DoanXuanThu.jpgTẠP GHI

đoàn xuân thu

Cựu GS PTG

 Melbourne, Australia__________________________________

Tình ca người thất trận!

 

 

Tàn cuộc chiến anh còn lại gì?
cùm gông, tù ngục, đời biệt ly.
công danh ngày cũ tan như khói
tan vỡ tình ta, đứt ruột, anh đi.

Em không đợi nữa, không chờ nữa
thất trận đi đày, em xa anh.
Em không đợi nữa, không chờ nữa
ngọn lửa tình em đã rụi tàn.
Ái ân nồng ấm yêu ngày cũ
còn lại gì đâu? chỉ tro than!

***
Năm năm về, em không nhận ra anh
ngõ tang thương, phố phường xa lạ
cơn địa chấn miền Nam mình tơi tả
binh lửa tan rồi tan cả tình ta.

Giã biệt cố nhân, hỏi em tình cũ!
bên chồng vui, em còn nhớ anh không?
thôi ‘Biển' ơi! chữ tình là mộng;
đời hợp tan, tan hợp hết trông mong!

 

Viết cho ngôi trường đã bị mất tên

 

 

Trường xưa còn đó, bao thương nhớ!
từng gốc phượng đau, rụng lá sầu.
phấn trắng, bảng đen, mình một thuở
trôi vào quá khứ, cuộc bể dâu.

Buc giảng ngày nao, ta đứng đó,
trầm ngâm trong gió đợi thu về.
lá rụng ngoài sân như muốn tỏ:
chào cố nhân! người trở lại xóm quê.

Em hỏi: ta làm gì khi xa quê hương?
ta chỉ là nhà thơ khốn khổ,
với những bài thơ buồn.
(Thơ ta điền vào những trang còn trống chổ
em đọc để mà quên!)

Em hỏi: thơ ta nói những gì?
toàn là tan vỡ với chia ly.
Đời toàn mất mát! vui sao được?
ngay chính trường ta cũng mất tên.

Ôi trường ta tang thương!
theo vận nước nhiễu nhương!
học trò năm cũ giờ đâu cả?
em giạt về đâu mấy nẻo đường?

Thơ ta, em đọc, rồi cũng quên.
vì không có gì đáng nhớ.
Đời ta toàn lỡ dở; 
đời ta toàn xót xa
đón xe trễ chuyến, ra ga trễ tàu.

Trường xưa! Ta xót xa đau!

Đoàn Xuân Thu.
Melbourne

 

Đời như một vở cải lương!

dxt_doinhuvotuong.jpg 

 

Hồi xưa bà con mình gọi mấy đoàn cải lương là gánh hát. Vì mỗi lần đi lưu diễn, mai chỗ nầy mốt chỗ kia, ngoài xe bò chở phông màn và vợ con ông bầu gánh, đào kép tự gánh y trang của mình, rồi lục tục quảy theo sau.

Gánh hát thời đó cũng có bảng hiệu đàng hoàng nhưng bà con mình lại thích gọi là gánh bà bầu Thơ tức đoàn Thanh Minh Thanh Nga, gánh bầu Ba Bản tức đoàn Thủ Ðô, gánh bầu Xuân tức đoàn Dạ Lý Hương, hay gánh bầu Long tức 5 đoàn Kim Chung 1, 2, 3, 4 và 5.

Sau nầy, mấy ông ký giả trên mục sân khấu kịch trường về cải lương mới dùng chữ đại ban nếu gánh hát lớn, trung ban nếu gánh hát vừa vừa. Còn những gánh nhỏ, mà ông bầu già, đóng vai lão, con gái làm đào chánh, con rể làm kép chánh thì gọi là gánh bầu Tèo, tức gánh hát nghèo, dọn từ nhà lồng chợ tới đình làng để trình diễn.

Gánh hát thì phải có tuồng tích do mấy ông thầy tuồng, sau nầy trân trọng gọi là soạn giả viết ra, phân vai, kiêm chỉ đạo diễn xuất (tức vai trò đạo diễn sau nầy).

Ngoài thầy tuồng là người có ăn học (mới biết chữ mà viết tuồng chớ) phải kể tới kép chánh và đào chánh (có người mù chữ).

Kép cũng có hai loại: Kép muồi, chuyên môn đóng vai hoàng tử  không hè (Út Trà Ôn, Thành Ðược).

Phản diện với kép muồi là kép độc, đóng vai ác thôi hết biết (Hoàng Giang, Văn Ngà, Trường Xuân)...

Ðào cũng có hai loại: Ðào thương (Út Bạch Lan, Thanh Nga, Phượng Liên), ra sân khấu là khóc bụp con mắt luôn, đôi khi khóc nhiều quá son phấn trôi đi, hết màn, phải chui vào hậu trường dặm mặt lại.

Phản diện với đào thương là đào lẳng (Hồng Nga, Thanh Nguyệt), vừa hát vừa nghiến răng trèo trẹo đóng những vai ghen tuông, đòi xởn tóc đào thương.

Trong vở hát nào cũng vậy, làm khán giả khóc lóc, chửi bới riết thì phải cho bà con cười chút chút cho thư giãn chớ. Người phụ trách cái nhiệm vụ nặng nề đó là vai hề, ăn khách không kém kép chánh, đào chánh là: hề Minh, hề Văn Hường, hề Thanh Việt, hề Văn Chung... chẳng hạn.

***

Nhớ thời hoàng kim của sân khấu cải lương, bà con khán giả mộ điệu miền Nam mình đã nuôi sống biết bao nhiêu người nghệ sĩ.

Không những đủ sống thôi mà những danh ca: Vua vọng cổ như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Ðược... trở nên giàu có, ở nhà lầu mặt tiền, đi xe hơi Huê Kỳ, vì tiền ký ‘công tra' lên cả triệu đồng (số tiền rất lớn). Vì trúng số độc đắc kiến thiết quốc gia xây cửa xây nhà, lô độc đắc cũng chỉ 1 triệu đồng thôi.

Nhớ hồi nhỏ, đi học, thường lội bộ theo đường Phan Thanh Giản qua đường Nguyễn Thiện Thuật là phải đi ngang nhà ông Út Trà Ôn.

Ðôi khi thấy ổng đang ở trần, mặc cái quần tiều lỡ, mái tóc chải xước ra đằng sau, không có rẽ đường ngôi, nhưng có xức ‘bi-ăng-tin' láng mượt... đang lấy vải chùi chiếc xe Huê Kỳ bóng lưỡng, bèn đứng lại nhìn.

Té ra mặt mày không tô son điểm phấn như lúc trình diễn trên sân khấu, ở đời thường, ổng xấu hoắc hè! He he!

Nhưng: "Than ôi! Thời vận bất tề". Không phải ai đi hát cũng đều nổi danh, tiền vô như nước, nữ khán giả ái mộ cuồng nhiệt.

"U xàng u xáng u, xáng trên đầu ba bữa còn u" Bài bản phải vững vàng. Hát chạy chữ sao cũng đặng nhưng tới xề là phải nhịp song lang nghe cái cốc mới đặng nhe!  Muốn ca diễn cho có nghệ thuật, làm khán giả hài lòng, bỏ tiền ra mua vé, đâu có dễ.

 

***

Gánh bầu Tèo nghèo hơn nhiều! Ghe hát vừa mới cắm sào bên dòng kinh Ngã bảy mà cô gái năm xưa hổng thấy ra chào... là cả gánh xúm lại khiêng phông màn lên bờ, lấy vải bố bao quanh nhà lồng chợ để đêm nay bổn ban sẽ ra mắt bà con cô bác xã nhà. Xong, ông bầu mướn một chiếc xe ngựa, treo hai cái bảng quảng cáo hai bên hông. Trên xe có cái trống chầu, một kép cơm (theo gánh hát làm kép chỉ để được ăn cơm), đánh thùng thùng từ đầu làng đến cuối xóm.

Ngựa bị ghìm cương, xe chạy chậm, con nít nó ùa theo reo hò tở mở, mừng gánh hát... mới ‘dzìa'.

Gánh bầu Tèo thường về làng vào tháng Mười Một âm lịch trước khi trời sắp đổ mưa;  lúa đổ đầy bồ xong, bà con rảnh rang đến coi đông, nhưng khá lắm gánh hát lưu lại chưa tới một tuần thì vắng hoe, khán giả chỉ loe ngoe chừng chục mống.

Nghỉ hát, tiền chưa chạy đâu được để dọn đi xứ khác thì ông bầu cho đào kép tự kiếm việc mà làm. Ai mướn gì làm nấy như: gặt lúa, vác lúa, đi mót, đi câu, bắt cua, lưới cá.

Nên: "Bầu Tèo hát dở đừng lo. Sang năm hát khá được đi xe bò! Bầu Tèo hát dở đừng rầu. Sang năm hát khá được ngồi xe trâu!"

Ðời nghệ sĩ, nhứt là đào thương cũng ngắn ngủi, tới bốn mươi là quá ‘đát', trừ trường hợp cực kỳ xuất sắc, thanh sắc vẹn toàn, nhưng nói chung bụi thời gian không ai phủi được, đành phải chuyển qua đào mụ, vai nhì, vai ba...Bèn lo xa, thôi kiếm một đại gia nào đó để nhờ vả tấm thân hầu đeo đuổi con đường nghệ thuật tới khi không còn hát nổi nữa! "Thiếu chi rau em ăn rau é, thiếu chi chồng em làm bé người ta!" (?!)

Vậy mà có người ác tâm, ác khẩu, rằng: ‘Xướng ca vô loại! Không thông cảm cho duyên kiếp cầm ca dâng hiến cho đời gì ráo trọi, nỡ bĩu môi chê rằng: "Mới là tiểu thơ đêm trước mà mơi hổng có gạo nấu à nghe, đừng bày đặt nhí nhảnh!"

***

Lại nhớ, gánh hát về nhà lồng chợ Cái Bè, năm 1958, thời ông Nguyễn Bá Cẩn đang ngồi quận, thuở thanh bình thạnh trị của miền Nam mình.

Ôi bà con vui hết biết! Tui cũng đi coi hát là phụ nhưng hẹn với em yêu là chánh! Chờ em cho mãn kiếp chờ, gần kéo màn rồi em mới chịu ló mặt ra, kẻo anh nóng lòng trông đợi bóng ‘chim'?! Tui nóng lòng thiệt nên làm hết chục mía ghim và hai lon đậu phộng nấu.

Khi khán giả đông bộn, tiếng gõ cồm cộp trên sàn sân khấu, bức màn nhung được kéo lên, hiện ra gác tía lầu son sáng choang dưới ánh đèn măng xông như thể ánh trăng rằm.

Mở đầu tuồng Phạm Công - Cúc Hoa là màn Nghi Xuân Tấn Lực, quần áo rách rưới tả tơi, vá chằng vá đụp, vẻ mặt thiểu não, tay cầm thau nhôm móp méo, dắt nhau chầm chậm quanh sân khấu, rồi xuống tới hàng ghế thượng hạng. Ðám khán giả nầy, chắc như bắp, là có tiền rủng rỉnh đây, ca điệu Xuân Tình: "Bà con cô bác dùm thương. Bố thí cho con một chén cơm thừa" "Tấn Lực ơi! Ráng nhịn đói chút xíu nữa nghe! Chừng nào bà con cho tiền, chị mua cơm đút em ăn!"

Bà con mếu máo, tháo kim Tây, găm túi áo khỉ, móc ra cho năm đồng nói: "Nè! Nghi Xuân! Chạy ra trước cửa rạp mua cho thằng Tấn Lực tô bánh canh giò heo ăn đỡ đi nhe! He he!"

Rồi giữa vở diễn, chờ chuyển màn, chuyển cảnh, cái ‘mi cà rô' treo trên dây ròng rọc căng ngang, thả xuống trước miệng, ông bầu Bảy Cao của đoàn Hoa Sen, quần áo lớn chỉnh tề, thắt ‘cà ra oách', kính thưa khán giả: tuồng ‘Tôn Tẫn giả điên' sẽ hát đêm mai. Tiện thể, nghệ sĩ Bảy Cao xuống sáu câu vọng cổ, phựt đèn màu, bà con khán giả vỗ tay rào rào...

Lại nhớ năm 1960, tại rạp Ðồng Thinh, tỉnh lỵ Rạch Giá, đoàn Hữu Tâm của bầu Ba Khuê về, hát tuồng: "Nắm cơm chan máu" của đôi soạn giả Bạch Diệp và Minh Nguyên.

Trần Ai (kép Bửu Tài) phải đi ăn trộm về nuôi Ðỗ Lệ (đào Thanh Hương) bị thiên hạ đánh lỗ đầu, chảy máu...

Em yêu cảm động khóc thút thít, hỉ mũi rột rột... Thiệt là thấy mà gớm nhe!

***

Tháng Tư  lại về trên quê người viễn xứ, lại nhớ biến cố năm xưa: "Tróc mã đề thương, ứ ư ứ ư..." "Cấp báo! Cấp báo!" "Ðiều chi?" "Dạ, chí nguy! Giặc Hung Nô vượt khỏi biên thùy. Ta, dũng tướng thảy đều tử trận..." "Lui!" "Thôi rồi!"

Nhưng "Họa phước đáo đầu chung hữu báo. Cao phi viễn tẩu giả nan tàng."

(Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Bay cao, chạy cho thiệt xa cũng không trốn đâu cho khỏi). "Kìa! Ma trêu trước cửa" "Nọ, quỷ lộng sau hè" .

Chữ rằng: "Quan nhất thời; Dân vạn đại!" Dẫu ‘quan anh' có múa chàng múa tiên gì chăng đi nữa trong thời điên đảo thì đời quan cũng như một vở tuồng cải lương, trước sau cũng phải hạ màn, vãn hát chớ! Phải không thưa bà con?

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

DÂN PETRUS KÝ

dxt_petruskyschool.jpg 

Ðầu đường Ðại lộ Cộng Hòa có cái bùng binh nơi đường Phạm Viết Chánh, Hồng Thập Tự, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Nguyễn Hoàng và Ðại lộ Cộng Hòa gặp nhau. Ra khỏi bùng binh, chạy trên Ðại lộ Cộng Hòa, hướng về phía chợ Nancy, thì trường Trung học Trương Vĩnh Ký, bà con Sài Gòn thường hay gọi là (trường Petrus Ký)  nằm ở đầu đường phía bên tay phải.  Ðối diện bên kia cổng trường Petrus Ký là thành Ô-ma (Camp des Mares), là Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Việt Nam.  (Xin phụ đề thêm chút chút là Petrus, tiếng Latin nên không có dấu sắc)

Vì địa thế đặc biệt như vậy nên các biến cố chánh trị lớn, nhỏ thời đó trường Petrus Ký dù muốn dù không cũng bị liên can. Mà người thọ nạn tới 2 lần lại chính là nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký.

Ngày mùng 6, tháng Chạp, năm 1937, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100, tượng bán thân bằng đồng của nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký do nhà điêu khắc Sylve Raffegeard (Pháp) thực hiện mà tên tác giả vẫn còn ghi rõ ở vai trái, được dựng lên trong sân trường.

Cuối tháng Tư, năm 1955, trường Petrus Ký trở thành bãi chiến trường giữa lính Dù của Quân đội Quốc gia Việt Nam và Công an Xung phong của tướng Bảy Viễn.

Tạp chí Thế giới Tự do của Phòng Thông tin Hoa Kỳ, in trên giấy tốt, nên bọn học sinh chúng tôi thời đó hay dùng để bao vở, có chụp hình một người lính phe Bình Xuyên nằm chết gần phòng thí nghiệm của trường. Tượng ông Petrus Ký thì cũng bị trúng đạn bên má trái, gần hàm dưới có một vết tròn hơi lõm vào.

Tàn trận đánh, Công an Xung phong Bình Xuyên rút chạy về Tổng hành dinh, bên kia cầu Chữ Y. Quân Dù xông vào trường lục soát và tưởng nhầm ông Hiệu trưởng Phạm Văn Còn, đang mặc một bộ ‘complet tussor' màu hột gà, mang kính trắng gọng vàng rất ‘oai phong' là...  tướng Bảy Viễn, thủ lãnh của Bình Xuyên!

Rồi đến năm 1963, mùng Một, tháng Mười Một, quân đội đảo chánh Tổng thống Ngô Ðình Diệm! Lính Dù đóng đầy trong dãy nhà chứa xe đạp của học trò, ngang hông trường. Bọn học trò tụi tui đành phải nghỉ học để chờ trời yên bể lặng.

Cuối cùng năm 1975, tượng ông Petrus Ký bị mang đi! Hổng biết ổng có bị đem đi nấu đồng chảy ra để bán ve chai không nữa? Chết đã lâu mà cũng không được yên, còn bị đuổi nhà?!

o O o

Nhiều sử gia miền Bắc coi bộ không khoái gì về ông Petrus Ký. Mấy thằng chả phán rằng: "Về mặt văn hóa, Petrus Ký có công; về mặt chính trị ông có tội (?!)''

Tội đã đào tạo ra đám thông ngôn bản xứ phục vụ cho chính sách xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp. Cứ nhìn hàng huân chương ông đeo trên ngực được chính phủ thực dân ban tặng thì đủ biết cái tội "làm tay sai cho giặc" lớn ngần nào (?!)."

Nhưng bà con đất Sài Thành cự lại là: Petrus Ký là một danh nhân văn hóa: "Ngát tỏa trời Tây danh thông thái. Thơm hồn Nước Việt rạng non sông"

Các cố đạo người Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha và Pháp đã phiên âm tiếng Việt  bằng cách dùng mẫu tự tiếng  La Tinh để dễ giảng đạo. Từ đấy, Việt ngữ, dễ học hơn nhiều so với chữ Hán hoặc chữ Nôm...Rồi Petrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của có công rất lớn trong việc phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ để tiếng Việt mình mới có được ngày hôm nay.

Còn những cái huân chương? Không hẳn là phải giúp Pháp đô hộ thì mới có huân chương. Mà viết sách, nghiên cứu khoa học vẫn được chính quyền đô hộ bấy giờ tặng huân chương!

Dân Sài Gòn và cả nước, ai ai cũng kính trọng nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký. Mỗi người yêu nước đều có quyền đóng góp cho đất nước một cách khác nhau chớ!

o O o

Ôi trường ta tang thương! Theo vận nước nhiễu nhương! Học trò năm cũ giờ đâu cả? Ðã dạt về đâu mấy nẻo đường! Tui nhớ trường Petrus Ký không những lớn mà còn bề thế! Cổng trường bằng gạch rất đồ sộ, cao độ 4 mét. Trên có ghi hai câu đối của Giáo sư dạy Hán văn Ưng Thiều: ‘Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt. Tây Âu khoa học yếu minh tâm!" Trên đầu hai cột có tấm biển tên được đắp nổi: ‘Trường Trung Học Petrus Ký'. (Chắc quý Thầy sợ đề Petrus Trương Vĩnh Ký dài quá, chữ nhỏ rí hay chăng? Nhưng hiệu đoàn may dính vào túi áo thì đề P. Trương Vĩnh Ký(le lói nhe); mãi tới năm tui học đệ ngũ mới thay bằng miến mica nền xanh chữ trắng). Qua khỏi cổng là một sân có trải đá xanh cán nhỏ, có hai cây điệp rất lớn, vào mùa Hè (cũng là mùa thi) trổ bông vàng rực rỡ.

dxt_petrusKy_Statue.jpg

Ngay chính giữa là Hành lang Danh dự, dài và rộng, lót gạch bông. Qua hành lang này, xuống tam cấp, là sân trường hình vuông vức. Chính giữa sân là tượng Petrus Trương Vĩnh Ký, mặc quốc phục, áo dài khăn đóng, trên ngực trái có đeo một dãy huân chương.

Hai dãy nhà lầu hai tầng hai bên làm lớp học. Cuối dãy bên tay phải, qua một hành lang nhỏ mới vào được lớp, lớp Ðệ thất 5, niên khóa 1963, của tui đó. Ðối xứng dãy bên kia có một cái phòng y hệt vậy là phòng Giám thị, nơi mà các Thầy đứng đó nhìn lũ học trò từ nhà chứa xe đạp qua hàng sao đi vào.

Kỷ luật của trường Petrus Ký phải nói là nghiêm khắc không thua gì trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt! Học trò Petrus Ký phải mặc đồng phục: quần dài màu xanh dương đậm, áo sơ mi trắng tay ngắn! Áo phải bỏ vào trong quần. Ðứa nào tóc dài, mang dép Nhựt, không đeo hiệu đoàn trên túi áo sẽ bị bắt lại để Thầy Giám thị cho cái cấm túc (consigne).

Trước khi vào lớp, học sinh phải xếp hàng đôi ngay trước lớp. Khi giáo sư đến  cho phép thì học sinh mới được vào. Ði ngang thầy cô đứng là phải cúi đầu chào. Vô lớp xong, vẫn đứng nghiêm, chờ thầy hay cô cho phép rồi mới được ngồi xuống!

Mỗi khi không thuộc bài, trò được quý thầy cô cho hai cái trứng vịt, hai con số không và đóng khung lại (zéros encadrés) thì đương nhiên đó là cấm túc. Bị cấm túc cũng không ngán bằng đưa cái giấy báo cho Tía mình. Ðọc được bảo đảm mình sẽ biết điểm sôi nó nóng như thế nào. Nên mấy thằng bạn quậy của tui đâu dám đưa cho Tía nó vì sợ ăn roi mây! Ðành muối mặt nhờ Bà Tư hàng xóm ký thay vậy.

Suốt cả đời đi học chưa được lên bảng danh dự lần nào mà cũng chưa hề bị cấm túc hoặc phải ra Hội đồng Kỷ luật của nhà trường vì đánh bạn học u đầu chẳng hạn; vì tui là một thằng chết nhát!

Cái lạ là: Ra đời, những thằng bạn góc cạnh, chọc trời khuấy nước, bán trời không mời thiên lôi thuở còn đi học, coi chuyện bị cấm túc là chuyện thường ngày ở huyện thì lại thành công (?); thành đại gia ‘chơi' với người mẫu không hè?! Ðứa học giỏi thì làm bác sĩ, kỹ sư! Nhưng so với bọn bạn học chọc trời khuấy nước thì lại chẳng nhằm nhò gì.

Còn tui thuộc cái đám đông thầm lặng, giỏi không ra giỏi, dở không ra dở. Trong lớp 55 đứa lúc nào cũng hạng trung bình từ 30 đổ xuống thì ra đời cũng ‘èng èng' như thời đi học vậy thôi! Hu hu!

Tuy nhiên nhờ kỷ luật nghiêm khắc và chặt chẽ này cộng với thầy cô trường Petrus Ký rất uyên thâm lại tận tâm nên học trò đi thi cái gì cũng ăn trùm thiên hạ. Trường cử 5, 6 con gà chọi đi thi ‘Ðố vui Ðể học' trên đài truyền hình số 9 do thầy Cao Thanh Tùng phụ trách, lần nào cũng chiến thắng vẻ vang, sát nút, trước trường Chu Văn An. Dù học trò trường ‘Chết Vì Ăn' cũng không hề kém cạnh!

Còn đi thi Tú tài Một, Tú tài Hai là đậu gần hết lớp! Ưu, Bình là chuyện bình thường. Xoàng xoàng là Bình Thứ hay Thứ thì im thin thít hổng dám khoe vì sợ bị quê.

o O o

Muốn vào học Petrus Ký phải qua kỳ thi tuyển rất gay go. Cả 4,5 ngàn sĩ tử, đậu chưa tới 500, một chọi mười, chen vào 8 lớp đệ thất! Danh sách đậu được đăng trên trang nhứt của nhựt báo Thần Chung, là một vinh dự lớn lao biết sao mà kể.

Sau nầy xa quê, lâu lâu có những bực thức giả là Giáo sư Tiến sĩ gì gì đó vốn là đồng môn trước cả chục, hai chục năm đi du thuyết, là tui mon men tới: "Tui cũng là dân Petrus Ký nè anh!" Ðể thấy sang bắt quàng trường cũ! Thiệt là tệ hơn vợ thằng Đậu. He he!

 

Đoàn Xuân Thu.

Melbourne 

 

________________________________________________________________________ 

Bếp lửa chiều hôm chợt tắt rồi!

 

Đi bất cứ đường phố nào ở Hà Nội, thiên hạ cũng tìm thấy ít nhứt là một, hai tiệm Phở. Chính vì thế mà cựu Tổng thống Mỹ, Bill Clinton, khi đến thăm Việt Nam để đi ăn Phở... tại Sài Gòn (?!)

Bill Clinton, một Tổng Thống Mỹ tài hoa và đào hoa; vì biết thổi kèn ‘saxophone' cùng em thực tập sinh Monica Lewinsky trong Tòa Bạch Ốc.

Nên thiên hạ cười khè khè bảo Bill Clinton đã chán cơm nên thèm Phở (?!)

Dĩ nhiên Bill Clinton (cũng do bọn cố vấn không phụ đề  cho ngài cưu Tổng thống  hiểu cái thành ngữ nầy) nên ông mới vô tư lự xơi Phở tại Sài Gòn.

Còn Tổng thống Barack Obama 6 tháng trước khi mãn nhiệm đã đến Hà Nội cho cá ăn, rồi không thèm ăn Phở mà đi ăn Bún Chả

(Thiên hạ lại cười khè khè, chê mấy bọn cố vấn bên Bộ Ngoại giao Mỹ không biết cái khỉ mốc gì hết về văn hóa ẩm thực, văn hóa chùa chiền của nước Việt Nam mình), nên khi vô Sài Gòn, ông lại đi thăm chùa ‘Tàu' ở Đa Kao.

Chùa Tàu nầy xưa giờ dành cho các chú Ba đến cầu tự nên bà con mình lại đặt cái dấu hỏi to tổ bố là Barack Obama vốn đã có hai đứa con gái rồi nên giờ đến cầu tự để có thêm một thằng cu con mà nối dõi tông đường!

Nếu Michelle Obama đã nằm hai lửa rồi ngán quá, ớn quá! "Thôi em chả..." thì để Beyoncé (đã từng hát quốc ca trong lễ nhậm chức Tổng thống của Obama năm 2013) thay thế cũng đặng! He he!

***

Nói nào ngay vốn là dân miền Nam, tui chỉ biết ăn Phở Bắc; chớ còn Bún Chả thiệt chưa nếm thử lần nào. Vậy là khi Footscray nầy mới mở một tiệm bán Bún Chả thì mấy thằng bạn nhậu dắt người viết đến để xơi thử coi nó ra làm sao mà Tổng thống Obama phải cất công bay gần cả hàng chục tiếng đồng hồ trên chiếc ‘Air Force One' đến để ăn.

Té ra nó chỉ là thịt heo, nướng trên lửa than, ăn với bún và hầm bà lằng các loại rau sống, trong một cái tô, rồi chan ngập nước mắm chua ngọt vậy thôi.

Chắc còn lâu món Bún Chả nầy mới soán được ngôi vị của món Phở đang danh trấn giang hồ bấy lâu, kể cả trong nước và theo chân đồng bào mình ra hải ngoại.

Mỹ nó cũng biết vậy nên viết là: "Bun cha is NOT a national dish" (Bún Chả không phải là món ăn quốc hồn, quốc túy của người Việt).

Nhưng nó nổi lên vì được Tổng thống Mỹ Barack Obama ghé quán Hương Liên, trong khu Phố cổ Hà Nội, leo lên lầu hai, cầm đũa đàng hoàng, ngồi trên ghế nhựa, xơi bún chả và uống beer với nhà đầu bếp trứ danh của Mỹ là Anthony Bourdain.

Ngày hôm sau, nhà hàng bèn đem hai cái tô, hai chai bia đã cạn nhốt vào trong tủ kính để chưng bày, quảng cáo mà câu khách.

***

Người ‘xúi' và thu xếp cho Obama ăn bún chả Hà Nội là Anthony Bourdain, một đầu bếp trứ danh, đang là chủ xị một cái show truyền hình ẩm thực nổi tiếng cho tập đoàn truyền thông CNN, phát trong giờ có nhiều người Mỹ xem truyền hình nhứt vào mỗi tối.

Chuẩn bị quay hình một show về ẩm thực, ăn nhậu với trùm đế quốc Mỹ, Tổng thống Obama, người quyền lực nhứt thế giới, nên đâu phải là một điều ‘đơn giản' như ‘đang giởn'.

Anthony Bourdain nói chả có ‘chánh trị chánh em' chen vô gì ở đây. Chọn Việt Nam, chẳng qua là vì ông đã đến, đã phải lòng và yêu nước Việt Nam cực kỳ xinh đẹp nầy. Yêu vì có bè bạn, có những món ăn ngon; có những nhà hàng hiếu khách.

Rồi Anthony Bourdain nói thêm: "Tôi sẽ không phỏng vấn Tổng thống về bất cứ vấn đề đối ngoại nào; vì lẽ dễ hiểu tôi không phải là một nhà báo, một chuyên gia về ngoại giao.

Tôi chỉ muốn cư xử với ông như là một người bạn thiết. Tôi cũng biết Obama thời niên thiếu đã từng sống ở Indonesia chắc thích ăn một tô mì thịt heo cay nồng rồi uống một chai beer lạnh."

(Tui e rằng: Anthony Bourdain đoán trớt quớt, trật lất vì Obama thời niên thiếu có ở Indonesia thiệt; nhưng đó là một nước có nhiều người theo Hồi giáo nhứt trên thế giới thì làm gì có mì nấu với thịt heo để mà xơi chớ?

Mặt khác, đồng ý xơi bún chả thịt heo nướng vỉ than, cũng cho mình biết Obama, Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ không phải là người Hồi Giáo rất kỵ, không bao giờ xơi thịt heo như những người ủng hộ ‘me xừ' Donald Trump đã từng chụp mũ.)

Anthony Bourdain cho rằng Tổng thống Mỹ đã dự biết bao là quốc yến, ăn biết bao là món ngon vật lạ, quốc hồn quốc túy trên thế giới. Dắt Tổng thống đi ăn một món bình dân, có vẻ bụi đời, trên một lầu hai của một cái nhà hàng nho nhỏ, trên con đường không có gì to to, thuộc khu phố cổ Hà Nội một cái chơi lại là một ý kiến lạ và hay!

"Tổng thống cầm đũa gấp miếng chả hỏi: "Ăn làm sao đây?" "Thì đút vô miệng nhai ngồm ngoàm cũng được mà. Nuốt xong, chiêu thêm một ngụm beer!"

Tổng thống Barack Obama vui tính hay cười khi tôi hỏi ông ấy có nhớ ngày xưa đi quán nhậu, ngồi một mình, với một chai beer lạnh, nghe bài hát phát ra từ một chiếc máy hát cũ hay không?"

"Chỉ khoảng 6 tháng nữa thôi" (Nghĩa là cuối năm 2016, chấm dứt hai nhiệm kỳ 4 năm liên tiếp làm Tổng thống; ông sẽ về làm dân.)

Tui e rằng Tổng thống Barack Obama chỉ mơ thôi. Lên tới tuyệt đỉnh quyền lực giờ leo xuống, muốn sống như thường dân, cũng đâu có được hè. Đi đâu nhậu cũng có mật vụ kè kè theo bảo vệ là mất hứng rồi.

Cho nên thiên hạ nói: "Càng cao danh vọng càng dầy gian nan là vậy đó".

***

anthonyBourdain.jpg

Anthony Bourdain, sinh năm 1957, tại thành phố New York. Ông từng sống những năm tháng 20 tuổi ngập trong rượu và ma túy. Vượt lên trên những năm tháng sa ngã, ông tốt nghiệp Học viện Ẩm thực Mỹ năm 1978; rồi làm bếp trưởng tại nhiều nhà hàng, khách sạn lớn.

Bourdain viết cuốn sách ẩm thực đầu tiên là ‘Kitchen Confidential' (Bí mật căn bếp), bất ngờ đưa ông lên đài danh vọng! "Tôi viết mà chẳng kỳ vọng về việc liệu có ai mua nó không và người ta sẽ nghĩ gì... Có gì đâu mà quan trọng hóa. Cứ viết thật chân thực thôi."

"Tôi đáng lẽ đã chết khi mới ngoài 20 tuổi. Thế rồi tôi thành công ở tuổi 40. Tôi làm cha ở tuổi 50. Những gì đã trải qua khiến tôi cảm thấy như thể mình đã đánh cắp một chiếc xe hơi, một chiếc xe thật đẹp, tôi lên xe và kể từ đó, tôi chỉ nhìn lại quá khứ từ gương chiếu hậu".

Thành công nối tiếp thành công, biến ông thành một người dẫn chương trình truyền hình ẩm thực của tập đoàn truyền thông CNN, ăn khách nhứt trên thế giới.

Danh vọng và giàu có nhờ tài nấu bếp, nhân sinh quan sống sâu sắc... làm vua biết mặt; chúa biết tên đã đột ngột từ bỏ thế gian nầy bằng một sợi dây choàng áo ngủ. Anthony Bourdain thắt cổ tự vận trong một khách sạn ở Pháp, vào sáng thứ Sáu, ngày 8, tháng Sáu, năm 2017 khiến những người yêu mến ông,  trên toàn thế giới bàng hoàng thương tiếc

Người ta gọi Anthony Bourdain là ‘The Elvis of bad boy chefs' để so sánh ngang tầm với vua nhạc Rock Elvis Presley, (Cùng chung số phần...đột tử khi đang trên đỉnh vinh quang!)

***

Nhiều năm qua, Anthony đã đi khắp hang cùng ngỏ hẻm trên toàn thế giới để ăn những món địa phương với đủ loại người chống đối nhau: những người ủng hộ nhóm khủng bố Hezbollah hay những người Palestine hoặc Do Thái (vốn đã thù địch bắn giết lẫn nhau xưa giờ).

Anthony Bourdain đã đến, không để khuyên răn hòa giải gì ráo mà chỉ để ngồi ăn rồi hỏi những câu đơn giản: "Điều gì làm bạn hạnh phúc? Bạn muốn ăn gì? Và Bạn muốn nấu món gì?" (What makes you happy? What do you eat? What do you like to cook?) Cho tôi ăn với!

Chính kiến khác nhau, căm thù lẫn nhau, muốn giết lẫn nhau nhưng đứa nào cũng muốn phải ăn hết ráo. Bạn muốn xơi, muốn ngồi chơi, thì hai đứa mình sẽ vừa chơi; vừa xơi vậy!

***

Nghe tin Anthony Bourdain tự kết liễu đời mình người viết thật là buồn bã. Buồn như mình nhìn vào một ngọn bếp chiều hôm, tối qua còn vương lên ánh lửa, Anthony Bourdain lui cui nấu một món gì của nước nào đó cũng được, rồi cả bọn chúng ta: da trắng, đen, vàng, đỏ, hè nhau dọn lên bàn, muỗng nĩa, chén đũa... kể cả ăn bốc, xúm xít vào...Ai cũng được ăn, được uống, được cười vui. Ngồi với nhau, ăn nhậu với nhau là thời khắc thiêng liêng; vì súng ngừng nổ; bom ngừng rơi và người ngừng giết người!

Buồn thay! Bếp lửa đó, chiều hôm chợt tắt rồi! Vì người đầu bếp tài hoa đó, Anthony Bourdain, đã tự mình làm dang dở cuộc chơi, để biến vào cõi hư vô!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

Hồn cố thổ!

dxt_honcotho.jpg 

 Tết nào cũng vậy, tệ nạn cờ bạc nó rộ lên như nấm mối gặp mưa. Sòng bầu cua, sòng tài xỉu ngoài xóm. Đang ăn, nhà cái chưa kịp chung tiền, ai đó hô ‘lính tới' cả bọn chạy thục mạng. Sau mới biết tụi nó chơi đểu, ăn vùa thua giựt. Thiệt là tức trào máu họng

Còn bài xấu, cái đầu sù sụ con mắt trỏm lơ, mình đi phất phơ như con chó đói. Do đó lỡ binh xập xám, ba phé ba nơi hoài, đầu hôm xao xác bạc tốt như tiên, đến khuya không tiền bạc như chim cú.

Theo tui thì Tết đừng đánh bài là hay hơn hết. Lỡ mình ăn mình vui; thì người thua cũng bà con lối xóm không hè, họ buồn... Mà Tết nhứt mà làm thiên hạ buồn thì lương tâm mình cũng kẹt... ‘phé'.

Cờ bạc là chuyện không nên chơi; thôi mình nói đến chuyện ăn Tết cho nó no, nó vui hơn.

Tết là mứt bí, mứt dừa, mứt me, mứt mãng cầu, mứt gừng, kẹo chuối, chuối khô, ...để quý bà uống trà rồi đàm đạo trong những ngày xuân.

Quý anh sui thì đem cái nhạo rượu nếp rót vô ly hột mít, sùi bọt tăm, thơm lừng mùi nếp; gắp miếng củ kiệu tôm khô, đưa vô mồm nhai ngồm ngoàm, xong khà một tiếng.

Đó là sui gia đến nhà nhau chúc tết, nhâu chơi chút đỉnh để giao tình thương mến thương...Sương sương rồi dông qua chúc Tết bà con lối xóm, đủ mặt văn võ bá quan không sót đứa nào, kẻo nó vạc miểng chén, miểng sành, rủa sả: "Giàu hổng bao nhiêu mà làm bày đặt làm phách!"

Cái vụ đi xông đất nầy tui hổng ham rồi vì rất ngại chủ nhà tin dị đoan, kiêng cử cái nầy cái nọ.  Anh Phát, Chú Tài mới đặng. Chớ anh Tài đang ngồi với lai rai với chủ mà ỷ mình tên "Quan' (chớ không phải lính) lọ mọ bước vào thì bà chủ nhà sẽ lấy cái chỗi chà để mà rượt ‘Quan Tài' đầu năm chạy xịt khói.

Tên Quan cứ ở nhà làm ‘quan', nhậu với em yêu là ‘phẻ' nhứt hạng. Ôi thôi lủ khủ, hầm bà lằng, bao nhiêu món ngon ngày Tết sợ ăn tới ra Giêng còn chưa hết.

Món ăn ngày Tết của bà con mình ba miền Bắc, Trung, Nam coi vậy cũng khá khác nhau. Tết thay vì ăn cơm thì người Bắc ăn xôi gấc có màu đỏ cho nó hên. (Rồi có câu ‘đen bạc đỏ tình'. Quánh bài thua là dê được gái. Cái nầy coi bộ khó tin nhe. Thua sạch bóc, không còn một xu dính túi, áo vũ cơ hàn, lại thả dê ra, tui e rằng em nào cũng bĩu môi chê hết ráo.)

Nói chuyện phong tục ngày Tết mấy nhà văn, biên khảo quê mình ‘phét' nghe rất ‘bốc'. Chẳng hạn như trên bàn thờ, cúng trái cây phải có trái dừa, trái đu đủ, trái mảng cầu và trái xoài thì quý thức giả nầy phán rằng: "Sỡ dĩ có 4 loại trái nầy là vì bà con miệt Lục tỉnh quê mình tin dị đoan chưng trái cây cúng ông bà tiên tổ với lời ước nguyện là năm mới ‘cầu vừa đủ xài'. (Phải vậy hông?)

Chớ theo ngu ý của tui, Tết tới, mùa trái cây đang chín rộ, thơm ngon thì mình cúng ông bà trước để nhớ ơn người xưa đi mở đất, xong người nay rinh xuống ăn, đâu còn y nguyên đấy chớ ông bà vốn thảo ăn chỉ hưởng cái hương hoa thôi.

Rồi các bực thứ giả nầy tán hưu tán vượn, nói bà con mình tin dị đoan vì chịu ảnh hưởng của mấy chú Ba trong quận Năm, Chợ Lớn.

Tết, chú Ba người Quảng Đông, ăn tôm vì tôm là ‘há', đồng âm với "hí há tài xiu", là cười to ha hả trong nhà suốt tháng quanh năm.

Rồi ăn thịt heo, tức là ‘trư', đồng âm với ‘châu', ý là "châu long nhập thủy', châu báu tràn vào nhà như nước. Rồi ăn cải xà lách là ‘phát soi', đồng âm với ‘phát tài'.

Còn chú Ba, người Triều Châu, ăn bánh tổ là ‘niên cao', mang ý nghĩa là ước mong cho năm mới, gia chủ được may mắn, phát tài, năm mới sẽ tốt hơn năm cũ.

Rồi chè ‘ỉ' là viên nếp nhỏ, tròn, không nhưn, được nấu chung với nước đường và gừng, khi ăn rắc thêm muối mè. "Ỉ" nghĩa là "viên", "tròn". Ăn chè ‘ỉ' với mong muốn gia đình sẽ luôn được đoàn viên. (Phải vậy hông?)

***

Cứ mỗi độ xuân về, miền Bắc hoa đào nở rộ, miền Nam mai vàng đua sắc thắm nên có bực thức giả phán như thánh rằng: "Chưng mai vàng vào dịp Tết vì sẽ đem đến may mắn". (Phải vậy hông?)

Có ông còn đi xa hơn (tui e rằng ổng đi lạc) cắt nghĩa trong mâm cơm ngày Tết của dân Lục tỉnh Nam kỳ bao giờ cũng có canh khổ qua dồn thịt, vì ăn khổ qua là mong muốn cái khổ sẽ qua đi.

Nhưng 44 năm, từ khi mất miền Nam, khổ qua đâu không thấy mà khổ nầy qua thì khổ khác tới, khổ dài dài hè; nên bà con mình Tết nào cũng lại tiếp tục ăn khổ qua.

Dân vưỡn, miệt vườn như tui, gọi khổ qua là ‘hủ qua', không có sướng khổ gì ở đây hết ráo, (người Bắc gọi là mướp đắng cũng nó đó). Hổng lẽ ăn mướp đắng dồn thịt heo bằm nhuyễn với bún tàu, nấm mèo thì mong đời mình sẽ đắng nghét như trái mướp đắng hay sao?

Ca dao cũng có câu: "Đói lòng ăn trái khổ qua. Nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười."

Khổ qua, ăn sống, nó đắng nghét như thuốc Tetracycline; nhưng dưới tài nghệ ‘cook, cook' của em yêu, trái khổ qua bào mỏng, bóp muối cho bớt đắng, làm gỏi thịt bò cho chàng ăn và uống với beer. Quá đã!

Phần đói ăn rau đau uống thuốc nên mấy ông thầy thuốc Nam có cắt nghĩa vầy thuyết phục được tui nè. Trái khổ qua ăn mát, giải nhiệt trong cái nóng ẩm ngày tết miền Nam, loại cholesterol (mỡ xấu trong máu), ăn với thịt kho hột vịt không bao giờ ngán ngược.

Tui cho rằng bà con mình ăn Tết món gì là theo kinh nghiệm mấy ngàn năm ăn uống của ông bà mình truyền lại. Nên nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa ra cái định đề về nghệ thuật ăn là mùa nào thức nấy, trong bài Cảnh Nhàn "...Thu ăn măng trúc, đông ăn giá. Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao..."

Em yêu đã chỉ dạy tui một cách có lý rằng: ăn Tết không dị đoan gì hết ráo. Đừng nghe những nhà văn, nhà báo tán láo. Một mâm cơm ngày Tết ngon là phải có cay, chua, ngọt, bùi, đắng mới làm đã cái lưỡi của mình.

Nhà nào Tết cũng có nồi thịt kho hột vịt sắc cầm hòa hiệp với tô canh khổ qua hầm. Món mặn và món canh nầy nầy nó hợp rơ hết biết, như tình anh với em, chớ không phải ăn khổ qua để cầu mong cái khổ nó qua đâu (?!)

Nhắc tới món thịt kho, không cần tới Tết mới ăn mà giỗ chạp hay ngay cả ngày thường cũng có. Em nào trước khi về nâng khăn móc túi anh yêu cũng được má dạy cho cách kho thịt nên rành sáu câu vọng cổ.

Thịt heo tươi, mua về rửa sạch bằng nước muối, cắt miếng vừa ăn có đầy đủ da, thịt và một lớp mở mỏng ở giữa. Ướp với nước mắm nhỉ, đường, bột ngọt, tỏi băm...Thêm một ít ớt sừng trâu chín đỏ. Hột vịt to đùng, lòng đỏ mới nhiều, luộc xong, lột vỏ. Nồi thịt màu cánh kiến, ớt đỏ sừng trâu, chén cơm trắng, dĩa cũ kiệu hay cãi làm dưa. Bảo đảm ăn hết nồi thịt kho, cây kim trên cái cân sẽ vụt cái rét, gãy làm hai vì cái thân bồ tượng của mình sau ba bữa Tết, nếu mình không ăn canh khổ qua để nó làm tan bớt mỡ.

***

Lại nhớ khoảng năm 65, 66 gì đó, thế kỷ trước, hồi tui nhỏ chút éc hè, Má tui kho nồi thịt không phải với hột vịt mà là trứng cút để giúp đồng bào mình qua cơn hoạn nạn.

Chẳng qua dân nghèo thành thị Sài Gòn bị lọt vào bẩy của mấy tay trùm tài phiệt Chợ Lớn cấu kết cùng bè đảng tuốt bên Hương Cảng để xí gạt dân mình. Đó là phong trào nuôi chim cút.

Cái mồi câu bằng cách mướn báo chí rầm rộ đăng tin trứng cút lên giá hàng ngày còn mắc hơn trứng gà, trứng vịt. Có bao nhiêu ‘bao tiêu' hết bấy nhiêu nên đừng có lo nhe. Cứ mua cút giống về nuôi đi. Cút giống chừng hai tháng là bắt đầu đẻ ngày một trứng, kéo dài đến 9 tháng.

Sau hết đẻ trứng, cút đem ra bán thịt. Rồi lại mua cút giống về gầy đàn mới.

Trứng cút đem bán cho ông chủ tiệm chạp phô người Tàu, cười hè hè nói trứng cút bán chạy lắm, có bao nhiêu nị mang đến đây ngộ bao hết cho.

Trứng cút ăn với muối tiêu như trứng hột vịt lộn đều bổ, cường dương (chắc như viên màu xanh huyền diệu ‘Viagra' bây giờ vậy). Thịt cút rô ti, chiên bơ lót dưới dĩa là cà tô mát đỏ xắt lát với cải xà lách, cút chấm muối tiêu nhậu với beer 33 là một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm.

Cái thủ đoạn tinh vi, thâm độc nầy bơm giá chim cút giống phình từng ngày một. Cút giống từ 5,000 đồng một cặp cút giống bằng gần 20 đô la bấy giờ, tăng lên gấp đôi 10 ngàn, rồi tăng lên gấp 15 ngàn đồng một cặp.

Người dân Sài Gòn thuở ấy nghèo nhưng lương thiện nhắm mắt, nhắm mũi có bao nhiêu tiền để dành, cũng xuất ra mua cút giống về nuôi.

Sau khi đã hốt được hàng chục triệu đô la của dân nghèo, bọn đầu cơ Chợ Lớn cùng đám đại xì thẩu Hong Kong dông mất. Trứng cút, thịt cút ê hề, ế nhệ rớt giá từng ngày nhưng vẫn ít người mua vì dội chợ.

Bà con mình ngơ ngác hổng biết đứa nào cầm đầu mà chơi quá ác, không để đức gì lại cho con cháu hết trơn?

Thôi thì bị xí gạt, bà con mình xúm lại giúp đỡ nhau qua cơn hoạn nạn. Trứng cút được làm nhân bánh bao, thay trứng vịt như bánh bao bà Cả Cần chẳng hạn.

Còn đứa nào làm ác, gạt tiền mồ hôi nước mắt của dân nghèo thì để bà bắt nó.

***

Mấy chú Ba Chợ Lớn, dân buôn bán, thường dán câu đối liễn giấy đỏ chữ vàng,

như: ‘Tân xuân đại cát. Nhất bổn vạn lợi'. Một đồng vốn bỏ ra mà kiếm được tới 10 ngàn đồng lời thì nằm mơ cũng không có. Nếu có, chỉ bằng cách đầu cơ như phong trào nuôi chim cút. Nhưng làm ăn như vậy thất đức lắm nhe.

Cuối năm, quê người, em yêu cũng nấu canh khổ qua rồi kho một nồi thịt bự ế kinh, nhưng tui thấy vẫn còn thiêu thiếu. Ước chi có được một nồi thịt kho hột vịt do Má tui nấu như ngày xưa cũ mang cái hồn cổ thổ cho tui lúc sống xa quê.

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

 

  THẦY CÒN NHỚ EM KHÔNG?! 

        DXT_Thayconnhoemkhong_caukhi.jpg

Từ cái thuở đứt phim, mà tui gọi là thuở đứng hình, vết thương vẫn còn rỉ máu. Buồn nào hơn đêm nay, lau lệ mình ên! tui tí toáy làm thơ:         

 "Em còn có mẹ già bên đó!/ tiếng thơ buồn như tiếng thở than !

anh đọc thấy : " ...hai hàng lụy nhỏ...có mẹ già biết bỏ cho ai ?!"*

"Anh cũng có mẹ già bên đó! mẹ anh đã nằm dưới mộ sâu.

Cỏ trên mồ chắc xanh thương nhớ/mẹ chắc nhớ anh, nhớ để rầu.

Hai lăm tháng chạp về tảo mộ/hẹn lần, hẹn lửa, hẹn năm sau.

Năm nào cũng vậy, tiền không có/không tiền, không có vé máy bay!

Ngày khánh tận mà anh khánh kiệt/chỉ biết tàng xe đến phi trường.

"Ai về xứ Việt, quê hương đó/cho ké, dùm tôi, nỗi đoạn trường!"

Nỗi đoạn trường, áng chừng em khóc/vẫn còn ai đó vỗ về em,

ai đó làm em không khóc nữa/nỗi buồn nhớ mẹ, chắc rồi quên.

Anh nhớ mẹ, rồi anh cũng khóc/ Melbourne buồn, anh lau lệ mình ên!

 

Cách đây mấy bữa trên Facebook, có một em từ bên Little Saigon, Orange County. Quận Cam bên Mỹ gọi qua, xưng tên là ‘Chi Lan', tức cành hoa lan trắng, rồi hỏi: "Thầy còn nhớ em không?"

Ủa tui đã ‘giã' trường xưa theo tiếng gọi lên đường, vượt biên tìm tự do mấy chục năm nay; đã rời xa phấn bảng quá xá là lâu mà đột nhiên bây giờ lại có người gợi nhớ cái thuở ‘giáo chức, dứt cháo'; ‘thầy giáo tháo giày' đi chân đất vậy cà?

Nói nào ngay, em học trò năm cũ nầy, phải kể thêm một vài kỷ niệm nào đó, tui mới nhớ được. Chẳng hạn như Thầy đã từng đến nhậu với Tía em, ăn gỏi khô cá sặc với xoài thanh ca; ăn canh chua bông sua đũa do chính tay chị em nấu là tui nhớ liền hè.

Chớ vài ngàn em mà đứa nào mình cũng nói nhớ hết ráo là mình nói láo. Nói láo với ai còn có thể châm chước được; chớ với học trò cũ gọi mình là ‘Thầy', dẫu mình đã nghỉ dạy lâu, thì đâu có được hè!

"Nhà em ở Cù lao Quốc Gia đó!" Nghe tới Cù lao Quốc Gia là kỷ niệm ngày xưa ta bé ta vui... lại hiện về... để giờ xa quê lại buồn trong kỷ niệm.

Cù lao, cái địa danh hồi xưa bà con mình xài hà rầm. Như Cù lao Ông Chưởng, (Bao phen quạ nói với diều/ Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm), Cù lao Rồng, Cù lao An Hóa, Cù lao Bảo, Cù lao Minh trên sông Tiền. Còn trên sông Hậu là Cù lao Dung và biết bao cơ man Cù lao khác.

Bà con mình ai cũng biết dòng sông Mekong phát xuất từ chỗ cao thiệt là cao, trên Cao nguyên Tây Tạng vượt qua qua biết bao nhiêu gềnh thác. Cuối cùng bình độ của dòng sông gần ngang bằng mực nước biển; nước sông phải rề rề chậm lại; kết quả bùn lắng tụ lâu ngày, gom lại nổi lên ở giữa sông. Đất ấy bà con mình gọi là đất Cù lao.

Bây giờ thiên hạ ít xài chữ Cù lao như hồi xưa mà chỉ xài chữ cồn không hè.

Còn cái tên Quốc Gia là vầy: Hồi thời chiến tranh, chia làm hai phe: phe nó là Việt Cộng; phe mình là Quốc Gia.

Cù lao Quốc Gia rõ ràng là của phe mình rất an ninh. Không phải là vùng xôi đậu, ngày Quốc Gia đêm VC. Ban ngày trốn, ngủ hay nhậu trong hầm, tối bò ra bắn cắc bùm phá đám lương dân.

Nếu cả miền Nam mình không có cái bọn ‘cà khịa' theo CS nầy, thì đất nước thanh bình, dân tình chí thú mần ăn, ắt là dễ thở, phẻ re!

Cái Cù lao Quốc Gia nầy nhỏ chút tẳn hơn 1000 mẫu lại bốn bề sông nước nên VC không dám bò về vì sợ lính hành quân, hổng biết chạy đi đâu để chém vè. Lỡ bị lính rượt, hổng lẽ nhẩy cái tùm lội xuống sông thì Hà Bá nó rước.

Cách đây khoảng 150 năm lúc đầu, mặt cồn rất thấp, chỉ toàn bãi bùn, cỏ dại, dây leo, một số loài cây tạp, cây bần cùng thú hoang và chim muông sinh sống.

Vào cuối thể kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu cai quản, đặt tên là cồn Công Điền (tức vùng đất công), thuộc địa phận làng Kế Sách, tổng Định Khánh, tỉnh Sóc Trăng.

Đến 50 của thế kỷ XX, phù sa tiếp tục bồi lắng và nổi lên một vạt cồn mới, cặp sát đuôi cồn Công Điền, cách nhau bởi con rạch nhỏ, người dân gọi tên là Cồn Bùn.

Đầu cồn hướng về phía Cần Thơ, đuôi cồn hướng ra biển Đông, tiếp giáp với huyện Cù Lao Dung, cách đầu cù lao khoảng 1km, cách bờ biển Đông khoảng 40km, cách Sóc Trăng khoảng 25km.

Sau nầy VC kỵ chữ Quốc Gia, nên đổi tên thành cồn Mỹ Phước. Theo không ảnh, trên cao nhìn xuống, cồn có hình trái xoan với hai đầu thắt lại, đoạn giữa phình ra với chiều rộng trên 500m. dài khoảng 5km, được bao bọc bằng những thân đê vững chãi, và đường xá trên cồn đều đã được trải bê tông.

Vào khoảng năm 1946, những người đầu tiên đặt chân lên cồn khai phá đất hoang, bao bờ trồng rẫy trên đất cồn phì nhiêu màu mỡ trên khoảng 1020 hecta. Làm ăn khấm khá nên dân kéo đến khai hoang, sinh cơ, lập nghiệp ngày một đông hơn lên tới 400 gia đình khoảng 2000 ngàn người.

Từ việc trồng rẫy lúc ban đầu, bà con bắt đầu trồng thêm các loại cây ăn trái như: chuối, dừa, cam quýt, bưởi, rồi sau đó thêm xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, sa-pô-chê, mãng cầu, măng cụt. Rồi dùng ghe lớn chở trái cây lên chợ Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn bán đắt như tôm tươi.

Bà con mình xứ khác mà muốn đến Cù lao Quốc Gia nầy thăm mấy người đẹp miền sông nước chơi thì đi theo đường nào hè.

Có hai cách: đường lộ và đường sông. Đường lộ phát xuất từ Cần Thơ theo Quốc lộ 4 tới ngã ba An Trạch, quẹo trái chạy thêm 12 cây số là đến quận Kế Sách.

Từ Kế Sách đi thêm 10 cây số nữa đến xã Nhơn Mỹ, rồi đi phà qua sông là đến cồn Mỹ Phước.

Năm chục năm sau, từ Cần Thơ theo quốc lộ Nam Sông Hậu đi khoảng 40km đến Nhơn Mỹ, xuống phà khoảng 10 phút là đến cồn Mỹ Phước.

Còn đường sông, hồi xưa là tui xuống đò Ngọc Diệp ở bến Ninh Kiều theo dòng sông Hậu khoảng 50 cây số là đến cồn Mỹ Phước.

Ngồi trên mui đò trời nước bao la chừng 4 tiếng đồng hồ là anh về quê em để nhậu chơi với Tía của em.

 

***

Sau tháng Tư, năm 75, nhiều thầy giáo của phe mình rất là chịu chơi, chơi tới cùng, dứt áo ra đi mà không hề ngoảnh lại. Có phụ huynh hỏi thầy: "Bộ không được lưu dung hay sao mà Thầy bỏ nghề giáo?" "Không tôi tự nguyện! Tôi thà ‘mất dạy' để giữ cái tư cách nghề giáo của mình, chớ không chỉ vì cái đồng lương chết đói, tháng được 60 đồng, gạo 13 kí, thịt mỡ nửa ký... để bán rẻ cái lương tâm chức nghiệp của mình."

Nói nào ngay tui cũng muốn hành xử một cách anh hùng mã thượng như bậc đàn anh đáng kính nầy nhưng không được. Thầy còn có ruộng đất để về cày, còn tui một cục đất chọi chim cũng không... thì nghỉ dạy rồi mình biết về đâu, làm gì mà sống. Đành chịu nhục của người thất thế rán ‘đu' được ngày nào hay ngày đó.

Dẫu vậy nhưng đâu có được yên thân nhứt là mầy thầy giáo đã từng đi lính, là sĩ quan biệt phái hay mấy cô có chồng là Sĩ quan đang bị ở tù cải tạo...

Sinh viên đang học ở trường Luật hay văn Khoa gì đó bị lùa qua Sư Phạm học sáu tháng để về thay thế các thầy cô cũ.

Trong số nầy, tui biết chắc là sẽ tới phiên mình. Cho đến một hôm: Sáng bước vô trường, nghe bị đuổi/ về nhà lúi húi xếp hành trang/ bài thơ tình cũ... quần áo cũ/ hết thời dạy giáo... giờ lang thang.

Đến quán em quen, để trả tiền/ "anh bị đuổi rồi, cuốn nóp thôi"/ em buồn, con mắt rưng rưng nói/ "hia giáo bỏ đi... chợ chắc buồn."

Em hỏi làm sao anh bị đuổi?/ Vì anh là giáo ngụy em ơi! Chỉ vì tin bạn mà bạn phản/ bởi tại Lý Thông, bởi thói đời.

Tiệc tiễn hành anh, em thết đãi/ cá sặc rằn khô, xoài thanh ca rắc chút đường, thêm vài lát ớt/ "uống đã đời đi! lắm đắng cay."

Nửa khuya thức giấc đò Ngọc Diệp/ tình ta như chiếc lá xuôi dòng, "thức dậy đi anh... về cho kịp!/ Lỡ nhịp tình ta... sông cách sông.

Footscray cũng có khô cá sặc/ đầy dẫy, ê hề xoài thanh ca, cũng là món gỏi... nhưng không phải/ quay quắt chiều xưa tiệc tiễn hành.

Melbourne đất khách trời lưu lạc/ Kế Sách... quê mình nhớ biết bao,

Thương người con gái Tiều lai ấy/ ước gì mình gặp lại kiếp sau.

Sau ngần ấy năm tha hương, đêm nay đốt lò hương cũ, sao nhớ vô cùng cái món gỏi khô cá sặc của ngày xưa ấy.

Cá sặc là cá nước ngọt. Mùa nước nổi bắt ăn không hết bèn ướp nước muối làm khô. Khoái nhứt là nướng xé ra để ăn với cơm hơi nhão.

Nhưng gỏi khô cá sặc và xoài thanh ca là món nhậu dân dã không thể nào tìm thấy đâu bán trên toàn nước Úc.

Trái xoài thanh ca dài, đầu hơi cong, còn có tên là xoài mút (vì khi chín ăn chỉ cần lột vỏ và mút). Khô cá sặc vốn của nhà nghèo, của vùng quê xa ngai ngái. Cộng hưởng với trái xoài xanh, thêm hành tím, tỏi, ớt, ngò gai.

Nước trộn gỏi là nước mắm với đường, tỏi đập dập, ớt bỏ hạt, bằm nhỏ. Con khô cá sặc nướng trên bếp than đến khi vàng và thơm. Cá chín, gỡ lấy phần thịt, bỏ xương, xé ra từng miếng nhỏ. Ngò gai cắt sợi, trộn đều với xoài, cà rốt và hành. Bày gỏi lên đĩa, rắc khô cá sặc lên. Trộn đều rồi gắp một đũa đưa vô miệng nhai khẽ khàng, nhai nhẹ nhàng nhưng cũng nghe hai hàm răng rít lên rau ráu. Chơi thêm nửa hớp trong ly hột mít rượu nếp sủi bọt tăm em cất tại nhà. Thiệt là quá đã cái tâm can tì phế thận...

Vì biến loạn, phải bỏ xứ đi nhưng cũng như bà con mình, trên cái lưỡi vẫn mang theo cái vị quê hương; và trong tâm hồn cứ vấn vương hoài cái hồn cố thổ.

"Thầy còn nhớ em không? Nhớ nhiều quá xá đi chớ!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

    Viết Báo Xuân!

 dxt_tuoihoa.jpg

 

 Hồi thời VNCH mình, lúc tui mới vừa 14, 15 tuổi, tuổi đọc thông và viết thạo, khoảng chừng năm đệ ngũ là tui đã viết báo rồi đó nhe bà con.

Bài viết cũng được đăng trong các trang thiếu nhi (dĩ nhiên vì tui còn là con nít), tờ Thần Chung của ông Nam Đình, tờ Đuốc Nhà Nam của ông Trần Tấn Quốc, tờ Chánh Đạo của Đại đức Thích Hộ Giác, tờ Xây Dựng của Linh mục Nguyễn Quang Lãm hay tờ Công Luận của Thượng nghị sĩ, gốc nhà binh, Tôn Thất Đính. (Thực ra ông tướng nầy chỉ ra tiền làm báo để có tiếng tăm về chánh trị; chớ mọi chuyện là do nhà văn Duyên Anh ‘thầu' hết ráo).

Đăng đâu có cắc nào nhưng cũng khoái chí tử; vì hồi nhỏ đứa nào hổng ngu như vậy chớ?

Thân phụ tôi có thói quen đọc báo; nên xế trưa nào, khoảng 3 giờ chiều, một chú giao báo tháng chạy chiếc xe đạp, có cái bọc vải chứa báo cuốn tròn, vắt ngang cái đòn dông, xẹt ngang qua nhà, giao một tờ cho tui đang đứng chực chờ.

Tui đọc hết ráo từ tin xe cán chó đến Tiếu Ngạo Giang Hồ của Chú Ba Kim Dung bên Hong Kong, Lịnh xé xác (tiểu thuyết kiếm hiệp của Hàn Giang Nhạn), Song Ngoại của Quỳnh Dao do Liêu Quốc Nhĩ dịch hay những chuyện nhảm nhí như Con ma vú dài chẳng hạn.

Đọc hết, rồi đọc luôn tới Tìm bạn bốn phương, Gởi giòng lá thắm, Gỡ rối tơ lòng...thòng!

Không bao giờ bỏ sót mục tử vi của Chiêm tinh gia Huỳnh Liên. (Dẫu thừa biết bói ra ma quét nhà ra rác). Sau cùng là đọc luôn mục tìm trẻ lạc, quảng cáo linh tinh.

(Nói tới quảng cáo là phải nói tới nhật báo Chính Luận của ông Đặng văn Sung.

Nghe nói ông chủ báo nầy giàu thôi hết biết. Tuy nhiên cũng có người tự xuất vốn ra làm báo, cầm cự được chừng vài tháng thấy không êm, thì tưng bừng khai trương và âm thầm dẹp tiệm...)

Phải nói làm báo không phải là cái nghề để làm giàu mà cái nghiệp vì đam mê nên mang cái chuyện buồn hơn vui nầy vào cái cần cổ.

Bây giờ trên web cũng vậy thôi, người người làm báo, nhà nhà làm báo (như ở không lắm vậy). Đâu kiếm được cắc nào; mà cũng đâu có trả tiền nhuận bút cho ai. Bài đi ‘chôm' của thiên hạ không hè. Vậy mà lâu lâu, vì một bài viết, cũng mắng nhiếc nhau như bạn hàng tôm, hàng cá chợ Cầu Ông Lãnh vậy.

(Tuy nhiên cũng mở ngoặc đây để cám ơn hội Petrus Ký Úc Châu ở Sydney. Mặc dầu đăng mấy cái bài cũ mèm của tui hồi năm nẩm, cũng thơm thảo nghĩ tình, xuất tiền quỹ của Hội gởi cho tui một cái ‘gift card' của tiệm rượu Dan Murphy tới 100 đô Úc.

Rượu của mấy anh, tui uống hết cả mấy tháng nay... mà vẫn còn say cái tình văn nghệ cho tới tận bây giờ. Call again! He he!)

***

Việt Nam Cộng Hòa mình là một đất nước tự do, nên nền báo chí cũng phát triển khá rầm rộ. Chủ báo thường là người làm chánh trị, có thế, có lực, có tiền, xuất vốn ra, mướn thư ký tòa soạn điều hành hết ráo từ bài vở tới in ấn.

Quản lý trị sự thì trả tiền cho nhà in và các nhà văn, nhà báo, cộng tác viên. Nghe xôm tụ vậy chớ toàn thể ban biên tập chỉ loe ngoe vài mống.

Nhật báo ngày ấy cũng phân định đẳng cấp, đại ca hay tiểu đệ, báo 4 trang hay 8 trang, căn vào lượng độc giả mua báo (số bà con đọc báo mướn cũng nhiều không kém làm mấy ông chủ báo la trời như bộng).

Ngoài nhựt báo còn có tuần san, bán nguyệt san rồi nguyệt san chuyên về lãnh vực giải trí. Trăm hoa đua nở như vầy thì theo nền kinh tế thị trường là phải đua, cạnh tranh nhau rất dữ dội. Tin thời sự phải nóng hổi, bình luận chánh trị phải sắc bén.

Còn những bài "nằm", tức bài dài kỳ, tiểu thuyết tâm lý xã hội, dịch thuật từ tiểu thuyết kiếm hiệp ‘Long Hình Quái Khách' tới cao trào hấp dẫn là thòng thêm câu: "Xin quý độc giả theo dõi kỳ sau sẽ rõ".  Cái nghệ thuật làm báo nầy gọi là câu nhấp tới câu rê...

***

Làm báo mỗi ngày là vậy nhưng cuối năm, mỗi độ Xuân về, Tết đến là còn tranh đua quyết liệt hơn nhiều. Số Xuân còn gọi là báo Tết phải công phu chuẩn bị bị trước đôi ba tháng. Mới tháng Chín là mấy ông Chủ bút đã la làng chói lói đòi bài inh ỏi rồi hè!

Báo Xuân hải ngoại phát hành hơi sớm, trước Tết Tây. Còn hồi xưa trong nước, báo Xuân phát hành từ 20 tháng Chạp âm lịch cho tới 23, ngày đưa ông Táo về trời, lúc bà con đi chợ Tết, nhưng vẫn còn nhiều báo phát hành vào ngày 25, 26, thậm chí tới 28 Tết.

Tờ báo Xuân khổ lớn, bìa in 4 màu, hình ảnh nghệ sĩ nổi tiếng, (mà toàn con gái không hè), trình bày rực rỡ, tăng trang lên gấp nhiều lần, bài vở phong phú đặc sắc của những nhà văn tiếng tăm lừng lẫy, được treo trang trọng ở các quầy sách báo ven đường, các ngã ba, ngã tư luôn đập vào mắt mọi người.

Độc giả háo hức chờ đợi, chực sẵn ở các quầy sách báo ven đường để mua tờ báo xuân mình yêu thích, chọn thêm 2,3 tờ báo xuân mà mình thấy đẹp, thấy hay, có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo tên tuổi cộng tác để tặng bạn bè. Thiệt là một truyền thống đáng yêu hết sức.

***

Bà con mình ai cũng biết khi Tây tới, nước Việt Nam mình mới có nghề báo.

Nhưng có lẽ chỉ duy nhất Việt Nam là quốc gia có báo Xuân ra đời đã gần một thế kỷ.

Chính tờ Nam Phong Phạm Quỳnh sáng lập cho ra số Tết đầu tiên năm Mậu Ngọ, 1918. Ngay trang đầu, nêu lý do làm số Tết, ông chủ bút Phạm Quỳnh kính báo: "Cả năm có ngày Tết là vui. Vui ấy là vui chung của mọi người, vui suốt trong xã hội, vui khắp một quốc dân, trong thế giới dễ không đâu có một cuộc vui hoàn toàn như vậy. Dẫu người buồn đến Tết cũng phải vui..."

"Bản báo muốn cho khúc đàn riêng của mình không đến nỗi sai nhịp với khúc cảm chung của xã hội trong buổi đầu Xuân mới, giời ấm, khí hoà, cảnh vật tươi cười, lòng người hớn hở, lại muốn không trái chủ nghĩa bình thường, bèn định in ra tập ngày Tết này, ngoài những số báo thường, trước là để cùng quốc dân góp một phần vào cuộc vui chung, sau là để tặng các bạn đọc báo đã có bụng tin yêu gởi mua từ đầu đến nay một cái quà hợp với cảnh năm mới..."

Mà muốn độc giả đọc báo Xuân để vui mừng vui quá vui thì bổn báo phải lựa đề tài vui. Mấy cái vụ ghen vác súng rượt chồng chạy có cờ hay chồng ghen quánh vợ văng mất cái đầu tóc mượn (kiếm hoài hổng có ra) thì dẹp qua một bên sợ có huông.

Thay vào đó là lời chúc Xuân của ông chủ nhiệm, kiêm chủ bút, kiêm luôn ông xã của cô thư ký tòa soạn.

Ông chúc thân chủ quảng cáo trước; rồi tới thân hào nhân sĩ, chức sắc, độc giả mua báo năm rồi cuối cùng mới tới quý văn hữu (đứng hạng bét)

Sau đó là Sớ Táo quân. Bài điểm lại nhưng sự kiện quan trọng năm qua... như Donald Trump ‘quánh" Tập Cận Bình vì ‘khoái' dân Việt Nam mình chẳng hạn.

Đề tài chánh trị ít thôi; đọc cả năm nhức đầu quá, uống gần hết cả trăm viên asprin rồi hè.

Sau đó là bài năm Hợi nói chuyện Heo theo truyền thống. Tại sao phim bậy bạ dành cho người lớn, con nít không được quyền xem, lại được gọi là phim con Heo?

Truyện ngắn như tình Lan Điệp phải có hậu, dẫu trái ngang nhưng Lan không có đi tu vì nhờ Điệp thuyết phục con vợ nhà, là con quan phủ, cho Lan về làm vợ bé chẳng hạn.

Hay những chuyện mua vé số bỏ quên trong túi, còn một ngày nữa quá hạn, tình cờ móc ra dò thấy trúng một triệu đô la Mỹ. (Dóc thấy ớn luôn!)

Rồi các mục giải trí văn nghệ, kịch trường, phỏng vấn các ‘ngôi sao' cải lương, ca nhạc, truyện ngắn, thơ tình, thơ châm biếm, hí họa, chuyện Đông Tây kim cổ loại độc, lạ.

Tiếp theo là mục "Gia chánh" dạy làm các món ngon ngày Tết: Mứt bí, mứt dừa, bánh tét, bánh chưng.

Chuyện vui tiếu lâm nhưng nhớ đừng mặn quá kẻo bị rầy. Chuyện "Thầy thuốc bắt mạch". Tết ăn nhiều thịt mỡ nhưng kèm theo dưa hành để mỡ máu đừng lên cao. Ngày xuân nhậu quá xá thì làm sao ‘giã' rượu...

Cuối cùng là đố vui Tết! Ai trả lời ngay chóc được thưởng một hai trăm đô do Mít tờ ‘Hăng rết', chủ hàng trăm tiệm làm răng trên toàn nước Úc tài trợ.

Làm báo Xuân sướng hay cực? Cực là cái chắc rồi. Nhưng phải làm vì đây là dịp may, năm chỉ có một lần vì các thương vụ đăng quảng cáo rần rần... Mà nhiều chừng nào là tiền vô nhiều chừng nấy. Có ông chủ báo nhậu nói với người viết rằng phải chi tháng nào cũng là Tết; phẻ cho cái túi tiền của bà xã mình lắm nhe.

Chủ báo cháo bào ngư thì bọn viết mướn tụi tui cháo trắng ăn với hột vịt muối. Bèn làm reo, đòi nhuận bút cao gấp mấy lần ngày thường. Ông chủ báo đành bấm bụng ứng trước một mớ, cũng hơi khẳm, để nhà văn có chút rượu nhâm nhi, chút mồi đưa cay, vài gói thuốc lá phì phèo mà sáng tác.

Vậy mà tới hạn chót với nhà in, lửa táp vô đít, mà bài của thằng chả chưa thấy đâu? Bèn gọi điện thoại nhắc: "Làm ơn viết gấp gấp!" Thì thằng chả lại bắt chước Tản Đà phán rằng: "Viết văn đâu phải là bửa củi. Nghe mà ứa gan hè!"

(Sơn Nam là nhà văn chuyên nghiệp, sống bằng nghề viết báo nên làm ăn đàng hoàng cẩn trọng, đề tài độc lạ như Ăn Tết ở rừng U Minh, chuyện người Hoa ở Chợ Lớn ăn Tết ra sao?

Nên nhà văn Sơn Nam thường được các chủ báo giành độc quyền cầm, ứng trước tiền nhuận bút cao gấp mấy lần các tác giả khác. Báo tỉnh lẻ hứa: báo Sài Gòn trả bao nhiêu là tụi tui xin kính ông bấy nhiêu. Ông cười, dơ ngón tay lên, khen: "Ngon a!"

Phát hành báo Xuân xong, ra giêng, còn nghỉ, tui thấy ông mặt mày tươi rói, tay mang, tay xách bánh mứt, thèo lèo cứt chuột và một chồng báo Xuân, đi xe đò về Mỹ Tho thăm vợ, thăm con.)

***

Xuân về, Tết đến, người Việt ở hải ngoại mình cũng hay đến các shop Tàu, mua cho mình tờ báo Xuân ‘ruột', mang về nhà đọc dần những ngày Tết. Còn mua thêm chừng hai, ba chục tờ ‘sơ cua', gởi tặng bàn bè; ngầm ý khoe có bài Tết của tui, được đang trang trọng trong ‘Mục Bạn đọc viết' đó nhe!

Trước thềm năm mới, năm Kỷ Hợi, người viết xin kính chúc bà con mình: "Tân Xuân Vạn Hạnh".

Xin giữ gìn truyền thông tốt đẹp, mua báo Xuân của ông bà mình để cho anh em báo (đời) chúng tôi, năm chỉ một lần được ăn cháo bào ngư!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

NHÀ THƠ, NHÀ VĂN ĂN TẾT!

dxt_nhathonhavanantet.jpg 

 

Bà con mình nhận xét rất xác đáng là: "Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà giáo cộng lại thành nhà nghèo". Quả có vậy!

(Sở dĩ có ông nhà giáo chen vô mấy nhà nầy vì nhà văn, nhà thơ, nhà báo thường là nghề tay trái; còn nghề tay mặt cũng đi bán chữ là nhà giáo đó thôi.)

Nhân dịp xuân về, chúng ta thử đốt lò hương cũ, tìm lại bóng hình xưa để xem mấy ‘nhà' nầy hồi xưa ăn Tết ra làm sao?

Trước hết là nhà thơ Trần Tế Xương!

Ông sanh ngày mùng 5, tháng Chín, năm 1870. Còn gọi là Tú Xương vì ông thiTú tài 9 lần mới đậu... thi Cử nhân tới 5 lần đều rớt cả nên không được làm quan.

(Thời nào cũng vậy thực dân Pháp hay CS... làm quan mới có đường tương chao mà chấm mút chớ!)

Nhà thơ Tú Xương bất đắc chí, hay tức cảnh sinh tình làm thơ, nhứt vào dịp xuân về, Tết đến. Mà bài nào cũng chua với chát.

Nhưng cái may mắn nhứt trong đời nhà thơ (không phải ai cũng có được kể cả tui) là có một người vợ "Quanh năm buôn bán ở mom sông. Nuôi đủ năm con với một chồng!"

Bù lại là lòng biết ơn vợ, nhà thơ làm xong một bài dán trên gốc cột: "Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay?" "Thưa rằng hay thật là hay!"

Rồi ông cười khè khè tiếp ngay: "Chẳng hay sao lại đỗ ngay tú tài?!"

Người vợ cũng là một độc giả hiểu thơ Tú Xương đâu thua gì nhận xét của Tản Đà, nhà thơ nổi tiếng ‘ngông' của giao thời cũ mới: "Trong những thi sĩ tiền bối, tôi khâm phục nhất Tú Xương".

Rồi Nguyễn Khuyến, lớn hơn Tú Xương tới 35 tuổi, nhưng lại mất sau ông 2 năm, khi nghe tin nhà thơ từ giã cõi đời vào ngày thứ Ba, ngày 29, tháng Giêng, năm 1907, nhằm ngày 16, tháng Chạp, năm Bính Ngọ, nghĩa là còn 2 tuần nữa tới Tết ta, chỉ mới 37 tuổi, cảm thán rằng: "Kìa ai chín suối Xương không nát. Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn"

Thơ Tú Xương thâm trầm, ý nhị, hay là khỏi phải bàn cãi rồi! Như trong bài thơ "Năm mới": "Khéo báo nhau rằng mới với me. Bảo nhau rằng cũ, chẳng ai nghe. Khăn là bác nọ to tầy rế. Váy lĩnh cô kia quét sạch hè. Công đức tu hành, sư cô lọng. Xu hào rủng rỉnh, Mán ngồi xe. Phong lưu rất mực ba ngày tết. Kiết cú như ta cũng rượu chè".

Nhà thơ xứ Bắc nầy nghèo kiết xác, mà nói kiểu trong Nam là nghèo mạt rệp;

nên Tú Xương chua chát rằng tiền mình cũng có nhưng chưa lĩnh, rượu cúc đã ‘ó đơ' (order) rồi mà hàng rượu làm biếng chưa ‘delivery'.

Rồi trà rồi bánh mứt đủ cả...

Nhưng kết luận là thôi đành để Tết khác hẳng ăn.

"Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo. Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy. Trà sen mượn hỏi giá còn kiêu

Bánh đường sắp gói e mồm chảy. Giò lụa toan làm sợ nắng thiu

Thôi thế thì thôi đành Tết khác. Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo".

 

***

Nhưng tại sao những nhà thơ nước ta ông nào cũng nghèo hết ráo? Vì thơ bán có ai mua đâu mà có tiền! Tản Đà làm thơ còn tính đem lên bán cho ông Trời nữa là.

Đó là một lẽ nhưng lẽ thứ hai là có đồng nào mấy ông nhà thơ xào đồng nấy. Có nhiều xài nhiều; có ít xài ít. Xài cho mình rồi chia cho bạn văn, bạn thơ của mình nữa.

Giai thoại ghi lại là: Tết Giáp Tuất 1934, tờ Đông Pháp thời báo của ông Diệp Văn Kỳ ở Sài Gòn làm xong số Tết; thợ thầy, nhà văn, nhà thơ, cộng tác thường xuyên, có tên trong Ban Biên Tập, được lãnh thêm một tháng lương thứ 13.

A lê hấp! Tản Đà đã xài sạch sành sanh, xài sạch bách! Hình như để tiền trong túi bị tiền cắn làm cho ngứa ngáy sao đó.

(Tui cũng vậy! Em yêu của tui thừa biết tâm tính các nhà văn, nhà thơ, nên có chút đỉnh tiền nhuận bút là em yêu tình nguyện giữ hết hè.)

Tết đến nơi, không còn một cắc, nên Tản Đà hỏi mượn tiền, ông Chủ báo Diệp Văn Kỳ cũng thông cảm, bèn lì xì cho tiên sinh thêm 5 đồng.

Tản Đà ra Bưu Điện gởi cho ông Ngô Tất Tố, là bạn văn (chắc cũng nghèo mạt như ông) 3 đồng ăn Tết.

Rủ bạn thơ Tùng Lâm mướn xe ‘xịn' chạy vòng vòng Sài gòn chơi cho nó oách hết 1 đồng. Còn 1 đồng, lấy 2 cắc mua rượu khề khà trước. Còn 8 cắc, nhờ Tùng Lâm đi mua một hũ rượu Mai Quế Lộ và một con gà mái tơ luộc làm mồi nhắm cho ba bữa Tết.

Trên đường về, qua một sòng bầu cua, thấy một đám đánh lộn, Tùng Lâm đứng lại xem. Mã tà ùa tới, còi tu huýt inh ỏi, cả bọn lên xe cây về bót trong đó có nhà thơ Tùng Lâm.

Sáng hôm sau, mùng Một, ông Cò thương tình Tết nhứt, nên ra lịnh thả cả bọn ra.

Mã tà vào thấy nhà thơ Tùng Lâm còn quá xỉn, nằm ì ra đất, bên cạnh mớ xương gà và cái hũ rượu cạn queo.

Về đến nhà thì Tản Đà đêm qua chờ hoài hổng thấy bạn về, nên ‘quất' hết 2 cắc rượu đế, xỉn ngủ mê man tàng tịch, giờ chưa dậy.

Tùng Lâm ứng khẩu 4 câu thơ để biện minh cái lỗi không phải của mình: "Cao hứng vì yêu bác Tản Đà. Một chai Quế Lộ, một con gà. Suốt đêm trừ tịch nằm trong bót. Nhớ lại buồn cười lúc tỉnh ra!"

 

***

Nhắc đến Tản Đà là chúng ta lại nhớ tới Nguyễn Vỹ. Ông nầy nhiều nhà lắm. Nào là nhà thơ, nhà báo, nhà biên khảo... Có lúc nghèo mạt và cũng có lúc giàu sụ.

Nghèo là lúc Nguyễn Vỹ làm báo ở Hà Nội. Tết đến không một xu dính túi, bèn viết thơ mượn ông Nhất Linh cũng 5 đồng bạc. Cho dù hai người chỉ nghe tiếng nhưng chưa biết nhau lắm. Cái ngạc nhiên là ông Nhất Linh Nguyễn Tường Tam cũng gởi cho.

Ông Tản Đà gởi cho ông Ngô Tất Tố 3 đồng thì Nguyễn Vỹ cũng cho nhà văn Trương Tửu 3 đồng để ăn Tết.

Sau nầy vô Sài gòn làm ăn khấm khá, Nguyễn Vỹ có trả 5 đồng lại cho nhà văn Nhất Linh. Ông Nguyễn Tường Tam lại chơi ngon, dắt Nguyễn Vỹ đi nhậu hết để kỷ niệm một giai thoại.

Vậy là các nhà thơ, nhà văn của chúng ta đều nghèo đói như nhau cả; nhưng có chút đỉnh là chia sẻ với bạn văn nghệ của mình, lá rách đùm lá nát.

Nguyễn Vỹ chuyên làm báo và chuyên đi ở tù. Tù thời thực dân Pháp đến phát xít Nhựt. Mãi đến sau khi vào Nam, ra tạp chí bán nguyệt san Phổ thông rất ăn khách, xuất bản hàng tuần lên tới 25 ngàn ấn bản. Rồi tuần báo Bông Lúa, Tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm bán rất chạy... nên ông Nguyễn Vỹ ‘thoát nghèo', tiền bạc rủng rỉnh, cư xử hào phóng với bạn văn chương; có lẽ vì nhớ thuở xưa thân sơ thất sở mới bắt đầu vào nghề viết báo giống mình hay chăng?

Nguyễn Vỹ viết đủ thể loại từ thơ tới văn và biên khảo. Nhưng bài thơ "Gửi Trương Tửu" mới thực là kiệt tác.

"...Dạo ấy chúng mình nghèo xơ xác. Mà vẫn coi tiền như cỏ rác. Kiếm được đồng nào đem tiêu hoang. Rủ nhau chè chén nói huênh hoang. Xáo lộn văn chương với chả cá. Chửi Ðông, chửi Tây, chửi tất cả. Rồi ngủ một đêm mộng với mê. Sáng dậy nhìn nhau cười hê hê!

...Bây giờ thời thế vẫn thấy khó. Nhà văn An-nam khổ như chó! Mỗi lần cầm bút viết văn chương. Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương. Rồi nhìn chúng mình hì hục viết. Suốt mấy năm trời kiết vẫn kiết!..."

Sau khi tuần báo Phụ nữ Hà Nội đăng bài thơ, Nguyễn Vỹ thuật lại là: "Một buổi chiều, tôi đến chơi ở tòa báo, ngõ Hội Vũ, bỗng thi sĩ Tản Đà từ ngoài bước vào. Một chiếc khăn đóng đã mòn viền, đáng lẽ đội trên đầu ông lại đeo tòn ten trong cánh tay. Vẫn chiếc áo lương thâm cũ giống chiếc áo mà tôi đã thấy ông mặc năm năm trước. Ông hỏi: "Có ông Nguyễn Vỹ ở tòa báo không?" Cô bạn thơ ký Tòa soạn liền cười, chỉ tôi: "Thưa cụ, Nguyễn Vỹ đây ạ!"

Ông ngạc nhiên ngó tôi: (chắc còn nhóc quá) "Ông muốn đi chơi với tôi không? Ông có rảnh không?""Dạ thưa cụ, cháu rảnh ạ!"

Ông đưa tôi đến nhà ở ấp Thái Hà. Ông lấy chai rượu ra và hai cái cốc, bảo một chú bé chạy đi mua hai gói lạc rang (đậu phộng) để làm mồi nhắm.

"Tôi thích bài thơ ‘Gởi Trương Tửu' của ông, nên mời ông uống rượu. Trương Tửu là ai? Ông ấy biết uống rượu không?""Dạ, tên anh ấy là Trương Tửu, thì cụ khỏi hỏi!" "Hôm nào ông rủ ông ấy đến uống rượu với tôi!"

"Nhưng tôi giận ông lắm vì sao ông lại bảo: Nhà văn An Nam khổ như chó? Ông so sánh nhà văn chúng ta với kiếp chó, mà ông không hổ thẹn ư?"

"Thưa cụ, nếu cháu so sánh nhà văn với chó, thì chó nó thẹn, chớ sao nhà văn lại thẹn?"

Ông Tản Đà làm thinh nốc hết ly rượu, rồi rót luôn một ly nữa. Xong, ông nói, không ngó tôi: "Ông làm tôi buồn cười!" Rồi ông rưng rưng nước mắt!

(Thiệt đúng: Cười là tiếng khóc khô không lệ!)

***

Còn nhà thơ nhà văn nhà báo hải ngoại nầy sống ra sao ăn Tết ra sao? Thiệt tình tui không biết.

Lẽ thứ nhứt là viết văn, viết báo với tui chỉ là một thú vui. Trong cái làng văn nghệ đầy dẫy cây đa, cây đề tui chỉ là một thằng hề... vô danh tiểu tốt, đứng sớ rớ ngoài cửa nhìn vô, hóng chuyện nghe các nhà văn... ăn nói lung tung... xèng (?!)

Hai là cũng học câu: Có công mài sắt có ngày nên sắt... nên tui tính kiếm sống bằng ngòi bút, chỉ mong rau cháo qua ngày thôi; chớ hỏng dám đòi khô lân, chả phụng, rượu Hennessy gì đâu. Vậy mà có lần tui ngu ngơ, tâm sự ‘vặt' với một em Chủ bút bên Canada rằng: "Qua tới Úc mấy chục năm rồi, cày suốt, oải quá. Giờ đến tuổi về hưu, tui tính nghỉ để có nhiều thời giờ rảnh rỗi hơn, đọc và viết chơi. Sau đó có thêm tiền nhuận bút kha khá để bù vào cái lương hưu còm cõi của mình!"

Nhưng người em văn nghệ (đất lạnh tình nồng) phán một câu thiệt là chánh xác; nhưng nghe đau lòng hết sức như đọc bài thơ "Gởi Trương Tửu" của Nguyễn Vỹ vậy! Em phán rằng: "Ở hải ngoại nầy đây, đâu có ai sống được bằng ngòi bút của mình đâu chú?!" Nghe xong tui muốn bắt chước ông Tản Đà (mà đập đầu vào gối) khóc hu hu!

Đó đó bà con nào thắc mắc hỏi ở hải ngoại nhà thơ, nhà văn ăn Tết ra sao? Câu trả lời của tui là: "Dà hổng dám ăn đâu!"

Vậy mà thằng bạn nhậu, kiêm độc giả của tui, lại phán một câu rất ư ‘cà chớn' rằng:"Viết một bài chỉ có 2000 chữ, nhuận bút tới 50 đô Úc, bằng bà con mình trong nước bán vé số suốt một tuần. Vậy mà cứ than thở hoài hè.

Các nhà  thơ nhà văn các ông là bọn: "Được voi đòi Hai Bà Trưng!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

 

Chuyện tình dưa đầu heo! 

                     dxt_chuyentinhduadauheo.jpg 

Ăn thịt heo trước hết là phần đầu. Bắc gọi là thủ lợn; Nam gọi là đầu heo.

Bà con miền Tây mình khi van vái điều gì, được đắc thành sở nguyện thì thực hiện lời hứa với người khuất mặt, khuất mày đã giúp cho tai qua nạn khỏi. Rủng rỉnh tiền, thì cúng nguyên cả một con heo. Nghèo nghèo một chút thì cái đầu heo cũng đặng.

Nếu lỡ nổ, chơi sộp, hứa nguyên con là phải cúng nguyên con. Còn hứa nguyên con mà cúng chỉ có cái đầu thì coi chừng ông bà giận bẻ cái cần cổ mầy, cái miệng lọi qua phía sau, là hai tay vẫn còn phía trước thì thấy đường đâu mà bóc thịt heo bỏ vô miệng.

Chuyện rằng: nhà thơ Tản Đà xứ Bắc chỉ ăn có một thủ lợn tức cái đầu heo mà rườm rà quá thể.

Cái đầu heo luộc, khệ nệ đem cúng trên bàn thờ. Xá xá chờ một hồi cho nước dãi (miền Nam gọi là nước miếng) tràn ra cả khóe miệng, nhịn hết nổi, nhà thơ bèn hai tay kính cẩn bưng xuống (coi chứng rớt).

Rót đầy ly rượu, cầm dao xẻo một miếng tai heo, chấm muối, nhai rau ráu, chiêu một ngụm, chơi một miếng xôi.

Lai rai hoài đến hết thì thôi. Hết là tới quắn cũ tỉ say, lăn quay ra mà ngủ.

***

Nói thiệt tình tui chỉ biết ăn, nấu là mù mịt. Muốn ăn nhậu gì đó là nhờ vào một tay của em yêu. Bằng em không chịu nấu nướng gì ráo thì tui đành đi tiệm vậy thôi.

Nội cái đầu heo, em làm được biết bao nhiêu là món. Cái món khoái khẩu, nhậu chết bỏ, là món dưa đầu heo. Tết nào em cũng làm vì món nhậu rất bắt nầy chứa cả một trời kỷ niệm.

Ôi nhớ xưa nhà tui ở cạnh nhà em, cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn (Giậu là cái hàng rào đó ạ). Nên lâu lâu, tui vạch rào, ngó qua coi em yêu làm cái gì trên sàn nước gie ra mé mương.

Chiều 23, tháng Chạp, đưa ông Táo về Trời, tui thấy em mặc chiếc áo bông hường, ngoeo ngẩy vác cái đầu heo ra sàn nước ngồi chành bành để nhổ lông... heo.

Em cầm  dao bửa cau bén ngót, thiện nghề như một tay đồ tể, cạo sạch lông; xong tách đầu heo làm hai phần xương và thịt. Phần xương, em để riêng vào một cái thau nhôm. Phần thịt đầu, gồm hai cái lỗ tai, thịt mũi, thịt nọng, em lóc ra, ngâm với nước lạnh có pha một ít phèn chua rồi xả sạch, để ráo.

Tui hút gió, em nhìn qua, tay tui chỉ ra bờ mẫu. Ngón tay trỏ và ngón tay cái đâu vào nhau, còn ba ngón bên bàn tay trái với 5 ngón bàn tay phải giơ lên. Em cười lỏn lẻn đánh tín hiệu cũng bằng ngón trỏ cong vào ngón còn lại giơ lên trời nghĩa là ‘ok'!

(Còn hôm nào, mặt trận miền tây không yên tĩnh vì ông già Tía em ở nhà thì ba ngón còn lại của em cụp xuống có nghĩa là không, tối nay không có được.)

Đêm đó, tui ngồi cạnh em trên bờ mẫu còn nghe phảng phất mùi thịt heo quanh quẩn đâu đây, tui nói: "Cha! Năm nay Nhà Mén ăn Tết lớn!"

"Tía kêu Mén làm dưa đầu heo để Tía đãi khách đó anh!"

"Cha nghe hấp dẫn quá! Nhưng đãi khách nào vậy? Phải có người tới coi mắt Mén phải không?"

Em ngoe ngẩy lắc đầu. Mà nếu có, em nhứt định không ưng; cho dù Tía em có "Đem em ra treo tại cái cột đình. Đứt dây rớt xuống thương mình em vẫn thương!"

"Thiệt hé?! Thề đi!" Em bèn thề: "Đứa nào phụ anh cho bà bắt nó! Còn anh cũng vậy phải thệ hải sơn minh, phải thề lại em mới tin! Chẳng qua em nghe con ‘Chín Bờ Đò' bán xôi gần sạp thịt heo của tía em ngoài chợ nói nó kết anh lắm! Anh là người duy nhứt trong cái xóm nầy có ăn có học. Nó chẳng ham ruộng cả ao điền chỉ ham cái bút cái nghiên anh đồ thôi hè!"

Tui vội vàng cải chính: "Anh đâu có học chữ Nho, anh học chữ Tây. Mà học cũng tới cái ‘đít lôm' thôi!"

"Thì cái ‘đít lôm' của anh đủ làm thầy thông, thầy phán; đủ để sáng rượu sâm banh tối sữa bò nên con Chín Bờ Đò tính phổng anh trên tay của em!"
Tui bèn trấn an em rằng: "Thôi lấy con Chín Bờ Đò bán xôi, ngày nào cũng ăn nếp ngán lắm. Anh chỉ thương con Mén bán thịt heo thôi. Ngày nào ăn thịt heo mình cũng đâu có ngán. Biết bao nhiêu là món! Nhưng nè cái đầu heo em làm món gì vậy?"

"Thì em bắc nước lên bếp, nấu sôi đổ thịt vào luộc vừa chín tới, vớt thịt ra ngâm vào nước lạnh, rửa sạch để ra rổ cho ráo, dùng vải the sạch lau từng cục thịt đã luộc chín cho ráo. Tiếp đến, đổ thịt đã luộc vào thau, ướp muối, đường, tỏi, bột ngọt rồi cho vào keo giấm đường, muối, riềng... khoảng tới 30 Tết là ăn được. Dưa đầu heo nhai dòn dòn xực xực uống với la de là hết xẩy đó anh yêu!"

Xong em vẽ ra một chân trời viễn mộng: "Khi về làm vợ anh rồi, mỗi khi gió chướng thổi về trên ngọn ô môi, Tết tới, em sẽ làm dưa đầu heo cho anh nhậu để nhớ ngày đầu đôi ta tao ngộ chiến hé!"

***

Tết năm đó, mùng Hai, Tía tui kêu: "Tèo à! Mặc quần áo mới vô, bỏ vô quần đàng hoàng ra vẻ con nhà có học, chải đầu với bi-ăng- tin, đừng để xước xước như con gà ướt... Theo Tía với Má mầy qua nhà con Mén. Tía Má nó đánh tiếng cho nhà mình tiến tới!"

Nghe tới cái vụ đi hỏi vợ là tim tui đập thình thịch, mặt mày đỏ ké, mắc cỡ ngang xương hè. Nên thoái thác: "Thôi Tía với Má đi đi! Con đâu biết ăn nói gì đâu hè?"

"Mầy cưới vợ hay tao?" Tía tui gằn giọng: "Mầy tối nào cũng dụ khị con gái người ta, dắt ra bờ mẫu; bộ tưởng thiên hạ đui điếc hết sao mà không biết? Lần lửa hoài, cái bụng con Mén chang bang lên là Tía Má mầy phải phải trầu rượu dắt mầy qua cho mầy thú phạt thì mặt mũi nào tao dám ngó người ta he""Phần qua bên đó mầy không cần nói; chỉ cần ăn thôi!"

Nghe tới ăn, nhớ tới cái món dưa đầu heo em yêu từng quảng cáo, nước miếng tui nhểu ròng ròng. "Thôi Tía tính vậy cũng đặng! Chớ ý con là họ muốn gả con gái họ cho con trai của Tía là họ phải qua đây chớ?!" "Mắc mớ gì mình phải qua nhà nó?"

"À cái thằng nói ngộ! Bộ cái xứ nầy theo chế độ mẫu hệ hay sao? Mầy có chút đỉnh Tây học mà quên phứt cái phong tục của ông bà mình. Trâu tìm cột chớ cột nào tìm trâu?"

Vậy là mùng hai Tết năm đó! Năm Tân Hợi, 1971.  Để coi cũng hơn nửa thế kỷ rồi đó chớ. Tui lúm cúm theo Tía Má tui qua nhà em Mén.

(Nhà em chỉ có hai anh em. Thằng anh tên là Chí và em tên là Mén. Chí Mén.)

Tía em mời Tía tui lên ngồi bàn trên, trước tủ bàn thờ tiên tổ. Má tui với Má em trên bộ ván gỏ, ngồi ngoáy trầu!

Tía em giả lã: "Hỏng dám nào! Tết nhứt tới nơi, tui mời anh vài ly rượu, do cái tình chòm xóm, nhứt cận lân nhì cận thân. Sát nhà nhau, thân con hơn bà con ruột thịt nữa đó anh." Tui vọt miệng chen vô: "Bác trai nói chí phải!"

Tía tui nạt ngang làm tui cụt hứng hè "Nín! Con nít bày đặt thèo lẻo, ăn cơm hớt. Để Tía" "Dà đúng như thằng Tèo con tui nói, anh nói quả là phải phải."

(Đời mà! Ai nói trật lất mà mình cứ cho họ nói phải, là cửa ải ngăn cách nào cũng vượt qua vì nghe tâng bốc, trong bụng họ khoan khoái lắm)

Tía em quay vô trong kêu: "Mén à! Dọn ra cái gì cho Tía với với Bác ba đây làm sương sương, tình thương mến thương, nhân ngày tết nhứt đi con!"

Thì "Dạ Tía!" Cái giọng nhẽo nhẹt như Điêu Thuyền vâng lời quan Tư đồ Vương Doãn đi ‘bồi' rượu cho Lữ Bố vậy!

Một dĩa dưa đầu heo nè, tôm khô củ kiệu cho bàn trên. Trên bộ ván gỏ, Má tui ngồi với Má em là dưa hấu, bánh Tét nhưn mỡ, ăn với củ cải mắm làm dưa.

Tía em lấy cái nhạo trên bàn thờ xuống, rót vào ba cái ly hột mít. Nhắc cái nhạo hơi cao, mà rượu không đổ ra giọt nào! Tía em quả là một người điệu nghệ, dân nhậu thứ thiệt.

Xong quay qua tui, Tía em nói: "Tết nhứt mà thôi miễn lễ cho thằng Tèo được phép ngồi chung bàn. Mình làm sương sương vài ly vui Tết đi anh!"

Nghe lời như cởi tấc lòng, tui khép nép ngồi xuống ghế, chẳng qua là tui thèm món dưa đầu heo của em Mén mà thôi. Dai dai, xừng xực cắn một cái ngập chân răng, quá đã.

Tía em bảo tui gắp một miếng rồi cầm ly rượu đế lên. Tui khẳng khái chối từ: "Thưa bác Tư Hí, con chỉ khoái món dưa đầu heo của em Mén mới ngồi.  Phần con không thích uống rượu đế. Nóng quá. Con thích lave BGI Con Cọp mà nhãn trái khóm uống mát làm sao, đã hết biết!"

Tía tui trừng mắt nhìn rồi sửa lưng tui: "Con đừng gọi anh Tư là Bác Tư Hí nữa. Ảnh ‘hí' là kệ ảnh! Thiên hạ kêu như vậy là đồ vô phép; phận con cháu; đừng có hỗn hào."

Ai dè Tía em binh tui nhe! "Ối anh ơi! Tui hí thì cháu kêu hí phải rồi. Tui chịu cái tính chân thật không dóc láo. Thấy sao nói vậy!"

"À Tèo à! Nghe cháu có cái bằng ‘đít lôm' của Tây; cưới vợ về cháu tính làm sao nuôi nó?"
Tui bèn trả lời: "Thưa Bác Tư! Con không phải là người theo chủ nghĩa vô thần. Con tin có ông Trời. Có chút chữ, con sẽ đi viết báo, đặt chuyện dóc, kiếm tiền nhuận bút để nuôi em Mén. Dẫu hổng nhiều, no thì không nhưng chết đói là không có.

Người ta hay nói lấy bồ đựng lúa chớ không phải để đựng chữ là do nông dân cà nanh với dân trí thức. Lúa đầy bồ bán rồi cũng hết. Chữ lai rai bán hoài hổng hết đâu nhe Bác Tư!"

"Ờ! Bác Tư đồng ý với con! Chữ con đủ nuôi vợ rồi. Nhưng vợ chồng xáp lại phải đẻ con chớ... Thì làm sao nuôi tụi nó"?
"Dà như đã nói, con tin ở ông Trời! Trời sanh voi Trời sanh cỏ mà. Con của con sau nầy là cháu ngoại của bác Tư. Con ăn hiền ở lành ông Trời không nỡ bỏ. Con của con là cháu ngoại của bác Tư thì hai bác bỏ sao đành."

Thì Tía em phán rằng: "Như vậy cháu Tèo nghĩ bác Tư là ông Trời hả?"

Tui bèn khoanh tay cúi đầu: "Bác Tư dạy quả không sai!"

***

Vậy đó bà con ơi! Tưởng ông già vợ tương lai là ông Trời mà không phải! Tui mới là ông Trời đây! Cày như trâu có chút đỉnh tiền, con vợ tui, con gái bác Tư ngày cũ, và đám con tui là cháu ngoại của ổng bây giờ, muốn gì có nấy!

Ổng già vợ tui bàn giao chức ông Trời cho tui mà hổng chịu bảo gì nhau! Hu hu!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Sờ mu rùa

 

Tết tới, báo Việt ngữ hải ngoại từ Úc sang Mỹ đều đồng loạt ra báo Xuân. Bài vở đặc sắc; tuy nhiên đôi khi độc giả không có huỡn mà đọc hết những dòng tâm huyết của tác giả vì mắc bận ăn Tết. Nhưng có một mục đăng vào những trang cuối của đặc san số Tết là tử vi, ai ai cũng đọc. Bà già, ông già, con trai, con gái, nếu không mù chữ, đều đọc. Ðọc rồi quên ráo mà cũng hổng có hưỡn để mà tin lời mấy thầy... bói ra ma, quét nhà ra rác.

Bà con mình chắc có nghe bài vọng cổ "Tôn Tẩn giả điên" của soạn giả Viễn Châu do đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn xuống sáu câu mùi rệu: "Ta chép cuốn thiên thơ cho đến khi chữ cuối cùng vừa chấm dứt thì mạng của ta cũng chấm dấu sau cùng..."

Tôn Tẩn bèn giở tờ thiên thư của Quỷ Cốc tiên sinh, đời nhà Chu, là ông tổ của các thuật tướng số, bói toán, phong thủy bói đâu trúng đấy, là sư phụ của mình ra xem. Thì trong bức thư chỉ có một chữ ‘cuồng'...

Tôn Tẩn là học trò thông minh, đọc có một chữ ‘cuồng', hiểu ngay là sư phụ muốn mình bắt chước nhà thơ Bùi Giáng, bèn giả điên để tránh nạn Bàng Quyên.

Chính vì tài nghệ của chú Ba, vua đặt dóc y như thiệt, nên bà con mình, kể cả em yêu của tui rất tin vào bói toán.

Mà có nhiều người đi coi bói theo quy luật cung cầu của thị trường là có nhiều người làm thày bói. Vì thế cho nên tui cứ tưởng nước Tàu, nước ta mới có nghề thầy bói. Ai dè nước Mỹ, siêu cường duy nhứt trên thế giới, với nền khoa học kỹ thuật tối tân hiện đại (đầy hại điện) lại có quá nhiều thầy bói nghiệp dư, bói đâu trật đó!

 

dxt_somurua.jpg 

Bảo Huân

Những lời tiên đoán sai bét nhè nầy có thể xếp ra thành hai loại. Một là khoái Tổng thống Donald Trump như Fox News... (hơi bị ít). Hai là hổng khoái Donald Trump (hơi bị nhiều) CNN, CBS, New York Times và Washington Post...

Phe khoái và sùng bái Trump thì bói toán như vầy: "Cuộc điều tra về việc ban vận động tranh cử của Donald Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua sẽ chấm dứt vào tháng Chín, trước cuộc bầu cử giữa kỳ quốc hội Mỹ. Không ai bị truy tố ra ba Tòa quan lớn".

Bói trật lất vì cuộc điều tra vẫn còn đang tiếp diễn, đã truy tố 33 ‘mông xừ' hơn 100 tội hình sự. Mấy hãng làm lịch của Mỹ coi bộ năm tới, chắc như bắp là làm ăn rất khấm khá!

Rồi chính Tổng thống Doanld Trump bói: Bầu cử Quốc Hội Mỹ giữa kỳ, màu đỏ sẽ tràn ngập, đảng Cộng Hòa thắng lớn cũng do tui quá giỏi và hay. Nhưng bói trật lất vì mất tới 40 ghế ở Hạ viện. An ủi một cái là Thượng viện thêm được hai ghế.

Bà con người Mỹ nào hổng thích Donald Trump thì bói: "Quốc hội sẽ luận tội và Tổng thống sẽ ra đi" Bói cũng trật lất vì tới giờ thì Donald Trump vẫn còn ngồi lù lù một đống trong Tòa Bạch Ốc.

***

Dân Úc nầy lại không khoái chuyện đảng phái lắm. Ðối với chánh trị gia, Úc phán là toàn bọn crooks (lừa đảo), nên ‘who cares?' (ai mà quan tâm). Ðể thời giờ uống beer, ăn thịt nướng, sướng hơn bàn về chánh trị.

Bầu cử bên Úc bắt buộc, đứa nào không đi bầu, chỉ khoái ở nhà để làm em yêu có ‘bầu', thì bị phạt 50 đô, bằng giá một thùng beer. Nếu không sợ mất một thùng beer là Úc, thứ Bảy, ngày đi bầu tụi nó ở nhà nhậu hết trơn hè!

Nhưng báo chí người Việt ở Mỹ, Canada và Úc đều có ‘bình loạn' về chính trị dẫu hổng dám bắt phe lắm; vì sợ làm mích lòng độc giả của mình, (kẻ binh, người chống Tổng thống Donald Trump).

Quý chủ nhiệm, kiêm chủ bút, kiêm thư ký tòa soạn chọn thái độ trung dung là vì độc giả là đối tượng phục vụ của tờ báo. Có nhiều độc giả mới có nhiều quảng cáo. Mà quảng cáo nhiều mới có tiền mà sống để tiếp tục làm báo. Tui cho rằng thái độ đó hơi ‘ba phải' nhưng ‘lém'!

Nhưng bà con người Việt mình ở hải ngoại có lẽ cô đơn buồn nào hơn đêm nay nên khoái lên Facebook làm thầy bói nghiệp dư đoán mò, kẻ nói gà bà nói vịt, cãi nhau chí chóe như mổ bò... Vui lắm.

Thấy thiên hạ làm thầy bói tui cũng ham vui, bèn nhào vô bói vầy nè: "Mai sáng mặt trời sẽ mọc hướng Ðông; chiều tối sẽ lặn về hướng Tây. Lễ Giáng Sinh sẽ tổ chức vào 25 tháng Chạp" Trúng chắc 100%.

Còn về chánh trị bói trúng tới 90% là: Quan chức chóp bu CS mất ghế, vì đấu đá giành ăn lẫn nhau trong nước, mình sẽ gặp nó đi đánh bài ở Las Vegas. Còn tầm tầm cỡ Giám đốc Sở ở tỉnh, mình sẽ thấy nó ngồi ăn phở ở Footscray (Úc Châu).

 

***

Có hai lý do chánh, theo tui, những tai to mặt lớn trong chánh giới Hoa Kỳ bói đâu trật đấy và trật bấy là vì làm thầy bói tay mơ, nghiệp dư, không có đào tạo bài bản như mấy thầy bói ‘Mít' nhà mình.

Lý do thứ nhứt là bói toán giống như mù sờ voi, nên phải khôn lỏi là phân hai, đường nào cũng trúng, mới đặng.

"Số cô có mẹ, có cha. Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông. Số cô có được tấm chồng. Sanh con đầu lòng, không gái, thì trai".

Còn lỡ phán trật, là phải biết lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Miệng không vành nó méo tứ tung. Bói rằng: "Cha cô chết lúc ban ngày..". "Không phải thầy ơi!" là mình quẹo cua liền "Cha cô chết lúc ban ngày. Thương con nhớ vợ, chết rày ban đêm".

Lý do thứ nhì thầy bói Mỹ dở như hạch vậy vì trước khi xủ quẻ là mình phải sờ ‘mu'... rùa. Bói trật mình đổ thừa cái ‘mu' chớ hổng phải tại thầy bói ngu. Vì ‘mu' rùa là đồ nghề của thầy bói. Làm nghề không có đồ nghề đâu có được.

Mu, dáng múp múp, nhô lên trên tay hay chân. Nên có chữ mu bàn tay, mu bàn chân. Còn con rùa cũng có cái múp múp như vậy nên gọi là mu rùa (bắc gọi là mai rùa). Vốn là dân vườn, Lục tỉnh miền Tây nên tui khoái chữ ‘mu' vì nó tượng hình hơn.

Ðem mu rùa hơ lửa. Mu rùa gặp nóng sẽ tạo ra những vết nứt. Nếu vết nứt trên mu rùa chạy song song với đường thẳng chạy từ dưới lên trên thì là điềm lành. Và ngược lại, nếu vết nứt bị cắt ngang bị cho là điềm dữ.

***

Còn bói kiểu nhạc sĩ Hoài An (1929-2012) là để được cầm tay em mà dê đạo lộ.

Trong "Thiên Duyên Tiền Ðịnh' ông nhạc sĩ kiêm thầy bói đã cho anh Hùng Cường sờ mu rùa  em Mai Lệ Huyền trúng phóc như vầy:

"Mười hai con giáp em đây cầm tinh Quý Mùi. Cầm tay anh đoán năm nay duyên lành đến rồi. Gặp chồng hiền đức dễ thương. Tuổi này vượng số lắm con. Muốn cho vuông tròn nhờ anh môi giới mối mai đưa tình!"

Làm thầy bói như Hùng Cường được nắm tay em Mai Lệ huyền, tui cũng muốn làm hết sức vì muốn cầm cái gì khác của em trước hết là mình phải cầm tay em trước. Quá đã. Mân mê một hồi cho em khoái tỉ tê rồi em hỏi: "Người ấy quê quán nơi nào giàu nghèo. Tuổi tác bao lớn sang hèn thế nào ?"

Bèn nhấp nhấp, giựt giựt cái râu dê như hề Thanh Việt và phán rằng: "Anh ta tuổi chừng hai mươi mấy. Quen lắm nhìn sơ em biết ngay.  Chẳng ai xa lạ chàng ấy chính là anh, là anh đây!"

***

Lại nhớ ngày xưa mới đeo đuổi em yêu, vốn là em gái của thằng bạn học chung trường, chung lớp. Tết tới, chỉ có 500 đồng bỏ túi, tính rủ em đi ăn hủ tiếu bò vò viên trước rạp Ðại Ðồng Cao Thắng để thổ lộ tình anh.

Tình cờ gặp sòng bầu cua ở nhà em, bèn thử thời vận năm mới hên xui. Năm đó xui quá, đặt trái bầu em lắc ra ba con cua. Ðặt con cua em lắc ra ba trái bầu. Thua ạch bóc tính đứng dậy ra về thì em yêu cười chúm chím: "Ðen bạc đỏ tình. Cờ bạc anh đen nhưng tình duyên anh đỏ lắm; đưa cái tay cho em bói cho một quẻ đầu năm!" "Hết tiền rồi coi bói không có tiền quẻ đâu có linh hè?" Em cười khanh khách bảo: "Cho anh thiếu chịu, đưa tay đây cho em coi"

Ối cầm tay em hay để em cầm tay mình thì cũng rứa, cũng khoái tỉ tê như nhau mà! Tui bèn xòe cái bàn tay trái (nam tả nữ hữu) ra. Em cầm lấy, ngắm nghía một hồi, rồi cúi xuống, nhổ vào đó một bãi nước miếng.

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

Rạch Giá thuở lên 10!

 dxt_RGgate.jpg

Rạch Giá nằm ven biển, có 2 con dòng nước ăn thông với nhau và chạy gần như song song, một là rạch Vàm Trư, hai là Sông Kiên, sông Cái Lớn, bắt nguồn từ rạch Cái Lớn, U Minh Thượng, quận Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện,  khi vào xã Vĩnh Thắng, quận Gò Quao, tỉnh Kiên Giang (quê của soạn giả tuồng cải lương nổi tiếng Hà Triều chung với Hoa Phượng người Núi Sập, tỉnh An Giang), rạch rộng dần ra thành sông. Từ đây, dòng sông chảy theo hướng Tây Bắc, ôm lấy một cù lao, trên đó mọc nhiều cây giá (cùng họ với mắm, đước) rồi trổ ra biển.

Thấy mặt đặt tên, những người đến trước đã đặt tên cho khu vực này là ‘Cù lao Giá', con rạch bám riết cù lao là rạch Cây Giá. Rồi tỉnh lỵ Rạch Giá thành lập trên đất cù lao nầy.

Từ Rạch Sỏi về tỉnh lỵ Rạch Giá, có cái cổng Tam Quan. Phía trên cổng có hàng chữ "CHÂU THÀNH RẠCH GIÁ"; chiều ngược lại có hàng chữ ‘TỔ QUỐC TRÊN HẾT".

Muốn vào tới trung tâm tỉnh lỵ Rạch Giá ngày xưa đó, bà con mình phải đi qua hai chiếc cầu quay.

(Nhắc tới cầu quay, tui lại nhớ tới Mỹ Tho, thị xã quê mình. Khoảng 1890, Tây xây cây cầu đầu tiên bắc qua kinh Bảo Định để thay thế cho những cây cầu tre thô sơ hay những chiếc đò ngang nhỏ bé.

Cầu quay Mỹ Tho theo thiết kế của ông Gustave Eiffel, tác giả của tháp Eiffel, một thắng cảnh kiến trúc lừng danh tại thủ đô Paris, nước Pháp.

Thời thực dân chiếm đóng nước ta, Tây xây cầu xe lửa Bến Lức, cầu xe lửa Tân An (bắc qua sông Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông) ở trong Nam; cầu Hàm Rồng Bắc Trung bộ, thuộc tỉnh Thanh Hóa (bắc qua sông Mã xa rồi Tây tiến ơi); cầu Long Biên, gần Hà Nội (bắc qua sông Hồng). Tây gọi là cầu Doumer, theo tên  Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (Mà dân mình khi kêu tên cầu như một tiếng chửi thề quân cướp nước).

Cầu quay, thoạt kỳ thủy, hoàn toàn làm bằng sắt thép vì thế giới chưa chế ra bê tông cốt sắt.  Để cho tàu bè lưu thông qua lại, hai đoạn của nhịp giữa tách ra và được kéo lên cao như hình mái nhà; xong hạ xuống, hai nhịp lại ráp vào nhau cho xe cộ và người bộ hành qua lại.

Dĩ nhiên tàu bè qua lại dòng sông nầy phải chờ tới giờ công nhân dùng tay quay hệ thống ròng rọc để kéo hai đầu nhịp cầu lên cao, mở ra.

Cầu quay nhà lồng chợ Rạch Giá bắt ngang sông Kiên, nối liền khu thương mãi với khu hành chánh cũng vận hành y như thế.

Riêng cầu quay Vàm Trư, trước khi vào tới nội ô Rạch Giá, thì khi quay nhịp cầu, nó chơi kiểu khác, thụt vào đất liền, dòng rạch thông thoáng để tàu bè chạy tới, chạy lui.

Cầu Vàm Trư bị VC gài mìn giật sập vào tháng Bảy, năm 1967. Công binh VNCH xây lại cầu mới và có đặt tấm bia: "Ngày...tháng Bảy, năm 1967. Ngày Uất Hận của toàn dân Kiên Giang vì trên 30 đàn bà, cụ già và trẻ em đã thác oan nơi đây. Xin cầu nguyện cho họ".

Tấm bia đã bị VC đập bỏ vào ngày mùng Một, tháng Năm, năm 1975, khi CS chiếm được miền Nam.

 

***

Tháng Sáu năm 1960, tui mới được 9 tuổi, thì thân phụ tui đổi từ quận Cái Bè, tỉnh Định Tường về làm Trưởng ty Bưu Điện Rạch Giá. Coi như được thăng chức vì từ quận lên tỉnh.

(Tỉnh Rạch Giá lớn nhứt về diện tích miền đồng bằng sông Cửu Long, dẫu vậy tỉnh lỵ lại nhỏ; nhỏ nhưng trù phú; vì vừa có rừng vừa có biển. Năm 1960 Đại tá Hoàng Văn Lạc, làm Tỉnh trưởng; ông nầy lon lá hơi to; thường chỉ cấp bậc Thiếu tá mà thôi. Còn ông Phó hành chánh là Nguyễn Văn Nam.  Hai ông nầy là ‘xếp' của thân phụ tui, theo hàng ngang. Còn theo hàng dọc, Ty Bưu Điện trực thuộc Nha Bưu Điện Nam Phần đóng tại thủ đô Sài Gòn.)

Ngày dọn đi, ông quận trưởng Cái Bè Nguyễn Bá Cẩn (sau làm tới Thủ tướng cuối cùng của chế độ VNCH mình) cho xăng và tài xế để chở ba, má với 6 anh em tôi, cùng con chó Ki Ki (của ông quận đoàn trưởng Công Dân vụ quận Cái Bè cho lại trước khi ông lên đường đi Mộc Hóa, tỉnh Kiến Tường để đáo nhậm nhiệm sở mới) trên một chiếc xe bán tải (pick-up) Citroen trực chỉ qua Bắc Mỹ Thuận, Bắc Vàm Cống. Khởi hành từ 8 giờ sáng, chạy hoài chạy hủy, tới 4 giờ chiều mới tới Bưu Điện Rạch Giá nằm ở số 2 đường Tự Đức.

Ông ngoại tui từ quê theo tiếp con gái, con rể để dọn nhà. Tới nơi mệt quá, nằm lăn ra ngủ. Được một lát, miệng ú ớ la, rồi choàng tỉnh, mặt xanh lè, xanh lét. Ông ngoại tui gặp ‘quỷ'; vì đang nằm ngủ có một ông mặt đằng đằng sát khí đến, kéo giò hỏi: "Chú em là ai? Sao lại dám đến đây?" Má tui thuật lại chớ tui không dám đặt chuyện đâu nhe, thưa quý bà con.

Chắc vì tin tưởng có người khuất mày, khuất mặt như vậy nên thân mẫu tui rất siêng đi chùa. Mỗi lần rằm lớn, má đều dắt tui lên chùa Tam Bảo, hay gặp thầy Thành, dạy tui lớp Nhứt trường tiều học tỉnh ly Rạch Giá, mặc áo dà, chắp hai tay lâm râm đọc kinh Phật. (Lúc đó ông Mã Sanh Long làm Trưởng ty Tiểu học).

Rằm tháng Bảy, cúng cô hồn các đảng, thì đi chùa Thập Phương. Trên vách tường có vẽ mấy cái hình quỷ sứ cưa hai người ta đem nấu dầu; hình người ngồi trên bàn chông đầu đội chậu máu, những hình phạt tàn khốc cho kẻ làm ác ở thế gian. Coi ghê lắm. Lúc má kêu vào ngồi bàn đàng hoàng ăn cơm chay, tui no ngang hông hè, nuốt hổng vô, bèn buông đũa ra thơ thẩn phía sau chùa kế một dòng kinh. Cảnh vật coi êm đềm, u tịch.

Trước cổng chùa, có một chú tiểu ngồi vắt vẻo bên cạnh cái thúng, thí cô hồn, ném xuống nào là mía, bắp, khoai mì, khoai lang luộc, bánh tét, bánh ít... Có cả tiền cắc, tiền giấy, nhiều nhứt là 5 đồng. Đứa cô hồn nào giựt được khoái chí, la inh ỏi.

Nhỏ tuổi, nhỏ con, giựt không lại đám cô hồn sống nầy, đành chịu thua, tui làm khán giả đứng coi chơi.

(Có lẽ từ đó, học được bài học nầy, lớn lên ra đời thấy thiên hạ giành danh, giành lợi, giành gái, la chí chóe; tui chỉ lặng lẽ chuồn êm. Vì trong cái vòng danh lợi cong cong đó mình không đủ sức). 

***

Ngang Bưu Điện, cũng ở trên đường Tự Đức, số 1, bên tay trái, là công quán. Lâu lâu gánh cải lương về hát ở rạp Đồng Thinh bên chợ là mấy ông kép chánh đến trọ ở đây. Trong đó có danh ca Minh Chí, vua xàng xê, hát cho đoàn Minh Chí Việt Hùng.

Thuở ấy là thằng nhóc mới 9, 10 tuổi thôi nhưng rành sáu câu như vậy vì Tía tui ngoài làm cho Bưu Điện, còn có thêm nghề tay trái là ký giả kịch trường nên mấy đoàn hát về Rạch Giá, soạn giả Bạch Diệp Minh Nguyên hay gởi thiệp mời và Tía tui luôn dẫn tui theo coi chơi.

Ngoài ra Rạch Giá còn hai rạp hát chiếu bóng là rạp Hòa Lạc và rạp Châu Văn ở đường Phó Cơ Điều gần bến xe đi Sài Gòn.

Nhớ Noel năm 1961, rạp Châu Văn chiếu phim Nhựt Bổn "Quỷ đồng đen", mặc áo giáp sắt đi nhát con nít. Coi phim xong về ngủ nằm mơ thấy ‘quỷ' không hè.

Rạp Châu Văn bề thế, nhiều ghế ngồi hơn rạp Đồng Thinh nên đại ban nào cỡ Thủ Đô của ông bầu Ba Bản, chủ hãng dĩa Hoành Sơn, về mướn, hát tuồng dã sử ‘Tiếng trống sang canh' của soạn giả Thu An.

Vai chánh vua Lê Long Việt do vua vọng cổ Út Trà Ôn đóng, mặc hoàng bào bị em mình, hôn quân Lê Long Đỉnh, rượt phải chạy tuốt vô rừng. Sương xuống lạnh, tuyết (bằng bông gòn) thả xuống rơi rơi, chơi luôn 6 câu vọng cổ muồi rệu nên ăn khách tợn.

Ngoài ra còn có người khổng lồ cao tới 2 mét 2 (tên là Nguyễn Văn Dữ quê ở Ba Tri, Bến Tre) theo xe ngựa đi phát quảng cáo, kích thích sự tò mò của bà con mình nên càng ăn khách tợn hơn nữa.

***

Nhắc tới Rạch Giá là phải nhắc tới nhà lồng chợ, nơi bán cái gì cũng ngon hết ráo. Mà nổi tiếng nhứt là bún cá nên có câu rằng: "Lần đầu ăn tô bún cá. Chạy dìa Rạch Giá bỏ má theo em!"

Tấm tắc khen, ca tụng bún cá Rạch Giá của người em xứ Kiên Giang như vậy là đụng la phông rồi. Bún cá ngon, ham ăn đến nỗi thành thằng con bất hiếu.

Giống như  mấy đứa con nít khác, cùng tuổi, thèm đường, hảo ngọt (giờ già khú đế rồi tui vẫn còn ‘hảo ngọt') khoái ăn bánh bao ngọt của tiệm cà phê Quách Xái bên hông chợ, giá 2 đồng một cái.

Nhưng ba tui lại thích ăn sáng bằng bắp với xôi. Bắp giã, hột bắp xay sơ sài rồi đem hầm, trắng nõn, ăn với dừa rám nạo, rắc đường với lại muối mè. Ngoài ra còn xôi nước dừa, xôi nghệ. Vừa ngon vừa rẻ cũng chỉ tốn 2 đồng. Mấy đứa em tui thì khoái bánh bò, bánh da lợn, bánh tằm nước cốt dừa.

Còn cái xe bán mì hủ tiếu ở đường Phó Cơ Điều nữa chớ. Nhớ một hôm, tui ngủ sớm, giựt mình dậy, nhà vắng hoe; mới hay ba má dắt đám em mìmh qua đó ăn hủ tiếu mì.

Tui bèn lấy chiếc xe máy (hồi xưa gọi là xe máy nhưng không có gắn cái máy nào hết, tức xe đạp bây giờ) chạy theo. Chiếc xe đạp đòn dông cao, tui lại lùn beo, đâu đủ thước tấc để ngồi lên yên xe mà chạy. Bèn thọt cái chân ngang qua cái khung hình tam giác, đạp cà ẹo, cà ẹo nhưng vẫn chạy vo vo như người ta làm xiếc.

Qua cầu Cá chợ Rạch Giá quẹo tay trái chạy dọc bờ sông, xe đạp cán cục đá, tui té xuống, dộng đầu xuống mặt lộ nghe cái cốp. Tới nơi, được má cho ăn tô hủ tiếu mì lớn, ngon hết biết, mà vẫn còn hoa mắt, đầu vẫn quay mòng mòng.

Tối hôm đó về, nửa khuya lên cơn sốt, tui ói hết tô mì ra gối. Mở mắt nhìn lên, thấy má tui đang chườm nước đá lên cái trán nóng sâm sấp của mình.

Sau nầy lớn lên mới biết là tui bị té nặng đến nỗi chấn thương đầu, chưa nứt sọ để đi chầu ông bà ông vải đã là may. Chắc ông Trời bắt tui phải sống trên cõi đời ô trọc nầy mà trả cho xong nợ tiền kiếp cho con vợ của tui sau nầy.

Ôi! Nếu có kiếp sau, Diêm Vương hỏi: "Ê đầu thai trở về dương thế, chú mầy có muốn sống sướng như Tổng thống Mỹ Donald Trump tối ngày ăn cho no mập rồi đi nói dóc hay không?"

"Dạ không! Chỉ xin Diêm Vương cho tui được tiếp tục làm con của má tui thế thôi!"

dxt_cauVamTru.jpg 

Cầu Vàm Trư. Rạch Giá.

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 Chiều cuối năm nhớ Mắm!

 dxt_mam_2.jpg

Phú Tâm còn có tên là Phú Nổ hoặc Vũng Thơm là một xã đất giồng miệt Sóc Trăng trù phú, nơi người Tiều, người Khmer, người Việt đã và đang sống chan hòa với nhau hằng cả trăm năm.

Vũng Thơm nổi tiếng với lạp xưởng và mè láo không những chỉ trong nước mà còn bán qua tới tận Hương Cảng.

Độ ấy, đầu tháng Ba, năm 1975, Ban Mê Thuột thất thủ, xe đò hãng Phi Long chở đồng bào mình chạy giặc xuống tạm cư tại trường Trung học xã Phú Tâm, cách ngã ba An Trạch trên quốc lộ 4 chừng 9, 10 cây số.

Cũng tại trại tạm cư nầy, tui được may mắn đứng từ xa nhưng vẫn thấy mặt được một người anh hùng của QLVNCH là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lịnh Quân đoàn IV& quân Khu 4.

Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam mặc đồ trận, dây ba chạc, đội nón sắt, đeo súng Colt 45 được Đại tá Liêu Quang Nghĩa, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Ba Xuyên tháp tùng, đi ủy lạo đồng bào tỵ nạn CS.

Khi Tướng Nam và Đại tá Nghĩa rời trại tạm cư lên xe jeep trở lại Sóc Trăng, tui lại bận túi bụi phụ tiếp các sư sải Khmer phát bánh mì, sữa hộp hiệu Kim Cương cho bà con mình xong thì tới phiên mình đói bụng.

Dẫu chỉ là một giáo làng làng nhàng nhưng tui cũng được ông Trung úy Trưởng ban 5 Chi khu Kế Sách cho dựa hơi đi ăn ké thịt bò nhúng giấm chấm mắm bò hóc do một xì thẩu, thân hào, nhân sĩ ở chợ Phú Tâm thết đãi!

Prahok chow là mắm bò hóc sống làm bằng cá trê trắng, sền sệt màu đất sét với sả, ớt vắt thêm nước chanh để làm nước chấm, được người Khmer dùng đãi khách quý đến nhà.

Cầm đũa nhúng miếng thịt bò vào cái nồi nhỏ đựng dấm đang sôi, tui tính đưa ngay vô miệng vì đói bụng quá Trời rồi; thì ông Trung úy ngăn lại, kêu chấm vô cái nầy đã. Chưa thử lần nào, tui hơi ớn.

Úy trời đất ơi! Nó ngon thấu trời đi. Ngon đến nỗi gần 48 năm rồi, đêm nay quê người, tui cũng còn thấy nó phau trong miệng!

Do đó có một bậc thức giả vin vào câu nói: "Đến nhà qua chơi, có mắm ăn mắm có muối ăn muối, em đừng ngại!" là một cách nói khiêm cung, chứng tỏ lòng hiếu khách của người dân Lục Tỉnh Nam Kỳ.

Giờ thì tui lại hiểu rằng: Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối; một câu có hai vế đối nhau chan chát, tức là có món ngon cũng xin mời cầm đũa; mà chỉ muối hột cũng xin chớ có chối từ!

Nghĩa là mời khách ăn mắm là quý lắm đó nhe. Mắm cũng chứng minh được miệt Lục Tỉnh Nam Kỳ, thiên nhiên giàu có hào phóng cho cá dưới sông hay trên đồng, trong lung, đìa, bào nhiều đến nỗi bà con cô bác mình ăn không hết mới làm mắm phải không nào?

Như vậy xin đừng võ đoán là nghèo mới ăn mắm nhe quý anh!

Úc nầy cũng vậy. Đến nhà ai, thấy nhà to chưa chắc họ đã giàu. Vì có thể nhà chưa trả xong. Chạy Mercedes, chưa chắc họ đã là giàu, vì tiền nợ xe có thể chưa trả hết.

Muốn biết giàu hay nghèo chỉ cần mở cửa cái tủ lạnh ra... Nếu nó đầy nhóc; thì chắc chắn chủ nhà giàu rồi hè.

Riêng nhà tui là độc nhứt vô nhị, là không giống ai. Tủ lạnh luôn đầy nhóc vì khi siêu thị giảm giá, em yêu ham rẻ, rinh kình kình về, chất đầy một tủ! Tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy mà.

Xin cám ơn em yêu, người phụ nữ Việt Nam quá xá đảm đang; đã ghi thêm tên anh vào danh sách của những người Úc sắp bị bịnh béo phì!

***

Muốn làm mắm, cá phải làm sạch, cho cá thật khô rồi mới muối, đựng trong mái vú hay khạp da bò! Xong gài bằng những tấm vỉ tre và dằn lên những cục đá xanh để ép con cá muối nằm sát lại. Muối từ hai đến ba tháng!

Xong rang gạo lức cho chín vàng, xay nhuyễn ra làm thính, rắc vào cho mắm nó thơm.

Cuối cùng là chao mắm. Đường chảy thắng kẹo lên, trộn đều vào làm cho vị mắm dịu lại.

Sau vài tháng là mắm bắt đầu ăn được.

Tùy theo loại cá, ta có mắm cá lóc, mắm cá sặt, mắm cá rô đồng, mắm cá trèn, mắm cá linh, mắm cá thác lác, mắm cá chốt...

Mắm kho chỉ cần nửa ký lô mắm sặc, cho vô nồi nấu với hai lít nước lã để thịt con mắm rã ra. Lấy cái rây lược bỏ hết xương cá, nêm thêm bột ngọt, muối, đường gốc sả đâp hơi dập cột lại thành một nắm.

Chờ nồi mắm sôi lên, cà tím cắt khúc dài chừng ba, bốn phân, chẻ đứng, thả vài khứa cá ba sa vào (cá ba sa là nhứt hạng), thêm vài lát thịt ba rọi xắt nhỏ,

Nhắc nồi xuống rưới nước mỡ tỏi phi lên mặt.

Nồi mắm thơm phức quyết liệt tấn công vào khứu giác ai mà không ứa nước miếng cho được chớ?

Mùa gió chướng, sa mưa giông, người ơn ớn lạnh; khỏi cần aspirin, chỉ cần em yêu chơi cho một nồi mắm kho là giải cảm.

Ông bà mình đã dạy: "Đói ăn rau! Đau uống thuốc!"

Món mắm kho là tổng hợp các vị thuốc Trời cho như rau càng cua, rau đắng, cải trời, rau má, rau muống chẻ, rau diệu, rau mát, rau muống, rau ngổ, rau dền, cải trời; lá lốt, lá chùm ruột, lá vông nem, bông bí rợ, bông so đũa, bông lục bình, bông điên điển; đọt bầu, đọt bí rợ, đọt bí đao, đọt mướp, có đầy dẫy trong vườn hay ngoài ruộng.

Nhưng có ba loại không thể nào thiếu cho được! Đó là rau ngổ, cọng bông súng và hẹ ruộng.

Rau ngổ mọc dưới ao, ruộng, đìa, láng ngập xăm xắp nước ở Miền Tây mới có. Thân rỗng giống rau muống, lá nhỏ và dài giống lá rau răm nhưng có răng cưa xung quanh. Vị đắng nhẫn nhẫn, dai dai giòn giòn Khi ăn chỉ lấy phần cọng rau, tuốt bỏ hết lá đi.

Ca dao cũng có câu: "Muốn ăn bông súng mắm kho. Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm!"

Mắm kho không thể nào thiếu cọng bông súng cho được. Cọng bông súng khi tước vỏ rất giòn dễ gãy, dùng dao tước mỏng, rồi chỉ cần bẻ thành từng khúc.

Cuối cùng là Hẹ. Hẹ có hai loại: Hẹ rẫy và hẹ ruộng.

Hẹ rẫy lá dầy, bề ngang hẹp, màu xanh sẫm ăn với hủ tiếu hoặc mì hay hoành thánh của mấy chú Ba người Quảng.

Còn hẹ ruộng lá mỏng, có gân trắng chính giữa mỏng, mềm, xanh nhàn nhạt như lá sả, xốp và giòn.

Mùa nắng ruộng khô rang, nứt nẻ, không có cây cỏ gì sống được. Vậy mà mưa xuống, ruộng đầy nước, không cần gieo, không cần trồng gì hết, như lúa ma trên đồng nước nổi tới đâu nó đua tới đó, thì hẹ ruộng nói có em đây!

Lội xuống ruộng, trầm mình dưới nước, thò tay tìm cái gốc hẹ mà lắc lắc vài cái cho đất nhão ra rồi nhổ lên cả bụi lẫn gốc rễ.

Nhổ về, ngâm trong thau nước khoảng một giờ đồng hồ để rửa phèn và sình. Xong xếp ngay ngắn đầu theo đầu, đuôi theo đuôi trong cái rổ lớn cho ráo nước. Lấy kéo cắt bỏ phần rễ đi, cuộn nó lại cỡ ngón chưn cái, chấm với mắm kho, rồi bỏ vô miệng nhai rau ráu, vừa giòn tan, vừa mềm, vừa ngọt, vừa mát lạnh trong cổ họng, thiệt không có thứ rau nào có thể chiếm được ngôi bá chủ võ lâm trong các giống rau dùng ăn lẩu mắm.

Bưng chén đầy rau, gắp thêm miếng cá ba sa chấm muối ớt, ngon nhứt phần ức có mỡ hoặc thịt hai bên má của cái đầu cá, gắp vài miếng thịt ba rọi, miếng cà tím, múc mắm kho chan ngập vào, ớt sừng trâu chín đỏ xắt miếng xéo xéo (cho miếng ớt được lớn) vừa nhai rau ráu vừa húp rồn rột.

Ăn no mà không bao giờ sợ cái vòng số hai, tức cái bụng phình lên như cái trống chầu bao giờ. Một cách "diet" hiệu nghiệm của phụ nữ Việt Nam mình.

Chính vì vậy từ trẻ tới xồn xồn tới già, dù ăn như xáng xúc mà phụ nữ chúng ta ai cũng đẹp bóng lẫn hình mà không cần đi hút mỡ bụng.

Sau này, món lẩu mắm là mắm kho trong cái cù lao, đỏ rực than hồng! Món mắm kho luôn luôn sôi ục ục đã chễm chệ ngồi vào thực đơn nhà hàng ở cái đất Footscray nầy!

Cá, tôm, mực, nghêu ướp gia vị, gắp nhúng vào mắm nhưng tui lại thấy không ngon. Vì đồ biển nhúng vào mắm cá đồng là trật chìa, là trái bản họng hết trơn; như ca sĩ chuyên xuống xề nhạc muồi mà buộc phải chơi nhịp chỏi của "Rock and Roll"'!

***

Chiều cuối năm, gần Tết tới, lấy hai tuần lễ nghỉ thường niên vì cày suốt năm oải quá. Đi làm quen, ở nhà mà mấy thằng bạn nhậu, hình như tụi nó chết hết rồi sao mà không có ai kêu tui đó; nên cái mặt tui chảy xệ như cái bánh bao chiều; cứ trước sân anh thơ thẩn đăm đăm trông nhạn về!

Em yêu thương quá; bèn chơi cho chàng một cái lẩu mắm để chàng nhậu với rượu đế, trong như mắt mèo của Nga, là rượu vodka.

Vậy mà thằng Úc sát bên nhà, hửi hửi mùi mắm thơm nức mũi như vậy lại hỏi xỏ tui là: "Bộ nhà có người chết hả?" "Ờ có! Ông nội mầy!"

Nghe nói vậy, nó bèn ôm mặt khóc hu hu... làm tui cũng hoảng. E mình xài xể nó quá nặng lời làm tan vỡ cái tình chòm xóm, ít khi có trên nước Úc nầy, với nó bấy nay.

"Ờ! Anh nhắc, tui mới nhớ ông Nội tui chết trong niềm cô độc! Cả tháng mà hổng ai hay! Hu hu!"

Tui hối hận, bèn an ủi nó rằng: "Ôi cái xã hội bây giờ tệ như vậy đó chú em ơi! Buồn mà chi!"

"Anh nghe nói chú em mầy đang rắp ranh, bắn sẻ, ve vãn một em Việt Nam bán cá ở chợ Footscray thì phải?

Nhưng chú em mầy chỉ khoái ăn cheese, (hôi mùi xà bông tắm), và cá lăn bột với khoai tây chiên mỗi bữa, lại không ngửi được mùi thơm của nồi mắm kho trên bếp thì anh thành thật khuyên chú em mầy hãy từ bỏ niềm hy vọng bấy nay là chiếm được trái tim em! Vì đó chỉ là ảo vọng mà thôi!"

Thằng Úc nầy là thằng dại gái! Thấy con gái là mặt nó khờ căm thấy thương luôn.

Nghe tui hù như vậy nó bèn xuống nước nhỏ: Bắt đầu từ ngày mai nó sẽ ráng tập. Hãy mua dùm nó trước hết là chai nước mắm hiệu ba con cá cơm cái đã.

Từ từ nó sẽ ráng bịt lỗ mũi mà mần thêm cái món mắm kho!

Bằng không, em Việt Nam nầy sẽ tuyệt tình ca vì tui không ăn được mắm kho! Tim tan vỡ làm sao sống; chỉ còn cách đâm đầu xuống dòng sông Maribyrnong mà chết! Anh hai ráng giúp em nhe! Thank you very much!

Chiều cuối năm nhớ mắm!

 

đoàn xuân thu

melbourne.

  

Chữ và Nghĩa!

 dxt_chuvanghia.jpg

Bà con mình, già già cỡ tui, hồi xưa chắc đều biết các danh hài của sân khấu miền Nam mình như: hề râu Thanh Việt, hề nhựa Thanh Hoài, hề Tùng Lâm, hề Xuân Phát. Mấy danh hài nầy có cách diễn, cách giễu rất duyên và rất riêng. Không ai lẫn vào ai; không y chang, giống đồ hộp sản xuất hàng loạt danh hài như trong nước sau nầy.

Riêng hề Xuân Phát còn là soạn giả cải lương nữa đó. Ðâu hồi ngàn chín trăm sáu mươi mấy gì đó Xuân Phát viết tuồng ‘Tình Chú Thoòng', diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương của bầu Xuân. Hùng Cường, vai chú Thoòng, xuống vọng cổ, phát âm lơ lớ, hịt Ba Tàu. "Ai có răng vàng pể bạc pể đồng hồ hư pán hông?". Dễ tính như chú Ba... "Hà cái lầy xính xái, nó chọc mình mê gái Việt Nam, chổng khu làm bao nhiêu đưa cho em ăn hết (mà hổng làm vậy thì cách chi để đỉa đeo chân hạc cho được chớ?) Xuân Phát cười mình ‘dại gái' là viết đúng, chớ hổng có sai thì hà cái lầy cự cãi làm gì!

Tuồng ăn khách quá xá, quà xa. Xu hào rủng rỉnh nên soạn giả Xuân Phát hăng hái soạn thêm tuồng ‘Tình Anh Bảy Chà' cũng na ná, chỉ chuyển từ chú Ba qua anh Bảy mà thôi. Nhưng lần nầy bị tổ trác (chắc ông quên cúng Tổ!) Anh Bảy Chà do kép Thành Ðược đóng (chắc ngầm đua với kép Hùng Cường); cũng ca vọng cổ, giọng lơ lớ hịt ‘Cà ri Chà'. Nhưng hội Ấn Kiều lại hổng chịu cách Xuân Phát chọc quê như vậy, làm mất mặt bầu cua cả đám Chà Và. Hăm đi thưa Xuân Phát ra ba tòa quan lớn. Rét quá! Xuân Phát đành viết thư dà lỗi tại tôi muôn phần!

o O o

Melbourne, thủ phủ đa văn hóa của tiểu bang Victoria, Úc Châu, có hà rầm Ấn Ðộ. Có đứa đội ‘turban', để râu rìa, nói: "Tui là Sikh chớ không phải Ấn Ðộ." Vậy Sikh ở đâu?  Nó nói ở gần Ấn Ðộ (He he!). Rồi Ấn Ðộ Bombay; nhưng cữ chữ ‘bom bay' nầy rồi, (ghê quá mà) bèn đổi thành Mumbai. (Ối cái nào cũng ‘bai' hết mà bày đặt đổi tới đổi lui chi cho nó mệt? Huỡn quá hè!)

Sikh không ăn thịt, chỉ ăn rau. Ấn Ðộ, đạo Bà La Môn (Hindu), không ăn thịt bò. Ấn Ðộ, đạo Hồi, không ăn thịt heo. Người đạo Hồi trước khi giết trừu mần thịt luôn làm nghi thức; giống như bà con miền Tây mình trước khi cắt cổ gà, nấu cháo, xé phai, cũng lâm râm khấn vái cho ‘con gà' kiếp sau nó đầu thai... thành ‘con vịt'.

Cái thịt đó gọi là ‘halah meat'. Không phải ‘halah meat' nhứt định không mua. Nên có Chú Ba từ đại lục gom được một mớ kha khá, chạy trốn Hoàng đế Tập Cận Bình qua định cư vùng Coburg, phía Bắc thủ phủ Melbourne. Nơi đây nhiều dân Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey), Li Băng (Lebanon), toàn theo đạo Hồi, nên không ăn thịt heo; thịt mà chú Ba rất ‘hẩu xực', coi là ‘quốc nhục' (nhục là thịt chớ hổng phải nhục nhã đâu nhe bà con). Chú Ba nầy bèn mở cái tiệm bán thịt heo. Nhưng ế nhệ hè. Nhìn qua bên đường, thấy một tay Thổ Nhĩ Kỳ bán thịt không kịp hở tay hè. Nhìn lên bảng quảng cáo của nó chú Ba thấy đề ‘Halah Meat'.

Sáng hôm sau, chú Ba khệ nệ khiêng cái bảng quảng cáo ‘Halah Pork' đặt chình ình trước cửa tiệm mình để cạnh tranh câu khách. Ðúng là ngu như heo!

 

o O o

Chữ và nghĩa nó quan trọng dường nào trong buôn bán, thương trường mà ngay cả trong chính trường cũng vậy. Mới đây nè tờ ‘Wall Street Journal' của Mỹ, vô tình hay cố ý chơi chữ, gọi Tổng thống Nga là "Vladimir Trump" (ám chỉ hai ông ‘thần thừ' nầy là bà con cật ruột, cùng họ với nhau)  Sau đó phải xin đính chính, do lỗi của thằng đánh máy viết lộn họ Putin với họ Trump. Có một chú Sam cũng rất thâm, biểu nhà báo là tên Tổng thống Mỹ nên viết nhầm là "Donald Putin" luôn đi.

(Xin phụ đề Việt ngữ! ‘Putin' cắt thành hai âm ‘Pu' và ‘tin'; nếu phát âm theo kiểu Mỹ thì ‘pu' đồng âm với ‘poo' là tiếng lóng của chữ ‘phân'; còn ‘tin' nghĩa là cái hộp thiếc. Do đó ‘poo' ‘tin' là hộp đựng cái gì thối lắm). Ai mà nói mấy thằng Yankees cạn sợt, không có óc hài hước, hổng biết chọc quê thâm thúy như người Anh là lầm to đó.

o O o

Tóm lại, nếu nhờ chữ nghĩa để kiếm sống, tui xin mấy nhà văn mình nên cẩn tắc để vô áy náy. Lạng quạng là bị phang hoài hè!

Tác giả nhờ nhà phê bình, mới viết càng lúc càng ít rác. Viết văn, lựa chữ như đãi cát (trong bãi rác đời) để tìm những mảnh vàng nhỏ li ti hầu kết lại thành một đóa bông hồng vàng tươi thắm, dâng hiến cho người đọc.

Ða số những nhà phê bình, cầm cân nẩy mực như một quan tòa chánh trực, công minh. Chẳng bao giờ phê bình tác phẩm mà lại lôi tác giả ra chửi cha, mắng mẹ họ bao giờ.

Tui thường tôn kính một anh bạn văn như ngọn Thái sơn sừng sững, bởi kiến thức về miền Lục tỉnh quê mình, ổng chỉ chịu đứng hạng nhì, sau nhà văn Sơn Nam mà thôi.

Tuy nhiên chỉ vì chữ ‘Chà Và' có một tay ăn nói cộc cằn, thô lỗ phạng ảnh thiếu điều lọi tay, hết muốn viết luôn.

"Chà Và không phải là Ấn Ðộ; mà là người đến từ Java thuộc Nam Dương. "Viết vậy mà dám nhận vơ là giáo viên!"

Thiệt là lời phê bình cà chớn, cà cháo và cà pháo. Miền Nam mình, xưa, dạy trung học được gọi là ‘giáo sư' chớ không phải ‘giáo viên' miền Bắc CS.

Chữ ‘nhận vơ' người miền Nam hổng có xài; bà con mình dùng chữ ‘nhận ẩu'; ai khoái chơi từ Hán Việt thì xài chữ ‘mạo danh'.

Sau khi mất nước, các nhà văn miền Nam đều bị tụi nó đem đi nhốt, hoặc dè bỉu, chê bai hết ráo; chớ đâu phải riêng chỉ cá nhân tui!

"Trước khi chê tui dốt, sao ‘giả' hổng chịu tra tự điển của Lê Văn Ðức và Lê Ngọc Trụ định nghĩa: người Chà ở cù lao Java (Nam Dương) đang sinh sống ở Việt Nam, nghĩa rộng chỉ chung người da đen, gốc Ấn Ðộ, Malaysia hay Indonesia tới sống ở Việt Nam!"

Anh nói đúng đó! Ða phần người da ngăm ngăm, đến nước mình sinh sống là Ấn Ðộ.  Quê tui nè, Mỹ Tho nhỏ xíu hè, vậy mà anh chạy qua cầu quay về hướng Gò Công, gần chợ Cũ cũng thấy có cái nghĩa địa Ấn Kiều đó.

Rồi còn người Chăm, tức người Chiêm Thành, con cháu của Chế Bồng Nga, sau khi bị Ðại Việt thôn tính, chạy tùm lum, tùm la qua Miên rồi về Châu Giang, Châu Ðốc. Người Việt gọi những người Chăm mất nước đó là ‘Chà Châu Giang'.

Nếu có là buồn buồn chọc ghẹo nhau chơi cho vui; chớ không hề ác ý như: "Chà và, ma ní tí te. Cái bụng thè lè, con mắt ốc bươu" hoặc "Chà và ma ní tí te. Hàm răng trắng nhách, con [...] đen thùi". Những người Chà Và (Ấn, Chàm...) đó sống chan hòa với bà con người Việt từ miền Trung vào; bà con người Minh Hương, phản Thanh phục Minh thất bại, chạy qua; rồi bà con Khmer đã bao đời sống trên vùng Thủy Chân Lạp.

Chỉ đến khi miền Nam sụp đổ, dưới sự áp bức của CS Bắc Việt, anh Bảy Chà chạy trước (vì còn giữ quốc tịch Anh hoặc Pháp). Rồi đến chú Ba bị đánh tư sản, mất nhà cửa cơ nghiệp. Sau rốt tới người Việt mình, vì mất tự do, cũng chạy luôn ra biển.

o O o

"Thôi bỏ qua đi Tám! Tui phục tài anh lắm. Dùng câu nào ra câu nấy, chữ nghĩa sáng trong!" Nhưng mới đây tui đọc chỉ vài câu (văn hay đâu nệ ngắn dài!) của một tác giả ‘nặc danh', thấy cách dùng chữ cũng hay quá xá.

Tả cơn bão số 9, rớt ở Sài Gòn, ổng tường trình như vầy nè: "Ðường Kha Vạn Cân ngập tới chân. Ðường Huỳnh Thúc Kháng ngập tới háng. Ðường Khương Hữu Dụng ngập tới bụng. Ðường Trần Phú ngập tới vú. Ðường Phạm Văn Hai ngập tới vai. Ðường Nguyễn Thị Minh Khai ngập tới tai (Cha, ‘khai' dữ nghe vì lỗ tai gần cái lỗ mũi).  Ðường Cao Văn Lầu ngập tới đầu. Ðường Võ Thị Sáu ngập hết ráo..." (Nghĩa là ngập từ chân lên tới đầu).

Tên đường toàn là ‘Vi- Xi' không hè! Mà còn hay hơn nữa! Ðường Trần Ðình Xu ngập tới [...] và đường Vân Ðồn ngập tới [...]

Tác giả không chịu viết ra ba cái ‘chấm chấm' nầy mà ai cũng hiểu; không có người không hiểu. Thiệt hổng biết ổng muốn ăn gì để tui cúng... He he!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

Lục lâm thảo khấu!

dxt_luclamthaokhau.jpg 

 

Bảo Huân

 

Tới Úc gần một phần tư thế kỷ, một phần ba của năm tháng đời người, (cũng lâu đó chớ), tui thấy có nhiều điểm tương đồng giữa dân Úc và bà con Lục tỉnh Nam kỳ của mình.

Bà con mình cũng như dân Úc vốn bị áp bức, phải bỏ xứ ra đi đến vùng đất xa xăm. Đất cũ đãi người mới, vừa làm vừa chơi cũng có ăn nên ‘hưởn' đâu mà lo cho nó ốm o, gầy mòn.

Kiếm cái bỏ vào mồm dễ dàng như thế ắt đưa đến cái tánh phè cánh nhạn. Lè phè từ tướng đi giọng nói, đến cách ăn chơi. Thấy ai lạch bạch như con vịt trên đường, thất tha thất thểu; nếu da trắng là Úc chánh tông; còn da vàng chắc chắn là bà con mình miền Lục tỉnh quê mình.

Tánh giống nhau và suy nghĩ cũng không khác mấy. Cả Úc lẫn Việt đều đồng ý là xã hội cần cảnh sát thi hành pháp luật, để giữ gìn trật tự an ninh cho mình. Chớ hổng phải vô cái đồn công an rồi ra trên chiếc băng ca; rồi hòm gổ cài hoa như ở quê ta bây giờ.

Tuy nhiên đối với cảnh sát, dân Úc rặt nó đâu có ngán, ăn hiếp nó đi thưa vì Úc rất ghét bất công (not fair).

Trái lại, bà con mình thì tránh voi chẳng xấu mặt nào, cứ chín bỏ làm mười hoài hè. Trong sở làm bị thằng ‘boss' ăn hiếp một cách vô lý cũng nín khe; vì đấu tranh thì tránh đâu hay sợ bị trâu đánh. Cự nó sợ bể nồi cơm bất tử. Cứ tự an ủi: nó ăn hiếp mình như nó ăn hiếp thằng cha của nó vậy. Thế hệ thứ hai thì may ra mới ‘on bon phi nan' cái vụ nhịn là nhục nầy.

Qua nước Úc nầy đây mình phải học cái hay của nó. Hổng làm trật là hổng sợ ai hết ráo kể cả cảnh sát. Bất kỳ ai quyền lực thế mấy cũng không được quyền ngồi xổm lên luật pháp bao giờ.

Mà muốn hành xử cái quyền công dân chánh đáng của mình, người dân Úc cũng cam go, đấu tranh dữ lắm mới có, chớ hổng có cái vụ trên trời rớt xuống, dưới đất chui lên bao giờ.

Phản kháng nhè nhẹ là dùng lời nói như câu chuyện dưới đây: "Vào sáng ngày Giáng Sinh, một tay ‘cớm', tức phú lít, tức thầy đội, tức cảnh sát Úc đang ngồi trên lưng ngựa, cạnh một cột đèn giao thông để chờ mấy đứa nào suốt tối hôm qua nhậu quá xá, say xỉn, liều mạng chạy ẩu qua, thầy đội sẽ gọi xe tuần tra đuổi theo mà ghi giấy phạt hoặc tước bằng lái cho nó tởn tới già; đừng đi nước mặn mà hà ăn chưn.

Chờ hoài mà thấy hổng có xe nào chạy qua mà phạm luật cả! Chẳng qua mấy thằng tài xế láu cá nầy thấy cảnh sát đón đường là nó đã nhá đèn báo động cho những tài xế khác đang chạy ngược chiều né trước, cho dù hổng có bà con thân thích ruột thịt gì ráo. Chớ tiền phạt vài trăm đô chớ đâu có ít, rồi trừ 3 điểm trong bằng lái. Hết 10 điểm là phải đi học lại để lấy bằng! Hồ sơ án tích còn nằm chình ình ở đó, rất khó mua bảo hiểm xe cộ; nó tính mắc gấp đôi thiên hạ để cho mấy tay sáng say, chiềuxỉn, tối ôm chai mà ngủ hết còn dám nhậu xong, hà tiện tiền đi Uber, vác xe ra đường chạy nhong nhong.

Ngồi trên lưng ngựa, hổng có gì làm mà gió hiu hiu thổi, buồn ngủ nên thầy đội bắt chuyện với một thằng nhóc tì Úc đang ngồi trên chiếc xe đạp mới cáu cạnh để chờ đèn chớp xanh dành cho bộ hành hoặc xe đạp băng qua lộ.

"Ê nhóc! Chú mầy có chiếc xe đạp đẹp quá he! Có phải Santa Claus cho chú mầy hông vậy?" Thằng nhóc gật đầu: "Phải"

Thầy đội tiếp lời: "Nè! Năm tới nhớ nhắc Santa gắn đèn sau cho chiếc xe đạp nhé!" Xong thầy đội biên một giấy phạt thằng nhóc 20 đô về lỗi vi phạm luật an toàn giao thông.

Thằng nhỏ nhận giấy phạt xong rồi hỏi: "Thầy đội có con ngựa nầy đẹp quá hè. Có phải Santa Claus cho thầy đội phải không?" Nghe khen con ngựa mình đang cỡi đẹp nên thầy đội hểnh mũi, gật đầu: "Đúng vậy!" Thằng nhóc bèn tiếp lời: "Năm tới nhớ nhắc Santa đừng có để ‘con lừa' ngồi trên lưng ngựa nầy nữa nhé". "Bye! Merry Christmas"

Nói nào ngay thằng nhóc tì nầy chắc là Úc gốc Irish nên trong dòng máu luân lưu của nó đã thừa hưởng từ Ned Kelly, tay lục anh chị lục lâm thảo khấu; nhưng là một anh hùng trong cõi nhân gian Úc.

Chuyện rằng: Năm 1861, dân số tiểu bang Victoria từ 80 ngàn, chỉ trong vòng 10 năm, đã tăng lên gấp 10, tới 540 ngàn; vì mỏ vàng được phát hiện ở Ballarat và Bendigo. Thiên hạ đổ xô tới đi tìm vàng. ‘Gold Rush!"

Ngày lui cui đi đào vàng, chiều về nhậu xỉn, giành gái, đánh lộn ì xèo. Số cảnh sát không đủ để giữ gìn an ninh trật tự.

Tuyển thêm cảnh sát ngay tại chỗ hơi khó vì toàn là ‘convict', (tội phạm) đi đày không hè. Tư pháp lý lịch đen ngòm thì làm cảnh sát đâu có được. Vậy là phải về mẫu quốc, nhưng mấy tay cảnh sát tân tuyển từ bên Anh đa số theo đạo Tin Lành (Protestant) phân biệt đối xử với di dân Irish vốn theo đạo Thiên Chúa (Catholics)

Do chạy trốn nạn đói do suy trầm kinh tế ở Ireland, nên qua đây đa số dân Irish nghèo. Mà đất canh tác tốt lại bị đám địa chủ dùng tiền bạc hối lộ, cấu kết với bọn chánh trị gia và bọn cảnh sát bất lương chiếm hết.

Bất công như vậy thì ắt có người đứng lên chống lại: đó băng đảng của Ned Kelly.

Ned Kelly sanh năm 1854 tại Beveridge, một thị trấn nhỏ về hướng Bắc của Melbourne. Cha của Ned là John ‘Red' Kelly bị đi đày qua Úc vì tội ăn trộm heo. Mãn án, cha Ned cưới Ellen rồi lại đi ăn trộm ngựa của địa chủ. Red Kelly bị bắt, ở tù sáu tháng, ra tù bị bệnh chết ngắt.  

Ned Kelly mới 16 tuổi cũng bị ở tù 3 năm khổ sai về tội trộm ngựa. (Đúng là con ơi nghe lấy lời cha. Một đêm trộm ngựa bằng ba năm làm).

Ra tù, Ned và em là Dan Kelly cùng hai bạn tù là Joseph Byrne and Steve Hart lập ra băng đảng Kelly.

Ngày 15, tháng Tư, năm 1878, cảnh sát viên Fitzpatrick đến nhà Kelly để bắt Dan cũng về tội trộm ngựa. Ned chống lại, bắn Fitzpatrick trúng cổ tay rồi cả bốn trốn vào rừng. Cảnh sát bèn bắt mẹ của Ned là Ellen Kelly nhốt ba năm về tội giúp đỡ con mình. Thấy mẹ mình bị cảnh sát đối xử tàn tệ nên anh em nhà Kelly rất lấy làm căm hận.

Ngày 26, tháng Mười, 1878, thượng sĩ Kennedy và ba cảnh sát viên là McIntyre, Lonigan and Scanlon được phái đi truy lùng Ned và đồng bọn. Kết quả địch chẳng sướt một miếng da; phe ta ba đứa chầu tiên tổ. Chỉ còn tay cớm McIntyre sống sót.

Cảnh sát Victoria ra lịnh cho băng Kelly nộp mình. (Giết ba cảnh sát thì ngu sao mà đầu thú).

Vậy là băng Kelly bị đặt ra ngoài vòng pháp luật. Gặp là ‘phơ' ngay tại chỗ. Bắt sống xử tử ngay; khỏi đưa ra Tòa chi cho nó lâu lắc. Còn ai bắt được (dù sống hay chết) giao nạp cho cảnh sát sẽ được trọng thưởng.

Đêm 26, tháng Sáu, năm 1880, Joe Byrne and Dan Kelly bắn chết Aaron Sherritt, một đồng đảng cũ, giờ là mật báo viên cho cảnh sát. Cảnh sát từ Melbourne lên vây chặt lấy lữ quán Glenrowan, nơi băng đảng Kelly đang ẩn náu.

Trận đấu súng quyết liệt một mất một còn xảy ra. Joe Byrne bị bắn chết. Lữ quán bị cảnh sát đốt, Dan Kelly và Steve Hart bị chết cháy.

Ned Kelly mang giáp chống đạn chống trả quyết liệt nhưng bị bắn vào chân và bị bắt. Ngày 11, tháng Mười Một, năm 1880, lúc 10 giờ sáng, Ned Kelly bị treo cổ tại khám lớn Melbourne.

Truyện, thi ca, tranh, nhạc, phim ảnh ca tụng một tên đầu lĩnh lục lâm thảo khấu cầm đầu băng đảng chuyên ăn trộm ngựa, cướp nhà băng, giết cảnh sát là một vị anh hùng trong cõi nhân gian Úc vì dám chống lại sự áp bức, bất công của bọn cầm quyền.

 

***

Còn ở Lục tỉnh Nam kỳ nước ta, cũng có một băng đảng lục lâm thảo khấu, chuyên ăn cướp của người giàu chia cho người nghèo vào đầu thế kỷ 20.

Đầu lỉnh là Lê Văn Tín, quê gốc Cao Lãnh. Nhỏ ham luyện võ nghệ, bùa chú; lớn lên làm ăn cướp với biệt danh là Đơn Hùng Tín (sống cuối nhà Tùy bên Tàu hay giao du cùng bọn thảo khấu như Tần Thúc Bảo cũng chuyên đi ăn trộm ngựa).

Giới giàu có sợ Tín, giới giang hồ đều nể mặt; vì tin là Tín có bùa ‘Thiên Thư bí quyết' Nhà văn Sơn Nam giải nghĩa: ‘Thiên Thư bí quyết' là sách dạy ảo thuật của một người đồng hội, đồng thuyền với Đơn Hùng Tín, tên là Giáo Phép.

Việc súng bắn không chết chỉ là kỷ xảo do đầu viên đạn bắn ra làm bằng sáp, còn đầu viên đạn trong miệng Đơn Hùng Tín nhả ra đã được ngậm từ trước. (Té ra Đơn Hùng Tín vừa có tài ăn cướp vừa có tài hát xiệc.

Một giai thoại Đơn Hùng Tín đi ăn cướp như vầy: "Hôm ấy thầy Cai (tổng) làm lễ vu qui cho con. Quan chức hội tề, điền chủ các làng tới chung vui. Cũng là dịp mấy bà khoe của, đeo vòng vàng đỏ tay.

"Con ơi, tháng Chạp tới đây là ngày con được ghi vào sổ nhân duyên, trên cung đàn nhấn phím tơ loan đàn bản cầm sắt cho duyên hai con bền chắc... ".

Một chiếc ghe hầu cập bến. "Xin thầy Cai nhận cặp rượu sâm banh với hai gói trà Ô Long Kỳ Chưởng gọi là chút quà mọn".

Chàng rể và cô dâu ra chào bà con hai họ và thân bằng quyến thuộc, để khách tặng bao thơ giúp vốn cho cặp vợ chồng trẻ ra riêng. Đúng vào lúc đó, Đơn Hùng Tín móc súng ra, là tất cả các bà đều riu ríu nộp hết cà rá, dây chuyền và tiền đi đám cưới. Tín ung dung từ biệt hai họ, nhổ sào chống ghe hầu đi mất!

Cuối cùng bị đàn em phản bội, chỉ điểm, Đơn Hùng Tín bị Tây bắn chết trên sông Tiền, đoạn giữa Mỹ Tho và cù lao Rồng (cồn Tân Long bây giờ).

Chiếc ghe lườn của Đơn Hùng Tín được học giả Vương Hồng Sển, theo lịnh Tây thuở đó, bán rất được giá. Nhưng bán hớ! Vì người trúng thầu biết Đơn Hùng Tín đã giấu vàng lá trong ghe. Thiệt là cốc mò cò xơi!

Nguyên nhân Miệt Dưới - Miệt Vườn đều có bọn lục lâm thảo khấu vì luật pháp không công bằng, xã hội loạn lạc, trộm cướp ắt nổi lên như rươi. Xưa giờ cũng vậy!

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

 

________________________________________________________________________________ 

Mùa  Xuân sao lại lạnh?!

 

 

dxt_muaxuansaolailanh.jpg

Bà con mình, dù lương hay giáo, cứ mỗi độ mùa Giáng Sinh về, đều nghe lời hát: "Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời. Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa..."

Nghĩa là Giáng Sinh mùa phải lạnh, tuyết rơi lã chã trắng trời; xe tuần lộc, tiếng lục lạ reo vui chở ông già Noel đi phát quà cho trẻ con, chạy băng băng trên những con đường, mặt lộ là băng giá.

Nước Mỹ, thuộc bắc bán cầu, mùa đông, mùa Giáng Sinh về lạnh quéo, thở khói quanh mồm; Úc, thuộc nam bán cầu, mùa hè, mùa Giáng Sinh về nực muốn khùng, thở ra toàn hơi beer. Phải làm vài chai cho đã khát...

Hồi xưa trước khi ai bao năm từng lê gót nơi quê người, tui cứ tưởng tượng là Giáng Sinh về mùa phải lạnh.

Lạnh mới nên thơ chớ. Để tìm chút ấm, mình ngồi xáp lại gần em yêu, tay cầm ly vang đỏ, tiếng lò sưởi chạy bằng ga kêu tí tách mà trời bên ngoài tuyết vẫn rơi rơi.

Đó chỉ là tình mộng chớ mùa Giáng Sinh ở Úc nầy mới xáp lại gần em, để tình thương mến thương là em nạt: "Xê chút ra!Nực nội quá hè!" Nghe mà tan nát cái lòng... thòng!

Tui có cái tật xấu là đêm nào lai rai vài ba sợi là lên facebook, gọi mấy thằng bạn cũ đang trên bước đường lưu lạc tận Hoa Kỳ để phá nó chơi.

Cái lạ là cái tật xấu nầy mấy thằng bạn học, bạn lính của tui lại khoái mới chết. Tui gọi là nó trả lời ngay vì tụi nó cũng cô đơn, bị em yêu ‘cấm vận' y chang tui vậy đó. Mùa đông Hoa Kỳ lạnh thấu xương mà em lại không cho run run tìm hơi ấm... để đợi xuân về.  

Tui có thằng bạn lính, đi HO, được một gia đình người Mỹ bảo trợ về gần Ngũ đại hồ, tiểu bang Minnesota, mà nó dịch ra tiếng Việt là ‘Mỹ nó sợ ta'.

Mỹ nó sợ ta hay không thì tao không biết nhưng tao sợ mùa đông nước Mỹ! Chu choa nó lạnh ác ôn luôn! Trên một vùng đất hoang vu đẹp tuyệt vời,  thác Minnehaha đóng băng nhưng tao không dám đến thưởng ngoạn vì ra ngoài trời, chỉ hơn nửa giờ, dù có áo ấm mấy lớp đi chăng nữa cũng có thể chết nghe em!

Hồi năm 2017, Minnesota nhiệt độ xuống tới trừ 37 độ C, phá kỷ lục cũ là trừ 32 độ vào năm 1924.

Lạnh đến nỗi nước đang sôi trong chảo biến thành tuyết ngay khi được hất ra ngoài trời. Khi mình vắt sữa bò thì mình được cà rem. Khi mình vắt sữa trâu thì mình lại được chocolate. Rồi tạp chí khiêu dâm Playboy phải đình bản vì trời lạnh quá hổng em nào chịu cởi truồng hết trơn cho tụi mình coi hè!

Nghe nó than như vậy, tui hỏi: "Sao mầy không chuyển về Little Saigon, tiểu bang California, một trời nắng ấm?"

"Cũng muốn lắm chớ! Vì ngoài thời tiết Little Saigon quá đã mà mấy em Mít của mình bên ấy mặc ‘bikini' bán cà phê sữa, trông còn đã hơn nữa.

Nhưng lực bất tòng tâm! tiền tao không có. Căn nhà 3 phòng ở Minnesota, trả hết nợ ngân hàng, sau nhiều năm vợ chồng cày bừa cật lực, chỉ giá có 250 ngàn đô Mỹ. Với số tiền đó vác về Cali, tao chỉ có thể mua được túp lều của chú Tom.

Tui lại hỏi: "Lạnh quá rồi làm sao sống cho được chớ? Nên nhớ mình là dân nhiệt đới, đến Mỹ từ miền Nam mưa nắng hai mùa. Mưa ở trần chạy nhong nhong ra đường tắm mưa cho mát; mùa nắng cũng ở trần mặc cái quần ‘xà lỏn' đeo tòng ten cái đồng hồ quả lắc, chỉ có cây kim giờ, đi khắp xóm. Em nào nhìn thấy cũng buột miệng xuýt xoa khen là ‘của quý'!

Chân ướt chân ráo tới đây mình cũng học dân bản xứ cách mưu sinh thoát hiểm, chống lạnh để sống sót tới mùa xuân?
Một là vợ nói gì thì mình nghe đó; sai gì thì mình làm ngay; đừng cù cưa, cù nhằn hẹn mai, hẹn mốt. Bị vợ đì sói trán cũng rán mà chịu vì em độc quyền cái lò sưởi 37 độ rưởi. chạy bằng cơm.

Em giận lẫy là tối mình phải nằm chèo queo, buốt giá là nó héo queo hết ráo.

Hai là coi người bản xứ chống lạnh như thế nào để mình bắt chước.

Hồi mới được gia đình người Mỹ bảo trợ tuốt lên cái xứ lạnh nầy đây, vợ chồng cứ nhủ lòng rán tồn tại một vài năm đầu rồi tính tới.

Tao mua căn nhà của vợ chồng ông Mỹ già để có chỗ che bão tuyết mùa đông. Thì em yêu cản: "Đừng mua, mắc kẹt ở đây, lạnh chết!"

Hai vợ chồng ông Mỹ già trấn an rằng: "Vợ chồng tao ở đây cả mấy chục năm, mấy chục mùa tuyết đổ cũng đâu có chết chóc thằng tây nào. Mua đi rồi vợ chồng ‘qua' sẽ truyền bí kiếp chống lạnh lại cho hai em mà! Đừng có lo!"

Trả tiền xong xuôi, dọn vô nhà, mùa đông Minnesota đang tới bên thềm cửa. Bão tuyết ngoài trời; trong phòng lò sưởi bật tối đa mà tường vẫn thở ra hơi khói lạnh. Đun một chảo nước sôi tạt ra ngoài cửa để đi không trơn trợt; nước sôi trong chảo biến thành bông tuyết phất phới bay.

Vậy là bốc ‘phôn' lên hỏi vợ chồng ông chủ nhà cũ, bí quyết chống lạnh là gì?  Lão cười he he nghe rất đểu: "Ờ mỗi mùa lạnh về, khi đàn ngỗng trời kêu quang quác xuôi nam thì vợ chồng ‘qua', giống như ngỗng, bay về Florida đó chú em!"

Bị Mỹ gài thế đành chịu trận; nhưng lâu rồi đời mình sẽ quen. Ông Trời rất công bằng. Thiệt cái nầy thì Trời bù lại cái kia.

Xứ lạnh mình ăn nhiều, da có lớp mở kha khá dầy; chớ hối còn kẹt trong nước, ốm o gầy mòn như con khỉ mắc phong; qua đây ai cũng thêm ít nhứt là chục ký. Lên cân, tốn tiền mua quần áo mới; nhưng an ủi một cái là da mặt mỡ màng, căng mộng! Em yêu gần 61 mà nhìn tưởng chừng 16; còn mình 64 nhìn tưởng chừng mới 46 thôi.

"Năm rồi, tao về Sài Gòn, thăm bà già bị bệnh nặng Trời nóng ẩm quá, cỡi trần ngồi hóng gió trước hiên nhà, em bán vé số ngang qua mời anh Việt kiều mua dùm em một tấm vé số xổ liền.

Ngạc nhiên hỏi: "Sao em gái biết anh là Việt kiều mà không phải là Việt cộng?"  Em cười lỏn lẻn trả lời: "Việt cộng nó đen thùi lùi hè; còn Việt kiều nó trắng nỏn đó anh hai!".

***

Thằng bạn lính nhân cơ hội nầy giảng cho tui thêm một bài về địa lý.  Nó nói hồi xưa mình đọc nhản thuốc lá Pall Mall của Mỹ là: "Phải anh là lính mời anh lên lầu!". Chí lớn gặp nhau, bên ni. Mỹ đọc tên Ngũ Đại Hồ "HOMES" (nhiều nhà"), tức là Huron, Ontario, Michigan, Erie và Superior.

(Ngũ là năm, đại là bự, hồ là cái hồ) là năm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới, từ Hoa Kỳ ăn tuốt qua Canada

Hoặc "She Made Harry Eat Onions ("Bà ấy bắt Harry phải ăn hành") tên 5 cái hồ, xếp từ tây sang đông.

Các hồ, mùa hè giữ nhiệt, mùa đông sẽ làm bớt cái giá băng nhưng Ngũ Đại Hồ năm nào cũng băng giá.

***

Bà con mình thường nói: Bên Mỹ chuyện gì cũng có thể xảy ra được hết ráo!" Quả có vậy!

Nhân mùa Giáng Sinh lạnh bà con mình cũng nên đọc qua chơi mấy câu chuyện có thật nầy để ‘rút sợi dây kinh nghiệm'.

Mùa đông đường dẩn nước trong nhà thường bị đóng băng. Để có nước pha cà phê, uống cho ấm, chú em Mỹ bèn de xe lại gần cửa sổ đang mở để ống bô xịt khói vào nhà giúp tan băng.

Kết quả tan băng đâu không thấy, chú em, vợ và ba đứa con được xe hồng thập tự chở vô nhà thương cứu cấp vì ngộ độc khí ‘carbon monoxide'.

Rồi một buổi sáng mùa đông lạnh giá, không thể khởi động xe, George chẩn đoán xăng bị trong bình bị thành đá cục hết rồi. Nên chú em đem cái bình xăng chục lít dự trử trong nhà xe cũng bị đóng băng, đặt lên cái bếp ga để sưởi cho nó ấm, rồi đổ vô bình xăng xe.

Hậu quả cái bình nổ cái ‘bùm', văng tùm lum làm phỏng luôn cái mặt điển trai như diễn viên hài hải ngoại Hoài Linh (đang về kiếm ăn trong nước).

***

Mùa đông cũng là mùa Giáng Sinh, mùa vui... nhưng có chuyện vui muốn khóc.

Vốn là một đứa con cá biệt, chú em không muốn đánh thức bố mẹ mình; vì sợ bị dũa te tua vì vi phạm lệnh giới nghiêm, cấm sau 9 giờ tối không được trốn đi chơi lễ Giáng Sinh cùng chúng bạn.

Về nhà muộn, chú em lên ống khói tuột xuống để vào nhà; nhưng thân thể phì nộn, mập như con heo nên chú em mắc kẹt trong ống khói. Leo lên không được; tuột xuống không xong; chỉ còn cách chổng mông là bố ơi cứu con với.

Lính cứu hỏa và cảnh sát từ thành phố Oak, tiểu bang Michigan, Hoa Kỳ, đến để giải cứu chú em ra khỏi ống khói; rồi xe hồng thập tự chở chú em thẳng vô nhà thương xức thuốc đỏ cho những vết xước, xức dầu cù là lên những vết tím bầm.

Cái kinh nghiệm hơi hoảng hốt và đau đớn nầy đã dạy cho chú em một bài học là: Bao giờ cũng nên dùng cửa để vào nhà hơn là qua cái ống khói của lò sưởi.

Chú em nầy phần số cũng còn may mắn lắm. Có tay chuyên nhập nha ăn trộm cũng làm y như thế, mắc kẹt trong ống khói, hổng ai hay. Mười năm sau, khi còn là một xác quắt queo vì bị xông khói người ta mới biết tại sao chú em hành nghề đạo chích nầy đột nhiên mất tích.

Rồi hai ngày trước Giáng Sinh, Jimmy lái môt chiếc xe buýt nhỏ để chở 12 tù nhân đi điều trị bức xạ tại một bệnh viện gần đó.

Giáng Sinh là ngày vui, nên tù nhân mời Jimmy một ly. Vì vậy, họ dừng lại ở quán rượu Rose và Crown, Ai cũng có một ly chúc mừng nhau Merry Christmas.

Uống xong Jimmy đi ‘xì trum'. Xong ra, tất cả các tù nhân đã biến mất. Jimmy lái xe vòng vòng hơn nửa tiếng đồng hồ để kiếm mấy ngài bạn quý của mình. Nhưng bóng chim tăm cá.

Làm gì bây giờ? Cái khó là nó ló cái khôn hè. Xưa giờ cũng vậy. Jimmy bèn dừng lại một trạm buýt nơi khách đang chờ xe để về nhà ăn mừng lễ Giáng Sinh.

"Mại dô! Mại vô! Xe buýt miễn phí cho ai muốn về nhè nè. Nhưng chỉ đúng 12 chỗ thôi. Ai lẹ chân thì còn; chậm chân thì rán đợ!"

Nghe vậy, 12 ông vội leo lên ngồi và Jimmy chở họ thẳng vô nhà tù. Xong đánh xe chuồn mất.

Thật đáng ngạc nhiên, cái trò láu cá của tên tài xế nầy chỉ được phát hiện vào năm mới. 12 ông khi khổng khi không bị ở tù một cách lãng nhách hè.

dxt_merryXmas.jpg 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Rạch Giá thời thơ ấu.

 

Khác với các địa danh như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu nguyên là từ tiếng Khmer, Rạch Giá là do ông bà mình đặt tên. Rạch là con sông nhỏ. Giá là cây giá.

Con sông nhỏ gần ra biển, hai bờ có cây giá ken dầy. Rải rác vài cây giá khá to, lá xanh, khi về già chuyển sang màu đỏ chớ không đổi ra lá vàng. Rễ cây giá không to, chằng chịt quấn vào nhau theo vòng tròn, sóng đánh mạnh, gió thổi ù ù thì thân cây cứ lúc lắc qua phải, qua trái. Rễ không ăn chặt vào đất bùn như cây mắm, cây tràm, cây đước. Vùng đất đó gọi là Rạch Giá đấy thôi.

Còn xa biển phía trong nầy là truông, đầy lau sậy. Chính vì thế mà "Anh đi Rạch Giá qua truông. Gió rung ngọn sậy ngồi buồn nhớ em!" Thời trước đất đai hoang vu, heo rừng khoái lau sậy non lắm. Heo rừng sống lâu năm, có hai cái răng nanh dài và nhọn hoắt, có thể chống lại cọp dữ. Từ Rạch Sỏi vào Rạch Giá mình gặp con rạch nhỏ, hai bên tràn lan dừa nước (cây của vùng nước lợ) bà con mình gọi là rạch Vàm Trư. (Trư là con heo đó ạ; nhưng là heo rừng). Tây tới cất cây cầu quay, cầu Vàm Trư. Ðể thuyền bè qua lại là nó thụt vô chớ không chổng đầu lên như cầu quay ở gần nhà lồng chợ Rạch Giá.

Cầu quay gần nhà lồng chợ Rạch Giá bắc ngang sông Kiên, nối liền khu thị tứ với khu hành chánh. Sông Kiên là sông Cái Lớn bắt nguồn rạch Cái Lớn, quận Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện, U Minh Thượng. Rạch Cái Lớn rộng dần thành sông khi vào xã Vĩnh Thắng, quận Gò Quao tỉnh Kiên Giang. Từ đây sông chảy theo hướng Tây-Bắc đổ ra biển tại tỉnh lỵ Rạch Giá. Sau này, đường bộ phát triển lấn át đường sông, cầu không còn quay nữa, thay bằng cầu bê tông cố định. Vì hai bên cầu, phía nhà lồng chợ Rạch Giá, năm 1919, Tây cất hai cái chợ cá, chợ cá đồng và chợ cá biển nên bà con mình gọi là cầu Chợ Cá.

***

Ca dao về Rạch Giá có câu: "Chợ Sài Gòn cẩn đá. Chợ Rạch Giá cẩn ‘xi mon' / Giã em ở lại vuông tròn / Anh về xứ sở, không còn ra vô". ‘Xi mon' phát âm theo phương ngữ miền Trung chính là ‘xi măng' theo phương ngữ miền Nam. Anh vốn ở miền Trung, lang bạt vào vùng Rạch Giá, rồi trở lại quê nhà, bỏ lại em yêu, lòng đau như cắt. Vĩnh biệt tình ta, lời trăn trối!

Ngoài ra Rạch Giá còn có người Khmer, người Hải Nam (bán cơm gà, cơm thố, ngon lắm. Hồi nhỏ, tui được ba má dẫn cho đi ăn chỉ một lần mà nhớ tới bây giờ. Nhớ cái bùi bùi của cơm do hạt gạo hấp trong thố, nhớ cái màu vàng ươm của miếng thịt gà bày ngay ngắn trên cái dĩa trẹt.) Rồi người Triều Châu, chuyên cần làm rẫy hoặc cuốc khoai trên những giồng đất gần biển.

 

                             dxt_rachgia.jpg 

              Cầu quay gần nhà lồng chợ Rạch Giá ngày xưa.

 

Nhiều sắc dân chung đụng như vậy nên con gái Rạch Giá đẹp một cách não nùng."Tháng hai tháng ba anh đi chở cá / Không khá anh qua Rạch Giá chở khoai lang / Tìm người bạn ngọc thở than đôi lời / Biết làm sao lên đặng ông trời / Hỏi thăm duyên nợ đổi dời về đâu?

Từ nhà lồng chợ Rạch Giá đi qua cầu Chợ Cá, băng ngang công trường Thủ tướng Thinh (1888-1946), là tới ngay trước cổng Ty Bưu Ðiện. Phía sau lưng Ty Bưu Ðiện, cách một con đường, là Ty Công An. Con đường nầy dẫn ra biển, chạy ngang Dinh Tỉnh trưởng có trồng mấy hàng sao. Chiều chiều những con cồng cộc, một loài chim bói cá, bay về rợp, đậu đen đầu trên những nhánh cây sao.

Con đường phía bên phải Ty Bưu Ðiện chạy thẳng luôn sẽ tới bến xe đi Hà Tiên, chỉ lèo tèo vài chiếc xe đò nhỏ hiệu Renault. Trước khi VC dậy, có xe đò từ Sài Gòn chạy Rạch Giá tới thẳng Hà Tiên. Chạy luôn cả ban đêm vì đâu có giới nghiêm. Năm 1961, có lần VC phục kích đoàn công voa của lính Bảo An (Ðịa phương quân) qua khỏi cầu số Ba, làm chết một ông đại úy. Những ngày yên bình của chế độ Ðệ nhứt Việt Nam Cộng Hòa dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Ngô Ðình Diệm sắp chấm dứt. Rạch Giá quê mình bắt đầu vào cơn binh lửa.

***

Danh sĩ đất Rạch Giá Huỳnh Mẫn Ðạt đã từng làm câu đối: "Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa! Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần!"

Nhựt Tảo và Kiên Giang là địa danh ghi lại hai chiến công ‘kinh thiên động địa', lừng lẫy của ông Nguyễn Trung Trực. Ngày 10 tháng Chạp 1861, ông Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đốt cháy tàu L'Espérance (Hy Vọng), án ngữ nơi vàm Nhựt Tảo (nay thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Vào 4 giờ sáng ngày 16 tháng Sáu năm 1868, ông Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân từ Tà Niên (nay là xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) được nội ứng giúp sức, đã đánh úp và chiếm được đồn Kiên Giang do Trung úy Sauterne chỉ huy. Có hai tên sĩ quan Pháp may mắn chạy thoát được ra ngoài, len lỏi trốn tới một xóm nhà thưa thớt, gặp cái tiệm bán hàng xén của người Tàu lai Khmer! (Mới hừng sáng, sao có hai thằng Tây hớt hải chạy đến, xin trốn vào nhà bếp. Ðành phải cho nó trốn!)

Khi quân Pháp từ Sa Ðéc kéo xuống tái chiếm tỉnh lỵ, ông chủ tiệm tạp hóa đưa hai tên lính Pháp may mắn sống sót trở về; được Tây thưởng công, phong cho chức Cai tổng. Có chức có quyền, ông Cai tổng nầy xin Pháp cho mình trưng khẩn những phần đất tốt trong tỉnh, rồi cho tá điền mướn lại để thâu lúa ruộng, trở nên giàu có. Con cái qua Pháp du học; rồi đi luôn không về xứ nữa.

Nghĩa quân làm chủ Rạch Giá được 3 ngày, quân Pháp phản công ác liệt, ông Nguyễn cùng nghĩa quân rút ra Phú Quốc. Ngày 19 tháng Chín 1868, tên quan tư của Pháp chỉ huy 125 lính mã tà tấn công Hàm Ninh, Dương Ðông. Cuộc chiến diễn ra rất ác liệt, ông Nguyễn bị thương, sa vào tay giặc. Thực dân Pháp dụ hàng nhưng ông Nguyễn khẳng khái từ chối: "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây".

Chưa đầy một tháng sau, ngày 27 tháng Mười 1868, giặc Pháp đem ông Nguyễn và một số nghĩa quân ra pháp trường, là một miếng đất trống, có cây da ở giữa, (tức công trường trước cổng Ty Bưu Ðiện sau nầy) để xử chém.

"Sanh vi tướng, tử vi thần!" Ông Nguyễn linh thiêng lắm. Người dân kính phục người đã bỏ mình vì nước, lập đền thờ ông Nguyễn Trung Trực và bộ tướng là Phó cơ Nguyễn Hiền Ðiều (Rạch Giá có đường Phó Cơ Ðiều, học Sử tui không nghe nói đến, giờ mới biết), phó Lãnh binh Lâm Quang Ky, và các nghĩa quân đã bỏ mình vì nước.

***

Hồi đó, chiều Thứ Bảy Tây hay có một đội kèn đồng thổi kèn ‘tò le' đi vòng vòng thị tứ. Có người cho rằng Tây cho thổi kèn để xua đuổi những oan hồn uổng tử, bởi lúc đánh chiếm lại đồn Rạch Giá nghĩa quân của mình chết khá nhiều nhưng không ai chôn cất vì thời xưa đất gần đồn là rừng rậm, dân cư gần như không có.

Tui không nghĩ như vậy, vì những người quyết tử cho tổ quốc mến yêu thì đâu có phải là oan hồn uổng tử (?!). Những vị anh hùng vị quốc vong thân nầy tự quyết định đi vào chỗ chết để dân mình không phải sống đời nô lệ cho Tây.

Mãi sau nầy, năm 1960, cứ mỗi chiều Thứ Bảy, tui vẫn còn thấy một tiểu đội kèn đồng của tiểu khu sắp hàng, vừa đi vừa thổi kèn, đánh trống. Ðầu hàng là một ông trưởng ban quân nhạc, đánh nhịp bằng cái thanh bằng đồng sáng choang, đầu nhọn có kết tua. Hàng kế là mấy ông thổi kèn ống. Rồi mấy ông đeo cái trống trước bụng, vỗ thùng thùng. Hàng cuối có ông mang cái kèn mà miệng nó to tổ nái. Tui nghĩ, nếu lỡ trời mưa ông chỉ cần quay ngược cái kèn, chụp lên đầu là không bị ướt. Ðó là nét đẹp về văn hóa, có từ thời Tây, thời VNCH mình vẫn còn giữ đó thôi!

***

Sau 75, bà con mình lũ lượt bỏ phiếu bằng chân, ra biển. Số người vượt biển chắc thủ đô Sài Gòn là nhiều nhất, vì dân đông. Nhưng tính theo tỉ lệ trên số dân tui e rằng dân Rạch Giá (sát biển) sẽ đứng đầu bảng.

Ðêm cuối năm, quê người, tui chợ nhớ rạch Vàm Trư. Nhớ gần biển, nước chảy thao thao, lục bình trôi từng giề, riu ríu, đơm bông màu tím dợt, đẹp; nhưng mềm yếu, cắt đem chưng vào bình chừng mươi phút đà héo rũ.

"Lênh đênh bèo nước biết về đâu?" Ðời tui vậy đó bà con ơi! Chỉ hai năm ở Rạch Giá rồi theo Ba tui đổi đi nơi khác, nhưng tình hoài hương, hình bóng cũ, con đường xưa - hơn 60 năm rồi mà cứ tưởng như mới hôm qua.

 

đoàn xuân thu.

melbourne  

ĐỌT CHOẠI!

 dxt_dotchoai.jpg

Cần Thơ được xưng tụng là Tây Đô, vì cái thế đắc địa, nằm giữa miền Tây trù phú. Cần Thơ trai thanh gái lịch, có con vợ tui nữa đó nhe (lâu lâu cũng khen xạo em một tiếng, chỉ tối ngày ngợi ca mấy em khác thì em yêu của mình đổ quạu, lãng công, không cơm nước gì ráo thì báo! Nước sôi mì gói hoài chịu sao thấu?)

Tuy nhiên so với Cần Thơ thì Rạch Giá không kém cạnh gì. Bên tám lạng đằng nửa cân. Cần Thơ ruộng phì nhiêu, vườn cây trái sum xuê; dòng sông Hậu mênh mông nhiều tôm cá thì Rạch Giá có biển rồi còn có cả rừng.

Rừng U Minh thượng; còn U Minh hạ ở miệt Cà Mau. U Minh được hiểu là mờ mờ, mù mịt như cõi u minh chốn địa ngục! Vì trên là rừng tràm, dưới là dừa nước, dưới nữa là cỏ lác, nên mặt trời ít khi rọi tới, mới chiều xuống đã thấy tối thui.  Xèo, rạch đi ngoằn ngoèo, đô bờ lá dừa nước gie ra um tùm. Muốn đi qua phải dùng rựa đốn vẹt hai bên. Vùng đất xa xôi, hoang sơ, khắc nghiệt, hiểm trở nhiều thú dữ, bệnh sốt rét, muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh tựa bánh canh.

Những lưu dân ngày đó cùng đường mạt lộ, trốn thuế thân, những tá điền hoàn cảnh ngặt nghèo, vợ ốm con đau nhà ngập nước, không có lúa đong cho điền chủ hoặc người trốn nợ.

Rồi cũng có trai gái yêu nhau, mà môn không đăng; hộ không đối, nhà gái không chịu gả hoặc nhà trai không chịu cưới, hai đứa chỉ còn cách bỏ nhà, trốn vào rừng U Minh để giữ lời hải thệ sơn minh; sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách.

Rừng U Minh với cơ man là kinh rạch. Đôi mình dắt díu nhau vô đây, trên chiếc xuồng ba lá, gồm có hai tấm ván be và một tấm ván đáy. Ôi cái xứ: chèo ghe sợ sấu cắn chưn. Xuống sông sợ đỉa, lên rừng sợ ma. Tới đây xứ sở lạ lùng. Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê.

Ghê thiệt nhưng nẻo về đã khép đành rị mọ tìm đến chổ nào hơi cao ráo một chút để đôi ta che chòi mà ở. Vì chàng đi cho thiếp theo cùng. Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.

Nói nghe bi thảm thiệt nhưng cái vụ đói là hổng có rồi. Những lưu dân cùng khốn đó chỉ cần khoét lõm ruộng chừng vài công, cấy lúa mùa chỉ sáu tháng là có gạo mặc sức ăn, nhưng không có dư để bán, vì rừng U Minh đất xấu, nhiễm phèn nặng một công trúng lắm chỉ 5, 3 giạ là cùng.

Bù lại cá ục dưới rạch như nước cơm sôi, thò tay xuống mà vớt lên cả rổ. Tới mùa khô, nước cạn cá theo ra rút hết xuống mấy cái vũng, đìa, lung, bàu. Mấy con cá nầy, biết thân phận trước sau gì cũng lên bàn nhậu, nên thiệt là lịch sự, chúng gom về một chỗ vừa đông vui, vừa chờ bà con mình lội vô tát đìa bắt cá mà ăn Tết.

Cá nhiều ăn đến nỗi ăn không hết phải phơi khô, làm mắm ăn dần. Còn rắn, rùa, kỳ đà, heo rừng, ba ba nhiều vô số kể. Toàn là thứ đồ nhậu rất bắt nên bây giờ chúng leo vào đứng đầu bảng, chữ VC xài là đặc sản, trên cái thực đơn của những nhà hàng sang trọng nhứt trên Sài Gòn để phục vụ đám cán bộ tiền bạc thừa mứa do ăn cướp đất của dân.

 

***

Em yêu hay cằn nhằn sao người viết rảnh rỗi một chút là tụ bè tụ đảng đi nhậu hoài hè không chịu ở nhà hú hí với em? Người cầm bút phải giao thiệp cho biết đó biết đây, biết chuyện nầy chuyện nọ mà viết bài; chớ ở nhà với vợ biết ngày nào khôn?

Tuần rồi, thằng bạn mời đến nhà nhậu vì ông già vợ nó từ Miệt Thứ quê mình bay xuống chơi Miệt Dưới (Down Under).

Ông già vợ nó bằng tuổi tui, làm tui lóng ngóng không biết xưng hô cho phải đạo? Kêu bằng anh thì sợ nó chê mình vô phép! Nó kêu bằng Tía mà mình kêu bằng anh; hổng lẽ mình cũng là Tía nó hay sao? 

"Anh em mình cùng tuổi Mùi, con dê, thì anh em tuốt luốt đi hơi sức nào để ý tới thằng rễ đu đủ nầy càm ràm nầy nọ mất vui!"

 

dxt_dotchoai_co.jpg

Sau ổng tự giới thiệu: "Út là thứ. Tên là Đọt, cái chồi non. Vợ thằng nầy, con gái tui tên là Choại. Hơi khó kêu hả? Nhưng tên Tía con tui có cái tích hết.

Tui là dân Miệt Thứ giáp với rừng U Minh thượng đây anh. Hồi xưa cách đây hơn 150 năm, ông sơ của tui là nghĩa quân theo ông Nguyễn Trung Trực đánh Tây.

Sau ông Nguyễn bị Tây bắt xử trảm tại chợ Rạch Giá thì nghĩa quân tan vỡ. Để trốn sự truy nã của thực dân, ông sơ tui dông tuốt vào U Minh lập nghiệp giờ đã tới 4 đời.

Nghe bà con bên nầy gọi Úc là Miệt Dưới (Down Under) nghe hay quá. Tui e rằng chữ nầy do người tỵ nạn quê mình từ Miệt Thứ đem qua đó thôi.          

Miệt là xứ, miền, một dãy đất. Như Miệt Trên (Bà Rịa, Vũng Tàu). Miệt Dưới: Rạch Giá, Cà Mau) nếu lấy cái đất Sài Gòn làm điểm đứng.

Rồi Miệt Vườn là vùng cao ráo, có vườn cam, quýt trên đất phù sa mầu mỡ ở ven sông Tiền, sông Hậu như Sa Đéc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Cần Thơ.

Quê tui Miệt Thứ dài trên 30km kể từ sông Cái Lớn tới An Minh, rộng chừng 15km tính từ bờ biển vào đất liền, giáp với rừng U Minh Thượng (Kiên Giang), cặp sông Cái Lớn, đổ ra vịnh Rạch Giá.

Từ Cần Thơ muốn về Miệt Thứ qua Vị Thanh, Chương Thiện, theo quốc lộ 61 tới ngã ba Minh Lương, rẽ trái vô quốc lộ 63 để qua phà Tắc Cậu.

Hai là theo quốc lộ 91 qua Thốt Nốt đi Rạch Sỏi (Kiên Giang) tới ngã ba Minh Lương rẽ phải vô quốc lộ 63 qua phà Tắc Cậu. (Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà).

Nghe anh Út Đọt cắt nghĩa rành rọt như vậy tui đoán mò nhưng trật lất: "Chắc hồi xưa anh Út là giáo sư Sử Địa hả?"

Nghe tui nịnh khéo như vậy, ảnh hểnh mũi, lắc đầu: "Tui dốt mà anh! Đâu có học hành chữ nghĩa gì. Hồi nhỏ muốn đi học phải lặn lội qua tận Rạch Giá rồi về Cần Thơ ở trọ, cả năm mới về quê một lần, mà phải chèo ghe cả ngày mới tới. Nghe phát ớn. Mười người dốt hết chín, ban đêm phải đốt đèn dầu mù u mà học. Người biết chữ dạy người chưa biết chớ đâu có thầy cô dạy dỗ như bây giờ!"

Tui không học nhưng Má tui thì có. Vì quê Ngoại của tui Miệt Vườn bên Cần Thơ mà.

Ông Ngoại tui mê đá gà, thua sạch bách, phải cầm cố rồi bán cả đất điền trả nợ cờ bạc. Xấu hổ với bà con lối xóm ông Ngoại tui bỏ xứ, dắt cả gia đình vô U Minh nầy làm lại cuộc đời.

Tui đẹp trai như anh vậy là nhờ Má tui hồi xưa đẹp gái lắm. Mới16 tuổi mà đã có người đeo đuổi. Lúc Má tui theo ông bà Ngoại về U Minh nầy thì làm tan vỡ biết bao trái tim của mấy chàng trai xứ Miệt Vườn. "Sương khuya ướt đẫm giàn bầu. Bậu về Miệt Thứ bỏ sầu cho qua!"

Miệt Thứ thời ấy xa xôi cách trở quá, cho nên con gái Miệt Vườn theo chồng về Miệt Thứ: "Đêm đêm ra đứng hàng ba. Trông về quê mẹ lệ sa buồn buồn".

Thiên tình sử đẫm lệ ướt vạt áo bâu như vậy; mà nghe má tui kể Tía tui chỉ cười khè khè nói: "Ối chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn mà! Tui bắt được má nó rồi đâu có hưởn đâu mà ghen với mấy thằng không bắt được chớ!

Má nó kể là muốn thử lòng tui coi có ghen hay không, vì ghen mới thiệt là yêu. Cái đó tui hổng có rảnh rồi hè. Con đàn cháu đống lủ khủ như vậy thì yêu quá xá quà xa rồi cần gì phải chứng minh chi nữa chớ! He he!"

Tui đồng ý với Tía tui đó anh. Lời yêu chỉ chót lưỡi đầu môi thôi. Không quan trọng; hành động mới đáng kể.  Với lại Miệt Thứ mà trời sụp tối là muỗi vo ve như trấu; hai vợ chồng phải chui vào mùng mà đàm đạo. Kết quả là: Đứa thôi nôi đứa lôi đầy tháng là chứng minh hùng hồn nhứt cho tình yêu của đôi ta.

Tui cũng tin là con người có cái số. Tình nghĩa phu thê cũng vậy thôi như con gái tui nè dân Miệt Thứ mà lấy chồng Miệt Dưới là do cái mục tìm bạn bốn phương của thằng rể tui đăng trên báo: "Muốn tìm vợ chân quê, là rau sạch không có phun thuốc trừ sâu!" Con gái tui, con "Choại' đáp ứng được cái tiêu chí nầy trăm phần trăm.

Mới đầu nó chê thằng chồng nó hơi già háp, chỉ nhỏ hơn Tía nó một tuổi. Tui giảng cho nó nghe: "Già thời già tóc già râu. Già hết ráo riêng cái cần câu không già... là được!"

Phần con hổng nghe Ngọc Trinh, người đẹp Vĩnh Bình, chỉ yêu ông nào đáng tuổi ông Ngoại mình không đó sao? Ông Ngoại nhưng đừng xài tiền nội, mà xài tiền ngoại như đô la Mỹ hay đô la Úc là được hè.

***

dxt_dotchoai_3.jpg

Nhưng anh có biết tại sao con gái tui tên Choại, đọc hơi tréo bảng họng hay không? Tréo bảng họng thiệt như có ý nghĩa lắm đó. Choại mang cả một trời quê hương đó nhe anh!

Sau mùa khô hạn, những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rớt hột, mặt đất xâm xấp nước, cây cỏ mát mình là loại dây Choại rừng này bò vượt lên cao, bám vào thân cây tạo thành rừng bụi trong vùng ngập mặn U Minh.

Dây choại dùng để làm lạt, buộc lại cái kèo, đòn tay trong căn nhà tre, bện lộp, đăng, đó để bắt cá tôm. Còn đọt choại non, quắn tít nên còn gọi là rau tóc quăn, hơi chát, nhưng hậu ngọt. Ngắt đọt choại như hái rau, ăn sống chấm nước mắm giấm tỏi ớt, hoặc luộc chấm nước tương, chao, nước cá kho, nước thịt kho hay mắm nêm. Đọt choại xào xào thịt bò, thịt heo hay tôm tép, hoặc ăn kèm với cá thác lác, cá rô chiên, hoặc cá lóc nướng trui.

Tóm lại cây choại không bỏ gì hết ráo, xài hết từ đầu tới đít, cũng như con gái vùng Miệt Thứ quê tui nói chung và con Choại, con gái của tui nói riêng.

Dứt câu, anh Út Đọt quay qua hỏi thằng rể, rằng: "Con đã thử đọt choại bấy lâu rồi có phải Tía nói đúng hay không?"

Xong, anh quay qua mời tui: "Nghe nói anh khoái rau sạch lắm mà. Về quê tui ăn rau choại mệt nghỉ!"

Tui hứa: "Ờ hết VC, tui về Miệt Thứ quê anh để ăn đọt choại; mà "đọt choại" có hai cái nháy nháy lại càng khoái. He he!"

 

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

Tình Mộng

 

Năm 1948 Kim Dung tốt nghiệp Cử nhân Luật quốc tế tại Đại học Tô Châu, Thượng Hải. Làm phóng viên chuyên dịch tin, rồi viết chính luận cho báo. Một hôm có tác giả truyện kiếm hiệp đăng nhiều kỳ trên báo vì bất đồng về nhuận bút nên bỏ ngang. Chủ bút nhờ Kim Dung nhảy vô điền khuyết. Không ngờ nhờ vậy mà nổi tiếng.

Danh vọng và giàu có của nhà văn Kim Dung chỉ là bề phải của tấm huy chương, còn bề trái cũng nhiều cay đắng. Nhứt là con đường tình ta đi của Kim Dung cũng gập ghềnh gãy khúc. Ông có tới ba đời vợ. (Mà thằng bạn nhậu của tui, cũng vốn có công phu thượng thừa nhờ luyện chưởng, cười khè khè phán rằng: đại hiệp Kim Dung ‘xài' vợ hơi bị hao.)

Người vợ đầu, Ðỗ Dã Phân, một tiểu thơ khuê các. Cưới nhau năm 1948, Kim Dung chỉ chuyên tâm vào sự nghiệp viết lách, xao nhãng vợ trẻ. Hậu quả là ly hôn. Người vợ thứ hai, Chu Mai đã cùng Kim Dung đồng cam cộng khổ gầy dựng nên tờ Minh Báo, có ngày in tới 200 ngàn số. Họ có hai trai hai gái. Nhưng lần nầy do Kim Dung có thói trăng hoa, hậu quả là ly hôn. Chu Mai vẫn ở một mình và cuối đời ra đi trong cô độc. Kim Dung nói, "Tôi có lỗi với bà ấy! Tôi là một người chồng thất bại. Bà ấy qua đời, tôi rất đau lòng."  Người vợ thứ ba là Lâm Lạc Di, sanh năm 1953, năm ấy mới 16 tuổi nhỏ hơn Kim Dung 29 tuổi, là người rất hâm mộ tiểu thuyết võ hiệp của ông nên theo đại hiệp tới cuối đời.

 

***

Có lần trả lời phỏng vấn của báo chí tại sao lại chọn nghiệp viết văn, thì Sơn Nam cười hè hè nói: "Tôi không đẹp trai như Chánh Tín để đi đóng phim, hay khỏe như Huỳnh Ðức để đi đá banh, nên đành đi viết văn vậy!"

Giống như nhà văn Sơn Nam, Kim Dung có một ‘nhan sắc' của một người đàn ông không được đẹp trai nhưng hay khoái gái đẹp, minh tinh điện ảnh, trở lên không hè. Lúc say mê nữ diễn viên Hạ Mộng, Kim Dung cũng chưa có tiếng tăm gì nhiều, tất nhiên là nghèo. Nghèo thì ‘xơ' còn không có huống hồ chi tới ‘múi'. Nghĩa là không ‘xơ múi' được gì hết ráo. Hạ Mộng sanh ngày 16, Tháng Hai, năm 1933, nhỏ hơn Kim Dung gần 10 tuổi."Tây Thi đẹp như thế nào, chẳng ai từng trông thấy," Kim Dung nói. "Tôi nghĩ Tây Thi phải giống Hạ Mộng thì mới gọi là danh bất hư truyền."

Kim Dung bỏ việc ở một tòa soạn báo để chuyển sang biên kịch, rồi làm đạo diễn, mời Hạ Mộng vào vai chánh phim mình làm để hy vọng còn vớt vát được chút gì chăng với người trong mộng. Nhưng tất cả những cố gắng đó chỉ là dã tràng xe cát biển đông-nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.

Hạ Mộng năm 22 tuổi đang trên đỉnh cao màn bạc, có chồng giàu, một đại gia. Năm 1967, Hạ Mộng bỏ luôn nghề diễn xuất đang lên, theo chồng sang Canada định cư. Ngày đi ta đưa em qua con đò nầy, em chẳng bao giờ hứa đợi chờ nhau nên nhà văn vĩnh biệt tình mộng bằng một bài xã luận nhưng lại đầy chất thơ, mang tên ‘Giấc mộng Xuân của Hạ Mộng' đi liền hai ngày trên trang nhứt tờ Minh Báo (Kim Dung làm chủ biên).

 

dxt_HaMong.jpg 

Bảo Huân

***

Trong làng văn nghệ của nước ta cũng biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc muốn người ta mà người ta không muốn; đành vác ‘cù nèo' đi xuống đi lên. Như Y Vân (nghe vợ ông nói viết giùm cho Nguyễn Long; chớ ông xã nhà tui không có à nhe) vào thập niên 60 thế kỷ trước. "Thúy đã đi rồi. Những ngày băng giá không tiếng cười. Thúy đã đi rồi. Biết làm sao cho nhớ thương nguôi. Ðời em về đâu? Cho gió trăng sầu. Tìm em ở đâu? Ðường mây tìm dấu... Thúy quá vô tình. Ví dù em có hay dỗi hờn. Cũng vẫn hơn là bến tình anh lê gót cô đơn...".

Hay Bùi Giáng, tình mộng với Kim Cương suốt 40 năm tới chết. Có người nói Bùi Giáng là nhà thơ điên. Ðiên mà biết làm thơ dê gái, mà lại là gái đẹp nữa thì khó thể tin được là Bùi Giáng bị điên thiệt (?!)

Nghe các giai thoại đổ mồ hôi hột nầy tui phải gục gặc cái đầu, ngả nón mà thán phục! Dẫu không có học gồng; chỉ là dân chơi sợ gì mưa rơi, mấy nhà văn nghệ ‘Mít' nầy uống thuốc liều, si mê em rồi là bất cần thân thể, hổng ngán tay nào đang làm chồng em yêu hết ráo. Dám đem lời tỏ tình ‘trần trắng trợn' của mình lên đăng chình ình trang báo mà không sợ chồng em ghen quánh cho mà sặc máu!

Kim Dung, (tui e) nhát gan hơn, hổng dám chịu chơi, chơi tới cùng mà chỉ dám bóng gió xa xôi, vẽ nên hình ảnh của người trong mộng qua những nhân vật trong tiểu thuyết của mình. Dẫu bị chê là nhát gan, nhưng lại hay vì hai lẽ. Một là con vợ nhà dẫu là sư tử Hà Ðông, ghen hết biết, cũng hổng biết nhân vật nữ trong truyện là đứa nào ngoài đời để bà đến xé quần, xé áo; cho em một trận tơi bời hoa với lá.

(Yêu người mà làm liên lụy tới người thì mang tiếng nhà văn, vốn đầy trí tuệ, mà chi cho chúng nó khi!) Hai là mấy em ‘đèm đẹp' đọc xong rồi đi khoe cùng làng khắp xóm là ‘thằng chả', tay tác giả, lừng danh nức tiếng nầy, nhểu nước miếng là vì tui đó nhe.

Có độc giả cho rằng những người đẹp như Hoàng Dung trong "Anh Hùng Xạ Ðiêu", Tiểu Long Nữ trong "Thần Ðiêu Ðại Hiệp" hay Vương Ngọc Yến trong "Thiên Long Bát Bộ" đều phảng phất hình ảnh của Hạ Mộng. Nhưng tui lại cho rằng Nhạc Linh San trong "Tiếu Ngạo Giang Hồ" mới chính là Hạ Mộng, vì "Tiếu Ngạo Giang Hồ" ra đời vào năm 1967 đến năm1969. Khoảng thời gian này Hạ Mộng bỏ Hong Kong giũ áo ra đi... làm trái tim nhà văn rướm máu.

Ðây là một mối tình tay ba, tình tam giác, giữa Lệnh Hồ Xung, Lâm Bình Chi và người đẹp Nhạc Linh San. ‘San' mới đầu yêu ‘Xung' nhưng thấy ‘Chi' đẹp trai, con nhà giàu, đại gia (giống như chồng ngoài đời của Hạ Mộng) nên đá đít ‘Xung" mà quay qua yêu ‘Chi'. Tim và lòng tan nát, Kim Dung bèn trả thù bằng cách cho tình địch Lâm Bình Chi dẫn đao tự cung thành ‘Thái Giếng' để luyện Tịch Tà Kiếm Phổ, mong làm bá chủ võ lâm. Lệnh Hồ Xung thất tình "Hoa Sơn, tùng vẫn bạc đầu. Lệnh Hồ còn đọc kinh cầu ngày xưa. Nhạc Linh San vẫn ơ thờ. Khúc ca Phúc Kiến ngây thơ giết người. Lệnh Hồ hỡi! Lệnh Hồ ơi! Kinh cầu còn đọc bao giờ mới thôi!"

Tội nghiệp Chú Ba Lệnh Hồ Xung (hình ảnh của Kim Dung), muốn người ta người ta không muốn; mòn chục đôi giày đi xuống đi lên để tìm cách làm ‘bạn đời' tri âm, tri kỷ với Nhạc Linh San mà em hổng có chịu!

Kim Dung hưởng đại thọ tới 94 tuổi. Mấy năm cuối đời bệnh hoạn rề rề. Văn hữu ghé thăm, đoán chừng nhà văn sẽ sống thêm vài tuần lễ nữa. Ai dè ngày 30 tháng Mười năm 2018 Kim Dung giũ áo ra đi với nụ cười còn nở trên môi. Tui đoán mò (nhưng dám trúng lắm đa) Kim Dung chọn chết vào ngày này vì cách đây hai năm, cũng chính ngày nầy tháng đó, người tình trong mộng của ông là diễn viên Hạ Mộng cũng ra đi.

Năm 2014 đã già hết ráo rồi nhưng Hạ Mộng vẫn khăng khăng mình chỉ là người Kim Dung mộng thế thôi. "Chuyện Kim Dung và tôi chi bằng đừng nhắc lại."

Ðại hiệp Kim Dung đành "Ðến đại náo chốn giang hồ một lần rồi lẳng lặng ra đi!" Sống đã lỡ không đồng tịch, đồng sàng; chết thì lỡ không đồng quan, đồng quách - như Lương Sơn Bá với Chúc Anh Ðài. Thôi không trúng được độc đắc thì trúng lô an ủi cũng được, bằng cách chờ tới cùng ngày, cùng tháng, dẫu khác tới 2 năm. Ðại hiệp Kim Dung mỉm cười mãn nguyện vĩnh quyết cõi giang hồ gió tanh mưa máu để:  "Cho dù người có biến thành tro bụi ta cũng sẽ nhận ra."

"Rượt theo em tới cùng hè!" Thiệt là tình mộng.

đoàn xuân thu.

melbourne

 

_________________________________________________________________________ 

 

Thoi thóp min Châu th!

 dxt_mienchautho.jpg

 Sông Cửu Long, còn có tên là sông Lớn, sông Cái, bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy qua Trung Quốc, Lào, Myanma, Thái Lan, Campuchia chuyên chở rất nhiều phù sa bồi đắp vùng châu thổ rồi đổ ra Biển Đông bằng chín cửa. Chính vì thế dòng sông mới có tên là Cửu Long, là chín con rồng,

Bắt đầu từ Phnom Penh, sông Cửu Long chia thành hai nhánh: Tiền Giang, Hậu Giang là do lưu dân từ vùng ngũ Quãng vào đất mới, vào miền Tây (khoảng nửa cuối thế kỷ 17), gặp con sông lớn đầu tiên gọi là Tiền Giang, sau đó gặp con sông lớn thứ hai gọi là Hậu Giang.

Trên sông Tiền có 6 cửaː Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu, trên sông Hậu có 3 cửaː Định An, Ba Thắc và Tranh Đề.

Cửa Ba Thắc, khoảng thập niên 1960, đã bị nhiều cồn cát ở cừa sông bồi lấp, chỉ còn là con rạch nhỏ mang tên sông Cồn Tròn có cửa nằm sâu bên trong cửa Tranh Đề, nên sông Hậu ngày nay chỉ còn hai cửa biển.

Cái cửa thứ hai mới biến mất là cửa Ba Lai do bị hệ thống cống đập Ba Lai ngăn lại để ngọt hóa vùng ven biển của tỉnh Bến Tre.

Vậy là Cửu Long chỉ cón là Thất Long, 7 cửa sông chính thông thuyền ra biển Đông.

Bây giờ vùng châu thổ đồng bằng sông Cửa Long có khoảng 17 triệu người dân thân yêu của mình đang sinh sống. Vậy mà gần 2 triệu người dân phải đau lòng, nước mắt lưng tròng, đứt ruột tha hương, rời bỏ "vùng mật ngọt" với gạo trắng nước trong, dòng sông, ruộng đồng đầy tôm cá để tha phương cầu thực.

Đàn ông thì đi làm thuê, làm mướn cho hãng xưởng Đài Loan, Nam Hàn ở tận Bình Dương. Phụ nữ trung niên phải đi Đài Loan qua tới cả Arab Saudi làm ‘osin' tức ở đợ.

Còn phụ nữ trẻ có nhan sắc một chút thì phải để cho mấy Chú Chệt Đài Loan, Củ Sâm nắn bóp lựa chọn như lựa một con thú cưng về làm vợ.

Thân phận người phụ nữ Việt nam bị bức hiếp, bạo hành; tiếng kêu cứu, khóc than cứ biến vào cõi hư vô.

Ai đang bức tử dòng sông Cửu Long đã nuôi sống đồng bằng thân yêu của chúng ta bao đời nay?

Thủ ác là Tàu Cộng và Việt Cộng, Lào Cộng và Miên Cộng. Tội ác hủy hoai môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Cửu Long trước hết là do Trung Cộng ngang nhiên xây con đập khổng lồ ở Vân Nam. Rồi nước Lào xây liên tiếp 9 con đập thủy điện để bán điện cho Thái Lan và Cambodia cũng xây hai đập.

Hậu quả nhản tiền thấy liền trước mắt là đập thủy điện thay đổi dòng sông, dòng nước làm bà con mình ở miền Tây lãnh đủ. Mất nguồn cát phù sa mầu mở, bờ sông sạt lở, nhà dân đổ chìm xuống sông. Bờ biển thì cũng sạt lở, nước mặn tràn vào.

Cái lẽ phải ở đây là dòng sông chảy qua nhiều nước. Không phải sông chảy qua nước Tàu rồi Tàu muốn làm gì thì làm.

(Bài học lịch sử ngày xưa về nguồn nước đã cho biết Ông Thái Hữu Kiểm dựng chợ Trong bên cạnh rạch Ba Tri, giúp cho dân cư ở khu này có nơi làm ăn sinh sống. Khi đó có ông Xã Hạc ở chợ Ngoài chơi ép, đắp đập chặn không cho ghe thuyền từ sông Hàm Luông vào chợ Trong. Ông Kiểm bất bình, kiện lên Huyện, Huyện xử chợ Trong thua với lập luận: "Mỗi làng đều có quyền đắp đập trong địa phận làng mình".

Ông già Ba Tri Thái Hữu Kiểm không chịu cái phán quyết bá láp nầy khăn gói đi bộ 1000 cây từ Ba Tri ra Huế để đưa đơn lên nhờ vua Minh Mạng phúc thẩm lại phán quyết bất công kia.

Vua thụ lý rồi xử cho dẹp bỏ đập, vì rạch là rạch chung, đường giao thông chung của cả chợ Ngoài lẫn chợ Trong.

Vậy thì các nước trên thượng lưu sông Cửu Long, đầu têu là Trung Cộng ỷ mình là nước lớn làm càn như vậy đâu có được, các nhà học giả về môi trường của nước mình phải ra Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thưa nó mới được.

Ăn thua thì chưa biết chắc nhưng ít nhứt để các nước khác thấy được cái dã tâm của Trung Cộng mà dè chừng.

 ***

Cái gây hại cho vùng châu thổ sông Cửu Long do nước ngoài đã là kinh khủng; nhưng hậu quả kinh khiếp hơn lại chính là do chính những quan chức CS trong nước.

Vịn vào công trình nghiên cứu khoa học (tào lao) ngọt hóa Bán đảo Cà Mau, bọn chúng đi mượn tiền nước ngoài về xây dựng cái hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.

Nghe thấy vậy, nên mấy hôm nay các nhà bảo vệ môi trường người Việt trong cũng như ngoài nước khẩn thiết lên tiếng báo động công luận, khuyên can bọn chúng ngừng lại nhưng hình như là đàn khảy tai trâu, nước đổ đầu vịt!

***

Hồi CS Bắc Việt chiếm được miền Nam, CS Bắc Việt đã mang nguyên xi chương trình đắp đê ngăn lũ của sông Hồng ngoài Bắc vào áp dụng ở miền Nam

Vùng trủng tứ giác Long Xuyên, cứ đắp đê, cứ chận nước lại để làm lúa ba mùa. Được cái nầy là mất cái kia. Lúa thì có nhiều thiệt nhưng đất thì ngày một cạn kiệt không còn mầu mở, vì làm gì có phù sa theo nước lụt mà bồi đắp như xưa giờ.

Phải xài phân hóa học, thuốc trừ sâu...Tiền vốn nhiều, bán lúa giá chẳng bao nhiêu nên dân làm ruộng từ nghèo thành mạt.

Rồi cả đống công trình được vẻ lên nào là: Công trình Quản Lộ-Phụng Hiệp, Cống đập Ba Lai. Bà con dân Bến Tre có câu thơ như một tiếng chửi thề: "Ba Lai là cái cửa mình. Trung ương đem lấp dân tình ngẩn ngơ!"

Cái đập nầy chắn ngang cửa sông Ba Lai từ xã Thạnh Trị (Bình Đại) tới xã Tân Xuân (Ba Tri).

CS đánh trống thổi kèn là để ngăn mặn, giữ ngọt cho 115,000 hecta đất, cấp nước ngọt sinh hoạt cho hơn 600 ngàn dân Bến Tre và Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành. Rồi phát triển giao thông thủy bộ và cải tạo môi trường sinh thái vân vân và vân vân...

Hậu quả nhản tiền là: Sông Ba Lai ngừng chảy, vì biến sông Ba Lai thành hồ.

Nói ngăn mặn từ biển tràn vô giờ dân Bến Tre phải sống với nước sông Ba Lai mặn hơn trước kia nhất là vào mùa khô, thiếu nước ngọt kinh niên, phải tới 100,000 đồng/mét khối mới có mà xài.

Không có tiền mua nước ngọt là phải bơm từ những giếng ngầm, nguồn nước ngầm này cũng ngày một hạ thấp và có nơi cư dân đã phải khoan đến độ sâu 80-120 mét làm đất sụt lún thấp nước mặn tràn vào nhiều hơn trước.

Ngăn dòng nước thì sông ô nhiểm do rác rưởi, độc chất thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và phân bón hóa học tràn xuống tích tụ dày đặc, nước trong các sông rạch đổi sang màu đen, bốc mùi hôi thối.

Các loài cá trắng của nước chảy, giờ trong nước tù đọng có nguy cơ chết ráo. Chỉ còn lại các loài cá đen nước tù của ao hồ như cá lóc, cá trê, cá rô phi. hủy diệt sinh cảnh và nguồn thủy sản nơi cửa sông và vùng ven biển.

Các loại cây quen sống ở vùng nước lợ như cây dừa nước, hư hại và chết do vùng nước lợ bị ngọt hóa.

Phía trong cống, thì chẳng còn nước lớn, nước ròng mỗi ngày, hoặc nước rong nước kém mỗi nửa tháng. Lục bình phát triển tràn lan kín cả mặt sông rạch ghe xuống hết đi luôn. Dân phải phun thuốc diệt cỏ trên lớp lục bình để còn thủy lộ mà đi lại khiến nước sông càng ô nhiễm thêm nữa.

Mấy nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam đã từng kêu gào là: trồng nhiều loại cây khác nhau chớ không hẳn là cây lúa. Nuôi nhiều loại con khác nhau chớ không hẳn là bắt com tôm ôm cây lúa rồi cả hai cùng chết. Vì con tôm cần độ mặn trên 4 phần ngàn, còn cây lúa dưới 4 phần ngàn. Nước thải ruộng tôm làm chết lúa và nước thải ruộng lúa có nhiều thuốc sâu cũng làm chết tôm.

Thế nên đừng đắp đập để ngăn mặn, lợ; vì nước mặn, lợ cũng có lợi cho dân miền ven biển. Đừng thế thiên hành đạo làm chuyện nghịch kỳ thiên nữa mấy cha nội!

Xưa giờ người dân miền châu thổ, miền văn hóa sông nước, chưa có nha khí tượng, mà đã biết dự báo thời tiết, nắng mưa khá chính xác và hiệu quả.

Chưa có nha Địa chất, nhưng đã biết chọn đúng loại cây trồng, không chỉ có cây lúa họ biết đa canh để giữ màu cho đất. Cứ một vụ lúa rồi cuốc khoai để đất sốp cho vụ mùa sau.

Hối xưa vùng châu thổ năm nào cũng lụt. Đâu có nghe ai than khóc gì đâu; vì lụt rửa phèn cho đất, nước dân lên tiêu diệt mầm mống sâu gây bệnh rồi bồi đắp phù sa, một loại phân bón của thiên nhiên ăn đứt phân hóa học vốn làm chai đất.

Không trồng được lúa mùa nước nổi được thì thủy sản: cá tôm dư sức bù qua. Mà còn bù rất sộp nữa!

Nhưng tại sao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn của CS bộ dốt nát hay sao mà không biết cái thực tế rành rành ra đó.

Họ biết chớ ban bệ tùm lum đầy đủ học vị cũng cùng mình tứ đầu tới đích.

Biết nhưng vẫn vẻ ra cái đề án phải xây dựng hệ thống thủy lợi quy mô lớn, xây dựng cống đập ngăn mặn, đào kênh dẫn nước ngọt quí hiếm từ Sông Hậu xa tít để tiếp tục bắt dân trồng lúa, như Dự án SôngCái Lớn - Cái Bé.

Được duyệt dự án thì họ mới có ăn, rồi đem chính mạng sống và kế sinh nhai người dân ra đánh bạc.

Chữ rằng: Nhứt phá sơn lâm nhì đâm Hà Bá là phá rừng và hủy hoại dòng sông, tiêu diệt môi trường sống của dân là hai tội ác trời không dung đất cũng không tha.

Bên mấy nước phương Tây dân chủ nầy đây, đâu có đứa nào dám gan cùng mình làm ẩu như vậy? Cái đảng ‘Xanh' chuyên bảo vệ môi trường nó sẽ đem mấy cha ra mà mần thịt.

Ngẫm lại cuối cùng cái tàn hại của rừng, của sông, của biển quê mình là cũng do thể chế chánh phủ độc tài CS mà thôi.

Nó làm cái nầy, dân cự nự kêu ngưng thì nó vẻ ra cái khác. Cái vòng lẩn quẩn nó không ngừng. Bỡi cái bản chất của chế độ XHCN là thối nát, tham nhũng, độc tài...Mà bản chất thì làm gì sửa cho được chớ.

Nên Boris Yeltsin gần cả đời theo CS bên nước Nga nói "Cộng sản không thể nào sửa chữa, chúng phải bị đào thải" (Communists are incurable, they must be eradicated...).

Dân mình không chấm dứt nó. Thì nó sẽ chấm dứt dân mình!

đoàn xuân thu

Melbourne 

 

_______________________________________________________________________________________________________________________ 

 

Quý hơn vàng cục!

 

Mỏ khoáng sản Beta Hunt của Công ty RNC Minerals, Canada, nằm ở thị trấn Kambalda. thuộc Goldfield, Tây Úc. Tại mỏ vàng nầy, trung bình đào mỗi tấn đất đá lên, sàng lọc chỉ được 1gram vàng. Xưa giờ công ty nói trên đã đào được tổng cộng 680kg vàng. Nhưng mới đây xúc chỉ có một gàu, cách mặt đất 500 mét, công ty vô mánh được hai khối vàng nặng 95kg và 63kg trị giá khoảng11.5 triệu đô Mỹ. Sau khi tinh luyện còn lại vàng ròng, khối đầu khoảng 2,300 lượng Tây (ounce), giá khoảng 3.8 triệu đô.  Khối thứ hai khoảng 1,600 lượng, giá khoảng 2.6 triệu đô la. Quá đã!

RNC la rùm lên tin đào được vàng khủng, thế là giá cổ phiếu của công ty tăng gấp đôi. Ai nắm cổ phiếu nầy hổng cần phải trần ai lai khổ như những người thợ mỏ, chỉ ngủ một đêm sáng dậy là tài sản của mình tăng gấp đôi, một lời một. Nghe ham quá hè.

Chánh phủ Úc đang nợ ngập đầu, nợ như chúa Chổm, cũng bớt rầu chút chút vì được chia 2.5% bất cứ khoáng sản nào mà RNC Minerals đào lên được. Rồi cũng vài bữa gần đây nhựt trình lại chạy một cái tin rất giựt gân giựt thịt là: một ông già Úc, đã về hưu, bỏ 8,000 đô mua cái máy dò kim loại hiệu Minelab GPZ 7000, ở độ sâu chỉ 80cm, nghĩa là chưa tới một thước, đào được cục vàng hình na ná như cái bàn chân vịt, nặng 3.23kg,  lẫn trong đất sét. Ðem về tinh luyện lại thành vàng ròng được 2.11 kg, giá lên tới 110,000 đô Mỹ.

 dxt_quihonvang.jpg

Bảo Huân

 

Nước Úc cũng dễ kiếm tiền quá chớ! Nghe phát ham hè. Tui tính hỏi thằng chả đào ở đâu để tui đi đào vàng với. Biết đâu đất cũ đãi người mới, cho tui kiếm được một cục vàng. Xin ông Trời đừng cho tui quá nhiều, chừng một tấn là tui vui, tui khoái rồi hè, không dám đòi hỏi gì hơn. Nhưng thằng cha nội nầy làm hiểm, giấu biệt chỗ nầy. ‘Giả' nói: "Ðó là bí mật kinh tế! Ngu sao chỉ?"

Tuy nhiên, theo thiển ý thì vàng mình còn có thể hên mà đào được, chớ cái tình bạn với Úc ít có lắm, còn quý hiếm hơn nhiều. Kiếm được một thằng bạn Úc chơi được cũng khó như là đào đất trúng được cục vàng sa khoáng vậy! May mắn sao tui đã tìm được một đứa tri kỷ tri âm, tánh giống hịt tui hè, dẫu khác màu da và tiếng nói.

Xưa bên Tàu, Tử Kỳ lúc đàn mà nghĩ đến sông thì Bá Nha nghe tiếng nước chảy. Tử Kỳ đàn nghĩ đến núi cao thì Bá Nha nghe có tiếng cây rừng xào xạc gió. Còn bây giờ thì tui tri âm tri kỷ với thằng Jack Daniel nầy (cái tên dễ nhớ vì cùng tên với rượu whiskey) vì khi nó nói ra là tui biết ngay là nó nói dóc. Ngược lại, khi tui nói ra là nó cũng biết ngay là tui xạo. Nhưng Jack Daniel là một người bạn rất thành thật. Thành thật ở chỗ luôn thú nhận là mình đang nói dóc đó nhe bồ!

Tình bạn cao quý đó là ân sủng của ông Trời ban tặng suốt hơn ba mươi mấy năm kể từ ngày tui lon ton có cái quần xà lỏn đặt chưn lên cái đất Melbourne nầy đây.

Tình láng giềng bên Úc nầy nó nhạt như nước ốc, nhưng cái tình chòm xóm của tui với Jack Daniel là ngoại lệ, vì nó đậm đà như hương cà phê Cappuccino pha theo kiểu Ý vậy.

Ngày mới dọn tới, em yêu của tui bồng thằng cu mới đẻ được vài tháng trên tay, đêm lạ nhà, nó khóc quá chừng.

Cá tánh dân Úc là rất khoái càm ràm, than phiền thiên hạ lắm. Vợ thằng Jack Daniel cũng không là ngoại lệ, hổng dám cằn nhằn ngay trước mặt tui mà kêu thằng chồng nó ‘còm len' (complain) mới được. Bị vợ kêu nên cực chẳng đã nó phải làm. Sáng ra nó hỏi: "Vợ chồng bồ có ngắt véo gì thằng nhỏ không mà sao nó khóc suốt cả đêm thế?"

Tui cũng thông cảm, chắc tối qua thằng nhỏ tui khóc quá nên vợ chồng nó không ngủ được, lục đục suốt đêm, mệt chết, nên tôi giả lả: "Bồ làm ơn thông cảm giùm cho nó. Hãy thử đặt vào hoàn cảnh bi thảm của nó thì bồ cũng cư xử giống hệt vậy thôi hè! Mồm không có một cái răng, đầu không có một sợi tóc, chân yếu đến đứng không vững thì làm sao mà không khóc cho được chớ?"

Rồi một hôm, vợ tui sai đi siêu thị mua đồ. Về, tui kéo hai túi nặng chình chịch nào tã, nào sữa cho con. Jack Daniel ló đầu qua hàng rào hỏi: "Chào bồ tèo! Làm gì mà vác hai cái túi bự xộn vậy?" (Cái thằng Úc nầy tò mò dữ nhe!)

Tui bèn ‘nhát' nó:"Ờ tớ mới đi gặp chủ gánh xiếc xin phỏng vấn để tìm việc làm. Trong cái túi nầy chứa toàn là đá. Khi biểu diễn, tớ ném cục đá lên trời; khi cục đá rơi xuống, thay vì bắt bằng tay tớ đưa cái đầu ra hứng!"

"Hay quá! Chắc bồ có nội công thâm hậu cỡ Bruce Lee?"

"Lý Tiểu Long so với tớ chẳng ra cái thớ gì hết!"

"À còn cái túi thứ hai?"

"Ờ! Cái túi nầy, tớ dùng để đựng thuốc giảm đau đó chú em!"

 

***

Nói nào ngay, xa hàng xóm người Việt trên St Albans cũng tiếc. Dọn xuống đây lối xóm đa phần là Úc nên em yêu của tui cũng hài lòng và hy vọng là tui sẽ ít tụ bè tụ đảng để nhậu (vì nhớ quê hương). Ai dè tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa- thằng Jack Daniel nầy nó nhậu còn quá cha tui nữa đó.

Hồi tối qua nghe vợ chồng nhà nó dằn mâm xáng chén dữ lắm, thiếu điều quánh lộn nữa đó. Hỏi chuyện gì? "À con vợ nó đang ngủ nằm mơ cái gì đó buồn lắm cứ khóc rấm rứt hoài hè! Em ác mộng nằm mơ thấy một tay tỉ phú giàu nứt đố đổ vách, đi xe Ferrari, Made in Italy, đến bắt cóc, giựt em ra khỏi vòng tay của anh yêu." Nghe rất cảm động... đậy, Jack bảo: "Honey đừng buồn nữa! Ðó chỉ là giấc mơ thôi mà!"

"Ðúng vậy! Vì đó chỉ là giấc mơ nên em mới buồn, mới khóc!"

Nghe câu nói thiệt phũ phàng duyên kiếp ba sinh từ miệng của con vợ mình, Jack sầu đời, tự ái vặt, nên bỏ đi nhậu suốt cả đêm. Tới gần sáng mới ló đầu về thì gặp tui đang bắt chước Tây, dắt chó đi tập thể dục.

"Ê Jack! Bỏ nhà đi nhậu suốt đêm không sợ con vợ mầy nó ‘bụp' hay sao?"

"Làm gì nó dám! Cạn một chai Jack Daniel thì tớ là ông Trời! Bồ hổng tin hả dám cá thêm một chai Jack Daniel nữa hay không? Tui sẽ chứng minh cho bồ thấy!"

Jack bèn dẫn tui quay lại quán rượu. Em phục vụ quầy rượu mới thấy mặt nó là kêu lên: "Ối Trời ơi! Ông lại đến nữa hả?"

Sau nầy tui mới phát hiện Jack Daniel rượu chè be bét vì giận vợ nó thì ít mà vì sợ chết là nhiều. Vì thằng Bill là bạn thân của nó hồi tóc còn để chỏm, cùng chơi banh cà na luật Úc, vừa mới lên cơn nhồi máu cơ tim ngỏm củ từ khi tuổi chưa quá 70.

Hình ảnh bạn hiền từ tấm bé bây giờ đột ngột bỏ ra đi làm Jack sa vào trầm cảm nặng. Ðêm ngủ ác mộng cứ lũ lượt kéo nhau về làm nó xanh xao hẳn.

Jack tâm sự: "Tối qua tao lại thấy thằng Bill hiện về.Tao hỏi nó trên thiên đàng có vui hông, nó nói: ‘Thiên đàng thì cũng vui như nước Úc mình thôi. Muốn beer có beer; muốn whiskey cũng có whiskey. Muốn gì có nấy'"

"Rồi trên thiên đường có bóng cà na luật Úc hay không?" "Sao không? Mà nè Jack ơi! Trong danh sách cầu thủ được ra sân ngày mai, từ đầu trận có tên bồ nữa đó."

Thôi xin ông Trời đừng cho tui đào trúng cục vàng nào hết, chỉ xin đừng bắt thằng Jack Daniel đi mất thì tui biết nhậu với ai đây?!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

  

Bắt đầu tạ ơn nước Úc

 

Có người nói: dân Việt mình có cái ngộ: Khi có giặc ngoại xâm là đoàn kết một lòng, như Hội Nghị Diên Hồng! "Toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến. Hận thù đằng đằng nên hòa hay chiến? Quyết chiến. Quyết chiến!"

Còn đất nước không có họa xâm lăng, không có thù ngoài thì giờ tới giặc trong.

Chắc mấy ông nầy ‘huỡn', buồn chán quá, bèn chiêu binh mãi mã, quay qua đánh lẫn nhau. Trước là đỡ cái buồn rầu; sau là để giành quyền lực làm vua một cõi.

Dân ngu khu đen có người vốn hiếu hòa, ai khoái tối ngày kiếm chuyện đánh nhau lỗ đầu sứt trán thì cứ đánh; còn tui dắt vợ tui đi lánh vô vùng đất phương Nam để ta làm lại từ đầu.

Vậy là "Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa. Tía em là một người nông dân má em cũng là người nông dân. Cùng sống trên đồng bao la"

Xin đừng cho rằng ngày xưa đó: "Ðến đây gặp vịt cũng lùa; gặp gái cũng ghẹo gặp chùa cũng tu", là lưu dân không biết nghĩa nhơn. Mà trái lại, no ấm là nhờ Trời, Phật, Thánh, Thần phò hộ. Nên ông bà mình biểu lộ cái lòng biết ơn trời đất đó bằng cách trước sân nhà nào cũng có một bàn ông Thiên, tức là bàn thờ ông Trời.

Bàn ông Thiên cao khoảng một thước tây, trên có đặt một tấm ván hình vuông, tượng trưng cho đất, mỗi cạnh khoảng 4 tấc, đủ để một bình cắm nhang hình tròn, tượng trưng cho Trời, và ba cái chung nhỏ; vẫn còn đủ chỗ cho một dĩa trái cây.

Chập tối, ngày bàn giao cho đêm, là thời khắc linh thiêng để bà con mình thắp một cây nhang, khấn vái cầu Trời khẩn Phật cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình ai nấy đều mạnh giỏi... Ðó là một hình thức tạ ơn quanh năm suốt tháng của bà con vùng châu thổ sông Cửu Long chúng ta.

 dxt_taonnuocUc.jpg

Bảo Huân

***

Bà con mình ai cũng biết: Nước Mỹ, lễ Tạ Ơn vào cuối tháng 11 và Giáng sinh vào cuối tháng Chạp là hai dịp lễ lớn.

Rồi có người cũng nói: "Christmas thì ở Việt Nam còn biết, còn Thanksgiving ở Việt Nam không biết. Việt Nam mình không có ngày này, không có ngày tạ ơn trời đất như thế này."

Có chớ! Chẳng phải cái bàn thiên là hình thức ông bà mình tạ ơn vùng đất mới đó sao?

Người Mỹ, người Canada, khi xưa cũng là thuyền nhân, là người tỵ nạn vì bị bức hại về tôn giáo đến nỗi phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rún để lưu vong.

Sử chép rằng: Tháng Chín, năm 1620, tàu Mayflower gồm 121 người rời Âu Châu! Sau hai tháng vượt biển, ngày 9, tháng Mười Một, tàu Mayflower cập bến Mỹ Châu.

Sau mùa Ðông đầu tiên đó, lạnh giá đã quật ngã nhiều di dân. Trong số 102 người đến nơi bình an giờ đây chỉ còn 55 người sống sót.

Mùa Thu năm 1621, vụ mùa đầu tiên thật sung túc, đủ lương thực sống suốt mùa Ðông cho đến vụ mùa năm sau. Nên một bữa tiệc linh đình kéo dài trong ba ngày, ba đêm được tổ chức để tạ ơn Thượng Ðế (Trời) và vùng đất mới. Hơn 90 thổ dân bản địa mang đến 5 con nai để xẻ thịt làm món nhậu chung vui.

Lễ Tạ Ơn hằng năm, rơi vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư tháng Mười Một.

Kỳ lễ kéo dài từ thứ Năm đến hết cuối tuần, tới 4 ngày, nên cả nước Mỹ lên xe, tàu, xe lửa hoặc máy bay, dọc ngang như mắc cửi để mọi người trong gia đình gặp lại nhau, dù ở xa cả ngàn cây số cũng về. Về để cùng nhau đi Nhà Thờ tạ ơn Thiên Chúa!

Rồi cả gia đình về nhà cùng nhau ăn bữa tối. Trên bàn tiệc lễ Tạ Ơn, luôn luôn có bắp, khoai tây nghiền, các loại bánh ‘pie', rau, thịt heo muối, ngỗng hoặc vịt quay và dĩ nhiên không thể thiếu món gà tây đút lò để nhắc lại bốn chú gà tây rừng đã có mặt trong buổi lễ Tạ Ơn đầu tiên tại nước Mỹ.

Gà tây được hân hạnh được hy sinh vì bao tử của người Mỹ; vì nó bự, mập thù lù như Mỹ, nhứt là cái bụng, nên chỉ cần một con là đủ cho cả nhà ăn cành hông, ăn tràn họng.

Tuy nhiên mấy em mình, người Việt ở Mỹ, việc nấu nướng là nghề của nàng, cực khổ mấy em cũng chịu được, nếu anh yêu ăn ngon, nhậu vui là em cũng vui hè. Nên không làm biếng như Mỹ chỉ ra siêu thị mua một con gà tây béo mập, nhét tùm lum tùm la đủ thứ vào rồi đút lò cho nó gọn ...Thì mấy em ‘Mít' mình chọn gà hay vịt thay thế gà tây. Có em, (làm chủ năm, ba cái tiệm neo tiền bạc rổn rảng), chơi luôn cả tôm hùm cho nó ‘oách'!

Mấy em quan niệm rằng cái hồn của lễ Tạ Ơn mới chánh. Còn ăn con gì, nấu món gì thì tùy khẩu vị của từng dân tộc, thấy ngon thì quất láng; chớ đâu nhứt thiết phải bo bo giữ truyền thống tiệc Tạ Ơn đầu tiên, Mỹ ăn gì thì mình phải ăn y hịt mới đặng (?!)

Chính vì quan niệm phóng khoáng như vậy mà mấy con gà tây Mỹ nó thích mấy em ‘Mít' mình lắm đó. Gặp mấy em là nó kêu ‘cà lót, cà lót' rượt theo, rỉa mấy cọng lông chưn... để hàm ý biết ơn.

Năm 2014, nước Mỹ nuôi tới 242 triệu con gà tây để ăn thịt trong lễ Tạ Ơn. Một cuộc thảm sát gà tây kinh hoàng cũng vì truyền thống. Nên ngày nầy còn gọi là ‘Turkey Day'!

Ôi tui thấy con gà tây nằm trần truồng, chết trên bàn tiệc lễ Tạ Ơn mà cảm thấy quá mủi lòng! Chẳng qua cái tâm cảm sướt mướt của tui chịu ảnh hưởng của Tổng thống Abraham Lincoln. Người vốn từ tâm, san sẻ bớt tội lỗi của dân Mỹ mình vì giết gà tây nhiều quá xá, năm 1864, đã dùng quyền ân xá của Tổng thống để tha chết cho một con gà Tây.

(Con gà nầy được ‘Tad', con trai ông, nuôi làm thú cưng; để buồn buồn nghe nó kêu ‘cà lót, cà lót' cho vui).

Rồi từ đấy, năm nào Tổng thống Mỹ cũng phóng sinh, tha chết cho một con trong buổi lễ tại Tòa Bạch Ốc.

Con gà nào may mắn sống sót, hên như trúng số Power Ball, được đưa tới vườn Bách Thú để sống tới già, rồi chết một cách tự nhiên, không phải bị cởi truồng, nằm tô hô trên bàn tiệc.

***

Lễ gì Úc cũng có nhưng lễ Tạ Ơn thì tại sao không? Thì thằng bạn Úc cắt nghĩa (đâm xuồng bể) như vầy: "Ông bà cố của tao là ‘convict' (tội phạm) ăn cắp chỉ có chai rượu và khúc xúc xích nhậu cho vui thôi; mà bị bắt đi đày hàng ngàn dặm tới đây.

Rồi leo lên bờ thì bị thổ dân vác boomerang rượt, phang thiếu điều lỗ đầu. Ðà điểu cả bầy rượt theo mổ lia mổ lịa; kangaroo rượt theo đá đau muốn tức thở; cá sấu chờ sẵn dưới sông, mới lui cui xuống rửa cẳng, là nó táp nghe cái ‘phập', hổng lẹ chưn nhảy ngược lên bờ là tiêu hết cả bộ đồ lòng.

Thân phận tù đày, nước non ngàn dặm phải ra đi, đâu có ai ‘welcome' mình đâu, (hổng thấy người tầm trú nào bén mảng tới đây là bị điệu ra đảo Nauru, giữa Thái Bình Dương mà nhốt mút chỉ cà tha đó, thì tại sao phải tạ ơn chớ?)

***

Bà con người Việt mình làm ơn không thèm nhớ nhưng chịu ơn chẳng hề quên. Là thân phận một người tỵ nạn đến nước người, giờ cũng sống được phẻ re như con bò kéo xe, (chớ còn mắc kẹt lại trong nước là tui đã chết ngắc lâu rồi).

Ai giúp tui, dù ít dù nhiều, là tui phải tạ ơn chớ! Thế nên tui mạo muội đề nghị vầy nhe: Bà con mình trên toàn thế giới từ Âu qua Mỹ rồi xề xuống Miệt dưới, Úc Châu, cũng nên bắt đầu một truyền thống tạ ơn đất nuớc cho mình và con cháu mình tạm dung, nương náu, trùng với ngày lễ Tạ Ơn của Mỹ cho nó tiện.

‘Long weekend' nghỉ nhiều ngày, đoàn tụ gia đình, năm một lần, ăn nhậu cho tới bến, cho nó đã. Sau là gợi cho con cháu mình nhớ tại sao mình tới đây? Ðể giữ hoài cái hồn dân tộc, cái tình yêu nước, thương nòi; kẻo sắp nhỏ sau nầy lớn lên nó lạc, nó quên ráo thì thêm báo.

Bà con nào ở Footscray, gần nhà tui, đồng ý xúm làm lễ Tạ Ơn nước Úc bắt đầu từ năm nay nhe! Nếu có ăn nhậu gì xôm tụ, vui vui, nhớ hú tui một tiếng! Tui vác cái miệng tới liền!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

Bạn thời thơ ấu!

 

Hồi xưa bên Tàu, và cả bên Việt Nam mình, nghề thuốc là một cái nghề cao quý, chỉ để cứu nhân độ thế. Bào chế cao đơn hoàn tán chẳng qua là phục vụ cho dân; nếu có tính tiền thì cũng chẳng là bao; chỉ đủ rau cháo qua ngày mà thôi. Như nhà thơ Nguyễn Ðình Chiểu của đất Ba Tri, Bến Tre vừa làm thơ, vừa bốc thuốc để chữa bịnh cho dân nghèo. Thực dân Pháp tính mưu chuộc, cấp tiền nhưng ông khẳng khái khước từ.

Còn bây giờ trong chế độ CS là khác nhe. Làm nghề thuốc là để kiếm tiền, càng nhiều càng tốt ngay cả bất lương cũng được tuốt. Mới đây nè! Bên Trung Cộng, công ty Trường Xuân dám sản xuất ra 250 ngàn liều chích ngừa dỏm, bán cho con nít để bỏ túi tới 90 triệu đô Mỹ.

Cái ‘y đức' thời CS nó đi ‘đứt' như vậy; nên phim Tàu ngày nay mới dám định nghĩa cái nghề thầy thuốc bên Tàu hồi xưa như vầy: Sau khi thua xiểng niểng trận Xích Bích dưới tay của quân Tôn Quyền và Lưu Bị, Tào Tháo phán rằng, "Làm tướng như làm thầy thuốc. Có thất bại mới tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm nhờ đó cuối cùng mới đưa đến thành công. Tỷ như làm thầy thuốc, thất bại nhiều lần, chữa cho người nào người nấy lăn ra chết mới tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm để trở thành thầy thuốc của nhân dân sau nầy!"

Tào Tháo phán thiệt là bá láp. Ðem hai cái nghề khác nhau mà so sánh khập khiễng như vậy đâu có được nè. Làm tướng là dắt lính đi đánh nhau, là giết người hoặc bị người giết; nên mới có câu: "Nhứt tướng công thành vạn cốt khô!"

Còn làm thầy thuốc là cứu người. Cứu không được là do bịnh nhân tới số rồi, vì thầy thuốc dẫu giỏi thế mấy, vẫn không phải là ông Trời. Tận nhân lực còn tri thiên mạng nữa chớ.

Nên có chuyện rằng vợ Diêm Vương bị ấm đầu, sổ mũi. Thương vợ, Diêm Vương cho đòi quỷ sứ vào truyền lịnh:"Hãy lên trần thế, rước về cho ta một thầy lang thiệt giỏi để chữa bịnh cho phu nhân của ta." Quỷ sứ cầm đinh ba bước ra, sực nhớ điều gì đó bèn quay lại: "Tâu bệ hạ thầy lang trên trần thế nhiều vô số kể; chúng thần biết rước ai đây?"

"Thì các ngươi bỏ tiền ra mua tờ báo, xem mục quảng cáo, thầy lang nào chữa bá bệnh, từ tiểu đường, ung thư, cao máu đều lành bịnh hết ráo thì rước xuống đây cho ta!"

"Tâu bệ hạ! Tin vào quảng cáo không được đâu, vì đa số thầy lang đó là lang băm chuyên nói láo!"

Sau một hồi chống tay lên cằm suy nghĩ, Diêm Vương phán rằng: "Ðến phòng mạch nào mà có ít oan hồn uổng tử khóc lóc đòi đền mạng thì rước thầy lang đó xuống đây ngay cho ta!"

Bọn quỷ sứ đằng vân giá vũ bay lên trần thế rước ngay được một thầy lang đem vào triều bệ kiến. "Nè thầy lang kia! Quỷ sứ báo cho ta biết là trước phòng mạch của nhà ngươi chỉ có một oan hồn uổng tử khóc lóc đòi đền mạng; con số một nầy chứng tỏ tay nghề của thầy lang thiệt là cao diệu. Vậy chẳng hay xưa giờ thầy lang đã chữa hết có tất cả bao nhiêu bệnh nhân?"

"Số bệnh nhân xưa giờ của thần chỉ có một người. Ông ta chỉ 62 tuổi thôi nhưng vì bị ‘virus lạ' tấn công nên thần không biết ‘con virus' lạ đó là con gì? Ðành phải bó tay thôi! Chỉ hy vọng rằng Hoàng hậu không bị nhiễm con ‘virus lạ'; chắc thần sẽ chữa hết. Cam đoan không hết không tính tiền!"

 

***

Ðời mà! Mỗi người một phần số khác nhau, chuyện nghề nghiệp là do ông Trời ổng phân công đó thôi. Mình có muốn cũng không được.  Như khoái viết nhăng, viết cuội trên báo, coi đó là niềm vui. Nhưng ông Trời phán đó là nghề tay trái; còn nghề tay phải, phần số tui phải làm ‘cu li' mới có cơm mà ăn có rượu mà nhậu, nên tui đành chịu.

Nhưng cũng nhờ viết báo mà một thằng bạn học cũ hồi Tiểu học Bàn Cờ, rồi Trung học Petrus Ký, giờ làm bác sĩ bên Úc nầy đây, mới tìm được ra tui sau cuộc biển dâu, trời sập năm 75 đó chớ.

Nói nào ngay hồi còn nhỏ đi học tui cũng ngưỡng mộ ngành Y, muốn mình được làm bác sĩ chích đít mấy em... mà còn được trả tiền. Phần trộm nghe mấy người đẹp cỡ "Thanh Nga, Thanh Lan, Thanh Thúy, Thanh Tuyền" kháo nhau rằng: "Phi cao đẳng bất thành phu phụ". Phải cỡ bác sĩ trở lên mới rớ được cọng lông chưn của mấy em; chớ ‘phèn' như tui, đỉa mà đòi đeo chân hạc, là mấy em sẽ nói: "Thanh Kiu"!

Do đó đắt mèo nhứt, gái đeo phủi không hết, là mấy thằng học Y khoa. Chưa ra trường là Bố Mẹ em đã đặt cọc cái ống chích của nó cho con gái họ xài tới mãn đời rồi hè!

Tui rất muốn vậy, nhưng lực bất tòng tâm không cách chi mà đua cho lại tụi nó.

Muốn làm bác sĩ là phải học Y Khoa. Mà muốn vào được trường Y thì thời Trung học phải giỏi Toán, Lý, Hóa, Vạn vật và Sinh ngữ. Nghĩa là môn nào nó cũng giỏi hết. Chính vì vậy mà hai kỳ Tú tài nó đều đậu Ưu hết ráo. Rồi phải đậu một kỳ thi tuyển 5000 đứa, vừa trai vừa gái, mà chỉ chọn được có 200. Một mình phải đá đít được 25 đứa khác! Rồi phải học tới 6 năm dài lê thê, dài đăng đẳng; rồi nội trú một, hai năm trong bịnh viện mới dám khoe: "Tui là đốc tờ!'

Rồi qua đây, nghe con cái của người Việt mình ra bác sĩ ào ào hè! Thấy nhiều như vậy đừng tưởng là dễ. Phải tốt nghiệp VCE (Tú tài) với hạng Ưu 99.95 điểm. Rồi phải đậu vào trường Y, học ròng rã 5 năm, thêm một, hai năm nội trú, thực tập ở các khoa, phòng khác nhau tại bịnh viện rồi gia nhập vào Hội đồng Y Khoa của tiểu bang mới được giấy phép hành nghề.

Còn có bằng Cử nhân, muốn làm bác sĩ cũng phải học ròng rã tới 4 năm. Bác sĩ chuyên khoa còn học lâu hơn. Học phờ râu luôn, nếu có râu!

dxt_banthoithoau.jpg 

 

Bảo Huân

***

Ðang hăng tiết vịt, sùi bọt mép gây lộn với em yêu thì cái ‘mobile phone' Samsung 9 của tui nó rung lẩy bẩy, kêu ò í e. "Hello! Phải thằng ‘Ca' không?" (‘Ca' là cái bí danh của tui, do mấy thằng bạn quỷ sứ thời đi học nó đặt cho, đem ráp thêm vào cái tên, nói lái lại, nhằm chọc cho tui quê xệ chơi vậy mà!)

À cái thằng nầy biết cả cái tên tục của tui, cái bí mật đời tư, mà ngay cả em yêu cũng không biết thì chắc chắn nó là một trong cái đám quỷ sứ phá nhà chay thuở đó rồi. "Ờ "Ca' đây! Ðại ca của mầy đây! Ðứa nào ở đầu dây vậy!"

"Tao! Ðốc tờ Thí-ô đây! Là bạn học thời thơ ấu của mầy!" (Hồi xưa, nó tên Tèo nhưng qua đây chuyển ngữ, thêm chữ ‘h' vào, tiếng Việt mình đọc là Theo hay Thẹo, còn tiếng Úc đọc là Thí-ô)."Chiều nay thứ Sáu, cuối tuần, 6 giờ đóng cửa phòng mạch, mầy ra gặp tao."

"Chi vậy? Tao đâu có bịnh hoạn gì mà cần đi gặp bác sĩ?"

"Tao chỉ muốn mầy ra Footscray nầy đi nhậu chơi với tao thôi!"

Hai đứa kéo nhau ra nhà hàng. Bác sĩ ‘Thí-ô' chơi sộp, kêu chai rượu đỏ Penfolds Bin 95 Grange Shiraz, đời 2013, giá tới 700 đô. Giở menu, gọi vài món nhắm, toàn là sơn hào hải vị như: tôm hùm xào mì, bào ngư sốt dầu hào, bò Kobe Nhựt Bản nướng vỉ. (Hèn chi bà con mình hay nói nghề bác sĩ bên Úc nầy đây được chánh phủ cấp cho cái máy in tiền, tên là Medicare).

"Mầy làm bác sĩ giàu thiệt.""Giàu có gì? Chỉ đủ ăn thôi! Nhưng hôm nay để đãi bạn thời thơ ấu, tao chơi hơi sộp... để nhát mầy!"

Cầm cái ly rượu đỏ lên, tui hỏi: "Sao tay tao run quá hè?" Thì nó hỏi lại: "Bộ mầy uống nhiều lắm hả?""Có vô miệng được giọt nào đâu. Ðổ ra ngoài hết trơn rồi!"

Ðốc tờ ‘Thí-ô' bèn rót rượu ra chén cho tui, rồi nói: "Hồi xưa Lưu Linh hay uống rượu bằng chén, gọi là chén thù chén tạc!"

"Như vậy tay tao run là bịnh gì?""Thì bịnh ghiền rượu chớ gì! Bịnh nầy không có chết ngay đâu. Ðừng lo. Nhưng trước sau rồi cũng chết, chết chắc! Nhưng mầy còn trẻ, mới 70, thì chết sớm làm gì? Ðể tao vẽ cho mầy một cái ‘plan' cai rượu."

"Ờ, mà nghe nói chữa bệnh ghiền rượu rồi hay chết vì bệnh sơ gan lắm mà?!"

"Với bác sĩ nào, tao không biết; nhưng tao chữa bệnh ghiền rượu nếu có chết là chết vì rượu chớ không có chết vì gan đâu mà mầy lo!"

 

đoàn xuân thu

melbourne

 

Tuổi hạc!

 

dxt_tuoihac.jpg

 

 Chắc bà con nào già ‘sêm sêm' như người viết, đang hưởng ‘bonus' (phần thưởng của cuộc đời); nghĩa là đã trên 60, tuổi ăn đáo tuế, đều biết bản "Những chuyến xe trong cuộc đời" của nhạc sĩ Hoài Linh, do ca sĩ Giáng Thu trình bày vào những năm 1960.

Nghe tiếng hát Giáng Thu và tiếng nhạc hòa theo y như tiếng xe ngựa lăn trên mặt đường đầy sỏi đá ‘chắc chắc bùm bum'!

Nhạc sĩ Hoài Linh chia cuộc đời chỉ có 3 giai đoạn mà thôi, thay vì 4 là: sanh ra; lớn lên lấy vợ hoặc lấy chồng, (hoặc không, hay lấy rồi lại bỏ); rồi cúp bình thiếc, ngủm là xong.

Phần đầu, mới sanh ra, đi xe tài nhứt :"Chuyến xe đầu, đưa người từ lòng nôi vào tư thế chơi vơi. Tay không hành lý ngóng nhìn về tương lai. Ngỡ ngàng tiếng lên khóc cười, thay cho lời đầu tiên người nói ..."

Còn nằm nôi, có quần thủng đít mặc là may quá xá rồi; nói chi đến hành lý va li đầy châu báu chớ. Khát sữa, đòi bú tí, khóc oe oe chớ có biết nói năng gì hè?

Phần hai là lớn lên, đi làm kiếm tiền (hay không bằng hên, dở không bằng giỏi) lên đại gia, thành trọc phú, gáy te te như dế... lửa.

 "Tháng năm dài, vui buồn tuổi trầm vui, ngọt cay cũng mau quen. Xe lăn một chuyến cát bụi mòn chân đen. Sang giàu may mắn phút đầu. Hay nhịp độ gãy đôi ba cầu."

Có tiền rồi phải có vợ cho nó xài ké với chớ. Xài một mình sao hết? Nên: "Xe hoa đưa người êm ấm tình nồng. Em anh nên đôi vợ chồng.  Se tơ hồng một duyên hai bóng"

Nhưng giày dép còn có số; người ta cũng vậy thôi. Có đứa chỉ một xe đầu, chạy miết hè, một vợ thôi tới già. Nhưng có đứa ‘xài' vợ hơi hao nên ‘sắm' vợ mới hoài hè! Nên: "Duyên đưa, có người chỉ một xe đầu. Có người vài lần thương đau..." Nhưng có đứa nhứt định tử thủ tới giờ lên giàn hỏa. "Có người chẳng bao giờ đâu!"

Coi vậy thời gian như bóng câu qua cửa sổ. vèo một cái là già tới nơi rồi. Tui cũng vậy: "Ủa mình mới cưới vợ hôm qua quá đã mà sao nay nhìn lại là con đầy đàn, cháu một đống!"

Chuyện rằng: Một bé gái ngồi cạnh ông Nội mình trên một cái ghế salon trong phòng khách. Em thấy rõ những nếp nhăn hằn theo năm tháng trên khuôn mặt của ông Nội mình. Em lấy tay chà lên những nếp nhăn đó. Rồi sau đó chà lên chính khuôn mặt của mình. Có vẻ như bé gái hơi bối rối, hổng biết tại sao, nên hỏi: "Nội! Có phải ông Trời đã tạo ra Nội phải không?""Đúng vậy cháu cưng! Ông Trời đã tạo ra Nội một cũng rất lâu rồi!"

"Có phải ông Trời đã tạo ra chính con?" "Đúng vậy cháu cưng! Ông Trời đã tạo ra con cách đây không lâu!"

"À! Vậy là tay nghề của ông Trời tiến bộ vượt bực theo thời gian đó! Nội có đồng ý với nhận xét của con không?"

Rồi cuối bản nhạc là cuối đời mình: "Sáng trưa chiều, khi tuổi đời nặng reo. Vòng tay cũng xuôi theo. Công danh ngày ấy giấc mộng tình hôm nay. Cũng về như chiếc lá gầy. Xe đơn lạnh tiễn ai trong này?"

Vậy là "chắc chắc bùm bum" xong! Nên xin bà con đừng cày sâu cuốc bẩm làm gì nhiều, Sở Thuế nó ăn hết. Cày ‘vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài (xoài)' thôi; để thời gian chơi nữa chớ. Làm việc kiếm tiền để sống; chớ đâu phải sống chỉ có cái mục tiêu duy nhứt là kiếm tiền?

 

***

Trong bài Tống biệt, nhà thơ Tản Đà có viết: "Cái hạc bay lên vút tận trời! Trời đất từ đây xa cách mãi...Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi!" (Nhà thơ xứ Bắc gọi là cái hạc, còn trong Nam mình gọi là con hạc).

Bà con mình chắc ai cũng đã từng thấy con hạc trong tranh hay con hạc cao lêu khêu đứng trên lưng con rùa trong đình, chùa, miếu mạo. Mà ngay cả ở nhà, trên bộ lư đồng để thờ cúng gia tiên cũng có rùa và hạc,

Rùa sống dai, sống rất lâu, già lão. Nhưng dù già bao lâu chăng nữa cũng có ngày rùa biến thành cánh hạc bay lên vút tận trời nghĩa là phải ngỏm củ từ.

Vì thế cho nên tuổi già, mà chưa đi bán muối, râu dài tới rún, tóc bạc phơ, cầm cây phất trần (tức cây chổi lông gà) ve vẩy để đuổi ruồi cho có vẻ tiên phong đạo cốt là tuổi hạc.

Có sanh có diệt là chuyện đương nhiên, không ai cãi lại được kể cả ông Bành Tổ.

Đời mà sanh lão bệnh tử. (Nghe tới tử ai cũng sợ, kể cả tui, nên muốn được sống lâu. Nhưng muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Hôm rồi nè, ra Footscray ngồi chễm chệ trên ghế cho ông bạn, thầy hù hớt tóc... Xem dung nhan đó bây giờ ra sao? Vì lâu nay cứ tưởng mình già. Soi gương mới biết quả là y chang! Mặt mày, mắt, môi đế xếp li ráo trọi hè. Muốn phủ định cái già chỉ còn cách đem cái bàn ủi ra ủi mới mong thẳng nếp.

Rồi tóc chỗ hoa râm, chỗ bạc trắng phong trần. Tui thì không tìm cách dấu cái già đi; có sao để vậy người ơi! Vì quan niệm là già thì già tóc, già râu... Mặt già hết ráo cái cần câu không già... là OK ‘Salem'!

Già đâu có tính theo năm tuổi mà phải căn theo cái tánh. Gặp ai, nhứt là những người em xuất sắc trong vai tì nữ, mình cứ mím chi cọp, mỉm miệng cười tình là mình còn trẻ chán. Cho dù mấy em tưởng tui có chút đỉnh về vấn đề tâm thần hay sao mà cười suốt hè?

Mấy em nói sau lưng gọi tui là: "Sugar Daddy' (Ông già hảo ngọt).

(Mấy em Mít mình tối ngày cứ nằm mơ Hoàng tử cùa lòng em không hè. Gái Úc nầy nó thực tế và thực dụng hơn nhiều: Em chán phải đi làm cực khổ để kiếm tiền nên giờ em đang nhận đơn cho chức danh ‘Sugar Daddy'. Mại dô! Mại dô!)

Đừng có ỷ mình, sanh sau đẻ muộn, tuổi xuân còn hơ hớ, rồi dè bỉu tuổi già! Chớ nghĩ sâu, nghĩ xa... Thời điểm nào đó, ngày nào đó cũng tới, tới phiên mấy em cúp bình thiếc, đua nhau coi cái bộ ngực của em nào thòng tới rún trước?

Cho nên có em đường thương đau đày ải nhân gian, em tính chết phứt cho rồi để con cháu được lãnh tiền bảo hiểm nhân thọ nên đi bác sĩ hỏi trái tim nằm ở đâu? Bác sĩ chỉ trên đầu ngực, phía bên trái. Về nhà, em móc cây súng ra, kê vào đó mà bóp cò nghe cái rầm. Hậu quả là em bị gãy cái chưn!.

Do đó em nào ngạo tui là già dịch, già khoái gặm cỏ non, (Cỏ chát răng đâu còn đủ cứng mà gặm hè?) thì xin cứ tự nhiên; vì tui học theo thi sĩ  Hồ Xuân Hương: 'Chơi xuân kẻo hết xuân đi. Cái già sồng sộc nó thì theo sau!"Còn xuân nên chơi kẻo trễ! mà đã hết xuân rồi, tuổi hạc rồi, còn chơi được thì tại sao không?

Mà không phải cánh đàn ông tụi tui quan niệm phóng khoáng như thế đâu mà cánh phụ nữ, mấy em cũng quan niệm y vậy đó thôi.

Nên có chuyện rằng: Em Sally đi làm ăn xa. Xong công chuyện em lái xe dọc xa lộ xuyên bang để từ Sydney trở lại Melbounre.

Doc đường em thấy một cụ bà đang đi dọc theo con lộ. Đường xa lái xe một mình buồn... buồn ngủ; nên em cũng cần một người bạn đồng hành bèn ngừng xe lại quay kiếng xuống, hỏi: "Cụ ơi! Cụ có cần quá giang không?" Bà cụ không trả lời gì ngoài cái gật đầu.

Cửa mở, cụ bà lên xe ngồi gần Sally. Suốt một đoạn đường dài, bà cụ chỉ im lặng nhìn quanh quất mà không nói gì. Có thể là bà cụ đang mang trong lòng cả một trời tâm sự u uất hổng biết tỏ cùng ai chăng?

Cuối cùng sau khi đưa đôi mắt kèm nhèm, sau cặp kính lão, nhìn quanh, bà cụ dừng lại cái túi giấy màu nâu đặt kế bên Sally, rồi hỏi: "Trong cái túi nầy con gái đựng cái gì?"

"À chai rượu! Con mua nó về làm quà cho ông xã của con" Bà cụ im lặng một lát rồi nói: "Con gái biết mua quà cho chồng lắm đó!"

Nghe tui kể, thằng bạn nhậu của tui lắc đầu quầy, bĩu môi chê: "Chuyện chỉ có vậy ai mà cười cho được chớ?" Té ra cu cậu không có óc hài hước, lẫn trí thông mình! Nhưng cứ mở miệng ra, không suy nghĩ tận tường mà hay chê người khác để chứng tỏ mình khôn!

Tui buộc lòng phải phụ đề Việt ngữ. Chớ một câu chuyện đùa không cần phải cắt nghĩa gì thêm. Cắt nghĩa thêm nó mất cái hay!

Vợ đi xa về mua quà cho chồng đó là chuyện rất bình thưòng. Nhưng tại sao lại mua chai rượu? Đó đó! Cái hay nằm ở chỗ đó. Vì chữ có câu rằng: "Một là rượu lúc ngà ngà. Hai là là những lúc đi xa mới về!"

Bà cụ là người đã kinh nghiệm cùng mình trên tình trường cũng như trên giường, nên buông lời ca ngợi Sally quả còn trẻ mà khôn hết biết. "Nó uống nhưng mình đã! Quá xá đã!"

Mà tại sao bà cụ lại bỏ đi lang thang trên đường hoang vắng vậy? Chẳng qua bà cụ giận đám con cháu của mình. Hôm qua, tụi nó đến chơi nhà thấy cụ ông không mặc quần, tồng ngồng ngồi trên ghế trước cửa, đón gió Đông. Hỏi cớ sự ra làm sao thì Cụ ông trả lời là: "Hôm qua ông Nội cũng ngồi trước cửa và gió Đông tới; tối vào nhà cái cần cổ cứng ngắc hè! Nên bữa nay bà Nội bắt ông phải tồng ngồng ngồi trước cửa đó con!"

***

Nhưng không phải ai già cũng hết xí quách, không còn làm ăn gì được nữa? Nghĩ vậy là lầm. Làm không được; nhưng dòm thì được, cũng còn khoái lắm nên có chuyện vầy:

Mới ba giờ sáng trong một khách sạn năm sao. Cụ bà từ trên lầu chạy xuống như bay kêu cô nhân viên tiếp tân "Lẹ lẹ lên! Lên phòng tôi ngay đi! Tôi mới vừa thấy một ông trần truồng như nhộng nè!"

Cô tiếp tân nghe vậy (không biết có ‘sôi nổi' lòng ta hay không?) cũng vội vã chạy như bay lên phòng bà cụ, nhìn dáo dác, rồi hỏi: "Đâu đâu! Sao con không thấy" "Nè nhìn qua khung kiếng. Anh ta bên đó!"

Cô tiếp tân nhìn qua căn ‘bin đinh' đối diên, bên kia đường, thì thấy một anh không mặc áo đang đi vòng trong trong phòng. "Chời ơi tưởng gì! Ảnh chỉ ở trần, chắc chuẩn bị đi ngủ đó mà! Nhưng từ bên nầy nhìn qua cụ chỉ thấy từ vai anh ấy trở lên sao cụ dám cả quyết là anh ta đang ở truồng? Làm con mừng hụt hè!"

"Nè! Đứng lên cái bàn đặt bên cửa sổ, rán nhón chân lên là biết ngay!"

Kết luận: "Ai bảo già, tuổi hạc sắp bay lên trời là buồn tha thiết, buồn hết biết? Nó vui gần chết đó thấy hông?"

 

đoàn xuân thu.

Melbourne

 

Hủ tiếu thương hồ!

dxt_hutieuthuongho.jpg

 

Tranh Bảo Huân

 

Xưa nay chỉ thấy tô phở bò, gà theo chân người Việt tỵ nạn tràn lan và nổi danh toàn thế giới; còn tô hủ tiếu quê mình hình như đã tàn phai nhan sắc. Chớ hồi xưa trong nước, phở Bắc chỉ làm ‘đại ca' trên chốn giang hồ Sài Gòn; ngay cả vô Chợ Lớn cũng phải chào thua.  

Nhứt là Lục tỉnh Nam Kỳ tô hủ tiếu quê mình vẫn vô địch quyền vương, độc cô cầu bại. Tô phở Bắc mon men về tới cái đất Mỹ Tho danh trấn giang hồ về hủ tiếu cũng đành phải chịu xếp ve luôn. Mỹ Tho có cả hàng chục tiệm hủ tiếu chỉ loe ngoe vài ba tiệm phở tái, nạm, gầu...

Do đó, đầu bếp Gordon Ramsay, 49 tuổi, người Scotland, chủ nhiều nhà hàng nổi tiếng trên toàn thế giới, một năm kiếm được tới 5, 6 chục triệu đô la Mỹ, tánh tình nóng nảy, ăn nói bổ bả, bặm trợn hay chửi thề um trời trong rất nhiều chương trình trên truyền hình của Anh, của Mỹ như Masterchef, Hell's Kitchen...khen hủ tiếu của miệt Lục tỉnh quê mình ngon hết biết là chuyện không cần thiết; vì tô hủ tiếu nầy nó ngon tự lâu rồi chớ đâu phải mới đây.

(Khen như vậy là khen con bò trắng răng vì chẳng cần kem đánh răng, bò nhơi cỏ, đánh răng suốt thì răng làm sao mà không trắng cho được chớ?)  

Thoạt kỳ thủy Gordon Ramsay là cứ nghĩ món ăn Việt Nam cũng như các món Thái hoặc các nước lân bang vùng Đông Nam Á. Nhưng sau mới ngộ ra rằng: "Món ăn Việt Nam đúng là độc đáo và không thể so sánh với bất cứ món ăn nào ở những đất nước mà tôi đã đi qua".

Gordon Ramsay khen nước lèo hủ tiếu có thể ngon hơn nhiều nhà hàng Việt tại London, rồi học cách nấu hủ tiếu, bán trên một chiếc thuyền trôi bềnh bồng trên sông Cái Răng, Cần Thơ cùng với đầu bếp Úc gốc Việt, Luke Nguyen, tháp tùng theo làm thông dịch để quay truyền hình cho bà con toàn thế giới xem chơi!

***

Tây thấy món nào có nước thì gọi là soup. Hủ tiếu nó gọi là ‘soupe chinoise' (súp Tàu). Gọi vậy cũng phải vì hủ tiếu là của người Tàu, người Quảng Đông; còn người Triều Châu thì ăn hủ tiếu bò vò viên, tức ‘ngầu dục viễn'!

Nổi tiếng nhứt là hủ tiếu Mỹ Tho! Nó khác xa với hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế, bún mắm Sóc Trăng.

Hủ tiếu Mỹ Tho của người Quảng Đông nhưng bánh hủ tiếu lại do người Việt ở Gò Cát, bên bờ kia sông Bảo Định, vùng ven thành phố Mỹ Tho làm.

Bánh hủ tiếu bằng bột gạo, không pha bột mì, bột lọc. Sợi hủ tiếu tươi chỉ cần trụng sơ với nước nóng là trong, giòn và dai và dẻo hơn các loại bánh hủ tiếu mềm xèo ở Chợ Lớn.

Cái thùng nước lèo của mấy xe hủ tiếu Mỹ Tho có hai ngăn. Một là nước sôi để trụng bánh; một ngăn chứa nước lèo, có vị ngọt từ xương, giò heo và khô mực nướng cùng với củ cải. Thịt heo nạc xắt mỏng như tờ giấy quyến, gan heo trải lên mặt tô rồi chan nước lèo lên, rắc tiêu.

(Sau nầy người ta thêm phèo non, tôm thẻ và trứng cút... Nhưng ăn thấy nó làm sao đâu vì làm mất cái vị, cái mùi hủ tiếu!)

Hủ tiếu là phải ăn với giá sống, hẹ, cải xà lách, củ hành phi. (Đừng có bỏ rau tần ô rau ghém vô, ăn lãng xẹt hè).

Nêm nếm là phải xì dầu và dấm đỏ. Nêm bằng nước mắm y, rồi vắt chanh vào (để ăn phở) là trật lất.

 

***

Sở dĩ tui kỹ từng chút một về tô hủ tiếu là vì em yêu của tui là á xẩm. Ông già vợ tui, bà con gọi là Chú Xồi, chuyên nghề bán hủ tiếu.

Chú Sồi có một chiếc xe có thành vách ba bên, lộng kiếng vẽ hình trong truyện Tam Quốc như Quan Công phò nhị tẩu, Giang tả cầu hôn, Đương Dương trường bản, Khổng Minh tọa lầu.

Ở giữa xe là một thùng nước lèo, bốc hơi nghi ngút, những rổ nhỏ đựng bánh hủ tiếu, mì nhỏ, mì lớn, hoành thánh, dầu chá quảy.

Hồi xưa lúc đói bụng, trong túi lại có kha khá tiền, tui bèn tắp vào lề, ngồi lên cái ghế xếp, trước mặt xe, có miếng ván hình chữ nhựt gài chốt bè ra, đủ đặt vừa tô hủ tiếu.

Lập tức chú Sồi đon đả: "Hà cái lầy thằng Tửng ‘xực mý dệ' (ăn cái gì)?"

(Thằng nhỏ nào Chú Sồi cũng kêu là Tửng hết trơn hè. Hèn chi sau về làm rể cho Chú Sồi tui cũng bị hơi tửng tửng!)

Tui chơi lại tiếng Tàu luôn; cho dù tiếng tàu của tui là loại ‘Tào Lao'. "Dách cô phảnh, thím xực xí quách...tố tố sủi!" (Một tô hủ tiếu nhiều xí quách, nhiều nước lèo). "Hầy lớ!" (Được rồi!)

Đưa tay đón lấy tô hủ tiếu từ bàn tay búp măng của á xẩm Quế Thanh, con gái chú Xồi, tui xịt một chút xì dầu, giấm đỏ, gắp thêm vài lát ớt, xốc bánh hủ tiếu lên, gắp một đũa khá lớn đưa vào miệng, bắt đầu hẩu xực.

Nước lèo nóng, cay vì ớt vì tiêu, hơi nước lèo phả vào mặt, mồ hôi tươm ra ướt cả lông mày. Tui chiến đấu quyết liệt, hai hàm răng kêu kèn kẹt, chỉ trong chốc lát là tô hủ tiếu cạn queo.

Quế Thanh mang cho tui cái bình trà "Thái Đức' bằng nhôm nóng hổi, rót cho tui một ly rồi hỏi: "Hẩu lớ hia Tửng?" (Ngon không anh Tửng?)

Tui cười hè hè: "Hẩu hẩu" (ngon ngon)! "Nị hụ len, hụ len!" (Em đẹp lắm!)

Em nguýt tui một cái dài thậm thượt chừng 3 cây số, xổ luôn một tràng tiếng Việt: "Tía em nghe được là rượt anh chạy có cờ đó nhe! Ai biểu hia Tửng no bụng cửng lên, dám dê ‘tiểu thư', con cưng của Tía!"

***

Rồi sau khi CS chiếm miền Nam, gia đình bà con mình ai cũng đều suy sụp, ai cũng mạt, không còn tiền ăn hủ tiếu.

Cái một xã hội mình trước 75, dù đang chịu đựng cuộc chiến đẫm máu kinh hoàng để vệ quốc vẫn còn chút ổn định nhưng khi tiếng súng ngưng rồi tàn phá còn hơn cả lúc chiến tranh.

Người dân bị bức hại, bị trả thù, bị đe dọa cướp nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, bị đày đi kinh tế mới. Đêm nào CA Phường cũng xét hộ khẩu để bắt người đem đi nhốt khơi khơi.

Không còn chịu đựng nổi, bà con mình ai nấy cũng âm thầm nhưng rất quyết tâm là tìm đường ra biển. Muốn ra biển là phải biết đường sông vì tất cả các dòng sông đều xuôi dòng ra biển; nên phải chấp nhận cuộc sống gạo chợ nước sông, đời sương gió buôn bán qua ngày dò đường để dọt. Phần trên đường bộ bọn chúng rào đường, chận ngỏ ác liệt không bán buôn gì được hết.

Thế là ở những ngã ba sông: chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Lục Sĩ Thành (Trà Vinh), chợ nổi Cái Răng, Phong Ðiền và chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp, (Cần Thơ) nổi lên.

Khoảng thời gian thương hồ, dò đường đi nước bước, dù chỉ là tạm bợ để tìm cách ra đi vẫn ghi dấu lại biết bao là kỷ niệm. Kết bạn thương hồ, sống rất ruột gan, tứ hải giai huynh đệ, sống điệu nghệ.

(Bây giờ, quê người cơm áo đủ đầy, thừa mứa nhưng tình người hình như hơi bị hiếm!)

Tui trở về Mỹ Tho thăm Quế Thanh lần cuối trước khi đi. Không biết lành dữ thế nào, tui nói với em rằng:"Nị rán chờ chừng nào biết thằng Tửng nầy chết chắc; rồi hãy đi lấy chồng nhe!"

Chú Xồi nghe được, kêu tui lại biểu:"Tửng à! Nị dắt nó đi luôn đi. Thương nhau là sống chết phải có nhau, đồng tịch, đồng sàng, đồng quan, đồng quách mới được lớ!"

***

Người ta thương hồ khấm khá thì có ghe lườn, ghe cui, ghe rỗi, ghe cà vom... mui lợp ván chắc chắn, chịu được nắng mưa. Còn hai đứa tui nghèo, nhờ Chú Xồi vét hết trong nhà được chưa tới 5 chỉ vàng, mua cho một chiếc ghe tam bản be kèm, lợp mui giả khung bằng nan tre đan bện lá dừa nước, chạy máy đuôi tôm Kohler 4.

Sáng em bán hủ tiếu, tui bán cà phê, nước đá và rượu trên chợ nổi Cái Răng.

Chiều về một bến sông nào đó qua đêm thì Quế Thanh chèo mũi; tui chèo lái hoặc căng bốn góc mềm nhờ gió đưa đi cho đỡ tốn xăng.

(Hồi đó, trèo vô trèo ra trên ghe chạm mặt hà rầm mà sao ít cự cãi hơn bây giờ?)

Chợ nổi họp theo con nước lớn, 5 giờ sáng tiếng máy ghe, thuyền trên chợ nổi cứ bồng bềnh trên sông trong tiết trời mờ mờ đục đục đẫm hơi sương.

"Chợ đã nổi từ nửa đêm về sáng/Ta vẫn chìm từ giữa bữa hoàng hôn/ Em treo ‘bẹo' Cái Răng, Ba Láng/ Ta thương hồ Vàm Xáng, Cần Thơ"

(Em treo ‘bẹo', là treo lủng lẳng trên cây sào trái khóm, trái xoài, dưa hấu, bầu, khoai lang, bưởi, khóm, chuối, cam, quýt. mía... bẹo hình, bẹo dạng, treo gì bán nấy.)

Giang hồ gạo chợ nước sông, dù có á xẩm em yêu kè kè một bên nhưng bữa nào đi bán một mình cũng có vài em bẹo hình bẹo dạng với tui. Con gái đồng bằng trên sông nước, gió thổi phần phật lật lên vạt áo bà ba, có cái gì trăng trắng làm tui cũng thèm nhểu nước miếng hè.

Rồi nghe em than mà đứt ruột: "Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi. Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê!" Thôi thì cám cảnh nhau, tui lén Quế Thanh cho em thương hồ ăn chịu hủ tiếu, chừng nào có tiền trả cũng được mà giựt luôn cũng hổng sao.

Em bạo dạn ướm lời: "Nước xuôi chạy gió buồm mền, muốn vô làm bé, biết bền hay không?"

Đời mà trai năm thê bảy thiếp là thường. Năm bảy con (vợ), tui còn lo được huống gì là hai nên tui tính ừ cho rồi.

Nhưng Quế Thanh, em yêu của tui, đánh hơi được, nhứt định không chịu cái cảnh chồng chung; nếu tui rước thêm một con ‘ngựa bà' nữa xuống ghe là em sẽ nhẩy xuống sông tự trầm mà chết.

Sau sợ tui lạc lòng, nấn ná lâu sanh biến; nên Quế Thanh về lại Mỹ Tho ‘ráp' với mầy xì thẩu có đóng tàu vượt biên cho hai đứa tui, vốn quen kiếp sông hồ làm ‘taxi' đưa khách ra cá lớn.

Hôm cuối cùng, đưa khách bị bể, không dám quay vô, tui với em bèn ngộ biến phải tùng quyền, leo đại lên theo thuyền, dông theo luôn ra cửa biển. Cái đó gọi là canh me!

Gần 4 chục năm rồi, đêm ngủ bên Quế Thanh, á xẩm bán hủ tiếu, tui vẫn còn nghe tiếng sóng vỗ mạn thuyền trên chợ nổi năm nào.

"Vật đổi sao dời. Ðá mòn sông cạn. Trần ai chớp mắt trăm năm mộng". Tui vẫn nhớ chiếc ghe hủ tiếu thương hồ đã đưa mình thoát khỏi gông cùm CS để đến được bờ bến tự do.

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

 

Nguyễn Văn Bến Nghé!  

 

Tui rất thích cái tựa "Nguyễn Thị Sài Gòn", tên một bài hát của nhạc sĩ nổi tiếng đấu tranh Việt Dzũng.

Nhưng ‘Thị' là chữ lót của một người đàn bà, con gái; còn tui là đàn ông, con trai, tất chữ lót phải là Văn; nên tui tự đặt tên mình là: "Nguyễn Văn Bến Nghé".

Hai cái tên nầy chỉ đối nhau chan chát giữa ‘Thị' và ‘Văn'. Còn cái họ Nguyễn, người Việt mình nhiều vô số kể, nên mấy em Úc tóc vàng mỏ đỏ ở Melbourne nầy đây muốn dụ dỗ tui ‘tù ti tú tí', bao giờ cũng gọi tui là "Mít-tờ (Mister) Nguyen!"

Còn Sài Gòn và Bến Nghé (là cái bến mà người ta thường cho trâu, bò ra tắm) chỉ là một mà thôi!

Sài đọc theo âm ‘Prei', tiếng Khmer, nghĩa là rừng. Gòn là bông gòn. Như vậy Sài Gòn là Rừng cây bông gòn.

Ông bà mình hồi xưa từ miền Trung vào miền Nam khẩn hoang, đến vùng đất mới nào, thấy có nhiều loại cây hơn chỗ khác thì lấy tên loại cây đó đặt tên cho vùng đất mới.

Chính vì vậy mình mới có các địa danh dễ thương như: Gò Cây Mai, Gò Sao, Gò Cây Quéo và Gò Vấp...

Cây Da (miền Bắc gọi là Cây Ða) nổi tiếng với địa danh Cây Da Xà. đường Da Bà Bầu... (Cây Da có nhà bà tên Bầu, chớ hổng phải da của bà đang mang bầu đâu nhe!) gần nhà ông Trường Kỳ nhạc trẻ...

Rồi Cây Ðiệp, Cây Gõ, Cây Vông... đến Chợ Vườn Chuối, Chợ Rẫy, Chợ Ðệm, Chợ Cây Ðiệp...

Kinh rạch cũng mang tên các loài cây như: Rạch Bàng, Rạch Chiếc hay Hóc Môn (Rạch nước nhỏ có cây môn nước) hoặc Mười tám thôn Vườn Trầu, suối Lồ Ô (bà con với cây tre, cây trúc)

 

***

Nhà thơ Bùi Giáng có câu: "Hỏi rằng: người ở quê đâu? Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà!"

Mình đang ở Sài Gòn mà có người hỏi quê đâu? Sanh đẻ ở đây, lớn lên ở đây, mèo chuột gái gú ở đây, bị em yêu bắt làm tù binh, cũng ở đây! Rồi ăn nhậu, tụ bè tụ đảng cũng ở đây thì hỏi quê đâu là sao hè?

Tui cũng ở Sài Gòn khá lâu đó chớ, dù không liên tục nhưng gộp lại trước sau dẫu đứt khúc cũng khoảng 10 năm. Vậy mà hai thằng bạn nhậu nghe tui gáy te te là dân Sài Gòn mà quận Nhứt nữa, tụi nó cứ cười khằng khặc:"Ông chỉ là dân ở trọ đất Sài Gòn. Còn hai thằng tui là sanh đẻ ở Tân Ðịnh nè, là dân Sài Gòn chánh gốc, có trích lục thế vì khai sanh đàng hoàng do Chánh lục bộ của Tòa án cấp."

dxt_ngvanbennghe.jpg 

Tranh Bảo Huân

 

Tuy nhiên hỏi phăng ngược lên đời trước nữa thì một đứa có ‘Thầy U' đi tàu há mồm từ Bắc vào Nam, đứa còn lại có ‘Ba Mạ' từ Huế, xứ thần kinh, bám xe lửa xuyên Việt vào tới Sài Gòn những năm 40.

Chính vì vậy mà hồi năm 1963, học Ðệ thất ở Petrus Ký, bạn cùng lớp tui không thấy thằng nào vỗ ngực xưng tên là ‘Made in Sài Gòn' vì đứa nào cũng là dân tứ xứ.

Nhưng đến Sài Gòn là yêu Sài Gòn hè! Như ông nhạc sĩ Y Vân, sanh đẻ tại Hà Nội, vào Nam năm 1952, cũng khoái, nên la làng lên rằng: "Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi!" La xong còn nhảy ‘twist' nữa mới đã!

Rồi nhà thơ Nguyên Sa, cũng người Hà Nội, vào Nam rồi cũng cảm nắng Sài Gòn.

"Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Ðông

...Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết/ Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu."

Vâng! Nắng Sài Gòn kinh lắm nhứt là vào đầu mùa Hạ, tháng Sáu, tháng Bảy.

Nhưng được cái là: nắng sớm mưa chiều! Mới nắng đó rồi bất ngờ Trời đế cho một trận mưa rào, ào ào ướt áo em yêu, ướt hết ráo cái áo dài của em may bằng vải Tetoron trắng mỏng dính.

Nên mưa Sài Gòn, (không phải tui tửng tửng với thời tiết gì đâu), là tui che dù, mặc áo mưa, dù đang ở trong nhà tạnh ráo, tui cũng ráng bò ra đường dòm, chắc bà con mình đã biết tại làm sao?

Rồi sau nầy mất nước làm thân lưu lạc, phiêu bạt quê người tới tận Melbourne nầy đây tui vẫn tự nhận mình là người Sài Gòn hè!

Mà nó đâu có chịu nằm im, cứ nhúc nhích hoài, gợi nhớ... nhứt là mỗi độ tháng Tư về.

Do đó khi ông Trịnh Công Sơn hỏi em yêu của ổng là: "Em còn nhớ hay em đã quên?" (Thì tui thấy hỏi vậy là thừa!)

Ông nhạc sĩ nầy sợ em quên, nên nhắc nhỏ em là: "Nhớ Sài gòn mưa rồi chợt nắng/ Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân? Nhớ đèn đường từng đêm thao thức...

...Nhớ đường dài qua cầu lại nối/ Nhớ những con sông nối hai dòng kênh / Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng..."

Tuy nhiên đang bùi ngùi thương nhớ Sài Gòn thì nhạc của ổng bỗng chuyển ‘ton' một cách lãng xẹt hè: "Em ra đi nơi này vẫn thế... Thành phố vẫn có những ước mơ/ Vẫn sống thiết tha/ Vẫn lấp lánh hoa trên đường đi"

Ðang dịu dàng hỏi ‘ní': "Có nhớ Sài Gòn không? Thì đàn đứt ngang cung, nổi khùng lên: "Em đi thì kệ em chớ! Sài Gòn vẫn thế, còn ngon hơn ngày hổng có em!"

Tới đây là tui không đồng ý với ông nhạc sĩ (gió chiều nào che chiều đó) rồi đó nhe!

Một là Sài Gòn là thủ đô chớ không thành phố (?!)... gì ráo. Hai là: Bên cạnh một Sài Gòn hoa lệ với nhà cao tầng, trang phục hàng hiệu, xe cộ sang trọng là một Sài Gòn lam lũ, nhọc nhằn của những gánh nặng trĩu trịt hai vai của người bán hàng rong, của trẻ ăn xin, bán vé số, vất vả dãi nắng dầm mưa với hy vọng tối nay đi ngủ không phải với cái bụng đói meo.

Tui đi đã mấy chục năm mà chưa trở lại Sài Gòn, nhưng có nghe nói Sài Gòn giờ là một rừng bê tông, cao ốc... Vì CS muốn Sài Gòn giống hịt Singapore.

Úy trời đất ơi! Học cái hay thì học. Học cái ngu thì học làm gì.

Lý Quang Diệu xây cái Singapore trên một làng chài hoang vắng. Còn Sài Gòn có một kiến trúc tuyệt vời đâu phải ai cũng có, người ta thèm muốn chết mà không có được... Sao cứ chơi ngu đập và đập?

Viện lý do quy hoạch như hạch, bèn chặt dãy cây dọc đại lộ Nguyễn Huệ,  trên đường Cường Ðể, đốn ngã hàng cây cao trước Quốc Hội ngày xưa...

Thực dân Pháp dẫu xâm chiếm nước ta cũng không đến mức ngu xuẩn và tàn nhẫn như vậy!

Năm 1862, sau khi chiếm Sài Gòn - Gia Ðịnh, Kiến trúc sư Pháp đã thiết kế Sài Gòn là một thành phố Vườn, một Paris nhiệt đới! Sài Gòn có Sở Thú, Vườn Ông Thượng (vườn Bờ Rô hay công viên Tao Ðàn, cũng nó đó đa! )

Ai cũng biết là năm 1868, Tây cất Dinh Norodom cho Thống đốc Nam Kỳ.  "Vườn phía sau Dinh của quan lớn dân gọi là "Vườn Ông Thượng"

(Giữa vườn có một sân gạch, nên dân gọi là "Vườn Bờ Rô" (Préau tiếng Pháp, là "sân lót gạch").

 

***

Tía tui rất thích chụp hình. Hồi xưa Chủ Nhựt, Tía dắt Má và đám con đi Sở Thú coi khỉ hay đi vườn Bờ Rô chụp hình....

Sau nầy xa quê, ngày anh em tui xúm lại làm đám giỗ Tía Má, đem những cái hình xưa cũ còn giữ trong ‘album' ra coi.

"Nè cái hình nầy là Má bồng thằng Phương. Tao với anh Nhiên mặc quần ‘sọt' mang giày ‘săng đan', đầu chải bảy ba. Còn con Phượng, (em gái kế tui). thì mặc áo đầm tóc quăn (uốn tóc), thoa son môi của Má, vì Ba muốn làm đẹp cho đứa con gái của mình.

Còn thằng Quân trong hình, sao mầy lại khóc?" Thì thằng em tui cười khè khè nói: "Tại lúc đó tui khát nước... mía! He he!"

 

***

Nhớ Sài Gòn! Nhớ Bến Nghé! Nhớ nhà thơ Nguyễn Ðình Chiểu trong bài thơ ‘Chạy Giặc' "Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây/ Một bàn cờ thế phút sa tay? Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ đàn chim dáo dác bay/ Bến Nghé của tiền tan bọt nước/ Ðồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây..."

Và tui cũng tự hỏi Sài Gòn, Bến Nghé bị CS làm cho tanh bành tí bị như thế nầy mà: "Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng/ Nỡ để dân đen mắc nạn này?"

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

Tháng Tư! Vùi đất lạ!

 

 dxt_ThangTu.jpg

 

Cứ mỗi độ tháng Tư về, những người tha hương như chúng ta lại nhớ, lại bùi ngùi trong tấc dạ với lòng thương cảm hướng về đồng bào ruột thịt, đã bỏ mình trên bước đường trốn chạy Chủ nghĩa CS, để tìm tự do.

Về thân phận những người Việt Nam tỵ nạn CS, phiêu bạt quê người, nhà thơ Du Tử Lê viết về cái chết: "Vùi đất lạ thịt xương e khó rã/ Hồn không đi sao trở lại quê nhà?"

***

Bán đảo Kuku chỉ là môt trong hàng chục trại tỵ nạn CS dành cho người Việt Nam khắp vùng Đông Nam Á.

Kuku là một rẻo rừng dừa trên đảo Jemayah, thuộc quần đảo Anambas, tỉnh Riau, cách thủ đô Jakarta của Nam Dương hơn 1300km.

(Kuku có nghĩa là "Cậu", theo tiếng Hoa! Vì cách đây hơn nửa thế kỷ có một người Tàu đã đến đây khai hoang để trồng dừa. Ông là một người tốt bụng, thường giúp đỡ dân nghèo nên được mọi người thương mến gọi bằng "Cậu". Sau đó, dân địa phương ở đây đặt tên rừng dừa này là Kuku.)

Từ năm 1979 đến giữa thập niên 1980, có lần lượt khoảng 40.000 thuyền nhân Việt Nam đã đặt chân lên Kuku. Cả Nam Dương thì con số này lên đến 180.000 thuyền nhân.

Khi những thuyền nhân VN cuối cùng rời trại tỵ nạn Kuku để chuyển về trại tỵ nạn Galang, chờ đi định cư ở một nước thứ ba; Kuku lại trở về hoang vắng, tiêu điều như thuở ban sơ.

Cả một rẻo rừng rộng lớn, từng xôn xao bóng hàng chục ngàn người tỵ nạn năm nào, bây giờ chỉ là một vạt rừng dừa xanh ngăn ngắt, hoang vu!

Bãi biển thênh thang ngày xưa bây giờ hẹp lại vì rừng lấn dần ra biển! Cầu tàu, rồi các dãy lều tạm cư đã biến mất vào hư vô? Chỉ còn xác mấy chiếc thuyền vượt biên trơ sườn; vì cát biển theo hàng vạn đợt thủy triều, nắng gió đã chôn vùi phần đáy, nhưng vẫn còn ráng nhú mũi ghe lên nắm níu, như một bia mộ của một thời dâu bể!

Ðâu rồi lán trại, chùa, nhà thờ, văn phòng Cao ủy? Ðâu rồi trạm xá ? Ðâu rồi bãi đáp trực thăng trên đỉnh đồi?

Những năm 80, hàng ngày có cả chục, cả trăm người chết... Xác tấp vào bờ hoang, xác trôi bập bềnh giữa biển, xác nằm vắt trên ghe... Thảm lắm!

Các câu chuyện thuyền nhân bi thảm đó như thể mới vừa xảy ra hôm qua đó thôi!

Khi những người năm cũ trở lại rừng xưa đã khép, không còn gì nữa cả. Nếu còn chỉ là mộ thuyền nhân nằm rải rác trên đồi thân nhân đến viếng mộ phải băng qua con suối hoặc trảng cỏ và những con dốc cheo leo.

"Con tôi chết! Chồng tôi chết! Vợ tôi chết... Hiện giờ còn đang nằm lại ở Ku ku!"

Mỗi ngày ít nhất có một người chết. Khi họ chết rồi cũng không có gì để liệm, chỉ có một bộ đồ dính thân. Bà con đào một cái lổ, hạ huyệt, lấy một cục đá hay cành cây viết họ tên người chết mà thôi.  

"Mộ phần thuyền nhân hoang phế, mộ bia nghiêng ngã, bể gãy, cỏ mọc cao tới đầu rất thảm thương" khiến người trở lại viếng thăm không cầm được nước mắt trong hoàng hôn bủa lưới nhanh trên biển, ráng chiều từ từ lặn xuống cuối chân mây!

***

Ngày định mệnh! 30 tháng Tư, năm 1975! Dương Văn Minh đầu hàng và Sài Gòn sụp đổ!  

Tướng VC Trần Văn Trà lừa phỉnh "Giữa chúng ta không có kẻ thua người thắng mà chỉ có dân tộc Việt Nam thắng Mỹ".

Để sau đó quân nhân dẫu cấp bậc thấp nhấp trong hàng sĩ quan là Thiếu úy đều phải đi tù, ít nhứt là 3 năm.

Cấp Đại úy hoặc Thiếu tá có người bị tù đày tới 10 năm. Nên: "Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp/ Chốn rừng thiêng ỉm tiếng nghìn thu/ Mười năm mặt sạm soi khe nước? Ta hóa thân thành vượn cổ sơ!"*

Ra tù cũng đâu dễ gì yên, lại tiếp tục bị kềm kẹp, bị o ép, bị đày ải. Từ một nhà tù nhỏ ra một nhà tù lớn hơn. Đâu cũng là tù...thì làm sao mà sống?

Nên người mẹ phải cắt ruột mình, đưa con ra ngả ba sông! "Đất lành, quê, giờ là đất dữ/ Cải tạo xong, an phận không xong, thì phải chịu, nén lòng vượt biễn/ đưa con buồn, vàm, ngã ba sông.

...Vào chỗ chết tìm ra chỗ sống/ tử biệt buồn hay nỗi sanh ly?/thuyền ra biễn, ngàn trùng biễn sóng vỗ ngàn sao - dỏi mắt con đi.

Đêm ác mộng nhớ ngày năm cũ/ đưa con buồn, vàm, ngã ba sông/ xót má xa con, trời vần vũ/ đêm mịt mùng... má sợ bão giông.

Con chạm đảo, má mừng hết biết/ công an hầm hè, hỏi nó đâu?/ "nó vượt biên rồi, giờ đở khổ/ còn thân già ...nhốt...cũng chẳng sao".

Còn đã có gia đình có vợ, có con rồi thì phải chẻ hai, xẻ đàn ta nghé. Người cha, tù cải tạo 10 năm về, dắt con đi trước. Vợ ở lại lỡ có bất trắc gì thì ở ngoài còn có người bươn chải để thăm nuôi.

"Năm 1987, lúc đó tôi mới 15 tuổi, tôi đâu có ngờ đó là lần cuối tôi còn thấy mặt mẹ. Thuyền chở theo 114 người, ra khơi, may mắn là được tàu Tây Đức vớt và đưa trại tỵ nạn Hong Kong. Năm 1988, tôi qua Úc!"

Năm 1989, nghe nói trại tỵ nạn toàn vùng Đông Nam Á sắp đóng cửa vào tháng Tư, không thể chờ được nữa, mẹ tôi liều chết ra đi.

"Mẹ tôi mất khi tàu đã gần tấp vô đảo. Thi thể được bà con chôn cất trên đảo Kuku! "Trong nhiều năm liền, tôi vẫn thấy mẹ tôi trong giấc mơ!"

"Sao mình có thể để mẹ nằm lại lẻ loi nơi đảo vắng? "Dù mỗi lần thăm, là một đường xa vạn dặm, mất hai ngày rưỡi chỉ để đi-về."

Băng qua một trảng cỏ, vượt qua một sườn dốc, cây cối rậm rạp để lên viếng mộ nằm cạnh một bãi đáp trực thăng, chỉ có tiếng gió xào xạc và vài tiếng chim lẻ loi trên ngọn đồi u tịch!

Khi ánh nắng cuối ngày sắp tắt, trước lúc rời đảo về lại đất liền, nguời con chí hiếu nầy đi một vòng thắp những nén nhang cho những đồng bào xấu số vùi thân nơi đất lạ, nằm lại ở Kuku.

***

"Bao năm qua rồi về lại Ku Ku chiều thu lá rụng sóng biển khóc, khóc thương người uổng tử! Rụng lá vàng, sao nỡ rụng lá xanh?

Vượt trùng dương, ngàn cơn bão, em đã đến Nam Dương: đất nước ngàn, vạn đảo; em chạm cửa thiên đường, cửa chưa mở...cơn sốt rừng ập đến, chiều thu buồn, em nằm lại Kuku!

Hòm cao ủy phủ thân người yêu dấu, thay vòng tay anh ấm... tấm nilong/ Mộ chí đề tên, ngày em mất, mả lạn... tàn phai sương gió thời gian/ Mộ chí khắc bằng dao để lòng đau... anh nhớ...

Rượu cay đắng mang theo/ rửa cốt người yêu dấu/ chiếc nhẩn cưới còn đây, thương hoài...tay áp út/ Bài thơ khóc em chiều Kuku ngàn thu vĩnh biệt; anh mang hài cốt em theo mình vĩnh biệt Kuku! Kuku! Chiều thu lá rụng/ rụng lá vàng, sao nỡ rụng lá xanh?"

"Tháng Sáu, năm 1982, sau một chuyến hải hành gian nan đã đến được Kuku, Nam Dương. Mừng vì đến được bến bờ tự do chưa thỏa thì đau đớn thay chỉ hai tháng sau, cơn sốt rừng ác tính đã mang vợ tôi đi mãi mãi!"

Một thuyền nhân tỵ nạn ở Ku ku ngày xưa hồi tưởng: "Tôi đã chôn theo em gương, lược, áo quần! Chiếc nhẫn cưới em vẫn còn đeo trên ngón tay áp út!"

Mộ em trên sườn đồi, cạnh bãi đáp trực thăng, là một vùng đất sét pha cát, khá xốp, chứ không phải đá núi nên chiếc quan tài của Cao ủy trong đó xác bọc bằng một tấm nilong lúc hạ huyệt cũng sâu tới hai thước đất.

Một chiếc thánh giá bằng gỗ đơn sơ, tên em và ngày mất được khắc lên trên đó

Giờ khai quật, cẩn trọng đào xuống gần hai tiếng đồng hồ, chiếc áo quan hiện ra, nắp ván thiên đã mục rã thành cát bụi sau thời gian dài đăng đẳng...

Trên nền xi-măng của bãi trực thăng dưới cơn mưa nặng hạt, tôi thu nhặt toàn bộ mẩu xương cốt, những di vật, gương lược và chiếc nhẫn cưới ngày xưa trên ngón tay áp út tôi đã từng chôn theo em, được bỏ trong chiếc bọc ni lon.

Hài cốt được hỏa thiêu dần dần biến thành tro trắng! Cát bụi đã trở về cát bụi!

Nhìn lên đỉnh đồi phủ mờ mây trắng như một dải khăn tang nghìn trùng xa cách

Xin tạ ơn đất trời Kuku, dẫu quê người, vẫn rộng lượng cho xác thân em tạm nương náu suốt 37 năm qua.

Ngày xưa, khi chiếc tàu Cao ủy xa dần Kuku, tôi đã thầm nói lời từ biệt với em và hẹn ngày trở lại. Bây giờ tôi trở lại vì ai nỡ bỏ em mồ hoang cỏ lạnh cho đành!

Trời Kuku bỗng đổ một cơn mưa rừng nhiệt đới! Cơn mưa rừng nhiệt đới ngày xưa phân ly, tôi đi, em ở! Và cơn mưa rừng nhiệt đới chiều nay tôi trở về Ku Ku để tìm lại em..."

 

***

Năm 1954, hơn cả triệu đồng bào miền Bắc chạy trốn chủ nghĩa CS di cư vào Nam; nhiều gia đình đã phải chịu cảnh phân ly.

Phim: ‘Chúng tôi muốn sống' ngày ấy không phải là một phim chỉ để tuyên truyền mà là lời cảnh báo rất ghê rợn trên con đường vượt thoát chủ nghĩa CS.

Hành trình vượt biển, vượt biên cả triệu đồng bào ruột thịt của chúng ta sau ngày 30 tháng Tư mất nước còn thê thảm hơn, gấp vạn lần!  

Có những chiếc thuyền mà tất cả thuyền nhân đã vùi thây trong lòng biển cả!

Đồng bào ruột thịt cũa chúng ta cũng hằng biết rằng đặt chân xuống thuyền là phó thác số phần mình cho nhiều rủi, ít may. Nhưng tại sao hàng hàng lớp lớp lũ lượt nhau ra biển?

Chỉ có câu trả lời duy nhứt đúng là: "Thà chết! Còn hơn là sống mòn mỏi trong gông cùm của một đời nô lệ!"

Là: "Chủ nghĩa Cộng sản còn đáng sợ hơn cái chết!"

Thánh kinh cũng dạy rằng: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly".

CS Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam tự do đã làm bao gia đình ly tán, phân ly! Đó là tội ác!

Tháng Tư lại trở về trên quê người viễn xứ! Xin hãy rót xuống một giọt rượu để giải oan cho những cái chết tức tưởi trong cuộc biển dâu nầy!

 

đoàn xuân thu

melbourne.

 

  • Thơ Tô Thùy Yên

 

 

 

 

 

Valentine's Day! Ngày lễ Tình yêu!

dxt_feb10_Valentine.jpg 

Valentine's Day, ngày 14, tháng Hai hàng năm, là Ngày lễ Tình yêu hay là Ngày lễ Tình nhân!

Ngày lễ Tình yêu là dành cho em yêu tức con vợ của mình! Còn Ngày lễ Tình nhân là dành cho con vợ...bé!

Còn đối với mấy em chưa chồng thì Valentine's Day cũng là dịp ỏ tình một cách kín đáo với quý anh mà không sợ người đàm tiếu là: trâu tìm cột chớ dè đâu cột lại tìm trâu?

Còn đối với quý anh mình thì Valentine's Day là dịp để tỏ tình rất văn nghệ! Khoái con nhỏ nào đó mà nhát gái; gặp cứ cà lăm, thì chịu khó móc xỉa mua (hay hà tiện thì tự tay mình làm) thiệp Valentine, thêm một đóa hoa hồng chừng 10 đô; một hộp chocolate chừng 10 đô nữa, tổng cộng có 20 đô là đủ để tỏ chút lòng ái mộ  mà không sợ mấy em thưa gởi bị quấy rối tình dục gì hết trơn hết trọi.

Giả sử em không chịu, trả lại thiệp vì chê mình già, mập, bụng bự, đầu hói, nhìn phát ói thì chờ năm tới, cũng ngày nầy mình gởi cho... em khác.

Đời mà con gái thiếu gì... Nhớ đừng vì thất tình rồi nhảy cầu Bình Lợi để thiên hạ nói mình ngu!

Em không chịu không phải là do mình tệ quá, hết xài đâu; mà vì có thằng nó còn ngon hơn mình nữa kìa.

Vì đàn ông con trai phải giống như tách cà phê sữa nóng. Phải ngọt ngào, nóng bỏng, rồi khả năng tù ti tú tí của chàng phải làm em thức suốt đêm (giống như đã uống một tách cà phê đậm đặc) để phê với mình mới được!

Thằng bạn Úc của tui, Johnny, năm rồi ve vãn rồi cầu hôn con Melissa như vầy:

"Em yêu! Nhân ngày Valentine, anh muốn nói với em vài điều: Anh không giàu như thằng Jack. Nhà anh không phải là một tòa lâu đài như của thằng Russell. Anh không có chiếc xe xịn như chiếc Porche của thằng Martin. Nhưng anh thực sự yêu em và anh muốn cưới em!"

"Ối giời ơi! Sung sướng quá. Em cũng yêu anh nữa. Nhưng tiện đây anh có thể cho em số mobile phone hay email của ba đứa nó được không anh?"

***

Nhưng Valentine là ai vậy?

Thì theo truyền thuyết, vào thế kỷ thứ 3, Hoàng đế Claudius II, Đế quốc La Mã cứ khoái xua quân đi chinh phạt các xứ khác. Nhưng thanh niên không muốn lớn lên là tại sao phải đi giết nhau nên hè nhau trốn lính ráo trọi.

Claudius II cho rằng: Thanh niên chết nhát vì khoái gái nên ra lịnh cấm làm đám hứa hôn, đám cưới... Phải đi lính trước đã!

Nhưng linh mục Valentine không tuân, tiếp tục làm lễ cưới trong vòng bí mật cho hai trẻ yêu nhau.

Chẳng may vụ việc bị đổ bể, linh mục Valentine bị tên bạo chúa nầy ra lịnh tử hình bằng cách ném đá cho tới chết!

Valentine, người xưng tụng và bảo vệ tình yêu đã trở thành Thánh bổn mạng cho đôi lứa yêu nhau.

(Cái nầy hồi xưa CS Bắc Việt cũng từng thi hành chánh sách tàn ác nầy với thanh niên nam nữ miền Bắc qua chủ trương Ba Khoan.

"Chưa yêu; khoan yêu! Yêu rồi; khoan cưới. Cưới rồi; khoan đẻ!".Để đi xâm lược miền Nam trước đã.

Hậu quả là, sanh Bắc; tử Nam; chết vô số nên các em thanh nữ miền Bắc phải ở vậy tới già... Đâu còn thằng 'cu' nào mà ru em ngủ?

Mấy nhà văn CS đã viết 'Bến không chồng' ở ngoài Bắc. Hay có ông ở Quảng Bình không phải Nam tiến vì bị thọt chân, tối đi khám điền thổ khắp làng; nhiều đến nỗi... không kịp kéo quần lên!

Chuyện nầy là do mấy giả kể; chớ không phải vì ghét mà tui đặt chuyện 'dóc' đâu nhe!)

 

***

Nói hỏng phải khoe với bà con nhe! Hồi vượt biên qua Úc nầy, cách đây cũng 30 năm rồi! Tuổi xuân còn hơ hớ nên mấy em Úc trắng có, Úc đen, đứa bán cá; đứa bán rau ngoài chợ Footscray, thấy tui xách giỏ tòn teng đi chợ một mình, vì đã bỏ con vợ bên kia trời lận đận nên mấy em thương quá!

Ôi thôi nhân ngày lễ Tình yêu, tui nhận biết bao là thiệp Valentine, hoa hồng và kẹo chocolate!

Hoa hồng thì tui đem chưng trong bình! Dẫu có bỏ thêm vài viên aspirin vào cho lâu tàn thì chỉ 3, 4 ngày là hoa héo rũ, cánh hoa rơi lả tả xuống bàn là phải đem đi vứt.

Còn chocolate cũng đâu để lâu cho được. Pha một bình trà, ngồi tẩn mẩn lột giấy bọc ra, tui quất láng chít hè.

Chỉ còn có mấy cái thiệp Valentine, với lời yêu tha thiết, thơm mùi cá và rau, nó bằng giấy ăn không được; nên tui bỏ vô hộp bánh 'lu' để làm kỷ niệm một thời được mấy em yêu tha thiết.

Nhưng lúc con vợ sư tử Hà Đông của tui với hai thằng cu tí được bảo lãnh qua thì việc đầu tiên của em yêu là thu dọn chiến trường. Phát hiện những tình thư trong hộp, em bèn nghiến răng, mím lợi xé banh hết ráo!

"Nào phải lỗi tại anh đâu?" Thì em nói: "Anh không 'ngựa' thì đứa nào dám tỏ tình cho được chớ?" Thiệt là y như kinh!

Với tui là còn yêu là còn ở; hết yêu là thôi. Ghen chi cho thiên hạ họ cười! Nên cái gì của em yêu; tui không bao giờ đụng tới.

Thơ mèo của em; tui cóc thèm coi. Email, facebook của em, tui cũng không cần 'password' để mở ra coi mấy thằng khỉ gió, em bỏ lại quê nhà trước khi lên máy bay đoàn tụ với chồng em bên Úc, nó viết cái quái quỷ gì trong đó.

Tui giống nhưng ông Úc trong chuyện nầy nè, không có rảnh để ý tới cảm xúc của vợ mình mà chi?

Hai vợ chồng sống với nhau đã 60 năm. Không có gì dấu diếm nhau hết cả. Chỉ có một hộp đựng giày, bà vợ cất trong tủ áo và cấm chồng không được mở nó ra.

Nhưng khi nằm trên hấp hối, ngáp ngáp chờ đi theo ông bà ông vải; bà thều thào cho phép chồng được mở cái hộp đó ra.

Trong đó chỉ có con búp bê được đang bằng len và 95 ngàn đô tiền mặt.

"Má em đã truyền cho em cái kinh nghiệm quý báu để giữ cuộc hôn nhân mình luôn hạnh phúc. Má dạy rằng: "Khi con giận chồng con mèo chuột, chè chén say sưa hay cờ bạc gì đó; những lời khuyên của con đối với nó như nước đổ đầu vịt như đàn khảy tai trâu!
Con sẽ giận lắm nhưng bỏ chồng không được thì hãy xả 'sì-trét' bằng cách cặm cụi đan một con búp bê bằng len.

Bận rộn đan móc, con sẽ quên đi tất cả giận hờn; quên tất cả nỗi thống khổ của vợ hiền do một thằng chồng rất ư là 'cà chớn' đã gây ra!"

Người chồng rưng rưng nước mắt cảm động; vì trong hộp nầy chỉ có một con búp bê bằng len thôi. Như vậy trong 60 năm mặn nồng hương lửa, anh làm em giận chỉ có một lần.

"À nè có 95 ngàn đô trong hộp, một số tiền quá lớn, em tìm ở đâu ra vậy?

"À đó là tiền do em bán những con búp bê đó anh!"

***

Nghe thiên hạ sầm sì rằng: Úc nó bày ra cái ngày Valentine hàng năm để hâm nóng lại tình ta; vì tình Úc mau nguội lắm! Ở với nhau được 5 năm là mừng muốn chết! 10 năm là hơi hiếm hiếm rồi.

Chớ không như người Việt mình cưới nhau về, dù có xung khắc với nhau như nước với lửa, như mèo với chuột... cũng rán bấm bụng ăn đời ở kiếp, con đàn cháu đống.

Bí quyết giữ lửa tình yêu của tui thực ra cũng đơn giản. Ngày nào cũng ăn cơm chung, tối nào cũng ngủ chung; có chuyện gì cũng chia sẻ với nhau.

Ngay cả bị viêm họng, em yêu không nói được suốt cả hai ngày liền! Tui, nằm gác chưn lên trán, rán sáng tạo ra một cách để em truyền thông là dùng tay mà vỗ vai tui.

Vỗ một cái có nghĩa là: "Hun em một cái đi anh!" Còn em vỗ hai cái nghĩa là "Không!" Vỗ ba cái có nghĩa là: "Được!"

Còn em vỗ 95 cái, nghĩa là: "Kéo thùng rác ra đường đi cha nội!"

Tình nghĩa vợ chồng mà! Quýanh mình cứ yên phận kéo thùng ra ra đường vào mỗi tối thứ 5 để ngày thứ sáu xe rác chạy ngang qua đổ; là tui bảo đảm tình ta như chiếc xuống ba lá, chồng chèo vợ chống trên dòng Cửu Long, tức dòng đời, trong trời yên bể lặng.

Tuy nhiên không phải cuộc tình của dân Mít mình, ai cũng xuôi chèo mát mái như tui đâu!

Cũng có đứa giữa chừng gãy gánh tình ta; cho dù ngày Valentine nào nó cũng hối lộ cho em yêu của nó tới một lượng vàng ba số 999 để làm quà tỏ, chút tình yêu.

Theo nhân sinh quan của nó khi đã là chồng vợ, dẫu không còn tình cũng còn nghĩa. Bỏ vợ là bất nghĩa; mà để vợ bỏ mình là vô nghì!

Cũng vì một lời thề hẹn như mũi tên bắn vào lỗ tai, rút ra tất là chảy máu nên: "Người vợ sắp cưới và tôi đến văn phòng hộ tịch để làm hôn thú. Sau khi cung cấp cho đầy đủ tên họ, ngày sanh tháng đẻ, em thơ ký đưa cho tui tờ hôn thú mới cáu chỉ, rồi thòng thêm một câu là: "Không được trả lại! Không được đổi! Không bảo hành gì hết ráo!" Tui nói: "OK Salem!"

Từ đó có sao chịu vậy. Trăm năm may may rủi một người. Cho dù thiên hạ có cười... cũng kệ người ta!

Nhưng cuối cùng tình cũng vỡ tan vì một lời nói rất mực chân tình.

Đầu đuôi cớ sự như vầy nè: Tui có việc làm rất tốt lương cao chỉ tội một cái là cứ phải xa nhà, xa cả em yêu năm tới 9, 10 lần, nghĩa là bổ đồng một tháng một lần.

Lần nầy chuyến đi thương thảo hợp đồng với đối tác ở tận nước ngoài. Đêm đầu tiên trở về nhà! Nằm trên giường với em yêu, ôm cho nó ấm. Tui buột miệng tán thán rằng: "Đi xa hoài hè anh thấy: không gì hạnh phúc hơn là được trở về nằm phè trên chiếc giường ngủ của chính mình và ôm con vợ... cũng của chính mình".

Sáng hôm sau tui thấy trên bàn ăn là tờ đơn ly dị của em yêu chờ tui ký.

Sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ đó, thằng bạn Mít của tui bỗng trở nên tin vào chiêm tinh học.

Nó nói: "Tuổi của tao là tuổi Tí, con chuột. Vợ tao tuổi Mão, con mèo. Tao mạng Thổ là đất. Con vợ tao mạng Thủy là nước. Hai cái trộn vào nhau thì thành một đống bùn... thì thử hỏi vợ chồng tao làm sao ăn đời ở kiếp cho được?!"

Thế nên năm nay Valentine's Day với thiên hạ là ngày lễ Tình yêu còn với thằng bạn tui... nó lại ngày lễ 'Độc lập' mới chết chớ!

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

 

 

HAI CHUYỆN TẾT:

 

1. Năm Tuất là con chó cò!

 dcd_2018dog.jpg

Tây không có làm báo xuân. Cuối năm bất quá ra một số đặc biệt, điểm lại những biến cố trọng đại xảy ra trong năm rồi là hết chuyện.

Ta, hồi xưa trước 75 cũng như ra hải ngoại sau nầy, cái truyền thống báo xuân xưa giờ vẫn giữ.

Báo xuân là tờ báo màu mè nhứt để câu khách; dầy nhứt vì nhiều bài vở nhứt và bán mắc nhứt để bọn báo (đời) chúng tôi kiếm chút tiền còm nhuận bút mà ăn Tết, sau một năm bù đầu, bứt tóc, nhổ râu trong trường văn trận bút!

Mới đầu tháng Mười Một là mấy ông Chủ bút đã hối bài: "Ê! Nhớ viết bài cho báo xuân nhe. Năm nào viết con nấy!"

Như năm nay 2018, là năm Mậu Tuất xin quý văn hữu viết bài về con chó cò.

Một đề tài Chó; mà cả đống nhà văn nhào vô ngậm ngải tìm trầm, đãi cát tìm vàng, tìm những chuyện đặc sắc không đụng hàng để viết quả là một điều không dễ dàng.

***

Thôi thì để mở bài, tui xin nhắc tới đệ nhứt mỹ nhân nước Mỹ là Marilyn Monroe từng nói: "Dogs never bite me. Just humans." 

Không biết ngữ cảnh của câu người đẹp nói như thế nào, nên chỉ có vài chữ mà khó dịch quá trời hè! "Chó không bao giờ cắn em! Chỉ có con người!"

Chắc Marilyn Monroe đã từng về nâng khăn sửa túi cho Arthur Miller, một nhà văn Mỹ nổi tiếng; nên chịu ảnh hưởng văn chương (tao đàn mầy đàn0, một câu nói ngắn mà quá xá là đa tầng và đa nghĩa.

Hành động cắn cũng có hai nghĩa: giận hờn, ganh ghét, cắn; nghĩa là táp một cái, phập một phát cố ý làm đau kẻ khác về thể xác. Người bị tấn công dùng động từ cắn nầy cũng để chửi xéo kẻ cắn mình là con chó cho đã cơn tức vì bị nó cắn.

Nhưng cắn cũng có trong động từ kép là 'cắn yêu'; là ngoạm vô cái chỗ nào 'đèm đẹp'.

Marilyn Monroe sắc nước hương trời nên quý anh mình bên Mỹ thuở đó, ai cũng muốn 'cắn yêu' thì cũng có lý đấy chớ.

***

"Tuổi Tuất là con chó cò. Nằm khoanh trong lò cái mặt lọ lem.

Nghe kêu mà chẳng nghe ơi. Cong đuôi mà chạy một hơi tới nhà!"

Bà con mình ai cũng biết chó sói trong rừng được con người đem về thuần hóa thành chó nhà. Rồi con chó bị con người đưa vô thực đơn trên bàn nhậu, vẫn trông chết cười ngạo nghễ!

Tui không ăn thịt chó vì tui cũng thích chó như Tây vậy. Vì chó rất thính tai có thể bắt được tiếng động mà taicon người không nghe được.

Thường đi nhậu về khuya, tui rón rén chui qua cái lỗ chó vào nhà, em yêu nằm ngáy khò khó không hay! May quá!

Riêng con chó cò nhà tui khịt khịt mũi, chồm dậy quấn lấy chân tui, rên khe khẽ như hỏi: "Ê! Ông chủ đi nhậu có vui hông?"

Thính tai như vậy nên giữ nhà mới giỏi. Nhưng thính tai cũng làm khổ con chó nhiều lắm.

Năm nào giao thừa, mừng năm mới, bắn pháo bông tuốt ngoài 'city', cách nhà tui tới 5, 6 cây số mà con chó cò nghe tiếng pháo nổ bụp bụp là mắt láo liên hoảng loạn, mồm rít lên, điên cuồng chạy ra khỏi nhà... Có con đi lạc luôn; không biết đường về...

Từ kinh nghiệm đó, giao thừa nào tui cũng xin phép em yêu chở con chó cò đi  trốn. Tui cột nó trước cửa rồi vào quán bù khú với chiến hữu!

Giao thừa đồng hồ kêu bon bon, pháo bông đã bắn xong và  nhậu cũng xong, tui lon ton kêu Uber chở thầy trò, tui với con chó cò, về xông đất chính nhà mình mà lòng vui như Tết.

***

Có người rầy là: "Chơi với chó; chó liếm mặt". Thì đã sao?

Vì chó tốt lắm nhe! Chó là một sinh vật duy nhất trên thế gian nầy yêu người còn hơn yêu chính bản thân mình. Càng giao tiếp với con người bấy nhiêu thì tui lại càng thương con chó bấy nhiêu!

Dưới mắt con chó cò, là ông chủ, dẫu tui có dở như hạch nhưng bao giờ chó cũng tôn kính tui như là Napoleon, một anh hùng cái thế, trăm trận trăm thắng.

Cuối năm vợ sai đi chợ, tui khệ nệ mang về nào là gà, vịt, bò, trừu chừng chục kí lô. Con vợ nghĩ tui khùng; vì vác về nhà cho cả đống?

Riêng con chó cò ban cho tui một cái nhìn đầy ngưỡng mộ vì nghĩ tui là một thợ săn tài ba nhứt trên thế giới!

Thiệt vậy! Con chó nó đối xử mình bằng tình cảm; chớ không phải như con gái chỉ đối xử với mình bằng tình cảm với điều kiện là mình phải có cả đống tiền.

Với tiền bạc, mình có thể mua một con chó cho đẹp mã nhưng chỉ với tình yêu, mình mới có thể làm nó ve vẩy cái đuôi.

Nên, nếu trên thiên đường không có chó, khi tui ngủm. tui không muốn lên thiên đường mà chi!

***

Tui không biết con chó có kỳ thị phái tính hay không? Sao những câu chuyện cảm động về tình bạn giữa chó và người; toàn là chó thương tưởng quý ông không hè?

Điều con chó lo sợ nhứt trong đời là ông chủ ra khỏi nhà không chịu dắt nó theo và không bao giờ trở về nhà nữa! 

Năm 1941, thấy một con chó bị thương nằm bên vệ đường ở Luco di Mugello, một thị trấn nhỏ vùng Florence, nước Ý, Carlo Soriani thương tình đem nó về nuôi và đặt tên là Fido.

Kể từ đó, mỗi khi Soriani từ nhà máy về nhà, Fido luôn đứng sẵn tại trạm xe bus chờ ông chủ để cả hai lội bộ về nhà.

Một ngày nọ, nhà máy nơi Soriani làm việc bị trúng bom của phe Đồng minh.

Soriani không trở về nữa!

Fido lặng lẽ từ bến xe bus về nhà. Nhưng đến hôm sau, chú lại tiếp tục trở lại bến xe để chờ chủ. Suốt 15 năm trời ròng rã, ngày nào Fido cũng kiên nhẫn đứng ở bến xe chờ đợi ông chủ không bao giờ trở về nữa.

Qua đời năm 1958, Fido được chôn cất ngay cạnh mộ của ông chủ Soriani.

Trái lại, con người cư xử tệ hơn con chó nhiều. Có một em vừa từ giã cõi đời. Ngày đưa tang, đạo tì khiêng quan tài sơ ý va vô cánh cửa một cái rầm làm tim em đập lại. Em sống thêm 10 năm nữa rồi mới chết thiệt.

Lần di quan nầy, ông chồng cẩn thận chạy kè kè theo mấy tay đạo tì: "Ê! Ê! Coi chừng cái cửa!"

Hèn chi so sánh giữa chó và người, ai cũng chấm điểm người thua con chó!

***

Chó thương người nhưng người thương chó cũng có chớ hỏng phải không!

Chuyện rằng: Jason Loosmore, 32 tuổi, nuôi một con chó kiểng. Láng giềng là Casey Brown, 21 tuổi cũng nuôi một con chó; nhưng là chó Berger Đức.

Hôm 13, tháng Mười, năm 2016, trên đường Riderwood Drive, vùng Westside thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, hai con chó nầy tao ngộ chiến vì chó với chó có thương nhau bao giờ! Một trận thư hùng sống mái để phân định ai sẽ làm đại ca 'chó' của vùng nầy đã xảy ra quyết liệt!

Dĩ nhiên, con Berger Đức hung hăng như Hitler, rượt con chó kiểng của Jason Loosmore chạy te, kêu ẳng ẳng về nhà nằm thẳng cẳng.

Nó yên lặng bò vào một góc nhà , gặm nhắm nỗi đau thân xác đã lớn mà vết thương lòng vì thua  trận càng lớn hơn.

Mình có ông chủ làm Cảnh sát Mỹ mà đi cắn thua con chó của tay hàng xóm bá vơ;  thiệt là mất mặt bầu cua quá!

Nỗi buồn đau nó cam chịu một mình. Đến khi bớt đau, cảm thấy đời vui trở lại nó mới bò ra để nói với ông chủ mới đi làm về: "Vẫn có em bên đời!"

Loosmore thấy con chó mình bị thương tơi tả vì cắn thua chó hàng xóm, lòng đau như cắt!

Loosmore mặc thường phục, đeo huy hiệu cảnh sát bằng sợi dây quàng quanh cổ, mang theo con chó... lửa, tức cây súng lục, tức tối sang nhà Casey Brown cà khịa, gõ cửa, hỏi con Berger của chú mầy có chích ngừa theo luật định hay chưa?

Casey Brown trả lời bằng nắm đấm, tặng Thầy đội vài cục u trên đầu, Loosmore bèn móc chó lửa ra sủa ba viên và Casey Brown đi nằm nhà thương, may mà không tán mạng.

Ra hầu Tòa,  Loosmore khai: "Chó nó cắn chó tui đau quá; nó còn đánh tui đau quá; sợ nó nó đánh tui chết ngắc thì ai nuôi con chó của tui đang bị thương nằm ngắc ngoải  nên tui bắn nó ba phát để tự vệ!"

(He he! Cái lập luận biện hộ của thầy đội nầy nghe cũng quen quen!)

Ông Tòa đang cân nhắc: Nếu thầy đội nầy vì binh con cún, mà móc con chó lửa ra sủa bậy sủa bạ, cộng tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp có thể bị bóc lịch từ 2 cuốn đến 20 cuốn thêm 10 ngàn đô tiền phạt vạ.

Thiệt! Ỷ mình làm Cảnh sát rồi muốn làm gì thì làm hay sao cà?

Chó nó là chó Berger cắn chó mình chó kiểng; chó kiểng cắn không lại thì mình đi mua con Bulldog ngầu hơn về chơi cho con Berger nầy một trận để biết thế nào là lễ độ.

Quân tử trả thù mười năm chưa muộn mà! Hốp tốp mà chi để giờ có cơ nguy vô hộp?

Trường hợp chó tui mà bị chó nhà hàng xóm ăn hiếp như vậy; tui sẽ núp sau hàng rào, xít con chó cò của tui ra khiêu chiến.

Chờ con Berger nầy ló mặt ra, tui lấy giàn ná chơi cho mầy vài viên đất sét; là từ rày về sau mầy sẽ bỏ cái thói hung hăng.

***

Cũng chuyện chó mà năm rồi nhém chút nữa là tui bay một nửa căn nhà, một nửa chiếc xe và một nửa tiền hưu trí rồi đó chớ.

Chẳng qua má của em yêu, tức bà già vợ tui ở Việt Nam bịnh, sắp hui nhị tì nên em tất tả bay về thăm; sợ không còn thấy mặt má mình trước phút lâm chung, xa lìa trần thế!

Nhưng nhờ kiều hối, đô Úc và thịt bò cũng của Úc bỏ bọc ny long mang về, làm bò nhúng giấm ăn, hiệu nghiệm như thuốc tiên nên má em hồi phục.

Bay trở qua, em yêu hỏi thằng cu con tui: "Lúc má vắng nhà, tía mầy có 'mèo chó' với con nhỏ hàng xóm hay không?"

"Má đừng lo. Dì hai hàng xóm ghét ba lắm đó. Dì ấy chửi ba là con chó!"

"Ê con chó cưng của em! Bộ vợ vắng nhà; nên mặt buồn như cha mới chết vậy?"

Nghe con nói vậy, em yêu bèn nổi tam bành lục tặc, gầm lên: "Đúng là đồ hám gái! Rậm rật như chó tháng Bảy. Đồ chó chết!"

Chó chết là hết chuyện. Giao thừa tới rồi! Xin phép bà con cho tui ngừng bút tán láo về con chó. Để tui dọn con gà ra đặt trên bàn cúng, rước ông bà về vui ba bữa Tết.

Tàn cây nhang, em yêu rinh con gà xuống, xé phay với bắp chuối hột cho tui nhậu chơi.  Con chó cò nhà tui sẽ được hưởng sái vài khúc xương! Quá đã!

Xong chừng chục lon; bảo đảm với bà con là thầy trò tui sẽ quên hết chuyện buồn năm cũ mà vui như Tết tới!

Cung Chúc Tân Xuân!

 

2. Chó và Người!

 

Nhà văn Hoa Kỳ, John Steinbeck, năm 1937, có viết truyện tựa là: 'Of Mice and Men', Chuột và Người. Tui nghi rằng ông thai nghén cuốn tiểu thuyyết nầy vào năm Bính Tý, năm con chuột, tới năm Đinh Sửu, 1937, viết mới xong.

Thấy người sang tui hay bằng quàng làm họ. Thấy nhà văn nổi tiếng là tui bắt chước theo hè. Nên năm nay năm Tuất, Mậu Tuất, tui xin viết về 'Of Dogs and Men', nghĩa là "Chó và Người" vậy!

Trong 12 con giáp: Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Chó đứng gần hạng bét, chỉ trên được con Heo, tức Hợi.
Năm rồi, năm 2017, là năm Đinh Dậu, con gà, thì năm nay, năm 2018 là năm Mậu Tuất năm con chó. Cẩu hay khuyển, tiếng Hán Việt, còn tiếng Nôm là con chó.

Đừng viết về con chó lửa là cây súng lục. Tết mình cử! Vì móc chó lửa là móc súng ra sủa đằng mồm; thì anh em mình dẫu đang ngồi nhậu vui như Tết cũng phải bỏ hết mồi ngon, rượu quý , lồm cồm trốn dưới gầm bàn; rồi chạy mất dép mới mong bảo toàn được tính mạng.

***

Hồi thời tạo thiên lập địa, chó sói sống trong rừng. Thấy con chó nó khôn, siêng năng giỏi dắn nên con người bắt về thuần hóa để làm nô lệ cho mình.

Con người chơi cha con chó không hè! Như bắt chó đi săn, đi chăn cừu, kéo xe trượt tuyết. Bắt chó chạy đua để đánh cá ăn tiền gọi là đua chó. Rồi bắt chó đi kiếm tiền bằng cách dạy chó làm xiếc.

Ở Melbourne có mấy thằng Úc làm biếng, khoái chơi xì ke ma túy hoặc ăn nhậu tối ngày nên cần tiền, bắt chó đi ăn xin.

Ngồi trên hè phố, nằm chày bày, con chó cũng nằm chắp tay lạy ông đi qua lạy bà đi lại; kế bên có cái nón lật ngửa đầy những tiền xu, tiền cắc có cả tờ 5, 10 đô Úc nữa. Thu nhập cũng đủ cho hai thầy trò phè phởn sống! Chó và Người, cuối ngày, cười hề hề lượm tiền của thiên hạ.

Người ta thương tình cho tiền; không phải cho cái thằng làm biếng đó mà cho con chó; vì sợ nó đói.

(Chó Úc dạo nầy than phiền chánh phủ Úc dữ lắm vì vật giá gia tăng, thức ăn đóng hộp dành cho chó đã lên giá tới 10% lận đó.)

Ngoài ra, con người còn huấn luyện chó dẫn đường cho người khiếm thị.

Ngoài đường phố Melbourne, ngựa xe như mắc cửi, mỗi lần lái xe đi làm, thỉnh thoảng tui cũng thấy con chó dẫn đường!

Đèn đỏ chó biết dừng, chờ dấu hiệu đèn xanh dành cho người đi bộ kêu lốc cốc nó mới dẫn ông chủ khiếm thị của nó băng qua lộ. Hay hết biết!

Rồi Cảnh sát cũng huấn luyện chó để lùng sục xì ke ma túy hay để cắn mấy thằng tội phạm hung hãn mà mấy Thầy đội cũng ngán không dám nhào vô; bèn suỵt chó cho vô trước, gọi là Cảnh khuyển. 

Quân đội cũng huấn luyện chó đánh hơi tìm bom mìn, lùng sục bọn khủng bố đang trốn dưới hầm gọi là Quân khuyển.

Chính vì vậy mà hồi chiến tranh Việt Nam, VC ghét chó lắm. Vùng xôi đậu, ban ngày quốc gia, ban đêm CS, là chó bị tụi nó bắt mần thịt, rựa mận, chả chìa, dồi chó... ăn nhậu ráo trọi.

***

Nghĩa là ở đâu có người là ở đó có chó! Chó đối xử với con người rất tốt ngay cả hi sinh thân mình biến thành cầy tơ bảy món, a đây rồi; còn con người chỉ biết lợi dụng lòng tốt của chó mà thôi!

Chó tốt nhứt là lòng trung thành. Ai cũng biết!  

Chuyện rằng chú chó Hachiko sáng đều ra nhà ga xe lửa Shibuya tiễn ông chủ Eizaburo, một giáo sư Khoa Nông Nghiệp trường Đại học Tokyo đi làm. Hachiko ngồi đợi tới chiều để đón ông chủ về.

Nhưng ngày 21, tháng Năm, năm 1925, ông chủ không về nữa vì bị đột tử trong lúc làm việc do bị một khối u trong não.

Thiệt là: "Hẹn cùng ta: Lũng Tây nham ấy/ Sớm đã trông, nào thấy hơi tăm?

Ngập ngừng, lá rụng cành trâm/ Thôn trưa nghe dậy tiếng cầm lao xao!"

Rồi suốt 10 năm sau đó, Hachiko vẫn tiếp tục đến nhà ga vào buổi sáng đợi cho tới buổi chiều, ngay đúng giờ tàu đi và đến để chờ ông chủ mình về trong vô vọng.

Năm 1934, dân Nhật cho đúc một tượng đồng ngay trước cổng nhà ga khi Hachiko vẫn còn sống. Hachiko tuổi già, sức yếu chết một mình, cô đơn trên đường phố gần nhà ga Shibuya vào ngày mùng 8, tháng Ba, năm 1935.

Đây là một câu chuyện cảm động về một nghĩa khuyển tri tình nhưng tiếc thay sau đó chánh quyền quân phiệt Nhựt lại lợi dụng lòng trung thành tuyệt đối vô điều kiện của con chó Hachiko để kích động lòng yêu nước cực đoan, mù quáng trung thành vô lối với Thiên hoàng nhằm xô đẩy nhiều thế hệ thanh niên Nhựt Bản gia nhập vào quân đội Phù Tang, gây biết bao nhiêu tội lỗi cho dân các nước vùng Đông Nam Á trong đó có nước Việt Nam mình vào Thế chiến thứ Hai.

***

Chó Nhựt trung thành là vậy; chó Tàu Thời Tam Quốc cũng chơi ngon, dám hi sinh thân mình để cứu chủ nữa đó.

Chuyện rằng: Lý Tín Thuần nuôi con chó tên là Hắc Phong. Một hôm, Lý ra ngoài thành nhậu xỉn, loạng choạng về nhà không nỗi, bèn nằm phê ngay dưới bãi cỏ.

Xui cái là quan Thái thú đi săn, đốt cỏ để đuổi thú, khiến quần áo Lý bén lửa cháy.

Hắc Phong đến kéo chủ dậy nhưng chủ không động đậy. Chó bèn đến ngòi nước cách đó 35 bước, dầm mình cho ướt chạy về dập lửa cho chủ.

Cứ như vậy, chó chạy đi chạy lại nhiều lần, cuối cùng  mệt quá, kiệt sức, Hắc Phong nằm thè lưỡi chết ngắc.

Khi Lý tỉnh cơn say, thấy chó chết vì cứu mình thì báo cho quan Thái thú biết. Quan Thái thú phán: "Đúng là sự báo ân của loài chó còn hơn sự báo ân của con người. Con người đôi khi không bằng được con chó?"

Bèn cử hành đám tang cho Hắc Long rất long trọng và tôn làm nghĩa khuyển để răn dạy mấy chú ba Tàu khác đừng có manh tâm phản loạn. Hãy trung thành tuyệt đối với chủ mình, trung thành với chế độ phong kiến, với tầng lớp quan lại như là chó trung thành, xả thân vì chủ vậy!

Mấy ngàn năm sau, bà Tôn Nữ Thị Ninh, từng làm Đại sứ VC tại Liên Âu cũng học theo cái chiêu màu mè, ý đồ thâm độc của quan Thái thú Tàu hồi xưa!

Bà Ninh nầy nghe nói cũng có ăn học tiếng Tây, tiếng U rốp rốp như bẻ mía mà không hiểu về dân chủ, tự do, nhân quyền gì hết ráo mà mở miệng ra là tán láo.

Năm 2004, khi bị báo chí phương Tây chất vấn về tình trạng vi phạm nhân quyền trong nước thì bà Ninh phán một câu xanh dờn là: "Trong gia đình chúng tôi có những đứa con, cháu hỗn láo, bướng bỉnh thì để chúng tôi đóng cửa lại trừng trị chúng nó, dĩ nhiên là trừng trị theo cách của chúng tôi. Các anh hàng xóm đừng có mà gõ cửa đòi xen vào chuyện riêng của gia đình chúng tôi".

Ê! Nói nghe kỳ quá he? Chánh quyền là đầy tớ của dân, phục vụ dân, dân làm chủ.

Chánh quyền đâu phải là cha là mẹ dân mà đóng cửa, bộp tai, đá đít nó rồi hàng xóm nhẩy vô can; còn tru tréo là chuyện nội bộ của tụi tui đừng có chỏ mỏ vào sủa nhe! Nghe sao đặng hè?!

Vì cái cặn bã lợi danh mà muối mặt trung thành với bọn CS cầm quyền cho mình ăn nhậu thì cứ làm. Đừng dạy đời những người bất đồng chánh kiến trong nước là: "Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo!".

Dân ngu khu đen, người làm chủ đất nước thấy chánh quyền tức đầy tớ của mình làm không chịu làm; mà chỉ ăn không, thì họ có quyền rầy đấy chớ!

Con chó trung thành với người chủ vì người chủ yêu thương chăm sóc nó.

Đó là một quan hệ hổ tương và rất công bằng!

Còn chánh quyền gì hở ra là bóc lột, áp bức, đàn áp nhân dân mà mở miệng ra là ra rả kêu gọi lòng trung thành làm sao được?

W.R. Koehler, một bậc sư tổ trong nghề dạy chó, đã từng phán rằng:

"Những con chó thông minh ít khi làm vui lòng những ai mà chúng không tôn trọng" "Intelligent dogs rarely want to please people whom they do not respect."  -

***

Tui thì yêu chó; nhưng em yêu của tui thì ghét chó! Vì nhém chút nữa con chó đã làm tan vỡ tình mộng với anh yêu tức là tui đây nè!

Chẳng qua hồi xưa cách đây hơn gần nửa thế kỷ tui đeo đuổi, trồng cây si ngay lối đi, trước cửa nhà em mỗi chiều, chờ em tan trường về anh theo Ngọ về!

Tía em thấy vậy, nhà đã kín cổng cao tường mà ổng còn hù tui bằng cách treo trước cổng nhà hình con chó Berger, nhe hai hàm răng nhọn lễu với hàng chữ tiếng Anh là: "Beware of the Dog!"

Tui đâu biết tiếng Anh, tui chỉ biết tiếng em; nên một ngày bạo gan chặn em lại giữa đường để cho anh hỏi tận tường: "Beware of the Dog là gì vậy em Hai?"

Thì em cầm cái vạt áo dài đưa lên miệng cắn, e thẹn cắt nghĩa là: "Coi chừng chó dữ:"

Sau dó, em lại cố vấn cho tui là: "Never mind the Dog, beware of the owner!"

Tui không hiểu gì ráo! Về nhà giở từ điển Lê Bá Kông chổng mông ra tra mới hiểu lỏm bỏm là: "Đừng kể số gì tới con chó mà hãy coi chừng chủ của nó!"

Ối tưởng cái gì! Khi yêu, em là sư tử, tui còn chưa sợ huống hồ gì đem con chó ra hù tui chớ?!

Đẹp trai không bằng nói dai mà! Nói hoài cũng lọt lỗ tai. Em đồng ý ưng tui để hai ta vầy duyên can lệ.

Ngày rước dâu tui xin nhà bên vợ cho tui cái bảng: "Beware of the Dog", "Coi chừng Chó dữ" về treo trước cửa nhà tui.

Em yêu hỏi nhà mình đâu có chó mà anh cần cái bảng nầy? Tui cười he he trả lời rằng: "Treo để hù thằng khác! Nhứt là thằng cha bưu tá phát thư; vì như em thấy đó con chó lúc nào thấy thằng chả là nó ùa ra sủa. Con chó còn hỏng tin thì mình ngu sao mà tin hé?

Đời mà em! Mình có vợ đẹp là đừng tin ai hết. Treo bảng coi chừng chó dữ cho nó chắc ăn."

Kết luận: Chó và người! Chó luôn bị con người lợi dụng. Thiên hạ lợi dụng chó cho mưu đồ chánh trị xấu xa. Còn tui lợi dụng chó chỉ để bảo vệ tình ta thôi mà!

Happy New Year!

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

  

 

 

RỪNG ĐẤT KHÁCH BẠT NGÀN MÀU ÁO TRẬN! 

 

dxt_Feb6_Rungdatkhach.jpg 

Trong chiến sử của loài người xưa giờ, dù là chiến tranh vệ quốc chống quân xâm lược hay cuộc nội chiến giữa những thế lực phong kiến để thâu tóm thiên hạ về một mối thì chịu biết bao đau thương thống khổ là toàn dân tộc, đa số là người dân thường không một tấc sắt trong tay.

Dĩ nhiên người lính là người phải hi sinh nhiều nhứt! Hi sinh cả cuộc đời đang tuổi xuân phơi phới với biết bao nhiêu là ước vọng chưa thành bỗng chợt vỡ tan!

Tàn chiến trận, có thể là "Anh về hòm gỗ cài hoa. Hay anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về bại tướng cụt chân!"

Kế phải kể đến sự hi sinh của vợ con, cha mẹ, anh em hay người yêu của lính!

dxt_feb6_rungdatkhach_2.jpg

Hồi thời Trung học, chắc anh chị em mình đều có học những đoạn thơ não lòng trong Chinh Phụ Ngâm (Lời than vãn của người phụ nữ có chồng đi đánh trận), của Đặng Trần Côn, ra đời trong khoảng năm 1741."Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi.Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề!".

Trước đó khoảng ngàn năm, Trương Tịch (768-830) bên Tàu, cũng khóc thương cho người chinh phụ có chồng bỏ thây nơi chiến trận!

"Tháng chín Hung Nô giết biên tướng/ Quân Hán tiêu tan dưới Liêu Hà

Xương phơi muôn dặm không người nhặt/ Trăm họ đầu thành cất đám ma

Thân gái xưa nay nhớ chồng con/ Nghèo hèn có nhau, hả dạ hơn

Chồng chết chiến trường, con trong bụng/ Như ngọn nến ngày thiếp mỏi mòn!"

Trương Tịch cũng có một người anh ra trận, rồi thất tung, mất tích, không thấy trở về; không biết sống chết ra sao bằng những vần thơ đẫm đầy nước mất mà cả ngàn năm sau, mình đọc lại vẫn còn thấy bùi ngùi thương cảm!

dxt_Feb6_Rungdatkhach_3.jpg

"Đánh Nhục Chi theo quân năm trước/ Toàn đạo binh bị diệt trên thành

Hán, Phiên vắng bặt tin anh/ Cho dù sống chết cũng đành xa nhau

Màn trướng nát không ai thu lượm/ Ngựa trở về cờ phướn rách tan

Cúng anh, nghi vẫn sống còn/ Chân trời xa tắp, khóc trông quê nhà..."

***

Từ năm 1960, khi Mặt trận dân tộc giải phóng, tức VC được thành lập!

Cứ 4 năm một lần (trong kế hoạch ngũ niên),  CS Bắc Việt và VC tay sai ở miền Nam lại bắt đầu những trận đánh lớn.

Năm 1964, trận Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, những quận lỵ heo hút của miền Nam.

Năm 1968, 44 tỉnh thành trên toàn cõi VNCH bị CS, không từ một thủ đoạn đê hèn nào, bất ngờ tấn công; dù đã cam kết hưu chiến!

Gần trăm ngàn người bị giết! Máu chảy thành sông; thây phơi đầy nội xảy ra đúng 50 năm trước, tức đã nửa thế kỷ, một khoảng thời gian quá dài trong đời người mà cứ tưởng như nó mới vừa mới hôm qua vì tánh cách khốc liệt của nó.

 

dxt_Feb6_RDK_4.jpgRồi cũng 4 năm sau, năm 1972, còn gọi là mùa hè đỏ lửa, Cộng quân dốc toàn lực tấn công vào Quảng Trị ở Quân khu Một, Kon Tum ở Quân khu Hai và Bình Long ở Quân khu Ba.


Người ta sanh ra không ai muốn mình cầm súng cả; mà chỉ muốn đất thanh bình ba trăm năm cũ. Nhưng không làm lính, không nẻo binh lửa cũng không được!

CS Bắc Việt, tuân lịnh quan thầy Nga Hoa, ồ ạt đưa quân tiến chiếm Miền Nam thì làm trai khi đất nước hưng vong thất phu hữu trách, giã nhà đeo bức chiến bào là để bảo vệ tổ quốc chớ đâu phải muốn làm anh hùng. Vì muốn hòa bình là phải chuẩn bị chiến tranh.

dxt_Feb6_RDK_5.jpg

Từng lớp lớp thanh niên nối tiếp nhau lên đường ra mặt trận theo lịnh Tổng động viên của Bộ Quốc Phòng. Đang trên giảng đường đại học, năm thứ nhứt, năm thứ hai, chúng tôi xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông.

"Quang Trung vào ai nỡ gọt đầu tôi?" Tóc cắt ngắn ba phân. Quân trang, quân dụng, hai chiếc thẻ bài, khắc họ tên, số quân và loại máu, đeo tòn teng trên cổ.

Rồi Chứng chỉ tại ngũ. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Bộ Quốc Phòng.  Số... Họ và Tên. Cấp bậc. Số quân.  Đơn vị. KBC (Khu Bưu Chính của đơn vị)

Thẻ căn cước quân nhân, cũng y như vậy, nhưng có hình chụp chân dung, được bọc nhựa.

Sau nầy mất nước, nhà thơ Cao Tần di tản qua Hoa Kỳ năm 1975, vẫn còn cảm khái bằng những lời thơ trác tuyệt:

dxt_Feb6_RDK_6_soldiers.jpg

"Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ/ Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu?

Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ/ Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu?"

"Trong ví ta này một thẻ căn cước/ Hình chụp ngây ngô rất mực cù lần!

...Tên chụp hình làm ta xấu như ma /Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết? Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà!

Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu/ Tên chụp hình như một lão tiên tri

Triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác/ Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly

...Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ/ Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang!"

Nhà thơ Cao Tần may mắn vượt thoát trong những ngày VNCH hấp hối; còn những người, đồng đội, đồng ngũ bạn lính của ông, còn kẹt lại phải đi tù CS.

"Có thằng bạn nào tàn đời học tập/ Cõng gông xiềng lê lết một thân đau!

Còn kiên cường sống sót ra tù CS rồi tìm đường vượt biển! Đau đớn thay lại bỏ mình trong cơn sóng dữ!

"Này biển chiều sóng xô ào lớp lớp/ Những tiếng đời tan nát khóc thương nhau..."

***

 

dxt_feb6_ThuDuc2.jpg

Bọn chúng tôi là lớp ‘Mùa hè đỏ lửa'! Gần 800 đứa từ giảng đường đại học vào Tiểu đoàn 2 của Trường Bộ Binh Thủ Đức, tháng Tám, năm 1972, khóa 4/72/SQTB TĐ.

Ngày 27, tháng Giêng, năm 1973, các SVSQ tiểu đoàn 2 đi chiến dịch Hiệp định Paris. Mỗi đợt 2 tháng, sau 4 tháng, trở về trường Bộ Binh, ra Vũ đình trường làm lễ mãn khóa! "Quỳ xuống các Sinh viên Sĩ quan! Xin thề! Đứng dậy các tân Sĩ quan!"

"Ân tình theo gót chân, bọn đi xa đánh trận, gặp gỡ trong cơn lốc!

Xưng tao gọi mày thương quá gần. Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng của vạn người thân!"

Thế hệ thanh niên miền Nam Việt Nam mình, trong đó có chúng tôi, sanh từ 1945 đến 1955, thời điểm ác liệt nhứt của cuộc chiến tranh bởi CS Bắc Việt xâm lược miền Nam nên thế hệ nầy hi sinh nhiều hơn hết thảy.

Cuộc chiến tranh đã tàn gần 43 năm qua! Thân phận là lính; chúng ta không ai đem thành bại để luận anh hùng!

***

dxt_Feb6_RDK_Soldiers_2.jpg

 Footscray, Melbourne, Victoria, Úc Châu thảng hoặc gặp bất cứ ông nào đầu bạc, muối nhiều hơn tiêu, những nếp nhăn hằn trên trán, đôi mắt màu khói như còn vương lửa của chiến trường thì chắc chắn rằng họ đã có một thời giầy sô, áo trận đó thôi!

Chiều cuối năm, rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận. Nhưng Tiểu đoàn 2 năm xưa đó, nằm gần Khu Gia Binh Thiết Giáp, tuyến B, gồm 4 đại đội gom lại chỉ còn được có 5 thằng lưu lạc tới tận phương trời nầy!

Nguyễn Văn Rạng (222), Trinh sát Dù; Nguyễn Văn Luyến (231), Thiết Giáp;

Phùng Ngọc Thái (224), Thiết Giáp;  Trương Ngọc Đông (242), ông Địa, Mộc Hóa, Kiến Tường và Đoàn Xuân Thu (242).

(Sydney cũng được vài ba đứa: Đặng Hữu Hiếu (242), Nguyên (223), Địa phương quân ; Thanh (224); Há (223), Không quân; Lại văn Bính, Thủy Quân Lục Chiến và Nguyễn Bằng Dương, Sư đoàn 23!)

Chúng tôi như những mũi tên đã bật ra khỏi cánh cung, bay khắp bốn phương trời.

Những địa danh trường cũ tưởng chừng như đã mù khơi trong tiềm thức bỗng chợt về lay động cánh rừng xưa.

dxt_feb6_TrungNghiaDai.jpg

Nào đồi Tăng Nhơn Phú, Vũ đình trường, Trung Nghĩa đài, Cổng số 9, sân bắn Long Thạnh Mỹ, cầu Bến Nọc.

Nào bãi Nhà sập, đồi 31, (đêm ngóng về Sài Gòn quầng sáng phía xa xa), đồi Bác sỹ Tín (ngang nghĩa trang Quân đội Biên Hòa).

Rồi đêm hành quân dã trại, (để từ Tân Khóa sinh để sáng hôm sau thành Sinh viên sĩ quan) trời đổ trận mưa to, trùm poncho kín mít nhưng giày sô sũng nước. Về tới doanh trại, cởi giày, cởi vớ ra, thay quần áo lính ngồi hút thuốc với bạn bè... Ôi nó đã biết làm sao đâu?!

Giờ đây, trên bàn rượu chỉ vỏn vẹn năm thằng nhưng có tới 6 cái ly. Ly thứ sáu dành cho những thằng bạn lính đã không về được nữa vì đã ngã xuống chiến trường năm ấy!

Rót đầy ly rượu, chuyền tay nhau, người một hớp để uống cùng những oan hồn tử sĩ còn tức tưởi đâu đây.

dxt_Feb6_Tusi.jpg

Nầy Khôn ngã xuống ở Cái Côn, quận Phong Thuận. Nầy Tuấn chuyển qua Cảnh sát, mang ngay lon Thiếu úy, làm trưởng cuộc, ngã xuống ở quận Thuận Nhơn, tỉnh Phong Dinh... Rồi Lưu, rồi Đa... và nhiều nhiều nữa!

Tôi nhớ Nguyễn Quang Mẫn, cùng trung đội 242, gốc cố đô Huế, 18 tuổi, vừa đậu Tú tài Một là tình nguyện vào Thủ Đức.

Ngày mãn khóa Thủ Đức, Mẫn tình nguyện về Biệt Cách 81 Dù. Chỉ đi lính trong vòng chưa tới 3 năm mà Nguyễn Quang Mẫn từ chuẩn úy sữa đã lên tới đại úy; vì lập được nhiều công trạng được đơn vị đưa về lại trường Bộ Binh để học khóa Tham mưu Trung cấp.

Sau 75, tù CS, Mẫn giựt súng của bọn vệ binh, toan vượt trại nhưng bị bắn chết! Đúng là một anh hùng!

"Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm/ Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn

Bạn anh đó đang say ngủ yên/ Xin cám ơn, xin cám ơn người nằm xuống!"

***

dxt_Feb5_1soldier.jpg

Lũ chúng tôi, người lính thuở ấy, đã từng mơ ước: "Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn... Xin trả lại đây, bỏ lại đây thép gai giăng với lũy hào sâu/ Lỗ châu mai với những địa lôi, đã bao phen máu anh tuôn..."

Trả súng đạn này khi sạch nợ sông núi rồi? Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao! Thiên đường này mơ ước bao lâu?"

Nhưng mộng đẹp đã tan tành theo vận nước"Mơ thấy cả một quê hương đổ vỡ/ Mình lên đường ngơ ngẩn, lang thang!"

Chỉ mong là: "Hãy đem hết những đổi đời tan tác/ Gói giùm vào cơn mộng dữ đêm qua".

Chiều cuối năm quê người. Đứa nào cũng tha hương vì mất nước đều tự hỏi:

"Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm/ Mày lang thang đất lạ đến bao giờ?"

***

dxt_feb6_Bonggiay.jpg

Sân trước cửa nhà tôi, em yêu có trồng một cây bông giấy. Mùa hè hoa nở đỏ cả một góc sân vườn, gợi tình quê tha thiết!

"Này cây bông giấy bên rào năm xưa.../ Chẳng qua trời đổ cơn mưa/ Thì thương cành mọn đong đưa một mình!"

Đời chúng tôi, những người lính của mùa hè đỏ lửa năm đó, chìm trong màu lửa, màu máu như màu bông giấy quê nhà trong tiềm thức còn vương vấn đến màu bông giấy của quê người!

Quê người chiều cuối năm! Những người lính thất trận, mất nước, rồi mất cả quê hương buồn lắm phải không?

Năm thằng mặc đồ dân sự, ngồi uống rượu quê người nhưng trong tâm cảm đứa nào cũng còn là lính.

Chỉ mong ước là "Ôi! Xóm xưa ơi, khi nào đổi kiếp? Ta về thành chim hót trước hiên nhà!"

đoàn xuân thu.

melbourne.

  

 

Vĩnh biệt Thầy Nguyễn Văn Trường!

 

dxt_thayTruong.jpg 

 

 

Thầy Nguyễn Văn Trường, tuổi Canh Ngọ, sinh năm 1930, tại quận Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long!

"Tôi là con út trong nhà, mà lại là dân ‘cậu': bên ngoại là điền chủ--không gieo mạ, mà góp lúa; bên nội là hương cả trong làng và cũng có chút đất điền, theo đó bên nào tôi cũng được người dân quê gọi là ‘cậu'. 

Cậu, ‘ngồi mát ăn bát vàng', nên: yếu lắm! Đã vậy mà còn là cậu út, nên:  quá yếu!

Trên tôi, ngoài sự "kềm kẹp của ba má tôi"-"gọi dạ, bảo vâng" một chiều, năm nầy sang năm khác- còn thêm một tá anh chị.

Cho nên, trong bản chất, tôi nhút nhát.  Với bạn bè thân, thì thoải mái, cãi lý, chí chóe đến nơi đến chốn. Ở chỗ lạ, thì thận trọng, ít nói, ít lời.  

Tôi là một đứa bé của đồng quê, học Trường Tiểu học Vũng Liêm, từ lớp tư đến lớp nhất, cách nhà 4 cây số, đường đất, phải qua bốn cây cầu - cầu tre lắc lẻo, khó đi.

Cả quận Vũng Liêm, năm 1943, chỉ có hai trò trúng tuyển vào Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, thằng cháu tôi đậu cao, nhưng vì không được học bổng, nên bỏ học, và tôi, hạng chót.

Với cái tuổi 12-13, đi học Trường Phan Thanh Giản, là rời làng mạc, lên thành thị, lần đầu đi học xa, như đi du học...."

***

Rồi Thầy qua Mỹ Tho, học trường Collège Le Myre de Vilers. (Tháng Tám, năm 1945 khi Việt Nam mình giành được độc lập từ tay Thực dân Pháp, trường đổi tên là Trung học Nguyễn Đình Chiểu) trước khi sang Pháp du học và tốt nghiệp Cao học Toán ở Toulouse. Từ Pháp về, Thầy dạy ở Đại học Huế.

Năm 1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm bị các tướng lãnh lật đổ! Chính trường Việt Nam Cộng Hòa trải qua nhiều biến động, chỉnh lý, đảo chánh liên miên.

Đến khi Giáo sư Trần Văn Hương làm Thủ tướng lần đầu (1964-1965), Thầy Nguyễn Văn Trường được mời làm Tổng trưởng Giáo dục.

Thuộc nhóm người trẻ, (34 tuổi), đầu óc cởi mở, tiến bộ, Giáo sư Nguyễn Văn Trường rất thiết tha, rất tích cực với nền giáo dục nước nhà.

Thời này cũng là thời hổn loạn ngoài xã hội lan tới học đường!

Một số đảng phái đầu cơ chính trị, xúi giục học sinh biểu tình, chống đối chính phủ, tạo cảnh bất ổn trong các trường trung học lớn ở Đô thành Sài Gòn như Petrus Ký, Gia Long và ngay cả cả tỉnh lớn v v... khiến cho an ninh trật tự bị xáo trộn, chẳng còn dạy dỗ học hành gì được cả.

Giáo sư Nguyễn Văn Trường phải dùng biện pháp quyết liệt để đối phó với tình thế: "Không ai có quyền, dù với bất cứ danh nghĩa tôn giáo hay đảng phái nào, xúi giục học sinh trung học chưa đủ tuổi trưởng thành, lợi dụng sự hăng say bồng bột của tuổi trẻ, đẩy họ vào những công cuộc chống đối, đấu tranh cốt để phục vụ cho quyền lợi riêng tư của phe nhóm mình.!"

Nhờ vậy, Thầy và trò mới tiếp tục được việc dạy và học một cách bình yên như  cũ.

Năm 1966, khi Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương trong Nội các Chiến tranh, Giáo sư Nguyễn Văn Trường lần thứ hai, lại được mời ra làm Ủy viên Giáo dục (tương đương với chức Tổng trưởng Giáo dục).

Công lớn nhất của Thầy Nguyễn Văn Trường, lúc nầy, là cùng nhiều nhân sĩ trí thức nổi tiếng của miền Nam khác như: Thầy Nguyễn Duy Xuân, Thầy Nguyễn Trung Quân (vốn là cựu học sinh và đang làm Hiệu trưởng trường Trung học Phan Thanh Giản) và Kỷ sư Canh nông Võ Long Triều, Ủy viên Thanh niên... vận động ráo riết để thành lập cho được Viện Đại học Cần Thơ, vào năm 1966, để  học trò miền Tây Nam Phần, đa số là con nhà nghèo, vừa đậu Tú tài hai không phải dở dang con đường học vấn.

(Như Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, Phụ tá Đặc biệt Tổng trưởng, đặc trách Trung, Tiểu học và Bình dân Giáo dục, Bộ Văn hoá Giáo dục và Thanh niên, Việt Nam Cộng Hoà cho biết)

***

"Tiến vi quan; thoái vi sư!". Không còn tham gia nội các nữa, Thầy trở về dạy 

ở Đại học Sư phạm Huế và Sài Gòn, Đại học Đà Lạt, Đại học Vạn Hạnh...

