PTG_dayngang.JPGTrang Mục Góc Sân Trường Nhà là những thông tin, liên lạc, tin tức vui, buồn xảy ra cho những người PTGĐTĐ khắp nơi.

Trang Nhà rất mong nhận được sự cộng tác của nhiều người để Trang Mục nầy trở thành món ăn tinh thần, là nơi gặp gỡ Thầy Trò, đồng môn, bạn hữu. Bài cộng tác có thể là bài văn hay bài thơ kể chuyện vui buồn trong cuộc sống, là những kỷ niệm, những trang lưu bút cũ, những tấm ảnh cũ, là lời nhắn tin, v.v…cần trao gởi đến những người trường nhà.

 

Diệp Minh Tâm 

                     VÀI HỒI ỨC…RỜI RẠC               

 .

Dẫn nhập: Tôi theo học trường Phan Thanh Giản trong các niên học 1961-62 (Đệ Ngũ) cho đến 1965-66 (Đệ Nhị). Những hiệu trưởng hồi đó tôi còn nhớ là thầy Đàm và thầy Quân. Để tôi viết lại đôi điều tôi còn ghi trong ký ức, có sót mảng nào các đồng môn giúp bổ túc nhé!

TamDiep_Feb10_class.jpg

Lớp Đệ Tam A, ngày ăn Tất Niên 1964, chụp với thầy Trực (mang kính đứng giữa).

Áo đen góc trái: Nhã. Cách một người, chỉ ló đầu ra: Xinh làm trưởng lớp. Kế tiếp đầu hơi thấp xuống: Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình* (sức học có lẽ hạng 2 trong lớp). Phía trên Bình, lộ nửa khuôn mặt: Trung (?). Cách 3 người bên tay trái thầy Trực, mặt bị tối: Phước (sức học cỡ hạng 4-5). Kế tiếp là Nghĩa (sức học cỡ hạng 4-5) và Trinh (sức học cỡ hạng 3) cùng học y khoa. Dưới Phước, đang nhìn nghiêng là Diệp Minh Tâm.

Hàng ngồi từ trái: Bích (đi Sĩ quan Hải quân khoảng 1970), kế tiếp là một anh học rất giỏi (có lẽ hạng 1 trong lớp), kế đến là con người tài hoa Nguyễn Văn Sáu*, Thái Khi* cầm chai, cách 1 người là Hoàng Oanh mang kiếng hay quậy.

Những người đánh dấu * còn ở Việt Nam, người giữ ảnh này có gặp lại.

Xin bạn vui lòng bổ túc ghi những người bạn còn nhớ!

tam_diep@hotmail.com

Bắt đầu năm học Đệ Ngũ 1961-62, giáo sư dạy âm nhạc lớp tôi là thầy Thư, còn khá trẻ, có một buổi mở đầu khá chi tiết về việc học sinh phải học nhạc cho rành để khi chơi guitare sẽ biết đổi "gam" (Pháp ngữ: gamme hay "tông"), tức là cung nhạc, chẳng hạn mi thứ hay đô trưởng. Thầy nói lên giọng xuống giọng để cố thuyết phục tên học trò nào chưa biết thưởng thức nghệ thuật: "Mấy đứa muốn đệm đờn thì phải biết cách đổi gam, tới đoạn nào phải biết đổi qua gam nào, nếu không người nghe sẽ chê cười, nói mầy đờn hoài một gam nghe chán quá! Có biết đổi từ gam nọ chuyển qua gam kia thì thiên hạ mới phục..." Ông nói đi nói lại về điều cần thiết phải đổi "gam" cho đúng làm tôi chắc mẩm là giờ mình đã gặp được "sư phụ chân truyền", vì tôi cũng như nhiều học sinh khác tha thiết muốn học guitare mà chưa có cơ hội. Qua sự dẫn nhập của thầy Thư mà năm đó tôi bắt đầu học guitar!

Thầy dạy vẽ lớp tôi (mà tôi quên tên) mở đầu một cách khá đặc biệt. Buổi giảng đầu tiên, sau ít lời mở đầu ông hỏi học trò mỗi đứa nghĩ xem mình thích mầu gì nhất, và cho biết tại sao. Tôi cho là mình thích mầu cẩm thạch, nhưng không thể giải thích tại sao mình thích mầu này. Sau cùng, thầy cho biết thầy thích mầu xám, vì đó là pha trộn của hai sự tương phản là mầu trắng và mầu đen. Rồi thầy móc từ trong túi áo của thầy cây viết mầu xám, và chỉ rằng đó là mầu thầy thích. Tôi nghe mà phục lô-gíc ông thầy hết mức! Rõ ràng là thấy có chính kiến, mà còn có thể minh họa!

 Ở lớp Đệ Ngũ này tôi học Việt văn với thầy Lộc mà tôi thích nhất trong số các giáo sư dạy Việt văn suốt quãng đời trung học của mình. Ông giảng rất hay, với tất cả sự hùng hồn nồng nàn của người yêu thơ văn. Ông lại giảng giải rất nhiều điển tích bằng lời kể chuyện hấp dẫn, nên giờ dạy của ông là cả sự hào hứng lôi cuốn. Tôi còn nhớ thầy kể nguyên cuộc đời của Bách Lý Hề (có sách gọi là Bá Lý Hề) từ những lúc trôi nổi lận đận đây đó tuy có tài nhưng không được ai biết để tin dùng, cho đến tuổi khoảng 70 mới được chức Tể Tướng. Thầy Lộc thường cho câu hỏi để học sinh về nhà làm, kỳ sau thầy có thể gọi đứng lên đọc cho cả lớp nghe, rồi cho điểm. Có lần tôi được điểm 14 là số điểm cao hiếm có thời bấy giờ, được bạn bè cùng lớp trầm trồ, vì xu hướng điểm Việt văn cho trong các kỳ thi hay trong lớp rất thấp. Tôi luận về sự ám ảnh trong tâm tư, lấy ví dụ của câu chuyện một người bị ám ảnh cứ thấy mặt trời chói chang đi theo mình, đi đâu cũng thấy mặt trời đi theo. Chuyện này ngay lúc đó tôi cũng không nhớ đọc ở đâu, sách nào, nhưng thầy gật đầu khen thí dụ hay, hẳn là từ một tác phẩm nổi tiếng nào đó. Tôi có tật mang trong đầu nhiều mẩu truyện, lời thơ, câu phát biểu... nhưng không còn nhớ xuất xứ hay tác giả. Nhiều khi bị thất lợi vì lộ vẻ như có "kiến thức nửa mùa", nhưng có người nói như thế mới là kiến thức của riêng mình sau khi đã được hấp thụ và tổng hợp! Khi tôi bị bắt phải đi học quân sự học đường năm thứ hai đại học (6 năm sau), thì thầy Lộc, lúc đó đã là Chuẩn Úy, là một trong những giảng viên. Lớp nghe giảng quá đông (tập họp từ các trường khác nhau), tôi chưa có cơ hội đến chào thầy, lại nghĩ chắc thầy đâu nhớ đến mình. Nhưng thầy lại nhớ, gọi tôi đến, kêu đúng tên tôi mà hỏi chuyện!

