ra chơi chỉ uống ngụm
nước mà sao lòng chỉ nghĩ những điều đẹp đẽ, viết
tặng cho nhau những bản nhạc bất hủ với thời gian, như truyền cho
nhau những thông điệp thiêng liêng, tuyệt mỹ của con người,
của tạo hoá.
Cái đẹp của ngày xưa làm chị như
muốn ngộp thở, được ăn nó, nhai nuốt nó vào lòng
thì sướng biết bao.
Cái gì đã mất đi mới biết
là quý, nhất là sau khi chồng chị qua đời.
Saigon mưa. Mưa
là đặc trưng của miền Nam.
Miền Bắc thì thường nhắc gió bấc lạnh lùng, mùa
đông ảm đạm, mùa thu quyến rũ..
Miền nam thì mưa gợi
nhiều cảm hứng cho thơ nhạc: Mưa nửa đêm, Tình khúc chiều
mưa, Mưa hồng, Mưa chiều kỷ niệm, Tháng sáu trời mưa...
Tháng chín tựu trường, có lần đang chào cờ đầu
năm thì mưa ào ào. Cả trường thầy cô xì xào : là
hên hay xui đây?
Tháng mười vẫn mưa. Mưa chuyển mùa.
Đầu mùa mưa thường cứ chiều là mưa, dần dà cứ
đêm là mưa, tới khi mấy đứa nhỏ tựu trường thì
cứ sáng là mưa. Sáng nào xách xe đi làm, gặp mưa là
buồn như đang nước lụt gặp thêm mưa rào, giống như:
"Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang.
Ruộng bỏ hoang người
ta còn cấy.
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông.
Giấy
trôi sông người ta còn vớt.
Bậu lỡ thời như ớt
chín cây.
Ớt chín cây người ta còn hái..."
Rồi tháng mười một, mưa tùy hứng,
thích thì mưa.
Chị nhớ sau khi em đi chừng hai năm, mưa chiều
tối bất ngờ, chị mắc mưa đến hơn tám giờ tối mới
ra khỏi trường ở Bàu Cát. Cơn mưa kỷ lục vì chợ An
Đông bị ngập sâu mét rưỡi ở tầng hầm bán chạp
phô, toàn bộ hàng hóa dự trữ bán Tết bị ngâm nước,
báo hại năm đó tôm khô cũng khóc vì...ế. Mắc quá,
ai mua cho nổi.
Tháng mười hai bớt mưa, nhưng ông Trời hay thử
thách con người, mưa bất ngờ làm mấy show diễn ngoài trời
rơi nước mắt như mưa.
Đi chơi Noel có khi phải mang dù.
Ai không mang gì thì phải đội mưa hoặc đụt mưa. Đụt
mưa cũng là cái thú. Ngồi chừng tiếng đồng hồ nghe được
cả chục chuyện thiên hạ, có khi tình cờ gặp người quen,
bỗng thành người lạ, gặp mặt không dám nhìn vì đang
đi với bạn gái...
Gần đây,
Tết mà Trời cũng bày đặt mưa.
Mấy bà già thấy
mưa ngày mồng một Tết thì sợ lắm, sợ điềm xấu như
mất mùa, bão lụt, dịch bệnh...
...Vậy thì em gái của
chị ơi, Saigon có mưa hay không, cần chi, ngại chi...?
Vì Saigon không
mưa đâu phải là Saigon.
Saigon
mưa, chị rất thích, thích vô cùng, nhất là mưa đêm.
Xưa nhà dột, mưa đêm rất sợ vì vừa buồn ngủ vừa
lo hứng nước không xin mà Trời vẫn cứ cho. Bây giờ nhà
hết dột rồi, mưa đêm nghe êm ái dịu ngọt làm sao.
Đêm nghe mưa nằm khóc sướng lắm. Đó là cái thú
đau thương, phải tận hưởng cho đời khổ thu ngắn lại. Chỉ
những lúc ấy mình mới đối diện với chính mình, để
cho những giọt nước mắt trôi đi theo mưa như là cơn mưa
của mắt, cũng là cách bày tỏ với mưa trời, cùng hòa điệu với mưa trời, em
à.