Rồi vận nước bỗng đổi thay, Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ!

"... Sau 1975,  được ‘giải phóng', vậy mà sợ. Tôi sợ. Khuya, nghe chiếc xe jeep, ngừng trước nhà: tôi sợ. Sợ chính quyền cách mạng chiếu cố.

... Cách mạng, không là cải cách, không là sửa đổi, mà là đập phá, dẹp mọi cái cũ, mà Miền Nam thuộc cái cũ.

Cả não bộ Miền Nam đang ở trong các trại tù cải tạo tập trung, chỉ vì nó thuộc cái cũ!"

Trong những ngày tối tăm nhất của Miền Nam Việt Nam mình thuở đó, như lời Thầy từng tâm sự: "Giống như cây sậy của La Fontaine; Tôi cong, rạp mình, nhưng không gãy gục!"

Nhưng cuối cùng Thầy cũng phải đành bỏ nước ra đi, về định cư tại Thành phố Houston, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

***

Tuổi đời đang trôi dần vào bóng hoàng hôn, dẫu là một Giáo sư Đại học, dạy toán nhưng Thầy vẫn cầm bút để trải lòng mình.

"Viết xong, như thường lệ, tôi có trình cho tiện nội duyệt khán. Đây là một thủ tục, cũng không rõ có từ lúc nào, và lý do hình như vì tiện nội là một giáo sư Việt văn - có môn bài - mà tôi thì chính tả lôi thôi, pháp cú lộn xộn, ý tứ có khi không ổn. "thiếu trách nhiệm".  Có nàng, ngữ pháp sẽ trong sáng, tư tưởng có thể rõ ràng, súc tích và mạch lạc hơn..."

Bài của Thầy chỉ đăng trên web của trường Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm ở Houston, Texas.

Thầy từng nói lớp hậu sinh của trường cũ rằng: "Chúng ta có nhau , đồng tình, đồng đội, trong cái dễ thương nhất của tình người. Trong dị biệt các em đã tìm được tương đồng và hòa đồng. Tôi cám ơn các em về bài học nầy mà tôi học được ở các em!"

 

***

Tôi cũng có một số bài viết 'làng nhàng' nhưng  may mắn được nhà văn Trần Bang Thạch đưa lên web. Lâu lâu vắng bài, thì Thầy gọi hỏi anh Trần Bang Thạch lý do là tại làm sao?"

Anh Trần Bang Thạch gởi 'email' cho tôi, nói: "Thầy Trường nhắc bài của Đoàn Xuân Thu đó! Vậy là tôi lại lui cui leo lên bàn phím, gỏ lóc cóc!"

Tôi cười he he, đùa với anh Trần Bang Thạch là: "Phải chi hồi xưa tụi mình là giáo làng mà hân hạnh được Thầy Nguyễn Văn Trường, Tổng trưởng Giáo dục để ý tới, chắc đở biết bao vì mình sẽ được 'dựa hơi' Thầy!"

 

***

Bài viết mới nhứt của Thầy Nguyễn Văn Trường, là bài ai điếu, cách đây không lâu, khi tiễn 3 người bạn cùng trường Phan Thanh Giản về cõi vĩnh hằng là: Trương Hữu Đạt, ra đi ngày 24, tháng Chín; Trần Văn Kỳ, ra đi  ngày 11 tháng Mười và Võ Văn Nghi, ra đi ngày 25, tháng Mười, năm 2017.

"Các anh đã để lại ở chúng ta một niềm tiếc thương vô hạn, một nỗi buồn vô biên!"

Rồi Thầy Nguyễn Văn Trường tự hỏi: "Trăm năm đời người như bóng ngựa qua cửa sổ. Mới đó, mà giờ đã quá 80. Và Ông Xanh không cho một ai biết tuổi thọ của mình đến ngày nào, tháng nào, năm nào?"

***

Chiều nay khi lên net, đọc tin dữ từ nhà văn Trần Bang Thạch, Houston, cách tôi, Melbourne, cả một biển Thái Bình!

"Tin buồn:  Xin trân trọng khấp báo: Giáo sư nguyên Tổng trưởng Giáo Duc Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Trường, cựu học sinh trường Trung học Phan Thanh Giản, sanh năm 1930, vừa được bác sĩ tại bịnh viện Methodist Houston rút ống trợ sinh lúc 12 giờ 30 phút  trưa nay, ngày  Jan 3rd, năm 2018."

Dẫu biết rằng 'sanh ký tử qui' nhưng bất ngờ nhận hung tin hỏi lòng ai không đau xót?

Thuở sanh tiền, Thầy thường nói: "Con người được gặp nhau là do bởi cái 'duyên'. Tôi chưa được cái 'duyên' may đó! Nếu có, chỉ là cái tình văn nghệ với nhau, giữa một già và một không còn trẻ nữa!

Thầy trò chúng ta như hai hạt phù sa của dòng Cửu Long yêu dấu định lắng xuống để bồi cho đất quê hương mình nhưng dòng nước cuồng nộ của thời thế đã đẩy hai hạt phù sa đó trôi luôn ra biển. Thầy trò mình đành phải tha hương vì đã mất quê hương!

Em xin gởi theo Thầy bài viết nầy, như là một nén hương lòng để tưởng nhớ một trí thức, một nhà giáo khả kính, một nhân cách lớn của Việt Nam Cộng Hòa mình.

Xin vĩnh biệt Thầy Nguyễn Văn Trường!

 

Đoàn Xuân Thu.

melbourne 

 

Chiều cuối năm nhớ Mắm!

Phú Tâm còn có tên là Phú Nổ hoặc Vũng Thơm là một xã đất giồng miệt Sóc Trăng trù phú, nơi người Tiều, người Khmer, người Việt đã và đang sống chan hòa với nhau hằng cả trăm năm.

Vũng Thơm nổi tiếng với lạp xưởng và mè láo không những chỉ trong nước mà còn bán qua tới tận Hương Cảng.

Độ ấy, đầu tháng Ba, năm 1975, Ban Mê Thuột thất thủ, xe đò hãng Phi Long chở đồng bào mình chạy giặc xuống tạm cư tại trường Trung học xã Phú Tâm, cách ngã ba An Trạch trên quốc lộ 4 chừng 9, 10 cây số.

Cũng tại trại tạm cư nầy, tui được may mắn đứng từ xa nhưng vẫn thấy mặt được một người anh hùng của QLVNCH là Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư lịnh Quân đoàn IV& quân Khu 4.

 

Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam mặc đồ trận, dây ba chạc, đội nón sắt, đeo súng Colt 45 được Đại tá Liêu Quang Nghĩa, Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Ba Xuyên tháp tùng, đi ủy lạo đồng bào tỵ nạn CS.

Khi Tướng Nam và Đại tá Nghĩa rời trại tạm cư lên xe jeep trở lại Sóc Trăng, tui lại bận túi bụi phụ tiếp các sư sải Khmer phát bánh mì, sữa hộp hiệu Kim Cương cho bà con mình xong thì tới phiên mình đói bụng.

Dẫu chỉ là một giáo làng làng nhàng nhưng tui cũng được ông Trung úy Trưởng ban 5 Chi khu Kế Sách cho dựa hơi đi ăn ké thịt bò nhúng giấm chấm mắm bò hóc do một xì thẩu, thân hào, nhân sĩ ở chợ Phú Tâm thết đãi!

Prahok chow là mắm bò hóc sống làm bằng cá trê trắng, sền sệt màu đất sét với sả, ớt vắt thêm nước chanh để làm nước chấm, được người Khmer dùng đãi khách quý đến nhà.

Cầm đũa nhúng miếng thịt bò vào cái nồi nhỏ đựng dấm đang sôi, tui tính đưa ngay vô miệng vì đói bụng quá Trời rồi; thì ông Trung úy ngăn lại, kêu chấm vô cái nầy đã. Chưa thử lần nào, tui hơi ớn.

Úy trời đất ơi! Nó ngon thấu trời đi. Ngon đến nỗi gần 48 năm rồi, đêm nay quê người, tui cũng còn thấy nó phau trong miệng!

Do đó có một bậc thức giả vin vào câu nói: "Đến nhà qua chơi, có mắm ăn mắm có muối ăn muối, em đừng ngại!" là một cách nói khiêm cung, chứng tỏ lòng hiếu khách của người dân Lục Tỉnh Nam Kỳ.

Giờ thì tui lại hiểu rằng: Có mắm ăn mắm, có muối ăn muối; một câu có hai vế đối nhau chan chát, tức là có món ngon cũng xin mời cầm đũa; mà chỉ muối hột cũng xin chớ có chối từ!

Nghĩa là mời khách ăn mắm là quý lắm đó nhe. Mắm cũng chứng minh được miệt Lục Tỉnh Nam Kỳ, thiên nhiên giàu có hào phóng cho cá dưới sông hay trên đồng, trong lung, đìa, bào nhiều đến nỗi bà con cô bác mình ăn không hết mới làm mắm phải không nào?

Như vậy xin đừng võ đoán là nghèo mới ăn mắm nhe quý anh!

Úc nầy cũng vậy. Đến nhà ai, thấy nhà to chưa chắc họ đã giàu. Vì có thể nhà chưa trả xong. Chạy Mercedes, chưa chắc họ đã là giàu, vì tiền nợ xe có thể chưa trả hết.

Muốn biết giàu hay nghèo chỉ cần mở cửa cái tủ lạnh ra... Nếu nó đầy nhóc; thì chắc chắn chủ nhà giàu rồi hè.

Riêng nhà tui là độc nhứt vô nhị, là không giống ai. Tủ lạnh luôn đầy nhóc vì khi siêu thị giảm giá, em yêu ham rẻ, rinh kình kình về, chất đầy một tủ! Tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy mà.

Xin cám ơn em yêu, người phụ nữ Việt Nam quá xá đảm đang; đã ghi thêm tên anh vào danh sách của những người Úc sắp bị bịnh béo phì!

 

***

 

Muốn làm mắm, cá phải làm sạch, cho cá thật khô rồi mới muối, đựng trong mái vú hay khạp da bò! Xong gài bằng những tấm vỉ tre và dằn lên những cục đá xanh để ép con cá muối nằm sát lại. Muối từ hai đến ba tháng!

Xong rang gạo lức cho chín vàng, xay nhuyễn ra làm thính, rắc vào cho mắm nó thơm.

Cuối cùng là chao mắm. Đường chảy thắng kẹo lên, trộn đều vào làm cho vị mắm dịu lại.

Sau vài tháng là mắm bắt đầu ăn được.

Tùy theo loại cá, ta có mắm cá lóc, mắm cá sặt, mắm cá rô đồng, mắm cá trèn, mắm cá linh, mắm cá thác lác, mắm cá chốt...

Mắm kho chỉ cần nửa ký lô mắm sặc, cho vô nồi nấu với hai lít nước lã để thịt con mắm rã ra. Lấy cái rây lược bỏ hết xương cá, nêm thêm bột ngọt, muối, đường gốc sả đâp hơi dập cột lại thành một nắm.

Chờ nồi mắm sôi lên, cà tím cắt khúc dài chừng ba, bốn phân, chẻ đứng, thả vài khứa cá ba sa vào (cá ba sa là nhứt hạng), thêm vài lát thịt ba rọi xắt nhỏ,

Nhắc nồi xuống rưới nước mỡ tỏi phi lên mặt.

Nồi mắm thơm phức quyết liệt tấn công vào khứu giác ai mà không ứa nước miếng cho được chớ?

Mùa gió chướng, sa mưa giông, người ơn ớn lạnh; khỏi cần aspirin, chỉ cần em yêu chơi cho một nồi mắm kho là giải cảm.

Ông bà mình đã dạy: "Đói ăn rau! Đau uống thuốc!"

dxt_mam.jpg

Món mắm kho là tổng hợp các vị thuốc Trời cho như rau càng cua, rau đắng, cải trời, rau má, rau muống chẻ, rau diệu, rau mát, rau muống, rau ngổ, rau dền, cải trời; lá lốt, lá chùm ruột, lá vông nem, bông bí rợ, bông so đũa, bông lục bình, bông điên điển; đọt bầu, đọt bí rợ, đọt bí đao, đọt mướp, có đầy dẫy trong vườn hay ngoài ruộng.

Nhưng có ba loại không thể nào thiếu cho được! Đó là rau ngổ, cọng bông súng và hẹ ruộng.

 

Rau ngổ mọc dưới ao, ruộng, đìa, láng ngập xăm xắp nước ở Miền Tây mới có. Thân rỗng giống rau muống, lá nhỏ và dài giống lá rau răm nhưng có răng cưa xung quanh. Vị đắng nhẫn nhẫn, dai dai giòn giòn Khi ăn chỉ lấy phần cọng rau, tuốt bỏ hết lá đi.

Ca dao cũng có câu: "Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm!"

Mắm kho không thể nào thiếu cọng bông súng cho được. Cọng bông súng khi tước vỏ rất giòn dễ gãy, dùng dao tước mỏng, rồi chỉ cần bẻ thành từng khúc.

Cuối cùng là Hẹ. Hẹ có hai loại: Hẹ rẫy và hẹ ruộng.

Hẹ rẫy lá dầy, bề ngang hẹp, màu xanh sẫm ăn với hủ tiếu hoặc mì hay hoành thánh của mấy chú Ba người Quảng.

Còn hẹ ruộng lá mỏng, có gân trắng chính giữa mỏng, mềm, xanh nhàn nhạt như lá sả, xốp và giòn.

Mùa nắng ruộng khô rang, nứt nẻ, không có cây cỏ gì sống được. Vậy mà mưa xuống, ruộng đầy nước, không cần gieo, không cần trồng gì hết, như lúa ma trên đồng nước nổi tới đâu nó đua tới đó, thì hẹ ruộng nói có em đây!

dxt_mam2.jpg

Lội xuống ruộng, trầm mình dưới nước, thò tay tìm cái gốc hẹ mà lắc lắc vài cái cho đất nhão ra rồi nhổ lên cả bụi lẫn gốc rễ.

 

Nhổ về, ngâm trong thau nước khoảng một giờ đồng hồ để rửa phèn và sình. Xong xếp ngay ngắn đầu theo đầu, đuôi theo đuôi trong cái rổ lớn cho ráo nước. Lấy kéo cắt bỏ phần rễ đi, cuộn nó lại cỡ ngón chưn cái, chấm với mắm kho, rồi bỏ vô miệng nhai rau ráu, vừa giòn tan, vừa mềm, vừa ngọt, vừa mát lạnh trong cổ họng, thiệt không có thứ rau nào có thể chiếm được ngôi bá chủ võ lâm trong các giống rau dùng ăn lẩu mắm.

Bưng chén đầy rau, gắp thêm miếng cá ba sa chấm muối ớt, ngon nhứt phần ức có mỡ hoặc thịt hai bên má của cái đầu cá, gắp vài miếng thịt ba rọi, miếng cà tím, múc mắm kho chan ngập vào, ớt sừng trâu chín đỏ xắt miếng xéo xéo (cho miếng ớt được lớn) vừa nhai rau ráu vừa húp rồn rột.

Ăn no mà không bao giờ sợ cái vòng số hai, tức cái bụng phình lên như cái trống chầu bao giờ. Một cách "diet" hiệu nghiệm của phụ nữ Việt Nam mình.

Chính vì vậy từ trẻ tới xồn xồn tới già, dù ăn như xáng xúc mà phụ nữ chúng ta ai cũng đẹp bóng lẫn hình mà không cần đi hút mỡ bụng.

 

dxt_mam3.jpg

Sau này, món lẩu mắm là mắm kho trong cái cù lao, đỏ rực than hồng! Món mắm kho luôn luôn sôi ục ục đã chễm chệ ngồi vào thực đơn nhà hàng ở cái đất Footscray nầy!

Cá, tôm, mực, nghêu ướp gia vị, gắp nhúng vào mắm nhưng tui lại thấy không ngon. Vì đồ biển nhúng vào mắm cá đồng là trật chìa, là trái bản họng hết trơn; như ca sĩ chuyên xuống xề nhạc muồi mà buộc phải chơi nhịp chỏi của "Rock and Roll"'!

***

Chiều cuối năm, gần Tết tới, lấy hai tuần lễ nghỉ thường niên vì cày suốt năm oải quá. Đi làm quen, ở nhà mà mấy thằng bạn nhậu, hình như tụi nó chết hết rồi sao mà không có ai kêu tui đó; nên cái mặt tui chảy xệ như cái bánh bao chiều; cứ trước sân anh thơ thẩn đăm đăm trông nhạn về!

Em yêu thương quá; bèn chơi cho chàng một cái lẩu mắm để chàng nhậu với rượu đế, trong như mắt mèo của Nga, là rượu vodka.

Vậy mà thằng Úc sát bên nhà, hửi hửi mùi mắm thơm nức mũi như vậy lại hỏi xỏ tui là: "Bộ nhà có người chết hả?" "Ờ có! Ông nội mầy!"

Nghe nói vậy, nó bèn ôm mặt khóc hu hu... làm tui cũng hoảng. E mình xài xể nó quá nặng lời làm tan vỡ cái tình chòm xóm, ít khi có trên nước Úc nầy, với nó bấy nay.

"Ờ! Anh nhắc, tui mới nhớ ông Nội tui chết trong niềm cô độc! Cả tháng mà hổng ai hay! Hu hu!"

Tui hối hận, bèn an ủi nó rằng: "Ôi cái xã hội bây giờ tệ như vậy đó chú em ơi! Buồn mà chi!"

"Anh nghe nói chú em mầy đang rắp ranh, bắn sẻ, ve vãn một em Việt Nam bán cá ở chợ Footscray thì phải?

Nhưng chú em mầy chỉ khoái ăn cheese, (hôi mùi xà bông tắm), và cá lăn bột với khoai tây chiên mỗi bữa, lại không ngửi được mùi thơm của nồi mắm kho trên bếp thì anh thành thật khuyên chú em mầy hãy từ bỏ niềm hy vọng bấy nay là chiếm được trái tim em! Vì đó chỉ là ảo vọng mà thôi!"

Thằng Úc nầy là thằng dại gái! Thấy con gái là mặt nó khờ căm thấy thương luôn.

Nghe tui hù như vậy nó bèn xuống nước nhỏ: Bắt đầu từ ngày mai nó sẽ ráng tập. Hãy mua dùm nó trước hết là chai nước mắm hiệu ba con cá cơm cái đã.

Từ từ nó sẽ ráng bịt lỗ mũi mà mần thêm cái món mắm kho!

Bằng không, em Việt Nam nầy sẽ tuyệt tình ca vì tui không ăn được mắm kho! Tim tan vỡ làm sao sống; chỉ còn cách đâm đầu xuống dòng sông Maribyrnong mà chết! Anh hai ráng giúp em nhe! Thank you very much!

Chiều cuối năm nhớ mắm!

Happy New Year!

 

đoàn xuân thu

melbourne.

  

 

Trao thân gửi phận!

dxt_Dec26_traothan.jpg 

 

Cưới vợ một lần là sợ tới già nên tui không dám làm tới lần thứ hai. Nhiêu khê lắm mấy anh ơi.

Nè trước khi cưới là Tía Má mình phải làm Ðám hỏi, mà Tây gọi là Ðính hôn!

Người Việt mình ở Úc nầy đây dù gả cho Tây hay cho Mít ít nhiều cũng còn giữ gìn phong tục của ông bà mình. Nhưng không khe khắt lắm. Cái nào của Tây hay hay, mình cũng học chớ không bo bo thủ cựu như các cụ ngày xưa!

Ðối với Tây thường chỉ có một đám Tân hôn thôi. Người Việt có tới hai lễ: Vu quy và Tân hôn.

Vu quy, tổ chức bên nhà gái, sính lễ: gồm trầu, cau, (vì miếng trầu là đầu câu chuyện), dù bây giờ đâu còn ông, bà nào ăn trầu xỉa thuốc rê nữa. Rồi rượu, chè tức trà, nhẫn, hột xoàn, dây chuyền, đồ trang sức cho cô dâu; cộng thêm tiền chợ tức tiền làm tiệc để quan viên hai họ cùng vui.

Tiệc tan, đoàn rước dâu sẽ rời nhà gái về nhà trai để làm lễ Tân Hôn. Theo cô dâu về nhà chồng cũng có mấy em phù dâu, tức dâu phụ, chưa chồng. Mấy em trang điểm lộng lẫy như Thẩm Thúy Hằng hay Thanh Nga để quảng cáo chào hàng. Ðám cưới nầy mới đẻ ra đám cưới kia chớ!

Rước dâu về, tân lang và tân giai nhân cũng đến bàn thờ gia tiên, nam tả nữ hữu, lạy, báo với ông bà tiên tổ nhà mình có thêm một người nhập vào ‘hộ khẩu'.

Rồi lạy, lạy hoài hè! Lạy cha mẹ chồng, chú, bác, cô, dì bên chồng để nhận phong bì tiền mừng cưới. Ðược miễn lạy mừng muốn chết! Chớ cuốc lên cuốc xuống hoài đêm động phòng hoa chúc, còn xí quách nữa đâu mà cuốc. Hổng lẽ đuốc hoa còn đó mặc nàng nằm trơ?

Chú rể nhận phong bì mừng cưới nhưng đừng bỏ túi mà đưa cho cô dâu giữ để thiên hạ đừng có xầm xì là thằng chồng gì mà rít quá, kẹo kéo quá.

Ðêm hợp cẩn giao bôi động phòng hoa chúc, tân lang nói với tân giai nhân là: "Thôi hai đứa mình bắt đầu đi!"Em e lệ, mặt đỏ bừng, lí nhí trong cổ họng: "Anh tắt đèn đi đã!"

"Tắt đèn thì làm sao thấy đường mà đếm tiền hè? Bà chủ nợ cho anh mượn tiền làm đám cưới em còn ngồi ngoài bàn chờ kia kìa!"

Thì ra mới về với nhau, em nghĩ chuyện khác, tiền bạc không quan trọng bằng yêu. Sau nầy thì ngược lại 180 độ.

Còn anh, đầu tiên phải là tiền đâu trước? Còn cái vụ kia có mất đi đâu mà sợ chớ, nên từ từ cũng được.

 

***

Úc đây ít thấy đám cưới làm tại nhà như quê mình mà đến những dịch vụ chuyên tổ chức đám cưới.

Bỏ tiền ra là guồng máy chuyên nghiệp phục vụ cho ngày vui của đôi trẻ khởi động liền.

Dĩ nhiên, tùy túi tiền nặng hay nhẹ thì đám cưới lớn hay nhỏ. Coi vậy chớ tốn cũng khẳm lắm nhe!

Hãy nghe một em du học sinh lấy chồng Úc, trải nỗi lòng... thòng trong tiệc cưới của mình như sau: Ðám cưới ở Australia, tốn kém hơn ở Việt Nam nhưng không khí thoải mái, vui vẻ hơn và không câu nệ hình thức.

Tiệc cưới theo kiểu Tây, gồm món khai vị, món chính và tráng miệng, được người phục vụ thường là những sinh viên làm thêm cuối tuần dọn các món ra dần dần, mỗi người một phần ăn rất lớn, bảo đảm ăn là no luôn.

Cuối cùng là trà, hoặc cà phê. Bia rượu các nhân viên sẽ phục vụ tại bàn, có quầy bar nhỏ để ai thích có thể ra đó uống rồi tự mình móc xỉa.

Khách gồm gia đình, bạn bè và đồng nghiệp tới 150 người. Mỗi đầu người dự chi khoảng 150 đô. Vợ chồng em tốn hết khoảng 30 ngàn đô Úc.

Khách Úc không đi phong bì như ở Việt Nam mà mang hoa, chai rượu hay những món quà nhỏ! Sau tiệc, mỗi người có một hộp kẹo xinh xinh mang về.

Ðám cưới theo kiểu Úc là có tiền thì làm, không thì chờ; chớ hổng hy vọng gì có phong bì để mà gỡ vốn, là ngày vui của mình thì mình ráng chi, ráng chịu; chớ hổng có ai nhào vô gánh tiếp cho mình.

Có một ông khen là: "Ðám cưới bạn hay quá. Ðể mình rút kinh nghiệm cho lần sau!" (He he! Con vợ mầy nghe được thì mầy chết!)

 

***

Truyền thống người Việt mình thì hay hơn nhiều. Hai vợ chồng tui đi đám cưới ít nhứt cũng 400 đô. Ối tiếp sắp nhỏ mà! Mình ăn mình trả tiền chớ tụi nó có lời lóm gì đâu?

Nhưng cầu mong một năm xin mời vợ chồng tui đi đám cưới một lần thôi nhe! Thân lắm hãy mời. Còn quen sơ sơ xin quên dùm một cái được hông?

Người Việt mình mới định cư không lâu mà đám cưới người Việt ở Úc nầy tới 5, 6 trăm khách là thường. Úc thấy còn hết hồn. Ðông đến nỗi Úc nó tưởng là mình đi biểu tình chống Trung quốc chớ không phải là đi ăn đám cưới.

Do đó mấy chú Việt Nam bên nầy dù cưới vợ Tây hay vợ Việt nên mời khách Việt hơn là khách Tây, vì Tây nó đi đám cưới đã không cho tiền mà còn ôm con vợ mình hun nữa chứ!

 

***

Melbourne nầy, mùa cưới là mùa Xuân, hoa chen sắc thắm, tháng Mười hoặc mùa Thu, tháng Ba chuẩn bị lạnh, nên quý anh mình sắm cái lò sưởi 37 độ rưỡi nầy về ôm cho nó ấm.

Tiệc cưới thường tổ chức vào những ngày cuối tuần: Thứ Bảy hạng nhứt, Thứ Sáu hạng nhì và Chủ Nhựt hạng ba.

Ngày Thứ Bảy, sau Lễ Tình nhân (Valentine's Day) rơi vào mùa Thu là ngày được ưa chuộng nhứt. Nhưng phải đặt cọc trước 2, 3 năm mới có chỗ đó!

Ðàn ông Úc trong gia đình, ngày thường đóng một vai trò rất mờ nhạt!

Cho đến ngày bàn giao con gái mình vào tay một thằng khác, mới được quyền chiếm đài phát thanh mà dạy đời và tán dóc.

Nói với con gái: "Tía đã làm cha suốt một khoảng thời gian dài, Tía đã lo lắng khi con gái mình bị ốm (dĩ nhiên không phải là ốm nghén), đã tắm cho con, đã ru con ngủ. Tía không bao giờ nghĩ ngày con sẽ theo chồng. Nhưng cuối cùng thì Tía rất vui vì từ nay cái bồn tắm duy nhứt trong nhà sẽ trở lại tay Tía."

Rồi quay sang con rể tương lai: "Tía xin tự giới thiệu Tía là thân phụ của cô dâu! Khi lớn lên nó đã kêu Tía bằng cái tên thân thương, bữa nào nó làm biếng thì gọi cụt ngủn là ‘Dad', bữa nào siêng nó gọi dài hơn một vần là ‘Daddy'.

Tuy nhiên đôi khi nó cũng gọi Tía là: ‘Visa, Mastercard hay American Express'.

Giờ Tía giao con gái cưng của Tía cho con và hãy nhớ là: Hàng mua rồi không được quyền trả lại.

Từ giờ phút nầy: Con là rể của Tía, là người trong nhà. Con đường tình ta đi, Tía đã trải qua, hôm nay Tía xin trải lòng mình cho con một trời tâm sự!

Nhớ rằng khi phải tranh luận với vợ về vấn đề gì thì hãy để cho nó nói lời cuối cùng. Còn nếu con muốn nói lời cuối cùng, thì câu đó phải là: ‘Em nói đúng!' Cầm bằng nói câu khác hơn con sẽ khơi mào cho một cuộc cãi lộn mới.

Khi con sai hãy mở miệng ra mà nhận lỗi nhé! Khi con đúng nhớ đừng có mở miệng ra.

Cưới vợ rồi tốt hơn mua một cuồn băng keo dính về dán miệng trước khi đi ngủ vì: Có ông nầy đến nhà thờ lúng búng vài câu rồi thấy rằng mình đã kết hôn.

Một năm sau, trong giấc ngủ, ông cũng lúng búng trong miệng vài câu và thấy rằng mình ly dị.

Cũng như Tía, chắc con chưa hề biết hạnh phúc là gì cho đến khi con cưới vợ. Tiếc thay lúc đó đã quá trễ, chim đã vào lồng cá đã cắn câu.

Tía tin rằng con không cưới vợ vì tiền. Vì mình đi mượn tiền ở ngân hàng sẽ chịu tiền lãi ít hơn.

Bởi một cuộc sống vợ chồng hạnh phúc chỉ gom lại hai chữ cho và nhận. Chồng cho và vợ nhận.

Người ta nói tình yêu là mù quáng. Tin Tía đi! Hôn nhân sẽ làm con sáng mắt ra!

Tía không nghi ngờ gì về chuyện con có đủ phẩm chất để làm chồng. Nhưng đủ phẩm chất làm con rể thì hãy chờ xem. Coi mỗi Chủ Nhựt, con còn đến nhà hay là cứ để Tía cắt cỏ một mình.

Tía chúc con rể của Tía được nhiều may mắn."

Sau lời khuyên chí lý của thằng bạn Úc nầy với con rể nó, thì chỉ một ngày sau nó bị vợ bỏ vì tội tuyên truyền bôi xấu lãnh đạo nhà ta.

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Santa Claus là có thật!

 

dxt_santa_2.jpg

 

Chuyện rằng: Một hôm, một thằng ‘cu' Úc hỏi Má nó: "Mommy! Ai là Daddy của con vậy?"

Má nó buồn bã, thả hồn về cái thời sung sướng cũ mất gần năm phút, bỗng bừng tỉnh giấc mơ hoa trả lời là: "Daddy của con là Santa Claus!"

"Cuối năm, đêm hè áp Lễ Giáng Sinh, chàng đến phát quà cho Mommy là một con lăng quăng. Rồi một đi không trở lại!

Con lăng quăng đó, sau chín tháng mười ngày nở ra, là con đó Johnny!"

Johhny là một thành viên trong băng tầng nhậu của tui. Tụi tui mỗi lần bù khú với nhau đã có ba thằng ‘Mít'. Johnny hân hạnh lắm mới được ba thằng tui kết nạp vào, để Việt Úc đề huề, đa văn hóa vậy mà!

Chẳng qua, ông bà mình nói rằng: 'Trà tam, rượu tứ'.

(Tại sao uống trà chỉ cần ba người? Thú thiệt, tui bù trất hỏng biết trả lời sao?)

Chớ uống rượu, tức nhậu, cần bốn người là quá phải. Cạn vài ly whiskey, nghe ót ót, như cái máy có châm xăng nhớt đầy đủ là bắt đầu 'đề pa', chạy!

Một cái miệng chiếm đài phát thanh, 'on air'.  Một đứa nói ba đứa nghe. Màn hai thì bắt cặp: một đứa nói một đứa nghe. Màn cuối cùng là bốn đứa nói mà hỏng có đứa nào nghe hết trơn hết trọi.

Lúc đó là tới giờ tan hàng cố gắng rồi nhe quý bạn. Hai giờ sáng, Johnny đi xiên xẹo trên đường phố để về nhà. Cảnh sát Úc đang chạy đi rỏn, lo sợ cho an nguy của người chiến sĩ cô đơn trên đường phố, bèn dừng xe lại hỏi: "Khuya rồi! Ê bồ! Còn đi đâu đó?" "Ờ! Tui đi nghe diễn thuyết."

"Dóc tổ hoài cha! Ai rảnh đâu mà diễn thuyết giờ nầy?""Có chớ! Người diễn thuyết là con vợ của tui!"

Thầy đội nghe vậy cũng cám cảnh đàn ông với nhau bèn mời ông Lưu Linh nầy lên xe, về bót ngủ 4 tiếng, cảnh cáo không được quyền say xỉn ngoài đường nhe nhưng miễn đóng tiền phạt; vì biết rằng có bao nhiêu tiền nó mua rượu uống còn không đủ; thì tiền đâu mà nó đóng!

Đó là chuyện của Johnny thằng Úc bạn của chúng tôi. Mà cái tình bằng hữu chi giao giữa bọn tui với nó cũng do ông Trời xui khiến mà thôi.

Chẳng qua cách đây gần chục năm, mấy thằng 'cáo sồ' tức hội đồng quận hằng năm đều cho phép tổ chức hội chợ Tết Việt Nam ở những khu thị tứ, có đông người Việt mình sinh sống như St Albans, Richmond, Footscray, Springvale!

Sau rốt mới là hội chợ Tết cho cả cộng đồng người Việt mình ở Melbourne Showgrounds, sát bên trường đua ngựa Flemington, đối diện nhà tui, chỉ cách một con sông Maribyrnong, bề ngang chừng vài chục thước. Tui bịt lỗ mũi nhảy qua cũng được mà Úc dám gọi là sông? He he!

Hội chợ Tết Footscray năm nào, băng tầng nhậu của tụi tui cũng được nhà hàng quen, ưu ái vì tới nộp tiền hoài, bày bàn ngay trước cửa.

Cả bọn vừa uống beer cho mát, mùa hè mà, vừa hút thuốc xả giàn, vừa ngắm mấy em mặc áo hai dây lòi hai trái bưởi tròn tròn, quần cũn cỡn lòi rún và luôn hai cái mông đít, đi qua đi lại! Khoái hết biết!

Vì thế cho nên dù em yêu có kè kè một bên, ngăn cản tui đi rửa mắt hỏng tốn tiền, ở nhà có mà hỏng chịu dòm cứ lom lom đi dòm của thiên hạ không hè? Có khác gì đâu chớ!

Lời em yêu không thuyết phục được đôi mắt sáng ngời của tui nên tui quyết dùng tam thập lục kế dĩ đào vi thượng để trốn đi ra bù khú với bạn hiền.

Huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục; nếu vì sợ vợ bỏ đám bạn nhậu cô đơn, thiệt tui hỏng có đành lòng!

Gần Tết Việt Nam, theo truyền thống tui lấy phép thường niên, nghỉ hai tuần xả hơi; chớ cày hoài oải quá.

Ở nhà với em yêu, vô đụng mặt, ra cũng đụng mặt, chu choa nó buồn như dế kêu; nên tui rinh một thùng beer về, giấu ở nhà xe phía sau nhà, lâu lâu tui trốn em ra, làm vài ve để dục tửu phá thành sầu... xa xứ!

Nhậu riết, râu ra xồm sàm như Santa Claus vậy. Một chiều đã khá là say, nghe em yêu mắng chó chửi mèo: "Trời ơi ngó xuống mà coi, chồng với con cuối năm rồi mà vẫn còn say với xỉn!"

"Thôi em ơi! Chuyện nhà người ta đừng có chen vào!""Chuyện nhà người ta nào? Chuyện nhà nầy đó. Em nói anh! Chớ nói ai!"

"Đi cạo râu đi! Để râu, mỗi lần hun nhột muốn chết hè!" "Trời đất! Chọc lét mới nhột! Hun thì ‘đã' chớ nhột cái gì hè?"
Nói vậy nhưng vốn thờ bà, tui tuân lịnh em yêu, bước vào nhà tắm soi gương! Một khuôn mặt, vì rượu chè be bét, làm tàn phai nhan sắc hiện ra như nhát tui vậy đó!

"Thôi! Tui dẫu không biết anh bạn là ai mà dám vô tới phòng tắm nhà tui nhưng vì tình chiến hữu với nhau, tui cũng cạo râu giúp dùm anh bạn vậy!"

Cạo mặt xong thì "Ô kìa kìa! Mặt ai mà mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao như Mã Giám Sinh vậy cà?" Té ra là cái bản mặt của tui!
Ngay lúc đó thì cái mobile phone trong túi quần kêu ò e í e! Chiến hữu hú ra ngoài chợ Footscray nhậu tiếp; kẻo tàn một đêm vui.

Vậy là bấm cái nút cửa cuốn của nhà xe kéo lên, tui bèn dông luôn ra chợ.

Mới đặt đít ngồi xuống, là thò tay chộp ngay chai beer VB (Victoria Bitter) mà người Việt mình đặt tên VB là Vợ Bỏ; thì một trong những thằng bạn nhậu của tui hỏi đố, nếu ai trả lời được thì tiệc hôm nay nó trả; bằng không ghi sổ, mai ba thằng chôm tiền vợ đem tới trả cho nhà hàng.

 "Từ Melbourne chạy xe tới Sydney mất bao lâu?" "Tùy chú mầy chạy xe hiệu gì, chạy nhanh hay chạy chậm nhưng trung bình mất 8 tiếng."

Nó hỏi tiếp:"Như vậy từ Sydney chạy xe tới Melbourne mất bao lâu?"

Thằng Johnny tình cờ đang ngồi nhậu bàn sát bên, nóng mũi, chỏ mỏ qua:

"Ê bồ thiệt là ngu hè! Vậy mà cũng hỏi?"

"Ê! Bồ biết câu trả lời không mà dám xía vô hả? Dám cá một thùng beer 24 chai không?" Johnny OK! "Câu trả lời là cũng y như vậy!"

Thằng bạn nhậu của tui cười rất đểu vì thấy một con nai tơ đang ngây thơ bước vào bẫy rập của nó:"Như vậy bồ cắt nghĩa tại sao khi từ Lễ Giáng Sinh tới Tết Tây chỉ có năm ngày; mà từ Tết Tây tới Lễ Giáng Sinh lại mất tới một năm?"

Thằng Johnny cà lăm một hồi, rồi chịu thua! Chung hết thùng beer VB, tốn 50 đô tiền chôm của con vợ nó!

Có beer chùa uống là tui vui hè nhưng trong bụng nghĩ cái thằng Úc nầy ngu như con Kangaroo vậy!

Đem không gian, đường dài mà so sánh với thời gian làm sao được hè?

Nhưng tui nín khe không mở miệng ra; vì sợ thằng bạn nhậu chê tui thiệt là ngu, beer chùa tới miệng không biết uống mà còn lên mặt thầy đời!

Từ câu đố đó; Johnny đâm ra khớp bọn 'Mít' tụi tui, nên xin gia nhập vào băng tầng nhậu, vì vui quá hè, nhưng cũng không quên phân ngôi thứ giữa Tống Giang, Triều Cái, Lâm Xung và Lỗ Trí Thâm trong Anh Hùng Lương Sơn Bạc.

Jonhnny kính cẩn gọi ba thằng tui là: ‘Đường sơn Đại huynh'; chớ không còn là bồ nầy bồ nọ, bằng vai, bằng vế, cá mè một lứa như trước nữa.

Đã không kết nghĩa kim bằng thời thôi! Kết nghĩa rồi thì ba đại ca đối đãi với tiểu đệ Úc Johnny bằng tấm chân tình chớ không hề chơi 'đểu' nó thêm lần nào nữa.

***

Nói nào ngay chơi với Johnny tui cũng học được rất nhiều điều. Trước hết là tiếng Anh giọng Úc. Dù đã ở cái xứ nầy hơn 20 năm ròng rã, tui vẫn còn nghe tiếng Úc, tiếng được tiếng không! Bây giờ nghe cũng hơi thông; tui còn biết cả tiếng chửi thề!

Cái quan trọng hơn là cái phong tục tập quán của người Úc. Khi không biết là tụi tui xúm lại hỏi để mở mang đầu óc mà; vì chữ có câu rằng: "Học thầy không tầy học bạn!"

Chẳng hạn như mùa Giáng Sinh năm nay lại về, mấy lần đi bù khú với nhau, tui ra đề tài mới cho Johnny thuyết trình! Nó lấy làm khoái chí vì được dịp khoe khoang cái kiến thức chưa đầy cái lá mít của mình.

"Người Úc nghĩ gì, làm gì trong mùa Giáng Sinh vậy Johnny?"

Ực một hơi, thiếu đều cạn hết chai beer, nó hắng giọng trả lời: Hồi nhỏ nó khoái Lễ Giáng Sinh lắm. Khoái ngọn lửa bập bùng, khoái cây thông lấp lánh ánh đèn và kim tuyến. Khoái treo những chiếc vớ dưới cây thông Giáng Sinh mà lòng cứ tự hỏi Santa Claus làm sao mà tuột qua ống khói cho được; khi ông bị bịnh béo phì, mập quá? Rồi làm sao mấy con tuần lộc lại có thể bay được như phi cơ không người lái?

Nhưng Johnny lại có thằng bạn con nhà giàu, gốc Do Thái, có tới mấy chục căn nhà, căn shop cho mướn; tưởng giàu là khôn nhưng nó lại ngu hết biết.

Có lần, ông già Santa Claus đến gỏ cửa nhà chắc để xin tiền giúp cho người homeless. Nó mở cửa ra ngạc nhiên hỏi: "Ủa Santa Claus! Có nhận được email của con rồi phải không?"

"Trong email đó, con chỉ xin một chiếc Ferrari, Made in Italy; với chừng chục triệu đô trong tài khoản ngân hàng; để lâu lâu buồn buồn con ra 'casino' chơi 'roulette'."

Santa Clau gục gặc cái đầu: "Ờ! Nhưng cho ta hỏi: Năm nay con được bao nhiêu tuổi hả?" "Dạ con được 40."

Santa Claus bèn phán một câu nghe rầu hết sức: "40 tuổi đầu rồi mà vẫn còn tin có Santa Claus hay sao?"

Tui lại binh vực thằng bạn nó: 40 tuổi đầu bạn của chú còn tin có ông già Santa Claus thì cũng phải. Vợ ta ăn đáo tuế đã mấy năm rồi mà còn tin có ông già Santa Claus nữa đó!

Trước Giáng Sinh, em gởi email cho ta như vầy:"Năm nay, Santa Claus được tiền nhuận bút khoảng vài ngàn, xin đừng mua vàng cho em đeo nữa; trặc cần cổ; cứ đưa cho em 20 tờ 100 đô Úc, dễ cất trong áo gối là em vui rồi hè!"

Johnny có vẻ tò mò tọch mạch hỏi: "Rồi đại ca xử sự ra sao?"

"Còn trăng sao gì nữa? Ta chuyển 2000 đô từ cái tài khoản của ta qua cho em!

Anh hỏi chú mầy là: Khi mua quà Giáng Sinh cho thiếm ở nhà; chú mầy có tốn nhiều hơn tiền mua quà cho mẹ ruột của chú, vốn là người đã chín tháng mang nặng đẻ đau rồi ba năm bú mớm hay không?

Anh đây cũng vậy thôi! Dẫu không sanh đẻ ra ta; nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao! Mình phải bồi đáp cho em tới 2000 đô Úc, cũng là chuyện nhỏ!"

Johhny gục gặc cái đầu đồng ý: "Đại ca phán y như kinh vậy! Giờ thì em lại tin là đời có Santa Claus rồi đó nha!" Ha ha!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

 

  

 

Ông già Noel!

 dxt_dec22_santa.jpg

Santa Claus hay ông già Noel mặc bộ đồ màu đỏ viền trắng, thắt lưng đen, đội chiếc nón đỏ với chòm râu dài trắng, bộ mặt hóm hỉnh, tiếng cười "hô hô hô".

Chính vì thắt lưng đen, nên nhiều trẻ em cho rằng ông già Noel có võ nhu đạo, tức Judo, còn giỏi hơn cả Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nhưng vốn là người khiêm tốn, ông già Noel không có khoe khoang rùm beng như Putin mà chỉ mang để cho bọn cướp cạn nó ngán mà không dám làm sảng, cướp đồ chơi chất đầy trên xe trượt tuyết do 9 con tuần lộc kéo vào đêm áp lễ Giáng Sinh.

Theo truyền thuyết, ông già Noel sống tại Bắc Cực! Và mỗi đêm Giáng Sinh hằng năm, ông già Noel lại bắt đầu một cuộc hành trình vòng quanh thế giới để mang đồ chơi cho các em thiếu nhi.

Muốn có quà Giáng Sinh thì trẻ con phải viết thơ xin ông già Noel để biết mấy em khoái cái gì mà cho chớ?

Cách đây một trăm năm, Hannah Howard, một bé gái mới lên 10 tuổi, ở County Down, Bắc Ái Nhĩ Lan đã viết thơ cho ông già Noel rồi nhét vào ống khói lò sưởi trong nhà.

Hannah chào đời vào ngày Giáng Sinh năm 1900 và qua đời năm 1978.

Mãi tới năm 1992, ông chủ mới của căn nhà Hannah đã từng ở, phá bỏ cái ống khói lò sưởi để thay vào đó hệ thống sưởi toàn nhà, tình cờ phát hiện ra cái thơ mùa Giáng Sinh xưa cũ dẫu đã ám khói theo thời gian năm tháng gần cả một thế kỷ.

Hannah chỉ xin: một con búp bê, một đôi găng tay và chiếc áo mưa có mũ trùm đầu, chắc để mặc lúc đi học vì thời tiết bên Anh xưa giờ nổi tiếng sương mù, ẩm ướt và lạnh!

Rồi thêm vài đồng tiền lẻ dĩ nhiên là không quên xin một cây kẹo ngậm chơi.

So với trẻ con bây giờ, đòi hỏi đó quá ư là khiêm tốn. Chớ con nít ngày nay toàn xin là: I-phone 8, máy bắn games...!

May mà mỗi năm con nít chỉ xin quà có một lần. Chớ xin nhiều lần chắc Tía Má mình sẽ mạt!

***

Mùa Giáng Sinh năm nay, Sở Bưu Điện bên Canada vừa lên tiếng thông báo cho các bậc cha mẹ có con em muốn viết thư cho ông già Noel, thì phải gửi thư đi trước ngày 11, tháng Chạp, là ngày chót mà sở Bưu Điện có thể chuyển thơ đến Bắc Cực kịp trước lễ Giáng Sinh.

Bên Mỹ thì có thị trấn Santa Claus, thuộc quận Spencer, vùng tây nam tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ thành lập năm 1854.

Dân số gần 2.500 người. Đa phần là Mỹ trắng, cũng có Mỹ đen, Mỹ đỏ, Mỹ vàng và dân Hispanic nữa.

Điều lý thú là tuổi bình quân thị dân ở đây còn khá trẻ chỉ 39.8 tuổi. Đàn bà con gái nhiều hơn đàn ông con trai.

Chắc tui phải đóng một chiếc tàu vượt biển, vượt biên qua bên ấy để kiếm thêm một con vợ "sơ cua" quá ta! Xin bà con đừng tiết lộ âm mưu này cho em yêu của tui hay nhe! Tui xin đội ơn nhiều.

Thị trấn cũng có một Chi Bưu Điện mang tên là Santa Claus. Cũng vì tên này nên hàng năm các em không những chỉ ở Hoa Kỳ mà còn trên toàn thế giới đều viết thơ đến đây để cầu xin những điều các em muốn.

Thơ sẽ được Chi Bưu Điện Santa Claus trả lời không sót một cái nào từ năm 1914.

Đến năm 1930, thơ đến nhiều quá, rồi mấy năm gần đây có tới 25 ngàn bức thơ. Trả lời không xuể, nên các thiện nguyện viên của nhà thờ, của hội Cựu Chiến Binh Mỹ và các thầy cô giáo trường trung học nhào vô giúp một tay trả lời theo một trong bốn mẫu thơ soạn sẵn.

Nội dung các thơ trả lời này là khuyên các em ngoan ngoãn, biết san sẻ, và biết giúp đỡ người khác.

Thời buổi "e mail, facebook, twitter" mà vẫn giữ truyền thồng viết thơ tay này làm các nhân viên Chi Bưu Điện Santa Claus vui mừng vui hết biết vì không bao giờ bị thất nghiệp.

Trưởng phòng Thơ thường của Chi Bưu Điện, nói không có nước nào trên thế giới mà không có thơ gởi đến đây. Bưu Điện Mỹ bảo đảm là các bức thơ dù tận đâu đâu cũng được chuyển tới Chi Bưu Điện Santa Claus, tiểu bang Indiana cho dù địa chỉ ghi trên bìa thơ chỉ là: Người nhận: Santa, Bắc Cực hay gởi "Ông già to béo, mặc đồ đỏ".

Một ông Mỹ làm thiện nguyện giúp Bưu Điện trả lời thơ của trẻ con toàn thế giới gởi đến cho biết: Trẻ con thường có óc hài hước nhưng đôi khi cũng có những nỗi buồn sâu kín.

Chúng chỉ thổ lộ cho người chúng thương yêu và tin tưởng đó là ông già Noel.

Ông già Noel là chỉ dấu của niềm hy vọng. Là ánh sao sáng trong trời đêm, là ánh lửa trong cuộc đời đôi khi tối đen buồn bã lắm.

Có em không xin quà mà chỉ xin ông già Noel có cách nào làm ba má nó đã bỏ nhau giờ vì đàn con mà sum họp, chơi lại bản tình ca năm cũ! Vì mấy đứa trẻ này muốn gia đình có cha và có mẹ như gia đình mấy đứa trẻ khác. Thiếu vắng một người sẽ làm nó tủi thân.

Có đứa không xin gì cho mình mà chỉ xin cho Cha cho Mẹ hay anh em được lành bịnh.

Dĩ nhiên trong thơ trả lời, ông Già Noel không dám hứa "cuội" điều gì mà chỉ chuyển lời cầu nguyện đến Thiên Chúa lòng lành sẽ giúp đỡ các em.

Đối với con nít bên này, không làm được thì không nên hứa. Còn hứa là phải giữ lời nhe anh chị em mình! Đừng làm sắp nhỏ thất vọng tội nghiệp lắm!

***

Tuy nhiên, đa phần trẻ con viết thơ cho ông già Noel chỉ để xin rất nhiều đồ chơi. Nhưng có đứa xin không phải cho mình mà để cho bọn khủng bố để họ "không còn thù ghét tụi con nữa!"

Bé trai xin đồ chơi khác; bé gái xin đồ chơi khác.

Có em gái xin tiền để giúp Mẹ trả tiền điện, tiền chất đốt trong mùa Đông lạnh giá vì thấy Mẹ mình lo lắng quá!

Nhưng cũng có em: "Thưa ông già Noel! Năm nay xin ông vui lòng cho con một con búp bê! Con muốn nó ăn, đi bộ, làm bài tập của cô giáo cho về nhà, và giúp con dọn dẹp phòng của con!"

Lời xin này chục năm trước có vẻ viễn vông không mong gì có; nhưng sẽ thành hiện thực nay mai thôi. Vì bây giờ các nhà khoa học, nhứt là bên nước Nhựt Bản, đang chế ra người máy! Nên xin em ráng đợi!

Con gái bao giờ cũng có lòng lo xa và quảng đại.

Lo xa, nên em viết rằng: "Thưa ông già Noel: Ông sẽ vào nhà con trong năm nay như thế nào? Nhà con không có ống khói; và Tía con đã lắp đặt một hệ thống an ninh rất tinh vi! Báo để ông lo liệu trước!"

Rồi em khác với tấm lòng quảng đại, chăm lo cái bao tử của bất cứ người khách nào đến nhà, nhứt là vào lúc nửa đêm, trời rét mướt: "Thưa ông già Noel! Ông có muốn con để bánh bích quy và sữa hoặc bánh pizza dưới gốc thông không? Tía con nói có thể ông thích pizza. Hãy trả lời ngay để con biết nhé!"

Nhưng cũng có em gái khác, chắc là con của thám tử điều tra Cảnh sát, hoặc chỉ đơn giản là theo bản năng tò mò, tọc mạch hay đi bốt đờ sô vô đời tư của người khác nên: "Thưa ông già Noel! Tên của ông thực sự có phải là ông già Noel? Ông bao nhiêu tuổi? Làm sao ông gặp được bà Noel? Làm thế nào để ông mang được tất cả những món đồ chơi chỉ trong một chiếc xe trượt tuyết? Con sẽ gởi thêm nhiều thắc mắc vào thơ sau!"

Nhưng đám con trai, bất cứ đứa nào từ lúc mới đẻ ra là có máu tranh đua hơn thua với đứa khác rồi hè. Bao giờ cũng muốn mình là vô địch quyền vương, là độc cô cầu bại nên: "Thưa ông già Noel! Cảm ơn về chiếc xe đua năm ngoái. Xin ông cho con một chiếc khác, phải chạy nhanh hơn chiếc xe đua của thằng bạn trong lớp thân nhất của con mới được!"

Hoặc: "Thưa ông già Noel! Xin cho con một chiếc xe tăng, một chiếc máy bay tiềm kích, một khẩu súng bazooka chống tăng và 20 lính biệt kích.

Con đang lập kế hoạch hành quân để bất ngờ tập kích vào anh con.

Vì vậy, xin ông giữ bí mật quân sự! Đừng hé môi tiết lộ cho ai biết hết nhé!"

Vốn nghịch ngợm và hiếu động, nên Ba Mẹ em thường hăm he là lì lợm, không ngoan ngoãn là không được quà gì ráo nên mấy chú nhóc này thúc hối ông già Noel có thể đến ngay được không? Càng sớm càng tốt.

"Hiện tại con rất ngoan. Nhưng con không biết là mình sẽ kéo dài tình trạng ngoan ngoãn này được bao lâu nữa?!"

Rồi chú khác lại than phiền vì mình đã lỡ không ngoan là: "Mẹ nói rằng ông chỉ mang quà cho những cậu bé ngoan. Điều đó thật không công bằng!"

Rồi cũng có em yêu muốn "đá khéo" anh yêu nên xúi con mình viết thơ như vầy nè: "Kính thưa ông già Noel! Má con kêu con viết thơ cho ông để cảm ơn về chiếc tàu chạy bằng pin hồi năm ngoái. Vì Tía con thích chơi với nó lắm đó! Thích đến nỗi quên rửa chén giặt đồ hay quên kéo thùng rác ra đường vào mỗi tối thứ Năm!"

***

Chắc bà con mình cũng thắc mắc xem tui có gởi thơ xin ông già Noel cái gì không? Có chớ! Năm rồi tui muốn ông già Noel tặng cho tui cái danh sách những em nào nóng bỏng nhứt vùng Footscray, nơi tui đang sống.

Ông già Noel cho tui địa chỉ cái quán rượu gần nhà. Mà quả thiệt, quán có em Úc tên là "Li- sà" pha rượu! Nhìn cái "bó đì" (body) của em là anh nào cũng phải nhiểu nước miếng!

Mấy hôm trước nè! Mùa lễ hội đã về, theo thông lệ, đến quán nhậu bọn tui đều hóa trang thành ông già Noel, đội cái chớp đỏ trên đầu để ra vẻ dẫu là Mít nhưng đã hoàn toàn hội nhập vào xã hội Úc.

"Li- sà" có vẻ kết tui; có lẽ vì tui không quen bốc hốt bậy bạ hay ngắt đít em như Matt Lauer của đài CNN bên Mỹ, em "Li-sà" thầm thì vào tai tui, bỏ nhỏ: "Chiều áp lễ Giáng Sinh, quán sẽ đóng cửa lúc 6 giờ chiều. Em sẽ đến nhà anh, pha rượu, nghề của em mà, để đôi ta nhậu tiếp!"
Thấy tui không trả lời trả vốn gì hết ráo nên em giận dỗi: "Nè ông già Noel hay là ở nhà anh có ai đó mà anh không muốn em nhìn thấy phải không?"

Tui phải đành phải thú thiệt, dù lòng tiếc biết là bao: "Có! Có Bà già Noel!"

 

đoàn xuân thu.

Melbourne 

 

Một Chút Quà Cho Quê Hương!

 

dxt_Dec21_1chutqua.jpg

 

Những năm 80, người đi thì đi rồi... người chưa đi vẫn tiếp tục... trốn ra đi nếu có vàng đóng cho chủ tàu. Còn đa số dân nghèo chạy ăn từng bữa thì ở lại chịu trận!

 Vật chất đói thì khỏi nói rồi; tinh thần thì còn khổ hơn. Không được nói, thấy được thì nhìn... rồi để đó! Cấm nói tùm lum mà trở thành "phản động"?!

 Nhạc thì ra rả Quốc Hương! Già xấu thấy tội nghiệp luôn! Già cúp bình thiếc! Gần 5, 6 chục tuổi rồi... mà lên đài truyền hình "cưa sừng làm nghé"... đội nón tai bèo, mang súng AK... hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây!

 "Đường ra trận mùa này đẹp lắm?"

 Giỡn chơi hoài "cha nội"! Ra trận là đánh nhau! Là có chết chóc, có thương vong dù ở bên nào đi chăng nữa! Tui hỏng tin! Đi bắn nhau "ì ì" chớ đâu phải đi "picnic" đâu... mà rảnh rỗi Trường Sơn Tây nhớ "o" Trường Sơn Đông đây "cha nội"?

 Mà bữa nào truyền hình cũng có mặt "ổng" hết trơn. Chán như "cơm nếp nát!" Bà con mình muốn ổng đừng lên "truyền hình" nữa mà "tàng hình" luôn cho "phẻ" con mắt và "phẻ" cái lỗ tai!

 Đó là về tinh thần! Còn về vật chất thì đói xanh như tàu lá chuối! Nhà nào có con chạy được vài năm trước, giờ nó gởi về cho một thùng "quà" chừng hai, ba chục "pounds" là mừng như trúng số!

 Người viết không có anh em nào chạy được vì lẽ là nhà nghèo... hỏng có vàng... vậy thôi! Nên đành "ké" mấy thằng bạn nhậu khác... có anh em thơm thảo gởi về tí chút, "an ủi" chiều cuối năm. Tụi nó đem thuốc tây hay vải vóc ra chợ bán được một mớ rồi "hú" người viết: "Ê! chiều xuống quán Tám Lư ở đường Trần Hưng Đạo mà uống bia hơi nhe!"

 Quán nhậu chiều cuối năm cũng rôm rả lắm! Đa số uống rượu thuốc là rượu đế (gạo hay nếp) pha màu cho nó dễ "ực." Ai trúng mánh như bàn nhậu của người viết và mấy thằng bạn thì mới dám uống bia hơi!

Đầu hôm, thằng con của chủ quán ham vui, vác cái đàn ghi ta ra nhập bọn... đờn "tửng từng tưng," chơi nhạc "cách mạng" Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây do Hoàng Hiệp phổ thơ Phạm Tiến Duật.

dxt_Vietdzung.jpg

Nửa khuya, thiên hạ tan hàng, về nhà hết ráo, quán gần dẹp, nó ra kéo cửa lại! Ở trong, còn bàn nhậu duy nhứt của người viết vẫn chưa tàn; nó chơi bản "Một Chút Quà Cho Quê Hương"

 Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay. Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may Mẹ may hộ con quê hương quá đọa đầy!

 Gởi về cho chị dăm ba xấp vải Chị may áo cưới hay chị may áo tang? Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng!

 Con gởi về cho cha một manh áo trắng Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây. Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình!

 Em gởi về cho anh một cây bút máy Anh vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh. Gởi về cho mẹ dăm gói chè xanh (Xin) Mẹ pha hộ con (dòng) nước mắt đã khô cằn!

 Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương. Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương Em bán cho đời (để) tìm đường vượt biên!

 Con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ Cha rũ cuộc đời trong trong tử tù chung thân. Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần Mơ ước yên lành... trong giấc ngủ... da... vàng...!

 

Lần đầu nghe "chú" hát đâu biết là nhạc của ai nhưng phải công nhận là hay! Nhạc như vậy mới gọi là nhạc chớ! Nghe tưởng tượng như tác giả ở hải ngoại vừa đi siêu thị về, lui cui đóng thùng, gởi về cho ba má, anh chị em người một chút... Vừa làm vừa nức nở!

 

Trong thâm tâm, ước gì mình cũng "may" như tác giả, được có tiền, được đi siêu thị, mua rồi đóng một thùng quà gởi về nhà cứu đói. Mình muốn làm người gởi chớ hỏng muốn làm người được thăm nuôi đâu!

 

dxt_Vdzung2.jpgSau này vọt được; mới biết bài này là của ông Việt Dzũng. Rồi chiều nay nghe tin ổng mất ở Huê Kỳ, tại bệnh viện thành phố Fountain Valley, quận Cam, tiểu bang California, hồi 10h35" sáng, ngày 20, tháng Chạp, năm 2013, chỉ mới 55 tuổi!



 
Nghe tin... như mình đang đi mà bị hụt chưn... lảo đảo muốn té!

 Chưa hề được gặp ông, chỉ nghe nhạc của ông. Nhạc của ông là một phần đời kỷ niệm bi thiết đó của mình!

 

Xin cám ơn ông!

 

Ông là "Một chút quà cho quê hương!" Mà người viết được "ké" vào trong đó một chút nước mắt khi nghe năm xưa! Và bây giờ khi nghe tin ông mất!

 

đoàn xuân thu.

melbourne. 

 

Tuồng gặm bánh mì!

 

Vì dân được bầu cử tự do nên mấy ông dân biểu nào rắp ranh muốn leo lên làm Thủ tướng Úc là phải gần dân, chớ bị phê là ‘out of touch' (xa dân) là coi như "lúa"

Vì vậy phải ra vẻ bình dân như bế đứa con nít hay nựng mồm một con chó! Ðó là điều kiện tiên quyết cho cuộc sống còn trong chính trường dân chủ.

 

Tuy nhiên, Harold Holt nhậm chức Thủ tướng thứ 17 của Úc vào tháng Giêng năm 1966 thì lại khác! Có sao để vậy người ơi!

Chắc ông nghĩ ‘actions speak louder than words' (Làm đi! Ðừng nói dóc nữa!)

Thủ tướng Harold Holt đã hủy bỏ the ‘White Australia Policy', chánh sách nước Úc da trắng, nhờ vậy mà tui mới có mặt ở đất nước nầy đó chớ!

Xin cám ơn ông nhe!

Là đồng minh rất thân cận với Tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon B. Johnson, Harold Holt tích cực gởi quân Úc đến Việt Nam Cộng Hòa để chống CS Bắc Việt xâm lược Miền Nam.

Lại xin cám ơn ông nhe!

Làm Thủ tướng mới vừa được 2 năm, Holt đã biến mất khi đi bơi trong lúc biển động ở Cheviot Beach, gần Point Nepean, tiểu bang Victoria, Australia vào ngày 17 tháng Chạp năm 1967, chỉ còn đúng một tuần lễ nữa là tới Lễ Giáng Sinh.

Cái bãi biển nầy được đặt tên là Cheviot để tưởng niệm 35 người đã chết khi chiếc thuyền SS Cheviot gãy đôi và chìm vào ngày 20 tháng Mười năm 1887.

Cheviot Beach là một bãi biển cực kỳ nguy hiểm cho người bơi lội bởi những luồng nước xoáy lúc thủy triều lên hoặc xuống.

Holt yêu biển, thích dùng lao lặn đi săn cá nên có nhà nghỉ mát ở Portsea gần đấy. Holt cũng tự hào là: "know this beach like the back of my hand" (Rành bãi biển nầy như lòng bàn tay của mình)

Buổi sáng định mệnh ấy, chỉ có ba người. Alan Stewart xuống lội với Harold Holt nhưng chỉ quanh quẩn gần bờ. Holt bơi ra xa hơn và bất ngờ như một chiếc lá chìm trong dòng nước lũ rồi biến mất.

Một cuộc tìm kiếm lớn lao trong lịch sử nước Úc nhưng không ai tìm thấy xác Holt.

 

Có nhiều giả thuyết tai nạn xảy ra là vì Holt quá tin vào tài bơi lội của mình. Mà cũng có thể là bất ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim. Hoặc bị cá mập tấn công hay bị sứa biển chích nọc độc làm tê liệt toàn thân nên chết chìm.

Có giả thiết hoang đường hơn cho rằng Holt đã tự sát hay bị CIA, Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ, ám sát hay bị tàu ngầm của quân thù bắt cóc đưa tuốt qua bên Trung Cộng?!

 

Harold Holt cũng như các Thủ tướng Úc khác khá lè phè! Khoái sống một đời bình dị, ưa thích thể thao và yêu biển như những người dân Úc bình thường khác!

Căn nhà nghỉ mát của một đương kim Thủ tướng mà cửa trước không bao giờ khóa, không có tường rào, không có trạm gác và không có cả nhân viên an ninh.

Chỉ vài giờ sau thảm kịch, tin tức loan ra: Thủ tướng Harold Holt mất tích làm cả nước Úc sửng sốt, bàng hoàng.

Harold Holt hưởng dương 59 tuổi. Cuộc đời khá ngắn ngủi nhưng phong cách sống  chân thật của ông vẫn truyền tới các đời Thủ tướng Úc sau nầy.

Cũng lè phè thân thiện, đóng tuồng y như thiệt (Chánh trị gia nào mà không phải là diễn viên chớ?).

Tuy nhiên không mặt vằn mặt vện, không râu ria đầy mồm, đằng đằng sát khí giơ tay chỉ về phía trước: Nhân dân hãy theo ta XHCH (Xạo hết chỗ nói) như các lãnh tụ độc tài CS!

 

***

Lý thuyết cho rằng: Kinh tế là quyết định! Ðầu tiên là tiền đâu? Nguyên thủ các quốc gia trên thế giới họp lại bàn tới bàn lui cũng chỉ là thương mãi. Vậy thôi!

Mấy bữa trước, báo chạy tin rằng: Bộ trưởng Nông nghiệp Nga sẽ xuất thịt heo bán qua Nam Dương. Tổng thống Putin cười ngặt nghẽo, thiếu điều té ghế, nói: "Ông nội con nít ơi! Nam Dương là nước theo Hồi Giáo thì làm gì có chuyện ăn thịt heo! He he!"

Ông Bộ trưởng quê quá, chữa thẹn: "Giờ chưa ăn nhưng mai mốt tụi nó sẽ ăn thôi... Vì thịt heo xông khói của Nga ngon nhất thế giới mà!"

Thôi dốt thì nhận cho rồi cứ cãi chày cãi cối hoài vậy cha nội! Lỗi nầy là do ông cương ẩu, không chịu học thuộc tuồng của bọn trợ lý soạn sẵn nên mới lòi ra cái dốt đấy thôi

 

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull thì đóng phim hay hơn nhiều. Vì có tuồng tích đàng hoàng, duyệt lên duyệt xuống mấy lần rồi mới đem ra quảng cáo bột mì, lúa mạch và thịt bò Úc ra toàn thế giới chớ!

Năm 2016, Việt Nam nhập của Úc tới 446.2 triệu đôla bột mì để làm bánh mì, 94.9 triệu đô la lúa mạch để làm beer và 37.5 triệu đô la thịt bò để làm ‘bít tết' từ Úc.

Diễn viên chánh dĩ nhiên là Thủ tướng của chúng ta, còn bạn diễn hụ hợ là Vua đầu bếp Úc gốc Việt, Luke Nguyễn, chủ mấy cái nhà hàng Việt Nam tên là Red Lantern rất đông khách tại Surry Hills, Sydney.

Nhưng hình như Luke Nguyễn đang khoái làm giám khảo của chương trình Vua đầu bếp: MasterChef Vietnam và là Ðại sứ Chương trình Taste of Australia (Hương vị Úc) tại Việt Nam để kiếm ăn thêm!

Nội dung chánh của đoạn phim quảng cáo bột mì và thịt bò Úc bắt đầu khi Luke Nguyễn dắt Ngài Thủ tướng lần đầu tiên trong đời ra vỉa hè ngồi ăn bánh mì thịt.

 

dxt_thutuongUc.jpg

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull ăn bánh mì tại thành phố Đà Nẵng.

 (Tại ông Thủ tướng không chịu ghé Footscray mỗi lần đi vận động tranh cử, vì đây là ghế an toàn của đảng Lao Ðộng đối thủ chánh trị của đảng Tự Do nên ông không biết đấy thôi. Chớ ông có thăm dân cho biết sự tình tui sẽ dẫn ông đi ăn phở nè! Bánh mì thịt nè! Ăn mệt nghỉ! Mà không sợ Tào Tháo rượt chạy tới sút quần đâu!)

 Làm bánh mì thịt nguội dễ ợt hè! Ðâu cần tới Vua đầu bếp chỉ chọt lung tung.

Bữa nào em yêu của tui giận không nấu cơm, tui cứ mở tủ lạnh, bày ra các thứ và chỉ trong vòng 5 phút là xong!

Nướng ổ bánh mì hơi giòn một chút. Lấy dao có răng cưa rạch bụng nó ra, trét bơ, phết patê vào hai bên. Ðừng bốc bằng tay nhe, lấy cái gắp xếp vài lát thịt nguội vào. Thêm cà rốt, củ cải trắng làm dưa. Rồi hành ngò, rau sống! Ai muốn ăn cay thì thêm vài khoanh ớt sừng trâu.

Không xài muỗng nĩa gì ráo, cầm ổ bánh mì lên như người ta thổi kèn, cắn một miếng, nhai từ từ, nuốt cái hỗn hợp hầm bà lằng xắn cấu này qua cái cần cổ nghe cái ót, chiêu thêm một ngụm beer. Chết cũng đành lòng.

(Tất cả tốn chưa tới 5 đô là xong bữa trưa rồi đó. Tiện tặn như vậy mới có tiền mà còng lưng đóng thuế cho Chánh phủ Liên đảng của ông đang bị thâm thủng ngân sách nặng nề, trả nợ đó nhe!)

***

Bà con Ðà Nẵng mình trông người lại ngẫm tới ta, la: "Thấy chưa? Người ta làm tới chức Thủ tướng mà bình dân, thân thiện như vậy còn bà nầy mới làm tới cái chức nhỏ như con thỏ là: Bí thư Ðảng ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Ðông Thọ, thành phố Thanh Hóa lại vảnh cái mặt mẹt lên, đứng trên bè để cho một ông già tổ trưởng dân phố kéo... để bà không bị ướt cái quần ‘xì'.

dxt_banhmi.jpg

 

Dân nó chửi thôi quá xá, chửi tá lả, chửi tùm lum. Chẳng qua là dân ngu khu đen trong nước khổ quá, đâm ra oán cái bọn làm quan nhũng nhiễu nên cái gì trái tai gai mắt là xúm lại chửi cho xả bớt cơn tức tối và bức bối...

Em Bí thư Phường bị quê xệ nên ráng kéo lên là: "Dân còng lưng đi kéo bè cho cán bộ mặc váy đi thị sát vùng lũ. Làm gì có cái chuyện như thế?! Tui đâu có ấu trĩ (nghĩa là ngu) để làm như vậy?" Nếu mặc váy mà có tội thì nay tôi chẳng thèm mặc váy nữa!"

 

"Ậy ậy! Ðừng có làm nũng, dỗi hờn không thèm mặc váy nữa, chịu ở truồng là trúng kế bọn thế lực thù địch rồi đó nhe em! He he!"

Nên bài học ‘đút rút' cho em Bí thư là: Muốn làm quan là phải học diễn xuất y như thật cỡ Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull  mới được.

Tuy nhiên cũng còn sót một hạt sạn về diễn xuất trong đoạn phim nầy là: Khi nói ‘guốc bay' bà bán bánh mì Việt Nam ở Ðà Nẵng mà ngài Thủ tướng lại chắp tay xá xá như ở Bangkok của Thái Lan hay ở Phnom Penh của Cambodia.

Trân trọng người phục vụ, bán bánh mì cho mình gặm, chỉ cần gật đầu ‘thánh kiều' là đủ theo phong tục Việt Nam.

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Hãy đốt lò lên!

 dxt_Haydotlolen.jpg

Bảo Huân.

 

 

Lễ Tạ Ơn ở Hoa Kỳ phải rơi vào Thứ Năm của tuần lễ thứ tư tháng Mười Một.

Năm nay, 2017, Lễ Tạ Ơn ở Mỹ rơi vào ngày 23, tháng Mười Một.

Mùa lễ kéo dài đến hết cuối tuần, tới 4 ngày, nên cả nước Mỹ lên xe hơi, xe lửa, đáp máy bay hoặc chạy xe đạp, dọc ngang như mắc cửi để mọi người trong gia đình gặp lại nhau, dù ở xa cả ngàn cây số cũng lặn lội về thăm, năm một lần.

 

Nhưng thằng bạn tui bên Mỹ, lỡ cưới con vợ Mỹ, lại nghĩ: một năm mà bà con cô bác, nhứt là bên vợ, đến thăm nhà nó nhân Mùa Lễ Tạ Ơn là quá xá nhiều.

Vì nó phải nghe đầy cả hai cái lỗ tai những lời dạy đời của bà Má vợ Mỹ.

"Trong thời tiết khắc nghiệt của mùa Thu Bắc Mỹ, năm 1621, nhiều sử gia tin rằng chỉ có 5 người phụ nữ ‘Pilgrim' dự tiệc trong số 50 người! Tại sao vậy con?"

Má vợ tra vấn nó như hồi xưa mình đi thi vấn đáp vậy. Cũng như những người phụ nữ khác: Hỏi là để hỏi chớ câu trả lời có sẵn rồi hè!

"Vì đa số phụ nữ xưa giờ luôn tẩy chay việc nhậu nhẹt của chồng mình. Thế nên con đừng có lân la, tụm năm tụm bảy với băng tần nhậu. Hãy làm người chồng tốt bằng cách ở nhà ăn cơm với nước mắm kho quẹt nhe con!"

 

"Xin nghe lời chỉ dạy chí lý của Má. Phần con trộm nghĩ: Lễ Tạ Ơn rất tuyệt vì vợ con giống như con gà tây kêu ‘cờ lót, cờ lót' ít hơn mọi ngày vì mồm nó mắc bận nhai!"

Nghe lời dạy cách làm chồng của bà má vợ Mỹ, anh rể Việt, rễ đu đủ, chỉ còn tìm cách trả thù ngọt ngào là: Khi con vợ Mỹ đút con gà Tây vào lò nướng, nó len lén gắn vào mình nó thêm hai cái chân nữa.

Lúc dọn ra bàn tiệc, bà Má vợ Mỹ nầy há hốc mồm rồi ngã lăn ra xỉu. Quá đã!

 

***

Ai cũng biết theo truyền thống, Lễ Tạ Ơn của Mỹ là phải có gà Tây, tức Turkey, nên có đứa gọi đó là ‘Turkey Day'!

Bạn gọi một con gà Tây không có một cọng lông là gì? Là bữa ăn tối Lễ Tạ Ơn. Tuy nhiên bạn có phân biệt được con gà trống hay gà mái hay không?

Rất dễ! Con gà trống một tay cầm lon beer, tay còn lại cầm cái bộ phận điều khiển từ xa của máy truyền hình.

Còn con gà mái cầm cái điện thoại di động tức ‘cell phone' và kêu ‘cờ lót cờ lót' rất ấn tượng.

Nên mỗi lần đi công tác xa nhà, tình cờ nghe được tiếng kêu ‘cờ lót, cờ lót', tui lại nhớ vô cùng, nhớ tha thiết đến em yêu.

 

Tuy nhiên em Mỹ yêu lại không thích chuyện bếp núc, đảm đang yêu chồng, thương con như những người vợ Việt Nam mình đâu, nên nấu dở ẹt hè.

Lúc em dọn thức ăn lên bàn để ăn mừng Lễ Tạ Ơn thì đám con lại tưởng đó là bữa tiệc để tưởng nhớ biến cố Trân Châu Cảng chớ!

Thế nên Lễ Tạ Ơn em yêu thích làm gì nhứt? Là tìm ra cho được cái nhà hàng nấu ăn ngon nhứt để mà đặt chỗ cho cả nhà.

 

Tuy nhiên mùa Lễ Tạ Ơn năm nay khác hơn năm ngoái nhiều vì Má tui ở Việt Nam vừa bay qua thăm tui và đám cháu nội nên nhà rôm rả hẳn lên.

Em yêu muốn chứng tỏ dẫu là Mỹ, cũng là vợ hiền dâu thảo, bèn đi chợ tìm mua con gà Tây cho Lễ Tạ Ơn. Nhưng con nào cũng nhỏ xíu.

Em bèn  hỏi thằng nhỏ trong quầy là: "Những con gà Tây nầy, có lớn hơn không?"

"Thưa bà nó không thể lớn hơn được nữa. Vì tụi nó đã chết hết ráo rồi ạ!"

 

Nhìn em yêu cứ loay hoay hoài trong bếp như gà mắc đẻ mà không nấu được món nào nên thân, tui cảm thương, tội nghiệp vô cùng người vợ Mỹ của tui.

Vì yêu chồng, thương con em mới lặn lội xuống bếp năm một lần đó! Chớ bình thường em chỉ ngồi kẻ mắt và giũa móng tay.

Tui đang lui cui rửa sơ một đống chén dĩa chuẩn bị cho vào máy thì em yêu của tui từ phòng khách tất tả chạy xuống nhà bếp, la lên: "Ðể đó cho em! Má anh tới kìa!"

***

Trên bàn tiệc Lễ Tạ Ơn, luôn luôn có bắp, khoai tây nghiền, các loại bánh pie, rau, thịt heo muối, ngỗng hoặc vịt quay và dĩ nhiên không thể thiếu món gà Tây quay để nhắc lại bốn chú gà Tây rừng đã có mặt trong buổi Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại nước Mỹ do tui đặt ở nhà hàng đem tới!

 

Nói nào ngay, tui cũng muốn dạy con tui ý nghĩa về Lễ Tạ Ơn nên hỏi: "Con tạ ơn về điều gì?" "Dạ con xin tạ ơn ông Trời, vì con không phải sinh ra dưới kiếp một con gà Tây!"

Thế nên nếu kiếp nầy mình làm ác, kiếp sau chắc sẽ bị ông Trời trừng phạt bằng cách cho mình đầu thai lên kiếp con gà Tây, trước sau gì cũng vô lò nướng và lên bàn tiệc Lễ Tạ Ơn.

Chết không ít đâu, mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, hàng chục triệu con gà Tây anh dũng hy sinh vì sự nghiệp ăn nhậu của nhân dân Mỹ chúng ta.

 

Món gà Tây đút lò trong buỗi tiệc tối Lễ Tạ Ơn đã giúp số người bị bệnh béo phì ở Mỹ tăng lên như hoả tiễn.

Vì, sau bữa tiệc tối Lễ Tạ Ơn vô cùng thịnh soạn, đi thử máu, Y tá chỉ rút ra được từ mạch máu cánh tay tui toàn là nước sốt!"

Tiệc Lễ Tạ Ơn cũng giúp cho quý ông anh mình đầy vóc dáng, cân nặng đủ tiêu chuẩn để đóng vai ông già Santa Claus cho mùa Lễ Giáng Sinh sắp đến.

 

Dân Úc có cái tánh rất dễ thương là làm cái gì trật là quy lỗi cho kẻ khác. Chớ không phải ‘tiên trách kỷ, hậu trách nhân', lỗi tại tôi muôn phần như người Việt mình đâu.

Một số người Mỹ, (hổng dám quơ đũa cả nắm), sau mùa Lễ Tạ Ơn, làm gãy cây kim của cái cân, cũng quy lỗi tại con gà Tây đút lò ngon quá.

Tuy nhiên, người từng làm Thống đốc tiểu bang California, tài tử vai u thịt bắp mồ hôi dầu Arnold Schwarzenegger (Chu choa! Cái tên mà mất tới 10 năm, tui vẫn không biết  làm sao phát âm cho nó đúng!) lại thương quá gà Tây:

"Gà Tây và mấy em mình có chung điểm gì? Cái điểm chung đó là bộ ngực mà quý anh mình ai cũng say mê. Nhìn thấy là nhểu nước miếng hè!"

"Tui yêu con gà Tây của tiệc tối Lễ Tạ Ơn. Vì đó là lần duy nhứt mỗi năm trong đời, tui được thấy một bộ ngực tự nhiên, sanh sao để vậy, ở thành phố Los Angeles nầy đây"

 

***

Người Mỹ muốn ăn thịt gà Tây vào Lễ Tạ Ơn, thì con gà Tây muốn gì? Muốn ‘tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng', chạy trốn vô rừng, dù vận tốc có thể đạt tới 20 dặm giờ nhưng cũng không có thoát.

Chỉ còn cách duy nhứt là chạy vô Toà Bạch Ốc để nhờ Tổng thống Mỹ Donald Trump và em yêu là Melania cùng một đám con lóc nhóc, dòng trước dòng sau, cháu nội, cháu ngoại có mặt đủ đầy để xin tha chết.

Vậy con gà Tây có tội tình gì mà phải xin ân xá chớ? Không ai biết, như chuyện dưới đây: Em yêu mua về con vẹt biết nói. Chẳng may con vẹt nầy xưa sống ở nhà Tú Bà và Mã Giám Sinh nên quen thói ăn nói linh tinh hay chửi thề và nói tục.

Em giận quá, nhốt con vẹt nầy vô tủ lạnh để trừng phạt. Sau 3 phút, em thả con vẹt ra!

"Xin lỗi bà chủ, tôi đã biết tội của tôi rồi. Nhưng xin cho tui hỏi: Con gà Tây bị nhốt trong tủ lạnh, nó có tội gì đấy ạ?"

Kết luận là sanh ra làm kiếp gà Tây vô tội cũng bị ‘thịt' như thường!

 

***

Bà con mình ai cũng biết ngày 20, tháng Sáu, năm 1792, con đại bàng đầu trụi lũi không có một cọng lông, nhưng sống rất dai, có sức mạnh kinh hoàng và cái vẻ rất oai nghiêm đường bệ và chỉ đất Mỹ mới có, nên được chọn làm biểu tượng cho sức mạnh của đất nước Hoa Kỳ.

 

Ca tụng lòng quảng đại, dám hy sinh cả thân mình để cho cả trăm triệu người Mỹ, già trẻ lớn bé say sưa đánh chén hằng năm, nên ông ông Benjamin Franklin lại đề nghị lấy con gà Tây làm linh vật, biểu tượng cho nước Mỹ

Vốn là dân khoái tiệc tùng ăn nhậu, tui xin giơ cả hai tay lên mà đồng ý... kiến!

 

Vì  trộm nghe rằng: hai tuần đầu của tháng Mười Một, con gà trống nói với con gà mái: "Thôi em ở lại mạnh giỏi!"

Con gà  mái ngạc nhiên hỏi: "Sao vậy? Chuyện gì sẽ xảy ra?"

"Ông chủ của mình đã loại anh ra khỏi danh sách bạn bè của ổng trên ‘Facebook' rồi!"

"Nè ông chủ! Vì sự nghiệp ăn với nhậu mà ông nỡ đang tâm bẻ gãy chữ kim bằng!

Thôi! Hãy đốt lò lên và nướng ta đi!"

 

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Quân ông Tướng kéo xuống!

dxt_Oct28_ongtuong.jpg

Bảo Huân

 

Mấy nhà văn Việt Nam mình hồi trước 75, đôi khi phải đến nhà in, vừa uống cà phê, tay mân mê điếu thuốc, viết cho kịp để thợ sắp chữ in ngay. Vì tối qua mắc nhậu quắc cần câu, viết bài không có kịp.

Gấp gáp nên làm sao tránh khỏi sơ sót? Có cái thấy nhỏ như con thỏ, chỉ thêm một dấu huyền thôi mà tiểu thuyết dã sử của nhà văn chợt biến thành một câu chuyện tiếu lâm.

Chẳng qua nhà văn hạ bút là: "quân ông Tướng kéo xuống". Thợ sắp chữ không biết có cố tình chơi xỏ mấy nhà văn mặt thấy ghét nầy không? Mà quánh thêm một cái dấu huyền vào chữ quân.

Quân ông Tướng kéo xuống... thành quần ông Tướng kéo xuống! Mà khi quần kéo xuống, nó lộ ra biết bao là chuyện bi hài trong thời buổi ngày nay.

Chớ ngày xưa làm Tướng quân, quần kéo xuống là chuyện rất bình thường!

Chuyện binh đao, làm tướng phải tả xung hữu đột ở sa trường, sống nay chết mai, nên ngu sao mà cữ ‘sex'?

Chuyện rằng: Thời Tam Quốc, trong lịch sử Trung Quốc, Ðiển Vi là một vị tướng giỏi, có 500 quân sĩ tinh nhuệ dưới quyền, nên lập được nhiều chiến công, được Tào Tháo phong làm Hiệu úy, cho theo hầu cạnh bên mình.

Nói theo thời bây giờ, Ðiển Vi là sĩ quan cận vệ, là ‘tà lọt' cho Tào Tháo.

Tào Tháo đem quân đi đánh nơi nào là Ðiển Vi theo sát như hình với bóng để bảo vệ cho chủ tướng lúc lâm trận trên chiến trường... hay cả lúc chủ tướng lâm trận trên giường... Ðiển Vi cầm song kích gác ngoài, để không đứa nào dám bén mảng đến làm hỏng một đêm vui của Tào chủ tướng.

Năm 197, Tào Tháo đem quân đánh Trương Tú. Trương Tú sợ... nên đầu hàng. Tào Tháo kiêu căng tự phụ, muốn gì được nấy, lại khoái gái đã có chồng, nên tư thông với thím dâu của Trương Tú, Trương Tú lấy làm nhục nhã nên rất tức giận.

Trương Tú mời Ðiển Vi đến uống rượu cho say mèm rồi ăn cắp đôi thiết kích của Vi! Ðêm đó nổi lửa tấn công dinh trại của Tháo. Bị tập kích bất ngờ, Tào Tháo xách quần bỏ chạy.

Ðiển Vi say rượu đang ngủ, mơ màng nghe tiếng ngựa hí quân reo, giật mình vùng dậy, lăn xả vào đám quân ấy, chém giết một lúc, làm chết hơn vài chục người, quân mã ấy mới lui, lại có quân bộ kéo đến.

Hai bên giáo mác tua tủa như ngọn lau, mình Vi không một mảnh giáp, trên dưới bị vài mươi nhát đâm nhưng Vi vẫn cứ lăn xả vào đánh.

Giặc không dám đến gần, chỉ đứng đằng xa bắn tên lại như mưa! Ðiển Vi vẫn liều chết giữ cửa trại, nhưng quân giặc đã kéo được vào cửa sau! Ðiển Vi lại bị một mũi giáo đâm trúng giữa lưng! Ðau quá, Vi kêu to một tiếng, máu chảy đầy đất rồi ngã lăn ra chết ngắc.

Tào Tháo nhờ có Ðiển Vi chặn cửa trước nên thoát chạy được về Hứa Xương. Kiểm điểm quân số: Trưởng nam là Tào Ngang và cháu Tào An Dân của Tào Tháo đều tử trận.

Tào Tháo khóc hu hu: "Ta mất một con trưởng và một cháu yêu, cũng không thương là mấy, chỉ thương khóc Ðiển Vi mà thôi".

 

***

Làm tướng Tàu xưa nay, ỷ có quân có lính trong tay, là một ông Trời con muốn làm gì thì làm! Ngày nay ở các nước độc tài CS cũng rứa!

Nhưng trong quân đội Hoa Kỳ là không có được cái chuyện bậy bạ nầy đâu nhé. Lỡ có thì ráng mà giấu cho kỹ; bằng bị báo chí đánh hơi được, khui ra là Tướng quân không còn ‘chăn' lính nữa mà phải về nhà ‘chăn' vịt.

Mất chức, lột lon cũng chưa sợ bằng về nhà bị con Sư tử Hà Ðông nó đem ra mà xé xác.

Chắc quý bạn có nghe nói đến căn cứ không quân cực kỳ bí mật có bí danh là "Ðặc Khu 51" nằm trong sa mạc hoang vắng, thuộc tiểu bang Nevada, Hoa Kỳ.

Trời gần chập choạng tối rồi, nhân viên an ninh căn cứ ngạc nhiên thấy một chiếc phi cơ Cessna loại nhỏ, đáp xuống căn cứ bí mật nầy.

Họ nhanh chóng bao vây chiếc phi cơ, điệu phi công khả nghi nầy vào phòng thẩm vấn. Viên phi công thật thà khai báo là đã cất cánh từ Vegas và bị lạc.

Không quân bắt đầu kiểm tra tư pháp lý lịch của anh chàng phi công nầy và giữ anh ta lại để thẩm vấn suốt cả một đêm dài.

Sáng hôm sau, nhân viên điều tra tin rằng anh chàng phi công nầy bay lạc chớ không phải điệp viên của thế lực thù địch nước ngoài nào hết ráo.

Họ cho đổ đầy bình xăng và phóng thích viên phi công với lời căn dặn rằng:

"Không được hé môi cho thiên hạ về chuyện ông đã vô tình đáp xuống căn cứ bí mật nầy vào đêm qua nghe không?! Bằng bép xép, ông sẽ được đưa vô tù gỡ lịch cho tới ngày đi bán muối."

Viên phi công gật đầu cam kết: "OK Salem!" Rồi nổ máy nghe phành phạch, cánh quạt bay vù vù, phi đạo anh cất cánh bay lên... để về nhà má nó.

Vậy mà bất ngờ thay, ngay chiều tối đó, chiếc phi cơ hạng nhẹ nầy quay trở lại căn cứ tối mật nầy.

Quân cảnh báo động, quây quanh chiếc máy bay. Cũng viên phi công đó, mặt mày hình như bị móng tay ai cào mấy lằn rướm máu, thổn thức nói: "Tui vẫn giữ rịt những lời cam kết với quý ông là không mở miệng hé môi một lời.

Giờ thì tới phiên các ông hãy cắt nghĩa cho con vợ tui đang ngồi trong chiếc máy bay biết là: Tối hôm qua tui đã ở đâu?!"

 

***

Hồi xưa bà con mình có câu là: "Trai khôn tìm vợ chợ Ðông. Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân"

Mấy em muốn lấy chồng nên chọn chồng lính. Vì lính quen kỷ luật nhà binh. Lịnh đâu làm đó; không dám lạng quạng như mấy anh mình sống đời dân sự.

Nhứt là ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ và thi sĩ, có máu văn nghệ là bướm bay bay bướm tùm lum, hết cụm hoa nầy tới bụi hoa khác... làm em ghen quá xá hè.

Chắc có lẽ vì khờ, cả tin như vậy, nên vợ lính Mỹ rất an tâm, không lo chồng mình đóng quân xa nhà mà manh tâm đem lòng bội phản.

Phu nhân của quý Tướng lãnh càng chắc ăn hơn cho cái lòng chung thủy của tướng quân... Vì theo quân kỷ, cấm quân ông tướng kéo xuống (mà có kèm theo cái dấu huyền!)

Nhưng nghĩ vậy mà không phải vậy. Khi con cá đã mê mồi thì Trời cứu!

Mới đây nè! Báo chí Hoa Kỳ làm rùm beng vụ một ông tướng hai sao dê đạo lộ.

Tướng hai sao là có quyền, có chức, khó lòng nào tránh khỏi được lòng khoan với khoái khi được mấy em tỏ lòng ngưỡng mộ.

Còn em, dù đã có chồng, mà lại được tướng quân đem lòng ái mộ, tui cho rằng lòng em cũng khoan với khoái! ‘Trai tài gái sắc' phải không nè?

"Em nóng bỏng quá", "Em đẹp quá", "Em mà làm người mẫu thì thích hợp lắm", "Tối nay chồng em có nhà không? Hắn đi trực hả?" "Ước gì chúng mình ngủ chung tối nay!"

Các công tố viên của Lục quân Hoa Kỳ cho rằng tướng quân đã phạm quân phong, quân kỷ và chuẩn mực đạo đức của một quân nhân cấp lãnh đạo. Ðâu có ngồi xổm trên quân luật được nè?!

Bởi cấp bậc càng cao, quyền lực càng nhiều và quyền lợi cũng lắm; nhưng cũng có rất nhiều trách nhiệm với quân đội, phải làm gương cho thuộc cấp và gia đình, phải gương mẫu, cơm nhà quà vợ!

Tướng quân chắc sẽ bị rơi đài, phải về hưu non, coi như tiêu tan sự nghiệp.

 

***

Tướng quân nầy chắc đương độ hồi xuân, đèn leo lét cháy rồi đột nhiên con lợn lòng bừng lên một cái, trước khi tắt ngủm; chớ tui già rồi thì cái đời sống tình dục của tui như chiếc máy chạy phải cần pin.

Gần hết pin thì kêu rè rè, nhìn... chớ không làm ăn gì được ráo trọi! Chỉ là ‘Yamaha' tức ‘Già mà ham'... nhìn, làm ăn sao bằng mấy đứa hồi xuân cho được chớ? Sắp sồn sồn còn làm ăn được là tui mừng cho họ chớ không ganh tị gì hết ráo!

Chữ rằng: "Sắc bất ba đào dị nịch nhân!" (Sắc đẹp chẳng phải cơn sóng dữ, nhưng dễ dàng đánh đắm được người)

Va vào cảnh trái ngang, chỉ ước ao thôi, chớ quân ông tướng (có dấu huyền) chưa kéo xuống... mà quân đội Mỹ đã kéo ông tướng xuống rồi hè.

Ngay cả Bill Clinton, Tổng thống Mỹ, Tổng tư lịnh quân đội còn bị vướng vào con đường tình ta đi thì tướng hai sao nhằm nhò gì mà phê với phán?!

Thiệt là chán như con gián!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

  

 

dxt_Markel.jpg

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

 

 

Ngọn đèn trước bão!

 

Barack Obama, năm cuối cùng làm Tổng thống Mỹ, sắp về nhà chăn vịt nên nhân cơ hội còn được đi du lịch... hỏng tốn tiền; bèn đi thăm thú các nước xưa là cựu thù như CS Việt Nam và CS Cu Ba nhưng nay nghe hơi đồng đô la là tụi nó đổi thù đi làm đệ tử Mỹ.

Obama đi ăn bún chả ở Hà Nội rồi lại bay vô Sài Gòn, đất chánh tông của người Việt lưu dân ... để đi thăm chùa Tàu gần chợ Đa Kao (?!)

Sau đó còn bay qua Cu Ba để coi Fidel Castro, con khủng long thời tiền sử còn sót lại của mồ ma chủ nghĩa CS đã chết thiệt, chết tiệt hay chưa?

Obama cũng bay đi Châu Âu từ giã bạn bè các nước đồng minh cật ruột đã từng ăn nhậu, vui tưng bừng, vui hết biết với nhau!

Một trong những người bạn thân thiết đó là Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Merkel đã làm12 Thủ tướng năm trời dài đăng đẳng, mệt mỏi ở chính trường, tính theo chân Obama về quê cắm câu cho nó phẻ!

Cũng như, John Key, làm Thủ tướng New Zealand từ năm 2008, tự dưng nghỉ không chịu làm Thủ tướng nữa  từ ngày 12, tháng Chạp, năm 2016 chắc để kịp về nhà ăn lễ Giáng Sinh với má bầy trẻ; dù ông cũng còn trẻ chán; mới có 56 tuổi hè!

"Biết cái gì thì cống hiến hết cho nhân dân hết rồi; thôi tui về vườn cho sấp nhỏ tấn lên; biết bao đứa còn tài giỏi hơn mình!"

Còn hơn biết bao đứa cố đấm đá để leo lên được cái ghế chóp bu, rồi bắt vít vô đít mình, ngồi hoài hè không chịu xuống.

Như Vladimir Putin, leo lên Tổng thống Nga rồi tuột xuống Thủ tướng. Tuột xuống rồi lại leo lên.

Như Hunsen của xứ Chùa tháp Campuchia quyết ngồi tới tận năm 90 tuổi. Mà năm nay thằng chả mới 65 tuổi hè.

Mấy đứa còn sót máu CS trong người là vậy không!

 

Bữa tiệc tối Angela Merkel tiễn hành Obama về vẽ chưn mày cho vợ kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ. "Tôi không biết Barack Obama, làm Tổng thống Mỹ suốt 8 năm trời, có bao giờ ngồi nói chuyện với một người khác phái lâu đến thế hay không... ngoại trừ em yêu Michelle của ổng!"

Barack Obama đã thuyết phục Angela Merkel ra tái tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào ngày 24, tháng Chín, năm 2017! Kẻo công sức chúng ta xây dựng thế giới dân chủ được như ngày nay Donald Trump sẽ đem đổ sông đổ biển hết!

Vì Trump sẽ tự nhốt mình trong bốn bức tường; đưa nước Mỹ trở lại thời đồ đá, bế quan tỏa cảng, trời tối là rút vô hang;  Putin sẽ lợi dụng cơ hội nầy mà làm ‘sảng', múa gậy vườn hoang!

 

Angela Dorothea Merkel sinh tại Hamburg, Đức, ngày 17, tháng Bảy, năm 1954. Năm nay mới được 63 cái xuân xanh!

Tên cúng cơm là: Angela Dorothea Kasner, lớn lên ở vùng quê, chỉ 80 km về phía bắc Berlin, (Đông Đức).

Năm 1986, khi thăm thân nhân ở Hamburg, (Tây Đức) Merkel đã từng muốn trốn ở lại nhưng vì cha mẹ còn kẹt ở Đông Đức đành phải trở về.

Merkel từng uống một lon bia mừng bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Nước Đức thống nhứt trong hòa bình.

(Chớ không giống như CS Bắc Việt thống nhứt Việt Nam bằng AK của Nga và pháo 122 ly của Trung Cộng!)

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ Vật lý, Angela Dorothea Kasner được Mật vụ Stasi của Cộng sản Đông Đức tuyển mộ nhưng bị Merkel nói ‘no way'!

Sau nầy, đi thăm nhà tù Hohenschoenhausen, nơi Mật vụ Stasi bí mật giam người, Thủ tướng Angela Merkel lên án chủ nghĩa cộng sản: "Đây là ví dụ cho thấy sự tàn bạo của CS, vi phạm nhân phẩm của con người".

Cái nầy khác một trời một vực với Tổng thống Nga. Khi Mật vụ KGB của CS Liên Xô chiêu mộ là Putin gật liền, leo lên tới chức Trung tá tình báo.

Năm 1977, Angela Dorothea Kasner kết hôn với Ulrich Merkel một nhà vật lý, và theo họ Merkel của chồng.

Mấy ông anh mình nhiều chuyện, lại vô duyên, chê Angela Merkel làm Thủ tướng Đức mà xấu hoắc hè. Hổng chịu em về điểm phấn tô son lại. Ngạo với nhân gian một nụ cười!

"Nè nè! làm Thủ tướng, là đầy tớ phục vụ nhân dân Đức chớ bộ đi thi hoa hậu hay sao mà cần phải xí xọn vậy mấy cha"

Angela Merkel cũng nghe xì xào đó chớ nên nói: "Bất cứ ai thực sự có một điều gì đó để bộc lộ thì không cần đến sự trang điểm."

Có bằng Tiến sĩ Vật lý (thiệt) là nặng ký lắm rồi nhưng Angela Merkel còn nói tiếng Anh và xổ tiếng Nga rốp rốp như bẻ mía!

 

Theo tạp chí Forbes, từ năm 2006 cho tới năm nay, Angela Merkel là Thủ tướng Đức,( trẻ tuổi nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai), là người phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới!

Năm 2015, Angela Merkel được tạp chí Time chọn là nhân vật của năm!

Năm 2017, Angela Merkel tiếp tục đắc cử Thủ tướng Đức lần thứ 4 vì Merkel đã giúp phục hồi nền kinh tế và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp.  GDP 3, 3 ngàn tỷ USD, Đức là nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Hơn 90% người Đức cho biết khá hoặc rất hài lòng với cuộc sống hiện tại.

"Dân Đức tin tưởng bà ấy!Ngay cả những người không ủng hộ cũng không nghĩ rằng họ sẽ bị bà ấy phản bội, ném họ vào dưới gầm một chiếc xe buýt."

 

***

 

Trên bình diện thế giới, Thủ tướng Đức Angela Merkel là lãnh tụ của thế giới tự do! "Angela Merkel là người phụ nữ chúng ta cần, trong một thế giới của những người đàn ông nguy hiểm."

Tại  Úc, Merkel nói chuyện tay đôi với Putin trong hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Brisbane "Tại Âu Châu vẫn còn có những nước ỷ dựa vào thế lực của kẻ mạnh, và coi thường  luật pháp. Như việc Nga chiếm lấy Bán đảo Crimea của Ukraine là vi phạm luật quốc tế chẳng hạn."

Nói như tát nước vào mặt! Chắc Merkel vẫn còn để bụng cái vụ Putin chơi khăm, mang một con chó bự xộn, đen thùi vào buổi hội kiến với Merkel tại Sochi vào năm 2007;  vì biết rằng bà nầy vốn sợ chó... cắn!

Sợ chó thì có sợ nhưng với các chế độ độc tài CS thì không!

 

Đối với Tàu cộng, dù Tập Cận Bình mặt nhăn mày nhó, làm áp lực; nhưng Angela Merkel vẫn thản nhiên tiếp kiến Đức Đạt-Lai Lạt Ma, lãnh tụ tinh thần lưu vong của Tây Tạng! (Không có nín khe, chạy xịt như Thủ tướng Úc đâu nhe!)

Rồi tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, mùng 8, tháng Bảy, năm 2014, Merkel nói với sinh viên rằng: "Luật pháp dùng để bảo vệ chớ không phải để trấn áp người  dân. Điều then chốt là phải có một xã hội tự do, cởi mở, đa nguyên để xây dựng một tương lai thành công tốt đẹp."

 

Rồi tại Hungary, ngày mùng 2, tháng Hai, năm 2015, Merkel trong một cuộc họp báo đã thẳng thắn phê bình Thủ tướng Orbán Viktor:

"Trong thể chế dân chủ,phải tôn trọng vai trò của phe đối lập, của xã hội dân sự và tôn trọng tự do báo chí, tự do ngôn luận là hết sức quan trọng...

Nói thật,cá nhân tôi không biết phải làm sao khi nói tới một nền dân chủ mà người dân lại không được tự do!"

(Cái nầy là CS Việt Nam cũng nên kính cẩn lắng nghe chớ đừng có bốc phét là chế độ CS dân chủ gấp triệu lần chế độ tư bản nhe mấy cha!)

 

***

Merkel ủng hộ mối quan hệ mật thiết giữa Đức và Hoa Kỳ. Nhưng quan hệ của hai nước từng là đồng minh thân cận với nhau có vẻ giờ đây đang bị sứt mẻ ít nhiều!

Trong phòng Bầu dục Tòa Bạch ốc, trước những chiếc máy quay hình chớp lóe sè sè trước mặt, Trump đã từ chối bắt tay Merkel.

Donald Trump đưa ra khái niệm: "Nước Mỹ trước tiên", đưa ra chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi xây tường, chắn cửa với người tị nạn; viện lý do chống khủng bố!

Donald Trump đã phê phán dữ dội Angela Merkel vì đã tiếp nhận gần 1 triệu người tị nạn, đa số là Hồi giáo từcác vùng bị chiến tranh tàn phá vào nước Đức.

"Dân Đức sẽ nổi loạn để lật đổ bà nầy. Tôi không biết bà ấy đang nghĩ ra cái quái quỷ gì?"

May mắn thay Donald Trump sờ mu rùa trật lất!

 

Lúc Donald Trump đánh bại Hillary Clinton thì những chánh trị gia mị dân cực hữu, theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, cắc ké như  Pauline Hanson, đảng One Nation bên Úc nầy đây cũng nổ sâm banh ăn mừng.

 

Rồi bà đầm Marine Le Pen bên Tây nữa làm thiên hạ cũng hơi lo là: Angela Merkel tồn tại hết nhiệm kỳ nầy là hết mức.

 

Tuy vậy, giống như một ngọn đèn trước bão, Angela Merkel lại thắng cử nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp; cho dù sau 56 năm, một đảng cực hữu lại lò mò tiến vào Quốc hội Đức, gợi nhớ cơn ác mộng kinh hoàng, một bóng ma thời Adoft Hitler!

Thủ tướng Đức, Made in Germany! Cũng bền như xe Mercedes vậy!

 

Dẫu đa số dân Đức không thích Donald Trump nhưng nước Đức không thể phớt lờ Tổng thống Mỹ cho được. Vì Đức và Mỹ bị ràng buộc bởi các giá trị chung: dân chủ, tự do, cũng như tôn trọng luật pháp và phẩm giá của mỗi người, bất kể nguồn gốc, màu da, tín ngưỡng và giới tính!

 

Mới ngồi trong Tòa Bạch ốc chưa giáp năm nhưng Trump đã chuẩn bị tranh cử nhiệm kỳ hai rồi.

Ngoài miệng, Donald Trump cự cãi nhưng trong bụng cũng muốn ngồi lâu trên đầu thiên hạ như Angela Merkel vậy nên: "Thủ tướng Merkel! Hãy dạy cho tui biết làm thế nào bà đã thành công trong vai trò lãnh đạo nước Đức ngần ấy năm?"

"À! Chẳng qua nhờ những người cộng sự trong nội các của tôi chọn đều là những người thông minh xuất chúng!"

"Hay quá! Nhưng làm thế nào để biết họ có thông minh hay không?"

"Muốn biết thì phải hỏi chớ! Chỉ cần vài câu là biết người đó khôn hay ngu rồi hè!" "Dạy cho tui vài câu hỏi đi!"

Merkel bèn nhắc điện thoại lên gọi Bộ trưởng Tài chính của mình là Wolfgang Schäuble: "Nó là con của bố ông nhưng không phải là anh em của ông; vậy nó là ai?"

Wolfgang Schäuble trả lời: "Dễ ợt. Nó là tui chớ là ai nữa vô đây hè!"

 

Về tới Hoa Kỳ, Donald Trump bèn gọi Phó Tổng thống Mike Pence vào triều kiến để trắc nghiệm trí thông minh.

"Nè Mike! Nó là con của bố ông nhưng không phải là anh em của ông; vậy nó là ai?"

Mike bí lù không biết trả lời sao đành câu giờ, hoãn binh: "Thưa Tổng thống! Tối nay về tui sẽ gác chân lên trán, rán tìm ra đáp án rồi trình cho Tổng thống vào sáng mai!"

 

Tối về, Mike Pence gọi cho Barack Obama đặt câu hỏi y hịt như vậy.

Obama cười khè khè, đáp: "Dễ ợt! Nó là tui chớ là ai nữa vô đây hè!"

 

Mike Pence hôm sau lò dò vào Tòa Bạch ốc, trả lời Donald Trump là:

"Thưa Tổng thống! Tui đã biết câu trả lời rồi: Nó là Barack Obama!"

 

Sau một phút im lặng, Donald Trump quạu lên: "Đồ ngu! Nó là Wolfgang Schäuble!"

 

đoàn xuân thu

melbourne. 

 

Lấy chồng từ thuở 13!

 

Tảo hôn, với tảo trạng từ nghĩa là sớm. Hôn, động từ nghĩa là lấy vợ hoặc lấy chồng. Như vậy tảo hôn là lấy vợ hoặc lấy chồng quá sớm khi chú rể và cô dâu chưa tròn 18 tuổi.

Tảo hôn có ba loại: Loại thứ nhứt vợ già, chồng còn con nít. Loại thứ hai chồng già, vợ còn con nít. Loại thứ ba cả hai vợ chồng đều là con nít hết ráo.

 

Loại thứ nhứt vợ già lấy thằng con nít nó xảy ra hà rầm hồi xưa thiệt là xưa ở miền quê Việt Nam mình.

Em đi lấy chồng nhưng thực ra bên nhà chồng em là phú hào trong làng muốn bóc lột, cưới em về cho thằng cu tí để em ở vú không công.

"Chàng bé tí teo, nghe lời cha mẹ em đi theo chồng. Khác gì ở vú không công!

Chồng em mũi dãi thò lò. Mặc quần thủng đáy nó bò như cua."

 

***

Loại thứ hai chồng già vợ còn con nít.

Xui cái là lấy chồng gặp nhầm thằng chồng làm biếng nhớt thây không chịu làm ăn gì ráo để nuôi vợ nuôi con... Nên em than nghe đứt ruột rằng: "Lấy chồng từ thuở 13. Ðến năm18 em còn thơ ngây.  Chồng em sáng xỉn chiều say. Ruộng đồng thì nhác lại mê đá gà. Chồng người đánh giặc phương xa. Chồng em ở nhà gà đá gãy chân."

Chỉ giỏi ra đường tụ bè tụ đảng ăn nhậu với đá gà. Về nhà thì chỉ giỏi cái vụ ‘ấy ấy' mà thôi. Ngoài ra làm cái gì cũng dở ẹc. Nấu cơm thì cơm nửa sống, nửa chín. Rửa chén bát thì làm bể khiến hai đứa phải ăn cơm bằng miểng vùa.

Nên: "Lấy chồng từ thuở mười ba. Chồng chê em bé, chẳng nằm cùng em.

Khi em mười tám trăng lên. Em nằm dưới đất chồng lôi lên giường

Một thương anh bảo rằng thương. Hai thương anh bảo rằng thương

Có bốn chân giường gãy một còn ba."

 

***

Còn loại thứ ba là cả hai vợ chồng đều là con nít.

Xa quê đã lâu, tui cứ tưởng cái hủ tục tảo hôn, cái tệ nạn xã hội thời phong kiến đã biến mất rồi chớ. Ai dè không phải vậy.

Ðọc báo mạng thấy những làng sơn cước thuộc tỉnh Khánh Hòa nạn tảo hôn rầm rộ như giặc Tàu Ô vậy đó.

Chú rể dân tộc thiểu số Raglai mới 15 tuổi còn cô dâu mới 10 tuổi thôi hè.

Già làng cản: "Con bé còn nhỏ, như cái cây mới nhú cành, làm sao làm vợ, làm mẹ cho được?"

Nhưng đàng trai lẫn đàng gái nhứt định không nghe, họ nói tụi nó thương nhau thì cho cưới thôi.

Trăm năm hạnh phúc đâu chưa thấy, chỉ thấy vợ chồng bé tẻo teo nầy phải theo cha mẹ lên rừng phát rẫy tỉa bắp để còn có cái bỏ vào mồm.

Rồi rừng núi hoang vu chim kêu vượn hú tối lửa tắt đèn hai vợ chồng chui vô mùng nói chuyện.

Hết chuyện nói... mới có chuyện làm là: đầu năm sanh con trai, cuối năm sanh con gái.

"Vợ chồng nó còn nhỏ đâu biết làm gì ăn... Nhà 6 miệng ăn đều trông chờ vào mấy sào bắp. Cạp bắp riết nên hàm răng ai cũng nhô ra như cái bừa... Khổ lắm!"

Ðúng là: "Bướm vàng đậu nhánh mù u. Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn."

 

***

Như nhìn quanh quất trên thế giới không phải chỉ có miền núi nước ta mới bị nạn tảo hôn hoành hành dữ đội đâu.

Mà Châu Phi nhứt là nước Yemen nè, con nít mới 8 tuổi mà đã gả chồng. Rồi Châu Á như nướcNepal, Ấn Ðộ, Pakistan, Bangladesh. Thiếu nữ, thiếu niên nước này khi mới vừa dậy thì, thậm chí còn chưa kịp dậy thì đã bị gia đình buộc phải lấy chồng, lấy vợ.

Bé gái cỡ 11, 12 tuổi gả (hoặc bán) cho những người đàn ông trên 40, 50 tuổi. Mấy nước nầy đàn ông được đa thê, được cưới hoặc mua nhiều vợ, nếu có tiền...

Thế kỷ 21 rồi phải văn minh đi chứ! Làm vậy gớm ghiếc quá hè!

 

***

Bà con mình khoái hát ‘karaoke' chắc đều biết bài ‘Ðám cưới đầu Xuân' của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

"Ngày xửa ngày xưa. Ðôi ta chung nón, đôi ta chung đường...

Lên sáu lên năm, đôi ta cùng sách, đôi ta cùng trường...

Chiều nao đuổi bướm, bướm bay vô vườn mà nước mắt rưng rưng...

Trò chơi trẻ con, em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu/ Chú rể ngẩn ngơ, ra hái hoa cà, làm quà cưới cô dâu."

Mới lên 6 lên 5, tối ngủ còn đái dầm mà bày đặt cái chuyện vợ chồng, chuyện người lớn, chú rể đi hái hoa cà làm quà cưới cô dâu... Ðúng là con nít quỷ nhe!

 

Bên Úc nầy cũng có chuyện y hịt như chuyện ‘Ðám cưới đầu Xuân' đó thôi!

Chuyện rằng: Thằng Tó Nì (Tony) mới 10 tuổi, cắm cúi viết một thư tình cuối mùa thu cho con Ly Sà (Lisa) học chung lớp 5 ở trường Tiểu học như vầy: "Chiều nay tan học, Tó Nì hẹn Ly Sà ra công viên. Hai đứa mình nói chuyện... rồi ‘hun' nhau nhé!"

Con Ly Sà đọc thơ xong lại cắm cúi viết thơ trả lời, là: "Nếu hẹn nhau ra ngoài công viên để chỉ mỗi làm cái việc đó thì chú mầy hãy xuống lớp 1 mà học!"

 

***

Làm nhạc, viết văn đặt chuyện để cổ vũ cho tình thơ dại lấy đại với nhau trong tưởng tượng thì chẳng lôi thôi cò bót gì ráo...

Bằng làm thiệt trong thực tế cuộc đời... là rồi đời luôn chớ không phải chỗ để giỡn chơi đâu.Vì luật lệ nước Úc nầy cũng nghiêm khắc lắm.

Muốn kết hôn hợp pháp thì con trai hay con gái ít nhứt phải 18 tuổi.

 

Chính vì vậy mà một thanh niên 35 tuổi cưới một em bé mới 14 tuổi, tức nhỏ hơn mình tới 20 tuổi làm hôn lễ theo Hồi giáo, nhưng chưa vui sum họp đã sầu chia ly. Ðuốc hoa còn đó mà chỉ 5 ngày sau chú rể nầy bị phú lít Úc bắt nhốt về tội cưỡng ép hôn nhân.

Bà Tòa phán rằng: "Hành động nầy về mặt đạo đức là không thể biện minh được!"

Bà Tòa công nhận rằng di dân tỵ nạn khó có thể hội nhập nhanh chóng với một nền văn hóa mới, tuy nhiên cứ cãi chày cãi cối là vì bị can đến từ nền văn hóa chấp nhận nạn tảo hôn là không có được.

Bị can chắc chắn biết rằng em bé nầy chỉ 15 tuổi hoặc còn nhỏ hơn vì em còn mặc đồng phục đi học.

Luật sư cãi không lại bà Tòa nên chú rể lắc đầu khóc ‘hu hu' khi bị tuyên án 18 tháng tù.

Bị nhốt hết 12 tháng rồi và lúc ngồi gỡ lịch có hạnh kiểm tốt nên Bà Tòa ra lịnh thả ra nếu nó chịu đóng 2000 đô tiền bảo chứng.

 

Giáo sĩ của cộng đồng Hồi giáo Bosnian ở Noble Park, Melbourne, Úc Châu chứng nhận cho lễ tảo hôn nầy cũng bị văng miểng. Trong cuộn băng ghi lại hình ảnh đám cưới thì giáo sĩ nầy dạy đời cô bé là: "Nếu chồng vui về chuyện gì đó thì hãy làm nó. Còn nếu chồng không vui về chuyện gì đó thì đừng có làm." Giáo sĩ nầy dạy đời... rồi rồi đời vì bị phú lít Úc bắt nhốt.

Giáo sĩ nầy cãi tui đâu có làm gì sai đâu hè!? Chứng nhận vợ chồng như vậy để tụi nó được phép đi chung với nhau trước mặt bàn dân thiên hạ mà thôi.

Bà Tòa nghe không lọt lỗ tai nên ra lịnh nhốt ông Giáo sĩ ẩu xị nầy hai tháng tù và bắt đóng 2500 đô tiền bảo chứng.

 

Hội đồng Hồi giáo tiểu bang Victoria công khai phê phán cuộc hôn nhân nầy. "Với nước khác, hôn nhân ở tuổi thiếu niên được phép theo nền văn hóa của nước đó. Nhưng ở Úc là không. Những người Úc theo đạo Hồi chúng ta phải tìm hiểu và tôn trọng luật pháp của Úc Châu."

Hội đồng Giáo sĩ thì cách chức ông nầy. Cảnh sát Úc thì hủy bỏ cái ‘lái sần' được quyền ủy nhiệm chính phủ Liên bang... dám cả gan mà chứng hôn thú cho một vụ tảo hôn.

 

Chữ rằng nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc. Ðừng có cà chớn lớn họng: "Quê tui là như vậy đó!" Nhớ nhe mấy thằng ông nội con nít ‘ấu dâm'!

 dxt_laychong13.jpg


Bảo Huân

 

đoàn xuân thu.

 melbourne

  

 

Huyền thoại bạn!

dxt_oct9_Huyenthoaiban.jpg 

Theo từ điển, huyền thoại là một câu chuyện không có thật, kỳ lạ, hoàn toàn do trí tưởng tượng thêu dệt nên... Như bài "Huyền thoại Mẹ"của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chẳng hạn!

 

Còn huyền thoại bạn là tình bạn không hề có thật, theo nhân sinh quan của nhạc sĩ Lê Hựu Hà, trưởng ban nhạc trẻ Phượng Hoàng vào những năm 60, không có bạn bè thân thích, nên sống cô đơn và chết trong cô độc.

8 giờ sáng ngày 11, tháng Năm, năm 2003, tại nhà  đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận Nhứt - Sài Gòn, nhạc sĩ Lê Hựu Hà, (1946-2003), được phát hiện nằm chết trong phòng, xác đã bắt đầu phân hủy. Trong nhà đèn vẫn sáng, tivi vẫn mở, quạt máy vẫn quay! Đời vẫn trôi!

 

Phần số Lê Hựu Hà giống như lời tiên tri trong bản nhạc nổi tiếng ngày xưa "Hãy ngước mặt nhìn đời" của ông: 

"Cười lên đi em ơi/ Dù nước mắt rớt trên vành môi/ Hãy ngước mặt nhìn đời/ Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười

Ta không cần cuộc đời / Toàn những chê bai và ganh ghét .

Ta không cần cuộc đời/ Toàn những khoe khoang và thấp hè .

...Yêu thương gì loài người/ Ngoài những câu trau chuốt với đời

Ngoài những toan tính trong tiếng cười/ Và những âm mưu dọn thành lời

Ta chỉ cần một người/ Cùng với ta đợi chết mỗi ngày /Rồi hóa thân trong loài hoa dại / Để muôn đời không biết đớn đau

Cười lên đi em ơi/ Cười để giấu những dòng lệ rơi/ Hãy ngước mặt nhìn đời/ Chờ ngày xuôi tay xong kiếp người!"

Xong một kiếp người sống cô đơn, chết trong cô độc, người nhạc sĩ tài hoa nầy đã về miền vĩnh cửu cũng tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

***

Còn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, tình bạn cũng là một huyền thoại!

Mới làm chủ Tòa Bạch Ốc được 8 tháng mà Hollywood đã tính dựng phim về cuộc đời của vị Tổng thống, xưa giờ và cả trong tương lai không giống ai và cũng không ai dám giống!

Nghe nói phim nầy sẽ do tài tử Mỹ Tom Hanks, chuyên trị tâm lý nhân vật cực kỳ phức tạp sẽ đóng vai Tổng thống Donald Trump!

 

Truyền thông Mỹ đặt cho Donald Trump biệt danh là: "Gã cao bồi đơn độc! Người biệt kích cô đơn!" Tức là không có bạn bè gì ráo trọi!

Thời niên thiếu, gia nhập học viện quân đội ở New York, ai cũng biết Donald Trump chỉ qua cái tên; vì Trump vốn con một đại gia ngành địa ốc; tuy nhiên các thiếu sinh quân nầy không ai biết rõ về Trump cả. Vì sau khi ăn tối cùng nhau là Trump ‘hô' biến vô phòng riêng của mình, nơi Trump cảm thấy là nơi thoải mái nhất!

Rồi từ trường Fordham chuyển tới trường Đại học Pennsylvania, Trump không thèm nói một lời từ biệt, ‘good bye' với bất cứ một ai.

Tốt nghiệp đại học, ra đời, về sống ở Manhattan, New York trong cao ốc của gia đình mình; quây quanh Donald Trump chỉ là những người thân cận nhứt trong gia đình.

 

Rất hiếu thắng, ai thân cận mon men tới gần đều bị Trump tìm cách tiêu diệt.

"Anh không thể nào kết bạn với ông ta. Ông ta tạo ra nhiều kẻ thù hơn là bè bạn!" Những người trong giới kinh doanh địa ốc đều cố gắng lánh xa Trump.

Trump không bao giờ cười trước lời nói đùa của kẻ khác. Cho dù tính hài hước là đức tính căn bản và cần thiết để có được tình bạn. Tình bằng hữu không có trong từ vựng của đời Trump

Trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình: "Ông có bạn thân không?" "Tôi có rất nhiều bạn nhưng bạn thân thì khó để nói là có hay không!"

"Vợ ông có phải là bạn thân nhứt của ông không?" "Bà ấy là người bạn lớn của tôi. Thân phụ tôi cũng vậy! Ngoài ra, tôi không tin ai khác!"

 

Các nhà tâm lý học bèn nhào vô lý giải, căn theo lời Trump từng tâm sự loài chim biển là: "Anh ấy (Freddy Trump Jr lớn hơn Donald Trump 8 tuổi) cả tin vào nhiều người quá! Một lỗi lầm chết người. Họ lợi dụng anh ấy; điều đó đưa đến việc anh ấy bị nghiện rượu và cuối cùng qua đời khi chỉ mới 43 tuổi. Đó là bài học của tôi. Đúng ra! Anh ấy đừng nên tin bất cứ một ai!"

"Xưng là bạn thì thực ra không phải là bạn! Họ cư xử như những người tốt, lịch sự nhưng sau lưng sẵn sàng rút dao ra, đâm sau lưng bạn!

Hãy nghĩ xa hơn để thấy rằng: Gọi là bạn bè mà chúng muốn cướp công ăn việc làm, muốn chiếm nhà, muốn cướp tiền và chúng muốn giựt luôn vợ của mình!"

Trump cho rằng thế giới nầy nhẫn tâm, tàn bạo, đầy thú tính; là một bọn ‘chó ăn thịt chó'! Trump bèn dựng nên một bức tường quanh mình và không cho phép bất cứ một ai xâm nhập!

"Tôi ghét dựa dẫm vào bạn bè. Tôi dựa vào sức mình là chánh. Người bạn thực sự là gia đình tôi!" "Có qua nhiều câu chuyện về người bị giết hại bởi kẻ mà họ đã từng hết lòng tin cẩn!"

"Tôi chỉ yêu tui thôi thế nên rất khó có người phụ nữ nào chịu làm vợ mình!" Chính vì vậy Trump có tới 3 đời vợ!

"Song thân tôi là những người bạn tốt nhứt!" Dẫu vậy, khi thân phụ qua đời năm 1999; thân mẫu một năm sau đó, Trump cố gắng không để rơi nước mắt vì Trump không tin nước mắt sẽ giúp ích được cái gì?

Đắc cử Tổng thống Mỹ, cầm đầu Hành pháp; nhưng bên Lập pháp, trong Quốc hội và ngay cả trong đảng Cộng Hòa của chính mình, Donald Trump không có ai là bạn cả. Chỉ là quan hệ trên công việc; vì lợi ích của đôi bên khác nhau quá xa!

"Nếu ở thủ đô Washington DC cần một người bạn thì hãy nuôi một con chó!"

Càng ngày Trump càng tự cô lập mình trong Tòa Bạch Ốc! Đây là tuýp người không chịu nghe ai khác bảo phải làm gì, nói gì, đi đâu, ai cần gặp, ai không nên gặp; ai có thể trò chuyện; không hoặc nên công du tới chỗ nào?

Donald Trump cố gắng tự kiểm soát lấy chính bản thân mình mà không cần ai khác dạy bảo! Thế nên các cố vấn thân cận của Trump muốn làm điều nầy trước hay sau đều thất bại cả!

***

Bây giờ Donald Trump là con người nắm giữ quyền lực nhứt trên thế giới. Là một trong những lời nguyền kinh hoàng nhứt (của những người chống Mỹ) đã trở thành hiện thực!

Trump từng nói: "Là một ngôi sao truyền hình, một người nổi tiếng, mình muốn làm gì cũng được mà! Có thể rờ rẫm, sờ sẫm, mò mẫm hôn hít mấy em! Làm gì cũng được hết ráo!"

Phụ nữ Mỹ cự nự quá xá trời; nhưng Floyd Mayweather, 40 tuổi, một võ sĩ quyền Anh huyền thoại, đánh 50 trận chưa thua, từng kiếm tới 300 triệu đô Mỹ trong cuộc thượng đài tỉ thí và thắng Conor McGregor gần đây, vỗ tay tán thưởng: "Ông ấy đã nói như một người đàn ông đích thực. Mọi người có thể không thích sự thật này, nhưng ai chẳng kích thích khi thấy một vòng ba nảy nở".

Mayweather khoe khoang là: "Có ít nhất bảy bóng hồng bên cạnh! Vì chỉ có một bạn gái thì xem như chẳng có gì!" "Hãy nói chuyện với phụ nữ sau khi đã chốt cửa"!

(Tưởng cái gì, giàu cả vài trăm triệu đô như ông mà chỉ có 7 em cũng bày đặt khoe! Tui mà giàu cỡ đó, tui sẽ có gấp 10 lần chí ít là cũng 70 em; vì tui vốn già hơn sống hổng bao lâu, sẽ để lại gia tài... và tui vốn đẹp trai hơn! He he!)

Mã tầm mã! Ngưu tầm ngưu; nên Mayweather từng được mời dự lễ đăng quang Tổng thống Mỹ của Donald Trump vào ngày 20, tháng Giêng, năm 2016!

Rồi cả hai lại gặp nhau, chụp hình kỷ niệm chung, cười tí toét ở Tòa Bạch Ốc chỉ 8 ngày sau đó.

Thành ra giới truyền thông Mỹ nói Donald Trump cô độc, không có bạn bè là tui hổng có tin đâu nhe!

***

Riêng tui, tui rất sợ sống cô đơn; sợ không đứa nào chịu chơi với tui hết ráo vì cái tánh ‘cà chớn' của mình!

Tui khoái chơi với bạn, nhứt là bạn nhậu. Tui chỉ ghét thằng bạn nào đi nhậu hoài với tui mà hổng chịu móc túi trả lần nào. Còn ngoài ra, tui đều khoái hết ráo!

Vì bằng hữu, từ Hán Việt, là bạn bè, thân bằng, hảo hữu, thân hữu. Tui khoái giao bằng kết nghĩa! Giao du bè bạn!

Chỉ cần: "Dữ bằng hữu giao nhi bất tín hồ?" (Giao thiệp với bạn bè, có thành tín hay không?)

 

Bạn thân nhứt trong cuộc đời là quà tặng của phần số hên mới gặp; do ông Trời ông thương ổng khiến nó chịu chơi xả láng với mình!

Đó là người đầu tiên bạn nghĩ tới khi tính lập ra kế hoạch, làm một chuyện gì đó?

Đó là người đầu tiên bạn nghĩ tới khi cần người nói chuyện. Đôi khi bạn gọi cho nó mà không nhứt thiết phải có chuyện gì để nói; hoặc để thổ lộ chuyện quan trọng nhứt trong đời mà ngay cả con vợ bạn cũng mù tịt luôn. Nhứt là chuyện mèo chuột!

Khi bạn buồn, họ tìm đủ mọi cách để làm bạn vui. Họ là bờ vai cho bạn tựa vào thổn thức khóc hi hi! Hu hu!

Trong nhiều trường họp họ hứng lấy viên đạn đồng chữ nổi; bởi vì họ cực kỳ đau đớn khi phải nhìn thấy bạn bị bắn què giò.

Tay súng gầm lên: "Ta sẽ giết người bạn thân nhứt của nhà ngươi. Không! Hãy giết tui trước đi!"

Thân đến nỗi khi em yêu trốn đi với người bạn thân nhứt mà tui lại nhớ thằng nầy mới chết! "My wife ran off with my best friend and I sure do miss him!"

 

Kết bạn, tui chẳng nghĩ giàu nghèo gì ráo; chỉ cần biết nhậu (dẫu chỉ sương sương cho thắm giọng càng tốt; vì ít tốn tiền rượu) và biết nói dóc cho vui vẻ cả làng là được.

Có những lúc ta cần bằng hữu hơn cần cả gia đình. Bạn hữu hiểu ta hơn vì cùng lứa tuổi, cùng đương đầu với những rắc rối của cuộc đời rất giống như nhau.

Một người được coi là may mắn khi có được một người bạn chân thật. Vì vậy: Đừng bao giờ từ bỏ tình bạn thâm giao bấy lâu nay. Vì nó cũng như là rượu quý. Càng lâu càng ngon. Càng già càng tốt hơn!

Tui sẽ tốt hơn... còn bạn sẽ già đi!

Người bạn sẽ làm cuộc đời mình thêm nhiều màu sắc tuyệt đẹp. Thế nên cần sơn mới lại căn nhà là tui lại kêu một đứa đến!

 

Tui đã từng ân cần căn dặn những người bạn thân, là ‘ní' của tui rằng:

"Khi bạn đang sa vào rắc rối và cần lời khuyên bảo: Hãy gởi tin nhắn cho tui nhe!

Nếu cần một người bạn nhậu hãy gọi cho tui. Mưa gió bão bùng, tui cũng sẽ trùm áo mưa, trốn em yêu mà đi nhậu với bạn!

Nhưng nếu kẹt quá, bạn đang cần tiền thì số điện thoại của tui không liên lạc được đó nhe." He he!

Huyền thoại bạn với tui là có thực tới 100%!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

Tình đã vội tan!

dxt_M.Vo.jpg 

 

Michelle Võ, một người con gái Mỹ gốc Việt 32 tuổi, tốt nghiệp trường trung học Independence, San Jose, lên đại học; rồi đi làm bình thường như những người con gái khác trên đất Mỹ, lại là một trong số 58 người bị bắn chết vào tối Chủ Nhật, ngày 1, tháng Mười, năm 2017, tại Las Vegas, tiểu bang Neveda, Hoa Kỳ.

Một tay súng cuồng điên, từ hai cửa sổ của hai phòng trên tầng 32, khách sạn Mandalay Bay Casino bắn xối xả suốt 11 phút vào buổi trình diễn nhạc đồng quê trên một sân khấu lộ thiên, chỉ cách chỗ hung thủ siết cò súng khoảng chừng 400 m.

Con ác quỷ đội lốt người, Richard Paddock, 64 tuổi, đã biến nơi những người trẻ tuổi đang vô tư thưởng thức ca nhạc thành một pháp trường, hành quyết bằng cách xử bắn, nhắm vào 22 ngàn khán giả vô tội; sau đó đã tự sát khi Cảnh sát Las Vegas đã đến ngay trước cửa phòng của hắn.

 

***

Đây là cuộc tàn sát, giết người hàng loạt, kinh hoàng nhứt trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ, làm ít nhất 58 người thiệt mạng và 527 người bị thương.

Lúc đó là 10 giờ 08 phút tối, Kody Robertson và Michelle Võ, hai người bạn mới quen, ngước lên trời để xem pháo hoa khi nghe tiếng nổ.

Nhưng tiếp liền là một tràng súng liên thanh bắn bừa bãi từ cửa sổ tầng 32 tại tòa cao ốc phức hợp khách sạn với sòng bài Mandalay Bay.

Tiếng súng kêu ‘pop-pop' liên hồi. Jason Aldean, ca sĩ đang trình diễn, màn cuối cùng đêm diễn, chạy khỏi sân khấu, tìm chỗ ẩn nấp

Hàng chục ngàn khán giả kinh hoàng, tìm cách trốn chạy.

Đau đớn thay, một viên đạn oan nghiệt xuyên qua bên trái ngực, phía trái tim của Michelle Võ.

"Cô ấy bị trúng đạn và tôi quay lại và nhìn thấy cô ấy ngã ngay xuống đất," Robertson nhớ lại. "Cô ấy đang đứng sát bên tôi, có thể chưa tới một mét."

"Michelle, Michelle!" Robertson hét lên khi anh và một thanh niên khác thay phiên làm hô hấp nhân tạo trên cơ thể đã bất động của Võ.

"Tỉnh dậy! Tỉnh dậy đi!"

Robertson dùng thân mình như một cái khiên để chắn đạn, cuối cùng khi tiếng súng dường như ngừng lại, anh cùng với một thanh niên khác khiêng Michelle ra khỏi hiện trường. Cả hai dừng lại để núp, mỗi lần tiếng súng vang lên trở lại.

Mark Jay và Lindsay Padgett đã biến chiếc xe tải của họ thành một chiếc xe cứu thương chạy vào bệnh viện, khi thấy nhiều người bị thương nằm la liệt khắp nơi cần cấp cứu.

Kody Robertson đặt Michelle Võ xuống trên sàn xe, sau đó chạy về ngược về phía sân khấu.

***

Trở lại bên trong, những xác người nằm nghiêng nghiêng, mặt cúi xuống mặt đất! Robertson nhìn thấy những người trốn phía sau các quầy bán thức ăn, thức uống. Những ghế ngồi đầy những máu.

Giữa những tràng đạn liên hồi như tiếng trống, Robertson và những người cứu nạn khác đang chạy từ người này sang người khác, kéo các thân thể người đang nhuốm máu đến nơi an toàn.

Người vợ hét vào người chồng đang nằm bất động để mong anh thức dậy!

Và một người chồng khác cúi xuống đầu vợ mình cố làm hô hấp nhân tạo.

Rồi Robertson tìm được bóp của Michelle, trên mặt đất, gần chỗ họ đã đứng. Cái điện thoại di động của cô ấy không còn nằm trong đó!

Anh ấy gọi cái số điện thoại mà Michelle Võ đã cho anh ấy trước đó; cuối cùng có ai đó trả lời.

Một nhóm khán giả khác đã tìm thấy chiếc điện thoại khi chạy ra khỏi lối ra. Robertson đã đến nhận lại nó tại Planet Hollywood.

Đến thời điểm đó, điện thoại của Võ đầy những tin nhắn, mà anh không thể mở được vì không có mật mã!

 

Một nhân viên lễ hội âm nhạc cho biết Desert Springs là bệnh viện gần nhất, vì vậy Robertson đi bộ, trên đường vừa đi, vừa nhắn tin cho gia đình và bạn bè của mình để họ biết rằng mình vẫn bình an.

Đã 3 giờ sáng, trước khi đến nơi, bệnh viện đã nội bất xuất ngoại bất nhập. Không ai được phép vào, và ít thông tin được đưa ra.

Máu đẫm trên chiếc quần jeans và trên cả cánh tay anh, đã bắt đầu khô.

Rồi điện thoại di động của Võ vang lên. "Xin vui lòng cho tôi biết cô ấy không mệnh hề gì!" Jeremiah Hawkins, 37 tuổi, người anh rể của Võ, cầu xin qua điện thoại.

Robertson trả lời những gì anh biết: "Cô đã bị bắn vào ngực và đưa đến bệnh viện. Tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm cho đến khi tìm thấy cô ấy!".

Robertson đã thề hứa và giữ lời cho tới phút cuối cùng.

 

Robertson đã chờ hơn một tiếng đồng hồ trước khi được phép vào bệnh viện từng người một. Cầm bóp của Michelle Võ trên tay, anh chạy tới một cảnh sát viên ngay bên trong lối vào.

"Trong danh sách, ông có tên một người phụ nữ, dáng vẻ Á Châu, cao khoảng 1m 6, có một hình xăm hoa lớn trên lưng, tên là Michelle? Cô ấy không có bất kỳ giấy tùy thân nào; vì tôi đang giữ bóp của cô ấy!"

Viên cảnh sát kiểm tra. Võ không có ở đó.

 

Robertson gọi tất cả các bệnh viện khác mà anh có thể tìm thấy tên. Không ai trong số họ có tên cô ấy.

Anh ta đã gọi cho đường dây thông tin do Cảnh sát Las Vegas thiết lập, ít nhất 60 lần. Cũng không có tin tức gì!

Vẫn quanh quẩn trong hành lang của Desert Springs, anh gọi lại Hawkins và nói rằng mình vẫn không biết được gì nhiều.

Cuối cùng, nhân viên bệnh viện nói với Robertson rằng anh phải rời đi. Anh bắt đầu đi bộ bốn dặm để trở về Luxor, nơi anh ở.

Anh tự hỏi mình khi đi. "Cô ấy đứng cách tôi chừng nửa mét. Tôi may mắn ư? Người trúng đạn đã có thể là tôi. Đó phải là tôi mới phải! "

 

Một ngàn dặm về phía bắc, tiểu bang Washington, Hawkins vẫn liên tục gọi. Một bác sĩ chỉ cách loại bỏ từng nơi cấp cứu một; để cuối cùng có thể tìm ra được Michelle Võ, em vợ của mình!

Có hai trung tâm cấp cứu người bị thương lớn ở Las Vegas, và các nhân viên tại một trung tâm cho biết họ không còn một nạn nhân nào chưa xác định được danh tánh. Thế thì Võ chắc phải ở bên trung tâm còn lại.

"Tôi sợ hãi rằng Kody sẽ không bắt điện thoại, hoặc Kody sẽ rời khỏi, sẽ bỏ chúng tôi để đi nơi nào đó"- Hawkins nhớ lại.

"Tôi đã gọi điện cho mỗi bệnh viện, cho mỗi phòng phẫu thuật, và mỗi lần tôi gọi cho Kody, anh ấy trả lời. Mỗi tin nhắn, anh trả lời. Mỗi khi chúng tôi cần anh ấy để làm điều gì đó, anh ấy đã làm nó ngay."

 

Cuộc gọi đến Robertson khoảng 5 giờ sáng, sau khi trở lại Luxor, anh vẫn mặc chiếc quần jeans và áo sơ mi đẫm máu từ buổi ca nhạc.

"Anh đã thử gọi đến bệnh viện Sunrise chưa?"- Hawkins hỏi.

Robertson cởi đôi ủng, mang giày tennis và lên xe buýt. Vài phút sau, anh đến Trung tâm cấp cứu Sunrise, mô tả nhân dạng của Võ cho nhân viên phòng nhận bịnh: "Cao khoảng 1 m 6. Á châu. Tóc đen. Có một hình xăm hoa lớn trên lưng!"

"Có thể cô ấy ở đây", nhân viên bệnh viện nói với Robertson, rồi hướng dẫn anh đến một căn phòng dành cho các gia đình và bạn bè của những người mất tích đến tìm kiếm.

Các bác sĩ, nhân viên bệnh viện và cảnh sát đi vào và đi ra với những thông tin mới nhất! Mỗi 20 phút một lần, một gia đình nhận được tin tức. Thường là tin xấu.

Từ buổi sáng sớm kéo dài đến trưa, niềm cảm xúc trên khuôn mặt của hơn ba chục người vẫn còn chờ đợi, đã nhường chỗ cho những ánh nhìn đau đớn.

Một số bước đi. Một số khác run rẩy. Vài người lâm râm cầu nguyện.

 

Tin tức đến vào khoảng 11 giờ sáng. Hai bác sĩ và một nhân viên bệnh viện đã dẫn Robertson tới một căn phòng nhỏ.

"Michelle không qua khỏi," một trong những bác sĩ nói. "Các vết thương nặng quá. Cô ấy đã không qua khỏi. "

Robertson gọi Hawkins, nói rằng anh nên ngồi xuống, và sau đó bật loa điện thoại lên để viên bác sĩ nói lại lần nữa. "Cô ấy đã không qua khỏi!"

 

Rồi Kody Robertson từ từ bước ra khỏi cửa trước bệnh viện, mắt đẫm đầy lệ!

Những người đang chờ bên ngoài bệnh viện, các thân nhân của những người bị thương cũng như người dân địa phương ôm chặt lấy anh!

Một ông đến để hỏi xem Robertson có ổn không? Một người khác đứng dậy và cầu nguyện.

Trong một khoảnh khắc, anh cảm thấy được an ủi. Chẳng bao lâu, cảm giác đó tan đi như cơn gió thoảng!

"Như ai đó đánh vào đầu tôi," Robertson nói. "Tôi thực sự không còn muốn nói chuyện với bất cứ một ai nữa."

Anh nhìn xuống điện thoại, màn hình vẫn còn vấy máu. Robertson bắt đầu đi bộ như một kẻ không hồn, suốt 4 dặm rưỡi, về lại Luxor.

***

Đúng ra phải bay về lại vào sáng thứ hai, nhưng Robertson vẫn ở lại Las Vegas.

Người quản lý tiệm bán phụ tùng xe hơi ở Ohio, nơi anh làm việc đã cho anh tất cả thời gian mà anh cần.

Hãnh hàng không Southwest Airlines cho phép anh thay đổi lịch bay vào chuyến bay sau đó.

Khách sạn Luxor cho thêm thời gian anh ở lại phòng của mình.

Khách sạn Luxor cũng giữ phòng của Võ để thân nhân trong gia đình có thời gian đến, để lấy đồ đạc của cô.

Gia đình của Michelle Võ đã hạ cánh xuống sân bay vào chiều Thứ Hai, một người chị, anh rể, một vài người bạn, nhanh chóng đến phòng 11375, nơi Robertson đang ở.

Diane Hawkins, 40 tuổi, chị ruột của Võ, tin rằng Robertson đã không bỏ rơi em gái mình, cũng như gia đình vẫn đang cố sức tìm kiếm cô.

"Anh ấy đã không để Michelle Võ chết một mình, chết trong nỗi cô đơn."

Họ cảm ơn anh vì sự giúp đỡ của anh và lời thề hứa vẫn giữ đến phút cuối của anh.

 

Họ nhắc về một Michelle Võ tràn đầy sức sống và lạc quan yêu đời!

Khi đến lượt anh, Robertson kể lại một trong những câu chuyện duy nhất của anh từ ngày đầu tiên mà anh nghĩ sẽ bắt đầu một tình bạn lâu dài!

Anh kể Michelle Võ đã lấy điện thoại của mình để cho anh xem những bức ảnh của cả hai người chị của cô, đẹp huy hoàng trong áo cưới.

Đối với Kody Robertson cảm giác lần đầu tiên bây giờ là mãi mãi.

Và rồi cùng nhau, họ mang Michelle Võ về trong tâm khảm.

Đọc bài viết cảm động trên The Washington Post, ai cũng rơi nước mắt!

Trong cái tàn nhẫn, dã tâm của tên thủ ác Richard Paddock; nước Mỹ vẫn còn thấm đẫm một tình người.

Xin chia sớt nỗi đau khôn cùng của gia đình, bạn bè của Michelle Võ.

Với Kody Robertson, chúng tôi xin cúi đầu để cám ơn ông!

 

đoàn xuân thu

melbourne

 

‘Con tằm là phải nhả tơ'

 dxt_contam.jpg

 

O. Henry (1862 - 1910), người Mỹ, tác giả nhiều truyện ngắn lừng danh xưa giờ, với những kết cuộc bất ngờ nhưng hợp lý.

Câu chuyện nổi tiếng nhứt của O. Henry về Giáng Sinh có tựa đề là: "The Gift of the Magi".

Chuyện rằng: Hai vợ chồng còn trẻ, trẻ dĩ nhiên là còn nghèo, nghèo nhưng lại tha thiết yêu nhau.

Mùa Giáng Sinh là phải tặng quà theo phong tục Mỹ. Nàng bán mái tóc xuân xanh, để có tiền mua cho chàng sợi dây đeo đồng hồ. Chàng bán cái đồng hồ, để có tiền mua cho nàng cái lược cài tóc. Tréo ngoe hết trơn!

Dây đồng hồ nhưng đồng hồ không còn nữa. Lược cài tóc mà mái tóc, nàng đã đau lòng cắt ngắn đi, thiếu điều đầu trọc lóc... mà lược giắt trâm cài cái nỗi gì? Mất hết ráo nhưng chỉ còn tình ta là ở lại.

 

Mới đầu để kiếm sống, O. Henry làm nhiều nghề từ dược tá cho tới nhân viên ngân hàng.

Về Houston năm 1895, để tránh cơn ho dai dẳng, ông viết cho tờ Post được 25 đô một tháng, một ngày chưa tới 1 đô la. (Lương trung bình lúc đó khoảng 300 đô Mỹ một năm.)

Ngoài viết báo, ông còn làm cho ngân hàng. Và như những con người có máu văn nghệ khác, chuyên xài trước trả sau, làm thất thoát tiền của nhà băng, ông trốn qua Honduras!

Khi nghe tin vợ mình bị bệnh lao hấp hối, ông quay về chăm sóc cho tới khi người vợ qua đời!

Sau đó ông bị nhốt trong nhà tù Liên bang ở Ohio từ năm 1898 đến năm 1901. Con gái phải vào Viện mồ côi.

Gần Giáng Sinh, ở tù đâu có tiền, mà O. Henry lại muốn mua một món quà cho con gái mình nên ông cầm bút. Và nổi tiếng...

Trong sự nôn nóng của hàng chục ngàn độc giả hằng ái mộ, O. Henry mỗi tuần viết một truyện cho The New York World Sunday Magazine hơn một năm trời.

Tổng cộng, suốt cuộc đời con tằm phải trả nợ tơ, O. Henry viết được 381 truyện ngắn. Mỗi truyện được trả 1,000 đô, bằng 3 năm tiền lương trung bình của dân Mỹ lúc đó. Quá đã!

Làm nhiều tiền, xài cũng dữ mà nhậu cũng nhiều! Năm 1910, O. Henry ra đi, chấm dứt bi kịch của đời mình vì bị suy thận, biến chứng của bịnh tiểu đường và bị phì tim.

 

Dẫu vậy, cuộc đời văn chương tao đàn của O. Henry so với các nhà văn khác trước và sau ông cũng ‘sang chảnh' hơn nhiều!

Như ở bên Tây, thế kỷ thứ 19, nhà văn Honoré de Balzac (1799-1850) nghèo mạt rệp.

Chuyện rằng một tên trộm lẻn vào nhà của Balzac, lom khom lục tủ kiếm tiền.

Nhà văn nằm nhưng chưa ngủ, nghe tiếng lịch kịch, mở mắt ra cười khè khè, nói: "Bạn hiền ơi! Tội nghiệp bạn đã bỏ công chui vào nhà của Balzac để kiếm tiền trong đêm tối... Mà ngay chính tôi, ban ngày ban mặt, trời sáng trưng hè mà tui kiếm mãi cũng hổng có ra!"

 

Tuy đa số nghèo rớt mồng tơi nhưng nhà văn, nhà thơ lại giàu tự ái... vặt!

Có giai thoại rằng: Trong một bữa tiệc, có hai chú thanh niên choai choai, hợm hĩnh hỏi Voltaire (1694 -1778), giọng chế giễu: "Thưa nhà văn, nói thế nào cho đúng: Cho chúng tôi uống hay là: Mang thức uống cho chúng tôi!"

Voltaire từ tốn, đốn cho hai chú em nầy một búa, là: "Ðối với các bạn, cả hai câu ấy đều không đúng. Các bạn phải nói: "Dẫn chúng tôi ra vũng nước"

He he! Um bò!

***

Các nhà văn Việt Nam mình xưa giờ cũng khó chịu không kém nhà văn Tây.

Chẳng qua, viết văn, làm văn nghệ là nghèo, mà nghèo hay tự ái vặt hay giận lẫy người dưng lắm đó, nên tui rất lấy làm kính nhi viễn chi, ở xa mà xá, chớ hổng dám lại gần chọc quê, vì sợ nhà văn, nhà thơ quạu, đem chữ ra mà chọi cho tui u đầu sứt trán.

 

Trong giới văn nghệ Việt Nam mình xưa giờ, ai cũng biết bài thơ: "Gửi Trương Tửu" của Nguyễn Vỹ.

"Thời thế bây giờ vẫn thấy khó/ Nhà văn An Nam khổ như chó!

Mỗi lần cầm bút viết văn chương/ Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương,

Và nhìn chúng mình hì hục viết/ Suốt mấy năm giời kiết vẫn kiết..."

 

Rồi hồi thời tui còn đi học, thơ Tản Ðà đã được đưa vào sách giáo khoa.

Ðã từng làm Chủ báo tờ An Nam tạp chí, nhưng Tản Ðà không biết quản lý, hứng làm, mệt nghỉ, chi tiêu lung tung, ăn nhậu hết mình.

Năm 1927, Luật sư Diệp Văn Kỳ, chủ tờ Ðông Pháp thời báo mời Tản Ðà từ Hà Nội vào Sài Gòn cộng tác. Bước đầu đã giúp cho Tản Ðà 1,000 đồng lúc mới sơ ngộ, một số tiền quá xá lớn thời đó.

Rồi một chiều cuối năm, xuất bản xong số báo Xuân, phát lương thầy thợ đâu đó rồi, thì thi sĩ Tản Ðà, chiều 30 Tết, lù lù tới thăm chủ nhiệm để mượn tiền ăn Tết.

Một tháng lương mới lãnh, thêm một tháng lương thưởng và một tháng cho vay trả làm bốn lần, nhà thơ đã làm gì hết sạch bách? Ông Diệp đưa tặng thêm cho thi sĩ 5 đồng bạc.

Tản Ðà cầm tiền, đi ra nhà dây thép mua măng-đa 3 đồng gửi ra Hà Nội giúp một bạn văn cũng nghèo xơ xác như mình.

Còn 2 đồng, tiên sinh bao một cỗ xe lô-ca-xông qua Bà Chiểu đón ông bạn thơ, Tùng Lâm Lê Cương Phụng ra Sài Gòn ăn Tết một cách phong lưu quý phái.

 

Dẫu được tiếp đãi hào phóng như vậy nhưng khi bị Chủ báo Diệp Văn Kỳ thúc bài đi cho kịp in là Tản Ðà cự lại: "Ông muốn tôi vào đây viết văn hay bửa củi, nếu bửa củi thì lúc nào bửa cũng được. Bằng viết văn thì phải đợi hứng, không hứng không thể viết".

Ðể cuối đời, Tản Ðà chua chát viết: "Khi làm chủ bút, lúc viết mướn/ Hai chục năm dư, cảnh khốn cùng!"

Và rồi Tản Ðà qua đời ngày 17, tháng Sáu, năm 1939, hưởng dương 51 tuổi, vì bị bệnh Xơ gan, chắc do nhậu nhiều quá xá.

 

***

Ngày nay ở Mỹ, ở Úc, thị trường văn chương viết bằng tiếng Anh rộng lớn, nhiều bạn đọc sẵn lòng móc xỉa, nên làm nhà văn Tây phẻ hơn nhà văn Ta gấp ngàn lần. Vừa có danh có lợi. Tiền dư sức sống, rồi rủng rỉnh tiền ăn nhậu, nhờ nhuận bút rất sộp và tác quyền rất khẳm khi xuất bản sách! Thấy mà nhểu nước miếng!

So lại, cũng hải ngoại, nhà văn, nhà báo mình viết bằng tiếng Việt, số người sống được bằng nghề lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Cộng tác viên, viết chủ yếu cho vui hoặc cho đỡ cái buồn... rầu, bởi kiếp con tằm là phải nhả tơ.

Người Việt mình khi đi mua một món đồ mà người bán phán một câu: Giá văn nghệ mà...thì mình hiểu nó không mắc, không đáng giá bao nhiêu. Nghĩa là nó rẻ mạt hè!

Thơ là hổng có cái chuyện trả nhuận bút rồi. Vì bài thơ hay thế mấy, nhưng đâu có bao nhiêu chữ mà trả tiền hè?!

Còn văn thì mỗi bài được chừng 100 đô là hết mức, bằng giá một dĩa mồi nghêu xào XO và một thùng beer VB 24 lon, một mình tác giả nhậu còn chưa đã, chưa say nên mấy nhà văn nhà báo thường hay nhậu beer và ăn chực của quý độc giả ái mộ văn tài mời ngài ra quán.

Còn trong nước, trừ mấy tay Tổng biên tập, làm quan chức chóp bu của tờ báo, thì cái đám bồi bút báo chí quốc doanh sống còn thê thảm hơn nhiều.

Bằng mọi cách để kiếm ăn nuôi vợ, nuôi con là phải theo phe nầy làm bồi bút, văn nô cho anh Ba hoặc cho anh Tư. Lỡ phe mình theo phò, kiếm miếng cơm chén rượu, bị thất thế là mình phải bị đi tù.

Còn không theo phe nào, chỉ muốn tống tiền doanh nghiệp làm ăn bê bối, bằng cách gỡ bài phóng sự điều tra xuống... mà xui rủi, nó có ‘piston' mạnh, nó gài bẫy, kêu CA phục sẵn. Cô em nhà báo mới ló tay ra nhận phong bì, tiền có ghi seri trước, là nghe còng cái cốp, vô tù ngồi gỡ lịch... Hu hu!

 

***

Ðể kết luận nhà văn, nhà báo trong, ngoài nước bây giờ so với nhà thơ Lý Bạch bên Tàu, cả ngàn năm trước, thua xa lắc.

Năm 742, Lý Bạch đến Trường An, Ðường Minh Hoàng nghe danh đã lâu nên rất ái mộ. Ðến năm 745, do lối sống của ông gàn dở bê bối, say xỉn suốt ngày, lại bị gièm pha nên vợ vua là Dương Quý Phi cũng phát ghét.

Lý Bạch nhận thấy việc đó, cộng với lòng đam mê du lãm đang trỗi dậy, ông liền từ biệt vua Ðường. Vua rất buồn, nhưng cũng phải đành theo.

Ngày tiễn đưa, vua tặng rất nhiều nén vàng làm lộ phí nhưng thi nhân không nhận. Cuối cùng vua cho ông đặc quyền uống rượu miễn phí tại bất cứ quán rượu nào mà ông đi qua, tiền rượu sẽ do ngân khố thanh toán.

Tui khoái vậy đó! Ðừng trả nhuận bút! Hổng bao nhiêu! Mấy ông chủ báo chỉ cần cho tui cái ‘credit card'. Nhậu xong, tui quẹt  một cái, là vui... về viết nữa! Hi hi!

Nhưng buồn thay! Chuyện nầy ở thế kỷ 22 mới có!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

CHẢ GIÒ!

dxt_chagio.jpg

 

Dân Việt Nam mình ai cũng biết món chả giò. Miền Bắc gọi là nem rán; miền Trung gọi là ram.

Giống như những người đẹp miền sông nước Lục tỉnh Nam kỳ, em yêu của tui cũng biết làm món chả giò cho tui ăn và uống với bia lon.

Nhứt là vừa mới có lương, ra máy rút tiền tự động, tui mang về hàng chục tờ 50 đô Úc mới cứng, còn thơm phức mùi mực, để cống nạp cho em yêu đút vào túi áo khỉ.

***

Làm chả giò cũng dễ, tui bèn tự học để lâu lâu em yêu có giận hờn mà hỏng chịu cơm nước gì ráo; tui tự đi chợ Footscray mua đồ về, tự làm, rồi tự ăn mình ên cho em yêu hết dám làm eo, làm xách, đình công nấu nướng cho anh đói rã ruột chơi vì dám hỗn; hổng nghe lời em yêu dạy bảo! He he!

Muốn ăn chả giò, trước hết phải làm nước mắm chấm! Lý do chiên chả giò xong, lui cui pha nước mắm, chả giò nó nguội ngắt hết; chỉ còn nước đem đi cho hàng xóm; chớ ăn đâu có ngon lành gì nữa?!

Cứ một muỗng canh nước mắm là một muỗng cà phê đường, một muỗng cà phê chanh hoặc giấm và tới 5 muỗng canh nước lọc.

Đâm tỏi cho nhuyễn, ớt sừng trâu băm nhỏ; hòa tan với chanh hoặc giấm trước; rồi mới chan nước mắm vào để ớt bầm nó nổi váng lên, trên trông mới hấp dẫn.

Chén nước mắm có vị ngọt thanh của đường, vị chua của chanh và vị mặn của nước mắm.

Bên ni tiền bạc hơi thư thả nên chả giò nó trăm hoa đua nở nhiều loại; nhưng chỉ khác nhau chỗ cái nhưn.

Tui thì khoái nhưn thịt heo xay nhuyễn, tôm rồi mộc nhĩ, hành khô, cà rốt, củ sắn, khoai môn. Cho tất cả vào trong một cái tô rắc tiêu, muối đường trộn đều.

Cắt miếng bánh tráng ra làm hai, nhúng nước ướt vừa thôi, (ướt quá lúc cuốn nó bị lòi cuốn, cuốn vừa tay như điếu xì gà của Fidel Castro, rồi phết bia lên khi chiên nó mới giòn.

Bắt chảo lên, đổ một lít dầu ăn vào. Dầu hơi nóng, tuần tự bỏ từng cuốn chả giò vô, chờ nó vừa vàng đều, lấy đũa gắp ra, đặt lên cái dĩa có lót một lớp giấy để hút bớt dầu.

Cuốn chả giò còn nóng dòn rụm, lại cuốn với rau sống xà lách, chấm nước mắm, đút vô mồm nhai rau ráu; xong chiêu theo một ngụm bia rồi chết cũng đành.

***

Mấy anh bạn nhậu của tui ơi! Chịu khó bớt làm biếng mà học cách làm chả giò như tui vừa mách bảo nói trên để phòng thân. Hổng phải tui thày lay làm thầy đời đâu; mà đời đã cho ta biết bao lần kinh nghiệm.

Hồi mới qua Úc nè! Tiền an sinh xã hội nhà nước cấp cho đâu đủ sống!

Vợ dại con thơ, hai vai hai gánh, em yêu bèn chiên sẵn cho tui chừng chục ký chả giò, ủ nóng trong cái thùng mốp để tui đi bán dạo ở chợ trời Laverton đó.

Đắt hết biết! Chỉ một tháng mà tui đã đủ tiền mua được chiếc Holden đời tám hoảnh, giá tới 500 đô, để chở con vợ tui đi chơi cho biết đó cái thú đi xe hơi (chớ xưa giờ vợ chồng tui đi xe bò không hà!)

Em yêu của tui là người phụ nữ miền Nam giỏi giắn, chịu thương, chịu khó.

Thiếp chàng chung một chuyến đò. Kiếm cơm dễ ợt bán chả giò là xong (ngay)!

Sở dĩ em biết vượt qua cảnh chân ướt chân ráo đất lạ quê người vì em cũng học sách của bà ngoại (người ta) đấy thôi.

Chẳng qua hồi trước 1945, thực dân Pháp đã đưa gần 50 ngàn lượt lính Lê dương từ các nước thuộc địa khác ở Châu Phi đến bình định Việt Nam..

Thế chiến thứ hai chấm dứt, chế độ thực dân thuộc địa tàn lụi. Lính Lê dương ai về nước ấy. Thì có khoảng 100 người phụ nữ Việt Nam đã theo chồng về bên Dakar, thủ đô nước Senegal, Phi Châu.

Năm 1947, bà Nguyễn cũng dắt thằng con 14 tuổi là Jean Gomis theo chồng là Emile Gomis về làm dâu xứ lạ.

Lương hưu của chồng không đủ sống; thế là người phụ nữ Việt Nam nầy vẫn mặc áo dài tự mình may lấy, đã làm chả giò cho con đi bán để kiếm thêm tiền.

Bây giờ, Jean Gomis, 84 tuổi, một tướng lãnh Senegal về hưu, Gomis là một trong ba người còn sống ở Dakar, có thể nói, đọc,viết tiếng Việt và trên lầu thượng nhà ông tướng ở Dakar, vẫn còn trồng nhiều loại rau của Việt Nam.

"Trong gia đình Việt Nam, tất cả bọn trẻ đều học nấu ăn để tiếp Má mình môt tay. Đó là một cách giáo dục trên cả tuyệt vời."

Jean Gomis có người cháu tên là Pierre Thiam, một trong những đầu bếp nổi tiếng nhất của đất nước Senegal, từng viết hai cuốn sách về nấu ăn, nói rằng: "Ngày nay những người phụ nữ ly hương đó chết hết cả rồi; chỉ còn sót lại một bà cụ đã 92 tuổi. Khi những phụ nữ ban đầu làm chả giò đã qua đời, cách làm chả giò đã thay đổi, khác nhau như ngày và đêm.

Pierre Thiam đang làm Đại sứ ẩm thực của Senegal tại New York, mỗi lần trở về quê nhà Dakar, ông đều ráng tìm lại món chả giò thời thơ dại nhưng đôi khi thất vọng vì bây giờ nó nhiều dầu mỡ quá!

Pierre Thiam tìm được Boubacar Diallo, 12 tuổi, là đứa bé bán món chả giò kiểu Việt Nam trên những xe hai bánh, chạy rong khắp thành phố.

Chả giò cũng có trong từ vựng tiếng Pháp là ‘nems'!"Một nems giá bao nhiêu?" Pierre Thiam hỏi bằng tiếng Pháp.

Thằng bé rút một cuốn chả giò, vẫn còn âm ấm, từ trong một thùng chứa! Pierre Thiam cắn nghe dòn rụm và gật gù tắm tắc khen: "Ngon!"

***

Nhưng tui xin ông vua bếp Senegal nầy đừng có buồn lo, sợ hỏng có chả giò mà ăn ở thủ đô Dakar của Senegal vì món chả giò Việt Nam đã có người thừa kế!

Đó một anh chàng Việt Nam mình. Tha hương, lưu lạc qua tới tận Châu Phi; nếu không biết làm chả giò là ổng đã tiêu tán thòng rồi.

Chẳng qua ông được một người bạn hứa cho công việc tại một "quán ăn Pháp," nhưng lại là ở Ivory Coast, mình hay dịch là Bờ Biển Ngà, thuộc vùng Tây Phi.

Được một năm, đám lính tráng Bờ Biển Ngà giành ăn, quánh nhau chí chết, đảo chánh tới lui để giành giựt chánh quyền, làm dân ngu khu đen vì sự tồn vong phải lên đường bôn tẩu; ông Tha hương đành theo đoàn người địa phương di tản qua thủ đô Dakar của nước Senegal.

Để sống sót, ông Tha hương làm chả giò đi bán dạo. Bán dạo đi hoài mỏi cẳng chớ; nên ông xin được cái sạp, vừa chiên vừa bán, cho nó nóng hổi, vừa thổi vừa nhai nên đắt quá trời!

Sống phẻ, vì một cuốn chả giò giá tới 20 xu Mỹ lận đó. Tiền bạc rủng rỉnh, ông nhiều lần trở về Việt Nam vì còn con vợ dại tại quê nhà.

Ông Tha hương muốn quy cố hương, vì đời tui cô đơn xa em cũng cô đơn! Nhưng con vợ ông lại khuyên rằng: "Cứ gởi tiền về nuôi là em vui rồi hè. Lâu lâu bay về để tình ta đàn lại bản đàn năm cũ thành mới là vui rồi! Ngu sao mà về cha nội!"

Nghe lời vợ dạy, bao giờ cũng chí lý; nên ông Tha hương vẫn tiếp tục ly hương để bán chả giò ở nước Tây Phi. Vậy mà khôn!

***

Tuy nhiên cũng có một ông khác được phong tới chức "the Spring Roll King!" (Vua Chả giò) Âu Châu; tưởng ông vua ắt phải khôn hơn ông dân nhiều... nhưng lại không phải vậy.

Năm 1975, mất miền Nam, năm 1976, "Hia" vượt biên đến Hòa Lan.

Năm 1989, "Hia" mở xưởng làm chả giò, bán sĩ cho các siêu thị tại Hòa Lan, rồi tràn qua nước Bỉ và lan tới cả nước Anh. Tiền vô như nước, "Hia" thành triệu phú đô Mỹ tại Hoà Lan; đăng quang làm Vua Chả giò!

"Là người làm kinh doanh, Trẫm thấy rõ bây giờ mình có sự chọn lựa: tiếp tục kinh doanh ở xứ người hay là về đầu tư thử ở Việt Nam. Lá rụng về cội, thâm tâm Trẫm cũng đã nghĩ một ngày nào đó sẽ về Việt Nam đầu tư."

Hoàng tộc ý kiến chia hai! Một bên ngăn cản, cho là về Việt Nam "rất nguy hiểm". Một bên ủng hộ, cho là "sớm, có nguy hiểm, nhưng cũng là cơ hội"

Còn bản thân Trẫm đánh giá Việt Nam lúc này có một "khoảng trống lớn" để đầu tư (?!)

Thế là tháng Sáu, năm 1990, Vua Chả giò ôm về 2,328,250 đô la và 96 ký vàng! (Thấy đô, tiền triệu, thấy vàng, hơn chín chục ký là nó ham hè!)

Và chỉ trong khoảng hơn 6 năm, Hoàng thượng đã nhân số tiền, vàng ky cỏm đem về lên tám lần! "Lên như diều gặp gió".

Liền sau đó diều bị cắt đứt dây, Vua Chả giò bị VC truy tố về tội đầu tư bất động sản ‘chui' và đưa hối lộ. Vua Chả giò bị điệu ra Tòa, VC phát cho Vua 11 cuốn lịch để ngồi đếm.

Vua phải trốn chui trốn nhủi qua Cam Bốt mới trở lại được đất nước Hòa Lan.

Bị dụ về đầu tư, của tom góp bị VC đớp, còn bị nhốt; tức quá,Vua Chả giò quyết ăn thua đủ, đi thưa VC ra Pháp đình Quốc tế. Thắng kiện nhưng VC ì ra không chịu trả lại tiền. Lại tức quá, lại đi thưa, lần nầy đòi bồi thường hơn cả tỉ đô la (Để làm từ thiện?! He he!)

Cho dù Hoàng thượng thắng ‘kiện' đi nữa, tiền vàng của Hoàng thượng đã bị cướp, cha con nó ăn dọng, tẩu tán hết thì tiền đâu nó trả lại cho Hoàng thượng?

Chỉ còn cách duy nhứt là đè đầu dân ngu khu đen trong nước, vốn đã khổ quá chừng để bóp nặn mà đưa lại cho Hoàng thượng chớ gì?

Hoàng thượng gõ bàn toán, tính chơi bí kiếp "đa kim ngân phá luật lệ", làm ăn với VC để kiếm lời! Rồi Hoàng thượng làm... mà VC ăn; giờ Hoàng thượng lại tính xòe tay ra lấy tiền của những thần dân cùng khốn nầy thì tui xin hỏi ngặt là: "Hoàng thượng không thấy bất nhẫn hay sao?"

Tui xin kể cho ông Vua nghe câu chuyện nầy: Một em chân dài, cực kỳ xuất sắc trong vai tì nữ, xin được chân thư ký cho một công ty quốc doanh của VC.

Em ‘hồ hởi, phấn khởi' về khoe với Má em rằng: "Chú Bí thư đảng ủy Công ty đã nhận con làm con nuôi rồi đấy Má!"

Má em chép miệng, lắc đầu: "Theo kinh nghiệm đau đớn của Má (hồi nằm mùng chống muỗi) là trong chế độ CS nầy: con nào nuôi trước sau gì cũng bị mần thịt hết trơn hết trọi hà!"

Thì Vua Chả giò cũng được VC nó nuôi như nuôi heo vậy! Cho ăn cám xú; chờ mập ú, mập ụt ịt... là mần thịt thế thôi!

Thì mếu máo khóc cái gì hè? Tâu Bệ hạ "Chả giò"?

 

đoàn xuân thu

melbourne 

Gò bồng đảo lạch đào nguyên.

dxt_gobongdao.jpg

 Bảo Huân

 

Michael Lawes, 54 tuổi, giáo sư môn Ðộng vật hoang dã, thuộc đại học Charles Darwin đã bị truy tố ra Tòa án địa phương ở thủ phủ Darwin, lãnh thổ Bắc Úc, Úc Châu về tội lắp giấu máy thu hình cực nhỏ vào trong thiết bị báo khói trên trần phòng tắm để quay một em nữ sinh viên đang tắm truồng. Be he!

Em nầy là nghiên cứu sinh, đang làm luận án Tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của ngài giáo sư đáng kính. Em làm nghiên cứu thì Thầy cũng âm thầm nghiên cứu lại em. Nhưng em không chịu mới đưa Thầy ra Tòa.

Tội nầy khung hình phạt tối đa là ở tù, bóc hai cuốn lịch và bị phạt tới 37 ngàn đô la Úc. Coi phim sexy không phép mà phạt nặng quá nhe?!

Nhờ ăn năn hối cải "Tui không dám ngu làm vậy nữa!" nên ông Tòa cũng khoan hồng giơ cao mà đánh khẽ: bắt ngài Giáo sư đáng kính nầy đóng 7,700 đô tiền phạt phải giữ hạnh kiểm tốt trong vòng hai năm với tiền bảo chứng là 1,500 đô.

Luật sư cũng van xin ông Tòa đừng ghi vào tư pháp lý lịch của thân chủ mình nhưng ông Tòa hổng có chịu.

Hết gần chục ngàn đô về cái tội ngu! Hu hu! Vậy mà nạn nhân phản đối:

"Xử gì nhẹ hều hè! Hổng có tánh răn đe gì ráo hè! Mấy đứa khác, sẽ rắp tâm nhòm lén con gái người ta tắm tồng ngồng cho mà coi vì tụi nó đâu có ngán!"

Nhưng ông Tòa cho rằng: Xử vậy cũng nặng quá rồi vì làm tiêu tùng danh tiếng, sự  nghiệp của ông giáo sư nầy rồi... đến nỗi ổng phải ‘mất dạy' và bỏ xứ Darwin ra đi đến phương trời vô định để không còn ai biết đến mặt ‘mẹt' của ta!...

Ông giáo sư đổ thừa rằng: Chẳng qua bị khủng hoảng tinh thần do trầm cảm nên khoái coi con gái tắm truồng thế thôi...

Ở Úc nầy có cái chiêu xin ông Tòa nhẹ tay dùm chút chút là tui làm vậy bởi tui bị khùng... Hi hi.

 

***

Người ta thường nói đàn bà hay tò mò tọc mạch, cái gì cũng muốn thấy, muốn nhìn, muốn nghe rồi đi nhiều chuyện. Nói vậy là không có đúng, theo ý tui quý anh mình còn tò mò hơn quý chị cả ngàn lần.

Tui không có cái tánh đó đâu vì nhỏ tới lớn, từ hồi cưới vợ về tới nay đã 4, 5 chục năm tui không bao giờ nhòm của người khác; vì tui biết làm vậy em yêu của tui hổng có cho. Có rồi mà kiếm cái khác chi nữa?!

"Cứ tắt đèn là nhà lá cũng như nhà ngói đó anh ơi!" Thật là một lời khuyên cực kỳ chí lý của em yêu.

Nhưng nếu mình không đòi mà mấy em cứ ‘sô' hàng thì e rằng con lợn lòng của tui lại khuyên là: "Ðứa nào không coi là ngu. Ðừng bỏ qua rất uổng. Phụ lòng của người đẹp đó nhe!"

Chắc quý anh mình, vốn là quân tử hảo cầu, đã biết bài thơ nổi tiếng xưa giờ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. "Thiếu nữ ngủ ngày":

"Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng.

Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long."

Thiếu nữ mới đã, ngủ ngày còn đã hơn. Ngủ đêm thì tối hù mình đâu có thấy cái gì.

Nào là: "Ðôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông. Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Ði thì cũng dở, ở không xong!"

Cơ hội ngàn năm một thuở, nên dùng dằng nửa muốn ở; mà nửa muốn đi để bảo vệ cái thanh danh, cái bản mặt người quân tử không thèm nhòm trộm bao giờ.

Té ra anh em mình một giuộc cả mà; cũng khoái nhìn em chiều nay 100%  em ơi như Thúc Kỳ Tâm trong truyện Kiều của Nguyễn Du đấy thôi.

"Dưới trăng, quyên đã gọi hè/ Ðầu tường, lửa lựu lập lòe đâm (đơm) bông.

Buồng the phải buổi thong dong/ Thang lan rủ bức trướng hồng, tẩm hoa.

Rõ màu trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.

Sinh càng tỏ nét, càng khen/ Ngụ tình, tay thảo một thiên luật Ðường!"

Nhưng quái một cái là: hình như đời sống tình dục của Thúc Sinh không được bình thường?! Thấy nguyên con như vậy mà hổng làm gì hết ngoài làm thinh... rồi làm thơ.

Adam, ông tổ của tụi mình cũng vậy hè! Ai đời đứng gần một người đẹp rất sexy là Eva, hoàn toàn khỏa thân chỉ có chiếc lá che ngang mặt chữ điền... mà cứ mãi lo ăn táo! Thiệt là đồ ngơ ngáo!

***

Lại cũng mùa hè! Hai vợ chồng thằng Úc bạn của tui dắt thằng con trai ra biển. Mẹ nằm tắm nắng. Bố dắt thằng con dạo quanh. Một lát thằng con chạy lại mách với Mẹ nó rằng: "Ở đằng kia có một cô, mà hai bình sữa còn lớn hơn của mẹ nữa đấy!"

"Ôi lớn chừng nào ngu chừng nấy! Con đừng nhìn; coi chừng cái ngu đó lây qua con đó nhe!"

"Hèn chi con thấy Bố bỗng nhiên mặt đờ đẫn... Tội nghiệp Bố quá! Hu hu!"

Nói cho cùng đàn ông phe ta ai cũng tò mò muốn khám phá mấy em. Có anh thì thích ‘địa' mấy em từ dưới lên trên, từ vòng số ba, ẹo qua vòng số hai; rồi dừng ngay trên đỉnh của vòng số một. Anh khác thì lại từ trên xuống dưới...Ðúng cùng là cánh đàn ông mỗi người nhòm mỗi khác.

Nhưng cánh chị em mình lại nhìn rất giống nhau. Khi các em chiêm ngưỡng các anh không từ trên xuống dưới hay từ dưới lên trên gì ráo, các em chỉ nhòm đăm đăm vào một chỗ, một chỗ một thôi. Chỗ đó là: Cái bóp đựng tiền của ta. Ha ha!

Huyền thoại rằng: Thượng đế đã thừa lúc ta ngủ say, lấy một cái xương sườn của ta rồi nắn nắn bóp bóp ra thành một tuyệt tác chưa từng có, làm một cái quà tặng cho cánh đàn ông chúng ta. Chúng con xin đội ơn Thượng đế ngàn lần.

Mà đã là xương là thịt của ta thì ta cứ nhòm. Việc gì mà phải cữ chớ?!

Thế nên "Tui khoái nhòm cho tới chết, vì đàn ông ai cũng vậy!"

Như một ông già Úc gần chết, thở hào hển, trăng trối với con vợ mình rằng: "Anh sắp đi về bên kia thế giới. Cả cuộc đời anh với em mình chung thủy mặn nồng. Anh không tiếc gì hết nhưng chắc chết mà mắt nhắm chỉ một con; là vì trong lòng anh có một điều anh mơ hoài mà chưa có làm được là xem vũ sexy tức vũ khỏa thân."

Bà cụ em yêu nghe vậy thôi nghĩa tử là nghĩa tận mà ảnh chết đi bỏ lại một gia tài đồ sộ, một căn nhà và hai con chó, rồi chiếc xe xập kỷ nìn thì tiếc chi 1,000 đô mà hổng chịu làm ảnh vui để khi nhắm mắt ảnh nhắm luôn hai con cho mình bớt sợ!

Nên bà cụ đi qua thương lượng với cô láng giềng, có hình dáng rất sexy mà đôi gò bồng đảo đẹp như Phú Sĩ Sơn của Nhật Bản đang chực chờ phun lửa.

Nghe tới tiền là ham hè, nên em đồng ý qua vũ sexy, trần truồng như nhộng để cụ ông hấp hối được thưởng lãm trước phút thăng thiên.

Như một vũ nữ múa bụng chuyên nghiệp, nàng từ từ lắc lư cái mông, rung rung bộ ngực cởi từng cái phụ tùng lỉnh kỉnh từ trên xuống dưới.

Lặng im, chỉ nghe tiếng cụ ông thở ‘khì khì'... Màn vũ chấm dứt sau 15 phút.

Huyền diệu thay, cụ ông hồi phục sức khỏe bắt đầu ăn nhậu được.

Nhưng tuổi già mà như đèn cầy leo lét cháy, nó bùng lên rực rỡ như bóng chiều hôm... rồi cuối cùng đành lịm tắt.

Lần nầy, cụ ông cũng ngáp ngáp chờ đi, cũng yêu cầu được xem cô láng giềng vũ khỏa thân như cũ coi có công hiệu cải lão hoàn đồng như lần trước hay không?

Lần nầy, Cụ bà lại nghĩ: 1,000 đô nhiều quá nên thay vì mướn em khác, cụ bà quyết định cho cụ ông thưởng thức cây nhà lá vườn, ta về ta tắm ao ta dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.

Như một vũ nữ múa bụng chuyên nghiệp, bà cụ từ từ lắc lư cái mông, rung rung bộ ngực cởi từng cái phụ tùng lỉnh kỉnh từ trên xuống dưới!

Lặng im, chỉ nghe tiếng cụ ông thở ‘khặc khặc... ặc ặc' rồi im bặt... Màn vũ chấm dứt sau 15 phút.

Cụ đã đi rồi! Ðám con mồ côi khóc hu hu... trách Mẹ mình sao tiếc tiền chi để Bố chết tức chết tối chết không kịp trối...

Cô hàng xóm từng cứu sống cụ ông lần trước, hụt mối làm ăn nên cũng tức bèn xỏ ngọt là: "Cụ bà có tuổi rồi còn muốn vũ sexy, vũ khỏa thân trước hết là phải ủi cho nó thẳng thớm lại cái đã." He he!

 

đoàn xuân thu -

melbourne

 

 

MƯỜI THANG THUỐC BỔ

dxt_10thangthuocbo.jpg 

Thưa chữ có câu rằng: "Nụ cười mười thang thuốc bổ/ Không biết cười là lỗ mười thang!"

Nghĩa là trong bất cứ hoàn cảnh nào bạn ta cũng nên tìm được khía cạnh tích cực của cuộc đời để mà cười. "Hạnh phúc đời bạn ảnh hưởng rất sâu xa do trạng thái tinh thần của bạn" đó nhe!

Bởi sống quá kiểu cách, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói một cách thái quá, lúc nào cũng như đăng đàn đọc diễn văn: mở miệng ra là kính thưa dù cử tọa không có tội tình gì hết ráo mà cứ đòi ‘thưa' người ta hoài hè!

Làm như vậy chẳng khác nào mình tự tra tấn mình. Tra tấn thì phải đau! Mà đau sẽ làm mặt nhăn như con khỉ đột; vì da mặt sẽ xếp li, ủi cách nào cũng không thẳng thớm lại cho được. Khuôn mặt khó đăm đăm như ai đau khổ vì bịnh trĩ, sẽ hằn sâu dấu vết mệt mỏi, dấu hiệu áp lực đè nặng của cuộc đời.

Y học cũng chứng minh rằng: Khiếu hài hước vô cùng hữu ích cho sức khỏe. Nếu vui vẻ, quý ông anh mình sẽ trông rất trẻ; vì giảm căng thẳng cho bản thân và con vợ với một bầy con lủ khủ không phải gánh đủ cái cảnh quạu quọ, mắng chó chửi mèo; tất tụi nó cũng vui lây. Gia đình thêm hạnh phúc!

 

***

Đừng cãi vã mà chi hỏng có lợi gì đâu như chuyện vui "Người thắng cuộc là..."

Một ông bố vừa trúng thưởng một món đồ chơi ở Hội Chợ, bèn xách về nhà. Xong tụ họp 5 con lại, coi đứa nào xứng đáng với món đồ chơi nầy?!

Bố hỏi: "Đứa nào dễ dạy nhứt? Luôn luôn làm theo lời của Mẹ mà không dám cãi lại bao giờ?"

 

Năm đứa con xúm lại, trao đổi ý kiến một lúc. Xong: "Okay! Daddy! Bố rất xứng đáng giữ món đồ chơi nầy!"

Con vợ mình mà nó nghe chuyện nầy rồi tui bảo đảm với quý ông anh là nó sẽ cười bò lăn, bò càng ra đất mà quên mất cái vụ nấu cơm để chiều nay Tía con mình đành nhịn đói cho coi nhe!

 

Nhưng nếu đám con mình đói bụng mà khóc tỉ ti "Mẹ ơi! Mẹ hỡi Mẹ đi đường nào?" trong lúc bố con bụng sôi ồn ột chờ em yêu đi chợ về thì mình kể cho nó câu chuyện nầy đi bảo đảm nghe xong sắp nhỏ sẽ cười ‘hi hi, híc híc' mà quên luôn cơn đói!

Một con muỗi còn bé ngày đầu tiên bay ra khỏi nhà. Chiều con muỗi con bay trở về. Muỗi bố hỏi: "Sao chuyến bay khỏi nhà lần đầu như thế nào?"

Con muỗi con đáp lại: "Thật là tuyệt! Người nào thấy con cũng đều vỗ tay hoan hô con hết ráo!"

***

Quẳng gánh lo đi! Cười lên mà vui sống! Cái bí quyết hay nhứt là hãy cư xử như một đứa trẻ thơ. Sống như Lão Ngoan Đồng trong truyện võ hiệp của Kim Dung vậy.

Tuy là một nhân vật nổi tiếng trong tiểu thuyết võ hiệp, nhưng không phải do tác giả Kim Dung hư cấu 100% đâu; mà là một nhân vật có thật trong lịch sử của Chú Ba Tàu. Chu Bá Thông dù già háp, đầu sói sọi, râu bạc phơ nhưng tính tình ngây thơ, khoái giỡn chơi như con nít vậy!

Sống như con nít! Tại sao không? Vì trẻ con rất thành thật và chấp nhận người khác không phán xét, phê bình, chê bai, chửi bới gì ai ráo trọi.

Trẻ con không để ý tới màu da sắc tộc; nghĩa là chúng không kỳ thị bao giờ.

Như thằng cháu nội của tui nè! Nó đi nhà trẻ mà Úc trắng, Úc đen, Ấn Độ, Tàu, Việt Nam... nó đều chơi hết ráo.

Nó không quan tâm cái vụ nhà mầy lớn nhà mầy cao sao bằng nhà tao! Hay xe mầy đẹp mà thường hay xẹp... bánh chẳng hạn.

 

Nó chỉ khoái chơi ‘cút bắt' như câu truyện dưới đây: Ông boss lớn của một công ty cần một nhân viên đến gấp để sửa những trục trặc về hệ thống kết nối máy tính của của công ty.

Ông gọi điện thoại cho một chuyên viên về vi tính của công ty và nghe trên đường dây, giọng một đứa trẻ con thì thào trả lời nhẹ như gió thoảng: "Hello!"

"Có Tía ở nhà không cháu?" Giọng trả lời thì thào nhẹ như gió thoảng: "Có ạ!"

"Cho bác nói chuyệnvới Tía cháu đi!" Thằng bé trả lời: "Không được!"

Sao kỳ vầy cà? "Vậy có Má ở nhà không cháu?" "Có ạ!"

"Cho bác nói chuyện với Má của cháu đi!" "Không được!"

"Vậy thì còn có ai khác quanh cháu không cho bác nói chuyện với họ đi!" "Dạ có! Cảnh sát!"

Ủa sao lại có mặt Cảnh sát ở đây nữa vậy cà? Chắc chuyện gì nghiêm trọng lắm đây!

"Cho bác nói chuyện với Cảnh sát đi!" Lại giọng thằng bé thì thào nhẹ như gió thoảng: "Không được! Cảnh sát đang bận lắm!"

"Bận làm gì vậy hả cháu?" Lại giọng thằng bé thì thào nhẹ như gió thoảng: "Cảnh sát bận nói chuyện với nhân viên cứu hỏa!"

Rồi ông boss nghe tiếng máy bay trực thăng bay vần vũ, tiếng cánh quạt phầm phập lan tới ống nghe.

"Có phải là tiếng trực thăng bay không cháu?" "Dạ phải."

"Ối giời đất ơi! Chuyện gì đang xảy ra ở đó vậy? Tại sao các lực lượng khẩn cấp đều có mặt cùng một lúc?"

Thằng bé giọng cũng rất thì thào nhẹ như gió thoảng: "Họ đang tìm cháu!"

 

***

Còn nếu không sống như trẻ con được thì hãy bắt chước giống như một người tối nay ta chìm trong cơn say nên vui quá tay như câu chuyện "Từ tâm" dưới đây: "Một ông đang nằm trên giường với vợ thì nghe tiếng khỏ cửa. Lồm cồm ngồi dậy. Đồng hồ chỉ 3 giờ 30 phút sáng. "Tui không ra khỏi giường vào giờ nầy đâu!"

Rồi tiếng khỏ cửa lớn hơn. Con vợ nói: "Anh không chịu đi mở cửa hả?!"

Cực chẳng đã ông mới bước xuống lầu. Mở cửa ra, thấy một trự có vẻ đã quá sỉn, quá say, trên tay cầm một cái đèn pin, y lè nhè hỏi: "Ông có thể đẩy dùm tôi một lát được không?"

Bị phá giấc ngủ, quạu quọ, ông nạt: "Cút mẹ mầy đi! Mới có 3 giờ rưỡi sáng hè. Tao đang ngủ!"

Xong ông đóng cửa lại nghe một cái rầm thiếu điều làm sập luôn cái nhà!

Leo lên lầu, kể lại cho vợ nghe khúc nôi câu chuyện; con vợ không thông cảm lại lên mặt, giảng ‘moral' như vầy: "Anh thiệt là ích kỷ à nha! Hỏng nhớ tháng rồi, đêm trời mưa như trút nước, trên đường đi đón con mà xe mình giữa chừng chết máy hay không?

Anh phải khõ cửa nhà người ta nhờ một ông ra đẩy tiếp, xe mình mới chịu khởi động lại đó! Nếu ông ấy cũng ích kỷ như anh kiểu: "Cút mẹ mầy đi!" Thì mình gặp rắc rối to rồi đó nhớ hông?"

Ông chống chế: "Nhưng thằng cha nầy nó xỉn quá xá quà xa rồi mà!"

"Thì đã sao nè! Khi người ta cần giúp đỡ thì một con người có lòng từ tâm là phải giúp người ta thôi!"

Nghe vậy, ông chồng lại lồm cồm bò ra khỏi giường, mặc quần áo vào, xuống lầu mở cửa nhưng không thấy thằng cha quá xỉn ở đâu, bèn gọi vọng ra:

"Nè ông bạn! Có còn cần tôi tiếp đẩy một tay nữa hay không?"

Thì có tiếng trả lời: "Dà! Cần quá đi chớ!"

"Nhưng ông đang ở đâu?" "Đây nè! Tui đang ngồi trên cái xích đu nè!"

 

Vậy đó! Cư xử như con nít hoặc một tay ưa say sỉn suốt ngày không bao giờ tỉnh đều vui vẻ cả làng hết ráo; nhớ đừng tính toán chi li như ông nầy đây mà chi cho nó nhức đầu, lên tăng xông rồi nhồi máu cơ tim bất tử nhe!

***

Chuyện rằng: Một ông già thích đi câu, viết email, đặt hàng giao tại nhà cho mình là: "Vui lòng gởi cho tôi một cái máy tàu chạy dầu cho chiếc thuyền câu của tui, y như quảng cáo của mấy ông đăng ở trang số 35! Nếu cái máy không có gì rắc rối tôi sẽ gởi chi phiếu đến cho quý ông!"

Một lúc sau ông nhận được trả lời là: "Xin gởi cho chúng tôi chi phiếu trước; nếu nó không có gì rắc rối, chúng tôi sẽ gởi cái máy dầu đến cho ông nhé!"

 

Và cũng đừng tìm cách ăn miếng trả miếng như vợ của ông nầy mà lượng đường trong máu vượt khỏi tầm kiểm soát lại khổ cho cái thân già.

"Lựa hàng trong siêu thị xong, em yêu đến quầy thâu ngân để trả tiền.

Lúc lục tung cái túi xách của mình mang theo, em để lộ cái bộ điều khiển từ xa của cái máy truyền hình!

Cô thâu ngân hơi ngạc nhiên hỏi: "Bộ lần nào đi chợ bà cũng mang theo cái điều khiển từ xa của TV hết ráo hay sao?"

"Đâu có! Chẳng qua bữa nay tui kêu ổng chở tui đi chợ. Ổng không chịu... nên tui trả thù bằng cách mang nó theo vậy mà!"

Phần em tính chơi mình là vậy. Còn với em mình cũng nên từ bi hỷ xả mỗi lần đi họp mặt với bạn bè trường cũ, lỡ nhậu cưng cửng đành nhờ em làm tài xế đưa về kẻo cảnh sát chặn lại thổi rượu bất tử là mất cái bằng!

Dẫu em yêu có điều khiển chiếc Mercedes, mới mua trả góp của mình, có kinh hoàng đến thế nào thì cũng đừng nên mở miệng chê bai mà chi kẻo làm em giận...

Chỉ cần kể cho em nghe câu chuyện nầy nè: "Tôi không biết là tôi tài xế lái xe tệ hại đến chừng nào khi cái bộ phận chỉ đường trong xe báo rằng: "Chạy 500 mét nữa, quẹo phải, dừng lại và cho tôi ra khỏi xe đi!"

***

Còn phần mấy em đừng nên để bụng châm chọc mà chi khi anh lỡ không thuộc bài... Dù trong lòng có bức bối và tức tối vì thằng chả làm ăn dở như hạch, thì xin mấy em hãy vui lên, cười lên khi đọc câu chuyện nầy:

"Một nàng gặp chàng ở quán rượu. Nhậu nhẹt xong nàng mời chàng về nhà của mình. Uống thêm vài chai nữa. Chàng cởi áo ra và đi rửa tay.

Em nhìn và nói: "Chắc anh là nha sĩ!" Anh hơi ngạc nhiên hỏi lại: "Sao em biết?" "Dễ ợt hè! Vì em thấy anh rửa tay luôn!"

Màn chót là hai đứa leo lên giường, hợp ca bản con đường tình ta đi.

Xong xả, em nhất định cả quyết: "Anh đúng là một nha sĩ mà!"

Lần nầy thì anh chàng, gật đầu xác nhận: "Đúng! Anh là một nha sĩ thứ thiệt." Nhưng cách nào giúp em khám phá ra ngay chóc vậy?"

"Vì em không có cảm giác gì hết trơn hết trọi hè!"

 

Thế đấy, đọc xong bài nầy, xin quý em yêu hãy ráng cười lên đi! "Cười lên đi em ơi! Cười lên để giấu dòng lệ rơi!"

 

đoàn xuân thu

melbourne

"Hai đường ray cỗ xe goòng!"

 

 dxt_haiduongray.jpg

Đêm quê người, tháo ách, nghỉ cày, rót đầy ly rượu, uống một mình, lang thang trên mạng cùng nhà thơ La Quốc Tiến "Đưa Mẹ"... tới lò thiêu.

Đọc thơ Tiến, tôi nhớ như in lời thầy tụng trong đám tang má tôi:

"Khi nào mẹ mẹ con con. Hôm qua còn đó bữa nay mất rồi."

"Bước qua chiếc cầu tre lắt lẻo, con mới hay tin mẹ đã qua đời."

Cái cảm xúc khi nghe tin mẹ mất là choáng váng, như cá ai nỡ đang tâm đánh một cú chí tử vào đầu. Ngừng suy nghĩ. Não không còn làm việc được nữa. Tê liệt, hoàn toàn tê liệt!

Thiệt vậy không? Rán không tin. Không! Dẫu là là sự thật.

 

Trong cái mờ mờ ảo ảo lưng chừng rượu, ngà ngà say, tôi thấy La Quốc Tiến, tôi thấy tôi: đầu một dải khăn sô, áo tang trắng, cẳng không, tay cầm gậy trúc hoang mang. Lò thiêu ánh lửa củi bạch trùm thân mẹ. Lửa tàn rồi, một ngày, đốt củi, lò nguội xuống. Melbourne lò đốt bằng ga, nóng hơn, ba ngày mới nguội.

Thân mẹ yêu giờ là nhúm tro tàn. Và hàng hàng nước mắt. Cát bụi về cát bụi. Sắc sắc không không. Biết vậy!

TL_merucon.jpg

Nhưng cỏ chát vô hồn, khi chuyển mùa tử biệt, vàng úa heo may thu, vẫn còn biết đớn đau. Biển giao mùa, thôi sóng, biển đồng chung, biển chết. Thì thử hỏi lòng con sao không đau xót?!

Dẫu luân hồi, dẫu kiếp sau, con vẫn muốn nắm níu hình ảnh mẹ khăn san phất phập phồng thăm con ngày con vào lính, thăm con ngày con đi tù cải tạo...

Mẹ khăn san đó, bây giờ, qua sương sương nước mắt của khói nâu buồn.

 

"Hai đường ray cỗ xe goòng

Quến người hớp đóa lửa hồng về tro

Hóa thân qua ải cửa lò

Sắc - không cậy nhát củi khô bạch đàn

Con lần gậy trúc hoang mang

Mai lên nhúm Mẹ tro tàn kẽ tay...

Cỏ chát còn luống heo may

Lòng con quặn biển xót ngày đồng chung

Luân hồi bon cỗ xe rung

Mẹ khăn san phất phập phồng khói nâu."

(Đưa Mẹ- La Quốc Tiến)

 

***

dxt_laquoctien.jpg

Năm 85, thất nghiệp, đói quá, tôi trở lại Mỹ Tho sau mười lăm năm đi bụi. Tôi gặp La Quốc Tiến.

Mười giờ sáng ra quán cà phê Mười Thượng, ở góc đường Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo, ngang trường xưa là Bán công Trương Công Định, gọi một ly cà phê đen, vài điếu Đà Lạt, thuốc đen không cán, ngồi xem ông đi qua, bà đi lại.

Nhìn chán, hai thằng chụm đầu vào bàn cờ tướng: một cách giết thời gian, giết đời mình hay nhứt... tới chiều tối, rồi lết về nhà.

 La Quốc Tiến

Mỹ Tho nắng sớm mưa chiều nhưng cũng có khi sớm không nắng mà mưa, chiều cũng mưa luôn, trời buồn... buồn như tiếng ễnh ương kêu!

Tôi và Tiến ngồi trước bàn cờ tướng mà ngẫm sự đời!

Thú thiệt tôi ước được ra biển tự vận, còn hơn sống mà không ra sống... kiểu này. Nhưng tự vận thì ít nhứt cũng phải có tiền mua thuốc chuột.

Muốn vượt biên ít nhứt cũng có vài cây vàng đóng cho chủ tàu. Cơm còn hỏng có mà ăn... mà cứ ngồi đây... mơ ngày mai trời lại sáng. Hết nay rồi lại mai... trời vẫn cứ tối thui!

 

Tiến đỡ hơn tôi nhiều. Không phải cù bơ cù bất. Có nhà ở Cầu Bắc, mặt tiền, có vợ. Vợ giỏi. Vợ Tiến là cô giáo sau nghĩ dạy, đi bỏ bánh kẹo từ Mỹ Tho lên miệt Cai Lậy.

Sáng Tiến chở vợ ra bến xe ngoài cổng thị xã bằng chiếc Honda dame cũ mèm. Xong, trở về, ghé quán Mười Thượng chơi với tôi.

Ba giờ chiều, chạy u về nhà nấu cơm, rồi ra bến xe rước vợ. Hai vợ chồng cơm chung, hủ hỉ.

Còn tôi, tôi một mình! Sống "thơ" hơn Tiến. Và nhậu cũng nhiều hơn! Đời buồn quá! Hổng nhậu, tôi làm gì bây giờ?

Dù gốc Tàu, Phúc Kiến, ba Tiến có tiệm thuốc Bắc ở chợ Đức Huệ, Long An; nhưng Tiến lại chơi cờ tướng dở.

Tôi thì hỏng cao cờ gì; chẳng qua là ở không, đọc sách cờ, khai cuộc, tàn cuộc, còn trung cuộc thì mạnh ai nấy đi.

Tôi chỉ Tiến vài cách khai cuộc. Công hay thủ: công thì pháo đầu mã đội, thủ thì bình phong mã.

 

Mấy ngày bão rớt, ngồi kiểu nước lụt, chơi cờ tướng dưới tàn cây mận, quán cà phê Mười Thượng, tôi triết lý vụn với Tiến: "Đời tao với mầy như những con chốt thí trong khai cuộc tiên nhân chỉ lộ. Chốt chỉ biết qua sông như tên mầy: Tiến, tiến hoài, cấm quay lui, chết thôi.

Còn tướng nằm trong cung có sĩ, có tượng che chở. Thua thì chạy trước như Tướng Kỳ chẳng hạn." Tiến gật gù "Đúng vậy!"

 

Từ bàn cờ tướng rồi thân nhau, từ ông ông tôi tôi rồi tới mầy mầy tao tao, sau khi biết hai thằng đều cùng khóa 4/72 Thủ Đức, tổng động viên mùa hè đỏ lửa. Lúc đó Tiến đang học dở dang ban Việt Hán Văn Khoa Sài Gòn.

Ra trường, Tiến về Thiết giáp có đóng ở Bàu Cá, Long Thành và quen biết Thu, người em năm cũ của tôi.

Thêm được đề tài để hai đứa... "đía".

Kỷ niệm những ngày lính tráng tràn về. Có khi Tiến bỏ tiền ra mua một xị rượu đế, hai thằng nhậu sương sương với xoài sống, chấm nước mắm đường, nhắc chuyện ngày xưa!

Kể cả chuyện Tiến bị đày ải hơn hai năm tù cải tạo ở Vườn Đào, xã Mỹ Phước Tây, quận Cai Lậy, Mỹ Tho.

Cũng vì tù chưa tới ba năm, nên xui quá, Tiến không đi HO được.

 

Lúc đó tôi không biết La Quốc Tiến làm thơ hay như vậy, Tiến tài hoa như vậy. Tiến ít nói, ít khoe.

Duy chỉ một lần Tiến nói "Tao vừa đoạt giải thơ của tuần báo Văn Nghệ. Bữa nào tao đưa mầy coi." Lời hứa đó mãi mãi là lời hứa!

Tôi đi, cuối trời phiêu bạt phận cu li. Tôi không còn gặp Tiến nữa. Mãi mãi!

Sau này tình cờ lên mạng đọc được thơ Tiến thì Tiến đã mất rồi.

Hồi xưa Tiến ít nhậu, đôi khi cao hứng, chiều rủ tôi lên nhà Tiến uống rượu. Tôi cười, nói: "Mầy uống rượu như thằn lằn uống nước cúng. Rủ tao lên nhà, không tốn tiền rượu, chỉ tốn tiền dầu!"

 

Xa Mỹ Tho rồi, tôi không biết Tiến có nhậu nhiều hông? Mà bịnh ung thư gan. Căn bệnh quái ác đó đã mang Tiến đi... đi luôn.

Ngày cuối chắc Tiến đau lắm, khi thuốc giảm đau không còn hiệu nghiệm nữa. Thơ Tiến đã đau lắm rồi thì ông Trời ơi sao ông nỡ lòng nào làm nó đau thêm? Năm lăm tuổi chết. Không trẻ, nhưng cũng chưa già.

 

Sinh thời, La Quốc Tiến khóc Nguyễn Chi. Nguyễn Chi là ai? Tôi không biết. Có thể là bạn thơ của Tiến bị chết chìm, uổng tử trên dòng sông Bảo Định, dòng sông chảy vòng vo, bọc lấy thị xã Mỹ Tho rồi đổ ra sông Cái.

Riêng tôi, tôi lại nghĩ rằng Nguyễn Chi là ẩn dụ, là miền Nam yêu dấu của tôi đã chết trong chiều cả gió.

Tôi chắc là Tiến không có ý như vậy nhưng tôi muốn đọc thơ Tiến theo ý của tôi để thấy thơ Tiến tài tuệ biết chừng nào.

 

"Có vài chiếc lá rụng nghịch mùa

Như mấy cánh cò ma trên mộ người uổng tử

Sông Bảo Định chiều nay cả gió

Hú ba hồn bảy vía Nguyễn Chi ơi!

Hú khan khan như nhấp rượu không mồi!"

(Hú khan khan - La Quốc Tiến)

 

Đêm nay, quê người, Melbourne, hơn ba mươi năm xa Mỹ Tho, tháo cày, cởi ách, nhấp rượu không mồi, tôi không dám hú khan khan... vì sợ cảnh sát Úc... nhốt!

Tôi lặng lẽ khóc Tiến: Khóc một thời kiêu bạt của chính phận mình.!

 

Tạm biệt La Quốc Tiến. Nói tạm biệt chứ không là vĩnh biệt vì ai cũng phải "hui nhị tì" hết. Cái khác là sớm hay muộn, trước hay sau. Vậy thôi!

Vã lại tôi còn nhiều điều phải hỏi La Quốc Tiến. Thơ La Quốc Tiến, theo tôi nghĩ, là tiếng chim hót trong lồng, nên quá nhiều ẩn dụ, vì làm sao nó dám hó hé khi vẫn còn bị nhốt.

Tôi còn phải gặp lại bạn hiền xưa để hỏi nhiều điều cho ra lẽ... mới được.

"Nên Tiến ơi! sắm sẵn bàn cờ, xị rượu đế. Để đó, chờ tao!"

 

đoàn xuân thu

melbourne

 

 

NHẠC MẪU VÀ HIỀN TẾ?!

dxt_nhacmau.jpg 

Bảo Huân

 

Trong tuyển tập Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam, có kể câu chuyện "Cô Út về rừng".

Cô Út xứ Long Tuyền, Cần Thơ xuất giá tòng phu, theo chồng về tận Cà Mau, xứ Cạnh Ðền, muỗi kêu như sáo thổi... nên mới chạng vạng tối là vợ chồng son rút vô mùng... nói chuyện. Vậy là con, đứa dứt thôi nôi đứa thôi đầy tháng. Con cái đầm đìa nên khỏi có ‘dìa' thăm cho tới khi má mình đi bán muối...

"Một mai ai đứng bên kinh/ Ai phò giá triệu, ai rinh quan tài?

Bên kinh đã có con trai/ Giá triệu con gái, quan tài nàng dâu

Hỏi nào chàng rể ở đâu?/ Chàng rể uống rượu đi sau nói xàm"

(Bà già vợ chết, thằng rể vui mừng vui hết biết, nhậu lết bánh luôn đó thấy chưa? Ðâu phải má của nó đâu, mà nó buồn nó khóc chớ!)

Ðọc xong "Cô Út về rừng" nầy, anh bạn nhà văn của tui cảm cái thân phận bị bắt rể của mình, chép miệng, ta thán rằng: "Ông chồng tên Quỳnh trong câu chuyện nầy là một người may mắn vì cha mẹ dù ở trong rừng nhưng có đất có vườn, có ruộng, có rẫy nên cưới vợ là rước dâu chớ không chịu làm thân trâu ngựa như tui đã từng đi ở rể. Ôi bầm giập, cay đắng lắm anh ơi!

Bên vợ chỉ sợ tui là thằng rể ham đất, ham cát sẽ đốc xúi con vợ tui đòi chia.

Ðất điền không phải của tui là tui hổng có ham mà cho dù có ham cũng hổng có được... Vì đám anh, em vợ... đông như quân Nguyên vậy! Có mấy công vườn hè, chia mỗi đứa một khoảnh, chó nằm còn ló đuôi, thì nhận làm chi cho chúng nó khi!

Tui rù rì rủ rỉ: vợ chồng mình ra riêng đi để anh khỏi phải gánh nước đêm trăng hay chẻ củi thước gì ráo... để giếng đâu thì dắt anh ra kẻo anh chết khát vì cả nhà em.

"Rồi làm sao mà sống?"  "Thì anh đặt cái bàn ngoài lề đường, làm đơn mướn, kêu oan cho bà con mình bị CA nhốt ẩu. Nhiều lắm, chắc sống được mà! Em đừng lo!"

"Tội nghiệp con vợ tui nhe! Thương chồng phải lụy cùng chồng, Ðắng cay phải chịu, mặn nồng phải theo. Ai ở lại cứ tự nhiên mà giành đất hương hỏa đi nhe!"

Cuối cùng, hai vợ chồng tui dắt được hai thằng ‘cu' vượt biên qua được tới đây.

Tự do đã đành rồi. Mà cái quan trọng không kém là đi xa gia đình bên vợ tui thêm được ‘mile' nào là tui vui thêm ‘mile' ấy.

 

***

Thưa ‘MIL' là viết tắt chữ ‘Mother-in-law', nghĩa là bà già vợ hay bà già chồng. Mà có hai bà nầy chen vô là vợ chồng trước sau gì cũng gấu ó, có thể đưa đến chuyện anh đường anh, em đường em, tình nghĩa đôi ta có thế thôi.

Lôi nhau ra Tòa ly dị, chia của, chia con làm sắp nhỏ khóc mò.

Nên Adam và Eve là cặp vợ chồng may mắn và hạnh phúc nhứt nhân loại. Vì Adam không có bà già vợ và Eve cũng không có bà già chồng.

Rồi mấy bữa nay đọc báo tui thấy có kể chuyện thằng Tây ‘ba xạo' cưới được con vợ Việt, nhờ cái chiêu: đi qua nhà má cái tay con xá, cái cẳng con quỳ, lòng thương con má sá gì cái thân con, được bà già vợ nó khen quá xá?!

Hồi đó thằng rể Tây nầy dê con bả: "Có muốn làm vợ anh không?" "Quê em chưa có ai lấy chồng Tây. Em sẽ không phải là người đầu tiên."

Nhưng ba em là người nhìn xa trông rộng. Cái cột đèn có chưn nó cũng đi nên khuyên em nên lấy cho rồi để nhờ thằng Tây, mập lù như con heo nầy, bắc cầu qua biển cho em vọt khỏi chế độ độc tài toàn trị.

Cá cắn câu, lậm bùa mê thuốc lú nên rể Tây phải làm đám cưới đàng hoàng: Rước dâu đâu chừng chục chiếc xe bò.

Cưới nhau về, vợ nấu món gì cũng khen ngon, dẫu ăn cơm trắng với nước mắm kho quẹt mà vẫn vui vẻ khen ngon. (Ðúng là cái thằng lẻo lự!)

Còn lớn họng tuyên bố là: "Vợ con là tất cả đối với tui. Tài sản quý nhứt của đời tui."

Rể Tây thương vợ thương con thiệt... cũng giống rể Ta thôi. Cái khác là khi vợ nó không còn thương nó nữa, muốn bỏ đi để xây tổ uyên ương với đứa khác... là nó vác súng rượt hai đứa bây chạy xịt khói. Báo đăng hoài.

Nhưng cái văn hóa cả ngàn năm của Tây khác với ta là: cưới được vợ rồi thì Tía, Má vợ hổng có ra ‘cà ram' nào hết ráo.

Tệ hơn nữa là: Chàng rể với má vợ là kẻ thù không đội trời chung, như chó với mèo, như nước với lửa vậy.

Nên Tây mới có chuyện rằng: Vua Solomon, một vì vua thông thái, nên thần dân ai có xung đột chuyện gì cũng đến nhờ người phân xử.

Một hôm có hai bà lôi một chàng trai trẻ đến trước mặt đức vua.

Bà thứ nhứt nói: "Thằng nầy là rể của tui!" Bà thứ nhì: "Không phải! Nó mới là rể của tui!"

Cãi qua cãi lại, làm rùm quá khiến vua Solomon kêu: "Nín đi!"  Hai bà mới chịu khép cái mồm lại.

Vua Solomon: "Trẫm sẽ cho lính bổ dọc thằng nầy ra làm hai. Mỗi bà vác về một nửa."

Bà thứ nhứt: "Xin đồng ý ngay lập tức! Vậy mới thực là công bằng."

Bà thứ nhì lại không chịu cách giải quyết đó: "Tại sao bệ hạ lại giết người vô tội?"

Vua Solomon bèn tuyên xử: "Chàng thanh niên nầy phải là con rể của bà thứ nhứt!"
Quần thần bất mãn, nhao nhao lên phản đối: "Xử vậy đâu có được hè. Bà ta muốn bổ dọc thằng nhỏ ra làm hai đó!"

Nhà vua vuốt râu cười khè khè: "Chính thế! Vì cư xử tàn nhẫn với con rể như vậy đã chứng tỏ 100% rằng bà ấy đúng là bà mẹ vợ."

 

***

Thằng John, bạn nhậu người Úc của tui, nghe vậy cũng gật đầu xác quyết:

"Tao cũng vậy hè! Cưới vợ xong là đèn nhà ai nấy sáng; cơm ai nấy ăn; nhà ai nấy ở. Rể là người dưng, rể là khách mà... Bên vợ, có ai thương tưởng gì mình đâu?!

Mấy thằng Úc khác nó cũng nghĩ như tao nên đặt chuyện là: "Bà già vợ của ông bị nhồi máu cơ tim!" "Làm gì có chuyện đó? Bà già vợ của tui làm gì có tim mà bị nhồi máu chớ?"

Rồi điều tệ hại nhứt mà một bác sĩ phòng cấp cứu nói với mình là: "Chúng tôi có thể cứu được bà già vợ của ông!"

Vậy là để trù cho bà ấy ngoẻo, năm ngoái, John bỏ ra tới gần một chục ngàn đô mua sẵn một cái huyệt trong nghĩa trang để tặng cho bà già vợ làm quà sinh nhựt.

Sinh nhựt bà già vợ năm nay, John đi tay không! Con vợ cự nự: "Sao anh không mua quà gì cho má em hết ráo vậy?"

"Món quà năm ngoái anh tặng, má em chưa có xài thì mua chi nữa cho tốn tiền?"

 

***

Chắc bà con mình ai cũng đã từng nghe bài hát: "Những chuyến xe trong đời" do ca sĩ Giáng Thu trình bày vào cuối những năm 60 ở quê mình.

"...Vòng tay cũng xuôi theo... Xe đơn lạnh tiễn ai trong này?"

Một chiếc xe tang có tới hai cái quan tài đang tiến về nghĩa trang. Nhạc ò e í e.

Theo sau là một ông dắt theo một con ‘bulldog'. Sau đó là một hàng dài có tới khoảng hai trăm người đàn ông nối bước theo sau.

Nhà báo chuyên săn tin xe cán chó, không ngăn được tính tò mò, cho rằng đây có thể là một cái tin hay lạ, sẽ làm ông chủ nhiệm rất hài lòng vì báo bán đắt, bèn chen vào sau xe tang để phỏng vấn tang chủ: "Chuyện gì đã xảy ra? Xảy ra như thế nào?"

"Quan tài đầu tiên là của vợ tui. Bả bị con ‘bulldog', nuôi trong nhà cắn chết khi bả vác chổi chà rượt đánh tui, vì tối hôm kia tui đi nhậu suốt đêm không chịu về nhà rửa chén.

Còn quan tài thứ hai là của bà già vợ tui. Bả nhào vô cứu con gái mình nên cũng bị con chó cắn chết luôn."

"Thiệt là tội nghiệp!" Nhà báo hỏi: "Chắc gia đình bên vợ ông tu nhân tích đức khi còn sinh tiền nên mới được tới cả hai trăm ông đưa tiễn!"

"Ðâu có! Hai trăm ông nầy đang sắp hàng để tính mượn con chó của tui đấy mà! Phần ông nhà báo nếu muốn, xin chịu khó sắp hàng nhe!"

 

***

Ðể kết luận bà già vợ Việt Nam nào có rể Tây cũng đừng nên nổ sảng.

Rể Tây, rể Ta gì cũng có đứa tốt đứa xấu; dâu Tây, dâu Ta cũng có đứa ngọt, đứa chua lè.

Rể thảo, dâu hiền là mừng rồi. Vợ chồng nó, khác chủng tộc màu da, mà biết tha thiết yêu nhau là mừng rồi. Còn mong rể Tây nó cho tiền đô để xài cho đã thì còn lâu nhe Má!

 

đoàn xuân thu

mellbourne

 


Buổi họp mặt

của

Cựu Sinh viên trường Ðại học Khoa học Sài Gòn ở Footscray!

 

Thưa đời không như là mơ! Vì mơ là một chuyện; thực tế trần truồng là một chuyện khác.

Mơ học báo chí thì những năm 70 chỉ Viện Ðại học Ðà Lạt mới có. Nghèo sặc gạch như người viết, ghi danh đi học chứng chỉ Toán lý Ðại cương (MGP) Ðại học Khoa học Sài Gòn mà má, ba còn lo không xuể thì cách chi mà lên Ðà Lạt để ‘mùa xuân sang có hoa anh đào'! Thôi đành: ‘Em ơi! Nếu mộng không thành thì thôi.'

Mãi đến khi phiêu bạt quê người mới có dịp làm báo... ‘'đời". Mà làm báo coi như móc bọc, nghèo; nhưng nghèo mà sướng lắm nhe: Ðược độc giả rủ rê đi nhậu hoài hè... làm con vợ tui nó rầy tui quá xá.

Chẳng qua bạn hiền Lê Trung Thụy, Ðại học Khoa học Sài Gòn năm 1967, nhà anh chỉ cách nhà em cái giậu mồng tơi xanh rờn, 2 căn... cực kỳ ái mộ mấy đứa làm báo hay nói láo, nên ‘hú u'.

"Ai kêu tui đó?" Nghèo mà ham vui. Vui thì phải nhậu. Mà nhậu thì cần rượu. Ngặt cái hổng có tiền mua!

Anh Thụy nói: "Tưởng chuyện gì? Rượu đỏ là chuyện nhỏ! Chỉ cần một điều kiện là nhậu xong, chú em phải viết một bài tường trình về Lễ Sinh Nhựt một thập niên của Cựu Sinh viên Trường Ðại học Khoa học Sài Gòn ở Melbourne. OK?"

Buồn ngủ mà gặp chiếu manh. Chữ mình một bụng, nhưng bán chẳng ai mua. Thôi thì  chữ ‘ế' đem đi đổi rượu cũng được.

***

Người Việt mình, Bắc, Trung, Nam kể cả người Việt gốc Hoa, giống nhau ở chỗ:"Không ăn đậu không phải là Mễ; không đi trễ không phải Việt Nam!"

Ba giờ chiều ngày 6, tháng Tám, năm 2017, đồng hồ khỏ bon bon, mà chỉ có vài đứa đến đúng giờ để đặt bàn, bày ghế, trang trí cái phòng khách rộng minh mông, cắm điện cái đàn organ, để ban nhạc (một người), tò le tí le cho xôm tụ.

Còn mấy huynh trưởng khác không muốn đến sớm, chắc ngại sợ thiên hạ nói mình ham ăn, nên bạn mình cứ phè cánh nhạn, tới lai rai.

Ông thì nhà xa, bà thì bận lo cho cháu. Vì ba má sắp nhỏ mắc bận đi nhảy đầm nên gởi cho ông bà nội ngoại làm ‘child care!' Chủ Nhựt mà.

Chuyện đâu còn có đó,việc gì mà gấp chớ! Chúng ta ra đi mang theo nền văn minh lúa nước rất đáng yêu (và cũng rất đáng quạu).

***

Mùa Ðông xứ Úc ngày dài đêm vắn, mới 5 giờ thôi mà trời đã sụp tối.

(Bà con biết mà: Cái gì nóng là nó nở ra hè! Mùa Hè nước Úc cũng vậy, gặp nóng là ngày nó nở rộng kinh luôn, mà không cần tới ‘viagra'. Ngày dài... dài  ra.

Mùa Ðông nước Úc cũng vậy, gặp lạnh, là ngày nó thun lại. Ngày vắn... vắn lại.

Thôi tối hù rồi mình khai mạc đi! Ðói bụng rồi nhe!

Người viết có cái ngạc nhiên là qua đây có rất nhiều hội cựu học sinh các trường Trung học. Nhưng trường Ðại học lại hơi bị... ít.

Thế nên nhóm cựu sinh viên trường ÐHKH Sài Gòn chơi với nhau đã 10 năm, một thập niên dài đăng đẳng mà cho tới nay tui mới biết. (Thiệt là hụt ăn ‘chực' tới 9 lần nên tiếc hùi hụi hè!)

***

Ôi nhớ xưa: Con trai sau khi đậu tú tài hai, đứa nào theo Ban B là tới trường Ðại học Khoa học mà ghi danh vô chứng chỉ MGP (Toán Lý Ðại Cương) tính làm Albert Einstein, hay chứng chỉ MPC (Toán Lý Hóa) để làm kỹ sư đào mỏ.

Còn con gái, vua gạo bài, đa phần theo ban A, thì ghi danh vô chứng chỉ SPCN (Lý Hóa Vạn Vật) để sau nầy thi vô Ðại học Y Khoa, học ra làm bác sĩ để chích ‘đít' anh chơi!

Mấy chú MGP và MPC nầy học không lo mà con mắt cứ liếc đưa tình với mấy em SPCN thôi, đẹp não nùng như cô đầm Brigitte Bardot vậy. Hậu quả là sau hai kỳ thi cuối năm, rớt hết ráo. Ðậu chỉ có từ 5 tới 10% là hết mức! Cả 3, 4 ngàn đứa, còn trụ lại được trong cơn sóng gió ba đào, giỏi lắm chỉ còn được 1, 2 trăm!

Mấy đứa rớt: Con gái thì lên xe bông, đi lấy chồng; con trai thì tan mùa thi là anh đi lính, theo tiếng gọi của núi sông, ‘dông' vô trường Bộ Binh Thủ Ðức.

Giờ già nhớ lại, đúng là cái thời tập tễnh từ học sinh ở với Tía Má rồi phải chuyển qua đời sinh viên xa nhà lại là khoảng thời gian đẹp nhứt của đời người.

Ði chơi ‘líp ba ga' mà không sợ Tía má rầy la hay cho ăn cái chổi chà.

Tui nhớ trường Ðại học Khoa học Sài Gòn năm ấy, 1970, nằm trên Ðại lộ Cộng Hòa vốn là ở ké đất của trường Trung học Petrus Ký do Giáo sư Nguyễn Chung Tú làm Khoa trưởng.

Trong sân trường có mấy cây điệp Tây. Cuối mùa Hạ, sơ thu, trường đã tựu, vẫn còn bông vàng lác đác. Nhớ đám sâu đo, nhỏ như sâu gạo, từ cành lá thả tơ, buông mình sâu xuống đất để nhát mấy em học SPCN.

(Anh bạn nhậu của tui, cưới vợ rồi chỉ ước mình được làm con sâu để vợ ảnh mới sợ mà thôi!)

***

Người dẫn chương trình là anh Trương Như Tuấn (nk 1973) đã bỏ nhiều công sức ra tổ chức Lễ Sinh Nhựt 10 năm cho nhóm Cựu Sinh viên ÐHKH Sài Gòn ở Melbourne, nên được anh em mình tấn phong là ông Cả, theo kiểu miền Nam, dẫu anh là dân Huế của mình ơi, vốn dòng Tôn Thất...

Cũng nhờ nhiệt tình của nhạc sĩ Lê Nguyên Trúc (nk 1968) và nhất là Nguyễn Chiếu (nk 1971), điệp viên không không thấy, vì ảnh vừa đeo kiếng đen vừa bận rộn chụp... hình kỷ niệm.

Cũng xin cám ơn quý chị đã trổ tài làm bếp! Toàn là những món ngon, vật lạ Nam, Trung, Bắc lẫn của người Việt gốc Hoa.

Từ bánh khọt, miến xào kiểu Singapore cho tới bánh củ cải Triều Châu...

Ngon quá! Mà tui khờ thôi hết biết, mãi lo tán dóc, quay qua quay lại hết sạch bon (chứng tỏ nó ngon) Hu hu!

Lần sau tui sẽ không dám khờ như vậy nữa!

***

Vô bàn, đặt mâm, ngồi kế bên người viết là Quách Vũ Uối, Hội trưởng TQLC Úc Châu,  một bạn hiền ‘tu', cữ rượu, uống ít, nhưng ảnh nói còn cái vụ ‘kia' thì từ từ sẽ cữ!

Quý anh mình xuất thân Cử nhân từ trường Ðại học Khoa học Sài Gòn vượt biên qua đây, định bằng lại rồi tiếp tục học lên Tiến sĩ, làm Giáo sư trường Ðại học Monash của Úc. Hãnh diện nhe!

Bằng hữu Lê Bình, chủ chợ Little Sài Gòn, nói: "Mừng cho mấy anh có bằng Ph. D; còn tui có bằng Ph. O!"

Hỏi cái bằng gì nghe lạ quá hè? "Ph.O là Phở ...vì Bình qua đây chuyên bán Phở!"

Hèn chi giọng hát của Lê Bình rất ngọt ngào như nước lèo của phở tái nạm gầu bỏ thêm chút hành trần và có chan thêm nước béo.

Lê Bình mời: "Tui có chai Penfold 1993 đây; rót cho ông một ly!" Lại vô mánh! Luật sư nói là có tiền, còn mình nhà báo nói là có rượu.

Lê Bình là người chịu chơi, thích sưu tầm các loại nhạc khí, nhạc cụ và rất nhiều các loại đàn...từ đàn đá... tới cả...đàn...bà!

Rượu được vài tuần, Lê Bình chiếm đài phát thanh, cầm ‘mi-cà-rô', hát bản Khúc Thụy Du, thơ Du Tử Lê, nhạc của Anh Bằng, để thương mến trao về anh Lê Trung Thụy, chủ nhà, đã có nhã ý cho anh chị em mình họp mặt đêm nay.

(Tuấn Ngọc mà nghe Lê Bình hát thì chỉ còn có nước ‘mộng du' chớ không phải  ‘thụy du' (Ngủ mà mớ... vẫn nhớ hoài chim bói cá.)

Tui e rằng anh Thụy, khoe được bà xã, chị Diệp Gò Công, tặng quà Sinh Nhựt là một vỉ viagra; nhưng lần nầy tui e bắp đùi của anh Thụy tối nay, sẽ bị bầm tím vì ‘Khúc Thụy Du' cho mà coi!

Vì đây là bài hát khóc cho một mối tình tan vỡ với ai kia: ‘Em là chim bói cá'. He he!

Rồi tắt bớt đèn, trong cái mờ mờ ảo ảo, chương trình dạ vũ bắt đầu. Slow với lại Rumba cộng với ‘Lam ba da'. Ôi thiệt là: ‘Cha cha cha'!

Việt Nam, chồng hay ‘quánh' vợ nên gọi là vũ phu. Qua đây, đất của Nữ Hoàng, vợ ‘quánh' chồng gọi là ‘vũ nữ'. Khi hai vợ chồng ‘quánh' nhau thì ta gọi là vũ ‘sexy'! Là ‘luân vũ'! Tức là em sẽ ‘nhảy' với anh!

Ðêm vui nào cũng phải tàn. Thôi gặp nhau đây rồi chia tay!

Về tới nhà, mới bước vô là thấy em yêu của tui đang cầm cái chổi chà, núp sau cánh cửa.

"Em ơi! Anh đây mà!"  Nhém chút nữa, là Má tui hổng nhìn ra tui rồi! Hi hi!

dxt_hopSVKH.jpg 

Gươm lạc giữa rừng Hoa!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

CHÚ ỦN!

dxt_chuun.jpg 

Nam Cao viết truyện ngắn Chí Phèo vào tháng Hai năm 1941.

Truyện viết đã lâu; nhưng ngày nay đọc, lại thấy thú vị là nhân vật Chí Phèo từ trong truyện bước ra hóa thành những tay đầu têu của CS Bắc Việt và CS Bắc Hàn!

Nhân vật phụ là Bá Kiến, xấu xa, độc ác, tàn nhẫn lại giống hịt như những lãnh tụ của đảng CS Trung Quốc đã và đang hành xử vậy!

Bá Kiến, học theo sách Tào Tháo, ngoài mặt rất hiền lành, nhưng trong lòng thì gươm đao, hết sức thủ đoạn, nham hiểm, lật lọng! Khi thì dọa nạt, khi thì mềm mỏng, ngọt ngào khi đối xử với Chí Phèo.

Bá Kiến đã biến Chí Phèo thành một tên lưu manh, một tên tay sai đắc lực, chuyên đánh thuê, chém mướn, dằn mặt đối thủ và sau đó là đe dọa toàn bộ dân làng Vũ Đại.

Chí Phèo tưởng bở, vênh vênh, tự đắc: "Anh hùng làng này cóc có thằng nào bằng ta!"

Giống hịt như CS Bắc Hàn và CS Bắc Việt đã làm ‘mọi', đánh Mỹ cho Trung Quốc và Liên Xô vào thế kỷ trước vậy!

Thế giới đều biết tỏng cái trò láu cá nầy của CS Trung Quốc, nên Thượng nghị sĩ tiểu bang Arizona, thuộc đảng Cộng Hòa, là John McCain tuyên bố là: "Chỉ có Trung Quốc là nước duy nhứt có thể kiểm soát được Kim Jong-un, thằng nhóc béo phì, ú nu ú nần và điên rồ đang cai trị nước Bắc Hàn!"

Tuy nhiên các nhà hài hước Mỹ lại cười he he, chọc quê Chánh quyền Mỹ bằng cách đùa rằng: "Trung Quốc cảnh cáo Bắc Hàn: Đừng bắn bất cứ hỏa tiễn nào vào đất Mỹ! Vì nước Mỹ đang nợ Trung Quốc tới 16 nghìn tỷ đô la... Đợi họ trả cho xong rồi thì các đồng chí Bắc Hàn muốn làm gì thì làm!"

Rồi một nhà hài hước khác chọc quê các vị dân cử của Quốc hội Mỹ bằng cách đùa rằng:

"Theo tiểu sử của Kim Jong-un, hắn ta bị cho là luôn luôn dóc láo, ghiền rượu và gái gú tưng bừng; nếu ở Mỹ thì Kim jong-un có thể là nghị sĩ hay dân biểu của Quốc hội Hoa Kỳ."

 

Kim Jong-un, phiên âm Hán Việt: Kim Chính Ân, (người Việt mình lại âu yếm gọi là Chú Ủn vì chú hơi ủn ỉn, mập như heo vậy) sinh ngày 8, tháng 1, năm 1984, năm nay 33 tuổi!

Là cháu nội của người sáng lập ra nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Il-sung (Kim Nhựt Thành) và là con trai của Kim Jong-il (Kim Chính Nhựt), là người kế vị, làm lãnh tụ kính yêu (Dear Respected Leader!) của đất nước Bắc Hàn.

Dẫu không đi lính ngày nào tự nhiên mang hia đội mão lên, làm Nguyên soái Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Chủ tịch Quân ủy Trung ương một cái rột hè.

Vì Bắc Hàn thực chất chỉ là tàn dư của một chế độ phong kiến độc tài, cha truyền con nối. Nhưng vì vua cha, dâm tặc nên có nhiều giòng con; đám cận thần chia phe đứa muốn ủng hộ đứa nầy đứa muốn ủng hộ đứa kia.

Kết quả đương nhiên là cuộc thanh trừng đẫm máu ắt xảy ra trên bước đường tranh giành để nắm trọn quyền lực cho phe phái.

 

Nạn nhân đầu tiên là Jang Song-thaek, 67 tuổi, chồng của cô ruột, một cố vấn cấp cao, bị lôi cổ ra khỏi chỗ ngồi trong một buổi họp khoáng đại của Ban chấp hành Trung ương đảng Công nhân Triều Tiên đang trực tiếp truyền hình.

Jang bị lột trần cho bầy chó đói xé xác ngay lập tức! Kể cả trẻ con trong gia đình Jang Song-thaek, tức là có bà con gần xa với Kim Jong-un, cũng chịu cùng chung số phận bi thảm như tội phải tru di tam tộc vậy!

 

Rồi anh cùng cha khác mẹ với Kim Jong-un là Kim Jong-nam đang lưu vong tại Macau, Trung Quốc với vợ con cũng bị giết chết bằng độc chất tại phi trường Kuala Lumpur của Mã Lai. Vợ con Kim Jong-nam phải làm đơn xin tha mạng!

Các nhà hài hước của Mỹ châm biếm rằng: "Trong năm, sáu tuần lễ trở lại đây, không thấy xuất hiện trước công chúng, có lẽ Kim Jong-un đang bận rộn hành quyết gia đình mình!"

 

Ngoài ra hơn 100 viên chức cao cấp Bắc Hàn đã bị Kim Jong-un ra lịnh hành quyết rất man rợ để hù dọa những kẻ nào có manh tâm tạo phản.

Chỉ lên ngôi cách đây 5 năm nhưng Kim Jong-un đã nhanh chóng tìm ra được những bí quyết trở thành một nhà độc tài thông minh quỷ quyệt nhứt hành tinh!

Mỗi lần Kim Jong-un đi kinh lý, là đám tướng lãnh già nua, ngực đeo đầy huy chương như nút khoén, cầm sổ ghi ghi chép chép lời dạy của lãnh tụ nhóc con vĩ đại. Còn nhân dân thì buộc vỗ tay hoan hô nồng nhiệt rầm trời Kim Jung-un.

Cai trị đất nước Bắc Hàn là Kim Jong-un đang cỡi trên lưng một con cọp đói. Tuột xuống là bị xé xác nên cứ ráng mà ngồi lì, ngồi miết cho tới khi đám cận thần nghĩ rằng lật đổ Kim Jong-un sẽ an toàn hơn là trung thành; thì lúc đó số phận của Kim Jong-un mới "full stop"!

 

Bắc Hàn dân số 25 triệu, bằng phân nửa Nam Hàn. Nền kinh tế chỉ huy theo chủ nghĩa Stalin. Dân đang lần mòn chết đói nhưng xe tăng của Bắc Hàn tốt nhứt thế giới. Có cả một hạm đội tàu ngầm như các nước lớn nhứt trên thế giới.

Quân đội Bắc Hàn tới 1.3 triệu binh sĩ. Tối ngày cứ ăn, mặt đăm đăm, đằng đằng sát khí đi diễn hành rầm rập, chẳng đánh đấm gì mà ngốn tới 1/3 ngân sách quốc gia.

Dù bị thế giới cấm vận; nhưng chẳng nhằm nhò gì khi còn có Chú Ba Tàu Tập Cận Bình chống lưng.

Trung Cộng mua sỉ tới 76% hàng xuất cảng nên dân Bắc Hàn còn ngáp ngáp chớ chưa có chết!

Ngoài ra, bọn cầm quyền ở Bình Nhưỡng còn kiếm tiền bằng mọi cách: Từ xuất khẩu kỹ thuật hạt nhân cho Iran, Pakistan đến buôn bán ma túy, in tiền giả và làm cả thuốc cường dương Viagra giả.

 

Năm 2003, Lực lượng Đặc nhiệm Úc đã từ trực thăng đổ bộ xuống tàu chở hàng Pongsu của Bắc Hàn, nhưng mang cờ Tuvalu, trên vùng biển ở NSW đã phát hiện tới 150kg heroin trên tàu toan tuồn vào nước Úc.

Tuy Kim Jong-un hung hăng như vậy nhưng thế giới vẫn còn xem thường tay đầu gấu nầy là con nít! Ham vui ăn chưa no lo chưa tới nên đề nghị tiếu lâm rằng:

"Tôi cảm thấy như toàn bộ việc rắc rối nầy có thể được giải quyết một cách dễ dàng và đơn giản bằng cách gửi tặng Kim Jong-un một vé đi xem Disneyland!"

"Hôm qua, Bắc Hàn đã phóng một hỏa tiễn tầm xa nhằm mục đích đe dọa nhân dân toàn thế giới. Tuy nhiên, rời giàn phóng chưa tới 1 phút là hỏa tiễn phát nổ làm lãnh đạo Bắc Hàn nổi điên lên!

Kim Jong-un về nhà, đá con chó của mình một cái rồi ra lệnh làm thịt cầy bảy món để dùng bữa tối!"

(Dân Triều Tiên nổi tiếng toàn thế giới là rất khoái ăn thịt chó!)

 

"Cả hai nước Nhựt Bổn và Nam Hàn đều bất ngờ trước việc thử bom nguyên tử của CHDCND Triều Tiên thành công, nhưng chắc chắn đứa ngạc nhiên nhứt lại chính là Bắc Hàn."

"Bắc Hàn đang đe dọa Hoa Kỳ với cuộc chiến tranh toàn diện. Bạn có thể thấy họ đang đẩy mạnh việc này, và họ đã trưng ra cho thế giới thấy thêm 10 bức ảnh Kim Jong-un đang nhìn qua ống nhòm."

 

Nhưng tới ngày thứ Sáu, 28 tháng Bảy, Bắc Hàn đã phóng thử thành công một hỏa tiễn liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân bay đến tận lãnh hải của Nhật Bổn và nhiều thành phố ở Úc, Canada và Hoa Kỳ.

Giờ thì thế giới mới đâm ra lo ngại: sợ chú Ủn khùng khùng làm ẩu.

Nhưng người đáng lo nhứt phải là Tập Cận Bình, vì Bắc Kinh ở gần hơn.

Giờ nói thì nó nghe! Mai kia mốt nọ, nó trở chứng không nghe, nó quay qua cắn Chú Ba trước cũng như Chí Phèo mần thịt Bá Kiến vậy.

Chơi với lửa coi chừng có ngày phỏng tay nhe chú Ba!

 

Hù dọa, cuối cùng cũng làm thiên hạ rét thằng nhỏ nhưng có võ, Kim Jong-un mặt mày phởn phơ vui hết biết, ăn mừng nhậu nhẹt tưng bừng.

Nhưng tiền đâu để Kim Jong-un chơi bời trác táng như vậy?

Thì Tình báo phương Tây cho biết Kim Jong-un, có khoảng 5 tỷ USD. Mỗi năm, ăn chơi xỉu xỉu tốn có 600 triệu đô la thôi!

"Kim Jong-un ở đâu?" Đó là một câu hỏi khó trả lời bởi vì Kim Jong-un có tới 17 cung điện lộng lẫy nằm rải rác khắp Bắc Hàn, và thậm chí cả một hòn đảo dành riêng cho cá nhân mình.

Tổng thống Mỹ có ‘Air Force One' thì Kim Jong-un cũng có ‘Air Force Un'

Tổng thống Mỹ có xe bọc thép thì Kim Jong-un, vì sợ bị ám sát, cũng có Benz S600 bọc thép, giá 1,7 triệu đô la Mỹ.

 

Sách giáo khoa của Bắc Hàn ca tụng Kim Jong-un là một đứa trẻ khôn ngoan, đã biết cách lái xe ở tuổi lên ba?! Ha ha!

Đệ nhứt phu nhân nước Mỹ, Melania Trump, sành điệu với phong cách Pháp khi công du thì Đệ nhứt Phu nhân Bắc Hàn, Ri Sol-jun, cũng không kém cạnh, bằng cách chơi cái túi xách Christian Dior giá 1.457 đô la Mỹ, gần bằng thu nhập trung bình của người dân Bắc Hàn một năm là: 1.800 đô la Mỹ.

 

Còn về khoảng ăn nhậu thì Kim Jong-un cũng chắc chẳng chịu thua ai.

Hỏng có cái vụ ăn cơm trắng với kim chi để màu mè như các lãnh tụ độc tài CS khác mà chú Ủn rất khoái ăn đồ ngoại!

Thịt heo ngon nhứt hạng từ Đan Mạch, trứng cá muối từ Iran, dưa hấu và thịt bò Kobe, từ Nhật Bản.

Uống rượu ngoại! Whiskey và cognac, như Hennessy, 2.145 đô la Mỹ một chai. Thuốc lá Yves Saint Laurent của Pháp, giá 44 đô la Mỹ...

Đúng là một tay ‘play boy' (ăn cắp và ăn cướp tiền của dân để chơi bời) thứ thiệt!

 

Ăn chơi, xài tiền như rác như vậy trong khi nhân dân Bắc Hàn đói khổ.

Mùa hè năm nay vì hạn hán có thể Bắc Hàn phải hứng chịu một nạn đói giống như nạn đói thập niên 1990 đã làm chết tới khoảng ba triệu rưỡi người.

Hèn chi người dân gặp Kim Jong-un là nắm lấy tay áo khóc ròng!

 

Nên có chuyện rằng: Kim Jong-un trên đường đi du hí về thì thấy hai vợ chồng người Bắc Hàn đang lúi húi bên đường, bèn cho dừng xe lại hỏi: "Hai đồng chí nhân dân đang làm gì vậy?"
"Thưa đồng chí lãnh tụ Kim Jong-un! Vợ chồng chúng tôi đang ‘lặt cỏ' về luộc ăn đấy ạ!" "À vầy thì lên xe của ta đi!"

"Dà còn đám con tôi 5 đứa ở nhà nữa!" "Ờ ta sẽ cho cận vệ chở hết chúng lại biệt điện của ta! Cỏ trong sân đã cao lút đầu người. Các đồng chí nhân dân cứ thoải mái ‘bứt cỏ' nhe!"

 

đoàn xuân thu

melbourne

 

Hữu thù bất báo... phi quân tử!

 

Nhớ năm 72, sau khi học làm lính một khóa dài 9 tháng, ở Trường Bộ Binh Thủ Ðức, mấy thằng bạn lính của tui lên đường ra mặt trận thì tui lại được biệt phái về trường cũ để dạy học.

Chánh phủ mình hồi xưa quan niệm rất đúng đắn rằng: Dẫu đất nước vẫn đang còn chìm trong chiến tranh ác liệt thì cái học, cái tương lai của dân tộc nầy, bằng cách nầy cách nọ, phải được đặt lên ưu tiên ở hàng đầu!

Nên thay vì cầm súng, cái đám giáo chức, dứt cháo, trong đó có tui được chánh phủ gởi về trường cầm phấn...

Cầm cái sự vụ lịnh của Thiếu tá Nguyễn Văn Xin, Chủ sự Phòng Ðộng viên của Bộ Giáo dục, nằm trên đường Lê Thánh Tôn, thủ đô Sài Gòn về nhận nhiệm sở ở Cần Thơ.

Có lẽ 9 tháng quân trường chưa đủ lâu để làm tui bay đi mùi sữa ‘Babilac', nên ông gác dan chận lại khi tui mới dợm bước qua cổng trường:

"Ê! Thằng kia! Chuông reo vào học đã lâu, giờ mới vác cái bản mặt tới. Chuyên đi học trễ không hà... mà còn hổng chịu mang hiệu đoàn nữa hè."

Cha chả! Ông làm gác dan trường mà muốn nhảy lên làm thầy Giám thị một cách ngang xương hè?

Tui bèn từ tốn cắt nghĩa: "Tui đi học là hồi xưa kìa. Còn giờ tui đi dạy chú ơi!"

"Ủa! Thầy là giáo sư mới đổi về hả? Tui đâu có biết... Cứ tưởng học trò họ vè không hè! Thôi cho tui xin lỗi nghe!"

 

***

Hồi xưa làm Hiệu trưởng trường công lập cấp tỉnh là oai lắm. Phụ huynh gọi là ông Ðốc không hè. Cỡ mới ra trường như tui được ông Giám học tiếp đã là hân hạnh lắm rồi, đâu dám đòi hỏi gì hơn.

Nhưng chuyện đó với tui không quan trọng bằng cái chuyện điền tên vào bảng lương để cuối tháng lãnh lương. Vì có tiền mới có thực... Mà có thực mới vực được đạo của Thánh hiền phải không nào?

Ông Giám học xếp thời dụng biểu cho tui dạy lớp Ðệ tứ, nhưng tui cứ nằn nì là: "Thưa thầy cho tui dạy lớp Ðệ thất đi!"

Ông Giám học có vẻ không bằng lòng khi thấy tay thầy giáo lơ mơ và lơ ngơ mới ra trường nầy không kính nể cấp chỉ huy đúng mực, không tuân theo lịnh phân công, còn càm ràm xin xỏ lôi thôi nầy nọ nên dấm dẳn tra vấn tui là:

"Tôi xếp thầy dạy lớp Ðệ tứ là ưu ái cho thầy có nhiều cơ hội dạy thêm để kiếm tiền mà cưới vợ... Nhưng tại sao thầy cứ nhứt quyết đòi dạy lớp Ðệ thất vậy hả?"

Tui bèn kiên nhẫn và từ tốn trả lời cho ông Giám học rõ là: "Chẳng qua hồi xưa tui học lớp Ðệ thất tới hai năm nên có rất nhiều kinh nghiệm."

***

Ngày đầu tiên nhận lớp, chưa kịp đặt đít ngồi xuống bàn Giáo sư, thì lấp ló ngoài cửa lớp có một phụ huynh dắt một thằng nhóc con xin phép được vào lớp. Tui bước ra chào đón thì: "Úy! Trời đất ơi! Người xưa của tui đây mà!"

Em cũng vừa ngạc nhiên đến sững sờ, vừa bỡ ngỡ che ngang vành nón lá, nói: "Nếu Thầy có nghĩ tới tình xưa nghĩa cũ dẫu không cùng nhau nên duyên mới lỗi cũng tại em, xin Thầy dạy cho cháu nên người! Ðừng có thù dai, thù vặt mà khẻ tay hay bắt nó quỳ gối tội nghiệp."

Gọi em là người xưa! Chẳng qua hồi còn đi học, thằng anh ruột của em cũng là bạn tui, học hành siêng năng giỏi dắn ngồi chính giữa. Tui và một thằng nữa ngồi hai bên.

Cả hai đứa tui đều làm biếng học bài nên lúc nào thầy cô cho bài làm trong lớp là phải nhờ bạn hiền giúp đỡ bằng cách cho cọp dê.

Bù lại tụi tui sẽ hùn tiền đãi nó uống cà phê sữa đá ở quán Năm Dưỡng gần trường.

Có lần mang điểm bài thi về cho Tía tui ký tên rồi nộp lại theo yêu cầu của Giáo sư, Tía tui có vẻ hổng có hài lòng, nên cật vấn tui rằng:

"Sao điểm bài thi lục cá nguyệt của con thấp vậy?"

"Thưa Tía! Tại khiếm diện ạ!"

"Sao ngay ngày thi mà con lại khiếm diện, trốn học?"

"Dạ đâu có! Tại thằng bạn ngồi kế bên con nó nghỉ!"

***

Một hôm đến nhà tìm nó để rủ đi uống cà phê Năm Dưỡng thì người mở cổng cho tui vào là em gái của nó. Dịp may hiếm có nên tui cười he he mở miệng làm quen là: "Xin lỗi, Chủ Nhật vừa rồi hình như anh thấy em đi Sở Thú chơi phải không?" "Phải. Anh ở chuồng nào vậy?"

Câu trả lời thiệt làm tan nát lòng tui.

Mười năm sau, gặp lại, chắc em thấy tui được làm tới chức giáo sư ‘quèn', em tiếc hùi hụi con chim ngày xưa, em ngu không bắt để bây giờ hồn em phải chìm trong phương trời viễn mộng! Cho đáng đời em! He he!

Rồi vài tháng sau, con em mang vào lớp cái thư phụ huynh mời tui đi ăn đám giỗ ông nội của nó!

Cái gì cái, được mời ăn là tui không bao giờ từ chối. Ðôi khi còn đến sớm sủa để khỏi phải ăn xà bần nữa kìa.

Ðón tui trịnh trọng trước cửa nhà là thằng chồng của em. "Úy trời đất ơi! Thằng chồng của em lại là thằng bạn học chí cốt của tui ngồi chung bàn năm cũ đây mà!"

Thì ra trong lúc tui tấn công em trực diện thì nó lại tiêu lòn, nước chảy đá mòn nhờ nhà nó giàu tiền giàu bạc, giàu vô thiên lủng, nên nó đem tiền ra mua chuộc tình em để biến tui thành một kẻ tình thua!

***

Vô bàn nhậu, làm sương sương vài ly là tui quên mất tiêu mối hận lòng năm cũ! Tui bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa ở Sài Gòn, lang thang chợ đời, sau nhiều năm gặp lại ngoài đường, có lần tui hỏi nó:

"Ðậu Tú tài hai rồi mày tính đi thi vô trường nào vậy?"

"Tao hả? Thi vô Ðại học Y  khoa, làm bác sĩ!"

"Ủa! Tao nhớ lúc trước mày tính thi vô Ðại học Kiến trúc mà?"

"Tại lúc trước ba tao còn làm bên xây dựng!"

"Còn sau đó?" "Ổng làm chủ trại hòm!"

"Nhưng ba tao cũng mất rồi! Tao là con một nên hưởng toàn bộ gia tài. Ăn cả đời còn chưa hết nhưng con vợ tao cứ khăng khăng đòi mở "phéc-mơ-tuya" để bán.

Ờ, tao nghĩ vợ tao, như mầy biết, vừa đẹp và có duyên ăn nói như nó mà mở "phéc-mơ- tuya" thì chắc chắn 100% đắt khách rồi, nên tui cũng tính chiều theo ý nó! Mầy thấy sao?"

"Ý mầy nói là vợ mầy muốn cái ‘pharmacy' phải không? Chớ mở ‘phec mơ tua' ra thì bán cái gì hè?"

***

Vài năm sau, mất miền Nam, VC đánh tư sản mại bản, nghe nói vợ chồng nó cũng lâm vào cảnh đói khổ như tui.

Vì gốc sĩ quan biệt phái, nên tui bị VC đuổi không cho dạy nữa, từ Cần Thơ tui trở về Sài Gòn cũng như vợ chồng nó từ vùng kinh tế mới trốn về vậy.

Một hôm, khoảng năm  78, 79 gì đó tình cờ gặp lại nó ngồi quán cóc uống cà phê trên lề đường Lý Thái Tổ, nó nói: "Sao tao thấy mầy suốt ngày mặc áo bỏ vô quần, giắt viết trong túi cầm sổ đi tà tà hoài vậy?" "À tao kiếm sống bằng ngòi bút!"

Thằng bạn tui gục gặc đầu, thán phục: "Sao làm nhà văn hay nhà báo?" "Ðâu có! Tao đi ghi số đề!"

Sau đó nghe đồn gia đình nó đã thuyền ra cửa biển!  o O o

Trong Luận Ngữ của Khổng Tử có câu: "Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ" (Khách từ phương xa tới mà không vui sao được!)

15 năm sau nữa, đó là tâm trạng của tui sau một cuộc vượt biển đầy hiểm nguy lại may mắn gặp người năm cũ.

Một chiều, rinh theo chai rượu đỏ, vợ chồng tui đến ghé thăm vợ chồng nó ở Footscray, Melbourne.

Ðứa cháu nội của tụi nó ra mở cửa xong, nó gọi vọng vô: "Bà nội ơi! Có ai gọi ông nội bằng thằng đến kiếm kìa!"

Và người xưa của tui, vợ của thằng bạn tui, ra mở cửa, thấy em yêu của tui trước, bèn cất giọng khàn khàn: "Nè! Cháu muốn hỏi thăm nhà ai?"

Tui bèn nói: "Bà xã của anh đó! Ở Việt Nam mới qua định cư được hai năm!"

"Sắc đẹp dẫu chẳng bằng ai. Chỉ thua người mẫu với chân dài" về nâng khăn, móc túi...

Phải em xưa đừng hỏi tui ở chuồng nào? Thì đôi ta đã chung một chuồng, cùng tóc bạc như nhau, sau bao năm vầy duyên can lệ!

Quá đã! Không có cuộc trả thù nào ngọt ngào cho cái đắng cay ngày cũ bị em hỏi anh ở chuồng nào cho bằng cái lúc nầy đây!

Ðúng là ‘hữu thù bất báo...phi quân tử' diễn Nôm là có thù mà không trả thì "sẽ không lớn nổi thành người"!

dxt_huuthu_2.jpg

Bảo Huân

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

BẤT CHIẾN TỰ NHIÊN THÀNH!

dxt_TrumpUng.jpg 

Hổm rày, Kim Jong-un của Bắc Hàn và Donald Trump của Hoa Kỳ khẩu chiến (còn gọi là đấu võ mồm) với nhau một cách ác liệt. Đe dọa lẫn nhau: "Chịu chơi chơi tới cùng!"

Nên tin tức về cuộc khủng hoảng hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Hàn tràn lan trên báo chí!

Kim Jong-un hù là giữa tháng 8 nầy sẽ hoàn thành kế hoạch phóng 4 quả hỏa tiễn tầm trung vượt qua không phận ba tỉnh của Nhật Bản, đáp xuống vùng biển cách Guam khoảng 30 - 40 km trong thời gian 17 phút 14 giây.

Kế hoạch thôi! Hỏng biết lúc nào phóng hết trơn á! Cho Mỹ phập phồng chơi hè!

Nhưng không phải bắn hỏa tiển vào đất đảo, mà là vùng biển gần đảo; giống như thằng du côn mất dạy vác đá ném xuống ao bèo trước cửa nhà mình vậy mà!

Vậy mà Tổng thống Donald Trump nhẩy đong đỏng lên: Guam mà có mệnh hệ nào là chú em mầy sẽ biến mất khỏi bản đồ thế giới.

 

Nghe thấy ghê quá hà! Làm bà con mình phải tìm hiểu Guam ở đâu vậy cà? Xưa giờ hỏng nghe nói há?

Thì tầm chương trích cú thấy: nhà hàng hải Bồ Đào Nha, Ferdinand Magellan phụng lệnh vua Tây Ban Nha, dong thuyền vòng quanh thế giới đã phát hiện ra đảo Guam năm 1521, mà thổ dân ở đó đã sống từ 6000 năm trước; nhưng Tây Ban Nha vẫn ngang nhiên tuyên bố chủ quyền năm 1565.

Rồi Tây Ban Nha và Hoa Kỳ đánh nhau cuối thế kỷ 19. Tây Ban Nha thua phải nhượng đứt Philippines và Guam cho Hoa Kỳ năm 1898.

Từ đấy, Hoa Kỳ dùng đảo Guam làm trạm tiếp tế cho tàu chiến khi vượt đại dương sang Philippines vì đường đi từ mẫu quốc qua xa quá, lính vừa mệt vừa không có chỗ xả "xu páp"; đêm mơ thấy nàng tiên cá, nó nhẩy xuống ôm... thì thậm chí nguy!

Thế chiến thứ hai bùng nổ, quân phiệt Nhật chiếm đóng Guam từ ngày 8 tháng Chạp năm 1941 cho tới ngày 21 tháng Bảy năm 1944, suốt 31 tháng trời.

Dân Guam bị quân Nhật hành hạ, đàn ông thì bắt lao dịch, giết hại khoảng 1000 người. Phụ nữ thì phục vụ sinh lý cho lính Nhật. Tội ác chiến tranh nầy làm nhiều gia đình người Guam ly tán.

Nên ngày 21, tháng Bảy hàng năm, là Liberation Day (Ngày Giải phóng), một trong những ngày lễ lạc lớn nhứt của đảo Guam!

Hiện nay, Guam, lãnh thổ hải ngoại của Mỹ, là hải đảo nằm ở miền tây Thái Bình Dương, diện tích là 544 km², chỉ rộng bằng thành phố Chicago, cách Hawaii hơn 5.000 km về phía tây, cách Philippines và Nhật Bản hơn 2.000 km về phía đông và về phía nam.

Trong khi chỉ cách thủ đô Bình Nhưỡng của Bắc Hàn khoảng 3.410 km, khoảng 4 giờ bay, nghĩa là Guam là lãnh thổ thuộc Mỹ lại xa nhất, gần 12.000 km, cách thành phố New York tới 19 tiếng bay. Nhưng lại gần với Bắc Hàn nhất!

Chính vì vậy Guam mới bị Bắc Hàn hù... cho ăn hỏa tiễn có gắn đầu đạn hạt nhân.

***

Guam cũng không xa lạ với hàng trăm ngàn người Việt Nam tỵ nạn CS.

Tháng Tư, năm 1975, sau khi Sài Gòn lọt vào tay quân CS Bắc Việt thì Hoa Kỳ bằng đường hàng không và hàng hải đã di tản 111.919 người Việt tỵ nạn CS tới Guam trước khi bà con mình được đi định cư ở Hoa Kỳ.

Guam cũng là nơi con tàu Việt Nam Thương Tín cập bến vào tháng Chín năm 1975 sau khi thoát khỏi Việt Nam từ tháng Tư.

Ngày 16 tháng Mười, chính con tàu này đã trở về Việt Nam, chở theo 1.546 người Việt. Sau đó họ bị VC bắt đưa đi cải tạo hết ráo. Bà con còn kẹt lại, tiếc hùi hụi. Chạy được rồi sao lại quay đầu về chi cho nó nhốt vậy hè?!

 

Ngày nay, đảo Guam có khoảng 200 người Mỹ gốc Việt làm ăn sinh sống, trong đó có hai bác sĩ. Có người từ California hay từ những tiểu bang khác qua Guam mở quán Karaoke hay hộp đêm để phục vụ du khách.

Có tới bảy, tám tiệm ăn do người Việt Nam làm chủ, tiệm nào cũng có phở nhưng dân địa phương khoái hẩu xực hủ tiếu, nấu theo kiểu miền Nam, mà họ gọi là "combination soup".

Kinh tế của Guam chính yếu dựa vào du khách từ Nhật Bản, Đại Hàn và Đài Loan vì chỉ cần khoảng 4 giờ bay là du khách nườm nượp xuống sân bay quốc tế Antonio B.Won Pat. Khách sạn từ bình dân đến loại xịn đều đầy nhóc khách.

Du khách đến Guam để tắm vì bãi biển đẹp, cát trắng dài mút mắt, khí hậu nhiệt đới ấm, tắm đã lắm nha!

Để mua sắm tại nhiều trung tâm thương mại trên đảo Guam mở cửa suốt ngày đêm 24/7, bán thời trang cao cấp cho du khách với giá thấp hơn 20% so với quê nhà. Tốn tiền đi chơi, mua về bán gỡ vốn chớ!

 

Guam còn là một đầu não chiến lược quan trọng của quân đội Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, là một hàng không mẫu hạm không bao giờ bị chìm.

Guam có nhiều căn cứ quân sự quan trọng chiến 1/4 diện tích đảo, nơi hơn 6.000 binh sĩ Mỹ trú đóng.

Từ căn cứ không quân Andersen ở Guam, mỗi lần Bắc Hàn thử hỏa tiễn tầm gần, tầm xa là Mỹ cho oanh tạc cơ chiến lược B-1B, B-2 và B-52 bay qua vùng trời Bắc Hàn để thị uy. Mà đâu thấy Bắc Hàn dám làm gì?

Từ căn cứ hải quân đóng tại Guam, Mỹ gởi tàu ngầm nguyên tử, với hàng chục hỏa tiễn Tomahawk, tầm bắn 3.100 km, đến tập trận với Nam Hàn và Nhật Bản hàng năm.

Hành động nầy làm Kim Jong-un phát ghét và đàn anh Trung Cộng phát tức!

Bắc Hàn chọn Guam là mục tiêu hàng đầu để tấn công bằng Hwasong-12, hỏa tiễn đạn đạo chiến lược tầm trung. Vì bắn tới đất Mỹ xa quá, Bắc Hàn chưa làm được.

Tình báo Mỹ nói rằng Bắc Hàn đã thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, gắn lên hỏa tiễn đạn đạo làm dân Guam hơi bị... rét.

Một chú pha cà phê "latte", óc tiếu lâm, dùng bột chocolate vẽ hình cột nấm bom nguyên tử lên lớp sữa của ly cà phê để hù du khách!

Chúa đảo, Thống đốc Eddie Calvo, cho biết Bình Nhưỡng từng đe dọa tấn công đảo Guam năm 2013. Nên chính phủ Mỹ đã lắp đặt hệ thống phòng thủ THAAD trên đảo để dàn chào đề phòng trường hợp hệ thống THAAD ở Nam Hàn bắn hụt! Thủ kỹ, tới hai lớp, nên bà con đừng có lo!

Rồi hỏa tiễn của Bắc Hàn dở ẹt, chỉ có 0,00001% cơ hội đánh trúng Guam.

Tuy nhiên tiên hạ thủ vi cường: "Nếu Bắc Hàn buộc Mỹ phải tiến hành đáp trả hạt nhân toàn diện, chỉ vài phút sau đợt tấn công đầu tiên của Bình Nhưỡng vào Seoul, Nhật Bản, những đồng minh của Mỹ, chớ không cần tới Guam thì Bắc Hàn sẽ thành bình địa, bị hoàn toàn xóa sổ trong vòng 15 phút!"

Thế nên nhân viên thuế quan tại phi trường quốc tế của Guam bông đùa: "Chào mừng quý khách đến Vùng đất số không."

(Ground Zero là vùng đất không còn gì sau khi bị dội bom nguyên tử).

Dân đảo Guam cũng tỉnh bơ. Đứa lớn đi câu cá mỗi ngày thì vẫn đi câu. Đứa nhỏ vọc cát trên bãi biển thì vẫn vọc!

Dân Guam cho rằng: Tổng thống Trump đang phóng đại mọi việc, đóng vai hiệp sĩ trừ gian để dụ khị con nít! Vì những vụ đe dọa kiểu này đã xảy ra nhiều lần rồi. Rung cây nhát khỉ! Khỉ không sợ thì làm gì nhau?

Nhân loại nầy do Thượng đế quyết định, chuyện gì xảy ra thì sẽ xảy ra thôi. Chớ không phải Kim Jong-un hay Donald Trump.

"Chúng tôi chỉ muốn hòa bình, muốn cuộc sống trên hòn đảo này tiếp tục diễn ra nhẹ nhàng như nó vốn có".

Chín người mười ý, cũng có một em sợ quá: "Người ta bảo dân cứ bình tĩnh đi nào vì Guam đã được phòng thủ rất tốt. Nhưng thực tế là biết đâu bữa nay còn đó ngày mai mất rồi! Hu hu!"

Du khách thì cóc ngán Kim Jong-un: Chàng và nàng đi hưởng tuần trăng mật ở Guam nói "Nếu hai đứa tui chỉ có 10 phút để chạy trốn cuộc tấn công, tụi tui sẽ dành 10 phút đó xuống quán uống vài ly vĩnh biệt với mọi người".

 

Dân Mỹ cười hì hì cho rằng Kim Jong-un chém gió: "Hoa Kỳ vừa lên kế hoạch tấn công vào nhu liệu điều khiển hỏa tiễn của Bắc Hàn và kết quả là hai cái computer bị ngưng chạy!"

Bắc Hàn lên kế hoạch bắn 4 hỏa tiễn tầm xa vào vùng biển gần đảo Guam. Nên nhớ gần chớ không có vào đảo Guam. Cái nầy cũng giống như thằng anh nói với em mình: "Tao đâu có đụng vô mầy. Nên mầy không được méc má! Tao đâu có dọng vô bản mặt của mầy! Sao mầy lại khóc bù lu bù loa thế kia?"

Mấy nhà hài hước Mỹ chê Trump nhát, chọc quê là: "Căng thẳng với Bắc Hàn tiếp tục leo thang; Trump đang rất lo lắng bởi vì ông ấy đang đội một cái nón an toàn trên đó có in hàng chữ: "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại!"

 

Còn ý tui là chiến tranh Mỹ và Bắc Hàn rất khó xảy ra trừ trường họp Kim Jong-un muốn tự sát.

Nhưng tự sát làm sao được khi Kim Jong-un muốn gì được nấy. Muốn nhậu là có sẵn rượu vài ngàn đô một chai. Muốn ăn sơn hào hải vị đều có cả. Muốn chơi biết bao nhiêu là em đẹp Bắc Hàn.

Ngu sao mà chết! Nên cái chắc là hù cho vui, cho tên mình lên báo kẻo thiên hạ quên Kim Jong-un!

Tui cho rằng Tập Cận Bình gởi cho Kim Jong-un một cuốn thiên thư dặn phải làm như vầy; như vầy. Nhưng lại đưa lộn cuốn Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân. Làm Kim Jong-un tưởng mình là Tề Thiên đại thánh, bứt một cọng lông ra hô biến thành con khỉ... để làm trò khỉ!

 

Nhưng để chắc ăn, sợ Kim Jong-un nổi cơn làm sảng, tui xin hiến kế cho Tổng thống Mỹ Donald Trump giải quyết một cách êm thắm cuộc khủng hoảng hỏa tiễn liên lục địa có mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Hàn là gọi điện, đích thân mời Kim Jong-un tới Disneyland ở số 1313 Disneyland Dr, Anaheim, CA 92802, USA chơi miễn phí. Tay nầy còn con nít nên ham vui lắm!

Sau đó đãi quốc yến tại Tòa Bạch Ốc vì lãnh tụ tối cao Bắc Hàn rất khoái ăn nhậu. Hỏng thấy y mập ú như con heo đó sao?

Xong xuôi, tiễn Kim Jong-un ra tận chân cầu thang máy bay, nhớ ôm hun thắm thiết nhe!

Bảo đảm là về tới Bình Nhưởng, chỉ tối đa một tuần, là Kim Jong-un sẽ ngã lăn ra chết vì bị Trung Cộng hạ độc vì cái tội vong tình bỏ Chú Ba mà đi hú hí với Chú Sam.

Chiêu thức nầy gọi theo kiểu ông Đạo Dừa, kỹ sư hóa học Nguyễn Thành Nam, trụ trì ở cồn Phụng nằm giữa Mỹ Tho và Bến Tre năm xưa là bất chiến tự nhiên thành.

 

đoàn xuân thu

melbourne

 

 

Cứ bửa tới!

 dxt_cubuatoi_1.jpg

Học thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Mẹ đẻ là một điều không dễ dàng là vì nó khó... (Nói huề vốn!)

Chuyện rằng: Con chuột mẹ dẫn hai chuột con đi dạo. Bỗng một con mèo đánh hơi được mùi chuột, liền nhón cẳng núp sau cánh cửa chuẩn bị vồ ba mẹ con nhà chuột, tha về về đánh chén tối nay.

Trong lúc thập phần nguy cấp, thập tử nhứt sanh, chuột mẹ vội kéo hai chuột con nấp vào phía nên nầy cánh cửa, sủa rõ to: "Gâu, gâu! gâu! Gừ! gừ! gừ! Gâu!"

Mèo ta tưởng là chó, nên vội vàng tam thập lục kế dĩ đào vi thượng, lên đường bôn tẩu .

"Đó các con thấy chưa? Biết được ngoại ngữ thật là có lợi vô cùng vì đôi khi nó cứu được mạng sống của mình!"

Chính vì vậy khi thế giới toàn cầu đã trở thành một cái làng, việc giao tiếp bằng một ngôn ngữ khác tiếng Mẹ đẻ vô cùng cần thiết... thực! Nhứt là đi cưới vợ.

Mấy thằng chuẩn rể Tây, tức da trắng nói chung, lỡ phải lòng với con gái Việt Nam là phải rán mà học tiếng Việt, (dẫu đâu có dễ), để lấy điểm với Bố Mẹ nhà em...

Bố Mẹ ngoài một mớ đô bộn bộn bù của còn phải có một chàng rể Tây dẫu mắt xanh mũi lỏ, nhưng biết húp nước mắm, và phun ra tiếng Việt... để hãnh diện với xóm làng...

Nàng là sinh viên đi Mỹ học, sau khi tốt nghiệp không muốn về nước mà muốn ở lại cái nước tư bản bóc lột nầy nên quăng chài tứ tung mới bắt được một thằng Mỹ lù khù, dễ dụ.

Em sẽ dắt chàng về Hà Nội ra mắt bố mẹ và bà con nội ngoại để chứng tỏ rằng em chẳng lấy làm chơi mà làm thiệt. Nhưng anh lại đực mặt ra đó, một câu tiếng Việt chào hỏi cũng bù trất thì thiên hạ sẽ cho rằng anh ỷ là dân đế quốc Mỹ đem cái thẻ xanh ra nhử nhử trước mặt mà gạt gẫm tiết trinh em!

dxt_cubuatoi_2_changvanang.jpg

Nàng dạy chàng ngôi thứ nhứt, tiếng Anh là "I", thì tiếng Việt không "ai" gì ráo mà phải tùy người đối diện để mình xưng cho thích hợp: là con, là cháu, là anh, là tôi.. v.v...

Lúc nói chuyện với nàng, chàng xưng là anh và âu yếm gọi em. Nhưng với ông bà, cha mẹ là khác! "Nhớ chưa con bò! Cha! Khó dữ vậy hè!"

Về tới Hà Nội, gặp bố em, chàng cung kính, gật đầu chào "Anh muốn cưới con Bố. Bố có đồng ý không?"

Rồi quay sang bà già vợ tương lai khen ngợi vài câu xã giao là: "Giò Mẹ căng lắm!" Quay sang con em vợ thì: "Em đẹp, sexy lắm!"

Con vợ tương lai nghe vậy, bèn rầy: "Anh ngốc như con bò!"

Vốn có chút đỉnh rượu, (chớ bình thường là không bao giờ dám), chàng rể Tây sửa lưng vợ, để cho nhạc phụ và nhạc mẫu biết là tiếng Việt mình cũng giỏi hỏng thua ai

"Con bò không có ngốc! Em phải nói là: Anh ngốc như con ""donkey"", con lừa, mới đúng!"

Trưởng tộc và cả nhà bên đàng gái thán phục, ồ lên cười vui vẻ.

Xong ông Bí thư xã ủy đến ăn chực để chia vui, đứng dậy giới thiệu cùng chú rể Tây của làng ta, chỉ tay vào vợ đang đứng kế bên trịnh trọng nói: "Đây là nhà tôi!"

Thằng rể Tây buộc miệng hỏi: "Rồi cái cửa ra vào, nó ở đâu?"

Thiệt là cái đồ đế quốc Mỹ mà! Toàn là dân cà chớn không hè!

Đó là Mỹ học tiếng Việt; còn Việt học tiếng Mỹ thì sao?

Mấy bữa nay, bên Little Saigon, bà con mình rôm rả bàn về cái vụ nói tiếng Mỹ giả cầy, ba rọi, nửa nạc nửa mỡ mà không chịu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong Cộng đồng người Việt...ở nước ngoài...Nghe vui quá chừng vui đi!

Đa số ông bà, chắc bằng cấp đầy mình mẩy, xúm lại xài xể, xì nẹt bà con mình nói tiếng Việt mà cứ chêm vô tiếng Mỹ, theo giọng đọc của tự điển Lê Bá Kông, Ziên Hồng, trường dạy Anh văn từ hồi năm nẩm ở Sài Gòn!

Ối tưởng cái gì? Chớ cái vụ sính nói tiếng Tây, tiếng U hòa đồng với tiếng Việt của dân mình có gần cả thế kỷ trước lận mà.

dxt_toanhnguyet.jpg

Tuồng cải lương Tô Ánh Nguyệt của soạn giả Trần Hữu Trang kể về chuyện tình giữa Nguyệt và Minh trắc trở rồi tan vỡ trong cái biến loạn của xã hội Việt Nam chuyển từ chế độ phong kiến qua chế độ thuộc địa, sự xung đột giữ cũ và mới!

Ông Cả, (ba của Nguyệt) thì thủ cựu bài tân: "Nhân bất học bất tri lý. Học giả như hòa như đạo. Bất học giả như cảo như thảo (Người không học không biết lẽ phải. Học như lúa nếp lúa mùa. Không học như cỏ dại cỏ khô ích gì?)

Còn bên ông chủ tiệm bazar Phát Đạt (ba của Minh) thì ""đã cựu nghinh tân": bonjour, oui, non, pardon, merci! C"est par bien? tá lả.

Xách đít ra về, chủ tiệm bazar Phát Đạt còn ""Adieu"" (tạm biệt) (A dơ). Ông Cả đáp lại: "Ai dơ" thì biết? He he!

Ông soạn giả Tư Trang đã mượn nhân vật Tân, em của Nguyệt, để phê phán ông chủ hiệu bazar Phát Đạt rằng: "Tây phải ra Tây! Việt Nam phải ra Việt Nam! Đừng mở miệng lai căng pha trộn nửa nạc nửa mỡ nghe không lọt lỗ tai!"

Chuyện đó xưa rồi! Còn bây giờ là thế kỷ 21, mình ở nước của người ta mà chỉ nên nói toàn bằng tiếng Việt, thì là tui sẽ dốt toàn tập tiếng Anh thì làm sao kiếm ra việc làm? Làm cu li, chớ đâu phải là diễn giả trường đại học đâu mà cần tiếng Anh lưu loát?

Mấy thằng Úc nó thường khuyến khích tui, chớ nó không hề dám chê bai, dạy đời như ông Tư Trang đâu! Nó nói: một người biết hai thứ tiếng là ‘bilingual'; còn người chỉ biết một thứ tiếng là thằng Úc!

dxt_languageisthekey.jpg

Thì việc gì mà sợ quê chớ? Muốn giỏi tiếng Anh là phải thực hành, không có cách nào khác. Từ dở mới tới giỏi, biết chữ nào chơi chữ đó, từ ít mới có nhiều, dựa vào kinh nghiệm chiến trường chớ không phải trong sách giáo khoa, toàn là phi hiện thực...tế!

Đây là bài học thực tế nè: "Cô ơi, tôi muốn khám bệnh! Vậy bác "phiu ao" (fill out) cái "phom" (form) này dùm con nha bác!"" "OK Salem!"

"Thằng chả nói tui suốt ngày chỉ lo "sốp binh" (shopping), hỏng có "khe" (care) gì cho chồng con, cho nhà cửa!

"Nô mó nì" (no money) mà sốp binh (shopping) cái gì?Ai đi chợ "khút" (cook) cho cha con ông "ít" (eat)?

Khôn hồn đừng làm tui"ghét mát" (get mad) là tui "mu" ra (move) thì đừng có mà chạy theo khóc lóc năn nỉ kêu tui "mu" vô..." Đồ sì tu pit! ((stupid)"

(Ôi tui khoái cái chữ mu (move) ra, mu (move) vô nầy quá Trời! Mà nỡ lòng nào bắt em phải nói thuần tiếng Việt, không cho chen chữ "move " nào vô hết trơn thì làm sao mà đã chớ?)

Mạnh vì gạo bạo vì tiền, thương vợ thương con; cái tình thương bao la đó đã làm tui không sợ mất mặt (ủa tui có mặt đâu mà sợ mất?)

Không sợ các bức thức giả chê tui là đồ vọng ngoại cộng với "kém thông minh pẹc- ma- năng (permanent) (thường trực).

Mười năm, hai chục năm nữa cái đám tụi tui sẽ đem cái "xi líp" (slip), "xú chiêng" (soutien-gorge), tiếng Tây ; "no star where" (không sao đâu), no medicine (không thuốc hút), master run (thầy chạy) tiếng Mỹ... đi luôn về bên kia thế giới.

Cái tụi tui để lại là đám con cháu nói tiếng Mỹ như Hoàng gia Anh dù da nó vẫn vàng khè.

Do đó cứ chê tui là tiếng Anh... ăn đong của Phước Lộc Thọ mà hay khoe. "Ai đông khe!" (I don"t care). He he!

***

dxt_hola.jpg

Tóm lại sĩ diện hảo mà làm gì? Ai chê tiếng Anh tui giả cầy, ba rọi thì kệ họ chớ. Tui chỉ cần biết chút đỉnh tiếng Anh đủ xài, không cần trúng giọng gì ráo, sao cho "boss" Úc hiểu, cho tui cái "job" để tui đi làm kiếm tiền về cống nạp cho con vợ, để trả tiền nhà, tiền bill, tiền con cái ăn học nữa là tui... OK rồi!

Chớ chờ tui nói tiếng Anh giỏi cỡ Donald Trump hãy nói (chắc tới Tết Congo)... thì vợ tui ai nuôi, con tui ai lo, tiền nhà tui ai trả?
Thử hỏi chê tui rậm rề thì mấy cái chữ tiếng Mỹ nầy quý ông, quý bà có xài không vậy?

Như đi ăn buffet, ăn hamburger, hot dog, pizza! Rồi OK, Cheers, Website, Cell, Ticket, IPhone, IPad, Computer... xe SUV, xe RV, xe Van...

Kêu tui nói bằng tiếng Việt thì nó ra làm sao hả? Chỉ cho tui nói với nhe bồ!

Chẳng qua, tiện là xài, tiếng Anh, tiếng Việt gì cũng được tất! Hoặc pha với nhau cũng được vì tui là một con người tha hương, đành đa văn hóa một phần mà phần khác tui học theo ông bà mình hồi xưa đấy thôi!

Có cái chuyện như vầy: Có anh bồi kia muốn báo động với ông chủ Pháp có một con cọp ngoài vườn, nhưng anh ta không biết con cọp tiếng Pháp là gì!

Không đi đường thẳng được, thì đi đường vòng, cốt cho ông chủ hiểu cái nguy hiểm cận kề, để hai người vọt cho lẹ!

"Lui non buffle, lui pas boeuf, lui "tí ti" jaune, lui "tí ti" noir, lui "gầm" lui "gừ", lui beaucoup méchant, lui mangé monsieur , lui mangé moi!"

"Lúy nông buýp, lúy pa bớp, lúy tí ti dôn, lúy tí ti noa, lúy gầm lúy gừ, lúy bố-cu mê-xăng, luý măng giê mông-xừ, lúy măng giê cả moa!"

(Chẳng phải trâu chẳng phải bò, nó một tí vàng, nó một tí đen, nó gầm nó gừ, nó dữ lắm, nó xực ông, nó xực cả tui luôn).

Do đó, tui rất hoan nghinh bà con mình ở bên Mỹ, bên Canada, bên Úc nầy đây nên nói tiếng Anh khi có dịp. Dù nói chỉ để khoe, để nổ thôi... cũng được mà!

Vì một con người có đầu óc rộng mở, luôn luôn muốn du nhập cái mới! (Chớ không cực đoan thủ cựu, cứ bám riết vào cái cũ, không thèm học thêm cái mới vì sợ thiên hạ chê là nhà quê, dốt hay nói chữ) là tiến bộ rồi hè!

"Nhật tân, nhật nhật tân, hựu nhật tân" mà!

Vậy là không cần chờ đến giỏi tiếng Anh mới nói, cứ bửa tới, bửa tưới hột sen đi bà con!

Ngay cả lúc cự nự em yêu, tui chơi tiếng Anh ba rọi không hè. Vì em không hiểu, nên tui an toàn trên xa lộ, còn xả được cơn tức... giận trong tình nghĩa vợ với chồng.

Nhưng đau đớn thay những ngày hoa mộng đó qua mau; khi đám cháu nội của tui lớn lên đi nhà trẻ, mẫu giáo rồi vào lớp "prep".

dxt_yelling.jpg

Về nhà tụi nó líu lo tiếng Anh và con vợ tui chạy lăng xăng chạy xuống bếp lo cho tụi nhóc từng miếng ăn, thức uống...

Mới đầu thì tụi nó ra dấu, đút ngón tay trỏ vô mồm... là đòi bú tí sữa....Riết rồi em yêu học và hiểu tiếng Anh cũng kha khá!

Vậy mà tui cứ ngây thơ không biết. Cứ theo cái mửng cũ, xài xể em bằng tiếng Anh ba rọi của tui như "you sì -tu- pịt" chẳng hạn!

Ai ngờ em trừng trừng nhìn tui với đôi mắt hình viên đạn. "What? How dare you?"

"Chết Tía tui rồi bà con ơi!" Vậy mà tui cứ tưởng em yêu ù ù cạc cạc như hồi xưa chớ!

 

đoàn xuân thu

melbourne

____________________________________________________________________________________________________ 

  

 

CHIM VÀ BƯỚM! 

dxt_chimvabuom.jpg 

Bảo Huân.

 

Câu chuyện đùa của Úc thường có phảng phất mùi phân biệt chủng tộc, kỳ thị về văn hóa nên bà con mình có định kiến cho rằng Úc trắng kỳ thị Úc đen.

Nhưng Úc đen cũng bị dân da vàng mũi tẹt, mắt hí, nhứt là mấy chú thiếm ba Tàu kỳ thị cũng không thua gì bị Úc trắng.

Mới năm rồi nè! Một công ty Trung quốc đã đưa ra lời xin lỗi về một đoạn quảng cáo bột giặt.

Trong đoạn quảng cáo đó, một á xẩm ném một chú da đen, đen như cột nhà cháy, tóc quăn tít hè, quần áo dính đầy sơn vào máy giặt.

Máy quay ro ro rồi ‘xì tốp', tay da đen này chui ra, sạch sẽ tinh tươm, màu da vàng nhạt y như một chú Ba ở Bắc Kinh vậy. Bột giặt tốt hết biết!

Sợ các nước khác chê là giờ đã khá giàu mà Tàu lại kém văn minh, nên cũng có bà con Ba Tàu khác cự nự, đòi tẩy chay cái hãng bột giặt lếu láo này.

Sợ sập tiệm, chú Ba chủ hãng phải đành xin lỗi là: "Từ rày về sau ngộ không dám quảng cáo ngu như vậy nữa!"

Mấy ngàn năm nay Trung Hoa cứ tự xưng mình là thiên triều, nằm ngay chóc chính giữa, còn các nước chung quanh đều là man di  mọi rợ hết ráo hè.

Cái máu kỳ thị, coi thường dân tộc khác hình như lậm cũng hơi lâu và hơi sâu rồi đó!

Trong gia đình thì trọng nam khinh nữ: Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô.

Hồi Mao Trạch Ðông cấm đẻ nhiều, chỉ cho một đứa. Thì chú Ba và ngay cả thiếm Ba đều muốn có con trai để nối dõi tông đường, cúng giỗ hàng năm, hồn mới có cái mà ăn, chớ ở địa ngục a tỳ bị quỷ sứ bỏ đói dài dài hè!

Hậu quả là ngày nay, chim nhiều bướm ít thì đại loạn trong và ngoài nước để giành gái thì chiến tranh tất yếu sẽ xảy ra, đe dọa đến cái tồn vong của chế độ CS Tàu cho mà coi.

Mà khi nói chuyện chim và bướm, tui xin kể bà con nghe câu chuyện này nè:

Tại phòng mạch của một bác sĩ tâm lý nổi tiếng, có ba bà mẹ dắt theo ba đứa con ngồi chờ.

"Chào bác sĩ! Ðây là con gái tôi tên Hồng."

Bác sĩ tâm lý: "Ồ! nếu tôi đoán không lầm thì bà là một con người tình tứ. Yêu màu hồng, thích bông hồng, thích mân mê bông hồng cho đã,  rồi đem ép vào trang giấy!

"Ôi! "Ðúng là bác sĩ tâm lý mà! Quả có vậy!"

Người mẹ thứ nhì: "Thưa bác sĩ, và đây là con gái tôi, tên Phượng!"

"Ồ! Nếu tôi đoán không lầm thì bà đây chắc hẳn bà yêu hoa phượng lắm. Khi còn là tuổi học trò trong trắng, chắc chắn bà đã mân mê hoa phượng cho đã rồi đem ép vào trang giấy!

"Ôi! Ðúng là bác sĩ tâm lý mà! Quả có vậy!"

Tới phiên người đàn bà thứ ba sắp được tiếp chuyện cùng bác sĩ tâm lý, bỗng bà hớt hải đứng dậy và nói cùng đứa con trai của bà: "Thôi! Ði, đi về....Cu, mau lên Cu, mình đi về!"

Bài học rút ra từ câu chuyện này là anh nào hân hạnh được Má đặt tên Cu thì đừng có buồn duyên tủi phận, khóc hu hu sao cái tên của mình ‘đen' quá?

Nó ngang hàng với tên Hồng, tên Phượng là tên các loài hoa vương giả đó nha!

Tuy vậy cũng đừng có quá tự cao tự đại, ỷ mình là nam nhi chi chí, là đấng trượng phu đường đường một đống, coi thường bọn nữ nhi tay yếu chân mềm, không có ‘con' đó chỉ có cái (họng) là rộng, vì hở cái là khóc hè!

Em giận quá về nhà khóc hu hu méc má! Không biết Má em nói cái gì mà hôm sau vào lớp em trả đũa rằng: "Anh có ‘con' mà em không có, còn em có ‘cái' mà anh lại không có. Em đã có ‘cái' thì em muốn có mấy ‘con' cũng được hết á!"

 

***

Thưa tiếng Pháp là một ngôn ngữ kỳ quái vì nó bị cái giới tính ám ảnh, phải giống cái (féminin) hoặc giống đực (masculin).

Vật vô tri vô giác như cái bàn, cái ghế mà cũng đem đực cái vô đây chi hỡi ‘Mông xừ Victor Hugo'?

Việt Nam mình xui cái là thuộc địa của thằng Tây tới cả trăm năm nên dù muốn ít nhiều cũng phải chịu ảnh hưởng nền văn hóa của nó, chớ chạy đi đâu cho khỏi?

Nghe nói: Tây nó sợ vợ, nó ‘'galant'' lắm, tức là nịnh đầm lắm. Hỏi không sợ thì việc gì phải nịnh chớ? Ngay cả mấy ông Cử nhà mình hồi trào Tây cũng nịnh nữa là.

Thế nên nhà thơ Trần Tế Xương mới có hai câu thơ đối nhau chan chát là: "Trên ghế, bà đầm ngoi đít vịt, Dưới sân, ông Cử ngẩng đầu rồng"

Tui tâm đắc, thán phục nhà thơ sát đất khi đối ‘'ngoi đít vịt'' và ‘'ngẩng đầu rồng'' với nhau. He he!

Kết luận: Tây là một dân tộc đầy mâu thuẫn. Vừa sợ đàn bà, mà vừa phân biệt giới tính.

Thì cũng như xã hội Việt Nam mình hồi tui còn mặc quần thủng đáy vậy thôi!

Chắc do mình chịu ảnh hưởng xấu từ hai nền văn hóa phong kiến và thực dân nó trộn lẫn với nhau. Chịu ảnh hưởng của Tàu là nam nữ thọ thọ bất thân. (Chơi vậy thì làm sao có con nít hè?)

Rồi cổng tam quan của đình chùa, miếu mạo nào cũng chia làm hai rạch ròi bên Thiện nam bên Tín nữ.

Ði ăn giỗ quảy, đám tiệc gì đó là phải ngồi riêng. Bàn thượng hạng là dành cho mấy ông. Còn bàn gần bếp dành cho mấy bà, để tiện việc chạy lên chạy xuống tiếp đồ nhậu cho chàng đang cầm ly, ngồi nói dóc.

Xa quê, tưởng rằng cái hủ tục trong nam khinh nữ đó đã bị bỏ lại quê nhà rồi chớ. Qua đây tui tắm gội bằng xà bông Dove để gội sạch cái văn hóa trọng nam khinh nữ. Giờ là sạch bong rồi.

Tui với em yêu là: "Em ơi em à!" Cần là năn nỉ gãy lưỡi chớ đâu có ngang tàng hống hách như xưa: ‘'Lợi đây cho tui biểu chút coi!''

Nhưng những sắc tộc di dân khác, nhứt là từ Phi Châu tới, hình như không chịu đổi.

Dân Phi Châu theo Hồi giáo ở đây đi đám cưới là riêng lẻ hết. Ðàn bà là đàn bà, đàn ông là đàn ông. Chỗ đàn bà ngồi nhiều chuyện là không có đàn ông, chỗ đàn ông ngồi lo chuyện trên trời dưới đất là không có đàn bà.

Ðàn ông thuộc về đẳng cấp cao hơn, cho dù lùn hơn con vợ mình cả tấc chăng đi nữa!

Chuyện rằng: Bay đi Afghanistan để nghiên cứu về văn hóa của đất nước đang chiến tranh ly loạn này, một nữ phóng viên phương Tây kinh ngạc khi thấy đàn bà ra đường bao giờ cũng phải đi sau đức ông chồng của mình 10 bước chân.

Hỏi lý do tại sao thì hướng dẫn viên trả lời: Phụ nữ đi sau đàn ông vì giai tầng trong xã hội vợ phải thấp hơn chồng.

Cô phóng viên chiến trường về, viết bài phê phán dữ dội sự bất bình đẳng về giới tính nam nữ ở Afghanistan. Bài viết được trang trọng đi trên trang nhứt và gây tiếng vang toàn thế giới nên em rất lấy làm khoái chí.

Một năm sau, em quay trở lại đất nước đầy bạo lực này để làm phóng sự thì ngạc nhiên thay khi thấy người vợ giờ ra đường lại đi trước đức ông chồng của mình tới 10 bước.

Nhưng không phải do bài báo phê phán của em mà xã hội Afghanistan thay đổi đâu mà vội mừng.

Phụ nữ  Afghanistan giờ đi trước đàn ông? Tại sao ư? Tại vì đàn ông sợ trúng mìn bẫy!

 

***

Thưa bà con huyền thoại cho rằng: Từ cát bụi, Thượng Ðế nắn ra một người đàn ông đặt tên là Adam! Cu ky một mình trong vườn Ðịa đàng, không có ai bầu bạn, để cãi lộn cho vui."Ðời tui cô đơn, thân tui... quá cô đơn."

Thượng đế nghe vậy cũng tỏ lòng thương cảm: Muốn là chiều. Nên thừa lúc Adam ngủ say, Thượng Ðế bèn lấy xương sườn của Adam và tạo ra một người nữ, đặt tên là Eva, đưa đến bầu bạn với Adam.

Adam khoái quá xá, dõng dạc tuyên bố là: "Xương của Eva là xương của tui, thịt của Eva là thịt của tui. Cả thân xác đó đều từ tui mà ra... nên tui sẽ làm cha!" Ha ha!

Ðây chỉ là một truyền thuyết thôi nhưng mấy ông anh mình hay vịn vào cái này để mà ăn hiếp vợ nhà. Bậy bạ quá! Tui là hổng có cái vụ đó rồi vì tui không dám. Em yêu ăn hiếp tui thì có.

Lời khuyên của tui dành cho ông anh nào ủng hộ cái bất bình đẳng về giới tính, chỗ của đàn bà là trong bếp, thì phải luôn luôn dòm chừng phía sau lưng của mình. Vì trong bếp còn có chứa mấy con dao. Dao phay, dao chặt thịt... Cái nào cũng bén ngót hè...

Thôi xếp bướm trên chim đi cho nó phẻ nhe mấy anh!

 

đoàn xuân thu -

melbourne

 

 

TRỞ VỀ TỪ CÕI CHẾT! 

dxt_trove.jpg 

Theo tác giả người Mỹ, Guenter Lewy, chỉ trong vòng 9 năm, từ 1965 tới 1974, thì cuộc chiến tranh xâm lược của CS Bắc Việt vào Miền Nam Việt Nam đã làm:

Quân đội VNCH và Ðồng minh chết: 282,000.

CS Bắc Việt và VC chết: 444,000.

Thường dân Bắc và Nam Việt Nam chết: 627,000.

Tổng cộng: 1,353,000.

 

Ngoài những người bị thiệt mạng, còn nhà cửa, tài sản của lương dân vô tội bị phá hủy và hội chứng sau chiến tranh làm vô số quân nhân và thường dân còn chịu nhiều đau khổ cho tới tận ngày hôm nay.

 

***

Một trong những người tưởng đã chết nhưng cuối cùng may mắn được trở về là: Binh nhứt Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ: Ronald L. Ridgeway.

Là con của một công nhân đường sắt Southern Pacific, Ridgeway xuất thân từ một vùng ngoại ô thuộc tầng lớp lao động tại Houston, Texas, USA. 

Ông thôi học và gia nhập Thủy quân Lục chiến bởi vì muốn trốn chạy cái bi kịch của một gia đình tan vỡ vì cha mẹ ông ly dị.

17 tuổi khi đăng lính Thủy quân Lục chiến vào năm 1967; 18 tuổi bị bắt cầm tù; 19 tuổi bị làm đám tang và 23 tuổi được phóng thích ra khỏi nhà tù Hỏa Lò Hà Nội, sau Hiệp định Paris năm 1973.

Mới đầu tại quê nhà Texas, trường cũ của ông: loan báo trên loa phóng thanh là ông bị mất tích khi chiến đấu (missing in action).

Nhưng thân mẫu của ông nhận được thư của cấp chỉ huy ông cho biết rằng vẫn còn một chút hy vọng! Tuy nhiên vào tháng Tám, bà nhận được một thư chia buồn từ Lực lượng Thủy quân Lục chiến là ông đã tử trận.

 

Trong lúc đồng đội và gia đình thương tiếc người chiến sĩ đã bỏ mình thì Ronald L. Ridgeway đang bị quân CS Bắc Việt cầm tù một cách khắc nghiệt trong suốt 5 năm trời.

Ronald L. Ridgeway thường bị biệt giam, bị cô lập, bị hành hạ về tinh thần cũng như thể xác bởi địch quân, cho dù đối với ông, vốn đã là một tù binh, thì cuộc chiến tranh đã chấm dứt...

 

***

Gần 50 năm sau khi bị cho rằng mình đã tử trận, Ridgeway, giờ đã 68 tuổi, đang ngồi suy tư ở nhà, hồi tưởng lại cuộc chiến tranhViệt Nam.

 

Có từ 20 đến 40 ngàn quân CS Bắc Việt bao vây khoảng 6 ngàn Thủy Quân Lục Chiến ở căn cứ Khe Sanh! Chúng pháo kích cấp tập và có súng phòng không làm hạn chế các cuộc không yểm, nên các cuộc tuần tra ngoài căn cứ để tìm kiếm vị trí đóng quân của địch là cực kỳ nguy hiểm.

 

Vào buổi sáng đầy sương mù, ngày 25, tháng Hai, năm 1968, trung đội tuần tra do Thiếu úy Donald Jacques, 20 tuổi, chỉ huy lọt vào cuộc phục kích của địch quân.

Binh nhứt Ronald L. Ridgeway trong nhóm 4 người dẫn đầu trung đội, đang lục soát một giao thông hào hình chữ chi trống rỗng.

"Thình lình quân địch ném lựu đạn xuống. Chúng tôi cũng ném trả lại vài quả lựu đạn ! Ðột nhiên chúng tôi nhận ra tiếng súng của Thủy Quân Lục Chiến phía sau ngừng bặt.

Khi nhóng lên nhìn quanh quất, chúng tôi thấy lính CS Bắc Việt từ những bụi cây thấp tiến về phía họ. Tôi đoán chắc chúng cho rằng các người lính đó đã chết hết. Chúng tôi phải làm gì bây giờ? Chúng tôi phải rút lui."

Charles G. Geller rút trước, theo sau Ronald L. Ridgeway chạy ngược về trảng cỏ nơi họ xuất phát. Khi chạy đến bờ rìa, họ gặp Willie J. Ruff, 20, quê Columbia, tiểu bang South Carolina, đang nằm vật ngửa ra vì bị trúng đạn vào tay. Geller quỳ xuống cạnh Ruff, một viên đạn trúng vào mặt Geller, gây một vết thương kinh hoàng. Khi Geller đang trong trạng thái bấn loạn vì bị thương nặng cố quỳ lên thì địch quân ném một quả lựu đạn và giết chết anh ấy.

Ruff  khẩn cầu Ridgeway đừng bỏ anh lại. Ridgeway nói: "Không! Tao không bỏ mầy lại đâu!" Ðêm đó Ruff chết!

Rồi Ridgeway bị một viên đạn xuyên qua bả vai."Chúng tôi nằm trên trảng trống. Tất cả điều có thể làm là nằm đó và giả chết."

Ridgeway vừa tỉnh vừa mê. "Chúng đã bắn trúng tôi và bỏ mặc cho chết, rồi tiếp tục xung phong tràn qua xác của tôi!"  Trời sụp tối, pháo binh từ căn cứ Khe Sanh cày nát khu vực nầy.

Ridgeway sực tỉnh vào sáng hôm sau, khi ai đó kéo cổ tay mình. Mới đầu ông nghĩ là đồng đội Thủy Quân Lục Chiến nhưng sau lại là một tên lính Bắc Việt, mặt non choẹt, đang cố rứt cái đồng hồ ra khỏi cổ tay của ông.

Cuộc hành quân cứu viện để thu hồi xác tử sĩ đã không xảy ra vì cấp chỉ huy sợ sẽ bị chịu thêm nhiều thương vong. Thế nên các tử sĩ phải nằm ngoài đó ròng rã suốt 6 tuần.

 

Cuối cùng, vào ngày mùng 6, tháng Tư, năm 1968, Thủy Quân Lục Chiến mới có thể trở lại chiến địa. Chỉ còn lại xương cốt của những người đã chết, giày trận và thẻ bài...

Tất cả được mang về nhà xác dã chiến tại căn cứ Khe Sanh nhưng nhận dạng chính xác chỉ được 9 người trong 26 người được liệt kê mất tích.

Những phần di thể không thể nhận dạng, được liệm chung trong hai chiếc quan tài, chôn dưới hai ngôi mộ tập thể.

Vào ngày mùng 10, tháng Chín, 1968, đám tang theo lễ nghi quân cách rất trang trọng được cử hành tại nhà quàn Jefferson Barracks, Nghĩa trang Quốc gia St Louis, thân mẫu của  Ronald L. Ridgeway đến dự và mang về một lá quốc kỳ nước Mỹ được gấp lại.

***

Xa bên ấy, mùa mưa Bắc Việt Nam đang đến và Ronald L. Ridgeway đang là tù binh chiến tranh đã được 7 tháng.

Tàn trận đánh, chúng băng bó và cáng ông xuyên rừng bên Lào rồi trở vào Bắc Việt Nam. Trải qua nhiều trại tù trong rừng, bị nhốt trong chuồng cọp bằng gỗ làm vết thương trở nặng hơn.

 

Ông mặc bộ đồ tù binh chiến tranh, POW, màu hồng và xám, mang dép râu!

(Tất cả những thứ đó ông mang theo về làm kỷ niệm khi được phóng thích)

Ông bị chấy rận, bị sốt rét rừng, bị kiết lỵ hành hạ. Hậu quả là sụt mất gần 50 pounds.

 

Một điều tra viên được ông đặt cho cái biệt danh là ‘phô mai' (cheese). Vì hắn trông giống một miếng phô mai bự chảng. Mặt hắn như một con chuột chù, tánh tình lại cực kỳ hung ác.

Hắn nói tiếng Anh và ngồi trên một cái ghế cao khi hỏi cung, và khi hắn ra dấu bằng cách gật đầu, tên lính dưới quyền dùng gậy tre đánh đập, tra khảo tù nhân đang bị trói nằm dưới sàn nhà.

Dẫu bị tra tấn tàn bạo như vậy nhưng ông không bao giờ cộng tác với kẻ thù, ông nói dối với bọn điều tra và khai ra những tin tức quân sự không có thật!

Những cai tù quân CS Bắc Việt cho rằng ông là một kẻ cứng đầu ngoan cố, và tất cả bọn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ là đồ súc vật!

Ông nói: "Bạn phải tính từng ngày một. Trong đầu, phải ráng nghĩ rằng mình sẽ sống sót. Phải tin rằng chúng sẽ không đánh bại được mình, tin rằng cuối cùng thì mình sẽ chiến thắng!"

Ông  ngồi cô độc trong xà lim không cửa sổ, cạnh một chiếc giường gỗ! Không có ai để chuyện vãn, cố giữ vững tinh thần bằng cách tưởng tượng rằng mình đang ở một nơi nào khác, một ngày nào đó trong tương lai ông sẽ mua được một chiếc xe ‘pick up' để chở vợ và con đi câu cá.

 

Tháng Giêng, năm 1973, đang bị nhốt trong nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, mà tù binh Mỹ gọi châm biếm là ‘Hanoi Hilton' (Khách sạn Hilton Hanoi), thì những kẻ giam cầm ông loan báo rằng: Các tù nhân chiến tranh sẽ được phóng thích theo thỏa thuận hòa bình trước khi Hoa Kỳ rút khỏi Việt Nam.

 

Khi danh sách tù binh Mỹ được công bố, tên Ronald L. Ridgeway nằm trong số đó. Ở Houston, mẹ ông đập cửa nhà hàng xóm, reo mừng: "Ronnie's alive!" (Ronnie còn sống!)

Nhiều tháng sau khi trở về,  Ronald L. Ridgeway tới doanh trại Jefferson Barracks, Nghĩa trang Quốc gia St. Louis để nhìn tận mắt tấm bia mộ của chính mình. "Ambushed Patrol Died in Vietnam Feb. 25, 1968." (Toán tuần tiễu bị phục kích, đã chết tại Việt Nam  ngày 25-2-1968).

 

***

Năm nay, 2017, khi Hoa Kỳ đang đánh dấu nửa thế kỷ kể từ cao điểm chiến tranh Việt Nam ác liệt nhứt vào năm 1967-1968 thì chiến công của một thanh niên dũng cảm trong chiến đấu, bền gan trong ngục tù, dù bị hành hạ tra tấn một cách dã man, vẫn sống sót để trở về từ cõi chết lại xuất hiện trên truyền thông Mỹ.

Dẫu cuộc chiến Việt Nam (theo cách gọi của người Mỹ) vẫn còn chia rẽ người Mỹ một cách sâu sắc, nhưng họ cũng có cùng một điểm chung là: "Chúng ta, những người may mắn còn sống sót sau cuộc chiến, không bao giờ được phép quên lãng những người đã nằm xuống!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

DÂN PETRUS KÝ!

dxt_PetrusKySchl.jpg 

Ðầu đường Ðại lộ Cộng Hòa có cái bùng binh nơi đường Phạm Viết Chánh, Hồng Thập Tự, Lý Thái Tổ, Hùng Vương, Nguyễn Hoàng và Ðại lộ Cộng Hòa gặp nhau. Ra khỏi bùng binh, chạy trên Ðại lộ Cộng Hòa thì trường Trung học Petrus Ký nằm ở đầu đường phía bên tay phải. Ðối diện bên kia cổng trường Petrus Ký là thành Ô-ma (Camp des Mares), là Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa.

Vì địa thế đặc biệt như vậy nên các biến cố chánh trị lớn, nhỏ thời đó trường Petrus Ký dù muốn dù không cũng bị liên can.

Mà người thọ nạn tới 2 lần lại chính là nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký.

dxt_PKyStatue.jpg

Ngày mùng 6, tháng Chạp, năm 1937, kỷ niệm ngày sinh lần thứ 100, tượng bán thân bằng đồng của nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký do nhà điêu khắc Sylve Raffegeard (Pháp) thực hiện mà tên tác giả vẫn còn ghi rõ ở vai trái, được dựng lên trong sân trường.

Cuối tháng Tư, năm 1955, trường Petrus Ký trở thành bãi chiến trường giữa lính Dù của Quân đội Quốc gia Việt Nam và Công an Xung phong của tướng Bảy Viễn.

Tạp chí Thế giới Tự do của Phòng Thông tin Hoa Kỳ, in trên giấy tốt, nên bọn học sinh chúng tôi thời đó hay dùng để bao vở, có chụp hình một người lính phe Bình Xuyên nằm chết gần phòng thí nghiệm của trường.

Tượng ông Petrus Ký thì cũng bị trúng đạn bên má trái, gần hàm dưới có một vết tròn hơi lõm vào.

Tàn trận đánh, Công an Xung phong Bình Xuyên rút chạy về Tổng hành dinh, bên kia cầu Chữ Y. Quân Dù xông vào trường lục soát và tưởng nhầm ông Hiệu trưởng Phạm Văn Còn, đang mặc một bộ ‘complet tussor' màu hột gà, mang kính trắng gọng vàng rất oai phong là...  tướng Bảy Viễn, thủ lãnh của Bình Xuyên!

 

Rồi đến năm 1963, mùng Một, tháng Mười Một, quân đội đảo chánh Tổng thống Ngô Ðình Diệm! Lính Dù đóng đầy trong dãy nhà chứa xe đạp của học trò, ngang hông trường. Bọn học trò tụi tui đành phải nghỉ học để chờ trời yên bể lặng.

Cuối cùng năm 1975, khi CS chiếm Sài Gòn, tượng ông Petrus Ký bị mang đi! Hổng biết tụi nó có đem đi nấu đồng chảy ra để bán ve chai không nữa?

Chết đã lâu mà cũng không được yên, còn bị đuổi nhà?!

 

***

42 năm sau ngày mất nước, trường mất tên, thảng hoặc bà con mình trong nước cũng đòi: ‘'Phải trả lại tên trường Petrus Ký lại cho dân Sài Gòn!"

Nhưng viên chức đảng CS vẫn ngoan cố, khăng khăng cho rằng: ‘'Về mặt văn hóa, Petrus Ký có công; về mặt chính trị ông có tội (?!)''

Tội đã đào tạo ra đám thông ngôn bản xứ phục vụ cho chính sách xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp. Cứ nhìn hàng huân chương ông đeo trên ngực được chính phủ thực dân ban tặng thì đủ biết cái tội "làm tay sai cho giặc" lớn ngần nào (?!).

 

Nhưng bà con đất Sài Thành cự lại là: Petrus Ký là một danh nhân văn hóa: "Ngát tỏa trời Tây danh thông thái/ Thơm hồn Nước Việt rạng non sông"

Các cố đạo người Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha và Pháp đã phiên âm tiếng Việt  bằng cách dùng mẫu tự tiếng  La Tinh để dễ giảng đạo.

Từ đấy, Việt ngữ, dễ học hơn nhiều so với chữ Hán hoặc chữ Nôm...

Rồi Petrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của có công rất lớn trong việc phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ để tiếng Việt mình mới có được ngày hôm nay.

Còn những cái huân chương? Không hẳn là phải giúp Pháp đô hộ thì mới có huân chương. Mà viết sách, nghiên cứu khoa học vẫn được chính quyền đô hộ bấy giờ tặng huân chương!

 

Dân Sài Gòn và cả nước, ai ai cũng kính trọng nhà bác học Petrus Trương Vĩnh Ký. Mỗi người yêu nước đều có quyền đóng góp cho đất nước một cách khác nhau chớ!

Vậy mà từ năm học 1976 - 1977, trường lại bị mang tên Lê Hồng Phong!

Có bà con phát biểu xỏ ngọt, kiểu Nam kỳ là: ‘'Nếu giữ lại tên trường là Petrus Ký thì tên Lê Hồng Phong quẳng đi đâu?''

Biết rồi mà còn hỏi? He he!

 

***

 

Ôi trường ta tang thương! Theo vận nước nhiễu nhương! Học trò năm cũ giờ đâu cả? Ðã dạt về đâu mấy nẻo đường!

 

Tui nhớ trường Petrus Ký không những lớn mà còn bề thế!

Cổng trường bằng gạch rất đồ sộ, cao độ 4 mét. Trên có ghi hai câu đối của Giáo sư dạy Hán văn Ưng Thiều: ‘Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt / Tây Âu khoa học yếu minh tâm!"

Trên đầu hai cột có tấm biển tên được đắp nổi: ‘Trường Trung Học Petrus Ký'.

Qua khỏi cổng là một sân có trải đá xanh cán nhỏ, có hai cây điệp rất lớn, vào mùa Hè (cũng là mùa thi) trổ bông vàng rực rỡ.

Ngay chính giữa là Hành lang Danh dự, dài và rộng, lót gạch bông.

Qua hành lang này, xuống tam cấp, là sân trường hình vuông vức. Chính giữa sân là tượng Petrus Trương Vĩnh Ký, mặc quốc phục, áo dài khăn đóng, trên ngực trái có đeo một dãy huân chương.

 

Hai dãy nhà lầu hai tầng hai bên làm lớp học. Cuối dãy bên tay phải, qua một hành lang nhỏ mới vào được lớp, lớp Ðệ thất 5, niên khóa 1963, của tui đó.

Ðối xứng dãy bên kia có một cái phòng y hệt vậy là phòng giám thị, nơi mà các Thầy đứng đó nhìn lũ học trò từ nhà chứa xe đạp đi vào.

 

Kỷ luật của trường Petrus Ký phải nói là nghiêm khắc không thua gì trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt!

Học trò Petrus Ký phải mặc đồng phục: quần dài màu xanh dương đậm, áo sơ mi trắng tay ngắn! Áo phải bỏ vào trong quần.

Ðứa nào tóc dài, mang dép Nhựt, không đeo hiệu đoàn trên túi áo sẽ bị bắt lại để Thầy Giám thị cho cái cấm túc (consigne).

Trước khi vào lớp, học sinh phải xếp hàng đôi ngay trước lớp. Khi giáo sư đến  cho phép thì học sinh mới được vào. Ði ngang thầy cô đứng là phải cúi đầu chào. Vô lớp xong, vẫn đứng nghiêm, chờ thầy hay cô cho phép rồi mới được ngồi xuống!

Mỗi khi không thuộc bài, trò được quý thầy cô cho hai cái trứng vịt, hai con số không và đóng khung lại (zéros encadrés) thì đương nhiên đó là cấm túc.

Bị cấm túc cũng không ngán bằng đưa cái giấy báo cho Tía mình. Ðọc được bảo đảm mình sẽ biết điểm sôi nó nóng như thế nào. Nên mấy thằng bạn quậy của tui đâu dám đưa cho Tía nó vì sợ ăn roi mây! Ðành muối mặt nhờ Bà Tư hàng xóm ký thay vậy.

 

Suốt cả đời đi học chưa được lên bảng danh dự lần nào mà cũng chưa hề bị cấm túc hoặc phải ra Hội đồng Kỷ luật của nhà trường vì đánh bạn học u đầu chẳng hạn; vì tui là một thằng chết nhát!

Cái lạ là: Ra đời, những thằng bạn góc cạnh, chọc trời khuấy nước, bán trời không mời thiên lôi thuở còn đi học, coi chuyện bị cấm túc là chuyện thường ngày ở huyện thì lại thành công (?); thành đại gia ‘chơi' với người mẫu không hè?!

Ðứa học giỏi thì làm bác sĩ, kỹ sư! Nhưng so với bọn bạn học chọc trời khuấy nước thì lại chẳng nhằm nhò gì.

Còn tui thuộc cái đám đông thầm lặng, giỏi không ra giỏi, dở không ra dở. Trong lớp 55 đứa lúc nào cũng hạng trung bình từ 20 đổ xuống thì ra đời cũng ‘èng èng' như thời đi học vậy thôi! Hu hu!

 

Tuy nhiên nhờ kỷ luật nghiêm khắc và chặt chẽ này cộng với thầy cô trường Petrus Ký rất uyên thâm lại tận tâm nên học trò đi thi cái gì cũng ăn trùm thiên hạ.

Trường cử 5, 6 con gà chọi đi thi ‘Ðố vui Ðể học' trên đài truyền hình số 9 do thầy Cao Thanh Tùng phụ trách, lần nào cũng chiến thắng vẻ vang, sát nút, trước trường Chu Văn An. Dù học trò trường ‘Chết Vì Ăn' cũng không hề kém cạnh!

Còn đi thi Tú tài Một, Tú tài Hai là đậu gần hết lớp! Ưu, Bình là chuyện bình thường. Xoàng xoàng là Bình Thứ hay Thứ thì im thin thít hổng dám khoe vì sợ bị quê.

 

***

Muốn vào học Petrus Ký phải qua kỳ thi tuyển rất gay go. Cả 3,4 ngàn sĩ tử chỉ chưa tới 500, một chọi mười, chen vào 8 lớp đệ thất!

Danh sách đậu được đăng trên trang nhứt của nhựt báo Thần Chung là một vinh dự lớn lao biết sao mà kể.

Sau nầy xa quê, lâu lâu có những bực thức giả là Giáo sư Tiến sĩ hay hàng Tướng lãnh vốn là đồng môn trước cả chục, hai chục năm đi du thuyết, là tui mon men tới: "Tui cũng là dân Petrus Ký nè anh!"

Ðể thấy sang bắt quàng trường cũ hè! He he!

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

Trắng da vì bởi phấn dồi!

dxt_trangda.jpg 

Chuyện rằng: Có một ông cụ, nhà trong rừng, một hôm ra bờ suối bắt được con tôm hùm ế kinh, tính rinh về, nướng lửa than, lột vỏ chấm muối tiêu chanh, nhậu là phải bắt.

Ai dè con tôm hùm nầy vốn là Thái tử, con vua Thủy tề, đi lạc. "Đừng đưa ta lên giàn hỏa! Cha ta là Long Vương, quyền năng tuyệt đối, có dạy cho ta phép thần thông, có thể biến không thành có, ít xít ra nhiều. Chẳng hạn như nước của dòng suối nầy bình thường uống vào chỉ đã khát mà thôi; nhưng với pháp thuật cao cường của Tía ta truyền dạy, ta có thể biến nước suối nầy thành thuốc tăng lực, nhà ngươi chỉ cần uống đúng hai lon, dung tích mỗi lon là 375ml, là trẻ đi được hai lần hai mươi tuổi. Ngươi sẽ được cải lão hoàn đồng, tổng cộng là 40 năm!"

Ông lão bèn múc đầy một lon nước suối, uống khà một cái. Huyền diệu thay, tóc đang lấm tấm muối tiêu, mà muối nhiều hơn tiêu, bỗng trở thành đen bóng như mình đi nhuộm tóc ở tiệm mới về. Da mặt đang xếp ly bỗng phẳng lì như ai đem bàn ủi đến ủi.

Chỉ còn có cái bụng hơi phệ, chắc có lẽ do uống beer nhiều quá, nên hỏng thấy ép phê nhiều. Ông bèn múc đầy một lon nước suối nữa, xong đưa lên miệng tu một hơi hết ráo.

Huyền diệu thay, cạn tới giọt cuối cùng thì bụng đang chang bang như bụng ông Địa, nó teo tóp dần đi như bụng sáu múi của lực sĩ kiến càng.

 

Mừng quá anh (giờ là anh chớ hết là ông rồi nhe) ngựa phi ngựa phi đường xa, riết về nhà.

Bà vợ ra mở cửa, hỏi: "Nè cậu muốn kiếm ai?" "Anh đây nè! Em yêu! Em không nhận ra được anh sao?"

Xong tường tận kể khúc nôi câu chuyện thần tiên mà mình vừa mới trải qua. Bà vợ nghe chưa dứt câu đã chạy chân không kịp chấm đất, biến ngay ra bờ suối...

Chờ mãi mà không thấy em yêu về... Anh bèn ra bờ suối, vừa khóc hu hu vừa kiếm: "Em ơi em đâu rồi? Làm sao hôn bờ tóc rối?!" Mà Trời sắp tối, chỉ thấy có một đứa bé gái sơ sinh nằm khóc oe oe trên thảm cỏ!

Do đó bài học rút ra là muốn trẻ thì cũng vừa vừa phải phải thôi. Mình 60 tuổi rồi thì đại tu nhan sắc thành 20 tuổi là được rồi. Uống hai lon nước suối thôi! Ham hố chi mà nốc cạn tới 20 lon vậy hỡi Trời?

 

Nói cho cùng không phải lỗi tại mấy em mà lỗi tại quý anh mình thôi.

Đàn ông chúng ta là một lũ háo sắc, bao giờ cũng khoái mấy em trẻ và đẹp...

Phụ nữ yêu bằng lỗ tai, yêu bằng những lời đường mật. Đàn ông yêu vì được thỏa mãn cái thị giác và cái khứu giác. Thị giác là để nhìn, còn khứu giác là để ngửi. Chính vì thế mà bất cứ người phụ nữ nào cũng khoái trang điểm, khoái trùng tu nhan sắc bằng cách vẽ mắt, tô son, kẻ chưn mày như đào hát bội và xức nước hoa vào hai nách để đáp ứng yêu cầu của quý anh yêu!

Còn cánh đàn ông, chúng ta, tay nào cũng nói dóc hết trơn... để đáp ứng yêu cầu của quý em yêu!

 

Quan niệm của quý anh mình "Đời chỉ là một sàn diễn thời trang, "catwalk", mà em yêu là người mẫu, đi ẹo qua ẹo lại như mèo, giơ móng vuốt mà chụp lấy túi tiền của quý anh mình."

Chụp túi tiền của quý anh mình thì quý em yêu làm gì? Thì làm đẹp cho quý anh nhìn ngắm, thèm muốn vậy thôi! Chớ chê xấu òm, bỏ em vò võ ngủ một mình, mùa Đông Melbourne nầy, lạnh chết!

Phần mấy em yêu thích trang điểm và xức nước hoa; vì mấy em xấu hoắc và hôi rình hè! Do vậy xưa giờ, phụ nữ nghĩa là phái đẹp thì chuyện làm đẹp, chuyện trang điểm là chuyện rất đương nhiên.

Ngay từ thời Trung cổ, quý mệnh phụ phu nhân, thuộc tầng lớp quý tộc, đã nuốt thạch tín (Độc lắm nhen! Nuốt quá liều là cũng tiêu diêu miền cực lạc như thường; nhưng em không ngán đâu).

Rồi tắm máu dơi để làn da mịn màng như em bé, rửa mặt bằng nước "xì trum" của hài nhi để xóa sạch mụn cám.

 

 

Còn ở nước ta, cái răng cái tóc là gốc con người. Nên phụ nữ, thời bà cố bà nội tui, dùng nhựa cánh kiến để nhuộm răng đen hạt huyền mới đẹp, mới chắc... Làm mấy tay sơn đông mãi võ, chuyên nhổ răng sâu, la trời như bộng vì ế khách.

Còn muốn tóc óng mượt thì dùng trái bồ kết để gội đầu! Để tóc em dài em cài hoa thiên lý; miệng em cười anh để ý anh thương.

Bà cố, bà nội tui đâu cần son môi mà chi. Muốn son môi còn thắm chỉ cần ăn trầu là đôi môi đỏ quạch. Say trầu, mắt lúng liếng tình...nhìn là anh hùng cũng phải lụy thuyền quyên. Chính vì vậy mà ngày nay mới có tui trên cõi đời ô trọc nầy đó chớ!

Phương Tây cũng vậy; vì mỹ phẩm, tiếng Pháp là Cosmétiques, tiếng Anh là Cosmetics, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp Kosmein, có nghĩa là làm đẹp... Bằng cách vẽ bột đồng màu xanh nhạt lên mặt để làm nổi bật đường nét và vẽ lông mày bằng loại kem chế từ mỡ cừu, chì, bồ hóng.

Mấy em bôi lòng trắng trứng gà lên mặt, đắp mặt nạ bằng những lát thịt bò tươi để mặt không xếp ly như cái quần tây chưa ủi.

Thiệt là hoang tưởng và hoang phí. Miếng thịt bò ngon hết biết thì đem nhúng giấm cho chàng nhậu; chàng sẽ biết ơn và yêu em hơn. Đem miếng thịt bò đắp lên mặt thì ai mà dám ăn nè?!

 

Có người quá sùng bái phương Tây; bất gì cái gì của Tây phát minh là hay hết ráo. Cái nầy cần xem lại, nhứt là trên phương diện làm đẹp của người phụ nữ .

Ngày xưa, mỹ phẩm được bào chế theo cách thủ công trong nhà bếp. Dụng cụ là nồi niêu, xoong chảo và sử dụng theo kinh nghiệm của mỗi dân tộc, mỗi địa phương.

Nhưng Tây lại hay "ghiền" hóa chất. Công hiệu thì thấy lẹ hơn kiểu truyền thống rồi nhưng mỹ phẩm của phương Tây có chứa những "tên sát nhân" giấu mặt, gây ngộ độc do chì trong phấn mắt, do thủy ngân trong son môi...

Có em tô son, môi bị dị ứng với hóa chất, cặp môi hình trái tim nó sưng phù lên chù vù như cái bánh Doughnut. Cái giá phải trả cho sắc đẹp quả là đắt!

Vậy mà Nhật, Hàn quốc, nói chung là các nước Đông phương trong đó có Việt Nam ta, cũng vọng ngoại, từ bỏ cách trang điểm truyền thống đáng quý, đáng bảo tồn vì rẻ tiền của quý bà cố bà nội mình, thình lình chuyển từ cây cỏ, lá hoa cành mà chuyển sang "ghiền" hóa chất như Tây phương!

 

Vắng chàng má phấn môi hồng với ai? Nên khi Thế chiến lần thứ Hai kết thúc, đón chàng từ mặt trận trở về, nhu cầu làm đẹp của quý bà, quý cô là mảnh đất màu mỡ cho các hãng mỹ phẩm như Helena Rubinstein, Estée Lauder, L"Oréal, Nivea, Revlon và tiếp đó Dior, Chanel và Yves St Laurent xâm chiếm rầm rầm rộ rộ.

 

Ngày nay, mỹ phẩm đã trở nên một ngành khoa học được giảng dạy trong các trường đại học. Các Viện nghiên cứu được hãng nầy, hãng nọ thành lập, đông như quân Nguyên, quy tụ các chuyên viên hàng đầu của nhiều ngành (hóa học, sinh học, y học, vật lý học, dược học,...) và được trang bị những máy móc hiện đại nhất chỉ để chế tạo mỹ phẩm phục vụ mấy chị em mình!

Mỹ phẩm chiếm hầu hết chương trình quảng cáo, phát sóng hàng ngày trên truyền hình, trên tạp chí thời trang, dạy cách tô môi, kẻ mắt, cắt lông mày và lông... nách!

Phần mua mỹ phẩm thật dễ dàng: ở nhà thuốc Tây, siêu thị, trên Internet... nên mấy chàng bước ra phố là gặp ngay mấy cô nàng mắt đỏ, mỏ xanh xanh.

Cạnh tranh quyết liệt, nhứt định đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng, hãng Max Factor tung ra dầu làm nâu da, da trắng như sữa dê đã bị "đề-mốt-đê" (démodé) rồi, nước hoa, lông mi giả, viết kẻ mắt! Tất cả đều nhỏ gọn, bỏ trong túi xách đi xa rất tiện dụng. Rảnh rang một chút, ngồi trên xe đò, xe lửa hay máy bay là em lôi ra ngồi chu mõ, vẽ vẽ, tô tô... Bỏ chàng ngồi ngáp gió một mình!

 

"Trẻ mãi không già" là mục tiêu phấn đấu của mấy em; không riêng người Việt Nam mình đâu mà trên thế giới em nào cũng vậy!

Dù U70 hay U60, mấy em đều muốn mình xinh như mộng! Trừ khi ở truồng như nhộng, mình mới biết tuổi thật của mấy em thôi! He he!

Mấy em yêu, người Việt mình, sau khoảng thời gian cắm đầu may ngày không đủ; tranh thủ may đêm, một hôm, sực tỉnh soi gương, xem dung nhan đó bây giờ ra sao?

Mới hay mãi lo kiếm tiền, bỏ bê nhan sắc tàn phai. Sợ thằng chả sanh nhị tâm, bay về Việt Nam kiếm con bồ nhí; nên mấy em bỏ tiền "bi nhiêu thì bi" mà mua son phấn về để trang điểm lại má hồng!

Thế nên chủ tiệm thuốc Tây người Việt mình giờ thích bán mỹ phẩm hơn là thuốc Tây; vì một lẽ dễ hiểu: thị trường thiệt là rộng lớn, doanh thu khổng lồ 20 tỷ USD mỗi năm trên toàn thế giới.

 

Ôi nhớ xưa, Má đã từng dạy tui rằng: "Trai khôn tìm vợ chợ đông!"

Nghe lời má, tui đi cưới em yêu, vốn là dân bán cá Chợ Cầu Ông Lãnh, Sài Gòn. Bữa nào bán ế, là em mần con cá lóc nấu canh chua cho chàng lai rai ba sợi là tui vui hè. Phần nhậu cửng cửng vô, thì đẹp xấu đâu có nhằm nhò gì?!

Tui khoái em yêu của tui bắt chước bà vợ của nhà thơ Tú Xương.

"Quanh năm buôn bán ở mom sông/Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông..."

 

Đừng tô son kẻ phấn, vẽ lông mày, sơn móng tay gì ráo trọi... Tổ cho mình ghen bóng, ghen gió chớ ích lợi gì hè?

Tui thừa biết: "Trắng da vì bởi phấn dồi. Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa..."

Em vất vả như vậy ai mà không thương? Lòng dặn lòng là: Đừng bắt chước mấy đứa khác chuyên chạy theo bóng hồng, mặt hoa da phấn nhe?!

Làm như vậy là không được thông minh! Tội nghiệp cho cái bóp của mình vì nội tiền em son phấn không đủ làm mình mạt!

 

đoàn xuân thu

Melbourne 

 

Xe lửa MỹTho

đoàn xuân thu                                    

dxt_chotetMyTho.jpg

Chợ Tết Mỹ Tho ngày cũ 

Thưa Nam phần là vùng đất mới!... Nói là vùng đất mới, so với vùng đất khác là trẻ, nhưng Nam phần đã trọng tuổi, cũng khoảng 5,000 năm rồi đó.

Nam phần là Út cưng của dòng Cửu Long hùng vĩ. Gọi là Út cưng vì bao nhiêu phù sa mà dòng sông nầy ky cỏm mang theo từ thượng nguồn, tuốt bên Tây Tạng, năm dài chày tháng đều cho Út cưng hưởng hết ráo: bằng cách bồi đắp vùng hạ lưu nầy.

Ðược vỗ béo, miền Nam trở nên màu mỡ, phởn phơ lớn như con gái tới tuổi dậy thì, cứ từ từ mỗi năm dài thêm một chút, lấn dần ra phía Biển Ðông.

Mùa nước nổi, nước dâng, tràn mênh mông. Mùa nước kiệt, nước rút đi, cạn quéo. Chỉ còn phù sa, con tôm, con cá ở lại trong những ao, bàu, xẻo, lung để dâng hiến cho người.

Xắn quần em lội qua lung
Quần em tuột xuống anh hun chỗ nào?
 

Mỹ Tho, cửa ngõ của miền Nam, phù sa con sông Tiền bồi đắp vào chỗ trũng nên bà con từ từ biến ao, bàu, xẻo, lung thành ruộng rẫy.

Ruộng rẫy thì cần nước vào mùa khô nên ông bà mình đào kinh dẫn nước. Vào mùa mưa, nước tràn bờ gây sạt lở để kinh biến thành sông. Để ông bà mình chèo xuồng ba lá qua nhà anh chị sui ăn đám giỗ.

Để dọc theo hai bờ sông, rạch... dừa nước ken dày cho bà con mình chằm lá lợp nhà. Thiệt là nhứt cử tam tứ tiện!

Để tui nhớ hồi 7, 8 tuổi có lần theo anh về trong Ngoại rọc lá dừa khô về cho Má nhóm bếp. Mùa mưa đường đất sình lầy nhão nhẹt. Về tới nhà chưn cẳng sình bùn lấm lem!

Má kêu ra cầu ao sau nhà rửa cẳng; rồi vô má lột cam cho ăn. Tui lọ mọ xuống chiếc cầu ao. Phần gỗ chìm xuống nước lưu niên, nên rong nó mọc đầy, làm trơn trợt và tui đi luôn.

Không biết bao lâu sau, tui tỉnh dậy khi thấy mình được dượng Tư Hí, bà con lối xóm, nắm hai cái cẳng, dốc ngược đầu tui, nhẩy tưng tưng xốc nước. Nước tràn ra lỗ mũi, tui tỉnh. "Thôi cho con xuống đi!".

"Con té ao mùa nước nổi! Má la làng cô bác cứu con tôi. Môi tím ngắt bà con đem xốc nước. Trễ chút thôi là con đã đi rồi!" Con nhớ má! Má ơi!

Sau lần chết hụt đó, về Ngoại, tui ôm bập dừa tập lội, quậy nước đùng đùng, sình nổi lên đục ngầu, mặt đứa nào cũng mọc râu hết ráo; để ông Ngoại nổi sùng, vác cây roi đánh ngựa, rượt mấy thằng cháu trai khỉ khọn, chạy té khói luôn, trong tiếng la rầy ỏm tỏi vọng theo sau: "Tao đố tụi bây đó nhe!"

Chữ rằng: Một công rẫy bảy công ruộng! Làm rẫy cực gấp bảy lần làm ruộng! Làm ruộng mới mặt nám da nhăn chớ làm vườn con gái má trắng nõn hồng hồng như trái mận hồng đào; anh chàng nào thấy cũng đòi cho tui chén nước mắm đường có dằm thêm trái ớt hiểm, ăn cho nó đã... cái thèm!

Còn con trai miệt vườn, phè cánh nhạn như công tử con quan vậy, vì chỉ cực mùa nắng do phải tiếp ông già Tía mình xúc sình bồi liếp cây ăn trái!

Xong chờ cho cây ra hoa đậu quả, xách lồng hái, đóng vào mấy cái tụng đệm, chở ra chợ Hàng Bông ngoài Mỹ Tho hay chợ An Đông trong Chợ Lớn bán; rồi đếm tiền, giấy bộ lư, vậy thôi!

Do đó mới có câu ca dao là:"Mẹ mong gả thiếp về vườn. Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh!"

Vậy mà cách đây gần nửa thế kỷ, đi Sài Gòn học, mới xáp xáp vô ‘ve' mấy tiểu thơ khuê các của cái đất Sài Thành; mặc quần ‘xì cớt' (skirt), mặt rất ‘xì trum', bên chứng chỉ SPCN (Lý Hóa Vạn Vật) của Đại học Khoa học Sài Gòn mà hổng em nào chịu tui, còn xì xầm sau lưng, gọi tui là dân ‘vưỡn' tức dân miệt vườn.

"Ê miệt vườn có gì tệ đâu em? Nó còn có cái văn minh miệt vườn đó nhe! Hổng nghe nhà văn Sơn Nam ổng ca tụng quê tui lên tới chín tầng mây sao? "

Dẫu vậy hổng có em nào chịu nghe tui thuyết phục hết ráo... để tui đưa nàng về vườn ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh mới chết!

Thưa! Rồi đêm nay xa quê đã chừng ấy năm, bịnh lẫn của tuổi già đã bò tới bên song cửa, kỷ niệm xưa tui quên gần hết trơn hết trọi rồi!

Vậy mà thầy Nguyễn văn Nghĩa không thông cảm dùm, lại kêu tui viết một bài cho mấy em Lê Ngọc Hân, nhân sinh nhựt trường được 60 năm, tức ăn đáo tuế.

Thầy biểu tui nào dám cãi, làm tui đêm nằm không ngủ được, cứ trằn trọc miết!

Quê người lưu lạc đã lâu không về khi còn VC, vậy mà ai nhắc một cái tới Mỹ Tho làm tui nhảy mũi vì tui nhớ cái quê xưa, quê cũ của mình quá đỗi.

Tui nhớ cái đất Mỹ Tho! Có những điều mà hồi xưa tui thấy tự nhiên như cơm mình ăn, nước mình uống... giờ gẫm lại... mới thấy lạ!

Chẳng hạn như: Cái đất Mỹ Tho của tui sao có quá nhiều làng, xã có tên bắt đầu bằng chữ Tân, nghĩa là mới! Như: Tân An, Tân Hương, Tân Lý Ðông, Tân Lý Tây, Tân Hòa Ðông, Tân Hòa Tây, Tân Hội Ðông, Tân Hội Tây, Tân Ðức Ðông, Tân Ðức Tây, Tân Phú Ðông, Tân Phú Tây... và biết bao là Tân nữa.

Tại sao ông bà mình xưa khoái cái Tân quá vậy Trời?

Nghĩ ra rồi! Ông bà mình khoái đặt tên vùng đất mới là Tân vì trong tận cùng thâm tâm của những người lưu lạc, vì thời cuộc hay vì chén cơm manh áo, phải bỏ quê cha đất tổ mà đi nhưng trong lòng bao giờ cũng dàu dàu nhớ thương về quê cũ.

"Mỹ Tho đại phố", trở thành một trong hai trung tâm thương mại sầm uất Miền Nam lúc bấy giờ (trung tâm còn lại là Cù lao Phố, Biên Hòa).

Khi "Mỹ Tho đại phố" ì xèo thì Bến Nghé chỉ mới là một khu chợ nhỏ, còn Cần Thơ hầu như chưa có gì. (Hãnh diện nhe!)

Mà vùng đất nào giàu, trù phú là thường hay bị ăn cướp. Mỹ Tho đại phố đã hai lần chịu cảnh tang thương như thế!

Lần đầu vào năm 1785, quân Xiêm theo Nguyễn Ánh tràn sang. Phố xá bị tàn phá, của cải bị cướp bóc nên Mỹ Tho đại phố trở nên tiêu điều, chỉ còn lại một đống tro tàn. Thương nhân ở đây bỏ đi gần hết, chuyển lên làm ăn ở Sài Gòn - Bến Nghé...

Lần thứ hai vào năm 1968, Mỹ Tho đại phố lại bị tàn phá là Tết Mậu Thân.

Ðã gần 50 năm rồi mà tưởng chừng như mới hôm qua. Năm ấy, trường Trung học Nguyễn Ðình Chiểu cuối năm trước khi học trò về nghỉ ăn Tết, mấy Thầy có cho chút đỉnh tiền "còm" để mấy "trò" viết Giai phẩm Xuân cho trường mua thèo lèo cứt chuột và xá xị con cọp BGI để liên hoan.

Tui có góp một bài...Viết về cái gì lâu quá nên quên mất tiêu rồi?

Chiều liên hoan, có mấy "em" bên trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân qua tham dự. Ôi! Con gái 17 bẻ gãy sừng trâu; huống hồ gì một chàng trai mới vừa bể tiếng, râu măng lún phún vài cọng trên cằm như tui là em bẻ niềm rạo rực của tui gãy nghe cái rốp!

Ngồi kế một em mặc áo dài trắng, tay raglan, vải tetron mỏng dính như cánh con chuồn chuồn mà tim mình đập thùng thình như cái trống đình hôm lễ cúng kỳ yên...(Ôi người em muôn năm cũ! Giờ em phiêu bạt đến phương nào?)

Chỉ mười ngày sau buổi liên hoan đó là tui phải chui xuống hầm trốn; vì VC dùng cối 82 của Trung Cộng pháo kích vào trung tâm Mỹ Tho đại phố để bắt đầu trận đánh Tết Mậu Thân, dù đã hứa hẹn sẽ 3 ngày hưu chiến.

Từ Cầu Vĩ hoặc Hốc Ðùn, chỉ cách trung tâm Mỹ Tho, chừng hai cây số đường chim bay, đạn súng cối 82 ly, sau tiếng "đề pa" cái bụp, là bay vo vo vào!

Trước khi tiếp đất, kêu xè xè, rồi nổ ùng oàng, phang miểng bay rào rào trên mái ngói của nhà tui số 31 đường Gia Long tức Ty Bưu Điện Mỹ Tho!

Cả nhà co rúm lại trong hầm năm, ba lớp cát, chìm sâu dưới mặt đất mà cầu Trời khẩn Phật cho đạn pháo không rớt ngay hầm...

Sáng hôm sau, con nhỏ học Lê Ngọc Hân mà tui thầm yêu trộm nhớ, đến tìm tui, mếu máo khóc hu hu, nói: "Vậy mà em tưởng Thu chết rồi chớ!"
Con gái Mỹ Tho, dễ yêu như vậy đó! Nhưng có đứa dám nói vì em là dân Lê Ngọc Hân nên có huông! Ai yêu em đều chết bất đắc kỳ tử như Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ vậy!

Đời tui có quá nhiều lỗi lầm. Tui ngu nhiều thứ lắm nhưng cái ngu nhứt là tui không có cưới được em nào thuộc cái đất Mỹ Tho, của cái trường Lê Ngọc Hân nức tiếng!

Mỹ Tho, tiếng Khmer, nghĩa là nàng tiên, nghĩa là người con gái đẹp. Nhứt là con gái vừa đẹp vừa học giỏi như con gái trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân. Con gái đẹp thì anh nào không khoái chứ?

Nhưng nào phải lỗi tại tui! Chẳng qua không có em nào Lê Ngọc Hân chịu đèn tui mới chết.

Sầu đời! Có lần tui tính bắt chước Trương Chi học thổi sáo, để tối tối đến bên khung cửa sổ nhà em mà thổi véo von coi có làm rung động trái tim son của em không? Dù anh lỡ sanh ra Trời bắt xấu; nhưng chỉ cần em mến tài thổi sáo của tui, nhỏ xuống vài giọt nước "cá sấu" buồn thương làm chén ngọc vỡ tan thì lòng tui cũng hả dạ lắm rồi.

Có lúc tui lại tính bắt chước Chữ Đồng Tử, ra bờ sông Mỹ Tho, nằm tồng ngồng lấy cát phủ lên để hôm nào em ‘quởn', ra sông tắm! Nước sẽ trôi đi. Tui thấy em tô hô; em cũng thấy tui tồng ngồng (không còn trong trắng nữa) và đôi ta phải vầy duyên can lệ...

Sau cùng, tuyệt vọng quá, tui đi lấy vợ. Bởi biết rằng em đã có chồng; anh về lấy vợ thế là xong. Vợ anh không đẹp bằng em lắm. Anh lấy cho anh đỡ lạnh lòng.

Thiệt là trong cơn giận dỗi vì hỏng được em Lê Ngọc Hân nào để mắt tới, tui quyết định rất sai lầm là: "Cưới em xứ Chắc Cà Đao. Cưới rồi mới biết như dao cắt lòng!" Hu hu!

Ôi nữ sinh trường Lê Ngọc Hân đã làm dang dở đời tui! Đã làm tình tui như xe lửa Mỹ bung vành như Tàu Tây kia liệt máy!

Nhưng tui không giận hờn gì em cả. Chẳng qua mình số con rệp!

Nên năm nay mấy em xúm lại mừng sinh nhựt trường 60 tuổi. Ăn lễ "60th Diamond" (Lễ Kim Cương) thì cứ vui đi đừng bận lòng đến một người còn lăn lóc gió sương như tui nhé!

Thưa xa quê đã quá xá là lâu! Ðêm nay đốt lò hương cũ, ly rượu buồn của kẻ tha hương nhìn về phía bên kia biển, tui vẫn còn hy vọng đất nước mình ngày nào đó sẽ có tự do, hy vọng hão huyền nào đó có người con gái Mỹ Tho, con gái Lê Ngọc Hân, ngồi bên song cửa chờ chàng về dẫu mà hóp da nhăn, răng đà rụng ráo!

"Mỹ Tho! Em đón anh về/ Trăm thương, ngàn nhớ tư bề Mỹ Tho!"

đoàn xuân thu

_______________________________________________________________________________________________________ 

  

Cá nhà táng!

dxt_canhatang.jpg 

Tranh Bảo Huân.

 

Thanh Hóa là tỉnh lớn nằm về cực Bắc miền Trung Việt Nam, rộng hơn 11 ngàn cây số vuông, dân hơn 3.7 triệu, có núi, có rừng, có đồng bằng và có biển nên giàu tài nguyên: lâm sản, khoáng sản, nông sản và thủy sản. Có sông lớn như sông Mã, gầm lên khúc độc hành, qua bài Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, thời đánh Pháp.

Thanh Hóa còn nổi tiếng hơn nữa vì là quê của nhà thơ Hữu Loan, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Trong khi những nhà thơ nổi tiếng trước ông, thời tiền chiến, như Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Chế Lan Viên ăn theo thuở ở theo thì, cam tâm quỳ... để kiếm chút danh thừa, lợi cặn... thì Hữu Loan lại kiên cường không chịu luồn cúi! Sau 75, ông vào Sài Gòn, tình cờ nghe một thương binh trên sân ga, chơi Bolero, bài: ‘Những đồi hoa Sim' của Dzũng Chinh. Ông dừng chân, lắng nghe, vẻ xúc  động, xong nói: "Tôi là tác giả của bài thơ đó!"

Hữu Loan kể: "Thi đậu Tú tài Tây, ông được mướn về làm gia sư cho một đứa học trò, Lê Ðỗ Thị Ninh, sau nầy là vợ ông. Cưới nhau xong, ông tiếp tục đi kháng chiến. Hôm đó là ngày 25 tháng Năm, âm lịch, năm 1948, em ra ngoài sông Chuồn, (thuộc ấp Thị Long, Nông Cống) giặt áo. Vì muốn chụp lại tấm áo nên trượt chân, bị nước cuốn trôi đi, chết đuối.

"Em Ninh rất ưa mặc áo màu tím hoa sim. Lạ thay, nơi em bị nước cuốn trôi dưới chân núi Nưa cũng thường nở đầy những bông hoa sim tím."

Năm 1955-1956, xuất hiện nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, chống lại cái chính sách độc tài, chống bọn bồi bút cam tâm lừa thầy, phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cặn, Hữu Loan có viết bài thơ: "Những thằng nịnh hót".

Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị đàn áp khốc liệt, Hữu Loan bị đi cải tạo.

Cải tạo xong, ông bỏ về quê vì: "Tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông... Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động...

Mất nàng, mất tất cả, tôi chán đời, chán kháng chiến, bỏ đồng đội, từ giã văn đàn về quê làm ruộng, một phần cũng vì tính tôi hay cãi, thích chống đối, không thể làm gì trái với suy nghĩ của tôi."

Người vợ sau của Hữu Loan là bà Phạm Thị Nhu, một nạn nhân của chiến dịch cải cách ruộng đất năm 1954-1955. Song thân của bà Nhu bị đem ra đấu tố, rồi chôn sống xuống đất, chỉ để hở hai cái đầu lên. Xong bọn chúng cho trâu kéo bừa đi qua đi lại trên 2 cái đầu đó, cho đến chết. Bà Nhu, lúc đó, chỉ là cô con gái 17 tuổi, được tha chết nhưng bị đuổi ra khỏi nhà với vài bộ quần áo cũ, rách. Tàn nhẫn hơn nữa, cán bộ còn ra lệnh cấm không cho ai được nuôi nấng hoặc thuê cô ấy làm công, cấm đoán dân chúng lấy con cái địa chủ làm vợ, làm chồng. Nhưng Hữu Loan bất chấp lệnh cấm vô nhân đạo nầy, vẫn cưới cô làm vợ. Hai người có tới 10 đứa con và nhà thơ Hữu Loan vẫn tiếp tục thồ đá đi bán để nuôi vợ, nuôi con. Uy vũ bất năng khuất!

 

***

Người thứ hai cũng làm Thanh Hóa trở nên nổi tiếng là nhà báo Phùng Gia Lộc với bút ký: "Cái đêm hôm ấy đêm gì?"

Ðại để câu chuyện, có thật, là: "...Cụ đã bảy mươi lăm tuổi, lại phù nề, mặt mũi vàng ủng như quả thị rụng. Ai cũng bảo khó qua cái đầu mùa Ðông này. Vì vậy gia đình tôi đã lo chuẩn bị ngầm, phòng sau khi cụ về cõi.

... Cau cũng phơi kỹ bỏ be để hôm sau, thậm chí bọt bẹt được đồng rau nào cũng dồn mua ván đóng sẵn áo quan để hôm sau..."

Trong khi vợ ông thì khổ quá, kêu: "Chả nhẽ kiếm liều thuốc chuột, cho vào nồi cháo, ăn hết cả nhà cho sướng cái đời..."

...Gần một giờ sáng, công an, dân quân đã ập đến các nhà nợ thóc.

"Mất mùa màng, lợi ích thứ ba của người lao động phải hy sinh cho lợi ích của nhà nước". Ðồng chí Bí thư tỉnh ủy đã chỉ thị thế...

... Bọn chúng đạp lật nghiêng một cái. Nắp ván thiên bung ra, lúa chảy rào rào.

"Van các anh! Cắn rơm cắn cỏ tôi lạy các anh! Lúa của tôi. Ðó là tạ lúa hai đứa con gái hắn mua góp lại cho, để hôm sau tôi chết, bà con thương mà chạy đến để ăn lưng cơm sốt!"

"Cháu van các chú! Các chú đừng lấy lúa này đi. Lâu nay các cháu phải nhịn để dành bữa sau cúng cỗ bà, làm ma bà!"

Nói rằng bài ký "Cái đêm hôm ấy đêm gì?" đăng trên tuần báo Văn Nghệ ở Hà Nội năm 1987 của Phùng Gia Lộc đã đốn sụm bà chè tay lãnh chúa Thanh Hóa, Hà Trọng Hòa, hét ra lửa mửa ra khói... là nói quá.

Ðừng ngây thơ, bé cái lầm, tưởng ngòi bút trong tay mình mạnh bằng cả một sư đoàn như từng được xưng tụng mà "Viết lách như thế... bỏ cha có ngày!"

Chẳng qua là nội bộ bọn chúng, trâu cột ghét trâu ăn, tìm mọi cách chơi nhau cho rớt khỏi cái ghế ngồi béo bở để tới phiên tao leo lên ngồi và cũng ăn giống hịt vậy... mà coi chừng còn ăn bạo hơn nữa kìa.

Thân mẫu của nhà báo Phùng Gia Lộc (chắc đã mất, 30 năm rồi còn gì!) đã từng ước vọng: "Tao phải sống để nhìn con cháu được đến lúc sung sướng chứ. Khổ mãi rồi!" vẫn là nỗi tuyệt vọng khôn cùng của người dân Thanh Hóa từ thuở đó cho tới tận bây giờ.

Tiếc thay nhà báo Phùng Gia Lộc, cũng đã không còn, để thấy không phải một Hà Trọng Hòa ăn thôi mà đứa nào leo lên được cái ghế nầy rồi cũng rứa!

Phùng Gia Lộc sẽ ‘ngộ' ra và kết luận rằng: Guồng máy tỉnh đảng bộ CS Thanh Hóa, giống như một cái máy ‘photocopy' vậy! Những gì nó in ra, giống hịt nhau không sai chút nào hết ráo. Ðể nhà báo Phùng Gia Lộc đừng bịt mồm Mẹ mình vì ‘ngu trung' hay vì... sợ hãi?!

"Ối Ðảng ôi là Ðảng ôi! Chính phủ ôi... Trông xuống mà coi...

Tôi xốc mẹ lên giường, bịt mồm cụ lại:- Mẹ! Mẹ không được la như thế! Ðây không phải Ðảng! Ðảng ta không làm thế. Ðảng không chủ trương thế này!"

 

***

Mới đây thôi, báo chí lề phải trong nước, được lịnh ngầm ở trên, kẻ tung người hứng, bèn chơi cái tựa "Tiền Ở Ðâu Ðể Cung Phụng ‘Bồ Nhí'?" trong loạt bài về ‘quan' Thanh Hóa. Rằng ‘quan' đã bỏ ra hàng chục tỉ đồng chạy chức, để leo lên ngồi trên đầu trên cổ dân ngu khu đen. Như các tỉnh và thành phố khác, ‘quan' Thanh Hóa hành xử như một lãnh chúa cát cứ, thời Thập nhị Sứ quân.

Mang danh là Tiến sĩ về dâu tằm, nhưng ‘quan' cũng thừa biết, trồng dâu nuôi tằm là húp nước mắm! Muốn gỡ lại vốn, rồi làm giàu nhanh chóng thì chỉ có đất đai, mỏ... để bán lại cho một số doanh nghiệp thân hữu với giá như bèo rồi được "thối lại" hàng ngàn tỉ đồng.

(Vậy mà có một em người mẫu đồ lót (tức nội y, tức quần ‘sì') trong nước, tuyên bố rằng: "Lấy chồng nghèo cạp đất mà ăn"! Em đẹp nhưng ‘lờ khờ'  thiệt! Cạp đất mới có ăn chớ!)

Dĩ nhiên, ‘quan' chối bai bải, ngúng nguẩy như đỉa phải vôi! ‘Quan' đòi đi thưa mấy anh trên Bộ Công An, để ‘nhát' lại kẻ đã chơi mình.

Nhưng chạy thuốc thì tốn tiền lắm lắm! Công vơ vét bấy lâu, nay nó hù mình, rồi nó hốt hết ráo công sức của mình bấy lâu. Cốc mò cò xơi! Sao được?

Thôi, tom góp vàng bạc, đô la rồi cuốn nóp dông luôn đi, cha nội!

 

***

Lại nhớ bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa trong cuốn tiểu thuyết ‘Trống Mái' của Khái Hưng thời tiền chiến. Cũng một mối tình tan vỡ giữa Vọi, chàng thanh niên chài lưới chất phác, cùng Hiền, một thiếu nữ đài các, ở Hà Nội ngàn năm văn vật.

Vọi yêu Hiền đơn phương trong câm lặng. Chỉ biết leo lên Hòn Trống mái, đục vào vách đá hai mẫu tự: VH - tên tắt của mình và người mình thầm yêu trộm nhớ.

Rồi cuối cùng Vọi thả mảng ra khơi. Trời đẹp, biển êm. Sáng tinh sương, mảng đã ra xa. Vọi bỏ neo quăng lưới. Bỗng lưới mắc phải vật gì... Vọi nhảy xuống biển... "Trời ơi! Cá nhà táng!"

Vâng! Thanh Hóa vùng đất dấu yêu của Hữu Loan, của Phùng Gia Lộc và của Vọi bây giờ cá nhà táng không phải chỉ có ngoài biển Thanh Hóa để ăn thịt người. Cá nhà táng nằm ngay trong những căn nhà tráng lệ của quan chức trên bãi biển Ðồ Sơn.

 

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

Tấn tuồng dâu biển!

dxt_tantuongdaubien.jpg 

 

 

Dân Nga nói riêng và dân Liên Xô nói chung, ai cũng hãi hùng, kinh sợ nhà độc tài khét tiếng Stalin hết ráo! Cho tới con nít Nga dẫu chưa biết gì nhiều nhưng cũng biết ước ao khi Stalin đến thăm một trường học ở vùng quê, hỏi một đứa học trò.

"Ai là cha của cháu?""Cha cháu là Stalin!" "Ai là Mẹ cháu?" "Mẹ cháu là nước Nga!"

Stalin rất lấy làm hài lòng, bèn hỏi tiếp: "Lớn lên cháu muốn làm gì?" "Dạ cháu muốn mình thành một đứa bé mồ côi!"

Ước mong đó mãi tới ngày 5 tháng Ba năm 1953, Đại Nguyên soái Stalin, mới ngủm củ tỏi.

Vậy mà từ trong rừng Việt Bắc, các văn nô nghe tin như "sét đánh ngang tai"... Rồi lễ truy điệu được cử hành trọng thể, để tang như cha chết.

Cả bọn xúm nhau lại đấm ngực, khóc lóc, nước mắt nước mũi choàm ngoàm.

Mà đầu têu là Tố Hữu với bài thơ: ‘Đời đời nhớ ông!'

"...Hôm qua loa gọi ngoài đồng/ Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao/ Làng trên xóm dưới xôn xao/ Làm sao, ông đã... làm sao, mất rồi! Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!/ Hỡi ơi, ông mất! đất trời có không? "...

Không phải chỉ mình ên Tố Hưu vật vã khóc than mà trong tập Văn Nghệ số 40, còn có Chế Lan Viên, Huy Cận, Bùi Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn và cả Xuân Diệu cũng đua nhau mà khóc lu bù, khóc hu hu!

Phải rồi! "Khóc mới có miếng cơm mà mà ăn; khóc mới có chiếc áo mà mặc chớ..." (Câu nầy là của soạn giả Hà Triều Hoa Phượng viết trong vở tuồng Nửa đời hương phấn, khi Tùng (Thành Được) sỉ vả Hương (Út Bạch Lan) là gái bán phấn buôn hương!)

Cả đám bồi bút chịu cái cảnh bán phấn buôn hương như vậy, duy chỉ mình Tố Hữu là bị bà con mình ‘xì nẹt' tơi bời hình như hơi bị bất công.

Nhưng cũng có thể hiểu được sự nóng giận của bà con mình; là vì sau 75, Tố Hữu làm Phó Thủ tướng, ngăn sông cấm chợ, làm kinh tế, kinh đến thế, khiến bà con mình phải ăn bo bo thay cơm, nên quạu quá, chơi Tố Hữu sát ván tơi bời là: "Thơ như hạch thì làm kinh tế ạch đụi là chuyện tất nhiên thôi!"

"Đời đời nhớ Ông" của Tố Hữu ca ngợi một tên phạm tội ác chống nhân loại, tên ‘butcher', tên đồ tể, là người chịu trách nhiệm chính cho cái chết tức tưởi của 20 triệu người dân không chỉ riêng Liên Xô mà còn ở các nước khác nữa.

"Yêu biết mấy, nghe con tập nói!/ Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!"

Đứa trẻ nào đầu đời cũng ‘ba, ba, bà bà'... Con của Tố Hữu thì lại nói tiếng Nga quá giỏi mà hỏng ai khen; còn phê một câu rất nặng nề nhưng cực kỳ chính xác là: "Đồ nịnh hót trắng trợn! Nhục!"

Tuy nhiên cũng có người bênh vực: Tố Hữu không việc gì phải xấu hổ cả. Hồi ấy, có biết bao nhiêu người cũng nịnh ‘dơ' như thế, chứ đâu phải riêng Tố Hữu đâu nè! Nghĩa là nhục là nhục cả đám!

Trước khi mất miền Nam, thú thiệt là tui không biết Tố Hữu là ai và dĩ nhiên càng không biết Stalin là đứa nào hết ráo.

Mãi sau mới biết Joseph Stalin (1878-1953), nhà độc tài CS Liên Xô, từ năm 1929 tới 1953, có cái tên dài thòng là Josef Vissarionovich Djugashvili.

Làm cách mạng vô sản thì phải lựa cái tên cho gọn, cho oai, cho dễ nhớ, để dân Liên Xô dễ gọi, dễ hoan hô. Vậy là Stalin, nghĩa là ‘Người Thép' được khai sinh.

Stalin hồi nhỏ là con một của một ông đóng giày nghiện rượu. Say xỉn là cứ lôi đầu thằng nhỏ ra mà bộp tai đá đít để mua vui; nên lớn lên, để trả thù, Stalin quyết đi làm cách mạng bằng cách cướp ngân hàng, kinh tài cho Đảng "Bolshevik".

Stalin có nhiều vợ. Vợ đầu chết vì lao phổi. Vợ thứ hai thì tự vận... chắc có lẽ không chịu được cái ông chồng tàn bạo, vô nhân đạo, nầy chăng?

Sau khi Vladimir Lenin (1870-1924) chết, Stalin trừ khử các đối thủ chánh trị một cách tàn khốc để kiểm soát hoàn toàn đảng CS Liên Xô.

Thi hành những kế hoạch kinh tế ngũ niên, Stalin tịch thu đất đai của dân để thành lập những nông trường tập thể. Nhiều triệu nông dân, không tuân theo lịnh Stalin, đều bị hành quyết hay bị đi đày. Nông trường tập thể thất bại, nạn đói tràn lan khiến hàng triệu người chết.

Nên mới có chuyện vầy: Stalin than phiền là có quá nhiều chuột trong phòng làm việc của mình. Cận thần thân tín của Stalin suy nghĩ một lát rồi: "Sao đồng chí không treo lên cái bản Nông trường tập thể?! Thì phân nửa số chuột sẽ chết đói còn phân nửa số còn lại sẽ bỏ chạy đi nơi khác!"

Chánh sách nông nghiệp tập thể, cha chung không ai khóc, hậu quả là khoai tây không có đủ mà ăn thì nói chi tới thịt trừu, bò, gà.

Nên cuối buổi hội thảo về thành quả chăn nuôi của chế độ CS Liên Xô. Diễn giả chấm dứt xong bản báo cáo. "Các đồng chí! Ai có thắc mắc gì thì tự do chất vấn."

Đồng chí ‘Dân Ngu' hỏi: "Sản lượng thịt, theo đồng chí diễn giả báo cáo là đã tăng gấp đôi! Dân Nga chúng ta giảm 3 triệu người vì bị bọn Phát xít Hitler giết hại. Thế thì tại sao dân Nga không có được một miếng thịt cho ra hồn, khi phải sắp hàng dài dằng dặc?"

"Tôi không có số liệu chính xác về sản lượng thịt của chúng ta! Xin khất đồng chí ‘ Dân Ngu' câu trả lời vào tuần tới!"

Tuần tới, sau khi chấm dứt bài báo cáo, tay tuyên giáo lại hỏi: "Ai còn có ý kiến gì không?" Thì đồng chí ‘Khu Đen' giơ tay lên: "Có! Cho tui hỏi: đồng chí ‘Dân Ngu' giờ ở đâu ạ?"

Đó đó! Stalin cai trị bằng khủng bố dựa vào mật vụ, khuyến khích người dân theo dõi, tố cáo lẫn nhau! Hậu quả là hàng triệu người bị giết; hàng triệu người khác bị cưỡng bức lao động cải tạo trong các trại tù Gulag trên khắp nước.

Stalin còn là một con người rất đa nghi và xem thường mạng sống của người khác! Nên một đám đoàn đại biểu từ Georgia, quê của Stalin, đến văn phòng làm việc của Stalin họp rất lâu, rồi lục tục ra về.

Stalin không tìm được cái ống vố của mình để hút thuốc bèn triệu trùm Mật vụ

vào điều tra xem ai trong đám đại biểu đó đã ‘thó' cái ống vố của mình?

Nửa tiếng sau, Stalin tìm được cái ống vố trong ngăn kéo, bèn gọi điện thoại ra lịnh cho đoàn đại biểu đồng hương được tự do.

 "Xin lỗi đồng chí Stalin kính mến! Người gọi trễ quá! Phân nửa đoàn đại biểu đã thú nhận rằng mình đã lấy cái ống vố của đồng chí. Phân nửa còn lại đã chết trong qúa trình bị hỏi cung rồi ạ!"

Giết nhiều người dân tất nhiên Stalin cũng rất lấy làm lo lắng sẽ bị dân giết lại, nên Stalin cực kỳ cao độ cảnh giác cách mạng:

Tại buổi họp ban Chấp hành Trung ương đảng, Stalin đang đăng đàn phát biểu thì nhận được một tờ giấy cảnh báo: "Có người âm mưu ám sát đồng chí!"

Stalin vẫn tiếp tục bài nói. Thì nhận được lời cảnh báo thứ hai: "Tên sát thủ là một trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng ta!" Stalin cũng không phản ứng gì.

Một đám nhân viên mật vụ KGB từ ngoài tràn vào: "Tên sát thủ có mặt trong phòng nầy!"

Stalin nhướng mắt lên: "Hàng ghế thứ nhứt, ‘tay' ngồi ghế thứ hai, từ bên trái!"

Đám KGB nhảy đè tên nầy xuống lục soát; quả nhiên tìm thấy một khẩu súng lục, y lận trong lưng quần.

Cả hội trường bừng tỉnh giấc, ngạc nhiên: "Sao đồng chí Stalin sáng suốt biết ngay chóc! Thiệt là một lãnh tụ thiên tài!"

Stalin xua tay: "Ố có gì đâu mà thiên tài! Chẳng qua đồng chí Lenin kính yêu đã từng căn dặn rằng: "Kẻ thù của Cách mạng không bao giờ ngủ đó thôi!"

Nhắc tới Lenin, một đệ tử trung thành của chủ nghĩa Marx thì không thể quên cái chuyện vui nầy: "Lenin chết, mang theo một khẩu súng lục lên thiên đường. Thánh Peter chận Lenin lại ngoài cổng. "Không được mang súng vào thiên đường!"

Lenin nhìn lên và thấy một ông râu xồm, tóc bùm xùm bạc trắng với một cây súng máy trên tay nên cho rằng mình bị đối xử bất công. "Còn ông kia thì sao?" Lenin hỏi.

Thánh Peter trả lời: "Đó là biệt lệ! Ông ấy là Karl Marx và ông ta đang đợi Stalin!"

Lòng căm phẫn nhà độc tài đỏ nầy sôi sục trong lòng bất cứ ai từ Karl Marx đến dân thường nhưng người dân Liên Xô, dẫu đói rách lầm than, vẫn chưa muốn mình chết mà người phải chết chính là Stalin mới được.

Nên một hôm, sau khi nốc cạn chai một lít vodka, Stalin thơ thẩn đi dạo dọc bờ sông Volga, bị trượt chân ngã tùm xuống nước. May thay có một người Nga nhảy xuống cứu, ì ạch lôi cái thân mập ú lên bờ để mà xốc nước.

Nhà độc tài đỏ, sau khi ọc ra một đống nước lẫn với cả lít rượu vodka uống trước đó, bèn mở mắt ra, tự giới thiệu: "Ta là Stalin đây, quyền lực vô song. Hỡi ân nhân, ‘ngươi' đã cứu ta thoát chết. Ân nhân muốn gì là có nấy. Nào bây giờ ‘ngươi' muốn điều gì?!"

"Tôi chỉ muốn một điều là xin đồng chí Stalin hãy cực kỳ bí mật, đừng hé môi cho bất cứ một ai biết là tui đã cứu đồng chí thoát chết nhé!"

Tuy thoát chết nhưng cuối cùng rồi Stalin cũng phải chết sau 74 năm đày ải nhân gian.

Những năm cuối đời Stalin bị bệnh bách hại cuồng, một dạng hoang tưởng, trong đầu bao giờ cũng nghĩ có người theo dõi để giết hại mình.

Stalin chỉ chấm dứt sự lo sợ hãi hùng nầy vào ngày 5 tháng Ba, năm 1953, sau một cơn đột quỵ.

"Stalin bèn lò dò lên thiên đường, Thánh Peter chận lại hỏng cho vô vì tội ác chất chồng! Trời không dung đất không tha, nên gởi Stalin xuống Hỏa ngục.

Hôm sau, chưa tới 24 tiếng đồng hồ, là đã có 12 con quỷ sứ Satan và cả Diêm Vương từ Hỏa ngục chạy lên gõ cửa Thiên đường xin tỵ nạn!"

Tuy nhiên đời mà! Chuyện chín người mười ý là chuyện rất bình thường trong cõi đời ô trọc nầy!

Dù chủ nghĩa CS Liên Xô, đã rã bành tô, đã chết nhăn răng khỉ trên quê hương cách mạng Mười Nga vào năm 1991, thế kỷ trước, vẫn còn có mấy ‘cha' khoái ăn mày quá khứ, đi kiếm ăn bằng cách hóa trang thành các lãnh tụ CS Liên Xô.

Du khách nước ngoài giờ đến thăm Moscow thủ đô nước Nga thấy: Lenin mặt buồn rười rượi, tay cầm cờ ngồi trên bậc đá với đầy đủ lễ phục, hoa đại lễ cài trên ngực áo, giữa Quảng trường Đỏ lịch sử, chụp ảnh với du khách, hòng kiếm chút tiền còm sống qua ngày. Cũng được chẳng bao nhiêu, chẳng đủ để mua rượu Vodka uống trong mùa Đông nước Nga lạnh giá!

Đại Nguyên soái Stalin cũng theo chân Lãnh tụ Lenin ra Quảng trường kiếm ăn, bị Cảnh sát Nga rượt đuổi, phải chạy tuốt xuống đường xe điện ngầm.

Thiệt lên voi xuống chó! Vốn là tấn tuồng dâu biển đó nhe bà con!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Chằn tinh!

dxt_chantinh1.jpg 

Tranh Bảo Huân

dxt_chantinh2.jpg

Chuyện cổ tích kể rằng: Thạch Sanh, tính tình chân thật, làm tiều phu, đốn củi bán cho Lý Thông. Lý Thông thì tánh tình láu cá, nấu rượu lậu. Hai người làm ăn lâu ngày chày tháng, bù khú với nhau nhiều lần, từ bạn nhậu rồi kết nghĩa anh em.

Thạch Sanh giết được Chằn Tinh, cứu công chúa. Nhưng bị Lý Thông cướp công.  Anh em cắt máu ăn thề, kết nghĩa sanh đồng sanh, tử đồng tử, cục muối chia hai, sao cục đường huynh đành lòng lủm hết? Chơi vậy chơi với ai? Kết quả là Lý Thông bị Trời đánh chết.

***

Những nhân vật phụ trong truyện cổ tích nầy đã đi bán muối hết ráo rồi; chỉ còn sót lại tới ngày nay là Thạch Sanh và con Chằn Tinh hay hãm hại dân lành.

Thạch Sanh ngày xưa giờ chỉ còn giữ được cái họ Thạch, tên đã đổi từ Sanh qua Sang!

Thạch Sang không đi đốn củi nữa mà về thành, coi trụ sở dân phòng Khu phố 1, đường Trần Khắc Chân, Phường Tân Ðịnh.

Chằn Tinh ngày xưa, biến thành Phó Chủ tịch Quận 1!

Chẳng qua con Chằn Tinh nầy dẫn đám lâu la đến phá dỡ trụ sở dân phòng vì nó chiếm lề đường khoảng 1m. (Xưa nó ra lịnh cất, giờ cũng chính nó phá đấy thôi!)

dxt_chantinh3.jpg

"Anh nầy xô vào người tôi! Mà anh là cán bộ tại đây. Tôi sẽ xử lý anh ngay lập tức!" Chằn Tinh nghiến răng hăm dọa.

Thạch Sang biết mình sức yếu thế cô bèn xuống nước nhỏ: "Ðâu biết mặt anh đâu!"

Chằn Tinh bèn kêu một tên đầu lĩnh lâu la tháp tùng đến: "Nghĩa đâu? Lại đây! Nghĩa! Nghĩa!"

Nghĩa đây là Phó Chủ tịch Phường Tân Ðịnh đến hỏi Thạch Sang"Lỗi gì?"

(Hai đứa đều làm Phó, chức nhỏ như cái lỗ mũi mà đứa Quận gọi đứa Phường như là gọi con của thằng chả vậy hè!)

Thạch Sang cắt nghĩa: "Ði ngang đụng ảnh thôi!"

Một tên lâu la, ra chiều nịnh bợ không biết nhục, ăn cơm hớt, chen vào đánh hôi: "Ðường rất trống anh à!"

Chằn Tinh bèn chụp ngay câu nói của đàn em, kết tội Thạch Sang ngay lập tức. "Ðường rất trống anh đi anh xô vào tôi luôn! Tức là sao? Anh thể hiện sự chống đối, cấp dưới với cấp trên!" (Cái nầy gọi là chụp mũ nhe! )

"Tôi đề nghị thế nầy!" Chằn Tinh ra lịnh"Mời anh nầy về Phường! Anh Nghĩa về đơn vị anh viết kiểm điểm ngay lập tức cái anh nầy. Nếu cần thiết cho ra khỏi guồng máy..." Anh nhớ chưa?" "Dạ rồi!"

"Tất cả chúng ta làm việc vì cái chung. Nhưng mà anh nầy có thái độ chống đối cấp trên! Tôi không cần anh làm việc nầy nữa. Tôi mời anh đi chỗ khác. Nhanh!"

Tên đầu lĩnh đám lâu la, miệng: ‘Dạ' rân, nhưng mắt  láo liên ngó chỗ khác, chắc trong bụng nghĩ: "Chuyện nhỏ như con thỏ mà cũng làm rùm beng trước  máy thu hình để đánh trống thùng thình cho dân xem mình đang hát Chèo cổ Bắc phần!

***

Thạch Sang trần tình cùng bá tánh, trước máy thu hình, như vầy:

"Chiều có đoàn giải tỏa trụ sở. Khiêng một thùng đồ nặng mới vô tình quẹt trúng ảnh. Thật ra không cố tình chuyện gì. Không xích mích gì với ảnh. Trụ sở nầy của Phường chớ không phải của riêng anh mà anh bức xúc!

Nếu anh có lỡ va chạm với ảnh thì anh xin lỗi vậy thôi! Chuyện đã lỡ vậy rồi... Anh giãi bày cho anh. Muốn xử lý làm sao là anh chịu chớ làm sao?!"

Chu choa! Hồi xưa Thạch Sanh dám chém Chằn, còn Thạch Sang ngày nay yếu xìu như cọng bún thiu, chắc sợ mất một triệu rưỡi đồng lương tháng, làm bảo vệ dân phố hay sao chớ?

dxt_chantinh4.jpg

Cái con Chằn Tinh nầy hống hách như Nghị Hách trong Giông Tố của Vũ Trọng Phụng ngày xưa vậy!