 Một giáo sư đặc biệt khác là ông Sửu dạy toán. (Tôi còn nhớ mãi tên thầy) Trước khi vào học, tôi có nghe qua danh tiếng ông Sửu dạy toán rất hay. Quả nhiên danh bất hư truyền: ông giảng ngắn, gọn nhưng rành rẽ, khiến tôi tuy yếu về toán vẫn lãnh hội được. Có điều ông dạy hay quá nên mỗi kỳ cho bài, phần lớn học sinh trong lớp đều làm được. Để phân biệt ai hơn ai kém, thầy Sửu ra điều lệ: chỉ cho điểm cao cho một số học sinh đem nộp bài trước. Ai nộp sau dù làm bài hoàn toàn phải chịu điểm ít hơn một chút theo thứ tự nộp bài. Thế là sau khi được cho đề, học sinh làm bài thật nhanh rồi chạy nhanh lên bàn thầy nộp bài, nhiều khi chen lấn nhau khá xô bồ. Ai lên trước để vở mình xuống dưới, người lên sau để vở mình chồng lên trên. Sau đó thầy chỉ việc lật ngược chồng vở lại, bắt đầu cho điểm cao nhất từ vở trên xuống vở dưới. Tôi ganh đua với chúng bạn cũng khá trong màn "chụp giựt" này.

 Trong lớp này thầy dạy địa lý (tôi lại quên tên!) có dạy một phương pháp vẽ bản đồ Việt Nam rất hay. Học sinh bắt đầu vẽ những hình vuông và chữ nhật, rồi thêm các đường chéo ngang dọc đây đó, nối các góc này góc nọ, rốt cuộc chỉ trong vòng vài ba phút đã có một bản đồ từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau đúng theo hình thể cân đối. Trong kỳ thi lục cá nguyệt, thầy dạy địa lý chấm điểm tôi đứng đồng hạng nhất với một anh. Thầy muốn có sự quyết định ai nhì ai nhất nên kêu cả hai lên bảo vẽ bản đồ Việt Nam theo phương pháp nói trên, ai vẽ xong trước sẽ được thêm chút điểm để đứng nhất. Tôi đã tập vẽ rành rọt, nhưng khi lên bảng có phần khớp nên lúng túng vẽ chậm hơn tuy vẫn vẽ đúng, đành phải chịu đứng hạng nhì! Sau này tôi quên mất phương pháp đó, muốn tìm học lại nhưng không biết cách nào. Bạn nào còn nhớ xin cho biết!

 Vào năm tôi học Đệ Ngũ, trường Phan Thanh Giản tổ chức nhiều hoạt động xã hội, và tiếp tục trong hai năm tôi học Đệ Tứ và Đệ Tam. Mấy năm thời đó có mấy trận lụt lớn ở miền Tây (vùng Đồng Tháp, An Giang...) và miền Trung, gây thiệt hại nặng, nhiều người mất cả nhà cửa sản nghiệp. Học trò tham gia tình nguyện vào các việc đi quyên tiền hay tặng vật như quần áo cũ. Mỗi nhóm 2-3 đứa được chia một vùng hoạt động riêng. Học trò chỉ việc mang một cái thùng niêm phong kỹ lưỡng chỉ chừa một khe hẹp để bỏ tiền vào, đi vào từng nhà trong vùng mình thỏ thẻ trình bày việc lạc quyên. Nhà nhà thấy học trò còn nhỏ mà đã biết tình nguyện ra công nên sẵn lòng đóng góp.

 Trường còn hay mời các đoàn cải lương hoặc ca kịnh đến trình diễn lấy thù lao nhẹ, trường tổ chức ở mọi việc từ quãng cáo, bán vé đến sắp xếp các việc khác. Học trò tham gia vào các việc bán vé hát: cầm một xấp vé đi từng nhà nói rõ lý do và mời mua. Đến buổi trình diễn, đám học sinh tình nguyện được phân công: nhóm lo giữ gìn trật tư, nhóm cầm đèn bấm hướng dẫn từng khán giả vào đúng ghế ngồi theo số ghế ghi trên vé (tôi làm việc này, đã được chỉ dẫn cách thức trước đó), nhóm khác chạy lăng xăng được sai bảo việc này nọ. Vào giờ trình diễn, hết việc làm thì học sinh được phép đứng hay ngồi ở góc nào đó trong rạp, xem hát miễn phí gọi là thưởng công. Nhờ tham gia các hoạt động này mà tôi được xem những vở cải lương nổi tiếng thời đó như Tuyệt tình ca và Ông Cò Quận Chín do đoàn Dạ Lý Hương trình diễn với Út Trà Ôn, Bạch Tuyết và Thanh Sang, Hoa Mộc Lan do đoàn Thanh Minh Thanh Nga với Thanh Nga và Hữu Phước, hay kịch với các danh hề Tùng Lâm và Thanh Việt...