Lêdung
09/ 07
_____________________________________________________________________
Giấc ban mai
Ông Phùng ăn
sáng xong mặc áo đi đóng tiền điện thoại. Chợt cơn
mưa đổ xuống lắc rắc rồi ào ào. Mưa rào miền Nam như
người nóng tính tốt bụng, mưa bất ngờ rồi tạnh mau .
Ông Phùng chép miệng thở dài sao cuộc đời mình cái
gì cũng gặp trục trặc. Chỉ việc đi ra ngoài chút thôi mà
cũng có trở ngại. Ông thay áo nằm vắt trên võng, nhìn
mưa rơi, buồn buồn .
Mưa
bay nhẹ như bông gòn, mịn trân, dịu dàng lả lướt phất
phơ theo gió. Mới sáng ra đã mưa rồi. Cái lạnh se sắt trong
buổi mưa sáng cuối mùa khiến ông thấy bần thần khó tả.
Bây giờ cảm giác của ông không còn chính xác như
xưa nữa. Có khi ngửi mùi xăng mà tưởng mùi ổi chín,
nghe tiếng quạt quay nhẹ mà tưởng tiếng lá me rơi xào xạc
đầu hè.
Tiếng thời gian trong tâm thức ông luôn rơi vào
cõi mơ màng xa xăm, mùa nào với ông cũng là mùa nôn
nao của ngày Tết .
Xem phim Tết
sao thấy vui quá, miền Bắc có cành đào chạy khắp phố
phường Hà Nội, miền Nam có cành mai vàng tung tăng dài dọc
xuống cả đường quê. Nghĩ tới Tết là ông thấy còn
muốn sống thêm vài năm tuổi. Ông ham Tết như ngày còn trẻ
thơ náo nức nằm nghe tiếng pháo giao thừa, mẹ bảo ngồi dậy
rửa mặt bằng nước rộng cá trê cho mạnh khỏe cả năm
.
Ôi cuộc đời và phim ảnh có gì khác nhau đâu, cả
cõi thực và mộng đôi khi ông cũng không phân biệt được
.
Cơm
trưa chiều ông đã chuẩn bị từ hôm qua, ăn uống có nhiều
nhỏi gì, luộc cái trứng hấp chín hai trái cà chua là xong
bữa ăn. Từ khi đọc báo thấy nói ăn cà chua nấu chín
rất tốt cho sức khỏe, ngày nào ông cũng ăn cà chua, rất
bổ và rẻ. Hễ đọc báo thông tin ăn uống cái gì tốt
ông đều ăn, ăn cả tháng không chán. Mà ăn uống với
ông bây giờ là ăn cho cái bụng khỏi réo gọi, chứ ông
có thiết gì đâu. Mọi thứ cá, mọi thứ rau đều giống
như nhau thôi. Trái cam trái khế cũng vậy, đều là thứ trái
cây có nhiều sinh tố rất tốt cho người già.
Nằm trên võng đu đưa, nhìn tàu lá chuối bóng mướt
thấy mát lòng, vòm cây khế ướt sũng rũ rượi hoa tim
tím có duyên ngầm, ông như thấy lại ngày ấu thơ hay trèo
ổi trèo khế...Rồi ông chìm trong giấc ngủ lúc nào không
biết...
Dường như ông nghe được
tiếng gọi cổng, chị bán đậu hủ cất cao giọng hỏi ông
Hai có mua không. Ông nghe tiếng vợ ông hỏi hôm nay ông ăn thịt
hay cá? Con trai ông nói ba có đi họp mặt để con dắt xe ra đổ
xăng? Nghe tiếng ông bạn thân tên Chơn đến xin cây bông hồng
trắng về trồng và bảo ông chừng nào về quê mua dùm ít
bột nếp ngon .