Thạch Sang, nhịn là nhục! Lỡ mất ‘job' rồi, tao cự lại chú mầy tới bến luôn cho biết mặt dân Quyên Tân Ðịnh đã từng tỉ thí với Dzũng Ða Kao trong truyện của nhà văn Duyên Anh chớ!
Dư luận quần chúng nhân dân chia hai bờ sông Bến Hải. Bờ Bắc sông Bến Hải, quen cái thói điếu đóm ăn tàn, theo voi hít bã mía thì vặn vẹo là:

"Tôi ở Hà Nội mà biết ổng, Ông ở Sài Gòn mà không biết sao? Tôi ủng hộ. Phải dứt khoát ngay!"

Nhưng bờ Nam sông Bến Hải, dân Sài Gòn vốn có máu Lục Vân Tiên, giữa đường thương kẻ thế cô mà bị Chằn Tinh vồ... nên lên giọng kẻ cả dạy đời rằng:

"Ðề nghị đồng chí hết sức bình tĩnh. Ðừng cực đoan, cố chấp, hung hăng! Cần phải có cái đầu lạnh."

(Muốn vậy đề nghị mỗi lần hỏa vượng lên thì Chằn Tinh nên đút cái đầu mình vào cái ngăn lạnh của nhà xác là nó ‘mát' dây ngay chớ gì?)

"Nhìn gương mặt và lời nói nhỏ nhẹ, tôi tin rằng người này rất đàng hoàng. Ông nên nhớ rằng, các anh chị làm việc trong khu phố, tổ dân phố chủ yếu vì cộng đồng dân cư chứ phụ cấp chẳng đáng là bao. Hãy quý trọng họ và đối xử mềm mại hơn, tế nhị hơn!"

"Ông nên cương quyết với tội phạm, mại dâm, ma túy thì hay hơn nhiều!"

(Thiệt là khích tướng bậy bạ không hè. Ðụng vô cái bọn bán Trời không mời Thiên Lôi nầy... sức mấy mà dám?!)

Học ăn, nói nói, học gói, học mở chưa có xong mà bày đặt đòi làm quan. "Làm việc là: Thưa ông, thưa bà... rồi xưng tôi; chớ không có cái vụ anh nói em nghe, em nghe anh nói gì hết ráo ở đây nha!"

Bất cứ hành động gì, chánh sách gì là cũng phải nghĩ tới dân trước. Muốn đuổi hàng rong, muốn làm sạch bóng cái vỉa hè, là phải giải quyết công ăn việc làm cho cả hàng trăm ngàn người dân bán hàng rong, thằng Tư, con Tám lê la trên phố xa hoa, mưu sinh vất vả trong cái thành phố 13 triệu người nầy trước đã!

***

Nói nào ngay, chúng có lo cho dân bán hàng rong đấy chớ: đang tập trung dân bán hàng rong vào 70 quầy hàng cố định đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp .

Bà con cười he he phán: "Mấy thằng quan nầy tiếng Việt không có rành. Không hiểu bán hàng rong là cái giống gì?!"

Rồi có một quan hơi tưng tửng, đề xuất là:

dxt_chantinh5.jpg

"Người bán hàng rong có thể kinh doanh qua mạng Facebook! Những người kinh doanh vỉa hè, những hộ có tay nghề ẩm thực, những người buôn bán hàng rong... Bà con sẽ đăng lên đó sản phẩm và số điện thoại. Khách hàng có nhu cầu sẽ đặt hàng qua điện thoại.

Cách làm này không chỉ giải quyết được việc làm cho người dân đó mà còn giúp những lao động nhàn rỗi có thêm công việc giao hàng.

Ðiểm tích cực nữa là không tốn mặt bằng, bảo đảm an toàn thực phẩm mà lại giải quyết được bài toán về trật tự đô thị."

Muốn bán hàng qua mạng, trước tiên mấy quan nên xuất tiền ăn hối lộ nhiều vô thiên lủng của dân bấy nay, giờ ‘sùy' ra chút đỉnh để mua cho bà con bán hàng rong  Sài Gòn mỗi người một cái ‘laptop', rồi nối mạng internet để họ bán hàng rong qua mạng nhe. He he!

Thiệt là ăn cơm dưới đất mà nói chuyện trên trời!

***

Ðó không phải là chuyện một ngày, một buổi, cứ đem xe ủi xuống là xong ngay đâu? Ngay cả nhà độc tài Lý Quang Diệu rồi con là Lý Hiển Long, hai tía con phải cần tới gần 30 năm mới gọi là tạm xong.

Mà cái đất nước Singapore độc tài, độc đảng làm Thủ tướng mà cứ nghĩ mình là cha mẹ của dân: Ðứa nào lỗi nhỏ như vẽ bậy, nhai kẹo cao su vứt tùm lum... là đè ra đét đít. Tội kha khá hơn một chút như vài chục gram cần sa, ma túy là a lê hấp treo cổ người ta... thì man rợ quá!

Singapore bất quá chỉ là một siêu thị khổng lồ, một cái Chợ Lớn như của Lý Long Thân vậy; nhưng dân chúng bị kềm kẹp, bị đe nẹt như những con chim bị nhốt túm hụm trong cái lồng son nhiều màu sặc sỡ... thì hay ho gì đó mà sì sụp tôn nó làm sư phụ?

Thế nên, thôi nhe! Ðừng tối ngày dắt đám lâu la, chạy vô chạy ra như gà mắc đẻ, đục chỗ nầy, kéo sập chỗ kia nữa mà chi. Tuồng hát nó chán phèo mà cứ đòi đóng vai chánh ‘ngôi sao cô đơn' hoài hè!

Làm ăn căn theo luật lệ đàng hoàng đi! Làm công chức, là phục vụ dân chớ hổng phải là ông Trời con: "Tui không cho!"

Quen cái thói Chằn Tinh, muốn ăn thịt ai là ăn, ngồi xổm lên luật pháp mà cứ ra rả cái miệng là: "Làm vì cái chung! Vì 13 triệu dân Sài Gòn!"

Mắc cười quá hè!

đoàn xuân thu.

Melbourne 

________________________________________________________________________________________ 

Lá thư Úc Châu 

 

Một mảnh đời rạn vỡ!

 

 December 10 th , 2014.

Đọc xong bài phóng sự điều tra của ký giả David Montero, "Who was Tuan Nguyen?" đăng trên nhật báo Los Angeles Daily News ngày 25 Tháng Mười, nhiều người Việt tị nạn chúng ta, nhiều người không cầm được nước mắt!

Bà Kristin Chan, 42 tuổi, đã đạp nhầm chân ga thay vì chân thắng, đâm sầm chiếc Jeep Liberty của mình vào cửa trước tiệm Jolly Donuts, bán bánh ngọt và cà phê ở góc đường Roscoe và DeSoto giết chết một người khách hàng đang ngồi uống cà phê trong quán và làm bị thương bốn người khác. Cảnh sát không nghĩ là tài xế nầy gây tai nạn vì chịu ảnh hưởng của bia rượu hay ma túy.

Băng hình an ninh ghi lại vào ngày Thứ Bảy, 4 Tháng Mười năm 2014 cho thấy nạn nhân đến tiệm uống cà phê nửa tiếng đồng hồ trước khi anh bị xe đụng chết.

Đã ba tuần trôi qua mà không có người thân nào đến nhận xác nạn nhân. Năm 2014, tại thành phố Los Angeles, số người chết vô thừa nhận, theo Sở Pháp Y cho biết là có 5 người không phân biệt được giới tính nên gọi là ‘Undetermined Doe'; nếu là nữ được đặt tên là Jane Doe, có 89 người; nếu là nam, John Doe 296 người. Nạn nhân trong tai nạn xe cộ nầy theo cảnh sát tới giờ nầy chưa xác định được nhân thân nên mang tên là John Doe 278.

dxt_Tuan.jpg

Đêm John Doe 278 bị đụng  chết, trong túi anh đầy những tờ vé số đã cạo, 350 đô la tiền mặt, một điện thoại di động hiệu Samsung. John Doe 278 chưa từng gọi cho ai và cũng không có ai gọi cho anh cả. Điện thoại di động nầy anh dùng chỉ để chơi ‘gêm'.

John Doe 278 là một người không nhà, cô độc, có thói quen  đến quán Jolly Donuts lúc 9 giờ tối mỗi đêm, mua một tách cà phê và cắm cái điện thoại di động nầy vào ổ điện để ‘sạc' pin. Trong tiệm chỉ có hai cái bàn đặt gần ổ điện; nếu lỡ có ai ngồi rồi thì John Doe 278 kiên nhẫn chờ cho đến khi nào nó trống!

 

Video an ninh từ ngày 4 tháng 10 năm 2014 cho thấy người đàn ông được gọi là Tuấn Nguyễn 53 tuổi. Nguyễn là người vô gia cư trong ba mươi năm ở Canoga Park. ẢNH JOLLY DONUTS

Thói quen của John Doe 278 khi bước vào tiệm bỏ cái nón kết kiểu của cầu thủ chơi dã cầu ra, gọi một ly cà phê, giá một đô la, uống với sữa bột có thêm đường chớ không uống với sữa tươi.

Giờ định mệnh đêm Thứ Bảy, 4 Tháng Mười đó, lúc 9 giờ 36 phút 34 giây, có 6 người ngồi rải rác trong tiệm. Chiếc bàn quen thuộc của John Doe 278 đêm ấy không có ai ngồi. Cái điện thoại Samsung chưa ‘sạc' đầy pin thì chủ nhân của nó đã chết.

Anh là ai? Những người buôn bán ở đó cho Cảnh sát biết vài chi tiết về nạn nhân. John Doe 278 là một kẻ không nhà đã hơn 30 chục năm nay. Anh tên là Tuấn; họ là Nguyễn, sanh năm 1961.

Cảnh sát tìm ở cơ quan cấp bằng lái xe, danh sách có 632 người cùng tên, cùng họ, cùng năm sanh. Lục trong hồ sơ Cảnh sát không tìm được dấu vân tay vì tuy là kẻ không nhà nhưng anh chưa hề phạm tội, chưa hề làm điều gì lôi thôi với luật pháp.

Một con người không hề có tên trong bất cứ một hồ sơ lưu trữ nào, của bất kỳ một cơ quan nào, theo hệ thống lưu trữ bằng điện toán, là không hiện hữu... dù Tuấn đã và đang có mặt trên đất nước Hoa Kỳ nầy suốt hơn 30 năm qua! Giờ chết đi, không xác nhận được nhân thân, chỉ là một tấm thẻ bài màu xanh cột vào ngón chân cái bên phải, tấm chăn phủ xác cũng màu xanh, nằm trong cái hộp đựng xác của văn phòng giảo nghiệm y khoa với bí danh là John Doe 278.

Nhưng John Doe 278 cũng có một cuộc đời! Theo bà Lori Huỳnh năm nay 77 tuổi, bà biết Tuấn hơn 20 năm về trước. Câu chuyện của Tuấn , một người tị nạn, đến nước Mỹ vài năm sau Tháng Tư 75, khi Sài Gòn sụp đổ, cũng âm hưởng tương tự như là câu chuyện của đời bà Lori Huỳnh, một người vượt biển.

Sau khi trốn khỏi Việt Nam năm 1980, đến Hoa Kỳ, Lori Huỳnh, năm 1986, mua lại tiệm Violet Nails Salon! Bà để ý đến một thanh niên dáng vẻ Á Châu, gầy ốm, hay lang thang trong bãi đậu xe một mình. Tối ngủ quanh quẩn trong một ngõ cụt đàng sau các cửa tiệm ở góc đường Roscoe và DeSoto.

Thoạt đầu bà mời anh thanh niên nầy một ly cà phê để làm quen và những cuộc nói chuyện rời rạc giữa hai người trong suốt 2 năm, được kết lại, vẽ nên cuộc đời của Nguyễn Tuấn.

Trong số khoảng 200 ngàn người tị nạn đã chết trên biển vào những năm 70 và 80,  năm 1988, Tuấn, một lần duy nhứt, kể cho bà nghe là cả gia đình cha mẹ, (có thể còn có anh em nữa?) tất cả đều đã chết hết trên biển trong thảm trạng thuyền nhân. Và Tuấn là người duy nhứt trong gia đình còn sống sót!

Năm 2007, sau khi bán tiệm neo của mình đi, bà Lori Huỳnh không có cơ hội gặp Nguyễn Tuấn thường như trước nữa. Bà đã yêu cầu người chủ mới tới hãy chăm sóc Tuấn dùm bà. Họ đồng ý! Và khi anh mất, họ cùng nhau đến đặt hoa nơi hiện trường tai nạn xảy ra để tưởng niệm người xấu số!

Nguyễn Tuấn là con của một gia đình công chức Sở Thủy cục và Điện lực Sài Gòn! Tuấn từng học Petrus Ký, một trường trung học danh tiếng ở miền Nam. Anh có năng khiếu về Toán. Mặc dù sống hàng ba thập niên trên đường phố, đôi khi anh ngồi còn giữ thói quen ngồi vẽ những biểu đồ đơn giản. Trên cái túi đeo lưng của anh, luôn luôn có một cuốn sách.

Bà cũng kể cho Tuấn nghe về chuyến vượt biển của mình. Sau 75, gia đình bà phải tan đàn xẻ nghé vì người chồng phải đi học tập cải tạo! Về chiếc tàu trôi dạt với 300 người trên đó và phải sống 6 tháng trên một hòn đảo kinh hoàng, gần nước Nam Dương, trước khi đặt chân lên nước Mỹ!

Vì chia sẻ cùng chung một phần số, trong nhiều năm liên tục, bà Lori Huỳnh hay mang thức ăn đến cho anh. Bà nhớ Tuấn rất thích ăn mì.

Tuan Nguyen chưa từng nhờ vào bất cứ trợ cấp nào của chánh phủ Mỹ, anh tự kiếm sống bằng cách nhặt những lon bia rồi đem bán, lãnh đổ rác cho tiệm giặt quần áo kế bên tiệm neo trong suốt 32 năm trời!

Kate Leone, chủ nhân của viện thẩm mỹ Maine Affair Beauty Lounge thuật lại: "Một tối Chủ Nhựt, bà quên khóa cửa tiệm. Ngày Thứ Hai lại nghỉ. Sáng Thứ Ba quay lại, hoảng hốt khi thấy cửa vẫn còn mở, sau khi xem xét không thấy mất cái gì; coi lại hệ thống an ninh ghi hình của cửa tiệm, bà biết tại sao đã không bị ăn trộm; vì anh Tuan Nguyen đã ở đó suốt ngày Thứ Hai để canh chừng tiệm cho bà! Dù phải bận ra ngoài chỉ một chút, khi quay lại, anh vẫn xem xét lại để đoan chắc là không có ai đột nhập vào lúc mình vắng mặt!

Bà Maria Avila, người cắt tóc cho anh một năm hai lần, đã khóc khi nghe anh tử nạn. Maria nói để tôi cắt tóc miễn phí cho; nhưng anh không chịu! Lần nào cũng nài nỉ trả cho tôi 10 đô la, công cắt tóc.

"Anh ấy nghĩ chúng tôi đã chăm sóc cho anh ấy nhưng thực ra anh ấy mới là người đã chăm sóc cho chính chúng tôi". "He thought we were looking out for him, but he was looking out for us,"

Cô Brooke Carrilo, 42 tuổi, cũng là một kẻ không nhà, sau khi bị mất việc không trả nổi tiền nhà, phải sống trong một chiếc xe, gợi nhớ vài kỷ niệm với Tuan Nguyen.

Brooke làm việc thiện nguyện cho một nhà thờ, nấu nướng và phục vụ bữa ăn cho những kẻ không nhà vào mỗi Thứ Năm nơi Tuan Nguyen thường hay ghé qua. Brooke dọn bữa ăn cuối cùng cho Tuan Nguyen vào ngày 2 Tháng Mười tại nhà thờ, hai ngày trước khi anh mất. Hôm đó, Tuan Nguyen ăn một dĩa mì Ý (spaghetti) và uống một ly nước trái cây.

"Anh ấy là một phần của chúng tôi trong một khoảng thời gian dài! Một năm không ai nghĩ là dài nhưng một năm không nhà, bụi đời như vậy là khoảng thời gian rất dài. Huống hồ hơn những ba mươi năm!"

Đôi mắt Brooke Carrilo đẫm lệ khi nghe tin Tuan Nguyen đã chết. "Một ngày xe bị hết xăng, anh móc túi cho tôi chút đỉnh tiền đổ xăng! Để tôi có thể di chuyển từ chỗ nầy qua chỗ khác nhằm tránh sự quấy nhiễu của Cảnh Sát tuần tra" "Một con người tử tế, nhân hậu, không làm phiền nhiễu bất cứ một ai!"

Tuan chỉ có hai tật xấu: hút thuốc (tự mình vấn lấy) và mua vé số cạo! Cách đây không lâu, trúng được 800 đô, anh mua hoa tặng cho tiệm neo và nước hoa tặng cho mấy cô làm trong tiệm!

Hiện thời Tuan Nguyen đang nằm trong nhà xác, gần với khoảng 200 xác vô thừa nhận khác. Nếu không có bà con thân nhân nào đến nhận xác, anh sẽ được lấy mẫu DNA để lưu trữ. Từ 2 tới 4 tháng, xác John Doe 278, sẽ được đưa tới lò thiêu của quận Cam! Sau đó tro xác được lưu giữ tại nghĩa trang của thành phố Los Angeles. Tháng Chạp, thành phố sẽ làm một buổi lễ đơn sơ để chôn cất tất cả tro xác của những người chết vô thừa nhận vô cùng chung một huyệt mộ! Trên bia mộ chỉ đề duy nhứt năm những nạn nhân vô thừa nhận đã qua đời: 2014!

Cuối cùng Nguyễn Tuấn đã trở về nhà!

Có độc giả tự hỏi: "Tại sao một con người nhân từ, có tinh thần trách nhiệm như thế lại sống 30 năm ở ngoài đường? Tại sao anh ấy không xin phiếu trợ cấp thực phẩm (food stamps) và chương trình trợ cấp tổng quát (General Relief) của chính phủ?" Vâng cũng có người đã giúp anh tìm một chỗ tạm cư; nhưng sau đó anh lại trở về đời ‘homeless'; vì theo anh ở đó vẫn còn người đối xử tử tế với anh!

Ký giả bài phóng sự điều tra nầy phỏng đoán: "Tôi nghĩ đây là câu chuyện bi đát của một người không quên được các thảm kịch mình đã trải qua; rồi sau đó không còn muốn trở về với đời sống thực tế nữa!"

"Tôi đoán trong chuyến vượt biển, cái chết của cha mẹ anh kinh khủng lắm nên anh mới thành một con người khác hẳn chúng ta."

***

Thưa! Người viết bài nầy đã từng gặp một thanh niên tị nạn Việt Nam ở Fleminton, Melbourne, Úc Châu, bề ngoài có vẻ rất bình thường, một hôm tình cờ bước vào một căn ‘flat' của chánh phủ cho anh mướn. Trong nhà không còn một khoảng trống nào, từ phòng khách vào tới nhà bếp. Toàn là những chai nước ngọt đủ cỡ, đựng đầy những nước. Khi được hỏi chứa nước nhiều như vậy để làm gì? Thì mặt anh đột nhiên trở nên nhăn nhúm, thống khổ như hình tranh lập thể của họa sĩ Picasso, anh trả lời: "Ông không biết! Chớ nước quý lắm đó!"

Ôi! Những thảm kịch kinh hoàng của thuyền nhân trên biển. Những bi kịch không thể nhạt phai, những chấn thương tâm lý không bao giờ hồi phục. Chúng ta vô tình thản nhiên đi qua những niềm đau đó. Bác sĩ có thể chữa lành những vết thương về thể chất; còn những chấn thương tinh thần nầy mãi mãi sẽ không yên cho đến khi nạn nhân về với mộ!

Xin anh Nguyễn Tuấn (tên Việt Nam), Tuan Nguyen, (tên Mỹ) và John Doe 278, (tên một xác chết vô thừa nhận), đã sống một cuộc đời lặng lẽ, đã chết trong cô đơn, sẽ được bình yên phía bên kia cuộc đời, sum họp với cha mẹ, với anh em... Chắc sẽ làm đời anh bớt đau đớn hơn chăng?!

Vĩnh biệt anh! Một hình tượng của thảm trạng thuyền nhân Việt Nam!

đoàn xuân thu 

melbourne.
(Theo David Montero, Los Angeles Daily News.)

 

Giã từ em đất cù lao!

đoàn xuân thu

Mỗi năm, cứ tháng Tư về là tui lại buồn trong tấc dạ! Nói nào ngay, xa xứ tháng nào tui cũng buồn hết ráo. Nhưng tháng Tư tui lại buồn nhứt hạng cho một mối tình vừa mới chớm nở đã vội dở dang hơn 40 năm rồi mà trái tim tui vẫn còn đang rỉ máu.

Chẳng qua chuyện vầy nè: quận Kế Sách, thuộc tỉnh Ba Xuyên tức Sóc Trăng.

dxt_tienem.jpg

Hồi xưa từ Cần Thơ muốn về Kế Sách thì có hai cách: đường bộ hoặc đường sông.

Đường bộ theo Quốc Lộ 4, rời Cái Răng qua Cái Tắc, tới Ngã Bảy, xã Đại Hải, (nơi bà con miền Bắc di cư vào năm 1954), rồi Ngã Ba An Trạch, quẹo tay trái vào quận Kế Sách, cách Cần Thơ khoảng 54 cây số và cách Sóc Trăng chỉ 6 cây số thôi.

Nhà khảo cổ Vương Hồng Sển, người Sóc Trăng, cho biết: ‘Khsach' (Giồng Cát) đọc trại thành Kế Sách.

Từ Ngã Ba An Trạch đến xã Phú Tâm (còn gọi là Phú Nổ hay Vũng Thơm, nổi tiếng với lạp xưởng, mè láo của người Tiều, mắm bò hóc của người Khmer). Qua khỏi Phú Tâm, hương lộ trải đá xanh, dọc bờ kinh, tới Na Tưng (chỗ nầy, xưa, VC phục kích bắn cả vào xe Hồng thập tự làm thằng bạn nhậu của tui, lúc đó, là tài xế bị đui hết một con mắt, và liệt một cánh tay).

Na Tưng có vườn dừa, sau ông Quận cho đóng một cái đồn nghĩa quân, ngoài ra là đồng lúa nên VC khó mà phục kích, giựt mìn bất tử như lúc trước.

Cuối cùng là tới quận lỵ Kế Sách. Chạy qua Cầu Sắt lên đến ấp Tập Rèn, xã Thới An Hội, đều là đất giồng.

Mà trên đất giồng mình trồng khoai lang nên bà con nông dân mình cuốc khoai nhiều lắm.

Còn đi đường sông thì từ Bến Ninh Kiều Cần Thơ, đò xuôi ra biển tới Cù Lao Quốc Gia, rẽ phải vào Vàm Nhơn Mỹ cũng tới được Kế Sách.

 

dxt_giatuemdatculao.jpg

Kế Sách có đò Ngọc Diệp, chủ ở ngay chợ, nửa đêm, tài công ‘đề pa', chuông giựt leng keng để bà con miệt vườn đi bán trái cây ở chợ Cần Thơ hay đi bổ hàng tạp hóa về bán lại, ra bến nước bờ sông, gọi đò, ra hiệu bằng đuốc lá dừa quơ quơ trong gió.

Tới Cần Thơ, khoảng 5 giờ sáng. Đò đợi bà con mình đi công chuyện xong khoảng 10 giờ sáng cùng ngày là đò Ngọc Diệp quay đầu về bến cũ.

Đò chạy cà rịch cà tang, tùy theo lớn ròng, con nước ngược xuôi, từ bờ bên nầy băng qua bờ bên kia, chạy hình chữ chi, ghé bến nầy bến nọ cho hành khách lên bờ; đôi khi chỉ có một người; nên mất tới khoảng 4, 5 tiếng đồng hồ.

(Má theo đò đi chợ Cần Thơ về, mua cho con mình ổ bánh mì và vài cục đường tán. Mấy đứa nhỏ mừng húm! Ôi những ngày thơ dại! Mừng má đi chợ về còn đâu nữa?!)

Đò qua cơ man nào là những dãy bần xanh. Ôi đất nước mình đẹp biết bao mà trong vận nước đảo điên, tổ cha nó, làm tan hoang hết ráo!

Đất Kế Sách ngoài giồng, còn mấy chỗ đất thấp hơn, phù sa sông Hậu bao đời bồi lấp, đất phì nhiêu, màu mỡ nên bà con lên líp lập vườn cây ăn trái đủ loại: cam, bưởi, mít, chôm chôm, măng cụt, sa bô chê, sầu riêng sai oằn nặng trĩu.

Ghe trái cây, dân Kế Sách, lên tận Chợ Cầu Ông Lãnh bán cho dân Sài Gòn.

Tất cả các loại trái cây nhiệt đới đó Cù Lao Quốc Gia đều có hết.

Dòng sông Hậu đổ ra gần tới biển, bình độ của lòng sông cao hơn mực nước biển hỏng bao nhiêu; nên nước chảy chậm, phù sa lắng xuống, bồi tụ lâu ngày, rồi bần mọc lên giữ lại cát, làm nhô lên Cù Lao Quốc Gia (sau nầy VC đặt tên là Cồn Mỹ Phước và Cồn Bùn (cách nhau cái Rạch Mọp) cách đây khoảng 150 năm.

Ban đầu mặt cồn còn thấp, là những bãi bùn năng lác, cỏ dại và cây bần, cây tạp cùng một số loài thú hoang và chim muông. Rồi bà con lưu dân mình từ Miệt Trên xuống khai phá, bao bờ trồng rẫy. Lấy ngắn nuôi dài; vì rẫy mau ăn. Trường vốn một chút thì lập vườn! Phẻ hơn làm rẫy!

 

dxt_giatuem_2.jpg

Từ trên cao nhìn xuống, Cù Lao Quốc Gia, cách cửa biển khoảng 45 cây số, giống như một chiếc xuồng ba lá, nhọn hai đầu phình chính giữa, chồm ra biển. Chắc vì vậy mà bà con mình ở Cù lao Quốc Gia nầy, VC vô; hè nhau vượt biển vượt biên hết ráo?!

(Người viết có em học trò cũ, Lan Chi, từ độ ấy cũng ra đi; giờ em ở Sydney! Giáo Phèn viết về quê cũ của em có thiếu sót gì thì dạy lại cho Thầy nhe!)

Khi CS miền Bắc phát động cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam cộng với sự tiếp tay phá hoại của VC nằm vùng thì cả đồng bằng sông Cửu Long cũng chìm trong lửa khói. Nhưng vùng đất cồn nầy vẫn là những ốc đảo bình yên, xa rời cuộc chiến.

Nhà nào trên đất cù lao kha khá, có của ăn của để, sắm chiếc vỏ lãi gắn máy Yanmar 60 hay Kubota, làm máy đuôi tôm, lái bằng chưn nếu đứng hoặc bẻ lái bằng tay nếu ngồi.

Nhớ có lần được mời về Cù Lao Quốc gia ăn đám cưới một đứa học trò cũ giữa đường thôi học, em sang sông ‘chống lầy' tức lấy chồng.

 

dxt_giatuem_3.jpg

Vài đứa học trò gái, cùng lớp với cô dâu, vẫn còn đi học, trong chợ Kế Sách cũng được mời đi đám cưới, điệu đà xuống chung chiếc vỏ lãi. Giữa đường hết xăng, nước ròng, mũi chiếc vỏ lãi cắm vào một đám bần xanh, chạm phải tổ ong bần. Nó túa ra. Thầy trò mạnh ai nấy nhẩy xuống bờ kinh, núp dưới lườn chiếc vỏ lãi, né... trong khi đám ong bần vẫn u u quần ở trên đầu.

Nước đưa chiếc vỏ lãi xuôi dòng xa dần cái tổ ong cái tổ ong mắc dịch nầy, Thầy trò mới lóp ngóp leo lên. Bộ đồ vía ướt hết trơn hết trọi hè.

Đám học trò gái mặc áo dài, bị thấm nước, vải mỏng tanh như dính vô da thịt trắng nõn nà, dầy dầy đúc sẵn một tòa thiên nhiên, mắc cỡ lấy nón lá che ngang. Ai có thấy gì đâu hè?!

Từ xã Nhơn Mỹ băng sông Hậu chừng cây số rưỡi, tấp vô bến đò giữa, lội chừng trăm thước là gặp cái bảng Vu Quy kết bằng bông đủng đỉnh với cọng lá dừa. "Trăng treo thềm cổng vu quy. Ai vui trong đó sầu bi ngoài nầy!"

Ai sầu thì sầu đi... còn tui, làm giáo, được trưởng tộc bên đàng gái mời lên bàn thượng hạng đặt ở nhà trên. Đèn ‘măng xông' sáng choang hè. Mà buồn 5 phút. Vì ngồi chung với mấy ông già; Sao bằng ngồi với đám học trò 17, 18 tuổi vui hơn, nói chuyện hợp hơn, ăn rơ hơn; hơn là ngồi với mấy bô lão cổ lỗ sĩ: "Nhân bất học bất tri lý. Mời thầy giáo làm một ly!" Chán chết!

Từ đám cưới của Huệ Chi, cành huệ trắng mà bị ong bần đánh... đêm nhóm họ, vu quy đó, thời gian sau, thằng học trò, nhà có giỗ quảy gì thì kính mời thầy ra nhậu với Tía em. Ổng nhắc Thầy hoài hè... Cái gì cái! Mời đi ăn giỗ là không có cái vụ từ chối bao giờ.

Ăn giỗ năm lần bảy lượt mới biết ông phụ huynh nầy có đứa con gái sắc nước hương Trời đã gả đi Chợ Bãi Xàu, ông còn một đứa nữa so phần tài sắc lại là phần hơn.

Tên con gái ổng đặt đều đẹp vì ổng khoái đọc truyện Tàu mà Tàu Đài Loan, ổng đọc Quỳnh Dao... Cô chị đã lấy chồng tên Huệ Chi, một cành hoa Huệ. Cô em chưa chồng tên Quỳnh Chi, tên một nhánh hoa Quỳnh.

Tui yêu hoa Quỳnh lắm vì nó đẹp và thơm mà lại nấu cơm... ngon!

Đó là bữa ăn cuối cùng của đêm tôi giã từ Kế Sách cách đây 40 năm. Bữa cơm đó em đãi chàng thi sĩ lăn lóc gió sương ba ngày đêm nổi lên sình chương món canh chua cá ngát và cá ngát kho tộ ăn với cơm trắng, gạo mới lúa mùa.

 

dxt_giatuem_4.jpg

Cá đồng như cá lóc, cá trê, cá rô, cá sặc ở trong đồng. Cá ngát, cá bông lau, cá mè vinh, cá phèn, cá bống mú, cá lòng tong, cá chốt, là một loại cá sông ở trong sông... Cắt nghĩa như vậy là khỏi cãi.

Sông thì nước ngọt vào mùa khô và mưa, từ tháng Tư cho tới tháng Chạp.

Từ đầu tháng Giêng cho tới cuối tháng Ba nước lợ, hai phần nước ngọt và một phần nước từ biển chảy ngược vào sông mùa nước kiệt!

Cá Ngát thích nước lợ, hay rúc vào trong những đống chà; hay trú ẩn trong hang ở bãi sông.

Cá ngát hơi giống cá trê trắng! Đầu có 3 ngạnh, sắc bén và cứng, đâm rất nhức. Thịt không dai như cá trê trắng, dẻo và dẻ hơn cá bông lau. Chắc nhờ lội tới lội lui như tập thể thao?!

Khoảng tháng 5 đến tháng 9 âm lịch là mùa cá ngát sinh sản, thịt ngon.

dxt_giatuem_5.jpg

Cá ngát làm sạch và cắt khúc để ráo, ướp tỏi chiên sơ. Bắc nồi nước lên, cho ít muối vào, khi nước sôi cho bần chín vào khoảng 5, 6 trái, năm phút sau, vớt bần ra tô, cà nhuyễn ra lấy nước chua.

Nước dùng đun sôi liu riu bỏ đầu, đuôi cá vào, khúc giữa dành kho tộ để ăn cơm. Cá vừa chín tới, nêm nếm vừa miệng, thêm ngò om, cần dầy lá, khóm, giá, bông so đũa, bông súng, bạc hà, rau nhút, rau muống,... bông điên điển, thêm ít ớt hiểm còn xanh xắt lát.

Ăn nóng! Giẽ cá, chấm với muối ớt hoặc nước mắm y, kẹp thêm lát ớt. Bưng ly hột mít rượu đế sủi tăm, quất nghe cái ót là toát mồ hôi mồ kê, nó ròng ròng đầy mặt như là mới tắm hơi xong. Chết cũng đành lòng!

***

Mất nước được hai năm, tui vẫn còn nấn ná ở Kế Sách; vì thú thiệt tui không biết phải đi đâu, về đâu; rồi làm sao mà sống? Nhà không có được một cục đất chọi chim.

VC giải tán Luật, Văn Khoa Cần Thơ chuyển mấy em sinh viên qua Sư Phạm, học chỉ 6 tháng, rồi đưa về trường! Để chúng nắm đầu mấy thằng Giáo Ngụy, gốc quân nhân biệt phái ra đuổi cổ. Tui nằm trong số đó. Nó đuổi thì tui đi... Và tui đi luôn ra biển...

Tui còn bỏ lại bên Trời một cành hoa Quỳnh năm ấy. Quỳnh Chi, người năm cũ đã nấu cho tôi ăn canh chua cá ngát ngày xưa ấy! Tui mang kỷ niệm xưa đi cuối đất cùng trời!

Đôi lứa chúng ta như hai chiếc lá, lạc lìa nhau giữa một dòng sông trong một thời bão loạn. Tui lỗi thề cùng em cũng bởi vì đời chớ nào phải tại tui đâu!

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Ăn hiếp con nít!!!

đoàn xuân thu.

Ôi nhớ xưa! 42 năm trước, tui còn độc thân tại chỗ nhe! Trai tơ hơ hớ hè!

Ðường công danh còn dang dở, vì học chưa có xong, nhưng đang rộng mở.

Vận nước đang ngả nghiêng, chực đổ nhào... mà tui cứ nằm mơ, mộng công hầu ... mới chết!

DXT_April9_anhiepcomnit.jpg

(Cũng xin phụ đề Việt ngữ ở đây chút xíu là: Thời phong kiến, có ba khoa thi: Hương, Hội, Ðình. Ðậu thi Hương là Cử nhân. Ðậu thi Hội là Tiến sĩ. Thi Ðình dành cho Tiến sĩ để chọn ba hạng đầu là: Trạng Nguyên, Bảng Nhãn và Thám Hoa.

Ðăng khoa, tức thi đậu xong, nếu còn cu ky, mà được Hoàng thượng, tức ông Vua, mến tài gả Công chúa... là vô mánh!

Ðó là đại đăng khoa, được làm Phò mã, tức rể của Vua, chớ không phải là thằng giữ ngựa, Bật Mã Ôn, chức của Tề Thiên Ðại Thánh ở Thiên đình!

Sau này bà con dân ngu khu đen mình gọi: tiểu đăng khoa là thi đậu,( sướng ít), đại đăng khoa tức là có vợ, (sướng nhiều)!

Do đó phận đàn ông là phải học hành siêng năng giỏi giắn, bét lắm cũng kiếm được cái bằng Cử nhân về treo giàn bếp, xong mới tính đến đường vợ con để ngựa anh đi trước võng nàng theo sau!

Dựa hơi chàng, nàng nhảy tót một bước lên làm bà ... mà không cần học hành gì ráo, chỉ cần cái vốn tự có của mình đem đầu tư vào chỗ nào cho trúng khía mà thôi!

Nhưng vận nước nổi trôi, cái kế hoạch huy hoàng trong mơ đó đà trôi luôn ra biển...

Thằng bạn ní, được mấy ‘xì thẩu' mướn lái thuyền vượt biên, hứa ghé rước, cho tui và em đi ké bằng cách canh me, từ taxi, xuồng nhỏ nhảy lên. Nhưng nó đầu môi chót lưỡi, nuốt lời, chạy một hơi 7 ngày, 7 đêm tới Palawan, Phi Luật Tân. Ðành đoạn bỏ bạn hiền lại cho VC nó hành hạ nè Trời!

(Cái thằng phản bội vong thề nầy đang ở Canada. Lúc nào trúng số, tui sẽ bay qua, la cho nó một trận: "Sao mầy dám đang tâm bẻ gãy chữ kim bằng?")

Tuyệt vọng, tui dắt em về, thì em yêu thỏ thẻ rằng: "Thôi anh làm đại đăng khoa với em đi, kẻo VC thấy em đẹp (?!) bắt ưng thương binh VC ‘xi cà que' là em tự vận em chết liền!"

"Bậy nè! Ai mà chết lảng nhách vậy hè! Người bỏ ta sao đành hè!" Tui bèn đồng ý cái rụp!

Em yêu đang đi làm cho nhà thương Thủ Khoa Nghĩa hồi xưa, giờ tụi nó đổi tên là Bịnh viện Ða khoa Cần Thơ, tháng tháng được 20 kí lô gạo (đầy bông cỏ), nấu cháo vợ chồng son ăn cầm hơi chờ qua cơn thắt ngặt!

Mặn nồng hương lửa một năm thôi mà em đã tọt ra một thằng cu tí!

 dxt_april9_2.jpg

Mới ăn đầy tháng là sáng sáng em nê thằng cu tí theo, lúc đi làm, để gởi vào nhà trẻ ngay trong khuôn viên bịnh viện, dưới khẩu hiệu: "Ðẹp như công viên! Sạch như bịnh viện!"

Bịnh viện là chiến trường ác liệt, nơi thuốc kháng sinh đánh nhau quyết liệt với vi trùng để  bịnh nhân một sống, hai chết... mà sạch cái nỗi gì đây mấy cha nội?

Chính vì vậy mấy đứa nhỏ, sức đề kháng còn kém, đi nhà trẻ hằng ngày cũng là hằng ngày đi bịnh viện, ổ chứa vi trùng, nên bị nhức đầu, sổ mũi, viêm họng liên tu bất tận. Nhưng không gởi ở đây thì biết gởi thằng cu tí ở đâu hè?

Ôi thời gian như bóng câu qua cửa sổ! Tui ghi lại kỷ niệm nầy cho con nó đọc, để nhớ lại một thời nó làm ‘trùm quậy' cho Tía nó thót lên cần cổ như thế nào?!

Một sáng, cô giữ trẻ hoảng kinh hồn vía chạy băng băng lên văn phòng, hào hễn hỏi em yêu: "Thằng nhỏ có bò lên kiếm mẹ để đòi bú tí không?" "Không? Trời đất ơi! Vậy nó biến đâu rồi?"

Chẳng qua đang ngồi bô để đi ‘xì trum và xì tẹt', thấy cửa rào quên đóng, thằng cu bèn dế mèn phiêu lưu ký.

Cả bọn nháo nhào đi kiếm. Ông Cơ cụt tay, gác cổng cho biết: "Cách đây 10 phút, có thằng nhóc mới lẫm đẫm biết đi, ở truồng nhong nhỏng băng qua lộ nè!" Rượt theo, thấy cu cậu đang nhẩn nha ngồi trong quán cà phê của thằng cha Chín Dành.

Ðời mà! "Những người mẹ bận đi làm để kiếm tiền, buộc lòng ném con mình vào miệng núi lửa. Cái núi lửa đó có tên gọi là: Nhà trẻ!"

Con mình mình rứt ruột đẻ ra là mình lo, còn giao vào tay người khác là giao trứng cho ác! Vì Nhà trẻ giống như Trại mồ côi vậy!

***

Tuy nhiên có người lạc quan tếu: "Cái nghề nầy sướng thiệt. Tối ngày chỉ chơi với con nít không hà... mà còn được lãnh tiền!"

Nhưng thật ra giữ trẻ không phải dễ ăn như ăn cơm sườn. Xì-trét (stress) lắm! Dễ bị bịnh nghề nghiệp như các cô mụ, thấy mấy em lâm bồn, đau quá xá cỡ nên ở vậy luôn, hổng dám có chồng!

Còn cô đi giữ trẻ thì: "Con của anh chị đã khiến cho em phải uống thuốc ngừa thai quá liều!"

Nước Úc còn đỡ nhưng ở Sài Gòn tiền công giữ trẻ còn còm cõi hơn nhiều.

Giữ một bé cho ăn, uống, tắm rửa suốt ngày, tháng chỉ 2 triệu đồng tức khoảng một trăm đô Úc.

Hổng biết có phải vì tiền ít mà mấy em giữ trẻ trong nước hay trút giận lên đầu trẻ thơ vô tội bằng cách ‘quánh' tụi nhỏ tơi bời! Mà không sợ chiều về nó méc ba, méc má. Chưa biết nói thì làm sao mà méc?!

Báo chạy tin dữ rằng: Hai cô giữ trẻ, chừng 50 tuổi, lui cui pha sữa, nấu cháo, trong khi 9 đứa nhóc, từ vài tháng đến 2 tuổi đang lăn lóc dưới sàn.

Lần lượt từng trẻ vào góc nhà, ngồi há miệng để được đút ăn.

Một bé trai, khoảng một tuổi, bị đè ngửa, kẹp đầu vào nách người phụ nữ, liên tục vùng vẫy, khóc thét. Cháu bị sặc nhưng bà ta vẫn đổ thức ăn vào mồm cháu. Thức ăn trào ra ngoài, bà này gõ vào mũi đứa trẻ, bắt ăn lại.

Ðứa trẻ khác, khoảng 2 tuổi, run rẩy, liên tục bị ấn muỗng cháo vào mồm, bị ọc ra và bị "bảo mẫu" giáng tay vào đầu. Vừa ăn vừa bị tra tấn!

Khi xem những cái video clip nầy phát tán trên mạng, ai có con nhỏ gởi tại đây đều phải rụng rời. "Ê! Nhà trẻ chớ đâu phải đồn Công an hè?"

dxt_april9_3.jpg

***

Nói nào ngay không phải riêng tại Sài Gòn hay Hà Nội, dân nhập cư vào kiếm sống phải gởi con đi nhà trẻ để bị đánh đập tưng bừng như vậy, mà ngay cả những nước văn minh như Úc, như Mỹ lai rai cũng có xảy ra đó chớ.

Mới đây, một cô giữ trẻ ở Pennsylvania bị mất ‘ job', chờ vác chiếu ra tòa vì đã đẩy một bé gái, 4 tuổi, té lăn cù xuống cầu thang. Ðứa bé bị trặc đầu gối và sợ hãi chiếc cầu thang. Rõ ràng cháu bé tội nghiệp nầy đã bị chấn thương về tâm lý!

dxt_april9_4.jpg

Shawayne Tavares, người quản lý trung tâm giữ trẻ Clifton Heights, ngoại ô Philadelphia, qua video của hệ thống camera an ninh vừa mới lắp đặt, thấy vẻ run sợ, đôi mắt cháu hình như muốn nói: "Hãy cứu giúp con đi", cảm thấy đau nhói như chính cá nhân mình bị tổn thương.

Bà đến gặp tận mặt cô giữ trẻ Sarah Gable, 52 tuổi, chất vấn một cách gay gắt: "What are you doing? We don't do this to children."

"Bà đang làm cái quái gì vậy? Chúng ta không đối xử như thế với trẻ con!"

***

"Mùa xuân ai đi hái hoa/ Mà em đi nuôi dạy trẻ/ Sao em muốn đàn em mau khoẻ/ Sao em muốn đàn em mau ngoan/ Hay bởi vì em quá yêu thương/ Những đôi môi đỏ, những đôi má tròn/ Em yêu từng đôi mắt sáng/ Long lanh như những giọt sương.

...Một mai khi em lớn lên/ Ðừng quên khi đi nhà trẻ/ Quên Cô giáo người nuôi em khoẻ / Quên Cô giáo người chăm em ngoan/ Quên những ngày Cô giáo yêu thương..."

Ðó là bản nhạc "Cô đi nuôi dạy trẻ" của Nguyễn Văn Tý, cũng là tác giả bài Dư Âm nổi tiếng, đã bị phê bình là ủy mị, bị đấu tố tơi bời ở miền Bắc trước 54.

Rút kinh nghiệm cái vụ lôi thôi phiền phức, nhém bị cấm viết nhạc... là mạt rệp luôn, nên từ đó, nhạc sĩ  Nguyễn Văn Tý sáng tác ‘ngành ca', ca tụng chung chung, vô thưởng, vô phạt cho cái ‘ngành' nào trả tiền tác quyền sộp cho chàng nhạc sĩ!

Ông nhạc sĩ nầy, lạc quan tếu... thấy mà ớn chè đậu luôn! Vì thực tế trần trắng trợn là nhà trẻ trong nước, nơi khỏ đầu trẻ, nơi ăn hiếp con nít thấy mà khiếp... phải không bà con?!

Thành ra đừng ‘ca từ' dóc nữa! Ðược không nè, kính thưa ông?

đoàn xuân thu.

melbourne.

  

 dxt_cuntacbien.jpg

Lá Thư Úc Châu: Cùng tắc biến!

 

Chuyện rằng: Tới giờ cơm chiều, một bà mẹ Úc ra trước cửa nhà, rống họng kêu John tới bảy lần. Thì 7 thằng cu sàn sàn nhau, cách chỉ một cái đầu, chạy ùa về nhà.

Anh yêu, em mới quen ngoài quán rượu đến chơi nhà, thắc mắc hỏi: "Sao đứa nào em cũng đặt tên John hết ráo vậy?" "À cho dễ nhớ mà!"

"Rồi em muốn gọi riêng từ đứa thì phải làm sao?" "Dễ ợt! Em sẽ gọi ‘họ' của nó!" Té ra 7 thằng nhóc nầy cùng mẹ nhưng lại khác cha.

Chuyện đó nó hơi là lạ với xứ ta; nhưng ở xứ Úc nầy nó là chuyện hàng ngày ở huyện. Vì chữ có câu rằng: "Không chồng mà chửa mới ngoan. Có chồng mà chửa thế gian sự thường!"

Ở nước Úc phúc địa nầy đây! Đèn nhà ai nấy sáng! Chuyện có chồng, có con là chuyện riêng tư của từng chị em mình! Không có ai rỗi hơi mà chỏ mỏ vô giường của hàng xóm.

Đời em em muốn sống làm sao thì sống? Muốn lấy ai thì lấy; muốn bỏ ai thì bỏ. Đó là cái quyền của em. Chánh quyền, xã hội hay ngay cả ông Trời cũng không có quyền nói vô nói ra, kiểm điểm phê bình gì ráo trọi.

Đẻ nhiều vậy Úc nó còn mừng! Vì dân số Úc chỉ hơn 24 triệu một chút mà số sinh cứ giảm mà số tử cứ tăng thì trước sau gì nước Úc cũng bị diệt vong; nên chánh phủ lo sợ lắm chớ.

Tuy nhiên ở cái xã hội công nghiệp nầy mấy em bận đi làm kiếm tiền, đâu có ai ở không... mà đẻ?!

Vì nuôi một đứa con nít từ khi lọt lòng đến năm 16 tuổi, hơi cứng cựa để tự vỗ cánh bay vào đời... thì tốn mỗi đứa xỉu xỉu tới nửa triệu đô!

Nào tiền ăn, tiền quần áo, tiền gởi nhà trẻ, tiền đi học, tiền đồ chơi rồi tiền đi nghỉ lễ hằng năm. Đó là không kể tiền khám răng, tiền mua thuốc uống lúc ốm đau... Hầm bà lằng vô số thứ phải chi. Nên chị em mình nín đẻ là vậy!...

Chánh phủ Úc bèn đem tiền ra dụ khị, khuyến khích chị em ta nên vui hưởng chuyện tù ti tú tí và đừng quên làm cái nghĩa vụ thiêng liêng, phục vụ tổ quốc mến yêu là sản xuất cho thật nhiều cu tí...

Nhưng trong bụng chánh phủ chỉ muốn cái đám thu nhập cao, đám dân nhà giàu đẻ thôi, đẻ nhiều tự nuôi con, không xin trợ cấp gì ráo...

Còn đám dân nhà nghèo, làm ơn tốp tốp lại; chứ đẻ như gà, cục tác một tiếng ra một đứa, đông như quân Nguyên, ngân sách phải è cổ ra gánh là gãy xương đòn gánh; hết gánh luôn!

Bụng muốn vậy nhưng chánh phủ không dám nói tách bạch ra vì sợ dân nó chửi là không ‘fair', tức bất công, chống lại nguyên tắc bình đẳng của Hiến pháp Úc, là rắc rối to...là mất thế cầm quyền trong kỳ bầu cử tới như chơi hè!

Không dám công khai kêu dân nghèo bớt đẻ... thì chánh phủ Úc chơi kiểu ma lanh là đẻ vẫn cho tiền, cùng lúc lại cắt trợ cấp nuôi con của các bà mẹ Úc nghèo bỏ chồng hay bị chồng bỏ mà chữ gọi là ‘single mum'!

(Mấy thầy thông dịch Việt Nam dịch rất bay bướm là mẹ đơn thân. Còn tui, tui dịch là mẹ cu ky!)

Dĩ nhiên đời mà! Cuộc sống đã khổ, phải giật gấu vá vai. Tiền có bữa nay mai lại hết; ai mà không cự nự chớ?

***

Nhiệm vụ của chánh phủ Úc là thâu thuế người đi làm rồi đem giúp lại người thất nghiệp, sống cầm hơi chờ ngày mai trời lại sáng. (Sáng đâu không thấy mà thấy tối hù tương lai nên mấy em la bài hải cũng là phải phải!)

Chẳng hạn như em Jessica Russell, sống ở khu nghèo miền Tây Sydney mới có 25 tuổi thôi, mà một nách đã hai con!

Không biết thằng đồng tác giả hai tác phẩm nầy nó trốn biệt đi đâu mà không chịu đóng tiền ‘child support', tức tiền trợ cấp nuôi con, (hay thằng chả cũng ăn thất nghiệp luôn nên mậu lúi?) làm em phải cực kỳ khốn khổ dựa vào tiền sữa của nhà nước cho, để nuôi hai thằng nhóc tì chỉ mới vừa lên 2, 3 tuổi.

Em Jessica ca bản nhạc buồn, con cá nó sống vì nước nghe đến đứt ruột như vầy: "Em phải trả tiền chợ mỗi ngày... tiền mướn nhà, tiền điện thoại di động, tiền nước, tiền điện, tiền ga, tiền xăng, tiền thuế đường, tiền bảo hiểm xe hơi...

Phần em hai tuần chỉ được $552.60. Hai thằng cu em, mỗi đứa được $260.

Tổng cộng cả nhà em chỉ được hơn 1000 đô hai tuần. Một tuần chỉ khoảng 500 đô; ngày chỉ 70 đô thôi. Chính vì vậy rút tiền trợ cấp ra trả hết ráo, em chỉ còn đúng có 50 đô cầm hơi cho đến tiền đợt tới! Hu hu!

Rồi giờ chánh phủ Liên đảng của Malcolm Turnbull chơi ác như vầy ai mà chịu nỗi chớ?

Hai đứa con em đang ngụp lặn; chỉ có cái lỗ mũi ló lên khỏi mặt nước để thở mà giờ mấy ông bà chánh trị gia nắm giò tụi nó kéo xuống nữa hay sao?

"Hai thằng cu của em là tối quan trọng, nhất đời em. Đời em, em không ‘care' (lo) nhưng đời chúng ít nhứt phải no, có đồ ăn, phải ấm, có quần áo mặc, phải tắm, có tiền trả tiền nước, phải có điện để mấy đứa nhỏ không phải sợ ma...

Đừng có rầy sao em suốt ngày ngồi nhà, uống bia và coi tivi không à nhe. Em đợi con em lớn lên một chút là em đi học làm cô mụ để giúp mấy chị em Úc khác sản xuất thật nhiều baby, mầm non của tổ quốc thân yêu chúng ta trong tương lai...

Tăng trưởng kinh tế Úc liên tục suốt 25 nay rồi nhưng ai ăn không hè. Tại sao giờ bắt tụi con em phải chịu...?"

***

Theo thống kê cho biết em Jessica nầy chỉ làm một trong khoảng 3 triệu dân Úc, chiếm tới 13, 3% dân, và có hơn 731 ngàn con nít chiếm 17% đám xây lố cố đang sống dưới mức nghèo khổ.

"Đơn thân một nách hai con. Vất vả như thế, ‘đá' còn phải đau!"

Nên các tổ chức binh vực phúc lợi cho tầng lớp thiệt thòi ở nước Úc kêu gọi chánh phủ dẹp cái kéo đi; đừng cắt vào số tiền còm cõi của bà con mình nghèo mạt nữa.

Nhưng chánh phủ nói rằng: "Đang nợ ngập đầu nè, không cắt cũng đâu có được, tiền đâu mà trả?"

Mấy năm trước, Tàu Cộng nó cần khoáng sản, nên Úc chỉ đào đất lên mà bán. Công ty thâu tiền nhiều, đóng thuế nhiều, hỏng nói làm chi! Giờ Tàu nó bớt mua quặng mỏ rồi.

Đào đất hỏng được giờ Úc chỉ còn có nuôi bò, nuôi heo mà bán ra nước ngoài thôi. Thịt bò thì bán cho Nam Dương, vì nó theo Hồi giáo! (không có ăn thịt heo). Còn thịt heo của cựu Thủ tướng Úc Paul Keating thì bán cho Tàu Cộng.

Dân nó cả tỉ rưỡi người! Thịt heo, thịt bò nó đều quất láng!

Thị trường ăn heo, bò của Tàu A Man thấy lớn vậy nhưng so với quặng mỏ thì tiền thuế thu hỏng được bao nhiêu.

Nên xin quý ‘single mum' hãy thắt lưng buộc bụng, mua cái sợi dây nịt nhỏ nhỏ một chút được hông?

Năn nỉ coi bộ không xong, Chánh phủ Liên đảng bèn lên mặt dạy đời rằng:

"Cách thức tốt nhất để đối phó với vấn đề nghèo khó ở trẻ em, là phải có một nền kinh tế mạnh mẽ, bởi vì có nhiều trẻ em lớn lên trong các gia đình, trong đó một hay nhiều cha mẹ và có thể cả ông bà, không có công việc nào cả".

"Vì vậy chúng ta phải khuyến khích họ tham dự vào lực lượng lao động".

Nghĩa là than nghèo thì đi kiếm việc làm đi; chớ đừng ngồi nhà uống bia, xem ti vi hay ra biển ‘sex, sea và sand' (chơi, sóng biển và cát trắng) nhe!

Nhưng tui hỏi ông chính phủ một câu rất ngặt là: "Việc làm ở đâu mà biểu mấy em yêu của tui đi kiếm chớ?"

***

Thật ra không phải chỉ mấy em ‘single mum' là bị cái chánh phủ nầy nó gõ đầu mà ngay cả mấy ông già, bà lão đang ăn tiền già, tiền hưu cũng bị cái kéo nầy nó thò vô túi để cắt...

Cả một đời cày sâu cuốc bẩm, đóng thuế đều đều cho ngân sách mà tới già, hết xí quách về ăn tiền già mà nó cũng hỏng để cho yên.

Bà con ơi chính vì vậy mà đúng ra tui đã tới tuổi về hưu, vui thú điền viên cùng má sắp nhỏ; vì đời càng ngày càng thun lại, hỏng biết đi ra đi mãi mãi ngày nào? Nhưng tui vẫn còn chưa dám tháo ách, cởi cày đó nha! Thôi còn sức là mình còn làm cu li; chừng nào đi thì rảnh nợ...

Người Việt mình dễ thương vậy đó đến đây là đóng góp hè chớ không thèm chơi cái kiểu: cái khó nó ló cái ma lanh, ăn gian trợ cấp của chánh phủ (tiếng Úc nó nói là: smart ass; ass là cái mông, smart là khôn lõi)

Nhưng Úc rặt thì khác! La làng không ai cứu thì mình phải tự cứu mình thôi! Như hai cặp Úc già trong câu chuyện dưới đây:

Hai vợ chồng Úc già đã trên 70, đến một phòng khám chuyên khoa về rắc rối trong đời sống tình dục.

Bác sĩ hỏi: "Tôi có thể làm được gì cho quý vị đây?"

"Bác sĩ có thể chứng kiến lúc tụi tui ‘se chỉ luồn kim' với nhau được không?"

Hai cặp lông mày của bác sĩ dựng đứng lên, vẻ ngạc nhiên; nhưng trong bụng thầm nghĩ ông già nầy kinh nghiệm chiến đấu ở trên giường còn quá cha tui; mà bày đặt đến gặp mình nhờ tư vấn về nghệ thuật ái ân nữa chớ! Thôi được!

Xong chuyện. Bác sĩ chẩn đoán: "Không có gì trục trặc hết ráo nhe!" "Chúc may mắn; tiền công của bác sĩ là 50 đô!"

Tuần sau, đến hẹn lại lên, hai cụ lại tới. "Cũng không có trục trặc gì ráo! Và tiền công của bác sĩ là 50 đô!" Rồi nhiều tuần liên tiếp, đến hẹn lại lên, y hịt vậy.

Vị bác sĩ đâm nghi ngờ bèn hỏi: "Xin lỗi! Tới giờ tôi cũng không hiểu hai ông bà muốn tôi chữa bịnh gì?"

"À bịnh viêm túi! Vì chánh phủ Liên đảng của Malcolm Turnbull thẳng tay cắt trợ cấp của người già!" "Thưa bà nói sao tôi không hiểu?"

Thì cụ ông chen vô, ăn cơm hớt: "Có gì đâu mà không hiểu. Chẳng qua, bà ấy có chồng; nên tui đâu tới nhà em được. Tui cũng có vợ; nên em cũng không thể đến nhà tui được. Đi khách sạn hạng xoàng nó tính 175 đô; khách sạn hạng sang nó tính tới 210 đô.

Thế nên tụi tui làm chuyện đó ở đây; bác sĩ tính 50 đô! Xong, tụi tui còn được Medicare, tiền trợ cấp y tế, của chánh phủ Malcolm Turnbull bồi hoàn cho 40 đô!

Cuối cùng, hai đứa tui chỉ tốn có 10 đô, em trả 5 đô; tui trả 5 đô thì ngu sao mà hỏng làm chớ?"

Thế nên: "Cùng tắc biến, cái khó nó ló... cái ma lanh!"... là vậy đó mấy ông anh mình ơi!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Da vàng mũi tẹt!

dxt_davangmuitet.jpg 

 

Bà con mình ở hải ngoại, như nước Úc nầy đây, thường nghe cảnh báo: "Con nít mà không được ai trông chừng sẽ bị bán cho rạp xiếc!"

Vì con nít rất lí lắc! Má nó chỉ rời mắt có chút xíu thôi là tụi nó đã quậy tưng lên, làm diễn viên xiếc rồi.

 

Chẳng qua có chuyện vầy: Busan (âm Hán Việt: Phủ Sơn), hay còn được gọi là Pusan, là thành phố cảng lớn nhất của Đại Hàn, dân số khoảng 4 triệu người, lớn thứ nhì tại Đại Hàn sau Seoul.

Giáo sư Robert Kelly, người Mỹ, dạy tại Khoa Chính trị học và Ngoại giao, Đại học quốc gia Busan (Đại Hàn), trong căn phòng làm việc của mình ngay tại nhà, đang trả lời phỏng vấn truyền hình trực tiếp với đài BBC, hôm 10 tháng Ba.

Giáo sư Đại học chuyên về bán đảo Triều Tiên cũng có nhiều; nhưng Robert tức Bob, được BBC, hãng thông tấn nổi tiếng của nước Anh mời là trúng mánh nhe!

Một là có danh, nhiều khán giả truyền hình biết mặt, biết tên! Hai là có lợi, vì phỏng vấn là được trả tiền đó.

Không gì sung sướng hơn là làm việc ngay tại nhà, gần vợ, gần con. Muốn chạy qua nựng con một chút; hay hun vợ một cái là phẻ re hè. Được em yêu tiếp thêm năng lượng bất cứ lúc nào mình muốn thiệt không khoái lắm ru?

Nên phu nhân của vị Giáo sư nầy, bà Kim Jong-a, cô giáo dạy yoga, chắc cũng lấy làm sung sướng và hãnh diện nên cùng hai đứa con mình: bé gái Marion, 4 tuổi và bé trai James, mới 8 tháng tuổi, ngồi xem ông xã mình đem cái sở học ra trả lời nhà đài, được truyền hình trực tiếp trong phòng khách.

Marion, mới ăn sinh nhựt trong trường về, còn phấn khích lắm; giờ lại thấy Tía mình xuất hiện trên truyền hình nên mở cửa phòng làm việc của Tía mình, tay cầm đồ chơi, vừa đi vừa nhún nhẩy như đang múa ba lê! Vô kiếm chắc để báo tin vui cho biết là Tía đang có mặt trên truyền hình kia kìa..?!

Thằng nhóc tì James ngồi trên xe tập đi cũng vội vã bường theo!

Giáo sư Kelly thấy trên màn hình con gái mình mở cửa bước vào: "Thôi rồi! Hư bột, hư đường hết ráo rồi! Cũng lỗi tại tôi sơ ý quên đóng cửa đó mà!"

Sợ nhà đài BBC chê mình làm ăn không chuyên nghiệp, lần nầy chắc không có lần sau; nên miệng xin lỗi nhà đài, tay đẩy con ra...

Bà Kim Jong-a hoảng hồn vọt theo vào, (cố cúi rạp người xuống chắc để né cái camera, tránh bị thâu hình trực tiếp trên Skype), kéo hai đứa con ra, cho chồng mình tiếp tục trả lời phỏng vấn.

Marion không chịu ra, dù bị kéo, miệng hỏi mẹ bằng tiếng Hàn là: "Tại làm sao mà kéo nó ra khỏi Tía nó vậy hè?"

 

Thiệt là một tình huống dở cười dở khóc trước hàng triệu bạn xem đài trên toàn thế giới.

Nhưng tiền hung hậu kiết. Thấy xui mà lại hên, trên Facebook, hơn 84 triệu lượt người xem, khiến gia đình Kelly nổi như cồn! Bà con mình chú ý đến hai nhóc tì đang hát xiệc, vui quá mạng, hơn là việc ông giáo sư Kelly nhận định về phán quyết lịch sử của Tòa án Hiến pháp phế truất nữ Tổng thống Nam Hàn Phác Cận Huệ!

Nổi tiếng, ăn khách là truyền thông nó lại mời phỏng vấn nữa hè. Lại vô mánh!

Lần nầy, hôm 15 tháng Ba, ông bà giáo sư diện cho hai đứa con mình rất là bảnh tỏn. Marion mặc áo khoác, vì Nam Hàn đang mùa Đông, mang kiếng màu hồng.

Dụ khị con nít ngồi yên, có tham khảo sách vở đàng hoàng nên bà giáo sư cho một cây kẹo để Marion ngồi mút. Được một cái bánh, James, bận rộn hai cái tay nhỏ xíu đút vô mồm...

Có kẹo, có bánh... mắc ăn rồi nên không chộn rộn làm xiếc nữa mà chi... Ai muốn làm, muốn nói gì thì xin cứ tự nhiên nhe!

Giáo sư Kelly chia sẻ: "Khi con bé mở cửa, tôi đã thấy qua màn hình. Tôi biết chuyện này không ổn rồi! Nhưng ráng nhịn cười! Con nít mà! Hãy để cho chúng tự nhiên... như con nít!"

"Tôi nghĩ việc đó dễ thương đấy chứ. Vợ tôi xứng đáng được gắn ‘mề đai', vì đã làm một việc thật tuyệt vời, cố cứu vãn tình huống không ai lường trước được!

Tôi đã mắc phải sai lầm nhưng không ngờ lại biến gia đình mình trở thành ngôi sao trên YouTube.

 Chúng tôi rất vui về tình cảm bà con mình dành cho bọn trẻ. Xin cảm ơn các bạn."

 

***

 

Rồi tui cũng trộm nghe công viên Hyde Park ở thủ đô Luân Đôn nước Anh, từ năm 1872 tới nay, chánh phủ Anh dành cho dân Hồng mao một nơi để ai muốn đến đó diễn thuyết, muốn nói gì thì nói, bất cứ đề tài gì mà không bị chụp mũ là thế lực phản động bao giờ!

Thời buổi internet thì còn tiện lợi hơn, tự do hơn nữa; ai muốn nói gì thì nói... bất cứ đề tài gì trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube. Bấm chuột nghe cái cốc là nó hiện hình liền! Cái quan trọng là bá tánh có chịu nghe mình nói xàm, nói bá láp hay không?

 

Chỉ một hạt cát mà bà con mình tìm thấy được một đại dương, xôn xao cãi nhau ì xèo, ông nói gà bà nói vịt như cái chợ Cầu Ông Lãnh vậy!

Có người cho rằng: "Cuộc phỏng vấn trên BBC hài hước nhất, thú vị nhất mà tôi từng được xem trên BBC nhưng tôi không thể cười nổi khi chứng kiến Marion bị Tía đẩy ra và bị Má lôi đi."

Có người lại hỏi tại sao không đứng dậy, dắt con mình ra khỏi phòng, chỉ chừng vài giây thôi, rồi vào trả lời phỏng vấn tiếp?

Thì có tay khác đầu óc hơi ‘bị' tiếu lâm trả lời là: "Máy thu hình thấy ông Giáo sư mặc đồ lớn thắt cà vạt phía trên khi ổng ngồi. Đứng dậy, sợ bà con mình thấy ổng mặc quần xà lỏn sao cha? Ha ha!"

 

Người binh vực thì khen ông Giáo sư rất chuyên nghiệp, tôn trọng nhà đài và bạn xem đài. Ông Giáo sư thương con đó chớ; chính vì vậy mà cháu bé muốn vào phòng làm việc của Tía mình lúc nào cũng được. Cửa không khóa là mở cửa vào thôi hè!

 

Chương trình hài của New Zealand đã làm một video ăn theo! Thay vì giáo sư Kelly, lại là bà Kate Wordsworth đang trả lời câu hỏi về khủng hoảng chính trị ở Nam Hàn thì đứa con gái bước vào.

Bà bế con lên, cho nó ngồi lên đùi, đút vào miệng cháu cái núm vú, không phải của mình mà của cái bình sữa! Khi đứa thứ hai bước vào, Bà đưa cho nó một món đồ chơi.

Sau đó, bà mẹ ba đảm đang nầy còn lấy gà nướng ra khỏi lò, chùi bồn cầu ‘toilet' và thậm chí còn dư tay dùng kéo cắt dây điện của bom hẹn giờ trong khi vẫn tiếp tục nói chuyện với đài truyền hình BBC.

Cái video clip nầy ca ngợi chị em ta; rồi đá khéo cánh đàn ông chúng ta dở như hạch, có như vậy mà cũng không biết giải quyết ra làm sao cho xuôi chèo mát mái!

 

Rồi bà con mình ở không, ghiền ‘facebook', kẻ nói qua người nói lại đưa đến một cuộc tranh luận nẩy lửa về chủng tộc, da trắng, da vàng và cuộc hôn nhân dị chủng.

Một nhà đài bèn phóng tác video clip nầy thành một tiểu phẩm hài hước nhưng đầy tính phê phán rất sâu cay.

Bằng cách cho xuất hiện một người phụ nữ Á Châu, ăn mặc có có vẻ xốc xếch "Chị vú em của ông bước vào kìa?" "Không! Đó là vợ tôi!"

Kế đó một người phụ nữ Á Châu khác cũng lôi thôi không kém bước vào.

"Chị người ở của ông kìa!" "Không! Đó là má vợ tui!"

Rồi một ông già Á Châu, vẻ lam lũ bước vào.

"Người làm vườn của ông kìa!" "Không! Đó là ông già vợ tui!"

(Mấy thằng Tây da trắng nó cười ai lấy phụ nữ Á Châu làm vợ là phải nuôi hết cả gia đình bên vợ nữa!)

Cuối cùng có một bà da trắng, cầm trên tay một bức tranh rón rén bước vào.

"Mẹ ông kìa!" thì ông Giáo sư hốt hoảng hỏi: "Bà là ai?"

Người phụ nữ đó chạy biến đi. "Nè! Xì tốp!"

Té ra bà da trắng nầy đi ăn trộm tranh!

 

Phụ nữ Á Châu, mũi tẹt da vàng, mắt một mí thường bị truyền thông phương Tây mô tả là nanny, tức vú em, tức bảo mẫu, kẻ giúp việc, đầy tớ, khúm núm trước ông chủ da trắng, là chủng tộc thượng đẳng, ưu tú nhất.

Do đó vợ của giáo sư Robert Kelly là Kim Jung-a, người Nam Hàn, mới bị nhầm là vú em, là bảo mẫu.

Ê! Cái nầy đúng hồi thế kỷ thứ 19, thuở huy hoàng của đế quốc Anh mặt trời không bao giờ lặn!

Bây giờ là thế kỷ 21 rồi! Muốn có một người vợ Á Châu đảm đang, hết lòng nâng khăn móc túi mình không phải là dễ rớ tới cọng lông chân của em đâu nha!

Muốn rớ tới cọng lông của em là phải giàu chừng 13 tỉ đô la Mỹ mới được đó.

Hỏng thấy ông chủ bự của đài Fox News, ‘mông xừ' Rupert Murdoch giàu xụ vậy mà còn bị á xẩm Wendi Deng cho đi tàu suốt; sau khi tuốt của chàng chừng vài trăm triệu đô thôi.

 

Á xẩm Hong Kong bên hông Tàu Cộng mắc như vậy; nhưng còn chưa nhằm nhò gì với một người em Việt gốc Hoa, Priscilla Chan! Tía má em không phải là dân Hong Kong mà chính thực là bên hông Chợ Lớn, nhưng em sanh ở cái đất nước Cờ Hoa!

Phải giàu hạng 5 trên toàn thế giới, phải trẻ tuổi, tài cao, tài sản xỉu xỉu có 56 tỉ đô Mỹ như Mark Zuckerberg mới được làm Huyện Trìa mà đi khám điền thổ của Thị Hến.

Dẫu da trắng, thuộc chủng tộc siêu đẳng gì gì đó... mà móc bọc thì đừng có hòng!

 

***

 

Như vậy, so với mấy thằng còn đầu óc kỳ thị chủng tộc, coi da trắng là siêu đẳng thì tui may mắn hơn tụi nó nhiều. Vì em yêu của tui cũng là xẩm lai da vàng như nghệ! Được em yêu ‘OK Salem' là coi như tui có tài sản cả tỉ đô rồi đó. Con vợ tui nghe tui nịnh ‘sảng' như vậy nó khoái quá trời.

 

Chịu làm vợ của tui là tui khoái quá rồi; nhưng được voi đòi Hai Bà Trưng, phải chi em sản xuất cho tui một đứa con gái, để nó làm diễn viên xiếc cho Tía nó cũng nổi tiếng như ông Giáo sư Kelly vậy; vì em chỉ cho tui được có hai thằng cu hè.

Thì em chu cái mỏ cong cong, phán rằng: "Con trai hay con gái là do Trời định sao mình chịu vậy! Càm ràm cái gì hỏng biết nữa hè?

Còn xét về Bảo sanh viện Từ Dũ, nhiễm sắc thể X, Y gì đó là do anh; chớ nào phải do em.

Do cái phần cứng và cái phần mềm của anh lập trình sẵn. Em chỉ là cái máy in ba chiều, 3D thôi. Anh làm sao là em in ra y hịt vậy hè. Đổ thừa là hỏng có được đâu nhe!

Phần có con gái cũng lo lắm; chớ có sướng ích gì đâu!

Ông bà mình xưa giờ thường nói:"Có con gái lớn trong nhà như hũ mắm treo giàn bếp!"

Nó ngoan thì đi tiệc tùng xong, về nhà, leo lên giường ngủ.

Bằng không nó đi tiệc tùng xong, leo lên giường ngủ, rồi mới về nhà! Thì vợ chồng mình chỉ còn có cái nước khóc tiếng Tiều!"

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Em làm khổ đời ta!

 

 

 

Hồi xưa, tui đâu có biết ngày Quốc Tế Phụ nữ, ngày mùng Tám, tháng Ba bao giờ. Chỉ thấy lễ Hai Bà Trưng tức ngày Phụ nữ Việt Nam do bà Trần Lệ Xuân, phu nhân của Cố vấn Ngô Ðình Nhu chủ tọa mà thôi.

 

Cũng có diễn hành của Thanh nữ  Cộng Hòa mà cô Ngô Ðình Lệ Thủy mặc sắc phục, đeo súng lục (oai ra phết) đi diễn binh thôi. Rồi cũng có xe hoa của các trường Nữ Trung học nổi tiếng ở Sài Gòn mình như Gia Long và Trưng Vương. Hai em nữ sinh đẹp nhứt được hân hạnh đóng vai Trưng Trắc và Trưng Nhị, mặc hoàng bào, đầu đội mấn, ngồi trên lưng con voi, có cái vòi đàng hoàng, làm bằng bông gòn, tay cầm gươm chỉ chỏ vô mặt bọn Thái thú Tô Ðịnh.

 

Ngoài ra còn có những cuộc thi nữ công gia chánh, thêu thùa may vá, làm bánh bông lan, nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Nói chung là công dung ngôn hạnh để lớn lên tồng ngồng, em có chồng, về cai quản chồng mình và một đàn cu tí...

 

Nhưng ở Việt Nam, ngày mùng Tám, tháng Ba bây giờ, mấy chú em mình đầu bù tóc rối, làm quần quật kiếm tiền để tặng hoa, tặng quà cho vợ lớn... và vợ bé!

 

Còn chưa kịp có vợ bé, vợ lớn gì ráo thì tặng người yêu, quần áo, son phấn, lụa là linh tinh gì đó. Rồi dắt em đi ăn tiệm một ngày cho thiệt no... cành hông (364 ngày còn lại thì để em đói, ốm o gầy mòn cũng được).

 

E rằng mấy ông anh mình trong nước hổng hiểu ý nghĩa của ngày mùng Tám, tháng Ba là gì cả! Ngày Quốc tế Phụ nữ, chớ đâu phải là Valentine's Day

 

(Ngày Tình yêu) của đôi lứa đôi ta, hay Mother's Day (ngày Từ Mẫu) mà tặng quà lung tung vậy mấy cha nội? Chị em tổng công kích phe ta mà mấy cha đi mua quà chi vậy? Bộ tính hối lộ để mấy em bớt giận hay sao chớ?

 

***

 

Ngày mùng Tám, tháng Ba rồi, mới vừa bảnh mắt dậy, đang ngồi nhâm nhi cà phê cà pháo và đọc báo thì thấy em cầm cái điện thoại lên ‘alô' ai đó!

 

Nói chuyện chỉ nửa tiếng đồng hồ làm tui cũng hơi ngạc nhiên sao cuộc điện đàm nầy ngắn ngủn vậy cà? Té ra em gọi lộn số! Cuộc điện đàm kế đó theo thông lệ, chấm dứt sau hai tiếng đồng hồ!

 

"Em mới nói chuyện với chị Tư Bự nè! Bữa nay anh nghỉ làm ở nhà, ngày mùng Tám, tháng Ba, ‘bổn phận sự' anh là: nấu cơm, canh, kho thịt, rửa chén, giặt đồ, thay tã, cho con bú bình để em cùng chị Tư Bự đi biểu tình... đòi quyền sống!"

 

Hai cái lỗ tai tui giờ lãng ngãng sao đó? Tui lại nghe em đi biểu tình đòi quyền ‘sướng' mới chết chớ!

 

Trưa, em bò về, mặt mày đỏ gay có vẻ rất phấn khích. Ngày phụ nữ vùng lên không phấn khích làm sao được? Tui lui cui dọn chén, dọn đồ ăn do chính tay tui nấu dâng lên!

 

"Em ăn có ngon không hả?" Em cười khẩy mà rằng: "Ngon lắm!"

 

"Em thích món nào nói? Ðể năm sau, tới ngày mùng Tám, tháng Ba, em mắc bận đi la, anh ‘bổn phận sự' ở nhà, nếu em dám ăn là anh lại dám nấu cho em ăn hè!"

 

"Em thích món kia kìa! Nhưng thú thiệt, em không biết nên gọi nó là cháo hay là miến?"

 

Cơm xong, ra nhà sau, thấy một đống quần áo dơ, ế kinh luôn, tui bèn tẩn mẩn lựa đồ của em ra, để qua một bên. Tui dồn đống đồ của mình vô cho vừa một cối giặt.

 

"Hôm nay mùng Tám tháng Ba. Tui giặt dùm bà quần áo của tui!"

 

***

 

Rồi đến hẹn lại lên, năm nay, 2017, chị em người Mỹ chúng ta lại biểu tình, tổng đình công, la làng chói lói, gọi là: "A Day Without a Woman" (Ngày không có một người phụ nữ) tại thủ đô Washington D.C. để: Một ngày phụ nữ không đi làm, không mua sắm (cái thú đam mê khó từ nan nhưng mấy em sẽ ráng... nhịn), gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ đang èo uột, xỉu xỉu chỉ có 21 tỉ đô thôi.

 

Ðây là một cú tuyệt chiêu, quánh vào cái hầu bao, quánh vào túi tiền của mấy ông chủ, để đưa ra yêu sách: bình đẳng về giới tính ở nơi làm việc.

 

Trong sở, tay nào ‘dê' mà mấy em không chịu là phải ‘sì tốp' liền lập tức, nếu cứ tiếp tục, sách nhiễu tình dục là không có đặng. Mấy em nhứt định sẽ không câm lặng mà đi thưa ra tới ba Tòa quan lớn để đòi bồi thường tới cả triệu đô la nữa đó. (Còn mấy em ‘dê' mình thì ‘welcome'! Ðàn ông đâu có đứa nào giả bộ ‘chảnh' mà đi thưa. Hãnh diện vì được em dê còn không hết nữa là!)

 

Nói nào ngay quyền phụ nữ là nhân quyền mà! Mấy em đòi ở sở, làm việc như nhau; lương như nhau; thăng thưởng, đề bạt, lên chức cũng như nhau. Không phân biệt đàn ông hay đàn bà gì sất.

 

Sanh em bé, mấy em được nghỉ hộ sản có lương, phải cho ông chồng nghỉ (đẻ) để phụ chăm sóc con còn sơ sinh chớ một mình em làm không có nổi. Em đi sanh em bé mình được nghỉ ở nhà... nhậu. Quá đã nhe!

 

Mấy tay chủ hãng tư bản coi bộ hao, ngần ngừ chưa muốn chịu nhượng bộ thì mấy em lại tiếp tục biểu tình.

 

***

 

Ðòi hỏi quyền lợi chánh đáng cho quý chị em ta trong sở làm thì tui hoàn toàn ‘ẳm hộ', vì nó đâu có văng miểng tới tui nhưng trong gia đình của đôi ta mà em yêu cứ miệt mài tranh đấu thì chắc tui sẽ bị trâu đánh vì không biết tránh đâu...

 

Ngày Phụ nữ quốc tế là ngày quý chị em ra lịnh chồng mình hãy đối xử với chị em chúng ta với lòng ‘kinh sắc kính'.

 

Ối cái chuyện ‘kinh sắc kính' nầy, tui làm từ lâu rồi nhe, từ hồi tui cưới vợ lận mà! Tui còn hơn là ‘kinh sắc kính' nữa, nói chính xác là ‘kinh sợ'.

 

Vì lọt vào tay em rồi: Em muốn mình đi là mình đi, muốn mình đứng là mình phải đứng. Muốn mình cười, là mình phải cười. Muốn mình khóc, là mình phải khóc.

 

Trong gia đình, em muốn chồng mình chia sẻ chuyện bếp núc, giặt đồ, rửa chén chớ không có vụ vợ lui cui dưới bếp mà chồng nằm ngửa trên cái ‘sofa', tay cầm lon bia, vừa xem bóng đá, la ‘dzô, dzô'! Hãy để cho ngày ấy lụi tàn đi mới được!

 

Cuộc tranh đấu quyết liệt của quý chị em ta xảy ra ròng rã trên một trăm năm đã đơm hoa kết quả: Ở Mỹ, phụ nữ  trong xã hội đứng hàng ‘dzách lầu', là ‘number one', là số một, (phụ nữ, con nít, chó rồi mới tới quý ông anh mình!).

 

Tui đã bao phen lòng hỏi lòng mình rằng: Quý em đang đội vòng nguyệt quế, ngồi trên đầu trên cổ quý anh rồi thì cần cái cái quái gì ngày mùng Tám, tháng Ba nữa chớ?!

 

Tui vẫn thường trộm nghĩ: ông Trời sanh ra đàn ông phụ nữ khác nhau về thể chất cũng như về tâm thần. Chuyện chồng cày, bừa (nặng) thì chồng làm! Còn chuyện nhổ mạ, cấy (nhẹ, chỉ hơi chịu khó chổng mông lên trời thôi), thì vợ làm!

 

Yêu nhau chín bỏ làm ‘bù', thì so đo, nhỏ mọn làm gì chớ? Hạnh phúc là cho chớ không phải là nhận. Tui cho và em nhận!

 

Ai giỏi gì thì làm cái đó. Em giỏi bếp núc, thì bếp núc. Tui giỏi nhậu, thì nhậu. Thế thôi. Càm ràm chi cho nó nhức đầu, sổ mũi.

 

Ðặt chân tới nước Úc nầy đây, bị mấy con Úc tẩy não nên em yêu của tui đã bỏ quên câu ca dao ngày cũ (rất lọt lỗ tai tui) ở lại chốn quê nhà: "Ðem chiên con cá cho vàng! Lấy tiền mua rượu cho chàng uống chơi!"

 

Nên khi thằng Cu, con tui, ngỏ ý: "Tía à! Con muốn vợ!", thì tui dạy nó rằng: "Cu à! Nếu Cu không muốn giặt đồ rửa chén, thay tã cho con hay đẩy thùng rác ra lộ, dù trời mưa hay bão tuyết đêm thứ Năm, cho xe rác đến đổ vào rạng sáng thứ Sáu thì đừng có lập gia đình, cưới vợ đẻ con mà chi!"

 

Cu cưới vợ rồi là Cu thua chắc 72 phần dầu! Nó nắm được ‘Cu' rồi, nó có cái bửu bối, tên cấm vận, rất là lợi hại!

 

Bởi có thơ rằng: "Hôm nay mùng Tám, tháng Ba/ Mấy em chộn rộn đi ra, đi vào/ Thiệt là ngứa mắt chúng ta/ Nhưng thôi cứ để mấy em ra, vào/ Không thì ‘cửa sắt' em rào/ Ðố ‘Cu' kiếm được lối vào, lối ra!"

 

Bằng ‘Cu' cứ ngoan cố kiếm chỗ vào ra nơi khác, thì cuối cùng ‘Cu' sẽ ra đi với cái mình không. Còn cái nhà, cái xe của ‘Cu', cày sâu cuốc bẫm mới có được, sẽ mãi mãi ở lại cùng ‘Bu' nó!

 

Ôi ngày mùng Tám, tháng Ba đã làm khổ đời ta!

dxt_emlamkhodoita.jpg 

 Bảo Huân

 

đoàn xuân thu -

melbourne 

 

Chiến trường khuyết một vầng trăng!

 

Tổng thống Mỹ là Tổng tư lệnh tối cao của quân đội Mỹ!

Nên ngày 25 tháng Giêng, Bộ trưởng Quốc phòng, Ðại tướng James Mattis, biệt danh ‘Mad Dog Mattis', đã yêu cầu Tổng tư lệnh Donald Trump triệu tập một cuộc họp về cuộc đột kích, mật danh ‘Yakla raid'.

Tham dự có tướng 4 sao Joseph F. Dunford Jr: Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, tướng 3 sao Michael Flynn: Cố vấn về An ninh Quốc gia, Mike Pompeo: Giám đốc Cơ quan Trung Ương Tình báo Mỹ CIA.

Chỉ trong vòng có 25 phút thảo luận, Tổng thống Donald Trump đã chấp thuận cuộc hành quân phức tạp nầy!

 

Trước kia trong những cuộc hành quân như thế nầy, Cơ quan Trung Ương Tình báo Mỹ, CIA, sẽ trình ra một cái bản đồ. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ngồi quanh một chiếc bàn, suốt cả 2 giờ đồng hồ để cân nhắc từng chi tiết một.

Chỉ huy cuộc hành quân đặc biệt nầy sẽ xem xét cẩn thận kế hoạch và chỉ cho thi hành khi cảm thấy nó có thể thành công.

 

Mục tiêu là căn nhà bằng đất nung, xung quanh là những bãi mìn phòng thủ, là sào huyệt của một chỉ huy cao cấp của Al-Qaeda tại bán đảo Á Rập là Abdul Rauf al-Dhahab, trên triền đồi vùng sa mạc, trung bộ Yemen.

Thời điểm tấn công là 1 giờ khuya, đêm Thứ Bảy, 28 tháng Giêng, năm 2017. Ðó là một đêm không trăng, trời rất tối.

Lực lượng đột kích gồm khoảng hai chục ‘Navy Seal' dưới quyền của Trưởng toán William "Ryan" 

dxt_Ryan.jpg

Owens phối hợp cùng một toán ‘comandos', biệt kích của nước Emirate.

Ryan Owens - nguồn Miami Herald

 

Trên đường bay vào mục tiêu toán biệt kích nhận được tin là địch đã được cảnh báo (có lẽ vì tiếng động của phi cơ không người lái).

Mất yếu tố bất ngờ, đáng lẽ cấp chỉ huy hành quân phải ra lệnh hủy bỏ cuộc đột kích, nhưng cuộc hành quân không rõ tại sao vẫn cho tiếp diễn?!

Do đó, ngay khi nhảy ra khỏi trực thăng, nhóm lính biệt kích đã bị địch quân chờ sẵn.

Một chiếc Bell Boeing V-22 Osprey, trị giá 75 triệu đô, bị mất điều khiển trong lúc đáp xuống đổ quân làm 3 chiến sĩ biệt kích bị thương.

Lực lượng biệt kích tấn công đã sử dụng lựu đạn và súng trường để đột nhập vào nhà và bắn hạ Dhahab. Quân khủng bố còn sống sót rút qua một căn nhà kế cận, tung lựu đạn và dùng AK 47 bắn trả quyết liệt, mặc dù còn có phụ nữ và trẻ con vẫn còn trong đó.

Trận đột kích rất căng thẳng, kéo dài từ 1 giờ khuya tới rạng sáng, nhiều nhà cửa trong làng bị xóa sổ.

Quân biệt kích thâu được máy tính, tài liệu, hình ảnh quan trọng. Xong rút lui dưới sự yểm trợ của trực thăng võ trang và phi cơ chiến đấu.

Trưởng toán biệt kích Mỹ, Chief Petty Officer William "Ryan" Owens, 36 tuổi, là người lính Mỹ đầu tiên dưới trào chánh phủ Trump hy sinh tại mặt trận.

Có 3 tay chỉ huy và 11 chiến binh thuộc tổ chức khủng bố Al Qaeda bị giết!

 

***

Một lính Mỹ chết; ba bị thương nhưng Tổng thống Donald Trump gọi đó là thành công vĩ đại (?!) vì đã tịch thu được những tin tình báo đáng giá, giúp nước Mỹ ngăn chặn được các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào dân Mỹ trong tương lai.

Thượng nghị sĩ, John Mc Cain, thuộc đảng Cộng Hòa, tại tiểu bang Arizona,  cựu tù binh trong chiến tranh Việt Nam không đồng ý về cách đánh giá của Donald Trump: "Tôi không cho rằng cuộc đột kích mà binh sĩ Mỹ bị tử trận lại là được coi là thành công!"

 

Gia nhập quân đội vào tháng Tám, năm 1998, Ryan Owens được thăng ‘chief' tháng Chạp, 2009; được tưởng thưởng 3 huy chương đồng, 2 trong 3 huy chương này có kèm theo chữ V(combat valor - anh dũng trên chiến trường), đã từng đến Tòa Bạch Ốc để được Tổng thống Mỹ Barack Obama ân thưởng huy chương.

Hôm thứ Tư, mùng Một tháng Hai, năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã cùng ái nữ là Ivanka đến căn cứ Không quân Dover, tiểu bang Delaware để đón rước thi hài của ‘Ryan' Owens.

 

Thân phụ của Owen là Bill, một cựu quân nhân, một Thanh tra Cảnh sát tại Fort Lauderdale đã về hưu, được viên tuyên úy quân đội thông báo rằng Tổng thống Trump trên đường tới để gặp ông!

Nhưng thân phụ của tử sĩ ‘Ryan' Owens: "Tôi đã nói với họ rằng tôi không muốn gặp mặt Tổng thống. Tại sao mới nhậm chức Tổng thống có một tuần, mà ông ấy lại chấp thuận cho cuộc hành quân ngu ngốc nầy được khai triển? Tại sao?

Trước đó suốt hai năm trời trên đất Yemen, chỉ có hỏa tiễn và phi cơ không người lái; bởi vì không có mục tiêu nào đáng giá để ta phải hy sinh tánh mạng một người lính Mỹ. Và bây giờ đột nhiên chúng ta lại muốn phô trương?"

"Ðừng núp sau cái chết của con tôi mà ngăn cản một cuộc điều tra. Chánh phủ còn nợ con tôi một cuộc điều tra!"

***

Tổng thống Donald Trump tuyên bố trước Lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ rằng:  "Những thách thức mà đất nước chúng ta đang đối diện rất lớn nhưng nhân dân nước ta còn vĩ đại hơn. Không ai vĩ đại và dũng cảm hơn những người Mỹ khoác trên mình bộ quân phục."

"Chúng ta vinh dự chào đón bà Carryn Owens, vợ của người lính đặc nhiệm Navy Seal, William "Ryan" Owens để cùng cầu nguyện cho sự hy sinh của ông ấy: một chiến binh, một anh hùng đã chiến đấu chống khủng bố để gìn giữ sự yên bình cho đất nước chúng ta.

Di sản của Ryan đã khắc sâu vào bất tử. Như Thánh kinh đã dạy chúng ta rằng: Không có hành động nào vĩ đại hơn là ngã xuống hy sinh tánh mạng cho đồng đội của mình, cho đất nước, cho tự do... Và chúng ta không bao giờ quên lãng ông ấy."

 

Tiếng vỗ tay của cử tọa vang lên khích lệ kéo dài hơn 2 phút. Ông Trump nói đây là tràng pháo tay lớn nhất từ trước đến nay mà ông từng nghe! (?!)

Và William "Ryan" Owens trên thiên đường đang nhìn xuống chắc rất vui vì nó đã phá kỷ lục?!
Những nhà báo, vốn có ác cảm, đã kết án Donald Trump lợi dụng người quả phụ của tử sĩ trong một cuộc đột kích thất bại tại Yemen.

dxt_chientruong_RyanOwens.jpg 

Vợ Ryan Owens được mời đến vinh danh tại Quốc Hội - nguồn McClatchy

 

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Tổng thống là vị Tổng tư lịnh tối cao phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho những quyết định mình đã đưa ra.

Tổng thống Mỹ, Harry Truman, nổi tiếng với câu nói, được ghi lên bàn làm việc của ông trong Phòng Bầu Dục: "The Buck Stops Here" Việc đổ tội cho người khác chấm dứt ở đây!

(Chớ không có vụ"Mất mùa là tại thiên tai. Ðược mùa là tại thiên tài đảng ta" bao giờ!)

 

Tổng thống George W. Bush, năm 2003, đã nhận toàn bộ trách nhiệm trong việc đưa quân Mỹ vào tham chiến ở Iraq; mặc dù đó là do Cơ quan Tình báo Mỹ CIA đã cung cấp tin tức sai lầm.

 

Tổng thống Barack Obama, năm 2012, cũng đã nhận hoàn toàn trách nhiệm về  cuộc tấn công của khủng bố vào Tòa lãnh sự Mỹ ở Benghazi  làm 4 người Mỹ bị thiệt mạng, trong đó có cả Ðại sứ Mỹ tại Libya.

 

Tổng thống Donald Trump thì nói các tướng lãnh của chánh quyền Obama tiền nhiệm đã đề ra kế hoạch nầy.

"Ðây là cuộc hành quân đã bắt đầu trước khi tôi nhậm chức. Họ đến gặp tôi, cắt nghĩa những điều họ muốn làm, những viên tướng mà tôi rất thán phục và tôi tin. Kết quả là họ đã làm mất Ryan."

***

Dẫu biết là lính, nghĩa là chấp nhận chiến trường da ngựa bọc thây; nhưng những toan tính của các cấp chỉ huy cao nhứt, sau lưng người lính làm chúng ta cũng phải đồng cảm với song thân của tử sĩ khi khước từ gặp mặt vị Tổng tư lịnh của quân đội Mỹ, Donald Trump.

 

Ðất nước VNCH của chúng ta, đã trải qua một cuộc chiến đấu anh dũng để bảo vệ tự do! Nhiều cha mẹ, vợ, con đã đau đớn biết chừng nào khi hiến dâng người thân yêu nhứt của đời mình cho Tổ quốc.

Thế nên chúng ta không khỏi bùi ngùi khi thấy William Ryan Owens tử trận bỏ lại ba đứa con còn thơ! Và quả phụ Carryn Owens khóc nức nở, mắt ngước lên Trời, khi nghe Tổng thống Donald Trump vinh danh chồng mình trước Quốc hội Mỹ.

 

Ðau đớn như một lời thơ: "Chiến trường khuất nửa xa sâu/ Mây đêm vương nửa khuyết vào vầng trăng!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

  

 

Pháo xịt!

dxt_phaoxit.jpg 

 

Hồi xửa, hồi xưa mình kêu là quận Nhứt; giờ CS kêu là quận Một. Xưa mình kêu tên quận theo số thứ tự; giờ CS kêu theo số đếm.

Dù khác nhau như vậy nhưng quận Nhứt thời nào cũng là trung tâm của ‘Sè Gòn' hoa lệ, là thành phố lớn nhứt nước Việt Nam.

Quận Nhứt lớn nhứt ‘Sè Gòn' thì quận Nhứt cũng là quận lớn nhứt của cả nước Việt Nam, dù diện tích chỉ 7, 73 cây số vuông mà dân số lên tới hơn 185 ngàn người. Mật độ hơn 24 ngàn một cây số vuông.

Đây là chỗ đất vàng! Đất vàng thì đẻ ra vàng. Được về làm quan trấn nhậm cái đất nầy không phải là người thường mà phải là người Thượng, tức là con ông cháu cha, con cháu cả cụ cả; chớ hạng bình dân thường thường làm sao giành cho lại cái cục thịt mỡ (bầy hầy) nầy chớ?.

 

Sau 75, những tầng lớp thượng lưu của VNCH, các tầng lớp tư sản giàu sụ đã bỏ của, chạy lấy người, thì những căn nhà vắng chủ ở quận Nhứt trở thành chiến lợi phẩm để đám từ miền Bắc tràn vô chia chác."Tớ vài căn; đồng chí vài căn... Cứ thế nhé!"

Thế nên có câu: "Nhà mặt phố là bố phải làm to rồi!" Huống hồ lại là nhà mặt tiền của quận Một, (quận number one)!

 

Mấy hôm nay thì báo chí trong nước lại rầm rầm rộ đưa tin: Phó Chủ tịch quận Một, Đoàn Ngọc Hải, được anh ở trên xúi dại làm đại đi, có anh chống lưng; nên Hải hừng chí lên đồng, thân chinh cầm còi, nhí nhăng, nhí nhố xuống phố phát động chiến dịch giải phóng vỉa hè, hiện thực hóa giấc mơ, biến quận Một thành một "Singapore thu nhỏ!"

 

Làm quan ở cái đất ‘Sè Gòn' nhưng Hải chắc chưa bỏ được cái tật bốc phét mang từ miền Bắc CS vào, nên vẫn còn hung hăng tiết canh vịt:"Làm tới nơi tới chốn, không ngại đụng chạm đứa nào hết ráo."

Làm không được, xưa thì gọi là treo ấn từ quan, giờ Hải nói sẽ cởi áo về vườn?!

Bộ tính ăn thua đủ sao cha nội? Cởi áo về vườn tức ở trần... thôi cũng được đi; đừng có cởi luôn cái quần... để tô hô, e khó coi lắm đó!

 

Bất cứ một trận đánh nào, người có bản lĩnh một chút cũng tính tới đường thua trước! Rút chạy bằng cách nào để bảo vệ nồi cơm, nhứt là nồi cơm có đầy sơn hào hải vị, bảo vệ vàng vòng, hột xoàn, cà rá cho ‘ bu' nó!

 

Còn nếu thuận buồm xuôi gió là mình cứ làm tới tới. Cứ ‘Đánh cho quán cút, tiệm nhào/ Đánh cho chết (mẹ) đồng bào bán rong!'

Đồng bào bán hàng rong mà đòi đánh chết (mẹ), đồng bào thì ‘ dễ ợt hè. Bởi dân ngu khu đen, bám vỉa hè kiếm sống, chỉ trên răng dưới dế, thì quá dễ! Làm sao chúng nó dám cự cãi với quan dù đã phải đóng hụi chết, không thiếu một cắc, cho bọn Công an phường, Công an khu vực và Cảnh sát cơ động 113.

 

Chiến dịch của Phó Hải bước một là sai Ủy ban phường rình người đái đường, quay phim để có bằng chứng, phạt tới cả triệu rưỡi đồng (một số tiền không nhỏ với dân).

Nhưng có chú cự cãi: "Tui mới quay mặt vô tường, chưa móc súng nước ra mà phạt cái gì?!". Chưa có tang chứng, vật chứng... thì đành cho nó đi vậy!

(Muốn dân không đái đường thì phải có chỗ cho dân xả bầu tâm sự chớ! Chuyện nầy thì không thấy ai lo! Lo phạt để kiếm tiền ăn nhậu không hè!)

 

Bước hai là phạt xe gắn máy chạy hay đậu bậy trên vỉa hè, lề đường... Mấy chiếc xe chở cán bộ thành phố đi nhậu đêm, mang bảng xanh, cũng bị cẩu về bót.

 

Bước ba là: phạt các quán nhậu, nhà hàng, kể cả cơ quan nhà nước... lấn chiếm vỉa hè .

Trạm gác của công an trước Chi nhánh Ngân hàng nhà nước cũng bị bứng, một quan chức hỏng biết lớn bé tới cỡ nào, ra càm ràm: Làm, sao không báo trước nhưng đã bị Hải đuổi ra và ra lệnh tháo sạch.

 

Hải chắc có coi phim Tàu khá nhiều nên nhập tâm chăng?

Phim Tàu thì nói: "Người đâu? Lẹ lẹ lên nào!" Hải thì: "Lực lượng đâu? Khẩn trương lên!"

Khẩn trương chớ Hải không dám nói: ‘Lẹ lẹ lên nào!' lên sợ nói ngọng thành: ‘Nẹ nẹ nên lào!' dân ‘Sè Gòn' nó cười cho mà thối cái mặt.

 

Đám Ngân hàng Nhà Nước nầy giữ kho bạc và chi tiền nên đàn anh của Hải còn phải cạch mặt, nên sai Hải và đám lâu la mang trạm gác đến trả.

Thế là Hải phải co vòi lại, ra lệnh Đội quản lý đô thị quận Một lắp lại các vọng gác ngay sau đó, đến 6 giờ tối là phải hoàn tất.

(Lắp lại không xong là bọn bây chết với chúng ông nhe! He he!)

 

Bất cứ thành phố lớn nào, vỉa hè phải thông thoáng cho bộ hành không phải bước xuống đường xe chạy, nguy hiểm. Đây là nhiệm vụ của ban Quản lý Đô thị lên kế hoạch và sau đó để cho những bộ phận trách nhiệm thi hành.

 

Các diễn viên láu cá, có thừa kinh nghiệm, chỉ đóng tuồng trong tích tắc rồi chuồn đi nhậu cho nó sướng; nhưng phó Hải khoái đóng tuồng chèo hơn, lì hơn, không làm kiểu: bắt cóc bỏ dĩa, mà làm liên tục suốt năm, đến khi nào hoàn tất được sự nghiệp giải phóng vỉa hè mới thôi!

 

Dân nghèo ‘Sè Gòn', vốn chui rúc trong hẻm, có hai ba cái ‘xuỵt', thấy tụi nó ở mặt tiền chơi nhau cũng đã; nên bình luận rôm rả: "Hay đó tới luôn bác tài!"

Hải nghe khoái chí tử, càng thêm hăng vịt tiết canh!

Nhưng cái đám con ông cháu cha, con cháu các cụ cả, nhà mặt tiền nầy mất quyền lợi, chúng cũng điên lên đi chứ.

Chúng bảo: "Ông Hải là Phó chủ tịch quận, còn có bao nhiêu việc để làm, nhưng đã tuyên bố từ nay đến cuối năm ông chỉ làm mỗi một việc là dọn vỉa hè. Chẳng lẽ quận Một biên chế hẳn một ông "Phó chủ tịch đặc trách vỉa hè"?"

Ông làm quan, là đầy tớ của nhân dân, mà dám hỗn hào, gọi dân bằng nó ! "Ở đây nó biết rồi, nó dọn hết rồi... Đấy! Anh em báo hết rồi. Tôi nói các đồng chí, cứ như thế này thì bao giờ mới làm được." "Bây giờ ai cũng rút kinh nghiệm hết thì xã hội này nó loạn."

(Ủa mãi tới bây giờ quan mới biết được cái xã hội nầy nó loạn sao cà?)

 

Cho dù Hải có ô dù thì bọn nhà mặt phố bố làm to nó cũng đâu có ngán! Chọc vô ổ kiến lửa là tụi nó chơi lại hè.

Bọn chúng bảo: "Hải hành xử như một ông trời con, một quan lại thời phong kiến, không biết thượng tôn pháp luật!"

Theo luật thì đầu tiên phải nhắc nhở và ấn định thời hạn tháo dỡ, đến khi quá hạn mà không thay đổi thì mới phá và gia chủ phải chi trả toàn bộ chi phí đập phá, dọn dẹp.

 

Phó trưởng văn phòng báo Đời Sống & Pháp Luật chơi đểu, gửi cho Đoàn Ngọc Hải một công văn có đóng mộc cái cộp đàng hoàng, yêu cầu được tiếp xúc để làm rõ "nghi vấn chiếc điện thoại Vertu hạng sang" và "chiếc đồng hồ Patek Philippe cũng hạng sang" trong một bức ảnh đăng trên báo khi Phó Hải đang tiến hành chiến dịch "dọn vỉa hè, dành đường lại cho người đi bộ".

 

Chúng tính cản mũi kỳ đà bằng cách ‘hù' Phó Hải đây mà!

Từ đó Hải có thêm cái biệt danh là Hải Vertu, mặc áo ngắn tay, bỏ ngoài quần, giắt túi bút máy mạ vàng, đi giày Italy đánh ‘xi ra' bóng lưỡng!

 

Phó Vỉa hè chắc có về méc lại và khóc lóc bù lu bù loa... nên mấy anh ở trển nhẩy vô binh, cách chức tay Phó trưởng văn phòng nầy, rút luôn thẻ nhà báo. (Tội mầy dám giỡn mặt với bố mầy nha!)

 

Nhưng mấy tay quan chức tại Thủ đô Hà Nội, không vội được đâu, cười he he, phán rất đểu như thế nầy: "Hà Nội đã làm thường xuyên mấy năm rồi, đâu có làm một ngày một buổi mà xong đâu! Dẹp vỉa hè của ông Hải chả có gì mới, đâu có gì mà ồn ào hè!"

Đám quan chức Hà Nội nói thế: Vì những con đường đắt (giá) nhất là của các tư bản đỏ, đám con cháu của các công thần đảng, tỏa rộng khắp 36 phố phường. Mỗi căn nhà, mỗi hàng quán hay khách sạn, cửa tiệm tại các khu vực đắc địa của trung tâm thủ đô đều có những quan hệ quyền lực sâu dày, là sân sau hay tài sản người nhà, con cháu của quan chức rất bự.

 

Còn nhớ cái đường Trường Chinh, đúng ra phóng thẳng nhưng đâm vào nhà bọn tướng tá Bộ Tư lệnh Phòng không nên nó phải cong vòng như cái ‘ghi đông' đó thấy hông?

 

Còn 180 quán bia vỉa hè ở Hà Nội, có tới 150 quán do Công An chống lưng. Còn bãi giữ xe lềnh khênh, choán chỗ hết cả lề đường, thu tiền vô thiên lủng là của con cháu mấy ông to, bà nhớn...thì tụi bây dám lảng vảng léo hánh tới mà chọc vô cái đám ong vò vẻ nầy hay không?

 

Ở ‘Sè Gòn', bắt quá là chọc vô ổ kiến lửa, bị chúng nó xúm lại cắn, nhức cẳng là cùng... Nhằm nhè gì so với Hà Nội, cái đất ngàn năm ‘văn vật' nầy đâu?!

Chọc vô cái tổ ong vò vẻ, chúng nó sẽ xúm lại đánh cho đầu bù tóc rối, áo mão cân đai văng hết trọi, hết trơn là lơn tơn về vườn chăn vịt, đuổi gà cho bu nó.

Singapore có một đô thị xinh đẹp, là nhờ cơ chế pháp trị của nó. Hỏng có đứa nào dám ngồi xổm, ngồi chồm hổm trên luật pháp như cái bọn kiêu binh như ở nước ta!

 

Đã bao nhiêu cuộc ra quân, bao nhiêu chiến dịch, bao nhiêu phong trào?! Lúc đầu thì trống giong cờ mở, rầm rầm rộ rộ, khí thế ngất trời, lùng tùng xèn, sau thì tắt lịm như đèn dầu lụi bấc! Kết quả vũ như cẩn, chả đi đến đâu, đâu lại vào đấy, mèo lại hoàn mèo, ném đá ao bèo, đánh trống bỏ dùi, đầu voi đuôi chuột... nhắt!

 

Nên Hải Vertu ơi! Đừng có nói khoác, nói phét, nói dóc, nói láo, nói trạng, nói nói thánh, nói tướng nữa! Đừng có "nổ banh nhà lầu", "nổ văng miểng", "nổ banh xác". Bộ tưởng nổ như vậy là đe dọa được các các loài yêu tinh quỷ quái nầy hay sao? "Kêu lắm lại càng tan xác lắm"

 

Hải Vertu múa may quay cuồng, lên đồng như vậy làm tui lại nhớ đến tài tử Trần văn Nhơn, từng xuất sắc trong vai một cán bộ CS, xách động quần chúng đứng lên đấu tố địa chủ trong phim: "Chúng tôi muốn sống"!

 

Hải Vertu chỉ là một tay sai, xách động dân chúng ‘Sè Gòn' (trong đời thiệt) cho dân cả nước quên đi cái vụ Formosa cá chết hàng loạt ở miền Trung; nhưng dù phùng mang trợn má, ráng nổ ì oàng, cuối cùng cũng chỉ là một quả pháo xịt mà thôi!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 dxt_Chocan.jpg

Ned Kelly

 

Chó cắn người áo rách!

 

Chuyện rằng: Một thằng ‘cu' đi hỏi bố nó: "Bố à! Chánh trị là gì nhỉ?"

"Chánh trị như vầy: Bố làm ra tiền trong nhà nên bố là giai cấp tư bản. Mẹ quản lý tiền bạc bố đem về nên Mẹ là chánh phủ.

Bố với Mẹ là người chăm lo những nhu cầu thiết yếu cho con như ăn, mặc, sức khỏe, học hành. Nên con là quần chúng nhân dân.

Chị bạn ở là người làm công. là giai cấp công nhân.

Em của con là tương lai, là mầm non của đất nước."

Thằng bé vẫn còn suy nghĩ về lời Bố vừa giảng giải cho tới khi đi ngủ.

Khuya, giựt mình thức giấc vì nghe em nó khóc, bèn lồm cồm ngồi dậy xem sao?

Vô phòng Bố Mẹ, thấy Mẹ vẫn đang ngủ say. Đi tìm Bố, nhìn qua lỗ khóa phòng ngủ của Chị bạn ở, nó thấy Bố nó đang nằm trên giường với chị ấy.

Sáng hôm sau nó nói: "Bố à! Giờ con đã hiểu chánh trị là gì rồi! Là khi giai cấp tư bản áp bức, bóc và lột quần áo của giai cấp công nhân; trong khi chánh phủ vẫn còn đang ngủ say.

Còn nhân dân thì không biết phải làm gì? Hậu quả là tương lai của đất nước bị đói khát, khóc đến lòi rún mà chẳng ai chịu quan tâm!"

Câu chuyện trên tưởng là chỉ đùa chơi nghe qua rồi bỏ. Nhưng thực sự là nó đang xảy ra ngay tại nước Úc nầy đó bà con ơi!

Ở nước Úc nầy đây, một tuần quy định làm toàn thời là 38 giờ. Làm hơn số giờ đó, được trả thêm chút đỉnh, gọi là giờ phụ trội. 2 giờ đầu thêm 50%. Sau 2 giờ, thì được trả gấp đôi.

Còn làm đêm thì được trả thêm 30%! Thứ Bảy được thêm 50%. Chủ Nhựt được thêm 100%. Còn làm vào ngày lễ được trả thêm 150%.

Nghe tưởng nhiều, nhưng thực ra không có bao nhiêu vì lương căn bản thấp lắm; chỉ 17 đô 70 xu Úc một giờ!

Tháng Bảy, đầu năm tài chánh, có tăng thêm chút đỉnh; nhưng vẫn không sao theo kịp đà lạm phát phi mã; nên cuộc sống của dân ngu khu đen nước Úc nầy đây ngày thêm vất vả.

Vậy mà nỡ lòng nào, từ ngày Một, tháng Bảy, năm 2017, Ủy ban Công bằng Công việc (The Fair Work Commission), quyết định giảm mức phụ cấp ngày Chủ Nhựt chỉ trả bằng ngày thứ Bảy mà thôi.

Hơn một triệu công nhân Úc trong ngành khách sạn, nhà hàng, bán thức ăn nhanh như KFC, McDonald hay bán thuốc Tây bị lãnh cái búa. Tính bổ đồng mỗi người bị thiệt mất tới 6000 đô một năm.

Một em chạy bàn, 28 tuổi, ở Melbourne, nói giảm lương thì ma nào nó chịu đi làm ngày Chủ Nhựt? Người ta làm việc để sống! Chớ không phải sống để chỉ làm việc. Con người chớ đâu phải con trâu mà bắt cày dài lâu không cho nghỉ.

Còn những chị em mình đa phần làm trong ngành bán lẻ cho các đại công ty như Woolworths, Coles, Aldi... luôn bận rộn chưn tay chỉ kiếm đủ tiền để có cái bỏ vào mồm con cái; trái lại các đại công ty thu được lợi nhuận khổng lồ, mà lòng tham vẫn còn không đáy...

Cái chánh phủ Liên đảng nầy nhe! Bắt đại công ty trả thêm thuế thì không. Giảm tiền lương các chánh trị gia cũng không. Nhưng giảm lương của những người thấp cổ bé miệng thì được!

Thiệt là trớ trêu khi biết rằng phụ cấp cho người làm công vào ngày Chủ Nhựt đã bị những ông bà tai to mặt bự, ăn sung mặc sướng, suốt cả đời chưa đi làm vào ngày Chủ Nhựt lần nào, lại ra tay cắt xén.

Rồi những sinh viên trường đại học, bấy lâu nay đi làm thêm ngày Chủ Nhựt, nhờ vào lương gấp đôi ngày thường, mới có đủ tiền để trả tiền nhà, tiền ăn, tiền mobile phone, tiền computer và vé xe lửa, xe tram,...

Dĩ nhiên là hơn 60% dân Úc phản đối. Một thế giới quái quỷ gì ta đang sống vậy?! Một quyết định kinh hoàng!

Xã hội tư bản mà. Làm công khóc là ông chủ cười hè!

Nghiệp đoàn công nhân, luôn ủng hộ đảng Lao động đang ở thế đối lập, phản đối, la lối um sùm: "Việc cắt giảm là một chuyện không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng đến mức sống của những người nhận lương thấp nhất trong xã hội, tới gần một triệu lao động ở Úc và tác động tới cả nền kinh tế."

Còn giới chủ cả thương vụ thì cười he he mà rằng: "Bấy lâu nay tui đóng cửa ngày Chủ Nhựt vì trả lương nhiều quá; hỏng có lời. Giờ thì mở cửa bán buôn ì xèo luôn thì người thất nghiệp sẽ có việc làm, sẽ đóng thuế nhiều hơn cho chánh phủ xài thoải mái!"

Chính vì vậy mà Liên đảng đang cầm quyền ở cấp Liên Bang, gồm đảng Tự Do, (đa phần là chủ cả thương vụ) cùng với đảng Quốc Gia, (đa phần là điền chủ) hoan nghinh cả hai tay lẫn hai chưn luôn.

Có ông tai to mặt bự trong chánh phủ: "Vậy là tốt cho kinh tế rồi. Giảm lương mà kêu khóc cái nỗi gì? Muốn hỏng bị mất tiền thì chịu khó tuần cày thêm vài giờ vậy!"

Nghe thằng chả dóc mà tức đến ói máu hè! Khi người dân đòi cắt bớt những quyền lợi như lúc đương chức hoặc đã về hưu rồi không được đi máy bay nội địa mà bắt dân thọ thuế phải trả, mấy chánh trị gia nầy đã từng lớn họng phản đối!

Cắt quyền lợi của mấy ổng là không được; nhưng cắt quyền lợi của dân ngu khu đen trên răng dưới dế là cứ thế mà làm!

Ai cũng biết là mấy đời chánh phủ trong 10 năm trở lại đây tiêu xài hoang phí, nước Úc nợ thiếu điều ngập đầu; nên mấy chánh trị gia cầm quyền chạy quắn đít lên mà không quên cầm theo cây kéo thật bén để tìm cách cắt chỗ nầy chỗ nọ trong túi tiền, vốn đã hẻo, của nhân dân.

Chuyện sờ sờ ra đó ai cũng biết mà tối ngày cứ dóc... một lòng vì dân vì nước... Úc!

Khi nào biết các chánh trị gia nói dóc? Dễ ợt hà, khi ông, bà ta mấp máy đôi môi. Nên chúng ta, dân Úc, phải kêu Quốc hội Liên bang ra luật phạt thật nặng những chánh trị gia chuyên nói dóc. Rồi lấy tiền đó, chỉ cần một năm, là đủ trả dứt nợ cho đất nước của chúng ta.

Phần các nghị viên, dân biểu, thượng nghị sĩ cũng nên soi lấy mình, sống lương thiện phục vụ nhân dân đi chớ.

Đừng có chỉ 80 cây số mà phải bay trực thăng trả bằng tiền thuế của dân cho nó oách! Đừng có sai tài xế lấy công xa để chở chó cưng đi vòng vòng tiểu bang cho hóng mát.

Đừng có bắt dân thọ thuế phải chi cho phụ cấp nơi ở thứ hai lên tới cả chục, cả trăm ngàn đô nữa nhe. Đừng có khi đi họp quốc hội thủ đô Canberra, ở nhà vợ mình đứng tên mà bắt dân phải trả tiền như mình đang đi mướn khách sạn vậy.

Phần mấy ông đại công chức mà Úc đây gọi là ‘Australian public servant', tạm dịch là đầy tớ cho nhân dân Úc (cái nầy nghe cũng quen quen he); nhưng người dân thường lại đặt cho mấy tay công chức đầu têu nầy cái mỹ danh là: ‘Fat Cat' tức con mèo mập, ăn no rồi liếm lông không hè mà tiền lương lãnh; ai nấy nghe cũng tè...

Ông Tổng Giám Đốc Bưu Điện Úc, một công ty quốc doanh do nhà nước làm chủ nhe, năm kia lỗ tới 222 triệu đô, năm rồi gượng lại hết lỗ, lời có 36 triệu đô Úc; vậy mà lương năm là 4.4 triệu đô cộng thêm tiền thưởng 1.2 triệu. Tổng cộng là 5.6 triệu đô một năm, từ tháng Hai năm 2010 tới nay.

Nghĩa là ông nầy năm nào cũng trúng số độc đắc hết. Mà trúng dài dài từ 6, 7 năm nay.

Tui thì hỏng ưa gì bà Thượng nghị sĩ Pauline Hanson (vốn làm chủ tiệm bán cá lăn bột chiên), thủ lãnh đảng One Nation (Một Nước), vì bà ta là cha kỳ thị nhưng trong cái vụ nầy bà đòi đuổi hết mấy tay ‘Fat Cats' nầy tui thấy bà cũng hơi hơi có lý!

Cuối cùng thì công luận cự nự quá, ông Tổng nầy về nhà chăn vịt nhưng trước khi cuốn nóp ra đi, còn quay lại nói xỏ bà Thượng nghị sĩ là: "Điều hành một công ty nhà nước rất lớn như Bưu Điện Úc trong thời buổi điện toán hóa toàn cầu nầy, làm ăn cho có lời là không có dễ như điều hành một tiệm bán cá lăn bột và khoai tây chiên đâu nhe!"

Theo tui thấy thì Chánh phủ Úc trước khi tăng thu, khỏ đầu người dân bằng tăng thuế thì nên giảm chi, giảm tiền chấm mút vào công quỹ mới được.

Đừng để dân nó bực bội, nó xỏ xiên bằng chuyện ngụ ngôn như vầy tui e mấy ông đọc qua rồi cũng nhột!

Chẳng qua có mấy ông dự thầu để xây hàng rào dinh Thủ tướng Úc. Một ông từ Sydney, một từ Melbourne và một từ thủ đô Canberra.

Sydney lấy thước ra đo, tính toán xong bèn cho giá 900 đô, 400 đô cho vật liệu, 400 đô tiền công nhân và tiền lời cho tui 100 đô.

Melbourne không đo đạc gì ráo, tui tính 700 đô thôi. 300 đô tiền vật liệu, 300 đô cho lính của tui, 100 đô tiền lời cho tui.

Cuối cùng là Canberra không thèm đo mà cũng không thèm tính toán gì ráo trọi cho giá 2700 đô.

Viên chức chánh phủ gọi thầu: "Tính gì mà mắc quá vậy cha nội? Con số nầy ở đâu ra?"

Anh Canberra trả lời: "1000 đô cho tui, 1000 đô cho ông. Còn 700 mình mướn Melbourne làm!"

Viên chức chánh phủ gõ búa tuyên bố anh Canberra được trúng thầu.

Đó đó! Chính vì vậy mà dân số Úc chưa tới 24 triệu, hơn dân thành phố New York của Mỹ chỉ vài triệu, đất nước rộng bao la, tới 7,686,850 cây số vuông đứng hàng thứ 6 trên thế giới, tài nguyên vô thiên lủng mà người dân sống ngày một chật vật!

Gần 20 năm, tiền lương tăng không theo kịp đà lạm phát, giờ lại cắt tiền phụ cấp ngày Chủ Nhựt nữa thì hết nói.

Theo tập quán người Úc bình thường ở đây là: Cày 5 ngày trong tuần. Ngày 8 tiếng. Thứ Bảy nghỉ, đi nhậu. Chủ Nhựt dắt con, dắt vợ đi chơi kẻo nó bỏ mình theo thằng khác.

Cực lòng chẳng đã! Không đủ sống người ta mới bỏ con không ai trông, bỏ vợ không ai hun mà đi cày thêm ngày Chủ Nhựt. Hy sinh nhiêu đó chưa đủ sao mấy cha? Mà còn nỡ lòng cắt tiền của người ta?!

Công bằng xã hội là lấy bớt của người giàu đưa cho người nghèo.

Ned Kelly là một tay ăn trộm ngựa nổi tiếng của Úc, chuyên cướp của người giàu chia cho người nghèo để giảm bớt bất công trong xã hội: Kẻ ăn không hết; người lần không ra!

Tiếc rằng Ned Kelly đã bị xử giảo, chết đã lâu; nên nước Úc giờ chỉ còn bọn đi cướp của người nghèo đem chia cho người giàu không hè!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Nễ Hành thời @ !

 

 

Ðời mà! Vợ chồng hay nói ngược, làm ngược, chơi nhịp chỏi với nhau, nó xảy ra hà rầm hè! Tui nói cộng thì em nói trừ; tui nói nhơn thì em nói chia. Chỉ lúc hai đứa không nói ngược với nhau là lúc đôi ta đi vô buồng ngủ.

Ông bà mình hồi xửa hồi xưa cũng ưa nói ngược đó thôi: "Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng... Gà con đuổi bắt diều hâu/ Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông!"

Nói ngược bất quá cãi lộn là cùng. Chớ làm ngược, nhứt là làm ngược với toàn thể thiên hạ là rắc rối to, là lôi thôi lớn, là tới cò tới bót, rồi bị nhốt chớ không phải chuyện giỡn chơi! Nhứt là chuyện thiên hạ mặc quần mặc áo đàng hoàng mà mình cứ khăng khăng, cương quyết ở truồng... cho nó dễ thở.

Bàn cái vụ ở trần, ở truồng nầy quan điểm giữa chàng và nàng cũng rất ngược nhau. Chẳng hạn như muốn nàng sập bẫy tình ta thì chàng phải:

"Thề thốt sẽ đi cùng trời cuối đất vì nàng. Rồi bồng nàng, ẵm nàng (dù nặng hơn một tạ). Ôm nàng dù hai tay không có giáp mí. Ðưa nàng đi ăn tối, mua quà cho nàng (dù tốn tiền ôi vô thiên lủng). Hun nàng, an ủi nàng, lắng nghe nàng nói, khen nàng búa xua (dù không có gì đáng để khen hết ráo). Binh vực nàng, chở che nàng khi nàng gây lộn với con nhỏ bên hàng xóm."

Còn muốn chàng sập bẫy tình ta thì đơn giản hơn nhiều: "Em đến thăm anh một chiều hè, cứ lè phè không quần không áo, không mặc gì ráo, chỉ cần hai tay hai chai beer, một cho chàng và một cho mình."

Kết luận là quý anh mình chỉ khoái em lo cho mình ăn nhậu và em ‘sexy' dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên... là mình sướng điên lên rồi.

Biết cái tâm lý đàn ông như vậy, nên anh bạn nhậu của tui giải quyết vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn, bấy lâu hằng cam chịu, bằng một cách rất rẻ tiền và gọn hơ như vầy: Chẳng qua ảnh đi cày sâu cuốc bẫm để dành được một số tiền đặt cọc rồi mượn ngân hàng để mua căn nhà đầu tiên trên nước Úc phúc địa nầy đây.

Mới tới mà, kinh nghiệm mua nhà đâu có biết vị trí là cái quái gì đâu? Thấy rẻ là a thần phù mua thôi. Ai dè mua rồi mới biết mình ngu, mới biết tại sao căn nhà nầy nó rẻ.

Chẳng qua là căn nhà của ảnh nằm sát xa lộ xuyên bang, cho chạy tới 100 cây số một giờ. Nửa khuya mơ màng giấc điệp để sáng có sức mà cày tiếp, thì tiếng xe gầm rú hú hú chạy ngang qua lại thức. Ðiệu nầy chắc chết sớm!

Diệu kế của ảnh là cách nhà chừng 5 cây số, ảnh chơi một cái bảng đề chữ "Trại Khỏa Thân!" Từ đó, xe nào qua đều chạy chầm chậm như rùa mà mắt tài xế cứ láo liên.

Giống quý anh em mình! Giữa mấy em mặc quần mặc áo và mấy em không mặc gì ráo... tui khoái trường hợp thứ hai hơn nhe!

Từ đó tui đâm ra ấm ức và ghen tức với ông tổ Adam sao sướng hơn tui bây giờ nhiều. Vì Eve đâu có quần áo che chắn gì? Adam muốn nhìn là nhìn hè. Thiệt là quá đã!

***

Nhân chủng học cho biết là: khi mới sanh ra con người đã có lông măng, mịn như tơ. Theo thời gian dần dần trôi, lông cứng hơn, nhiều hơn. Trên đầu thì gọi là tóc. Dưới cằm thì gọi là râu. Rồi từ mặt trở xuống đều gọi là lông cho nó tiện bề sổ sách.

Lông giúp con người cổ xưa ban đêm được ấm, khỏi bị bịnh sưng phổi, ban ngày ngăn bớt sức nóng, bớt tia bức xạ của mặt trời, bớt bịnh ung thư da.

Thời ăn lông ở lỗ phải đi kiếm ăn cực khổ, chui vô rừng vô bụi, cọ tới cọ lui nên lông rụng bớt. Vậy là con người phải nghĩ ra là phải có cái gì che cho ấm lúc đêm về lạnh chớ?

Sau khi săn bắt thú rừng, ăn hết thịt rồi chỉ còn da (dai quá nhai không nổi, bỏ uổng), nên tổ tiên mình dùng xương, (cứng quá gặm không vô), làm dụng cụ như dao để cắt da thú thành những miếng vuông vức, dùng chỉ tét ra từ thân cây, kết vào nhau để thành quần áo bằng lông thú quanh phần nhạy cảm, rờ tới là nhột quá chừng hè! Ai có coi phim Tarzan, chúa tể rừng xanh, thảy đều biết.

Tuy nhiên vẫn còn có nhiều bộ lạc trong rừng Amazon của Brazil chưa hề tiếp xúc với thế giới văn minh, trai hay gái gì cũng vẫn ở truồng.

Cái nầy quá đã nhe quý ông anh! Tui nhứt định phải rủ mấy ông anh mình chui vô rừng Amazon mà rình một chuyến mới được!

Kết luận: quần áo rất quan trọng để bảo vệ cơ thể chống lại cái lạnh, không có quần áo là nhân loại đã diệt vong, chết sạch hết cả rồi.

Dù quan trọng cho sự sinh tồn của nhân loại, là biểu hiện của con người văn minh nhưng cũng có mấy em chơi nổi, không mặc gì hết ráo; hoặc có mặc là nhỏ xíu bằng bàn tay mới hấp dẫn.

Khước từ quần áo mình tưởng chỉ dành riêng cho mấy em sao? Nghĩ vậy là lầm to, là trật lất. Mấy em xấu che, tốt khoe là phải quá rồi. Còn bên cánh đàn ông có gì tốt đâu mà cũng đem khoe mới là lạ chớ?!

Ông đó là Nễ Hành (173-198), thời Tam quốc, tinh thông cầm kỳ thi họa, miệng lưỡi, nói xuôi cũng được mà nói ngược cũng nghe xuôi.

Nễ Hành mắc bịnh vĩ cuồng, coi mình giỏi trùm thiên hạ nên chúng ghét. (Ối thời nào cũng vậy! Người giỏi dù đã khiêm tốn hết mực rồi mà vẫn có đứa không ưa?) Huống hồ giỏi mà hay nổ nữa.

Nễ Hành đến gặp Tào Tháo xin chút công danh. Ai dè bị Tào A Man chơi khăm phong chức ‘Cổ Lại' tức là thằng đánh trống để làm nhục Nễ Hành cho bõ ghét.

Ai dè Nễ Hành đánh trống hay, cỡ danh thủ Tùng Giang, bèn xăn tay áo chơi nhịp Ngư Dương, âm tiết tuyệt diệu, nghe vang vang như có tiếng đá, tiếng vàng ngân lên ai oán.

Tên Cổ Lại cũ sợ Nễ Hành giành mất ‘job' nên cà khịa, kêu Nễ Hành phải mặc trang phục dành cho người đánh trống.

Xin làm quan mà Tào Tháo cho chức đánh trống là đã bị hạ nhục quá xá rồi. Giờ thêm chú Ba nầy kêu mặc áo nầy quần nọ, nên Nễ Hành quạu quá, cởi tuột hết ra luôn, trần truồng như nhộng cho mấy tay áo mão cân đai người xem một chút...

Người cởi truồng đầu tiên trong sử sách Trung Hoa, tiếc thay, chỉ hưởng dương 26 tuổi vì đang buổi nhậu nhẹt mà xài xể nặng lời Hoàng Tổ, vốn là một con người thô lỗ nên bị đao phủ lôi ra chém.

***

Còn Nễ Hành thời A còng, @, tức thời hiện đại, không phải chỉ một lần ở truồng; mà truồng ‘full time' luôn!

Stephen Gough, người Ăng Lê, 57 tuổi, có biệt danh là "Naked Rambler" người cà nhỏng rong chơi, ở truồng ngao du sơn thủy! Thời tiết ấm áp lên một chút là nhong nhong xuống phố trưa nay đang còn nhức mỏi đôi vai. Ở truồng nhưng có mang vớ mang giày ‘boot' và đội nón nhe!

Từ năm 2003 tới nay cứ cà nhỏng như thế, bị bắt bỏ bót rất nhiều lần.

Ra Tòa, chỗ trang trọng, chú cứ để tồng ngồng, nên được ông Tòa tặng thêm 4 tháng tù ở về cái tội khinh mạn tòa án.

Mấy thầy phú lít bắt chú như bắt cóc bỏ dĩa vậy. Tốn công quỹ tới cả trăm ngàn bảng Anh; phần lỡ thấy ‘con' của nó... xui tận mạng đi, chắc chắn sẽ bị nghèo mạt suốt cả năm, nên bà con thọ thuế la ó rùm trời để phản đối một thằng ‘tửng từng tưng', nhưng coi bộ hổng có ăn thua gì sất!

Theo ý tui, muốn chú em nầy ngưng ngay cái trò cà chớn, vớ vẩn nầy đi thì mấy thầy đội bắt được chú trần truồng như nhộng lần nữa, đừng thèm nhốt vào tù, để ăn có người bưng, ngủ có người gác nữa... mà đem thẳng vô Sở Thú, đưa chú đến chuồng Voi để ‘đọ'!

Tui tin chắc rằng con Voi đang ve vẩy cái vòi dài ngoằng, sẽ bụm miệng cười hô hố mà rằng: "Giời ơi! Vậy mà cũng khoe? Ngắn ngủn như vậy rồi làm sao mà thở?"

Chú em nầy sẽ tự ái, mắc cỡ ên hè... Ðể từ rày về sau không còn dám ta quá đỗi tự hào mà dám đem cái vòi nước của mình ra khoe cùng bàn dân thiên hạ nữa.

dxt_NeHoanh.jpg 

Bảo Huân

  

 

Chồng người áo gấm!

 

Suốt gần cả năm nay Donald Trump luôn luôn chiếm hàng tít đầu của báo chí trên toàn thế giới. Nhưng có lẽ nói nhiều quá cũng nhàm.

Báo chí sợ ế, bèn kiếm cái tuồng khác, vui, lạ, hay hơn để câu khách...

Lần nầy diễn viên là Ivanka Trump, ái nữ của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump.

***

Nói nào ngay, vào ngày mùng 4, tháng Mười Một, năm 2015, khi mới đắc cử Thủ tướng thứ 23 của Canada, Justin Trudeau đã nổi tiếng toàn thế giới nhờ vẻ trẻ trung, điển trai và lịch lãm như một tài tử phim Hollywood với chiều cao lý tưởng 1mét 88.

Justin Trudeau năm nay 45 tuổi. (Ðâu có già chát, già khú đế như Donald Trump, 70 tuổi) tức còn rất trẻ, lại tài cao mới ngồi được trên đầu trên cổ hơn 35 triệu người Canada đó chớ!

Ðẹp trai, nói dai (chánh trị gia mà), con nhà giàu, học giỏi; lại vốn dòng quyền quý nên không ngạc nhiên chút nào là chàng có vợ hơi sơm sớm, năm 2005! Và có con cũng hơi nhiều nhiều tới 3 đứa. Giàu thì muốn đẻ bao nhiêu hổng được. Ðông vui đâu sợ hao?!

Chớ tiêu chuẩn Tây thường thấy là sản xuất ra hai đứa thôi... là nghỉ!

Mấy chú em Việt Nam mình cũng ‘cọp dê' y vậy! Nên con vợ ‘sòn sòn' mới 2 đứa là mấy chú hoảng kinh kêu tốp tốp! (Tại anh đó... chớ em nào muốn đâu!)

dxt_Kushner.jpg

Ðẻ nhiều, tiền ‘child care', tức tiền gởi nhà trẻ không cũng mạt!)

Ivanka Trump, 35 tuổi, chân dài tới nách, vì em cao tới 1 mét 80. (Tui đứng giỏi lắm chỉ đứng tới nách của em là cùng) tiểu thư nhà giàu, học giỏi!

 

 Thủ tướng Justin Trudeau và Ivanka Trump -

Báo chí Mỹ muốn em là ‘Ðệ nhứt Phu nhân', (The First Lady), của Mỹ hơn là dì ghẻ của em là Melania Trump, cũng đẹp, vì là người mẫu, nhưng tiếng Anh lại không ‘siêu' lắm?!

Ðẹp gái, con nhà giàu học giỏi thì dễ gì phòng không chiếc bóng! Một chàng Mỹ gốc Do Thái, ắt hẳn là giàu sụ rồi, Jared Kushner, nhanh nhẩu rước em về dinh để nâng khăn sửa túi! Ðền đáp lại, chàng cho nàng nằm ba lửa! Tám năm tình ta... chui ra ba đứa!

 

***

Hôm thứ Hai, ngày 13 tháng Hai, Thủ tướng Canada, Justin Trudeau, đến Bạch Cung, thủ đô Washington, D.C  Hoa Kỳ  để gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tại đây anh hùng hội ngộ thuyền quyên! (Vì vợ anh đang bận ở nhà trông con và chồng em bận ở nhà cũng trông con, nên không tới... Dịp may ngàn năm có một nhe!)

Nên mấy nhà báo mới có cớ đồn rùm lên chuyện tình ‘Robinet và Toilette' (Roméo và Juliet) vui như Tết Congo tới!

Trước và trong khi họp, ái nữ nhà họ Trump tỏ vẻ mừng rỡ, dành cho nhà lãnh đạo Canada một cái nhìn đầy ngưỡng mộ.

(Cả hai nói chuyện đẩy đưa rồi đưa đẩy. Chàng đẩy qua, nàng đẩy lại như hai đứa chơi đánh đu kiểu bà Hồ Xuân Hương vậy mà!)

Ivanka Trump dường như bị sét ‘quánh' giữa trời quang, lang thang hồn phách, đôi mắt biếc lơ mơ, chỉ sơ sơ tập trung vào cuộc thảo luận, mà mắt chỉ về... Thủ tướng Canada!

Báo chí lá cải dám nói: Ivanka's ‘thirsty', (nghĩa đen là khát nước nhưng trong ngữ cảnh mình dịch đại là ‘rạo rực'... Trao cho chàng cái ánh mắt bằng vàng ròng 24 cara  (Tây gọi là ‘golden look', còn nhà thơ của mình gọi là cái nhìn đắm đuối!)

Thiệt là đoán mò! Làm như đi guốc trong bụng của người ta hổng bằng!

Nhìn vậy thì bộ có tình ý với nhau sao cha nội? Bộ đàn bà cười mỉm chi ‘rồ man tít' (romantic) như vậy hổng được hay sao?

Ðàn ông làm chánh trị, Tổng thống Mỹ Barack Obama hổng những cười ‘mỉm chi cọp' mà  còn chụp hình chung với mỹ nhân Rania, Hoàng hậu xứ Jordan... làm Ðệ nhứt Phu nhân Michelle Obama mặt quạu đeo như vừa bị ai giật bóp...

Thiệt là mấy tay nhà báo nầy cứ khư khư giữ cái đầu óc kỳ thị giới tính hoài hè!

Rồi cũng theo mấy nhà báo xạo, đưa tin vịt là: Không chỉ mình Ivanka bị Justin Trudeau ‘bỏ bùa'mà nhiều em khác cũng bị ‘thôi miên'!

Trong chuyến theo chồng công du tới Canada vào Tháng Chín, năm 2016,  Công nương Kate của nước Anh có vẻ cũng e thẹn hơn, nhu mì hơn, vén tóc làm duyên khi đối diện với Thủ tướng Justin Trudeau 

dxt_princeWilliam.jpg

khi ông chồng, Hoàng tử William, đầu hơi ít tóc một chút, chớ không bùm sùm, quăn tít như ảnh, đang đứng chần vần ra đó.

 

Công nương Kate và Thủ tướngJustin Trudeau

Dẫu em đã kết hôn với Hoàng tử nhưng khi mặt nhìn tận mặt  với Thủ tướng Canada nhà ta là em cũng e lệ, ngất ngây như uống phải một chung rượu men tình!

Thấy màn một, màn hai coi bộ bà con vỗ tay quá, nhằm kiếm thêm chút cháo, nhà báo hát tiếp màn ba!

Tuồng nầy với lời giới thiệu ‘tùng tùng xèn' là: Ðêm ăn tối lãng mạn giữa hai người!... Ðầu tiên với Ivanka Trump, ái nữ của tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, giờ thì tới phiên Thủ tướng Ðức, Angela Merkel, cũng bị hớp hồn?!

Angela Merkel đã gây kinh ngạc cho anh chàng trẻ tuổi, tài cao của đất nước hoa phong đỏ nầy bằng cách trao tặng một tấm hình chụp lúc Justin chỉ mới lên 10 tuổi, tháp tùng thân phụ mình là Pierre Trudeau, Thủ tướng Canada gặp Thủ tướng Ðức Helmut Kohl vào ngày 12 tháng Mười Một năm 1982.

Sau đó, Thủ tướng Ðức Angela Merkel mời Thủ tướng Canada, Justin Trudeau đi ăn tối  dưới ánh nến lung linh mờ ảo tại khách sạn Regent, thủ đô Berlin vào tối 16 tháng Hai.

Mà theo lối sống của Phương Tây, ‘Date night'  chỉ dành cho hai người đang yêu nhau tha thiết hay đang có tình ý với nhau hò hẹn mời nhau đi ăn tối như vậy.

Một người hài hước, đùa cợt là: "Không ai có thể thoát khỏi sức hút nam châm của  Justin Trudeau?!" Già không bỏ nhỏ không tha! (Khen nhau như thế bằng mười ‘xỏ' nhau!).

Sự thực là ảnh chụp cho thấy tới 4 người trong ánh nến lung linh (nhưng nhà báo nói láo ăn tiền nầy cho 2 người còn lại hô biến).

Gán ghép bà Merkel, năm nay đã 62 tuổi rồi, đang đi giữa mùa mãn dục, mà cặp đôi với một chàng chỉ mới 45 cái xuân xanh, đáng tuổi con mình thì thiệt là chuyện gán ghép khiên cưỡng, ruồi bu kiến đậu!

Ngu sao mà tui lại tin nhà báo chớ? Viết lách nên giữ gìn ý tứ một chút, đừng phá gia cang người ta kẻo mang tội! Vì lỡ bà Thủ tướng Canada nổi máu Hoạn thư thì tội nghiệp cho ‘thần tượng' của ‘em vợ' tui.

Mấy chú em mình thì lại có mòi ganh tị với Justin Trudeau, nên thầm ước trong lòng để con vợ thằng chả cho ‘giả' chết!

Mặt khác cầu khẩn với ông Tơ bà Nguyệt cho mình kiếm được một em yêu lúc nào cũng nhìn mình rạo rực, đắm đuối, cháy bỏng như Ivanka nhìn Justin Trudeau vậy!

Còn đứa có vợ rồi thì báo động đỏ ở mức cao nhứt là:

"Justin Trudeau tới rồi anh em ơi! Hãy lẹ lẹ giấu vợ, giấu con gái của mình, giấu con bồ nhí, giấu luôn cả thú cưng là chó lẫn mèo vì coi chừng ‘giả' chôm mất đó nhe!"

Nghe rung cây nhát khỉ như thế, tui cũng ra kế hoạch phòng thủ từ xa:

Lúc nào Justin Trudeau đến công du nước Úc, trước sau gì cũng tới mà, tui sẽ dắt em yêu của tui đi giấu trước.

Nhưng em yêu của tui cười nắc nẻ, thề một câu nghe ăn tiền (tui) hết sức: "Chồng em áo rách em thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người."

Chớ không bao giờ có cái vụ: "Chồng người áo gấm em thương chồng người" đâu mà anh lo!

Vì em thường tâm niệm rằng: "Chưa chồng dòm dọc, liếc ngang. Có chồng em chẳng liếc ngang thằng nào!"

Dẫu cho rằng: "Chồng em tuy nách hơi hôi/ Nhưng vì em ngửi mãi rồi nên quen!"

Nghe xong tui lấy làm khoái chí trước tình em, bèn "Móc thuốc ra đốt liên miên! Hút xong vài điếu (tui) cười hiền vì phê!"

Phê xong, tui thầm nghĩ: "Em yêu của tui tự tin thấy mà ớn nhe! Làm như còn trẻ, còn đẹp lắm như Ivanka, như Kate vậy!"

Mà quên rằng bà Angela Merkel, 62 tuổi, nếu có lỡ gặp em yêu của tui, còn phải kêu bằng bà... Ở đó mà mơ mộng viển vông! Ðúng là ‘đồ Yamaha'! Tức ‘già mà ham'! He he!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Háo danh!

 

Tuần rồi đi nhậu, anh bạn văn của tui than phiền "bà đầm" của ảnh quá xá!

Thấy tui có vài bài phiếm được báo đăng (và nhờ dựa hơi ông Chủ bút) nên ông Chủ báo cho chút đỉnh tiền nhuận bút, đủ uống cà phê mà mặt đã vênh vênh, váo váo ra vẻ ta đây là nhà văn ‘nhớn', nên em yêu tui, tức con vợ tui, tức má bầy trẻ của tui (chớ không phải má của tui) đã chướng tai gai mắt, không nói không rằng, lẳng lặng gởi vào cái email của tui bài: ‘Vợ răn chồng' trong sách Cổ Học Tinh Hoa của nhà văn Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (để tui học tập và quán triệt?! Cái nầy nghe coi bộ quen nhe! He he!).

Ðại để câu chuyện là: "Án Tử nhỏ con nhưng làm chức lớn, tới Ðại phu nước Tề, nhưng cực kỳ khiêm tốn. Trong khi tên đánh xe theo hầu, vai u thịt bắp, mồ hôi dầu, bự con, lại làm chức nhỏ, nhưng lúc nào cũng vác mặt lên trời, dương dương tự đắc. Con vợ nhà không chịu được cái tánh kênh kiệu của chồng nên muốn bỏ về với má! Sợ vợ bỏ, anh chàng đánh xe nầy bèn xếp ve chớ không còn dám vênh váo nữa!"

Ðọc xong câu chuyện, tui thầm nghĩ: "Ối đàn bà là những niềm đau!" Làm quê chồng mình! Chồng làm phách cũng phải vì đánh xe ngựa cho quan cũng vinh quang lắm chớ!?

Chồng viết phiếm đăng báo trước là mong độc giả đọc thiệt rồi cười chút chơi cho vui cửa vui nhà, sau kiếm thêm chút tiền còm để uống cà phê, cà pháo và đấu láo với bạn bè mà cũng lên mặt dạy đời làm tui cũng mất vui luôn.

À phải rồi, chắc em thấy tui ốm mà cũng yếu, nên em khoái bú li (bully) để cho tui ngoan ngoãn trong vòng tay kềm kẹp của em. Bảo gì nghe nấy, đặt đâu là chàng phải ngồi đấy, cấm nhúc nhích, cục cựa như xưa giờ vậy đó!

"Như em đây, gọi Bà Tùng Long người viết tiểu thuyết ‘phơi-dơ-tông' (feuilleton), hồi xưa, đăng trên tuần báo Phụ nữ Diễn đàn, kỳ nào cũng có, bằng Bà mà em còn chưa dám khoe khoang! Còn cái văn tài của anh không là cái thá gì so với Bà em hết ráo!"

Tức hộc gạch, nên tui xỏ xiên lại: "Em không khoe là phải... phải!  Bà em viết văn hay... chớ em có biết viết đâu mà khoe?!

Chuyện tui và ‘bà đầm' của tui ngày nào không cãi là ăn cơm hổng có ngon.

Nên sau lần cãi lộn sanh tử lửa với em yêu cách đây 3 năm, tui quyết tịnh khẩu luôn, không nói tiếng nào. Cần gì của em... là tui chỉ ra dấu hè... He he!"

o O o

Thưa bà con! Anh bạn văn của tui cãi lộn với vợ về cái thói háo danh mà tịnh khẩu tới ba năm! Nhằm nhè gì! Tui tịnh khẩu tới 30 năm, từ hồi mới về với em lận!

Tuần rồi, tui có may mắn đọc  "Thư gửi bạn ta"  rất nổi tiếng, nhà văn Bùi Bảo Trúc kể rằng: "Hơn ba mươi lăm năm trước, một bữa đang ngồi trong quán cà phê ở Sài Gòn, thì tôi bị một người đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi ‘Ông biết tôi là ai không?'

Ít lâu sau, tôi được cho biết ông là đàn em của một quan chức lớn, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút ‘hào quang' vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi..."

Rồi 30 năm sau, trên bước đường lưu lạc trên đất Mỹ, tình cờ nhà văn Bùi Bảo Trúc đã tìm được câu trả lời thích đáng cho câu hỏi năm xưa, bằng cách kể lại một câu chuyện thú vị như vầy: "Tại phi trường, chuyến bay bị trễ, ai cũng bực bội vì phải chờ lâu, sắp hàng dài dằng dặc để chờ lên máy bay, thì có ông  khách, muốn ưu tiên, muốn nhảy hàng, mà Mỹ thường hay gọi ‘jump the queue' hét vào mặt một nhân viên trẻ và xinh của hãng hàng không "Cô biết tôi là ai không?" (Do you know who I am?)

Cô nầy trả lời ông bằng cách hỏi người khác: "Có một vị hành khách không biết mình là ai, quý hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước hay thân thế của ông, xin tới quầy 112."

Cô ám chỉ ông nầy bị khùng rồi nên không nhớ "Tôi là ai?"

Làm bà con ai nấy đều phá ra cười vui như xem một cái phim hài hước của Vua hề Sạc Lô vậy.

Bị chọc quê, ông nầy điên lên, chửi thề ỏm tỏi... Nhưng cô em vẫn bình thản trả lời: "Ông muốn cái ‘vụ đó' với em thì ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được!" He he!

***

Thưa bà con! Ðọc truyện nầy của ông Bùi Bảo Trúc tui khoái quá xá, gật gù tấm tắc khen hay! Viết như vậy mới là viết chớ!

Ai đọc câu chuyện nầy cũng biết đây là một vở kịch, do một tác giả tài hoa sáng tác để răn đời, để chỉ trích, để phê phán những hạng người ưa vênh váo dù mình chỉ là con cáo chớ hổng phải là con báo.

Vậy mà quỷ thần ơi, cũng có một ông, chắc muốn chứng tỏ mình là người đọc sâu hiểu rộng, trên thông thiên văn dưới tường địa lý, lên mặt chê nhà văn mà tui hằng thán phục và kính mến rằng:

"Câu chuyện của tác giả Bùi Bảo Trúc ngỡ là do tác giả chứng kiến, nhưng thật ra thì không đúng! Thực ra bài này tôi đã đọc trên báo Mỹ từ lâu lắm rồi. Khi đó chưa có internet. Ổng cũng đi "chôm" của thiên hạ nhưng khéo làm như của mình đó thôi!"

(À thì ra muốn nổi tiếng, cho Vua biết mặt Chúa biết tên, phải có danh gì với núi sông, thì không có cách nào ngắn, gọn và mau (khỏi ngồi nặn óc, viết lách lôi thôi gì ráo) chỉ cần lôi các nhà văn nổi tiếng ra mà bình phẩm!)

(Nói nào ngay, nhà văn cần người đọc, cần người phê bình lắm chớ! Người phê bình hay, phê bình đúng chính là thầy ta vậy!

Vì viết văn, viết báo gì chăng nữa, những điều mình biết chỉ là một hạt cát mà điều mình chưa biết lại là một đống cát bự ế kinh luôn!)

Nhưng bộp chộp kết tội nhà văn tài tuệ nầy là chôm của thiên hạ... thì thiệt là hỗn hào quá đáng nhe!

Cũng như Nguyễn Du đã từng dựa vào Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, đời nhà Thanh bên Tàu để sáng tác ra Truyện Kiều, áng văn chương bất hủ của Văn học Việt Nam xưa giờ vậy.

Ðâu có ai nghĩ chuyện đời của Kiều là thực 72 phần dầu đâu?!

Và cũng không ai ếch ngồi đáy giếng không thấy được bầu trời cao và rộng hơn cái miệng giếng mà vội vã kết tội rằng tác giả ‘chôm' của người nầy người nọ đâu?!

Ông Bùi Bảo Trúc đâu phải là một phóng viên, là người viết bản tin. Bản tin dĩ nhiên cần sự thật trăm phần trăm. Chuyện đó không ai dám cãi rồi.

Ông Bùi Bảo Trúc là nhà văn! Mà là nhà văn thì người ta có quyền sáng tác ra, dựng nên một câu chuyện, xoay quanh những nhân vật, diễn biến như thế nào trong một không gian hay một thời gian nào đó!

Không ai cần phải hỏi Kiều có thật ngoài đời hay không? Ðẹp cỡ Củng Lợi hay Chương Tử Di không? Hay Thúc Sinh là ông nào, có phải là tui hay không, mà sợ vợ quá thể? Hay Hoạn Thư có phải đã từng ghen đến nỗi ra tay tàn độc, bắt tình địch của mình là Thúy Kiều phải cạo đầu trọc lóc để đi tu? (Ðể cho Kiều phải tuân theo giới luật, không được lén ‘tò tí' với Thúc Sinh hay ngay cả người khác. Thiệt ghen mà dùng thế lực để cấm vận tình địch mình, từ nay không được làm chuyện ấy nữa... thì ác quá! Cấm gì thì cấm! Cấm chuyện đó? Thà bị xử tội chết còn sướng hơn!)

Thưa ông thần nầy trông gà hóa cuốc, tưởng nhà văn Bùi Bảo Trúc lại là một ông nhà báo hay sao?!

Chuyện có thật hay không? Chẳng nhằm nhò gì ở đây hết ráo! Cái quan trọng, cái cốt lõi của một tác phẩm văn học là nó muốn truyền đi một cái thông điệp nào đó xuống cuộc đời?!

 

***

Như vậy té ra chỉ vì một chút hư danh mà thiên hạ nỡ nhẫn tâm, thản nhiên chà đạp lẫn nhau không thương tiếc!

Tui thì khác nhe! Vì có chuyện như vầy: Ðầu năm học một chú nhóc chuyển vào trường mới. Giờ ra chơi, chú tán gẫu với một em học trò gái.

Chú chê ông Hiệu trưởng trường nầy sao cái mặt lúc nào cũng quạu đeo hè? Thiệt trông không có cảm tình gì ráo trọi!

Ðứa học trò gái có vẻ bực bội hỏi lại: "Nè! Trò có biết tôi là ai không?"

Chú trả "Không!" "Tui là con gái cưng của ông Hiệu trưởng đây"

"Vậy con gái cưng của ông Hiệu Trưởng có biết tôi là ai không?"

Em trả lời: "Không!"

Nghe em trả lời không, chú nhóc hú hồn, mừng quá... dông luôn!

Thưa chú nhóc đó là tui 60 năm về trước đó bà con ơi!

Từ cái kinh nghiệm nhém chết nầy, tui rút ra được bài học là người ta không biết mình là ai... là mình phẻ hè!

dxt_haodanh.jpg 

Bảo Huân

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Người phao tin vịt!

 

 dxt_fakenews.jpg

 Thưa du lịch "bụi", xưa gọi là tiếu ngạo giang hồ; giờ thì gọi là du lịch ba-lô vì du khách (back packer) đeo trên vai một cái ba lô lớn, gồm quần áo, bản đồ, điện thoại di động, chút đỉnh tiền mặt, dụng cụ cá nhân, thuốc, dầu (nhị Thiên đường để xức rún?!)...

Quan trọng hơn hết là bao cao su để cần là có ngay; chớ giữa rừng giữa bụi, có tụi mình với nhau, chớ nhà thuốc Tây nơi khỉ ho cò gáy làm sao có!

Tưởng gì chớ cái vụ nầy ông bà mình xưa có làm hàng trăm năm trước chớ đâu có phải đợi tới bây giờ đâu.

Ca dao chứng minh là tui không có nói phét đó nhe! "Đến đây gặp vịt cũng lùa. Gặp gái cũng ghẹo; (mà) gặp chùa cũng tu!"

Tui thì tối ngày chỉ quanh quẩn bên má bầy trẻ nhe! Vì nói theo một nhà thơ là: "Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt! Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà!"

Tuy nhiên, một lần, tui đâm ra chán cơm nhà, quà vợ; vì tối ngày vô ra đụng mặt hoài, thấy mà ghét; nên tui tuyên bố thẳng với em yêu rằng tui sẽ đi ‘phượt' (tiếng bây giờ trong nước, có cùng nghĩa là đi giang hồ, đi bụi...)

Em yêu trả lời là được; nhưng chờ em ra shop Tàu, mua cho tui cái khóa trinh tiết mang vào cho nó chắc ăn. Vì em thừa biết cái thói là trăng hoa dữ lắm của chồng mình. Có em bên đời mà còn ngóng mỏ qua con nhỏ hàng xóm, nước miếng nhểu ròng ròng... Hà huống gì đi phượt một mình thì làm sao tránh được cái chuyện có cơ hội mỡ tới miệng mèo... là ‘quằm'!

Du lịch bụi thì phương tiện nào rẻ là mình đi. Hỏng cử kiêng xe đò, xe bò, xe trâu gì ráo!

Đôi khi ngoắc xe lại có xin có giang; rồi cũng thông báo cho thằng tài xế hảo tâm nầy là: Tui vốn mạt nhưng ham vui nên mới đi nhờ xe; để nó đừng nhị tâm sanh lòng tham bất tử, ra tay mần thịt Tây Ba lô như chuyện xảy ra cho một du khách người Anh trên con đường xuyên rừng bụi của Úc hơn chục năm về trước.

Ăn chỗ nào rẻ, ngon là xơi. Xơi loạn ‘cào cào' như thế, nên có đem theo thuốc Alka-Seltzer, trị sình bụng; vì e bị Tào Tháo rượt.

Ở thì chui vào mấy cái hostel, (nhà trọ rẻ tiền) để có chỗ tắm giặt, chỗ ngủ là OK. Không chơi khách sạn năm sao (vì tiền đâu mà chơi?!). Đôi khi khách sạn ‘ngàn sao' cũng được. Chỉ cần chui vào cái túi ngủ, ngước lên bầu trời ngàn sao lấp lánh!

Tóm lại không phải trả lệ phí cho một công ty du lịch lữ hành nào hết!

Ba lô (Tây ba lô) xài hầm bà lằng hết ráo không quá 15 đô một ngày.

"The plan is there is no plan" (Kế hoạch là không có kế hoạch nào cả).

Vui ở; buồn đi tiếp. Hết tiền thì kiếm đại cái việc gì đó có sẵn ở địa phương như hái trái cây, lặt rau cải ở các nông trại bên Úc nầy đây!

(Hay dạy tiếng Anh ở những nước như Việt Nam chẳng hạn; dù không có bằng cấp sư phạm gì hết ráo. Ai mướn là làm hè!)

Chính vì vậy, du lịch ba lô thú vị thiệt nhưng cũng có nhiều bất trắc!

Thú vị là vì khác với "đi tour", vốn bị bó buộc trong một không gian và phải bị giới hạn thời gian theo lịch trình của thiên hạ... là mất hết tự do!

Còn bất trắc là đến một nơi lạ nước, lạ cái, lớ ngớ lơ ngơ dễ làm mồi cho mấy đứa trời ơi đất hỡi.

Rồi chung đụng với đủ hạng người thượng vàng hà cám biết đứa nào tỉnh, đứa nào điên?!

Và bi kịch cũng đã xảy ra tại nhà trọ Shelley's Backpackers, thị trấn Home Hill, phía Nam Townsville, tiểu bang Queensland, Úc châu dành cho Tây Ba lô.

Tháng Tám năm rồi, vào ngày 23, Mia Ayliffe-Chung, mới 20 tuổi (tháng Mười mới ăn mừng sinh nhựt năm 21) nhưng bi thảm thay ngày đó không bao giờ đến cho một cô gái còn quá trẻ, yêu đời, háo hức trên con đường du lịch bụi vì Mia bị một tên loạn tâm thần tên Smail Ayad, người Pháp, dùng dao nhà bếp đâm chém cho đến chết.

Tom Jackson, người Anh, 30 tuổi, xông vào để mong cứu mạng cho Mia cũng bị tên điên nầy đâm chém vào đầu, đâm vào ngực. Tom đã hi sinh mạng sống của mình để mong cứu thoát Mia, sau một tuần cấp cứu trong bệnh viện!

Bà Ayliffe, thân mẫu của Mia, người đã từ nước Anh bay sang Queensland, để tham dự tang lễ của con gái yêu thương của mình tại Coolibah Downs.

Tang lễ được cử hành theo nghi thức hòa đồng tôn giáo: Hồi giáo, Do Thái Giáo, đạo Sikh và ngay cả Phật giáo.

Tro xác của Mia Ayliffe-Chung sẽ được bạn bè du lịch ba lô đem rải trên toàn thế giới, nơi Mia đã từng đặt chân qua trong những chuyến đi du lịch bụi của cuộc đời rất ngắn ngủi của Mia.

Cái chết của cả hai tạo ra cơn chấn động không chỉ cho toàn nước Úc mà cũng lan tới Vương quốc Anh.

Cảnh Sát Úc và Cơ quan Chống khủng bố của nước Pháp cùng mở cuộc điều tra về vụ sát nhân tàn bạo nầy; vì trong 30 nhân chứng, có người khai rằng: Trước khi giết người, Ayad đã hát quốc ca Pháp và hét lớn: ‘Allahu Akbar' (Thượng Đế vĩ đại!)

Nhưng cuối cùng, giới chức điều tra của hai nước đều đi đến kết luận là:

"Cái chết của Mia và Tom là không phải do một cuộc tấn công của bọn Khủng bố Hồi giáo quá khích."

Bất chấp sự thực rõ ràng như vậy, Tổng thống Donald Trump trong cuộc nói chuyện với các cấp Chỉ huy trong quân đội Mỹ tại Florida đã phê phán giới truyền thông phương Tây không tường trình đầy đủ về những cuộc tấn công do bọn Khủng bố Hồi giáo quá khích gây ra trên toàn thế giới.

Sau đó, Giám đốc Truyền thông kiêm phát ngôn nhân của Chánh phủ Trump cho công bố một danh sách 78 cuộc khủng bố lớn như xảy ra ở Paris, Orlando, và San Bernardino từ tháng Chín năm 2014 tới giờ.

Vì lý do đó, nên Trumptạm thời cấm dân từ 7 nước, đa phần theo Hồi giáo không được vào nước Mỹ trong 90 ngày, và tất cả những người tị nạn trong 120 ngày.

Trong cái danh sách 78 cuộc khủng bố nầy có đề cập tới cái chết bi thảm của

Mia Ayliffe-Chung và Tom Jackson, quy cho bọn khủng bố gây ra. Mà điều nầy lại trái với sự thật.

Mia chết rồi, bạn bè và thân nhân đều cầu nguyện cho Mia Ayliffe-Chung được yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng, ‘Rest in peace!' Nhưng Mia không được yên nghỉ.

Quạu quá, nên thân mẫu của Mia Ayliffe-Chung đã viết một bức thư ngỏ gay gắt cho Tổng thống Mỹ Donald Trump, đăng trên facebook như vầy:

"Đây là câu trả lời của tôi về việc ông tuyên bố rằng Tom và Mia chết là do cuộc tấn công của bọn Khủng bố Hồi giáo mà không được giới truyền thông tường trình đầy đủ.

Tôi đã nói chuyện với nhiều người bạn của Mia và những người đi du lịch ba lô khác đã từng làm việc trên nông trại và không có ai đã từng chứng kiến hung thủ Ayad trải chiếu ra mà quỳ cầu nguyện (là điều bắt buộc của các tín đồ Hồi giáo bao giờ cả!) Cái chết của con tôi không có liên quan gì tới bọn Hồi giáo cuồng tín quá khích..

Ông sẽ không được phép sử dụng cái chết của con gái tôi làm một phương tiện, một thủ đoạn chánh trị để đưa nhân loại vào chốn tối tăm của lòng thù hận!

Không nghe Chánh phủ Trump trả lời trả vốn về bức thơ ngỏ nầy hết ráo. Có lẽ vì Trump đang bận hô khẩu hiệu: An ninh của dân chúng Mỹ phải là ưu tiên hàng đầu. Lệnh cấm của Trump là cần thiết và đúng luật."

Nhưng có người chống đối Trump cho rằng: "Lệnh cấm nầy phản lại các giá trị của người Mỹ!"

Trump lại nói: "Chủ nghĩa Khủng bố là mối đe dọa rất lớn. Một đứa học trò Trung học dở ẹt cũng biết điều đó! Tin tôi đi! Vì tôi có đọc những bản tóm tắt tình báo về đe dọa khủng bố hằng ngày mà!"

Chuyện nầy, Trump nghĩ chỉ mình ‘ên' Trump biết... Nhưng sự thực, người Mỹ bình thường nào cũng biết!

Vì sau cuộc tấn công khủng bố bất ngờ, gây chết chóc nhiều nhứt trong lịch sử Hoa Kỳ vào mùng Chín tháng Mười Một, Tổng thống George W. Bush (thuộc đảng Cộng hòa) cũng đã trấn an nhân dân Mỹ rằng: "Bây giờ dân Mỹ vẫn tiếp tục sinh hoạt như thường. Chúng ta không cho phép bọn khủng bố đạt được mục tiêu là làm đất nước chúng ta khiếp sợ để đến nỗi không dám làm ăn hay đi bất cứ nơi đâu!"

"Hoa Kỳ vẫn là một quốc gia truyền hy vọng cho những di dân đã từ bỏ tất cả cho một giấc mơ được sống tự do."

"Đây là một đất nước nơi người dân bình tĩnh trong nguy cấp; vẫn đầy lòng trắc ẩn khi đối diện với những mất mát đau thương."

"Chúng ta phải bảo vệ một quốc gia vô cùng rộng lớn, nên chúng ta không thể nào tiên đoán hay ngăn chận được tất cả những cuộc tấn công hèn nhát của bọn khủng bố trong tương lai. Nhưng là một quốc gia của tự do và lòng rộng mở, chúng ta sẽ thi hành những biện pháp cần thiết để bảo vệ đất nước và nhân dân của chúng ta!"

Trước Trump, Tổng thống Barack Obama (thuộc đảng Dân chủ) cũng từng tuyên bố: "Chúng ta cảnh giác nhưng không hề lo sợ! Bọn ISIS tìm cách giết những người dân vô tội. Nhưng chúng không thể nào đánh bại được nước Mỹ trừ phi chúng ta phản bội lại Hiến pháp và những nguyên tắc cơ bản của người Mỹ trong cuộc chiến đấu nầy!"

Nhưng tại sao Trump lại muốn làm dân Mỹ lo sợ trong khi những Tổng thống như George W. Bush và Barack Obama lại muốn trấn an?

Câu trả lời đơn giản là: ‘Hù'... để làm dân Mỹ lo sợ về an ninh của chính bản thân mình đã giúp ích rất hiệu quả cho chiến dịch tranh cử của Trump.

Tuy nhiên khi đã thắng cử, đã làm Tổng thống Mỹ rồi thì nhân dân Mỹ chắc muốn được chánh phủ Donald Trump phổ biến những tin xác thực.

Đừng phun ra tin vịt, tin giả mạo, bóp méo, không đúng với sự thật. Đừng ly dị với sự thực! (Divorced from reality!). Như giới truyền thông Mỹ đã ‘gán' cho Trump (?!)

Làm Tổng thống, công bộc ‘number one' của nước Mỹ, là để phục vụ nhân dân Mỹ. Dân làm chủ thì phải để ông chủ, tức dân, tin.

Có thì nói có; không thì nói không. Không nói được thì đừng nói! Kỵ nhứt là nói dóc!

Nghe nói Trump tính hy sinh thân già, phục vụ tới hai nhiệm kỳ, tức 8 năm lận mà! Dân Mỹ phải tin mình trung thực, minh bạch (mới biết đường mà rờ), mới tiếp tục bầu cho mình để mình còn thêm cơ hội phục vụ nhiệm kỳ 2 nữa chớ!

Làm dân tin mới khó; chớ làm dân hết tin dễ ợt hè. Đừng để dân nói: ‘Ổng mở miệng ra là ‘xạo' thấy thương luôn!'

Một lần bất tín là vạn lần bất tin đó nhe! Hỏng có kinh nghiệm thì đi hỏi đảng Cộng sản Việt Nam là biết ngay đấy thôi!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.


 

 

   Sao quên mùi nước mắm?!

 

 dxt_nuocmam.jpg

Bảo Huân

 

Thưa chắc quý anh mình, ai cũng đã từng nghe bài hát ‘Thân Phận' do ca sĩ Giáng Thu trình bày mỗi tối trên đài phát thanh Sài Gòn vào cuối những năm 60, thế kỷ trước.

Em than rằng: "Tối qua có người đến nhà xin bỏ trầu cau/ Ba me đón chào chuyện hỏi cưới bàn thật lâu/  Em buồn em khóc biết bao nhiêu/ Nhớ anh và thương anh thật nhiều/ Nhưng lòng giận anh mình yêu nhau/ Cớ sao không tìm nhau?

Me thương em đến bên giường nằm/ Hôn trán em thì thầm: "Con nhỏ này dại ghê!  Mẹ chọn nơi quyền quý/ Người ta thế mà chê?!

Nhà họ sang giàu lắm/ Một bước lên xe hơi / Con khỏi phí cuộc đời/ Cưng nghe mẹ đi con/ Hai lần hai là bốn/  Thực tế vậy mà khôn"

Thưa theo tui thấy thực tế như Me em chẳng khôn chút nào cả?!

Cái nầy đâu phải là gả con, gầy dựng cho con gái mình nên vợ nên chồng mà là bán con mình cho những tay trọc phú. Con mình đâu phải là một món hàng mà đem đi, chỗ nào có giá cao là bán hè. Thiệt là bậy bạ quá!

Phần em nữa! Than cái gì? Thân mình mình lo! Lỡ có yêu anh chàng trên răng dưới dế, thì cứ can đảm dứt áo ra đi, bỏ nhà ‘dzọt' theo chàng! Cho dù chàng có chết nhát, sợ lính bắt về tội dụ dỗ con gái người ta... thì mình phải phân bày cặn kẽ khúc nôi là: "Dụ dỗ gái vị thành niên mới bị lính bắt! Còn em đã trên 18 tuổi rồi, đã có thẻ căn cước, thì ai làm được gì ai mà sợ chớ?

Nên ru chàng bằng câu ca dao: "Ði đâu cho thiếp theo cùng/ Ðói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam!" Chỉ đừng có no thì thiếp ở, lạnh lùng thiếp dông, là được! Vài năm sau, ván đã đóng xuồng, Tía Má em nguôi giận thì em cứ thản nhiên bồng thằng cu về thú phạt. Tới lúc đó banh chành hết ráo rồi, dù Tía Má em có chịu hay không cũng huề cả làng...

Ðừng có thèm năn nỉ ỉ ôi Má em gì sất! Ðừng kèo nài: "Má ơi đừng gả con xa / Chim kêu vượn hú biết nhà Má đâu?" Tự do luyến ái mà. Nghĩa là: yêu thằng nào là lấy thằng nấy.

Ông Trời ép uổng còn hổng được, huống gì Tía Má em là người phàm mắt thịt phải hông nè?

***

Thưa bà con, xúi dại mấy em như vậy nghe tưởng chừng hợp trào lưu hiện đại nữ quyền nhưng bây giờ thế kỷ 21 rồi mà nhìn quanh quất lại không phải vậy mới chết!

Vì nghe nói mấy em, nhứt là ở Miền Tây mình giờ, lấy chồng không cần yêu đương gì hết ráo! Ngay cả không cần biết thằng chồng tương lai mặt mày tròn méo ra sao hết. Cứ lấy đại, để bỏ cái quê nhà dấu yêu, bỏ luôn cái thằng Ðực chăn trâu cùng xóm đã từng cùng em thề non hẹn biển để em được bay đi Ðài Loan, Hàn Quốc gì đó cũng được.

Có em thành thật khai báo rằng: Nghe mấy chị em làm trước, lấy chồng nước ngoài được đi máy bay nên em ham! Thế nên Tía, Má em gả em cho Chệt Ðài Loan là em ưng liền để có dịp đi máy bay cho biết với người ta.

Phần anh Ðực cùng xóm, phèn quá thể! "Ðường về đêm tối canh thâu/ Nhìn anh em tưởng con trâu đang cười!" Nên em ỉ ôi với Má em là: "Má ơi đừng gả con gần/ Con qua xúc gạo nhiều lần má hao!"

Hậu quả là con gái trong xóm em, rủ nhau đi một bầy, lên Sài Gòn cho bọn Ðài Loan, Hàn quốc đến săm soi, sờ mó coi bự nhỏ... như đi mua một miếng thịt heo ngoài chợ vậy, thiệt là nhục!

"Hồi đó phải đi theo ‘Ðoàn'. Tức là có người mai mối, họ xuống tận nhà, ngỏ ý rồi đưa con chúng tôi lên Sài Gòn. Họ thuê nhà ăn ở để chờ ngày ‘ra mắt' các chú rể Ðài Loan, cam kết là sẽ chắc chắn có chồng người nước ngoài."

Cỡ nào cũng gả! Xứ này phần lớn các gia đình là có con gái lấy chồng Ðài Loan, chỉ trừ những gia đình không có con gái mà thôi.

Tới tháng Giêng năm 2015, quận Thốt Nốt có hơn 3,000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, trong đó nhiều nhất là lấy chồng Ðài Loan với 1,680 người và Hàn Quốc với 1,198 người!

***

Thưa! Ðảo là một vùng đất  nổi lên giữa biển khơi, nhỏ hơn thì gọi là Hòn, nhỏ hơn hòn, là Cù lao, thường là một dải đất nhô lên, nhờ phù sa bồi đắp lâu năm, ở giữa con sông lớn (sông cái) tư bề sóng vỗ, như  Cù lao Năng Gù ở An Giang, Cù lao Dung ở Sóc Trăng, Cù lao Bảo, Cù lao Minh, Cù lao An Hóa ở Bến Tre...

Mà cái tăm tiếng (hay đúng hơn là cái tai tiếng nầy) rùm beng hơn hết thảy là Cù lao Tân Lộc, cách Cần Thơ hơn 40 cây số, thuộc Thốt Nốt, bây giờ có cái hỗn danh là Ðảo Ðài Loan.

Từ quốc lộ 91, qua đò Thuận Hưng, Cù lao Tân Lộc nằm giữa con sông Hậu hiền hòa có tổng chiều dài trên 20 cây số, hình thành cách đây khoảng 400 năm.

Thoạt kỳ thủy, Cù lao toàn là bần gie đom đóm sáng ngời cùng lau sậy, trên cành cây là những chiếc tổ của chim dòng dọc, tựa như những ống tay áo, chiếc vớ vắt vẻo, đung đưa trong gió.

Sau đó ông bà mình díu vợ con từ miền Trung khô cằn, chó ăn đá gà ăn muối, đất hẹp người lại đông, vào đây đổ mồi hôi sôi nước mắt suốt nhiều đời, lập  được hơn 3,200 mẫu đất phù sa màu mỡ, không cần đến phân phướng gì hết ráo, để trồng dừa xiêm, dừa lửa, dừa dứa (nước ngọt, mùi thơm dịu), vườn cây ăn trái như mít, mận, ổi sầu riêng, chôm chôm, rồi trồng mía, nấu đường nên còn có tên là Ðảo Ngọt.

Hồi đang chiến tranh ác liệt khắp cả miền Nam thân yêu của chúng ta thì Cù lao Tân Lộc vẫn là một ốc đảo bình yên, dân chưa hề chịu đói bao giờ. Vậy mà sau 41 năm mất miền Nam, bậc làm cha làm mẹ ở cái đất Cù lao nầy lại phải bán con mình cho Chệt Ðài Loan, để từ những cái tên mỹ miều đáng yêu như Cù lao Tân Lộc, Cù lao Sa Châu (Cù lao cát), ‘Cù lao Tam Tỉnh' (vì nằm giáp ranh ba tỉnh: Sa Ðéc, An Giang, Cần Thơ), Ðảo Ngọt... thành Ðảo Ðài Loan mới thật là chua xót!

Hồi thời Pháp thuộc cũng có những gia đình túng quẫn đến cùng cực phải bán vợ đợ con để trang trải nợ nần, nhưng bà con lỡ lâm vào cảnh cùng khốn đó giấu biệt, không dám hé môi vì coi đó là một nỗi nhục gia phong, vậy mà giờ có ông  lại cảm thấy đó là hay, là hên... vì bán con gái mình cho Chệt Ðài Loan được giá!

"15 năm trước, gia đình sống nhờ vào mấy ruộng trồng mía, cả nhà có đến 8 miệng ăn, quay qua quay lại lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Những lúc túng thiếu phải đi hỏi nợ, cứ vậy ngày qua ngày, nợ mẹ đẻ nợ con, 7 công đất ruộng lần lượt mang ra bán, không trả đủ. Cùng đường, đành gả bán đứa con gái duy nhất ‘cho Ðài Loan' đã được hơn 10 năm rồi, với hy vọng nhỏ nhoi là con sẽ biết báo hiếu. Nhờ thế mà trong 5 năm đầu, tôi đã trả hết nợ nần. Sau mấy năm tích cóp thêm, tôi cũng xây được căn nhà tường cao vừa mới cất, rộng rãi và thoáng mát với những tiện nghi chẳng thua gì nhà ở thị thành, tốn hết 700 triệu (khoảng $35,000)." Rồi ông vui vẻ khoe thêm là: "Nó vừa gửi về cho tôi hơn 100 triệu (khoảng $5,000) để  tôi trị bệnh!"

Nhưng có người không mừng đâu mà rầu hết sức! Ðó là những thằng Cu của đất Cù lao Tân Lộc, lỡ sanh ra phận nhà nghèo, một cục đất chọi chim cũng không có.

"Bây giờ trai làng ế vợ nhiều lắm. Tôi 35 tuổi mà vẫn chưa có vợ. Ngày trước cũng quen một cô trong làng này, nhưng gia đình họ không cho cưới, vì tôi nghèo. Họ chỉ muốn con gái mình lấy chồng nước ngoài, bởi thế mà cô ‘người yêu' cũng vì chữ hiếu mà vâng lời cha mẹ!"

***

Mấy thằng Cu nầy thấy thế thái nhân tình như thế nản bèn thành nhà thơ hết ráo: "Buồn buồn ra ngõ đứng chơi/ Ai ngờ chó cắn buồn ơi là buồn!" 

Ðứa khác thì  sau vài xị sương sương, thương nhớ một mối tình xưa, cũng vì tiền mà tan vỡ, hát rằng: "Có con chim đa đa nó đậu cành đa/ Sao không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa?" Rồi một ngày: "Tình cờ tôi gặp lại em/  Ta đi chung trên một chuyến đò/  Con đò chiều đưa khách sang sông / Tình cờ ta nhận ra nhau/ Nghe mênh mông nhớ chuyện hôm nào/  Ðể đò chiều sóng vỗ lao xao...!"

Chú em ơi! Em yêu ngày cũ, nói cho tận cùng bằng số, tội nghiệp em, cũng là nạn nhân của tệ  buôn người (có Tía, Má em và sự ngầm dung dưỡng, khuyến khích để kiếm thêm ngoại tệ của chế độ thối nát nầy, vui vẻ nhúng tay vào đó) đấy thôi!

Chớ trong sâu thẳm lòng của mấy em đi lấy Ðài Loan nầy, cũng đau đớn như cắt ruột vì duyên số chia lìa. Vì chữ hiếu, vì chín chữ (cũng) cù lao nữa hè, buộc phải xịt nước tương, chan xì dầu thì cũng không thể nào quên được mùi nước mắm của chú em đâu?

đoàn xuân thu -

melbourne

  

 

CHƠI VẬY? CHƠI VỚI AI?

dxt_choivay.jpg 

 

Chẳng qua Donald Trump vừa nhậm chức Tổng thống Mỹ, ngồi chưa nóng ‘đít', đã a thần phù ký sắc lệnh tạm ngưng chương trình tiếp nhận người tỵ nạn, hạn chế người từ 7 nước (đa phần theo đạo Hồi) như Iran, Iraq, Syria, Somalia, Yemen, Sudan và Libya vào nước Mỹ.

Và vào thứ Bảy, 28 tháng 1 rồi, Trump nói chuyện trên điện thoại với Thủ tướng Nhựt Abe, Tổng thống Pháp Hollande, Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Nga Putin.

Merkel và Hollande đem cái Hiệp định Geneva, quy chế về người tỵ nạn mà ‘giảng đạo' cho Trump!

Mỗi cuộc điện đàm dài gần một tiếng, tổng cộng tới 5 tiếng đồng hồ...

Bị ‘xì nẹt' tơi bời nên Donald Trump nhức đầu quá hè! Mệt quá hè; nên quạu đeo hè!

Nên khi nói chuyện (cũng về vấn đề người tỵ nạn) với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull mới được có 25 phút là Donald Trump đã tức tối, dập cái máy nghe cái ‘cốp' không thèm nghe Malcolm nói nữa!

Chẳng qua là: Dưới thời chính quyền của Barack Obama, Washington cam kết sẽ nhận 1.250 người tỵ nạn đang bị nhốt ở các trại tập trung ngoài khơi Thái Bình Dương như Papua New Guinea và Nauru.

Bánh ít đi bánh quy lại! Úc sẽ nhận người tị nạn từ El Salvador, Guatemala và Honduras.

Vậy là cũng công bằng quá xá đi chớ! Vốn là đồng minh thân thiết như anh em ruột thịt thì cùng gỡ kẹt cho nhau! Vậy mà Donald Trump lại la ‘sảng' lên là:

"Bạn có thể tin được không? Chánh quyền Obama đã đồng ý nhận cả hai ngàn người tị nạn từ Úc. Tại sao hả? Tôi sẽ xem lại cái thỏa thuận ngu ngốc nầy!"

(Do you believe it? The Obama Administration agreed to take thousands of illegal immigrants from Australia. Why? I will study this dumb deal!)

(Vì có thể một trong số đó sẽ có đứa trở thành kẻ đánh bom như đã từng xảy ra ở Boston.)

Turnbull vẫn lễ phép, nài nỉ: "Đâu tới 2000. Chỉ có 1250 người tị nạn thôi mà!"

Trump cũng ngoan cố kêu ‘dẹp dẹp'... Trump hỏng muốn nghe thêm tiếng nào nữa hết!

 

***

 Ôi cái tình nghĩa đôi ta giữa Úc và Mỹ vốn hết sức thắm thiết! Từng mời nhau ăn với nhậu, từng thân chinh ra tới tận chân cầu thang máy bay, bắt tay bông rua bủa xua! Đâu phải mới đây mà từ hồi Thế chiến thứ Hai, thời Thủ tướng John Curtin, quyết xa rời mẫu quốc Anh để ngã vào vòng tay của anh cao bồi sao sọc Mỹ.

Từ độ ấy, Úc sát cánh bên anh bạn Mỹ bàn tay đầy lông lá, ít nhứt trong năm cuộc chiến lớn nhỏ! Trong đó máu binh sĩ Úc cũng đổ ra rất nhiều ở Việt Nam, Iraq và Afghanistan. Cho dù Úc đâu có quyền lợi cốt lõi gì ở Iraq và Afghanistan?

Chẳng qua hai nước Úc và Mỹ, ngoài những nét tương đồng về văn hóa, việc giao thương, đầu tư giữa đôi bên lên đến hàng chục tỷ đô la mỗi năm!

Ngoài ra, Úc còn chia sẻ tin tình báo tối mật của mình với Mỹ, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh.

Úc còn đồng ý cho Thủy quân Lục chiến Mỹ lập căn cứ đồn trú ở Darwin thuộc vùng Bắc Úc.

Chính vì vậy mà mấy đời Tổng thống Mỹ trước Donald Trump, ai cũng coi quan hệ giữa hai nước chúng ta là một quan hệ đồng minh trên cả tuyệt vời!

Dù đã có đứa, xấu miệng, than phiền là tiểu đệ Úc lệ thuộc quá nhiều vào đại ca Mỹ hè. Đại ca làm gì là tiểu đệ ‘cọp dê'; làm theo răm rắp hè!

Hơn 70 năm tình ta không chia cắt mà giờ Donald Trump lại tính rẽ thúy chia uyên, không nhớ những ngày mặn nồng xưa cũ! Thiệt là bẽ bàng duyên kiếp ba sinh hương lửa tình ta. Thiệt là đồ cạn tàu ráo máng. Chơi vậy thì chơi với ai hè?

Tui xin nước Úc cứ bình tĩnh, đừng run nhe! Vì nghe lời ‘tweet' của Trump rồi mình phản ứng thái quá là kiệt sức ngã lăn đùng ra mà xỉu cho coi.

Trump đã hứa hẹn thề thốt điều gì thì Trump sẽ giữ. Tin tui đi (như Trump thường hay nói). Còn nếu quý vị không tin thì hãy hỏi ngay mấy bà vợ của ổng là biết liền hè.

Thằng chả đã thề yêu em tới ngày răng long đầu bạc... mà giờ tới đời vợ thứ ba rồi đó! Thấy hông?

Nay Trump nói vầy; mai Trump nói khác là chuyện rất thường ngày ở huyện. Nên hơi sức đâu mà lo con bò trắng răng!

Dĩ nhiên cái vụ nầy dập máy giữa chừng là hỗn hào thái quá... sẽ gây tác hại. Nhưng quan hệ đồng minh cật ruột giữa Úc và Mỹ lớn hơn quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Úc nhiều.

 

***

Tui cũng xin Thủ tướng Malcolm Turnbull nhà ta cũng đừng tự ái mà chi. Đừng chấp nhứt một người đang bị bịnh.

Vì Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa bị giới tâm lý học Mỹ cho là đang rối loạn nhân cách vì mắc chứng ái kỷ!

Ái kỷ, theo chuyện đời xưa, chuyện thần thoại của Hy Lạp, là có chàng Narcissus rất đẹp trai nhưng không yêu ai hết ráo.

Vô rừng đi săn, nhìn xuống mặt hồ nước lung linh thấy... rồi yêu ngay cái bóng của chính mình.

Khát nước thấy bà, mà cái hồ đầy nước lại hỏng dám chỏ cái mỏ xuống mà uống... vì sợ sóng làm tan biết hình ảnh người thương... Nên cuối cùng khát quá lăn ra ngỏm củ tỏi.

Triệu chứng bịnh ái kỷ nầy là: ảo tưởng, tự cao tự đại, khát vọng được người khác ngưỡng mộ, luôn ham muốn thành công chói sáng cho chính bản thân mình.

Làm cái show truyền hình thực tế ‘The Apprentice' hồi xưa cũng tự cho mình là ‘number one'. Ai thay thế mình là ‘number ten' hết ráo.

(Nghe chê, tài tử Arnold Schwarzenegger, cựu Thống đốc California, (là một tài tử và cũng là một chính trị gia như Ronald Reagan vậy) tức ói máu, phản pháo: "Hey Donald, why don't we switch jobs?"

Nghĩa là: Donald chê Arnold làm truyền hình dở ẹt. Arnold chê Donald làm Tổng thống cũng dở ẹt... Nên đề nghị đổi ‘jobs' cho nhau!)

Bệnh ái kỷ không có khả năng nhìn ra sự thực. Ai dù nói hợp lý đến chừng nào cũng không thuyết phục được Donald Trump.

Ba triệu chị em mình bên Mỹ biểu tình rần rần, la ó rầm trời Trump cũng điềm nhiên tọa thị, không nhúc nhích gì hết ráo.

Trump chỉ muốn nghe những điều mình muốn nghe thôi. Khoái nói dóc, thổi phồng lên sao cho thỏa mãn cái tánh tự cao, tự đại của mình.

Cắt rời với sự thực; chỉ tin vào những điều xu nịnh. Còn những tin không tốt đẹp về mình đều là những tin vịt hết ráo (fake news).

Donald Trump tự cho mình là một lãnh tụ vĩ đại có quyền lực siêu nhiên như ‘Super man', siêu nhân, hay ‘Batman' tức người dơi, xuất chúng siêu quần tới không còn cái quần mà mặc.

Lúc nào cũng đòi hỏi thiên hạ phải thán phục mình, phải phục tùng một cách tuyệt đối, phải đề nghị hoan hô. (Cái nầy nghe coi bộ quen quen nhe!)

Trump là loại người đi xem trận chung kết bóng bầu dục Super Bowl và nghĩ rằng hàng trăm ngàn khán giả trên khán đài đang nói về mình.

Bệnh ái kỷ nầy có cảm giác như một người say rượu vậy. Dân nghiện rượu uống rượu để tìm quên rồi sau đó tự hủy diệt mình. Người bị bệnh ái kỷ kết cục rồi cũng rứa!

Người bị bệnh ái kỷ có lẽ do chấn thương tâm lý, lo lắng sợ bị thất bại khi còn trẻ thơ nên hung hăng càn lướt, bức hiếp kẻ thế cô, yếu đuối hơn mình, (Mỹ, Úc gọi là bullying) thiếu lòng trắc ẩn, không thương yêu đồng loại

"Không ai cư xử công bằng như Trump cả. Trump ghét Mễ và Mỹ đen như nhau!" Bạn không thể dùng logic để thuyết phục người như vậy.

Barbara Res, quản đốc xây dựng cũ của Trump nhớ lại: "Bệnh tình vị Tổng thống Mỹ thứ 45 đã nặng hơn rất nhiều so với 35 năm về trước. Tôi cầu mong đất nước sẽ sống sót qua nhiệm kỳ của ông ta."

Rồi có người ghét Trump, so sánh Trump như bịnh ung thư! So sánh vậy là không chính xác. Nên nhớ ung thư còn chữa được. Chớ Trump là vô phương; là bó tay chấm com!

Rồi tuần báo uy tín của Đức Der Spiegel đã cho đăng bìa số tháng Hai, năm 2017, với biếm họa ông Trump trảm thủ Nữ thần Tự do.

Rồi trong chương trình của đài WFBS phát sóng ở thị trấn Salem, bang South Carolina, tối 30 tháng Giêng, tin tặc chiếm sóng phát thanh và phát bài hát chứa những lời tục tĩu, chửi bới Tổng thống Donald Trump suốt 20 phút.

Bầu ổng lên rồi ‘xài xể' quá xá. Làm lòng tui cũng cảm thấy bất nhẫn!

Tui mà giàu cả tỉ đô như Donald Trump thì tui chỉ lè phè lo ăn chơi hè!

Hỏng thèm bon chen mà chi! Bảy mươi tuổi đầu! Trước sau cũng nắm cỏ khâu xanh rì! Sao không chơi đi... kẻo trễ!

 

***

Thưa bà con cuối tuần rồi tui hơi quá chén cùng mấy chiến hữu. Thả bộ về nhà, trời đã quá nửa đêm, trăng hạ tuần mờ mờ ảo ảo, tui lảo đảo đâm sầm vào cái hàng rào nhà hàng xóm sát bên; vì tưởng đó là nhà mình.

Hậu quả là mặt mày bị cắt mấy vết. Sợ bị phong đòn gánh, chết bỏ em yêu lại đứa khác nuôi dùm... uổng!

Nên tui chui vào phòng tắm soi gương, ráng chịu đau, xức cồn sát trùng, băng dính vết thương cẩn thận rồi len lén leo lên giường ngủ.

Mới tờ mờ sáng là đã nghe em yêu, tức con vợ tui tru tréo, lên rồi:

"Tối hôm qua lại xỉn phải không?" "Đâu có!"

"Thế ai bôi thuốc đỏ, dán bông băng đầy mặt gương soi đây hả?!"

Chết cha! Cười Trump bị bịnh ái kỷ, tức yêu thương chăm sóc cái bản mặt của mình quá đáng thì tui cũng vậy đó thôi!

Cùng bịnh ái kỷ như nhau; yêu cái bóng của mình; nên tui không dám cười Trump.

Chỉ xin là lần sau đừng ỷ mình Tổng tư lịnh một siêu cường duy nhứt còn lại trên thế giới mà đi ăn hiếp Thủ tướng của nước Úc tui nhe!

Nước Úc đất rộng người thưa nhưng tinh thần dân tộc chủ nghĩa lại dầy cui. Nước Úc trông ốm nhưng không có yếu đâu mà ông bạn Tổng thống Mỹ Donald Trump lại lên mặt làm tàng.

Nhớ hồi xưa George W. Bush, Tổng thống Mỹ, qua đây chơi nè. Đi vô rừng bụi của nước Úc mà cái gì cũng chê nước Úc tui rậm rề hết ráo hè.

Nông trại bạt ngàn rộng cả hằng trăm ngàn cây số vuông mà Bush chê nhỏ chưa tới phân nửa của cái nông trại chăn bò đất cao bồi Texas.

Đàn bò Úc, vang danh thịt bò nhúng giấm trên toàn thế giới, có xuất qua cả Việt Nam, lên tới hàng chục triệu con, nhiều hơn cả dân số Úc cộng lại mà Bush dám bĩu môi nói nhiêu đó nhằm nhò gì?

"Ủa sao cái gì, con gì của mình cũng thua nó hết trơn hết trọi hè?"

May có một bầy kangaroo đuổi nhau, phóng ào ào qua trước mặt.

Từ bé tới lớn, Bush chưa hề thấy bao giờ... Tuy bên Mỹ con nào cũng có... nhưng không có con nầy; bèn hỏi Thủ tướng John Howard của Úc lúc đó:

"Chu choa lạ quá! Con gì vậy hả John?"

"Bộ bên nước Mỹ của George không có con ‘cào cào' sao?"

He he! Vậy coi con... của đứa nào bự hơn?!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

"Em tên:Trần thị Mồng Tơi!"

 

 dxt_mongtoi.jpg

Chiều cuối năm, tui lấy 3 tuần nghỉ phép! Cày suốt cả một năm trời đăng đẳng; oải quá xá hè!

Nhưng chiều giáp Tết ở Footscray nầy buồn như dế kêu!

Bạn bè vốn thường xúm tụm nhau nhậu nhẹt tưng bừng đã tản lạc khắp bốn phương Trời. Đứa giàu thì đi Hokkaido, Nhựt Bổn để trượt tuyết; nhân tiện trốn luôn cái mùa hè cháy da, chảy mỡ của nước Úc. Đứa nghèo nghèo hơn thì bay về Việt Nam ăn Tết; nhân tiện đi uống bia ôm cho nó rẻ.

Tui thì thưa thiệt thuộc phân nửa dân trên địa cầu nầy, xếp vào loại nghèo mạt; nên không có tiền đi Nhựt Bổn. Còn về Việt Nam thì em yêu lại ra nghiêm lịnh, cấm tiệt, hỏng cho đi. Nên tui đi ngủ!

Nằm trên cái võng tòn ten sau vườn, nghe chim hót, tui lại mơ về những tiếng ‘chim' ngày cũ; mà hỏng tốn một xu nào...Quá đã!

Đang làm một giấc quá đã như vậy thì thình lình có một thằng đến nắm cái chưn tui giựt giựt. Dụi mắt ra nhìn; té ra là anh bạn Mười Nổ của tui.

(Chớ gặp đứa khác, dám phá giấc ngủ của tui làm: giấc Nam Kha khéo bất bình! Bừng con mắt dậy thấy mình tay không...Thì tui đã cho nó một đạp rồi...)

Mười Nổ cười hè hè, hỏi tui rằng: "Sao ngủ hoài vậy cha nội! Hỏng lo đi làm. Hèn chi nghèo là phải!"

Tui dấm dẳn: "Đi làm để làm gì?" "Thì để kiếm tiền!"

"Kiếm tiền để làm gì?" "Kiếm tiền để đầu tư; tiền nó đẻ ra tiền"

"Rồi nhiều tiền để làm gì?" "Thì để tận hưởng cuộc sống!"

"Thì tui đang tận hưởng cuộc sống đây nè! Cần gì mà phải lao tâm khổ trí như anh vậy! Tối ngày chỉ tiền và tiền.  Làm quá... chết; thằng khác nhào vô hưởng. Thì : tui và anh... ai ngu hơn ai? Thôi cha nội về lo kiếm tiền đi... để yên cho tui ngủ tiếp giấc mơ hoa!

Thưa! Khi bàn về cái vụ giàu nghèo hỏng biết bà con có bao giờ tự hỏi là: "Tại sao khi đi ăn nhà hàng hay đi nhậu nhẹt, người nghèo lại cho tiền 'tip' nhiều hơn người giàu?"

Câu trả lời là: "Người nghèo cho tiền 'tip' nhiều để người phục vụ không biết rằng mình nghèo. Còn người giàu cho tiền 'tip' bèo vì anh ta không muốn người phục vụ biết rằng mình giàu!"

Bài học rút ra là: Đời ai cũng có bí mật muốn giữ cho riêng mình. Sống để vậy! Chết đem theo! Chớ nhứt định không thèm hé môi cho thiên hạ biết!

Nhưng anh bạn nhậu Mười Nổ của tui giàu nứt đố đổ vách, trong khi thiên hạ dấu gần chết vì sợ bị ăn cướp hay bị bắt cóc đòi tiền chuộc thì ảnh tỉnh bơ, tỉnh như ruồi, hỏng thèm dấu gì hết ráo mà lại khoái khoe khoang, khoái nổ, giàu ít xổ thêm nhiều, nên mới có tên Mười Nổ đó chớ!

Sở dĩ tui nghèo rớt mồng tơi mà chịu khó muối mặt chơi với anh Mười Nổ là vì tui muốn học lóm cái bí quyết làm giàu của ảnh.

Ảnh đã từng dạy tui rằng: "Cho anh một con cá; anh chỉ ăn được một ngày. Dạy cho anh biết câu cá, tui biết chắc là anh sẽ ngồi trên xuồng câu và uống bia suốt buổi! Nên kết cục mèo vẫn hoàn mèo! Nghèo vẫn hoàn nghèo!"

Nghe thấy mà ghét!

Dù vậy phải công tâm mà nói: anh Mười Nổ ngày càng giàu vì tiền của ảnh là tiền cái, biết đẻ, biết sanh sôi nẩy nở. Còn tiền của tui là tiền đực!

Chính vì biết tui, nhà báo nghèo sặc máu như vậy nên nhậu nhẹt lần nào anh cũng móc xỉa, chi hết ráo làm tui cũng có phần áy náy!

Nhưng Mười Nổ gạt phăng đi: "Ái náy, ái ngại cái gì?! Đời mà bánh ít đi thì bánh quy lại. Đâu có ai cho không ai cái gì đâu?! Tình bạn nhậu của đôi ta cũng vậy! Tui tốn tiền; anh thì tốn thì giờ kể chuyện vui cho tui nghe! Phải thành thật khen là có duyên lắm làm bữa nhậu nào về tui cũng vui suốt tới một tuần giống như đi xem hài kịch của Hoài Linh và Chí Tài vậy đó!"

Thiệt là khẩu khí của một tay trọc phú làm một tay trọc lóc như tui nghe cũng tủi thân.

Vậy mà bấy lâu nay tui cứ tưởng bở là: Mười Nổ khoái giao lưu với nhà báo nói láo ăn tiền để chứng tỏ mình là một con người có học và biết đọc!

Ối! Hơi sức nào mà giận người dưng chớ! Chơi mà được đãi ăn, đãi nhậu thì ngu sao mà mình nghỉ...chơi?!

Nhưng bất ngờ thay Mười Nổ báo cái tin tui nghe giữa trời quang mà giống như sét đánh bên tai vậy!

"Chắc vài tháng tới đây, anh em mình ít có cơ hội mà bù khú nữa vì tui đã có một em yêu rồi... Sợ không còn thời giờ rảnh!"

Vậy là tui bắt đầu cuộc đời móc bọc! Rán không tin đó là sự thật bèn hỏi vặn lại rằng: "Thiệt chơi cha nội! Anh đã 72 tuổi rồi, bà xã anh đi bán muối đã lâu; sống độc thân sướng gần chết mà giờ đòi ăn mặn chi nữa vậy anh?"

Thì Mười Nổ móc cái 'Apple iPhone 7 Plus', sim tứ quý tận cùng 4 số 8; có mạ vàng ròng ra, kéo rẹt rẹt để khoe hình một người mẫu đồ lót, cũng là người trong mộng của ảnh cho đám bạn nhậu già khú đế như tụi tui thèm nhểu nước miếng và ghen tị với số đào hoa của một ông già 72 tuổi.

Té ra Mười Nổ và em yêu của ảnh cùng tuổi. Cùng số 2 và số 7. Nhưng Mười Nổ số 7 đứng đầu; còn em yêu của ảnh số 2 đứng đầu. Chỉ hoán vị (hàng chục qua hàng đơn vị) mà thôi. Nói trắng ra là ảnh 72 tuổi; em yêu của anh mới vừa 27 tuổi!

Hình hai người so le như đôi đũa lệch! Nàng chân dài tới nách và chàng lùn tè đứng chỉ tới nách của em. Đứng sóng đôi, nhằm má tựa vai kề mà với không tới; chỉ tựa được vào nách của em! Rồi cái lỗ mũi nào chịu cho thấu hỡi Trời?

Rồi Mười Nổ khoe thêm là chuyện tình tui được đưa lên mặt báo đó! Vì em yêu của Mười Nổ là một con người nổi tiếng mà! Người của quần... chúng!

"Mới tháng rồi nè, tui đi Hong Kong để nhập vài chục tấn đông trùng hạ thảo về Úc nầy đây để bán kiếm lời.

Hợp đồng thỏa thuận xong xuôi, tui bèn xuống phà qua sòng bài Ma Cau chơi cho nó biết. Tại đây, đêm đó, đời tui đã rẽ một khúc quanh!

Tui gặp em đang đánh bài! Người đâu gặp gỡ mà chi? Trăm năm biết có duyên gì hay không?

Gương mặt nàng tròn dễ mến, đôi mắt tròn xoe, bờ môi xinh mọng, chân dài thẳng tắp quyến rũ trong chiếc sườn xám xẻ tới mông, làn da trắng mịn màng như sữa dê vậy đó!

Nàng như đóa hoa sen trắng, ngây thơ, thật thà. Thấy tui 'cổ tại', nàng không ngần ngại mà gọi đại tui là "anh dấu yêu" làm con tim tui đã vui trở lại.

Quan niệm luyến ái của nàng là: "Lấy chồng nghèo cạp đất mà ăn hả? Nên em chọn lấy chồng giàu; chứ mấy thằng trẻ trai chỉ được cái mã thôi, tình yêu mà gặp khó khăn về tài chánh thì cũng nên để cho ngày ấy lụi tàn"...

"Già một chút cũng đỡ lo chuyện chồng cặp bồ này nọ, mèo chuột lăng nhăng. Chỉ lo cho có mình em là ảnh đã hết xí quách, nhăn răng rồi! Thì em không phải lăng xăng, lo đi đánh ghen, mướn giang hồ xé quần xé áo tình địch chi cho nó lôi thôi cò bót!"

Nên em quyết yêu anh, yêu...cho đến khi... anh chết!"

"Đừng sợ là tuổi xuân đang phơi phới, khao khát tràn đầy, em sẽ cắm sừng anh? Không bao giờ! Em sẽ tiết dục bằng cách ăn hột vịt lộn với nhiều rau răm! Rau răm sẽ làm lửa lòng em, dẫu đang cháy phừng phừng, cũng tắt!"

"À anh nói tui 72 tuổi, già khú đế rồi nên em chỉ yêu tiền của tui thôi hả?!"

"Thì đã sao nè? Thử hỏi trên cõi đời này ai mà không ham tiền?"

"Cũng có đại gia như Donald Trump chẳng hạn, trẻ hơn tui hai tuổi, giàu hơn tui nhiều thì sao em lại không yêu?"

"Tui hòa hợp với em cả tinh thần và thể xác!" "Trai tài, gái sắc"

Em yêu tui là vì tài; vì tui biết làm ra tiền bằng cách nhập khẩu đông trùng hạ thảo từ Tây Tạng về Úc, để bán kiếm lời!

Tui yêu em về sắc; vì em đã và đang làm người mẫu nội y, lừng danh ba vòng, trên sàn catwalk (trình diễn thời trang) trên toàn thế giới!

Anh lại nói, tui già rồi, đèn leo lắt cháy, bình dầu sắp cạn, sao đáp ứng được tình em là anh càng lầm to nữa đó!

Bà con mình thường hay nói: "Càng già càng dẻo càng dai. Gừng già thì gừng mới cay". Hơn em 45 tuổi! Chuyện nhỏ. Không có trở ngại gì hết ráo!  

Tui còn khỏe lắm, có bệnh hoạn gì đâu! Nếu có! Chỉ cao máu, cao đường một chút thôi mà! Và đừng quên là tui có thủ sẵn bùa yêu là thần dược viên màu xanh hy vọng Viagra.

"Tui lại là nhà nhập cảng đông trùng hạ thảo nữa. Thì đừng lo con 'trùng' của tui quặt quà quặt quại nhe!"

Nghe Mười Nổ khăng khăng như vậy; nên tui chỉ còn biết nâng ly lên: "Xin chúc mừng hai em!"

Thiệt là: Không có cách nào tự tử, tự giết mình sung sướng hơn là một ông già 72 tuổi gần kề miệng lỗ mà đi yêu một em mới 27 tuổi xuân thì!

"Nhưng nè! Em tên gì? Để  tui biết! Ra đường lỡ gặp, thì tui xưng hô cho phải phép, kêu bằng chị!"

Nghe hỏi! Mười Nổ bèn vò đầu bức tai một hồi lâu rồi hỏi lại: "Nè nhà thơ Kiên Giang có viết: "Tôi đã tương tư màu mực tím/ Từ ngày mới viết chữ A, B/ Cong queo dòng bút tình thơ dại / Chữ nghĩa đẹp trong nét vụng về?"

Là học trò nghèo không có tiền mua mực thì mình phải hái cái trái, cái trái gì để làm mực thay thế vậy?!"

"Ý anh muốn nói đến cái trái mồng tơi phải không?"

Mười Nổ bèn sung sướng vỗ đùi nghe cái đét: "Đúng! Đúng rồi!"Tên em là Mồng Tơi!"

"Còn họ của em hả?" Mười Nổ lại vò đâu bức tai một hồi lâu rồi hỏi lại:"Nè khi em không mặc áo gì ráo thì mình gọi là gì ha?"

"Ý anh muốn nói là em ở trần phải không?"

Mười Nổ bèn sung sướng vỗ đùi nghe cái đét: "Đúng! Đúng rồi!"

Tên họ em đầy đủ là: Trần thị Mồng Tơi!

Rồi anh Mười Nổ căn dặn tui rất kỹ càng: "Bất cứ giá nào cũng làm ơn nhớ kỹ tên em yêu của tui dùm một cái nhe! Để trong tương lai, anh có cơ hội diện kiến cùng em thì đừng có xớn xa, xớn xác tưởng em là con gà móng đỏ nào đó, rồi  nhào vô dê sảng...làm mẻ đi cái tình bè bạn bấy lâu nay; thì buộc lòng tui phải đoạn tình thủ túc với anh đó! Nhớ kỹ nhe cha!

dxt_mongtoi_2.jpg 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

  

 

DÒNG SỮA CA DAO!

dxt_dongsua.jpg

Bảo Huân 

 

 

Nhớ xưa khi mình thi tuyển đậu vào lớp Ðệ Thất là đứa học trò nào cũng phải học môn Quốc Văn, tuần 6 giờ, nhiều nhứt hạng so với mấy môn khác! (Chỉ có môn Anh Văn là dám đồng hạng mà thôi).

Quốc văn có hai phần Kim Văn và Cổ Văn.

Tui nhớ thầy Võ Văn Dung đã dạy cho đám nhỏ tụi tui ca dao ngay từ đầu niên khóa.

Thầy dạy rằng: "Ca là bài hát có chương khúc, giai điệu! Dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc, thường theo thể thơ lục bát cho dễ nhớ, dễ thuộc, được truyền miệng như những câu hát, lời ru con!"

Rồi lại nhớ tới sau 75, tui đang làm thầy giáo thì bị tụi nó cho về vườn, thầy giáo tháo giày, ngồi đưa võng ru con cho vợ nó đi làm, kiếm chục ký bo bo mỗi tháng.

Nhớ những câu ca dao ngày cũ, tui ru thiệt là muồi nhe! Thằng nhỏ thèm sữa mẹ, khóc lòi rún, tiếng khóc đã khàn, rè rè như dế kêu...

Dù vậy nghe một hồi ca dao thay sữa mẹ, điệu lên trầm xuống bổng cũng buồn... rồi ngủ ngon ơ.

Tiếng ru trưa hè, mang một nỗi niềm u uất của một người sa cơ lỡ vận thất chí, vang xa... qua nhà hàng xóm để con nhỏ Chín bờ đò láng giềng, chỉ cách một giậu mồng tơi xanh rờn, nó ‘cảm' ngang hông nhà thơ trong cõi nhân gian dù tui đã có vợ con đùm đề rồi.

Một hôm, em Chín bờ đò, nhân lúc vợ tui vắng nhà, thò đầu qua rủ rỉ rù rì, rủ tui cùng đi vượt biên với nó.

Mà tui lại không nỡ bỏ con vợ (tui) cho đành. Nên nhắn với em Chín bờ đò rằng: "Ba đồng một mớ trầu cay! Sao em không hỏi những ngày anh còn xanh. Bây giờ anh đã banh chành. ‘Mết' em thì cũng ‘mết'... nhưng bỏ con anh không đành." Vậy là em Chín bờ đò ‘dzọt' mình ên!

Giờ nghe nói bên Mỹ, em giàu lắm, tài sản có tới cả chục triệu đô la Mỹ... nhờ làm chủ hơn một chục cái nhà hàng chuyên bán bún mắm.

Thôi tình ta đã lỡ! Số tui chẳng được sang giàu thì đành để cho đứa khác hưởng vậy thôi. Giày dép còn có số! Tiếc con cá sổng mà chi kẻo con cá còn trong rộng, tức em yêu, tức con vợ tui nó biết được tui một mặt hai lòng tham đó bỏ đăng, thấy trăng quên đèn nó xuống tay tàn độc, hạ thủ là đời tui coi như vãn hát sớm.

 

***

Thưa bây giờ thằng con tui ngày cũ đã lớn khôn, đã cưới vợ, và có con y hệt như tui ngày xửa ngày xưa vậy.

Chiều cuối năm, mang thằng cu, con nó, về gởi để hai vợ chồng đi ‘holiday',  sau một năm cày ná thở, ít có thời giờ cho tình ta cầm sắt nên tình đà nguội ngắt, phải đi... hâm cho nó nóng.

Thằng cu vắng hơi mẹ, cứ khóc i ỉ hoài mà em yêu tui dỗ không thèm nín.

Tui tài khôn: "Ðể nó cho anh!" Rồi bồng thằng nhỏ ra ‘ga ra' đằng sau hè, nơi tui có giăng chiếc võng.

Ðặt thằng nhỏ lên, lắc qua lắc lại theo nhịp võng đưa, tui ầu ơ: "Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành. Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em!"

Muồi tận mạng nên thằng cu thôi khóc hu hu... mà lại ngáy khò khò. Tui nghe còn buồn ngủ thì nói chi tới thằng nhỏ chớ!

Ngồi gục gặc, lim dim, tui thả hồn về quê cũ.

 

***

Quê người, tiếng Anh, tiếng Em... tui bù trất nhưng nhất định không chịu học, bởi khó quá nên đành cam phận làm cu li làm hãng với mấy cái máy chạy rầm rầm hoài.

Phần cũng vì: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời. À à ơi! Tiếng ru muôn đời. Tiếng nước tôi. Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui. Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi. Tiếng nước tôi."

"Tàu súp lê một còn trông còn đợi/ Tàu súp lê hai còn đợi còn chờ/Tàu súp lê ba tàu ra biển Bắc/Tay anh vịn song sắt, nước mắt chảy ròng ròng/Anh lấy khăn mu soa ra chậm/Cái điệu vợ chồng ngàn dặm không quên."

Khăn mu soa (mouchoir) là khăn tay dùng chậm nước mắt. Nên sau nầy mấy em yêu mình tin dị đoan, cữ không dám còn thêu con... ‘chim' trên khăn mu soa mà tặng anh ngày tiễn biệt vì ảnh dông luôn.

Còn súp-lê (souffler), hú còi tàu, nhắc bộ hành lẹ bước xuống làm hành khách vì tàu sắp nhổ neo.

Câu ca dao nói lên nỗi buồn ly biệt mà cũng còn có thể là vĩnh biệt giữa đôi vợ chồng trẻ lâm vào cảnh trái ngang vì phận nghèo, không có tiền lo lót để trốn lại, phải bị bắt đi lính cho Tây trong Ðệ nhứt Thế chiến (1914-1918) phải xa vợ, xa con, xuống tàu đứng sau song sắt như bị ở tù, hổng khóc làm sao được?

Xúc cảm như vậy mới làm được bài thơ não lòng, bi thiết. Rồi bài thơ đó trải qua biết bao thử thách của thời gian mới được trở thành ca dao, thành tiếng hát ru cho thân phận những người cùng khốn cũng như tui ngày cũ vậy.

 

***

Rồi hồi xưa Bến Thành là một bến sông, nơi ghe thuyền đậu tấp nập, từ Sài Gòn ra biển rồi lên cửa sông Tiền Giang, tàu ghé lại đỗ rước hành khách: Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Ðéc, Cái Tàu, Cao Lãnh, Hồng Ngự, Tân Châu, rồi tiếp tục lên Nam Vang.

Sau khi đã vững chân trên đất Nam Kỳ, năm 1860, Tây đã cho xây cất lại chợ Bến Thành bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá.

Ðến năm 1911, Tây cất lại một chợ mới, lớn hơn do việc buôn bán ngày càng sầm uất.

Và câu ca dao: "Mười giờ tàu lại Bến Thành/ Súp lê vội thổi bộ hành xôn xao" có nghĩa gì?

"Mười giờ tàu lại Bến Thành" là tàu thủy nó cặp vô bến sông tên Bến Thành. Mới cặp vô mà đã vội thổi súp lê để chạy trở ra liền mà không kịp cho khách xuống mà quày quả, tách bến, quay đầu chạy trở ra sông, làm bộ hành, người đang đi trên bộ trên bến chuẩn bị xuống nhưng không được nên rất xôn xao vì sự việc rất bất ngờ.

Chẳng qua là do Sài Gòn đang có cuộc binh biến.

Lịch sử cho biết rằng: Phan Xích Long tên thật là Phan Phát Sanh (1893 -1916), căm thù giặc Pháp nên ông học cách làm lựu đạn, tự chế bom để làm vũ khí khởi nghĩa.

Nhân dân ở khắp nơi như Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Long An, Bến Lức, Cần Giuộc theo rất nhiều.

Khuya ngày 23 rạng ngày 24 tháng Ba, năm 1913, Phan Xích Long cho gài bom tự chế tại Dinh thự quan Thống Ðốc Pháp, Khám lớn Sài Gòn, rải truyền đơn, dán bố cáo hiệu triệu nhân dân nổi lên chống  Pháp.

Không may, bom nổ trước giờ quy định vài trái, nên quân Pháp có thời giờ phòng bị, cho gỡ những quả bom còn lại, đồng thời xua quân truy tầm nghĩa quân.

Cuộc nổi dậy bất thành, Phan Xích Long chạy ra Phan Thiết thì bị bắt giải về Sàigòn, bị xử chung thân khổ sai, giam tại Khám lớn.

Ba giờ sáng, rạng ngày 15, tháng Hai năm 1916, hằng mấy chục ghe thuyền cặp bến Cầu Ông Lãnh, nghĩa quân cầm gươm, giáo, mác xông lên đánh vào dinh quan Thống đốc Pháp để dương đông kích tây, nhưng mục tiêu chánh là: vào Khám lớn để giải thoát cho Phan Xích Long cùng chiến hữu,

Nhưng do có phòng bị trước nên Pháp phản công kịch liệt bằng súng đạn tối tân khiến nghĩa quân thua to, hầu hết đều bị Pháp bắt.

Ngày 22 tháng Hai năm 1916, Pháp xử tử Phan Xích Long. Năm đó ông mới 23 tuổi.

Do đó hai câu ca dao nầy ghi lại việc Tây trong cơn hoảng loạn, sợ dân mình dưới tàu khách nhảy lên tham gia cuộc binh biến nên tàu mới cặp bến, khách chưa kịp lên, là Tây nó đuổi phải chạy trở ra liền.

Chỉ hai câu lục bát ca dao mà lại là một thiên anh hùng ca, ghi lại lời vĩnh quyết của dân mình với những người tay không, chỉ có giáo mác, gậy tầm vông nhưng đầy lòng yêu nước, dám đứng lên chống lại sự đô hộ sưu cao thuế nặng của thực dân Pháp.

Ru con, ru cháu bằng ca dao, như truyền cái dòng sữa ngọt ngào của quê mẹ để sau nầy dầu ở quê người có học hành giỏi giang, rỡ ràng danh phận, thì cũng đừng bao giờ quên quê mình vẫn còn chìm trong vòng cùng khốn .

 

***

Thưa bà con! Chiều cuối năm, nhớ nhà, nhớ nước, nhớ Sài Gòn quá đỗi!

"Ôi cố hương! xa nửa địa cầu / Nghìn trùng kỷ niệm vẫn theo nhau..."

Thì em yêu trong nhà gọi vọng ra: "Ông nội ơi! Bồng thằng nhỏ vô kẻo muỗi cắn!

Em có xào cho ông nội một dĩa thịt bò nè, để thưởng công ru cháu"

Nghe vậy tui khoái quá Trời nhe!

Tui sẽ: "Ðêm nay ta đốt sầu lưu lạc/ Trong khói men nồng hạnh phúc xưa."

 

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Chuyện hai con cua!

dxt_cua.jpg 

 

 

Thưa mấy ông anh mình vốn có tinh thần văn nghệ văn gừng, thường nằm tòn teng trên võng, nghêu ngao vài câu vọng cổ (để nhắn nhủ với hiền thê đừng bao giờ biến thành con ác phụ); chắc đều biết cái bài vọng cổ: "Lòng dạ đàn bà hay chuyện hai con cua!" của soạn giả Viễn Châu?!

Chuyện rằng: Vua nước Sở, hưỡn, đi câu, thấy trong một cái hang, con cua cái đang nằm lột vỏ, còn con cua đực ngày đêm lo canh giữ vợ hiền, quên cả việc ra đi tìm mồi cho đỡ đói...

dxt_2cua.jpg

Nhưng đến ngày lột vỏ của con cua đực thì con cua cái mặc tình đi dọc, về ngang. Bỏ con cua đực nằm quạnh hiu ngóng trông ‘mình' về! Vậy mà con ác phụ nầy đã đem lòng bạo tàn... nhẫn; dẫn về một gã nhân tình có đôi càng to lớn, đến xé xác ông chồng xấu số, vô duyên!

"Đàn bà lòng dạ hiểm sâu, ngoài môi lại nói những câu chung tình!"

Hai vợ chồng cua là vậy còn hai vợ chồng chú thiếm Ba nước Sở bên Tàu hỡi ơi cũng y chang vậy mới chết!

Sắc lệnh triều đình ban ra là: Đàn bà Sở quốc, ai can đảm giết chồng; thủ cấp dâng lên, được ban nhất phẩm phu nhân, lụa là gấm vóc, vàng ròng đầy xe.

Loa đây, loa đây! Là từ mệnh phụ phu nhân, cho đến trang thiếu nữ chung tình, đông như đi hội chợ ‘Tết', đem đầu người yêu máu me còn chảy ròng ròng đến hoàng cung để mong... hưởng lộc triều đình!

Thưa tui không thể nào tin được chuyện nầy đâu. Chắc tác giả thêm thắt chớ đâu phải thiếm Ba nào cũng là ác phụ hết trơn. Thấy có gấm vóc, lụa châu báu là ngộ cho nị chết Tía nị luôn?!

dxt_cua_tho.jpg

Nếu thiệt vậy thì nước Tàu đã diệt vong từ thuở ấy; vì chỉ còn lại toàn là thiếm Ba không hè; còn chú Ba, nơm nớp sợ vợ giết mình để lãnh thưởng, chắc đã hè nhau trốn lên Hoa sơn để thành khỉ hết trơn rồi?!

Thử lòng thiếm Ba xong; Vua nước Sở lại rắn mắt, thử lòng chú Ba nữa chớ!

"Ai can đảm giết chết vợ nhà? Trẫm sẽ chia phân nửa giang san Sở quốc."

Nhưng một năm trời lặng lẽ trôi qua, không có một người đàn ông nào đến bệ rồng lãnh thưởng.

Bỗng một hôm có một gã nông phu nghèo khổ, áo chẳng đặng lành, cơm chẳng đặng no, đến Sở Vương xin vua trao gươm báu để về nhà giết vợ. Nhưng khi về đến nhà, đứng trước túp lều tranh, nghe tiếng vợ hiền ru con buồn não ruột.

"Bệ hạ ơi, ngu dân thà chịu chết, chớ không thể nhẫn tâm mà giết thác vợ cho đành!."

"Cho hay trong đạo vợ chồng, biết ai chung thủy, ai lòng bạc đen?!"

Thưa tui không tin; nhứt định không tin câu chuyện hư cấu nói xấu toàn thể phụ nữ như thế nầy đâu!

Bây giờ qua Úc, lâu lâu đọc báo cũng có thấy cái tin vợ giết chồng; chồng giết vợ... vì ngoại tình, vì tiền bảo hiểm nhân thọ, quả là cũng có. Nhưng hiếm khi xảy ra lắm kìa.

dxt_kiry.jpg

Rồi mới đây tui đọc báo thấy trang sau chia buồn. Chẳng qua là chánh phủ Brazil bên Nam Mỹ chia buồn cùng chánh phủ Hy Lạp bên Âu Châu!

Kyriakos Amiridis

Ông chồng xấu số là: Kyriakos Amiridis, bây giờ 59 tuổi, đã từng làm Tổng lãnh sự Hy Lạp ở Rio từ năm 2001 đến năm 2004. Ông cưới Francoise De Souza Oliveira, người Brazil, bây giờ 40 tuổi.

Cặp vợ chồng này đã sống với nhau 15 năm và có một đứa con gái 10 tuổi.

Amiridis thăng chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hy Lạp tại Brazil vào tháng Giêng, năm 2016.

Đường công danh của ông lên nhưng đường tình duyên ‘cạo da đầu, cầu gia đạo'... thì gặp nhiều sóng gió!

Vợ ông là Oliveira ‘tằng tịu' với một tay quân cảnh tên là Sergio Gomez Moreira, mới 29 tuổi.

Sau nầy, hung thủ Moreira khai rằng: đã có một cuộc ẩu đả với ông Amiridis sau khi nghe bà Oliveira khóc lóc, khúc nôi về việc ông Đại sứ đánh đập mình!

Hung thủ đã siết cổ ông chồng bất hạnh nầy tới chết.

Xong kêu một đứa em bà con là Eduardo Moreira de Melo, mới 24 tuổi, đến gói xác nạn nhân vào trong một chiếc thảm, bỏ vào xe, chạy xuống một chân cầu, đốt trụi tất cả để phi tang.

Nếu tội ác êm xuôi, thì 30 ngày sau, tòng phạm sẽ được bà Đại sứ ‘black widow' (góa phụ áo đen) nầy tưởng thưởng 80 ngàn reals (tiền Brazil) bằng khoảng 25 ngàn đô Mỹ.

Lưới Trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó lọt!

Trước lời khai tiền hậu bất nhất của con ác phụ nầy. Cảnh sát bèn điều tra tìm thấy vết máu của nạn nhân trong phòng khách của căn nhà hai vợ chồng đang nghỉ lễ.

Góa phụ áo đen nầy chối không có tham gia vào vụ giết chồng nhưng thú nhận là có biết vụ sát nhân nầy.

Dĩ nhiên làm ác là phải đền tội trong ngục tối! Nhưng mấy ông anh mình đọc tin xong ai cũng phát rét: "Kinh khủng thật! Ôi, đàn bà là những niềm đau! Một khi máy bay bà già si tình phi công trẻ thì thật là nguy hiểm cho đức lang quân; vì ra tay tàn độc đúng như là con cua cái trong bài vọng cổ Lòng dạ đàn bà tức chuyện hai con cua của soạn giả Viễn Châu."

Thưa dẫu câu chuyện ghê tởm nầy xảy ra đã làm tui lạnh xương sống; cóng xương sườn; nhưng tự trong thâm tâm, tui vẫn hằng nghĩ không chút suy suyển chút nào, là: Đàn bà đâu phải ai cũng ác như bà nầy đâu. Chỉ là trường hợp cá biệt đấy thôi.

Không yêu nữa thì cứ ra Tòa ly dị, tài sản chia đôi, rồi "Anh đi đường anh, tôi đường tôi, Tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Đã quyết không mong xum họp mãi. Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?"

Chớ nỡ lòng nào mà xúi tình nhân giết chết người đã từng đầu ấp tay gối với mình suốt mười lăm năm dài; mà lại là cha của đứa con gái còn bé bỏng của mình mới vừa lên 10 tuổi. Ác gì mà ác dữ vậy hỏng biết?!

 ***

Thưa trở lại chuyện hai chúng mình! Vợ chồng người ta giết nhau không gớm tay như vậy nhưng vợ chồng tui là hỏng có chuyện đó rồi. Tui cam đoan chắc như bắp vậy.

Vì một là dù em yêu dẫu có xúi tui rất nhiều lần; nhưng tui cương quyết không bao giờ mua bảo hiểm nhân thọ cả...

Hai là lâu lâu tui cứ hỏi em hoài hè: Nếu em không còn yêu anh nữa mà có yêu ai đó xin em cứ tự nhiên như người Hà Nội! Lội đâu thì lội... nhớ tha chết cho anh nhe!

dxt_couple.jpg

Ôi nhớ hôm xưa ngày cưới em, chu choa lạy muốn sói trán luôn mới có tiền mừng cưới chớ. Nhưng ông Ngoại của em yêu dễ dãi: "Thôi miễn! Bây khỏi lạy! Mai mốt tao chết; lạy luôn một lần cho nó tiện!"

"Còn bây giờ hai đứa vảnh lỗ tai lên mà nghe ông dạy đôi lời để tụi bây theo đó mà ăn đời ở kiếp với nhau; cho đến ngày răng long đầu bạc."

"Nè thằng chồng bây nếu không muốn chết bất đắc kỳ tử, chết tức chết tối, chết không kịp trối, muốn an toàn trên xa lộ và thanh lịch trong thành phố thì đừng bao giờ mèo mả gà đồng! Nếu làm con vợ bây nó ghen... là bây chết chắc!"

"Còn con vợ thì: Không chồng đi dọc về ngang; có chồng cứ thẳng một đàng mà đi nghe không?"

"Nhớ đừng có luông tuồng! Liếc thằng nầy một cái; cười mĩm chi với thằng kia một cái! Có chồng rồi mà cứ tưởng mình như thời son giá vậy!"

"Cà chớn lửa... coi chừng chồng bây nó đập cái mặt te tua, má nhìn hỏng có ra! Vì ca dao có câu rằng: Không đánh thì bậu luông tuồng! Dang tay đánh bậu để buồn lòng qua!"

Ôi ông Ngoại nầy xưa rồi! Cứ khoái dùng bạo lực gia đình không hè! Nó xí xọn một chút mà hăm dọng phù mỏ, xưa được; chớ giờ nó đi thưa lính bắt thì thêm phiền phức!

Nó xí xọn; kệ nó chớ! Nếu lỡ bực mình quá, ở không được nữa thì cuốn nóp dông cho nó phẻ hè!

Chính vì ngay từ đầu tui đã suy nghĩ chín chắn như vậy nên mới yêu em được dài lâu đó chớ!

dxt_justmarried.jpg

Tuần rồi là kỷ niệm 50 năm ngày cưới của đôi ta, tui đề nghị với em yêu là: tui sẽ ăn mừng y hịt như năm rồi! Em yêu rất vui vẻ. giơ hai tay lên, đồng ý!

"À! Anh sẽ đi chợ, tự nấu ăn. Còn em thì về bên Má em!"

Con vợ tui nghe vậy, mặt chù ụ một đống, xách xe dông về bên Ngoại.

Chu choa, vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm! Tui móc cái ‘mobile phone' ra gọi cho một chiến hữu, bạn thiết của tui đến nhà nhậu.

Nó đến nhà tui, đều khỏ cửa bằng chân... Vì hai tay mắc bận ôm một thùng bia xịn hoặc năm thì mười họa, chơi xộp hơn, là một chai rượu quý!

Dọn bàn đặt mâm! Khệ nệ bưng ra một dĩa thịt bò Úc xào cải rổ, có nước sốt ‘Made in Hong Kong'! Rượu khui kêu lốp bốp!

"Kỷ niệm 50 năm ngày cưới! Bí quyết nào mà yêu em dài lâu vậy cha nội?"

"Chẳng qua khi cưới vợ về rồi cuộc hôn nhân đã dạy cho tui rất nhiều điều: Trung thành, biết lúc nào phải giữ thinh lặng, biết dằn cơn tức, biết không nên la lối hay mở miệng ra là chửi thề bốp trời thiên, biết tha thứ, biết trốn ra nhà xe mà khóc một mình; rồi kêu con khổ lắm má ơi; mà chẳng ai đoái hoài gì tới!

Những đức tính đó tui chưa hề có khi còn sống độc thân!"

Rồi có câu chuyện vầy nè: Một bà long trọng loan báo với bạn bè rằng: "Em sẽ làm đám cưới lần thứ tư!" Quá đã! Ai nấy đều gọi điện thoại, gởi ‘mét sịt' và lên cả ‘facebook' để chúc mừng!

Nhưng có chàng cắc cớ lẫn tò mò nên hỏi: "Nếu em không phiền khi anh vô phép đi ‘bốt đờ sô' vô đời tư của em thì cho anh hỏi: Chuyện gì đã xảy ra với ông chồng đời thứ nhứt của em vậy?"

"À! Anh ấy ăn nấm rừng nên chết!" "Cha! Thiệt là tội nghiệp!"

"Còn ông chồng đời thứ hai?" "À! Ảnh cũng ăn nấm rừng rồi chết!" "Trời đất ơi! Đời tình ái truân chuyên của em quả là một bi kịch!"

"Còn anh chồng đời thứ ba?" "À! Ảnh chết vì bị gãy cổ?

"Trời đất ơi! Sao đến nỗi ảnh bị gãy cổ vậy em?!"

"À! Tại vì ảnh không chịu ăn nấm rừng đó anh!"

Thú thiệt với quý anh mình! Tui không muốn ăn nấm rừng đâu. Vì đời còn đẹp lắm hỡi đời ơi!

Nói trắng ra là: Hôn nhân dài lâu là vì tui sợ vợ thiệt! Còn nếu con vợ tui không thèm yêu tui nữa thì cứ tự nhiên yêu thằng khác; chỉ xin đừng xúi nó giết tui là được.

Phần tài sản, tiền bạc có nhiêu, tui nhậu hết bấy nhiêu thì việc gì sợ bị ‘sát nhân đoạt của' chớ!?

Do đó con cua đực nào sợ con cua cái... thì cứ tự nhiên sợ! Còn bài bản tui đã thủ kỹ rồi; nên tui không hề sợ con cua cái nào hết ráo!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Anh Ba Gà!

dxt_ga.jpg 

Trước ngày 30 tháng Tư năm 75 tới, những người có kinh nghiệm đau thương ở miền Bắc trước 54, rất thông minh, nhanh nhạy với thời cuộc, đã bỏ nước ra đi trước khi Trời sập!

Nhưng cũng có người có thể đi được nhưng chọn ở lại. Sau bị quê xệ vì lầm!

Nên xa em rồi nhớ em nhiều; bèn viết nhạc để trải nổi lòng... thòng!

Dù biết thân, nịnh nọt hết mức, vẫn bị bọn Tuyên huấn kiểm thảo ráo riết, phê bình nặng nề là tiểu tư sản. Em ôm chân đế quốc Mỹ chạy đi rồi mà khóc than cái nổi gì?

Thiệt là cái gân gà khó nuốt! Nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đổ mồ hôi hột, buộc phê phán em Khánh Ly qua bên đất Mỹ hỏng có tiếng gà gáy trưa đâu nhe!

"Em ra đi nơi này vẫn thế/ Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ/ Vườn xưa vẫn có tiếng Me ru/ Có tiếng em thơ / Có chút nắng trong, tiếng gà trưa!"

Lúc đó, tui cũng muốn dọt hết sức; giờ nghĩ vẫn còn ấm ức; vì không biết cách nào?! Chỉ biết chạy vô chạy ra như con ‘gà mắc tóc!'

***

Thưa bà con! Năm nay, năm Đinh Dậu, mình bàn về con gà mái trước. "Lady first" mà!

Gà mái, chân dài tới nách, trường túc bất chi lao như bao em hoa hậu, là biểu tượng sinh sản, lông rực vàng nắng xuân...trông rất đáng ‘cắn'yêu!

 

dxt_caution.jpg

Úc gọi một người nữ là ‘chick' (gà); để ca ngợi mấy em!

"What are the chick's doing tonight?" "Các nàng sẽ làm gì tối nay?"

Nhưng mấy thằng Úc lựu đạn cũng có một thành ngữ là ‘bird brain', não như chim; nghĩa là nhỏ nên ngu?!

Gà mái tơ cũng là một loại ‘chim' khờ khạo, ngu quá xá là ngu! Nên Úc gọi em là ‘chick' có nghĩa là đẹp, hấp dẫn; nhưng cái đầu trống rỗng. Thiệt là bậy bạ! Phân biệt giới tính... vì dê em hỏng có được?!

Do đó muốn dê sảng mấy em Úc tóc vàng sợi nhỏ, cái mỏ cong cong; thì đừng có khờ, ngu ngơ gọi ‘chick' nầy ‘chick' nọ! Kẻo không còn cái răng mà ăn cháo gà.

Việt Nam mình gọi em là gà, trước Úc vài trăm năm lận! Bằng cớ, ca dao, "Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân".

Rồi em trẻ đẹp như gà tơ mà phải lấy một ông già (như tui chẳng hạn) bèn than thân trách phận như vầy: "Gà tơ xào với mướp già/ Vợ hai mươi tuổi, chồng đà sáu mươi/ Ra đường chị giễu, em cười/ Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng/ Đêm nằm tưởng cái gối bông/ Giật mình gối phải râu chồng nằm bên/ Sụt sùi tủi phận hờn duyên/ Oán cha trách mẹ tham tiền bán con!"

Còn về con gà trống, thì anh Ba Gà, bạn nhậu của tui, thôi ca tụng con gà trống hết biết đi. Điều đó không làm tui ngạc nhiên chút nào hết! Vì trong khai sanh ảnh tên Dậu, sanh năm Dậu. Ảnh thứ Ba trong nhà, nên bà con lối xóm kêu là anh Ba Gà.

Anh Ba Gà gáy rằng: Gà trống có đủ 5 đức tính mẫu mực theo mấy chú Ba Tàu là: văn, võ, dũng, nhân và tín?!

Văn: Hai cái mào ở dưới nhìn như mũ cánh chuồn của ông tiến sĩ, chữ nghĩa đầy mình... Võ: cựa gà như dắt bên chưn hai cái dao găm.

Dũng: liều chết đánh nhau dẫu xù lông tước máu, để bảo vệ lãnh thổ biên cương và đàn gà mái của mình! Nhân: có ăn thì ‘túc túc'gọi một bầy gà vợ và đám gà con của mình cùng mổ!

Cuối cùng là Tín: luôn gáy đúng giờ, giữ lời... bất kể Sài gòn giờ trời mưa hay nắng ?!

Anh Ba Gà còn thêm rằng: Xa quê đã lâu nhưng đêm ngủ với con gà mái của ảnh; nàng không có gáy mà chỉ ngáy. Nên anh nhớ vô cùng tiếng gà gáy trưa eo óc, chơi vơi, lảnh lót vang xa !

Theo anh Ba Gà dày công nghiên cứu đồng loại thì: Cứ bình minh! Gà như chiếc đồng hồ chạy bằng thóc, đập cánh, vươn cổ gáy là do đồng hồ sinh học của nó, tạo hóa có lập trình sẵn.

 

dxt_2ga.jpg

Nhưng ban ngày, gà trống gáy là để dụ khị mấy em gà mái (ham nghe hát hò) đến cho chàng đạp mái!

(Giành gái thì ghét nhau vì tiếng gáy. Con người nào có khác gì đâu?!

Trong bàn nhậu bốn người, thì ít nhứt có hai chiến hữu gáy đã lỗ tai luôn!

Tui vẫn ngồi cười ruồi, chăm chăm gắp mồi, đưa vô miệng nhai rau ráu rồi chiêu thêm một cốc whiskey. Vì trộm nghĩ đi ăn nhậu, nghĩa là ăn rồi nhậu chớ đâu phải vô trường gà mà lại gáy te te!)

Người Việt mình quan niệm vật dưởng nhân. Nên nuôi gà dù mến tay mến chân nhưng cuối cùng thân phận gà là phải nhảy vô nồi cháo...

Gà được làm thịt để cúng trong đám giỗ, đám cưới. Đám là có thịt gà...

Tết cũng có luôn! Chiều 30, rước ông bà về vui ba bữa. Tới ngày mùng Ba gọi là cúng tất cũng là gà.

"Khách đến nhà không gà thời vịt!" Lòng hiếu khách của bà con Lục tỉnh Nam Kỳ mình vậy đó; nên khi nhà có khách là đám gà mừng lắm ...vì sắp được đi đầu thai rồi.

Anh Ba Gà, thuật lại cuộc tình ái truân chuyên của ảnh như vầy: Sau ba năm đi ở rể, chai cả hai vai, gánh nước đêm trăng để tìm bạn chung tình!

Mà nhà gái hà tiện, hà tặn cho ăn uống cực kỳ kham khổ. Miếng thịt gà xé phay chỉ thấy trong mơ! Chỉ giếng đâu thì dắt anh ra kẻo anh chết khát vì cà nhà em!

Tía Má anh Ba Gà trầu rượu coi Tía má em đòi thêm sính lễ gì nữa để đi cầm đồ có tiền cưới vợ cho thằng cu của nhà mình.

Má em tằng hắn, sai tui đi cắt cổ gà nấu cháo, xé phay, để đãi Tía Má tui!

Ghê quá ai làm tui ăn thì được. Phần tui tên Ba Gà nữa kêu cắt cổ gà, tui từ chối! Cắt nó không chết tội nghiệp!

Nghe bà già vợ tương lai lầm bầm gì đó! Rồi thấy bả tự tay hạ thủ; nhưng con gà không chết; chạy cà niểng vòng vòng, máu chảy ròng ròng... trông rất thảm thương!

Tui khèo em Chín bờ đò, người vợ tương lai của tui, ra sao hè, nói nhỏ: "Tía má em, vốn hà tiện, vắt chày ra nước, lại chảnh, bày đặt gà vịt chi cho nó tốn hao? Sao không bắt chước nhà thơ Nguyễn Khuyến.

"Đã bấy lâu nay bác tới nhà/ Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa/ Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá/ Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà!"

Đang rù rì rù rỉ với em sau hè chợt nghe tiếng the thé cuả Má em gọi: "Thằng Chín à (Tui thứ Ba mà; nhưng vì tính cưới em nên bên vợ đổi thứ của tui một cách ngang xương hè)

"Đem hai con gà nầy lên cúng coi! Một con để trên bàn thờ! Đầu quay vô lư hương, há miệng, chân quỳ, cánh duỗi! Là đang chầu ông bà cố tổ của nhà nầy!

Con còn lại, cúng trên bàn, đầu quay ra ngoài, đừng chổng phao câu ra! Coi không đặng!

dxt_galuot.jpg

Ổi vẻ chuyện! Có cái phao câu; hồi chổng ra, hồi chổng vô làm em Chín và tui phải lăng xăng như ‘gà mắc đẻ'.

Cúng xong, xé phay với bắp chuối hột, rau răm, rắc đậu phọng rang đâm dốt dốt. Xong mời anh chị suôi cầm đủa.

Sau khi bàn thảo về đám cưới xong, Tía má tui húp vài muỗng cháo rồi xin kiếu; về cho kịp con nước.

Đưa Tía Má tui xuống bến nước. "Ba năm ở rễ khổ lắm hả Cu?"

Nghe Má tui hỏi vậy! Tủi thân, tui muốn trào nước mắt! Con khổ lắm Má ơi!

Tía tui nói: "Không ở rễ gì hết ráo. Không con gà nầy thì con gà khác! Thiếu gì gà!"

Tui bèn cười hí hí làm sao mà dám hỏng chịu. Con bỏ bùa em Chín bờ đò rồi Tía Má cứ thân tâm thường an lạc đi!

Vì em Chín đã dặn: "Chuột kêu chút chít trong rương. Anh đi cho khéo đụng giường Má hay!"

Thằng Ba Gà nầy đã đóng dấu nhà bưu điện lên con cò đó rồi... Cò giò lên cây! Sức mấy?!

Đừng tưởng thấy con khờ mà tưởng con ngu.Con lù khù nhưng con biết vác cái lu mà chạy đó!

Hèn chi sau nầy chị Ba Gà, không biết ăn cái giống gì, mà hệt như cái lu vậy đó!

Có vẻ Anh Ba Gà gáy hơi nhiều về đời sống tình dục của loài gà:

"Hai Lúa làm ruộng, có nuôi một chú gà trống rất sung. Đạp mái hết gà mái rồi tới vịt mái khiến chúng đẻ liên tục, nên rất lấy làm hả hê!

 

dxt_chimcu.jpg

Một bữa, Hai Lúa đi làm ruộng về, thấy gà trống đang nằm chổng mông trước sân, bên trên là mấy con quạ đang bay vòng quanh chờ ăn xác.

"Ối trời đất ơi! Sao mày vội bỏ tao mà đi sớm vậy?!"

Gà trống mở he hé mắt nói: "Nè Hai Lúa! Đi chỗ khác chơi! Kẻo lũ quạ mái bay hết mất bây giờ!".

Anh Ba Gà giờ đã già! Tình dục vẫn như xưa! Có số lượng nhưng không có chất lượng! Người ta nói như gà đâu có sai!

Dẫu vậy, tạo hóa cho vậy mình chịu vậy nên anh Ba Gà vẫn gáy như thường khi nghe tui nói già rồi tui đã nghỉ chuyện tù ti tú tí. Bây giờ tui là con gà chết, gà tử mị!

Anh Ba Gà không chịu: "Có con gà trống hoa mơ. Nó đi đạp mái bạc phơ cả đầu. Bạc thì bạc có sao đâu! Nếu không đạp mái sống lâu làm gì?"

đoàn xuân thu.

melbourne

_________________________________________________________________________________--- 

  

 

Gà móng đỏ!

dxt_gamongdo.jpg 

 

Phải rất thông minh mới được làm Thầy Bói. Đã gọi là Thầy thì ngu đâu có được hè. Phải có học đàng hoàng. Làm Thầy giáo đã là khó mà làm Thầy Bói càng khó hơn! Khó vì phải đoán mò... cho trúng kìa. Đoán trật, ế khách là đói rã họng luôn nhe Thầy!

Tui vốn máu 35, chảy trong huyết quản kể từ khi tui mới bước vào tuổi dậy thì! Thấy gái lạ như quạ thấy gà con!

Tui ở xóm trên; em xóm dưới, cách một độ đồng. Mấy bữa em đi chợ bán hàng bông, tui nằm tòng teng trên chiếc võng giăng ngoài hàng ba: "Cha con nhỏ nầy con cái nhà ai mà ngộ quá ta?"

Nên tui mới tìm cách xít lại gần, gặp mặt mà ve vãn tức là dê. Nhưng thiên hạ đồn là Má em khó quá! Nhà em chó cũng dữ quá; đám trai tơ trong xóm sợ chó cắn nên dạt ra hết ráo!

Còn tui lì, em cắn mới sợ... Chớ chó cắn nhằm nhè gì? Nên nghĩ ra một cái kế: "Thương em không dám vô nhà! Đi qua đi lại (hỏi) có gà bán không?"

Bữa đó hên hay phần số duyên nợ chi đó mà má em tối qua nằm mơ thấy con gà! Nên má em kêu tui vô bán mấy con gà trống thiến để lấy tiền đi ghi số đề.  Đánh vài ngàn bạc, theo ông bà cho thai đề trong mơ, chắc chắn là sẽ trúng; là sẽ đổi đời từ nghèo sang... mạt?

Em rải lúa kêu túc túc cho mấy con gà bu lại mổ, rồi tui rình chụp! Ôi! Mồ hôi mô kê tươm ra đầy mặt mới bắt được ba con! Chắc em thấy vậy cũng thương hại nên rót đại nước trà mời tui một chén!

"Mấy con gà nầy thiệt là tốt số mới được chính tay cô em chăm sóc. Nên nó ú nu hè! Em mát tay lắm! Ai được em đồng ý về nâng khăn sửa túi là cũng ú nu như vậy đó!"

"Theo anh bấm độn, số em là số vượng phu ích tử. Nghĩa là lấy chồng thì khiến chồng làm ăn thịnh vượng, còn có con là tụi nó làm toàn là điều hữu ích cho gia đình, cho xã hội, làm nở mặt nở mày với bà con giòng tộc; chớ không phải là đồ nghịch tử!"


dxt_gamongdo2.jpg

Em nghe tui nịnh sảng nhưng tưởng thiệt bèn: "Bộ anh biết coi bói hả?"

"Sao không? Nè! Bói cho một quẻ trong nhà! Chuồng heo ở dưới, chuồng gà ở trên".

Em xít xoa: "Trời hay quá! Ngay chóc hè. Anh bói nhà em rồi giờ anh bói tới em đi! Xủ một quẻ về tình duyên gia đạo đi!  Vì thú thiệt với anh nữa lập gia đình, em không biết thằng chồng em nó có tánh mèo mả gà đồng, trăng hoa tí tọe gì không? Hay cờ bạc rượu chè, say xỉn tối ngày thì lại khổ cho đời con gái trót trao thân nhầm bến đục!"

"Vậy thì xin em cho anh coi cái chỉ tay!"

Ôi! Rờ cái bàn tay búp măng, trắng hồng hồng mà khoái khoái!

Con nhỏ nầy mà về làm vợ mình thì mình phải nấu cơm giặt đồ thấy Tía mình luôn!

Nhưng hỡi ơi vì: "Một thương tóc bỏ đuôi gà; Hai thương ăn nói mặn mà có duyên" nên tui nghĩ hỏng sao, chuyện nhỏ mà!

Nấu cơm là có nồi cơm điện; còn giặt đồ là có máy giặt rồi... thì đâu có cực khổ gì đâu mà ngán chớ?!

Nên cầm tay con nhỏ tóc đuôi gà mày lá liễu nầy lên, tê mê, tui lim dim nhắm mắt lại, giả bộ như chờ ông lên bà xuống (nhưng thực sự là tui câu giờ vì rờ càng lâu càng khoái mà!).

Xong tui phán: "Số cô chẳng giàu thì nghèo/  Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà "

Em xít xoa: "Giời ơi! Trúng! Trúng quá!"

Xong: "Số cô có mẹ, có cha/ Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông!"

Em lại xít xoa: "Giời ơi! Trúng! Trúng quá!"

Rồi sau nầy vầy duyên can lệ, đêm hợp cẩn giao bôi, phòng hoa chúc, đuốc hoa còn đó, tui mới hỏi em rằng: "Em thấy tài bói toán của anh đã đạt tới trình độ thượng thừa như Quỷ Cốc tiên sinh chưa?"

Em chu cái mỏ cong cong, xong phán một câu, tui nghe thiếu điều ngã ngửa.

"Em biết anh xạo ơi là xạo; giả bộ bói toán để được nắm tay em thôi. Em giả bộ tin... vì em cũng thích tay em được anh nắm. Chứ em đâu có khờ như anh tưởng đâu nhe. Cái đồ be he!"

Thưa rồi đoạn kết là: "Số cô có vợ có chồng! Sinh con đầu lòng hỏng gái thì trai!" Cũng ngay chóc luôn!

Em sản xuất cho tui chừng nửa chục con, vừa trai vừa gái. Con đông, cày bờm đầu, nên không có thời giờ rỗi rảnh, tui quên phứt đi chuyện tu luyện! Nên con đường chiêm tinh học đành phải dở dang!

***

Thưa bà con xin hãy khoan cho tui là cái thằng ba xạo biết khỉ khô gì về chiêm tinh học mà chỉ chuyên ăn ốc nói mò!

Tui xin thi thố tài bói toán nhân dịp Xuân về nầy cho bà con coi có linh nghiệm hay không rồi hãy đưa ra kết luận!

Năm nay là năm Đinh Dậu; năm của con gà. Còn giờ Dậu là giờ của con gà; bắt đầu từ 5 giờ chiều tới 7 giờ tối.

Giờ gà lên chuồng, tụi nó chét chét rùm cho tới khi đi ngủ! Giống hịt như em yêu của tui, sanh năm 1957, cũng tuổi Đinh Dậu đó, vừa tròn 60 cái xuân xanh! Chét chét tới giờ đi ngủ mới thôi!

Tuổi Dậu, con gà siêng năng vì phải bận rộn từ sáng đến tối. Nhưng rảnh cái là ‘cục tác' hè... ai mà chịu đời cho thấu?!

Em tuổi Dậu, màu lông sặc sỡ, khoái chưng diện quần nầy áo nọ, rồi son phấn lòe loẹt tùm lum! Làm tui muốn mạt.


dxt_gamongdo3.jpg

Cầm tinh con gà, không có tài năng nào đặc biệt! Chỉ biết tối ngày bươi móc cái túi tiền của tui thôi!

Công danh, sự nghiệp cũng không lớn. Vì vậy em phải tìm và lấy một người chồng đại trượng phu như tui, có kinh tế vững chắc để bảo đảm đời em.

Dẫu mấy lần, tui tính chạy theo con gà móng đỏ khác, chân dài tới nách; cho em độc lập chi kê, con gà cô đơn chơi; nhưng tui không đành lòng vì em cũng biết lo lắng cho chồng con, là một người mẹ hiền, vợ đảm!

Phải chi hồi xưa em đừng chịu ưng tui, già hơn đúng một con giáp, sanh năm 1945, tuổi Ất Dậu mà em lấy chồng tuổi Tỵ tức con rắn; nó bò tứ tung!

Hay em lấy chồng tuổi Thìn, tối ngày nó cứ bay trên Trời!

Ít gặp mặt nhau thì  khỏi cãi, chắc đời em hạnh phúc hơn và cũng đỡ khổ cho cái lỗ tai của tui nhiều!

Vợ chồng cùng tuổi Dậu, xung khắc dữ lắm, vì chữ có câu rằng: "Hai con gà ghét nhau vì tiếng gáy!"

Rồi cùng mạng Hỏa nữa, tánh như lửa, không ai chịu nhịn ai hết trơn hết trọi hè. Mạng Hỏa phải lấy đứa nào mạng Thủy mới phải. Bởi em cháy là nó tát nước vô; là em tắt đài thôi!

***

Thưa bà con! Mới năm ngoái đây, tui lễ phép xin em cho tui về Việt Nam!

"Tối qua anh nằm mộng thấy bà cố kêu về hốt cốt và xây lại mả cho bả!

Vì xưa chôn trên gò, cách bờ sông cũng không xa; giờ cát tặc hút cát dưới lòng sông gây nên sạt lở!

Không di dời, bà văng tuốt xuống sông... thì con cháu sau nầy dẫu làm ăn cực khổ như gà cũng không thể nào ngóc đầu lên nổi!"

Nghe tui ỉ ôi như thế em cũng xiêu... xiêu lòng! Không phải là cháu dâu mấy đời hiếu thảo gì đâu mà do em tin dị đoan.

Cái mả ngay long mạch nên gia đình con cháu mới thành rồng bay được qua tới đây! Giờ án binh bất động e cái long mạch nầy nó rớt tỏm xuống sông là sẽ mang họa lớn!

Nên em buộc lòng ký ‘sự vụ lịnh' cho tui đi dù lòng em lo ngay ngáy.

"Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu! Hỏi ngày về ước nẻo uyên ca!"

"Anh đi cuối xuân, một tháng, đầu hè sẽ quay về tổ ấm của đôi ta!"


dxt_gamongdo4.jpg

Dâng cho tui chung rượu tiễn hành, em thỏ thẻ dặn rằng: "Tiện thiếp nghe quê mình giờ có rất nhiều con gà móng đỏ. Khuyên chàng nên bảo trọng. Có khoái chân dài tới nách thì hãy ăn gà đi bộ chớ đừng có ăn gà đi xe gắn máy mà chi! Vì nghe nói cúm gà, cúm chim ở Việt Nam giờ dữ lắm nhe phu quân!"

Bởi chữ có câu rằng: "Cúm gà chỉ chết mình gà! Cúm chim sẽ chết cả bà lẫn ông!"

"Anh biết chớ! Bạn anh có thằng đã chết rồi; nên anh cũng sợ lắm!

Xin phu nhân đừng lo lắng chi mà hao mòn vóc ngọc. Chuyến nầy anh đi chỉ một tuần trăng là quy về cố thổ Melbourne!"

"Trong thời gian hải ngoại thương ca, nếu anh có thèm thịt gà thì anh sẽ ăn: canh gà Thọ Xương, tiếng Úc của anh rất siêu, nên anh dịch là "chicken soup" đó phu nhân!"


đoàn xuân thu.

melbourne

dxt_gamongdo5.jpg 

  

 

Cần Thơ đi dễ! Khó về!

 dxt_CT1967.jpg

 

Chữ rằng: "Cần Thơ đi dễ khó về! Trai đi có vợ; gái về có con!"

Đó đó! Đúng y hịt đời tui vậy đó bà con ơi!

Như ai nấy nếu để ý đều biết bất cứ thị trấn, thị xã nào của Lục tỉnh Nam Kỳ, quê mình, đều kề cận một dòng sông.

Vì chữ cũng có câu rằng: "Sông Cửu Long chín cửa hai dòng! Người thương anh vô số, nhưng anh chỉ một lòng với em!" (Tự cao thấy mà ớn nhe!)

Rồi thòng thêm câu hỏi nữa: "Bên dưới có sông; bên trên có chợ. Ta với mình chồng vợ nên chăng?"

Thì em yêu, dân Cần Thơ, tóc em dài em cài hoa thiên lý, nghe anh hỏi mi mí... là em biết tỏng cái tim đen, bèn trả lời móc họng anh, như vầy: "Biết rồi mà bày đặt hỏi lôi thôi!"

Có nghĩa là: "Anh có thương em thì thủng thẳng em ừ! Anh đừng thương vội mẫu từ 'quánh' em!"

Ha ha! Mẫu từ, mẹ hiền, mà roi vọt bất tử quá vậy ta? Nhưng có nhằm nhè gì! Quánh em; chớ có dám quánh thằng rể đu đủ tương lai trời đánh nầy sao mà mình sợ chớ?! Nên tới luôn bác tài...Vì em đã chịu đèn rồi!

Chẳng qua là tới tuổi quân dịch, tui vào lính; nhưng bị bịnh mộng du! Bác sĩ quân y thuộc Hội đồng giám định y khoa khám, cho tui về hoản dịch vì lý do sức khỏe! 

Vì tối nào tui cũng ngủ mớ, tuột cái rột, ra khỏi giường, đi vòng vòng doanh trại, dạo mát trăng thanh; nhưng không có ý thức gì ráo!

Mật khẩu không biết, đêm cà lơ phất phơ... lính canh nó phơ ẩu là bỏ mạng sa tràng...

Thôi lính chê thì mình về đi học nữa vậy!

Năm 1970, tui theo thằng bạn thân, sau Tết, mùng Bốn, đi Cần Thơ cho biết đó biết đây; ở nhà với Má biết ngày nào khôn?

Từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, trên Quốc lộ 4, qua Bắc, leo lên xe Lam, chạy một hơi thôi, khoảng 1300 mét, là tới Ngã ba Lộ tẻ.

Rẽ trái vào trung tâm thành phố Cần Thơ! Rẽ phải vào liên tỉnh lộ dẫn đến Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá và Hà Tiên.

Tại Ngã ba Lộ tẻ, có Bến xe mới xe lên Sàigòn; hoặc xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, chạy thẳng tắp từ đây tới tận quận Cái Răng; mà không phải đi qua trung tâm thành phố.
Vào trung tâm Cần Thơ phải qua cây Cầu đôi bằng sắt, kiểu Eiffel, bắc ngang qua rạch Cái Khế.

Bên kia cầu là một ngôi biệt thự kiểu Pháp, xưa dành cho mấy ông Tây mũi lỏ; sau nầy là Dinh của Tư lệnh Vùng 4 Chiến Thuật, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa .

Đi tới là dinh Tỉnh Trưởng! Trước mặt là một bùng binh khá rộng, nơi hội tụ của nhiều con đường chạy vòng vòng để khỏi đụng nhau.

Đường Phan Đình Phùng xuất phát từ đây, coi như là cái xương sống của thành phố, chạy ngang qua Ty Bưu điện, Tòa án, Tòa Thị Chính, Ty Cảnh Sát, Trường Tư thục Nam Hưng v.v. xuống tận khu Cầu Xéo.

Một đường khác cũng từ dinh Tỉnh Trưởng hướng về Cầu Tham Tướng, là Đại lộ Hòa Bình. Nhưng dân quen gọi là đường Hàng Xoài, vì dọc theo đường có trồng Xoài.

Đại lộ Hòa Bình, lớn nhưng ngắn ngủn, chấm dứt khi tới Bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa (Nơi em yêu của tui làm đó nhe!). Đường Lý Thái Tổ, bắt đầu từ đây, chạy dài tới cầu đúc Tham Tướng.

Qua cầu, là đường Mạc Tử Sanh, phía bên trái là chợ chồm hổm, chỉ nhóm vào buổi sáng, nhưng tấp nập quanh năm vào buổi chiều, tối vì có xề bánh cống, quầy hủ tiếu, gánh cháo gà cho dân nhậu bình dân.

(Tham Tướng là Mạc Tử Sanh, con của Mạc Thiên Tích (Hà Tiên), làm cận vệ cho chúa Ðịnh Vương Nguyễn Phúc Thuần.

Năm 1777, quân Tây Sơn ồ ạt tấn công xuống miệt Trấn Giang (Cần Thơ)! Mạc Tử Sanh bị vây, chết trận nơi khoảng rạch nhỏ đổ ra sông Cần Thơ! Sau nầy dân chúng đặt tên là rạch Tham Tướng!)

Rạch Tham Tướng chạy vòng vòng phía trong, cắt ngang đường Tạ Thu Thâu, chui qua cái cầu sắt nhỏ, cầu Rạch Bần, vốn là đường thoát nước mưa tự nhiên cho Cần Thơ! Sau nầy nghe nói đã bị lấp! Nên bây giờ mưa lớn một chút là Cần Thơ ngập thấy thảm ...thương luôn?! Tội nghiệp mấy em mắc mưa, ướt luôn cái quần lãnh Mỹ A hết ráo!

Cầu Tham Tướng đã biến mất, đường Mạc Tử Sanh đi về hướng Cái Răng cũng bị mất tên luôn, thành đường 30 tháng 4.

Ngã ba Tham Tướng xưa có doanh trại của đại đội Quân vận 411, dưới hàng cây bả đậu. Sau nầy là quán cà phê và quán nhậu bình dân.

Ôi những ngày đói rách, lang thang sau khi mất nước, tui không biết làm gì; chỉ biết long nhong như ở không lắm vậy! Và từng đóng đô thường trực ở đó.

Ngồi tréo ngoảy, trước mặt ly rượu thuốc ngâm ô môi, có màu cho dễ ực; vì màu trắng mắt mèo, e nó có nhúng một đầu tăm thuốc trừ sâu cho rượu trong veo... Thấy ớn quá hà!

Xa em, người đã cả gan bán chịu cho tui ngày cũ (mà không sợ bị giựt)! Biết giờ em giờ phiêu bạt tận phương nào, để tui gởi về em một, hai trăm đô Úc, bồi đáp cái ‘bát cơm phiếu mẫu' ngày xưa?!

Phần để cho em có tiền mua trầu nhai bỏm bẻm, chống tay lên cằm mà nghĩ tui vẫn còn thương tưởng tới em?!

***

Nhưng nếu bà con mình ở tỉnh khác tới chơi; người ta khoái cái bến Ninh Kiều hơn là chợ Tham Tướng!

Bến Ninh Kiều, nơi nghĩa quân Lam Sơn đã đánh quân Minh xâm lược một trận tơi bời; nên nằm trên đường Lê Lợi.

Thế mới biết ông cha mình đặt tên đường, tên bến nước là đầy trí tuệ, có hậu ý; chớ không phải như sau nầy muốn đổi tên đường sao cũng được; tùy bữa say nhiều hay sỉn ít đâu nha mấy cha?!

Nhạc sĩ Lam Phương, là thầy giáo, miệt Rạch Giá, gần biển, nên 75, ông chạy sớm hơn ai hết thảy. Xa quê, tuốt bên trời hải ngoại, ông vẫn còn nhớ tới bến Ninh Kiều để: "Một đêm anh mơ mình ríu rít đưa nhau về / Thăm quê xưa với vườn cau thề / Bàn tay anh đan dìu em bước trên cỏ khô/ Đi trong hoang vắng chiều Tây Đô!"

Đó là ông ước, ông mơ, ông nhớ về ngày tháng cũ: "Bờ sông yêu xưa tà áo thướt tha mỹ miều/ Sao anh không thấy về Ninh Kiều? Dường như anh nghe đời nặng trĩu trong màu đen/ Đen như manh áo buồn chưa quen!"

Rồi ông nhớ cái thuở học trò! "Ngày xưa ta quen từng viên đá quanh sân trường/ Nay nghe sao khác từ tên đường/ Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương/ Tây Đô sẽ sống lại yêu thương!"

Cái trường, ông Lam Phương, đã từng theo học, bây giờ vẫn còn nhớ, là trường Phan Thanh Giản, trường công lập lớn nhất ở miền Tây, được thành lập vào đầu thế kỷ 20.

Học sinh ở các tỉnh lân cận, như nhạc sĩ Lam Phương hay nhà văn Sơn Nam, miệt Rạch Giá, vẫn phải khăn gói đến trường Phan Thanh Giản để học tiếp bậc "Đút rơm trâu ăn mê" (Diplôme) tức Trung học Đệ nhất cấp!

Tới năm 1964, trường Phan Thanh Giản lại được tách ra để thành lập Nữ Trung học Đoàn Thị Điểm.  (Em yêu của tui đã từng đi học ở đây đó nhe! He he!)

Sau 75, Trung học Phan Thanh Giản bị thay bằng Châu Văn Liêm.

Mà không phải chỉ cái trường học bị đổi tên đâu mà những con đường chu vi trường cũng chịu cùng chung số phận.

Cổng trường nằm trên đường Phan Thanh Giản bị đổi thành đường Xô Viết Nghệ Tỉnh. Đường Pasteur, giữa trường Phan Thanh Giản và trường Đoàn Thị Điểm, bị đổi tên là Võ Thị Sáu.

Ông Pasteur, dù là Tây; nhưng có công lớn là đã chế ra thuốc chủng ngừa, cứu mạng hàng triệu người, không phân biệt màu da sắc tộc, khỏi bệnh tật! Công lớn với nhân loại khó có ai sánh bằng vậy mà cũng bị đuổi đi...để thay bằng chị Sáu... 'mùa lê kim ma' nở?

Nhưng tui buồn nhứt có lẽ là đường Võ Tánh, dọc bên hông trường, từ đường Phan Thanh Giản tới đường Ngô Quyền; đã đổi thành đường Trương Định.

Không phải tui (dám) ghét bỏ ông Trương Định, một anh hùng kháng Pháp, gì đâu? Mà chẳng qua con đường Võ Tánh, dẫu ngắn, có một khúc tẻo tèo teo thôi; nhưng nó lại mang quá nhiều kỷ niệm...

Phía sau lưng đường Võ Tánh nầy là xóm Cả Đài (theo tên Hương cả Phạm Thành Đài), bắt đầu từ cái chợ nhỏ cũng gọi là chợ Cả Đài kéo dài dài đến chùa Cây Bàng; nơi tui từng ở trọ gần trường để tiện đường... đi gỏ đầu trẻ hồi năm nẩm.

Tui nhớ quán Ngọc Lan, chuyên bán cơm tháng cho quân nhân và công chức. Năm 1973, nếu mua vé cả tháng, sáng ăn đưa một vé, chiều ăn đưa một vé, bữa nào hỏng ăn, lại đi ăn cháo, gỏi đầu cá lóc (bự ế kinh), ngon hết biết, với em yêu ở đường Nguyễn Trường Tộ thì khỏi đưa vé...

Ăn hết xấp vé đó mua xấp vé khác, tốn 4 ngàn đồng bạc, dằn túi; không sợ đói bất tử vì đôi khi hứng xài ẩu...(Hồi thanh niên, đứa nào hỏng vậy cà?)

Từ quán cơm Ngọc Lan, có ông chủ lúc nào cũng mang mặc áo bỏ vô thùng bảnh tỏn, đi vài căn nữa thì tới tiệm chụp hình Phúc Vinh, nơi em yêu làm duyên, chụp tấm hình cho anh lộng bóp; để lúc nào cũng phải nhớ tới em!

Và nếu vắng em, có con 'quỷ hó' nào dám lục bóp anh, thì nó thấy tấm hình bà La Sát nầy là nó sẽ bỏ chạy sút dép luôn!

Sau 75, người ta đói xanh râu, đói đến lòi hai cái lỗ tai; nên tiệm Phúc Vinh không còn chụp hình nghệ thuật nữa mà quay sang bán cháo, gỏi gà... để kiếm cơm!

Tui đã từng theo Giáo M. dạy Việt văn, em Bác sĩ H. ở hẻm 5, đường Phan Thanh Giản tới đây nhậu.

(Giáo M. có người em gái trắng như bông bưởi! Tắm xong, em hay ra hàng hiên ngồi hong tóc; mà tui tình cờ trông thấy... phải há hốc cái mồm!)

Thưa bà con! Dù Cần Thơ không phải là nơi chôn nhau cắt rún của tui nhưng là quê hương yêu dấu ngậm ngùi của em yêu.  Cần Thơ là quê vợ, là người tui rất sợ; nên tui còn yêu Cần Thơ hơn cả quê tui nữa đó!

Vì nơi đó có em... và còn có mấy em khác (tui thầm thương trộm nhớ) nhưng vì đã có vợ rồi nên tui đành phải giữ mối tình câm...Nên riết rồi... tui bị 'hâm hâm!"

Tui xa Cần Thơ... Đi và đi luôn mấy chục năm!

Người xưa bên ấy, mới đây, gởi cho tui câu ca dao nầy, tui lén vợ, tui học thuộc lòng, kẻo quên, mà buồn đứt ruột nhe: "Con chim buồn, chim bay về cội/ Con cá buồn, cá lội trong sông/ Em buồn em đứng em trông/ Ngõ thì thấy ngõ, người không thấy người!"

Thôi xin tạ lỗi cùng em hẻm 5, đường Phan Thanh Giản nhe!

Thân anh giờ như:"Chim vào lồng; như cá cắn câu! Cá cắn câu biết đâu mà gở; chim vào lồng biết thuở nào ra!"

Thôi đành "Hẹn nhau kiếp sau ta tìm thấy nhau!"

Hu hu!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

  

 

Về đâu chiếc Bắc ngày xưa?!

 dxt_bacCT.jpg

Bảo Huân

 

Thuở xưa Trấn Di, tức Cần Thơ, thuộc tỉnh Vĩnh Long, một trong Lục tỉnh Nam Kỳ, bên kia bờ sông Hậu, hãy còn nê địa sình lầy.

Từ Miệt Trên xuống, muốn qua bên đó, vượt sông bằng ghe bầu, ghe chài hay từ những bến đò ngang vắng vẻ ở miệt Trà Ôn, Cái Vồn, Tân Quới, Tân Lược.

Nhà văn Sơn Nam đã làm thơ: "Trong khói sóng mênh mông / Có bóng người vô danh/  Từ bên này sông Tiền/ Qua bên kia sông Hậu/  Mang theo chiếc độc huyền/  Ðiệu thơ Lục Vân Tiên..."

Tui e rằng ông bà mình từ Miệt Trên xuống Miệt Dưới khẩn hoang, mở đất mà chỉ mang theo đờn độc huyền để nói thơ Lục Vân Tiên, trong túi lại hổng có tiền, thì muốn qua sông chắc phải xin ‘quá giang' (chùa) quá ta?!

Rồi Tây cho phóng lộ trải đá, từ Sài Gòn đi Cần Thơ, Rạch Giá vào năm 1915.  Khoảng năm 1918, chiếc Bắc (Bac, tiếng Pháp, nghĩa là đò ngang) đầu tiên, nối những bờ xa, chỉ đơn sơ, bé mọn trên dòng sông mênh mông, vàng quạch phù sa như màu của chè sương sa mình ăn hồi nhỏ vậy!

CT_ChiecBacCuoiCung2_JPG_w300h189.jpg

Bắc Cần Thơ ngang sông Hậu dài 1,840m, trong đó, phía Cần Thơ, cầu Bắc tại Cái Khế, phía Vĩnh Long, cầu Bắc tại Cái Vồn, quận Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Chiếc Bắc đầu tiên ấy nhỏ xíu, chỉ có một đầu, chở được vài chục người với chiếc xe mui rùa của quan Tây mũi lõ. Chạy bằng máy hơi nước, có nồi súp de, chụm bằng những cây tràm to cỡ cườm chân.

(Hồi đó, tướng Hòa Hảo, Trần Văn Soái (1889-1961) biệt danh là Năm Lửa, vì chuyên môn chụm lửa).

Mỗi lần Bắc cặp bến, từng chiếc xe xuống ponton (phao nổi), bốn nhân viên dùng tay quay bàn cầu, có hình chữ thập, sao cho đúng vị trí mỏ Bắc để xe de xuống. Lúc cặp phía bên kia, xe chạy thẳng lên bờ mà khỏi phải quay đầu.

Tài công của chiếc Bắc ngồi trong buồng lái trên cao cho dễ quan sát thuyền bè qua lại hay lúc cặp vào bờ. Còn thợ máy phải làm việc dưới hầm tối om om để chạy máy.

Mỗi lần nghe tài công giựt dây, chuông kêu leng keng, thì căn theo tiếng kẻng, thợ máy nắm cây ‘cần' giảm tốc độ để Bắc từ từ ráp vào gờ phao nổi.

Năm 1946, Bắc Cần Thơ chỉ có 6 chiếc loại nhỏ, mui trần, mỗi chiếc chở được hai chiếc xe đò. Trên mỗi chiếc Bắc thường có 6 nhân viên phục vụ, thời gian Bắc chạy chỉ từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm mỗi ngày.

Dần dần, máy hơi nước cổ lỗ sĩ được thay bằng máy chạy dầu diesel.

Mãi đến những năm đầu thập niên 1960, mới có Bắc 25 tấn, 30 tấn, ghé được hai đầu, cuối cùng thêm được bảy chiếc 100 tấn chở được nhiều hơn, tới cả chục chiếc xe lớn nhỏ, và cả hàng trăm hành khách qua sông một lần.

Việc đi lại, qua sông thì phải lụy đò của người đồng bằng đã bớt nhiêu khê.

Từ năm 1965 trở đi, chiến sự trở nên ác liệt, Cần Thơ thành Tây Ðô, thủ phủ của vùng Châu thổ Ðồng bằng sông Cửu Long, nơi đặt bản doanh của Quân đoàn 4 và Quân khu 4.

Xe quân vận ngày nào cũng ào ạt, chuyển quân hay tiếp tế đạn dược ra chiến trường nên Cần Thơ có thêm vài chiếc Bắc chỉ dành riêng cho quân đội.

Sau khi miền Nam thất thủ, những chiếc Bắc ngày xưa giờ máy móc dần cũ kỹ, không có phụ tùng thay thế, đèn đuốc không đủ, dầu nhớt cũng không, xăng dầu khan hiếm phải nằm ụ.

Chiếc nào còn lết lết được thì mùa nước đổ nước sông chảy xiết dữ dằn, có lúc vượt sông phải mất tới cả tiếng đồng hồ.

Một tài công, sau 75 còn được lưu dụng, than thở nghe thấy thương luôn:

Lần nọ, Bắc chỉ còn cách bến 50m thôi mà cứ loay hoay hoài, lên ga miết rồi mà nó vẫn ì ạch không cập bến được. Buộc lòng phải chạy sát vào bờ, nơi nước ít chảy. Cập bến được mất cả nửa tiếng đồng hồ, hành khách liếc nửa con mắt nhìn lên ‘cabin', lầm bầm: "Tài công khùng!"

Ngay cả cồn cát do phù sa bồi lắng, nổi lên cạnh bến cũ phía Cần Thơ cũng thiếu phương tiện nạo vét. Mỗi lần nước ròng, Bắc phải chạy né, vòng xa lên bên trên do sợ mắc cạn! Bà con hành khách không thông cảm, lại xì nẹt: "Chạy kiểu gì vậy cha nội!?"

"Tài công bị dân chửi như cơm bữa, ngày nào mà hổng nghe chửi bới là về ăn cơm không có ngon! Hu hu!"

Sau 10 năm ngăn sông cấm chợ theo sáng kiến, đỉnh cao mang dép lốp đi vào vũ trụ, của nhà thơ (Tố Hữu), đầy mộng mơ, lại khoái đi làm kinh tế làm dân ‘kinh đến thế'... thì hậu quả là quên phắt cái vụ xây dựng bằng mười ngày nay đi... bằng cách năn nỉ ỉ ôi đế quốc Mỹ, cựu thù ngày xưa, bỏ cấm vận, để các quan bị gậy đi ăn mày khắp cùng thế giới.

Ðáp lại lời khẩn thiết: "Chào ông đi qua, chào bà đi lại!" Ðan Mạch cho hai chiếc Bắc tải trọng tới 200 tấn! Một cho Bắc Mỹ Thuận và một cho Bắc Cần Thơ vào năm 1998 để  ‘bến phà ta', qua cơn thắt ngặt.

"Mấy thằng tư bản nầy làm cái gì cũng tốt cũng hay cũng giỏi hơn bè bạn anh em xã hội chủ nghĩa năm châu của mình hết ráo hè! Xưa qua sông mất cả tiếng đồng hồ, giờ chỉ còn 15, 20 phút"

(Chiếc Bắc, tiếng Tây thực dân, bà con Lục tỉnh Nam Kỳ mình quen xài xưa giờ, bị đổi thành ‘Phà' để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? He he!)

Ăn xin coi bộ khá thì mình lại tiếp tục ăn xin. Lần nầy thì cũng xin một cựu thù, quân phiệt Nhựt, cho tiền xây cái cầu Cần Thơ dài gần 3 cây số để thay cho cầu Bắc ngày xưa.

Tháng Ba, năm 2010, cầu Cần Thơ nối liền đôi bờ sông Hậu đã xây xong.

Dân, đa số, là vui mừng vui quá vui, nên xổ tiếng Nhựt là:  "Arigatou gozaimasu" tức ‘méc xi bố cu' cái thằng Nhựt Bổn.

Trái lại, cũng có người xưa giờ sống nhờ vào cầu Bắc để kiếm cơm hằng ngày lại buồn! "Từ ngày có cầu, tụi tôi đâu biết làm gì ngoài chuyện làm thinh!"

Trong ánh nắng hiu hắt buổi chiều, Bến Bắc Bình Minh, phía Vĩnh Long, khi xưa lúc nào cũng đông nghẹt người và xe, tất bật suốt ngày đêm... thì nay là một xóm nhà heo hút với những hàng quán cũ trôi vào đìu hiu hoang phế!

Ôi! Bà con mình đã từng bán cơm dĩa, trà đá, bán cóc, ổi, mía ghim, bắp luộc, vé số... giờ biến mất vào cõi mịt mờ.

Bao nhiêu tình mộng, ‘anh đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua Bến Bắc Cần Thơ',  ngang qua bến sông này để dạt về Mũi Cà Mau, qua đường sông Ông Ðốc tìm đường vượt biển, giờ cũng đã chìm vào miên viễn!

Tui nhớ em bán bắp luộc: em Ba người Chợ Bà, Tân Lược đã dúi vào tay tui chục bắp còn nóng hổi! "Anh đem theo xuống thuyền cạp đỡ, để đừng bị say sóng... Tới đảo là nhớ tới em nhe!"

"Ngày đi, em đưa tui qua đò chiều, em hứa bao điều mãi đợi chờ nhau.

Nhưng mà sao em lại quên?"

Em không chờ tui ngày trở lại, mà đi ưng đại cái thằng Hai Gà lôi, chạy xe lôi Bình Minh Tân Lược... "Ðể con đò buồn hiu quạnh bến quê. Chẳng còn ai nhớ mong mình về?"

Thưa xa quê đã lâu, đêm cuối năm, tui nhớ về em Ba Chợ Bà mà tình đã dở dang, tui lại nhớ: "Tới Bắc Cần Thơ rồi, bà con xuống xe đi bộ, qua Bắc"

Tui nhớ em Ba, nhớ nhà, nhớ người chiến hữu thương binh mù đôi mắt, bàn tay mất cả năm ngón, chỉ còn lại cái cánh tay, mà bác sĩ quân y Mỹ nó ráng mổ, chẻ đầu xương ra làm hai để anh có thể gắp vào cái lon sữa bò đựng tiền xin được khi hát rong ngày ngày trên chiếc Bắc qua sông.

"Phà Cần Thơ!/ Vậy là xong! Chỉ còn con sông!/ Chiếc phà xưa đã đi vào lịch sử! Không còn phà!/ Không còn mỏ bàn đò!/ Không còn cả ponton!/ Không còn đèn pha... mù mù tối/ Không còn ai bước vội/ Cho kịp chuyến phà đêm!

Không còn người nghệ sĩ mù trên chiếc phà năm cũ/ Cây đàn ghi ta phím lõm và cái nhịp song lang./ Không còn "Xuân nầy con không về."/

Cần Thơ cất cầu nhưng rầu cho chiếc Bắc. Ruột thắt với lòng đau./ Cầu Bắc xưa sẽ nằm trong ký ức/ Xa xứ về! Chiếc phà cũ giờ đâu?"

 

đoàn  xuân thu.

melbourne

 

  

 

Rượu và Thơ!

dxt_ruouvatho.jpg 

 

Bảo Huân

 

Hai tay bưng chén rượu đào.

Xin mời quân tử uống vào cho say.

 

Thưa! Tui hồ nghi rằng tổ tiên chúng ta không phát minh ra lửa, mà chỉ phát kiến, nghĩa là tình cờ nhìn thấy lửa (?!)

Có thể do một cơn sét trong trời giông bão, đánh trúng vào một hòn đá, rồi nẹt ra tia lửa, từ đó làm cháy rừng.

Khi rừng cháy, mấy con hươu, nai, heo rừng, trâu rừng, bò rừng v.v... nếu không bị cháy thành than, mà chỉ bị nướng sơ sơ thành thịt nướng, ăn rất ngon, ngon bá cháy!

(Món barbecue, thịt nướng của Úc... chắc cũng từ đó mà ra đó đa!)

Và vì ăn barbecue một lần là quá khoái khẩu, (sau nầy dân nhậu gọi là mồi rất bắt) nên tổ tiên chúng ta, ‘cọp dê' theo ông Trời.  Lấy hòn đá đập vào nhau gần đám lá rừng khô, rơi đầy trước cửa hang, để tạo ra lửa hòng có thịt nướng mà ăn!

Ðó là phát kiến phải nói là vĩ đại nhứt của loài người thời Thượng cổ.

 

Rồi thời hái lượm. Có thể là tổ tiên ta đã quan sát thấy con gấu rất khoái ăn mật ong. Vì đường trong mật ong được men trong không khí rơi vào, biến đường thành rượu ngọt.

Như vậy nói chính xác là con gấu nó nhậu. Nhậu tất say vùi, lảo đảo thân phì lũ như múa hát, vui hết biết. Vui đến nỗi thấy chúng ta, nó bỏ luôn cái tánh hung hăng rượt mình chạy có cờ, chạy ná thở.

Tổ tiên mình ăn và uống thử cũng thấy say ngầy ngật như con gấu vậy. Cũng vui hết biết vì đêm nay làm bà xã hài lòng. (Bởi một là ‘giả' say ngà ngà / Hai là thằng chả đi xa mới về mà.)

Từ mật ong thành rượu rồi đến trái cây chín rục có chứa đường cũng thành rượu. Nên chàng siêng năng hái, lượm trái cây về chất đống trong hang động cho em yêu làm rượu, để đôi ta nhậu chơi mỗi khi trời sập tối hù ngoài hang đá.

Kết luận rượu là một phát kiến vĩ đại thứ hai của tổ tiên mình sau phát kiến ra lửa.

Rồi cứ di chuyển hoài, tổ tiên ta mỏi cẳng, bèn định cư và định canh gần một dòng sông để có nước mà uống. Rồi mùa nước lũ, lúa ma (tức hổng có ai gieo trồng gì ráo), lại cho hạt. Từ từ mình mới giã, bóc vỏ trấu ra thành gạo nấu cơm ăn. Nền văn minh lúa nước đã ra đời.

Ăn không hết, cơm nguội còn dư, từ tinh bột lại biến ra đường, rồi đường thành rượu để vợ chồng mình uống chơi.

Tổ tiên ta thuộc nền văn minh lúa nước đã tìm cách làm ra rượu nếp và rượu gạo như thế đó!

 

***

Thưa những bạn hiền, cỡ tuổi lão phu đây, đa phần đều đi lính vì đất nước mình điêu linh. Nhưng thuở ra đi gối mộng đăng trình, còn áo thư sinh, chưa có đứa nào thành Lưu Linh hết.

Tuy nhiên, sau khi đánh nhau vài trận, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, thét roi cầu Vị ào ào gió thu thì mấy chiến hữu thân thương của tui, đứa nào cũng biết nhậu, biết gái, (biết tửu, biết sắc)... hết ráo! Thế mới báo!

Như Nguyễn Bắc Sơn: "Mai ta đụng trận may còn sống/ Về ghé sông Mao phá phách chơi/ Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm/ Ðốt tiền mua vội một ngày vui. 

Ngày vui đời lính vô cùng ngắn/ Mặt trời thoáng đã ở phương Tây/

Nếu ta lỡ chết vì say rượu/ Linh hồn chắc sẽ thành mây bay..."

 

Các nhà thơ xưa bên Tàu cũng như bên Ta, luôn mang theo túi thơ và bầu rượu để làm bạn đường, rồi cũng là bạn đời luôn.

Như vậy càng nhậu, thơ càng hay hay sao mà nhà thơ nào cũng nhậu hết vậy cà?

Nhậu đến nỗi băng rắp (bankrupt) hết tiền luôn thì đi cầm đồ, cầm quần, cầm áo. Lý Bạch đã từng ‘chà đồ nhôm' để có tiền mua rượu như thế:

"Ngũ hoa mã/ Thiên kim cừu/ Hô nhi tương xuất hoán mỹ tửu/ Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu! (Này ngựa hoa năm sắc/  Này áo cừu giá ngàn vàng/ Kêu đứa nhỏ ra đem đổi lấy rượu/ Cùng bạn tiêu mối sầu vạn cổ!)

Tui thì khác, nhậu chịu thì không có uy tín. Chà đồ nhôm thì đồ nhà đâu có gì để chôm vì em yêu giữ kỹ lắm!

Chỉ còn cách ‘phone', hỏi bạn hiền: "Chiều nay ai kêu tui đó?!"

 

***

Thưa bà con! Hồi xưa bạn nhậu hay rủ nhau vô rừng trúc! Coi đó là một thú chơi cao thượng, tao nhã tuyệt vời. Tui cho rằng nói vậy là nói dóc. Sở dĩ phải vô rừng nhậu vì nhậu ở nhà con vợ nó hổng cho.

Tui và mấy anh bạn nhậu ở cái đất Footscray nầy đây, nhậu là không có cái vụ vô rừng vì nó xa, nên mỗi lần muốn bù khú với nhau là bốn đứa bắt taxi chạy u lên tới Sunshine. Chẳng qua trên đó có cái nhà hàng của Nhị nương tức hai nương tử.

Không có gì khoái bằng cầm ly rượu lên, nghe nương tử hát tặng chàng một bản tình sầu. Sầu đâu cũng vậy... sầu đây, em cám ơn!

Ngoài nhạc sống ra, nhà hàng còn có một dàn karaoke mà anh bạn nhậu của tui là một người hát hay không bằng hay hát.

Làm vài lon hoặc vài ly là khúc hát lâm ly: "Hai năm tình lận đận". Nghe, tui vẫn còn giận con bà ba Ù, em tư Ú, nỡ lòng bỏ tui để lấy thằng cắc chú.

Thôi "Mời anh, ta cạn hết chén này/ Trăng vàng ở cuối non Tây ngậm buồn!"

Nghĩa là nhậu tới quán nửa khuya đèn mờ theo sương khói... Cửa tính đóng, then tính gài, phe ta mới chịu bắt ‘taxi', rút quân về, nghe vợ diễn thuyết.

 

Tiện đây cũng nhắc nhỏ em yêu rằng: Mấy tay ưa nhậu nó cũng ưa dê sảng lắm đó. Vì chữ cũng có câu rằng:"Thế gian ba sự khôn chừa/ Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ!" "Rượu ngon cái cặn cũng ngon/Thương em bất luận chồng con mấy đời! Bất cứ em nào nó cũng quơ hết ráo. Vì chữ cũng có câu rằng:

"Rượu nào là rượu chẳng nồng/ Trai nào chẳng khoái Lan, Hồng, Cúc, Mai ?"

Ôi nhớ xưa! Cái tánh trăng hoa của chàng khi nhậu nhưng vì yêu mù quáng, nên em cũng bỏ qua luôn.

Tự an ủi là: ngay cả Tía Má em cũng đòi nhậu mới chịu cho em xuất giá vu quy đi lấy chồng về bên Úc đó sao? "Rượu lưu ly chân quỳ tay rót/ Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh.

Dẫu vậy! Cho nó đi nhậu nhưng dặn đừng có dê sảng mà phải mang cái bản mặt u một cục về là quê lắm đó!

 

Ôi nhớ xưa, thời mới đá lông nheo, cho dù:

"Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo

Ðố em biết được thằng nào (ba) xạo hơn anh?"

Biết anh yêu làm vài lon là xạo dữ lắm! Mười chuyện đã chín chuyện dóc rồi mà em vẫn yêu, vẫn: "Ðốt than nướng cá cho vàng/ Ðem tiền mua rượu cho chàng uống chơi!"

Bởi "Nhất khi rượu đã khề khà/ Tán đâu ra đấy đậm đà có duyên!"

Vậy mà khi đã nắm đầu được anh rồi thì em trở mặt. Làm khó dễ hoài hà. Lại dám vỗ ngực ta đây xưng hùng xưng bá chớ?!

"Ở đời chẳng biết sợ ai/ Sợ thằng (chả) say rượu nói dai cả ngày!

Rồi lên mặt dạy đời là: "Ai ơi uống rượu thì say/ Bỏ ruộng trâu cày bỏ giống ai gieo?

 

Cấm cản, giới nghiêm quá, là không được! Vì ngoài tình nghĩa vợ chồng nó còn có nghĩa kim bằng với bạn nhậu! Coi chừng thằng chả dzọt luôn là em ở góa.

Vì chữ cũng có câu rằng: "Anh xỉn, anh say ngày mai anh tỉnh. Chỉ sợ anh mê gái rồi là không tỉnh đâu em."

Phần anh, cũng xin thề với em là cho dù: "Rượu men tẩm mẩm tê mê!

...thì không bao giờ..."Mảng theo con ‘đĩ' bỏ bê việc nhà!" (Như lời em kết án oan anh đâu!)

Ðơn giản là anh nhậu có chừng, có mực, chỉ: "Một ly nhâm nhi tình bạn/

Hai ly uống cạn lòng sầu/ Ba ly mũi chảy tới râu/ Bốn ly ngồi đâu gục đó!"

Em chỉ đè xuống cạo gió thế thôi!

 

Rồi anh cũng không đến nỗi uống ‘điên' như Lý Bạch của Tàu để phải bị bệnh hoang tưởng! Mặc áo cẩm bào, chơi sông Thái-Thạnh, huyện Ðang-Ðồ, ngạo-nghễ tự-đắc, xem như không có ai bên cạnh; nhân say rượu, nhảy xuống nước, bắt bóng trăng rồi chết".

So với Lý Bạch thì tửu lượng của anh chẳng nhằm nhò gì! Mà quan trọng hơn; là anh chưa muốn chết!

Nhậu vui hơn Tết! Thì ngu sao mà chết!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Mùa Giáng Sinh ngày ấy!

dxt_nhathoDucBa.jpg

 

Tháng Mười hai lại về! Đường phố Melbourne, (nơi tỵ nạn đời tui, xui làm sao, tấp vào; rồi mắc kẹt mấy mươi năm chưa tìm được đường về quê cũ), đã giăng đèn kết hoa, biểu cảm mùa vui của Giáng Sinh! Mùa bán buôn nhộn nhịp nhất trong năm!

Mùa Giáng Sinh với những món quà dưới gốc cây thông, đèn trong cửa sổ, thiệp Giáng sinh, bữa ăn tối đoàn tụ gia đình, bạn bè thân thiết... với gà Tây đút lò!

Bên Mỹ, bên Canada, tuyết Đông rơi lã chã trắng trời ngoài sân. Bên Úc, đang Hè, nên chỉ có tuyết rơi trên màn ảnh truyền hình... để cho mấy thằng Úc, gốc Ăng Lê, nhớ tới bà cố tổ của mình!

Con nít Úc treo vớ dưới cây thông trong phòng khách. Cháu nội tui, cũng Úc; nhưng Úc vàng mũi tẹt, cũng bắt chước theo... Làm ông Nội của tụi nó là tui, buộc lòng móc xỉa. Hu hu! Hao xu quá!

Lễ Giáng Sinh, không chỉ dành cho hàng tỉ người có đạo Thiên Chúa mà hầu như tất cả mọi người dù tôn giáo có khác, ai cũng đều gửi đến nhau lời chúc "Merry Christmas"! Chúc bạn một mùa Giáng sinh vui vẻ và hạnh phúc, khi lái xe qua mặt tui cái vù trên phố thị!

Giáng Sinh có thể là một mùa vui lớn với ai kia; chớ mấy thầy Phú lít của nước Úc lại buồn vì quá ư là bận rộn!

Nhà tù Úc chật chội vì tù nhân đông lúc nhúc; nên vịn vào thời điểm Giáng Sinh để đặc xá, mở cửa xả cảng, thả bớt, (mà không sợ dân nó càm ràm), cho cái đám bán trời không mời thiên lôi nầy được về nhà đoàn tụ gia đình!

Ra tù, ai hỏi sao lâu hỏng thấy cái "bản mặt" hè? Thì trả lời đi "holiday", (bên Mỹ là "vacation") mới về!

Đi holiday về và "bộng"... Cần gấp tiền xài; nên ngựa quen đường cũ!

Thằng nào lì lợm và bặm trợn thì vác búa vô mấy cây xăng, mấy tiệm bán rượu về đêm, đe dọa mấy anh Bảy Cà ri Chà đang đứng bán, để gom tiền, thuốc lá và rượu; dông về để ăn "reveillon" với bè đảng cướp.

Thằng nào nhát gan hơn thì rủ thêm một "đồng chí", ăn cắp một chiếc xe, rồi de "đít" vô, đụng cái rầm, sập "cha" luôn cái cửa cuốn. Nhào vô, hốt đầy vài thùng mắt kiếng, loại đắt tiền (tổng cộng khoảng 300 ngàn đô Úc) như vừa xảy ra ở chợ Footscray nầy đó thôi! Xong dông trước khi lính tới...

Mắt kiếng mùa hè Úc nầy bán chạy lắm! Đem ra chợ Trời thứ Bảy ở Laverton! Bán nửa giá, mua một tặng một, là chúng sẽ có một mùa Giáng Sinh xa hoa như tỉ phú Donald Trump bên Mỹ vậy!

Đám hơi "bị" buồn thứ hai là Bưu điện Úc!

Trước cái thời email, facebook nầy, Giáng Sinh là mùa Bưu điện Úc hốt tiền, ôi vô thiên lủng, vì bán thiệp, bao thơ, tem cho thiên hạ gởi tùm lum tà la chúc mừng "Merry Christmas and Happy New Year"

Giờ thì thiên hạ chỉ chơi e-card, có kèm theo nhạc, bấm con chuột cái cốc là bay cái vù tới em yêu tận phương trời nào, dẫu xa lơ xa lắc, chỉ trong vòng tích tắc!

Ôi người xưa của tui, em Mà rí à (Maria), hằng đã bao năm, tình cũ không rủ cũng nhớ... Mùa Giáng Sinh nào em cũng gởi lời "Merry Christmas" tới tui!

Cuối lời chúc, em không dám đề tên; vì sợ con Sư tử Hà Đông của tui ở nhà biết được là tui sẽ chết tức, chết tối; chết không kịp trối... vàng cây vàng miếng "diếm" ở đâu?

Em chỉ ký bằng ba chữ "XXX" nghĩa là "kiss, kiss và kiss". "Hun, hun và hun!"

Tui, cũng lén con sư Tử Hà Đông, lịch sự gởi lại em xưa, trên Facebook, là "Merry Christmas" nhưng tới 6 chữ X nghĩa là hun em gấp đôi, tới 6 lần lận!

Bấm chuột gởi xong; soi gương xem dung nhan đó bây giờ ra sao? Thì thấy cái lỗ mũi của tui vẹo đeo, quặt hẳn qua một bên. Ai kêu chú mầy khoái hun cho lắm nhé!

Ôi lại nhớ xưa! Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời độ ấy, tui ở đường Hai Bà Trưng gần Nhà thờ Tân Định.

Nói không phải khoe với bà con chớ hồi nhỏ tui rất đẹp trai! Cỡ danh hài Tùng Lâm, vốn ở cuối cái hẻm, từ đường Đinh Công Tráng đâm ra đường Trần Văn Thạch gần rạp chiếu bóng Mô Đẹc, Tân Định.

Nhờ đẹp trai thấy "ớn chè đậu" như thế; nên tui mới bắp non mà nướng lửa lò; đố ai cò được con gà giò đó nhe? Con gà giò, (ghệ nhí), của tui ngày đó là nữ sinh chuyên mặc áo đầm màu hồng, trường Thiên Phước gần nhà thờ Tân Định.

Em học trường đạo tất nhiên là có đạo. Mùa Giáng sinh năm nào tui cũng tò tò, anh tan trường về; anh theo em về... dọc đường Hai Bà Trưng, cà rề cà rà xem người ta bán thiệp Giáng Sinh!

Chắc em cũng tính quen chơi; rồi sau tính "ưng" tui thiệt... Nên em chịu khó cắt nghĩa cho tui ý nghĩa ngày Giáng Sinh như thế nào?

Bởi theo lệ, cưới một người em xóm đạo là mình phải học đạo rồi theo đạo của em!

Thưa bà con tui có cái tật hơi ngồ ngộ, không giống ai, là: thầy cô dạy gì thì tui quên hết ráo. Nhưng mèo (cụt đuôi) hay vợ dạy cái gì là tui luôn ghi nhớ trong lòng... để mà cãi lại!

Hơn nửa thế kỷ rồi đó, mà lời dạy của em xưa về ý nghĩa của mùa Giáng Sinh vẫn còn vang vọng đâu đây.

Ngày ấy, em dắt tui vào sân nhà thờ Tân Định để xem hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng Chúa Hài Đồng, tượng Đức Mẹ Maria, chung quanh có những con lừa, tượng Ba Vua và một số thiên thần.

Em cắt nghĩa rằng: "Tại Bethlehem, thuộc tỉnh Judea, nước Do Thái, dưới quyền thống trị của Đế quốc La Mã, Chúa sinh ra đời trong hang đá nơi máng lừa!

Chúa vừa giáng sinh thì xuất hiện một ngôi sao rực rỡ. Ánh sáng tỏa ra mấy trăm dặm còn nhìn thấy. Từ các vùng phía đông xa xôi nay thuộc lãnh thổ Iran và Syria, có Ba vị vua được mặc khải tin rằng cứ lần theo ánh sáng ngôi sao dẫn đường để đến được thành Bethelem và mang theo ba món quà quý giá: vàng, trầm hương và mộc dược để bày tỏ sự thành kính của mình.

Đó anh thấy hông? Trên nóc hang đá có treo cái ngôi sao năm cánh đủ màu sắc sáng rực như ngọn hải đăng, dành cho những con chiên còn lạc bầy như anh, biết chỗ để trở về. Vì là con chiên, đi một mình nguy hiểm lắm!

Chúa phán: "Ta sẽ tìm con nào đã mất, dắt về con nào đã bị đuổi, rịt thuốc cho con nào bị gãy, và làm cho con nào đau được mạnh."

Và em trang trọng thêm rằng: "Tất cả chúng ta đều như chiên đi lạc, ai theo đường nấy. Nếu Chúa không đến cứu chúng ta, không người nào có thể tìm được đường về nhà Cha!"

Xong, tui dắt em ra quán cà phê Thu Hương, cách nhà thờ Tân Định chừng mười thước, để em uống chanh rum, có chút rượu rum cho bốc, hầu giữ giọng; vì em đêm nay, trong vai thiên thần, em được ca đoàn trưởng chọn làm lĩnh xướng!

Tui uống cà phê phin đen không đường, ra vẻ là người lớn, đời đắng thế nào cũng không có ngán, lim dim ngồi thả khói thuốc Capstan mù mịt như ống khói tàu!

Em ôn ca từ bằng cách hát nho nhỏ, đủ để tui... và cả quán cùng nghe. "Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời/ Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa/ Trong hang Bethlehem ánh sáng tỏa lan tưng bừng/ Nghe trên không trung tiếng hát thiên thần vang lừng/

Đàn hát réo rắt tiếng hát, xướng ca dư âm vang xa/ Đây Chúa Thiên tòa Giáng Sinh vì ta? Người hỡi hãy kịp bước tới, đến xem nơi hang Bethlehem / Ôi Chúa Giáng Sinh khó khăn thấp hèn?

Nửa đêm mừng Chúa giáng sinh ra chốn nhân trần/ Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than/ Nơi hang Bethlehem thiên thần xướng ca/ Thiên Chúa vinh danh chúng dân an hòa.

Ngày nay Thiên Chúa giáng sinh ra chốn gian trần/ Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than/ Nơi hang Bethlehem chiên lừa thở hơi/ Tan giá đêm đông ấm thân con người!"

Xong, em còn ngân nga rằng: "Sáng danh Thiên Chúa trên trời! Bình an dưới thế cho người thiện tâm!"

Nhưng vài năm sau mùa Lễ Giáng Sinh êm đềm năm ấy, tui vào lính và lên đường ra mặt trận. Thuộc lực lượng Tổng trừ bị, nên tiểu đoàn lội ra tuốt ngoài Quảng Trị, Thừa Thiên.

Cuộc chiến tranh càng lúc càng ác liệt. Đổ vỡ điêu tàn khắp nơi nơi. Ngay cả những ngôi giáo đường hòa bình, như nhà thờ Đức Mẹ La Vang, cũng cùng chung số phận!

"Con đã qua bao giáo đường đổ nát/ Duy chỉ còn ngơ ngác gác lầu chuông,

Chuông gọi hồn ai? chiều thôi óng ả/ Chúa gục đầu, nhỏ máu, khóc tang thương!"

Rồi tháng Ba gãy súng! Những cuộc di tản chiến thuật liên miên (mà không biết tại làm sao?!) Cuối cùng, tui về lại được Sài Gòn. Về lại cái đất Tân Định, đi lại con đường xưa, giờ trong cơn hoảng hốt!

Tìm em nhưng không còn gặp em được nữa. Em đã theo bố mẹ, anh chị em di tản khỏi Sài Gòn, trên chiếc vận tải cơ C130, từ Phi trường Tân Sơn Nhứt bay thẳng tới Guam, chừng mười ngày trước khi miền Nam sụp đổ. Tui kẹt lại, bị bắt đi tù cải tạo!

Những đêm Giáng Sinh, bụng đói meo, nằm lạnh lẽo trong trại tù, đêm tui lại mơ về ngày cũ!

Tiếng nhạc Jingle Bells rộn rã! Hình ảnh Ông già Nô-en cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà, leo qua ống khói để bỏ quà vào những chiếc vớ treo lủng lẳng dưới cây thông Giáng Sinh chợt trở về trong tiềm thức!.

Tui cũng thầm mong ông già Noel ghé qua, hãy bỏ vào chiếc vớ tui treo dưới cành cây Giáng Sinh tưởng tượng trong tù, mối tình tui và em của những  đêm Đông, nồng ấm yêu nhau ngày ấy.

Ra tù, về lại Sài Gòn, ngóng tin hoài từ bên Mỹ, nhưng em vẫn bặt tăm hơi! Nghe nói em đã có chồng. Mà chồng em chắc không bao giờ hài lòng... nếu biết vợ mình đã từng có một thời yêu thằng khác!

Nên vì lẽ đó em muốn chôn chặt tình tui vào mồ chôn dĩ vãng rồi chăng? Thôi phần số mà! Nên tui chẳng trách gì em!

"Nếu biết rằng em đã có chồng! Tui về lấy vợ thế là xong!

Vợ tui không đẹp bằng em lắm! Tui lấy cho tui đỡ lạnh lòng!"

Vâng! Tình tui đã đứt phim theo vận nước... buồn hắt hiu như thế đó!

Nên đã bao mùa Giáng Sinh về, thiên hạ ai vui thì cứ vui... Còn tui, tui buồn thì kệ Tía tui!

 

đoàn xuân thu

melbourne


 

 

Tạ ơn... vì ơn một tạ!

 dxt_taOn.jpg

Bảo Huân

 

Lễ Tạ ơn năm nay rơi vào ngày Thứ Năm, 24 tây, tháng Mười Một, kéo dài đến hết cuối tuần, tới 4 ngày (long weekend), nên cả nước Mỹ, như mọi năm, sẽ rùng rùng chuyển động, lên xe, tàu, xe lửa hoặc máy bay, dọc ngang như mắc cửi để đoàn tụ gia đình! Dù nghìn trùng xa cách cũng lặn lội về thăm Tía Má!

Bà con người Mỹ đã vui mà các siêu thị cũng vui, vì ngày Thứ Sáu liền sau ngày lễ Tạ ơn, Black Friday, là ngày buôn bán nhộn nhịp nhứt trong năm.

Cả trăm triệu người ùn ùn đi mua sắm, tốn hết 5, 6 chục tỉ đô la Mỹ để chuẩn bị cho mùa Lễ Giáng sinh đã về gần trước cửa.

Cái tập tục dễ thương nầy do chính những người vượt biên, vượt biển cách đây gần 400 năm (hổng phải người Việt mình đâu nhe), mang tới nước Mỹ.

Tháng Chín, năm 1620, tàu Mayflower gồm 121 người Plymouth Pilgrim, chạy trốn sự bách hại về tôn giáo ở quê nhà Anh Cát Lợi, rời Âu Châu. Sau hai tháng vượt biển, ngày mùng 9, tháng Mười Một, năm 1620, thuyền cập bờ Plymouth thuộc tiểu bang Massachusetts ngày nay.

Mùa Ðông Bắc Mỹ thật khắc nghiệt, kéo dài từ cuối tháng Chạp đến hết tháng Ba năm sau, lạnh giá đã quật ngã nhiều thuyền nhân, chỉ còn 55 người sống sót.

Mùa Thu năm 1621, những người sống sót trên vùng đất mới thu hoạch vụ mùa đầu tiên thật sung mãn. Họ có đủ lương thực dự trữ cho mùa Ðông và đủ sống cho đến vụ mùa năm sau. Thời khốn khó đã qua, giờ có của ăn của để!

Thói thường ai làm cái gì tốt cho mình là mình biết ơn hè. Mà người ta thi ơn cho mình quá nhiều mà để đáp lại mình chỉ nói lời cám ơn suông thì hơi yếu. Mình phải tạ ơn mới đúng. Vì cái ơn nầy nặng hơn một tạ!

Chính vì vậy nên những người di dân đầu tiên đã trân trọng kính mời quý thổ dân da đỏ đến nhậu nhẹt cùng tụi tui suốt ba ngày ba đêm vì đã giúp mình bước đầu bỡ ngỡ...Nhậu đã rồi, họ còn vẫy tay chào nhau, xin hẹn lại mùa sau!

 Những ngày không phân biệt chủng tộc đó qua mau, vì cái đám tới sau lại cỡi ngựa, móc súng bắn bùm bùm làm mấy tù trưởng giắt lông chim, vẽ mặt vằn mặt vện, chạy chí chết vào trong núi trốn!

 

***

Lễ Tạ ơn của Mỹ là phải có gà tây (turkey) nên còn gọi đó là ‘Turkey Day' (Nước Turkey tức Thổ Nhĩ Kỳ hổng có dây mơ rễ má gì vào đây hết ráo). Gà tây hoang dã thịt ngon hơn gà tây công nghiệp nhiều. Có điều là nó mắc quá xá nên chỉ dân Mỹ nhà giàu cỡ Donald Trump mới có tiền mà ăn. Người Mỹ sau nầy đã mang món gà tây đút lò trở về cố xứ Anh quốc để cạnh tranh quyết liệt với món ngỗng quay trong tiệc tối Giáng Sinh của quê nhà năm cũ.

Ðã gọi là truyền thống thì phải giống hịt thuở ban đầu mới được.

Mỹ ăn món gà tây đút lò thay vì ngỗng quay là để nhớ tới bốn hương hồn của bốn chú gà tây rừng đã hy sinh chính thân mình cho buổi lễ Tạ ơn đầu tiên trên nước Mỹ.

Trong niềm vui của bình an, sung túc và đoàn tụ nhân mùa lễ Tạ Ơn, người Mỹ luôn nhớ tới những kẻ không may mắn như mình, nhớ 47 người đã chết trong mùa Ðông lạnh lẽo đầu tiên nên dùng dịp này thơm thảo chia lại cho những người cùng khổ.

Cơ quan cứu tế Salvation Army có nhiều tình nguyện viên phục vụ miễn phí bữa ăn tối cho những kẻ không nhà.

Rồi bà con người Việt mình bên Mỹ, mở nhà hàng, nhân lễ Tạ ơn cũng thiệt tình mời những kẻ lang thang cơ nhỡ đến ăn đỡ một bữa ăn miễn phí!

Thiệt là một hành động từ tâm rất là đáng quý!

 

***

Cả nhà đoàn tụ, cùng đi nhà thờ cầu nguyện, tạ ơn Thượng Ðế đã từ tâm cho gia đình mình một năm đủ ăn, đủ mặc, xong về nhà cùng lên tiệc tối. Món chủ lực theo truyền thống, không có không được là: món gà tây (bà con mình ở miền Nam gọi là gà lôi) đút lò hoặc chiên bơ, ăn với  khoai tây nghiền và nước xốt, bắp, súp bí đỏ, khoai lang và bánh bí ngô.

Ăn nhiều là tốn tiền nhiều! Mỗi mùa lễ Tạ ơn, người Mỹ đã chi tới 3 tỉ đô la, mần thịt tới 51 triệu con gà tây.

Mà gà tây nó bự ế kinh đi, chừng chục ký trở lên, nhưng không sao, ăn không hết đút vào tủ lạnh, ăn từ từ cho tới lễ Giáng sinh.

Ăn rồi đi chơi! Nổi tiếng nhất là Macy's Thanksgiving Day Parade ở New York, với những bong bóng bay khổng lồ đầy màu sắc, hình Santa Claus để báo hiệu mùa mua sắm Giáng sinh đã bắt đầu.

 

***

Ðể gánh bớt tội lỗi của dân Mỹ mình vì giết gà tây quá xá, nên năm nào Tổng thống Mỹ cũng ân xá, tha chết cho một con gà tây 'đại biểu'.

Truyền thống nầy bắt đầu từ năm 1982. Tổng thống Ronald Reagan đã tha tội chết cho một con gà tây của The National Turkey Federation. (Liên đoàn Gà Tây Quốc Gia) được trở về Sở Thú mà ở tù chung thân, tới khi ngủm củ tỉ, chớ không phải bị đút vô lò nướng thơm vàng ngậy!

Năm nay, lần thứ 8, là lần cuối cùng, Tổng thống Barack Obama sẽ để ‘đức' lại cho con cháu vì tha chết cho con gà tây, sẽ có sự chứng kiến của Hoàng hậu Michelle Obama! (Riêng hai nàng Công chúa Malia và Sasha bận; năm nay không có dự), sẽ được trực tiếp truyền hình cho dân Mỹ xem.

Năm sau là tới phiên Tổng thống tân cử Donald Trump rồi.

Ðông hơn (vì tới ba dòng con)!

Vui hơn, vì mới lên ngôi cửu ngũ.

Và lần đầu trong đời Donald Trump làm được một việc thiện (được chúng khen) là tha chết cho một con gà!

Hy vọng là Trump sẽ từ tâm thiệt, chớ không phải thấy vậy mà hổng phải vậy. Tha rồi, nên đưa về Sở Thú để tiếp tục nuôi, chứ đừng trục xuất nó về nguyên quán như đòi trục xuất người Mễ, kẻo con gà tây nầy lại bị đem ra mần thịt thì tội nghiệp cho nó lắm nhe ông!

Vì gà tây cũng dễ thương lắm! Nó giữ nhà là khỏi chê, không thua gì ngỗng, mà sợ còn hay hơn mấy chú chó cò nhà mình nữa kìa. Thấy người lạ là nó kêu ‘lót lót', còn thấy con nít là nó nhảy lên nó đá làm thằng nhỏ khóc rùm.

 

***

Úc không có ngày Lễ Tạ ơn như Mỹ, nhưng vài năm trở lại đây, nhiều Tía Má Úc mua gà tây về đút lò, để đãi vợ chồng tụi nó từ hải ngoại về thăm, kẻo ‘bà dâu' hay ‘ông rễ' Mỹ nầy lại chầm dầm cái mặt mẹt với con mình!

Úc bây giờ khoái coi Super Bowl (Siêu cúp bóng bầu dục Mỹ) hơn Melbourne Cup (cuộc đua ngựa làm ngưng đọng cả nước Úc) nữa đó!

Mấy ông Úc già than thở rằng: "Chẳng bao lâu nữa nền văn hóa Mỹ sẽ bóp cổ nền văn hóa Úc thè lưỡi ra, chết ngắc cho mà coi. Hồi chuông báo tử đã rung lên rồi đó!"

Tui là Úc gốc Mít nên không lấy gì làm lo lắng. Úc và Mỹ như bà con chú bác. Em Úc bắt chước anh Mỹ, đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay, thì âu cũng là chuyện thường tình. Xin đừng biến nước Úc thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ là được (ngay cả tiểu bang Cali còn muốn ra đi nữa kìa!). Vì ngài Tổng thống tân cử Donald Trump ăn nói lôi thôi như con gà lôi lắm lắm!

***

Ôi nhớ xưa, tui lội tới đảo một mình. Sau cuộc ra đi nhứt chín nhì bù đó, nhân sinh quan tui đà thay đổi 180 độ!

Xử thế nhược đại mộng, đời chỉ là giấc mộng! Bữa nay còn đó ngày mai mất rồi, nên tui yêu cuồng sống vội!

Trước khi chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa, tui đã hứa hôn với em Ba Ù, con thiếm Ba bánh ú ngoài chợ Mỹ (Tho), vậy mà một mình một thân trên đảo, tui vẫn len lén em Ba Ù, sơ cua thêm một con mèo (cụt đuôi).

Nhưng tình Bidong có ‘list' thì dông! Con mèo (cụt đuôi) nầy dông qua Mỹ trước. Chờ tui hoài mà không thấy tăm hơi, chỉ bãi hôm tuôn dậy nước trào mênh mông nên em đành đi lấy Mỹ! Dẫu vậy, tình năm ba tháng mà thành thiên thu! Bằng cớ là cái ‘mét sịt', em mới  gởi cho tui sau 30 năm vầy nè:

"Ngày Thanksgiving năm nay, em sẽ đi mua một con gà tây mập ú như anh, chừng 15, 20 pounds, về, nhồi ruột bằng nếp xào với hành tím, tôm khô và lạp xưởng, làm nước xốt cũng chế biến từ ‘gravy' của Mỹ nhưng ướp thêm chút ‘nước mắm' cho đậm đà hương gây mùi nhớ Việt Nam. Nhưng cái lõi là để nhớ anh, vốn cũng từng thơm lừng như vậy đó, he he!

 

Happy Turkey Day!"

 

đoàn xuân thu -

melbourne

  

 

Phụ nữ Việt Nam mình giỏi thiệt!

dxt_phunuVN.jpg

Cổng chào Sài Gòn tại Footscray!

 

 Thưa bà con!  Người Úc sợ ma nên cứ xúm chùm nhum lại, sống dày đặc tại những thành phố ven biển. Còn rừng bụi bao la thì nhường cho Kangaroo (Chuột túi) và Koala (Cù lần Úc) ở. Diện tích thì không thua kém Hoa Kỳ bao nhiêu nhưng dân số chỉ vỏn vẹn có 24 triệu người, còn ít hơn số con Kangaroo, mà bà con bên Mỹ hay chọc quê tui là ở xứ ‘Kan lu lu'! (Xin bà con mình đừng nói lái!).

Chỗ người viết trôi dạt rồi tấp vào là thành phố Maribyrnong, do Thổ dân đặt tên dòng sông nước mặn đổ ra Vịnh Phillip, về phía Tây Melbourne.

Maribyrnong dân số ngày càng tăng, nên giá nhà đất cứ lên vù vù như pháo thăng thiên.  Còn Footscray (có nghĩa là hạ lưu sông Cray ở tuốt bên Anh), một thị tứ thuộc Maribyrnong là thủ phủ của người Việt mình.

 

Ôi chúng ta đi mang theo quê hương! Ðiều này cũng đúng với những người Úc gốc Anh đó thôi.

Người Việt tị nạn mình, từ những năm 80, đến Footscray, làm ăn cần cù, dành dụm tiền (triệu) mua lại cái thương xá Bilo rồi đổi tên thành Little Sài Gòn để nhớ thủ đô Sài Gòn, dù nó nhỏ hơn Sài Gòn nhiều (chính vì nhỏ mới có chữ Little đó chớ!) Hi hi!

Chớ trước khi bà con mình đặt chân tới, Footscray là ‘ghost town', thành phố hoang vắng, đêm về ma nó ở (tối, cứ sáu giờ là thiên hạ rửa cẳng lên giường, ngáy kho kho để sáng sớm đi làm hãng), giờ thành một khu thương mại sầm uất, trong quãng thời gian 30 năm trở lại đây.

 

Từ trung tâm thủ phủ Melbourne, nếu đi bằng xe lửa mất khoảng 10 phút sẽ tới  ‘thủ phủ' người Việt ở Melbourne. Nhà ga xe lửa Footscray vừa được chánh phủ tiểu bang tân trang toàn bộ coi cũng hổng thua ai nhe!

Sài Gòn có gì thì Footscray có nấy. Quán cà phê, tiệm phở, bún bò Huế, hủ tiếu, tiệm bánh mì, quán cơm, nhà hàng mọc lên như nấm... Công ty du lịch, tiệm vàng, tiệm hớt tóc, phòng khám nha khoa nhổ răng rồi trồng răng giả, phòng khám của bác sĩ gia đình...

Trong số các siêu thị, thương xá Little Sài Gòn là nhộn nhịp nhứt, bán đầy đủ các loại rau của Việt Nam mình như: rau muống, húng, hẹ, bắp chuối, giá, rau má, cà tím... Trái cây nhiệt đới thì xoài, nhãn, chôm chôm, măng cụt và sầu riêng. Kể cả mắm sặt cũng có nữa!

Ðôi khi bà con mình đến Footscray không để mua cái gì mà có thể là đi hớt tóc, nhuộm tóc cho trẻ lại để đỡ sầu đời, hay ngồi trên cái ghế uống cà phê sữa đá kiểu Sài Gòn. Rồi nhìn ông đi qua, bà đi lại, anh đi tới em đi lui, mà đa phần là đầu đen, rồi lâu lâu nghe mấy ông anh mình mở miệng xài giấy năm trăm, như tiếng đệm, cũng làm nguôi ngoai bớt nỗi sầu xa xứ!

 

Chính vì người Việt mình là một dân tộc cần cù, chịu thương, chịu khó... và chịu chơi như vậy nên các chánh trị gia nước Úc muốn ăn phiếu của Cộng đồng mình bằng cách rối rít cám ơn và phụ thêm tiền cho bà con mình cất một cái cổng chào vào khu thương mại Little Sài Gòn để vinh danh sự đóng góp của bà con mình cho nước Úc ‘Kăn Lu lu'.

Kiến trúc sư Úc thiết kế cái cổng chào nầy dựa trên văn hóa Việt Nam, gồm một đôi chim Lạc Việt, huyền sử Lạc Long Quân và Âu Cơ, một trăm quả trứng, trống đồng Ðông Sơn, và chiếc thuyền vượt biển!

Cổng chào nầy không giống cổng Tam quan ở những nơi khác mà cách điệu theo mỹ thuật đương đại, dù không giống ai, nhưng phải công nhận là rất đẹp. Ðúng là Úc Việt đề huề mà!

 

Nói nào ngay thị tứ Footscray trên đường phát triển không phải lúc nào cũng chạy ro ro như mình tưởng mà cũng bao phen lên trầm xuống bổng. Buôn bán lúc đắt, lúc ế. Lúc đắt ai cũng mừng, mà lúc ế ai cũng rầu, vì tiền đâu mà trả cho tiền mướn shop?!

Nhứt là kinh tế thị trường, chuyện cạnh tranh lúc nào cũng có. Trung tâm thương mại Highpoint,  là một trong những cái lớn nhứt nước Úc, thuộc địa phận thành phố Maribyrnong kéo khách về bên ấy, thì Footscray cũng quặt quà quặt quại theo đó thôi.

Thế nên Hội Ðồng thành phố Maribyrnong với sự kiên trì vận động của Hội Thương gia Á Châu Footscray đã quyết tâm làm sống lại khu Little Saigon, trái tim của thị tứ Footscray.

Một tòa nhà mới nhiều tầng, có các cửa hàng ở tầng trệt và bãi đậu xe tầng trên sẽ tưng bừng khai trương vào cuối năm nay. Rồi cắt một phần Byron Street và Leeds Street làm Phố đi bộ. Rồi trồng thêm cây ven đường trong khu phố... cho nó mát cái đầu hói của tui!

 

Bài học rút ra của bà con người Việt mình, sau vài chục năm định cư, là muốn làm ăn xuôi chèo mát mái, thực hiện giấc mơ an cư lạc nghiệp, con cái nên người và con vợ có tiền đi Seoul, Hàn quốc sửa sắc đẹp, thì làm việc cần cù không thôi chưa đủ mà phải gởi người đại diện mình vào chánh quyền Thành phố, chánh quyền Tiểu bang và ngay cả chánh quyền Liên bang.

Chánh quyền Liên bang hơi cao nên dù ráng (mấy lần tuyển cử rồi), nhưng con em mình đều rớt hết ráo. Thôi thì từ chánh quyền Thành phố, nơi mình ở, rồi leo từ từ... Tui chắc cuối cùng (có lẽ vài chục năm nữa) mình cũng tới thủ đô Canberra!

 

Thưa bà con! Bầu cử Hội đồng thành phố Maribyrnong cứ mỗi 4 năm một lần, vào Tháng Mười.

Tui và em yêu nhận được phiếu bầu gởi qua đường bưu điện tới tận nhà. Mình cứ chọn mặt gởi vàng, cầm cây viết lên, đánh số 1, 2, 3, 4 theo thứ tự phiếu ưu tiên.

Yếu tố sắc tộc ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả bầu cử, nên lá phiếu của cử tri gốc Việt rất quan trọng. Chỉ cần vài chục phiếu là có thể làm kẻ thắng người thua rồi!

Mấy năm rồi, Hội đồng Thành phố Maribyrnong bắt dân đóng tiền đậu xe khi ra Footscray đi chợ. Hậu quả là chợ ế nhệ hè!

Biểu tình mấy lần, cự nự quá xá mà mấy ông bà nghị viên không có chịu nghe dân than,  nên bầu cử lần nầy nghị viên nào từng đòi bà con đóng tiền đậu xe lúc đi chợ, ra tái cử là bị cho đi cầu tuột hết ráo!

Kiếm tiền cho ngân khố thành phố để lo cho phúc lợi của người dân, ai mà cản?! Nhưng cũng vừa vừa phải phải thôi! Tiền rác, (council rate), năm nào cũng lên... Bộ chưa đầy túi ba gang hay sao chớ?!

 

Hôm tối Thứ Ba, mùng Chín, tháng Mười Một, năm 2016, mấy anh độc giả thân thương ‘hú u' người viết đi dự lễ tuyên thệ nhậm chức của Hội đồng Thành phố Maribyrnong.

Sáu giờ rưỡi tối, nhưng trời mùa Hè Footcray vẫn còn ráng chiều sắc đỏ. Tui lò cò cái thân già, diện kẻng, đeo cà ra oách, đẹp trai thấy mà ớn, leo lên thang lầu, vào cái sảnh trên lầu hai.

Ðược mấy ông, bà Úc cho uống sâm banh, ăn bốc vài miếng nho nhỏ bằng ngón tay (Úc gọi là finger food mua ở siêu thị), rồi có nhạc sĩ ngồi chơi đàn guitar cho mình nghe nữa đó.

Mình là dân, mà dân làm chủ... Lâu lâu, đầy tớ đãi mình ăn chực... thì mình xực... thế thôi!

Niềm vui rượu rót tận ly, thức ăn đưa tận miệng mà hổng tốn đồng xu cắc bạc nào càng tăng lên gấp bội khi 7 ông bà nghị viên mới cắt chỉ tuyên thệ xong rồi ra mắt quần chúng thì nữ lưu chiếm đa số... tới 5 vị! Chỉ loe ngoe có hai ông. Ðúng là âm thạnh dương suy!

Mà tui vốn rất ‘galant'!  Nên phụ nữ nào làm boss (như em yêu của tui ở nhà) là tui cũng vỗ tay hoan hô hết trơn hè! Và trong năm vị nữ nghị viên nầy (thiệt tình nhe), tui cũng vui mừng vui quá vui khi có tới hai nghị viên gốc Việt!

Cúc Lâm (thế hệ thứ nhứt) làm nghị viên Hội đồng Thành phố Maribyrnong lần nầy là lần thứ hai. Còn tân nghị viên Gina Huỳnh (thế hệ thứ hai, do sanh đẻ tại đây) mới là lần thứ nhứt.

Tui tin chắc như bắp là nghị viên Gina Huynh đã lập một kỷ lục, không phải cho người Việt mình tại Úc thôi đâu... mà có thể cho toàn thế giới nơi có bà con mình cư trú, vì Gina là một sinh viên trường Luật, nghĩa là còn mài đũng quần trên ghế trường đại học, và chỉ mới vừa 20 tuổi!

Nghe bà con kháo với nhau là đám trẻ dồn phiếu tưng bừng... nên Gina Huỳnh đắc cử rất vẻ vang!

Phụ nữ Việt Nam mình giỏi thiệt nhe! He he!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Lá thư Úc Châu: Lai rai ba sợi!

 

dxt_lairai.jpg

 

Thưa bà con! Thú thiệt là lúc rảnh rỗi, tui rất khoái tụ bè tụ đảng, tùng tam tụ ngũ để lai rai ba sợi; để đấu láo cho vui thôi. Chớ bạn bè chí cốt gặp nhau... hỏng lẽ uống nước trà?

Dẫu vậy, tui cực kỳ chống đối chuyện say sưa tối ngày đó nhe! Chẳng qua nếu mình chạy quá trớn để thành bợm nhậu, ghiền rượu nó cũng di truyền từ đời ông tới đời cha, tới đời con rồi đời cháu đó nhe?

Do đó lỡ có nhậu thì mình trốn ra sau garage mà uống một mình! Đừng để con vợ mình, mấy đứa con mình biết. Kẻo tụi nó bắt chước nhậu theo hết ráo là càng thêm báo.

 

Thưa bà con cái gì cũng vậy. Vừa vừa phải phải cho đời vui... Thì tại sao không?

Còn uống như hũ chìm rồi chìm luôn thưa thiệt quả không nên!

Vì rượu sẽ làm mình mất trí nhớ, ngu như bò vậy!

Nên có chuyện rằng một ông bước vào quán rượu gọi một ly whiskey. Mới nhắm môi một hớp, thì có đứa chạy vào cấp báo: "Tèo! Nhà mầy cháy kìa!"

Ông vội bỏ ly rượu xuống, chạy ra ngoài mới sực nhớ: "Ủa mình đâu có căn nhà nào đâu hè!"

Bèn bước trở vô cầm ly whiskey lên, làm thêm một hớp thì có một đứa khác chạy vô cấp báo: "Tèo! Tía mầy chết rồi!"

Ông vội bỏ ly rượu xuống chạy ra ngoài mới sực nhớ: "Ủa mình đâu có Tía!"

Bèn bước trở vô cầm ly whiskey lên làm thêm một hớp nữa thì có đứa chạy vào cấp báo: "Tèo! Mầy trúng lô độc đắc rồi!"

Ông bèn nhảy phóc lên lưng ngựa ra roi, để đến sở Xổ số Kiến thiết Quốc gia giúp đồng bà ta... lãnh tiền. Quá đã!

Phi ngựa giữa chừng chợt nhớ: "Ủa mình đâu phải tên Tèo!"

 

***

Rồi nhậu là kỵ nhứt cha con, ông cháu nhậu chung một bàn. Nhậu khác bàn thì được! Chẳng qua ngà ngà say sợ tụi nó quên hết lễ nghĩa, kẻ trên người trước mà đánh đồng cá mè một lứa vì có chuyện như vầy:

‘Ba thằng đầu gấu đang ngồi nhậu, chén chú chén anh, trong góc quán. Một ông cũng già rồi, thấy cũng quá say, bước vào kêu một ly rượu mạnh.

Nhìn quanh quất, thấy ba thằng đầu trâu mặt ngựa, ông già cầm ly bước tới, cà khịa với cái thằng bự con, hầm hố nhất:

"Ê! bồ! Tao mới chạy qua nhà bà nội mầy, thấy em đang đứng trước cửa ở trần. Thiệt là quá đã nhe!"

Hai thằng kia nhìn có vẻ tự hỏi sao đại ca mình không cho ông già nầy một trận như thường khi bị ai sỉ nhục cái danh dự của mình cà?

"Tao dừng lại, hun bả một cái chụt! Chu choa nó đã ơi là đã!"

Hai thằng đàn em bắt đầu nổi điên lên chỉ chờ đại ca mình ra hiệu là dần cái ông ỷ già, hỗn hào vô phép nầy một trận nên thân.

Ai dè đại ca đứng dậy, từ tốn dìu ông già: "Nội à! Say quá rồi! Mình đi về đi!"

 

Chính vì tui khoái uống rượu để xã giao thôi! Úc nó gọi là "social drinker"! Mà thấy bây giờ, vịn vào cái chuyện nam nữ bình quyền: Chồng nhậu vợ cũng nhậu luôn... Theo thiển ý tui là không có đặng đâu nha!

 

Thưa bà con! Mới đây thôi, Tổng thống nước Nigeria, Châu Phi, Muhammadu Buhari, 73 tuổi, khi bị em yêu của mình là Aisha, mới 45 cái xuân xanh, chê cai trị cái gì mà dở ẹt, nên ngài Tổng thống quạu quá, nói sảng: "Vợ tui thuộc về cái bếp và phòng ngủ!"

Thiệt! Xưa rồi Tám! Thế kỷ 21 rồi! Cái gì quý ông làm được là quý bà cũng làm được.

Chẳng hạn như Bill Clinton đã làm Tổng thống Mỹ giờ tới em yêu của ổng là Hillary sẽ làm Tổng thống Mỹ đó thôi!

Tui cho rằng Bill lần nầy dọn trở vô tòa Nhà trắng, chắc khoái chỉ tử vì nơi đó sẽ có thực tập sinh (như em Monica Lewwensky hồi xưa vậy)! He he!

(Nhưng hỡi ơi! Buồn thay cho Bill vì giấc mộng đã tan thành mây khói vì em yêu Hillary đã thất cử!)

 

Thưa đó là chuyện làm ăn! Còn chuyện chơi, ăn nhậu thì thế kỷ 21 nầy rồi, phụ nữ nhậu cũng nhiều, ngang ngửa với đàn ông; chớ chẳng kém thua chi!

Trung tâm Nghiên cứu ma túy và rượu thuộc Đại học New South Wales (Australia) vừa chỉ rõ ra rằng: Nam giới sinh từ năm 1891 đến 1910 uống rượu gấp đôi phụ nữ cùng lứa!

Một trăm năm sau, người chào đời trong khoảng 1991-2000 thì gần như không có sự khác biệt nào giữa đàn ông và đàn bà trong cái khoản nhậu nhẹt li bì nầy hết ráo!

Đàn ông Úc khoái uống beer, còn phụ nữ Úc khoái uống rượu vang Penfolds.

Tiền rượu tốn 32 đô 35 xu một tuần. Tính từ 15 tuổi trở lên dân Úc uống mỗi đứa một năm khoảng 10 lít rượu nguyên chất.

Nước Úc là một nước đa chủng tộc, đa văn hóa... nhậu... rất khác nhau vì mỗi nước đều có thức uống quốc hồn quốc túy, để mang theo khi đến nước Úc định cư!

Như Guinness cho Ái Nhĩ Lan, Grappa cho Ý Đại Lợi, Rum cho Jamaica, Ouzo cho Hi Lạp, Sake cho Nhựt, Whisky cho Scotland, Tequila cho Mễ Tây Cơ, Vodka cho Nga và Rượu đế cho Việt Nam của mình!

Mà nhắc tới rượu đế của quê mình thì tui trộm nghe rằng chị em ta bây giờ trong nước nhậu rất khá...

Úc nó thấy chắc phải giơ tay lên mà đầu hàng vô điều kiện.

Cả nước gồm đàn ông nhậu, đàn bà nhậu khoảng 3 tỷ lít beer một năm. Kinh chưa?

Vậy mà VC đành đứt từng đoạn ruột, buộc phải bán 2 công ty beer quốc doanh nầy để lấy 2, 2 tỉ đô la... vì ngân khố đã hết tiền...

Hồi xưa chỉ quý ông anh mình khoái nhậu nên chỉ quý ông anh mình ai cũng biết làm mồi nhậu cho nó bắt. Mùa nào thức nấy. Có gì chơi nấy!

Chuyện mồi màng đó dễ ợt! Khách đến nhà hổng gà thì vịt, hổng có gà vịt thì còn cá dưới ao!

Lòng, mề gà xào chua trước một dĩa sương sương sau đó nồi cháo gà và một thau gỏi trộn bắp chuối hột bự xộn được dọn lên!

Hay trên bàn chiếc bàn tròn ngoài hiên, mấy dĩa thịt vịt xiêm luộc, chấm nước mắm gừng và vài chục con tôm nướng là đủ cho cho tụi mình cạn ly đầy rồi đầy ly cạn. Chừng nào ngã tại trận mới thôi!

Giờ thì quý tửu hữu mình khỏi cực thân nữa. Mấy em giờ nghe bày tiệc nhậu là xăng xái chạy ngay vô bếp làm mồi vì trong nầy mấy em cũng có phần hùn.

Nào là: vào cửa bửa một ly; nhâm nhi vài ba xị gọi là súc miệng cho đỡ ghiền! Không được kê táng (uống cạn ly, không được chừa lại giọt nào).

Ai uống tới đâu, tui em nhậu tới đó, không say không về! Ai uống hết nổi thì xin đầu hàng, ai say thì đi ngủ...

Quê mình giờ nghe nói: bà con lối xóm mời đám giỗ, đám cưới, đám thôi nôi, đám đầy tháng... Gần đây, bắt chước Tây u, còn thêm đám sinh nhật con, sinh nhật cháu chắt. Người ta quý mình nên mới mời đi dự đám.

Những chỗ thân tình, chồng đi đám vợ cũng đi và ông nhậu thì bà cũng... nhậu. Từ chỗ một vài bà biết nhậu, từ từ nhiều phụ nữ trong xóm thấy ham vui nên cũng... nhậu luôn.

Tình nguyện làm đệ tử lưu linh, cầm ly hò hét vang trời "một, hai, ba dzô, dzô 100%" một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm!

Nhậu xong lảo đảo ra về, do trời nắng nóng nên các chị cao hứng rủ nhau cởi phăng áo ngoài vắt lên vai, chỉ mặc độc áo lót vừa đi vừa hát nghêu ngao khiến đám con nít rủ nhau bu theo vỗ tay coi rần rần như đám hát bội.

Người phụ nữ Việt Nam đoan trang, nhã nhặn khi trên bàn nhậu, cũng chữi thề bốp trời thiên, quần áo xộc xệch, cởi bớt nút áo vì nóng hay kéo vạt áo lên quạt trước mặt bao nhiêu người.

Hồi xưa mấy em mà chơi vậy... chắc tui đành ở góa!

 

Ôi nhớ xưa! Lính về làng thần hoàng về miễu! Lính là đã vậy huống hồ là chuẩn úy Địa (phương quân) mới về đóng đồn ở Ngã Ba sông!

"Bữa nay nghe sắp nhỏ nói: Ông Thượng sĩ (quan) ghé qua tệ xá, nên ‘qua' kêu thiếm mày (vợ của chú Tư) bắt con cá lóc bự xộn, dính câu tối qua, làm cá lóc nướng trui đãi khách, còn ‘qua' nghỉ đi thăm ruộng một ngày để chơi với tụi bây cho tới bến""Chín à! Làm đi sao còn xớ rớ đứng đó?"

Thưa nghe Tía mình nói vậy, em Chín, sau nầy là xếp của tui và Má của đám con tui, te te rẹt rẹt ra sàn nước bắt con cá lóc bằng cả một cườm chân, lấy chày đâm tiêu đập đầu cá nghe cái bốp.

Tui nhớ, nên còn sợ tới bây giờ! Sau nầy vầy duyên can lệ cùng em Chín (bờ đò), em có nói gì là tui riu ríu làm theo, không bao giờ dám cãi; vì tui vẫn còn nhớ phần số con cá lóc ngày xưa đã chết dưới bàn tay trắng như bông bưởi, lún phún mấy cọng lông tơ của em Chín! Sao mà ác thôi hết biết?

Sau đó, em Chín đem rửa cá cho sạch bùn nhớt, (không cần đánh vảy hay làm ruột), rồi xuyên một que tre qua thân cá rồi cắm xuống đất, phủ rơm khô lên và châm lửa đốt.

Khi cá vừa chín tới, phần vảy cá cháy được cạo bớt, rút que tre ra, đặt con cá lóc lên tàu lá chuối, dùng dao vạch đôi ra, lộ phần thịt trắng, khói bốc lên thơm phức.

Cuốn với bánh tráng, rau thơm, chuối chát, khế chua, đọt xoài, đọt cóc kèn... chấm nước mắm me, đưa lên miệng nhai rau ráu...

Bồi thêm một ly hột mít, rượu nếp, là mồ hôi mồ kê nó ròng ròng trên mặt.

Thưa bà con! Tình yêu qua cái bao tử! Ông bà mình nói hỏng có sai mà!

Thấy em Chín, mắt cứ chớp chớp chịu đèn, mỗi lần buồn tui hay ghé nhà Chú thiếm Tư nhậu... để đỡ sầu thân lính ở miền xa...

Nên chú Tư, một hôm, ướm lời rằng: "Nếu ông Thượng sĩ (quan) không chê con Chín nhà tui, dốt nát, dân quê mùa đồng nội thì về dắt Tía Má ông Thượng sĩ (quan) xuống đây; nói một tiếng là vợ chồng tui gả con Chín liền!"

Được lời như cởi tấm lòng, tui mới gục gặc mà thưa rằng: "Tía Má con ở tuốt trên Sài Gòn! Đường sá xa xuôi; mà chỗ hòn tên mũi đạn bất an! Thôi nếu chú thiếm Tư không chấp nhứt, câu nệ gì thì con nhờ ông Thượng sĩ già, thường vụ đại đội, làm Tía con cũng được!"

 

Thưa bà con! Từ bữa nhậu cá lóc nướng trui đó, mà được vợ; giờ đã gần tới 50 năm kềm kẹp mà tui hỏng biết ngày nào ra. Hu hu!

Xưa phụ nữ mình đâu có ai nhậu nhẹt li bì hư đốn như bây giờ đâu?

Nếu có là làm mồi cho anh yêu mình nhậu với Tía mình mà thôi.

Thời buổi đảo điên mà! Nam nữ bình quyền cái giống gì... thiệt là hỏng ham!

Chiều nay, tui sẽ bảo em yêu, tức con Chín (bờ đò) ngày xưa đó, làm một món gì để hai vợ chồng cùng lai rai rồi sau đó đôi ta, nhớ lại cái duyên kỳ ngộ năm xưa, đàn lại bản tình xưa trên sông lạnh... Lâu quá nó nguội ngắt hết trơn rồi em ơi!

Chồng lai rai; có em yêu, xuất sắc trong vai tì nữ, ngồi kế bên đưa cay là phải phải!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Lá thư Úc Châu:

Không thèm làm Tổng thống?!

dxt_trump.jpg 

 

Tháng Giêng, năm 2017, đất nước quyền lực nhứt trên quả địa cầu nầy sẽ có một tân lãnh đạo!

Tổng thống Mỹ sẽ là người đứng đầu nhà nước, đứng đầu chánh phủ và là Tổng tư lệnh quân đội hùng mạnh nhứt thế giới!

Đó là một trách vụ rất nặng nề vậy mà Hillary Clinton cũng muốn kề đôi vai bé nhỏ của mình hoặc Donald Trump xòe đôi bàn tay bé nhỏ của mình ra mà bốc vác! Dù cả hai đã già chát! Già khú đế! (Tròm trèm 70 hết ráo rồi; mà ham chi nữa hỏng biết?!)

Đây là một công việc làm tàn phai nhan sắc!

Ngày dọn vô Tòa Bạch Ốc, là một chàng trai đầy sức sống! Ngày dọn ra là một "ông già" cụp xương sống, đầu đã bạc!

Thế nên khi tân Thủ tướng thứ 23 của Canada, Justin Trudeau, đắc cử lúc mới 44 tuổi, láng giềng phương Bắc rất dễ thương của Mỹ, qua thăm xã giao, Tổng thống Mỹ thứ 44, Barack Obama, lúc đắc cử chưa được 48 tuổi, giờ đã 55, cười hè hè nói: "Chú em! Tóc tai rồi cũng giống hịt như anh mầy đấy thôi!"

***

Thưa bà con! Muốn chạy đua để làm tổng thống Mỹ thì quý vị phải là công dân Mỹ, được má sanh ra ngay ở trên đất Mỹ mới đặng!

Như vậy người nhập cư dù có quốc tịch thì chỉ được làm Đệ nhứt Phu nhân là cùng. Như trường hợp Melania, vợ của Donald Trump, nếu chẳng may ông ‘thần' nầy thắng cử.

Sau là phải ít nhứt được 35 tuổi và phải cư ngụ tại nước Mỹ suốt 14 năm trở lại đây!

Vậy mà bà Michelle Obama, khi đi vận động cho ứng cử viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton, lại phán rằng: "Tòa Bạch Ốc cần một người trưởng thành!"

(Ý ám chỉ là ứng cử viên thuộc đảng Cộng Hòa, Donald Trump, dù đã 70 cái xuân già mà... vẫn còn là con nít!)

Thực sự là từ năm 1933 tới nay, ứng cử viên Tổng thống Mỹ đang hoặc đã từng là Thống đốc, Thượng nghị sĩ hay Tướng lãnh 5 sao! Còn lần nầy Donald Trump, không thuộc băng tần đó, là tay mơ, vì ổng chỉ là trùm mua bán địa ốc và chuyên làm show truyền hình mà thôi!

Vậy mà ngạc nhiên lý thú thay tay mơ nầy hồi mới ra tuyên bố tranh cử chỉ được có 3% đảng viên Cộng Hòa ủng hộ... lại lần lần cho 19 Thống đốc hay cựu Thống đốc và 10 Thượng nghị sĩ, kinh nghiệm chính trị cùng mình, rơi rụng như sung.

Thói thường, thừa thắng xông lên, Trump phải đến Washington DC đuổi một gia đình người Mỹ da đen (Obama) ra khỏi nhà như đã từng làm nhiều lần trước đó; nhưng nhà làm phim tài liệu có tiếng tăm ở Mỹ là Michael Moore lại phán (nghe nghịch kỳ thiên quá?!):

"Donald Trump tranh cử Tổng thống Mỹ! Nhưng Trump lại không muốn làm Tổng thống, không muốn dọn vô Phòng Bầu Dục!"

(Hay tại Melania, vợ Trump, chê nhà nhỏ quá; hỏng có bằng cái lâu đài của vợ chồng mình... nên em hỏng muốn dọn vô đâu!)

Theo Michael Moore, viết trên The Huffington Post, thực chất là Trump quậy đục nước trong cuộc tranh cử lần nầy, thoạt kỳ thủy chỉ là một thủ thuật để làm reo, làm giá cho đài NBC trả tiền kha khá hơn khi đài nầy đã ký hợp đồng với Trump, vốn là một ngôi sao, làm thêm cái show truyền hình thực tế đang ăn khách tợn là: "The Apprentice!"

Tuy nhiên sau khi Trump gọi những người Mexico nhập cư là bọn chuyên bán xì ke ma túy và là bọn hiếp dâm thì đài nầy đã mời Trump đi chỗ khác chơi!

Thua keo nầy ta bày keo khác! Trump tiếp tục vận động tranh cử Tổng thống để nhằm thu hút thêm nhiều bạn xem đài cho cái hệ thống truyền hình sắp thành lập của riêng mình! Chớ không thèm đi làm mướn cho đứa nào hết ráo! Tức quá mà! Nó dám: "You're fired!" (đuổi tui chớ)?!

Cái nầy nghe cũng có lý đấy! Hai ba bữa trước, Trump đã ngừng vận động tranh cử để đi khai trương cái khách sạn của mình vừa mới cất xong ở Washington DC.

Chuyện gì Trump làm... mục đích cuối cùng là tiền... Dễ hiểu vậy!

Michael More cho rằng: Chính bản thân Trump cũng vô cùng kinh ngạc đến té ghế khi mình được đảng Cộng Hòa đề cử.

Như vậy bà Hillary xui quá vì tranh cử với một tay mà tự thâm tâm không muốn thắng; mà lần nầy lại thua như 8 năm trước đã từng thua Obama trong cuộc vận động để đảng Dân Chủ chọn làm ứng cử viên, thì quả là bà nầy, số thầy bói nói, là không có chân mạng đế vương; nên không được làm Tổng thống Mỹ?!

Trump khoái phát biểu tầm xàm bá láp; nhưng lại làm một bộ phận người Mỹ nghe xong như bị điện giật, lên đồng, nhảy múa điên cuồng như đang say xỉn; Trump càng khoái chí, tiến lên toàn thắng ắt về ta, cho những người (từng dè bỉu, bêu rếu ta: Khoe là tỉ phú mà vài lần khánh tận; và là con dê chúa chuyên bốc hốt tùm lum) lé mắt chơi!

Được ủng hộ cuồng nhiệt như vậy, Trump trở về cái bản tính cố hữu là mình chỉ yêu mình! Ta không còn là Vua trong các cuộc thương lượng mần ăn để kiếm tiền mà giờ: "Ta đã là Vua của Thế giới"! (King of the World!)

Trump chỉ muốn thiên hạ chú ý đến mình và chỉ mình xuất hiện rực rỡ trước ánh đèn sân khấu thế thôi!

Tuy vậy chơi bất cứ cái gì bao giờ Trump cũng muốn thắng, không bao giờ muốn dán lên trán mình chữ L nghĩa là Lost, nghĩa là Thua!"

"Xin lỗi những người Mỹ ủng hộ đảng Cộng Hòa nhe! Donald Trump thực sự chẳng quan tâm gì đến việc làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại như khẩu hiệu ông ta thường hay hò hét đâu!"

Và chó ngáp phải ruồi, buồn ngủ gặp chiếu manh, Donald Trump thắng cử thiệt!

Tổng thống Donald Trump sẽ giao toàn bộ việc nội trị và ngoại giao cho Phó Tổng thống Mike Pence; để rảnh mà đi hô khẩu hiệu: "Making America Great again!" (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại!) Vui hơn!

Thưa bà con!

Khi bài nầy lên khuôn thì bà con nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới, kể cả cái Down Under, Miệt Dưới, đã biết Nữ kê tác quái, gà mái không có đá được gà cồ!

Tưởng Hillary thắng, là: "Đầu tiên tôi thở cái phào/ Bao nhiêu phiền não như trào ra theo."Ai dè Hillary rớt rồi làm tui cũng lên cơn nhồi máu cơ tim!

Vì đưa cái nút bấm chiến tranh hạt nhân cho một quái nhân lên trầm xuống bổng, hay lên dầu sống bất tử như vầy, tui sống ngày nào phập phồng ngày nấy đấy bà con ơi!.

Phần thầy bói nói: "Barack Obama là vị Tổng thống cuối cùng!" Nên cũng sợ chết hết... quá đi chớ!

Nước Mỹ là dân tộc thích phiêu lưu; nhưng chính mình ‘phiêu lưu' cà! Giờ nhờ Donald Trump ‘phiêu lưu' dùm mình... thì tụi tui e rằng mình không ‘phiêu lưu' mà sẽ ‘phiêu diêu' miền cực lạc ráo nạo!

Thưa bà con! Xin đừng có lo chi cho tổn thọ nhe! Dẫu Doanld Trump thắng cử tui cũng không có lo sợ gì hết ráo!

Sao mà tỉnh bơ như ruồi vậy? Vì ở một nước dân chủ, chớ đâu phải là độc tài Cộng sản mà muốn làm ‘sảng' gì là làm đâu hè?!

Hành pháp! Lập pháp!...và còn Tư pháp nữa! Tam quyền phân lập, nó kiểm soát lẫn nhau chớ; để ngăn ngừa cái chuyện độc tài làm ẩu bất tử.

Donald Trump đắc cử, thì tui cũng vui như thường thôi...

Vì gần cả năm nay, nhờ cách phát ngôn trên trời dưới biển, nói chuyện ruồi bu kiến đậu nầy đã giúp những người viết báo như tui kiếm được kha khá tiền nhuận bút để ăn với nhậu!

Nên tui xin cám ơn Donald Trump rất là nhiều nhiều! Mấy nhà báo trên toàn thế giới chắc cũng nghĩ y hịt như tui thôi: Donald Trump thua là tụi mình cũng thua luôn... Phải húp cháo rùa!

Hillary Clinton làm chánh trị kiểu xưa quá; lại không có tánh hài hước bẩm sinh, không hấp dẫn... nên không ăn khách! Lại thủ kỹ lời ăn tiếng nói, ngay tới son môi còn thắm, áo quần sắc màu còn chọn lựa kỹ càng... thì có gì đâu cho cánh nhà báo tụi tui ‘xăm xỉa' chớ?

Chỉ e Hillary mà thắng thì tui lại tội nghiệp cho Cựu Tổng thống Bill Clinton, vốn là một thần tượng chuyên chơi kèn saxophone của Monica Lewinsky!

Chắc nghe lời ai oán của Bill nên Hillary đã bị ngựa về ngược đá giò lái!

Từng tuổi nầy rồi, xí quách còn hỏng bao nhiêu, mà em yêu cứ bỏ đi hoài! Không chịu ở nhà giữ cháu ngoại với anh yêu! Cứ bay tới, bay lui; bay xuôi, bay ngược để vận động tranh cử!

Để Bill phòng không chiếc bóng để nhớ ai ra ngẩn vào ngơ, nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai? Chiếu chăn ơi hỡi chiếu chăn! Bỏ nhà đi suốt... thì (còn) mần ăn cái giống gì?

Làm Đệ nhứt Phu nhân; làm Thượng nghị sĩ tiểu bang New York; rồi làm bà Ngoại (cả hai nghĩa) chưa đủ hay sao?

Tất cả những danh vọng đó đều ‘kinh qua' mà không hề làm Hillary ‘kinh hãi' để rũ áo từ quan, vui thú điền viên, non xanh nước biếc cùng Bill.

Cái chức vụ tối quan trọng nhứt cuộc đời con gái là làm vợ; mà sao em nỡ đành quên?

Theo ý tui, 4 năm tới, sau khi Donald Trump làm một nhiệm kỳ rồi, đảng Dân Chủ nên đưa Michelle Obama (một luật sư hùng biện, vẫn còn trẻ, đẹp) ra đi.

Lúc đó đảng Dân Chủ Hoa Kỳ sẽ thắng chắc, sẽ lấy lại Tòa Bạch Ốc cho gia đình người Mỹ da đen ăn nói rất dễ thương, sẽ lập một kỷ lục vô tiền khoáng hậu là: "Chồng làm Tổng Thống; rồi vợ làm Tổng Thống!"

Cho cái đảng Cộng Hòa đối thủ, nó tức hộc gạch chơi; vì nó làm hỏng có được!

 

đoàn xuân thu

melbourne


 

 

Bob Dylan! Người hát rong của Mỹ!

 dxt_BobDylan.jpg

Bảo Huân

 

Thưa! Bob Dylan, một nhạc sĩ du ca người Mỹ, lại được trao tặng giải Nobel Văn chương làm dấy lên lời qua tiếng lại um sùm trong giới cầm bút về việc định nghĩa của văn chương!

Nhưng Bob Dylan, là một nhạc sĩ thì trao giải Văn chương coi bộ hình như Viện Hàn Lâm Thụy Ðiển đã chơi ‘khăm' các nhà văn, nhà thơ chính thống rồi chăng?

Suốt 115 năm, lần đầu mới có chuyện nầy nên bà con xúm nhau lại cãi vui hơn Tết! 

Các nhà văn, nhà thơ cũng thích được trao tặng giải Nobel Văn chương lắm chớ! Nhất là giải thưởng tới 8 triệu Krona, tiền Thụy Ðiển. Theo hối xuất hôm nay một krona bằng 0.11 đô Mỹ. Thì 8 triệu krona bằng 907,641 đô Mỹ, gần một triệu đô. Ðâu phải nhỏ? Vậy mà có nhà nhạc đột nhiên nhào vô rinh mất cục thịt nạc... thì hổng tức cành hông sao được hè?

Ðó là lợi, còn danh thì nhà văn, nhà thơ mà có cái tước hiệu Nobel Văn chương, một chiếc huy chương mạ vàng, tấm bằng chứng nhận đàng hoàng do Vua Thụy Ðiển trao cho thì mới là sang đó nhe! Sau nầy có kẹt tiền ăn nhậu, đem ra bán đấu giá cũng được khẳm tiền...

Thiệt là một mùa bội thu tiền tài lẫn danh vọng sau gần suốt cả đời người, viết mòn tay, cùn hàng ngàn ngòi bút và cạn chừng vài ngàn bình mực... tím!

 

Thế nên, nhà văn Pháp, Pierre Assouline tỏ ra giận hết biết với Ủy ban Nobel:

"Tên tuổi của  Bob Dylan cũng đã được nhắc tới trong vài năm qua, nhưng chúng tôi luôn nghĩ đó chỉ là chuyện đùa. Quyết định của họ là một sự coi thường với các nhà văn. Tôi thích Dylan nhưng tác phẩm văn học của ông ấy đâu? Tôi nghĩ Viện hàn lâm Khoa học Thụy Ðiển đã tự biến họ thành trò lố bịch".

(Mấy ông Tây, Bà Ðầm nầy cũng nhiều chuyện lắm nhe: Không trao giải cũng giận mà trao giải thì lại không thèm nhận! Như trường hợp ông Tây mũi lõ, triết gia Pháp, Jean-Paul Sartre là người duy nhất ‘chảnh', người ta trao tặng Nobel Văn Chương, năm 1964, mà ông nói tui cóc có cần!)

Tây nó thường ghét Mỹ, nó cà khịa như thế mình cũng hiểu được. Tuy nhiên Mỹ mà chơi Hoa Kỳ thì hơi bị lạ đó nhe!

 

Theo thói thường, người Mỹ được vinh danh như vậy là báo Mỹ phải nhảy cửng lên mà tát nước theo mưa!

Vậy mà tờ New York Times nầy lại đâm xuồng bể, viết là: "Bob Dylan không cần một giải thưởng Nobel Văn chương, nhưng văn chương cần một giải thưởng Nobel. Và năm nay nó đã không có giải!"

Tờ New York Times cho rằng Bob Dylan vô cùng xứng đáng với rất nhiều giải Grammy, trong đó có cả một giải thành tựu trọn đời năm 1991.

Ông là một nhạc sĩ tuyệt vời, một người viết ca từ có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong văn hóa Mỹ. Nhưng "Bob Dylan không thích hợp để được giải Nobel Văn chương".

 

***

Thưa bà con! Ðời, chín người mười ý!

Như ca sĩ Marianne Faithfull, lại phán rằng: "Tôi nghĩ ông ấy là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất thế giới và ông ấy đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của chúng tôi bằng lời ca tuyệt mỹ như thơ". Ca sĩ khen nhạc sĩ thì cũng là điều dễ hiểu vì tụi mình đi chung một xuồng mà!

Do đó trao tặng Bob Dylan giải Nobel Văn Chương là trao tặng một nhà thơ. Vì Bob Dylan đã từng nói rằng: "Tôi tự xem mình trước là một thi sĩ sau mới là nhạc sĩ. Tôi sống như một nhà thơ và sẽ chết như một nhà thơ!!"

Nhạc thì đoạt giải Grammy tới 11 lần, bán được hàng trăm triệu đĩa hát! Diễn thì đoạt giải Quả cầu vàng và giải Oscar! Báo thì đoạt giải Pulitzer báo chí năm 2008!

Bob Dylan cũng được vinh danh tại Ðại sảnh Danh vọng Rock and Roll, Ðại sảnh Danh vọng âm nhạc Minnesota, Ðại sảnh Danh vọng nhạc sĩ Nashville và Ðại sảnh Danh vọng nhạc sĩ.

Năm 2004, ông được tạp chí danh tiếng Rolling Stone bình chọn là nghệ sĩ vĩ đại thứ 2 mọi thời đại, chỉ sau ban nhạc The Beatles.

Giống như hòn đá lăn, tựa đề một ca khúc của ông, lăn tới tuốt trên đỉnh cao danh vọng, Bob Dylan được Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Barack Obama lần lượt mời đến ăn nhậu và gắn mề đay!

Xong về, ông phán rằng: "Ðược người ta chú ý tới là một gánh nặng. Tôi đã từng ăn nhậu với những con người đầy quyền lực. Tôi đã được xưng tụng những lời có cánh, nhưng thiệt tình tui hổng có ấn tượng gì ráo..."

"Sự được ái mộ có tốt gì đâu?! Mình đâu có ăn sáng bằng những lời xưng tụng đó và cũng đâu có mất ngủ vì nó!"

"Bạn thích tác phẩm của tôi không có nghĩa là tôi phải hàm ơn bạn đâu nhé!

Tôi không nợ gì thế giới? Không nợ gì cả!"

***

Ðó là về danh. Còn về lợi thì Bob Dylan nói: "Tiền bạc không biết nói! Nó chỉ biết chửi thề!"

Như vậy Bob Dylan khoái chuyện gì? Dà, ổng khoái du ca, tức là đi hát lòng vòng, đi hát rong... nhưng khẳm ‘tại'!

Vì trên sân khấu lúc trình diễn là nơi ông cảm thấy hạnh phúc nhứt! "Nó là cuộc sống, là hơi thở, không có nó là tôi chết!"

"Người trong bản nhạc tôi viết chính là tôi! Tôi đi từ đời thực. Tôi sống nơi tôi tìm được chính bản thân tôi!"

"Tôi thích nước Mỹ cũng như thiên hạ. Phải nói là tôi yêu nước Mỹ mới đúng nhưng nước Mỹ phải bị phê phán!"

Bob Dylan từng tuyên bố: "Tôi là người phát ngôn cho cả một thế hệ của chúng ta!"

Bob Dylan đã tự nhận là mình chỉ tin mình: "Tôi không muốn bất cứ điều gì liên quan đến định thức cả. Tôi thích sự hỗn mang? Không có gì bền vững hơn là sự thay đổi!" Rõ ràng là một tánh cách đặc sệt chất Mỹ!

Bob Dylan là một người viết ca từ rất mực tài hoa, kết hợp nhuần nhuyễn những điều phức tạp giữa chính trị, xã hội, triết học và cả văn học, được rất nhiều người nổi tiếng trích dẫn trong bài diễn văn của mình như thành ngữ ca dao Mỹ vậy.

"Không dễ dàng để định nghĩa thi ca. Mình không thức dậy và quyết định mình cần viết nhạc. Cảm hứng thật khó đến. Phải bắt lấy ngay khi tìm được."

 "Tôi thay đổi hàng ngày. Thức dậy là một người khi đi ngủ tôi đã là một con người khác. Tôi mâu thuẫn ngay cả với chính tôi!"

"Một người được xem là thành công nếu sáng thức dậy và tối đi ngủ, giữa khoảng thời gian đó anh ta làm được điều anh ta muốn!"

Năm nay, đã 75 tuổi, khi suy nghĩ về cái chết, Bob Dylan đã nói rằng: "Bạn sẽ chết. Tôi sẽ chết. Có thể là hai mươi năm nữa. Có thể là ngày mai. Có thể bất cứ lúc nào! Cuộc đời không có chúng ta thì cuộc đời vẫn sống! Ai cũng nói về sự bình đẳng. Chỉ có cái bình đẳng duy nhứt trong cuộc đời nầy là ai trước hay sau gì cũng phải chết! Thế nên công việc mà chúng mình phải làm để đối mặt cái chết là tự mình sống, tự mình quyết định đời mình!"

***

Bob Dylan được người Mỹ yêu mến vì chính ông có đầy đủ những ưu khuyết điểm của người Mỹ trong vòng 5 thập niên trở lại đây.

Một nước Mỹ vừa tự tin chính vào bản thân mình, vừa tự cao, tự đại và đôi khi cũng có tự ti!

Bình thường, bất cứ ai được trao tặng giải thưởng Nobel Văn chương danh giá nhất hành tinh thì cũng nói ‘thank you' rồi nhận lời mời đến dự chớ!

Nhưng Bob Dylan thì im thin thít, im khe, không trả lời trả vốn gì ráo! Chỉ tiếp tục tỉnh bơ, ôm đàn đi Las Vegas hát ca khúc "Why Try To Change Me Now" (Tại sao muốn thay đổi tôi lúc này) như muốn nhắn gởi với Ủy ban giải Nobel vậy!

Thưa bà con trong cái vụ lùm sùm nầy, tui thấy Ủy ban giải Nobel làm cái chuyện khá bất công với mấy nhà văn và nhà thơ trên toàn thế giới!

"Bob Dylan đã lội qua tới bờ rồi... thì vụt cho ổng một chiếc phao... để làm chi nữa hỡi mấy ông nội con nít trong Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Ðiển?!"

 

đoàn xuân thu

melbourne.

  

 

Lá thư Úc Châu: Xúc xích!

 dxt_xucxich.jpg

 

Thưa bà con người Việt mình chắc ai cũng biết món phở đã danh trấn giang hồ trên khắp năm châu! Hãnh diện nhe!

Như anh bạn nhậu của tui, thường từng tự hào: "Ai qua đây, có công mài sắt có ngày nên... sắt; học thấy bà tiên tổ, để có được cái bằng Ph. D (tức Tiến sĩ); để thiên hạ gặp cái mặt ‘mẹt' của mình... đều phát rét; phải kêu bằng ‘Đốc tờ' (Dr) mới được!

Tui thì trái lại, có công trụng phở mấy giây là đầy một tô phở, làm thấy bà tiên tổ, để có cái bằng Ph. O (nghĩa là Phở).

Mỗi tô 12 đô, lời được 3 đô! Ngày tui bán một ngàn tô! Thì tiền đầy  túi, thiên hạ Mercedes thì tui cũng Audi! Rồi nhà mầy lớn nhà mầy cao chưa chắc bằng nhà tao?!"

Thưa chắc bà con ai cũng biết là Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton rất khoái ăn phở. Bill không những tài hoa; mà còn có cái số đào hoa... nên thường hay chán cơm mà thèm phở! Nghe thiên hạ đồn rằng là khi vào Sài Gòn, hơn chục năm trước đây, Bill đã bảo đám tùy tùng dắt tui đi ăn phở tái đi!

Nhưng Tổng thống Barack Obama chắc hơi sợ vợ; nên dẫu có chán cơm cũng không dám thèm phở... như vị Tổng thống đồng đảng của mình! Nên khi ghé Hà Nội, sau khi đi cho cá ăn với người đẹp Kim Ngân, Obama chỉ dám đi ăn bún chả mà thôi!

Trong bún chả có chữ ‘chả'; chắc Obama muốn nhắn nhe với em yêu Michelle, đang phải giữ con ở nhà, rằng: "Anh ‘chả' dám đâu!" He he!

Thưa sau phở là mình phải kể tới bánh mì. Phở húp một miếng nước lèo, mùa Đông Melbourne, dẫu lạnh cắt da, cũng thành ‘nơ pa'!

Ít xu hơn, hỏng đủ tiền chơi một tô phở tái nạm gầu thêm hành trần và nước béo tới mười mấy đô; trong túi chỉ vỏn vẹn còn có 5 đô thôi thì mình chơi một ổ bánh mì thịt kiểu Việt Nam đi! Hồi xưa nghèo, gặm bánh mì gọi là thổi kèn Tây, hay ăn cơm tay cầm, cũng no bụng như thường. No mà còn ngon nữa chớ! Vì cắn miếng nào miếng nấy đều giòn rụm! Rất là khoái khẩu!

Rồi bà con mình qua đây có người chỉ bán bán mì thịt cho Úc nghèo ăn thôi mà thành giàu... đa tỉ phú (tiền Việt) và đa triệu phú (tiền đô Úc) rồi đó nhe!

Chiều dẹp cái quầy bán bánh mì lại, đóng cửa tiệm cái rẹt, cầm cái bộ phận điều khiển từ xa, tức cái remote control, bấm cái kịt là chiếc Mercedes xì po, đời 2016 chớp chớp đèn! Em ỏn ẻn bước vô cho chồng, kiêm tài xế, chở em về lâu đài, bên kia dòng Yarra lung linh nước biếc, về Toorak (khu nhà giàu nhứt hạng của Melbourne đó!)

"Một ổ bánh mì thịt tui bán chỉ 4 đô! Trung bình mỗi ngày bán được gần cả hai ngàn ổ, mỗi ổ chỉ lời được 1 đô rưỡi thôi! Nếu trừ đi các chi phí, hàng họ, điện ga, hầm bà lằng xắn cấu - thì bét lắm vợ chồng tui cũng bỏ túi được vài trăm ngàn đô Úc/ năm! Quá đã!"

(Cái nầy là thông tin vỉa hè Catinat, do anh bạn nhậu của tui, vốn là một tay chủ lò bánh mì, trong lúc phừng phừng vài ly rượu, thành thật khai báo cho tui xanh mặt, há hốc miệng ngán... chơi! Còn nó chính xác tới mức độ nào, xin bà con nếu có tính đi bán bánh mì thịt kiểu Việt Nam để triệu phú đến nơi mua lấy cái nhà giàu sang mấy hồi; xin tự mình quyết rồi, lời mình ăn lỗ mình chịu! Lỡ có bề gì; xin chớ có kêu tên cái thằng tui ra mà xài xể nhe! Tác giả không chịu trách nhiệm bản quyền về những lời mình tán dóc!)

Thưa trở lại cái vụ phở và bánh mì; cho dù bị Donald Trump phao tin đồn thất thiệt là Hillary Clinton chưa chắc đã trung thành với Bill đâu; vì chữ cũng có câu rằng ông ăn chả; bà ăn nem! (Hay anh ăn phở; em ăn bún bò Huế!)

Hillary không khoái ăn nem hay ăn bún bò Huế; chỉ khoái ăn bánh mì mà phải bánh mì kiểu Sài Gòn mới đặng.

Mới đây nè, ngày 14 tháng Hai, năm 2016, ngay chóc Lễ Tình nhân, tức Valentine's Day, tiệm bánh mì Lee's Sandwiches, ở Spring Mountain , thành phố Las Vegas, tiểu bang Nevada, đã hân hạnh được ứng cử viên đảng Dân Chủ, Hillary Clinton và đoàn tùy tùng đông như kiến cỏ đến ăn trưa.

Mỗi đứa gặm một ổ bánh mì thịt heo nướng, đứng số 5 trong thực đơn, uống một ly cà phê đá kiểu Sài Gòn; rồi xơi thêm một miếng bánh ngọt nữa cho nó đã cái miệng.

Nói nào ngay! Ứng cử viên Hillary Clinton trước là muốn ăn bánh mì Việt Nam sau là muốn ăn phiếu của cộng đồng người Mỹ gốc Việt luôn một thể. Ăn một hơi hai thứ cho nó tiện mà!

Ba cửa hàng Lee's Sandwiches, chỉ một ông Việt Nam làm chủ, sẽ cung cấp ăn sáng cho toán nhân viên trong ban vận động tranh cử của bà Hillray Clinton suốt cả tuần trong cuộc họp đại hội đảng Dân chủ tiểu bang Nevada. Vậy là trúng mối, vô mánh! Quá đã! Ngon và bán đắt như tôm tươi vậy mà không giàu to mới là chuyện lạ!

Thưa khi bà con mình lưu lạc, xa quê nhưng vẫn không quên mang theo bánh mì kiểu Sài Gòn thì phương Tây, tụi nó chỉ chuyên trị món bánh mì ‘sandwich' từ hồi thế kỷ 19 lận!

Hai lát bánh mì ‘sandwich' kẹp chính giữa, thịt, phô mai, cùng với rau hay xà lách và nước sốt.

Bánh mì ‘sandwich' nầy theo dòng người di dân từ Châu Âu vượt biển, vượt biên đến vùng đất mới, Hoa Kỳ, thành ‘hot dog'!