 Cần nói một chút về anh Thanh Việt này vì anh quả là một danh hề độc đáo: lối hài của anh không nhí nhô loạn xạ như nhiều người khác. Anh hay dùng dáng vẻ điệu bộ để hài hước, và chỉ cần làm bộ ria mép của anh rung rinh một chút là đủ để gây cười. Sau này khi lên đại học, có lúc tôi đi một chuyến công tác văn nghệ của sinh viên với anh. Suốt cả cuộc hành trình trong mấy ngày anh cứ khôi hài, vẫn với vẻ ý nhị dí dỏm làm ai cũng phải cười khúc khích từng hồi. Có lúc tôi xem vở kịch về tướng cướp Bạch Hải Đường trên T.V. Trong một đoạn bi thương đối với cô Kim Cương, anh đóng vai ngây ngô rất dí dỏm khiến khán giả thấy rõ ràng Kim Cương cũng phải mỉm cười, nhưng cô cố giấu nụ cười bằng cách tạo vẻ mặt nhăn nhó hay cúi mặt xuống. Khởi đầu Thanh Việt cùng với Tùng Lâm diễn với nhau trong những màn hài hước rất hay. Khi hai người tách ra nhau thì không còn đôi diễn viên nào diễn hài đạt như thế.

 Trở lại hoạt động xã hội. Có lần (khoảng 1963-64) một đám cháy to xảy ra trong tỉnh lỵ làm nhiều nhà trong một khu dân nghèo bị thiêu rụi. Học trò Phan Thanh Giản được huy động tham dự vào việc giúp dọn dẹp tàn tích đống ngạch ngói đổ nát, quyên tiền và phẩm vật, phân phát các món cứu trợ cho nạn nhân... Đó là lần đầu tiên tôi làm công tác xã hội phục vụ trực tiếp đồng bào tỉnh mình. Sau đó qua những công tác khác tôi tham dự khá nhiều vào các công trình phát triển trong tỉnh.

Lúc đi làm trại công tác, tôi thường làm việc với anh Mạch Kỳ Châu, học trên tôi một lớp. Tình cờ đánh tên anh tìm trên Yahoo thì thấy tin tức từ Houston ngày 5 tháng 8 năm 2007 ghi “CHS/GS Mạch Kỳ Châu (CThơ)” bị bệnh nặng. Chắc đây là anh Mạch Kỳ Châu mà tôi đã từng làm công tác xã hội với anh chứ không ai khác, vì tên anh quá đặc biệt! Tôi muốn bắt lại liên lạc với anh mà website không cho địa chỉ e-mail những người được nhắc đến.

 Một năm nào đó (khoảng 1962-63), sau một trận mưa to hàng đàn cà cuống bay vào thành phố, đậu la liệt trên mặt đường và vỉa hè. Dân miền Nam vốn không biết dùng cà cuống nên không ai để ý đến hiện tượng này. Chỉ có người cô của tôi trên Saigon nhằm lúc xuống Cần Thơ chơi nên cả nhà thu lượm cà cuống về và cô chỉ dẫn cách thức rút tinh dầu cà cuống từ cái bọng tinh dầu dài và trong suốt như sợi bún tàu. Sau đó nhà luộc thân cà cuống để ăn, hương vị thịt cà cuống khá là lạ và thơm ngon. Đó là lần duy nhất trong đời tôi thấy cà cuống thiên nhiên xuất hiện tại miền Nam, một hiện tượng đặc biệt và hiếm có.

 Sau đó thì xảy ra vụ đảo chính lật đổ Ngô Đình Diệm năm 1963. Trong trường Phan Thanh Giản từ trước đến giờ không thấy rục rịch gì về chống độc tài, nhưng sau đó ít lâu một nhóm học sinh trong trường lên tiếng đả đảo các ông Hiệu trưởng và Tổng Giám thị trường, cho họ là "tàn tích của chế độ cũ" phải bị cách chức. Các học sinh này không gây bạo động gì, chỉ làm huyên náo, hô hào các bạn tham gia, viết khẩu hiệu lên bảng, và đòi bãi khoá đến khi yêu sách được thỏa mãn. Rãi rác các trường các nơi khác có những vụ náo loạn tương tự. Sau đó thì vài ông trong cấp lãnh đạo trường chuyển đi nơi khác (hình như thầy Khôn lúc đó chuyển lên Saigon?), người mới vào thay, và tình hình dần dần trở lại êm thấm. Sau đó ít lâu thì học sinh mới nhận ra là nhà nước chỉ hoán chuyển những ông lãnh đạo từ trường này qua trường khác chứ không giáng chức chế tài ai. Nhưng học sinh một phần do sôi nổi nhất thời chứ không phải có tinh thần "cách mạng" gì, phần cũng tự biết những thầy cô mình cũng chỉ vì miếng cơm manh áo nên êm xuôi chấp nhận.

 Khi vào lớp Đệ Tứ (1963-64), tôi bắt đầu chơi vũ cầu đều đặn với nhóm tuyển thủ của trường do thầy Trực (dạy vạn vật lớp tôi) làm thủ lãnh. Các "cao thủ" vũ cầu trường Phan Thanh Giản thuộc loại có hạng ở miền Tây lúc bấy giờ, thường đoạt các giải đây đó (nhưng có năm thua đội Long Xuyên) nên chơi với họ tôi tiến khá nhanh. Có điều vì so với cả đội tôi vẫn chơi kém nên chưa bao giờ vào đội truyển, chỉ chơi để vận động cơ thể thôi.

 Từ năm học này, tôi có một anh bạn thân là Nguyễn văn Sáu, khá nổi tiếng trong trường. Anh lớn hơn tôi 2 tuổi, sau trở nên người bạn thân nhất trong cả đời học sinh của tôi. Anh rất hiền, tuy có nhiều tài này nọ nhưng không kiêu căng, tuy con nhà khá giả (nhà buôn bán) nhưng không cao kỳ. Tôi với anh này có nhiều kỷ niệm, nhiều khi đẹp, có khi buồn cười. Một lần, anh Sáu được tuyển trong đoàn lực sĩ trường đi dự vận động hội học sinh liên tỉnh ở Vĩnh Long. Tôi không có tiêu chuẩn gì nhưng muốn đi theo. Anh Sáu can thiệp để tôi được đi theo, cùng sống trong khách sạn của đám lực sĩ trường. Để khỏi gây thắc mắc cho những người khác, tôi phải tham dự vào cuộc diễn hành trong đoàn lực sĩ trường trong buổi lễ khai mạc vận động hội. Tôi lúc đó vẫn ốm yếu, lại vận bộ đồng phục lực sĩ với cái quần đùi ngắn ngủn để lộ cặp giò khẳng khiu và cái áo cánh (maillot) không có tay áo để lộ 2 cánh tay cũng ốm yếu. Nếu có quần dài và áo tay dài như nhiều loại đồng phục khác thì không đến nỗi, đàng này tôi bị lộ cả hình dạng không thấy có bắp thịt nào cả. Tôi thấy kỳ quá, nhưng đã lỡ rồi. Cũng có anh thắc mắc, hỏi tôi tham dự môn thể thao gì thì tôi đáp là chơi bóng bàn. Tôi đã chuẩn bị câu trả lời này, vì biết môn chơi bóng bàn không cần vai u thịt bắp! Câu trả lời có sự thực phần nào, vì tôi cũng hay chơi bóng bàn với anh Sáu, tuy chơi rất kém.