Trong giấc mơ ông thấy được
nhiều người mà lâu quá rồi chưa gặp. Lúc này thấy
hình như vợ ông phát tướng lại trắng trẻo hơn trước,
thằng con cũng vậy mà sao tóc nó dài dữ vậy kìa, nó
nghỉ học đi làm lâu rồi, ông vẫn bắt nó cắt tóc
ngắn cho dễ coi. Ông thấy bà mẹ già của ông lui cui làm gì
như đang lau lá chuối, chắc lại sắp gói bánh tét bánh
ít. Ừ mà phải rồi, sắp sửa giỗ của ông già là
ông nội sắp nhỏ. Ông thấy chị Hai Hảo của ông mặc chiếc
áo bông, đánh môi son đỏ chót nhìn ông trách sao quên
không đi gởi thư dùm chị. Nhà đông vui quá, ông chẳng
cần làm gì tới bữa ăn là ngồi vào bàn, muốn ăn
thì ăn không cần hỏi có được không ...
Mỗi lần giấc mơ ban mai đến, ông thấy
no lòng, khuôn ngực căng phồng và ấm áp như lúc cả nhà
ngồi quây quần bên mâm cơm chiều dưới ngọn đèn vàng
ngày xưa.
Người
ta nói mơ ban ngày là thực chứ không phải như mơ lúc tối.
Tối chưa kịp mơ thì trời đã sáng
rồi .
Người
càng già càng giống như trẻ con, ăn nhiều bữa ngủ nhiều
giấc trong ngày.
Ông thức dậy sớm,
xong xuôi những việc linh tinh, ông thích ngủ một chút. Có khi nằm
nhắm mắt để đó, ai nói gì lơ mơ nghe được hết,
họ cũng tưởng ông ngủ, nhờ vậy ông nghe được nhiều
chuyện ngộ lắm.
Hàng
xóm có chú Báo bán bánh mì nóng dòn. Chú đi từ
bốn năm giờ sáng, chín mười giờ về. Vợ chú bỏ mối
rau thịt cá cho tiệm ăn, đi một vòng mấy quận từ sáng,
giờ này cũng về. Hai vợ chồng nhà này vậy mà khỏe re,
chỉ chịu khó thức sớm một chút rồi xong việc sớm, cả ngày
dài nghỉ ngơi. Trẻ con đi học cả rồi, hai vợ chồng đóng
kín cửa lục đục gì trong đó, một lát sau họ ra khỏi
nhà mặt tươi rói đi đón con. Lòng ông cảm thấy vui
vui, người lao động thức khuya dậy sớm cũng có cách hưởng
thụ hạnh phúc cho vơi bớt cực khổ.
Chú
Tư bán nước mía ngồi nói trống không :
-
Con bé Hường nhà chú Hai Phi sao mau lớn dữ, cái ngực đồ
sộ như Marilyn Monroe, không biết có còn con gái không.
Hôm rồi người ta thấy nó ôm eo ếch con trai ông chủ vựa
chuối, tình tang lắm, chắc là phải bỏ học thôi .
Ông nghĩ thầm giới trẻ ngày nay tự do quá đáng,
ông lo cho lũ cháu nhỏ cũng bằng cỡ tuổi này, chắc con gái
ông cũng phải cực thân khổ trí chăm sóc chúng .
Thím Hai bán tạp hóa ngồi rầu ông
chồng lười biếng ngày nào cũng xin hai chục đánh số đề.
Bà muốn báo công an nhưng có người khuyên, chồng mình
mình dạy, chớ đụng vào đám đề đóm này thì
chỉ bỏ xứ mà đi, cũng chưa xong đâu..
Mưa đã ngớt nãy giờ, ông vẫn còn nằm nướng
ngất ngây thưởng thức giấc mơ ban ngày. Nhân viên điện
lực réo to ngoài cổng để ghi điện, rồi chị bán đậu
hủ cũng trở lại. Ông uể oải ngồi dậy.
- Ông có ở nhà mà con gọi lâu quá .
- Ông mua giúp con mấy bìa đậu ế đi ông .
Ông thông cảm :
- Có một mình, ăn không nổi chừng này, nhưng thôi để
ông mua hết dùm. Chú Tư nước mía con đông lắm, nhờ
con mang ra đưa chú ấy, mai ông trả tiền .
Chị đậu hủ có đến hồi đầu
giấc mơ nhưng ông lại mơ nghe tiếng chị gọi.
Thực
mộng lẫn lộn khó hiểu quá.
Mấy
lời của chú Tư nước mía, thím Hai tạp hóa là thực
hay mơ ?