Bà con mình hay nói: "Người Mỹ yêu chó! Người Việt yêu thịt chó!"

Còn hơi bị thiếu thiếu, phải thêm là: "Người Mỹ yêu chó và yêu ‘hot dog'."

Hot dog không phải là ‘chó nóng'! Mỹ đời nào dám ăn thịt chó dù nóng hay nguội! Chó là bạn! Nên đâu có ai ở đời mà lại đi ăn thịt bạn cho đành lòng chớ!

Hot dog là một loại thức ăn nhanh, gọn của Mỹ! Gồm một ổ bánh mì mềm (bun) dài bằng gang tay, kẹp một khúc xúc xích (đa văn hóa), kiểu Ý, kiểu Ba Lan, kiểu Đức, nhỏ, mềm, dài như khúc lạp xưởng làm từ thịt heo, bò, gà.... Gia vị rau rác kèm theo cho đỡ ngán là mù tạc, sốt cà chua, hành, dưa leo, sốt mayonnaise, dưa cải xanh hay dưa cải chua!

Hot dog trở thành món ăn bình dân, rẻ tiền, ăn lúc nào cũng được, ăn chơi lúc nhậu, lúc đánh bài tiến lên hay sập xám cũng được; mà bữa nào bà xã giận hỏng thèm chịu nấu cơm chiều, mình ăn no luôn cũng được.

Dân Mỹ ăn hot dog; còn chơi thêm một lon Coca thật lạnh mới đúng điệu, giống như uống một tách cà phê là phải phì phèo thêm điếu thuốc thơm vậy!

Thưa bên Úc nầy thì tụi nó rất khoái tụ tập nhau cuối tuần uống beer ngoài công viên, có lò ga hay điện dùng để nướng thịt. Ngoài, bò, gà, trừu không thể nào thiếu xúc xích.

Văn hóa Úc là ai làm nấy ăn hè! Hỏng đứa nào phục vụ cho đứa nào hết ráo!

Nam nữ bình quyển! Chồng một lon, vợ một lon! Mạnh ai nấy lựa thịt gì gắp thịt nấy! Rồi mạnh ai nấy nướng và mạnh ai nấy xơi! Tui và em yêu chỉ khoái xúc xích hè, vì tụi tui thương biết bao cái hình của nó!

Chơi như vậy coi bộ không có cái tình trong văn hóa Việt Nam mình! Đi ăn barbeque với Úc, bao giờ tui cũng dắt em yêu của tui theo, để em nướng tui ăn. Tui có cái bổn phận rất quan trọng là tay cầm lon beer, ngồi không mà tán dóc...

Ai bảo làm đàn ông Việt Nam mình là khổ như con chó đâu nè?

"Muốn con vợ mình nó yêu, nó chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho mình thì đi làm về có bao nhiêu tiền là nộp vô túi áo khỉ của em yêu hết đi!"

"Chớ đời mà ai làm không công cho ai bao giờ? Kể cả vợ với chồng! Bánh ít đi thì bánh quy lại!"Ông bà mình dạy vậy nên tui đâu có dám quên!

Mấy đứa bạn Úc tò tò theo học cái bí quyết nầy nhưng khi được tui truyền bí kiếp, đứa nào cũng lắc đầu quầy quậy, hỏng chịu bắt chước theo tui. Tiền của mình kiếm cực khổ tự ên đưa cho con vợ mình giữ hết hả?!... Tụi Úc nói tui ngu!

Thưa bà con! Để kết luận! Giữa cơm và phở; tui khoái phở; giữa bánh mì kiểu Việt Nam, và hot dog thì tui lại khoái khúc xúc xích biết chừng nào, nhứt là khi khúc xúc xích đó được kẹp êm ái giữ hai lát bánh mì trắng hếu.

Chẳng qua có chuyện vầy nè: "Marc Glasby, Tây Úc, đã cưới vợ được 30 năm trời ròng rã! Y chỉ biết cơm nhà quà vợ chớ không bao giờ dám lén đi ăn vụng phở!

Nhưng những ngày đơn giản hạnh phúc của đôi ta êm đềm như mặt nước hồ thu đó đột nhiên chấm dứt! Khi có một kẻ thứ ba đột ngột xuất hiện trong cái nhà nầy!

Chẳng qua là do cái Trang mạng tìm kiếm ông bà cố tổ của mình! Chỉ cần gởi một chút nước miếng và 89 đô Mỹ là dựa theo DNA, là nó sẽ tìm ra được ông tằng cố tổ mình xưa xuất phát từ đâu, giờ phiêu bạt tới tận phương nào?

Lần nầy thì vợ Marc tìm được đứa em gái song sinh, thất lạc từ thuở hai đứa mới biết bò... Giờ đoàn tụ mừng mừng tủi tủi!

Cái ngặt là Marc (dù hữu ý hay vô tình chẳng ai biết) chẳng phân biệt được ai là chị; ai là em!

Vì cái tướng đi, tướng đứng, cái liếc mắt đưa tình, cái ngủ nằm chình ình một đống ú nu không khác gì nhau! Nghĩa là giống hịt như hai giọt nước, hai điếu thuốc hay nói một cách hình tượng hơn là giống hịt hai cái thùng tô nô đựng rượu!

Lầm một lần quá đã... nên cứ lầm riết hè! Thôi ai cũng vậy mà giống hệt nhau thì mình đối xử cũng như nhau! Nghĩa là yêu hết ráo cho nó gọn!

Chỉ có cái cực là phải soạn cái thời dụng biểu đàng hoàng nhe, đêm nay về đâu hỡi anh để hai em dù là ruột thịt với nhau không càm ràm kẻ anh thương nhiều; người anh thương ít. Hoặc trồng trầu là phải khai mương! Làm trai hai vợ sao anh thương không có đồng? Nhức đầu lắm!

Dẫu lần lượt sung sướng hết sức mình phục vụ cả hai em nhưng anh chàng may mắn nầy cũng phải thú nhận là tình của ba ta (chớ không còn đôi ta nữa) đôi khi cũng như thuyền đi trong giông bão! Nếu nói rằng không có ghen tuông gì thì là mình nói láo. Tuy nhiên hai em yêu của tui cũng phải tìm cách vượt qua cái cảm xúc ghen tuông của nhi nữ thường tình! Hễ hai em còn chịu là tui còn ‘ủi' tới vậy thôi! Cơm lành canh ngọt! Chớ đâu có gấu ó gì đâu để làm phiền hàng xóm đang cần sự im lặng để nghỉ ngơi đâu nè!

Nghe chuyện tình khúc giữa hai lát bánh mì trắng hếu và khúc xúc xích nầy làm tui cũng nhễu nước miếng à nhe! Ước gì mình được vậy hé!

Tui bèn quay sang hỏi em yêu là: "Em có đứa em song sinh nào mà còn thất lạc không em?" "Có chớ!"

Nghe em trả lời có làm tui... ôi nó khoái tỉ tê! Nhưng ê chề thay đứa song sinh của em yêu lại là một thằng đực rựa!

 

đoàn xuân thu

melbourne.

 

  

 

Lá thư Úc Châu:

Quẳng gánh ‘già' đi mà vui sống!

dxt_quangganh.jpg 

 

Thưa bà con! Nhựt Bổn, nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ và Trung Cộng, lại là một nước có nhiều ông, bà già nhất trên thế giới.

Cái kỷ lục sống lâu, hơn một thế kỷ, đa phần lọt vào tay mấy ông cụ, bà cụ người Nhựt Bổn, cái đất nước Phù Tang... Phù nên nổi hoài hỏng có chịu chìm! Của đất nước mặt trời mọc... Mọc rồi hỏng có thèm lặn!

Trong 120 triệu dân, số các cụ cao niên từ 60 tuổi trở lên, chiếm tới một phần tư. Cha một gánh nặng quá sức cho mấy đứa nhỏ đó nhe! Tiền ngân khố đâu mà nuôi cho nổi?!

Rồi kinh tế Nhựt, hai chục năm nay rơi vào suy thoái! Tiền trợ cấp người già cứ bị cắt đầu cắt đuôi hoài làm sao mà sống? Viện Dưỡng lão thì chật cứng, muốn xin vô để sống cuối đời trai... lại trần ai lai khổ!

(Ngay cả như nước Đức, dẫu rất hùng mạnh trong khối Liên Âu, cũng rầu hết sức. Bèn gởi các cụ ông, cụ bà người Đức qua đất nước láng giềng Ba Lan để ít tốn tiền chăm sóc, ít tốn hao cho ngân quỹ nhà nước! Bằng cái chánh sách lưu đày người già đi biệt xứ!)

Tui cứ tự hỏi tại sao nước Nhựt không chịu bắt chước nước Đức? Tự ái chăng? Nhớ hồi đệ nhị thế chiến, hai đứa thuộc phe Trục, là ní (bạn thân) với nhau mà?)

Hoặc là nước Nhựt còn biết lễ nghĩa, ăn trái nhớ kẻ trồng cây, người Nhựt già thì để người Nhựt trẻ lo!

Hồi xưa các cụ đã cày sâu cuốc bẩm, làm cả đời đóng thuế oằn lưng; giờ già làm hết nổi, thành gánh nặng cho quốc gia thì mình cũng rán mà gánh! Chớ thấy già rồi lưu đày người ta biệt xứ thiệt là hỏng đành lòng ăn cháo đá bát đâu nhe!

Chánh phủ Nhựt ôm gần 30 triệu bô lão vô; nhưng cuối cùng lực cũng bất tòng tâm. Viện Dưỡng lão không đủ, nhân viên không đủ! Không ai chăm sóc; nên nhiều cụ phải sống cu ky ở nhà, rồi một hôm lẳng lặng từ giã cõi đời ô trọc trong lặng lẽ, cô đơn mà đôi khi cả tháng nhà nước mới hay đặng vác đem chôn.

Thế nên các cụ ông, cụ bà Nhựt Bổn bèn nghĩ ra một cái kế rất tuyệt vời, tuy hơi láu cá một chút, là đi ở tù.

Vì tù nhân được ăn ‘sushi' miễn phí, ốm đau được chữa bệnh không mất tiền, tối ngủ có lính canh gác. Chết là chúng hay liền hè. Chôn cất cũng hỏng tốn tiền luôn! Quá đã!

Mà muốn đi ở tù là phải phạm tội mới được. Nên các cụ rủ nhau đi ăn cắp. Chỉ cần chôm một ổ bánh mì giá 200 yên, tiền Nhựt, (khoảng 2 đô rưỡi Úc), ra Tòa là được tặng hai năm.

Hai năm, ăn có người lo, ngủ có người gác... Thiệt là sướng như tiên vậy đó!

Dần dần giới cao niên Nhựt Bổn biến một số nhà tù thành... Viện Dưỡng lão!

Tuy nhiên làm như vậy thì mất mặt bầu cua hết ráo hè. Suốt cả đời đầu tắt mặt tối, sống một cách lương thiện, từ cây kim sợi chỉ cũng không màng mà giờ đi ăn cắp vặt để được vô tù... Làm như vậy chỉ nhắm tới cái lợi nhỏ mà bỏ cái danh dự của mình vô thùng rác. Tui không chịu vậy đâu!

Cái khó nó ló cái khôn... (Khó đây là nghèo đó). Tui chịu cách ‘binh' của bà chị người Úc nầy hơn .

"Một cụ bà người Úc, đã 80 cái xuân xanh, vừa đi thêm bước nữa.

Báo chí đài phát thanh, truyền hình rất lấy làm phấn khích. Đúng là một tin ăn khách đây, nên cử phóng viên nườm nượp tới nhà tân giai nhân để mà phỏng vấn.

"Thưa cụ! Chú rể, tân lang, anh yêu của cụ làm nghề gì?"

"À! Ổng làm quản lý nhà lễ tang đó mà!"

"Ủa! Xin cụ cho quý thính giả, bạn nghe đài thân mến của chúng tôi được biết tại sao cụ lại chịu ưng một ông làm nghề quản lý nhà lễ tang? Chớ theo tâm lý nhi nữ thường tình, già người ta sợ chết, sợ luôn cả những gì có liên quan đến cái chết lắm mà?!"

"Chẳng qua là đúng như kế hoạch của tui đề ra đó thôi!

Ông chồng đầu tiên của tui làm Giám đốc Ngân hàng, tui lấy lúc tui mới vừa tuổi đôi mươi! Trẻ, khỏe ai mà hỏng cần tiền chớ!"

"Rồi ông chồng thứ hai, tui lấy năm tôi lên bốn mươi lăm, nhỏ hơn tui hai chục tuổi làm nghề phi công. Vì khi đã giàu có rồi ai mà không muốn phi công trẻ để lái máy bay đầm già phải không?"

"Còn ông chồng thứ ba, tôi lấy năm tôi lên sáu mươi, vừa ăn đáo tuế, vốn làm nghề thầy tụng cho đám ma."

"Còn ông chồng thứ tư, tôi cho rằng sẽ là người chồng cuối đời của tôi, làm nghề chôn thiên hạ! Chi vậy?

Vì khi tôi chết đi, ông chồng thứ nhất làm ngân hàng vốn có tiền, sẽ lo chi phí mai táng.

Ông chồng thứ hai, phi công trẻ, sẽ đến khóc ròng, tiếc thương hoài những gối chăn xưa!

Ông chồng thứ ba sẽ đến tụng niệm cho tôi siêu thoát.

Và ông chồng cuối cùng sẽ lo cho tôi tươm tất tới ngày tôi ra nghĩa địa".

Đó là chuyện của các bà cụ đẹp lão, miệng còn dẻo dẹo, ăn nói gió đưa ngọt ngào, tám mươi tuổi rồi, mà vẫn còn người muốn cưới.

Còn trong trường họp má hóp da nhăn, răng rụng móm mém như người xưa của tui, tiền trợ cấp người già của Chính phủ Úc không đủ sống thì phải làm sao?

Thưa có một cái sách dễ ẹt để dụ khị mấy con vịt đẹt như vầy nè:

"Một thanh niên đi siêu thị để mua vài món đồ lặt vặt. Có một cụ bà cứ lẽo đẽo theo sát bên anh hoài. Đến quầy tính tiền thì cụ bà lại giành đứng trước anh.

"Ối kính lão đắc thọ mà! Nhường cho cụ, cụ mua nhiều đồ đến thế kia, mình có chờ hơi lâu một chút... cũng hỏng có sao."

Trong lúc chờ tới phiên, bà cụ lịch sự xin lỗi là đã nhìn chằm chằm vào mặt anh chắc có lẽ cũng làm anh bực bội?!

"Con tha lỗi cho ta nhé! Chẳng qua vì con giống hệt thằng con trai của ta vừa mới qua đời vì chơi ‘drug' quá liều!"

"Dạ! Con rất buồn mà nghe cái tin không vui nầy của cụ! Con có thể làm gì để giúp cụ được không?"

"Con thật tốt bụng nhe! Thôi lúc mình chia tay, ta chỉ muốn con nói: "Goodbye Mum" (tạm biệt Má) là ta vui lắm rồi!" Tưởng gì? Chuyện nầy dễ ợt!

Và khi bà cụ nầy đi, chàng thanh niên vẫy tay, nói với theo: "Good bye, Mum!"

Tới phiên chàng tính tiền, hóa đơn vọt lên tới 199 đô 99 xu.

"Sao nhiều như vậy chớ? Tôi chỉ mua có cây kem đánh răng với cái bàn chải thôi mà!"

Cô thâu ngân từ tốn, âu yếm thỏ thẻ như mật rót vào tai: "Má nói với em rằng anh sẽ trả tiền luôn cho Má đó!"

Thưa bà con! Còn dưới đây là chuyện lão niên của chính tui và anh bạn già của tui; vì thú thiệt với độc giả thân mến, tui không còn trẻ nữa.

Mới hôm qua, gởi bài cho tòa soạn, tui được trả lời: "Con xin cám ơn chú!"

Ôi người ta lễ phép xưng con, kêu mình bằng chú mà lại làm tui buồn biết bao trong tấc dạ. "Trời ơi! Đời tui đã tới hoàng hôn bóng xế rồi sao?"

Bấy lâu nay tui cứ tưởng là: phải lú, phải lẫn, phải quên trước, quên sau như anh bạn tui mới gọi là già chớ!

Chẳng qua anh chị bạn nầy lớn hơn vợ chồng tui tới một con giáp, tức 12 tuổi lận. Nhân cuối tuần, ‘weekend', tui và em yêu được ảnh chỉ mời đến nhà ăn cơm tối và nhậu sương sương thôi... Vì ảnh nói: già rồi uống nhiều sợ đứt bóng bất tử bỏ chỉ lại hỏng ai lo!

Ảnh gọi vợ mình là: "Em yêu! Cục cưng! Hoàng hậu của lòng anh! Con mèo nhỏ của anh!"

Nghe mới mùi, mới tình hết biết; dù hai người đã lấy nhau gần 70 năm rồi mà vẫn còn tha thiết yêu đương ra rít.

Em yêu của tui rất lấy làm cảm động, cứ bắt tui phải học cách ăn nói gió đưa ngọt ngào của anh bạn già nầy mới được.

Bỏ cái tánh gọi bà nầy bà nọ đi nhe. Gọi vậy em tủi thân lắm vì nghĩ mình cũng đã già rồi!

Hai đứa mình mới lấy nhau mới có 50 năm, chưa nhằm nhò gì mà em thấy anh coi bộ muốn keo rã hồ tan rồi đó nhe!

Bữa tiệc tàn, hai bà vợ rủ nhau xuống bếp, rửa chén bát chỉ còn hai cụ ông ngồi trên bàn ăn nhâm nhi chút rượu đỏ rồi nói chuyện Tề Thiên.

"Thiệt anh đúng là một ông chồng tuyệt vời! Từng tuổi nầy mà mở miệng ra một cũng em yêu, hai cũng em yêu!"

"Nói thiệt với chú nhe! Chẳng qua tui đã quên tên bả cách đây gần mươi năm lận!"

"À nè! Tối qua, tui dắt bả đi ăm tiệm. Nó nấu ngon lắm, thiếm nhà lỡ có giận hờn gì, chú chỉ cần dắt thiếm ra đó ăn; là đời sẽ vui trở lại hè."

"Tiệm ăn anh khen nấu rất ngon tên gì tui mới biết để dắt con vợ tui đi chớ?!"

"À nè chú em à! Cái bông gì mà khi tui muốn tỏ tình, tui mua để tặng em yêu đó?"

"Ý anh muốn nói là ‘Hồng' phải không?"

Nghe xong, anh chủ nhà quay miệng vào bếp, hét to lên:

"Hồng ơi! Nhà hàng tối qua anh với cục cưng đi ăn, tên của nó là gì vậy?"

Thưa bà con! Anh bạn già của tui bị lẫn; còn em yêu của ảnh thì lại bị lãng tai.

Vậy mà năm rồi ảnh dám xách xe chở chỉ đi du lịch xuyên bang đó.

Giữa đường đói bụng, dừng lại tiệm McDonald's, ở thị trấn giữa đàng, chuyên bán thức ăn nhanh.

Người phục vụ hỏi: "Thưa hai cụ dùng chi?"

"Cho tôi hai cái hamburgers!"

Em yêu của ảnh: "Thằng nhỏ nói gì vậy anh?"

"À! nó hỏi tụi mình ăn gì và anh nói: cho hai cái hamburgers."

Người phục vụ: "Hai cụ tính đi đâu?"

"Vợ chồng tôi đi Adelaide để thăm cháu nội!"

Em yêu của ảnh: "Thằng nhỏ nói gì vậy anh?"

"À! Nó hỏi mình đi đâu và để làm gì? Anh nói: Mình đi Adelaide để thăm cháu nội!"

Người phục vụ lại hỏi (Cha cái thằng nhỏ nầy nhiều chuyện nhe! Hỏi hoài hè!)

"Hai cụ từ đâu tới?" "Melbourne!"

Em yêu của ảnh: "Thằng nhỏ nói gì, vậy anh?"

"Nó hỏi mình từ đâu tới; anh trả lời Melbourne!"

Người phục vụ: "Melbourne! À cháu có lần sống thử với một con ghệ ở đó một khoảng thời gian! Chu choa cái miệng nó chét chét suốt ngày, không kịp kéo da non! Lại làm biếng thầy chạy! Không chịu nấu ăn gì hết ráo trừ trường hợp đói bụng gần chết mới chịu lết vào bếp!"

Em yêu của ảnh: "Thằng nhỏ nó nói gì vậy anh!"

Ảnh bèn hét to lên: "Nó nói: nó biết em!"

Thưa bà con! Hãy quẳng gánh ‘già' đi mà vui sống!

Già không phải là lú lẫn; là lãng tai, rồi cứ ngồi than trời trách đất, lo sợ cho cái tương lai của người già. Già thì còn tương lai gì nữa mà lo chớ?

Mình già là khi mình không còn biết cười nữa. Còn nếu quý ông anh, quý bà chị mình: đi vô cười, đi ra cười, đứng cũng cười, ngồi cũng cười luôn... Cười hoài hè!

Thì tui cho rằng quý anh chị mình còn trẻ hơn cả khối người trong thiên hạ nữa đó!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Tôi đi để lại trường xưa!

 

"Ôi! Trường ta tang thương! Theo vận nước nhiễu nhương! Bạn bè năm cũ giờ đâu cả? Ðã dạt về đâu mấy nẻo đường?"

Thưa mới đây ông Chủ bút kêu réo um sùm: "Anh Thu ơi! Có bạn học của anh kiếm kìa!" " Ðứa nào vậy cà?"

Thì ra Bùi Quang Long, đã đi Mỹ du học từ năm 1970, lúc mới vừa đậu Tú tài hai, tìm lại tui, là thằng bạn đồng song của nó.

Ðã 53 năm! Thiệt là chớp mắt! Thiệt là bóng câu qua cửa sổ! Vậy mà bạn học cũ vẫn còn tìm! Thiệt là bùi ngùi cảm động à nhe!

Ôi nhớ xưa! Muốn vào học trường Petrus Ký là đám học trò phải qua một kỳ thi tuyển cũng lắm gian nan! Bốn, năm ngàn sĩ tử, chưa tới 500 đứa còn sống sót.

Bài thi gồm 3 môn: Toán quan trọng nhất, hệ số 3, Văn hệ số 2 và Câu hỏi Thường thức hệ số 1.

Bài tủ về môn Toán thường là động tử. Nghĩa là xe chạy. Xe chạy phải hai chiếc, chạy cùng chiều, hoặc chạy ngược chiều. Cho vận tốc mỗi xe rồi tính thời điểm gặp nhau, tính quãng đường hai xe chạy được... đại khái là thế. Cùng chiều, rượt đuổi nhau thì đường dài chia hiệu số hai vận tốc. Còn chạy ngược chiều thì lấy đường dài chia cho tổng số hai vận tốc là ra thời gian hè!

Ðứa nào thông minh giỏi toán, làm trúng hết hai bài, là phẻ re như con bò kéo xe, chỉ có việc ngồi rung đùi, đậu chắc trăm phần trăm. Còn nếu trúng chỉ một bài, còn bài thứ hai trúng lớt lớt như phớt thuốc đỏ thì phải nhờ bài Luận văn hoặc Câu hỏi Thường thức kéo lên cho khỏi xệ. Bài Luận văn thì khó dàng trời mây đi. Mới 11, 12 tuổi đầu mà quý Thầy ra đề thi kêu tụi em bình luận lời của Ngô Tổng thống là mấy em chết cửa tứ.

Thưa cái năm đó, thằng đậu hạng bét là được 45 điểm cho ba môn.

Ðứa đậu hạng nhứt, tức Thủ khoa, được tới 81 điểm, gần gấp đôi thằng đậu hạng bét. Tên nó là Âu Dương Khoát, sau được xếp vào chung lớp Ðệ thất 5, niên khóa 1963 với tui đó nha!

Nhớ ngày đi dò kết quả, tui và thằng anh chen vào cái bảng điểm, che bằng mắt cáo, đề phòng đứa nào rớt, quạu, xé, là hết coi luôn!

Bên trong mắt cáo dán chừng 15 tờ giấy đánh máy danh sách thí sinh trúng tuyển, gồm số ký danh, họ tên, ngày tháng năm sanh, điểm, và thứ hạng của thí sinh.

Biết thân mình học dở ẹc nên tui cắm đầu dò từ dưới dò lên! Chớ đời em hổng dám mơ mộng gì đâu?!

Dò lần lần lên hoài mà hổng thấy tên mình. Chắc tui trợt vỏ chuối rồi quá?

Ai dè thằng anh tui la lên: "Tên mầy nè, 56 điểm, đậu hạng 176! Má mình vui lắm đó! Mầy mà rớt, Má hổng có tiền cho mầy đi học trường tư đâu!"

Bữa đó, Tía tui dắt hai anh em tui vinh quy bái tổ ở cái xe bán bò vò viên gần rạp hát Ðại Ðồng! Tía móc túi cho năm chục đồng để tân khoa ngồi xơi ‘đại yến'!

Mỗi đứa một chén bò vò viên, mỗi chén 5 đồng. Số tiền còn lại, hai anh em dung dăng, dung dẻ, dắt nhau ngược đường Cao Thắng, lên gần tới đường Trần Quý Cáp, rạp Việt Long, để coi phim ò e Ro Be đánh đu, Tazan nhảy dù, Zoro bắn súng...

Gần tới ngày tựu trường còn được Má dắt ra ông thợ may trong xóm chợ Hai Mươi, góc ngã tư đường Phan Thanh Giản và Cao Thắng, may cho hai cái áo sơ mi tay ngắn và hai cái quần ka ki xanh, và mua cho một đôi dép da của hãng Bata...  (Vì trường Petrus Ký không cho học trò mang dép Nhựt lẹp xẹp coi nó hổng có oai!). Ðóng bộ vô trông  rất oách!

Vậy là giã từ cái quần xà lỏn, có mang theo hai quả lắc đồng hồ bé tí teo, đi học trường Tiểu học Bàn Cờ trong Cư xá Ðô Thành rồi đó nhe. Tui chuẩn bị làm người lớn!

Và 9, 10 năm sau đó, từ khi tui thôi học, từ khi tui khoác áo trây-di (treillis), lạc về vùng quê Hốc Bà Tó, rồi thiên duyên tiền định gặp em yêu, tức má đám con tui bây giờ, tui từng ‘nổ' tơi bời với em là: "Ðừng thấy anh dở mà rầu! Ðã từng đi học trường (đứng) đầu Miền Nam đó nhe!"

Làm con vợ tui nó há hốc mồm kinh ngạc: vì lẽ tại sao anh yêu trông lù khù mà lại hổng có ngu... như em hằng tưởng?!

Rồi mấy hôm nay, mấy đứa cùng lớp năm xưa, kêu gào bay về họp mặt lớp cũ trường xưa bên Mỹ (chớ hổng phải Mỹ Tho!). Có đứa đề nghị ‘sảng' là bay về họp mặt ngay tại trường xưa ở đường Cộng Hòa đối diện thành Ô Ma mới được.

Thì đứa khác hổng chịu nói: "Khi nào cái trường mình lấy lại tên P. Trương Vĩnh Ký thì tao về. Bằng không? ‘Nô quê!' (No way!)!"

Ngô Văn Trí, Liên toán trưởng ngày xưa, chắc khoái chơi và sưu tầm đồ cổ, gởi cho toàn thể đám học trò danh sách lớp Tứ 5, niên khóa1966, bị gián cắn rìa giấy lổm nhổm hết trơn, cộng với hơi ẩm trong không khí làm chữ bằng viết Bic, bút nguyên tử, cũng tèm lem tuốt luốt, nhưng may mắn thay, đeo kiếng lão vô, vẫn còn đọc được!

Mai mốt mình lấy lại được cái trường xưa, tui sẽ đem cái danh sách nầy lộng kiếng (chớ không phải liệng cống), chưng trong phòng Truyền thống của Trường P. Trương Vĩnh Ký để nhát mấy đứa con nít học sau mình chừng một thế kỷ chơi!

Bồi hồi đọc cái danh sách mà đầu têu là tên Liên toán trưởng Ngô Văn Trí nầy, thì ký ức như một cuồn phim cũ, tưởng đã mờ phai theo năm tháng, lại hiện về khiến tui cũng rưng rưng nước mắt.

Nhớ thầy Chung Hữu Thế, dạy Anh văn, lớp Ðệ thất 5, định cư ở Canada, vừa quá vãng!

Nhớ Thầy rầy (sau khi mấy ông Mỹ, bên USAID, đến dự giờ dạy Anh Văn của Thầy ra về rồi): "Cái thằng Thu nầy... có chữ ‘young' mà đọc năm lần bảy lượt cũng không xong!"

Em xin cám ơn Thầy đã tế nhị, không nỡ làm quê mặt em với khách đến viếng lớp mình!

Thưa mất Sài Gòn, mất miền Nam, mất trường P. Trương Vĩnh Ký là thầy trò, bạn bè tui tản lạc khắp năm châu, bèo dạt hoa trôi theo vận nước. Nhưng cũng có đứa mới 19, 20 đã ở lại quê hương mãi mãi cũng vì vận nước. Ðó là trò Châu Minh Nhạn, khoái ca hát, nên tụi tui bầu nó làm trưởng ban Văn nghệ lớp!

Nhạn đi khóa 3/72 SQTB TÐ (khăn xanh) đại đội 34 trong đợt tổng động viên mùa hè đỏ lửa năm 72.

"Châu Minh Nhạn là người lạc quan, yêu đời, thường ca, nhạc chế, bài "Where do I begin do" của Andy Williams hát trong phim Love Story do Erich Segal viết kịch bản.

"Where do I begin/To tell the story of how great a love can be..."

"Bởi bà già rắc rối, cuộc tình rối rắm, ôi biết nói gì, thì đành nói dối...".

Hiệp định Paris để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình mà bi thảm thay Châu Minh Nhạn lại tử trận ngay những ngày đầu đi chiến dịch, khi hãy còn quá trẻ!

"Nhạn cùng ông trưởng ấp và hai người lính nghĩa quân đi trên ghe máy vào xóm. Khi ghe qua một đám dừa nước rậm rạp thì bị VC phục kích ném lựu đạn lên ghe, rồi thêm hàng loạt đạn AK bắn xối xả. Bốn người trên ghe đều tử trận!"

Thưa những người bạn học của một thời niên thiếu, đẹp như hoa mộng đó và sau một cuộc biển dâu nầy mà giờ đứa nào may mắn còn sống sót thì cũng  đều già cả hết rồi.

Thế nên dẫu chân Trời góc biển nào đó thì tụi tui cũng phải ráng lò dò hay lò cò bay về mà tề tựu một lần sau chót chớ!

Tui sẽ mang theo một chai rượu ông già chống gậy (Vì tui cũng đã quá già rồi dù gậy chưa có chống!).

Trước là tế tửu quý Thầy Cô ngày cũ, đã quá vãng, sau để rót xuống cho bạn hiền Châu Minh Nhạn, người đã anh dũng ngã xuống khi tuổi đời vừa mới chớm đôi mươi, hy sinh cho cuộc chiến đấu vì tự do của miền Nam mình.

Ôi Trường xưa! Cho tui xin chịu lỗi nhe! Tui nỡ bỏ ra đi cũng vì phần số thế thôi!

Dẫu vậy, trong trái tim nầy, ở phần sâu thẳm nhất, vẫn còn những hình ảnh cũ của trường xưa, của bạn bè năm cũ, từ giờ tới chết, cũng không thể nào quên!

dxt_truongxua.jpg

Bảo Huân

đoàn xuân thu 

Melbourne 

 

Chốn ấy hang hùm!

dxt_chonayhanghum.jpg

Tranh Bảo Huân 

 

Thưa bà con! Người viết trộm nghe bà con mình bên Mỹ nói rằng: "Hạng nhứt con nít; hạng nhì con gái; hạng ba con chó và hạng bét con trai." Trong bốn con đó thì anh em tụi mình cầm đèn đỏ.

Vậy mà ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump lại xăm mình, dám nhảy ra cầm đầu cái đám phản loạn, toan đá đổ cái trật tự tôn ti xưa giờ. Thiệt là khờ thôi hết biết!

Bằng cớ là Donald Trump khoái cãi lộn với đàn bà con gái, nên luôn gặp rắc rối ‘to' với phụ nữ Mỹ.

Người đẹp nào dù nổi danh trên chốn giang hồ gì cũng mặc kệ, Trump chê hết ráo mà chê rất nặng lời, làm quý chị em ta bên Mỹ rất lấy làm căm giận.

Chính vì biết tỏng cái tánh cực kỳ ba trợn nầy của Donald Trump, nên ban vận động tranh cử của bà Hillary Clinton chụm đầu vào nhau, bàn bạc, tương kế tựu kế, gài sẵn một cái bẫy: phân biệt giới tính, coi phụ nữ Mỹ không ra cái cà ram nào cho Donald Trump vác mặt lủi vô, gặp ngay cái tổ ong vò vẽ.

Và cục mồi mắc vào cái lưỡi câu có ngạnh là vầy: Hillary Clinton phê phán Donald Trump đã nhiều lần mạt sát quý chị em ta trong suốt hàng chục năm liền, gọi chị em mình là heo, là chó.

Donald Trump chối bai bải, dựa vào cái ‘mi cà rô', đánh trống lảng: "Bà kiếm cái nầy ở đâu ra vậy?"

Ðâu cần kiếm chi cho nó xa. Những lời xúc phạm, dè bỉu, chọc quê những phụ nữ có hà rầm trong những cuộc phỏng vấn còn ghi lại giữa Trump với giới truyền thông đấy thôi.

Em Alicia Machado nhớ lại: Sau khi đoạt vương miện cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 1996, chắc vui mừng vui quá vui nên người đẹp Venezuela nầy ăn hơi ‘bị' nhiều.

Ăn nhiều tất lên cân. Ðó là quy luật. Em nặng thêm khoảng 16 pounds, hơn 7 ký lô một chút; nhưng Trump cho rằng em ấy từ 117 pounds lên tới 170 pounds (hơn 77 ký lô thịt và xương). Donald Trump chê em có tâm hồn ăn uống, thì Trump uống và ăn cũng không kém. Số ký lô của Trump đang mấp mé bên bờ biên giới, giữa mập và béo phì. Thì lươn chê lịch cái gì phải hông bà con?

Chẳng qua là em Hoa hậu Hoàn vũ nầy có lời qua tiếng lại với người vợ thứ ba của Donald Trump là Melania nên Trump giận.

Melania và Alicia đều là cựu người mẫu và người nhập cư. Sinh ra tại Venezuela, Alicia nhập tịch Mỹ hồi tháng 8. Sinh ra tại Slovenia, Melania (vợ Trump) trở thành công dân Mỹ năm 2006.

Em Hoa hậu Alicia chê người mẫu Melania như vầy: (Cũng giống như hai cô ca sĩ có khen nhau bao giờ?)"Tôi không thấy bất cứ điểm gì đặc biệt về người phụ nữ này. Bà ấy là một con búp bê. Bà ấy là một vật trang trí."

Binh vực em yêu, Donald Trump phản pháo lại, đặt cho em, chết tên luôn, là ‘Miss Piggy", ‘Hoa hậu Lợn xề', vì em hơi bị mập; là ‘Miss Housekeeping', ‘Hoa hậu Vú em'; vì em là người Latino, sắc dân thường đến nước Mỹ để đi làm người giúp việc nhà. Vì em dám cả gan gọi vợ Trump là một ‘con búp bê' chỉ để... chơi thôi. Thiệt giận quá mất khôn nên khốn đốn nó tới liền xì bóc.

"Chúng tôi không thể chấp nhận thêm những lời lăng mạ của Donald Trump đối với phụ nữ Latino. Tôi hiểu rất rõ ông Trump và tôi có thể thấy con người ông ấy hiện giờ vẫn giống cách đây 20 năm."

Ðám đệ tử trong ban vận động tranh cử của Trump nhào vô cứu chúa là: Chủ tướng tui đâu có coi thường phụ nữ. Ông ấy có cái quan hệ rất tốt đẹp với chị em ta mà. Em cựu Hoa hậu Hoàn vũ nầy chỉ bịa chuyện ăn theo, để mong được nổi tiếng.

Tuy nhiên những lời sỉ nhục, lăng mạ nặng nề nhiều phụ nữ Mỹ của Donald Trump là có thật. Chính vì vậy trong các cuộc thăm dò ý kiến của nữ cử tri Mỹ, Hillary Clinton bao giờ cũng dẫn Donald Trump tới 20 điểm.

Trump cũng biết điều đau đớn đó, nên từng than thở rằng: "Mấy bà về một phe để chơi tui. Chứ nếu Hillary Clinton là đực rựa như tui, giỏi lắm chỉ kiếm được 5% số phiếu là cùng."

(Cản hoài mà hổng chịu nghe nha. Cãi lộn với đàn bà, đàn ông thua là cái chắc.)

 

***

Thưa quý ông anh mình ‘sáng mắt' ra chưa? Chớ người viết thì ‘sáng mắt' lâu rồi. Ðối với đàn bà con gái, anh em tụi mình nên kính nhi viễn chi cho nó lành. Nhứt là với con vợ của mình. Vì hổng có vợ kè kè một bên, là đám đàn ông hư hết ráo hè. Một vợ, một chồng sống mới dai. Còn chồng một, vợ hai là ‘đai' (die) cái rụp.

Thưa bà con! Còn người viết, thú thiệt dẫu ái mộ quý đàn bà con gái, khác ‘con nhỏ' ở trong nhà, dẫu thèm thiệt là thèm, cũng ráng vén nước miếng lên mà cơm nhà quà vợ.

Lý do là vì có chuyện vầy nè: ông Vua, một hôm, triệu tập bá quan văn võ vào chầu rồi ra câu hỏi: "Ai là người quan trọng nhứt đời ta?"

Quan Tể tướng nhào lên trước, vì ông có cấp bậc cao nhứt trong triều, chỉ sau có ông Vua.

Cầm cục phấn viết lăng quằng lít quỵt tên nhiều người lên bảng đen rồi quỳ xuống: "Tâu bệ hạ, người quan trọng nhứt trong đời của hạ thần cũng không ai xa lạ, là: hàng xóm, bạn nhậu, cha mẹ vợ lớn, cha mẹ vợ bé... Rồi cha mẹ ruột, vợ, tức em yêu, và con cái của mình."

Vua phán tiếp: "Trong số đó, nhà ngươi hãy gạch tên những người không quan trọng nhứt đi."

Quan Tể tướng gạch tên thằng hàng xóm (mắc dịch hay dê sảng), rồi quan đồng liêu (hay đâm sau lưng chiến hữu), rồi bạn nhậu (nhậu cho đã rồi thường hay cãi lộn coi ai đúng ai sai) cũng gạch luôn. Cuối cùng chỉ còn có cha mẹ ruột, vợ và con.

Gạch thêm nữa đi. Quan Tể tướng khóc hi hi, ha ha ra chiều tim lòng tan nát, gạch tên cha; gạch tên mẹ; rồi gạch cả tên con... Chỉ còn vỏn vẹn có tên của em yêu là chưa gạch.

"Người thân thiết nhất với ngươi, phải là cha mẹ và đứa con, bởi cha mẹ là người sinh thành và dạy dỗ ngươi nên người. Gạch tên cha mẹ mình là coi thường công sanh thành dưỡng dục, chín chữ cù lao không sợ người đời nguyền rủa là đồ bất hiếu hay sao?

Còn con do nhà ngươi tạo ra, phụ tử tình thâm ở đâu mà nhà ngươi xử sự tệ bạc như vậy chớ?

Còn người vợ, phu thê như y phục, không có con vợ nầy thì nhà ngươi kiếm con vợ khác, trong thiên hạ thiếu gì đàn bà con gái, bởi chữ có câu rằng: Trai năm thê bảy thiếp là thường. Vả lại vợ ngươi là người dưng đâu có máu mủ ruột rà gì mà sao ngươi chừa lại hả?"

Quan Tể tướng mặt xanh chành như đít nhái, vội phủ phục quỳ xuống, lết lết gần Hoàng thượng, đang ngự trên chiếc long ngai, xin phép được kề tai nói nhỏ.

"Tâu Hoàng thượng, cha mẹ già rồi cũng sẽ chết; bởi người ta không phải là rắn, không thể lột da sống đời. Trước sau gì cha mẹ thần cũng sẽ bỏ ra đi về phía bên cầu biên giới.

Còn con thần lớn lên. Gái phải lấy chồng, trai phải lấy vợ. Tụi nó sẽ bỏ thần mà đi qua tiểu bang khác để xây tổ uyên ương.

Xét cho cùng nhà chỉ còn có hai con khỉ già nầy thế thôi. Mong Hoàng thượng thông cảm.

Sỡ dĩ thần không dám gạch tên em yêu là vì tiện nội đang núp sau rèm. Gạch tên tiện nội, về nhà bà nội cũng đội chuối khô."

"Trẫm cực kỳ thông cảm với quan Tể tướng. Vì cái trò nầy cũng chính là do Hoàng hậu bắt Trẫm phải bày ra đó mà thôi."

Thưa bà con! Tóm lại, xưa đã vậy mà bây giờ vẫn vậy. Người phụ nữ  bao giờ cũng chiếm vai trò lãnh tụ, cực kỳ quan trọng, không những trong gia đình mà ra ngoài xã hội cũng ‘sêm sêm'.

Làm phận đàn ông, con trai, thôi thì chúng ta đành chịu phép một bề cho nó xong; chớ đừng có ngược dòng lá đổ, kênh xì po, như ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng Hòa mà có ngày đổ nợ.

Hãy sợ cho chắc ăn vì con ruột của vợ ta, nó còn dám quánh, huống hồ ta với em chỉ là người dưng nước lã mà thôi.

Xin quý ông anh mình hãy ghi tâm khắc cốt lời khuyên của bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương rằng: "Này này chị bảo cho mà biết/ Chốn ấy hang hùm chớ mó tay."

Vậy là êm ru bà rù hè. Nhớ đừng có khờ mà đi bắt chước Donald Trump nhé quý ông anh!

 

đoàn xuân thu.

melbourne. 

 

Người muôn năm cũ!

 dxt_moTTDiem.jpg

 

 Mộ phần Tổng Thống Ngô Đình Diệm - nguồn www.cdnvqglbhk.org

 

 

Thưa hồi xưa, đường Hai Bà Trưng bắt đầu từ bến Bạch Ðằng, trên sông Sài Gòn, nơi có Công trường Mê Linh, đặt tượng của Hai Bà do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, chạy dài khoảng 2967 mét, tới cầu Kiệu, Phú Nhuận!

 

Theo địa phương chí, con đường nầy đã từng thay tên đổi họ tới mấy lần!

Thời Pháp, tên Impériale, rồi năm 1870, đổi là Nationale. Và từ ngày mùng 4 tháng Tư, năm 1902, đổi là đường Paul Blanchy, để tưởng nhớ một ông Tây mũi lõ, tai to, mặt bự vừa mới đi bán muối.

Lúc ông Ngô Ðình Diệm còn làm Thủ Tướng, ngày 22, Tháng Ba, năm 1955, con đường nầy được mang tên là Hai Bà Trưng cho tới mãi tận bây giờ.

***

Ôi nhớ xưa! Mỗi chiều tan học, từ trường Petrus Ký, trên đường Cộng Hòa được anh mình chở trên chiếc xe đạp cọc cạch, dọc theo đường Hồng Thập Tự, hồi xưa Tây nó gọi là đường Cao (Route Haute) vì nó ở trên cao. Tới đường Hai Bà Trưng thì chiếc xe đạp quẹo trái, bắt đầu đổ dốc ‘phẻ re' về Cầu Kiệu, bắc qua kênh Nhiêu Lộc.

"Nhớ khi xưa anh chở em, Trên chiếc xe đạp cũ. Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè...Quay đều quay đều quay đều, thương hoài những vòng xe."

Về tới Bưu Ðiện Tân Ðịnh là chuông nhà thờ đổ, giục bà con giáo dân đi lễ trong ráng chiều hấp hối!

Trời sắp tối và những ngọn đèn cao áp thủy ngân bắt đầu bật cháy cho một quãng đường Hai Bà Trưng thơ ấu của tôi trong Sài thành hoa lệ.

 

***

Thưa nhắc tới khúc đường Hai Bà Trưng Tân Ðịnh là tôi nhớ tới tiệm hòm Tobia.

Hồi còn con nít, sợ chết lắm, mà bây giờ già tôi cũng sợ... sợ chết như xưa đó thôi! Nên cái gì có ‘lan can' tới người chết như: nhà xác của bịnh viện, tiệm bán hòm hay nghĩa trang là tui sợ hết ráo.

Tiệm hòm Tobia nầy nếu từ phía Sài Gòn chạy vô, qua khỏi đường Hiền Vương một chút là nó nằm bên tay phải, trước khi đến Bưu điện Tân Ðịnh, và tiệm bán đèn trần Bùi Huy Mong.

Tiệm hòm nầy chủ yếu phục vụ cho bà con người Công Giáo; nên nó ở gần nhà thờ Tân Ðịnh đấy thôi.

Nhưng tại sao tiệm hòm mà lại đặt tên Tây vầy cà?

Thưa ông Tôbia, trong Kinh Thánh, một người chuyên đi nhặt xác chết về khâm liệm rồi chôn cất. Cho dù người chết là ai, một kẻ tha phương cầu thực hay kẻ bị án tử hình. Cho dù nhà vua đã ra chiếu chỉ cấm đoán gì cũng mặc.

Chỉ vì việc làm nhân đạo này mà ông bị bắt bớ, bị kết án. Ngay chính vợ ông, người đầu ấp tay gối cũng chế giễu khi ông bị mù lòa, bị tán gia bại sản. Thiên hạ còn cho rằng ông là một kẻ khùng điên.

Vậy mà ông Tobia vẫn vững lòng với trái tim tràn đầy nhân hậu đối với tha nhân, cho dù đó chỉ là những cái xác chết vô thừa nhận đã khô queo, cong quắt.

 

***

Tiệm hòm Tobia nầy đã ngẫu nhiên trở thành một chứng nhân lịch sử. Chứng kiến một tội ác thí Vua khủng khiếp của nước Việt Nam mình thời hiện đại.

Thưa chiều ngày mùng 2, tháng Mười Một, năm 1963, ông Trần Trung Dung nguyên Bộ trưởng Quốc Phòng, (cháu rể, kêu Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bằng Cậu), đã gọi điện thoại đến ông chủ tiệm hòm Tobia.

"Tổng Thống, và ông Cố vấn Nhu đã bị giết  trong chiếc thiết vận xa M113 mang số 80.989, theo lệnh của ông Dương Văn Minh."

Sau đó, ông Dung nhờ tiệm hòm Tobia mang hai chiếc quan tài đến bịnh viện Saint Paul, trên đường Phan Thanh Giản, để lo việc tẩm liệm cho hai người.

Cảnh sát, quân cảnh đứng gác ở các chốt, trước cổng nhà xác của bịnh viện nằm trên đường Tú Xương. Rồi một chiếc xe hồng thập tự, kiểu Dodge nhà binh, thắng lết bánh, đỗ xịch lại.

Bà Soeur mở cánh cửa nhà xác ra. Hai chiếc băng ca được khiêng vào. Trong nhà xác chỉ có một ngọn đèn vàng lù mù leo lét treo lơ lửng trên trần.

"Nằm trên băng ca là thi thể vị TổngThống kính mến của nền Ðệ nhất Cộng Hòa! Cả bộ complet  đẫm đầy những máu. Vì trên đầu của Tổng Thống có một vết thương sâu từ dưới ót trổ lên đỉnh đầu.

Những người lo việc tẩm liệm, khiêng xác Người lên, đặt trên một bệ đá bằng cẩm thạch có lót hai lớp vải trắng. Rồi lấy bông gòn và băng gạc nhúng đầy alcohol, nhẹ nhàng, cẩn thận lau sạch các vết máu, rồi sửa sang áo quần của Tổng Thống lại cho chỉnh tề.

Bà chủ tiệm hòm nhét vào tay Tổng Thống một xâu chuỗi hột mân côi, rồi lâm râm đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn người quá cố.

Tổng Thống Ngô Ðình Diệm vừa mới chết, mình còn dịu nhỉu, nên hai bàn tay Người khép lại khá dễ dàng để giữ xâu chuỗi; như thể Người đang lim dim đọc kinh, lần hạt.

Người nằm đó vẻ thản nhiên trong im lặng; dường như Tổng Thống đang chìm trong giấc ngủ ngàn thu, bình an, không muộn phiền, mà cũng chẳng khổ đau...?!"

Khâm liệm xong, cái Hội đồng Quân nhân Cách mạng nầy ra lịnh chuyển hai xác anh em Tổng Thống vào bộ Tổng Tham mưu, âm thầm chôn trong khuôn viên trại Trần Hưng Ðạo, cạnh chùa An Quốc.

Sau đó thấy êm êm, cái Hội đồng Quân nhân Cách mạng phản loạn nầy lại ra lệnh cho ông Chủ tiệm hòm Tobia đem hai hài cốt của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Cố vấn Ngô Ðình Nhu về chôn ở nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi, đường Hai Bà Trưng, Tân Ðịnh.

Lệnh chỉ được phép lóng cát phủ dày lên mặt mộ cho bằng phẳng. Không được phép ghi tên tuổi, ngày tháng trên bia mộ gì cả.

 

***

Rồi năm 75, Sài Gòn thất thủ. Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ.

Nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi bị VC giải tỏa để lấy đất xây Công viên Lê Văn Tám, một nhân vật do Trần Huy Liệu bịa đặt ra, thời Chiến tranh Ðông Dương.

Hài cốt của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Cố vấn Ngô Ðình Nhu lại bị buộc phải di tản ra tới nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương!) Bia mộ cũng chỉ được đề là: "GIOAN BAOTIXITA HUYNH" và "GIACÔBÊ ÐỆ".

Tổng Thống Ngô Ðình Diệm đã bị giết một cách dã man bởi trò đời bất trung, bội phản; nhưng không phải ai cũng muối mặt như thế đâu.

Có bà Soeur, người từng theo sát di hài của Tổng thống, từ khi cải-táng cho đến khi xây cất phần mộ xong xuôi, đến lúc gần lâm chung, bà trăng trối xin được chôn gần mộ phần của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm để tiếp tục hầu hạ Người. Thiệt là một trung thần bất sự nhị quân!

 

***

Ngày 26 Tháng Mười, năm 1963, ngày Quốc khánh cuối cùng của Chế độ Ðệ nhất Việt Nam Cộng Hòa, học trò được nghỉ học. Mấy hôm sau đi học, vô cất xe đạp ở dãy nhà chứa xe, bên dãy hàng sao ngang hông trường, tôi đã thấy lính Nhảy dù đứng gác ở đó.

Rồi ngày mùng Một, tháng Mười Một, năm 1963, cuộc đảo chánh phản loạn đã diễn ra. Tới 11 giờ trưa, ngày hôm sau, thì đài Phát thanh Sài Gòn, Hội đồng Quân nhân Cách mạng thông báo là Tổng Thống Ngô Ðình Diệm và Cố vấn Ngô Ðình Nhu đã tự sát.

Chuyện bịa đặt nầy, dân không ai tin cả. Vì Tổng Thống Ngô Ðình Diệm, một người Công Giáo ngoan đạo; mà đạo Công Giáo cấm tín đồ tự sát.

Lại nhớ kỷ niệm. Năm 1962, lúc còn học lớp Nhứt, trường Tiểu học Bàn Cờ trong Cư xá Ðô Thành. Cứ mỗi ngày Thứ Năm, đám học trò nhỏ xếp hàng để mỗi đứa được cho uống miễn phí một ly sữa bột của Viện trợ Mỹ, Usaid.

Rồi khi vào Ðệ thất Petrus Ký, đám học trò nhỏ tụi tui, được nhà trường cho lên một chiếc xe bus, chạy u qua cầu Tân Thuận để đi coi xưởng dệt.

Một lãnh tụ lo cho dân từng li từng tí như thế thì làm gì có cái chuyện gia đình trị ác ôn gì đó chớ?! Một lãnh tụ không tư túi gì cho cá nhân mình hết. Sống thanh bạch. Chết thanh liêm.

Rồi sau nầy lớn lên, nhớ lại những ngày thơ dại của tôi, hồi còn do Tổng Thống Ngô Ðình Diệm lãnh đạo, là những ngày no đủ bên Ba, bên Má, bên anh, bên em, đẹp nhứt đời người... kể luôn cho tới bây giờ.

 

***

Ai công hầu ai khanh tướng? Rồi cũng một nắm cỏ khâu xanh rì. Nhưng điều đó không có nghĩa là hết. Lịch sử sẽ cho biết ai làm đúng? Ai làm sai? Ai công? Ai tội với nhân dân?

Những người đã nhúng tay vào máu trong cuộc đảo chánh, thí Vua ngày đó, leo lên sân khấu làm những trò nhăng nhố cho đến nỗi làm mất cả miền Nam thì làm sao còn mặt mũi nào mà ăn nói được gì với người đã khuất?!

Ôi! "Những người muôn năm cũ! Hồn ở đâu bây giờ?"

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Ô Khảm: cánh chim báo bão!

 

dxt_oham.jpg

 

Thưa tục ngữ Việt Nam ta có câu: "Tham quan ô lại!"

Quan là người làm việc cho triều đình. Lại là người để quan sai phái.

(Ô, tiếng tĩnh từ, tham lam, ăn bẩn của dân!)

Như vậy tham quan ô lại là đứa làm chức to ăn miếng lớn; đứa làm chức bé ăn miếng nhỏ. Ăn của dân hết ráo! Ăn dưới lên trên! Từ nhỏ tới lớn. Một đồng không bỏ; một cắc cũng chôm!

Thưa trong bài viết nầy tôi xin lạm bàn về bọn tham quan ô lại ở bên Tàu; mà nói chuyện Tàu cũng là nói chuyện ở bên ta. Vì bọn chúng cùng là một giuộc, là đồng chí với nhau!

Ô Khảm, một làng chài, thuộc huyện Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, chỉ cách Đặc khu Hong Kong khoảng 4 giờ xe.

Dân khoảng 15.000 người, sống bằng nghề đánh cá hoặc làm ruộng.

Làm ruộng thì phải có ruộng, có đất nhưng ruộng đất của dân đã bị tên Tiết Xương, ngồi lì, vốn làm Bí thư Đảng ủy xã từ năm 70, đem bán cho mấy tay đầu cơ địa ốc, để xây 60 biệt thự sang trọng, những tòa nhà mới nguy nga, những cửa hàng tráng lệ...Mà dân ngu khu đen không dễ gì vô...

Bọn tham quan ô lại toàn huyện Lục Phong nầy đã đút túi khoảng 1 tỷ nhân dân tệ bằng 156 triệu đô Mỹ. Bọn đầu cơ địa ốc trả cho chúng 50 đồng thì chúng bồi thường cho dân chỉ 1 đồng.

Hỡi ơi! Chỉ là cái bọn ô lại cắc ké cấp xã, cấp huyện thôi, mà đã ăn hồn vía như vậy thì nói chi tới cái bọn ở chóp bu?!

Vậy là: "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cơ khổ bần hàn, sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi quyết phen này sống chết mà thôi...."

Cái nầy là quốc tế ca của CS; chớ hỏng phải của tay phản động nào xúi à nhe!

Dân chúng làng Ô Khảm đồng lòng đi biểu tình, đòi: "Trả lại đất cho chúng tôi!"

Bọn tham quan ô lại nầy và bọn đầu cơ địa ốc cùng phối hợp ra tay đàn áp một cách tinh vi và khốc liệt. Đầu gấu giang hồ, được mấy đại gia mướn, mỗi đứa 3000 nhân dân tệ để đánh thấy Tía tụi nó cho tao.

Bọn ô lại, hơn một ngàn tên công an và cảnh sát chống bạo động trang bị đến tận răng! Nào khiên mây, mặt nạ heo, hơi cay, súng bắn đạn cao su, được phái tới.

Chúng bao vây, cô lập làng Ô Khảm. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Cắt điện; cắt nước. Xong đi từng nhà, ruồng bắt những người lãnh đạo cuộc phản kháng.

Ngày 9, tháng 12, năm 2011, Tiết Cẩm Ba bị công an mặc thường phục bắt giải về đồn tra khảo. Vào 10 giờ sáng ngày hôm sau, Tiết Cẩm Ba chết.

Trên thi thể của nạn nhân đầy những vết cắt, vết bầm tím. Hai lỗ mũi đầy vết máu khô. Ngón tay cái bị bẻ ngược xoắn ra phía sau. Lưng cũng có vết bầm lớn. Nghĩa là trên thân thể không chỗ nào là không bị bầm dập. Thiệt là quá dã man!

Vậy là dân làng phẫn nộ biểu tình rầm rộ; bị cảnh sát chống bạo động truy đuổi! Bọn chúng"giống như bầy chó điên, đánh đập bất cứ ai lọt vào tầm mắt chúng".

Nhưng dân quyết không lùi bước, dùng gạch đá, chai lọ, gậy gộc chống lại quyết liệt; kết quả là 12 tên cảnh sát chống bạo động bị u đầu sứt trán và 6 xe cảnh sát bị đốt.

Tình hình làng Ô Khảm căng thẳng tới cực độ! Dân vây đồn công an; trụ sở ủy ban. Bọn tham quan ô lại và bọn cảnh sát, công an tay sai, bọn đầu gấu xã hội đen, nhắm không êm, bỏ chạy như vịt!

Thưa mỗi năm ở Trung quốc có chừng hơn chín chục ngàn cuộc phản đối và khoảng một trăm tám chục ngàn cuộc biểu tình xảy ra trong cả nước để chống việc dân bị quan cướp đất nhưng biến cố ở làng Ô Khảm nầy gây ra tiếng vang sâu rộng nhứt trong cũng như ngoài nước Tàu.

Bọn quan chức than thở rằng: "Quyền lực của chúng tôi giảm đi từng ngày... Người dân thường càng ngày càng trở nên thông minh hơn và ngày càng khó kiểm soát hơn".

Năm 2011, đảng Cộng sản Trung Quốc họp lại, bầu bán nội bộ để chia ghế; Uông Dương, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông muốn lọt vào Thường vụ Bộ Chính trị ở Bắc Kinh nên xuống nước nhỏ: "Mềm nắn, rắn buông!"

Cho lính bắt tên Tiết Xương, bí thư đảng ủy làng Ô Khảm, về tội tham nhũng!

Lâm Tổ Luyến, một đại diện của dân làng Ô Khảm cương quyết sẽ không có cuộc đàm phán nào hết... cho đến khi thi thể của Tiết Cẩm Ba được trả lại, 4 đại diện khác bị cảnh sát bắt giữ phải được thả ra, và trả lại đất cho dân làng.

Cuộc chiến đấu này bắt đầu bằng đất đai, và nay là cuộc chiến đấu vì dân chủ. Uông Dương buộc phải đồng ý và chịu cho dân làng được tự do bầu Xã trưởng! Và Lâm Tổ Luyến, 72 tuổi, được dân Tàu coi là một một ‘anh hùng', chống bạo quyền của bọn tham quan ô lại, được dân tín nhiệm!

Thắng lợi của dân làng Ô Khảm mới chỉ là một bước đầu trong cuộc đấu tranh vì dân chủ ở Trung Quốc. Vụ Ô Khảm chắc chắn không dừng lại ở đây.

Liệu đảng Cộng sản Trung Quốc có thể thực sự nuốt hận mà không tính đến trả thù hay không? Chắc chắn là không rồi!

Một đám mây đen có thể một lần nữa sẽ kéo đến Ô Khảm.

Tới đầu năm 2016, Lâm Tổ Luyến lại kêu gọi dân biểu tình để đòi bồi thường thỏa đáng cho dân làng đã bị cướp đất.

Lần nầy thì bọn tham quan ô lại trong đảng Cộng Sản ở Quảng Đông quyết định chơi tới bến.

Lâm Tổ Luyến bị bắt, bị đưa ra Tòa bị vu cho tội ăn hối lộ bốn trăm ngàn nhân dân tệ tức khoảng sáu chục ngàn đô la Mỹ. Tòa xử Luyến ba năm tù.

Nhưng dân làng Ô Khảm cho rằng Lâm Tổ Luyến bị trả thù, bằng một phiên xử bất công nên họ lại ùn ùn đi biểu tình cho tới khi nào Lâm Tổ Luyến được thả ra.

Đêm rạng sáng ngày 13 tháng Chín năm 2016, công an huyện Lục Phong, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, mở chiến dịch lùng bắt người dân làng Ô Khảm (cứng đầu).

Số đầu trâu mặt ngựa lần nầy lên tới mười ngàn tên. Một số video clip cho thấy người dân bị đánh lỗ đầu chảy máu. Người lớn bị đánh. Đàn bà cũng bị đánh. Con nít cũng bị đánh. Bị đánh hết ráo!

Nhưng dân không sợ, quyết không lùi bước, lập chốt gác, dựng chướng ngại vật, đánh chiêng báo động khi bọn công an, cảnh sát kéo vào.

Hai bên đụng độ. Chỉ có gạch đá và gậy gộc nhưng đôi khi dân làng cũng làm bọn chúng lại... chạy như vịt...

Sở dĩ lần nầy đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp khốc liệt và quyết liệt hơn mấy năm trước là vì chia chác ghế trong đảng đã xong!

Phần đảng lo sợ biến cố tại làng Ô Khảm sẽ lan qua các nơi khác; vì nơi nào dân cũng đều bị đảng Cộng sản Trung Quốc cướp đất hết ráo... Ô Khảm đòi được thì mình tại sao không? Cộng sản Trung Quốc sợ vết dầu loang nầy sẽ làm sụp đổ chế độ!

Khi tình hình tại làng Ô Khảm chưa biết ngã ngũ sẽ ra sao thì tại Việt Nam, báo chí lề phải trong nước vừa chạy một cái tin na ná là:

"Tại xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Cưỡng chế đất, (tức bị cướp đất) một người dân bị Công an bắn; và một Công an bị đâm thủng bụng."

Càng ngày người dân càng phản ứng quyết liệt hơn chớ không chịu cái cảnh bọn tham quan ô lại nầy cứ tự nhiên cướp bóc mãi được.

 

***

Thưa Liễu Tông Nguyên (773-819), người Hà Đông, Sơn Tây,Trung Quốc, đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Giám sát ngự sử.

Vì tham gia cải cách triều chính, nhằm cải thiện đời sống dân chúng và hạn chế đặc quyền, đặc lợi của hoạn quan và đại quý tộc, bị biếm làm Tư mã Vĩnh Châu.

Cách đây hàng chục thế kỷ, dẫu làm quan cho chế độ phong kiến, cũng có người còn biết thương xót dân đen mà sao giờ trong chế độ Cộng sản nầy, đốt đuốc tìm đỏ con mắt cũng không có tới một người!

Liễu Tông Nguyên thuật rằng: Đất Vĩnh Châu có một loài rắn cực độc, thân đen, vằn trắng. Cắn người, người chết ngay; chạm vào cây cỏ, cây cỏ cũng chết!

Nhưng nếu bắt được rắn để làm thuốc chữa bịnh trúng phong, kinh giựt, sát trùng rất hiệu nghiệm.

Nhà vua xuống chỉ, bắt dân Vĩnh Châu phải tiến cống mỗi năm hai con để làm thuốc. Ai bắt được hai con năm, được miễn đóng địa tô tức thuế ruộng.

Dân Vĩnh Châu tranh nhau bắt. Có nhiều người bị rắn cắn chết.

"Ông tôi chết về nghề bắt rắn, cha tôi cũng chết về nghề bắt rắn. Tôi nối nghề ông cha tôi mới có mười hai năm, cũng đã mấy lần suýt chết!"

"Ta sẽ nói với quan trên cho nhà ngươi bỏ nghề ấy mà cứ nộp thuế ruộng như thường. Nhà ngươi tính thế nào?"

"Ông thương tôi, muốn cho tôi sống, thì ông để cho tôi làm nghề bắt rắn còn hơn! Nhà tôi ba đời ở làng kể đã hơn sáu mươi năm, cách sinh nhai trong làng mỗi ngày một quẫn bách, phải vét hết cả của cải trong nhà để mà nộp thuế!

Thậm chí bỏ làng, bỏ xóm, đói khát, trôi dạt, chết đường, chết chợ kể bao nhiêu người.

Những quan lại tàn ác về thu thuế, sục hết đầu làng, cuối xóm vơ vét đến cả con gà, con chó, dân gian phải hãi hùng kinh sợ.

Tôi làm nghề bắt rắn một năm sợ chết chỉ có hai lần, ngoài ra không phải lo thuế má, không đến nỗi như người làng xóm tôi hết ngày này sang tháng khác khốn khổ về quan lại tàn ác!

Giá tôi có chết về nghề bắt rắn, so với người làng xóm tôi cũng đã là may vì sống thọ hơn nhiều! Thế nên tôi vẫn đánh liều sinh mạng mình mà bắt rắn độc tiến Vua vậy!"

Than ôi, cái ác độc của bọn tham quan ô lại còn dữ hơn con rắn độc.

 

***

Thưa Liễu Tông Nguyên có lần tiễn Tiết Tồn Nghĩa, người Hà Đông, sắp đi làm quan ở một tửu quán cạnh bờ sông, rót chén rượu mời bạn rồi nói rằng:

"Phàm làm quan ở hạt nào, phải biết chức phận của mình là người làm việc cho dân, chứ không phải sai dân làm việc cho mình.

Dân ở trong hạt đã chịu nộp thuế, để lấy tiền thuê quan giữ sự công bình cho dân, mà nay ngán thay, thiên hạ ra làm quan, tiền thuế của dân thì biết lấy cả, còn công việc của dân thì trễ biếng, thường khi dụng tâm ăn cắp của dân nữa.

Giả sử ta đây thuê một người làm việc trong nhà, nó đã lấy tiền thuê mà lười không làm việc, lại còn ăn cắp... thì tất ta phải giận mà trách phạt nó và đuổi nó đi. Bây giờ, làm quan như thế nhiều, mà dân không dám nổi giận trách phạt và đuổi đi là tại làm sao?"

Những bài học về đạo làm quan Liễu Tông Nguyên đã dạy mấy chú Ba cả ngàn năm rồi mà không đứa nào trong đảng Cộng sản Trung Quốc chịu học hết trơn vậy cà?

Chẳng qua vì lòng tham không đáy của bọn tham quan ô lại: Sống chết mặc bây. Tiền thầy bỏ túi! Không biết ô nhục là gì hết ráo!

Dưới ách của đảng Cộng sản, dân Tàu, dân Việt sẽ còn khổ dài dài...

Tuy nhiên con giun xéo mãi cũng oằn. Tức nước tất vỡ bờ. Trước sau gì cũng tới. Và Ô Khảm chính là một trong những cánh chim báo bão!

 

đoàn xuân thu

melbourne


 

 

Thiện Ác!

 dxt_thienac.jpg

Tranh bảo Huân.

 

Thưa hồi nhỏ tôi thường theo Má tôi lên chùa lễ Phật. Ðứa con nít nào cũng  thích được đi theo Má mình, dù tới bất cứ  nơi nào.

Nhưng thực sự, thưa rằng, hồi 9, 10 tuổi tôi không thích đi chùa chút nào.

Tại vì tôi sợ.

Thưa trước khi bước vào chánh điện, chùa nào cũng có tượng hai ông Thiện và Ác đứng ở hai bên. Tượng ông Thiện có vẻ hiền từ, (dĩ nhiên)! Tượng ông Ác thì có vẻ dữ, (cũng dĩ nhiên)!

Rồi thơ thẩn đi theo một chú Tiểu, đầu chừa ba vá miểng vùa, vốn là thằng bạn học cùng lớp Nhì, tôi xem những bức tranh rất ghê rợn, vẽ quỷ sứ đang cưa người ta ra làm hai để nấu dầu, máu chảy tùm lum tề lê, nhằm trừng phạt tội ác đã phạm phải khi còn trên trần thế.

Sợ lắm, nên đi chùa về, tối nào ngủ cũng mớ. Bị ác mộng. Bị quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa, đầu có mọc sừng, cầm đinh ba đến nắm cẳng lôi đi.

(Mà tôi đâu có tội tình gì?! Nếu có, chỉ là tội giành ăn cà rem với mấy đứa em tôi thôi mà!)

Giựt mình choàng tỉnh thức, mồ hôi, mồ kê ướt đẫm mình mẩy... Sợ run luôn. Lầm bầm thầm hứa với đám quỷ sứ rằng: Từ rày về sau, tôi không dám giành ăn cà rem với mấy đứa em tôi nữa.

Sau từ từ lớn lên, ‘ngộ' ra rằng sở dĩ tôi bị ác mộng là do chú Tiểu, bạn học, chơi ác, nhát tôi thôi... Chớ làm gì có Thập điện Diêm Vương, làm gì có chuyện người gây tội trên trần gian, chết xuống âm phủ phải ngồi bàn chông, đầu đội chậu máu đâu hè?!

Nếu có ai làm ác thì Trời sẽ ‘quánh' ngay cho một búa, chết không kịp ngáp... ngáp. Ngày xưa quả báo nhãn tiền, ngày nay quả báo thấy liền một khi.

Rồi lớn lên chút nữa, biết nghĩ sâu, thì mới ‘ngộ' ra rằng: Ðời, bất cứ nơi đâu, trong nhân loại, đều cũng có ông Thiện và có ông Ác.

Ngay cả chính trong lòng chúng ta cũng đang có thiện và ác đánh nhau tơi bời hoa lá để giành giật tâm hồn của chúng sinh, như tôi, vẫn còn chìm trong bể trầm luân, sân si, lục dục thất tình.

Em yêu nghe vậy, bảo rằng anh đã ‘ngộ' rồi đó! Nhưng tôi chưa muốn cạo đầu đi tu như Lan trong tuồng Lan và Ðiệp, vì lòng trần tôi còn rất nặng, tôi vẫn còn tha thiết yêu em. Mà nợ trần chưa trả hết cho em. Ði tu sao đành?! Uổng!

Nhưng có lẽ vì bị nhát hồi nhỏ, mà vẫn bị ám ảnh, sợ tới bây giờ, nên tôi ráng làm lành lánh dữ cho nó chắc ăn. Coi điều ác như giết người là kinh khủng lắm. Ráng sống sao cho có cái lòng nhân hậu mới được!

 

***

Thưa vậy mà ở Chicago thành phố lớn hàng thứ ba của nước Mỹ, quê hương của Tổng thống Barack Obama, coi bộ ông Ác hơi ‘bị' nhiều.

Tính từ đầu năm cho đến nay, số người bị giết ở thành phố Chicago lên đến 471 người, cao hơn tổng số những người bị giết ở hai thành phố New York và Los Angeles gộp lại.

Tuy nhiên trong bức tranh ảm đạm về tội ác của mấy ông Ác tại thủ đô sát nhân Chicago nầy, thì tui cũng thấy lóe sáng lên tấm lòng nhân hậu của một ông Thiện.

Chẳng qua có một người đang lái xe bắt gặp hình ảnh một ông tên là Fidencio Sanchez, dẫu đã già tới 89 tuổi rồi mà vẫn còn còng lưng, nặng nhọc đẩy một chiếc xe, đi bán cà rem dạo quanh một khu phố tên là Little Village.

Ðiều đó làm ông Thiện xúc động, rồi tự hỏi: "Tới cái tuổi nầy rồi sao vẫn còn phải vất vả để mưu sinh?!"

Thế là ông Thiện nầy dừng xe lại, móc bóp lấy tờ 50 đô, mua ủng hộ cho ông lão bán cà rem 20 cây.

Rồi ông Thiện chụp hình ông lão còng lưng đi bán cà rem dạo, đưa lên trang mạng xã hội Facebook làm bà con khắp nước Mỹ, ai nấy cũng đều cảm động.

Có vài người đề nghị nên mở một cuộc gây quỹ giúp gia đình ông Cụ nầy đi!

Mục tiêu ban đầu rất khiêm tốn là khoảng 3 ngàn đô la là đã quá thành công. Nhưng ít ai ngờ chỉ trong vòng vài ngày, số tiền quyên góp đã lên tới hơn 300 ngàn đô Mỹ.

Mà hoàn cảnh gia đình của ông đáng thương thật. Con gái ông từ trần vào Tháng Bảy rồi, bỏ lại mấy đứa cháu Ngoại không ai nuôi. Vợ ông lại bịnh hoạn, sắp nhỏ chỉ còn biết trông cậy vào ông Ngoại đã già yếu của mình.

Ðứa cháu gái bùi ngùi, cảm động, nói: "Thượng đế đã gởi đến cho tụi con món quà trong lúc cần kíp nhứt. Bây giờ ông Ngoại con có thể thôi không phải vất vả đi bán cà rem để nuôi tụi con nữa rồi!

Con xin cám ơn tấm lòng nhân hậu của những người, con còn chưa hề biết mặt. Thật là điều tuyệt vời khi mở lòng ra giúp những kẻ không may."

 

***

Thưa nói nào ngay, (trừ đám cán bộ ra) thì người dân rất đỗi bình thường dẫu không giàu có gì mấy cũng có tấm lòng nhân hậu... cũng không có hiếm.

Chị Lê Thị Bích Diễm, một người tiểu thương ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Ðồng Tháp, năm rồi, đã xuất 150 triệu, tiền túi dành dụm của gia đình mình ra, mua một chiếc xe 7 chỗ, dù đã cũ, nhưng vẫn còn chạy tốt để làm xe cứu thương, chở miễn phí bà con nào ốm đau bịnh hoạn bất ngờ, cần đi nhà thương gấp.

"Hồi đó lúc Ba bịnh. Kêu xe cũng hơi khó. Ba đau cũng khổ nữa. Từ cái khổ đó mình vái mình làm ăn có dư chút đỉnh để mua chiếc xe cho Hội Hồng Thập Tự chuyển bịnh... Cho những người không có tiền đi bịnh viện bớt khổ phần nào..."

 

***

Thưa thiệt là quý hóa! Nhưng khi tôi đọc đưa cái tin nầy thì lại thấy căm giận rồi bùi ngùi muốn rơi nước mắt. Ðồng bào của tôi đây mà!

Ngày 29 Tháng Tám, Chị Lò Thị Phanh, 40 tuổi, đi nằm điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.

Ðến ngày 12 Tháng Chín, bệnh tình trở nặng, rất yếu, phải dìu mới đi được, bệnh viện nói là không chữa được, nên chị Phanh thều thào là: "Cho em về, để chết ở nhà."

Theo lời trăn trối của em mình, người anh trai là Lò Văn Muôn, thuê xe ôm chở em về, nhưng đến Nà Sản thì chị mất.

Ông xe ôm nhận 150 ngàn tiền công và không chịu chở nữa; ông Muôn đành bó xác của em gái mình trong một cái chiếu, để nằm ngang sau yên xe, hai cẳng của bệnh nhân vẫn còn ló ra ngoài. Và tự mình chở về nhà.

Người dân đã chụp được tấm hình bi thảm, ghi lại thân phận của một đời người cùng khốn mà nhà ‘thương' nỡ dửng dưng, không ‘thương'... làm bà con mình xót xa rồi phẫn nộ... trên mạng.

Công an khẳng định cái nầy do bệnh chết. Không phải án mạng nên khỏi điều tra. Phủi tay là xong.

Về phía bên Y tế, thì thầy đổ bóng, bóng đổ thầy.

Và nước mắt cá sấu của lương y như ‘ác' mẫu nhễu nhão ra.

"Tôi rất đau lòng khi xem bức ảnh. Tôi xin khẳng định. Sẽ không bao giờ có trường hợp để người nhà phải chở xác bệnh nhân từ bệnh viện về trên xe máy."

(Còn hấp hối thì chắc được phải không?).

Bộ Y tế cho biết việc giải quyết tình huống cho xe đưa bệnh nhân Phanh về quê là không có quy định, nhưng về tình thì nên cho xe đưa bệnh nhân về. Và bệnh nhân nghèo cũng thuộc diện được hỗ trợ vận chuyển 0.2 lít xăng/km.

Trong khi đó, bà con trong nước mình từng được biết, các quan lớn đầu, tỉnh Sơn La đã xài tới 1400 tỉ đồng, tiền ngân sách, để xây dựng một tượng đài?!

Thưa bà con! Có một chi tiết rất đắt là: Ðể phủi tất cả trách nhiệm của một người thầy thuốc của nhân dân (?!) là bắt thân nhân của nạn nhân (chớ không còn là bệnh nhân nữa) cam kết sẽ không kiện cáo gì khi bệnh viện cho phép chở bệnh nhân, đang hấp hối, về nhà lo hậu sự, là phải làm đơn xin được chết.

Ðiều đau đớn nhứt dành cho gia đình nạn nhân trong tờ đơn kính gởi lãnh đạo bệnh viện cho được về chết tại nhà bắt đầu bởi hai dòng chữ:

"Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Ðộc lập Tự do Hạnh phúc."

Thiệt là cười ra nước mắt!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 Tạp ghi

Tôi đi để lại đường xưa!

 

"Hỏi rằng quê ở nơi đâu?

Là dân mất nước, quê đâu mà ‘dìa'?!

 

Ôi! Quê hương, nơi tui đành đoạn bỏ ra đi rất là lâu, vì thời cuộc biển dâu.

Vậy mà cứ đêm đêm, khi tui chăn êm nệm ấm, nằm ngáy khò khò thì nó từ trong một ngõ ngách nào của lòng tôi lại hiện ra rõ mồn một như một bức tranh chân dung vẽ thời xưa cũ, về miền quê nào đó xa ngai ngái, đượm buồn trong bão lửa  và... nghèo rớt mùng tơi.

Thưa khi Sài Gòn thất thủ, tự dưng trong rừng, trong bưng, tụi nó chạy ào ào như chạy vượt rào... tới quê tui.

‘Thôi coi đó là chiến lợi phẩm, gom hốt cho lẹ rồi dông! Vì mình đánh ăn nó, tất cả cái gì của nó là mình giải phóng, mình tiếp quản... cho mình!'

Sau thấy thiên hạ im re, không càm ràm gì ráo, chỉ ngậm tăm, tìm cách bỏ đi ra hướng biển Ðông... nên cũng từ từ an tâm... hô phong hoán vũ, biến nhà cửa của người ta, vàng vòng của thiên hạ, và ngay cả con đường, căn phố, cái chợ của ông cố ông cha người ta lập ra... giờ tất cả là của mình.

***

Thưa! Có anh bạn văn, lúc nhậu nhẹt với tui, thường hay hỏi rằng: "Khi nào tui sẽ ‘dìa' quê?" "Muốn về đâu biết quê đâu mà ‘dìa'."

"Thôi phần số ông trôi sông lạc chợ như vậy, nếu mai kia mốt nọ thời thế đổi thay ông về quê tui đi."

Cứ tưởng quê phải là quê... Phải là nơi khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn muối, ai dè ảnh hiểu quê là chỗ ảnh sanh ra. Ngay tại cái đất Sài Gòn, mà cụ thể là ngay tại cái đất Tân Ðịnh.

Sau khi quất nghe cái ót ly rượu đỏ, rồi chiêu thêm một ngụm nước lạnh, ảnh mới khề khà kể chuyện khi xưa ta bé ta ngu... ta lấy dây thun ta bắn con... ruồi như vầy:

"Từ đường Trần Quang Khải mình quẹo vào đường Trần Nhật Duật chạy thẳng tới bờ kinh Nhiêu Lộc, có bốn con đường nhỏ đi ngang qua: đường Ðặng Dung (con), Ðặng Tất là (cha). Rồi đường Trần Quý Khoách và Trần Khánh Dư.

Trần Quý Khoách tức vua Trùng Quang (1409 - 1413) thất trận bị quân Minh bắt cầm tù. Tháng Tư, năm Canh Ngọ (1414), trên đường bị giặc giải về Tàu, người đã anh dũng nhảy xuống sông Lam tự trầm, quyết không để sa vào tay giặc."

***

Ðó là chuyện ngày xưa, còn thời mình, đường Trần Quý Khoách cũng cho anh bạn văn của tui nhiều kỷ niệm rất bùi ngùi của một thời đi học...

"Trước năm 1975, số trường Trung học Công lập ở Sài Gòn, Chợ Lớn và Gia Ðịnh không đủ để đáp ứng nhu cầu đi học của tất cả học sinh nên phải tổ chức thi tuyển rất gay go, nhứt là với những trường có tiếng như Petrus Ký, Chu Văn An (dành cho nam sinh) hay Gia Long và Trưng Vương (dành cho nữ sinh).

Ảnh là một học sinh (lớp Nhứt) cực kỳ xuất sắc... nên thi không đậu, đành phải đi học trường Tư, có uy tín ở Tân Ðịnh! Ðó là trường Văn Lang ở số 51 đường Trần Quý Khoách.

Trước năm 1954, chia đôi đất nước, nơi đây chỉ là những ao rau muống, bùn lầy nước đọng và cây cỏ mọc um tùm.

Thầy Ngô Duy Cầu đã từ bỏ tất cả sản nghiệp ngoài Bắc để di cư vào miền Nam tìm tự do và xây dựng trường Văn Lang bắt đầu trên nền đống rác này, với những lớp học sơ sài, rồi xây dựng dần dần, để sau đó trở thành một ngôi trường bề thế: Trung học Ðệ Nhất Cấp và Trung học Ðệ Nhị Cấp.

Sau ngày 30 tháng Tư, năm 1975, trường Văn Lang bị VC tịch thu.

Cái trường Văn Lang của anh bạn văn đã trôi theo y chang cái vận nước Việt Nam Cộng Hòa. Bắt đầu từ năm 1954 và chấm dứt một cách tức tưởi vào 30 tháng Tư, năm 1975.

***

Dù chỉ có 21 năm ngắn ngủi nhưng thuở vàng son đó, trường Văn Lang đã kịp đào tạo được những con người có học, có hạnh và có tài...

Ý tui muốn nói tới nhà thơ Phạm Thiên Thư (Ðưa em tìm động Hoa Vàng nhớ nhau).

Nghe nói lúc người ta đi lính, thì ổng đi tu... Người ta đi tù... thì ổng mở quán cà phê Hoa Vàng.

Thoạt đầu nghe ổng tính đặt tên quán cà phê là Ðộng Hoa Vàng nhưng sau nằm đêm nghĩ lại tên quán có chữ Ðộng... e mấy ông anh mình tưởng lầm chỗ đó không có bán cà phê mà bán ‘cái khác' thì chết...

Nên ổng bỏ quách chữ Ðộng đi, chỉ còn Hoa Vàng... để quý ông anh hảo ngọt của mình đừng có bé cái lầm.

Thưa dẫu vậy tui vẫn còn cái lòng ái mộ nhà thơ từng làm Ðại đức mà làm thơ tình, mùi hết biết... như ổng.

Tui khoái cái bài Ngày Xưa Hoàng Thị, thơ Phạm Thiên Thư do Phạm Duy phổ nhạc.

Ông nhà thơ thì thích Thanh Thúy hát... Tui cho rằng thích vậy cũng phải. Vì một là Thanh Thúy hát hay, hai là Thanh Thúy cũng đẹp.

Nhưng ông nhạc sĩ Phạm Duy thì lại thích Thái Thanh (em vợ của mình) hát thôi...

Tui cho rằng thích vậy cũng phải. Vì một là Thái Thanh hát hay, hai là Thái Thanh cũng đẹp... Hi hi!

"Em tan trường về /Anh theo Ngọ về/ Chân anh nặng nề / Lòng anh nức nở

Mai vào lớp học / Anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ.... Em tan trường về/ Anh theo Ngọ về/  Môi em mỉm cười/ Man man sầu đời tình ơi...Tình ơi!"

Thành thử nhà thơ, nhà nhạc, nhà văn khoái ai cũng khó lòng giữ kín như bưng trong lòng, dẫu biết tiết lộ ra là có xác suất rất cao cho cái chuyện ‘guốc bay'.

Thưa ‘guốc bay' bà con độc giả thân thương hiểu nghĩa nào cũng đặng hết.

Một là em yêu ghen, cho ‘guốc bay' vô bản mặt của mình.

Hai là em ‘guốc bay' tức ‘good bye' (người bỏ ta sao đành?) cũng đặng nhe!

Thưa cái đất Tân Ðịnh, quê cũ mến yêu của anh bạn văn, làm tui cũng mến yêu luôn. Vì thú thiệt với bà con chuyện nầy (xin đừng hé môi cho con Sư Tử Hà Ðông của tui biết, tui đội ơn nhe!)

Vì ngày đó, cây si anh trồng ngay lối đi, hẻm Bưu Ðiện 230 Hai Bà Trưng, Tân Ðịnh...

Em Thanh Xuân, 50 năm, giờ chắc người xưa đã thành đồ cổ như tui rồi...

Hu hu!

 

***

Nhưng thưa bà con cũng có một người chỉ xẹt qua, xẹt lại bằng xe đạp ngang qua đất Tân Ðịnh thôi mà hơn 40 năm sau ông vẫn còn nhớ tới bây giờ.

Ðó là Thầy  Võ Hoài Nam, tốt nghiệp kỹ sư tại Marseille, Pháp, về dạy Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký (1955-1956).

(Năm mà tui chưa có đi học, còn ở truồng, tập tễnh bắn ‘cu li' để sau nầy phải chịu cái thân làm ‘cu li' ở cái đất lạ quê người.)

Năm 1979, Thầy vượt biên qua Pháp rồi trở thành nhà văn Tiểu Tử.

"Xe cháo huyết của bà xẩm đó nằm trên vỉa hè phía đối diện với rạp hát Casino Ða Kao, gần trụ đèn xanh đèn đỏ. Chiều đi làm về tôi hay tấp vô đó "làm" một tô cháo huyết.

... Cháo nấu nhừ, huyết cắt vuông thành từng miếng vừa vặn nhỏ để được nằm gọn trong lòng cái muỗng nhôm. Múc một muỗng vừa có cháo vừa có huyết đưa lên môi thổi cho bớt nóng trước khi cho vào miệng, mà nghe thơm phức làm chảy nước miếng...

Rồi sau đó!... Có khi cả tháng không dư được một đồng. Lấy gì ăn cháo huyết?

- Vô ăn cháo đi thầy Hai. Lâu quá mà...

- Tôi không có tiền! (Tôi đã nói như vậy - dám nói như vậy - một cách thẳng thừng và không chút ngượng nghịu!)

- Không có sao! Vô ăn đi! Chừng nào trả cũng được. Mình quen mà..

... Miếng cháo tôi đang nuốt bỗng nghe như bị nghẹn ngang ở cổ họng, làm tôi ứa nước mắt..."

***

Thưa Thầy! Cái truyện ngắn Tô Cháo Huyết của Thầy làm em lại bùi ngùi nhớ lại vùng quê, một Trời Tân Ðịnh.

Nhớ: Mình đi hết đường Trần Quang Khải sẽ gặp đường Ðinh Tiên Hoàng, nơi có bà xẩm bán tô cháo huyết cho Thầy ăn chịu...

Nhớ bên kia đường Trần Quang Khải là đường Nguyễn Văn Giai, gần Chợ Ða Kao. Quẹo trái là đường Bùi Hữu Nghĩa. Có một cây cầu sắt cũ. Ði về phía chợ Bà Chiểu (Gia Ðịnh), nơi thầy muốn né xe cháo huyết vì ‘Giải phóng' vô... Thầy hổng có tiền...

Cái ngã tư đèn xanh đỏ trên đường Ðinh Tiên Hoàng và xe cháo huyết của bà Xẩm già gần rạp hát Casino Ða Kao... làm mắt em ướt... nên em buồn như mây chiều trôi khi nhớ về một trời Tân Ðịnh.

Hu hu!

dxt_CasinoDakao.jpg 

 

Đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước là rạp Casino Dakao.

Ảnh. Dave De Milner.

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Lá thư Úc Châu: Hồn ma cũ!

dxt_honmacu.jpg

 

Thưa mấy hôm rồi, bầu rượu túi thơ, tình cờ xuống chốn giang hồ, tui có dịp may diện kiến và đàm đạo với một độc giả thân thương. "Hỏi rằng quê ở nơi đâu?" Tui trả lời: "Sài Gòn, quận Nhứt! He he!"

Phải là quận Nhứt (hạng) ở Thủ đô Sài Gòn mới hỏng sợ anh bạn mới quen nầy ngon hơn mình nữa!

Ảnh nhìn tui với đôi mắt FBI (Cơ quan Điều tra Liên bang Mỹ), nghi ngờ tui là cái thằng chuyên dóc tổ...

"Quận Nhứt nhưng mà chỗ nào?"

"Tân Định?"

Rồi lại thêm màn tra vấn: "Tân Định, Hai Bà Trưng hay Tân Định, Trần Quang Khải? Tui ở đường Phạm Đăng Hưng nè! Có Viện Nhu đạo Quang Trung của Thượng tọa Thích Tâm Giác, Giám đốc Nha Tuyên úy Phật Giáo! Tui có võ Judo, đeo tới đai vàng, đệ tử ruột của Võ sư Chiêm Huỳnh Văn nè! Ngán hông?"

Chu choa, người ta học Nhu Đạo, đeo tới đai đen, một hai, đẳng còn chưa dám khoe. Thằng cha nầy mới có thắt đai vàng, học mới ba tháng, mà nổ như đẻ gần Trảng Bom vậy!

Dẫu nghĩ vậy; nhưng thưa vốn là con người tế nhị, tui giả bộ... khờ thôi hết biết, hỏng nói ra làm chi, đâu có ích lợi gì?

Nên tui trả lời xuôi xị hè: "Tui ở nhà số 9, trên lầu hai cư xá công chức, hẻm 230, sát bên hông Bưu điện Tân Định!"

Anh độc giả nầy điềm nhiên đi ‘bốt đờ sô' vô đời tư của tui!

Sau khi điều tra xét hỏi lung tung cũng hơi tin tin; nhưng ra vẻ ta đây là người Tân Định cố cựu nên thằng chả làm tàng cho tui thi thêm vài câu vấn đáp nữa.

"Đường Phạm Đăng Hưng, bây giờ bị đổi tên thành đường Mai Thị Lựu!"

Tui hỏi khó: "Mai Thị Lựu hay Mai Thị Lựu ‘đạn' là ai?"

Thì thằng chả bí lù và tui cũng mù, hỏng biết luôn! Mà biết để làm cái ‘quái' gì chớ?!

Anh bạn hơi bị quê xệ, ráng vớt vát là trên đường Mai Thị Lựu tức Phạm Đăng Hưng nầy có ngôi chùa Tàu gọi là Điện Ngọc Hoàng cho bà con người Hoa hay đến cầu con trai mà Tổng thống Barack Obama mới vừa đi thăm đó!

"Ủa! Tổng thống Mỹ đi thăm người Việt mà vô Chùa Tàu chi vậy cà? Tréo cẳng ngỗng hết trơn!" Bộ có hai đứa con gái, giờ ổng muốn cầu có một đứa con trai... cho nó giống tui... sao chớ?

"À chắc tại Mỹ xa quá nên ông Obama hỏng biết ất giáp gì, mấy đứa chủ nhà mời đi đâu thì đành đi đó... Chớ con nào cũng là con! Trai hay gái gì mình cũng thương hết ráo!"

Mai Thị Lựu gì đó là tui không biết thiệt vì từ hồi vượt biên tới giờ tui chưa có trở về thăm, nhưng Phạm Đăng Hưng là tui biết nhiều à nha. Vì nó có dính tới cái Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nằm trên đường Hai Bà Trưng, Tân Định đó.

"Biết gì nói thử nghe coi!"

Được lời như cởi tấm lòng, tui bèn đem mớ kiến thức lượm được trên mạng mà phang tá lả cho thằng chả ngán, để không dám giỡn mặt với một con người trí ‘tệ' như mình chơi!

Chớ thú thật với bà con là hồi nhỏ tới lớn tui sợ ma lắm! Nói tới người chết, nói tới nghĩa trang, nơi người chết ở... là hỏng có tui trong đó rồi!

Chẳng qua ông Phạm Đăng Hưng từng làm tới chức Lễ bộ Thượng thư, (như Bộ trưởng Bộ Giáo dục bây giờ), là người ở Giồng Sơn Quy (xưa thuộc huyện Tân Hòa, phủ Tân An, tỉnh Gia Định); nay thuộc ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công.

Mùa hạ năm 1825, ông Phạm Đăng Hưng mất, được đưa về quê nhà ở Giồng Sơn Quy chôn cất.

Con gái của ông là Phạm Thị Hằng (sinh năm 1810), tức Hoàng Thái hậu Từ Dũ vốn được gả cho Hoàng tử Miên Tông, sau này là Vua Thiệu Trị.

(Thời Việt Nam Cộng Hòa mình có Bảo sanh viện Từ Dũ nằm ở đường Cống Quỳnh đó đa! Sau bị đổi tên là Xưởng đẻ Từ Dũ! Từ Bảo sanh viện đổi thành Xưởng đẻ...Thiệt là hay chữ thôi hết biết hé!)

Đối với Vua Tự Đức, con Vua Thiệu Trị, thì Phạm Đăng Hưng là ông Ngoại nên mới được truy phong Đức Quốc Công vào năm 1849.

Năm 1858, Vua Tự Đức sai đại thần Phan Thanh Giản khắc bia ghi lại công trạng của ông Ngoại mình; rồi cho chuyển vào Bến Nghé nhưng tấm bia nầy biến mất một cách bí ẩn. Mãi tới đúng 140 năm sau, (1859-1999), châu mới về hợp phố!

Chẳng qua là do việc xóa sổ nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, bọn vô thần đào mồ cuốc mả người ta để làm công viên Lê Văn Tám, đã phát hiện tấm bia mộ của Đại úy Thủy quân Pháp Nicolas Barbé chữ được khắc phía mặt sau, chính là tấm bia ghi công trạng của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng

Năm 1858, Nicolas Barbé xua quân chiếm giữ Chùa Khải Tường, một ngôi cổ tự, tọa lạc trên một gò cao tại ấp Tân Lộc, thuộc Gia Định xưa.

Barbé là một tên thực dân vô lại, cho đem tượng Phật bỏ ngoài sân, đuổi các vị sư trụ trì ra khỏi Chùa.

Chính Barbé cướp tấm bia vào năm 1858 và Trời bất dung gian đảng, 2 năm sau, y bị Nghĩa quân Trương Định giết chết, Tây đã lấy tấm bia ấy làm bia mộ cho y!

Vào tháng Ba năm 1955, nghĩa trang rộng khoảng 7.5 ha này, được mang tên nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Phía Bắc là đường Hai Bà Trưng, phía Đông là đường Phan Thanh Giản, phía Tây là đường Hiền Vương và phía Nam là đường Phan Liêm. Còn đường Mạc Đĩnh Chi thì đâm vô ngay cổng chánh!

Thoạt kỳ thủy là Nghĩa trang cho người Châu Âu (Cimetière Européen) hay Nghĩa trang Massiges hoặc Đất Thánh Tây theo cách gọi của người Sài Gòn, là nơi chôn cất các lính bộ binh, thủy thủ và sĩ quan Pháp trong cuộc chiến nhằm chiếm đóng Sài Gòn. Và tên thực dân xâm lược Nicolas Barbé là một trong những khách hàng đầu tiên đến thường trú!

Từ ngày 14 tháng Chạp năm 1912, nghĩa trang này vốn dành riêng cho người Châu Âu trở thành một nơi chôn cất cho tầng lớp thượng lưu của Nam Kỳ thuộc địa.

Kết quả là: các ngôi mộ của nhiều người lính và thủy thủ đa phần là Pháp, vốn không có thân nhân ở gần nên bị bỏ phế, cỏ mọc um tùm.

Đã có những lời chỉ trích việc "không cữ kiêng", đào mồ cuốc mả những người nghèo, chỉ cho chôn trong thời hạn bảy hay tám năm rồi phải di dời đi nơi khác, để nhường chỗ cho những người giàu có và nổi tiếng.

(Sống giành nhà! Chết rồi lại giành đất để chôn! C'est la vie!)

Thưa nhà văn Ngọc Linh, sau 75, không còn thấy viết tiểu thuyết đăng nhiều kỳ trên báo như trước nữa! Chắc để kiếm sống, ông quay qua viết tuồng "Nàng Hai Bến Nghé" dựa trên sự kiện lịch sử nầy.

"Nàng Hai Bến Nghé" với đào chánh Mỹ Châu và kép Hùng Minh trong vai Đại úy Barbé. Vì Hùng Minh cao lớn giống như Tây vậy!

Nàng Hai - một người con gái Bến Nghé trẻ đẹp, yêu một anh học trò nghèo cùng xóm tên Tri! Nhưng nàng Hai bị buộc phải về làm thiếp cho tên Lãnh binh Sắc lớn tuổi, hung hăng và tàn bạo.

Lãnh binh Sắc nghi vợ mình vẫn còn tơ tưởng tới tình xưa, nên rất ghen tức. Một hôm Sắc cho người giả danh vợ mời Tri tới nhà bàn công việc gấp. Khi hai người gặp nhau, Sắc rời khỏi nơi ẩn nấp bước ra tri hô, ghép họ vào tội lăng loàn và cho lính đóng bè thả trôi sông cả hai người.

Một hai hôm sau viên quan ba Barbé, đóng binh ở chùa Khải Tường đang đi săn, bất ngờ gặp một bè chuối trôi trên đó có một người đàn ông và một người đàn bà. Theo dòng, hai con sấu lớn hung hãn, quẫy đuôi bám riết đuổi theo bè. Barbé liền nổ súng, sấu sợ hãi lặn trốn mất.

Khi bè được vớt lên, người con trai tức Tri bị sấu cắn cụt mất một chân, đã chết. Phần người con gái là Nàng Hai còn thoi thóp thở.

Sau khi được chăm sóc, thấy Nàng Hai trẻ đẹp nên Barbé, vốn là tên thực dân háo sắc, ép cô phải chung sống với mình. Nàng Hai đành phải tỏ vẻ ưng thuận với điều kiện là được trở về nhà để thu xếp việc riêng.

Hôm đó là ngày mồng 7, tháng Chạp, năm 1860, trời vừa sụp tối, nghe lính canh báo có Nàng Hai đến xin gặp. Barbé mừng rỡ phóng ngựa ra đón, đâu ngờ mình đã trúng mỹ nhân kế, điệu hổ ly sơn của Nghĩa quân Trương Định!

Đúng là: "Súng giặc đất rền/ Lòng dân trời tỏ....

...Gươm đeo dùng một ngọn dao phay, cũng chém đặng đầu quan hai nọ"

(Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu)

Còn Trung úy Hải quân người Pháp là Léopold Pallu đã sang Sài Gòn tham chiến, sau này, kể lại:

"Buổi chiều hôm đó, Đại úy thủy quân Barbé cưỡi ngựa đi tuần tra như thường lệ. Bọn sát nhân rình rập trong một bụi cây...Ông bị đột kích bằng giáo té ngay xuống ngựa. Bọn An Nam liền cắt đầu, bò qua các bụi rậm và cỏ cao trở về giới tuyến cũ của thành Kỳ Hòa.

Sáng hôm sau, người ta thấy phần thi thể còn lại (của Barbé) bị kéo bỏ bên vệ đường; con ngựa bị thương nằm bất động kế bên.

Người ta kể lại rằng khi cái đầu ông Đại úy đem đến đặt bên khay trầu của vị tướng An Nam, thì ông này liền đếm tiền thưởng mà không nói gì, rồi sau đó mới thốt ra một lời tiếc thương!"

Thưa rồi sau 75, Sài Gòn mình tức đất Bến Nghé xưa thất thủ.

Mà đâu phải chỉ riêng Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi của giới thượng lưu, Nghĩa trang quân đội Pháp tại ngã tư Bảy Hiền và Lăng Pigneau de Béhaine tức Lăng Cha Cả, gần sân bay Tân Sơn Nhất... mà còn những nghĩa trang khác rải rác khắp các tỉnh của Việt Nam Cộng Hòa như Nghĩa trang Quân đội, Nghĩa trang Công chức cũng đều chịu nỗi tang thương.

Trong vòng hai tháng, thân nhân của người quá vãng phải tự lo hốt cốt, di dời; bằng không thì tụi nó đem đi đốt...

Thiệt chết rồi mà cũng còn bị hành hạ, hỏng có được yên mồ yên mả!

Thưa bà con! Phong tục tang ma xưa giờ của dân mình là địa táng tức là chôn xuống đất.

Tục ngữ có nói "Sống cái nhà, thác cái mồ". Khi còn sống, ai ai người ta cũng phải lo cho mình có cái nhà để ở. Trước khi chết, ai cũng mong có ngôi mộ đàng hoàng để được ‘mồ yên mả đẹp'.

Tục ngữ cũng có nói: "Có mồ có mả thì ả làm nên". Người chết mà "mồ xiêu mả lạc" thì con cháu không thể "ăn nên làm ra"

Bà con mình còn đi nhờ thầy Địa lý, chi biết bao nhiêu tiền của, để cố tìm cho được long huyệt để sau nầy con cháu phát làm vương, làm tướng!

(Chuyện Thầy Tả Ao, chuyện Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm mà ai cũng tin là thiệt đó thôi!)

Thế nên vì lòng tham không đáy, bọn vô thần nhẫn tâm đi đào mồ cuốc mả của ông bà cha mẹ người ta để cướp đất,... thì dẫu không dám nói ra nhưng trong lòng, họ oán giận lắm!

Rồi bây giờ, Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi đã thành Công viên Lê Văn Tám rồi sẽ lại bị đào mồ cuốc mả thêm lần nữa để trở thành siêu thị... gì gì đó!

Thì: "Ê! Ngon nhào vô làm đi! Sẽ biết thế nào là lễ độ với những hồn ma cũ nầy đã từng bị đuổi nhà một lần, nên hồn vẫn còn vất vưởng, lảng vảng quanh đây, hiện về báo oán cho mà coi!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

  

BỤI ĐỜI!

dxt_buidoi.jpg 

Thưa 'home' là gia đình, là nhà, là chỗ ở. Còn nói văn chương hơn một chút home là 'tổ ấm'! Khi Trời sập tối, cánh chim  bạt gió bao giờ cũng muốn bay về 'tổ' vì nơi đó 'ấm'.

Còn thêm tiếp vĩ ngữ 'less' (không) thành 'homeless' nghĩa là những kẻ không nhà, không cửa, những người vô gia cư. Sinh vô gia cư; Tử vô địa táng! Sống không có nhà ở, chết không có đất chôn. Lang thang phiêu bạt, không nhà cửa, không ai thân thích, không nơi nương tựa.

Không có 'tổ ấm' để bay về, phải lang thang ngoài trời Đông; dĩ nhiên là rất lạnh!

Không phải một xã hội từng ly loạn như Việt Nam mình mới có nhiều kẻ bụi đời, không một mái nhà, mà cả ngay nước Mỹ, cường thịnh nhất trên thế giới, nước Úc, 'lucky country', đất nước phúc địa, hay cả nước Anh, thời Đế quốc, đã từng khoe rằng: "Mặt trời không bao giờ lặn ở Đế quốc Anh!" cũng có vô số người vô gia cư.

Không có xã hội nào là hoàn hảo, là toàn bích cả! Ngay những nhân vật đình đám: giàu có và nổi danh, đang sống một đời nhung lụa, chúng ta thường tưởng rằng cuộc đời của họ trên từng bước đi đều trải những đóa hoa hồng. Sự thực thì trái lại. Họ đã từng có một thời "homeless!"

Charlie Chaplin, là diễn viên hài nổi tiếng nhứt của thời đại phim câm và thần tượng của mọi thời. Trước khi tác phẩm đầu tiên của Chaplin được trình chiếu ngoài rạp hát, ông đã phải trải qua một thời kỳ sống vô cùng vất vả.

Mồ côi cha khi lúc còn rất nhỏ. Mẹ thì nằm bịnh viện liên miên vì bịnh tật, Vua hề "Sác Lô" phải ngủ bờ, ngủ bụi trên đường phố Luân Đôn và phải đương đầu với bệnh tâm thần đa nhân cách.

Hay tài tử Daniel Craig, tiền thù lao lên đến 20 triệu đô cho một phim, chơi toàn hàng hiệu, quần áo do Tom Ford cắt may, ly bén ngót, sờ tới là đứt tay. Xe xịn Aston Martin DBS V12, cái cell phone là Xperia Z5 của hãng Sony, là siêu sao James Bond của thời đại ngày nay.

Ít ai biết được là Daniel Craig đã từng khánh kiệt, phải ngủ trên băng đá công viên; từng chật vật kiếm tiền cho từng bữa ăn một!

Đời nghèo túng cơ cực, không có một xu trong túi, vì mãi lo chạy đuổi một giấc mơ tưởng chừng như không tưởng.

Tuy nhiên trong cả hàng chục triệu người vô gia cư trên toàn thế giới thì số người vượt qua được phần số để đi đến vinh quang quả không có nhiều.

Chúng ta luôn bắt gặp rất nhiều người sa cơ thất thế, lang thang cơ nhỡ nhan nhản đầu đường xó chợ của các thành phố lớn toàn thế giới.

Rồi thái độ của người bình thường đối với những kẻ bụi đời phải sống bằng cách đi ăn xin ra sao?

Có hai thái độ đối nghịch nhau! Một là phê phán. Hai là muốn chìa tay ra giúp đỡ.

Thưa có bà con mình nói: "Ngày mới qua, thấy nước Mỹ đầy cơ hội... Tui vội làm việc vất vả, đầu tắt mặt tối, làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm, vừa đi làm vừa đi học; để chụp lấy ngay cái American Dream (giấc mơ Mỹ) nầy kẻo hụt...

Nhưng cùng lúc lại thấy những người vô gia cư, ăn xin trên đường phố Hoa Kỳ, hơi ‘bị' nhiều, tui cũng nghĩ mấy tay nầy lười biếng quá, không chịu làm việc, chỉ ngồi đó xòe tay xin ông đi qua bà đi lại ở các ngã tư!

Còn khỏe vì còn trẻ, trên dưới 20, mà mặt dầy, mày dạn vừa đứng cầm bảng: "No food! No money!" Tai vừa nghe nhạc và mông lắc lư liên tục... 'bùm chát bùm!'

"Tui chỉ muốn xuống xe, 'bùm chát bùm', đạp cho nó một đạp!"

Người cho phần lớn lại là người Việt Nam, đôi khi trông ốm yếu, già cả hơn người đi xin.

Người Việt mình thì thương người như thể thương thân. Thấy ai đói rách lại càng thương hơn. Hay là một miếng khi đói bằng một gói khi no.

Hoặc dẫu xây chín bực phù đồ! Không bằng làm phước cứu cho một người!

"Họ nói thất nghiệp, đói, nghèo thì mình giúp, còn họ nói dóc, nói láo là chuyện của họ. Mình cứ làm phước, ông Trời sẽ phán xét mọi việc!"

***

Thưa "Vô gia đình" (tiếng Pháp: Sans famille), là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của văn hào Pháp, Hector Malot, xuất bản năm 1878, đoạt giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp.

Nhiều nước trên thế giới đã dịch tác phẩm nầy, trong đó có nước Việt Nam mình với dịch giả Hà Mai Anh. Kiệt tác này đã được xuất hiện nhiều lần trên phim ảnh và truyền hình.

"Vô gia đình" là truyện về cậu bé Rémi bị bỏ rơi được gia đình nọ đem về nuôi. Một hôm cha nuôi làm việc ở Paris bị tai nạn và tàn phế trở về. Gia đình không kham nổi nữa đành đem Rémi cho một gia đình nghèo khác nuôi.

Sau đó Rémi đi làm mướn cho gánh xiếc rong của cụ Vitalis. Hai người đã đi lang thang khắp mọi miền nước Anh và Pháp, trình diễn xiếc để kiếm sống.

Rémi ấy đã lớn lên trong gian khổ, đã lang thang kiếm sống khắp mọi nơi, chung đụng với mọi hạng người. "Nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương".

Em đã đói có mà no cũng có! Em là một người 'sans famille', một người 'homeless'! Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, Rémi vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitali là giữ phẩm chất làm người, là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích.

Ông Trời có mắt, nên cuối cùng Rémi đã tìm lại được mẹ và em.

***

Thưa có người phải 'homeless' vì bị bệnh tâm thần, bị nghiện ngập, bị bạo hành gia đình, bị đánh đập, bị lạm dụng phải trốn ra đi rồi phải rớt xuống tận cùng đáy xã hội....

Đa phần là do hoàn cảnh; chớ đời mà ai muốn phải làm cặn bã của xã hội đâu?! Vì vốn là con người, ai cũng đều có lòng tự trọng!

***

Thưa! Mỗi đêm Melbourne và Bribane có từ 120 đến 130, Sydney có độ 350 người  'homeless', ngủ lang thang trên đường phố.

Nhu cầu căn bản và thiết yếu của một người vô gia cư cũng tượng tự như chúng ta thôi: là ăn, ngủ và giặt giũ quần áo!

Ăn thì có những chiếc xe van lưu động, chạy vòng vòng nơi người vô gia cư dễ tìm tới để được cho một chén súp, một lát bánh mì ‘sandwich', một ly cà phê sữa hay một tách trà giữa mùa Đông nầy đã lạnh mà lỡ đói còn lạnh thêm lên!

Cũng có những 'hostel' dành cho người vô gia cư đến tạm trú qua đêm. Nơi có gắn cái tủ lạnh nhỏ, cái ấm nấu nước, cái máy truyền hình chạy bằng năng lượng mặt trời.

Nhưng phải tới sớm, tới trễ rán chịu. Đi kiếm chỗ khác để có chỗ ngủ và giặt đồ rẻ lắm cũng tốn tới 4, 5 chục đô. Tiền đâu có?!

Thế nên cái nhu cầu thứ ba cũng quan trọng là giặt rồi sấy quần áo cho người vô gia cư chưa thấy ai lo?! Nên năm rồi, ở thủ phủ Brisbane, tiểu bang Queensland, Úc Châu, hai người bạn từ hồi nhỏ, năm nay vừa lên 21 tuổi, tên là Lucas Patchett và Nicholas Marchesi nảy ra ý tưởng lắp vào chiếc van cũ, tên Sudsy, một máy phát điện nhỏ, một bồn chứa nước và hai cái máy giặt và hai cái máy sấy đồ cỡ lớn để đáp ứng nhu cầu ăn mặc quần áo sạch sẽ nầy cho những kẻ lang thang.

Cái dịch vụ nầy được đặt tên là Orange Sky Laundry, theo tên bài hát của nhạc sĩ Alexi Murdoch. Bài hát diễn tả việc mình đưa tay ra cho những người đang cần, vin vào để đứng dậy!

Chiếc xe van có trang bị đầy đủ tốn 70 ngàn đô. Tiền vận hành, mỗi năm 10 ngàn đô nữa; thường đồng hành với những chiếc xe van cung cấp thức ăn miễn phí. Nhân viên phục vụ đều thiện nguyện!

 Những người vô gia cư đến được đối xử đàng hoàng chớ hỏng có cái vụ ra vẻ ta đây ‘ngon' làm để ban ơn bố đức. Bởi vì cách cho bao giờ cũng quý hơn của cho. Thiệt là quý hóa!

Chương trình nầy mở rộng xuống tới tiểu bang Victoria. Chánh phủ Úc và công ty Good Guys hiến tặng 100 ngàn đô.

Thưa! 'Home' còn có nghĩa rộng hơn là quê hương, là nơi chôn nhau cắt rún!

Thế nên bà con mình đã từng là người vượt biên, vượt biển, đã từng là người tỵ nạn, tất đã từng là kẻ không nhà 'homeless'; vì mất quê hương; ai mà không từng phải tạm trú trong những cái 'hostel' chớ!

Đêm Đông, trong căn nhà ấm, bạn có nhìn qua cửa sổ để thấy mưa đêm ướt dầm ngoài khung cửa kiếng, để nghĩ tới những người 'homeless' đêm nay co ro bên hiên nhà ai đấy mà tự hỏi lòng mình:

" Đêm Đông/ Ai lê bước chân phong trần tha hương/ Có ai thấu tình cô lữ đêm Đông không nhà?"

 

đoàn xuân thu. 

melbourne 

 

TẠP GHI                                  

Cái nghề khấm khá!

 dxt_cainghe.jpg

 

Thưa tổ chức the Economist Intelligence Unit vừa xếp hạng 140 thành phố lớn trên thế giới về mức độ đáng sống nhất (the most livable) dựa vào 30 yếu tố khác nhau như sự chăm sóc sức khỏe, hệ thống chuyên chở công cộng, khủng bố, bạo hành, v.v... để tính điểm chọn những nơi đáng sống.

Melbourne của Úc chiếm giải quán quân với điểm số 97.5, thành phố Toronto của Canada đứng hàng thứ tư với 97.2 điểm.

Vậy mà Melbourne, thủ phủ tiểu bang Victoria, Úc Châu, beggar (người ăn xin) ngồi đầy đường ngoài city; dù ông Thị trưởng Robert Doyle kêu gào tới mỏi miệng là bà con đừng có cho tiền hành khất.

Muốn cho thì cho mấy busker (nghệ sĩ trình diễn trên đường phố), giúp vui cho công chúng. Hoặc hiến tặng cho cơ quan từ thiện, chuyên cứu tế như Salvation Army hay the Smith Family đi!

Nếu bà con không cho mà sợ bị mấy tay hành khất đại hiệp nầy hung hăng chửi bới hay đe dọa gì thì cứ việc kêu lính bắt. Vì ‘beggar' là bất hợp pháp ở tiểu bang nầy nhe!

Cầm bằng bà con phớt lờ lời khuyên của tui thì beggar trên toàn nước Úc sẽ đổ bộ về thủ phủ nầy để kiếm tiền hút chích, nhậu nhẹt thì Melbourne sẽ trở thành thành phố đáng sống nhứt trên thế giới không phải cho chúng ta mà cho giới Cái Bang!

Vậy mà ông Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull hỏng chịu nghe!

Chẳng qua ông bị phe Lao Động đối lập xỏ ngọt là ‘out of touch' tức xa dân nên mấy thầy dùi, cố vấn ông nên đóng một đoạn phim ngắn để quảng cáo: ‘tui cũng gần dân nhe!', bằng cách dừng lại, tay trái bỏ vào cái lon đặt trước mặt một người hành khất ngồi ở lề đường Melbourne một tờ 5 đô. Trong khi tay phải của ngài Thủ tướng cầm một xấp tiền dầy cộm!

Bà con Úc ‘Căng gu ru' chê Thủ tướng giàu, có cả trăm triệu đô mà kẹo kéo quá!

Còn bên Canada, nước giàu đâu có thua gì nước Úc, thứ Ba, ngày 16, tháng Tám, đài truyền hình CBC có phỏng vấn một phụ nữ không nhà và đang có bầu ở thành phố Toronto.

Amanda Watson, 21 tuổi, chỉ có việc trương cái bụng bầu ra với cái bảng các tông viết nguệch ngoạc dòng chữ tiếng Anh là: "Pregnant and Hungry" (Có bầu và đói bụng!) vài tiếng đồng hồ trước nhà ga chính Union Station!

Thị dân thành phố Toronto là những người từ tâm, khi thấy cô này bụng mang dạ chửa, rất nhiều người dừng lại cho cho tiền, thức ăn và thức uống.

Sau vài giờ trưng bày cái bụng bầu đã đủ sở hụi thì nghỉ phẻ. Đêm về thì giăng võng ngủ với người bạn trai ở dưới những hàng cây trồng dọc theo bờ hồ trong khách sạn ‘ngàn sao'.

Như vậy cho dù là thành phố đáng sống hạng nhứt trên thế giới như Melbourne hay hạng tư như Toronto thì cũng có người ăn xin. Đây là vấn nạn toàn cầu chớ đâu có chừa bất cứ một nước nào đâu!

Thưa "Hành khất" là từ Hán Việt. Hành là đi. Khất là xin. Như vậy hành khất là đi ăn xin.

Nhưng dân Úc Cái bang đây không cần đi chi cho nó mỏi chân như đồng nghiệp ở Việt Nam mình, mà cứ ngồi thừ lừ một đống, để cái lon trước mặt, để gom tiền bá tánh.

Còn tiếng Nôm đi ăn xin còn gọi là đi ăn mày. "Mày", chính là lớp vỏ mỏng tang của hột bắp hay hột gạo, tróc ra khi được xay xát, nghiền nhỏ.

Từ chút vỏ của hột bắp, hột gạo, không đáng gì, đến nghĩa rộng ra là chút bạc lẻ, lỡ cho đi có vơi bớt chút đỉnh cũng không ảnh hưởng gì mấy đến cái túi tiền!

Thưa nghề ăn xin cũng xưa không kém mấy nghề bán phấn buôn hương!

Khi xã hội phân hóa, có kẻ giàu người nghèo; kẻ ăn không hết; người lần không ra vì thiên tai, dịch họa! Đói quá người ta phải lang bạt đến Thành đô hay Kẻ Chợ, nơi có đông người để lạy ông đi qua lạy bà đi lại... là nghề ăn xin xuất hiện!

Mới đầu tính làm ăn xin ‘bán thời' để qua cơn túng ngặt mà thôi nhưng sau thấy cũng khá quá chớ mà không cực nhọc gì nên có một số đệ tử Cái Bang chuyển qua ăn xin ‘toàn thời'.

Xin người vài đô, năng nhặt chặt bị; kiến tha lâu đầy tổ, góp gió thành bão! Giàu! Nên nghề ăn xin hiện nay trở thành nghề rất ‘hot'!

Mới đây báo chí trong nước có đăng tin một cụ ông 86 tuổi, chuyên đi xin ‘toàn thời' đã thưa lính bắt 5 đứa ăn cướp khi thấy cụ nằm ngủ trên sạp bán hàng trong Chợ Tam Nông Đồng Tháp, nhào đến lột quần ông cụ!

Trong cái quần đó có tới 25 lượng vàng và rất nhiều tiền mặt, là tài sản được tích cóp qua hàng chục năm cụ lặn lội ăn xin khắp chốn giang hồ.

Bọn cướp nầy bị bắt, cơ quan điều tra thu hồi được 4,5 lượng vàng 24 K, một sợi dây kim loại, 1 nhẫn và 1 lắc tay màu vàng với hơn 29 triệu đồng .

Phần sai biệt hỏng biết phải do kiểu ngao sò ốc hến: Vàng đến cửa quan là của quan mà biến mất tăm! Hu hu!

Thưa hành khất, ăn xin là tiếng Việt; còn tiếng Anh là ‘beggar'; do động từ ‘to beg' là nài nỉ, van xin mà ra.

Tất nhiên ở các nước dân giàu thì cái nghề ‘beggar' nầy cũng khấm khá hơn ở các nước nghèo rất là nhiều.

Bằng cớ một bà cụ ăn xin của nước Saudi Arabia, (rất giàu vì có nhiều dầu mỏ) vừa chết bất ngờ trong phòng tắm, thượng thọ 100 tuổi.

Hơn nửa thế kỷ, bà lão khiếm thị nầy đã đi ăn xin trên đường phố Jeddah, một thành phố cảng nằm trên bờ Hồng hải (Red Sea).

Những người láng giềng đã đau buồn khi thấy xe cứu thương đến mang xác bà đi trên một chiếc băng ca nhưng họ vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra là bà làm chủ tới 4 tòa nhà ở cùng quận, thêm khoảng 4 triệu đồng Riyal (tiền Saudi Arabia).

Một đô Mỹ bằng 3.75 đồng Riyal nghĩa là gia tài của bà ăn mày nầy để lại hơn một triệu đô Mỹ.

Mẹ và chị gái của bà, cũng làm nghề ăn xin trên đường phố Jeddah. Khi mẹ và chị gái qua đời, bà vẫn tiếp tục đi ăn mày.

Một người bạn thân biết bà đã trở nên giàu có nên từng thành thật khuyên bà lão mù lòa và cô độc nầy bỏ nghề, đừng đi ăn xin nữa. Nhưng bà luôn từ chối lời khuyên đó, chỉ nói là mình phải đi xin để dành dụm tiền cho những ngày khốn khó.

Bà cụ ăn xin ‘toàn thời' nầy đã biếu tất cả những đồng tiền vàng cho ông bạn, bảo hãy giữ lấy cho đến khi nào bà thấy đúng thời điểm vàng lên tới đỉnh điểm rồi thì hãy bán ra!

Đó là cách đây 15 năm, một đồng tiền vàng có giá 250 đồng Riyal giờ thì đã lên tới 1000 Riyal rồi.

Rõ ràng bà cụ ăn xin nầy là một con người trí tuệ, có đầu óc kinh tế, kinh đến thế; chớ đâu phải tay mơ!

Rồi qua tới bên nước Anh, Simon Wright, người Fulham, đi ăn xin trên đường phố Tây London, nhưng sống trong một căn flat của chánh phủ ưu tiên dành cho kẻ không nhà, có giá tới 300 ngàn bảng.

Tay nầy xuất thân từ một gia đình có của ăn của để nhưng bỏ học, nhậu, chơi xì ke cho đã... rồi trở thành ăn xin chuyên nghiệp.

Báo chí thấy tin hấp dẫn bèn cho phóng viên đi làm phóng sự điều tra thì thấy rằng: Sáng 9 giờ, chú em bắt đầu đi ăn xin. Sau 8 tiếng đồng hồ, tan ca, chú em trở về. Cuối tuần, chú em vẫn ăn xin ‘overtime' nhằm kiếm thêm thu nhập.

Mặc quần áo sờn cũ, dắt theo một con chó, chú em chọn địa điểm gần máy rút tiền và gần nhà ga xe lửa trên một đường phố có đông ông đi qua bà đi lại để hành nghề.

Một ngày chú em kiếm được từ 2 tới 3 trăm bảng. Tiền xu đem đổi thành tiền giấy, cất cho nó đỡ nặng túi.

Tổng thu nhập cả năm trước thuế của ông thần cái bang nầy khoảng 181.000 USD, chỉ kém lương thủ tướng Anh có 16.000 USD.

Những người đi làm tốt bụng thường cho tay ‘beggar' nầy tiền... thì oái ăm thay lương trung bình của họ chỉ khoảng 28.000 USD/năm.

Làm ‘beggar' kiếm khẳm địa xài sao cho hết! Nên mua rượu xịn nhậu chơi, phê xì ke ma túy rồi quậy phá xóm giềng. Bà con hàng xóm than phiền quá làm mấy thầy đội mới mở cuộc điều tra đưa chú em ra Tòa để cấm từ nay không được ăn xin nữa. Hỏng nghe, nhốt!

Bà con thủ đô London, nước Anh đọc phóng sự nầy đều ngã ngửa, nói: "Một năm tui cho thằng chả khoảng 10 bảng vì tui thực sự tin ổng là kẻ không nhà! Đói khổ! Tội nghiệp quá hà! Ngày nào đi qua mà không cho tui cảm thấy lương tâm mình cắn rứt!"

Ai dè gặp cái tay lừa đảo thì lại tội nghiệp những người ăn xin chân chính?!

Do đó dư luận quần chúng bây giờ chia hai. Kẻ thấy ‘beggar' muốn cho; kẻ bảo đừng...

Nên có chuyện vầy: Hai sinh viên đại học đi trên xe điện ngầm ở thành phố New York thì có một người hành khất đến xin vài đô lẻ.

Frank bực bội gạt phắt; nhứt định không cho một xu. Matt, thì trái lại, móc ví ra lấy 5 đô, vui vẻ cho người hành khất.

Người hành khất đi rồi. Frank cự Matt: "Sao lại cho hắn tiền! Hắn ta sẽ đi mua xì ke để chơi và mua rượu để uống say bí tỉ bằng tiền của mình cho!" Matt từ tốn nói: "Thì tui với bồ cũng xin tiền Tía Má rồi uống rượu và chơi xì ke ma túy y hệt như thằng chả đó thôi!

Đến ngày nào đó sẽ tới phiên mình! Tui tin vào quả báo: Làm phước đặng phước mà!"

Thưa kết luận là chính vì cái nghề ăn xin toàn thời nầy nó rất lấy làm khấm khá nên mới cũng có chuyện vui như vầy:

Một sinh viên làm một cuộc khảo sát cho luận án tốt nghiệp Cử nhân ngành Xã hội học của mình bằng cách phỏng vấn một ông hành khất ngồi trên lề đường đại lộ Thứ Năm, thành phố New York, Hoa Kỳ:

"Xin lỗi vì tôi đường đột! Thưa ông đi ăn xin được bao lâu rồi?"

"Khoảng tám năm đó cậu!"

"Rồi mỗi ngày ông xin được bao nhiêu?"

"Khoảng 250 đô."

"Khá quá chớ!"

"Ờ! 250 đô một ngày đủ nuôi cả một gia đình!"

"Ông cũng có gia đình nữa sao? Giờ họ ở đâu?"

"Vợ tôi thì mất lâu rồi! Tôi chỉ có 3 đứa con thôi!

Một ở Đại học Harvard. Một ở Đại học MIT. Còn thằng Út ở nước ngoài, Đại học Oxford bên Anh."

"Thật là quá giỏi! Chừng nào ba đứa con ông tốt nghiệp?"

"Không! Chúng đâu có đi học! Chúng đến mấy nơi ấy cũng để đi ăn xin như tui vậy!"

Thiệt là: "Con ơi nghe lấy lời Cha! Cái bang một tháng bằng ba năm làm!"

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

TẠP GHI          

Đời không như là mơ!

 

Thưa! ‘Poly', tiếng Hy Lạp, tiếp đầu ngữ, nghĩa là nhiều; ‘gamy' là vợ.

Như vậy ‘polygamy' là nhiều vợ. Còn ‘Mono', tiếng Hy Lạp, tiếp đầu ngữ, nghĩa là một. Như vậy ‘monogamy' là một vợ.

Và cũng theo văn phạm tiếng Anh thì một là số ít, hai trở lên là số nhiều. Do đó một vợ là ít, hai vợ là nhiều.

Giữa ít và nhiều phải có con số trung gian, không ít mà cũng không nhiều, nghĩa là vừa đủ. Ðó là con số một rưỡi!

Nên quý ông anh mình có một con vợ ở Úc và thêm rưỡi là con bồ nhí ở Việt Nam. Ðó là con số một rưỡi, là vừa đủ, không ít mà cũng không nhiều.

Ðừng đèo bồng hơn con số một rưỡi nhe! Cõng hổng có nổi đâu. Tui đã thử rồi mà, tin tui đi!

Thưa nhà văn Mark Twain của Hoa Kỳ cũng từng nói rằng: "Có hai vợ là không dễ dàng, vì đâu có thằng đầy tớ nào có thể một lúc làm vui lòng tới hai bà chủ!"

Tuy nhiên, anh bạn lính của người viết, hổng giống ai, vẫn chọn kiếp cu ky, độc thân tại chỗ gần suốt cả cuộc đời mình. Hỏi sao anh nỡ lòng để phế tích hoang vu như vậy chớ? Thì anh trả lời là: "Polygamy có nhiều vợ. Còn Monogamy có một vợ... là cũng đã quá nhiều!"

 

o O o

 

Tuy vậy một ông có tới một trăm bà vợ cũng không nhằm nhò gì, vẫn phẻ re như con bò kéo xe, vì ổng là vua!

Mahamat Bahar Marouf (cha cái tên dài thòng nhe!) là vua của vương quốc Logone-Birni, một tỉnh nằm về cực Bắc nước Cameroon.

Vua Cha đi bán muối, chữ hoàng gia gọi là băng hà, để lại nhà một trăm bà vợ và năm trăm đứa con lúc nhúc cho tân vương thừa kế theo phong tục tập quán. Bắt buộc phải nhận, không nhận không được! Cấm chê già, chê xấu hoắc!

Ðăng quang rồi, muốn tấn phong Hoàng hậu, là cục cưng của riêng mình thì cứ tự nhiên... Quần thần hổng đứa nào cả gan dám đứng ra cản.

 

"Tâu Bệ hạ! Có cần Minh Mạng thang, nhất dạ lục giao sanh ngũ tử không?"

‘Nhất dạ lục giao' thì cũng chưa đủ chỉ tiêu, vì tới một trăm bà vợ lận mà!

Còn ‘sanh ngũ tử' nữa chứ! Chắc phen nầy cả đám bị gậy đi ăn mày hết ráo!

Ðã có năm trăm đứa con chạy gạo cũng ná thở, thêm nữa thì làm sao mà nuôi cho nổi hở Trời?

"Ối! Trời sanh voi! Trời sanh cỏ mà!"

"Ờ đẻ cho dữ... rồi cho sắp nhỏ ăn cỏ hết ráo đi nhe!"

 

Nên bắt chước kế hoạch hóa gia đình trong nước ta bây giờ, với khẩu hiệu là: "Mỗi gia đình có hai con vợ chồng hạnh phúc".

Thêm dấu phẩy sau chữ vợ thì nó có nghĩa như vầy: "Mỗi gia đình có hai con vợ, chồng hạnh phúc". Nếu em yêu có cự nự: "Thiệt là đồ già dịch!", thì mình cứ cười hè hè, đổ thừa tại tụi nó phẩy bậy đó thôi!

 

o O o

 

Thưa tháng rồi nhà thơ Ba Bốp lang thang trên mạng, tình cờ nhặt được cái thông báo làm nức lòng mấy ông anh mình như vầy:

"Vì đất nước Eritrea của chúng ta vừa kinh qua một cuộc chiến tranh tàn khốc với nước láng giềng Ethiopia! Thiệt hại nhân mạng biết bao nhiêu mà kể! Ðiều tra dân số cho biết là đàn ông chết gần hết! Và đàn bà góa trở thành tuyệt đại đa số, lên tới cả triệu chị em!

Vì sự tồn vong của dân tộc, vì sự hạnh phúc của quý chị em ta, nên chánh phủ vừa ban hành một đạo luật về hạnh phúc gối chăn cho phụ nữ quốc gia Eritrea vĩ đại là: Ðàn ông nước ta, mỗi đứa đều phải có ít nhứt là hai con vợ!

Nếu vì lý do gì (không cần biết) mà không chịu thi hành lịnh cưỡng bách có vợ bé nầy thì chánh phủ sẽ trừng phạt rất gắt gao là xử tù chung thân ông nào vì một lòng chung thủy một vợ một chồng mà bất tuân thượng lịnh! Ngay cả có thể bị tuyên án tử hình để làm gương cho kẻ khác!"

 

Thưa, toàn Lục địa Ðen sôi sục... Từ các nước vùng Sừng Phi Châu, ở cực Bắc, chạy dài tới cực Nam là nước Nam Phi, mấy ông anh mình vô cùng mừng rỡ, bèn trốn vợ nhà, mang passport đến Tòa Ðại sứ Eritrea sở tại để xin giấy visa.

Gần thì quý ông anh cưỡi lừa, cưỡi bò, cưỡi trâu, cỡi lạc đà. Xa xa hơn một chút thì đi xe đò, xe lửa. Xa hơn nữa thì đeo càng máy bay. Ðông như đàn dê núi. Lẹ chân thì còn, chậm chân thì hết.

Anh nhà thơ Ba Bốp đã xin được giấy nhập cảnh vào Eritrea, đang chuẩn bị hành lý để bay cho lẹ. Sợ chậm chân mấy em xuất sắc và duyên dáng bị tụi nó tới trước vớt mất.

 

Thưa bà con! Eritrea thuộc châu Phi, thủ đô là Asmara, giáp Sudan về phía tây, Ethiopia về phía nam và Djibouti về phía đông nam. Eritrea rộng 118,000 km² và dân khoảng 4,400,000 người, là một đất nước đa chủng tộc, dòng máu pha trộn tùm lum tùm la, nên con gái Erictria cũng đẹp, hấp dẫn, nóng bỏng không thua gì ca, nhạc sĩ Beyoncé của Mỹ.

Chính vì đất nước Eritrea chiến tranh loạn lạc, trai thiếu gái thừa nên Tập đoàn truyền thông Standard Group, vốn kiểm soát đài truyền hình, đài truyền thanh và tờ báo có tuổi thọ, già nhứt đất nước Kenya, vua nói láo ăn tiền, mới nhào vô đăng tin vịt tưởng chừng như thiệt. Tập đoàn truyền thông nầy có cái lịch sử rất bậy bạ là chuyên đặt tin láo, tin trên trời dưới biển. Kiểu con Ma vú dài ở khám Chí Hòa hay người lấy khỉ Cà Mau hồi năm xưa trong nước. Tập đoàn truyền thông nầy cũng đã từng chạy tin là: Tổng thống Tanzania, tân cử, ra lịnh đàn bà con gái xứ nầy từ nay không được quyền mặc cái ‘xì cớt' (skirt), tức cái quần đầm ngắn cũn cỡn nữa. Bởi nó sẽ khêu gợi con lợn lòng của quý ông anh kêu ột ột, từ đó sẽ góp phần vào việc lây lan ‘virus HIV', gây bệnh liệt kháng cho đồng bào, làm Bộ trưởng Ngoại giao của nước Tanzania phải ra thông báo, thề bán mạng rằng: "Tổng thống nước tui sẽ không bao giờ cấm mấy em mặc xì cớt ngắn cũn cỡn vì bất cứ lý do trời ơi đất hỡi nào đâu nha mấy cha nhà báo nói láo ăn tiền!"

 

Thưa, tui nghe nhà thơ Ba Bốp, già hai thứ tóc trên đầu mà còn bị tờ báo trời ơi đất hỡi nầy gạt dễ dàng như gạt con nít vậy, bèn vuốt râu mà rằng: " Mấy hãng thông tấn lớn trên toàn thế giới như BBC cũng tin sái quai hàm luôn, nên xin anh cũng đừng tự xỉ vả mình mà chi! Hổng phải chỉ có mình anh ngu đâu! He he!"

Mấy nhà báo nước Kenya có lần chế ra tin, thêm thắt là ở nước Iraq cũng đang quánh nhau ì đùng, nên trai thiếu gái thừa, ông nào cưới thêm con vợ thứ hai... sẽ được chánh phủ cho tiền...!

 

Tưởng gì? Cái vụ có hai vợ, và có rất nhiều con đã được chánh phủ Úc nó cho tiền từ năm Thìn bão lụt lận! Chỉ với điều kiện là khi điền ‘form' xin trợ cấp của chánh phủ, chỉ một vợ mà thôi. Em thứ hai, thứ ba, kể cả em thứ tư phải là ‘single mum', tức Mẹ đơn thân. Còn đám con, đông như cầu thủ một đội đá banh Brazil đi tranh World Cup, chánh phủ Úc đều hào phóng cho tụi nhỏ tiền sữa tới năm lên 16 tuổi lận.

Nên thú thiệt, tui đâu cần đi nước Eritrea hay Iraq chi cho nó xa! Mất thời giờ lại tốn tiền vé máy bay! Tui làm ngay tại Melbourne, tại nước Úc nầy đây cũng được vậy.

Chỉ có vướng mắc một điều, tui gỡ mãi không ra là: "Tui muốn... càng nhiều càng tốt, nhưng mấy em hổng có ai muốn tui hết ráo... Thế mới báo!"

 

o O o

 

Nhà thơ Ba Bốp nghe tui phân trần và vạch trần ‘gõ gàng' ra như vậy nên than dài...

"Nghe anh nói làm tui cũng tan vỡ giấc mộng vàng đi Eritrea rồi. Tui sẽ ở lại đây để chọn một em yêu, một mà thôi trong ba em mà tui đang hò hẹn!"

Một mình mà có tới ba con ‘bướm'! Rồi chọn ai bỏ ai đây? Nhà thơ Ba Bốp cười mím chi cọp mà rằng: "Mình phải có phép thử chớ!"

"Thử làm sao?"

"À tui cho mỗi em một ngàn đô, rồi tui sẽ ra quyết định. Em A lấy một ngàn đô đi mua quần áo mặc hết trơn. Em B lấy một ngàn đô đi Casino đánh bài cào ăn vào được hai ngàn đô nữa. Em C đem một ngàn đô đi đầu tư vào thị trường chứng khoán, kiếm được 10 phần trăm tiền lời một năm!"

"Rồi ai chiếm được trái tim của anh! Hỡi nhà thơ Ba Bốp?"

"Em có hai trái bưởi Biên Hòa, và cặp trường túc bất chi lao, chân dài tới nách!"

dxt_Doikhonhnhulamo.jpg 

Tranh Bảo Huân

đoàn xuân thu

 melbourne.

  

 

Lá thư Úc châu!

Nhành liễu rũ kiên cường trước gió!

 dxt_nhanhlieu.jpg

 

Thưa thành phố San Francisco, hồi xưa bà con mình hay gọi là Cựu Kim Sơn, là một trung tâm văn hóa và tài chính hàng đầu về phía Bắc của tiểu bang California, Hoa Kỳ.

San Francisco (tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "Thánh Phanxicô")

Cơn sốt đi tìm vàng ở California vào năm 1849, đã biến nó thành thành phố lớn nhất trên miền Tây Duyên hải Hoa Kỳ vào thời điểm đó.

Năm 1906, ba phần tư thành phố bị động đất tàn phá và đám cháy rất lớn đã bùng lên, thiêu rụi hơn 28 ngàn tòa nhà, khiến hơn 225 ngàn người trong 400 ngàn cư dân không nơi trú ẩn.

Ngày nay, San Francisco rộng tới 121 cây số vuông, là thành phố đông dân thứ tư tại tiểu bang California, sau Los Angeles, San Diego và San Jose, đứng thứ 14 trong các thành phố đông dân nhất tại Hoa Kỳ với hơn 825.863 người.

Mật độ dân số 6.803 người chen chúc trên một cây số vuông, chỉ sau Thành phố New York.

San Francisco mùa hè mát mẻ, đôi khi có sương mù, đồi dốc trùng điệp, kiến trúc đa dạng, nhiều danh lam thắng cảnh trong đó có cầu Golden Gate, xe chạy bằng dây cáp, nhà tù xưa trên đảo Alcatraz và khu Phố Tàu.

Và cũng tại cái Chinatown nầy một tờ báo địa phương vừa đi một bài viết rất cảm động của một nữ phóng viên viết về một phụ nữ Việt Nam đã lớn tuổi!

Làm chúng ta nhớ tới bài hát: ‘San Francisco!'

"If you're going to San Francisco/ Be sure to wear some flowers in your hair/ You're gonna meet some gentle people there!"

(Nếu đến San Francisco, hãy nhớ cài hoa trên tóc; vì bạn sẽ gặp những người rất đáng yêu ở đó!)

Thưa! Trong mục "The regulars" (Những chuyện bình thường), nhà báo có kèm theo một đoạn video tên là Suu the Street Sweeper.

Suu là viết theo tiếng Mỹ, không bỏ dấu. Còn có bỏ dấu thì là Sửu.

Sửu là một người phụ nữ Việt Nam, tên đầy đủ là Ngô Thị Sửu.

Tên Sửu vì bà sanh năm Kỷ Sửu, 1949, năm nay 67 tuổi.

Video Sửu, người quét đường của báo Francisco Chronicle vào ngày mùng Một, tháng Tám vừa qua, đã được tới 2.6 triệu lượt người xem và được chia sẻ tới 27 ngàn lần, lan truyền trên mạng xã hội Facebook.

Bà Sửu khiêm tốn: "Mọi người bảo tôi giống ngôi sao điện ảnh. Không đâu, tôi không phải là ngôi sao điện ảnh, chỉ là phim ảnh quét dọn đường phố mà thôi."

Đó là một cận ảnh của một người phụ nữ Việt Nam chịu nhiều bi kịch trong cuộc đời, từ cuộc chiến tranh Việt Nam cho đến lúc định cư tại đất nước Hoa Kỳ, nhưng vẫn chịu thương, chịu khó, vẫn đứng vững như một nhành liễu rũ kiên cường trước gió!

Chồng bà vốn làm việc cho Tòa Đại sứ Mỹ và đã quay trở lại Hoa Kỳ vào năm 1970, bỏ lại người vợ Việt Nam, một đứa con trai và đứa con gái chưa kịp chào đời.

Năm 1985, một mình dắt hai đứa con đến Mỹ! Bà đã không đi thêm bước nữa, mà ở vậy nuôi con ăn học.

Chỉ sau ba tháng học tiếng Anh, rồi suốt hơn 23 năm trời ròng rã làm việc cho các nhà hàng để nuôi con, để gửi tiền về Việt Nam nuôi một mẹ già đã 97 tuổi.

Bà Sửu nói ít tiếng Mỹ, từ vựng rất đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu! (Mỹ nó gọi là ‘broken English', nghĩa là nói tiếng Anh không lưu loát!)

Chân dung của Bà Sửu phác họa trong đoạn video cho thấy: Đó không những là một người phu quét đường bình thường và cần mẫn mà cũng còn là một bà ngoại dũng cảm, tự mình nuôi dạy ba đứa cháu sau khi người con gái đã qua đời ở tuổi mới 33.

Lấy di ảnh của con gái trên bàn thờ xuống, dùng chiếc khăn lau khung kiếng rồi rơm rớm nước mắt, bà Sửu kể lại:

"Chồng nó giết nó chết khi nó chỉ mới 33 tuổi rồi phải đi tù gần tới 40 năm!"

Lần theo bi kịch nầy thì sáng ngày 22, tháng Tư, năm 2003, tại thành phố Garland, tiểu bang Texas, con gái của bà ra xe để đi làm thì người chồng cũ, vừa mới vừa ly dị xong vài tuần trước, sau 16 năm chung sống và có 3 con, đã rình rập rồi dùng búa đập chết khi cô ấy ngồi vào tay lái.

"Tôi không biết tại sao nó lại muốn giết con tôi?! Con gái tôi không phải là người gây nên chuyện. Chẳng qua chồng cũ của nó muốn cưới một đứa khác ở Hà Nội! Vậy là con tôi nó muốn thôi; không sống chung nữa!

Nhưng thằng chồng cũ của con gái tôi đã rình rập và đe dọa nó. Con tôi đã khóc vì rất sợ; không biết mình phải làm gì bây giờ? Rồi cuối cùng nó bị giết chết một cách rất dã man!

Ba nó hồi xưa làm việc cho Tòa Đại sứ Mỹ vào năm 1970, rồi được chuyển về lại Hoa Kỳ trước khi con gái tôi chào đời 4 tháng.

Khi đã lập gia đình và có con, con gái tôi đã cố tìm cho được cha ruột để báo cho ông ấy biết làđã có mấy đứa cháu ngoại vào 3 năm trước khi nó bị giết.

Đứa em gái cùng cha khác mẹ với nó đã dự định gặp nhau vào tháng Sáu năm 2003. Giờ đã trễ!"

Sau bi kịch đó, ba đứa cháu còn thơ dại. Mẹ bị giết, cha phải đi tù. Một gia đình tan vỡ vì nỗi cuồng ghen!

Về đâu? May mắn thay còn bà Ngoại. Vì tục ngữ cũng có câu: "Nhất mẹ nhì cha, thứ ba bà ngoại".

Bà Sửu đã bay xuống Dallas rước đám cháu ngoại của mình về San Francisco để nuôi dưỡng.

Sau 23 năm phụ việc cho nhà hàng, cảm thấy ông chủ không tôn trọng mình đúng mực, bà Sửu nghỉ làm! Rồi thay vì đến nhà hàng khác để tiếp tục làm bồi bàn thì bà lại đến hội đồng thành phố San Francisco xin việc.

"Tôi cần tiền nuôi đám cháu mồ côi của tôi. Làm ơn cho tôi một công việc làm, bất cứ việc gì! Tôi có thể chùi rửa cầu tiêu cũng được!"

"Có chắc là bà muốn công việc làm vệ sinh, quét rác trên đường phố hay không? Có thể một, hai, tuần?!"

"Vậy là họ mướn tôi ngay!"

"Là một người mẹ rồi bây giờ là một người bà đơn thân thực rất khó khăn nhưng tôi can đảm! Trời Phật phù hộ nên tôi có thể làm được điều đó."

"Đám cháu tôi rất ngoan hiền. Chúng đi học, đi làm, rồi về nhà ngay. Không quậy phá. Không gây gì rắc rối. Tôi thương yêu chúng lắm.

Tôi không bao giờ bỏ cháu tôi... Không bao giờ!"

Trong một căn chung cư ở tầng sáu có nuôi một con chó nhỏ tên Ellie, bà ngồi ngó ra ngoài cửa sổ, thấy người bộ hành nhỏ như kiến đi tới đi lui.

Một ngày bắt đầu bằng nấu bữa ăn sáng trên một cái bếp ga cho mình và ba đứa cháu, bà mặc chiếc áo bảo hộ màu vàng của công nhân vệ sinh, xách túi ra khỏi nhà, lên xe bus rồi xe lửa để bắt đầu vào ca làm việc lúc 11 giờ sáng.

Sở Công Chánh của thành phố San Francisco gồm 1200 nhân viên, có nhiệm vụ chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng, giữ vệ sinh cho đường phố.

Bà Sửu quét rác, bắt đầu từ giao lộ của đường số Chín và dọc đường Irving St. trong Chinatown.

Công việc khá vất vả! Đẩy một thùng đựng rác có bánh xe, với cái chổi và đồ hốt rác đi quét,nhặt rác, nhặt tàn thuốc. Đôi khi còn làm thêm những việc ngoài bổn phận của mình như nhổ sạch cỏ dại mọc trên lối đi.

Năm năm trời như vậy ai cũng đều biết mặt. "Người ta rất tử tế và tôn trọng tôi. Tôi rất vui!"

Mấy đứa trẻ âu yếm gọi tôi là bà Ngoại! Có những người tôi không quen biết nhưng vẫn giúp đỡ tôi. Nhiều người yêu mến đến gặp tôi, và ôm tôi, rồi chụp ảnh cùng.

Dù đây chỉ là quê hương thứ hai của tôi; nhưng tôi yêu nước Mỹ, tôi yêu người Mỹ! Vì họ đã quan tâm đến cuộc sống của gia đình tôi; cũng như hàng triệu người Việt Nam khác. Nước Mỹ thật tốt, thật từ tâm. Khi tôi chết, tôi sẽ gởi nắm xương tàn của một người phải ly hương tại nước Mỹ nầy đây!"

Ở tuổi 67, bà Sửu cho hay mình vẫn sẽ tiếp tục làm việc cho đến khi nào không còn đủ sức khỏe nữa mới thôi!

Bà Sửu là một công nhân quét rác dọc lề đường, một con người rất bình thường nhưng lại rất phi thường. Tiếng chổi của bà vang xa hơn cái lề đường Irving St. của thành phố San Francisco, làm lay động đến lòng người ở khắp mọi nơi.

Người xem đoạn video nầy đã tôn trọng và hết lời khâm phục, ngưỡng mộ tinh thần lao động chăm chỉ bất chấp tuổi già của một người phụ nữ bình thường nhưng vô cùng dũng cảm, một người bà tuyệt vời không những cho đám cháu của chính bà mà cho cả cộng đồng của chúng ta.

Rồi có bà mẹ Mỹ còn rất trẻ, nói: "Đứa con trai lên sáu tuổi của tôi rất sung sướng được nói chuyện khi gặp bà quét rác trên đường phố. Bà là một viên ngọc quý! Là tinh hoa thầm lặng của xứ sở nầy đây!"

Một người Mỹ tốt bụng, từ tâm, muốn lập ra quỹ hiến tặng để bà ấy có tiền đi nghỉ lễ ở quê hương mình. Thì người khác lại cho rằng nước Mỹ chính là quê hương của bà ấy rồi!

Có người nói: "Thật là tuyệt khi nghe bà ấy là người Việt. Mấy đứa cháu thật vô cùng may mắn! Xin cảm ơn lòng độ lượng của người gây quỹ. Tuy nhiên những người Việt Nam, nhất là người cao tuổi, họ không thích nhận tiền ‘bố thí' của người khác đâu!"

dxt_3chau.jpgBáo chí thường tường thuật về những con người kiệt xuất, phi thường nhưng câu chuyện của bà Sửu trong cái bình thường lại chứa tất cả những cái phi thường rất nhiều ở quanh ta mà đôi khi ta lại chẳng nhận ra.

 Ba đứa cháu hiếu thảo của bà Sửu

Chúng ta vô tình thản nhiên bước vội qua mau những con người tuyệt vời như thế nầy trên đường phố cho đến khi tình cờ nhìn sâu được vào nỗi đau riêng của họ, sự vất vả của người mẹ, một mình lo cho con, rồi một người bà, cũng một mình, lo cho cháu mà không một chút than van!

"Đám cháu ngoại tôi nói: "Ngoại không cần làm việc nữa! Tụi con sẽ lo cho Ngoại !"

"Không! Ngoại vẫn còn khỏe lắm. Ngoại muốn đi làm. Không muốn ở nhà đâu. Chán lắm! Không có việc gì làm chỉ xem truyền hình tối ngày sẽ làm Ngoại phát điên lên mất! Ngoại muốn đi ra ngoài vận động, gặp người nầy người nọ và nghe thiên hạ nói. Vui lắm!"

Thưa, một người phụ nữ Việt Nam, một nhành liễu rũ vì bi kịch của đời riêng nhưng vẫn kiên cường trước gió.

Tình yêu gia đình bao la nhưng thầm lặng đó đã đóng góp cho nước Mỹ nầy biết là bao!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Người có mặc quần!

 dxt_nguoicomacquan.jpg

Tranh Bảo Huân 

 

Thưa em yêu thường dặn tui: "Không bao giờ được phép tụ tập chỗ đông người!"

Vì em sợ tui tùng tam tụ ngũ ! Nhậu nhẹt hoài sẽ bị bệnh xơ gan cổ trướng, đi chầu ông bà ông vải, bỏ em ở lại vò võ một mình nghe tiếng con thạch sùng chắc lưỡi suốt đêm sâu mà sầu trong tấc dạ!''

"Ôi ai cũng có cái số mà... Anh cúi đầu chờ ơn huệ, xin em tối nay cho phép anh đi nhậu với nhà thơ Ba Bốp và nhà văn Rô Bẹt một bữa nha!

Anh cày suốt tuần cũng oải, cần tái nạp lại niềm vui sống... mà cày nữa... mong em thông cảm!"

"Chàng đi thiếp có dặn rằng: Rượu mời thì uống, rượu mua thì đừng!"

Và "Chàng đi, thiếp có dặn rằng: Thuốc xin thì hút, thuốc mua thì đừng!"

 

Làm riết, bạn bè đang ngồi trong quán nhậu thấy bóng tui lảng vảng qua lại bèn ngó quay lơ qua chỗ khác.

"Mấy đứa nầy bộ quáng gà hết hay sao? Mình đi lên đi xuống cả chục lần rồi mà hổng có ai kêu tui đó hết trơn vậy cà?"

Thiệt chơi bần như tui, bạn bè bỏ chạy mất dép hết cũng phải. Nên tui cũng ráng làm thêm giờ phụ trội,"diếm" được vài trăm đô, giấu trong gối nằm không cho em yêu biết, sợ bị em tịch thu sung vào ngân quỹ gia đình.

Chờ ngày lành tháng tốt có dịp mà trả nợ miệng cho nhà thơ Ba Bốp và nhà văn Rô Bẹt, mạnh thường quân, thường móc tiền túi chiêu đãi bạn hiền đã bấy lâu nay cho rồi!

Nợ ăn chực kiếp nầy không trả thì kiếp sau cũng phải trả; vì nghe đồn ông Trời mới mua một dàn vi tính tối tân để ghi sổ bộ: tên tuổi, ngày tháng năm sanh; số lần ăn chực, ăn chực của ai, lúc nào, giờ nào, tháng nào, ở đâu... nên muốn quỵt cũng không có đặng!

 

Thưa! Gia đình tui bấy lâu nay trong ấm ngoài êm dẫu chánh giữa hơi ‘bị' lạnh. Chẳng qua tui vốn là một người rất sành tâm lý phụ nữ. Quý em yêu, yêu bằng hai cái lỗ tai! Cứ khen tới, khen tới đi!

Em nào cũng muốn được khen là đẹp, dẫu xấu hoắc.

Muốn được khen là khéo, giỏi giang chuyện bếp núc, dẫu tài nghệ nấu ăn của em còn tệ hơn vợ thằng Ðậu!

Mật ngọt chết ruồi! Em muốn làm ruồi thì mình cứ tự nhiên mà rót... mật.

Nói rồi còn phải biết lắng nghe! Phải trân trọng nàng và nhứt là đừng có chặn họng nàng; cho dù miệng em nói không kịp kéo da non!

Phải luôn luôn thề hứa rằng anh sẽ mãi mãi mãi yêu em... cho tới khi em chết!

 

Thưa! Tuần rồi tui đang ngồi đọc báo miết... Thì em yêu sà vào lòng tui, thỏ thẻ rằng: "Ước gì em là tờ báo để được mãi trong tay anh."

Nhướng cái kiếng lão lên tui khẽ khàng lời rót mật vào lỗ tai em:

"Ờ anh cũng ước, giống hịt như em, để mỗi ngày anh có thêm một tờ báo mới!"

Em giận, bèn đóng quần áo vào va li, bay về với má em, ở Adelaide, ít bữa cho nguôi cơn giận.

Tui hoan hỉ đưa em ra tận phi trường Tullamarine để đoan chắc rằng em đã bay. Xong vội vã gọi nhà thơ Ba Bốp và nhà văn Rô Bẹt đến nhậu. Vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm mà!

Chưa đầy năm phút là đã thấy hai ông thần ló mặt tới! Ủa sao lẹ vậy?!

Ờ! Hai anh em tui đứng sau lưng ông ở phi trường để đưa chị nhà thơ Ba Bốp cũng giận chồng bay đi Adelaide!

"Giận chuyện gì?" "Em yêu tuyên bố với tui là: Nếu tui chết trước, em sẽ về ở với em gái của em." Tui gật gù:"Ờ nếu em chết trước anh, anh cũng vậy!"

Thiệt là hai đứa mình đều bị em yêu giận mà không có lý do chánh đáng! Mình chỉ nói y hịt như em nói mà!

 

Anh nhà văn Rô Bẹt lục trong cái túi mình ra một hộp ‘take away' thịt heo quay có đầy đủ rau sống và bánh hỏi trét mỡ hành, mua ngoài chợ Footscray.

Anh nhà thơ Ba Bốp móc ra chai rượu, Ông già chống gậy, Johnny Walker nhãn xanh!

"Hai anh nhậu mà cứ ‘chi' hoài thiệt tình, làm tui áy náy lắm nhe! Tui có "diếm" con vợ tui được hai trăm đô, tính dắt mấy anh ra quán, nhậu để mà trả lễ nè!"

"Ối chuyện nhỏ! Tiền đó để tuần tới tụi mình nhậu đi! "

 

Thưa! Sau vài tuần rượu sương sương là chuyện nổ như bắp rang.

Anh nhà văn Rô Bẹt cắc cớ: "Ai là người mặc quần ở trong nhà nầy?"

"Hỏi cái gì bậy bạ quá hè? Hổng lẽ vợ chồng tui ở truồng hết hay sao?"

Như Tây thường hỏi đó thôi!: ‘Who wears the pants in the family? '

Trong nhà nầy ai làm lãnh đạo?" Kẻo lỡ thấy đại bàng, chim ưng mà cứ tưởng chim sâu, chim sẻ thì đến nhà nhậu được có một lần... là không có lần sau!

 

Ờ hé! Xưa giờ tui đóng vai gì trong cái nhà nầy? Kép chánh, kép phụ hay vai hề?

Thú thiệt là từ ngày cưới em yêu về, tui toàn chọn chuyện dễ dễ để mà làm, như: nhậu nè, ngồi coi đá banh trên ti vi nè, hoặc lên trang mạng xã hội Facebook để tìm lại người xưa nè!

Chuyện khó khăn khác như cho con bú, (cái nầy nếu muốn thì tui cũng làm không được vì bà con biết tại sao rồi). Thay tã thì tui hơi bị gớm. Nấu cơm thì bữa sống, bữa sực sực! Rửa chén thì hay làm bể tô, bể chén, dĩa lia chia!

Mấy việc nầy, thú thật, vượt quá khả năng, nên tui để em yêu làm hết ráo.

Nên giờ đây, bất cứ chuyện gì, để tui hỏi vợ tui cái đã!

Thưa! Khi tạo ra loài người, ông Trời có chỉ rõ rằng: "Ðàn ông là người lãnh đạo trong nhà!" Ðàn bà chỉ có việc nghe lịnh, rồi thi hành răm rắp mà thôi.

Nghĩa là hổng ưng thời thôi! Nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn, quần ai nấy mặc, mùng ai nấy ngủ; nhưng lấy chồng rồi là phải phục tùng, mới phải đạo phu thê.

Vợ phải luôn luôn kính phục, nghe lời một người đàn ông, tức đức ông chồng của mình. Chớ hổng phải đụng thằng nào cũng nghe lời hết ráo... là báo!

 

Như vậy từ nay tui sẽ lãnh đạo trong gia đình, đưa hai vai ra mà gánh vác toàn việc lớn mới được.

Như coi cuộc bầu cử sắp tới bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump, ai thắng?

Còn chuyện nhỏ như kiếm tiền, xài tiền, nuôi dạy con cái ra sa, tui sẽ giao cho bả!

Làm lãnh đạo, em yêu phải kêu mình bằng anh chớ hổng phải bằng thằng! Tuy nhiên đừng ỷ thế mà ăn hiếp em yêu nhe!

Cần tương kính như tân! Phục vụ khi em cần. Em kêu trả bài thì phải ráng mà thuộc!

 

Nhà thơ Ba Bốp: "Cha! Làm lãnh đạo, người có mặc quần khó quá hà! Tui không làm nổi đâu, tui không khoái mặc quần! Tui khoái ở truồng như ông thần nầy ở Việt Nam mình vậy."

Thằng chả, gần 30 năm về trước, lúc chỉ mới 18 tuổi thì tía má kêu cưới vợ để có con mà nối dõi tông đường.

Hai vợ chồng ra riêng, nghèo mạt rệp, chỉ có mấy công ruộng phèn, mặn. Em yêu, lại mắn đẻ, đầu năm tọt một đứa, cuối năm tọt thêm đứa nữa! Muốn tốp mà tốp làm sao, không ai biết!

Nghèo, buồn, mơ mộng viển vông nên em lậm số đề... Thua! Nên mạt!

Chàng phải tha phương cầu thực, đi bán vé số để mưu sinh! Duyên số đẩy đưa gặp một em, dẫu chốn ong bướm dập dìu nhưng vẫn cu ki, khá giả lắm, chủ quán bán bia ôm, chơi sộp, mão hết ráo vé số của chàng trong những chiều mưa bán ế.

Cái gì hổng có... thì mình mua. Chồng cũng vậy! Không mua được bằng nhiều tiền thì em sẽ mua chàng bằng vàng... y!

Con vợ cũ của chàng cần tiền đi đánh số đề; con vợ mới thì cần trang nam nhi chi chí trong nhà kẻo thằng Chủ tịch xã đã rồi tới thằng Trưởng Công an xã cứ đến uống bia ôm rồi trêu hoa ghẹo nguyệt hoài hè.

Thế là ba mặt một lời.  Mua đứt bán đoạn anh yêu với giá là năm chỉ vàng ba số chín.

"Về với em chủ quán bia ôm, tui phẻ! Chỉ còn nằm chơi không hè..!"

"Bây giờ có ai muốn mua ảnh mười cây vàng em cũng không có bán!"

 

Nhà thơ Ba Bốp tính cọp dê y chang vậy: "Ðợi em yêu hết giận, về, tui sẽ kêu em bán anh đi; bán anh đi!"

"Ông thần ơi! Thằng chả đẹp trai, vừa dẻo, lại vừa dai nên mới có người mua!"

"Còn cái thân anh, một nhà thơ cò ma, ốm đói! Ai mà mua?"

"Xin lỗi! Cái hình chụp X-Ray, coi có bị ung thư phổi hay không, còn đẹp hơn bức hình chụp chân dung của anh nữa đó!"

 

Lai tỉnh đi! Ðừng có nằm mơ nữa nhe cha nội!

 

dxt 

melbourne

  

 

Hàm Mô Công!

dxt_hammocong.jpg

 

Thưa, nghe hai anh bạn nhậu: nhà văn Rô Bẹt và nhà thơ Ba Bốp bàn chuyện bầu cử Tổng thống Mỹ! Ai thắng?  Ai thua? Tại sao thắng? Tại sao thua?

Là tui ngán ngược hè, nên thoái thác: "Bàn về chánh trị thì ít nhứt là mình có đi học môn chánh trị ở trường đại học, biết về kinh tế, xã hội, biết về sử địa, biết tùm lum tà la thì bàn vô bàn ra mới được! Chớ bàn theo kiểu mấy ông Mù xúm lại sờ voi thì ai mà nghe cho lọt cái lỗ tai chớ!"

 

Bị chê quánh võ rừng cũng tức, nhà văn Rô Bẹt xóc hông: "Hồi nhỏ đi chăn trâu ngoài ruộng, tui có đem theo cuốn Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung! Ngồi lưng trâu, sờ đuôi trâu, nghiền ngẫm lâu... coi mấy Chú Ba Tàu đấu trí,  tranh bá đồ vương với nhau! Tui cũng ‘ngộ' được nhiều điều! Sợ còn giỏi hơn nhà thơ Ba Bốp nữa đó!"

 

Bị chọc tức, nhà thơ Ba Bốp cãi lại: "Biết gì nói thử ra coi! Nói bậy, nói bạ, ăn roi nhe bồ!"

Thưa, người viết có cái tánh xấu nhiễm từ hồi nhỏ lận. Thấy ai cãi lộn là dừng lại coi hè. Nhớ xưa có lần đi học trễ, cô giáo hỏi sao trễ?

"Trên đường đi học, em thấy hai cô gái còn trẻ, đẹp, rất sexy, đang cãi nhau chí chóe!"

"Rồi chuyện đó đâu có liên quan gì đến vụ em đi học trễ đâu hè?"

"Dạ có chớ! Chẳng qua cô nầy đòi lột quần cô kia nên em mới đi trễ đó chớ. He he!"

 

Lần nầy cũng vậy, nghe hai ông cãi lộn, tui cũng dừng lại coi nhà văn Rô Bẹt bàn như Mao Tôn Cương về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần nầy, ra sao.

Nhà văn Rô Bẹt mào đầu như vầy: Chẳng qua hồi Bill Clinton còn làm Tổng thống, có tù ti tù tí với em Monica Lewinsky. Chuyện vỡ lở, Bill bèn về, quỳ gối... xin lỗi em yêu! Hillary nghĩ cũng có phần lỗi của mình trong đó, vì bị bỏ đói nên ảnh mới đi ăn vụng đó chớ! Thôi để hâm nóng tình ta đà nguội ngắt, Hillary bèn dắt Bill, một hôm, xa lánh bụi trần vùng Hoa Thịnh Ðốn, về vùng quê Illinois, thời đôi lứa mới yêu nhau.

"Dắt Bill về Ngũ đại hồ! Tình cờ gặp lại thằng bồ năm xưa!"

Tay cao bồi (cowboy) nầy là bạn học cũ của Hillary! Y nhe hàm răng bò ra cười, vồn vã nhắc: "Hillary! Em còn nhớ ngày xưa thơ mộng ấy không? Giờ em tuyệt đỉnh cao sang còn anh vẫn lang thang chăn bò như năm cũ!"

Hillary cũng vồn vã nhắc lại thời bắt bướm hái hoa, thả diều trên cánh đồng bắp xa tít tắp mà chỉ có đôi ta và hai con bò đang gặm cỏ!

Buộc phải dỏng tai nghe chuyện tình bò như vậy, dù mặt tỉnh bơ, Bill không nói gì nhưng lòng cũng ghen tức lắm!

Khi cả hai trở lại xe, Bill cười he he, chọc quê: "Phải xưa em ưng nó, giờ em cũng phải đi chăn bò rồi! Chớ đâu được làm Ðệ nhứt Phu nhân nước Mỹ!"

Hillary cười hi hi, đáp lại: "Nếu em ưng thằng chả, thì giờ nó đã làm Tổng thống Huê Kỳ rồi, chớ không phải là anh! Hi hi!"

 

Rút ra một bài học: Hillary là ‘king maker', người có đầu óc thiên biến vạn hóa, biến không thành có, biến có thành không, người có khả năng tạo ra vua!

Chuyện biến một anh chăn bò thành Tổng thống nào có khó khăn chi. Biến con bò còn được nữa là!

 

"Giờ ai cũng biết là Hillary Clinton, đại diện đảng Dân Chủ và trùm địa ốc, tỉ phú Donald Trump, đại diện đảng Cộng Hòa sẽ tranh nhau vô ngồi trong Tòa Bạch Ốc!

Hillary Clinton và Donald Trump giống như hai đấu thủ dàn binh bố trận trên bàn cờ tướng, đang tìm cách chiếu bí lẫn nhau.

Donald Trump vốn người nóng nảy, tính tình thẳng như ruột ngựa, nghĩ gì nói nấy, bèn vô pháo đầu, rồi tấn hai con mã liên hoàn, gác lên nhau, pháo đầu mã đội, công thành phá lũy, tính tốc chiến tốc thắng như Vua Quang Trung đại phá quân Thanh, rượt Tổng đốc Lưỡng Quảng, Tôn Sĩ Nghị chạy thiếu điều sứt cái bím tóc Mãn Châu.

 

Phàm làm Tướng là phải ở trong cung, cho bọn tùy tùng, sĩ tượng vây quanh, cứu khổn phò nguy, nhưng Trump tự cao tự đại, nghĩ mình ta khôn cha thiên hạ, hăng tiết vịt, tự xuất chinh với chiêu thức Hàm mô công (còn gọi là Cáp Mô Công).

 

"Cáp Mô" có nghĩa là con cóc, là môn võ công cực kỳ thâm hiểm của Tây Ðộc Âu Dương Phong trong Anh Hùng Xạ Ðiêu của Kim Dung!

Donald Trump vận khí xuống đan điền lấy hơi kêu ồm ộp, lợi dụng bọn truyền thông đang chỏng mông chờ tin sốt dẻo, để loa truyền: Nghe đây! Nghe đây! Nghe Donald Trump xuất khẩu ra... là chửi tá lả!

(Cứ tưởng bở! Bọn truyền thông sẽ ‘lăng xê' là Trump lên nghiệp bá!)

 

Trump vận khí, hơi quá hớp, nên tiếng kêu ồm ộp vang khắp năm châu bốn bể. Ai nấy nghe cũng đều sợ, run tợ cầy sấy.

Chỉ trừ Tổng thống Phú Lãng Sa, François Hollande chê: "Nghe thấy mà gớm!"

"Hồi giáo đang đe dọa chúng ta! Cấm ngặt không cho chúng đặt chân đến nước Mỹ này!"

"Chú Mễ vượt biên vào chôm chỉa hết công ăn việc làm, nên lương dân nước ta vô cùng ta thán! Trên bàn vỏn vẹn có miếng thịt bò mỏng tang như tờ giấy quyến, biết ai ăn, ai nhịn? Ta sẽ cho xây bức vạn lý trường thành để ngăn chúng lại!"

"Nhà máy Mỹ cứ vượt biển qua tận nước Tàu để làm giàu cho Chệt. Ta nhất định rinh nhà máy về nhà mới được!"

(Nhưng bề trong, cái ‘cà ra oách' có in chữ Donald Trump thì được ‘Made in China' tại Bắc Kinh, thế mới thiệt là kinh!)

 

"Còn về đối thủ của ta là Hillary Clinton, là con quỷ dữ (devil)!

Người đã làm mất 33 ngàn điện thư tối mật khi đang giữ trọng trách Thuyết khách cho nước Cờ Hoa!

Và chịu trách nhiệm chánh vì làm sứ thần nước ta phải bỏ mạng sa tràng tại Benghazi, nước Lybia xa lăng lắc!

Vụ mất điện thư nầy là tội hình sự phải đưa ra Bộ Hình luận tội, rồi nhốt luôn vô ngục tối!"

"Ta sẽ nhờ đại đế bạch quỷ Vladimir Putin của nước Nga La Tư, truyền chỉ cho bọn tin tặc tài ba, dùng phần mềm ‘úm ba la', khôi phục lại để làm vật chứng hầu Tòa!"

 

Cha chả! Hay cho Donald Trump! Giỏi cho Donald Trump! Tội phản quốc! Dám cõng rắn cắn gà nhà, thỉnh mời tin tặc của kẻ thù tấn công vào máy tính của gia gia!

Bị trúng một ‘phản quốc chưởng' thiếu điều hộc máu mồm, chưa kịp hoàn hồn thì Trump bị bồi thêm một chưởng của "Trùm Xịa!" nữa!

Xịa đây tức CIA, the Central Intelligence Agency, Cơ quan Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ!

 

Người lãnh ấn tiên phuông ra trước trận tiền là tướng quân Michael J. Morell, nhiếp chính quyền Trùm CIA từ năm 2010 đến 2013, đánh phèng la: "Như ta đây suốt 33 năm làm việc gian khổ mới leo lên được tới chức Phó Trùm Tình báo!

Ta đã kề cận Tổng thống George W. Bush (Cộng Hòa) khi bọn khủng bố tấn công chúng ta vào ngày 11, tháng Chín, năm 2001.

Ta đã kề cận Tổng thống Obama (Dân Chủ), khi chúng ta tiêu diệt Osama bin Laden để trả thù vào năm 2011.

Là công chức mẫn cán của chánh phủ, bổn chức luôn luôn im thin thít về cách bầu Tổng thống của ta. Bây giờ thì không!

 

Vào ngày mùng 8, tháng Mười Một tới đây, ta sẽ bỏ phiếu cho minh chủ Hillary Clinton, người có đủ tài thao lược, biết điều binh khiển tướng, dẫu là phận nữ nhi, nhưng đã từng làm Thượng nghị sĩ tiểu bang New York, là xếp sòng đoàn thuyết khách của nước ta, từng dùng miệng lưỡi Tô Tần nói vô nói ra cùng các nước chư hầu khác!

Kinh nghiệm đã cùng mình, nước Cờ Hoa không xài e rất uổng!

 

Trái lại, Nghịch tặc Donald J. Trump không có chút xíu kinh nghiệm nào về an ninh quốc gia. Cái miệng bô bô tối ngày thì bất cứ chuyện nào về tình báo, về an ninh quốc phòng tới tai y, dẫu bí mật đều trở thành bật mí! Mà nguy hiểm nhứt là khi được ai khen nịnh, Trump cười tít, nhắm mắt nhắm mũi, lủi đi đâu cũng thây kệ!

Vladimir Putin, đại đế nước Nga La Tư, đã xua quân xâm lược, chiếm được vùng Crimea của nước láng giềng, còn hăm he đánh lỗ đầu các nước lân cận vùng Baltic mà Trump lại chủ trương bình chân như vại, nói: "Chuyện đó không có hại tới Huê Kỳ!"

Làm lãnh đạo của Thế giới Tự do mà nói vậy sao phải hè?!

 

Thêm nữa, Vladimir Putin vốn là một tay Trung tá tình báo cáo già, đã dùng vài lời khen, không phải trả một xu teng, là phỉnh dụ được Donald Trump làm gián điệp một cách vô ý thức! Nghĩ thiệt cha chả là tức!

 

Rồi tính cách hay giễu cợt, mỉa mai, bốc đồng, tự thổi phồng, phóng đại thêm và phản ứng thái quá cho những điều nhỏ nhặt, thường đưa ra quyết định dựa trên trực giác, cứ khư khư, cóc cần dữ kiện hay thông tin mới! Không coi ai ra gì! Ðóng hai cái lỗ tai, không lắng nghe người khác! Xem luật pháp là cỏ rác...

 

Donald Trump rất nguy hiểm khi nắm chức Tổng tư lịnh của đất nước Sao và Sọc, khi nắm được quyền sinh sát trong tay.

 

Nhứt định chúng ta không để Trump vọc tay vào nút bấm bom nguyên tử kẻo chúng ta chết hết ráo!

 

Truyện còn dài! Xin tạm nghỉ ở đây! Cảm phiền bà con chờ xem hồi sau sẽ rõ...!

 

đoàn xuân thu.

 melbourne

  

 

Món quà của quỷ!                      

dxt_monquacuaqui.jpg 

Bảo Huân.

 

Thưa bà con! Sau một tuần ngất ngư lao động! Thứ Bảy tui thường thức suốt đêm để bù khú với hai anh bạn.

Một là nhà văn Ro Bẹt (Robert). Hai là nhà thơ Ba Bốp (Bob).

Thưa cả ba chúng tui vừa lai rai ba sợi vừa tán dóc! Mỗi tuần một đề tài.

Sau đó mới có cái tứ mà cầm bút kiếm tiền nhuận bút để đến cuối tuần sau có tiền mà ăn với hút. Chớ tiền lương bà xã ở nhà đã tàn nhẫn tịch thu không còn một xu, (sung vào công quỷ)!

Nhà văn Ro Bẹt mở đầu cuộc hội thảo như vầy: "Tình yêu là món quà của Thượng đế; còn ghen tuông là món quà của quỷ!"

Quỷ vốn công bình khi tặng quà thì tặng hết cả gái và trai; chớ hỏng quên một ai. Tặng cho nàng và chàng cũng có phần trong đó!

 

Thưa có bà con hỏi: Úc có ghen không? Sao không?!

Dà, ngày nào tui cũng đọc tin trên báo Úc thấy chồng ghen giết vợ. Vợ ghen giết chồng mà ớn xương sống. Nên trong thâm tâm tui không bao giờ cả gan mà lấy vợ Úc! Tui sợ chết lắm!

Lấy vợ Việt Nam, nếu em yêu bắt gặp mình léng phéng thì bất quá em sẽ trừng trị con nhỏ cướp chồng bà mà thôi!

Rũ chị em ruột, chị em bạn dâu, đi một bầy, bắt con tình địch, lột trần truồng rồi xát muối ớt vào phương trời viễn mộng của chồng, cho nó tởn tới già... Thiệt là rất ớn cái da gà!

 

Nhưng em chỉ xách đầu mình về thôi, cất đó! Chớ không đánh đập nặng nhẹ gì ráo trọi. Sao dám? Vì sợ mình chuồn luôn thì khốn!

Chớ không phải như bà chị nào đó ở Chợ Gạo, Mỹ Tho vì ghen chơi chiêu cầm nả thủ, tấn công xiết vặn thẳng vào Ngũ giác đài của chàng khiến chàng phải tức tưởi xuống tuyền đài như báo trong nước vừa mới đăng!

 

Vợ Úc nó ghen, so với vợ Việt dù không manh động lại có phần bạo động chiến tranh tâm lý nhiều hơn, đến nỗi Hoạn Thư có sống vậy cũng phải bái làm sư mẫu.

"Chồng về! Vợ không thấy có cọng tóc nào vương trên áo chàng hết ráo! Bèn gầm rú như phi cơ phản lực F-35: "Giỏi dữ ha! Giờ lại dám hẹn hò với một con đầu trọc nên không có chiếc tóc nào hết ráo!"

Thiệt là ghen bóng ghen gió giống hịt con vợ của tui!

 

Thưa công tâm mà nói: Chút giận hờn ghen tuông như gia vị (tiêu, ớt), góp vào hương vị tình yêu ngọt ngào; nhưng việc ghen tuông quá mức sẽ giết chết tình ta!

Chuyện vầy: Một tên tù vượt ngục! 3 tiếng đồng hồ sau mới trốn về được tới nhà. Mới bước vào cửa, con vợ đã tru tréo lên rằng: "Đài truyền hình loan tin anh đã trốn tù cách đây ba tiếng đồng hồ rồi. Trong khoảng thời gian đó anh tù tí với con quỷ hó nào hả? Nói ngay!"

 

He he! Ớt nào mà ớt hỏng cay gái nào là gái chẳng hay ghen chồng? Ớt là phải cay. Không cay là ớt kiểng!

Vậy mà mới đây trong nước, ớt không cay mà còn ngọt ngào với tình địch của mình mới lạ...mới được đưa lên báo!

Chàng 65 tuổi, đã đi về phía hoàng hôn, trời sắp lặn, nghĩa là sắp chết tới nơi mà vẫn còn ong với bướm.

Nàng 58 tuổi, trẻ hơn chàng tới 7 tuổi! Có lẽ vì làm sớm nghỉ sớm; nên hết xí quách rồi ...Thôi thì ảnh muốn làm gì thì làm. Chỉ cần chạy xe ôm đem tiền về cống nạp nếu không em cho một đạp...

Mà nhớ về ăn cơm với em là được. Bằng không lỡ ảnh đi luôn thì em mất sở hụi sao? Tuổi nầy em chỉ cần tiền; còn tình là em chịu thua...!

Tình dục là một nhu cầu, em thua là phận của em, nhưng không có thì làm khó cho ảnh quá hà. Nên xin chàng tự nhiên làm thêm tô phở tái!

Vậy mà bà con lối xóm, nhứt là mấy chị em ta, nói em hơi bị 'tửng từng tưng' vì hỏng biết ghen!

(Thưa! Thiệt đúng là một người phụ nữ thông minh và nhân hậu.

Tui ước gì em yêu của tui cư xử độ lượng như vậy biết là bao; nhưng xưa giờ chưa có được. Mới hơi hơi là trong gió đã có tiếng em nghiến răng nghe trèo trẹo; làm tui cứ cơm nguội với nước mắm kho quẹt hoài hè!)

 

Khổ nỗi ông thần nầy có phước mà không chịu hưởng phước! May mắn có được người vợ ớt không cay, không ghen với chàng mà chàng lại ghen với vợ của người ta bỏ rớt dọc đường, mình lượm được xài dùm cũng đã khá là lâu!

Con bồ nhí sau khi hú hí với chàng được 4 năm, cái thứ già nhân ngãi non vợ chồng nầy nên em hơi luông tuồng một chút. Ngoài tình ta, em còn la cà với tình khác...

Nghe đồn, chàng nổi cơn ghen, đến nhà em, để bắt tại trận đôi gian phu và dâm phụ! Thì thấy em cưng với thằng chả trong nhà bước ra.

Ôi thôi! Ghen ơi là ghen! Máu nóng nó giục lên trên đầu! Tính đục cho cái thằng hổn láo, dám chen vào, toan rớ tới cái của tao. Ai dè em ôm tui lại cho gian phu chạy mất.

Tức quá; tui lấy cây lau nhà, phết em mấy cái cho bỏ cái tật lẳng lơ. Phản xạ tự nhiên, em thụp xuống, né!

Xui thay cây lau nhà dọng vào đôi mắt người Sơn Tây, máu chảy đầm đìa, đau quá, em ngả lăn ra chết giấc.

Bác sĩ bảo từ nay em chỉ nhìn đời bằng con mắt còn lại mà thôi.

Bị lính bắt, vợ lớn bèn năn nỉ 'dì' nó..."Dẫu gì cũng chút tình xưa; mong 'dì' nó nén đau mà bải nại để ảnh tiếp tục về chạy xe ôm cho 'dì' nó ôm nữa!"

 

Thưa tui thấy bạn hiền nầy chắc nó hơi bị điên! Vì ghen hóa dại!

Cái chuyện tù ti tú tí; mà em thôi cười hí hí thì mình thí cô hồn.

Là người thua cuộc trên con đường tình ta đi, là quê độ! Đúng ra phải quân tử , chúc mừng tân lang và tân giai nhân trăm năm hạnh phúc tới ngày xuống lổ mới là bực anh hùng.

Thưa anh bạn nhà thơ Ba Bốp của tui cũng gật đầu, đồng ý!

"Sá gì một nải chuối xanh/ Hai đứa bây giành cho mủ dính tay?!"

Em chỉ là một tờ báo cũ mình đã đọc từ trang bìa tới trang trong. Từ trang nhứt tới trang chót! Mình biết ráo rồi; giờ có đứa nào chưa đọc thì mình cứ de lui cho nó đọc.

Ở đời thiên hạ của chung! Hơn nhau hai tiếng ‘gian hùng' mà thôi!

Qua đường mà hầm hè chi vậy cha nội?!

 

Thưa quý bà con! Ghen là thuộc tính của người phụ nữ. Chém cha cái kiếp chồng chung! Chính vì vậy mới có cái hổn danh là Sư tử Hà Đông.

Nhưng Sư tử Hà Đông nầy thường thịt ăn thịt mấy con Sư tử khác chớ ít khi muốn ăn thịt anh yêu của mình.

Chính vì vậy, nên mấy ông anh nhà mình dễ ngươi chăng?

Dù đang có một gia đình yên ấm, con cháu đầy đàn, đầy đống vẫn khoái lang thang tìm cảm giác lạ khi có cơ hội, mỡ tới miệng mèo nè, xơi đi anh thì ít khi anh nào ngu mà từ chối!

Vẫn khoái trêu hoa ghẹo nguyệt; quan hệ ngoài luồng, để kiếm thêm, hỏng biết thêm bao nhiêu em mới đủ?!

Nếu bị vợ nhà bắt quả tang tại chỗ đang ăn vụng thì mấy anh mình cũng chối bai bãi hè! Chỉ văn nghệ, vui vẻ chút chút thôi chớ anh nào nỡ đang tâm bẻ gãy chữ đồng!

 

Nhà thơ Ba Bốp vốn là một con người tài hoa. Thơ anh gởi lên đang trên tuần báo Phụ nữ Diển đàn làm biết bao con tim của mấy em trên toàn thế giới đều nhỏ lệ khóc thương cho trái tim chàng Ba Bốp đang rướm máu...

Mà phàm là phụ nữ; ai cũng có thiên chức làm mẹ trong người; nên thấy ai bị thương đều tìm đến săn sóc...băng bó vết thương lòng! Chính vì vậy mình mới có người nữ cứu thương đó chớ.

Dù vết thương lòng của nhà thơ Ba Bốp chỉ là tưởng tượng trong phương Trời viễn mộng, thơ mới lồng lộng, mới hay; dè đâu mấy em tưởng thiệt, email về như bướm bay giữa mùa hoa đang độ nở...

Nhưng phu nhân của nhà thơ Ba Bốp không chịu. Chị Ba Bốp bắt buộc ảnh phải đưa cái 'password' của ảnh cho 'chỉ'...

Nhà thơ Ba Bốp nhứt định không chịu vì cho rằng 'chỉ' đi 'bốt đờ sô' xâm phạm vào quyền riêng tư , tự do thư tín của mình.

Nhưng 'chỉ' nhất quyết rằng: "Đã là của nhau sao phải giấu giếm gì nhau?".

Cuối cùng, sau khi trì hoản chiến một thời gian đủ để xóa đi những thơ tình cuối mùa thu, nhà thơ Ba Bốp bèn bàn giao password của gmail.com cho em yêu, để yên nhà yên cửa.

Sau đó, bèn bí mật mở một cái email mới trên yahoo.com! Nghĩa là nhà thơ Ba Bốp vẫn còn nhứt quyết lang thang trên khung trời viễn mộng.

 

Thưa chắc bà con mình cũng thắc mắc là Má bầy trẻ của người viết có ghen không? Cha! Thầy chạy luôn đó chớ!

 

Nhớ xưa, cách đây sáu chục năm, hồi mới cưới em về. Tui trẻ, khỏe và đẹp trai thêm cái tật nói hơi dai nên thú thiệt hỏng phải khoe với bà con là làm biết bao em say nắng...quái!

Tui cũng tính đánh bắt xa bờ đó chớ.

Nhưng người phụ nữ nào cũng có giác quan thứ sáu để phòng thủ từ xa; để bảo vệ hạnh phúc của tình ta.

Em yêu thường tuyên bố như đinh đóng cột với tui là:    

 "Loại người không xứng đáng thì mình đánh ghen để làm gì?".

"Và nếu tình yêu của hai người quả là mãnh liệt đủ để làm cảm động trời đất, có lẽ cái gia đình này cũng chẳng là gì với anh! Em tự nguyện để bản thân đau khổ cho anh và cô ấy đến với nhau. Chỉ có điều chắc chắn các con sẽ buồn và nhớ anh lắm!".

Nói đoạn em đưa hai thằng cu về nhà Má em mà không chút lưu luyến!" Làm tui khoái quá Trời!

Ai dè chừng vài tiếng sau, em dắt sắp nhỏ, đứa bồng, đứa dắt, quay trở lại và cũng tuyên bố như đinh đóng cột rằng: "Ngu sao mà giận lẫy?!"

 

Sau nầy, hai thằng cu hình như theo phe Má nó, có vẻ trách cứ, điều tra xét hỏi tui rằng: "Tía có thực lòng yêu Má của tụi con không?"

Làm tui phải chỉ Trời chỉ đất lung tung, thề thốt. Con mình mình phải làm gương tốt cho nó mới được. Phải dấu biệt cái chuyện tình vụng trộm của mình đi! Đừng cho nó biết; kẻo tụi nó sẽ khi dễ Tía nó là con người một mặt hai lòng. Nên tui nói dóc là: "Có! Tía đã từng chỉ mất một giây để nói yêu Má của tụi con; nhưng Tía phải mất cả cuộc đời để chứng tỏ điều đó cho Má tụi con biết đó!"

Khi tới tai đám con của tui rồi; thì tui đành chịu vậy. Chứ dù em yêu có chữi tui lòng lang dạ sói thì cũng đâu có gì đáng nói?!

Nên tui bèn nén đau thương, lòng nhỏ lệ, viết thư từ tạ với con bồ nhí của tui rằng:

"Nếu giọt nước là những nụ hôn, anh sẽ trao em biển cả/ Nếu lá là những ôm ấp vuốt ve, anh sẽ tặng em cả rừng cây. . ./ Nếu đêm dài là tình yêu , anh muốn gửi em cả trời sao lấp lánh.

Nhưng trái tim anh không thể dành tặng em được vì nơi đó đã thuộc về con vợ của anh rồi!

Mà nó dữ lắm em ơi! Thôi vĩnh biệt tình hè...Nhe!

 

Con bồ nhí tui nhận được, biểu môi nói: "Tui là cái thứ đồ chết nhát!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Lá Thư Úc Châu:  Em yêu!

 

dxt_emyeu.jpg

 

 

Thưa anh Ba Hù làm một cái nghề rất ‘oách'! Ai anh cũng đè đầu được hết ráo. Từ già đến trẻ; từ giàu đến nghèo; từ có quyền lực hay không. Đó là nghề hớt tóc!

Chính vậy nên ảnh mới có tên là Ba Hù. Hù ở đây là hù dọa mấy đứa con nít ngồi yên cho mình lấy tông đơ hớt, và dao cạo mặt. Con nít thường hiếu động; đâu có bao giờ chịu ngồi yên chừng năm phút; mình không hù nó; coi chừng đứt rớt mất cái lỗ tai, nó mới ngồi yên cho mình hớt đó chớ.

Theo lời anh Ba Hù kể: Hồi nhỏ, nhà tui ruộng đất đâu có cò bay thẳng cánh như của người ta; nên học được ít chữ dằn bụng là Tía tui truyền lại cái nghề gia truyền từ đời ông cố Nội. Coi vậy mà sống phẻ lắm nhe!

 

Hồi xưa, vượt biên tới đảo, cả hàng chục ngàn người mà đâu có bao nhiêu thợ hớt tóc. Nên khách ôi thôi nó đông như quân Nguyên.

Lúc xuống thuyền ra biển, người ta mang theo vàng cây, vàng miếng, kim cương, hột xoàn để sau nầy qua nước thứ ba có chút đỉnh vốn mà khởi nghiệp; làm lại cuộc đời vốn đã tả tơi. Riêng tui chỉ mang theo có một cái tông đơ.

Qua tới Úc, tui lại tiếp tục nghề cũ, nó đã giúp tui sống phẻ trong cuộc biển dâu nầy.

Sau đó tui kiếm được một con vợ Úc đàng hoàng đó nhe. Chỉ có điều em hơi ú nu, môi dầy cui, tóc quắn tít và đen như cột nhà cháy vì em vốn là thổ dân bản địa.

Tên em là ‘Quá Gà! Quá Gà'! Âm theo tiếng Việt mình cho dễ kêu; chớ thực sự nó là ‘Wagga Wagga', tên một thị trấn buồn thiu, nằm cực Nam tiểu bang New South Wales, nơi chôn nhau cắt rún của em yêu.

 

Mà chuyện vợ chồng là duyên nợ ba sinh do ông Trời sắp đặt đó thôi.

Chẳng qua một hôm em đi khám bác sĩ. Tui nói: "Ở trên!" Em bèn vén cái ‘sì cớt' (skirt) của em lên!

Tui lại nói: "Ở trên!" Em lại vén áo em lên! Tui tức quá nói: "Ở trên!"

Em e thẹn trả lời là: "Tới đây là hết rồi... Còn ở trên nào nữa đâu, bác sĩ?"

Chắc em lầm khi thấy tui mặc bộ đồ bờ lu trắng, đứng hớt tóc hay sao?

Nên tui cắt nghĩa: "Ở trên là ở trên lầu; mới là phòng khám. Còn đây là phòng hớt tóc mà!"

 

Ai dè em quay qua kết tội tui là quấy nhiễu tình dục! Thấy hết ráo rồi từ dưới lên trên mà không chịu cưới; em sẽ đi kêu lính bắt tui.

Nói thiệt tui chỉ muốn cưới vợ Việt Nam hiền thục, luôn luôn nghe lời chồng mình dạy bảo, đặt đâu ngồi đó không bao giờ dám cãi; chớ tui đâu muốn lấy Úc nhứt là Úc đen đâu! Ngang như cua bò tám cẳng vậy!

Nhưng sợ lôi thôi cò bót nên tui đành phải cưới vậy thôi!

 

Mấy ông anh mình cứ cười tui và gọi em yêu của tui là chị Ba Ù! Mập như cái lu! Và đặt chuyện nói xăm con vợ Úc đen của tui như vầy nè:

Anh Ba Hù mãi đi nhậu bù khú với tụi tui; Úc nầy đây nam nữ bình quyền. Chồng nhậu thì vợ cũng nhậu! Nên chị Ba Ù một mình nằm chèo queo cũng tức; nên dắt theo con ngỗng, thú cưng, đi pub, nhậu.

Nhậu xong về, chị Ba Ù bù lu bù loa với ảnh như vầy: Người phục vụ quán rượu hỏi em: "Sao lại dắt theo con heo?" "Ê! Con nầy đâu phải là con heo nó là con ngỗng mà!"

Thì thằng chả nói rằng: "Xin lỗi bà! Tui đang nói chuyện với con ngỗng!"

 

Chuyện thấu tới tai, nên em ‘Quá Gà Quá Gà' cự lại: Chuyện mập ốm là chuyện tư riêng. Đàn ông mập sao không ai nói? Còn đàn bà lỡ mập chừng một tạ, là mấy ông cứ đem ra mà bình phẩm chê bai. Kể cả anh nữa!

Thôi tình duyên khác chủng tộc màu da của đôi ta đà đứt đoạn. Em đi đây!

Nghe con vợ đòi bỏ mình, anh Ba Hù hoảng kinh lên, hỏi: "Nè rồi con của chúng ta sẽ ra sao?"

Chị Ba Ù trố mắt: "Con nào?" "Ủa vậy không phải là em đang mang bầu hay sao?"

 

Vậy là tình duyên của anh Ba Hù với chị Ba Ù gãy gánh. Giờ mùa đông lạnh, đêm cô đơn lạnh thêm, nên anh Ba Ù quyết định đi thêm bước nữa để rước về cái lò sưởi 37 độ rưỡi! Mà phải ‘Made in Viet Nam' mới được. Ta về ta tắm ao ta. Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn!!

 

Mấy lần ảnh mời tui đi nhậu để nhờ tui cố vấn về cách chọn vợ cho mình vì như anh nói: tui là một người có rất nhiều kinh nghiệm. Rất lấy làm hãnh diện tui bèn lên lớp ảnh như vầy:

"Có ba loại đàn bà.

Một là đẹp và không chung thủy.

Hai chung thủy nhưng không đẹp.

Ba là vừa đẹp vừa chung thủy... Nhưng đó chỉ là huyền thoại!"

Mấy ông anh mình khi lựa vợ hay để ý đến vẻ bề ngoài như: vòng ngực, vòng eo hay vòng mông. Để ý vậy cũng phải nhưng không đủ. Phải để ý đến cái trí tuệ của em nữa mới được.

Ai cũng nghĩ trai tài và gái sắc. Không! Gái cũng phải có tài.

Nhứt là tài lái xe để khi mình đi nhậu, em biết lái để chở mình về. Chớ đừng chọn vợ như anh Tư Bốp, nhà văn bạn của tụi mình, hốp tốp chọn chị Tư Bốp như vầy mà giờ phải hối hận nghìn thu.

Hồi còn cu ky một mình, một thân, anh Tư Bốp đang rề rề lái xe xuyên rừng!

Bỗng một em chạy phía sau nhấn ga để vọt qua mặt. Anh hét lên: "Bò rừng!" Em hét lại: "Đồ heo, đồ lừa, đồ ngu!"

Và em đụng cái rầm vào con bò rừng đang lững thững qua đường. Xe văng vào gốc cây nghe cái rầm. Em lồm cồm mở cửa bò ra. May mắn không bị thương tích gì nhiều.

Bài học rút ra là: Phụ nữ không bao giờ có thể hiểu đàn ông họ nói cái gì?

 

Như anh Tư Bốp thường nói: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng.

Sau cái vụ đụng con bò rừng đó, em trở thành chị Tư Bốp, về nâng khăn sửa túi cho ảnh.

Từ đó, anh không tin tưởng lắm vào tài cầm lái của chị Tư, dù trong thâm tâm ảnh hy vọng em yêu của mình, một người phụ nữ Úc gốc Việt thời hiện đại, phải biết cách cầm cái vô lăng như thỏi son môi còn thắm.

Nên mỗi lần đi đâu anh đều ưu tiên cho chị cầm lái dù đôi khi ngồi một bên mà trái tim muốn rớt ra ngoài.

Chẳng hạn như lúc lái xe đi rút tiền ở cái máy đặt ven đường. Anh chỉ cần có 4 động tác là xong:"Ngừng xe tại máy rút tiền. Đút thẻ ngân hàng vào. Bấm số mật mã chọn tài khoản. Nhận thẻ và tiền mặt. Lái xe đi!"

Nhưng chị Tư Bốp thì khác. Chị ngừng tại máy rút tiền. Xem lại dung nhan qua kính chiếu hậu. Tắt máy xe. Bỏ chìa khóa xe vào bóp. Mở cửa xe bước ra vì đậu quá xa. Mở bóp ra tìm cái thẻ rút tiền. Nhét thẻ vào. Kiếm tờ giấy trong bóp có ghi mật mã. Nhấn mật mã vào máy. Đọc hướng dẫn trên màn hình mất 2 phút. Nhấn cái nút hủy. Liếc xéo cái thằng cha đang đậu xe phía sau đang mặt mày nhăn nhăn nhó nhó vì phải chờ quá lâu!

Nhấn mật mã đúng vào máy. Rút tiền mặt ra. Trở lại xe. Xem lại mặt mày qua kiếng chiếu hậu. Kiếm chìa khóa xe. Khởi động xe. Tắt máy. Mở cửa bước ra trở lại máy rút tiền để lấy tờ biên nhận. Trở lại xe. Bỏ thẻ rút tiền vào bóp. Gài số de. Xong dừng lại. Gài số tới. Lái đi được 3 cây số và nhớ là mình phải xả thắng tay.

Thấy vậy nên anh Tư Bốp tình thiệt nói với em yêu của mình là: "Chỉ sử dụng cái bằng lái xe như căn cước để giao dịch với nhà băng thôi! Vì từ phòng giặt tới nhà bếp không có đường lộ, nên em không cần phải biết lái xe chi nữa!"

 

Thưa bà con chuyện vợ chồng Việt Nam của mình coi vậy chớ cũng không rắc rối, tùm lum tà la như chuyện vợ chồng thằng Johnny, người bạn Úc của tụi tui.

Đang nhậu vui như Tết, thì thấy Johnny lù lù ló mặt vô, cười hí hí. "Hỏi sao ông biết tụi tui đang nhậu ở đây hay vậy?" "Mùi rượu Jack Daniel's bay tới lỗ mũi tui chớ sao?"

"Đùa thôi! Chớ hồi chiều đi làm về thì ‘honey' của tui có nói: Mấy anh nhắn ngày mai tụi mình không đi câu cá! Tui hỏi: Tại sao? Thì em yêu của tui nói: Là tại vì quán rượu nó đóng cửa để tân trang!"

Tui biết mai không nhậu ở quán được là thế nào ba ông cũng tụ tập tại nhà anh Ba Hù mới bị vợ bỏ đây chớ đâu?

Nên khi con vợ tui lên lầu thay áo ngủ, xuống ngồi lên ghế, nói với tui rằng: "Hãy trói tay em lại rồi anh yêu muốn làm gì thì làm!" Vậy là tui trói tay em lại rồi chạy u tới đây nhậu với mấy anh đó chớ!"

 

Thưa cái đề tài em yêu, vợ của tụi mình nầy nó không phân biệt chủng tộc gì hết ráo.

Johnny than thở nghe mà đứt từng đoạn ruột! Đàn ông Việt, mấy anh đau khổ mà đàn ông Úc của tui cũng chịu khổ đau.

Vợ Việt nghe nói ghen lắm. Và vợ Úc cũng không thua gì.

Cục cưng của tui đã từng cật vấn tui rằng: "Khi anh ‘tù tí' với em, anh có nghĩ tới người xưakhông?"

Tui là thằng chồng chân thật, chưa bao giờ nói dối em yêu, dù chỉ một lần, nên tui ‘sorry'! "Anh xin lỗi! Quả có vậy!"

"Anh đúng là đồ lẳng lơ trắc nết! Em thì trái lại! Khi ‘tù tí' với người khác; em lại luôn luôn nghĩ tới anh!"

 

Cuối cùng tiệc nhậu cũng tàn, đủ đô, ai về nhà nấy. Uống rượu thì ngủ rất ngon; nên Johnny ngáy ồ ồ như thụt ống bễ của lò rèn. Con vợ nó cằn nhằn quá; kêu phải đi khám bác sĩ! Chớ cứ để cái mửng nầy sẽ làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi.

Vốn sợ vợ, nên Johnny nghe lời! Thì bác sĩ hỏi: "Giờ anh muốn thôi vợ hay thôi ngáy?"

Nghĩa là ngáy không còn cách nào chữa hết được thì trước sau gì em cũng bỏ tui. Buồn quá, nên tui tạt ngang vào pub làm bậy chục ve.

Xỉn, tui lạng quạng về nhà! Vợ tui tức giận hỏi: "Nầy anh đã uống bao nhiêu ly?" Tui trả lời: "Thôi anh không uống nổi thêm ly nào nữa đâu!" Johnny kể lại!

"Ối cái chuyện đó có gì nghiêm trọng lắm đâu mà thiên hạ đồn, nói ông nhảy từ lầu hai xuống đất!"

"Tui đâu có nhảy mà vì con vợ tui nó đá đít tui đó chớ! Nghĩa đen và lẫn nghĩa bóng. Em yêu sau khi chơi cái độc cước xong... đã bỏ dông luôn rồi!"

 

Anh em bèn vỗ tay hoan nghinh chúc mừng Johnny được tự do!

"Sao tính cưới vợ nữa hông?"

"Còn ngán quá, để từ từ coi sao mới được. Chớ mấy anh biết mà: Thời tạo thiên lập địa, ông Trời tạo ra trái đất rồi nghỉ ngơi. Kế đó ông Trời tạo ra quý ông rồi lại nghỉ ngơi. Sau đó ông Trời tạo ra người phụ nữ. Kể từ đó cả ông Trời và quý ông anh mình không bao giờ được nghỉ ngơi một phút giây nào nữa cả!

Chính vì vậy mà: "Tại sao đàn ông luôn chết trước đàn bà? Tại vì quý ông anh mình muốn vậy!"

Kết luận: Không có vợ thì lỗ mà có vợ rồi thì lại quá xá... khổ!

Thằng Johnny nầy tưởng nó ngu vậy mà khi lấy vợ và bị vợ bỏ rồi... nó cũng thâm trầm thôi hết biết!

 

đoàn xuân thu

melbourne.

  

 

Lá Thư Úc Châu: Cày trên xứ Úc!

dxt_Cay_2.jpg 

Thưa hồi xưa vợ chồng con cái nhà tui đặt chân xuống phi trường quốc tế Tullamarine thuộc thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, nước Úc vào tháng Chín, đang độ mùa xuân hoa nở. Vui hết biết luôn!

Cũng như bà con người Việt mình mới tới, cả nhà tui, vợ chồng con cái đi làm hãng gạch. Gạch đây không phải gạch ngói gì đâu mà cứ hai tuần cứ gạch (tick) vào cái đơn xin trợ cấp của chánh phủ gọi là Social Security, tức An sinh Xã hội; bây giờ đổi tên lại là Centrelink.

An sinh Xã hội cấp tiền để mấy đứa thất nghiệp như tui có cái ăn; kẻo không vì đói quá mà đi cướp bóc (bần cùng sanh đạo tặc), làm rối cái xã hội bình yên của nước Úc.

So với Úc, tiền hỏng bao nhiêu; chỉ vừa đủ sống, (nếu biết tiện tặn theo kiểu vợ Việt Nam mình)! Trộm nghĩ chắc kiếp trước Úc mắc nợ mình đây; nên kiếp nầy nó è lưng ra mà trả. Sau ở lâu rồi nghĩ lại là không phải vậy.

Di dân như một cành cây trôi giạt tới đây, cắm rễ trên nước nầy thì bước đầu chánh phủ vun phân tưới nước bằng cách cho tiền. Sau nó bén rễ đâm chồi, nghĩa là có công ăn việc làm, cây ra trái thì chánh phủ bắt đầu hái trái... nghĩa là đánh thuế... Đời mà! Đâu có ai cho không ai cái gì đâu nè!

Dẫu vậy, may mắn đặt chân đến đất nước phúc địa nầy, xài tiền thuế của người ta trước; nên tui tu tỉnh không chơi bời lêu lỏng, la cà quán xá như hồi còn thất nghiệp ở Sài Gòn.

Em yêu mắc lãnh đồ về may; còn tui mắc đẩy thùng rác nè; cắt cỏ sân vườn nè và rửa chén với giặt đồ nữa! Muốn đi cày để kiếm tiền lắm mà không ai mướn!

***

Thưa! Sát vách nhà tui là thằng Tony có con vợ Việt Nam! Vì bị vợ chửi cũng suốt cả mười mấy năm, nên tiếng Việt của chú em rất sõi!

Gia đình Tony, gốc Ý, thuộc băng đảng Mafia ở đảo Sicily thất thế nên chạy tuốt qua đây để trốn...

Tony đi bán cá ngoài chợ Footscray; vì vậy mới quen được con vợ nó là người gốc ngã ba Cổ Cò, Mỹ Tho đó chớ.

Cưới vợ xong, vợ nó không cho đi bán cá nữa vì nó có cái tật ‘dê'! Thấy đàn bà, con gái Việt Nam mình đi chợ, là nó bao giờ cũng tặng thêm mấy cái đầu cá mập ú về nấu canh chua cho chồng nhậu.

Ông Chủ cứ rầy hoài: Bảo đầu cá vụt thùng rác! "Mầy cho, khách hàng không mua cá! Bán ế! Chết tao!"

Vậy mà nó cứng đầu, không nghe; nên ông Chủ bảo thôi mai khỏi vô làm nhe!

Nó cười hè hè: "Ờ! Vợ tui cũng nói y như ông Chủ vậy đó!"

Bị đuổi, coi như nghỉ xả hơi, cuối tuần là nó hú tui qua nhà nó nhậu. Tony càng uống mặt càng xanh, quả là tay mạnh rượu.

Nó tuyên bố một câu cũng ranh dờn là: "Một con lạc đà có thể làm việc suốt mười ngày mà không cần uống. Tui thì có thể uống suốt mười ngày mà không cần làm việc!"

Nhưng ngày vui qua mau. Chiều nọ đang kéo thùng rác ra trước cửa thì tui nghe tiếng loảng xoảng dĩa bay; rồi bóng Tony vọt ngay ra cửa, nước mắt đầm đìa! Tui mới biết là nó đang xỉn.

Dừng tay đẩy thùng rác, tui hỏi: "What's wrong, mate?" (Chuyện gì vậy, bồ?)

Nó thút thít trần tình là con vợ nó ra hạn chót hết tuần sau mà không kiếm được việc làm thì... biến.

Vậy mà chỉ mới thứ Ba, nó nhìn tui cười toe tét: "Ê bồ! Tui kiếm được việc làm rồi và rất bảo đảm; không bao giờ sợ mất. Vì không có người nào muốn làm nó hết ráo!"

Tui, vốn thất nghiệp kinh niên, phải cúi đầu mà khâm phục: "Ê giỏi thiệt nhe! Mà làm việc gì vậy?"

Nó hãnh diện vảnh cái mặt lên thấy ghét: "Ờ nghề thông ống cống!"

Ối, nghề nào lương thiện làm ra tiền để nuôi vợ nuôi con là tốt, là cao quý rồi. Đâu có nghề nào sang nghề nào hèn đâu?

(Chớ đừng như thằng bạn của tui là bác sĩ bên Việt Nam, qua đây phải học lại để định bằng mà suốt bao năm cứ rớt lên rớt xuống hoài.

Tui can: "Thôi ông ơi cái thời của mình đã qua, giờ tới thời của sắp nhỏ con ông! Chịu khó đi làm, cu li cũng được, để có tiền lo cho sắp nhỏ. Ông cứ đeo đuổi học hoài... rồi cứ rớt hoài... Chi vậy chớ?"

Thì anh bạn nầy hỏng chịu: "Tui khoái làm bác sĩ hè! Để tui có quyền kêu em cởi áo quần ra và gởi hóa đơn tính tiền cho chồng của em đó! Hi hi")

Thiệt cái thằng cha mơ mộng thấy mà ớn! Thôi ai mơ mộng thì mơ tui trở về thực tế!

Cuối tuần, chiều thứ Bảy, tui lui cui vác một thùng bia về, mời Tony qua điểm nhãn cho tui vài chiêu thức làm thế nào xin được việc.

Có việc làm, có tiền, là tui chắc em yêu của tui sẽ ấn tượng hơn về tui; sẽ vui như Tết cho coi.

Tony dạy tui rằng: "Trước hết là làm đơn xin việc có kèm theo cái CV."

"CV là cái giống gì?"

"À! CV là viết tắt tiếng Latin: Curriculum Vitae, nghĩa là lý lịch, bản tóm tắt về quá trình học tập và làm việc. Đây thiệt sự là cái quảng cáo cho bản thân mình. Mà đã là quảng cáo, đa phần là nói láo!

Cứ liệt kê hàng tá khả năng; rồi hy vọng là ông Chủ đừng bao giờ bắt mình phải thực hiện thế thôi!

Thứ Hai tuần tới, tui dắt bồ tèo vô. Đừng thắt cà ra oách gì hết ráo nhe! Áo quần công nhân, giầy bảo hộ lao động, tóc tai gọn gàng là đủ. Cu li mà!

Tui nghe lời răng rắc và cóm róm theo Tony vào hãng.

Ông Chủ, cũng người Ý, rất niềm nở nói: "Đừng coi tui là một ông Chủ. Hãy coi tui như một người bạn; nhưng là người bạn có quyền nắm đầu đuổi đứa nào cà chớn!"

Tui cũng trộm nghe Tony nói với ông Chủ là tiếng Anh của tui ‘poor' lắm, nghèo lắm! Nhưng tánh tình chân thật, siêng năng, giỏi giắn. Không ăn cắp giờ công, không ăn cắp vật tư, không đi trễ về sớm và nhiều cái không... không nữa. Vậy là ông Chủ cho tui vào học việc ở bộ phận đúc ống cống.

Làm được một tuần, ông Chủ vô kiểm tra sản phẩm rồi nói cho tui về sớm một bữa làm tui mừng hết biết.

Ông Chủ nói: "Mai hẵng làm. Bữa nay anh làm hư, làm trật như vậy... là đã đủ chỉ tiêu rồi!"

Tui được cho về sớm để con vợ tui ngạc nhiên chơi và hy vọng lúc về nhà em cũng không cho tui ngạc nhiên về lòng ‘chung thủy' của em.

Ai dè gặp cái bản mặt tui, em yêu hỏi: "Bộ bị đuổi nữa rồi hả?"

Tony còn chỉ cho tui vài cái bí quyết để giữ job: "Đừng có con nhà lính; tính nhà quan! Nắng không ưa mưa không chịu. Ghét nắng kỵ mù sương!"

Cũng đừng ráng hoàn thành công việc trước thời hạn mà chi. Bởi làm sớm không có cái vụ nghỉ sớm;trên đời nầy không có chủ nào mà cho cu li ở không; rảnh là phải làm thêm công việc khác nhưng hỏng có thêm tiền đâu mà mong!

Còn hôm nào mệt uể oải vì tối Chủ nhựt nhậu khuya quá; nhớ lúc có mặt đốc công, dù làm biếng thế mấy cũng giả bộ như mình đang bận rộn nhe bạn hiền.

Làm việc thì có đồng nghiệp. Người chơi được; kẻ không? Đứa nào chơi được thì chơi. Còn đứa nào cà chớn kiếm chuyện; bạn cứ méc tui, từ từ tui kiếm cách ‘đục' nó văng dùm bồ.

Tuyệt đối không đánh lộn; mà cãi lộn cũng không; cho dù bồ có bắt quả tang nó đang gặm miếng bánh mì ‘sandwich' của mình đem theo để ăn trưa.

Nên nhớ Chủ nghĩa Tư bản là thằng Chủ nó có quyền đuổi mình bất cứ lúc nào nó muốn. Mình không làm lợi cho nó nữa là đi chỗ khác chơi! Thiệt hại đến túi tiền là nó sẽ ‘sacked' mình. Cho mình cái bị gậy để đi ăn mày!

Đuổi thì có nhiều cách lắm. Hạ tầng công tác, giao việc nặng nhọc hơn, đổi đi phân xưởng ở xa, giờ làm tréo cẳng ngỗng!

Nó o ép tới chừng nào mình nản; tự ên mình xin nghỉ thì thôi!

Úc nầy có nghiệp đoàn, có luật Lao động đó; nhưng Trưởng phòng Nhân viên của hãng được đào tạo bài bản đàng hoàng; nó biết cách đá ‘đít' mình rất đúng luật.

Hãng Úc đâu có đàng hoàng tử tế như hãng Nhựt Bổn! Cho dù kinh tế suy trầm vẫn không muốn đuổi một ai, nhứt là những người gắn bó gần cả đời với công ty.

Úc nầy bắt chước theo Mỹ đó. Tính bắt công nhân ký hợp đồng riêng lẻ chớ không phải một bầy như xưa để dễ dàng ép công nhân tăng năng suất. Ai không nghe là cuốn nóp.

John Howard tính ra cái luật ‘Work Choice', nhưng cu li Úc hỏng chịu; phản ứng dữ dội đến nỗi ông Thủ Tướng nhà ta bay luôn chức dân biểu, năm 2007 đó, nhớ hông?

Chủ hãng bên Mỹ càng khó khăn; công nhân Mỹ bị đuổi việc phản ứng cũng rất kinh hoàng. Tiếng lóng của Mỹ là ‘going postal', nghĩa đen là đi gởi bưu thiếp, nhưng nghĩa thực sự là công nhân bị đuổi xách súng vô bắn đốc công, bắn quản đốc hay bắn luôn đồng nghiệp!

Mấy cái vụ bắn giết ghê rợn nầy đã xảy ra hà rầm trong ngành Bưu điện Mỹ đó.

Ối! Mất việc đâu có phải là Trời sập đâu? Bắn giết người ta mà chi?

Hỏng làm việc nầy thì mình lại tiếp tục về nhà, làm hãng gạch vậy thôi.

***

Thưa người phụ nữ Việt Nam đảm đang và dễ thương lắm nhe! Chồng lên voi hay xuống chó gì cũng một lòng một dạ cùng anh. Chờ ngày mai trời lại sáng.

Phụ nữ Tây Phương không có cái tánh kiên nhẫn đó đâu. Mất việc là hỏng có tiền. "No money là no honey!" (Không tiền là không anh yêu gì ráo). Là vợ bỏ.

Nên có việc ráng mà giữ nhe bạn! Tony dặn dò tui kỹ như vậy nhưng buồn thay người bị đuổi không phải là tui mà là ân nhân Tony của tui.

Chẳng qua, đi thông ống cống một thời gian, Tony được đề bạt làm Đốc công nên thường qua lại với Quản đốc và Giám đốc. Cứ tưởng là tình thân. Ai dè hỏng phải.

Có lần Tony chỏ mũi vô chuyện tư riêng của thằng Quản đốc như vầy:

"Tui thấy con nhỏ thư ký ngồi trên đùi của ông nhưng tui kín miệng lắm. Hỏng nói ai nghe đâu. Kể cả vợ ông! He he!"

Nói chơi mà ai dè tay nầy rét; sợ con vợ nó biết; bèn tiên hạ thủ vi cường! Vì con nhỏ thư ký nầy ai có chức chút đỉnh là nó đều ngồi trên đùi, để sau đó ngồi trên đầu! Em kinh doanh, thăng quan tiến chức bằng vốn tự có!)

Tay Giám đốc chắc cũng có chấm mút sơ sơ nên nhột, sợ văng miểng tới mình nên xuống thanh tra phân xưởng của đốc công Tony, hỏi một câu móc họng: "Ai là người ngu ở đây? Tôi hoặc anh?"

Tony biết mình bị đâm sau lưng chiến sĩ; nhưng máu anh hùng mã thượng Mafia, khẳng khái trả lời là: "Ai cũng biết là ông chủ không bao giờ mướn một thằng ngu mà!"

Vậy là ông Chủ bèn 'email' cho Tony thôi việc đừng vô làm nữa! Sợ mặt đối mặt Tony làm sảng.

Nhưng Tony cười hè hè: "Vợ tui, Việt Nam, chồng có sụp lỗ chân trâu là em kéo lên; chớ không nỡ lòng nào cho thêm một đạp. Tui không ngán thằng Chủ nào hết ráo mà chỉ ngán em yêu của tui thôi. Vì cho dù đổi bao nhiêu công việc đi chăng nữa tui luôn luôn có chỉ một người Chủ để tôn thờ. Đó là con vợ của tui."

"Tony! Tui xin chúc bạn hiền thượng lộ bình an nhe!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 tạp ghi                                                                                                

Hai tay bưng chén rượu đào!

 dxt_haitay.jpg

tranh Bảo Huân 

Thưa sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư- Lớp Sơ Ðẳng do Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư xuất bản cách đây trên nửa thế kỷ có tả người say rượu như sau:

"Các anh hãy trông người kia đi ngoài đường. Mặt đỏ gay, mắt lờ đờ, quần áo xốc xếch, chân đi xiêu bên nọ, vẹo bên kia, múa chân múa tay, mồm nói lảm nhảm. Lũ trẻ đi theo sau, reo cười chế nhạo. Thỉnh thoảng anh ta lại đứng lại, nói những chuyện gì ở đâu đâu. Người qua lại ai trông thấy cũng phải tránh xa.

Người ấy vừa ở hàng rượu ra. Chỉ tham mấy chén rượu mà thành ra say sưa, mất cả tư cách con người, có khi như con vật vậy, thật là đáng khinh bỉ.

Hỡi các anh, các anh đã trông thấy người say rượu như thế, thì nên lấy đó làm gương mà giữ mình."

Thưa bà con! Ông bà mình dạy thì quá trúng rồi! Ðừng có nhậu! Nhưng lỡ sanh vào một thời giày sô áo trận, sống nay chết mai nên đôi khi tui cũng có nhậu lai rai... cùng chiến hữu.

"Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi/ Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu/ Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?"

(Rượu Bồ đào, cất từ quả nho, rất ngon, chứa trong chén bằng ngọc Dạ quang, rất quý. Ðang muốn uống thì tiếng đàn tỳ bà đã giục, phải lên lưng ngựa để ra đi/ Say nằm giữa bãi cát, mong người đừng cười, đừng chê trách/ Từ xưa đến nay, người đi chinh chiến có mấy ai trở về!)

Mãi sau nầy qua tới đây làm cu li, cày suốt, tuần nghỉ hai ngày. Một ngày chở vợ đi chợ còn một ngày lén vợ đi bù khú cùng chiến hữu cho vui...

Còn dân Úc, sống đã lâu, tiền bạc phẻ re nên có đứa nhậu quên tên quên tuổi, quên cả đường về như vầy:

"Cảnh sát tuần tra chận y lại thổi rượu. Trình bằng lái xe. Giữa chừng phía bên kia đường có tai nạn xe cộ! Viên cảnh sát bỏ dở giữa chừng lo cấp cứu nạn nhân.

"Hơi sức đâu mà chờ chớ!" Sỉn quá, bèn lái xe về nhà ngủ.

Sáng Chủ Nhựt, mới vừa thức dậy, có hai thầy đội đến khỏ cửa, hỏi: "Tối qua ông bị cảnh sát chận lại thổi rượu phải không?" "Phải chính tôi!"

"Rồi ông lái xe về nhà phải không?" "Ðúng vậy!"

Ông cho chúng tôi xem chiếc xe được không?" "Ðược chớ!"

Ông Lưu Linh nầy mở cửa nhà chứa xe. Và kỳ diệu thay chiếc xe của cảnh sát tuần tra nằm chần vần trong đó!"

Rồi ở Việt Nam có ông anh nầy không xài nhầm xe của cảnh sát mà nhém chút nữa ổng xài nhầm ‘đồ' của người ta.

Ông bạn nhậu nầy sau một chầu bí tỉ bèn lết về nhà. Say quá mà nên leo đại lên giường quánh cho mầy một giấc mà không để ý: "Ủa bữa nay hình như em yêu hơi sổ sữa? Ối kệ nó mà! Rượu đưa con buồn ngủ lên bờ. Mùng ai có trống cho ‘qua' ngủ nhờ một đêm. Chuyện đâu có gì lớn hè?"

Sáng bửng, còn mơ màng giấc điệp bỗng nghe tiếng la bài hải, bị gọi giựt dậy. Chưa kịp đưa tay lên dụi mắt thì đã bị ăn một đạp, lăn xuống đất.

Con sư tử Hà Ðông tức con vợ nhà và bà con lối xóm chạy tới, bu xem.

Em ‘single mum' nói: "Tối qua, mệt nên em đi ngủ sớm, khi tỉnh giấc thì thấy thằng chả nằm ngáy kho kho trên giường. Quá hốt hoảng nên em hô hoán lên.

Chớ  ‘giả' say quắc cần câu rồi thì còn cần câu nào mà đi câu cá."

Vậy mà con Sư tử Hà Ðông nghe không lọt lỗ tai, kết tội ‘tui' là cái ruộng đó hoang hóa lâu ngày chẳng qua ông mượn rượu để làm nư. Có sẵn không xài mà đi mượn đỡ của ai đâu. Thiệt là nhục...

"Tui thì không thấy nhục gì hết ráo. Bụng làm dạ chịu tui không đổ thừa ai. Nhân vô thập toàn. Trong đời ai không (cố ý) một lần làm trật...!"

Thưa  mình nhậu mình chịu chớ đâu có nhậu đã rồi còn đi thưa tại thiên hạ là chuốc rượu cho tui xỉn.

Chẳng qua có một ông Mỹ ở Dallas, Texas nhậu suốt 8 tiếng đồng hồ, say hết biết, vác xe chạy về nhà, đụng vô dải phân cách trên xa lộ, bị thương nặng.

Ông đi thưa tiệm rượu, đòi bồi thường một triệu đô la! (Nếu thắng kiện là mình có tiền nhậu tới tới).

Thưa bà con! Rượu là một chuyện dài đi theo nhân loại hoài mà chưa có hồi kết trừ phi thiên hạ chết hết...

Thời con người còn hái lượm, còn ăn lông ở lỗ là đã có rượu rồi. Chẳng qua trái cây nào có chứa đường, ăn thừa mứa dư dả, để lâu men trong không khí rơi vào chuyển hóa đường thành rượu.

Rồi mấy con khỉ đột, đười ươi uống, vô cùng khoan khoái, nhảy nhót chí chóe tưng bừng nên tổ tiên mình mới bắt chước đó chớ.

Chính vì vậy mà ngày nay trông mấy chàng say múa may như là khỉ vậy vì bắt nguồn từ độ ấy đó đa.

Thái quá là bất cập. Rượu uống ít thì vui! Nhiều quá là ghiền, trở thành bệnh lý không phải do vi khuẩn gì ráo mà do chính người bịnh tự gây ra.

Ghiền là thèm rượu kinh khủng, phải uống vài ly cho đỡ nhớ. Nếu không  cảm thấy trong mình bực bội, khó chịu, ợ khan, đổ mồ hôi, cơ thể run rẩy, ngáp lên ngáp xuống như thầy bói lúc lên đồng.

Sáng ngồi kiểu nước lụt trên cái ghế đẩu, một tô xí quách và một xị đế.

Cầm cái ly hột mít quất nghe cái trót; húp miếng nước súp có rắc hành lá và bỏ tiêu là mồ hôi tươm ra, hai tay nó hết run hè!

Thưa bà con "Nam vô tửu như kỳ vô phong!"  Ðứa nào không nhậu bạn bè chê là ‘đồ gà mái'!

Người ta gọi á phiện, ma túy và rượu là ma men. Toàn là ma hết ráo.

Không uống thì bị mất ngủ, nếu chợp mắt được thì thấy toàn ác mộng, nhìn thấy toàn là hổ, báo, sư tử, quỷ dữ, quái vật, chuột cống, rắn độc, nhện độc, hay gián bò kín đất.

Quất vài ly tới một xị là mặt hồng hồng sáng trong trong tất cả các triệu chứng trên đều biến mất. Thiệt là thần dược: Sakê của Nhựt, Mao Ðài của Tàu hay Whiskey của Tô Cách Lan hoặc Tequila của Mexico, rượu đế của quê mình!

Năm dài chầy tháng thì gan ruột, đồ lòng tiêu tùng ráo trọi.

Ghiền rượu là một cách tự vận, chết từ từ nhưng chết chắc. Còn uống rượu như uống nước chanh đường phải ‘quậy'. Coi chừng chết bất đắc kỳ tử nhe tửu hữu!

Bởi quậy là đánh vợ hay là bị vợ đánh (thừa sống thiếu chết). Rồi con cái mình nó bắt chước thì... chết hết!

Chẳng qua người viết có anh bạn làm tài xế xe tải xuyên bang, xa nhà cả tuần, hay nửa tháng mới về.

"Một là những lúc ngà ngà. Hai là những lúc đi xa mới về!"

Anh về, chị làm món đồ nhậu cho anh sương sương, khui chai sâm banh ướp lạnh. Người cạn một ly rồi dìu nhau vào phòng tính đàn lại bản tình ca sau bao ngày xa vắng!.

Thằng cu, mới 4 tuổi, thấy Tía Má mình người ‘lỳ một lam' sao vui hết biết, bèn tự ý rót cho mình một ly. Cha đã nhe! Chua chua ngọt ngọt mà có sủi bọt như ‘Coca Cola!'.

Cạn ly, đi lảo đảo, đụng bàn ghế ngã rầm rầm. "Ối giời ơi! Ai cứu con tui? Sao thằng nhỏ sùi bọt mép, mắt trợn trắng trợn vọc nè Trời ?!"

Thưa bà con! Tui hằng trộm nghe rằng: 7 nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel Văn chương thì có 5 người ghiền rượu, một trong số đó ghiền nặng. Ở Trung Quốc, Lý Bạch! Ở Việt Nam thì Tản Ðà!

Nên tui thường tự hỏi rằng muốn viết văn cho hay làm thơ cho nổi tiếng như mấy ổng, điều kiện tiên quyết là phải ghiền rượu hay chăng?

Rồi cũng trộm nghe: Uống vừa phải, không gây tác hại. Vừa phải là một lon bia hay một ly vang, hoặc một ly rượu mạnh. Dưới 0.05 cảnh sát có thổi rượu vẫn cho đi là có tác dụng tích cực, ăn ngon hơn, hơi vui vẻ với má bầy trẻ.

Thưa lóng rày nghỉ cuối tuần là quý độc giả thương mến thương thường hú tui đi nhậu. Em yêu buồn bực lắm nên nói tui đi khám bác sĩ để tìm kiếm sự giúp đỡ bởi em nghĩ tui đã bị ghiền.

Em phán rằng: "Ghiền rượu có thể chữa được bằng thuốc, bằng tâm lý... Nhưng quan trọng nhứt là tùy thuộc ý chí của anh có thực tâm muốn xa lánh thần Lưu Linh hay không?"

Em lải nhải hoài nghe nhức cả lỗ tai nên tui phải đành chiều em đến bác sĩ gia đình để khám.

Mới gặp mặt tui, ổng mừng hết biết, nói: "Ông nhà báo chờ tui đóng cửa phòng mạch rồi hai đứa mình lại ‘pub' làm vài ly trước đã rồi mình nói chuyện sau nhe!"

Thiệt "Hai tay nâng chén rượu đào. Không uống thì tiếc uống vào thì say"

Lâu lâu được Bác sĩ mời đi nhậu, hãnh diện hổng hết, từ chối sao đành.

Ngà ngà say, tui lảo đảo về nhà thì nghe em yêu giảng ‘moral' vầy nè:

"Ðời tui ghét nhứt là hút thuốc và uống rượu, ghét của nào Trời trao của nấy. Tui sẽ thôi; không ở với anh nữa. Tui về ở với Má tui!"

Thưa bà con tui tính bỏ rượu rồi đó chớ. Nghe vậy, tui bèn lục ra một chai rượu quý, Johnnie Walker, Ông già chống gậy, nhãn xanh; bấy lâu nay giấu trong kẹt tủ ra nhậu, để mừng ngày được trả tự do.

Cheers! Mong em yêu đừng nửa chừng... đổi ý nhe!

Bảo Huân

đoàn xuân thu

melbourne.

 

  

  

 

Lá Thư Úc Châu: Trăm năm may rủi!

 

dxt_tramnammayrui.jpg

 

 

Thưa em yêu của người viết thường hay ‘lẩy' thơ: "Trăm năm may rủi một chồng. Dù ai thêu phượng vẽ rồng mặc ai".

Em yêu nói: "Thôi coi như cái phần số mình xui rủi đi!"

Đó là chuyện trong nhà với nhau; nhưng ở ngoài thiên hạ nhìn vô thấy vợ chồng tui vừa tổ chức tiệc kỷ niệm mừng sáu mươi năm ngày cưới, Lễ Kim Cương, ai nấy cũng đều trầm trồ ngưỡng mộ!

Nên quý bạn nhậu của tui khi dựng vợ gả chồng cho con đều dắt sắp nhỏ đến diện kiến tui, để nghe tui chỉ bảo những lời vàng ý ngọc; làm sao để đôi trẻ ăn đời ở kiếp với nhau!

Như Tây thường nói: đám cưới là đám "Tying the knot'! Là đám cột chặt, cột gút tình ta, sau những ngày sống thử, là ngày vui nhứt đời người để ăn mừng tình yêu của hai đứa chúng ta cùng Tía má, anh chị em của đôi bên bè và bạn.

Tiệc cưới là tính toán chi li đến từng chi tiết một, nhằm đem đến niềm vui cho hết ráo bà con tốn tiền đi ăn đám cưới.

Trước hết đám nào cũng có chụp hình và quay phim để sau nầy làm kỷ niệm.

Vợ chồng sống vui vẻ cùng nhau thì thỉnh thoảng đem hình ra xem, cười hí hí. Còn cơm không lành canh không ngọt thì đem hình ra mà cắt làm đôi, hỏng thèm má tựa vai kề gì ráo, trước khi đôi ngả đôi ta!

Căn nhà kêu thợ hồ đến xây vách để chia hai. Chiếc xe thì tự tay lấy cưa máy cắt ngang ra! Chồng lãnh hai cái bánh xe trước; vợ lãnh hai cái bánh sau. Xe hết chạy!

Chén bát, tô dĩa, chia hai; mỗi người một cái! Riêng đôi đũa chia hai; người một chiếc! Hết gắp luôn!

Con chó cũng tính chia hai! Con chó nghe vậy mếu máo! "Thôi chết con rồi, Tía má ơi!"

Lần đầu tiên đóng phim, làm minh tinh màn bạc thì trang phục của cô dâu hay chú rể phải ‘kẻng' mới được. Đâu thể nào áo vũ cơ hàn!

Chú rể thì áo vest, quần tây, giày vớ, cà ra oách! Nếu giàu thì móc túi của Tía Má ra mua! Nghèo thì đi mướn! Còn mạt thì đi mượn của bạn bè đã từng cưới vợ! Rồi cũng xong; ai biết?

Cô dâu, trang phục lỉnh kỉnh hơn nhiều! Em diện váy dài 3 thước, trắng muốt, viền đăng ten! Mang bao tay ra vẻ con nhà quý phái, chưa hề làm động đến cái móng tay để anh biết sau về đừng bắt em rửa chén nhé!

Mạng che mặt làm như em còn trong trắng lắm, mặt em chưa hề cho ai hun hít bao giờ; cho dù sự thực em đã từng nằm mấy lửa!

Nếu gia đình em thủ cựu, theo truyền thống thì áo cưới, kiểu xưa, em mặc ngày vu quy vốn là của Má mình ngày lấy Tía; hay của bà Ngoại mình ngày về với ông Ngoại.

Các phù dâu bây giờ cũng phải đi kiếm đồ của phù dâu năm cũ mượn mà mặc cho nó giống hệt hồi xưa! Đã bảo truyền thống gia đình mà!

Xưa Má hay bà Ngoại còn đói, ốm nhom, ốm nhách; giờ mấy em mập ú ù! Mặc khín quần áo là hai trái bưởi Biên Hòa cứ chực ló ra ngoài!

Rồi xe đi rước dâu, chở em yêu đến nhà thờ để: "Will you marry me?" và: "I do!"

(Tới giờ nầy mà còn bày đặt hỏi có chịu lấy anh không? Thiệt cái thằng cha ngu hết biết. Hỏng chịu, em tới đây làm chi hả?)

Xe cưới để rước cô dâu, mà tài xế kiêm chú rể khoái chơi đồ cổ kiểu xưa như Chevrolet có trang hoàng những băng rua màu trắng.

(Hồi mới qua tui cứ tưởng xe đưa đám ma không hè. Ai dè là xe đưa đám cưới. Vì với người Tàu hay người Việt màu trắng là trắng khăn tang là tiếc thương cái gì vừa mới mất!

Hay là trong thâm tâm chú rể Tây nầy cũng tiếc thương thuở độc thân, thuở tự do không cần đi thưa về trình ai hết ráo... giờ đà chết ngắc!?)

Có tân lang vốn coi phim cao bồi nhiều quá thì thay vì xe, chàng mướn một con ngựa! Đèo em phía sau. Nhớ ôm eo cho thật chặt kẻo té lòi bản họng!

Anh tập cỡi ngựa là vừa; kẻo sau về gặp em hơi bị ‘ngựa' thì mình biết cách mà ‘khớp khớp con ngựa ô' chớ!

(Thưa nghe nói trong nước bây giờ, mấy đại gia cưới vợ, gả chồng cho con khoái chơi nguyên một hàng xe xịn Ferrari, Lamborghini. Toàn là xe của Ý.

Đối lại, dân ngu khu đen rước dâu bằng xe đạp nếu là dân nghèo thành thị; còn nếu dân mạt ở nông thôn thì rước dâu bằng chiếc xe bò. Chỉ tốn công cắt cỏ cho bò ăn chớ không tốn tiền xăng gì hết ráo!

Còn cái vụ rước dâu bằng đò, bằng xuồng ba lá, nếu có chỉ để quay phim cho mấy chàng ca sĩ làm DVD bán nhạc; giờ ít ai dám vì cô dâu nôn quá, tim đập thình thịch làm chìm đò, chìm xuống bất tử.)

Còn nơi tổ chức đám cưới, bên mình hồi xưa thì chẻ lá dừa dựng rạp; đốn đủng đỉnh làm cổng tân hôn; còn bên nầy thì mướn mấy cái hall rộng mênh mông chỗ ngồi lên tới 5, 6 trăm người! Đông khách chừng nào mình thu hụi chết nhiều chừng ấy!

Nên có chuyện vầy. Tiệc cưới vừa xong, đôi ta dắt nhau vô phòng hoa chúc. Chàng nói với nàng: "Thôi ta bắt đầu đi!"

Em e thẹn: "Anh tắt đèn trước đã!"

Chàng cự lại: "Tắt đèn làm sao thấy đường mà đếm tiền trong bao thơ bà con bạn bè đi mừng đám cưới chớ!"

Thưa bà con bất cứ cái gì trên cõi đời ô trọc nầy đều phải có tiền mới được. Cưới vợ không là một ngoại lệ trừ trường họp bạn là chú Bảy Chà Và, Cà ri Ấn Độ! Bên đó cưới vợ là trúng mánh, có thêm tiền; vì phong tục gả con là bù của, của hồi môn!

Cha kiếp sau, khi đi đầu thai, chắc tui xin Diêm Vương cho tui làm Ấn Độ.

Chớ làm người Việt mình cưới vợ coi bộ ‘ưu tư' quá nhứt là chuyện tiền.

Một chú em muốn cưới vợ bèn hỏi: "Tía à! Lập gia đình tốn tổng cộng bao nhiêu?"

"Tía chưa kết sổ được con à! Vì Tía vẫn còn đang tiếp tục cày (như trâu) để trả!"

Thưa vì cưới vợ là nghèo ba năm, như ông bà mình thường nói. Nên tui khuyên mấy chú em mình cưới vợ nên cưới một lần thôi. Chớ đừng có bắt chước mấy thằng Tây, cứ ba năm cưới vợ một lần, là suốt cuộc đời sẽ mạt.

"Nè con! Hãy bắt chước y hệt như Tía. Khi đã cưới vợ về rồi, mỗi lần vợ chồng có thảo luận bất cứ chuyện gì từ nhỏ tới lớn như cách tiêu xài, cách dạy dỗ con cái, cách ăn ngủ, đi đứng của chính bản thân mình thì câu cuối cùng, con nên nhớ là: "Em yêu nói rất đúng!"

Một hôn nhân hạnh phúc chỉ nằm trong hai chữ cho và nhận. Chồng cho và vợ nhận!

Tía đã từng có kinh nghiệm đau thương rằng: "Có một cách chuyển tiền từ tài khoản nầy sang tài khoản kia nhanh hơn điện. Cái đó gọi là cuộc hôn nhân!"

Bảo đảm mấy chú em nghe lời tui chỉ giáo là không sống cùng nhau 5, 6 chục năm mà tình tới trăm năm nữa đó! (Nghe dài dằng dặc sao mà oải quá?!)

Nhưng nếu quý chú em hỏi ngặt rằng: Mình không bỏ em mà em muốn bỏ mình thì sao?

Tui xin truyền vài cái bí quyết như vầy nhe: Hai vợ chồng ở với nhau được tới 60 năm nuôi dưỡng 11 đứa con và 22 đứa cháu. Hỏi tại sao cuộc hôn nhân nầy dài lâu phá kỷ lục như thế. Thì người vợ cho biết rằng: "Hồi mới cưới nhau, vợ chồng tui có ra một điều kiện nếu ai mở miệng đòi thôi trước, bỏ ra đi là phải mang theo tất cả các đứa con; nên tui với ổng hỏng ai dám hết!"

Khi được hỏi ngoài ra còn có bí quyết nào để cuộc hôn nhân được dài lâu. Ôi dễ ợt hè! Dù đã cột gút với nhau rồi cũng đừng nên cột chặt quá, lỏng lỏng một chút... để cho chàng và nàng có tí không gian và không khí... mà thở dốc.

Tuần nào cũng đi nhẩy đầm tức là đi vũ trường khiêu vũ đó. Cứ ôm nhau xà nẹo là xong hết.

"Nhưng nhớ kỹ! Em đi tối thứ Ba; còn mình đi tối thứ Sáu!"

Thưa bà con đó là lời khuyên tui dành cho mấy chú em mình can đảm chấm dứt đường tình với ai kia mà đi lấy vợ.

Còn sau đây là lời khuyên của tui dành cho mấy em cũng can đảm chấm dứt đường tình với ai kia mà đi lấy chồng!

Em lấy chồng nhưng sợ sau nầy em già háp, phấn nhạt hương phai sẽ bị chồng em bỏ để chạy theo con bồ nhí, thì em nên lấy nhà khảo cổ! Vì em càng già nó càng trân quý.

Đừng đặt yêu cầu cao quá như em đầm nầy đây mà ế nhé!

"Thằng chồng trước của em lấy bụng ở đời vì uống bia nhiều quá. Nó giống như cái máy cắt cỏ! Rất khó khởi động. Mà em ráng khởi động cho cái bu gi của nó nẹt lửa rồi... thì nó chạy nửa chừng là nghỉ. Hỏi có tức hông?"

Thế nên em quyết không bao giờ lấy chồng nữa! Vì nhà em có nuôi một con két, một con chó và một con mèo. Thế là đủ rồi!

"Cả ba đều giống hệt chồng em! Con két thì chửi thề luôn miệng. Con chó thì tru lên mỗi sáng sớm. Còn con mèo, trời đã quá nửa đêm, mới vác cái bản mặt về nhà!"

Còn bây giờ nếu em muốn đi bước nữa người chồng thứ hai của em phải đáp ứng những tiêu chí quan trọng sau đây mới được:

"Ảnh phải biết hát hay như ‘Quang Lê', phải biết nói đùa cho thâm trầm ý nhị như ‘Hung Le', khiến em cười bò lăn bò càng mới đặng, phải biết nấu ăn tuyệt vời như ‘Luke Nguyen' và quan trọng nhứt là đêm đêm nào cũng phải ở nhà thủ thỉ cùng em không ngưng nghỉ!"

Nhân vật mà em thầm mơ như vậy không hề hiện hữu trên cõi đời ô trọc nầy đâu. Theo ý tui em nên đi lấy... cái ‘ti vi'!

Thưa quý chú em sắp đi lấy vợ tui không cản mà còn khuyến khích! Vì lấy vợ không bao giờ bị lỗ; mặc dù đôi khi cũng hơi bị khổ!

Vì triết gia Hy Lạp, thời Cổ đại, Socrates đã từng phán rằng: "Nếu bạn lấy nhầm con vợ ngoan, hiền, giỏi giắn... bạn là người hạnh phúc vì may mắn (táp phải ruồi).

Cầm bằng bạn lấy nhầm con vợ dữ như bà chằn... thì bạn sẽ trở thành một triết gia như tui vậy!"

Còn lời khuyên cuối cùng dành cho mấy chú em nào bị tình phụ:

"Nhận được thư em lúc nhá nhem/ Mừng mừng tủi tủi mở ra xem/

Trong thư em viết dăm ba chữ/ Anh hỡi ngày mai nó lấy em!"

Rồi: "Hôm nay ngày cưới em... Hân hoan tay em mang đến tôi cây đàn/ mà rằng để mừng xin hát cho một lần/ ngượng ngùng dạo đường tơ cũ tôi ca rằng: ngày xưa đưa em sang sông / ngày nay đưa em bước sang ngang..."

Dù cay đắng, cứ nhậu cho đã, dịp hỏng tốn tiền mà; bỏ qua rất uổng.

Chớ đừng vì thua cuộc, thù dai, chơi đểu, lên sân khấu, cầm ‘mi cà rô', chúc em bản: "Ngày mai đi nhận xác chồng" là chắc chắn sẽ bị ‘phù mỏ' đó nhe!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Lá Thư Úc Châu: Mỡ trước miệng Mèo!

 dxt_mo.jpg

 

 

Thưa! Sau 11 năm nước chảy qua cầu! Đã biết bao điều thay đổi huống hồ là tình bạn.

 

Năm 2005, Hillary Clinton đang làm Thượng Nghị Sĩ tiểu bang New York, là khách mời đặt biệt, VIP, tại đám cưới của Donald Trump và vợ là Melania.

Trump, trước đó, đã hiến tặng ít nhứt là 100 ngàn đô Mỹ vào Quỹ của nhà Clinton.

Khi được báo chí hỏi: Cho tiền nhiều vậy đổi lại được cái gì?

Trump cười hè hè nói: "Để Hillary bắt buộc phải đi đám cưới của tui!"

Hillary Clinton, chạm tự ái, phản bác lại là: "Tôi đi vì nghĩ đám cưới cũng vui vậy thôi! Chớ tôi và Trump chưa bao giờ là bạn bè gì hết ráo!

Tôi biết y vì cùng ở thành phố New York và tôi thì quen biết rất nhiều người"

 

Thưa ngày mùng 8 tháng Mười Một năm 2016, dân Mỹ sẽ đi bầu Tổng Thống.

Nếu không có gì bất ngờ xảy ra thì Hillary Clinton sẽ đại diện đảng Dân Chủ ra tranh với Donald Trump đại diện đảng Cộng Hòa.

Vậy là dân Mỹ sẽ có: Nữ Tổng Thống đầu tiên! Hoặc vị Tổng Thống cuối cùng.

Nữ Tổng Thống đầu tiên nếu Hillary Clinton đắc cử.

Còn nếu Donald Trump đắc cử thì không riêng gì nước Mỹ mà cả thế giới nầy coi như xong, coi như đi đoong... Vì chìa khóa kho bom hạch nhân sẽ lọt vào tay một ông tỉ phú, trùm địa ốc, mà đầu óc hình như cũng không được bình thường.

Sau những lời mật ngọt có cánh cho nhau; giờ lại thành cay đắng chỉ là vì miếng đỉnh chung thôi! Thưa bà con!

Ai cũng muốn làm Trùm Đế quốc Mỹ nên tình xưa nghĩa cũ thời còn ăn nhậu với nhau, chén thù chén tạc không còn nữa.

Trump dán cho Bill Clinton cái nhãn là một tay cực kỳ bức hiếp vợ nhà.

Đôi bên dùng hết lời lẽ chê bai, thóa mạ nhau đủ kiểu để mong giành phiếu.

 

Tám năm trước, khi Hillary ra tranh để được đảng Dân Chủ đề cử, Bill Clinton hết lòng ủng hộ 'em yêu' bằng khẩu hiệu: "Buy one! Get one free" "Mua một! Tặng một!" Bầu một Tổng Thống được tặng thêm một Cựu Tổng Thống!

Nhưng dân Mỹ hỏng khoái cái vụ tặng thêm ông ‘Cựu' tai tiếng này... nên Hillary rớt... đài.

Nhưng thời thế giờ đã khác! Cuộc thăm dò dư luận cho thấy Hillary Clinton rất có cơ may đắc cử! Thì vị Cựu Tổng Thống tài hoa và đào hoa năm cũ sẽ dọn vô Tòa Bạch Ốc trở lại, để được làm ‘Đệ Nhứt Phu Quân'... Nghĩa là: Người chồng số một của nước Mỹ...

 

Thưa có bà con mình! Em yêu của người viết đây, dù ở Úc, hỏng có ăn nhậu gì với bầu cử Tổng Thống Mỹ hết ráo; lại cực kỳ phản đối Bill Clinton là ‘Vua ăn vụng' mà làm Người chồng số một của nước Mỹ cái gì chớ?!

Em chỉ tội nghiệp cho Hillary thôi. Lỡ lấy nhằm ông chồng chuyên léng phéng hết con này tới con khác mà bả hỏng thác? Quả là một người phụ nữ đáng nể và đáng kể! Hillary làm Tổng Thống Mỹ là xứng đáng!

Em yêu nghiến răng trèo trẹo như thể là tui đang ăn vụng vậy. Em chơi cái chiêu giết gà dọa khỉ đây mà. Chửi chồng Mỹ để đe nẹt chồngViệt Nam! Đừng có bắt chước cái thói mèo mả gà đồng đó nha cha nội!

Xong, em còn đem chuyện xưa tích cũ ra mà hài tội Bill Clinton.

Xưa thời còn son trẻ, Bill và Hillary cả hai cùng học ở trường luật Yale.

Nàng giỏi, chàng thông minh nhưng tánh tình nghệ sĩ lè phè, với tài thổi kèn saxophone, nghèo, mỗi tuần trong túi chỉ vỏn vẹn có 25 đô la.

Mỗi tuần Bill chỉ xài 6 đô la. Để dành 14 đô la bao em Hillary đi ăn tối thứ Bảy.

Những ngày hàn vi nhưng tình đẹp như thơ đó đã qua mau.

Cưới nhau năm 1975, đường công danh hoạn lộ của Bill Clinton hanh thông như vác xe chạy nhong nhong trên xa lộ Mỹ!

Bill trở thành Thống Đốc Arkansas; rồi Tổng Thống thứ 42 của Hoa Kỳ.

 

Trên đỉnh cao quyền lực Bill đã làm biết bao em say nắng và Bill không từ chối một em nào. Mà cũng không em nào lại chối từ Bill!

Báo chí Mỹ phỏng vấn 2000 phụ nữ xem họ có muốn ‘tò tí' với Bill Clinton hay không?

94% mấy em trả lời là: "Không có lần thứ hai đâu!"

 

Rồi một đêm, Bill soi gương trước khi đi ngủ, phát hiện ra những vết mẩn đỏ khắp người:"Không thể nào cho Hillary thấy được."

Hôm sau, bác sĩ cho Bill thuốc uống, tuần sau tái khám. Xui xẻo thay, vết đỏ vẫn còn đó.

Bác sĩ bèn cho một loại kem thoa ngoài da, coi có hết hay không? Tuần sau tái khám. Lần nầy những vết đỏ, huyền diệu thay, biến mất.

Bill Clinton cám ơn rối rít: "Thưa bác sĩ! Loại thuốc nào hay đến thế?"

Bác sĩ trả lời: "À đó là loại kem để tẩy vết son môi của phụ nữ đó mà!"

 

Đó là vết son môi; còn vết bị quào làm sao mà giấu? Giấu không đặng là phải tìm được cái nguyên do hợp lý nào để thuyết phục con Sư tử Hà Đông ở nhà nghe cho lọt cái lỗ tai; kẻo nó gầm lên... là chết hết?

Khi Bill ngoại tình với Monica Lewensky, về nhà, Bill bỏ ra rất nhiều thời giờ, (một mình) để đùa giỡn với con chó Buddy.

Vì nhờ đó, Bill biết cách cắt nghĩa là tại vì sao mà Bill bị nhiều vết quào trên lưng của mình.

 

Bill Clinton cảm thấy rất an toàn khi ra thơ thẩn và vơ vẩn ở khu đèn đỏ Harlem, ngoại ô New York (vốn nổi tiếng về tội ác)! Chẳng qua đó là nơi duy nhứt, Hillary không dám tới để kiếm chồng mình vào ban đêm. Mặc sức mình du hí!

 

Chuyện rằng: Nhà Clinton đặt mua một con két. Người ta giao nó cho Tòa Bạch Ốc. Rủi thay con két nầy từng sống trong một kỷ viện.

Khi Hillary đi qua cửa, con két kêu quàng quạc: "Già quá! Già quá!"

Khi Monica Lewinsky đi qua cửa, con két kêu quàng quạc: "Trẻ quá! Trẻ quá!"

Khi ngài Tổng Thống bước qua cửa, con két nói: "Chào Bill!"

 

Dẫu Bill Clinton thủ kỹ như thế; nhưng cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra. Ăn vụng khó giấu lắm. Ra đường tiền hô hậu ủng rùm beng lên thiên hạ biết thêm phiền; nên làm gan ăn vụng ngay trước mũi con vợ nhà!

Bill Clinton đã biến Phòng Bầu Dục nơi Tổng Thống làm việc thành một kỷ viện!

(Theo lời tiết lộ của một nhân viên Mật Vụ cò con, lợi dụng mùa bầu cử Tổng Thống năm nay bằng cách ít xít ra nhiều, thêu dệt chuyện xưa về đời tư của vị Tổng Thống tài hoa và cũng hào hoa bậc nhứt lịch sử Hoa Kỳ, (qua mặt John. F. Kennedy một cái vù), phát hành sách để kiếm bạc cắc!)

Gary J. Byrne tiết lộ rằng Cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton đã có một quan hệ ngoài luồng với ít nhứt là 3 con gà móng đỏ lúc đang ở Tòa Bạch Ốc.

Có thể nói không ngoa là khi nói đến Bill Clinton người ta chỉ nhớ là vị Tổng Thống Mỹ sau Bush và cũng trước Bush. Sau là sau Bush cha (41) và trước là trước Bush con (43).

 

Nhưng nhắc tới Monica Lewinsky là ai cũng nhớ con gà móng đỏ nổi tiếng nhứt nước Mỹ. Cô nàng thực tập sinh, lúc ấy còn ngây thơ trong trắng, mới 22 tuổi, sinh ra trong một gia đình Đức gốc Do Thái, di cư qua El Salvador rồi mới tới Hoa Kỳ,

Nhưng em đã làm Bill Clinton nhém bị con vợ mình bóp cổ; may phước chỉ bị em yêu lấy cuốn sách phang túi bụi vào đầu; hỏng biết đường đâu mà đỡ.

Em cũng làm chàng phải bị đàn hặc vì cái tội nói dóc Quốc Hội Mỹ.

Câu nói nổi tiếng của Bill vào năm 1998, mà bà con mình chắc ai cũng nhớ, Nhứt là mấy ông anh mình phải thuộc lòng nhe! Để trường hợp có bị em yêu tra khảo là phải chối. Một cũng chối. Hai cũng chối. Không chối... chết ráng chịu!

" I did not have sexual relations with that woman, Miss Lewinsky. I never told anybody to lie, not a single time; never."

"Tôi không có quan hệ tình dục với người phụ nữ đó, Cô Lewinsky. Tôi chưa hề nói dóc với một ai, dù chỉ một lần; chưa bao giờ"

Nhưng sự thực trần truồng là: Tổng Thống đã cấp cho Ms Lewinsky quyền được vào Tòa Bạch Ốc vào đầu năm 1996 và ngay cả số điện thoại bí mật để em có thể gọi trực tiếp vào Phòng Bầu Dục.

Vào ngày 6 tháng Chạp năm 1997, Lewinsky rất giận dữ khi đến gặp Bill Clinton để ‘tâm sự loài chim biển', nhưng nhân viên mật vụ bắt phải ngồi chờ vì Tổng Thống đang ‘làm việc' với Ms Mondale chưa xong.

"Khi ảnh đã có cái nầy rồi thì ảnh còn muốn cái gì ở cô ấy chớ?" Lewinsky vỗ vỗ!

Sau bao năm mỏi mòn đợi chờ lời hứa của người xưa sẽ ly dị vợ để cưới em đã không trở thành sự thực, em cay đắng:

"Chắc chắc một điều rằng, ông chủ (Bạch ốc) đã lợi dụng em. Nhưng em khẳng định rằng đây là mối quan hệ đồng thuận!"

"Đã đến lúc đốt chiếc váy màu xanh dương, (kỷ vật của tình ta) và đoạn tuyệt với quá khứ!"

 

Thưa! Người mà em Lewinsky ghen lồng lộn lên là Eleanor Mondale, ái nữ của Cựu Phó Tổng thống Walter Mondale.

Eleanor Mondale đã qua đời năm 2011 vì ung thư não, hưởng dương 51 tuổi, từng nói với tờThe New York Post là: "Tôi và Ngài Tổng Thống chỉ là bạn... bè mà thôi!"

 

Còn em thứ ba là cô nhân viên tiếp tân Văn phòng Hành chánh bên Cánh Tây Tòa Bạch Ốc. Vì vết son môi còn thắm hỏng phải của Monica; mà cũng hỏng phải của Eleanor.

 

Đệ nhứt Phu nhân Hillary Clinton biết hết mấy cái chuyện ‘ruồi bu' nầy. Đành ngậm đắng nuốt cay! Bởi nói ra xấu thiếp hổ chàng; chớ có lợi gì đâu. Cho dù ớt nào mà ớt hỏng cay?!

(Trời ơi! Phải con vợ tui nó bắt chước bà Hillary là phẻ cho tui biết bao nhiêu!)

 

Thưa bà con! Cuộc tranh cử Tổng Thống Mỹ năm nay sẽ tới hồi quyết liệt. Tui chắc Donald Trump sẽ nhắc lại chuyện xưa tích cũ mà tấn công đối thủ chánh trị của mình.

Nhưng nếu Donald Trump trong cơn tuyệt vọng, không từ thủ đoạn đánh dưới thắt lưng nào, chơi cái chiêu ‘Monicagate' nầy, thì coi chừng phản tác dụng nhe!

Chuyện mèo mả gà đồng là chuyện đời tư của ngài Tổng Thống mà! Ai hỏng vậy?! Xưa giờ chớ có mới mẻ gì đâu.

 

Ngày xưa, hoàng đế tàu thì chánh hậu, thứ phi, tam cung lục viện, cả mấy ngàn em, nhiều vô thiên lủng. Đến nỗi phải ngồi xe dê tức dương xa đi giáp vòng đêm đêm, ban ơn bố đức mà còn không hết.

Đến nỗi có em được tấn cung, còn con gái mà lúc thải về quê (cấm không được đứa nào rớ vô hết ráo) vẫn còn là con gái đó thôi.

 

Rồi thời đại bây giờ, Tổng Thống Nga Vladimir Putin, Tổng Thống Pháp François Hollande, Thủ Tướng Anh Tony Blair... Và các đồng chí chưa bị lộ khác. Ai mà không hám gái? Mỡ trước miệng mèo mà!

 

Đời thiệt bất công! Kẻ ăn không hết; người lần không ra!

Tui cũng có chút ganh tị. Chút chút thôi! Vì trộm nghĩ, nếu tui được đẻ bọc điều, may mắn va vô ngã ba (cực kỳ) sung sướng như mấy ổng thì chắc tui cũng hỏng có ‘say no!'

Ăn vụng bao giờ cũng ngon hết ráo! Ai xầm xì kệ họ! Miễn không tới tai bà chằn ở nhà là phẻ re!

đoàn xuân thu

melbourne

 

 

Trễ!

dxt_tre.jpg 

 

Thưa! Văn hào William Shakespeare của nước Anh đã từng phán: "Nên tới sớm 3 tiếng đồng hồ hơn là đến trễ một phút!"

Vì ổng là nhà soạn kịch! Kéo màn, đèn tắt mà còn lục tục đi vô rạp, dẫm phải chân người khác, đau la oai oái! Giận là phải!

Tuy nhiên không phải ai cũng chịu khó lắng nghe lời khuyên chí lý nầy để không bao giờ đi trễ.

Tại sao vậy?! Thưa vì người đi trễ luôn vui vẻ hơn nhiều so với những người đang chờ đợi.

(Đời mà! Cái gì làm mình vui là được. Còn làm thiên hạ bực mình... thì cũng được...Vậy thôi!)

Mà nhân vật thích và cố ý làm người khác phải bực cả mình về cái thói cà chớn, chuyên đi trễ là Tổng Thống Nga, Vladimir Putin.

Nên có chuyện vầy: Sáng chuông reo tới giờ làm việc, Diêm Vương bệ vệ đăng đường, dỡ sổ khai tử ra, rồi hỏi: "Sao tới giờ nầy vẫn chưa thấy Vladimir Putin tới?"

Quỷ Sứ trả lời: "Ông Tổng Thống Nga nầy chuyên môn tới trễ xưa giờ lận! Tâu Bệ Hạ!"

Ngay cả đám ma của chính thằng chả, thần tin chắc là 'giả' vẫn tới trễ; trong khi thiên hạ đang nôn nóng chờ, để đem 'giả' đi chôn.

Nói có sách mách có chứng, Quỷ Sứ bèn đem hồ sơ đi trễ (dầy cui như cuốn từ điển Bách Khoa Toàn Thư) của Vladimir Putin trình lên để Diêm vương có chứng cớ mà thi hành kỷ luật; như bắt 'giả' phải ngồi bàn chông hay cưa hai nấu dầu; vì trên trần thế; Putin không hề ngán ai hết ráo.

Người vợ cũ của Putin là Lyudmila Putina đã từng tố cáo: "Em không bao giờ trễ hẹn nhưng Vladimir Vladimirovich luôn luôn trễ.

Một tiếng rưởi đồng hồ là thường. Em phải đứng quanh quẩn ở ga xe điện ngầm mùa Đông Moscow. Chờ 15 phút cũng được đi, kể cả nửa tiếng. Nhưng chờ suốt một tiếng là em khóc hu hu!"

Rồi phụ huynh của những trẻ con bị thiệt mạng trong vụ rớt máy bay cũng tố cáo là phải chờ suốt 2 tiếng đồng hồ tại nghĩa trang Bashkortostan năm 2002; vì Putin mãi bàn chuyện Syria với Ngoại Trưởng Mỹ, John Kerry, hơn kế hoạch dự trù tới 3 tiếng đồng hồ.

Năm 2003, Nữ Hoàng Anh tố: Putin bắt bà cụ ngồi chờ tới 14 phút; thiếu điều ngủ gục.

Năm 2012, Ngoại Trưởng Mỹ, John Kerry, cũng tố là: tui phải chờ tới 3 tiếng đồng hồ; phải thẩn thơ đi dạo ở Quảng trường đỏ Moscow trước khi được mời vào Điện Kremlin.

Ngóng cổ chờ hoài nên sau cái lần gặp đó cái cần cổ của quý lãnh đạo nầy ai nấy cũng dài thêm ít nhứt vài phân như cái cổ cò.

Diêm Vương giận quá vỗ bàn: "Thôi thôi đủ rồi!"

Nhưng Quỷ Sứ chắc cũng không thích gì Tổng Thống Nga, nên cố gắng bồi thêm cú chót.

"Tâu Bệ Hạ! Cái nầy mới quá quắc nè. Vladimir Putin còn dám để Đức Giáo Hoàng Francis chờ suốt cả tiếng đồng hồ tại Vatican thì y mới vác cái bản mặt của mình tới"

Putin trễ hẹn với ai khoảng nửa tiếng là... kính trọng người đó ghê lắm đó.

Putin là vậy nên Bệ Hạ đừng hòng mong là y sẽ thay đổi.

Diêm Vương bèn chất vấn Quỷ Sứ rằng: "Tại sao Vladimir Putin luôn luôn trễ hẹn?'

Thì Quỷ Sứ quỳ xuống tâu: "Putin đi trễ vì trong sâu thẳm, nghĩ mình đã thay thế ngôi vị của Sa Hoàng trong thời cực thịnh của đế chế Nga! Nhân vật quan trọng bao giờ cũng tới trễ hơn thiên hạ"

 "Đâu có được nè! Chỉ ta là Diêm Vương, là Vua cái địa ngục nầy! Còn Putin chẳng qua chỉ là một tay Trung tá tình báo KGB cò con, gặp thời, hên;  được Boris Yeltsin nâng đở, mới được làm Tổng Thống nước Nga. Giờ nghĩ mình là Sa Hoàng ngang đẳng cấp Vua như ta sao được?!"

"Trẫm nghĩ rằng: Putin chuyên môn đi trễ vì là dân KGB, dân tình báo. Tình báo kỵ nhứt là đúng giờ vì sợ kẻ thù, căng theo thời biểu, nó đang rình theo kế hoạch là mình hộc gạch!

Quỷ Sứ còn tâu thêm là: "Ngạc nhiên thay! Chưa thấy có nhà lãnh đạo nào hủy bỏ cuộc họp nào với Putin cả; mà vẫn kiên nhẩn chờ?!"

Diêm Vương gật gù: "Ờ thì ta cũng vậy thôi! Cũng đang chờ! Được rồi, khi gặp mặt hắn, ta sẽ tính chuyện phải quấy sau! Giờ bãi chầu! Ta đi ngủ! Chừng nào y tới, vô kêu ta dậy, ta sẽ cho hắn một bài học để biết thế nào là lễ độ, để bỏ cái tật đi trễ thâm căn cố đế nầy đi!"

Thưa bà con! Đúng vậy! Đi trễ rất có hại. Hại to nữa là khác! Chắc bà con có nghe, biết chuyện đi trễ mà mất vợ rồi chớ.

Chuyện rằng: Hùng Vương thứ 18 có con gái tên gọi Mỵ Nương, duyên dáng, xinh đẹp. Vua Hùng kén rể. Sơn Tinh, Thần núi Tản Viên, còn Thủy Tinh, Chúa Thủy Tề, thập bát ban võ nghệ, tài năng cân lượng 'sêm sêm'.

Chọn ai bây giờ? Vua Hùng đành tuyên bố: "Ai đem đầy đủ sính lễ tới trước sẽ là phò mã!"

Sơn Tinh tới trước. Thủy Tinh đến trễ đành mất vợ, đùng đùng nổi giận, bèn sai binh tôm tướng cá đi cướp Mỵ Nương về.

Thủy Tinh dâng nước ngập mênh mông. Còn Sơn Tinh ném đất đá xuống mép các vùng ngập nước, ngăn nước lại! Bây giờ mình gọi là đắp đê ngăn lũ.

Đi trễ thì mất vợ, rán chịu đi, chớ quạu quọ, lũ lụt mà chi cả mấy ngàn năm cho dân tình ta thán?!

Thưa cái vụ cưới vợ của tui thì lại khác.

Nôn lắm! Ngày rước dâu, tui đã thúc Tía Má đi sơm sớm cho kịp con nước.

Từ Cạnh Đền, Cà Mau phải đi vỏ lãi lên tới tận Giai Xuân, Bình Thủy, Cần Thơ rước dâu; mất tới gần 3 ngày độ đường sông.

Nhờ lo xa nên đến trước trăng treo thềm cổng vu quy sớm được nửa ngày trời. Nhưng ông Trưởng tộc bên đàng gái không cho làm lễ tơ hồng gì hết ráo; viện lẽ chưa tới giờ Hoàng đạo.

Cả đám đàng trai lủ khủ đứng xếp hàng, mâm xửng phủ nhiễu đỏ, mà chịu trận một cơn mưa nặng hột, làm quần áo chiến đi đám cưới ướt nhem như con chuột lột. Lạnh run mà giận cũng run. Tía tui nói: "Thôi dìa!"

Làm tui sợ mất vợ, năn nỉ thiếu điều gãy lưởi. "Tía à! Nhịn chút đi. Quân tử trả thù mười năm chưa muộn mà!"

Từ đó tui rắp tâm cho em yêu (và cả dòng họ nhà em) biết thế nào là nỗi lòng căm phẫn của người chờ đợi!

Về với nhau, như chim liền cánh như cây liền cành, tui thường nói với em rằng:

"Nửa tiếng nữa anh về" thì có nghĩa là hai tiếng nữa, tui mới về.

"Anh đang trên đường về" có nghĩa là tui đã quên đường về.

"Anh sẽ về tới trong vòng 5 phút nữa. Đừng có cái mửng cứ nửa tiếng lại gọi, coi anh đang ở đâu nhé!"

Em ngây thơ đâu biết rằng chồng em, tức là tui, đang rắp tâm trả mối hận lòng năm cũ.

Một lần hiếm hoi duy nhứt trong đời, tui lại về đúng giờ; thì em ngạc nhiên nói: Em có cảm tưởng là anh muốn về thình lình để bắt quả tang em đang làm gì phải không?

Thì tui cự lại: "Em muốn cái gì? Anh về đúng giờ cũng la mà về trễ cũng la là làm sao?"

Rồi nghe em yêu ca cẩm với bạn em trên điện thoại là: " Chị biết hông? Rút kinh nghiệm, người sao mười hẹn chín thường đơn sai? Em tính giờ dây thun của ảnh, là có trừ hao, nếu nói 15 phút nữa về thì em cứ nhởn nhơ không làm đồ ăn gì hết; vì biết chắc ảnh 2 tiếng đồng hồ nữa mới về!" 

Hôm cuối tuần, em muốn hai vợ chồng ra ngoài ăn để kỷ niệm 40 năm tình lận đận, em cẩn thận dặn trước: "Chiều mai 6 giờ mình đi ăn nha anh, nhớ đúng giờ dùm một cái được hông?"Ảnh gục gặc cái đầu rồi nói: "OK Salem!"

Em chờ hơn một tiếng rưởi đồng hồ, gần 8 giờ, trời mùa đông Melbourne sập tối hù. Mà bóng người vẫn khuất mấy ngàn dâu xanh!
Đói run, lạnh run và giận cũng run luôn, em bèn quyết định thay đồ ngủ, ngồi xem ti vi.

Thì ảnh hiện hình ra! "Trời ơi! Anh về trễ có hai tiếng vậy mà em cũng chưa có sửa soạn gì hết ráo vậy hả?" "Hỏi có tức chết đi không ?"

Thưa bà con! Cái thói đi trễ với vợ để trả mối thù xưa, năm dài chày tháng nó ngấm vào máu trở thành một thói quen (xấu) khó bỏ.

Bởi có câu rằng: "Không ăn đậu không phải Mễ, không đi trễ không phải là Việt Nam".

Tui đi trễ hoài hè nhứt là lúc đi ăn đám cưới! Vì đám cưới của mình mà mình, (như Thủy Tinh), đi trễ mất vợ thì rán chịu. Nhưng đám cưới của người ta, vợ của người ta, mình có đi trễ thì đâu có mệnh hệ gì phải không?

Đi ăn đám cưới, là đi đóng tiền hụi chết, thì việc gì phải gấp chớ?!

Gia chủ ít có cằn nhằn vì ngày vui họ cữ, sợ xui! Còn gia chủ không nói năng gì mà bạn bè ngồi chung bàn cằn nhằn dùm; thì tui cứ cười hè hè cầu tài!

"Tới trễ hả? Tui cứ nghĩ đám cưới nầy sẽ kéo dài tới nửa đêm mà!"

Hoặc chống chế rằng:  "Tui tới đúng giờ tại những người khác đến sớm đó thôi! Phần tui đã nói rồi, nếu tui chưa đến thì cứ tiến hành không có tui cũng được mà. Tui đâu phải là chú rể đâu! Hi hi!"

Lè phè là bản tánh của tui. Bởi đi đâu mà vội mà vàng. Mà vấp phải đá mà quàng phải dây. Té cho lọi họng thì đừng có trách!

Thưa bà con! Dẫu vậy có những thứ, tui không bao giờ đi trễ.

Nhứt là đi ăn đám giỗ. Ăn đám giỗ khác với ăn đám cưới; vì mình ăn miễn phí không có đi hồng bao gì ráo; nên tui khoái đi ăn đám giỗ hơn ăn đám cưới gấp ngàn lần.

Phần ông bà mình có dạy một câu rất là chí lý: "Ăn cỗ đi trước! Lội nước đi sau!"

Ăn cỗ đi trước là đồ ăn còn thơm phức chưa ai đụng đũa vào; đi trễ, đi sau coi chừng phải ăn 'xà bần'...

Còn lội nước mình đi sau là đề phòng đứa đi trước có sụp lỗ chân trâu thì mình biết mà né chớ. Phần đi ăn giỗ không bao giờ đi trễ nếu không muốn rửa chén.

Nhì là được mời nhậu, không bao giờ nên đi trễ! Vì khi chiến hữu đã ngà ngà, nói thánh nói tướng, nói sùi bọt mép, tay chém gió lung tung phèn, mà mình mới ló mặt vô, còn tỉnh như sáo, nghe mấy 'giả' nói chuyện trên trời dưới đất, nổ bốp Trời thiên, nổ mát trời ông Địa; mình nghe không lọt cái lỗ tai thì dễ sinh ra cự cãi mất vui.

Thưa bà con! Tóm lại chuyện sớm trễ đối với tui là tùy theo tình hình cụ thể hè!

Đời mà cứ răng rắc chạy theo cái đồng hồ công nghiệp... thiệt thấy căng thẳng lắm.

Vốn trẻ trâu, đồng hồ của tui là đồng hồ nông nghiệp, là mặt trời với mặt trăng, là tiếng gà gáy ó ò o.

Giờ khắc của tui là áng chừng; là khoảng đó. Chớ không giờ phút, giây chính xác như cái đồng hồ thạch anh của phi thuyền NASA mà chi chớ?

Tuy nhiên "Tui trễ là OK! Nhưng khi em (con bồ nhí ngoài luồng của tui) trễ ! Là tui ngã lăn ra chết giấc!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

  

 

Phần số!

dxt_Jun27.jpg 

 Tranh Bảo Huân

Thưa, người viết quen anh bạn văn cũng đã khá lâu, nhưng lòng tui vẫn thường ganh tị; vì ảnh có phần số thực lộc chi thê, sướng ơi là sướng...!

Ảnh hay khoe: "Giày dép, quần áo đều có số! Con người cũng vậy! Giàu hay nghèo đều do phần số. Ðang giàu chơi cờ bạc trở thành nghèo. Ðang nghèo, cũng chơi cờ bạc, mua vé số hú họa cho đỡ buồn; bỗng trúng vài chục triệu đô trở thành giàu.

Trời có mắt; nên chắc ngày nào đó ổng sẽ để mắt đến tui!

 

Sau 75, dẫu thiên hạ khổ muốn chết, tui cũng phè cánh nhạn như xưa vì miền Tây Lục tỉnh của tụi mình không làm cũng có ăn. Nhưng lần nầy là: ăn chực...

 

Lúc VC vô, trường đóng cửa hết ráo.Tháng lương cuối cùng chưa kịp lãnh là đã bị chúng giựt mất rồi.

Ði hỏi, thì tụi nó bảo kiếm Tổng thống Thiệu mà đòi. Nhưng tui chắc ông Tổng Thống nhà mình hổng có ‘chôm' tháng lương cuối cùng của tui đâu. Vì hổng có bao nhiêu; và bên đó người ta xài đô Mỹ không hà...

Chỉ có mấy đứa mới vô nầy nó chôm của tui thôi! Ðừng nói dóc đổ thừa người khác nhe! (Như cái vụ 16 tấn vàng đó!)

Nhưng nó có súng nên tui đành phải im re. Bị giựt tiền mà tui hổng dám kêu ai.

 

Giờ thì làm sao sống? Vậy mà tui vẫn sống nhăn răng ra đó chớ...

Bởi như đã nói ở trên con người ai cũng có số mà...Trời không bao giờ hại người ngay...(đơ cán cuốc); nhứt là người hiền như tui.

Ðói rồi cà lơ phất phơ ở chợ quận đi tới đi lui hoài vì trường học biết bao giờ mới mở lại. Mà mở lại biết mấy thằng VC nầy nó có cho tui đi dạy trở lại hay không? Hỏi hổng thằng nào biết hết.

Nhưng có một người biết đó là Tùa Hia (tức anh Hai), tui hay gọi, vì ổng là người Tiều, là Huyện đề cho cái chợ Quận nầy. Nghề làm cái nầy bao giờ cũng ăn nên giàu cất được cái nhà lầu cao 4 tầng, cao nhất ở chợ quận đìu hiu hút gió nầy.

 

Ôi nhớ xưa cứ mỗi chiều Thứ Bảy, khoảng 3 giờ là ổng đèo tui từ Kế Sách chạy ra Sóc Trăng trên chiếc Honda SS 67, để nộp ‘phơi' tức là sổ ghi số tiền của người đánh đề cho ‘Tỉnh Ðề', là mấy xì thẩu ở đường giữa tức đường Hai Bà Trưng.

Trong khi chờ giờ xổ số để biết kết quả, thì hai anh em, mặc dù ổng lớn hơn tui tới 20 tuổi, xề vô mấy cái nhà hàng Tàu muốn ăn cái gì thì ăn mà.

Thiệt ăn ké mà cũng như đế vương vậy đó.

Nhưng cái ngày huy hoàng đó chấm dứt đột ngột khi VC vô!

Ðầu tiên, tụi nó coi cái nhà nào ngon nhứt để bày mưu lập kế sung công, không phải cho công quỹ gì ráo mà cho vợ con dòng họ nó ở. Mới đầu thì mượn cái phòng khách của Tùa Hia để đặt cái bàn làm tạm văn phòng Kinh tế Tài chánh cho thị trấn; rồi từ từ sẽ lấn hết cái nhà!.

 

Năm 78, phong trào vượt biên bán chánh thức, đóng vàng cho Công an, rồi đóng tàu vượt biên lên hết biết.

Tùa Hia gọi tui vô phòng thì thào: "Mấy xì thẩu ngoài Sóc Trăng tính vọt hết rồi. Ngộ không đi! Phần đã già; phần đi nó sẽ lấy cái nhà của ngộ! Thôi thầy giáo! Nị dắt con Huệ Trân, con gái của ngộ, cũng là học trò của nị, đi đi...

Nếu qua được bên đó, chăm sóc nó dùm ngộ...Con gái ở quê, khờ lắm sợ hổng lại người ta...Nếu có phần số tơ hồng se chỉ với nhau thì nị cưới nó cũng được; dù con gái ngộ không nhan sắc lắm... sợ nị chê!"

Trời ơi! Buồn ngủ gặp chiếu manh! Nên tui gật đầu cái rụp: Bề (tức là Ba, tiếng Tiều) đừng có lo để ‘con' lo. (Ổng đồng ý gả con gái của ổng cho mình rồi mà cứ Tùa Hia hoài coi sao phải hè?!)

 

Thuở đó, con gái vượt biên ít, con trai nhiều; dù em không được đẹp lắm nếu cho điểm khoảng 4/10 nhưng cũng có cả đống thằng đeo đuổi.

Bậy nà công tui dắt em qua đây mà để thằng khác a thần phù nhảy vô ăn cơm hớt sao được!

 

Thưa cái phần số là vậy đó! Nước chảy tới đâu thì lục bình mình trôi tới đó. Nhưng phần số sướng là sướng!

Ngoài mớ chữ Việt lận lưng; tiếng Anh, tiếng U hay lao động chân tay đều không biết! Thầy cũng dở... mà thợ cũng không xong; nên khó kiếm việc làm.

Một lần, tui theo bạn bè đi nhổ cỏ, làm vườn, tỉa hoa lá cành cho nhà người ta. Làm được một tuần, da đen thui, người quắt lại, đôi mắt đẹp buồn thiu xa vắng như khói đốt đồng quê cũ giờ hấp háy như bóng đèn ‘néon' quá hạn sử dụng.

Em nhìn xót tui quá, không cho đi làm nữa. Em sẽ tính đi bán phở để hai vợ chồng có cơm mà ăn.

Nhưng em yêu là Xẩm lai; cùng lắm là biết nấu mì, hủ tiếu hay bò vò viên, còn món phở của người Bắc làm sao em biết? Em nói cái gì không biết là khó. Biết rồi thì dễ. Không biết thì mình học. Nghề dạy nghề mà. Tin em đi!

 

Hỡi ơi vợ mình mình hổng tin hổng lẽ đi tin vợ thằng hàng xóm hay sao?

Nói là làm. Em đi chợ mua về: đuôi bò, xương ống bò, bắp bò, thịt bò phi lê, bánh phở tươi, hành tây, hành lá... hầm bà lằng đủ cả!

Ðể nấu được món phở ngon trước hết nước dùng sao cho ngọt thanh, trong và thơm. Chần bánh phở qua nước sôi rồi cho vào tô, cho thịt bò phi lê lên bề mặt, chan ngập nước dùng, thêm ít rau hành thái nhuyễn là xong.

Rau quế, ngò gai, giá, tương đen, cà, tương ớt, tiêu, tỏi ngâm giấm...chanh!

Phở đựng trong tô bằng sứ; đừng xài tô thủy tinh hay tô nhựa. Chọn tô vừa, tô nhỏ quá, mau nguội, to quá như tô xe lửa nhìn phát ngán.

Khi ăn thì dùng đũa tre, bánh phở khi gắp sẽ không bị tuột.

 

Rồi em thực tập cả tháng Trời. Bắt tui ăn trừ cơm. Nghe tới phở là tui muốn ná thở...

Nhưng phần số tui là phần số sướng, thực lộc chi thê mà. Vợ cho ăn gì mình ăn cái nấy chớ không bao giờ nhị tâm như những ông anh mình khác mà đi ăn vụng món khác!

Xong em mời mấy á xẩm, bạn ‘ní' của em đến ăn! Thử coi ý kiến ra sao để thêm cái nầy, bớt cái kia...

Mới đầu thì chỉ một tô phở, ai ăn cũng bỏ mứa. Rồi chỉ tuần sau, dọn ra tô nào là bạn em quất láng chít. Ðược một tháng, hết một tô, xong còn thiếm xực thêm tô nữa ăn cho nó đã. Còn ‘take away' xách đem về cho sắp nhỏ!

Em reo lên mừng rỡ, sau khi hôn đánh cái chụt vào cái gò má của tui. "Vợ chồng mình đã thành công vẻ vang trên bước đường nấu phở!"

 

Em hốt hụi, kêu tui đi mua một chiếc xe van cũ, có nồi niêu soong chảo đàng hoàng để Thứ Bảy hai vợ chồng chạy ra chợ Trời mà bán phở.

Cũng đắt; sống phẻ. Nhưng em lại thấy tui thức khuya dậy sớm nên đau lòng em quá. Thương chồng ai nỡ để chồng cực thân. Nên em quyết định là từ rày mình sẽ bán phở ‘take away' ở nhà. Bán chợ Trời đắt thiệt nhưng tuần chỉ có ngày Thứ Bảy. Bán ở nhà, tuần 7 ngày, ngày nào cũng bán cho thiên hạ làm biếng nấu ăn chạy tới mua đem về.

Nhà mình cũng tiện đường và chỗ đậu xe cũng dễ dàng; mình bán rẻ hơn tiệm là mình sống được hè. Anh đừng có lo cho hao mòn vóc ngọc nhe anh.

Từ đó y như em tính; tui phẻ re chỉ có việc trực điện thoại để nhận ‘ó đờ' (order).

Phần nấu, rất cực công, em giành lấy về em! Nấu xong em cho phở vào trong 2 hộp, một hộp nước lèo, một hộp bánh phở, thịt, rau ... để khách mang về nhà, trút vào tô, hâm nóng rồi ăn! Gọn hơ!

"Hay là mình khuếch trương công việc mần ăn, phở giao tận nhà như giao bánh ‘pizza' của Ý đi em."

Em bác ngay ý kiến của tui. Anh đi giao phở lỡ gặp thằng khốn nạn nào đó, nó ló dao ra hù dọa để ăn quỵt... Lỡ có bề gì em sống với ai?

 

Nghe mà đứt ruột. Em muốn sống cùng tui, hủ hỉ cùng tui trong buổi chiều bóng xế mà có được đâu. Cho đến khi em bất ngờ bị đột quỵ; rồi chìm vào hôn mê sâu...

Có lẽ vì em ngày nào cũng phải nêm nếm nồi nước súp phở có nhiều mỡ, mà mức cholesterol của em lại quá cao?!

Ngồi cạnh giường bịnh, tui lặng lẽ vuốt vuốt bàn tay nhỏ nhắn, chai sạn vì xắt thịt bò và trụng bánh phở của em yêu, mà rưng rưng nước mắt.

Một tuần sau, bác sĩ gặp tui và nói ‘'sorry''!

Có lẽ đó là lần đầu tiên tui thấy phần số của đời mình là khổ. Tui khóc!

"Ừa, thôi em an tâm đi trước. Vài bữa nữa, anh cũng sẽ đi gặp lại em!"

 

Từ đó tui không hề ăn Phở nữa. Vì nó nhắc tui tới một kỷ niệm buồn đau!

Hôm nay là ngày giỗ của em, tui mới tự tay nấu phở cho anh ăn đó anh.

Phở tui nấu, so với em thua xa lơ xa lắc!

"Mà nè! Lâu quá không nấu phở, nên tui chắc hơi lỡ tay, bỏ muối làm nước súp hơi mặn phải không anh?"

Tui trả lời: "Tô phở của tui nước súp vừa ăn lắm. Nhưng tô phở của anh mặn là phải!"

 

"Vì ai cũng biết trong nước mắt là có chứa rất nhiều chất muối..."

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

 

Tui ghé về tuổi thơ!

 

 

dxt_tuoitho.jpg

Bảo Huân

 

Thưa hai anh bạn nhậu của người viết hay nói: "Uống rượu mình ngủ rất ngon. Mê gái mình ngủ hãy còn chiêm bao!"

Ôi hạnh phúc thay cho những người còn (xí quách) để mê gái. Và còn gái để mê! Tui thì xong rồi. Cái thời đó quá vãng cũng khá là lâu!

Bây giờ mỗi đêm, già hơi khó ngủ, tui quất cái trót ba ly rượu đỏ, là tui ghé về tuổi thơ, nghĩa là tui đi ngủ!

"Câu đò đưa thầm gọi/ Tui ghé về tuổi thơ/ Người xưa đâu xa vắng/ Ai đưa tui qua đò?"

Ôi nhớ xưa, thời đi học, bữa nào hỏng có ai đưa đò là tui trốn học để lạng quạng đường quê! Để: "Ngô mướt dài bãi quê/ Gió chiều chiều dịu mát/ Ðàn trâu chậm ngoài đê/ Vẫn đi về lối cũ!"

Chiều xuống, là đi về lối cũ, về nhà mà không thấy lương tâm cắn rứt gì ráo. Ôi trốn học bữa nay mai mình lại đi học mà! Học suốt đời chớ đâu có học một ngày một buổi đâu thì việc gì phải vội chớ?

Tại hỏng có ai đưa đò, hỏng lẽ tui lội qua sông, ướt quần rồi làm sao vô lớp?

Sau nầy, lớn lên vào Đại học, có lần cắc cớ, tui hỏi Thầy tui rằng: "Thưa Thầy! Hồi xưa Thầy có từng trốn học hay không?"

Thầy thành thật: "Có chớ! Nhưng hỏng có nhiều! Tui có thằng bạn thân trốn học, rủ trốn theo, hai đứa cho vui; nhưng sợ Má tui buồn, nên tui hỏng chịu! Giờ thấy tiếc thời thơ dại!"

"Tiếc gì ạ?" "Tiếc nhiều lắm: Tiếc không biết bắn chim bằng giàn ná! Tiếc không biết ôm bập dừa tập lội. Còn bạn tui cái gì cũng biết hết! Thiệt là đáng khâm phục!"

Thưa: "Vậy giờ bạn của Thầy làm nghề gì ạ?" "Ờ! Nó chăn trâu!"

Thưa người Việt mình là dân tộc hiếu học! Chắc có lẽ tại sợ lớn lên con mình nhỏ không học, lớn sẽ đi chăn trâu chăng?

Rồi qua đây thấy mấy thằng bạn Úc cũng có cái tư tưởng lớn giống như Thầy tui vậy! "Cần cái gì học cái nấy! Không cần không học! Đời ngắn lắm mà!"

Có để ý chữ 'Studying' (học vấn) là do hai chữ 'Study' (học) và 'dying' (chết) ghép lại hay không? Bỏ thời giờ đi học cái mình không cần thì mình đã giết chết một phần của đời mình đó! Uổng lắm!

Nên bạn Úc tui quen đều làm 'cu li' hết ráo! Mà không phải Úc không đâu; Mỹ cũng vậy.

Mới đây thôi, em Rosabella Dahu, 7 tuổi, đang theo học tại Sheldon Elementary School ở Houston, đã rời trường về nhà sau khi tự thay quyền cha mẹ mình mà viết giấy xin nhà trường cho mình về sớm.

Cô bé học trò mới lớp 2 này vì không ăn 'pizza' buổi trưa nên bị đói bụng.

Khi chuông tan trường vừa reo vang, Rosabella bỏ ngang giờ học thêm đúng ra phải tới 6 giờ chiều lận.

Làm sao về sớm bây giờ? Rosabella bèn viết một tấm giấy, giả danh cha mẹ mình:

"Hôm nay tôi muốn bé Rosabella về nhà theo chuyến xe buýt số 131."  (Chuyến xe buýt đưa các học sinh không phải ở lại để học thêm như Rosabella mỗi ngày).

Lúc đầu quý thầy, cô cũng nghi! Vì bức thư xin phép nầy sai chính tả tùm lum, tà la. Nhưng rốt cuộc, quý thầy coi đây là thư do cha mẹ em viết (vì mới lớp 2 làm sao nó nghĩ ra được cái diệu kế nầy chớ?) nên cho em về.

Nhưng Tía em, Charlie Dahu, thì trách là Thầy cô không chịu xem xét chữ viết trên tờ giấy đó mà cứ cho phép con mình về sớm.

Bị Tía em cật vấn! Thì thầy cô biện minh là: "Thời buổi này, phụ huynh học sinh viết một lá thư trật bấy bá như vầy cũng không phải là ít!"Thôi cho tụi tui chịu lỗi đi nhe!"

Nhưng ông Charlie Dahu hỏng hài lòng, lặng lẽ cho con mình chuyển trường đi nơi khác.

Thưa không phải chỉ có học trò là làm biếng học không đâu.

Nên có chuyện vầy: "Victor dậy đi! Ra khỏi giường mau! Kẻo con lại tới trường trễ nữa đó"

"Không! Má đừng buộc con! Tất cả thầy, cô giáo đều ghét con ra mặt! Học trò đứa nào cũng ghét con hết ráo. Con không dậy đâu!"

"Nè phải dậy ngay đi chớ! Dẫu sao con cũng đã 34 tuổi đầu rồi và làm Hiệu trưởng nữa. Đi trễ hoài đâu có được nè!"

He he! Thầy Hiệu trưởng đôi khi cũng làm biếng tới trường nữa đó thấy hông? (Nếu trường không có gì vui!)

Thưa bà con mình xưa ai đi học đều biết từ trốn học và cúp cua (coupe cours)!

Trốn học khác cúp cua nha! Trốn học là trốn nguyên buổi học. Cúp cua là trốn một hay hai giờ thôi.

"Nắng mưa là chuyện của Trời/ Cúp cua là chuyện của đời học sinh/

Cúp cua đừng cúp một mình/ Rủ thêm em nữa hai mình cho vui!"

Nhớ xưa học chung lớp với em yêu. Cũng nhá đèn chút đỉnh. Em chịu tui... vì tui học giỏi (?) (Phải vậy hông? Hi hi!). Tui chịu em... vì em đẹp (?) (Phải vậy hông? He he!).

Một hôm tui rủ em cúp cua giờ Sử Địa vì tối hôm qua mắc nắn nót viết thơ tình cho một em khác nữa nên tui hỏng có học bài. Sợ cô giáo kêu trả bài bất tử thì quê mặt với đám nữ sinh lắm nhe!

Thế nên giờ ra chơi tui rù quến em cúp cua, ra Vườn hoa Lạc Hồng cạnh bờ sông Mỹ Tho hóng gió.

Em ỏn ẻn:"Tưởng ra để làm gì? Ai dè cúp cua ra bờ sông chỉ để hóng gió! Thôi tui hỏng đi đâu!"

Sau nầy cưới em về, rồi con đàn cháu đống, có lần em cười hi hi, nhắc: "Hồi đó! Ông khờ bỏ mẹ!"

"Phải rồi! Tại tui khờ mới có hai đứa! Nếu tui không khờ, chắc giờ đã hai chục đứa rồi! Cho bà chạy gạo vắt giò lên cần cổ! Ha ha!"

Thưa hỏng phải mình em yêu của tui dám cúp cua để đi nhong nhong với anh yêu đâu. Mà mấy em khác cũng vậy.

Một nữ độc giả của tui hồi xưa từng làm cô giáo kể rằng: "Con gái tới tuổi dậy thì là ngứa ngáy toàn thân, bắt ngồi hoài trong lớp thì làm sao chịu cho nổi.

Thế nên có em mới học lớp Đệ Tứ thôi (tức lớp Chín bây giờ) ôm bụng mếu máu xin cô giáo cho về! Thông cảm phận nữ nhi với nhau, cô giáo gật đầu.

Ai dè hết giờ dạy, tui về thì thấy em ngồi sau 'bọt ba ga' ôm eo ếch thằng bạn trai cùng lớp, miệng cười toe toét. Vui hết biết luôn!

Thế nên lần sau em cũng ôm bụng mếu máo xin về, tui gọi xe cứu thương chở em thẳng vô phòng cấp cứu luôn. Bởi dù nghi em làm người nhái, lặn để đi chơi với bồ nhưng lỡ lần nầy em đau thiệt thì sao? Ai dè từ đó em không còn đau bụng nữa!"

Thưa cái vụ cúp cua nầy thường là bịnh của mấy đứa học dở ẹc như tui vậy. Tánh tui cái gì dở là tui chịu dở, buông xuôi luôn hè! Trong tự điển của đời tui không có chữ phấn đấu. Nhưng thằng bạn học của tui thì có.

Hồi Tiểu học hai đứa thường trốn học, đi bắn cu li hay đuổi bướm cạnh bờ ao. Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã mếu. Sau nó thức tỉnh, hỏng lẽ đời ta mãi thế nầy nên quyết chí tu tỉnh bằng cách xin đi học thêm. Vì con học dở ẹc hè! Vậy mà Tía Má nó cũng hỏng tin. Nó bèn mượn cái bảng điểm của tui về để chứng minh cho ba má nó thấy.

Nhờ vậy, sau nầy nó làm Tiến sĩ Hàng không, chuyên vẽ đường bay cho phi thuyền Appolo bay vào cõi hư vô!

Thưa bịnh là phải chữa. Cúp cua, trốn học là bịnh của thời học sinh. Chắc chắn rồi! Nhưng tại sao? Dà! Có nhiều nguyên nhân lắm!

Có đứa sợ bị cô kêu lên trả bài mà không thuộc thì mất mặt bầu cua cá cọp với đám con gái học chung một lớp.

Cúp cua rồi đi về nhà? Dễ gì. Về sớm là ăn chổi chà nên mấy em cà rà đi coi thiên hạ đá gà.

Cho tới khi thi đâu rớt đó; Tía Má biết được sự thực phũ phàng... là đã quá muộn màng!

Tía tui đã từng năn nỉ tui rằng: "Rừng Nhu, Biển Thánh không ham! Nhỏ mà không học lớn làm cu li!"

Dẫu vậy không phải đứa học trò nào từng cúp cua, trốn học hay ngay cả bỏ học cũng đều làm cu li hết ráo như tui đâu, thưa bà con.

Có trò có cái đầu bự hơn cả cái trường học nên buộc phải theo học nhà trường nầy đối với họ là cả một cực hình.

Như ông Thomas Alva Edison chẳng hạn. Hồi nhỏ, Edison ốm yếu, gầy gò, đầu óc lơ tơ mơ nhưng hay tò mò, hỏi nhiều câu hóc búa, trật bản họng, làm thầy giáo bí rị; hỏng biết đường đâu mà trả lời!

Thầy quạu, xếp Edison hạng bét lớp, tức đội sổ, còn ghi vào học bạ: 

 "Trò này dốt, lười, hư và hơi tửng tửng! Tốt nhất nên cho trò ấy đi chăn bò! Vì trò ấy có học nữa thì sau này cũng không làm nên trò trống gì... "

Từ đó, Edison không đến trường nữa mà ở nhà tự học với mẹ! Và có thể vì lời phê phũ phàng đó làm Edison tự ái, nên dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vừa đi bán báo kiếm tiền giúp Mẹ; vừa mày mò nghiên cứu những chuyện khác thiên hạ, (khi chỉ mới vừa 12 tuổi), Edison đã cống hiến cho nước Mỹ một thiên tài có một không hai!

Edison đã phát minh ra bóng đèn điện để thắp sáng toàn thế giới. Rồi nào là máy hát, máy ghi âm, máy quay phim, hệ thống điện báo, ngay cả tàu điện...

Bổ đồng cứ 11 ngày là ông có một phát minh. Tổng cộng 1907 cái được cấp bằng sáng chế!

Không học ở trường nhưng ông tự học. Đọc mỗi ngày 3 cuốn sách. Tổng cộng tới 10 ngàn cuốn. Một con số đáng kể và đáng nể.

Chính vì vậy, Edison là người đứng đầu trong danh sách 12 vĩ nhân của nước Mỹ thế kỷ 20. Xưa đội sổ nay sổ đội ông lên!

Ngoài Edison ra còn nhiều người khác cũng bỏ học giữa chừng như vậy vì cái đầu quá lớn như tỉ phú Bill Gates của Microsoft; tỉ phú Mark Zuckerberg của Facebook!

Thế nên bà con mình không thể kết luận võ đoán là mấy ông nầy cúp cua, trốn học rồi bỏ học nghĩa là họ bước chân ra khỏi cổng trường vôi trắng là lắng nhắng chơi không đâu. Chẳng qua cách học của họ khác hơn cách của thiên hạ. Học cái họ say mê; học ngay cả ở trường đời! (Trường học có giới hạn mà trường đời ôi thôi nó mênh mông!)

Thưa bà con! Người viết đã từng làm Tía của hai thằng 'cu'. Con mình chắc hỏng phải là thiên tài rồi nên lúc nào tui cũng phải chạy theo năn nỉ tụi nó:

"Học đi con! Học đi! Để nữa vợ con hỏng dám khi dễ con như Má con đối với Tía. Tía chỉ cần hai đứa học hết cái lớp 12 cũng đặng. Vậy là giỏi hơn Tía cả một trời một vực rồi; vì như tụi con đã biết: xưa Tía chỉ học hết cái lớp Đệ Tứ, tức lớp Chín ngày nay, rồi bỏ ngang việc học vì mắc bận yêu đương nhăng nhít với Má con.

Tía ân hận lắm! Nên bằng bất cứ giá nào, hai đứa bây không bao giờ cúp cua, không bao giờ trốn học, không bao giờ bỏ học ngang xương như Tía khi xưa.

Rán hết sức bình sinh để rinh được cái Tú tài 2. Rồi mang cái bằng cấp đó về cho Tía treo trên giàn bếp cho Má tụi con biết rằng dòng dõi gia đình mình, (theo cái 'gene' di truyền của Tía cho hai đứa)... toàn là dân khoa bảng ?!

Kẻo Má tụi bây lại phán rằng: "Làm biếng học, chuyên cúp cua, di truyền từ Tía tới con!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

 

 

  

 

Anh hùng rơm!

 

Thưa người viết có anh bạn khá thân. Chơi bời, ăn nhậu với ảnh cũng khá lâu nhưng lòng ngưỡng mộ cái tánh anh hùng của ảnh chỉ tăng lên chớ không bao giờ giảm bớt.

Trước ngực, ảnh có xăm câu lục bát, "Trên trời muôn vạn vì sao. Dưới đất chỉ có mình tao anh hùng!"

Anh thường tuyên bố trên bàn nhậu là: ‘Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục!'

Tuy nhiên, cũng có thằng bạn nhậu thẳng tánh, không khâm phục mà nói ảnh xạo ke; sợ vợ thấy thương luôn. "Tui rành thằng chả sáu câu vọng cổ mà!"

Cách đây chừng hai năm, ảnh bị thất nghiệp, vì hãng nó dọn qua Trung Quốc.

Ảnh thường hay đi nhậu giải sầu tình đời thế thái với mấy đứa tụi tui, vốn cùng  cảnh ngộ.

Bữa đó, ảnh xỉn quá; tụi tui phải đưa ảnh về nhà. Bước xuống xe, em yêu của ảnh thấy đã thất nghiệp còn ăn chơi đổ đốn như vậy, bèn nắm đầu, lên gối, tát tai ảnh túi bụi.

Ảnh kêu thấy thương. "Bu ơi! Bỏ anh ra! Anh xin bu nó mà!"

Nghe vậy, tụi tui cũng chạm tự ái của bọn đàn ông (cùng chung số phận thất nghiệp, đâu ai muốn) mà lại bị em yêu đối xử quá phũ phàng nên khích tướng câu anh hay nổ trong bàn nhậu: "Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục!"

Như bừng tỉnh, ảnh xô mạnh em yêu ngã sóng soài trên mặt đất rồi hùng dũng: "Người ta đã sợ... thì để cho người ta sợ chớ!"

Ai dè nhờ câu ‘thiệu' ngẫu nhiên đó, ảnh làm được một cuộc đảo chánh ngoạn mục, cướp được chánh quyền về tay mình một cách ngon ơ!

Tuần rồi bà xã ảnh mời tụi tui tới nhậu chơi! Quá đã! Ai dè bữa tiệc đó, ảnh bị chỉ đem ra đấu tố tơi bời.

Mới cầm chai beer lên tính tu một hơi; nghe ‘chỉ' nói thiếu điều tui mắc nghẹn!

"Chồng em là ‘hê rồ'! Là anh hùng nhưng là anh hùng rơm, em cho mồi lửa hết cơn anh hùng"

"Mấy anh nghĩ coi: ảnh kiếm được việc làm lại mới mấy tháng nay thôi; chớ cả năm trước chỉ ở nhà rửa chén, nấu cơm, giặt đồ hoặc cho thằng cu bú bình và thay tã thôi; giờ ỷ mình làm ra tiền, là bắt đầu lớn lối, đòi làm cha!

Hằng ngày, em cũng đi làm từ sáng sớm, trưa mới về, sở làm thì xa. Bao giờ cũng thế, trên đường về, em ghé vào một tiệm nào đó, khi thì ổ bánh mì, khi thì vỉ nem nướng, khi thì tô bún bò Huế, mang vội vào sở cho ảnh ăn để ảnh có sức mà cày... (như trâu).

Em chỉ mua một phần, hà tiện hà tặn mà (mình về nhà ăn mì gói cho đỡ tốn); Xong xuôi hộc tốc chạy đến chỗ chồng làm, đưa cho chồng. Mệt mà vui khi nghĩ chồng mình sẽ ăn ngon.

Vậy mà hộp đồ ăn, ảnh nỡ lòng nào đem cho con gà móng đỏ làm chung sở nghe nói chồng đã bỏ về Việt Nam vui duyên mới.

Em tức điên lên, vừa khóc vừa kể lể, thì ảnh phán cho một câu xanh dờn: "Em nhỏ mọn quá, người ta không có ai lo anh mới đưa, sao em nỡ lòng nào ở ác như vậy chớ !!".

Mà đó chỉ là chuyện nhỏ của mấy hộp đồ ăn. Chuyện nầy mới hộc máu mồm ra chớ.

Chẳng qua nhà tới 4 phòng. Bỏ không thì uổng nên em cho một em nhà quê từ Việt Nam mới qua ‘se' để kiếm thêm chút đỉnh tiền chợ.

Ai dè em nhà quê nầy nó khôn trật bàn đạp, ỏn ẻn sao đó, sai cái gì ảnh cũng làm hết ráo, hổng có cái vụ từ nan!

Chỉ cách đi xe bus, xe tram, xe lửa! Ngồi thừ lừ một đống cho nó tập lái xe. Còn ở không gắn internet wifi, rồi download cái viber gì đó cho em nói chuyện với thằng kép, còn bỏ lại Việt Nam, cho đỡ nhớ. (Trong khi máy tính của em virus nó nhảy vô hà rầm mà ảnh hổng có ‘ke'!)

Hoa có chủ rồi. Dù nó có ỏn ẻn thì mình đâu có xơ múi được gì! Vậy mà cứ ngây thơ làm thân trâu ngựa cho nó cỡi! Nó cỡi, còn cười, còn nói mình ngu, dại gái. Thấy gái là cứ tươm tướp lên hà!

"Người ta từ Việt Nam mới sang, người ta không biết English, người ta không biết trả bill, người ta chân yếu tay mềm, người ta cần thì... anh làm phước... Vậy thôi!"

Em bèn không cho ảnh làm phước nữa. Kêu em ỏn ẻn dọn đi cho khuất mắt bà!

Về nhà thấy vắng, ảnh hỏi?  "Em ỏn ẻn của anh đã tìm được người làm phước hơn anh nữa, dắt em đi hồi chiều rồi!"

Vậy là mặt ảnh cứ dàu dàu như tương tư chiều. Bỏ cơm đúng ba bữa, chỉ uống bia!

Hỏi sao buồn vậy thì ảnh nói: "Cô ấy cho anh cơ hội làm bóng tùng quân cho cô ấy che mưa, đụt nắng! Cô ấy đã cho anh cơ hội trở lại làm một anh hùng trong cái nhà nầy!" 

Phải rồi 100 người đàn ông thì hết 99.99 ưa làm anh hùng... rơm!

Nhìn quanh, biết bao nhiêu ông bị gái dụ! Cứ thấy gái liếc mắt đưa tình, ỏn a, ỏn ẻn là biểu gì cũng làm. Kêu nhảy vô lửa, dám cũng nhảy luôn mà không sợ phỏng...?!

Bọn đàn ông các anh gần như... quáng gà hết trơn hết trọi! Chồng em, chắc thằng chả bị thiếu vitamin A. Nhưng người ta quáng gà, chiều sập tối mới hổng thấy đường; còn ảnh, sáng trưa chiều tối gì cũng quáng gà. Quáng gà triền miên luôn, nhứt là gặp mấy con gà móng đỏ!

Xin lỗi mấy anh nghen: "Ngu" quá! Tính tỉ lệ thì đàn ông dại gái số phần trăm hơn gấp bội số đàn bà dại trai. 

Ông nào xách ‘đít' về VN cũng thừa biết là sẽ bị con gái nó dụ! Nhưng họ bảo nghe lời nói gió đưa ngọt ngào, từ chối không có đặng. Có phải "ngu" không?

Hồi xưa ảnh bị vợ bỏ, em mới vớt về nâng khăn sửa túi, đánh bóng đời anh lại! Ai dè cái tật dê, khoái làm anh hùng rơm cũng không bỏ hè!

Vợ cũ ảnh đi kéo máy thua! Lâu lâu hỏi xin 50 hay 100 đô; (ảnh giấu em đó chớ) móc túi đưa liền!

Có lần em bắt gặp, cằn nhằn: "Ngu chừa chỗ cho người ta ngu với chớ!"

Thì ảnh cười hè hè, phán rằng: "Dẫu không còn tình cũng còn nghĩa. Dẫu xây chín bậc phù đồ. Hổng bằng làm phước cứu cho một người. Nhứt lại là người xưa nữa!" Nghe xong em, thiếu điều, tức đến ói máu vậy đó."

 

Nghe vậy, sợ chị nhà ói máu thiệt nên tui làm tài khôn, nhào vô can gián, dạy đời!

"Ối chị ơi! Tui cũng là đàn ông nên tui hiểu tâm lý đàn ông.

Tụi tui yêu ai là xài hết ngũ quan lận. Mắt nhìn, thị giác. Tay sờ, xúc giác. Lưỡi nếm, vị giác. Mũi ngửi là khứu giác. Ðã nhứt là tai nghe lời ngon ngọt là thính giác.

Ảnh còn sống với chị, chưa cuốn nóp, bỏ ra đi là vì ảnh xài hết cái ngũ quan với chị đó đa.

Còn với mấy em gà móng đỏ hay em ỏn ẻn như chị vừa đấu tố, chẳng qua ảnh chỉ xài có thị giác và thính giác mà thôi.

Thị giác là nhìn em đẹp, xuất sắc trong vai tì nữ. Còn thính giác là nghe lời êm đềm như mật ngọt rót vào tai. Chớ lời vợ nói, nó cay như ớt và chua như giấm nghe sao đặng?

Ðàn ông mà ai không khoái em đẹp; khoái lời ca tụng, để vuốt ve lòng tự ái! (Vì nghĩ dưới mắt em, mình luôn luôn là một anh hùng.)

Khoái thôi! Chớ từ khoái đến yêu còn cả ngàn cây số lận! Chị đừng có lo sợ chi cho hao mòn cái dáng ‘ú nu' nhe!

Tuy nhiên phòng thủ trước cho chắc ăn, kẻo mất! Hãy chăm sóc anh ấy!

Ðừng ác khẩu, nói lời phang ngang bửa củi nữa! Ðãi bôi thêm một chút có chết thằng Tây nào đâu, mới mong giữ được lửa ấm của tình ta, tức hạnh phúc của gia đình.

Dù ảnh có ngu như con bò tót thì cũng nên hót là anh khôn trật bàn đạp để ảnh vui.

Còn cái lời khuyên nầy, quan trọng nhứt nè! "Ðể giữ tình ta là thằng chả có cái gì thì chị nhớ xài cho hết nhe! Ðừng có bỏ cho rêu mọc tùm lum trong hoang phế!"

Vì có chuyện như vầy: Một em bất chợt về nhà, thấy một em lạ hoắc lạ huơ từ phòng ngủ của chồng mình tồng ngồng, long nhong, tông luôn ra cửa.

"Cái quái quỷ gì đã xảy ra ở đây?"

"Chẳng qua khi em không có ở nhà thì cô ấy gõ cửa xin cái gì ăn cho đỡ đói!

Úc nầy đây mà còn có người bị đói?! Thiệt là tội nghiệp!

Anh nhớ nồi bún riêu cua, anh bỏ công nấu cho em ăn, mà em chê dở ẹc không thèm đụng đũa tới. Nên anh lui cui múc cho cô ấy một tô đầy vun!"

"Ăn hết bún, rau muống chẻ; đến chút nước súp cù cặn đáy tô cũng không bỏ phí, húp nghe rồn rột!"

"Anh là đàn ông, con trai, sao biết nấu ăn? Giỏi quá! Xưa giờ em mới thấy! Thiệt là một ‘hế rô'! (hero)"

"Anh lại thấy quần áo cô ấy đang mặc sờn cũ quá; mà tủ áo em quần áo biết bao nhiêu bộ, chất đầy, mà em chẳng thèm mặc tới một lần. Nên anh đem cho cô ấy."

"Tắm rửa xong, xịt vô nách vài giọt nước hoa Chanel số 5, (anh mua tặng em kỷ niệm ngày cưới của đôi ta năm rồi), mà em chê mùi hăng hắc nên hổng chịu xài, rồi mặc bộ quần áo anh cho. Cô ấy lột xác, từ một con bé lọ lem thành minh tinh màn bạc Củng Lợi!"

"Cô ấy rất lấy làm cảm động về tấm lòng nhân từ và độ lượng của anh, xao xuyến hỏi: "Anh còn cái gì mà chị ấy bấy lâu không xài, không rớ tới thì anh cứ cho em!"

"Thế là chuyện quái quỷ đã xảy ra như vậy đó! He he."

Nhớ nhe! Chồng mình bao giờ cũng là một anh hùng.

Ðó là câu kinh nhựt tụng dành cho những người vợ thông minh!

dxt_anhhungrom.jpg 

Bảo Huân

đoàn xuânthu.

melbourne

  

 

Lá thư Úc Châu: Đồ Con Rùa!

 dxt_doconrua.jpg

 

Cuba, (nghĩa là vùng đất màu mỡ), là một quần đảo thuộc Biển Caribbean, hình dáng như một con cá sấu, nằm trên đường đi của các cơn bão thường xảy ra nhất trong khoảng từ tháng Chín tới tháng Mười hằng năm.

 

Cuba rộng 110.860 km², dân số hơn 11 triệu người, thủ đô là Havana. Kinh tế chủ yếu là dựa vào nông nghiệp. Những đồn điền trồng mía, sản xuất đường và bọt đường làm ra rượu Rum để nhậu chơi! Ngoài xì gà nổi tiếng toàn thế giới. Cuba còn trồng chanh, lúa gạo, khoai tây, khoai mì, trái cây vùng nhiệt đới, nhứt là những đồn điền trồng chuối!

 

Diện tích khá lớn, dân số ít, đất đai mầu mỡ nhưng dân lại khó thở, sống nghèo mạt bởi Fidel Castro. Có lần với bộ râu rậm, Fidel Castro đi kinh lý đồn điền trồng chuối rồi ăn chuối! Tài diễn xuất đóng phim của Fidel Castro được chiếu trên đài truyền hình nhà nước mà dân Cuba cứ tưởng mình đang coi phim ‘sex'!

 

Fidel Castro sanh ngày 13 tháng Tám, năm 1926, tại một đồn điền trồng mía Đông Nam Cuba.

 

Năm 1940, Castro có viết thơ xin Tổng thống Mỹ lúc đó Flanklin D. Roosevelt một tờ 10 đô. Nhưng không có ai rảnh mà cho. Chắc vì vậy mà Fidel Castro oán Chú Sam và thù bất cộng đái thiên chủ nghĩa tư bản hay chăng?

 

Castro tố cáo đã bị Cơ quan Tình báo Mỹ, CIA ám sát hơn 9 lần nhưng hỏng có chết.

 

Sau khi Vua Hussein xứ Jordan ngoẻo năm 1999, Fidel Castro trở thành tên đầu sỏ nhà nước bám chặt vào cái ghế của mình lâu nhất trên thế giới!

 

Làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba từ năm 1959 tới 1976. Rồi leo lên làm Chủ tịch nước từ năm 1976 tới 2008 thì bịnh quá đành tạm thời bước xuống giao lại cho em là Raul Castro, ít già hơn... có 6 tuổi!

 

Năm 2006, tạp chí Forbes tiết lộ tài sản của Castro khoảng 900 triệu đô Mỹ, hơn gấp đôi so với Nữ hoàng Anh Elizabeth.

 

Tại sao nước Cuba mạt mà Fidel Castro lại giàu dữ vậy?

 

Thì Juan Reinaldo Sanchez, cận vệ thân tín của Fidel Castro suốt 17 năm, 10 lần vượt biển đều thất bại, cuối cùng đến được Mexico, sau vượt biên giới vào Texas năm 2008, đã tiết lộ trong cuốn sách tựa là The Double Life of Fidel Castro (Cuộc đời hai mặt của Fidel Castro)

 

Chuyện rằng: một tên ‘Cuba kiều', buôn lậu ma túy, đang sống ở Mỹ, là đối tác làm ăn với chánh phủ Cuba.

 

Tên nầy muốn đi nghỉ mát cùng cha mẹ ở Santa María del Mar, một bãi biển cách Havana về phia Đông khoảng 12 dặm nơi có đầy rùa biển và cát trắng mịn như phau.

 

‘Cuba kiều' đồng ý chi trả 75 ngàn đô cho chuyến ‘vacation' (nghỉ phẻ) nầy. Fidel gật đầu OK.

 

Nhưng làm thế nào để ba má của tay ‘Cuba kiều' nầy giữ bí mật, không ba hoa chích chòe với thiên hạ rằng họ đã có kỳ nghỉ tuyệt vời suốt cả tuần tại bãi biển sát nách Havana với con trai mình mà ai nấy cũng thừa biết hắn đã vượt biển từ năm nẩm.

 

Như vậy phải cho Tía má thằng nầy nghĩ là con trai họ là gián điệp của phe ta gài vô nước Mỹ. Vì thế, nếu tiết lộ chuyện nầy ra thì con trai họ lúc trở về Mỹ sẽ gặp muôn vàn nguy hiểm.

 

Cuộc bàn bạc nầy giữa Fidel Castro và Bộ trưởng Nội Vụ José Abrantes vô tình bị tay cận vệ thân tín nầy nghe lóm được.

 

"Nghe vậy bầu trời hình như sụp đổ dưới chân tôi. Tôi nhận ra rằng người hùng cách mạng mà tôi đã hy sinh gần suốt cả cuộc đời để tôn thờ và phục vụ, người mà tôi kính yêu như Thượng đế, người mà tôi luôn dõi mắt theo còn hơn cả vợ con tôi, giờ đã hiện nguyên hình là một bố già (Godfather) đang chỉ đạo một guồng máy chuyên buôn bán cocaine!"

 

Người Mỹ bắt đầu nghi ngờ là chánh phủ của Fidel Castro có dính líu vào việc buôn ma túy và xì căng đan nầy cứ lớn dần lên, làm rúng động đất nước Cuba vào mùa Hè năm 1989. Để làm lụi tắt những tin đồn đãi đó Fidel Castro ra tay hành động.

 

Ông ta chỉ thị cho tờ báo Đảng Granma thông báo với độc giả rằng cuộc điều tra sâu rộng đang được tiến hành.

 

Tướng Arnaldo Ochoa đã từng theo lịnh Fidel Castro dẫn quân tham chiến ở Angola và José Abrantes, Bộ trưởng Nội vụ cùng 6 người phụ tá đã bị bắt giữ.

 

Là một tay làm chính trị giảo hoạt và đầy thủ đoạn, Fidel Castro ra vẻ mình vô can, cương quyết truy tố những đồng chí thân cận nhứt của mình ra Tòa!

 

Tướng Arnaldo Ochoa bị xử tử hình, bị giải ra pháp trường, ông cứ thẳng lưng mà đi. Dựa cột nhưng không cho bịt mắt, cứ nhìn chăm chăm vào mắt của bọn hành hình gồm 7 tên. Ngực ông ưỡn ra, cằm nhô lên như thể ông đã hét lên: "Bắn đi! Ta không hề run sợ!" Vài giây sau, xác ông đổ gục xuống! (theo cuồn video quay cảnh xử bắn cho thấy)

 

Cuồn video nầy Fidel Castro buộc toàn bộ Trung ương Đảng Cộng sản Cuba đứa nào cũng phải xem, để nhằm dằn mặt bọn manh tâm phản loạn!

 

Lợi dụng cái xì-căng-đan mua bán cocaine nầy, Fidel Castro thanh toán đối thủ tiềm tàng vì đã biết quá nhiều, nhằm bám chặt lấy quyền hành bằng giết chết và chà đạp không thương tiếc, làm nhục những người đã hết lòng tậm tâm phục vụ cho mình.

 

Còn José Abrantes bị xử 20 năm tù! Năm 1991, sau khi ở tù được 2 năm, mặc dù sức khỏe rất tốt, José Abrantes bị nhồi máu cơ tim, chết một cách bất ngờ đầy khả nghi.

 

Fidel Castro đã rửa tay bằng máu, bằng sanh mạng của các đồng chí mình.

 

Sau khi Ochoa chết, Raul Castro sa đà vào nghiện ngập rượu Vodka vì mặc cảm tội lỗi đã dự phần vào việc giết chết bạn mình. Raul nơm nớp lo sợ là sẽ tới phiên mình, một Bộ trưởng Quốc phòng, cho dù là em ruột của Fidel.

 

Fidel Castro nghe Raul chè chén say sưa như vậy bèn lên lớp: "Tại sao Chú lại xuống tinh thần như thế hả? Nhậu nhẹt như vậy là bêu xấu hình ảnh gia đình Cách mạng trước mặt nhân dân!

 

Nếu chú sợ rằng số phận chú cũng sẽ như Abrantes thì ta nói cho chú biết rằng: "Abrantes không phải là em trai của ta!"

 

Nghe nầy, ta nói chuyện với chú trong tình huynh đệ! Hãy thề hứa với ta rằng: Chú sẽ bước ra khỏi cái vũng lầy, rượu chè be bét đó và ta hứa rằng sẽ không có gì xảy ra cho chú cả!"

 

An tâm đôi chút nhưng nghiện rượu làm sao bỏ?! Raul vẫn tiếp tục uống vodka nhưng ít hơn lúc trước rất nhiều!

 

Rồi năm 2008, dân Cuba tị nạn ở Miami mở tiệc ăn mừng vì Fidel Castro đang được phẫu thuật và chuyển giao quyền Chủ tịch nước cho em mình là Jeb Castro! (Cố ý nói trật tên Raul thành Jeb để ‘ngoéo cù nèo' gia đình Bush, cha truyền con nối ở Mỹ! George Bush cha làm Tổng thống Mỹ 41; rồi George Bush con làm Tổng thống Mỹ 43... giờ tính tới phiên Jeb Bush!)

 

Dân Cuba (vượt biển ngày xưa) vui như Tết, kháo với nhau rằng: "Ngay khi được tin anh mình chuyển giao quyền lực thì Raul Castro quay chiếc bè vượt biển lại, hướng về thủ đô Havana!"

 

Fidel Castro bước xuống nhưng vẫn làm Thái Thượng Hoàng, vì cái thói háo danh đến bịnh hoạn; nên mấy Chú Sam cười ‘ặc ặc' phán rằng: "Hôm nay Fidel Castro từ chức Chủ tịch Cuba. Nhưng đừng có lo quý bạn vẫn sẽ thấy ông ta xuất hiện trong chương trình "Dancing with the stars" của đài ABC!"

 

Chú Sam cũng ngạo luôn cái cách chải chuốt diện mạo, quần áo cũng y hệt như các lãnh tụ Cộng Sản khác trên thế giới

 

"Chúng ta vừa nhận được tin buồn từ Havana. Fidel Castro vừa từ chức. Nhiều người nghĩ rằng do vấn đề sức khỏe nhưng không phải vậy... mà chỉ vì ông ta muốn có thêm thời gian với bộ râu quai nón của mình!"

 

Rồi mong Fidel Castro chết đâu chết phức cho rồi!

 

"Như bạn đã biết Fidel Castro đang hồi phục sau cơn phẫu thuật. Theo tin tức báo chí thì Fidel Castro được mang tới bệnh viện trên con ‘Donkey One!'

 

Tình trạng của Fidel Castro ổn định! Điều đó theo các quốc gia theo Cộng sản nó có nghĩa là Fidel Castro sẽ từ trần vào thứ Sáu tới!"

 

Cuba và Việt Nam cùng theo CS nên có nhiều điểm khá tương đồng. Chẳng hạn khi hết quyền lực rồi, tai to mặt lớn nào cũng muốn ‘quy mã' nghĩa là qua Mỹ!

 

"Nên sáng nay nhà độc tài Cuba Fidel Castro tuyên bố sẽ bước xuống sau 5 thập kỷ cầm quyền. Nhưng điều ngạc nhiên lớn nhứt là ông sẽ nghỉ hưu ở Miami!"

 

Mà chắc toàn thể dân chúng Cuba cũng ngán tận cổ cái chủ nghĩa xã hội trời ơi đất hỡi nầy rồi nên có dịp là người ta chạy hết ráo.

 

Vì vậy mới có chuyện tếu như vầy: Fidel Castro đang đọc diễn văn trước một đám đông dân Cu Ba.

 

"Bọn đế quốc đang kết tội chúng ta can thiệp vào Angola ở Châu Phi!" Và trong đám đông, một tiếng hét to vang lên: "Đồ Xạo ke!"

 

Castro tiếp tục: "Bọn đế quốc đang kết tội chúng ta can thiệp vào Mozambique!" Và một tiếng hét to vang lên: "Đồ Xạo ke!"

 

Castro lại tiếp tục: Bọn đế quốc đang kết tội chúng ta can thiệp vào Nicaragua!" Và tiếng hét to lại vang lên: "Đồ Xạo ke!"

 

Tới lúc nầy Castro sôi máu lên, ra lịnh. "Đem đứa nào gọi ta là ‘Đồ Xạo ke' lên đây! Ta sẽ trục xuất nó đi Miami, Hoa Kỳ ngay lập tức!

 

Nghe vậy, cả đám đông reo hò cùng một lúc: "Đồ Xạo ke! Đồ Xạo ke!"

 

Thưa mấy câu chuyện tiếu lâm kể trên do ‘Cuba kiều' đặt ra, dĩ nhiên có phần hư cấu nhưng cái chuyện nầy là thiệt 72% phần dầu nhe bà con!

 

Ngày 19 tháng Tư, tại thủ đô Havana, trước đám đông khoảng 3.000 người, ông Fidel Castro trối dài: "Tôi sắp bước vào tuổi 90. Chẳng bao lâu nữa tôi sẽ giống như tất cả những người khác. Tất cả chúng ta rồi cũng phải đến lúc! Castro có thể chết, nhưng chủ nghĩa Cộng sản sẽ trường tồn!"

 

"Ối Fidel già rồi lú lẫn đấy mà!" Nhưng người khác lại phản bác! "Fidel lú lẫn từ lúc còn trẻ rồi chứ đâu phải đợi đến già!"

 

Thưa bà con! Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung những nhân vật trên chốn giang hồ thường hay chửi rủa, thóa mạ nhau bằng: ‘Đồ Con Rùa!' Là câu chửi rất nặng vì thô tục!

 

Ngoài ra còn có thành ngữ ‘húp cháo rùa' dùng để chỉ tình trạng mạt vận, nghèo nàn, đói khổ.

 

Fidel Castro sống dai như Rùa, cứ giữ khư khư trong cái đầu rùa, trong cái mu rùa của mình, một tư tưởng cực kỳ lạc hậu dù sắp ‘xí lắc léo' tới nơi! Nên người ta gọi Fidel Castro là ‘Đồ Con Rùa' cũng có lý đấy chớ!

 

Fidel Castro là "Đồ Con Rùa' làm lãnh đạo; nên gần 60 năm nay nhân dân Cuba vẫn phải tiếp tục ‘húp cháo rùa' dài dài!

 

đoàn xuân thu

 

Melbourne

  

 

Tui ghé về tuổi thơ!

dxt_may30.jpg 

 

 

 

Bảo Huân

 

Thưa hai anh bạn nhậu của người viết hay nói: "Uống rượu mình ngủ rất ngon. Mê gái mình ngủ hãy còn chiêm bao!"

Ôi hạnh phúc thay cho những người còn (xí quách) để mê gái. Và còn gái để mê! Tui thì xong rồi. Cái thời đó quá vãng cũng khá là lâu!

Bây giờ mỗi đêm, già hơi khó ngủ, tui quất cái trót ba ly rượu đỏ, là tui ghé về tuổi thơ, nghĩa là tui đi ngủ!

"Câu đò đưa thầm gọi/ Tui ghé về tuổi thơ/ Người xưa đâu xa vắng/ Ai đưa tui qua đò?"

Ôi nhớ xưa, thời đi học, bữa nào hỏng có ai đưa đò là tui trốn học để lạng quạng đường quê! Để: "Ngô mướt dài bãi quê/ Gió chiều chiều dịu mát/ Ðàn trâu chậm ngoài đê/ Vẫn đi về lối cũ!"

Chiều xuống, là đi về lối cũ, về nhà mà không thấy lương tâm cắn rứt gì ráo. Ôi trốn học bữa nay mai mình lại đi học mà! Học suốt đời chớ đâu có học một ngày một buổi đâu thì việc gì phải vội chớ?

Tại hỏng có ai đưa đò, hỏng lẽ tui lội qua sông, ướt quần rồi làm sao vô lớp?

Sau nầy, lớn lên vào Đại học, có lần cắc cớ, tui hỏi Thầy tui rằng: "Thưa Thầy! Hồi xưa Thầy có từng trốn học hay không?"

Thầy thành thật: "Có chớ! Nhưng hỏng có nhiều! Tui có thằng bạn thân trốn học, rủ trốn theo, hai đứa cho vui; nhưng sợ Má tui buồn, nên tui hỏng chịu! Giờ thấy tiếc thời thơ dại!"

"Tiếc gì ạ?" "Tiếc nhiều lắm: Tiếc không biết bắn chim bằng giàn ná! Tiếc không biết ôm bập dừa tập lội. Còn bạn tui cái gì cũng biết hết! Thiệt là đáng khâm phục!"

Thưa: "Vậy giờ bạn của Thầy làm nghề gì ạ?" "Ờ! Nó chăn trâu!"

Thưa người Việt mình là dân tộc hiếu học! Chắc có lẽ tại sợ lớn lên con mình nhỏ không học, lớn sẽ đi chăn trâu chăng?

Rồi qua đây thấy mấy thằng bạn Úc cũng có cái tư tưởng lớn giống như Thầy tui vậy! "Cần cái gì học cái nấy! Không cần không học! Đời ngắn lắm mà!"

Có để ý chữ 'Studying' (học vấn) là do hai chữ 'Study' (học) và 'dying' (chết) ghép lại hay không? Bỏ thời giờ đi học cái mình không cần thì mình đã giết chết một phần của đời mình đó! Uổng lắm!

Nên bạn Úc tui quen đều làm 'cu li' hết ráo! Mà không phải Úc không đâu; Mỹ cũng vậy.

Mới đây thôi, em Rosabella Dahu, 7 tuổi, đang theo học tại Sheldon Elementary School ở Houston, đã rời trường về nhà sau khi tự thay quyền cha mẹ mình mà viết giấy xin nhà trường cho mình về sớm.

Cô bé học trò mới lớp 2 này vì không ăn 'pizza' buổi trưa nên bị đói bụng.

Khi chuông tan trường vừa reo vang, Rosabella bỏ ngang giờ học thêm đúng ra phải tới 6 giờ chiều lận.

Làm sao về sớm bây giờ? Rosabella bèn viết một tấm giấy, giả danh cha mẹ mình:

"Hôm nay tôi muốn bé Rosabella về nhà theo chuyến xe buýt số 131."  (Chuyến xe buýt đưa các học sinh không phải ở lại để học thêm như Rosabella mỗi ngày).

Lúc đầu quý thầy, cô cũng nghi! Vì bức thư xin phép nầy sai chính tả tùm lum, tà la. Nhưng rốt cuộc, quý thầy coi đây là thư do cha mẹ em viết (vì mới lớp 2 làm sao nó nghĩ ra được cái diệu kế nầy chớ?) nên cho em về.

Nhưng Tía em, Charlie Dahu, thì trách là Thầy cô không chịu xem xét chữ viết trên tờ giấy đó mà cứ cho phép con mình về sớm.

Bị Tía em cật vấn! Thì thầy cô biện minh là: "Thời buổi này, phụ huynh học sinh viết một lá thư trật bấy bá như vầy cũng không phải là ít!"Thôi cho tụi tui chịu lỗi đi nhe!"

Nhưng ông Charlie Dahu hỏng hài lòng, lặng lẽ cho con mình chuyển trường đi nơi khác.

Thưa không phải chỉ có học trò là làm biếng học không đâu.

Nên có chuyện vầy: "Victor dậy đi! Ra khỏi giường mau! Kẻo con lại tới trường trễ nữa đó"

"Không! Má đừng buộc con! Tất cả thầy, cô giáo đều ghét con ra mặt! Học trò đứa nào cũng ghét con hết ráo. Con không dậy đâu!"

"Nè phải dậy ngay đi chớ! Dẫu sao con cũng đã 34 tuổi đầu rồi và làm Hiệu trưởng nữa. Đi trễ hoài đâu có được nè!"

He he! Thầy Hiệu trưởng đôi khi cũng làm biếng tới trường nữa đó thấy hông? (Nếu trường không có gì vui!)

Thưa bà con mình xưa ai đi học đều biết từ trốn học và cúp cua (coupe cours)!

Trốn học khác cúp cua nha! Trốn học là trốn nguyên buổi học. Cúp cua là trốn một hay hai giờ thôi.

"Nắng mưa là chuyện của Trời/ Cúp cua là chuyện của đời học sinh/

Cúp cua đừng cúp một mình/ Rủ thêm em nữa hai mình cho vui!"

Nhớ xưa học chung lớp với em yêu. Cũng nhá đèn chút đỉnh. Em chịu tui... vì tui học giỏi (?) (Phải vậy hông? Hi hi!). Tui chịu em... vì em đẹp (?) (Phải vậy hông? He he!).

Một hôm tui rủ em cúp cua giờ Sử Địa vì tối hôm qua mắc nắn nót viết thơ tình cho một em khác nữa nên tui hỏng có học bài. Sợ cô giáo kêu trả bài bất tử thì quê mặt với đám nữ sinh lắm nhe!

Thế nên giờ ra chơi tui rù quến em cúp cua, ra Vườn hoa Lạc Hồng cạnh bờ sông Mỹ Tho hóng gió.

Em ỏn ẻn:"Tưởng ra để làm gì? Ai dè cúp cua ra bờ sông chỉ để hóng gió! Thôi tui hỏng đi đâu!"

Sau nầy cưới em về, rồi con đàn cháu đống, có lần em cười hi hi, nhắc: "Hồi đó! Ông khờ bỏ mẹ!"

"Phải rồi! Tại tui khờ mới có hai đứa! Nếu tui không khờ, chắc giờ đã hai chục đứa rồi! Cho bà chạy gạo vắt giò lên cần cổ! Ha ha!"

Thưa hỏng phải mình em yêu của tui dám cúp cua để đi nhong nhong với anh yêu đâu. Mà mấy em khác cũng vậy.

Một nữ độc giả của tui hồi xưa từng làm cô giáo kể rằng: "Con gái tới tuổi dậy thì là ngứa ngáy toàn thân, bắt ngồi hoài trong lớp thì làm sao chịu cho nổi.

Thế nên có em mới học lớp Đệ Tứ thôi (tức lớp Chín bây giờ) ôm bụng mếu máu xin cô giáo cho về! Thông cảm phận nữ nhi với nhau, cô giáo gật đầu.

Ai dè hết giờ dạy, tui về thì thấy em ngồi sau 'bọt ba ga' ôm eo ếch thằng bạn trai cùng lớp, miệng cười toe toét. Vui hết biết luôn!

Thế nên lần sau em cũng ôm bụng mếu máo xin về, tui gọi xe cứu thương chở em thẳng vô phòng cấp cứu luôn. Bởi dù nghi em làm người nhái, lặn để đi chơi với bồ nhưng lỡ lần nầy em đau thiệt thì sao? Ai dè từ đó em không còn đau bụng nữa!"

Thưa cái vụ cúp cua nầy thường là bịnh của mấy đứa học dở ẹc như tui vậy. Tánh tui cái gì dở là tui chịu dở, buông xuôi luôn hè! Trong tự điển của đời tui không có chữ phấn đấu. Nhưng thằng bạn học của tui thì có.

Hồi Tiểu học hai đứa thường trốn học, đi bắn cu li hay đuổi bướm cạnh bờ ao. Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã mếu. Sau nó thức tỉnh, hỏng lẽ đời ta mãi thế nầy nên quyết chí tu tỉnh bằng cách xin đi học thêm. Vì con học dở ẹc hè! Vậy mà Tía Má nó cũng hỏng tin. Nó bèn mượn cái bảng điểm của tui về để chứng minh cho ba má nó thấy.

Nhờ vậy, sau nầy nó làm Tiến sĩ Hàng không, chuyên vẽ đường bay cho phi thuyền Appolo bay vào cõi hư vô!

Thưa bịnh là phải chữa. Cúp cua, trốn học là bịnh của thời học sinh. Chắc chắn rồi! Nhưng tại sao? Dà! Có nhiều nguyên nhân lắm!

Có đứa sợ bị cô kêu lên trả bài mà không thuộc thì mất mặt bầu cua cá cọp với đám con gái học chung một lớp.

Cúp cua rồi đi về nhà? Dễ gì. Về sớm là ăn chổi chà nên mấy em cà rà đi coi thiên hạ đá gà.

Cho tới khi thi đâu rớt đó; Tía Má biết được sự thực phũ phàng... là đã quá muộn màng!

Tía tui đã từng năn nỉ tui rằng: "Rừng Nhu, Biển Thánh không ham! Nhỏ mà không học lớn làm cu li!"

Dẫu vậy không phải đứa học trò nào từng cúp cua, trốn học hay ngay cả bỏ học cũng đều làm cu li hết ráo như tui đâu, thưa bà con.

Có trò có cái đầu bự hơn cả cái trường học nên buộc phải theo học nhà trường nầy đối với họ là cả một cực hình.

Như ông Thomas Alva Edison chẳng hạn. Hồi nhỏ, Edison ốm yếu, gầy gò, đầu óc lơ tơ mơ nhưng hay tò mò, hỏi nhiều câu hóc búa, trật bản họng, làm thầy giáo bí rị; hỏng biết đường đâu mà trả lời!

Thầy quạu, xếp Edison hạng bét lớp, tức đội sổ, còn ghi vào học bạ: 

 "Trò này dốt, lười, hư và hơi tửng tửng! Tốt nhất nên cho trò ấy đi chăn bò! Vì trò ấy có học nữa thì sau này cũng không làm nên trò trống gì... "

Từ đó, Edison không đến trường nữa mà ở nhà tự học với mẹ! Và có thể vì lời phê phũ phàng đó làm Edison tự ái, nên dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, vừa đi bán báo kiếm tiền giúp Mẹ; vừa mày mò nghiên cứu những chuyện khác thiên hạ, (khi chỉ mới vừa 12 tuổi), Edison đã cống hiến cho nước Mỹ một thiên tài có một không hai!

Edison đã phát minh ra bóng đèn điện để thắp sáng toàn thế giới. Rồi nào là máy hát, máy ghi âm, máy quay phim, hệ thống điện báo, ngay cả tàu điện...

Bổ đồng cứ 11 ngày là ông có một phát minh. Tổng cộng 1907 cái được cấp bằng sáng chế!

Không học ở trường nhưng ông tự học. Đọc mỗi ngày 3 cuốn sách. Tổng cộng tới 10 ngàn cuốn. Một con số đáng kể và đáng nể.

Chính vì vậy, Edison là người đứng đầu trong danh sách 12 vĩ nhân của nước Mỹ thế kỷ 20. Xưa đội sổ nay sổ đội ông lên!

Ngoài Edison ra còn nhiều người khác cũng bỏ học giữa chừng như vậy vì cái đầu quá lớn như tỉ phú Bill Gates của Microsoft; tỉ phú Mark Zuckerberg của Facebook!

Thế nên bà con mình không thể kết luận võ đoán là mấy ông nầy cúp cua, trốn học rồi bỏ học nghĩa là họ bước chân ra khỏi cổng trường vôi trắng là lắng nhắng chơi không đâu. Chẳng qua cách học của họ khác hơn cách của thiên hạ. Học cái họ say mê; học ngay cả ở trường đời! (Trường học có giới hạn mà trường đời ôi thôi nó mênh mông!)

Thưa bà con! Người viết đã từng làm Tía của hai thằng 'cu'. Con mình chắc hỏng phải là thiên tài rồi nên lúc nào tui cũng phải chạy theo năn nỉ tụi nó:

"Học đi con! Học đi! Để nữa vợ con hỏng dám khi dễ con như Má con đối với Tía. Tía chỉ cần hai đứa học hết cái lớp 12 cũng đặng. Vậy là giỏi hơn Tía cả một trời một vực rồi; vì như tụi con đã biết: xưa Tía chỉ học hết cái lớp Đệ Tứ, tức lớp Chín ngày nay, rồi bỏ ngang việc học vì mắc bận yêu đương nhăng nhít với Má con.

Tía ân hận lắm! Nên bằng bất cứ giá nào, hai đứa bây không bao giờ cúp cua, không bao giờ trốn học, không bao giờ bỏ học ngang xương như Tía khi xưa.

Rán hết sức bình sinh để rinh được cái Tú tài 2. Rồi mang cái bằng cấp đó về cho Tía treo trên giàn bếp cho Má tụi con biết rằng dòng dõi gia đình mình, (theo cái 'gene' di truyền của Tía cho hai đứa)... toàn là dân khoa bảng ?!

Kẻo Má tụi bây lại phán rằng: "Làm biếng học, chuyên cúp cua, di truyền từ Tía tới con!"

 

đoàn xuân thu.

 

melbourne.

 

LÁ THƯ ÚC CHÂU

 

 "Trăm tuổi... thành một tuổi!"

 dxt_tramtuoi.jpg

Thưa bà con! Lễ Phục Sinh vừa rồi, người viết rất vui mừng vui quá vui khi được thằng bạn học cũ cách đây 53 năm, từ Wellington, Tân Tây Lan bay qua thăm.

Nó đi du học theo chương trình học bổng Colombo năm 1970. Học xong, tính về, nhưng năm 75, miền Nam mình ‘sập tiệm' nên nó dông luôn tới tận bây giờ.

Trước khi qua, cố nhân đã cẩn thận gởi cho người viết một tấm ảnh để tui xem dung nhan đó bây giờ ra sao? "Kẻo gặp nhau ngoài đường không nhìn ra, không nhận ra nhau, mầy dám ‘đục' tao như hồi xưa mình đi học lắm đa!" Bạn hiền nói đùa như vậy!

Thưa gặp bạn học cũ là vui hết biết, mầy tao rôm rả lên; dù đứa nào cũng cháu nội, cháu ngoại một bầy.

Nó có nhắc tới các thầy cô trường Petrus Ký niên khóa 1963; như chiếu lại cái cuồn phim cũ, đã rất lâu, mình cất vào ngăn kỷ niệm vì không có bạn coi cùng; giờ tưởng bụi thời gian đã phủ mờ năm tháng; dè đâu nhắc lại cứ tưởng mới hôm qua.

Bạn đồng song nhắc tới một Giáo sư Sử Địa, (nghe nói giờ bên Mỹ), khá nghiêm khắc (phải vậy chớ!) làm tui nhớ, tui cũng hơi rét, nên lâu lâu mới chịu học bài, nhờ vậy mới biết Úc Châu là một cái đảo đó chớ!

Sử Địa tuần có hai giờ thôi mà đám học trò tụi tui lúc đó coi nó dài như hai thế kỷ vì cô thường coi đứa nào mặt mày lấm lét, xanh chành như trái chanh... để kêu lên trả bài rồi cho nó hai cái trứng vịt!

Có lần cô kêu một đứa lên trả bài. Thằng nhỏ khớp quá nên cà lăm. Sử dạy rằng: "Lý Thường Kiệt đánh Tống" mà nó dám đọc là: "Lý Thường Kiệt đánh trống". Làm cả lớp ôm bụng cười: Ha ha! Hi hi! và He he!

Thưa cái trường Nam, toàn học trò trai chỉ có nữ Giáo sư là gái nên dưới mắt tụi tui, cô nào cũng đẹp một cách thần sầu.

Vậy mà chuyện vui, bữa nhậu đoàn viên đó, bạn hiền lại kể cho tui nghe là:

"Lớn lên em sẽ làm nghề gì?" Thì em gái học trò trả lời: "Thưa cô! Lớn lên nếu em chân dài, đẹp, em sẽ đi làm người mẫu, làm diễn viên điện ảnh hay đi hát cải lương! Còn nếu lỡ em là con gái trời bắt xấu thì em sẽ đi làm... Cô giáo!"

Thưa hồi xưa đi học, Tía tui cũng như Tía của mấy thằng khác đều muốn con mình học giỏi hơn con của người ta. Nên Tía nói: "Tèo nè! Tía rất kỳ vọng ở con. Nếu năm nay nếu con được lãnh phần thưởng... hạng ba cũng được! Tía sẽ thưởng cho con một chiếc xe đạp Peugeot mới cáu cạnh."

"Thưa Tía! Con rất thông cảm nỗi kỳ vọng của Tía đặt vào con. Nhưng con e rằng nỗi kỳ vọng đó rất viển vông!" Xong tui dọt mất.

Thưa học Petrus Ký được ba năm thì Tía tui được đổi về Mỹ Tho, quê cũ; nên tui buộc lòng phải đi theo; dù xa mấy thằng bạn quỷ phá nhà chay suốt ba năm học nầy cũng buồn biết bao trong tấc dạ.

Về trường mới đi ban C, học chung với vài đứa con gái bên trường Nữ Lê Ngọc Hân gởi qua. Vì ban C ít đứa quá; nên không đủ túc số mà mở cho một lớp nên mấy em phải học... lưu vong.

Mấy em ra vẻ thiếu nữ con nhà đài các, mặc áo dài, điệu đà tay raglan, đội nón lá bài thơ của Huế, đi yểu điệu trước sân trường... làm mấy đứa học ban A, ban B nhìn theo mút con mắt.

Không có thì ước; chớ có rồi thì phiền toái lắm. Học chung với con gái là ngày phải tắm một lần chớ không phải tuần một lần như trước nữa.

Mặc quần áo đi học là phải xem xét đàng hoàng coi có quên kéo ‘fermeture' đóng cái cửa sổ hay không? Kẻo mấy em kết tội mình khiêu dâm thì lại khốn.

Hết ba năm lên đại học, đường ai nấy đi nhưng khổ nỗi vắng mấy cái nón lá nầy là nhớ!

Tuy nhiên có người nữ đi qua đời ta như cơn lốc rồi không để lại xót xa gì ráo trọi. Tại sao vậy?

Vì: "Nè anh có nhớ em không? Hồi xưa hai đứa mình học chung lớp, ngồi chung bàn đó!"

"Dà! Già rồi nên xin lỗi tui không nhìn ra được bạn cũ?"

"Ờ để em nhắc cái kỷ niệm đắng cay nầy cho anh nhớ nhé! Anh thường gọi em là hột mít đó, nhớ chưa?"

"Nhớ rồi nhưng quả anh nhìn không ra vì em bây giờ không còn là hột mít nữa... Mà thời gian đã biến em thành... một trái mít!"

Chọc quê người em cùng lớp mình năm nẩm thôi cho vui! Ai dè giống hịt khi xưa ta bé ta chơi, em giận thiệt!

Em hứ cái cốc rồi bỏ đi bàn khác sau khi phán một câu mình nghe cũng đau lòng hết sức: "Đừng có làm tàng nhe! Hồi xưa xấu trai thấy thương luôn. Đi học bữa nào gặp cái bản mặt của anh tối về ngủ, tui cũng đều bị ác mộng! Gần năm chục năm rồi, bữa nay gặp lại anh nữa, tui e ác mộng ngày xưa lại trở về trong giấc ngủ của tui!"

Thưa bà con! Sau nầy mình ra hải ngoại rồi. Mấy năm đầu thì mạnh ai nấy cày! Cày tối tăm mặt mũi để lạc nghiệp, an cư. An cư rồi thì nhớ nhau sao không tìm nhau?

Vậy là hội đoàn lập ra như nấm gặp mưa vậy. Trường nào cũng có hội ái hữu hết để bạn bè cùng trường gặp lại, ôn lại thời đi học, cái thời ai cũng cho là đẹp nhứt đời người.

"Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ/ Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ/"  "...Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi?/ Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày thơ/ Vang trong nỗi niềm nhung nhớ/ Có ai đi thương về trường xưa?"

Giờ thì mình không về trường xưa được thì mình gặp lại bạn xưa cho đỡ ghiền vậy mà.

Hằng năm, trường nào cũng có tổ chức luân phiên Đại hội toàn thế giới mà học sinh cũ về đôi khi phải bay cả hàng chục ngàn cây số, đi Mỹ, đi Úc, đi Canada gặp nhau dù chỉ vài bữa cuối tuần cho thỏa cái lòng mong nhớ.

Đó là cái truyền thống hay đấy chớ nên khi có trường nào mời dự đại hội là tui, dù không phải là học trò trường đó cũng chịu khó đi cho nó vui.

Người ta nói trẻ sống cho tương lai; già sống về quá khứ! Tui già rồi chỉ còn cái thời quá khứ là vui thì tại sao không?

Tui đi dự đại hội trường xưa để tìm vui mà lại gặp chuyện buồn mới chết.

Chẳng qua mấy tuần trước đi dự hội Cựu Học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ, nghe chuyện nầy tui cũng buồn lây theo anh bạn cựu học sinh trường nầy.

Ảnh nói rằng: "Thời Pháp thuộc, Nam Kỳ quê mình là thuộc địa của Tây; trong khi Trung Kỳ và Bắc Kỳ là xứ bảo hộ suốt 61 năm, từ năm 1884 mãi tới năm 1945 mình mới giành được độc lập đó anh!"

"Tây thì có thương tưởng gì dân mình! Chỉ muốn bóc lột tài nguyên của xứ mình chở về xứ nó. Sau khi bình định được đất Nam Kỳ để củng cố guồng máy cai trị, Tây cần người bản xứ đi học chút đỉnh để làm việc cho nó.

Chớ Tây với chánh sách chia để trị, chánh sách ngu dân nên tới năm 1945 dân Việt mình tới 95% phần trăm là mù chữ đó anh!"

"Đau đớn thay - phận An Nam/ Để cho Đại Pháp - nó làm thịt dân!

Cả cái Nam Kỳ mênh mông, cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi nầy chỉ có được 3 cái trường Trung học. Hai cái chỉ dạy tới "Đút rơm trâu ăn mê" tức là Diplôme, tức cái bằng Thành Chung ở Collège Le Myre de Vilers  (sau nầy là Nguyễn Đình Chiểu) và Collège de Cantho (sau nầy là Phan Thanh Giản.)

Nhà giàu muốn con mình học lên nữa tới Baccalauréat Local (Tú tài Bản xứ) là phải lên thi vào Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký ở tận Sài Gòn.

Dẫu trường do Tây cất để phục vụ yêu cầu của thực dân nhưng (dù chúng không muốn) những ngôi trường nầy đã sản sinh ra biết bao người yêu nước như trường Phan Thanh Giản của tui đây!

Võ cũng như văn! Võ có ông làm tới Tướng! Còn văn như ông Sơn Nam, nhà biên khảo nổi tiếng xưa giờ về Văn minh Miệt vườn đã từng theo học đó anh!"

Trường Phan Thanh Giản (tiền thân là College de Cần Thơ) Tây cất năm 1917! Tới 2017 là đúng một trăm năm! Một thế kỷ! Hiếm và quý!

Vậy mà mấy quan lớn CS ở Cần Thơ (hỏng biết có đứa nào là học trò cũ hay không lại nỡ đang tâm ra lịnh tử hình trường Phan Thanh Giản) ra lịnh kéo sập xuống, cất lại mới toanh! Chỉ còn giữ cái mặt tiền để làm kiểng.

Nghe thiệt là buồn nhe. Có những công trình kiến trúc còn xưa hơn trường Phan Thanh Giản như: Nhà Thờ Đức Bà, Bưu Điện Sài Gòn mà còn giữ lại được! Thì trường Phan Thanh Giản tại sao không?

Ngay cả tuốt ngoài Bắc, trường Ngô Quyền mà tiền thân là trường Bonnal đã 96 tuổi, cất năm 1920, tức ‘ít già' hơn trường Phan Thanh Giản có 3 tuổi thôi... Xưa học trò 45 đứa  hiện giờ tới hơn 1600 đứa vẫn đi học đều đều phẻ re  ngày hai buổi đó thôi.

Tại sao những công trình đó người ta còn giữ được mà Trường Phan Thanh Giản tụi bây lại đập tan tành cho đành chớ?

Thưa bà con! Anh bạn nầy vốn là một cựu học sinh rất nặng lòng với trường cũ, (Thiệt là đáng ngưỡng mộ nhe!), vài năm trước, mấy ảnh lên tiếng đòi lại cái tên Phan Thanh Giản cho trường mà sau 75 tụi nó tự động đổi thành Châu Văn Liêm.

Rốt cuộc, chạy tới chạy lui, chạy vô chạy ra, chỉ toàn nghe hứa cuội và trớt quớt. Lý do là mấy ảnh thiếu cái thủ tục đầu tiên tức tiền đâu!

"Tiến sĩ Phan Thanh Giản là một nhà yêu nước xuất chúng của Lục Tỉnh Nam Kỳ mình, cái đó giờ đã rõ không bàn cãi gì ráo thì phải trả tên trường Phan Thanh Giản lại cho dân chớ!"

"Sau 75, có ba điều đáng phê phán mà tui tin rằng những đứa đầu têu ở Thành phố Cần Thơ, chắc cũng có đứa là học trò cũ của trường nầy chớ hỏng lẽ xưa giờ tụi nó hỏng có ai đi học?

Một là dùng búa đập nát tượng cụ Phan Thanh Giản vừa mới dựng trong khuôn viên nhà trường năm 1974. Hai là bỏ tên trường. Rồi bây giờ cũng vì tiền, chúng đập luôn cả ngôi trường...

Dân Cần Thơ đâu có ai chịu... Mà tụi nó vẫn đập. Thiệt đau lòng tụi tui quá!

Trường đâu chỉ là cái vật chất thôi đâu... mà còn là cái hồn, cái tinh thần, là tình cảm, là kỷ niệm của biết bao lứa học trò năm cũ.

Tụi nhỏ, nhứt là đám con gái, nghe trường sắp bị đập bỏ, bèn mếu máo rủ nhau trở về, chụp hình kỷ niệm trường xưa! Kẻo mai kia mốt nọ biết đâu mà tìm?"

"Té ra mấy đứa nhỏ con cháu mình nó thông minh hơn tụi tui nhiều. Tụi mình lại ngây thơ hơn vì vẫn còn nắm níu, hy vọng trường Phan Thanh Giản sẽ được trùng tu chớ!"

Thưa hỏng biết an ủi anh gì hơn, nên tui nói xụi lơ là: "Mình có nước mà mình không biết giữ cho đến nông nỗi nầy thì cái trường của anh cũng chịu chung phần số tang thương theo vận nước đó anh!"

Nghe vậy ảnh chép miệng thở dài, cay đắng: "Biết bao kỷ niệm êm đềm thời đi học của Ba tui, Má tui, con cháu tui cũng sẽ tiêu vong.

Cái trường Phan Thanh Giản của tụi tui 100 tuổi; giờ tụi nó ‘hô biến' thành một tuổi!

Tụi mình giờ chỉ còn biết:"Minh tinh chín chữ lòng son tạc/ Trời đất từ rày mặc gió thu!""

đoàn xuân thu

melbourne. 

 

 

Cô bạn bốn chân!

 

Thưa bà con!

Một chú em đến thăm và kinh ngạc thấy bạn mình đang chơi cờ tướng với một con chó trong phòng khách.

Thấy ai chơi cờ là khoái lắm, chú im khe, coi hai bên xuất chiêu ra làm sao? Rồi ngứa miệng, giơ tay chỉ chỏ mách nước, tức ngoại thủy! (Bị đập bàn cờ lên đầu mấy lần rồi mà cứ không chịu bỏ cái tật thày lay nầy hè!)

Anh bạn dùng chiến thuật ‘Pháo đầu mã đội' tấn công ráo riết! Tốc chiến, tốc thắng!

Trong khi cô bạn bốn chân nầy, điềm tĩnh thủ thế, kín kẽ, bằng chiến thuật ‘Bình phong mã'. Lên hai con ngựa để giữ chốt đầu không cho con pháo đánh cấp tập, dồn ép quân mình phía trung lộ, rồi dú dí vào cung của mình!

dxt_coban4chan.jpg

Bảo Huân

"Thiệt là thấy tận mặt vậy đó mà tui hổng thể nào tin được! Thật là con chó cực kỳ thông minh hồi nhỏ giờ tui mới thấy đó nhe!"

Anh bạn cười hè hè gạt ngang: "Con chó nầy cũng đâu có thông minh gì lắm đâu! Chơi 5 ván mà tui đã ăn nó được 3 ván rồi đó chớ! Ha ha!"

 

Thưa câu chuyện vui có phần ba xạo nầy cho thấy chó là một loài vật rất thông minh. So với con người là nó một tám một mười!

Ngoài ra, những đức tính khác, nó ăn đứt luôn: như lòng chung thủy, sự trung thành, tình yêu vô điều kiện.

Bạn rước một cô bạn bốn chân về nuôi, dẫu bạn giàu hay nghèo, sang hay hèn, lên như diều lộng gió hay xuống như diều đứt dây, nó không bao giờ bỏ bạn để chạy theo... một con chó khác!

 

Thưa như mới đây nè! Bên thành phố Conception, nước Chile, Leonardo Valdes, mới 23 tuổi, bị xe đụng chết. Khi xe cứu thương đến định mang xác người xấu số đi, họ thấy cô bạn bốn chân, tên Doki, nằm dài buồn bã bên cạnh thi thể của cậu chủ của mình.

Doki sau đó được một thân nhân trong gia đình Valdes đưa về nhà và Doki thức suốt đêm cạnh quan tài của Leonardo.

Nhưng chủ chết chưa chắc là hết. Lòng tiếc thương còn kéo dài dài nhiều năm tháng nữa. (Chớ chưa chắc mồ xanh cỏ mà em đã bỏ đi rồi!) (Nếu mai tui chết tha hương! Xác thân quàn ở nhà thương thí nào? Người yêu ai đến nguyện cầu? Cỏ xanh non mọc trên màu lãng quên! ) Tui chắc hổng có ai đâu!

Như cô bạn bốn chân, Greyfriars Bobby, ở Scotland đã nằm bên mộ của ông chủ từ năm 1858 cho đến khi nó cũng qua đời vào năm 1872, thọ 14 tuổi.

Ðấy là những câu chuyện có thật. Cho nên chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi những người phương Tây coi chó là bạn thân nhứt của loài người, ‘the best friend'!

Tình bạn giữa chó và người ăn đứt tình bạn giữa Bá Nha Tử Kỳ hay Lưu Bình Dương Lễ luôn!

Vì vậy, khi một con chó già quá rồi chết, đúng ra là một chuyện thường ngày ở huyện, lại là một tin chiếm đầy mặt báo vì ai cũng xúc động kể cả tui luôn! Hu hu!

 

Tại Woolsthorpe, Victoria, Úc Châu, một trại chủ là Brian McLaren buồn bã cho báo chí biết tin dữ là ‘bà bạn bốn chân' Maggie the Kelpie, trong giấc ngủ, đã vĩnh biệt mùa Thu nước Úc đêm cuối tuần, Thứ Bảy ngày 17 Tháng Tư, hưởng thọ 30 tuổi chó, tức bằng 133 tuổi của loài người!

(Bình thường một con chó chỉ tiếu ngạo giang hồ trên cõi đời ô trọc nầy từ 8 tới 15 năm là hết mức!)

Hồi chiều, nó còn rượt theo mấy con mèo, gầm gừ cho vui cửa vui nhà giờ thì nó đã thanh thản bỏ đi xa!

Brian McLaren nói: "Tui mua Maggie được 8 tuần tuổi, khi thằng Liam, con út của tui, được 4 tuổi, giờ nó 34 tuổi rồi. Tức Maggie đã quá xá thọ, hơn 30 năm tuổi chó. Nhưng không có giấy khai sinh, nên nói hổng ai tin!"

Chánh thức thì con chó Úc tên là Bluey có giấy khai sanh và chứng tử đàng hoàng đang giữ kỷ lục sống lâu của loài chó, là từ giã cõi trần năm 1939, thọ chỉ mới 29 tuổi thôi nhe!

Maggie được chôn dưới một gốc cây thông già. Rồi chắc bụi thời gian sẽ phủ mờ theo năm tháng. Hổng có ai, kể cả chủ nó sẽ ra bên mồ mà nằm cho tới chết như chó đã từng đối xử đẹp với ông chủ của mình đâu?

 

Thưa cũng chuyện chó bên Mỹ! Chẳng qua năm 1952, khi Thượng nghị sĩ tiểu bang California, Richard Nixon được Tướng Dwight Eisenhower chọn đứng cùng liên danh, tranh cử Tổng thống Hoa Kỳ thì một xì căng đan có liên quan đến một con chó xảy ra!

Xì căng đan nầy xém chút nữa làm Richard Nixon phải rút lui khỏi việc tranh cử chức Phó Tổng thống  Mỹ.

Một là Nixon bị cáo buộc đã nhận 18 ngàn đô cho chiến dịch tranh cử của mình.

Hai là một ủng hộ viên từ Texas đã gởi tặng gia đình Nixon một con chó đốm.

Ðối thủ chánh trị kết tội Richard Nixon nhận tiền hiến tặng và quà tặng là một con chó đốm bất hợp pháp. Nghĩa là ăn hối lộ!

Lời xầm xì lan rộng trong nhân dân Mỹ đe dọa đến vị thế chánh trị của Nixon. Ðể đảo ngược thế chông chênh nầy, Richard Nixon đã bay đi Los Angeles để giải độc dư luận!

Ðảng Cộng Hòa phải chi tới 75 ngàn đô la (một số tiền rất lớn thời đó), mướn đài truyền hình, đài phát thanh từ thành phố Los Angeles, truyền đi bài diễn văn khắp nước Mỹ và được tới 60 triệu người theo dõi lắng nghe!

Nixon đã đọc một bài diễn văn nổi tiếng và đầy xúc động dài 30 phút vào lúc 6 giờ 30 phút tối ngày 23 tháng Chín năm 1952, để tự bảo vệ mình.

Nixon nói: "Khi nghe Pat, trên đài phát thanh đã nói rằng hai đứa con gái nhỏ của chúng tôi ước có một con chó cưng thì một ông ở tận Texas đã gởi ngay cho một con cún đốm!

Tricia, 6 tuổi, đứa con gái nhỏ của chúng tôi đã đặt tên cho con chó cưng của mình là Checkers. Như tất cả trẻ con khác, cháu rất yêu con cún nầy thì cho dù có ai nói gì chăng đi nữa chúng tôi sẽ tiếp tục giữ và nuôi dưỡng Checkers!"

Hàng triệu điện thư và điện thoại gọi đến Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, Republican National Committee (RNC) bày tỏ việc ủng hộ Nixon!

Tướng Eisenhower tiếp tục giữ Nixon đứng chung liên danh tranh cử với mình. Và 2 tuần lễ sau, họ đã thắng cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.

Từ đó bất cứ bài diễn văn của chánh trị gia Mỹ nào gây được sự đồng cảm lớn lao của nhân dân thì báo chí gọi nó là ‘Checkers speech!'

Như vậy Checkers đã giúp ông chủ mình thoát hiểm một cách ngoạn mục! Cứu được một bàn thua trông thấy! Thiệt là vẻ vang thay cho loài chó!

Sau đó nhiều năm, trở thành Tổng thống Mỹ và bà con mình ai cũng biết là Richard Nixon đã ảnh hưởng đến cuộc chiến Việt Nam biết dường nào.

Nếu không nhờ bài diễn văn (Checkers speech), đề cập đến một cô bạn bốn chân da tàn nhang mà mình gọi là Chó đốm làm xúc động tình yêu chó của nhân dân Mỹ, từ chống đối quay sang ủng hộ, thì rất có thể Richard Nixon rớt đài năm đó. Lịch sử chắc đã khác đi rất nhiều!

 

Thưa cũng chuyện chó! Nhưng đây là Chó Úc!

Nơi tui ở, thị trấn nào cũng có ‘Lost Dogs Home'! Có cái thành lập cách đây hơn cả trăm năm, với tôn chỉ là:"Chúng tôi chăm sóc chó, mèo mà người ta không muốn nuôi nữa hay bị thất lạc; rồi sau đó hiến tặng cho những người muốn nuôi dưỡng chúng. Chúng tôi tranh đấu cho quyền lợi của chó và mèo!"

Những cơ sở nầy hoạt động dựa trên công sức của thiện nguyện viên và tiền hiến tặng của những người yêu thương mèo... và chó!

Chó, Mèo được chụp hình trên mục ‘Pet of the Day', trang điểm giống như sắp đi dự thi Hoa hậu Hoàn vũ với chi tiết: đực cái, tuổi tác, cân nặng, màu lông, xong dán lên website cho bà con ta ai muốn nuôi thì lựa.

Dĩ nhiên cũng phải hiến tặng một số tiền cho ‘Lost Dogs Home', tùy theo lòng hảo tâm chớ!

Việt Nam mình, nhớ hồi tui còn nhỏ, cũng có xe chuyên bắt chó thả rông, chạy long nhong ở ngoài đường vì sợ nó cắn bậy cắn bạ làm nạn nhân lên cơn dại rồi chết; nếu không đi chích ngừa chó dại kịp lúc! (Nhớ hình như phải chích tới 21 mũi vòng vòng quanh cái rún! Ðau thấy mấy ông Trời!)

Mỗi lần thấy xe bắt chó lảng vảng ngoài đường là tui sợ xanh mặt, chạy riết về nhà cột con Mực mình lại; kẻo nó bị bắt chỉ còn nước mà mếu máo. Lên đóng tiền phạt hổng kịp dám con chó cưng của mình đã nằm im trong chảo.

 

Thưa bà con! Trở lại phương Tây thì những nhà văn, nhà thơ, tài tử xi nê đều yêu thích chó và mèo. Không tiếc lời khen nức nở người bạn bốn chân nầy:

Có ông nói: "Con chó là sinh vật duy nhất trên cõi đời ô trọc nầy thương bạn hơn là thương chính thân của nó!"

"Cuộc đời nầy sẽ tốt hơn biết bao nhiêu nếu nhân loại đều có khả năng yêu thương tha nhân vô điều kiện như người bạn bốn chân nầy!"

"Dưới mắt nó, ông chủ luôn là một Napoleon, nghĩa là một vị anh hùng thì hỏi làm sao mà chúng ta không khoái cho được chớ?"

Thưa để kết bài nầy tui xin ‘cọp dê' một câu nói của tài tử Will Rogers mà tui rất lấy làm tâm đắc như vầy: "If there are no dogs in Heaven, then when I die I want to go where they went."

"Nếu không có con chó nào được lên Thiên đường, thì khi tui chết, tui muốn đến chỗ mà con chó đã đến!"

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

LÁ THƯ ÚC CHÂU

 

Chửi thề!

dxt_chuithe.jpg 

 

Thưa bà con cuối tuần rồi, có một độc giả thương mến thương nhà báo gọi người viết chiều ra Footscray, vô một cái nhà hàng của bà con Việt Nam mình, vừa lai rai ba sợi vừa nói dóc chơi.

(Nhà hàng nầy không có cái ‘lái sần' bán rượu, bia nên bạn mình phải BYO, Bring Your Own, tức là tự mang rượu của mình tới nhậu!)

Tác giả thì đãi lại bằng giai thoại văn chương, chớ tiền có đâu mà hùn vô trả!

Ðược mời ăn nhậu không tốn tiền, lại được chiêu đãi một cách trọng thị nên rượu vô vài cốc là bốc lên ngay. Mồm miệng tía lia, xài lia chia toàn giấy năm trăm, tức chửi thề thôi tá lả.

Ðộc giả nầy lần đầu tiên mới diện kiến để bàn chuyện văn chương thơ phú mà thấy cha nội nhà văn nầy ăn nói bạt mạng như vậy nên hơi làm lạ, con mắt tròn xoe như cái bi ve!

Sượng một chút! Bèn ngẫm bạn mới quen lần đầu mà bỗ bã quá coi kỳ nên tìm cách chữa thẹn bằng cách thuyết trình cái đề tài: ‘Chửi thề là gì?'

Bảo Huân

Có ích lợi gì không mà sao ai cũng chửi, dân tộc nào cũng chửi?

Thưa mấy nhà văn hóa, nhà đạo đức học, nhà luân lý học, nhà nhân loại học, nhà động vật học, và nhiều nhà học... học nữa, cho tui mạn phép không đồng ý!

(Nhớ hồi mới qua, lang thang cuối tuần, ra Footscray gặp toàn là bọn Ý và Hy Lạp! Thấy được đứa nào mũi tẹt, da vàng là mừng hết lớn cho dù không rõ nó là Tàu Mã (Lai) hay Indo, Phi Luật Tân gì đó... Chắc ăn nghe thằng chả mới mở miệng ra là ‘Ðù' một cái là biết ngay phe ta liền hà.)

Do đó chửi thề cũng là một nhãn hiệu không cần cầu chứng tại Tòa cũng cho mình biết đó là người ‘Việt Nam Mít' mình vậy!

Vậy là nhìn bà con xa xứ với nhau, ở đây không mấy đứa, mời anh bạn sơ giao nầy đi nhậu để kết tình huynh đệ.

Bữa nhậu đầu tiên đó giờ đã hơn 30 năm rồi mà tui vẫn còn nhớ như in trong óc như nó mới xảy ra ngày hôm qua vậy.

Tui hỏi: "Nghe tiếng anh chửi thề rất là quen. Phải dân Sài Gòn hông?"