 Anh Sáu năm đó không được huy chương gì, nhưng 2 năm sau khi hai đứa đã xa nhau anh được huy chương bạc về nhảy cao trong một vận động hội học sinh liên tỉnh khác. Lúc gặp lại, nghe anh kể thành tích và nhìn thấy cái huy chương, tôi nài nỉ xin. Anh ngần ngừ, nhưng tôi nài nỉ mãi nên cuối cùng anh chịu cho tuy có ý tiếc rẻ. Sau này không rõ chiếc huy chương này thất lạc ở đâu. Tôi nghĩ lại việc nài nỉ của mình là quá đáng. Tôi muốn tìm cái huy chương đó để đem trả lại anh nhưng tìm không ra, và cũng không thể gặp lại anh vì nghe nói anh đã về quê cày cấy, đường đi về quê anh lại quá khó khăn.

 Anh Sáu là đệ tử một ông thầy võ Thiếu lâm, người tàn tật nhưng vẫn dạy võ. Có lúc tôi xem anh biểu diễn một bài quyền Thiếu lâm cho những người học võ xem, nhưng chưa hề thấy anh song đấu, và cũng chưa nghe việc anh "ra tay" với ai. Thấy lạ, tôi xin học Thiếu lâm với anh. Anh đồng ý dạy võ mà không qua nghi thức "nhập môn" gì cả. Được ít lâu thì tôi đâm chán với mấy thức múa may này, nên không học nữa.

Cuối năm Đệ Tứ, học trò phải thi Trung học Đệ Nhất cấp. Kỳ thi này không thiết yếu lắm vì ai thi rớt vẫn được lên lớp Đệ Tam (nhưng phải thi đậu sau đó để được dự thi Tú tài 1). Bằng Trung học này cần thiết cho những ai muốn thôi trung học để thi vào các trường trung đẳng như cán sự y tế (trợ y), cán sự kỹ thuật... (Nhưng mấy năm sau các trường cán sự đòi hỏi bằng Tú tài 1).

 Việc thi thể thao cho kỳ thi Trung học Đệ Nhất cấp thời đó là cả những màn kịch. Không có trường nào có chương trình huấn luyện gì về thể thao; ai tự nhiên có năng khiếu môn thể thao gì thì cứ tự mình chơi và tập luyện môn đó. Nhưng chương trình thi Trung học lại cho thi thể thao gồm các phần chạy 80m, chạy 2 vòng sân vận động (khoảng 800m), nhảy xa, và nhảy cao. Khi chạy 2 vòng sân vận động, học sinh nhiều đứa thay nhau chạy giúp: mỗi đứa chạy lúc khởi đầu và lúc về mức đến, nơi có giám khảo cầm đồng hồ bấm đo thời gian. Còn đoạn giữa lúc chạy bên kia sân vận động thì không có ai giám hộ, và giám khảo bên này sân không thể nhìn rõ ai chạy bên kia sân. Nên vào đoạn này học sinh có thể nhờ một anh bạn đứng sẵn đó thế vào chạy giúp, khi anh này chạy qua vòng thứ hai vào thay lại để tự mình về mức đến.

 Vì không hề có tập luyện trước nên dù có bạn chạy dùm đoạn giữa, tôi vẫn cảm thấy mệt như đứt hơi khi đến mức cuối. Nhất là sau đó lại phải ra chạy dùm người bạn đã chạy giúp mình. Các môn chạy 80m và nhảy xa tôi tự trổ tài, có thành tích khá trong môn 80m. Nhưng đến môn nhảy cao thì tôi chịu, vì tôi không biết phương pháp nhảy ra sao. Thế là anh bạn thân Sáu của tôi ra tay cứu giúp: anh thi nhảy dùm tôi! Anh ăn ý sao đó với ông thầy giám khảo, nên khi ông kêu tên tôi thì anh từ trong đám đông học trò xông ra, chạy thật nhanh đến sà ngang và nhảy qua rồi lủi đi mất trong đám đông, diễn tiến nhanh gọn ít ai thấy kịp. Sân vận động lại lu bu náo nhiệt vì có nhiều hoạt động thi xảy ra cùng một lúc nên ít ai để ý. Vì nhà trường xem nhẹ thể thao, đã không tập tành gì cho học sinh mà lại bắt thi, thầy cô thấy điểm vô lý đó nên tuy biết có mấy màn gian lận như thế nhưng vẫn làm lơ, phần xem như để giúp học sinh có thêm điểm thi! Học sinh lại không làm gì lộ liễu, mà vẫn phải kín đáo, ra vẻ tranh tài đàng hoàng cho đúng không khí thi cử. Anh Sáu vốn giỏi đồng đều các môn vận động nên anh được điểm thể thao 18/20, tôi được 16. Sau đó cả hai nghĩ về việc này mà thấy buồn cười mãi!

 Các hạng trong các kỳ thi Trung học, Tú tài 1 và Tú tài 2 gồm: Tối Ưu với điểm trung bình từ 18 trở lên, Ưu với điểm từ 16 trở lên, Bình từ 14, Bình Thứ từ 12, và phải được điểm từ 10 mới được đỗ (hạng Thứ). Tôi nghe các thầy cô nói chưa hề có ai được hạng Tối Ưu cả. Năm đó cả trung tâm khảo thí Cần Thơ (quy tụ thí sinh từ Cần Thơ và vài tỉnh lân cận) chỉ có 1 học sinh đỗ Ưu. Anh này là con của một ông giáo trung học (ông Liêu) đã về hưu, nên cả đám học sinh kháo nhau chắc ông cha "kềm" con ghê lắm, đêm ngày bắt con phải học, không cho đi chơi hay giải trí gì cả!