Lần nào nằm
trên võng ông cũng nằm mơ dễ dàng, ông có thói quen nằm
võng từ nhỏ. Hình ảnh cây khế gợi bao kỷ niệm. Có lần
ông sợ điếng vì bất ngờ thấy con rắn lục xanh như lá
khế quấn cành cây sát tay ông vịn. Thấy khế là ông nhớ
con rắn lục. Sao nó có màu xanh đẹp mượt sắc lạnh đến
ghê hồn vậy kìa.Từ đó ông rất ám ảnh màu xanh lục,
xanh gì mà rờn rợn. Ông còn thấy mấy ma nữ trong
truyện Liêu trai cũng hay mặc áo xanh lục, không biết rắn và
ma nữ có gì liên quan nhau không?
Ông
có con trai con gái ở xa bên Mỹ, ở gần là bên Thủ Thiêm.
Ông chỉ ở một mình, quen rồi, xung quanh đi chừng vài trăm
bước là nhà các em cháu ông, nên không ai ép buộc ông
về ở chung.
Chiếc võng là giang
san riêng, mảnh trời xanh có cây khế mọc gie ra nhà hàng xóm
là khung cửa quê nhà. Bứt rời quá khứ với hiện tại là
rút khúc ruột bỏ ra ngoài, sao sống được ?
Ông Hai Phùng càng lúc thấy mình ngủ ngày mơ ngày
nhiều hơn, tối ông thường thức khuya có khi gần sáng mới
chợp mắt thì bánh mì đã rao ầm khắp xóm rồi.
Giấc ban mai yên tĩnh lạ, xóm lao động ngày vắng vẻ, chỉ
có đêm ồn ào. Buổi sáng trong trẻo, thời gian chậm chạp
trôi qua. Nhìn ánh nắng xuyên qua kẽ lá khế ông biết mấy
giờ. Ông thuộc lòng chương trình tivi, cả đài phát thanh
tỉnh mà radio của ông thu được.
Cuộc
sống đơn điệu nhưng ông không chán .
Ông
nhớ khi xưa đọc truyện, tả về các cụ già có thói
quen gần giống nhau, chọn một chỗ riêng, có khi là chiếc giường,
góc nhà, góc sân lầu, rồi bưng bê các đồ dùng chất
đầy vào, có quý báu gì đâu sợ mất, chẳng qua vì
muốn mỗi ngày mỗi giờ không rời mắt những kỷ vật thân
yêu .
Ông luộc nồi khoai mang ra để góc nhà,
vậy là có bữa ăn trưa khoai lang ngọt lừ vàng rươm của
đứa cháu từ Đà lạt mang về. Ông chặt sẵn trái dừa
xiêm chính gốc Bến Tre cũng là của hàng xóm. Ngồi đây,
nơi góc võng chật hẹp này, ông thưởng thức được
mùi vị của nhiều nơi trong nước, ngoài nước. Còn mong muốn
gì hơn, hạnh phúc cô đơn là do chính ông chọn lựa.
Ông sẽ sống mãi như thế này.
Ai cũng
mơ ước cho mình một cuộc sống đoàn viên, giàu có
sang trọng ..Nhưng ông nghĩ, cái gì mình không thể thì đừng
nghĩ tới, đừng mơ ước nó nữa. Bằng lòng với hiện
tại chẳng phải là cách sống vui như người xưa đã dạy:
“ Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc...” hay sao?
Ông
Hai Phùng sống qua mấy mùa khế rụng, mấy mùa mai nở ...cũng
không biết nữa.
Ông
không quen đếm ngày tháng. Mưa nắng là lẽ thường của
Tạo hóa, sống chết cũng là lẽ thường của thế gian ..
Theo luật thường đó, ông Hai Phùng nằm võng trong một
buổi sáng yên lành. Giấc ngủ ban mai đưa ông gặp người
vợ đã qua đời mười năm rồi. Ông không trở lại nữa
để nhìn mưa và chòm lá khế xanh có con rắn lục, nỗi
ám ảnh của ông suốt cả tuổi thơ đến tận cõi mênh
mông vô cùng .
Lêdung