"Ðúng vậy! Tui ở Chợ Cầu Ông Lãnh đó nhe!"
Thưa! Có người khoái chửi thề để ra vẻ mình ‘ngầu', mình là dân chơi, là anh chị bự, là đại ca trong chốn giang hồ, sao tui thấy anh hiền như Bụt vậy... mà anh Hai cũng chửi thề?

"Ối cuộc đời mà nhiều ‘xì trét' lắm! Nhiều cái bực mình nó bơm vào làm lòng mình phình bự như trái banh! Cứ giữ trong lòng hoài, e một ngày nó nổ chắc là mình banh xác... Nên cần có cái vòi. Lúc căng quá thì mình xì hơi ra cho bớt, để lấy lại cái cân bằng mà sống chứ!" Và chửi thề là cái vòi đấy đó đa!

"Anh thấy không dân tộc nào cũng chửi thề hết ráo chớ đâu phải chỉ mình ên người Việt mình? Úc đây cũng chửi thề nghe thấy thương luôn! 

Nhưng là người Việt mà chửi thề bằng tiếng Úc nghe không có đã! Người Việt phải chửi thề bằng tiếng Việt, nghe mới có ép phê!"

Trong cuốn Tháng Ba Gãy Súng, nhà văn Thủy Quân Lục Chiến, Cao Xuân Huy có đoạn đối thoại đầy tiếng chửi thề đầy chất lính, đọc rất ‘đã' cái miệng như vầy:

..."Ông sĩ quan này đây hả?"

Nghe câu này, tôi biết chắc là hai người đã nói chuyện về tôi, và dĩ nhiên không phải là nói tốt. Nhằm nhò gì! Tiểu đoàn trưởng không trả lời, quay sang nói với tôi:

"Ð.M, ông về đại đội liền bây giờ."

"Ðại đội tôi nằm đâu, thiếu tá?"

"Ð.M, không biết, ông đi cho khuất mắt tôi đi!"

Ðó là đối với cấp trên. Còn với cấp dưới, mấy thằng em cũng chửi thề ráo trọi:

"Ðù má, lâu dzậy mậy?"

Tiếng nói đột ngột, không đủ lớn nhưng đủ lọt vào tai tôi. Xong rồi! Tiếng chửi thề nghe sao dễ thương lạ. Tiếng chửi thề đã chấm dứt sự nguy hiểm bao quanh tôi.

... "Ðại đội 4 phải không?" "Ðù má, đi đâu về trễ vậy cha nội?"

Như vậy ai đã từng là lính làm sao không chửi thề trong cuộc chiến tai trời ách nước, sống nay chết mai cho được chớ?

Tôi đã từng là lính, nhiễm cái thói quen nầy vào lậm tới tận trong xương rồi. Khó bỏ lắm!

Có bực thức giả cho rằng chửi thề là rất xấu, là ngôn ngữ của người vô học, vô văn hóa, của bọn đá cá lăn dưa, đầu đường xó chợ.

Tui thì không nghĩ vậy chẳng qua đời lính nghe rất quen những lời ‘tục tĩu' nên tôi chẳng khó chịu gì cả, thấy rất bình thường.

Chửi thề như một phản ứng tự nhiên của cảm xúc, làm tăng nhịp tim lên, làm giảm căng thẳng, giảm đau đớn thể xác, vì thế việc chửi thề được xem như một liều thuốc giảm đau (hổng tốn tiền mua) rất hiệu quả.

Chửi thề không phân biệt giới tính, trình độ, tuổi tác; chửi riết rồi quen, mở miệng ra mà không xài giấy năm trăm là nói chuyện cứ cà lăm!

"Ðịnh kiến về những người hay chửi thề, cho rằng họ có IQ thấp (tức ngu) hay khả năng diễn đạt kém là hoàn toàn sai. Chửi thề là một ngôn ngữ giàu cảm xúc, giàu nhịp điệu nhứt là trong quán nhậu.

Có thể nói việc chửi thề cũng là một trong những nhu cầu cơ bản của mỗi người, bên cạnh những nhu cầu như ăn, uống, ngủ...!

Nhưng ăn nhiều, vợ tui nói, cũng đâu có tốt (sẽ bị béo phì), uống nhiều, vợ tui nói, sẽ say, và ngủ nhiều, vợ tui nói, sẽ ngu!

Chửi thề như một liều thuốc, uống quá nhiều sẽ làm giảm công hiệu! Chửi thề quá xá, nhiều hơn là cần thiết sẽ làm mình ‘over dosed', làm mình hiện nguyên hình là một người thiếu văn hóa. Chửi thề càng nhiều thì tác dụng xả ‘xì trét' của nó lại càng ít đi".

Nên chửi thề ít thôi! Nhưng cái nào ra cái nấy mới được! Ngay cả những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng lẫy lừng trên chốn văn đàn (đâu phải du côn, du kề gì đâu) cũng đều chửi thề hết ráo.

Rồi khi tiếng chửi thề, nó mang guốc mộc, đi vào Văn học sử, nó mang cái tánh nghệ thuật rất cao.

Một từ rất tục tĩu, trong miệng các nhà thơ, nhà văn phát ra nó trở thành một vần thơ, một đoản văn cũng hay như những từ bác học khác vậy thôi. Chỉ cần đưa nó vô đúng lúc, đúng ngữ cảnh, đúng ngữ điệu, đọc lên sẽ thấy cái huyền diệu của tiếng chửi thề!

Hồi xưa nhà thơ Cao Bá Quát bất mãn triều đình Tự Ðức đi làm loạn. Bị bắt, giải ra pháp trường hành quyết."Ba hồi trống giục đù cha kiếp/ Một nhát gươm đưa đéo mẹ đời!"

Hai câu thơ, tiếng Nôm, đối nhau chan chát nghe như hát, như một bản thiên anh hùng ca của một người sa cơ thất thế nhưng không hèn yếu, cúi đầu mà chịu nhục.

Ai dám bảo hai câu chửi thề nầy nó không có tánh văn chương?

Nhà thơ xưa đã chửi thề vào mặt triều đình phong kiến, giờ thì nhà văn hiện đại cũng chửi thề luôn vào mặt chế độ.

Ngoài Bắc, những năm 60, có nhà văn Tuân Nguyễn (xin đừng nhầm với Nguyễn Tuân, rất nổi tiếng trước 45 với những bài tùy bút, sau thui chột vì cam tâm làm bồi bút) theo ông Phùng Quán kể lại trong truyện "Người Bạn Lính Cùng Tiểu Ðội" như vầy:

"Hòa bình lập lại, Tuân ra khỏi quân ngũ, đi học tiếp và tốt nghiệp Ðại học Sư Phạm, làm thầy giáo. Sau đó được điều về Ðài phát thanh Tiếng nói Việt Nam...

Còn tôi, lâm vào cảnh khổ nạn văn chương Nhân văn Giai phẩm phải về tá túc bên bờ hồ Tây, nhập phường câu cá trộm..."

"Trong khi bạn bè thân thích, kể cả máu mủ ruột thịt, người yêu, đều xa lánh tôi, thì Tuân Nguyễn vẫn gắn bó, cưu mang tôi. Mặc dầu lúc này anh là người có chức danh của một cơ quan quan trọng, bắt đầu có tiếng tăm trên thi đàn. Tuân mò tìm được nơi tôi tá túc, thường xuyên mang cho tôi áo quần, tem gạo, phiếu thịt, kẹo, thuốc lá căng tin..."

"Một lần, tôi hỏi Tuân:

- Cậu hay gặp mình, thế nào cơ quan họ cũng biết. Cậu không ngại à...?

- Có ngại cái con ‘c.c'. Ðù mạ ...!"

Chịu chơi như vậy, nên sau đó bọn chúng bắt nhốt Tuân Nguyễn vào ngày 21 tháng 10 năm 1964, và được thả... mười năm sau đó!

Ra tù, ông lại bị tai nạn xe cộ rồi mất nhưng cái chịu chơi, cái tiếng chửi thề của ông văng vào mặt bọn chúng vẫn còn sống tới bây giờ nên tui mới biết đó chớ!

Thấy những bậc tiền bối vang danh trên chốn văn đàn về tiếng chửi thề phát ra đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc, đúng hoàn cảnh như vậy nên thưa tui rất an tâm mà tiếp tục chửi thề... Không phải cho nổi tiếng mà chỉ cho vui cái mồm trong lúc trà dư tửu hậu, nói dóc với chư bằng hữu.

Nhưng em yêu của tui cực kỳ phản đối! Em phán rằng: "Hồi xưa Tía má em chắc chắn là không bao giờ chịu gả em cho một đứa cứ mở miệng ra là chửi thề bốp trời thiên như anh đâu!"

Tui gật gù: "Thiệt đúng là phần số mà! Phải hồi xưa anh mở miệng ra ‘chơi' một tiếng. Không cưới được em, anh cưới đứa khác; chắc đời anh đã khá hơn rất là nhiều lần."

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

LÁ THƯ ÚC CHÂU

 

Mộc tồn!

dxt_mocton.jpg 

Thưa bà con! Kỹ sư James Watt (1736 -1819), người Scotland, đã cải tiến máy hơi nước. Trước đó, dân Anh Cát Lợi biết dùng sức gió và sức nước nhưng động lực chủ yếu vẫn là sức của con người.

Từ khi máy hơi nước xuất hiện, nó tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp. Máy hơi nước trong các nhà máy, trong giao thông vận tải đường bộ và đường biển.

Nền công nghiệp phát triển, sản xuất tăng thì cần thêm nguyên liệu nên chánh phủ Tây Phương, thời đó ở Âu Châu, xua tàu, thuyền chạy bằng máy hơi nước (giờ chạy lẹ hơn thuyền buồm xưa nhiều) chở quân đi ăn cướp toàn thế giới.
Đời mà có ai chịu làm cha ăn cướp bao giờ nên đám thực dân Anh Pháp phải gióng trống thổi kèn là đi khai hóa văn minh cho các nước thuộc địa.

Vỗ ngực xưng tên mình là dân tộc siêu việt hơn hẳn các dân tộc bị trị bán khai man di, mọi rợ. Nói nôm na là đi dạy đời thiên hạ.
Từ đấy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ra đời, sống hùng sống mạnh, sống dai như đỉa; gây ra biết bao cuộc chiến tàn khốc, tang thương, làm chết triệu, triệu người dân vô tội trên trái đất.
Rồi từ từ nền văn minh thứ thiệt cũng bò bò tới... Đa số nhân loại ngày nay phải công nhận rằng chẳng có dân tộc nào... Da đen, vàng, trắng, đỏ mới sanh ra còn đỏ hỏn là khôn trùm thiên hạ hết ráo. Ai cũng như nhau thôi!
Thế nên Racism (Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc) và racist (tên kỳ thị chủng tộc) là những từ ngữ rất xấu xa! Hỏng cha nào dám vỗ ngực xưng tên, tao là một thằng kỳ thị hết ráo vì sợ bị chúng chửi.
Dẫu vậy cà cuống chết cái đít vẫn còn cay; chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn còn rơi rớt đâu đó; để lâu lâu tới mùa bầu cử, nhằm xách động, lợi dụng sự chia rẽ sắc tộc của cử tri, nó lại ló đầu ra mà múa may quay cuồng, để mà kiếm phiếu. Donald Trump, ứng viên của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay là một trong số đó.
Còn cuộc bầu cử Thượng viện Mỹ mùa thu năm nay cũng có vài đứa cắc ké nhảy ra mà kêu hé hé!
Thưa tiểu bang Oregon, nằm phía Tây Bắc Hoa Kỳ, nhìn ra Thái Bình Dương. Bắc giáp Washington. Nam giáp California và Nevada. Tây giáp Idaho. Diện tích tới hơn 255 ngàn cây số vuông mà dân số chỉ hơn 4 triệu người.
Trong 4 triệu người đó, có sót một đứa kỳ thị từ thế kỷ thứ 18. Mà tui xin đặt tên là: ‘Chú Sam Racist!', bởi gọi tên thật thì sợ nó đi thưa!
Chuyện rằng: Sam Racist đang hy vọng sẽ được đảng Cộng Hòa chọn ra trong cuộc bầu cử sơ bộ, để long tranh hổ đấu vào Thượng viện với đương kim Thượng nghị sĩ Ron Wyden thuộc đảng Dân Chủ.
Sam Racist vốn chủ một xưởng cưa cây lớn nhứt tiểu bang Oregon. Nhứt phá sơn lâm nhì đâm Hà bá mà! Mua cây rừng đốn xuống, xẻ ra rồi bán. Khoan nói cái vụ ván xẻ, ván sàn gì hết; nội tiền bán mạt cưa không cũng khẳm rồi.
Chủ nghĩa tư bản là lợi rồi danh nên Sam Racist bèn đi theo con đường của bác! Vốn là cựu dân biểu tiểu bang Oregon, giờ đã thôi đi làm cây; mà đi bán muối dưới Diêm Đài.
Sam Racist vận động tranh cử ráo riết, viết lời hiệu triệu quốc dân đồng bào như vầy: "Kính thưa đồng bào! Tui là Sam Racist!
Chắc đồng bào thân mến có biết tin là tui đang chạy đua ra tranh cử chức Thượng nghị sĩ để có cơ may mà phục vụ đồng bào Oregon tại Thượng viện Hoa Kỳ!
Giống như bà con, tui thương, tui mến, tui yêu biết bao cái tiểu bang vĩ đại (Lại vĩ đại! He he!) Oregon nầy!
Chính vì tình yêu bao la, không bờ, không bến ấy; nên tui quyết định ra tranh cử vào Thượng viện Mỹ để biến vùng đất nầy là nơi sản sinh mầm mống của những người (kỳ thị) như tui có thể kiếm được việc làm để mang bánh mì trét bơ và bình sữa bò về cho em yêu và 4 sắp nhỏ ăn sáng, trưa và chiều tối.
Thưa ông cố, bà cố tổ của tui, cách đây 150 năm, đã đến tiểu bang Oregon nầy trên mấy chiếc xe ngựa kéo. Thời nghèo mạt rệp, từ hướng Đông về miền Viễn Tây, đổ xô đi tìm vàng đó mà! (Ý ‘giả', tui là dân cố cựu mấy đời ở đây nên lớn họng chê người mới tới)
Hơn chục năm qua, là Hội đồng Phường, tui đã phục vụ không ngừng nghỉ; nghĩa là lúc nào tui cũng chạy hết! Tui đã được đồng bào xoa đầu khen ngợi rất nhiều lần; vì tui đã làm cho cái thị trấn nầy tốt hơn để bà con mình vừa có việc làm, vừa sống nuôi dạy con cái và còn dư tiền ra để ăn và nhậu!
Nhưng úy trời đất ơi! Tui mới phát hiện ra rằng nếu làm hội đồng Phường thì chỉ giải quyết được chuyện trong phường trong khóm mà thôi! Còn những nan đề rắc rối của Liên bang hỏng lẽ chúng ta đứng đó, trơ con mắt ra mà ngó.
Tiểu bang Oregon của chúng ta đang tụt hậu; nghĩa là đang đi sau ‘đít' thiên hạ. Mà bà con biết đi sau ‘đít' ai đó là không có thơm tho gì nên tui quyết định ra tranh cử để dẫn dắt đồng bào, chen ra phía trước, để cho tụi tiểu bang khác đi sau ‘đít' mình chơi. Hỏi như vậy không sướng lắm ru?!
Rồi tui sẽ tạo ra nhiều cơ hội trước hết cho 4 đứa con tui; sau nếu còn dư thì tới con của đồng bào.
Cùng hợp lực, chúng ta sẽ phục hồi sự vĩ đại (Lại vĩ đại nữa!) cho tiểu bang Oregon nầy... rồi mới cho toàn nước Mỹ!
Xin hãy dồn phiếu cho ứng cử viên Sam Racist, Thượng nghị sĩ tiểu bang Oregon tại Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 17 tháng Năm tới đây. Chào quyết thắng! (Hi! Hitler!)
Thưa sau khi mở màn tưng bừng như vậy! Đầu tháng nầy, trong cuộc tranh luận giữa 10 ứng cử viên trong đảng Cộng Hòa tại trường đại học George Fox thì Sam Racist hiện nguyên hình là tên phân biệt chủng tộc hạng nặng khi tuyên bố với cử tọa rằng:
"Tui từng nghe bạn bè thân thiết của tui, lúc nhậu, kể lại rằng: "Những người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản đến Porland nầy đã từng bắt trộm chó, mèo của nhà hàng xóm để làm thịt chó 7 món!"
"Chánh phủ của chúng ta đã cấp nơi ăn chốn ở cho họ trong những nhà cao tầng khu Porland nầy đây. Để rồi mùa đông tới, họ lạc hậu đến nỗi không biết làm sao để sưởi ấm; chỉ biết đốt lửa ngay trong phòng khách của mình làm cháy rụi tòa nhà!"
"Tại sao người Việt làm như vậy?" "Vì văn hóa và cách sống của họ không phù hợp với văn hóa và cách sống của người Mỹ chúng ta"
Thưa bà con dù không phải là người Mỹ gốc Việt ở Oregon, tui ở tít sa mù Miệt Dưới nầy, nghe xong, tui cũng phừng phừng bốc hỏa! Tính bay một hơi qua bển tìm thằng chả để nói chuyện phải quấy chút chơi!
Sam Racist nói dân mình ăn thịt chó là vô nhân đạo, mà chó mèo lại ăn cắp của hàng xóm nữa chớ... tức dân mình là dân tội phạm ư?
Thưa xin bà con (cũng như tui) bớt nóng! Đúng là người Việt ta, bên quê nhà, có ăn thịt chó thiệt. Nào là chó luộc; dồi nướng; lòng hấp; chả chìa; rựa mận, xào lăn và xáo măng! Ăn với bánh đa kèm lá mơ trắng, rau húng chó, hành sống, mơ tam thể, củ sả, riềng, mẻ và ớt trái.
Gắp một miếng rồi chấm mắm tôm. Thêm một cúc cuốc lủi. Có chết cũng đành!
Ngay cả Hoàng thân Henrik của Đan Mạch, người từng sống ở Hà Nội đã từng chép mỏ nói rằng thịt chó hả? Ngon... ngon lắm!
Ngoài người Việt mình ở thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật ra, còn có Trung Quốc, Indonesia, Đại Hàn, Mexico, Philippines, Polynesia, Đài Loan, Bắc Cực, Nam Cực, và ngay cả Thụy Sĩ cũng xơi tất tần tật món mộc tồn; còn gọi là con cầy... tơ!
Ngay tại các nước Hồi giáo, việc giết chó làm thịt và ăn thịt chó cũng bị cấm.
Nhưng tại Syria, do chiến tranh, nhiều người bị đói, vì thế người dân ở đây được phép ăn thịt chó để khỏi chết đói đó thôi.
Nói như vậy không phải là tui bênh chằm chằm những người ăn thịt chó đâu. Cái thói quen ẩm thực xưa giờ của họ mà! Cả ngàn năm chớ đâu có ít! Ai xơi mộc tồn là quyền của họ! Who cares?
Còn thưa thật với bà con, cũng như đa số dân đồng bằng sông Cữu Long, ăn thịt chó cũng có, mà ít lắm! Nếu tò mò muốn ăn chơi cho biết với người ta thì kêu em yêu làm cho anh món heo giả cầy.
Con chó mình nuôi để giữ nhà; hỏng ai nỡ lòng ăn thịt nó bao giờ! Nó sống với mình hơn chục năm đã mến chưn, mến tay, nay già bịnh chết, cuốn chiếu đem chôn còn khóc hu hu nữa đó.
Thưa nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, bà con mình sau 75, phải làm thân lưu lạc trên toàn thế giới mà đa số ở Phương Tây thì dân mình cũng lịch sự có thừa, hiểu việc giết chó làm thịt và ăn thịt chó bị coi là tàn bạo và bị cấm.
Mấy chục năm xa xứ, tui chưa nghe người Việt nào ở Mỹ, ở Canda hay ở Úc bắt trộm chó mèo của hàng xóm mà mần thịt ăn bao giờ.
Bà con mình bên Oregon nghe Sam Racist chụp mũ như vậy thì giận lắm, nói: Trong nước thì dân xứ Bắc quê mình có ăn thịt chó thiệt nhưng là chó nhà, chó cỏ! Không phải loại chó cưng, chó kiểng như ở đây! Chó kiểng mắc quá; mà có ngon lành gì đâu; ngu sao mà ăn?
Hai là người Mỹ gốc Việt chúng tôi không mang theo cái theo cái thói ăn thịt chó qua đây bao giờ. Chúng tôi đến đây sống, làm ăn, cống hiến và tuân thủ theo luật pháp và ăn thịt bò Mỹ.
Đương kim Chủ tịch Cộng đồng người Việt ở Oregon nghe lời phê phán cà chớn nầy của ứng cử viên Sam Racist, cũng giận xanh mặt, bèn dập cho chú em mầy (bằng tiếng Mỹ lưu loát, trúng văn phạm đàng hoàng nhe), một trận ra trò.
"Cộng đồng chúng tôi đã nhận được đầy đủ thông tin về việc chú Sam Racist nầy chửi bới chúng tôi!"
"Làm Hội đồng, thì không nên phát biểu bằng cách: "Ờ! Tui nghe bạn tui nói!" "Tôi không biết ông lấy tin ở đâu về chuyện người Việt ở Porland ăn thịt chó và đốt cháy nhà để sưởi ấm?!''
"Cộng đồng người Việt ở Oregon đã đóng góp rất nhiều về văn hóa, tôn giáo, chánh trị, kinh tế cho toàn tiểu bang mà nói vậy đâu có được nè!"
"Ông phải rút lại lời bình phẩm đó và ông còn nợ Cộng đồng chúng tôi một lời tạ lỗi. Ông không thể nào đại diện cho chúng tôi tại Thượng Viện Hoa Kỳ được đâu!"
Bị phang tới tấp mấy cú đau điếng, Chú Sam Racist nầy xuống nước nhỏ, xin lỗi là lời bình phẩm của tui chỉ nghe từ bạn thiết của tui kể (tính bán cái mà) đã truyền thông bị xuyên tạc (chơi tui). Đúng ra tui phải nói cách khác. Xin lỗi nếu lời phê phán của tui có làm xúc phạm ai đó!
Thưa bà con tui biết tỏng tim đen của chú Sam Racist nầy rồi!
Đặt chuyện nói láo, khích động sự chia rẽ về sắc tộc của dân Mỹ để mà kiếm phiếu của mấy thằng kỳ thị. Cái sách nầy hơi xưa và hết ăn khách rồi nhe chú Sam. Thượng viện Hoa Kỳ đâu có rảnh mà dành cái ghế nào cho một tay cực kỳ racist đặt ‘đít' ngồi đâu mà mong chớ!
"Kỳ thị từ trong máu mà! Kêu nó tạ lỗi làm chi; chỉ làm mất thời giờ của bà con mình mà thôi!
Đừng bỏ phiếu cho nó! Thất cử, là nó sẽ tiếp tục vô rừng cưa cây và bán mạt cưa như xưa vậy!"

đoàn xuân thu

melbourne 

 

Tố khổ... anh yêu!

 dxt_tokho.jpg

 

Tranh Bảo Huân

 

Thưa hôm 7 Tháng Tư năm 2016, Hải quân Mỹ vừa cho bà con cô bác mình coi một tấm hình cho thấy hai ông thần nào đó, mặc áo cứu sinh màu vàng cam, quơ tay vẫy rối rít, khi chiếc phi cơ tuần tra biển P-8 A bay ngang qua một hòn đảo hoang vắng không người, tên Fanatik ở Thái Bình Dương.

Một chiếc tàu được phái tới giải cứu được hai ông thần, đưa về chốn an toàn sau ba ngày mất tích.

Sỡ dĩ chiếc máy bay nầy bay là là xuống thấp vì thấy trên bãi cát có chữ ‘Help' to tổ bố ghép bằng những cành lá cọ.

Hỏi nguyên nhân tại làm sao ra đến nông nỗi nầy, thì hai ông thần nầy nói: "Giận vợ nên rủ nhau xuống thuyền dông ra biển, tính một đi không trở lại, nhứt quyết ra hoang đảo để làm Robinson Crusoe!''

Hai ngày đầu thì cũng vui, cũng thoải mái hết sức vì không còn nghe tiếng ‘chét chét' của con vợ nhà; nhưng tới ngày thứ  ba thì buồn miệng vì thèm beer quá xá.

Hai đứa ngồi gác chưn lên trán ngẫm nghĩ, thấy mình làm vậy thiệt là nông nổi, bồng bột nhứt thời như con nít, đâm ra cực kỳ hối hận nên mới kêu cứu đó chớ.

May phước là máy bay Hải quân Mỹ tuần tra, nó thấy; bằng không con vợ tui sẽ mồ côi ‘chồng'!

Thưa một trong hai ông thần bị hâm hâm nầy lại là anh bạn văn của người viết mới chết chứ!

Gặp lại ảnh, tui bèn phỏng vấn chớp nhoáng rằng: "Sao người bỏ em cho đành lòng?"

Ảnh bèn móc túi ra cho tui coi bức tuyệt tình ca của con vợ ảnh viết để đấu tố bố thằng cu như vầy:
Em đã có một thời gian dài đăng đẳng theo một ông, đi cạnh đời em mà em phải gọi là chồng. Lúc vui em gọi là ông xã; lúc buồn bã thì gọi là thằng chả hay ‘giả' để em vui!

Em đã chọn, lỗi tại em mọi đàng, không đổ thừa ai hết vì có đổ thừa cũng không có được.

Ngày ấy, cây si anh trồng ngay lối đi.... Thằng chả chơi mánh, dùng cái sách của ‘Pavlov' đó mà! Tình yêu là thói quen thôi. Bữa nào vắng thằng chả cũng nhơ nhớ chớ.

Rồi miền Nam mình sập tiệm. Em đang là sinh viên ban Lý Hóa Vạn Vật của Đại học Khoa học SàiGòn, vừa phải đào kinh, vét mương để trở thành giai cấp lao động. Học làm nha sĩ, nhổ răng mà... biết đào kinh để làm cái giống gì?

Bị mấy đứa quần nilon dầu ‘quần' tối tăm mặt mũi như vậy phần nếu cứ cà nhỏng chống xâm lăng; sợ VC bắt lấy thương binh cùi đui sứt mẻ của nó là bỏ bu nên Tía em nói ưng nó phứt cho rồi.

Má gom đâu được mấy cây vàng Thế Tài cho, nói thôi hai đứa bây dông đi mới có tương lai. Tía Má già rồi đành ở lại mà chịu trận.

Phước đức ông bà để lại sau một tuần lênh đênh trên biển thì tới được Pulau Bidong. ‘Giả' xưa đâu có lính tráng gì nên lọt sổ vì phái đoàn Mỹ ưu tiên lãnh mấy anh bạn lính đồng minh của nó. Đành phải đi Úc Kangaroo.

Nghe nói bên Úc mùa Đông lạnh quéo, râu xụi lơ, nhưng đi cho rồi để đảo trống chỗ cho bà con mình mới tới nữa chớ!

Những năm đầu tiên vất vả, bận rộn thiệt nhưng hạnh phúc vì hổng có thời giờ mà cãi lộn. Nói hổng cãi nhau là không có chính xác. Cũng có một vài lần. Và lần nào cũng vậy, thằng cha cà chớn lửa nầy, ỷ mình độc quyền ‘cầm', làm nư mang cái mền dầy cui ra salon ngủ mình ên, bỏ em ở lại một mình trong phòng ngủ với cái chăn đơn! Mà bà con biết mà mùa đông Úc Châu nó lạnh trong xương lạnh ra; mà ‘giả' chơi cha mang cái lò sưởi 37 độ rưỡi đi, bỏ em cô quạnh, để buồn nào hơn đêm nay khi ngoài kia bão tuyết đầy Trời?! Lửa hờn căm của em đã nhen lên từ độ ấy!

Em hy sinh làm ‘cleaner', tức công nhân vệ sinh cho ảnh đi làm ‘cụ' sinh viên! Sau đó, em thu xếp để vừa học vừa làm, chớ đường đường là một nữ sinh viên đài các SPCN mà lau bàn, quét rác hoài coi sao được nè?!

Trời thương cho hai kẻ nghèo nhưng bền chí phấn đấu! ‘Giả' ra trường, làm chuyên viên điện toán chuyên thảo phần mềm chống bọn hacker, tức tin tặc! Em học xong làm việc cho ngân hàng, chuyên dụ người ta mượn tiền mua nhà để em ăn hoa hồng...

Cuộc sống ổn định, em sinh con. Đứa con trai đầu lòng ra đời chưa bao lâu thì gia đình lủng củng, bắt đầu cãi nhau, trước ít sau nhiều... Và những khác biệt về ý thích, cá tính bắt đầu lộ ra, tình ta rã bèn như đồ vàng mã gặp mưa.

‘Giả' hiện nguyên hình bản tính phát xít như Mussolini, độc tài như Stalin, điên loạn như Hitler và bốc phét như Mao Trạch Đông!

Thằng chả còn tuyên bố láo lếu như vầy: "Chân lý chính là ta!" (Cứ tưởng mình là Hoàng đế Caesar thời cổ đại La Mã không bằng!)

Lấn tới hổng được thì em đành phải thụt lui. Việc tranh cãi giữa hai vợ chồng như chạy chiếc xe trên con đường rất hẹp. ‘Giả' chắn đường, nếu mình sấn tới tất đụng, hư móp cả hai. Thôi đành gài số ‘R' mà de lại.

Thấy em nhịn thằng chả cứ lấn tới, lấn sát mé giường luôn! Hổng lẽ chịu rớt xuống sàn, đành để cho ‘giả' chấm tọa độ! Không đi lính mà ‘giả' có khiếu như đề lô pháo binh vậy. "Em ơi đừng lấy Pháo Binh. Đêm đêm nó pháo rung rinh cả giường!" Kết quả là em tọt thêm một đứa nữa!

Thêm con, thêm đầu bù tóc rối rồi cũng thêm xung đột vợ chồng! Giờ như cơm bữa. Ngày nào không có gây là coi như bữa cơm đó mất ngon!

Chỉ an ủi là ‘giả' không có máu bạo động! Hay có lẽ quánh vợ ở Úc nầy, bạo hành gia đình, là bị lính bắt nên ‘giả' sợ chăng?! Không dám xuống tay động thủ nhưng hay động mỏ, ác khẩu thôi hết biết!

Thằng chả không biết rằng chửi vợ cũng là bạo hành đó! (Mấy bà nhân viên xã hội dạy em như thế!)

Thằng chả rất tự hào vì có lối nói làm ai nghe phải tức đến hộc máu mồm...

Nói tới CS là ghét cay ghét đắng nhưng ‘giả' lại có đủ tính xấu của Cộng sản: tàn nhẫn, độc tài và chuyên chính! Tự coi mình là người duy nhất đúng. Duy ngã độc tôn!

Mỗi lần thuyết trình đề tài gì cho em nghe, thay vì kính thưa kính gửi má bầy trẻ thì thằng chả lại chửi và có lúc chửi thề; thiệt làm ê chề cho cái tiếng Việt của quê mình ghê!

Cãi nhau với em, ‘giả' gầm thét như hổ nhớ rừng của Thế Lữ vậy! (Là bài thơ tủ của thằng chả!)

Mỗi lần có bạn ‘ní' đến nhậu tại nhà, em nói để em xào cho vài món đưa cay thì ‘giả' gạt phăng đi... "Em chỉ biết nấu ăn chớ không biết làm đồ nhậu?! Để đó cho ta!"

Làm 5, 10 chai beer, là phởn lên: "Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua/ Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ/ Giương mắt bé giễu oai linh rừng thẳm"

"Nay sa cơ, bị nhục nhằn tù hãm/ Để làm trò lạ mắt, thứ đồ chơi/ Chịu ngang bầy cùng bọn gấu dở hơi/ Với cặp báo chuồng bên vô tư lự"

Chính vì nghĩ mình là Cọp, nên ‘giả' luôn kiêu căng, tự phụ, mở miệng chê bai người này ngu, kẻ kia dốt, óc đặc, óc tàu hủ...

Bản tính ‘giả' vốn không chấp nhận phê bình, chỉ trích hoặc khuyên răn gì ráo, nhiều lúc em chỉ nhận xét nhẹ nhàng (như búa bổ) nhưng ‘giả' cảm thấy thương tổn và chỉ chờ dịp để sỉ vả em rất nặng lời.

Khi thằng nhỏ con em được 3 tuổi, trong một lần cãi vã, ‘giả' nói: ‘Mother in law' (má đơ in lo) lúc nào cũng phải lo! (Chẳng qua em có lén gởi về má em chỉ có hai ngàn đô để ăn trầu. Thằng chả xót của quá, nên phát biểu linh tinh!)

Đấy là giọt nước làm tràn cái ly đã đầy. Chút tình cảm vợ chồng còn sót lại trong em hoàn toàn nguội tắt. Người ta nói dâu hiền rể thảo. Nhưng rể nầy là rễ đu đủ!

Em bèn ra luật sư để làm thủ tục ly dị. Luật sư khoái quá, hối em ký lẹ lẹ lên đi! Nhưng em nhìn hai đứa con thơ, chúng có tội tình gì mà phải chịu mồ côi khi cha chúng còn sờ sờ ra đó. (Còn ăn, còn nhậu, còn nói dóc tưng bừng!)

Ly dị rồi lỡ có con ‘ngựa bà' khác nhào vô ‘giả' thì sao? Đâu có được nè! Vậy là em ngoe ngoảy ra về, tiếp tục ở nữa, dù ông Luật sư mất mối, mặt buồn xo như cái bánh bao chiều!

Vậy là tiếp tục chịu đựng, vì tình yêu đã đội nón lá ra đi, cuộc sống bên lề đời nhau thật là nhạt hơn nước ốc.

Rồi gần đây em ngờ rằng ‘giả' bị mắc bệnh tâm thần, bị bệnh trầm cảm, có lẽ bịnh Alzheimer (hay quên) luôn! Vợ con sờ sờ ra đó mà không nhớ, chỉ nhớ con bồ xí xọn bán đậu đỏ bánh lọt trước cửa trường Trung học, từng cho thằng chả ăn chịu khi ‘giả' mới lên 16 tuổi. Hỏi có tức hông?

Đêm đêm, em thường ra bàn thiên trước nhà đốt nhang để cầu Trời, khẩn Phật cho em thêm sức mạnh như người Nhện (Spider woman!) để có thể tiếp tục chịu đựng người chồng "quái đản" này cho tới khi em tìm được lối đào sanh.

Chắc là kiếp trước em mắc nợ thằng chả nhiều quá, nên kiếp này phải trả cả vốn lẫn lời. Trốn nợ kiếp này, kiếp sau phải trả tiếp, không thể giựt nợ đời như giựt hụi được đâu!

Em đã viết di chúc (sợ tiền em bỏ lại, ‘giả' sẽ đem nuôi đứa khác), và căn dặn con em rằng: "Nếu Me đi bán muối, hãy thiêu, (Me không sợ nóng), tro lén đem ra dòng sông Maribyrnong rải xuống! Đừng để tụi Bảo vệ Môi trường nó bắt gặp, nó phạt tiền, tội làm ô nhiễm nước sông!"

"Để hương hồn Me hạc nội mây ngàn! Nhứt định không được chôn vào cái huyệt mà Bố tụi bây đã ‘ó đơ' (order) sẵn hai cái song song, nằm chình ình trong nghĩa địa!"

"Em rất sợ nằm gần "ông chủ nợ" của đời em lắm rồi!"

Đưa cho tui đọc cái bài tố khổ bố thằng cu xong, ảnh bèn hỏi: "Nếu anh là tui, anh sẽ cư xử ra sao?"

"Thì cũng trốn ra hoang đảo như ‘huynh' thôi! Con vợ chằn ăn và cà chớn lửa như vậy ai mà chịu cho nổi hỡi Trời!

Chỉ khác anh là thuyền ra hoang đảo của tui sẽ chở theo rất nhiều beer VB (Vợ Bỏ)!"

 

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

 Truyện 30 tháng 4

Tôi chỉ mới vừa 19 tuổi!

dxt_19.jpg 

Thủy Quân Lục Chiến, Quảng Trị 1972

 

Có nghững người làm thơ rất ít; nhưng bài thơ lại đứng lâu, rất lâu trong lòng người đọc. Trần Bích Tiên trong giai phẩm xuân 1972, trường nữ trung học Bùi Thị Xuân - Đà Lạt với bài thơ: ‘Nói Với Em Lớp Sáu' là như thế!

"Này em lớp sáu này em nhỏ. Em hãy dừng chân một chút lâu. Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ .Tóc em thơm ngát mùi hương cau ...Hương cau vườn chị xa như tuổi. Ba má chị nằm dưới mộ sâu .Vườn cũ nhà xưa tàn với lửa. Chị đi về hai buổi âm u!"

Tác giả bài thơ chắc cũng chừng 18, 19 tuổi thì thầm với người em lớp 6: ‘Giữ hoài cho chị tuổi hoa niên!'

Nhưng tuổi hoa niên của Trần Bích Tiên và người em lớp 6 đó cũng đã tàn theo binh lửa mất rồi! Cuộc chiến tranh tàn khốc đó, hủy hoại biết bao nhiêu là mộng ước một thời phải nói là đẹp nhất của đời người.

 

Những ngày thanh bình miền Nam xem chừng ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn được vài năm dưới chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa cho đến khi Bắc Quân phát động cuộc chiến tranh, xâm chiếm Miền Nam.

Mà một trong những cao điểm tàn khốc của cuộc chiến là Tổng tấn công và Tổng nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tổng tấn công thì có mà tổng nổi dậy thì không.

Dưới dòng nhạc Trịnh Công Sơn, ông hát trên những xác người trong trận đánh 68, Tết Mậu Thân, cố đô Huế: "Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy:Trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn...Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con...Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá. Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người .Tôi đã thấy, tôi đã thấy:Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em..." để những người mẹ, người cha mất con, người vợ mất chồng, người con gái mất anh, mất em, đến nỗi phải phát điên ...

"Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh. Chị vỗ tay hoan hô hòa bình. Người vỗ tay cho thêm thù hận.Người vỗ tay xa dần ăn năn!"

 

 

Còn người lính, Linh Phương, ngoài mặt trận: "Em hỏi anh bao giờ trở lại? Xin trả lời mai mốt anh về. Không bằng chiến trận Plei Me hay Đức Cơ - Đồng Xoài - Bình Giã. Anh trở về hàng cây nghiêng ngả. Anh trở về hòm gỗ cài hoa. Anh trở về bằng chiếc băng ca. Trên trực thăng sơn màu tang trắng. Mai trở về chiều hoang trốn nắng. Poncho buồn liệm kín hồn anh. Mai trở về bờ tóc em xanh. Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt. Mai anh về em sầu thê thiết. Kỷ vật đây viên đạn màu đồng. Cho em làm kỷ niệm sang sông. Đời con gái một lần dang dở. Mai anh về trên đôi nạng gỗ. Bại tướng về làm gã cụt chân.Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân. Bên người yêu tật nguyền chai đá. Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ. Em nhìn anh - ánh mắt chưa quen. Anh nhìn em - anh sẽ cố quên. Tình nghĩa cũ một lần trăn trối!"...

Có người cho đó là những bài thơ phản chiến. Nhưng ai mà không phản chiến bởi con người sinh ra không phải để đánh nhau. Mà cầm súng là chuyện bắt buộc, chuyện chẳng đặng đừng vì phải đem thịt xương này ra để ngăn lại bạo tàn, chống lại tham vọng của một lũ điên.

 

Cái tham vọng của lũ điên đó cũng đã lôi kéo cả một người lính Úc từ Melbourne thanh bình, lên tàu về chốn lạ, tham gia cuộc chiến trong một thời gian cực kỳ ngắn ngủi, một năm; mà vết thương trong tâm hồn còn dai dẳng cho tới bây giờ:

 

"Mẹ, ba, Denny nhìn cuộc diễn binh ở Puckapunyal. Cuộc diễn hành dài của những tân binh.Tiểu đoàn 6 tới phiên và tôi là người trúng tuyển. Tới Canunggra và Shoalwater huấn luyện thêm trước khi đi.

Townsville sắp hàng trên lối khi chúng tôi tiến ra bến cảng.

Chúng tôi trẻ, khỏe, sạch sẽ, tinh tươm in hình trên báo chí!

Đó là tôi, chiếc nón nhà binh, khẩu súng và quân phục màu xanh lá.

Trời ơi! Tôi chỉ mới vừa 19 tuổi!

God help me, I was only nineteen.

 

Từ Vũng Tàu trực thăng vào bụi mù Núi Đất. Đã trèo lên, nhảy xuống trực thăng cả tháng trời. Lấy lều làm nhà, beer VB và hình gái khỏa thân dán trong tủ áo. Xuyên qua rừng bụi, trời hoàng hôn đẫm màu độc chất da cam!

Thưa bác sĩ sao tôi không ngủ được? Đêm đêm về...cánh rừng đen... hòa tiếng M16? Sao những vết mẩn đỏ này cứ đến rồi đi?

Trời ơi! Tôi chỉ mới vừa 19 tuổi!

God help me, I was only nineteen.

 

Hành quân dài bốn tuần và mỗi bước đi có thể chỉ còn lại một chân! Tôi chiến đấu cùng nỗi sợ! Nhưng không bỏ rơi đồng đội trừ phi phải nhắm mắt xuôi tay!

Thôi nhắm mắt lại, rán nghĩ ra điều gì khác!

Có ai đó la lên ‘chạm địch!' Đồng đội phía sau bật lên tiếng chửi thề! Loay hoay cả giờ... rồi tiếng nổ... long trời lở đất. Frankie đặt chân lên trái mìn ngày nhân loại đặt chân lên tới mặt trăng!

Trời ơi! nó sẽ trở về nhà vào tháng sáu.

 

Vẫn còn thấy Frankie uống beer khi đi phép 36 tiếng ở Vũng Tàu. Vẫn còn nghe Frankie nằm thét lên vì đau đớn giữa cánh rừng mênh mông nhiệt đới! Cho đến khi thuốc giảm đau phát huy tác dụng và tiếng rên xiết đó chết đi!

 

Huyền thoại Anzac không nói về bùn, máu và nước mắt. Và những câu chuyện ba tôi kể đường như là không thật. Tôi dính vài miểng vào lưng mà không hề hay biết.

Trời ơi! tôi chỉ mới vừa 19 tuổi.

God help me, I was only nineteen.

 

Thưa bác sĩ sao tôi không ngủ được ? Sao tiếng trực thăng của đài truyền hình số 7 làm chân tôi lạnh? Sao những vết mẩn đỏ này cứ đến rồi đi?

Trời ơi! tôi chỉ mới vừa 19 tuổi!

God help me, I was only nineteen.

 

Cuộc chiến đó đã về tới Sài Gòn! Chiều qua, nhận thư anh viết từ Núi Ba Hô Quảng Trị. Những địa danh xa lạ: Khe Gió, Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử. Đại đội 1, Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến.

Anh đóng trên núi cao mà mùa này gió Lào khắc nghiệt, khô khốc! Phải bò, trườn, xuống thung lũng lấy nước...Nhưng rán học nha em! Anh dặn! Cuộc chiến này rồi cũng có lúc phải tàn chớ. Mình về xây dựng lại!

Nhưng anh không về nữa. Thơ anh đến chiều qua. Chiều nay đã có tin báo tử. Lên nghĩa trang Quân đội Biên Hòa nhận xác anh. Chiếc hòm gổ sơn xanh có chữ thượng trên đầu, phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Nằm kế anh là Lê Định, chuẩn úy, và hai mươi người lính đại đội 1, tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến trong trận đánh chống Bắc Quân tràn ngập đỉnh Ba Hô.

Buổi chiều 20 tháng 8 năm 1971, nắng vàng cam thoi thóp thở chân mây. Má tựa vào ba từng bước chậm, theo sau là một đàn em lóc nhóc, lên nhà quàn của Liên đội chung sự, nhận xác anh.

Má khóc sưng con mắt, đỏ chạch!

Trời ơi! tôi chỉ mới vừa 19 tuổi!

God help me, I was only nineteen!

 

đoàn xuân thu

(4/72/SQTBTD)

melbourne.

 

 

I Was Only 19.

 

 Mum and Dad and Denny saw the passing out parade at Puckapunyal,

(1t was long march from cadets).

 

The Sixth Battalion was the next to tour and it was me who drew the card...

We did Canungra and Shoalwater before we left.

And Townsville lined the footpath as we marched down to the quay;

This clipping from the paper shows us young and strong and clean;

And there's me in my slouch hat, with my SLR and greens...

God help me, I was only nineteen.

 

From Vung Tau riding Chinooks to the dust at Nui Dat,

I'd been in and out of choppers now for months.

But we made our tents a home, VB and pin-ups on the lockers,

and an Asian orange sunset through the scrub.

 

 And can you tell me, doctor, why I still can't get to sleep?

And night time's just a jungle dark and a barking M16?

And what's this rash that comes and goes, can you tell me what it means?

 

God help me, I was only nineteen.

A four week operation, when each step could mean your last one on two legs:

it was a war within yourself.

 

But you wouldn't let your mates down 'til they had you dusted off,

so you closed your eyes and thought about something else.

 

Then someone yelled out "Contact"‘, and the bloke behind me swore.

We hooked in there for hours, then a God almighty roar;

Frankie kicked a mine the day that mankind kicked the moon: -

God help me, he was going home in June.

 

1 can still see Frankie, drinking tinnies in the Grand Hotel

on a thirty-six hour rec. leave in Vung Tau.

And I can still hear Frankie lying screaming in the jungle.

‘Till the morphine came and killed the bloody row

 

And the Anzac legends didn't mention mud and blood and tears,

and stories that my father told me never seemed quite real

I caught some pieces in my back that I didn't even feel...

God help me, I was only nineteen.

 

 And can you tell me, doctor, why I still can't get to sleep?

And why the Channel Seven chopper chills me to my feet?

And what's this rash that comes and goes, can you tell me what it means?

 

God help me,

I was only nineteen.

 

John Schumann

  

 

Đại dịch 'Só Rì!'

 dxt_sorry.jpg

Tranh Bảo Huân.

 

Thưa có lần em yêu của tui đưa ra một cái nhận xét rất thẳng thắn, làm tan nát lòng tui, như vầy: "Sao bạn anh chơi, người nào cũng khôn hơn anh hết ráo vậy?"

Nghe tức muốn trào máu, tui bèn hỏi lại bằng tiếng Anh, vì hỏi bằng tiếng Việt, tui e rằng Thế chiến Thứ Ba sẽ bùng nổ ngay lập tức!

"Excuse me!" Và tui nhấn rất mạnh chữ me (mi) thành chữ 'mí' luôn mà xin tạm dịch là: "Hả? Cái gì? Em thử nói lại nghe coi!"

Em yêu của tui, tiếng Anh tới mười nút, bù trất, đâu có hiểu "Excuse me!" là gì? Êm!

Đem chuyện nầy thuật lại với anh Ba Tèo là 'ní' (bạn nhậu rất thân của tui) thì được ảnh kính cẩn, cúi đầu khâm phục cách tui giải quyết cơn khủng hoảng, tránh cuộc chiến tranh với vợ, nhém xảy ra trong gang tấc!

Tối đó, còn quạu em, tui cho nó ngủ chèo queo chơi, coi ai lạnh cho biết? Tui xách một xâu sáu lon beer , xuống 'garage' nằm nhậu một mình và suy nghĩ lung lắm.

"Ê! Em yêu của tui nhận xét cũng đúng quá chớ! Bởi chữ có câu rằng: Học thầy không tầy học bạn!"

Hồi chân ướt chân ráo qua đây, tui chỉ biết có ba động từ tiếng Anh thôi. Đó là động từ 'to quơ, to gặc và to lắc!'

Tình cờ Trời xui, đất khiến quen được anh Ba Tèo, vội kết tình bằng hữu chi giao, kết nghĩa vườn Đào, vì tui thấy tiếng Anh của ảnh nói rốp rốp... như người ta bẻ mía vậy.

Anh Ba Tèo truyền kinh nghiệm đầy mình: "Muốn học tiếng Anh? Cách hay nhứt, hiệu quả nhứt là học... ở trên giường!"

Thế là từ đảo mới qua, vợ con còn bỏ lại quê nhà, anh Ba Tèo đã hy sinh vì đại nghĩa tình ta, để cặp ngay với một em Úc, hơi sồn sồn, dưới mắt tui là cái hột mít biết lăn, còn dưới mắt ảnh, vốn giỏi tiếng Anh, em là 'a fat cow'! (là con bò cái... mà lại mập nữa... mới chết!)

Nhưng hề gì ở với em là để học tiếng Anh thôi... Tiếng Anh rành rồi là mình thôi... nó!

Năm đầu, dù đôi bên khác chủng tộc, màu da, ngôn ngữ nhưng sống với nhau cũng thuận buồm xuôi gió lắm.

Chẳng qua là con vợ Úc nó có nói cái gì anh Ba Tèo cũng không hiểu thì làm sao mà cãi lộn hà rầm như vợ chồng người Việt mình được chớ!

Vợ Úc khen chồng Việt là dễ dạy; bởi nói cái gì thằng chả cũng 'Yes!'.

Sau chừng hai năm, ngày thêm một chữ, là rắc rối nó lù lù bò tới; vì bây giờ nói ra hai đứa đã hiểu nhau hết ráo mới báo.

Em biết 500 chữ tiếng Việt; nên anh Ba Tèo bữa nào bực mình con vợ Úc mình quá, anh xài giấy 500, chửi thề bằng tiếng Việt, em cũng hiểu!

Ngược lại, bữa nào vợ Úc bực mình thằng chồng Việt của mình quá, em xài giấy 500, chửi thề bằng tiếng Úc, anh cũng hiểu!

Rồi hai đứa thôi nhau bởi cái lý do cực kỳ lãng xẹt là: Một hôm anh ra chợ Footscray, mua về chục hột vịt lộn! Luộc xong, ra vườn lặt mớ rau răm, một dĩa muối tiêu, nhậu với beer Úc, Victoria Bitter, quá là khoái khẩu.

Con vợ Úc đi nhậu ở pub, bò về, thấy vậy chun mũi phê là: anh Ba Tèo đúng là dân dã man nỡ lòng ăn con "babby duck!"

Anh Ba Tèo phản pháo lại là:  "Kangaroo là quốc huy của Úc, thịt của nó, em còn đem ra, barbecue, nướng nhậu... Thì ai dã man hơn ai hả?"

Xong con bò cái mập của anh cuốn gói ra đi mà không có mang theo gì; vì cả hai lấy nhau chỉ chung đụng có chuyện đó thôi! Còn tiền bạc của ai nấy xài chớ hỏng có hỏng ai chôm chỉa được của ai.

Em đi nhưng còn bỏ lại 500 chữ tiếng Anh cho anh Ba Tèo! Nên giờ ảnh mới hân hạnh vừa là bạn nhậu vừa là thầy giáo tiếng Anh của tui đó chớ!

Với tui, ảnh là cuốn tự điển Anh Việt biết uống beer và biết nói dóc.

Thưa lúc đi làm, tui hay bị mấy thằng Úc cùng sở hay phê bình tui vô phép quá. Hỏng bao giờ có 'excuse me' hay 'sorry' gì ráo trọi!

Thì anh Ba Tèo dạy tui rằng: Chẳng hạn như đi coi chớp bóng vô trễ thì mình nói "excuse me" để xin người ngồi ở hàng ghế co chân nhường chỗ cho mình bước qua!

Nếu gặp thằng Úc kỳ thị không thèm nhúc nhích thì cứ đạp cha lên cẳng nó mà đi; nhớ quay lại nói: "só rì" để xin lỗi!

Đơn giản, dễ nhớ là: Lỗi phải của ai; hỏng cần biết! Cứ 'só rì' đại là xong!

Nghe lời chỉ giáo đó, đụng ai tui cũng 'só rì'! Đụng với con vợ tui, tui cũng 'só rì'; nên em mới ở tới giờ mà không bỏ tui để đi theo thằng khác!

Thưa trôi giạt tới đây cũng được hơn hai chục năm rồi, thiệt hỏng phải khoe với bà con, nhờ sư phụ Ba Tèo chỉ dạy nên tiếng Anh của tui cũng kha khá!

(Tui biết nghe Adele, người em phốp phát mà hát như chim, nức nở điệu buồn: 'Hello'; làm biết bao đứa bị em yêu đá đít năm nào phải bùi ngùi sa lệ!

Adele đã gọi cả ngàn lần cho người yêu cũ để nói lời xin lỗi vì đã làm tim chàng tan nát. (I'm sorry for breaking your heart!)

Nhưng anh yêu ngày cũ không còn quan tâm tới. Hỏng chịu bắt 'phone'! Vết thương ngày xưa đã thành sẹo thì em có khơi gợi lại chẳng ăn thua gì; vì một lẽ rất dễ hiểu là anh đã có rồi... em khác. Hi hi!)

Thưa cũng cái vụ 'Sorry' nầy, hôm 16 tháng Ba năm 2016, Brian Earl Taylor, một tên tội phạm hình sự, bị còng tay, đứng trước vành móng ngựa, chờ tuyên án, được Tòa cho phép nói lời cuối cùng, Brian Earl Taylor 'nhái' theo bài 'Hello' của Adele để 'sorry' bá tánh!

Trước tiên là bà Tòa Darlene O'Brien. 'Sorry! Sorry! Sorry!' Kế đó là Má tui cũng 'Sorry'! Và cuối cùng là với nạn nhân, tui cũng 'Sorry' luôn!

 'Sorry' hết trơn hết trọi; hỏng bỏ sót đứa nào!

Taylor đã hứa như đinh đóng cột với quý Tòa rằng: Ra tù tui sẽ đi nhà thờ thường xuyên hơn, (nghĩa là em sẽ tu). Tui không hút cần sa rồi quậy đục nước như trước nữa!

Nghe 'sorry', bà Tòa cũng cảm động phán: "Có khiếu ca hát đấy chớ!"

Dẫu khuyến khích mầm non văn nghệ như vậy, nhưng bà Tòa cũng không quên tặng cho chú em ba cuốn lịch,vô đó mà ngồi gỡ từng tấm một!

Chắc nhờ hát 'Sorry' nên chú em nầy bị án nhẹ hơn khung hình phạt tới hai năm!

Chính vì thấy 'Sorry' có lợi bên nước Mỹ văn minh, nên mấy quan rinh 'Sorry' về Việt Nam, làm thành cơn đại dịch 'só rì'!

Công an đánh nghi can trẹo cái bản họng rồi 'só rì'! Tòa án nhốt lương dân mút chỉ cà tha rồi 'só rì'! Bệnh viện biến bệnh nhân từ lành lặn thành người tàn tật rổi cũng 'só rì'!

Chỉ mới đây thôi, một em nữ sinh, đang thời hoa mộng, 16 tuổi, đi học về bị xe gắn máy đụng. Chở vô nhà thương, bác sĩ nói gãy xương, băng bột. Đau quá và chân cứ xưng vù ngày một to mà hỏng có ai lo. Tới 5 ngày sau, nhắm không êm, mới chuyển em vô bịnh viện Chợ Rẫy Sài Gòn. Muộn quá. Chân phải bị hoại tử; phải cưa bỏ khỏi đầu gối.

Anh Ba Tèo nghe chuyện nầy rất lấy làm thương cảm cho nạn nhân mà rằng:

Hồi xưa, năm 1978, mất nước mới 3 năm, nhém chút nữa là tui cũng bị y hệt như em gái 16 tuổi tội nghiệp nầy! Nó dám mổ bụng tui lắm đó nhe!

Chẳng qua, tui bị đau bao tử không ăn uống gì được hết ráo; có lẽ vì phải nhai bo bo cứng quá nên lủng cái bao tử rồi chăng?

Suy dinh dưỡng nên mặt tui xanh chành như đít nhái. Con vợ sợ tui chết bỏ nó mồ côi chồng nên chở gấp tui vô Bệnh viện Đa khoa, nằm Khoa Nội!

Sáng hôm sau, chín giờ còn thiêm thiếp, thì y tá nắm giò tui lay lay thức dậy cho bác sĩ nó khám. Mở mắt ra thấy thằng cha Bác sĩ. Y cũng thấy tui rồi bỏ đi luôn một nước.

Anh biết tại sao hông? Té ra là thằng Bác sĩ nầy là thằng học trò cũ, tui dạy nó năm 1975, lớp 8, dẫu nó đã 19, 20 tuổi đầu rồi!

Học thì như hạch! Còn nói về trí thông minh, nó phải kêu con bò bằng chị!

Mới có 3 năm, nó đã làm bác sĩ nội khoa thì cha tui cũng chết chớ nói chi tui!

Chẳng qua nó có thằng cậu từ trong bưng ra làm tới Giám đốc Sở Y tế, nên cho nó học qua quýt chút đỉnh, rồi làm bác sĩ, đưa nó về cái bệnh viện lớn nhứt tỉnh nầy để vừa chữa bịnh vừa học thêm kinh nghiệm.

Tui xuất mồ hôi hạn, vội nhắn con vợ tui vô, dắt tui đi trốn viện!

Thưa cái lối đào tạo 'dốt như chuyên tu, ngu như tại chức' nầy đã làm hỏng biết  bao nhiêu người chết oan mạng? Mà hỏng nghe ai xin lỗi, 'só rì' gì hết hè! Chết! Bây rán chịu!

Bây giờ thì nền y học trong nước đã tiến bộ, theo kịp thời đại rồi!

Bị xe gắn máy đụng mẻ xương chút đỉnh, nhưng họa vô đơn chí, gặp phải bác sĩ dỏm, cưa giò người ta!

Đích thân bà Bộ trưởng Y Tế phải đứng ra xin lỗi, 'só rì' nạn nhân vì sợ chúng chửi! Còn hứa cho em lắp chân giả hỏng trả tiền và hỏi em có chịu đi học ra làm bác sĩ hay không bả sẽ cho đi!

Trời ạ! Cái thói ỷ quyền làm ẩu, muốn ai làm bác sĩ là làm, mấy chục năm rồi mà tụi nó chưa có chịu bỏ... Thiệt tội nghiệp bà con trong nước mình hết sức!

Vậy mà có chị em mình ở hải ngoại lại uống mật gấu, chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, dám bay về bên ấy đại tu sắc đẹp, bơm mông, độn ngực vì nó rẻ mà không sợ chết?!

(Ở Hà Nội, đã có người chết; bác sĩ thẩm mỹ đem xác nạn nhân xấu số vụt tuốt xuống sông Hồng rồi đó nhe bà con!)

Thưa chuyện làm bậy, làm trật cái gì thì cứ xin lỗi, 'só rì' là êm re, là xong; nên một thằng đi ăn cướp cũng bắt chước 'só rì'.

Mười giờ đêm, y bịt mặt leo lên lầu hai tính ăn cướp. Em kế toán, thu ngân nhà hàng thức ăn nhanh kiểu Hàn quốc đang kiểm tiền. Thằng ngu nầy cầm kéo nhào vô: "La! Tao đâm cho một kéo... là mặt em sẽ méo!"

Em thu ngân, (thấy dao mới sợ, thấy kéo không sợ), bèn chơi cái ngón võ 'cẩu xực xí quách', phập ngay vô cái tay nó đang cầm kéo! Rồi em la bài hải!

Tam thập lục kế dĩ đào vi thượng nên chú em ăn cướp bất thành nầy tẩu.

Về nằm suy nghĩ chắc nó biết giọng nói của mình rồi. Trước sau gì cũng bể! Thôi bò trở lại cọp dê, bắt chước xin lỗi, 'só rì' (của mấy quan từ  Công An, Tòa án đến Y tế!). "Đừng kêu lính bắt... tội nghiệp!"

Tính xin lỗi là xong chuyện, chìm xuồng! Ai dè cái còng nó chờ sẵn.

Em được 5 cuốn lịch, vô trỏng mà gỡ dù em chưa cướp được cắc nào. Chưa làm hại một ai chỉ mới hăm thôi. Cướp tài tử mà!

Anh Ba Tèo đọc xong, cười khè khè, nói: "Thằng nhỏ ăn cướp nầy khờ thiệt! Quan cướp, quan xin lỗi là huề! Quan khác; dân khác! Chú em mầy lỡ đói, đi ăn cướp, dẫu không thành, rồi ló đầu ra mà xin lỗi, 'só rì' thì bà nội cũng đội chuối khô!

Nói một cách trần trụi, cái đại dịch 'só rì'  của các quan trong nước đang thi nhau hội diễn, chỉ là một vở hát chèo mà thôi!

Ngu lắm mới tin!

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

 

  

 

Lá thư Úc Châu!

Chén nước ‘bậu' đổ đi rồi !

 dxt_daudo.jpg

Anh bạn văn của người viết năm nay 65, đã tới tuổi hưu ở Úc; nhưng vẫn cần mẫn đi cày vì nợ áo cơm; quyết làm tới 70, mới chịu nghỉ ở nhà chơi với vợ!

"Lúc đó chắc tui vừa đi làm vừa chống gậy quá. Còn bây giờ nếu về ăn tiền hưu thì hỏng đủ trả tiền nhà còn thiếu ngân hàng, tiền chợ, tiền biu! Con vợ nó sẽ mặt lớn mày nhỏ! Rầu lắm ông ơi!"

"Đi làm còn sống lai rai, về hưu đôi khi lại chết ngay lập tức... vì buồn! Vì chơi với vợ lớn niềm vui lại nhỏ; chơi với vợ nhỏ niềm vui lại lớn! He he!"

"Hỏng thấy David Letterman, cũng 65, chủ xị ‘the late-night show' của đài CBS mới về hưu chỉ có mười tháng thôi mà đầu sói, râu ria mọc xồm xoàm. Sáng chạy bộ tập thể dục không ai nhận ra, cứ tưởng đó là ông già Santa Claus!"

"Thôi ráng cày thêm 5 năm nữa! Có tiền ăn cơm; còn có tiền coi văn nghệ ca nhạc do ca, nhạc sĩ bên Huê Kỳ bay qua trình diễn nữa đó!"

Thưa hồi còn thanh xuân, ảnh là con người đã chớm yêu văn nghệ, yêu ca sĩ rồi yêu luôn tới già.

Ảnh đã từng tuyên bố người ca sĩ thần tượng của ảnh nếu muốn, ảnh lấy làm rất vui lòng mà xách guốc cho em!

Giờ bèo giạt qua trôi tới Úc, phận mình đã êm êm; lại có tánh tào lao bao đồng hết biết; lo cho ca sĩ thần tượng của ảnh đang gặp vận xui!

Mới đây nghe thần tượng, từ thời thơ dại tới thời lớn đại, bò về Việt Nam hát... Rồi bị tụi nó chơi ‘đểu', nó cấm; bây giờ gần năm rồi hỏng biết ‘bậu' sống ra sao? Còn nấn ná nhẫn nhục phục vụ khán giả ở Việt Nam hay bay cái vù trở qua bên Mỹ rồi! Hu hu!

Người viết vội đem khăn giấy ra, lau vội đôi dòng lệ nóng lăn dài trên đôi má hóp vì răng rụng gần hết ráo của anh! Vậy mà ‘thằng chả' vẫn còn thút tha thút thít không thôi!

Người viết thấy tình hình coi bộ nghiêm trọng quá, có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, lỡ ‘giả' xúc động quá, lên cơn nhồi máu cơ tim là Tía tui cũng chết; bèn nhẩy vô can: "Yểm bi lụy! Yểm bi lụy! Chớ ai bi! Chớ ai bi!"

"Anh ơi! Bên Mỹ mà; anh có thấy cái mộ bia nào nói: ‘Chết vì đói!' đâu mà anh lại lo con bò nó trắng răng vậy hả?"

Nín khóc, ảnh nói, nhớ: Ông Hoàng Trúc Ly năm 1964 còn làm thơ cho ‘bậu', thần tượng của tui, nữa đó! Nhiều người mê chớ đâu phải mình ên tui mới mê, mới khoái ‘em' đâu?

"Từ em tiếng hát lên trời - Tay xao dòng tóc tay mời âm thanh - Sợi buồn chẻ xuống lòng anh - Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau."

Tui không biết làm thơ để tặng ‘người'; nhưng giống ông nhà thơ nầy ở chỗ là tui mê ‘bậu' hồi còn nhỏ xíu lận cà! Khoái ‘bậu' ca cái bản: ‘Nỗi buồn hoa Phượng' hết biết!

Lần nào, lên Youtube nghe ‘bậu' hát là tui nhớ tới con bồ cũ hồi đi học lớp đệ Tứ biết bao! Tui phải trốn con vợ; ra sân sau, ngồi khóc một mình!

"Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn... Màu hoa phượng thắm như máu con tim... Người xưa biết đâu mà tìm?"

Còn "Bản dấu chân kỷ niệm" nữa chớ!

"Trời làm mưa tuôn nên khiến xui anh gặp em! Cho mình kết lời hẹn ước. Cớ sao trời cho tình yêu rồi ngăn cách. Mấy ai không rơi lệ sầu?"

Rồi sau nầy ra hải ngoại, lâu lâu tui lại nghe ‘bậu' ca cái bản vượt biên, làm ‘taxi', đưa người ra cá lớn, vọt! Thấy em lên sân khấu, chèo chèo, chèo riết... Trốn công an biên phòng, công an cửa khẩu... Tui ngồi nghe, rơi nước mắt, lã chã dòng châu luôn đó nghe cha!

Nhớ hồi xưa mình đi vượt biên cũng khổ trần ai khoai củ như vậy đó! Thành thử em nhắc tới là tui lại nhớ tới Má của tui?

"Ta quý mến giòng sông quen đưa tiễn. Thương người đi đến trọn nghiệp đưa đò... Con sông nào biết đường ra biển, đều biết đường đến bến Tự Do..."

Rồi ‘bậu' còn đốt cho tui niềm hy vọng mỏng manh nữa chớ!

"Một ngày bao người đi sẽ về đây dựng cờ... Lửa ngục tù bốc cháy cõi u tối hát về rạng đông... Quanh năm đưa đò... đưa người tìm Tự Do..."

Tui tôn thờ thần tượng của tui, phe ta... Thiệt hỏng có lầm mà!

Vậy mà vài năm gần đây, đột nhiên ‘bậu' hỏng có thèm chèo chèo nữa; mà bay về Việt Nam, nói để gặp lại khán giả từng yêu mến ngày xưa ta bé ta chơi, để hát nhạc muồi cho họ nghe!

Hôm qua bậu nói bậu không ‘dìa' mà hôm nay bậu ‘dìa'? ‘Bậu' ‘dìa' như phụ tình ái mộ của tui! Để tui: "Một mình lê bước em đến công viên ngày xưa nghe làn gió đùa xao xác..."

Thiệt bậu chơi như vầy là chơi ác, phụ cái tình cảm tui hằng yêu mến; làm tui có cảm giác đau hơn bò nó đá!

Tui nghe ảnh tâm sự cõi lòng tan nát như vậy bèn nhào vô an ủi một cách vô duyên rằng: "Thôi em làm vậy ngay chính tui cũng ngã ngửa như anh!"

Tuy nhiên cũng còn đỡ hơn mấy ông xí gạt vợ hiền nói về quê xây mộ phần cho Tía Má! Chứng tỏ mình là người con hiếu thảo đang lưu lạc quê người nhưng vẫn nhớ mồ mả ông cha; nhưng thiệt ra nói dóc để có cớ về uống bia ôm cho nó rẻ?

Ảnh nghe vậy bèn lắc đầu quầy quậy: "Ôi mấy cha đó tệ hơn vợ thằng Đậu thì kể số gì!"

Chuyện đáng phê phán là chuyện thần tượng của tui nè! Lòng dạ thiệt bạc đen quá xá! Em ‘xử' như vậy là gấp mười phụ nhau!

"Bậu nói với qua, bậu không lang chạ. Bắt đặng bậu rồi, đành dạ bậu chưa!"

Vậy mà cứ ong óng, làm như tui, một khán giả thầm ái mộ em, là đứa mới đẻ hôm qua sao chớ?!

‘Bậu' sợ mình nói ‘bậu' về vì tiền?! Nên ‘bậu' ‘thanh minh thanh nga' rằng: "Cái tình khán giả với mình mới quan trọng chớ! Đừng đem cái vụ tiền bạc vô đây chi cho nó mất cái vẻ thanh cao nha! Kiếm được bao nhiêu là em đi làm từ thiện hết trơn rồi!"

Tui nghe ‘bậu' nói vậy; ráng mà tin vậy; nhưng không thể nào tin được. Vì tin thiên hạ sẽ nói tui ngu! Lòng tui nói thiệt ông nghe nó tan nát hết trơn rồi. Tiếng hát một thời mình yêu dấu mà bây giờ...

Ôi nhớ xưa! Dẫu biết ca từ và nốt nhạc là do ông Thanh Sơn, ông Thúc Đăng và ông Trầm Tử Thiêng viết; nhưng bậu không cảm, không hòa điệu thì cách chi mà hát hay cho đặng?

Tui già mà cứ ngây thơ; cứ tin người như thế đó! Người bỏ ta sao đành chớ!

Từ độ bậu bay về Việt Nam tới nay, tui hỏng thèm nghe ‘bậu' hát nữa! Vì có nghe thấy cũng hết hay rồi! Một lần bất tín; vạn lần bất tin!

Rồi cuối năm ngoái nghe mấy ‘quan lớn' giận hờn sao đó mà cấm ‘bậu' không cho về hát hò gì hết.

Thấy chưa? Tụi nó ác lắm mà! Người ta hát lấy tiền làm từ thiện chớ có bỏ túi cắc nào đâu mà cũng cấm?

Rồi cuối năm nay thấy ‘bậu'quay trở lại Mỹ, làm cái ‘live show' kỷ niệm 50 năm ca hát! Nhưng cái lạ là khi nghe em hát, lòng tui đã thôi không còn xúc động nữa?

Chén nước ‘bậu' đem đổ đi rồi dù ‘qua' có ráng hốt lại dùm ‘bậu' đi chăng nữa thì nó cũng hỏng có chịu đầy!

Hồi xưa nghe ‘bậu' hát; tui ước gì mình được ‘xách guốc' cho ‘bậu'... cũng vui!

Còn bây giờ tui cứ tự hỏi lòng tui từng ngày: "Tại sao em phụ anh cho đành lòng?"

‘Bậu' giờ quay trở ra chắc khán giả cùng quan to, quan nhỏ trong nước chán chê nhạc mùi của ‘bậu' rồi sao? Hỏng ai chịu mua vé nữa, ế thì phải tung cánh chim tìm về tổ ấm với tụi mình mà không bỏ đi luôn? Phải có lý do gì đó chớ!

Lý do chánh chạy nhựt trình trong nước là vì mấy quan căm tức vụ ‘bậu' đi hàng hai, chân nầy cẳng kia đó mà! Mấy ‘quan' tuyên huấn ỷ quyền, cấm không cho hát; chỉ cho ‘hú' thôi...

Có thể là nó ‘hù' bậu chơi rồi cho hát lại! Nó muốn cho bậu biết ‘thằng' nào làm ‘cha' ở đây!

Người viết phụ đề Việt ngữ thêm là: có thể thần tượng ‘bậu' của anh chuyên trị nhạc muồi mà bây giờ người ta không còn thèm nghe, thèm coi nữa vì có người khác hát còn mùi hơn, còn trẻ hơn, còn ‘sexy' hơn nữa anh ơi!

Hát nhạc muồi còn khuyến mãi thêm: "Rõ màu trong ngọc trắng ngà! Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên!" Thì cách chi mà ‘bậu' của anh ‘chơi' cho lại chớ?

Anh bạn văn rầu rĩ nói: Biết vậy nhưng thấy ‘bậu' lỡ một lầm hai thì lòng tôi đau như cắt? Mình muốn trách mà trách không đành!

Trách: "Thương nữ bất tri vong quốc hận!" Nhưng thời buổi kim tiền mà!

Ai cũng đầu tiên tiền đâu? Mình nghèo đành chịu bị ‘em' phụ thôi, chớ sao?

Hải ngoại, tuần một show, làm sao sống? Rồi tiền son phấn, áo quần nữa ở đâu ra?

Tui nghe vậy bèn cười ruồi mà phán rằng: Cha nội ơi! Em cũng chỉ là đồ tham đó bỏ đăng thôi! Nghe hơi tiền là vọt mà cứ ở đó bênh hoài hè!

Ai dè anh bạn văn nổi nóng một cách lảng òm, quay sang ‘quạt' người viết liên thinh kỳ trận:

"Còn ông nữa! Hỏng chia sẻ nỗi buồn hoa phượng với tui gì hết chỉ giỏi có cái xỏ xiên thần tượng của tui thôi! Thiệt là tệ! Hỏi vậy thì lòng ông có hẹp lượng lắm hay không? Tui sẽ nghỉ chơi với ông ba tháng!"

Người viết bị anh bạn văn phạt trọng cấm... Ba tháng nghỉ chơi... Lòng tui cũng man mác buồn! Nhưng không có ở không mà năn nỉ. Bèn đưa tiễn anh bạn nhậu mình ra cửa!

"Mình nói thiệt lòng vì nghĩ sao nói vậy; mình hỏng thích ai nói dóc mình hết ráo... Mình nghe dóc quá xá nhiều rồi, nghe đầy cả hai cái lỗ tai, dẫu muốn bắt chước Hứa Do, Sào Phủ bên Tàu... nghe lời nghịch nhĩ bèn xuống sông mà rửa; kẹt cái hỏng biết lội, sợ chết chìm... Nên thích người nào nói thiệt! Bụng ngay dạ thẳng!"

Lần nầy lời thật mích lòng... lỡ đụng trúng thần tượng đất sét rã bèn trong mưa tầy hầy của ảnh như vậy mà ảnh cũng hỏng chịu nghe, hỏng chịu sáng mắt, sáng lòng gì ráo trọi... mà cứ bênh chầm chầm ‘người đẹp' thì kệ... thằng chả!

Tự nguyện cho em ‘vẽ' rồng, vẽ ‘rắn' thì ráng chịu nghe! Nhớ đừng có kêu réo, than thở với tui chi! Nghe chán cái lỗ tai tui lắm lắm!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Xử án miệt rừng!

dxt_XuAn.jpg

Tranh Bảo Huân.

 

Thưa cuối tuần rồi, tui hân hạnh được một anh bạn, nhà tuốt ở trong rừng, mời đến tệ xá của ảnh chơi, nghỉ hai ngày cho nó phẻ.

Bấy lâu nay, tui cứ châu đầu vô thủ phủ Melbourne đầy khói bụi và tiếng ồn; mà con mình gọi là ô nhiễm thành phố!

Ngày nào cũng phải đi cày 8 tiếng, 5 ngày một tuần, để kiếm cơm cho má bầy trẻ và sắp nhỏ nên thú thiệt, hỏng phải than vãn gì mà thấy cũng hơi ‘oải'.

Má bầy trẻ cũng tội nghiệp! Sợ chồng mình đầu tắt mặt tối quá, đâm bị khùng thì đổ nợ nên cũng đồng ý ký sự vụ lịnh cho đi. Chớ bình thường dễ gì!

Vậy là: "Người lên ngựa kẻ chia bào! Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san".

Dĩ nhiên ở đây Úc nầy là không cỡi ngựa bốn chân rồi mà chỉ chui vào chiếc xe cà tàng rồi đường trường xa. Một tiếng đồng hồ sau thì tới nhà anh bạn quý.

Mùa thu nước Úc thiệt đẹp à nha! Lá phong trên ngọn đồi cao, gần thảo lư của anh bạn, đã nhuốm màu vàng sắp chuyển sang lá đỏ. Thơ hết biết luôn!

Nhưng thơ hơn nữa là anh bạn văn đã đặt mâm sau sân vườn nhà; để vừa uống rượu vừa ngắm hoa lắc rắc rơi!

Ngoài anh bạn văn là chủ xị còn có anh bạn khác, mặt lạ quắc, hồi nhỏ giờ mới biết. Sau vài tuần rượu sơ giao, hỏng biết thì thôi; biết rồi thì chán chết!

Anh bạn mới quen nầy từ Việt Nam sang Úc để ngắm mùa thu lá bay!

Ở Việt Nam mà có tiền sang Úc du lịch là phải khá rồi. Mà ảnh khá thiệt, vì bên ấy (nghe ảnh khoe) tui làm Luật sư!

Hồi VC mới vô, nghề Luật sư nó dẹp! Cử nhân Luật ngồi bán vé số đầy đường! Giờ nghề Luật sư, nó cho làm lại cho giống với người ta; kẻo thế giới chê rằng rừng rú; hỏng có cái văn minh!

Tội ác bây giờ trong nước xảy ra hà rầm. Mời nhậu không nhậu cũng chém mầy tới chết. Ghen tuông linh tinh lang tang, nói hoài không bỏ tật, vợ lấy kéo đâm hai phát lủng tim, làm chồng phải đi chầu ông bà ông vải!.

Chính vì vậy mà nghề Luật sư bây giờ làm ăn khấm khá lắm. Nghe ảnh nổ mình thấy cũng mắc cười nên hỏi ‘ngoéo' bậy một câu.

"Nghe nói Việt Nam cả rừng luật mà chuyên xài luật rừng thì anh ra Tòa, anh cãi ai nghe?"

Ảnh hơi chạm tự ái nói: "Năm rồi tui có cãi cho một thằng thoát khỏi án tử hình đó nhe!"

"Giỏi vậy sao? Hỏng bị tội chết! Bộ được tha bổng hả?"

"Đâu có nó bị chung thân!"

"Trời đất! Vậy anh cãi làm chi để nó bị tù mọt gông, theo tui, để cho nó chết coi bộ sướng hơn!"

"Đâu được nè! Phải sống trước; rồi từ từ mình chạy án, mình lo chớ!"

Rồi ảnh hỏi bên Úc nầy, có chuyện chạy án như Việt Nam hông?

Thú thiệt, người viết không biết; nhưng có đọc một chuyện vui mà tui tin tác giả Úc nầy xạo, đặt dóc: Ngồi chủ tọa phiên xử, quan tòa nói với hai luật sư bào chữa cho nguyên đơn và bị cáo như vầy: "Luật sư Leon, bên nguyên đơn, đã hối lộ cho bổn chức 15 ngàn đô! Luật sư Campos, bên bị cáo đã hối lộ cho bổn chức 10 ngàn đô!"

"Thôi bổn chức sẽ viết một cái chi phiếu, trả lại 5 ngàn đô cho luật sư Leon bên nguyên đơn!"

"Xong xuôi, bổn chức sẽ tiến hành xét xử cho nó công bằng. Không bênh ai và không bỏ ai hết ráo!"

Thưa đi học Luật rồi được làm Tòa là có quyền lắm! Ai cũng sợ. Chạy lon ton trong nội thành mà thấy ông nào mặc áo thụng đỏ, đội tóc giả, ôm một chồng hồ sơ, băng qua đường là mình né trước cho chắc ăn. Lỡ tông ổng một cái là luật pháp nó đổ nợ lên đầu mình chớ chẳng phải chuyện chơi đâu.

Cảnh sát còn rét mấy ổng nữa huống chi dân ngu khu đen như tui. Mỗi lần đi hầu tòa, là phải mặc cảnh phục đàng hoàng, áo quần thẳng li như quân phục đại lễ của sinh viên trường Võ Bị vậy.

Bị cáo dù giết người không gớm tay, tay bị còng, cũng phải mặc áo vest và thắt 'cà ra oách'!

Vô Tòa, đứng trước vành móng ngựa là còng phải được tháo ra vì trước khi ông Tòa khỏ búa là đứa nào cũng chưa có tội hết ráo.

Chớ hỏng phải như Việt Nam chưa xử là biết chú phải đi tù mút chỉ cà tha rồi hè!

Thưa ông Tòa cũng là con người! Mà con người thì đôi khi cũng thù dai, hận lòng năm cũ, thời đi học, đó chớ!

Nên có chuyện vầy: Một cô giáo phải ra Tòa vì bị cảnh sát truy tố tội vi phạm luật giao thông, lái xe vượt đèn đỏ.

Đọc hồ sơ thấy bị cáo làm nghề dạy học; ông Tòa vui hết biết, lễ phép đứng lên, phán rằng:

"Thưa cô! Bổn chức ngồi xử ở đây bấy lâu nay chỉ chờ được có ngày nầy!"

"Xin cô hãy ngồi xuống cái bàn kia. Và đây là giấy, viết!"

"Hãy viết 500 lần, câu: "Tôi sẽ không bao giờ lái xe vượt đèn đỏ nữa!" He he!

Thưa thẩm phán xét xử một cách không thiên vị tại các phiên tòa công khai. Thẩm phán nghe những người làm chứng và các bên trong vụ án trình bày chứng cứ, đánh giá mức độ xác thực của các bên, và sau đó đưa ra phán quyết về vấn đề được trình bày dựa trên việc giải thích pháp luật và đánh giá chủ quan của mình.

Tại một số quốc gia, quyền hạn của thẩm phán được chia sẻ với bồi thẩm đoàn hoặc hội thẩm! Bà con người Việt tỵ nạn mình đến đây sau khi nhập tịch Úc cũng có người được Tòa mời gia nhập bồi thẩm đoàn, làm nhiệm vụ của công dân. Không thể nào thối thoát trừ trường hợp có lý do chánh đáng. Mà lý do chánh đáng mà bà con mình hay viện dẫn ra để né là: "No English!" Thế là thoát nạn!

Thưa Úc cũng như Mỹ thích và ghiền thưa gởi lắm. Cái gì cũng thưa nhau được nên Luật sư, Tòa án làm không bao giờ hết việc.

Thôi nhau! Chia con chia của cũng đi thưa. Nuôi con cừu làm thú cưng! Cáo sồ không cho! Cũng đi thưa!

Đôi khi kép đến nhà chơi thôi...không làm gì cũng đi thưa. Nên mới có chuyện vầy: Cô gái, nguyên đơn, nói: "Tuần qua anh ấy đến nhà tôi!. Đang ngồi chơi thì anh ấy đè tôi xuống, cởi hết đồ tôi ra rồi...

Quan Tòa hỏi riết: "Rồi sao nữa?"

"Rồi anh ấy bỏ đi ạ!"

"Vậy tại sao cô lại tố cáo anh ấy làm nhục cô?"

Cô gái chỉ tay vào mặt chàng trai hét lớn: "Thưa Tòa, thằng chả nhìn thấy cơ thể trần truồng của em mà lại bỏ đi thì làm nhục em quá xá rồi còn gì?"

Thưa tiệc nhậu là dễ làm bạn nhứt! Mới đầu lạ nước lạ cái, còn thủ thế nhưng chừng một xị, là bằng vai bằng vế hết trơn.

Tui lại nhớ chuyện xưa: Chàng rể mời nhạc gia đến nhà thù tạc để mừng cháu ngoại trai vừa dứt thôi nôi!

Chàng rể thảo, thỉnh nhạc phụ ngồi mâm thượng hạng!

"Dạ kính mời Tía một ly!"

"Thôi đừng khách sáo nữa con! Dẫu sao cũng là con cháu trong nhà không hè!" Tía vợ nói!

Được lời như cởi tấm lòng, bèn rót đầy chung rượu cho Tía và cho cả chính mình. Xong nâng ly lên nói: "Thôi! Tụi mình cạn trăm phần trăm đi nhe!"

Và cũng chính vì vậy anh bạn Luật sư của người viết mới quen, sau vài ly whiskey, thôi không còn nổ sảng, khoe khoang:"Việt Nam bây giờ cái gì cũng ăn trùm hơn thiên hạ. Nước Úc nầy kể số gì!"

Anh Luật sư bắt đầu kể những chuyện vui pháp đình Sài Gòn bây giờ mà vì công ăn việc làm, ảnh đã từng chứng kiến! Ảnh cam đoan nói thật chớ không có đặt dóc như tui.

Ảnh nói: "Ôi mấy thằng Tòa bây giờ ở Việt Nam mình tụi nó ngu lắm đó!"

Có lần tui đi bào chữa trong một phiên tòa hình sự! Khi bị cáo, thân chủ của tui, trình bày loanh quanh, vị thẩm phán chủ tọa đã hét lên: "Câm ngay!".

Rồi sau đó quan Tòa "mời" kiểm sát viên xét hỏi bằng câu:

"Ê, tới phần của mày rồi đó!"

Té ra hai đứa nầy là bạn nhậu với nhau!

Rồi một phiên Tòa khác, quan Tòa tra hỏi một nữ bị cáo như vầy:

"Bị cáo có 3 đứa con, phải không?"

Đáp: "Vâng ạ!"

Hỏi: "Trong đó, có bao nhiêu bé trai?"

Đáp: "Không có đứa nào cả!"

Hỏi: "Thế có bé gái nào không?"

Chẳng qua, em nầy bị truy tố về tội 'lừa đảo' do sau khi ngã giá, nhận tiền bán dâm xong, bị cáo lợi dụng sơ hở 'chuồn'.

Không may lần đó gặp phải một tay khách làng chơi không vừa, anh này bỏ thời gian tìm bị cáo ở nhiều điểm thường tụ tập gái bán dâm và "tóm" được bị cáo nộp công an.

Quan Tòa phán rằng: "Bị cáo là người vô nhân đạo! Đã nhận tiền của người ta thì phải bán dâm đi chứ! Ai nhận tiền rồi lại chạy. Làm ăn như thế là rất mất uy tín..."

Thưa phiên Tòa ở Việt Nam có thẩm phán, có kiểm sát viên tức bên công tố, có Luật sư biện hộ và hội thẩm nhân dân nữa! Mà hội thẩm nhân dân cũng vui không kém!

Có lần, theo lời anh Luật sư kể, tại một phiên tòa xử vụ án gây rối trật tự công cộng, một vị hội thẩm nhân dân cao giọng hỏi bị cáo:

"Khi tham gia gây rối có đem theo dao không?".

Bị cáo lí nhí thưa: "Dạ có".

Vị này hỏi tiếp: "Đem theo dao; sao không đâm?"

Rồi tại một phiên tòa xét xử vụ án trộm cắp, một vị hội thẩm nhân dân cũng hỏi: "Trước khi đi ăn trộm, bị cáo có ghé nhà ai không?"

Bị cáo khai: "Dạ có, bị cáo ghé nhà ông nội của bị cáo chơi".

"Sao không ghé nhà ông ngoại?"

Lần khác, một vị hội thẩm nhân dân khi tham gia xét hỏi

"Bị cáo bao nhiêu tuổi?"

 "Dạ, 16 tuổi".

"Tuổi này là tuổi đi học, đến trường. Ai lại đi ăn trộm?"

Bị cáo ngơ ngẩn hỏi: "Vậy, mấy tuổi mới đi ăn trộm được ạ?"

Thưa! Tui có may mắn đọc được bài báo tên là Xử án Miệt vườn. Nhưng tui cho rằng nên đặt tựa bài là Xử án Miệt rừng mới chính xác. Vì một rừng luật nhưng khi xử toàn là xài luật rừng.

Chẳng qua tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, một đám cưới, có sòng tài xỉu đánh khá lớn. Một con bạc là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng!.

Ra Tòa, tay chủ sòng, lắc hột tài xỉu bị xử hai năm tù, cho hưởng án treo vì bà cố nội của bị cáo... có công với Cách mạng!

Ông nghệ sĩ cải lương nầy bị phạt 30 triệu đồng vì tội "đánh tài xỉu" nhưng lại cho miễn đóng phạt vì bị cáo có nhiều đóng góp cho nghệ thuật cải lương, có tinh thần phục vụ nhân dân!

Bà con mình rôm rả! "Á! Ông Tòa nầy mê cải lương; nên xử vui quá bà con ơi!"

Thưa mới đây, tui nghe nói bên Mỹ có một em làm truyền thông khá nổi tiếng bị quay lén lúc em đang ở truồng trong phòng khách sạn của mình.

Em đi thưa. Ông Tòa Mỹ xử cho em được 55 triệu đô.

Chu choa! Luật pháp nước Mỹ sao mà phức tạp và nghiêm khắc quá! Luật pháp Việt Nam thời Cộng sản bây giờ 'đơn giản' như là 'đang giỡn' vậy!!

Do đó tui bèn khuyên anh bạn Luật sư mới quen của tui từ Việt Nam qua rằng: "Muốn tiếp tục hành nghề Luật sư mà không bị tức hộc máu, chết bất đắc kỳ tử thì phải có óc hài hước và tiếu lâm, chuyện gì cũng cười he he, hi hi hết ráo thì mới được nhe anh!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

 

Hình như họ biết...?!

dxt_hinhnhu.jpg 

Thưa bà con, nước Úc diện tích rộng mênh mông nhưng dân chỉ có một nhúm, 24 triệu người, mà trong vòng 5 năm trở lại đây lại có tới 5 đời Thủ Tướng.

Cuộc tổng tuyển cử của Liên Bang Úc năm 2016 đã gần kề mà nội bộ của đảng Tự Do đang cầm quyền vẫn còn tiếp tục gấu ó...

Niki Savva, nhà báo chuyên về chánh trị, vừa cho ra mắt quý độc giả thương mến thương một cuốn sách mới tựa là: "The Road to Ruin". 

Dịch một cách văn hoa bóng bẩy là: "Con đường đi đến lụi tàn".

Còn dịch một cách lè phè Nam bộ là: "Con đường đi đến banh chành!"

Nhà báo 'đời' nầy đã vẽ lại bước đường công danh lên thác xuống ghềnh của Cựu Thủ tướng Úc, Tony Abbott.

Từ trên đỉnh cao quyền lực, làm xếp sòng, Thủ tướng thứ 28 của nước Úc đi cầu tuột, tuột luôn xuống hàng ghế sau trong Hạ Viện, nghĩa là làm một dân biểu bình thường.

Thường thường lên tới 'number one' rồi rớt xuống cái ạch là người ta một đi không trở lại. Từ chức dân biểu luôn, về nhà đuổi gà cho vợ, hay vẽ lông mày cho em yêu. Tiền hưu ăn tới đời sau chưa có hết thì ngồi chần vần đó làm gì? Trừ trường hợp chờ thời cơ tui chơi lại nó! Như Câu Tiễn ẩn nhẫn 10 năm, chơi Ngô Phù Sai trong truyện Tàu!

Chắc vì đối thủ chánh trị của mông xừ Tony Abbott đều biết tỏng cái tim đen của người như vậy; nên tiên hạ thủ vi cường cho cuốn sách này tung ra để điểm huyệt Tony, nằm ngay đơ cán cuốc, hết đường toan tính quay trở lại ngai vàng!

Cuốn sách của Nikki Savva tiết lộ rằng: Tony Abbott từng được những đại thần thân cận, cả nam lẫn nữ, khuyên là nên loại bỏ Peta Credlin, em Chánh văn Phòng Thủ Tướng đi vì thiên hạ ở Canberra, thủ đô nước Úc đồn rùm rằng: "Em nghe họ nói phong phanh. Hình như họ biết chúng mình với nhau!"

Cựu Thủ tướng John Howard, một sư phụ đã hết lòng dẫn dắt Tony trên con đường hoạn lộ tới tuyệt đỉnh vinh quang cũng đã hối thúc Tony Abbot đổi Peta Credlin đi, đừng cho em làm Chánh văn phòng của mình nữa!  

Hai là thay thế người bạn nhậu, cật ruột của mình là Bộ trưởng Ngân Khố Joe Hockey bằng Malcolm Turnbull để dẹp bớt mầm phản loạn! Mà nói Tony hỏng chịu nghe!

Bỏ ai thì bỏ chớ bỏ bạn đời và bạn nhậu sao đành he!

Cuốn sách giựt gân nầy cũng tiết lộ vài cái giai thoại vui vui, có người chịu làm chứng đàng hoàng đó nhe.

Trong một nhà hàngÝ, ở Melbourne, buổi ăn tối có Tony, có Peta, một Bộ trưởng và một viên cố vấn.

Cả hai tròn mắt nhìn em yêu Peta dùng cái nĩa của mình đút thức ăn cho chàng Tony một họng!

Ăn xong, nàng ngã đầu vào vai chàng, thỏ thẻ: "Em mệt quá hà!"

(Thưa tui tự hỏi con Sư tử Hà Đông ở nhà của ổng nghe chuyện nầy nó sẽ gầm rống ra sao? Chớ nếu va vào trường hợp của tui, tui e bà con không còn gặp cái bản mặt tui nữa; vì một lẽ rất dễ hiểu là tui đã băng hà!)

Rồi một lần khác, một vị Bộ trưởng khác cũng chứng kiến cảnh tình thôi hết biết là tình; mà nguyên văn tiếng Anh như vầy:

"Abbott slapped the buttocks of his chief of staff Peta Credlin, not realising a minister witnessed the behaviour. Ms Credlin is said to have responded to the slap with a smile"

Thưa người viết vốn tiếng Anh chỉ đầy cái lá mít, vội vàng lật tự điển Anh Việt ra tra chữ ‘buttocks' nghĩa là gì? Và cười ra nước miếng.

Xin tạm dịch: "Abbott vỗ vào mông (đít) Chánh văn phòng Peta Credlin mà không biết một Bộ trưởng đang nhìn thấy. Đáp lại cái vỗ mông đó, em cười he he!"

Thưa trong tự điển nó viết nguyên văn như vầy: "Buttocks, danh từ, số nhiều, mông đít!"

Sỡ dĩ tui phải chưng ra sách vở đàng hoàng vì sợ bà con rầy cái thằng tui thù vặt, khi đi khai lấy thuế lại năm nay đã bị chánh phủ Tonny Abbott cắt hết 2400 đô tiền nuôi vợ, nuôi em yêu; nên tui đâm ra thù dai đặt điều nói bậy...

Thưa bị cắt tiền nuôi vợ ngang xương mà hỏng bảo gì nhau tui có giận thiệt. Nỗi căm hờn bị mất tiền nầy tui sẽ biến thành hành động là sẽ bỏ phiếu cho đảng đối thủ của đảng cắt tiền vợ tui trong kỳ bầu cử sắp tới vậy thôi.

Chớ cái vụ vỗ qua vỗ lại nầy tui thấy cũng thường thôi... Ở Việt Nam nó vỗ hà rầm mà có ai nói gì đâu hè?!

Thưa cái vụ: "Thơ ký riêng của Tây đi làm mang theo hồ sơ (hình xưa hơi bị xưa rồi vì nó bắt chước) thơ ký riêng của Việt đi làm mang theo son phấn...và  bong bóng!"

Tony Abbott mất chức lãnh tụ đảng Tự Do, đương nhiên là mất luôn chức Thủ Tướng, theo cuốn sách nầy, là phần lớn là do chuyện Peta Credlin và Tony Abbott ngủ, ngáy cùng nhau...

Rồi Peta ức hiếp nhân viên dưới quyền, cô lập cả bà Thủ tướng không cho đệ nhứt phu nhân nước Úc tháp tùng để giúp đỡ chồng mình lấy điểm trong những lần xuất hiện trước công chúng, khi những cuộc thăm dò dân ý thấy Tony đang đi cầu tuột...

Làm việc thì độc tài, chỉ chăm chăm vào tiểu tiết; rồi la hét thuộc cấp như rầy chồng. Chẳng hạn chuyện bình hoa có đổ nước đầy đủ hay không?

Kênh kiệu, khoe khoang, dựa hơi Cọp: "Hỏng có em là ảnh không làm được việc gì hết ráo..."

Có đứa còn phán rằng Peta Credlin là nữ Thủ tướng thứ hai của nước Úc sau Julia Gillard!

"Ối! Ở không rồi nhiều chuyện, thèo lẻo hè! Tụi nó tính bôi xấu tụi tui mà!

Nhà báo nầy không có lương tâm chức nghiệp gì ráo, không cho hai đứa tui xem trước những than phiền của thiên hạ về đôi ta mà cứ tự tiện xuất bản hè!"

Đôi ta phản pháo nhà báo như vậy đó! Hỏng nghe thưa gởi gì hết trơn! Hú hồn nghe nhà báo!

Dĩ nhiên cũng có người bạn nhào vô binh. Phê phán những đứa thèo lẻo cung cấp tin cho nhà báo viết láo mà không dám làm anh hùng quân tử vỗ ngực xưng tên ra gì hết ráo.

"Bộ là nữ làm việc với xếp mình là nam luôn luôn phải làm việc phụ trội, miễn phí, không lương hay sao? Vậy mà tui cứ tưởng ngày ấy đã qua rồi chớ".

Thiệt là buồn vì vụ tiết lộ nầy đã là một cái tin giựt gân xùy ra ngay vào đêm trước ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng Ba  nhe!

"Nếu là Peter tức là nam; chớ hỏng phải là Peta tức là nữ, tui chắc là hỏng có cái vụ đồn hai người tù ti tú tí đâu. Luôn luôn đối xử bất công với chị em tui không hè!"

"Vả lại Peta, theo tui biết, vốn cầu toàn, làm việc quá sức; tất quá mệt nên đôi khi cũng quạu quọ chớ có hiếp đáp nhân viên dưới quyền mình gì đâu!"

Mấy ông tai to mặt bự trong đảng Tự Do thì thuyết pháp rằng: Chánh phủ Abbot đổ không phải tại Credlin mà tại vì Abbott thất bại khi chuyển đổi từ Phe đối lập sang qua Phe cầm quyền!

Dân Úc là mình phải thuyết phục nó, chớ dạy đời là thua. Hỏng có đứa nào chịu nghe đâu.

Mất chức Thủ tướng là vì ngân sách do Joe Hockey, Bộ trưởng Ngân Khố đệ trình năm 2014 bị dân nó cự nự quá Trời!

Thường mới nhậm chức là chánh phủ được dân ủng hộ khoảng thời gian đầu, mọi chuyện dẹp qua một bên, gọi là Thời kỳ trăng mật!

Nhưng chưa hết một tuần trăng là chúng ghét rồi. Đó là thời kỳ trăng mật ngắn ngủi nhứt trong lịch sử nước Úc.

Cử tri Úc đã từng được Liên đảng hứa hẹn là đắc cử, sẽ không cắt trợ cấp về sức khỏe, về giáo dục, về học phí đại học,về truyền thông, về tiền trợ cấp người về hưu, v.v... Tưởng hứa là làm. Cũng làm... nhưng làm ngược lại!

Như buộc dân đi khám bác sĩ gia đình phải móc xỉa thêm để bù vào. Tiền học phí đại học tăng lên như hỏa tiễn, ưu ái dành cho đám sinh viên è cổ ra mà trả.

Rồi cắt giảm ngân sách dành cho đài ABC! Cắt tiền tài trợ trước dùng để khuyến khích dân xài năng lượng sạch và xanh và có thể tái tạo!

Cắt ráo trọi!

Tuần nào, suốt gần cả hai năm luôn, thăm dò dân ý cũng tuột điểm hết ráo mà ở đó lo đi phong tước hiệp sĩ cho anh yêu của Nữ hoàng Anh! Hay đi bang đảo Tasmania biểu diễn ăn củ hành sống mà không chảy nước mắt, chắc để dành nước mắt để dành khóc cho ngày sau khi đôi lứa sẽ xa nhau!

Rồi vụ bà chủ tịch Hạ Viện Bronwyn Bishop, hoang phí tiền thuế của dân!

Đáp trực thăng đi Geelong, chỉ 60 cây số, tốn gần 6000 ngàn đô của dân. Làm như tiền Chùa xài sao xài... chớ hỏng chịu lên công xa, chạy cái vù đôi khi tới chỗ còn sớm hơn máy bay nữa đó...

Vậy mà cứ chần chừ hoài không chịu mời bà Chủ tịch Hạ viện xa hoa nầy đi chỗ khác chơi!

Rồi vụ Joe Hockey, Bộ trưởng Ngân khố, người nắm hầu bao của chánh phủ, nhậu xong, ngồi phè, hút xì gà Havana, vài trăm đô một điếu, vào ngày công bố ngân sách cười he he và phán rằng: "Dân nghèo tụi nó đâu có lái xe..?!"

Hockey giờ đã từ chức dân biểu! Được làm vua thua làm đại sứ... Mỹ, đi Washington DC để tiếp tục hút xì gà... và không lái xe vì có tài xế nó lái...

Nhưng không phải do ông thần Joe Hockey nầy chịu trách nhiệm không thôi mà là toàn bộ nội các của Tony Abbott gật đầu cho cắt chỗ nầy chỗ nọ, cắt khá sâu, dân nó đau nó kêu là tại chánh sách của chánh phủ Liên đảng mà...

Khi Tony Abbott buộc phải rủ áo ra đi xuống hàng ghế sau, mông xừ Malcolm Turnbull lên thay, dẫu miệng lưỡi giảo hoạt hơn vì vốn là Luật sư, cũng đâu có thay đổi bao nhiêu đâu, cũng giữ lại hầu hết vũ như cẩn tức vẫn như cũ.

Thế là chánh phủ của Malcolm Turnbull, sau tuần trăng mật cũng bắt đầu đi cầu tuột trong những cuộc thăm dò dân ý!

Trong chánh trị, nhóm có quyền đề ra chánh sách bao giờ cũng quan trọng hơn từng cá nhân trong nhóm.

Do đó trăm dâu đổ đầu tằm lên đầu Peta Credlin làm Tony Abbot banh xà rông là hỏng có công bằng đâu nhe!

Ai biểu thằng chả nghe em xúi bậy mà chi!

Thưa bà con! Là đàn ông vốn háo sắc, nên tui cực kỳ thông cảm với Tony Abbott. Ai yêu không mù quáng, u mê chớ? U mê rồi nghe lời em yêu cũng là chuyện thường ngày ở huyện.

Nếu em yêu là người thông minh cực kỳ xuất chúng, mình cũng nên kính cẩn nghe em xúi!

Bởi có câu rằng: Thấp thoáng sau lưng sự thành công của người đàn ông bao giờ cũng có bóng dáng một người đàn bà.

Nên có chuyện vui rằng: Bill Clinton lái xe đưa Hillary về thăm quê cũ của em yêu.

Gần tới nhà, ghé vào trạm xăng, nơi ấy Hillary gặp anh chàng là chủ cây xăng, vốn là bạn học thời thơ dại đã từng theo đuổi Hillary mà em hỏng có chịu.

Đổ đầy xăng, trở lại xe, Bill Clinton cười hè hè nói: "Xưa em ưng nó giờ em là bà chủ cây xăng rồi chớ đâu có được làm Đệ nhứt phu nhân đâu!"

Hillary từ tốn đáp lại anh yêu rằng: "Nếu em ưng nó. Thì giờ nó đã là Tổng thống Huê kỳ!"

Do đó, chuyện Tony nghe lời cố vấn mà ổng cho là cao kiến của Peta và cám ơn em  bằng cách vỗ gì qua lại với nhau... Thiệt tui, như đa số dân Úc đi làm và thọ thuế... hỏng có ‘ke'

Chỉ mong là đừng đem chánh sách bóp nặn dân ngu khu đen mà vỗ vào mặt tụi tui là được...

Còn đời tư của ông với  bà... thì cứ để vợ ông và chồng bà... họ tính sổ với chư vị! Chớ đâu có mắc mớ gì tui? Phải không thưa bà con!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

  

 

Lá thư Úc Châu:

 dxt_consong.jpg

Không còn con sông!

 

Thưa thân tui giờ già, viễn xứ; nhưng làm sao quên được thời trẻ trâu cho được chớ?

Nhớ xưa, cứ vào tháng Tám tới tháng Chín âm lịch, là dân miền Tây sinh sống dọc hai bên con sông Tiền, sông Hậu, hoặc vùng Tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười, lại lục tục khăn gói bỏ nhà ra đi khi lũ lớn tràn về.

Lũ về, xóm làng, Tía má nhộn nhạo lên! Riêng đám con nít ‘ke' vừa dứt mùa hè mới tựu trường được vài hôm, lại được nghỉ học nữa (Khoái quá xá!).

Cả nhà cụ bị tom góp đồ đạc chất xuống chiếc ghe tam bản, chèo riết đến rẻo đất cao, đất gò hay ra chợ xã che chòi ở tạm một hai tháng để chờ cho nước giựt!

Đêm quê người, tha thiết nhớ một dòng sông chìm dưới cơn mưa mùa năm cũ! Nước từ trên Trời rơi xuống và nước từ dưới đất dâng lên! Nhưng mùa nước lũ năm rồi không về; hậu quả khốc liệt là mùa hạn năm nay nước mặn tràn vô vùng quê cũ. Lúa chết, cây trái lá úa vàng, bông bụp, bông nở đều rụng hết ráo, nước ngọt không có để mà uống; nói chi đến tắm giặt.

Thôi rồi: "Không còn con sông, nước dâng tràn lên bãi bờ/ Anh về quê em khắp nơi như là biển khơi/ Chập chờn mái tranh ngoi lên giữa ngọn triều dâng/ Những đàn gà con bơ vơ đứng nhìn trời xanh"

Ôi nhớ xưa! Nơi mà con sông, đồng lúa, rẫy khoai chỉ một đêm, sáng ra thành biển nước khi lũ tràn về. Không còn nhận ra đâu là bờ mẫu, ao cá! Hàng cau trước nhà chỉ còn nhìn thấy mấy ngọn tàu lá dật dờ sóng nước.

Lũ vậy mà bà con mình mừng! Vì ruộng phủ phù sa, kênh rạch thì đầy tôm cá!

Thưa mùa lũ đồng bằng sông Cửu Long dính liền với cá linh. Cá linh lại dính liền tới chuyện tình tui kể người nghe. Chuyện nọ nó xọ chuyện kia thành một đám rối nùi trong trí tưởng.

Mùa thu quê người, đêm nay, bên ly vang trắng, tui tẩn mẩn gỡ ra từng cọng nhớ một để bùi ngùi thương cảm một vùng quê, tui đã nỡ lòng nào bỏ nó đi cho đành đoạn nè Trời!

 

Nhớ mùa lũ năm 1978, nước chụp xuống tràn đồng, tui lon ton theo một đứa bạn giang hồ sông nước về quê nó mùa nước nổi tận miệt Thơm Rơm, Thốt Nốt, Cần Thơ để ăn chực bậy mấy bữa cơm!

Ôi cái xứ quê nghèo nhưng tình người với nhau không có nghèo như mình tưởng! Có gì ăn nấy! Có cá ăn cá; có mắm ăn mắm!

Miệt đồng bằng mình xưa giờ đãi nhau bằng tấm lòng nhân hậu; dẫu đất nước miền Nam sau khi thua trận, đang chìm trong cơn giông bão rách áo đói cơm.

Thằng bạn có đứa em gái thiệt là hoa đồng cỏ nội nhe bà con. Con gái ruộng vườn rẫy bái làm sao se sua son phấn đẹp như con gái ở thành?

Có điệu hết biết gì chăng nữa chỉ là mái tóc dài chấm lưng thon, xức dầu dừa mướt rượt và dùng cái kẹp lá giữ cho mấy lọn tóc trước cái trán hơi vồ, khỏi lòa xòa che khuất hai con mắt ươm màu khói đốt đồng!

Tui chơi ác nhìn sâu vào đôi mắt đó để em quýnh cẳng chơi! Ôi đôi mắt có bao điều muốn nói, mà em hỏng dám nói huỵch toẹt ra, chỉ vòng vo, để ai muốn hiểu sao thì hiểu vì mắc cỡ quá hè!

"Tình cờ anh Hai về quê em chơi dăm ba bữa, nửa tháng, để em trổ tài đãi anh Hai vài món quê Thơm Rơm! Hỏng phải cao lương mỹ vị gì đâu nhưng ăn đặng cơm lắm đó; để sau nầy anh Hai rời cái vùng quê buồn như tối đỏ đèn nầy mà nhớ em nhe!"

Tui cười he he đáp lại: "Làm liền! Cái gì ăn là tui khoái hè... Cô Út!"

 

Món em đãi anh Hai năm ấy là món cá linh, con cá quê nghèo như lời em ngọt như đường cát mà mát như đường phèn từng thỏ thẻ!

Tía em đi giăng lưới, dựng đăng, đặt đáy bắt được cá rô, cá mè vinh nè nhưng cá linh ôi nhiều vô số kể, tươi chong, nhảy soi sói cho một rổ.

Đầu mùa lũ, cá linh con ngon bá cháy; bởi cá chưa lớn quá, nên xương chưa cứng, bụng cá lại có mỡ nên ăn rất béo. Cá càng non thì thịt càng ngọt, xương càng mềm ăn nguyên con, không sợ mắc cổ.

Em ra sàn nước cầm kéo cắt ngang rún cá một đoạn nhỏ rồi móc hết ruột bên trong ra. Cắt đuôi, không cần đánh vảy gì ráo!

Sau đó rửa sạch mớ cá, ướp tỏi, ớt, đường, dằn thêm chút muối, để nấu một nồi canh chua với bông điên điển.

Chặt một trái dừa tươi, thêm vài muỗng nước mắm ngon, đường, ít me dầm lấy nước cốt đổ vào nồi; rồi nêm nếm sao cho vừa ăn. Sau đó cho tỏi phi thơm, thêm ít tóp mỡ, rau ngò gai và nấu cho nước canh sôi riu riu lên.

Trút nhẹ cá linh vào nồi. Cho bông điên điển vào rồi vớt ra liền kẻo bông mềm nhũn, hết giòn và hết ngọt. Rồi múc canh chua ra tộ!

Gắp con cá linh vừa chín tới, chắm vào cái chén nhỏ đựng nước mắm y, thêm vài lát ớt sừng trâu, đưa vô miệng nhai từ từ. Cầm cái ly hột mít rượu đế quất nghe cái tróc.

Bà con ơi! Ăn từ độ ấy mà mồ hôi trên chân tóc của tui còn ứa ra tới tận bây giờ...

Cơm quê nghèo có canh chua cá linh là phải có món cá linh kho tiêu.

Em gom mớ cá linh đã làm sạch cho thêm chút nước màu, đảo cho nó đều! Xong cho nước mắm vào nồi đất kho chung với cá, giữ lửa liu riu cái ơ kho cá. Rồi bỏ tiêu cho ngọt; bỏ hành cho thơm!

Bới cơm, chén đầu chan với canh chua, vừa ăn vừa nhậu. Chén cơm trắng cuối bữa, ăn với cá linh kho tiêu mà không cần phải chan canh. Mới ngon!

Bữa cơm mùa nước lũ năm 78, và ánh mắt đó theo tui suốt những cơn mơ hằng đêm nơi xứ lạ quê người...

Tía em khề khà cầm ly rượu hỏi tui: "Nghe thằng Hai mầy có mớ chữ chắc hỏng muốn về làm rể miệt ruộng đâu hả? Nếu muốn, tao gả con Út cho mầy. Về nói Tía Má mầy mang trầu cau xuống đây, nói láp giáp vài tiếng... là xong."

Tui cười hè hè thưa: "Chắc gì cô Út chịu ưng con mà Chú Tư nói như đinh đóng cột vậy hè?"

"Ối! Tao là Tía, tao biết lòng con cái mà! Mầy đừng có lo!"

"Con cá linh mình ăn hết mùa là hết. Muốn ăn nữa là phải chờ mùa nước nổi năm sau. Còn mớ chữ của mầy xài hoài, càng ngày nó càng nở thêm ra chớ không hao hớt gì thì thử hỏi con gái đứa nào mà hỏng khoái có thằng chồng dạy giáo chớ?!"

"Nhưng giờ con bị đuổi rồi chú Tư ơi!"

"Ôi mấy thằng chăn trâu, nó ngu, nó có quyền, nó đuổi mầy vì nó dốt! Nó tị nạnh, cà nanh; chớ chế độ nào mà không cần chữ? Không chữ thì tụi nó chết cha tụi nó hết ráo cho coi!"

Quay qua con gái mình mặt đang đỏ bừng như vừa uống hết một chung rượu đế, hỏi: "Mà Tía nói vậy có hợp ý con không vậy Út?"

Em e thẹn hỏng trả lời trả vốn gì hết ráo.

 

Cuối mùa nước nổi 3 tháng đó, tui xa Thơm Rơm luôn. Út chống xuồng đưa tui ra mặt tỉnh lộ để đón xe về Cần Thơ, em nói: "Mùa nước nổi năm sau dù bận bịu tối tăm mặt mũi gì đi chăng nữa nhớ về Thơm Rơm ăn canh chua cá linh Út nấu và cá linh Út kho tiêu nhe anh Hai!"

‘Mến anh... Út chẳng dám thưa?! Hai hàng nước mắt như mưa tháng Mười!'

Thời cuộc biến loạn, đổi thay liền xì bóc; tui không về Thơm Rơm quê Út nữa mà tui đi luôn ra biển; tới giờ đã 38 năm trời!

Để bây giờ đêm đêm nhớ lại buồn biết bao trong tấc dạ. Mình mất cái gì quý nhứt của cuộc đời chắc không bao giờ tìm lại được nữa đâu.

Rồi nghe phong phanh thiên hạ nói: "Năm rồi miền Tây vào mùa nước nổi giờ buồn thỉu, buồn thiu khi con cá linh đã sông dài cá lội biệt tăm!"

Bà con miệt vùng trũng tứ giác Long Xuyên than thở: "Tụi tui ở miệt này muốn kiếm dăm mớ cá linh về lai rai ba xị... còn trần ai nè. Muốn ăn cá linh, phải đợi những ngày cá chạy theo con nước. Cá linh không chạy thì tui cũng nhịn thèm món canh chua bông điên điển luôn chứ biết đâu mà tìm!" -

 

Mùa nước nổi không còn vì mực nước con sông Cửu Long đã xuống mức thấp nhất trong vòng 90 năm qua, kể từ năm 1926.

Biển Hồ và Vùng trũng Tứ giác Long Xuyên, vùng Đồng Tháp Mười và những vùng đất thấp khác thuộc miền Tây Nam Bộ không còn nước để dành vào mùa lũ rồi lai rai chảy ngược ra sông vào mùa nước kiệt, giúp bà con xứ mình đẩy mặn.

Hậu quả là hạn, đất ruộng nứt nẻ, lúa chết, vườn cây ăn trái tưới bằng nước lợ, bông rụng hết ráo, trái không đậu nổi, thất mùa. Và con cá linh sẽ ngàn thu yên nghỉ, nằm trong cổ tích!

Không còn nước, không còn phù sa, không còn tôm cá nghĩa là không còn gì nữa cả nếu dòng sông nầy chết đi! Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang nước mắt chảy ròng ròng trên những cánh đồng nứt nẻ!

Chính bọn Tàu Cộng đã và đang giết chết dòng sông Cửu Long; bởi chúng xây tràn lan những đập thủy điện ở thượng nguồn.

Dù bọn cầm quyền Trung Nam Hải, Bắc Kinh luôn chối bai bải rằng tình hình hạn hán tệ hại hiện nay là do thiên tai El Niño gì gì đó; chứ không phải do con người.

Mùa hạn năm nay, người dân hạ lưu châu thổ sông Cửu Long kêu tới thấu trời xanh; nên Trung Cộng làm bộ giả nhân giả nghĩa, sẽ xả nước từ đập thượng nguồn ở tỉnh Vân Nam nhằm xoa dịu; để chúng bớt chửi!

Nhưng lượng nước xả về đến Việt Nam phải mất khoảng một tháng! Trên đường nước đi, Lào, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, hứng trước thì nước về tới quê mình hỏng có được bao nhiêu!.

Dòng sông Cửu Long, Mekong, trong tiếng Thái và Lào, hiểu là ‘Nguồn nước mẹ' đang cạn dòng. Hơn 50 triệu người dân Miến Điện, Lào, Thái, Campuchia và Việt Nam thuộc hạ lưu của dòng sông đang thoi thóp như những con cá mà người ta tát đìa cạn hết nước chỉ còn bùn với sình! Ráng chòi đạp lung tung mà thở.

Các nhà khoa học về môi trường đã cảnh báo lâu rồi: "Cửu Long cạn dòng; Biển Đông dậy sóng!"

Tất cả đều do một tay Chú Ba Tàu hàng xóm, bự con, nhưng khó chơi nầy gây ra cả! Chúng giết dòng sông vì thói ích kỷ, sống chết mặc bây của một nhà nước bá quyền!

 

Thưa bà con! Và Út ơi!

Tui tin có ông Trời! Những kẻ tham lam quỷ quyệt hủy hoại môi sinh bằng cách bằm nát cả một dòng sông thì chắc như bắp là ông Trời, có mắt mà, ổng hỏng có để yên cho tụi nó muốn làm gì là làm đâu!

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Chú Sam thời hoang dã!

 

dxt_trump.jpg

Thưa bà con mình chắc ai cũng biết bài đồng dao: ‘Old Mac Donald had a farm'!

‘Ông lão Mac Donald có một nông trại', một bài hát mà trẻ con Mỹ, Úc; cũng như mấy đứa cháu nội của người viết rất thích hát. Và hát rất dễ thương!

Thưa lão nông Mac Donald nầy có: horse là con ngựa; nó hí hí! Cow; là con bò, nó kêu um bò! Pig là con heo; nó kêu ột ột! Lamb là con cừu; nó kêu be be. Chicken là con gà; nó kêu lót lót. Duck là con vịt; nó kêu cạp cạp.

Mà nhắc tới nông trại ồn ào náo nhiệt vui như cái chợ gà vịt Cầu Ông Lãnh, tui lại liên tưởng đến đảng Cộng Hòa mùa bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, nó giống hệt như cái nông trại của Mac Donald. Vì có đủ giọng hết: ngựa, bò, heo, cừu, gà, vịt! Đủ cả! Mà lớn họng nhứt tới giờ nầy phải nói là con vịt Donald Trump!

Donald Trump chuyên nghề mua bán nhà đất, xây khu nghỉ mát, sòng bài; kể cả tổ chức thi Hoa hậu Thế giới hay làm show truyền hình thực tế... Chỗ nào có mùi tiền là có ổng!  

Bây giờ dẫu là tay ngang, tay mơ, chưa hề là Thống đốc, Thượng nghị sĩ hay dân biểu gì hết ráo, vẫn liều mạng bước vào chính trường, tranh giành sự đề cử của đảng Cộng Hòa để trở thành ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Tháng Sáu năm 2015, khi tỉ phú New York, Donald Trump tuyên bố tranh cử Tổng thống, một số người đã cười ruồi cho rằng y nói diễu cho vui.

Nhưng nay, không ai còn cười được nữa mà bắt đầu mếu, vì sau một loạt chiến thắng trong các vòng bầu cử sơ bộ vừa qua! ‘Tưởng Donald Trump nhào vô cho vui... ai dè giả làm nước Mỹ bắt đầu mếu máo; mà đảng Cộng Hòa là người mếu trước hơn ai hết!'

Thưa về một nhân vật xôm tụ của quần chúng bao giờ cũng có điểm mạnh lẫn điểm yếu!bằng.

Điểm mạnh của Donald Trump là ông có rất nhiều tiền, cả tỉ đô Mỹ. Trong xã hội tư bản, có nhiều tiền ắt không phải là ngu! Cho dù Donald Trump đã từng khai phá sản, sập tiệm tới 4 lần.

Donald Trump nói tui có 10 tỉ, nhưng thiên hạ cho rằng ông nổ. Chỉ hơn 4 tỉ đô một chút. Một tỉ là một ngàn triệu đô. Cho 4 tỉ đi chăng nữa thì cũng có số má trên chốn giang hồ đó chớ!

Tuy nhiên một đối thủ chánh trị của ổng chọc quê rằng: ‘Hỏng nhờ Tía cho 200 triệu đô, tiền thừa kế, thì giờ Donald Trump đang đi bán đồng hồ ở Manhattan, New York!'

Nhiều tiền ắt nhiều vợ. Donald Trump cũng giống như những tỉ phú dân chơi khác như Rupert Murdoch chẳng hạn. Mỗi lần thôi vợ, cưới vợ mới là em lại trẻ hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn hè!

Vợ thứ ba của Donald Trump là Melania, người mẫu từng chụp hình cởi truồng, đến từ Slovenia, một quốc gia nhỏ bé ở Trung Âu, là một phần bể ra từ nước Tiệp Khắc Cộng Sản cũ.

Đồng ý theo chàng về dinh, thì Melania thấy gì trong con người của Donald Trump?' ‘Thưa! Mười tỉ đô la và mức cholesterol trong máu rất cao!'

Có vợ trẻ, đẹp là phải cưng rồi. Quê hương của em cũng được hưởng xái chút đỉnh; vì cách đây vài năm, Donald Trump đã tặng một xe cứu thương và trang thiết bị y tế cho bệnh viện nhi ở Sevnica, quê vợ mình. Thằng rể nầy cũng là rể thảo đó phải không bà con?

Vậy mà có người phê phán Donald Trump coi thường phụ nữ. Chỉ thấy Donald Trump đem người vợ cực kỳ xinh đẹp của mình ra khoe với bàn dân thiên hạ trên bước đường tranh cử, bèn hỏi: ‘Những người vợ trước của Trump sao không cùng xuất hiện? Thưa tại vì họ đều ủng hộ Hillary Clinton!'

Rồi sau đó lại phán rằng: ‘Melania không muốn trở thành Đệ nhứt Phu nhân? Vì em không muốn phải dọn tới căn nhà nhỏ hơn nơi em đang ở!'

Tòa Bạch Ốc rộng và lớn mênh mông như vậy mà còn nhỏ hơn lâu đài của Donald Trump nữa đó bà con ơi!

Chọc quê vợ Trump như vậy; thưa tui hỏng chịu đâu. Chuyện của ổng làm; lôi em yêu của ổng vô chi? Úc nầy làm vậy nó cự đó! Cười ai cũng được! Cấm cười em yêu của tui nhe! Tui còn sợ; hỏng dám cười mà quý vị lại ‘gan hùm' quá xá há?

Mấy tay chủ xị talk show hài hước của truyền hình Mỹ, vợ tui tui sợ việc gì phải sợ vợ của thằng chả hả? Không ngán vợ của thằng chả mà ngay cả thằng chả dẫu giàu bạc tỉ đô, tụi tui cũng hỏng ngán luôn!

Bèn lấy kính lúp ra, soi rọi vào hình dáng của Donald Trump để ngạo chơi.

Và cái đầu tóc của Donald Trump được quý ông anh mình soi kính lúp kỹ nhứt bằng cách kể những chuyện vui như vầy: Donald Trump làm nghề xây dựng. Ông ấy sẽ xử dụng tài nguyên vô thiên lủng của nước Mỹ để xây một Vạn lý Trường thành dọc biên giới với Mexico, tạo ra một tầng lớp Mỹ trung lưu bằng cách móc xỉa cho họ đến vỗ tay trong những buổi vận động tranh cử và quan trọng hơn cả là... chế ra một cái máy để chữa bịnh hói đầu dành cho quý ông.

Khi trở thành Tổng thống Mỹ, chuyên cơ ‘Air Force One' dành cho nguyên thủ quốc gia sẽ được Donald Trump đổi tên thành ‘Hair Force One'.

Dĩ nhiên làm chánh trị là có kẻ thương người ghét. Thương thì vỗ tay hoan hô; ghét thì nó cười nhạo mình.

Mặt phải dầy cui cả tấc mới làm chánh trị được. Còn nhạy cảm, hay nhột quá, hở cái là giận như em yêu của tui là không thể nào làm chánh trị được đâu!

Một tay căm ghét Donald Trump, đặt dóc như vầy: ‘Buổi trình diễn nhạc kịch gần xong thì có hai mệnh phụ phu nhân đến trình báo với Cảnh sát kiểm tục là mình bị quấy nhiễu tình dục. Cuộc điều tra được tiến hành ngay lập tức. Thì thấy Donald Trump đang lom khom bò theo mấy hàng ghế.

"Tui mất hai cọng tóc giả, tui đang bò kiếm đó thầy đội."

Thầy đội hỏi: "Rồi Ngài kiếm được không?"

"Tui kiếm được hai cọng; nhưng hình như không phải của tui. Tóc tui đâu có quăn!"

Thưa Úc đây, theo tui biết ít khi nhà báo phê bình nhân dáng mập như cái lu, ốm như que tăm, cao như cây tre miễu, lùn như cái hột mít, đầu sói như sân đá banh của chánh trị gia. Chỉ mấy đứa vẽ tranh biếm họa thì có!

Nếu phê bình, chỉ trích gì đó thì nhà báo Úc chăm chăm vào chánh sách của quý Ngài mà xỏ ngọt!

Thế nên bà con mình thử xem xét chánh sách của Donald Trump ra sao?

Dù săm soi rất kỹ, tui thấy Donald Trump không có chánh sách gì ráo trọi về ngoại giao hay nội trị. Chỉ có chửi và chọc cho chúng chửi.

Trước hết, Donald Trump chọc thằng láng giềng phía nam nước Mỹ tức Mexico.

 "Mexico gởi cho nước Mỹ chúng ta những tên buôn ma túy, những kẻ hiếp dâm. Toàn là bọn tội phạm. Nên tui sẽ cho xây một bức tường giữa hai nước và bắt Mexico phải trả tiền!

Chánh phủ Mexico quạu lên, nói: ‘Hỏng có trả bất cứ một xu nào cho một bức tường ngu ngốc như vậy!'

‘Tội phạm Mỹ chạy qua Mexico. Và tội phạm Mexico chạy qua Mỹ. Vậy là huề.'

Dân Mỹ gốc Mexico và Châu Mỹ La tin thì cười hì hì, hỏi rằng:

"Trước khi chống bọn nhập cư bất hợp pháp thì Donald Trump làm gì?

Xem xét để đoan chắc là hồ bơi của mình đầy nước sạch và sân cỏ đã được cắt tỉa gọn gàng."

Hàng xóm thì chọc cho chúng chửi như vậy ngay cả mẫu quốc, tiên tổ nhà mình, Donald Trump cũng ‘cà khịa' luôn.

Donald Trump chê thủ đô London của Anh quốc có nhiều khu mất an ninh ngay cả Cảnh sát không dám léo hánh tới vì lo sợ cho sinh mạng của chính mình.

Nghe vậy, Đô trưởng Luân Đôn, Boris Johnson, người có mái tóc rất đẹp như Donald Trump, xỏ lại rằng:

"Tội phạm đã và đang giảm tại cả London lẫn New York, và lý do duy nhất mà tôi sẽ không tới khu vực nào ở New York, vì nguy cơ thực sự của tui là phải gặp mặt Donald Trump".

Thưa còn về nột trị thì Donald Trump có chánh sách con cắc kè bông! Nghĩa là đổi màu liên tục tùy theo cử tọa. Donald Trump cũng biết lưỡi không xương nhiều đường lắt léo. Miệng không vành nó méo tứ tung!

Đối với cử tọa là tầng lớp ít học thì Donald Trump tuyên bố là: "I love the poorly educated. Tui yêu biết mấy những người Mỹ ít học". Và khi Donald Trump đắc cử làm Tổng thống Mỹ, tầng lớp nầy chắc chắn sẽ có nhiều hơn!

Còn đối phó với những người biểu tình chống đối thì Donald Trump khuyến khích ủng hộ viên của mình hãy đấm vào mặt nó! Đánh cho nó xịt ‘khói' ra! Tui hứa sẽ trang trải chi phí pháp lý cho quý bạn mà!

Donald Trump vin vào Tu chính án số một, bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân Mỹ; nên muốn chửi ai thì chửi nhưng khi có một người tham gia cuộc biểu tình chống Donald Trump, hét lên: "Trump là một tên kỳ thị chủng tộc!''

Thì Donald Trump yêu cầu Cảnh sát truy tố người nầy vì tội ăn cắp bản quyền!

Nên những người Mỹ công chính lắc đầu ngán ngẩm mà rằng:

"Một Tổng thống ngu, một Tổng thống khôn, một Tổng thống đen, một Tổng thống trắng? Chẳng ăn thua gì đâu! Đất nước nầy đang cần một nhà độc tài điên khùng nhập cảng từ Thế giới Thứ ba!"

Chắc ý bà con bên Mỹ muốn nhắc tới Kim Chính Ân, lãnh tụ Bắc hàn hay chăng?

Thưa bà con, nước Mỹ là siêu cường duy nhứt còn sót lại trên thế giới sau khi Liên Xô Cộng Sản sập tiệm. Vì là siêu cường duy nhứt nên khi nước Mỹ ấm đầu là cả thế giới đều xổ mũi. Hỉ kêu rột rẹt!

Thưa có người nói đã thế kỷ 21 rồi, nhưng hệ tư tưởng của Donald Trump vẫn còn thuộc về thời đồ đá! Tui không nghĩ vậy! Đâu có lâu dữ vậy! Tư tưởng ‘hâm hâm' nầy của Donald Trump thuộc về nước Mỹ thời hoang dã. Thời mà như Donald Trump tuyên bố: ‘Tui móc súng bắn một đứa ở Đại lộ Thứ năm thì người Mỹ vẫn bỏ phiếu cho tôi!'

Thời hoang dã, thời Chú Sam xử nhau bằng bạo lực, thời người Mỹ da đen vẫn còn là nô lệ!

Dù đang ở nước ‘Kan Lu Lu' (xin bà con đừng nói lái) tức Úc Châu xa xôi diệu vợi nầy đây, tui cũng rất lấy làm lo nếu chẳng may Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ kỳ nầy!

Là Tổng tư lịnh, luôn kè kè bên mình cái cặp táp tối mật để sẳn sàng bấm nút, ra lịnh chiến tranh nguyên tử! Lỡ bữa nào thằng chả hứng ẩu làm thiệt thì mình biết làm sao để còn sống sót?

Thưa trong một cuộc thăm dò dân ý gần đây thì 70 phần trăm dân Mỹ nói Tổng thống Donald Trump làm cho họ rất lo lắng. 30% phần trăm còn lại thì nói: Tổng thống Donald Trump sẽ làm họ thành người Canada.

Tui phải lo phần tui trước mới được! Thay vì vọt qua Canada, chiến tranh nguyên tử do Donald Trump hứng lên mà bấm nút thì mình cũng chết.

Chỉ còn một cách duy nhứt để tồn sanh là: qua bên Tàu gặp Đường Minh Hoàng để Tết Trung Thu nầy, tui và em yêu của tui sẽ có giang ổng lên Chị Hằng tức Mặt Trăng mà định cư...

Tới ngày 20 tháng Giêng năm sau, nếu thắng cử, Donald Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 45; thì lúc đó tui và thằng chả chẳng đứa nào làm được gì nhau hết ráo! Hi hi!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

  

 

Meo!

Thưa, ca dao mình, miệt Cần Thơ xưa, có câu rằng: ‘Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No. Anh có thương em thì mua một chiếc đò! Để em đi lại mua cò gởi thơ!'

Rồi thời buổi tin học tân tiến, thế kỷ 21 bây giờ, quý anh hải ngoại mình càng chết lớn hơn nữa, khi nghe em dại khờ bên kia biển, thỏ thẻ là mua cho em cái ‘laptop' hiệu Apple (trái Táo bị ăn vụng), để em ‘meo' cho anh! Tui chắc quý anh mình phải kêu ‘meo meo' luôn quá!

Dẹp cái vụ so sánh mua đò và mua laptop cho em tâm tình với mình, công tâm mà nói: So với cách gởi thơ xưa, giờ thì email tiện lợi hơn nhiều. Vì không phải rườm rà mua giấy viết, mà phải giấy ‘pelure' mỏng tanh mới được, màu xanh hy vọng tình ta mãi mãi như chồi cây xanh lá mới tình! Viết xong ký tên cái rẹt, rồi xịt nước hoa cho thơm, vì ảnh vừa đọc vừa ngửi... hích hích! Rồi phải chạy u ra Bưu điện mua bao thơ, mua con cò, phun nước miếng vào sau lưng con cò cho lớp keo tráng sau lưng chảy ra, dán lên góc bì thơ, nắn nót, rồng bay phượng múa.

Thưa ‘meo' do bà con người Việt mình nói tắt chữ ‘email', tiếng Mỹ. Mới đầu là e-mail có cái gạch ngang, sau bỏ cái gạch ngang quách cho rồi. E là chữ viết tắt của electronic, nghĩa là điện tử. Mail là thư. Nên email là thư điện tử. Meo hay email, thư điện tử nầy, bây giờ trên thế giới có tới 3.1 tỉ người xài.

Meo em viết lời yêu đương tha thiết, như nhớ anh cơm ăn cũng mắc nghẹn, uống nước cũng mắc nghẹn luôn, kèm theo hình ảnh em rất sexy!

Dĩ nhiên một phát minh nào dẫu có giúp ích cho nhân loại nhiều biết bao nhiêu mà nói thì bao giờ cũng có kẻ thương người ghét. Ghét cay ghét đắng email, thù nầy thành hận phải nói trước tiên là mấy anh làm nghề bưu tá phát thơ.

Vì thơ gởi kiểu xưa, kiểu cũ ít đi nên việc làm bị giảm. Bưu điện xưa giờ sống nhờ tiền bán tem, cò. Giờ Bưu điện Úc, hay Mỹ đều bị lỗ sặc gạch. Thơ càng chậm, con rùa Bưu điện, khách hàng càng chán, chuyển qua xài thơ điện tử càng nhiều... Vì chỉ cần khỏ cái cóc! ‘Send'! Là vài giây sau, nó đã tới, cho dù em yêu đang ở chân trời góc biển đâu đâu đi chăng nữa! Bói mà không sợ trật là: thơ điện tử, meo, nó sẽ giết nhanh, giết gọn cách gởi thơ theo lối cũ trong một khoảng thời gian không lâu nữa.

dxt_meo.jpg

BẢO HUÂN

Thưa quý anh nào vẫn còn ‘Tía em hừng đông đi cày bừa' là phải học cách sử dụng meo thôi! Chạy trời cho khỏi nắng. Vì theo thống kê, ở sở sùng, trung bình mỗi nhân viên nhận tới 121 emails mỗi ngày. Và có chuyện vui như vầy: Một công nhân nghỉ phép thường niên 4 tuần, vui vẻ, sảng khoái, vác đầu vô gặp ông chủ, lựu đạn cỡ Donald Trump (You're fired!), thì nghe y phán rằng: "Anh nên mở hộp thư điện tử của mình ra xem thường xuyên hơn mới được. Vì tui đã đuổi anh cách đây ba tuần rồi mà!"

Một sư phụ đã dạy đời rằng: muốn viết thơ điện tử cho hay là phải bám sát đề tài. Không cà kê dê ngỗng! Cụ thể, ngắn gọn chừng nào tốt chừng nấy! Nên giữ độ dài của email trong một màn hình mà không phải kéo xuống. Nhưng phải súc tích để giúp tiết kiệm thời gian của người nhận. Hãy đánh dấu những ý quan trọng và dùng cách ngắt câu, xuống dòng một cách thoải mái. Chọn mẫu chữ nào dễ đọc và đừng nên chọn quá 3 mẫu chữ trong một bức thơ. Ngay cả trong những email ngắn, đừng dùng chữ to. Tránh lỗi chánh tả nhờ spelling check kiểm dùm! Kẻo em chê mặt mày sáng láng mà ngu như bò, chánh tả trật tùm lum còn bày đặt meo với miếc. Chú ý về văn phạm, chấm câu, viết hoa để lời lẽ bức thơ trở nên trong sáng và dễ hiểu. Quan trọng hơn cả là: trước khi nhấn nút ‘gửi', hãy xem lại một lần nữa cho kỹ coi người nhận có thực sự cần hay không; kẻo làm phiền như thư rác là người nhận bực mình, nó chửi tới ông tằng tổ của mình! Đừng thơ cho người nầy mà gởi qua địa chỉ của người kia là chết giấc. Có một anh đã gởi lầm, như chuyện dưới đây, nhém chút nữa đã gây ra án mạng.

Chẳng qua mùa đông Canada, bão tuyết đến hẹn lại về, đôi ta muốn làm đôi chim trốn tuyết, từ Toronto, Canada định đến một khách sạn ở Florida, cực Nam về phía Đông Hoa Kỳ, nơi tụi mình đã hưởng tuần trăng mật nồng ấm 20 năm về trước. Anh yêu đến trước một ngày, chuẩn bị rước hoàng hậu của lòng anh đang lu bu trang điểm, sẽ  bay đến hôm sau. Lấy phòng! Chuẩn bị mọi thứ đã xong. Giường, ra, chăn chiếu... Chỉ còn thiếu có mình em! Sổng chuồng được một đêm, anh bèn đến một cái hộp đêm có vũ sexy rửa con mắt, để xem Made in USA có khác gì với Made in Canada hay không. Làm hết chục ly whiskey nên hơi quỷnh, loạng choạng về phòng, meo về lại em yêu để chứng tỏ tình anh yêu dấu xiết bao, sau khi đi ăn vụng! Lạng quạng như gà mờ, dán địa chỉ người nhận lại là cô bạn vừa có chồng đi bán muối. Đám tang mới vừa xong. Thân xác chàng đã trở về tro bụi. Ôi, đêm về cô đơn, em bèn mở meo ra xem thơ chia buồn của bạn bè bốn phương tám hướng, thì nhận được thơ như vầy:

From: nguoichongmuonthuo@yahoo.com

"Người vợ cực kỳ yêu dấu của anh!

Anh đã đến nơi. Anh biết là em rất ngạc nhiên khi nhận được tin anh. Dưới đây họ cũng có máy vi tính và anh có thể gửi email cho những người thân yêu của mình. Anh vừa mới tới và làm thủ tục nhận chỗ. Anh thấy dường như mọi thứ đã được chuẩn bị xong để chào đón em vào ngày mai. Anh mong gặp em lắm.

Người chồng yêu dấu của em.

Tái bút: Dưới nầy nóng lắm em ạ!"

Nàng đọc xong sợ quá ngã lăn ra chết giấc!

Ôi! Em yêu từng thề thốt sống đồng tịch đồng sàng chết đồng quan đồng quách, mà mới sơ sơ rủ đi theo là đã sợ đến sùi bọt mép như thế nầy? Vậy mà một thề thốt là yêu; hai vẫn thề thốt là yêu... Yêu như vậy sao hỡi Trời?

Thưa bà con! Thơ điện tử đã gởi đi là không lấy lại được. Cũng như mũi tên đã bắn đi, chạy theo chụp lại là điều vô vọng. Thế nên lỡ có gởi một bức thư tình để ve vãn con nhỏ làm chung sở thì phải coi chừng. Dẫu lúc đầu nó chịu đèn đi nữa. Ấm nồng đôi lứa đôi ta, khoái quá xá quà xa, nhưng hôm nào nó giở chứng xin tiền đi nâng ngực, độn mông mà mình không chịu xùy ra là coi chừng nó chuyển cái tình thơ nầy vào tay bà chằn lửa ở nhà là Tía ta cũng thác...

Hai là ăn vụng thì nhớ chùi mép cho thiệt là kỹ mới được. Mở một cái hộp thư điện tử không tốn đồng xu cắc bạc nào thì mở hai cái đi. Một cho chuyện thường ngày ở huyện, nếu em yêu có nghi ngờ ta mèo mả gà đồng cần kiểm tra, buộc ta phải khai ra cái mật mã thì cứ khai nó ra đi!

Còn cái hộp thư điện tử thứ hai thường để ‘hẹn chiều nay mà sao không thấy em gió hiu hiu lòng bỗng nghe lạnh thêm. Chờ một đêm bằng thế kỷ dài. Em biết yêu lần đầu mà anh đã yêu mấy lần sau! ' thì nên giấu cho thật kỹ. Dù có chết cũng không khai. Không khai còn có cơ may  sống sót! Còn khai là chết chắc!

Và cuối cùng là viết ‘meo' làm ơn bỏ dấu dùm một cái. Phần mềm đánh dấu tiếng Việt hà rầm trên mạng, lấy về xài miễn phí mà. Đừng viết mà không bỏ dấu như cái ‘meo' dưới đây nhe!

"Anh oi!

Ba ma em khong co nha! Em dang coi quan! Den ngay di anh! Muon lam roi!"

(Thưa quý anh, nếu em viết bỏ dấu một cách đứng đắn, đàng hoàng, thì anh em mình đâu có nghĩ bậy hè!)

"Anh ơi!" "Ba má em không có nhà! Em đang coi quán! Đến ngay đi anh! Muộn lắm rồi! )

Hi hi!

 

đoàn xuân thu

Melbourne

 

 

 

 

  

 

Từ ngày có chim về!

 dxt_chim.jpg

 

 
Thưa tiệm bán thú cưng, Úc đây, gọi là pet shop, là một thương vụ nhỏ, chuyên bán đủ loại thú vật cho khách hàng đem về nuôi, để cưng...

Mặt hàng bán chạy nhứt, không cần kể ra chắc bà con mình ai cũng biết, là chó, mèo, cá kiểng và chim chóc...
Tiệm còn bán đồ ăn, đồ chơi, vòng cổ, dây dắt, ô ngủ cho mèo, chuồng chó và bồn cá kiểng... Vài tiệm còn có dịch vụ đeo ‘chứng minh nhân dân' cho thú cưng nữa mà tiếng Anh gọi là ‘pet tag', trong đó có ghi địa chỉ của chủ nhân trong thường hợp thú cưng mìng đi lạc...

Bây giờ, thời đại văn minh tiến bộ, chơi vô lỗ tai mầy một con ‘chíp' theo dõi để biết giờ nầy ‘em ở đâu' mà đi bắt nó về...

(Cái kỹ thuật tối tân nầy mấy bà vợ Hoạn Thư, ghen tuông bóng gió, đã xài từ năm nẩm, bí mật gài một phần mềm vào cái điện thoại di động của chồng để bí mật theo dõi đường đi nước bước, coi thằng chả đi hú hí với con quỷ hó nào ở đâu, lúc mấy giờ... là hết có chối...)
Ngoài ra mấy tiệm bán thú cưng còn có dịch vụ tắm rửa, cắt lông, trang điểm cho chó, cho mèo đi thi hoa hậu được tổ chức hàng năm, có trực tiếp truyền hình trên toàn thế giới.

Năm 2004, ở Mỹ thương vụ nầy thu về 1.6 tỉ đô la. Làm ăn ngày càng khấm khá!
Thưa tại sao trong xã hội công nghiệp như Mỹ, như Úc càng ngày người ta càng yêu thương chó mèo (bốn cẳng)?
Theo các nhà tâm lý học là vì thú cưng nó giúp cho mình chữa được bệnh khủng hoảng tâm thần trong cái xã hội căng thẳng, ngày càng xô bồ, xô bộn nầy.

Chẳng hạn như anh nào bị vợ bỏ, không còn trung thành với lời thề sống chết có nhau trong bữa thành hôn nữa, thì hãy ra tiệm rước về một con chó.

Con chó nầy, nó sẽ trung thành với quý anh cho tới chết. Cho dù quý anh có rước về nhà thêm một con chó nào đi chăng nữa; con chó của quý anh không bao giờ kêu chia hai tài sản rồi bỏ đi...theo tình mới!

Con mèo cũng vậy! Cũng giúp quý anh mình chữa bệnh tâm thần, bệnh luôn luôn lo sợ, cảm thấy bất an khi làm bất cứ chuyện gì.

Mấy anh muốn ve vuốt cái lông óng mượt của mèo là nó khoái chí tử nằm lim dim đôi mắt biếc! Chớ không có cái vụ đòi thưa quý anh mình ra ba tòa quan lớn về tội sách nhiễu tình dục đâu!
Tuy nhiên cũng có người không khoái chó và mèo lắm vì cho rằng: Đã chơi là phải chơi hàng độc, không ai có mới là đại gia! Chớ chơi theo kiểu phong trào, người ta nuôi chó mình nuôi chó, người ta nuôi mèo mình cũng nuôi mèo! Cái đó mới là thiếu gia thôi; đâu có gì lấy làm hãnh diện với đời hè!
Thế nên mới có chuyện như vầy: Chàng đến tiệm bán thú cưng nhưng không muốn mua chó hoặc mèo, chim chóc! Xoàng xĩnh quá! Ai cũng có, mình chơi trội phải có con gì đặc sắc, hỏng giống ai mới được.
Chủ tiệm đề nghị mua con rết giá tới 100 đô vì con rết nầy nó biết nói tiếng Anh nữa đó.
Hào hứng, chàng mang con rết về nhà. Đặt cái hộp đựng rết lên bàn, mở nắp ra rồi "Chào Mr. Rết! Hai đứa mình ra ‘pub' làm vài ve nhé?"

Con rết nín thinh; không nói năng gì. Hơi nghi là tay chủ tiệm chắc nói dóc để bán con rết dỏm cho mình chăng?
Chờ thêm một tiếng đồng hồ nữa lại hỏi: "Chào Mr. Rết! Hai đứa mình ra ‘pub' làm vài ve nhé?"
Con rết nín thinh; không nói năng gì! Nỗi nghi hoặc lớn dần lên. Hay là mình bị gạt rồi... Thử chờ thêm hai tiếng nữa, bằng không mình mang nó đi trả để lấy tiền lại mới được.
"Chào Mr. Rết! Hai đứa mình ra ‘pub' làm vài ve nhé?"
Lần nầy con Rết bực bội nói: "Ê! Thằng nhóc kia! Ta đã nghe nhà ngươi nói ngay lần đầu! Ta đang mắc bận mang giày mà cứ hỏi hoài hè!"

Thưa Sài Gòn mình hồi xưa, trước 75, bà con cũng có chơi thú cưng đó chớ. Việt Nam Cộng Hòa mình, kinh tế thị trường tự do, nghĩa là khi có nhu cầu, có khách hàng là có người cung cấp, người bán.
Nhiều người bán, tập trung thành một cái chợ, chuyên bán chim, bán chó nên gọi là Chợ Chim Chợ Chó nằm trên đại lộ Hàm Nghi, dài chừng một cây số, rộng khoảng 56m, bắt đầu từ ngã tư Hàm Nghi - Công Lý kéo dài qua khỏi ngã tư Hàm Nghi - Pasteur.

Ở đoạn đầu, từ vách tường của trường Kỹ thuật Cao Thắng trở đi, người ta buôn bán dọc theo lề đường; còn cuối đoạn qua giao lộ Pasteur thì người ta bán trong nhà.
Sau tháng 4 năm 75 chừng một tháng, thiên hạ đồn Chợ Chim Hàm Nghi, Sài Gòn có một tay cán bộ, đội nón cối, ngồi vật vạ bên lề đường bày bán ba con vẹt lạ vừa mang từ Hà Nội vào!
Dân Sài Gòn kéo nhau đi xem đông nghẹt. Nhưng mọi người chỉ xem thôi chứ chẳng ai mua nổi vì tay cán bộ nầy, quen thói bốc phét, "hét" giá quá mắc: Con vẹt trắng giá 200 đô Mỹ, con vẹt xanh giá 500 đô, con vẹt đỏ giá tới 1500 đô.
Theo lời quảng cáo của tay cán bộ nầy: "Con vẹt trắng biết hô khẩu hiệu! Con vẹt xanh biết đọc diễn văn chúc mừng!"
"Còn con vẹt đỏ biết làm gì mà giá đắt gấp mấy lần hai con kia vậy?"
"Nó không biết làm gì cả."
"Không biết làm gì mà dám kêu giá mắc gấp hai, gấp ba?
"Nó không biết làm gì thực, nhưng nó là ‘thủ trưởng' của hai con vẹt kia!"
Thưa rồi 40 năm trôi qua, vật đổi sao dời, bao nhiêu nước đã chảy qua cầu Ba Cẳng! Mấy quan lớn trong nước giờ đã biết làm giàu và rất giàu, bèn đua đòi bắt chước phương Tây.

Nó chơi gì mình chơi nấy. Mà chơi phải ngon hơn Tây; kẻo chúng cứ chê mình hỏng có cái văn minh. Cứ tự ti mặc cảm, mang hoài cái tâm trạng da vàng nhược tiểu, đàn em sao được hè?!
Tàu nó chơi chó Ngao Tây Tạng. Trong nước, tụi nó bắt chước Tàu, chơi chó Phú Quốc thì mình chơi chim cho nó độc lập tự do!

Thế là cả bọn bỏ ra khối tiền để mua chim về chơi! Tiền chơi chim của quan bằng cả tài sản của dân ngu khu đen, nghèo mạt rệp, đủ để mua gạo cho vợ chồng con cái ăn cả năm. Tới 16 triệu 350 ngàn Việt Nam đồng lận đó! Nhưng với tiền muôn bạc vạn của quan mà nhằm nhò gì. Chuyện nhỏ!
Trong quan trường, đấu đá rất nhức đầu để giành chức, giành ghế, thật là căng thẳng. Rồi giữa nhịp sống gấp gáp, huyên náo của phố phường, bao nhiêu ‘xì trét' trút xuống đầu mà quan không có gì thư giãn chắc phải đột ngột từ trần... Rồi để thằng khác nhào vô hưởng của cải bấy lâu nay quan tom góp được của dân hay sao?
Mấy anh bên Thường Vụ thì lại khoái thư giãn bằng cách chơi gà móng đỏ, chân dài tới nách. Chơi kiểu nầy cũng khoái thiệt nhưng thời buổi tai vách mạch rừng, bạn thù lẫn lộn biết tin ai?!

Mấy ‘đồng chí' lăm le chiếm cái ghế của mình, chơi chiêu quay lén mấy con gà móng đỏ rồi bắn lên Youtube là đường công danh mạt lộ! Và con vợ già ở nhà nó sẽ giết... giết mình luôn!
Chính vì vậy Sài Gòn giờ thú chơi chim cảnh của mấy quan ngày càng nhiều
Mấy quan đánh xe công, bảng xanh, đến vườn Tao Đàn, chơi chim, để tìm phút giây thảnh thơi, thư thái cho mình.
Chim ở đây có đủ loài: Họa mi, Sơn ca, Hồng yến, Hoàng yến, Bạch yến...!
Tên chim giống như tên ca sĩ vậy đó!
"Con chim non trên cành cây, hót véo von, hót véo von! Anh yêu chim, anh mến chim; vì mỗi lần chim hót anh vui."
Chơi chim để cho thanh thản tâm hồn rồi lâu lâu cũng đưa chim mình đi thi với chim mấy anh bên Thường Vụ; gọi là giao lưu văn hóa mà!
Để coi: Chim của đứa nào đẹp, hát hay, nhảy giỏi, múa giỏi, xòe cánh đẹp.
Tóm lại là giống hệt mấy em ca sĩ đi thi giải: "Con chim được ái mộ nhứt!" vậy!
Tuy nhiên em yêu ở nhà, nó đâu có chịu hè! Nó nói: "Ngày xưa quan nhỏ, hơi bèo/ Giờ anh quan lớn, chơi trèo chơi chim!
Anh chỉ suốt ngày chăm chim, nuôi chim thiên hạ, ích gì; có mỗi con chim thiết thực, đó là con chim của nhà thì anh lại quên!"
Vậy là phải ráo nước miếng thuyết phục cho em yêu vui lòng cho quan chơi chim. "Vì từ ngày có chim về. Nhà mình bớt chửi thề!!"

Em nghe cũng xiêu xiêu lòng, quan bèn sai lính tìm mua dùm quan một con vẹt mà phải biết nói mới được. Vì lúc cô đơn quan muốn có đứa để đàm đạo; chớ không muốn mấy đứa xạo, bu lại là cứ nịnh ‘dóc' không hè!
Lính tiến cống lên một con vẹt thôi khôn hết biết. Quan tính nhốt con vẹt trong lồng nhưng thấy làm vậy ác quá. Dân mình đã nhốt hết trong lồng hết rồi; giờ nhốt luôn cả con chim thì tội ác nầy khi chết chắc không được lên thiên đàng xã hội chủ nghĩa đâu.
Nghĩ vậy quan chỉ cột dây vô chưn con vẹt cho nó thẩn thơ, bay nhảy ngoài sân biệt phủ của quan. Vừa chơi; vừa giữ nhà luôn thể.
Nào ngờ thảm kịch đã xảy ra. Một chiều, quan bước vô nhà thì cháu gái quan lẩm đẩm chạy ra, bẩm báo: "Gà mổ chim Nội! Gà mổ chim Nội!"
Đầu thềm, con gà nòi đứng nghiêng ngó ra cái điều "Tui không biết gì hết ráo nhe!".
Cuối thềm, con mèo tam thể lăn lộn giỡn với mớ lông chim. Không thấy xác chim đâu?
Quan hỏi cháu. Cháu nó chỉ con mèo. Còn ra dấu con mèo cắn cổ con vẹt của quan đem đi đánh chén làm con vẹt kêu ‘ẹc ẹc' mà không ai đến cứu.

Té ra con gà nòi nhìn con vẹt thấy ghét nên mổ chim quan xong bèn bàn giao cho con mèo!
Thôi lỡ rồi hỏng lẽ giết con gà chọi vô địch của mình sao. Con gà mang đến bao điều may mắn! Đá trận nào cũng thắng! Cũng như bầu thường vụ là lần nào mình cũng thắng. Giết nó chắc là xui.
Còn con mèo nữa! Giết nó! Ai bắt chuột? Nhà mênh mông, chuột cả bầy, không mèo chắc chết!
Nghĩ kỹ, quan bèn sai lính rán tìm cho quan con vẹt biết nói khác. Lần nầy quan nhốt nó trong lồng!
Nghe quan tiếp tục chơi chim nên hai tên cà lơ phất phơ, chờ đêm đến, trèo qua tường biệt phủ, chôm ‘chim' của quan! Nghe quan lớn bị mất chim, bọn Công an lo sốt vó kiếm bắt cho bằng được để đưa hai đứa nầy ra tòa về tội dám ăn cắp chim quan.
Điều tra xét hỏi mới biết con vẹt nầy hai đứa nó bán cho một Tú bà chuyên chăn dắt mấy em bán phấn buôn hương. Đến nơi thu hồi tang vật, thì Tú bà nói con vẹt quá đẹp nên má mì đã đem đi tiến cống mấy anh trên Công an quận rồi xin mấy anh Công an phường thông cảm bắt con vẹt tui nuôi bấy lâu thay thế cho quan vậy!
Đành áp giải con vẹt của Tú bà tới biệt phủ! Nhưng khổ một cái là con vẹt nầy ở xóm Bình Khang đã bấy nay nên khi mở miệng ra hay nói những điều bậy bạ!
Lúc thấy vợ quan về, con vẹt nói: "Cái động nầy đẹp quá và ‘Má mì' trông không đến nỗi tệ!"
Vợ quan nghe khen vậy cũng ‘sướng' nhe!
Rồi hai đứa con gái của quan đi chơi về, con vẹt nói: "Có ‘ghệ' mới rồi, tối nay chắc chắn là khách sẽ tới nườm nượp cho coi!"
Vài tiếng sau, quan lò dò vác cái bản mặt quan về.
Thấy vậy, con vẹt mau mắn: "Chào Thủ trưởng!"
Thế là: "Từ ngày có chim về. Nhà mình lại chửi thề!"

He he!

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

Núi đôi!

dxt_nuidoi.jpg

Bảo Huân 

 

Thưa, trong một thế giới đầy thử thách và biến động nầy, ‘Núi đôi' của em đã đưa anh về chốn bình yên, êm đềm của ngày anh chưa dứt sữa. Anh nhớ Má anh quá! Hu hu!

Thưa, ‘Núi đôi' tức bộ ngực, chức năng chính là cho con bú tí nên con mình gọi nó là hai bình sữa ấm. Lúc nào cũng ấm ở 37.5 độ C nên không cần đút vô cái microwave hâm cho mắc công lâu lắc, khiến thằng nhỏ đói bụng khóc lòi rún luôn. Hai là tiện lợi, cần là có ngay lập tức.

Thế nên mới có chuyện một ông nhìn lom lom khi thấy một em đi bộ ngược chiều. "Em ơi! Hình như nó ló ra ngoài kìa." Em nhìn xuống ngực, rồi hốt hoảng kêu lên: "Giời ơi là giời! Em lại bỏ quên thằng con em trên xe bus rồi!"

Thưa, lâu lâu người viết cũng được mấy anh bạn già dịch, hơi (bị) trắc nết, gởi cho một chùm ảnh ‘con gái nhà nghèo' qua điện thư.

Dòm dáo dác xung quanh đoan chắc là em yêu không có thấy, người viết bèn chuyển toàn bộ những hình ảnh thiếu vải, tươi mát nầy vô một cái mục cực kỳ bí mật, lưu trữ ở đó để lâu lâu có thèm thì mở ra xem.

Thưa, trong bộ ảnh mà tui yêu quý đó toàn là núi đồi và đồi núi! Nói theo nữ sĩ Hồ Xuân Hương là: "Đôi gò bồng đảo sương còn ngậm! Một lạch đào nguyên suối chửa thông!"

Thưa, ‘Núi đôi' hay đôi gò bồng đảo là dấu hiệu đầu tiên của tuổi dậy thì, để phân biệt con trai và con gái. Chính vì vậy mà ông bà mình có phán (rất chính xác) là: ‘Nam tu, nữ nhũ' (Đàn ông râu, đàn bà vú.)

Từ cái chữ ‘nhũ' nầy chúng ta mới có nhũ hoa, giống một cái hoa, ôi thơm hết biết! Còn nếu cứng như đá mình gọi là thạch nhũ.

Tây cũng vậy thôi! Nó gọi ‘Núi đôi' của người em gái hơi quá khổ một chút là cái ‘balcony' tức cái ban công hay trái melon (dưa hấu).

Em Pamela Anderson, người Mỹ gốc Canada, chắc kiếp trước có ‘căn tu' nên kiếp nầy tạo hóa ban tặng cho em đôi gò bồng đảo, hai trái dưa hấu vĩ đại. Mấy em ‘rặt' Mỹ khác ghen tức bèn đặt ra chuyện nầy để ngạo:

"Xin hỏi:  Khoảng trống giữa hai cái núi đôi của em Pamela Anderson tên là gì? Hỏi xong mấy em cười hi hí rồi tự trả lời ên là: Thung lũng Silicon (Silicon Valley)". ( Ngầm ý chọc quê em Pamela yêu dấu của tui chơi đồ giả)

Cho dù ai nói ngả nói nghiêng gì chăng nữa thì đời mà hơi sức đâu mà nghe tiếng thị phi của thiên hạ chớ. Tốt khoe xấu che! Của em tốt, em khoe! Che chắn kỹ càng chi cho nó uổng.

Thưa, khi đi đám cưới, mấy anh mình hay cầu may mắn được gia chủ xếp ngồi gần bên em có cái hỏa diệm sơn! Để nhìn say mê, há hốc mồm ra, nước miếng tràn ra tới khóe miệng. Trong khi mấy em khác lại hỏi móc lò: "Tốn hết bao nhiêu?"

"Không! Đồ xịn, đồ thiệt, đồ origin, sanh sao để vậy, chớ không phải hàng silicon đâu ạ!" Thế nên đi ăn đám cưới về, em yêu của tui ra lịnh năm nay anh chịu khó cày hai job để em có tiền mà bay đi Seoul, Hàn quốc nâng cấp vòng một cho bằng chị bằng em. Chớ dẹp lép như vầy em tủi thân lắm đó!

Thưa, nghe lời yêu cầu thống thiết nầy của em tui thiếu điều ngã lăn ra chết giấc. Cày một job, thở không ra hơi, cày thêm job nữa chắc tiêu diêu miền cực lạc quá.

Nên tui ráng thuyết phục em rằng:  Nhỏ chưa chắc là không hấp dẫn đâu! Em hổng có nghe người ta hay nói rằng: "Vú em chum chúm núm cau. Cho anh bóp cái có đau anh đền" sao?

Ý anh muốn nói là: Có đôi gò bồng đảo hơi nhỏ thì cũng đừng có buồn. Coi vậy cũng có ích lắm đó. Ngực nhỏ sẽ không gây tai nạn giao thông khi em đứng chờ anh ở cột đèn xanh, đèn đỏ. Ngực nhỏ khiến em trông còn rất nhỏ... Mặc cái T-shirt ai cũng đọc được hết nguyên hàng chữ em in trên ngực áo em. Lỡ em có đi coi hát bóng vô trễ, khi chen vô hàng ghế, không làm phiền ai hết vì nó sẽ không che khuất cả màn ảnh. Rồi lúc đi tập thể dục dụng cụ, em có nhảy nhót tưng tưng cũng không sợ nó va, đập vô mặt người khác làm họ phải ngất xỉu...

Em không nhớ hồi xưa lúc mấy em tới tuổi dậy thì, nở nang là Tía Má bắt phải nịt cho chặt, thít đến nỗi không thở được, không cho nó bung ra kẻo ruồi bu kiến đậu đó hay sao?

Thuyết phục ráo nước miếng như vậy mà em yêu cũng không chịu. Phải cho bằng chị bằng em mới được kẻo tụi nó xấu mồm cứ gọi em là ‘vu khống'.

"Cái gì? Em nào có ‘vu khống' ai đâu hè?" "Nghĩ kỹ cho đi... Rồi sẽ hiểu!"

Chính vì sợ bị gọi là ‘vu khống' như vậy nên vì lẽ đó mà ngày càng có nhiều phụ nữ tìm đến những trung tâm thẩm mỹ để có thể nâng vòng một của mình lên để trông gợi cảm hơn.

Và "tham vọng" nâng ngực của phái đẹp dường như chưa bao giờ là đủ. 30% phụ nữ muốn vòng một của mình "có sức sống" hơn nữa; 20% phụ nữ lại muốn đôi gò bồng đảo trông thật "nở nang".

Và tai biến đã xảy ra, chỉ mới đây thôi, một em người mẫu Trung Quốc phải thiệt mạng khi đang nằm trên bàn phẫu thuật, mà hình như chưa có em nào lấy đó mà tởn kinh hồn vía cả! Mấy em chỉ đổ thừa tại phần số! Xui mà!

Thưa, nói cho công bằng! Hoàn toàn do lỗi của quý ông anh đó thôi... Nhìn đâu cũng thấy nó hết ráo. Chui vô động cũng thấy cái vú đá (thạch nhũ). Ra biển cũng kiếm một loại nghêu sò, tên là ‘vú nàng' bắt đem về làm mồi nhậu. Về miệt vườn Nam Bộ, phải mua vài chục trái vú sữa tươi, no tròn cho nó đã.

Chính vì cánh mày râu như anh em chúng ta (vốn không có nó) nên càng thêm háo hức, săm soi tìm hiểu. Sức quyến rũ của nó ở chỗ luôn được che đậy qua lớp quần áo và không nhìn thấy được. Mà không thấy được lại càng muốn dòm lom lom.

Thưa theo ngu ý của tui là: "Ôi! Bự nhỏ! Sao cũng được mà... Có ảnh hưởng gì đâu đến đời sống gối chăn?"

Nhưng người bạn trẻ thì ít kinh nghiệm, muốn thỏa mãn cái trí tò mò, bèn gởi email, phỏng vấn tui rằng: "Căn theo hình thức, kích cỡ, nó có mấy loại vậy anh hai?"

Thưa theo kinh nghiệm bản thân, xin trả lời là: Vì ‘Núi đôi' là một cơ phận của thân thể người ta nên phải tàn phai theo năm tháng. Phần mỗi người mỗi khác!  Em nào hên, được tạo hóa ban cho:"Mông tròn như trái quýt, vú nguýt như sừng bò" là coi như trúng số độc đắc rồi đó. Tiết kiệm cả khối tiền đi thẩm mỹ!

Ngoài cái dạng nguýt như sừng bò, còn có dạng như trái dưa hoàng kim, dưa hấu, dưa leo, trái bầu, trái mướp...

(Nên có chuyện vui rằng: Có em giận chồng mèo chuột lăng nhăng, đi mua cây súng về kê vào đầu ‘ví' bên phải, phía trái tim, tính tự sát. Bóp cò, súng nổ em bị thương ở cái chưn!)

Mấy chàng thanh niên Úc mới lớn cũng tò mò như thanh niên Việt Nam mình vậy thôi. Có một đứa hỏi Tía nó: "Daddy! Có bao nhiêu loại ‘ví'?"

Daddy nó, nhân cơ hội nầy, dạy con mình một bài nhập môn về tình dục học. "Có ba loại con à! Năm nó vừa 20, như trái dưa hoàng kim mới hái, tròn và cứng! Năm nó 40, như trái lê, vẫn còn đẹp nhưng sức hút trái đất đã có tác dụng chút đỉnh."

"Năm nó 60, như cái củ hành!" "Sao lại là như cái củ hành hả Daddy?"

"À! Vì khi con nhìn thấy, nó sẽ làm con rơi nước mắt."

Thưa, Tạo hóa đã tặng cho em cặp núi đôi hùng vĩ; mới đầu dành cho thằng cu tí nhưng sau bố nó thấy hay hay cũng nhào vô... chơi tí.

Cái gì cũng vậy thôi! Muốn bền lâu là phải bảo trì cẩn thận, phải sử dụng nhẹ nhàng kẻo hư, kẻo bể nhe.

Vậy mà thằng nhóc nầy bất cẩn quá để bố nó phải la Trời là:

"Con ơi bố cũng lạy mày/ Mày dùng như thế bố đây hết nhờ...

Kiểu gì vừa cắn vừa lôi/ Như này hỏng hết đồ chơi con à...

Bố van mày đấy nhả ra/ Để cho nguyên vẹn cả nhà dùng chung"

Thưa để kết bài nầy, tui xin long trọng phát biểu rằng: "Núi đôi như mặt trời! Nhìn sơ sơ thì được. Nhưng nhìn chằm chằm rất có hại. Chính vì vậy mà người ta chế ra cái kính râm!"

Thưa bà con cho phép tui mang cái kính râm đi chợ Footscray mùa hè nầy một chút nhe!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Đẩy xe về chốn hoàng hôn!

dxt_dayxe.jpg 

Thưa bà con! Có chuyện vui như vầy: John và Mike đi nhậu, tán dóc với nhau chuyện học hành và nghề ngỗng tương lai của con cái!

John hỏi: "À thằng con anh, nghe nói nó hỏng thèm đi học nữa. Hết lớp 10 là đủ chữ xài rồi! Vậy... nó tính làm nghề gì vậy anh?"

Mike: "Nó tính làm nghề đổ rác!"

John: "Đổ rác hả? Sao nó lại khoái làm nghề đổ rác?"

"À! Nó nghĩ nghề đổ rác làm việc tuần chỉ mỗi một ngày thứ Sáu mà thôi!"

Té ra thằng nhóc nầy vừa làm biếng mà vừa ngu nữa!

Làm biếng vì tưởng nghề nầy tuần làm việc chỉ một ngày.

Còn ngu vì tưởng những ngày khác được nghỉ phè! Chớ đâu biết là bữa nay đổ khu nầy; ngày mai phải đổ khu khác.

Tuần phải làm việc 5 ngày, ngày 8 tiếng, như những ngành nghề khác thế thôi!

Thưa thời buổi hiện đại, khác hồi xưa, thay vì đổ rác bất cứ nơi nào tiện cho nhà mình, thản nhiên đem gieo rắc vi trùng, mầm bệnh khắp nơi thì bây giờ chúng ta có xe đổ rác mang rác đến mấy cơ sở quản lý rác thải ở tuốt trong vùng sâu, vùng xa thành phố để mà chế biến thành phân bón hoặc tái chế cái nào còn xài lại được...

Thưa ở Úc, nhà nào cũng có hai thùng rác của 'Cáo sồ' cấp. Một thùng đựng rác tùm lum, tùm la, màu xanh; tuần nào xe rác cũng ghé đổ. Khu tui ngày đổ rác là thứ Sáu.

Còn một thùng nữa, màu vàng, bự gấp đôi, dành cho rác có thể tái chế như lon đồ hộp, lon beer, chai rượu, giấy, thùng cạc tông thì hai tuần nó mới gom một lần.

Cái dịch vụ đổ rác nầy không phải miễn phí đâu nha. Ở Úc nầy không có gì là miễn phí cả! 

‘Cáo sồ' nó đã tính hết vào tiền 'rate' mà bà con người Việt mình dịch cực kỳ chính xác là tiền rác...

Tiền rác nầy năm nào ‘Cáo sồ' cũng khỉa thêm chút chút tùy theo giá nhà... Giá nhà lên, tiền rác lên! Giá nhà xuống, tiền rác cũng lên...Mấy thằng ‘Cáo sồ' nầy thiệt là quá cáo!

Dịch vụ đổ rác nầy do do công ty tư nhân bỏ thầu, ký hợp đồng với thành phố.

Bên Mỹ, cũng vậy thôi! Mới đây tui có đọc báo thấy hai ông đổ rác người Mỹ, lương hằng năm mỗi đứa kiếm được còn hơn cả lương của kỹ sư!

Mà hai đứa đâu cần học hành tới nơi tới chốn gì đâu. Hết lớp 10, đủ chữ xài rồi là nghỉ đi làm kiến tiền cho nó phẻ...

Xe rác bên Mỹ thường có hai trự. Tài xế và người phụ việc gọi là lơ xe rác, chuyên kéo thùng rác hay thùng đựng vỏ lon, chai, giấy, bao bì...Cần đứa mạnh khỏe, vì kéo cả  hàng ngàn thùng rác mỗi ngày; dù mưa gió hay tuyết rơi, trơn trợt hay mùa hè nóng bức cháy râu.

Úc nầy xe rác chỉ có một đứa, đàn ông con trai hay đàn bà con gái gì cũng được. Cư dân phải kéo thùng rác ra đường! Nó chạy từ từ, dừng lại, giơ cái càng ra gắp rồi đổ ngược thùng vào bồn chứa rác bự trên xe, rồi rề rề tới thùng khác.

Cứ vậy! Dễ ợt! Nhưng có ăn! Lái xe đi đổ rác bên Mỹ, nhứt là tại thành phố New York, lương 112 ngàn đô năm. Lương lơ xe rác 100 ngàn đô. Gần gấp đôi lương tui rồi! Sướng nhé!

Không cần bằng cử nhân, cao đẳng gì ráo! Mà học việc đâu có lâu lắc gì! Chỉ vài ngày; cùng lắm là một tháng.

Tài xế dĩ nhiên là phải có bằng lái xe tải. Còn cách điều khiển máy ép rác gắn trong xe thì đứa làm lâu năm chỉ cho đứa mới vô. Vừa làm vừa học việc!

Đổ rác thường làm ca đêm từ 7 giờ tối tới 3 giờ sáng. Làm cái giờ tréo ngoe như vậy nên dù lương nhiều, khẳm, nhưng cũng có cơ may bị vợ bỏ; vì tội bỏ nó nằm ngủ chèo queo một mình ở nhà. 

"Tiền em cũng cần nhưng cái đó em còn cần hơn nữa!"

Xã hội tư bản mà! Lương càng cao, càng cực... Nghề đổ rác nầy đây cũng không là ngoại lệ.

Làm nghề nầy thì khứu giác (lỗ mũi) và thị giác (con mắt) đều bị tra tấn hành hạ một cách dã man, về lâu về dài là bịnh hậu... Nên mới có phụ cấp độc hại.

Nào là cá ươn, chuột chết là chuyện nhỏ... Bự bự hơn một chút là heo và cả bò bị chết...Đôi khi còn có cái chưn người ta; ai bỏ vô thùng rác nữa đó...

Mưa gió, tuyết rơi, lạnh quéo hay mùa hè chảy mỡ; xuân hạ thu đông gì cũng phải đổ! Vì bà con lúc nào cũng xả rác hết.

Dân càng giàu, rác càng nhiều! Dân càng mạt, rác càng ít!!

Do đó muốn biết chánh phủ bên Úc nầy có 'đổ' hay không? Gần bầu cử, cứ đi dở nắp mấy thùng rác ra coi rồi đi đánh cá đảng nào thắng, đảng nào thua?

Thùng rác nào cũng đầy vun là chánh phủ nầy lại thắng. Còn thùng rác nào cũng cạn queo là chánh phủ nầy chắc chắn sẽ đi đong, theo xe rác mà ra bãi rác!

Rác càng nhiều, mấy công ty đổ rác càng khoái, chớ đâu có càm ràm sao xả rác nhiều quá vậy mấy cha?

Vì "Rác của quý vị là tiền của tui mà!" ("Your trash is my money!")

Thưa có một gia đình người Việt Nam tỵ nạn, bên Mỹ, nhờ "Rác của quý vị là tiền của tui mà" đã kiếm tới tiền tỉ đô Mỹ rồi đó nhe. Giờ nghe nói đã bay về Sài Gòn để khuyếch trương việc... hốt rác!

Thưa đó là nói về việc đổ rác. Còn việc quét rác nữa chớ.

Úc nầy đây quét rác bằng xe!

Quét trong lối đi trước hàng quán hơi chật hẹp, xài chiếc xe nhỏ chạy bằng ga cho nó êm, kẻo mấy thằng chủ tiệm đang ngủ khò khò phía trong, làm rùm nó ra nó dộng thấy Tía!

Xe có hai cây chổi tròn quay, gắn dưới lườn xe, quây vòng vòng để làm rác văng lên rồi hút vào bồn chứa.

Dọc hai bên lề đừng thì xe lớn hơn hút rác cũng như vậy; xong còn xịt nước cho bụi cát đừng bay...

Còn Việt Nam bây giờ, Hà Nội vẫn quét rác bằng tay, xài chổi tre như thời Tố Hữu làm thơ vào năm 1960 vậy.

Bài ‘Tiếng chổi tre'như vầy nè:

"Những đêm hè/ Khi ve ve/ Đã ngủ!/ Tôi lắng nghe/ Trên đường/ Trần Phú/ Tiếng chổi tre/ Xao xác/ Hàng me/ Tiếng chổi tre/ Đêm hè/ Quét rác!

Những đêm đông/ Khi cơn giông/ Vừa tắt/ Tôi đứng trông/ Trên đường/ Lặng ngắt/ Chị lao công/ Như sắt/ Như đồng/ Chị lao công/ Đêm đông/ Quét rác!

Sáng mai ra/ Gánh hàng hoa/ Xuống chợ/ Hoa Ngọc Hà/ Trên đường/ Rực nở!

Hương bay xa/ Thơm mát/ Đường ta/ Nhớ nghe hoa/ Người quét/ Rác đêm qua.

Tiếng chổi tre/ Chị quét/ Những đêm hè/ Đêm đông/ Gió rét/ Tiếng chổi tre/ Sớm tối/ Đi về/ Giữ sạch lề/ Đẹp lối/ Em nghe!"

Trời đất!  Đây đâu phải là thơ nè! Đây là bài vè! Toàn những vần e! Đọc muốn tè... mà cũng đem vào sách giáo khoa...

Nhưng lại có một cây đa, cây đề về phê bình văn học, thời tiền chiến, là Hoài Thanh, ('Vị nghệ thuật một nửa đời/ Nửa đời còn lại vị người cấp trên!') ‘nịnh' thôi nức nở!

Sao lạ vậy? Chẳng qua Tố Hữu làm quan lớn. Hét ra lửa mửa ra khói! Không nịnh nó là bỏ bu cả lũ.

Nhưng khi Tố Hữu rớt đài vì cái vụ làm Phó Thủ tướng đặc trách về kinh tế! Làm kinh tế kinh đến thế!  Ngăn sông cấm chợ rồi giá lương tiền làm cho  dân khổ quá muốn phát điên ... nên bị nắm đầu lôi xuống!

Mất chức là rầu muốn chết mà một nhà phê bình thơ, nhân  cơ hội nầy, trả thù xưa, lôi ông 'thợ thơ' của đảng ta... ra chơi sát ván!...

Thiệt:  Còn bạc còn tiền còn đệ tử! Hết cơm hết rượu; hết ông tôi mà!

Nhưng gẫm cho cùng, nhà phê bình nầy chê cũng đúng đó chớ!

Ông viết rằng: "Thời học phổ thông ai cũng nhớ bài thơ "Tiếng chổi tre" của Tố Hữu tả hình ảnh đẹp về chị lao công quét rác trong đêm, dù hè hay đông, khi phố xá đã ngủ yên thì chị lao công vẫn "như sắt như đồng" thầm lặng, cần mẫn đưa những nhát chổi tre "xao xác hàng me" quét cho "sạch lề, đẹp lối" phố phường, để "sáng mai ra" hoa rực nở, hương thơm mát.

Học trò thi tốt nghiệp phổ thông, ‘bình loạn' bài thơ nầy là phải có ý 'biết ơn', 'cảm phục'... thì mới có được điểm cao.

Tố Hữu là nhà thơ của Đảng; là người quản lý văn hoá văn nghệ, luôn bám sát đáy các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng.

Bài thơ "Tiếng chổi tre" cũng vậy!Mở màn là thấy ngay: "Tôi lắng nghe / Trên đường Trần Phú",  (Con đường, con phố hạng sang dành cho các quan lớn cách mạng; chứ quyết không phải một con phố cũ như: Trần Hưng Đạo, Lò Sũ, Khâm Thiên, Đồng Xuân, hay Hàng Tre, Hàng Gà nào!)

Thơ là phải giữ vững lập trường giai cấp "công nông"! Không anh thợ lò, anh thợ rèn, anh thợ xây, nông dân, thì cũng là cô lao công quét rác.

Không phải là một anh thầy giáo, một anh kỹ sư, hay cô bán hàng mậu dịch, tay buôn đường dài!

Cũng là công nông, sao Tố Hữu không chọn anh móc cống? Chắc có lẽ công việc của anh "khó ngửi" quá, và anh cũng không có âm thanh - hình ảnh đẹp như chị lao công quét rác.

Xét cho cùng lao công quét rác cũng như anh đạp xích-lô, anh thiến heo, hay anh giáo làng hay vị lãnh đạo nào đó.

Quét rác cũng là một nghề và được trả công. Nên không có cái vụ anh hùng hy sinh vì cộng đồng gì sất!.

Làm tốt, quét sạch bà con cám ơn. Làm dối, quét ẩu coi chừng bị đuổi thế thôi.

Khách hàng là dân, người cung cấp dịch vụ là cô lao công quét rác. Tiền lương là từ tiền thuế của dân đóng. Chẳng ai cho không ai cái gì hết!

'Cám ơn' thì có, chứ 'biết ơn' thì không. Chúng tôi đã trả công cho chị làm việc đó, và để có tiền trả cái công ấy, chúng tôi đã phải - như chị - lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt ra.

Chớ đâu phải cứ lao động là vinh quang; và phải là lao động chân tay mới được.

Cứ người giàu là bóc lột, người nghèo là bị bóc lột rất đáng thương!"

(Trịnh Hiệp)

Sau đó nhà phê bình văn học hậu bối nầy còn ‘đế' cho nhà thơ tiền bối một câu xanh dờn là đề nghị đuổi bài thơ Tiếng chổi tre nầy ra khỏi sách giáo khoa mà nên đưa nó vào tập thơ "Bảo vệ môi trường".

Thưa cũng chuyện tiếng chổi tre nầy, mới đây, tui may mắn lên ‘facebook' thấy một hình ảnh cảm động và đáng yêu.

Cũng chị lao công quét rác trên đường nhưng tui cũng hỏng thấy gì là anh hùng cả mà chỉ thấy một tình mẫu tử rất đẹp!
Chiều mùng Ba Tết, hai mẹ con cùng nhau đẩy một chiếc xe rác (giống như thời Tố Hữu làm thơ cách đây 60 năm), trên một khúc đường vắng vẻ ở Hà Nội! 

Và không khí mùa Xuân đang tràn về khắp ngõ! Chiếc xe rác ấy ngập đầy lá rụng!

Đứa bé gái, 5 tuổi, mặc một chiếc đầm, màu hồng, tươm tất; tận lực dùng sức mạnh tuổi thơ, để phụ mẹ mình đẩy chiếc xe rác xã hội chủ nghĩa về bãi rác!

Vâng! Bức hình cho người viết nỗi cảm động về tình mẫu tử lẫn niềm hy vọng tràn trề về thế hệ tương lai của đất nước Việt Nam mình!

Chính các cháu, (chớ không ai vô đây), sẽ đẩy hết cái bọn rác rưởi nầy về chốn hoàng hôn!


đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

 

  

 

Tình đá... quá phũ phàng!

 dxt_tinhda.jpg

 

Thưa! Vừa rồi, ngày 14, tháng Hai hằng năm, tới hẹn lại lên, là ngày Valentine, tức ngày Lễ Tình Nhân.
(Ôi hoa hồng nó bán chạy nườm nượp, đủ loại, đủ giá, thượng vàng hạ cám. Có loại hoa phải nhập từ Nam Mỹ hay Nam Phi; nên mấy chú trồng hoa Úc phải la làng rằng: "Người Úc nên mua hoa của Úc... mới là yêu nước Úc?!"
Rồi rượu sâm banh rót tràn như suối, để mừng tình ta dài tới một năm, 365 ngày, mà chưa có vãn hát; anh đường anh; tôi đường tôi; tình nghĩa đôi ta có thế thôi...)

Mà nói đến chữ tình, nhứt là tình ta, thì đề tài hấp dẫn nầy, thưa bà con, mấy nhà văn viết tới Tết Congo cũng chưa có hết chuyện!

Trong cái dư âm của Valentine's Day năm nay, người viết xin hầu quý bà con đã, đang và sẽ yêu... ba câu chuyện tình đối chọi nhau chan chát.

Có tình đẹp như mơ, đẹp như thơ và cũng có tình rất là bết... như con gà chết!
Thưa nhân Lễ Tình Nhân: Một rừng phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình tụ tập đông đảo trước thềm cửa nhà nàng, để đưa tin về cuộc hôn nhân thế kỷ của một anh ca sĩ Úc lừng danh và một em diễn viên cũng Úc, vốn rất nhiều tăm tiếng (xin bà con đừng đọc nhầm là tai tiếng).

Chàng ‘hồ hởi, phấn khởi', quơ tay chém gió nhưng lỡ trúng làm chết một con ruồi đang bay vo ve trước mặt (Mùa hè nước Úc, chu choa, ruồi trốn ở đâu hỏng biết, giờ trở về quê cũ, đông như ruồi, ào ào như đi đại hội, chắc canh me Valentine's Day để xơi chocolate cho đã điếu hay chăng?)
"Cuối cùng tôi cũng được toại nguyện vì đã thành hôn được với em yêu sau 20 năm!"
Phóng viên hỏi lại: "Dà! Thưa trong khoảng thời gian 20 năm dài đăng đẳng đó, anh và ‘em yêu' của anh đã làm gì ạ?"

"À! Cả hai chúng tôi luôn... mắc bận lập gia đình!"
Thưa còn chuyện hai bên yêu nhau, rồi cũng mắc bận lập gia đình, để mãi chừng ấy 73 năm dài, mới gặp lại người xưa là chuyện có thật 72 phần dầu vừa mới được báo Anh, báo Mỹ, báo Úc nó đăng như vầy nè:
Năm ấy, Mỹ, chờ cho cha con tụi nó: Phát xít Đức và Cộng Sản Nga ở Châu Âu đánh nhau u đầu sứt trán, mỏi mòn và mòn mỏi... Mỹ mới nhào vô chấm (mút) dứt Đệ nhị Thế chiến.

Và chàng Norwood Thomas, 21 tuổi, một chú Sam, đi quân dịch là thương nòi giống!
Vượt Đại Tây Dương, chàng đến London, thủ đô nước Anh. Ở đó, chàng bị tiếng sét ái tình quánh trúng, khi gặp em yêu, chỉ mới vừa lên 17 tuổi, tên Joyce Durrant, dân Hồng Mao (tức có lông màu hồng).
Tình mộng đôi ta kéo chỉ được vài tháng là chàng được lịnh phải ra mặt trận đang hồi khốc liệt, là đổ bộ lên Normandy, bờ biển Tây Bắc nước Pháp, năm 1944 để giải phóng Châu Âu khỏi bàn tay của trùm Phát xít vừa ‘Hít vừa Le' tức Hitler!
"Chàng thì đi cõi xa mưa gió/ Thiếp thì về buồng cũ gối chăn/ Đoái trông theo đã cách ngăn/ Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh!"
Dĩ nhiên, xa nhau thì cũng thư từ qua lại để chờ anh em nhé!
Nhưng "Thư thường tới, người không thấy tới/ Bức rèm thưa lần dãi bóng dương/ Bóng dương mấy buổi xuyên ngang/Lời sao mười hẹn, chín thường đơn sai?!"

Rồi tin nhạn bặt dần rồi đứt hẳn; hay là chàng đã đền nợ nước? Chiến tranh mà!
Cả ngàn câu hỏi cứ quay mòng mòng trong đầu em! Chờ anh yêu cho mãn kiếp chờ hay đi lấy chồng?
Mà đời con gái, như một cành hoa, chỉ có một thời! Và em đi lấy chồng, kẻo ế!!
Từ London, vợ chồng em phiêu giạt, qua biết bao nhiêu là biển, về tới tận Adelaide, thủ phủ tiểu bang Nam Úc, để làm rẫy.

Rồi, vài chục năm sau, chồng em đi bán muối, bỏ em vò võ một mình.
Thì: "Phận trai già ruổi chiến trường, Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về!"
Đúng ra tàn chinh chiến, chàng Siêu cũng bận lập gia đình và em yêu của chàng vài chục năm sau cũng đi bán muối.
Tưởng vậy là hết chuyện... Ai dè... chàng giờ góa bụa và nàng giờ góa phụ cô đơn thường lên trang mạng trực tuyến Skype chít chat để giải sầu lẻ bóng, tình cờ gặp lại người xưa!
(Ôi trái đất nó tròn quay! Nàng đi về hướng Tây, chàng đi về hướng Đông, quay lưng lại mà đi... cuối cùng cũng gặp được mặt nhau... nhờ mạng ảo!)

Chàng muốn nhìn tận mặt người xưa bằng xương, bằng thịt, bằng da hiện thực đàng hoàng, dẫu nay đã 88 cái xuân xanh, để xem dung nhan đó bây giờ ra sao; chớ không chỉ gặp em xưa trên mạng ảo mà thôi? Vì không sờ tận mặt là không có đã!
Nhưng đâu có dễ nè! Chàng, 93 tuổi, ăn tiền trợ cấp cựu chiến binh, không dư một cắc, làm sao đủ tiền mua được vé máy bay (tốn nhiều lắm đó), bay đi Úc?
Hãng Hàng không Tân Tây Lan (AirNZ), người em làm quảng cáo tiếp thị, sau khi nghe câu chuyện, phần cảm động, phần nhìn thấy cơ hội quảng cáo bằng vàng, vừa rẻ vừa hiệu quả; nên mau mồm mau miệng bảo trợ, cho bay miễn phí, bắc cầu ô thước từ Virginia (Mỹ) tới Adelaide (Úc) cho Chức Nữ gặp Chàng Ngưu! Ôi! Chức Nữ, Ngưu Lang, tháng Bảy mưa ngâu, năm gặp một lần đã là tội nghiệp; huống hồ đây mãi tới 73 năm là phải tới 73 lần tội nghiệp đó nhe!
Ngày đôi ta gặp lại, nhân Valentine's Day, máy quay phim rè rè. Máy chụp hình tách tách, chớp nháng liên tục. Chàng run run ôm chặt nàng trong vòng tay khẳng khiu đầy những vết đồi mồi!
"Joyss (Joyce) của anh đây sao?"

"Ôi! Norwood! Cánh rừng phương Bắc của em!"
Tay cầm tay nhắc cái thuở ‘bái bai'' rồi thôi! Chớ không có màn phụ diễn ‘lambada' gì hết ráo"
"Thiếp xin muôn kiếp sau này! Như chim liền cánh, như cây liền cành!"
Nhưng chàng chỉ tính ở lại cùng em vài ngày thôi để tìm lại tình mơ thời đã mất?! Gặp được mặt nhau rồi cũng là thơ, là đẹp...

Anh sẽ bay về Mỹ; em ở lại Úc Châu... Lâu lâu nhớ nhau; còn hơn dọn về ở chung... rồi cãi lộn!
Thưa đó là cuộc tình đẹp... của Mỹ! Nhưng cuộc tình, tui kể người nghe dưới đây, của Tàu đã không đẹp lại còn chèm nhẹp!

Không biết nàng có đẹp bằng nữ tài tử Hong Kong bên hông Chợ Lớn hay không? Nhưng em người Thượng Hải, dân thành! Đã 27 cái xuân xanh, tuổi cứng cạy rồi chớ không còn là vén cháo! Nên con đường tình em đi đã quá nhiều kinh nghiệm; đâu có cái vụ trẻ người non dạ, lóc chóc hè!
Tết Nguyên Đán, theo truyền thống, là ngày đoàn tụ gia đình nên chàng dắt nàng, yểu điệu thục nữ trong chiếc áo dài xường xám, về để ‘Pà-pá và Mà-má' biết mặt con dâu tương lai của mình tròn méo ra sao?
Chàng, người Giang Tây! Pà-pá và Mà-má của chàng làm lò chén từ thời ông tằng cố tổ tới giờ (mới có sứ Giang Tây nổi tiếng chớ!). Nhưng phận nghèo, cam làm mướn; chớ hỏng phải làm chủ cả gì hết ráo...
Nghe con trai dắt cái ‘máy đẻ' tương lai về, mừng: ‘Hè hè! Từ nay ngộ với nị sẽ có một thằng Tửng để nối dõi tông đường rồi! Chết còn có đứa cúng, chớ tuyệt tự, hỏng ai cúng quảy gì hết ráo, đói thấy bà!'
Bèn rán vét tới đồng Nguyên cuối cùng trong túi, mà vẫn không có được món Vịt quay Bắc Kinh, (dẫu nó bán lềnh khênh ngoài chợ); hay món cơm Dương Châu, chỉ là trứng trộn với cơm, với rau, đậu, rồi bắc chảo lên chiên...
Bữa ăn thịnh soạn nhứt trong năm (Đói ngày giỗ cha! No ba ngày Tết) mà chỉ có bánh tổ, há cảo, sủi cảo chấm xì dầu... Cơm thì chỉ đậu xào, hẹ xào cũng chấm xì dầu... Tô canh chỉ toàn ‘quốc' và một con cá bằng hai ngón tay hè!

Gắp vài đũa là sạch trơn... Ai ăn; ai nhịn?

Dù anh có yêu em ngàn lần hơn là anh yêu Mao Chủ tịch; nhưng thời buổi Trung quốc mở cửa ra, nhìn thế giới tư bản rồi bắt chước, đâu còn thời Cách mạng Văn hóa, vài chục triệu người ngã lăn chết như rạ vì đói!
Bây giờ Trung quốc là siêu cường thứ hai về kinh tế chỉ sau đế quốc Mỹ; thì nghèo là cái trọng tội; nên em quầy quả ra ga đón tàu về Thượng Hải... để lại anh chồng tương lai phải la bài hải... "Mất em rồi! Xa em rồi! Nị ơi!"
Sau đó, em còn nhẫn tâm đưa hình những thức ăn đạm bạc mà Pà-pá và Mà-má dọn lên mâm, để đón em, lên mạng xã hội Weibo, để bêu xấu cái nghèo lương thiện của Pà-pá và Mà-má ‘hụt'.

"Nghèo vầy mà bắt tui kêu Pà-pá, Mà-má sao được hè?!"
Mấy Á Xẩm khác, vốn chủ trương thực dụng: ‘No money; no honey' (Không tiền, không yêu), nói: "Nghèo mạt như vậy bỏ nó là phải rồi!"

Mấy Chú Ba khác, ngẫm lại phận mình, chắc cũng nghèo mạt rệp, vì đâu phải là đảng viên đảng CS Trung Quốc gì đâu mà ăn hối lộ cho được chớ, bèn ngửa mặt lên trời như Châu Du trong Tam Quốc, cười ba tiếng Tàu; cúi mặt xuống đất khóc ba tiếng Tàu rằng:

"Ô hô! Ai tai! Trung Hoa thời hiện đại mà tình thơ dại đã bị chó dại cắn... chết ngắc còn đâu!"
Một Chú Ba khác thì dùng photoshop, tẩn mẩn tô màu lên mấy món ăn nầy với lời chú thích rằng:
"Em vốn thích màu mè! Lỗi của Pà-pá và Mà-má lội sông bắt cá lên, công nấu cực khổ mà lại quên màu mè, quên tô màu nên em mới phũ phàng dứt áo ra đi như vậy."
Tiên trách kỷ hậu trách nhân! Đời bây giờ! Phải sống màu mè! Phải sống giả dối! Phải sống lưu manh! Còn sống chân thật, sống lương thiện, sống nghèo là... ngu?!

Cộng sản, ai cũng biết, là vương quốc nói dóc! Mình sống chân thật ắt phải thua thôi!
Ôi đọc chuyện tình nầy, tui cũng cảm thương cho Chú Ba bị tình đá quá phủ phàng; nên có lời ‘chỉ đại' rằng:
"Đừng có tiếc ngọc thương hương chi một em chảnh chọe như thế. Hãy về quê, mở lò chén... (Nhớ đừng có bóc lột nhân công một cách tàn tệ nha cha nội), Chén, tô, dĩa sẽ xuất khẩu ra toàn thế giới... Made in China! Chẳng bao lâu là giàu thì biết bao đứa khác đẹp cỡ Chương Tử Di hay Cũng Lợi sẽ bu theo cho coi!
Thưa! Cùng bị kềm kẹp dưới ách Cộng Sản như nhau, nên xã hội chủ nghĩa Việt Nam giờ cũng vậy thôi, giống như bên Tàu vậy; cũng tình dang dở vì nghèo!

Chắc bà con cô bác anh em mình đều biết dòng sông Lam, phía Bắc Trung Phần nước ta. Sông Lam vì nước nó màu xanh lam, phát nguồn từ Lào xuôi dòng qua Nghệ An và Hà Tĩnh đổ vào biển Đông tại Cửa Hội...

Tại dòng sông nầy, có chàng nhạc sĩ An Thuyên, cứ lang thang tìm kiếm công danh, tức lang thang kiếm tiền, đi bốn phương trời, đục trong nhục vinh hỡi người... Đi hoài! Ai mà chờ cho được chớ?
Nên "Cây đến thì trổ hoa/ Chuyến đò đầy rời bến/ Em hát rằng đến duyên/ Em lấy chồng năm ấy!"
Rồi một hôm: "Câu đò đưa thầm gọi/ Tôi ghé về tuổi thơ/ Người xưa đâu xa vắng/ Ai đưa tôi qua đò?"
Thôi mấy em đã lấy chồng hết ráo vì sợ ế! Mà ông cứ lo đi kiếm công danh hoài hè! Hỏng ai đưa mình qua đò thì mình cởi trần, mặc quần xà lỏn lội qua sông vậy... Đừng dằn vật mình mà chi cho nó nhức mình!
Bài toán nan giải nầy: Nghèo thì hỏng ai ưng! Lo đi kiếm tiền thì hỏng ai rảnh mà chờ!
Người lương thiện đàng hoàng, không quyền, không tiền vì không chôm, không chỉa gì của ai cho được thì đành phải chịu sống ‘cu ky' vậy!

Chữ tình, thời kim tiền xã hội chủ nghĩa dã man như rừng rú nầy, coi như kể bỏ. Vì nó không đáng giá một xu... teng!

 

đoàn xuân thu
melbourne.

 

  

 

Nhà văn Ba Phải!

dxt_nhavanbaphai.jpg

 

Thưa người viết có anh bạn văn, xưa làm Hương giáo tức giáo làng. Là giáo làng dĩ nhiên là ảnh có mớ chữ; ăn đứt những người mù chữ; nên trong làng, ảnh thuộc hàng danh gia vọng tộc so với đám Hương chức (nhiều đứa chỉ biết chữ: ký tên!).

Sau nầy qua đây ảnh không còn làm Hương giáo nữa nhưng vẫn ráng giữ cho được cái tiếng của ngày xưa.
Và để duy trì cái tăm tiếng đó bằng chính cái thực lực của mình không cho đứa nào xấu miệng nói là ăn mày quá khứ! Ảnh bèn thành lập cái Thi văn đoàn; tự ên phong mình làm Chủ tịch; còn em yêu của ảnh làm Phó Chủ tịch Nội vụ, Ngoại vụ, Tổng thơ ký kiêm Thủ quỹ.

Làm Chủ tịch Thi văn đoàn, ảnh thường tự mình xuất tiền túi ra, tổ chức ăn nhậu ở nhà cuối tuần! Mà bạn văn, bạn thơ ai tới, có vác thùng bia cũng được hoặc chỉ vác cái miệng không cũng không sao!

(Ảnh vốn là một con người hào sảng, có bà con xa với Mạnh Thường Quân tuốt tận bên Tàu).
Bữa tiệc ăn nhậu là chính nhưng cái cũng chính luôn là tạo cơ hội cho các thi, văn hữu xướng họa đề thơ và bàn luận chuyện chính trường thế giới trên trời dưới đất.

Bàn luận đôi khi đưa đến tranh luận; rồi vì có chút đỉnh bia, rượu... hăng tiết vịt quá đưa đến khẩu chiến tức cãi lộn vì hỏng ai chịu mình trật hết trơn!

Nên với tư cách rất trang trọng là Chủ tịch Thi văn đoàn, ảnh nhiều phen phải đứng ra phân xử kẻ trúng, người sai.
Như mới tuần rồi đây, nhà thơ Hai Lúa và nhà văn Ba Rẫy đã cãi nhau một trận sanh tử lửa về cách dùng chữ Hán Việt: ‘tiếp kiến'!
Chẳng qua Tổng Thống Mỹ Barrack Obama đi thăm Nhựt Bổn và một ký giả tường thuật rằng:
"Obama tiếp kiến Nhựt hoàng hôm 14 tháng Mười Một và hành động cúi chào quá sâu của ông đã khiến nhiều blogger ở Mỹ tức tối."

Nhà văn Ba Rẫy bắt bẻ: "Viết vậy là sai. Động từ ‘tiếp kiến' có nghĩa là Nhựt hoàng đón rước Tổng thống Mỹ Obama đến thăm chính thức.

Nghĩa là Nhựt hoàng là Chủ; mà Tổng thống Obama là Khách.

Nên câu nầy phải hoán đổi vị trí chủ từ với túc từ, thành: "Nhựt hoàng tiếp kiến Tổng thống Mỹ Obama". Hoặc: "Tổng thống Mỹ Obama được Nhựt hoàng tiếp kiến"
Anh Hương giáo gục gặc cái đầu, phán rằng: "Nhà văn Ba Rẫy nói đúng!"

Nhưng nhà thơ Hai Lúa thì phê phán nhà văn Ba Rẫy chuyên vạch lá tìm sâu.
Rồi đơn cử trường hợp của chính cá nhân mình là: Có lần tui viết bài thơ về con cá sặt! Nhưng có độc giả phê là nhà thơ gì mà viết sai chính tả bét nhè như thế? Phải viết là con cá ‘sặc' mới đúng nhe!
Tui bức bối rồi tức tối trả lời rằng: ‘Sặt' hay ‘sặc'? Cái vần ‘ặt' hay ‘ặc' nầy khó biết viết sao là trúng; vì Việt Nam mình không có Hàn lâm viện về ngôn ngữ nên chưa biết được tui viết trúng hay sai mà ông lại võ đoán như thế hử?

(Lỗi nhỏ như con thỏ mà cứ chỉ chỏ, chu cái mõ của mình vô! Cha! Cái nầy là xài xể, nói nặng bạn văn của mình đó nha. Mẻ hết một miếng cái tình văn nghệ của đôi ta rồi!)
Anh Hương giáo thấy tình hình căng quá, cũng gục gặc cái đầu, phán rằng: "Nhà thơ Hai Lúa nói cũng đúng!"
Chị Hương giáo, là em yêu của anh Hương giáo, không đồng ý "Anh giáo nói vậy là không phải. Ở đây phải có kẻ đúng người sai chớ? Nhà thơ Hai Lúa hay Nhà văn Ba Rẫy? Một trong hai mà thôi! Chớ không phải cả hai đều đúng cả!"
Anh Hương giáo cũng gục gặc cái đầu và phán rằng: "Bà nói cũng đúng luôn!"
Từ đấy anh Hương giáo có cái ‘nick name' là: Nhà văn Ba Phải! Ai cũng ‘phải' hết ráo bà con ơi!
Thưa sau bữa nhậu về, nằm gác tay lên trán mà suy nghĩ, tui thấy cách xử thế ba phải của anh Hương giáo vậy mà hay.

Vì nó tránh cho ta bao điều rắc rối không đáng có! Đời mà! Chuyện cơm áo gạo tiền còn quan trọng hơn chuyện thơ văn nhiều.
Văn chương, nhứt là ở hải ngoại nầy đây, là chuyện chơi cho vui chớ hỏng có ông nào kiếm sống được bằng nghề cầm bút đâu thì cãi nhau chi cho nó mất vui bữa nhậu chớ?!

Em yêu của người viết nghe vậy, bèn phản đối: "Ông nói vậy sao phải hè! Thiên chức của nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa (và nhiều nhà nữa)... đâu phải ra đấy đàng hoàng; đâu có đập dập được nè!"
Tui bèn gục gặc cái đầu và phán: "Bà nói cũng đúng luôn!"

Ôi! Nói như vậy để dập ngay đám lửa tranh luận với em yêu, không cho nó bùng lên! Kẻo cháy nhà!
Vì kinh nghiệm xương máu cho tui biết rằng: Cãi lộn với vợ sẽ không bao giờ chấm dứt... Nếu mình là người nói sau cùng...
Bởi lời nói sau cùng của mình sẽ bắt đầu một cuộc cãi lộn khác...
Nó có thể dài như trường thiên tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình của Leo Tolstoy mà không bao giờ có hồi kết gì hết ráo.

 

Em yêu với cái sở học chưa đầy lá mít, mà dám cãi lý với nhà văn, trên thông thiên văn dưới tường địa lý như tui là vì em không có đọc văn học sử... bên Tàu!
Nếu có, em sẽ biết phê bình văn thơ người khác; nhứt là tác giả là người có chức, có quyền là một điều vô cùng dại dột.

Nó thù, nó ‘quánh' cho lên bờ xuống ruộng, quần áo ướt nhem, dính đầy bùn đất! Vợ con bị ‘lan can', vì bể cái nồi cơm, đói khổ, nheo nhóc, lang thang... chỉ vì tội nhỏ như con thỏ của chồng mình là thày lay, ỷ tài đi phê bình thơ của người khác.
Văn học sử Tàu có ghi lại một bài học kinh điển và kinh nghiệm cho ai lỡ cầm bút như sau: Tô Đông Pha đọc thơ của Vương An Thạch (Tể tướng), thấy có hai câu: "Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa tâm"
Đông Pha chê vô lý: "Trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa được?"
Tô thi sĩ bèn lấy bút sửa chữ khiếu ra chữ chiếu, sửa chữ tâm thành chữ âm, thành ra: "Minh nguyệt sơn đầu chiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa âm"
(Trăng sáng soi đầu núi/ Chó vàng nằm dưới hoa)

Hậu quả là Tô thi sĩ bị Vương tể tướng đì, đày đi phương Nam để lao cải (lao động, cải tạo) về cái tội ngu mà hay nói!

Ở đó, Tô thi sĩ thấy Minh nguyệt là tên con ‘chim', và Hoàng khuyển tên con sâu. Chớ hỏng phải trăng sáng, chó vàng gì ráo....

Hối hận thì đã muộn! Tô thi sĩ đã bị Vương tể tướng thù vặt, đì sói trán luôn... vì không thuộc bài sinh vật học về ‘chim', về ‘sâu' của nước Tàu ta...

(Ngộ tả con ‘chim' mà nị không biết ‘chim'! Nên ngộ cho con ‘chim' nó mổ cho nị sáng mắt ra!)
Từ ấy đọc đâu, tui để đó, cũng như anh Hương giáo Ba Phải, hỏng thèm ‘lan can' gì trong những cuộc bút chiến của bất cứ một ai hết ráo; dù đôi khi thấy trật lất cũng không dám hở môi, làm tài khôn chỉ chỏ gì hết trơn, hết trụi! Cho nó lành...

 

Nhưng bữa nay, tức mình quá mà, dẫu biết thẳng mực tàu là đau lòng gỗ! Coi chừng ‘gỗ' nó quạu nó ‘bổ' mình; tui cũng phải nói , vì ông ký giả kịch trường nầy dám chê thần tượng của tui chớ!
Thưa chắc bà con cũng từng nghe câu hát: "Sáng ăn cơm sườn, chiều ăn nước tương/ tối leo lên giường, nằm nghe cải lương... (" Hey, hey, hey, it's a beautiful day!)
Tui cũng như đa số bà con mình, dân Sè Gòn, đều khoái cải lương! Nên dù lúc no lúc đói, lúc sáng ăn cơm sườn, lúc chiều ăn nước tương; nhưng tối nào cũng nằm nghe cải lương... mới ngủ được!
Chính vì khoái cải lương như vậy, nên cái gì có dính líu ít nhiều tới nó, mà tui trộm nghĩ là không trúng; tui ngứa miệng chen vô cãi liền hè.
Cãi để bênh đôi soạn giả tài danh Hoa Phượng và Hà Triều (tuổi đời của hai ổng bằng Tía của tui) đã sáng tác ra cái tuồng Tuyệt tình ca hay hết biết...
Vậy mà có một tác giả dám chê soạn giả; dù chỉ chê một, hai chi tiết nhỏ.

Sơ lược vở tuồng Tuyệt tình ca như vầy: Giáo Hương, dân Mỹ Tho, đổi về Vĩnh Long dạy học.
Giáo Nguyễn văn Hương lập phòng nhì với Giáo Lê thị Lan. Em tặng cho chàng một đứa con gái là Lê thị Trường An và một đứa con trai là Lê Long Hồ. (Cả hai đều theo họ Mẹ vì là con vợ bé!)
Trường An là tên một cái chợ, chân cầu Cái Côn, xã Tân Ngải, trên đường từ Bắc Mỹ Thuận vào chợ Vĩnh Long.
Còn Lê Long Hồ, vì tỉnh Vĩnh Long, thời Giáo Hương có bồ nhí, còn có tên là tỉnh Long Hồ....
Rồi Giáo Hương về chợ Vòng Nhỏ, Mỹ Tho thăm vợ lớn... Chiến tranh loạn lạc xảy ra... Giáo Lan bồng bế hai con tản cư và mất liên lạc với chàng từ độ ấy...

Hai mươi năm sau, giáo Hương làm ông Cò quận 9 tại Sài Gòn, bắt được một cô gái giang hồ tên Thoa mà chính thật là Lê thị Trường An...

("Đứa con gái mà ngày xưa ảnh cưng như ngọc như vàng mà ngày nay đã quen cùng sương gió")
Lê thị Trường An (do Bạch Tuyết đóng) dẫn Cò Hương (Út Trà Ôn) về gặp lại em Lan (Út Bạch Lan)...
Kỷ niệm xưa, ngày đôi ta còn đượm tình hương lửa ba sinh, tràn về như sóng nước trường giang của dòng sông Mỹ Thuận!
(Mà ngộ cái nầy bà con ơi! Mấy ông có vợ nhỏ ít khi nào mà bỏ cho đành!)
"Mỗi lần thấy bông ô môi điểm hồng trong gió chướng, mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang. Mỗi lần có dịp về Vĩnh Long, đi ngang Tân Ngải thấy nhà chợ Trường An là mỗi lần tôi nhớ đến mùa xuân của đầu năm binh lửa. Nhớ đến dáng người vợ trẻ đã chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời tỉnh Long... Hồ"...
Rồi em Lan cũng đập cổ kính ra tìm bóng cũ, xếp tàn y lại để dành hơi, em thổn thức: "Đây, bộ bà ba lụa Lèo mà chồng tôi bận hai mươi năm về trước. Lượt sau cùng ảnh bận là buổi tối mà sáng ra ảnh ra bến Mỹ Thuận để về tỉnh Mỹ Tho"

Và Giáo Hương, ông Cò quận Chín, Út Trà Ôn xuống vọng cổ mùi rệu:
"Tôi đang đứng trước mặt mình đây. Tôi đứng đây mà tưởng như đang đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rạc.
Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương lẩn khuất giữa sông... đầy."
Ông ký giả kịch trường nầy phê rằng: "Tiền hậu bất nhất! Lan nói Hương đi buổi sáng; mà Hương nói Hương đi, đi buổi chiều!"

 

Thưa ông ký giả kịch trường thân mến! Tui xin phản đối!
Lan nói: "...Lượt sau cùng ảnh bận là buổi tối mà sáng ra ảnh ra bến Mỹ Thuận để về tỉnh Mỹ Tho"
Theo ngu ý của tui, dân Nam Kỳ đặc sệt, thường hay nói:
"Sáng ra... tức là tới ngày hôm sau" ... Chứ không hẳn sáng ra phải có nghĩa là buổi sáng mà thôi!
Dó đó viết như vậy là trúng... Hỏng có cái vụ ông nói gà bà nói vịt gì hết ráo ở đây nhe!
Thưa! Còn nếu ông ký giả kịch trường nầy cứ khăng khăng: sáng ra phải là buổi sáng... (thì thưa, xin cọp dê y chang theo cách xử thế của anh Hương giáo, kiêm nhà văn Ba Phải) là: "Ông nói cũng đúng luôn! He he!"

 

đoàn xuân thu

Melbourne 

 

 

Thơ gởi Santa!

 dxt_thogoiSanta.jpg

Tranh Bảo Huân.

Thưa! Chọn đề tài Santa Claus để viết trong mùa lễ Giáng Sinh nầy cho bà con mình mua vui cũng được một vài phút giây nhưng lòng tui rất lấy làm lo và sợ!

Tại sao? Vì Santa Claus rất giỏi võ Judo? Bộ hỏng thấy ổng mang đai đen đó sao? Bị chọc quê, Santa Claus quạu lên, cho tui một đòn 'Tomoe Nage' là cái mông của tui chắc bầm, ê cả tháng!

Thưa! Cứ mỗi mùa Giáng Sinh, cuối năm là anh bạn nhà thơ ghé qua tệ xá hỏi: "Anh thấy tui năm nay có già thêm chút nào không anh?"

Chẳng qua là ảnh mới rước một em trẻ, đẹp xuân thì, xuất sắc trong vai tì nữ, tuổi nhỏ hơn thằng con út của ảnh một chút, từ Việt Nam qua nâng khăn sửa túi cho ảnh trong buổi chiều bóng xế!

Một câu trả lời tưởng chừng như quá dễ! Thấy sao nói vậy: "Anh già háp như con khỉ mắc phong đang ngồi ở không... ngáp ruồi" ... thì sợ ảnh buồn!

Mà nói dóc, đãi bôi như bạn sơ giao lâu lâu đi ăn đám cưới, gặp nhau: "Ôi lóng rày sao anh trẻ quá vậy? Bộ có chơi 'Viagra' hả?"

Thì thấy lòng mình cắn rứt lương tâm lắm lắm. Chơi với bạn, nhứt là bạn thâm giao, mà cắc cớ cho bạn mình uống nước đường hoài thì sao gọi là bạn hiền cho được chớ ?!

Thế nên tui phân hai, trả lời trớt quớt là: "So với Santa Claus, anh còn thiếu niên mà lo rầu chi cho nó tổn thọ!"

Nghe vậy ảnh cũng lấy làm khoan khoái: "Vậy mà hôm qua đi với em yêu ra siêu thị mua quà Giáng Sinh cho đám cháu nội, ông Già Santa Claus kêu vợ tui bằng cháu (Làm nó khoái ơi là khoái!). Còn kêu tui lại bằng anh đó!

Tui an ủi ảnh rằng: "Thiệt tình! Cái tay đóng vai Santa Claus nầy nó nịnh đầm đó anh ơi! Hơi sức đâu mà nghe!"

"Vả lại Santa Claus đâu có thiệt. Nó mặc áo quần đỏ, viền trắng, đeo râu giả, la 'Ho ho' chỉ để dụ con nít mua đồ đó; chớ thực ra đôi khi nó chừng ba, bốn chục tuổi là cùng! Sợ còn nhỏ hơn thằng con út của tui nữa đó!"

 

Thưa bà con! Mới đây ông Chủ bút có chuyển cho tui một câu hỏi của một cháu gái tên Đẹt, mới 8 tuổi, ở Kangaroo Island, tiểu bang Nam Úc, nhờ tui trả lời dùm quý độc giả thân thương nhỏ xíu nầy (Tuần nào cũng để dành 4 đô la ra mua báo!) Độc giả trung thành của quý báo là mình làm ngơ đâu có được nà.

Nhân mùa Giáng Sinh tới, cháu Đẹt hỏi khó Tía mình là: "Tía ơi! Santa Claus có là người thật, việc thật không vậy Tía?"

Tía em bí; biết trả lời sao? Bèn bán cái cho mấy ông nhà báo, chuyên nói láo ăn tiền nầy, đỡ đạn dùm mình!

Em bèn lấy giấy viết ra, vài hàng gởi ông Chủ bút trìu mến như vầy:

"Thưa ông nhà báo! Cháu 8 tuổi! Bạn cháu nói Santa Claus không có thật. Hỏi ba cháu. Ba cháu không biết. Nên xin ông nhà báo cho cháu biết Santa Claus có thật hay không nhé!"

Thưa nhận câu hỏi của em 8 tuổi nầy do ông Chủ bút chuyển làm tui đổ mồ hôi hột, lạnh run như hồi xưa lội trong rừng mà lên cơn sốt rét ác tính bất tử vậy. Đêm nằm vác chưn lên trán, rán suy nghĩ cho nát nước hết rồi mới cầm viết trả lời như vầy:

 
 

"Cháu Đẹt thân mến!

Bạn cháu nói không đúng. Những người như họ nghi ngờ hết ráo. Thấy mới tin! Không thấy không tin! Chẳng qua là họ không có trí tưởng tượng như vợ của chú, tức thiếm ở nhà.

Thấy bóng tưởng hình. Thấy có vệt son trên áo của chú là tưởng tượng ngay ra rằng chú đang có mèo; có chuột! Chớ thật ra đó không phải là vết son mà là vết tương ớt khi chú đi ăn phở, lỡ dính áo thế thôi!

Thấy gà hóa cuốc đã là khổ rồi. Mà không thấy tưởng rằng không có... là còn khờ hơn nữa!

Cháu Đẹt thân mến!

Santa Claus có thật đó nhe! Có thật như tình yêu và lòng quảng đại luôn hiện diện quanh ta, nhờ đó mà cuộc sống của chúng ta được vui tươi và hạnh phúc. Nếu không có Santa Claus thì thế giới của chúng ta sẽ ảm đạm biết bao.

Cửa hàng sẽ ế ẩm, vì không có ai đi mua sắm quà Giáng Sinh gì ráo. Không có gà Tây, cũng không có rượu vang!

Cả khối người sẽ thất nghiệp, sẽ  đói rách lang thang. Kinh tế sẽ trì trệ! Và chắc tội nghiệp nhứt là ba cháu và chú đây chẳng hạn!  Vì thất nghiệp dài dài, chú sẽ bị thiếm bỏ đi; lấy chồng khác!...

Ánh sáng niềm tin và hy vọng của trẻ em trên khắp thế giới cũng sẽ tiêu tan.

Không tin là có Santa Claus thì cũng không tin vào hoàng tử và cô bé lọ lem dự dạ hội nửa đêm, vội vã về, rớt lại một chiếc giày cao gót để Hoàng tử tìm ra người mộng, chờ Vua Cha đi bán muối rồi, mình sẽ đăng quang và phong cho em làm Hoàng hậu!

Cháu sẽ đọc chuyện nồi kê chưa chín! Nghèo mạt rệt mà vẫn phải nằm mơ mình làm nên vương tướng! Mơ để mà sống cháu ơi! Vì thực tế nó phũ phàng như phang vô mặt!

Thế nên mươi năm nữa cháu lớn lên sẽ hiểu. Có những chuyện không có thật bao giờ mà mình cũng phải rán mà tin. Vì tiền cháu ạ!

Vâng "Yes, there is a Santa Claus". Có Santa Claus trong thế giới tư bản đang dẫy chết mà mình đang sống đó Đẹt ơi!

Santa Claus vẫn sống và sẽ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta. Hàng nghìn năm sau nữa cháu Đẹt à, Santa Claus vẫn tiếp tục mang đến niềm vui và hạnh phúc cho những tâm hồn trẻ thơ trên khắp hành tinh này.

Chúc cháu Đẹt ở Kangaroo Island một Mùa Giáng Sinh vui vẻ!

Merry Christmas!"

 

Thưa trả lời xong thơ cháu Đẹt thì tuần sau ông Chủ bút lại chuyển cho tui một bức thơ của cháu Tèo, 10 tuổi,  ở Penguin Island tức Đảo Chim Cánh Cụt bên tiểu bang Tây Úc,  kêu tui sẵn trớn, trả lời luôn dùm cái

Cháu Tèo viết vầy nè: "Con có đọc thơ của chú trả lời em Đẹt, con tự hỏi: Chú có phải là Santa Claus hay không mà sao chú rành quá vậy?

Cháu cũng nhìn thấy Santa Claus ở khắp nơi trong Mùa Lễ hội thì ông Santa nào mới là thật? Ông Santa ở shop Coles hay ở Safeway? Ông Santa trước cửa nhà hàng xóm hay ông Santa đứng trụi lũi trong nhà mình?"

Thôi thì phóng lao thì phải theo lao. Trả lời luôn để sắp nhỏ nó không phân bì sao thương cháu gái mà bỏ bê mấy đứa cháu trai? Kỳ thị giới tính như vậy là bất công lắm! Nước Úc nầy nó cấm!

"Tèo thân mến!

Cám ơn cháu đã hỏi một câu rất hay "Có phải ta là Santa hay không?"

Ta biết cháu chờ đợi câu trả lời nầy rất lâu nên ta đã suy nghĩ cặn kẽ, tỏ tường rồi mới trả lời cho cháu đây!

Câu trả lời là: "Không! Ta không phải là Santa. Không có ai là Santa cả!"

(Đúng là lưỡi không xương nhiều đường lắt léo! Miệng không vành nó méo tứ tung mà! Chỉ một câu hỏi mà trả lời hồi có hồi không!)

Ta chỉ là người bỏ những món quà vào đôi vớ của cháu treo tòn ten dưới lò sưởi trong nhà. Ta làm như mà Tía ta đã làm cho ta từ độ ấy. Cũng cùng cách mà ông Nội ta đã làm cho Tía của ta.

Ta tưởng tượng ra một ngày nào đó, Tèo sẽ làm y hệt như vậy cho mấy đứa con của Tèo. Ít con  tốn ít; nhiều con tốn nhiều. Tuy nhiên dù có hao xu chăng đi nữa; Tèo sẽ vui hết biết luôn khi nhìn thấy mặt mấy đứa con mình rạng rỡ dưới ánh đèn lung linh huyền ảo của Cây thông mùa Giáng Sinh sẽ tới.

Tuy nhiên điều đó cũng không biến Tèo thành Santa đâu nhé!

Santa lớn hơn chúng ta nhiều. Ông sống lâu hơn chúng ta! Từ năm này qua năm khác. Ông tặng quà hoài... lâu hơn cả đời chúng ta đang sống.

Công việc mang qua đến cho trẻ con xem chừng rất đơn giản nhưng tạo ra một hiệu quả lớn lao. Santa đã dạy trẻ con niềm tin vào một con người nhân hậu mà chúng không thể thấy hay gặp tận mặt. Vì Santa sẽ tuột xuống lò sưởi lúc bọn trẻ đã ngủ say, ngáy ò ó o!

Dẫu không gặp được tận mặt Santa Claus thứ thiệt chăng đi nữa; Tèo à! Cháu cũng nên tin là có; như suốt đời cháu nên tin vào bản thân mình, tin vào gia đình mình; tin vào bạn bè mình. Tin cho dù những niềm tin đó không bao giờ được cân đo đong đếm một cách chính xác hay có thể cầm giữ trong tay.

Vâng! Ta đang nói về tình yêu!  Nó có một năng lực vô cùng lớn để thắp sáng đời con nha Tèo dù trong những lúc con buồn bã và cô đơn nhất.

Santa là một người Thầy và ta là học trò của ông ấy và bây giờ chắc cháu đã hiểu ra là dù Santa mập thù lu như cái lu, cũng rán tuột qua được ống khói của lò sưởi vào đêm áp Lễ Giáng Sinh để tặng quà. Dẫu lấm lem đầy lọ nghẹ  mà lòng Santa tràn ngập những niềm vui.

Vâng Ta và Tía của Tèo đều là những phụ tá, đã thay phiên nhau để giúp đỡ Santa trong việc tặng quà nầy. Bằng không thì Santa không thể nào cáng đáng nổi.

Santa là tình yêu; là nhiệm mầu của hy vọng và niềm hạnh phúc. Ta chỉ là đệ tử của Santa mà thôi. Lớn lên Tèo có vợ rồi sẽ có con. Tèo cũng sẽ trở thành đệ tử của Santa như ta vậy.

Chúc Tèo ăn no chóng lớn và học giỏi, kiếm được tiền thiệt nhiều để mùa Giáng Sinh hai chục năm tới, Tèo sẽ trở thành Đệ tử của Santa.

Merry Christmas!"

 

Thưa bà con cái vụ Santa Claus nầy cuối cùng theo người viết kết luận là: Đứa nào tin có là có! Đứa nào không tin có là hỏng có vậy thôi!

Chuyện nhỏ không có gì lớn. Chuyện lớn là chuyện quà cáp mùa Giáng Sinh kìa vì nó hao. Hao xu... nó làm mình 'tâm tư' lắm!

Đứa nhỏ nào trong lòng cũng nôn nao chờ Santa Claus để được quà. Hỏng có nó mè nheo, mít ướt, khóc i ỉ nghe tới nhức xương luôn.

Nên có chuyện vầy: Một đứa cứ xin Tía nó cây thông Giáng Sinh hoài. Năm nào cũng vậy.

Tía nó từ chối nói: "Tía không muốn chi tiền cho cái cây thông Giáng Sinh đâu!

Nhưng thằng nhỏ cứ kèo nài, mè nheo mãi nên Tía nó xách cây búa ra khỏi nhà:

Chỉ một lát sau, Tía quay trở lại với cây thông Giáng Sinh thật lớn.

Thằng con hỏi: 'Tía đốn cây nhanh thật nha!"

"Tía đâu có đốn. Cây nầy là ngoài tiệm bán đồ Giáng Sinh đó mà!"

"Ủa! Vậy Tía mang theo cái búa để làm gì?"

"Thì Tía đã từng nói với con là Tía không bao giờ muốn trả tiền cho cây thông Giáng Sinh nào hết ráo mà!"

 

Thưa bà con! Giáng Sinh là mùa gia đình đoàn tụ, có cha có mẹ thì hơn; không cha... có mẹ như đờn một dây.

Nên một gia đình em người Úc nọ sống đơn thân chỉ một Mẹ và một đứa con trai.

Giáng Sinh nhà nào cũng có hai! Có Má có Tía nên thằng cu hỏi mẹ mình rằng: "Mà à! Tía con là ai?"

Má trả lời là Santa Claus! "Đến phát quà cho Má một lần rồi đi... đi mãi tới bây giờ! Hu hu!"

Thấy Má mình nhớ Santa Claus mà buồn quá mạng nên nó lấy giấy ra để viết một bức thơ như vầy:

Kính gửi Santa Claus!

Nhà chỉ một Mẹ một con nên buồn quá! Hỏng có ai chơi! Hỏng có ai quánh lộn hết trơn hè... Nên xin Santa Claus mùa Giáng Sinh nầy gởi cho con một đứa em!

Và Santa Clau vui sướng trả lời ngay :

"Được quá đi chớ! Hãy gửi mẹ con đến đây ngay nhá!"

Merry Christmas!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Phản diện! Santa!

dxt_phandienSanta.jpg

Thưa "Santa Claus is coming to town" là một bài hát Giáng sinh nổi tiếng của John Frederick Coots và Haven Gillespie sáng tác vào tháng Mười Một, năm 1934.

Nghe tiếng nhạc lục lạc, leng keng của mấy con tuần lộc phi giữa trời trắng xóa tuyết bay bay trên truyền hình, ai cũng thấy lòng nôn nao chờ mùa lễ hội!
"You better watch out/ You better not cry/ Better not pout / I'm telling you why
Santa Claus is coming to town.
He's making a list/ And checking it twice/ Gonna find out Who's naughty and nice/ Santa Claus is coming to town
He sees you when you're sleeping/ He knows when you're awake/ He knows if you've been bad or good/ So be good for goodness sake!"
(Santa Claus sẽ về!/ Tốt hơn là con nên ngoan ngoãn/ Tốt hơn hết là đừng có khóc nhè! Tốt hơn hết là đừng nên phụng phịu? Để Tía cho con biết tại sao/
Vì Santa Claus sẽ về.
Ông đã lập ra một danh sách/ Kiểm tra nó tới hai lần/ Để biết chắc đứa nào ngoan hay đứa nào hư/ Santa Claus sẽ về.
Ông sẽ đến gặp khi con đang ngủ / Ông biết lúc nào con sẽ thức/ Ổng biết con có ngoan hay không/ Thế nên ráng mà ngoan con nhé!).
Tuy nhiên có những đứa không những không chịu ngoan mà còn hư quá xá là hư. Hỏng cần chờ Santa Claus mang quà đến tặng mà tự ên mình đi kiếm lấy.
Như ở Queensland, tiểu bang đầy nắng ấm của Úc đây, ‘Sunshine State', Brendon Gould, mới 18 tuổi, hóa trang thành Santa Claus và đồng phạm là Nicholas Jenner, cũng 18 tuổi, hóa trang thành Người Nhện.
Đứa vác búa, đứa cầm kiếm Nhựt xông vào cây xăng Helidon lúc 2 giờ khuya! Không để chúc mừng ‘Merry Christmas' gì ráo trọi mà đe dọa thằng nhỏ bán cây xăng để cướp đi một số thuốc lá.
(Thuốc lá Úc rất mắc, một điếu gần 1 đô, một gói 25 điếu giá đã tới 20 đô rồi; nên chôm chừng vài chục cây, mỗi cây mười gói... là kiếm tới cả ngàn đô chớ đâu có ít!)
May phước là hỏng có ai bị Santa Claus và Người Nhện cà chớn nầy xin tí huyết.
Cảnh sát tóm được, truy tố ra Tòa, tính nhốt cho hai chú em, trẻ người non dạ, mà bày đặt bắt chước tài tử phản diện trong phim Home Alone (Ở nhà một mình!) hóa trang thành Santa Claus... để đi ăn cướp.
Ông Tòa Úc thấy tụi nó còn nhỏ và ngu; nên cho tại ngoại hầu tra! Kệ cho tụi nó ăn cái mùa Giáng Sinh nầy rồi qua Tết Tây mình sẽ tính...
Thưa rồi bên Mỹ, quận hạt Fresno County, thuộc vùng Trung Bộ tiểu bang California, một chú em đã 19 tuổi rồi mà khờ thôi hết biết, bắt chước Santa Claus, lẻn vào nhà qua đường ống khói, tính kiếm một mớ.
Chủ nhà, mùa đông lạnh cóng, bèn đốt lò, sưởi cho ấm thì nghe tiếng kêu la thảm thiết vì khói bốc lên ngùn ngụt mà chú em còn kẹt cứng trong ống khói.
Hoảng quá, chủ nhà tìm cách dập lửa và gọi cảnh sát. Khi mấy ông chữa lửa ò e, ò e, Cháy đâu? Cháy đâu? Chạy tới, dùng búa đập bể ống khói bằng gạch để cứu Santa Claus ăn trộm nầy ra. Thều thào được vài câu, rồi chú em ngả lăn ra chết ngắt!
Thưa mấy chú teenagers ở Mỹ, ở Úc nầy, tuổi thiếu niên, ăn chưa no lo cho chưa tới, con nít không ra con nít mà người lớn cũng chưa phải là người lớn, hay làm ẩu để đến nổi thiệt thân... Nghĩ mà thương cho các bậc cha mẹ ráng dạy con mình hết sức mà nó hỏng chịu nghe!
Nuôi cho lớn rồi chết một cách lãng nhách! Thiệt là đau lòng quá!
Thưa đó là chuyện mấy đứa còn nhỏ. Còn đây là chuyện của mấy đứa lớn hơn. Thay vì đi ăn trộm, chúng lại giả làm Santa Claus để mà đi ăn cướp.
Ngày 27 tháng Mười Một, một tay cũng hóa trang thành Santa Claus, đến thuê một chiếc trực thăng, hiệu Robinson 44, rất xịn, của một công ty taxi hàng không tại sân bay Campo Marte ở Sao Paolo của đất nước Brazil.
Santa Claus kêu viên phi công nầy bay ra ruộng để đón một đồng phạm chờ sẵn. Cả hai xúm lại trói gô viên phi công nầy; rồi lấy trực thăng, phập phập bay đi mất.. Mãi vài giờ sau, phi công mới tự cởi trói, rồi đi thưa cảnh sát.
Biết nó bay đi đâu mà bắt bây giờ...?
Chỉ còn hy vọng là nó xách chiếc máy bay nầy bay chơi cho đã hết mùa Giáng Sinh rồi bỏ bậy bạ đâu đó... mình rinh về... Hy vọng coi bộ viển vông... Chớ giờ coi như đã mất. Bộn bạc chớ hỏng có ít ỏi gì đâu!
Cái vụ giả dạng Santa Claus để đi ăn cướp mới xảy ra gần đây ở Úc, ở Brazil nhưng bên Mỹ thì lâu rồi bà con ơi!
Chuyện rằng: Marshall Ratliff cùng với Henry Helms và Robert Hill là dân chơi trên chốn giang hồ, từng vào tù ra khám vì tội cướp nhà băng Valera Texas, vừa mới được tạm tha.
(Bên Mỹ hay Úc nầy, khi nhà tù đông quá thì Chánh phủ hay xét tạm tha một mớ tù nhân cho nó về ăn Lễ Giáng Sinh, đoàn tụ với gia đình. Chớ nhốt tụi nó hoài, nuôi ăn cũng hao lắm đó!)
Sau đó, ba đứa lôi kéo Davis, một người bà con của Helms, xưa giờ sống đàng hoàng nhưng gia đình vợ dại con thơ, đang túng quẩn, mùa Giáng Sinh lại về, cần tiền quá nên đồng ý tham gia sau khi được hứa là sẽ được chia phần hậu hỉ.
Khoảng thời gian nầy, mỗi ngày ở Texas, có 3 tới 4 nhà băng bị đánh cướp. Hiệp hội Ngân hàng Texas treo giải thưởng tới 5000 đô (một số tiền rất lớn thời đó) cho ai bắn hạ được một tên lúc chúng đang ăn cướp.
Dẫu dân Texas ai cũng có súng lận lưng hết ráo nhưng Marshall Ratliff đâu có ngán vì nghĩ mình có kinh nghiệm ăn cướp ngân hàng... đã từng vào tù ra khám mà...
Nếu quay về Cisco để cướp nhà băng the First National thì biết mình sẽ bị nhận diện ngay lập tức nên Ratliff hóa trang thành Santa Claus để che giấu nhân thân. Và cũng để nhân viên ngân hàng mất cảnh giác, không nghi ngờ gì cho đến khi vụ cướp bắt đầu.
Ăn cắp một chiếc xe hơi ở Wichita Falls đêm trước, sáng hôm sau, ngày 23 tháng Chạp năm 1927, bọn cướp tới Cisco.
Ratliff mặc đồ Santa Claus, tách khỏi đồng bọn, cách ngân hàng vài dãy phố trên đường giữa (Main Street). Đám con nít và có cả người lớn khoái quá theo sau coi...
Santa Claus lâu lâu dừng lại để trò chuyện, trả lời với trẻ em đang háo hức, vỗ nhẹ chúng trên đầu. Nghĩa là đóng vai Santa Claus y như thiệt!
Đường phố chính của Cisco trang trí mừng Lễ Giáng Sinh, đông đúc ông đi qua, bà đi lại. Và ai cũng nghĩ ông già Santa Claus xuống phố vào giữa trưa, một ngày trước Giáng Sinh là chuyện rất bình thường.
Ba tên cướp còn lại, từ trong một cái hẻm, cũng ra nhập bọn. Vào bên trong ngân hàng, được các nhân viên thu ngân niềm nở, chào hỏi vui vẻ: "Xin chào, Santa!"
Ngay lúc đó, Ratliff, Robert Hill, Henry Helms và Davis móc súng ra, chĩa vào các thu ngân: "Giơ tay lên!"
‘Santa Claus' ra lịnh cho các thu ngân phải mở két sắt, gom tiền và chi phiếu vào cái bao tải, mà y đã mang theo, giấu dưới trang phục đỏ trắng của mình.
Một bà dắt đứa con gái 6 tuổi vào ngân hàng tính cho nó chiêm ngưỡng Santa Claus; thấy vậy, hai mẹ con hoảng hốt, chạy ngược trở ra; la làng ỏm tỏi: "Santa Claus đang cướp ngân hàng!"
Cảnh sát trưởng Bedford từ đồn chạy đến, trấn cửa trước với sự giúp sức của dân chúng có võ trang. Phó Cảnh sát trưởng George Carmichael và một cảnh sát viên khác đón lỏng ở cửa sau.
Cuộc đấu súng dữ dội giữa đôi bên đã diễn ra. Alex Spears, quản đốc ngân hàng, một thu ngân viên, một khách hàng và sáu dân thường tham gia bắt cướp trúng đạn bị thương.
Cảnh sát trưởng Bedford bị trúng tới 5 phát đạn, chết sau đó vài giờ vào ngay ngày Lễ Giáng Sinh.
Phó Cảnh sát trưởng Carmichael qua đời gần một tháng sau đó vào ngày 17 tháng Giêng năm 1928.
Davis, lần đầu tiên đi ăn cướp, bị thương nặng! Trong khi Santa Claus bị hai vết thương, một ở cằm và một ở chân.
Tiến về chiếc xe, toan tẩu thoát, bọn cướp giữ hai bé gái, Laverne Comer, 12 tuổi và Emma Robertson, 10 tuổi, làm con tin, làm lá chắn.
Xe bọn chúng gần hết xăng, vì bất cẩn, quên đổ đầy bình trước khi đi ăn cướp! Xe chạy đến rìa thị trấn. Đám đông rượt đuổi theo sau. Một cảnh sát viên nổ súng làm xì một bánh xe. Bọn chúng ra khỏi chiếc xe nầy và cướp một chiếc xe khác của Woodrow Harris. Nhưng Harris đã nhanh trí rút mất chìa khóa xe.
Thế là bọn chúng đành phải quay lại chiếc xe cũ.
Tên Davis hấp hối vì vết thương quá nặng bị chúng bỏ lại, chỉ mang theo hai con tin. Trong lúc quýnh quáng bọn cướp bỏ lại luôn cả cái bao tải đựng tiền!
Đám đông thấy tên cướp Davis và tiền bỏ lại; nên tạm thời ngưng săn đuổi.
Số tiền này được trả lại cho ngân hàng, gồm 12,400 đô la tiền mặt và 150.000 ngàn đô chi phiếu. Riêng tên cướp Davis được đưa tới bịnh viện nhưng không cứu được.
Sau đó cuộc truy nã lại tiếp tục! Cảnh sát phi ngựa và người dân lội bộ đổ về từ mọi phía để săn người mà miền Texas chưa bao giờ được thấy trước đó.
Họ vạch tìm bọn chúng trong các bụi cây, trong đám cỏ cao của khe núi và lục soát từng tảng đá trong hẻm núi.
Một nhóm tìm kiếm đã phát hiện ra một áo khoác và găng tay dính máu, một chiếc vali và một đống giẻ rách đẫm máu!"
Sau 7 ngày đêm trốn chạy cuộc truy nã. Vòng vây siết chặt dần! Cuối cùng kiệt sức; cả ba tên cướp đều bị bắt.
Helms bị kết tội là bắn chết Cảnh sát nên bị án tử hình vào cuối tháng Hai. Ngày 06 tháng Chín năm 1929, tại Huntsville, Texas, Helms lên ghế điện. Bữa ăn cuối cùng của tử tội là: Xúc xích, bắp cải, cà chua và bánh ngọt.
Hill bị xử tù 99 năm. Và tìm cách vượt ngục tới 3 lần, đều bị bắt lại. Được tạm tha vào giữa năm 1940, thay tên đổi họ để làm lại cuộc đời. Đó là tên cướp duy nhất còn sống sót!
Ratliff, người hóa trang thành Santa Claus, bị kết tội chủ mưu cướp ngân hàng có vũ trang và cũng đã bị kết án 99 năm tù giam.
Nhưng đám đông tụ tập gần 2.000 người, yêu cầu nhân viên nhà tù giao nạp Ratliff. Bị từ chối, họ xông vào trói gô Ratliff, đem y ra khoảng đất trống sau rạp hát Majestic để xử giảo.
Lời trăng trối của Ratliff là: "Hãy tha thứ cho tôi!" Y đền tội lúc 9:55 phút đêm 19 tháng Mười Một, năm 1928. Gia đình Ratliff xin xác về chôn cất ở Fort Worth, tại Nghĩa trang Olivet.
Vụ cướp ngân hàng The First National đã làm 6 người thiệt mạng cả thảy, trong đó có 3 tên cướp đã đi vào huyền thoại miền Viễn Tây nước Mỹ!
Cái tàn nhẫn nhứt của vụ cướp ngân hàng nầy là những tên cướp đã hủy hoại đi hình ảnh nhân hậu, dễ thương của Santa Claus trong mắt của trẻ thơ.
Một ngày sau vụ cướp xảy ra, đêm áp Lễ Giáng Sinh tại một nhà thờ vùng Eastland gần đấy, giáo dân đang tụ tập lại làm lễ, Santa Claus vui vẻ bước vào giáo đường, thì đám trẻ con kêu lên, run sợ:
"Santa Claus! Sao ông lại đi cướp nhà băng? ("Santa Claus! Why did you rob that bank?")
Thế nên xin mấy tay đầu trâu mặt ngựa nầy từ rày về sau có đi ăn cướp đâu cũng vậy thì xin đừng giả dạng Santa Claus nữa nhe mấy cha!

đoàn xuân thu
melbourne

  

  

 

''Em mãi mãi yêu anh!''

 dxt_emmaiyeuanh.jpg

 

 

 

Thưa chữ rằng: ''Đồng bệnh tương lân!'' Nghĩa là khi đồng bệnh thì mình cùng thương xót nhau!

Như tui mỡ cao, gặp đứa cao mỡ thì khuyên nhau đừng ăn mỡ.

Đường cao khi gặp nhau thì khuyên có thèm bánh bông lan sinh nhựt nhớ đừng có ăn; vì đường nhiều lắm.

Huyết áp cao gặp nhau thì khuyên con vợ mình có chửi chó mắng mèo gì đi nữa, lỡ có nghe đừng để bụng; kẻo giận; 'tăng xông' lên bất tử thì nhà quàn tụi nó lại ăn mừng...vì vô mánh!

Còn nghĩa bóng của đồng bệnh tương lân là cùng hoàn cảnh giống nhau thì người ta thông cảm với nhau.

Nên có chuyện vầy: Một anh chồng bữa đi làm về sớm. Con vợ đang tò tí với một đứa ở trong buồng. Em vội vã lôi người tình (phút giây) đứng tựa lưng vào tủ áo! Xong em bôi dầu xức em bé và phấn rôm... trắng cả cái đầu hói của nó.

"Đứng yên đó! Giả làm pho tượng... đợi êm êm rồi vọt!"

Chồng bước vào:"Em yêu! Gì vậy em?"

"Ôi! Em thấy chị Ba hàng xóm mình nè! Mấy bữa trước có mua về một tượng người cũng hay hay... chưng trong phòng ngủ, em bắt chước cho đỡ cô đơn, quạnh quẽ đó mà!"

Hai giờ sáng, vợ ngủ say! Chồng lồm cồm bò dậy, xuống bếp mở tủ lạnh, rót ra ly sữa và một miếng bánh mì 'sandwich', xách lên lầu!

"Nè! Ăn chút đỉnh; rồi uống ly sữa nầy đi! Ông hên đó nha! Tổ cha nó! Tui đứng trong phòng ngủ thằng Ba hàng xóm suốt cả đêm mà có đứa nào từ tâm mời tui một ngụm nước!"

Đồng bệnh tương lân là vậy đó!

Thưa hôm tối thứ Sáu rồi, em yêu dắt tui đi ăn tối với hội Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần Thơ (là trường cũ của em yêu), họp mặt! Trường của em... tui chỉ tháp tùng, theo ké...Vì hồi xưa tui vốn là  'trẻ trâu'; nên đâu có học hành gì... mà làm cựu học sinh cho được!

Ông bạn già tình cờ ngồi chung bàn hỏi nhỏ tui: "Ê! Bão nổi lên rồi! Phong trào lên quá! Ông có bắt chước làm theo không?"

Tui cứ tưởng phong trào tẩy chay không xài hàng độc hại của Trung Cộng;  và vì nó lăm le chiếm Biển Đông của mình chớ!

Ai dè ông anh thì thầm: "Phong trào bỏ vợ nhỏ (vợ cưới hồi nhỏ); về Việt Nam cưới vợ lớn (vợ cưới hồi lớn)!"

"Không! Không nhứt định là không! Tui không bao giờ bỏ em đâu!"

"Ủa bây giờ người ta bỏ vợ hà rầm để về Việt Nam cưới em trẻ, em khỏe, em thơm như múi mít! Sao ông khù khờ quá hỏng chịu theo thời thượng gì hết ráo vậy ông?''

Thưa tui hỏng bỏ con vợ nhỏ của tui cũng có cái lý do củ nó chớ! Chẳng qua hồi nhỏ, quê tui, nạn tảo hôn vẫn còn hoành hành!!

Tui đi học, bị mấy thằng lớn con trong lớp giành đạn bắn culi, quánh tui u đầu, sứt trán! Ngày nào đi học về cũng khóc mò hết ráo! ''Má ơi! Tụi nó quánh con!''

Má xót con nên bàn với Tía tui rằng: "Cưới vợ cho thằng nhỏ đi, lớn hơn nó chừng năm, bảy tuổi thôi... để tiếp mình cơm bưng nước rót cho nó; rồi đưa nó đi học, chờ ngoài cửa, tan trường rước thằng nhỏ về!"

"Em tin hỏng có đứa nào dám quánh con mình nữa! Bằng không, để ở nhà, nó dốt, lớn lên, mù chữ như tui với ông, chỉ biết chồng cày vợ cấy; con trâu đi bừa thì tội nghiệp con mình!"

Tía tui nói: ''Sợ lớn lên nó chê con vợ nó già háp, mèo mả gà đồng, vợ bé, vợ mọn, bồ nhí lung tung thì mặt mũi nào mình ăn nói với anh chị sui chớ?!"

Má tui nói: "Ối nghèo mới sợ! Già sợ gì? Mặt nhăn, da nám thì gởi nó đi Hàn quốc phẩu thẩm mỹ, hút mỡ bụng, căng da mặt, gọt cằm... Trẻ lại mấy hồi!"

Thưa hôn nhân là quà tặng của ông Trời, có khuyến mãi thêm sấm chớp và đôi khi giông bão. Nên trước khi cưới vợ cho tui; Má tui đã cẩn thận đi coi Thầy Bói!

Thì Thầy nói rằng: "Hè! Thằng Nam! Tuổi Mão, là con mèo ngao hay cấu hay cào ăn vụng thành tinh!''

Chính vì vậy không nên cưới vợ tuổi con Chuột tức tuổi Tí. Tuổi nầy nó gặm nhấm, đục khoét còn dữ hơn nữa. Cưới về thằng Nam giành ăn không lại, tất đói! Không nên!

Kỵ tuổi Ngọ tức con ngựa! Ngựa nó 'ngựa' lắm... sợ thằng Nam nầy cỡi không  nổi. Còn bị nó đá giò lái... cho thấy Tía!

Kỵ tuổi Dậu tức con gà! Gà gáy hoài, vợ tuổi nầy nói suốt... thằng Nam không mở miệng tiếng nào, im lặng lâu... sợ nó câm luôn thì báo!

Chỉ nên lấy vợ tuổi Mùi tức con dê. Con Dê nó ăn so đũa không giành ăn cá kho với thằng Nam nầy; nếu có vợ như vậy bảo đảm nó sẽ no!

Hoặc tuổi Hợi tức con heo. Heo chỉ ăn cám hoặc ăn hèm. Cám hay hèm, Mèo cũng hỏng thèm. Không giành ăn! Chắc chắn hai đứa nó sẽ sống đời hạnh phúc.

Nhưng đừng có tưởng bở, hỏi cưới là em ưng liền đâu nha. Trước khi ưng, em còn làm một cuộc sát hạch bằng chữ Nho như vầy (Dẫu sao em cũng là lá ngọc cành vàng, vốn là con út của bà bán hàng xén ở đầu làng tui đó nha)

Em hỏi rằng: "Thấy anh hay chữ em hỏi thử đôi lời! Vua cha đạo trọng hay vợ chồng nặng hơn?"

Tui trả lời rót rót là: "Quân thần cang, phụ tử cang, phu thê cang! Tam cang đạo trọng (mà) đạo vợ chồng anh trọng hơn."

He he! Đúng là cái thằng sợ vợ mà! Chưa lấy, nó đã 'đội' lên đầu rồi!

Nghe khoái quá, em ưng tui! Nên:''Cưới em từ thuở mười ba/ Đến năm mười tám anh đà năm con/ Ra đường anh hãy còn ngon! Về nhà anh đã năm con với nàng!"

Thưa rồi sau nầy lớn lên tui cũng sợ thiên hạ cười tui có vợ già... nên cũng tính vui duyên mới đó chớ! Em nghe phong phanh lòng tui toan bội phản, nên thủ thỉ với tui rằng:

''Vợ chồng một ngày cũng nghĩa, một ngày tình cũng trăm năm... Huống gì anh đã có 5 con với em rồi. Anh chê em, không còn yêu em nữa. Không tình thì cũng còn nghĩa phải không?!"

Nên: "Dang tay dưới gió thiếp kể công khó cho chàng nghe!/ Từ hồi chàng đau ban cua lưỡi trắng! Cháo đậu xanh chàng còn chê đắng!/ Cháo trắng chàng còn chê hôi! Tiếc công thiếp dỗ đứng bồng ngồi!/ Bây giờ chàng ở bạc! Ông Trời nào để chàng yên!''

Nghe em rủa nếu bỏ em thị bị Trời đánh nên tui rét... thề thốt lung tung... Nhưng em có tin đâu.

Thằng bạn tui nghe vậy, xúi là: "Muốn cho con vợ mình tin, dỏng tai nghe hết những lời mình nói... thiệt thì không có gì hơn là hãy nói trong lúc ngủ!"

Quả nhiên hiệu nghiệm... từ đó cuộc hôn nhân tui êm đềm như biển Thái Bình trong những ngày... sau cơn bão tố!

Thưa sau qua Úc, thằng Johnny, bạn cùng sở của tui, nó đâu có tin. Nó nói: ''Ngày nào cũng của Trời. Yêu con nào lấy con đó. Khùng sao mà mê tín dị đoan, cưới vợ còn đi xem bói coi hợp tuổi hay không... Đem tiền cho mấy tay thầy Bói nó ăn!"

"Ờ! Mầy hỏng tin đi nha... thì quả báo nhãn tiền liền hà!"

Chẳng qua, tháng rồi, Johnny đột nhiên ngã đập đầu xuống thềm cửa dù không nhậu sỉn hay phê xì ke, ma túy gì hết ráo!

Vợ nó chở vô nhà thương. Tỉnh rồi mê! Mê rồi lại tỉnh suốt tháng trời.

Em yêu túc trực bên giường mỗi ngày. Khi tỉnh lại, Johnnny ra dấu cho em đến gần giường, thều thào:

"Em đã sát cánh cùng anh suốt những thời điểm đen tối trong đời, lúc anh xui xẻo nhứt. Khi anh bị mất việc, em vẫn ở bên anh! Khi thương vụ của anh bên bờ khánh tận, em vẫn ở bên anh! Khi anh bị bắn què giò, em cũng vẫn ởbên anh! Khi anh bị ngân hàng xiết nhà, em vẫn ở bên anh.  Khi sức khỏe anh sa sút, thập tử nhứt sanh; em vẫn ở bên anh!"

Để cuối cùng tổng kết lại, anh ''ngộ'' ra được điều ầy: ''Cả đời anh xui xẻo?! Chắc có lẽ vì em luôn vẫn ở bên anh!"

Tao nói kỵ tuổi mà chú mầy hỏng chịu nghe nha!

Bây giờ Johnny 'bái' tui làm Sư phụ. Có gì rắc rối với con vợ, nó đều khệ nệ vác một thùng bia đến tui nhờ gỡ rối tơ lòng!

Tội nghiệp nó! Tui hay lên lớp nó về dự bị hôn nhân, dựa theo kinh nghiệm từng trải của mình! Đúng ra mấy bài nầy nó phải học trước khi có vợ mới phải. Tuy nhiên: "Trễ còn hơn không!"

Hãy động não, suy nghĩ lời Sư phụ chỉ dạy! Nó cười hè hè nói: ''Đệ tử có não đâu mà động! Thôi Sư phụ dạy gì con nghe nấy!'

Tui lên mặt lớn lối! (Mình là Thầy mà!)

Ông chồng nào cũng đều ao ước vợ mình: Đẹp nè! Sâu sắc, có suy nghĩ nè! Tiết kiệm tiền bạc nè. Và nấu ăn ngon!

Nhưng hỡi ơi luật pháp ở đây chỉ cho phép mình có chỉ một con vợ mà thôi!

Nên đừng bao giờ cầu toàn. Vợ chú dù chỉ có được một trong những đức tính đó thôi là coi như chú trúng số độc đắc rồi đó.

Bài học thứ hai là đừng bao giờ tranh cãi với vợ mình cả. Hỏng ăn thua gì đâu. Vợ mình có chỉ một cái lưỡi và hai cái lỗ tai như mình. Nhưng nó đã ký quyết định cho hai cái lỗ tai nó về hưu ngày từ lúc nó về làm vợ mình rồi.

Biết vậy đừng thuyết phục tranh cãi làm gì chỉ uổng công.

Theo kinh nghiệm của qua thì hôn nhân nào cũng vậy! Năm đầu chồng nói vợ nghe. Năm thứ hai vợ nói chồng nghe. Năm thứ ba cả hai đều nói và hàng xóm nghe!

Ôi nhớ xưa! Trước khi cưới anh đã từng thức suốt đêm suy nghĩ về điều em nói. Cưới nhau rồi anh chìm sâu vào giấc cô miên trước khi em dứt tiếng!

Vì em nói ra lời nào cũng chán như cơm nếp nát, cũng lập đi lập lại một tuồng cũ chạy bằng cái dĩa hát mà cây kim đã bị cùn.

Tranh cãi với em có bao giờ tìm ra được chân lý hay thỏa hiệp gì đâu. Nếu có thỏa hiệp: Là anh nhận anh đã sai... là em vội vàng giơ tay lên đồng ý: Đúng như thế!

Người ta nói chồng chúa vợ tôi! Xin lỗi nó đã là cổ tích là ngày xửa ngày xưa rồi. Còn bây giờ, dù bạn đổi bao nhiêu công việc... cuối cùng bạn chỉ có một bà chủ mà thôi; không chạy đâu cho khỏi cả!

Kết luận là có vợ và không có vợ! Không có vợ tốt hơn nhiều!

Tuy nhiên Johnny cũng còn cố cứu vãn cuộc hôn nhân của nó bên bờ vực thẳm bằng cách dắt vợ nó đi xuống Geelong cách Melbourne khoảng một giờ xe, đến một giếng cầu may.

Vợ nó tựa vào thành giếng, thì thầm ước nguyện rồi bỏ xuống một đồng xu.

Johnny cũng thầm ước nguyện nhưng vì cúi người hơi sâu để bỏ xuống đồng xu xuống, nó ngã tòm xuống giếng.

Vợ nó mừng quá, kêu lên: "Hỏng ngờ cái giếng nầy nó linh thiệt! Ước gì có nấy liền hà!"

Đau muốn chết; rán lết lên! Về, hai đứa thôi nhau! Bởi tình còn đâu nữa mà thù thế thôi!

Thưa tui còn một cái bí quyết nầy... mà tui dấu không cho nó biết mà chi. Vì là bí quyết tui cất rất kỹ, chỉ tiết lộ cho hai thằng con trai của tui thôi! Để cho hai đứa giống... như Tía nó!

Sở dĩ mấy thằng Úc đây bị vợ bỏ hoài là vì theo truyền thống văn hóa của nó tiền ai làm nấy xài! Cái gì cũng chia hai; kể cả vụ nuôi dạy con cái!

Việt Nam mình, trái lại: Của chồng công vợ! Mình làm ra tiền là vợ giữ!

Vì vậy cứ mỗi hai tuần, nhằm ngày thứ Năm, là con vợ tui 'ngoan' hết biết!

Bà con biết tại sao hông?

Ngày đó là ngày tui lãnh lương! Em thì thầm như mật rót bên tai: ''Em mãi mãi yêu anh!  I'll always love you!''

Thế thì xin bà con đừng thắc mắc là đàn ông Việt Nam mình tại sao chưa bao giờ bị em yêu đá đít!

 

đoàn xuân thu.

Melbourne 

 

Sầu lẻ bóng!?

 

dxt_saulebong.jpg



Thưa
chắc bà con chắc ai cũng biết cái máy đo điện tâm đồ! Trên màn hình, nó vẽ những đồ thị nhảy lên, rồi tuột xuống liên tục.
Nó cho mình biết là tim mình còn đập là mình còn sống. Còn nếu cái đồ thị đó nó chạy ngang phè, máy kêu tít tít, là trái tim mình hết đập... mình ngỏm!

Mà còn sống tất còn yêu! Dẫu ai cũng biết: Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn.
Còn nếu cái ‘tình yêu đồ' không chịu giống cái ‘điện tâm đồ', cứ chạy ngang phè; tim còn đập, còn sống mà đã hết yêu 'em' rồi... thì nói thiệt nhe... thà chết sướng hơn!

Chính vì vậy mấy họa sĩ mới vẽ trái tim yêu tựa máu đào.
Còn đứa nào bị em đã hết yêu anh, đá... là trái tim có mũi tên xuyên qua cái rẹt! Đau lắm nha nhưng hỏng có chết...

Biết rằng yêu là khổ mà không yêu là lỗ; nên tui cũng tính yên bề gia thất cho rồi... đời son trẻ; là mấy thằng bạn tui có vợ, có con đều xúm vô cản mới chết.

Tui nó nói: "Làm cánh bướm vườn xuân, cứ bay hết bông nầy hoa nọ; thụ phấn xong rồi bay luôn là khỏe... Chớ đừng có ngu như tụi tao, đút đầu vô rồi là hỏng còn chỗ để chui ra!"
Mới ngày lễ Tình yêu, Valentine's Day, năm ngoái đây thôi, tui mới lờ mờ hiểu ra rằng mấy thằng bạn muốn tui tử thủ, độc thân là vì tụi nó... chớ hỏng phải thương tưởng gì tui đâu...
Vì lúc buồn bực do mới gây lộn một trận tưng bừng với em yêu, ông pháo qua bà nã lại, tụi nó móc mobile phone, gọi tui đi nhậu... là bất cứ lúc nào, sáng trưa chiều tối, kể cả nửa khuya về sáng, thiên hạ đang chỏng cẳng ngáy khò khò tui cũng đều: "Có mặt!" hết ráo vì hai lẽ:

Một là nhậu theo lối Việt Nam mình, ai mời sẽ móc túi ra trả hết chớ không như mấy anh Mỹ cứ chia hai!
Hai là một mình một thân tối ngày chỉ nói chuyện với bốn bức tường được đứa bạn nào hú đi nhậu thì thiệt tui mừng hết lớn!
Mấy đứa bạn muốn tìm ai kia để trút một trời tâm sự mà gọi thằng khác có vợ rồi thì bao giờ cũng nhận được lời xin lỗi: "Sorry nha! Bả hỏng cho tui đi!"

Té ra tụi nó coi hai cái lỗ tai tui là cái thùng rác... để quăng vào đó toàn là rác rưởi của tình ta.
Nhưng tui không có ‘ke'; vì thương vụ cho mướn lỗ tai nầy làm ăn cũng khấm khá. Tuần nào cũng có mối hết trơn hè! Và thế là tui cứ độc thân tại chỗ!

Nên mỗi năm, nhân Valentine's Day, ngày Tình yêu, mấy chiến hữu của tui xúm lại một đám, nâng ly, chúc mừng tui rôm rả: "Lễ Độc Lập vui nhé! Happy Independence Day!"

 

Bạn Việt là vậy! Bạn Úc cũng vậy luôn!
Weekend rồi, thằng Tom, chung Sở, quên mua quà cho cái kỷ niệm năm năm tình lận đận... nên ‘honey' giận dỗi. Đi lên đá con mèo một cái, kêu meo meo. Đi xuống đá con chó một cái, kêu gâu gâu...
Chịu hết xiết! Tom hỏi:" Honey! Cần bao nhiêu, how much, để mua quà?"
"Thì ‘honey' đưa tờ giấy ‘ó đơ' (order), trên đó em phun châu nhả ngọc như vầy: 500 đô để em mua cái xì cớt (skirt), nó giảm giá 50% off rồi đó. Hạn chót là Chúa Nhựt nầy nè!"
"Eo ơi! Chỉ có một miếng vải để che cái tam giác châu phì nhiêu của em khỏi bị mưa rơi, gió cuốn, mà tốn tới 500 đô! Hết một tuần lương sau thuế của tui rồi. Nếu số tiền đó dành cho hai anh em mình đi nhậu, tới mút chỉ cà tha, mút mùa lệ thủy... Ít nhứt là cũng được tới 5 lần chớ bộ?"
"Tiền chớ đâu phải là giấy vàng bạc. Và tui đâu phải là cái máy in tiền đô của Chánh phủ Úc... Thế nên... tức quá tui vọt, gọi bạn hiền mình đối ẩm để bớt sầu tình!"

Tui cũng giã lả, nói cám ơn, rồi bảo: "Bấy lâu nay thấy hai ông bà cũng hạnh phúc! Mấy lần tới chơi, tui thấy chị ấy cũng tiếp đón niềm nở. Đồ ăn còn dư trong tủ lạnh, thay vì vụt thùng rác, đều mang ra thết đãi tui hết ráo mà!"
Thì anh bạn lắc đầu! "Ôi! Ông chỉ thấy mặt hồ yên tĩnh chớ đâu biết dưới đáy là biết bao cơn sóng ngầm dữ dội. Ông về rồi là tui nghe ‘honey' chì chiết đến như cả xương luôn!"

"Sao tối ngày cứ tụ bè tụ đảng ăn nhậu hoài vậy cha nội?" "Chén không rửa; quần áo không giặt. Ngay cả cây đinh treo hình cưới đôi ta lên cũng không thèm đóng. Làm biếng nhớt thây chỉ có cái nhậu là siêng thôi!"

Tui nghe, hỏng lẽ xúi nó bỏ con chằn lửa nầy cho rồi... mà xúi chưa chắc nó nghe, vì bên Úc nầy đàn bà, con gái hiếm, quý lắm!
Bỏ con nầy chưa chắc kiếm được con khác đâu, ngoại trừ phải bay đi Philippines mới có... Nên tui an ủi Tom rằng: "Chén bát úp trong sóng đôi khi còn kêu rổn rảng... vì động đất... huống chi là chuyện vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau chớ! Thôi bỏ đi Tám!"

Sau vài cái ‘shot' Jack Daniel's, Tom thấy đời đã vui trở lại; nên tui kể một chuyện vui của hai vợ chồng già người Úc cho nó nghe để thấy rằng vợ chồng cắn đắng lục đục, ai cũng vậy chớ hỏng phải chỉ riêng Tom!

Chuyện rằng: "Hai vợ chồng Úc về với nhau đã được 60 năm. Cả hai không có bí mật đời anh hay bí mật đời em gì ráo trọi. Nhưng có một cái hộp giấy, xưa dùng để đựng giày, em yêu tuyệt đối cấm anh mở ra coi!

Phải cái hộp em đựng thư tình năm cũ với thằng khác hay chăng?
Lúc em bịnh nặng, sắp đi chầu ông bà ông vải, anh quá xá tò mò, bèn mở nó ra xem! Thì thấy trong đó có một con búp bê và 90 ngàn đô tiền mặt. Quá đã!
Hỏi em rằng: "Sao em cất con búp bê và 90 ngàn đô tiền mặt trong hộp để làm gì?"

Em thều thào, cắt nghĩa.: "Ngày em đi lấy chồng, Má em có dặn rằng: "Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là một cuộc hôn nhân không bao giờ cãi lộn với chồng hết ráo nhe con! Mỗi lần giận nó chuyện gì... con nên im lặng và mua một con búp bê; rồi cất vào trong hộp."
Tom cực kỳ cảm động! "Trời ơi! Sau 60 năm tình ta, ba sinh hương lửa, lên bổng xuống trầm mà em chỉ giận anh đúng có một lần hay sao?"
"Còn 90 ngàn đô?" "À số tiền đó em có được là nhờ bán mấy con búp bê đó anh yêu!"

Thưa thấy mấy thằng bạn vừa Việt, vừa Úc chỉ có một con vợ thôi mà đứa nào cũng khổ quá xá! Cũng đầu bù tóc rối. Ngày cày không đủ; tối ngủ phải cày thêm... nên ngẫm thân mình không có vợ, lòng sung sướng biết bao. Ngu gì mà ách giữa đàng lại mang vào cổ!
Nên tui cám ơn cái Chánh phủ Úc nầy đã nghĩ hết cách để cứu bọn đàn ông con trai chúng tôi bằng cách cấm đa thê, nhiều vợ.
Một con nuôi muốn lòi còn mắt... Nhiều con chắc chết!
Nhưng ngạc nhiên thay mấy ông giáo sĩ đạo Hồi cứ kêu gào thảm thiết: "Chánh phủ ơi! Cho tụi cưới thêm vài con vợ bé nữa đi!" "Theo giáo luật là tụi tui được quyền có tới bốn con vợ lận mà!"
Chánh phủ Úc trả lời là: "Đúng! Theo giáo luật đạo Hồi là mấy chú được quyền có tới bốn vợ... Nhưng làm sao mấy chú mầy nuôi nổi?"
"À! Cái vụ nầy là nhiệm vụ của Cơ quan An sinh Xã hội! (Centre Link) mà!"
Thưa bà con! Nói tui chưa có vợ vì thấy bạn bè tui có vợ rồi khổ quá nên tui sợ; là tui chỉ nói có 50% phần trăm sự thực mà thôi!
Tui chưa có vợ chẳng qua là tui đã mất lòng tin vào tình yêu của em ưu ái dành cho tui rồi!
Xưa tui cũng đã từng yêu đó chớ! Cũng tính về xin Tía Má tui bán cặp heo chừng hai tạ để làm sính lễ rước em về dinh. Nhưng khổ thay hai con heo nuôi thúc hoài không thấy lớn để kêu lái lại cân.
Dù tui đã bỏ công xắt chuối trộn cám, nấu rượu lậu, bán huề vốn, chỉ lời hèm cho hai con ột nầy vừa ăn, vừa nhậu hèm tối ngày ngủ khì, chóng lớn.
Vậy mà tụi nó không chịu lớn mới chết!

Em chờ hoài chờ hủy hỏng được... bèn đi lấy chồng, con trai cưng của ông Hương Cả...
Lòng tui tan nát hết ráo cũng bởi con heo. Vậy mà khi về bên ấy em còn chép trong giấy hoa tiên gởi tui, cọp dê 4 câu thơ của TTKH, chắc để an ủi vì tui ‘bị' hụt trúng lô độc đắc của em!
"Nếu biết rằng em đã lấy chồng/ Trời ơi người ấy có buồn không
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ/ Tựa trái tim phai tựa máu hồng!"
Tui bèn thả thơ lại mà là thơ của chính tui làm, có cầu chứng đàng hoàng đó nha! Chớ hỏng thèm cọp dê thơ người khác như em! Hỏng có hay!
"Nếu biết rằng em sắp lấy chồng /Anh về tát cạn hết nước sông
Đò rước cô dâu đành mắc cạn/ Hỏng có rước dâu; khỏi động phòng!"
Em đừng có lo anh sẽ tự vận vì tình đâu. Anh không bao giờ ngu đến thế.
"Nếu biết rằng em đã lấy chồng/ Ra cầu Bình Lợi thế là xong
Để thiên hạ chửi là hám gái!/ Hám gì không hám? Hám cái mông!"

Sách của anh là: Quân tử trả thù mười năm chưa muộn!

Nên "Nếu biết rằng em đã lấy chồng/ Anh về cưới vợ kiếm thằng cu
Mai này nó lớn đi cưới vợ/ Xúi lấy con em, để trả thù!"


Dẫu tính vậy! Nhưng sau khi nhiều đêm trằn trọc nghĩ suy, tui thù; tụi hận, tui giận... không những em yêu thôi... mà hết cả bọn con gái, đàn bà; kể cả bà già hàng xóm; tui quyết chí ở vậy cho tụi nó thèm chơi!
Nhưng ông bô, bà bô thúc giục mãi, nói nhà 6 đứa con, ngũ long công chúa chỉ mình mầy là đực, không chịu lấy vợ, làm sao mà nối dõi tông đường hả?
Rồi tiên tổ mình ai lo cúng kiến?... Tính bỏ đói ông bà mình; không giỗ quảy gì hết trơn hay sao hỡi cái thằng con bất hiếu!
Nghe Tía tui chửi tối tăm mặt mũi như vậy nên tui tính thôi cái tình tuyệt vọng mà đi lấy vợ phứt cho rồi.
Tính vậy nhưng có cái làm mình cũng rất băn khoăn là: Kiếm được một em đẹp để yêu nhưng tiếc thay ba má em lại nghèo... nên em chỉ muốn lấy đại gia để có tiền mà trả hiếu.
Mấy em có ba má giàu, (thì khổ thân tui), là em không được đẹp!
Còn mấy em vừa đẹp vừa giàu thì đâu có tới phiên tui.
(Thưa nếu bà con biết em nào có điều kiện ắt có và đủ... Xin làm ơn mai mối cho tui nhe! Đội ơn nhiều bằng một cái đầu heo!)
Cuối cùng! Trong khi mấy thằng bạn thì đầu năm vợ nó tọt ra một đứa, cuối năm thêm đứa nữa. Chỉ năm năm tình lận đận, giờ phải ráng cày cật lực để đủ tiền mua chiếc xe Toyota 12 chỗ; mới chở hết một đội đá banh.
Còn phần tui! Vẫn sầu lẻ bóng! Thôi cái phần số mình vậy! Chịu vậy!
Biết đâu chừng ông Trời bữa nào rảnh ranh ngó lại cho mình một cơ hội ngàn năm có một được con vợ vừa đẹp vừa giàu; vừa hiền vừa ngoan nữa thì sao.
Vì chữ có câu rằng: "Chó ngáp... táp phải ruồi"
Đem niềm mơ ước nầy sẻ chia cùng mấy bạn hiền vợ con đùm đề hết ráo... thì đứa nào cũng bĩu môi nói tui là kẻ mộng du! Hu hu!
Chính vì vậy mà tới giờ tui vẫn sầu lẻ bóng đó bà con ơi!

 

đoàn xuân thu
melbourne.

  

 

Mưa trên biển máu!

 dxt_muatrenbienmau_1.jpg

 

Cuộc tấn công khủng bố tại thủ đô Paris, nước Pháp, đêm thứ Sáu ngày 13 tháng Mười Một, chỉ trong vòng 33 phút, 8 tên khủng bố IS đã sát hại ít nhứt 130 người và làm hàng trăm người khác bị thương.

Trước đó, vào ngày 31 tháng Mười, bọn khủng bố IS đã gài bom trên chiếc phi cơ hàng không dân dụng, Metrojet Airbus 321-200, giết chết toàn bộ hành khách đa phần là người Nga và phi hành đoàn; khi nó rơi trên bán đảo Sinai của Ai Cập, sau khi cất cánh được 23 phút từ khu du lịch thuộc thành phố Sharm el-Sheikh trên bờ Biển Đỏ, định bay về St Petersburg của Nga.
Phản ứng lại, Nga và Pháp đã dội bom, đã bắn phi đạn từ biển vào để tàn phá những cứ địa vững chắc của bọn Nhà nước Hồi giáo IS cuồng tín nầy.
Tổng thống Nga, Putin thề quyết trả thù: "Chúng ta sẽ truy lùng chúng ở bất cứ nơi nào chúng ẩn náu và trừng phạt chúng."
Những lời như: "To forgive the terrorists is up to God, to send them to Him is up to me." (Tha thứ cho bọn khủng bố tùy thuộc vào Thượng Đế, gởi chúng đến gặp Người là tùy thuộc vào tôi) được gán vào miệng Tổng thống Nga Putin, chớ thực ra nó là từ miệng của diễn viên Denzel Washington trong phim hành động Mỹ "Man of Fire", trình chiếu năm 2004.
Khi nước Nga bị bọn khủng bố tấn công Putin đã từng thú nhận rằng: "Chúng ta đã yếu kém, mà yếu thì bị đánh".
Rồi cương quyết: "Nga không đàm phán với những kẻ khủng bố. Nga tiêu diệt chúng."
Nghĩa là: "Mắt đền mắt, và răng đền răng!". (‘An eye for an eye, and a tooth for a tooth.') Hay: "Máu kêu trả máu; đầu kêu trả đầu...!"
Đối với bọn khủng bố cuồng tín IS, Tổng thống Nga Putin quyết liệt như vậy cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng bọn khủng bố IS mệnh danh Nhà nước Hồi giáo cũng cực kỳ quỷ quyệt, trà trộn vào hàng trăm ngàn người Syria tị nạn đang tiến về Liên Âu hầu gây bạo loạn. Chính vì vậy mà hàng trăm ngàn người Syria tị nạn khốn khổ đã bị nhiều nước vì lý do an ninh, đóng sập cánh cửa lại trước mặt.
Những người Syria khốn khổ nầy đã từng: "Ở lại Syria thì trên đầu là bom của máy bay, dưới chân cũng là bom của bọn khủng bố! Thì đành phải bỏ nước ra đi!"
Tình hình xã hội của nhiều nước Phương Tây trở nên bất ổn. Lòng khoan dung, chủ nghĩa đa văn hóa bị đẩy lùi một bước. Tư tưởng bài Hồi giáo như lửa gặp gió; cháy bùng lên!
Nên một phụ nữ Hồi giáo mang khăn che mặt đã bị đâm tại ga xe điện ngầm ở Pháp. Một giáo đường Hồi giáo bị đốt cháy ở Nga.
Bất cứ nước nào có người Hồi giáo nhập cư giờ cũng chia hai và nước Úc không là ngoại lệ, dù ở rất xa những điểm nóng nói trên, cũng bị cuốn vào vòng tranh chấp.
Chúa nhựt ngày 22 tháng Mười Một, tại Melton, cách thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria 47 km về hướng Tây Bắc đã có một cuộc biểu tình lớn lên tới hàng ngàn người giữa hai phe kình chống nhau.
Phe Reclaim Australian: "Mỗi một người Úc có bổn phận phải tham dự cuộc biểu tình chống xây dựng giáo đường và trường học Hồi giáo vào Chúa Nhựt nầy! Hãy nhìn kỹ những gì đã xảy ra ở Pháp!"
Phe No Room for Racism cũng tổ chức biểu tình cùng một lúc để chống lại sự kỳ thị tôn giáo.
Đây là cuộc đối đầu lần thứ 4 giữa đôi bên. Hai lần trước ở Bendigo, một thị xã vùng quê cách Melbourne khoảng 147 km về phía Tây, một lần ngay trung tâm thủ phủ Melbourne.
Cũng chửi bới, xô đẩy, lăng mạ lẫn nhau! Nhưng lần nầy nhóm cực hữu Reclaim Australian tính mang ‘đồ chơi' theo... nên Cảnh sát Victoria phải thực hiện vài cuộc bắt giữ trước để ngăn ngừa bạo động.
Cảnh sát thông báo rằng: "Bạn có thể có quan điểm gì cũng được. Biểu tình phải ôn hòa! Biểu tình bạo động nhứt định là không!"
Dẫu vậy, hai phe chữi bới nhau, thấy chưa đã... rồi xông vào nhau làm ba người bị thương. Cảnh sát phải xịt hơi cay để giải tán. Có sáu người bị lính bắt. Một vì lận theo dao. Một bị bắt về tội tàn ác với súc vật vì cả gan dám đấm vào mặt một con ngựa của Cảnh sát.
Biểu tình để bày tỏ quan điểm khác nhau mà hung hăng làm như vậy thiệt làm xấu hổ nước Úc hết sức nha!
Thưa bàn về phương pháp đấu tranh bao giờ cũng có hai khuynh hướng đối chọi nhau như nước với lửa, như hoa với súng, như bạo động và bất bạo động.
Nói tới phương pháp đấu tranh bất bạo động là phải nhắc tới Thánh Mahatma Gandhi (1869 -1948)! Người đã dẫn dắt nhân dân Ấn Độ giành được độc lập từ tay Đế quốc Anh.
Khi bàn về tôn giáo, Người đã trả lời là: "Đúng, tôi là tín đồ Ấn giáo. Tôi cũng là một tín đồ Thiên chúa giáo, một tín đồ Hồi giáo, một Phật tử và một tín đồ Do Thái giáo." Vì Gandhi tin rằng, tinh hoa của mỗi tôn giáo là chân lý, là tình thương.
Trong suốt cuộc đời, Người phản đối tất cả các hình thức khủng bố bạo lực. Nhưng chua xót thay bạo lực đã cướp đi mạng sống của Người.
Cùng số phận bi thảm, cổ võ cho bất bạo động rồi lại chết chính vì bị bạo động, bị bắn chết vào chiều tối ngày 4 tháng Tư năm 1968, vào lúc 6 giờ 01 phút, tại Memphis, Tennessee, là: Mục sư Martin Luther King, Jr. (1929 - 1968), lãnh tụ phong trào Vận động Quyền công dân tại Hoa Kỳ (American Civil Rights Movement).
Martin Luther King, Jr. có một giấc mơ: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng..."
Hai nhà lãnh đạo kiệt xuất nói trên dù đã ngã xuống nhưng tư tưởng và phương pháp đấu tranh trong hòa bình của họ đã ảnh hưởng đến toàn thế giới.
John Lennon (1940-1980), một ca sĩ lừng danh của ban nhạc The Beatles đã xiển dương tình yêu giữa con người với nhau; vượt qua những định kiến về chủng tộc, tôn giáo, quốc gia, lòng tham lam và vị kỷ trong bản ‘Imagine' nổi tiếng! Rồi cũng bị bắn chết ngày 8 tháng Chạp năm 1980 tại New York!
Khi bàn về tôn giáo, John Lenon: "Tôi tin ở Thượng đế. Tôi tin những điều Đức Chúa Jesus, Đấng Tiên Tri Mohommed và Đức Phật dạy đều đúng cả!" "Tình yêu là giải pháp cho tất cả! Tình yêu là hoa và chúng ta hãy để hoa nở!"
Thưa! Việc 130 nạn nhân bị khủng bố sát hại đều làm ai nấy cũng đau lòng!
Suốt hai ngày ròng rã, Antoine Leiris đã đến từng bịnh viện khắp Paris để tìm kiếm vợ mình... Rồi nhân viên Sở Pháp Y báo tin cho anh biết rằng cô ấy đã chết!
"Tôi cảm thấy mặc cảm tội lỗi khi không có mặt ở đó cùng em; để em một mình cam chịu."
Antoine Leiris đã nhận lại xác người vợ yêu dấu, Helene Muyal-Leiris, mới vừa 35 tuổi, là một trong số 89 nạn nhân tại nhà hát Bataclan trong đêm kinh hoàng đó, đã viết một bức thơ làm lay động lương tâm của loài người để gởi IS, kẻ thù đã bắn chết vợ anh như sau:
"Cuối cùng thì sáng nay tôi đã gặp lại cô ấy sau bao ngày đêm đợi chờ. Cô ấy vẫn cứ xinh đẹp như lúc ra khỏi nhà vào đêm thứ Sáu, ngày 13 tháng Mười Một, vẫn cứ xinh đẹp như thuở tôi mới gặp và yêu cô ấy lần đầu cách đây hơn 12 năm."
"Đêm thứ Sáu, các ông đã cướp đi vợ tôi, tình yêu của đời tôi, là mẹ của con trai tôi, 17 tháng tuổi!"
"Nhưng tôi sẽ không thù hận các ông. Tôi không biết các ông là ai và cũng không muốn biết. Các ông chỉ là những linh hồn đã chết".
"Nếu Thượng Đế, đấng mà các ông nhân danh để giết người bừa bãi, tạo dựng chúng ta theo hình ảnh của Người, thì mỗi viên đạn trên thân thể của vợ tôi là mỗi vết thương trong trái tim Thượng Đế!"
"Vì thế, sẽ không có chuyện tôi tặng lại cho các ông món quà thù hận. Các ông muốn nó, nhưng đem thù hận ra mà đáp trả hận thù thì chẳng khác nào tôi cũng giống như các ông sao?"
"Các ông muốn tôi sợ hãi. Các ông muốn tôi nhìn đồng bào của tôi với cặp mắt nghi ngờ. Các ông muốn tôi hy sinh tự do cho an ninh. Các ông đã lầm!"
"Tất nhiên, tôi đau đớn trước sự mất mất này. Nhưng sự đau đớn sẽ qua đi. Tôi biết rằng cô ấy sẽ luôn ở bên cạnh chúng tôi mỗi ngày và chúng tôi sẽ lại tìm được nhau ở chốn thiên đường của những linh hồn yêu thương và tự do, chốn mà các ông sẽ không bao giờ vào được!"
"Chúng tôi chỉ còn lại hai người, con trai tôi và tôi. Nhưng chúng tôi sẽ mạnh hơn bất kỳ đội quân nào trên thế giới này!"
"Tôi muốn con tôi mở lòng ra cùng thế giới như Mẹ nó đã từng; vì nếu tôi để lòng tôi chìm trong thù hận thì tôi sẽ nuôi dưỡng con tôi lớn lên thành một tên khủng bố."
"Không! Tôi sẽ nuôi dạy con tôi lớn lên trong hạnh phúc và tự do. Vì thế các ông cũng sẽ không nhận được sự hận thù từ nó."
Trong biển máu của lòng thù hận; may mắn thay vẫn còn nở rực rỡ những đóa yêu thương!
Thưa! Còn những người theo Hồi Giáo thì sao?
Ngày 17 tháng Mười Một, một thanh niên người Pháp đến Quảng trường ‘Place de la République'  bịt mắt lại, dang tay ra, cạnh một tấm biển:
"Tôi là người Hồi giáo, nhưng người ta nói tôi là phần tử khủng bố. Tôi tin bạn, bạn có tin tôi không? Nếu bạn tin, xin hãy cho tôi một cái ôm"
Nhiều người qua đường dừng lại, một số người đã ôm chàng trai Pháp theo Hồi giáo nầy trong những giọt nước mắt!
"Tôi xin chia buồn sâu sắc tới gia đình của các nạn nhân. Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng, người Hồi giáo không có nghĩa là khủng bố. Khủng bố là khủng bố, là kẻ sẵn sàng giết người khác vì những mục đích đê hèn. Một người Hồi giáo chân chính không bao giờ làm như vậy. Tôn giáo của chúng tôi ngăn cấm điều đó."
Vâng! Cho dù chánh phủ các nước tự do trên thế giới sẽ làm tất cả mọi biện pháp để ngăn chận bọn khủng bố giết người vô tội! Nhưng giải quyết cho tận cội rễ của vấn nạn nầy rõ ràng là nằm trong tay những người Hồi giáo chân chính như chàng thanh niên Pháp nói trên.
Đòi hỏi sự cảm thông chưa đủ, những người Hồi giáo chân chính, biết yêu thương nhân loại phải là người đầu tiên đứng lên, vạch mặt, chỉ tên, phản bác lại những kẻ lợi dụng Hồi giáo trong những giáo đường để cổ xúy bạo lực và thánh chiến, xô đẩy những người thanh niên Hồi giáo vào chỗ chết để mình được sống; được hưởng 72 nữ đồng trinh ngay trên cõi đời nầy... chớ không cần chờ đợi đến lúc được lên thiên đàng.
Chặn bàn tay của chúng ngay bây giờ thì tốt hơn là chỉ biết chia buồn và than khóc: "Tôi cũng là nạn nhân nữa!" Phải không?

đoàn xuân thu.
melbourne

  

 

 SúngHoa!

dxt_Sungvahoa_1.jpg

Tháp Eiffel chính giữa một biểu tượng hòa bình

 

Thưa mấy năm trước, đài SBS (đài Phát thanh Sắc tộc Úc Châu) cứ mỗi hai tuần, là có bài của một cộng tác viên, gốc Tràng An, Hà Nội, Bắc 54, từ Paris gởi về.

Với giọng nói lưu loát, nội dung bài viết súc tích về hoạt động của bà con người Việt mình hơn 250 ngàn người bên Pháp, rất hấp dẫn bạn nghe đài! Kể cả tui!

Nhưng gây nhiều ấn tượng nhứt phải nói là: Trước bài đọc, tác giả cộng tác viên nầy đã cho chơi bản nhạc Sous le ciel de Paris (Dưới bầu trời Paris) của Hubert Giraud soạn nhạc; Jean Dréjac viết lời và nữ ca sĩ lừng danh của Pháp là Édith Piaf trình bày trong tiếng phong cầm (tức accordion) dìu dặt.

Nghe! Dù không hiểu tiếng Tây, tiếng U gì ráo... nhưng đã lỗ tai thôi hết biết! Nhạc đâu cần hiểu; nhạc chỉ cần cảm. Nhạc nghe bằng trái tim... Cái đầu dùng để phân tích... xin đi chỗ khác chơi!

Tiếc rằng, dạo sau nầy, mấy ‘quan anh' của đài SBS (ăn tiền thuế của tụi tui nhưng muốn làm gì thì làm; hỏng cần hỏi bà con xem ai có ý kiến ý cò gì hết ráo?!) thay bằng chương trình: "Nấu gì? Ăn gì?" làm thính giả, bạn nghe đài cũng buồn, cũng tiếc!

 

Lại nhớ xưa, không nói ra chắc ai cũng biết, quê mình là dưới sự đô hộ của thực dân Pháp hơn một thế kỷ! Vì bị đô hộ lâu năm như vậy nên dân mình chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp khá là sâu đậm.

Người Pháp rất hãnh diện về tiếng Tây của mình. Và rất khoái; khi nghe dân mũi tẹt đầu đen mà lại nói tiếng Tây như bẻ mía.

Cũng nghe thuật lại rằng: Hồi xưa Tây vào ruộng vườn mình ruồng bố; gọi là Tây bố. Bắt được mấy ông làm ruộng là tụi nó cũng khoái bạt tai đá đít người ta lắm... Nhưng nếu gặp nhằm chàng thanh niên nào đang đi học ở tỉnh xa về thăm nhà mà xổ tiếng Tây rốp rốp là: Oui Oui! mông xừ ngay; chớ hỏng bao giờ dám làm ẩu...( Vì biết tiếng Tây, ắt biết nước Pháp là đất nước của văn minh; của tự do nhân quyền! Cách mạng Pháp từng phá ngục Bastille...)

 

Nhà văn Mỹ Mark Twain, một lần đến Paris, đã hài hước thuật lại rằng: "Ở

Paris, họ chỉ trố mắt nhìn tôi, khi tôi nói tiếng Pháp! Tôi chưa bao giờ thành công trong việc làm mấy thằng ngu nầy hiểu được ngay tiếng Mẹ đẻ của họ!"

Chẳng qua văn hào Mỹ của chúng ta nói tiếng Tây quá ‘giỏi' đấy thôi!

 

Thưa, lúc tui lớn lên là Tổng thống Ngô Đình Diệm, thời Đệ nhứt Cộng hòa, đã giành lại được độc lập tự do cho miền Nam Việt Nam của mình rồi; nên thú thiệt, ai thì tui không biết, nhưng tui không có giận mấy thằng Tây như thuở nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu mình, đòi cắn cổ bọn xâm lăng trong Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc.

 

Tui chưa đi Paris, kinh đô ánh sáng lần nào ráo trọi... mà nghe thiên hạ kháo nhau rằng: Paris còn là thành phố của tình yêu! Cái gì có yêu yêu... nghe là đã khoái! Đi ngoài đường với em yêu mà mình nổi hứng bất tử, dừng lại bên bờ sông Seine, hun em yêu một cái... Không bao giờ sợ bị lính bắt sảng như trên đường phố của Tehran của đất nước Hồi giáo Iran.

 

Thưa! Rồi cũng theo Sử ký, hỏng phải mình tui, chỉ nghe nói là ‘a dua' theo, yêu Paris hết biết... mà một ông Tướng võ biền của Đức ngày xưa cũng yêu thành phố nầy đến nỗi bất tuân thượng lệnh, không sợ mình bị đưa ra xét xử ở Tòa án binh. Bất tuân thượng lệnh thời chiến, dám bị đem ra xử bắn cái bùm... Chớ không phải chuyện giỡn chơi!

Chuyện rằng: Tướng Đức quốc xã, Dietrich von Choltitz (1894-1966), giữ chức Thống đốc Grand Paris khi thành phố này bị quân Đồng Minh và lực lượng kháng chiến Pháp tấn công năm 1944.

Hitler ra lệnh phải cố thủ tới cùng và phải đốt rụi Paris nếu rút lui. Những chiếc cầu bắc qua sông Seine, bảo tàng Louvre, nhà thờ Notre-Dame, tháp Eiffel... đều bị đặt mìn và chỉ còn chờ lệnh.

Choltitz quyết định không tuân lệnh và ra đầu hàng ngày 25 tháng Tám 1944.

Sau nầy trong hồi ký của mình, năm 1951, ông bất tuân thượng lệnh vì ông yêu thành phố Paris và nhận ra rằng lúc đó Hitler đã nổi điên.

Sau nầy nhiều người Pháp gọi ông là "Saviour of Paris" (Vị Cứu tinh của Paris).

 

Nhưng ông Tướng chịu chơi và chịu yêu thành phố Paris nầy không phải là người duy nhứt 'cảm' Paris đâu. Mà còn hằng hà sa số các nhà văn, nhà thơ, nhà kịch, triết gia danh trấn giang hồ trên toàn thế giới nữa.

Có ông nói: Tui khoái ngồi ngậm ống vố, uống cà phê trên lề đường phố Paris để xem ông đi qua bà đi lại. ‘Oui, oui, Paris!'

Ngay cả những nhà văn Mỹ phải buột miệng thú nhận rằng: "Nước Mỹ là quê hương nhưng Paris mới chính thật quê nhà!"

 

Nhiều người tự hỏi tại sao có rất nhiều nhà văn đến sống ở Paris như vậy?

Câu trả lời rất đơn giản là: Paris nơi tốt nhất để nhà văn tìm ra ý tưởng. Cũng như bạn muốn hái hoa anh túc, làm á phiện hút cho phê, thì đến vùng Tam giác vàng Miến Điện. Thế nên muốn làm thơ, muốn viết văn cho hay hãy đến Paris.

Ở bất cứ nơi nào thuộc Liên Âu, người nghệ sĩ lăn lóc gió sương, ba ngày sau nổi lên sình chương; ở Paris là không bao giờ có chuyện đó.

Bạn cũng đừng ngạc nhiên khi đi trên đường phố Paris mà gặp một ông du khách nằm ngáy khò khò, gần cái nón ngửa ra với hàng chữ: "Tui không đói bụng!" (Nghĩa là đừng cho bánh mì sừng bò, croissant, gì hết ráo). Tui chỉ cần vài Phật lăng (franc) mua rượu uống chơi thôi!

Dẫu xin tiền giọng cha như vậy; ở chỗ khác có thể bị chửi là làm biếng nhưng ai thường đến thăm Paris, dẫu cục cằn thô lỗ, cũng từ từ trở nên thanh lịch!

Cho hỏng cho thời thôi... chửi nó mà chi cho mất cái thanh lịch của người Tràng An chớ!

 

Paris có 4 mùa ...mà mùa nào cũng đẹp. Khi mùa Xuân đến, Paris là vườn địa đàng. Mùa Thu là thơ... mộng.

Những chiếc cầu bắc qua dòng sông Seine đang êm đềm xuôi chảy. Viện Bảo tàng Louvre, Nhà thờ Notre Dame de Paris, Vườn Tuileries, Vườn Luxembourg, Quảng trường Concorde, Điện Élysée, Khải hoàn môn và Tháp Eiffel...

 

Có nhà văn cũng Mỹ chắc luôn bị ám ảnh về tình dục nên phát ngôn bừa bãi rằng: "Bất cứ thành phố nào cũng mang trong người mình một phái tính!" "London là đàn ông. Paris là phụ nữ. Còn New York là người đang phẫu thuật để chuyển đổi giới tính!"

Thôi khen Paris dịu dàng như em yêu... nghe là quá đã rồi... Còn quay qua đá giò lái New York mà chi... hỏng sợ mấy thằng Mỹ nó buồn sao?

 

* * *

Thưa những tưởng Paris, kinh đô ánh sáng, thành phố của tình yêu ai cũng thích, cũng yêu...

Vậy mà mấy tay khủng bố Hồi giáo cực đoan nầy lại ác tâm, dìm Paris chìm trong biển máu vào cái đêm định mệnh thứ Sáu, ngày 13 tháng Mười Một vừa rồi, làm cả trăm người chết và bị thương khiến ai đã tới hay dù chưa tới Paris đều nhỏ lệ.

Sáng thứ Bảy, cả Paris chìm trong tang tóc. Pháp dành một phút mặc niệm các nạn nhân đã chết! Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố quốc tang ba ngày!

Những nơi đã từng bị bọn khủng bố tấn công gây chết chóc như: thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), thủ đô London (Anh), World Trade Center của New York và những nơi khác trên thế giới: như nhà hát Opera Sydney của Úc được chiếu sáng trong màu lá cờ Pháp tam tài, xanh, trắng, đỏ... để tỏ tình đoàn kết với nhân dân Pháp trong giây phút khó khăn nầy.

 

Riêng ở Úc, Lễ Cầu hồn cho các nạn nhân bị thảm sát đã diễn ra tại St Mary's Catholic Cathedral ở Sydney, tiểu bang New South Wales.

Tại thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, hơn 3000 người đã đến Federation Square, đốt nến cầu nguyện, vinh danh những nạn nhân của cuộc tấn công khủng bố tại Paris.

Một người Pháp xa quê phát biểu rằng: "Năm 2015 là năm đầy thảm kịch đối với nước Pháp. Khủng bố đầu năm ở Tòa báo châm biếm Charlie Hebdo; rồi cuối năm tại nhiều địa điểm khác nhau của Paris."

"Cần bao nhiêu người chết nữa?" Những gì xảy ra ở Paris thực sự là một bi kịch".

 

Một họa sĩ Pháp, tràn ngập nỗi buồn rầu trước cuộc tấn công ghê rợn đêm thứ Sáu tại Paris, đã vẽ Tháp Eiffel chính giữa một biểu tượng hòa bình.

Nhạc sĩ dương cầm Davide Martello đang ở trong một hộp đêm bên Đức, theo dõi trận đá banh giao hữu quốc tế giữa Pháp và Đức tại vận động trường Stade de France; thì cuộc trực tiếp truyền hình trận đấu nầy bị cắt ngang để loan tin về cuộc khủng bố giết người đang xảy ra tại Paris!

Davide đã đi suốt đêm, thực hiện một chuyến đi dài tới 400 dặm, kéo theo chiếc dương cầm của mình trên một cái trailer để tới Paris!

"Tôi phải làm cái gì đó để an ủi và xin Paris đừng tuyệt vọng!"

Nhạc sĩ dương cầm Davide Martello đã đi suốt đêm tới 400 dặm, kéo chiếc dương cầm của mình tới Paris!

 dxt_sungvahoa_2.jpg

Bên ngoài Hí viện Bataclan, nơi cả trăm người đã bị bắn chết đêm trước, những người đến tưởng niệm nạn nhân, im lặng vây quanh lấy cây dương cầm để lắng nghe nhạc sĩ trình tấu bản Imagine của John Lennon.

Những người đến tưởng niệm nạn nhân, im lặng vây quanh lấy cây dương cầm để lắng nghe nhạc sĩ trình tấu bản Imagine của John Lennon

  dxt_sungvahoa_3.jpg

Bài hát cũng như bức tranh mà người họa sĩ và người nhạc sĩ nầy muốn truyền đi toàn thế giới. Đó là thông điệp: "Hòa bình!"

Trong những nạn nhân ngã xuống: có những người đang yêu; có những người mới cưới. Đủ tất cả các quốc tịch từ Anh, Mỹ, đến tận Chile. Mà hầu hết còn rất trẻ!

Cuộc đột ngột chia lìa chỉ bởi lòng thù hận của bọn khủng bố cuồng tín dã man! Thiệt là bi thảm!

 

Thưa, nhà thơ Cung Trầm Tưởng của chúng ta đã từng viết về chia lìa đôi lứa như thế trong bài thơ "Tiễn em", cách đây hơn sáu chục năm... Giờ đọc lại sao giống như một lời tiên tri đau xót!

 

"Lên xe tiễn em đi

Chưa bao giờ buồn thế

Trời mùa đông Paris

Suốt đời làm chia ly...

Ga Lyon đèn vàng

Tuyết rơi buồn mênh mang

Cầm tay em muốn khóc

Nói chi cũng muộn màng

Hôn nhau phút này rồi

Chia tay nhau tức khắc

Khóc đi em, khóc đi em...!"

 

Rồi sau vụ khủng bố ghê rợn nầy, trên đài truyền hình Canal+, chương trình Le Petit Journal đã phỏng vấn một người Pháp gốc Việt tên Angle Le và đứa con trai bé bỏng chừng 5, 6 tuổi tên Brandon, khi hai cha con đến trước Hí viện Bataclan tưởng niệm các nạn nhân xấu số!

Một phóng viên hỏi Brandon rằng: "Cháu có hiểu chuyện gì đã xảy ra? Có hiểu tại sao họ hành động như thế không?""

Brandon trả lời rằng: "Có! Bởi họ là những người xấu... Chúng ta phải cẩn thận và chắc phải chuyển nhà đi thôi!".

Ngay lúc đó, Angel Le đã trấn an con mình: "Sẽ không phải chuyển đi đâu; vì Paris là nhà của chúng ta". "Con không phải sợ sệt bọn người xấu với súng ống đó... vì chúng ta đã có hoa mà con!".

Sau khi nghe ba mình giải thích hoa là biểu tượng của sức mạnh sự đoàn kết có thể chống lại trước cái xấu, cái ác, Brandon, ngay sau đó, cho biết em đã cảm thấy bớt sợ đi nhiều.

 

Vâng! Có nước mắt có tiếc thương hơn 129 người đã chết oan uổng.

Nhưng khủng bố là muốn làm ta sợ... Brandon không sợ! Chúng ta không sợ thì bọn khủng bố chắc chắn sẽ thua!

 

Paris! Đừng tuyệt vọng!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Lễ Tạ Ơn!

Mời nghe audio LỄ TẠ ƠN qua giọng đọc của XNV Hoàng Tín, đài Radio Saigon Dallas :  20151125100552 (1).mp3 

 

dxt_turkey.jpg 

 Holiday Dinner

 

Thưa không phải tới sau nầy người miền Nam chúng ta mới lìa quê hương cố thổ để đến một vùng đất mới! Mà cách đây vài trăm năm ông bà ta đã dắt díu, dìu nhau vào vùng đất phương Nam để lập nghiệp.

Sau khi xóa sổ nước Chiêm Thành thì tổ tiên ta tiến mãi, tiến mãi... đến cuối đất cùng trời, tức tới Mũi Cà Mau mới dừng lại... Vì đi nữa là bị... ướt!

Vùng đất tân bồi đó, là Nam Kỳ ngày nay, khi những di dân ngoài Trung tràn vào vẫn còn là một vùng đầm lầy nê địa, rừng hoang cỏ rậm, thú dữ tràn đầy... ‘Dưới sông sấu lội... Mà trên rừng cọp đua!'

"Tới đây xứ sở lạ lùng / Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê"

Rồi bà con ta hợp quần lại thành làng xã! Đất cũ đãi người mới! Làm chơi ăn thiệt, no ấm dần lên, tạo nên cái tánh hào phóng: chơi mát trời ông Địa luôn của người dân Lục Tỉnh Nam Kỳ.

Thưa ông Địa, là ông thần coi sóc đất đai (giống như ông Trưởng Ty Điền Địa của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa mình khi xưa vậy), là một người trung niên chuyên ở trần, mập mạp, ‘ví' xệ, miệng cười hể hả, tay cầm quạt, tay cầm điếu thuốc lá... Vẻ no đủ, phương phi, hào sảng!

Thế nên phàm việc gì có đụng chạm đến đất đai như đào ao, đào giếng, xây cất, mở vườn, mở ruộng, đào huyệt... tất cả đều phải cúng ông Địa.

Ngay cả ngày Tết, múa Lân mừng năm mới, ta cũng thấy ông Địa, mang chút hơi hướm hài hước của người dân dễ chịu, dễ chơi, chín bỏ làm mười, phe phẩy quạt vì cái khí hậu miền đất mới nầy vừa nóng vừa ẩm ướt, nhảy cà tưng theo nhịp phèng la và tiếng trống!

Những cửa tiệm buôn bán, bà con mình cũng thờ ông Địa! Tượng nhỏ đặt dưới đất! (Địa là đất mà đặt trên cao hỏng đất ổng đâu có chịu nà!)

Sáng mời ông Địa một ly cà phê sữa, một điếu thuốc ba số 555 hẳn hoi, gắn trên tay! Đôi khi mua may bán đắt, ông Địa còn được hối lộ cả thịt heo quay và bánh bao nữa đó!

Trước là cúng ông Địa sau là đợi tới chiều, hú thằng cha chủ tiệm kế bên qua, hai đứa mình nhậu.

Còn lỡ bán ế, (bán cái gì cũng mắc gấp rưỡi, gấp đôi thiên hạ thì làm sao bán đắt cho được chớ?), bèn đổ thừa ông Địa, đem ổng vụt tuốt xuống sông; rồi thỉnh ông Địa khác về mà cúng!

Do đó, khi phải tha phương cầu thực bất cứ phương Trời nào, bà con mình tới vùng đất mới, ngày nào cũng đều tạ ơn Trời và Đất. Tạ ơn Trời mình lập bàn Thiên trước sân nhà. Tạ ơn đất mình thờ ông Địa!

Người Mỹ cũng vậy thôi, chỉ khác cái là người Mỹ một năm Tạ ơn chỉ một lần! Lễ Tạ Ơn hằng năm, rơi vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư tháng Mười Một. (Chớ không phải luôn luôn là thứ Năm cuối cùng vì đôi khi trong một tháng Mười Một, có tới 5 thứ Năm lận đó!)

Lễ Tạ Ơn được những di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ tổ chức cách đây khoảng 400 năm.

Tháng Chín năm 1620, tàu Mayflower gồm 121 người rời Âu Châu! Sau hai tháng vượt biển, ngày 9 tháng Mười Một năm 1620, tàu Mayflower cập bến Mỹ Châu.

Mùa Đông ở Bắc Mỹ thật khắc nghiệt, kéo dài từ cuối tháng Chạp đến hết tháng Ba năm sau. Sau mùa Đông đầu tiên đó, lạnh giá đã quật ngã nhiều di dân. Trong số 102 người đến nơi bình an giờ đây chỉ còn 55 người sống sót.

Mùa Thu năm 1621, những di dân thu hoạch vụ mùa đầu tiên thật sung túc. Họ có đủ lương thực dự trữ cho mùa Đông và đủ sống cho đến vụ mùa năm sau. Nên một bữa tiệc linh đình kéo dài trong ba ngày được tổ chức. Đó là Lễ Tạ Ơn Thượng Đế và Đất đai (Trời và Đất) đã giúp cho những người chạy trốn sự bách hại về tôn giáo ở quê nhà Anh Cát Lợi được tồn sinh trên vùng đất mới!

Thời gian dần trôi, di dân đổ xô đến Bắc Mỹ càng đông. Họ xây dựng vùng đất này thành một khu vực trù phú. Lễ Tạ Ơn tổ chức có đều đặn hơn nhưng vẫn còn tánh cách địa phương, mạnh ai nấy ‘tạ'!

Năm 1774, dân Mỹ quyết đòi độc lập. Họ bất mãn trước sưu cao thuế nặng do mẫu quốc Anh áp đặt trên thuộc địa và các sắc thuế này cứ tiếp tục gia tăng.

Cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài từ năm 1773 đến năm 1783 kết thúc thành công. Năm 1793, tại Paris, chính phủ Anh ký hòa ước và công nhận nền độc lập của Hoa Kỳ.

Cuối cùng, năm 1863, Tổng Thống Abraham Lincoln quyết định công bố Lễ Tạ Ơn là một ngày quốc lễ!

Kỳ lễ kéo dài từ thứ Năm đến hết cuối tuần, tới 4 ngày, nên cả nước Mỹ lên xe, tàu, xe lửa hoặc máy bay, dọc ngang như mắc cửi để mọi người trong gia đình gặp lại nhau, dù ở xa cả ngàn cây số cũng về.

Về gặp để cùng nhau đi Nhà Thờ tạ ơn Chúa; rồi cả gia đình về nhà cùng nhau ăn bữa tối.

Trên bàn tiệc Lễ Tạ Ơn, luôn luôn có bắp, khoai tây nghiền, các loại bánh pie, rau, thịt heo muối, ngỗng hoặc vịt quay và dĩ nhiên không thể thiếu món Gà Tây quay để nhắc lại bốn chú gà tây rừng đã có mặt trong buổi Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại nước Mỹ.

Trong niềm vui của sự bình an, sung túc và đoàn tụ của Lễ Tạ Ơn, người Mỹ luôn nhớ tới những kẻ không may mắn như mình, nhớ lại 47 người đã chết trong mùa Đông đầu tiên, dùng dịp này để giúp những người nghèo khó.

Những người di dân đầu tiên đã từng được những người Da Đỏ (mà Christopher Columbus, (vì dốt Sử Địa), đã từng gọi họ là Indian, tức người Ấn Độ) cứu giúp, do đó một trong những truyền thống của Lễ Tạ Ơn là giúp đỡ những người mới đến.

Hằng năm, Hoa Kỳ đón nhận hàng triệu người trên thế giới đến định cư, với nhiều lý do, đoàn tụ gia đình hay là người tỵ nạn.

Đoàn tụ gia đình thì thường có người trong gia đình bảo trợ, giúp đỡ bước đầu. Còn đối với những người tỵ nạn cô đơn, người dân Mỹ cũng không hề quên họ.

Cộng đồng Việt Nam mình đã liều mình, vượt biên, vượt biển, vượt thoát chế độ Cộng Sản ở quê nhà để tìm kiếm tự do trên nước Mỹ, bây giờ số người đã lên tới vài triệu, trong lòng họ luôn nhớ những ngày đầu đặt chân tới, nước Mỹ đã mở rộng vòng tay chào đón họ!

Một người Việt tỵ nạn mình đã nói: "Tôi cám ơn nước Mỹ, vì nước Mỹ đã cho tôi sự bình yên trong tâm hồn. Đối với tôi, nước Mỹ không phải là thiên đường, nước Mỹ là một cuộc sống đời thường, và tôi cám ơn nước Mỹ đã cho gia đình tôi cuộc sống đời thường, đã cưu mang cho gia đình tôi, cho tôi được sống và hưởng những gì mà chính trên ‘quê hương thứ nhất' chúng tôi chưa hề được có."

Thưa anh bạn văn của người viết cách đây hơn 30 năm có em xưa ở đảo Kuku, Indonesia, sau mỗi người đi mỗi ngã. Em lên phương Bắc, về Mỹ; anh xuôi Nam về Úc, dưới chùm sao thập tự. Vậy là đôi ngã đôi ta; đã bao năm nước chảy qua cầu mà em vẫn nhớ cái tình sầu năm cũ!

Em hỏi: "Úc có Lễ Tạ Ơn không anh?"

"Lễ gì Úc cũng có nhưng Lễ Tạ Ơn thì không!" "Vì Úc tới đây người dân bản địa thấy cái bản mặt là ghét... nên vác cái boomerang ra phang vài đứa bị lỗ đầu nên nó giận nó không Tạ Ơn đứa nào hết ráo! (Boomerang là cái vũ khí bằng cây, hình chữ V, phang đi hỏng trúng ai thì nó quay trở lại, do thổ dân Úc chế ra đó đa).

Không như người Mỹ lúc đầu tạ ơn dân da đỏ đã giúp mình... Rồi sau đó, lại cỡi ngựa, móc súng bằn bùm bùm làm mấy tù trưởng giắt lông chim, vẻ mặt vằn mặt vện chạy chí chết vào trong núi!

Anh bạn văn bèn hỏi lại người xưa: "Em có Tạ ơn Mỹ hay không?"

Thì em ỏn ẻn trả lời rằng: "Người Việt mình, một dân tộc nhơn nghĩa mà anh. Uống nước là nhớ nguồn. Ai giúp mình dù ít dù nhiều là mình phải tạ ơn chớ!"

"Thế nên, ngày Thanksgiving năm nay, 26 tháng Mười Một, em sẽ làm một cái tiệc Tạ Ơn theo truyền thống Mỹ Việt đề huề, đi mua một con Gà Tây chừng 15, 20 pounds, về nhồi ruột bằng nếp xào với hành tím, tôm khô và lạp xưởng, làm nước xốt cũng chế biến từ ‘gravy' của Mỹ nhưng pha thêm ‘maggi' vào cho đậm đà và có ‘mùi Việt Nam'."

"Xong em đút lò. Nó vàng ươm, em sẽ mang ra, đặt trên bàn, lấy I-phone 6 chụp vài cái hình rồi gởi qua bên Úc để anh... ‘xơi'!"

Thưa người viết có một thằng bạn thân đi du học hồi trước năm 75 lận, kể cho nghe một chuyện vui về Lễ Tạ Ơn đầu tiên của nó trên nước Mỹ như vầy: "Theo truyền thống, Lễ Tạ Ơn của Mỹ là phải có Gà Tây, tức Turkey nên có đứa gọi đó là ‘Turkey Day'! Để san sẻ bớt tội lỗi của dân Mỹ mình vì giết Gà Tây quá xá, nên năm nào Tổng Thống Mỹ cũng phóng sinh, tha chết cho một con trong buổi lễ tại Tòa Bạch Ốc.

Cái truyền thống nầy thấy cũng hay hay đấy chớ! Vì con Gà Tây nó cũng dễ thương lắm. Giữ nhà là khỏi chê, không thua gì ngỗng mà sợ còn hay hơn mấy chú chó cò của mình nữa kìa. Thấy người lạ là nó kêu ‘lót lót'. Còn thấy con nít là nó nhảy lên nó đá làm thằng nhỏ khóc mò!

Hồi xưa tui đã từng bị Gà Tây đá rồi đó nhen bồ nhưng tui không hề giận nó, không thích ăn thịt Gà Tây dù đút lò hay quay gì chăng nữa. Thịt nó dở òm hà! Ăn thịt gà ta sướng hơn!

Năm đầu qua Mỹ học, năm đó không hiểu sao tuyết rơi nhiều hơn mọi năm, bao nhiêu cây cành cảnh vật đều bị tuyết ôm trắng xóa, con bạn Mỹ cùng trường Đại học, đẹp như Beyonce vậy! Tui e rằng con nhỏ nầy khoái mùi nước mắm của tui hay sao đó mà em dẫn tui về nhà em ăn cái Lễ Tạ Ơn đầu tiên ở trong đời tui.

Hôm sau, em còn trao tặng kỷ vật tình em là con Turkey còn sống để tui đem về nuôi cho đỡ nhớ nhà. Mà quan trọng hơn là nhìn gà để nhớ tới em ‘‘yêu''... vì năm tới em sẽ đổi qua trường Đại học khác. Em nói: "Mỗi lần anh nghe con Turkey nó kêu ‘lót lót' là anh nhớ tới em nha!" Tui nói: "I will!"

Ôm con Turkey của em (ôi hình bóng người thương!) trên đường về, tui bị một thằng Mỹ đen, bự gấp đôi tui, chận lại.

"Ê! Mầy ôm con Turkey của Beyonce đi đâu đó?"

"Turkey nào?"

"Thì con Turkey mầy cặp dưới nách mầy đó, thằng nhóc Chinese!"

"Tao không phải là Chinese! Tao là Vietnamese! Nhưng không phải chuyện của mầy! (It's none of your business!)" Ỷ lớn con, nó tính ‘bú li' tui chớ!

Nó nói: "Lễ Tạ Ơn đã hết! Turkey Day is over! Thế nên những gì mầy làm với con Turkey nầy thì tao sẽ làm giống hịt như vậy đối với mầy nhe thằng nhóc!"

"Nếu mầy bẻ giò con Turkey nầy, tao sẽ bẻ giò mầy! Nếu mầy bẻ cánh nó; tao sẽ bẻ tay mầy!"

"Sao giờ thì nghe rõ rồi; mầy sẽ làm gì với con Turkey nầy đây hả?"

Tui trả lời: "Ờ! Tao sẽ hun cái ‘đít' của con Turkey nầy rồi thả cho nó đi!"

"Còn mầy! Nói là phải giữ lời đó nha!"

Xong tui dông như gió! Vì tui vẫn còn muốn gặp lại em Mỹ yêu của tui mùa Lễ Tạ Ơn năm sau!

 

đoàn xuân thu.

Melbourne

  

 

Tình thở... tàn phai!

 

Mời nghe giọng đọc XNV HOÀNG TÍN, Đài phát thanh Sài Gòn Dallas:

 Tình thở tàn phai.mp3

 

dxt_tinhthotanphai_1.jpg

 

 

Thưa chẳng qua Tía Má tui vốn đã nhỏ con nên sanh tui ra đẹt ngắt hè. Con gà nòi nó đẻ ra con gà nòi. Con gà tre nó đẻ ra con gà tre. Đành chịu vậy!

Trong khi thiên hạ nhổ giò, cao như cây tre miễu (Ai biểu cây tre tàng. Bao nhiêu lá rụng thương chàng bấy nhiêu!), chàng cao có thước mốt thôi.

Hồi xưa đi lính, sắp trong hàng quân, tui chuyên đứng bét. Mỗi lần điểm danh, Thiếu úy ‘Tân chà và' cán bộ quân trường, cứ gãi đầu, gãi tai: "Sao tiểu đội nầy lại thiếu một thằng. Hỏng biết nó có nhân cơ hội đi tiền đồn Mã Đá, từ Chợ Nhỏ Thủ Đức nó dám vù về Sài Gòn thăm con ghệ nó lắm đa?!"

Từ cuối hàng quân, tui lên tiếng: "Trình Thiếu Úy: Tiểu đội đủ mà! Mười hai đứa cả thảy. Tại tui hơi thiếu thước tấc, đứng cuối hàng quân. Thiếu úy đứng đầu hàng đếm... nên không thấy tui đó thôi!"

Thưa, thiếu thước tấc, nhỏ con cũng có cái lợi là: Đụng trận, xác suất trúng đạn của quân thù cũng ít hơn mấy đứa bự con nhe!

Rồi sau nầy lưu lạc tới đây, thấy mấy thằng Úc bạo hành gia đình do ghen tuông, ‘quánh' con vợ nó bầm giập hết trơn... toàn là mấy đứa bự con, vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu.

Còn nhỏ nhỏ như tui (cũng đâm trái bầu thui như thường)... là không bao giờ bị nghi khi nhậu xỉn thường hay quánh vợ lắm. Sao dám! Ngược lại là có!

Nên mới có chuyện như vầy: Hồi mới qua, tui xin được cái ‘job' bán quần áo đàn ông. Có một bà đầm, bự như cái hột mít biết lăn, đến mua cho ông chồng Úc của mình một cái áo sơ mi trắng để làm quà sinh nhựt.

"Thưa bà! Ông nhà mặc áo ‘size' số mấy?" Thì em ỏn ẻn trả lời rằng: "Dà! Em không biết!"

Sau đó, em ra dấu: đấu đầu hai ngón trỏ với nhau, đầu hai ngón tay cái đấu với nhau thành một cái vòng tròn! "Cần cổ của ổng vừa khít với cái vòng tròn nầy nè!"

Chu choa nghe em Úc nầy ra dấu trả lời làm tui run đổ mồ hôi hột hết trơn!

Lấy hết can đảm, tui hỏi: "Cái cần cổ của ổng có bằng cái cần cổ của tui không?"

"Ờ cỡ đó đa!"

Tui vội lấy cái áo sơ mi cỡ tui mặc đưa cho em, còn thòng thêm một câu:

"Về nhà... Rộng chật gì xin bà cứ tự nhiên đem ra đây tui đổi cho nhe... Đừng có ngại! Tui bớt thêm 10% nữa đó, thay vì 33 đô tui tính 30 đô thôi!"

Trong bụng, mong em đi đâu đi khuất mắt cho rồi. Lạng quạng, nó giận ‘sảng'; nó bóp cổ tui chắc chết!

Rồi cũng có thằng bạn Úc làm chung, nó chỉ cho tui cái bí quyết sống một cuộc đời hôn nhân hạnh phúc, mà không bị con vợ ỷ lớn con, lúc giận là đè ra bóp cổ cho thè cái lưỡi dài ngoằng thì phải: "Luôn luôn khen là em yêu rất đẹp! Cho dù em xồ xề như một chiếc xe tải! Nhớ nhe!"

Lời dạy đó tui khắc cốt ghi tâm tới giờ. Vì nó đã giúp tui vượt qua biết bao nỗi hiểm nguy khi tranh luận với vợ về bất cứ vấn đề gì !

 

dxt_tinhthotanphai_2.jpg

Thưa, người viết có anh bạn văn rất đáng nể. Nể là vì cuộc đời tình ái của anh là một trường thiên tiểu thuyết "Chiến tranh và Hòa Bình". Chiến tranh không phải đánh với ai... và hòa bình cũng không phải với ai xa lạ... mà với người ảnh ‘dấu' yêu và thường hay đem ‘dấu'...vì sợ bị mất!

Muốn ảnh tiết lộ câu chuyện tình của ảnh cho tôi nghe chơi... là phải chịu khó tốn một thùng beer tới 40 đô Úc. Thôi tốn thì tốn... Mình gỡ vốn bằng nhuận bút mỗi bài một trăm đô thì mình vừa có beer uống; vừa bỏ túi được 60 đồng.

 Chuyện vầy, theo lời anh kể: "Cách đây 50 năm, lần đầu tiên hẹn hò với em yêu! Thôi nó gian nan, trần ai khoai củ... lắm ông ơi!

Ba em (tức ông già vợ tương lai sau nầy) thuở ấy còn thủ cựu lắm. Có búi tóc như cái củ hành, lủng lẳng trên đầu; chớ chưa chịu nghe lời ông Phan Chu Trinh khuyên cắt tóc ngắn để giữ cái vệ sinh!

Lần đầu tiên đến nhà em xin phép chở em đi ăn đậu đỏ bánh lọt ở đường Ngô Quyền, gần trường nữ Trung học Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ.

Trước khi đi, ba em dặn dò em rất kỹ lưỡng là: "Đừng để thằng đó làm ‘nhục' gia đình mình nhe!"

"Tía nói sao... con không hiểu?"

"À! Nghĩa là đừng để nó hun hít, rờ rẫm, sờ sẫm gì hết ráo trọi nhe con!"

Đi chơi về, trời cũng khá khuya, trăng thượng tuần đã lên khỏi ngọn dừa mà Tía em còn chưa chịu đi ngủ. Thấy còn gái mình về còn nguyên vẹn hình hài, Tía mừng hết lớn, hỏi: "Đi chơi với nó vui hông con?"

Thì em trả lời liền: "Vui lắm Tía ơi! Con nghe lời Tía, nhứt định không cho nó làm ‘nhục' gia đình mình... Con đã làm ‘nhục' gia đình nó trước!"

 

Thưa, sau khi bị em làm ‘nhục' gia đình tui, tui cưới em. Rồi con đàn, cháu đống giờ cũng 50 năm rồi đó, em cứ tiếp tục làm ‘nhục' tui, tui không cho... em không chịu... Thế nên mà nỗi ‘nhục' gia đình tui cứ bị hoài hè không hề gột rửa được mới chết chớ!

"Nói thiệt với anh! Ai mà làm ‘nhục' tui như kiểu của anh bị làm ‘nhục' là tui cũng chịu ‘nhục' luôn... Chớ ngu sao mà lắc đầu để thiên hạ chê mặt mày sáng láng vậy mà khờ thôi hết biết. Mỡ trước miệng mèo mà không táp! Bộ sợ ‘cholesterol' hay sao?

 

Thưa! Cái tình thuở... tàn phai của tui thì đơn giản hơn nhiều. Chuyện tình của tui nói thiệt cũng xuôi chèo mát mái lắm; hỏng thác cùng gềnh gì đâu. Nhưng cũng có chút chút rắc rối.

Chẳng qua em yêu của tui người Bắc, bây giờ gọi là người dân tộc; mà hồi xưa bà con mình kêu là người thiểu số, Thái trắng, tuốt trên núi Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn đó.

Thái trắng nên em trắng như bột năng! Trắng dĩ nhiên là đẹp rồi! Đỡ tốn tiền mua son phấn. Nghèo mà mua son phấn hoài chắc tui mạt quá!

Dẫu vậy mỗi lần đi đám tiệc tùng gì là em kẻ mắt, thoa son môi, tỉa chưn mày, sơn móng tay, đánh cái đầu tóc xùm lên như lông nhiếm... mất cả buổi Trời. Xong, quay lại hỏi tui rằng: "Anh xem: Em trang điểm như vậy có ‘tự nhiên' không?"

Tui bèn trả lời là: "Em trùng tu ‘di tích' như vậy coi bộ hơi lâu đó nha!"

Sau đó, em giận tui ba tháng Trời không nói tiếng nào. Tui tính ra Tòa thôi cho rồi... thì mấy chiến hữu, bạn tui, nhào vô can gián: "Ê! Người vợ như vậy khó kiếm lắm nhe! Bỏ uổng."

Anh bạn mở miệng ra can gián còn nói: "Coi hoàn cảnh của tui nè! Hơn một năm nay, tui không nói với con vợ tui được một tiếng nào; vì tui có cái thói quen là không bao giờ ngắt lời người khác!"

 

Thưa! Ba tháng em yêu không hề mở miệng ra một tiếng! Cần gì là em viết chớ nhứt định không hội nghị Paris, đánh đánh đàm đàm gì ráo trọi.

Em viết qua thì tui cũng viết lại thôi... Chớ không hề mở miệng ra trước. Làm vậy thua ‘nhục' lắm! Mình xuống nước nhỏ, con vợ nó sẽ lừng. Một chiến hữu của tui đã từng khuyên bảo rằng: "Con chí ở trên đầu mình còn bắt xuống được. Còn con vợ ở trên đầu là vô phương... Nhớ nhe bạn hiền!"

Chính vì vậy tuần rồi, công ty kêu đi Sydney công tác. Tui bèn viết thơ cho em yêu rằng: "5 giờ sáng đánh thức anh vậy; để anh bay đi Sydney!"

Tối đó, ngủ nằm mơ toàn là ác mộng, thấy quỷ không hè; nên khi bừng tỉnh giấc đã trưa trời trưa trật, tui tìm thấy trên chiếc gối của em yêu một tờ giấy: "5 giờ rồi... Dậy đi cha nội!"

Đi công tác gần cả tháng về, anh bạn văn ghé tệ xá thăm hiền hữu! Xa vắng bây lâu cũng nhớ. Nhậu cửng cửng, rượu vô lời ra, có gì khai hết ráo, ảnh tâm sự là chắc vợ ảnh không còn yêu ảnh như xưa nữa... Vì ảnh lỡ miệng, bắt chước tui, gọi em yêu của ảnh là "cổ vật".

Từ hôm được gọi là ‘phế tích, cổ vật' tới nay, em yêu của ảnh không thèm hé miệng nói tiếng nào mà chỉ hát "Mùa thu lá bay" để tưởng nhớ tới ‘tay' nào đó!

 

"Một ngày sống bên anh sẽ muôn đời

Dẫu cho mưa rơi đá mòn tháng năm

Lạy trời được yêu mãi nhau người ơi

Đừng mang trái ngang chia lìa lứa đôi

Thế gian ơi sao nhiều cay đắng

Tình vẫn đắm say, người đã xa ta rồi

Ngồi ôm vết thương lòng đớn đau

Nghe tình rên xiết trong tim sầu

Mùa thu lá bay anh đã đi rồi!

Vỡ tan ôi bao giấc mộng lứa đôi

Giờ đành lìa xa thế nhân sầu đau!

Hẹn anh kiếp sau ta nhìn thấy nhau!"

 

Thấy bạn hiền đau khổ quá... làm tui cũng đau khổ lây. Vì chữ có câu rằng: "Niềm vui đem ra chia sẻ thì nó lại lớn gấp đôi. Còn nỗi buồn đem ra sẻ chia thì nó còn một nửa!" Nửa kia tui gánh bớt cho ảnh... nên rầu muốn chết theo ảnh luôn đó bà con ơi!

Nên tui an ủi ảnh rằng: "Ối! Cái chuyện đó là thường. Ai hỏng vậy?! Nè hồi xưa, trước khi anh lấy chị nhà, anh có người yêu không?"

Anh phải thành thật thú nhận là: "Có, mà không phải một, thôi vô thiên lủng đi! Vì vốn tui đẹp trai, cao ráo, dài đòn... chớ đâu có lùn tịt như anh! Rồi người yêu tui cũng lần lượt đi lấy chồng. Thảng có gặp lại, tôi âu yếm gọi em là ‘ex', tức người yêu cũ!"

Tui nói: "Đó đa! Cũng có thể con vợ mình xưa cũng có một người yêu... mà thằng mắc dịch đó gọi con vợ mình là người yêu cũ!"

"Mà anh ơi đời mà! Ai không có lúc yếu lòng?! Nhứt là lúc chồng giận vợ thì hay nhớ tới người yêu cũ!"

(Cái nầy là mình phải ngoặc một chút để cảnh cáo mấy bà! Muốn chồng mình không nhớ con bồ cũ thì làm vợ, mình đừng làm cho chồng nổi giận nhe không?).

Còn vợ mình cũng vậy thôi, lúc nó thấy mình nghèo, mình mạt, mình không thể nào cho nó quần là áo lụa, hột xoàn đeo xệ hai cái dái tai, nhẫn kim cương làm trặc luôn ngón tay đeo nhẫn cưới!

Ra đường không lo cho em được lên Mercedes xuống Ferrari... thì em so sánh mình với người yêu cũ, người từng đeo đuổi em thời con gái, giờ đi bán Phở tái nạm gầu thêm chút hành trần và nước béo... giàu hết biết luôn... thì cũng có cái lý của nó.

Buồn chi cho nó mệt!

Con cá sổng là con cá lớn! Bao giờ cũng vậy! Nhưng cứ bắt đi, bắt đi... nhứt là gặp nhằm con cá ngát; nó đâm cho sưng tay! Nhức! Khóc mếu máo thì lúc đó tui chắc em lại nhớ cá lòng tong!

 

Thưa! Tình yêu là một sinh vật. Đã là sinh vật thì lúc mạnh, lúc yếu, nó sống hoặc nó chết cũng là chuyện rất bình thường.

Nói thiệt với anh nhe! Nếu em yêu của tui có bỏ tui mà ra đi với ai kia... Thiệt tui cũng buồn, cũng thở... nhưng thở ra những tàn phai.

Nhưng chỉ vài bữa thôi! Tui đi kiếm em khác. "Life's ‘short'!" Đời nó ngắn như cái quần ‘short' vậy!

Ngu sao mà cứ tình thở tàn phai ('thở' chớ không phải 'thuở' nhe bạn hiền! Thở tàn phai... là thở dài đó ạ!) hoài cho nó phí của Trời chớ?!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

__________________________________________________________________ 

  

 

Châu về hợp phố!

web_dxt_chauvehoppho_1.jpg 

 

 

Thưa bức hình bên trái rất đặc biệt. Có thể nói là có một không hai trong chính trường thế giới. Hình cho thấy một người lính chào kính hai ông Thủ tướng cùng một lúc.

Ông Thủ tướng đương nhiệm,  Pierre Trudeau, làm tới 2 nhiệm kỳ cách khoảng nhau, leo lên rồi tuột xuống... lại leo lên (thời gian tổng cộng tới 16 năm)  đang cắp nách ông Thủ tướng tương lai, Justin Trudeau, 2 tuổi, của đất nước lá phong đỏ tức Canada.

Còn người phụ nữ đi cạnh bên cũng rất là đặc biệt. Một là: Nhỏ hơn chồng mình tới 30 tuổi. Hai là: Vừa là Vợ của Thủ tướng nầy, vừa là Má của Thủ tướng kia. Vai trò nào bà cũng làm 'boss' hết trơn thì thử hỏi trên thế giới nầy chỉ có một người dám đọ với bà là Barbara Bush, vừa là Vợ của George Bush lớn, Tổng thống Mỹ đời 41 vừa là Má của George Bush con, Tổng thống Mỹ đời 43.

web_dxt_chauvehoppho_2.jpg

Còn tấm ảnh thứ hai là Thủ tướng Canada tương lai, lúc đó mới 10 tuổi, đang bị thằng em mình là Alexandre, 8 tuổi, 'bốc' cho mầy một cái vào mặt.

Trận nầy ông thua! Nhưng vài chục năm sau, ngày 31 tháng Ba năm 2012, ông so găng với Thượng nghị sĩ đảng Bảo thủ Patrick Brazeau, gốc thổ dân bản địa Canada, trong một trận đấu gây quỹ chống bịnh ung  thư thì ông lại thắng điểm, quánh đối thủ mình sặc máu mũi  luôn; còn bắt đối thủ phải mặc cái áo T- shirt quảng cáo đảng Tự Do.

Ông Justin Trudeau thắng điểm có lẽ nhờ hút vài hơi cần sa như ông đã từng thú nhận với báo chí khi đã là dân biểu. Như vậy cũng anh hùng mã thượng hơn Tổng thống Bill Clinton của Mỹ. Khi báo chí hỏi Bill rằng: "Có hút cần sa không?" Thì Bill trả lời là: "Tui có hút nhưng không hít, nghĩa là khói vô mồm mình thì tui phun ra..." He he!

Dân Canada khoái nhé... Tân Thủ tướng hứa hẹn hồi tranh cữ, nếu thắng, tui sẽ hợp thức hóa cần sa... Làm mấy cổ phiếu của công ty bán cần sa y khoa nó lên như hỏa tiễn đó mấy ông anh ơi! Mừng thôi hết biết vì có tân Thủ tướng trẻ khỏe và rất chịu chơi!

Thưa cũng có giai thoại rằng: Justin Trudeau có số chánh vì vương không phải chánh vì vương như Kim Chính Ân của Bắc Hàn khi mới sanh ra là trên núi có vầng hào quang chói lọi nên sau nầy dân Bắc Hàn đói hết ráo; phải ăn cháo thay cơm mà có người còn phải ăn luôn cả cỏ.

Chẳng qua là năm 1972, Tổng thống Mỹ, Richard Nixon, công du Canada. Ông nhậu với Thủ tướng Canada lúc đó là Pierre Trudeau tại Ottawa.

Chắc có chút đỉnh rượu, cửng cửng; nên Nixon hứng ẩu lên, làm thầy bói: "Nâng ly chúc mừng tân Thủ tướng Canada là Justin Pierre Trudeau".

Lúc đó thằng cu mới vừa lên 4 tháng tuổi!

Đâu ai ngờ Tổng thống Mỹ Richard Nixon bói còn giỏi hơn là chiêm tinh gia Huỳnh Liên! 43 năm sau thằng 'cu' tí đó đã trở thành tân Thủ tướng Canada sau khi dẫn dắt đảng Tự Do của mình thắng cử vẻ vang vào ngày 19 tháng Mười năm 2015.

Sau khi lên làm xếp sòng vương quốc Canada thì bà con mình trên thế giới mới hỏi: Justin Trudeau! Who are you? Ông là ai?

Thưa Justin Trudeau sanh ngày 25 tháng Chạp năm 1971, ngay chóc ngày lễ Giáng Sinh. Lại theo bói toán nữa, hy vọng ông sẽ mang cho nhân dân Canada, trong đó có hơn hai trăm ngàn bà con người Việt mình bên đó, chút niềm hy vọng vào tương lai, sau 9 năm cai trị của đảng Bảo Thủ coi bộ oải quá xá.

Chính vì oải quá xá nên dân Canada hăng hái đi bầu để cho chánh phủ đương nhiệm một đạp! Cả Nội các lật nhào chỏng gọng đến nỗi tới 13 vị Bộ trưởng trong Nội các của đảng Bảo thủ nầy mất luôn cả ghế dân biểu.

Khác với Úc, không đi bầu là nó phạt 50 đô, Canada không bắt buộc phải bầu cử. Ai đi thì đi vậy mới là đất nước tự do chớ. Nhưng nếu tự do như vậy ở Úc là hỏng đứa nào đi bầu hết! Ở nhà uống bia, nó sướng hơn. Nên có nhiều thằng Úc dời nhà hỏng thèm báo cho Ủy ban Tuyển cử biết để lập danh sách cử tri nên nó làm biếng bầu... (Nó ở nhà ''bầu'' con vợ nó!) cũng huề trớt! Biết nó ở đâu mà phạt.

Thưa bà con qua tới đây tui cũng đi bầu nhiều lần rồi đó chớ! Hết tiểu bang tới liên bang! Bầu hỏng thiếu lần nào vì sợ bị mất 50 đô nhưng có thay đổi gì được đâu nè! Chẳng qua khu bầu cử của tui là ghế an toàn của đảng Lao Động. Nghĩa là Đảng đưa một con lừa ra ứng cử nó cũng thắng; như dân Úc thường nói!

Tuy chưa công bố kết quả chánh thức là tui biết trước 'cha' nào sẽ lên làm Thủ tướng Úc...

Dễ ợt... Muốn biết đảng đương quyền có sống sót qua con trăng nầy hay không là chỉ cần nhìn vào số người đi bầu sớm là biết liền hè! Dân sắp hàng đi bầu là họ muốn dùng lá phiếu của mình để cho chánh phủ đương nhiệm một đá!

Chờ đã bao lâu... tao trút căm hờn qua lá phiếu! Dân làm chủ là vậy đó đa!

Quả nhiên, cuộc vận động tranh cử dài tới 11 tuần Ottawa: Có 17.6 triệu  cử tri đã đi bầu, với tỷ lệ 68.5 phần trăm. Đây là tỷ lệ đi bầu dân biểu cao nhất ở Canada, kể từ năm 1993 cho đến nay.

So với cuộc bầu cử năm 2011, từ 34 ghế, đứng hạng Ba, thì đảng Tự Do lượm thêm tới 150 ghế, biến đảng Bảo Thủ cầm quyền của Stephen Harper thành đối lập bằng cách chiếm tới 184 ghế trong Hạ viện 338 ghế.

Thiệt đáng nể! Đây là cuộc chiến thắng vẻ vang thứ nhì trong lịch sử đảng Tự Do.

Hệệ thống bầu cử của Canada và Úc  na ná như nhau. Na ná ở chỗ Nữ Hoàng Anh Elizabeth Đệ Nhị cũng là Nữ Hoàng của Canada và Nữ hoàng của Úc...

Đảng nào chiếm đa số ghế ở Hạ viện là thành lập chánh phủ và lãnh tụ đảng đương nhiên trở thành Thủ tướng. Cái khác là Thượng viện Canada các Thượng nghị sĩ là do Thủ tướng bổ nhiệm. Úc đây là phải bầu.

Cái khác thứ hai là chức lãnh tụ đảng ở Canada, toàn thể đảng viên bỏ phiếu bầu trực tiếp; nên năm 2013, Justin Trudeau chiếm tới 77.8 phần trăm số phiếu của hơn 100 ngàn đảng viên, leo lên làm xếp.

Còn ở Úc, chỉ có Dân biểu và Thượng nghị sĩ dắt nhau vô phòng, đóng  cửa kín mít bầu... bán Lãnh tụ với nhau. Vì vậy chia phe kết phái... nó lật nhau hà rầm. Trong vòng 4 năm, Úc có tới 4 đời Thủ tướng; nên thế giới nó cười hi hi nói "Canberra, thủ đô của nước Úc cũng là thủ đô đảo chánh của thế giới tự do!''

Mấy hôm trước, trong Đại hội đảng Tự Do, Malcolm Turnbull vừa đảo chánh Tony Abott thành công tháng rồi... nói: Thủ tướng do dân bầu lên, chớ hỏng phải phe phái gì đâu... làm cái đám đảng viên đảng Tự Do Úc tụi nó bụm miệng cười rần. Dóc vừa vừa thôi cha nội!

Thưa Justin Trudeau mặc dù sanh ra ở Dinh Thủ tướng, lớn lên ở đó nhưng chú em nầy sau phải làm nhiều nghề để tự kiếm sống... từ bảo vệ hộp đêm đến hướng dẫn viên trượt tuyết rồi đi học đại học ra làm Thầy giáo trung học dạy văn chương và tiếng Pháp. Chớ không có cái thói sanh ra với cái muỗng bạc trong mõm rồi cứ ngậm hoài như ''Thái tử đảng'' đâu nha!

Justin không tính tham gia chánh trị cho tới năm 2000 khi thân phụ mình mất vì bịnh ung thư tiền liệt tuyến, thọ 84 tuổi. Là con cả, lúc 28 tuổi, ông đọc một bài điếu văn cảm động được trực tiếp truyền hình làm cả triệu người Canada nghe xong, ai nấy đều rơi lệ.

Lúc đó cái đảng Tự Do đang tang gia bối rối vì tai tiếng tham nhũng, ăn quá xá là ăn; nên mấy tay to mặt lớn trong Đảng khuyến khích ông hãy tham gia chính trường để cứu vãn 'Đảng ta' đang hồi mạt vận.

Dù vậy, mãi tới năm 2007, Justin Trudeau chơi ngon, giao cái ghế an toàn, ra là chắc thắng, cho ứng cử viên khác còn mình đi đua vào cái ghế an toàn của đối phương.

Cuộc bầu cử đó, ông thắng dù sít sao. 4 năm sau lại thắng nhiệm kỳ hai. Và lần nầy lại thắng để trở thành tân Thủ tướng Canada khi mới vừa 43 tuổi. Là người trẻ thứ nhì sau Joe Clark 39 tuổi làm Thủ tướng...

Trong 11 tuần tranh cử sôi nổi, các đảng đối thủ chê ông còn con nít, còn hôi sữa quá, chưa sẵn sàng để lèo lái con thuyền quốc gia Lá phong đỏ trong thế giới đầy biến động nầy! "He's just not ready!"

Thưa dân Canada và tui đều nghĩ rằng 43 tuổi mà nhỏ nhít gì. Vợ con đùm đề rồi. Nghề ngỗng cũng OK.  Làm dân biểu được hai nhiệm kỳ; cử tri ở đơn vị bầu cử của ông đâu có mời ông đi chỗ khác chơi đâu mà chê còn non cơ, chưa kinh nghiệm?!

Cứ để mấy ông già, đi vô đi ra cũng thằng cha hồi nãy, như  Stephen Harper, đảng Bảo thủ làm cũng 9 năm rồi chớ ít ỏi gì đâu. Sáng kiến cạn queo... Thôi để sắp nhỏ, thời đại thông tin toàn cầu, lên với khẩu hiệu ''Real Change'' coi thực sự thay đổi được gì không?

Trẻ! Khỏe! Vui vẻ! Thoải mái! Thoáng là tui chịu hè. Còn cái vụ xăm mình cho vui hay bập bập cần sa thì nhằm nhò gì mà khe khắt chớ?!

LàmThủ tướng bây giờ, nói thiệt ra, đa phần là trình diễn như tài tử màn bạc, ăn nói hùng biện, lưu loát, thêm cái điển trai bắt mắt là ăn tiền hè!

Tối qua thắng cử, sáng nay khoái quá, tân Thủ tướng dậy sớm đóng tuồng, xuống ga xe điện ngầm bắt tay đồng bào... "Cám ơn đã bỏ phiếu cho đảng tui!". Hy vọng là không phải bắt tay một lần rồi trốn mất tiêu luôn nhe xếp.

Thưa trước khi ra phục vụ đất nước thì mấy chánh trị gia phương Tây đều cũng phải kê khai tài sản. Khai thiệt đàng hoàng chớ không có khai dóc, dấu đầu dấu đuôi như ở Việt Nam bây giờ. Khai để bảo đảm rằng trong quá trình phục vụ nhân dân ông hay bà không có rình rình ăn cắp của dân.

Thì tài sản của tân Thủ tướng Canada, Justin Trudeau được 1.2 triệu đô, do thừa kế bất động sản do cha mình để lại tại Montreal.

Bên Má thì ông ngoại làm Bộ trưởng Thủy sản nhưng giàu sụ là nhờ làm chủ một chuỗi cây xăng, hồi những năm 20 của thế kỷ trước, khi xe hơi mới bắt đầu thông dụng trong những gia đình ở Bắc Mỹ, chắc cũng có cho chút đỉnh!

Sau khi trở thành Thủ tướng mới của Canada, một lần nữa, Justin sẽ châu về hiệp phố; trở lại căn nhà năm xưa từng lớn lên cùng cha mẹ tại số 24 đường Sussex Drive cùng vợ và ba đứa con.

Khi còn bé, Justin không biết Tía mình làm gì để sống? Chỉ đơn giản biết rằng Tía tui là 'Xếp sòng của nước Canada!' "The boss of Canada!"  Giờ thì tới phiên tui! He he!

Cái khác của Canada với Việt Nam là: Bên Canada giàu, rồi tham gia chính trường, chừng nào nghỉ, về hưu mới giàu nhờ viết hồi ký, in ra... bán!

Còn ở Việt Nam bây giờ chưa có chức thì nghèo mạt rệp; có chức rồi thì giàu; cất nhà cả triệu đô nhờ làm vườn, làm ruộng... thúi móng tay luôn vậy đó... Mà mấy cha cứ nói tui ăn cắp của dân không hè!

Xin chúc ông tân Thủ tướng Canada, Justin Trudeau: "Châu về hợp phố!"  Vui nhe!

Bà con kỳ vọng; xin đừng làm cho tụi tui thất vọng nhe ông!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

  

 

Mùa nước nổi!

 

web_dxt_Muanuoc1.jpg

 

Thưa! Đời ông sơ, ông cố mình từ miền Trung khô cằn sỏi đá, dắt díu vợ con vào vùng đất mới, Đồng bằng sông Cửu Long, nầy lập nghiệp thì cái đầu tiên phải nghĩ tới là kiếm cái chỗ cất nhà để có chỗ che mưa đụt nắng chớ! Bởi có an cư mới lạc nghiệp được.

Cất nhà là phải lựa rẻo đất nào cao ráo, mùa nước nổi không có ngập tới nhà mình. Cái rẻo đất cao đó là giồng do phù sa bao đời tích tụ, nên đất xốp và màu mỡ... Thế mới có câu hát làtrên đất giồng mình trồng khoai lang. Cha! Củ nào củ nấy nó bự ế kinh luôn. Chính vì vậy mà quý "anh Hai" mình ít khi bị vợ bỏ lắm?!

Cái tiếng tăm cái vùng đất làm chơi ăn thiệt nầy vang ra tới ngoải; bà con mình nghèo không đất cày, lũ lượt kéo vô! Cứ bám dọc theo bờ sông Tiền, sông Hậu! Ai tới trước khai khẩn trước; ai tới sau khai khẩn sau! Chừng mười hay hai chục mẫu là thường. Nên nói điền chủ ở Nam Kỳ Lục Tỉnh là phải nói vài trăm mẫu trở lên cho chó chạy cong đuôi mới được coi là điền chủ.

Khi các khu đất giồng đã bị nạn nhân mãn, do cưới nhau sanh con đẻ cháu, chắt, chít... thì bà con mới tới đành cất nhà sàn mà ở! Mùa nước nổi vẫn phẻ re, cao lắm là nước mấp mé bờ hè. Muốn đi nhậu thì chịu khó chống xuồng ba lá một chút qua anh Hai hàng xóm, cách chừng vài rẻo đồng, mà ăn giỗ!

web_dxt_muanuoc2.jpg

 

Thưa! Đồng bằng sông Cửu Long! Đồng thì đúng quá xá mà bằng thì chưa chắc. Dù đất năm nào cũng được phù sa bồi lấp; tuy vậy cũng còn chỗ cao, chỗ thấp.

Cao thì gọi là Gò như Gò Công, Gò Quao hay Giồng như Giồng Riềng, Giồng Dứa! Còn thấp thì gọi là Vũng như Vũng Liêm, Vũng Thơm chẳng hạn!

Cuối dòng sông, chín cửa đổ ra Biển Đông mà mùa nước nổi thường là từ tháng Chín âm lịch khi Biển Hồ bên Campuchia đầy, nước tràn ra, chảy về hạ lưu qua sông Tiền, sông Hậu.

Nước nổi nhảy bờ, cứ tìm cái vùng trũng mà lấp cho đầy (như vùng Tứ giác Long Xuyên chẳng hạn). Đầy nước và phù sa trong đó lắng xuống bồi đắp năm nầy qua năm nọ; đời nầy qua đời khác cả ngàn năm nên bây giờ quê mình mới có Đồng bằng Sông Cửu Long. Mới hôm qua còn đồng không mông quạnh mà bữa nay nước dâng lên từ từ là thấy mênh mông luôn như biển.

Trời thương trên cánh đồng giờ mênh mông biển nước đó có một loại lúa của Trời cho mà bà con có nơi cũng gọi là lúa ma! Nước dâng tới đâu là chú vọt lên tới đó; vì cây lúa cũng như con người mà thôi. Bám vào đất nhưng phải ngoi lên mặt nước mà thở chớ!

Đến lúc nước giựt thì thân cây lúa rạp mình trên đất; chờ bà con xách liềm, hái, cù nèo ra gặt, về giã gạo trăng thanh là có nồi cơm chiều! Hột cơm ngon ăn đứt mấy cái loại lúa Thần Nông sau nầy chừng vài cây số!

 

Thưa khi những giề lục bình từ đồng đất Campuchia bị ngập, tróc rễ trôi về là mùa nước nổi đó bà con ơi! Nước đầy mặt sông, đầy kinh rạch thì tràn vô ruộng! Một là rửa phèn, hai là mang theo phù sa là một loại phân bón thiên nhiên của ông Trời ban tặng cho cánh đồng thêm màu mỡ. Ba là cùng với con nước đục ngầu đẫm phù sa, là các loại cá lội theo vào ruộng đồng đẻ trứng! Miễn phí hỏng tốn cắc nào nên khoái làm sao đâu. Dân mình đâu có nghe lời mấy thằng ngu mà đắp đê làm chi cho phí của Trời!

Mùa mưa trên thượng nguồn đã hết, nước sông ít thì mực nước đứng lại và rồi hạ xuống rất nhanh gọi là "nước giựt".

Miệt Tân Châu Hồng Ngự nước giựt trong đồng giựt ra sông mà miệt hạ lưu Vĩnh Long Cần Thơ nước lại nổi. Ông Trời công bằng chia đều hết, không sót một ai.

Đến lúc nước giựt từ trong các đồng ruộng chảy ra, cùng với vô số cá lúc nhúc từng bầy, nhất là loại cá linh, ùa theo nhau tràn vào các kinh rạch để ra sông lớn. Dân đặt lờ, đóng đáy bắt cá dọc theo các kinh rạch này. Cá nhiều tới mức phải giở lưới lên xả bớt; kẻo bị rách lưới.

Mùa nước nổi ngày một chút cứ lên tà tà chơi, rất hiền hòa khác hẳn với các mùa lũ lụt tàn phá dữ dội như ở miền Bắc hoặc miền Trung. Do đó, nói miền Tây lũ là hỏng trúng chút nào! Lũ khác lụt chớ! Lũ, nước lên cái ào; còn lụt nước lè phè ngày vài tấc! Năm nào mưa nhiều nước lắm thì lụt là cùng... Nghĩa là những căn nhà vùng trũng, nước lé đé dưới sàn ra phải chịu khó leo lên bộ ván ngựa mà ăn cơm vậy.

Cái khác với ngoài Trung ngoài Bắc là nhà miền Tây đa phần lợp lá; ít có cái lợp bằng tranh; vì dừa nước dọc theo kinh rạch nó vô thiên lủng! Nhưng mấy tay nhà thơ, nhà nhạc cứ mái tranh không hè! Chắc để dễ gieo vần, dễ hát... nhưng mà trật lất!

Đồng bào miền Tây mình bao đời nay, sống chan hòa với thiên nhiên như vậy hàng trăm năm rồi... mà có nghe ai khóc lóc than thở gì đâu?

web_dxt_muanuoc3.jpg

 

Thưa vốn là dân "vưỡn"; nên tui chỉ biết mùa nước nổi về là bà con mình vui lắm. Có cá mà ăn; có phù sa cho ruộng. Dân nhậu thì càng khoái nữa! Rủ nhau vài đứa lên mấy rẻo đất cao, nơi rắn, chuột đang chùm nhum trên đó, mặc sức bắt về lột da khìa với nước dừa hay xào xả ớt ăn với cơm trắng.

Sau nầy đột nhiên tui nghe mấy cô ca sĩ khi mùa nước nổi quê tui về... lại đấm mặt, đấm mũi, nước mắt chảy ròng ròng, than khóc như vầy mới lạ!

"Không còn con sông, nước dâng tràn lên bãi bờ!/ Anh về quê em, khắp nơi như là biển khơi!/ Chập chờn mái tranh ngoi lên giữa ngọn triều dâng!/ những đàn gà con bơ vơ đứng nhìn trời xanh!

Bao ngày trôi qua lũ cao dâng thêm nữa rồi!/ Không còn nhận ra tiếng ai đi tìm người trôi!/ Mẹ ngồi dưới mưa tay ôm ấp trẻ lạnh căm!/ Xóm làng chìm trong bao la những nỗi đau này!

Ôi! Nước lũ dâng cao dâng cao dâng theo bao nỗi sầu đau!/ Ôi! Nước tràn bờ đê nước tràn bờđê tang thương khắp một miền quê!

Bên bờ đê cao mái tranh tạm che kiếp người!/ Ơi đồng bằng ơi, biết bao thân phận nổi trôi!/ Còn một trái tim ai ơi nhớ lại Miền Tây/ "Nhiễu điều" mà thương dân ta lắm nỗi đoạn trường!"

Nước nổi tràn về bà con mình lòng vui hỏng có hết mà sao ông nhạc sĩ và cô ca sĩ la làng chói lói... Coi bộ thảm thiết quá vậy ta?

Thì ra ông nhạc sĩ nầy là dân sanh đẻ ở Sài Gòn, cô ca sĩ cũng vậy... Nên đâu có biết mùa nước nổi là cái giống gì đâu! Ổng chỉ coi truyền hình rồi ổng khóc ròng! Vì cứ tưởng nước nổi ở miền Tây cũng làm khổ dân như cái đất Sài Gòn của ổng bây giờ hể cứ mưa là lụt!

Nói nào ngay ông nhạc sĩ cũng thành thật bày tỏ cái tưởng tượng như cái ‘tưởng voi' của mình như vầy: "Bài hát ‘Quê em mùa nước lũ' được viết từ... gợi ý của ca sĩ Hương Lan. Qua truyền hình, tôi thấy ống kính quay cận cảnh một bà mẹ ngồi thu lu trong góc tối ôm xác đứa con ướt sũng, gương mặt mẹ thất thần dường như bà đã khóc con đến không còn nước mắt. Cảnh tan hoang điêu tàn, nước ngập mênh mông, đàn gà chạy táo tác..."

Bài hát được (ngu ngơ) phủ sóng trên khắp mọi miền quê hương đất nước, góp phần kêu gọi đồng bào cả nước hướng về... miền Trung ruột thịt mỗi khi mùa lũ tới(?!)

À há! Té ra ông viết Quê em mùa nước lũ ở đồng bằng sông Cửu Long nầy để hướng về lũ Miền Trung đó đa!

Thế mới hay nhà văn Sơn Nam khuyên một câu rất chí lý: "Viết văn làm nhạc gì cũng phải biết Sử Địa nhe mấy cha! Kẻo trật bàn đạp!"

 

Thưa theo ngu ý của tui là mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long tràn về là mình cười mình vui mới phải. Còn khóc, còn rên như bài hát nói trên là để dành cho khi quê mình khi không còn mùa nước nổi nữa mới đúng.

Mà đâu có lâu! Năm nay, năm 2015, Miền Tây không có mùa nước nổi. Úy Trời!

Nghĩa là ruộng không có phù sa và con cá linh sẽ trở thành đặc sản. Đứa nào có tiền mới được quyền ăn, nghèo là chịu khó nhịn thèm đi nhe cưng! Đó mới chính là thảm kịch. Mới đáng khóc ròng!

Mà tại ai gây ra để quê mình không có mùa nước nổi, để nước mặn Biển Đông xâm thực, ngược dòng tới 80 cây số từ cửa biển! Tới chừng đó nước uống sợ còn không có... Chớ nói chi tới cá, tới tôm.

Thủ phạm là mấy đứa phá rừng là một. Mấy đứa làm đập thủy điện là hai!

web_dxt_muanuoc4.jpg 

 

Đó là Thằng Tàu Cộng, xây hàng chục cái đập thủy điện khổng lồ trên đất Vân Nam. Rồi quân phiệt Thái Lan xúi Lào Cộng xây đập thủy điện trên dòng sông Mekong để bán điện cho nó, làm "Mùa nước nổi" ở đồng bằng sông Cửu Long thành cổ tích.

Bây giờ không còn mùa nước nổi nữa tui khuyên ông nhạc sĩ Sài Gòn nầy cũng đừng khóc ‘sảng' nữa... mà phải cùng tui đi thưa thằng Tàu Cộng và thằng Thái Lan quân phiệt mới được.

 

Thưa nó ra dư luận của cộng đồng quốc tế! Để nó ngưng cái việc làm ích kỷ, tàn nhẫn, làm càn dùng dòng sông là của chung nhiều nước chỉ để làm lợi cho mình; không nghĩ tới hàng chục triệu lương dân đang dựa vào dòng sông để sống ở hạ lưu!

Thưa tụi nó, tui chắc tụi mình sẽ ăn như vụ ông già Ba Tri đi thưa về nguồn nước thuở trước đấy thôi!

Chuyện rằng: Năm 1806, ông Già Ba Tri dựng chợ Trong bên cạnh rạch Ba Tri, giúp cho dân cư ở khu này có nơi buôn bán nông sản mà sinh sống. Khi đó có ông Xã Hạc ở chợ Ngoài chơi ép, đắp đập chặn không cho ghe thuyền từ sông Hàm Luông vào chợ Trong!

Ông Già Ba Tri thưa lên huyện. Huyện quan ngu, xử ông thua với lập luận là: "Mỗi làng đều có quyền đắp đập trong địa phận làng mình".

Tức quá! Ông già Ba Tri và hai ông già nữa bèn cơm gói mo cau, đùm túm đi bộ hơn 1000 cây số ra thưa với Vua Minh Mạng.

Vua Minh Mạng sáng suốt xử: "Rạch là rạch chung, đường giao thông chung của cả chợ Ngoài lẫn chợ Trong! Không đứa nào được xây đập hết ráo nghe không!"

Dòng sông Cửu Long hay còn gọi là sông Mekong là của chung nhiều nước thì cũng vậy thôi! Đâu phải nó chảy qua địa phận nước nị rồi nị muốn làm gì cũng được.

Nếu thằng Tàu Cộng và thằng quân phiệt Thái Lan không biết đâu là phải, là trái; cứ ngoan cố làm... thì những người chuyên bảo vệ môi trường nổi tiếng thế giới, từng đoạt giải Nobel Hòa Bình, như Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore chẳng hạn; sẽ phát động thế giới cấm vận, tẩy chay hàng Trung Cộng và quân phiệt Thái Lan! Bà con mính nhào vô ‘boycott' (tẩy chay); nhứt định không mua hàng Tàu, hàng Thái... Coi tụi nó có sợ để không dám làm càn làm bậy nữa hay không?

Tui tin là cha con tụi nó chắc chắn sẽ thua thôi! Cũng như tay Xã Hạc Chợ Ngoài của cái huyện Ba Tri hồi năm nẩm vậy mà!

 

đoàn xuân thu.

Melbourne 

 

Hết xí quách! 

web_dxt_hetxiquach.jpg 

Bảo Huân

 

 

Chuyện rằng: Hồ Xung người làng Phú Thuận, huyện Núi Thoại, đã lập gia đình, nên duyên giai ngẫu với Doanh Doanh người cùng xóm, cùng làng, cùng huyện, cùng phủ sông An, phía Tây Nam nước Việt giáp ranh với vương quốc Khmer!

Ba năm hương lửa cháy bừng bừng! Ðụng nhè nhẹ một cái, Doanh Doanh sáng tác ra một tác phẩm, một đứa. Ba năm, ba tác phẩm, ba đứa. Nhà nheo nhóc; lại thêm Mẹ già, vì chữ hiếu ráng mà chăm sóc hết lòng nhưng bữa đói, bữa no. No thì ăn cơm với nước mắm kho quẹt. Còn đói thì ăn cháo trắng với muối hột.

Làm thân nam nhi chi chí, nuôi vợ con không nổi thì lỗi vô cùng! Vậy mà Hồ Xung lại không lo; tối ngày chỉ chuyên tâm luyện ‘Tịch tà kiếm phổ'; mơ làm bá chủ chốn giang hồ; để làm giàu bằng nghề đâm thuê chém mướn.

Nhưng thiên hạ đang đại loạn, anh hùng nổi lên như nấm mối gặp mưa. Có đứa rành chiêu thức ‘Tàn chi quái đao' so với ‘Tịch tà kiếm phổ' thì bên tám lạng đằng nửa cân nên nhiều trận đụng độ phải u đầu sứt trán!

Hồ Xung thấy làm ăn ngày một khó bèn đổi qua nghề thầu khoán chuyên cất nhà hay sửa chữa lặt vặt để kiếm miếng cơm dù không có tốt nghiệp trường lớp kiến trúc gì hết ráo!

Cùng huyện, có Linh San, nửa chừng xuân gãy cành với Bình Chi, đành ở vậy. Một hôm, Linh San ăn gói mì tôm, hên hết biết, trúng thưởng "khuyến mãi" được 3 cây vàng 3 số chín, bèn kêu Hồ Xung đến cất cho mình một căn nhà cấp 4, lợp tôn để có chỗ chui vô, chui ra.

Hồ Xung nhận hợp đồng đến xây nhà cho Linh San. Chiều nghỉ, xuống bến nước rửa tay chưn xong, ngồi chéo ngoảy trên ghế đẩu để chờ chủ nhà cơm bưng nước rót và còn bồi dưỡng thêm cho một xị rượu đế ngâm tắc kè để mai có sức mà làm tiếp.

Linh San sở dĩ tiếp đãi Hồ Xung rất nồng hậu là vì sợ khi cất nhà mình, đối đãi nó hổng vừa ý, nó ếm bùa lỗ ban là mình tan hoang nhà với cửa.

Thói đời cơm no bò cưỡi. Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Tình ta quá chén... nên việc cất nhà không làm rút cho xong mà cứ nhởn nhơ ngày nầy sang ngày khác. Xây nhà rồi giờ tính xây luôn cả tổ uyên ương.

Doanh Doanh, tai vách mạch rừng, biết tỏng trò mèo mả gà đồng của Hồ Xung và Linh San, mấy lần đến đánh ghen, làm um sùm lối xóm. Thưa ra hương quản nhưng cả hai đều chối. Không bắt được quả tang, vả lại tay hương quản nầy vốn là thằng chăn trâu, học hành không tới đâu, không biết làm sao mà phân xử nên sự việc chìm xuồng luôn, mạnh ai nấy lội.

Dù vậy, duyên đôi ta tình nồng như rượu nếp mà Doanh Doanh cứ tới phá đám hoài thiệt làm mất vui; vì đang ‘tù ti tú tí' mà cứ lo ngay ngáy là Doanh Doanh đến tập kích bất tử... nên Linh San nghĩ ra một kế như vầy:

Rút trong ruột tượng ra còn được hai cây vàng 3 số 9 của tiệm Thế Tài, Linh San đánh tiếng thương lượng với Doanh Doanh để mua đứt bán đoạn Hồ Xung. (Thấy vàng miếng là nó ham hà!) Quả nhiên Doanh Doanh đồng ý bán!

Hai bên bèn làm tờ cam kết bằng giấy trắng mực đen đàng hoàng, có lăn tay (điểm chỉ) vì cả hai đều mù chữ ...

"Ngày 24-5-201, âm lịch, tôi Doanh Doanh đồng ý cho chồng tôi là Hồ Xung sống cùng chung với chị Linh San... Nay chúng tôi làm tờ thỏa thuận này để làm bằng chứng. Kể từ nay không ai xúc phạm tới ai".

Từ đấy, Hồ Xung ở hẳn bên nhà Linh San, gần như ly thân với vợ, chỉ thỉnh thoảng về thăm mẹ, thăm con một chút! Coi ta tuy vắng nhà nhưng cám của ta còn để đó... có con heo nào ‘ột ột' dám đòi ăn sảng hay không? Thiệt là đồ bắt cá hai tay!

Tưởng chuyện chỉ có thế thì bỗng dưng hai năm sau, Hồ Xung vẫn còn ‘sung' độ lắm... cao chạy xa bay! Linh San lòng bức bối và tức tối nên tìm gặp Doanh Doanh để đòi lại hai cây vàng 3 số 9 theo giá thị trường bữa nay là 50 triệu đồng.

Ðôi bên cãi qua cãi lại từ giờ nầy qua giờ khác, từ giờ Thìn tới giờ Dậu mà không phân định hơn thua... bèn đưa vụ việc lên quan huyện. Huyện quan thấy chuyện tréo ngoe nầy cũng không biết xử ra làm sao nên họp dân để trưng cầu ý kiến. Bởi ý dân là ý Trời mà?!

Thì dân nói rằng: "Doanh Doanh đã ‘bán' chồng là Hồ Xung cho Linh San với giá 50 triệu đồng. Vậy là xong! Tiền trao cháo múc!

Bây giờ Hồ Xung lặn đâu mất ?!... Có hai trường hợp: Một là Hồ Xung bay đi tìm cánh hoa khác sau hai năm mặn nồng hương lửa mà giờ củi lửa tắt queo. Hai Xung còn sung mà Chế San đà hết xí quách thì cái chuyện lôi thôi rắc rối nầy là giữa Xung và San còn Doanh Doanh được hai cây vàng do bán chồng, đã đánh số đề thua hết ráo thì lấy tiền đâu mà trả?

Hai là suốt hai năm trời nay, Hồ Xung đã cúc cung tận tụy, phục vụ Linh San thiếu điều thấy ‘linh sàn' luôn! Xung mới bỏ chạy vì lẽ đã hết pin. Thử hỏi bỏ tiền ra mua cục pin về xài, nó hết pin rồi thì ráng chịu! Chớ ai mà trả tiền lại bao giờ?

Thế nên quan huyện Núi Thoại bác đơn của Linh San đòi tiền lại.

Anh bạn văn nghe tui kể chuyện nầy bèn ngửa mặt lên trời cười ba tiếng; xong cúi mặt xuống đất, khóc ba tiếng.

"Cha chả khen thay cho Hồ Xung, còn rất ‘sung', nên con vợ Doanh Doanh còn đem đi sang nhượng cho người khác xài, được tới hai lạng vàng 3 số chín. Nghĩ thân ta. Mỹ nhân thiên hạ nhiều vô kể. Thử hỏi tri âm được mấy người? Ai dám bỏ vàng ra để mua ta đâu hả?"

Người viết nghe anh cảm thán như vậy bèn vuốt râu cười hí hí, phán rằng: "Già cúp bình thiếc như anh, còn xí quách đâu mà gặm để mỹ nhân phải bỏ vàng lượng ra mà mua anh như Linh San mua Hồ Xung từ tay của con nữ Doanh Doanh!"

Anh bạn văn chạm tự ái, bực bội: "Coi ốm nhưng mà không có yếu đâu nha! Không có cái vụ giờ thì cũng yêu mà yêu yếu xìu để nhà ngươi dám khi dể tại hạ.

Nhưng mà xí quách là cái quái gì? Hết xí quách nghĩa là sao? Già như ta xương cốt còn đầy đủ, bẻ khớp tay còn kêu nghe răng rắc; sao các hạ lại dám phán là ta đà hết xí quách?"

Người viết bèn tầm chương trích cú để giảng giải cho ông bạn già thông hiểu từ đầu tới cuối cái thành ngữ sặc mùi Nam Bộ nầy.

Xí quách hay còn gọi là chí quách. Vốn xuất phát từ tiếng Quảng Ðông của mấy chú Ba Tàu bán hủ tiếu. Chí quách là xương heo (chí là heo; quách là xương).

Món xương heo đã được dùng để nấu nước lèo. Xương đã hầm (ninh) lâu trong nước sôi, nên lớp thịt mỏng hoặc gân còn dính ngoài xương đã trở nên rất mềm, dễ gặm, dễ tách rời khỏi xương.

Dân ‘nhậu', khi vào tiệm ở Sài Gòn hay Chợ Lớn, trước khi gọi hủ tiếu, mì hoặc hoành thánh, họ gọi "xí quách" để nhâm nhi với bia hay với rượu trắng.

Vì vậy dân nhậu già già như tui với anh, răng cỏ xếu xáo hết ráo khoái ăn xí quách lắm vì nó vừa mềm, giá vừa lại rẻ. Do đó bữa nào xách cái thau ra, khuya lúc tiệm hủ tiếu, mì gần đóng cửa mà chậm chưn, Chú Ba lắc đầu quầy quậy nói: "Hết xí quách rồi! Nị tới trễ quá" là buồn ơi là buồn!

Cái buồn đó cũng giống như anh em mình, đang đi chậm rãi vào bóng hoàng hôn, không còn cái khả năng ‘ấy ấy' nữa... Dẫu muốn mà cũng không được; nên nó cũng buồn như xách thau đi mua xí quách về nhậu mà không còn xí quách nữa vậy!

Thưa sao anh bạn văn và một số bà con mình hay để ý đến cái chuyện hết hay còn xí quách? Chớ thú thiệt là: "Tui đã hết xí quách tự năm nào! Giờ phẻ re hà; chỉ biết ăn rồi ngủ mà thôi. Yêu chi nữa cho bận lòng nhau chớ?!"