 Khi đi xem danh sách học sinh thi đỗ, tôi đọc từ trang này qua trang kia thỉnh thoảng mới thấy tên một người đỗ Bình, Bình Thứ thì chỉ có khoảng 2, 3 người cho mỗi trang trong danh sách. Tính phỏng chừng tỷ lệ đỗ khoảng 40%, tỷ lệ ở các trường công cao hơn, số thí sinh tự do hay người đã bỏ học thi lại thì đỗ kém hơn nhiều. Lúc đó tỉ lệ đỗ Bình Thứ có lẽ vào khoảng 4-5% của tổng số thí sinh, số đỗ Bình khoảng 1% hay ít hơn nữa. Dăm bảy năm sau, chế độ thi cử ra bài theo lối trắc nghiệm, cho thí sinh đọc từng câu hỏi ngắn rồi đánh dấu một trong các câu trả lời cho sẵn, điểm thi là điểm tổng cộng các câu trả lời đúng, thì tỷ lệ đỗ các hạng cao trở lên rất cao, Ưu và Bình nhan nhản.

 Lên đến lớp Đệ Tam (bắt đầu Đệ Nhị cấp, 1964-65), học sinh phải chọn ban chuyên môn. Các ban thời đó là: A nặng về vạn vật, B nặng về toán, C về văn chương và triết học, còn D về cổ ngữ (Hán văn). "Vạn vật" là tiếng chỉ chung các môn khoa học thiên nhiên (sciences naturelles). Vào thời tôi, ban A lớp Đệ Tam học về địa chất học và thiên văn học, Đệ Nhị về thực vật học, và Đệ Nhứt về cơ thể con người. Các lớp dưới cũng có các môn này nhưng giản lược hơn. Lúc đó cả hai trường trung học nam và nữ tại Cần Thơ không có lớp ban D, nên không rõ nếu ai cắc cớ chọn môn này thì sẽ học ở đâu, có lẽ phải vào một trường nào đó ở Sài Gòn. Ban C có ít học sinh chọn nhất, nên các cô bên trường nữ Đoàn Thị Điểm chọn ban C phải học trong một lớp gộp chung lại cả nam lẫn nữ ở trường Phan Thanh Giản, tạo thêm một không khí đặc biệt cho các lớp đệ nhị cấp ban C.

Lớp Đệ Tam là lớp có sắc thái đặc biệt trong các trường trung học thời bấy giờ: học sinh vừa trải qua một năm lo học thi, và hai năm kế tiếp lại có hai kỳ thi Tú tài 1 và Tú tài 2 đều gay go, nên học sinh nào cũng cho năm Đệ Tam là năm xả hơi, dưỡng sức! Do vậy mà nói chung học sinh các lớp này đều có phần lười học và ham chơi, kỷ luật có phần lôi thôi hơn các năm khác. Đến lớp này thì đa số học sinh đã đỗ bằng Trung học, mang danh là học sinh đệ nhị cấp, lại thêm với tuổi gần thành niên 15-17 cho là mình đã lớn, không còn sợ sệt khúm núm với thầy cô nữa. Mặt khác, tuổi này lại chưa đến mức trưởng thành chững chạc, có trách nhiệm và hiểu biết. Vì các yếu tố này mà giáo sư nào cũng ớn dạy lớp Đệ Tam! Tuy vậy một số thầy cô lại thông cảm với học trò phải lo thi cử quá nhiều (chính như họ đã trải qua!) nên có phần dễ dãi dung thứ.

 Phần tôi năm rồi hăng học quá nhưng vẫn hụt phần thưởng vì bị bệnh bỏ thi, nên không còn muốn học chăm nữa: tôi dời xuống ngồi ở bàn gần cuối lớp để dễ a tòng với đám lè phè! Nhưng thầy Trực (tiếp tục dạy môn vạn vật năm Đệ Tam và rất mến tôi vì tôi hay có điểm cao trong môn ông dạy ở lớp Đệ Tứ) thấy thế đã đoán ngay ra "ý đồ" của tên học trò: ông mắng yêu tôi ít tiếng rồi kêu tôi lên ngồi ở bàn trên như năm trước!

 Điển hình cho học sinh Đệ Tam lúc đó là một anh học sinh chung lớp với tôi tên là Hoàng Oanh (đã qua đời). Anh này hay có tính nghịch phá ngầm, thích tếu tếu nói bông đùa nhưng nét mặt dáng vẻ lại thản nhiên, nhiều lúc còn ra vẻ hiền từ chất phác! Vì cá tính đặc biệt này mà cả lớp đều vui thích theo với những nghịch phá của anh, và thầy cô cũng khá mệt óc vì khó viện cớ gì để la mắng trừng phạt anh được. Nên đám học sinh lè phè khoái anh vì anh hay chọc phá nhưng vẫn thoát khỏi lưới trừng phạt! Một lần nhà trường đưa đến một bản thông báo để anh đại diện lớp đọc cho cả lớp nghe. Thông cáo đại ý nói không cho phép nam sinh mặc quần may bằng hàng ny lông. Lúc đó trường trung học chỉ cho phép con trai mặc quần may bằng vải ka-ki ý chừng để không tạo cảnh khác biệt giầu nghèo, nhưng nhiều học sinh đệ nhị cấp phá lệ mặc quần may bằng hàng tổng hợp. Có điều là thông báo đáng lẽ nên dùng từ "hàng tổng hợp" thì đúng hơn; đàng này dùng từ "hàng ny lông" nghe quá khôi hài, vì từ này hay được dùng để gọi hàng của nữ giới may mặc! Nên cả lớp cười khúc khích. Hoàng Oanh cất tiếng nói nho nhỏ nhưng vừa đủ mọi người nghe: "như vậy nhà trường có cấm con trai mặc quần lãnh không?" Thế là cả lớp cười phá lên, ông thầy có vẻ cố nhịn cười, đưa mắt nhìn Hoàng Oanh mà bậm môi, nhíu mày, chắt lưỡi ra hiệu bảo anh ta phải thôi!

 Riêng một anh tên Đức cũng hay có tính cợt đùa trong năm Đệ Tam này. Câu anh hay nói với thầy cô, một cách lễ độ trang nghiêm, là "Để em về xin phép má em trước" mỗi khi thầy cô chuyển đạt lời nhà trường kêu gọi học sinh làm một việc gì đó như là tham gia công tác học đường. Mỗi khi như thế, cả lớp phá lên cười mà thầy cô không trách cứ gì Anh Năm được dù biết mười mươi là anh bông đùa! Có lúc cô Sen dạy Việt văn nghe thế vui vẻ nói "Chà! Em ngoan ngoãn với má em quá hả?!" khiến cả lớp được một phen vui vẻ tiếp.