Nhưng con vợ tui, nó vốn đa nghi, không tin đó là sự thật, phũ phàng duyên kiếp ba sinh. Cứ nhìn bóng tưởng hình, cứ ghen bóng ghen gió; nó cứ làm trắc nghiệm ‘IBM' tui hoài mới chết.

Cuối tuần rồi nè: Em yêu muốn biết tui sẽ phản ứng ra sao khi phát giác ra là em lẳng lặng, Thúy đã đi rồi! (Mà không biết đi đâu để xây tổ uyên ương với thằng quỷ hó nào nữa?!)

Thế nên em bèn viết cho tui một bức thơ tình cuối mùa thu, vĩnh biệt tình anh, như vầy: "Thôi chia tay từ đây vì em chán ngấy anh rồi! Hết xí quách rồi! Làm sao em gặm! Nên em ‘bái bai' từ đây. "But I will always love you..." (Làm như em là Whitney Houston hổng bằng! Ê đừng có mơ mộng quá xá như vậy chớ!)

Viết xong, em để trên giường ngủ của đôi ta; rồi chui xuống gầm giường mà trốn.

Tui đi làm về, vừa mệt vừa đói, vô phòng ngủ tính thay đồ rồi xuống bếp lục cơm nguội, ăn với đậu rồng chấm chao có bỏ ớt cho đỡ đói chút coi!

Thấy thơ, cầm lên lẩm nhẩm đánh vần. Im lặng giây phút dài bằng thiên thu! Xong, tui cầm viết lên, nguệch ngoạc vài hàng gởi em trìu mến.

Rồi tui vừa thay đồ, vừa huýt sáo bản ‘Cầu sông Kwai', điệu quân hành nghe rất là vui vẻ. Tui móc trong túi quần cái mobile phone ‘Samsung Thiên Hà S(ờ) 6' ra, kéo màn hình rẹt rẹt: "Hello! Cưng ơi! Nếu cưng có ngước lên trời cao, sẽ luôn thấy có một vì sao là anh đó! ‘Ó ó!"

"Nếu giờ cưng đang buồn đau, hãy nhớ đến lúc ta gần nhau! Xin chờ anh nhé cưng! Chụt chụt! Bái bai! "See you soon!" (Dưới chân giường, em cố gắng dỏng tai nghe.)

Thì ngoài tiếng Anh, tiếng U ra, tui còn phụ đề Việt ngữ thêm rằng: "Cưng ơi! Anh đang thay đồ đến gặp cưng đây. Thiệt là vui mừng vui quá vui khi nó đã bỏ đi rồi. Anh thật là ngốc nghếch khi cưới con vợ ‘cà chớn lửa' như nó! Giờ anh đã thoát khỏi xích xiềng nô lệ rồi! Ôi tự do! Từ nay anh khỏi lo có đứa nào cằn nhằn cửi nhửi tháng nầy sao đưa tiền ít quá? Sao hút thuốc nhiều quá? Sao nhậu nhẹt nhiều quá ?" "Gặp cưng ngay đây. Chờ anh em nhé!" Xong tui tắt ‘mobile phone', tếch thẳng luôn ra cửa.

Em từ dưới chân giường lồm cồm bò ra, mắt đẫm lệ. "Trời ơi! Thằng chả dám bỏ ta đi! Hi hi! Hu hu!"

Em run run cầm tờ thư lên xem cái thằng chồng bạc tình bạc nghĩa nầy nó viết thêm cái quái gì trên bức thơ của mình đây?

Thơ rằng: "Nè em khùng! Ta đã thấy hai cái cẳng của em ló ra khỏi chân giường. Ta đi mua bánh mì Như Lan ngoài chợ Footscray một chút nhe!

Tửng tửng vừa vừa thôi! Hi hi!"

 

 đoàn xuân thu

 melbourne

 

  

 

Căn bệnh trầm kha!

 

 web_dxt_JB.jpg

James Blake (right) và James Frascatore

 

Thưa cách đây khoảng nửa thế kỷ cộng hai năm, tui học lớp Đệ Thất 5, trường Petrus Ký, gần Ngã Bảy Cộng Hòa Sài Gòn.

Trường học mình hồi xưa, niên khóa nào cũng có cái Ban Đại diện Học sinh, thường là do mấy đứa lớn đầu, học lớp cao hơn, Đệ Nhị, Đệ Nhứt gì đó lập liên danh, ra tranh cử! Như người lớn giành nhau vô Thượng Viện của Việt Nam Cộng Hòa mình vậy.

Học trò đứa nào cũng có quyền bầu một phiếu để chọn mặt gởi vàng. Số liên danh ra tranh cử thường là hai, chứ hỏng có cái vụ chỉ một mình tui đâu nhá, đến từng lớp xin phép Thầy hay Cô cho mấy em vào để vận động tranh cử!

Mấy em bỏ phiếu cho mấy anh nha. Đắc cử, mấy anh sẽ xin Bộ Giáo dục cho tiền gắn máy lạnh ở thư viện cho mấy đứa vô đó ngồi đọc sách cho nó... mát.

Liên danh năm đó thắng cử, giờ già rồi tui vẫn còn nhớ, vì nó có cái tên lập lờ đánh lận con đen, tuy nhỏ mà đã biết võ, chơi mấy cái thủ thuật bầu cử cho cử tri nhớ tới cái liên danh của mình!

Nó tên là: ‘Liêm Hiệp Quốc'. Liêm chớ hỏng phải Liên vì trường con trai nên ít có đứa nào tên Liên, tên con gái, lắm. Nhờ vậy, cái liên danh ‘Liêm Hiệp Quốc' nầy thắng cử vẻ vang rồi sau đó thú thiệt tui hỏng biết tụi nó làm được cái giống gì?

Nhắc chuyện xưa, ý tui muốn nói rằng cái lớp Đệ Thất 5 mà tui từng theo học nầy nó giống như cái Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vậy.

Sĩ số có 55 thằng nhóc thôi mà đủ cả: Bắc Kỳ khoái ăn rau muống, Trung Kỳ khoái ăn bún bò Huế, Nam Kỳ quốc khoái ăn mắm kho, Ba Tàu khoái ăn hủ tíu bò vò viên nè... Và hai thằng bạn học cùng lớp tên: Salamath, Hồi Quốc và Salem, Ấn Độ, chuyên ăn cà ri dê cũng có luôn.

Trường hợp đặc biệt là có một đứa kêu Chế Bồng Nga, Chế Củ là ông cố Nội, cái gì cũng ăn hết ráo vì Chiêm Thành mất nước trước đó đã lâu rồi... Thằng đó là tui đó! He he!

Lớp học đa sắc tộc như vậy đó nhưng tui đâu thấy có đứa nào kỳ thị chủng tộc gì đâu... Con nít mà... Dễ chơi lắm. Nhưng người lớn thì không...

Còn nhớ thầy Quốc văn có dạy một bài ca dao, sặc mùi phân biệt chủng tộc, như vầy: "Tóc mây rủ đất bậu chê/ Nâng niu thằng Chệt tư bề sọ không/ Trên đầu nó vận đuôi nhông/ Cái răng trắng nhẻ, miệng không nhai trầu/ Gẫm trông thằng Chệt mà rầu..."

Tui đoán chắc ‘người xưa' của Thầy tui: "Nị giàu là ngộ yêu hà!" nên Thầy của tui mới giận!

Ôi! Thói đời đâu cũng vậy: có tiền là qua mặt khỏi bóp kèn! Ở không đâu mà trách người phụ rẫy nghĩa tao khang... Rồi giận cá chém thớt, kỳ thị chủng tộc mà chi? Hơi sức đâu mà giận đời cho nó mệt Thầy ơi?!

Thưa chọn đề tài viết về kỳ thị chủng tộc kỳ nầy, tui xin kể cho bà con nghe câu chuyện như vầy: "Tại sao thuốc cảm aspirin màu trắng! Tại vì nó hay, nó tốt, nó hiệu nghiệm!"

"Tại sao da nó đen? Vì Thượng đế quên bớt lửa nên hơi bị khét!"

Hay chuyện: "Một đứa bé da đen vào bếp xem má nó làm bánh; chắc để xin một miếng ăn chơi. Má nó vô ý tứ, làm đổ lên đầu thằng nhỏ một mớ bột mì trắng tinh.

Nó cười hí hí: "Má nhìn nè! Con đã trở thành thằng bé da trắng rồi đây!"

Má nó vả vô mỏ nó một phát, thiếu điều gãy hết mấy cái răng cửa: "Lên mà nói câu đó với ông già tía của mầy đi!"

Thằng nhỏ tìm thấy Tía nó ngồi phè phè uống bia trong phòng khách!

"Nhìn nè Tía! Con là thằng bé da trắng đây!" Tía nó vỗ vô mông nó mấy cái thiệt là đau!

"Giờ thì mầy nói cái gì?" "Con chỉ làm da trắng mới có 5 phút thôi mà con đã căm ghét dân da đen quá xá rồi đó!"

Thưa, phàm ai cứ nghĩ bậy bạ như Adolf Hitler: Da trắng, dân Đức, là ưu việt thì nạn kỳ thị chủng tộc là căn bệnh trầm kha! Còn lâu mới đứt đuôi con nòng nọc!

Sau nầy tha hương, cầu thực... tui tự nhiên thành dân thiểu số trên nước Úc rộng bao la nầy hà. Vì là thiểu số nên hay bị bọn đa số ăn hiếp!

Hồi mới qua, tui hỏng may ở cái vùng toàn là da trắng, nó cũng kỳ thị dân đầu đen như tui còn ác liệt hơn Thầy của tui khi xưa kỳ thị Ba Tàu nữa đó.

Sau chịu hết siết, tui cùng em yêu dắt sắp nhỏ, mò về Footscray mà ở. Đi chợ Footscray thấy toàn là bọn đầu đen, mở miệng ra là ‘đù', nên Úc trắng lạc loài tới đây... bỗng trở thành dân thiểu số! Ha ha! Đời mà kiến ăn cá trên bờ; rớt xuống sông là cá ăn kiến.

Dẫu vậy cái tệ nạn kỳ thị chủng tộc ở cái thành phố Melbourne nầy đây, công bằng mà nói nó hỏng ra cái đinh gì nếu so sánh với thành phố New York bên Mỹ.

 

Chuyện rằng: James Blake, 35 tuổi, cựu ngôi sao quần vợt Mỹ, từng hạng tư thế giới, hạng nhứt Hoa Kỳ, vinh dự đại diện nước Mỹ dự Thế Vận Hội nữa đó. Ảnh từng đoạt được 10 danh hiệu và kiếm được 8 triệu đô nhờ xách vợt đánh trái banh qua lại...

James Blake từng theo học Đại học Harvard, là một công dân Mỹ gương mẫu! Trên sân đấu, dù thắng hay thua, ảnh đều ăn nói lịch lãm chớ không phát ngôn bừa bãi, bậy bạ như chú em Nick Kyrgios của Úc nầy đâu nha!

Thứ Tư tuần rồi, đang dựa cột đèn bên ngoài khách sạn Grand Hyatt ở Midtown Manhattan, James Blake chờ xe đến đón, đưa anh đến coi giải quần vợt Mỹ mở rộng.

Bỗng có thằng ở đâu chạy tới! Blake tưởng bạn cũ của mình chạy tới ôm cho giựt mình chơi! Ai dè nó giở võ Judo ra, vật Blake xuống đất, thò tay vô túi quần jeans móc ra cái còng, còng nghe cái cốp, dựng Blake dậy, điệu đi giữa đường phố đông người mà không thèm nghe phân trần gì hết ráo.

Tới đồn, nhốt James Blake tới 15 phút. Cho đến khi một viên cảnh sát về hưu báo cho biết: "Ê! Chú em đó là James Blake, danh vợt của Mỹ và thế giới đó nhe bây! Thả chú ấy ra ngay... Rồi cha con tụi bây chờ ‘bão' tới!"

Té ra cái tay cớm chìm nầy, tên James Frascatore, là một trong toán có 6 đứa, toàn da trắng, đang mật phục để bắt hai đứa sinh viên Hồng Mao, có đứa cũng tên James (Short), 27 tuổi, dùng thẻ tín dụng giả của American Express để mua 8000 đô rượu sâm banh, túi xách tay hàng hiệu Louis Vuitton và iPhone.

 

Ngay sáng hôm sau, mấy cái đài truyền hình nổi tiếng nhứt của Mỹ như: NBC, ABC, CBS đều có làm cuộc phỏng vấn James Blake về cái ‘xì căng đan' nầy.

James Blake than phiền rằng: "Thằng chả không tự giới thiệu mình là nhân viên công lực gì hết ráo, không thèm hỏi tui tên gì, cho tui biết quyền của tui như thế nào... Cứ nhào vô, vật tui xuống, còng tay, điệu tui đi... không cho tui nói tiếng nào hết ráo. Nó làm tui bị vết cắt ở cùi chỏ tay trái và những vết bầm ở chân trái!

Tui tin rằng đa số Cảnh sát Mỹ hành xử đúng mức khi phục vụ nhân dân nhưng những gì xảy ra với tui... coi bộ cũng xảy ra hoài à nha!

Trong đầu, tôi nghĩ có thể có vấn đề chủng tộc xen vô đây. Cho dù màu da của tôi như thếnào chăng đi nữa thì Cảnh sát không nhất thiết phải hành xử một cách quá đáng như vậy với bất cứ một ai, trắng đen gì cũng vậy.

Tôi có khả năng theo đuổi tới cùng vụ Cảnh sát đã dùng vũ lực quá đáng trong trường hợp này; nhưng nếu đối với những người dân, thân cô thế cô, thấp cổ bé miệng thì sao?"

Thị trưởng New York và Tư lịnh Cảnh sát thành phố phải đứng ra nhận lỗi.

Blake nói hai ông nhận lỗi, tui cám ơn nhưng chưa đủ. Xin cắt nghĩa cho tui nghe Cảnh sát New York đã thi hành công vụ như thế nào để người dân còn tin tưởng chớ.

Ông Cớm cội, Tư lịnh Cảnh sát thành phố lớn nhứt nước Mỹ nầy né: "Mấy đứa nó về im thin thít, có nói gì đâu... dấu biệt cái vụ "James nầy tính nhốt James kia; lại nhốt lầm James nọ!"

"Tui chỉ biết khi ông trả lời phỏng vấn của đài truyền hình và báo chí đó đa!"

Thấy chưa ở nước tự do, báo chí đóng một vai trò rất quan trọng. Cảnh sát làm trật, giấu, là báo chí nó vạch ra cho người coi một chút.

Vậy là ‘James cớm' bị đình chỉ công tác, giao nộp súng và thẻ hành sự... để ngồi chơi xơi nước trà đá... chờ điều tra thêm.

Nội bộ Cảnh sát nói đang làm... thì Truyền hình, Báo chí Mỹ nó làm trước rồi để câu khách.

Thì ra tay cảnh sát hình sự cò con, James Frascatore, nầy chỉ làm toàn mấy vụ lặt vặt thôi mà ngạo mạn quá... Làm mới 4 năm, mà y đã hân hạnh được dân thưa, đưa ra Tòa án Liên Bang Mỹ tới 5 lần, về tội sử dụng bạo lực quá đáng như: thọi vô mặt dân, tẩn ra trò hai chú Mỹ đen và bắt giữ người trái phép.

Mà lần nào Thầy đội cũng bị ông Tòa xử thua, phải giàn xếp ngoài Tòa, đền một mớ tiền cũng bộn bộn. (Cái đau là tiền thuế của dân mới chết!)

Tui e lần nầy viên cảnh sát hình sự, James Frascatore, nầy đi ‘đoong' quá (?!)

Nước Mỹ, tư pháp và hành pháp độc lập! Muốn binh cũng không binh chú em cho được. Báo chí, truyền thông nó làm rùm trời... chịu đời sao cho thấu.

(Mỹ chớ đâu phải Việt Nam! Làm Công an ở Việt Nam muốn quánh ai thì quánh; còn ở Mỹ đục vô mặt dân thì ông Tòa đục vô mặt chú em đó nha!)

Thưa ý tui là: Nghề cảnh sát là khó, là nguy hiểm, đôi khi vì dân mà cái mạng nầy coi như kể bỏ... Dân tụi tui biết ơn lắm lắm!

Tuy nhiên mấy thầy đội kỳ thị, có máu phân biệt chủng tộc thì đi chỗ khác chơi dùm cái cho dân nó nhờ nhe! Chớ làm cái gì cũng tầm bậy tầm bạ hết ráo thì tội nghiệp cho mấy thầy đội đàng hoàng khác phải mang tiếng lây!

Nên nhớ cảnh sát là bạn dân chớ hỏng phải là ông nội dân nhe cha nội. Nhứt là làm cảnh sát mà máu kỳ thị còn luân lưu trong huyết quản thì trước sau gì cũng vãn... hát!

 

Thưa kỳ thị chủng tộc là căn bệnh trầm kha của xã hội Mỹ, ngay cả Tổng thống Obama cũng phải thú nhận rằng: "Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chúng ta chưa chữa được bệnh này! Xã hội Mỹ rõ ràng không thể hoàn toàn xóa bỏ những thứ đã có cách đây từ 200 - 300 năm trong một sớm một chiều!"

Cho dù thái độ về màu da đã thay đổi kể từ khi ông Tổng thống Obama và danh thủ quần vợt James Blake, vốn sinh ra từ một người mẹ da trắng và một người cha da đen, nhưng di sản của nạn nô lệ vẫn còn phủ một cái bóng lâu dài.

Thưa, nguyên Thủ tướng Anh, Sir Winston Churchill, đã từng chọc quê, ‘đá khéo' nước Mỹ như vầy: "Nước Mỹ rất hay, cuối cùng người Mỹ cũng tìm ra được giải pháp... Sau khi đã thử hết mọi cách!"

Thế nên, tui cũng tin rằng: Căn bệnh trầm kha, KKK, kỳ thị chủng tộc của mấy chú Sam nầy, vài ba trăm năm nữa, nước Mỹ sẽ tìm ra được thuốc chữa... Sau khi đã thử hết tất cả các loại thuốc khác!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

  

 

Má hồng phận bạc!

 web_dxt_sept23.jpg

 Bảo Huân

 

Thưa hồi xưa bên Tàu, Hán Hoàn Ðế, Lưu Chí nghe thiên hạ đồn rằng Lương Doanh, con gái của đại tướng quân Lương Thương, vô cùng xinh đẹp lại hiền thục, nết na nên khoái chí tử... bèn sai một nữ quan tên là Ngô Hử mang thánh chỉ tới nhà khám điền thổ, bắt em ‘sexy' trăm phần trăm, rờ nắn chỗ nầy chỗ khác, coi đồ thiệt hay giả, còn ‘origin' hay ai đã dám bóc ‘tem' rồi? Em mắc cỡ, liên tục lấy tay che hết chỗ này chỗ nọ nên bị quan bà la hét, dở tay ra nè!

Sau khi vượt qua cuộc sát hạch gắt gao, cũng giống như mấy em chân dài bây giờ đi thi Hoa hậu, em mới được chấm đậu!

 

Thưa Thiên tử xứ Tàu, cha nào cũng hoang dâm vô độ. Một em đâu có đủ, mà phải lủ khủ một bầy! Em nào đẹp nhứt đem vô đây cho Trẫm hưởng.

Mỗi năm vào đầu Tháng Tám, triều đình thu thuế má của thiên hạ, và cũng nhân dịp này trưng thu cả con gái đẹp trong nước bằng cách phái quan nha tới các vùng quê xung quanh Lạc Dương (đế đô) tìm những người đẹp nhất, từ 13 đến 20 tuổi, mang về cung.

Trước khi Vua chọn phi tần; cấm dân chúng cưới vợ gả chồng. Nhà nào đem con gái đi giấu sẽ phạm tội "khi quân", bị xử tử!

Mấy em được tiến cung, phải mặt hoa, da phấn, vóc dáng cao ráo như Sharapova, thân thể hoàn mỹ, không có tỳ vết, chỉ một vết bớt nhỏ ở ngực hay một nốt ruồi thậm chí ở cánh tay cũng ngay lập tức bị ‘rớt'.

(Chiêu Quân bị họa sĩ cung đình Mao Diên Thọ chấm thêm có một cái mụt ruồi trên bức họa chân dung mà phải đi cống Hồ đó thấy hông?)

 

Hậu cung có tới 5000 mỹ nữ, đông như một đống em Úc ‘sexy' đi chơi Melbourne Cup vậy, nên Hoàng đế phải cưỡi xe dê, luân phiên ngự giá mỗi đêm. Vì đi bộ mỏi cẳng, đi suốt đêm còn chưa giáp.

Một số em láu cá, muốn tiếp cận giắt lá so đũa trước cửa phòng mình để dê ngừng lại ăn và Vua ngừng lại vui một đêm nay... mới mong có cơ hội, ngày mai từ phi tần lên chức thứ phi!

Cũng có em má hồng phận bạc, tiến cung nhưng Vua hổng có rảnh; đến lúc được ra khỏi cung về quê cũ vẫn không được phép lấy chồng có khi còn bị buộc phải xuống tóc đi tu! Suốt cả đời chưa biết cái chuyện đó nó ra làm sao hết! Chết vẫn còn là trinh nữ!

 

Thưa làm phi tần dù ăn sung mặc sướng, kẻ hầu người hạ, nhưng buồn nào hơn đêm nay khi ngoài kia bão nổi đầy trời... mà lòng em cũng rối bời vì đơn lẻ, nên em nghe quan nha đi tuyển cung phi mỹ nữ cho Vua là em đi trốn.

Trốn không khỏi con mắt cú vọ của quan nha thì nhận đại thằng cha nào đó làm chồng để mong thằng cha Vua già, nhão quá, bỏ qua cho em một cái!

Thưa bà con mình hồi xưa chắc đã từng đi coi hát cải lương đoàn Thanh Minh Thanh Nga với tuồng Người đẹp Bạch Hoa Thôn hay Chàng Ngốc bán than của soạn giả Hoàng Khâm.

Vì đắm say nhan sắc nàng thôn nữ thôn Bạch Hoa (thôn đẹp có nhiều hoa trắng), Thanh Nga, Vua Minh Chí sai Thừa tướng Ba Túy đến rước nàng về để tiến cung.

Không bằng lòng vì Vua đã quá già, hết xí quách rồi, còn làm ăn ra nông nỗi gì nữa chớ... nên Thanh Nga nhanh trí nhận đại Hữu Phước, tên bán than nghèo, làm chồng giả; nhưng rồi cũng bị lính làng điệu lên kiệu, chạy u về kinh đô, mặc cho lời van xin của anh chồng bất hạnh. Chưa vui sum họp đã sầu chia ly!

Trong cung cấm, Thanh Nga đem lòng ‘yêu mến yêu' Hoàng tử Thành Ðược, trẻ khỏe như củi nẻ, khô giòn...

Vua Minh Chí biết được nên cấm Hoàng tử Thành Ðược không được phép hẹn hò ra chỗ vắng với Thanh Nga; dẫu sao em cũng là dì ghẻ của ngươi. Cái nào cúng thì cúng nhe! Ðâu có ăn ẩu được!

Thừa tướng Ba Túy lập mưu soán ngôi bằng cách đổ thừa cho Hoàng tử Thành Ðược vì mê gái đã ám hại cha mình. Vua trước khi chết truyền ngôi lại cho hắn. Thừa tướng, đã lên làm Vua, sắp hành quyết Hoàng tử, thì Chàng ngốc bán than Hữu Phước vô cung đình đòi lại vợ, tiện tay ‘thịt' hắn ta, giải cứu Hoàng tử Thành Ðược khỏi mất chỗ đội nón!

Người đẹp Bạch Hoa Thôn Thanh Nga, hiểu được lòng chàng bán than Hữu Phước nên nguyện kết tóc se tơ với chàng.

 

Kết thúc có hậu, ai ác thì phải trừng phạt, kẻ tốt phải được đền bù. Chàng ngốc bán than đen thùi lùi như cột nhà cháy lại ‘vớ' được một nàng đẹp như cành hoa trắng. Trắng với đen... tắt đèn cũng vậy! Ôi quá đã!

Tưởng rằng từ chối làm vợ Vua, từ chối cung son điện ngọc chỉ có trong tuồng cải lương mà thôi... Nào dè trong đời thực cũng có.

Mới đây, em Tintswalo Ngobeni, đang trốn ở bên Anh Cát Lợi, vì không muốn làm vợ cái thằng Vua hiếu sắc ở Vương quốc Swaziland bên Châu Phi.

Không! Không! Nhứt định là không! Nên em dông luôn... một đi không trở lại quê nhà vì sợ nó nhốt!

 

hàng xóm với Nam Phi và Mozambique, Vua Mswati III, biệt danh là Sư tử, (dĩ nhiên là Sư tử đực), lên ngôi năm 1986, lúc 18 tuổi. Làm Vua đã hơn 1/4 thế kỷ rồi và thần dân yêu dấu của Vua đua nhau chết. Ðàn ông chỉ 50 năm, đàn bà chỉ 48 năm là đi... chầu Diêm Vương hết ráo! Ði vì đói, vì khát, vì nghèo, vì mạt, vì bịnh liệt kháng. Hơn một triệu dân một chút mà có tới hơn 230 ngàn người dương tính với HIV. Còn nhà Vua lại bận rộn mỗi năm kiếm thêm một con vợ.

 

Nền kinh tế đổ vỡ tới nơi! Ði mượn tiền hổng ai cho; ngay cả cái Ngân hàng Phát triển Phi Châu (the African Development Bank) cũng nói: "No, No!"

Dân cầm hơi, ngày dưới mức 1.25 đô la; trong khi vương triều xa hoa, xài chỉ có 61 triệu đô Mỹ một năm thôi. Tài sản bóp nặn của dân bấy lâu nay đã lên tới 200 triệu đô, đám Vợ vua, thay phiên nhau bay đi nước ngoài, mua sắm hàng hiệu, mặc cho dân đói.

 

Hàng năm, bọn nịnh thần tổ chức Lễ hội múa sậy mà mấy em còn trẻ, còn gin, từ khắp mọi miền đất nước đổ về làng Hoàng gia Ludzidzini để tham dự suốt 8 ngày.

80,000 trinh nữ sẽ nhảy múa trước nhà vua Mswati vào ngày 3 Tháng Chín năm nay để hy vọng được ‘y' chọn làm vợ thứ 15!

Các em để ngực trần, mặc váy ngắn đính cườm, đeo vòng ở cổ chân và đồ trang sức sặc sỡ, hát múa trước khán giả, trong đó có du khách và các chức sắc nước ngoài.

Nịnh thần nói: 80,000 em trinh nữ nầy tham dự là do mấy em muốn chớ tụi tui hổng có ép, nhưng nếu em không chịu đi... là Tía Má em chỉ bị nhốt hay phạt tiền mà thôi!

Từ các làng mạc xa xôi, em về thủ đô trên xe tải chỉ đủ chỗ để đứng, giống như gia súc vậy. Và một tai nạn kinh hoàng đã xảy ra vào ngày 28 tháng 8. Mặt đường bê bết máu, những cô gái bị thương nặng nằm la liệt khắp nơi. Ít nhất 38 người chết. Nhưng nịnh thần cho rằng chỉ có 13 người đã thiệt mạng.

Gia đình các em không may nầy sẽ được chánh phủ cho thực phẩm để làm đám ma vào tuần sau lễ hội. Bản thân các em thiệt mạng sẽ được phong làm liệt sĩ! Vì đã "ngã xuống khi đang thực hiện nhiệm vụ vua ban".

 

trước một ngày Vua lựa vợ hàng năm, 3 tháng 9 ở Swaziland thì ở Hà ‘Lội' có mấy ngàn em cũng được tuyển lựa về để diễu... binh!

Em tập từ hồi đầu Tháng 5 lận đó! Nghĩa là tập suốt 4 tháng trời ròng rã.

Em Thiếu úy, Phạm Trúc Sơn Quỳnh, 22 tuổi, vì em đẹp nên được quan anh cho đeo lon Trung tá, đi đầu một khối. Ôi cái lon lá Trung tá nầy, em mượn đeo cho le một chút mà sao mấy cha nhiều chuyện cà nanh chi vậy cà? Quan anh còn cho em cái bằng khen nữa đó nha!

 

Người con gái đẹp bao giờ cũng như cục mỡ trước miệng đám mèo hoang của Chủ nghĩa phong kiến Vương quyền và Chủ nghĩa Cộng sản độc tài, thì ‘cẩn tắc vô áy náy' coi chừng tụi nó nhào vô cắn xé.

Chữ rằng: "Chó treo, mèo đậy" mới còn. Cầm bằng nghe lời ‘đường mật' của tụi nó là coi chừng có ngày em ‘dập mật'!

 

Ông bà mình nói là không sai, không dám trật đâu. Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Giọt nước mắt cho người vượt biển!

 

web_LTDzung_babyonbeach.jpg

 

Thị trấn Kobani, phía tây bắc Syria, là một vị trí chiến lược với khoảng 400,000 dân, ở biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tiếng nổ xé toang màn đêm, phiến quân Nhà nước Hồi giáo IS đang tiến chiếm Kobani.

 

Khói đen cuồn cuộn bốc lên sau trận không kích, nỗi khiếp đảm giữa đêm khuya của người dân Kobani. "Có tiếng bom nổ, tôi giục cả nhà chạy đi, còn tôi theo sau." Còn người sống sót thì đã phát điên: Có lần nghe sấm sét, một em gái nhỏ người Kurd ở thị trấn Kobani nói: "Ðó cũng là tiếng bom đấy... rồi cười."

 

Hãy tưởng tượng rằng gia đình bạn và vài gia đình khác đang sống chui rúc ở tầng hầm của một tòa chúng cư cao ốc. Không có điện, không có nước và có rất ít thực phẩm.

 

Những gia đình trong cơn biến loạn nầy vẫn còn may mắn sống sót sau trận bom. Mái ngói tan tành, những bức tường xung quanh đổ sập. Trời đang cuối Thu nhưng mùa Ðông lạnh cắt da đã gần kề.

 

Thử hình dung như thế này: Chỉ hai năm trước đây, bạn làm việc cho một ngân hàng. Bạn mới vừa cưới vợ và đang háo hức chờ đón sự chào đời của đứa con đầu lòng. Thân nhân, bè bạn mang cả núi quà cáp đến thăm trong tiếng cười rộn rã. Nhưng tối qua, tầng hầm kế bên, những người hàng xóm ít ỏi còn sót lại của bạn đã chết. Khí độc Sarin vốn nặng hơn không khí đã len lỏi vào tới tận tầng hầm và giết họ hết cả rồi. Bạn cảm thấy tuyệt vọng.

 

Khi bình minh đến, bạn tìm cách đào thoát, hy vọng còn tìm được một nơi nào đó an toàn trên thế giới hỗn mang nầy để cho bạn và vợ con mình được sống sót.

 

Ra đi, bạn đứt ruột bỏ hết lại tài sản của mình, công việc làm mà bạn từng có, bỏ luôn giáo đường mà bạn thường đến nguyện cầu.

 

Bạn chỉ muốn một điều duy nhứt là được sống bình yên. Bạn chỉ muốn đêm đi ngủ và sáng mai thức dậy mà không phải thấy xác của vợ con mình chìm trong đổ nát.

 

Bạn tìm được một người và người ấy hứa sẽ mang bạn ra khỏi cái vùng đất mà chiến tranh đã hủy hoại tất cả để tới một nơi nào đó yên bình. Bạn đồng ý trả tiền để gia đình mình được ra đi. Ðánh cược với số phận còn hơn chui rúc trong cái tầng hầm nầy cho tới ngày tận tuyệt.

 

Ðồ đạc bạn gói ghém mang theo: Nầy hình ảnh của vợ chồng mình ngày cưới! Nầy hình ảnh của con mình khi mới mở mắt chào đời!

 

Vâng và câu chuyện sau đó như mọi người đã biết...

 

Mà không phải vài ngàn người mà cả triệu người đã trốn chạy khỏi Syria, đến Thổ Nhĩ Kỳ, rồi xuống những chiếc thuyền mỏng manh vượt Ðịa Trung Hải đến hòn đảo nào đó của Hy Lạp, đặt chân lên Liên Âu, qua các nước thuộc bán đảo Balkan: Macedonia, Serbia, Hungary. Ðiểm đến mơ ước cuối cùng là Áo, Ðức, Hà Lan, hoặc ngay cả các nước Bắc Âu xa tít mù như Thụy Ðiển, Na Uy, Phần Lan... để tìm được một chỗ bình yên mà sống!

 

Nhưng đó chỉ là điều tưởng tượng vẽ ra trong đầu. Là một giấc mơ đẹp có thể không bao giờ thành hiện thực. Mà kết cục lại bi thảm hơn nhiều.

 

Ngày mùng 2 Tháng Chín, người ta tìm thấy xác một cháu trai 3 tuổi, tên là Aylan Kurdi, theo sóng dạt, tấp vào bãi biển Bodrum thuộc Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Cháu bé mặc cái áo T-shirt màu đỏ, chiếc quần short màu xanh thẫm, mang đôi giày đen nhỏ và nằm úp mặt lên cát, hai tay duỗi thẳng xuôi theo cơ thể, giống như đang ngủ. Sóng biển vỗ nhẹ vào bờ, vỗ dịu dàng quanh mặt và cơ thể không còn sự sống của em.

 

Cháu bé là một trong số 12 nạn nhân xấu số trên con thuyền bơm hơi, mong tới được hòn đảo Kos của Hy Lạp, đã bị sóng đánh chìm.

 

"Sống sót trong bạo lực chiến tranh, bom đạn tơi bời của thị trấn vùng biên Kobani, giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cháu bé đã chết cùng mẹ Rehan, 35 tuổi và anh Galip, 5 tuổi, trên đường hy vọng tìm đến một cuộc sống mới yên bình ở tận Châu Âu".

 

Gia đình tan nát hết! Chỉ còn duy nhứt người cha bất hạnh Abdullah Kurdi, 40 tuổi, còn sống sót.

 

Xác của cháu Galip cũng nằm úp mặt xuống cát như đang ngủ cách em Aylan của mình chừng 100m. Còn xác người mẹ của hai cháu người ta tìm thấy dạt vào bờ biển cách đó tới 240 km.

 

Abdullah từng đưa vợ con đến thủ đô Damascus để làm thợ cắt tóc nhưng họ đã quay về Kobani cách đây 4 năm khi cuộc nội chiến sắp xảy ra. Họ sống ở đây được ba năm thì phải bỏ trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ khi nhóm Khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tấn công. Gia đình sống ở Istanbul được một năm nhưng không tìm được công việc làm ổn định! Tiền bạc chật vật, cuộc sống thiếu thốn. Không có tương lai!

 

Abdullah có người em gái hiện định cư ở Vancouver, British Columbia đã làm đơn xin bảo lãnh cho gia đình anh mình được đến Canada; nhưng đơn xin nhập cảnh đã bị khước từ vào Tháng Sáu. Cuối cùng chỉ còn cách tìm đường vượt biển, vượt biên sang Ðức!

 

Abdullah phải trả tiền tới hai lần cho những kẻ buôn người để chúng đưa anh cùng vợ con tới Hy Lạp. "Thuyền chỉ chở được 10 nhưng họ nhét tới 17. Tôi và anh trai phải trả mỗi người 2,280 USD cho chuyến đi này."

 

"Giờ phút cuối cùng trước khi thảm kịch xảy ra, khi bị sóng lớn đánh dồn dập, mọi người hoảng sợ đứng cả dậy. Nước tràn vào trong thuyền khiến nó bị lật.

 

"Tôi níu lấy tay vợ tôi, còn các con tuột khỏi vòng tay tôi. Chúng tôi đã cố giữ con thuyền. Tất cả mọi người gào thét trong màn đêm đặc quánh. Vợ và hai con không thể nào nghe được tiếng tôi gọi, tôi kêu."

 

Hôm mùng 3 Tháng Chín, Abdullah đã tới nhà xác bịnh viện, nhận dạng thi thể vợ cùng hai con. Thi thể ba người thân yêu nhất trong đời của Abdullah sẽ được đưa bằng máy bay qua Istanbul tới thành phố Sanliurfa. Từ đó, họ sẽ về Kobani, Syria, bằng đường bộ.

 

Tang lễ của Aylan, Galip và người mẹ của hai cháu đã cử hành vào ngày Thứ Sáu, mùng 4 Tháng Chín tại thị trấn vùng biên Kobani quê nhà nơi hai cháu đã từng theo cha mẹ trốn ra đi... Rồi định mệnh cay nghiệt thay! Trở về quê cũ trong ba chiếc áo quan!

 

Với ông Abdullah và những người còn lại trong gia đình, những ngày tiếp theo của họ sẽ chỉ có nỗi đau thương và niềm nhớ khôn nguôi!

 

Abdullah nói: "Hai đứa trẻ, con tôi, cũng như con của những người tị nạn Syria khác, có đáng bị vớt lên từ những bờ biển vì cha mẹ chúng hoảng loạn và muốn cứu con họ khỏi chủ nghĩa khủng bố, khỏi bị bắt cóc, khỏi bị chết chóc hay không?"

 

"Tôi không muốn bất cứ điều gì từ thế giới này nữa. Mọi thứ tôi từng mơ ước đều đã ra đi. Tôi muốn chôn cất, rồi ngồi cạnh mộ vợ và hai con tôi cho đến lúc tôi nhắm mắt."

 

"Chúng tôi muốn cả thế giới trông thấy điều này. Có như vậy, họ mới ngăn chặn được những câu chuyện đau lòng xảy ra với người khác. Hãy để trường hợp gia đình tôi là cuối cùng."

 

Sáng ngày mùng 2 Tháng Chín, Nilufer Demir, nữ phóng viên làm việc cho một hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ, theo dõi khủng hoảng nhân đạo của người tị nạn Syria, có mặt tại bãi biển ở thành phố Bodrum, tỉnh Mugla, nơi có nhiều thi thể người bị chết đuối dạt vào, sau khi hai con thuyền chở họ bị lật. Khi được hỏi cảm giác thế nào lúc chụp hình cháu bé Aylan, Demir thổn thức: "Tôi chết lặng trong nỗi buồn đau."

 

"Tôi chẳng thể làm gì để mang cháu bé trở lại cuộc sống. Chỉ còn cách duy nhất là chụp ảnh! Tôi muốn nhân loại nghe được tiếng thét từ thi thể bất động của Aylan."

 

"Tôi từng chụp ảnh, từ năm 2003, đã và đang chứng kiến nhiều cái chết và nhiều bi kịch của người tị nạn. Tôi hy vọng từ hôm nay, chuyện đó sẽ thay đổi."

 

Tiếng thét câm lặng từ bức ảnh ấy giờ đang có sức lan tỏa, ảnh hưởng đến lương tâm nhân loại toàn thế giới...

 

Nó nhanh chóng xuất hiện trên trang nhất tất cả các tờ báo, những đài truyền hình, những trang mạng xã hội, khơi dậy lòng xót thương và cả sự phẫn nộ đối với các quốc gia phát triển, khi họ không có động thái nào giúp đỡ người tị nạn Syria.

 

Tấm hình đã trở thành một biểu tượng bi kịch, một ám ảnh lương tâm của nhân loại trên toàn thế giới!

 

Thế giới đã và đang quay lưng với người tị nạn Syria. Cái chết của hai cháu bé cùng với người mẹ của mình trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ là nỗi ô nhục của thế giới văn minh. Nơi chúng ta thấy có con người nhưng không thấy được lòng nhân đạo.

 

Xem hình ảnh cháu bé nầy úp mặt trên cát như đang ngủ say làm ai cũng rơi nước mắt! Biển lớn cuốn em đi! Rồi xa, rồi xa, rồi xa mãi... Biển ơi, trả cho ta... xác em yêu..."

 

Ông Mike Baird, Thủ hiến tiểu bang New South Wales, Australia, dù là một chánh trị gia của Liên Ðảng (Bảo thủ), nhưng đã đăng trên trang facebook của mình những lời cảm động!

 

"Tôi quay đi nhưng hình ảnh bi thảm của cháu bé không rời bỏ tôi! Bức hình không phải chỉ là một bi kịch; mà là một câu chuyện trong hàng ngàn câu chuyện của những người tuyệt vọng đang chạy trốn cuộc nội chiến khốc liệt ở Syria để được tồn sinh."

 

Ông Baird nói: "Tiểu bang NSW có nền kinh tế mạnh nhứt nước Úc. Trước thảm kịch nầy, tiểu bang sẽ vươn ra khỏi tầm biên giới tiểu bang của mình để làm bất cứ cái gì xét ra cần thiết để giúp người tị nạn Syria!"

 

Về chánh sách chận thuyền tị nạn của chánh phủ Liên Ðảng, Tony Abbott, ông Mike Baird nói: "Chúng ta đã thành công khi không để trẻ con phải chết đuối trên biển lúc tìm cách đến bờ biển nước ta. Tuy nhiên ngăn chận tàu thuyền đến nước Úc không chưa đủ mà hành động tiếp theo phải có là bắt đầu cứu giúp người tị nạn!"

 

"Chúng ta không thể nhìn tấm hình bi kịch đó, rồi cứ nghĩ giống hệt như xưa; nghĩ giống như mình thường nghĩ, để rồi thản nhiên quay về những công việc thường ngày! Bức hình nầy đã làm thay đổi tất cả." (The photo changes everything!)

 

Thưa, xem bức hình xác cháu Aylan Kurdi, 3 tuổi, tấp vào bãi biển làm lòng tôi quặn thắt!

 

Nhưng cái chết bi thảm của cháu không vô ích vì nó đã làm thay đổi nhận thức của toàn thế giới.

 

Nước Ðức, nước Anh, đều mở cửa biên giới để đón người tị nạn Syria khốn khổ.

 

Cầu mong cháu yên nghỉ trên chốn thiên đàng!

Aylan! Một biểu tượng của người Syria vượt biển!

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

 

Cười là tiếng khóc...!!!

 web_dxt_cuoi.jpg

Tranh Bảo Huân

Nhớ xưa, năm 1960, nhà ở Bưu điện Rạch Giá. Hàng xóm, xéo bên kia đường, là nhà ông Trưởng ty Thủy sản. Ðó là một gia đình trẻ vì có một đám ‘xây lố cố', sàn sàn tuổi của tụi tui, 9,10 tuổi gì đó. Nhà có máy chiếu phim, tối hay rủ qua coi. Ðông mới vui!

Lần đầu được coi chiếu phim ‘chùa', không phải lội bộ đến rạp Châu Văn mua vé, đỡ tốn tiền mà vui hết biết luôn. Vì phim chiếu ngày xưa thơ ấu đó là phim của Charles Chaplin mà bà con mình thường gọi là Vua hề Sạc Lô.

Tắt đèn, máy chiếu phim chạy rè rè, hình ảnh hiện trên vách. Gần cả tiếng đồng hồ, tui cười ‘ha ha, he he, hi hi, hắc hắc'... đến nỗi đứa em gái, cùng đi xem ké, phải đưa tay bịt mồm tui lại, để giữ phép lịch sự... dẫu gì cũng là nhà của người ta...

Hồi xa xưa đó chẳng biết tên phim nầy là gì, sau nầy lớn lên mới biết đó là phim Modern Times (Thời Hiện đại).

Sạc Lô đóng vai một công nhân cầm cái mỏ lết vặn ốc trong một dây chuyền sản xuất máy móc. Cứ thấy ốc là đút mỏ lết vô vặn. Vặn riết nên bị ám ảnh! Ra đường thấy người đẹp nào mặc jupe, sau mông, hay trước ngực có đính vài ba cái nút to tổ bố, theo quán tính, ông xách mỏ lết rượt theo mà vặn...

Rồi để tiết kiệm thời giờ ăn trưa của công nhân, tăng năng suất lao động, chủ hãng (tư bản bóc lột mà), cho thử nghiệm cái máy đưa thức ăn ngay tới tận miệng, công nhân chỉ hả họng, thức ăn từ đĩa sẽ nghiêng, đổ vào miệng cho mình nhai, nuốt. Nào ngờ cái máy trục trặc giữa chừng! Thay vì nó ụp thức ăn vào miệng, nó nhô cao hơn, ụp thức ăn vào hai cái lỗ mũi.

Rồi tới món ‘lai sét' (dessert), cái mô tơ quay tròn một trái bắp. Mới đầu máy tốt, quay chầm chậm, công nhân cứ hả miệng ra mà cạp. Sau chạm điện, máy quay vù vù đưa miệng vô cạp, hột bắp văng tứ lung tung...

Hết tuồng, bật đèn lên, mới hay phim trợt ra ngoài, rối nùi, muốn xem lại lần nữa.... nội cái phải ngồi cẩn thận cuốn lại, kẻo đứt là lần sau hết coi, mất chắc cũng cả tiếng đồng hồ nên đành tan hàng ai về nhà nấy... ngủ!

Sau nầy lớn lên, lúc buồn quá, tui lại lôi trong ký ức hình ảnh vui thời thơ dại với Sạc Lô mà tiếp tục sống... vui!

Thưa, đời Vua hề Sạc Lô thì trái ngược với đời tui 180 độ nha. Thuở nhỏ tui sướng, cưới vợ về... mới biết mùi tân khổ; còn Sạc Lô từ nhỏ là ổng đã khổ, khổ miết, khổ hết biết như cái phim: A Dog's Life (Khổ như chó! 1918).

Sạc Lô sinh ra trong nghèo khó ở London, thủ đô nước Anh năm 1889. Cha bỏ mặc gia đình, để mẹ ông chật vật kiếm tiền nuôi con! Không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập bấp bênh nên có lúc mấy mẹ con phải sống vất vưởng trên hè phố. Nghèo không đủ ăn đến nỗi ông đã hai lần bị gửi vào Trại Tế bần trước khi lên 9. Năm Sạc Lô 14 tuổi, mẹ ông phải vào Trại Tâm thần.

Sau nầy ông thuật lại người thầy đầu tiên dạy ông về diễn xuất là chính người Mẹ bất hạnh của mình!

"Khi còn bé, Mẹ thường làm trò cho con xem bằng cách ngồi bên cửa sổ và bắt chước cử chỉ người qua đường. Chính nhờ quan sát cách diễn xuất của Mẹ mà tôi học được không chỉ cách thể hiện cảm xúc bằng tay và nét mặt, mà nghiên cứu cả tính cách của con người."

Sạc Lô, khi lên 5 tuổi, đã bắt đầu đi diễn những vở kịch vui khắp nơi để kiếm sống. Tháng 7 năm 1907, chàng trai 18 tuổi nầy đã trở thành một nghệ sĩ hài tài năng thực thụ.

Năm 1914, trong vai một người say rượu, ông mặc chiếc quần rộng thùng thình, áo chật, mũ nhỏ và giày to... thêm một bộ ria ở môi trên, nhỏ như mép cái bàn chải, làm tăng thêm tuổi mà không cần phải mất công hóa trang thêm... cho già.

Chiếc mũ quả dưa, luôn đội, thể hiện lòng tự trọng, dù nghèo khó, vất vả, nhưng mình là người có văn hóa ứng xử; bộ ria thể hiện sự phù phiếm, muốn theo đuổi một chút lịch lãm của những người đàn ông thuộc giai cấp thượng lưu; cây gậy hướng đến sự đỏm dáng khi xuất hiện trước mặt người phụ nữ.

Nhân vật Tramp (Gã lang thang), ăn mặc đối chọi nhau như thế là một thương hiệu đặc thù của Sạc Lô, mà sau nầy có nhiều anh hề khác bắt chước ‘ăn theo'!

Tramp sống trong cảnh nghèo nàn, không nhà cửa và thường xuyên bị đối xử tệ bạc, những vẫn luôn tử tế và lạc quan đi về phía mặt trời lặn... để tiếp tục cuộc hành trình của mình.

(Tramp lịch sự đến nỗi khi vấp vào cái cây, anh lễ phép nhấc cái mũ ra để xin lỗi cái cây.)

Năm 1910, chàng thanh niên Sạc Lô cùng đoàn kịch lần đầu tiên lưu diễn sang Mỹ. Từ sân khấu kịch, ông bước qua lãnh vực điện ảnh! Phim câm, không lời thoại, chỉ có nhạc nền!

Chỉ cần mười năm sau, năm 1918, Sạc Lô đã nổi danh toàn thế giới.

Phim The Kid (Thằng nhóc) năm 1919, với sự diễn xuất của cậu bé 4 tuổi, Jackie Coogan, mang dấu ấn tuổi thơ, tái hiện lại thời niên thiếu vất vả của chính ông, là sự pha trộn tuyệt vời giữa hài kịch và chính kịch.

City Lights, 1931 (Ánh đèn đô thị) đầy tính nhân văn, kể về tình yêu của Tramp dành cho một cô gái mù bán hoa (do Virginia Cherrill thủ vai) và nỗ lực của Tramp để kiếm tiền phẫu thuật mắt cho cô gái.

"Tôi quyết tâm tiếp tục làm phim câm... Tôi là một diễn viên phim câm và trong môi trường đó tôi là độc nhất và, nói không hề khiêm tốn giả tạo: tôi là bậc thầy!"

Dẫu tuyên bố như vậy, nhưng Sạc Lô cũng làm phim The Great Dictator, năm 1940 (Nhà Ðộc tài vĩ đại) có lời thoại, để chế nhạo Adolf Hitler, công kích chủ nghĩa phát xít đang hồi cực thịnh...

Chaplin và Adolf Hitler: ra đời cách nhau có 4 ngày, cả hai vươn lên từ nghèo khổ trở thành nổi tiếng thế giới! Nhà độc tài người Ðức có kiểu ria mép bàn chải giống nhân vật Tramp.

Sạc Lô đã từng nói: "Khi lần đầu nhìn thấy Hitler, tôi nghĩ ông ta đã ‘chôm' bộ râu mép bàn chải, hình ảnh của tôi, lợi dụng sự thành công của tôi".

Danh vọng và giàu có nhưng đường tình duyên của Gã lang thang nầy cũng đầy trắc trở. Mãi tới 54 tuổi, 1943, cưới vợ lần thứ 4, ông mới tìm được một người bạn đời chung thủy và hào phóng tặng cho ông tới 8 đứa con.

Năm 1972, Sạc Lô được trao giải Oscar danh dự, thiên hạ đứng dậy, vỗ tay 12 phút liên tục, đó là tràng pháo tay lâu nhất trong lịch sử giải Oscar.

Sạc Lô nhận bằng danh dự Tiến sĩ Văn chương từ các trường Ðại học Oxford và Durham; được Nữ hoàng Elizabeth II ban tước Hiệp sĩ.

Sáng sớm ngày 25 Tháng Chạp (lễ Giáng Sinh) năm 1977, ông mất tại nhà, sau khi mắc cơn đột quỵ trong lúc ngủ, thọ 88 tuổi.

Tới giờ, Sạc Lô vẫn được coi là ‘kỳ quan của điện ảnh' không có ai thay thế nổi. Danh hài Bob Hope của Mỹ tán dương nồng nhiệt rằng: "Chúng ta may mắn được sống trong thời đại của ông".

Thưa, ông bà mình thường nói: "Nhứt nghệ tinh nhứt thân vinh!" Quả không sai!

Nhưng đằng sau hào quang, danh vọng, tiền bạc như nước đó lại là cảnh ngộ trái ngang. Mới tréo cẳng ngỗng chớ!

Cười trên sân khấu, trong phim ảnh nhưng đời lại đầy nước mắt. Diễn viên hài lại là người buồn bã nhất (?!). Như ông hề Jerry Lewis, Mỹ, đã bị trầm cảm nặng đến nỗi nếu không phải vì hai đứa con thì ông đã tự kết liễu đời mình rồi.

Vui hết biết trên sân khấu nhưng đời thường bị ám ảnh bởi tuổi thơ là chuỗi ngày đau đớn (Chính vì vậy mà Sạc Lô đối xử với những diễn viên nhí trong phim của ông rất là nhân hậu).

Pha trò để mua vui cho khán giả cũng là cách để thoát khỏi thực tại khổ đau, ‘cười' vào số phận bi thương của chính mình.

Các nhà tâm lý học cho rằng: diễn viên hài giống với người bị bệnh tâm thần (lúc vui, lúc buồn khó đoán). Họ mang hai bộ mặt: trên sân khấu rất vui nhưng khi một mình lại buồn thôi hết biết.

Thưa Vua hề Sạc Lô! Tui xin cám ơn ông đã mang lại cho đời những nụ cười thâm thúy, pha trộn giữa bi kịch và hài kịch...

Ngàn lần cám ơn ông! Thank you! Mate! (Cám ơn Bồ tèo nhiều lắm đó nhe!)

 

đoàn xuân thu

melbourne

  

 

Võ Tòng đã bị hàm oan!

web_dxt_VoTong.jpg

 Bảo Huân

 

 

Thưa đọc truyện Tàu, chắc bà con mình, ai cũng nhớ hồi thứ 22 trong Thủy Hử truyện của Thi Nại Am, thuật về Chú Ba Võ Tòng, tay không đấm con Cọp trên đồi Cảnh Dương chết ngắc!

Ðồi Cảnh Dương ngày nay là một địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Sơn Ðông. Ðể thu hút du khách, ăn theo chuyện Võ Tòng hồi xưa đánh Cọp, mấy Chú Ba mở quán rượu "Tam oản bất qua cương" (Ba bát không qua đồi), miếu Sơn thần, nơi Võ Tòng đả hổ, bia đá, tượng hổ, miếu Võ Tòng...

Truyện rằng: Võ Tòng mồ côi cha lẫn mẹ, được anh ruột là Võ Ðại Lang đi bán bánh bao để nuôi. Lớn lên, Võ Tòng sinh sống bằng nghề Sơn Ðông mãi võ nhưng khoái nhậu. Tánh lại nóng, làm sương sương vài lít, là có chuyện xích mích với thiên hạ, là thượng cẳng tay hạ cẳng chân nên nhiều lần bị lính bắt.

Tuy nhậu xấu tánh như vậy nhưng khi có tiền là rộng rãi hay chiêu đãi bạn hiền trên chốn giang hồ nhậu ké... nên được tiếng là dân chơi đồi Cảnh Dương.

Trên đường về thăm Võ Ðại Lang, ông ghé vào một tửu quán, bên ngoài có ghi "Uống 3 chén không nên qua đồi". Võ Tòng là người mạnh rượu, uống như hũ chìm, thấy dòng chữ này rất bực, hỏi tại sao? Thì chủ quán kể có con hổ thành tinh chuyên ăn thịt người, ai uống quá say không nên đi qua đó.

Ðang trong cơn say, không biết sợ nên Võ Tòng một mình cầm gậy lên đồi tìm Hổ ‘cà khịa' chơi!

Gặp Hổ, ông cầm gậy vờn với mãnh thú từ sáng tới tối. Ðến lúc trời chạng vạng, Võ Tòng vụt một cái, hụt, trúng tảng đá làm cây gậy gãy làm hai. Chỉ còn cách duy nhứt là một tay nhận đầu Hổ xuống đất, một tay đấm, chừng 5, 7 chục cú làm con Hổ bể gáo chết tươi. Nhờ việc tay không đánh chết Hổ dữ, Võ Tòng được quan huyện Dương Cốc bổ làm Ðô đầu của nha môn huyện.

Nhưng sau nầy, mấy Chú Ba cho rằng Võ Tòng chưa từng đánh bất cứ con Hổ nào. Chẳng qua đây là tiểu thuyết dã sử, dựa trên cuộc khởi nghĩa có thật của Tống Giang trong cuốn Tống Giang Tam thập lục nhân tán (Ca ngợi 36 người của Tống Giang).

Cuộc đời Võ Tòng thực sự lại như vầy: Võ Tòng tới Hàng Châu mãi võ mưu sinh, phiêu bạt giang hồ, ngẫu nhiên gặp được quan tri phủ Hàng Châu là Cao Quyền. Họ Cao thấy Võ Tòng võ nghệ hơn người rất khâm phục, mời Võ Tòng về làm chức Bổ khoái Hàng Châu. Sau nhờ lập công lớn,Võ Tòng được thăng chức làm Ðề hạt.

Không lâu sau đó, do Cao Quyền đụng chạm với các nhà quyền quý ở Hàng Châu nên bị bãi quan. Là người tâm phúc của Cao Quyền nên Võ Tòng bị huyền chức xuống làm một quan nhỏ trong nha môn của tri phủ. Tri phủ Hàng Châu, mới được bổ nhiệm, là Thái Cùng, là con trai của Thái sư Thái Kinh ở kinh đô. Dựa vào thế lực cha mình, Thái Cùng làm đủ chuyện càn quấy, nhũng nhiễu, bức hiếp dân lành. Do vậy, người đương thời gọi Thái Cùng là Thái Hổ.

Thấy Thái Cùng ức hiếp dân lành, Võ Tòng rắp tâm giết. Hôm đó, Võ Tòng nấp ở bên ngoài, đợi khi Thái Cùng vừa ra khỏi cửa thì lập tức xông ra giết chết. Võ Tòng bị lính của nha môn bao vây bắt được. Sau đó, Võ Tòng bị Thái Kinh sai người giết chết trong nhà lao. Thái Cùng có biệt hiệu là Thái Hổ nên khi Võ Tòng giết chết Thái Cùng, người ta mới ca ngợi Võ Tòng đã "đánh Hổ".

Người dân Hàng Châu cảm kích Võ Tòng nên đã mang xác về chôn tại cầu Tay Lãnh, lập một tấm bia đá ghi dòng chữ "Mộ của nghĩa sĩ đời Tống Võ Tòng".

Thưa bà con nhắc chuyện xưa để minh oan cho Võ Tòng, kẻ giết một thằng tham quan ô lại chớ không phải là một đứa ‘tiger killer'.

Còn hai tay dưới đây mới thiệt đáng chê trách!

Trong khi nền kinh tế nước Tây Ban Nha bị suy trầm thì Hoàng gia Tây Ban Nha lại xài tiền vô tội vạ trong chuyến đi săn thú ở Phi Châu. Vua Juan Carlos Ðệ Nhứt, cách đây sáu năm, chối việc ông bắn chết một con Gấu Nga sau khi dụ nó uống rượu vodka, pha với mật ong.

Rồi bây giờ ông Vua già 79 tuổi nầy lại đi Phi Châu săn bắn, hãnh diện chụp hình trước một con Voi vừa bị bắn chết. Tốn 15 ngàn đô cái ‘lái sần' cho phép bắn Voi. Mướn thợ săn chuyên nghiệp ở địa phương chỉ chỗ cho đi săn tốn tới 8,700 đô một tuần. Ngoài bắn Voi, Vua còn bắn Trâu rừng, bắn đủ thứ!

Kết quả là cuộc sống hoang dã... vả cho ông một cái bằng cách cho ông té gẫy cái xương đùi! Phải cấp tốc từ nước Botswana, Châu Phi bay về Madrid cho bác sĩ phẫu thuật.

Thưa 50 năm trước, số Sư tử ở lục địa Châu Phi còn chừng nửa triệu. Bây giờ chánh phủ các nước ở đây cấp phép loạn xà ngầu cho bọn nhà giàu phương Tây đi săn nên số Sư tử bây giờ chỉ còn lại khoảng 30 ngàn con theo ước tính của tạp chí Wildlife Nature ở Anh Quốc.

Rồi bọn săn trộm thú quốc tế đã đột kích vào các khu rừng, công viên quốc gia và tàn sát tập thể Voi để lấy ngà, Sư tử để lấy da, Cọp để nấu cao Hổ cốt...

Một tay nha sĩ người Mỹ, tên là Walter Palmer đã bắn chết con Sư tử Cecil - "Ngôi sao" của vùng rừng xứ sở Africa. Sư tử Cecil đã bị dụ ra khỏi Vườn Quốc gia Huange ở Zimbabwe. Palmer cùng với gã dẫn đường tên là Bronkhosrt, đã cố gắng hạ con thú bằng cung tên, rồi lần theo vết máu của Cecil và bắn chết nó bằng súng.

Dân Mỹ nó tẩy chay phòng nhổ răng, lấy sơn xịt lên cửa nhà xe của ổng là ‘Lion killer'. Chánh phủ Zimbabwe, trước áp lực dữ dội của công luận, đòi dẫn độ thằng chả qua Châu Phi để đưa ra Tòa về tội sát hại những con thú có tên trong sách Ðỏ, cần bảo vệ.

Thưa để đá giò lái, móc họng ông Nha sĩ cà chớn nầy; tui xin kể cho bà con mình nghe một câu chuyện như vầy: Hoa Kỳ là một đất nước yêu thể thao, say mê đến điên cuồng môn bóng bầu dục mà Mỹ gọi là football. Một hôm hai đội football đấu với nhau, trên khán đài có một ông rất lớn họng, la hét inh ỏi: "Chơi cùi chỏ! Giựt chỏ mạnh vào, vô ngay cái miệng của nó cho tao!"

Ông khán giả đứng gần bên hỏi: "Nhưng ông ủng hộ đội bên nào?"

"Ðội bên nào cũng được! Vì nghề của tui là nha sĩ mà!"

Thế nên làm nha sĩ bên Mỹ kiếm được rất nhiều tiền, xài không hết, ổng bèn đi tìm cảm giác mạnh, bằng cách qua công viên quốc gia của nước Zimbabwe săn Sư tử!

Thưa để kết bài viết nầy, tui hoàn toàn ủng hộ việc bảo vệ Cọp, Beo, Sư tử, Voi và nhứt là con Hà Mã... Bằng ỷ mình có tiền, có súng, bắn giết tùm lum chơi cho vui! Thì tui xin hỏi thiệt mấy ông rằng: "So với con Cọp, con Sư tử, con Hà Mã... và con người ai mới hoang dã hơn ai?"

Văn minh là phải như Võ Tòng kìa! Tay không đánh chết Cọp mà không phải là con Cọp. Cọp đây là mấy đứa làm quan, tham ô nhũng nhiễu cho dân nó nhờ.

Còn bằng xách súng mà bắn Cọp, bắn Sư Tử, bắn Hà Mã... thì có hay hớm gì đâu mà khoe khoang hỡi mấy thằng ông Nội con nít!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

 web_dxt_cholongthemchutam.jpg

 Bảo Huân

Cho lòng thêm chút ấm!

 

Tháng Tư, trời đang giữa mùa Thu, lá vàng năm nay sao rơi nhiều quá? (Trận gió thu phong rụng lá vàng/ Lá bay hàng xóm lá bay sang/Vàng bay mấy lá năm già nửa! Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng?)

Những thổ dân vùng hoang mạc, tiểu bang Victoria, nước Úc, hỏi già làng rằng: "Mùa đông năm nay trời có lạnh lắm không ông Nội?"

Già làng thổ dân thời xưa cũ vì nhậu quá xá, sáng xỉn chiều say, tối ôm chai mà ngủ... nên không có thời giờ truyền lại những bí kíp về tiên đoán thời tiết lại cho người kế tục. Rồi nhậu nhiều nên xơ gan chết hết ráo rồi; hậu quả là già làng thổ dân thời hiện đại nầy nghe con cháu hỏi mà đổ mồ hôi hột vì ‘bí lù'...

Nhưng vốn là già làng, (chức nầy lớn lắm à nha!) đâu có thể làng nhàng mà chi kẻo mấy thằng nhỏ nó khi; nên ông chọn cách an toàn nhứt, nói: "Trời năm nay sẽ rất lạnh đó tụi bây! Nên vô rừng, vô bụi, kiếm củi về dự trữ đi để lúc mùa đông đến có cái mà sưởi ấm! Kẻo ở trần tối ngày, chỉ đóng duy nhứt có cái khố thì teo ‘bugi' hết ráo đó nha!"

Nhưng lỡ trời không lạnh thì sao? Ðể chắc ăn, già làng ra buồng điện thoại công cộng dọc xa lộ, gọi tụi Sở Dự báo Thời tiết xem sao. Thì tụi nó trả lời là: "Có vẻ năm nay trời khá lạnh đó!"

Quay về, già làng bảo mấy thằng nhỏ đi kiếm thêm củi nữa đi. Tuần sau, già làng lại lẻn ra gọi Sở Dự báo Thời tiết lần nữa: "Mùa đông năm nay sẽ lạnh quéo luôn phải không?" "Ðúng trời năm nay sẽ rất lạnh!" Già làng lại quay về bảo tụi nhỏ kiếm thêm củi nữa!

Hai tuần sau, già làng lại gọi cho Sở Dự báo Thời tiết lần nữa: "Tụi bây có chắc chắn là mùa đông năm nay sẽ lạnh lắm không?"

Thì tay dự báo thời tiết trả lời: "Chắc chắn lạnh trăm phần trăm luôn."

Già làng hơi hồ nghi bèn cật vấn "Dựa vào đâu mà mấy đứa bây trả lời là: Trời sẽ rất lạnh?"

"À! Theo hình ảnh từ vệ tinh chụp được, bọn thổ dân trong vùng hoang mạc đang đi kiếm củi về dự trữ như điên đó! Chắc chắn trời mùa đông năm nay sẽ rất lạnh mà! Tin tui đi! Hi hi!"

Còn thưa mùa đông năm nay, người viết biết ngay là sẽ rất lạnh... Vì hôm đi chợ Footscray, tui đi sau một em mặc quần jean, lòi ra một phần mông trắng hếu, em vừa đi vừa kéo quần lên... Hết coi luôn! Dự báo thời tiết kiểu nầy còn chính xác hơn già làng thổ dân và mấy tay thuộc Sở Dự báo Thời tiết Úc nhiều!

Mà thiệt vậy bà con ơi! Mới đầu Ðông, tháng 6, trời đã phá kỷ lục lạnh quéo râu ria hết rồi đó nha.

Trong vòng 15 năm trở lại đây, năm nay tuyết rơi trắng trời trên núi và cao nguyên. Ngọn Buller, chỉ một đêm mà tuyết rơi phủ trắng làng sơn cước nầy dầy tới 8 cm. Sở thú Melbourne phải dùng đèn sưởi để giữ ấm cho khỉ vượn, cọp. beo, sư tử, kangaroo và koala nữa đó.

Phi trường Tullamarine, nhiệt độ xuống thấp nhứt từ năm 1971, tuyết đóng dày trên cánh phi cơ làm nhiều chuyến bay phải đình hoãn chờ trời bớt lạnh.

Nơi người viết ở là vùng Tây Melbourne, vùng nghèo, mùa đông năm nay, có đêm cột thủy ngân tụt xuống chỉ còn 1 độ C, lạnh nhứt kể từ năm 1944, là năm thiên hạ có sổ sách để bắt đầu so sánh cái lạnh của từng năm.

Thưa rồi trời lạnh đến nỗi tạp chí khiêu dâm Playboy phải đình bản vì không có em người mẫu nào dám cởi áo, cởi quần ra cho chụp hình... vì sợ bị sưng phổi!

Và trời lạnh đến nỗi làm mấy ông luật sư phải đút tay vô cái túi quần của chính mình cho ấm, chớ không đút tay vô túi của người khác như mấy ổng thường làm. Ngược lại, trời lạnh đến nỗi mấy tay chuyên móc túi trên xe tram, xe bus phải đút hai ngón tay mình vô túi người khác để tìm thêm chút ấm!

Còn ở vùng quê, nông trại nước Úc, nuôi bò. Trời lạnh đến nỗi khi ta vắt sữa bò thì ta lại được cây cà rem. Còn vắt sữa mấy con bò lông đen tuyền thì ta lại có cà rem pha ‘'chó có lết" (chocolate)!

Dĩ nhiên thời tiết lạnh nó không chừa một ai cả. Tuy nhiên, giàu và nghèo có đối sách khác nhau. Giàu thì đôi ta ngoéo tay nhau bay về phương Bắc! Tình hè rực nắng! Giàu hơi hơi... thì Bali của Indo đang mùa hè nắng ấm... Giàu hơn thì bay đi Paris trong mùa hè rực rỡ của Khải Hoàn Môn hay Tháp Eiffel chẳng hạn.

Còn nghèo thì ráng chịu nghe em. Ráng kiếm tiền mua áo ấm, tiền ăn pizza để tối đi ngủ không mang theo cái bụng đói meo. Rồi cày như trâu để trả tiền ga, tiền điện mà sưởi cho ấm.

Khuya đi làm, tan ca từ trong Sở bước ra, cầm cái chìa khóa mà tay run run đút hoài... cũng trật chỗ! Làm sao ‘xì tạt' (start) cái xe, mở sưởi cho ấm rồi mới dám chạy. Khỏi hút thuốc mà chi cho nó tốn tiền, vì cái miệng và lỗ mũi, lúc thở ra luôn xì khói như ống khói xe lửa khi qua cầu Bình Lợi vậy.

Nước Úc, ‘lucky country', nhưng không hẳn ai cũng sung sướng khi mùa đông lạnh giá về hết đâu nha.

Trong cái lạnh mùa đông, trong bức tranh ảm đạm về kinh tế, bởi giá khoáng sản trên đà đi xuống, Tàu nó ít mua hơn lúc trước vì làm ăn không khá... làm bà con nước Úc mình khó sống hơn. Hồi trước giờ đào đất lên đem bán quen rồi... Giờ đào đất lên hổng đứa nào chịu mua chắc tụi mình phải ‘cạp đất' quá bà con ơi!

Thưa! Mỗi năm nạn đói trên toàn thế giới đã giết chết tới 12 triệu trẻ em. Và Úc cũng thường nói rằng: "Từ thiện là bắt đầu từ trong gia đình của chúng ta nhưng không chấm dứt ở đó!" Nghĩa là mình đi làm, kiếm tiền lo cho vợ, cho con, cho cháu mình ăn no, mặc ấm, có giày mang trước rồi sau đó đưa tầm mắt mình nhìn ra khỏi cái hàng rào để giúp người dưng.

Nước Úc giàu thiệt nhưng vẫn có biết bao người cù bơ cù bất, phải sống ngoài công viên, không có chỗ để trốn cái lạnh thấu xương khi mùa Ðông tới!

Mình còn may mắn hơn nhiều vì còn được chui vào trong cái mền điện ấm, nhìn qua khung cửa sổ có lắp kính, thấy trời trút xuống trần gian cơn sương muối!

Xin bạn hiền hãy lắng lòng, nghĩ đến những kẻ không nhà đêm nay nha!

Hôm qua đi chợ với em yêu, thấy một gã Úc râu ria xồm xoàm, ngồi trước cổng siêu thị, ôm đàn ghi ta, chơi một bản nhạc mùa đông, tui dừng lại, đặt nhè nhẹ vào cái hộp đựng đàn của nó hai đồng. Vậy mà lòng vui hết biết vì lần đầu tiên mình làm phước!

Chứ thú thiệt, thưa bà con, hồi đó giờ tui ‘'rít, kẹo kéo" lắm có cho ai cắc nào đâu!

Thưa!Nhà thơ Hoa Kỳ, Robert Frost, đã viết ‘'Stopping by Woods on a Snowy Evening'' (Dừng chân ven rừng một chiều tuyết rơi!).

Xin chép một khổ thơ của ổng: ‘'The woods are lovely, dark, and deep/ But I have promises to keep/ And miles to go before I sleep/And miles to go before I sleep.''

(Cánh rừng đáng yêu, âm u và sâu thẳm/ Ta thề hứa những lời ta phải giữ/ Bao dặm đời trước giấc ngủ ngàn năm.../ Bao dặm đời trước giấc ngủ ngàn năm)

Ðôi khi mình cô độc, hiu quạnh trên đường đời vạn nẻo, chợt một chiều tuyết rơi, lạnh, dừng chân suy nghĩ, rồi lại phải tiếp tục đi...

Ðời là mùa đông, tuyết phủ đầy nên muốn cho mình thêm chút ấm thì không gì bằng cho người khác một cái áo lạnh... dẫu đó là người dưng!

Bởi ‘cho là nhận' đó bà con ơi!

đoàn xuân thu.

melbourne.

  

"Thượng hạ giai cẩu"!

 web_DXT_Thuongha.jpg

Thưa Tây nó thường coi con Chó là một thành viên trong gia đình. Nhưng mình hỏng biết nó ám chỉ đứa nào trong gia đình của nó?!
Còn Tàu thì nói: "Khuyển Mã tri tình" nghĩa là: Chó và Ngựa coi vậy nhưng tụi nó sống có tình, có nghĩa lắm đa!
Còn Việt Nam mình, sính thơ, con gì cũng ‘văng' ra thơ được hết ráo.
Đây là một bài thơ ngợi khen con Chó và đá ‘đểu' con Vợ nhà!
"Hôm qua anh đi tỉnh về. Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. Con Vợ chẳng nói một điều! Chỉ con Chó Mực vẫy liều cái đuôi!"
Thấy chưa? Chó không bao giờ dám ‘phê' ông chủ nó "rậm rật" như Chó tháng Bảy... vì nó cũng vậy mà thôi.
Đó là đức tính của con Chó. Tuy nhiên đời mà... Con gì, kể cả con Người cũng vậy! Có tánh tốt và có tánh xấu. Không ai hoàn hảo, toàn bích bao giờ!
Thưa tui, vốn đầu môi chót lưỡi, khen con Chó một phát... rồi cũng chê nó một phát... cho nó công bình!.
Như bà con đã biết, hiện thời, bọn cán bộ có chức, có quyền, có tiền trong nước, cái con gì nó cũng ăn, nam nữ gì cũng nhậu. Thịt Chó lẫn thịt Mèo; đâu, xa tận Nhà Bè, Hố Nai gì đi nữa, nếu nấu ngon là tìm đến nơi... xơi tất.
Thịt Chó thì gọi là nai đồng quê; còn thịt Mèo thì gọi là tiểu hổ. Toàn là thịt rừng không hà, ăn như thế mới là đại gia chớ!
Nên quán nhậu ì xèo!! Hai nữ ỏng ẹo gọi anh bồi: "Anh ơi, cho hai đĩa thịt tiểu hổ nhé!" Hai anh thì: "Anh ơi, cho hai đĩa thịt chó nhé!"
Anh bồi vội hướng vào bếp, la lớn: "Hai Mèo mới vô, hai Chó mới vào!"

Thưa người Việt mình có nuôi Chó nhưng chắc chắn không yêu Chó như Tây. Không ai quen ôm và nựng Chó, coi Chó là bạn ‘hiền'.
Không những vậy, do tính xấu của Chó được con người biết đến nhiều, nên người ta khinh và ghét Chó thậm tệ, đem Chó ra, mà chửi kẻ mình ghét cay ghét đắng!
Lúc bình thường, giữa Chó với nhau, chúng đùa giỡn,thân thiện như bạn bè, nhưng khi có ‘miếng đỉnh chung', chúng giành và cắn nhau sống chết. Đó là tính phản phúc, tráo trở, lật lọng.
Khi trong xóm có một con Chó sủa, thì cả xóm... Chó đều sủa theo, Chó hùa. Đó là tính: nhiều chuyện, a dua, xu hướng.
Khi chúng đã ghét một ai, thì ghét suốt đời, bất cứ giờ nào gặp mặt, chúng cũng sủa tới khi nào khuất mặt mới thôi. Đó là tính: nhỏ nhặt, thù dai.
Ngoài đường, Chó chỉ dữ khi có chủ bên cạnh, còn như không có chủ thì 10 con cụp đuôi hết 10. Đó là tính: dựa hơi, cậy thế.
Chửi nhau, không có gì nặng nề hơn chữ: "Đồ chó!. "Đồ chó đểu! Chó ghẻ! Chó chết! Chó má! Chó săn! Chó hùa! Đồ trâu sinh chó đẻ!
Còn chửi vợ là: lòng lang dạ sói (cũng là Chó) là chuẩn bị ra Tòa ly dị đi em!
Rồi kết luận một câu làm loài Chó rất lấy làm tự ái là: "Làm người thì khó, làm chó thì dễ".

Thưa sau khi Miền Nam thất thủ, bọn giáo viên miền Bắc được Đảng gởi vào nắm các chức vụ then chốt trong Ban Giám hiệu mấy trường học từ tỉnh tới quận. Gọi là giáo viên A chi viện, là bọn theo đóm ăn tàn, vào Nam chiếm đóng mà thôi.
Không khí trường học lúc đó ngột ngạt lắm. Nó không tin mình thì cách chi mà mình tin nó cho được. Mấy thầy cô hồi xưa, gọi là giáo viên chế độ cũ, lẳng lặng tẩy chay.
Chỉ có tay thư ký trường là ra mặt xum xoe, bợ đỡ, đâm bị thóc thọc bị gạo, học tăm học tể, lập công bằng cách vu cáo thầy nầy, thầy nọ là sĩ quan biệt phái để kềèm kẹp học sinh!
Mấy thầy biết thân, chỉ làm hết bổn phận dạy học của mình rồi về nhà! Có nhậu nhẹt sơ sơ gì thì cũng trong vòng bạn bè hồi cũ, còn tin được với nhau.
Bọn giáo viên A chi viện nầy chỉ còn cách "mã tầm mã; ngưu tầm ngưu". Ngựa trâu, tụi nó, chơi với nhau thôi.
Một lần, bọn chúng hùn được 20 đồng, vào sóc Miên mua một con Chó về để làm thịt, nhậu. Ăn thịt cầy không có lá mơ là không xong... nên chúng sai tay thư ký trường sang vườn thuốc nam của một ông thầy, vốn là dân địa phương, xin lá mơ.
(Mơ là loại dây leo bằng thân quấn, sống nhiều năm. Lá mơ có lông mềm, màu tím đỏ ở mặt sau, gọi là mơ tam thể. Lá mơ trồng ở hàng rào, bờ vườn hoặc bờ rẫy.)
Tay thư ký trường, chuyên bợ đít nầy, ra đi về tay không, mặt tiu nghỉu vì ông thầy nầy nhứt định không cho, mua bao nhiêu cũng không bán luôn.
Thầy nói: "Cái thằng Chó hùa nầy đến xin lá mơ, nói về làm thuốc chữa kiết lỵ. Nó nói dóc, chớ tui biết tỏng bọn nầy xin về để ăn với thịt chó!"
"Nếu nói thiệt, như dân miền Nam mình, có lẽ tui sẽ cho vài nắm, nhằm nhò gì, Còn quen cái thói dóc láo như vậy thì nhứt định là không. Thiệt là cái quân Chó má!"

Thưa ông thầy nầy không phải là người đầu tiên đem con Chó ra mà chửi mắng cái bọn Chó săn, Chó hùa đâu... Xưa nhà thơ bất khuất Cao Bá Quát đã chửi Chó mắng Mèo rồi!
"Tiền thần bất tri/ Hậu thần bất tri/ Trung gian thần tri/ Đản kiến: Thượng bàn hô cẩu!/ Hạ bàn hô cẩu!/ Thượng hạ giai cẩu/ Lưỡng tương đấu ẩu/ Thần gián bất đắc/ Thần kiến thế nguy/ Thần hoảng thần tẩu"
(Trước thế nào, Thần không biết; Sau thế nào, Thần không biết; Giữa chừng thì Thần biết! Thấy: Bàn trên hô: "Chó!"; bàn dưới cũng hô: "Chó!" Trên dưới đều Chó. Rồi hai bên đánh nhau. Thần can không được. Thần thấy thế nguy, thần ‘tẩu'.)
Rồi ông Ích Khiêm, một quan võ, đã chửi mắng bọn quan văn là một lũ Chó, toàn ăn hại.
Một bữa, ông thết tiệc, mời các quan đại thần văn, võ đến xơi. Bàn trên cỗ dưới đều ăn toàn là thịt Chó cả. Có người không ăn thịt Chó, hỏi món khác, ông Ích Khiêm xoa tay cười, đáp lại: "Xin lỗi, trên Chó dưới Chó, tất cả đều là Chó, thành không có gì khác nữa!"

Thưa còn chuyện bây giờ: "Nhà em có con Chó đen, người lạ nó cắn, người quen nó mừng!"
Nên bà con mình đừng có ngạc nhiên khi thấy mấy chú bưu tá ăn mặc như phi hành gia của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ, NASA, vậy. Quần áo phủ kín mít hết trơn! Đầu đội nón an toàn có kiếng che con mắt! Vì tụi nó sợ bị Chó cắn đó bà con ơi.
Theo "National Dog Bite Prevention Week" thì bên Mỹ có "gần 3500 người đưa thư bị Chó cắn chỉ riêng năm 2003"
Mùa Giáng Sinh năm 1989, Floyd Bertran Sterling, đi đưa thư, được chủ nhà thân ái mở cửa trao tặng một chai rượu whiskey. Chú Chó cũng lẹ chân nhào ra. Tay bưu tá phát hoảng, lật đật móc súng , tặng lại chú Chó săn giống Đức này mấy viên kẹo đồng.
Vác chiếu ra Tòa, Tòa hỏi: "Sao lại nỡ lòng nào bắn con Chó chết ngắc vậy?"
"Con Chó nầy tính cắn tui nhiều lần lắm rồi! Thưa Tòa!""
Ông Tòa lục hồ sơ tư pháp lý lịch của chú em, thì thấy tay phát thơ nầy chẳng phải tay vừa. Y đã từng đánh đập vợ con; từng trộm cắp; từng mang vũ khí bất hợp pháp v.v...
Ông Tòa cho chú em 6 tháng ngồi đếm lịch... về tội tàn ác với súc vật.
Sở Bưu Điện Hoa Kỳ tốn 685 đô la tiền chôn con Chó, tức quá, nắm đầu chú em đuổi luôn.

Thưa chuyện bên Mỹ, giờ mình tới chuyện bên Tàu mà Tàu hồi xưa nhe!
"Chó đâu có sủa lỗ không. Hổng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày"
Thấy ăn mày là nó sủa, nó ào ra, nó táp hà. Để bảo vệ thân ngà vóc ngọc của mình, bọn Cái Bang, tức hành khất, tức ăn mày, tức ăn xin, võ trang "Đả cẩu bổng tức Gậy đánh Chó!" để phòng khi bị Chó dữ tấn công; nếu không thì nó cắn cho thấy mẹ!
(Cái Bang là một Bang hội thành lập từ đời nhà Tống. Người nghĩa khí gia nhập Cái Bang phải đem của cải chia hết cho mọi người, rồi sống bằng nghề hành khất. Đứng đầu là Bang Chủ, 8 túi là ‘lon' cao nhứt!
Kết quả là Đả cẩu bổng pháp tức cách đánh Chó, do kinh nghiệm thực tế chiến trường... mà đúc kết thành bí kiếp ma công, theo cách cắt nghĩa của Sư phụ viết truyện kiếm hiệp, Kim Dung.
Hoàng Dung, con gái của Đông Tà Hoàng Dược Sư, nữ bang chủ duy nhất của Cái Bang, tinh thông đả cẩu bổng pháp, có 36 chiêu biến hóa khôn lường, xuất thần nhập hóa.
Khi nhậm chức nữ Bang Chủ ăn mày, Hoàng Dung phải dùng chiêu này đánh 4 vị trưởng lão, bất phục tùng, toan đảo chánh, làm bọn họ đau quá kêu ‘gâu gâu'... xin đầu hàng, thần phục)

Chuyện Tây, chuyện Tàu... rồi tới chuyện Ta!
Thưa anh bạn nhà thơ của tui thì căm thù loài Chó đến bất cộng đái thiên; đến nỗi thấy nó, là "Tui phải.... ăn thịt nó!"
"Xưa tui có yêu một tiểu thơ, con nhà quyền quý, ở một biệt thự, kín cổng cao tường, đường Tú Xương, quận Ba, Sài Gòn. Em hay rủ tui lén ba lén má ra sau vườn, để ‘khám điền thổ' với nhau.
Một hôm, đạp xe lơn tơn tới, lúc ba má em vắng nhà, đi Vũng Tàu đổi gió! Ngạc nhiên thay có cái bảng mới toanh "Coi chừng Chó dữ" trước cổng!
Sợ xanh mặt, hỏng dám bấm chuông luôn. Đứng chờ hoài, mưa rơi ướt áo, ướt quần làm thằng ‘Tèo' teo héo, từ trái ớt sừng trâu thành trái ớt hiểm, lạnh run.
Hồi lâu, em mới dời gót ngọc ra mở cổng. Tui cóm róm theo em vào! Run vì mưa ướt thì ít... Run cầm cập vì sợ Chó cắn thì nhiều. Vì nghe nói loài Chó nó ghen lắm, biết mình rắp tâm ‘quằm' cô chủ nó; là nó sẽ ‘quằm' lại mình ngay!
Nhưng bất ngờ, em cười giả lã, nói: "Em không có nuôi Chó đâu nhưng treo cái bảng "Coi chừng Chó dữ" để thấy anh đến thăm em một chiều mưa, trông trái ớt sừng trâu hóa thành trái ớt hiểm, mắc cười lắm hà! "
Thiệt là tự ái! Em đã thấy ‘teo héo chiều mưa'... thì còn cái thống chế gì nữa mà yêu đương, bồ bịch nữa! Tui bỏ em luôn... dù lòng đau như cắt nhưng mất mặt quá mà! Một đoạn kết tình bi thương vì Chó của tui... như vậy đó!"

Thưa còn tui biết rằng Chó và Mèo xưa ở trong rừng, rồi con người mới thuần hóa, đem về nuôi trong nhà. Mèo thì bắt chuột. Chó thì giữ nhà, đi săn, chăn cừu, đi bắn vịt ‘giời'...
So sánh giữa Chó và Mèo, ai cũng biết Chó thông minh hơn Mèo... "Con Mèo trèo lên cây vông, con Chó đứng dưới ngó ‘mông' con mèo". Thiệt hết biết! Ngó đâu sao mầy hỏng ngó hả con Ki Ki?
Thưa ai yêu Chó thì yêu, tui lại yêu Mèo... Nhứt là Mèo có hai chưn nữa đó bà con ơi! Có một sự thật rất thú vị, mà các nhà khoa học đã chứng minh, đó là những người yêu Mèo thường thông minh hơn những người yêu Chó. Đó chính là lý do làm tui yêu Mèo hơn yêu Chó!
Để kết bài nầy, tui xin kể đến một người, gan cùn mình, dám so sánh ‘em yêu' của mình với con Chó... mà là con Chó ốm nữa...
(Ngộ thay ‘em' yêu hỏng có giận mà còn nói thiệt là thơ cách tân nha!)
Chẳng qua, nhà thơ Nguyên Sa, từng đi học bên Tây nhưng lại làm bài thơ về Nga.
"Hôm nay Nga buồn như một con Chó ốm/ Như con Mèo ngái ngủ trên tay anh..."
Nguyên Sa dám làm như vậy nhưng kêu tui bắt chước ổng: "Dà, thú thiệt! Em hỏng dám đâu mấy huynh ơi!"

đoàn xuân thu
melbourne

 

"Tiếng hạc trong trăng!"

web_DXT_Tienghac.jpg 

 

Nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, soạn giả tuồng cải lương, nói chung, là những người làm văn nghệ, sáng tác ra một tác phẩm nào; bao giờ cũng chuyển tải theo một tư tưởng nhân bản về cuộc đời, về cách con người đối xử nhân hậu với nhau!

Nhớ những năm đầu thập niên 60, soạn giả Viễn Châu có sáng tác một bài ca vọng cổ "Người đánh đàn trên sông Mỹ Thuận" do danh ca Thanh Nhàn thâu dĩa nhựa, làm cho tác giả lẫn nghệ sĩ trình bày nổi danh khắp cả miền Nam.

Soạn giả Viễn Châu, tức nghệ sĩ đàn tranh Bảy Bá, quê xã Đôn Châu, quận Trà Cú, tỉnh Vĩnh Bình lên Sài Gòn lập nghiệp.

Những lần về lại, thăm quê là ông phải qua Phà Mỹ Thuận, nối những bờ vui, Mỹ Tho và Vĩnh Long qua con sông Tiền.

Nhà soạn giả tài danh nầy chú ý đến một người nghệ sĩ mù, chơi lục huyền cầm trên bến Bắc.

Lần sau quay qua chốn cũ, người xưa đà mất dạng... Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!

 

 

Viễn Châu lồng vào thân phận của người nghệ sĩ mù đó một số phận đắng cay, một mối tình tan vỡ: Khi anh ra thân tàn phế thì em (thiệt là tệ!) phụ rẫy người xưa đi lấy chồng giàu (?). Chu cha! Xưa giờ cũng vậy!

Anh chỉ còn là một người nghệ sĩ mù lòa trên bến Bắc, đánh đàn trên sông Mỹ Thuận, sống...nhờ lữ khách từ tâm qua đường cho chút tiền độ nhựt. Cám ơn!

"Trong một buổi chiều lặng gió/ áo não tiếng tơ đồng như oán, như than...

"Nhạn ơi! Anh ra thân tàn phế/ em thì về làm vợ người sang/ Đời em sống với bạc vàng/ còn anh làm kẻ đánh đàn ăn xin/ Em đi biệt dạng biệt hình/ hết ân, hết ái, hết tình, hết duyên/....Anh ôm đàn dạo lên lần cuối/ bản nhạc lòng dang dở năm xưa/ ...Đó rồi anh mím chặt đôi môi/ đập vào cội cây cho đến nát tan chiếc đàn sương gió/  rồi nhảy xuống dòng sông giá lạnh/ đang mênh mang gợn sóng ba đào."

Kết cuộc buồn như một câu vọng cổ, chàng nhạc sĩ mù lòa nầy tự trầm.

Thưa cách giải quyết như vậy là bi thảm quá! Nó bỏ mình đi lấy chồng giàu thì mình kiếm con khác. Nếu kiếm không được vì thân phận mù lòa... thì ở vậy... có chết thằng Tây nào đâu?! Thân thể mình là của cha mẹ sanh ra; cuộc đời mình là ân sủng của Trời đất thì ngu sao mà chết?!

(Bên Úc nầy, người chơi nhạc kiếm tiền độ nhựt trên đường phố, được ‘cáo sồ' khuyến khích; được xã hội tôn trọng, coi như là một ‘busker' (nghệ sĩ đường phố) thực sự. Chớ không có gọi họ, một cách khi dể, là ăn xin, ăn mày đâu nha!)

 

***

Thưa năm 1965, sân khấu cải lương Sài Gòn có trình diễn vở tuồng ‘Tiếng hạc trong trăng' của đôi soạn giả Yên Ba và Loan Thảo. Đây là vở tuồng kiếm hiệp kỳ tình của xứ Phù Tang.

Dĩ nhiên của Nhựt Bổn nên đào kép đều mặc đồ Nhựt Bổn hết ráo... cho nó lạ con mắt!

Nữ nghệ sĩ, sắc nước hương trời, Thanh Nga, trong vai cô gái mù Xuyên Lan, mặc áo kimono, mang guốc mộc, có che một cái dù tre, vẻ hình hoa anh đào, dùng cán dù xoay xoay để múa.

Nam nghệ sĩ Thành Được, xuất sắc trong vai Thy Đằng, tướng cướp một tay, múa gươm xoèn xoẹt, như  ‘hiệp sĩ mù nghe gió kiếm vậy!'

Yên Ba và Loan Thảo là hai soạn giả đi theo bước đường của đàn anh mình là Hà Triều Hoa Phượng. Vở  tuồng ‘Khi hoa anh đào nở'  ăn khách quá xá quà xa làm nên tên tuổi kép Thành Được trong vai kiếm sĩ Tô Điền Sơn trên sân khấu đoàn Thúy Nga năm 1959. Cái gì ăn khách là mình làm nữa hè!

Với vai diễn xuất sắc nầy, Thành Được đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm của ông nhà báo kiêm chủ báo Trần Tấn Quốc và tuồng ‘Tiếng hạc trong trăng' cũng được trao giải tuồng xuất sắc nhất năm 1966.

 

Thưa cốt truyện vở tuồng ‘Tiếng hạc trong trăng' mà tui nhớ lỏm bỏm như vầy:

Bình Thiếu Quân (nghệ sĩ Việt Hùng) vâng lệnh phụ thân là Thần y Đông Trạch (nghệ sĩ Tám Vân) dẫn em gái mù Xuyên Lan (nghệ sĩ Thanh Nga) đi tìm Lý Bình Thanh (nghệ sĩ Hoàng Giang) và phu nhân (nghệ sĩ Kim Giác) để đưa thơ.

(Ngoài đời, Hoàng Giang và Kim Giác góp gạo thổi chung... tức hai vợ chồng)

Dọc đường, họ gặp tên cướp khét tiếng Thy Đằng(nghệ sĩ Thành Được), may nhờ có tráng sĩ  Tô Điền (nghệ sĩ Thanh Sang) ra tay giải cứu.

Tướng cướp Thy Đằng tìm đến Lý gia trang để gặp Lý phu nhân, nhắc lại chuyện ngày xưa bà đã thuê hắn giết chồng. Nhưng điều tướng cướp Thy Đằng muốn nhất là gặp lại vợ con đã thất lạc sau cuộc hỗn chiến ngày xưa.

Lý phu nhân cho biết con hắn đã được bà gửi cho Thần y Đông Trạch nuôi dưỡng vì đứa bé ấy bị mù.

Khi biết con gái mình chính là Xuyên Lan, Thy Đằng tự nguyện hiến đôi mắt của mình cho con. Ngày mở băng mắt, Xuyên Lan đau khổ khi biết ân nhân của mình lại là tên cướp khét tiếng mà không hề biết đó chính là cha ruột của mình.

Đoạn cuối, khi Xuyên Lan được Thần y Đông Trạch nhắc lại sơ yếu lý lịch của mình, họ tên và con của ai! Xuyên Lan biết được sự thật cha ruột là tướng cướp Thy Đằng đã cho con đôi mắt sáng ngời, để nhìn đời, nhìn rõ đục trong, và sẽ vầy duyên cá nước cùng tráng sĩ Tô Điền. Sướng nhe!

Nam nghệ sĩ Thành Được xuất thần qua câu hát: "Cháu tôi đứa nào cũng dễ dạy, tụi nó có hai ông ngoại, chúng nói ông ngoại nầy móc mắt ông ngoại kia cho má tôi thấy đường"

Hát xong, Thy Đằng vĩnh biệt con gái yêu Xuyên Lan của mình, lần mò đi vào cánh gà mà trời tuyết đang rơi lã chã! Hình ảnh Thy Đằng rọi trên nền phông sân khấu như một kẻ cô đơn, như  ‘Tiếng hạc trong trăng!'

"Ò e Ro be đánh đu! Tazdan nhảy dù! Zoro bắn súng! Chết cha con ma nào đây làm tui hết hồn thằn lằn cụt đuôi!"

Bà con đi coi cải lương tới đoạn vãn nầy khóc quá xá! Cô Sáu, dì Bảy, em Hai, em Ba, coi xong tuồng rồi cứ tấm tức hoài! Tại sao Thy Đằng đã nhường đôi mắt của mình cho con gái yêu là Xuyên Lan rồi; còn đi bụi đời chi nữa để phải lấy cây kiếm quờ quạng lần mò dò đường. Mù lòa mà đi đâu cho khổ thân như vậy hổng biết nữa?!

Thưa lúc đó tui ‘bí'!... Biết trả lời sao? Tại hai ông soạn giả nầy muốn vậy mà.

Khi sáng tác, soạn giả là ông Trời. Muốn cho Thanh Nga mù là phải chịu mù. Cho Thành Được bị chém rụng hết một tay thì tướng cướp Thy Đằng phải cụt một cánh tay!

 

Rồi năm chục năm sau, tức là nửa thế kỷ, nước chảy qua cầu, đêm nay, viết bài nầy, tui lại tự hỏi tui: "Cha cái vụ hiến con mắt nầy, nền y học hiện đại giờ chưa thể làm được... mà soạn giả nói được là phải được... He he!"

Nhưng cái quan trọng nhứt, cái ý chánh của vở tuồng đã nêu cao được cái phụ tử tình thâm và một cái nhìn rất nhân bản về người khuyết tật, mù lòa.

Thưa tui nghe nói xã hội trong nước bây giờ, người ta vô cảm lắm, lành lặn với nhau mà hở một cái là xách dao ra... lụi!  Lành lặn còn chơi nhau tới cạn tàu ráo máng như vậy... thì lòng nhân đâu mà đối xử đàng hoàng tử tế với những kẻ không may, những người khuyết tật mà theo thống kê cả nước sau chiến tranh lên tới 5, 7 triệu người!

Đứa nào làm cho miền Nam mình băng hoại cho đến nỗi nầy?!

Viễn Châu với ‘Người đánh đàn trên sông Mỹ Thuận'; Yên Ba và Loan Thảo với ‘Tiếng hạc trong trăng' dạy cho người viết là tui một cái nhìn đúng đắn, để biết cách đối xử với những người không được may mắn như chúng ta.

Còn ai đó cho rằng :"Người khuyết tật phải gánh chịu số kiếp khuyết tật như vậy vì họ phải trả giá cho việc làm xấu xa ở kiếp trước..." Nói như vậy là nói bậy!

Muốn biết một xã hội văn minh hay không chỉ cần nhìn vào cách họ đối xử với người khuyết tật.  Chớ văn minh không phải chỉ là đi mượn nợ nước ngoài để xây thật nhiều cao ốc cho giống Singapore hay lên truyền hình dạy con nít cách nhồi chất nổ C4 vô cái bánh chưng mà giết ‘giặc' Mỹ đâu nha mấy cha nội!

 

Đối xử với nhau cho ra cái giống người mới là cái việc cần làm ngay đó!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

Mùa hè khốn khổ!

Đọc và nghe:  20150805100325.mp3 

 web_dxt_muaHe.jpg

   Bảo Hân

 

 Thưa đất lạ, quê người nên cái gì cũng lạ, cũng khác... ngay cả cái chuyện ăn học.

 Ở Úc, niên học bắt đầu từ Tháng Giêng và chấm dứt vào Tháng Chạp. Học như điên, học suốt 12 tháng hay sao? Ðâu có! Học trò Úc cũng có nghỉ, nhưng không nghỉ Hè một lèo, suốt 3 tháng, từ Tháng Sáu cho tới Tháng Chín như ở quê mình đâu.

 Mà trò Úc nghỉ sau mỗi học kỳ. Một năm có 4 học kỳ; có bốn lần nghỉ cho nó phẻ!

 Cứ hết một học kỳ, nghỉ hai tuần (ngày hơi khác biệt nhau chút đỉnh tùy theo tiểu bang và lãnh thổ). Lúc con em nghỉ, thì phụ huynh học sinh cũng xin nghỉ phép theo, nên nhiều địa điểm vui chơi mùa nghỉ rất là tấp nập Tía Má và mấy công tử lẫn tiểu thư.

 Như năm 2015, xong học kỳ Một, học trò nghỉ từ 28 Tháng Ba tới 12 Tháng Tư. Lúc đó Úc rơi vào mùa Thu và trùng với lễ Phục Sinh (Easter). Trời Thu nhưng vẫn ấm và vẫn đầy ánh mặt trời; nhiệt độ dao động từ 20 đến 30 độ C.

 Thủ đô Canberra, cây cối đã chuyển màu, từ xanh xao sang vàng úa, từ lá cam sang lá đỏ. Bà con lặn lội, mang lều cọc, thịt hộp, xúc xích, bacon (thịt heo xông khói), bia bộng vào các công viên quốc gia cắm trại. Tây Úc là bắt đầu mùa của cá voi và cá mập. Bà con giong thuyền ra biển để coi tụi nó đua chơi!

 Cuối học kỳ Hai, kỳ nghỉ từ 27 Tháng Sáu cho đến 12 Tháng Bảy, rơi vào mùa Ðông xứ Úc. Hiếm khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, nhưng vẫn có tuyết rơi trên đỉnh Snowy Mountains, tiểu bang New South Wales, hay vùng cao nguyên của tiểu bang Victoria hoặc nhiều phần đất thuộc Tasmania. Vậy là bà con đi trượt tuyết.

 Nhưng cũng có nhiều gia đình trốn lạnh bằng cách dẫn con em bay lên tiểu bang nắng ấm Queensland; đến những địa điểm du lịch nổi tiếng như Gold Coast, Sunshine Coast, Noosa Heads, the Whitsunday Islands và Cairn.

 Vùng nhiệt đới của Úc, thời tiết mát hơn nên có nhiều người lớn dẫn con nít đi lãnh thổ Bắc Úc (Northern Territory), thăm Darwin, thăm Kakadu hay chiêm ngưỡng phiến đá Uluru khổng lồ, nằm chình ình giữa trung tâm sa mạc nước Úc. (Nhớ cẩn thận coi chừng chó rừng Dingo tha mất con mình như đã từng xảy ra tại đây vào ngày 17 Tháng Tám năm 1980).

 Tại Victoria, đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhứt để vi vu trên Great Ocean Road, được mấy hãng du lịch quảng cáo là một trong những con đường đẹp nhất trên thế giới. Mại vô không đến xem, bỏ qua là rất uổng!

 Cuối học kỳ Ba, từ 19 Tháng Chín đến 4 Tháng Mười, trời ấm dần lên, trong kỳ nghỉ mùa Xuân nầy, các tiểu bang miền Nam người ta ra biển, tắm nhưng xin bà con hãy coi chừng cá mập.

 Trời vẫn còn hơi mát, đi thăm vùng phía cực Bắc như Cairn cũng được, lúc hơi ẩm và mùa mưa vẫn còn chưa kịp đến.

 Còn Tây Úc, mùa nầy hoa dại nở đầy, mùa sinh sản của thú rừng, mùa rất tuyệt để trượt nước, chèo thuyền độc mộc trên sông, trên suối.

 So với kỳ nghỉ mùa Xuân, mùa Thu, mùa Ðông, nghỉ Hè, cuối niên học, từ 19 Tháng Chạp tới 26 Tháng Giêng là dài nhứt, là ‘đã' nhứt vì nhiều lẽ.

 Thời tiết nóng dần lên, thiên hạ đổ xô ra biển. Tui cũng nhào ra biển, rửa hai con mắt ti hí của tui luôn, mà em yêu hổng có càm ràm gì ráo trọi, vì tui đeo kính râm nhìn chăm chăm chỗ nào... thì làm sao em biết đặng?!

 Mùa Hè cũng là khoảng thời gian bận rộn nhứt trong năm với Lễ Giáng Sinh và Mừng Năm Mới. Những môn thể thao ngoài trời như Cricket, như Ðại giải quần vợt Úc mở rộng, tổ chức hàng năm ở Melbourne, những liên hoan âm nhạc ngoài trời...

 Học trò nước Úc hoàn thành ‘vẻ vang' bậc Trung học, sau 12 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường, bèn xả hơi, tụ tập lễ hội gọi là Schoolies Week, 3 tuần, quậy tưng bừng, quậy hết biết, khắp các tiểu bang, khởi sự vào tuần lễ thứ Ba của tháng Mười Một. Ðám nhỏ choai choai nầy bay lên Gold Coast, Byron Bay, Sunshine Coast, Airlie Beach và Lorne, một bãi biển nổi tiếng thuộc tiểu bang Victoria cách Melbourne khoảng 2 giờ chạy xe!

 Sút chuồng, quậy mát trời Tía Má luôn. Tuổi nầy mà Tía Má nào lỡ rầy hơi bạo làm nó quạu... là nó tiếu ngạo giang hồ đó nha! Nên xin bà con cẩn trọng, đừng nạt nộ gì cho khổ mà phải nhẹ nhàng khuyên bảo các con thơ! Hu hu!

 Tóm lại học trò Úc học thì cũng rất siêng và chơi thì cũng ‘quá' siêng luôn. Vì thầy cô Úc nói (như xúi): "Chơi cũng là học. Và học cũng là chơi!"

 Vì có đi du lịch, có về quê, có lên rừng hay ra biển, có đi viện bảo tàng hay thư viện đều giúp trẻ em phát triển toàn diện sau nầy.

 Nhưng nhớ đừng quên đọc sách! Nghỉ một tháng, thầy cô cho chừng 25 cuốn thường là ebooks để đọc với Tía, với Má để đừng có quên chữ nghĩa thánh hiền nhe! Ðứa nào giỏi, siêng đọc hết 25 cuốn thì Úc nó gọi là ‘bookworm', người Việt mình gọi là con ‘mọt sách'

 Thưa còn người viết thì ‘nghỉ Hè' có nghĩa ‘sát sàn sạt' là ‘ra Hè mà nghỉ'.

 Mấy đứa cháu nội nghỉ Hè, thì hai thằng con chở về giao cho ‘em yêu' của người viết, tức bà nội, tức vú em, tức nanny, để cho tụi nó rảnh mà đi cày, kiếm tiền đong gạo.

 Ngoài Hè cũng có vườn cây trái, cũng đầy tiếng chim kêu nhưng không có nghe vượn hú à nhe! Nhà nghèo tiền đâu dắt sắp nhỏ đi chơi xa?! Nhưng ở nhà cũng vui hết biết mà lại đỡ tốn tiền! Bà Nội lụm cụm dắt sắp nhỏ ra Hè, bày cách làm bánh tai yến gì đó. Ðứa nào cũng xăng xái giành pha bột, nói :"Nội à! Ðể con ‘heo' (help) cho!'' He he!

 Thưa chuyện Hè bây giờ của đám cháu Nội làm mình lại nhớ vô cùng mùa Hè xưa cũ, cách đây gần nửa thế kỷ!

 Mùa Hè theo tiếng ‘hú u' của bè bạn, đạp xe ra khỏi khói, bụi và nắng Sài Gòn (hổng dám em đi mà chợt mát đâu), băng qua cầu Nhị Thiên Ðường, về một mảnh vườn quê của Tía Má thằng bạn, để trèo cây hái trái, hay ra sông câu cá chốt hay tập lội đì đùng, té nước tùm lum.

 Mùa Hè ‘em' dắt chó ra ruộng, đem theo một cái mai, đào hang dọc bờ mẫu, bắt chuột đồng về lột da, khìa ăn chơi, như Tây nó ăn thịt gà rô ti vậy, hay nấu canh chua với bần chín, thêm món chuột xào sả ớt ăn với cơm trắng là mồ hôi mồ kê rịn ra đầy trên trán. Quá đã!

 Bằng không thì xách cái rổ, lội ra đồng năn, lác quê mình mà xây cù. Nghĩa là cắm cái rổ xuống chỗ nước còn đọng vũng, kêu mấy đứa lội vòng vòng cho cá trắng, cá đen nhỏ bằng mút đũa sợ, nó chạy vô cái rổ của mình. Ðược kha khá, cá đầy vài ba chén ăn cơm thì đem về rửa sơ sơ với nước muối; xong bắc chảo, chờ mỡ nóng lên, chiên xù. Thịt cá nó bong, nó xù ra, xúc, cuốn với bánh tráng, rau sống: vấp cá, đọt xoài, rau răm, chấm nước mắm me. Ðưa lên miệng, nhai từ từ; vẫn nghe hàm răng kêu rau ráu, mới biết thiên đàng ẩm thực nó có đâu xa!

 Chu choa! Viết tới đây tui còn nhểu nước miếng đó bà con ơi! 

 Hay mùa Hè đi chăn bò để học được bài học ‘đặc sắc' là: "Ngu như bò, thẩn thơ đồng chiều gốc rạ mà không làm gì hết ráo; đôi khi... sướng hơn đi học nhiều! Hi hi!" Ðó là lối ‘ngụy biện' của đứa con nít mới 14, 15 chưa biết ‘y cà lết' (yêu) tí tẹo nào như tui thời thơ dại đó bà con ơi!

 Nhưng mấy chú dậy thì sớm, râu măng lún phún trên cằm, lỡ để ý tiểu thơ nào chung lớp thì mùa Hè tới, mấy chú buồn lắm, như Ðỗ Trung Quân chẳng hạn: "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa Hè của tôi đi đâu? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 16/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu..."

 "Em chở mùa Hè đi qua còn tôi đứng lại/ Nắng ngập đường một vạt tóc nào xa!"

 Nhà thơ nầy đứng lại ‘than' đi nha... Còn em yêu đã mang mùa Hè của tôi ra biển; vượt biên mất rồi... trước khi mùa Bão tới.

 

***

 Thưa còn bây giờ mùa Hè trong nước, nó ra làm sao?

 Thiệt là tội nghiệp đám con nít ghê. Suốt niên học dài đăng đẳng một lèo chín tháng học và học. Học ngày học đêm, học đến mụ người, học đến đẹt ngắt, học đến lớn không nổi... nên lùn beo hè!

 Vậy mà mùa Hè tới là không có nghỉ Hè gì hết ráo. Mùa Hè là phải đi ‘bộ đội'. Sao kỳ vậy hỡi trời? Bởi: Con trai, con gái 13,14 tuổi, chỉ biết ăn với học, chẳng bao giờ động chân, động tay đến việc nhà, lại có vẻ bắt đầu ương bướng, nên mùa Hè này, Bố Mẹ cho tụi con "đi bộ đội" ở Sơn Tây, học bắn súng AK.

 Học kỳ quái đản nầy diễn ra từ 7 đến 10 ngày, tốn khoảng 6 triệu đồng một đứa. Cũng khoảng 300 đô Úc chớ đâu có ít ỏi gì!

 Tốn tiền kha khá mà hổng ai khen; còn bị mấy phụ huynh khác ‘xì nẹt' tưng bừng: "Chiến tranh, loài người có lương tri, không ai muốn. Cực chẳng đã mới phải cầm súng bắn vào đồng loại. Còn con nít dạy nó thương người, thương đời không hết. Ai dạy cho nó cầm súng AK vậy mấy cha?"

 Rồi mấy tháng trước đây, trên truyền hình, các ‘cụ' giao liên cộng sản tại Ðà Nẵng dạy cho mấy em cách nhào nặn và giấu thuốc nổ C4 trong bánh giò. "Luộc lá, luộc bánh, nặn thuốc nổ C4 cho giống bánh, rồi lấy lá gói lại"

 Thường dân Nam Bộ cự nự quá, nói: "Học gì không học, học làm khủng bố! Những thủ thuật đánh du kích dã man đó phải bị loại khỏi cuộc sống loài người mới phải chứ."

 "Dạy trẻ nhỏ toàn chuyện nguy hiểm, xem thường tính mạng người khác chưa bao giờ là sứ mệnh của một nền giáo dục nhân văn. Trách sao lớn lên, chúng không bị tiêm nhiễm thói vô cảm, hung hãn, côn đồ..."

 Thưa con em mình, ai cũng có quyền có một thời thơ dại đẹp như thơ! Xin quý phụ huynh đừng có nghe lời mấy đứa xúi dại: nghỉ Hè đi bộ đội gì gì đó... để tụi nó trước là lượm tiền bỏ túi, sau là cố ý tẩy não con mình!

 Thưa quý ông, quý bà xúi dại con nít, cho phép tui hỏi thiệt là ngặt câu nầy nha: "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng! Tụi bây chở mùa hè của sắp nhỏ đi đâu?!"

 đoàn xuân thu

melbourne 

 

 Trời đất từ rày mặc gió thu!

 dxt_troidat_PTGSchool.jpg

 

Nhạc sĩ Duy Khánh có viết bài 'Trường cũ tình xưa' thiệt là đúng với tâm trạng của mấy đứa học trò, vì đất nước chiến tranh phải bỏ dở việc học giữa chừng mà đi lính.

"Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ/ Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ/"  "...Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi?/Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày thơ/ Vang trong nỗi niềm nhung nhớ/ Có ai đi thương về trường xưa?"

Thiệt là chí lớn gặp nhau! Anh bạn nhà thơ của người viết cũng nghĩ vậy.

Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm vừa xong thì Mùa hè đỏ lửa, năm 72, nổ ra, ảnh bị tổng động viên vào Thủ Đức, ra trường rồi cũng 'lội' bì bõm như ai.

Có lần hành quân qua một vùng quê chinh chiến; thấy một ngôi trường làng quê bị giặc tàn phá, ảnh xúc cảm, làm thơ như ý ông Duy Khánh: "Con đã qua bao ngôi trường đổ nát, duy chỉ còn ngơ ngác trống trường xưa/ Vết xé, đạn thù, tanh bành mặt trống/ thì làm sao con gọi bạn tựu trường?!(Nói tới trống trường xưa thì tui còn nhớ đứa nào to con, bắp tay cuồn cuộn, nổi lên hai con chuột là được mấy thầy cho đánh trống 'thùng thùng' để báo cho học trò giờ vô lớp và tan trường! Khoái chí tử, hãnh diện với đám nữ sinh biết bao nhiêu mà nói...!)

Tháng Tư, năm 75 tràn tới, thầy trò tản lạc bởi thế sự nhiễu nhương nhưng trường cũ tình xưa vẫn còn hằn ghi trong kỷ niệm.

Rồi lưu lạc xa quê cũng đã rất lâu, mà anh bạn nhà giáo kiêm nhà thơ của tui vẫn nhứt định không về; vì mang mặc cảm có tội với bà con mình còn kẹt lại trong nước! Khi tui chạy, bỏ đám học trò năm cũ chịu trận cho tới tận bây giờ. Thấy kỳ quá! Tuy nhiên xa quê, xa trường cũ, mà tui đâu có quên được đâu anh:

"Trường xưa còn đó, bao thương nhớ!/ từng gốc phượng đau, rụng lá sầu/ phấn trắng, bảng đen, mình một thuở/ trôi vào quá khứ, cuộc bể dâu."

Mà ngôi trường hồi xưa của tui sau 75 nó đã bị mất tên rồi. Từ tên trường Trung học Phan Thanh Giản nổi tiếng cả mấy tỉnh miền Tây thành Châu Văn Liêm, tên của ông 'cố nội' nào đó, mà tui chưa hề được biết!

Anh biết mà! Quê mình có những trường học rất xưa, lập từ thuở Tây thực dân mới chiếm nước mình như: trường Collège de My Tho (1880), tới năm 1917 mới mở một chi nhánh ở Cần Thơ với tên gọi Collège de Can Tho, gồm 4 dãy nhà ngang và 2 tầng, ở giữa là khoảng sân rộng, cửa sổ lá sách...  

Tháng Tám, năm 1945, trường danh dự được mang tên Phan Thanh Giản cho tới ngày mình mất nước. Như vậy chỉ hai năm nữa thôi là trường Phan Thanh Giản được 100 tuổi, là tròn một thế kỷ. Biết bao nhiêu thế hệ đã ngồi mài đũng quần trên ghế nhà trường nầy! Không phải là trường của Cần Thơ thôi đâu mà còn của cả mấy tỉnh miền Tây lân cận nữa đó.

Rồi mấy hôm nay đọc báo, nghe cha con tụi nó tính đập cái trường Phan Thanh Giản xuống; rồi xây lên cái mới, tui thấy thiệt là buồn trong tấc dạ, lòng đau như ai cắt vậy.

"Tại sao lại đập bỏ một ngôi trường cổ kính có gần 100 tuổi; đứa nào quyết định?"

Thì mấy 'quan' biện bạch rằng: "Niên hạn sử dụng, theo Tây nói, tới năm 1987 là hết.  Từ sau năm 1975 đến nay đã có 3 lần sửa chữa lớn, nhưng chỉ tạm thời thôi (?), như: thay toàn bộ đòn tay, rui, mè .

Rán lết thêm gần 30 năm nữa, nhưng giờ tình hình bác đi 'bi đát' lắm! Nhiều dãy phòng học vách tường bong, tróc xi măng, trơ ra các viên gạch; trụ sắt, lan can đã bị nứt, đổ ngã bất cứ lúc nào. Đà, sàn bị nứt; nhiều cầu thang, cửa bằng gỗ bị mục, cột trường gạch vữa rơi vãi, lộ lõi thép ra.

"Trường 'tệ', xập xệ như vậy nếu không đập bỏ, cất mới... lỡ sập, chết học trò thì ai vô mà chịu? Cái trường Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, già hơn, cũng đã bị đập bỏ, cất lên 4 tầng (cao hơn 2 tầng so với trường cũ). Có ai nói gì đâu?"

Nghe vậy, dân Cần Thơ 'nghi' mấy 'quan' anh quá, nói: "Xây mới thì sao đẹp bằng kiến trúc cổ xưa; xây mới có khi được năm, bảy năm là lại hỏng...hóc!

Rồi còn 'xỏ ngọt' nữa chớ: "Đúng rồi! Giờ nên đập bỏ đi... xây trường mới thì mới tiêu hết tiền thuế của dân chứ... Nếu không sẽ không biết sử dụng tiền vào việc gì."

"Tu bổ cái cũ vừa khổ, vừa cực, vừa chẳng xà xẻo được gì. Làm chủ đầu tư một công trình mới toanh, lợi (túi bà xã) hơn nhiều!"

Nghe dân nghi mình rút ruột công trình như 'ma lai', mấy quan, xúm lại một bọn, thề thốt là các thủ tục đầu tư xây dựng đều được tiến hành đúng theo quy định. (?!). Nghĩa là hỏng có bỏ túi cắc nào đâu mà trường mới vẫn đẹp như  trường cũ, đúng vị trí dãy phòng, đúng chiều cao, gồm 1 trệt, 1 lầu, tốn có 98 tỉ đồng tiền thuế của dân thôi! Đầu năm 2017 sẽ xây xong... cho con em mình đi học hé!

Nói gần ráo nước miếng mà dân cũng hỏng chịu tin; còn hỏi mấy câu trật bản họng, khó trả lời, là: "Lăng tẩm Huế,...  Bưu điện Trung Tâm, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (đã 140 năm tuổi), đang trùng tu, ngay cả nhà ở Phố Cổ Hội An bằng cây mà thiên hạ đâu có cần phải đập đi để xây lại cái mới?"

Nhẩy vô cho mấy quan cứng họng luôn chơi, một ông khoa bảng cùng mình, có học vị, học hàm còn dài thòng hơn cái tên cúng cơm của mình nữa là  GS.TS. KTS (Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư ) 'phán': "Một trường học ngấp nghé 100 năm, hiếm lắm, quý lắm. Việt Nam hiện chỉ còn vài ngôi trường như thế thôi!"

Rồi ông Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư nầy còn đem bên Pháp, bên Anh, bên Mỹ ra 'hù' mấy quan là: "Các trường đại học như Sorbonne (Pháp), Cambridge (Anh), Harvard (Mỹ)... đều là trường lâu đời và người ta đều giữ lại những công trình kiến trúc cũ!"

"Việc xây mới nhưng theo hình dáng cũ, tương tự một bệnh nhân ốm đau thay vì chữa bệnh, lại nhân bản bằng đổ khuôn thạch cao vậy!"

Còn sợ Tây, nghe nó nói hết hạn sử dụng là tao đập (để kiếm chút cháo bào ngư) nghe cũng không lọt lỗ tai vì hầu hết công trình thời Pháp thuộc ở Hà Nội, Sài Gòn hay nhiều thành phố khác đều đã "hết hạn sử dụng".

Tuy nhiên, không việc gì phải "tuyên án tử hình" nó (Cha! chữ ông dùng nghe 'ghê' quá xá), mà phải trùng tu, gìn giữ. Nhiều kiến trúc gỗ "hạn sử dụng" còn ngắn hơn cả kiến trúc gạch, chỉ 50 - 70 năm, mà còn duy trì được hàng trăm năm rồi đấy thôi. Về  kỹ thuật, trình độ Việt Nam hiện nay hoàn toàn có thể làm được. Trường sẽ tồn tại thêm 100 năm nữa. Dễ ợt!

Nhưng tui thấy ông nầy nói câu nầy hay; tui chịu, là: "Nếu đập bỏ cho dù chúng ta sẽ có một hình hài mới, nhưng hồn cũ thì sẽ không còn nữa!"

Đúng vậy! Trường đâu chỉ là cái vật chất thôi đâu... mà còn là cái tinh thần, là tình cảm, là kỷ niệm của biết bao lứa học trò năm cũ. Tụi nhỏ, nhứt là đám con gái (hay mít ướt), nghe trường sắp bị đập bỏ, bèn mếu máo rủ nhau trở về, chụp hình kỷ niệm trường xưa! Kẻo mai kia mốt nọ biết đâu mà tìm?

Trên thì ông Tây nầy nói hỏng trùng tu được nữa! Hết hạn sử dụng năm 1987, là đập. Dưới thì ông Tây khác hứa cho chút đỉnh, khoảng 150 ngàn đô Mỹ để trùng tu. Sao Tây... mà đứa nầy nói vầy; đứa kia nói khác... hay là 'quan' đang nói khoác ? Đập bỏ hay trùng tu mà chỏi nhau chan chát vậy? Đúng là miệng quan trôn trẻ mà!

Đó là ý kiến của dân Cần Thơ trong nước! Còn ý kiến ông bạn nhà giáo kiêm nhà thơ ngoài nước của tui thì sao?

Thì ảnh nhắc lại chuyện xưa rằng: "Năm 75, khi mất miền Nam, trường bị mất tên, tượng ông Phan Thanh Giản giữa sân trường nó còn đập phá được thì cái chuyện đập bỏ cái trường nầy cũng không làm ảnh ngạc nhiên một ly ông cụ nào hết ráo."

Ảnh nói rằng:  "Tiến sĩ Phan Thanh Giản (1796-1867) từng làm quan trải ba triều, là Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Năm 1850 được phong làm Kinh lược sứ Nam Kỳ.

Năm 1858, liên quân Pháp-Tây Ban Nha  lần lượt đánh chiếm các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Ông Phan Thanh Giản, Chánh sứ, và ông Lâm Duy Hiệp, Phó sứ được cử đi Pháp, để chuộc ba tỉnh miền Đông nhưng không được. Tây không những không cho chuộc mà còn đem quân chiếm nốt ba tỉnh miền Tây.

Ngày 20 tháng 6 năm 1867, chúng đánh Vĩnh Long, bằng tàu to súng lớn! Biết thế không thể giữ nổi, nên để tránh đổ máu dân lành vô ích, (Dân vi quý! Xã tắc thứ chi..."), ông Phan Thanh Giản đã quyết định trao thành, không kháng cự, với điều kiện là người Pháp không được giết hại dân lành!"

Sau khi thành mất, ông tuyệt thực suốt 17 ngày, rồi uống thuốc độc tự  kết thúc đời mình vào ngày 4 tháng 8 năm 1867, hưởng thọ 72 tuổi.

Vậy mà sau 75, mấy tay dạy Sử, từ Bắc vào, cứ lải nhải như một thằng ngu là:  "Phan, Lâm mãi quốc, triều đình khi dân" (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước; triều đình coi thường dân chúng).

Là vì chúng nó 'hùa' theo Trần Huy Liệu, năm 1963, là kẻ hậu sinh mà dám cả gan kết tội ông Phan Thanh Giản là  "bán nước". (Bán nước... rồi tuyệt thực, tự vẫn, chết... để làm gì?)

Trường mất tên; nhiều đường phố ở miền Nam Việt Nam mình mang tên Phan Thanh Giản cũng bị mất tên luôn.

Mãi tới năm 2008, Viện Sử học Hà Nội mới thú nhận là tụi nó làm như vậy, nói như vậy là...sai, là... ngu hết biết luôn!

Thời thế đảo điên, anh bạn giáo của tui, chỉ biết chép miệng, than dài:"Ôi! trường ta! tang thương!/ theo vận nước nhiễu nhương! Học trò năm cũ giờ đâu cả? Em giạt về đâu mấy nẻo đường?"

"Tháng tư đau thương tìm về trường cũ? Cái thiện đâu? khi nước mất, nhà tan/ Lời thánh hiền, phấn, bảng, Thầy ngã xuống/ Cái thiện thua rồi, cái ác vênh vang!"

Phan Thanh Giản, rõ ràng là người thương dân, thương nước, một người Thầy rất lớn không những của Lục Tỉnh Nam Kỳ mà còn cả nước Việt Nam.

Mấy năm gần đây, có nhiều người học trò cũ đã nhân cơ hội tụi nó nhận đã sai lầm, đòi trả lại tên trường Phan Thanh Giản cho dân (để ông Châu Văn Liêm gì gì đó đi chỗ khác chơi)... suốt mấy năm trời ròng rã mà có được đâu!

Còn phần tui là giáo nghe anh! Tui mặc cảm, mình có tội với cái trường xưa nầy lắm lắm. "Mất lục tỉnh Nam Kỳ/ Chén thuốc đắng/  Người đi/ vào miên viễn. Anh mất miền Nam/ anh lên đường vượt biển? Nước non nầy bỏ lại để ai lo?" Trường xưa đã tang thương như vầy mà mình chạy đi ra hải ngoại rồi... thiệt là có lỗi... Nhưng nếu còn kẹt lại, trước 'bạo lực cách mạng' cực kỳ hung hãn, chắc tui cũng không làm được gì hết ráo!

Chỉ còn cách là nhớ ông Phan Thanh Giản như nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, cùng thời tao loạn đó, viết trong bài điếu rằng:

"Minh tinh chín chữ lòng son tạc,

Trời đất từ rày mặc gió thu!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

 

Thầy Giáo Ngụy!

 

Thưa năm 75, tui cũng như những người khác là phải xách cái giỏ đệm đi học tập cải tạo cho thành người tốt. "Ủa! Xưa giờ tui có làm người xấu bao giờ đâu mà bây giờ tui lại phải bị ‘cải tạo' cho thành người tốt chớ?"

 

Dạy ‘giáo' là dạy cho con nít biết đọc, biết viết chớ để tụi nhỏ dốt đặc cán mai sao được, thì Giáo có tội lỗi gì? Thì tay cán bộ Tuyên huấn Thành ‘quỷ' nói rằng: "Ðồng chí (?!) đừng có xỏ xiên tụi tui dốt đặc cán mai! Mấy đồng chí (?!) giáo viên không có tội cầm súng chống phá lại cách mạng nhưng các đồng chí có lỗi, lỗi nầy lớn lắm. Các đồng chí dạy học trò học toán cho giỏi, lớn lên tụi nó đi ‘đề lô' pháo binh, chấm tọa độ chính xác đến từng mi li mét một, pháo ngay chóc hầm của Cách mạng, làm tụi tui chạy như vịt... Mà các đồng chí nói hổng có lỗi là sao hả?"

 

"Kẻ thù Pháp, Nhật, Mỹ nào... ta cũng đều đánh thắng hết ráo. Bắc Nam gom về chung một mối, cả nước hòa lời ca?! Khó như vậy ta còn làm được... huống hồ gì cái chuyện kinh tế! Ðảng ta sẽ xây dựng gấp 10 lần ngày nay. Xong kế hoạch ngũ niên nầy cả miền Nam vừa được giải phóng đêm ngủ không ai cần đóng cửa nữa!"

 

Ðúng vậy! Còn của cải quý giá gì nữa đâu mà sợ ăn trộm để đêm ngủ phải mắc công cửa đóng then gài chớ?!

 

Thưa đói khổ như vậy; nhưng Trời lại thương cho trúng lô an ủi là tui có quen anh bạn tù cải tạo cũng giáo, giáo dạy Việt văn.

 

Ở tù về, hai đứa thầy giáo ‘ngụy' đều bị ‘thầy giáo tháo giầy', ‘giáo chức dứt cháo!' Anh bạn chạy xe đạp ôm; còn tui, tui đi bán vé số.

 

Chiều 5 giờ là ảnh rề rề chiếc xe đạp đến trước bàn vé số của tui đặt ở Công viên trước cổng Bệnh viện Thủ Khoa Nghĩa hồi xưa, mà giờ VC đặt cái tên mới là Bệnh viện Ða Khoa Cần Thơ, để dò vé số.

 

6 giờ tối là tui xếp bàn vé số lại, leo lên cái ‘bọt ba ga' cho ảnh chở vào chợ Tham Tướng, kêu một xị rượu thuốc và hai tô cháo vịt, lai rai... để thưởng công cho một ngày lao động vinh quang! "Trời làm một trận lăng nhăng/ông xuống làm thằng, thằng lại lên ông!"

 

Có hôm quất sạch tô cháo vịt và xị rượu đế, nổi hứng, mặt hồng hồng sáng trong trong, anh chơi luôn một bài thơ như vầy:

 

"Em giỡn chơi hay là em tàn nhẫn?/ phụ anh rồi, tình không để... trôi xuôi/ em bỏ anh, em lấy chồng... thây kệ ! nỡ lòng nào, em mời đến...chung vui?

 

Anh đã đến dẫu lòng anh đưa đám/ mặt đám ma, miệng mếu... nở nụ cười/ anh... quân tử, trót lỡ làm... quân tử/ dẫu tình thua, tay vẫn bắt, vẫn cười...

 

Em nhí nhảnh: "đâu rồi anh, quà cưới?/nhà thơ nghèo, tiền chẳng có bao nhiêu/quà anh đi: thư tình xưa, em viết/"em đốt đi, kẻo chồng biết, nó ghen!"

 

Thì kỷ niệm.. ừ thôi... là kỷ niệm/ em đã quên khi em bước qua cầu/ lỡ chồng hỏi, từ xưa giờ... thùy mị/ "chỉ mình anh, không ‘nhăng cuội' ai đâu!"

 

Anh quân tử, trót lỡ làm quân tử/ tình em yêu, anh liệm kín, chôn sâu/ an tâm nhé ! đừng vấn lòng... bội phản/ đời hợp tan... ai rảnh... để mà sầu?

 

Dẫu giỡn chơi hay là em tàn nhẫn?/ thiệp cưới mời "anh đến để chung vui"

 

"anh đã đến, dẫu lòng anh đưa đám/ đêm say vùi làm tốn rượu em chơi!"

 

Chẳng qua, hồi còn đi dạy anh có tình nhỏ vắt lên vai với một em sinh viên Luật khoa năm thứ tư của trường Ðại học Cần Thơ, tính cưới Luật sư cho nó khoái. Ai dè 30 Tháng Tư 75 bất ngờ ập tới như trời sập. Xong!

 

Ba em ở trong rừng ra! Nghe nói làm ‘thành quỷ, thành ma' gì đó. Em có kêu tui tới nhà ra mắt ba em; rồi hai người đàm đạo để kết tình ‘thương mến thương'. Nhưng hai chiến tuyến khác nhau: ‘đàm đạo' cái gì... Chỉ có ‘đạn đạo' mà thôi! Tía em bắn qua; là tui xẹt lại... Hổng có hưu chiến, ‘đánh đánh đàm đàm' gì hết ráo!

 

Có lần Tía em hỏi (xem tui cải tạo có tốt hay chưa) rằng: "Chủ nghĩa Tư bản và Chủ nghĩa Cộng sản khác nhau như thế nào?" Tui trả lời là: "Chủ nghĩa Tư bản là cái gì cũng bán. Còn Chủ nghĩa Cộng sản là cái gì cũng mua!"

 

Ông trừng mắt, nghiến răng trèo trẹo: "Giáo Ngụy! Là đồ phản động!"

 

Em yêu im lặng ngồi nghe hai người đấu khẩu sùi bọt mép... không dám binh ai bỏ ai, mặt em xanh chành như đít nhái.

 

Tui thấy tới đây kể là xong rồi... Dễ gì ổng chịu gả con gái cưng của ổng cho một thằng ‘Giáo Ngụy' như tui. Tui nổi khùng lên, chơi luôn. "Nãy giờ Bác hỏi con coi bộ hơi nhiều. Giờ tới phiên con hỏi Bác... một câu thôi: Ai đã tìm ra cái cạo râu bằng điện?" Ổng trả lời như con két "Đồng chí Liên Xô chớ ai!" "Bác nói rất đúng: Đồng chí Ivan của Bác đã tìm ra... trong cái thùng rác đặt sau lưng Tòa Ðại sứ Mỹ ở Moscow! He he!"

 

Xong tui phủi ‘đít' cái rẹt ra về! Bữa sau em đến nhà để vĩnh biệt tình tui! Em nói tía em không chịu gả em cho một thằng giáo ngụy, cực kỳ phản động như tui! "Ôi! Yêu mà cũng phân chia giai cấp, địch ta, yêu theo lý lịch... thì nghỉ ‘yêu' luôn cho nó phẻ!"

 

o O o

 

Chiều chiều nhậu ở Ngã ba Tham Tướng, anh bạn, miệng hơi mom móm, được cứu vãn bởi một cái mụt ruồi duyên, cười chúm chím... đọc thơ cho tui nghe!

 

Nhậu ở đâu, ảnh đều ghi sổ được hết trơn mới hay chớ! Bí quyết của ảnh được quyền nhậu trước trả sau là... làm thơ tặng cho em chủ quán ‘Tím Yêu'!

 

" Ngã ba Tham Tướng, hàng cây bã đậu/ lá cho tàn, em quán nhậu bình dân/ anh, thầy giáo, tháo giầy, đi chân đất/ ‘mất dạy rồi!', anh chạy xe đạp ôm.

 

Sáng vất vả, chiều tà tà Tham Tướng/ xị rượu buồn, đêm ngủ khỏi nghĩ suy;

 

khách quen lung, dĩ nhiên... em tình cảm/ em cho anh ghi thiếu, lúc không tiền.

 

Cuốn sổ nợ tên anh dài dằng dặc/ cụt vốn em sao? đành nhậu hơi thưa/ anh không đến, dăm ngày em đi kiếm/thấy bóng em, anh nhớ tới nợ xưa...

 

Dè đâu nói: "vắng anh, em nhớ quá!/ đến uống đi! đừng có ngại ngùng chi!/

 

chuyện tiền bạc đâu phải là tất cả/ nhơn ngãi mình mới thật tựa thiên kim."

 

"ghi thêm nữa làm sao anh trả nổi?/ em vốn nghèo, anh mạt, chết chùm sao?"

 

"đừng có sợ, nếu chết chùm, thì chết/ không kiếp nầy, em cho nợ kiếp sau,

 

anh thề hứa một lời... là ghi tiếp.../ "Ráng chờ em! đừng cưới vợ nghe anh!".

 

Sau đó, anh ‘biến' mất tăm... Mới hay là anh đã theo em ‘Tím Yêu' về tận cùng Năm Căn, Cà Mau sông nước quê em để "Chim quyên xuống đất ăn trùng. Anh hùng lỡ vận xuống rừng vượt biên!"

 

Mãi Tết rồi, tiệc tất niên của hội cựu học sinh trường nọ, khi Thầy Cô lên sân khấu để được vinh danh thì người viết chợt thấy: "Cha! lần nầy móm dữ nha... nhưng vẫn còn được cứu vãn bởi một cái mụt ruồi duyên, trông giông giống ai vậy cà?"

 

Cầm ly rượu bước qua bàn anh ngồi, tui nói: "Xa em lâu, vẫn nhớ chiều Tham Tướng/ buồn cuối năm, anh uống rượu quê người/ anh tiếc, anh thương một trời quê cũ/ tro tình ta vương kỷ niệm mù khơi!"

 

Ảnh nhận ra bạn hiền năm cũ năm trên năm (5/5) ngay lập tức!

 

Rồi cuối tuần, Thứ Bảy, ảnh mời tới nhà ảnh nhậu chơi, tui đi liền.

 

Bước vào phòng khách, thấy ảnh chỉ có nuôi một con chuột bạch, làm thú cưng, đang chạy giỡn trong một cái lồng. Tui nói: "Cha! Con chuột nầy lớn quá ta!"

 

Anh cười hi hi và trả lời: "Con chuột nầy là con chuột của chế độ Cộng sản Việt Nam! Nó ‘xơi' của đồng bào ta hơi ‘bị' nhiều nên hơi ‘bị' mập! Thịt của nó dành cho gia đình tui mùa Ðông nầy đó bạn!"

 

Thiệt khẩu khí, 40 năm rồi, mà vẫn còn đúng y chang là ‘Thầy Giáo Ngụy'! He he!

 

 

đoàn xuân thu

melbourne 

 

 

CHIC ÁO BÀ BA IN HÌNH CH H 

 

 

 

Mới đầu nghe ba em gọi, tôi tưởng tên em là Muỗi. Tôi ghẹo em: "Muỗi này!Đừng chích anh, đau lắm". Em trề môi, vẻ không bằng lòng: "Tên em là Muội. Muội là em. Em là Muội". À ra thế!
Ba Muội, chú Phu, người Quảng Đông. Phu là phú, phú là giàu. Tên chú giàu nhưng chú không giàu. Chú chỉ có chiếc xe hủ tiếu, bán điểm tâm dưới hai tàng me đại thụ, trên vỉa hè, bên hông rạp chớp bóng Định Tường

 

Má tôi đông con, cũng nghèo, có quầy bán cơm tấm gần bên.

Chủ nhựt được nghỉ học, hai đứa ra phụ chạy bàn. Em giúp ba em. Tôi giúp má tôi. Năm ấy tôi mười tám tuổi, học Đệ nhứt, năm cuối cùng của bậc Trung học Đệ nhị cấp. Cuối năm, tôi sẽ thi Tú tài hai. Đậu thì lên Đại học. Rớt thì vào Thủ Đức. Chiến trường đang hồi ác liệt. Bạn tôi, rớt Tú tài một, đi Đồng Đế, có đi mà chẳng có về. Muội, mười sáu tuổi, học Đệ tam, trường Tàu, sắp thi bằng Cao Trung.
Muội là cô giáo dạy tôi tiếng Quảng Đông. Dách là một, dì là hai, xám là ba, xập là mười. Bài xập xám là bài mười ba lá. Muội nói Muội không thích thanh niên đánh bài. Tôi đâu có ở không để đi đánh bài; vì tôi còn bận tơ tưởng đến Muội của tôi suốt ngày; ngay cả năm thi Tú tài hai, bài vở còn cả đống, tôi còn không để mắt tới nữa là.

 

Muôi dạy tôi tính tiền là xấu lúi. Kỷ tố là bao nhiêu. Dách cô phảnh là một tô hủ tiếu. Tôi hỏi: "Một dĩa cơm tấm bì, tiếng Quảng nói làm sao?" Muội nói: "Muội không biết". Tôi nói: "Đi hỏi ba Muôi đi!". Muội không dám. Muội sợ ba biết Muội quen với tôi, ba Muội rầy.

Ba Muội nói: "Con trai Việt Nam làm biếng lắm, đi chơi tối ngày, không lo buôn bán. Không buôn bán lấy gì ăn. Không có gì ăn, làm sao lấy vợ. Nếu lấy được vợ làm sao nuôi vợ, nuôi con".
Tôi nói: "Muội đừng lo. Tôi sẽ rán học, thi đậu Tú tài hai, vào Đại học Sư phạm, được hoãn dịch, đi bán chữ, để có tiền nuôi Muội. Muội đi bán hủ tiếu, để tôi có hủ tiếu, ăn trừ cơm, trong những ngày mưa bán ế".
Muội nói: "Muội còn nhỏ lắm, chưa biết yêu". Tôi nói: "Tôi sẽ chờ vài năm nữa".
Nhưng thời cuộc biến chuyển. Tôi không chờ được Muội mà ngược lại Muội phải chờ tôi. Chờ tôi suốt cả một thời con gái.

 

Cuối năm đó tôi đậu Tú tài hai. Hai năm xa Mỹ Tho, đi học Đại học Cần Thơ, tôi không còn dịp gặp Muội mỗi sáng chủ nhựt, để nói chuyện tào lao bắc đế nữa. Tôi sắp ra trường, sẽ đổi về một quận lỵ buồn thỉu, buồn thiu nào đó của đồng bằng sông Cửu Long; để làm một ông giáo làng, hai mươi mốt tuổi. Tôi sẽ trở về Mỹ Tho nhờ má tôi nói với chú Phu, ba Muội, hỏi cưới Muội cho tôi. Bây giờ tôi đã có đủ chữ để đi bán rồi. Tôi sẽ có tiền nuôi Muội, để ba Muội không còn chê con trai Việt Nam làm biếng nữa. Tôi sẽ không còn ăn cơm tấm má nấu. Tôi sẽ ăn hủ tiếu Muội nấu, trừ cơm, trong những ngày mưa bán ế.

Tôi không ao ước cao xa gì hết. Chuyện ấy dành cho con nhà giàu, quyền thế. Tôi chỉ ước được làm thầy giáo làng, có vợ bán hủ tiếu. Vậy mà cũng không được!

 

Mùa hè năm 72: mùa hè lửa đỏ. Các trận đánh lớn đồng loạt nổ ra ở Quảng Trị, Kon Tum, An Lộc. Tin chiến sự chiếm đầy mặt báo. Trang sau là cáo phó, phân ưu những người lính tử trận. Tôi tốt nghiệp, nhưng không được nhận nhiệm sở. Lệnh tổng động viên đã ban hành.Tôi vào trường Bộ Binh Thủ Đức.

Tôi thư về Muội bảo chờ tôi. Tôi còn quá trẻ để chết. Tôi sẽ trở về! Tôi sẽ trở về! Tôi vẫn còn muốn ăn hủ tiếu Muội nấu, trừ cơm, trong những ngày mưa bán ế. Hai năm xa Mỹ Tho, tôi đã ăn hủ tiếu nhiều nơi, nhiều chỗ nhưng không nơi nào, chỗ nào nấu hủ tiếu ngon bằng Muội của tôi.
Muội hứa sẽ chờ tôi về dẫu trời sập chăng đi nữa. Lời hứa ấy làm ấm lòng tôi suốt những ngày gian khổ giày sô, áo trận.
Tôi rời trường Bộ Binh Thủ Đức, về Thủy quân Lục chiến. Sư đoàn là lực lượng tổng trừ bị, nên tôi lội khắp nơi: từ Cà Mau, Chương Thiện, Bến Tre ra tận Thừa Thiên, Quảng Trị.

Một năm lính trôi qua, khi tiểu đoàn về Mỏ Cày, Bến Tre truy kích chủ lực miền của địch về quấy rối thì tôi đạp phải mìn. Sức nổ của trái mìn tự tạo bằng quả đạn pháo 105 lép, đẩy tôi văng tuốt xuống mương, mình dính đầy những miểng.

Tôi không chết, như đã hứa với Muội. Trực thăng phầm phập tải thương về Bịnh viện 3 Dã chiến Mỹ Tho. Tôi nằm trên băng ca, ngoài hành lang trên lầu, chờ ngày mai xe hồng thập tự chuyển tôi về bịnh viện Lê Hữu Sanh của sư đoàn ở Thị Nghè. Muội nghe tin tôi bị thương; tất tả cùng má đến thăm. Đã hết giờ thăm thương bịnh binh, má với Muội đứng dưới lề đường Trương Định nhìn lên nơi tôi nằm. Tôi thò cái tay, không bị dính miểng, vẫy vẫy. Má khóc. Muội cũng khóc. Vạt áo xẩm, Muội mặc, đẫm đầy nước mắt.
Muội sợ tôi chết, Muội khóc. Khóc cho giấc mộng tôi muốn làm thầy giáo đi bán chữ nuôi Muội; Muội đi bán hủ tiếu cho tôi ăn trừ cơm những ngày mưa bán ế đã không thành.
Tôi nằm bịnh viện cả tháng trời. Miểng trong người lâu lâu lại lòi ra. Tôi nghiến răng, rút miểng ra, máu lại chảy. Tôi được hai tuần phép để chờ ra hội đồng giám định y khoa.
Tôi trở về Mỹ Tho gặp má. Cởi giầy sô, áo trận, tôi mặc lại chiếc áo học trò năm cũ. Tôi ra vỉa hè, dưới hai tàng me đại thụ, bên hông rạp chớp bóng Định Tường, chạy bàn cho má tôi. Tôi gặp lại Muội. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhứt đời tôi, khi bây giờ, tôi nhớ lại.
Tôi hỏi Muội: "Đẹp tiếng Quảng là gì?". Muội nói: "Hụ len. Còn yêu là ói". Vậy thì "Nị hụ len; ngọ ói nị". Muội mắc cỡ, ửng hồng đôi má.
Cả tháng trời nằm bịnh viện, không có dịp xài, lương vẫn y nguyên. Tôi lãnh tiền ra, đưa cho má tôi một nửa. Má tôi không cầm tiền, má khóc.
Tôi nài nỉ: "Em con đang sức lớn, má ơi!"
Số tiền còn lại tôi dắt Muội xuống tiệm Văn Minh, gần rạp hát Vĩnh Lợi, mua vải cho Muội may áo. Tôi chọn một xấp gấm Thượng Hải có in chữ Tàu.
Tôi hỏi: "Chữ Tàu đó nghĩa là gì?"
Muội nói: "Đó là chữ hỉ. Hỉ là vui. Vải này dành cho người ta may áo cưới".
Tôi hỏi: "Muội muốn màu gì?"
"Màu đỏ hên lắm! Muội xin Trời, Phật cho anh đi đánh giặc bình an, hết giặc, về với Muội".
Tôi nói: "Thôi! Đời anh xui quá xá rồi còn gì, muốn đi bán chữ mà cũng không được, mới đi lính có một năm đã bị thương rồi, hên đâu hỏng thấy".
Tôi chọn cho Muội vải áo màu xanh đọt chuối.
Tôi bảo: "Màu xanh là màu hy vọng. Anh hy vọng Muội sẽ chờ anh dù cho trời sập tới nơi." Muội nói:"Muội sẽ chờ."
Tôi may cho Muội một chiếc áo bà ba để bắt đền cho chiếc áo xẩm đẫm đầy nước mắt khi đến thăm tôi bị thương nằm ở Bệnh viện 3 Dã chiến ngày nào.
Muội nói: "Muội mặc chiếc áo bà ba giống hệt con gái Mỹ Tho."
"Ba má sanh Muội ra ở đây thì Muội đã là con gái Mỹ Tho rồi; mà con gái Mỹ Tho chánh cống chưa chắc đã dám đọ với em". Tôi nịnh Muội.
Hai tuần phép trôi nhanh, tôi ra hội đồng giám định y khoa tái khám, bị phân loại một, trở về tác chiến. Lại băng rừng, vượt suối, bạc màu áo trận, mốc thích giầy sô cho đến ngày tan hàng, sập tiệm.

Tôi chỉ là một sĩ quan cấp thấp, nhưng lại thuộc binh chủng rằn ri nên những người thắng trận cải tạo tôi hơi lâu; mãi năm năm sau mới thả tôi về.

Tôi trở về Mỹ Tho bèo nhèo như một chiếc áo rách. Má tôi đã mất khi tôi còn ở trong trại. Mấy đứa em giấu tôi tin buồn. Đứng trước bàn thờ má, đốt một nén nhang, tôi không còn khóc được nữa, nước mắt tôi đã cạn lâu rồi. Miệng tôi méo xệch như mếu, mắt chớp chớp, mặt nhăn nhúm, giựt giựt.
Má ơi!
Tôi nhớ lại nồi cơm tấm má nấu, nồi cơm tấm nuôi tôi ăn học. Tôi nhớ cái vỉa hè, bên hông rạp chớp bóng Định Tường, dưới hai tàng me đại thụ mà mùa thu lá me bay bay, rơi đầy trên tóc. Tôi nhớ những giọt nước mắt của má tôi, khi đến thăm tôi bị thương nằm ở Bịnh viện 3 Dã chiến năm nào. Tôi nhớ những giọt nước mắt của má tôi khi không chịu cầm số tiền lương tôi gởi. Bây giờ má tôi đã mất rồi; đàn em tôi vẫn còn nheo nhóc. 

 

Cả nhà đói, ăn độn bo bo mà cũng không đủ. Ăn buổi sáng, phải chạy, lo buổi chiều. Việc chạy gạo dồn lên cả đôi vai khẳng khiu của em gái tôi đang tuổi thanh xuân. Nhưng tuổi thanh xuân của em tôi còn đâu nữa. Nước mất nhà tan! Chưa bao giờ tôi thấm thía câu nói ấy cho bằng bây giờ.

Tôi không tìm gặp lại Muội nữa. Tình thơ dại của tôi đã tan theo vận nước. Bây giờ tôi chỉ là một sĩ quan ngụy, đi cải tạo về, mỗi tuần phải trình diện công an phường một lần cho tới ngày xả chế. Tôi ra khỏi một nhà tù nhỏ, để vào một nhà tù lớn hơn! Tôi chỉ có chữ, mà chữ bây giờ chẳng ai mua. Chế độ này không cần chữ. Lúc tôi lên trình diện, lão phó công an phường lẩm nhẩm đánh vần lịnh tha của tôi mà nước miếng tràn ra cả khóe miệng. Chế độ này cần lý lịch. Mà lý lịch tôi hạng 15, nghĩa là hạng bét, tận cùng đáy xã hội, thì tôi làm được gì bây giờ?

Tôi không tìm gặp lại Muội không phải vì tôi mặc cảm. Tôi không có gì phải mặc cảm cả. Tôi chỉ đi lính, đánh giặc, tôi thua, giặc bắt tôi ở tù. Thế thôi!

 

 

Tôi không tìm gặp lại Muội chỉ vì tôi không muốn mình trở thành gánh nặng cho Muội. Yêu người, có ai muốn trở thành gánh nặng cho người mình yêu bao giờ đâu? Tôi cũng không muốn trở thành gánh nặng cho em tôi. Thương em, có ai muốn trở thành gánh nặng cho em mình thương bao giờ đâu?
 
Tôi đã sống sót suốt năm năm trời dưới chín tầng địa ngục. Tôi đã đói, đói đến mức phải ăn bất cứ cái gì động đậy: cóc, nhái, ễnh ương, bù tọt. Tôi phải sống sót để trở về, như đã hứa, với Muội. Kẻ thù muốn tôi quỳ xuống, van xin. Tôi không quỳ xuống, van xin. Kẻ thù muốn tôi chết. Tôi không chết. Tôi đã trở về, dù thân tàn ma dại.

 

Em gái tôi đem chiếc nhẫn cưới của má để lại, đến vợ tên công an khu vực cầm, để tôi có chút vốn đi buôn lậu dầu dừa. Ngày xưa nói đến buôn lậu là nói đến tiền tỉ, đến những vật phẩm đắt tiền, trốn thuế, chuyển hàng có xe quân cảnh hụ còi như vụ Long An. Còn bây giờ chỉ mười lít dầu dừa, bỏ vào cặp táp, từ cầu Ba Lai qua phà Rạch Miễu về Mỹ Tho, kiếm lời đủ mua lít gạo.

Đế quốc Mỹ, tàu to, súng lớn, không đủ sức đưa nhân dân ta trở về thời kỳ đồ đá. Nhà nước ta, đỉnh cao trí tuệ loài người, bằng ngăn sông, cấm chợ, rào đường, chặn ngõ dễ dàng đưa nhân dân ta trở lại thời kỳ đồ đá, thời kỳ hái, lượm, thời kỳ của nền kinh tế tự cung, tự cấp; bởi buôn bán, dù năm mười lít gạo, mười, hai chục lít dầu dừa là không lao động, không sản xuất, là bóc lột, là chủ nghĩa tư bản xấu xa.
Tôi cắt tóc ngắn lên, cho gọn gàng, cho có vẻ thầy giáo. Phần thì để né mấy tay du kích bên Cầu Bắc Tân Thạch, quê hương Đồng Khởi. Mấy tay du kích VC này có kiểu làm tiền rất láu cá, bằng cách làm nhục khách bộ hành qua phà, dùng súng, chận họ lại, bắt vào hớt tóc. Tóc dài là tàn dư Mỹ Ngụy. Ngồi trước gương của ông thợ hớt tóc đầu đường, thấy tóc mình đã điểm vài sợi bạc, dù tôi chưa đầy ba mươi tuổi. Tôi mặc lại chiếc áo sơ mi trắng năm học đệ nhứt, đã ố vàng. Chiếc quần xanh được nhuộm đen. Mặc áo bỏ vô quần, mang giày với đôi vớ rách. Tôi xách chiếc cặp táp cũ nhưng không để đựng sách vở. Sách vở ích gì cho buổi ấy. Chiếc cặp đựng cái can nhựa mười lít dầu dừa. Tôi nhập vai thầy giáo, dù ước mơ làm thầy giáo làng, có vợ bán hủ tiếu để tôi ăn trừ cơm những ngày mưa bán ế, đã chết tự lâu rồi, từ Mỹ Tho qua Bến Tre dạy học, canh giờ đến lớp hay tan học, hòa vào đám học trò để vượt qua trạm Cầu Bắc.
Tôi đi buôn lậu dầu dừa được chừng sáu tháng thì thằng bạn học cũ thời trung học cũng ở tù về, rủ tôi hùn tiền mua chiếc xích lô đạp. Nó chạy sáng, tôi chạy chiều hoặc ngược lại. Thằng bạn tôi nói, cay đắng: "Thằng Mỹ quýnh quáng bỏ chạy, còn làm rớt lại cái tên Mỹ, Xô xích Le, xe xích lô". Tôi thì lại nói: "Mấy ông tai to, mặt lớn của tụi mình thì hô hào tử thủ, để có thời giờ tom góp vàng bạc, đô la rồi dông, còn làm rớt lại chức dân biểu. Xô xích Le, dân biểu. Dân biểu đâu, mình chạy đó"

Một buổi chiều sau khi chở khách ra bến xe cổng thị xã, tôi thả xe không về chợ Vòng Nhỏ thì thấy một ông cắc chú đội chiếc nón mây đan, rộng vành, như Khương Đại Vệ trong phim kiếm hiệp tàu trước 75. Ông mặc chiếc quần tiều lỡ, quá gối, chiếc áo thung tay dài gần tới cùi chỏ, bỏ vô quần, gánh hai cái cần xé không, đi lủi thủi. Tướng đi ngờ ngợ, quen quen. Chú Phu rồi chứ chẳng ai!

"Đi xích lô hông? Chú ba!" Chú Phu nhìn lên, ngơ ngác, ngờ ngợ một lát, rồi nhận ra tôi. Tôi đã đổi thay nhiều quá.
"Chèn ơi! Vậy mà ngộ tưởng nị chết rồi.""
"Chết sao được! Sống nhăn răng ra đây nè.""
Tôi chở chú Phu về nhà. Cũng căn nhà lợp ngói âm dương ở đường Huyện Toại, nhưng có vẻ tiêu điều, u ám. Chiếc xe hủ tiếu xập kỷ nìn, năm xưa, ngày cũ, còn đậu trước hàng ba, xẹp bánh, bụi bám, nhện giăng.
"Nị ở chơi, ngộ nấu hủ tiếu cho nị ăn. Lâu quá ngộ cũng không có ăn hủ tiếu."
"Vậy chứ chú thôi bán hủ tiếu rồi sao?""
"Thôi lâu rồi! Giờ ai cũng mạt, tiền đâu ăn hủ tiếu.""
"Thì bán cho mấy ổng."
"Ổng nào? À mấy ông cách mạng hả? Ờ mấy ổng đâu có thèm ăn hủ tiếu. Mấy ổng ăn vàng không hà."
Chú Phu đem ra một tô hủ tiếu và một lít rượu. Tô hủ tiếu, chú Phu vừa mới nấu, cũng chịu cùng số phận tang thương theo vận nước, chỉ nước lèo, bánh và lèo tèo những lát thịt mỏng như tờ giấy quyến.
 
Tôi nhớ tô hủ tiếu Muội nấu cho tôi ăn trong những ngày mưa bán ế. Tô hủ tiếu với bánh bột lọc làm bằng gạo Gò Cát, trụng với nước thật sôi, dai mà không bở như hủ tiếu Sài Gòn, nước lèo nấu bằng xương heo, tôm khô, khô mực, cải bắc thảo, thêm vài tép mỡ, điểm xuyến vài cọng sà lách non xanh với mấy cọng hành luộc, một nhúm giá, vài lát ớt sừng trâu xắt mỏng, rắc chút tiêu, ăn với xì dầu và dấm đỏ. Tô hủ tiếu, người thương mình nấu, ly cà phê sữa nhỏ, xây phé nại, do chính tay mình pha, trong những ngày bão rớt, mưa dầm, bán ế giờ đã trở thành kỷ niệm.
Tôi không tiện hỏi thăm về Muội, dù rất muốn.
Tôi hỏi: "Chú bây giờ làm gì để sống?"
"Thì nị thấy đó, ngộ đi mua ve chai, lông vịt về bỏ cho vựa. Nghề ve chai lông vịt mà, nghề móc bọc, móc bọc ny lon đem xuống sông rửa, rồi cân ký. Bây giờ khổquá! Nhớ hồi xưa mình vui quá!"
Lít rượu ngâm ô môi, cho có màu, chú, cháu cưa hai gần hết.
Chú Phu, chưn nam đá chưn chiêu, lảo đảo bước vào nhà trong, lấy ra cái bọc ny lon.
Chú nói: "Con Muội! Nó gởi cho nị. Con Muội! hu hu! Nó chết rồi!"
"Muội ơi!"
"Ngộ biết nó thương nị. Lúc nị đi ở tù, nó nói nó chờ nị được tha về, nó sẽ đi bán hủ tiếu nuôi nị. Nhưng có được đâu! Tụi nó đánh ăn tụi mình rồi lại giành ăn, đánh lẫn nhau. Thiệt hết biết! Hết Pol Pot, Bành Trướng Bắc Kinh, rồi Nạn Kiều. Ngộ sợ tụi nó sẽ đuổi cha con ngộ về Trung Quốc. Tưởng thống chế bỏ ngộ chạy ra Taiwan. Mao xếnh xáng rượt ngộ chạy tuốt đến đây. Mỹ Tho đất lành chim đậu. Rồi sanh ra con Muội. Ngộ nói với con Muội: "Mỹ Tho bây giờ đất dữ rồi, thôi bay đi con!"
Muội ngần ngừ, có ý đợi nị về. Ngộ nói: "Nị làm quan, mà lại rằn ri nữa, tù biết đến lúc nào ra? Nếu không đi; sợ không còn có dịp. Cái cột đèn còn muốn đi nữa mà."
"Suốt cuộc đời bán hủ tiếu, ky cỏm được hai cây vàng, ngộ xuống năn nỉ mấy xì thẩu dưới chợ Mỹ Tho cho con Muội một chổ."
"Tàu nó ra cửa được ba ngày đêm thì bơm nhớt bị hư, máy lột dên, trôi giạt. Ở hải phận quốc tế, tàu buôn qua lại nườm nượp mà không ai vớt. Ba tuần linh đinh trên biển, tuyệt vọng quá, mấy người đi trên tàu gom quần áo, giày dép lại, đốt. Cuối cùng có chiếc tàu buôn tội nghiệp dừng lại, thả thang dây xuống. Ba tuần trên biển, nị nghĩ coi, sức đâu nữa mà leo. Nó sút tay, rớt xuống biển. Chết chìm. Hu hu."
Chú Phu không còn nước mắt nữa để khóc, chú chỉ kêu hu hu, tiếng kêu của con thú bị một vết thương trí mạng, bị ví vào đường cùng, không lối thoát thân.

 

"Đêm trước khi đi, nó đưa cho ngộ cái này, nói nếu nị còn sống sót trở về, thì đưa lại cho nị. Hu hu!"

Trong cái bọc ny lon, chú Phu đưa cho tôi, là chiếc áo bà ba hình chữ hỉ tôi may cho em ngày cũ.
Muội ơi! Xác em giờ ở phương nào. Trôi vào đất Thái hay vào Nam Dương.Áo bà ba, Muội yêu, hòa biển tím. Tình còn đây trời đày ta mất nhau.
Tôi không còn khóc được nữa, nước mắt tôi đã cạn lâu rồi. Miệng tôi méo xệch như mếu, mắt chớp chớp, mặt nhăn nhúm, giựt giựt.
"Muội ơi! Anh sẽ đem chiếc áo bà ba hình chữ hỉ của chúng mình theo, ra biển!" 

 

Đoàn xuân Thu.

 

 

 MẢNH BẰNG!

web_dxt_manhbang.jpg 

Nông thôn mình hồi xưa ở ngoài Bắc hễ ai có ruộng vườn bát ngát (nói bát ngát cho ‘le' chơi... chớ chừng 5, 7 mẫu là cùng!), nhiều ao cá liền bờ là giàu, là địa chủ (Dân Lục Tỉnh Nam Kỳ không kêu là địa chủ (chủ đất) mà kêu là điền chủ (chủ ruộng)!)

Miền Tây, đồng bằng sông Cửu Long, phì nhiêu bát ngát (thứ thiệt), đất rộng người thưa, ai được cái danh 'điền chủ' là phải có ít nhứt vài trăm mẫu ruộng, có khi tới chục, trăm ngàn mẫu! Và có giai thoại nầy (hỏng biết thiệt hay không?) là quý Hắc công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy, tức Ba Huy, đi thăm ruộng phải bằng máy bay, bay mới giáp?! Sao giống chủ 'farm' Úc bên nầy hết sức vậy ta?!)

Cái ngộ là mấy em thôn nữ miền Bắc quê mình 'Chẳng tham ruộng cả ao liền, Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ?' Giữa tiền và chữ, em khoái chữ hơn khoái tiền? Tiếng rằng 'danh lợi', em chọn chữ, chọn danh trước... còn lợi thủng thẳng nó tới mà... thì việc gì phải lo chớ!

Nói một cách dễ hiểu là mấy em theo tam đoạn luận: có chữ, có danh, (được bổ làm quan, là mình ‘quằm') tất có lợi! Tuy nhiên cái tam đoạn luận chắc ăn như bắp nói trên đôi khi cũng trật lất!

Sao vậy? Thưa Tú tài hồi xưa là le lói lắm như ông Trần Tế Xương đậu Tú tài nên mới gọi là Tú Xương. Nhưng cái Tú tài của ổng là Tú tài Hán học. Mà Hán học đang suy tàn trước Tây học, ổng có chữ, có danh (nhưng Tú tài chưa được  bổ làm quan!) nên nghèo sặc máu, nghèo mạt rệp, nghèo trớt mồng tơi. Đành 'Cao lâu thường ăn quỵt; thổ đĩ lại chơi lường' (Nhà thơ Tú Xương gan hết biết... chơi lường mà hỏng sợ 'ma cô' nó quánh cho lòi bản họng!)

Nhà thơ nổi tiếng đất Vị Xuyên nầy còn có một bài thơ mà con vợ tui đọc xong nó cảm động quá chừng chừng. 'Quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng. Lặn lội thân cò khi quãng vắng, eo sèo mặt nước buổi đò đông!' Đọc xong, em thổn thức: "Sao đau khổ... giống đời em quá vậy? Hu hu!"

Nhưng nhà thơ Tú Xương của chúng ta đã ơn đền nghĩa trả (còn hơn là đầy đủ) công khó của vợ hiền; ông Tú dắt tay bà Tú thong dong đi guốc vông vào văn học sử dù chỉ bằng một bài thơ thôi... Rồi trăm năm sau, hay ngàn năm nữa, tình nghĩa, vợ hy sinh cho chồng nên danh phận vẫn lóng lánh như ngọc lưu ly!

(Bài thơ đó người viết 'chôm' để dành trong bụng hầu làm 'biện minh trạng' cho mình, một ông chồng hư quá là hư! Tui cũng biểu em yêu nên học tập, làm theo gương của Bà Tú... để đừng cằn nhằn, cửi nhửi lúc tui hư nữa nhe em!)

Thưa! Rồi cũng chuyện hồi xưa, đầu thập niên 60, tại rạp Hưng Đạo (dĩ nhiên là nó nằm trên đường Trần Hưng Đạo rồi) thường chiều thứ Bảy có Đại nhạc hội hay sáng Chủ Nhựt có tổ chức cuộc thi Tuyển lựa ca sĩ, được trực tiếp truyền thanh trên làn sóng điện đài Sài Gòn cho bà con cả nước nghe.

Trong chương trình phụ diễn văn nghệ nầy, ban Tam ca Trào phúng AVT hay trình diễn. Ra sân khấu, ba ông diện khăn đống, áo gấm thụng ba màu khác nhau. Mỗi người sử dụng một nhạc cụ dân tộc: đàn sến (Tuấn Đăng), đàn cò (Lữ Liên) và trống (Vân Sơn), hát những bài đa phần là lời thanh nhưng ý tục, hết sức ý nhị, thâm thúy... kiểu nữ sĩ Hồ Xuân Hương vậy. Khi có những câu thoại thì mỗi người nói rặt giọng của mỗi miền Trung, Nam, Bắc.

Cái bài mà tui khoái và nhớ tới bây giờ là bài 'Mảnh bằng' vì nó trúng ý tui ghê nha!

'Mảnh' là tiếng Bắc, là mạo từ, chỉ đồ vật nên hỏng có giống đực, giống cái gì ráo. Nhưng tiếng Nam Kỳ Lục Tỉnh thì gọi là cái bằng, nghĩa là giống cái... Giống cái mà sao con gái lại mê quá trời?

Té ra em mê cái công danh! Như chồng làm Bác sĩ thì vợ tự động lên bà Bác sĩ vậy. Bên Mỹ cũng vậy thôi! Chồng làm Tổng thống thì vợ tự động leo lên làm Đệ nhứt Phu nhân (The First Lady).

Năm tới, năm 2016, nếu Hillary đắc cử Tổng thống thì cựu Tổng thống Bill Clinton sẽ thôi làm cựu (cựu hỏng có oai vì về ‘hưu' rồi sao bằng ‘đương kim' cho được chớ?) Ngài Bill Clinton sẽ là Đệ nhứt Phu quân ‘The First Gent' (chức nầy xưa giờ Mỹ chưa có nghe bà con!).

Nữ Tổng thống Mỹ Hillary Cliton là số 1; nhưng Bill là chồng của Tổng thống... còn ngon hơn số 1 nữa, Bill là số một La Mã... vì tui nói bả phải nghe! Sướng nhé!)

Thưa rằng xưa thì thiệt là xưa, ban AVT hát rằng: 'Ngày xưa, lúc tuổi còn ấu thơ. Bố tôi thường nói con ráng học cho chuyên cần. Học nhiều thì ấm vào thân. Biếng lười sau chỉ vác chân đàn bà. Vợ con nó bắt coi nhà. Đuổi gà mà biết nhục, thì ráng học mà làm to... Cái bằng nó chỉ một gang thôi! Mà sao con gái họ mê quá trời...?'

Mà tại sao con gái họ lại mê 'cái bằng chỉ một gang thôi' là vì: ‘Võng anh đi trước võng nàng theo sau'... ké! Anh lều chõng đi thi Hương, thi Hội rồi thi Đình mà đỗ đầu thì được làm Trạng nguyên! (Nhớ đừng lấy công chúa con vua, rồi thành Phò mã nghe huynh. Hãy bắt chước Trần Minh (Thanh Sang) không phụ nghĩa tao khang với vợ hiền Quỳnh Nga (Thanh Nga) trong  tuồng cải lương Bên cầu Dệt lụa của soạn giả Thế Châu mới là thủy chung như nhứt, không tham phú phụ bần!)

Xui cái là Tây tới, cái bằng Hán học dẹp, treo giàn bếp. Giờ là cái bằng Thành chung, Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ dù tên mảnh bằng cũng na ná như xưa, nhưng không có Tứ thư, Ngũ kinh gì ráo mà sĩ tử thời nầy nói tiếng Tây như bẻ mía vậy!

Thời thế đổi thay! Tây nó dọt, Miền Nam mình hết làm thuộc địa cho Tây, thì tiếng Tây, tiếng U nó de lại làm sinh ngữ... chớ hỏng dám đòi làm ‘cha', làm quốc ngữ vì tổ tiên chúng ta là người Gaulois (Nos ancêtres sont des Gaulois) như trước nữa... Thầy cô dạy mình bằng tiếng Việt cho nó độc lập nước nhà phải hông?

Rồi cái Miền Nam trù phú của mình lại bị cái miền Bắc Cộng sản nó xâm lăng nên đa phần nhân tài, vật lực phải dồn vô guồng máy chiến tranh để chống trả lại. Tuy vậy chánh phủ cũng ráng xây dựng trường lớp, đào tạo thầy cô. Nên những năm năm 50, 60 quận đã có trường Tiểu học, Trung học tới lớp Đệ Tứ... Học trò học hết chữ ở quận nhà, nếu Tía má khá giả thì cụ bị quần áo, sách vở, gạo muối cho thằng 'cu' lên tỉnh, ở trọ nhà người ta, học lên nữa... hầu theo đuổi cái mộng công hầu!

Thưa thân phận người viết thì khác. Bà con mình hồi xưa có nói 'ăn học'. Nghĩa là ăn trước rồi học sau. Nhà nghèo không đủ ăn thì nói chi tới cái chuyện học hành cho nó viễn vông chớ!

Nên Tía má của người viết ráng hết sức cho tui hết cái bậc sơ học, tức cái lớp Đồng ấu (Cours Enfantin), lớp Dự bị (Cours Préparatoire), lớp Sơ đẳng (Cours Élémentaire) tổng cộng 3 năm. Tía má nói 'oải' quá rồi con! Bình dân học vụ vậy là đủ!

Phần người ta lấy bồ đựng lúa chớ hỏng ai lấy bồ đựng chữ đâu con. (Đừng có nghe ông Cao Bá Quát nói: Thế gian có 4 bồ chữ; mình ổng hết 3 bồ mà chi!) Cho dù có 3 bồ chữ cũng hỏng làm được gì đâu... Học biết đọc, biết viết, biết làm tính cộng, tính trừ là đã đủ. Ở nhà tiếp Tía má làm ruộng, mới có gạo mà nấu cơm! Kẻo chết đói cả đám bây giờ!

Sau nầy vì ít chữ, đi hỏi vợ... Tới đâu, thiên hạ cũng lắc đầu quầy quậy, nhà gái nào cũng đòi 'cái bằng chỉ một gang' thôi... làm thằng nhỏ mang mối hận lòng năm cũ biết bao giờ nguôi! Hu hu!

Thưa mãi sau nầy, trôi dạt tới Úc Châu, mối hận lòng năm cũ mới trả được! Niềm ao ước của đời ta mới trở thành hiện thực! Người viết đã cầm được trong tay được cái bằng rồi! Dạ! Đó là cái bằng lái xe của Nha Lộ vận tiểu bang Victoria, nước Australia cấp! Vẻ vang thay cho dân Việt!

Ôi mảnh bằng, cái bằng niềm ao ước của đời ta suốt bốn chục năm ròng! Mà hỏng phải mình tui có, con vợ tui nó cũng có nữa bà con ơi!

Cái bằng lái xe nầy Úc nó không có sắp hạng 'Thứ, Bình thứ, Bình, Ưu' như cái bằng Tú tài quê mình năm cũ đâu... mà là cá mè một lứa. Chính vì vậy mới có chuyện so nạnh nhau. 'Bằng mầy giỏi; Bằng mầy cao! Sao bằng Bằng tao?!' Ai lái xe cũng hay hết trơn, hết trọi hà!

Thưa! Bà con mình thấy hai người trong một chiếc xe: tài xế là phụ; người ngồi cà nhỏng kế bên mới là nhân vật quan trọng, là VIP (Very Important Person). Nên đi đâu là tui lái, còn em yêu của tui (cũng có bằng nhe) ngồi không chỉ chỏ. Tui làm phi công còn em làm hoa tiêu. Và có lần em làm 'tiêu' hết 100 đô! Làm tui 'hoa' cả mắt!

Chuyện vầy: 'Có lần tui chở em yêu đi chợ. Gần chợ có nhà cư dân. Chiều thứ sáu chợ đông. Em thấy một chỗ đậu xe còn trống, giục, đậu lẹ lẹ lên anh! Kẻo thiên hạ giành! Tui đáp vô cái 'kịt', giung giăng giung giẻ cùng em đi ăn phở tái chín nạm gầu có thêm hành trần và nước béo, tốn 20 đồng.

Xong trở ra, thấy cái giấy phạt của mấy thằng 'cáo sồ' kẹp chình ình trên cái gạt nước phía trước! 100 đô tiền phạt, bằng mười tô phở! Thiệt là đau hơn hoạn! Đọc kỹ lại cái bảng giờ cho đậu thì thấy chỉ được phép từ 9 giờ sáng tới 3 giờ chiều; sau đó phải dành chỗ đậu cho thằng ‘cha' chủ nhà đi làm về.

Tốn 100 tì, em cũng đau quá, bèn nhận trách nhiệm; từ chức hoa tiêu! Nhưng

từ chức được vài bữa em quên; nên em lại tiếp tục giơ tay chỉ chỏ. Tui vốn sợ vợ, sợ nói thẳng mực tàu thì đau lòng gỗ nên nín khe!

Thưa! Một chiều thu đầy gió, lá vàng rụng đỏ sân anh! Em êm đềm ngồi trên ghế dựa ngoài hiên, đan vớ cho chồng vì mùa đông sắp tới, sợ anh lạnh cẳng (ngỏm) thì em ở với ai đây?! Em không muốn đi bước nữa khi tuổi em chỉ mới vừa chớm tới 70 thôi!

Từ trong nhà bước ra, anh nhìn em đan vớ với biết bao nhiêu là trìu mến, thỏ thẻ rằng: "Cưng ơi! Cẩn thận coi chừng kim đan nó ghim vào bàn tay ‘búp măng' của cưng làm chảy máu... là lòng anh sẽ đau đớn lắm! Biết bao lần anh đã nói với em rằng khi đan phải chăm chú vào! Đừng nhìn quanh quất nhé!"

Em bèn bỏ cây kim đan và cuồn chỉ len xuống hỏi: "Nầy 'what's wrong with you?' Anh có 'tửng tửng' hông đấy? Nói lảm nhảm cái gì vậy hả? Anh có biết là em đã đan vớ biết bao lần chưa mà cứ lải nhải hoài như vậy?"

Chờ có thế, tui bèn chộp ngay lấy lời em nói: "Đó đó! Đúng là điều anh muốn 'nhấn nhấn' với em đó! Em có biết là anh đã lái xe biết bao lần chưa mà mỗi lần ngồi cạnh anh, em cứ lải nhải là: "Cẩn thận... Coi chừng...‘Oh my God!' hoài vậy hả?"

Kết quả chiều đó tui ăn mì gói... cho đỡ đói!

Kết luận là: Đừng dại dột dạy dỗ người phụ nữ, nhứt là con vợ của mình, cho dù trực tiếp hay gián tiếp. Đừng nghĩ rằng đời mình, đã bỏ túi quần được 'mảnh bằng có một gang thôi' mà vội làm ‘cha'! Nhớ nhe mấy huynh!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Chung một chiến hào!

 web_dxt_chungmot.jpg

 Bảo Huân

 

 

Thưa cái ngạc nhiên lớn nhứt của người Việt gốc Mít như tui là khi thấy cái tình cảm Úc đối với gia đình bên vợ. Thiệt khác nhau như nước với lửa; như đen với trắng vậy.

Rể Việt Nam mình thì: "Bước qua nhà Má, cái tay con xá cái cẳng con quỳ. Lòng thương con Má sá gì cái thân con!" Dẫu cho ‘kẻo anh chết khát vì cà nhà em' chăng đi nữa; phận lỡ nghèo mà phải đi ở rể, con hổng có buồn vui gì hết ráo! Vì trộm nghĩ cái công sanh thành dưỡng dục cù lao, ba năm bú mớm của Má sanh ra vợ con để đời con ‘lao đao' cho tới tận bây giờ! Công đó lớn lắm nên con muốn quên cũng không có dễ!

 

Úc thì khác, như thằng Tony đây, nó coi ông già vợ nó là ‘mate' tức ‘bồ tèo!'. Vì hai người có một kẻ thù chung! Là Má vợ nó! Lâu lâu hai đứa đi nhậu cùng nhau mà giấu không cho Má vợ nó hay! Vì bả hắc ám lắm! Cho bả hay bả bực bội xúi con vợ tao bỏ tao thì tao biết ở với ai chớ? Nó nói với tui như vậy, sau khi giới thiệu ông già vợ của nó với tui! Mới đầu thấy hai đứa kêu tên nhau không, tui cứ tưởng tụi nó là bạn nhậu vong niên chớ. Dè đâu, như nó nói: "Chung một kẻ thù, chung một chiến hào!" Còn tui, tui là bạn ‘đồng minh'!

 

lần nó kể cho người viết một chuyện nầy, khoái hết biết! Vừa kể Tía con nó vừa cười híc híc!

"Má có hai thằng rể thứ Hai và thứ Ba. Một hôm để thử lòng hai đứa nó. Má dắt thằng rể thứ Hai ra đi dạo và đàm đạo cạnh bờ hồ. Bất ngờ, bà giả bộ trợt chân, ngã lăn xuống nước, sắp chết đuối tới nơi. Chẳng nói chẳng rằng, thằng rể thứ Hai ‘bờ lông rông' xuống nước, vớt Má vợ nó lên! Làm hô hấp nhân tạo, giơ tay giơ chân bả lên mà xốc nước! Bả ọc ra ôi cơ man nào là nước hồ... ô nhiễm!

Sáng hôm sau, thằng rể thứ Hai ngạc nhiên thay thấy trước gara của nhà mình có đậu chiếc Toyota Camry, Hybrid mới cáu chỉ, đời 2015 với một cái thiếp cám ơn cứu tử hoàn sanh!.

Tháng sau, bổn cũ soạn lại với thằng rể thứ Ba. Dè đâu nó đứng im như trời trồng, mặt có vẻ rất phấn khích, nói: "Mình hổng ngờ lời ước của mình linh nghiệm đến thế!" Xong phủi đít cái rẹt; thả bộ tà tà về nhà, báo tin dữ cho con vợ nó hay!

Ngạc nhiên thay, trước sân nhà có chiếc Ferrari cáu cạnh, đời 2015, nằm oai hùng chần dần trước cửa. Trên tấm kiếng chắn gió của chiếc ‘xì po' Made in Italy nầy là một tấm thiếp với lời cám ơn rối rít của ông già vợ nó!

 

Thưa người viết rất bận rộn đi cày ‘full time', tuần 40 tiếng, nên còn thì giờ đâu mà để ý đến gia đình bên vợ chớ. Bà con ruột thịt của em thì để em xử lý! Phần bên vợ còn ở Việt Nam nên mình phẻ. Bởi có câu rằng ‘xa mỏi chân; gần mỏi miệng', chớ lợi lộc như thừa kế tài sản gì đó... mà mong!

Phần bao nhiêu đầu óc là mang ra đối ‘chọi' với em yêu, lúc nào công lúc nào thủ như quánh cờ tướng với một cao thủ võ lâm danh trấn giang hồ, thủ đầy bùa phép, là nhức hết cả đầu rồi! Trời ạ!

Nói cho ngay hạnh phúc trong nhà không do mấy ông chồng quyết định đâu. Muốn tình ta ấm là em cho ấm còn muốn tình ta lạnh như Canada là cũng tại do em. Nhiệt độ đo chỉ số hạnh phúc trong nhà đa phần là do mấy em điều khiển. Cũng như hai đứa cùng trùm cái mền điện và vợ ta là người nắm cái công tắc điều khiển thế thôi!

Ai nói đàn ông là phái mạnh là nói dóc hổng có ‘ba-tăng'

 

Tony và Tía vợ nó cạn nốt ly bia xong, quay sang hỏi người viết là sao hổng thấy vợ chồng Việt Nam nào lục đục hết trơn vậy? Tụi tao thấy thằng chồng Việt Nam nào đi nhậu cũng vui hơn Tết! Ði nhậu hoài hổng sợ vợ rầy sao?

 

Tui trả lời cũng sợ chớ sao không! Ðàn bà xứ nào cũng vậy có ai chịu nổi mấy thằng ngày xỉn đêm say; tối ôm chai mà ngủ đâu!

Nên mới có chuyện rằng: "Một anh xỉn quay về nhà, đi xiên xẹo, cứ một khoảng lại cụng đầu vào cột đèn đường u một cục. Bèn hỏi người phụ nữ qua đường: "Cô ơi! Xin làm ơn đếm dùm trên trán tui có mấy cục u?" "À! Có ba cục u đó anh! Anh lẩm bẩm: "Ba cục rồi; còn một cục u nữa thì mình về tới nhà!"

Tới nhà, anh mếu máo, quỳ gối, sụp xuống năn nỉ, ỉ ôi: "Vợ ơi! Cho anh xin lỗi! Tội của anh lớn lắm! Rồi bắt chước kép Minh Vương trong tuồng Tô Ánh Nguyệt: Anh xin cúi đầu chờ ân huệ em rộng lòng tha thứ cho anh! Kẻ đã vui nên quá chén để cuối cùng bay hết tháng lương!" Rồi cái nhẫn cưới kỷ niệm ngày anh về với em, anh đã cầm thế cho cha chủ quán nhậu bù vào món tiền còn thiếu!" Xin em đừng giận hờn mắng chửi rồi cầm chổi lông gà đánh đuổi anh đi! "Em đâu dám giận hờn mắng chửi gì anh! Phần nhà em cũng đâu có chổi lông gà.

"Mà cái nầy mới quan trọng nè! Em hổng phải là vợ anh. Em là Con Chín bờ đò, hàng xóm sát vách anh đó. Anh chịu khó quay trở ra cổng; đi thêm mười bước nữa là tới nhà anh!" "Xin chúc anh may mắn!"

 

Thưa người Việt mình, khi em lo lắng về tương lai; em đi lấy chồng. Anh không bao giờ lo lắng về tương lai cho tới khi anh lấy vợ!

Lấy nhau rồi, có hai thời điểm anh không thể hiểu được em. Trước và sau khi cưới em! Như hiểu để làm gì cho nhức đầu chớ! Vì anh thừa biết: "Vợ giống như xe hơi. Tất cả đều tốt ở năm đầu!"

Sau đó thì: "Em đi đâu đó?" "Ði tự vận!" "Ði tự vận sao mà em trang điểm đẹp não nùng đến thế!" "Anh thiệt là ngu à nha! Mai hình tui xuất hiện trên trang nhứt tờ báo... hổng trang điểm sao được?" "Em nhát mình đó mà!"

 

Báo chí nói tào lao rằng: "Người có vợ sống lâu hơn người độc thân!" Nhưng mấy thằng cha báo đời nầy giấu biệt cái thông tin rằng: "Người có vợ thì muốn tự sát gấp nhiều lần người còn độc thân đó!"

Hôn nhân tức đời sống gia đình như một ban nhạc đại hòa tấu nên có rất nhiều điệu thức khác nhau. Lúc nhanh, lúc chậm, lúc cao lúc thấp, lúc dài lúc ngắn. Ôi thôi đủ cả hổng có thiếu một cái gì. Có thể là đầy những đam mê và cuồng nộ. Có thể là đau đớn chua xót lẫn hy sinh. Tình yêu có thể là ghen tuông và ích kỷ.

Chua cay, ngọt bùi đủ hết! Như món lẩu Thái vậy!

Chính vì vậy mà hôn nhân không đơn điệu và buồn tẻ. Vì buồn tẻ sẽ làm em rẽ bước sang ngang; bỏ chàng lại cho con chó Mực!

Kim cương, hột xoàn là người bạn thân thiết nhứt của mấy em. Chó là người bạn thân nhứt của mấy anh. Nhìn vậy là mình biết ai khôn hơn ai rồi!

 

"Anh yêu em từ cái nhìn đầu tiên!" Câu nói làm em cực kỳ sung sướng vì em tưởng là em đẹp nên hớp hồn anh! Không phải vậy đâu; chẳng qua là thằng chả làm biếng nhớt thây và muốn tiết kiệm thời giờ đi cua gái; vì thời giờ là vàng bạc mà!

Những lời nói dóc đó đôi khi lại cứu bạn khỏi bão giông đời do em yêu giáng xuống. Chẳng hạn như: "I love you more than yesterday, less than tomorrow!"

Anh yêu em nhiều hơn hôm qua và ít hơn ngày mai! Nghe là bảo đảm trăm phần trăm con vợ nào nghe cũng khoái.

 

Tony, thằng Úc bạn nhậu của tui, khờ, hổng biết dóc, môi mép như tui... nên khổ! Tuy vậy nó không hận đời đen bạc! Ðối xử cũng tốt! Có lần nó khuyên tui là: "Ðừng yêu nhau ở vườn sau! Tình yêu là mù quáng nhưng thằng cha hàng xóm thì không!"

Rồi nó hỏi hồi xưa ông hẹn hò với con ‘ghệ' ông ở đâu? Thì ở ngoài ruộng chớ ở đâu! Rồi làm gì? (Cha thằng Úc nầy ngộ? Nó tính đi ‘bốt đờ sô' vô đời tư của tui sao chớ!)

"Thì ‘mi mi' chút đỉnh lên gò má thơm thơm mùi dầu dừa của em vậy thôi chớ hổng giống như Úc tụi bây hun dơ quá hà, nước miếng tùm lum.

Sau khi chê Úc cạp mỏ nhau dơ quá, tui khoe là: "Người Việt tao trong nước, như Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Vũ Khiêu chỉ hun lên gò má của Hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên thôi. Hun sạch sẽ như vậy mà có đứa còn nói: "Trông tục bỏ mẹ!"

 

Tony than nghe đứt ruột! Cưới vợ rồi sao mà khổ quá chừng chừng?

Làm tài khôn, tui chỉ nó cái bí quyết nầy để nếu có cưới vợ lần sau nữa thì cứ thế mà làm...đời sẽ bớt khổ đau hơn!

"Ðàn ông tụi mình đa phần là hư; nên khi cưới vợ nên chọn ông già vợ cũng hư! Hư chừng nào tốt chừng nấy! "Vì con vợ mình hồi còn con gái sống trong nhà thấy Tía em ‘hư' như vậy nên quen. Về với mình, mình ít hư hơn ổng một chút xíu thôi... là mình sẽ thành thằng chồng ngoan.

Chẳng hạn như Tía vợ mình hay đi đêm, nhậu nhẹt, bia rượu tưng bừng, mình cũng vậy thì vợ mình nó hổng có càm ràm gì sất.

Chẳng hạn Tía vợ mình không bao giờ giúp vợ nấu cơm, rửa chén, giặt đồ hay bồng con, tối ngày cứ lên Facebook ‘chít chát' với người tình trên mạng ảo! Thì mình cũng vậy luôn mà hổng sợ con vợ mình xát xà phòng cho sạch! (Như một nhà văn nữ trong nước phê phán rất gay gắt là đàn ông nào chỉ biết đi làm về rồi ăn với nhậu, không giúp vợ một tay gì hết; sống như vậy thiệt giống một con...heo! Ê! Nói nặng mấy anh quá vậy em Hai!)

 

Rồi Tía vợ ‘bay bướm' càng tốt! Mình có ‘bướm bay' chút đỉnh thì em cũng sẵn lòng tha thứ cho anh!

Tóm lại nếu may mắn mà ta tóm được một Tía vợ chưa ngoan... thì vợ ta không bao giờ đòi hỏi quá đáng là ta phải ngoan. Em chỉ đòi ta không hư hơn Tía em là được!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Bạn dỏm và Bạn thiệt !

web_dxt_bandom.jpg

 

Thưa quý độc giả thân mến!

Trong "Ðoạn Trường Tân Thanh" của Nguyễn Du, có đoạn Kim Trọng ‘thả dê', ‘nịnh' Thúy Kiều vì biết nàng là một cầm thủ có hạng trên chốn giang hồ; nhưng cũng không quên nổ là mình có cái lỗ tai thẩm âm và trái tim biết ‘đăng xê' theo điệu nhạc, yêu cầu Kiều nâng đàn: "Rằng nghe nổi tiếng cầm đài / Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ". Chung Kỳ đây là Chung Tử Kỳ. 

Tích xưa rằng: Bá Nha chơi đàn điệu gì, tâm tư, tình cảm ra sao? Tử Kỳ đều biết hết ráo. Sau Tử Kỳ chết; Bá Nha gảy một bài ai điếu, thảm thiết khóc người tri âm, tri kỷ... rồi bất thình lình ‘quạu' lên, đập đàn bể tan nát vì cho rằng thiên hạ, ngoài Tử Kỳ ra, toàn là ‘đàn khảy tai trâu' cả... không còn ai nghe hiểu được tiếng đàn của mình? (Chú Ba nầy hỗn với mấy Chú Ba khác quá xá à nhe?!)

Rồi sau nầy, Kim Dung xếnh xáng, khi viết Tiếu Ngạo Giang Hồ, cũng có ‘chôm' cái ý nầy. "Hoa Sơn, tùng vẫn bạc đầu / Lệnh Hồ còn đọc kinh cầu ngày xưa / Nhạc Linh San vẫn ơ thờ / Khúc ca Phúc Kiến ngây thơ giết người / Lệnh Hồ hỡi! Lệnh Hồ ơi! / Kinh cầu còn đọc bao giờ mới thôi!"

Tội nghiệp Chú Ba Lệnh Hồ Xung muốn người ta người ta không muốn; mòn chục đôi giày đi xuống đi lên để tìm cách làm ‘bạn đời' tri âm, tri kỷ với Nhạc Linh San mà em hổng có chịu!

Tri âm, tri kỷ giữa ‘Xung và San' thất bại... nhưng giữa hai người nầy thì thành công như chuyện Bá Nha Tử Kỳ. Lưu Chính Phong, chính phái, thổi tiêu. Khúc Dương, tà đạo, chơi thất huyền cầm. Hai người, hai chiến tuyến, chính tà xung khắc, lại kết tình bằng hữu tri âm, tri kỷ vì cùng có tâm hồn nghệ sĩ... lăn lóc gió sương; ba ngày đêm nổi lên sình chương!

Cả hai đồng sáng tác khúc ‘Tiếu Ngạo Giang Hồ' cầm tiêu hợp tấu, hòa điệu, hòa âm bi tráng, vừa mô tả cảnh đâm chém đau thương, tàn sát chẳng nương tay trên chốn giang hồ gió tanh mưa máu, nhưng tấu khúc nầy cũng mang tấm lòng khoáng đạt của con người yêu tự do, mong ước hòa bình hữu nghị, dù chánh hay tà, đừng có ở không mà vác dao, mã tấu ‘chơi' nhau nữa!

Dù vậy, Chính phái và Ma giáo vẫn tiếp tục nhào vô chém giết lẫn nhau; không cho hai đứa làm bạn nữa. Thù đôi bên bất cộng đái thiên mà! Huề sao được? Cuối cùng hai chú Ba: Lưu Chính Phong và Khúc Dương chạy đến Hành Sơn, dùng chút tàn lực còn sót lại, tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ một lần cuối cùng rồi bình thản ôm nhau ngáp ngáp, ‘ngỏm củ từ". 

Trước khi chết, cả hai truyền khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ nầy lại cho Lệnh Hồ Xung để không bị thất truyền... nhân tiện thâu dùm tác quyền, mua giấy vàng bạc, nhờ công ty chuyển tiền xuống Diêm Vương cho ‘tác giả'!

Tàu có tình bằng hữu tri âm, tri kỷ: "Tao thổi; Mầy đàn!" Tây cũng có và quen cái thói sắp xếp lớp lang thứ tự, chia bạn ra làm hai loại: Bạn dỏm và Bạn thiệt.

Bạn thiệt, ngay thời đi học Mẫu Giáo, là: "Ngày nào đi học, bồ (mate) đều chôm ‘sô cô la' của tui để trong cặp. Mà ngày nào cũng vậy... tui đều bỏ ‘sô cô la' đúng ngay bon vào chỗ cũ!" Rồi lớn lên một chút: "bồ mượn cây viết máy ‘Pilot' của tui... rồi quên luôn, không trả lại... Lâu dần bồ tưởng cây viết đó là của bồ!" 

Người khác đến nhà kêu Tía Má tui là hai bác. Còn bồ cũng kêu Tía Má tui là Tía Má (vì tui biết trong thâm tâm, bồ muốn làm em rể của tui!). Bạn dỏm gõ cửa trước khi vào. Bạn thiệt... đi thẳng luôn vô nhà bếp hỏi có gì ăn hông, cho tao ăn với? 

Bạn dỏm nếu mình chơi ‘xì ke' nó chỉ chỗ cho mình đi cai nghiện. Còn bạn thiệt là nó bán cho mình! Lỡ chơi quá liều, vào nhà thương: bạn dỏm sẽ điện thoại hỏi thăm mình có khỏe rồi chưa? Còn bạn thiệt sẽ hỏi: "Ê Tèo! Trong đó có con y tá nào hấp dẫn không mậy?"

Rồi mình đi cưới vợ, bạn dỏm chúc mừng: "Tân lang và tân giai nhân trăm năm hạnh phúc!" Còn bạn thiệt vò đầu bứt tai, khóc sụt sùi: "Chết Tía con rồi con ơi!" Bạn dỏm sẽ: Không bao giờ thấy mình khóc; bạn thiệt cùng khóc với mình (Vì hai thằng cùng đi nhậu về... cùng bị hai con vợ không cho đặt chưn vô cửa)

Bạn dỏm kết email bằng câu chào: "Thân mến!"! Còn bạn thiệt kết email bằng: Hai tiếng chửi thề!

Bạn dỏm không nói gì khi bạn bỏ tàn thuốc xuống sàn nhà! Bạn thiệt rầy: "Ðừng bỏ tàn thuốc xuống sàn nhà vì mấy con gián sẽ bị ung thư!" Bạn dỏm không bao giờ hỏi mình nặng bao nhiêu ký? Bạn thiệt thấy mình mập như con heo và nói: "Sao lóng rày, mầy ốm quá vậy?!"

Bạn dỏm nói chuyện điện thoại với mình lâu không quá 5 phút; còn bạn thiệt nói một tiếng đồng hồ mà mình có chen vô được tiếng nào đâu. Bạn dỏm biết chút đỉnh về mình; còn bạn thiệt có thể viết nguyên một cuốn sách. Bạn dỏm chơi một thời gian; bạn thiệt chơi cả đời! Còn trên bước đường văn nghệ, bạn dỏm đọc bài của bạn khen hay lắm; bạn thiệt chôm luôn; đem khoe với người khác là tao viết đó!"

Thưa quý độc giả thân mến. 

Bạn có nhiều loại. Bạn đời là bạn với con vợ mình...Xin để qua một bên đi! Sau đó có bạn nối khố là bạn hồi nhỏ cùng mặc chung cái quần xà lỏn. Rồi bạn học cùng trường, đồng môn, đồng song, đồng trồng cây si con nhỏ, tóc mai sợi vắn sợi dài, ngồi chài bài trước mặt! Rồi bạn lính, VC pháo kích, mình nhảy xuống hố cá nhân của nó trước. 

Nhưng quý nhứt, giống như Bá Nha, Tử Kỳ, Lưu Chính Phong, Khúc Dương là bạn đờn...Ðờn tới đờn lui một bản mà gặp nhau thì cũng "Tao Ðàn Ðinh Hùng như thuở ấy!"

Sống trên đời, bè bạn là một nhu cầu thiết yếu. Không có không được, vì đời buồn quá phải không? Vậy mà ‘em yêu' nỡ lòng nào phán một câu xanh dờn rằng: "Có con vợ kè kè một bên mà tối ngày cứ than buồn... Hở có dịp là tụ bè, tụ đảng...nhậu!" 

Nghe vậy! Thưa quý độc giả thân mến: Thử hỏi có tức cành hông... Hông chớ?!

 

đoàn xuân thu.

melbourne. 

 

Tiền tài như phấn thổ!

Mời nghe Hoàng Tín, Sagon radio Dallas diễn đọc bài "Tiền tài như phấn thổ" cùa dxthu!

 

http://www.saigondallasradio.com/?q=content/d%E1%BB%8Dc-truy%E1%BB%87n-ti%E1%BB%81n-tai-nh%C6%B0-ph%E1%BA%A5n-th%E1%BB%95-03182015 

web_dxt_tientai.jpg 

Bảo Huân

 

Thưa Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ mà tác giả là Tổng thống Thomas Jefferson (13/4/1743 - 4 7/1826) được tuyên bố vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. 

Trong đó có câu: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Sau nầy có nhiều nước khác ‘cọp dê' lại lời nói nổi tiếng nầy, a thần phù rinh vào Hiến pháp của mình (một cách tự nhiên như người Hà Nội năm 1945!)

Rồi cũng có người ba xí, ba tú cọp dê nhưng bỏ mất tiêu chữ ‘có quyền' nên câu nầy thành ra là: "Mọi người sinh ra đều bình đẳng!" Trật lất!

Con người mới lọt lòng Mẹ thì bình đẳng thiệt. Bình đẳng ở chỗ trần truồng như nhộng, khóc oe oe... mà ai nấy nhìn thấy cũng cười. Tía, Má, anh chị và kể cả người dưng là cô Mụ.

Chỉ phút đầu tiên đó mà thôi. Bình đẳng! Từ phút thứ hai là bất bình đẳng rồi! Con nhà giàu bú sữa Guigoz; còn con nhà nghèo bú nước cơm pha loãng với đường... thùng!

Sanh ra ở nước giàu, Tư Bản giẫy chết... còn đỡ; còn được chánh phủ cho tiền sữa nếu nhà nghèo; chớ lỡ sanh ra ở cái nước mệnh danh xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, cắm đầu tiến lên Chủ Nghĩa Cộng Sản gì gì đó là... bộng, là đói rã họng vì bà con ai cũng mạt cả đám! 

Nên ai cũng muốn: Lạy trời kiếp sau đừng cho tui đầu thai vào mấy cái nước đó (nếu nó còn hiện hữu) được không hả Trời?!

Nhưng lúc chết xuống Âm Phủ thì ai nấy cũng muốn lọt vào cái Ðịa ngục Cộng Sản hết ráo. Sao mà kỳ vậy cà? 

Chẳng qua có chuyện như vầy: Một ông chết xuống Âm Phủ.Trước cửa địa ngục, ổng thấy treo hai cái bảng. Một cái là Ðịa ngục Tư Bản. Còn cái kia là Ðịa ngục Cộng Sản.

Và lạ thay trước cổng Ðịa ngục Cộng Sản, oan hồn uổng tử sắp hàng dài dằng dặc, chờ vô. Còn Ðịa ngục Tư Bản không có một mống. Ế quá xá! 

Ðem thắc mắc đi hỏi quỷ sứ đang cầm đinh ba đứng gác: "Ðịa ngục Cộng Sản, bọn đầu trâu mặt ngựa làm gì trong đó vậy huynh?" 

"Ðịa ngục Cộng Sản, Quỷ sứ sẽ cưa ông làm hai khúc, bỏ vô vạc dầu, nấu cho đến chín rục hết ráo thân xác phàm trần!" 

"Còn Ðịa ngục Tư Bản?" "Thì cũng y như vậy thôi!" "Nhưng tại sao các oan hồn nầy lại chọn sắp hàng trước Ðịa ngục Cộng Sản khi cả hai hình phạt giống hịt, chẳng khác gì nhau?" 

Thì Quỷ sứ cười chúm chím, trả lời: "Họ chọn Ðịa ngục Cộng Sản vì nó có cưa nhưng cưa gãy hết ráo mà chưa có tiền mua cái mới! Dầu sôi cũng hết vì tụi nó ăn cắp bán cho mấy Chú Ba chiên bánh tiêu, bánh giò cháo quảy hết rồi. Vạc dùng để nấu dầu xài lâu không ai thèm bảo trì đà bể nát còn đâu!"

Do đó sống xin chọn Chủ nghĩa Tư Bản dùm cái đi. Mua cái gì cũng có. Khi lìa trần, chọn Ðịa ngục Cộng Sản cũng đâu có muộn thì mới thiệt là người thông minh như Bill Gates. Ðừng làm ngược lại mà ăn năn không có kịp!

Dà nhắc tới Bill Gates, là nhắc tới Tư bản Huê Kỳ. Tạp chí Forbes xếp người sáng lập ra Microsoft là người giàu nhứt thế giới. (Ổng đoạt giải quán quân lần nầy là lần thứ 16 rồi đó nha). Dù năm rồi ông có hiến cho quỹ từ thiện Bill&Melinda Gates Foundation 1.5 tỉ đô la thì tài sản của ông cũng lên tới 79.2 tỉ, so với năm rồi tăng 3.2 tỉ.

Bill Gates và vợ là Melinda giàu chừng nào thì dân nghèo trên thế giới mừng chừng nấy vì ít nhứt cũng còn nhờ vả được số tiền của ông bà giúp cho trong lúc ốm đau, bệnh hoạn. Còn mấy ông khác giàu thì mình cũng mừng với điều kiện là giàu nhưng đừng trốn thuế như tài tử Phú Lãng Sa, Gérard Depardieu, ngày 15 Tháng Chạp năm 2012, y khước từ tổ quốc Pháp mến yêu bằng cách trả lại sổ thông hành con gà trống Gaulois, cho chánh phủ Tây, dông qua Moscow, xin Vladimir Putin cho tui nhập tịch Gấu Nga với. Sở dĩ Depardieu làm vậy vì François Hollande, Tổng thống Cộng Hòa Pháp ‘quánh' thuế tui đau quá. Tui yêu tiền số một... còn Tổ quốc Pháp tính sau nhe!

Thưa trong danh sách nhà giàu nầy, ai có tên chắc đều đã ăn nên làm ra một cách đường đường chánh chánh. Nhân dân xin nhớ ơn mấy nhà giàu nầy làm ra tiền nhiều, đóng thuế nhiều nhiều... cho tụi dân ngu khu đen tụi tui ké chút cháo. Xã hội tư bản ai làm giàu lương thiện là anh hùng! Bravo!

Còn giàu nhờ ăn cướp, ăn cắp của dân thì chắc trăm phần trăm là không dám chường mặt ra trong danh sách tỉ phú của Tạp chí Forbes nầy đâu. Khoe cho thiên hạ nó chửi tắt bếp; nó trù cho đột tử!

Mấy hôm nay, sau Tết, ở Việt Nam mình có cái vụ nầy vui hết biết. Xin kể lại cho bà con người nghe một chút! 

Mấy viên chức hội tề Xã Thuận Thiên, Huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng có tổ chức một cái lễ hội sáng ngày 4 Tháng Ba năm 2015. 

Trước bàn dân thiên hạ, mấy ông tiên chỉ trong làng khấn như vầy: "Ai dùng của công xây dựng việc công! Xin thần linh ủng hộ; ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử... xin thần linh tru diệt!"

Khấn như vậy hèn chi mấy quan lớn nhột... và sợ! Không có quan lớn nào dám cỡi xe biển xanh về dự hết trơn hết trọi! 

Trời đất! Ðã theo chủ nghĩa vô thần mà còn tin dị đoan gì hổng biết nữa. Có gan ăn cướp, ăn cắp của dân thì còn sợ gì thánh thần trừng phạt chớ. 

Quay qua mà học sách của đàn anh Nga Sô là Tổng thống Vladimir Putin kìa. Ổng có sợ ai đâu. Trong tài khoản nhà băng có 180 ngàn đô Mỹ mà thôi nhưng mấy đứa ghen ăn tức ở với Putin nói là ‘y' có tới 40 tỉ đô của chìm và của nổi.

Ăn như xáng xúc mà còn cà chớn xua Hồng quân đi chiếm Crimea và Donetsk của Ukraine nên ai cũng ghét. 

Người ta có tiếc, có thương là thương là tiếc ông Tổng thống Uruguay, Jose Pepe Mujica, 79 tuổi nghèo nhất, thanh liêm nhất thế giới mới vừa rời chính trường hôm mùng Một tháng Ba đây!

Ông Jose Pepe Mujica là "Tổng thống mà bất cứ đất nước nào cũng muốn có".

Uruguay với số dân 3.4 triệu người. Năm 2005, nền kinh tế 55 tỷ USD của Uruguay tăng trung bình 5.7% mỗi năm. Cách đây 10 năm, khoảng 39% người dân Uruguay sống dưới mức nghèo; nay đã giảm tỷ lệ này xuống dưới 11%, đồng thời giảm tình trạng nghèo cùng cực từ 5% xuống chỉ còn 0.5%"

Hồi đương nhiệm, ông dành 90% lương của mình cho từ thiện; ông đã từng từ chối sống trong dinh Tổng thống tráng lệ mà chuyển về ở trong một nông trại nghèo nàn thuộc vùng ngoại ô Montevideo cùng vợ và chú chó ba chân tên là Manuela. 

Ông Mujica đi chiếc Volkswagen Beetle 1987 cũ kỹ. Năm ngoái, có một Hoàng thân Arab muốn mua chiếc xế ấy với giá 1 triệu USD. Tuy nhiên, ông đã từ chối bán! Vì nếu làm như vậy (dù 1 triệu đô lớn lắm), sẽ xúc phạm "tất cả những người bạn đã góp tiền mua xe cho vợ chồng tôi".

Hồi Tháng Giêng, một thanh niên Uruguay, tên Gerhald Acosta, kể lại trên trang Facebook của mình rằng: Ðược vợ chồng Tổng thống cho quá giang, nhờ xe từ Conchilla về! "Họ là người duy nhất dừng xe lại khi thấy tôi giơ tay vẫy vẫy!" 

Ông về vui thú điền viên với tỉ lệ 65% dân hài lòng nhiệm kỳ duy nhứt (chỉ một không có hai theo hiến pháp Uruguay) mà ông phục vụ nhân dân! Một tỉ lệ đáng nể ở nước dù còn nghèo nhưng dân chủ chớ hổng có cái vụ 99% tín nhiệm đâu nha!

Thưa bàn về chuyện giàu nghèo thì bà con mình thường an ủi rằng: "Không ai giầu ba họ; không ai khó ba đời!". Ba họ là họ cha, họ mẹ, và họ của bà xã. Ba đời là đời cha, đời con và đời cháu. Ý nói sự giầu nghèo không riêng gì một ai, có lúc đang giàu mà hóa nghèo, hoặc có lúc đang nghèo mà nhờ làm ăn tiết kiệm trở nên giầu có. 

Câu nầy đúng với ai đó chứ với tui thì nó trật lất!

Bà con ơi tiếng Việt mình hay thiệt là hay ở cái vần eo! Trừ vần eo trong chữ con heo là bự, ngoài ra chữ gì có eo là nhỏ, là nghèo. Em có cái eo! Nhỏ thấy thương! Thưa, người viết tên xấu hái do Tía Má đặt cho là Tèo, quê ở Bà Bèo. Hổng biết có phải vì sanh ở Bà Bèo, tên trong khai sanh Tía đặt tên Tèo nên cuộc đời nghèo từ nhỏ tới giờ hay chăng? Hay là tại hồi đám thôi nôi, Tía Tèo có khấn vái rằng "Xin Trời Phật phù hộ cho thằng Tèo ăn chơi chóng lớn và mạnh phẻ!" 

Chắc cái lời khấn nguyện nầy của Tía đeo đuổi đời con đây. Tiểu phú do cần; đại phú do thiên! Nghĩa là giàu nhỏ thì phải làm ăn cần mẫn và cần kiệm. Còn đại phú thì có thêm cái trời giúp nữa. Do đó bà con mình, hồi xưa, trước cửa nhà ai cũng có bàn Thiên hết trơn đó thấy hông? Còn lớn lên, Tía chỉ xin cho con Tèo ăn chơi không... thì nghèo là phải quá rồi! Không mạt đã là may!

Thưa tui bị nghèo nên bi quan, than thân trách phận quá, vì tự ái, vì tủi thân bởi một câu nói của một em người mẫu chân dài ‘Made in Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa' (chớ hổng phải Made in Cộng Hòa nhăn răng Trung Hoa đâu nha!) rằng: "Em thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp"; nên em yêu, tức con vợ tui, tội nghiệp nhào vô an ủi. "Anh ui! Anh ui! Anh nghèo tiền thiệt nhưng lại giàu tình yêu. Anh còn có em đây, yêu người không so đo tính toán (vì sợ lỗ chăng?). 

Em bèn ca rằng: (như Ngọc Lễ và Phương Thảo)

"Nhớ khi xưa anh chở em, Trên chiếc xe đạp cũ, Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè. Nhớ khi xưa bao mộng mơ, trên chiếc xe đạp cũ, Dưới cơn mưa cùng nhau dắt qua cầu. Xe đạp ơi, đã xa rồi còn đâu. Mối tình thơ, thoáng như một giấc mơ. Xe đạp ơi, những vất vả ngày ấy. Cho lòng tôi, nhớ thương hoài chẳng nguôi. Quay đều quay đều quay đều, Mối tình ngày xưa yêu dấu. Quay đều quay đều quay đều, Nhớ hoài những vòng xe. Quay đều quay đều quay đều, Mối tình nghèo đơn sơ quá. Quay đều quay đều quay đều, Thương hoài những vòng xe. 

Nhớ khi xưa anh chở em, Trên chiếc xe đạp cũ, Dưới trăng khuya cùng trao chiếc hôn đầu. Nhớ khi xưa bao mộng mơ, Trên chiếc xe đạp cũ, ước mong sao tình yêu mãi không rời!"


Thưa Việt Nam mình hồi xưa ai đi xe đạp là nghèo lắm! Sau 75, có người còn nghèo hơn nữa, không có xe đạp mà đi phải đi xe đạp ôm. Cái nghề chạy xe đạp ôm nầy (người viết đã từng làm) đã lắm! Vừa được em ôm; vừa có tiền!

Ngẫm lại cho cùng, tui ơi đừng tuyệt vọng! Có em yêu bên cạnh đời, tiền bạc với tui chỉ là phấn thổ!! Em đừng tham sang phụ khó, bỏ tui theo thằng khác là OK! 

Có em là giàu rồi! Giàu tình giàu nghĩa! Nhưng nếu ông Trời thương cho Tèo tui trúng sương sương một lô độc đắc Powerball thôi thì càng tốt! Tèo tui xin đội ơn nhiều! 

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

Thôi hay bỏ?

web_dxt_mar9_15.jpg 

 

 

 

 

Tranh Bảo Huân.

 

con ta thường nói: "Yêu là khổ mà không yêu là lỗ! Thà chịu khổ còn hơn là chịu lỗ". Nhạc sĩ Trúc Phương, cũng đồng ý cả hai chưn, hai tay nên viết rằng: "Ðường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn!"

 

Nhưng nói chính xác hơn yêu không phải là khổ hết cả đâu. Khổ là khi cưới nhau về kìa... còn thuở mới yêu nhau thì lại vui hết biết. Vì thế cho nên có em nài nỉ xin rằng "Mãi mãi là tình nhân. Tình nhân mới ‘đã' chớ cưới nhau về ‘tá lả' tình ta!"

 

Ôi! Nhớ thuở xưa yêu em! Tía má nghĩ rằng: có con gái trong nhà như hũ mắm treo đầu giàn bếp, sợ nửa chừng nó xì ‘hơi' ra bất tử nên cất kỹ em ở trên lầu. Ðâu ngờ ngoài cửa sổ có cái cột đèn. Ðêm chờ Tía Má ngủ ngáy ‘o...o', em ra trước ban công, cột dây vào một đồng 25 xu ném xuống cho anh nghe ám hiệu, trèo cột đèn lên với em yêu. Ðồng 25 xu ném xuống kêu cái keng rõ to mà hổng thấy bóng chàng đâu. Em ló mặt ra, nhìn xuống đường thấy chàng vẫn lom khom tìm kiếm. "Anh ơi lẹ lên! Ðừng kiếm đồng 25 xu nữa. Em cột dây ném nó xuống; rồi em cũng kéo nó lên rồi! Ðừng kiếm chi nữa mắc công!"

 

Ðó là những ngày mới yêu nhau, đôi ta dắt ta, bước vào đường hoa mộng. Mà cưới nhau rồi ‘hoa mộng' thành ‘ác mộng' em ơi!

 

Anh bạn văn của người viết là một nhà hiền triết (có ăn học đàng hoàng ở Ðại học Văn khoa Sài Gòn. Anh học Triết Ðông, Triết Tây, Triết Nam... và Triết Bắc!)

 

Vì là nhà hiền triết nên anh thông tuệ hết biết. Có lần anh phán rằng: "Ðời có hợp ắt có tan! Có ‘hợp' hôn thì cũng có ‘ly' hôn. Hợp hôn nhiều thì ly hôn càng lắm! Theo toán học là hai cái tỷ lệ thuận với nhau!"

 

Sau đó anh sai người viết nên tìm hiểu tài liệu về ly hôn ở Úc nầy rồi ‘báo cáo' cho anh, sau khi kề tai nói nhỏ: "Tình tui với bả hợp... đã sắp tan đây!"

 

Nghe tin sét đánh ngang mày, người viết đang cầm ly Jack Daniel's uống nửa chừng bỗng sặc. Khoan khoan đình thủ bớ La Thành! Can gián bạn hiền, người viết bèn cất giọng oanh vàng, hát một bản tình ca (như ca sĩ Adele của Anh Cát Lợi): "Anh là ánh nắng của đời em. Chính vì thế em hay ra sân nằm tắm nắng. Ôi ánh nắng của đời em! Sao anh nỡ đòi tắt đi khi trời chưa sụp tối! Ú... u!"

 

"Tui đâu có đòi thôi bả đâu! Bả đòi bỏ tui thì có!" À như vậy tại em chớ nào phải tại anh. Anh cứ về nhà thuật lại cho em yêu của anh chuyện nầy, tui xin bảo đảm với anh chắc như bắp là chị nhà sẽ từ bỏ cái ý định ngu xuẩn đó đi. Có người chồng, sợ vợ thầy chạy như anh thì ngu sao mà bỏ chớ?!

 

Chuyện như vầy xảy ra bên Mỹ. Một người phụ nữ đã được giải cứu sau khi trần truồng, đột nhập vào nhà chồng cũ qua đường ống khói và bị mắc kẹt trong đó.

 

Em yêu đã mắc kẹt trong ống khói vào khoảng 4:30 sáng, khi anh yêu dậy để chuẩn bị đi làm và nghe thấy tiếng em kêu: "Cứu em với anh ơi! Hãy nghĩ tình xưa mà làm ơn làm phước!"

 

Dù không còn tình; cũng còn cái nghĩa, ngày nào chung chăn gối với nhau, nên anh yêu gọi 911. Hơn 20 lính cứu hỏa vội vã đến hiện trường và mất 2 giờ, buộc phải phá vỡ một phần lò sưởi trong nhà để đưa em xuống vì em hơi ‘phì lũ'.

 

Ôi! Nhớ thuở xưa yêu anh, em đã từng trốn Tía Má, chui qua ống khói nhà đêm đêm, để tìm anh mà có mắc kẹt gì đâu. Chẳng qua thuở ấy em mình hạc xương mai. Còn bây giờ em mình voi xương tượng. Ai làm thân em ra tới nông nỗi nầy hở anh yêu? Em đã lỡ dại bỏ anh, giờ lòng em hối hận tràn đầy, quay lại mái nhà xưa... mà anh vẫn không quên mối hận lòng năm cũ sao anh? Em quỳ xuống xin anh tha thứ, cho mình nối lại mối tình xưa; dẫu em biết tình ta như sợi dây đã đứt, ráng nối lại thì còn cái gút. Nhưng dây có cái gút đôi khi nó lại chắc hơn anh à! Lỡ dại bỏ anh một lần, bỏ hình bắt bóng, một bài học chua cay, làm em tởn tới già! Em không dám vậy nữa đâu anh ơi! Hi hi! Em khóc ‘hi hi'! Sao anh lại cười ‘hí hí' hả?"

 

Anh cứ về thuật cho chị ấy chuyện nầy tui đoan chắc chị sẽ đổi ý ngay. Anh lắc đầu tuyệt vọng: Chẳng ăn thua gì đâu. Tui đã dùng miệng lưỡi Trương Nghi, Tô Tần thuyết phục... mà em cứ khăng khăng: "Thôi tui đi! Thôi tui đi!"

 

Sống với nhau cả 40 năm nay, con đàn cháu đống, mà cãi nhau một chút là em đùng đùng đòi: "Ly hôn cho rồi, đường ai nấy đi, em chán lắm rồi!" Tui chỉ từ tốn nói: "Thôi em rồi; anh ở với ai đây? Hu hu!"

 

Nghe tui xuống vọng cổ mùi như vậy, tối hai đứa lên giường, nằm trằn trọc, cọ quẹt chút đỉnh... sáng thức dậy, vui quá, cười hí hí nên em quên!

 

Rồi mới tháng rồi, em lại đem cái tuồng xưa như trái đất ra mà hát lại. "Ly hôn đi, tui không chịu nổi con người anh nữa. Thà tôi mang tiếng bỏ chồng còn hơn là tiếp tục làm tôi mọi cho anh. Nè đơn xin ly dị đây... cứ ký vào là xong. Là giải thoát đời nhau!"

 

Tôi lại từ tốn cắt nghĩa: "Tôi mọi là thuộc về thời nô lệ, mà thời nô lệ đã cáo chung mất đất rồi. Sao em lại kết tội tui là chồng Chúa vợ tôi? Trật lất! Chúa tôi là thời Vua Lê Chúa Trịnh kìa. Bây giờ mình sống ở nước Úc dân chủ tự do, nam nữ bình quyền. Làm gì còn Chúa tôi gì nữa! Nhưng thôi!... Em muốn, tui chiều... Ðưa đơn ly dị đây!"

 

Cầm tờ đơn nhét vào cặp chuẩn bị đi làm, tui lén lén liếc mắt nhìn em, thấy dung nhan em đà biến sắc. Ha ha! Nó rung cây nhát khỉ đây mà nhưng tui đâu phải là con khỉ!

 

Chiều về, em làm mặt lạnh, mặt ngầu hỏi: "Ký rồi, nộp đơn chưa?"

 

Tui đốp chát lại: "Ký rồi... đi nộp rồi!"... Lại trộm nhìn em, xem dung nhan đó bây giờ ra sao? Thấy em chực òa lên khóc "Anh nỡ lòng nào làm thiệt, thôi tui như vậy hả? Giời ơi! là Giời!" Thấy tội quá, tui nói: "Tui nộp rồi nhưng ông Tòa bảo chữ viết như cua bò; về nhà viết lại!" Nghe em thở phào một tiếng rõ to!

 

Em hù tui; tui hù lại! Coi ai sợ cho biết! Có người chồng chăm chỉ hạt bột như tui, chỉ biết cơm nhà quà vợ, lâu lâu chỉ gia trưởng một chút mà cứ càm ràm hoài. Thiệt là: "Giang sơn dễ đổi, Bản tính khó dời"

 

(Giang sơn dị cải, bản tính nan di) hay tánh nào tật nấy. Ðứng núi nầy trông núi nọ mà không sợ bị trặc cái cần cổ.

 

Tuần rồi em lại đòi bỏ tui nữa. Tui nói ở Úc nầy bộ ly dị dễ lắm hay sao? Nhiêu khê và tốn tiền lắm đó. Nộp đơn là hết 800 đô lệ phí! Bay hết một tuần lương rồi còn gì! Còn phân chia tài sản nữa. Cái nầy phải ra Tòa nhờ ông Tòa ổng xử! Rồi tiền mướn Luật sư! Hổng có rẻ đâu!

 

Hai vợ chồng thằng Úc, bạn trong sở của tui đưa nhau ra Tòa phân chia tài sản. Gần cả năm, Luật sư cãi qua cãi lại mới giải quyết xong. Kết quả là Luật sư của thằng chồng có căn nhà ngoài bãi biển và một chiếc tàu câu cá. Luật sư bên con vợ thì có căn nhà nghỉ mát trên núi và một khẩu súng bắn chim! Vợ chồng nó thôi nhau rồi, thằng chồng chỉ còn độc nhứt cái quần xà lỏn!

 

"Nên em muốn bỏ tui thì bỏ; chứ tui không muốn thôi em. Cuộc sống tình ta cũng làm tui mệt mỏi lắm rồi vì bị khủng bố tinh thần nhiều lần quá, tui cũng muốn dứt áo ra đi, chớ sống cùng nhau chi nữa mà nắng sớm mưa chiều, sáng cãi chiều gây như con nít!"

 

"Anh nói tui là con nít hả? Anh sợ thôi tui tốn tiền thì mình cứ thỏa thuận mà chia! Khỏi tốn tiền Luật sư gì ráo!"

 

Chia làm sao? Thì chia hai. Người một nửa. Hai cái chén, người một cái. Ðôi đũa người một chiếc. Trời ạ! Ðũa có đôi; chia người một chiếc rồi làm sao mà gắp? Không gắp được thì ăn bốc... có chết thằng Tây nào đâu?!

 

Còn con chó Ki Ki thì sao? Em nói: "Mình cũng chia hai!" Con chó Ki Ki nghe vậy, sợ quá lên cơn nhồi máu cơ tim, ngã lăn ra chết ngắc!

 

Sau khi bày tỏ nỗi lòng và chai rượu hai thằng đều quất cạn, trước khi ra về, anh bạn hiền triết nầy còn xổ tiếng Anh để nhát anh em rằng: "Divorce isn't such tragedy. A tragedy is staying in an unhappy marriage!"(Ly dị cũng không phải là bi kịch lắm đâu! Bi kịch là cứ tiếp tục hoài cái hôn nhân không hạnh phúc!)

 

Sau đó ảnh kính cẩn móc trong túi ra một thiệp mời. Ngoài bìa thư có in hai trái tim tan vỡ, còn nhỏ máu ròng ròng thấy ghê, rồi nói: "Tui gởi ‘thiệp mời Ðám Bỏ' nầy chỉ mời một mình anh thôi! Hãy nhín chút thời giờ đến chung vui với tui... ngày tui bỏ vợ. Ðừng dắt chị nhà theo mà chi. Ðám Bỏ không phải là đám cưới đâu mà tin dị đoan đi phải có cặp, về có đôi! Nếu vợ chồng anh cùng đến chỉ làm tui thêm tủi phận, hờn duyên! Hu hu!"

 

Ảnh về rồi, cầm tấm ‘thiệp mời Ðám Bỏ' của bạn hiền mà bồi hồi tấc dạ. Nhớ xưa giờ, mình đã đi ăn nhiều đám. Ðám nào cũng ăn hết ráo. Ðám đầy tháng, đám thôi nôi, đám cưới, đám sinh nhựt... mà đám ma cũng ăn luôn. Giờ qua xứ người, lần đầu mới được bạn hiền mời đi ăn Ðám Bỏ.

 

Lại thêm một cuộc tình tan vỡ. Thiệt là đúng mà! Có hợp ắt có tan!

 

Bất ngờ em yêu của tui từ trong bếp bước ra, thỏ thẻ giọng oanh vàng như sư tử hống! Té ra em đã lén nghe hết trơn hết trọi rồi.

 

Em nói: "Anh bạn của anh, Triết Ðông, Triết Tây, Triết Nam, Triết Bắc gì gì đó, vỗ ngực ta đây, xưng là thông tuệ mà nói tiếng Việt hổng có rành. Chồng là thôi vợ! Còn vợ là bỏ chồng mới đúng! (Thôi vợ nghĩa là nghỉ chơi với vợ; nhưng chưa có ‘em' nào mới! Còn bỏ chồng nghĩa là em yêu đã có sẵn thằng ‘khỉ' gió nào đó, đang lấp ló ngoài cửa chờ nhào vô ăn cắp chuối rồi đó nhe!). Do đó ảnh thôi vợ; mời anh thì phải đề trên thiệp là: Mời ăn đám ‘Thôi Vợ' mới đúng.

 

Em không cho anh đi đâu, dù ảnh nói không thèm nhận tiền mừng như đám cưới, vì phân chia tài sản xong, ngoài cái quần xà lỏn ra, ảnh còn ‘giếm' được một mớ kha khá.

 

Người ta nói chọn bạn mà chơi; vì gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Anh mà cãi em, dám tùng tam tụ ngũ với người dám thôi vợ như anh ấy thì anh sẽ biết tay em! Chị ấy nhõng nhẽo làm nư; thì bổn phận làm chồng là mình xuống nước nhỏ! Chớ ai nỡ lòng nào thôi vợ cho đành, sau gần 40 năm tấm mẳn cùng nhau hả?

 

Cầm bằng cãi em, cứ đi; thì hãy mang cho ảnh cái thiệp của em mời chị ấy. Thiệp đó mới chính là ‘thiệp Ðám Bỏ' đó! "Bỏ ai? Bỏ chồng, bỏ anh; chớ bỏ ai!" Ủa sao kỳ vậy? Sao có tui ‘lan can' trong đó!

 

Vì em biết dê xổng chuồng mà, trước sau gì anh cũng sẽ bắt chước ảnh mà thôi em... nên "Thà mình phụ người hơn là để người phụ mình!"

 

Em sẽ bỏ anh trước... cho nó ngon! Khỏi bị đời rêu rao em làm sao đó mới bị chồng thôi! Ha ha!

 

đoàn xuân thu.

melbourne 

 

Nụ cười Kangaroo!

 dxt_feb27_15_kangaroo.jpg

Bảo Huân

 

 

Thưa quý độc giả thân mến!

Cuộc đời của chúng ta thường ít ai biết được ngày mai sẽ ra sao. Cách đây vài chục năm người viết không thể nào tưởng tượng được... rồi có một ngày chinh chiến tàn mình lại lang thang tới đây, tới nước Úc nầy, để xin nhận nơi nầy là quê hương vì chỗ nào có bánh mì và bia là người viết âu yếm (hết biết) gọi là quê hương vì xin thú thiệt với bà con cô bác là với người viết trên đời ‘không có gì quý hơn... là... ăn với nhậu!'

Cái tình duyên do ông Trời đưa đẩy giống như cưới con vợ mà mãi tới đêm hợp cẩn giao bôi, nàng mới e thẹn mở cái khăn che mặt ra... thì mình phải buột miệng la là ‘đẹp quá chời!' Cũng đẹp như ngày đầu tiên tới Úc, rạng hưng hửng sáng, máy bay đánh vài vòng trên bầu trời Melbourne, dưới cánh bay là thành phố, đèn đuốc sáng choang như hội hoa đăng ‘chào đón người tị nạn' vậy!

Sống hơi (bị) lâu với con vợ do Trời run rủi nầy mới đầu thì thấy ghét sau thì thấy nó cũng dễ thương đó chớ nhứt là con gái Úc. Đừng rặt ri như thổ dân nha, nước nầy một chút, nước kia một chút thì em xuất sắc nghiêng thùng đổ nước như chơi!

Giáp Tết, người viết theo ‘em yêu' đi chợ Tây sắm vài món về vui ba bữa. ‘Em yêu' thích đi shop lắm (nếu không nói là ghiền!). Tới cửa là biến mất tiêu. Người viết chờ hoài, chờ hủy mà không thấy em đâu vội vàng đi kiếm... Gần Giao thừa rồi mà đôi lứa tình ta còn lang thang trong siêu thị thì thiệt hổng có giống ai!

Dớn dác nhìn quanh nhìn quất tìm... sợ ông Ba Bị nào đó bắt mất ‘em yêu' của mình đi thì khổ... Vì từ nay không còn ai rầy rà: "Tối ngày chỉ ăn nhậu rồi nói dóc không hà!" Người viết xớn xác, đâm sầm vô một thằng Úc  "Ê! Xin lỗi nha bồ! Tui bận kiếm ‘em yêu' của tui nên không thấy!" 

Nó nói: "Hổng có chi! Tui cũng đang bận kiếm ‘em yêu' của tui đây. Thôi hai đứa mình cùng đi kiếm cho vui đi! Mà em yêu của bồ hình dáng ra làm sao?" 

"À! Em da vàng, mũi tẹt, cao 1 thước rưỡi, mập như cái hột mít biết lăn và có đeo kiếng lão. Còn em yêu của bồ?" "À! Em chân dài tới nách, da trắng, mắt xanh, mỏ đỏ, mũi lõ, mặc áo hai dây có trưng hai trái bưởi Biên Hòa trước ngực!" 

Vậy thì mình bắt đầu kiếm con vợ Việt Nam của ông bạn trước. Người viết trả lời: "Thôi quên con vợ tui đi... kiếm con vợ Úc của ông trước đã!" He he!

Con gái Úc hấp dẫn như vậy đó bà con cô bác ơi; nhưng có ai biết đâu rằng 200 năm về trước, ông sở, bà sơ của em lại là dân chôm chỉa bên Anh bị mẫu quốc đày tới cái xứ nầy rồi... đẻ ra em... để hữu duyên thiên lý năng tương ngộ... gặp được anh yêu... gốc đồng bằng Nam Bộ... khoái đi bộ hơn đi xe! (Chuyện nầy giấu; xin đừng mét vợ tui giùm cái được hông?)

Ngày 26 Tháng Giêng hằng năm là ngày Quốc Khánh của Úc, kỷ niệm ngày những chiếc tàu chở đầy tội phạm đến Sydney đó. Nói là tù nhân bị đi đày nghe thiệt là đầu gấu nhưng thực ra đa số hiền khô... chẳng qua nghèo đói quá... tiện tay chôm vài ổ bánh mì, vài cân đường hay thò tay móc túi người ta vài xu, vài cắc là đủ để bị đi đày. Chứ cướp của giết người thì bị mẫu quốc treo cổ bên đó rồi đâu có đày qua đây chi cho nó lâu lắc. Luật pháp nước Anh hồi xưa nó khó như vậy đó.

Cũng do cái chuyện tội phạm đi đày nầy nên mới có cái chuyện hai thủ phủ Melbourne và Sydney gây lộn với nhau! Sydney thành phố đầu tiên và rộng nhứt của nước Úc còn có tên là ‘Sin City' (thành phố của tội ác?!); muốn trở thành thủ đô của nước Úc nhưng không được vì Sydney do những tù nhân bị đày biệt xứ lập nên (tay Melbourne nói vậy!)

Melbourne muốn trở thành thủ đô của nước Úc vì được thành lập bởi John Batman, người đứng đắn, đàng hoàng, lý lịch trong sáng, không phải là tội phạm (mà là con của tội phạm mà thôi!) Hí hí! (tay Melbourne nầy cũng nói vậy). Nhưng Sydney lại nói: "Anh trước, chú sau! Nhà mầy lớn nhà mầy cao sao bằng nhà tao?!" Hai đứa gây nhau năm nầy qua tháng nọ! Cuối cùng Canberra được xây dựng giữa đường đi Sydney và Melbourne, làm thủ đô nước Úc, để cho hai ‘cha' Sydney và Melbourne không giành giựt nhau nữa. Huề! 

Một dặm vuông, mật độ dân số trung bình trên thế giới là 117 người!

Nhưng Macao tới 69 ngàn người... Mỹ 76 người; còn Úc chỉ có 6 người mà thôi.  70% dân Úc gom về ở thành thị, sống trong mười thành phố lớn. Ở thành phố, dân Úc phục vụ ăn chơi là chính, chiếm đến 80% sức nhân công! Chỉ có 14% sản xuất chút đỉnh ở nhà máy. Còn làm ruộng chỉ có 5% tạo được 2.3% tổng thu nhập quốc dân. Hầm mỏ Úc chiếm diện tích khoảng 0.02% kiếm được tới 15% GDP đó. Đất dành để xây quán nhậu nhiều hơn là đất dành cho hầm mỏ!

Đó là về kinh tế, là cái phần vật chất còn cái bên trong là tinh thần, là văn hóa... phải mất khá lâu người viết mới hiểu... mà chưa chắc đã hiểu hết?! 

Khi tới nước Úc nầy, người viết nghe hoài cái bản 'Waltzing Matilda', bài hát nổi tiếng nhứt của Úc nhưng lại là tiếng Đức, nghĩa là mang cái ba lô lên vai. Vậy xin mời bà con cô bác cùng ‘Waltzing Matilda' nước Úc chút chút cho vui ba bữa xuân về nhe!

Tên Australia theo tiếng Latin là: ‘Terra Australis Incognito' nghĩa là vùng đất phương Nam chưa ai biết, the ‘Unkown Southern Land'.  Rồi đến đây, thấy con quái thú, không giống ai, nhảy tưng tưng cũng hổng biết là con gì? Mấy người da trắng lần đầu tới đây cũng ‘dốt' như vậy thôi; bèn mon men hỏi Thổ dân. Thổ dân trả lời ‘Kanguru' nghĩa là: ‘Tao không biết!" Từ đó con quái thú (có người gọi là đại thử, chuột túi)... tên là Kangaroo. 

Kangaroo cần rất ít nước, nhiều tháng trời không uống gì hết. Tại sao vậy? Vì hơn 90% diện tích đất đai Úc khô cằn, thiếu nước. Ba phần tư đất đai không trồng trọt được gì ráo nên Kangaroo ở bầu thì tròn ở ống thì dài là phải uống ít thôi! Uống nhiều! Nước ở đâu mà có! Khi cần nước nó tự đào giếng, sâu từ 3 đến 4 feet là nguồn nước cho những sinh vật khác ‘ké'. (Bà con mình có người ước... phải chi rinh được dòng sông Cửu Long qua đây... thì nước Úc nầy sẽ trù phú; sẽ là một quốc gia ‘độc cô cầu bại'!) Chớ dòng sông Maribyrnong trước cửa nhà người viết, (vậy cũng gọi là sông?!), nó nhỏ xíu như kinh Bà Bèo của xứ quê nghèo mình đó bà con ơi!)

Kangaroo là một con thú hiền hòa và dễ thương như dân Úc. Nhưng xin đừng chọc nó. Nó quạu lên, đá một cái, là không còn cái răng mà ăn cháo. Chuyện nầy đã xảy ra rồi chớ tui không có dóc, hổng có ‘ba tăng', đâu nha!

Một con chó rượt con Kangaroo, nó thường nhảy xuống đập ngăn nước! Nếu con chó ngoan cố rượt theo thì con Kangaroo chơi luôn... bằng cách dùng móng vuốt của mình nhấn đầu con chó xuống cho mầy chết tía mầy. Ông chạy mà mầy cứ rượt nha!

Chuyện Kangaroo xong, tụi mình nói tới chuyện Cá Sấu!

Stephen Moreen, 20 tuổi, đi săn ngỗng cùng gia đình ở một vùng quê hoang vắng xứ Úc tên là Peppimennarti, cách thủ phủ Darwin của lãnh thổ Bắc Úc khoảng 320 cây số về hướng Tây Nam. Khi bắn rớt vài con ngỗng, chúng rơi xuống sông, chàng ta lội ra để vớt... ai ngờ có con Cá Sấu cũng muốn xí phần... gặp đứa phá đám không cho, quạu quá, ngoạm một cái vô cánh tay, lôi xuống nước; tưởng phen nầy đi đứt. Ráng sức bình sinh, Stephen dùng cánh tay còn lại đấm vô mắt mầy một phát. 
Con Cá Sấu dài 2 mét rưỡi nầy nổ đom đóm mắt bèn nhả cánh tay ra, chàng lẹ lẹ lội lên bờ, kẻo chết! Trong khi chờ xe cứu thương tới chàng Úc nầy bèn khui vài lon bia Carlton Dry để sát trùng vết thương rồi nhân tiện quất luôn vài lon nữa cho đỡ đau. Nhân viên cứu cấp tới nơi thì chú đã ‘sần sần'. Hồi nãy nhém chết... còn giờ vui hơn Tết! Ha ha! Vậy mới là Úc chớ!

Còn chuyện sau đây cũng là Úc với Cá Sấu nhưng mà Úc gốc Việt nhe bà con!

Nhân ngày sinh thứ 60, một triệu phú người Việt Nam mình tổ chức một tiệc sinh nhựt, ăn đáo tuế, quá cỡ thợ mộc, quá đã ở một lâu đài vùng Toorak, giàu hạng nhứt thủ phủ Melbourne, bang Victoria. 

Khách mời toàn là những người giàu có tiếng tăm trong xã hội thượng lưu như: chủ hãng may, chủ shop thịt, chủ tiệm phở, bầu ‘show'; rồi bác sĩ, kỹ sư, luật sư và kế toán khai thuế... Còn nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo là nhà nghèo... tiền... nhưng giàu... chữ cũng được ‘chiếu cố' mời ăn theo... cho xôm tụ!

Nhậu cửng cửng rồi; anh bạn triệu phú người Việt tuyên bố rằng: "Trong hồ bơi nhà tui có hai con Cá Sấu, vị nào dám bơi ngang qua hồ; muốn cái gì tui cũng móc túi ra cho hết trơn nhe!" 

Tuyên bố xong, tiệc nhậu tiếp tục! Nhạc xập xình! Mấy em chân dài tới nách, trang điểm lộng lẫy như nữ hoàng Cleopatra của Ai Cập đi tới đi lui làm ai nấy nhìn cũng đều nhểu nước miếng; phải len lén đưa khăn mù-soa ra chùi; kẻo con vợ nhà nó thấy... tàn tiệc, bò về tệ xá là có chuyện lớn chớ chẳng phải giỡn chơi! 

Bỗng mọi người nghe ùm một cái rõ to! Ai nấy vội chạy ra hồ bơi để chiêm ngưỡng hành động dũng cảm và chân dung ‘đen đúa' của một anh hùng cái thế coi cái chết tựa lông hồng...

Lội qua hồ, leo lên bờ... Té ra lại là anh bạn văn kiêm bạn nhậu, ốm nhom ốm nhách của người viết. Ảnh vẫn an toàn trên xa lộ; thanh lịch trong thành phố. Người viết gãi đầu tự hỏi: "Hay là thằng chả viết văn, viết báo nghèo quá, thiếu ăn nên suy dinh dưỡng, chỉ còn da bọc xương nên hai con Cá Sấu nầy nó chê ‘dai'!"

Tiếng vỗ tay ào ào như sấm, anh bạn triệu phú cầm micro tuyên bố: "Quân tử nói mà giữ lời... là quân tử dại! Quân tử nói đi nói lại mới là quân tử khôn!" 

Thưa quý quan khách! Hôm nay tui chọn làm quân tử dại đi! Tui sẽ giữ lời: "Nầy người bạn anh hùng cái thế xem cái chết tựa lông hồng của tui! Anh muốn gì? Một chiếc Ferrari, một căn biệt thự hay một tuần trăng mật bên Tây với con bồ nhí của tui vốn là đương kim Hoa hậu Chợ Cầu Muối. Nói đi! Anh sẽ được hoàn toàn như sở nguyện!" 

Lại tiếng vỗ tay hoan hô rào rào như mưa Tháng Chạp quê mình! Anh bạn nhà văn ốm o gầy mòn của người viết đứng lên, run lẩy bẩy cầm cái micro và nói: "Trước tiên tui muốn biết: Tổ cha thằng nào hồi nãy đã đẩy tui văng xuống hồ nước?"

Người viết giờ mới hiểu... Té ra anh run lên vì giận... Chớ không phải vì lạnh. Người viết bèn lẳng lặng lẻn ra cửa sau mà chuồn mất! Vì ngày mai là Giao Thừa rồi; sống mà ăn Tết chớ phải không thưa quý độc giả thân mến. 

Chúc mừng năm mới! Happy New Year!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.




  

 

           Báo thù!

                   dxt_Feb20_15_Baothu.jpg                                 

Bảo Huân                             

Anh bạn văn hôm nọ buồn tình, rinh chai rượu đỏ đến viếng tệ xá của người viết! Thiệt là rồng đến nhà tôm! Hai đứa vểnh râu rồng, râu tôm kéo nhau ra sau vườn, ngồi hong tóc trụi lủi trong buổi chiều mùa Xuân! Quá đã!

Anh nói: "Hồi xưa đi vượt biên ở cửa Ba Động, Vĩnh Bình bị thằng bán dầu điềm chỉ gài công an bắt giải về khám lớn Cây Điệp, Vĩnh Long, nhốt chung với mấy thằng tù hình sự. Trong tù, có một đứa ở trần xăm mình: 'Hận kẻ tình ngu! Thù nầy phải trả!' Nó vác dao phay thẻo em hết một cái lỗ tai... cho em hết đeo bông chơi... rồi xách chiếu đi tù. Thiệt là ngu quá xá là ngu vì 'tẩn' một kẻ không xứng đáng với tình ta rồi phải bị ở tù. Lãng xẹt!"

Người viết thì đỡ lời anh: "Thù cũng có nhiều loại! Tình thù là một! Thù kẻ chơi cha, chơi gác, sỉ nhục mình, làm mất danh dự của một chàng võ sĩ đạo cũng có luôn! Trước tiên mình bàn cái vụ tình thù rồi sau đó bạn thù và cuối bài viết là người dưng thù cho nó đủ bộ nhe anh!"

Tình thù! 'Hận kẻ tình ngu! Thù nầy phải trả!' ở đâu mà không có. Nó xảy ra hà rầm từ cổ chí kim; từ Đông sang Tây, đàn ông báo thù đàn bà; đàn bà báo thù đàn ông như chuyện dưới đây: (Ngay tại cái đất nước Ba Lan mùa tuyết tan, anh đi giữa nắng tràn cũng có!)

Em nha sĩ Anna Mackowiak bị tình phụ! Anh yêu, Marek Olszewski, 45 tuổi, bỏ em để chạy theo một bóng hồng khác mới được vài ngày. Cái thằng cha đã 45 tuổi đầu rồi mà còn ngu hết biết! Nhức răng thì đi nha sĩ khác không chịu... lại mò về người xưa, quay lại phòng khám của nàng để... nhổ cái răng sâu.(Chắc thằng chả là trùm sò, hà tiện, sợ tốn tiền chăng?!)

Hận lòng nung nấu, nàng cho chàng một mũi thuốc tê novocain cực mạnh. Xong nhổ hết trọi 32 cái răng; cả hàm trên lẫn hàm dưới... Trụi lủi. Đẹp trai cỡ Alain Delon... giờ còn ‘lông' không... chớ không còn cái răng nào để cắn! Mà chữ rằng yêu nhau lắm cắn nhau đau; giờ chàng không còn cái răng nào nữa thì lúc yêu nhau lắm làm sao mà cắn nhau đây? Nên em 'mới' cũng đành lòng... người bỏ người ra đi! Hết chuyện!

Thưa quý bạn đọc thân mến!

Cái vụ ân oán giang hồ, báo thù nầy người viết không bao giờ nghĩ tới! Cho dù tình thù rực nắng đi nữa! Tánh người viết rất là 'easy-going' (lè phè, dễ chơi lắm!) như Tây nó thường nói. Đúng ra để dẹp mối thù qua một bên, quẳng gánh thù đi cho nhẹ để mà vui sống, cũng phải trải qua một thời gian học hỏi và rèn luyện mới được như bây giờ.

Nhớ chuyện xưa, người viết cũng như quý anh em mình từ nhỏ tới lớn, hồi đi học tới lúc đi lính, đi làm... không bị tình thù, không bị Lan Huệ sầu nhau... đè xuống nhổ hết răng thì lâu lâu cũng thù vì bị hiếp đáp hoài hà! Cũng tức lắm chớ! Cũng muốn báo thù cho đã tức; nhưng sau đắc đạo: 'Oán thù nên mở chớ không nên buộc!' hay 'Ai tát mình má bên phải thì mình đưa má bên trái cho nó tát luôn... cho nó... đã giận'. Mình có đau một chút cũng hổng có sao đâu. Chữ rằng 'dĩ hòa vi quý!' Từ đó lòng thanh thản cách chi!
Mà sở dĩ người viết đắc đạo như thế chẳng qua là nhờ một bài học từ thằng bạn học cũ năm lớp đệ tứ, đệ tam, thời Trung học Nguyễn Đình Chiểu của cái tỉnh Mỹ Tho mà chữ gọi là cái tỉnh Định Tường.  

Tên nó là Đinh Viết Liết. Bố nó tên là Đinh Viết Đích. Còn mẹ là Nguyễn Thị Sẻ. Nó là dân Bắc 54. Rất dễ chơi (easy-going), vì mình chưa hề thấy nó giận đứa nào hết dù bị mấy thằng du côn, du kề hơn, hiếp đáp mà bên nầy Tây hay gọi là bị 'bú li' (bully)!

Một hôm, trong lớp nó thò mặt qua bàn mình nói chuyện khào chơi trong khi chờ thầy, cô từ phòng giáo sư xuống dạy. Nó đang 'đía' rân trời; thì có một thằng bự con ngồi cuối lớp chõ mỏ lên, la lớn:

"Liết ơi! Mầy không nín... tao 'Sẻ Đích' (phát âm kiểu văn minh miệt vườn của Sơn Nam) mầy bây giờ".

(Hổng biết thằng nầy nó xem trộm khai sanh của thằng bạn tui ở đâu mà giỡn chơi hỗn hào như vậy chớ?) Mấy đứa khác nghe vậy cười ồ! Mà thằng bạn tui vẫn tỉnh bơ. Tan học, trên đường về tui hỏi:

"Mấy đứa đó đem tên ba má mầy ra chọc, hỗn quá... mà mầy hổng có giận sao?" Nó từ tốn trả lời: "Tên bố mẹ mình mà nó đem ra nó giỡn... Giận chớ sao không?" "Giận rồi mầy làm gì?" "Thì tao hái trái mắt mèo trét lên băng ghế nó ngồi cho cha con nó gãi một bữa đã đời...!

Vậy mà cái tật cà chớn hỗn hào vô phép đó, nó đâu có bỏ; nên một bữa tan học tao gởi cho nó một tối hậu thơ hẹn ra cổng trường để giải quyết!

"Kết quả ra sao?"

"Tao bị nó cắn một phát... đau thấy bà tiên tổ! Từ đó nghĩ thôi trả thù làm chi cho bị nó cắn. Nó hỗn tên bố mẹ tao cũng như nó hỗn tên bố mẹ nó vậy đó! He he!"

Sau nầy qua Úc, người viết đi làm trong sở cũng có quen với một thằng bạn Việt Nam khác, thằng bạn mới nầy không có được cái nền văn hóa 'chín bỏ làm bù' như thằng Liết bạn học cũ ngày xưa thân ái của mình đâu! Thì cũng dễ hiểu thôi... Chín người mười ý mà! Ai chơi nó... là nó chơi lại tới cùng!

Có lần con bồ cũ, một em tóc vàng sợi nhỏ, mỏ đỏ mắt xanh, rặt ri Úc đá nó, chạy theo người tình mới... vậy mà còn cà chớn, chọc tức nó chơi. Em gởi cho nó một tấm hình em nóng bỏng, trần (văn) truồng với thằng kép mới cho nó xem. Nó xem xong rồi chuyển (forward) cái hình nóng bỏng đó cho Tía của em xem! Ha ha!

Thiệt là một cách báo thù của Tây độc Âu Dương Phong, tàn chi quái đao và xỏ lá hết biết! Nhưng cách trả thù dưới đây theo lời 'giả' kể, nếu có thiệt, thì phải nói tui phải 'nhứt bộ nhứt bái' vì nó đã đạt tới đẳng cấp thượng thừa!

Câu chuyện nó thuật cho người viết nghe như vầy:

Đang ngồi làm việc trong văn phòng, một hôm sực nhớ là phải gọi điện thoại cho em Lan. Một người đàn ông bên kia đầu dây. Tui lịch sự nói: "Tèo đây! Xin cho tui nói chuyện với em Lan!"

dxt_feb20_15_baothu_2.jpg 

Bảo Huân


Bỗng một giọng hét lên làm cái màng nhĩ tui rung lên như trúng bom rải thảm B 52 của Mỹ. "Đồ Con Bò! Không phải số nầy!"

Rồi tui nghe tiếng cái điện thoại dộng cái rầm! Xem lại thì tui bấm nhằm hai con số cuối!

Đời lầm lẫn chút chút là chuyện thường... Vậy mà thằng nầy nó dám chửi tui là Đồ Con Bò chớ! Tức quá, tui bèn gọi số nầy lần nữa. Khi cái thằng hồi nãy bắt máy; tui hét vào lỗ tai nó: "Mầy là Đồ Con Bò Đực!"

Rồi gác máy! Tôi bèn lưu trữ số điện thoại của thằng nầy dưới tên là 'Đồ Con Bò Đực' và cứ hai tuần, khi tiền bạc bức bối quá, không có để trả hóa đơn điện, nước, ga... bực quá; tui lại gọi số nầy và hét vào máy: "Đồ Con Bò Đực!" Xong là tui lại gác máy.

Cái liệu pháp báo thù nầy làm tui thấy đời đã vui trở lại! Riêng thằng ‘Đồ Con Bò Đực' nầy điên tiết lên mà không biết làm sao 'chơi' lại tui; vì tui giấu biến cái số của người gọi đến!

Chiều cuối năm gần Tết cũng nôn, tui ra chợ Little Saigon tính mua vài đòn bánh tét để rước ông bà về vui ba bữa Tết, đang chờ để de xe vào bãi đậu, bỗng có một thằng Úc lái chiếc Mercedes màu đen từ sau vù qua, thản nhiên đậu vào cái bãi xe tui đang kiên nhẫn chờ gần nửa tiếng đồng hồ. Điên tiết, tui bấm còi inh ỏi nhưng nó cứ tỉnh bơ, mặt dương dương tự đắc tài lái xe như trong phim hành động Mỹ, de cái kịt, nghinh tới, ngó lui... rồi bỏ đi một nước. Chắc nó thấy tui cái thân ốm yếu sao dám chơi tay đôi với nó chứ. Mà nó nghĩ vậy cũng đúng! Tui ốm nhom, ốm nhách như cây sậy vậy mấy anh ơi! Nhưng là một cây sậy biết suy tưởng như ông Pascal đã từng nói. Mạnh dùng sức, yếu dùng mưu! Tui thấy khung kính sau chiếc xe của nó có dán chữ 'For Sale' và số điện thoại. Vậy là tui gọi nó rất lễ phép: "Thưa! Ông có bán chiếc Mercedes màu đen phải không?" 

"Phải!"

 "Tui có thể coi xe ở đâu?"

"Nó đậu trước cửa nhà tui sau 5 giờ mỗi chiều, số 35 John St, Footscray!" 

"Thưa ông tên gì?" "Tui tên Mái Cồ!(Michael)"
Để chấm dứt cuộc điện đàm tui nói: "Ê! Mái Cồ nghe đây!" Tui hét vào trong máy: "Mầy là Đồ Con Bò Cái!" Rồi gác máy.

Ngày sau tui lại gọi Con Bò Đực! Khi nó trả lời: Tui hét vào trong máy: "Mầy là Đồ Con Bò Đực!"

Nó hét trả lại: "Đừng gọi cho tao nữa! Mầy tên gì?"

"Tao tên Mái Cồ ở số 35 đường John St, Footscray, chiếc xe Mercedes hai cửa 'xì po' màu đen của tao đậu trước cửa nhà tao đó! Đồ Con Bò Đực! Bộ mầy tưởng tao sợ mầy lắm sao?"

"Nè! Mái Cồ! Tao tới liền bây giờ đây! Mầy hãy bắt đầu đọc kinh cầu nguyện kẻo xa linh hồn đi nha con!"

Tui trả lời: "Đừng có nhát ma tao! Cứ tới, tao sẽ cho mầy biết thế nào là lễ độ!"

Xong tui lại gọi Con Bò Cái! "Ê! Con Bò Cái!"

Nó hét lên: "Nếu tao biết mầy là ai; tao sẽ đá mầy thấy Tía!"
"Vậy hả? Tao sẽ mang Tía tao tới cho mầy đá đây! Bộ mầy tưởng tao sợ mầy hả? Đồ Con Bò Cái!"

Sau hai cú gọi một cho 'Đồ Con Bò Đực', một cho 'Đồ Con Bò Cái'; tui gọi cho Cảnh sát báo là tui trên đường tới địa chỉ nói trên để thanh toán người tình đồng tính của tui.

Xong, tui gọi cho đài Truyền hình số 9 thông báo: Có một cuộc thanh toán băng đảng sắp xảy ra cũng ở địa chỉ nói trên.

Tui lái xe vù đến đó để kịp thấy 'Đồ Con Bò Đực' và 'Đồ Con Bò Cái' đang 'tẩn' nhau tơi tả. Quay vòng hai võ sĩ đang đánh võ đài là 6 xe Cảnh sát đèn chớp quay quay như trong phim chớp bóng. Còn trên đầu là chiếc trực thăng của đài truyền hình số 9 đang vần vũ bay tới bay lui để lấy tin nóng sốt! Mấy ngày đầu năm đó cũng vui như Tết! Hết chuyện!

Thưa quý bạn đọc thân mến!

Thỉnh thoảng quý bạn đọc thân mến có chuyện bực mình vì cuộc sống căng thẳng quá, tiền nong, tình cảm vợ chồng lục đục... thì đừng nên đem trút cơn nóng giận của mình vào một người mình quen biết mà chi! Hãy 'cà chớn' với những người chưa quen biết để xả xui. Cách mình quản lý việc nóng giận là như thế! Và rất hiệu quả!

Đây là kinh nghiệm 'Anger management' khi mình bị ai đó hiếp đáp trong đời mà người viết kính cẩn học của hai anh bạn Việt Nam, một hồi còn trong nước và một hồi ra hải ngoại.

Học để biết chơi thôi! Chớ tính người viết, xin thưa, xưa giờ là hiền như cục đất, nhân chi sơ tính bổn thiện, người viết không bao giờ chơi 'ác' với ai...Ngay cả bị vợ ăn hiếp còn ngậm miệng nín khe nữa huống hồ chi là với người dưng nước lã!

 

đoàn xuân thu.

melbourne


 

 

Kính chào Sư Phụ!

dxt_feb12_15_suphu.jpg 

 

Thưa quý độc giả thân mến!

Một năm quê người qua mau thiệt! Năm ngoái Giáp Ngọ, ngựa lọc cọc gõ móng tới cửa... rồi chẳng bao lâu nó đã  phi nước đại... ngựa phi, ngựa phi đường xa tiến lên đường nắng cháy lóa lóa... tới 12 năm sau mới trở lại. Thiệt là bóng câu qua cửa sổ!

Ngựa đi thời Dê tới! Năm nay là Năm Ất Mùi; tụi mình sẽ bàn tới Con Dê!

Kính chào năm mới! Kính chào Sư Phụ!

Sư Phụ là tiếng xưng hô với người mà mình kính trọng. Xét cho cùng, Dê, tiếng Hán Việt là Dương có nhiều đặc tính mà chúng ta phải thành thật tự thú với lòng là so với Sư Phụ, đệ tử thấy mình còn kém cỏi quá; phải cần học hỏi ở Sư Phụ rất nhiều.

Trước tiên là nhân dáng. Phải nói Dê rất đẹp trai hơn cả tài tử George Clooney mới vừa nghỉ sống cu ky một mình mà đi cưới vợ; làm con tim của biết bao bà "Đầm" tan nát. George Clooney mày râu nhẵn nhụi; áo quần bảnh bao! Cái đẹp của George Clooney là cái đẹp ẻo lả, cũng là dương nhưng ẻo... chữ gọi là 'dương liễu'. Còn sư phụ của tui, trời cho hàm râu dê, rậm, hơi dài, hơi cong, vểnh ra đàng trước một chút, trông oai hùng phất phơ trước gió (cha cái nầy cọ phải biết là nhột?!) trông cực kỳ nam tính!

Cái thứ hai làm chúng ta phải ngã nón cúi đầu, tâm phục khẩu phục... là khả năng sẵn sàng lâm trận, đâu cần thanh niên có đâu khó có thanh niên. Người viết muốn nói tới khả năng tình dục của loài Dê... đực, phe ta!
Xét cho cùng... "tò tí" với nhau là một nhu cầu căn bản của con người. Tình dục làm giảm "xì trét", giảm căng thẳng, giảm bệnh tim mạch và huyết áp.(Dà! Mấy loại bịnh nầy tui dính hết trơn; nên xét về cá nhơn thì nhu cầu nầy càng khẩn thiết). Làm mũi thính hơn! Tăng khả năng hệ miễn dịch! Rồi, không hề bực bội, tinh thần thoải mái, sảng khoái! Giúp mình trẻ lâu hơn mà không cần phải tốn tiền cho Bác sĩ Hàn quốc ăn... lấy chỉ may (đau thấy 9 ông Trời)...  để mà căng da mặt!

Thưa quý độc giả thân mến!

Mấy ông Đồ Nho của Tàu hồi xưa đạo đức giả! Cái gì liên quan tới Dê, tới tình dục là bỉu môi chê trậm trề, trậm trật, phê phán lung tung, nầy nọ nên mấy chú thanh niên, mấy cô thiếu nữ lòng xuân rạo rực muốn chạm vào nhau thì phải tìm cách bày trò. Đôi  ta quá đã mà không bị "tả" nị à nha! "Giả vờ bịt mắt bắt dê. Để cho cô cậu dễ bề... với nhau!" Do đó trong hội chợ xuân hồi xưa mấy tay tổ chức... đều bày ra cái trò hấp dẫn nầy, dụ khách đến chơi đông để kiếm xu, hào mà bỏ túi!

(Tây cũng vậy thôi, bày đặt ra cái vũ hội hóa trang, đeo mặt nạ để dê thoải mái! Lỡ có bị cự không có bị quê mặt bầu cua cá cọp! Ai có xem phim Romeo và Julliet đều biết!)

Thiệt là một phát kiến vĩ đại làm lợi vô số kể! Thiết tưởng mấy hội thương gia người Việt tổ chức hội chợ Tết năm nay ở Saint Albans, ở Richmond, ở Footscray hay ở Springvale nên phục hồi trò chơi nầy! Hỏng cần quảng cáo chi cho nó tốn tiền, chỉ cần lên đài SBS, la: "Bịt mắt bắt dê" là nam thanh nữ tú sẽ đến ào ào... vô số kể như đại dương (biển lớn toàn dê)... Lúc đó ta mặc tình kiếm bạc chục, bạc trăm ngàn đô... chớ không còn kiếm bạc cắc như những năm về trước. Ví dụ lỡ đang chơi, mà trời đổ trận mưa to; xin đừng có lo! Vì quần áo ướp nhẹp thì 'dầy dầy đúc sẵn một tòa thiên nhiên'... trò chơi sẽ nóng bỏng; dân chơi sợ gì mưa rơi! Hội chợ Tết không còn sợ ế, sợ lỗ... Càng mưa càng càng nhiều bạc vô túi "ngộ"... Mới ngộ!

Thưa quý độc giả thân mến!

Hồi còn ở quê nhà, chắc bà con có người giống thi sĩ Bùi Giáng là chăn dê ở quê ông vùng núi Quế Sơn, Quảng Nam. Cho dù chăn dê ở ngoài Trung trong Nam gì thì để ý:  Sáng sớm, mình mới vừa mở cửa chuồng, thì chú Dê đực xông ra trước, đứng oai hùng, vểnh râu dê, làm chốt chặn, án ngữ lối đi. Em dê cái nào muốn bước qua! "Nầy em yêu đóng thuế!" Không nào được quyền từ chối...Phải đóng thuế... rồi mới được ra đồng ăn cỏ! Hết em nầy rồi em khác. Làm việc tận tâm, nhiệt tình... lâu lâu lại cất tiếng hoan ca "Be... he...Be ...he!" trong nắng bình minh! Chiều về, thì ''đại dương'' (một biển Dê) muốn được vào chuồng, tránh hùm beo, chó sói xơi tái thì cũng phải để ''dê đực trả bài''.

Do đó có chuyện rằng chàng Dê hăng hái quá nên đột tử! Xuống Diêm Vương đầu cáo, làm đơn khiếu nại rằng: Đời đang đã mà phải ngỏm củ tì quá sớm làm tắt đi nhiệt tình cách mạng... Thiệt ông Trời đối xử với tui bất công quá!

Diêm Vương lục hồ sơ ra; an ủi: Chú làm việc rất tốt! Sáng đóng, chiều đóng, năm nầy qua năm nọ đều đóng, không bao giờ chểnh mảng, vừa ích nước lợi nhà, gia chủ được một bầy dê cỏn, đông như quân Nguyên. Ta cảm động trước nhiệt tình cách mạng, phục vụ không mệt mỏi của chú nên cho đi đầu thai làm người ngay lập tức. Lên đầu thai không cần phải học hành gì ráo trọi!  Chú sẽ sáng đóng, chiều đóng, già đóng, trẻ đóng, sồn sồn cũng đóng luôn không sót một ai cả! Dạ! Diêm Vương cho con làm gì mà quá sướng vậy? Ta cho Chú làm nhân viên Sở Thuế nhá!

Thưa quý độc giả thân mến!

Dê là chỉ cánh húi cua tui mình! Còn cánh kẹp tóc được "dê" khoái giàn trời mây đi chớ ! Còn giả bộ chính chuyên để xài xể bọn tụi tui!

"Phượng hoàng đậu nhánh sa kê. Ông thần ổng hổng vật mấy thằng dê cho rồi."

Chửi tui thì cũng được đi nhưng tha cho Tía tui với chớ ổng đâu có ăn nhậu gì đâu với cái tật be he của tui đâu nè: "Dê sồm ăn lá khổ qua. Ăn nhầm sâu rọm, "chết cha" dê xồm?!"

Nhớ hồi còn trẻ, mới học dê; thay vì khuyến khích mầm non văn nghệ lại bị bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương rầy, bị xài xể bằng thơ mới đau chớ. Bị gọi là dê cỏn, dê nhí, bị chê là khùng khùng, ngu ngu.

"Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ. Lại đây chị dạy cho làm thơ. Ong non ngứa nọc châm hoa rữa. Dê cỏn buồn sừng húc giậu thưa!"

Còn nhà thơ Hoàng Cầm, cũng dê cỏn, thì bị chơi khăm như vầy:

"Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng. Chị thẩn thơ đi tìm. Đồng chiều. Cuống rạ.  Chị bảo. Đứa nào tìm được lá diêu bông. Từ nay ta gọi là chồng."

Con dê cỏn nầy còn 'khơ huyền khờ' bèn ráng tìm thấy lá đưa cho; ai dè...

"Ngày cưới chị. Em tìm thấy lá. Chị cười xe chỉ ấm trôn kim."

Chị cười hí hí vì lấy chồng rồi; đang quá đã, con dê cỏn nầy tới quấy rầy hoài. Sao tui khoái cái câu "Chị cười xe chỉ ấm trôn kim" nầy quá bà con ơi!

Riêng nhà thơ thì buồn như dế kêu; bèn than rằng:

"Từ thuở ấy. Em cầm chiếc lá; đi đầu non cuối bể! Gió quê vi vút gọi

Diêu bông hời... ...ới diêu bông...!"

Em ơi nếu mộng không thành thì sao! Dê em không đặng; tiếc hoài ngàn năm!

Dê cỏn, dê nhí dê; thì bị chê là thiếu kinh nghiệm tình trường. Mà xồn xồn như Bùi Kiệm dê cũng bị chê mới là lọa?!  Em đẹp, em hấp dẫn... người ta mới để ý mà dê. Dê là một hành động khen ngợi xuất phát tận đáy lòng... Hỏng chịu thời thôi... để anh đi "dê" em khác; xài nặng anh chi? "Con người Bùi Kiệm máu dê. Ngồi trơ bộ mặt, như dề thịt trâu?!"

Rồi già! Đời sống tình dục vào buổi hoàng hôn, trước khi đêm tối đến trùm mềm; đời "Dê" ráng phựt chút đỉnh; như ngọn đèn, khô dầu lụi bấc, cháy bùng lên vài phát rồi tắt ngủm với thiên thu... không tội nghiệp thời thôi mà nỡ lòng nào xài xể là: Dê cụ, dê già, dê xồm, dê đạo lộ?! "Ông già ông đội nón cồi. Ông dê con gái, ông Trời đánh ông!"

Người viết (cũng là một dạng Dê già) xin cực lực phản đối luận điệu nói trên. Nếu dê có nghệ thuật, dê đàng hoàng thì ta không được quyền phân biệt đối xử, kỳ thị tuổi tác như vậy; vì vi phạm... hiến pháp của Úc Đại Lợi!

Chỉ nên phê bình khi nó dê bậy, dê bạ, dê gian mà chữ gọi là: 'dương gian' như Lưu Bị chẳng hạn, 'nhứt tẩu' rồi quằm thêm 'nhị tẩu' nữa, bứng hoa, bứng cả cụm không chừa cho ai dê hết trơn. "Bươm bướm mà đậu cành bông. Ðã dê con chị, lại bồng con em!"

Thưa quý độc giả thân mến!

Trong đời sống vợ chồng, tình dục đóng một vai trò rất quan trọng ai cũng biết,  chớ hỏng lẽ cưới nhau về, rồi ngồi đó nhìn nhau mà làm thơ...?! Tuy nhiên nếu dê không đủ đô, không cho em mỗi sáng thức dậy cười lỏn lẻn là bị chì chiết đến nhức xương luôn nên mới có cái chuyện như vầy:

Hai vợ chồng đi Melbourne Show, cuộc triển lãm nông nghiệp, ở thủ phủ

Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc Châu. Có một anh chăn dê đứng ra giới thiệu: "Con dê nầy đã phủ giống 50 lần năm rồi!" Bà vợ quay sang ông chồng: "Thấy chưa?" "Rồi con dê nầy 65 lần năm!" "Thấy chưa! Một tháng hơn 5 lần". "Còn con nầy mới là vô địch quyền vương nè: 365 lần năm." "Thấy chưa! Ngày một lần! Anh nên học theo sư phụ nầy!"

Ông chồng bèn đến hỏi cha chăn dê một câu: "Ê cho tui hỏi! 365 lần năm chỉ với một con dê cái thôi hay sao hả?"

Từ cái việc ngày nào cũng xơi một món, ngán tận cần cổ, gây ra trầm cảm; rồi bị 'tịch dương và liệt dương'... nên mới có câu chuyện như thế nầy:

Cuộc họp được triệu tập khẩn cấp của Trung Ương; vì có một đồng chí đột ngột muốn về hưu khi khoảng thời gian phục vụ cực kỳ ngắn ngủi; bắt đầu từ năm 20 tuổi đến năm 40 tuổi mà đã muốn từ giã tình trường; rủ áo ra đi!

Đồng chí Não, từ miền Thượng Du, về nói: Mặc dù làm việc vất vả, suy nghĩ, động não tùm lùm tùm la, dầu không ra cái gì... tui cũng xin tiếp tục hi sinh. Đồng chí Bao Tử, đại biểu vùng Đồng Bằng, nói: Làm việc toàn thời cũng mệt vì phải tiêu hóa đất cát ăn cướp được của dân, tiêu hóa sắt thép, xi măng ăn cắp của công trình... Toàn là thứ cứng rắn, khó nuốt trôi lắm! Bao năm nay vì sự nghiệp của chúng ta; tui không phiền hà gì cả, xin cứ cho tui tiếp tục ăn... ăn nữa!

Chỉ riêng có đồng chí "Dương Cụ Dê", là đại biểu vùng Tam Giác Châu lại xin nghỉ hưu với lý do là: 'Các đồng chí Não, đồng chí Bao Tử làm việc toàn thời, nhưng có giờ giấc đàng hoàng; lúc mệt là nghỉ xả hơi, lè phè chút đỉnh cũng chẳng sao! Riêng tui, dù làm việc thời vụ; nhưng lúc các đồng chí cần; tui phải ra sức phục vụ bất cứ ngày đêm, bất cứ nơi nào, bất cứ ở đâu, trong văn phòng, ngoài nhà nghỉ hay trong khách sạn 5 sao... Với bất cứ đối tác người mẫu chân dài đầu ngắn nào... Dầu thời gian làm việc chỉ có hai mươi năm nhưng giờ oải quá! Viagra cũng không giúp ích được gì nên tui đành xin nghỉ!

Các đồng chí Não, đồng chí Bao Tử nghe thế đều ôm mặt khóc nức nở!

Thưa quý độc giả thân mến!

'Cà kê dê ngỗng' tới đây chắc đủ rồi... Xin phép quý bạn đọc thân mến cho phép người viết ngừng bút để dọn con gà nấu cháo lên cúng giao thừa, mời ông bà về vui ba bữa Tết và mở cửa trân trọng kính mời Sư Phụ Dê, Ất Mùi, bước vào nhà xông đất! Đệ tử xin kính cẩn chào Sư Phụ!

Chúc mừng năm mới! Happy New Year!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

  

 

 Mùa Xuân lá khô!

dxt_Feb12_15_Tet.jpg 

Chiều nào, lúc 3 giờ rưỡi là lo chạy xe đến trường để rước đứa cháu nội gái tan học về, người viết luôn gặp một anh bạn già đã đến trước chờ con. Lâu dần... rồi quen.

Người viết ham vui, cưới vợ sớm, nên lên chức sớm... đến rước cháu nội.  Còn anh bạn già nầy, tuổi cũng gần bằng người viết, nhưng chắc hổng ham vui gì cho mấy... nên mãi tới năm 35 tuổi, ảnh mới cưới vợ. Chị nhà lại thuộc 'tuýp' người không mắn đẻ nên mãi gần chục năm sau, ráng hết sức mới móc được trong túi ra cho ảnh được một nàng công chúa. Thôi cưng hết biết!

Và khi nàng công chúa nầy đi học mẫu giáo chung với cháu nội của người viết thì ảnh đã quá... quá... bên kia nửa chừng xuân, trên năm chục rồi còn gì nữa. Cha già con mọn nên ai thấy cũng thương. Ai biểu trầm đò chi cho nó trễ!

Anh chỉ buồn bã trả lời: "Tại chiến tranh mà! Đâu ai muốn. Chỉ sợ ra trận lỡ có bề gì thì con dại cái mang vành khăn tang trắng!"

Đám học trò nhỏ híu ríu rít theo chân cô giáo từ trong lớp ra, để vào phòng họp ngồi, đứng... chờ phụ huynh tới rước. Thấy ông, bà hay cha, mẹ đến, cháu vội  chào cô giáo, kiểu Úc, bằng cách 'high-five' rồi theo người rước ra xe. Tuổi thơ là mùa xuân lá rất non xanh.

Người viết làm ông; còn ảnh là cha nhưng rước cháu, rước con đều tay bồng, tay bế như nhau mặc dù nó hơi nặng rồi đó nha! Tay xách cặp, nón. Năm tới cháu vô lớp một, chắc ông bồng hết nổi rồi thì để ông nội cõng vậy. Rồi lớp Hai, lớp Ba, ông càng già, cháu càng lớn, cõng hổng nổi nữa thì mình dắt. Đúng là tuổi già... Mùa xuân lá khô.

Chiều nay đến hơi sơm sớm, ảnh bắt tay, 'Chúc mừng Năm mới' 'Happy New Year' làm mình sực nhớ. Ờ hé! Sắp hết Tháng Chạp rồi. Mùa xuân đã 'dông'. Ngày dãn ra; đêm thun lại. Mùa hè đổ lửa Úc sắp đến. Những hàng cây hôm qua còn xanh lá... mà bữa nay những mảng lá xanh đã cháy vàng trong nắng đỏ. Học kỳ 4, học kỳ cuối cùng của niên học chấm dứt, học trò sẽ được nghỉ ăn Tết Tây 4 tuần, bắt đầu vào ngày 18 Tháng Chạp 2014 tới 29 Tháng Giêng năm 2015 thì đi học lại, vào niên khóa mới. Mãi cho tới 19 Tháng Hai năm 2015 thì người Việt xa quê như tụi mình mới ăn Tết... xa quê.

Cuối năm các hội đoàn như hội cựu học sinh, hội cao niên... thường hay tổ chức tiệc tất niên ở nhà hàng, mình cũng lò dò đến... để ráng tìm vui. Bà con xúm lại hỏi: "Năm nay có về Việt Nam ăn Tết không?" Câu hỏi nầy mình nghe năm ngoái, rồi năm nay và chắc lại là năm tới. Câu trả lời là không? Quê cũ còn đâu nữa mà về. Nhà xưa tanh bành trong đạn lửa, thành phố xưa chúng đập tanh bành, rồi cất lại... cho giống Singapore. Về chi nữa cho thêm đau lòng mình lắm lắm! 

Nhớ năm rồi, may mắn được hai đứa con trai, dâu, cháu nội dắt hai vợ chồng người viết đi Sunshine, ăn 'yum cha' nhà hàng Tàu để mừng  Năm mới của Việt Nam?!

Vợ chồng, con cái, cháu chắt ngồi đầy một bàn. Rôm rả, vui quá chừng chừng! Ăn xong,  tính móc bóp ra trả tiền như mọi khi. Hai đứa con trai xúm vô cản: 'Ba à! Để cho tụi con tính bữa nay. Mấy ngày khác thì phần của Ba. Hi hi.'

Ngày vui, nhưng đêm, khi mấy nhỏ đã vọt xe về ngủ, (dẫu Tết Việt Nam) để sáng mai đi làm. Lại cô đơn! Già khó ngủ! Một mình rót một ly rượu đỏ. Ngồi tư lự cho tới nửa đêm để tiễn biệt một ngày năm cũ. Hẹn năm tới. Vâng Tết quê người buồn như vậy dù đã ráng hết sức để tìm vui.

Còn quê mình xưa, Tết là những ngày vui lắm. Dẫu đất nước vẫn còn chìm trong cơn đạn lửa. Tết, ngày đầu năm lại là ngày đoàn tụ, dẫu đi năm sông bảy suối, chín núi ngàn đèo cũng lặn lội về thăm.

Tây thì khác, Giáng Sinh mới là ngày đoàn tụ gia đình, ăn bữa cơm chung gồm ông bà cha mẹ và con cháu trở về quần tụ dù mỗi đứa một nơi, tha phương cầu thực. Tết Tây, tụi nó xúm nhau ra ngoài city để xem đốt pháo bông đêm Giao Thừa. Đếm ngược đồng hồ, bụp, cả bầu trời xanh vàng tím đỏ, rồi hai đứa 'hun' nhau.

******

Giờ nầy đêm nay, cuối năm, ngồi một mình trước ly rượu nầy một mình con lại nhớ về quê cũ giờ đã xa hàng ngàn dặm biển, con lại nhớ đến Ba, nhớ Má, nhớ nhà xưa biết bao nhiêu mà nói. Những mùa khác, đêm đêm con cũng mơ, cũng nhớ về quê cũ nhưng năm cùng tháng tận con lại còn nhớ ác liệt hơn nữa? Kỷ niệm xưa... tràn về như sóng.

Nhớ hồi xưa nhà mình trong hẻm chợ Hai Mươi gần Ngã Tư đường Phan Thanh Giản và đường Cao Thắng. Con đi học trường tiểu học Bàn Cờ trong Cư Xá Đô Thành, lớp Nhì tức lớp Bốn bây giờ. Một bữa, cô giáo cho bài tập vẽ một bông hoa cúc. Hồi nhỏ, con nghĩ  ba cái gì cũng biết, cái gì ba cũng làm được. Con nít ở thành nhà cửa san sát, không có được một khoảng đất trống nho nhỏ nào để trồng cây, trồng bông, trồng hoa, thì làm sao có diễm phúc để biết bông cúc mặt tròn, mặt méo ra sao mà vẽ. Con nhờ ba vẽ giùm. Vô lớp cô giáo cho Ba một điểm. Thiệt cô của con không có con mắt thẩm mỹ chút nào.

Rồi lên lớp Nhứt, tức lớp Năm bây giờ, ba nộp đơn cho con thi vào Đệ Thất. Hai tuần sau kỳ thi, ba dắt con tới cổng trường Petrus Ký gần bùng binh Ngã Bảy Cộng Hòa, dò xem kết quả đậu rớt ra sao? Con được 56 điểm đậu hạng 176. Cái thằng đậu hạng chót chỉ được 45 điểm nghĩa là con của ba giỏi hơn con của người ta được 11 điểm. Còn cái thằng đậu thủ khoa được 81 điểm. Tên nó là Âu Dương Khoát nhưng không có bà con, dây mơ rễ má gì với Tây Độc Âu Dương Phong. Cái Trung tâm luyện thi Đệ Thất của nó, đậu chiếc xe Renault thời Bành Tổ, bắt ống loa trước cửa trường, la rùm, quảng cáo cho mấy đứa lỡ thi rớt năm nay, năm tới nhớ tới học nhe bây. Cái hay là cậu học trò đậu thủ khoa nầy phải thi tới lần thứ ba mới chiếm được bảng Trạng Nguyên. Mới thấy hồi xưa chỉ thi tuyển vào lớp Đệ Thất thôi mà đã trần ai khoai củ!

Ba dò thấy số báo danh của con mình trên bảng vàng, mừng quá, bèn móc túi ra cho con mười đồng, rồi dẫn con về đường Cao Thắng, trước cửa rạp hát bóng Đại Đồng để ăn hủ tiếu bò vò viên. Ôi! Tô hủ tiếu con ăn thời thơ dại đã lâu sao nhớ tới thuở bạc đầu.

Chú Tiều tay không bóc bò vò viên thường và bò vò viên gân bỏ vào nồi nước súp đang sôi sùng sục trên bếp. Bò viên trụng trong nồi nước lèo nóng dần lên, cắn vào còn xì khói, mới thấy hết cái vị ngon, giòn hết sẩy. Chén tương đen tương đỏ được rắc thêm một chút ớt sa tế cay nồng ở phía trên. Những miếng cải bắc thảo muối rắc lên mặt tô hủ tiếu bò viên với ngò gai xắt nhuyễn. Tô hủ tiếu bò viên nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Cầm đũa lên 'lua' hủ tiếu, lấy muỗng múc bò vò viên, cắn nghe cái xực! (Người Triều Châu phản Thanh phục Minh không được, quang gánh chạy về phương Nam chỉ mang theo hủ tiếu bò vò viên mà sống hùng, sống mạnh, sống 'phẻ re' cho đến tận bây giờ. Ôi cái miền Nam dễ thương của cha con mình đã dang tay đón biết bao nhiêu người cùng khốn mà cuối cùng, cay nghiệt thay, là cha con mình không còn sống nổi nữa... phải bỏ nước ra đi!)

Mười một tuổi, mười hai tuổi, sức đang lớn, ăn nhiều, ăn mạnh. Một tô hủ tiếu bò vò viên chưa đã miệng, còn thòm thèm, dù mồ hôi từ chân tóc đã tươm ra đầy lên mặt, rồi chảy từng giọt, từng giọt một trên má. Ngon quá là ngon mà!

Ba kêu thêm cho con một tô gân, lòng bò, lá sách, tổ ong... cùng bò viên. Con cũng tự nhiên, cắm đầu quất láng. Cái lạ là Ba không ăn gì hết chỉ ngồi gần con và uống một cái xây chừng.

Ăn xong, ba trả tiền. Trên đường về nhà cho má hay là con thi đậu. Cả hai cha con mình cười hỉ hả. Năm chục năm sau con đã tìm được câu trả lời tại sao ba lại không cùng ăn với con? Câu trả lời rất đơn giản là nhà mình nghèo không có đủ tiền để trả.

Rồi lớn lên con ráng vào đại học, ngưng ngang giữa chừng vì Mùa Hè đỏ lửa nổ ra. Rồi giầy sô áo trận. Chiều cuối năm nào, dù bận hành quân, cũng mong (dù không bao giờ có), được đi phép, trở về nhà mình đoàn tụ. Con đã xa má, xa ba, xa mấy em, xa người yêu để đi trong mùa xuân lá khô. Đi trong vùng hành quân vùng xa xôi đá sỏi biết buồn. Đi giữa lạnh sang đông... Để hy vọng: Rồi có một ngày. Sẽ một ngày chinh chiến tàn...Trả súng đạn này. Khi sạch nợ sông núi rồi Anh trở về quê, trở về quê. Tìm tuổi thơ mất năm nao... Nhưng một mùa xuân hòa bình chỉ là ảo vọng.

Rồi mất miền Nam, ba và con lưu lạc quê người. Đã hai mươi mùa Xuân quê nhà con xa. Và hai mươi mùa lá khô ở Úc mà ngày quay trở về sao thấy vẫn còn xa! Ước vọng gia đình ta có Ba; bay trở về quê cũ thăm lại Má đã nằm yên dưới ba tấc đất ở ngã ba Hòa Tịnh, Mỹ Tho đã vỡ tan.

"Mộ má nhìn ra lộ Đông Dương. Như trông như ngóng người thương trở về. Người thương nay đã trở về. Dẫu tro than vẫn câu thề ngày xanh! Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành. Tàu Tây kia liệt máy; anh mới đành xa em."

Mười lăm năm trước, khi ba trở bệnh nặng ở Adelaide, từ Melbourne, trời sụp tối, con ra nhà ga 'Southern Cross' đi xe lửa suốt đêm về thăm ba kẻo không còn kịp nữa.

Đêm sau, Chủ Nhựt, lúc từ giã Ba, con quay trở về nhà để Thứ Hai đi làm; con móc trong túi ra hai trăm đô nói: 'Ba giữ để uống cà phê.'

Hồi xưa, Ba cho con thì cả hai cha con mình đều cười. Bây giờ, con cho lại Ba thì cả hai cha con mình đều khóc.

Con bây giờ, chiều cuối năm viễn xứ, như là chiếc lá khô... Nhớ nhà xưa, nhớ Ba, nhớ Má... Có giọt lệ nào ứa ra từ chiếc lá khô trong quê người cuối năm chiều lửa đỏ.

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

 

 

 

Mời nghe đọc truyện đoàn xuân thu:

Bố tôi người đánh máy thuê 

www.vietfreefun.com/forum/showthread.php?215750-Bố-Tôi-Người... 

 

 Và mời đọc: 

 "Con đường tình ta đi!"

dxt_feb10_15_conduongtinh.jpg 

 

Tranh Bảo Huân.

 

Thưa quý độc giả thân mến!

Cuối năm xin kính mời quý độc giả thân mến cùng người viết điểm lại con đường tình ta đi năm vừa qua, (Có tham khảo chuyện Chú Ba và Chú Kangaroo), coi nó có trật chìa chỗ nào hay không? Để mình ra tay cùng sửa chữa, trước khi nó bể bạc hết trơn!

Chú Ba cà chớn hàng xóm của mình theo chế độ phụ hệ! Chồng làm cha! Là dách lầu; là số một! Chú Ba được quyền bỏ vợ, nếu Thiếm Ba lạng quạng! Thiếm Ba phạm bảy tội nầy là phải ‘xin cho thiếp đò ngang thiếp về'... để Chú Ba rước em khác.

Bảy cái tội đó gọi là ‘Thất xuất':  

- Một là hổng tọt ra được thằng ‘cu' nào để nối dõi tông đường! Sau nầy khoa học chứng minh rằng lỗi nầy không phải chỉ do em. Nên gán tội nầy cho Thiếm Ba không mà thôi là Chú Ba dốt, hổng biết khoa học gì hết ráo!

- Tội thứ hai là dâm dật! Mà dâm dật với ai mới được chớ? Dâm dật với chồng mình thì đốt đuốc đi tìm chưa chắc có! Mừng hết lớn còn bày đặt nói ‘Hổng được!' Bộ khoái tình em như nước Bắc Băng Dương hay sao? Còn nếu Thiếm Ba dâm dật với xì thẩu khác thì phải mời Thiếm Ba đi chỗ khác chơi gấp gấp! Bằng không có ngày Chú Ba quất xong tô bò vò viên rồi sùi bọt mép. Xuống Diêm Vương giở sổ ra, chưa tới số mà; xuống đây làm chi thì biết trả lời sao?

- Tội thứ ba là không thờ cha mẹ chồng, coi Tía Má Chú Ba hổng ra cà ram nào hết trơn! Hổng có Tía Má mình, đồng tác giả xuất bản, thì làm sao có mình để em nâng khăn sửa túi. Hổng biết ơn mà còn ‘hỗn ẩu'... Đuổi đi là phải! Kẻo mấy tiểu muội nóng mũi, chê làm Ca ca (xin đừng hiểu theo tiếng Tây nhe!) gì mà cái mặt gà mái, thờ bà, thì quê lắm đó!

- Tội thứ tư là lắm lời! Nói hoài miệng hổng chịu kéo da non! Tội nầy thấy nhẹ nhưng thực ra là nghiêm trọng ngang với tội ‘khủng bố tinh thần' đó!  Nghe nhiều, nghe hoài một chuyện, băng nhão hết trơn, nhức đầu làm sao mà chịu nổi. Thôi là phải!

- Tội thứ năm là trộm cắp, tiền của chồng chôm hết ráo, tuồn cho Tía Má em xài hổng biết sao cho đủ; thì sức trâu nào cày cho thấu. Nghỉ chơi cũng phải luôn! (Nên có chuyện rằng: "Con lấy tiền của Tía hả?" "Con không có lấy!" Thiếm Ba nói: "Em lấy đó!" "Ủa sao còn sót lại vài đồng bạc lẻ?")

- Tội thứ sáu là ghen tuông! Trai năm thê bảy thiếp là thường vậy mà tối ngày xem nè tui với nó có khác gì đâu mà anh mê con quỷ đó? Ghen là tánh nữ nhi thường tình! Nhưng ghen cho trúng khía kìa; còn ghen gió... ghen bóng là tui đóng cửa sổ cho hết gió; tắt đèn luôn là hết bóng! Hết ghen!  

- Tội thứ bảy, tội cuối cùng, là Thiếm Ba mắc bệnh hiểm nghèo. Cái nầy bậy bạ quá, vợ lỡ có bệnh thì lo chạy chữa chớ đòi thôi, đòi bỏ... thì thiệt là cái thằng chồng ác nhân thất đức. Chú Ba... 'Made in China' là đáng bị la lắm!

Sau nầy thời cuộc đẩy đưa, lưu lạc quê người tới đây; thấy mấy Chú Kangaroo cũng theo phụ hệ. Con nó đẻ ra nhưng mang họ của mình! Cái khác với mấy Chú Ba là mấy Chú Kangaroo đây bỏ vợ không cần bày đặt kiếm chuyện nầy chuyện nọ. Hổng khoái nữa là thôi. Nhưng Thiếm Kangaroo cũng có cái quyền ‘y' như vậy. Bản mặt thằng chả thấy ghét là em thôi cho bỏ ghét!

Thưa quý độc giả thân mến.

Chuyện rằng: Tèo, 32 tuổi mà chưa vợ! Bạn bè hỏi: "Bộ chưa kiếm được đứa nào hợp nhãn hay sao?" Tèo nói: "Có nhiều đấy chớ! Nhưng dắt em nào về nhà Má tớ đều không chịu!" "Thì tìm em nào tánh tình giống hịt Bà Già là xong ngay!" "Có dắt một em về giống hịt Má! Má thích lắm! Nhưng ngặt nổi là tới phiên Ông Già tớ; Ổng phản đối quá chừng!"

Ông bà mình xưa có tâm sự rằng: "Ví dầu nhà dột cột xiêu! Muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn!" nên Tèo trước khi ‘chim vào lồng; cá cắn câu' bèn hỏi: "Cưới vợ tốn bao nhiêu Tía?" "Tía không biết! Chưa tổng kết được vì Tía vẫn còn đang phải trả!"

Làm gan, coi tiền bạc là chuyện nhỏ, cưới vợ về rồi mà muốn tình ta bền lâu, phải nhớ ông bà có dạy rằng: "Dạy con dạy thuở còn thơ! Dạy vợ dạy thuở bơ vơ mới về!" Phải đề ra ‘quân lịnh' đàng hoàng mới được!

"Anh sẽ về nhà bất cứ lúc nào anh muốn, và anh muốn... ‘ẹ ...ẹ' bất cứ lúc nào anh muốn!" Anh muốn khi về bữa ăn tối phải có sẵn trên bàn; trừ trường hợp anh báo trước rằng tối đó anh không về!" "Anh sẽ đi săn, đi câu cá, đi nhậu, đi đánh bài cùng những người bạn cũ của anh bất cứ lúc nào anh muốn và không mong đợi em sẽ làm khó làm dễ anh chút nào!" "Em có ý kiến gì không?"  

"OK! Vậy cũng được! Chỉ cho anh biết rằng:  Em sẽ ‘đốt nóng lửa lòng em với bạn tình' mỗi đêm, ở nhà nầy lúc 7 giờ, trong phòng ngủ của đôi ta... dù có mặt anh hay không cũng được!" OK?

Anh có vợ rồi mà vẫn còn muốn chơi! Nên em cũng vậy!

Rồi sau đó, tuần trăng mật vui hết biết nha! Hai đứa ăn ở không rồi bắt ‘chí' cho nhau là vui?  Nhưng ngày vui sẽ qua mau. Cởi áo cưới ra, lau hết phấn son, đôi ta trở lại đời thường. Cơm áo gạo tiền!

Qua xứ Úc nầy, xứ của Nữ Hoàng Anh, khi hầu chuyện là mình phải khụy một đầu gối xuống! Về nhà với vợ mình cũng làm y hịt như vậy; đôi khi còn lễ phép  gấp đôi... không phải một mà là... cả hai đầu gối... Chữ gọi là "Phụ xướng phu tùy!" "Trong nhà, tui làm sếp!
Vợ tui chỉ là người phát biểu sau cùng mà thôi!"

Bằng không chịu chấp nhận sự thực phũ phàng đó thì ngay việc dạy dỗ con cái cũng đủ sanh giặc rồi!

"Nhân loại từ đâu mà ra? Tía nói: "Adam và Eve có con. Con lớn lên lập gia đình và có con. Cứ thế!" Thằng nhỏ hỏi Má nó cùng câu hỏi. Má nói rằng: "Tổ tiên chúng ta là khỉ; tiến hóa dần trở thành con người!" Thằng nhỏ quay lại: "Sao Tía nói dóc con chi vậy?" Tía trả lời: "Má con nói về phía bên dòng họ của bả ấy mà!"

Thưa quý em yêu!

Mỗi lần đay nghiến, xì nẹt chồng mình nên suy nghĩ kỹ! Lời nói như mũi tên bắn ra là không mong lấy lại!" Cuối năm rồi, chúng ta hãy cầu nguyện cho vợ chồng không bao giờ lớn tiếng với nhau... Trừ trường hợp cháy nhà!"

Nhưng câu hỏi bự tổ chảng đặt ra là: "Tại sao, chung sống chỉ một thời gian chẳng bao lâu mà hai người không còn yêu nhau tha thiết nữa?" "Có phải là tại nhan sắc em đã hoa tàn nhụy rữa hay tại anh giờ đem bụng ở đời, vì ‘tộng' quá nhiều gà nướng Kentucky (KFC) hay không?"

Em khỏa thân đứng trước gương soi! "Cha lóng rày em già, mập, trông xấu quá! Anh có thấy vậy không?" "Mắt của em còn tỏ lắm đó!" Và cuộc cãi lộn lại bắt đầu!

Em gởi tin nhắn cho chồng: "Truyền hình nói Cảnh Sát vừa tìm được một cái xác mập như con heo, răng sún lại ngậm xì gà, trên tay còn chai rượu. Em lo cho anh quá! Hãy gọi cho em nhé! Anh yêu!"

Hỡi ơi! Tình ta mới đầu như ly cà phê sữa nồng ấm uống vào buổi sớm mai trời sương thu lành lạnh... Sau thành ly cà phê đá mà phải uống giữa mùa đông rét mướt!

Anh không nói gì hết mà chỉ dán mắt vô cái máy truyền hình coi phim diễu ‘Big Bang Theory' hay đọc báo mà thôi!

"Đời tui cô đơn nên yêu anh cũng cô đơn, ước gì em là tờ báo để em có thể trong tay anh suốt ngày!" "Anh cũng ước em là tờ báo để mỗi ngày anh lại có một tờ báo mới!"

Chu choa! Ông Thần nầy gan thiệt!  Nói như vậy là em sẽ nổi máu Hoạn Thư lên; sẽ điều tra coi tờ báo mới đó là tờ báo nào? Và khi ghen tuông, em điều tra, theo dõi chồng mình còn hay hơn cả FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ)

"Sam và Becky được mời đi ăn tiệc Giáng Sinh, lễ hội hóa trang. Sam hóa thành Ông Già Noel. Bất ngờ Becky nhức đầu không đi nhưng cũng khuyến khích cho ông Xã mình thư giãn. Quất vài viên thuốc nhức đầu Panadol, nằm nghỉ một lát! Thuốc Panadol "Made in Australia" hay thiệt là hay nhe! Cơn nhức đầu biến mất; nên em cũng tới chơi nhưng giữ bí mật không cho anh yêu biết... để theo dõi coi vắng chủ nhà gà có mọc đuôi tôm không?

Em bèn hóa trang thành nữ tài tử xinh đẹp Nicole Kidman! Em rề rà đến, má tựa vai kề với ông Già Noel. Rồi rủ chàng chui ra sau vườn! Em lẳng, em lơ như trái mơ... coi thằng chả có nhểu nước miếng và cư xử ra sao?  

Được bật đèn xanh khuyến khích, chàng bèn ‘chơi' tới bến luôn. Thiệt là con Dê già háo sắc! Tới lúc tiệc gần tàn, thiên hạ sắp cởi mặt nạ hóa trang thì Becky lẳng lặng chuồn trước về nhà để định quạt cho ‘Đức ông chồng' một trận nên thân về tội không nên nết. Thấy ‘nó' là tươm tướp hè!

Khi Sam bước vào phòng ngủ. Becky hỏi: "Sao dạ vũ hóa trang có vui không anh?" "Cũng được! Anh gặp thằng Harry nữa! Nhưng râu của ông Già Noel làm anh nhột lỗ mũi, ách xì hoài... nên anh đổi trang phục hóa trang của mình với nó!

Ráng ráp lại tình ta mà bị chuyện nầy làm đôi ngã đôi ta nên: "Sao anh đi làm về sớm vậy?" "Tại ông chủ bảo anh hãy về lại cái địa ngục của anh đi!" (Go to the Hell!)

"Thưa Luật Sư, suốt 6 tháng trời nay, vợ tui không mở miệng ra nói với tui một tiếng nào. Tui muốn ly dị!" Viên Luật sư: "Xin ông hãy suy nghĩ kỹ lại. Vợ như vậy là khó kiếm lắm đó!"

Không ly dị được thì cuộc chiến tranh giữa vợ và chồng lúc nào ‘ục ục' trong nồi súp de chờ ngày cái bùm nó nổ!

"Tía đi săn, bắn được một con nai. (Con nai tiếng Anh là deer cùng âm với dear là anh yêu!) vác về nhà xẻ thịt, làm bữa tối. Con hỏi thịt gì? Tía nói: "Tên của nó là chữ mà Má tụi con đôi khi gọi Tía đó! "Đứa em gái nhỏ thét lên với anh trai mình: "Đừng có ăn! Thịt đó là Chó đấy!"

Vậy là thôi rồi "Anh đường anh em đường em; tình nghĩa đôi ta có thế thôi!

Ra Tòa giành quyền nuôi con cái. "Thưa quý Tòa! Tui đẻ chúng ra, chính tui là người mang chúng vào cuộc đời ô trọc... lóc nầy... nên tui phải được quyền nuôi dưỡng!"

Tòa quay qua ông chồng! "Thưa quý Tòa! Nếu tui nhét một đô vào máy bán kẹo. Viên kẹo ló ra. Thì nó thuộc về tui hay thuộc về cái máy?!"

Thưa quý độc giả thân mến!

Riêng người viết với em yêu là: ‘Thương lắm mình ơi!' Vì ngay từ đầu yêu em, người viết đã yêu theo chủ nghĩa ‘bình ắc quy'!

Mình là điện dương; còn em yêu là điện âm. Bao nhiêu sức lực, tiền bạc từ điện dương đều được điện âm hút qua hết ráo... bình ắc quy mới ‘quớt' (work) và chiếc xe tình yêu của đôi ta mới êm đềm lăn bánh ‘bon bon' tới bến hoàng hôn mà nào có ‘khục khặc' gì đâu!

Muốn tình ta đầu bạc răng long chỉ còn duy cách đó mà thôi! Thưa quý độc giả thân mến!

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

  

 

"Đem bất mãn dội vào vách núi!"

 dxt_feb7_15_vachnui.jpg

 

 

 

Thưa quý bạn đọc thân mến!

 

Ông Bill Gates nói: "Nếu bạn sanh ra mà nghèo không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết mà nghèo thì đó là lỗi của bạn!"

 

Ông Bill Gates là người tui hâm mộ từ lâu vì tấm lòng từ thiện của ổng. Hâm mộ hổng có nghĩa là ổng nói cái gì tui cũng nhắm mắt ‘All right!'

 

Sanh ra nghèo hổng phải lỗi tại tui là phải rồi. Nhưng khi chết rồi giàu hay nghèo tui đâu có ‘ke'! He he! Chết là hết! Giàu nghèo ‘sêm sêm'. ‘Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!'

 

Nhưng câu nầy không phải của Bill Gates mà tui lại thấy đúng quá xá! (Thưa bà con trúng hay trật hổngphải là do ai nói (cứ nổi tiếng là nói trúng hay sao?!)... mà nói cái gì mới quyết định. Chớ có nhiều ‘cha' tai to mặt lớn lại nói chuyện Tề Thiên... hết biết à nha!)

"Nếu Tía của bạn nghèo mạt không phải lỗi của bạn. Nhưng nếu Tía Vợ của bạn nghèo mạt đích thị là lỗi của bạn rồi đó!"

 

Ai biểu không thực tế, cưới vợ nghèo mà chi, vì nghĩ một túp lều tranh hai quả tim vàng; thì phải đi làm nhân công cho mấy cái hãng của Chú Ba, Chú Sam, Chú Kangaroo làm chủ để nuôi vợ con đi bạn!)

 

Bà con mình hồi xưa ai cũng biết nền kinh tế của miền Nam Việt Nam chúng ta đa phần do mấy Chú Ba trong Chợ Lớn chi phối.

 

Mấy Chú Ba rất giỏi về thương mại, kinh doanh đủ thứ, hầm bà lằng xắn cấu và giàu sụ, mình gọi mấy ông chủ nầy là Xì Thẩu! Cao hơn một bực là Đại Xì Thẩu! Tiền của mấy ‘giả' đốt mình cũng chết.

 

Bây giờ trong nước gọi mấy tay nầy là Đại gia, con cái của họ là Thiếu gia... chớ hổng phải Thiếu tiền!

 

(Nhớ hồi xưa, Đại Xì Thẩu Vương Đạo Nghĩa chịu chơi, bỏ ra một đống tiền, mướn tài tử Vương Vũ (cùng thời với Khương Đại Vệ, Địch Long, Trần Tinh) đóng phim quảng cáo cho hãng kem đánh răng của mình. Vương Vũ ốm nhom ốm nhách như cọng mì nhỏ...

mà múa kiếm bay vun vút, giải thoát một đoàn xe bò chở lủ khủ những hòm rương niêm phong, kín mít có bảo tiêu hùng hậu hộ tống thoát khỏi cuộc cướp bóc của quân cướp đường, sơn lâm thảo khấu! Khi mở hòm rương ra... chỉ toàn là kem đánh răng Hynos (hình chú Tây đen có hàm răng cười trắng nhởn)!

 

Chú Ba Vương Đạo Nghĩa ‘xạo' cũng có hạng đấy chứ! Ăn cướp thường nhắm vào xe chở vàng bạc, châu báu... hay người con gái đẹp nghiêng thùng đổ nước, chim sa cá lặn cỡ Miêu Khả Tú chẳng hạn.... Còn ở đây vác đao, vác kiếm đi ăn cướp kem Hynos... Chắc Vương Vũ sợ kem Hynos bị tụi Lương Sơn Bạc cướp sạch; lấy gì mình đánh răng rồi sẽ bị sún răng... Gặp Á Xẩm nào cũng hổng dám cười tình!)

 

Ngoài việc chịu ảnh hưởng của Chú Ba Tàu, gọi ông chủ hãng mình làm công là Xì thẩu; nước Việt Nam mình còn là thuộc địa của Pháp cả trăm năm, Tây tới mở công ty như BGI chuyên môn bán nước đá, nước ngọt xá xị con cọp cho con nít uống. Còn người lớn thì uống la ve nhãn con cọp. Tây cũng mướn người làm. Chăn dắt đám nhân công nầy là quản đốc...v.v... Nhân công người Việt mình làm culi thì gọi mấy đứa nầy (nhiều đứa là Tây rặt hoặc Tây lô can nói tiếng Tây sùi bọt mép) đều bằng Sếp cho nó gọn! Sau nầy đến định cư mấy nước nói tiếng Anh như Úc, Mỹ, Canada mình vẫn là culi, gọi cái thằng cà chớn ra vẻ ta đây là Boss.

 

Làm culi ở cái xứ Úc nầy khá lâu, người viết có cái kinh nghiệm: Tây, Tàu, Ta gì đều khoái nịnh nọt, khoái lời tâng bốc hết ráo. Thằng nào cũng muốn: Một là Boss; hai cũng là Boss!

 

Thôi để  yên thân đi làm kiếm tiền nuôi vợ con chớ ăn thua làm gì cho nó mệt nên nó muốn là Boss, muốn là chiều, có tốn cắc bạc nào đâu mà cữ!

 

Mà tại sao làm ‘Boss' ai cũng khoái vậy? Vì nó có quyền lực rầy la hay nắm đầu công nhân đuổi cổ. Ở nước Úc nầy mất việc là chua lắm! Tiền nhà, tiền xe, tiền chợ, tiền ga, tiền điện nước! Tiền và tiền... Ai ngu đưa đầu vô đây mà gánh cho mình chớ?!

 

Có đứa mất việc... Về vợ bỏ, xách súng vô hãng kiếm đứa nào đuổi ông để rửa mối thù xưa! Kinh nghiệm dạy cho người viết mưu sinh thoát hiểm rằng: Khi đang làm việc trong hãng xưởng mà thấy thằng Úc nào hôm qua mới vừa bị đuổi, bữa nay xách cái túi cồm cộm trở lại... mặt hầm hầm, đằng đằng sát khí là mình lẹ lẹ... kiếm cái chưn bàn nào đó chui vô trốn... mới có cơ may: ‘Má sắp nhỏ không đi thêm bước nữa!'

 

(Ngày 2 tháng 11 năm 1999, lúc 9 giờ sáng, tại Honolulu, Hawaii, Mỹ, Byran Koji Uyesugi mang khẩu súng lục bán tự động 9mm Glock bắn viên quản đốc và 6 công nhân khác chết tươi! Cũng do bất mãn giữa công nhân và Boss!)

 

Làm Boss hay làm Sếp là có quyền. Sếp nhỏ quyền nhỏ! Sếp vừa quyền vừa. Sếp lớn quyền lớn! Từ có quyền đến lạm quyền chỉ một bước nhỏ mà thôi! Hách dịch và hống hách là căn bệnh trầm kha của Sếp. Hách dịch là cử chỉ. Đi đứng khệnh khạng.‘Trông nó thế mà hách lắm!' Còn hống hách (chữ Hán thuộc bộ Khẩu) là dọa nạt bằng lời...

 

Chuyện về em đẹp Chu Hằng Ái (Cho Hyun-ah), con gái lớn của Chu Hoàng Hồ (Cho Yang-ho), Tổng Giám Đốc hãng Hàng không Korean Air Lines.

 

Máy bay đang lăn bánh ra phi đạo ở Phi trường quốc tế John F. Kennedy, New York, chuẩn bị cất cánh về Nam Hàn, em chiêu đãi viên hàng không mang ra một bọc giấy đựng hạt điều cho khách sang ngồi trên lầu máy bay gọi là ‘First Class!' Đúng ra là em phải tháo ra rồi để lên đĩa mà mời khách mới đúng y như lời dạy của công ty!

 

Em đẹp kiêm Sếp lớn Chu Hằng Ái nầy bực bội, (Dạy rồi mà tụi nó hổng để ý gì hết trơn nha!) nổi sùng lên, kêu tiếp viên trưởng ra ‘quạt' về cái tội không biết huấn luyện em chiêu đãi viên trong toán của mình. Kêu chú Sâm Cao Ly nầy lục tài liệu hướng dẫn cách phục vụ trong máy tính bảng ra nhưng chắc run quá nên chú em tìm không được!

 

Park Chang-jin, trưởng toán, và em tiếp viên hàng không phải quỳ gối xin lỗi Cô chủ nhỏ mà làm lớn! Nàng vẫn không bớt giận, ra lịnh cho phi công trưởng chuyến bay báo với nhân viên đài không lưu cho máy bay quay trở lại và đuổi tiếp viên trưởng xuống đất. "Cho mầy biết tay Bà!" Vài tiếng đồng hồ sau chú em chiêu đãi viên hàng không nầy mới lót tót lên chuyến bay khác về lại quê nhà... mà tơ lòng muôn mối rối?!

 

Mấy hành khách cùng khoang hạng nhứt với cô chủ thấy chắc ngứa mắt, ngứa tai bèn kêu báo chí, truyền hình, truyền thanh, trang mạng xã hội... làm rùm beng lên mới được!

 

Công ty rét, quắn đít lên... Cho người đến "Ê! Tiếp viên trưởng nói dóc đi!" "Cô Chủ hổng có xài giấy năm trăm đâu nhe! Cô Chủ không có đuổi em xuống máy bay... mà do em tự nguyện?!"

 

Báo chí Nam Hàn hỏi khó: "Chu Hằng Ái không ‘Ái' anh mà bắt anh quỳ gối! Sao anh lại quỳ?" Park Chang-jin mếu máo: "Hổng quỳ sao được? Cô chủ là con gái lớn của Ông Chủ mà!"  "Thằng Phi công còn ớn Cổ... Huống gì em! Hu hu!"

 

"Ai mà hiểu được nỗi nhục của em?" "Cô chủ nhiếc mắng em là quê mùa, mọi rợ; cổ còn dùng xấp giấy đang cầm trên tay, vụt cho em mấy cái." Thiệt vì việc làm mà em phải qua cầu đắng cay! Chớ nhục lắm mấy ông ơi!

 

Dân Nam Hàn đâu có chịu cái hách dịch, hống hách làm nhục công nhân như thế nầy nên đổi cái tên Korean Air Lines thành cái hỗn danh là "Peanut Air'. Rồi dọa, nếu không cách chức, mời cô chủ hống hách nầy đi chỗ khác chơi; họ sẽ tẩy chay không thèm bay hãng nầy nữa mà cùng nhau qua ‘ẵm hộ' cái hãng đang cạnh tranh ráo riết là Asiana Airlines.

 

Trước cái nguy cơ bể nồi cơm, Tía em đành đấm ngực "Hãy rầy tui đi! Tại tui hết trơn hết trụi, tui không biết dạy con (bốn mươi tuổi đầu rồi còn dạy gì nữa Tía!) để nó làm chuyện điên rồ nầy!"

 

Thưa quý bạn đọc thân mến!

 

Nghe câu chuyện anh bạn Củ Sâm nầy người viết cũng động lòng thương cảm. Cùng là dân làm mướn như nhau mà thấy ảnh bị bức hiếp như vậy thiệt cũng nóng mũi... Tức lắm! "Công nhân toàn thế giới liên hiệp lại mà!"

 

Người viết làm culi ở Úc cũng khá lâu đôi khi bị mấy thằng Boss nho nhỏ cỡ Manager (quản đốc) ăn hiếp chớ không phải không có nhưng không đến nỗi phải quỳ gối mà xin tội" "Boss tha cho con đâu!"

 

Úc rặt nó giải quyết cũng tương tự khi bị Boss nó rầy. Nó quỳ xuống khấn nguyện rằng:

 

"Con cầu xin Thượng Đế cho con đầy đủ sự khôn ngoan để hiểu được đằng sau cái khuôn mặt chầm vầm của Boss (như bị người ăn hết của) nó đang nghĩ gì?

 

"Cho con sự kiên nhẫn để hiểu được tại sao nó hay quát tháo!" 

 

"Cho con tình thương và lòng quảng đại để con tha thứ cho nó!" "Nhưng Thượng Đế ơi! Đừng cho con sức mạnh vì nếu Người cho con sức mạnh, e rằng có ngày con sẽ ‘quánh' nó u đầu... thì phiền phức, lôi thôi lắm!"

 

Làm việc dưới quyền nhiều Boss mình cũng thấy rằng: "Vài Boss như đám mây. Khi Boss biến mất bầu trời trở nên trong sáng ngay lập tức!"

 

Boss hắc ám như vậy nên ai nấy đều nản! Boss bước vào văn phòng thấy nhân viên ai nấy đều ngáy pho pho! Sao vậy?" "Thưa máy pha cà phê bị hư rồi ạ!"

 

Nản thì đâu ai muốn làm việc đâu nè! Boss nói với nhân viên: "Anh có tin vào sự sống sau khi chết không? Dĩ nhiên là không vì không có bằng chứng nào cho thấy điều đó cả!" Nhân viên trả lời chắc nịch như vậy!

 

"Bằng chứng hả? Bây giờ có rồi đó! Hôm qua anh xin về sớm đi đám ma Chú anh. Thì ổng lại đến đây để tìm anh đó!"

 

Tìm cách lãn công không được thì kiếm cách chọc quê Boss chơi cho đỡ buồn :"Hãy mang một ly cà phê đến phòng tao ngay lập tức nhé!" "Ê! Anh có biết đang nói chuyện với ai không? Tổng Giám Đốc mới của công ty đây!" "Vậy hả! Tổng Giám Đốc có biết đang nói chuyện với ai không?" "Không biết hả? Vậy thì tốt!"

 

Thưa quý bạn đọc thân mến!

 

Dẫu biết là: ‘The Boss is always right!' (Thằng Boss luôn luôn đúng!). Cự cãi lại nó hổng ăn thua gì, chỉ là đàn khảy tai trâu mà thôi! Nó là thiên lôi của Chủ; nhiệm vụ nó là kiếm công nhân nào lè phè để giáng cho vài búa! Tuy siêng năng giỏi dắn như người viết đôi khi cũng bị dính búa luôn vì thằng khác làm biếng mà tại sao mầy không méc hả?!

 

Nhà người viết ở trong núi! Mỗi lần đi làm về, trong lòng bực bội vì bị Boss ăn hiếp là người viết ra sau nhà, hướng vào vách núi: "Tổ cha mầy nhe!" Vách núi hoàn toàn cảm thông nỗi niềm của tác giả bèn hưởng ứng theo: "Tổ Cha mầy nhe!..Nhe!... Nhe!... Nhe!" Xong thấy lòng nhẹ nhõm, vô nhà chờ vợ dọn cơm tối, uống vài ly rượu đỏ, rồi ngủ thẳng cẳng... Mai đi cày tiếp!

 

Đem bất mãn dội vào vách núi! Đó là liệu pháp rất hiệu nghiệm thưa bà con cô bác!

 

đoàn xuân thu.

melbourne. 

 

 Giữ lửa tình ta!

dxt_Jan22_15_Giulua.jpg 

Tranh Bảo Huân

Sau mười tám năm mặn nồng hương lửa mà bây giờ tình đôi ta nhạt thếch như nước ốc, lửa tình ta đã tàn lụi! Chỉ còn âm ỉ tro than, bất ngờ bùng lên cơn quạu quọ nên em lên trang mạng xã hội Facebook tố anh là bạo hành, là bức hiếp nên buộc lòng em phải bỏ ra đi?!

 

Sự thực là 18 năm cùng chung chăn chiếu, anh chỉ giựt mền của em, đắp cho anh chỉ một lần một trong mùa đông lạnh lẽo năm xưa mà em còn giận tới bây giờ, không thèm tha thứ mà còn nỡ lòng nào vu oan giá họa, bôi tro trét trấu lên mặt anh tèm lem tuốt luốt thì làm sao anh bước thêm bước nữa chớ?

 

Tức quá, anh đưa em ra Tòa. Ông Tòa ở tiểu bang Tây Úc binh anh, bắt em móc túi, bồi thường danh dự cho anh 12 ngàn 5 trăm đô Úc!

 

Đó là chuyện thiệt 72 phần dầu mới xảy ra đây, trên xứ Úc nầy, báo chí đăng rùm, là bài học chua hơn ăn chanh và cay hơn cắn nhằm trái ớt hiểm vì rất đắt giá cho người em thù dai hơn đỉa.

 

Nghĩ thử xem... Hai đấu thủ quyền Anh lên võ đài ‘quánh' nhau chí chết, đôi khi còn dộng nhau bể mí mắt, máu chảy ròng ròng thấy mà ghê; vậy mà vãn rồi vẫn còn bắt tay nhau gặc gặc, ôm nhau ‘hun' thắm thiết, rồi ai về nhà nấy; huống hồ gì tình đôi ta có một thời ‘yêu dấu' với nhau. Vãn, buông nhau ra thì quên phứt nó đi cho rồi, mạnh ai nấy đi kiếm người khác cho bớt cái quạnh hiu! Cầm bằng "Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi!" làm chi cho nó sình bụng chớ!

 

Đó là một cuộc hôn nhân dẫu khá dài, dài tới những 18 năm nhưng kết quả cuối cùng là thất bại!

 

Tây thường nói rằng: "Make love! Not war!" "Bằng muốn vừa yêu vừa chiến tranh thì đi lập gia đình! "Tui thích cưới vợ! Vì thật là tuyệt vời khi tìm thấy được một người mà tui sẽ bận rộn, điên cuồng tranh luận suốt cả khoảng đời còn lại!"

 

Còn ông nào không thích cái vụ vừa yêu vừa cãi lộn thì nên biết rằng khi cưới vợ  là mình không còn tự do nữa! "Hôn nhân chỉ cần năm phút bước vào và tốn cả đời người để tìm cách thoát ra. Cái khác biệt duy nhứt giữa cưới vợ và đi ở tù là: Ở tù còn có ngày ra nha!

 

Do đó trước khi kết hôn, hãy tự hỏi: "Con có thật sự yêu người đó hay không?" "Tình yêu có đủ cao, đủ lớn để mình tha thứ những tội lỗi của người ấy thường hay ăn vụng, hay ngủ ngáy như sấm sét vạch ngoằn ngoèo trong bầu trời sắp lên cơn giông bão hay không?"

 

Cầm bằng thấy ai cũng gan dạ hơn mình: "Người ta đi cặp về đôi! Ngu sao tui chịu mồ côi một mình?" thì hãy nghe lời khuyên của Tía chuẩn bị: đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Chú rể móc túi đưa cho viên phụ trách nghi lễ cưới 100 đô với lời yêu cầu là hãy thay đổi chút đỉnh lời dạy dỗ bổn phận làm chồng trong cuộc sống hôn nhân. Thay vì nói: "Chú rể phải thương yêu, tôn trọng, vâng lời, trung thành với vợ mãi mãi"... tui chỉ yêu cầu ông bỏ qua đừng nói! Đây 100 đô! Bỏ túi đi!

 

Nhưng ngày cưới ông phụ trách nghi lễ lại dạy rằng: "Làm chồng là phải răm rắp tuân lịnh vợ, chuẩn bị bữa ăn sáng mỗi ngày, mang vô giường cho vợ! Phải chung thủy, từ nay không được nhìn ngó con nào khác nữa! Làm bao nhiêu tiền, về phải đưa hết cho vợ cất!" "Ủa sao ông lại nuốt lời hứa một cách trắng trợn! Kỳ quá vậy?"  Ông phụ trách lễ cưới móc 100 đô ra, trả lại chú rể rồi xin lỗi: "Rất làm tiếc vì cô dâu vừa mới cho tui nhiều tiền hơn chú... he he!"

 

Thưa quý độc giả thân mến!

 

Ngày xưa, quê nhà mình, đa phần làm ruộng! Mùa gặt, thóc lúa mang về chất đầy bồ! "Của chồng, công vợ". Ngày nay, xứ người, làm cu li, cũng nên theo truyền thống đem thẻ rút tiền giao cho vợ cất đi; nhưng đừng cho nó biết cái mật mã. Cho nó biết là nó xài hết ráo... Mạt! "Em đã làm chồng em trở thành triệu phú!" "Thiệt là giỏi! Trước đó ảnh nghèo lắm hả?" "Không! Ảnh là tỷ phú!"

 

Rồi cũng nên nhớ rằng: ‘Chưa vợ đi dọc về ngang. Có vợ cứ thẳng một đàng mà đi!' Người chồng sống phải có đạo đức thì mới dạy dỗ được con cái của mình. Đừng để con, nhứt là con trai, bắt chước những thói hư tật xấu như có bồ nhí! Nếu có, nhớ giấu thật kỹ; đừng cho tụi nó biết!

 

Khi cưới vợ rồi, làm chồng thì nên quên hết lỗi lầm của mình trong quá khứ như từng một thời oanh oanh liệt liệt... ‘mèo mèo mỡ mỡ'... Vì trong gia đình đâu cần tới hai người phải nhớ cùng một cái? Vợ nhớ là đã đủ!

 

Đối với vợ, mình cứ ráng cày như trâu, đưa tiền thiệt nhiều là em vui hè! Dễ ợt! Cái khó là làm ra tiền; chớ đưa tiền ai mà làm không được?

 

Ngoài bổn phận làm chồng tốt với vợ; với nhà bên vợ phải là rể thảo. Có đồ nhậu ngon, lâu lâu cũng nên mời Tía vợ tới cụng ly, rồi lì xì cho ổng bả năm chục, cùng lắm là một trăm đô, cho má ăn trầu; cho ba hút thuốc!

 

Thưa quý độc giả thân mến!

 

Trên là bổn phận làm chồng; còn dưới là bổn phận làm vợ! Đời mà! Sáng ngủ dậy, vừa lồm cồm ra khỏi giường, đã nghe tiếng con khóc bù lu bù loa, tiếng vợ quát tháo ầm ĩ; thì đến nơi làm việc, gặp những bông hoa biết nói rù rì rủ rỉ, xinh đẹp, thơm phức và nhẹ nhàng, hỏi lòng ta sao không xao xuyến?!

 

Nên bổn phận làm vợ là phải tam tòng tứ đức mới được. Nhớ nha em yêu! Đường đến trái tim anh, em phải chịu khó chui qua cái bao tử!  Nên ít nhứt là em phải biết nấu ăn, một món canh, một món mặn, một món xào... nếu biết làm đồ nhậu nữa... là ‘dách lầu' rồi đó! Đừng đòi nam nữ bình quyền, ‘giải phóng' người phụ nữ ra khỏi bếp núc, thì sớm muộn gì em cũng ‘giải phóng' luôn cả tình ta!"

 

"Chiếc nhẫn cưới của em yêu làm bằng vàng trắng có đính hột xoàn." "Làm gì để bảo toàn chiếc nhẫn cưới nầy đây?" "Muốn bảo toàn nó, hãy nhúng nó vào bồn rửa chén ít nhứt ngày ba lần!"

 

Nếu anh yêu hỏi: "Kỷ niệm ngày cưới đôi ta, em muốn đi đâu?" "Đi chỗ nào mà lâu rồi em chưa đặt chân em tới!" Thì chắc chắn anh chồng sẽ đề nghị: "Nhà bếp được không em?"

 

Lo cho chồng ăn, rồi lo cho chồng ngủ nữa chớ! Đừng né tránh chuyện gối chăn, chăn gối! Muốn né... thì cứ kêu anh ơi, anh ơi... đo huyết áp dùm em một chút đi! Chớ đừng nói: "Bữa nay mệt quá... nghỉ!" "Dù mệt quá cũng không nên ngủ riêng; kẻo ‘thằng chả' lại đêm anh mơ về quê cũ thì thậm chí nguy!"

 

Thưa quý độc giả thân mến!

 

Bổn phận làm dâu nên đối xử tốt với cha mẹ, nhứt là với chị hay em gái của chồng; vì tụi nó nhiều chuyện hay khen chê dữ lắm. Đối xử thật tốt với nhà chồng... nhưng bằng cái miệng thôi!

 

Chồng mình có phụ mình nấu cơm, rửa chén, giặt đồ, lau nhà, bồng con vì nó thờ bà... thì cũng đừng có đi qua bên nhà chồng mà nói oang oang làm mất mặt bầu cua của anh yêu hết ráo!

 

Ông bà mình cũng thường dạy rằng: gái có công chồng không phụ! Không có thằng ngu nào đi phụ rẫy một người vợ đảm đang hết ráo đâu em!

 

Tui cũng có cái mánh nầy để giúp quý em yêu níu kéo lại tình ta: Hai người cưới nhau được 45 năm có được 11 đứa con, 22 đứa cháu. "Hỏi bí quyết nào yêu nhau dài lâu như thế?" "Cách đây nhiều năm, tụi tui có giao hẹn rằng ai muốn ly dị, bước cẳng ra khỏi nhà nầy trước thì phải mang theo tất cả các đứa con!"

 

Cuối cùng, làm hết cách mà vẫn không xong thì buông nhau ra, ly dị! "Vợ chồng tui ly dị vì lý do tín ngưỡng! Vì chồng tui luôn luôn nghĩ ổng là ông Trời!"

 

Dẫu vậy, trong hôn nhân, người chồng ít khi đòi thôi vợ lắm! Không bao giờ nghĩ tới việc ly dị đâu.

 

Ly dị, rất tốn hao, ông nào cũng biết! Đôi ta buông nhau ra, chia nhau người một nửa. Em có tất cả các thứ trong nhà; còn tui có tất cả các thứ... ở ngoài sân! Hu hu! (Ông tỷ phú dầu lửa, Harold Hamm, của Mỹ, vừa ký cái ‘check' ly dị với em yêu, Sue Ann Arnall, chỉ có 975 triệu đô Mỹ mà em yêu còn chưa chịu đó thấy hông?)

 

Ly dị xong, em yêu nhứt quyết ở vậy, không lấy chồng lần nữa vì thấy không cần thiết. Em nuôi ba con thú cưng là đã đủ. Con chó tru lên mỗi sáng đòi ăn; con vẹt chửi thề liên tu bất tận; con mèo chỉ trở về nhà khi trời quá nửa đêm thì em cần một ông chồng chi nữa chớ!

 

Thưa quý độc giả thân mến!

 

Trên đời, xin đừng tưởng chỉ có duy nhứt cuộc hôn nhân đầu tiên của nhân loại Adam với Eve là bền lâu, là hạnh phúc mà thôi (Vì bỏ nhau ra còn ai nữa đâu mà lấy?)

 

Tui cũng thấy ở thế kỷ 21 nầy cũng có những người lấy nhau rồi sống bền lâu, sống hạnh phúc không thua gì Adam và Eve. Dù giàu hay nghèo đi chăng nữa! Giàu như Schumacher, tay đua xe người Đức, bị hôn mê suốt nửa năm trời sau tai nạn trượt tuyết, đã chảy nước mắt khi nghe tiếng nói dịu dàng của bà xã dấu yêu.

 

Còn nghèo như Jo Byeongman (98 tuổi) và Kang Gyeyeol (89 tuổi), tỉnh Gangwondo, Nam Hàn, cưới nhau 76 năm trời mà vẫn tha thiết yêu nhau đó sao? Già rồi, ông Jo vẫn đi đốn củi về cho vợ. Bên bếp lửa, mùa đông, bà Kang nướng ngô cho ông ‘cạp'. (Đây là chuyện có thiệt chớ hổng phải do tui đặt dóc đâu nha!) "My love, don't cross that river!"  "Anh yêu, đừng qua con sông ấy! (mà không có em theo cùng)".

 

Còn tui, luôn luôn hạnh phúc khi có em bên; vì tui học được bài học nầy ở Chú Ba Tùy Văn Đế hồi xưa tận bên Tàu. Ổng có vợ là Độc Cô Hoàng hậu. Yêu vợ, nhưng là Thiên tử, con trời, thiếu gì cung phi mỹ nữ tránh sao lòng khỏi xao xuyến, lâu lâu cũng lén vợ ‘chấm mút' chút đỉnh. Vợ hay biết được ‘hà cái lầy'... là ổng nín khe! 

 

Khi vợ chết, Tùy Văn Đế, sút chuồng, ăn nhậu, gái gú vô độ, rồi sinh bệnh mà băng hà. Trước khi nhắm mắt, xuôi tay, ngoẻo củ từ, ổng buồn rầu nói: "Nếu Hoàng hậu còn sống thì ta không đến nông nỗi này!"

 

"Thấy chưa hổng có vợ kè kè một bên là mấy ‘cha' hư hết ráo!" Cái nầy hổng phải do tui nói mà do ‘em yêu' nói đó bà con ơi!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

Chồng giàu!

dxt_jan7_15.jpg 

 Tranh Bảo Huân

 

Thưa quý độc giả thân mến!

Nước Anh là một nước tư bổn. Đài BBC của nước Anh tất nhiên là một đài phát thanh tư bổn. Nói đến tư bổn là phải nói đến tiền, nói đến làm giàu; vậy mà ngạc nhiên thay trên trang Web của đài BBC lại có bài "Sự giàu có mang lại bất hạnh" (Bài nầy trộm nghĩ nên đăng trên báo Sự Thật (nhưng chuyên nói dóc) của Đảng Cộng Sản Liên Xô thì mới phải chớ!)

Đại khái, bài báo cho rằng: Ai cũng muốn giàu. Tuy nhiên, giàu mà cứ muốn giàu nhanh, giàu mạnh, giàu vững chắc lên chủ nghĩa tư bổn... thì hậu quả là chồng bỏ vợ, vợ bỏ chồng, con cái xì ke ma túy vì cha mẹ bận, mải mê kiếm tiền, không rảnh mà chăm sóc cho thằng cu, cái hĩm!

Tác giả còn tố thêm: Thằng đó nghèo đà thấy ghét mà nó trở nên giàu càng thấy ghét hơn nữa! Hi hi! Rồi giàu không có bạn! (Ai đến, chỉ sợ nó mượn tiền mình.) Giàu không có tình yêu chân thật! (Em nào đến, chỉ sợ em đào mỏ của thằng nhỏ?!)

Mặc dầu đem cái giàu ra mà cạo sát ván như vậy cuối cùng tác giả kết luận một câu trớt quớt là: Giàu vẫn tốt hơn nghèo vì nó tạo ra sự thoải mái!

Thưa người viết xin cực kỳ phản đối. Người viết rất khoái giàu... chỉ còn một điều kiện duy nhứt để trở nên giàu có; điều kiện duy nhứt còn lại đó là có tiền!

"Sự giàu có mang lại bất hạnh"? Xin Thượng đế hãy cho con trúng độc đắc chỉ 10 triệu đô Mỹ (xin đừng cho đô Hong Kong hổng có bao nhiêu); con sẽ chứng minh là bài viết nói trên hoàn toàn sai bét!

Thưa, có 3 hạng người trong đời: Nghèo, Đủ ăn và Giàu. Dĩ nhiên mỗi cái còn chia nhỏ ra nữa như Giàu thì có giàu nứt đố đổ vách, giàu triệu phú, giàu tỉ phú. Khi mình còn đếm tiền của mình được dù máy đếm chạy gãy kim đi nữa chỉ có thể gọi là giàu chớ chưa thể gọi là "cực" giàu cho được. Cực giàu cỡ Bill Gates là khỏi có đếm. Vì có đếm cũng không được! Bỏ cả đời người ra chỉ ngồi mà đếm cũng không xong!

Còn nhìn bề ngoài thì: "Bạn giàu khi mở cửa ‘garage' sẽ thấy chiếc tàu. Bạn cực giàu khi mở cửa chiếc tàu sẽ thấy cái ‘garage'!"

Giàu đã là khoái rồi vì có nhà sát ngay bờ biển, mở garage thường để chứa xe lại thấy chiếc tàu lù lù trong đó! Rồi cực giàu, càng khoái hơn, vì làm chủ được một chiếc du thuyền bự như khủng long; có thể chở thêm được cả chục chiếc Ferrari (Xin đừng nhầm chiếc du thuyền cực khủng nầy với phà Cần Thơ hay phà Mỹ Thuận nhe bà con!)

Chính vì giàu... sướng như vậy nên gia đình nào có con gái lớn lên đều dạy bảo "Con nhỏ này dại ghê mẹ chọn nơi quyền quý người ta thế mà chê!"

Tây dạy con gái cũng y chang như vậy mà thôi: (Đồng đô la Mỹ không có tổ quốc là vậy!)  "Remember daughter; marry rich" "Nhớ nghe con! Hãy lấy chồng giàu!" (Để núp bóng tùng quân!)

Em đầm nghe Má "Tây" tẩy não, dạy con dạy thuở còn thơ như thế nên nhập tâm. Má Việt, Má Tây đều nói thế thì làm sao trật cho được. Nhưng làm cách nào để lấy được chồng giàu? Em đẹp bèn gởi "théc méc" của mình lên một diễn đàn trên mạng toàn cầu rất được bà con ưa thích như thế nầy: "Em phải làm gì để lấy được chồng giàu?

Năm nay em được 25 cái xuân xanh. Em đẹp, thời trang đúng mốt, rất có khiếu thẩm mỹ. Em mong được kết hôn với một quý ông có thu nhập một năm khoảng 500 ngàn đô Mỹ trở lên. Có thể quý anh cho em là một kẻ tham lam nhưng thành thật mà nói tại thành phố Nữu Ước nầy thu nhập hàng năm một triệu đô thì chỉ được xếp vào tầng lớp trung lưu mà thôi. Yêu cầu của em đâu có cao gì lắm phải không? Trên diễn đàn nầy có anh yêu nào thâu nhập hàng năm 500 ngàn đô trở lên không? Nếu có, thì anh đã có vợ chưa? Em phải làm gì để kết hôn được một người giàu có giống như anh? Trong những người em từng hò hẹn, thằng thu nhập cao nhứt chỉ có 250 ngàn đô một năm thôi. Phải sống trong vùng phía Tây Nữu Ước, nơi nhà cửa đắt đỏ, em nghĩ 250 ngàn đô một năm là không bõ bèn gì.

Và đây là những câu hỏi ‘xoàng xĩnh' của em:

1. Những thanh niên độc thân mà giàu có thường lảng vảng bù khú nơi nao? (Xin cho em cái danh sách và địa chỉ của những quán rượu, nhà hàng hoặc nơi mấy ‘chả' đến tập thể dục thể hình đi!)

2. Tại sao vợ của mấy tay nhà giàu lại chỉ có một nhan sắc rất trung bình? Em từng biết mấy đứa có ngoại hình rất ‘tầm tầm', không có gì hấp dẫn hết ráo mà lấy được thằng chồng giàu sụ. Tại sao?

3. Anh quyết định như thế nào? Ai sẽ là vợ; ai chỉ là "ghệ" của anh thôi?  Hỡi anh yêu giàu có (Mục tiêu của em bây giờ là đi lấy chồng đó nhe) Ký tên: Em đẹp.

Và đây là câu trả lời đầy tính triết học (và rất đểu) từ một CEO của công ty J.P. Morgan.

Em đẹp thân mến!

Anh vừa đọc xong những câu hỏi em gởi lên diễn đàn nầy với lòng ưa thích rất "khủng long". Anh cho rằng, trên đời nầy còn có nhiều em khác cũng có cùng chung những câu hỏi giống như em. Xin hãy cho phép ‘anh' phân tích tình huống dưới con mắt của một nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán Wall Street, New York.

Thu nhập hàng năm của anh đây một năm hơn 500 ngàn đô, nghĩa là nó đã đáp ứng được yêu cầu của em đẹp. Anh hy vọng là bà con mình không vội vã quy chụp anh nghèo mạt rệp... lại ló đầu lên đây nói dóc chỉ để khoe khoang... làm mất thời giờ vàng ngọc của bà con.

Từ quan điểm của một người chuyên làm thương mại: "Thật là một quyết định sai lầm; ngu xuẩn khi đi cưới em!" Câu trả lời của anh thật đơn giản, hãy cho anh giải thích.

Bỏ qua những chi tiết râu ria đi, những gì em muốn là sự trao đổi giữa sắc đẹp của em và tiền bạc của anh. Bánh ít đi; bánh quy lại. Em có bánh ít... và anh có bánh quy. Em có sắc, anh có tiền, và anh trả tiền cho cái sắc của em phải không nào? Nghe có vẻ rất là sòng phẳng đấy chứ!

Tuy nhiên, có vấn nạn chết người ở đây, sắc đẹp em sẽ tàn phai là cái chắc, cho dù em có chích hàng chục ống botox hay bay đi Hàn Quốc hoặc Thái Lan mà phẫu thuật thẩm mỹ gì gì đi chăng nữa (Cau già dao bén thì ngon; người già trang điểm phấn son cũng già); còn tiền bạc của anh đâu có dễ tàn phai, dễ dàng bốc hơi như thế! Thu nhập hàng năm của anh sẽ tăng theo bề dày kinh nghiệm thương trường; còn sắc đẹp của em mỗi năm đà héo úa vì làm sao em chống chọi được với thời gian. (Nước chảy đá mòn huống gì mặt hoa da phấn của em yêu sao cứng bằng đá cho được phải không nào?)

Đứng về phương diện kinh tế học, tài sản của anh có trị giá gia tăng, trong khi tài sản của em trị giá ngày một giảm... mà giảm rất nhiều đấy. Chỉ sau 10 năm, em còn lại gì? Ngoài những nhăn nheo... như trái dưa leo?!

Thị trường chứng khoán Wall Street, New York, mỗi cuộc mua bán đổi trao nào mục đích cuối cùng đều nhắm vào lời lỗ. Nếu giá trị cái gì giảm thì anh sẽ bán nó đi ngay... chớ ngu gì mà cứ khư khư giữ hoài cho càng ngày càng thêm lỗ. Nói nghe đau lòng nhưng đó là quy luật tàn nhẫn của thị trường mà đã là dân chơi thì mình không còn cách nào hơn là chấp nhận.

Ai có thu nhập hàng năm 500 ngàn đô, chắc chắn không phải là một thằng khờ khạo, thằng khùng. Nó có thể hẹn hò, chấm mút với em nhưng cưới em hả? Không bao giờ! Do đó anh thành thực khuyên em là hãy quên đi việc làm thế nào để lấy được chồng giàu em nhé! Thay vì đó em nên tự tìm cách để có thu nhập hàng năm 500 ngàn đô; anh nghĩ tính xác suất thành công còn cao hơn gấp nhiều lần nằm mơ kiếm được thằng chồng giàu có... mà tuổi con Bò em nhá! Mong em tỉnh mộng... ‘dừa'!

Thưa quý độc giả thân mến!

Đọc những lời tư vấn phũ phàng của một con buôn xứ Huê Kỳ nầy người viết thấy tội nghiệp cho ước vọng cực kỳ chính đáng của người em, có cái cẳng dài đuồn đuột, đẹp ba vòng nhờ có cái cong cong, bèn nhào vô chỉ chỏ.

"Em đẹp ơi! Theo anh thì em nên rời bỏ Nữu Ước, di dân qua nước Anh Cát Lợi biết đâu chừng em sẽ gặp may, gặp người trong mộng vì anh có đọc báo thấy rằng: "Tháng Mười Một năm 1992, ông Hai Lúa sống ở làng Hoxne vùng Suffilk, nước Anh bị mất cái búa lúc đi cày; bèn nhờ bạn là ông Ba Ruộng đem cái máy dò kim loại ra mà tìm giúp giùm cám ơn. Máy đang rà qua rà lại thì nó kêu "e e"! Hai Lúa và Ba Ruộng tìm được 24 đồng xu bằng đồng, 565 đồng xu bằng vàng, 14 ngàn 191 đồng xu bằng bạc và hàng trăm muỗng nĩa, nữ trang, tượng bằng bạc, bằng vàng thời đế quốc La Mã.

Theo luật, đây là tài sản của Vương quốc Anh. Tuy nhiên chánh phủ phải trả cho Hai Lúa và Ba Ruộng một số tiền tương đối phải chăng theo giá thị trường cho số tài sản nầy. Hai trự chia nhau một triệu bảy trăm năm mươi chín ngàn bảng Anh.

Do đó em yêu khi nghe tin nầy mau chân đến đó coi Hai Lúa và Ba Ruộng nầy có vợ hay chưa? Hoặc nếu có vợ rồi mà vợ đã đi bán muối thì nói tụi nó cưới em đi! Nhớ mang theo cái máy dò kim loại nữa nha... đề phòng trường hợp hai thằng nầy con đàn cháu đống hết trơn mà lòng son dạ sắt... không bỏ vợ dù em đẹp biết bao... thì em cứ lội ra ruộng; làm mất cái búa, sử dụng cái máy dò kim loại nầy biết đâu. Một kho báu trong lòng đất nơi ấy ắt phải có cái thứ hai! Chẳng qua là ta chưa tìm thấy mà thôi. Đời đôi khi hay không bằng hên! Còn em mơ ước lấy chồng có thu nhập hàng năm năm trăm ngàn đô trở lên coi chừng gặp phải "khứa" nầy là em vắt chày ra nước. Xôi hỏng bỏng không! Làm vợ nó là em tự vận đó!

"Trong buổi gây quỹ giúp những người già cả nghèo khổ, các thiện nguyện viên chú ý tới một Luật sư rất thành công, năm rồi kiếm được tới 600 ngàn đô Mỹ! "Thưa Ngài Luật sư kính mến! Theo khảo sát của chúng tôi thì Ngài chưa hề đóng góp vào quỹ từ thiện nầy lần nào. Thưa, năm nay chúng tôi có hân hạnh được sự hiến tặng hào phóng nào của Ngài không ạ?"

"Quyên góp, hiến tặng ư?  Các ông có biết Mẹ tui già, bịnh hoạn triền miên, năm nào cũng cần giải phẫu một lần để được sống còn! Thằng em rể của tôi bị xe đụng chết và em gái góa bụa của tôi một nách nuôi 5 đứa con nhỏ dại mà không ai chìa tay ra giúp đỡ? Rồi thằng em tôi bị gãy cổ lúc đi làm, giờ cần người chăm sóc 24/7!"

"Vô cùng xin lỗi Ngài Luật sư, chúng tôi chưa hề được biết ạ!"

"Hoàn cảnh những người thân của tui bi thảm như thế mà tui còn hổng cho một cắc nào... thì việc gì tôi lại phải hiến tặng cho quỹ từ thiện của các ông chớ?!"

Thành thử em yêu ơi! Coi chừng! Giàu đôi khi nó cũng "bần" lắm nha em!

 

đoàn xuân thu.

melbourne ________________________________________

 

  "O. Henry! Giáng Sinh về lại nhớ!"

 

dxt_jan4_15_Ohenry.jpg

The Cop and The Anthem - nguồn correctionhistory-org

 

     Khi đàn ngỗng, bay xuôi Nam, kêu táo tác trong trời New York; khi quý mệnh phụ phu nhân, trong thâm tâm, muốn chồng mình mua cho chiếc áo khoác mùa Đông làm bằng da hải cẩu, trở nên tử tế với chồng... là anh biết mùa Đông đã lại gần kề!

      Soapy, một người vô gia cư ở thành phố New York, bèn thảo ra một kế hoạch để được ở tù; nhằm không phải ngủ dật dựa trên đường phố suốt ba tháng mùa Đông New York lạnh cắt da.

      (Soap nghĩa là xà bông tắm! Tên Soap và gọi thân mật thì thêm chữ y thành Soapy, như cách của người Mỹ thường làm: như Tom thành Tommy vậy! Vô gia cư, homeless, nhà không có, phòng tắm cũng không, mà nhân vật chánh trong truyện được cây viết tài hoa nầy sáng tạo, đặt cho một cái tên vô cùng sạch sẽ, Soapy. Âu cũng là một cách chơi chữ rất đắng cay!)

      Kế hoạch đó rất đơn giản! Làm cái gì đó phạm pháp nhè nhẹ thôi để bị lính bắt, để được ở tù ba tháng, trốn lạnh. Mùa Đông qua; mùa Xuân tới, ra tù là tiếp tục kiếp lang thang!

Ăn quỵt hai lần ở nhà hàng đều không thành công! Lần đầu, chưa ngồi xuống ghế đã bị bồi nhà hàng đuổi ra khỏi cửa. Lần thứ hai ăn xong, không tiền trả, thay vì gọi cảnh sát thì hai tên bồi bàn nắm đầu Soapy, ném anh ngã sóng soài ngoài cửa. Rồi Soapy chọi đá vào một cửa kính, thọt tay vào túi áo, chờ cho bị bắt thì cảnh sát lại rượt theo một người đang chạy theo một chiếc xe ở cuối phố! Rồi chọc gái để ‘em' bực mình, thưa lính bắt, thì lại gặp một người con gái bán phấn buôn hương. Lượn lờ qua lại trước mặt viên cảnh sát, giả bộ say sưa, ca hát um sùm nhưng cảnh sát vẫn làm ngơ. Rồi ăn cắp vặt một cây dù bằng lụa của một quý ông đáng kính... Dè đâu quý ông đáng kính nầy cũng đã ăn cắp của người khác trong một nhà hàng vào buổi sáng.

      Tất cả mọi cố gắng để được ở tù đều thất bại vì lý do nầy hay lý do kia. Ở tù ba tháng coi bộ khó quá!

      Cuối cùng, Soapy tình cờ lang thang đến một giáo đường xưa cũ! Tiếng hát của những người đi xin lễ, một bài Thánh ca, làm anh tỉnh ngộ! "Mình không thể sống một cuộc đời cù bất cù bơ như thế nầy được nữa. Mình sẽ đi kiếm việc! Mình sẽ làm lại cuộc đời...."

      Thì ngay lúc đó có một bàn tay của ai đã giữ chặt lấy tay Soapy: "Làm gì lang thang nửa đêm ở đây?" "Không làm gì cả!" "Theo ta" Viên cảnh sát có cái khuôn mặt phì nộn ra lịnh. Và sáng hôm sau ông Tòa phán 3 tháng tù ở! Lúc muốn ở tù không ai cho. Khi muốn làm lại cuộc đời thì lại bị tống vào tù vì một chuyện không đâu.

      Người tác giả tài hoa của truyện ngắn nổi tiếng toàn thế giới nầy bởi những nhận xét tế nhị và dí dỏm. Cách chơi chữ rất thông minh, kết luận rất bất ngờ nhưng hợp lý là O. Henry!

      Thưa quý độc giả thân mến!

      Nhớ xưa, Thầy Beidler là giáo sư dạy Anh Văn trường Đại Học Văn Khoa và Sư Phạm Cần Thơ những năm 70. Nhà Thầy ở Khu Văn Hóa đường Tự Đức. Ở đó có một thư viện nhỏ, sách đa phần là tiếng Anh để sinh viên đến tham khảo. Và người viết lần đầu tiên biết đến O. Henry qua những tuyển tập truyện ngắn gọi là ‘ladder book' (Ladder nghĩa là thang, những truyện nầy được viết với số từ vựng giới hạn theo bậc thang từ thấp lên cao! Bậc thang thấp nhứt một ngàn chữ, rồi lên bậc thang thứ hai, hai ngàn và cao nhứt là bậc thang thứ ba, ba ngàn chữ.) Khi vốn từ đã được ba ngàn, tương đối đầy đủ, thì sinh viên đọc nguyên tác để cảm thụ được hết cái hay của một tác phẩm văn chương.

      O. Henry là bút hiệu có vẻ như của một người Pháp! Tại sao?

      Năm 1909, trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, ông kể rằng mình đã chọn cái tên O.Henry trong những ngày ở New Orleans,  bằng cách chọn một cái tên của những người nổi tiếng, thường xuất hiện trên mặt báo. Henry được ông chọn làm họ! Và tên phải thật ngắn, gọn, không quá 3 âm tiết". O là một chữ cái đơn giản, dễ viết! Và bút danh O. Henry lừng lẫy ra đời như thế đấy!

      O. Henry, tên thật là William Sydney Porter, sanh ngày 11 tháng 9 năm 1862 tại Greensboro, North Carolina, Hoa Kỳ. Lên 3 tuổi, bị mồ côi, Mẹ ông đã qua đời vì bệnh lao. Porter phải theo Cha mình về sống với bà Nội.

      Sau đó ông tiếp tục học ở trường trung học Lindsey tới năm 15 tuổi. Năm 1879, ông làm việc cho hiệu bán thuốc Tây của người chú, năm 1881, khi 19 tuổi, ông lấy được bằng dược tá.

      Tháng 3 năm 1882, khi bắt đầu có những cơn ho dai dẳng, sợ bị lao như Mẹ, ông chuyển về sống trong một trang trại chăn nuôi ở Texas với hy vọng khí hậu nơi đồng nội sẽ giúp ông vượt qua cơn bệnh.

 

Ở Texas, ông làm ở nông trại nuôi cừu, học chăn cừu, nấu ăn, giữ trẻ, học một mớ tiếng Tây Ban Nha và Đức từ những người di dân làm việc cho nông trại. 

      Đến Austin năm 1884, O. Henry sống một đời thanh niên sôi nổi: hát và diễn kịch, chơi đàn ghi-ta và cả măng-đô-lin.

      Ông đến Houston năm 1895, bắt đầu viết cho tờ Post (Bưu Điện) như một sở thích, một thú vui, kiếm được một tháng 25 đô, (một ngày kiếm chưa tới một đô la), lương trung bình lúc đó là 300 đô một năm!

      Khi còn bé, rất ham đọc; đọc bất cứ cái gì mà ông có trong tay. Lớn lên, viết để tìm vui! Còn để kiếm sống, ông phải làm rất nhiều công việc khác nhau: vẽ kỹ thuật kiến trúc, thư ký, đầu bếp nhà hàng, làm nhân viên cho công ty địa ốc, xưởng in, v.v. Tất cả những công việc khác nhau đó là chất liệu trong nhiều truyện ngắn ông viết sau nầy!

      O Henry yêu Athol Estes, 17 tuổi, con của một gia đình giàu có nhưng gia đình cô không chịu gả. Tháng 7 năm 1887, O. Henry và Athol trốn đi; trở thành vợ chồng. (Tháng 9 năm 1889, họ có con gái đầu lòng, tên là Margaret Worth Porter.)

      Kế đến, ông làm nhân viên cho First National Bank ở thành phố Austin, Texas. Năm 1896, ông bị điều tra vì tình nghi biển thủ 1.150USD, tiền của ngân hàng. Nghe lời bạn, ông bỏ trốn ra ngoại quốc, đến Honduras, một nước thuộc Nam Mỹ, không có hiệp ước dẫn độ với Hoa Kỳ lúc đó.

      Sáu tháng sau, nghe tin vợ mình đau nặng, ông quay trở về. Nhà cầm quyền đợi đến khi vợ ông qua đời mới đem ông ra xét xử. Ông bị kết mức án tù tối thiểu với tội biển thủ nầy là 5 năm. Trong nhà tù ở thành phố Columbus, tiểu bang Ohio, ông làm dược tá cho bệnh viện nhà tù.

      O.Henry muốn mua quà Giáng Sinh cho con gái 9 tuổi Margaret đang ở trong Trại Mồ Côi, nên gửi truyện ngắn tới một tạp chí và được đăng ngay mà không bị sửa chữa gì.

      Mùa hè năm 1901, hơn ba năm sau khi bị bắt, O.Henry được trả tự do sớm nhờ hạnh kiểm tốt!

      Năm 1902, hàng tuần, O. Henry, theo hợp đồng, phải gửi cho tờ The New York World Sunday Magazine một truyện ngắn, nhuận bút 100 đô la Mỹ - niềm mơ ước của bất cứ nhà văn Mỹ nào lúc bấy giờ. Ông viết mỗi năm 66 truyện ngắn. Cả tòa soạn háo hức chờ đợi bài, ai cũng muốn được là người đầu tiên đọc tác phẩm mới của O. Henry!

      Sau những năm tháng cùng quẫn, mặc dù lúc này đã trở nên nổi danh, có tiền nhuận bút khá, nhưng vẫn không đủ vì ông rất hào phóng; phần cuộc hôn nhân thứ hai thiếu hạnh phúc, O. Henry uống rượu nhiều! Đến năm 1908 sức khỏe của ông giảm sút nhanh chóng. Những năm cuối đời, nhà văn hầu như không viết được gì. O.Henry qua đời ngày 5 tháng 6 năm 1910 tại một khách sạn ở New York trong sự cô độc, ở tuổi 48, vì xơ gan, cộng với biến chứng của bệnh tiểu đường, phì tim. Đám tang tổ chức ở thành phố New York nhưng được chôn cất ở quê nhà North Carolina.

      Năm 1919, Hội Nghệ thuật và Khoa học (Society of Arts and Sciences)  lập "Giải thưởng Tưởng niệm O. Henry" (O. Henry Memorial Awards), hàng năm trao cho những truyện ngắn xuất sắc nhất. Năm 1952, năm truyện ngắn đặc sắc của O. Henry được dựng thành phim do tài tử Marilyn Monroe và Charles Laughton thủ diễn. Viết văn được như ông phải nói là đã đạt đến tột đỉnh vinh quang!

      Thưa quý độc giả thân mến!

      O. Henry mất cách đây hơn một thế kỷ mà ngày nay, mỗi mùa Giáng Sinh về, chúng ta lại nhớ đến ông, nhớ đến truyện ngắn: ‘The gift of the Magi' (Món quà của các nhà thông thái) được người đọc phương Tây yêu thích nhất, được xem là một trong những truyện ngắn về Giáng Sinh hay nhất mọi thời đại.

      Truyện rằng: Jim và Della là một cặp vợ chồng trẻ, nghèo! Lễ Giáng Sinh, Della chỉ còn có 1 đô la 87 xu trong túi,  nhưng muốn mua một sợi dây cho chiếc đồng hồ gia truyền của chồng mình; bèn bán mớ tóc dài óng ả của mình đi! Trong khi đó, Jim quyết định bán chiếc đồng hồ quý giá của mình để mua cho vợ mình một cái kẹp tóc!

      Cuối cùng, cái kẹp cài tóc thời có mà mái tóc dài em đã bán đi! Dây đồng hồ thời có mà chiếc đồng hồ anh lại bán đi. Tréo ngoe hết ráo! Cái còn lại là tình yêu của hai đứa chúng ta!

      Thưa quý độc giả thân mến!

      Viết văn là nghèo đói!  Xưa giờ cũng vậy, ngoại trừ một số rất ít sống được bằng ngòi bút của mình. Mùa Giáng Sinh về, lại nhớ O. Henry, một nhà văn sống một đời bất hạnh. Vợ chết, mình phải đi tù chỉ vì một số tiền biển thủ không đáng là bao nhiêu, con phải vào Trại Mồ Côi. Đời nhà văn là một bi kịch!

      Mùa Giáng Sinh về, đang ở tù thì làm gì có tiền mua cho đứa con gái còn bé bỏng của mình một món quà Giáng Sinh đơn sơ cho khỏi tủi...bèn cầm viết! Tình phụ tử cao quý đó đã sản sinh cho chúng ta, những người đọc trên toàn thế giới, suốt cả trăm năm nay, những truyện ngắn về Mùa Giáng Sinh tuyệt tác của O. Henry!

      "O. Henry! Giáng Sinh về, người đọc lại nhớ đến ông!"

 

đoàn xuân thu

melbourne. 

 

Viết Từ Chiến Trường

 

dxt_jan1_15_Steinbeck.jpg

 

John Steinbeck (l902-l968) là văn nào Mỹ. Những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là: Chuột và Người (Of Mice and Men - l937) và Chùm Nho Uất Hận (The Grapes of Wrath - l939) đoạt giải Pulitzer Prize and National Book Award năm 1940, viết về thời đại khủng hoảng kinh tế ở Hoa Kỳ. John Steinbeck đoạt giải Nobel văn chương năm 1962.

 

Bốn năm sau đó, Steinbeck đi Việt Nam để chứng kiến tận mắt cuộc chiến đang hồi ác liệt. Tại đây, ông đã trải qua 3 tháng đi cùng với các đơn vị quân đội Mỹ đang tham chiến tại Việt Nam. Trong thời gian này, với tư cách là phóng viên chiến trường, ông đã viết hàng chục lá thư, ghi lại những cảm nhận của ông về cuộc chiến, gởi về cho tạp chí Newsday do bà Alicia Patterson, vợ của một người bạn thân quá cố, đang làm chủ nhiệm kiêm chủ bút.

Những lá thư được viết từ tháng chạp năm 1966 đến tháng 5 năm 1967. Gần đây, những lá thư này đã được nhà xuất bản University of Virginia Press tập hợp lại, in thành sách với nhan đề "Steinbeck in Vietnam: Dispatches from the War" (Steinbeck ở Việt Nam: Những Tường Trình từ Chiến Trường).

 

John Steinbeck là bạn của Tổng Thống Mỹ thời đó: Lyndon B. Johnson, người muốn Steinbeck đi, nghe, thấy và về, tường trình trực tiếp những gì đang xảy ra tại Việt Nam cho ông. Nhưng Steinbeck đi Việt Nam không phải là đại diện của Johnson. Ông là một nhà văn độc lập, không liên quan gì tới chánh phủ Mỹ cả. Tuy nhiên, nhũng bài tường trình này lại có vẻ ủng hộ cuộc chiến. Ông cũng như Johnson tin vào thuyết Domino là nếu miền Nam Việt Nam sụp đổ sẽ kéo theo nhiều nước khác.

 

John Steinbeck đã bị những người phản chiến và ngay chính cả con trai ông đang ở Việt Nam chỉ trích gay gắt bởi vì những quan điểm ủng hộ cuộc chiến Việt Nam trong những lá thư trên.

 

Những cảm nhận của ông về chiến tranh Việt Nam đã trái ngược hẳn với quan điểm của phong trào phản chiến, chống chiến tranh Việt Nam đang lên đến cao điểm tại Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1960. Dù vậy John Steinbeck vẫn mạnh mẽ chỉ trích những người phản chiến; vì cho rằng họ đã không có mặt ở đó để hiểu biết được ý nghĩa về cuộc chiến tranh này.

 

John Steinbeck đã mất ở tuổi 66, ngày 20/12/1968, tại New York vì bị trụy tim.

 

Ba mươi tám năm đã qua, cuộc chiến tàn... Những điều John Steinbeck nói vẫn còn đúng dù những bài viết này đã gần nửa thế kỷ trôi qua. John Steinbeck đã từng nói cuộc chiến tranh Việt Nam khác hẳn với tất cả cuộc chiến tranh quy ước khác. Nó không có mặt trận, không có hậu phương, không có phía trước và cũng không có phía sau...

 

Qua phần lược dịch, người viết xin kính mời quý độc giả thân mến đọc lại bài tường trình do John Steinbeck viết từ Cần Thơ, dầu ngắn ngủi, nhưng cho thấy một nhà văn đầy trí tuệ biết bao của đất nước Hoa Kỳ! John Steinbeck vẫn dũng cảm nói lên điều chính mình suy nghĩ ngày đó cho dù những người phản chiến năm xưa, và ngay cả ngày nay, vẫn còn tiếp tục ngoan cố chỉ trích ông!

 

*

Cần Thơ *, ngày 21 tháng Giêng năm 1967.

 

Alicia thân,

Tôi xin viết về một cuộc tuần tra bình an vô sự trên một dòng sông * giữa đôi bờ tĩnh lặng và những vì sao nhấp nháy bởi bầu trời đẫm những hơi sương. Chúng tôi về bến * chưa tới 9 giờ đêm. Một phần trong chiến dịch tên Game Warden đặt căn cứ tại Cần Thơ, thành phố lớn nhất vùng châu thổ. Ở Cần Thơ, có vài nhà hàng nhỏ, nơi người Việt dẫn con cái đi ăn, chuyện trò với nhau bằng tiếng Việt, âm vang như đang hát. Nơi đó đèn không đủ sáng. Vì thiếu điện, phải cần thêm những ánh đèn dầu chập chờn, leo lét.

 

Khoảng 10 giờ tối hai thanh niên đang lảng vảng, chợt dừng lại trước cửa nhà hàng đang đông thực khách, bất ngờ ném hai trái lựu đạn xuyên qua khung cửa mở. Một trái lép. Trái còn lại nổ tung và miểng xé nát thân thể người lớn lẫn trẻ con. Không có bất cứ người lính nào lúc đó trong nhà hàng kể cả Mỹ hay Việt. Không đạt được bất cứ một ích lợi nào về mặt quân sự cả!

 

Một viên đại úy Mỹ chạy vào và bế ra một em gái nhỏ khoảng chừng 7 tuổi. Khi đưa tới bịnh viện *, anh ấy khóc nức nở vì em đã chết rồi! Xe cứu thương chở những xác ngưòi đầy thương tích đến bịnh viện, xưa là của Pháp, giờ là của chúng ta. Bác sĩ bắt đầu cưa chân, cưa tay, gắp miếng lựu đạn ra, mùi ê-te lan tỏa cả tòa nhà. Vài người bị thương nặng quá đã chết trước khi đến nơi; vài người nữa chết chẳng bao lâu sau đó; còn những người sống sót thì được chữa trị, băng bó. Họ nằm trên những chiếc giường gỗ, ánh mắt thất thần như hỏi tại sao? Kim chuyền nước biển găm vào mu bàn tay và nếu họ đã mất hai tay rồi nó được ghim vào mắt cá chân.

 

Những đứa bé đang chơi đùa trong nhà hàng là bị nặng nhất. Những bác sĩ, y tá của đế quốc Mỹ bị gán cho là hung hăng, tàn bạo này đang làm việc suốt đêm để mong cứu chữa những sản phẩm do những người cao quý mệnh danh là bảo vệ tổ quốc mình đã gây ra.

 

Hai tên ném lựu đạn vừa bị bắt và chúng thú nhận một cách khoái trá, khoác lác về hành động của mình.

 

Tôi thật không biết bọn khủng bố này nghĩ gì? Tại sao chúng muốn giết người dân của chinh mình, những con người khốn khổ mà chúng thường rêu rao là giải phóng họ? Bịnh viện tràn ngập bởi nỗi bi thương. Có ai tin rằng VC, người đã nỡ nhẫn tâm làm như thế với chính đồng bào mình lại có thể vì dân, vì nước khi chúng chiếm được chính quyền. Tôi không tin. Khi hành quân, chúng ta và những người bạn đồng minh đôi khi cũng làm thương vong những người dân vô tội. Còn VC thì chắc chắn không quan tâm đến lương dân rồi. Chúng đặt súng máy ngay trước cửa nhà dân và buộc trẻ con phải chơi quẩn quanh đâu đó vì chúng biết chắc rằng chúng ta sẽ chần chừ bắn trả lại vì sợ sẽ bắn nhầm dân. Chúng xây những hầm trú ẩn ngay trong khu dân cư đông đúc cũng nhằm mục đích đó. Vì vậy người dân thường bị vạ lây. Chúng ta đã rất cẩn trọng muốn tránh cho dân khỏi bị thương vong nhưng đôi khi lại là điều không thể nào tránh được!

 

Một dãy nhà trong bịnh viện, hồi xưa của Pháp, dành để cứu chữa những tên VC bị thương. Dĩ nhiên cửa ra vào, cửa sổ có chấn song nhung cách cứu chữa thì không có gì khác cả. Nhưng dưới mắt những tù binh chiến tranh VC bị thương này, họ chỉ nghĩ là chúng ta sẽ tàn nhẫn tra tấn; thậm chí là hành hình họ mà thôi. Vì suy nghĩ lệch lạc như vậy nên chúng mới có thể đặt mìn ở chợ hoặc ném lựu đạn vào rạp hát đang đông người.

 

Tôi thực sự tin rằng những người biểu tình tuần hành đông đảo suốt nhiều ngày trước trụ sở Liên Hiệp Quốc và Tòa Bạch Ốc chán ghét chiến tranh. Tôi có hàng đống lý do để chán ghét chiến tranh hơn họ nhiều. Chán ghét chiến tranh thì tại sao họ lại không gia nhập vào những chương trình cứu trợ y tế? Được huấn luyện một cách cấp tốc để cứu người chớ không ai đòi hỏi họ phải giết người. Nếu họ có tình nhân loại tại sao họ lại không phụ một tay để cứu người? Đất nước nầy đang rất cần sự trợ giúp về y tế. Có ai dùng sức của mình, thay vì để mang, vác các áp-phích chống chiến tranh thì nên dọn dẹp các giường bệnh viện hay rửa ráy các vết thương đã bị nhiễm trùng chăng?

 

Đây mới thực sự là hành động phản chiến. Những người này nên biết rằng những người VC anh hùng của họ không tôn trọng hòa bình. Họ đặt bom bệnh viện và gài mìn ngay cả xe cứu thương.

 

Tôi không hiểu được những tên khủng bố bừa bãi này nghĩ gì? Tại sao họ lại giết hại chính những đồng bào khốn khổ của chính họ mà miệng cứ ra rả là đang chiến đấu vì sự tự do.

 

Phản chiến theo cách tôi đề nghị có thể là nguy hiểm thật, ngoài ra khi họ rời đất nước, những trợ cấp an sinh của họ có thể bị cắt đi. Nhưng bù lại họ có được chút tự hào là đã làm một điều gì đó thay vì chỉ đi biểu tinh hô hào chống đối suông.

 

Câu hỏi thường được đặt ra từ quê nhà là - khi nào sẽ chấm dứt chiến tranh? Tôi chỉ có thể đoán thôi, Alicia, nhưng chí ít ra cũng dựa trên sự quan sát suốt chiều dài của đất nước. Tôi đoán rằng việc ngừng bắn sẽ không còn xa nữa bởi vì chúng ta và các đồng minh của chúng ta có thể phối họp nhau lại và đánh bại bất cứ đối thủ quân sự nào dám đối mặt với chúng ta. Nhưng một sự ngừng bắn mới chỉ là một sự bắt đầu. Trong cuộc hưu chiến lễ Giáng Sinh, cũng là một sự ngừng bắn, đã có hàng trăm vụ vi phạm hưu chiến nhưng không có cái nào do chung ta cả. Đó không phải là sự kết thúc chiến tranh. Những tên VC trung kiên, chuyên nghiệp được huấn luyện trong tổ tam chế sẽ phá rối đất nước. Chúng phải bị đánh bật ra từng tên một cho đến khi nào các xã ấp có thể tự bảo vệ được lấy mình. Và điều này chắc phải cần đến một thế hệ. Nhưng bất cứ ai còn nghi ngờ rằng không thể làm được thì nên nhìn vào Nam Hàn. Chỉ trong một thế hệ mà một dân tộc đó đã thay đổi, tự hào, hiệu quả và tự tin. Binh lính của họ đã có mặt ở đây, ở Việt Nam, cũng thiện chiến như bất cứ quân đội nào khác trên thế giới. Và điều gì đã xảy ra cho họ vẫn có thể xảy ra ở đây (Việt Nam) chớ - chắc chắn là như vậy! Nếu chúng ta vội vã rút quân hay quá ngu muội để so đo cái giá phải trả, chúng ta có thể thắng trận đánh nhưng lại thua luôn cuộc chiến.

(From STEINBECK IN VIETNAM: Dispatches from the War)

 

* Cần Thơ tỉnh ly của tỉnh Phong Dinh năm 1967, nằm trên bờ sông Hậu, cách Sài Gòn 169 km về hướng Tây.

* Sông Hậu.

* Trại Yết Kiêu Hải Quân gần bến Ninh Kiều.

* Bịnh Viện Thủ Khoa Nghĩa, Cần Thơ.

 

đoàn xuân thu

melbourne

Thư Quán Bản Thảo Số 58, Tháng 12-2013 

_________________________________________________________________________________________________ 

 

Dân chơi... nên nghiệp... Đế!

dxt_nov22_14_danchoi.jpg 

 



Bảo Huân

 

 

Thưa quý độc giả thân mến!

 

Lỡ thua bài mà nghe chú em Trường Vũ, người Triều Châu đến từ... Vĩnh Châu (nên nói tiếng Việt ‘hà cái lầy hơi lơ lớ!') rền rĩ mà ai lỡ thua bài thì muốn nhảy cầu... tự vận cho rồi.

 

"Giờ ta chẳng còn chi/ Mãi trắng tay mà thôi/ Đời bạc gian lắm phũ phàng/ Tiền có kiếm như nước rồi cũng sẽ trôi hết/ Tay không trắng tay lại vẹn không/ Đời phiêu lưu là thế/ Không biết đến ngày mai/ Nên giờ đây mới đắng cay/ Ngồi trước tấm gương sáng rọi vào đó mới thấy/ Thân xác hoang tàn không nhận ra/ Ta mang bao tội lỗi nên thân ta giờ đây/ Kiếp sống không nhà không người thân/ Ta mang bao tội lỗi/ Người ơi ta đâu còn chi/ Xin hãy tránh xa kiếp đỏ đen..."