 Trong năm Đệ Tam, ông thầy dạy Anh văn (còn trẻ, khá dễ thương) bắt đầu mở cho tôi một chân trời mới mẻ của ngôn ngữ này. Ông cũng là người dạy cả lớp hát bài Silent Night gần dịp Giáng Sinh. Đó là bài hát Giáng Sinh đầu đời mà tôi được biết, vì có điểm lạ lùng là tuy chế độ ông Diệm theo Thiên chúa giáo một cách cuồng tín nhưng vào các mùa Giáng sinh bao năm trước đó đài phát thanh không hề phát nhạc Giáng Sinh!

 Trong lớp Đệ Tam, thầy Nguyễn Văn Sáu có cách dạy Pháp văn một cách đặc biệt. Chẳng hạn, thầy vẽ hình một con voi gồm các pronom le, la, lui, en... để theo hình vẽ đó học sinh nhớ dùng từ nào trước sau trong câu văn. Nhà thầy cách nhà tôi vài căn, nên tôi hay nghe nhạc thầy mở. Có lẽ vì yêu thích nhạc nên thầy hay lấy ví dụ các câu Pháp văn thầy dịch từ các tựa bài hát, như là "Tôi vẫn yêu hoa màu tím". Khi anh Sáu, có cùng nguyên họ tên với thầy, bị kêu lên sát hạch nhưng không trả lời được, thầy nói: "Tại sao là giáo sư Pháp văn mà kém vậy!"

 Một giáo sư có phần khác biệt với những người khác là thầy Minh, dạy lý hoá. Anh Minh chỉ lớn hơn học sinh anh dạy 4-5 tuổi, vì lúc đó anh đang là sinh viên Đại học Khoa học khoảng năm thứ ba. Chắc vì lý do này nên anh muốn học sinh kêu anh bằng "anh", thay vì bằng "thầy". Trong khi các giáo sư khác đều là công chức chính ngạch vì đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, anh chỉ mới nhận chân dạy ngoại ngạch lãnh tiền theo giờ thôi. Vì tuổi tác ít chênh lệch với học sinh và vì còn đang đi học, anh gần gũi thân thiện với học sinh nhiều hơn so với các thầy cô khác.

 Anh Minh hay rủ một nhóm nhỏ học sinh anh mến, trong đó có anh Sáu và tôi, đi chơi đây đó, thường là vào các vườn cây trái ở các vùng đồng quê để đi dạo, ngắm cảnh và chụp ảnh. Bình thường tôi thấy tỉnh Cần Thơ không có gì đặc sắc, có tự mình muốn đi chơi cũng không biết đi đâu. Nhưng trong đám có mấy bạn là "thổ địa" dẫn cả nhóm đi thăm viếng những cảnh xa lạ khá đẹp với cây cảnh, hoa lá, sông nước..., xa lạ đến nỗi chỉ ít năm sau tôi không còn nhớ đường đi đến các nơi đó.

 Nhân các buổi đi chơi với nhau này, anh Minh hay đề cập đến nhiều chuyện còn khá mới lạ với tôi lúc đó. Anh hay nói nhiều về chính trị, và tỏ ý khâm phục Fidel Castro (anh kể việc Castro đọc một bài diễn văn kéo dài 5-6 tiếng đồng hồ trong một buổi lễ gì đó) và Mao Trạch Đông (anh kể về cuộc vạn lý trường chinh và việc Mao tuy lớn tuổi nhưng còn khỏe, có thể xuống sông bơi lội...). Mấy việc này thì tôi nghe nhưng không để ý quan tâm, vì bản tính không thích chính trị. Nhưng anh cũng bàn luận nhiều về thơ văn, nhất là thơ văn tiền chiến. Tôi còn nhớ anh hay đọc cho bọn học sinh thân cận với anh nghe những câu thơ của Tế Hanh (bài “Vu vơ”, có phần nào trùng hợp với tâm tư tôi lúc đó), hay “Lời kỹ nữ” (có lẽ là bài anh thích nhất), với hai câu đầu anh thường đọc:

 Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa

 Vội vàng chi, trăng sáng quá khách ơi!

 và câu cuối:

 Du khách đi, du khách đã đi rồi!

Nghe qua có vẻ như anh Minh hơi quá đáng khi bàn luận thơ văn một cách "táo bạo" như vậy với học sinh lứa tuổi 15, 16; nhưng thật ra anh chỉ chú trọng đến những tình cảm nồng nàn lãng mạn chứ không phải có ý nói đến chuyện ăn chơi trụy lạc. Hơn nữa, anh chỉ bàn luận các chuyện "bên lề" này với một nhóm nhỏ học sinh thân cận với anh những khi đi chơi đây đó; vào lớp thì anh dạy nghiêm chỉnh môn lý hóa của anh. Dầu sao đi nữa, qua anh tôi thích vài bài thơ và không thích vài bài khác.

 Ngoài thơ tiền chiến, anh Minh còn đọc cho bọn học trò nghe một số bài thơ đương thời, mỗi khi đọc anh đều tấm tắc khen hay và giảng giải hay như thế nào. Có 4 câu anh đọc nhưng nói không nhớ tựa đề và tên tác giả:

 Tôi hút điếu thuốc nữa

 Đốt dần thêm tháng năm

 Chiếc bac xa rời bến

 Đời xa dần tuổi xanh

Xem ra nhờ vào sức "bình thơ" nồng nhiệt của anh Minh mà tôi vẫn nhớ mãi các câu thơ này, nếu không, tự mình không thấm thía bao nhiêu: lúc đó chưa hút thuốc và không cảm thấy "xa dần tuổi xanh", duy có bac Cần Thơ thì cách nơi anh đọc thơ chỉ vài km!

 Thế là qua anh Minh mà lần đầu tiên tôi biết nhiều về loại văn học thời tiền chiến, chứ trước đó và mãi khi lên đến lớp Đệ Nhất học sinh được học rất ít về loại văn thơ này, có lẽ vì chính quyền cho là quá lãng mạn. Tôi chỉ nhớ thơ tiền chiến mình học trong trường là bài “Tình già” vì đó là bài thơ đầu tiên của thi ca Việt Nam được viết theo thể tự do nên có ý nghĩa văn học sử hơn là thi ca.