 

Chú em ‘tha thiết' khuyên ‘qua' như vậy, hổng có gì mới vì hồi xưa ông bà mình cũng có dạy rằng: "Cờ bạc là bác thằng bần. Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm!" Cờ bạc sản sinh ra tội phạm. Cái đó y như kinh... khỏi cãi!

 

Thưa quý độc giả thân mến!

 

Đánh bạc sao nghe nói toàn là thua tới thua. Vậy ai ăn? Tiền mấy con bạc đó thua... nó chạy đi đâu?

 

Dà! Nó chạy vô túi mấy ông sở Thuế. Chạy vô túi mấy em hồ lì xóc dĩa hay ỏng ẹo đứng chia bài gọi là tiền lương. Tất nhiên, khẳm lừ đừ nhứt, là chạy vô túi mấy ‘trự' làm chủ sòng bài chớ chạy đi đâu?

 

Do đó nếu là tay chơi, là con bạc...thua là phải! Xưa giờ cũng vậy! Tuy nhiên, và cũng ngạc nhiên thay... có tay thua bài mà làm nên nghiệp... Đế! Đó là anh em Nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ.

 

Theo mấy ông quan chép Sử nhà Nguyễn đặt điều nói xấu ‘Ngụy triều' Tây Sơn là: Nguyễn Nhạc làm Biện Lại (chuyên đi thâu thuế) ở tuần Vân Đồn. Lấy tiền thuế của dân đóng thay vì nộp cho quan trên, quan huyện, quan phủ ông đi đánh bài thua hết ráo; bèn trốn vào Tây Sơn làm trộm cướp! Những tên vô lại và người nghèo đói phần nhiều phụ theo, vì thế thủ hạ có đến vài ngàn người!

 

Trung tuần tháng 9 năm 1773, Nguyễn Nhạc đánh thành Quy Nhơn, thừa thắng chiếm toàn bộ vùng Quảng Nam. Năm 1778, Nguyễn Nhạc cho xây thành Chà Bàn, lên ngôi Hoàng Đế, lấy hiệu là Thái Đức. (Nhãn hiệu trà ‘Thái Đức' chắc từ đấy mà ra chăng?!)

 

Đây chắc là trường hợp độc nhứt vô nhị; tự cổ chí kim không giống ai và cũng không ai giống. Đánh bài thua... xong làm Hoàng Đế! Tui e rằng mấy ông quan chép Sử triều Nguyễn nầy cam tâm làm bồi bút, đặt chuyện để làm vui lòng Thánh Thượng! Vì Nguyễn Ánh đã từng bị ba anh em nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đánh cho nhiều trận xất bất xang bang, chạy vòng vòng miền Nam; có lần phải dông tuốt ra ngoài đảo Phú Quốc mới thoát được! Giận quá sai tụi bây đặt điều, đặt chuyện nói xấu tụi nó cho Trẫm nghe không!

 

Còn chuyện bên Mỹ thì vầy: Ông Frederick W. Smith xuất 4 triệu đô tiền của gia đình cho (tương đương 23 triệu bây giờ) và huy động thêm được 91 triệu đô (tương đương 525 triệu đô bây giờ) để sáng lập ra Công ty Federal Express vào ngày 18 Tháng Sáu năm 1971. Công ty sau đổi tên là FedEx chuyên giao hàng, chuyển phát nhanh qua đêm, nghĩa là gởi hôm nay, sáng mai khách hàng sẽ nhận được dù tận nơi chân trời góc bể hay thâm sơn cùng cốc nào! Trên thế giới lúc đó chưa có ai làm như thế cả.

 

Xui xẻo thay, 3 năm sau, giá dầu tăng rất nhanh... công ty chuyển hàng bằng máy bay nầy trên bờ vực phá sản! Thương vụ trong 26 tháng đầu tiên lỗ 29 triệu đô! Không một ai dám cho công ty vay nợ thêm; những nhà đầu tư thì không ai muốn góp thêm vốn liếng. Công ty đang lỗ sặc gạch! Bộ ‘khùng' mới cắm đầu nhảy vô!

 

Công ty chỉ còn được có 5000 đô không đủ tiền mua dầu cho ngày Thứ Hai tuần tới. Thay vì về gia đình ở Memphis, Smith đã mang 5000 đô cuối cùng nầy bay sang Las Vegas và chơi Blackjack vào cuối tuần đó... May mắn thay, ổng đánh bài ăn, tới Thứ Hai trong tài khoản nhà băng của công ty lên được 32 ngàn (nghĩa là ông ăn được 27 ngàn đô) đủ đổ dầu cho máy bay của công ty vài ngày nữa... để ông có thời giờ đi huy động thêm vốn liếng! Huy động đầu trên xóm dưới thêm được 11 triệu đô; ráng cầm cự qua cơn thắt ngặt... và cuối cùng công ty sống sót tới bình minh!

 

Mãi tới năm 1976, công ty mới bắt đầu có lãi được 3.6 triệu đô. Bốn năm sau lên gần 40 triệu mỗi năm với thu nhập gần nửa tỉ Mỹ kim.

 

Ngày nay, FedEx trị giá từ 25 tới 35 tỉ. Và tài sản của ông Smith khoảng 3.5 tỉ đô. Vừa là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Điều hành, lương 13.7 triệu đô một năm.

 

Tháng Ba năm 2014, tạp chí Fortune xếp hạng ông đứng thứ 26 trong bảng phong thần 50 nhà lãnh đạo tài ba nhứt của thế giới!

 

Khi báo chí hỏi ông nghĩ gì khi đem số tiền 5 ngàn cuối cùng của công ty đi tìm may rủi trên chiếu bạc như thế? Ông trả lời rằng: "Có gì khác nhau đâu? 5 ngàn không đủ mua dầu thì hết bay. Nếu đánh bạc lỡ thua hết 5 ngàn thì cũng chết!"

 

Ngày nay, FedEx là công ty vận chuyển hàng không lớn thứ nhì trên thế giới, làm chủ 697 máy bay và đang đặt mua thêm 49 chiếc nữa. Mỗi ngày chuyển phát 10.2 triệu kiện hàng qua lại trên 220 nước. Năm 2013, công ty lời một số tiền kỷ lục là 1.6 tỉ đô Mỹ.

 

Từng là một Cử nhân kinh tế tốt nghiệp đại học Yale. Rồi tham chiến tại Việt Nam hai lần trong 3 năm, xuất ngũ với cấp bậc Đại úy Thủy Quân Lục Chiến Mỹ với một rổ huy chương, được Tổng thống George W Bush năn nỉ mời làm Bộ trưởng Quốc phòng hai lần... ông đều từ chối khéo! Vậy mới ngon chớ!

 

Ngộ cái là: Ý tưởng thành lập công ty chuyển phát nhanh nầy, trong một bài luận văn của Smith ở một lớp học về kinh tế được các Giáo sư trường đại học Yale cho điểm C, nghĩa là rất tệ! Frederick W. Smith và Bill Gates gặp nhau ở chỗ học Thầy nhưng suy nghĩ khác Thầy... Đôi khi lại hóa hay?!

 

Như vậy từ một tay cờ bạc cả hai đều làm nên nghiệp Đế...

 

Nguyễn Nhạc, nhân viên sở Thuế, biển thủ tiền thuế đánh bài thua... sau làm Hoàng đế ‘Thái Đức'! Còn Smith lại đánh bài ăn... cũng trở thành Đế...làm chủ một đế chế chuyển phát nhanh bằng máy bay. Bây giờ việc mua bán trên mạng, trên eBay nở rộ! Ở Úc, người ta đặt mua iPhone 6 ở tận Huê Kỳ; hôm sau đã thấy nó nằm chình ình trước cửa. Rồi giao bánh pizza, giao sách bằng máy bay không người lái, (nhỏ như đồ chơi), mà trên đài truyền hình trình chiếu biểu diễn cho công chúng xem. Nội nhiêu đó cơ hội làm ăn thôi đã thấy công ty FedEx của ông Smith sẽ có một chân trời xán lạn. Tiền vô như nước!

 

Ngày nào đó chắc người viết cũng sẽ phải nhờ tới cái dịch vụ chuyển phát nhanh nầy.

 

"Hãy chuyển phát ngay cho em yêu của người viết ở Sydney cách Melbourne gần ngàn dặm, em ở số 35 đường Broken Heart, Bankstown, người đã đá đít tui một cái quá đau! Kiện hàng cho em yêu, nhỏ thôi, trong đó có chứa trái tim vừa tan vỡ của tui. Tính bao nhiêu thì tính mà!"

 

(Đánh bạc bằng tiền lỡ thua; còn hy vọng có ngày gỡ lại! Còn đánh bạc bằng trái tim mình, đem ra đặt cược với tình em, thua là đừng có mong mà gỡ! Thấy ‘tui' vẫn còn ăn, còn nhậu, còn nói dóc... chứ thực ra xa em; ‘tui' đã chết nhăn răng rồi! Hu hu!)

 

Thưa quý độc giả thân mến!

 

Chuyện ‘dân chơi... nên nghiệp Đế nầy'... Thiệt nghe chơi rồi bỏ chớ hổng có ai tin đâu! Chắc mấy ông chủ sòng bài nhờ nhà báo quảng cáo dùm em; em cám ơn ($$$) vậy mà!

 

Nó cũng giông giống như chuyện nầy: "Bob vác tiền cuối tuần đi Las Vegas đánh bạc. Xui xẻo quá, Bob thua hết 30 ngàn đô. Thua sạch túi không còn một cắc, lại mắc ‘xì trum'; đành phải hỏi xin một đô tiền cắc từ thằng cha lạ hoắc để mở cửa ‘toilet' mà xả bầu tâm sự.

 

May mắn thay, vừa lúc đó có một ‘trự' từ trong đi ra mà quên không đóng cửa; Bob không phải xài một đô cuối cùng nầy, bèn dùng nó bỏ vào máy kéo. Máy chạy ‘o o o'! Rồi ‘ò í o'! Màn hình hiện ra một hàng 5 cái ‘Búa'; Bob trúng độc đắc ‘jackpot' được 500 đô.

Mang 500 đô, Bob chơi bài blackjack. Cuối cùng Bob thắng tổng cộng được 10 triệu đô!

 

Chuyện nầy vô tiền khoáng hậu... Mấy sòng bài ký hợp đồng để Bob, làm diễn giả đi nói chuyện may mắn của mình cho quý con bạc nó nghe... để nó hăng... mà thua tiếp!

 

Một hôm với cử tọa, Bob tâm sự rằng: "Từ đêm may mắn đó; tui không hề ngừng nghỉ việc kiếm tìm ân nhân đã làm thay đổi cả cuộc đời tui. Nếu tìm được! Tui sẽ chia phân nửa tài sản tui hiện có để tỏ lòng biết ơn vô hạn!" Thì có một ông từ trong hàng ghế khán giả nhảy lên sân khấu, cầm micro nói: "Tui đây! Chính tui là người đã cho anh đồng một đô đêm đó!"

 

Nghe vậy; Bob từ tốn trả lời rằng: "Tui không có ý định kiếm ông đâu! Tui chỉ tính kiếm cái ‘thằng cha' nào, xài xong rồi mà quên đóng cửa ‘toilet' đêm hôm đó!"

 

Thưa quý độc giả thân mến!

 

Bao giờ trong lòng người viết cũng tin chắc như bắp một điều là dính vô cờ bạc sẽ không còn cái quần mà mặc, như Tía Má người viết, em yêu của người viết đã từng dạy dỗ và khuyên bảo! Nó cũng y hịt như là câu chuyện dưới đây:

 

"Anh bạn của người viết lấy vợ Tây. Em là Tây; nên sống cũng như Tây! Sau một tuần ngất ngư lao động, Thứ Sáu em thường ‘chơi' suốt đêm! Em đến nhà mấy đứa làm chung sở để nhậu nhẹt và đánh bài. Anh lại là người nho nhã, thích nằm nhà để đọc chữ Nho!

Dù tánh cách hai người khác nhau như trời với vực, như nước với lửa, như trắng với đen; nhưng tôn trọng tự do riêng tư của nhau nên vợ chồng ít khi gấu ó; đánh lộn thì cũng đôi khi, sặc máu mũi hay bầm con mắt tím... nhưng chưa bao giờ phải dắt nhau lôi thôi ra cò bót!

 

Một tối Thứ Sáu, sòng bài vãn, trời quá nửa khuya. Em về nhà, rón rén thay quần áo trong phòng khách, trần truồng như nhộng, nhón gót lên phòng ngủ của đôi ta! Chắc em nghĩ bỏ chàng đi cả đêm cũng tội nghiệp nên tính cho chàng bù lỗ?!

 

Em mở cửa phòng ngủ; ai dè anh vẫn còn thức. Nghe tiếng động, anh bỏ sách xuống, kéo mắt kiếng lên, nhìn ra thấy em trần truồng như nhộng; bèn la lên rằng: "Trời ơi Trời! Tối nay thua sạch bách hết rồi phải không?"

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

  

 

 

Cống Hồ!

dxt_Nov13_14_CongHo.jpg

Tranh Bảo Huân

 

Thưa quý độc giả thân mến!

 

Xưa giờ Việt Nam chúng ta là một nước nhỏ, nằm kế bên một anh chàng khổng lồ về đất đai và dân số. Lớn và láo! Rảnh, không có nội loạn, là dòm ngó lân bang, xua quân đi cướp bóc! Có thằng hàng xóm ‘cà chớn' như vầy thiệt cũng khổ!

 

Chính sử Việt Nam cho thấy từ thời lập quốc tới giờ, triều đình phong kiến Việt Nam thường tìm cách né tránh cuộc chiến tranh với triều đình phong kiến Trung Quốc phương Bắc (vì quánh nhau với nó thì ‘hươu le lưỡi; chó cũng dạt móng!'). Thôi thì hối lộ cho nó chút chút, nói văn hoa là triều cống để cho nó câm cái mõm nó lại! (Còn né không được, bị chèn ép quá, không quánh không được thì buộc lòng cho nó vài chưởng để cho nó thấy 7, 8 ông Trời! Ông đã nhịn mà mầy cứ lấn nha!) Quánh nó xong... lại triều cống! Mỗi lần lên ngôi là phải đem lễ vật đến ‘cống' Thiên tử để được sắc phong là An nam Quốc vương. (Cấm xưng Đế nha! Hoàng Đế là chỉ riêng mình Trẫm được tự xưng thôi!)

 

Nghe chính sử Ba Tàu nổ ‘bùm bùm' như vậy! Ai cũng rét nhưng thực ra Thiên tử Ba Tàu đôi khi cũng chết nhát, cũng phải hạ mình mà đi ‘cống' rợ Hung Nô, sợ mới ‘cống' chớ...Kẻo không, nó quạu nó quánh cho Má mầy nhìn cũng hổng ra luôn! (Tháng chín Hung Nô giết biên tướng/Quân Hán tiêu tan dưới Liêu Hà/ Xương phơi muôn dặm không người nhặt /Trăm họ đầu thành cất đám ma...)

 

Chuyện rằng: Vương Chiêu Quân là một người con gái tài sắc vẹn toàn, cầm kỳ thi họa. Biết đàn tỳ bà, biết làm thơ phú. Bị tiến cung, làm cung nữ thời Hán Nguyên Đế (năm 49-33, trước Công Nguyên).

 

Rợ Hung Nô phương Bắc thời đó hùng mạnh, Vua là Thiền Vu Hô Tàn Tà đích thân đến kinh đô Tràng An ngoài mặt là thần phục nhà Hán, (nhưng trong bụng chưa biết ai ngán ai?!) muốn Hán Đế gả một công chúa nào đó cho, để mình được làm con rể. Thằng con rể nầy coi bộ đầu gấu quá! Nó muốn vợ, Hán Đế chê nó man di mọi rợ, không gả là không xong! Rét quá, Hán Đế  đành bấm bụng, nuốt nhục làm theo (nhưng len lén chơi đểu) thay vì gả một công chúa, thì Thiên tử xuống chiếu chọn 5 cung nữ từ hậu cung, ai tình nguyện lấy Thiền Vu Hung Nô sẽ được coi như công chúa. Các cung nữ dù được lên chức... đều ngần ngại sang Hung Nô. Chỉ có Vương Tường - tức Vương Chiêu Quân tình nguyện ra đi.

 

Đến ngày hôn lễ giữa Hô Hàn Tà và Vương Chiêu Quân, Nguyên Đế thấy nàng xinh đẹp quá trời... tiếc hùi hụi. Sao bấy lâu nay Trẫm lại không biết vậy cà?! Giờ hứa gả cho nó rồi làm sao mà nuốt lời cho đặng. Nuốt lời với nó; nó ‘nuốt' luôn mình thì chết! Té ra tên họa sĩ cung đình là Mao Diên Thọ buộc các cung nữ phải đút lót mới vẽ hình đẹp dâng lên Vua, để hy vọng còn có cơ may được đêm nào đó... vào chầu thiên tử, (nhịn hoài cũng thèm chớ phải không?!) Em nào không chịu hối lộ sẽ bị vẽ hình xấu. Khi vẽ Chiêu Quân, Mao Diên Thọ thêm một nốt ruồi dưới khóe mắt (như bây giờ người ta chơi Photoshop vậy!) và tâu với Hán Nguyên Đế đó là "Sát phu trích lệ", tướng sát chồng; nên Hán Nguyên Đế không dám rớ tới khi Chiêu Quân bị cống sang Hung Nô, Thiên tử nhìn mặt em hổng có mụt ruồi như tranh vẽ, Nguyên Đế biết tay họa sĩ này xạo, nổi trận lôi đình; sai lính đem Mao Diên Thọ ra mà mần thịt!

 

Chiêu Quân được Thiền Vu Hung Nô Hô Hàn Tà sủng ái, trở thành hoàng hậu. Hai năm sau, năm 39 trước Công Nguyên, Hô Hàn Tà chết, Chiêu Quân muốn trở về Trung Quốc, nhưng không được chấp thuận, nàng lại trở thành phi tần của Thiền Vu tiếp theo là con trai lớn của Hô Hàn Tà. Nghĩa là nàng ‘quằm' Vua cha rồi ‘quằm' luôn ông Vua con cho nó gọn!

 

Trường hợp đem người đẹp đi Cống Hồ nhục nhã đó của Vua Tàu làm mấy Chú Ba đời nầy qua đời khác, các văn nhân, thi sĩ (vốn lúc nào thấy người con gái đẹp là thèm nhểu nước miếng) như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Vương An Thạch, Quách Mậu Thiến, Mã Trí Viễn, Tào Ngu, Quách Mạt Nhược, Tiễn Bá Tán,... đều tiếc hùi hụi, làm thơ, viết kinh kịch...‘xì nẹt' vị Hoàng đế kém cỏi và hèn nhát, viên Thừa tướng thối nát bất tài, và tên Thợ vẽ tư lợi Mao Diên Thọ.

 

Sau đó còn vẽ rắn thêm chân cho người đẹp Cống Hồ nầy bằng nhiều huyền thoại, truyền thuyết như: "Chiêu quân xuất tái" ("Đi đến biên cương")! Khi qua một hoang mạc lớn, lòng chứa chan nỗi buồn thân phận phải xa quê, trên lưng ngựa buồn u uất, Chiêu Quân đàn bài "Xuất tái khúc". Có một con ngỗng trời bay ngang, nghe nỗi u oán cảm thương trong khúc điệu; liền ruột gan đứt đoạn và sa xuống đất chết ngắc. Từ "lạc nhạn" trong câu "Trầm ngư lạc nhạn" do đó mà có. Nói dóc cỡ nầy cũng thuộc hàng cao thủ võ lâm đó chớ!

 

Nhắc lại chuyện xưa để thấy Hoàng đế Trung Hoa cũng không có ngon lành gì; cũng chết nhát như ai. Khi yếu cũng sợ, cũng đem người đẹp đi cống Hồ cho rồi để được yên thân!

 

Rồi hơn hai ngàn năm sau ở Trung Quốc bây giờ, thân phận người con gái mà lỡ sanh ra Trời bắt đẹp cũng không khá gì hơn nếu không nói là còn đau đớn hơn thời phong kiến ngàn xưa. Mấy em cũng bị đem ra làm một món hàng hóa để mua bán đổi chác!

 

Chuyện rằng: Lôi Chính Phú, bí thư quận ở thành phố Trùng Khánh được Tiêu Diệp ‘cống' cho một em đẹp tên Triệu Hồng Hà! Lôi Chính Phú khoái tỉ tê!

 

Nhưng Tiêu Diệp là một thằng chơi đểu! Hối lộ tình dục xong; còn muốn nắm thóp Bí thư Lôi. Mỗi lần vào khách sạn với Bí thư Lôi, Triệu Hồng Hà đều bí mật gài máy quay phim trong túi xách có khoét lỗ để ghi lại toàn bộ cảnh ái ân.

 

Sau khi đã có được ‘bản đẹp' các ảnh nóng, Tiêu bắt đầu điều đàn em giả làm bạn trai của Triệu Hồng Hà đến bắt quả tang. Lôi Chính Phú thất sắc không biết làm thế nào cho khỏi bể bạc tùm lum... thì ‘người hùng' Tiêu Diệp xuất hiện để giải cứu. Bằng thủ đoạn này, Tiêu Diệp đã câu và bắt được rất nhiều quan chức Trùng Khánh làm con tin, tù binh của phe ta. Lúc nào muốn xài nó thì xài!

 

Lôi Chính Phú chỉ là quan nhí, cấp quận, quyền lực ít, nên còn nhát, sợ nó xì ra tùm lum là chết! Nhưng cấp cao hơn thì ai dám làm gì tao?!

 

Chu Vĩnh Khang, trùm Công An Trung Quốc, Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc từng được thuộc cấp hối lộ 400 phụ nữ để "giải sầu"! Chu có ít nhất 6 căn nhà riêng để "vui vẻ" với các ‘em' ở thủ đô Bắc Kinh. Vợ Chu biết được ghen tuông lồng lộn lên, ly dị... Rồi bị xe đụng chết! (Sát nhân diệt khẩu, năm 2000?!)

 

Em Jia Xiaoye, cựu phát thanh viên Đài Truyền Hình Trung Ương Trung Quốc (CCTV), là vợ thứ hai của Chu- cũng được cho là "một món quà" mà cựu phó chủ tịch CCTV Lý Đồng Sinh hiến cho Chu. Ngoài ra, Chu, 71 tuổi, còn bị tố đã quan hệ tình dục với phát thanh viên đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) Ye Yingchun trong xe hơi vào ngày 29-11-2013, 2 ngày trước khi Chu bị bắt và tạm giam.

 

Cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân bị đồn là ‘các tay ma cô dẫn gái' cho Chu khi Chu lên làm Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Trung ương vào năm 2007.

 

Đồng minh thân cận của Chu, Thượng tướng Từ Tài Hậu, một thời là Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương cùng đàn em là tướng Cốc Tuấn Sơn, và Bạc Hy Lai Cựu Bí thư Trùng Khánh từng chia nhau người tình là diễn viên kiêm ca sĩ Tang Can.

 

Tang Can sanh ngày 12 Tháng Sáu năm 1975 tại tỉnh Hồ Nam, năm nay 39 tuổi. Em đã đẹp mà còn có học hành đàng hoàng, cử nhân về Âm Nhạc, chuyên trị nhạc Cách mạng không hà, làm văn công cho đoàn hát của Giải phóng quân Trung Quốc.

 

Tang Can mới đầu được "giới thiệu" cho cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Lý Đông Sinh! Sinh chuyền em qua tay Chu Vĩnh Khang cuối năm 1990, khi Chu đang là Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên. Tiếp đến, Chu Vĩnh Khang chuyền em Tang qua đàn em của mình là Bạc Hy Lai! Rồi Lai "bán cái" cô bồ nhí xinh đẹp nầy cho tướng Từ Tài Hậu. Con trai Từ cũng có ké vô cùng chấm mút với Tía của mình luôn. Sau đó, Từ Tài Hậu lại chuyền tay qua đệ tử ruột của mình là tướng Cốc Tuấn Sơn.

 

Ngoài ra theo báo chí phe Tập Cận Bình còn tiết lộ Chu Vĩnh Khang tham gia hoạt động "đổi vợ" với các đồng minh hoặc cấp dưới, cũng như có quan hệ tình ái với Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai, vốn là đàn em của mình.

 

Dưới tay mấy tên Trùm Đỏ nầy, phụ nữ đẹp Trung Quốc chỉ là một món đồ chơi tình dục không hơn không kém.

 

Chu Vĩnh Khang bị nắm đầu, đá đít nhưng không biết có ra Tòa hay không vì lẽ từng là Bộ Trưởng Công an, Chu biết quá nhiều, biết quá rõ về các quan chức hàng đầu khác, dù đã về hưu hay còn đương nhiệm. Bắt nó ra vành móng ngựa, nó phun tùm lum ra... Ai mà bịt miệng cho kịp chớ?

 

Tình hình Việt Nam cũng không khá gì hơn đàn anh Trung Quốc. Phó Ban Nội chính Trung ương Việt Nam đưa tin ra cho báo chí rất là... văn chương. Rằng "Chuyện hối lộ bằng tình dục chắc chắn có ở Việt Nam. ‘Hối lộ' bằng tình dục cho quan chức để đạt được mưu cầu lợi ích nào có gì lạ đâu!  Đã có những truyện ngắn người ta viết thành đề tài văn học phản ảnh thực trạng xã hội chủ nghĩa!?"

 

Việc hối lộ bằng gái, tình dục cho các quan chức Trung Quốc, cho các quan chức Việt Nam còn hiệu quả hơn nhiều so với đút lót bằng tiền mặt hay hiện vật có giá trị!

 

Hỡi ơi! Người con gái đẹp xưa giờ... thân phận sao cũng buồn như người em vườn Thúy. Thúy Kiều! Em nào sanh ra, lỡ mà đẹp, thì xui cho dòng họ của em biết mấy! Em không còn là con người nữa... Em trở thành một món hàng để mua bán, đổi trao, hối lộ trong một hệ thống thiệt là Xấu Hết Chỗ Nói (XHCN)!

Vậy mà mở miệng ra cứ là giải phóng người phụ nữ như trong bài thơ 'Tiếng hát sông Hương' của Tố Hữu!

 

"Trăng lên, trăng đứng, trăng tàn/ Đời em như chiếc thuyền nan xuôi dòng

Thuyền em rách nát/ Mà em chưa chồng/ Em đi với chiếc thuyền không

Khi mô vô bến rời dòng dâm ô/ Trời ơi em biết khi mô/Thân em hết nhục dày vò năm canh/Tình ôi gian dối là tình/ Thuyền em rách nát có lành được không?"

 

Chiêu Quân, xưa hai ngàn năm, bị Thiên tử cống Hồ; giờ thân phận những người con gái đẹp sẽ còn bị quan em tiến cống lên quan anh dài dài... cho coi!

 

Do đó: "Thuyền em rách nát có lành được không?" Câu trả lời là: "Còn lâu!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne. 

 

 

"Con Thiên Nga ‘dấu'...yêu!"

dxt_Nov6_14_thiennga.jpg 

 

 

Tranh Bảo Huân

 

 

 

Thưa quý độc giả thân mến.

 

Mấy bữa nay trời bớt lạnh, đêm ấm dần lên, những hàng cây ven đường tuần qua còn trụi lủi mà bữa nay đã nhú những chồi xanh. Cây mai làm kiểng trước sân nhà người viết đã lác đác trổ mấy nụ mai vàng. Nếu chúng ta đừng căn theo lịch mà căn theo thời tiết thì xuân tới phải là Tết tới. Mà Tết là khoảng thời gian đoàn tụ gia đình! Trăm núi ngàn đèo cũng lặn lội về thăm! Chắc quý độc giả thân mến hỏi: mùa xuân đến rồi; tui có bay về Việt Nam du xuân và du hí không? Làm sao khỏi! Nhưng hồi năm ngoái về, chẳng có gì vui!

Sài Gòn bây giờ bin-đinh vài ba chục tầng được cất lên nườm nượp vì người ta sợ mỗi lần mưa là ngập; mỗi lần mưa là phố bỗng thành dòng sông uốn quanh. Người Sài Gòn bây giờ rất giỏi; ai cũng biết lội hết ráo mà tui lại không biết nên ra đường trời mưa sợ sụp ống cống ngỏm củ từ bỏ vợ con lại hổng ai nuôi!

 

Nhưng điều làm tui thất vọng nhứt là những điều tưởng tượng, mơ ước trong lòng đột nhiên trước thực tế phũ phàng phang cho một cái quá đau nên tui quyết không thèm về nữa!

 

Về Việt Nam, em yêu (dù ghen thầy chạy đi) cũng thử cho tui về một mình, một lần xem sao? (Em nói tình ta là vàng thiệt, vàng 24 cara, nên không sợ lửa? Mà lửa có đốt anh cháy thì anh sẽ cháy đứt một nửa cái nhà, một nửa chiếc xe, một nửa chiếc tàu câu cá, luôn một nửa tiền hưu trí... nên em nghĩ dù anh có thèm chảy nước miếng tới rún cũng không dám manh động mà ra tay động thủ! Kẻo mất tiền!)

 

Không có con vợ kè kè theo kiểm soát 24/7 nên tui lén kiếm tìm, thăm lại người xưa. Quán hủ tiếu của em yêu một thời dang dở tình ta vẫn còn đó, dù hơi tiêu điều hoang phế, rêu mọc tùm lum! Bước vô, ngồi xuống cái bàn sát bên chỗ tính tiền, tui kêu một tô hủ tiếu mì hoành thánh có thêm cái đuôi heo... ăn cho nó lên mỡ máu, để hồi ức về yêu thương ngày tháng cũ!

 

Em thâu ngân là một em tóc dài, em cài hoa thiên lý, miệng em cười anh để ý... nhớ giống ghê nha! Nhưng em không nhìn ra tui. Hơn 40 năm rồi, vật đổi sao dời! Chắc có lẽ tui đã già quá đi rồi! Thời gian đã hủy hoại tất cả hồi ức và cái nhan sắc của tui! Quất sạch tô hủ tiếu mì hoành thánh, cạp hết cái đuôi heo, cạn hết mấy chai bia, móc túi trả tiền, tui lấy hết can đảm hỏi em: "Anh tên Tèo ở Melbourne, Úc Châu về; xin hỏi em có phải là em Đẹt của ngày xưa? Nàng nhìn tui trân trân một hồi không chớp mắt; rồi kêu vọng vô phía trong: "Ngoại ơi! Có ai kiếm ngoại kìa!" Nghe vậy tui quày quả bước ra khỏi cửa quán như bị ma đuổi.

 

Bay trở qua bên nầy, tui giấu biệt chuyện đó... Sợ con vợ tui buồn vì trước khi về Việt Nam, em yêu cũng có lên một lớp ‘moral' cho tui rồi. Em nói: "Con cá làm ra con mắm! Vợ chồng già thương lắm mình ơi!" Anh có về Việt Nam đừng bày đặt như người ta, bia ôm bia iếc, rồi cặp bồ cặp bịch, kiếm mấy ‘con gà móng đỏ' làm tan nát tình ta!" Vì: "Gà tơ xào với mướp già! Vợ hai mươi mốt chồng đà sáu mươi. Ra đường, chị giễu em cười. Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng. Đêm nằm tưởng cái gối bông. Giật mình gối phải râu chồng nằm bên. Sụt sùi tủi phận hờn duyên. Oán cha trách mẹ tham tiền bán con!"

 

Mấy em bên đó đẹp thì chắc phải có người yêu rồi chớ! Anh rước về; chẳng qua là anh xài đồ ‘second-hand'; có gì đâu mà hãnh diện? Em tuy già nhưng lúc anh cưới, em là hàng hiệu, hàng ‘brand- new', sau về nâng khăn móc túi anh rồi chỉ một đời chủ, chung thủy với anh. Còn tụi nó là lũ bạc tình, nó dám bỏ tất cả kép già, kép nhí, dù hẹn thề bán mạng...để theo anh...vì anh có tiền, có cái mác Việt Kiều thôi! Chớ chừng tuổi nầy còn cơm cháo gì nữa mà ham. Anh không có nghe chuyện: Một ông Việt Nam mình, mùa hè xứ Úc lên tới 42 độ C, tắm xong, trần truồng bước ra nói với con vợ: "Nóng quá mặc quần áo làm gì!" Nhưng nếu anh để vậy mà ra trước sân cắt cỏ hổng biết con nhỏ Úc hàng xóm nó sẽ nghĩ ra sao?" "À! Nó nghĩ là em lấy anh chỉ vì tiền mà thôi!"

 

Đang tán dóc với vợ nhà thì anh bạn văn gọi điện bảo tới nhậu chơi! Bèn lễ phép xin em cho anh đi chơi một chút. Em yêu miễn cưỡng gật đầu!

 

Anh bạn văn già của người viết là một người có máu tiếu lâm! Tán dóc với ảnh mình cứ ôm bụng cười bò lăn bò càng; nên người viết rất lấy làm ái mộ. Anh đã 71 nhưng cười hoài nên trông giống như 17. Nếu là phụ nữ, chắc người viết đã ‘ưng' ảnh lâu rồi!

Không những có máu tiếu lâm mà ảnh còn là một con người khéo ăn, khéo nói. Anh gọi bà xã ảnh là ‘thiên thần'; gọi mấy thằng con là ‘thiên tử'; gọi gia đình bên vợ là ‘thiên triều'. Tự xưng mình là ‘phò mã' nghĩa là thằng giữ ngựa!

 

Tuần rồi đích thân anh bạn văn nầy đưa ‘thiên thần' ra phi trường để chắc là em yêu đã bước chân lên máy bay về bệ kiến thiên triều; để vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm!

 

"Nhưng vợ vắng nhà cũng buồn lắm nha anh. Tui lại đang nghỉ phép thường niên một mình! Trong vòng vài tiếng đồng hồ mà tui đã mở tủ lạnh tới hơn một trăm lần rồi đó. Ăn nhiều mà không uống sợ lên cân nên bữa nay mời anh tới nhà tui, hai đứa mình lai rai một trời tâm sự!"

 

"Hỏi sao anh không đi với chị cho vui? Cho ‘chỉ' đi một mình bộ anh không sợ bọn đạo tặc hay sao? Tốn tiền lắm nên năm rồi tui đi, năm nay bả đi... thay phiên nhau đi; để có đứa coi nhà... không thôi đạo chích đến dọn là không còn một cái chén ăn cơm!"

 

Anh nói: "Thiên thần của tui năm nay về bệ kiến thiên triều nhưng em vốn là người lo xa lắm, biết trước sau gì đồ ăn trong tủ lạnh tui sẽ rủ bạn bè đến quất sạch sành sanh nên em có để lại cuốn thiên thư nầy đây. Để tui mở ra coi em nói cái gì?" Mở thiên thư ra có vài chữ chỉ cách nấu mì gói. Nước sôi, bỏ bột nêm, bỏ mì vào bắc xuống rồi ăn. Hết!

Căn vào thiên thư của thiên thần để lại, anh lui cui nấu hai tô mì gói hiệu con Ngỗng!

 

Anh nói khi em đáng yêu thì tui âu yếm gọi em là ‘thiên thần'; nhưng khi em quạu, thì tui âu yếm gọi em là ‘thiên lôi!'

 

Vợ thì thay đổi xoành xoạch vậy đó nhưng em gái vợ, Dì Út, thì chẳng bao giờ. Mãi mãi trong lòng anh, em là con Thiên Nga, đẹp hết biết!

 

Ảnh nói có lần tui hỏi em yêu: "Nếu anh chết trước, em có đi thêm bước nữa không?" "Dĩ nhiên là không! Vì em ngán tới cần cổ rồi!" (Dì Út mấy bữa trước có gởi qua cái học bạ hồi còn học mẫu giáo của anh, lúc vượt biên mình không thể đem theo được. Trong đó cô giáo phê anh là ham chơi, khoái ăn, mê ngủ; và không chịu làm gì hết. Bốn chục năm nay từ khi anh cưới em về.... cũng đâu có thay đổi gì đâu!) Nên nếu lỡ anh chết trước em, em không lấy chồng, ngu gì cơm bưng nước rót, hầu hạ như một kiếp tôi đòi nữa, em sẽ về ở với em gái của em!"

 

"Còn nếu lỡ em chết trước anh... thì sao?" "Thì anh cũng vậy. Anh sẽ về ở với em gái của em!" Hi hi! (Chết cha tui lỡ miệng) Con vợ tui trừng mắt. "Ê nói chơi hè!" Cho qua chuyện nhưng trong lòng tui nghĩ y vậy đó anh ơi!"

 

Anh đừng vội rầy tui là thằng anh rể lựu đạn. Kim Trọng cũng vậy mà có ai đàm tiếu gì đâu?! Thúy Kiều và Thúy Vân, Trọng ta đòi quằm hết ráo! Dì Út của tui đây cũng đẹp như là Thúy Vân vậy đó! Tại sao anh thắc mắc là tui không để ý ai khác mà lại để ý đến Dì Út, em vợ mình. Để tui cắt nghĩa cho anh nghe! Thứ nhứt là hồi tui mới tính cưới vợ; bà già vợ chơi khăm, bày trò thử lòng tui, coi tui có háo sắc, quơ quào tầm bậy tầm bạ không? Gần ngày cưới, Dì Út mới thỏ thẻ với tui là: (tui nghi đó là kịch do bà già vợ tui làm đạo diễn) "Em muốn tặng anh món quà đặc biệt trước khi anh nên duyên giai ngẫu với chị em. Em lên lầu nằm đợi. Rượu nằm trong nhạo chờ nem. Em nằm phòng vắng chờ anh một mình!" Tui suy nghĩ nhanh như máy tính! Bắt cá hai tay là xôi hỏng bỏng không...coi chừng vuột hết! Bèn dứt khoát bước đi cái rột ra cửa... (kẻo mình lại đổi ý!). Sau đó tui nghe phong phanh bà nhạc của tui khen rằng tui là thằng anh rể tốt. Chớ bả đâu biết rằng ở đâu thì còn ở đó. Mất mát, hao mòn gì đâu mà sợ... thì việc gì phải gấp gáp chớ?!

 

Phần Dì Út cũng kén lắm nha. Nên tui hổng sợ có trự nào quỡn đến hớt tay trên. Muốn lọt vào mắt xanh của em là phải có vô số điều kiện. Dì Út muốn tìm một người chồng đẹp trai, lễ độ, có óc hài hước, ưa chuộng thể thao, có kiến thức sâu rộng, hát hay, khiêu vũ giỏi và biết nấu ăn! Anh ấy phải luôn bên em, cùng vui vẻ với em khi em ở nhà. Anh ấy phải kể cho em nghe những câu chuyện thú vị và biết im lặng khi em cần phải nghỉ ngơi. 

 

Tui đã trả lời Dì Út là: "Giờ thì anh hiểu Dì Út muốn gì rồi. Để anh mua cho em một cái máy truyền hình!"

 

Cục mỡ vẫn còn đó, vẫn còn lủng lẳng trước miệng mèo bao năm nay. Meo meo!

 

Tui có thằng bạn, con vợ nó có đứa em gái sanh đôi, giống hịt nhau như hai điếu thuốc. Có lần vợ nó sanh em bé. Bà già vợ thương con gái nằm cữ, gởi đứa em lên chăm sóc cho chị... và nó cứ lộn hoài không phân biệt ai là ai... Thiệt là cái thằng có phước hết biết?!

 

Dì Út là em ruột của vợ mình, ít nhiều cũng giống con vợ mình. Phận làm chồng, ai mà không thương yêu con vợ? Không thương, mình cưới nó làm chi? Vì thương em như Biển Hồ lai láng, không tính tháng tính ngày như thế nên thấy Dì Út hao hao là tui thương luôn... là hợp lẽ, hợp tình thì có gì đáng phải phàn nàn dị nghị phải không?  À anh hỏi tui sao chị vợ cả bầy cũng giống hao hao... sao tui hổng chịu thương? Hỏi anh nè! Bác sĩ có cho anh xài thuốc quá ‘đát' hông?

 

Phần tui chấm Dì Út, vì tui không muốn mình có tới hai bà già vợ chi cho nó mệt. Một bà là đủ nhức đầu lắm rồi!

 

Tôi chắc như bắp, Dì Út đối với đám con của tui cũng là bà con; hổng lẽ em nỡ lòng nào đanh đá, chơi trò mẹ ghẻ con chồng, hát tuồng Phạm Công Cúc Hoa và Nghi Xuân Tấn Lực.

 

Anh còn cẩn thận dặn người viết rằng: "Ê! Cái vụ tui chấm Dì Út nó được mười điểm trên mười; anh nhớ đừng thày lay nói ai hay nhen. Chờ thời cơ, mai phục! Thiên cơ bất khả lậu!" Kẻo tui lại quỵ chết trước cổng Khải hoàn môn thì uổng lắm nhe anh bạn!

 

đoàn xuân thu.

melbourne. 

Kỹ nữ!

dxt_Oct31_14_KyNu.jpg 

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn có một bài thơ thời chiến rất hay vì hồi xưa ai từng giày sô áo trận đều có cảm giác là ổng nói tui đó nha! Trong đó có mấy câu như: "Mai ta đụng trận, may còn sống / về ghé Sông Mao phá phách chơi / chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm / đốt tiền mua vội một ngày vui!"

Hà Triều Hoa Phượng, hai soạn giả cải lương tài hoa, thường đưa thân phận những người con gái bán phấn buôn hương vào các vở tuồng của mình như: ‘Nửa đời hương phấn, Con gái Chị Hằng, Tần Nương Thất hay Tuyệt Tình Ca!'

Cuộc đời éo le, cay đắng của những thân phận bán phấn buôn hương đó làm em Ba, em Tư, dì Năm, dì Sáu khóc hết nước mắt cùng Út Bạch Lan, Bạch Tuyết hay Phượng Liên! Khóc vì thương người kỹ nữ chớ không phải khóc vì đã tốn tiền mua vé để đi coi năm lần bảy lượt đâu nha!

Văn nhân, thi sĩ quê mình có tấm lòng ‘đại bác' với cái nghề kinh doanh vốn tự có nầy khác với những nhà đạo đức học gọi nó là nghề làm nhục tổ tông?! Nội cái truyện Kiều thôi mà mấy ổng ong ỏng chửi bới tối tăm mặt mũi dù nhân vật nầy không hề có thực ngoài đời!

Trước mấy ông Việt Nam, bên Tàu cũng có những nhà thơ nổi tiếng lấy cảm hứng từ những người con gái sa cơ thất thế, phải bán mình vào lầu xanh, đem thân xác mình mua vui cho thiên hạ để đổi lấy miếng cơm.

Chuyện rằng: Đỗ Mục bị đày xuống Dương Châu, sống với một kỹ nữ. Một hôm nhà thơ ôm lấy cái lưng thon nhỏ của em (khoái quá) mà làm bài Khiển hoài!

Rồi Bạch Cư Dị bị đày đi làm Tư mã ở Cẩm Giang, gặp em kỹ nữ tài hoa chơi đàn tỳ bà mà cảm hứng viết ra bài Tỳ bà hành.

Như vậy mấy nhà thơ, nhà văn phải cám ơn mấy em! Không những cám ơn mà còn thương cảm và thông cảm lắm lắm!

Cái nghề bán thân mẹo dậu nầy theo Sử ký, nó có từ thời Xuân Thu bên Tàu. Kỹ nữ là người con gái làm nghề ca hát hoặc kể chuyện cho khách nghe, phục vụ rượu cho khách uống, ôm ấp khách (bây giờ gọi là bia ôm) và bán dâm cho khách (bây giờ gọi là chơi tăng hai). Quản Trọng (Quản Di Ngô) làm tướng quốc cho Tề Hoàn Công cho lập 700 nhà chứa cho gái bán rượu và bán dâm để thâu thuế làm giàu cho ngân khố!

Nhớ hồi xưa, Sài Gòn mình cũng có những địa danh rất nổi tiếng về vụ nầy... như Xóm Bình Khang, Ngã Ba Chú Ía, Cầu Hàn Tân Thuận rồi sau nầy có Ngã Ba Sung Sướng mà dân chơi trên chốn giang hồ thường hay "hiệp khách hành".

Đó là chuyện hồi xưa bên Tàu, bên Ta còn bây giờ chuyện bên Tây!

Tiểu bang Victoria, Úc Châu nầy có 50 lầu xanh (nhưng treo đèn đỏ), 18 dịch vụ gái gọi, 75 vừa nhà thổ vừa gái gọi có "đăng ký", có đóng thuế thu nhập như ai. Ngoài ra, còn có 525 thương vụ nhỏ (?) hợp pháp do chính chủ nhân điều hành để cung cấp dịch vụ về tình dục cho phe quý ngài đáng kính.

Dĩ nhiên không thể nào biết rõ số kỹ nữ hành nghề bất hợp pháp tại nhà riêng, trong những nhà thổ lậu hay trên đường phố của thủ phủ Melbourne.

Ta và Tàu xưa giờ làm kỹ nữ là vì hoàn cảnh nghèo đói, không còn biết làm gì hơn ngoài cái việc kinh doanh vốn tự có của mình. Còn Tây thì khác!

Một kỹ nữ Tây tự nhận mình là một nữ doanh nhân kinh doanh vốn tự có, là 'call-girl', gái gọi cao cấp, tính giá từ 450 đô đến 600 đô một giờ. Suốt 11 năm qua, em tự tay sắp xếp việc quản lý khách hàng, coi sóc trang mạng quảng cáo và cân đối thu chi.

"Người ta thường nghĩ thương vụ bán vốn tự có nầy là phải ra đứng đường, dùng chiêu trò ma giáo, lừa đảo kiếm tiền để chơi ma túy. Nó không đúng với trường hợp của tôi!"

Em nói: "Tôi có tiền đầu tư, có bất động sản, có quỹ hưu trí, có bảo hiểm sức khỏe tư. Khi về già, với số tiền tích lũy được tôi vẫn bảo đảm cho cuộc sống của mình!"

Kiều nữ, 29 tuổi, sanh ở Tây Úc, khởi nghiệp làm gái gọi năm 18 tuổi, khi đó em đang là thợ cắt tóc và làm việc cho một hộp đêm. Làm nhiều giờ, lương lại ít... nên nản. Khi hai người bạn lớn tuổi hơn cùng chia phòng với em là công nhân tình dục (sex workers) dắt em vào đời... Em chịu liền!

"Tôi là người rất 'năng động' về đời sống tình dục... nên nghĩ rằng có thể kiếm được nhiều tiền nhờ cái ‘năng động' nầy! Nhưng gia đình lại nghĩ tôi đang làm việc trong lãnh vực tiếp thị... Nếu Tía Má em biết chắc buồn khổ lắm!"

"Tôi không phải là một người phụ nữ gương mẫu kiểu Úc gốc Ý ngoan hiền, lập gia đình rồi có con cái, sống êm đềm trong bốn bức tường."

Khách hàng là những ông tai to mặt lớn, đủ giàu, để trả tiền phòng khách sạn 4 hoặc 5 sao. Đôi khi kiều nữ nầy cũng bay xuyên bang hay ra nước ngoài tới Á Châu, tới Huê Kỳ với khách.

"Những ngày trong tuần tôi làm việc khoảng hai hoặc ba tiếng. Nhưng cuối tuần thì rất bận rộn! Khách hàng thường thích chuyện trò, đi ăn tối chứ không phải luôn là đòi hỏi về 'tù ti'. Suốt ngày ‘quan anh' tiếp xúc nhân viên dưới quyền, nghe toàn là vâng dạ... làm ‘quan anh' chán ngấy lên tới tận cần cổ... Nên muốn nói chuyện với một ai đó dám ‘phản biện' quan anh."

"Làm ít; xít... nhiều tiền! Tuy nhiên nếu quan nào chịu chơi mà không chịu chi thì tôi sôi máu lên! Tôi cự tuyệt thẳng thừng rồi xách 'vốn tự có'... về nhà!"

Tiền kiếm thì nhiều nhưng nghề nầy đã hủy diệt một phần cảm xúc tình yêu. Kỹ nữ có yêu ai không? Có chớ! Đâu phải làm vợ khắp người ta mà trái tim em không hề rung động đâu!

"Tình đầu với một khách hàng dài được 3 năm rưỡi và tôi ngưng đi khách. Nhưng khi quan hệ tan vỡ tôi lại trở về nghề cũ! Tổ cha cái thằng Sở Khanh!"

"Tôi sẽ ngưng đi khách khi tìm đúng được người mình yêu. Tôi là người phụ nữ hơi cổ lỗ trong quan hệ tình cảm; tôi chỉ chấp nhận một vợ một chồng mà thôi(?!)

Làm gái gọi! Đó là sự chọn lựa của tôi!"

Nàng Kiều thứ hai, Amanda Goff, là một ký giả, sau bỏ nghề báo, làm gái gọi với giá 800 đô một giờ. Goff đã 40 tuổi, gây sôi nổi trên dư luận thế giới khi xuất bản một cuốn tự truyện về đời mình: 'Những bí mật của một gái gọi cao cấp!' (The Secrets of a High-Class Call Girl), do nhà Random xuất bản, giá 35 đô. Mại dô!

Hai kiều nữ nói trên coi bộ làm ăn khấm khá nên gáy te te! Tuy nhiên, một nhà khoa bảng, thuộc phân khoa Chánh Trị và Xã Hội Học trường Đại học lại rầy mấy ông anh ham vui (tại mấy ông mới có nghề nầy) như vầy: "Mại dâm làm tổn hại thể chất và phẩm giá của người phụ nữ!" "Phụ nữ không chọn nghề nầy mà là nạn nhân do sự thống trị của phái nam. Đàn ông thường coi người phụ nữ là công cụ để giải quyết nhu cầu sinh lý, lợi dụng tính phụ thuộc của phái nữ. Ta không thấy phái nam đứng đường và phụ nữ dạo xe qua, ngừng lại để mua thân xác của họ!"

Thưa quý độc giả thân mến!

Cái nghề bán phấn buôn hương nầy nó xưa như trái đất. Nước hợp thức hóa; nước không? Tranh luận dài dài, cãi nhau ỏm tỏi... Tui chắc hết thế kỷ tới còn chưa chấm dứt.

Nhưng thường tình trong xã hội là phụ nữ mà bị gọi là tụi bán phấn buôn hương; là bị xúc phạm, bị sỉ nhục tột cùng, hậu quả là sẽ gây ra cơn giận dữ như sóng thần (tsunami!). Có chuyện thật 100% xảy ra như sau:

Kondrat Golubev, 32 tuổi, đi nhậu cùng bạn bè ở một hộp đêm tại thành phố Atyrau, miền Đông nước Kazakhstan. Khi ra ngoài hút thuốc nhìn thấy hai cô gái, chú em mời hai nàng một ly nhưng bị cự tuyệt khá phũ phàng. Em bảo: "Cút đi!"

Trả đũa, Golubev chọc quê hai em rằng: "Có đi khách hay không? Giá bao nhiêu?"

Không chịu nổi sự xúc phạm như thế, một em cung tay đấm một phát vào mặt và con 'dê' nầy ngã lăn ra đất... bất tỉnh. Em chưa đã nư, bồi thêm một cú đá vào bộ chỉ huy 'nhẹ' của chàng ta! Xong cả hai bỏ đi như chẳng có chuyện gì xảy ra cả!

Anatoli Pokrovski, 36 tuổi, đang đứng chờ người bạn gái của mình đi lấy áo khoác, tình cờ nghe tiếng đôi bên cãi nhau, dùng mobile phone ghi lại được trận đấu võ, có nốc ao nầy, rồi đưa cho cảnh sát. Xe cứu thương chở con dê 'khờ' nầy vào bịnh viện. Sau đó, cảnh sát nhận xét rằng: "Thiệt là kinh ngạc! Một cú đấm ra trò! Cô nàng nhỏ nhưng mà có võ. Cách lăng ba vi bộ như thế chứng tỏ người đẹp không phải là một võ sĩ quyền anh nhưng chắc chắn là có học võ và cách động thủ nhanh gọn như thế cho thấy không phải là lần đầu em xuất chiêu đẹp kiểu này." May phước là con ‘dê' nầy không đến nỗi đi chầu ông bà ông vải!

Thưa quý độc giả thân mến!

Để kết bài, người viết xin kể hầu quý độc giả thân mến hai chuyện hổng vui hổng ăn tiền như sau:

Một quý bà là phu nhân của một quý ông thành đạt. Ông bỏ nhà đi suốt vì công chuyện mần ăn. Hai đứa con gái xinh đẹp lại đi học xa. Ở nhà một mình, bà cảm thấy cô đơn lắm nên đến tiệm bán thú cưng mua một con vẹt biết nói về hủ hỉ cho vui! Con vẹt giá 20 đô! Sao rẻ vậy? Ông bán chim nói: "Con vẹt nầy nó từng sống trong một thanh lâu nên khi mở miệng nói toàn là chửi thề và nói những điều bậy bạ không hà nên chẳng ai muốn mua!" "Không sao! Đầu óc tui cởi mở lắm!"

Đem con vẹt về. Mới bước vô nhà nó đã chửi thề nói: "Kỹ viện mới! Má mì mới! Quá đã!" Bà mệnh phụ cải chính: "Nhà tui chớ hổng phải là kỹ viện và tui không phải là 'Má mì'..."

Rồi hai đứa con gái xinh đẹp về thăm nhà. Con vẹt bật lên tiếng chửi thề: "Quá đã! Có hai em mới! Thơm như múi mít!" Hai cô con gái mắc cỡ lên tiếng cải chính: "Ê! Tụi tao không phải là kỹ nữ đâu nha!"

Lúc đó ông chồng bước vào nhà. Con vẹt rất mừng rỡ chửi thề liên tu bất bận: "Kỹ viện mới! Má mì mới! Kỹ nữ mới! Chỉ có khách là cũ!" "Bill! Hổm rày mần ăn ra sao vậy bồ?!"

Chuyện thứ hai là: Cuối năm, một tổ chức từ thiện làm buổi gây quỹ Cây Mùa Xuân, kiếm tiền giúp những người vô gia cư nghèo khổ có chút đỉnh để ăn Tết với người ta. Và cuộc bầu cử tiểu bang sắp tới, mấy chánh trị gia bấy lâu ngủ Đông, lặn mất tiêu, không thấy mặt mũi tròn méo ra sao; lại lục tục xuất hiện tại buổi gây quỹ để ông đi qua, bà đi lại cho tui xin lá phiếu.

Buổi gây quỹ đìu hiu, không ai mở hầu bao cho cắc nào hết ráo vì ai cũng mạt. Một 'Má mì' cai quản hơn một chục kỹ viện, dưới tay có hàng trăm kỹ nữ, làm ăn rất khấm khá, bèn nhảy lên, cầm micro, nói: "Tui xin hiến tặng năm chục ngàn đô!" Bà trưởng ban tổ chức ngần ngại nói: "Dạ tụi tui cần tiền thiệt... Nhưng những đồng tiền nhơ nhớp nầy thiệt không dám..."

Thì một chánh trị gia nổi tiếng ngồi hàng ghế đầu vọt miệng: "Bà cứ nhận đi! Tiền của anh em chúng tôi cả đó mà!"

đoàn xuân thu.

melbourne

 

"Lè phè như Úc?!"

 dxt_oct24_lephe.jpg

 

 

Bảo Huân.

 

Người Việt chúng ta, trước 75, chắc ít có người biết nhiều về nước Úc. Ở đâu? Bao lớn? Dân tình sống ra sao? Rồi sau khi mất nước, bà con mình ồ ạt trốn ra đi, may mắn tấp được vô Bidong, Mã Lai, Galang, Nam Dương, chờ đợi mấy phái đoàn (tùm lum nước) đến để phỏng vấn cho đi định cư ở một nước thứ ba, thì trong đầu thuyền nhân, ai cũng nghĩ trước hết là nước đồng minh đã bỏ ta đi, là Hoa Kỳ?!

Thế nên có chuyện vui là trong giờ học địa lý, Thầy hỏi: "Mặt trăng và Úc Châu; nơi nào xa hơn?" Trò lại trả lời là: "Úc Châu, vì mặt trăng mình còn thấy được đêm đêm!"

Kiến thức về địa lý được một nút (được 1 điểm vì ít nhứt mình còn biết trên quả địa cầu nầy có một nước tên là Úc Châu, một nước mà chiếm trọn một Châu trong năm Châu). Về lịch sử nước Úc, mình cũng bù trất luôn!

"Tí!  Em tìm cho tôi nước Úc trên bản đồ đi" "Dạ thưa thầy! Nó đây!  Quay sang Tèo, thầy hỏi: "Ai tìm ra Úc Châu? Dạ thưa thầy! Trò Tí ạ!"

Thưa quý độc giả thân mến!

Mãi vài năm sau 75, những người tình cờ tiên phuông đến Úc sống! Chu choa sao mà quá đã, lè phè hết biết... nên báo tin vui quá vui cho những người còn ở đảo biết về nước Úc... một đất nước, bia đổ tràn như suối là có thiệt trăm phần trăm chớ không cần phải đến thiên đàng mới có... thì số người Việt của mình đến Úc định cư tăng vùn vụt!

Ngày đầu tiên đặt chân tới Melbourne cách đây hai mươi năm... Từ phi trường Tullamarine, mấy đứa em chở u về nhà ở Coburg, vùng phía bắc Melbourne. Thay đồ, tắm rửa xong xuôi... là nhảy tót ngay lên bàn nhậu ăn mừng ‘tù nhân' đã vượt ngục... chạy thoát tới trời tự do. Quá đã! ‘Welcome to Melbourne!' Lon bia đầu tiên uống là Victoria Bitter (còn nhớ tới giờ); sao mà nó mát lạnh gì đâu... chạy khỏi cổ họng, bia xuống tới đâu là mình biết tới đó!

(Sau nầy, thì thấy cũng hơi lạ mỗi tiểu bang Úc đều uống loại bia khác nhau. Lý do là: Trước khi thành lập liên bang, Úc châu có những tiểu bang riêng lẻ thuộc địa của Anh. Với luật lệ rất khác nhau về sản xuất và tiêu thụ rượu bia.)

(Mãi đến cuối thập niên 1880, hệ thống hỏa xa mới được thiết lập nối liền thủ phủ các tiểu bang Úc; chớ trước đó phải chuyên chở rượu bia bằng tàu. Vận chuyển khó khăn, cước phí cao như vậy nên mấy hãng bia địa phương khó lòng bành trướng nhãn hiệu của mình đến các tiểu bang khác. Dân tiểu bang nào thì uống bia của tiểu bang đó... Riết rồi thói quen tạo thành một truyền thống... từ đời ông, tới cha, tới con, rồi tới cháu! Nhậu hết ráo! Thế nên nếu là dân NSW thì uống Tooheys, Reschs, Hahn. Dân Victoria thì Carlton Draught, Victoria Bitter, Melbourne Bitter! Uống bia loại nào cũng là một hình thức giới thiệu rất dễ thương với dân thổ địa là ‘tại hạ' từ tiểu bang nào mà tiếu ngạo giang hồ, hạ cố tới chơi đây!)

Rồi sau đó, mười năm liền nước Úc hạn hán, những rừng bạch đàn khô nẻ, cháy rừng liên tu bất tận. Hồ chứa Thomson lớn nhứt cho thành phố Melbourne xài, mực nước tụt xuống chỉ còn 19% dung tích. Chánh phủ cấm dùng nước bừa bãi. Người Úc, vốn cực kỳ yêu nước, nghe chánh phủ bảo cái gì đúng cho đất nước là răm rắp tuân theo. ‘Để tiết kiệm nước! Chúng ta hãy uống bia! Save water! Drink beer!'

Nhưng theo dã sử, trước khi khoái uống bia, những người Úc đến từ Anh khoái uống rượu mạnh hơn! Sir John Robertson, năm lần làm Thủ hiến New South Wales, suốt 35 năm, sáng nào ông cũng ‘quất' một pint (hơn nửa lít) rượu rum. Giống như xe cần xăng, ông có ‘rum' mới chạy! Nhậu đã rồi còn nói "đâu phải mình tui! Không có ai đặt chân lên cái xứ nầy mà lại uống nước lã cả!"

Theo thống kê, những người từ Châu Âu đến Úc định cư, tính theo đầu người, uống nhiều, đứng nhứt nhì hơn bất cứ cộng đồng nào khác của nhân loại. So với mẫu quốc Anh, sáng xỉn chiều say; tối ôm chai mà ngủ chắc chắn là Úc ăn đứt nước mẹ quê mình; nếu có thua là thua Boris Yeltsin một Tổng thống xỉn có tiếng của nước Nga thời hậu chế độ cộng sản mà thôi! Vẻ vang dân Úc nhá!

(Ai cũng biết Yeltsin là người uống rượu nhiều. Hơn nữa, chứng nghiện rượu của ông làm vận mệnh thế giới đổi thay!? Xưa thì vận mệnh thế giới trong tay mấy đứa khùng như Hitler, Stalin, Mao... Sau thì trong tay mấy ‘ông thần ve chai' Sao tui thương, tui tội nghiệp thế giới của mình quá bà con ơi!)

Năm 1989, Yeltsin tới Hoa Kỳ để phát biểu về đời sống xã hội và chính trị tại Liên bang Xô viết. Chuyến đi ấy được một bài báo trong tờ La Repubblica, Italia mô tả là thảm họa. Yeltsin thường xuất hiện trong tình trạng say sưa trước công chúng. 

Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã biết được về chứng nghiện rượu của Yeltsin trong cuộc nói chuyện điện thoại đầu tiên của họ khi Yeltsin gọi tới chúc mừng nhân lễ nhậm chức của Clinton năm 1993, Yeltsin khi ấy đang ‘xỉn'. Ông cũng say rượu trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Clinton tại Vancouver. Yeltsin đã rất xỉn quắc cần câu khi ông tới sân bay vào tháng 9, 1994 tới mức ông có thể ngã khỏi máy bay. Trong đêm ấy Yeltsin loạng choạng đi quanh với độc chiếc quần lót và kêu gào đòi bánh pizza. Trong vụ ném bom Kosovo, Yeltsin, rõ ràng đang say rượu, đã đề nghị rằng ông và Clinton nên gặp nhau trên một chiếc tàu ngầm!

Người viết hoàn toàn thông cảm với ông bạn già Boris Yeltsin vì phải bị sống quá lâu trong chế độ cộng sản thì con đường tình ta đi: một là khùng; nếu không muốn khùng thì chỉ có thể uống rượu để tìm quên những nỗi đớn đau...Vì khi xỉn rồi Boris Yeltsin đã tới thế giới đại đồng, không còn áp bức bất công... He he! Vậy thì ngu sao mà không nhậu chớ?!)

Bây giờ người viết may mắn đang sống trong xã hội tư bản giẫy chết, mà mình không muốn chết, chỉ muốn vui thôi! Và cũng theo kinh nghiệm cá nhân của người viết, uống rượu mà xỉn, nó vật mình vặn vẹo, quậy quạng... lôi thôi rắc rối với vợ nhà quá... nên người viết cũng như người Úc từ từ chuyển ‘ton' rượu đế, rượu bọt đường... ra uống bia lon! Nhứt là vào mùa hè trời oi bức, gió từ sa mạc trong đại lục thổi ra, ào ào nóng rát. Uống bia làm cho mình đã khát! Còn không khát, uống trước khi bị khát cho chắc ăn! Để phòng ngừa!

Còn về sức khỏe: "Tui không bao giờ uống nước; vì nước rất độc, chứa rất nhiều vi khuẩn... nó làm cho ống dẫn nước dù làm bằng sắt, bằng gang đi chăng nữa cũng trở nên rỉ sét!"

Thưa quý bạn đọc thân mến!

Người viết cũng xin thành thật tự thú trước bình minh rằng mình đang có vấn đề về bia rượu rồi chăng?! Bằng cớ là: Chưa hề đặt chân vô quán rượu đó... mà tại sao người em xứ Úc dễ thương hết biết, em đi áo mỏng buông hờn tủi, thường hay ló ló ra hai trái bưởi Biên Hòa không vàng khè... mà trăng trắng trong nắng chiều xứ Úc, phục vụ bia bọt lại biết tỏng tên tui?! Danh trấn giang hồ ‘Đông phương bất bại!' Nhậu chưa ai nhậu lại hết trơn he?! 

Người viết sở dĩ uống bia vì bia rẻ hơn nước vậy thôi chớ đâu có ghiền nè! Nhưng có người bạn dang dở đường tình, than thở: ‘Uống để tìm quên!" Thì nghe cũng được đi; nhưng khi dắt người viết đi nhậu để tìm quên... xin nhớ trả tiền trước nghe hông huynh!

Nhập gia tùy tục! Đến xứ Úc mình làm như Úc thôi! Bài bạc, Cá cược và Bia! Gần mực thì đen gần đèn thì sáng! Nên xin phép quý độc giả thân mến kể một câu chuyện vui như vầy:

"Ba đứa đang làm việc trên một tòa cao ốc. Macca, Chook và Simmo. Chook bị trợt chân, té chết ngắc. Khi xe cứu thương chở xác Chook đi khỏi thì Simmo nói: ‘Phải có ai đi báo tin nầy cho vợ nó chớ!' Macca giơ tay xin đi. Hai tiếng đồng hồ sau, Macca quay trở lại vác một thùng bia VB trên vai. ‘Ê bồ! Bia ở đâu ra vậy?' ‘À! Vợ thằng Chook cho tui đó!' ‘Thật không thể nào tin được! Bồ tới nói cho người vợ một tin buồn chồng bà ấy té chết ngắc... vậy mà bà ấy lại cho ông một thùng bia hả?' Macca trả lời: ‘Đúng ra là vợ nó không có cho tui. Chẳng qua là khi gõ cửa, bà ấy ra mở, tui bèn hỏi: "Bà đây có phải là Bà góa phụ của ông Chook hay không?" Vợ Chook trả lời: "Tôi đâu phải là góa phụ!" Vậy là tui nói: "Bà có dám bắt cá với tui một thùng bia không?"'

Dân dã uống bia, quan quyền dù có nhiều tiền hơn cũng uống cùng loại bia như vậy! (Còn ‘chảnh' không chịu; đòi uống cỡ chai rượu chát 700ml Grange Hermitage hơn ba ngàn đô như Thủ hiến NSW Barry O'Farrel là về nhà đuổi gà cho vợ!) Thiệt là một nước Úc bình đẳng; đã san bằng mọi giai cấp trong việc ăn nhậu mà không cần phải ngu để đi làm cách mạng đổ máu; đấu tranh giai cấp làm chi cho chúng nó khi! Bất chiến tự nhiên thành!

Còn quan quyền và dân ngu khu đen làm ăn ra sao thì từ từ tính tới! Mà đất nước Úc nầy thực ra đâu cần mần ăn chi cho nó mệt! Mới đây Úc khám phá ra mỏ dầu trong đá ở Nam Úc, rồi ngoài khơi Tây Úc nữa... Khi nhậu hết tiền, hút dầu lên bán cho Tàu... thì Úc sẽ qua mặt nước Saudi Arabia một cái rột! Giàu tài nguyên đến nỗi chủ chợ, Thủ Tướng Singapore, đất nhỏ thó, con chó nằm còn ló đuôi, cà nanh: "Úc đâu cần làm... Hết tiền, cứ đào mỏ, hút dầu lên bán... là phẻ re như con bò kéo xe!" Hi hi!

Do đó: dân nhậu Úc khi phải đi cày, bị bắt buộc chẳng đặng đừng; thì khóc lóc, thở than là mình bị một lời nguyền từ chính mấy con vợ của mình là: "Úc! Đàn ông không được ở không! Phải kiếm việc làm đi chớ!"

"Không! Không bao giờ! Cứ mặc kệ cho em nguyền rủa! Thiệt là lè phè như Úc!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne




Vũ phu và Vũ nữ!

dxt_Oct5_vuPhu.jpg 

 Tranh Bảo Huân.

 

Thuở còn là tình nhân chắc chúng ta cũng thường hay giận em yêu... hay em yêu giận chúng ta. Chuyện giận hờn hai hôm dài như một tháng... là chuyện thường ngày ở huyện. Mà chúa giận phải nói là phe kẹp tóc. Đó là thuở còn là tình nhân nhưng khi thành vợ chồng rồi (chén trong sóng còn khua huống hồ gì là chồng vợ); lại giận; lại hờn. Nếu cưới vợ mà ngày nào cơm tối cứ về trễ! ‘Ðêm đêm anh đi không về! Để em yêu: ‘Cô đơn trong căn nhà bé!

Tuần trăng mật mới không màng mà cứ mãi đi!" Tù ti hổng chịu mà cứ đi hoài thiệt là ngu nhe! Đêm anh yêu không về thì chỉ một trong hai trường hợp. Ngoại tình hay bị chết dọc đường dọc xá! Em yêu hy vọng anh yêu chết dọc đường dọc xá hơn?!

 

Người Việt chúng ta, con gái lấy chồng thường lựa anh yêu khôn hơn mình; làm cho mình nể... mới yêu... Chính vì có truyền thống chọn đấng lang quân là cây tùng, cây bách như thế nên vợ chồng Việt Nam mình giận nhau thì có... chớ quánh nhau cũng có... nhưng ít lắm. Em nể mình, thì khó mà ‘bạt tai' mình lắm. Còn mình được em tâm phục, khẩu phục thì đâu có rảnh mà ‘đấm đá' em chi để thiên hạ nói có học mà lại du côn!

Ngay cả em yêu đôi khi lầm lỗi như khoái đi đánh tứ sắc chẳng hạn! Mê tướng xanh, tướng đỏ không thèm nấu cơm, nấu nước gì ráo mà chồng quạu lên thì xuống nước nhỏ: ‘Chàng ơi giận thiếp làm chi! Thiếp là cơm nguội phòng khi đói lòng!' Nè cơm nguội ăn đi! Cho bớt giận nha anh!

 

Còn chồng lỡ có thói trăng hoa, về nghe con vợ cằn nhằn, (không biết lỗi tày trời của mình) mà con mắt cứ long lên sòng sọc là em rét: ‘Ví dầu tình có dở dang! Thì xin cho thiếp đò ngang thiếp về'... với Má. Hu hu!  Chớ không phải như con vợ ở xứ Úc nầy đâu nha! Nhậu xỉn xỉn về, bước vô nhà, chân nam đá chân chiêu, lỡ đạp lên ngón cái em có một chút xíu, xức dầu xanh một lát là hết, mà cứ ra rả là bị bạo hành, là đòi ra Tòa li dị... chia con, chia của, chia luôn tiền hưu trí nữa chớ! Chính vì lý do đó mà người viết khoái cưới con vợ Việt Nam hơn!

 

Qua tới cái xứ Úc nầy, ngày nào cũng nghe hoài, phát ớn chè đậu, cái vụ bạo hành gia đình. Chu choa cái xứ văn minh vật chất như vầy mà cái văn hóa vợ chồng của Úc coi bộ nhiều chuyện để đăng báo quá ta. Ở Việt Nam mình hồi xưa đâu thấy có!

Báo đăng là ca sĩ nổi tiếng nầy đánh vợ bầm mặt bầm mày... vân vân và vân vân. Ông nội con nít kia giận vợ, vác súng rượt vợ chạy vòng vòng, bắn cái bùm... hụt... Cho nó sợ chơi!

Nhưng theo người viết được biết, sau vài chục năm ở Úc, thì... đâu phải chỉ có chồng ‘quánh' vợ không... mà vợ ‘quánh' chồng cũng có. Theo một thống kê đáng tin cậy là: 38% nạn nhân bạo hành trong gia đình lại là phái mạnh, tức đàn ông. Thiệt nữ kê tác quái gà mái đá gà cồ! Nhưng lỡ bữa nào bạn đọc thân mến bị em yêu ghen bóng ghen gió mà thọi một cú vô mặt, bầm con mắt bù lạch ăn, giận quá kêu cảnh sát thì nó nghe xong rồi cười hô hố... ‘Ê! chuyện nầy xưa giờ mới thấy nghe!' Làm mình đã quê càng thêm quê xệ!

Kêu cảnh sát bị nó cười vô mặt, mình dằn cơn nóng giận không được, mà cung tay dộng lại cho em một cái, bầm con mắt, đen thùi lùi như trét lọ nghẹ... Em nằm giãy đành đạch... ‘Bớ bà con làng nước ơi! Chồng tui nó quánh tui!' Rồi hàng xóm Úc, ở không, nhiều chuyện, gọi cảnh sát là đời mình cũng tối thui như đêm 30 âm lịch vậy!

Ngay cả đôi khi dộng nó, nó không kêu cảnh sát mà bàng quan thiên hạ biết được làm rùm lên là mình cũng chết giấc. Mới đây tivi, truyền thông bên cái xứ Cờ Hoa thổi tưng bừng cái vụ một danh thủ chơi bóng cà na ‘quánh' vợ.

 

Chuyện như vầy: ngày 15 tháng Hai năm 2014, Ray Rice, 27 tuổi,  sanh ngày 22 Tháng Giêng năm 1987, cầu thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp Hoa Kỳ và vị hôn thê Palmer, 26 tuổi, ‘quánh' nhau trong thang máy ở sòng bài Revel thuộc Atlantic City, tiểu bang New Jersey. 

Theo một đoạn video, ghi lại rất rõ, đưa cho hãng thông tấn AP cho thấy: Hai người chửi nhau, em yêu xấn tới, phun nước miếng vào mặt anh yêu... Anh yêu nổi xung thiên đấm em một phát té xỉu. Anh yêu không hề cố che giấu sự việc nầy. Sau khi Palmer xỉu, Rice kéo Palmer ra khỏi thang máy và có vài nhân viên phục vụ trong khách sạn thấy. Một người nói: ‘Phải bà ấy xỉn không? Không gọi cảnh sát chớ?' Nhưng Rice không trả lời! Tên ‘Rice' vậy là chú em ‘lúa' rồi nhe!

Ngày 27 Tháng Ba năm 2014, một đại bồi thẩm đoàn truy tố Rice tội hành hung nghiêm trọng cấp độ 3 có thể bị xử tù từ 3 tới 5 năm và bị phạt 15 ngàn đô.

Tới giờ phút nầy thì chú em đã thấy chỉ 30 giây dại dột có thể lột một đời.

(Và hai người cưới nhau một ngày sau đó?!)

Một năm lương cầu thủ 4 triệu đô chớ có ít đâu!  Rồi tiền quảng cáo của các nhà tài trợ, tiền bán áo thi đấu. Thất nghiệp là mất bạc chục triệu đô Mỹ và đời em đang huy hoàng sẽ hoang tàn trong ngõ hẹp!

Vì cú đấm nầy, Rice bị cấm hai trận đầu tiên của mùa giải NFL 2014 bắt đầu vào ngày 25 Tháng Bảy. Sau đó tội hình sự nầy đã được hủy bỏ khi Rice đồng ý tham gia một khóa học về bạo hành gia đình để chuyên gia về tâm lý dạy dỗ chú em từ 6 tháng tới 4 năm theo lịnh Tòa. Hú hồn tưởng thoát! Nhưng không!

Vào 8 tây Tháng Chín năm 2014, TMZ (chuyên ngồi lê đôi mách về những nhân vật nổi tiếng) tải thêm một đoạn video dài hơn nữa về việc ‘dộng' bạn tình nầy. Dư luận lại nóng lên như nồi ‘súp de' xe lửa.  Hậu quả là đội Baltimore Ravens đình chỉ hợp đồng vô hạn định với Rice. Hiệp hội bóng bầu dục Hoa Kỳ, NFL (National Football League) cũng cấm Rice thi đấu vô hạn định để tính sau...

 

Hai người điều khiển chương trình Fox News là: Brian Kilmeade và Steve Doocy trực tiếp phát sóng trên truyền hình, nói đùa về cuộc tấn công bạo lực của Rice nhắm vào em yêu. ‘Lần sau đi chung: dùng cầu thang! Vì trong thang máy có máy thâu hình!'

Dân tuốt bên Anh nghe hai chú nầy giỡn chơi lại giận thiệt... Kết tội hai tay nhà đài nầy là hổng có gì vui hơn khi thấy một người phụ nữ bị bạn tình mình đánh đến bất tỉnh. Cần phải xác định rõ ràng bạo hành gia đình không phải là chuyện để đùa cợt. Nó giết hai người phụ nữ mỗi tuần ở Anh và xứ Wales! Rồi hàng trăm nếu không nói hàng ngàn người đang sống trong sự sợ hãi bạn tình của mình. Chúng tôi đã cảnh báo cho ‘Tổ chức Trợ giúp phụ nữ', Women's Aid, về sự nguy hiểm khi xem nhẹ việc ức hiếp nầy. Nói đùa về nạn bạo hành gia đình là tầm thường hóa vấn nạn nầy và vô tình cho phép kẻ bức hiếp cảm thấy rằng hung hãn như vậy vẫn được xã hội chấp nhận!

 

Ai nói làm báo, làm đài, làm truyền thông là tự do ngôn luận, nói gì là nói đâu?! Nói đúng cũng bị chửi mà lỡ trật chút xíu là bị tới tấp vô mặt... Tội nghiệp ghê!

Một ngày sau khi video bị tiết lộ, lúc trước là hôn thê giờ là vợ, Palmer vội lên tiếng bảo vệ chồng, quy tội cho giới truyền thông đã gây đau khổ cho gia đình cô ấy!

‘Đây là cuộc đời của chúng tôi. Chồng tôi làm việc vất vả suốt cuộc đời mới được như vậy! Bây giờ quý vị tính làm chúng tôi thương tổn, làm chúng tôi xấu hổ, làm chúng tôi cảm thấy đơn độc, cướp đi niềm hạnh phúc của gia đình chúng tôi... Vậy là quý vị đã thành công! Nhưng vợ chồng tôi sẽ chứng tỏ cho thế giới biết tình yêu của chúng tôi thực sự như thế nào!'

Bị anh yêu đấm cho một cú đến ngất xỉu hỏi ai không buồn không giận chớ! Nhưng tình em có thể lớn hơn sự căm giận, nên độ lượng tha thứ cho lỗi lầm (dù rất lớn), lần đầu mới xảy ra... Thì  mình cũng có thể hiểu được tâm trạng của người vợ Mỹ nầy.

 

Nhưng dư luận không chịu thứ tha! Những bình luận của độc giả trên các hãng thông tấn lớn như CNN, CBS, Reuter cho thấy: ‘Nó có thể đấm chết cô ấy. Mất việc cũng còn là may mắn lắm!' Cay độc hơn là: ‘Có thể là cô ấy thích thế thì sao?'

Thấy tức tại sao người vợ nầy không chịu làm theo ý mình mà ra mặt binh người chồng vũ phu, có bà còn viết: ‘Người phụ nữ nầy điên rồ! Tại sao lấy thằng chồng vũ phu như vậy chớ! Tại sao vì tiền mà trở thành cái bao cát cho nó dợt võ vậy! Rồi còn đổ thừa tại truyền thông nên ông chồng mới mất việc. Tui hy vọng là nó không được quyền chơi bóng cà na nầy nữa!' Rồi hù dọa: ‘Một ngày nào đó cô em sẽ chết dưới tay nó cho coi!'

Một em khác làm thầy đời, xúi Palmer bỏ chồng cho rồi: ‘Chồng cô xin lỗi dân chúng nhưng không xin lỗi cô! Hắn quên! Hãy đứng bằng đôi chân của mình; tìm một ai đó thương yêu, tôn trọng mình. Đánh tới xỉu như vậy là không tôn trọng. Có khùng mới ở với tay vũ phu nầy. Nó ‘quánh' mình một lần, là quánh tới. Cái đầu không bao giờ là cái chót. Nếu có con, tụi nó nghĩ sao? Đừng đổ tại mình mới ra nông nỗi. Chồng cô! Tại nó hết trơn. Đừng đổ cho giới truyền thông nữa! Con nít coi sẽ nghĩ làm sao. Cha mẹ đánh nhau rồi lớn lên có vợ có chồng chúng sẽ xử sự y như vậy cho coi!'

Rồi mấy nhà tài trợ cũng sợ bị tẩy chay bèn cắt hợp đồng quảng cáo, áo thi đấu của Rice bị rút ra khỏi các cửa hàng bàn lẻ. Một ông chọc quê rằng: Thôi Rice đi quảng cáo cho hãng dược phẩm sản xuất thuốc giảm đau đi! ‘Ê! Tui đánh con vợ tui xỉu! Và tui cho nó một viên thuốc giảm đau ‘Advil' em yêu không cảm thấy đau đớn gì hết nha trong suốt 12 tiếng đồng hồ!'

 

Người viết xin minh xác rõ một điều là cực lực lên án hành động chồng đánh vợ đến xỉu như thế nầy! Làm vậy là ‘hung nô' quá! Nếu em yêu có phun nước miếng vào mặt mình (đó cũng là bạo hành dù không tổn thương về thể chất nhưng bị thương nặng về tâm hồn) không ai thông cảm cho mình đâu! Nếu mình ngu quá mà nổi nóng ăn miếng trả miếng với một con người liễu yếu đào tơ là mình lãnh búa tạ! Vì chữ có câu rằng: Không bao giờ đánh một người phụ nữ dù bằng một cành hoa!

Anh bạn văn của người viết là người điếc không sợ súng, không sợ bị ai chửi, cũng nhẩy vô nói đùa: ‘Chồng ‘quánh' vợ là vũ phu! Vợ ‘quánh' chồng là vũ nữ. Vợ chồng ‘quánh' nhau quần áo rách hết trơn gọi là vũ sexy!' ‘Tui chống vũ phu; chống vũ nữ nhưng nhiệt tình ủng hộ... vũ sexy!'

 

Còn phần người người viết, nếu giận vợ quá, sẽ đánh ‘em yêu' bằng cái lỗ mũi! Hi hi! Êm!

 

đoàn xuân thu.

Melbourne

Quê người!

dxt_sept18_quenha.jpg 



Tranh Bảo Huân

 

The Economist Itelligence Unit mới làm một cuộc khảo sát 140 thành phố trên thế giới thì Melbourne đoạt huy chương vàng, nghĩa là hạng nhứt, với danh hiệu là thành phố đáng sống nhứt trên thế giới với số điểm là 97.5 trên 100.

Nếu coi đây là cuộc đua ngựa Melbourne Cup, tổ chức hàng năm vào Thứ Ba đầu tiên của tháng 11 thì ở mức đến phải cần ‘photo finish'

(Trong một cuộc đua mà có nhiều người tham dự, tới mức đến hầu như cùng một lúc mà mắt thường khó phân biệt ai là người thắng cuộc thì phải cần ảnh chụp để rạch ròi chính xác. Có hình ảnh sờ sờ ra đó làm bằng chứng thì khỏi cãi!)

 

Melbourne hơn anh về nhì 00.1%, là Vienna của Áo được 97.4 chiếm huy chương bạc và Vancouver của Gia Nã Đại 97.3 chiếm huy chương đồng. Còn nói về nội địa chỏi với nhau thì Melbourne cũng hơn Adelaide, tiểu bang Nam Úc hạng 4 với 96.6 và Sydney của tiểu bang New South Wales hạng 7 với 96.1 và Perth của tiểu bang Tây Úc hạn 9 với 95.9. Nghĩa là trong 10 hạng đầu, mấy chú Kangaroo nầy đã chiếm hết 4 rồi.

Người viết giận vợ, buồn tình quá, tính tự vận cho rồi mà nghe thành phố Melbourne mà mình đang ở được bình bầu là thành phố đáng sống nhứt trên thế giới bèn đổi ý, không thèm ngu mà chết vì bị ‘em yêu' xài xể! Sống ở thành phố đáng sống nhứt trên thế giới thì ngu sao mà chết?!

Cái vụ thà chết sướng hơn nầy bây giờ xin dành cho những thành phố hạng bét đi như: Damascus, thủ đô của Syria, cầm đèn đỏ với 30.5 điểm. Kế đó là Dhaka, Đông Hồi (Bangladesh) 38.7 và Port Moreby ở Papua New Guinea và Lagos của Nigeria cùng 38.9 điểm.

 

nhiên trước kết quả rực rỡ tên vàng như vậy thì mấy ông chánh trị gia nhào ra kể công do tui đó à nha!

Trước hết là Thị trưởng Melbourne, Robert Doyle, của Đảng Tự Do ca rằng: huy chương vàng tưởng thưởng cho Melbourne thật là trên cả tuyệt vời. Năm nay chúng tôi sẽ đặt trọng tâm vào an toàn, về phát triển thông minh (bộ ông thị trưởng nghĩ thị dân chúng tôi ngu cả đám hết hay so mà cần phát triển thông minh hả?) và cơ sở hạ tầng; về chăm sóc sức khỏe và giáo dục! Nghĩa là cái gì thành phố do tui làm ‘cha' cũng đậu tối ưu cả! Thôi mình đi nhậu ăn mừng cái đã!

Rồi ông Tiến sĩ Denis Napthine, Thủ hiến tiểu bang Victoria: ‘Đây là bằng chứng rõ ràng những gì chúng ta đang làm cho Melbourne và Victoria thành tiểu bang tốt nhứt trên thế giới!'

Người ta chỉ chấm có thành phố Melbourne thôi mà ông Thủ hiến cố tình gom toàn bộ cái tiểu bang nầy vô; tự ên khen mình cũng number one luôn. Tuyên bố lập lờ như vậy kỳ lắm nghe huynh!

 

Công tâm mà nói về kinh tế thì phải kể tới Sydney trước. Còn về âm nhạc, triển lãm nghệ thuật, sự kiện thể thao như giải Grand Slam về tennis hoặc đua xe Formula 1, đua ngựa thì phải nói tới Melbourne.

Mặc dù trên toàn cõi nước Úc tỉ lệ tội phạm đang gia tăng, nhứt là đang đi nhậu cãi lộn rồi bị đấm một phát rồi ngã lăn ra chết, thì Melbourne tỉ lệ tội sát nhân là 3.1 trên 100 ngàn dân theo thống kê năm 2012/2013. (Nghĩa là 1 triệu dân mỗi năm chỉ có 31 người bị giết, 4 triệu thì hơn 100 nạn nhân mỗi năm, nếu đem so với thủ đô Mexico của nước Mễ Tây Cơ thì số người bị giết nầy có thể chỉ một ngày thôi)

Còn khoe khoang về nhà mầy lớn nhà mầy cao sao bằng nhà tao thì Melbourne có Euroka Tower cao 285 mét chỉ sau Ocean Heights ở Dubai. Thang máy chạy với tốc độ 9 mét một giây đưa bạn lên ngắm cảnh toàn thành phố chỉ chưa tới một phút, như đi hỏa tiễn.

Nhà hàng ăn trên xe điện (xe tram), The Colonial Tramcar Restaurant, đầu bếp 5 sao phục vụ ăn tối, khi xe tram (xe điện) chạy vòng vòng trong thành phố, qua Quốc hội tiểu bang tới bờ Nam rồi ngược về hướng Bắc tới Bourke St.

 

Đây đâu phải lần đầu Melbourne được huy chương vàng đâu mà là lần thứ tư trong bốn năm liên tiếp đó bà con cô bác ơi!  Số thống kê cho thấy phi trường Melbourne mỗi năm tăng thêm 15% du khách người ngoại quốc. Nên bà con cô bác trên thế giới và các tiểu bang khác của nước Úc cứ việc xúm về đây ở cho vui nha!

Mà đâu phải chỉ người ta khoái Melbourne không thôi mà mùa hè khi mặt trời lặn có hơn 60 ngàn con dơi cũng rủ nhau về đậu cho vui trên những cành cây trong công viên nằm giữa thành phố kề bên dòng sông Yarra. Ai bảo dơi không biết đọc báo hè?

Nếu quý độc giả bên Mỹ mà lỡ bữa nào quá chén, chạy đua, quá tốc độ, bị cảnh sát chớp đèn kêu lại phạt thì hãy qua Melbourne mà chạy cho nó đã nha! Melbourne cho phép chạy tới 312 cây số giờ! Bạn nghĩ là trên siêu xa lộ của nước Đức chăng? Không phải!

Ngay tại Melbourne nầy đây, tay đua người Đức, Michael Schuhmacher, đã chạy tới 312 cây số giờ trên đường đua Công thức 1 tại Công viên Albert mà có ai nói gì đâu! Mà còn được hoan hô rùm trời, tay cầm cúp vàng giơ lên, chai sâm banh bành ky nái, xịt rượu văng tùm lum (thiệt là tiếc)... Rồi có hai em sexy, cực kỳ nóng bỏng, nhón gót lên, chìa môi thơm vào má nữa! Khoái nhé!

Nếu quý bạn là thành phần thứ ba, xin hãy đến Melbourne! Chúng tôi yêu những người đồng tính nam và nữ (gays, lesbians) dù hôn nhân với người cùng phái chưa được chánh thức công nhận về mặt luật pháp. Tuy nhiên, Melbourne có một đài phát thanh phục vụ cho họ với 250 tình nguyện viên, đài Joy FM, rất được yêu thích đóng tại Bourke Street. Rồi nhà hàng Blue Train ở Southgate nữa. Vui hết biết!

Còn quý bạn khoái cần sa! Hãy đến Melbourne, đừng đi Amsterdam, Hòa Lan chi cho nó xa. Luật pháp cũng chưa cho phép nhưng nếu bạn dùng ‘bazooka' mà kéo rột rột như bắn thuốc lào thì chả ai nói năng gì sất!

 

Nhưng Melbourne thành lập hồi nào và tại sao có tên đó? Người viết vốn đã nhận nơi nầy làm quê hương dẫu cho khó thương thì cũng nên biết chút chút về người thương mình chớ phải không?

Khám phá năm 1835 do John Batman, nông dân Tasmania, cùng John Pascoe Fawkner thám hiểm tìm ra vùng đất tốt hơn để chăn nuôi và trồng trọt. Melbourne là thành phố lớn của Úc không phải do những người tội phạm từ Anh quốc bị đi đày đến đây thành lập.

(Do đó bạn có lỡ cãi lộn với Úc nói: ‘Ông cố mầy hồi xưa ăn cắp bánh mì bên Anh rồi bị đày qua đây; còn tao là dân đàng hoàng, chỉ tị nạn CS mà tới đây thôi!' Thì xin nói với dân Úc ở thành phố khác đừng nói ở Melbourne nó quạu nó đục mình phù mỏ!)

Melbourne vùng Derbyshire, vốn là tên một làng, quê của Thủ tướng Anh William Lamb (1835- 1841) dưới triều đại của Nữ Hoàng Victoria; nên tên tiểu bang là tên Victoria của Nữ Hoàng; còn thủ phủ tiểu bang thì lấy tên Melbourne. (Cũng xin nhắc nhỏ là ở tiểu bang Florida Hoa Kỳ cũng có một thành phố tên Melbourne nữa đó nha!) Melbourne ngày nay diện tích khoảng 9,900 km vuông gồm nội ô và các vùng phụ cận, có 4 triệu dân, ít dân hơn Sydney (khoảng 4.4 triệu)

Phát triển rầm rộ thời đổ xô đi tìm vàng (Gold Rush) những năm 1850. Thời cực thịnh những năm 1880.

Còn ông chủ thực sự của Melbourne là cộng đồng Koori, thổ dân chỉ còn khoảng 14 ngàn người thôi. Phần còn lại là di dân từ thế kỷ 19! Người Ái Nhĩ Lan, người Anh, người Tàu, người Đức, người Mỹ. Thế kỷ 20, người Ý, người Hy Lạp, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Việt, người Tàu, dân tị nạn từ Đông Âu, Phi Châu và các phần khác của Á Châu.

Ngôn ngữ tiếng Anh, và hơn 100 thứ tiếng khác như là tiếng Quan Thoại, Ý, Hy Lạp và tiếng Việt. Mạnh ai nấy nói tiếng của dân mình!

38% dân Melbourne vốn sanh ra ở nước ngoài đến đây gom thành mỗi khu mỗi khác. Đồ ăn cũng khác; chào hỏi cũng khác và chửi thề cũng khác luôn!

 

Đóng góp vào danh tiếng Melbourne là thành phố đáng sống nhứt trên thế giới phải kể tới công sức của hơn 120 ngàn người Việt đang sống tại thành phố nầy.

Có anh bạn của người viết là cựu tù cải tạo, vượt biên qua được Melbourne định cư mấy chục năm rồi nói: ‘Tui từ địa ngục lên được thiên đàng?!'

Nên có chuyện vui như vầy: ‘Ba người từ địa ngục gọi điện thoại về quê hương bản sở để nhắc bà con nhớ ngày mà cúng giỗ cho mình. Một người Mỹ, và người Úc tốn 100 đô nhưng anh Việt Nam tốn chỉ có 25 xu. Thế nên ông Mỹ, ông Úc than phiền là hổng có công bằng. Quỷ sứ bèn trả lời: ‘Hai ông gọi, tui tính tiền nhiều là vì điện thoại quốc tế. Còn ông Việt Nam nầy gọi là cú gọi địa phương!'

Ý nó muốn nói Việt Nam mình sau 75, dưới sự cai trị của mấy 'quan anh' nó là một địa ngục! Mà cũng đúng! Chính vì vậy mà bà con ta ào ào ra biển, giong thuyền vượt biên hết ráo!

 

đoàn xuân thu

melbourne.

Má Vợ!

 dxt_sept16_MIL.jpg

 

 

1.Má vợ Ta:

Thưa quý bạn đọc thân mến!

Theo từ điển Hán Việt chỉ ra rằng: Nhạc gia là nhà bên vợ, còn Nhạc mẫu: Má vợ. Bài lần nầy xin đề cập đến 3 phần. Phần một: Má vợ Ta. Phần hai: Má vợ Tây và Phần kết: Má vợ tui!

Má vợ là người đẻ ra vợ mình. Khi nói chuyện với 'em yêu' thì chúng ta hay dùng một từ ngữ rất êm đềm là 'Má của em'. Khi nói chuyện với Má ruột của mình mà có chuyện gì đề cập tới bả thì mình gọi là 'Má vợ con'. Còn khi đi nhậu, bù khú, tán dóc với bạn bè thì mình gọi bả là 'Bà già vợ tao!'

Tiếng Việt mình phong phú như vậy đó nên mầy thằng Tây muốn học tiếng Việt để nói chuyện với 'em yêu' của nó... cũng phải bù đầu, bứt hai cái lỗ tai... rồi chịu thua luôn!

Nhưng cũng có một trường hợp ngoại lệ là: cựu Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Virginia Hoa kỳ, Jim Webb, có vợ là người Việt chánh tông, tính ứng cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, dù đã 68 cái xuân xanh, nghe báo chí hải ngoại mình 'lăng xê' ông quá cỡ thợ mộc... vì nếu ổng may mà đắc cử thì người Việt chúng ta sẽ có một Đệ nhứt Phu nhân Hoa kỳ là người Mỹ gốc Việt đó nhe!

Dẫu báo chí nói ông Jim Webb nầy nói tiếng Việt rất sõi nhưng người viết tin rằng ông không cách nào biết được lúc nào dùng 'Nhạc mẫu', lúc nào dùng 'Má vợ', lúc nào dùng 'Bà già vợ' trừ trường hợp ngài Thượng Nghị Sĩ nầy có đi nhậu với tui mà khiêm tốn học hỏi. Hi hi!

Theo luận lý học là trước khi có Má vợ là mình phải có vợ. Mà trước khi có vợ là mình phải có em yêu. May mà có em đời còn dễ thương đến lúc có Má vợ quả là một đoạn đường chiến binh phải ráng mà vượt qua; nhưng là đối với mấy chú: 'Áo vũ cơ hàn', nhà cửa không có phải 'Đêm lạnh chùa hoang' thì khó quá xá là khó... cũng như là lực sĩ chạy vượt rào. Vì sao vậy? Vì má em yêu bao giờ cũng muốn giao con gái cưng của mình vào tay một 'đại gia' chớ nhứt quyết không chịu gả cho một thằng 'Trần Minh khố chuối!'

Hồi cuối thập niên 60, chắc anh em mình, ai cũng nghe trên đài Phát Thanh Sài Gòn, Giáng Thu rền rỉ bài 'Thân phận' của ông Lê Mộng Bảo? Thu hát cho người rằng:"Tối qua có người, đến nhà xin bỏ trầu cau. Ba mẹ đón chào, chuyện hỏi cưới bàn thật lâu. Em buồn em khóc biết bao nhiêu. Nhớ anh và thương anh thật nhiều. Nhưng lòng giận anh mình yêu nhau. Cớ sao không tìm nhau?!"

Em yêu hối lẹ lẹ đi anh, kẻo trễ phà. Vì có thằng 'ôn dịch' nào đó theo Tía má nó đến tính cưới em về làm vợ! Mà nghe thiên hạ nói Tía má nó giàu lắm; có xe Huê Kỳ nên má em ham dù em hỏng chịu... Vậy là:"Me thương em đến bên giường nằm. Hôn trán em thì thầm: Con nhỏ nầy dại ghê đi! Mẹ chọn nơi quyền quý! Người ta thế mà chê?! Nhà họ sang giàu lắm!

Một bước lên xe hơi! Con khỏi phí cuộc đời. Cưng nghe mẹ đi con. Hai lần hai là bốn.  Thực tế vậy là khôn!"

Nghe  'Me em' đem tình ta ra làm toán cộng, thực tế, tính lời tính lỗ; nhưng em cứ lắc đầu quầy quậy. Khóc hoài hai con mắt biếc bị bụp hết trơn: "Vắng anh thấy buồn khóc hoài không ngủ cả đêm. Gió mưa trước thềm đèn le lói càng buồn thêm. Em là con gái yêu hôm nay. Biết sao ngày mai trong cuộc đời. Xin đừng bỏ em đừng xa em dưới cơn mưa trời đêm!"

Nghe Giáng Thu 'xin đừng bỏ em; đừng xa em!' như vầy hỏi không nát lòng sao được?! Thôi thì lỡ sinh ra nhà nghèo, không có của ăn của để, thì mình thì thí công đi ở rể vậy. Nên 'Bước vô nhà Má cái tay con xá; cái cẳng con quỳ. Lòng thương con má xá gì cái thân con!'  Sở dĩ con phải xá Má (vợ) vì dù không có đi học Đại học Khoa học, ban Toán Lý, mà Má em gõ bàn tính rẹt rẹt làm anh cũng nhứt bộ nhứt bái Má em luôn.

Thời gian ở rể thí công dài lắm... dài tới 3 năm. Làm túi bụi; làm đủ thứ ! Từ chẻ củi, gánh nước đêm trăng, nấu rượu lậu, lấy hèm nuôi heo và cắt cỏ cho bò. Vậy mà tới bữa chỉ có cơm trắng và cà... 'Giếng đâu thời dắt anh ra! Kẻo anh chết khát vì cà nhà em!' Sợ tốn, má em bỏ vào cà hơn chục ký muối mà anh vẫn ráng nuốt trợn trắng trợn dọc... dù bác sĩ có khuyên rằng đừng ăn mặn quá coi chừng lên 'tăng xông' máu!

Em thấy anh vì tình ta cực quá cũng thương nên bày kế: 'Đặt cày trước trâu'! 'Khuya nay, đợi Má ngủ say, bò vô với em, mình 'ván đóng thuyền cho chắc nhe anh'. Nhưng cẩn thận: 'Chuột kêu chút chít trong rương. Anh đi cho khéo; đụng giường má hay.'

Lửa gần rơm sao không cháy? Nhứt là trai tráng lửa phừng phừng, còn em rơm đang khô nẻ. Vài tháng sau, thấy me, em thèm... kêu anh hái cho ít trái...là mình kiếm đường vọt! Vô nói với Má em rằng:  'Thưa Bác mệt quá con kham không nổi nữa... xin Bác cho con 'ô rờ lui!' Má em nhìn cái bụng em lúp lúp là hiểu ngay cớ sự bỏ chạy nửa chừng của mình liền hà. Vì con người vốn giỏi toán như Má của em chắc hẳn rất thông minh?!

Chừng đó, vốn mình lấy lại đủ, mà còn lời thằng nhóc ngọa ngậy trong bụng 'em yêu' nữa. Má em nói: "Thôi con về nói anh chị suôi qua đây định ngày lành tháng tốt cho hai đứa... Lẹ lẹ lên kẻo trễ!" Hi hi!

Bây giờ là mình chiếm thế thượng phong rồi... Ngu sao mà không làm eo làm xách để kiếm chút của hồi môn. Thì cũng theo từ điển Hán Việt của ông Thiều Chữ dạy rằng: 'Của hồi môn là tiền của mà người con gái đem theo về nhà chồng.'

Còn nghĩ rằng mình là nam nhi chi chí, tính toán như vậy là bần... thì đừng cưới vợ Việt Nam. Cưới vợ Ấn Độ đi. Má vợ 'Cà ri nị' nầy sẽ bù của cho...mệt nghỉ!

(Của hồi môn mà các cô gái Ấn Độ mang theo về nhà chồng thường là tiền, vàng, đồ gia dụng, đôi khi còn được cha mẹ ruột cho giường ngủ, nhà lầu, xe hơi... trong đó vàng là phổ biến nhất!) Mà sao ngộ nha! Nghe tới vàng là con mắt tui sáng lên, lấp lánh hết biết!

2.Má vợ Tây:

Thưa quý độc giả thân mến!

Đó là bàn về Má vợ Ta. Còn phần nầy là bàn về Má vợ Tây.

Cuối tuần rồi, người viết với một người bạn chí thân đi 'pub' nhậu. Hai đứa đang nói chuyện rôm rả về Má vợ thì Johnny và Tony đang nhậu ở bàn bên thấy vui quá là vui cũng nhào vô nhập bọn!

Anh bạn người viết nói: "Bà già vợ của tui là một 'thiên thần'!" Johnny không hiểu... tưởng chết; 'Xin chúc mừng!' Xong thở than:  'Bà già vợ của tui còn sống mới chết chớ!'

Sau đó nó đem bà già vợ nó ra mà đấu tố: 'Cách đây hai mươi năm tui và bà già vợ tôi đều vui vẻ hạnh phúc. Rồi sau đó tui cưới con gái của bà ấy!'

Rồi: 'Hai mươi năm nay tui chưa hề mở miệng nói một lời nào với bà già vợ của tui hết. Thực ra thì cũng hỏng có cãi lộn, cãi lạo gì đâu. Chẳng qua là tánh của tui không thích ngắt lời người khác. Vậy thôi!'

Chê bà già vợ nói dai như cái giẻ rách rồi còn chê cái từ tâm của 'mẫu hậu' nữa chớ. 'Tôi đau buồn báo cho ông hay rằng Bà già vợ của ông bị nhồi máu cơ tim!' ' Không tin bác sĩ. Bà già vợ tui có tim đâu mà bị nhồi máu chớ!'

Rồi sau đó Johnny còn cà nanh với ông Adam, thủy tổ con người, 'Adam là người sung sướng nhứt trần đời vì ông có vợ là Eva mà không có Bà già vợ!'

Cả bốn đứa lại bàn về tình hình thế giới, về cái tổ chức nhà nước khủng bố Hồi Giáo gì gì đó ở Bắc Irak và Syria giết người như ngóe. Ai ai cũng đều căm giận, lên án bọn ác ôn, mất tính người nầy thì Tony tỉnh bơ nói: 'Mình là Úc không cần phải trả thù tụi khủng bố Hồi Giáo cực đoan nầy mà chi cho bẩn tay...để người khác làm. Ai vậy? Thì thằng nào cũng có năm ba con vợ. Mà năm ba con vợ là có năm ba Bà già vợ. Mình có một thôi mà đã ngất ngư! Tụi nó có năm bảy chắc chắn là nó chết!'

Xong Tony còn kể tội bà già vợ nó như vầy: Mấy hôm trước, Bà già vợ nó đường đột đến nhà, đòi ở chơi năm ba bữa dù là khách không mời mà đến.

'Trước khi bà già vợ tui đến ở chơi, tui đã mang con chó ở nhà đến viên thú y sĩ "Xin ông cắt cái đuôi con chó cho tôi!"  Viên thú y sĩ khám cái đuôi con chó xong rồi nói: 'Cái đuôi chó có bị gì đâu mà ông đòi cắt bỏ?' Tui trả lời ổng là: 'Bà già vợ tôi sẽ đến thăm và tui muốn cho bả biết rằng không có ai trong nhà nầy vẫy... chào... mừng khi bà ấy đến!'

Rồi nó còn trù cho bà già vợ nó lỗ đầu nữa chớ!'Bà già vợ tui đi ngang cái đồng hồ treo trên tường; rồi một phút sau cái đồng hồ mới chịu rớt xuống... nên hụt. Thiệt là đồng hồ 'Made in China' nên bao giờ cũng trễ!'

‘Rồi mấy bữa sau Bà già vợ tui đi dạo trong công viên bị một con chó nó cắn!'

Cả bọn ngừng nhậu, kêu lên: 'Trời ơi! Chó pitbull hả? Rồi có sao không?'Tony trả lời tỉnh rụi: 'Bà già vợ của tui thì không sao? Nhưng con chó thì chết!'

'Rồi mấy hôm sau nữa, theo bả đi chợ, tui ra ngoài hút thuốc, rồi trở vô thấy 6 bà nhẩy vô quánh Bà già vợ tui một trận te tua. Tui đứng nhìn! Ông hàng xóm hỏi:'Sao tui hỏng chịu nhẩy vô chớ! Tui trả lời 6 bà là đủ rồi!'

Rồi có chuyện nầy mới kinh thiên động địa nè: 'Khuya hôm đó, tan ca đêm, mệt nhoài, trời mùa đông lạnh quá. Tui về tới nhà là chui tọt lên lầu, vô phòng ngủ, ôm cái lò sưởi 37 độ rưỡi, 'em yêu', cho ấm. Một tiếng đồng hồ sau, đói bụng, tui bò xuống kiếm cái gì dằn bụng rồi lên ngủ tiếp. Bất ngờ gặp 'em yêu' đang pha cà phê trong bếp! Ủa! Vậy ai ở trên lầu? Em yêu nói: 'Má em mới tới hồi chiều đó!' Trời ơi! Em yêu tức quá; chạy lên lầu cự nự: 'Sao Má không nói gì hết để chồng con nó lầm nó tưởng Má là con?!' Thì Bà già vợ tui trả lời tỉnh rụi như vầy: 'Má đã không thèm nói chuyện với chồng con suốt năm bảy năm nay rồi. Lần nầy con muốn Má mở miệng ra hả! Đừng có hòng!' Hi  hi.'

Anh bạn Tony nầy kể chuyện dóc mà nghe vui hết biết!

3. Má vợ tui:

Johnny và Tony chiếm đài phát thanh, phát liên tục đề tài Bà già vợ của tụi nó hoài coi cũng kỳ... không có vẻ đa văn hóa gì hết nên quay qua người viết hỏi: 'Có đụng chạm gì với Bà già vợ không mà trông cái bản mặt tui dài như mặt ngựa, buồn bã hết biết như vậy?'

'Mấy bạn biết đó gia đình bên vợ tui giàu lắm. Tháng hai rồi ông nội vợ chết để lại cho tui mười ngàn đô. Rồi tháng Tư, bà nội vợ chết để lại cho tui hai chục ngàn đô. Rồi tháng Sáu, ông già vợ chết để lại cho tui bốn chục ngàn đô. Tháng nầy, tui còn Bà già vợ mà Bà già vợ tui chưa chịu chết! Hỏi mấy anh là làm sao tui không buồn cho được chớ!'

Thưa quý độc giả thân mến!

Chuyện nầy vui do tui đặt ra thôi. Nghe qua rồi bỏ xin đừng học tăm học tể với 'em yêu' của tui dùm một cái nha! Xin cám ơn nhiều... nhiều!

Còn với quý bạn đọc nào đồng cảnh tương lân, người viết xin nói rằng:

"Nếu bà già vợ của anh đã chết! Xin chúc mừng anh! Còn nếu bà già vợ anh còn sống, tôi thành thực chúc anh: Thân tâm thường an lạc!"

đoàn xuân thu.

Melbourne 

 VỢ CHỒNG CHỈ MỘT CON ĐƯỜNG MÀ THÔI!

 dxt_sept10_vochong.jpg

Tranh Bảo Huân

 

Một người vợ ngoan, hiền, tốt là người luôn luôn tha thứ cho chồng mỗi khi chính mình làm bậy! Nghĩa là chồng tốt lúc nào cũng sai và vợ ngoan lúc nào cũng trúng...

Có như vậy mới răng long đầu bạc! Đồng tịch đồng sàng, đồng quan đồng quách... Dù tính tình có xung khắc với nhau như nước với lửa; như mèo với chuột, như chó với mèo... nhưng phải ngủ chung giường dẫu thường gấu ó, cắn xé nhau cho đã... Rồi vẫn tiếp tục ngủ chung cho tới chết! Hết!

Nhớ xưa tình mộng: ‘Nếu anh đang ngủ hãy gởi cho em giấc mơ! Nếu anh đang vui hãy gởi cho em nụ cười. Nếu anh đang khóc hãy gởi cho em dòng nước mắt!'

Còn thành vợ thành chồng rồi là đoạn kết chua chát của bài thơ tình thơ mộng: ‘Nếu anh đang trong ‘toilet' thì gởi cho em gì đây?!'

 

Thanh niên, con trai lớn lên ai mà không muốn đắt mèo. Đẹp trai, nói dai (như người viết đây chẳng hạn, hi hi!) Ghệ nhiều vô thiên lủng, hằng hà sa số là chỉ dấu của một dân chơi, một ‘playboy' thứ thiệt! Vào trong phong nhã ra ngoài ‘đào hoa' nhưng nhớ đừng ‘đào mỏ' là được!

Rồi dành dụm chút đỉnh, lấy uy tín, thề không bao giờ giựt chạy, vô hai ba đầu hụi, hốt trước đóng sau, rinh về chiếc Mercedes ‘xì po' hai cửa, đời 2014, cáu cạnh, ruồi đậu té bò lăn, để đưa nàng cửa trước; rước nàng cửa sau... Thỏa chí bình sinh cho một khoảng thời gian đẹp nhứt của đời người. Kẻo sau nầy cưới vợ rồi là phải vào khuôn, vào phép như con chó phải đeo rọ mõm, phải đeo lục lạc leng keng cho vợ biết chồng đang ở đâu (bây giờ thì em dõi theo anh bằng ‘software', phần mềm, định vị mobile anh thường giắt bên hông! Tính cái lớn, như lương anh lãnh bao nhiêu, rắc rối chừng nào, mấy cắc, mấy xu, em còn tính ra tuốt luốt huống hồ là vi tính?!), như con ngựa phải mang hàm thiếc để không được quyền hun hít, chút chít... nọ kia; như con trâu phải kéo cày... kiếm tiền về ‘nộp' cho em đi shop! Nghĩa là không còn là một con người đường đường chính chính nữa mà là lục súc tranh công!

 

Đời người ngắn ngủi! ‘Life is short!' Mà đời đàn ông, con trai độc thân, ong bay bướm lượn tùm lum, tà la, không ai kềm kẹp lại ngắn ngủi hơn gấp nhiều lần! Hu hu! Má ơi! Con muốn trở về nhà mình với má!

Nhưng khi đang bay vu vu, hút mật hết cánh hoa chùm gởi nầy đến cánh hoa chùm gởi khác xui gặp một em nào cao tay ấn là cũng phải thua thôi! Lịch sử Tàu cũng cho biết dân chơi, playboy, như Đường Minh Hoàng cũng phải chịu thiệp Dương Quý Phi! (dù nách em hơi bị hôi!) Huống hồ chi ‘dã dã mình là dân dã?!'

Nhớ thuở xưa! Em đang hẹn hò cũng được ba niên chờ chàng tốt nghiệp đại học xong rồi đôi ta sẽ nên bề gia thất. (Rước dâu bằng xe bò trên cánh đồng quê trơ đầy gốc rạ!) Tuy nhiên bốn năm coi bộ quá chừng lâu...  Rồi một hôm em nôn ‘ọe' (là trước mắt anh thấy toàn là ông kẹ!) Em bèn hối thúc anh về nói với ba mẹ trầu cau, (nhớ mua cái hột xoàn ba ly sáu mà phải một cặp mới được, một chiếc sợ xui cho tình ta chẳng đựợc dài lâu, vợ chồng phải đủ đôi, đủ cặp mới được! Hao chút đỉnh nhưng nói ba mẹ ráng đi?!), đến cưới em! Cứng cạy rồi mà anh không chịu lấy vợ gì hết ráo. Anh không thấy:

‘Trâu kia ăn cỏ bờ ao. Anh mà không vợ đời nào có con? Người ta con trước, con sau. Thân anh không vợ như cau không buồng. Cau không buồng ra tuồng cau đực. Anh không có vợ cực lắm anh ơi! Người ta đi lẻ về đôi. Thân anh đi lẻ về loi một mình'.

Em vẫn biết: Lẻ loi để anh bay một mình cho nó mát râu nhưng anh là con trai một, lại ngần ngừ, trì hoãn chiến, không chịu lập gia đình để có con nối dõi tông đường cho dòng họ là bất hiếu lắm đó nha!

Anh nghe cũng xuôi tai lắm lắm... Nhưng nghĩ mình lấy vợ sơm sớm làm chi cho uổng phí một đời ‘bay bướm, bướm bay' nên cứ lần khân, anh nói: ‘Nhỏ con, vịt đẹt quá, sợ cưới em về không đủ sức... hạnh phúc gối chăn đâu!' Tính kiếm đường chuồn đây!

Thì em đã chỉ rõ ra rằng: ‘Anh chớ thấy anh nhỏ mà rầu! Con ong kia nó bao nhiêu lớn, nó châm bầu bầu thui?'

Rồi để giục thêm, em mới nói rằng: ‘Bởi thương anh nên em mới ốm mới gầy. Cơm ăn chẳng đặng gần đầy ba thu. (Chu choa cơm ăn chẳng đặng gần đầy ba thu mà sao mập thù lù như cái lu vậy?!) Ngó lên trăng sáng sao lu. Thấy anh có nghĩa mấy thu em cũng chờ!'

Em yêu anh chờ anh ba thu là ba năm rồi đó! Thôi mình cưới nhau đi... Em nôn quá hà! (Nghe em nôn! Là đời son trẻ của anh là em đã chuẩn bị đi chôn nó rồi!)

Tranh luận với đàn bà con gái là điều tối kỵ của cánh đàn ông tụi mình! Vì kinh nghiệm tình trường hằng cho biết muốn làm em yêu hài lòng; nếu mình sai thì nhận ngay là mình có lỗi. ‘Anh đang cúi đầu chờ ơn huệ; em rộng lòng tha thứ cho anh!' Còn lỡ mình trúng thì hãy ngậm cái miệng lại nhớ đừng có nói ra nhe!

Cuối cùng thì anh thua vì em nói em đà ốm nghén. Vậy là xong đời trai trẻ! Ngày hôn lễ: ‘Tôi tuyên bố hai bên thành vợ, thành chồng! Giờ thì có thể về nhà, sửa lý lịch tình trạng độc thân của mình trên trang mạng xã hội Facebook hay Twitter đi.'

Đó là ông chủ trì ký hôn thú, Tây gọi là marriage celebrant, nói đó!

Vậy mà tui đâu có chịu nghe lời khuyên hữu lý nầy đâu cứ để nguyên như vậy. Vẫn xẹt qua xẹt lại với Hồng, Lan, Đào... Phấn hàng ngày quen biết tên... Tới một hôm vác cái mặt bầm tím một con mắt vô sở; thằng bạn làm chung hỏi bộ bị tai nạn hả? Đâu có! Chẳng qua là con vợ mới cưới của tui nó tìm được mật mã facebook của tui đó mà.

Vợ Việt ghen dữ như sư tử Hà Đông nhưng so với vợ Tây thì chẳng nhằm nhò gì.

Tội bạo hành gia đình! Tòa hỏi: ‘Sao bà lấy cái ghế đập lên đầu chồng lúc ghen bóng, ghen gió, ghen tuông bậy bạ như thế! Dạ thưa quan Tòa vì cái bàn nặng quá em vác không nổi ạ!'

Mà bà Tây giận chồng cũng phải! Làm chồng: đi quân dịch là thương nòi giống mà truyền giống gì mà yếu xìu lại còn bày đặt... bậy bạ nọ kia nữa chớ! Vợ chồng xem đánh bốc. Chưa hết hiệp nhứt, đúng sáu mươi giây, mà đã có thằng đầu hàng. Chồng nói: ‘Chán thiệt! Cái gì mà yếu xìu như vậy? Đánh đấm chả ra sao! Thiệt là mắc cỡ đàn ông!'

Vợ nói: ‘Giờ thì anh hiểu em rồi đó! Hu hu!'

Không làm tròn bổn phận chánh yếu của đức ông chồng! Vậy mà tối ngày cứ mở miệng ra là ‘còm len': ‘Em không yêu anh gì hết trơn!'

Vợ chỉ năm thằng con: ‘Ê! Hổng lẽ em ‘download' tụi nó xuống từ Google hả?'

Rồi còn chê vợ nhiều chuyện nói không kịp kéo da non, còn bày đặt mỉa mai thân hình bồ tượng như voi của vợ nữa chớ. Ngày yêu anh, em mình hạc xương mai, vóc liễu hao gầy; giờ em lên tới mấy ‘size', mình đầy những mỡ; anh không thương mà anh còn than thở!

Một thương gia lấy tiền đi đầu cơ chứng khoán nhưng thất bại nói với con vợ mập của mình rằng: Em là thương vụ thành công duy nhứt của anh! Đã tăng gấp đôi từ ngày cưới!

Tuần đi làm năm ngày về, hai ngày nghỉ, anh cứ nằm phè ra trên ghế sa lông, tay cầm lon bia VB (Vợ Bồng) nói mùa đông cảm cúm để mà coi ‘World Cup!'

‘Nè! Tui biết bác sĩ khuyên ông nên nằm nghỉ để qua cơn cảm cúm! Nhưng lời khuyên đó cách đây mười năm rồi mà! Sao giờ vẫn còn nằm đây cha nội!'

Suốt cuộc đời anh, từ khi lấy em về chỉ toàn lo ăn với nhậu mà còn đặt chuyện chê con vợ hổng biết nấu ăn gì ráo!

‘Em ghét thằng cha đến nhà mình ăn xin hôm qua quá! Sao vậy? Hôm qua em cho thằng chả một bữa ăn. Hôm nay thằng chả tặng lại em cuốn sách dạy nấu ăn!'

Nghe vậy anh không bênh em, mà chửi cho thằng cha ăn xin bất lịch sự một mách; mà còn nói thằng chả đẻ bọc điều, hên, được em cho ăn mà không bị trúng độc vì có chuyện là: Vợ gọi chồng ở sở: ‘Anh ơi! Em sợ quá! Có một thằng ăn trộm chui vào bếp của nhà mình, lục nồi canh chua cá hú của em nấu ra, thoải mái, rung đùi ngồi húp rột rột!' Nghe vậy anh còn hỏi em là nên gọi cảnh sát cho em hay xe cứu thương cho nó! Anh sợ nó trúng độc canh chua cá hú của em sao?

Rồi có lần em nói: ‘Em mơ thấy anh mua cho em chiếc nhẫn hột xoàn.' Mà anh nỡ lòng nào trả lời là: ‘Còn anh mơ thấy bố em móc ví tiền ra trả!'

Em cũng biết đàn ông thanh niên, ai cũng muốn có một con vợ đẹp, hiểu biết, tiết kiệm, nấu ăn ngon. Nhưng tiếc thay luật pháp nước Úc nầy không cho phép đa thê! Anh biết chứ!

Rồi tuần rồi anh giận em, bỏ đi nhậu suốt chiều hôm tới tối; em nghe đài nói có một thằng cha đang chạy xe ngược chiều, ‘wrong way' trên xa lộ gần nhà mình, em lo cho anh bèn gọi báo! Vậy mà anh trả lời rằng: ‘Đâu phải một chiếc mà hàng trăm chiếc đó chớ!'

‘Làm em hết hồn luôn! Tưởng thằng ngu đó là anh! Đừng làm vậy; chờ em mua bảo hiểm nhân thọ cho anh rồi hãy ‘wrong way' cũng chưa muộn mà phải không anh yêu!'

Anh còn đến gặp một người hành khất: Ông ấy xin: ‘Hãy cho tôi thức ăn! Tui sẽ mua rượu Vodka và thuốc hút cho ông. Không! Tôi không nhậu; Tôi không hút thuốc! Vậy tui dắt ông đi kéo máy! Không, tôi không cờ bạc. Vậy tui kiếm cho ông một con ghệ. Không, tôi không gái gú! Tôi chỉ biết yêu vợ tôi thôi!

OK! Tui sẽ mua đồ ăn cho ông nhưng trước hết ông phải đi về gặp con vợ tui cái đã. Chi vậy? À! tui muốn cho bả chứng kiến tận mắt là: ‘Đàn ông không rượu chè, hút xách, cờ bạc, gái gú thì số phận sẽ thân tàn ma dại như thế đấy!'

Em biết anh đặt chuyện để xỏ xiên em và để biện minh cho cái thói nhậu nhẹt, hút xách, cờ bạc, gái gú của anh đó mà thôi!

Em biết hết nhưng thân em, lỡ ván đã đóng thuyền rồi, gỡ ra còn dấu đinh anh hỉ?! Dám anh lại bảo là em cứ mua ‘chai' về mà trét, thì kín lại liền lắm đa!

Để kết luận là: Khi mới yêu thì khác; khi đã là vợ chồng rồi thì ai ai cũng chỉ một con đường mà thôi!

 

đoàn xuân thu

melbourne

Cưới Vợ!

 dxt_sept4_cuoivo.jpg

  

 

Thưa quý bạn đọc thân mến!

Bàn về tình yêu và hôn nhân, người viết lại nhớ lời ông Thủ Tướng Đài Loan, Tôn Vận Tuyền, đã dạy con trai rằng:

'Trên đời không phải không có người nào mà không thể thay thế được, không có vật gì mà nhất định mình phải sở hữu được. Con nên hiểu rõ ở điểm này. Nếu mai sau rủi người bạn đời không còn muốn cùng con chung sống, hoặc giả con vừa mất đi những gì trân quý nhất trong đời, thì con nên hiểu rằng: Đây cũng không phải là chuyện lớn lao gì cho lắm!

Trên đời này chẳng hề có chuyện yêu thương bất diệt. Ái tình chỉ qua là một cảm xúc nhất thời. Cảm giác này tuyệt đối sẽ theo thời gian, hoàn cảnh mà thay đổi. Nếu người yêu rời xa con, hãy nhẫn nại chờ đợi, để thời gian từ từ gột rửa, để tâm tư mình dần dần lắng đọng thì nỗi đau thương cũng sẽ từ từ nhạt nhòa đi. Không nên cứ ôm ấp hoài niệm mãi cái ảo ảnh yêu thương, cũng không nên quá bi lụy vì tình!'

Nhớ là ông cha mình cũng dạy rằng: 'huynh đệ như thủ túc mà phu thê như y phục!'. Anh em mình đều là máu thịt của cha mẹ mình. Lỡ mình có đói khổ cũng quay lại nhờ vả được chút chút. Mượn tiền tiêu vặt hay ăn chực một hai bữa cơm thì tình anh em hông ai lại nỡ chối từ trừ trường hợp thằng em mình là một thằng lựu đạn!

Do thằng đàn ông nào trước khi cưới vợ đều có vài mối tình lặt vặt vắt vai. Rồi sau đó chia tay mạnh ai nấy bay... có chết thằng Tây nào đâu... đôi khi lấy nhau rồi nó còn bỏ mình chạy theo thằng khác nữa kìa. Cho nên người ta mới nói: Phu thê là y phục là vậy. Áo quần cũ mình đem cho từ thiện, đi David Jones mua quần áo mới mặc, chắc chắn là 'chiến' hơn rồi!

Phải chi hồi xưa mình nghe được lời khuyên chí lý của 'Tôn xếnh xáng' nầy thì mình vẫn còn độc thân tại chỗ chớ đâu có cái phận chim hót trong lồng nầy đâu!

Muộn rồi! Thuyền đã ra cửa biển! Vậy mà thiên hạ nhứt là mấy chú nhỏ cứ cắm đầu theo bước người xưa mới chết chớ!

Bằng cớ là đầu tháng 9, hằng năm, Melbourne mùa Đông đã cuốn  gói 'dông'; mùa Xuân trên đất trời phương Nam, nằm dưới chùm sao thập giá này ấm lại; chồi non, lá 'nhú nhú' xanh. Mùa cưới! Mùa của sinh sôi, nẩy và... nở!

Ông bạn già của người viết bất ngờ khệ nệ mang một chai rượu Jack's Daniel và một hộp takeaway phao câu vịt đến nhà để hai đứa bù khú... nhân dịp em yêu đang giận lẫy, ôm đồ về nhà bà già vợ mấy hôm nay. Chuyện nhỏ! Lâu lâu cũng cho phép tình ta lạnh và nhạt một chút... Em yêu hết giận thì em bò về... Mình bỏ tình ta vô 'microwave' hâm... nó nóng; thêm chút muối...thì tình ta nồng ấm và mặn mòi lại mấy hồi!

Thấy anh bạn văn đến tham vấn vụ cưới vợ cho thằng con, người viết tự hỏi tại sao hồi xưa Lưu Bị tam cố thảo lư tới ba lần mới làm Khổng Minh mở miệng nhận làm quân sư quạt mo! Hay có lẽ lúc đó Lưu Bị móc bọc, hỏng có tiền mua rượu Jack's Daniel và hộp phao câu vịt nên mới bị Khổng Minh làm mình làm mẩy.. đày đi tới đi lui cho muốn rụng cặp giò!

Người viết hỏng có cà chớn chống xâm lăng như Khổng Minh đâu! Được anh bạn đến vấn kế, tham khảo ý kiến... thiệt cũng khoái giống như Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger mà Tổng thống Richard Nixon làm cái gì cũng phải hỏi! Người viết bèn đem hết cái sở học, có cái bằng 'đút rơm trâu ăn mê' và kiến thức đầy mình để đáp lại tấm lòng tri ngộ bạn đã biết tới tài ta! Nhứt định không cố vấn ngu như Kissinger khuyên Nixon bỏ Việt Nam đi mà đi chộp lấy chú Ba Tàu!

Anh bạn, tháng tới sẽ cưới vợ cho con trai thì ngày hôn lễ mình làm cái gì cho phải phép để bên đàng gái nó hỏng cười tui khoe là bạn nhà văn nhà báo mà hỏng biết gì hết ráo...? Phần mất mặt tui rồi xấu hổ lây tới anh luôn đó!

Nghe ảnh gài triệt buộc nên người viết ráng tầm chương trích cú mà cố vấn cho ảnh kẻo mất mặt bầu cua cả đám!

'Về hỏi con anh, có thực tình yêu con 'ghệ' nó tha thiết hay không? Vì hôn nhân là một việc rất quan trọng; khi đã ký vô tờ giấy hôn thú rồi muốn rút ra; đôi khi hao phân nửa cái nhà... vài trăm ngàn đô... chớ có ít ỏi đâu nha!'

'Tụi nó đã sống thử năm, bảy năm nay rồi thì còn chắc lép gì nữa anh!'

'Chớ hồi xưa anh cưới chị nhà ra làm sao thì chỉ đại cho rồi để tui cứ vậy mà 'cọp dê', chớ rào trước đón sau gì cho nó mất thời giờ vàng ngọc?'

'Tui hả? Hồi xưa có cưới hỏi gì đâu. Bà già vợ tui đâu có chịu gả cho cái thằng ma cà bông, ăn ở không rồi đi nói dóc! Hỏng chịu gả... Hai đứa tui chống xuồng trốn đi; rồi có thằng 'cu'... tui dắt em yêu về nói: 'Bác ơi bác không chịu gả con gái Bác cho con thì: Con gái và cháu ngoại của bác nè. Xin trả lại cho bác đó. Bà già vợ tui trầm ngâm suy nghĩ rồi nói: 'Tanh bành tí bị hết ráo! Tao lấy lại làm gì! Thôi kêu Bác bằng Má đi con! 'Ê thằng nhóc kia lại bà ngoại biểu!' Hi hi! Khỏe re!'

'Chớ không chơi cái chiêu thú phạt nầy thì tiền đâu mà lo cho nổi cái lục lễ nầy đó anh. Nào là: Lễ nạp thái:  phải mang sang nhà gái một cặp "nhạn" (hai con gà trống thiến, mập ú nu) để tỏ ý là đã kén chọn nơi ấy. Lễ vấn danh: nhờ ông mai bà mối đến hỏi tên tuổi và ngày sinh tháng đẻ của em yêu. (Coi chừng ông mai nầy nha, hứa cho thằng chả cái đầu heo thì nhớ đừng có mượn đầu heo nấu cháo, thằng chả giận: Cây oằn vì bởi trái sai! Xa em vì bởi ông mai lắm lời! Làm ông mai cái cần nói thì nói đừng có 'đía' tùm lum người ta không chịu gả thì đôi ngã đôi ta! Tội nghiệp cho đôi trẻ đầu xanh). Rồi Dần, Thân, Tỵ, Hợi tứ hành xung nữa; dù ngày nào cũng là ngày của Trời; lại tin dị đoan, nên mới bày ra Lễ nạp cát: coi tuổi, kẻo giữa chừng gãy cái (đòn) gánh tình ta.

Xong là tiền đâu, móc xỉa nên có cái Lễ nạp tệ: là sính lễ vàng bạc, hột xoàn ba ly mốt, ba ly hai (chiếc đực, chiếc cái nữa). Rồi Lễ thỉnh kỳ: xin định ngày giờ để rước dâu. Và sau cùng là Lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới): đúng ngày giờ đã định, họ nhà trai mang lễ đến để rước dâu về.

Tùm lum lễ! Mà mấy ông già xưa, ỷ mình sống lâu lên lão làng, làm trưởng tộc bên đàng gái bày đặt kiếm chuyện Nho đùm... ra vẻ ta đây... để hành hạ đàng trai chơi cho biết thế nào là lễ độ! Thiệt là rầu hết biết!

Ông Phi Vân có thuật trong một truyện ngắn làm tay nào hồi xưa muốn cưới vợ đều lạnh xương sống hết trơn. Đi rước dâu phải dầm mưa chờ cho tới giờ hoàng đạo mới được, bắt lỗi, bắt phải từng li từng tí. Rước cô dâu xuống 'vỏ lãi' chuẩn bị dông cho kịp con nước... mà đàng gái còn ráng rượt theo: 'Còn lễ "trao thân gởi mình", sao không làm hử? Đàng trai trả lời: 'Trao thân... Cái con khỉ mốc!' Anh tài công tàu giựt chuông mở máy...vọt!'

Rồi đêm động phòng hoa chúc, hợp cẩn giao bôi xong, chú rể nằm thẳng cẳng, ngay cán cuốc vì mệt quá! Bị đàng gái hành hạ quá chừng! Sức trâu nào mà chịu cho thấu chớ!

Tờ mờ sáng sau đêm tân hôn, bỗng nghe tiếng cô dâu khóc ồ ồ như bò rống. Chú rể giựt mình tá hỏa tam tinh: 'Gì nữa đây hở trời? Hết ba má nó rồi tới nó... hỏng biết nhà nầy có bị 'tửng từng tưng' hông nữa? Bèn lồm cồm tuột xuống giường cái rột, đỡ em lên: 'Có chuyện gì vậy cưng? Nói anh nghe!'

'Hu hu em biết 'đã' như vậy... thì em đã can Tía Má đừng làm quá... để dưỡng sức cho anh! Còn bây giờ hư bột hư đường hết ráo!'

Hồi xưa hủ tục: Của hồi môn, tiền bạc, vàng vòng... mai mối, lục lễ tùm lum còn bây giờ thời buổi văn minh, chế bớt rồi, khỏi mất đầu heo cho mai mối nó xơi! Nếu hai đứa chịu đèn là cứ chớp. Cái khác là: Xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đó bây giờ con đặt đâu cha mẹ ngồi đó anh ơi!

Nói chuyện xưa chút chút thôi còn bây giờ, mình bàn về tiền để lo đám cưới trước đi! Đám cưới cũng phải làm rình rang một chút cho gia đình bên đàng gái nở mặt nở mày. Con của người ta nuôi từ ẵm ngửa tới khi lớn chồng ngồng về kêu hai ông bà già nầy bằng ba, bằng má... mình không có 9 tháng cưu mang, 3 năm bú mớm thì tốn chút đỉnh; đừng có hà tiện... kẻo thiên hạ chê mình là người keo kiệt. Lỡ làm cu li có đồng nào xào đồng nầy thì tiền kiếm đâu ra? Năm ba chục ngàn đô cho bốn, năm trăm khách thì cứ vô hụi, rồi hốt liền... Xong xuôi, lấy tiền đi đám cưới của khách mời mà từ từ đóng lại cho người ta! Đừng giựt chạy là được.

(Chính vì đám cưới hao quá, Úc chỉ tặng quà, hai ba chục đô... nên nhiều cặp vợ chồng Úc cứ sống với nhau mà không tổ chức đám cưới chi cho nó hao! Vì vậy mình cũng hạn chế mời khách Úc nha; vì mời... nó ăn nhiều, đi ít; chắc mẻm là mình lỗ sở hụi. Chỉ duy một trường hợp ngoại lệ duy nhứt là con nhỏ tóc vàng đó là người xưa; mình bao em ăn lần chót để em biết là giờ anh đã chim vào lồng; như cá cắn câu để em đừng có tưởng anh còn độc thân; cứ bẹo hình bẹo dạng... vợ anh ghen!)

'Mấy hôm trước ngày hôn lễ nói con trai anh nên lè phè, ăn rồi ngủ. Bỏ cái thói đi chơi đêm tới hai ba giờ sáng mới bò về... Vì cần dành sức cho ngày cưới; giống như cầu thủ trước khi tranh trận chung kết World Cup phải giữ gìn sức khỏe. Bằng không thì  'đêm động phòng hoa chúc... đuốc hoa còn đó;  mặc nàng nằm trơ'...vì chàng xỉn quá... coi mất mặt bầu cua lắm nha con!'

Ngày cưới, phải chọn thằng phù rể nào có tửu lượng như trâu ẩm uống thế; khi đôi tân lang và tân giai nhân đi chào từng bàn để gom phong bì mà trả nợ. Đây là chuyện cực kỳ quan trọng chẳng thể nào quên. Bởi hỏng có tiền đóng hụi, thằng chủ hụi nó kêu xã hội đen xử đẹp thì Tía con mình cũng chết!

Còn điều cũng rất quan trọng nữa là: Đi bất cứ đâu luôn luôn để thằng phù rể đứng một bên, mình làm cục nhưn đứng giữa, rồi mới tới cô dâu! Nhớ đừng cho hai đứa 'xáp' lại gần nhau. Lỡ thằng phù rể uống dùm nhiều quá; trông gà hóa cuốc nó tưởng chính nó mới là chú rể, bốc hốt tùm lum... thì mất tình nghĩa bạn bè lắm nha! Cho dù sau đó nó thề bán mạng, xin lỗi là bữa đó tại tao say quá!

Phần đám phù dâu, chắc cũng có đứa hấp dẫn không thua vợ mình chút nào... mà đôi khi có đứa còn dám đẹp hơn em yêu nữa. Tới giờ phút nầy rồi mọi chọn lựa đều đã trễ tràng. Nếu có thèm nhiễu nước miếng đi chăng nữa cũng rán vén lên! Đừng tìm cách cọ quẹt mà chi! Hãy để đó... từ từ mình sẽ tính sau.

'Ngày cưới, ngày vui sẽ qua mau! Ngày sóng gió đang chờ con trước mặt!

Tin Tía đi con!'

 

đoàn xuân thu.

melbourne

Father's Day! Ngày của Tía!

dxt_Aug28_dad.jpg 

                                                       

 

Father's Day là một danh từ tiếng Anh. Khác với tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Tàu có một điểm giống nhau là: tính từ, tiếng bổ nghĩa cho danh từ thường đi đằng trước. Thế nên Father's Day chữ Father cũng chỉ là một tính từ bổ nghĩa cho danh từ Day. Sau Father có 'phẩy' rồi thêm 'ếch' nữa nghĩa là của. Nên Father's Day là ngày của ai làm Tía, làm Cha, làm Bố...

Em yêu của người viết là người thông tuệ, thiên văn trên trời; địa lý dưới đất em rành hết ráo... bèn dịch chữ nầy như vầy: Father's Day là Ngày của Tía nó! Đúng hỏng cãi vào đâu cho được!

Theo văn phạm tiếng Anh, trong chữ Father's Day, Father đóng vai phụ; mà ngoài đời cũng vai kép nhì, sau Mother trong văn thơ Tây cũng như Ta!

Thưa quý độc giả thân mến!

Có thể là quý vị cho người viết nói như vậy làm làm giảm giá trị của bực làm cha sao? Vì tiếng Việt mình cũng thường hay dùng cái chữ 'làm cha' như: 'Thôi đừng làm cha nữa!' (để chỉ đứa nào cà chớn, dám chơi gác mình hoài!) 'Cha'... một từ cực kỳ quan trọng cho sự tồn vong của nhân loại! Hỏng có nó là hỏng có đứa nào được Má đẻ ra, hỏng có đứa nào là con ráo trọi!

Hỏng phải cà nanh nhưng bàn sâu, bàn xa hơn; bàn rốt, bàn ráo thì tình thương của con cái dành cho hai bậc sinh thành kìa: Má bao giờ cũng ngon hơn Tía! Có người nhận xét là con trai thương Mẹ; còn con gái thương cha?! Phải vậy hông?

Ông Y Vân hồi còn nghèo, một hôm, trời đã khuya, thấy má mình mang bộ đồ ăn nói duy nhứt của mình ra 'phông tên' công cộng giặt; để sáng mai có quần áo mặc mà đi làm... bèn xúc cảm 'tối tác' (vì ông viết vào buổi tối) bản nhạc mà chắc người Việt Nam mình ai cũng biết, cũng thuộc vài câu như: "Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào! Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào!"

Rồi từ đó, ông nhạc sĩ khác thấy Má có rồi mà Ba chưa có bài nào coi sao đặng, bèn sáng tác: "Tình Cha ấm áp như vầng Thái Dương! Ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn. Suốt đời vì con gian nan. Ân tình đậm sâu bao nhiêu. Cha hỡi! Cha già dấu yêu!"

Bà con mình thường hay nói trễ còn hơn không! Chu choa! Cha già rồi nó mới kêu réo: "Cha hỡi! Cha già dấu yêu!"

Việt Nam mình là vậy rồi nhưng mấy đứa con Mỹ suy cho cùng cũng không khác gì lắm đâu.

Đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ đã có Anna Jarvis đề xướng ngày Mother's Day, ngày Từ mẫu, ở Grafton, West Virginia rồi mấy Mục sư giảng đạo trong nhà thờ, qua bài giảng, truyền cảm hứng xuống cho Sonora Smart Dodd. Năm 1910, ngày lễ Father's Day do Sonora Smart Dodd, sanh ra ở Arkansas, tổ chức ở Spokane, tiểu bang Washington vào ngày 19 tháng 6 năm 1910. Ba cô ấy là một cựu chiến binh đã tham gia cuộc nội chiến ở Hoa Kỳ, William Jackson Smart, là một người cha đơn thân đã một mình nuôi dạy 6 đứa con mình nên người trong khi mẹ cô đã mất. Điều nầy rất đặc biệt, rất đáng được vinh danh vì lúc đó nhiều người chết vợ đã giao con mình cho người khác nuôi dưỡng để mình nhanh chóng đi thêm vài bước nữa... cho nó đã. Mới đầu cô đề nghị tổ chức vào ngày 5 tháng 6 là ngày sinh nhựt của phụ thân mình nhưng các mục sư không đủ thời gian soạn bài giảng nên đề nghị hoãn lại tới ngày Chủ Nhựt thứ 3 của tháng 6 năm đó, rơi vào ngày 19 tháng 6 được mọi người đồng ý.

Sau đó nhiều năm, ngày nầy được ưa chuộng trên toàn Bắc Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.

Nhưng hai năm trước đó, Grace Golden Clayton đã tổ chức lễ Father's Day vào ngày 5 tháng 7 năm 1908 ở Fairmont, West Virginia rồi. Đó mới chính là Lễ Father's Day đầu tiên trên đất Mỹ.

Grace Golden Clayton tưởng niệm ba cô đã qua đời trong thảm kịch nổ hầm mỏ kinh hoàng nhứt trong lịch sử nước Mỹ, xảy ra vào ngày 6 tháng Chạp năm 1907 tại Monongah đã làm chết 361 người, 250 người là cha (đa số là di dân gốc Ý mới đến); bỏ lại hàng ngàn đứa trẻ mồ côi. Chỉ có một người may mắn sống sót, John Tomko, là di dân đến từ Hungary. Clayton đề nghị Mục sư Robert Thomas Webb vinh danh những người cha nầy!

Mãi đến năm 1972, Tổng Thống Mỹ, Richard Nixon, ký luật Father's Day thành ngày lễ toàn quốc mỗi năm.

Nước Mỹ là vậy nhưng Úc thì khác. Ngày Father's Day của Úc là ngày Chủ Nhựt đầu tiên của tháng 9, khi mùa Xuân tới!

Dân Úc bày tỏ lòng biết ơn đối với thân phụ của mình! Được 'ăn theo' có cha ghẻ, cha vợ, cha chồng, cha nuôi, cha đỡ đầu... Ai được kêu là Cha, là Ba, là Bố, là Tía là đều có phần hết trơn!

Father's Day thì Úc làm gì? Ra công viên, xúm nhau lại ăn thịt nướng, uống bia. Đi xem phim. Đi sở thú. Hay đến nơi vui chơi nào đó. Quà: giỏ kẹo bánh, sô cô la, quần áo, dụng cụ để giải trí hay phiếu mua hàng. Còn làm biếng hay không biết nấu ăn thì dẫn thân phụ mình cùng cả gia đình đi ăn sáng, ăn trưa, ăn tối ở nhà hàng cho tụi nó có cơ hội nầy mà xắt đẹp! Năm có một lần mà rộng rãi chút đi!

Còn con cái ở xa thì gởi thiệp mua hay tự tay làm lấy hay gọi điện thăm hỏi. Nhưng quan trọng nhứt là nhớ gởi kèm thêm cho Tía cái 'Money order' nha bây!

Tạp chí, nguyệt san đăng những câu chuyện hay, cảm động về tình phụ tử! In lên báo giấy, đăng trên online. Truyền hình, radio cũng có nhiều chương trình đặc biệt.

Father's Day không phải là ngày lễ chánh thức để người đi làm được nghỉ ở Úc. Tuy vậy, nó rớt vào Chủ Nhựt đầu tiên của tháng 9, công nhân nghỉ. Trái lại, nhiều shop, nhà hàng, chỗ vui chơi, lại rất bận rộn... kiếm tiền!

Nhưng tại sao Father's Day của Úc lại khác ngày với của Mỹ? Làm như Mỹ rớt vào tháng 6 trời lạnh quéo râu... ăn mừng cái gì? Nên chờ tới tháng 9 ở Úc là mùa xuân, thời tiết không diễn biến bất thường, trời ấm lên, tuyệt vời cho một bữa thịt nướng BBQ, đi picnic hay đi dã ngoại!

Ăn chơi là chánh... nhưng về tinh thần Father's Day là quan hệ của cha con, chồng vợ cùng vui trong bếp lửa mùa Xuân, mái ấm gia đình!

'Tía thường chơi đùa với anh em tôi trên thảm cỏ trước nhà. Má bước ra rầy: 'Tía con ông dẫm nát cỏ hết hết trơn!' Tía cười hè hè đáp lại rằng: 'Vợ chồng mình nuôi con chớ đâu nuôi cỏ phải không em' Và Má ngọng! Thiệt Tía tui thông minh hết biết!'

'Trong ví của Tía không có tiền; mà chỉ có hình ảnh Má và tụi con. Còn trong ví của Má thì cũng có hình nhưng là hình của ông Benjamin Franklin trên tờ 100 đô la Mỹ!'

Tía thường hay than thở: 'Thấy con mình ngày một lớn, sắp bay vào đời, xa tui...Tui buồn muốn chết. Nhưng có cái lạ là tui còn buồn hơn nữa là nếu tụi nó hỏng chịu lớn... mà cứ theo xin tiền hoài! Hu hu!'

Ông nội cũng thường dạy bảo Tía rằng: 'Đừng có con! Nếu mình không thể làm cha!' Đúng vậy! Mình không muốn cực thân làm rồi còn lo nuôi dạy thì đừng đẻ nó ra chi... để cho nó đi phá làng phá xóm!

Nhưng Tía tui rất thích làm Tía và là một người can đảm. Tía nói: 'Nhứt con nhì của! Nhiều con có phước hơn là giàu!'

'Đẻ nhiều làm sao lo cho xuể. Nuôi một đứa nhỏ ở Úc nầy từ khi nó đỏ hỏn đến năm 18 tuổi bay đi, là hao tới 250 ngàn đô la đó!' Má nói vậy! Tía cười hè hè: 'Trời sanh voi; trời sanh cỏ! Nước Úc nầy có ai chết đói đâu mà sợ chớ!' Nên Tía muốn Má 'can đảm' thêm vài lần nữa nhưng Má không chịu! Tía bèn tính 'can đảm' với người khác nhưng Má cũng hỏng chịu luôn! 'Mình hỏng muốn 'can đảm' làm thì để cho người khác 'can đảm' với chớ!' Tía nói vậy!

Nói chơi vậy; chớ đẻ ra là dễ, nuôi ăn cũng dễ luôn; nhưng dạy mới là khó lắm! Người ta nói một người cha bằng ba trăm ông thầy nhập lại mà! Rồi bà con cũng thường quy trách nhiệm rằng: 'Nếu con hư thì đè ông già tía nó xuống mà lấy roi phết vô đít!'

Dạy con, con nên người; được con yêu mến mình, được nghe câu nói nầy của một đứa con gái ôi thôi quá đã! Nghệ thuật nịnh của nó thuộc vào hàng thượng thừa rồi:

'Tía ơi! Ngày nào đó con sẽ tìm được Hoàng tử của lòng con nhưng bao giờ, mãi mãi Tía cũng là vua!'

Đó là con ngoan, còn nó mà chịu quậy rồi thì Tía của Tía cũng chết. Nên mới có câu chuyện như thế nầy: Một người cha đi ngang phòng ngủ của con gái mình thấy cửa mở. Nhìn vô thấy giường nệm sạch sẽ, phẳng phiu không bừa bãi như mọi khi. Trên chiếc gối lại có một phong thư, ngoài bìa đề: Gởi Tía! Linh cảm chuyện chẳng lành, Tía run rẩy mở bì thơ ra đọc. Nó viết như vầy: Tía yêu dấu!

Con rất lấy làm tiếc và buồn bã viết thơ nầy cho Tía biết là con đã ra đi! Con trốn theo Sam, là bạn trai của con, và cũng muốn tránh cái cảnh Tía Má phải cãi nhau vì con gái cưng của Tía.

Con yêu Sam lắm mà anh ấy cũng yêu con nữa. Con tin rằng Tía mà gặp ảnh, chắc Tía cũng thương... Cho dù ảnh có xỏ lỗ tai, đeo khoen lỗ mũi và xâm mình, đầu sọ hai xương gác chéo... tùm lum, lại khoái mặc cái áo da, cỡi mô tô theo kiểu băng đảng Bikies!

Nhưng tình yêu là phụ thôi Tía ơi! Thực sự là con đã có mang! Sam cũng rất muốn có con... Dầu gì ảnh cũng đã 42 tuổi rồi, chưa có công danh sự nghiệp gì mà tiền bạc cũng không... Nhưng Tía đừng lo! Sam có căn nhà di động chứa đầy củi chắc chắn là tụi con sẽ không phải chịu lạnh suốt mùa đông nầy đâu khi phải di chuyển từ công viên nầy qua công viên khác.

Con biết Sam cũng mèo chuột lăng nhăng nhưng con tin Sam sẽ trung thành với con! Vì ảnh nói ảnh muốn sau đứa nầy, tụi con sẽ có thêm nhiều đứa nữa.

Sam là một người từng trải lắm nha Tía! Anh đã chỉ ra rằng cần sa không làm hại một ai cả. Ảnh sẽ trồng một ít để bán cho bạn bè mình rồi đổi lấy cocain hay thuốc lắc mà hai thứ tụi con cần.

Bây giờ con xin cầu nguyện cho những nhà khoa học chế ra được thuốc chữa bệnh liệt kháng vì con không muốn Sam phải chịu đau đớn chút nào đâu!

Đừng lo cho con nha Tía! Dầu gì con cũng đã 15 tuổi rồi. Có thể tụi con sẽ về thăm Tía để Tía biết mặt đứa cháu ngoại trước khi tụi con 'vù' ra nước ngoài vì Sam hỏng hiểu tại sao Cảnh sát Điều tra Liên bang Úc cứ truy tìm anh ấy?! Con yêu của Tía. Ký tên: Rosie!

Cuối thơ có chữ viết tắt là 'PTO' (Please turn over) nghĩa là lật ra phía sau, chân ông già Tía đứng hết muốn nỗi, tay run run lật ra phía sau, thấy đề: Tái bút: Tía ơi! Những chuyện nói trên không có cái nào là thiệt hết trơn! Con đang trốn bên nhà hàng xóm. Con chỉ muốn nhắc nhở Tía rằng: Trên đời nầy còn có những điều còn tệ hại hơn là cái học bạ, cái thành tích biểu, cái bảng điểm của con nhiều. Con để nó trong ngăn kéo bàn học. Xin Tía ký tên dùm. Rồi gọi mobile, con sẽ về! Con yêu Tía!

Hãy chấp nhận ngay cả khi con mình học dở ẹc!

Happy Father's Day!

         

đoàn xuân thu.

melbourne

Robin Williams:  Đã tắt một nụ cười!

dxt_aug24_William.jpg 

  đời người ta cần cái mình không có! Nghèo thì cần tiền; vô danh tiểu tốt thì cần chút tiếng tăm! Nghĩa là ai cũng cần danh và lợi. Nghèo cần tiền mà làm hoài, làm mãi cũng đói nhăn răng thì than khóc. Hiếm khi được cười. Đói cơm thiếu áo thì cũng đói cả nụ cười!

Còn may mắn hơn, cần tiền, có tiền, cần danh có danh thì là người giàu. Nhưng nhà nghèo khóc thì phải rồi... mà nhà giàu cũng khóc luôn. Ủa sao vậy?

Vì đó là tiền tài vật chất là phù du, chết rồi dù có đi xe limousine tới huyệt mộ thì cái nút áo thiên hạ cũng lắt để lại; không mang theo được gì có chăng tiếng tăm của một thời mình đã sống!

Tuy nhiên có cái chung nầy giữa kẻ nghèo và người giàu là hình như đời ai buồn nhiều lắm nên ai cũng cần vui, cần cười! Nỗi buồn nó thản nhiên đến không cần biết anh là giàu hay nghèo; có tăm tiếng hay không?

Vì thế cho nên, quyền lực như Tổng Thống Mỹ Barack Obama hay giàu như Bill Gates cũng có buồn; có khóc chớ... cũng đói nụ cười hệt như dân ngu khu đen thôi! Cần cái mà mình không có mà được ai mang đến hào phóng tặng cho mình một nụ cười dù là cười mỉm chi hay cười nghiêng ngả, cười đến văng cái thủ cấp ra như Tây nó nói... đều được mình yêu mến!

Robin Williams là người đã ban phát một cách hào phóng nụ cười cho toàn nhân loại; bất kể giàu nghèo; già trẻ lớn bé, đàn ông hay phụ nữ. Cũng vì vậy cho nên cái chết bất ngờ của diễn viên hài kịch Mỹ, Robin Williams làm chúng ta hụt hẫng và đau đớn!

Robin Williams có thân phụ là Giám đốc điều hành một công ty sản xuất xe hơi, và mẹ là một người mẫu. Chắc thừa hưởng chút chút của cha mẹ mình nên Robin Williams rất tài năng và đẹp trai. Robin McLaurin Williams sanh ngày 21 tháng 7 năm 1951, trải qua thời thơ ấu của mình ở Detroit. Tuổi thiếu niên, Robin về Marin County, Bắc California, học trung học rồi cao đẳng trước khi lên New York học kịch nghệ.

Sau nầy thành công vang danh thiên hạ, lúc lên sân khấu nhận giải thưởng Oscar, ông nói đùa rằng: 'Hôm nay, lần đầu tiên, tôi bước lên sân khấu trình diễn mà không nói được lời nào!'

Cầm trong tay tượng vàng  "Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất" cho vai diễn trong phim "Good Will Hunting" năm 1997, ông ngước lên trời: 'Xin cám ơn thân phụ ở trên ấy, người mà khi con nói: 'Con muốn thành một kịch sĩ!' Thì ba đã bảo con rằng:  "Thật là tuyệt vời!  Nhưng cũng nên học một nghề để phòng thân như thợ hàn chẳng hạn!"'

Trong sự nghiệp Robin Williams được đề cử giải Oscar 3 lần, đoạt 5 giải Grammy, 4 giải Quả Cầu Vàng, 2 giải Emmy....

Một trong những phim nổi tiếng của ông là "Good Morning, Vietnam" năm 1987, lấy bối cảnh cuộc chiến tranh Việt Nam và cuộc sống của một phát thanh viên người Mỹ tại Sài Gòn năm 1965, được quay hoàn toàn ở Thái Lan với diễn viên Thái đóng vai người Việt(?!).

Tài năng, danh vọng ông có tất cả nhưng con đường tình ta đi coi bộ không suông sẻ. Ông có tới ba đời vợ! Người vợ đầu, Valerie Veladi, có một con trai với ông tên là Zak. Rồi người vợ thứ hai, Marsha, sống với nhau được tới 19 năm, hai có hai con Zelda và Cody, rồi vợ chồng ly dị năm 2008. Tháng 10 năm 2011, Robin Williams đi thêm bước nữa, thành hôn với Susan Scheider ở Napa Valley.

Ông không hề che dấu là mình đã phải chật vật chống chứng nghiện cocaine và nghiện rượu từ những năm 1980.

Về thói xấu nghiện cocaine, ông từng hài hước rằng: "Cocaine is God's way of telling you that you too much money."

Cocaine là cách Thượng Đế nói với bạn rằng! Bạn có nhiều tiền quá (nghĩa là dính vào đó đi rồi mầy sẽ mạt, sẽ ăn mày bị gậy nha con!)

Và cũng có lần nói về Cocaine: 'Khi hít vào thì nghĩ tui sẽ chết đây, tui sẽ chết đây... Sáng hôm sau tỉnh dậy thấy mình chưa chết... bèn hít nữa' (Dính vô là hít cho đến chết luôn!)

Còn về rượu thì ông thú nhận là mình nghiện rượu rất nặng!  Uống tới tối tăm mặt mũi; uống tới lý trí phải vọt ra khỏi thân thể, đứng nhìn vào để lỡ có ra tòa thì làm nhân chứng!  (Nghĩa là uống đến nỗi không biết trời đất là gì nữa! Uống tới chết!)

Công nhận mình đang phải chiến đấu với nghiện ngập đã hai lần ông tự nguyện vào Trại cai nghiện để mong cuộc đời của mình trở lại trạng thái cân bằng! Không làm việc đến quá độ vì chỉ sợ người ta quên bẵng mình đi! Trước khi tự kết liễu đời mình ông đã làm việc như điên! Tám phim trong vòng hai năm!  Năm 2009 phải mổ tim, trả lời phỏng vấn, ông nói: nên chậm lại nhưng lại tiếp tục làm thêm 4 phim nữa.

Ông làm thiên hạ cười vui, làm cho người ta vui phút chốc để quên đi nỗi thống khổ của cuộc đời. Suốt 63 năm nầy, Willliams ít khi thất bại trong việc tạo cho khán giả của ông thấy được tài năng hài hước thiên bẩm cộng với lòng nhân hậu.

Tháng 7/2014, ông tiếp tục phải quay lại Trung tâm điều trị chống chứng nghiện Hazelden ở Minnesota. Tuy nhiên càng về già cuộc chiến đấu càng khó khăn hơn!  Ông từng nói đùa là: "Từ Trung tâm Cai nghiện về nhà, tôi thấy tôi càng nghiện nặng hơn!"

Vợ ông, Susan Schneider, là người cuối cùng gặp mặt khi ông còn sống, đã đi ngủ lúc 10 giờ đêm Chủ Nhựt. Sáng hôm sau thức dậy, bà rời nhà ở Tiburon ở vùng vịnh San Francisco, nghĩ rằng Williams vẫn còn ngủ đâu đó trong nhà.

Người trợ lý riêng của ông đến gõ cửa phòng ngủ nhưng không nghe tiếng trả lời, lúc đó là gần trưa ngày 11 tháng 8 (giờ địa phương) và Robin Williams được xác nhận đã qua đời vào lúc 12:02 trưa cùng ngày.

Một chiếc dao nhỏ tìm thấy gần bên và trên cổ tay ông có nhiều vết cắt.  Ông treo cổ bằng chính cái thắt lưng của mình. Cảnh sát từ chối xác nhận rằng ông có để lại bức thơ tuyệt mệnh nào hay không!

Nhiều người tự hỏi tại sao một con người mang đến niềm vui cho nhân loại trên toàn thế giới lại đột ngột quyết định chấm dứt cuộc đời mình?!

Hàng xóm kinh ngạc khi nghe tin ông tự tử! Chúng tôi yêu cái tánh hài hước của ông! Chúng tôi thường thấy ông cỡi xe đạp vòng quanh xóm; thỉnh thoảng lại dừng nói đùa với mấy đứa trẻ con!

Ông mất rồi người ta thấy nhớ! Một con người tài năng, vui vẻ, từ tâm và nhân hậu. Ông mang tiếng cười của mình đến các binh sĩ Mỹ đang chiến đấu ở nước ngoài như danh hài Bob Hope ngày xưa đã từng làm trong cuộc chiến Việt Nam.

Ông mang tiếng cười đến các trẻ thơ không may lâm bệnh nặng đang nằm ở các bịnh viện. Gia đình các em nầy gọi ông là: 'Mẹ Teresa có óc hài hước!'

Theo các chuyên gia, tự tử là nguyên nhân chánh của nhiều cái chết nhất ở lứa tuổi 46 tới 64 ở Mỹ. Trầm cảm luôn là căn bệnh bí mật mà người ta không biết được nó diễn ra như thế nào.

Thông minh, hài hước, đẹp trai và thành công; dường như Robin Willaims có tất cả trong đời. Tuy nhiên, bây giờ Robin đã chết! Rõ ràng là do sự lựa chọn của chính mình. Tại sao? Có gì bi kịch ở đây mà ông không muốn sống nữa?

Dù vui vẻ, thanh thoát, hài hước nhưng có lẽ Robin Williams đang mang một cái mặt nạ, dấu đi nỗi dằn vặt thống khổ mà ông phải chịu đựng ngày nầy qua ngày khác cho đến lúc không còn chịu nổi nữa... ông dứt áo ra đi!  

Ở đây ông làm chúng ta cười vui; nhưng ở đó ông âm thầm rơi nước mắt!

Cái chết của ông làm chúng ta mất đi một tâm hồn sáng tạo, tài năng thiên bẩm trên hành tinh nầy. Và cái chết đó là lời cảnh báo cho tất cả chúng ta.

Nó nhắc nhở ra rằng có người đang cười vui ngoài mặt; nhưng trong lòng niềm vui, sự yêu mến cuộc đời đang từ từ dẫy chết!

Nó nhắc chúng ta về căn bệnh trầm cảm! Những người đang tiếp tục chịu đựng cuộc khủng hoảng tinh thần... chỉ muốn làm sao chấm dứt sao càng sớm càng tốt nỗi đau đớn nầy. Và khoảng khắc tuyệt vọng nào đó, lý trí đã phản bội chúng ta và bi kịch xảy ra!

Theo thống kê của Trung Tâm Ngăn ngừa Tự tử ở Hoa kỳ thì số tự tử từ năm 2000 đến năm 2011 cứ 100 ngàn người có 10.4 người tăng lên 12.3.

Số đàn ông, mặc dù được coi là phái mạnh, lại tự tìm cái chết nhiều hơn phụ nữ vốn được coi là phái yếu!  Năm 2011, trong số người tự tử, 78.5 % là đàn ông! Lứa tuổi nhiều nhứt là từ 45 đến 64 chỉ sau những người trên 85 tuổi.

Có nhiều người không hiểu tại sao? Tự tử luôn luôn là một bi kịch! Không có hai cuộc đời giống nhau! Nên mình phê phán cách chọn cái chết người khác thì lời phê phán đó có nghĩa tiêu cực hơn là có tích cực. Nên cẩn thận đừng vội phê phán. Cuộc đời chúng ta ai cũng dù muốn hay không đều mang cái mặt nạ để sống!

Và có nhiều người quanh ta, đang sống đấy nhưng thực ra họ đang hấp hối!

Một bệnh nhân từng bị trầm cảm nói: 'Tôi cố gắng hòa nhập, cố gắng cười đùa với bạn bè, với cha mẹ! Ra sân khấu cười vui với khán giả; với máy quay! Nhưng trong lòng tôi thì bão tố đang tìm cách vùi tôi xuống vực sâu thăm thẳm của biển cả cuộc đời!

Nguyên nhân trầm cảm có thể là do những chấn thương tâm lý thời thơ ấu! Hay sự mất cân bằng của hóa chất trong cơ thể con người!

Không có cách giải thích nào đơn giản và cũng không có cách chữa trị nào được tiêu chuẩn hóa; hệ thống hóa... thì trước hết những bệnh nhân trầm cảm phải công nhận nỗi đau của mình. Phải nói ra, để được cùng chia sẻ! Nói về những bể nát trong tâm hồn đó thì may ra mình mới có cơ hội và hy vọng tìm ra được cách hàn gắn! Vì chúng ta cuối cùng rồi cũng phải chiến đấu cho chính cuộc sống của chúng ta mà thôi!

Còn những người may mắn không bị khủng hoảng tinh thần; xin hãy đồng cảm lắng nghe, an ủi chia sẻ niềm đau dấu kín dưới khuôn mặt của mỗi người thân, sơ đang ở quanh ta!

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương của Việt Nam mình có một câu thơ rất hay: 'Cười là tiếng khóc khô không lệ!' Nghe tưởng chừng phi lý nhưng nó lại có lý vô cùng.

Robin Williams, 63 tuổi chết, còn trẻ quá; ông đột ngột ra đi mang theo những nụ cười ông từng ban phát hào phóng cho chúng tôi! Có người thương tiếc rồi cầu chúc ông hãy an nghỉ (RIP: Rest in Peace); nhưng có người cũng muốn ông mang cái niềm vui, óc hài hước, nụ cười lên thượng giới để làm ông Trời được vui vì biết đâu cuộc đời của ông Trời cũng buồn bã như của chính chúng ta!

 

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

________________________________________________________________________________________________ 

 

Người Việt dễ thương!

dxt_aug16_nguoiViet.jpg

Bảo Huân

Một người Úc, một người Pháp và một người Việt Nam tị nạn bù khú với nhau trong quán nhậu, tán dóc về hạnh phúc của đời người.

Người Úc nói rằng không có gì hạnh phúc hơn là đi làm về nhà được con vợ nấu cho bữa ăn tối thiệt ngon. Ăn xong, nằm dài trên sa lông trong phòng khách, xem trận đá banh cà na kiểu Úc.

Người Pháp cắt ngang: mấy thằng Úc bây không lãng mạn như Tây gì hết! Với tao, đêm dắt người yêu đi dạo dọc sông Seine, rồi ăn tối cùng nhau dưới ánh nến lung linh trong một nhà hàng chọc trời, trên tầng cao của tháp Eiffel. Đó là hạnh phúc của cuộc đời.

Anh Việt Nam bác bỏ: Vậy mà hạnh phúc cái gì? Còn tui hả? Sau 75, đêm đang ngủ trong nhà ở Sài Gòn rồi nghe tiếng gõ cửa. ‘Nguyễn Bình An mở cửa ra mau!'

Run rẩy vì sợ, tui mở cửa ra thì có hai tay công an chìm ùa vào, tra còng vào cổ tay tui, rồi nói: Nguyễn... ‘Bình An', ông đã bị bắt vì hoạt động chống phá nhà nước ta. Ông sẽ phải đi học tập cải tạo một thời gian dài.

Run run, tui trả lời: "Anh đội ơi! Nguyễn ‘Bình An' là hàng xóm, sát vách, chớ hổng phải là tui! Tui là Nguyễn văn Tèo" 

Nè hai anh bạn: Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhứt của đời tui khi nhớ lại. Và chính vì vậy bữa nay tui mới có mặt ở đây, ở Melbourne nè! He he!

Rồi khi vượt biên đến Úc tạm dung gần vài chục năm, làm ăn cực khổ nên cũng có chút tiền; bèn về quê cũ thăm lại người em năm ấy bây giờ ra sao; đôi má đào như ngày nào?

Trên chuyến bay từ Sài Gòn trở lại Melbourne, Tèo ngồi gần một thằng Úc mới đi du lịch Việt Nam trở về. Nó hỏi: Ông là ‘ese' nào?

Tèo lịch sự hỏi: Xin lỗi! Tui hổng hiểu câu hỏi của ông!

Thằng Úc lên giọng làm cha: Thiệt là ngu! Tui hỏi ‘ese' nghĩa là ông bạn là Vietnamese (người Việt), Chinese (người Tàu) hay Japanese (người Nhựt)! Có vậy mà cũng không hiểu!

À! Tui là Vietnamese! 

Tèo tức lắm khi bị thằng Úc vô cớ chửi mình là đồ ngu. Quân tử trả thù mười năm chưa muộn! Nhưng không chờ tới mười năm, chỉ hai tiếng đồng hồ sau, Tèo quay sang hỏi lại, lần nầy giận quá không ông bạn gì ráo mà: ‘Mầy là loại ‘ey' nào?' ‘Cái gì? Tui hổng hiểu!' 

‘Mầy thiệt là ngu nhe, tiếng mẹ đẻ của mình mà còn không hiểu nữa! Ngu gì mà ngu vậy hổng biết! Ý tao muốn hỏi: Mầy là monkey (con khỉ), donkey( con lừa) hay Ozzie (Úc) vậy thôi! Hi hi!'

Công bình mà nói người Việt lúc mới tới đôi khi cũng bị vài thằng Úc kỳ thị, nhưng sau vài chục năm, thấy con cháu mình giỏi quá, bác sĩ, kỹ sư không hà nên Úc hết dám kỳ thị... lại đâm ra đố kỵ nhỏ nhen... ghen ăn tức ở?!

Chúng ta ra đi mang theo quê hương, người Việt mình luôn luôn tự hào là con cháu Lạc Hồng, bốn ngàn năm văn hiến, là dân tộc siêu Việt nhứt Á Châu; nên đối với các sắc dân khác dù hùng mạnh, có bom nguyên tử, bom khinh khí, máy in tiền đô Mỹ, (hết tiền cứ bật công tắc điện lên, in thoải mái ra xài, không cần vàng bạc làm bảo chứng gì hết trơn hết trọi. Ai biểu tụi bây tin vào giá trị của nó làm chi) cỡ Hoa Kỳ, yếu yếu hơn một chút như Pháp, Nhựt thì người Việt mình đều kêu bằng thằng hết ráo. Kêu bằng thằng không phải là mình hổng có lễ phép, hổng có nói năng đứng đắn đàng hoàng, cũng hổng phải là khi dể tụi nó (nghèo sặc gạch nào dám khi dể ai) mà vì lòng tự hào dân tộc, coi thiên hạ dưới trời nầy bằng nhau... bằng vai bằng vế! 

Người Việt bỏ nước ra đi cũng vì cái vụ tối gõ cửa dẫn đi nói trên. Đất lạ quê người, cày sâu cuốc bẫm, làm ăn khấm khá: chủ tiệm giặt, tiệm neo hay mua nhà rồi cho mướn... mà người đến xin mướn nhà là thằng đen thì đừng có hòng! Còn mở thương vụ gì... chỉ khoái làm ăn với người Việt mà thôi, cùng lắm là với Á Châu, cùng màu da là hết hạng! Thì tinh thần dân tộc hơi quá ‘đô' một chút là qua kỳ thị chủng tộc chỉ có một bước chân thôi! 

Thí dụ như con gái muốn chồng hay con trai muốn vợ mà một hôm dắt về một đứa đen hay trắng, không phải là vàng, thì bất hạnh tình con rồi đó con ơi!

Cái đó là dở nhưng cái nầy là giỏi nè! Mấy ông tị nạn, thương vợ, thương con hết biết; dù hồi xưa ở Việt Nam có làm quan quyền gì đi chăng nữa... đến Úc, đến Mỹ đều lăn thân ra làm nuôi vợ, nuôi con. Với đàn ông Việt Nam, nghĩa vụ thiêng liêng nhứt của đấng nam nhi là không bao giờ để vợ con đói khổ. Thành thử mấy công việc hồi xưa là hạ đẳng theo thang cấp trong xã hội kim tiền, như nhân viên vệ sinh đi nữa, cũng làm... nhưng không để công việc mà thiên hạ coi thường nầy làm giảm đi niềm hãnh diện ta đây. 
Như ông Cao Tần chẳng hạn: ‘Mai mốt anh về có thằng túm hỏi: Mầy qua bên Mỹ học được củ gì? Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi. Nói mầy hay ông thượng đẳng cu li!' Cu li mà có thượng đẳng nữa? Hí hí!

Đi làm mà lỡ có đụng chạm thì chẳng ngán ai, kể cả thằng boss, (vì bị đuổi chỗ nầy qua chỗ kia thì mình cũng cu li thôi, job thiếu gì... Úc có chịu làm đâu, vì ngại cực... nên người Việt dễ thương của chúng ta móc giấy 500 ra xài, nghĩa là chửi thề tá lả tà la và dĩ nhiên bằng tiếng Việt! 

Johnny, người bạn Úc cùng sở, Johnny tâm sự rằng nó rất ‘kết' phụ nữ Việt Nam vì mấy lần đến nhà chơi thì thấy con vợ cực mà ông chồng rất sướng... cứ nằm phè trên ghế sa lông, coi Paris by Night (dù đang ở Melbourne) hay mở internet lên nghe ra dô tiếng Việt! 

Mệt và nuốt nhục kiếm cơm; về tới nhà, mình, vua lại là vua... ngồi cà nhỏng suốt cuối tuần; còn quý hoàng hậu thì làm tất cả! Rửa chén, giặt đồ, bồng con, nấu bếp! ‘Quân bây! Nghe lịnh Trẫm!'

Khi khách đến chỉ cần: ‘Em ơi! Có khách!' là mười phút sau đã dọn ra món đầu trong loạt bò bảy món và trân trọng giới thiệu với người bạn Úc: món nầy là của Việt Nam?! 

Ngoài ra nó cũng biết là người Việt mình có một số khoái, mê ăn thịt chó mà nó cho là rất dã man... Nên sau vài chai bia VB, thưởng thức bò bảy món do bà xã, em yêu, trổ tài nấu nướng, nó hứng chí kể câu chuyện tiếu lâm như vầy:

Có hai sinh viên Việt Nam, con ông cháu cha mới có tiền sang Úc du học. Thèm thịt chó, nên gọi: ‘Two dogs!' Cho món ‘hot dog'. Khi giở miếng giấy bạc gói khúc bánh mì có ‘hot dog' ra, đứa nầy hỏi đứa kia: ‘Mình ăn cái ‘phần' nào của con chó vậy ta?' Thấy... mà còn hỏi?

Mình biết nó đặt chuyện nầy để chơi khăm, xỏ ngọt người Việt mình nên người viết chờ cơ hội cho mầy một bài học nhớ đời nha con!

Johnny thường than thở, chán đàn bà con gái Úc lắm rồi! Tối ngày cứ đòi nam nữ bình quyền, nấu ăn thì không biết gì ráo. Rửa chén bằng máy cũng hổng chịu làm, mập thù lù như cái lu, chỉ chờ cuối tuần là dông ra ‘pub' bù khú với bạn bè, bỏ thằng chồng ở nhà quạnh quẽ phòng không chiếc bóng với cái ti vi! 

Trong khi đó, phụ nữ Việt Nam rất siêng năng, nấu ăn, giặt đồ, dùng máy rửa chén để làm sóng chén, đựng chén sạch, còn chén bát dơ em rửa bằng tay vì sợ hao nước, hao tiền. Thiệt là tam tòng tứ đức. Vợ như vậy mới là vợ chớ!

Johnny kết em Việt Nam tên Lan. Lan Huệ sầu ai Lan Huệ héo. Lan Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi. Vì Lan ngoài tươi nên Johnny cứ tò tò theo khen em dễ thương (cute); xin số điện thoại nhưng em cứ lắc đầu. (Hey, babee, you cute! Can I hab yo fone numba?") 

Người viết hiến kế Johnny rằng: Con gái Việt Nam mà chú ‘dê' kiểu Úc là thua rồi! Tại tui có vợ rồi nếu chưa thì...! 

Muốn lấy lòng em thì phải lấy lòng ba em, anh em trước đã! Chú em nhảy ngang hông là không ăn thua gì đâu. 

Nó hỏi gặp tía, gặp má, gặp anh em thì chào hỏi bằng tiếng Việt như thế nào? Người viết bèn dạy nó vài câu chửi thề. Kết quả hôm sau đi làm là thấy ngay lập tức! Bầm con mắt trái (giống y như tỉ phú Úc James Parker quánh lộn với người bạn nối khố David Gyngell, từng là phù rể cho y, đang làm xếp lớn của đài số 9) mà Johnny không hiểu tại sao lại bị ‘dợt'. 

Tại sao! Cho chú em đừng giỡn mặt với tui khi tui đã nhậu sương sương! Tốn bia, tốn rượu, tốn mồi, tốn thời gian mà chú em không biết cám ơn (dù thi ân bất cầu báo) mà còn dám bày đặt chuyện xỏ xiên người Việt của tui ăn... chó!

Dù bị ăn vài đấm vô mặt như vậy nhưng Johnny chắc tuổi con đỉa nên bám hơi dai... Lần nầy xuống nước nhỏ nhờ tui dạy thêm cho vài mánh nữa.

Chẳng hạn như lại nhà người Việt được tía má em mời ăn cơm thì đừng có dại dột mà từ chối. Quất bốn chén, no cành hông rồi, mà má em bảo ‘Ăn thêm đi con!' thì ráng làm thêm bốn chén nữa. Nói ‘không' má em nghĩ mình chê bả nấu ăn dở ẹt! Thì phiền! Nên nhớ cho dù mình ba, bốn chục gì đi nữa mà muốn nhào vô làm rể nhà má thì má đối xử mình như mới 14, 15 tuổi thôi. 

Nghèo, mua quà ít tiền tặng má thì nhớ mua dầu xanh hiệu con Ó; vì má Việt Nam nghĩ rằng dầu xanh con Ó trị bá bịnh: từ sổ mũi, nhức đầu, ăn không tiêu hay bị Tào Tháo rượt. 

Còn nếu đua ngựa thắng nhiều tiền, rủng rỉnh, muốn giựt sộp mua chiếc xe tặng ba em chạy chơi lấy thảo thì cách tốt nhứt là mua xe Nhựt Bản, made in Japan, Toyota Camry chẳng hạn! Nhớ đừng mua xe Mỹ vì ba sợ hao xăng!

Còn cho má giải trí... thì chơi một dàn máy karaoke; tuy già rồi nhưng má rất thích làm ca sĩ. Tiền chưa đủ mà còn phải tài nữa! Ráng đi học lấy cái bằng bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư gì đó thì may ra. Cha mẹ Việt Nam rất không muốn gả con cho Tây ít học như chú mầy! 

Johnny coi bộ tuyệt vọng trước những đòi hỏi cao quá tầm tay với. Thiệt là uổng công! Thôi bỏ cuộc! Johnny gặp lại em Lan lần cuối đòi lại những món đã trót nghe lời xúi dại của người viết mà đầu tư! Em Lan tiễn Johnny bằng một cái bạt tai. Người viết an ủi Johnny rằng: ‘Cuối cùng thì chú cũng đã toại nguyện vì Lan đã chạm đến thân thể của chú rồi... Thôi hãy quên em đi! Để đó cho tui!'

Kết luận là: Người Việt dễ thương! Nhưng thương không dễ!

đoàn xuân thu.

melbourne

 

"Chồng Tây?!" 

dxt_aug15_ChongTay.jpg 

Thưa quý độc giả thân mến!

Lóng rày tui thấy mấy em trong nước ùn ùn lấy chồng ngoại, chồng Tây. Đến nỗi mấy ông nhạc sĩ sợ ‘chim' bay hết ráo... nên khóc than bi thiết hết biết: ‘Rồi con chim đa đa, ngẩn ngơ đứng trông về chốn xa. Còn âm vang câu ca, ngày em bước chân đi theo chồng. Lời ru nghe mênh mông, ngày đưa tiễn em về bến sông. Nhìn mây trôi mênh mông, nơi quê chồng em còn buồn không?'

Người viết mới đầu cứ tưởng mấy em như cái cột đèn muốn bỏ chạy cái vụ ‘Xạo Hết Chỗ Nói' (XHCN) chớ! Hôn nhân với người ngoại chủng như một chiếc cầu em bắc qua biển Đông mà mục đích cuối cùng là tự do...là tới quận Cam... để hái được hai trái cam mà em thường mơ ước.

Ai dè... Mấy em, tham vàng phụ ngải; khoái tiếng đãi bôi ...còn lanh chanh lên báo khoe khoang: ‘mi nhon' như em đây mới lấy được chồng Tây; rồi quay lại chê bai mấy ông chồng Ta tơi bời hoa lá... Làm ‘qua' cũng hơi nóng mũi đó nhe!

‘Chồng Tây nó giỏi, nó ga lăng, nó xách giỏ cho em đi chợ, nó địu con trước bụng như con Kangaroo cái, nó thay tã, nó cho bú bình!' Bộ chồng Ta hỏng làm hay sao chớ!' Vậy là thấy cây hỏng có thấy rừng đó nha!

Chồng Tây, chồng Ta cũng có thằng tốt thằng xấu! Chớ hỏng phải ‘Made in USA' hay ‘Made in Australia' là tốt hết đâu nha! Còn ‘Made in Việt Nam' là xài hỏng có được?!' Tổng quát hóa như vậy là trật lất!

Thưa quý độc giả thân mến!

Người viết chủ trương là yêu rồi mới lấy. Mà yêu thì không phân biệt Tây, Ta gì hết ráo. Giống ‘hịt' nhau thì phân biệt làm gì? Phân biệt nó nói mình kỳ thị! Chỉ cần em đẹp và giàu là ‘lấy'. (Ý quên tui có vợ rồi mà!)

Sau hôn nhân lỡ chén trong sóng có khua rổn rảng thì Tây, Ta giải quyết rất khác nhau.

Chồng Ta có giận vợ là bỏ nhà đi nhậu chớ chẳng bao giờ than phiền, cằn nhằn, cửi nhửi, xỏ xiên, nói xấu con vợ mình đâu.(Sao dám?!) Phần trộm nghĩ ‘Trăm năm may rủi một đời! Cưới nhầm con vợ lắm lời... cũng vui!'

Ngược lại, chồng Tây, nó càm ràm đến nhức xương luôn? Càm ràm nhiều thứ lắm!

Trước hết là than phiền con vợ hỏng coi bà già nó ra cà ram nào hết! (Chớ đừng tưởng lấy Tây là hỏng có vụ làm dâu, là vô tư... là nhìn bà già chồng bằng con mắt rưỡi đâu nha!). ‘Có con nhỏ ‘dâu Tây' bực mình chuyện bà già chồng cứ xía vô cách dạy con cái của nó nên mới ‘email' cho bả như thế nầy: ‘Thưa Má! Xin Má đừng chen vô! Má nói con không biết cách dạy con nên thằng Bill nó mới hư đốn?! Thằng con trai của Má, con dạy chừng ấy năm rồi tới giờ mà nó có tiến bộ gì đâu... cũng hư đốn như ngày mới cưới con về đó má thấy không? Lỗi tại ai chắc má thừa biết!' Hi hi!

Rồi than phiền về tánh tham lam của vợ nó như vầy: ‘Có một cách chuyển tiền từ tài khoản nầy sang tài khoản khác nhanh hơn nhà băng nữa. Cách đó là cưới vợ!'

Rồi than phiền về tánh hoang phí! ‘Một đám mấy ngài đáng kính đang thay đồ trong phòng để chuẩn bị ra sân chơi golf, thì chuông điện thoại kêu inh ỏi. Một quý ông đáng kính mở cái ‘speaker' thiệt to vì hơi bị lãng tai, nên ai nấy tò mò lắng nghe!

‘Hello!' Rồi một giọng nũng nịu vang lên: ‘Anh yêu! Em đây! Anh đang ở Câu lạc bộ phải không?'  ‘Phải!'  ‘Em đang đi mua sắm ngoài ‘city'; có cái áo lông thú tuyệt đẹp mà chỉ có 1000 đô thôi! Em mua nó được không anh yêu?' ‘Được chớ! Nếu em thích!' ‘Em cũng mới vừa ghé chỗ bán xe Mercedes. Có một chiếc đời mới.' ‘Bao nhiêu?'  ‘Chỉ có 80 ngàn hà!' ‘Được nhưng phải đoan chắc là nó thiệt ‘xịn' nhe!' ‘Rồi căn nhà tụi mình coi hồi năm ngoái, trả giá, họ không chịu bán; giờ thấy quảng cáo trên báo giá 1 triệu.' ‘Được! Nhưng trả giá 900 ngàn thôi.' Rồi giọng nũng nịu: ‘Cám ơn anh yêu nhe! ‘Chụt chụt' Bye! Em yêu anh!' ‘Bye!' Chụt chụt' Anh cũng yêu em nữa!'

Ai nấy nhìn quý ông đáng kính nầy một cách cực kỳ ngưỡng mộ... thiếu điều trật cái cần cổ; nói: ‘Ông yêu bà nhà quá xá há!' ‘Bà nhà nào? Số điện thoại nầy của em nào đó... chớ đâu phải của con vợ tui. Vợ tui mà xài kiểu nầy chắc là tui chết. Còn thằng cha nào có con vợ hay bồ nhí mà xài kiểu bà hoàng, bà chúa như thế nầy thì tui lấy làm tội nghiệp cho thằng chả nên mới trả lời thay... để thằng chả khánh kiệt sớm, chết luôn cho rồi... Sống chi nữa... thêm khổ cái thân già... Hi hi!'

Mấy em có qua Mỹ, qua Úc đi du lịch nghe mấy thằng Mỹ, mấy thằng Úc tán tỉnh, dụ khị em: ‘Lady First!'. Tin nó là em bán lúa giống.

Hãy nghe David Letterman của Late night show, đài CBS nói rằng: ‘Người phụ nữ được ưu tiên, cái gì cũng trước (Lady First) thì thế giới sẽ ra sao?' Dave tự hỏi rồi tự trả lời luôn là: ‘Phụ nữ ưu tiên làm trước? Thế giới nầy sẽ thành một đống rác!'

Chê vợ nó dở ẹt về tài năng; còn về thể hình của ‘em yêu'?  Sau mấy chục năm chung sống ít nhiều gì cũng phải tàn phai đi chớ! 40 năm, nước chảy đá còn mòn huống hồ gì nhan sắc của ‘em yêu'?! Vậy là chồng Tây háo sắc, tham đó bỏ đăng; thấy trăng quên đèn! Vợ chồng Tây ở với nhau được 5 năm... là hơi hiếm rồi nên nó phải ăn mừng, đó là Lễ Cây (5th Wooden); mười năm hiếm hơn một chút là Lễ Thiếc (10th Tin); hiếm hơn chút nữa là: 15 năm, Lễ Pha Lê (15th Crystal); rồi 20 năm, Lễ Sứ (20th China), cũng còn dễ bể lắm nha. Cứng hơn nữa là 25 năm, Lễ Bạc (25th Silver); 30 năm, Lễ Trân Châu (30th Pearl) 40 năm; Lễ Hồng Ngọc, (40th Ruby); 50 năm, Lễ Vàng (50th Gold); 60 năm Lễ Kim Cương (60th Diamond).  Nếu xui xẻo là hai vợ chồng sống với nhau hơn 60 năm thì khỏi kỷ niệm gì ráo mà lúc đó cho hai vợ chồng hai cái gai quýt... làm ‘Lể (chớ hỏng phải lễ) ốc gạo' chấm nước mắm xả có dằm ớt... ăn chơi cho nó ‘cay'. He he!

Sống với nhau 40 năm rồi, tưởng chồng Tây chung thủy, một dạ yêu em, đi suốt cõi đời ô trọc nầy chăng? Hỏng có đâu! ‘Hai vợ chồng trên 60 tuổi. Ăn mừng 40 năm ngày cưới mà Tây gọi là lễ Ruby, chứng tỏ tình ta cứng ngắc như ngọc. Ông Trời thấy cũng ‘nể'...nên cho vợ chồng hai điều ước. Em yêu ước có một chuyến du lịch vòng quanh thế giới với anh yêu. Ước nguyện được đáp ứng ngay lập tức! Trong bàn tay nhăn nheo của con vợ già là 2 vé máy bay, 2 vé tàu, không tốn một cắc nào. Còn anh yêu lại ước rằng: Xin ông Trời cho con có một người đầu ấp tay gối trẻ hơn 30 tuổi. Và ông Trời đáp ứng ngay lập tức! Anh yêu biến thành cụ ông 90 tuổi! Đáng đời mầy nha! Ai biểu già rồi còn khoái gặm cỏ non!

Khi kiếm vợ thì nó cũng ‘vụ lợi' như tụi tui thôi! ‘Một thằng Úc tối ngày nhậu lè phè, khoái đi câu cá để làm mồi nhậu cho đã; bèn rao bố cáo tìm vợ trên báo như vầy: ‘Rất thích đi câu! Tìm vợ biết đào trùng, biết móc mồi vô lưỡi câu, biết làm cá và nhứt là phải có tàu đi câu, có gắn động cơ xịn. Xin vui lòng đính kèm hình chụp chiếc tàu!''

Mấy em cứ nghĩ chồng Tây chỉ biết cơm nhà quà vợ hay sao? Lầm... lầm to! Nó chỉ chung thủy... khi đi chợ là em phải xích nó vô cạnh giường kẻo nó bò qua cắt cỏ nhà hàng xóm!' Mùi nước mắm của em nó tò mò nó nếm...chớ làm sao nó quên cho được mùi bơ sữa với ‘da ua'?!

Thưa quý độc giả thân mến!

Còn mấy ‘anh yêu' khoái lấy vợ Tây vì chán cái tật nói dài, nói dai, nói miệng hỏng kéo da non của vợ Ta; bộ vợ Tây hỏng có ‘đức tính' đó hay sao chớ?! Tổng Thống Mỹ Bill Clinton đã từng:‘Mỗi lần tui có vài lời với con vợ tui là Hillary; thì em yêu bèn đáp lại bằng một bài diễn văn!

Còn nếu mấy em muốn tìm hiểu theo tiêu chuẩn Mỹ một người vợ ngoan như thế nào? Tổng thống Barack Obama xin giơ tay, trả lời ngay là: ‘Một người vợ ngoan là một người vợ luôn tha thứ cho chồng mỗi khi chính mình làm bậy!'

Tóm lại, Tây hay Ta cưới vợ rồi ít khi muốn bỏ nhau; Còn chẳng đặng đừng... trước khi bỏ, Tây nó cũng rán sức nối lại tình ta cho khỏi đứt.  Cựu Tổng thống Mỹ thứ 43, George W. Bush, hiến kế như vầy: Muốn yêu em dài lâu là: ‘Phải đi nhà hàng tuần hai lần. Bữa tối ngon lành, đèn nến lung linh lãng mạn, nhạc dịu dàng và khiêu vũ! Quá đã! Nhưng cái quan trọng nhứt là: Em yêu đi vào bữa thứ Ba... còn Anh yêu đi vào bữa thứ Sáu!'

George W. Bush có vẻ thành công trong hôn nhân; nhưng Cựu Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, Al Gore lại thất bại, mới bị vợ bỏ, nghe ổng than nghe thấy thương luôn: ‘Cưới nhau rồi, chồng với vợ như hai mặt của một đồng xu. Không thể nào nhìn thấy mặt nhau được nữa nhưng vẫn cứ phải dính vào nhau...Và tổ ấm có nghĩa là gì? Là chiến tranh; là nơi bạn phải ngủ chung với kẻ thù.'

Cái nầy là do hai vợ chồng dám ăn thua đủ: ‘Em yêu tới đâu tui tới đó!' Còn nếu anh yêu tính theo đạo Lão, thì nên bắt chước Socrates: ‘Khi cưới vợ, gặp vợ hiền bạn hạnh phúc, gặp vợ dữ bạn sẽ trở thành nhà hiền triết!'

Còn nếu hên, chó táp phải ruồi, bất chiến tự nhiên thành, được thoát củi xổ lồng, có một tay rù quến ‘em yêu' đi xây tổ uyên ương. Xin đừng tự ái! Cách trả thù ngọt ngào nhứt là hãy để yên như vậy cho thằng đó... chết ‘cha' nó luôn!

Tóm lại, mấy em sính chồng ngoại là ‘qua' không cản vì đó là quyền tự do luyến ái của mấy em; được hiến pháp bảo vệ đàng hoàng! Nhưng ông bà mình cũng có nói: ‘Trăm năm may rủi một chồng! Dù ai thêu phượng vẽ rồng mặc ai!' Còn cứ la quác quác là chồng Tây ‘number one' còn chồng Ta ‘number ten' là không đúng đâu.

Vợ chồng là duyên số! Còn tối ngày mấy em cứ nằm mơ, quần nát nước để mong kiếm được một người đàn ông thông minh, đẹp trai và giàu có? Nhân vật đó chỉ có trong huyền thoại mà thôi hỡi mấy em ơi!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

"Thời  Đồ Cà Chớn!"

dxt_Aug10.jpg 

Thưa quý độc giả thân mến!

Chuyện rằng: Bác sĩ Nikita Levy, 54 tuổi, đã bị ‘the East Baltimore Medical Center' đuổi vào tháng Hai năm 2013; vì có đồng nghiệp mật báo là ‘quan đốc tờ' nầy dùng một máy chụp hình và quay phim có hình dạng giống hịt như cây viết, ông đeo tòn teng ở cổ để chụp, để quay vùng ‘nhạy cảm' của nữ bệnh nhân.

Giới chức thi hành pháp luật đã tiến hành việc khám xét nhà của ông bác sĩ hơi ‘bị' bịnh nầy và tìm thấy rất rất nhiều hình ảnh ‘cánh bướm vườn xuân'  của hơn 7, 8 ngàn nữ bệnh nhân! Có hơn 60 cái là của trẻ vị thành niên.

Cha cái nầy là ‘găng' lắm đây! Cái gì mà làm tầm bậy tầm bạ đụng vô con nít ở bên nây là từ bị thương tới chết.

Mà ‘quan đốc tờ' nầy chết thiệt, tự tử bằng cách trùm vô đầu mình một cái bao plastic rồi bơm khí helium vào. Ngày 18 tháng 2 năm 2013, sau khi viết thơ xin lỗi ‘vợ', ông tự kết liểu đời mình trước khi bị các nạn nhân kết liểu nghề nghiệp và uy tín của ‘ông'

Nhưng ‘quan đốc tờ' chết không phải là hết! Công ty bảo hiểm cho ‘the East Baltimore Medical Center' nầy dù đồng ý chi trả 190 triệu đô rồi (thiếu điều sập tiệm!) vẫn còn phải đợi ông Tòa chấp thuận mới được.

‘The East Baltimore Medical Center' nhận trách nhiệm là không theo dõi sát và ngăn chận kịp thời hành vi của quan ‘đốc tờ' là đi sâu, đi sát vào ‘quần' chúng trong khi khám xương chậu, để bí mật chụp hình, quay phim ‘cánh bướm vườn xuân' của người ta.

Nhưng một số nạn nhân vẫn còn chưa có chịu, nói: ‘Giờ tôi không còn đi khám bác sĩ nữa; vì hết tin rồi, cũng không dám dắt con, dắt em gái của tôi đi khám vì cũng sợ...nó sẽ  bị chụp, chụp ...quá!'

‘Tôi sợ vì ông ‘quan đốc tờ' nầy không lương thiện, phản bội lại lòng tin của bệnh nhân dành cho bác sĩ, phản bội luôn chỗ mình đang làm việc. Nghĩa là phản bội hết trơn, hết trọi, hết ráo chẳng chừa một ai. Chắc tôi phải cần một khoảng thời gian dài để quên, để hồi phục lại niềm tin.'

Chu choa chụp hình, quay phim coi cho đỡ thèm chút thôi... mà sao bộ phiền quá xá há!

Thưa quý độc giả thân mến!
Còn bên Anh, bên Canada không phải là chuyện bác sĩ phụ lòng tin của bệnh nhân mà là chuyện thầy, cô giáo phụ lòng tin của phụ huynh học sinh!!

Bên Anh trước. Thầy giáo 25 tuổi tên là Luke Atkinson, một tối Thứ Bảy nghỉ dạy (chớ không phải mất dạy nha) rảnh, đi hộp đêm Priory ở Lazarus Court vùng Doncaster. Tại đây thầy gặp một em nữ sinh 17 tuổi đang đi chơi cùng một nhóm bạn bè.

Vốn là thầy giáo dạy Thể Dục (Physical Teacher), thầy đưa trò vào khách sạn để tiếp tục dạy bài Thể Dục còn dang dỡ. Bài học lần nầy là môn ‘Vật Lộn' vì chắc thầy Thể Dục thấy cái thể hình, hơ hớ xuân tình, mười bảy bẻ gãy ‘sừng' trâu nầy, thầy nhểu nước miếng, cầm lòng không đậu hay chăng nên thầy đưa cái ‘sừng' của thầy cho em bẻ thử ?!

Sự việc đổ bể, thầy bị đưa ra Hội đồng kỷ luật. Thầy dóc, chối hỏng có à nha, bằng cớ đâu? Nhưng máy quay phim của khách sạn nó đâu có biết nói dóc nên nó chứng minh thầy mới là một tay dóc tổ.

Em nữ sinh nầy binh thầy nên nói tại em chịu...chịu mà! Nhưng mấy thầy cô khác và phụ huynh học sinh dù không có ‘lan can' gì tới cái chuyện ruồi bu nầy cũng lắc đầu quầy quậy. Để yên vậy thì đâu còn ra cái thống chế ‘thầy trò' gì nữa phải không? Phải làm ra lẽ để bảo vệ danh dự uy tín nhà giáo chớ, không cho tay nầy bầy hầy, bôi bẩn, vụt sình bùn tèm lem tuốt luốt lên mặt tụi tui. Giáo chức thà nhứt định dứt cháo chớ không thể nào dứt tùm lum tà la như vậy được.

Thế nên thầy Luke phải vác cái ‘mặt mo' của mình mà ra Hội đồng kỷ luật. Thầy Luke xin xử kín dùm ‘tui' đi vì làm bậy bạ như vậy mà công khai ra thì quê quá, mất mặt bầu cua cá cọp hết trơn. Hội đồng kỷ luật bác cái vụ xử kín nầy nhe! Rồi cho thầy ‘mất dạy' 5 năm.

Nhưng thầy Alan Meyrick, đại diện ông Bộ Trưởng Giáo Dục hỏng chịu, phủ quyết cái lịnh cấm dạy 5 năm mà cấm thầy bước lên bục giảng suốt đời! Vì ‘Làm bậy như vậy mà hỏng thấy thầy hối hận gì hết ráo? Thầy mới 23 tuổi lúc thầy ‘tù ti tú tí' với học trò thì mình cũng thông cảm là trẻ lòng non dạ nhưng chí ít ra cũng phải biết là mình đang làm bậy chớ! Thầy giáo chớ đâu phải là ‘trực thăng' mà bãi đáp nào thầy cũng đáp được hết đâu?

Nên vì quyền lợi của quần chúng nhân dân, tôi quyết định cho thầy về nhà ‘húp cháo rùa'; không được xin phục hồi quyền đi dạy nữa.

Còn bên Canada, chuyện của một cô giáo còn ruồi bu hơn nữa: Chuyện như vầy: Nữ giáo viên trường Công giáo Calgary,  Canada, cô Jennifer Mason, 30 tuổi, vừa nhận tội đã lợi dụng sắc đẹp, sự hấp dẫn, địa vị xã hội, v.v.. của mình (sexual exploitation) để quan hệ tình dục với một nam sinh 16 tuổi.

Cáo trạng cho thấy cô Jennifer Mason đã gửi những tin nhắn "lãng mạn" cho một học sinh...trong lúc cô và tân lang đang hưởng tuần trăng mật ở châu Âu.

Sau chuyến trăng mật này với chồng mà em mới vừa ‘ưng'... trở về hồi tháng Tám năm 2012, cô  giáo Mason đã gặp em nam sinh này lúc đó mới 15 tuổi  và hai người đã ‘tù ti tú tí' bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu?!

Kể từ khi mối quan hệ này bị phát giác, hình ảnh cô Mason này đã bị bêu xấu công khai hết mức trên trang bìa tờ The Sun.

Dù em học trò nầy vẫn tha thiết yêu cô... và sẳn lòng đi ở tù chung cho trọn tình trọn nghĩa...nhưng Ông Tòa Sean Dunnigan, phán quyết cô có tội.

Cuối cùng ông Tòa cất cô giáo ‘quá sung' nầy vô hộp hai năm. Luật sư bào chữa cho bị cáo gật đầu cái rụp. Vậy là nhẹ đó nha, mừng húm. Cầm bằng kháng cáo tới lui, ông Tòa khác ổng giận ông dọng thêm vài cuốn lịch... là đếm mệt xỉu!

Người ta thường nói nhân loại từng bước tiến vào cái thế giới văn minh.

Mấy học giả (nhưng có học thiệt) bèn chia con đường phát triển của nhân loại thành: thời Đồ đá, thời Đồ sắt, thời Đồ đồng... vân vân và vân vân...Rồi sau cùng là ‘Thời Đồ đểu!' Nhưng cái đất nước Việt Nam bây giờ, dưới sự lãnh đạo anh minh sáng suốt (?) của mấy ‘quan anh' thì từ ‘Thời Đồ đểu' đang tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên ‘Thời Đồ cà chớn!'

Hỏng ‘Thời Đồ cà chớn' sao được khi thầy bên Anh, cô bên Canada phản bội niềm tin của phụ huynh, thầy bị đuổi, cô đi ở tù, còn chuyện tương tự như vậy của một cô giáo ở Việt Nam thay vì giấu cho thiệt kỹ, lại cứ ‘vô tư', trâng tráo đem khoe rùm trên báo?!

Chuyện rằng: Cô giáo kết hôn với cậu học trò kém 6 tuổi. Cô sinh năm 1986, trò sinh năm 1992. Ngày cô được phân về lớp dạy, cậu học trò đã thầm thương trộm nhớ cô giáo mình.

Học trò nó yêu mình thì mình yêu lại nó cho huề để nó chơi ‘gác chưn, gác cẳng' như vậy coi sao được phải không?

Thế nên: cô giáo chia sẻ: "Từ đó mình hay nhớ về ‘cậu ấy', mong ngóng những tin nhắn hỏi thăm của ‘cậu ấy'. Hai đứa thường xuyên gọi điện, nhắn tin hơn. Đến một ngày mình chợt nhận ra đã yêu ‘cậu ấy' mất rồi". Trời ạ!

Như ở Úc, tiểu bang Victoria nầy, ai làm thầy giáo, cô giáo đều phải tuân theo cái quy tắc ứng xử (Code of Conduct) đối với học sinh.

Chẳng hạn như không được quyền quan hệ tình dục với học sinh; không được chạm vào thân thể học sinh mà không có lý do chính đáng; không được dùng ngôn ngữ ‘bậy bạ'; không nhắn tin, điện thoại, email hẹn hò vân vân...và... vân vân. Mấy điều cấm kỵ, cô giáo XHCN nầy làm hết ráo mà còn kêu nhà báo viết tin ‘bố láo' khoe với bàng dân thiên hạ coi ai dám làm gì tui? Ha ha! Đúng là cô giáo thời ‘XHCN' văn minh cùng mình, hết biết luôn?!

con mình thường nói mấy nước phương Tây nầy văn minh tiến bộ nên đời sống tình dục thoáng lắm, mát lắm.... Chỉ cần em ‘Ô Kê' là mình thoải mái "Dê'; thoải mái ăn ‘sua đủa' mà hỏng sợ thiên hạ rủa mình.

Nghĩ như vậy là lầm và lầm rất to. Đời sống riêng tư của mình, yêu ai, tò tí với ai là quyền của mình; không ai được quyền xâm phạm đã đành... Nhưng khi đã làm thầy, làm cô rồi là tuyệt đối không có cái vụ tình dục linh tinh lang tang như vậy được đâu. Nhứt là với học trò! Ngành nghề nào cũng có cái tiêu chuẩn đạo đức của ngành nghề đó; ngoài ra còn cái lương tâm chức nghiệp nữa mà chi? Ba má học trò gởi con em vô tay mình để mình ‘dạy dổ' chớ đâu phải để cho thầy hay cô ‘dụ dỗ' phải không?

Không những là nghề giáo không thôi mà  bất cứ nghề nào có liên quan đến quần chúng nhân dân như y tế chẳng hạn là hỏng được quyền chạm tới...cái ‘quần'...chúng.

Hồi xưa, lúc người viết còn con nít, là đã nghe cái vụ ‘Vòng Tay Học Trò'  nầy um sùm một dạo... mà tác giả nữ nầy nói tui viết theo lối hiện sinh...Hiện ‘sinh' hay hiện ‘sình'?!

Bây giờ thì già rồi; đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn. Đôi khi lầm lở nhưng không có cái vụ lầm lở bậy bạ như đã nói trên. Hỏng phải mình ‘đạo đức giả' gì đâu nhưng phụ huynh học sinh giao con em vào tay của mình là họ tin. Mình phản bội lòng tin của họ coi sao cho được chớ. (Cô giáo yêu thầy giáo thì ‘đề nghị hoan hô' nhe!)

Rồi cái ông nhà báo nào viết tường thuật lâm li bi đát chuyện tình ruồi bu nầy, hỏng lẽ ổng muốn cổ vũ cho cái trái đạo lý luân thường nầy hay sao hả?

Đúng là ‘Thời kỳ Đồ đểu' của ông nhà báo ‘XHCN' và ‘Thời kỳ  Đồ cà chớn' của cô giáo cũng ‘XHCN' luôn. Vì họ xúm nhau lại đem chữ ‘Quân Sư Phụ' vụt hết xuống sông rồi.

Chữ rằng "Lương Sư Hưng Quốc'! Thầy cô ‘lương' thiện, dạy dỗ cho đàng hoàng thì nước mới mạnh được. Còn làm bậy bạ như vậy là xã hội đã suy đồi quá xá rồi, mình mất nước tới nơi rồi bà con ơi!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

___________________________________________________________ 

"Xin Đó Đừng Phụ Nghĩa Tao Khang!"

 DXT_aug7.jpg

 

 

Người viết có một người bạn cùng lớp thời trung học rất thân. Còn hơn là anh em ruột trong nhà nữa kìa. Thân vì hai đứa đều là dân làm biếng học.

Nhớ có lần thầy dạy tiếng Anh gọi nó lên bảng, trả bài, chia động từ ‘to rain' nghĩa là mưa. Thầy hỏi khó! Vì động từ nầy không có ngôi thứ nhứt: I rain: Tôi mưa; hay ngôi thứ hai: You rain: anh mưa ...vì nó vô nghĩa...mà chỉ có ngôi thứ ba số ít: ‘It rains' là trời mưa mà thôi!

Tuy nhiên nó cứ chia tưới hột sen vì có học bài, học vở gì đâu mà biết. ‘I rain, you rain, it rain?!" Mấy đứa khác, ngồi dưới, ồn ào như cái chợ vỡ, nhắc tuồng ‘it rains' có ếch, có ếch nữa(s)!

Thầy hỏi tại sao lại có ếch (s)! Thì nó trả lời là: ‘Tại vì trời mưa; nên có ếch thưa thầy. Hi hi!'

Rồi sau đó đi lính, mỗi người một ngã! Năm 75, sập tiệm, đi học tập cải tạo! Ra tù cũng không thấy bóng chim tăm cá nó đâu.

Mãi 20 năm sau, bèo giạt hoa trôi tới cái đất Mai Bình(Melbourne), Úc Châu nầy, một hôm, buồn quá xá, xuống Footscray ăn phở cho đỡ buồn! Nhìn qua bàn bên, thấy có một thằng đang cắm đầu gắp lia, gắp lịa, húp rột rột! Sao trông thấy quen quen! Té ra là nó! Đúng là trái đất tròn thiệt! Đứa đi ngã nầy; đứa đi ngã kia... Tưởng chừng chia lìa miên viễn; sao lại gặp nhau đây. Tha hương ngộ cố tri. Dắt nó về tệ xá, với một thùng beer để tâm sự ‘nhớ nước đau lòng, con quốc quốc! Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia!'.

Té ra nó qua trước mình rất lâu! Từ năm 1979 lận. Hỏi sao hay vậy? Nó cười hè hè nói: ‘Hay gì hên thì có!'. Chẳng qua sau khi mất nước, tù về nhà, nản quá... ăn ở không, rồi nói dóc nên vợ chồng cứ cắn đắng nhau hoài. Đói dễ gây lắm! Một hôm nghĩ lại, thấy để vợ con mình đói khổ quá cũng coi kỳ nên tui quyết đi bán bánh tét, cái nghề cũ của con vợ tui thuở mới chịu đèn nhau! Nước mất rồi ‘quan quyền' gì nữa mà tự ái. Một hôm vừa bổ xong một xề bánh tét còn nóng hổi ở lò ra, lơn tơn xuống bến đò mà bán. Có một bà gọi xuống chiếc đò đã đầy khách, sắp tách bến đòi mua hết. Cha trúng số rồi! Bán xong, đếm tiền, bỏ vô túi áo, gài kim tây cẩn thận, tui lịch sự như người có học tới ‘đít lôm', nói: ‘Chúc bà con ăn bánh tét no bụng rồi thượng lộ bình an nhe!'. Tui tính đò về Bình Đại chớ! Ai dè dợm bước lên cầu tàu thì có một ông mặt mày bậm trợn nói: ‘Anh không đi đâu hết. Ngồi đó! Ông lên, la um sùm CA hay được là tụi tui bị bể!' Té ra tàu vượt biên anh ơi!

Tui mếu máo: ‘Còn vợ con tui ở nhà nữa hu hu!' Thì ổng trả lời gọn hơ, sắc lạnh: ‘Kệ nó! Thân mình lo trước đi'. Thằng cha nầy ác... không nghĩ tình nghĩa vợ chồng tấm mẳn, rau cháo có nhau gì hết trọi! Vậy là tui đi...luôn. Còn vợ con thì kẹt lại. Anh ở đầu sông em cuối sông. Uống chung dòng nước Gò Công Đông! Yêu nhau ta hẹn sang mùa tới! Anh đón em về thỏa chờ mong.

(Bây giờ gần 20 năm gặp lại bạn hiền xưa thì gọi nó bằng anh cho có vẻ đàng hoàng một chút; dẫu gì cũng già háp hết trơn rồi! Cứ ‘mầy mầy tao tao' như ngày cũ sợ bà con rầy: ‘Ê già rồi mà không nên nết')

Rồi anh có lãnh ‘chỉ' qua hông? Sao không? Vợ chồng mà một ngày cũng nghĩa! Một ngày tình cũng trăm năm Thanh Tuyền mà! Còn hai thằng con nữa chi! Ngỡi nhơn tui đâu phải cánh chuồn chuồn khi vui nó đậu khi buồn nó bay đâu! Huynh!

Chu choa sau nầy nghĩ lại! Lãnh qua hỏng biết là mình khôn hay ngu nữa?! Khi em yêu còn kẹt lại quê nhà, bên nầy cày, gởi tiền về cho nó nuôi con! Mỗi năm, 5 tuần phép thường niên, mình bay về thăm! Vợ chồng như Ngưu Lang Chức Nữ! Tháng 7, khai thuế lấy tiền lại, chắc túi...là gặp ‘má sắp nhỏ' một lần! Lo mặn nồng hương lửa ba sinh còn chưa đã nữa kìa... Thời giờ đâu mà cãi lộn chớ! Tiền bạc thì ít tốn hơn! Tháng tháng mình cho mẹ con nó năm trăm đô là no đủ. Còn bây giờ tháng tháng mình xùy hai, ba ngàn đô mà em yêu cứ càm ràm chê thiếu trước, hụt sau! Vợ chồng gấu ó nhau hoài! Rầu hết sức!

Người viết nghe bạn hiền than thở như vậy bèn lên mặt thầy đời mà khuyên rằng: "Cây khô nghe sấm nứt chồi. Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương.

Cãi nhau là chuyện bình thường. Cãi xong tâm sự trên giường cả đêm.'

Ậy ậy! Chính tâm sự trên giường cả đêm nên ‘em yêu' sản xuất thêm bốn đứa nữa là sáu đứa tổng cộng. Cày ná thở luôn. Còn ông mấy đứa? Tui có năm thôi! Vậy hai đứa mình, con tổng cộng 11 đứa; đủ thành lập một đội đá banh đi tranh World Cup ở Brazil rồi đó!

Tuần sau, để trả nợ miệng, anh bạn học cũ mời mình đến nhà vợ chồng ảnh chơi. Té ra ‘chị nhà' là con nhỏ bán bánh dừa, bánh ú, bánh tét trước cổng trường trung học ngày cũ cho học trò nghèo ăn sáng.

Chỉ nói: ‘Hồi xưa ảnh đi học, nghèo, bụng đói... tui cho ảnh ăn bánh dừa ghi sổ... Có tiền đâu mà trả nên tui ưng ảnh luôn cho anh trả suốt đời chơi! Mà qua đây ảnh hư quá trời nhe anh. Đi nhậu hoài bỏ tui thui thủi một mình hoài. (Thui thủi một mình mà sáu đứa rồi đó?! Còn không một mình thui thủi thì bao nhiêu dám ‘phủi' không hết nữa nha?!)

Phải chi lúc tui mới được lãnh qua, tui thôi ảnh cái rụp, lấy Úc, dù nó mập lù như cái lu, lăn đi hỏng nổi nhưng nó ‘ga lăng', cưng vợ hơn nhiều nếu so với mấy ông Việt Nam phong kiến!

Trước khi đi làm, vợ đưa ra cửa: ‘Bye bye! Honey!' Còn hun một cái. Ảnh có chịu làm vậy đâu! Qua đất nước người ta mà hỏng chịu học cái hay của người ta thì biết bao giờ mà tiến bộ chớ! Hỏi sao ảnh hỏng làm như thằng Úc hàng xóm thì ảnh nói ảnh đâu có quen con vợ nó đâu! Hun bậy bạ nó vã không còn cái răng mà ăn cháo. Tui biết ảnh hiểu ý tui muốn gì nhưng giả mù sa mưa, cà chớn vậy đó anh ơi!

Người viết nghe vậy cũng hơi tự ái cho anh bạn mình bèn nói: ‘Bây giờ cũng chưa muộn mà chị!'

‘Già háp rồi còn lấy ai nữa đây! Thiệt uổng một đời xuân sắc!'

‘Thôi chị ơi đừng đứng núi nầy trông núi nọ mà chi. Núi nào cũng đất đá không hà chớ có kim cương hột xoàn gì đâu mà ham!'

‘Thôi tui có mua một ký thịt bê thui hảo hạng ở chợ Footscray nè! Chị xuống bếp xào với củ hành, đậu phọng, bún tàu lên cho tôi với ảnh một dĩa rồi anh chị với tui sương sương nói chuyện đời vui lắm. Hỏng vui hỏng ăn tiền!'

Chị chủ nhà thấy anh bạn học cũ của chồng mình chơi xộp. Bỏ công vác một thùng beer nặng gần trặc xương vai. Còn bỏ tiền ra mua tới một ký thịt bê! Mình chỉ hùn vô chút chút có lời nên tất tả đi làm.

Dọn lên một dĩa bàn trẹt, thịt bê xào lăn, khói bay nghi ngút nhểu nước miếng. Gắp lia, beer khui cái bốp! Làm vài lon là bàn nhậu vui hơn lễ cúng đình kỳ yên nữa đó!

Người viết mới thuật lại cho ‘ảnh chỉ' nghe rằng: ‘Vợ chồng qua cơn biển dâu nầy mà mối tình bánh lá dừa, bánh tét ngày xưa không sứt cùi gãy gọng là hay lắm rồi.  Đừng càm ràm nữa. Nhức đầu lắm!

Chị có nghe chuyện VN hông?  Ông Chu Văn Chìu ở Tuyên Quang, ngoài Bắc, cưới vợ, vô ra đụng mặt mà cứ cãi vã nhau hoài nhức đầu quá nên ông bỏ vô rừng nghe chim kêu vượn hú còn vui hơn nghe em ‘hót' bản tình ca! Hai mươi năm ăn toàn đu đủ, bí đỏ, măng tươi. Ngủ thì trên chõng tre có đệm thêm nhiều lá khô ở phía dưới giường rồi nằm đè lên cho đỡ lạnh. Hai mươi năm tình cũ mà rủ ổng, ổng cũng hỏng chịu về... cho bả ở góa chơi... Dù chồng chưa có chết!

Còn trong Nam, tỉnh Vĩnh Long thì ông nầy nhậu về là quậy, là đuổi vợ, đánh con đến nỗi em phải bỏ đi Sài Gòn bán vé số! Nhà không ai nấu cơm cho ăn; đói bụng quá nên hối hận, vẽ cái bảng bố cáo: ‘Tìm vợ', đặt trên xe ba bánh chạy khắp nơi! Hy vọng em ‘yêu' nghe được hồi tâm mà quay về nối lại tình xưa để anh nhậu đã rồi chửi tiếp. Thiệt là bậy bạ quá!

Hai ông Việt Nam nầy...linh tinh lang tang ...như vậy là vì không chịu đọc sách thánh hiền giảng dạy về tình nghĩa vợ chồng! Nghĩa tào khang gì ráo trọi.

Bà con mình hay dùng chữ tào khang cho tình nghĩa vợ chồng. Nhưng theo nhà văn Sơn Nam cắt nghĩa rằng: ‘Phải là chữ tao khang mới đúng! (không có dấu huyền).

Truyện Kiều Nguyễn Du cũng có chữ tao khang khi nói đến việc Thúc Sinh xa vợ là Hoạn Thư, vừa mần ăn buôn bán; vừa ‘mê...mệt' Thúy Kiều. Cả năm không thèm ‘email' về Hoạn Thư để cho nàng biết chàng có mắc phong, mắc gió gì không? ‘Tin nhà ngày một vắng tin. Mặn tình cát lũy nhạt tình tao khang!'  Làm chồng như vậy thiệt là tệ. Tui hỏng có như vậy đâu nha!

Nhưng tao khang là cái chi vậy?

Điển tích nói rằng: Ðời nhà Hán, Tống Hoằng nhà nghèo, có vợ nhưng cũng học giỏi. Cái nầy hơi lạ vì thường là có vợ rồi còn học hành gì nữa có nước ‘học...sanh' thì có! Tống Hoằng sau thi đỗ, làm quan lớn. Vua muốn cho em gái mình, góa bụa, nhưng còn ngon cơm ngọt nước lắm, về làm thiếp tức vợ bé! (So với con vợ già của Tống Hoằng thì em ăn đứt) nhưng Tống Hoằng hỏng chịu: "Tao Khang chi thê bất khả hạ đường; bần tiện chi giao bất khả phong".

"Tao" là bã rượu, "khang" là cám gạo. Người vợ cùng với mình ăn bã rượu và cám gạo (hỏng có cơm mà ăn; ý nói ăn ở với nhau từ lúc nghèo nàn) không nên để xuống nhà dưới (ý nói không nên ruồng rẫy); người bạn chơi với mình từ lúc nghèo hèn không nên quên. Chú Ba Tống Hoằng nầy là một người đàng hoàng nhứt trong đám lộn xộn đây!

Rồi người Bạc Liêu, như ông Cao văn Lầu, trong bản Dạ cổ hoài lang, thác lời người vợ lớn thương nhớ chồng cũng có viết là:

 ‘Chàng dầu say ong bướm. Xin đó đừng phụ nghĩa tao khang!'

Có vợ bé thì được (say ong bướm) nhưng đừng bỏ vợ lớn nha mấy ông ‘nội'

Lỡ có vợ bé rồi khôn nhứt là dấu biệt tăm biệt tích đừng cho em yêu hay sợ em buồn tội nghiệp! Còn lỡ cây kim trong bọc có ngày lòi ra thì còn cái sách bắt chước người xưa là làm mặt giận: ‘Chồng giận thì vợ làm lành! Miệng cười chúm chím: thưa anh giận gì? Thưa anh, anh giận em chi? Muốn lấy vợ bé em thì lấy cho!' Vậy là đạt mục đích yêu cầu liền chớ có khó chi đâu?!

Chớ giàu đổi bạn; sang đổi vợ chi cho mang tiếng chớ! ‘Vợ cả vợ hai hai vợ đều vợ cả!' Làm sao cho mình trong cũng ấm; ngoài cũng êm là mình ‘sướng'!

Để kết luận so với chồng Úc, chồng Việt mình lịch sự tao khang hơn nhiều! Vậy mà mấy bả hở cái là chê! Nghe làm sao cho lọt lỗ tai được chớ!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

_________________________________________________________ 

"Xin hãy tha thứ cho em!"

 dxt_Aug3.jpg

Tô Hoài

 

 

Gởi má thằng ‘cu'!

Bài viết nầy không phản ảnh quan điểm chính thức của ‘anh yêu'!

(Né trước cho chắc ăn bà con ơi!)

 

Trộm nghe nhà văn Khiêm Cung, Sydney, viết một bài tán dương nồng nhiệt nhà văn Tràm Cà Mau là người có phước; vì cưới được vợ hiền! Đọc xong, nghĩ phận mình, tui muốn khóc ‘hu hu' quá xá bà con ơi!

Tui cũng tin ‘làm phước được phước'. Còn kiếp trước mình lỡ... chưa hề và chưa từng muốn làm phước... thì kiếp nầy trời cho con vợ như thế nào mình cũng đành chịu trả hết kiếp. trả cho xong cái quả báo luân hồi nầy cho nó ‘phẻ', bởi kiếp nầy không trả; kiếp sau cũng phải trả, chạy trời không khỏi nắng, nên hỏng có tính giựt chạy đi đâu nhá ‘em yêu'!

Ông Tràm Cà Mau chắc có ‘căn tu' nên cưới được một người vợ rất dịu hiền như lời ông thuật lại:

"Vợ tôi chỉ là một người đàn bà trung bình trên tất cả mọi mặt. Với một vóc dáng tầm thường bên ngoài, không vêu vao xấu xí khó nhìn. Bên trong nàng mang một tấm lòng hiền hậu, bao dung, biết hành xử khôn ngoan khéo léo, để đem lại cho gia đình hạnh phúc êm ấm lâu bền mà tôi vô cùng biết ơn mỗi khi nghĩ đến. Trong nhiều năm chung sống, chưa bao giờ nàng nặng lời với tôi, chưa bao giờ có cử chỉ hay ngôn ngữ thiếu lịch sự, cũng chưa lần khóc lóc giận hờn đòi hỏi điều này điều kia, hoặc đặt điều kiện làm khó, hay so đo chuyện nhà với gia đình người khác"

Rồi nhà văn Khiêm Cung cũng kể một câu chuyện thiệt và tui cũng tin là thiệt: "Vợ chồng chị đã có mấy mặt con. Chị thường hay nhìn toàn là khuyết điểm của chồng rồi cằn nhằn cửi nhửi, chồng chị nhức xương lắm, thường tâm sự với tôi. Bất ngờ chồng chị lâm trọng bịnh rồi mất. Chị rất can cường, trong đám tang chồng, chị không khóc. Sau đám tang chừng mươi ngày, vợ chồng tôi đến thăm để an ủi chị. Trong lúc nói chuyện, chị rưng rưng nước mắt: Có đêm tôi thức giấc, nhìn đồng hồ thấy quá 12 giờ khuya, không thấy anh ấy ngủ bên cạnh, tôi thầm hỏi "đi đâu mà tới giờ này chưa về?". Rồi tôi liền nhớ ra là anh ấy đã chết!"

Hối hận hình như hơi muộn màng rồi đó nha! Cách đây hơn một trăm năm, có bà vợ người Nga cũng hối hận muộn màng y hệt như vậy.

Lev Tolstoy, văn hào Nga, tác giả tuyệt tác ‘Chiến Tranh và Hòa Bình', đồ sộ cả về nội dung lẫn nghệ thuật trong lịch sử văn học Nga. (Nói thiệt! Tui chưa có đọc mà chỉ nghe người ta khen) nửa đêm bỏ nhà ra đi. Hành động can đảm, vượt thoát đó, dầu muộn vì ông đã 82 tuổi rồi, đã đưa đến cái chết của một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nước Nga, làm chấn động thế giới! Bi kịch về cái chết của nhà văn lừng lẫy nầy được sánh với bi kịch chìm tàu Titanic hay sự khởi đầu của Đệ nhứt thế chiến hoặc cuộc Cách mạng tháng 10 Nga xảy ra một thời gian không lâu sau đó.

Chuyến đi của Tolstoy từ Yasnaya Polyana đến nhà ga Satapovo rồi quay trở về chỗ ra đi mười ngày sau đó trong chiếc quan tài bằng gỗ sồi đơn giản.

Lúc 3 giờ sáng ngày 28 tháng 10 năm 1910, Tolstoy mặc áo ngủ, chân trần không vớ, mang dép; khuôn mặt đầy nỗi thống khổ, xúc động nhưng cương quyết bỏ ra đi. Nửa đêm về sáng, cái giá lạnh khắc nghiệt của mùa đông nước Nga làm ông sưng phổi. Trên giường bệnh, gần hấp hối, bác sĩ chích cho ông một mũi morphine, ông trăn trối: ‘Tôi muốn đi đến nơi nào đó mà không một ai có thể làm phiền tôi! Tôi muốn trốn ra đi...'

Lúc ông sắp chìm vào hôn mê, vợ ông, Sofya Andreyevna, mới được bác sĩ cho phép vào, nhìn mặt chồng lần cuối. Mới đầu bà đứng cách xa chỉ giương mắt ra nhìn, sau, bước tới hôn vào trán chồng; rồi quỵ gối xuống, nói: ‘Xin hãy tha thứ cho em' ‘Forgive me'. Sáu giờ năm phút sáng hôm đó (20 tháng 11 năm 1910), Tolstoy từ trần!

Một số người cho rằng ông không thể chịu đựng nổi nữa cuộc sống chung với người vợ đã gắn bó với ông trong 48 năm. Sóng gió phủ lên những năm tháng tuổi già, mâu thuẫn giữa ông và vợ ngày càng sâu sắc. Lỗi hoàn toàn ở vợ? Cũng chưa chắc! Vì thời trai trẻ, Tolstoy từng là kẻ ăn chơi... gái gú... từng phải bán nhà vì cờ bạc?!

Còn người viết, thú thực sống dưới sự kềm kẹp của CS cũng khá lâu, nên biết cách cư xử với em yêu, một con người toàn trị, nắm trong tay toàn quyền sinh sát trong nhà; nên luôn luôn tâm niệm năm điều là: ‘Đừng nghĩ xấu về em yêu. Còn có nghĩ thì đừng dại dột nói thiệt ra cho em yêu nghe. Mà lỡ có nói thiệt ra thì đừng có ghi lại. Mà lỡ có ghi lại thì đừng có ký tên mà lỡ có ký tên khi vợ hỏi thì bảo là anh không nhớ'; nghĩa là mình phải trơn lùi như con lươn, con chạch; ‘em yêu' mới không bắt được thóp, nắm đầu mình được. Áp dụng cái chủ thuyết 5 không đó, nên giờ mình vẫn sống hạnh phúc với ‘em yêu' đó thấy hông?! Đâu có đau khổ quá cỡ thợ mộc như ông Lev Tolstoy, giận vợ, bèn trốn đi trong đêm Đông lạnh lẽo đến nỗi chết ngoẻo cù từ!

Nói vậy nhưng đôi khi buồn tình cho một kiếp đời nô lệ gác tía lầu son, đem so với ông Tô Hoài, cũng vừa mới qua đời, thì mình cũng phải công nhận rằng: ổng ‘anh hùng' hơn, ‘ngon' hơn mình nhiều!

Ông Xuân Sách trong quyển ‘Chân dung các nhà văn', vẽ ông Tô Hoài như thế nầy: ‘Dế Mèn lưu lạc mười năm. Để O Chuột phải ôm cầm thuyền ai. Miền Tây sen đã tàn phai.Trăng Thề một mảnh lạnh ngoài Đảo Hoang.' (Chữ in đậm là tên những tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài)

Một giai thoại về Tô Hoài do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn (không ai ‘quánh' mà khai tùm lum) như vầy:

(Khi Tô Hoài nói về vợ thì tên ông...(xin lỗi)... thêm dấu sắc thành ‘Tố (khổ) Hoài')

‘Bà vợ tôi chả hiểu gì về nghề của tôi, bà ấy chỉ biết tôi đưa tiền về nhà thì là được. Ở nhà, tôi sống một mình trên cái gác xép, đến quần áo cũng phải giặt lấy vá lấy. Ấy, vợ tôi cũng thế, toàn cho ăn mồng tơi rau đay. Tôi mà đi vắng thì ở nhà mâm dọn ra toàn xoong cả, để khỏi phải rửa bát mà!'

‘Xì nẹt' vợ như vậy; trong đám nhà văn phải nói là Tô Hoài đúng là một tay hảo hán giang hồ. Mà thực sự ổng có đứng đắn, đàng hoàng gì cho cam. Theo nhà thơ Hoàng Cầm cho biết: ‘Về khoản gái, Tô Hoài ghê lắm, hơn bất cứ ai, chỉ có điều tâm ngẩm tầm ngầm như thế, nên chết voi, mà chả làm sao cả. Đến vợ cũng không ghen thì thôi chứ gì?'

Ông Lê Đạt cũng thuật lại một giai thoại là: ‘Có lần, hồi kháng chiến, phải họp để phê bình Tô Hoài đánh vợ. Tô Hoài cho một câu gọn lỏn, các cậu không biết chứ đánh vợ xong, vợ nó chiều lắm!' Hi hi!

Sống ngon lành như vậy hèn chi khi ông mất, theo mấy tay viết báo trong nước cho biết: ‘Hà Nội mưa như trút nước tiễn đưa nhà văn Tô Hoài'. Làm nhà văn mà dám ‘dọng vô mặt vợ' như vậy xưa rày hiếm! Hà Nội khóc là phải?!

‘Rồi vợ ông cũng tiễn đưa người bạn đời nhạt nhòa trong nước mắt. Bà từng day dứt, không được gặp ông trước giây phút nhắm mắt xuôi tay...?'

Sao vậy hả? Lev Tolstoy của Nga không sợ vợ. Tô Hoài của Việt Nam cũng không sợ vợ; còn ‘dợt' vợ lên bờ xuống ruộng! Cuối cùng hai ông chết mà hai bà vợ không ai gặp mặt. Trùng hợp quá nên xin xếp ngồi chung một chiếu!

Còn những nhà văn sợ vợ, nể vợ nhứt vợ nhì trời; xin cho ngồi một chiếu khác. Kẻo cho mấy ổng ngồi chung lại hạch họe lẩn nhau; chê nhau sao ông chết nhát quá vậy thì thêm phiền...

Người viết có anh bạn là nhà văn khá nổi tiếng! Anh có quan niệm sống rất đáng học tập; nhưng những người khác xấu miệng, lại nói là ảnh sợ vợ thầy chạy luôn?!

Người viết có lần hỏi: ‘Người ta đồn rằng anh sợ vợ lắm phải không?' Ảnh tỉnh bơ mà trả lời rằng: ‘Sợ chớ! Hỏng sợ sao được? Con nó nó đẻ ra nó còn dám đánh... Huống hồ chi tui là người dưng!'

Người viết có thằng bạn Úc làm chung sở, vợ nó là ‘senior', nghĩa là làm ‘boss' của nó. Một hôm, người viết hỏi để học tập kinh nghiệm sợ vợ của người nước ngoài: ‘Lúc vợ giận thì bồ làm sao cho nó hết giận?' Nó cười he he trả lời: ‘Tui mở tủ lạnh, xách một ‘pack beer' sáu chai, trốn xuống ‘garage' uống hết! Ngủ một giấc, thức dậy, rồi bò lên nhà. Dễ ợt! Vợ mình giận thì mình ‘biến' là xong!'

Anh bạn văn cũng gật đầu tấm tắc khen thằng Úc nầy khôn! Vì có câu rằng phải hai người mới nhẩy được bản tango. Vợ chồng cãi lộn cũng y như vậy. Ông bỏ bom; bà bắn pháo mới có chiến tranh chớ! Còn bà pháo kích; ông chui xuống tản xê thì làm sao mà dính miểng cho được!

Một hôm, người viết lơn tơn tới, rủ ảnh đi nhậu. Lâu quá không uống cũng chua miệng. Bước vô cổng, thấy ảnh đang lúi húi làm vườn. Ảnh khoát tay nói nhỏ: ‘Ông đợi tui ở ngoài kia; gọi vô điện thoại nhà, nhớ nói tiếng Anh cho con vợ tui hỏng biết, để tui viện cớ mà ‘dzọt' nha.' ‘Nhưng tui có biết tiếng Anh tiếng u gì đâu!' Thì cứ nói đại ‘hi, hu' gì đó một tràng cũng được!' Nghe lời ảnh, tui né qua một bên, rồi gọi vào. Ảnh dịch tiếng Anh ba rọi của tui cho chị nhà nghe rồi ‘dzọt'. Hai đứa vù ra pub Úc ở cuối đường, gọi một chai rượu đỏ, rót ra ly, nhấm nháp với với hột điều rang muối. Vui hết biết! Bỗng tiếng mobile phone reo. Vợ hỏi: ‘Anh đang ở đâu vậy?' ‘Em yêu! Chu choa! Công việc sở bữa nay nhiều quá nên thằng boss mới gọi anh vô làm giờ phụ trội đó cưng!' ‘Còn em, em ở đâu?' ‘À! Em ngồi ngay ở sau lưng anh nè!'

Thiệt là quê xệ! Đành dắt con vợ đến ngồi cùng bàn, nhậu chung một chút cho đỡ quê vì bị bể mánh; bị bắt ngay tại trận; hết chối. Chị nhà cầm ly rượu đỏ lên nhắm môi rồi nhăn mặt la: ‘Trời đất ơi! Sao anh lại uống cái quái quỷ gì mà đắng nghét vậy nè!' Ảnh cười hè hè trả lời: ‘Em thấy chưa? Vậy mà em cứ rầy anh khoái nhậu cho lắm. Nó đắng thấy mồ tổ đi chớ phải không cưng?'

Ôi! Miệng lưỡi sợ vợ của nhà văn sao mà giống như con lăng quăng quá vậy!

Còn vợ nhà văn mà yêu chồng kiểu ‘toàn trị' như vầy chắc chắn sẽ có ngày quỵ hai đầu gối xuống mà: ‘Xin hãy tha thứ cho em!'

 

đoàn xuân thu.

Melbourne

"Cầu thủ thứ 12!"

dxt_jul26_cauthu12.jpg 

 

 

Tranh Bảo Huân.

 

Thưa quý độc giả thân mến!

Hồi xưa ở quê mình, các trường trung học lớn, niên học nào, mấy thầy dạy thể dục thể thao đều tổ chức giải vô địch đá banh toàn trường, cho tất cả các cấp lớp. Ở cấp trung học đệ nhị cấp gồm đệ tam, đệ nhị và đệ nhứt tranh với nhau. Thường thường là các lớp đệ nhứt ăn đứt... Vì tụi nó ‘già' hơn, bự con hơn; chạy lẹ hơn; lấn giỏi hơn!

Người viết nhớ năm cuối cùng của bậc trung học cũng theo đội lớp mình mà đi đá. Nhưng cái tướng ốm nhom, ốm nhách, cao lêu khêu như cây tre miễu, cặp giò như hai cái ống điếu mà lừa, mà đá cái gì... nên thằng trưởng lớp giao cho mình cái chức thủ môn tức giữ gôn. Học trò nghèo có đồng phục thi đấu gì đâu!  Ra sân, hai bên mặc quần xà lỏn, chạy rung rinh, lắc qua lắc lại y hệt như cái quả lắc đồng hồ...He he! Một bên mặc áo thun; một bên ở trần với trái banh.... Rượt, xúm tùm hụm, giành nhau chí tử! Không có đội hình hậu vệ, tiền vệ hay trung phong gì hết ráo! Mà vui thôi kể gì mà nói!

Rồi cũng nhớ tới thói quen của con ‘cẩu'! Nó đi đâu xa hay giở cẳng sau lên, xịt nước hoa vào một gốc cây nào đó để một lát quay lại hửi hửi mà nhớ đường về! Cái thằng thuộc lớp đối thủ, nó hỏng phải tuổi Tuất, sao lại bắt chước con ‘cẩu' cho đành?! Trụ thành mình đang giữ nó bèn để lại chút nước hoa mà đối với mình trời ơi: "Khai hết biết!'. Tính cự nự: ‘Ê! Chơi dơ quá vậy bồ; nhưng dầu gì cũng lỡ rồi nên chịu khó dịch ra khỏi cầu môn một chút! Đâu có chết thằng Tây nào!' Ai dè trời bất dung gian đảng, lớp bên kia, có đứa giành được trái banh sút đại, cầu âu... lốp khỏi đầu thủ môn, vô gôn.

Trận đó thua 0-1, (như Argentina thua Đức), mất chức vô địch trường. Sau trận đấu, mấy thằng cùng lớp xúm lại giũa cho mình một trận te tua. Từ đó giận lẫy... không thèm đi đá banh nữa nhưng vẫn khoái coi thiên hạ đá... từ thuở thanh xuân cho đến lúc bạc đầu!

Dẫu mê đá banh như vậy nhưng so với người em sầu mộng nầy là mình phải dở nón chào thua!

Chuyện rằng: Ai cũng biết mỗi đội bóng có 11 cầu thủ. World Cup 2014 tại Brazil vừa rồi dành cho thanh niên, đàn ông, con trai. Chúng ta cũng có World Cup dành cho nữ nữa đó... để không thôi em yêu than phiền anh ‘sút' bắt em chụp không hà (trái banh em ôm gọn...chín tháng mười ngày sau hóa ra thằng nhỏ?) mà không cho em ‘sút' với!)

Và khi tường thuật một trận đấu có một trọng tài bất công, chăm chăm binh đội nầy, xử ép đội kia thì mấy nhà báo thường gọi thằng cha trọng tài nầy là cầu thủ thứ 12 của tụi nó!

Nhưng trường hợp cầu thủ thứ 12 của đội Đức lần nầy không phải là thằng cha trọng tài mà là một nữ nhi, 59 tuổi, sanh ngày 17/07/ 1954 ba ngày trước khi nước Việt Nam mình chia đôi lằn ranh quốc cộng qua dòng sông Bến Hải.

Báo Đức chơi chữ như vầy: "Our twelfth man is a woman."

Mà người viết xin dịch là: ‘Cầu thủ thứ 12 của đội tuyển chúng ta là một con ‘ghệ'!' Hi hi!

Con ‘ghệ' đó là Angela Merkel, Thủ tướng Đức từ ngày 22 tháng 11 năm 2005 tới nay. Bà có nhiều kỹ lục: nữ Thủ Tướng đầu tiên, trẻ nhứt từ sau đệ nhị thế chiến, xuất thân từ Đông Đức bây giờ Tây, Đông gì bà cũng là người quyền lực nhứt. Mà không phải riêng nước Đức không thôi, tạp chí Forbes cho là bà là ‘number one' trong 100 người phụ nữ quyền lực nhứt trên thế giới ba năm liền 2006, 2007 và 2008. Nói theo kiểu đá banh là 3 năm liên tiếp bà đoạt quả bóng vàng!

Bố làm mục sư; mẹ là cô giáo, lớn lên học giỏi tới tiến sĩ Vật Lý! Tiếng Anh, tiếng Nga rốp rốp như bẻ mía. Hồi mới tốt nghiệp Tiến Sĩ xin vô trường đại học tiếp tục nghiên cứu nhưng không được vì Mật vụ Đông Đức kêu làm điềm chỉ, chỉ chọt lung tung nhưng bà không chịu.

Năm 1986 được phép đi Hamburg, Tây Đức thăm bà con; bà đã tính vọt luôn rồi nhưng suy đi, nghĩ lại sợ ba má ở nhà bị tụi nó nhốt nên đành phải quay trở về mà nộp mạng cho chằn?

Mãi 3 năm sau, năm 1989, nghe bức tường Bá Linh sụp đổ, bà khui một lon beer, nhậu để ăn mừng! Cha! Lon beer đó mới đã khát làm sao?

Rồi vật đổi sao dời, lên làm Thủ tướng Đức từ năm 2005. Đầu năm 2006, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Angela Merkel, sau 100 ngày cầm quyền, giành được sự ủng hộ cao nhất trong các Thủ tướng nước Đức kể từ năm 1949.

Angela Merkel là Thủ tướng Đức đầu tiên đi thăm nhà tù Hohenschoenhausen nơi Stasi, cơ quan an ninh Đông Đức Xã hội chủ nghĩa (hồi xưa đã từng cà khịa với bà) giam người một cách bí mật! Bà minh họa cho thế giới hiểu thêm về chủ nghĩa cộng sản: "Đây là ví dụ cho thấy sự tàn bạo, vi phạm nhân phẩm của con người".

Chỉ 60 năm sau khi Hitler đi bán muối; để lại một đất nước tan hoang vì bom đạn rồi bị mấy thằng quánh ăn xâu xé; chia cho mỗi thằng một miếng?! Với GDP của nước Đức thống nhứt và tự do là 3 ngàn 3 trăm tỷ USD, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Thiệt đáng nể!

Mới đây, ngày 8 tháng 7 năm 2014, với sinh viên tại đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, bà Merkel nói: ‘Pháp luật phải bảo vệ người dân. Muốn vậy! Phải đa nguyên, đa đảng, tự do mới được!"

Bắc kinh về, sau khi cho tập đoàn Trung Nam Hải một bài học (trúng không chê vào đâu được) thì theo lịch, bà Thủ tướng Đức Merkel phải đón tiếp và làm việc với ông Thủ tướng Bảy Cà Ri Ấn độ vừa mới đắc cử; nhưng bà bỏ ông khách ở nhà! Xin lỗi Chú Bảy Chà nán lại chút chơi... Tui còn bay đi Brazil để ủng hộ đội Đức đá chung kết với Á Căn Đình.... Rồi mình nói chuyện ‘mần ăn' sau nhá!

Như quý độc giả đã biết: Đức thắng 1-0! Lúc phát giải vô địch bóng đá thế giới, bình luận viên nhiều nước khác nhau đều hết lòng ca tụng vị Thủ tướng 59 tuổi nầy là một fan cuồng nhiệt của bóng đá Đức. Đứa nào đi qua bà cũng ưu ái ôm một cái; dù người ngợm mấy thằng nhóc nầy nhể nhại. Chạy suốt 120 phút, mồ hôi... hôi thôi hết biết; mà bả vui quá nên hỏng thấy nó hôi...He he!

24 năm rồi mới được ôm cái cúp vàng về nước... dù đổ quá xá mồ hôi nó cũng thơm?!

Ca khúc khải hoàn! Máy bay về Bá Linh, vòng vòng chưa kịp đáp xuống mà hơn nửa triệu người dân Đức đã tụ tập dưới đất để chào đón ‘anh hùng'! Kìa đoàn quân chiến thắng quay về dưới nắng hồng...

Báo chí Đức ăn theo, tăng số phát hành, chọc quê đội Á Căn Đình bằng bức tranh biếm họa, đăng trên tranh nhứt, vẽ miếng thịt bò bít tết ‘Made in Argentina'. Dao, nĩa thì ‘Made in Germany'. Thiệt là đểu! Xát muối vào vết thương lòng của Lionel Messi đó nha!

Uy tín trong nước của bà Thủ tướng cũng được ăn theo, vọt lên như pháo thăng thiên! Nghe tin bà sẽ rũ áo từ quan sớm, cho người khác lên thay, chứ hỏng chịu tiếp tục hi sinh tới năm 2017 lúc hết nhiệm kỳ. Dân Đức năn nỉ: ‘Đừng đi!'

Bàn rộng ra, Anh với Đức có yêu nhau bao giờ; vì ai cũng muốn làm cha, làm mẹ Châu Âu! Nhưng lần nầy, mấy nhà báo ‘đời' của Anh Cát Lợi phải buột miệng, đồng loạt hoan hô Angela Merkel như: ‘Tôi yêu Angela Merkel bỡi vì bà ấy yêu bóng đá nhứt nếu so với mấy cha lãnh đạo trong nhóm G8!'

Rồi một người khác hứa là sẽ bỏ phiếu cho bà Thủ tướng Đức Angela Merkel nầy trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới ...của Anh?!

Tay nầy chắc tính đá giò lái đương kim Thủ tướng Anh Cát Lợi David Cameron đây! ‘Ê! Nói vậy làm tui tự ái lắm nha!'

Chiến thắng nầy của đội tuyển Đức rõ ràng đã cứu bồ, vớt uy tín lãnh tụ đảng ta lên! Chẳng qua dân Đức đang quạu vụ hai nhân viên chánh phủ Đức làm do thám cho Mẻo! Rồi điện thoại của Thủ tướng Đức mà tụi Xịa (CIA) dám gắn con bọ vào từ năm 2002, mà nghe lén chớ!

Cái tình yêu bóng đá và tài kinh bang tế thế của nữ Thủ tướng Angela Merkel còn lan tỏa... xa tới Việt Nam nữa nhe!

Một người nói rằng mình hỏng biết nhiều về bóng đá (tội nghiệp hông?) không phân biệt được thủ quân và tiền đạo?! Nhưng thấy bà Angela Merkel hay như vậy bèn ca tụng bà ấy hết lời luôn! Thú thiệt, tui thấy: ‘Đúng là yêu nhau cau sáu bổ ba!'

Rồi ước bà Thủ tướng Đức Angela Merkel thành người Việt Nam! Chi vậy? Tui cho rằng nếu bã thành người Việt Nam thì trong cái hệ thống ‘đua một mình' đó bã cũng bó tay chấm cơm mà thôi! Hi hi!

"Người dân Đức may mắn có một Thủ tướng như thế! (?)

Làm gì có chuyện may mắn ở đây? Người ta thường nói ‘Hay không bằng hên'! Dân Đức hay (có hên xui may rủi gì đâu?) vì chọn được môt Thủ tướng giỏi! Vì họ được quyền chọn và biết chọn! Đơn giản như 1 cộng với 1 là 2 vậy!!

Rồi sau đó, bà Angela Merkel được đem ra so sánh với quý ‘quan lớn' ‘Lãnh đạo chúng tôi như con giun con dế....Một đất nước không may khi quá nhiều lãnh tụ có tham vọng chính trị nhưng lại thiếu trầm trọng một chút tài năng'

Thưa! Xin đừng đổ thừa cho ông Trời làm đất nước mình không may; nên không có được một minh quân! Tội nghiệp ông Trời lắm!

Theo ngu ý của tại hạ là: Muốn có được một lãnh tụ anh minh, yêu nước, thương nòi, có tài và đức... không phải là chuyện trên trời rớt xuống hay dưới đất nẻ chui lên. Nên hỏng có cái vụ hên xui ở đây?!

Lãnh tụ nầy là con đẻ của nhân dân và từ nhân dân mà ra.

Và muốn có ‘hiền tài' xuất hiện thì phải tạo điều kiện cho họ ra đời chớ. Điều kiện đó giống như bà Thủ Tướng Angela Merkel đã từng nói với Tập Cận Bình là: ‘Dân chủ, tự do và đa nguyên'. (Dễ ợt nhưng hỏng muốn làm vì sợ thua nên hỏng dám rủ ai đua! Chạy một mình tui là tui về hạng nhứt!)

Kinh tế thị trường cho đua mà chánh trị thì cấm...Tỉ như chiếc xe hỏng xả thắng tay thì làm sao nó chạy chớ?

Đã không dám xài cái hệ thống chánh trị tiến bộ đó... dù cầu Trời, khẩn Phật cho ‘hiền tài' xuất hiện chỉ là chuyện nằm mơ và mớ... rồi đổ thừa tại Trời nên đất nước tui sao xui quá xá! Cứ ở đó mà đổ thừa đi nha!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

Hỏa tiễn địa đối không trong tay kẻ vĩ cuồng!

 dxt_jul23.jpg

 

 

Chiếc Boeing 777, MH-17, của hãng hàng không Mã Lai đã nổ tung trên trời rồi rơi xuống làng Grabovo, vùng Donetsk, miền Đông nước Ukraine, vùng đất do phiến quân ly khai thân Moscow kiểm soát gần biên giới với Nga, hồi xế chiều thứ Năm lúc 14:15 GMT (giờ quốc tế), khoảng 4 giờ 15 chiều giờ địa phương, ngày 17 tháng 7 năm 2014.

Chuyến bay nầy từ phi trường Schiphol, gần Amsterdam, thủ đô Hòa Lan trên đường tới thủ đô Mã Lai. Khi tới Kuala Lumpur, một số hành khách sẽ đổi chuyến, bay tới Melbourne vào tối thứ Sáu!  

Tổng cộng 298 người bao gồm phi hành đoàn; không một ai sống sót!

Trên cánh đồng, gần một mỏ than, đầy dẫy mảnh vụn xác máy bay và đầy dẫy xác người! Rất nhiều phụ nữ và trẻ con!

Một nạn nhân là nữ, mặc áo lạnh màu đen, nằm ngửa, khuôn mặt đầy máu, cánh tay trái giơ lên cao như muốn gọi ai đó. Một phụ nữ khác thân bị rách toạt, chân gãy, trên người chỉ còn chiếc áo lót màu đen. Mái tóc hoa râm của bà hòa vào màu xanh của cỏ.

Một người đàn ông mặc quần short, mang vớ, bàn tay phải đặt trên bụng như đang ngủ. Một thanh niên mặc quần ‘short' xanh, giày đỏ, nằm dang tay, chân trên cỏ, chiếc cell phone rơi bên cạnh.

Rất nhiều thi thể trẻ em, trong đó có một bé trai khoảng, 10 tuổi, xác nằm trên cỏ, mặc chiếc áo gió màu đỏ, có in chữ "Đừng sợ!"

Cả thế giới kinh hoàng! Một thiếu nữ đến đặt một bó hoa tưởng niệm nạn nhân trước Tòa Đại Sứ Hòa Lan ở thủ đô Kiev, nước Ukraine. Ngày thứ Bảy 19/07, nước Úc sẽ treo cờ rủ để tưởng niệm những người đã bị giết!

Ít nhứt 37 người dân Úc đã bị thiệt mạng trong thảm kịch hàng không kinh hoàng nhứt trong lịch sử nước Úc. Có 18 nạn nhân từ tiểu bang Victoria, 9 người từ Queensland, 7 từ Tây Úc, 1 từ NSW, 1 từ ACT và 1 chưa xác định được...

Việt Nam cũng có một người mẹ trẻ, 37 tuổi, Nguyễn Ngọc Minh, và hai đứa con: một gái, 17, một trai, 13, mang quốc tịch Hòa Lan, trên đường trở về cố hương để làm đám giỗ cho chồng (đã qua đời vì tai nạn vào năm trước), cả nhà đều bị thiệt mạng! Thiệt là đau xót!

Ngoài ra còn: 173 người Hòa Lan, 43 người Mã Lai, 12 người Nam Dương, 9 người Anh, 4 người Đức, 4 người Bỉ, 3 người Phi Luật Tân, 1 người Mỹ song tịch với Hòa Lan, 1 Canada, 1 người Hong Kong và 37 người khác chưa thể xác định. Số nạn nhân của Úc có thể còn tăng lên vì có một số mới là thường trú nhân còn mang thông hành nước ngoài.

Có 6 chuyên gia hàng đầu về bệnh liệt kháng dự trù đến hội nghị ở Melbourne bắt đầu vào Chúa nhựt, đã chết.

Hãng hàng không Mã Lai sẽ bồi thường 154 ngàn đô Mỹ hay hơn nữa cho người thân của mỗi người bị thiệt mạng! Nhưng tiền làm sao bồi thường được nỗi đau đột ngột mất người thân một cách bi thảm như thế nầy?!

(Hai người con gái của Thủ hiến Campbell Newman, tiểu bang Queensland, Úc Châu, cũng đã cùng đường bay qua không phận nầy, 19 giờ trước đó.)

Không biết là Tổng thống Nga Vladimir Putin có được mời dự hội nghị G20 vào tháng 11 ở Brisbane nầy hay không nếu cuối cùng các điều tra viên phát hiện ra Nga là người cung cấp vũ khí cho phiến quân bắn hạ chiếc phi cơ hành khách nầy.)

Một quân ly khai có mặt ở hiện trường, tên Sergei, phải thốt lên rằng "Thật kinh hoàng!" (It was horrible!)

Mảnh vụn  của phi cơ vương vãi nhiều dặm vuông. Hôm thứ Tư cũng trên không phận nầy, phi cơ Nga đã bắn rơi một chiến đấu cơ Su-25 của chánh phủ Ukraine.

Nhiều cư dân địa phương ghi những hình ảnh đau xót nầy rồi gởi lên YouTube cho thấy: Sách của trẻ con, đồ chơi văng tung tóe. Mấy đứa nhỏ có tội tình gì?

Grabovo là thị trấn nhỏ có mỏ than, Oleg Georgievich, 40, nghe như có tiếng hú, xé gió khoảng sau 4 giờ chiều giờ địa phương. Ông nói phi cơ chánh phủ Ukraine thường bay ngang qua đây, bỏ bom làng bên rất nhiều lần. Bước ra ban công nhà, ông thấy từ trên trời có vật gì rơi xuống và sau đó nhận ra đó là mảnh vụn của một chiếc phi cơ. Rồi xác người tan nát với quần áo rách bươm rơi theo!

Chánh phủ Ukraine và chánh phủ Nga đổ thừa cho nhau về tội ác chiến tranh nầy. Qua hệ thống radar cho thấy một hỏa tiễn địa đối không bắn lên rồi chiếc phi cơ MH 17 nổ tung ra từng mảnh vụn!!

Vậy ai bắn?

Chánh quyền Ukraine đã cáo buộc phiến quân ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine đã bắn rơi MH17.  Gần đây, quân ly khai nhắm bắn tất cả những máy bay quân sự của Ukraine xuất hiện trong khu vực do họ kiểm soát hoặc đang tranh chấp.

Máy bay MH 17 đã bay từ hướng Tây sang Đông; từ phần đất thuộc phe chánh phủ Kiev sang phần đất phe ly khai đang kiểm soát...  nên có thể phe này đã nhầm máy bay dân sự với một chiếc phản lực cơ quân sự?!

Đáng chú ý, một thời gian ngắn sau khi máy bay rơi, một đoạn video, đăng trên YouTube cho thấy dân làng ở miền Đông Ukraine, những người trung thành với quân ly khai, reo mừng bên một cột khói đen đang lan tỏa lên trời! Thậm chí một người còn hô to: "Nó cháy thật đẹp!"

Rạng sáng ngày sau xảy ra sự việc, một trang web liên kết với chỉ huy quân sự phe ly khai, Igor Girkin, ra thông báo: "Quân ly khai đã bắn rơi một chiếc máy bay chở hàng"  "Đừng bay trên vùng trời của chúng tôi!".

Có người đa nghi hỏi: Có phải do quân ly khai thân Nga bắn hay không? Vì hỏa tiễn phòng không của phe ly khai chỉ đủ khả năng bắn hạ những chiếc máy bay ở độ cao khoảng 9.000 m mà thôi. Trong khi máy bay dân sự chở khách thường bay cao hơn 10.000 mét?!

Ông nầy không biết là Nga đang vận chuyển những vũ khí ngày càng tinh vi tối tân hơn cho quân ly khai. Và hôm 29/6, quân ly khai chiếm được một căn cứ quân sự của Ukraine, tịch thu được hệ thống hỏa tiễn đất đối không, cơ động gắn trên xe tải, hệ thống BUK-M2, với tầm hoạt động rất xa.

Cách đây không lâu, phe ly khai này cũng nhận trách nhiệm về việc bắn hạ một chiếc máy bay tại địa điểm gần với nơi chiếc MH17 bị bắn hạ.

Những ngày gần đây, Nga liên tiếp tập trung binh sĩ gần biên giới với Ukraine. Hỏa tiễn địa đối không của quân đội Nga rất nhiều, và cũng có thể đã nhầm lẫn chiếc máy bay dân sự với một máy bay quân sự của đối phương, xét theo hướng di chuyển của chiếc máy bay từ phía Ukraine về phía Nga?! Nhưng Nga có hệ thống radar tối tân hơn nhiều so với quân ly khai nên ít có khả năng chính tay quân đội Nga khai hỏa. Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng lập tức chối bỏ việc Nga có liên quan bằng cách chối từ hai chiếc hộp đen do phiến quân định trao cho?!

Trên những trang mạng xã hội như Facebook và Twitter của quân ly khai, bước đầu khoe khoang thắng lợi, có thể là do Igor Girkin, Bộ trưởng Quốc phòng tự phong của cái gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (Donetsk People's Republic), người làm tình báo cho Nga; người đã từng bắn vào chính quân nhân dưới quyền của mình về tội bất tuân thượng lịnh!

Cơ quan Mật Vụ của chánh phủ Ukraine tin rằng y có ít nhứt 3 tên khác nhau

Vợ cũ và con cái của y vẫn sống ở Moscow nơi y có bí danh danh là Igor Xạ thủ (Igor the Shooter)

Y đã bị cho là người đã ra lịnh bắt giữ những Nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Âu mà y kết tội họ làm gián điệp vì họ đã mang theo những dụng cụ đặc biệt. (Thiệt khùng hết chỗ nói!)

Tên sát thủ máu lạnh nầy đã trâng tráo viết trên mạng xã hội rằng: ‘Chúng tôi đã bắn hạ một chiếc máy bay'(We shot down a plane!) ‘Đừng có bay qua vùng trời của chúng tôi' (Do not fly in our sky)

Một người khác, cũng thuộc phe ly khai thân Nga, có bí danh là Igor Bezler, được ghi hình đang cười hả hê với đồng bọn khi chiếc máy bay rơi xuống đất và chìm trong biển lửa. "Nổ rồi kìa- toàn là những khói!" (That was a blast - look at the smoke!)

Một lát sau, y gởi lên mạng xã hội những lời rất phấn khích là y đã ra lịnh bắn rơi một chiếc phi cơ quân sự Antonov-26 của không quân Ukraine.

(Qua màn ảnh radar, không phân biệt được một chiếc phi cơ chở khách bay cao tới 10 cây số và một phi cơ vận tải quân sự mà quyết định dùng hỏa tiển địa đối không bắn hạ, giết chết 298 người vô tội trong đó có tới 80 trẻ em và vài đứa là trẻ sơ sinh cho chúng ta thấy vũ khí hiện đại chừng nào trong tay kẻ ngu dốt thì tội ác kinh hoàng chắc chắn sẽ xảy ra thảm khốc chừng ấy!)

Cơ quan an ninh Ukraine cũng tiết lộ cuộc nói chuyện giữa điện thoại giữa Igor Bezler, báo công với một nhân viên tình báo quân đội Nga là Vasili Geranin:

Bezler: Chúng tôi vừa bắn hạ một chiếc phi cơ. Nó rơi ở Yenakievo.

Geranin: Phi công? Phi công đâu?

Bezler: Đang cho lính đi tìm và chụp hình. Nó đang bốc khói!

Geranin: Cách đây bao lâu?

Bezler: Khoảng 30 phút

Vài phút sau, một cuộc điện đàm giữa hai tên theo phe ly khai khác. Một có bí danh là Major (Thiếu tá) và Greek (Hy Lạp) nói: Một đơn vị quân ly khai xử dụng hỏa tiễn địa đối không bắn hạ một chiếc phi cơ và điểm máy bay rơi cách điểm bắn khoảng 25 cây số về hướng Bắc.

Khi tên Greek hỏi có vũ khí trên máy bay không thì tên Major trả lời là: "Không có! Chỉ có vật dụng dân sự, thuốc men, khăn, giấy... đồ chơi của con nít!"

‘Có tài liệu nào không?'.

‘Có của một sinh viên Nam Dương trường đại học Thompsom.  Rồi tiếng chửi thề ‘F***'

Sau những thông báo chiến thắng, bắn hạ chiếc Antonov-26 của quân địch, rồi biết mình lầm... phe ly khai vội vàng lấy những thông báo nầy xuống khỏi các trang mạng xã hội?!

Thượng Nghị Sĩ, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ, John McCain, một cựu phi công Hải quân Mỹ, từng tham chiến và bị bắt làm tù binh, giam ở Hỏa Lò Hà Nội trong cuộc chiến tranh Việt Nam, với kiến thức về quân sự và dựa vào những tin tình báo đã phát biểu: ‘Hệ thống vũ khí phòng không của chánh phủ Ukraine không có khả năng bắn hạ một chiếc máy bay ở độ cao 33000 feet!' Phát biểu như vậy thì ý ông muốn ám chỉ còn ai vào đây nữa?

Một độc giả tin chắc là do quân ly khai bắn. Ông viết: ‘Mấy tên ly khai nầy đâu có phân biệt được phi cơ dân sự và phi cơ quân sự! Chỉ là một chấm... trên màn hình radar (vì có được huấn luyện kỹ càng đâu mà biết)!

Nhưng cũng có độc giả nhảy vô bênh vực cho Putin, nói: ‘Đây là tai nạn! Nếu cho rằng Nga cố ý làm, tôi không tin mấy thằng Nga ngu đến như vậy!'

Tuy nhiên có ông khác cự lại một câu chí lý: ‘Đưa vũ khí tối tân của mình vào tay mấy thằng ngu thì mình còn ngu hơn nó nữa!'

Tóm lại là giao vũ khí tối tân của mình vào tay những kẻ ‘khoái xiết cò cho vui' (trigger-happy)... thì bàn tay con gấu Nga đã đẫm máu dân vô tội: Âu Châu, Á Châu rồi. Cãi gì nữa chớ! Đừng tự biện minh cho tội ác chiến tranh của mình nữa! Nghe chán lắm!

Đâu phải đây là lần đầu, chiếc KAL số 007 của Hãng Hàng Không Nam Triều Tiên, năm 1983, khi nó bay chệch đường, dù đã xưng tên họ cũng bị Nga bắn hạ như thường!

Mới đầu quân ly khai thân Nga ở Donetsk vui quá xá vì nghĩ mình bắn rơi phi cơ quân sự của kẻ thù... Sau thấy ‘hố' vì lỡ bắn phi cơ dân sự rồi bèn lấp liếm tội ác của mình bằng cách nói dóc, đổ thừa cho chánh phủ Ukraine.

Cuối cùng, phe ly khai thân Nga đã đứng ra nhận trách nhiệm, theo tờ Thời Báo Kiev! Chớ hỏng lẽ để Putin của Nga đứng ra nhận tội giết người hay sao?!

Vậy mà dân Nga có người còn ráng nghi là âm mưu do Mỹ và Liên Âu dàn dựng, để mượn cớ mà can thiệp vào tình hình Ukraine, chống lại Putin. Tới nước nầy, rõ rồi, xin "Đừng bênh vực cho Putin nữa! Dơ lắm!"

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

Bye bye World Cup Brazil 2014!

 dxt_jul17_wcup.jpg

     

Thưa quý độc giả khoái đá banh thân mến!

Rạng sáng nay, 14 tháng 7, (lúc người viết đang cặm cụi viết cho xong bài nầy để còn coi đá banh nữa chớ), giờ đông bộ Úc Châu, trận thứ 64, ngày thứ 32, cũng là trận cuối cùng của mùa World Cup Brazil 2014 sẽ diễn ra giữa hai đội Đức (Germany) và đội Á Căn Đình (Argentina).

Trước hết, người viết xin thành kính cám ơn ông Úc, gốc Hung Gia Lợi (Hungary), Les Murray của đài SBS (Tụi mình cùng là dân tị nạn CS, lại khoái đá banh nên đi chung xuồng hé! Được hông?!) và các đệ tử của ông đã chạy... chọt, chạy tới, chạy lui để SBS truyền hình trực tiếp cho bà con Miệt dưới của mình coi mãn nhãn. Mấy lần World Cup trước, hỏng có chiếu hết tất cả các trận đấu đâu à nha! Nghe nói, xong ông sẽ về hưu. Chúc ông thượng lộ bình an!

Chữ cũng có nói rằng ‘Ôn cố tri tân'. Do đó bài viết nầy để tiễn đưa đại huynh Les Murray về đá banh với vợ sau mùa World Cup nầy sẽ có hai phần: Phần một: Ôn cố và phần hai là Tri tân.  

Phần Ôn cố là AP (The Associated Press) có điểm lại 10 cầu thủ vĩ đại trong lịch sử của giải đấu World Cup!

Phần Tri tân là ai sẽ là cầu thủ xuất sắc nhứt; ai là vua phá lưới đoạt chiếc giày vàng, ai là bàn tay nhựa, bắt dính nhứt, ai là huấn luyện viên hay nhứt và ai là trọng tài ít ‘xây cá nại' nhứt sẽ được FIFA bầu chọn để tên tuổi ghi vào sử sách! (Sẽ dành cho bài kỳ sau vì giờ chưa có ai biết thì làm sao mà viết?!)

Phần một ‘Ôn cố' gồm mười ông cố!

Ông ‘Cố' thứ nhứt là: Pele, được nhiều người cho rằng đó là cầu thủ vĩ đại nhất, là ‘Vua' trong lịch sử bóng đá vì ông là cầu thủ duy nhứt, duy ngã độc tôn, độc cô cầu bại, đã giành chức vô địch ba kỳ World Cup với đội tuyển Brazil.

Năm 1958, hãy còn là thiếu niên, 17 tuổi, giành chức vô địch bóng đá thế giới. Bốn năm sau, bị chấn thương, vào sân chỉ một trận và Brazil cũng đoạt chức vô địch. Sự nghiệp của Pele lên tới chót núi khi ông đã dẫn dắt Brazil giành chiến thắng năm 1970.

Ông ‘Cố' thứ hai là Diego Maradona, người viết xin lén đặt cho ông một biệt danh là ‘Người lùn gây máu lửa' (cao 1 mét 65, lùn hơn tui đó nha!) vì ông rất khoái tranh cãi linh tinh, miệng ngậm điếu xì gà Havana khổng lồ của bố nuôi, nhà độc tài Fidel Castro, con khủng long ‘nhí', còn sót lại của cách mạng Cuba, sắp đi chầu ông bà ông vải.

Maradona thường tự ‘ên' mình so sánh với ‘Vua' bóng đá Pele. Bà con thấy vui, xúm lại xúi hai ông cãi lộn nghe chơi, về cái vụ giành nhau chiếc ngai vàng bóng đá!

Maradona cùng đội tuyển Argentina giành chiến thắng năm 1986. Người Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho Maradona vì đã ghi bàn bằng tay mà ông gọi là "Bàn tay của Chúa" "Hand of God"  trên đường đến chiến thắng tại Mexico.

Còn người dân Argentina, cho Maradona là một huấn luyện viên đội tuyển quốc gia khủng khiếp, ‘dở như hạch', cách đây bốn năm tại Nam Phi. Đá thì vô ‘song'! Nhưng chỉ cho em út đá là hết trông ‘mong' gì?!

Ngoài ra còn chơi ma túy nữa chớ! Đó là một vết nhơ...dơ đến nỗi phải bay qua Cuba mà la: ‘Bố Fidel ơi! Bố có kinh nghiệm! Bố cai nghiện dùm con đi. Hu hu! Con hỏng muốn ‘chết' vì overdosed'

Ông ‘Cố' thứ ba là Ronaldo, biệt danh Ro Béo, vì ông rất khoái hẩu xực nên hơi thừa cân, thừa ký. Và có mái tóc của chú tiểu chùa Tây Phương, ba vá miếng vùa, đường mòn xưa dãi nắng dầm mưa?

Ông là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong World Cup với 15 bàn thắng. (Kỷ lục nầy vừa bị tiền đạo đội tuyển Đức Miroslav Klose bóp kèn ‘tin tin' qua mặt trong vòng chung kết lần nầy!)  Ông là một cầu thủ trẻ trong đội hình Brazil đã giành World Cup 1994, sau đó đã giúp Brazil lọt vào chung kết hai lần năm 1998 và  năm 2002. Ông đã lên cơn co giật (động kinh) vài giờ trước trận tranh chung kết năm 1998, thua đội Pháp chủ nhà với tỉ số 0-3. Nhưng bốn năm sau đó tại Yokohama, Ronaldo ghi hai bàn trong trận chung kết và đội tuyển Brazil vô địch thế giới thứ năm. Lần tham dự cuối cùng World Cup của Ronaldo là năm 2006.

Ông ‘Cố' thứ tư là Zinedine Zidane: Đối với  dân Ý, họ nhớ Zidane với cú ‘thiết đầu đà', húc và làm hậu vệ Marco Materazzi  đo đất, nằm sân trong trận chung kết năm 2006. Zidane lãnh thẻ đỏ và đội tuyển Pháp thua khi đá phạt đền sau 120 phút hòa nhau 1-1!

Với mấy thằng Tây thì Zidane là một cầu thủ xuất chúng, kỹ thuật cá nhân phi thường; đã ba lần đoạt giải cầu thủ hay nhứt thế giới và đã giúp đội tuyển Pháp giành chức vô địch thế giới năm 1998 trên sân nhà, ghi bàn bằng hai cú đánh đầu, và vô địch Châu Âu năm 2000.  Rồi từ Juventus, Zidane sang đá cho Real Madrid với mức chuyển nhượng kỷ lục thời đó là: 65 triệu USD.

Zidane dù bị thẻ đỏ do húc đầu địch thủ nhưng về Khải hoàn môn của Pháp được đích thân Tổng Thống Pháp lúc đó, Jacques Chirac, đón tiếp vào ngày 12 tháng 7 năm 2006, dù thua. Cú húc đầu nầy được dựng tượng, hỏng phải để ca tụng bạo lực sân cỏ đâu, mà vì mấy thằng thực dân Pháp binh con gà trống Gaulois của mình, đổ thừa tại thằng hậu vệ Ý dám cả gan nói em của Zidane đi làm ‘gái'?!

Đúng ra không nên gọi là cú húc đầu theo báo chí (headbutt) mà phải gọi là cú mổ của con gà trống Gaulois khi bị chọc tức!

Thưa quý độc giả thân mến!

Từ ông thứ 5 trở đi người viết không dám giỡn mặt là vì mấy ông nầy ngoài cái tài đá banh xuất chúng, họ còn đàng hoàng, tư cách hỏng chê vào đâu được!

Như Just Fontaine vẫn còn giữ một kỷ lục mà trong tương lai gần và chắc mãi về sau khó có ai phá vỡ: ghi 13 bàn thắng trong một giải đấu duy nhất, năm 1958 tại Thụy Điển. Bước vào giải, Fontaine (chào đời tại Ma-rốc) là một một cầu thủ ít được ai biết đến ngoài giải vô địch nước Pháp. Tuy nhiên, Fontaine đã cho đối thủ ‘hửi khói' bằng tốc độ cực nhanh của mình và cách chuyền bóng hết chỗ chê dù đang mang ‘khính' đôi giày của người khác. (Đôi giày của ông đã bị ‘banh sà rông' khi ông đấu tập!)

Franz Beckenbauer là người thứ 6. Beckenbauer đóng vai trò trung vệ tự do (libero) của đội tuyển Đức! Phong cách chơi bóng rất lịch lãm và nỗ lực không ngừng nên được dân Đức thân tặng biệt danh Hoàng Đế (Kaiser). Beckenbauer là người duy nhất mang băng đội trưởng (năm 1974) và huấn luyện viên (1990) giành danh hiệu vô địch World Cup. Beckenbauer đã 103 lần ra sân cho đội tuyển Đức.

Johan Cruyff là người thứ 7. Tiền vệ Cruyff  chưa bao giờ giành được một World Cup, cũng không phải là Vua phá lưới, chỉ được một lần vào tranh trận chung kết! Nhưng Johan Cruyff là một cầu thủ tuyệt vời trong giải vô địch thế giới với lối chơi sang trọng, quyến rũ, đầy tốc độ, với tầm nhìn thông minh, xa và rộng.

Năm 1974 tại Tây Đức, Cruyff dẫn đầu đội bóng ‘Con lốc màu da cam', Hòa Lan đánh bại các đội như Uruguay, Argentina và Brazil với lối đá ‘tổng lực' " để lọt vào chung kết với đội chủ nhà rồi thua!

Nhưng thắng bại đâu luận được anh hùng phải không thưa quý bạn?!

Eusebio là người thứ 8. Eusebio sinh ra trong cảnh đói nghèo ở châu Phi, trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, Eusebio được người hâm mộ túc cầu ban tặng cái biệt danh là Báo Đen (Black Panther) bởi lối chơi cực kỳ nhanh nhẹn, uyển chuyển và khéo léo như con Báo. 

Ông được trao giải Quả bóng vàng (Ballon d'Or) năm 1965, và hai lần giành Chiếc giày vàng (Golden Boot), vào năm 1968 và 1973.

Ông qua đời vào tháng Giêng năm nay để lại một thành tích khó quên là: Vào năm 1966, tại Anh quốc, đội tuyển Bồ Đào Nha, trong vòng tứ kết, chỉ mới 22 phút đầu đã bị mấy chú Bắc Triều Tiên (hỏng biết có ngậm sâm Cao Ly hay không) dẩn trước ba bàn và chỉ trong vòng 30 phút sau, con Báo Đen Eusebio cắn lại bốn phát. Cuối cùng mấy chú Sâm Cao Ly nầy thua 3-5.

Lev Yashin là người thứ 9.Thường thường cầu thủ hay nhứt trong năm ở Châu Âu người ta có khuynh hướng chọn các tay vua phá lưới (là trung phong); tuy nhiên trường hợp Lev Yashin là ngoại lệ, thủ môn duy nhất được bình chọn cầu thủ xuất sắc bóng đá châu Âu.

Năm 1966, Yashin giúp đội tuyển Liên Xô đoạt hạng tư, thành tích cao nhứt hồi xưa tới giờ mới đạt được của mấy con gấu Nga chuyên nhậu Vodka nầy! Chụp banh cũng giỏi mà chơi khúc côn cầu trên băng (ice hockey) cũng hay; ông đã cùng đội Dynamo Moscow đoạt chức vô địch Liên Xô.  

Giuseppe Meazza là người thứ 10 trong bảng phong thần. Giuseppe Meazza được mấy đứa khoái ăn pizza, spaghetti thay cơm, coi là cầu thủ vĩ đại nhất của nước Ý! Meazza chơi ở hai kỳ World Cup, và Ý đã giành chức vô địch cả hai.

Sinh ra và lớn lên tại một vùng ngoại ô Milan, Meazza nhỏ con, 24 tuổi, khi Ý là nước chủ nhà World Cup, chơi dạt ra cánh trong khi vị trí sở trường của ông là ở giữa sân. Năm 1934 ấy, Ý thắng Tiệp Khắc đoạt chức vô địch. Bốn năm sau đó, bàn thắng duy nhất, từ chấm phạt đền của ông trong trận gặp Brazil ở vòng bán kết, là sự xuất hiện cuối cùng của ông trong màu áo Italy.

Sân nhà của hai đội AC Milan và Inter được đổi tên thành Stadio Giuseppe Meazza (hay còn gọi là San Siro) để vinh danh sau khi ông qua đời vào năm 1979.

Thưa quý độc giả thân mến!

Đó là chuyện hồi xưa, còn chuyện bây giờ là cứ mỗi mùa World Cup, Vua bóng đá Pele lại được báo chí bu theo phỏng vấn để ông xủ quẻ xem đội nào sẽ là nhà vô địch. Mấy lần trước ông tiên đoán và kết quả lần nào cũng trật. Ai lỡ ngu... nghe lời ông mà đi cá độ chắc bây giờ không còn cái quần xà lỏn mà mặc! Lần nầy, ông chỉ đoán ‘mí mí' là hai đội Germany và Spain sẽ gặp nhau ở trận chung kết. Ông đoán trúng được đội xe tăng Đức vẫn còn lừng lững tiến tới vì chưa bị trúng súng chống tăng bazooka; còn Con bò tót Tây Ban Nha bị đét đít, chạy mất tiêu rồi. Thôi đoán trúng được 50 phần trăm đã là giỏi. Tui đoán cái nào là trật cái nấy! May mà ‘em yêu' giữ ‘rịt' cái ‘bank card' bằng không chuyến nầy thua xái bái xài bai, tui sẽ trở thành ‘homeless!'

Khi xin ‘Vua' bóng đá so sánh giữa Hoàng thượng với danh thủ Messi (Xin nhớ là Brazil và Argentina chưa có khen lẫn nhau bao giờ?!) thì Pele nói rằng: ‘Tài đôi bên, giữa ‘qua' và chú nhỏ đó thì chưa biết ‘mèo nào cắn mỉu nào' nhưng tóc của ‘qua' quắn hơn,  đẹp hơn của nó! Hi hi!

Thưa quý độc giả thân mến!

Cuối cùng...thì thằng Germany, mặt còn hôi sữa (the boy with baby face), Mario Götze, 22 tuổi, phút 113, dứt sữa thằng Argentina! Hu hu!

Bye bye World Cup Brazil 2014!

Hẹn! Tụi mình sẽ đi Moscow 4 năm tới với điều kiện (không có là không được) Vladimir Putin hết ‘làm cha' mà đã bị dân Nga bộp tai đá đít, cho về nhà đuổi gà cho vợ...bé!

Còn mấy ‘thằng cà chớn' trong nước ‘sụp' thì ‘sụp' lẹ lẹ lên đi chớ... để lỡ tui mậu lúi, bay đi Moscow không được thì tui bay về Việt Nam (sau mấy chục năm xa xứ)...Như ngày cũ, tay cầm lon beer, la ‘dzô dzô' với mấy thằng bạn cũ cho vui!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

"Trận đánh võ mồm!"

 dxt_jul10_trandanh_1.jpg dxt_jul10_trandanh_2.jpg

 Trì Dương người quê quán Biển Trên! Dù họ Dương nhưng không phải tuổi con dê mà tuổi con cọp nên tánh tình rất hung dữ!

Lúc mẹ bồng từ nhà bảo sanh về, cho bú cứ khóc ngằn ngặt không chịu bú. Có người nói thằng nhỏ bỏ bú vì nó chê hai bình sữa tươi của nó hôi mùi rượu và thuốc lá quá chăng?

Té ra không phải! Nó sanh ra đã không thích bú mà chỉ thích ăn thịt sống gói trong lá vông như nem chẳng hạn! Lớn lên, Dương thích làm hổ dữ, làm hùm để có thịt sống mà ăn cho khoái khẩu. Tuy nhiên ăn thịt lương dân hoài có ngày thiên hạ xúm lại đập cho mà gãy răng hết ráo nên bố mẹ Dương khuyên rằng: ‘Ta thấy con là người giảo hoạt, miệng lưỡi, cái gì dù sai, dù bậy tới đâu cũng đều biến sai thành trúng, biến trúng thành trật, biến có thành không, biến không thành có... Nên phải biết cái sở trường của mình... dùng cái lưỡi mình mà kiếm ăn. Dương vốn người hung bạo đã quen, cự cãi lại, không thèm nghe lời bố mẹ mình dạy bảo vì cho làm như vậy là hèn, là nhục!

Dương muốn vào Giải Phóng quân Trung Quốc để: ‘Quân xanh màu lá dữ oai hùm. Mắt trừng gửi mộng qua biên giới. Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm!' Dương mơ, 1979, đã chiếm được Lạng Sơn cách Hà Nội ‘thơm' chẳng bao xa mà phải ôm đầu máu rút chạy về! Thiệt là tiếc! (năm ấy Dương vừa tròn 29 tuổi).

Ngày bố Dương hấp hối, sắp đi chầu ông bà ông vải, chưn cẳng bắt đầu lạnh ngắt, sai gia nhân kêu Dương đến cạnh giường mà trăn trối.

Bố Dương đang hả họng ra để thở, hào hển hỏi Dương: ‘Răng ta có còn không?' Dương đáp: ‘Thưa bố! Phàm con người có 32 chiếc răng. Hàm trên 16 chiếc và hàm dưới 16 chiếc. Nhưng răng bố chỉ còn có hai. Một hàm trên và một hàm dưới.

Bố Dương lại hỏi: "Con có biết tại sao răng ta chỉ còn vỏn vẹn hai chiếc không? Dương gãi đầu, gãi tai, bí, trả lời không được. Bố Dương thều thào cắt nghĩa: ‘Răng mất nhiều như vậy không phải vì ta làm biếng đánh răng mà tại vì nó cứng! Tánh ta thuở nhỏ lại ngang tàng, hùa theo bọn vô lại... cướp đất Tân Cương, Tây Tạng nên thiên hạ xúm lại đánh cho ta gãy răng gần hết. Do đó cứng chắc chắn là sẽ gãy. Vì chữ cũng có câu rằng: ‘Nhu thắng cương mà nhược thắng cường!'

Lấy tàn hơi, bố Dương hỏi câu chót: ‘Con hãy xem lưỡi ta còn không?' ‘Dạ thưa bố: Còn!' ‘Nó còn vì nó mềm, lưỡi không xương nhiều đường lắt léo, miệng không vành nó méo tứ tung... Suốt đời ta dùng lưỡi nịnh nọt để kiếm ăn nên mới nuôi được một bầy con khôn lớn tới ngày hôm nay. Ta thấy con miệng lưỡi rất giảo hoạt, nói xong lại nuốt lời có phần giỏi hơn ta nữa. Nên con hãy bỏ cái mộng làm cọp, làm hùm dữ, ăn thịt dân ngu khu đen đi! Mà hãy dùng lưỡi, trong thì nịnh nọt, ngoài thì lừa đảo thiên hạ, chư hầu mà kiếm ăn.

Nếu ngươi bất hiếu không nghe lời ta dạy bảo... ta chết chỉ nhắm có một con mắt mà thôi!' Nói xong bố Dương thăng!

Tang ma tò le, tí le inh ỏi cả một góc trời. Cư tang ba năm, Dương chỉ ngồi nhà đọc sách! Thấy hồi xưa chỉ có Tô Tần và Trương Nghi dùng lưỡi lừa đảo thiên hạ, chư hầu mà làm tới tướng quốc; bèn lập bàn hương án tôn Tô Tần làm nghĩa phụ và Trương Nghi làm thúc phụ.

Dương thi đậu vào Quốc tử giám Tàu, rồi nghiên cứu lịch sử Tàu để học mọi ngón nghề nói dóc, nói lấy được của tổ tiên mình! Công phu năm dài chày tháng trở nên thượng thừa; được Quốc tử giám cấp bằng ‘Thái học sanh Sử học' tương đương với ‘Tiến sĩ Sử học' ngày nay!

Có bằng cấp thiệt trong tay, đường công danh hoạn lộ của Dương ngày càng thăng tiến! Dương làm tới chức Quốc vụ khanh phụ trách về ngoại giao cho Tập Đế. Dương vênh vênh tự đắc, coi Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Tàu, không ra cà ram nào hết dù Nghị có lòng ghen tức hay xăm xỉa sau lưng Dương trong những buổi quốc yến của triều đình!

Nhiệm vụ, Tập Đế hết lòng tin tưởng giao cho Dương, là ăn no cho mập rồi đi lường gạt thiên hạ, các nước chung quanh!

Về phương nam, có nước Sao (South) vốn là nước nhỏ nếu so với đất đai và dân số của nước Nọt (North) của Tập Đế!

Bấy lâu nay, nước Sao biết phận đàn em nhỏ yếu, muốn giữ vững ngai vàng nên hết lòng cống nạp thiên triều! Lâu lâu đứa nầy lên, đứa kia xuống đều dâng ít đất biên cương và hải đảo cho Tập Đế để chờ đóng mộc sắc phong; mặc lòng dân ta thán... mà hình như Tập thiên tử vẫn không được hài lòng?!

Dạo sau nầy, Tập Đế (năm thứ hai) thấy nước Sao dám gởi người qua bên kia biển, tới nước ‘Sao và Vạch' học nói tiếng lạ! Mà không xin phép hay kính báo gì hết trơn nên lòng đem nghi ngờ! Bọn chúng bây miệng cúc cung tận tụy, mồm nói chung thủy, thủy chung... mà nay dám tính bỏ ta chăng? Tập Đế đem lòng ghen tức với Đại Đế ‘Úm Ba La' của nước ‘Sao và Vạch' phía bên kia biển (Cứ tưởng tụi bậy thụt thụt ló ló với nhau mà Trẫm không biết hay sao?) nên ngày quên ăn mà tối ngủ cứ giựt mình hoài!

Lại nói về nước Sao, triều đình gởi Phạm qua nước ‘Sao và Vạch', học tiếng lạ để dễ bề đi mượn tiền về xoay sở cho mấy năm mất mùa đói kém! Sợ để dân đói quá nó dám cù nèo rượt chạy còn không kịp! Chớ bá quan văn võ hèn một lũ; ai mà dám lòng một, dạ hai gì ráo trọi!

Phạm vốn là con ông cháu cha. Thuở nhỏ chỉ thích móc đất sét lên, nặn hình máy cày, máy bừa...Tính lớn lên sẽ vào Bách khoa để về sửa máy cày, máy bừa cho thầy, u làm ruộng.

Bố Phạm, ngày hấp hối, cũng kêu con đến bên giường và (chí lớn gặp nhau) cũng hỏi Phạm những câu về răng và lưỡi y như bố Dương hỏi Dương trước khi đứt ‘chến!'

Bố Phạm khuyên: Hãy bỏ cái mộng sửa máy cày, máy bừa đi cho khỏe tấm thân! Nên dùng cái lưỡi mà kiếm cơm. Thằng làm lớn hơn ta thì dùng lưỡi mà nịnh nó. Thằng nào ngang vai phải vế với ta thì dùng lưỡi mà gạt nó! Thằng nào kém hơn ta thì dùng lưỡi mà nạt nó! Chỉ cần cái lưỡi là vinh thân phì gia con nhớ nhá!

Tuy nhiên có điều cơ mật nầy! Hãy xích lại gần đây, kề tai cho ta nói nhỏ, kẻo tai vách mạch rừng! ‘Ta còn mối hận trong lòng là Giang Đế nước Nọt đã từng bắt buộc triều đình nước Sao hãy phế bỏ ta, đuổi ta về chăm lợn cho ‘u' mầy; trong lúc ta đang chót vót ngồi cao trên đài danh vọng! Thù nầy hãy chờ dịp trả dùm ta! Tìm cách chửi khéo vào mặt chúng một câu thôi cũng được! Vì ta thừa biết triều đình nước Sao nầy bọn chúng không bao giờ dám động binh vì quân ta thường ăn nhậu, bụng bự, chạy không nổi làm sao mà tiến ra sa trường cho đặng. Hãy báo...thù cho ta, hãy chửi vào mặt bọn Bắc Phương một câu thôi là ta đã hả dạ lắm nơi suối vàng rồi!" Nói xong, Bố Phạm uất nghẹn, ngoẻo đầu qua một bên thở hồng hộc, dòng máu từ trong miệng trào ra vì tức... Bố Phạm từ trần!

Phạm nghe lời cha trăn trối lòng cũng căm hận Giang Đế nhưng thằng chả đã thoái vị rồi biết tìm nó ở đâu mà chửi ‘lén' bây giờ?! Còn thừa kế của nó là Tập Đế vốn hung hăng con bọ xít, chửi nó; sợ nó quánh không còn cái răng như đã quánh bố mình. Nên phải dằn lòng ẩn nhẫn chờ thời!

Tiết Thanh Minh, năm Giáp Ngọ, Tập Đế (năm thứ hai) xuống chiếu, triệu Dương vào Cơ mật viện mà bàn việc nước. Dương vào chầu, phủ phục trước bệ rồng! Tung hô ‘Hoàng thượng vạn vạn tuế!' xong, ngẩng đầu nhìn lên thấy hai con chó Ngao, mình mẩy lông lá, mặt mày hung ác như loài sư tử.

Tập Đế thấy Dương mặt xanh như đít nhái (vì nghĩ dám Tập Đế cho chó Ngao hành hình xé xác mình như cái bọn Bắc Triều Tiên đã làm!) bèn trấn an: ‘Hai con nầy, một con tên là Hải Dương 981, một con tên là Nam Hải 9! Nó không cắn ngươi đâu vì nó ngửi được mùi hoành thánh từ thân thể ngươi tiết ra khắp không gian. Nó chỉ cắn xé bọn ăn cơm với mắm tôm, cà pháo hay là bọn ăn bánh mì săn huých mà thôi. Hãy bình thân nghe trẫm dạy!'

‘Ngày 9 tháng 5, tiết Thanh Minh, năm Giáp Ngọ, ta sẽ cấp cho ngươi 3 tháng lương ăn và 90 chai rượu Mao Đài, mỗi ngày ‘dứt' một chai thôi nhe! Uống nhiều hao lắm!'

‘Trước tiên, hãy dắt con chó Ngao Hải Dương 981 xuống vùng biển nước Sao đi dạo lòng vòng trong ba tháng! Tới rằm tháng 8 của Tây; mùa bão tố lớn hãy dắt nó về mà phụng chỉ!' Ta cũng xủ quẻ rồi! Cát tường lắm! Ngươi tuổi Dần, con cọp; còn quan Phạm chúng nó (sanh năm 1959) tuổi Hợi, con heo! Chuyến nầy là đại thành công; người sẽ ăn thịt heo quay cho đã! Vác về cho ta cái thủ vĩ!'

Dương cúi đầu phụng mạng, thụt đít lui ra! Rồi cả bọn tiền hô hậu ủng, tàu hải giám rần rần rộ rộ nhắm về Biển Nam trực chỉ.

Tin tình báo của nước Sao và Vạch từ vệ tinh thương tình (thấy nước Sao hỏng những nghèo mà còn mạt) nên cho biết: ‘Có nghe tiếng chó Ngao sủa rùm ngoài biển Đông kìa!' Triều đình nước Sao lấy làm lạ bèn phái quan Phạm ra xem tình hình như thế nào để về báo cáo cho cung Vương và phủ Chúa nghe hư thực.

Phạm gặp Dương vốn tình đồng chí, 16 chữ vàng và 4 tốt, bèn nắm tay lắc lắc: "Nị hạo má?"

Con chó Ngao Hải Dương 981 nghe mùi mắm tôm, gầm gừ làm Phạm phải lùi lại. Phạm vì thể thống quốc gia gặp chó mà sợ thì thôi rồi... nên làm gan hỏi: ‘Thưa Dương tiên sinh! Dám hỏi con chó của tiên sinh có cắn không? Dương, vuốt râu, cười bảo: ‘Chó của ta không cắn bao giờ!'

An tâm, Phạm đưa tay sờ sờ, vuốt ve lên đầu chó Ngao Hải Dương 981 để lấy cảm tình hầu nhờ cậy về sau! Nào ngờ nó gừ gừ lên rồi táp cho mấy phát vào tay... đau thấy bà tiên tổ!

Phạm giận lắm nhưng cũng không dám đánh đập hay đá con chó Ngao Hải Dương 981 một phát nào vì chữ nước Sao có nói: ‘Đánh chó phải kiêng mặt chủ nhà!'

Chỉ dám đưa con mắt hình viên đạn, còn gọi là nhìn kiểu kênh xì po ra nhìn Dương và hơi lớn giọng: ‘Sao tiên sinh nói là con chó của tiên sinh không cắn?'.

Dương sửa lại mắt kiếng lão, cười đểu, rồi từ tốn trả lời. ‘Đúng! Ta có nói chó của ta không cắn bao giờ.

Nhưng con chó nầy đâu có phải chó của ta! Nó là con chó của Tập Đế đó!'

Phạm nghe vậy; biết Dương chơi xỏ mình giống như bố nó chơi xỏ bố mình năm 1991 tại hội nghị Thành Đô, nhớ thù xưa của Bố bèn trả đũa như sau:

‘Triều đình nhà Sao của tiểu đệ, chó không cắn người bao giờ cả. Chỉ có người cắn (thịt) chó !

Còn như Quốc Vụ Viện của tiên sinh, tiểu đệ cũng không thấy chó cắn người hay người cắn chó mà chỉ thấy người cắn người mà thôi!'

‘Ạ ạ! nhà ngươi nói vậy là sao? Nhà ngươi dám cả gan phạm thượng, khi quân!'

‘Há tiên sinh không thấy Tập Đế đang cắn quan Chu Đô Tướng, người từng cầm đầu Cấm vệ quân  đó hay sao?

Rồi có ngày tới phiên tiên sinh cũng sẽ bị Tập Đế cắn xé tơi bời đó nha! Tin tui đi! Ha ha!'

Lời chửi, báo thù xưa cho thân phụ được ngậm cười nơi chín suối; quan Phạm đã làm xong!

Dù chỉ là một trận đánh võ mồm mà thôi!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

"Tình ta... coi bộ... xót xa!"

dxt_Jul10_TinhTa.jpg 

 

Thị trấn nhỏ vùng quê, nhà thờ đang làm thánh lễ vào sáng Chủ Nhựt bỗng một con quỷ Satan xuất hiện. Mọi người trong giáo đường kinh hoàng, la hét, bỏ chạy tán loạn. Duy chỉ có một ông già, già cỡ người viết, vẫn ngồi bình tĩnh ngồi cười ruồi trên băng ghế.

Con quỷ Satan tiến đến hỏi: ‘Nầy ông có biết ta là ai không?' ‘Biết chớ! Ông là quỷ Satan!' ‘Tại sao ngươi không chạy trốn? Ngươi không sợ ta à?'

Ông già điềm đạm trả lời: ‘Tôi đã cưới em gái ông được 48 năm nay rồi, chắc ông đã biết lòng can đảm của tôi ‘vĩ đại' như thế nào rồi? Tại sao tôi lại sợ ông nữa ? Hi hi!'

Nghe chuyện nầy anh bạn văn lại lên mặt thầy đời. Ôi cái hôn nhân mà tình ta đã nguội ngắt không còn củi lửa gì nữa thì mình bỏ đi cho rồi... mua cái bếp ga khác về mà xài. Còn đời nô lệ muốn tự do là phải đập tan xiềng xích chớ! Nhưng ông thầy ơi tui vốn nhát, phần số sao chịu vậy, vùng lên coi bộ cũng hơi ‘bị' khó. Vì ‘the devil you know is better than the devil you don't know' ‘Con quỷ mình quen chắc đỡ hơn con quỷ mà mình chưa biết!'

Tui kiên nhẫn chờ thời gian, chờ tuổi già,(ai mà không chết) ra tay dùm tui đi! Dà! Xin cám ơn nhiều! Thank you very much!

Một tang lễ cử hành cho một phụ nữ mới vừa qua đời. Khi mấy ông đạo tì mang quan tài ra khỏi nhà quàn để đem đi chôn, bất cẩn làm va cái hòm vô bức tường một cái rõ to. Rồi kinh hoàng thay, họ nghe tiếng thì thào trong đó vọng ra. Họ mở quan tài ra, chu choa, người phụ nữ đó vẫn còn thoi thóp thở!

Bà ta sống thêm mười năm rồi chết. Lần nầy tang lễ lại được cử hành. Khi mấy ông đạo tì mang quan tài ra khỏi nhà quàn để đem đi chôn ông chồng tất tả chạy theo la: "Cẩn thận! Cẩn thận! Coi chừng đụng phải bức tường!"

Bất cứ ông chồng tội nghiệp nào thì đời chỉ có hai lần vui. Lần đầu là cưới vợ. Và lần sau vui như Tết là vợ chết. Vậy mà mấy ông đạo tì làm ăn bất cẩn quá, hủy hoại hết ngày mồng một Tết của người ta?

Người ‘vui mừng vui quá vui' khi bị vợ bỏ hay vợ đi bán muối là phải rồi, bằng nếu nó còn sống sờ sờ ra đó mà ‘cha' nào gan dám cắt đoạn tình ta thì thiệt tui cũng xin tam bộ nhứt bái mà lạy ông làm sư phụ.

Như chuyện hai vợ chồng một tay ‘pommy' bên Anh Cát Lợi:

‘My husband left me for another woman - now I'm happier than ever with HER ex-husband'

‘Chồng tôi bỏ nhà đi theo con ‘quỷ hó' đó. Và bây giờ tôi đang cực kỳ hạnh phúc với thằng chồng cũ của nó đấy nha!'

Người Anh có nói một câu như thế này: "One man's trash is another man's treasure." Nghĩa là ‘cái...' bỏ đi của thằng nầy lại là ‘cái...' của quý của thằng kia! Người ta bỏ... mình lượm về mình xài; đôi khi còn tốt chán!

Chuyện rằng: nhắc điện thoại lên, Deborah Parker không thể nào tin được vào cái lỗ tai mình. Suốt tuần qua, em đẫm đầy nước mắt khóc một cuộc hôn nhân vừa tan vỡ khi anh yêu bỏ em mà đi theo con vợ bé. ‘Gió đưa bụi chuối sau hè! Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ! Con thơ tay ẵm tay bồng. Mình em, em nhậu (còn) thằng chồng ở đâu?'

Tình ta đã 33 năm hương lửa. Em còn xăm hình anh lên mông ‘đít' của em để anh ngạc nhiên khi nhìn thấy, chuẩn bị cho ngày kỷ niệm hôn lễ bạc của tình ta, mà xót xa thay anh lại bỏ anh đi khi chưa có dịp nào mà ‘chiêm ngưởng'!

Bây giờ thì em đang điện đàm với Alan Goodwin đây ‘người chồng cũ của con vợ mới' của anh đó. Lòng anh ta cũng tan nát như em.

Nhưng sao anh ta lại biết số điện thoại của em mà gọi? Chẳng qua lúc anh bỏ anh đi, em có lên trang mạng xã hội ‘Facebook' mà trải rộng tấm lòng của một người vợ bị chồng phụ; sau biết bao năm mặn nồng hương lửa.

Và may mắn thay, xác xuất chỉ có một trong một triệu lần, là Alan đọc được, bèn nối hai đầu nỗi nhớ! Xin cám ơn ông ‘tỉ phú' Mark Zuckerberg một triệu lần!

Do đó bức thơ cuối cùng nầy gởi cho người tình phụ! Anh đọc kỹ đi rồi đốt nhá! Kẻo con vợ mới của anh cũng là con vợ cũ của Alan nó ghen lên là anh khó sống!

Anh Tony nhớ không? Ngày anh ra tối hậu thư: ‘Anh không còn yêu em nữa!' Em nghe chừng như đất sụp dưới chân mình. Em hoàn toàn tuyệt vọng. Đời em như là đã hết! Hơn nửa đời, em cùng anh và cuối cùng anh lại bỏ người ra đi!

Nhưng bây giờ em xin cám ơn Thượng đế là đã khiến anh bỏ em để em có được Alan!

Tony! Anh có nhớ những ngày thơ ấu của đôi ta, cùng chung đường về ướt mưa năm ấy! Em mới vừa 14 tuổi. (Yêu hơi sớm hé!). Anh có nhớ là anh trốn ngoài vườn, chờ tía má em tắt đèn đi ngủ... em từ trên lầu, leo qua cửa sổ, tuột theo ống nước mưa để đến cùng anh. Rồi hai đứa mình bắt ‘taxi' đến quán nhậu mà nhẩy ‘đít cô' (disco)! Vui hết biết!

Em vẫn nhớ anh là một con người hài hước như Tùng Lâm và Thanh Việt! Em yêu anh tha thiết! Và tháng 11 năm 1983 mình cưới nhau. Lần lượt em ‘tọt' cho anh 4 đứa. Toàn là năm một không hà! Cứ tưởng tình ta như bê tông cốt sắt nhưng khi va vào, lòi ra mới biết cốt nó bằng tre!

Độ sau nầy anh lạ lắm! Anh không còn nói chuyện với em nhiều nữa mà cứ mang cái ‘mobile phone' của anh vô cầu tiêu mà nói chuyện với ai đó! Nhưng em tôn trọng anh vì em cũng thường làm như vậy! Cho đến một hôm, anh nói với em rằng, nguyên văn bằng tiếng Anh, mà em dịch đại như vầy: ‘I don't love you anymore and I haven't for a long time' (Đã lâu rồi anh không còn yêu em nữa!)

Em kinh ngạc, tim em tan nát vì dẫu sao anh cũng chắc chắn là tía của ba đứa con em; còn đứa thứ tư thì xin lỗi anh... em không đoan chắc! Em đã van xin anh đừng đi; vì em đã 53 tuổi xuân rồi! Hoa đã tàn; nhụy đã tan! Đem cho người ta sợ họ còn kêu lính bắt. Vậy mà anh khăng khăng nhứt quyết ra đi! Em kéo lại, mạnh quá, làm rách cái áo sơ mi mà anh mới mua ngoài tiệm ‘David Jones'.

Em không bắt chước TTKH mà ‘buồn quá chiều nay xem tiểu thuyết' mà em lên ‘Facebook' viết như vầy: ‘Vậy là xong! Tôi sẽ ‘cu ky' suốt cả đời tôi!'

Nào ngờ Alan hòa điệu trả lời: vợ tôi, người đầu ấp tay gối suốt 24 năm trời cũng đã bỏ tôi mà đi theo người khác! Thôi đôi ta tim tan nát thì hẹn gặp nhau coi có vớt vát được chút gì không?

Vậy là Alan đến nhà em, mang theo chai Johnny Walker (ông già chống gậy), dù Alan vẫn còn trẻ chưa cần gậy để chống đâu anh!

Em thấy Alan cũng có óc hài hước, cũng siêng năng, giỏi dắn chứ không nhậu li bì xích xác như người khác!

Em kể hết cho Alan nghe chuyện tình hoa muống biển của đôi ta để mai sau Alan có biết không hạch hỏi lôi thôi; kết tội em là không chân thật. Vì anh biết mà... đàn ông nào cũng có giữa hai cái ‘chân' thật là một cái ‘chân' tình! Nếu em không nói, sợ Alan nghĩ em là gái lẳng lơ chỉ khoái cái ‘chân' tình của ảnh mà thôi!

Em cũng nói tới việc em xăm hình anh lên mông ‘đít' của em để làm anh ngạc nhiên khi đôi ta kỷ niệm ngày cưới bạc của mình. Alan đòi xem và hứa sẽ làm thêm giờ phụ trội cho tiền em để đi nhờ bác sĩ xài tia laser xóa đi hình ảnh của kẻ phụ tình! Thiệt! Alan là một con người quảng đại.

Em không lừa đảo anh ấy! Em chỉ thương hại, tội nghiệp mà thôi. Mới đầu em nghĩ: chắc Alan phải hư đốn như thế nào nên con vợ suốt 24 năm trời mới bỏ đi chớ? Bài bạc, rượu chè, ‘hút rồi xách' của người ta? Không! Khi gặp con người thiệt của anh ấy em phải kết luận là Alan rất hài hước và đáng yêu biết bao, là một người tình thơ mộng, gọi là ‘romantic', mua hoa tặng em hoài để em luôn cảm thấy mình là người đặc biệt!

Rồi một chiều thu ảm đạm, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, em ‘lạc' đến nhà Alan, em cùng ảnh ngồi xem phim truyện trên truyền hình; rồi ảnh xoay người em lại và hôn em!

Em ‘sững' người ra; có cảm giác như em chỉ vừa mười mấy tuổi, xôn xao như có ‘bướm' lượn ở trong đầu. Em muốn đi ngủ và Alan đứng lên. Những người xấu miệng có thể nói là em ‘bờ lông rông' lên giường với ảnh! Nhưng không phải vậy!

Tụi em đang tính toán kế hoạch để xây dựng lại cuộc đời đổ nát nầy. Em không có nhiều tiền; mà Alan cũng vậy! Vì khi vợ ảnh tức vợ anh bây giờ bỏ ảnh mà đi... ảnh buồn,  ra ‘pub' uống cũng hơi nhiều nhiều... Giờ cũng còn thiếu chịu; tuy nhiên ảnh sẽ làm thêm giờ để trả hết nợ!

Alan từng tâm sự là khi vợ bỏ đi, ảnh tưởng chừng không thể nào yêu ai được nữa?! Nào ngờ hai người một bị chồng bỏ và một bị vợ bỏ trời xui khiến gặp nhau, sưởi ấm hai tấm lòng tưởng chừng giá băng như nước Bắc Băng Dương!

Nghe nói vợ Alan tức vợ anh bây giờ' và ‘chồng cũ của em, tức anh'... cũng đang ríu rít như đôi chim ‘cu' trên mái nhà, cứ chui vào ống khói mà ‘gù gù' lẫn nhau. Em chúc anh hạnh phúc dầu không có em bên! Đôi ta tới ngã ba đường tình, mỗi người đi về một hướng, mà không phải ‘U turn!'

Qua kinh nghiệm đắng cay nầy, em cũng biết giữ hạnh phúc của mình rồi; không để vuột mất lần nữa đâu anh! Khi về với nhau, em sẽ không bao giờ cho phép Alan được mang ‘mobile phone' vào toilet!

Để tụi em sẽ đi trọn đường tình, mà lỡ em có chết trước Alan, khi đạo tì mang quan tài em đưa về huyệt mộ thì Alan sẽ khóc như cha nó chết chớ không phải tất tả chạy theo nhắc mấy ông đạo tì khi khiêng cẩn thận đừng để va vào tường làm em giựt mình... sống dậy!

Chúc anh hạnh phúc trong tình mới! Vĩnh biệt!

Tái bút: Anh nhớ đừng ghé qua nhà hoặc gởi email mượn tiền em nữa nhá! Alan vừa mới đi học bắn súng, tốt nghiệp hạng tối ưu và đã có ‘lái sần'! Phần em, em không muốn mình sẽ xuất hiện trên trang nhứt của mấy tờ báo lá cải... nên có mấy lời chân tình gởi anh như vậy đó. Cho em gởi lời thăm con nhỏ giựt chồng người!

Ký tên: Deborah Parker

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

 

Không một mái nhà!

dxt_jul4_homeless.jpg 

 Sơn Nam chuyên viết văn và biên khảo nhưng ông cũng có một bài thơ duy nhứt làm đề tựa cho tập truyện ngắn Hương Rừng Cà Mau do nhà Phù Sa ấn hành năm 1962; trong đó có hai câu: ‘Phong sương mấy độ qua đường phố. Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê'.

Sau 1962, cuộc chiến tranh Việt Nam ngày càng khốc liệt! Bà con cô bác phải bỏ quê hương bản thổ, xa lìa nơi chốn nhau cắt rún, tràn về những thành phố lớn chạy trốn chiến tranh.

Từ đó chữ ‘hạt bụi' chỉ thân phận của những người cùng khốn, ly hương, không nhà không cửa, phải sống lây lất ở Sài Gòn thành những chữ: bụi đời, đi bụi, sống bụi...

Những người vì hoàn cảnh chiến tranh bị buộc phải ‘bụi đời', cay đắng cho thân phận không nhà không cửa của mình thường nói: ‘Nhà tui là khách sạn ngàn sao!' Khách sạn xịn nhứt trên thế giới, chỉ 5 hoặc 6 sao là cùng; còn ở khách sạn ngàn sao là vì đêm nằm nhà không mái, nhìn lên trời thấy ngàn sao lấp lánh nên mới gọi là khách sạn ngàn sao? Thiệt là một tiếng cười chua xót!

Những người đó, tiếng Anh, gọi là homeless. Home là gia đình; less, tiếp vĩ ngữ, có nghĩa là không; do đó ‘homeless' là người không gia đình; người vô gia cư... ‘cu ky', một mình. Còn nói văn chương thêm một chút nữa là những người ‘không một mái nhà (without the roofs).

Nhớ quay quắt Sài Gòn, những ngày được nghỉ, người viết thường lang thang xuống phố Footscray! Ở đây tiếng Việt là sinh ngữ một. Đi xuống, đi lên nghe bà con mình vui vẻ chửi thề với nhau để mình bớt nhớ chân quê?!

Lần nào xuống Footscray, người viết cũng thấy một ông già da trắng, mặc áo bành tô dù mùa hè nóng nực hay mùa đông lạnh cắt da, nhất y nhất quởn, đứng lảng vảng gần cột đèn đường xanh đỏ, sè tay ra ăn xin. ‘Có tiền lẻ hông?' (Any change?) Cho 50 xu hay một đô, ổng lắc đầu giơ hai ngón tay: ‘Two dollars'. Sau nầy lạm phát, ổng ra giá 5 đô la!

Chiều lại thì thấy ổng ngồi vắt vẻo trên cái ghế cao bên ngoài một quán bán beer của Úc, hút thuốc lá phì phèo... Nóng thì uống beer, lạnh thì tay cầm ly rượu đỏ. Sống như vậy là cha rồi. Nhưng người viết cũng không quan tâm lắm, cho hai đô hỏng lấy thì thôi! Bộ ông nội tui sao! Tuy nhiên, ông vẫn cầm, rồi nói: ‘Thank you but next time 5 dolllars!' (Cám ơn nhưng lần tới 5 đô nhe!) Chu choa! Nước Úc cho tui đến ở; thì tui đã đi cày, đóng thuế đầy đủ hai ba chục năm nay rồi, bộ nó chưa hài lòng hay sao mà còn gởi ông già nầy ra đứng đây để đòi tiền mãi lộ nữa hay sao?!

Ổng già homeless nầy làm ăn ở Footscray coi bộ khấm khá vì người Việt quê mình vốn có từ tâm! Đi những khu khác của Úc sống, ít thấy có người xin ăn như ở Footscray mà chỉ toàn là Úc... xin thuốc lá?!

Khoảng thời gian sau nầy không còn gặp ông nữa! Thấy Footscray thiếu thiếu cái gì đó! Hỏi ra thì ổng đã về Tây Phương cực lạc! Già rồi ai mà không chết?

Biết vậy, sao lòng vẫn cảm thấy bùi ngùi? (Trên đường đời đôi khi mình vô tâm; thản nhiên đánh rơi biết bao hình bóng cũ!)

***

Quê hương mình vì chiến tranh mới ra nông nỗi không nhà, không cửa như thế. Còn như ở thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, nước Úc nầy chưa hề kinh qua một cuộc chiến tranh khốc liệt nào mà cũng có hàng chục ngàn người không nhà, không cửa, vất vưởng trên đường phố đêm đêm. Sao kỳ vậy?

Rồi khi đọc được cái tin nhà từ thiện hàng đầu nước Tàu sẽ đãi 1000 người homeless ở Nữu Ước, Hoa Kỳ một buổi ăn trưa thịnh soạn tại nhà hàng nổi Central Park thì người viết tự hỏi: Giàu như Úc, như Mỹ thì nguyên do tại làm sao lại có kẻ không nhà ?!

Những người homeless ấy là ai? Họ cũng là người như chúng ta thôi! (I Am A Human Being, Just Like You).

Khi bắt gặp một người vô gia cư vật vạ trên đường phố, chúng ta thường có thành kiến nghĩ rằng họ là những người nghiện ngập hay bị tâm thần. Đúng! Có một số người homeless như thế thật. Một số thôi... chứ không phải là tất cả!

Thường thường là chúng ta ít có cơ may nào mà nghe tâm sự cuộc đời của họ tại sao ở những đất nước giàu có và văn minh như vậy mà lại va vào hoàn cảnh không nhà, không cửa khốn khổ như thế nầy!

Trong tuyển tập ‘Những kẻ không nhà' (Stories without roofs) do những người homeless viết, chúng ta tìm thấy những kỷ niệm êm đềm hạnh phúc lẫn những hồi ức buồn đau. Đó là thơ; đó là nhạc!

‘Hai năm đầu khi tôi bỏ nhà ra đi, mẹ tôi khóc hằng đêm cho đến khi mòn mỏi chìm vào giấc ngủ. Mẹ không biết tôi còn sống hay đã chết? Ở tù hay không? Hay gia nhập băng đảng nào trên đường phố dẫy đầy bạo lực như Nữu Ước nầy!

Tôi không phải là con quái vật. Tôi cũng là một con người giống như anh. Tim tôi đập! Máu tôi vẫn còn luân chuyển. Tôi có một quả tim nhân hậu và một tâm hồn biết rung động cũng như ai!

Tôi nghiện ngập, sau khi anh tôi bị bắn chết, tôi bỏ nhà ra đi, bụi đời, rồi gặp ‘em yêu'! Tôi muốn làm lại cuộc đời! Tôi cai nghiện, rồi tái nghiện, rồi lại mất nhà, mất cửa cho đến khi tôi có con gái đầu lòng!'

Câu chuyện làm chúng ta khi nghe phải rơi nước mắt!

‘Đời ba hoàn toàn thay đổi từ khi con ra đời. Thế giới nầy tràn ngập những niềm vui. Hỡi thiên thần bé nhỏ của ba. Đừng khóc! Có ba bên để dỗ dành con bây giờ và mãi mãi. Quỷ dữ vẫn còn ám ảnh đời ba! Một kẻ nghiện ngập không nhà! Một người homeless! Tuy nhiên vẫn còn có ba đây, để thấy con chập chững bước vào đời. Ba sẽ lo cho con! Nhưng đừng lớn nhanh quá vì ba sợ sức ba không thể nào kham nổi để lo kịp cho con. Mỗi lần nghe con bập bẹ gọi ‘ba ba' là trái tim ba chùng xuống và tan chảy. Ba ở đây để lắng nghe con! Bờ vai của ba cho con tựa vào để khóc. Con sẽ vào đời có ba bên cạnh, dẫn từng bước con đi! Đừng e sợ khi nói lên sự thực vì bao giờ ba cũng là ba của con yêu!'

Những tâm sự của một người homless có con đầu lòng làm ta xúc động! Nhưng khi đọc cái tin nầy thì mình lại thấy phẫn nộ: Trời ơi! sao còn có những hạng người nhẫn tâm như thế chớ?!

Chuyện rằng: Một bữa tiệc trưa được quảng bá rầm rộ dành cho người homeless ở thành phố Nữu Ước, Hoa Kỳ đã kết thúc bằng những lời phẫn nộ trong số nhiều người đến dự.

Doanh gia Trung Quốc Trần Quang Báo đã đãi một bữa ăn trưa miễn phí cho một ngàn người không nhà tại một nhà hàng sang trọng ở Central Park.

Thay vì một ngàn người như đã hứa; chỉ có hai trăm người được xe bus chở đến nhà hàng. Hỏi tám trăm người nữa đâu? ‘Cái lầy nó sẽ đến ăn bữa khác lớ!' Nhân viên an ninh và cảnh sát dầy đặc. Phóng viên báo chí, truyền hình đông như ruồi đến để đưa tin... lạ!

Trước khi bước vào nhà hàng, những người homeless nầy gồm đàn ông, đàn bà được bồi bàn ăn mặc tươm tất đón ở cửa; phát cho mỗi người một ly nước ép trái cây có nặn chanh và bỏ nước đá!

Bữa ăn trưa gồm 3 món: cà ngừ ướp mè, rau trộn, bít-tết, và kem tráng miệng được dọn ra trên bàn trải khăn trắng muốt!

Rồi nhà triệu phú Trần Quang Báo xuất hiện, dạy đời (qua phiên dịch)! Chú Ba Báo nói: ‘Ngộ đến Mỹ thấy người ta lục tung thùng rác để kiếm thức ăn; nên ngộ nảy ra sáng kiến nầy! Vốn sinh trong một gia đình nghèo khổ nay trở nên giàu có, ngộ muốn giúp kẻ nghèo lớ?! Ngộ muốn những người giàu có khác trên toàn thế giới bắt chước ngộ để thấy thế giới nầy tràn đầy tình yêu thương nhân loại! Năm tới ngộ sẽ làm y như vậy ở Phi Châu?!'

Chú Ba Báo từng khoe là: Ngộ là người có ảnh hưởng nhứt nước Tàu, (Most Influential Person of China) và Hình mẫu một người đáng yêu và nổi tiếng nhất Trung Hoa (Most Well-known and Beloved Chinese Role Model).

Sau đó chú Ba Báo hát bản ‘We are the World' của Michael Jackson! Rồi một bài tiếng Tàu, ca ngợi chủ nghĩa Mao Trạch Ðông, có một bọn xây lố cố mặc đồng phục Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc múa minh họa!

Bốn màn hình cỡ lớn trong nhà hàng chiếu cảnh chú Ba Báo đang múa may quay cuồng, say mê quảng cáo cho chính bản thân mình!

Những người homeless được ăn một bữa trưa thiệt ngon (dĩ nhiên!). Nhưng cái họ chờ đợi nhứt là 300 đô tiền lì xì như đã hứa... Chú Ba Báo lại  hứa ‘lèo"!

Một chiếc xe đi chợ (trolley) được đẩy ra sân khấu; có những cọc tiền mặt bằng giấy trăm đô Mỹ! Nhưng chỉ có 5 đại biểu may mắn nhận được tiền để chụp hình (sau đó phải trả lại?)

Chuyện tiền hồng bao (red envelope), lì xì theo phong tục Tàu nầy từ lạ lùng đưa cử tọa đến giận dữ!

Sao có cái chuyện: Hứa xong rồi lại nuốt lời như chơi như thế nầy? Thì chú Ba Báo và đồng bọn nói rằng cho tiền mặt 300 đô sợ mấy người homeless nầy đứa sẽ mua rượu nhậu sạch bách; đứa sẽ mua xì ke mà hút, chích?!

Nên chú Ba Báo sẽ hiến tặng cho một tổ chức từ thiện 90 ngàn đô để giúp cho những người homeless thức ăn nóng, chỗ tắm rửa, chỗ ngủ an toàn, quần áo, vv và vv...

Cử tọa chửi bới quá! "Đừng nói dóc nữa! Đừng lợi dụng người cùng khốn để chụp hình quảng cáo nữa! Đồ lừa đảo!"

Nhân viên an ninh phải quay vòng vòng đưa Trần Quang Báo an toàn ra xe mà dọt lẹ!

Tin tức tràn về Trung Quốc làm những người Tàu chân chính, xử dụng internet, cũng mắc cỡ lây, bèn lên trang mạng xã hội Sina Weibo (giống như Facebook hoặc Twitter) nhạo báng chú Ba Báo như vầy:

‘Nếu ngưng những trò khỉ nầy nị sẽ ngã lăn ra chết liền hay sao chớ?'

Rồi đề nghị Chính quyền trung ương Tàu Cộng nên lẹ lẹ triệu hồi y về và nhốt y vào nhà thương điên dùm cái!

(Đừng làm vậy e những người bị bệnh tâm thần sẽ xấu hổ khi phải chung đụng với y ta nha!)

Người khác thì viết: ‘Báo đã từng bán những lon không khí sạch cho dân Tàu ở Bắc Kinh để kiếm tiền! Qua Mỹ nói muốn mua tờ Thời báo Nữu Ước (the New York Times)?! Y giống hệt một tên hề! Có ai điều tra để biết tiền từ đâu ra và kiếm bằng cách nào? Có lương thiện hay không?'

Rồi tiện tay chơi luôn: ‘Tất cả dân Tàu và quan lại đảng Cộng Sản Trung Quốc chắc lấy làm tự hào vì không có người Tàu nào vô gia cư tham dự buổi tiệc từ thiện nầy ở thành phố Nữu Ước, Hoa Kỳ!' (Nhưng bên Tàu thì người vô gia cư hằng hà sa số!)

Một người khác thì nói chắc như bắp rằng: ‘Trần Quang Báo chỉ là tên bù nhìn của tuyên huấn Trung Quốc! Nhiệm vụ được đảng giao cho là đi khoe người Trung Quốc giàu trong khi người Mỹ nghèo đói. Y muốn tuyên truyền bôi bẩn hình ảnh dân Mỹ cho đã tức!

Tóm lại: Không một mái nhà mà gặp thằng cha nầy vừa là Ba Tàu vừa là Ba Xạo nầy cũng khổ ghê!

Thôi Chú Ba ‘Báo' ơi! Đừng có ‘Cáo' nữa! Những người homeless nầy đã khổ lắm rồi thì đừng lợi dụng hình ảnh họ nữa cho mưu đồ riêng của mình; có được hông?! (Leave them alone! The idiot!)

 

đoàn xuân thu.

melbourne

"Từ tâm hay... dã tâm?!"

 dxt_jun30_tutam.jpg

 

Trong đời người, ai mà không có lần cùng khốn? Nhứt là đối với những người Việt tị nạn mình, sau năm 75; mất nước!

Nhà văn Lưu Nhơn Nghĩa cũng va vào hoàn cảnh đó, từ tha hương đến tha phương, trôi giạt từ New Zealand đến Germany. Thiệt là xiết kể bao ngậm ngùi, cay đắng trên bước đường lưu lạc, theo lời ông kể lại:

...Một bà Gypsy vuốt bàn tay tôi "Thưa ông, ông có muốn biết tương lai gần cũng như xa không?" Tôi mệt mỏi trả lời "Bà ơi, tôi là người Việt Nam tị nạn, đâu có tiền, đâu có tương lai."

"Đầu năm 1981, trời tuyết mịt mùng, đang thất nghiệp, một bà Đức đi tới, bà ngoắc tôi lại, rồi mở bóp lục lọi được 5 Đức mã đưa cho tôi, biểu đi mua Handschuh (bao tay). Cầm 5 Đức mã trong tay, mang cái ơn biết chừng nào trả?"

Người viết đọc văn Lưu Nhơn Nghĩa, tin chắc mẻm rằng: trên thế giới nầy bất cứ nước nào, bất cứ dân tộc nào cũng có kẻ từ tâm sẵn sàng chia sẻ một phần ít ỏi của mình cho những người cùng khốn khác.

Như chuyện bên Tàu. Cách đây 7 năm, ở thành phố Nanchan, miền Đông Nam, tỉnh Jiangxi, ông Xiong Jianguo, 50 tuổi, một người vô gia cư sống dưới một gầm cầu, kiếm cơm bằng nghề móc bọc, đã nhặt được một bé gái trong thùng rác; rồi sau đó nhận cháu làm con, đặt tên là Yanyan, và nuôi dưỡng cháu như chính con ruột của mình!

"Tôi đang lục lọi trong thùng rác, tìm đồ nhựa để bán cho vựa ve chai thì nghe tiếng con nít khóc. Cháu được quấn trong chăn và để nằm trong một chiếc hộp. Tôi kinh ngạc đến sững người luôn. Tôi mua một bình sữa cho cháu bú. Tôi biết từ đó tôi muốn chăm sóc và nuôi dưỡng cháu. Bất chấp mọi khó khăn, tôi sẽ nuôi cháu đến chừng nào khôn lớn để cháu tự đứng được trên chính đôi chân của chính mình."

Là một người ít chữ, ông nhờ những người bạn vô gia cư khác giúp đỡ để có thể dạy cháu đọc, viết và làm toán cộng, toán trừ....

"Cháu thông minh lắm, học rất nhanh! Cuộc sống bụi trên đường phố thì cũng không dễ dàng gì nhưng cháu không bao giờ có một tiếng thở than."

Cả hai chỉ kiếm đủ tiền sống qua ngày đoạn tháng bằng việc lượm rác thải, bán cho vựa ve chai rồi đêm đến cùng nhau dưới ánh đèn đường đọc sách và học.

(Đây là hậu quả của chánh sách một con của chánh quyền Tàu Cộng và thái độ trọng nam khinh nữ của xã hội Trung Quốc ‘Nhứt nam viết hữu mà thập nữ viết vô!')

Phóng viên nhà báo đến thăm thấy mình em đầy vết muỗi đốt và cha con em thường bị đói. Nhưng dù đói gì đi chăng nữa mỗi năm cứ tới sinh nhựt, là ba cũng rán mua một chiếc bánh nhỏ để làm quà!

Tàu Cộng thì ác nhưng dân Tàu cũng có người tốt đó chớ!

Nhà văn Mỹ O' Henry, người viết những truyện ngắn làm lay động lòng người về số phận của những người vô gia cư ở Nữu Ước. Những người vô gia cư đó kinh sợ mùa đông lạnh cóng nên muốn tìm cách phạm một cái tội nho nhỏ nào đó để ‘được' lính bắt, để ‘được' ở tù trong ba tháng mà trốn cái lạnh khắc nghiệt từ phương Bắc tràn về!

Sau hơn một thế kỷ, từ khi truyện ngắn "The Cop and the Anthem" (Tên Cớm và bản Thánh ca) ra đời (1904) thì tình trạng người vô gia cư ở thành phố mệnh danh là thủ đô tài chính sôi động nhứt của toàn cầu cũng chẳng khác hơn xưa. Giàu thì nứt đố đổ vách; còn nghèo thì cũng nghèo mạt rệp vậy thôi!

Một người vô gia cư chỉ mới 21 tuổi, đã bụi đời khi mới vừa lên 9. Anh bị động kinh và bị suyễn, đã đi nằm bệnh viện tới 4 lần rồi.

"Tôi đứng bên hè phố xin một người bộ hành chút tiền lẻ. Y ném về tôi một cái nhìn khinh bỉ rồi gầm lên: ‘Đồ cặn bã!'

Không có gì cả! Kể cả cái túi ngủ về đêm; chỉ duy nhứt bộ quần áo đang mặc trên người!

Bụi đời khi còn rất nhỏ, tôi rất dễ dễ bị đánh đập! Họ đá vào mặt khi tôi đang ngủ làm tôi gãy cả răng! Và trấn lột luôn cái điện thoại của tôi!

Đôi khi là một trò đùa, một câu nói rất nhẫn tâm! Một người đi nhậu về khuya, hét vào mặt tôi: ‘Thức dậy, đã tới giờ ăn sáng!' ‘Wake up, time for breakfast!'

Thế nên đêm về tôi không dám chợp mắt; cứ đi đi lại lại cho đến lúc mệt quá ngồi gật gà trên băng đá và mấy thầy đội đến, rọi đèn pin ngay vào mặt và đuổi tôi đi! Đi về đâu? Họ cũng chẳng quan tâm. Chỉ cần là tôi phải biến khỏi nơi đây!"

Nước Úc nầy nơi người viết bèo giạt hoa trôi thì tình trạng người vô gia cư vật vạ về đêm cũng không hiếm. Năm nào cũng vậy khi bắt đầu chính Đông, trời trở lạnh là có một ‘cha' tai to mặt bự, chui vào túi, ngủ bụi để gây quỹ giúp đỡ những kẻ khốn cùng. Cái khác là sáng hôm sau, ‘quan' lồm cồm chui ra, có nhà báo dậy thiệt sớm, đến quay phim phỏng vấn! Năm ngoái, khi đảng Lao động còn cầm quyền thì Thủ Tướng Úc, Kevin Rudd đi ngủ bụi. Năm nay thì tới phiên Malcolm Turnbull, Tổng trưởng truyền thông của chính phủ Liên đảng.

Chuyện đó năm nào cũng vậy... nên quen.

Còn chuyện nầy người viết đọc thấy cũng hơi ‘bị' lạ; nên xin kính trình quý độc giả như vầy:

Theo tờ Bưu Điện Nữu Ước, tỉ phú Trung Quốc, 45 tuổi, Trần Quang Báo (Chen Guangbiao) sẽ đãi ăn trưa vào ngày 25 tháng 6 cho một ngàn người Nữu Ước vô gia cư, khốn cùng tại nhà hàng nổi sang trọng (Boathouse) ở Central Park, rồi tặng thêm cho mỗi người 300 đô dằn túi!

Sau đó, nhà mạnh thường quân nầy, (cứ tạm thời cho là vậy đi), sẽ ‘rống' ‘We are the world', một bài hát, năm 1985, của Michael Jackson và Lionel Richie sáng tác nhằm chống lại nạn đói!

"Những người Mỹ từ tâm đã quyên góp giúp người Tàu khi chúng ta gặp thiên tai thì tại sao chúng ta lại không thể giúp người nghèo ở Mỹ chớ?" "Tôi muốn nói với người Mỹ là ở Trung Quốc cũng có người từ tâm chớ không phải là những thằng giàu, khùng, tiêu tiền vô tội vạ cho những món hàng xa xỉ để khoe mẻ!"

Để cho thiên hạ biết việc làm từ thiện của mình, ông ‘Báo' mướn đăng nguyên trang trên tờ Thời Báo Thứ Hai để những người Mỹ nghèo mạt rệp nào muốn được ăn chùa một bữa thịnh soạn thì email cho ông ta mà giữ chỗ trước? (Đã vô gia cư thì làm sao mà ‘email' cho thằng chả được đây?!)

Trên trang quảng cáo nầy, tự tay y viết, rồi tự so sánh mình với Lôi Phong (Lei Feng) một người lính của Quân đội nhân dân Trung Quốc đã chết năm 1962 và được Nhà nước Trung Cộng suy tôn như một anh hùng vì có lòng vị tha?! (dù có người nói Tuyên huấn Tàu Cộng bịa ra chớ Lôi Phong nầy không có thật?!)

Trần Quang Báo làm giàu bạc tỉ đô Mỹ nhờ tái chế rác, tái xử dụng các vật liệu xây dựng.

Y đúng là một thằng cha chủ một vựa ve chai cỡ bự! (Đồ Made in China, ngoại trừ Vạn Lý Trường Thành, không có cái nào có tuổi thọ quá 4 tuần. Mua về vụt! Mà rác chừng nào thì thằng cha chủ vựa ve chai nầy càng khoái!)

Mấy nhà báo Mỹ đa nghi có câu hỏi là nhà hàng nổi ở Central Park nầy có đủ chỗ chứa một ngàn người không?

Theo báo chí thì chú ‘Báo nhà ta' đã trả 175 ngàn đô để quảng cáo trên báo!

Sau đó, y còn huyênh hoang là ‘sẽ' thành lập một quỹ từ thiện đặt tên là ‘Quỹ từ tâm Mỹ Trung' trị giá tới 300 triệu đô. Trên tờ quảng cáo có in chân dung Trần Quang Báo đeo mề đay thấy thiệt là oai!

Tàu thường nói rằng ‘thi ân bất cần gáy' mà chú Ba nầy ‘gáy' coi bộ hơi nhiều đa!

Bữa ăn trưa miễn phí nầy gồm 3 món:

Khai vị, cá hồi phủ một lớp hạt vừng trộn với rau cải Á châu. Món chánh là thịt bò phi lê với khoai tây nướng. Xong tráng miệng bằng dâu tây có trét kem!

Franklin Sanchez, một người vô gia cư, 26 tuổi, nói: nghe thực đơn như vậy thèm nhễu nước miếng nha! Cha quá đã! Chứ ở trung tâm trợ giúp khẩn cấp của thành phố Nữu Ước nầy ngày nào tụi tui cũng phải xơi bánh mì săn uých lạnh ngắt. Cơm tối ở đây chỉ là gà rán và rau rồi hết.

Lâu rồi hỏng được đi ăn nhà hàng xịn; chuyến nầy tụi mình ‘đớp' cho nó đã!

Trước cử chỉ đẹp (?) của nhà tỷ phú Trần Quang Báo, thì một số người khác nói nó có động cơ chính trị, một tiểu xảo quảng cáo của chú ‘Báo nhà ta', người đã từng được đưa tên lên báo chí vì đề nghị mua lại tờ New York Times.

"Tôi áng chừng các quan chức Trung Quốc cũng thích tham gia vào các trò biểu diễn truyền thông giống y như các chính trị gia Mỹ!"

Tiền quảng cáo ở Mỹ rất mắc, mỗi phút trên truyền hình có thể lên đến cả triệu đô la. Bỏ ra vài trăm ngàn để bao ăn và cho tiền giới ‘homeless' nhưng được đăng tên trên tất cả hệ thống truyền thông có tiếng của Mỹ cũng còn rẻ chán... cho đòn phép chính trị ‘nhân đạo' trá hình của Tàu! Ông ta nên bỏ tiền xây trường học cho cả triệu dân Tàu mù chữ, nghèo đói của ông đang sống cơ hàn thiếu ăn, thiếu mặc ở ngay chính trên quê hương của ông đi!

Còn ý kiến của người viết là Chú Ba nầy xài tiền của chú vì có từ tâm hay hậu ý... dã tâm; làm quảng cáo gì đi chăng nữa thì mình hỏng có ‘ke'. Cũng còn tốt hơn cái chánh phủ Tàu Cộng ruồi bu của chú nhiều. Nhớ năm rồi, khi Phi Luật Tân bị cơn bão Hải Yến tàn phá nặng nề. Người dân Phi đói rét. Cả thế giới chung tay giúp đỡ! (kể cả cộng đồng người Việt tị nạn của chúng ta!) Riêng Chú Ba Tập Cận Bình cho được 100 ngàn đô. Cho xong rồi bị chúng chửi tối tăm mặt mũi vì xưng hùng xưng bá là nền kinh tế hạng nhì thế giới mà kẹo kéo quá! (Hay Chú Ba còn giận Phi Luật Tân về cái vụ tranh giành biển đảo nên trong bụng không muốn chút nào... cũng phải giả bộ thế thôi!)

Về chánh phủ Tàu Cộng là vậy; còn về mấy nhà tỉ phú làm từ thiện thì Chú Ba Báo nầy so với Bill Gates của Mỹ thì chỉ là ‘vịt đẹt'; nhưng so với một đại gia ‘tiếng tai' lừng lẫy ở Việt Nam thì tốt hơn nhiều. Chú Ba bỏ tiền ra đãi thiên hạ ăn còn tay đại gia Việt Nam trong nước nầy (cũng có quỹ từ thiện nữa nha!) hỏng đãi ai ăn hết ráo! Tao quảng cáo, bằng cách mua cái giường ngủ vài trăm ngàn đô từ nước ngoài về để vợ chồng tao nằm khoe cái... he he!!!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

"Trọng tài mà tài...không được trọng?!"

dxt_jun27_trongtai.jpg 

 Tây nhập bóng đá qua nước mình cũng lâu lắm rồi, thời Nam Kỳ còn là thuộc địa Pháp! Mới đầu chỉ mấy thằng lính Tây chơi với nhau chiều chiều trong đồn binh (quan Tây không dám cho lính nghễu ngớn ra ngoài vì sợ dân An Nam mình đón đường mà ‘bụp' mấy thằng cướp nước!) Sau bà con mình tò mò, thấy Tây khùng làm ngồ ngộ, vui vui; bèn bắt chước chơi theo?!

Cái gì mới là có người chưa biết, hiểu theo cách khác...?!

Một bà già trầu đi coi đá banh lần đầu thấy hai chục đứa xúm giành nhau một trái banh, lấy chưn đá ‘rốp rốp' vào nhau, vung tay giựt chỏ vào mặt loạn xạ lúc nhảy lên đội đầu. Lâu lâu lại có đứa nằm lăn ra đất, kêu oai oái : ‘Má ơi! Đau quá!' Vậy mà không thấy ai từ tâm, nhủ lòng thương xót, lại đỡ thằng nhỏ lên, coi nó có ra làm sao; mà chỉ lo giành được trái banh rồi ráng chạy như dông. Cả bọn hì hục rượt theo! Tuy vậy có hai đứa, mỗi đứa một bên không có tham gia, chỉ đứng dòm lom lom; không thèm nhảy vô can gián gì hết ráo. Còn một đám dân chúng ngồi ngoài rìa sân (ác hết biết!)... vỗ tay rào rào... khuyến khích mấy đứa nhỏ nầy ‘đánh' nhau nữa chớ!

Chỉ tội nghiệp, có một ông già đầu trọc lóc, như Webb Howard, cầm còi chạy thục mạng, thổi tu hít hoét hoét như phú lít, can gián hoài mà tụi nó có chịu nghe đâu?

Sau cùng, bà già trầu lại thấy một đám khoảng 22 đứa, lần nầy cầm cây, cầm gậy rượt theo ông già áo đen, đầu hói, chạy chí chết vòng vòng sân vận động. Rồi đám khán giả cũng nhập bọn rượt theo làm ổng chạy thiếu điều tóe khói! Bà già trầu chán nản tình đời, nói với ông chồng: ‘Thôi đi về! Kệ cha tụi nó đi! Thiệt là một lũ "hâm hâm!"'

Ông già đầu hói cầm còi, mặc quần áo màu đen, bị người ta rượt chạy thục mạng đó, là trọng tài bóng đá.

Người ta nói buôn bán là làm dâu trăm họ! (Ít quá!) Nữ Thủ Tướng Đức, Angela Merkel, thì làm ‘dâu' cho 81 triệu 654 ngàn 118 người Đức. Còn Tổng Thống Barack Obama làm ‘rể' cho 322 triệu 278 ngàn 110 người Mỹ. Nghe triệu, triệu thì thấy nhiều thiệt nhưng so với trọng tài bóng đá quốc tế FIFA, Webb Howard, bắt cho giải World Cup Brazil 2014 thì mấy con số nầy là lẻ tẻ; hỏng có nhằm nhò gì hết ráo. Vì trọng tài giải World Cup nầy phải làm ‘dâu', làm ‘rể' cho cả tỉ người xem trên toàn thế giới. Ca dao mình nói rất trúng rằng: ‘Làm dâu khổ lắm ai ơi! Vui chẳng dám cười; buồn chẳng dám than!'

Không dám than dù bị chửi bới dài dài. Bị gọi là "trọng tài xây cá nại" hay "trọng tài cận thị hỏng chịu mang kiếng" hoặc "ai cũng thấy, chỉ có trọng tài... hỏng thấy; như gã khờ ngọng nghịu đứng...làm thơ! "!

Nghe chửi mà phải nhịn dù nhịn là nhục nên người ta mới nói là nhịn nhục. Vì miếng cơm manh áo cho vợ con hay sao?

Nghề để kiếm cơm thì chắc chắn là không phải rồi. Vì lương hướng đâu có bao nhiêu. So với thu nhập triệu, triệu đô của các cầu thủ siêu sao như Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha hay Lionel Messi của Á Căn Đình, thu nhập từ tiền lương, từ tiền chuyển nhượng, tiền bán áo thi đấu, từ tiền quảng cáo cho các hãng cá cược, thì thu nhập của một trọng tài dù là quốc tế FIFA như Webb Howard đi chăng nữa chỉ là một giọt nước so với đại dương; là một trời một vực! Cùng trong lãnh vực bóng đá với nhau, không có ‘tao' là không được, không làm nên trận đấu... mà kẻ ăn không hết (còn dư tiền nuôi phủ phê mấy em chân dài, trên ngực có hai trái banh to tổ bố) mà người lần không ra?

Kết luận nghề trọng tài khổ như con ‘chó' mà tại sao lại có người ham làm quá vậy?

Câu trả lời gần gần đúng là vì mấy ‘giả' lỡ mê bóng đá, mà đá dở ẹc! Thôi để tui đi làm trọng tài, cũng được mặc áo ra sân, được xưng tụng là ‘vua sân cỏ', cũng le lói, chớp chớp với ‘em' hàng xóm thường ẹo tới ẹo lui (ngứa con mắt quá vì em vốn ‘phòng không chiếc bóng' đã mấy năm nay!)

Nên mới có chuyện như thế nầy: Một ông trọng tài đang cầm còi điều khiển trận bóng đá. Trận đấu đang hồi sôi nổi. Banh tới lọt vào vùng cấm địa, chuẩn bị sút vào; thì tiếng còi trọng tài vang lên ngưng trận đấu. Cầu thủ ngơ ngác nhìn. Ông trọng tài đứng nghiêm, cúi đầu tôn kính vì ngoài đường có một đám tang đi qua, đưa người về bia mộ đường quên. Thấy vậy toàn thể cầu thủ cả hai đội đều ngừng lại, đứng nghiêm, cúi đầu chào vĩnh biệt người đã khuất. Một cầu thủ thầm thì vào tai, nịnh trọng tài: "Ông quả là một con người có trái tim nhân hậu!"

Ông trọng tài đáp lại: "Dẫu sao tôi đã sống với bà ấy suốt ba chục năm ròng!"

Thằng ‘chả' đam mê đến nỗi tới đám ma của vợ ‘yêu' mà thằng ‘chả' cũng không ‘ke'; chỉ lo cầm còi, rượt theo trái banh để điều khiển trận đấu. Tưởng đam mê là niềm vui chớ ‘y' đâu biết rằng niềm vui đã nằm trong thiên tai... vì đây là một nghề cực kỳ nguy hiểm và bạc bẽo!

Một ông chết, hồn bay lên tới cổng thiên đàng. Thiên đàng vừa thành lập chánh phủ mới, thay đổi chánh sách nhập cư. Lần nầy chỉ những người cực kỳ dũng cảm mới được cấp ‘visa'.

(Vì thiên đàng lo xa cần người dũng cảm để lỡ Tập Cận Bình chiếm hết biển Đông có người lội ra biển chiến đấu mà ngăn bàn tay ‘nhám nhúa' của nó lại. Bằng không, mất biển vì chết nhát, chỉ ngồi nhà chửi đổng, chửi vu vơ... Hết hơi... rồi nín; không dám chơi vì sợ nó quánh cho mà phù mỏ!)

Viên quan phụ trách Bộ Di trú và Định cư, Scott Morrison, tuân lịnh trên, bèn làm một cuộc phỏng vấn xét duyệt, hỏi: ‘Dưới dương thế ông làm nghề gì ạ?' ‘Dà! Tui làm trọng tài bóng đá!'  ‘Trước khi cho phép ông định cư ở chốn thiên đàng, xin dám hỏi lúc sinh tiền, tiên sinh có làm điều gì rất can đảm, rất dũng cảm hay không?"

Viên trọng tài suy nghĩ hồi lâu... Nhớ xưa giờ hình như mình không có làm điều gì can đảm, dũng cảm hết! Ngay cả con vợ nhà mà mình còn sợ nó thấy bà. Nó nghiến răng trèo trẹo là mình run như cầy sấy. Nhưng nếu không kể ra được một hành động can đảm, dũng cảm nào sợ không được cấp ‘visa' nhập cư vào chốn thiên đàng mà phải xuống địa ngục, bị quỷ sứ cưa hai nấu dầu, sợ lắm! Bèn ráng lục lọi trí nhớ rồi kêu lên: ‘A! Dạ có rồi!' ‘Hành động can đảm, dũng cảm nào kể thử nghe coi?' ‘Dà! Chẳng qua tui mới điều khiển trận tranh chung kết Cúp bóng đá thế giới giữa hai đội Ba Tây và Á Căn Đình tại Rio de Janeiro, thủ đô của Ba Tây. Phút 89 lúc hai đội huề nhau 0-0, tui cho đội Á Căn Đình của Lionel Messi được hưởng quả phạt đền.

Ông quan nầy cũng phải gật gù công nhận: ‘Trên đất nước cuồng nhiệt bóng đá như Ba Tây mà ông dám phạt đền tụi nó ở phút 89 của trận đấu. Thiệt là một hành động can đảm, dũng cảm vô song!' Nhưng ông có thể cho tôi biết chính xác nó xẩy ra lúc nào không để tui ghi vô sổ bộ cho ông Trời ổng ban thưởng anh dũng bội tinh hình thập giá (Cross of Valour) và cấp ‘visa' cho ông mới được'

Ông trọng tài trả lời: ‘Dạ thưa! Cách đây 3 phút!'

Dạ kể chuyện nầy chắc bạn đọc nghĩ người viết ở không rồi đặt dóc chớ cái nghề trọng tài cho tụi nhỏ đá banh chơi làm gì đến nỗi mà bị giết chết nhăn răng ra như thế? Dạ thưa có xảy ra rồi đó ạ!

Chuyện rằng: Ricardo Portillo, 46 tuổi, điều khiển trận đá banh ở Taylorsville, thành phố Salt Lake vào ngày 24 tháng 4 năm 2013! Ông phạt thẻ vàng một cầu thủ 17 tuổi. Chú ‘nhóc' nầy nổi cộc quay lại đấm ông một phát vào mặt! Mới đầu tưởng nhẹ thôi. Ai dè chở vô nhà thương, ông bị xuất huyết não rồi từ giã cõi trần sau một tuần nằm hôn mê ở bịnh viện.

Thiệt là đau lòng khi nghe con gái ông trọng tài nói với đài CNN rằng: ‘Tụi con đâu ngờ xảy ra tới cớ sự như vầy! Ba con yêu thích bóng đá và thích làm trọng tài! Đó là niềm đam mê cho tới lúc ba con bị đánh đến hôn mê!' Bác sĩ nói: ‘Chỉ còn phép lạ mới mang được ba trở về với tụi con thôi. Nhưng phép lạ không xảy ra và ba con đã chết vì niềm đam mê đó!'

Đó là chuyện tưởng chỉ xảy ra ở Mỹ mà ở Hòa Lan cũng có! Tháng chạp rồi, một trọng tài biên, nghiệp dư, 41 tuổi, bị hai thằng nhóc cầu thủ chỉ mới 15, 16 tuổi nhào vô đấm đá. Nạn nhân rơi vào hôn mê sâu và từ giã cõi đời vào sáng hôm sau! Thiệt là đau lòng quá!

Phải chi mấy ổng học cái sách của trọng tài bóng đá nước CHXHCN Việt Nam thì đâu đến nỗi.

Người viết nhớ hồi xưa, sau 75, có chuyện như vầy xin kể lại hầu bạn đọc! Cam đoan có thật 100%

Một trận đá banh giữa hai đội làng xã tranh tài chung kết cấp huyện. Bóng chạm tay một hậu vệ trong vùng cấm địa. Cầu thủ đội tấn công lẫn khán giả ngoài sân ủng hộ la hét rần rần: ‘Phạt đền! Phạt đền!' Ông trọng tài dáo dác nhìn quanh; rồi chạy tuốt lên khán đài nơi đám quan chức chóp bu đang ngồi xem. Hỏi rằng ông bỏ sân đấu chạy đi đâu vậy? Té ra ông trọng tài chạy lên hỏi ý kiến chỉ đạo của đồng chí bí thơ huyện ủy coi xử làm sao? Đảng lãnh đạo; nhà nước quản lý mà!

Cuối tuần rồi thằng con của người viết cũng cầm còi đi đâu đó! Tối về, thấy hai con mắt nó bầm tím, sưng chù vù! Làm cha, thấy con như vậy ai mà không ‘xót'; bèn sai má bầy trẻ lẹ lẹ lấy bông gòn nhúng nước nóng có pha muối mà đắp lên mắt cho thằng nhỏ; rồi hỏi cớ sự ra làm sao?

Nó trả lời: ‘Con đi làm trọng tài đá banh. Con phạt một thằng thẻ đỏ vì tội giựt cùi chỏ vô mặt người ta lúc tranh bóng. Nó quạu, nó quay lại... giựt cùi chỏ vô mặt con. Hu hu!'

Nghe vậy người viết la lên rằng: ‘Trời ơi! Mầy là con tao mà sao mầy ngu quá vậy? Tao cũng muốn giựt cùi chỏ vô mặt mầy đây! Nhớ! Nhớ! Trọng tài bóng đá là cái nghề ‘ngu' nhứt thiên hạ đó nha con!'

Sau bình tâm, suy nghĩ lại thấy mình nói cũng hơi quá. Nếu không ai dám làm trọng tài vì sợ bị chửi; sợ bị ăn đấm; sợ bị ăn đá thì làm sao có môn bóng đá. Môn thể thao vua mà vì bạo lực sân cỏ phải ngỏm củ từ thì tiếc lắm đó bà con ơi!

Bóng đá là để chơi; chơi mà nắm đầu trọng tài quánh tơi bời là hỏng có được đâu nha!

đoàn xuân thu.

Melbourne 

"Từ ủng hộ đến ẳm hộ!"

 dxt_jun23_1.jpg dxt_jun23_2.jpg

 

 

Người viết có tâm tình cũng giống như quý độc giả kính yêu: mình ra đi mang theo quê hương! Mang theo con đò, bến cũ, hình ảnh người xưa, chia tay nhau trong buổi chiều lá rụng... Rồi nhân tiện mang theo tình yêu với trái bóng tròn, chất ở trong tim, qua Úc. Kỷ niệm mà! Muốn mang bao nhiêu thì mang! Không sợ hành lý quá cân, quá ký hay sợ bọn Hải quan Úc lục ra mà vụt vô thùng rác... như vụt mấy ký ba khía của má người ta cho, đem qua ăn... để đở nhớ sông nước Cà Mau! Mấy thằng Úc Hải quan nầy thiệt là đồ ‘cà chớn'?!

Úc là một dân tộc dù béo phì có hạng trên thế giới nhưng lại rất yêu chuộng thể thao. Môn nào tao cũng chơi hết ráo. Nhưng đau khổ thay, Úc rặt, nó khoái chơi bóng cà na hơn đá bóng tròn. Đối với Úc, bóng tròn buồn tẻ quá! Đá suốt 90 phút mà la ‘goal' cho sướng cái mỏ hỏng được mấy lần! Hỏng đã! Chính vì hỏng khoái nên luật lệ đá banh cực kỳ đơn giản và dễ hiểu nhưng tụi nó cũng hỏng biết luôn như chuyện vui dưới đây:

Có ông thầy mới tốt nghiệp đại học, về trường phụ trách Sinh viên vụ. Nhiệm vụ chánh là hướng dẩn, dạy bảo học trò những hoạt động ngoại khóa như văn nghệ, thể thao, hướng nghiệp... vv...

Một bữa, giờ chơi, thầy ra sân vận động của trường; thấy một đám học sinh đầu đen (đa phần là Việt Nam mình; vì trường thuộc Springvale, thủ phủ người Việt mình, phía đông nam Melbourne) chia là hai phe, chạy rượt theo trái banh tròn; giành nhau chí chết. Chỉ duy có một em đang đứng nhìn trời hiu quạnh. Thầy thấy em cô đơn...tội nghiệp quá bèn đến lân la hỏi chuyện. ‘Tụi nó thiệt tệ! Chơi mà bỏ ‘trò' đứng đây một mình! Như vậy ‘trò' có buồn hông?' ‘Dạ thưa thầy: Hông'. ‘Sao trò hỏng chạy theo nhập bọn với tụi nó cho vui đi!' ‘Dạ hỏng được?' ‘Sao vậy?' ‘Dạ! Em đang mắc giữ gôn!' Hi hi! Thầy Úc ‘khù' hết biết!

Nhớ xưa, còn nhỏ, quê nhà yêu dấu, chiều thứ bảy, vô sân vận động Cộng Hòa ở Chợ Lớn coi mấy đội ‘lô can' như Tổng Tham Mưu, Quan Thuế, Cảnh Sát Quốc Gia đá (lâu lâu mới có đội Hong Kong qua!) với Rạng, Đực I, Đực II, rồi Đổ Thới Vinh, Nguyễn văn Ngôn vân vân... hay hết biết. Vừa coi, vừa nghe ké ra dô; đang trực tiếp truyền thanh của ông Huyền Vũ la làng chói lói... Mỗi đường banh đi xém trụ thành hay vọt xà ngang là ổng la "Dzô! Dzô! Hỏng dzô! Ra ngoài trong gang tấc!" Trái tim thằng nhỏ đập thình thịch theo trái banh đó nha!

Đội banh nào mà được khán giả khen nó đá như Ba Tây; không có nghĩa là đá hay như Ba, hay Tía của thằng Tây hoặc đá hay như ba thằng Tây nhập lại... mà đá hay như đội tuyển Ba Tây của vua bóng đá Pelé!

Sau nầy VC vô, sân vận động Cộng Hòa nó đổi tên thành sân vận động Thống Nhất. Rồi nó đem vào Nam mấy cái đội Thể Công, Tổng Cục Đường Sắt... (Đường cát, đường phèn)...với Thế Anh, Cao Cường gì đó...Cao Cường mà đá như hạch... Nên lúc nào cũng phải dàn xếp tỉ số, phải để cho nó ăn mới được. Vì trăng của Trung Quốc phải tròn hơn trăng của Mỹ. Bóng đá xã hội chủ nghĩa phải có tánh giai cấp: ‘Ta nhứt định thắng! Nó nhứt định thua!' Biểu thằng trọng tài là mọi chuyện sẽ xong ngay! Đá banh ‘cuội' như vầy thì Cù Sinh, Cù Hè gì, giỏi hay bao nhiêu, cũng thành ‘Cù Lũ nhí' hết trơn!

Nên lòng ham mê bóng đá của bà con mình nguội lạnh rồi nhạt phai đi. Chơi cái gì cũng ăn gian hết thì chơi với ai chớ?

Mãi sau nầy ‘dọt' được ra nước ngoài, tình yêu bóng đá đang thoi thóp thở chuyển qua từ trần bổng lòm còm...sống lại. Nhờ truyền hình, nhờ internet, cứ mỗi 4 năm một lần, lòng già lại rạo rực lên như thuở mới bắt đầu yêu...Nhứt là khi nghe những bài hát mà các ca nhạc sĩ dành cho World Cup. Thì máu già nó rần rật khắp châu thân, chân ngứa ngái, ngủ mớ, đá lung tung khiến em yêu phải di tản về nhà tía má em mà lánh nạn...Bởi sợ tối nằm kế bên, ảnh sút cho một cái là bỏ ăn cả tháng!

So trên thế giới, niềm ái mộ túc cầu, môn thể vua, thì người Việt Nam mình, theo tui đoán mò, chứ không có khảo sát thống kê gì ráo trọi thì chỉ đứng đằng sau cái thằng Ba Tây mà thôi! Ở Ba Tây, từ con nít đến thanh niên, thiếu nữ, ông già, bà lão đều khoái, đều mê đá banh hết ráo.  Đang biểu tình chống chánh phủ tham nhủng bất công ì ì như vậy cũng ngưng lại... để tụi tao đi coi đá banh World Cup xong... hết tháng nầy, rồi sau đó sẽ tính sổ với Tổng Thống Brazil sau.

Nên có chuyện vui như vầy: Một thằng nhóc vô vận động trường xem đội Ba Tây, sau lễ khai mạc, sẽ thi đấu trận mở màn với đội Croatia. Ông hàng xóm, ngồi phía sau, thấy vậy ngạc nhiên hỏi: ‘Ê nhóc! Làm sao mầy có vé ngồi chổ tốt quá; ngay trước mặt tao vậy?' Thằng nhóc trả lời: ‘Ờ tui có vé xem của anh tui!'. ‘Rồi anh mầy đâu?' ‘À nó đang ở nhà lo đi kiếm cái vé xem bóng đá của nó!'

Mê đá banh đến nỗi tình nghĩa anh em, huynh đệ như thủ túc là để lúc khác chớ lúc nầy ‘chôm' bậy cái vé của anh nhe!

Túc cầu ở Brazil không phải là một môn thể thao để chơi; mà là một tôn giáo với triệu... triệu tín đồ! Là ước mơ của của đám con nít mới chập chững biết đi! Lỡ sanh ra ở những khu ổ chuột São Paulo! Đói hả? Nghèo hả? Khỏi đi học làm chi cho lâu lắc; lại khó kiếm tiền. Cứ chạy u ra ngoài đường mà vũ điệu Samba với quả banh da! Rồi 17 hay 18 tuổi đi Châu Âu mà đá. Bạc triệu đô la như Neymar đó thấy không?! Người ta sống bằng ước mơ! Đúng vậy! Không có ước mơ hão huyền... thì dân ngu khu đen làm sao sống?!

Ngoài dân Ba Tây và Việt Nam ra, dân Đức cũng mê bóng đá ác liệt không kém! Bà Thủ Tướng Đức, Angela Merkel, (sau khi Thomas Muller ghi ba bàn trong một trận để thắng đậm Bồ Đào Nha 4-0; làm lu mờ luôn siêu sao, quả bóng vàng, của đội Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo), đang ngồi trên khán đài, đứng bật dậy như điện giựt trước mặt bá quan văn võ mà hò hét ‘Dzô! Dzô". Sau trận đấu, bà chạy tuốt vô phòng thay đồ của cầu thủ để cho tiền đạo Lukas Podolski (đang chơi cho đội Arsenal) chụp hình chung bằng cái điện thoại di động ‘xịn' của mình. Thiệt là ‘đã' hết biết!

Còn ở Bá Linh (Berlin), những người ủng hộ đội nhà (vốn bị vợ cấm không cho đi Brazil; vì sợ mấy em nóng bỏng bên ấy nó đem ảnh ra mà nướng barbecue), đã bày ghế ‘xa lông' đầy sân vận động của đội Alte Foersterei FC Union theo dõi trực tiếp trận đấu của phe ta trên màn ảnh truyền hình cực lớn!

Có một ông Việt Nam xem hình thấy hơi lạ bèn hỏi: ‘Lỡ mưa thì sao?' Thì ông khác cười đểu mà trả lời rằng: ‘Lỡ mưa thì ướt chớ sao? Dân chơi thì sợ gì mưa rơi chớ!'

Thằng ‘đế quốc' Mỹ cũng hỏng chịu thua! Phó Tổng Thống Joe Biden cũng chạy tuốt vô phòng thay đồ của đội tuyển bóng đá quốc gia Hoa Kỳ, ‘đía' rôm rả với các cầu thủ Mỹ sau khi đội nhà thắng Ghana 2-1.

Đã chứng kiến bàn thắng của John Brooks Jr, Joe bắt tay khen ngợi: ‘Đúng là một cú đá tuyệt vời!' Biden cũng tán dóc với Damarcus Beasley! ‘Qua' còn thiếu ‘chú em' một chầu nhậu đó nha!' (Joe Biden went into the US Soccer Team's locker room and promised them drinks after their big win).  Cầu thủ nầy đang ở trần, chụp chung hình lưu niệm với ông Phó! Vài bạn đồng đội nhắc nhở: ‘Ê! Mặc áo vô chớ!' Nhưng ông Phó đang vui! Ở trần cũng được đừng có ở truồng là OK! Ông còn chúc mừng thủ môn Tim Howard với những lời nồng nhiệt như thể cả hai là bạn cũ!

Ở nhà, Tổng Thống Obama nghe tin chiến thắng bay về... nôn, bèn phát trên mạng xã hội Twitter những lời ủng hộ đội nhà! ‘Go USA! Go!' Nếu Mỹ vào sâu trong giải, ngài Tổng Thống sẽ bay đi Brazil là cái chắc! Có cớ trốn ‘bà chằn' ở nhà bay đi Rio de Janeiro ‘rửa' cái con mắt thì ngu sao mà hỏng đi chớ!

Chuyện ủng hộ nồng nhiệt của Thủ Tướng hoặc Tổng Thống dành cho đội nhà cũng thường thôi! Tinh thần quốc gia dân tộc mà! Ai mà không có!

Chuyện dưới đây lại tréo ngoe mới lạ chớ! Ông thần nầy không những không ủng hộ đội nhà mà ổng chỉ lo ẳm hộ ‘tiền' xăng mà thôi!

Thứ Sáu rồi, trong khi toàn thể nhân dân Tây Ban Nha đang cực kỳ đau khổ vì đội nhà thua tan nát, thua không còn manh giáp trước đội Hòa Lan (1-5) thì ổng, cũng là dân Bò Tót, lại không đau khổ chút nào mà là ‘hên' quá mạng là ‘hên'!

Jacobo Rios-Capape, 56 tuổi, kiến trúc sư, người Valancia, cùng 70 ngàn người khác tham gia vào cuộc thi có thưởng về kết quả trận đấu giữa đội tuyển Tây Ban Nha, đương kim vô địch và đội Hòa Lan do công ty xăng sầu Cepsa tổ chức.

Kỳ diệu thay, đông như ruồi mà chỉ có mình ổng đoán trúng Tây Ban Nha sẽ thua Hòa Lan 1-5 và ẳm luôn toàn bộ giải thưởng đổ xăng miễn phí trị giá 100 ngàn Âu Kim. Báo chí đổ xô tới phỏng vấn coi cha nội nầy có phải là thầy bói, biết sờ mu... rùa hay không mà đoán trúng ngay phóc vậy! Thì ông cười hè hè, trả lời rằng: ‘Là người Tây Ban Nha, trong bụng tui cũng muốn đội nhà thắng lắm chớ (ổng nói vậy vì sợ bị bà con xúm vào chữi cho một trận?!) Nhưng nếu đội Hòa Lan dám hạ chúng ta; thì chúng nó sẽ thắng đậm lắm! Nên tui đoán đại là mình vô lưới mình lượm 5 trái; rồi mình được nó an ủi cho một trái danh dự. Chứ hỏng lẽ nó dứt mình 5 trái mà mình hỏng đá vô được trái nào là mất mặt bầu cua lắm đó! Dẫu gì mình cũng lả đương kim vô địch mà!'

Thua nặng nề, thua tối tăm mặt mũi ngay trận đầu ở vòng chung kết giải thế giới là tiền lệ chưa đội dám làm hết trơn nha! Từ năm 1950 đây là cái thua nặng nề nhứt của đội tuyển Tây Ban Nha khi đi tranh chức vô địch thế giới.

Nhưng trên toàn thế giới thì ông thần nầy không phải là người duy nhứt đoán trúng đâu. Hãng cá cược của mấy thằng Ái Nhỉ Lan (Irish) tên là Paddy Power đặt cược 1 đồng trúng 500 đồng cũng có tới mười người đoán trúng Hòa Lan sẽ hạ Tây Ban Nha 5-1 đó mấy ông ơi! Nên đồng bào Tây Ban Nha đừng có chữi thằng chả tội nghiệp; làm mất tiêu niềm vui trúng thưởng của người ta! Đời hay không bằng hên!

‘Nhóm B, trận tới, Tây Ban Nha sẽ gặp Chí Lợi (Chile) vào thứ Tư nầy để chuộc lại lỗi lầm xưa, tui sẽ đánh cá nữa! Lần nầy đội mình sẽ thắng thằng Chí Lợi 5-1; để trả thù cho bà con mình nhá!'

Thằng cha phản bội tổ quốc Con Bò Tót, phản bội đội nhà bằng cách xui xẻo trù ẻo là sẽ thua 5-1 nói mồm là vậy chứ trong bụng thì đang khoái tỉ tê đi! Với giải thưởng trị giá 100 ngàn Âu Kim tức bằng 80 ngàn bảng Anh nầy, nếu tính bình quân một năm xe gắn máy của thằng chả chạy 8200 dặm, tốn trung bình 1200 bảng Anh tiền xăng thì thằng chả chạy cho tới chết... còn chưa hết! Vì theo tính toán thì phải tới năm thằng chả hưởng ‘đại... đại thọ' 123 tuổi lận mới hết!

Bóng đá là vui! Ủng hộ đội mình yêu thích thường là đội tuyển quốc gia mà bóng đá ăn gian kiểu VC, kiểu Cao Cường, chắc tới năm 3000 Việt Nam mình mới được vào vòng chung kết Cúp thế giới!

Nên bây giờ tui xin hết lòng ủng hội đội Socceroos, Úc, quê hương thứ hai của tụi mình đi, dù tui biết chắc như bắp là nó sẽ thua!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

"Vắt cạn sữa con bò tót?!"

 

 dxt_jun19_vatcan.jpg

  

 Thưa quý độc giả thân mến!

Người ta nói ‘một năm có bốn mùa!'...Còn người viết thì khoái nói ngược lại là ‘bốn năm có một mùa!'... đá banh World Cup!

Như bà con mình đã biết, Hòa Lan (Holland) chưa bao giờ đoạt được chức vô địch giải bóng tròn thế giới, ôm cúp vàng chạy u về nhà khoe với má thằng ‘cu'! Chỉ ráng lết hết bánh tới vòng chung kết ba lần, rồi thua... Về tay không. Hai lần trước là thua Tây Đức (West Germany) năm 1974; lần thứ hai thua Á Căn Đình (Argentina) năm 1978! Gần đây nhất là thua 0-1 trước đội Tây Ban Nha (Spain) ở Johannesburg, thủ đô Nam Phi vào ngày Chúa Nhựt 11 tháng 7 năm 2010.

Số phận dung rủi, qua bắt thăm, kẻ thù năm xưa, 4 năm sau, gặp lại ta ở vòng đấu bảng B, vào sáng thứ sáu ngày 13 tháng 6 năm 2014 tại Salvador của nước Ba Tây (Brazil).

Nhưng gặp lại kẻ thù xưa thì mình làm gì? Báo thù chớ làm gì nữa!

Sách có câu: "Quân tử báo thù mười năm chưa muộn'. Nhưng quân tử cái gì mà thù dai như vậy hả? Thì sách nói rằng: năm 496 trước công nguyên, Ngô vương Phù Sai đánh Câu Tiễn báo thù cho cha. Câu Tiễn giương cờ trắng đầu hàng; bị bắt làm tù binh. Ba năm sau mới được phóng thích về nước. Câu Tiễn nằm gai nếm mật "Chớ quên nỗi nhục!", rồi 10 năm sau đó, quánh cho Ngô Phù Sai một trận tan tành xí quách! ‘Quân tử báo thù mười năm chưa muộn' là vậy!

Còn bây giờ là chuyện đá banh. Hỏng cần tới mười năm; chỉ 4 năm thôi, đến hẹn lại qua, gặp nhau đây tao đá cho mầy gãy cẳng!

Thứ Sáu, ngày 13, (giờ Ba Tây) nên Tây (cũng Tây) Ban Nha xui quá là xui! Hòa Lan, xứ hoa Tulip, theo màu áo thi đấu, báo chí đặt cho hỗn danh là cơn lốc màu da cam, nhưng năm nay tin dị đoan, sợ có huông hay sao nên thay màu áo rồi coi có hên không? Ai nói Tây hỏng dị đoan như người mình hè?

Còn Tây Ban Nha là Con Bò Tót! (Vì vốn nước nầy khoái đấu bò, biết bò tót ghét màu đỏ, nên cầm cái vuông vải điều quơ qua, quơ lại chọc cho nó húc chơi. Đôi khi ‘hên', nó húc trúng, làm đấu sĩ quay ‘cu' lơ phải đi nhà thương mà vá ruột... bể. Hay có lễ hội chọc cho bò rượt... rồi cả bọn chen lấn, chạy thục mạng trên những con đường chật hẹp ở Pamplona. Năm nào cũng có mấy thằng Úc qua Tây Ban Nha... rồi em về trên chiếc băng ca!)