Năm này học trò Phan Thanh Giản có thêm những hoạt động mới. Việc trước nhất là tập nhu đạo (judo) do trường tổ chức. Bãi tập võ là một tấm vải bố dầy (giống như loại dùng để căng lều) trải trên thảm cỏ trong sân trường. Võ đường do thầy Chơi phụ trách (sau 1975 thầy dạy Judo cho đội tuyển quốc gia). Buổi đầu tiên, sau khi nghe võ sư giảng qua về việc nhập môn, võ sinh mới phải chịu cho các "sư huynh" và "sư tỉ" vật té! Võ sư dặn các môn đồ mới là chỉ cần đứng yên để bị vật, đừng cử động gì hết. Thế là từng cặp một võ sinh cũ đứng đối diện với một võ sinh mới. Đối diện tôi là một chị học sinh lớn hơn tôi chỉ khoảng 1-2 tuổi mà tôi đã thấy đôi lần tuy chưa quen nhau. Chị tiến đến nắm lấy vạt áo của tôi, rồi trong một chớp mắt tôi thấy trời và đất đảo lộn một vòng và tôi té xuống một cái "phịch" khá nặng, nằm dài trên tấm thảm, hoàn toàn không theo kịp các diễn tiến việc gì đã xảy ra! Cảm giác thật lạ lùng khó tả. Lúc đó tôi mới tin là những tin báo chí hay đăng thời bấy giờ về các cô gái ra đường bị thanh niên chòng ghẹo, giở ngón nhu đạo vật cho mấy anh này nằm dài là có thật.

 Có một chuyển biến khá sâu sắc đến với tâm tư và tầm nhìn của tôi. Nguyên năm đó có một nhóm sinh viên từ Sài Gòn tự gọi là "Phong trào Du ca" do ông Phạm Duy dẫn xuống trường Phan Thanh Giản trình diễn. Từ ngữ "du ca" được dịch từ tiếng Pháp là "troubadour", tức là những người thời xưa ở Châu Âu hay đi đây đó, góp nhặt những mẩu chuyện xa lạ từ một nơi rồi viết thành bài hát hay câu thơ để đi đến nơi khác hát hay ngâm tại các chợ búa hay các lâu đài, vừa vui với đời sống phiêu bạt vừa có phương tiện sinh nhai.

 Nhóm Du ca viên này kết hợp với Ban Hoa Sim chủ yếu gồm các chị sinh viên Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn tình nguyện đi trình diễn đây đó, không thu tiền. Trưởng nhóm là chị Thúy Hoan, tính tình trang nghiêm, đúng vẻ “sư tỷ”, nên đám sư đệ ít khi trò chuyện, không dám đùa cợt. Kế đến là chị Phương Oanh, vui vẻ, ăn nói nhiều hơn, nên đám sư đệ cảm thoải thoái mái trao đổi với chị. Anh Nguyễn Đức Quang cầm đầu nhóm Du ca, sau này thành lập Phong trào Du ca Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tôi được nghe qua các điệu dân ca ba miền Bắc (hát quan họ, hát ví, ả đào, Qua cầu gió bay, Cái trống cơm, Cây trúc xinh....), Trung (Lý tình tang...), và Nam (Lý ngựa ô, Lý con sáo...), hoà với các tiếng đàn thuần tuý dân tộc như đàn bầu và lục huyền do Ban Hoa Sim trình diễn. Trước những điệu hát, nhóm này đều giải thích xuất xứ và ý nghĩa điệu đó, nên vừa giúp khán giả mở mang sự hiểu biết ngoài việc thưởng thức nghệ thuật. Tất cả đều có cách trình diễn trẻ trung, lúc thì khôi hài vui nhộn gây hứng thú, lúc thì êm đềm sâu sắc. Nhóm này có trình độ trình diễn khá cao, ai nấy đều có giọng hát hay, diễn tả đúng âm hưởng và tình tự dân tộc mỗi miền của đất nước. Các du ca viên thì trình diễn những bài hát do họ sáng tác và một số bài dân ca các nước họ dịch ra lời Việt: Clementine, Green sleeves...

Tôi lấy làm ngạc nhiên nhận ra rằng từ trước đến giờ mình không hề biết gì về các bản đàn, điệu hát mang đầy dân tộc tính này, mặc dù cả ba năm học từ Đệ Thất lên Đệ Ngũ đều có giờ âm nhạc trong chương trình học! Và tôi chưa hề nghe qua đài phát thanh loại nghệ thuật dân tộc này, nhưng nhà nước mỗi năm đều có tổ chức lễ kỷ niệm Khổng Tử! Trong khi bao thanh niên thiếu nữ bị ảnh hưởng bởi các bài hát thương mại trữ tình, ủy mị hay bi quan, việc bảo tồn và phát huy những hay đẹp của nghệ thuật dân tộc chỉ do một nhóm sinh viên nhỏ nhoi "ăn cơm nhà vác ngà voi" phụ trách!

 Trong năm học Đệ Tam, tôi nhờ anh bạn thân Nguyễn Văn Sáu dạy mình đàn 6 câu vọng cổ! Thời gian này, tôi và anh bạn thân hay lấy xe đạp đi ra vùng ngoại ô vào những đêm trăng sáng. Các khu này lúc đó chưa có điện, cả vùng mênh mông chỉ có ánh trăng vằng vặc êm đềm. Đây đó người người trải chiếu ra trước sân nhà, bày đồ nhắm với ít rượu bia, vài tay đàn cổ nhạc, vài giọng ca nam nữ cùng xúm xít quây quần. Tiếng đàn tiếng hát trong khoảng không gian vắng lặng, tách biệt khỏi khung cảnh phồn hoa văn minh nghe thật hay. Hai đứa thỉnh thoảng dừng xe lại thưởng thức nghe một nhóm nào đó, rồi được mời vào chung vui. Khi họ hỏi ra là anh bạn tôi cũng biết đàn, họ mời anh trổ tài, anh không từ chối. Tình thân thiện vì thế mà đến nhanh dù hai bên trước đó chưa hề quen biết. tôi nghe anh đàn các điệu vọng cổ, khốc hoàng thiên, nam ai, nam xuân... đệm cho một giọng nam hay nữ nào đó hát trong khung cảnh mộc mạc giản dị, với tình người tự nhiên... thấy sao mà thích quá!

Có lúc nhóm học sinh Phan Thanh Giản mời được thầy Trực làm trại trưởng cho một trại ở Cần Thơ do nhóm quán xuyến (tôi có chân trong ban quản trại), tuy thầy không dự trại đầu tiên do Sài Gòn tổ chức. Xem ra trong số các giáo sư dạy tôi ở trường, thầy Trực là người có liên hệ với tôi mật thiết nhất: thầy vừa dạy vạn vật trong suốt cả 3 năm học, vừa là "ông bầu" đội vũ cầu, vừa là người lãnh đạo về hoạt động xã hội. Tôi có về thăm thầy năm 2003 – lúc đó thầy trông còn khỏe.

Cũng vào năm tôi học Đệ Tam (1964-65) và Đệ Nhị (1965-66), đôi lúc nhà trường tự tổ chức trình diễn văn nghệ bán vé để gây quỹ cứu trợ. Chương trình này khá hay, với nhiều học sinh và giáo sư đóng góp vào các tiết mục. Nhân dịp này mà có vài tài năng trước giờ không ai biết đến được khám phá, chả hạn một cô nữ sinh (tên là Lộc) có giọng hát rất hay, không thua kém gì các ca sĩ chuyên nghiệp, sau trở nên nổi tiếng cả tỉnh. Đó cũng là lúc tôi quen Xuân-Mai, học bên Đoàn Thị Điểm dưới tôi 2 lớp, có giọng hát hay nhưng nhịp điệu chưa vững nên tôi đến nhà cô vài lần đệm đàn cho cô tập hát rồi cùng nhau đi đàn hát đây đó. Sau này cô trở thành một ca sĩ khá nổi tiếng lấy biệt hiệu là Băng Châu, có lúc đóng phim nhưng không mấy thành công.

 Năm Đệ Nhị (1965-66), học trò phải lo thi lấy bằng Tú tài 1; phải có bằng này để được lên học lớp Đệ Nhứt. Cách tổ chức thi hàng năm lúc đó khá rắc rối: có hai kỳ thi cách nhau 1-2 tháng, kỳ 1 chia ra loạt 1, loạt 2 và thi vấn đáp; kỳ 2 không có loạt 1, chỉ có loạt 2 và vấn đáp. (Ít năm sau nhà nước đơn giản hoá, cho thi mỗi năm 1 kỳ gồm cả 2 loạt, bãi bỏ thi vấn đáp). Trong kỳ 1, thí sinh phải thi đỗ cả 2 loạt mới được vào vấn đáp. Sau khi thi cả 2 loạt thì trung tâm khảo thí công bố hai bảng kết quả: một bảng ghi tên những người đỗ loạt 1 nhưng trượt loạt 2 và do đó không được vào vấn đáp, và bảng kia ghi tên các thí sinh đỗ cả 2 loạt sẽ được thi vấn đáp. Ai trượt ngay loạt 1 thì xem như năm đó công lao đèn sách đi đong vì phải chờ năm sau thi lại, còn ai chỉ đỗ loạt 1 thì được thi lại loạt 2 trong kỳ 2. Nhóm thứ hai này là cực nhất vì phải lo học thêm vào mùa hè (tuy còn có chút hy vọng sẽ lấy được mảnh bằng trong năm) trong khi người đã đỗ thông suốt kỳ 1 có thể nghỉ xả hơi.

Hai loạt thi Tú tài 1 mỗi năm là thêm một chặng gạn lọc khá gay gắt vì tỉ lệ đỗ tổng cộng có lẽ chỉ vào khoảng 50%; số khá đông còn lại bỏ hẳn việc học hành, con trai chờ ngày bị bắt đi lính. Sau mỗi mùa thi báo chí đăng tải thường xuyên các tin học sinh thi trượt tự tử, nên đây cũng là một vấn nạn khá nặng nề trong xã hội thời đó.

Quay về hiện tại

Thầy Sửu ở Mỹ (tôi rất vui thấy tên thầy trên mạng). Bạn nào biết thầy Lộc dạy Việt văn ở đâu, xin cho tôi biết địa chỉ của thầy.

Tôi về Cần Thơ năm 2002. Có gặp lại thầy Trực. Dĩ nhiên là thầy già rồi, nhưng trông còn khỏe.

Nguyễn Văn Sáu hiện sống tại Thành phố Cần Thơ, lai rai bán điện thoại di động và đánh bóng bàn.

Nguyễn Thanh Bình làm đại diện cho một công ty sản xuất thuốc trừ sâu, làm đúng nghề, lương khá.

Thái Khi, Nguyễn Tấn Đức hiện cũng sống tại Thành phố Cần Thơ, có cháu nội/ngoại rồi.

Nghe nói về vài bạn cũ: Phước làm bác sĩ ở Bệnh viện Vĩnh Long, Nghĩa làm bác sĩ ở Mỹ, Hoàng-Oanh đã mất (xin lỗi nếu nghe thông tin sai)

Diệp Minh Tâm lấy quốc tịch Canada, mấy năm gần đây về làm việc ở Tp HCM trong các dự án quốc tế về môi trường và thoát nước

Những người liên hệ xa gần: Chị Phương Oanh ở bên Pháp, anh Đức Quang bên Mỹ, chị Thúy Hoan ở Việt Nam, có con gái nối nghiệp khá thành công. Ông Phạm Duy tổ chức các đêm nhạc Phạm Duy đều ăn khách, gần đây nhất ở rạp Hòa Bình giá vé hạng nhất lên đến nửa triệu đồng!

Lời kết

Trong thâm tâm tôi vẫn nhớ ơn những thầy cô ngày xưa đã cho môn đồ kiến thức đi kèm những gương sáng về tư cách con người – là điều trở nên hiếm bây giờ ở Việt Nam!

Tôi xin các bạn cũ ghi lại, trao đổi thêm thông tin và hình ảnh. Chúng ta già rồi, chẳng mấy chốc e rằng mỗi ngày trôi qua càng quên nhiều chi tiết. Cần ghi lại bây giờ!

Diệp Minh Tâm

tam_diep@hotmail.com

Sie built & maintained by tranbt21