Con Bò Tót, đương kim vô địch thế giới, nghĩa là hỏng có thằng nào ‘địch' nổi bị đương kim á quân tặng cho cái rổ đựng banh mệt nghỉ! Bị thua tới 1-5 chỉ cần một trái nữa thôi... thì đây không phải là kết quả của một trận đá banh mà là của một ván ‘tơ nít'!

Sau trận đấu, Louis van Gaal, ông thầy của đội Hòa Lan, nổ ‘pằng pằng' còn hơn tướng về hưu. Đáng lẽ tới sáu hay bảy trái đó chớ! (It could have been 6-1 or even more!)

Trận đấu diễn ra tại thành phố Salvador, thuộc nhóm B. Bà con mình vừa coi vừa hò hét tưng bừng từ trong ra tới ngoài nước nên tui hỏng kể chi tiết lại làm chi vì bà con đã biết cả rồi kẻo bị rầy: "Biết rồi! Sao nói mãi?! Chán tai ông lắm!"

Chỉ điểm mấy cái nổi bật mà thôi! Diego Costa, (chú nầy má đẻ ở Ba Tây nhưng lại chơi cho đội tuyển Tây Ban Nha nên mấy em có cái vòng 1 và vòng 3 cực kỳ Brazil nóng bỏng, tự ti mặc cảm bởi nghĩ chú chê em ‘đồ' nội mà sính ‘đồ' ngoại quốc nên xỉ vả chú quá trời!)

Costa xa nhà; nhưng vẫn nhớ điệu Samba, bèn ngã lăn ra trong vòng cấm địa để kiếm phạt đền. Và Xabi Alonso ‘dộng' cho cơn lốc màu da cam một búa phạt đền phút 27, mở tỷ số cho Tây Ban Nha. 1-0.

Cứ tưởng có một bàn bỏ cho ấm túi rồi; mình chỉ ‘tiki-taka', một lối đá đưa em bằng võng, đưa qua đưa lại cho nó ‘bù' ngủ... rồi lâu lâu ‘thọt' cho nó một cái là cha em cũng chết! Điệu ầu ơ ví dầu nầy cực kỳ ăn khách suốt năm, bảy năm nay của đội Barcelona do thằng cha Josep Guardiola bào chế! Nhưng trong mấy vị thuốc cao đơn hoàn tán nầy phải có Lionel Messi ru mới ngọt như đường cát mà mát như đường phèn. Còn cỡ Xavi hay Iniesta ru hoài mà Hòa Lan nó không chịu ngủ gật đâu! Không ngủ gật mà nó còn rình... Và với đường chuyền từ hậu vệ Daley Blind như đặt lên đầu Robin van Persie (vốn chơi bên Anh, quen cái thói chạy riết xuống góc, tạt vô, đội đầu tung lưới) bay như người dơi gỡ huề vào phút 44.

Rồi phút 53, cũng một cú chuyền bổng và dài của Blind, Argen Robben dùng chân chận bóng (coi chừng má giày của nó có dán keo ‘super glue') sút vào lưới trống! Hòa Lan nâng tỷ số lên 2-1.

Hậu vệ Tây Ban Nha như Gerard Piqué hay Sergio Ramos hình như quen đánh bộ... nay bị không quân oanh tạc; đành giương mắt ếch ra mà ngó.

Rồi trái thứ ba, cũng không quân, phút 65, De Vrij đánh đầu sau quả phạt góc treo bóng từ bên cánh trái. 3-1.

Rồi người giữ đền, Thánh Iker Casillas, hồi bắt hay thì được ‘tưng lên tới Thánh'?! Nhưng lần nầy, phút 72, là thủ môn, sở trường phải chơi bằng tay mà chú em đem cái sở đoản của mình là chơi bằng chân; tính làm ‘bồn lừa' với tiền đạo Hòa Lan Robin van Persie;  bị y cướp được bóng rồi sút vào lưới trống. 4-1.

Tới đây cả cầu thủ, huấn luyện viên, cổ động viên Con Bò Tót cũng muốn ‘tót' về nhà nhậu cho đỡ nỗi buồn thua tơi tả. Vậy mà Robben nó có chịu ngưng hành hạ Con Bò Tót nầy đâu. Phút 80, y lừa qua cả Pique lẫn Casillas, rồi ‘bắn' vào góc cao khung thành.

Tóm lại: Robin van Persie và Arjen Robben ghi bàn mỗi đứa được hai bàn để trả cái thù thua năm cũ! Cho mấy đứa bây biết thua là buồn đến chừng nào!

Tàn trận đấu, một ông Việt Nam mình bình luận như vầy: "Căn vào kết quả 5-1 là mấy em Hòa Lan đã vắt cạn sữa của con bò tót Tây Ban Nha rồi!" Ông thần nầy thiệt tếu? Bò tót là bò đực làm cái gì có sữa mà cho mấy em Hòa Lan vắt đây ông?!

Còn đội trưởng kiêm thủ môn Iker Casillas xin lỗi người hâm mộ Tây Ban Nha vì đã chơi quá ‘ẹ'. Lỗi tại tui muôn phần! Tui xin cúi đầu chờ ơn huệ xin rộng lòng tha thứ cho tui. Kẻ đã gây cho em nhiều khổ đau khóc hận mới trận đầu mà (e) giấc mộng dở dang!

Tay nầy thôi đá banh đề nghị qua làm dân biểu vùng Franston của tiểu bang Victoria, thay tay Geoff Shaw, đương nhiệm nầy!Y làm bậy, chôm chỉa... rồi xin lỗi ‘đểu' dân Úc trên chương trình nói tiếu lâm hài hước! Thiệt là ‘hỗn', giỡn mặt quá nha ‘mậy'!

Trong khi đó, HLV Tây Ban Nha, Vicente Del Bosque, không ‘rầy' cầu thủ nào hết! Kể cả Iker Casillas. Nhà cầm quân 63 tuổi này nói: "Khi một đội bóng bại trận, đó là yếu kém của cả tập thể. Tôi không đổ lỗi hay chỉ trích màn trình diễn của bất cứ cá nhân nào?!"

Cái nầy nghe hình như quen quen! Cá nhân phụ trách, tập thể lãnh đạo! Dở, thua, làm ăn bậy bạ, là do tập thể chứ tui đâu có lỗi gì đâu mà kêu tui từ chức chớ?! Giống bà Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế Việt Nam! Ghê!

Khi Vincente Del Bosque thôi chỉ cách mấy em đá banh, đề nghị kết nạp ổng vô đảng Cộng Sản Cu Ba! (mà không phải Việt Nam vì Cuba của Fidel Castro nói tiếng Tây Ban Nha ông mới hiểu đảng ta; còn kết nạp vô đảng Cộng Sản Việt Nam sợ mấy đồng chí bí thơ nói tiếng Việt lòng vòng hỏng biết đường ra... làm ổng đâm ra ngọng?!)

Phe thua là vậy còn phe thắng thì sao? Một cuộc phục thù hơn cả trong mơ! Tiền đạo Robin van Persie (Manchester United) kêu đồng đội đừng có đá ăn rồi ngủ luôn... trên chiến thắng! Dù thắng 5-1 trước ‘đế quốc' Tây Ban Nha, cũng đừng nhắm mắt lại mà gáy te te... nhe bạn mình! Muốn trở thành đội bóng Châu Âu đầu tiên trong lịch sử giành chức vô địch World Cup trên đất Nam Mỹ thì đừng có chủ quan, mới được có 3 điểm hà. Còn nhớ World Cup 1978, mình lết (giò cẳng rêm hết ráo) vô tới chung kết rồi thua đội chủ nhà Argentina 1-3 không mấy chú?!

Lòng khiêm tốn không phải bằng bốn lần làm phách, rất đáng cho đảng ta học tập! Nhớ cái vụ ‘đế quốc' Mỹ quánh còn ăn thì nước giàu dân mạnh là chuyện dễ như lấy đồ trong túi! Ai dè sau bao năm nhìn lại thì mấy ‘chả' làm như hạch!

Bàn về World Cup thì có cái mánh nầy các nước độc tài khác phải học đây. Đó là muốn dân quên đói, dân đừng bất mãn thì cho nó coi World Cup thả giàn.

Quân đội Thái Lan vừa làm đảo chánh bị dân ‘Lẩu Thái' rầy quá cỡ nên ông Tướng, vốn nhanh nhạy, rinh từ Hà Nội về Bangkok mà áp dụng: bằng cách ra lệnh cho tất cả đài truyền hình tư cũng như công phải truyền đi trực tiếp các trận đấu tại Brazil miễn phí cho dân coi để tụi nó bớt chửi tao!

Bấy lâu nay, mấy quan to mặt bự trong nước ăn nói lôm côm về vụ giàn khoan Trung Quốc bị dân xúm lại nó chửi quá trời thì vòng tranh chức vô địch bóng đá toàn thế giới nầy xuất hiện như một vị cứu tinh! Bèn ra lịnh cho báo đài quốc doanh trong nước làm rầm rầm, rộ rộ lên nhe... để dân nó quên đi cái nhục là mình đang bị dần dần mất nước. Tạm ngưng cái đề tài em chân dài tới nách, chụp hình khỏa thân với ngựa vì em yêu con ngựa đi nha! Ế rồi! Thiên hạ hỏng ai chịu coi đâu!

Đó là chuyện thiên hạ, còn chuyện của mình! Đêm nay đốt lò hương cũ xem bóng đá một mình; nhớ lại ngày xưa đói nhăn răng đi chớ! Rồi bị ‘tụi nó' dụ là hãy quên đói đi mà coi World Cup!

Nói với ‘em yêu' là anh đi coi đá banh World Cup suốt đêm nhe! ‘Honey' tưởng thiệt, gật đầu! Bèn chạy u qua nhà ‘em' hàng xóm; coi ké trực tiếp truyền hình; nhân tiện coi ‘em' luôn.... mà bà xã đâu có biết! Một kỷ niệm còn khoái mãi tới bây giờ! Vì cái gì ăn vụng là ngon hà! Mà miếng ngon thì nhớ đời phải không thưa quý bạn!

Giờ thì già rồi! Quê người viễn xứ, máy truyền hình ‘xịn', bia trên tay cũng ‘xịn', ngồi uống một mình trong phòng khách vắng hoe, bạn bè đâu hết cả? Chỉ có tiếng ‘Goal! Goal!' của thằng Tây tường thuật la rùm lên trong máy.

Phải chi đất nước mình được tự do sớm sớm, mình bay về  quê cũ, coi World Cup với mấy thằng bạn năm nào; để coi tụi mình còn đủ sức mà la ‘Dzô! Dzô!' nữa hay không!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 Tại sao hai đội Tây Ban Nha và Hòa Lan mặc đồng phục thi đấu khác với màu truyền thống?

dxt_jun19_jerseys1.jpg 

 Trong khi thiên hạ xúm lại bàn tán rôm rả về trận mà Hòa Lan quánh cho một chưởng làm đương kim vô địch giải túc cầu thế giới Tây Ban Nha nội thương trầm trọng với kết quả 5-1 thì người ta cũng đặt một dấu hỏi to tổ bố là tại sao cả hai đội không mặc áo thi đấu như thường thấy bấy lâu nay?

Trận gặp nhau đầu tiên giữa bảng B, thứ sáu, ngày 13 tháng 6, năm 2014, Tây Ban Nha mặc áo màu trắng còn Hòa Lan mặc áo màu xanh da trời đậm!

Bất cứ đội banh nào cũng có hai màu áo. Một lúc đá sân nhà. Và một khi chơi sân khách!

Khi đi thi đấu ở sân khách, màu áo của Tây Ban Nha là màu đỏ và của Hòa Lan là màu cam nên mới có ‘cơn lốc màu da cam' khi đội nầy phát minh ra lối chơi tổng lực: 10 lên tấn công rồi 10 xuống thủ ...trừ thằng gôn!  

dxt_jun19_jerseys2.jpg

Hãng cá cược thể thao ‘Betfair' đã cắt nghĩa chuyện nầy khi trận đấu sắp mở màn như sau:

Nguyên do chánh là FIFA ra điều lệ về trang phục thi đấu mới không cho phép hai đội ra sân cùng màu nhạt hay cùng mầu đậm. Mà phải một anh đậm, một anh nhạt. (Chắc có lẽ sợ do cầu thủ  chạy quá sức, quáng gà, nhìn không rõ mà đưa banh cho đối thủ thay vì đưa cho bồ tèo của chúng ta?)

Tây Ban Nha đứng đầu bảng xếp hạng của FIFA nên được ưu tiên chọn màu áo đấu. Họ chọn màu truyền thống là toàn ‘đỏ' chét! Nhưng màu áo truyền thống của Hòa Lan lại là màu cam, cũng là dạng màu đậm, không khác biệt nhau là mấy nên dễ gây ra lẫn lộn?!

Màu áo thứ hai của Hòa Lan khi thi đấu trên sân khách là màu xanh da trời đậm

Màu áo thứ hai của đội Tây Ban Nha lại là toàn đen. Thế là hai đội lại cũng gặp rắc rối khi cùng thay màu áo.

Vì vậy Tây Ban Nha ‘chơi' màu áo thứ ba là màu trắng cho nó ‘gọn'.

(Với Tây, màu trắng là màu trinh nguyên, là màu đám cưới, màu em đi lấy chồng vẫn còn là màu trinh bạch; dù em thực ra em đã nằm qua mấy lửa rồi! Hi hi!)

(Với Ta, màu trắng là màu tang tóc, màu trắng khăn tang mà chắc chính vì chọn màu nầy nên Tây Ban Nha mới bị Hòa Lan (5-1) đem chôn mầy luôn chăng? Hi hi!)

Tóm lại: không phải đội nào ra sân muốn mặc sao là mặc mà phải tuân theo điều lệ chỉ dẩn về trang phục, giầy vớ...vv... trong cuốn sách dầy 92 trang của FIFA. Tiếng Anh gọi là: "Equipment Regulations booklet!"

Do đó anh bạn hiền ‘diểu dỡ' nói: Hòa Lan thôi không mặc áo màu da cam nữa vì sợ xui... Chỉ lết tới trận chung kết rồi hết ‘pin' ba lần... mà chưa lần nào được chạm tay vào cúp vô địch... là ảnh nói ‘chơi' nghe qua rồi bỏ nhe bà con ơi!

đoàn xuân thu

melbourne

____________________________________________________________ 

 

Tô cháo vịt!

 dxt_Jun13_tochaovit.jpg

 Yêu nhau ác liệt mà bị mẹ cha bắt buộc đôi ta đời chia biệt thì chàng và nàng thường quyết liệt rủ nhau vĩnh biệt cuộc đời! Để chim liền cánh, cây liền cành ở kiếp lai sinh?

Mà chịu chơi chơi tới cùng là Roméo và Juliet trong vở kịch của William Shakespeare. Roméo và Juliet là một chuyện tình yêu nổi tiếng nhất trong lịch sử nhân loại, được dựng thành phim rất nhiều lần, mà em Olivia Hussey, rất‘sexy', (thèm nhiễu nước miếng, năm 1968, chiếu ở rạp chớp bóng Rex, Sài Gòn)! Khi tui mới biết yêu lần đầu mà em đã yêu (mấy) lần sau!

Cốt truyện là hai họ nhà Roméo và Juliet thù nhau bất cộng đái thiên. Giết qua giết lại mà khổ nỗi hai trẻ lại tha thiết yêu nhau. (Dà! Chuyện nầy xảy ra thời Trung Cổ ở Ý nên mới có cái vụ hở ra là đâm như thế; chớ bây giờ ló dao ra là cảnh sát nó còng đầu!)

Cuối cùng Juliet (ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên) bị gia đình buộc phải lấy thằng khác nên uống thuốc độc (giả dược thôi) để chết giả. Roméo xớn xác chạy về tưởng ‘Thúy đã đi rồi' nên quất cho mầy một vốc thuốc độc chết ngắc.  Juliet tỉnh dậy thấy cục cưng của mình nằm sùi bọt mép... đi rồi mà không còn chừa viên nào cho em ‘cắn' hết; nên nàng lấy dao đâm vô rún chết! Để đôi ta mãi mãi mãi bên nhau!

 

Việt Nam mình thì hay hơn nhiều! Tình duyên ngang trái như Lan và Điệp thì Lan chỉ đi tu thôi! Ngu sao mà tự vận. Điệp ‘kèo nài' nối lại tình xưa cứ giựt chuông cổng chùa hoài... kêu mở cửa, um sùm quá! Lan dứt khoát dùng dao, (lại dao nữa), cắt đứt dây chuông để đừng kêu réo mắc công. Xui cái là, dù Lan không có chủ tâm, ‘vì dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng'... Chuông rớt xuống... làm Điệp lỗ đầu! Từ đó về sau dẫu ai có cho một, hai trăm đô, Điệp cũng không dám đến giựt chuông làm phiền Lan nữa. Hết chuyện!

Đó là chuyện thất tình đi tu trong cải lương của ta; tự vận vì tình trong kịch của Tây... Chớ ngoài đời, trong nước bây giờ mấy nàng thất tình giải quyết theo cách khác.

Chắc bà con mình đều nhớ cái cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn mà chính giữa có đường xe lửa, chạy từ chợ Bến Thành tới Biên Hòa. Hồi xưa người viết ở Sài Gòn mà nghe em nào mặt dàu dàu nói đi ra cầu Bình Lợi nghĩa là em sẽ nhảy tùm xuống sông vì lỡ bị thằng khốn nạn nào đó ‘thư' em bụng bự... rồi đi cưới con quan phủ!

Cây cầu nầy hãng Tây nó xây từ năm 1902 tới giờ hỏng biết có mấy tỉ lượt người qua, nối những bờ vui, mà cũng hỏng biết có bao nhiêu người đến đó mà trốn nợ trần.

Ông coi sóc các trái nổi làm phao tiêu chỉ đường cho tàu bè qua lại dưới cầu Bình Lợi cho biết làm ở đây hơn bốn chục năm, ông cứu biết bao người đa số là thất tình đến đây để nhảy cầu tự vận. Có lúc cứu được lúc không? Mà cứu được; sống cũng quặt quẹo khó nuôi! Vì khi rơi từ trên cao xuống, mặt nước sẽ tạo ra phản lực khiến người rơi bị thương rất nặng. Da người va đập mạnh với mặt nước sẽ bị phồng rộp, hay lột hoàn toàn, đau đớn không kém gì bị phỏng lửa.

"Dám nhẩy cầu không phải là can đảm! Can đảm là phải dám sống, dám đương đầu, chứ tự tử như thế là trốn chạy, là hèn nhát chứ can đảm gì. Tui không cho ai chết hèn vậy. Kiểu gì cũng cố cứu bằng được!"

Phần ông là người có đạo nên ngày cũng như đêm, hễ nghe ‘tùm' là lao ghe máy ra, vớt ngay. Mỗi năm vớt được bao nhiêu người? Không chừng! Năm ít thì vài người, năm nhiều gần cả chục. Người tự tử rất ghét bị can thiệp nên thường chọn đêm, nhất là đêm mưa gió, không trăng sao, để mò ra cầu. Thấy người ta nhẩy cầu sờ sờ trước mắt, không cứu không chịu được, thì cứu thôi.  

Có lần tui thấy một đứa con gái đứng buồn ủ rũ ở lan can cầu, mặt nhìn đăm đăm xuống dòng nước bạc, rồi vái tứ phương chắc xin lỗi má đã chín tháng mang nặng đẻ đau, rồi xin lỗi ba một đời lam lũ nuôi con khôn lớn mà giờ con ‘ngu' hết biết như vậy?! Rồi tui nghe ‘tùm' một cái; bèn giựt máy Kohler, chạy vội ra, kịp nắm cái đầu tóc kéo lên. Xốc nước, chờ cổ tỉnh lại, tui mới phân giải như vầy: "Đời nhiều thứ phù phiếm, bọt bèo lắm rồi! Nhưng như con kiến nó bò tới bò lui ở mép ghe kia còn ham sống; mà cháu lại bất hiếu! Vì tình, mà toan tìm cái chết thiệt là bậy bạ quá! Chết đâu có hết mà còn tía má, còn em út nữa! Khổ cho người ở lại! Kiều bị Sở Khanh, nếu Kiều tự tử chết... thằng Sở Khanh nó còn cười cho. Nó phụ mình thì mình kiếm thằng khác. Thiếu cha gì! Cổ nghe coi bộ lọt lỗ tai thôi khóc hu hu mà nói: "Ừ hé!"

Ngoài cầu Bình Lợi ra bây giờ rồi tới cầu Cần Thơ nữa chớ. Hoàng hôn loang loáng trên sông Hậu, cầu Cần Thơ - chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á cũng lộng lẫy cong vút trong ráng chiều. Đẹp đẽ và thơ! Vậy mà khánh thành được 4 năm, mà tới 26 vụ tự vận, chỉ có 8 người được cứu thôi. Đa phần chết vì tình!

Người viết nghe anh bạn văn ‘bình loạn' về chuyện thất tình đi nhẩy cầu tự vận như vậy sợ bữa nhậu cháo vịt cuối tuần u ám quá mất vui nên góp vô câu chuyện tiếu lâm như vầy:

Một người con gái bị tình phụ. Tuyệt vọng em ra một chiếc cầu cao định gieo mình xuống dòng sông đang lạnh lùng chảy xiết mà tự vận. Bỗng em thấy phía dạ cầu có một anh chàng bị cụt hết hai tay mà vẫn vui vẻ nhảy múa. Bỏ ý định tự tử đi!  Em đi xuống dạ cầu, nói: "Xin cám ơn anh! Em tính nhẩy cầu tự sát nhưng khi thấy anh vui vẻ khiêu vũ dù đã bị cụt mất hai tay nên em thay đổi quyết định! Anh đã cứu đời em đó!"

"Khiêu vũ, nhảy múa ư?  Làm gì có! Ngứa lưng quá trời mà tui không biết làm sao để gãi. Thành thử nhảy qua nhảy lại cho đỡ vậy mà! Thôi có em đây; xin em gãi dùm lưng tôi một chút nha! Cám ơn! Cha! Đã quá! Đã quá!"

Và kết cục có hậu như một truyện thần tiên là em không gãi dùm anh một chút... mà gãi suốt đời! Hai người lấy nhau, rồi con đàn cháu đống đề huề! Sống tới răng long đầu bạc! Hết chuyện!

Anh bạn văn ‘rầy' người viết rằng: Câu chuyện của anh ‘vô cảm' quá! Tình duyên của anh suông sẻ bởi tía má đi cưới vợ cho anh; biểu ưng cô nào là anh ưng cô nấy vì như anh nói đứa nào cũng như đứa nấy mà thôi! Đâu có ‘cái gì' khác nhau đâu? (Hi hi!)

Anh chưa từng bị tình phụ; anh chưa biết được ‘thú đau thương" đến nỗi người ta phải nhẩy cầu Bình Lợi?!

Tình yêu nó mãnh liệt lắm à! ‘Thương em không tính bạc tiền! Hun em một cái chết liền cũng vui!' (Đúng vậy!)

Tui, nói thiệt, đã có lần tính nhẩy cầu Bình Lợi đó nha! Chẳng qua hồi trước 75, tui làm thầy cò cho mấy tờ nhựt báo ở Sài Gòn mà kiếm sống! Tui có máu cờ bạc chút đỉnh nên có chơi số đề.  Đánh một đồng trúng ăn bảy chục. Chơi cho đỡ buồn vậy thôi. Nhưng tuần nào không đánh thì lại nhớ con Ba đi ghi số đề trong xóm! Chu choa nó ngộ gái lắm nha anh! Nó kêu tui là thầy Hai và xưng em ngọt sớt. Lòng tui cũng xiêu xiêu rồi. Một bữa trúng được vài ngàn, tui rủ nó qua Gia Định ăn cháo vịt. Em Ba có vẻ cũng chịu đèn tui... nhưng nói: "Thầy Hai ráng chờ em ít năm nữa! Nhà đông em quá mà; chờ cho tụi nó lớn, ăn học thêm chút đỉnh! Chừng hai năm nữa thôi, thầy Hai nói tía má ở quê lên đem trầu cau qua nhà nói với tía má em một tiếng rồi em ưng cái rụp!"

Nhưng đâu ngờ tháng 4 năm 75, Việt Cộng tràn vô Sài Gòn anh ơi. Đói! Báo chí tư nhân nó đóng cửa, nhà văn, nhà báo bị nhốt hết ráo! Còn ai viết nữa đâu mà ‘cò'! May còn có chiếc Honda cà tàng để chạy xe ôm! Em Ba cũng ngưng ghi số đề vì tụi nó nói xổ số là cờ bạc, là văn hóa đồi trụy của bọn tư sản mại bản! Nó chửi lúc đầu nhưng sau đó công ty xổ số nhiều như nấm mối gặp mưa. Dễ kiếm tiền quá mà! Tỉnh nào cũng có: Thứ Hai, đài Cửu Long, Thứ Ba, đài Minh Hải ...vân vân và vân vân! Suốt tuần, chỉ nghỉ ngày Chúa nhựt! Em Ba lại trở về nghề cũ.

Tui nhớ đêm cuối của tình ta; tui dắt em đi ăn cháo vịt. Tô cháo có màu vàng sánh rất hấp dẫn dù là thịt vịt hãng. Mới đút muỗng cháo vô họng, nghe em Ba nói thiếu điều tui muốn sặc. Em nói là chắc em không về nâng khăn sửa túi cho tui như thề hứa được đâu?

"Cái thằng ‘chó đẻ' công an khu vực nó muốn em mà nếu em không ưng... nó sẽ bắt ba má em tội ghi số đề, đưa đi cải tạo mút mùa lệ thủy, mút chỉ cà tha luôn! Còn ưng nó, em sẽ tiếp tục ghi ‘đề' thoải mái; chỉ cần nộp cho thằng Trưởng Công An Phường một mớ hụi chết... là êm! Tía má em có nghe phong phanh em với thầy Hai nhưng giờ thầy phải chạy xe ôm, nuôi thân còn không nổi, nói chi tới nuôi em! Nên tía má em khuyên thôi hi sinh tình ta phứt cho rồi!"

Tui nghe mà buồn biết bao trong tấc dạ! Anh à! Mình có nước mà còn không giữ được thì sá gì cái tình vắt trên vai của tui với em Ba ghi số đề trong xóm hả anh?

Tui bị khủng hoảng tinh thần, làm ăn gì nổi nữa; nên bán chiếc Honda đi!  Chiều chiều tui ra quán cháo vịt nơi hẹn hò năm cũ với em Ba số đề, đầy dấu chân kỷ niệm, mà ăn cháo trừ cơm.

Em Tư bán cháo thấy tui tới ăn hoài nên cũng quen ‘hơi'. Em tế nhị, kín đáo cho thêm vài miếng thịt vịt chìm dưới đáy tô cho má em đừng có thấy. (Ngọc trầm thủy thượng anh ơi!)

Thất tình, ngồi không, ăn hoài núi cũng lở. Đêm cuối cùng, trời lắc rắc mưa, tui đến quán, mặt buồn như đưa đám. Kêu tô cháu vịt đặc biệt có xắt thêm một cặp giò chá quẩy và một xị rượu trắng! Tui vừa húp cháo vừa suy ngẫm về cuộc đời khốn nạn nầy. Em Tư cháo vịt thấy cái mòi hơi lạ hỏi tui sao buồn quá vậy. Tui nói: "Cám ơn em! Ngon quá! Tô cháo cuối cùng của đời tôi! Hết tô cháo vịt; tôi sẽ nhẩy cầu Bình Lợi!"

Em hỏi: "Bộ tự vận hả? Đừng làm vậy thầy Hai ơi! Đừng có chết! Nó bỏ thầy để đi lấy thằng công an khu vực. Thiệt là cái đồ 30 tháng 4 mà! Còn em, em không bỏ thầy đâu! Hu hu! Thầy Hai là người mình mà! Em sẽ đi bán cháo vịt nuôi thầy Hai suốt đời nhen!"

"Rồi sao nữa? Thì tui ưng nó! Bữa nhậu nầy là kỷ niệm 35 năm ngày em Tư cháo vịt về nấu cháo cho tui ăn đó!"

Kết luận tự vận vì tình là bậy bạ lắm! Nếu bữa đó anh Hai làm thiệt thì bữa nay làm sao có cháo vịt tui ăn!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

_____________________________________________________________________________ 

Nhìn Tân Cương nghĩ về Việt Nam!

dxt_Jun7_2014__1.jpg dxt_jun7_2014_2.jpg

 

Lúc 7 giờ 50 phút, sáng thứ Năm ngày 22 tháng 5 năm 2014, hai chiếc xe SUV vượt qua rào cản, đâm thẳng vào đám đông đang đi chợ bán rau cải ngoài trời tại thủ phủ Urumqi (Địch Hóa), khu tự trị Tân Cương, phía Tây Bắc Trung Quốc.

Những người trong xe đã ném ra nhiều khối chất nổ. Một chiếc SUV phát nổ. Lửa, khói bốc lên mịt trời! Xác người la liệt! Người sống sót chạy tán loạn.  

Theo Tân Hoa Xã:  có 39 người chết và hơn 90 người khác bị thương!

Khách đi chợ sớm đa phần là người Hán cao niên, tuy nhiên chủ của nhiều sạp lại là người Uighur (Duy Ngô Nhĩ).

‘Thật là kinh hoàng! Làm sao sống nếu ngay cả việc đi chợ búa cũng không được? Tôi ở đây nhưng nếu có phương tiện, tôi sẽ rời bỏ Urumqi để đến nơi nào đó an toàn hơn!" Một cư dân gốc Hán nói.

Cuộc tấn công này rõ ràng là nhắm vào người Hán và được coi là đẫm máu nhất trong một loạt các cuộc bạo động trong vài tháng trở lại đây.

Dĩ nhiên, những cuộc tấn công bạo lực làm chết thường dân vô tội dù nhằm mục đích gì chăng nữa thiệt là rất khó biện minh! Dễ dàng bị chụp mũ là xung đột về chủng tộc chớ không phải là cuộc đấu tranh cho bình đẳng, dân chủ, tự do, nhân quyền của những sắc dân thiểu số?!

 

Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, lu loa rằng: Các cuộc tấn công khủng bố nầy được sự yểm trợ từ những tên ‘khủng bố' được đào tạo ở nước ngoài, có kinh nghiệm chiến trường ở Syria, từ  Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (the East Turkestan Islamic Movement - ETIM). Nói như vậy là nhằm mục đích đàn áp dân Tân Cương mà quốc tế không thể nhảy vô ‘càm ràm' nầy nọ! Vì tụi nó là khủng bố quốc tế mà!

Tuy nhiên nhiều chuyên gia chống khủng bố trên thế giới cho rằng: đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc!

Cuối tháng 4 vừa qua, Tập Cận Bình, Hoàng đế Trung Quốc thời hiện đại, đã vi hành về thăm miền Tây Bắc tự trị nầy. Sau khi vua hồi loan, dân Tân Cương tiễn hoàng thượng bằng một cuộc tấn công đẫm máu dùng chất nổ và dao tại nhà ga xe lửa Urumqi, làm 3 người chết và 79 người khác bị thương.

Trước đó, ngày 28 tháng 10 năm 2013, một chiếc xe jeep lao vào đám đông ở quảng trường Thiên An Môn ngay tại thủ đô Bắc Kinh, làm 5 người chết và hơn 40 người bị thương.

Ngày 01 tháng 3 năm 2014: hai mươi chín người thiệt mạng và 130 người bị thương khi 10 người đàn ông cầm mã tấu xông vào Nhà ga xe lửa Côn Minh, lớn nhất ở phía Tây Nam Trung Quốc.

Nhưng bạo loạn kinh hoàng nhất là vào tháng 7 năm 2009, sau 60 năm thành lập nhà nước Trung Quốc cộng sản, số người thiệt mạng chỉ đứng sau sau sự kiện biểu tình đòi dân chủ của sinh viên Trung quốc tại quảng trường Thiên An Môn bị đàn áp khốc liệt năm 1989, là một cuộc đụng độ đẫm máu giữa người Uighur và người Hán làm gần 200 người bị thiệt mạng, 1700 người khác bị thương, gần 1500 người bị bắt, 270 xe đủ loại bị đốt, hơn 200 cửa hàng và 20 căn nhà bị phá hủy tại thủ phủ Urumqi, Tân Cương.

Các cuộc biểu tình từ thủ phủ Urumqi đã lan ra khắp Tân Cương! Công an mặc giáp chống đạn, trang bị súng trường tự động, canh gát cẩn mật tại các chốt chặn trong thành phố. Phóng viên bị ngăn cản đưa tin.

Hàng ngàn người Hán cầm gậy, cầm xẻng ngang nhiên đi giữa đường phố Urumqi, hò hét đòi trừng trị những người Uighur xuống đường trước đó và hình ảnh những phụ nữ Uighur yếu đuối khóc lóc trước ống kính truyền hình cho thấy có sự thiên vị đối với người Hán và sự phân đối xử đối với người Uighur đưa đến xung đột về chủng tộc!

Nghĩa là bạo loạn xảy ra khắp nơi trên đất nước Trung Quốc chớ không hẳn riêng ở Tân Cương mà thôi!

Nguyên nhân chính của tình hình bất ổn tại Tân Cương và khắp Trung Quốc là do chánh sách tàn bạo của nhà cầm quyền Trung Quốc nhằm đàn áp Hồi Giáo, tiêu diệt nền văn hóa và ngôn ngữ của sắc dân thiểu số Uighur.

Chính quyền địa phương vẫn khăng khăng không chịu đối thoại để giải quyết vấn đề trong hòa bình lại đưa công an và cảnh sát đến đàn áp... và máu đã gọi máu.

Chủ tịch nhà nước Trung Quốc, Tập Cận Bình từng hăm he "Sẽ trừng phạt nặng nề những thành phần khủng bố và dồn hết mọi nỗ lực để duy trì ổn định."

Hoàng Đế lên ‘dầu sống' thì Bộ Trưởng Công An Trung Cộng xách dùi cui chạy lăng xăng, khởi động một chiến dịch mới trấn áp dân Hồi Giáo đòi ly khai tại Tân Cương.

 

Như vậy ông nói gà; bà nói vịt! Ai thiệt; ai dóc? Chúng ta thử quay về lịch sử một chút.

"Tân Cương, vùng biên giới phía Tây Bắc Trung Quốc, cửa ngõ cho Tàu bước vào Trung Á, là một khu tự trị, thành lập từ thời nhà Mãn Thanh, rộng trên 1,6 triệu km2, lớn gần bằng nước Iran, (lớn nhất trong số các tỉnh và khu tự trị khác tại Trung Quốc), rất giàu về tài nguyên khoáng sản, kể cả dầu hỏa; nhưng dân số chỉ khoảng 20 triệu người, trong đó 45% là người Uighur, 40% là người Hán, 5% còn lại là các sắc tộc thiểu số khác.

Về chủng tộc, Uighur, tên Hán là Duy Ngô Nhĩ, thuộc nhóm sắc tộc Hán Tạng nhưng tinh thần và văn hóa gần gũi với các sắc dân Trung Á hơn là người Hán, đặc biệt là với Thổ Nhĩ Kỳ. Tôn giáo chính của họ Hồi giáo Ả Rập (Sunni), chính vì thế họ còn được gọi là người Hồi Tân Cương.

Thật ra những cuộc nổi dậy của người Hồi thiểu số Tân Cương không phải mới đây, chúng đã có từ thời lập quốc của người Hán.

Vạn lý Trường thành ngăn chặn sự xâm nhập hay tấn công của các sắc tộc thiểu số (vua Tàu gọi là rợ Hung Nô) phía Tây Bắc vào trung tâm Trung Hoa đã được dựng lên trong suốt một ngàn năm trước bởi các triều đại Hán tộc.

Vì sinh sống trên một vùng đất khô cằn, kinh tế kém, ít dân nên lãnh thổ của các sắc tộc thiểu số phía Tây Bắc dần dần lọt vào tay người Hán vốn đông đảo và hùng mạnh hơn.

Khi triều đình phong kiến nhà Mãn Thanh bị diệt vong năm 1912, Tân Cương (biên cương mới) được khá nhiều quyền tự trị. Năm 1933, quân khởi nghĩa bản địa tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo Đông Turkistan dù ngắn ngủi.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc của Mao Trạch Đông chiếm lại vùng đất nầy năm 1949 và năm 1955, để duy trì sự ổn định, Mao Trạch Đông đã cho  Tân Cương, Tây Tạng một quyền tự trị khá rộng rãi, nhưng cấm ly khai!

Khi chánh quyền trung ương nó yếu thì nó bóp cổ dân thiểu số nhè nhẹ. Lúc nó mạnh lên thì bóp cổ người ta le lưỡi, mắt trợn trắng trợn dọc chớ tốt lành gì?!

Nói một đàng và làm một nẻo! Trung Cộng âm thầm bắt đầu chánh sách thanh tẩy chủng tộc bằng cách cho người Hán di dân ồ ạt... để cuối cùng bất cứ vùng đất nào tại Trung Quốc người Hán cũng chiếm đa số! Hán hóa toàn thể đất nước Trung Hoa!

Năm 1949, tại Tân Cương, người Hán chỉ có 220 ngàn, bây giờ là 8 triệu. Dân bản địa, Duy Ngô Nhĩ, 10 triệu. Chẳng bao lâu nữa sẽ thành thiểu số trên chính quê hương mình giống y hệt như trường hợp Tây Tạng ở phía Nam. Ngay tại thủ phủ Urumqi, dân số 3 triệu thì ba phần tư là người Hán.

Dân Tàu mới đến, làm cha, chiếm đoạt công ăn việc làm của dân bản địa, đẩy số thất nghiệp của người Duy Ngô Nhĩ lên rất cao.

Tân Cương phát triển nhưng không có đồng đều! Giai cấp thống trị người Hán ngày càng giàu có. Cấp lãnh đạo chính quyền, chủ nhân các nhà máy, công xưởng, nhà hàng, khách sạn đều là của người Hán! Phần lớn cu li và công nhân phục dịch lại là người Uighur, làm nô lệ trên chính quê hương mình!

Đó là những nguyên nhân sâu xa và lâu dài của các cuộc nổi dậy này là người Uighur không muốn trở thành thiểu số và tiếp tục bị phân biệt đối xử trên chính quê hương của họ!

Về kinh tế là vậy; về văn hóa thì cố ý làm suy yếu tôn giáo truyền thống Hồi Giáo, cản trở việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ của người Duy Ngô Nhĩ.

Than phiền về việc phân biệt đối xử thì bị nhân viên an ninh, công an đánh đập dã man!

Dù giới chức chóp bu cứ kêu la là bình quyền và hòa hợp chủng tộc?! Bắc Kinh đang cố tình làm ngơ trước đòi hỏi chánh đáng nầy, kiên quyết thực hiện giấc mơ Đại Hán, đồng hóa các dân tộc thiểu số mà các triều đại trước đó chưa làm được.

Chánh sách phân biệt đối xử, chèn ép người Duy Ngô Nhĩ trên chính quê hương của họ làm bùng lên những phản kháng đẫm máu chống lại người Trung Quốc. Trước đây hoạt động bạo loạn nầy nhắm vào quân đội, công an Trung Quốc giờ đây lại nhắm vào ngay cả thường dân!

Bắc Kinh liền tìm mọi lý lẽ để gán ghép người Hồi Tân Cương là đòi ly khai và là khủng bố để lấy cớ đàn áp khốc liệt hơn.

Có một ông thầy bàn nói "Nguy cơ bạo loạn và tách rời Trung Quốc đang đe dọa vùng đất Tân Cương và ngay cả Tây Tạng nếu chính quyền trung ương không tìm ra một chính sách dân tộc hài hòa và đúng đắn!"

Nói như vậy là chưa hiểu nhà cầm quyền Trung Cộng. Hơn 1 tỉ 3 người hỏng lẽ không có ai biết sống đàng hoàng, hòa hiếu với láng giềng hay sao? Có và có rất nhiều nhưng tiếc thay lãnh tụ Trung Cộng ở Trung Nam Hải không muốn thế mà thôi. Nó biết mà nó hỏng chịu làm! Như nước Mỹ, nước Úc... nước nào cũng có cả trăm dân tộc thiểu số vẫn sống chung với nhau một cách hòa bình đó thì sao? Hỏng lẽ nó không nhìn thấy?

Hitler, Mussolini, Stalin, những con ác quỷ của thế kỷ trước, thanh tẩy sắc tộc, tiêu diệt văn hóa dân tộc khác đã đi con đường đẫm máu đó! Thế kỷ nầy mà còn ráng bước vào cái đống rác lịch sử đó thì coi bộ cũng lạ quá! Vậy mà cũng xưng là văn minh, văn hiến chớ!

Nhìn Tân Cương, nghĩ về Việt Nam!

Sau một ngàn năm Bắc Thuộc, và những khoảng thời gian được độc lập rồi lại bị đô hộ sau đó, dân ta chịu biết bao nhiêu là đau khổ của một đời nô lệ ngoại bang Phương Bắc. Về kinh tế thì bị bóc lột tận xương tủy. Xuống biển mò ngọc trai; lên rừng tìm sừng tê giác. Về văn hóa thì đốt sách, bắt nho sĩ, giai cấp trí thức, những người tài giỏi đem qua nước Tàu nhằm cô lập, tiêu diệt mầm mống phản loạn (như trường hợp Nguyễn Phi Khanh thân phụ của Nguyễn Trãi).

Chống xâm lăng của Trung Quốc từ phương Bắc, tổ tiên ta cũng có lúc đánh thua, rồi đánh thắng. Lúc thua thì thà chết chớ không chịu làm nô lệ như Hai Bà Trưng, sau 3 năm giành được quyền tự chủ, thế cô, thua trận thà nhảy xuống Hát Giang mà tuẫn tiết. Rồi Nguyễn Biểu, Trần Bình Trọng; thà làm quỷ nước Nam hơn làm vương đất Bắc.

Xương máu tiền nhân của chúng ta đã đổ xuống đất nầy! Thắng là vinh quang nhưng trong chiến bại, tổ tiên ta vẫn can trường nên mới có được một Việt Nam ngày hôm nay! Việt Nam không phải là một phiên bang của Trung Quốc!

Trong tất cả các tội đối với tiền nhân và hậu thế, bán nước, cam tâm làm nô lệ cho giặc là một cái tội lớn nhứt; tội không thể nào tha thứ cho được!

Nhìn Tân Cương, dân Duy Ngô Nhĩ vùng dậy, vì bất công, hết chịu nổi nữa rồi, dù phải chết, phát động một cuộc chiến tranh du kích không cân sức, (đôi khi rất tàn bạo vì nhắm vào dân thường), chống lại bạo quyền trên toàn đất nước Trung Hoa để thấy rằng từ phong kiến Trung Hoa đến Cộng Sản Trung Quốc dã tâm vẫn còn y nguyên, đôi khi còn thâm độc hơn nhiều! Nam mô một bồ dao găm! Hay: Miệng là bạn mà tay cầm lựu đạn!

Tin sao được mà tin! Vậy mà có ‘tay' vẫn ráng mà tin! ‘Tình hữu nghị Việt Trung đời đời bền vững!' Thiệt không thể nào hiểu nổi trong đầu họ nghĩ cái gì đây nữa?

Người Việt yêu nước chân chính của chúng ta trong và ngoài nước đời nào cam chịu cái thân phận khốn cùng như người Tân Cương cho được. Ngàn lần không, vạn lần không nên các cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra chống Trung Cộng, ‘Đả đảo Tàu Cộng!' nhứt quyết một tấc đất, một tấc biển cũng không cho chúng xâm lấn. Những kẻ nội thù, Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thời hiện đại, cam tâm làm tay sai, tiếp tay với giặc thì mình phải đem ra ‘dợt' tụi nó trước cho chắc ăn!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

___________________________________________________________ 

Dám hay không dám? To be or not to be?

dxt_jun1_Obama.jpgdxt_jun1_banh.jpg

 

Mỗi lần viết xong một bài, người viết thường gởi cho anh bạn nhà báo cực kỳ ‘thông tuệ' coi ảnh có chỉ bảo thêm điều chi không? Bài báo dưới đây anh muốn đặt tựa là: "Người ấy và anh! Em chọn ai?" mình thấy ảnh nói cũng hay nhưng có vẻ huỵch tẹt quá làm mất đi cái ‘mờ mờ' gợi tánh tò mò của độc giả mà một bài báo cần phải có. Nên cũng xin phép ảnh cho giữ cái tựa mà mình đặt!

Và dưới đây là nội dung, xin kính mời quý bạn đọc thân mến cầm đũa (Ý quên cầm tờ báo!)

Những người có đầu óc hài hước nhìn lên bản đồ thế giới thường tưởng tượng ra những điều chưa ai nghĩ tới. Như người bạn Úc, gốc Italy, nói: Hình thể nước Ý giống như cái giò ‘bung' ra; để đá ‘đít' mấy thằng Mafia của đảo Sicily?!

Người viết cũng góp vui rằng: Hình thể nước Việt trên bản đồ thế giới giống như người con gái đẹp tuyệt trần, nằm duỗi dài trên bao lơn lộng gió; nhìn ra Thái Bình Dương. Cực kỳ khêu gợi! Vòng số 1, miền Bắc, nở nang. Vòng số 2, miền Trung, ‘eo' em thon thả! Vòng số 3, miền Nam, nở hậu; đồng lúa phì nhiêu; nên thực dân hay cộng sản gì nhìn thấy cũng thèm nhỏ giãi; tìm đủ mọi cách để ép, để bắt em mãi mãi là của anh?!

Mà lì lợm nhứt phải nói là chú Tàu Phù! Suốt bốn ngàn năm cho tới tận hôm nay! ‘Dê dai dữ!'

Tuân lịnh Tập Hoàng đế, Tàu Cộng đem giàn khoan dầu Hải Dương 981 vào vùng biển gần Quảng Ngãi, ngang nhiên xâm lấn, đóng mũi khoan cái cộp trên biển quê ta. Chú Ba muốn thử coi dân Việt Nam phản ứng ra sao? Còn đảng Cộng sản Việt Nam, đàn em, thì Chú Ba Tàu Cộng biết rõ tim đen hết ráo rồi... nên khỏi thử?!

Và bà con trong nước lẫn ngoài nước trả lời dứt khoát là: "Đừng có hòng!"

Thế nên, Chúa nhựt ngày 18 tháng 5 năm 2014, hơn 4000 bà con mình ở thủ phủ Melbourne, đã kéo ra ‘city', biểu tình rầm rộ trước Tòa Tổng Lãnh Sự Trung Cộng, số 75-77 Irving Rd, Toorak để cho chú Ba Tàu Cộng biết dân Việt nghĩ gì, làm gì!

Thì tụi tao ‘quạu' chớ sao! Mà không những ở Melbourne ‘quạu' không thôi mà còn ở Sydney, Canberra nữa, đồng bào cũng xuống đường cho Tàu Cộng biết sự phẫn nộ ghê gớm của người dân Việt trước vụ Tàu Cộng xâm lăng biển đảo quê nhà!

Bà con mình giận Tàu Phù... tức thì có tức nhưng khi gặp nhau, cùng nhìn về một hướng, nhắm quân thù mà ‘chửi'; mà hô: "Đả đảo Trung Cộng! Đả đảo!"; không khí còn vui hơn Tết Đống Đa khi Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ cỡi voi vào Thăng Long, rượt Tôn Sĩ Nghị chạy muốn sút quần, tuốt về Quảng Tây, Quảng Đông (‘y' là Tổng đốc Lưỡng Quảng mà!)...không trông mong gì ngó lại! Sợ quá!

Khí thế ‘Đả đảo Tàu Cộng!' của bà con mình làm gợi nhớ đến bài hát Hội Nghị Diên Hồng mà hồi xưa, ai đi học cũng biết và từng hát:

"Toàn dân Tiên Long! Sơn hà nguy biến! Hận thù đằng đằng! Nên hòa hay chiến?... Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến? Quyết Chiến! Quyết chiến luôn! Cứu nước nhà! Nối chí dân hùng anh... Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy Sinh!"

Hội nghị Diên Hồng vào tháng Chạp năm Giáp Thân 1284, do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các bô lão xin ý kiến nên đầu hàng hay đánh khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Thì mấy ‘cụ' hô ‘đánh'!

Tình hình Trung Cộng và Việt Cộng bây giờ cũng giống hồi xưa thôi. Không ai muốn đánh nhau làm gì tuy nhiên có trường hợp không đánh không được. Nhịn nữa là mất nước!

Nhưng tại sao khi Tập Cận Bình mới lên ngôi cữu ngũ hồi năm ngoái, chưa bao lâu mà ‘y' lại cà khịa hết Nhựt Bổn về quần đảo Senkaku (Tàu gọi là Điếu Ngư, đảo của ‘Kimono' mà chú Ba đòi ra câu cá?!); Phi Luật Tân bãi cạn, Scarborough; tới Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa rồi Trường Sa, rồi Mã Lai, Brunei với đường lưỡi bò chín đoạn thiếu điều ‘liếm' sạch biển của người ta? Mấy bloggers toàn thế giới trên hãng tin CNN gọi mấy Chú Ba Tàu Phù nầy là ‘hungry dog!'(Chó đói! Đụng cái gì cũng táp!)

Anh bạn nhà báo thấy tình hình cực kỳ sôi động... ghé tệ xá, làm mặt ngầu, mang mắt kiếng đen, vẻ thầy bói, sờ mu rùa rồi phán rằng:

"Chú Ba Tập làm sảng như vậy chẳng qua là vì nội bộ đảng Cộng Sản Trung Quốc bây giờ như nồi cháo heo! Mấy chú trong Thường Vụ Bộ Chánh Trị Đảng giành ăn, đấm đá nhau tơi bời. Nguy cơ dân Tàu chia năm xẻ bảy! Đứa theo cha nầy đứa theo cha kia! Nội chiến chớ hỏng phải chuyện giỡn chơi!

Rồi kỷ niệm 25 năm ngày Cộng Sản đem xe tăng vô quảng trường Thiên An Môn mà cán chết sinh viên của mình đang biểu tình đòi dân chủ.

Rồi Pháp Luân Công với cả hằng chục triệu tín đồ một lòng một dạ theo giáo chủ Lý Hồng Chí nhất định ăn thua đủ với chú Ba...

Trong đại lục là vậy, còn ngoài biên địa như dân Hồi Giáo Tân Cương, Tây bắc Trung Quốc đâu có chịu thần phục, triều cống... cứ vác dao, kiếm chạy vòng vòng khắp từ Bắc Kinh xuống Côn Minh, lâu lâu lại ra tay đâm chém. Bây giờ thì chơi tới bom xe, nổ cho ‘choáng váng' mấy cái đầu trong Trung Nam Hải!

Còn Tây Tạng, tuốt trên núi cao, lạnh quéo mà lòng dân lúc nào cũng sục sôi như nồi thuốc súng.

Nội trị thì rối như nồi canh hẹ; ngoại giao thì sợ với bàn tay lông lá của chú Sam thò vô, thọc ra sẽ làm con khủng long cộng sản còn sót lại trên quả địa cầu nầy sẽ ngã lăn ra chết ngắc, chết bất đắc kỳ tử, như Liên Xô thuở trước!

Nhớ xưa Đặng Tiểu Bình sau 7 năm đi tù cải tạo về... khi Mao Trạch Đông vừa ngỏm củ tỏi cũng đã thâu tóm quyền lực vào tay mình bằng cuộc chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979! Ngắn ngủi nhưng cực kỳ đẫm máu và vụ đàn áp chính con dân của mình ở Thiên An Môn cũng tàn bạo và đẫm máu không kém!

Thế nên muốn cũng cố quyền lực là Chú Ba Tập phải chơi cái chiêu, học của  sư phụ Đặng Tiểu Bình: vẽ ra một kẻ thù tưởng tượng; nhằm khơi dậy lòng ái quốc cực đoan của dân Đại Hán. Bèn nhắc lại vụ thảm sát Nam Kinh, chết cả 300 ngàn dân Tàu hồi đệ nhị thế chiến do quân phiệt Nhựt gây ra. Rồi nhân cao trào bài Nhựt, đòi quần đảo Senkaku của Nhựt ở Biển Hoa Đông. Lui về phía Nam là chiếm Hoàng Sa, lăm lăm nuốt trộng luôn Trường Sa của Việt Nam!

Những thái độ hung hăng con bọ xít nầy chỉ nhằm chỉ tay vào hướng khác cho dân Tàu ‘dòm'... để quên bẵng đi tình trạng tồi tệ nầy là do cái đảng Cộng Sản Trung Quốc thối nát; mới chính là kẻ nội thù của dân Trung Quốc đang tiếp tục đè đầu cỡi cổ, bóc lột dân lành!

Chính vì nhiều chuyện lu bu như vậy Chú Ba Tàu Cộng sau khi ‘chơi' em Kimono Nhựt Bổn hỏng ăn thua, kiếm em nhỏ yếu hơn mà ăn hiếp, đem giàn khoan Hải Dương 981 xâm lược vùng biển Việt Nam!

Giặc tới ngoài ngõ, buộc phải đánh nhau với quân xâm lược thứ nhứt hy sinh là phải rồi. Tuy nhiên bàn sâu bàn xa hơn trước khi chuẩn bị đón đỡ cú ‘cẩu quyền' hay ‘cẩu xực xí quách' của nó thì ‘o du kích nhỏ' Việt Cộng phải xét xem em nhỏ mà có võ hay không? Có nội công, nội lực thâm hậu hay không rồi mới ra chiêu chớ. Ra chiêu lạng quạng, tẩu hỏa nhập ma, thì cha em cũng chết!

Xét nội lực trước: là xét về nội trị và ngoại giao.

Nội trị là quan trọng nhứt. Bờ có vững biển mới yên chớ! Mà muốn bờ vững thì dân phải đoàn kết một lòng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài mới được. Bấy lâu nay cứ cắm đầu ăn một mình... giờ bị giặc đánh mà kêu dân ra đỡ đạn thì coi bộ hơi bị khó à nha! Tuy nhiên nếu ăn năn, sám hối kịp thời thì phải dân chủ tự do thôi! Chớ không thể nào độc đảng, độc tài, độc quyền yêu nước, bỏ cái thói độc quyền ăn hết ráo thì còn vớt vát chút đỉnh hy vọng dân nghe. Nhưng tui e rằng chắc hơi bị trễ?!

Dân ngu khu đen chống xâm lược là muốn giữ cái đất để cày để cấy, cái biển để đánh bắt cá, cái nhà có chỗ chui vô chui ra cho con cái đời sau, không muốn đem cái thân mẹo dậu ra làm nô lệ cho Tàu Phù, xuống biển mò ngọc trai; lên rừng tìm sừng tê giác. Ngay cả thời phong kiến đi chăng nữa, dân sẵn sàng liều chết chống xâm lược là vì có vị minh quân, yêu nước, thương nòi.  Còn hôn quân vô đạo thì đôi khi không cần tới quân xâm lược làm chi; dân trong nước đói khổ quá, hè nhau nổi dậy là đã sập một cái rầm rồi! Dân yêu nước chứ không phải yêu ‘quan', yêu ‘vua'... Nên nhớ kỹ điều đó nha và đừng đồng hóa ‘quan', ‘vua' với tổ quốc rồi đụng chuyện gì cũng kêu dân ra đỡ đạn! Đừng có nằm mơ chớ!

Tình hình tàu chiến, máy bay giặc quần tới quần lui để bảo vệ giàn khoan của nó trên biển quê mình, thì không thể nào ầu ơ ví dầu, câu giờ được nữa mà phải quyết định, chọn lựa ngay. Dân chủ hay độc tài ? Đa nguyên, đa đảng hay không?!

Nếu đất nước được tự do thì nguồn lực trên 4 triệu đồng bào hải ngoại, có biết bao nhiêu người tài giỏi đã đóng góp cho đất nước tạm dung gần 40 chục năm nay khiến dân sở tại ai ai cũng cúi đầu khâm phục (mà họ chưa chịu về vì họ chỉ muốn phục vụ tổ quốc chớ không muốn làm tôi tớ cho giai cấp cầm quyền mục ruỗng) và 90 triệu dân trong nước cũng biết bao nhiêu người tài giỏi (mà ‘loại' người ta ra hỏng chịu xài vì không cùng chung phe cánh) sẽ hợp lực lại. Với tài trí đó, với lòng yêu nước đó...mới mong quân xâm lược co đầu rút cổ, cút đi. Mình mạnh là nó sợ! Đố cha thằng nào dám vào đây hiếp đáp!

Phần ngoại giao! Chế độ độc tài, cộng sản ai mà chơi! Ngay nước Mỹ, hành pháp vẫn phải nghe lời lập pháp là quốc hội, dù có muốn giúp súng ống nầy nọ thì Tổng Thống Mỹ cũng phải nghe lời Quốc Hội tức dân Mỹ mới đặng. Mà dân Mỹ có đứa nào nó khoái độc tài quân phiệt, công an trị đâu!

Do đó ‘o du kích nhỏ' muốn đánh nhau với Tàu Phù thì phải thay đổi về dân chủ tự do trước, mới có thể mua vũ khí sát thương của Mỹ mà đánh nhau với Tàu Phù. Chớ hỏng lẽ chèo xuồng ba lá ra giàn khoan mà lấy nạng giàn thun mà bắn cho nó đui con mắt?!

Nói tới thì cũng nói lui! Thấy lời qua tiếng lại hai bên coi có vẻ găng thiệt đấy nhưng biết đâu Chú Ba Tập diệu võ giương oai đánh ‘cuội', hù em út chơi một chút để Chú Ba Tập lên uy tín trong nước đang hơi bị xệ xệ của mình... Mà em, ‘o du kích nhỏ' lại tưởng đại ca tính ‘chơi' em thiệt! Sợ quá mà ngã gọn vô vòng tay của Chú Sam thì mất đi em đẹp? He he!

Chẳng qua chú Ba thấy em đẹp, o du kích nhỏ, trong vòng tay mình mà lại liếc mắt đưa tình với Chú Sam, thụt thụt ló ló với Mỹ, ngứa con mắt ngộ quá mà, nên nghiến răng trèo trẹo: "Đừng ưng thằng Mỹ à; không được đâu nha!"

Cuộc hôn nhân không tình yêu giữa hai đảng Cộng Sản còn sót lại nầy cũng giống như cuộc hôn nhân không tình yêu giữa thằng cha Võ Đại Lang bán bánh bao với thiên kiều bá mị ‘o du kích nhỏ' Phan Kim Liên vậy! Giờ có Chú Sam, Tây Môn Khánh rủng rỉnh tiền bạc chen vào thì trước sau gì tình ta cũng bể!

Mấy tay bình loạn về tình hình chánh trị Biển Đông cũng đồng ý với anh bạn làm báo của người viết làm rùm lên: "Bẻ lái đi - chờ lúc nào nữa?" Bỏ Võ Đại Lang đi! Theo Tây Môn Khánh bởi nó giàu!

Đó là ngoài nước, ăn nói tự do nó huỵch tẹt, thẳng ra là như vậy! Còn trong nước thì cấm đoán nầy nọ; đâu dám nói thẳng ruột ngựa như người ngoài nước được! Sợ nó năm phe bảy phái, đứa theo Tàu, đứa thân Mỹ, đứa theo Tàu nộ khí xung thiên đem nhốt bất tử mấy tay thân Mỹ thì chết Tía! Dẫu vậy, ngạc nhiên thay, người viết cũng chép được một đoạn nguyên văn trên báo quốc doanh đàng hoàng nha! Cam đoan không nói dóc, hoặc thêm bớt một chữ, chỉ cắt ra một đoạn (đoạn nầy còn in đậm nữa!) Xin kính mời quý bạn đọc thân mến xem qua rồi nghĩ sao thì nghĩ:

"Bẻ lái, bẻ lái ngay Dũng ơi, mi làm chi chậm rứa mi, bọn tao bọc hậu cho mi rồi. Nó áp ngay phía sau kìa...! Những ngày thực sự căng thẳng của chuyến ra khơi Hoàng Sa bắt đầu như thế..."

Mấy tay nhà báo quốc doanh nầy đôi khi cũng ‘đểu' lắm, vì viết là phải lách nên mới gọi là viết lách chớ!

Lòng dân đã rõ! Cách làm cũng đã rõ! Giờ thì có dám làm hay không? Và đã có tin vui trước giờ tuyệt vọng mất nước là: Chú Sam, John Kerry, mời ‘o du kích nhỏ' Phạm Bình Minh qua Hoa Thịnh Đốn gặp để bắt đầu khởi động tình ta!

Người viết cũng xin bắt chước Shakespeare xin hỏi các ‘quan' rằng: Thời cơ đã tới thì: "Dám hay không dám"; "To be or not to be"?!

Nhà thơ Tô Thùy Yên trong bài Trường Sa Hành có câu "Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục" Nếu mà mấy ‘quan' sợ mất ghế mà tiếp tục ‘dập giận' thì "Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh'... vào lịch sử chung với bọn: Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống, Hoàng Văn Hoan, Tố Hữu...

Nếu sau nầy bị mất nước, con cháu buộc phải sống đời nô lệ cho Tàu Cộng; phẫn uất quá nó kêu tên ra mà chửi thì lúc đó đừng có trách tui biết mà không chịu bảo gì nhau. Hèn thì rán chịu nhục chớ có đổ thừa ai!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

_____________________________________________________________________ 

“Nghỉ vài bữa đi chống Trung Quốc rồi tính sau!"
dxt_may20_1.jpg dxt_may20_2.jpg 
 
Khi giàn khoan dầu khủng (hoảng) Hải Dương-981 của Trung Quốc, trị giá cả tỉ đô la, ngang nhiên tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chuẩn bị khoan thăm dò trong vòng ba tháng thì những cuộc biểu tình chống Trung Quốc (trong nước, dân không dám kêu là Trung Cộng vì nó là ‘đại ca’ của VC nên sợ phạm húy?!) đã nổ ra ở Sài Gòn, Hà Nội, cùng các thành phố lớn khác như Đà Nẵng, Cần Thơ…
“Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam!”
“Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam”...
 
Những cuộc biểu tình ôn hòa ở trung tâm các thành phố lớn đa phần là do giới trí thức, nhà văn, nhà báo lề trái và những nhà bất đồng chánh kiến tổ chức. Lòng dân ai cũng sôi sục! Nhưng các cuộc biểu tình của giới trí thức nầy êm đềm, suông sẻ… so với cuộc biểu tình của công nhân cả nước sôi bỏng hơn nhiều.
Tin tức mấy bữa nay tràn ngập trên truyền thông từ trong nước lan ra tới hải ngoại! Như đã biết, suốt từ Bắc tới Nam, bây giờ, có khoảng 190 khu công nghiệp, là xương sống của nền kinh tế Việt Nam, trị giá 128 tỉ đô, tạo việc làm cho 2,1 triệu công nhân và xuất khẩu số hàng hóa năm rồi trị giá 38 tỉ chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu. Vào thứ Ba ngày 13 tháng 5 năm 2014 nhiều cuộc biểu tình lớn lao, lên cả chục ngàn người xảy ra ở Bình Dương,(Thủ Dầu Một) rồi lan xuống Đồng Nai, (Biên Hòa). Hàng ngàn nam, nữ công nhân, đình công, ùa ra đường. Tiếng hô: "Đả đảo Trung Quốc". Rồi cuộc biểu tình từ phấn khích đến bạo loạn. Chỉ riêng tỉnh Bình Dương, có khoảng 460 công ty xí nghiệp ngoại quốc hoạt động sản xuất ở các khu công nghệ đã bị thiệt hại từ nhẹ đến nặng, hư hại vì đập phá hoặc bị đốt cháy vào hôm thứ Ba và cuộc biểu tình vẫn còn tiếp tục qua ngày thứ Tư. Ngày 14 tháng 5, tất cả các công ty có mặt ở khu công nghiệp và của cả tỉnh Bình Dương đều nghỉ việc, cửa đóng then gài như có chiến tranh. Hơn 40 công an bị thương vì bị chọi gạch, đá lỗ đầu. Hậu quả là các doanh nghiệp có vốn đầu tư của Đài Loan, Trung Quốc ra thông báo cho công nhân là "tạm thời nghỉ làm". Những công ty nào thuộc chủ đầu tư Trung Quốc đều được cảnh sát chống bạo động bảo vệ nghiêm ngặt. Hầu hết các công ty đầu tư đa quốc gia khác đều không bị đoàn biểu tình xâm phạm. Nhưng để cẩn thận, những công ty này đều treo cờ quốc gia mình "Chúng tôi là công ty Nhật, chúng tôi là công ty Ấn Độ… Chúng tôi ủng hộ chủ quyền Việt Nam..."
Rồi biểu tình chống Trung Quốc từ Bình Dương, Đồng Nai phía Nam lan như lửa cháy, phừng ra tới Hà Tĩnh, Trung Phần. Từ Đài Bắc, phát ngôn viên báo chí của Tập đoàn Formosa Plastics, nhà đầu tư lớn nhứt của Đài Loan cho biết nhà máy gang thép đang xây dựng tại khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã bị đốt phá sau cuộc đụng độ giữa công nhân người Trung Quốc và người Việt Nam. Những thiệt hại về tài chính do bị đốt phá vẫn chưa được kiểm kê.
Biểu tình biến thành bạo loạn nầy xảy ra chiều và tối ngày Thứ Tư 14/5/2014 cho tới khoảng 22 giờ đến 23 giờ đêm cùng ngày mới vãn hồi được trật tự, sau khi một số lớn công an, bộ đội, biên phòng được huy động! (Tập đoàn Formosa Plastic Group của Đài Loan có một số dự án đầu tư đến 20 tỉ USD, trở thành nhà đầu tư ngoại quốc lớn nhất tại Việt Nam khi các dự án của họ hoàn tất vào năm 2020. Trong đó họ đầu tư xây dựng cả một hải cảng và một nhà máy nhiệt điện công suất 2,150 MW, một nhà máy sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á.) Trong số hơn 10,000 người làm các loại việc khác nhau tại công ty Formosa ở Vũng Áng, có khoảng 2,000 người Trung Quốc. Mấy tháng trước, từng có xô xát giữa dân địa phương và công nhân Trung Quốc tại đây. Dân địa phương kêu ca về số lượng quá đông công nhân Trung Quốc, không có giấy phép lao động, mà nhà cầm quyền địa phương cố ý làm ngơ, bao che… phớt lờ những biện pháp để đối phó?! Đây là công ty Đài Loan nhưng những người biểu tình bạo loạn nầy nhầm lẫn là công ty Trung Quốc! Mà nhầm cũng phải thôi! Đài Loan gì mà công nhân Trung Quốc lại lên tới hàng ngàn người (?!) Đúng ra những công ăn việc làm nầy phải dành ưu tiên cho dân địa phương theo lời mấy ‘quan’ trên hứa hẹn khi lấy đất của dân nghèo mà đưa cho chủ đầu tư nước ngoài xây dựng nhà máy (?!)
Công An nói: “Một người Trung Quốc thiệt mạng. Nhiều người khác bị thương gồm cả người Việt và người Trung Quốc, trong số này có cả công an đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, hãng thông tấn Reuters thuật lời một bác sĩ ở bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho hay, qua điện thoại, rằng: Có 5 công nhân người Việt và 16 người khác được mô tả là người Trung Quốc đã thiệt mạng. Đây là vụ bạo động chết người có thể kể là nghiêm trọng nhất kể từ khi có cuộc chiến tranh biên giới giữa hai nước hồi năm 1979.
Không cảm thấy an toàn trước tình hình nầy, hàng trăm người Trung Quốc đã hối hả rời Việt Nam bằng đường bộ hoặc đường hàng không! Hơn 600 người Trung Quốc đã vượt qua cửa khẩu quốc tế Bà Vet để vào Cam Bốt, (Việt Nam gọi là cửa khẩu Mộc Bài thuộc tỉnh Tây Ninh), nằm trên xa lộ nối liền Sài Gòn đến Nam Vang, thủ đô Cam Bốt. Tại phi trường Tân Sơn Nhứt, hàng đoàn người Trung Quốc mua vé một chiều để bay đi Mã Lai, Thái Lan, Cam Bốt, Singapore hay trở về Đại Lục.
Trung Quốc bắt đầu lo sợ về tình trạng bạo lực đang xảy ra tại Việt Nam, thúc giục ‘đàn em, đồng chí’ phải trừng phạt những tên ‘tội phạm’; phải bồi thường cho các nạn nhân. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, còn nói thêm rằng: “Hà Nội giả bộ đui trước những kẻ biểu tình bạo loạn nầy?!” Mặc dù là hai nước láng giềng, hai đảng Cộng Sản có quan hệ mật thiết về chính trị cũng như kinh tế …thề thốt ‘bốn tốt và mười sáu chữ vàng’… cũng không ngăn được lòng dân Việt căm phẫn, bài Trung Cộng, xuất phát từ lòng tự hào dân tộc về cuộc tranh đấu giành độc lập sau 1000 năm đô hộ của giặc Tàu.
Tranh chấp ở Biển Đông đã ròng rã hằng mấy chục năm nay. Lần nầy, Trung Cộng ỷ mình nước lớn làm quá, ‘tấn’ đồng chí đàn em tới chân tường. Thế nên hàng chục tàu của hai nước đang giáp mặt nhau ở giàn khoan và liên tục tố cáo nhau, ‘nó đâm tàu tui’… rồi dùng vòi rồng xịt nước vào nhau… Giống như con nít đánh trận giả vào mùa hè nóng nực?! Đàn em yếu ớt la làng đại ca ‘vi phạm’ lãnh hải của em?! Vi phạm là lỡ hay cố ý chạy vào lãnh hải của nước khác rồi lẹ lẹ… chạy ra kẻo bị chúng bắt. Còn cái nầy mang giàn khoan khổng lồ vô vùng biển của người ta thì không thể gọi là vi phạm lãnh hải được mà phải gọi cho chính xác là xâm lược hay xâm lăng chiếm đóng vùng biển của người ta mới đúng chớ!
Dã tâm của Trung Quốc hiện ra rất rõ trong khi quan hệ mậu dịch của hai bên! Hàng năm kim ngạch thương mãi lên tới hơn 50 tỉ đô la, vậy mà các công ty Trung Quốc chỉ đầu tư 2.3 tỉ đô vào Việt Nam… chỉ nhằm mục đích bóc lột tài nguyên. Tương tự như đã làm với các nước Phi Châu. Xuất khẩu từ Phi Châu đi Trung Quốc đa số là nguyên liệu như dầu thô và khoáng sản. Trung Quốc cố ý không tạo ra việc làm hay thương mại gì ở các nước đó cả? Chỉ đến đó ‘hủ hóa’ quan quyền địa phương để được khai thác tài nguyên với giá rẻ mạt rồi chở về nước mình! Khủng hoảng xảy ra chỉ một tuần sau khi Tổng Thống Hoa Kỳ viếng Châu Á vào cuối tháng 4. Nơi mà ông tuyên bố Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các đồng minh trong vùng (ám chỉ Nhựt Bản và Phi Luật Tân) đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc. Phát Ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Jay Carney, phát biểu rằng những tranh chấp nầy nên được giải quyết thông qua đối thoại chớ không phải đối đầu.(Chú ‘Sam’ đang xoay trục sang Châu Á, khuyên can hai bên rằng: Cải nhau thì được nhưng đừng có ‘quánh’ nhau nhe!” Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết đang theo dõi sát tình hình thúc giục đôi bên kiềm chế và thêm rằng họ ủng hộ quyền biểu tình bất bạo động.
Nhìn lại các cuộc biểu tình biến thành bạo động nầy, một người dân Bình Dương "Tôi cũng không ngờ công nhân mình dữ như vậy. Ở đây chưa thấm gì đâu, dưới Đại Nam (thuôc Khu Công nghiệp Sóng Thần 3) hôm qua, đập phá mới banh chành. Đó là đối với công ty do Trung Quốc làm chủ mà thôi! Còn chuyện cướp phá hôi của là do bọn xã hội đen chung quanh khu công nghiệp lợi dụng chuyện biểu tình. Đổ thừa hết cho công nhân đi biểu tình gây ra là không đúng! Hôm qua có hàng chục ngàn công nhân biểu tình nếu họ xấu hết thì bình địa chớ chẳng chơi." Biểu tình chống Trung Cộng là nguyên do chánh, tuy nhiên còn vụ áp bức bóc lột do chủ công ty, người Trung Quốc, gây ra nữa chớ! Một nhà máy ô nhiễm đầy khói bụi, ngày nào cũng tăng ca, phải làm thêm giờ! 21 giờ đêm mới trở về phòng trọ, nhỏ như cái ‘hốc bà tó’. Vợ cũng cày như trâu. Con thì gởi nhà trẻ tư nhân, lâu lâu bị người giữ trẻ cũng bức bối vì cuộc sống, giận cá chém thớt, ‘dần’ đến tối tăm mặt mũi. Ăn uống thì thiếu thốn, sức lao động bỏ ra mà không được bù đắp lại, thân thể cứ héo mòn dần... Lâu lâu lại bị ngộ độc thức ăn do nhà máy cung cấp… phải đi nằm bịnh viện đến cả trăm người! Trong giờ làm mắc đi tiểu, đi tiêu, chủ Trung Quốc cũng không cho... Lương tháng ba, bốn triệu, trễ lên, trễ xuống. Ngắt đầu nầy, chận đầu nọ mà chẳng biết phải kêu ai? Công đoàn thay vì binh công nhân thì về hùa với chủ. Tết nhứt thưởng 20 ngàn không đủ tiền mua ‘thèo lèo cứt chuột’. Cày còn vậy mà lỡ bịnh hoạn chỉ còn nước chết! Ba năm rồi không về được để thăm quê, thăm cha, thăm mẹ! Cùng khốn đến thế trong chủ nghĩa tư bản hoang dã, rừng rú nầy như thế là hết mức chịu đựng nổi rồi. Làm ăn cái gì cũng vậy! Chủ có cơm, người làm có cháo… Còn quan chức và chủ nhân cứ hè nhau bất chấp luật pháp, bất chấp đạo lý mà bắt công nhân sống một đời nô lệ như vậy thử hỏi ai mà không căm phẩn?! Đời sống thống khổ! Nông dân thì bị lấy mất đất, xiêu tán ra thành làm công nhân rồi tiếp tục bị bóc lột tàn tệ đến tận xương tủy.
Sống bữa nay mà không thấy ngày mai thì bùng nổ khi có dịp cũng là chuyện tất nhiên trước sau gì cũng tới. Ông bà mình thường hay nói: “Cùi đâu sợ lở!”. Quẫn bách đến nước nầy mà không nhân cơ hội nầy để ‘dợt’ cho bè lũ tụi nó một trận nên thân thì chờ tới lúc nào? Trung Cộng ngoài biển tính cướp dầu; trên đất liền thì cướp mồ hôi nước mắt của dân mình. Chơi ‘cha’ như vậy hoài! Sao được?! Vậy mà các ‘quan’ trên ngồi trong phòng có máy lạnh giữa Sài Gòn, Hà Nội lên mặt thầy đời, bàn chuyện đại sự rằng vì công nhân ít học, nên mới manh động đến thế khi tự tay đập bể nồi cơm của mình?! Coi chừng tới phiên ông đó ông ơi! Ở đó mà bốc phét! Công nhân không khờ dại vậy đâu! Chủ Trung Quốc đã dựa vào quan chức nhà nước địa phương đối xử họ như thế nào họ mới phản ứng quyết liệt đến thế chớ!
Viết tới đây người viết lại nhớ tới bài Quốc tế ca (tiếng Pháp: L'Internationale) là bài ca tranh đấu nổi tiếng nhất, được nhiều người biết đến nhất trên thế giới. Nguyên bản tiếng Pháp được Eugène Pottier (1816–1887) sáng tác năm 1870 bởi, sau này là Pierre Degeyter (1848–1932) phổ thơ thành nhạc năm 1888. Bài hát nầy được Cộng Sản quốc tế ‘chôm’ về làm đảng ca cho mình.
‘Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian!
Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn!
Sục sôi nhiệt huyết trong tâm đầy chứa rồi.
Quyết phen này sống chết mà thôi…’
Một nữ công nhân Việt Nam ở Bình Dương không thèm biết tới Quốc Tế ca là cái ‘thá’ gì hết mà lời em nói cũng hào hùng không kém! “Dù đang làm cho một công ty Hàn Quốc, nhưng tụi em cũng đình công, đi biểu tình!”
“Nghỉ thế này thì ai trả tiền công, không sợ bị đuổi, thất nghiệp sao?”
"Bất cần, nghèo sẵn rồi đâu sợ nghèo thêm! Nghỉ vài bữa đi chống Trung Quốc rồi tính sau!"
Thiệt đúng là anh thư liệt nữ!
đoàn xuân thu.
melbourne.


Đọc Tô Thùy Yên khi Biển không yên!

dxt_may18_TTYen2.jpg 

Trung Cộng từ khi chiếm được Hoa Lục năm 1949, bắt đầu giương oai diệu võ! Với đầu óc nông dân đặc sệt cả mấy ngàn năm, triều đại nào, hoàng đế Trung Hoa nào bao giờ cũng nghĩ tới giành giựt đất đai, lấn chiếm ao hồ của hàng xóm nhỏ hơn, yếu hơn mình. Cứ chờ thời cơ rồi ngày gặm thêm một chút.

Như Việt Nam từ thời lập quốc tới giờ núi liền núi, sông liền sông với chú Ba xấu bụng nầy chẳng lúc nào được yên. Trên bộ thì Ải Nam Quan rồi thác Bản Giốc; dưới biển thì Hoàng Sa rồi Trường Sa…!

Tình hình Biển Đông mấy hôm nay lại nổi sóng về cái vụ giàn khoan Trung Cộng lù lù xuất hiện ngoài khơi thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm người viết lại nhớ tới bài Trường Sa Hành của nhà thơ Tô Thùy Yên viết cách đây đã bốn chục năm trời ròng rã.

Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938, tại Gò Vấp, Gia Định, học Petrus Ký và Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ban Pháp Văn, gia nhập quân đội khóa 17 Trường Bộ Binh Thủ Ðức. Đến 1975, mang lon Thiếu Tá Chiến Tranh Chính Trị, Trưởng Phòng Văn Nghệ, Cục Tâm Lý Chiến. Ông bị VC bắt đi học tập cải tạo gần 13 năm; rồi đi định cư ở Houston, Texas, Hoa Kỳ năm 1993.

Trước bài Trường Sa Hành của ông, cũng có những nhà thơ khác làm thơ có tựa là ‘Hành’ như: bài thơ Tống Biệt Hành của Thâm Tâm, năm 1940…

Nhưng ‘Hành’ nghĩa là gì? Có người cho đó là một thể thơ cổ. Song người viết lại nghiêng về một cách cắt nghĩa đơn giản hơn: Hành là đi, là đến trong từ hành trình, du hành, vi hành, bộ hành hay hành khách… Nhà văn đi và viết thì gọi là ký. Nhà thơ đi và làm thơ thì gọi là Hành. Đi Trường Sa làm thơ thì đặt tên bài thơ là Trường Sa Hành! Chắc vậy?!

Trường Sa Hành coi như một nhựt ký viết dưới dạng thơ khi Tô Thùy Yên đến Trường Sa năm 1974 vào tháng 3 khi gió mùa đông bắc thổi. Chuyến đi nầy hai tháng sau khi Trung Cộng xua tàu hải chiến rồi chiếm Hoàng Sa ngày 19 tháng giêng năm 1974 khiến 75 người lính anh hùng của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong lúc bảo vệ biển đảo quê mình.

Trường Sa cách đất liền hơn 400 hải lý, nhà thơ đến bằng tàu Hải Quân và vẫn còn say sóng cũng y như những người lính thú trấn thủ trên đảo (không phải tất cả là ngư dân) trước khi đến Trường Sa có thể chưa biết biển bao giờ?! Tô Thùy Yên, dân Gò Vấp, dân Sài Gòn, nên đêm đầu ra Trường Sa say sóng, cứ bồng bềnh, cứ tưởng đảo là con tàu vẫn tiếp tục trôi đi. Tả thực và xuất sắc!

Trường Sa! Trường Sa! Ðảo chuếnh choáng!

Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.

Lính thú mươi người lạ sóng nước,

Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

Trường Sa là quần đảo, tên tiếng Anh là Spratly Islands, đảo Trường Sa lớn là một đảo trong quần đảo nầy; lúc nhà thơ đến, không có dân; chỉ có lính… Đảo san hô đứng thứ tư về diện tích (0,15 km2).

Mãi khi Trung Cộng lấn chiếm quần đảo Hoàng Sa, Quân đội Việt Nam Cộng Hòa mới đưa lính thuộc tiểu đoàn 371 ĐPQ, thuộc tiểu khu Phước Tuy, ra trấn thủ trên các đảo: Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn và đảo Trường Sa lớn.

Nhà thơ đến chào, hỏi han (lính) đảo Hiu Quạnh lớn (có thể là đảo Trường Sa lớn mà nhà thơ tự mình đặt tên! Tôi đoán vậy vì nó viết Hoa?!)

Và có thể vì nhà thơ chỉ là khách, lại là quan ‘văn nghệ’, đến chơi vài bữa rồi đi… trong khi những người lính gian khổ ở lại… nên bước đầu gặp nhau không vồn vã lắm. Những người lính đó làm ‘ngơ’ cũng phải thôi! Tới đây là cực, là vất vả hết mức rồi thì việc gì phải sợ ‘quan’ nữa chớ?!

Mùa Ðông Bắc, gió miên man thổi

Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.

Ta hỏi han hề, Hiu Quạnh lớn!

Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ.

Người sống trên đảo năm ấy là lính Địa Phương Quân, mỗi đảo chỉ khoảng 20 người, từ đất liền ra đảo chẳng bao lâu, nên chưa có ai chết thì hồn ma quỷ làm sao mà có?! Thiệt là hiu quạnh! Thảo mộc cây cối thì hồi nhỏ tới giờ mới thấy; nên hỏng biết tên gì?

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ,

Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên

Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh

Lên xác thân người mãi đứng yên.

Cách bờ xa quá, nơi những người lính thân cô, thế cô, tuân lịnh trên, xa nhà, xa cửa, xa vợ, xa con, xa cha, xa mẹ, anh em đến đây để giữ đảo quê mình. Xưa ai làm công chức hay quân nhân mà bị đổi đi đảo như Côn Sơn ngay cả Phú Quốc đều mang mặc cảm tự ti là mình bị đi đày, bị bỏ quên giữa trùng trùng sóng vỗ. (Dù sau ba tháng, sẽ có đại đội từ trong đất liền ra thay thế!)

Bốn trăm hải lý nhớ không tới

Ta khóc cười như tự bạo hành

Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục,

Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh.

Vậy mà những người lính tưởng chừng như bị bạc đãi, bị lạc loài, bị bỏ quên, không ai nhớ đó lại can đảm đánh nhau với Tàu Cộng trang bị hùng hậu hơn nhiều để bảo vệ biển đảo quê mình rồi ngả xuống… nên:

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế.

Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?

Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ

Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

Dù gì đi chăng nữa, đã sanh ra làm dân Việt nếu phải chết vì đất nước thì chết. Lớp nầy rồi lớp khác!

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt,

Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi.

Đám cây bật gốc chờ tan xác

Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng

Những cụm rong óng ả bập bềnh

Như những tầng buồn lay động mãi

Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển

Vầng khói chim đen thảng thốt quần,

Kinh động đất trời như cháy đảo…

Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân.

Để đêm về sống như người nguyên thủy bên đống lửa, chờ mồi… rồi nhậu!

Ta ngồi bên đống lửa man rợ,

Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi,

Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp

Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.

Rồi văn nghệ, ca hát, không có ‘quan’ và ‘lính’ chỉ có ‘qua’ và ‘chú em’. Rặt ròng Nam Bộ!

Chú em hãy hát, hát thật lớn

Những điệu vui, bất kể điệu nào

Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ

Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

Rượu lâng lâng sầu viễn xứ rồi nhớ tới những người đã được gởi ra đây lúc trước, chiến đấu rồi chết một cách quạnh hiu mà quân tiếp viện đâu… chờ hoài chẳng thấy…như đã từng xảy ra ở Hoàng Sa chỉ mới hai tháng trước.

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc

Như người bị bức tử canh khuya

Xé toang từng mảng đời tê điếng

Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.

Ta nói với từng tinh tú một

Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng

Bãi lân tinh thức, âm u sáng

Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng.

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?

Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng.

Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc.

Con chim động giấc gào cô đơn.

Người lính đảo, hầu hết là trẻ, là hoa niên, đến đây vì đất liền, chạm địch, đối mặt với quân thù thì xin đừng bỏ chúng tôi lại chiến đấu một mình trên “Hiu Quạnh lớn” đồng bào ơi!

Ngày trắng chói chang như giũa.

Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.

Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ

Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên.

Tuổi hoa niên trong binh lửa là vậy đó. Hy sinh phận mình cho đất nước tồn sinh.

Ôi! Lũ cây gầy ven bãi sụp,

Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh,

Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã

Hay đến ngày bờ tái tạo xanh.

.

San hô mọc tủa thêm cành nhánh

Những nỗi niềm kia cũng mãn khai

Thời gian kết đá mốc u tịch

Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

Nhà thơ đem ‘nỗi niềm’ kia hỏi Trời và hiểu ra rồi! Hiểu một điều là đất nầy, biển nầy, đảo nầy do những người lính rất bình thường, không phải là quan quyền chi hết… gian khổ giử lấy! Và nhà thơ cúi đầu khâm phục sự gian khổ hy sinh kính cẩn gọi những người lính vô danh đó trong bài thơ của mình bằng chữ “Người’, trang trọng viết hoa.

Năm 1974, khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, Hải Quân ta chống trả quyết liệt thì những nhà thơ quốc doanh phương Bắc chịu nhục, cúi đầu câm lặng. Sau 75, Bắc quân chiếm được miền Nam thì lại tự cao, tự đại… (dù trong thâm tâm cũng phải cúi đầu khâm phục bài thơ nầy do một nhà thơ tài hoa Nam Bộ duy nhứt trong nhóm Sáng Tạo (chủ lực có nhà văn Mai Thảo và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền…viết…) Nhưng vốn tánh nhỏ nhen, vẫn cón rán ‘khoèo’ một cái là bài thơ Trường Sa Hành của nhà thơ Miền Nam Tô Thùy Yên hay…nhưng thiếu tính chiến đấu.

Tính chiến đấu gì đây? Đâu phải cứ là: Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước, súng ngoài xa chen khúc quân hành ca, đường vinh quang xây xác quân thù…

Tính chiến đấu không phải là ngư lôi, là tàu chiến, là tàu ngầm Kilo! Đôi khi có rồi mà chưa chắc đã dám ‘chơi’… vì nhát?!

Tính chiến đấu trong bài Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên là gian khổ của người lính trong trùng trùng gió mùa… khắc nghiệt, nắng cháy đến phỏng da vào mùa khô! Còm mùa mưa bão, những cơn bão nhiệt đới đi qua mạnh đến mức dường như thổi bay luôn cả đảo!

Thiên nhiên là vậy, khắc nghiệt như vậy…vẫn chịu đựng để giử biển đảo quê mình…Rồi quân thù đến, đánh tới cùng, dù biết rằng chấp nhận ra đây là nếu đụng trận là chỉ có chết chứ còn biết rút đi đâu, còn ai tiếp viện? Đảo mà!… Xa đất liền quá! Hỏng lẽ giơ tay, buông súng mà đầu hàng Tàu Cộng… Hai tháng trước khi nhà thơ đến, hải chiến đã xảy ra rồi đó ở Hoàng Sa. Đã có hy sinh! Biết vậy nhưng không có sợ… Dà! Tính chiến đấu ở đây đó thưa ‘chư vị’ thi sĩ quốc doanh miền Bắc!

Mỗi người đọc thơ đều có thể hiểu cách khác nhau! Càng nhiều cách hiểu càng tốt! Vì một bài thơ hay như một cái kính vạn hoa, mỗi lần đọc lại bài thơ thì tìm ra cái mới, cái hay, cái lạ là lần đọc trước mình chưa tìm thấy, chưa hiểu hết. Như cái kính vạn hoa, mỗi bức hình tuyệt tác chỉ là những hạt thủy tinh được sắp xếp, như những con chữ được sắp xếp trong thơ, lắc lên lại hiện ra hình ảnh khác… rực rỡ muôn màu!

Người viết không phải là nhà phê bình văn học, mạo muội viết ra những điều mình ‘cảm’ về bài Trường Sa Hành của một tác giả nổi tiếng như nhà thơ Tô Thùy Yên nầy là một việc làm mạo hiểm vì dễ bị chê là dốt chẳng hiểu gì thơ. Tuy vậy, ai chê thì chê… mình hiểu tới đâu hay đó, viết ra chia sẻ cùng bạn đọc thân mến vì trộm nghe có người phê rằng bài thơ hay nhưng không có sức chiến đấu làm mình ‘tức’, mình ‘quạu’ lên, ‘quạt’ cho nó một trận cho đã tức!!

Bài thơ nầy viết cách đây đã 40 năm vẫn còn đứng vững và chắc rằng sẽ còn đứng rất lâu vì một lẽ đơn giản là nó hay.

Biển Đông không yên và chắc mãi mãi không yên… Mỗi lần Biển không yên… lại đọc Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên để yêu nước mình thêm. Tôi xin cảm ơn ông!

đoàn xuân thu.

melbourne

 

“Anh đưa em sang… suối?!”

 

Sông Nam Khan bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Vào đất Việt, nó có tên là sông Lam, là một trong 2 con sông lớn nhất Bắc Trung Bộ Việt Nam. Khi vào Nghệ An lại tên là sông Cả, đổ ra biển tại cửa Hội, vịnh Bắc Bộ. 

 

Dòng sông Cả hôm đó nước lũ vì chịu ảnh hưởng của Bão Xangsane (theo tiếng Lào có nghĩa là “Con voi lớn”) vào cuối Tháng 9 năm 2006. Trong số 19 em bị thiệt mạng và mất tích, có 3 cặp là anh chị em ruột. 

 

Một bài thơ của anh bạn viết, rất đau lòng như vầy:

 

“Xangsane: cơn bão dữ, đập vào dãy Trường Sơn. Trời làm cơn mưa lũ xuống miền Trung tai ương. Em ngây thơ xuôi dòng! Qua trường, bên kia bến! Chuyến đò em, định mệnh! Thuyền lật úp, giữa sông. Cuồng nộ dòng sông Cả, cuồn cuộn cuốn em đi. Ba mạ vật vã tìm, giọt đầm đìa, lã chã. Sông Cả trời tóc bạc! Rờn rợn nước sông sâu. Lòng tôi đau xót lắm! Mười chín xác xanh xao, chìm trong dòng nước bạc; giờ dạt tận phương nào? Em học trò dấu yêu! Tôi một thời phấn bảng. Dòng sông tuổi thơ tôi, cuồn cuộn cuốn tôi đi. Dòng sông tuổi thơ em, cuồn cuộn cuốn em đi. Quê người xa ngàn dặm, tôi nghe tiếng em kêu! Lệ đầm đầm ướt má. Xin gởi dòng sông Cả; giọt lệ tôi khóc em!

 

Cứ tưởng cái bi kịch nầy vốn làm lay động nhà thơ cũng làm lay động luôn cái lương tâm của các quan Giao Thông Vận Tải để bớt ăn cắp của công mà dành tiền dân để xây dựng đường sá cầu cống cho đám học trò nhỏ đi học chớ! Nào ngờ ‘vũ như cẩn’ là vẫn như cũ! Cất trường xong, có thầy cô; còn việc đến trường phải đeo dây ròng rọc, làm diễn viên xiếc, hay ôm can nhựa, ôm cây chuối bơi giữa mùa nước lũ qua sông để đi học thì thây kệ tụi bây?! 

 

Như học trò làng Nông Nội, xã Đăk Nông, khi qua sông Pô Kô phải đu mình trên dây thép để qua sông (giống hồi xưa mấy sinh viên sĩ quan trường bộ binh Thủ Đức gọi là đi dây tử thần). 

 

Rồi mấy hôm nay lại rộ lên tin cô giáo, học trò bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đến trường bằng cách phải chui vào túi ni lông, ngồi lọt thỏm trong đó để các thanh niên túm gọn miệng bao, kéo, bơi qua suối mùa nước lũ. Nằm gọn trong chiếc túi, qua bên kia suối vẫn khô ráo áo quần. Bản Sam Lang trời mới cuối Tháng 3, lũ chưa về. Lòng suối rộng khoảng 5m, sâu khoảng 1m đến 1m5… cô giáo, học trò còn tự nhiên chui vô túi mà qua suối.

dxt_mar4.jpgĐến giữa Tháng 5 là mùa mưa; lũ sẽ về bất chợt,

 Cô Tòng Thị Minh và đám học trò

dòng suối sẽ rộng ra khoảng 80m, sâu hơn và hung hãn hơn. Mùa khô lòng suối trơ cạn, nhưng mùa mưa lũ thì như bao con suối trên những địa hình chia cắt bởi nhiều đồi núi dốc, chỉ một trận mưa nguồn là dòng suối trở nên mênh mông, cuồn cuộn nước. Đúng ra dân không biết chuyện ‘kinh hoàng’ nầy cho đến một hôm anh phóng viên nhà báo về bản làng em chơi, cô giáo mới cho anh coi cái ‘clip’ xem em vượt sông, qua suối “bám trường, bám lớp”. Cái clip nầy, cô giáo quay vào cuối mùa lũ năm rồi! Tính để làm kỷ niệm thời ‘son trẻ’; nhưng tiện có anh đây… cho anh coi luôn nhá!

 

Con suối trong đoạn phim ‘rùng rợn’ do cô Tòng Thị Minh kiêm đạo diễn quay là suối Nậm Pồ, đoạn giáp ranh giữa hai bản Lai Khoang và Sam Lang, trên trục đường từ trung tâm xã vào tận đường biên giới Việt - Lào. 

 

Cô giáo mẫu giáo kiêm nhà đạo diễn phim “hiện thực xã hội chủ nghĩa” kể rằng: “Hồi Tháng 9 năm 2013 em bắt đầu chuyển từ Nà Bủng về trường này. Lần đầu gặp lũ không biết làm thế nào để đi qua thì thấy dân bản đều “vượt lũ” bằng cách này nên cũng liều mình làm theo”. Đây là chuyện thường ngày ở bản. Còn anh phóng viên nầy ở vùng xuôi lên; lại cho đó là ‘kinh’ quá như phim Hít Cốc, bèn ‘bắn’ cái ‘clip’ nầy về tòa báo tận ‘Sè-Gòn’ nơi anh đang cộng tác, cho bà con cô bác cả nước coi mà xanh mặt như tàu lá chuối chơi!

Anh còn phụ đề Việt ngữ như vầy: “Clip cảnh vượt suối đến trường vào mùa lũ mà tôi tin chắc chưa ở đâu trên thế giới này có kiểu qua suối kỳ lạ như thế, ngoài tất cả sự tưởng tượng của chúng tôi!”

 

Anh phóng viên nầy nói vậy chắc muốn cho vào kỷ lục Guinness về những trò quái đản trên thế giới hay sao? Nếu vậy thì ông anh thua rồi. Cái vụ chui vô bao ni lông rồi kéo qua suối cho khỏi ướt quần đâu có rùng rợn bằng đem ‘thằng nhỏ’ nhét vô bao ni lông rồi đem trấn nước! 

 

dxt_mar4_2.jpgThưa! Tui hổng có nói dóc đâu! Bà con mình chắc còn nhớ, dù đã 36 năm trời rồi, từ năm 1978 tới nay, phim Cánh Đồng Hoang chớ! 

Chú bé bị trấn nước trong phim “Cánh Đồng Hoang

Trong phim có cảnh nhét ‘thằng nhỏ’ vô bọc ni lông rồi trấn nước! Nó cũng giống mấy em học trò vùng cao nói trên nhét vô bọc ni lông để qua suối mà thôi.

 

Mà trước khi xem cảnh nầy mời bà con lược lại chuyện phim như vầy: vùng Đồng Tháp Mười, có vợ chồng Ba Đô và đứa con trong một căn chòi nhỏ giữa đồng nước bao la. Ngoài việc trồng lúa, bắt trăn, bắt cá, nuôi vợ, nuôi con… còn dẫn đường cho VC, gọi là giao liên… Nên mới có cái cảnh trực thăng của quân đội Mỹ quần thảo khu vực đồng nước này nhằm phát hiện đội du kích đang hoạt động. Kết quả cuối cùng là “Địch chết ba! Ta chết ráo!” Khi Ba Đô bị trực thăng Mỹ bắn trúng, để trả thù chồng (như Trưng Trắc đuổi Tô Định để trả thù cho Thi Sách, cọp dê cái ‘mô-típ’ nầy một chút, được hông?), vợ Ba Đô đã bắn cháy chiếc trực thăng.

 

Phim tuyên truyền ‘lảng nhách’ nầy do ba ông ‘Sờ’ trí ‘tệ’ làm. Ông ‘Sờ’ một là ông Sáng, (Nguyễn Quang Sáng), viết kịch bản. Ông ‘Sờ’ hai là ông Sến (Hồng Sến), đạo diễn. Và ông ‘Sờ’ ba là ông Sơn (Trịnh Công Sơn) âm nhạc. 

 

Tới nay ba ông ‘Sờ’ nầy đều đã rửa cẳng lên bàn thờ hết ráo! Sến trước tới Sơn rồi tới Sáng! Nhưng cái trò nhét ‘thằng nhỏ’ vào bao ni lông nầy vẫn còn được ‘copy and paste’. 

 

Tài tử nhí, mới 16 tháng tuổi, bị mấy cha lớn đầu mà chơi dại, cho đóng cảnh kinh dị nầy vào Tháng 11 năm 1978 tại ấp Bắc Chang, xã Tuyên Thạnh (Mộc Hóa), quê hương của ông ‘Sờ’ hai. Ông nội nó thấy nhét ‘thằng nhỏ’ vô bọc ni lông… rồi trấn nước để quay phim… nhiều phen nhảy xuống nước, ráng giựt ‘thằng nhỏ’ lại…từ tay nữ diễn viên (tài sắc) Thúy An… Ổng cự nự quá trời! Ổng nói: tưởng ba ông ‘Sờ’ nầy khôn; ai dè ‘chơi’ kiểu gì mà ngu hết biết! 

 

Đóng phim xong, hổng có một cắc tiền ‘cát xê’, tối về ‘thằng nhỏ’ teo héo, nóng lạnh, giựt mình, hoảng hốt, la khóc nhiều đêm liền. Làm ông nội thằng nhỏ cũng ngủ mớ, la làng chói lói. Ác chi mà ác dữ vậy không biết!

 

Vì ba ông ‘Sờ’ nầy lên bàn thờ hết ráo sau khi đặt ra câu chuyện ba xạo nầy thiệt là tiếc hùi hụi! Phải chi ba ông ‘Sờ’ nầy còn sống tới giờ, thấy cảnh ‘người thật, việc thật’ khỏi cần viết kịch bản chi cho lâu lắc, cứ vác máy ra mà quay như cô giáo vùng cao Tòng Thị Minh đã làm… thì đâu có ai dám chê mình xạo; chừa chỗ cho tui xạo với chớ!

 

Cảnh thật bây giờ thiếu gì: như học trò đu dây, ôm can nhựa, ôm thân chuối bơi qua sông... nhét vô bọc nylon đưa qua suối, trong nước xiết cuồn cuộn chảy. Đó mới chính là “hiện thực xã hội chủ nghĩa” đó nha mấy ‘cha’!

 

Xem cái đoạn phim kinh dị nầy, một ông Bộ Trưởng Giáo Dục già, về hưu, giả nai, nói:

 

“Dân ta khổ quá! Ở thời bình như vậy mà giáo viên, học sinh qua suối bằng túi ni lông! Thật khó tưởng tượng được”.

 

Nhân câu chuyện này, ông khoe thời kỳ còn làm Bộ Trưởng, ông từng “vi hành”, mà ngồi xe gắn máy (hi hi!) trên đường hiểm trở, bùn lầy nước đọng, đến các “vùng sâu, vùng xa”, “động viên” mồm giáo viên “bám trường, bám lớp” thì mấy cô giáo bật khóc, òa lên nức nở… hu hu…

(Chắc mấy cô nói: ‘Bộ Trưởng ơi! Tháng nầy chưa phát gạo cho tui?!’)

 

‘Ca’ mình xong, ông rầy quan chức kế tục ông rằng: “Hội hè, tiệc tùng lãng phí! Vậy tại sao cây cầu cho học sinh mình lại không có kinh phí, không làm được? Tui thực sự đau xót!” 

 

Cha! Lại nước mắt cá sấu nữa rồi! Thôi ông ơi! Hồi đương chức, đương quyền mà ông còn chả làm gì! Giờ về hưu, hết thời rồi… nói ai nghe, nói chi cho chúng ghét! Nó nói: trâu buộc ghét trâu ăn!

 

Và cũng không nghe ông Bộ Trưởng Giáo Dục đương nhiệm nói cái giống gì mà chỉ nghe ông Bộ Trưởng GTVT ‘la’ rùm thôi. Dù đang bận theo ‘phái đoàn’ chánh phủ, đi mượn vốn ODA của thằng Nhựt Bổn, ông cũng ráng chứng tỏ mình “năng nổ” sảng, bằng gởi cái ‘méc-xịt’ cho cô giáo như vầy: “Cảm ơn em, anh sẽ cho anh em nghiên cứu để làm sớm 1 cây cầu treo”.

 

Thế kỷ 21 rồi ông thần! Cô giáo Tòng Thị Minh nói chuyện với ông Bộ Trưởng là dân nói chuyện với công bộc của dân - chủ ‘ra lệnh’ cho đầy tớ? Chuyện nầy của ông… là ông phải làm! Chớ có phải là chuyện riêng của ‘đôi ta’ gì đâu mà ‘anh anh em em!’ ngọt xớt vậy cha nội? Hay là anh xem hình em chụp với học trò trên bản, trước căn nhà tranh vách đất, gọi là trường nầy, anh thấy em hơi ‘bị’ đẹp chăng?! Con gái người dân tộc mà! Phải biết! Như một đóa lan rừng đương độ he he!

 

Anh Bộ Trưởng bèn hứa cho 3 tỉ 5 làm cầu treo. Làm liền! Vừa vẽ, vừa cất, hai tháng phải xong trước mùa mưa lũ để cầu đưa em sang suối mà dạy học! Thiệt ‘nước sông công lính’ mà! Vinh quang lại thuộc về tui! Tiền ngân sách của dân, tiền tỉ, mà quan anh ‘phán’ một cái là nó ‘lòi’ ra liền. Anh ưu ái ‘bản’ của em như vậy còn ‘bản’ mấy em khác thì sao há?

 

Quan anh cho làm cầu treo! Thiệt nghe sợ quá anh Bộ Trưởng ơi! Bởi xây cầu treo mà nó đứt ốc neo…văng dây cáp; nó hất thầy trò em xuống lòng suối… chết hết… như cái vụ sập cầu treo tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, làm chết 8 người, bị thương cả 36 người lúc họ đi đưa tang mới đây. Dân cả nước mình xem hình trên báo thấy phía dưới dòng suối lởm chởm đá nhuốm máu của các nạn nhân? Nạn nhân của cái ‘ốc neo’ hay nạn nhân của mấy ‘quan anh’ không biết nữa? Hổng thấy ai trả lời trả vốn gì hết trơn? 

 

Nên: “Xin cho tụi em sống… chờ lên chủ nghĩa xã hội với! Để mấy anh lên mình ‘ên’ lại sợ mấy anh buồn!”

 

Nghe tấm lòng ‘đại bác’ của ‘quan anh’, bản làng em xin ghi lòng tạc dạ… nhưng nhận… thiệt “Tía em cũng hổng dám?!”

  đoàn xuân thu.

  melbourne

 

 Chuối nè cưỡng!

dxt_mar30_tapghi.jpg

Thưa quý độc giả thân mến!

Xin bà con coi kỹ hai cái hình đi! Hình số một là cái nhà… À không! Phải là một cái ‘dinh’ mới đúng!

Có em gái mặc áo bà ba, chạy xe đạp, đường vắng hoe, không có xe cộ gì ráo thì phải ở quê hương Việt Nam mến yêu rồi!

Đúng vậy! ‘Dinh’ nầy nằm trên tỉnh lộ 884, ngang qua xã Sơn Đông (đừng nghe tên Sơn Đông mà tưởng nó bên Tàu! Không! Nó thuộc tỉnh Bến Tre ‘quê hương đồng khổ’ đó! )

‘Quê hương đồng khổ’ mà sao có người không ‘khổ’ mà sướng quá trời vậy?  Không ở nhà mà ở ‘dinh’! Dạ! Xin độc giả… đừng có nóng, thủng thẳng xem hồi sau sẽ rõ! 

dxt_mar30_2.jpg dxt_mar30_3.jpg

‘Dinh’ trên tỉnh lộ 884, ngang qua xã Sơn Đông, Bến Tre / Dinh của cựu  Tổng Thống Viktor Yanukovych, Ukraine

Còn hình thứ hai, cái ‘dinh’ đồ sộ hơn, bự hơn, hực hỡ hơn! Có mấy thằng Tây, vai ba lô, tò mò vào tham quan cho biết thì nó ở nước ngoài rồi.

Đúng vậy! ở Ukraine. Và của ai? Dạ… lại xin đừng có nóng, thủng thẳng xem hồi sau sẽ rõ!

Nhưng trước khi nói chuyện bây giờ mình nói chuyện hồi xửa hồi xưa một chút đi! Hồi xưa có một ông quan cực kỳ thanh liêm, không tơ hào, dù một cây kim sợi chỉ của đồng bào?! Lúc về hưu, nhà tranh vách đất, ăn toàn nước mắm kho quẹt! Ngày giỗ mẫu từ mà không có một đồng xu dính túi để đi chợ mua đồ về cúng!

Bà vợ hiền, phận dâu con, dù nâng khăn sửa túi cho ổng bốn, năm chục năm rồi, lui cui dưới bếp suốt! Xong, khệ nệ bưng lên một mâm, có con gà luộc chấm muối ớt, có thịt heo quay chấm nước tương với vài lát ớt, ăn với bánh hỏi trét mỡ hành và chai rượu Hennessy! (Quá đã! Chảy nước miếng!)

Đốt nhang mời tía má từ âm phủ về ăn đám giỗ. Hết tuần nhang, vợ chồng con cái đề huề ăn uống mà không mời đứa hàng xóm nào cả; vì bọn chúng có bao giờ thèm chơi với quan về hưu mà thanh liêm chánh trực đâu! (Nhờ vả gì được nữa mà chơi chớ?!)

 Xé cái đùi gà chấm muối ớt, đưa lên miệng nhai rau ráu, quất cạn ly rượu mạnh, ‘Quan’ bèn quay sang hỏi vợ: “Nhà mình nghèo! Bà lấy tiền đâu ra mà làm đám giỗ một cách thịnh soạn thế nầy?

Vợ ‘Quan’ nói: “Anh đừng vỗ bàn, xáng chén, đừng quánh!  Em mới dám nói!”

 “Nói đi! Nếp sống văn hóa mới mà! Ai mà quánh vợ bao giờ hè!”

 “Chẳng qua là lúc anh đương chức đương quyền, có người hỏi anh tuổi con gì? Em nói anh tuổi tí. Hôm sau, họ mang đến con chuột bằng vàng 24 cara, bốn số 9, kính biếu!”.

 “Em giấu anh, cất, để phòng… những ngày mưa!  Bữa nay em ngắt cái đuôi con chuột, ra tiệm vàng bán; nên mới có tiền mà làm đám giỗ má đó anh!”

Quan ôm đầu la: “Trời ơi! Thiệt là con thơ, vợ dại mà! Sao lúc đó bà không nói tui tuổi con trâu hả?!”

một chuyện khác! Một người đến thăm ‘Quan’, xì ra một cục vàng, rồi nói: “Cứ nhận đi! Không có ai biết đâu mà sợ!”

‘Quan’ nhìn cục vàng, ước lượng bằng mắt, xem bao lớn. Xong, từ tốn trả lời rằng:  “Sao ông lại nói không ai biết! Ông biết! Tui biết! Trời biết! Bây giờ còn thêm một người nữa biết!”

Ông đưa hối lộ mặt xanh như ‘đít’ nhái, răng đánh bò cạp hết trơn! “Phen nầy chắc chết!”

Quan bèn nói vọng vào nhà sau: “Em ơi! Ra đây biểu!”

 Một người đẹp tựa Tây Thi, ưỡn ẹo bước ra: “Dạ! Quan anh dạy em chi?”

 “Em đem ‘cục’ vàng nầy ‘nhốt’ vào kho tang vật cho anh!”

 (Đồ quỷ nè! Làm người ta hết hồn hè! Vậy mà cứ tưởng ‘Cưỡng’ không thèm ăn chuối chớ!)

 Tây nó nói ‘Life is short!’ Đời người ngắn ngủi! Nhứt là đời làm ‘Quan’ còn ngắn ngủi hơn đời người nhiều… Nên nói ngắn ngủi là không chánh xác, phải nói là nó cụt ngủn như thằng ‘Tí’ mắc mưa, mà trời lại lạnh!  Do đó hồi còn làm ‘Quan’, có chức có quyền mà không chịu ăn tiền thì lúc về hưu rồi hối còn không kịp đó!

 Hồi xưa ăn vàng! Vì tỉ trọng vàng hơi nặng 19,31 cồng kềnh quá; nên giờ mấy ‘Quan’ không ưa chuộng lắm. ‘Quan’ thích đô Mỹ hơn! Giá trị cũng hổng thua gì vàng mà gọn nhẹ, dễ cất, dễ giấu!  Bây giờ mà muốn hối lộ mấy ‘Quan’ lớn mà đưa phong bì, e rằng lạc hậu quá! Ví bằng đô Mỹ đi nữa, cũng đựng đâu có bao nhiêu. Đưa phong bì, coi chừng Quan lớn chê ít! Kêu phú lít bắt về tội làm tha hóa đảng ta thì người đưa tiền chết cha! Phải chất đầy cái cặp táp! Còn đựng không hết thì bỏ trong cái vali Samsonite, có càng, kéo đi mới nổi!

Nhưng mấy ‘Quan’ nhỏ, nhỏ chức, ít quyền, đành ăn một cái phong bì vậy. Năng nhặt thì chặt bị! Hơi mất thời giờ một chút! Kiến tha lâu đầy tổ mà! Cá mập, cá xà ‘táp’ miếng lớn! Mình cá lòng tong, mình ‘rỉa’ vậy!

Nên dân gian xứ Bắc có câu rằng: “Thanh cha (thanh tra), thanh (cái) mẹ, thanh gì? Đưa cái phong bì là nó thanh kiu (thank you!)”

(Câu nầy thiệt là hay! Vậy mà có người cảm không hết, hiểu không hết nên viết lại là: “Thanh cha, thanh mẹ, thanh dì! Đưa cái phong bì là nó thanh kiu.”

Tự nhiên đưa ‘dì’ nó, con em vợ mơn mởn đào tơ vô đây chi vậy? Hỡi mấy ông anh rể! Trớt he thơ của người ta!)

Phải hiểu là thanh tra… thực ra là hổng có thanh (cái) mẹ gì mà nó chỉ muốn thanh cái phong bì… rồi nó nói thanh kiu (cám ơn đã hiểu ý tui!)

Sửa có một chữ mà làm câu thơ mất hay đến 99.9 phần trăm.

Thanh Tra là ‘Quan’ thì phải rồi mà nhiệm vụ nó ra làm sao?  Là truy tầm mấy thằng tham nhũng, để lôi nó ra ba tòa quan lớn. Cất nó vô hộp. Tịch biên tài sản ăn cắp, để trả lại nhân dân! Nghĩa là đã làm ‘Quan Thanh Tra’ là hổng có ăn, xực, táp gì ráo mới được!

Vậy mà, cách đây vài buổi, báo Người Cao Tuổi quậy nước đục ngầu lên, bằng đi một bài, ‘chơi’ ngài ‘Cựu Tổng Thanh Tra Nhà nước!’ Cựu rồi… nên ông Tổng biên tập báo nầy mới dám vuốt râu hùm?! Vì nghĩ ‘hùm hưu’ là hùm đã rụng răng, hết vồ được rồi chăng?

Tờ báo nầy cho phái viên chụp hình cái ‘dinh’ của ‘Quan’ rồi đăng chình ình trên mặt báo mà mới nhìn, mình tưởng nó ở ‘Dubai’, thành phố sẽ tổ chức World Cup năm 2022 chớ!  Tay phái viên nầy nói đây chỉ là một trong nhiều cái thôi nha!
Ê! Nói bậy nè!! Tiền là của mấy đứa nhỏ, làm đại lý beer, bán có lời đó! Còn nhà kiểu cọ là do đứa cháu, học Kiến trúc thôi, sanh viên chưa là kiến trúc sư… mà nó vẽ đẹp hết biết! (Con voi nó chết vì ngà! Giờ tao sẽ chết vì nhà… như ‘dinh’!)
Thiên hạ đọc tin, bình luận rôm rả. Có độc giả cùng quê với ‘Quan’, nhảy ra binh vực như vầy:
“Dân cùng quê ông và quê hương Bến Tre biết rằng ông là người chân thật, không mưu mô, có tánh tình của người Nam Bộ. Chuyện tài sản đến với ông, tôi nghĩ rằng không phải là do ăn bớt xén công trình, hay mánh mung gì khác, mà chủ yếu là do tự nguyện cống nạp không đưa điều kiện cho ông! “Chuối nè cưỡng!”
Như vậy là lỗi hông phải do con ‘Cưỡng’ mà là do người đút chuối cho ‘Cưỡng’ ăn đó!
Vậy mà ông Tổng biên tập báo còn dám vỗ ngực là có đủ cơ sở về khối tài sản khủng của ‘Quan’.  Rồi còn kêu ‘Quan’ nếu có bị ‘oan’ thì gửi văn bản chính thức đến ổng, lúc đó, ổng sẽ cho điều tra, xác minh lại; nếu chưa chính xác thì báo ổng sẽ cải chính...!
Giỡn chơi hoài ông ‘Tổng’! Ông cho lính viết như vậy nếu ‘Quan’ thanh liêm thiệt, không tơ hào đồng xu cắc bạc nào hết của dân… thì tui e rằng ‘Quan’ sẽ không gởi văn bản con khỉ mốc gì… để phản hồi, phản hiết đâu nha!

Đến chuyện Tổng Thống Viktor Yanukovych, ăn quá xá là ăn, vừa mới bị Quốc Hội lật đổ, dắt bầu đoàn thê tử, tính cùng tay chân bộ hạ thân tín là Bộ Trưởng Nội Vụ Vitaliy Zakharchenko, (người đã ra lịnh bắn vào dân biểu tình tay không ở thủ đô Kiev, làm chết gần cả trăm người tuần rồi!), ra sân bay Donetsk, bay đi Moscow kiếm: “Anh Putin ơi! Cứu em với!” Nhưng An ninh không cho mấy ông ‘vù!’ Hồi xưa người ta đưa tiền hối lộ cho ông; giờ ông đưa lại cho mấy tay An ninh nầy tí chút. Vậy mà tụi nó hổng chịu ăn chớ!
Tổng Thống Ukraine này chạy sút quần, bỏ lại cái dinh, tên Mezhygirya, rộng  có 136 mẫu thôi! (So với cái dinh của ông ‘Quan’ Việt Nam, báo nói 3 mẫu, ổng nói có 1 mẫu, thì cái dinh của ông ‘Quan’ nầy không là cái đinh gì nếu so với cái dinh của ông Tổng Thống!)
Dinh có cái sân golf 18 lỗ, sân tennis… chơi mùa hè! Mùa đông lạnh, teo ‘bugi’, thì chơi bowling, tập bắn súng dưới lòng đất. Mùa xuân hoa nở tốt tươi thì ông dạo vườn thú… có cả kangaroo và đà điểu của nước ngoài (nghi là của Úc) nhập vô nữa đó!
Dinh ông bỏ lại, vì ông không rinh đi được, và vì ở sợ bà con nghèo, nhào vô  hôi của, kiếm chút cháo, nên người ta dựng lên một cái bảng:  “Mọi người đừng phá hủy chứng cứ về sự xa hoa ăn cắp này!”.
(Theo tui là mấy ‘giả’ để dành sẽ tới phiên tao vô ở! Nên đừng có phá!)
Nghe dặn dò vậy, có người dân Ukraine, ngây thơ phát biểu một cách rất đáng yêu rằng:
“Ngôi nhà đó, vườn thú đó, và những tài sản xa hoa khác nên trở thành một bệnh viện hoặc một trại mồ côi hoặc một cái gì đó để bồi thường cho những người chết và bị thương trong các cuộc biểu tình! Nó được xây dựng bằng tiền của chúng ta do vậy cuối cùng nó cũng phải phục vụ chúng ta.”
Nghe thấy thương hết sức!

Lịch sử cách mạng… đủ thứ màu… ở Irak, Tunisia, Libya, Ai Cập cho mình nhiều bài học?
Lật đổ một chế độ độc tài thối nát, thiệt hại về phía nhân dân không hề nhỏ! Phải trả bằng máu của gần cả trăm, cả hàng ngàn người, sau đó dân thường hay say men chiến thắng, ngây thơ phấn khởi hồ hởi sảng?! Rồi cuối cùng lại thất vọng ê chề! Vì có thằng khác, nó bò lên, nó quằm còn quá cha cái thằng ông nội nầy nữa nhe bà con!
Bầu cử tự do, chọn ông nào tốt tốt cỡ ‘Nelson Mandela’ mới được!
Chớ đừng ngu ngơ chạy theo cái bọn giành ăn, tranh nhau quyền lực, đặt bom và bắn nhau rầm rầm như phim cao bồi của Mỹ!
‘Cưỡng’ lột lưỡi, ra rả… ‘vì dân’ mà quằm của dân… còn nhiều vô số kể! Mình phải lòng dặn lòng rằng: nhứt định không còn có cái vụ: “Chuối Nè Cưỡng!” nhe mới được!

 đoàn xuân thu.

melbourne 

 

 

 

Hoan hô Thầy đội!

dxt_mar28_tapghi.jpg

Tranh: Bảo Huân

 

Thầy đội tức phú lít ở đâu cũng vậy, nó có quyền lắm nha! Đôi khi mấy ‘giả’ lù khù như con cá lù đù mà có chút đỉnh quyền lực rồi là bắt đầu lạm dụng! Ra vẻ ta đây thấy mà ghét! Bất cứ có chuyện gì rắc rối với nó là nó nghe lời người khác! Chớ hổng bao giờ nghe mình biện minh, phân trần gì hết ráo! Lỡ bực bội mà cự cãi, chọc tới nó là nó ỷ quyền bức hiếp mình, nặng là nó đem mình cất vô hộp; nhẹ nhẹ hơn là phạt vạ, là ‘hao’ xu lắm đó!
Người viết nhớ hồi còn kẹt ở quê nhà. Cái thằng tổ phó an ninh trong xóm hổng hiểu sao nó cứ tìm cách ‘cà khịa’ với mình hoài? Mươi bữa, nửa tháng nó cứ báo công an phường nửa đêm đến xét nhà bắt về bót nhốt cho muỗi cắn mình chơi! Dù mình hổng có làm cái gì phạm pháp hết! Mà cũng ‘quái’! Cái đất nước của mình; vậy mà phải ‘chứng minh nhân dân’ mới được. Phải có hộ khẩu mới được. Bằng không lên rừng mà ở nhá!
Từ cái kinh nghiệm chua chát đó người viết rất có ‘ác cảm’ với cảnh sát, công an! Chạy tóe khói khỏi Việt Nam mến yêu mà cũng không quên rinh theo cái ‘ác cảm’ đó qua cái xứ Úc nầy! Nên khi có dịp là người viết cười nhạo tụi nó chơi cho đỡ tức cái ‘hận lòng năm cũ’! Ai mà chơi khăm được mấy thầy đội là người viết khoái… coi là ‘ní’; là bạn hiền đó nha!

Như
chuyện dưới đây: Đêm, thầy đội ngồi trong xe, rình mấy đứa nhậu trong quán rượu. Coi có đứa nào nhậu đã rồi mà lái xe không?
Thầy đội thấy một tay khật khưỡng bước ra, đút chìa khóa vào lần lượt khoảng 6 chiếc, mới tìm được chiếc xe của chính mình. Cho mầy chết nha!
Thầy đội bèn rượt theo, chận lại thổi rượu nhưng lạ thay cái dụng cụ thổi rượu lại chỉ số không; chứng tỏ chú em không uống giọt nào. Thầy đội vò đầu, bứt tai hổng hiểu tại sao?!
Chú em cười cười, nói: “Thầy đội ơi! Tui, bữa nay, được mấy chiến hữu phân công không uống giọt rượu nào để làm con chim mồi, điệu hổ ly sơn, cho tụi nó ‘vọt’ đó! He He!”
Thầy đội Úc lù khù như con cá lù đù bị mấy tay Lưu Linh xí gạt như vậy đó. Bên Mỹ mấy thầy đội cũng chẳng khá hơn gì!

Một
đồn cảnh sát bên Mỹ muốn tuyển thêm nhân viên cảnh sát. Một ông nộp đơn ứng thí. Viên cảnh sát trưởng phỏng vấn, hỏi: “1 với 1 là gì?” Chú trả lời là 11. Viên cảnh sát trưởng nghĩ thầm đâu phải câu trả lời mà mình muốn nghe nhưng y trả lời cũng đúng chớ!
Bèn hỏi thêm: Ngày nào bắt đầu bằng chữ T? (Thầy đội mong câu trả lời sẽ là: Tuesday và Thursday!) Nhưng y lại trả lời: “Hôm nay với ngày mai” (Today and Tomorrow!) Một lần nữa y trả lời đúng dù không đúng ý viên cảnh sát trưởng.
Viên cảnh sát trưởng hỏi khó hơn: “Ai giết Abraham Lincoln?”
Ứng viên bí nên bực bội trả lời rằng: “Tui hổng biết! Chưa được làm cảnh sát mà Xếp đã giao cho tui điều tra án mạng rồi sao hả?” Ha ha!
Cảnh Sát ở Úc, ở Mỹ lù khù như con cá lù đù còn Công an ở Việt Nam thì linh tinh như bọn kiêu binh thời Chúa Trịnh!!

Nhậu
xỉn, đụng chết người, bị dân rượt theo chận bắt. Nói rằng tại sợ quá nên chạy luôn?! Tay đại úy Lê Quang Bình (36 tuổi, đang công tác ở bộ phận nghiên cứu chuyên đề về trật tự an toàn xã hội của Văn phòng Công an Bình Dương), đụng chết anh Nguyễn Hữu Quân (27 tuổi) rồi chạy luôn bỏ mặc nạn nhân nằm chết!
Quan anh bao che cho quan em nên chiều 22/10/2013, sai gia đình đại úy Bình đến đưa trước 30 triệu đồng tương đương 1500 đô để phụ chi phí chôn cất nạn nhân. Mạng người chết tức tưởi như vậy thiệt là quá rẻ!
Quan anh cũng hứa là sẽ trừng phạt quan em tới nơi tới chốn để giữ kỷ cương phép nước! Thôi mà mấy ‘cha’ ơi! Ai mà tin? Ai cũng biết từ cái lưỡi tới cái tay của mấy ‘cha’ còn xa hơn từ đây tới nước Mỹ!
Ở Úc như vậy vô hộp là cái chắc. Làm lớn hơn! Lỗi nhẹ hơn cũng bị ‘dợt’ như thường.

Luật
pháp như vậy mới là phải phải! Như chuyện: Cựu ‘trùm cớm’ Bang Victoria (Victoria Police chief commissioner) mà Úc thòi lòi gọi là ‘top cop’ Christine Nixon bị bắt gặp đang lái xe không đăng bộ trong một chiến dịch kiểm soát giao thông ở Mornington Penninsula.
Bà Nixon hiện đang sống ở Blairgowrie, trả lời phỏng vấn của đài phát thanh 3AW, rằng bà đang lái một chiếc xe mới trên xa lộ Mornington Pennisula ở Rosebud vào giữa trưa ngày Thứ Ba và cảnh sát chận xe của bà lại! Việc chưa trả tiền đăng bộ chiếc xe là vì ‘quên’ (Phải vậy hông?)
Cảnh sát sẽ gởi cho bà xếp cũ một giấy phạt 722 đô về lỗi lái xe không đăng bộ.
Bà Nixon ca tụng là cảnh sát đã làm quá đúng! (Phải vậy hông? Nói thiệt lòng hông đó?! He he!)
Tháng 4 năm 2001, bà là người phụ nữ đầu tiên làm xếp sòng Cảnh Sát bang Victoria đời thứ 19. Cựu xếp Cảnh Sát nầy cũng làm xếp Ủy ban Tái Thiết sau vụ cháy rừng ngày Thứ Bảy đen (Black Saturday). Dù Thủ Hiến lúc đó là John Brumby yêu cầu Bà tiếp tục ‘hy sinh’ nhưng Bà tin rằng đã đến lúc rũ áo ra đi sau tám năm làm Xếp lớn và 36 năm làm phú lít.
Tuy nhiên sự thực là bà ‘trùm cớm’ nầy bị chỉ trích nặng nề vì đi nhậu với bạn bè khi bà con chết trong trận cháy rừng khủng khiếp nhất lịch sử bang Victoria!
Thế mới biết luật lệ ở Úc nầy ai cũng vậy. Vi phạm nhè nhẹ là bị phạt thôi; là móc xỉa; hổng có châm chước gì hết ráo! ‘Quân pháp bất vị cao tới đâu’ à! Chớ hổng phải như Cộng Sản Việt Nam! Một luật cho quan và một luật cho dân ngu khu đen. Hổng cần làm lớn đến ‘Trùm cớm’ của một bang đâu… xoàng xoàng lính lác cỡ Đại Úy Công An tỉnh, nhậu xỉn đụng chết người… cũng chìm xuồng như thường!(gọi là lính lác vì làm Trưởng Công An Phường bây giờ lon lá phải cỡ Trung Tá, Thượng Tá mới được. Hồi VNCH mình Trưởng Cuộc Cảnh Sát, chức vụ tương đương, lon Thiếu Úy là hết mức!)

Rồi
mới đây nghe nói bà con mình trong nước điều khiển phương tiện giao thông mà phạm luật còn ‘phẻ’ hơn nữa! Khỏi cần đến kho bạc nhà nước nộp phạt để lấy xe về chi cho mắc công; chỉ cần nộp thẳng cho Cảnh Sát Giao Thông vừa phạt mình là ung dung tiếp tục đường trường xa con chó nó tha con mèo.
Phẻ nha! Nhưng nhớ bỏ vài trăm ngàn trong túi khi ra đường nhe bà con cô bác. Hồi xưa gọi là ‘mãi lộ’. Bây giờ mình xài tiếng Nôm luôn là ‘mua đường’ cho nó gọn. Nhưng ‘đường’ nầy hổng có ‘ngọt’ chút nào mà hơi cay cay, hơi đắng đắng đó!
Dẫu vậy cũng xin cám ơn nhà nước nhiều vì đã tinh giản thủ tục hành chánh, tránh phiền hà cho nhân dân. Gọn, lẹ! Tiết kiệm thời giờ cho đôi bên! Hổng có lôi thôi gì hết! Hổng có vụ quỳ xuống giữa đường, lạy “Xin đồng chí tha cho con! Nghèo lắm đồng chí ơi!”

“Nhưng cho tui về làm Cảnh Sát Giao Thông được không hả mấy ông. Bên nầy làm cu li kiếm tiền, cày như trâu coi bộ mệt quá. Hu hu! Về bển cầm cây gậy, thổi cái hoét. Vô đây! Là ấm túi! Ha ha!” Cướp có ‘ba tăng’ mà!
Đó là những chuyện tiêu cực về Công An, Cảnh Sát khắp nơi. Nhưng nói như vậy là bất công cho mấy thầy đội lắm. Mình viết báo là phải như ông Tòa cầm cân nẩy mực cho nó công bằng (Phải vậy hông đây?)
Chuyện tích cực nầy cũng mới xảy ra đây về Cảnh Sát Victoria!


ông tài xế chạy xe, vượt đèn đỏ. Cảnh Sát bèn rượt theo vì ‘giả’ hổng chịu ngừng cho tới cổng nhà thương Dandenong, đông nam Melbourne.
Lúc đó mấy thầy đội mới vỡ lẽ ra là có một bé gái mới sinh khóc ‘oe oe’ trong xe. “Cháu xin chào thầy đội ạ! Ha ha”
Người mẹ, Meta Ouk 25 tuổi, sanh con so trên băng sau chiếc xe Lexus nói rằng: “Cháu nó chui ra lẹ quá! Tui lo cho mạng sống của con tui. Tui sợ lắm. Tui chỉ muốn ông xã vọt lẹ lẹ vô nhà thương càng sớm càng tốt!”
“Ảnh vượt đèn đỏ, qua mặt luôn xe cảnh sát. Mấy thầy đội rượt theo. Một chiếc rồi hai chiếc, rồi ba chiếc cho tới khi tui tới nhà thương!”
Hổng phải vợ chồng người Úc gốc Cambodia, sống ở vùng Keysborough nầy, lè phè đâu! Họ đã đến nhà thương lúc 8 giờ 45 phút tối Thứ Ba; nhưng cô mụ nói: “Về đi! Sớm quá! Còn tới 10 ngày nữa! Chưa đẻ đâu mà lo! Mà gần xịt! Lo gì chớ!”
Té ra mấy cô mụ phán trật lất. Nửa đêm bà Meta Ouk chuyển bụng! Từ nhà tới nhà thương khoảng 15 phút mà em bé đã chui ra giữa đường ‘hello’ mấy thầy đội rồi! Ha ha! Bà con người Việt mình gọi là đẻ rơi, đẻ rớt!
Ông chồng, Seyha Ing, nói: “Tui thấy mấy thầy đội cố dừng xe tui lại ở đường Stud, Dandenong khoảng 1 giờ 45 phút sáng Thứ Tư. Nhưng chuyện chết sống của vợ con mà! Nên tui cứ chạy riết! Chuyện gì rồi sẽ tính sau nha!”
Khi vỡ lẽ ra, mấy thầy đội bèn chúc mừng tía má em, nói: “Tụi tui không phạt ông bà đâu! Vui quá chừng he!”
Cháu gái nầy theo người viết xủ quẻ: Lớn lên! Bét lắm là làm Tổng Toàn Quyền, như bà Quentin Bryce hay như nữ Thủ Tướng Úc, bà Julia Gillard, vì mới sanh ra có vài giây mà một đống xe cảnh sát phải chớp đèn, hụ còi hộ tống… Đúng là số ‘chánh vì vương’ nha!  

Mấy
tay Úc đọc tin vui nầy trên báo, rất lấy làm phấn khích, bình luận rôm rả rằng: “Vợ đẻ, đau, la um sùm! Cớm hú còi rượt theo! Tình hình cực kỳ căng thẳng mà ổng vẫn chạy xe được! Tài xế giỏi!”
Nhưng cũng có thằng cà chớn David cà khịa rằng: “Nguy hiểm! Tình huống đó chắc làm ổng phân tâm quá rồi! Lỡ vượt đèn đỏ, ông đụng người ta hay người ta đụng ổng! Rồi chết tới bị thương! Sao không kêu xe Hồng Thập Tự hả?!!”
Bà con nghe vậy, xúm nhau lại, dợt: “Chờ xe Hồng Thập Tự hả? Chờ nó tới là lâu lắc lắm đó! Đâu có chọn lựa nào khác đâu cha nội! Cảnh sát Victoria ‘hảo hảo’ há!”

Có ông còn bênh vực cho ông Seyha Ing rất tận tình rằng: “Có thể là ông bị phân tâm, mất tập trung khi lái thiệt; nhưng khối gì người phân tâm lúc lái xe. Nghe radio nè, chuông điện thoại reo nè. Con cái ngồi chung quánh lộn nè! Rồi tán dóc với người ngồi trong xe nè! Thiếu gì chuyện làm tài xế phân tâm chớ! Kêu chờ xe Hồng Thập Tự trong khi cách bịnh viện có 15 phút lái. Ngu sao mà chờ! Biết chừng nào nó lại! Trời khuya ít xe cộ, trước khi vượt đèn đỏ, ổng cũng ngó trước ngó sau chớ cha nội!”
“Va vô vợ con ông chắc ông ‘bay’ hỏng cẳng; chớ ở đó lên giọng thầy đời, dạy khôn bằng cách chờ xe cứu thương!”
Nói chung chỉ có thằng cha David nầy đâm xuồng bể mà thôi nên bị xài xể nặng nề là: “Thôi! Nín đi cha nội!”

Người viết cũng nhảy vô ‘quánh’ hôi một cái: “Xin đồng ý với mấy thầy đội và bà con cô bác trừ cái thằng cha David nào đó… Thằng chả nói chuyện ‘ruồi bu!” He he!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Đọc thơ đêm Nguyên Tiêu!

  dxt_mar9.jpg

 Thưa!

Người viết trong bụng là ghét Tàu Cộng vì nó chiếm Hoàng Sa, lăm lăm ‘hẩu xực’ luôn Trường Sa và ăn hiếp ngư dân ta! Chớ người Trung Quốc đàng hoàng thì thiệt ‘ngộ’ không có ghét! Họ cũng là dân ngu khu đen như mình, cả hai dân tộc đều bị Đảng Cộng Sản đè đầu, cỡi cổ thôi! Đồng bệnh tương lân mà; thông cảm không hết thì có gì đâu mà ghét bỏ họ chớ?

Thêm nữa ‘bà chằn lửa’ của người viết là Xẩm lai thì ai ghét bỏ cho đành! Hi hi!

Nên khi viết hoặc trích, có cái nào ‘lan can’ tới Trung Quốc, xin bà con cô bác châm chước cho… đừng rầy tội nghiệp! Oan cho tui lắm! Tui không phải là Lê Chiêu Thống tân thời rước voi về dầy mả tổ đâu nhe!

Sự thể phải rào trước đón sau như vậy là vì bài viết nầy sẽ nói tới Tết Nguyên Tiêu, rằm tháng giêng năm nay, rớt vào thứ  sáu 14 tháng 2 Tây. Mà nói tới ‘tiêu tiêu’ là dính tới Tàu hà!

Và “sau một tuần ngất ngư lao động, thứ sáu anh thường thức trắng đêm!” Anh bạn thơ già của người viết cũng giống y hịt như ông Cao Tần hà! Nên sáu giờ chiều thứ sáu là cái ‘mobile’ của người viết kêu rùm lên ‘ò ò í í e e!’. Giọng ảnh nghe hào hứng lắm!

“Đêm nay là đêm Nguyên Tiêu nè! Tui ghé nhà anh đọc thơ rồi nhậu chơi!”

Chời ơi chời! Nhậu thì khoái quá rồi có bao giờ tui nói: ‘No’ đâu! Nhưng bị bắt nghe đọc thơ là tui ớn chè đậu lắm anh ơi! Bộ anh quên lần trước tụi mình đã đồng tâm nhứt trí ra ‘quân lệnh’ rằng: Đang nhậu mà ai lôi thơ mình ra đọc, làm bẩn tai hàng xóm đang cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi, là phạt một thùng beer ‘VB’ sao? “Tui nhớ chớ! Nên tui trả tiền phạt trước và trả nhiều hơn nữa kìa! Một chai ‘Ông già chống gậy, nhãn xanh’ nhe! (Johnny Walker blue label)

Nghe tới đây, mắt sáng rỡ, miệng chép chép, hèm hèm, thèm… và cái máy tính trong đầu của tui khởi động như chớp rồi ra kết quả liền: OK! Chai nầy hai trăm đô chớ ít đâu? Chắc ảnh mới ăn cá ngựa đây!

Mười lăm phút sau, khi tui mới lúi húi đặt mâm là đã nghe tiếng xe ngừng cái kịt rồi ảnh ôm chai rượu chạy vô, để cái cộp lên bàn. Trông thiệt là oai hùng hết biết!

Bà chằn tui có nấu ngót một nồi canh với mấy con cá ‘chim’ còn tươi soi sói đây! Cái nầy nhậu bắt lắm! Còn em yêu hả? Rằm, ba cô đội gạo lên chùa, một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư rồi, em đi dự "Hội hoa đăng"! Ở nhà chỉ có tui với anh mặc tình mình tán dóc mà không sợ bị ai nghe lén! ‘Watergate Richard Nixon’ đi chùa rồi!

Thôi! Vô! ‘lì một lam’ là làm một ly! Rồi lại ‘lì một lam’ là làm hai ly!  Uống ‘sec’ (sèche) hỏng có pha coca gì ráo trọi nên ‘phừng’ ngay lập tức… và bắt đầu: Đây chương trình phát thanh của em gái hậu phương Dạ Lan rồi hè!

Ảnh hỏi: “Anh biết đêm Nguyên Tiêu là đêm gì hông?” Người viết kính cẩn trả lời là: “Hỏng biết!’

Đêm Nguyên Tiêu là đêm rằm tháng giêng. (Là đêm hội Hoa Đăng, thường được tổ chức ở chùa vì cũng là ngày vía Đức Phật). Người ta ghi những lời ước của mình lên chiếc đèn lồng rồi cho nó bay tuốt lên Thiên đình…để ông Trời xét duyệt?!

Thời phong kiến, mấy ông vua, dù biết chữ hay ‘bù’ trất, cũng nghe lời quân sư quạt mo đặt ra cái Tết Trạng Nguyên, nhằm đêm Nguyên Tiêu, ra vẻ ‘chiêu hiền đãi sĩ’… bằng cách gọi các ông Trạng vào vườn Thượng Uyển, sáng trăng rằm, thăm hoa, ngắm cảnh, ăn nhậu đã… rồi làm thơ!

Anh bạn thơ nói: “Thôi tối nay anh làm vua đi; tui làm ông Trạng vô chầu…ăn nhậu rồi làm thơ nha!”

Ảnh bèn móc trong túi ra một bài thơ, (già rồi hơi lẫn nên thơ của ‘giả’ mà ‘giả’ không thể nào nhớ nỗi, nhứt là khi có chút đỉnh men cay)! Tằng hắng lấy giọng, ngân nga đọc vì ảnh hỏng biết ngâm như Hồ Điệp hay Quách Đàm gì ráo trọi.

Thơ rằng: “Mai mốt đây, ông già chống gậy, sóng sánh ly, rượu cứ đổ hoài, gặp bạn cũ, thấy ông hình quen quá? Chắc tụi mình có gặp ở đâu đây!”

Cao hứng, như thầy giáo dạy văn, diễn Nôm luôn: Ông già chống gậy là Johnny Walker đó! Nghĩa thứ hai là chỉ hai đứa mình thôi nhé! Trước sau gì… hỏng lâu đâu… tui với anh đều chống gậy hết trơn hết trọi! Nói theo mấy tay trong nước già là người cao tuổi, (già thì nói đại cho rồi bày đặt chơi chữ người cao tuổi. Bộ già xấu lắm hay sao chớ!), sóng sánh ly là cầm mà tay run ông thần ơi! Còn gặp bạn cũ mà hỏi chắc tụi mình có gặp ở đâu đây… là triệu chứng bắt đầu bị lẫn, nhớ nhớ quên quên… rồi đó. Sợ già sợ lẫn nên tranh thủ nhậu cho nó đủ ‘đô’! Ha ha!

Xong, ảnh hỏi ‘hay’ hôn? Người viết trả lời ‘ngon!’. Vì chai rượu nầy ngon thiệt, 200 đô bằng hai ngày ‘tía em hừng đông đi cày bừa’ chớ ít đâu! Uống cứ như là uống dầu thơm Chanel 5 vậy đó!

Nhớ mấy lần tụ tập, bù khú với mấy anh bạn già còn nhậu được, ai cũng than là bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi, kẻo ngày mai lại vĩnh biệt nhau rồi! Hu hu! Nên còn uống được cứ uống nhen! Nói xong, anh quất cái tróc, cạn queo. Người viết cũng bắt chước cạn cả một hồ trường. Ba ly rồi đó! Nhậu mà! Cái tâm cảm mình thay đổi lẹ lắm. Vài ly đầu là vui, hào hứng, chuyện nổ như bắp rang, vài ly sau là buồn, rơm rớm nước mắt như muốn khóc. Em buồn có chỗ thở than! Anh buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya! Nên ảnh bắt đầu than thở tuổi già bịnh hoạn khổ thiệt! Lú lẫn, xì cà que… vân vân và vân vân! Tui muốn ‘bực’ một cái là ngay đơ luôn; đừng làm cho méo miệng, mũi dãi tùm lum… khó coi lắm!

Tui bèn an ủi anh mà cũng an ủi tui luôn. Bữa nay lo bữa nay đi! Nói chuyện ngày mai sẽ ra sao nghe rầu thấy tía! Vô! Vô!

Tuần rồi nè, có anh bạn, sớm đi tập thể dục, té cái bịch rồi đi luôn! Trước đó, tui cũng tính bỏ rượu vì sợ chết, bỏ bà xã ở lại quạnh quẽ một mình, hôm sớm có nhau với thằng khác; nhưng bữa đi đám tang anh bạn về, tui nhủ thầm: Thôi! Chơi xả láng; sáng về sớm! Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt; còn hơn buồn le lói suốt năm canh… nên tui rinh chai rượu xịn nầy của thằng con cho, mừng sinh nhựt tía nó, ra; rủ anh… tụi mình quất nó cho rồi. Chứ chai Johnny Walker  nhãn xanh nầy là rượu chưng, rượu thờ để nhát thiên hạ chơi cho nó sợ. Nhưng trộm nghĩ lỡ mình có bề nào… thằng khác nó uống… uổng lắm anh ơi!

Tui cũng phải hoàn toàn đồng ý với ‘hảo bằng hữu’ rằng: Tuổi già ở đâu cũng chán chết! Hết xí quách, răng rụng xuống cầu rồi, không còn ‘gặm’ ai được nữa nên thường bị thiên hạ khi dễ. Ở bên Đức, già thì con cái nó cho mình xuất khẩu qua nhà dưởng lão ở Ba Lan cho nó rẽ! Hỏng muốn cũng phải đi vì con cái đặt đâu là cha mẹ già ngồi đó! Thằng Úc nó bắt chước bây giờ! Hu hu!

Ngoài nước, đời là vậy! Trong nước cũng hỏng khá gì hơn!

Già cả, cô đơn, tụ tập với nhau làm thơ mà cũng bị rầy. Ai đó nói rằng: mỗi người Việt Nam là một nhà thơ. Vì sao vậy? Thơ là tiếng lòng ta! Mà nước Việt mình thì buồn quá, đau quá… nên kêu lên cho nó đở khổ?! Lời than thở là thơ. Nó là thần dược, ngăn cho mấy ông già như tụi mình không bị trầm cảm nặng hay nói quỵt tẹt luôn là… ‘khùng ơi là khùng’!

Vậy mà trên trang nhà của đài RFA tiếng Việt, lan truyền đi toàn thế giới, nỡ lòng nào bạn thơ với nhau, sao chẳng nể tình nhau, một ông thi sĩ thuộc cái hội văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước xài xể mấy lão niên nhà thơ đã một thời nằm mùng chống Mỹ một cách quá tay như thế nầy: “Tết Nguyên Tiêu, ngày hội thơ Việt Nam hả? Quê mùa lắm, không có rầm rộ đâu. Hình ảnh thế thôi chứ đi dự chán lắm, vì thành phần tham dự bây giờ chủ yếu là mấy ông già hưu trí nên chất lượng chán lắm. Nó trang trí nhiều, treo phông, treo màn cũng đẹp nhưng đi dự chán lắm, toàn thơ hưu trí nên chán lắm, những người làm thơ đàng hoàng đã ít rồi mà họ không đi dự nữa nên chán lắm, toàn mấy người đứt dây không à, mệt lắm, nói chung không có gì đáng quan tâm. Mình nghĩ ở chỗ khác cũng vậy, nhìn bề ngoài vậy thôi chứ chất lượng không có, người làm thơ đàng hoàng họ không đi, toàn mấy đám chập dật đọc thơ! Ngoài Văn Miếu không biết chứ ở tỉnh lấy người đâu ra, Sài Gòn làm gì có ai đâu, toàn mấy thằng điên điên…”

Chỉ có mấy câu phát biểu với nhà đài mà thi sĩ nầy cứ ‘cà lăm… cà lăm’ chán lắm, chán lắm hoài hà?

Nhưng chán lắm… chán lắm mà rằm tháng giêng nào mấy ‘giả’ cũng tổ chức rầm rầm rộ rộ hết trơn vậy? Vì có tiền, gọi là kinh phí của ông Chủ Tịch Nhà Văn Xe Tăng Hữu Thỉnh cấp để tổ chức Đêm Nguyên Tiêu, Ngày thơ Việt Nam mà!

Nhưng tại sao gọi là Chủ Tịch Nhà Văn Xe Tăng Hữu Thỉnh? Vì ổng có lần khoe là người ta chèo xuồng chống Mỹ còn ổng chống Mỹ bằng cột lòi tói vô chân mình, cỡi xe tăng Trung Quốc vào để giải phóng Sài Gòn! He he!

Cái tỉnh Bình Phước lôm côm như vậy còn ở thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật thì sao anh? Cha! Nó còn ‘dịch vật’ hơn nữa chớ ‘văn vật’ cái gì?

Cả nước từ Văn Miếu Hà Nội vô tới Sài Gòn và các tỉnh mấy hội nhà văn được cho tiền đều tổ chức! Trước là cho mấy nhà thơ đề thơ vào quốc kỳ (của nó)…Ngon nhá! Cột bong bóng cho bay lên trời để Ngọc Hoàng, ổng đọc!

Anh có đọc hai câu thơ của nguyên chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh được chọn và thả lên trời ở thủ đô nước Việt ngày nguyên tiêu năm ngoái, 2013 chưa?

“Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót

Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ!”

Ôi nhục nhã cho đất văn hiến Kinh Bắc chúng tôi quá!

Chê dở là đủ cho tác giả cay đắng lắm rồi mấy ‘cha’ ơi! Nỡ lòng nào chơi ác mà hỏi khó:

Xin hỏi các người: Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót là thế nào? Bị bệnh động kinh hay phát hiện vợ là đồng giới? Hay phát hiện vợ anh ta không phải giống người? Thế mà cũng gọi là thơ hay à?

“Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ!” Như thế hóa ra anh ta nằm ôm vợ mà lại nghĩ đến một hình ảnh khác, hình ảnh khác đó chắc chắn không phải những người dân đói khổ, những nạn nhân chiến tranh, các cháu bé lang thang, mà là những cô gái không có chồng để được ôm như vợ anh ta (đứng chơ vơ đầu bãi), vậy thì còn gì là nét đẹp chung thủy của tình yêu mà các người khoe khoang? Bởi văn học là hướng đến chân-thiện-mỹ, ở câu thơ này làm gì có?”

Tán tụng cho cái chuyện một dạ hai lòng! Còn la rùm lên: “Bớ bà con làng nước ơi tui ngoại tình tư tưởng đây nè!” Con vợ ông nó biết được là nó ‘lệnh xé xác’ ông ra hàng trăm mảnh!

Chê, chửi nhà thơ chưa đã giận…rồi còn kêu đích danh ông Chủ Tịch Hội Nhà Văn Xe Tăng ra mà trù cho trời đánh nữa! Thiệt là hết biết!

“Ông Thỉnh ơi! là ông Thỉnh ơi! Những câu thơ như thế mà ông cho thả lên trời không sợ Ngọc Hoàng trừng phạt?”

Chính vì vậy làm thơ để tự chữa bịnh cho chính mình mà thấy thiên hạ giành ăn, xúm vô chữi nhau quá xá. Nên mình cũng sợ bị lây! Dù xa quê đã lâu, tui không cần biết cái hội nhà văn trong nước là cái giống gì? Mặc kệ cho mấy ‘giả’ mang hia đội mão, áo thụng rồi vái lạy lẫn nhau! Anh viết bài ca tụng thơ tui; tui viết bài ca tụng thơ anh! Bánh ít đi; bánh quy lại! Nhiệm kỳ tới anh em mình vẫn còn yên vị trên ghế Chủ tịch, Tổng thơ ký gì gì đó… Có tiền ăn nhậu, bia ôm bia iếc… là khoái rồi! Kệ ‘bố’ mấy đứa ganh ăn tức ở! Làm lãnh đạo mà không lì, không lảng tai thì làm sao mà làm được chớ?

Thôi vãn cái vụ đọc thơ, đêm Nguyên Tiêu nầy đi anh! Nhà thơ lão niên thân mến của tui! Nghe mà tỉnh hết cả rượu! Phí!

 

đoàn xuân thu.

 melbourne

 

 

Quanh "những vấn đề..."  

dxt_mar3_DMHanh.jpgdxt_mar3_newPortrait.jpg dxt_mar3_nhungvd.jpg

  Đặng Mỹ Hạnh                       đoàn xuân thu

Sinh động- khác biệt trong cùng một đề tài “Hỏi và Đáp”. Chín tác giả nam- cùng “họp mặt” trong một “cuộc trò chuyện” cuối năm với Đặng Mỹ Hạnh. Trẻ trân trọng giới thiệu cùng độc giả khắp nơi, cuộc “giao lưu” đầy cởi mở,  thú vị với những tác giả yêu mến và quen thuộc của chúng ta..

Đoàn Xuân Thu

1. Xin ông có vài hàng giới thiệu về mình: Đời sống thường nhật, công việc và việc sáng tác.


Sống Miệt Dưới, Melbourne, Úc Châu mà được ‘Miệt Trên’ ‘rờ’ tới nên khoái quá!

Không phải tuổi Sửu nhưng vẫn cày như con trâu!

Viết lai rai giải sầu con đom đóm! Cảm thương người ôm ốm mà cao!

2. Internet đã tác động như thế nào trong quan điểm nghệ thuật, sự sáng tạo và đời sống của riêng ông?

Internet tiện lợi, giúp viết dễ dàng hơn, viết nhanh hơn và viết ‘dở’ hơn vì lượng bao giờ cũng tỷ lệ nghịch với phẩm!

Ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống. Ít la cà quán xá hơn. Ít bạn ‘thật’ hơn, bù lại có rất nhiều bạn ‘ảo’, bạn ‘tàng hình’!

Cái lợi nhứt cho đời sống là: ít có thời giờ cự cãi với vợ con hơn! Nên gia đình hạnh phúc hơn!

3. Nếu “chẳng may” trở thành đàn bà thì ông có nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi như thế nào?

Không có cái vụ ‘chẳng may’ ở đây mà phải nói là ‘quá may!’

Dĩ nhiên là thay đổi 180 độ!

Tuy nhiên, làm đàn bà hay làm đàn ông gì là do ông Trời muốn! Mình muốn… là mình cãi lại ông Trời; nên không dám! Còn đàn ông cũng có chữ ‘đàn’; đàn bà cũng có chữ ‘đàn’ nên ông hay bà gì cũng phải cần nhau, phải có nhau để ‘đàn’ với nhau chớ!

Do đó làm đàn ông cũng may; mà làm đàn bà còn may mắn hơn nhiều! Vì đàn bà được giữ cái ‘ví’ của đàn ông! Ai kiểm soát túi tiền là làm ‘boss’.

4. Với ông, điều gì “tệ hại” hơn: hôn nhân hay sự cô độc?

Hai cái đều ‘tệ hại’ như nhau!

Có hôn nhân đồng sàng dị mộng; mà cũng có cô độc rảnh… đi ‘vọc’ tùm lum!

5. Theo quan điểm và những “trải nghiệm” của riêng ông thì Tình yêu của Xưa và Nay khác biệt như thế nào?

Tình yêu là một thói quen khó bỏ nhứt! Xưa giờ cũng vậy!

6. Là người Việt sống ở hải ngoại, ông thể hiện mối quan tâm về đất nước Việt Nam trong những lãnh vực Văn hoá, Chính trị, và thời cuộc như thế nào?

Thấy bà con cô bác, anh em, bạn bè nói chung, dân trong nước còn khổ quá, khổ đủ thứ… mà mình bỏ tất cả để chạy luôn ra nước ngoài…thấy ‘kỳ’ quá!

 

Ăn gì? Của ai?


 dxt_feb28_anGi.jpg

 Tranh  Bảo Huân!

 

người triết lý về cái ăn là: “Ăn để mà sống! Chớ sống không phải để mà ăn!”
Người viết xin cực kỳ phản đối cái ý kiến kham khổ, khắc kỷ nầy. Nói như vậy mấy cái nhà hàng nó dẹp tiệm hết hay sao?
Giữa ăn thường thường với ăn ngon thì tui đâu có ‘khờ’ mà hổng chịu ăn ngon chớ?!
Ăn là một nghệ thuật, là một trong tứ khoái… mà lại đứng đầu nữa thì khỏi bàn tới bàn lui bàn xuôi bàn ngược gì hết ráo cũng đủ biết nó quan trọng đến dường nào! Còn thu ăn măng trúc; đông ăn giá… thì kệ mấy ổng!
Khi thấy hai nước cà khịa đánh nhau bà con dân dã mình phán một câu xanh rờn đúng không có chập chờn chút nào là hai nước giành ăn!
Còn ông Kim Chính Ân nghe lời xúi bẩy của mấy ‘lão nguyên soái’ nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên lôi dượng Jang Song-thaek ra bắn cái bùm thì bà con dân dã mình cũng nói là mấy chả giành ăn.
Đó là giành ăn chuyện lớn… chuyện tỉ Mỹ kim.
Còn chuyện thiết thân hơn là nấu gì ăn gì mỗi ngày của má thằng ‘cu’ trong ngày tư ngày Tết thì không nói chắc bà con cũng biết rồi: thịt mỡ dưa hành. Thấy vậy chớ nó ngon dàng trời mây đi! Nhứt là bánh tét ăn với thịt kho nửa nạc, nửa mỡ vàng rượm. Viết tới đây thôi cũng thấy chảy nước miếng tới rún!

Nhưng ông ‘Chủ’ báo dạy rằng: Phàm viết báo là đề tài phải giống như đồ ăn mới được. Nghĩa là phải mới, phải lạ, phải nóng và phải ngon! Cái chuyện thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ năm nào cũng có nhưng đề tài xưa rồi. Mấy ông nhà văn ‘quần nát nước’ ông mà viết nữa… nó ngán tới cần cổ! Vì độc giả là thực khách sành ăn… Bài viết phải đạt được mấy cái tiêu chuẩn căn bản nói trên thì độc giả thân mến mới ‘dùng’! Bắt họ ăn món xưa, xào, hâm lại là báo ế, tui với ông ‘mậu lúi’ nhe!
Nghe ông ‘Chủ’ báo nói: người viết vâng lời dạy cao kiến đó; bèn xin viết về đề tài các đế vương xưa nay họ ăn gì? Của ai? Cho độc giả vui vẻ đọc.
Chuyện ăn của hoàng đế Tàu hồi xưa kia là chuyện cơ mật trong cung đình, chuyện bí mật quốc gia không được phép tiết lộ ra ngoài. Tại sao phải giữ bí mật? Vì để dân dã đang đói xanh râu, rã ruột mà nó biết được nó thèm thì tội nghiệp cho Trẫm lắm! Nó quậy là ngai vàng của Trẫm sẽ rung rinh gẫy (mẹ) nó một chưn là Trẫm té!!
Theo sử sách thì Hoàng đế triều Mãn Thanh ăn là phải có: sắc, hương, vị, lượng.
Vua xực phàn không được quyền nói xực mà phải nói là ngự thiện?! Mỗi bữa ăn của hoàng đế xoàng xoàng chỉ khoảng 40 món thôi, 4 loại thức ăn chính, 2 loại cháo (hoặc canh).
Làm từ gà, vịt, lợn, cá và rau củ theo mùa. Mùa nào thức nấy mới ngon! Còn các món sơn hào hải vị, kỳ hoa dị thảo nữa.
Gạo vua xơi giã từ loại lúa đặc biệt, gọi là gạo tiến vua. Ngoài ra, vua còn xực luôn các loại nai, đuôi hươu, gân hươu, tay gấu, heo rừng, xương hổ, yến sào, vi cá, hải sâm...Con gì dưới đất, trên trời, trong rừng, ngoài biển, vua giành, xực ráo!
Bà Từ Hy Thái Hậu ăn mới kinh! Mỗi bữa hơn 100 món! Ngày xực hai lần; mỗi lần tốn khoảng 200 lượng bạc. Vậy một ngày chỉ khoảng xơi thôi… ngân khố hao 400 lượng bạc rồi! Hổng phải ‘bả’ ăn ngày một ngày hai mà ‘bả’ ăn ròng rã năm nầy qua năm nọ thì thử hỏi đất nước Trung Hoa không tàn mạt sao được?!
Có lần bà nổi hứng mời mấy đại sứ mũi lõ nước ngoài dự tiệc bảy ngày bảy đêm. Cho tụi bây ăn tới chết còn không hết! Trong các món ăn đó có món gọi là sâm thử. Thử là con chuột bạch. Ba đời nuôi bằng sâm Cao Ly. Đời ông bà nội chuột, đời ba má chuột rồi đời con. Ăn toàn sâm chớ không có thứ gì khác! Ăn ba đời mới tới bả ăn. (Dân quê mình cũng ăn thịt chuột nhưng chuột đồng chứ không phải chuột cống. Chuột nấu canh chua, xào sả ớt để ăn cơm…Ram, khìa… thêm một xị rượu đế là tới bến… rồi chìm luôn tại bến chớ đã quá thì làm sao mà lết đi đâu cho nổi? Dân ăn chuột có nấu nướng đàng hoàng còn bà Từ Hy Thái Hậu nầy ăn chuột sâm nhưng chuột còn sống. Chuột còn đỏ hỏn đặt trên đĩa, ‘bả’ đưa vô miệng cắn cái bụp. Con chuột kêu chít chít. Mấy ông Đại Sứ mũi lõ nhìn thấy… thiếu điều chết giấc! Vậy mà bả nói: “Nị ăn đi! Ăn đi bổ lắm đó! Chính vì vậy, sáu chục rồi mà ngộ trông giống bốn mươi cái xuân xanh vậy đó! He he!”

Dù ăn tùm lum tà la do mấy thằng khùng xúi bậy nhưng vua sợ chết lắm nha, (giống tui, tui cũng vậy!), nên một món dù ‘quan bếp’ nấu ngon chí tử… Vua cũng ‘quằm’ không quá ba muỗng. Đó là vua Tàu, còn vua Ta, dù nước nhỏ hơn nhưng ăn bạo cũng không kém! Hồi xưa vua nào lên ngôi là cứ sai sứ qua Thiên triều đóng mộc An Nam quốc vương. Hèn thế! Giờ cũng vậy! Nhưng mục ‘ăn’ hả? Tiểu đệ với đại ca ‘đua’!
Triều Nguyễn, Vua Minh Mạng… nội cái đám lăng xăng nấu ăn là từ 50 đến 100 ông, bà… nghĩa là cả một, hai đại đội chỉ lo bếp núc, hầu hạ cho vua ăn thôi?!
Nấu ăn, phạm sơ suất nhỏ như đồ vua kiêng vì dị ứng, như đậu phộng chẳng hạn mà cứ nấu dâng; để tối vua gãi trầy da tróc vảy là bị đưa mông ra cho lính quánh 100 trượng! Làm đồ ăn không sạch là 60 trượng. Quánh kiểu nầy là chết (cha) ‘quan’ đầu bếp?!!
Trong khi đó nấu nhà hàng lỡ có gì thì bị ‘cáo sồ’ nó phạt; nó rút giấy phép rồi thôi! Xui rủi nhứt là có khách hàng bị Tào Tháo rượt đến nỗi phải đi chầu ông bà ông vải thì bảo hiểm nó thường. Mình đóng cửa nhà hàng nầy lấy tên con vợ ra mở nhà hàng khác… rồi ‘phục vụ’ tiếp!  Chừng nào có thằng khác trúng độc chết… rồi hẵng hay! Vì làm nhà hàng dù cực trần thân; nhưng một vốn ba bốn lời ai hổng ham!
Còn nấu cho vua ăn, ổng ăn bằng miệng mà mông mình cũng ăn nhưng ‘ăn…đòn’! Thiệt là hổng ham chút nào!
Và cũng theo lịch sử thì vua Gia Long ăn uống giản dị nhứt.
Ông không uống rượu, chỉ ăn ít thịt, cá, cơm rau. Khi vua xơi, vua cũng hổng cho hoàng hậu ngồi cùng bàn! Chắc ‘bả’ hổng chịu vì làm vua mà ăn uống kham khổ quá vậy tâu Bệ Hạ!
Vua Gia Long, Nguyễn Ánh, đi chinh chiến bị Nguyễn Huệ rượt chạy tới chạy lui đã quen nên chắc cũng quen… ăn theo kiểu lính?!
Nhưng cháu chít ông, vua Đồng Khánh thì rất rắc rối! Ăn cơm ngày 3 lần, mỗi bữa có 50 món khác nhau do 50 người đầu bếp phụ trách. Vua ngồi vua ăn thì 5 cung nữ được vua sủng ái, ban cho… được quỳ gối… hầu cơm Đức kim thượng. Hết nói!
Vì quan niệm ăn gì bổ nấy nên vua ‘xơi’ gân nai, bổ dương; hải sâm, bổ âm tráng dương; chim sẻ, tráng dương bổ thận; lươn, thông kinh hoạt lạc; thỏ, ba ba bổ huyết, cường dương...

Chính vì vậy mà Thủ Tướng Ngô Đình Diệm khi trưng cầu dân ý năm 54 đã đề ra khẩu hiệu là ‘bài phong đả thực’. Vì phong kiến và thực dân đều ăn; ăn quá xá! ‘Bài, đả’ là phải quá rồi!
Mà lịch sử cũng cho thấy khi làm Tổng Thống rồi, ông Ngô Đình Diệm cũng ăn uống đạm bạc lắm. Mà chắc vì vậy nên dân chúng miền Nam thời Đệ Nhứt Cộng Hòa mới no đủ.

Rút ra cái kết luận là: lãnh đạo ăn ít; thì dân ăn nhiều. Mà lãnh đạo ăn nhiều là dân ăn cỏ. Như nước Bắc Triều Tiên chẳng hạn.
Còn vua ăn bạo và quan ăn hỗn luôn thì trước sau gì cũng loạn lạc. Trung Quốc và Việt Nam cũng rứa! Chính vì biết vậy nên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải xếp hàng mua bánh bao tại một tiệm ăn ở Bắc Kinh. Ông Tập ghé qua quán ăn Qingfeng nổi tiếng ở Bắc Kinh vào ngày 28.12. 2013, móc túi mình ra, mua bánh bao, một đĩa rau và lòng heo xào để ăn trưa.
Tập tốn hết 21 nhân dân tệ (3.5 USD). Báo chí nhà nước Tàu đánh phèng la ỏm tỏi mà rằng: ông Tập không hề thông báo trước khi đến quán, đứng xếp hàng như dân ngu khu đen, lấy phần mình rồi ra bàn ngồi ăn. Dân Tàu ngạc nhiên há hốc mồm ra, nhìn lom lom… rồi khoái! Vì xưa giờ đâu có thằng cha tai to mặt lớn nào mà làm như vậy đâu!
Tuy nhiên cũng có mấy chú Tào Tháo đa nghi nói: Tập Cận Bình diễn tuồng! Mấy “diễn viên” thực khách trong nhà hàng là cận vệ của ông ta đấy mà. Dám lắm đa! Tàu ‘khựa’ bựa lắm ai tin nó cho được?!
Chuyện ăn uống có vẻ bình dân nầy cũng chưa chắc là ‘Trùm’Trung Quốc có quan tâm sâu sát tới dân ngu khu đen đâu. Đừng có vội mừng mà hụt!
Một số khác cho rằng Tập Cận Bình bắt chước thằng đế quốc Mỹ. Bắt chước Phó Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew đi ăn những món ăn dân dã ở Bắc Kinh trong chuyến viếng thăm Trung Quốc mới đây.
Bộ trưởng Jacob Lew ăn hết 109 nhân dân tệ (17.5 USD) trong bữa ăn trưa ngày 20 tháng 3 năm 2013.
Một người Hoa nói rằng hai tay Đế Quốc Mỹ nầy kịch nhưng cũng kèm theo một cú đá giò lái ‘lãnh đạo Đảng ta’ là: “chúng tôi chưa thấy vở kịch nào tương tự ở các vị quan chức Trung Quốc cả?!”
“Các quan chức Trung Quốc nên xem buổi ăn trưa khiêm tốn của các chính khách người Mỹ này là một bài học. Họ bỏ tiền túi ra; trong khi các quan chức Trung Quốc xài hàng chục ngàn nhân dân tệ tiền dân đóng thuế chỉ để ăn bữa trưa”,
Tờ ‘China Daily’ của Trung Quốc ngày 22.12.2012 từng đưa thông tin cho biết các bữa tiệc chiêu đãi quan chức quốc phòng cấp cao nước này sẽ không được phép có những món “sơn hào hải vị” để phòng chống tham nhũng. Nghĩa là sao? Nghĩa là có ăn hối lộ thì cất tiền cho kỹ trong túi áo khỉ của á xẩm ở nhà còn mấy chú đem ra ăn nhậu công khai lộ liễu như thế nầy thì tao cho mầy chết! Ngộ ‘tả’ nị à!
Báo đài nhà nước Trung cộng gần đây, nêu gương ‘người tốt việc tốt’ bằng cách ‘ca’ ông Tập Cận Bình chỉ ăn “bốn món và một chén canh” trong các chuyến vi hành xem dân cho biết sự tình!

Thưa quý độc giả thân mến!
Dù ông Tập có ăn sơn hào hải vị hay ăn ở quán cơm xã hội đi chăng nữa thì người viết cũng không ‘ke’. Chút đỉnh mà xính xái đi. Tốn vài trăm lượng bạc cho một bữa ăn của Chánh vì Vương thì nói thiệt đất nước Tàu cũng không có mạt! Ăn uống tẩm bổ mới có sức mà phục vụ ‘bà xã’ và nhân dân chứ! Phải không? Bắt ông ‘vua’ ăn uống như ‘dân’ mà làm việc nước? Làm việc nước là khổ, là cực lắm đó?!…

Chánh vì Vương, ông ăn gì cũng được (who cares?) xin đừng ăn cướp đất liền: thác Bản Giốc, biển đảo: Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là OK Salem!

đoàn xuân thu

melbourne.

 

 

“Xin Phò Mã nên bảo trọng!”

  dxt_feb23.jpg

Mấy bữa nay báo chí trong nước và báo chí phương Tây đồng loạt đưa tin: một tiệm bán Big Mac và Happy Meal của McDonald’s sẽ mở cửa tại bùng binh đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Điện Biên Phủ (trước 75 là đường Phan Thanh Giản) phường Đa Kao, quận 1, bán cho bà con cô bác, ông già bà lão thanh niên phụ nữ và kể cả mấy đứa con nít! Không cần phân biệt lý lịch là quốc gia hay VC gì ráo trọi! Có tiền là OK!

Nói chuyện McDonald’s nhảy vào Việt Nam là mới. Còn ở cái thủ phủ Melbourne, bang Victoria, Úc Châu nầy là chuyện xưa tích cũ. Đâu đâu cũng có McDonald’s! Phường nào cũng có, xã nào cũng có… kể cả nơi thâm sơn cùng cốc. Cái logo, huy hiệu, chữ M cách điệu, to tổ bố màu vàng trên nền đỏ giống cái mông chổng ngược, thiệt tượng hình hết biết!

Người viết đôi khi chở đứa cháu nội trên xe còn nhỏ tí, chưa biết nói, mà mỗi lần chạy qua tiệm McDonald’s là nó chỉ vào la ‘é é’ đòi ăn chớ! Ăn nhiều thì mập thù lu như cái lu nên người viết ít khi ghé, chạy luôn! Nó khóc bù lu bù loa mới khổ cái thân già. Phải dụ khị nó: “Nín đi! Về nhà ông cháu mình ăn phở hé!”

Cùng tâm sự với người viết là bà con xứ Úc này ở dãy Dandenong, tuốt trong rừng, biểu tình không cho McDonald’s mở tiệm mới gần trường tiểu học và mẫu giáo Tecoma, nhìn ra công viên quốc gia của dãy Dandenong (the Dandenong Ranges National Park) dù mấy ‘giả’ dụ khị rằng cho tui mở buôn bán đi, có việc làm cho cư dân sở tại, tui có tiền lời, tui cho mấy ông ‘cáo xồ’ tiền… để ủng hộ thể dục thể thao nha! Hỏng có mập lù đâu mà sợ! Nhưng cư dân sở tại nhứt định nói: “No way!” (Cách chi!)

Trở lại cái cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s của Mỹ lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, ở Sài Gòn, với 350 chỗ ngồi chính thức mở cửa đón khách từ ngày Thứ Bảy 8 tháng 2, 2014.

Thức ăn nhanh (fast-food) nầy nói cho dễ hiểu là nó bán bánh mì kẹp thịt kiểu Mỹ, mua rồi cầm tay ăn, cho nó nhanh. Vậy thôi! Nó cũng giống như xe bán bánh mì thịt trên đường phố của bà con miền Nam mình thuở trước. Rẻ, ngon, và gọn! Nhưng với Mỹ mà, nó rườm rà hoa lá cành hơn!

Cái cửa hàng nầy khai trương, buôn bán ì xèo, lại là cái biểu tượng cho tình nồng thắm giữa tư bản Mỹ và Cộng Sản Việt Nam… sau một trận ‘quánh’ nhau đôi bên u đầu sứt trán mấy thập niên trước… nên mấy hãng thông tấn nước ngoài đều đồng loạt đưa tin như: CNN, CBS, Reuters, VOA và BBC.

Chuyện nầy mấy ông Tây, ông Mỹ ngạc nhiên chứ mấy ông thầy bói nhà mình biết từ khuya. Mấy thầy đã từng phán rằng ‘Mã quy là Mỹ qua!’ vì McDonald’s cũng như ‘Cô ca rồi Cô la’ là tượng trưng cho nước Mỹ. Nhớ xưa chèo xuồng chống Mỹ, bốn chục năm sau, giờ không chèo xuồng ba lá nữa mà cỡi con ‘Mẹc’ (Mercedes) đi ăn McDonald’s! He he!

‘Mã quy là Mỹ qua!’. Mà Mã cũng là ngọ. Năm nay là Giáp Ngọ nữa! Bà con thấy chưa thầy bói nói y như kinh vậy mà xưa giờ bà con cứ xăm xỉa mấy chiêm tinh gia là ‘bói ra ma; quét nhà ra rác’ nhá!

Việc đổ bộ của McDonald’s lần nầy không phải như là quân Mỹ đổ bộ vào cửa biển Đà Nẳng năm xưa để quánh nhau đâu…Mà rầm rầm rộ rộ đổ bộ để kiếm tiền! Hỏng cần B52 hộ tống nữa! He he!

Vậy mà có lão đồng chí, chưa thức thời, hỏi ngặt: “Ủa mấy ‘cha’ tính tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội rồi chủ nghĩa cộng sản đại đồng. Còn chủ nghĩa tư bản đang giãy đành đạch để chết thì cho tụi nó chết luôn đi. Cho nó vô chi vậy mấy ‘cha’? Nó kiếm được tiền; nó sống dai lắm đó… rồi nó bóc lột và bóc lủm dân mình luôn sao hả?”

(Thôi mấy lão đồng chí ơi! Thời mấy ông xưa rồi! Già cúp bình thiếc thì đừng tiếc nữa mà chi há!)

Thời nầy là thời của ông Nguyễn Bảo Hoàng, tự Henry, Việt kiều Mỹ, giám đốc công ty Good Day Hospitality, con rể của đương kim thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, chồng bà Nguyễn Thanh Phượng, chính là người rước ‘Mã quy’!

Do đó McDonald’s vô… là Mỹ qua rồi bà con ơi! Ai lỡ còn giữ chiếc xuồng năm xưa chèo chống Mỹ giờ làm ơn chẻ ra làm củi chụm dùm… kẻo chú Sam thấy… giận, hỏng chịu cho tui nhượng quyền để mở McDonald’s là tui hỏng có đô la! ‘Đồng đô la Mỹ không có tổ quốc mà!’ Nên bàn chuyện xưa tích cũ có ích lợi gì đâu chớ?!

Phò Mã Henry Nguyễn nói: đưa McDonald’s vào Việt Nam là ước mơ suốt mười năm qua, nay mới thành ‘hiện thực’. Đầu xuôi đuôi lọt! Cái đầu mà làm ăn khấm khá là sẽ lần lượt mở thêm 100 tiệm McDonald’s tại Việt Nam trong vòng mười năm tới. Nghe phát ham!

Bán ngày không đủ tranh thủ bán suốt đêm luôn, 24/24… Cửa hàng McDonald’s đầu tiên tại Việt Nam còn chơi luôn dịch vụ “Drive-thru” mua hàng không cần đậu xe. Khách hàng ngồi trên xe của mình, gọi qua ‘micro’ các món ăn và đồ uống mình muốn rồi ngồi trên xe nhận hàng ở một cửa sổ bên hông tiệm y như Mỹ và Úc vậy nha! Văn minh tân tiến rồi chớ hỏng lạc hậu đâu nha! Đừng có chê!

Còn nhân viên phục vụ là không có ‘lề mề, rề rề’ đâu… Đã đi học việc tại McDonald’s ở Philippines, ở Australia… về đó!

Phục vụ đã xịn, mà muốn bán đắt là cần nhiều thứ nữa. Trước hết là phải thay đổi thực đơn, khác với bên Mỹ, cho thích hợp với khẩu vị của thượng đế Việt Nam nên Henry chế thêm cái món ‘McPork’, bánh mì kẹp thịt heo thay vì thịt bò… Vì dân VN, già trẻ gái trai đều khoái ăn thịt heo hết ráo!

Tuy mấy nhà dinh dưỡng học từ lâu chê thức ăn nhanh của Mc Donald’s là quá nhiều mỡ, nhiều đường, nhiều muối nên có hại cho sức khỏe những người bị bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh cao huyết áp.

Nhưng ông chủ tiệm Henry thì hỏng nhắm vào ông già bà lão mà chi! Già ăn hỏng bao nhiêu mà còn nhiều chuyện?! Phò Mã nói rằng McDoanld’s sẽ hút khách con nít vì chính là nơi lý tưởng để tổ chức những bữa tiệc sinh nhật hoành tráng của con cháu các cụ cả! Ổng nhắm vào cái thế hệ vàng của Việt Nam ‘golden generation’. Dụ được thế hệ ‘vàng’ nầy là ‘vàng’ đỏ tay luôn, là khẳm địa!

Thiệt Phò Mã Henry là một con người thông minh, quyền biến! Không hổ danh là có tía làm lớn thời VNCH, chạy sớm, học giỏi ở trường Harvard! Từ bác sĩ qua thương gia, rồi làm Phò Mã! Cái gì cũng giỏi hết ráo! Chớ không ‘lờ khờ’ như chú Ba trong chuyện dưới đây:

Vùng bắc Melbourne, như Coburg hay Broadmeadows đa số di dân từ Trung Đông hay Thổ Nhĩ Kỳ nên theo đạo Hồi. Mà đạo Hồi cấm tín đồ ăn thịt heo. Ăn thịt trừu thì được! Nhưng trước khi xẻ thịt, phải đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn. Thịt đó gọi là halal meat.

Chú Ba, người Tàu, lại khoái ăn thịt heo, mà không chịu nghiên cứu thị trường gì ráo trọi, mở đại cửa hàng bán thịt heo ở khu nói trên. Nhưng bán ế quá chừng mà hỏng hiểu lý do tại sao? Nhìn qua cái tiệm bên cạnh của ông Hồi Giáo rậm râu, quảng cáo halal meat, khách vô ra nườm nượp nên chú Ba bắt chước theo, hạ cái bảng hiệu của mình xuống, thêm vào chữ ‘Halal Pork!’ Ha ha!

Phò Mã Henry cũng giỏi quảng cáo, mà chữ bây giờ gọi là tiếp thị! Ngoài ra, Phò Mã còn giao thiệp rộng và đầy thế lực! Ngày khai trương cái cửa hàng so với Tây, U thì nó nhỏ như cái lỗ mũi… mà Đại Sứ Mỹ, David Shear, phải cất công từ Hà Nội bay vô để cùng bà Phó Thành Phố Nguyễn thị Hồng đến ăn Big Mac và Happy Meal thôi!

Thiên hạ thấy tiệm bán bánh mì kẹp thịt mà sao lính gác đầy đường? Nên tò mò, xúm lại coi; rồi sắp hàng vô mua nườm nượp như đi giựt đồ cúng cô hồn tháng bảy. Làm Phò Mã tiếp quan khách xong, phải đích thân đứng làm cảnh sát giao thông, hướng dẫn bà con chạy xe gắn máy, drive-thru, mua về nhà xực! Phải đích thân, cành vàng lá ngọc, ra mà giữ trật tự cho hàng nghìn người Sài Gòn đã xếp hàng để chờ mua và thưởng thức món ‘fast-food’ của Huê Kỳ!

Phóng viên hãng AFP thấy vui vui cũng chạy lại lấy tin! Y phỏng vấn một chú nhỏ tên hỏng có bỏ dấu là: Nguyen Hoang Long, 25, mà hỏng biết chú nhỏ nầy có phải là Việt Nam hông mà trả lời tréo bảng họng rằng: “I like fast-food. I don't like Vietnamese food. I don't like fish sauce!” “Tui khoái thức ăn nhanh. Tui không khoái thức ăn Việt. Tui không khoái nước mắm!” Hết ý kiến và miễn bình loạn!

Phò Mã thấy nhà báo; bèn quảng cáo luôn: mới 22 tháng tuổi là tía, má đã bồng, ẵm… vọt luôn qua Mỹ vì VC nó vô tới Sài Gòn. Lên 4 tuổi, được ăn cái Big Mac đầu tiên trong đời sao mà quá đã! Ngon ơi là ngon!

Người viết cũng có thằng cu’ trạc tuổi Phò Mã Henry. Bởi tía nó một lòng tin tưởng ‘Nguyễn tông tông’ nên hông chịu… chạy , do vậy cách chi mà có McDonald’s cho thằng nhỏ ăn nên phải ăn bo bo là thức ăn dành cho bò lúc đó. Và chắc cũng chính vì vậy mà lớn lên thằng nhỏ khoái chăn bò và khoái uống sữa bò! Hu hu!Ha ha!

Vì khoái ăn Big Mac nên năm lên 14 tuổi, Henry xin vào chiên khoai tây và bán cho McDonald’s… Rồi đêm nhớ về Sài Gòn… thầm mơ ngày nào đó sẽ làm chủ một tiệm McDonald’s bán cho con, cho cháu mấy đứa đã từng rượt tía má và tui chạy te năm ấy ăn chơi! Để trước là dĩ hòa vi quý; sau là kiếm tiền bỏ vô áo khỉ vợ nhà! He he!

Cái thị trường ‘ăn’ của 90 triệu dân nầy lớn lắm nha mà đa số đều trẻ, khỏe… ‘khoái ăn sang’ xin đừng hiểu lầm là ‘sáng ăn khoai’ mà nên hiểu là khoái ăn Big Mac hay Happy Meal… cho nó oai dù nó hỏng rẻ chút nào. Một tô phở có một đô rưỡi, một cái Big Mac mắc gần gấp đôi, 2 đô 85 xu! Nhưng có hề gì! ‘Made in USA’ là phải mắc chớ! Phải không?

Mở một cái tiệm bán đồ ăn nhanh tưởng dễ lắm sao? Hỏng dễ đâu nha! Nghiên cứu dữ lắm đó! Phò Mã còn thêm là: dân 90 triệu! Mỗi năm, mỗi đứa cũng kiếm được 1500 đô Mỹ… Muốn móc tiền túi của đứa nào là mình phải biết trong túi nó có bao nhiêu chớ? Nó có tiền nó sẽ ăn thôi!

Phục vụ khách hàng hết lòng nên Phò Mã còn hướng dẫn tận tường thêm về cách ăn ‘fast food’ kẻo bà con mình hỏng biết! Ăn McDonald’s là lấy tay mà cầm, đưa vô miệng mà xực! Phò Mã than phiền: vậy mà có ‘cha’ nhiếp ảnh Tây ‘láu cá’ nào đó chụp cái hình cái bánh mì kẹp thịt McDonald’s nằm gọn lỏn trong cái chén kề bên đôi đũa. Y, dốt, hỏng hiểu khách hàng Việt Nam của tui gì hết ráo. Ăn cơm bằng chén đũa là phải rồi. Còn ăn bánh xèo, bánh mì là tụi tui cũng dùng tay mà bốc láng. Cái hình nầy chỉ mấy tay Nhựt Bổn mới đúng chớ. Chính vì dân Nhựt hỏng chịu ‘xơi’ bằng tay nên mấy tiệm McDonald’s ở Đông Kinh vắng như Chùa Bà Đanh thấy hông? Làm ăn mà chuẩn bị kỹ càng như Phò Mã nói thì thành công là cái chắc!

Ông bạn văn nghe người ta thức thời, đón gió như vậy cũng nôn… Ổng nói với người viết rằng: “Bấy lâu nay tui lo viết bài ‘cổ xúy’ dân chủ, tự do, nhân quyền cho bà con mình trong nước mà hỏng ăn thua gì! Thôi tui bẻ bút đi về Việt Nam làm ‘bí-zi-net’ để kiếm tiền. À! Tui về mở tiệm bán cân, kế bên tiệm của Phò Mã. Vì bà con ăn Big Mac, Happy Meal rồi sẽ mập thù lù như cái lu! Sẽ bị tiểu đường, mỡ máu hết trơn thì phải cần mua cân, cân thử để mà tốp tốp lại chớ!”

Ý hay nhưng làm ăn cho đàng hoàng nha! Nhớđừng bán cân dỏm ‘Made in China’; người ta mới leo lên là gãy mẹ cái lò xò, kim không nhúc nhích thì nó nổi khùng lên nó quánh không còn cái răng mà ăn cháo!

Còn với Phò Mã, ông bạn văn cũng khuyên ngược lại rằng: “Mình là chủ, tính mở tới 100 tiệm làm sao lo cho xuể. Phải mướn quản đốc cửa hàng nhưng phải coi chừng! Coi nó có làm bằng thịt bò Úc chánh tông hay không? Chớ đừng ham lời mà ‘chơi’ thịt ngựa như mấy thằng ở Liên Âu năm rồi! Bán nói bò mà dò ra là ngựa! Khách‘quạu’, nó dợt Henry (Hăng-ri) thành Hăng-rết, là hết cả răng đó!

Kiếm tiền, để ăn, mà ăn là phải có hàm răng cho tốt!

“Xin Phò Mã nên bảo trọng!”

 

đoàn xuân thu.

Melbourne

 

 

Chuyện của ‘đồng chí’ Zhivago!

dxt_Feb17_zivaro.jpg Chuyện xảy ra cuối năm ở một hợp tác xã trồng khoai tây ở cách thủ đô Mạc Tư Khoa ngàn dặm, hồi còn mồ ma đảng Cộng Sản Liên Xô!

Cuối năm, mùa đông nước Nga lạnh run luôn; vì tuyết rơi nhiều quá! Nhiệt độ ngoài trời là âm độ! Bà con xã viên nghỉ; không phải ra đồng! Ở nhà, đói meo, không có việc gì làm nên có ông chồng ốm nhom, ốm nhách nằm ôm bà vợ ốm tong, ốm teo trong tấm chăn rách cho đỡ lạnh!

Riêng Zhivago thì co ro ngồi với  Tonya, vợ mình, bên ấm samovar, uống trà suông! Đồ ăn trong nhà mấy ngày nay sạch bách, không còn gì cả! Mấy đứa nhỏ phải lội tuyết ra đồng, cắt mót trộm dây khoai về luộc chấm ăn với muối thì:

“A lô! A lô! Yêu cầu bà con xã viên tụ tập ở hội trường hợp tác xã vào giữa trưa nghe ban chủ nhiệm tổng kết thành tích xuất sắc của một năm hoạt động. Có chiêu đãi đặc biệt! Có chiêu đãi đặc biệt! A lô! A lô!”

Bà con xã viên không ai muốn đến hội trường hợp tác xã làm gì. Chỉ để nghe bọn chúng tào lao, bốc phét! Bụng đói meo! Cơ hàn quá mà! Đói chừng nào lạnh run chừng ấy! Không đi, ở nhà, Zhivago buồn buồn lên giường nằm gần cái lò sưởi 37 độ rưỡi hiệu ‘‘Tonya’ nầy ấm hơn!   

Nhưng nghe “chiêu đãi đặc biệt! chiêu đãi đặc biệt!” Zhivago sáng mắt lên, đứng dậy, tặc lưỡi nói với Tonya: “Thôi kệ! Để anh lội tuyết đến coi mấy đồng chí trong ban chủ nhiệm chiêu đãi được cái gì nào? Hy vọng gia đình mình còn có cái bỏ vào mồm cho đỡ cồn cào gan ruột. May mà có tí vodka thấm giọng thì đã lắm! Hổng đi! Sợ ban chủ nhiệm tụi nó ‘ăn’ hết phần của nhà mình!”

Nói xong, Zhivago trùm kín mặt mũi, chỉ chừa có hai con mắt, lội tuyết lẹp bẹp đến dự cuộc họp cuối năm.

Bước vào hội trường thì bà con xã viên mỗi người trên tay cầm một củ khoai tây luộc còn bốc khói, đưa lên miệng nhai ngồm ngoàm vừa nói chuyện rôm rả vui như Tết!

Zhivago nhập bọn, được các đồng chí anh nuôi, chị nuôi ‘thân mến’ phát cho ba củ khoai tây luộc và một cút rượu vodka cho ấm lòng (cựu chiến sĩ ‘Hồng quân’ đã từng anh dũng ‘quánh’ tan quân Bạch vệ) trong ngày đông lạnh lẽo!

Trên sân khấu, diễn viên là ban chủ nhiệm hợp tác xã gồm cả chục mống vừa đảng viên, vừa cảm tình đảng!  Mấy ‘chức sắc’ nầy đang hưởng tiêu chuẩn lãnh đạo! Mồm nhai ngồm ngoàm thịt trừu xông khói với khoai tây nghiền, chan nước sốt! Còn có chừng chục chai vodka, mỗi chai dễ chừng cả lít nằm sóng sánh trên bàn chủ tọa! Đã nhé!

Xong bữa! Đồng chí bí thơ chi bộ kiêm chủ nhiệm hợp tác xã khoai tây quẹt mỏ; đứng lên phát biểu tổng kết.

“Thưa bà con xã viên! Năm rồi hợp tác xã ta không hoàn thành được chỉ tiêu kế hoạch đề ra vì thiên tai! Mùa hè thì hạn, thiếu nước; mùa đông thì sương giá! Bởi vậy cho nên khoai của hợp tác xã ta ‘tốt dây mà không tốt củ!’

Nhưng xin đồng bào đừng có lo! Kế hoạch năm tới là chúng ta sẽ xin đồng chí Lenin kính mến cấp cho chúng ta một chiếc phi cơ!”

Xã viên ào ào, nhao nhao lên có ý kiến.

“Tui đề nghị đồng chí bí thơ kiêm chủ nhiệm hợp tác xã xin đồng chí Lenin cấp cho chúng ta vài tấn khoai tây để ăn trong mùa giáp hạt cho đỡ đói đi! Xin phi cơ làm gì?”

Đồng chí bí thơ trả lời: “Ậy ậy! Các đồng chí biết một mà không biết hai. Sự thực là hợp tác xã chúng ta cần khoai tây thiệt! Không có thì chết đói cả đám. Mà khoai tây thì ở Mạc Tư Khoa mới có. Từ đây tới thủ đô xa lắm! Sợ khoai về không kịp bằng đường bộ hay đường thủy mà mình chết đói hết ráo rồi; nên tui xin đồng chí Lenin kính yêu một chiếc phi cơ để chở khoai tây về cho lẹ mà!

Bà con xã viên nghe vậy vỗ tay ào ào như sấm! Tưởng được đồng bào hoan hô cao kiến của mình, nên đồng chí bí thơ hỉnh mũi lên trời hích hích! Ai dè đồng bào vỗ tay cho bớt lạnh!

Zhivago nhìn lên bàn chủ tọa thấy mấy đứa đảng viên trong ban chủ nhiệm đứa nào cũng béo tốt hết! Hợp tác xã làm ăn thua bại, lỗ lã, nợ ngập đầu mà bọn chúng mặt cứ phởn ra và cằm có nọng!

Zhivago ‘ngộ’ ra rằng: Muốn ăn nhậu thả giàn bằng tiền của thiên hạ và vợ con mình khỏi chết đói thì phải xin gia nhập vào đảng Cộng Sản Liên Xô mới được!

Nói là làm. Về nhà, Zhivago ngồi nắn nót cả buổi mới điền xong cái đơn xin vào đảng.

Theo đúng trình tự kết nạp đảng viên;  đồng chí bí thơ chi bộ kiêm chủ nhiệm hợp tác xã mời xã viên Zhivago lên phỏng vấn.

- Đồng chí Zhivago, đồng chí có hút thuốc không?

- Thưa có! Ngày vài điếu!

- Đồng chí có biết là lãnh tụ Lenin không hút điếu nào! Mà còn khuyên các đồng chí khác đừng hút thuốc?

- Nếu đồng chí Lenin nói thế thì tui sẽ bỏ hút thuốc!

- Đồng chí có nhậu nhẹt không?

- Cũng có chút chút! Với bạn bè!

- Lãnh tụ Lenin phê phán việc say xỉn dữ lắm!

- Thế thì tui sẽ bỏ rượu!

- Còn về gái gú?

- Cũng có chút đỉnh!

- Đồng chí có biết là lãnh tụ Lenin phê phán vụ gái gú, chân dài, bia ôm nầy dữ lắm không?

- Nếu đồng chí Lenin phê phán tui sẽ bỏ; không đi uống bia ôm nữa!

- Nầy! đồng chí Zhivago! Đồng chí có sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đảng ta không?

- Dĩ nhiên rồi! Tôi sẵn sàng chết cho đảng ta! Vì sống như vậy thì sống làm (mẹ) gì! Chết còn sướng hơn!

đoàn xuân thu

melbourne

 

 

Những ánh sao băng vì ma túy!

  dxt_feb13_heroine.jpg

 

Trong buổi chiều mùa đông ảm đạm ngày 5 tháng 2 năm 2014, Linh mục Jim Martin đã dẫn đầu một đám đông hàng trăm người cùng thắp nến cầu nguyện bên ngoài công ty ở New York, nơi tài tử màn bạc Philip Seymour Hoffman từng làm giám đốc nghệ thuật.

Ông phát biểu: “Chúng ta đến đây để chia sẻ nỗi mất mát lớn lao nầy; để tưởng nhớ một con người tài hoa với một cuộc sống phi thường. Chúng ta không thể tin được bi kịch nầy đã xảy ra với nỗi đau buồn tràn ngập!”

 

Tài tử màn bạc Philip Seymour Hoffman được phát hiện đã chết tại một căn hộ ở làng Greenwich, khu Manhattan, New York hôm 2 tháng 2. Nguyên nhân chính xác gây ra cái chết của nam diễn viên lừng danh từng đoạt giải Oscar vào năm 2006, trong vai Truman Capote trong phim Capote, vẫn còn phải chờ kết quả khám nghiệm hậu tử sau cùng.

Philip Seymour Hoffman, mặc áo T-shirt và quần short, nằm chết trên sàn phòng tắm. Cảnh Sát phát hiện tại hiện trường năm bì thơ đựng heroin đã xài hết còn vương vẫy khắp nhà.

“Rõ ràng là Hoffman đã chích heroin quá liều” Một nhân viên điều tra nói với tờ New York Times. “Ống chích vẫn còn ghim vào cánh tay ông ấy!”

Philip Seymour Hoffman, có ba con, đã ‘chơi’ heroin suốt 23 năm và tình nguyện vào trung tâm cai nghiện năm rồi. Tuy nhiên điều đó cũng không cứu được mạng sống của ông.

Một ngày trước khi thiệt mạng, tài tử Philip Seymour Hoffman đã rút 1200 đô từ máy rút tiền. Nhân viên điều tra thấy có tới 70 túi nhỏ đựng heroin trong căn phòng của ông.

Thân nhân cho biết Philip Seymour Hoffman sẽ được chôn cất trong một tang lễ được tổ chức ở New York; chỉ dành riêng cho gia đình và bạn bè trong tháng 2 này.

Hôm 4 tháng 2, cảnh sát New York đã bắt giữ 3 người đàn ông và 1 người phụ nữ có thể đã liên quan đến 70 gói ma túy tìm thấy ở nhà Philip. Trung sĩ cảnh sát New York, Thomas Antonetti, cho biết 4 người bị bắt gồm: Robert Vineberg, 57 tuổi; Thomas Cushman, 48 tuổi; Max Rosenblum and Juliana Luchkiw, cùng 22 tuổi. Tất cả đều bị buộc tội tàng trữ ma túy.

 

Thành phố New York ngày nay đã trở thành trung tâm tiêu thụ heroin. Đa số heroin đến từ phía Tây Nam Hoa Kỳ, giáp với Mexico, nơi có những đường hầm bí mật đào xuyên qua biên giới. Rồi sau đó heroin được vận chuyển bằng xe nhà, xe tải, hay mang theo trong người bằng đường hàng không đến New York. Số heroin bị tịch thu ở biên giới giáp ranh Mexico tăng chóng mặt lên 300 phần trăm trong vòng 4 năm. Ma túy lan tràn khắp nơi ở New York! Ngay cả hôm tranh chung kết bóng bầu dục Mỹ gọi là Super Bowl, thứ hai 3 tháng 2 tại MetLife Stadium, East Rutherford, New Jersey, nhân viên bài trừ ma túy đã tịch thu được những túi nhỏ đựng heroin, có in huy hiệu ‘NFL’.

Những tay bán lẻ ma túy ở New York thường quảng cáo với các con nghiện rằng: “Đây là sản phẩm của tôi, tốt hơn của cái thằng đang bán dưới phố đó nha!” “This is my product, this is better than the guy down the street.”

Tiêu thụ heroin nhiều hơn tất nhiên số tử vong vì quá liều cũng tăng lên, thêm 84% vụ chết người liên quan đến heroin trong thành phố New York chỉ trong vòng có 2 năm.

Còn ở Pennsylvania, những tay buôn bán heroin còn đi xa hơn bằng cách trộn thêm thuốc giảm đau fentanyl, 100 lần mạnh hơn so với morphine. Hợp chất heroin và fentanyl gây ra 22 ca xử dụng quá liều chỉ riêng hồi tháng rồi.

 

Một tay nghiện ngập ‘chơi’ heroin cũng giống như chơi trò Russian roulette (Russian roulette là một trò chơi bằng súng lục gây chết người.) Gọi là súng lục (lục là sáu, tiếng Hán Việt) vì nó có 6 ổ đạn, tiếng Pháp gọi là rouleau, đọc là ru lô, nên thường được gọi là súng ru lô. Vì cỡ đạn là .38 caliber nên cũng thường được gọi là súng lục 38.

Khi muốn nạp đạn thì đẩy chốt bên trái, ổ đạn tròn có sáu lỗ tròn sẽ bật sang bên trái . Sáu viên đạn được nạp vào sáu lỗ. Sau khi đã nạp đạn thì đẩy ổ đạn vào bên trong súng. Khi bắn thì bật cò phía sau lên rồi bóp cò. Đầu cò sẽ mổ vào viên đạn nằm ngay trước nòng súng. Sau khi viên đạn bắn đi thì ổ đạn tròn sẽ quay qua một nấc để viên đạn kế tiếp vào nằm ngay trước nòng súng. Người bắn tiếp tục bóp cò để bắn viên đạn kế tiếp. Cứ thế cho đến khi ổ đạn quay hết một vòng thì súng bắn hết sáu viên đạn.

Trong trò Rusian roulette sau khi chỉ nạp một viên đạn vào một trong 6 ổ đạn, tay chơi bạt mạng nầy kê súng vào màng tang hay miệng rồi bóp cò. Người chơi có xác xuất 1 phần 6 sẽ chết!

Chơi ma túy cũng tương tự như vậy; vì người chơi không biết lúc nào mình sẽ bị mất mạng!

Những người buôn bán ma túy thường bớt xén hoặc trộn heroin với các chất khác có vẻ ngoài tương tự nhằm tăng cân nặng để thu thêm lợi nhuận. Các chất trộn thêm này có thể gây tác động khó chịu hoặc tác hại cho người sử dụng. Rất khó để biết được trong hỗn hợp heroin đó cụ thể có những chất gì?

 

Ma túy có rất nhiều loại. Phải là chuyên gia mới mong biết hết được. Dưới đây người viết chỉ xin trình bày rất là sơ lược về heroin mà thôi!

Ai cũng biết xài ma túy quá liều sẽ chết! Số tử vong vì quá liều cứ tăng đều đều từ năm 1970 ở Mỹ. Ai cũng biết heroin có thể giết người nhưng giết như thế nào? Thực ra thuốc giảm đau (painkillers) mới làm người xử dụng chết nhiều hơn là xài heroin và cocaine cộng lại.

Theo ‘the National Institute on Drug Abuse’, năm 2011, có 4,2 triệu người Mỹ từ 11 tuổi trở lên đã thử chơi heroin ít nhứt một lần và 23% số đó trở nên nghiện ngập. Theo Centers for Disease Control, cứ 10 người chơi heroin là một người sẽ chết!

Heroin còn được biết đến với những tên như hàng trắng, bạch phiến... Heroin là một chất ma túy được dùng rất phổ biến; được bán tổng hợp từ morphine, gây độc hại nhiều hơn và gây nghiện nhanh hơn vì chất “ma túy” heroin có tác dụng trên hệ thần kinh trung ương rất nhanh, ngay sau khi chích người nghiện heroin đã có khoái cảm đặc biệt. Heroin có tác dụng làm ức chế, làm giảm hoạt động của não bộ và hệ thống thần kinh trung ương.

Heroin thường ở dạng bột, có mầu sắc khác nhau, phụ thuộc vào độ tinh khiết. Heroin có mầu trắng thường có độ tinh khiết cao hơn so với mầu nâu, hoặc mầu trắng ngà. Heroin thường được sử dụng theo đường tiêm chích, hút, hoặc hít. Heroin hấp thu vào máu và nhanh chóng tác động lên não của người sử dụng.

Khi sử dụng heroin, con nghiện phải liên tục tăng liều heroin để có thể đạt được cảm giác “phê” mà trước đây đã có thể đạt được chỉ với một liều dùng nhỏ.

Heroin còn dùng để hút, hít hoặc ăn. Hút, hít và ăn làm mất đi một số ảnh hưởng nghĩa là ít ‘phê’ hơn là chích. Heroin thường được hòa với nước rồi chích thẳng vào mạch máu vì vậy nó có tác dụng ngay tức thì!

Phương thức hít heroin rất đơn giản, người nghiện bỏ bột heroin lên trên giấy thiếc trong bao thuốc lá, kẹo cao su rồi dùng bật lửa ga đốt bên dưới cho bột heroin “thăng hoa” bốc khói và hít nó vào mũi, có thể người nghiện hít trực tiếp hoặc hít qua ống nhựa, ống tẩu. Sau khi hít xong, người nghiện phải hút thuốc lá hoặc uống cốc nước sôi để “hãm”, chóng “phê” và “phê” thời gian lâu hơn.

Thông thường, người nghiện đầu tiên sử dụng bằng đường hút, hít, sau một thời gian sẽ chuyển sang tiêm chích dưới da, bắp thịt hoặc tĩnh mạch. Đây là nguyên nhân lây nhiễm HIV và căn bệnh AIDS mà hiện nay chưa có cách cứu chữa.

Khi heroin vào cơ thể nó chuyển quá thành morphine. Morphine có cấu trúc hóa học như chất ‘endorphins’ do não tiết ra nhằm giảm cơn đau.

Chất ‘endorphins’ chế ngự những tế bào thần kinh (neurons) không làm cho những tế bào nầy bùng nổ, làm ngừng cơn đau và tạo ra cảm giác sảng khoái.

Hầu hết những người mất mạng vì xử dụng heroin quá liều vì cơ thể của họ quên thở. Heroin làm cho người xử dụng đê mê, hơi buồn ngủ nhưng nếu xài quá liều; nó làm người ta ngủ mê mệt và hệ thống hô hấp ngừng hoạt động. Thường thường khi ngủ cơ thể vẫn còn thở. Trong trường hợp ‘chơi’ quá liều là cơ thể quên thở luôn!

Tác hại của việc lạm dụng heroin là sức khoẻ giảm sút rất nhanh, cơ thể bị suy kiệt, mọi sinh hoạt bị đảo lộn “ngày ngủ, đêm ăn”, lười vệ sinh cá nhân dễ dẫn tới mắc các bệnh nhiễm trùng da, rối loạn dinh dưỡng, viêm đa dây thần kinh…

Rất dễ nhiễm một số bệnh nguy hiểm đến tính mạng như nhiễm trùng máu, tăng huyết áp, vỡ mạch máu não (đột quỵ). Gây ra hội chứng trầm cảm, rối loạn tâm thần. Nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS là do tiêm chích ma túy.

Gây rối loạn nhân cách hành vi: rối loạn lối sống, nếp suy nghĩ, đạo đức bị suy thoái, dần dần người nghiện trở nên thờ ơ với những hứng thú bình thường như: hoài bão ước mơ, học hành, vui chơi giải trí lành mạnh. Thậm chí do nhu cầu sử dụng ma túy ngày càng tăng, nhiều người nghiện trở nên hung hãn, mất tính người.

Giảm và mất khả năng lao động: khi nghiện ma túy, khả năng lao động giảm hoặc mất đi tính chăm chỉ, sự khéo léo, ý thức và kỷ luật lao động, học tập giảm sút, bê trễ trong công việc… Kinh tế sa sút, bị phá sản, gia đình tan vỡ, bị thân nhân từ bỏ.

Rất nhiều người nghiện ma túy liên quan đến trộm cắp, cướp giật, giết người, làm tăng tội phạm hình sự. Nghiện ma túy vừa là nguyên nhân, vừa là điều kiện để phát sinh các tệ nạn xã hội khác như mại dâm, cờ bạc, buôn lậu…

***

Hoffman không phải là ngôi sao điện ảnh đầu tiên qua đời vì lạm dụng chất gây nghiện. Trước ông nhiều người cũng đã chết bởi những chất độc quái quỷ như: heroin, cocaine …

Nhiều ngôi sao ca nhạc, tài tử màn bạc lỡ nghiện ngập ma túy đã ra đi như một ánh sao băng khi tuổi đời còn rất trẻ như: Elvis Presley là vua nhạc Rock and Roll. Người ta tìm thấy ông bất tỉnh trên sàn phòng tắm, vội đưa tới bịnh viện nhưng ông đã chết vì bị ngưng tim do loạn nhịp.  Ông đã xử dụng codein, valium, morphine và demerol . Đó là năm 1977 và Elvis Presley chỉ mới 42 tuổi.

Amy Winehouse nổi tiếng trên thế giới với album ‘Back to Black’ năm 2006.

Mới 24 tuổi đã được đề cử tranh giải Grammy 6 lần. Năm 2005 cuộc đời tươi sáng của cô bị che phủ bởi đám đen nghiệp ngập ma túy và rượu. Cô sụt cân nhanh chóng. Sau đó, dùng cocain và heroin. Đêm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi của mình, Amy Winehouse vừa xem ‘youtube’ những phần trình diễn của chính mình vừa uống rượu. Sáng hôm sau cô không dậy nữa. Hưởng dương 27 tuổi.

Michael Jackson là Vua nhạc Pop, chấm dứt cuộc đời của mình vào ngày 25 tháng 6 năm 2009. Bậc thầy về âm nhạc nầy đã chết trên giường trong nhà khi xài một loại thuốc cực mạnh là ‘anaesthetic propofol’ cho dù ông có hẳn một bác sỉ riêng để canh chừng nhưng cũng không thoát chết. Hưởng dương 50 tuổi!

Whitney Houston chết ở nhà riêng vào tháng 2 năm 2012 khi chỉ mới 47 tuổi vì sử dụng cocain đưa đến trụy tịm; rồi chết ngộp trong buồng tắm.

Danh sách nầy còn rất nhiều, rất dài và trong tương lai sẽ còn dài hơn nữa!

Đây là một vấn nạn toàn cầu. Nước nào cũng bị, cũng có. Từ sự nghiện ngập đưa đến tử vong hay những hệ lụy cho xã hội là: trộm cướp, giết người hay phải bán cả xác thân để thỏa mản cơn nghiện!

Tốt hơn hết là đừng dại dột ‘dính’ vào ma túy! Dính vào rồi dù là Vua nhạc Rock and Roll, Vua nhạc Pop, minh tinh màn bạc gì đi chăng nữa rồi cũng chết.

Chết trẻ như những ánh sao đang rực rỡ trên vòm trời văn nghệ cũng băng vì ma túy! Buồn thay!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Chuyện ngựa!

 
Thưa quý độc giả thân mến!

Trước tiên, người viết xin kính chúc xuân quý độc giả thân thương của bổn báo:

“Năm mới Tết đến. Rước hên vào nhà. Quà cáp bao la. Mọi nhà no đủ. Vàng bạc đầy hũ. Gia chủ phát tài. Già trẻ gái trai. Sum vầy hạnh phúc. Cầu tài chúc phúc. Lộc đến quanh năm. An khang thịnh vượng! Thịnh Vượng cái mà Thịnh Vượng!”

Trước thềm năm mới, năm Giáp Ngọ 2014 nầy, theo ‘Thầy’ phán rằng: ai sanh ra trong năm này thì cuộc đời có nhiều hay đẹp! Có nhiều may mắn về tài lộc cũng như về công danh và sự nghiệp; có phần lên cao vào trung vận, và hậu vận có kết quả tốt. Tóm lại, tuổi Giáp Ngọ có nhiều may mắn suốt cuộc đời!

Nên người viết xin ‘tư vấn’ quý cậu nào chưa vợ thì cưới vợ đi! Quý cô nào chưa chồng thì lấy chồng đi! Sau đó cùng nhau sản xuất ‘bế bi’ cho vui nhà vui cửa!

Và bài viết năm nay cũng không qua thông lệ là: Năm ngọ nói chuyện ngựa!

Trước hết là chuyện ngựa quê nhà, chuyện ngựa của tuổi thơ ‘tui’.
 
dxt_feb5_1.jpgHồi nhỏ đi học tiểu học, ngôi trường làng Trung An, Mỹ Tho, thơ mộng nằm cạnh một dòng sông nhỏ. Người viết ôm cặp đệm, trong đó có nắm xôi, xách bình mực tòn ten cùng hai, ba đứa bạn đi dọc theo hàng cây ‘d. ngựa’ mà Tây trồng dọc theo lề con lộ để đến trường. Suốt một thời thơ ấu con mang theo:

 

Cặp đệm má đương, nắm xôi má nấu, xôi nếp một, bếp bình minh khói toả, đường mía lau thơm, vị ngọt quê nghèo!
 Khi trống trường tan học thì cũng men theo lối cũ, đi về. Những năm năm mươi quê nhà thanh bình yên ắng lắm, trên đường ít xe, ít cộ, không lo tai nạn gì cho mấy đứa nhỏ, học trò. Còn bây giờ trong nước, ra đường sợ lắm, sợ mấy thằng cán bộ nhậu say, lái xe điên trên phố!

Đường vắng, thỉnh thoảng giờ tan học trên đường về, đôi khi có chú Bảy C. (Dà! Viết tên ổng có một chấm lửng cho quý độc giả thân thương thêm vào! Chớ viết luôn, mắc cỡ lắm! Người ta có một là đủ ‘nhột’ rồi mà ông nầy có tới bảy?), đánh xe ra chợ Mỹ. Lâu lâu chú Bảy cho mấy thằng nhỏ, học trò quá giang. Ngồi trên xe ngựa thiệt là khoái! Tiếng gõ nhịp lóc cóc đều đều trên đường nhựa, gió hiu hiu, lâu lâu lại nghe chú Bảy ngọ nghẹ gì đó với con ngựa. Con ngựa ‘hí hí’ đáp lại! Té ra con ngựa cũng biết nghe và biết nói nữa he!

Sau nầy xa quê, xa cái làng Trung An thuở đó, xa luôn tiếng lóc cóc của chiếc xe ngựa ngày nào và xa luôn chú Bảy C.!

Chữ gọi xe ngựa là xe thổ mộ và người đánh xe ngựa là xà ích. Thôi xài chi tiếng khó hiểu. Trong lòng người viết vẫn còn hoài hình ảnh chiếc xe ngựa và chú Bảy C.

Cám ơn chú Bảy đã cho thằng nhỏ quá giang không phải một lần, mà nhiều lần nên dù chú có 7 hay chú  có tới 10; thiệt người viết cũng không dám ‘cà nanh’ đâu chú Bảy của tuổi thơ ơi!

Quê người, Melbourne, thứ ba, 4 tây tháng 11 năm nay là Úc xúm nhau lại đua ngựa, gọi là Melbourne Cup, lớn nhứt Úc Châu. Nhà người viết bên nầy sông, nhìn qua sông không phải là vùng địch đóng mà bên kia dòng Maribyrnong êm đềm, lặng lẽ là trường đua ồn ào, náo nhiệt! Người ta quần là, áo lượt đông vui! Vậy là sắp hết một năm rồi đó; lại xe đi giữa mùa thổi rượu (mùa nầy Úc xỉn nhiều lắm nên cảnh sát nó lập trạm, thử rượu, thử drug, để xé bằng lái của mấy thằng ngu!)

Người ta đi giữa mùa thổi rượu thì ông chủ bút nhà mình đi giữa mùa bán báo. Báo Tất niên, báo Xuân rồi báo Tân niên. Ông ‘hú u!’ Bài báo xuân theo truyền thống đi ông ơi! Viết vui lên nhá!

Dà! Anh ‘lịnh’ thì người viết viết thôi! Nhớ gởi chút tiền còm, nhuận bút, ăn Tết nha anh!

dxt_feb5_2.jpgĐể cho vui! Xin hỏi đố độc giả là: Con vật nào đi ngủ mà mang giày? Câu trả lời là: Con ngựa! Con vật nào lễ phép nhứt? Câu trả lời cũng là: Con ngựa. Vì sao ngựa lại lễ phép? Vì đang phi nước đại tới hàng rào, nó kính cẩn dừng lại cho ‘tui’ qua trước. Ngựa lễ phép thấy thương ghê mà mình, đầu, mắt nổ đom đóm!

Nhớ hồi xưa trong làng, Tía Má ở quê hay rầy con gái xí xọn. “Ngựa dữ à nha!” Tây hổng biết nó có học được cái ‘bí kiếp’ nầy để rầy, để cảnh báo con mình không mà: Có một anh nài ngựa luôn luôn thắng độ. Hỏi bí quyết gì, khi về hưu, anh mới chịu tiết lộ. Anh chuyên cỡi ngựa cái. Mà ngựa cái ‘xí xọn, trăng hoa’, nghĩa là ‘ngựa’ lắm; nên trong cuộc đua khi rạp mình xuống, cho đừng cản gió, anh chỉ cần thầm thì cảnh báo rằng: “Con ngựa, chồng ‘cưng’, nó đang chạy ở đằng sau kìa!” Thế là em luôn luôn phi như bay về nhứt!

Nói chuyện ngựa, người viết lại nhớ hồi còn nhỏ, Tía Má hay cho tiền vô rạp hát Định Tường ở đường Trưng Trắc, Mỹ Tho coi phim cao bồi Django nhưng của thằng Ý làm, Franco Nero sắm vai chánh hay chánh hẩu Viễn Tây Huê Kỳ do tài tử John Wayne trừ gian diệt bạo. Phi ngựa, bụi tung trời. Móc súng ra, nhanh như chớp, bắn ‘pằng pằng’.  Kẻ ác, cướp ngân hàng, rồi chạy. Cảnh sát trưởng, đeo ngôi sao bạc, nhảy phóc lên yên, phi ngựa đuổi theo. Thằng nhỏ là người viết tin quá, ngồi dưới vỗ tay... hối… lẹ lẹ lên!
Sau nầy, lớn lên vẫn còn khờ; nhưng bớt hơn một chút. Vì thấy sao mấy thằng ác vẫn làm cha? Còn anh hùng đôi khi bị rượt chạy té khói! Nên anh hùng cao bồi Texas nào… rồi cũng ‘nhạt phai’ đi?!

Nên có chuyện rằng: Một anh chàng cao bồi vào quán uống beer, xong ra cửa, con ngựa thằng nào ăn cắp, cỡi đi mất rồi. Y bước vào, móc súng, bắn chỉ thiên ‘pằng pằng!’ đạn xuyên thủng trần nhà. “Thằng nào dám ăn cắp con ngựa của tao hả?” Tất cả dân nhậu trong quán đều im thin thít. “Được rồi, tao sẽ làm thêm chai nữa, mà con ngựa tao chưa được đưa trở về chỗ cũ thì tụi bây sẽ biết tay dân chơi Texas nầy nha!”

Sau khi uống hết chai beer, y bước ra khỏi quán thì con ngựa ai đã trả về chỗ cũ. Y phóng lên yên, chuẩn bị ra roi. Viên chủ quán chạy theo, níu lại hỏi: “Đại ca! nếu tụi nó không trả con ngựa lại, đại ca sẽ làm gì ạ?” “Làm gì? Thì tao đi bộ về nhà chớ làm gì bây giờ!”
Đó là chuyện bên Mỹ, còn bên Úc nầy mấy ‘giả’ vừa khoái xem phim cao bồi Mỹ do Clint Eastwood đóng và cũng khoái coi đua ngựa lắm; bất kể đua ở Mỹ, ở Anh, hay ở Úc… nên tan sở  thường ghé tạt vào TAB để cá cược. Xong về nhà, vui cười hỉ hả vì kiếm được kha khá, phụ thêm tiền nhà, tiền chợ cho con vợ nó hết cằn nhằn!

Vì là bài báo Tết, người viết tin dị đoan, nên chuyện cờ bạc cá ngựa toàn là chuyện thắng không hà. Chớ người viết không có đốc, xúi gì chuyện cờ bạc, cá cược, đua ngựa, đua nghiếc gì đâu nha! Phần người viết thiệt không thích đua ngựa lắm! Vì người viết chỉ tội nghiệp cho con ngựa mà thôi; cuộc đua ngựa nào cũng bất công: con ngựa chạy chết ‘cha’ để về nhứt nhưng thằng nài lại ôm giải thưởng?

Và cũng nhân vụ Úc khoái cá ngựa nên mới có chuyện vui như vầy:

Anh ngồi đọc báo trên thềm cửa, im lặng tận hưởng không khí mùa xuân quê mình yên tĩnh. Thình lình!  Em hầm hầm vác cái chảo từ trong nhà đi ra, đập vào đầu anh một cái; nghe rõ to!

“Sao em lại nỡ đánh vào đầu anh vậy, hở em yêu? Má ơi! Đau quá!”

“Trong túi quần anh, có tờ giấy ghi tên con ‘MaryLou’ nè!”

“Ậy ậy! Đừng có ghen bóng, ghen gió lên như vậy chứ! MaryLou là tên con ngựa anh đánh cá tuần rồi đó mà!”

“Chu choa! Em xin lỗi ‘honey’! Vậy mà em hổng biết, đau lắm không anh? Để em xức dầu nhị thiên đường cho!”

Ba ngày sau, sáng anh cũng ngồi đọc báo trên thềm cửa, im lặng tận hưởng không khí mùa xuân quê mình yên tĩnh. Em lại vác cái chảo bổ lên đầu anh một cái thật mạnh. Công lực gấp đôi lần rồi!

“Cái gì nữa đây hả bà nội con nít? U một cục rồi nè! Má ơi! Đau quá!”

“Nè! Điện thoại từ con ngựa của ông nè ! Nghe đi!” Tía tui cũng hổng dám nghe nữa; nói chi tui!
Đó là chuyện của Tây, còn với người Việt mình cũng nhờ con ngựa mà có được ba ngàn đô ăn Tết lớn chơi! Quá đã! Ha ha!
Chuyện rằng: Chủ quán rượu muốn câu khách, bèn bày ra một cuộc thi: “Bổn quán có con ngựa trong chuồng! Ai làm cho con ngựa của bổn quán cười, thưởng một ngàn đô!”
 
dxt_Feb5_3.jpgMr. Bean từ Anh Cát Lợi, David Letterman từ Huê Kỳ qua, thi, và đều chịu thua. Vậy mà một anh Việt Nam lại dám xin vào, thi thố. Anh thầm thì cái gì đó; con ngựa cười hăng hắc không thôi!

Lãnh một ngàn đô! Chủ quán tức cái thằng cha Việt Nam nầy quá;  bèn tăng giải thưởng lên gấp đôi, lên hai ngàn đô! Lần nầy làm cho con ngựa khóc.

Những tài tử, diễn viên bi kịch nổi tiếng trên thế giới đều qua, thi và đều chịu thua. Anh Việt Nam nầy lại dám mon men xin vào, thi thố. Anh thầm thì cái gì đó mà con ngựa ‘thút thít’ khóc không thôi! Lãnh thêm hai ngàn đô, anh Việt Nam từ từ bước ra cửa trước sự ngả nón cúi đầu, tâm phục, khẩu phục của chư vị. Chủ quán tức quá, chạy theo hỏi: “Sư phụ ơi! Cho tui biết sao ‘thầy’ làm cho con ngựa của tui cười lần trước, lại khóc lần sau ?” “Có gì đâu, lần trước tui nói ‘của’ tui ‘ngon’ hơn ‘của’ nó! Nó không tin, cười hăng hắc. Còn lần sau, tui không phải là một thằng dóc tổ, tui cho nó xem tận mắt luôn và nó tủi thân,  khóc ngất! Vậy thôi! He he!

Thiệt là vẻ vang dân Việt!

đoàn xuân thu 

melbourne.
 
Minh họa: Bảo Huân

_______________________________________________________

 

  Chuyện cuối năm 

 

Khói bay vô mắt!

dxt_jan29_2014_chieucuoinam.jpg

Con của má viết xong một bài văn, đôi khi đọc lại thấy cũng có cái trúng mà cũng có cái trật; nhưng điều mà con sắp nói ra lần nầy chắc chắn là trúng. Trúng trăm phần trăm! Cái đó là: Ai cũng có Mẹ, ai cũng có Má hết! Và ai cũng thương Mẹ, ai cũng thương Má mình sâu thẳm tận đáy lòng. Con cũng không là ngoại lệ!

Chiều cuối năm, quê người, năm hết, tết đến chợt nhớ Má, nhớ Ba biết bao nhiêu mà nói!

Nhớ năm 1964, ông Trưởng Ty Bưu Điện Ban Mê Thuột đương nhiệm, bất ngờ  ôm hết tiền trong két sắt, dắt vợ con mà dông tuốt qua Lào. Số tiền nghe đâu cũng khẳm, lên tới vài ba triệu, (lúc đó là rất lớn, vì vàng chỉ khoảng hai ngàn đồng một lượng). Đó là tiền của mấy ông chủ đồn điền cà phê trên cái xứ Ban Mê Thuột nầy gởi.

Ban Mê Thuột là đi 7 phút đã về chốn cũ, đi lâu hơn Pleiku được 2 phút, vì lớn hơn một chút. Mấy ông nhà văn, gốc lính, đến đây viết bài gọi tưng nó lên, là thủ phủ cao nguyên, nơi đóng bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Ban Mê Thuột viết tắt là B.M.T nên thiên hạ chơi chữ, đặt cho vài cái mỹ danh là ‘Bụi Mù Trời!’; vì tỉnh lỵ vốn nằm trên vùng đất bazan, đỏ quạch, sình tới ống chân, nhão hoét khi mùa mưa tới, rất tốt cho mấy đồn điền trồng cà phê. Mùa nắng, xe qua, cuốn theo từng lốc bụi mù. Xứ rừng, chim kêu, vượn hú, vui sao được? Nên còn gọi là cái xứ ‘Buồn Muôn Thuở!’

Sau cái vụ thụt kết rồi chạy của ông ‘thần’ nầy, mấy xếp lớn trên Tổng Nha Bưu Điện lo sốt vó, bèn điều một ông khác từ Sài Gòn lên trên ấy để sắp xếp, kiểm tra lại sổ sách coi ông Trưởng Ty cũ chính xác ôm theo hết bao nhiêu tiền, để biết mà bồi thường cho khách hàng ký gởi. Ông nầy không muốn đi, bèn xách giấy vô nằm nhà thương, né, vì sợ chết… do tình hình chiến sự ở vùng cao nguyên lúc đó đã bắt đầu ác liệt. Quốc lộ 14 từ Ban Mê Thuột đi Buôn Hồ, ngược về hướng Bắc lên tới phố núi cao, phố núi đầy sương, Pleiku, hay chạy về hướng đông, hướng biển, để tới Tuy Hòa bị VC cắt hoài bằng cách đắp mô, giựt mìn, phục kích công voa. Từ Sài Gòn ra Ban Mê Thuột phải bay bằng máy bay cánh quạt  DC-3 của hãng Hàng Không Việt Nam.

Ba bị điều đi, mấy ổng hứa: “Đi đi! Hai tháng rồi về!”, nên không thoái thác được, dù Ba Má rất đông con. Cả 7 đứa leo nheo lóc nhóc ở Cư Xá Bưu Điện Hai Bà Trưng. Ba đi, phải làm giấy ủy quyền cho Má tới cuối tháng là ra phòng lương bổng của Tổng Nha Bưu Điện lãnh một phần lương về để nuôi mấy đứa con. Nhà nghèo, chỉ có một đầu lương của Ba. Giờ còn phải chia hai. Nhà vắng Ba như thiếu cái cột cái, thiếu cái mái. Gió! Trống huơ, trống hoác!

Tới bữa, cơm không thiếu nhưng đồ ăn thì dè xẻn lắm! Có bữa không có đồ ăn luôn! Má phải nấu cơm hơi nhão rồi nén lại, cuốn vô mo cau, xong dùng chỉ tét thành từng khoanh như bánh tét cho tụi con chấm với nước mắm kho quẹt ăn mà trừ bữa. Hồi còn Ba ở nhà, Ba đi đánh máy mướn thêm, nên cũng có đồng vô đồng ra mà đắp đổi. Ba đi, nhà vắng, tiền cũng ‘hẻo’ theo luôn. Và Má dàu dàu buồn vì vắng chồng vốn đã quen hơi hướm! Sớm tối có nhau!

Mấy ông quan lớn, ăn trên ngồi trốc, thiệt không có chút từ tâm nào mà hiểu, mà cảm thông cho hoàn cảnh gia đình của cấp dưới! Mấy ổng chỉ lo cho thân mấy ổng mà thôi! Hứa hão là Ba đi chỉ hai tháng ; mà rốt cuộc Ba phải xa nhà, xa vợ, xa con hơn cả năm trời. Ở nhà chỉ Má, một mình, chèo chống!

Má thương con ăn đói, nên cuối tháng ra sở lãnh lương của Ba về, Má xuống cái tiệm bán bê thui nằm gần cầu Kiệu và chợ Tân Định mua đâu khoảng 300 gram thịt bê thui.  Về, má bắt chảo lên cho mỡ vào, xào với đậu phộng, bún tàu, củ hành. Dọn ra một dĩa, nhỏ xíu, lớn hơn bàn tay một chút. Vậy mà khói bay lên, thơm phức. Con chạy u ra chợ, mua về thêm bốn ổ bánh mì thiệt bự! Rồi Má kêu mấy anh em con xúm lại mà ăn!  Mà ngộ! Má không ăn gì hết! Hỏi: “Sao Má hõng ăn gì hết! Má!” “Ờ! Má xào, cái hơi nó lên no rồi! Tụi con ăn đi!”

Nhỏ khờ đâu biết Má nói vậy là để nhường mấy miếng thịt bê ít ỏi, bé tí teo đó cho đám con mình. Nên tụi nhỏ thiệt tình tranh nhau đớp láng! Dĩa thịt bò hết sạch, vẫn còn thòm thèm, ngẩng nhìn lên, thấy mắt má chớp chớp. Má nói bâng quơ: “Củi ướt quá, khói bay vô mắt Má!”

Sau nầy lớn lên, xa Má, xa Ba, con lập gia đình, rồi bận bịu lo cho vợ cho con. Nước mắt cứ chảy xuôi hoài vậy sao cà?  Rồi vợ chồng con cái bỏ nước ra đi. Và Má với Ba đều mất. Ngẫm lại! Có trả hiếu được đồng xu cắc bạc nào đâu để bù lại những ngày Má nhịn; cho đám con mình đỡ thèm ‘cao lương mỹ vị!’ Mà thiệt thịt bê thui xào đậu phộng đâu có phải là ‘cao lương mỹ vị’ gì cho cam ở cái đất nước Úc Châu này!

Cuối năm, quê người, vậy là con xa Má gần hai mươi năm rồi đó mà không về tảo mộ. Xin má đừng buồn! Con nhớ khói bếp quê nhà dữ lắm! Con cũng muốn về quê cũ, thăm mộ má, thắp một nén nhang để thưa với má rằng: Thằng con của Má ngày xưa giờ đây không còn đói nữa; mà phải nói còn hơn là no đủ. Là phủ phê, là thừa mứa! Hõng phải chỉ có tụi con không đâu mà bất cứ người nào, rất bình thường như làm hãng ở đất nước Úc nầy cũng y như vậy! Nếu con về tảo mộ má chắc là được rồi, chắc cũng có đủ tiền để mua vé máy bay, bay về với Má; nhưng về khi quê nhà mình vẫn còn tan hoang, con no đủ trong khi bà con mình vẫn chìm trong thiếu đói, thì trong tận đáy lòng con, con thấy mình hình như có lỗi với quê hương mình nhiều lắm đó! Má ơi!

 

***

“Chiều em đi chợ Footscray, mua dùm anh ba ký bê thui!”

Vợ con, hơi ngạc nhiên, hỏi lại: “Mua chi nhiều dữ vậy? Ăn hõng hết, bỏ tủ lạnh, thịt cũ lần sau ăn, hõng có ngon! Mà anh muốn ăn món gì?”

“Đừng có cãi! Mua cho anh ba ký! Tiền nè!

Vợ con nghe lời chồng sai, bèn cầm tiền te te, rẹt rẹt đi ra chợ. Về nhà, nó hỏi: “Anh muốn ăn món gì? Để em làm!”

“Thì bê thui xào củ hành, đậu phộng với bún tàu!”

“À! Bê thui xào lăn!”

Rồi nó bày ra thớt, thịt bê thui xắt nhỏ, vừa gắp, trộn với tương hột, nước cốt dừa, đậu phộng rang. Uớp thêm gia vị: hạt nêm, tiêu, đường, hành tỏi bằm, bột cà ri, bún tàu, nấm mèo, ớt tươi rồi thêm hành tây, hành lá, mò om! Đủ hết trơn hõng thiếu một món gì! Rồi nó xẹt xẹt, bật lò ga nghe cóc cóc, đặt chảo lên cho nóng, đổ dầu ô liu, hành, tỏi vào phi vàng, xào với bột cà ri. Thơm phức! Xong trút thịt vào chảo chung với nấm mèo, hành tây, nước cốt dừa. Lấy cái xạng mà xào tới xào lui! Nước từ cả ba ký thịt bê thui tươm ra, hơi sắc lại, là nó bắc xuống bếp. Đổ thịt bê thui lên từng cái một, trên một chồng dĩa chừng chục cái, rắc đậu phộng đâm dập dập; rồi ngắt mấy cọng mò om rắc lên mặt dĩa.

Con nhỏ nầy cũng biết nấu ăn quá chớ nhưng chắc ‘tài’ không bằng Má đâu! Con nghĩ vậy nhưng để trong bụng chớ nói ra làm chi cho nó tự ái! Phần hồi xưa, đói, má nấu đã ngon, con ăn cái gì thấy cũng ngon hơn bây giờ nhiều!

Móc ‘mobile phone’, gọi hai thằng con. “Hai đứa chở mấy đứa cháu về thăm ông bà nội chiều cuối năm nhá!” Nửa tiếng sau, hai chiếc xe lần lượt ngừng cái kịt trước cổng; mấy đứa nhỏ chạy ào vào nhà: “Hello! Ông Nội! Hello! Bà Nội! Cha! Thơm quá!”

Thằng con lớn, nịnh, đến bên, chép chép cái mỏ, nheo mắt hỏi: “Má cho tụi con ăn cái gì mà thơm quá tay vậy?” Thằng kế nói: “Bữa nay anh em mình trúng mánh ‘ăn’ rồi!”

Vợ con trả lời tụi nhỏ: “Ờ! Ba tụi con muốn ăn bê thui xào đậu phộng, củ hành với bún tàu đó mà! Người ta gọi là bê thui xào lăn! Vậy mà ổng hõng có biết gọi tên nó là gì!”

Vợ con dọn lên bàn, ê hề, cho mỗi người một dĩa. Con nói: “Dọn cho anh thêm hai dĩa nữa để anh mời Ba Má về ăn!” Sau đó với hai đứa con trai, hai đứa con dâu và bốn đứa cháu: “Thôi! Mấy đứa ăn đi!”

Rồi con khóc!  Đứa cháu gái nhìn con trân trân, ngạc nhiên hỏi: “What’s wrong? Ông Nội?”

Giựt mình, con trả lời: “Ờ! Khói bay vô mắt Nội đó mà!”

Nhưng ở đây xài bếp ga mà! Làm gì có khói! Phải rồi khói bếp của quê nhà!

Quê người, gia đình đông đủ chiều cuối năm, thức ăn ê hề, dư dả đến mức thừa mứa trên bàn; mà Ba Má đã mất hết còn đâu!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

Xử tử ôsin!

 dxt_jan22_1.jpg dxt_jan22_2.jpg

Thưa quý độc giả thân mến!

Người viết hồi xưa, lúc mặc quần còn thủng đít, thời Ngô Tổng Thống, sống ‘phẻ’ lắm kìa! Thân phụ chỉ làm công chức ‘mén’ mà nhà no đủ. Anh em đông vì đầu năm má đẻ con trai; cuối năm má sanh con gái; nên phải cần người giúp việc.

Mà dân miền Nam mình ‘hịch hạc’ lắm! Đối xử với kẻ ăn người ở trong nhà cũng như em cháu mình thôi. Có tình có nghĩa chớ hỏng có chủ với tớ hay tôi đòi gì ráo trọi! Bằng cớ là trong kho tự vựng Nam bộ, chữ chỉ người giúp việc, thường là con gái gia đình nghèo phải đi làm thêm bếp núc, giặt đồ, rửa chén và bồng em cho những gia đình khá giả hơn là ‘bạn ở’. Người ‘bạn ở’ nầy được đối xử như là ‘bạn’, được bao cơm nước, được cho quần áo và còn có một số tiền lương kha khá để gởi về giúp tía má mà nuôi một đống em thơ ở nhà nữa!

Rồi thời thế đổi thay.  Cái chánh quyền thổ tả nầy sau khi chiếm được miền Nam trù phú quá sức tưởng tượng vào tháng tư năm 75, chúng xóa sổ hết ráo. Xóa sổ nhà cửa, ruộng vườn! Cho nó vô sở hữu nhà nước ráo trọi! Xóa sổ luôn sự trù phú, sung túc, thịnh vượng một thời huy hoàng của cả miền Nam!

Trừ mấy ông, mấy bà ‘cách mạng’ ra, còn dân đen biến thành ‘vô sản’ hết trơn! Hỏng có đủ cái bỏ vô miệng thì còn ai giúp việc cho gia đình mình được nữa chớ! Thế là từ ‘bạn ở’ cũng cáo chung luôn! Vì bây giờ cả nước phải cùng đi ở đợ! Người ta không còn gọi là ‘bạn ở’ nữa mà gọi là nhân dân hay đồng bào?!

Cái từ ‘bạn ở’ nầy ngon, một lòng trung với nước, nên nước mất, nó chết luôn với nước…Chớ không có bỏ chạy như tui!  Không còn ai nghe, không còn ai thấy ‘bạn ở’ nữa!

Năm 1983, đài truyền hình nhà nước cho chiếu bộ phim Oshin của Nhựt Bổn cho đồng bào xem; chắc ngầm ý là giàu như Nhựt bổn mà con nít còn phải đi ở đợ kìa! Do đó xin đồng bào đừng bất mản nha! Cứ an tâm mà đi ở đợ cho nhà nước…để ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên cái chủ nghĩa xã hội! Bà con xem loạt phim truyền hình nhiều tập nầy thấy lại cảnh xưa mà chữ xưa nhứt quyết không thèm quay trở lại. Sinh ngữ mà phải có từ chết đi và phải có từ mới sanh ra chớ! Vì sinh ngữ là cuộc đời! Đời sinh ra nó! Nên có một từ thay thế ngay! Dạ thưa! Đó là từ ‘ôsin’

Vậy ôsin là gì? Cái nầy xin dài dòng văn tự một chút, vì sợ có một số độc giả của người viết thông minh, nhanh nhạy, chạy ngay từ năm 75 nên không rõ. “Ôsin’ là người giúp việc cho gia đình người khác để kiếm sống!

Từ Osin nầy thực ra phải viết là Oshin, có chữ h, là tên của một bộ phim mà cũng là tên nhân vật chính trong phim! Oshin phải xa nhà, làm nô tì cho người ta, do tài tử Kokone Hamada đóng!  Em còn nhỏ mới 7 tuổi thôi mà phải đi ở đợ rồi. Em phải giữ em, giặt đồ, xách nước, chẻ củi …vv… rồi còn bị hiếp đáp nữa. Bà con mình xem phim khóc quá xá vì hai lẽ. Một là cảm thương Oshin quá! Hai là cảm thương chính thân phận mình vì cả nước bây giờ gom về một mối thì già trẻ, lớn bé gì đều đi ở đợ, đi làm ôsin cho cái chế độ nầy hết trơn thì thử hỏi cùng cảnh ngộ thì làm sao mà không cảm thương cho được hả? Dà! Từ ‘ôsin’ ra đời như vậy đó!

Sau 75 ai bị mắc kẹt lại quê nhà chắc đều biết lâu lâu phường xã họp dân, lùa lên nghe mấy thằng, nó dóc là: “Cán bộ là đầy tớ của nhân dân’ Nghĩa là cán bộ đảng viên làm ‘ô sin’ cho nhân dân! Giỡn chơi hoài cha! Có nói lộn hông tui cho nói lại đó! Phải nói như vầy mới là chính xác nè: “Nhân dân làm ô sin cho cán bộ’!

Nhưng thôi cán bộ ‘khiêm tốn’ muốn làm ôsin cho nhân dân dù bằng cái ‘mỏ’ thì mình chịu đi cho nó tưởng mình tin!

Cũng nhớ hồi xưa, ‘bạn ở’ hay ôsin được chủ nhà đưa tiền đi chợ, ma le, tăng giá chút đỉnh: năm, mười đồng bạc lên để ghé gánh chè thưng, nếu khoái ngọt hay làm bậy tô bún giò heo, nếu khoái mặn cho ấm lòng em gái hậu phương! Nhưng mà cũng khó dấu bà chủ lắm vì mấy con mẹ bán hàng nầy hay thèo lẻo, thọt méc, nâng bi bà chủ bèn học tăm học tể: “Con nhỏ ‘ôsin’ ăn cắp tiền, chơi một lượt gần năm cái bánh xèo và hai mươi cái bánh cống lúc nó đi chợ Cần Thơ hồi sáng đó bà ơi! Nhưng bà chủ rầy sơ sơ thôi vì ông chủ cản: “Kệ nó em! Nó 18, 19…đang sức lớn, cần ăn mà! Chút chút thôi cũng hỏng mẻ bao nhiêu!” Rồi cười he he! Cha! Cái cười nầy gây ra quá nhiều nghi vấn?!

Ôsin thường là gái nhưng ôsin trong trường hợp dưới đây thì khác. Đực trăm phần trăm. Cũng ăn cắp tiền của chủ rồi bỏ trốn qua tuốt Kampuchia. Chủ nầy quạu quá, sai khuyển ưng theo bắt về trị tội! Mà đòi xử tội tử nữa chớ!

Số là ôsin nầy ăn cắp hơi ‘bị’ nhiều…nhiều triệu đô la! Và ôsin nầy tên là  

Dương Chí Dũng! Báo chí bồi bút trong nước bàn rằng chắc y khó thoát khỏi án tử hình trong vụ đại án được Ban chỉ đạo chống tham nhũng trực tiếp giám sát. Phải xử nó để làm gương chứ để dân nói nói rằng thằng nào cũng ăn hết thì ai sẽ xử ai đây!

Dũng ăn cái gì? Ôsin Dũng được ông chủ sai đi Nga mua cái ụ nổi (của Nhựt làm năm 1965)?!

(Xin phụ đề ở đây một chút về ụ nổi?  Ụ nổi có 4 cái neo giằng cố định xuống lòng sông (biển). Có máy bơm nước ra, vô. Ụ được bơm nước vô, chìm. Tàu sữa chữa được kéo vào vị trí định sẵn.  Rồi bơm nước ra, Ụ sẽ nổi lên và đẩy tàu lên theo, trên mặt nước cho công nhân bảo trì, sửa chửa)

Ôsin Dũng thay vì vác về ụ xịn, đáng đồng tiền bát gạo của nhân dân thì cố tình vác về một đống sắt vụn… mua ít xít ra nhiều như ôsin đi chợ vậy! Rồi chia chác với đồng bọn, cũng ôsin của nhân dân, có một triệu sáu trăm sáu mươi sáu ngàn đô la Mỹ (1,666 triệu đô) thôi mà!

Phần Dũng là 10 tỷ đồng, em út, đệ tử đựng trong vali kéo (nhiều tiền quá, đựng trong bóp làm sao được?) Dũng nói: Hỏng phải vali tiền mà là vali đựng rượu. Cha ông ‘thần’ nầy nhậu còn hơn cả Lưu Linh?!

Đó là phần tửu còn phần sắc? Dũng, ngoài con vợ ở nhà rồi, còn có nhiều em chân dài khác nữa. Và đặc biệt một em trong số đó tọt cho Dũng được một thằng cu; nên Dũng cưng em lắm. Em đẹp dĩ nhiên! Em trẻ dĩ nhiên! Em sanh 1982 còn Dũng 1957 cách nhau có 25 tuổi thôi mà!

Em, người Thanh Hóa, nhà nghèo phải lưu lạc lên chốn Hà Nội, ngàn năm văn vật, làm tiếp viên nhà hàng! Em tên tắt là T.T(tê tê) nên làm Chí Dũng họ Dương dương lên rồi ‘Tê Tê’ giựt giựt như tên của đôi ta! Giống như Thúy Kiều làm Thúc Sinh ‘tê tê’ giựt giựt vậy thôi!

Thúc Sinh ăn cắp tiền vợ là Hoạn Thư đi nuôi bồ nhí; thì Dũng cũng ăn cắp tiền vợ…đi mua cho ‘em yêu’ có hai cái nhà hực hở ở Trung Tâm Hà Nội thôi nên làm rùm chi vậy mấy cha! Nó nghe là tui chết!

Còn vụ mua đống sắt vụng nầy về chẳng qua mua hớ vậy thôi chớ đâu có tham ô cắc nào đâu mà kết tội? Đừng nói là tui ăn cắp tiền nhà nước tham ô nuôi bò nhí oan cho tui lắm mấy anh ơi!

Bây giờ mấy ‘quan anh’ muốn xử tử Dũng cũng không được đâu vì Dũng là con nhà cách mạng nòi mà! Cộng sản đâu cũng giống nhau thôi! Xin mấy quan anh nhìn xa xa một chút thì thấy:

- Cha truyền con nối (Bắc Hàn) Kim Nhựt Thành, Kim Chung Nhất, Kim Chánh Ân!

- Anh truyền em nối (Cuba) Fidel Castro, Raul Castro.

- Cha truyền các thái tử đảng nối (Trung cộng) Tập Trọng Huân, Tập Cận Bình, Bạc Nhứt Ba, Bạc Hy Lai.

- Còn mình là Việt Cộng thì Cha truyền cả dòng họ nối!

Như nhà Dũng đây: Bố Dũng làm Giám đốc công an Hải Phòng; em Dũng làm Phó Giám Đốc. Cả gia đình mấy đời làm ôsin cho nhân dân sao không nghĩ tình nhau mà tha bổng chớ!

Dũng ơi! Đừng sợ bị tử hình! Vì nhiều lẽ!

Một là “hùm dữ còn không nỡ ăn thịt con bao giờ!”. Tụi mình là hùm với nhau mà! Ai ăn thịt ai cho được?

Mà nếu lỡ có các đồng chí chưa bị lộ muốn Dũng nín, đừng khai bậy bạ, cứ an tâm yên giấc ngàn thu, tụi nó sẽ hết lòng chăm sóc vợ con cho cũng không được!

Vì ở Viêt Nam bây giờ thi hành án tử không còn bắn ‘pằng pằng’ như trước nữa mà chích thuốc độc cho nó văn minh? Nhưng kẹt cái là mấy thằng bác sĩ bị công an sai làm, nó cự nự quá! Nó nói bác sĩ là cứu người chớ hỏng phải chích chết người đâu. Còn cái vụ bác sĩ chích vaccin làm chết con nít tùm lum tà la là do sốc phản vệ của mấy đứa nhỏ. Chớ đừng tưởng tụi tui cứ chích là chết…để sai đi làm cái chuyện nầy thất đức nầy nhe mấy ông nội công an!

Do đó Dũng đừng có lo. Mấy anh kẹt đạn, kẹt phé hết rồi!

Tuy nhiên người viết vốn ghét cay, ghét đắng mấy thằng ‘ôsin’ ăn cắp của dân rồi ra tòa chối bai bãi, còn bày đặt làm thơ con cóc, đọc sang sảng trong phiên xữ mà mấy ông tòa bụm miệng nó không kịp!

Tui ghét vì nó làm xấu hổ nhà thơ!  Vì nhà thơ dù không có tiền mua bầu rượu để ‘thơ túi rượu bầu’ cũng không ai đi ăn cắp tiền triệu đô bao giờ… một cắc cũng không! 

Nên tui xin hiến kế với mấy ‘quan anh’ rằng: Cứ tha bổng nó đi! Mình được tiếng tình đồng chí với nhau! Chém bề sóng không ai chém bề lưởi! Nhưng cuối cùng thì nó cũng phải chết mà không phải dưới tay mình! Mình mượn dáo Tàu đâm Chệt!

Chỉ cần nó ôm quần áo ra khỏi trại tạm giam mà con vợ nó đứng đón là nó chết! Chết ngay lập tức! Vì cái tội ăn cắp tiền vợ mà mua nhà cho con vợ bé! Ha ha!

Trong vụ nầy Dũng không cách chi thoát khỏi phần số của mình rồi! Chết chắc!

Chỉ có em T.T (tê tê) là vui! Dù mấy ‘quan anh’ có lấy hai cái nhà lại mà chia chác với nhau thì em cũng còn một đống của chìm của nổi, vàng đô la, ai mà biết để mà lấy lại chớ!

Anh Dương Chí Dũng già thấy thương luôn! Dương hết nổi nữa rồi! Em lại còn ‘sung’; phen nầy thoát củi xổ lồng, làm lại đời ta!

Sau màn tiếp thị bất đắc dĩ nầy, tiếng tăm em sẽ nổi như cồn, lừng lẫy… Mấy ảnh sẽ bu lại hỏi em có ‘bí kiếp giường chiếu’ gì hôn mà là chú Dũng mê đến thân bại danh liệt vậy? Dĩ nhiên làm sao không có hả?

Tiện đây, em T.T (tê tê) giựt giựt nầy có lời khuyên mấy em chân dài khác muốn đi tắt đón đầu, một bước lên xe hơi nhà lầu là: Đừng dại dột lấy Việt Kiều! Mấy ảnh nổ dàn trời mây nhưng hà tiện, keo kiệt lắm đó! Hết thương là nó đòi tiền lại! Rồi thưa gởi: Lừa đảo! Lôi thôi cò bót lắm!

Đẹp vừa vừa thì lấy mấy thằng cảnh sát giao thông! Ngày nào nó cũng đem tiền phạt không vô sổ, về cống nạp! Phẻ! Rồi có một ngày nó bị tài xế quạu húc lên ca bin, chạy vòng vòng hay bị xe tông chết thì mình hưởng hết!

Còn đẹp, xuất sắc trong vai tì nữ như T.T (xin đọc là tê tê) nên lấy mấy quan tham nhe! Trước sau gì thì nó cũng vô hộp!

Chung thân hay bị tử hình là nó bị! Còn mình, Tiền tạo nên đẳng cấp! Nó tù! Mình tự do bay! He he!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

 

 

Không còn gì để bán!

dxt_jan18_kieu.jpg

Nguyên đời Xuân Thu, (từ  năm 722 đến năm 481 trước công nguyên), Quản Trọng được Tề Hoàn Công cho làm Tể tướng, bèn hiến kế: “Khai mỏ để đúc tiền, nấu nước biển làm muối để một chỗ, đợi dịp cao mà bán ra lấy lãi”. Nghĩa là đầu cơ muối!

Nhưng có cái chi tiết lý thú là Quản Trọng đã hợp thức hóa nạn mại dâm, bằng cách lập ra 300 nhà nữ lưu. Nhà nữ lưu là nhà chứa, cho khách buôn bán ghé, mua vui để lấy thuế... Một công hai chuyện, mấy em nầy vừa có tiền, nhà nước vừa có lợi!

Thế nên nếu gọi bán dâm là một cái nghề thì cái nghề nầy xưa, xưa lắm ngay trước cả công nguyên. Có ông còn phóng đại lên là nó xưa như trái đất!

Làm ăn mà có ‘ba tăng’ do Quản Trọng cấp, nên mấy em nhớ ơn, cho Quản Thừa Tướng lên làm ông tổ nghề chứa ‘mấy em’ mà giờ Úc gọi là công nhân tình dục (sex worker). Bữa nào vắng khách, bị ế hàng thì mấy em đến trước thần Bạch Mi, tượng chú ba Quản Trọng, cởi cả quần lẫn áo, sexy 100%, ở trần và ở truồng nhong nhỏng, đốt hương van vái, cầu nguyện. Ðoạn lấy hoa mới cúng trên bàn thờ đem lót ở chiếu mình nằm, tất sẽ đắt khách làng chơi. Em nào mới vào nghề đều phải ‘chào sân’ như thế.

Trong truyện Kiều, Nguyễn Du thuật lại việc Mã giám Sinh đưa Kiều về giao cho Tú bà, Tú bà bắt Kiều quỳ lạy tổ, như sau:

“Giữa thì hương án hẳn hoi

Trên treo một tượng trắng đôi lông mày.

Lầu xanh quen thói xưa nay

Nghề này thì lấy ông này tiên sư.

Hương hoa hôm sớm phụng thờ

Cô nào xấu vía, có thưa mối hàng

Cởi xiêm trút áo sỗ sàng

Trước thần sẽ nguyện mảnh hương lầm rầm

Đổi hoa lót xuống chiếu nằm

Bướm ong bay lại ầm ầm tứ vi”.

Thời Việt Nam Cộng Hòa của mình, soạn giả Hà Triều Hoa Phượng coi như là đệ nhứt hạng về tuồng xã hội. Vở tuồng ăn khách của hai ông có rất nhiều dịp kể lại cuộc đời kỹ nữ, hồng nhan đa truân; vì lý do nầy nọ mà phải bán phấn buôn hương. Và nổi tiếng nhứt có lẽ là tuồng Nửa đời hương phấn do đoàn Thanh Minh Thanh Nga trình diễn năm 60.

Chuyện rằng The, do Út Bạch Lan thủ diễn, là cô gái quê, bị Định, thầy dạy đờn dụ dỗ bị thất thân; từ Lái Thiêu phải bỏ lên Sài Gòn để tránh tiếng đời dị nghị. Và để sống còn trong đô thị, mà một đồng một chữ cũng không, nàng đành phải bán phấn buôn hương. Từ The nàng lấy tên mới là Hương cho nó ‘thơm’! Yêu Tùng nhưng gia đình Tùng không chấp nhận dâu là kỹ nữ nên Hương buồn quá về quê chôn mối hận lòng! Nhưng không may bà chủ nợ mò tới tận nhà, nói cho cha mẹ cô biết Hương là gái giang hồ.

Cha Hương, do nghệ sĩ Minh Điển thủ diễn, vừa thương con vừa giận dữ trước hành động làm điếm nhục gia phong của Hương:

“Không có cha con gì hết! Người nói chuyện với tao, tuy là xác con The,… nhưng là hồn của con Hương. Trước kia mày là đứa con gái đàng hoàng, Nay mày lại đi làm bại hoại gia phong, lễ giáo nhà tao. Tao cũng tin mày đi làm ăn chơn thật. Chớ tao đâu có dè mày đem tiết trinh đi bán cho người ta để nuôi mẹ cha. Trời ơi! Đồ cái quân mất dạy. Đừng léo hánh về đây, để làm nhục tổ tông!”

Kết tuồng, Hương đi tu: “Nay con xin gởi lại cho má với ba, mái tóc dịu mềm suôn sẻ này là của đứa con lạc loài bạc phận. Còn nửa mái tóc kia là mớ tóc nửa đời hương phấn, con đã chôn trước cửa Phật đài!”

Như vậy trong tuồng Nửa đời hương phấn nầy hai ông Hà Triều Hoa Phượng cho thấy bậc làm cha làm mẹ không ai muốn con mình phải đi bán cả cái xác thân; vì làm như vậy là ‘điếm nhục gia phong”. Mà ngay cả người kỹ nữ cũng coi quãng đời ô nhục đó cần phải quên đi! Xấu hổ quá mà!

Rồi 25 năm sau, khoảng năm 1985, khi nước ‘ta’ chung về một mối dưới quyền của mấy thằng xạo; tưởng chừng đâu có còn cái cảnh người con gái phải đem thân ra giữa chợ đời rao bán nữa đâu. Vậy mà còn mới chết chớ! Bây giờ không những có ở trong Nam mà còn xảy ra ở Bắc Trung Bộ.

Chuyện xảy ra ở Ga Vinh, tỉnh Nghệ An. Người con gái phải bán thân, quê ở Đô Lương cách Vinh 46 cây số theo đường quốc lộ số 46. “Em có muốn cùng anh về Đô Lương? Về với mảnh đất nghèo chỉ giàu gió nắng!”

Quê em nghèo lắm anh ơi! Giàu gió nắng mà gió nắng làm sao ăn được cho đỡ đói. Còn mẹ già, em dại làm sao? Thì phải bán thân thôi!

Theo nhà văn Thế Giang trong truyện ngắn “Chỗ Nước Đọng”:

“Ga Vinh một buổi tối trời mưa.

“Bao nhiêu?”

“Năm chục.”

“Ðắt thế, gái Sài Gòn còn chả tới nữa là…”

“Thế muốn bao nhiêu?”

“Hai chục…?”

“Thôi về ngủ với bò cho sướng, để hai chục đấy mai mà ăn cháo.”

“Ðồ đĩ rạc!”

Tiếng chân dậm dựt bỏ đi.

“Ba chục được không?” Có tiếng hỏi với lại.

“Ừ thôi, trời mưa mở hàng để lần sau lấy chỗ đi lại.”

“Thanh toán trước đi!”

“Gì mà vội thế, chả ‘tình’ tí nào cả.”

“Sao? Có tiền không?”

“Lấy gạo nhé?”

“Gạo gì? Mậu dịch hay gạo mới?”

“Mới chia tiêu chuẩn tháng ở cơ quan về, chưa xem.”

“Gạo mậu dịch rồi, tính bao nhiêu?”

“Hai chục.”

“Ðắt quá, mà cũng không có cân nữa.”

“Mười tám đồng vậy, đong đại bằng ống sữa bò đi…”

“Ừ, thế cho tiện, cân mất công, gạo đi mua nặng ký… mà này, có trộn đá dăm vào không đấy?”

“Mang đèn ra mà soi.”

“Gạo này chỉ mười lăm đồng.”

”Ðong vun tay thế kia thành hai cân của người ta chứ còn gì…”

Một thằng nhóc chừng chín tuổi thình lình hiện ra như chui từ dưới đất lên, đứng mút tay nhìn cảnh đong gạo. Người đàn ông còn đang loay hoay cột lại cái bao của mình thì nó giật túi gạo nơi tay người đàn bà, chạy vụt ra cửa.

“Nấu cơm nhé, đừng nấu cháo… Nhớ để phần cho chị đấy.”

Người đàn bà dặn với theo.

“Quê quán ở đâu?”

“Ðô Lương.”

“Sao trôi giạt ra tận đây thế?”

“Ở quê khổ quá…”

“Khổ một chút nhưng cuộc sống lương thiện, có chồng con đàng hoàng có thoải mái hơn không?”

“Ðảng viên phải không?”

“Sao biết?”

“Chơi bao nhiêu lần rồi?”

“Ừ… mới tham quan một lần cho biết…”

“Có thích không?”

“Không sợ chi bộ biết sao?”

“Chỉ sợ quần chúng, cảm tình đảng thôi.”

“Bí thư phải không?”

“Chưa, mới phó thôi.”

“Sao biết mà mò đến?”

“Bí thư giới thiệu… ấy không phải, bà con quen biết…”

  Rồi ông Phó Bí Thư lên lớp em rằng:

 “Vẫn ngựa quen đường cũ, phải cố gắng đè nén những đam mê thấp hèn mà nghĩ đến tương lai chứ! Chết, chết, ai đấy?”

“Ðừng sợ, con chó nằm ngoài lạnh, cào cửa đòi vào nhà đấy.”

 …Căn nhà lại chìm trong bóng tối.”

  Thật là một truyện ngắn xuất sắc của Thế Giang. Đảng ‘ta’ đã làm thân em ra như thế đấy!

  Năm 85 khoảng thời gian của câu chuyện nầy xảy ra trước thềm Đảng ‘ta’ đổi mới. Đổi mới rồi mà thân em gần ba chục năm sau cũng hỏng khá gì hơn khi người viết tình cờ… lang thang trên mạng mà đọc được bài nầy trên trang nhà của BBC do một ông Quản Trọng thời nay hiến kế; Ông Quản Trọng nầy ‘Made in Hà Nội’! Quê ông, cái thủ đô ngàn năm văn vật của ông, con gái nghèo đói phải bán thân thiếu cha gì mà ông không nói… lại chỏ mỏ vào Miền Tây Nam Bộ của người viết mà xạo ke như vầy:

  “Nhiều gia đình miền Tây Nam bộ nghèo từ đời này sang đời khác. Ruộng đất tập trung vào một số ít người gọi là tầng lớp địa chủ mới, nông dân nghèo làm tá điền.”

  Tầng lớp địa chủ mới nầy là ai? Biết! Sao ông không dám nói ra? Dân nghèo! Cái chính phủ của ông xóa đói giảm nghèo nhưng hoàn toàn thất bại!

  Rồi ông vui mừng vui thấy ánh sáng ở cuối đường hầm  rằng: “Hơn hai chục năm trở lại đây vùng quê Miền Tây càng ngày có ít nhiều thay đổi tích cực. Xóa đói giảm nghèo thiết thực, hiệu quả có được chính nhờ những người cô gái hiếu thảo, tự nguyện làm những nghề gọi là “tệ nạn xã hội” hay mại dâm trên khắp vùng miền, những" khu đèn đỏ" nước lân cận hoặc chấp nhận lấy chồng các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Mã Lai... để có cơ hội, thu nhập cao hơn bình thường giúp đỡ gia đình.

  Rất nhiều cô gái đi “hành nghề” giúp được bố mẹ già, tưởng chừng cả đời ở nhà lá, nay được ở nhà xây ấm áp, những đứa em trai có điều kiện học hành đến nơi đến chốn, thành người có ích cho xã hội!”

  Nghĩa là người dân bị cướp đất, đói phải đi làm ‘gái giang hồ’ để  ba má mới xây được nhà, em út mới được ăn học!

  Ông cũng nói nếu đi làm công nhân ở những khu chế xuất lương cũng không thể nào đủ sống! Già, hết xí quách rồi sẽ ra sao? Khi đất không còn, sức lực cũng không còn! Như vậy ai bóc lột ai? Ông biết! Sao không dám nói ra!

  Rồi ông dạy thêm rằng: “Đạo lý ‘Nghèo cho sạch, rách cho thơm’ cũng chỉ duy trì các gia đình nông dân Miền Tây nghèo nàn từ thế hệ này sang thế hệ khác mà thôi.”

  Rồi ông khuyên là nên dẹp cha cái đạo lý ông bà mình để lại từ đời nầy sang đời khác đó đi! Rồi tiện thể ông rầy báo chí Việt Nam của ông là: “Vùi dập, chê bai, phê phán các cô gái đó, cho là lối sống nhục nhã, vô đạo đức chứ không chia sẻ số phận của họ, khó khăn của gia đình họ… Không ai giúp được rất nhiều gia đình nông dân nghèo vùng quê Miền Tây thay đổi cuộc sống tốt hơn trừ chính bản thân của những người con gái trong gia đình tự nguyện "hành nghề" tủi nhục, thầm lặng. Tương lai của các trẻ em những nơi đó hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của các người chị, chấp nhận một cuộc sống phũ phàng, xã hội chà đạp để có thể cho các em mình cơ hội nên người! Nên chăng phải xem lại việc chấp thuận công khai nghề mại dâm đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cho người nghèo tại Việt nam. Tồn tại vĩnh viễn sự lén lút kéo theo tồn tại các hình thức bảo kê bất ổn xã hội và các hệ lụy ăn theo khác nguy hại cho cộng đồng.”

  Nghĩa là: Cuối cùng ông nói cái chính phủ ‘dịch vật’ của ông nên hợp thức hóa nghề mại dâm để xóa đói giảm nghèo, vì tương lai đất nước nên cho phép các em đi làm ‘gái giang hồ’ hết ráo đi! Trời ạ!

  Người viết đọc xong bài viết của một nhà trí thức Hà Nội cùng mình nầy mà chua xót. Hồi xưa Kiều phải bán mình chuộc cha vì cái chủ nghĩa phong kiến khốn nạn; còn ngày nay ông khuyên con gái miền Tây Nam Bộ nên bán mình để xóa đói giảm nghèo! Mệnh danh là dân trí thức mà ‘ông’ suy nghĩ bịnh hoạn như vậy thì bà nội cũng đội chuối khô!

  Mấy thằng cường áo ác bá cướp đất nông dân thì đè đầu tụi nó xuống mà giựt đất lại trả cho nông dân chớ! Mấy thằng chủ hãng cấu kết với bọn tư bản hoang dã nước ngoài bóc lột công nhân thì đem nó ra ba tòa quan lớn coi nó phải trả lời trả vốn ra làm sao? Chớ đâu phải ăn tiền hối lộ của nó rồi câm họng, nín khe luôn?

  Xã hội bất công, áp bức thì mình vỗ ngực yêu nước thương nòi, theo lời ‘siêu sư phụ’ Karl Max của ông, đâu có áp bức là có đấu tranh thì ông phải hòa cùng nhân dân đứng lên đòi lại. Ông biết mà ông không dám làm thì thôi để dân nó làm; đừng xúi bậy bạ cho con gái người ta đi làm ‘gái mại dâm’’ hết trơn nghe cha nội! Nếu lỡ va vào gia đình ông, tui hỏi ông có chịu để như vậy hay không?

  Miền đồng bằng sông Cửu Long, miền Tây Nam Bộ theo như cách ông gọi, xưa giờ làm chơi ăn thiệt, ruộng lúa cá tôm, chim trời cá nước mặc tình, tha hồ ai bắt được nấy ăn mà ngày nay phải đến nông nổi nầy là vì dân bị bọn quan chức hè nhau cướp trắng trợn vậy thôi. Cướp sạch bách, cướp sạch sành sanh, duy còn lại cái thân xác nầy mà ông muối mặt khuyên rằng đem bán nốt luôn đi thì thiệt tui hỏng biết còn tìm ra được chữ nào cho đủ nặng để ‘dợt’ lại ông!

đoàn xuân thu.

melbourne

 

“Dạ thưa thầy!”

dxt_Dec27_13_thuaThay.jpg

 

Chiều cuối năm, sau khi phát hành số Xuân thì báo chí hải ngoại nghỉ ăn Tết! Mình thì đang viết quen trớn lại dừng đột ngột! Mà kinh nghiệm cho thấy chuyện gì ‘hay hay’ định viết mà chần chờ thì mất, cụt hứng bỏ luôn!

Cái kinh nghiệm về cầm viết cho người viết biết là: Muốn viết thì viết ngay kẻo nó bay đi mất?!

Còn cái kinh nghiệm về cầm chai cũng cho người viết biết là: Nhậu thì nhậu liền! Hẹn tới hẹn lui là khỏi nhậu luôn?!

Đề tài bữa nay đang làm ngứa tay muốn viết ngay kẻo nó bay: câu chuyện Thầy Trò mà mình chạy ngay cái tựa đề rất lễ phép là: “Dạ thưa Thầy!”

Trước hết, dạ, xin nói về câu chuyện thầy trò trong nước trước!

“Rất sốc khi thấy học trò ngày nay có thể ngồi tại chỗ trao đổi tay đôi với thầy cô đang đứng trên bục giảng. Thậm chí giọng điệu còn chuyển sang gay gắt khi tranh luận tính đúng sai của vấn đề dù các thầy cô vẫn tỏ ra khá từ tốn!”

Tác giả cũng than thở rằng:

“Thật hiếm hoi nghe được ba chữ “Dạ thưa thầy!” hay “Dạ thưa cô!”.

Rồi ông so sánh thế hệ học trò bây giờ và hồi trước:

“Thế hệ của tôi vốn được thấm nhuần từ nhỏ sáu chữ “tiên học lễ, hậu học văn” nên chuyện gặp thầy cô của mình là vội đứng lên khoanh tay cúi đầu chào “Dạ thưa thầy”, “Dạ thưa cô” đã ăn sâu và thành nếp dù giờ đầu đã hai thứ tóc!

Giờ nghĩ lại có lẽ giữa hai học trò cũ, một đứa giờ làm ‘sếp’ đi đâu cũng có người tiền hô hậu ủng nhưng chỉ bắt tay hờ hững khi gặp thầy cô với một đứa học trò không rõ sự nghiệp đến đâu nhưng biết khoanh tay cúi đầu chào “Dạ thưa thầy”, “Dạ thưa cô” trước mặt bao người, các thầy cô sẽ thích gặp lại ai đây?!

Cái ngôi vị thứ hai trong xã hội của người thầy thời xưa vốn được đặt trước cả cha mẹ (quân - sư - phụ) giờ đang nằm ở vị thế nào trong xã hội ngày nay?”

Tác giả than nghe đứt ruột luôn! Câu than thở nầy làm người viết lại nhớ đến kỷ niệm xưa!

Sau 75, người viết là ‘thầy giáo tháo giầy’ đi chân đất! Hỏng còn được làm nhà giáo nhân dân. kỷ sư tâm hồn gì ráo trọi! Vậy mà lâu lâu cũng có mấy em học trò năm cũ ghé thăm coi sống chết thế nào rồi khoanh tay lại: “Dạ thưa Thầy đi nhậu!”

Rồi cũng có em học trò nữ trước khi liều mình băng ra biển đến thăm lần cuối, bùi ngùi rưng rưng nước mắt, nói: “Xin Thầy cầu nguyện cho em!”

***

Giờ thì mình đã xa quê, chắc buồn, nên mấy học trò cũ thường kết họp với nhau để thành lập Hội Cựu học sinh trường nầy trường nọ. Có học trò là có thầy; dù mấy thầy cô giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay và đa số cũng đã già lụm cụm!

Cũng có một số rất nhỏ Thầy Cô ra trường ĐHSP chỉ một, hai năm rồi mất nước; dù vậy mấy Thầy Cô nầy giờ cũng đã trên sáu mươi; là ông bà nội ngoại hết cả rồi. 38 năm rồi còn gì nữa mà trẻ trung đây hở Trời!

lần đi dự một buổi sanh hoạt của trường cũ mà người viết làm ‘giáo’ chỉ đúng có một niên khóa; một người đẹp tình cờ ngồi chung bàn bắt chuyện hỏi:

“Anh học năm nào?”

Người viết tánh liếng khỉ không bỏ; bèn trả lời:

“Tui hỏng có học trường nầy; tui đi dạy! He he!”

Người đẹp ‘Bạch Hoa Thôn’ nầy có vẽ hỏng được vui cho lắm vì nghĩ rằng người viết ‘nổ’; bèn đớp ngay lại một câu:

“Thì phải có học rồi mới đi dạy chớ!”

Người viết cười ruồi; đáp lại rằng:

“Dĩ nhiên! Nhưng học ở trường khác! He he! Rồi đi dạy trường nầy!”

Câu chuyện tới đó là cụt…hứng!

Lần khác cũng Đại hội toàn thế giới à nha! Ban tổ chức dành hai bàn gần sân khấu cho mấy Thầy Cô. Người bên Mỹ, người bên Pháp, người ở Việt Nam qua.

Người viết được quý ban tổ chức xếp ngồi bàn số hai. Ngó qua thấy Thầy Hiệu Trưởng trường cũ ngồi bàn số một, nên lết qua chào:

“Thưa Thầy! em là…! Thầy có khỏe hôn?”

Thầy Hiệu Trưởng dịch qua một bên, nói:

“Ngồi xuống đây! Kêu tôi bằng anh đi! Mình là đồng nghiệp mà!”

“Dạ! Em không dám!”

Chưa hàn huyên ấm lạnh được bao nhiêu thì một ‘ông bự’ trong ban tổ chức lại nhắc nhỏ:

“Bàn ông bên kia kìa!”

Người viết lại thêm một lần cụt…hứng. Quay ra và quay về luôn cho nó phẻ!

Hởi ơi!

Những người Thầy năm cũ dù bằng hay nhỏ tuổi hơn mình đi chăng nữa, dù mình có học với họ hay không chăng nữa; mình gọi bằng Thầy bằng Cô không có nghĩa là hạ thấp mình xuống mà chính mình nâng mình lên đó thôi! Mình là một con người chữ nghĩa! Đầy một bụng!

Người viết cũng nhớ hồi xưa khi đưa con mình lần đầu vào lớp một, gặp Thầy Cô của các cháu, mình cũng lễ phép: ‘Một cũng: Dạ Thưa Thầy! Dạ Thưa Cô!” Dù họ là thầy cô của hai đứa con mình! Mình là phụ huynh mà!

Gọi như thế là vì mình kính trọng cái nghề giáo vốn đã nghèo, mà đôi khi bạc bẽo nữa. Nghèo và bạc bẽo sao Thầy Cô vẫn cứ làm? Vì đó là một nghề cao quý nhứt trong những nghề cao quý!

Cái nghề giáo…Thời nào cũng bạc bẽo hết trơn… thì thôi đừng làm bậy bạ chi thêm… Bạc bẽo nhiêu đó! Đủ rồi! Hu hu!

Thầy Cô đâu cần tiếng xưng hô đó. Đâu có bổ bề ngang bề dọc nào cho cam!

Thầy Cô dù có dạy hay không dạy mình đi chăng nữa, dù có nhỏ hơn mình bao nhiêu tuổi đi chăng nữa…thì Thầy Cô đến với Hội của mình là vì họ còn thương hình bóng cũ của trường xưa. Nhớ hồi xưa là học trò thì đi học! Là Thầy Cô thì đi dạy! Sao mà vui quá xa quà xa! Vậy thôi!

Hỏng biết tui nói vậy mà có đúng hông đây?

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

Một Chút Quà Cho Quê Hương!

dxt_dec21_VDung.jpgVietDzung.jpg

Những năm 80, người đi thì đi rồi…người chưa đi vẫn tiếp tục… trốn ra đi nếu có vàng đóng cho chủ tàu. Còn đa số dân nghèo chạy ăn từng bữa thì ở lại chịu trận!

Vật chất đói thì khỏi nói rồi; tinh thần thì còn khổ hơn. Không được nói, thấy được thì nhìn… rồi để đó! Cấm nói tùm lum mà trở thành ‘phản động’?!

Nhạc thì ra rả Quốc Hương! Già xấu thấy tội nghiệp luôn! Già cúp bình thiếc! Gần 5, 6 chục tuổi rồi… mà lên đài truyền hình ‘cưa sừng làm nghé’…đội nón tai bèo, mang súng AK… hát Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây!

“Đường ra trận mùa nầy đẹp lắm?”

Giỡn chơi hoài ‘cha nội’! Ra trận là đánh nhau! Là có chết chóc, có thương vong dù ở bên nào đi chăng nữa! Tui hỏng tin!  Đi bắn nhau ‘ì ì’ chớ đâu phải đi ‘picnic’ đâu… mà rảnh rỗi Trường Sơn Tây nhớ ‘o’ Trường Sơn Đông đây ‘cha nội’?

Mà bữa nào truyền hình cũng có mặt ‘ổng’ hết trơn. Chán như ‘cơm nếp nát!’. Bà con mình muốn ổng đừng lên ‘truyền hình’ nữa mà ‘tàng hình’ luôn cho ‘phẻ’ con mắt và ‘phẻ’ cái lỗ tai!

Đó là về tinh thần! Còn về vật chất thì đói xanh như tàu lá chuối!  Nhà nào có con chạy được vài năm trước, giờ nó gởi về cho một thùng ‘quà’ chừng hai, ba chục ‘pounds’ là mừng như trúng số!

Người viết không có anh em nào chạy được vì lẽ là nhà nghèo…hỏng có vàng…vậy thôi! Nên đành ‘ké’ mấy thằng bạn nhậu khác… có anh em thơm thảo gởi về tí chút, ‘an ủi’ chiều cuối năm. Tụi nó đem thuốc tây hay vải vóc ra chợ bán được một mớ rồi ‘hú’ người viết: “Ê! chiều xuống quán Tám Lư ở đường Trần Hưng Đạo mà uống bia hơi nhe!”

Quán nhậu chiều cuối năm cũng rôm rả lắm! Đa số uống rượu thuốc là rượu đế (gạo hay nếp) pha màu cho nó dễ ‘ực’. Ai trúng mánh như bàn nhậu của người viết và mấy thằng bạn thì mới dám uống bia hơi!

Đầu hôm, thằng con của chủ quán ham vui, vác cái đàn ghi ta ra nhập bọn… đờn ‘tửng từng tưng’,  chơi nhạc ‘cách mạng’ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây do Hoàng Hiệp phổ thơ Phạm Tiến Duật.

Nửa khuya, thiên hạ tan hàng, về nhà hết ráo, quán gần dẹp, nó ra kéo cửa lại! Ở trong, còn bàn nhậu duy nhứt của người viết vẫn chưa tàn; nó chơi bản “Một chút quà cho quê hương”

 

Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá

Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay

Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may

Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đầy

 

Gởi về cho chị dăm ba xấp vải

Chị may áo cưới hay chị may áo tang

Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang

Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng

 

Con gởi về cho cha một manh áo trắng

Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây

Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy

Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình

 

Em gởi về cho anh một cây bút máy

Anh vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh

Gởi về cho mẹ dăm gói chè xanh

Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn

 

Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa

Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương

Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương

Em bán cho đời tìm đường vượt biên

 

Con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ

Cha chôn cuộc đời trong trong xứ tù chung thân

Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần

Mơ ước yên lành... trong giấc ngủ.... dạ... vàng.... –

 

Lần đầu nghe ‘chú’ hát đâu biết là nhạc của ai nhưng phải công nhận là hay! Nhạc như vậy mới gọi là nhạc chớ! Nghe tưởng tượng như tác giả ở hải ngoại vừa đi siêu thị về, lui cui đóng thùng, gởi về cho ba má, anh chị em người một chút… Vừa làm vừa nức nở!

Trong thâm tâm, ước gì mình cũng ‘may’ như tác giả, được có tiền, được đi siêu thị, mua rồi đóng một thùng quà gởi về nhà cứu đói. Mình muốn làm người gởi chớ hỏng muốn làm người được thăm nuôi đâu!

Sau nầy vọt được;  mới biết bài nầy là của ông Việt Dũng. Rồi chiều nay nghe tin ổng mất ở Huê Kỳ, tại Bệnh viện thành phố Fountain Valley, quận Cam, tiểu bang California, hồi 10h35' sáng, ngày 20 tháng 12 năm 2013, chỉ mới 55 tuổi!

Nghe tin… như mình đang đi mà bị hụt chưn… lảo đảo muốn té!

Chưa hề được gặp ông, chỉ nghe nhạc của ông. Nhạc của ông là một phần đời kỷ niệm bi thiết đó của mình!

Xin cám ơn ông!

Ông là “Một chút quà cho quê hương!” Mà người viết được ‘ké’ vào trong đó một chút nước mắt khi nghe năm xưa! Và bây giờ khi nghe tin ông mất!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 

 

Đừng tưởng tụi tui khờ?!

dxt_Dec16_1.jpgdxt_Dec16_2.jpg

 Lịch sử cho thấy rằng: Ai theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đều không tốt!

Adolf Hitler từng cho dân Đức, Nhật Nhĩ Man (German), là ưu việt, cái gì cũng hay hơn thiên hạ hết thảy nên thiên hạ: Mỹ, Anh, Úc xúm lại ‘quánh’ cho một trận nên thân, về nhà má nhìn hỏng có ra!

Mấy anh ba Tàu phương Bắc của mình cũng vậy từ thời phong kiến đã nghĩ mình là thiên tử, là con trời, ông trời là tía ngộ đó nha! Mấy ông vua của các nước láng giềng là ‘man di, mọi rợ’ nên phải triều cống, để được phong vương. Cấm tụi bây xưng đế! Thiệt là lớn lối! Nên Mông Cổ: Thành Cát Tư Hãn, Thiết Mộc Chân, rồi Hốt Tất Liệt nó quánh cho Tía ‘ngộ’ nhìn cũng hỏng có ra luôn!

Chính vì vậy mà người viết không theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan gì ráo trọi. Vì trộm nghĩ rằng dân tộc nào cũng có cái hay, cái dỡ. Cái dỡ thì mình rán bỏ, cái hay thì học. Nhìn qua dân tộc khác thì học cái hay của họ để làm cho con dân nước mình đỡ khổ cực, đỡ lầm than… hơn là cứ vỗ ngực ta đây, bách chiến bách thắng, quánh ăn ba thằng đế quốc mà kinh tế, đời sống thiết thực của nhân dân cứ nhăn răng, cứ lẹt đẹt chạy sau đuôi thiên hạ hoài thì mắc cỡ lắm!

Cái chủ nghĩa mà người viết đang đeo đuổi đó gọi là chủ nghĩa huề vốn. Có ăn có thua, có dỡ, có hay!

Vậy mà ông bạn văn cuối tuần ghé chơi. Sau buổi trà dư tửu hậu, ổng cãi sanh tử lửa khi nghe người viết trình bày cái chủ nghĩa huề vốn của mình. Theo ổng thì cái gì thuộc về Việt Nam là nhứt, thuộc về thiên hạ là bét. Đua một mình, Việt Nam luôn luôn thắng! Người viết cho rằng ông bạn nầy đẻ ở Trảng Bom nên ổng nổ như bom.

Người viết phê bình “Ông sao giống Vua Tự Đức bế quan tỏa cảng hoài nên mình mới thành nô lệ của Tây suốt cả trăm năm. Ông gọi Tây là ‘bạch quỷ’ nhưng nó có súng thần công, ông có súng hỏa mai; nó có tàu to, ông có xuồng ba lá thì làm sao mà lấy trứng chọi đá? Mình mở cửa, mở thị trường cho nó buôn bán mần ăn! Học cái khoa học kỹ thuật của nó, kinh tế mạnh lên, nó cà chớn muốn chơi là mình chơi tới bến luôn!

Như Đế quốc Mỹ nó có thèm chiếm đất của ông đâu mà ông cứ châu đầu đòi ‘quánh’ nhau với nó? Nó chỉ muốn chiếm thị trường! Cái thằng thực dân mới nó khác thằng thực dân cũ ở chỗ đó đa!

Phải chi lúc đó nhà Nguyễn chịu mở cửa khiêm tốn mà học hỏi thằng Mỹ như Minh Trị Thiên Hoàng của nước Nhựt Bổn Phù Tang, mùa xuân sang có hoa anh đào, thì đất nước mình ngày nay đâu có tàn mạt đến thế nầy!

Mình tưởng nói chơi cho vui ai dè ổng giận thiệt! Ổng đùng đùng bỏ đi không một lời từ giả, lái xe cái vù cho mát, cho hạ hỏa cơn giận. Bài học quý cho người viết là bàn cái gì bàn, bàn chánh trị dễ cãi lộn lắm. Mất bạn như chơi!

Nhưng thôi! Ổng giận kệ ổng chớ! Khoái thì tìm nhau, không khoái thì đôi ngã đôi ta, hơi sức đâu mà rầu cho tổn thọ!

Tưởng ổng giận, cắt đứt bang giao rồi, vậy mà hai ba bữa sau lại nhận được cái ‘meo’ bài viết của ổng! Cũng cái tật theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan không bỏ ‘chồng em đẹp, chồng em sang, chồng em đứng đắn đàng hoàng hoài?!”.

Người viết xin chép lại nguyên văn trình quý độc giả bài viết của anh bạn văn nầy! Ổng cực đoan đến nỗi ngay cái chuyện cờ bạc, cá cược, một thói xấu cần phải bỏ, vậy mà người Việt của ổng cũng khôn hơn thiên hạ. Ăn không chớ chẳng lúc nào thua!

Chuyện đầu tiên là:

Một cô vợ Vietnamese thấy anh chồng Úc, Aussie, thu dọn đồ đạc bỏ ra đi; cô vợ ngạc nhiên hỏi:

“Đi đâu vậy anh?”

“Tới Las Vegas!”

“Chi vậy?”

“Có một em Lisa bên đó hứa mỗi lần ‘yêu’, trả anh 100 đô! Còn ở đây, em không trả cho tôi một cắc nào cả!”

“Chờ em một chút! Cho em đi Las Vegas với!”

“Chi vậy?”

“Em xin bắt cá 1000 đô với anh yêu là trong một tháng mà anh kiếm được chỉ có 100 đô thì làm sao anh yêu sống sót được ở cái thành phố nổi tiếng ăn chơi đó chớ!”

Ý ổng chê mấy ông Úc là: giờ nầy cũng yêu mà yêu yếu xìu?! Chỉ có Việt Nam của ổng nhờ ăn nước mắm nên cứng cáp cách chi!

Ổng cho rằng: từ câu chuyện nói trên mình thấy là người Việt của chúng ta rất cẩn trọng, dựa vào kinh nghiệm bản thân và đầu óc của mình… thấy chắc ăn rồi mời nhào vô cá cược là chắc thắng! Nhân tiện dạy cho ông chồng Úc một bài học thực tế; chớ đừng có nằm mơ!

Còn vụ cá cược, người viết nghĩ khác ông bạn văn của mình: Úc hay Việt gì mà láng cháng nhào vô, cái được cuối cùng chắc là chỉ còn cái quần xà lỏn mà thôi! Thường thường mấy tay tham gia cá cược, bài bạc gì đều tự tôn, cho mình là khôn nhứt… còn thiên hạ đều ngu, đều khờ hết ráo, ngay cả ông chủ sòng Casino ở Las Vegas hay Macau gì đi chăng nữa cũng ngu, cũng khờ hết trơn hết trọi!  Khinh địch là mắc địch thôi! Vì vậy cho nên mới thua ‘xái bái xài bai!’

Vì vậy để ‘tốp tốp’ mấy em lại, có một chú Ba bèn chế ra cái thành ngữ như vầy: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư!” “Trong ba người cùng đi, chắc có người là thầy của ta!” Chắc để dạy các chú Ba khác về tánh khiêm tốn. Ê! Mình giỏi có người giỏi hơn nhe mấy chú! Đừng nghĩ mình ‘độc cô cầu bại’ làm cái gì cũng hay cũng giỏi, ngay cả cờ bạc, cá cược gì cũng ăn trùm thiên hạ!

Nhưng hình như không kể là chú Ba thôi đâu mà ngay cả mấy ông Úc mình cũng không thèm học, không thèm đọc, không thèm hiểu cái câu thành ngữ nầy chi có nó ‘mệt’ mỏi!

Ỷ mình là dân Úc, làm thuyền nhân, đến đây trước cả chục đời rồi… nên  nhìn mấy tay thuyền nhân lơ ngơ mới tới Úc như Vietnamese tụi tui không ra cái ‘cà ram’ nào hết! Có chút xíu danh vị là nhìn đời bằng nửa con mắt ‘nheo nheo’ thấy ghét? Tưởng mình khôn là mình sẽ ăn ‘đứt’ đám Vietnamese. Nghĩ vậy là ông bạn Úc lầm to!

Cái đất nước Việt Nam bé bằng cây tăm mà ở cạnh ông khổng lồ Ba Tàu lớn gấp trăm lần mà ông khổng lồ nầy muốn nuốt trộng mà nuốt hỏng có trôi suốt hơn 4 ngàn năm thì dân tộc đó phải có cái gì đặc biệt và đặc sắc chớ! Cái đặc biệt, đặc sắc và đặc sệt Việt Nam như mấy câu chuyện cá cược dưới đây cho thấy là:

Một tay Vietnamese vô quán rượu, rộng rãi, đãi tất cả mọi người không phân biệt Úc đen, Úc trắng gì ráo mỗi đứa một ly!

Viên quản lý quán rượu, là Úc rặt, nói: 

“Được thôi! Nhưng thời buổi suy thoái kinh tế mà trả tiền trước đi! (Chắc y nghĩ Vietnamese di dân mới chân ướt chân ráo tới xứ nầy, khờ trân, làm gì biết cách kiếm tiền như dân bản xứ mà bày đặt chơi sang!)

“Chuyện nhỏ!”

Ông Vietnamese bèn móc ra một cộc tiền đô dầy cộm.

“Anh làm nghề gì mà giàu dữ vậy?”

“Tui là tay cá cược chuyên nghiệp!”

 “Cá cược cái gì? Đua ngựa? Đua chó? Đua cá sấu? Đua lạc đà? Đua Kangaroo hay đua Koala?”

“Cá cược đủ thứ: Chẳng hạn như tui cá với anh năm chục đô là tui có thể cắn được mắt phải của chính mình!”

Viên quản lý: “Cách chi! Rồi cá!”

Vậy là ông Vietnamese tháo con mắt giả bên phải ra, đưa lên miệng cắn!

Viên quản lý quán rượu trợn mắt, đấm ngực thình thịch: “Năm chục đô nè! Sư phụ!”

“Dám cá nữa không? Bây giờ tui sẽ cắn con mắt trái của chính mình!”

Viên quản lý nghĩ cha nội nầy đâu có đui, cao tay lắm là có một con mắt giả bên phải thôi, còn con mắt trái phải là mắt thật thì làm sao tháo ra được để mà cắn chớ! Lần nầy mình chắc ăn như bắp rồi! Cá một trăm đô đi!”

Ai dè! Ông thần Vietnamese nầy bèn tháo hàm răng giả ra đưa lên mắt trái, cắn! He he!

Chỉ trong vòng chưa đầy năm phút mà kiếm được trăm rưởi đô từ ông bạn Úc ngu thấy thương mà làm phách, bằng người Úc bình dân làm một ngày hỏi sao người Việt ở Úc dù định cư chưa được bao lâu mà không giàu cho được chớ?

Thiệt là đàn ông con trai Việt Nam mình thông minh hết biết. Nhưng phụ nữ Việt Nam cũng không chịu thua mấy anh đâu, nếu không nói là có phần hơn vì như vậy Hai Bà Trưng mới rượt được Tô Định chạy có cờ! Và Triệu thị Trinh, tức Nhụy Kiều Tướng Quân mới rượt quân Đông Ngô của Tôn Quyền chạy xịt khói!

Một em Vietnamese ngồi bên cạnh một ông Luật Sư Úc trên chuyến bay dài từ Melbourne đi Los Angeles! Chuyến bay dài thấy sợ! Cả 16 giờ 22 phút dài đăng đẳng! Viên Luật Sư Úc nầy muốn giải khuây, giết thời giờ bằng cách bày ra trò “Đố vui để học’. Ông kèo nài em chơi cá cược với mình. Em lắc đầu “No! No!” rồi ngủ gà ngủ gật! Viên Luật Sư nầy nài nỉ, nói dễ chơi lắm mà! Nếu có một câu, em trả lời không được, em thua tui chỉ 5 đô thôi! Còn nếu tui trả lời không được, tui thua em gấp mười lần! 50 đô đó! Nghe vậy em Việt Nam suy nghĩ một hồi, rồi gật đầu, đồng ý! OK!

Trò chơi bắt đầu: Luật Sư hỏi trước: “Từ trái đất lên mặt trăng bao xa?” Em trả lời: “Không biết! Nè 5 đô!”

Tới phiên em hỏi: “Con gì buổi sáng nhỏ; buổi tối không ăn uống gì ráo mà ‘bự’ lên gấp mười lần?”

Ông Luật Sư Úc, vốn tốt nghiệp hạng tối ưu ở trường luật, đại học Melbourne nổi tiếng, vò đầu bức tóc, suy nghĩ mãi không ra; bèn xin dở cái laptop lên mạng lục lung tung! Cho luôn! Cho điện thoại cả hàng chục bạn bè của ông vốn chữ nghĩa cùng mình, bằng cấp treo đầy bếp, đang dạy tại các trường đại học danh giá ở Melbourne nầy nữa! Cho luôn! Vậy mà ổng và mấy ông khoa bảng đó cũng không tìm được câu trả lời nên phải chung cho em 50 đô!

Xong bèn hỏi em: “Con gì vậy?”

Em nói: “Em cũng hỏng biết luôn!”

Bèn móc túi chung cho ông Luật Sư 5 đô! Cho nó sòng phẳng!

Đó là trí thông minh của nam thanh nữ tú Việt Nam! Đừng tưởng tụi tui khờ!

Còn mấy bậc bô lão nước Việt quê mình còn thông minh ác liệt hơn nữa kìa! Làm bậc cha mẹ, làm bậc ông bà là phải khôn hơn con cháu là cái chắc!

Môt cụ bà Việt Nam, tay xách giỏ trầu, miệng nhai nhóp nhép, mang 1 triệu đô la Úc đi gởi ngân hàng. Khách sộp! Nên ông Tổng Giám Đốc nhà băng đích thân rời bàn giấy ra tiếp đón.

Ông niềm nở: “Bà giàu quá! Nếu không phiền vì tánh tò mò hay xâm phạm vào đời tư của khách hàng, xin bà cho tui hỏi bà làm nghề gì ạ?” (Sự thực là ông Tổng Giám Đốc Ngân Hàng nầy sợ bà cụ rửa tiền cho mấy tay trồng cần sa, trồng cỏ!)

“Ờ! Tui đâu có làm gì… Chỉ chuyên môn cá cược đủ thứ trên đời. Chẳng hạn như tui cá với ông là thằng Tèo, tức Ngũ Giác Đài hay còn gọi là Bộ Chỉ Huy nặng của ông giờ còn đó nhưng ngày mai sẽ biến mất tiêu!”

Ông Tổng Giám Đốc nhà băng sợ Bà nầy có phép thuật tà ma yêu quái Harry Potter gì đó hay chăng nên thọc tay vô túi quần xem lại Bộ Chỉ Huy nặng còn đó hay không?

“Làm sao có chuyện đó được? Rồi tui đồng ý ‘cá’ với bà 10 ngàn đô!”

Hôm sau bà già Việt Nam quay trở lại cùng một ông Luật Sư. Ông Tổng Giám Đốc nhà băng vui vẻ nói: “He he! Nó vẫn còn đây! Bà thua tui 10 ngàn đô rồi! Chung đi!”

“Khoan đã! Ông hãy chứng minh rồi tui mới tin, mới chồng tiền!”

Viên Tổng Giám Đốc thấy đề nghị đó hoàn toàn hợp lý bèn tụt quần mình xuống.

Viên Luật Sư thấy vậy dọng đầu vào tường ‘bang bang’! “What’s wrong with you!  Hả??”

“Rồi! Tui thua bả hết 100 ngàn đô Úc rồi! Ông Tổng Giám Đốc ơi!”

Thì ra bà lão Vietnamese cá cược với viên Luật Sư Úc là ông Tổng Giám Đốc nhà băng Úc đáng kính nầy sẽ tự động cởi truồng trước mặt chúng ta! Ha ha!

Do đó anh bạn văn kết rằng: Mấy ông bạn Úc thân mến ơi! Đừng tưởng tụi tui khờ!

Mấy cái chuyện nầy mình cũng biết là ông bạn văn phóng tác rồi tự hào sảng! Biết vậy nhưng “Giang sơn dị cải, bổn tính nan di!” “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời!” Thôi kệ ổng đi! Cự lại, ổng sẽ hờn mát như ‘em yêu’ hay làm vậy đó!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Tình và Tiền!

dxt_Dec9_TinhvaTien1.jpg dxt_Dec9_TinhvaTien2.jpg

  ‘chú em’ Tây làm chung với người viết, một hôm vô sở ‘thút tha thút thít’. Hỏi: Chuyện gì vậy? Thì nó thổn thức, nức nở: Thúy đã đi rồi! Nghĩa là con vợ nó bỏ nó rồi! Hỏi: Chú em có nhậu xỉn, ghen tuông tầm bậy tầm bạ, hạ cẳng chân, thượng cẳng tay, đánh đập chửi bới gì nó hông? Hỏng dám đâu! Chẳng qua là: “No money! No honey!” Không tiền thì không có anh yêu gì ráo trọi! Con vợ tui nói mạt rệp, không tiền, mà bày đặt yêu đương? Sao trước giờ nó hỏng nói? Chẳng qua là em ẩn nhẫn chờ thời thôi! Bây giờ ‘bắt’ được một thằng ‘cổ tại’, mập ‘ví’ hơn… nên em ‘dông’!

Nghe xong, người viết thấy buồn, tội nghiệp cho chú em nầy quá vì người viết cũng nghèo thấy bà tiên tổ luôn mà con vợ nó có chịu bỏ mình đâu… để mình về Việt Nam mà cưới con vợ khác?!

Từ câu chuyện thương tâm: tình bỏ ta đi của ‘chú em’ Tây làm chung sở thì chữ tiền cứ đeo đẳng, quay vòng vòng trong đầu người viết mấy hôm nay chớ trước giờ đâu có. Khác với vợ Tây, mấy con đầm, em yêu của người viết ngoan lắm, rất sợ chồng, chồng nói gì là răm rắp nghe lời, chớ không bao giờ dám cãi. Lãnh lương về nói: “Nè! Cất đi!” Thì em yêu ngoan ngoãn lấy tiền bỏ vô túi áo khỉ gọn hơ! Vậy mà mấy tay bạn thân lại cười người viết là ‘thờ’ bà chớ! Tụi nó nói sau lưng nhưng vẫn tới tai người viết là: “Thằng chả ngu thấy thương luôn! Làm bao nhiêu cống nạp cho vợ hết bấy nhiêu chỉ chừa đủ tiền lỡ ra đường đạp bánh tráng thì có tiền mà đền mà thôi!”

Thì ra tiền quan trọng quá xá quà xa. Ai cũng binh đường thủ hết! Riêng với người viết chữ tình nó nặng hơn tiền! Vì có tiền đôi khi cũng chẳng có tình! Hỏng tin hỏi mấy ông già về Việt Nam cưới vợ trẻ thì biết! Nó lấy mình vì tiền không hà! Cha! Tội nghiệp dữ hôn! Giờ mới biết sao huynh?!

Phần dù có tiền do cày cực như trâu chăng đi nữa mình cũng không lớn lối gì với em yêu đâu! Sao mà dám! Nó bỏ mình rồi ai nấu cơm đây? Nên vợ mình mình sợ. Đừng sợ vợ người dưng là được rồi! Nói cho cùng, xét bài ‘tẩy’ nhau, hỏng có tay nào có ‘phé’ hết; cũng như tát đìa ăn Tết, lúc cạn đìa rồi thì hỏng lóc thì trê, ông nào cũng vậy… bày đặt cười nhạo tui chi quý bạn!

Suy nghĩ mãi về tiền, người viết mới phát hiện ra biết bao điều thú vị. Thú vị là ai cũng cần xài tiền. Ai cũng muốn có tiền. (Ông nào nói không cần xài tiền, không muốn có tiền thì chắc là ‘hâm’ trăm phần trăm. Còn nếu hỏng ‘hâm’ thì là dóc tổ!)

Muốn có tiền là phải làm việc. Phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có. Không có nó là khó… `khó lắm đó! Nên suốt ngày, suốt đêm, suốt tháng, suốt bốn mùa lá đổ, suốt cả đời người đều phải nghĩ tới nó. Nhức đầu muốn chết!

Nhưng tiền là gì? Tại sao mình phải cần tiền? Thì lịch sử cho ví dụ rằng: Chẳng hạn em có con bò cái. Anh có trái chuối già. Anh muốn uống sữa bò em. Em muốn ‘quằm’ trái chuối anh. Thì làm sao? Thì trao đổi chớ làm sao bây giờ? Bò em đổi lấy chuối của anh! Nhưng trao đổi bằng cách em dắt con bò của em tới nhà anh. Rồi anh vác ‘trái chuối’ của anh tới nhà em! Cha coi bộ nhiêu khê quá! Nhà nước thấy vậy nên thương đôi ta bèn chế ra tiền, cầm đi cho nó gọn. Có tiền rồi muốn sữa bò của em nào cũng được, muốn chuối già của anh nào cũng xong. Sùy tiền ra là gọn bâng, khỏi có mất công tìm kiếm người có nhu cầu, trao đổi lôi thôi!

Tiền mới đầu bằng kim loại, bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng kẽm cho nó lâu mòn… rồi bằng giấy... Vậy là có thằng ở không, làm biếng nhớt thây mà muốn sống như ông Hoàng Á Rập dầu lửa, bèn chế ra tiền giả. Tiền giấy muốn biết giả hay không thì dùng máy soi, dùng bút thử. Còn hồi xửa, hồi xưa muốn biết tiền kim loại thiệt hay giả thì người ta dùng răng cắn, coi cứng hay mềm, kim loại là thứ thiệt hay không nên mới có vụ anh chàng nầy: “Ví dầu nhà dột cột xiêu; muốn đi cưới vợ sợ nhiều miệng ăn!” Muốn quá đi chớ nhưng lại sợ hao. Sợ nuôi hỏng nổi! Rồi thằng khác nó ‘rinh’. Tội nghiệp hôn?

Thôi muốn vợ thì đầu tiên, tiền đâu? Phải ráng cày thuê, ráng cuốc mướn, dư dư chút đỉnh, kiếm ông mai, bà mai (cái nầy cũng phải tốn một mớ, ít nhứt một cái đầu heo, để ổng bả tiếp thị, quảng cáo cho mình) để rước em về chòi. Nghèo sặc gạch, ai giàu thì rước em về dinh, còn tui nghèo thì rước em về chòi tranh hai quả tim vàng; ngặt có cái là vàng nầy đem đi cầm… mấy tay cầm đồ lắc đầu, nói: hỏng có cầm đâu!

Mặc cái bộ bà ba đen bằng vải ú, chiến nhứt rồi đó, đi cẳng không vì có giày dép đâu mà mang, xớ rớ bước vô; nhà gái thấy thằng rể tương lai này coi bộ dạng không khá, coi trớt mùng tơi quá! Ngay cái mùng tơi, mùng rách tơi tả mà nó cũng trớt quớt, hỏng có, thì làm sao nó nuôi con gái cưng của mình cho được đây? Cơm đâu mà ăn? Hỏng lẽ sáng sắn khoai. Chiều khoai sắn! Tội nghiệp con gái mình tối ngủ mớ cứ kêu ‘cơm’ không… thời chết! Nên tìm cách thoái thác, thách cưới cho dữ, để mà từ chối. Chàng nhà nghèo nầy tim phèo tan vỡ, ôm mối hận lòng vì không cưới được em yêu; trở về nhà dột cột xiêu của mình mà thành thi sĩ. Chàng bèn sáng tác ra hai câu thơ lục bát như thế nầy để mà đá giò lái ông bà già vợ hụt một cái đau điếng chơi cho bỏ tức. Mà hai câu thơ chàng sáng tác hay quá xá là hay nên nó chui tuốt vô kho tàng ca dao mà nằm; nằm từ năm nẳm cho tới năm nay. Thơ hay nó sống dai như đỉa vậy! Còn thơ dở làm chưa xong là nó đã lặng lẽ từ trần rồi!  Hai câu nầy như vầy: “Tiếng đồn cha mẹ em hiền! Cắn cơm không bể, cắn tiền bể hai!” Tía Má em bộ nghi anh chơi tiền giả hay sao mà cắn tiền để thử? Chớ hột cơm mềm xèo vậy cắn còn không bể nên nghe thiên hạ đồn rằng ổng bả hiền lắm nha, hỏng phải nhạc mẫu, nhạc phụ, nhạc gia “hắc ám” gì đâu?!  Láng cháng tin thiên hạ đồn ‘thổi’ về Tía Má em là anh bán luôn lúa giống? Tới chừng chạm mặt, va vô cái thực tế phũ phàng, tiền cứng như vậy mà Tía Má em cắn ‘rốp rốp’ vậy ta?

Còn nếu may mắn hơn, vượt qua được vòng sơ tuyển, được thu nạp sính lễ xong, không phải là cho hai trẻ có quyền xáp vô liền, đôi ta nhảy ‘lambada’ để sản xuất ra một bầy con nít mà phải ở rể ba năm không công cho Tía Má em gỡ gạc lại chút nào hay chút đó vậy mà! Để che dấu cái việc bóc lột sức lao động của thằng ‘nhỏ’ thì phải chơi chữ gọi là ở rể. Bóc lột bằng công cày, công cấy, công gặt lúa vô bồ, công chăn trâu ngoài ruộng. Về nhà thì công gánh nước, công chẻ củi. Làm sao cuối ngày, nhà đã đỏ đèn lên thì nó hết xí quách, xụi lơ cán cuốc đi. Kẻo không thì: “Chuột kêu rúc rích trong rương! Anh đi cho khéo (kẻo) đụng giường má hay!” Mình phải gìn vàng giữ ngọc của con gái mình chớ; cho ‘thẳng’ thèm chơi. Thèm nhểu nước miếng tới rún, nó mới chịu cày chớ. Dễ quá, coi chừng nó ‘thư’ con gái mình bụng bự… rồi nó dông luôn! Đời mà tin người sao bằng tin mình phải không!

Mà nói thiệt lao động là vinh quang (nghe quen quen!). Vinh quang chừng nào đói dữ chừng ấy… đói dữ nên phải ăn nhiều; ăn nhiều thì hao! Nên phải tìm cách hà tiện, đỡ đồng nào hay đồng nấy! Xui cho Tía Má vợ tương lai nầy chàng rể nghèo tiền nhưng lại giàu chữ… là nhà thơ mới chết. Nên chú chơi luôn hai câu lục bát nữa: “Giếng đâu thì dắt anh ra. Kẻo anh chết khát vì cà nhà em!” Tía Má em hà tiện sợ hao cà; nên dộng vô cả tấn muối nè trời! Ai biểu mới đầu chú rao: “Bước qua nhà Má, cái tay con xá, cái cẳng con quì. Lòng thương con Má xá gì cái thân con!”

Chú muốn vợ quá… tình nguyện cho chúng lột thì than thở cái nỗi gì hả?

Do đó bài học rút ra ở đây làm thân nhạc phụ, nhạc mẫu tham tiền thì hỏng có gì xấu đâu. Công tụi tao nuôi con vợ ‘bây’ hồi còn ẵm ngửa tới giờ mà ‘bây’ trả lại có chút xíu, lỗ sặc gạch, mà còn càm ràm bằng thơ thì thiệt là thằng rể này hỏng có rể thảo gì hết mà là thằng ‘rễ đu đủ’ nhen!

Nên xin các bực cha mẹ vợ đừng gả con cho mấy cha nhà thơ chi cho nó mang tiếng. Cho nó sống cu ki suốt đời đi; ai biểu khoái… làm thơ!

Phần em là con gái đời nhỏng nhảnh, đừng có dại khờ mà yêu mấy nhà thơ nầy chi nhá! Lỡ em ham tiền, đá một phát thì nhà thơ chẳng chịu để yên đâu!

Hỏng tin tui thì mấy em hãy đọc bài “Tiền và Lá” của nhà thơ Kiên Giang thử coi. Ổng rầy rà ‘em’ tham tiền phụ ngãi, tham đó bỏ đăng, thấy trăng quên đèn, nghe nó nhột, nó nhức luôn… cả xương sống!

“…Anh moi đất nắn "tượng người",

Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.

Mỗi ngày chợ họp mười phiên,

Anh đem "người đất" đổi tiền "lá rơi".

Nào ngờ mai mỉa cho tôi,

Lớn lên em đã bị người ta mua rồi.

…Kiếp tôi là kiếp làm thơ,

Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.

…Tiền không là lá em ơi!

Tiền là giấy bạc của đời in ra.

Người ta giấy bạc đầy nhà,

Cho nên mới được gọi là chồng em!”

Mấy chục năm rồi mà nhà thơ có chịu quên đâu? Người ta giấy bạc đầy nhà. Cho nên mới được gọi là chồng em! Chàng trách nàng tham phú phụ bần? Thì làm như vậy cũng phải thôi vì như một người đẹp chân dài trong nước từng tuyên bố một cách hùng hồn, đúng không chỗ nào chê, bất khả tư nghị, bất khả tranh cãi là “Hỏng tiền cạp đất mà ăn à?” Khà khà! Đúng quá xá!  

Tóm lại nếu khoái tiền, có tiền rồi mới có yêu, thì người viết xin thành thật khuyên em là đừng léng phéng, đừng đá lông nheo, đừng thơ thẩn gì với mấy nhà thơ hết, đừng tặng khăn tay, đừng vay nước mắt, đừng gánh nước đêm trăng chi! Hỏng có lợi cho tiếng tăm con nhà gia giáo của mình! Mấy tay xấu miệng nó nói mình là xí xọn! Cứ để cho y trụi lủi… cho nó biết cái thân nghèo! Đụng vô nó, nó cằn nhằn, cửi nhửi mang tiếng lắm!

Và cũng có bài học cho các nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, là nhà nghèo hết ráo, hỏng tiền, mậu lúi… thì đừng mong có vợ đẹp nhe em!

Nhưng dòm dáo dác xung quanh, anh bạn nhà thơ của người viết đứng đầu trong đám nhà nghèo đó mà cũng có vợ như thường đó sao? Hay ảnh là trường hợp ngoại lệ? Đem cái thắc mắc nầy về: “Sao như vậy được? Anh nghèo, em cũng chẳng cao sang; tay trắng cùng nhau dệt mộng vàng! Anh nghèo mà sao em chịu lấy anh vậy là sao hả?”  Em yêu bèn trả lời rằng: “Em cũng muốn lấy thằng giàu cho ‘phẻ’ tấm thân, được lên xe xuống ngựa lắm chớ nhưng ngặt cái là mấy thằng giàu hỏng thằng nào chịu lấy em hết trơn, hết trọi! He he!”

Câu trả lời nghe thiệt là tự ái; nhưng bình tâm suy nghĩ lại thì đúng quá xá! Vì nếu em đẹp tầm cỡ Marilyn Monroe thì John F. Kennedy đã dành nhảy tango với em rồi; còn phận tui nghèo chắc phải chờ cho tới Tết Congo!

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

Hoan hô anh Bảy Chà Và?!

dxt_dec6_1.jpg dxt_Dec6_2.jpg

Người Việt mình nói chung và người dân miền Nam Việt Nam mình nói riêng là những người rất dễ thương, rất đáng yêu vì đầu óc rất là phóng khoáng. Hồi còn sống trong nước, người viết chưa bao giờ nghe đến hai tiếng kỳ thị. Dù miền Nam mình có biết bao là sắc dân khác nhau. Trên cao nguyên là người Ba Na, người Ê Đê, người Gia Rai,  người Cơ Ho, người Mạ, người Xơ Đăng, người Mơ Nông, v.v... Còn dưới đồng bằng là người Chàm, người Khmer, người Tàu, người Ấn Độ, v.v... Có ai ghét bỏ, kỳ thị gì ai đâu? Sống hòa bình, sống vui vẻ, mầy một ly, tao cũng một ly! Mình nhậu! Mãi sau nầy lưu lạc tới cái phố Mai Bình (Melbourne) nói theo kiểu ông dịch giả Hà Mai Anh, mới nghe mới biết hai tiếng kỳ thị phát ghét nầy. Chứ hồi nhỏ, đi quanh quanh cho đời mỏi mệt và đói bụng thì ghé nơi nào dẫu là thâm sơn cùng cốc nhưng có khói bay lên loằng quằng trên nóc nhà là biết có quán hủ tiếu của chú Ba. Người ta nói đâu có khói là có ‘ngộ’ đó! Đói, bụng sôi kêu ột ột, chờ chủ quán, mặc cái áo thun có tay, cái quần Tiều quá gối ra hỏi: Nị xực gì? Dách cô phảnh? “Một tô hủ tiếu?” Rồi lui cui de vô bếp, bằm bằm trên thớt, xong dọn ra tô hủ tiếu nghi ngút khói và cái xửng tre trong có mấy cái bánh bao và xíu mại cho khách làm đỡ dạ vậy! Thiệt là khoái! Khoái quá xá vì ở tuốt Việt Nam lại ăn được đồ ở tận bên Tàu.

Còn nếu ở thành, bữa nào đánh số đề, mua con dê, mà chiều thứ bảy sổ xố kiến thiết quốc gia giúp đồng bào ta xây cửa xây nhà, ông lên bà xuống gì đó mà ra con số 35; là vợ chồng con cái cười hỉ hả, quần là áo lượt, đi nhà hàng, ăn cà ri dê của anh Bảy Chà Và. Thiệt là khoái! Khoái quá xá vì ở tuốt Việt Nam lại ăn được đồ ở tận bên Tân Đề Li!

Chú Ba và anh Bảy đều là bà con hết ráo; chớ dân miền Nam mình đâu có kỳ thị phân biệt chú Ba Tàu đến đây bằng ba tàu hay hai tàu rưỡi gì đâu. Có theo Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên hay Mạc Cửu? Hay anh Bảy chuyên bán bột cà ri nị hay bán vải gần chợ Bến Thành hay làm Chà góp tiền chỗ cho chủ chợ. Who cares? Đâu có cần xét tới ba đời lý lịch như Việt Cộng sau nầy!

Ai cũng bà con hết ráo vì miền Nam vốn đất lành chim đậu. Chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn! Đâu có quởn mà ghét bỏ người dân xứ khác đến đây vì phải tha phương cầu thực. Tấm lòng ‘đại bác’ của người dân miền Nam mình thiệt là bao la, thiệt là vĩ đại hơn hẳn tấm lòng hẹp hòi của ông Tony Abbott, Thủ Tướng Úc bây giờ rất nhiều. Ai đến là cứ mại vô, mại vô chớ không thèm ra sức mà ngăn chặn tàu vượt biên liều chết đến đây đâu nha?

Cái tánh lè phè thương người như thể thương thân. Đàn bà con gái lại càng thương hơn vì ai cũng là người, là bà con hết trơn! Thử phăng lần lần về quá khứ phút giây chạnh lòng là tụi mình đều có chung một đầu ông, ông Adam và một đầu bà, bà Eva. Bà con hết ráo thử hỏi không thương nhau, chẳng lẽ biểu tui đi thương con ‘ki ki’ hả?

Nên khi nghe, khi thấy người ta vui, người ta tự hào; người viết cũng nhẩy đại vô mà vui. cho tui tự hào với chớ! Nghe tin chiều thứ ba vừa rồi, từ căn cứ không gian thuộc bang Andra Pradesh, mấy anh Bảy Chà Và đã đếm ngược ‘five, four, three, two, one, zero’ rồi cho khai hỏa cho một phi thuyền nặng 1350 kí lô gram, rời dàn phóng lên đường đi Sao Hỏa thành công vào 2 giờ 38 phút giờ địa phương ngày 5 tháng 11 năm 2013; người viết cũng vui, cũng tự hào lây! Mấy anh Bảy Chà Và nầy giỏi ‘bá chấy’ há!

Phi vụ nầy tốn sơ sơ có 73 triệu rưởi đô Mỹ mà thôi. So với mấy chú Sam thì nó rẻ chỉ bằng một phần mười tổn phí. Nó sẽ bay tới quỹ đạo của Hỏa Tinh vào ngày 24 tháng 9 năm tới, năm 2014.

Vậy là anh Bảy ngon rồi đó nha!  Chỉ sau Mỹ, Liên Âu và Nga. Anh Bảy đứng hạng tư! Anh Bảy đã qua mặt Chú Ba Tập Cận Bình một cái vù mà hỏng cần bóp kèn, chớp đèn xin đường gì ráo trọi! Sướng nhé!

Chú Ba hầm hầm trong bụng, nhưng cũng ráng mà lịch sự chúc mừng cho phải phép, qua lời phát ngôn viên Hồng Lỗi. Hãy đợi đấy! Và cuộc đua vào không gian chắc chắn sẽ bắt đầu; để bên nào dốc toàn lực ra đua… Rồi hết xí quách, hết tiền, hết của thì thua! Cũng như thời Ronald Reagan, chiến tranh các vì sao với Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Trung Ương đảng cộng sản Liên Xô Yuri Andropov. Để cuối cùng Liên Xô bị sập tiệm, rã bành tô! Hô hô!

Anh Bảy Cà Ri Nị phóng phi thuyền không người lái thành công lên Hỏa Tinh trong khi Chú Ba Hủ Tiếu và mấy Anh Nhựt Bổn Sushi thất bại nên tay Bộ Trưởng Khoa Học và Kỹ Thuật của mấy anh Bảy Chà Và gáy quá tay, gáy re re như dế than vừa ăn một độ! Công của tui đó nhe!

Cuộc phóng phi thuyền thành công là một bước tiến khổng lồ về phía trước (a giant step forward)! Nào là niềm tự hào dân tộc của anh Bảy Cà Ri Nị! Chúng ta đã vượt qua chú Ba Hủ Tiếu rồi đó. Cho tụi bây bỏ cái tật làm tàng, làm phách! Cà Ri bây giờ ngon hơn Hủ Tiếu rồi!

Nhưng mấy anh Bảy khác, kể cả ông cựu Giám đốc cơ quan thám hiểm không gian lại không thèm tự hào dân tộc ta anh hùng, nhân dân ta vĩ đại, khoa học ta tài ba mà còn quay sang… cự nự?!

“Thiệt là ngu cả lũ! Dân số 1 tỉ 2 mà gần 8 trăm triệu sống dưới mức nghèo khổ, kiếm được chưa tới 2 đô la một ngày. Con nít còn tội nghiệp nữa! Cứ ba em bé Ấn Độ thì có một em đói rã ruột, ăn không đủ no, sữa không đủ bú, mà chữ gọi là suy dinh dưỡng. Ở đó hỏng lo mà lo đi làm chuyện tào lao, bắc đế!”

Nghe dân Anh Bảy Cà Ri chửi Anh Bảy Chà… rân lên… làm người viết lại nhớ đến ‘anh hùng vũ trụ’ Phạm Tuân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam? Nên người viết cứ mắc cười lỏn lẻn hoài! Cười lỏn lẻn cái gì vậy?

Số là cách đây 33 năm, Phạm Tuân, có giang, đi ké nhà du hành vũ trụ Xô Viết Viktor Vassilyevich Gorbatko vào không gian. Y được ràng vô ghế, từ sân bay vũ trụ Baikonur, trên tàu Soyuz 37, vào ngày 23 tháng 7 năm 1980, tức ngày 12 tháng 6 âm lịch năm Canh Thân, trong vòng 7 ngày, 20 giờ và 42 phút, bay tổng cộng 142 vòng quỹ đạo quanh Trái Đất như lời Tuân khoe đó nhá! Và nhờ chưa tới số nên trở về Trái Đất ngày 31 tháng 7 trên tàu Soyuz 36 một cách an toàn. Còn sống sót trở về, hoàn hồn nên “nổ”! Được các đồng chí đón rước rình rang, mấy em cười hí hí tặng hoa, rồi ôm hôn rối rít. Tuân tưởng Tuân ngon nhưng Tuân có ngờ đâu chúng chỉ mượn cớ đó mà có tiền ăn nhậu với nhau!

Mấy tay dân ngu khu đen, trụi lủi, trụi lơ, đói xanh xương, không được sơ múi món rựa mận, nướng, chả chìa… nên vén nước miếng lên, rồi nói: Thằng chả chỉ "đi ké"! Liên Xô, nó, trói thằng chả vô ghế rồi bay vù vù đi, nói cứng chớ muốn ‘té’ trong quần, lỡ mà nó nổ là không còn một miếng. May có đàn anh du hành vũ trụ Gorbatko gánh hết. Chớ y có làm ra trò trống gì mà ‘sủa’ rân như thế?!

Bị chọc quê, xỏ ngọt, và xỏ lá… ‘anh hùng vũ trụ’ quê quá, cự lại, đứa nào chê tao là dốt:

"Tôi cho rằng những người đó không hiểu gì về chuyến bay vũ trụ. Con tàu vũ trụ đòi hỏi phải có 2 người điều khiển. Gorbatko là người lái chính, điều khiển con tàu. Còn tôi là lái phụ, phụ trách các thông số kỹ thuật, bảng điều khiển. Việc phối hợp lái chính-lái phụ phải ăn khớp, không thể có chuyện người này điều khiển còn người kia chỉ ngồi nhìn".

Dân còn cắc cớ, hỏng có ‘anh hùng vũ trụ’ gì ráo mà chỉ mầy tao mi tớ, hỏi: “Cả nước ăn độn sắn mì. Mầy vô vũ trụ làm gì hở Tuân?”

Tuân trả lời là đi thí nghiệm bèo hoa dâu trong không gian. Dân cự lại: Thí nghiệm cái quái quỷ gì? Chẳng qua là quảng cáo cho quê nhà Thái Bình 5 tấn của ‘chú’ thì có. Bèo hoa dâu nên để ở nhà cho má thằng cu "băm bèo cho lợn ăn" thì hay hơn!

Phi hành gia đi ké đầu tiên của Châu Á chối cái vụ đó hỏng phải do tui quyết!

“Chuyện mang bèo đi là do đội ngũ các nhà khoa học quyết định, chớ không thể thích mang gì thì mang. Bèo hoa dâu dễ sinh sôi nảy nở, hút khí cacbonic, sản sinh ra oxy. Trên vũ trụ lại có rất nhiều tia nhiễm xạ có tác động lên con người, lên sinh vật tạo lên sự đột biến sinh học, và mang bèo hoa dâu lên là để phục vụ mục đích nghiên cứu!”

Dân ngu khu đen Việt Nam lúc đó đang đói nhăn răng ra không chịu nghe lời cu Tuân nói mà còn làm thơ chửi bới cu Tuân, nói cu Tuân nịnh Liên Xô và các đồng chí của Tuân vin vào cớ nầy để ăn nhậu tưng bừng như sau:

“Một thằng lên vũ trụ

Trăm thằng đi Mút Cu (Moscow)

Nghìn thằng chè chén lu bù

Để dân bảy mươi triệu đói thò cu ra ngoài!”

Đói chết cha còn bày đặt chân dép lốp mà lên tàu vũ trụ!

 Viết tới đây người viết nhớ ‘cha’ nhà đài BBC phỏng vấn một bà Tiến Sĩ Ấn Độ nhân sự kiện Anh Bảy Chà Và vừa phóng thành công phi thuyền lên Sao Hỏa. Y hỏi một câu rất đểu như vầy: Đất nước của bà vẫn còn phải ngửa tay xin viện trợ lương thực, thuốc men của nước ngoài thì lấy tiền ở đâu ra mà phóng tàu vũ trụ lên Sao Hỏa vậy?

Bà Tiến Sĩ Cà Ri Nị nầy cà lăm… rồi ngọng… (xin lỗi)!

Người viết mới giựt mình tự hỏi hỏng biết mấy khoa học gia Ấn Độ có gởi cà ri lên sao Hỏa như Phạm Tuân mang bèo hoa dâu bay vòng vòng quỹ đạo trái đất hay không?

Suy nghĩ tới lui, bèn ngộ ra một sự thực cay đắng rằng dân Ấn Độ đói lòi hai cái lỗ tai luôn; làm nhà nước, làm chánh phủ không chịu đêm quên ăn, ngày quên ngủ, mà lo cho dân no đủ; lại lo chuyện trên trời Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa tinh… nên hết thèm hoan hô anh Bảy Chà Và mà hơn nữa tức quá làm thơ xỏ anh Bảy chơi!

Thơ rằng:

“Hoan hô anh Bảy Chà Và?!

 Phóng tàu Sao Hỏa rồi la ì xèo

Dân Cà Ri Nị đói meo!

Xúm lại nó chửi đã nghèo mà ham!”

 Ấn Độ xài có 73 triệu rưởi đô còn bị dân chửi, người viết xin mấy quan lớn Cộng Sản Việt Nam đừng có đi mượn tiền thiên hạ rồi xây đường xe lửa cao tốc Bắc Nam cả tỉ đô gì đó. Đô la Mỹ chứ không phải là tiền âm phủ đâu nhe! Bây giờ mấy ông mượn tiền, tương lai ai trả?  Rồi mấy ông sẽ về gặp Các Mác, Lê Nin hết ráo… Chết người ta để của cho con còn mấy ông thì để một đống nợ thì tội nghiệp cho mấy đứa nhỏ!

Nói yêu nước, thương nòi?! Thì đừng để dân chín mươi triệu đói thò cu ra ngoài nha!

Còn mạt mà viễn mơ … Theo 16 chữ vàng và 4 tốt thì cách tốt nhứt là bắt chước Đường Minh Hoàng, tối chui vô giường với Dương Quý Phi, không chịu làm bổn phận ông chồng mà lại nằm bắn hỏa tiển, mơ bay lên cung trăng gặp Chị Hằng. Dù Dương Quý Phi có cằn nhằn, cửi nhửi nghe nhức đầu thiệt nhưng bắn hỏa tiển kiểu đó vậy mà hay vì nó đỡ tốn hao tiền của nhân  dân! Sư phụ của mấy quan thì mấy quan bắt chước đi cho nó ‘phẻ’, cho nó trọn tình sư đệ! He he!

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

 

 

Bang bang! Bắn vào thời thơ dại!

dxt_oct26.jpg

 

 

 

Thời thơ dại, ai hỏng có trò chơi giữa những đứa nhỏ trong xóm, láng giềng, cả trai lẫn gái với nhau? Từ năm, sáu, chín, mười là tuổi thơ ngây, có đứa chơi trốn tìm, chơi năm mười, mười lăm, hai mươi, dù quê mình, thuở đó, khói lửa mù trời nhưng tuổi thơ vẫn là tuổi thơ thôi!

Còn không chơi năm mười, mười lăm, hai mươi, trốn tìm thì có đứa lại lấy cành cây làm tuấn mã, cỡi, dùng súng giả bắn ‘bang bang’ bằng miệng. Kỷ niệm thời thơ ấu đó đã tạo nên một bài hát sống hoài với tuổi thơ ngây.

Trẻ con đâu cũng thế trong một thế giới đầy tưởng tượng cho đến khi va chạm với thực tế phũ phàng, những toan tính bệnh hoạn, của những người mệnh danh là người lớn.

Bang Bang! My Baby Shot Me Down!

I was five and he was six

We rode on horses made of sticks

He wore black and I wore white

He would always win the fight

 

Bang bang, he shot me down

Bang bang, I hit the ground

Bang bang, that awful sound

Bang bang, my baby shot me down.

 

Seasons came and changed the time

When I grew up, I called him mine

He would always laugh and say

"Remember when we used to play?"

 

 Bang bang, I shot you down

 Bang bang, you hit the ground

 Bang bang, that awful sound

 Bang bang, I used to shoot you down.

 

 Music played, and people sang

 Just for me, the church bells rang.

 

 Now he's gone, I don't know why

 And till this day, sometimes I cry

 He didn't even say goodbye

 He didn't take the time to lie.

 

 Bang bang, he shot me down

 Bang bang, I hit the ground

 Bang bang, that awful sound

 Bang bang, my baby shot me down...

 

Em lên năm, còn anh lên sáu

Tuấn mã phi, bằng những nhánh cây

Hắc y, anh, bạch y, em trắng.

Đấu với em, anh luôn luôn thắng!

 

Bang bang! anh bắn em rồi

Bang bang! em ngã xuống đời

Bang bang! sao kinh hoàng quá

Bang bang! anh bắn em rồi!

 

Đến rồi đi, mùa đã đổi chiều!

Lớn lên rồi, em gọi anh yêu

Luôn luôn cười, anh thường hay nói

Thuở dại khờ, nhớ biết bao nhiêu?

 

Nhạc trổi lên người ta ca hát

Còn với em: chuông của giáo đường!

 

Rồi anh bỏ em; em không biết tại sao?

Cho tới bây giờ đôi khi em vẫn khóc!

Anh không buồn nói… ngay cả lời ly biệt

Không nói một lời… dù để dối gian nhau!

 

Bang bang! anh bắn em rồi

Bang bang! em ngã xuống đời

Bang bang! sao kinh hoàng quá

Bang bang! anh bắn em rồi!

 

Tiếng súng giả trong trò chơi thời thơ dại… lớn lên thành người lớn là tiếng súng thật, là có người ngã xuống thật, đôi trẻ buộc phải tham gia vào trò chơi quyền lực của người lớn, là tham gia vào cuộc chiến tranh, giết nhau, máu đổ thịt rơi, xương phơi trắng nội vì tham vọng của người lớn, của một lũ điên!

Năm, mười, mười lăm, hai mươi

em, anh lên chín lên mười

trò chơi thơ dại: năm mười tìm nhau

tìm em, em trốn phương nào?

mà sao ngõ trước, vườn sau vắng người?

năm, mười, mười lăm, hai mươi

đột nhiên nghe tiếng em cười đâu đây...

trốn, tìm hai đứa thơ ngây!

Rồi lớn lên, xa rồi em anh lên chín lên mười mà trở thành tuổi dậy thì, thanh xuân, dù mùa xuân không còn xanh nữa, vẫn yêu nhau đắm đuối như không yêu là không còn kịp nữa trong một trời lửa đạn!

Năm, mười, mười lăm, hai mươi

em, anh mười chín, hai mươi

trò chơi thơ dại: năm mười, đã xa

tình vừa kết nụ đơm hoa

Rồi phải có một ngày im tiếng súng chớ! Tưởng hòa bình. Tưởng trả súng đạn nầy anh trở về làng cũ, quê xưa để đôi ta làm lại từ đầu. Ngờ đâu:

đất trời bỗng nổi phong ba tan tành

xuống tàu di tản thôi đành

tình ta dang dở, em xa quê rồi

tìm em, em tận phương trời

buồn không em? đất quê người nhớ nhau.

Tình thơ dại đó đã theo nhau ra biển. Kẻ chân trời góc biển; người ở chân mây! Đi qua thời biến loạn, một hôm tóc đà chớm bạc trong chiều bóng xế nhìn thấy cháu, con lại chơi trốn tìm như mình ngày cũ. Kỷ niệm xưa tràn về như sóng xô bờ đá dựng. Khuyên đừng chơi trốn tìm nhau nữa vì có thể là mình sẽ không còn tìm được tình nhau nữa đâu!

Năm, mười, mười lăm, hai mươi

dạy con! chớ dại chơi trò chơi xưa

năm, mười, mười lăm, hai mươi

trò chơi thơ dại một đời tìm nhau.

tình ơi! tình trốn phương nào?

Năm, mười, mười lăm, hai mươi.

Rồi cái tham vọng quyền lực, tiền tài đã nhẫn tâm xô tất cả vào một con đường thảm khốc, hủy diệt luôn cả thơ ngây. Gần 40 năm, xa rồi cái thời kinh khiếp đó. Di tản! Ta làm lại từ đầu, bỏ xứ ra đi để cho con cháu được tự do chơi trò chơi thơ dại ngày xưa trong bình an không tiếng súng?!

Thì đêm nay, quê người, chuyện súng đạn nghe chừng như đã ớn! Người viết lại đọc được cái tin nầy mà rơi nước mắt.

Andy Lopez, 13 tuổi, mang súng giả ra đường, và cảnh sát đã bắn chết ‘trò chơi thời thơ dại’ của em. Em thơ ngây chết vì bảy phát đạn vì người lớn nghĩ rằng, một cây súng trường trên tay; một cây súng ngắn trong thắt lưng, tội của nó là giống y như thật nên họ bắn em rồi! Vì họ sợ em sẽ bắn họ?! Tiếng súng nổ ‘bang bang’ 7 lần như vậy.

Bi kịch nầy vừa xảy ra ở Sonoma County, ở vùng Bắc tiểu bang California, Mỹ. Loạt súng đó đã bắn thẳng vào thời thơ dại, vào tuổi thơ bình yên em. Có phải là người lớn, chúng ta, đã phát điên lên rồi không trước một thế giới bất an, trước những đe dọa khủng bố, và những vụ nổ súng bừa bãi tràn lan trên nước Mỹ? Từ những hoang tưởng đó, có người muốn giết chúng ta, kết quả tất nhiên là vụ nổ súng giết chết Andy xảy ra vào thứ Ba 22/10, chỉ một ngày sau khi một em 12 tuổi ở Nevada nổ súng bắn chết thầy giáo dạy toán và làm bị thương hai bạn học khác trước khi tự sát.

Andy có tâm hồn nghệ sĩ, em đã từng chơi trumpet trong dàn nhạc của trường em học. Là một học sinh được bạn bè yêu thích. Bạn bè em, hàng xóm khóc thương em! Họ mang nến, mang hoa, mang gấu nhồi bông đến hiện trường nơi em bị bắn chết!

Họ nói em rất thông minh. Nhưng dù thông minh thế nào đi chăng nữa chắc em cũng không thể nào hiểu được người lớn họ nghĩ gì trong đầu? Đây là súng giả em hào hứng vừa mượn được của bạn em. Một trò chơi thời thơ dại như cao bồi  và ‘sherrif’ bắn súng, như trốn tìm hai đứa thơ ngây. Con nít nào mà hỏng có trò chơi chớ? Thì việc gì em phải bỏ ‘đồ chơi’ xuống? Và súng nổ! Chấm dứt một cách phũ phàng niềm vui của một đứa trẻ có cây súng giả trên tay đang dung dăng dung dẻ đi về nhà để khoe với anh chị hay với ba, với má?

 Cảnh sát trưởng Steve Freitas gọi vụ nổ súng là một "thảm kịch"

"Là một người cha của hai đứa con trai cùng độ tuổi, tôi không thể tưởng tượng được nỗi đau mà gia đình này phải trải qua!"

Vâng! Đúng là thảm kịch cho gia đình, cho bè bạn của em, cho cả hai người cảnh sát đã nhầm lẫn bắn chết em. Cái chết của Andy chắc sẽ đeo đuổi họ suốt đời.

Mà sâu hơn, đúng ra là thảm kịch của chính chúng ta. Những người lớn! Chúng ta đã làm gì, sống như thế nào, đối xử với nhau ra sao hay là chúng ta chỉ chăm bẳm giết lẫn nhau bằng bất cứ cái gì có trong tay… như súng. Chúng ta giết chết thời thơ dại của tuổi thơ nghĩa là chúng ta giết ngay tương lai của chính chúng ta. Chúng ta, những người lớn, lý do gì đã căm thù nhau tận xương tủy, xông vào nhau bắn giết, đã và đang xảy ra trên toàn thế giới nếu không phải bởi lòng tham?!

Là một trong đám người lớn đó, người viết xin nhỏ nước mắt khóc thương em!

Lỗi tại chúng tôi muôn phần khi không tạo ra được một môi trường hòa bình không biến loạn cho tuổi thơ em!

Từ trò chơi tưởng chừng vô hại “Bang bang! You shot me down!” đến “Trốn tìm hai đứa thơ ngây!” cuộc tìm kiếm tình ta trong tuyệt vọng, một Andy mang súng giả dung dăng dung dẻ trên đường …tất cả trò chơi thơ dại đó đều tan vỡ vì một thế giới bất an do tham vọng của một lũ điên…

Từ cái chết bất ngờ tức tưởi của Andy, nghĩ về nền văn hóa súng ở Mỹ? Thế giới bất an và ai ai cũng muốn mình có súng? Để làm gì? Để được cảm thấy bình an ư với cây súng trong tay? Hay là dùng súng để giết nhau ? Bắn trước vì sợ, nếu không, nó sẽ bắn mình!

Những công ty sản xuất súng trước siêu lợi nhuận khổng lồ? Lại tiền, dù tiền làm bằng máu! Thật là điên loạn! Thật là bi kịch!

Nhưng chừng nào chúng ta chấm dứt được bi kịch của chúng ta. Chấm dứt được cơn điên của chính chúng ta đây?! Khi lòng tham (tiền tài, danh vọng) vẫn còn ngự trị đâu đây?!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

 

Để trả lời một câu ‘quở’!

dxt_oct23_1.jpg


Thưa quý độc giả thân mến!

Báo Việt Luận, số 2790, phát hành thứ sáu, ngày 18 tháng 10 năm 2013, trong Mục Ý kiến độc giả, bạn đọc Anh Nguyen (Sydney) có ‘quở’ rằng:  Nên cẩn thận trong việc dịch thuật.

  Gần đây tôi có đọc một vài bài trên báo Việt Luận nói về ông Bill Shorten và trận đụng độ của ông với bà Tàu chủ tiệm bán đồ ăn khi ông ta hiểu lầm rằng bà nói cựu thủ tướng Julia Gillard mềm như bánh bà bán. Xin trích nguyên văn tiếng Anh sau đây:

  “The pies are soft, like Julia Gillard,” he claimed she told him. Ms Wong insists Mr Shorten’s anger then spilled over as he swore and shouted that she had lost his business as he stormed out of her store.”

Các bài báo này dịch lại là ông Shorten dọa sẽ đóng cửa tiệm bà này. Thật ra ý ông nói là ông sẽ không mua đồ ở tiệm bà nữa. Xin để ý câu nói “his business’ chứ không phải là ‘her business’. Người Việt mình khi dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt nên cẩn thận vì có thể sẽ bị “sai một li đi một dăm” như trường hợp này. Cũng cần nói thêm là ông Shorten không có quyền gì để đóng cửa tiệm này nếu bà không làm gì sai luật cả.”

 ***

 Anh bạn nhà báo sau khi đọc được ý kiến phê bình của quý độc giả kính mến này rồi nói với người viết rằng:  Mình viết báo mà được độc giả bỏ công ra mà đọc, đọc xong, rồi khen cho một phát thì phần thưởng tinh thần vô giá đó làm tác giả, dù có lao tâm khổ trí để viết bài… tự nhiên quên hết mệt nhọc mà ‘Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa’ Dù cày bừa trên cánh đồng văn học, báo chí… mệt bở hơi tai nhưng lại thấy lòng  mình vui như đi ‘chợ Tết’!

Còn nếu không được khen mà bị ‘rầy’, bị ‘quở’ mà ‘rầy’ trúng, ‘quở’ trúng thì mình, người viết báo, còn vui mừng vui hơn gấp bội vì có dịp được học hỏi thêm từ quý cao nhân. Vì nhân vô thập toàn mà! Viết báo không trật chỗ này thì cũng trật chỗ nọ… Sao mà ‘né’, mà ‘tránh’ cho khỏi?!

Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông độc giả kính mến Anh Nguyen đã ‘rầy’ oan tụi tui rồi đó nha:

Nếu chỉ dựa vào mấy câu tiếng Anh nói trên, thì độc giả sửa lưng các tác giả cũng không có gì sai. Phần viết thêm là ông Shorten không có quyền đóng cửa cái milk-bar của bà này cũng trúng luôn…trên phương diện lý thuyết?!

Tuy nhiên, độc giả chỉ dựa vào lời phân trần của ông Bill Shorten, lại cho qua ‘phà’ ‘tâm sự loài chim biển’ của bà chủ quán milk-bar, để ‘rầy’các tác giả những bài nào nói trên đã không cẩn thận trong việc dịch thuật thì ‘oan ơi ông Địa’ cho mấy ông nhà báo nầy quá!

dxt_oct22_2.jpgMuốn biết oan hay ưng thì thiết tưởng chúng ta cũng nên theo dõi từ đầu tới cuối màn kịch này. Nghe hết cả hai vai chính, ông và bà nói gì, chửi gì chứ không phải ăn gì nấu gì của đài SOS (xin lỗi nói lộn, nói lại…đài SBS)!

Theo cuộc phỏng vấn của đài 3AW thì: Ông Bill Shorten, lúc đó là Tổng Trưởng Quan Hệ Lao Tư, vô cái milk-bar ở đường Lygon, Carlton, thuộc thủ phủ Melbourne, tiểu bang Victoria, định mua cái bánh ‘pie’ cho thằng con trai đói bụng gần chết của mình ăn. Nhưng hết bánh!

Bà chủ tiệm, Annie Huang, nói, nếu ổng muốn, để bả bỏ bánh vô lò vi ba, hâm lại cho nóng nhưng bánh sẽ mềm chứ không được dòn rụm đâu nha! Rồi lời qua tiếng lại sao đó, ông Tổng Trưởng này xài giấy năm trăm trước mặt đàn bà con gái. Cái này bậy dữ à nha!

Theo bà chủ quán này thuật tiếp:

 “Ổng không nói gì cả, chỉ quay đi, mở cửa bước ra ngoài, rồi quay lại nữa, nói: Bà mới vừa sập tiệm!”

 “He didn’t say anything turns around, opens the door and goes out, then turns around again and says 'You’ve lost business,'’ she said.

Đọc câu nầy thì người viết hoàn toàn đồng ý với bà chủ milk-bar này là ông giận quá ông, ông ‘nổ’, ông hét ra lửa, ông mửa ra khói, ông muốn đóng cửa tiệm của bà chớ gì nữa!

Bà chủ milk-bar nầy còn ‘bù lu, bù loa’ thêm: (theo ABC News)

“Ngộ sợ quá. Tại sao ông nói với ngộ rằng ngộ đã sập tiệm hả?’

 [I'm] really scared. I say, 'why he say to me I lost business?'

Do đó, người viết hỏng phải binh phe ta, phe ‘báo đời’; nhưng những tác giả mấy bài báo này cũng cẩn thận khi lấy tin lắm đó chớ; hỏng có ẩu tả gì đâu cho cam? E rầy như vầy là ‘oan’ thị Mầu lắm đó!

Hai là trên lý thuyết, ông Bill Shorten không có quyền đóng cửa tiệm bà này nếu bà ấy không có làm gì sai? Tuy nhiên lý thuyết chỉ là chất xám mà cây đời thì mãi mãi xanh tươi! Đụng với mấy tay tổ này, dân ngu khu đen nghe hăm hẹ sợ thiệt chớ hỏng phải chuyện giỡn chơi. Nồi cơm của mình mà lỡ có gì, mất thương vụ là hết buôn bán mần ăn thì ai nuôi sắp nhỏ, con của ‘ngộ’ hả? Vì sợ như vậy bả mới gọi vô đài mà ‘méc’ chớ! Bằng không thì  đâu có rảnh mà chọc vô ổ kiến lửa làm chi cho mang họa vào thân! Sao biết được! Thấy con voi thì tránh vì ông bà mình từng dạy rồi: Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Còn hỏng tránh, nó dẫm cho một phát là Trời cứu nị!

Câu chuyện nào nó cũng có hai chiều hết ráo! Còn nếu mình chỉ nghe ông Bill Shorten nói thôi, cho lổ tai mình chạy một chiều… và chỉ hiểu theo kiểu ông Bill Shorten muốn mình hiểu là:

Ông không có văng tục trước mặt đàn bà con gái, ông chỉ không thèm mua bánh ‘pie’ ở cái milk-bar nầy nữa! Buôn bán hỏng lo buôn bán mà thày lay chuyện ‘chánh chị, chánh em’:  Phục vụ gì như ‘hạch!’

Nếu chỉ có vậy? Thì đó là chuyện nhỏ như con thỏ, chuyện thường ngày ở huyện, chuyện cơn bão trong tách trà, chẳng nhằm nhò gì đâu đến hòa bình thế giới thì hà cớ gì mà ông Bill Shorten lại phải hạ mình xin lỗi khi mình hỏng có lỗi gì hết ráo? Phải không?

Thuận mua vừa bán là quyền của khách hàng. Đâu cũng vậy! Hài lòng khách đi rồi vui lòng khách đến! Không hài lòng thời thôi hỏng mua bán gì ráo. Việc gì phải xin lỗi. Hết chuyện!

Nhưng khi ngài Tổng Trưởng, đường đường một đấng anh hào, mà phải đứng ra xin lỗi ‘con ong, cái kiến’ thì có nghĩa là ngài đã ngạo mạn, ỷ thế mà làm bậy, hăm he: “You’ve lost business’ cho ‘tụi bây’ biết ông là ai rồi! Cái nầy chắc chắn là quan có hăm he thiệt! Hăm cho bà này dẹp tiệm luôn! Chắc như cua gạch, chắc như xà bông Việt Nam 72 phần dầu rồi!

Nghe cả hai bên, rồi tin ai nói đó là quyền của thính giả nghe đài 3AW và công chúng Úc. Còn người viết cũng xin nói thiệt lòng mình là: “Già hai thứ tóc trên đầu rồi…tóc muối và tiêu nhưng tiêu ít mà muối lại nhiều nên người viết hỏng có ngây thơ, trong trắng bụi đời mà tin ông nói ngay, nói thiệt! Hỏng có lửa sao có khói mù mịt vậy cha nội! He he!”

đoàn xuân thu!

melbourne.

 

Sao anh bỏ em?

dxt_oct18_13_2.jpg

 

Kết hôn xong, chàng chở nàng đi Pháp du hí, đôi ta ca bản ‘tù ti, tú tí!’ đã đời trong tuần trăng mật! Hết tiền, mậu lúi, chàng bèn chở nàng về ‘dinh’ ở  Bá Linh, thủ đô nước Đức. Tuần trăng mật…ngọt nầy cũng chấm dứt luôn, chỉ còn là cay đắng; một là hết tiền, hai là bị vợ mắng… khi chàng bỏ quên nàng ở một cây xăng tại thị trấn Bad Hersfeld!

Tên thị trấn nầy thiệt là tên tiền định! Tên Bad Hersfeld (Bad là tệ! Thì làm sao hành động đảng trí nầy của ‘tân lang’ làm rớt ‘tân giai nhân’ giữa đường hoa mộng là tốt, là hay cho được hả?)

Tin động trời, có một không hai nầy, cho biết, tân lang, trên đường về, dừng lại đổ đầy bình xăng bên cầu biên giới, rồi thản nhiên lái đi luôn. Mặt trận miền tây hoàn toàn yên tĩnh! Không có hòn đất ném đi, hòn chì ném lại. Sao mà yên tĩnh một cách bất ngờ vậy ta?

Chàng bèn quay đầu nhìn lại, thì: “Úy trời đất ơi! Con vợ tui nó biến đâu mất rồi! Mấy thầy đội ơi!”

Mấy thầy đội cũng hoảng kinh hồn vía khi nghe tin chàng cấp báo cái mà cấp báo! “Trời đất quỷ thần ơi! Cục cưng của ‘giả’ mà ‘giả’ làm rớt ở dọc đường rồi! Mà rớt ở đâu? Làm sao kiếm bây giờ?!”

Bèn hỏi đầu đuôi gốc ngọn thì: Cách hai tiếng rưởi, anh còn thấy em nằm ‘ngáy’ pho pho ở băng sau xe. Đổ đầy xăng, chạy ‘u’ về nhà thì em biến…mất!

Té ra là lúc ‘giả’ vô trả tiền, thì em cũng chuồn xuống, vô nhà vệ sinh. Khi em ra, thì bóng chàng đã khuất mấy ngàn dâu xanh. Ngàn dâu xanh ngắt một màu Chàng ngu! Nhưng thiếp chẳng ‘sầu’ chàng đâu?!

Trả lời phỏng vấn của một đài phát thanh, em mới 33 tuổi, lập gia đình hơi muộn nha, nói: “Mới đầu, em nghĩ thôi rồi! Mình lấy nhầm thằng ngu quá xá! Em không có điện thọai di động, mà chẳng có xu ten nào trong túi. Biết làm sao bây giờ khi bóng chim tăm cá vậy hở Trời? Phải chờ anh cho mãn kiếp chờ! Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông?!

Nhưng cuối cùng thì anh yêu cũng quay trở lại cùng mấy thầy phú lít! “Thôi tha một bàn đi; vì em nghĩ thằng chả hỏng cố ý như vậy đâu. Vì yêu người như thế đó! Người bỏ người ra đi! Hỏng lẻ mới tinh mà lời thề bay trong gió! Gió ơi gió bay cao thôi từ nay còn nói năng gì?!”

Đọc chuyện, người viết cười rung râu luôn, vì trộm nghĩ có thể ‘cha’ nầy cố ý hỏng biết chừng! Định dạy em một bài học nho nhỏ, độc thân là khác nhưng khi về với chồng là ‘đi thưa; về trình’. Muốn xài nhà vệ sinh thì cũng phải nói cho ‘qua’ hay với chớ. Không chồng đi dọc về ngang! Có chồng thì phải ngay hàng nha em!

Độc giả, cũng vui như Tết, bình luận rôm rả lên như vầy:

dxt_oct18_saoanh2.jpgTại vì mới cưới, chưa quen, nên phải hai tiếng rưởi sau, ổng mới phát hiện vợ mình mất tích! Còn nếu như lấy nhau nhiều năm rồi, khi cùng ngồi trong xe mà không nghe ‘lải nhải, càm ràm’ trong vòng 10 phút thì ổng đã phát hiện ra ‘sự cố’ rồi !

 

Làm chồng thì làm gì có cái chuyện bỗng dưng cuộc đời mình sao lại quá ‘bình yên’ như thế cho được? Phải có lý do tại sao chớ!

Có độc giả lại bình như vầy: “Ước gì tui được như anh ấy! Tui chạy luôn! He he!”

Chuyện rằng: Chồng lái xe, vợ ngồi bên. Hai người cãi nhau một trận sanh tử lửa, hỏng ai chịu thua ai. Từ chiến tranh nóng, cãi sùi bọt mép, bèn chuyển sang chiến tranh lạnh! Cả tiếng đồng hồ, hai người thủ khẩu như bình; không ai chịu mở miệng ra nói với nhau một tiếng nào!

Bổng ông chồng phá tan bầu yên lặng nghẹt thở, lên tiếng, chỉ ra ruộng “Bà có thấy con lừa đang thơ thẩn ngoài kia không?”

Con vợ trả lời: “Thấy!”

Chồng hỏi tiếp: “Phải bà con của bà hông?”

Con vợ gục gặc cái đầu: “Phải! Từ khi tui lấy ông. Bà con bên chồng. He he!”

Đúng là bên tám lạng; đằng nửa cân!

Nhưng đừng nghĩ chồng giận thì vợ bớt lời. Cơm sôi nhỏ lửa biết đời nào khê! Cứ rùm lên một chút cũng không ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới! Vì bác sĩ tâm lý chỉ ra rằng: Cuộc hôn nhân cãi lộn, đầy sóng gió đôi khi lại là một cuộc hôn nhân dài lâu. Vì đôi bên bận tìm cách để ‘chơi’ nhau thì còn thời giờ đâu mà để ý đến người khác. Nên không có chuyện ngoại tình, ông ăn chả, bà ăn nem, ghen tuông gì ráo! Ngoại tình mới chính là ‘thủ ác’ giết chết tình ta! Còn cự cãi chẳng qua là chút muối, chút tiêu cho thêm mặn nồng duyên đôi lứa?!

Tuy nhiên cái gì cũng vừa vừa phải phải thôi. Từ cãi lộn rồi đập lộn như Tây; dần dần thù nhau bất cộng đái thiên, không đội chung trời, như câu chuyện dưới đây là chẳng nên đâu.

Chồng hấp hối, trăn trối trước khi về chầu ông bà ông vải:

“Anh xin cúi đầu chờ ân huệ, em rộng lòng tha thứ cho anh. Kẻ đã gây ra nhiều khổ đau, khóc hận! Tới giờ nầy mà em chưa hết oán than! Anh đã ‘tò tí’ hết ráo với mấy con bạn em và ngay cả với em gái của em nữa. Xin hãy tha thứ cho anh. Để anh an lòng nhắm mắt!”

“Anh yêu! Em biết hết cả rồi! Cần chi anh phải tự thú trước quan tài. Hãy nghỉ yên cho thuốc độc nó phát huy tác dụng nhá anh yêu!”

Để kết bài, người viết thấy con đường tình ta đi của người em xứ Đức nầy còn dài lắm ít nhứt 5, 7 năm mới có thể kết luận được là hành động của anh chàng nầy khôn hay ngốc?!

Nếu đôi ta hạnh phúc cùng nhau đến răng long đầu bạc thì chuyện chàng bỏ quên nàng; rồi chàng la làng kêu lính, rồi quay lại trở lại cây xăng mà tìm được em yêu là một hành động cực kỳ thông minh trong cơn hoảng hốt.

Còn cầm bằng con đường tình ta đi trắc trở, trái ngang thì hành động quay lại kiếm em yêu sẽ làm chú em ân hận suốt đời! Vì phải chi hồi đó mình chạy luôn đi! Hu Hu! Mình thiệt là ngu!

Đời mà sao biết được! Cưới vợ là hên xui, nhứt chín nhì bù dữ lắm! Do đó người viết đang chờ vài năm nữa mới biết đá vàng nên khoan bình luận! Vì sợ trật!

 đoàn xuân thu.

melbourne.

 

 

Ngụ ngôn của thế kỷ 21!

dxt_Oct14_13_nguNgon.jpg

 Tử đến gặp Con Thỏ và gầm lên: “Ai là Chúa Tể Sơn Lâm hả?”

Con Thỏ run rẩy trả lời: “Dạ thưa! Ngài ạ!”

Sư Tử nói: “Đúng thế!” Rồi bỏ đi!

Sư Tử đến gặp một Con Trăn và gầm lên: “Ai là Chúa Tể Sơn Lâm hả?”

Con Trăn ráng dằn cơn sợ, đáp:  “Dạ em hỏng biết! Để em đi hỏi ‘đại ca’ em đã!”

Sư Tử nói: “Đi hỏi ‘đại ca’ ngươi đi! Rồi trả lời cho ta biết! Lẹ lên!”

Con Trăn bò đi kiếm ‘đại ca’ hơi lâu nên Sư Tử bỏ đi!

Sư Tử đến gặp Con Voi, nó đang ăn. Sư Tử gầm lên: “Ai là Chúa Tể Sơn Lâm hả?”

Con Voi coi như pha, lại tiếp tục ăn! Sư Tử giơ móng vuốt ra, nhe nanh đe dọa; rồi gầm lên: “Tao hỏi ai là Chúa Tể Sơn Lâm hả?”

Con Voi dùng vòi cuốn lấy Sư Tử, nhắc bổng nó lên không, đập xuống đất ba lần;  rồi vụt Sư Tử văng vào một gốc cây! Nghe cái rầm! Đau thấy bà tiên tổ!

Sư Tử lồm cồm đứng dậy, lắc lắc cái đầu, nói:

“Ngài không biết câu trả lời thời thôi! Việc gì mà nổi khùng lên như thế?”

***

Tập Cận Bình đang ăn mì hoành thánh trong quán. Bàn bên kia, Việt Cộng đang ăn phở. Tập đứng dậy, diệu võ dương oai, đi bài quyền Thiếu Lâm, gió bay vun vút; rồi gầm lên: “Ai làm chủ Biển Đông hả?”.

Việt Cộng run rẩy, rơi cả đũa, trả lời: “Dạ thưa! Là xếnh xáng ạ!”

Tập Cận Bình nói: “Đúng thế!” Rồi bỏ đi!

Tập Cận Bình đến gặp Tổng Thống Phi Luật Tân, Benigno Aquino III, đang ăn cơm và cá khô muối, diệu võ dương oai, đi bài quyền Thiếu Lâm, gió bay vun vút; rồi gầm lên: “Ai làm chủ Biển Đông hả?”

Tổng Thống Phi trả lời:  “Để tui đi hỏi Liên Hiệp Quốc và Đại Ca Cờ Hoa của tui đã!”

Tập nói: “Đi hỏi ‘Đại Ca’ ngươi đi! Rồi trả lời cho ta biết! Lẹ lên!”

Tập đến gặp Tổng Thống Mỹ, Barrack Obama, đang ngồi ăn Big Mac; rồi gầm lên: “Ai làm chủ Biển Đông hả?”

Obama bận ăn, coi như pha, không thèm để ý tới!

Tập Cận Bình diệu võ dương oai,  đi bài quyền Thiếu Lâm, gió bay vun vút; rồi gầm lên: “Ta hỏi ai làm chủ Biển Đông hả?”.

Obama đứng lên, móc súng ra, bắn bể tô mì hoành thánh của Tập Cận Bình. Tập xuýt xoa, vì nước súp của tô mì hoành thánh còn nóng văng lên trúng mặt mình!

Tập Cận Bình nói:

“Ngài không biết câu trả lời thời thôi! Việc gì mà nổi khùng lên như thế?”

 đoàn xuân thu.

Melbourne

 

 

Đôi ta đi giữa trời chung thủy!

dxt_Oct9_doita.jpg

Anh bạn văn của người viết có lần anh cụng ly tui, tui cụng ly anh, tâm tình về con đường tình duyên trắc trở của anh y ‘hịt’ như vận nước vậy. Ảnh nói: “Ngày canh me vượt biển, tui cũng đã có một mối tình nhỏ vắt trên vai rồi đó chớ! Nồi nào úp vung nấy! Nghèo đụng nghèo cho nó mạt luôn; chớ đâu phải như đại gia nào đó làm giàu do ăn hối lộ, bán bãi vượt biên, hay giỏi giựt dọc, cướp đất, đuổi nhà người ta mới cưới được vợ đẹp, vợ  xinh, hoa hậu, người mẫu… chân dài tới nách… mà phận nghèo như tui, làm ăn lương thiện…lại phải chịu cu ky?! Ông Trời có mắt mà?!

Qua Úc, hai năm sau vô quốc tịch rồi, tui tính lãnh người xưa qua. Nhưng mà em hỏng chịu đi vì nghe nói tui đang làm ‘farm’! Dù tui giấu kỷ lắm, tui nói tui đang làm giám đốc hãng may, có tới 4, 5 chục công nhân lận, đông như quân Nguyên mà tui là Hốt Tất Liệt?! Nhưng hỏng biết ‘cha’ nào về bển, thày lay, hỏng ai ‘quánh’ mà khai hết ráo! Thiệt là cái thằng nhiều chuyện, không biết giữ bí mật quân sự nào cho bạn hiền hết ráo!Thôi em biết rồi, đành chịu thiệt, chớ ‘dóc’ nữa làm chi cho nó mất uy tín!

Tui điện về thì em hỏi làm ‘farm’ là làm cái giống gì? Thì như mình làm rẫy vậy mà. “Thôi! Tưởng qua Úc làm ông nghè, ông cống gì đó;  để võng anh đi trước võng nàng theo sau; chớ qua Úc làm farm, làm ruộng, làm rẫy thì bên Việt Nam thiếu gì, em qua bển chi cho nó xa, cho nó cực…thôi để em ở lại, lấy mấy thằng Cảnh Sát Giao Thông chuyên đi đón đường, chặn ngỏ người ta mà làm luật, tiền vô như nước, phần ở gần nhà, gần tía má cho tròn chữ hiếu! Để khỏi có cái vụ: Có con ‘chim’ đa đa, chồng gần không lấy; đòi lấy chồng xa! Lỡ mai cha yếu mẹ già, chén cơm, đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng?

Thôi!  Em ‘khờ’, em chê thì mình chịu, chớ làm farm tiền không đó, đếm mỏi tay, khô nước miếng luôn chứ bộ! Bên ‘ni’ muốn kiếm tiền, thật nhiều tiền mà không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt chỉ có cách là đi ăn cắp điện của nhà đèn mà trồng ‘cỏ’ thôi em ơi!

Phần em sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa đã quen tánh chụp giựt, lậm sâu vào trong máu, nên đành bó tay luôn. Phần tình mà! Ai ép ai cho được, vì ép dầu, ép mỡ ai nỡ ép duyên.

Nói vậy chứ tui cũng buồn quá mạng, em yêu của tui thực tế còn hơn là Mỹ nữa! Dẫu buồn, tui cũng an ủi được một phần, vì hỏng phải mình tui bị em ‘phụ’ đâu nha!  Tường Nguyên trong “Gọi đò’; ‘chú em’ cũng đau khổ cũng hỏng thua gì tui đâu:

“Gọi đò ơi! Ai giúp đưa tôi kịp sang đò. Bên kia sông này người ta đang tưng bừng đón dâu. Gọi đò ơi! Cớ sao không có ai đưa đò để con đò buồn hiu quạnh. Bến quê chẳng còn ai nhớ mong mình về!”

“Ngày đi em đưa tôi qua đò chiều. Em hứa bao điều mãi đợi chờ nhau nhưng mà sao em lại quên?”“Em quên câu yêu thương. Bao nhiêu năm xa quê hương nay lại về. Sắt son câu thề mà người xưa bỏ bến theo chồng”.

“Đò ơi, ai đưa tôi qua đò chiều. Cho nhắn đôi điều đến người mình yêu. Tiếng hò ai nghe quạnh hiu. Mai đi xa quê hương mang trong tim yêu thương. Duyên tình đầu thiết tha hôm nào. Mà giờ đây như nước qua cầu. Gọi đò ơi... gọi đò ơi... ơi đò... ơi hỡi đò ơi...!”

Gọi đò gọi gì mà gọi hoài vậy hả ‘chú em’? Em đi lấy chồng rồi thì thôi, kiếm em khác, hơi sức nào mà gọi hoài, gọi hủy, đã mắc công, lại khát nước, khô cổ họng rồi phải tốn tiền nước mía nữa. Tốn biết bao nhiêu cho đủ, cho đã khát!

Người ta không chung thủy thì thôi!

Nhưng chung thủy là gì? Theo từ điển Hán Việt có nghĩa là: không đổi, trước sau như nhứt. Chung thủy tiếng Việt hồi xưa, hồi Việt Nam Cộng Hòa của mình có, bây giờ tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa rồi nên nó chết ngắc, biến mất tăm! Mà ngay cả bên Úc nầy dù không có ‘lan can’ gì với chủ nghĩa xã hội, chung thủy cũng không có trong từ điển luôn nữa đó.

Chuyện rằng: Maria , một người mẹ đơn thân, chữ là ‘single mum’, đến sở an sinh xã hội, Centrelink, để xin tiền sữa. Nhân viên xã hội hỏi: “Thưa! Bà có mấy đứa con? Tên chúng là gì?” 

Maria ỏn ẻn trả lời: “Mười đứa cả thảy. Tên chúng là: Tom, Tom, Tom, Tom, Tom, Tom, Tom, Tom và Tom.”

“Mười đứa đều tên Tom hết! Vậy bà có lẫn lộn đứa nầy qua đứa khác không?” “Không bao giờ; mà còn tiện cho em nữa đó! He he! Chẳng hạn gọi tụi nó về, vì tới giờ cơm hay giờ đi ngủ; chỉ cần gọi Tom mười lần, là mười đứa đang lang thang chơi đâu đó, mũi dải lòng thòng đều ‘bang bang’ chạy về nhà hết ráo! Gọn bân!”

“Còn muốn gọi từng đứa thì làm sao?”

“À! Em gọi bằng họ của tía nó!”

Nghĩa là em Úc rặt rằn ri, Maria nầy, có tới mười ông chồng khác nhau, cho em tổng cộng mười đứa con thì cũng có sao đâu?! Em ‘điệu’ hết biết với ‘anh’ Centrelink nầy chắc trong bụng em muốn có thêm đứa thứ mười một, cho đủ số cầu thủ của một đội đá banh?!

Do đó, Việt Nam hay Úc bây giờ, bàn tới chung thủy làm chi cho nó mệt! Hết thương, hết đường chao tương, thì  kiếm ‘thằng’ khác, ‘con’ khác… thương cho nó gọn. Chớ ‘tình đau không phải xách dao mà xử nhau!’ như trong nước bây giờ! Hay như Othello ‘bóp cổ’ người ‘thương’ một cách thảm thương trong bi kịch của Shakespeare đâu nhá!

Đó là Úc, bây giờ Việt Nam mình, định cư ở xứ kangaroo nầy cũng lâu lâu rồi, gần mực thì đen, gần đèn mà điện cúp, cũng tối hù…cũng chịu ảnh hưởng con kangaroo, nên vài anh, vài em cũng bắt chước nó nhẩy lung tung?! Dẩm nát cái nghĩa vợ chồng một thời đầu ấp, tay gối, đêm đêm táy máy, ngủ ngáy cùng nhau! Nỡ đem cái từ chung thủy ra mà xé cái rẹt trước mặt ông tòa, để  đòi chia nhà, chia của ra làm hai như vậy chớ?!

Báo Việt Luận, thứ sáu tuần rồi, ngày 4 tháng 10 năm 2013, trong mục ý kiến bạn đọc, tác giả Phạm Bích Loan, Cabramatta… đã thuật lại một câu chuyện rất lý thú như vầy:

“Về Việt Nam cả nhà đi ăn ở một nhà hàng khá sang trọng…Trực tiếp chỉ huy phục vụ cho phòng ăn nầy là một cô khoảng 25 tuổi  mà theo bà vợ thì nó “chả có gì đẹp cả chỉ được cái chân dài, da trắng và vòng 1 khá to thôi” Em hỏi ông chồng : “Anh có dùng thêm bia không?” “Nó gần như nằm trên người ông ấy để rót bia, mà  thằng cha ó đâm nầy không dám chửi nó lại còn ngồi im”

Rồi sau đó là:“Thằng chả cần về Việt Nam bốc mộ cho ông bà con nào đó” hay “gặp lại người bạn chiến đấu ngày xưa” Cuối cùng thì ông ly dị bà và em sắp qua Úc. Rồi tác giả khuyên chị em mình đối xử với chồng nên nhỏ nhẹ một chút, giờ mình tuồi lớn “giá nó cũng xuống rồi”. Già mà sống một mình khổ lắm chị em ơi!

Ông anh trong chuyện nầy chịu chơi dữ à nha! Ông có ‘ví’ bự! Em ‘địa’ ông. Em có ‘ví’ bự! Ông địa em! Dù ví em, em khoe, ví ông. ông giấu nhưng  địa qua địa lại! Điện âm hút điện dương, nổ cái ầm… làm tan nhà nát cửa! He he!

Người viết đọc câu chuyện nầy xong, tủm tỉm cười một mình. Bỗng nghe tiếng gầm như  sư tử hống, hết hồn quay lại nhìn, thấy em ‘yêu’ nghiến răng trèo trẹo hỏi: “Chừng nào tới lượt ông?”

“Hỏng dám đâu!” “Không bao giờ em yêu ơi!” “Thiệt không? Mấy ông là vua nói dóc! Ai tin!”

Anh nói thiệt: Hồi trước khi đi hỏi cưới em cho anh, Má anh có đi coi thầy bói: Thầy bói phán rằng: “Thằng nam nầy kiếp trước nợ con nữ nầy; phải trả hết nợ đến khi nó ‘ngỏm’. Nghĩa là chết, mới xong hết nợ! Hỏng có vụ nửa đường nó bỏ chạy đi kiếm con nữ khác đâu! Vì kiếp nầy chưa trả hết mà nó bỏ chạy thì kiếp sau phải đi đào thai lên mà trả tiếp.

Thôi! Anh cũng rán trả một lần cho xong. Một kiếp là tảng kinh hồn vía rồi; nói đến kiếp sau ta tìm thấy nhau; sao nghe mà ớn quá xá?”

Do đó em yêu ơi; đừng lo chi cho hao mòn thân ngà vóc ngọc. Đôi ta đi dưới trời chung thủy tới già. Già rồi hỏng còn đi nổi nữa, anh cũng thề hứa bán mạng là: anh sẽ chống gậy đi cùng em tới cuối đường hoa mộng luôn! Chịu hông hả?

 

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Hồng nhan ‘cổ tại’!

dxt_sept292013_1.jpg dxt_sept292013_2.jpg dxt_Sept292013_3.jpg

 

 

 Thưa quý độc giả thân mến! 

Mỹ nhân, mỹ nữ là người con gái đẹp. Mỹ nam là người con trai đẹp! Cha! Nhấn nhấn về cái vụ con trai đẹp sao nghe ngứa cái lỗ tai làm sao đó? Hồi xưa tới giờ mình chỉ nghe ‘trai tài gái sắc’ chớ mình có bao giờ nghe ‘mỹ nam, nam vương, ảnh đế’ là cái ‘quái’ gì đâu? Mà giờ có đó nha! Trong nước, vừa rước một ‘mông xừ’ hỏng biết từ đâu… râu rìa lông ngực, gọi là mỹ nam để đến giao lưu… cho ‘khù khù’ cả đám! Ha ha!

Hồi xưa hình như nhà văn, nhà thơ bên Tàu hỏng có ông nào được gọi là mỹ nam ngoại trừ Tống Ngọc và Trường Khanh. Cái nầy cũng dễ hiểu thôi vì làm thơ viết văn là phải động não nên mặt lúc nào cũng nhăn nhăn như ‘khỉ ăn ớt’ thì làm sao cho đẹp trai được chớ ?

Dù không đẹp trai, mấy ông ‘thần’ nầy lại khoái người đẹp, khoái một cách tỉ tê như Bùi Giáng (xin lỗi xấu thấy thương luôn!) nhưng lại yêu thầm trộm nhớ mỹ nữ Kim Cương mới chết chớ! Kính thưa nương tử Kim Cương.Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay. Ngàn năm điêu đứng đọa đày.Thiên thu sử lịch cau mày về sau…” Yêu ta rồi nhà thơ lại khoái luôn cô đầm: “Trời xanh úp mặt nghe tin. Thôi rồi! Em Má Ri Lyn đi rồi. Từ đây ta bỏ ngai trời. Thu thời gian đập tơi bời càn khôn…”

Yêu… đau khổ như vậy; vì tim và lòng của nhà thơ mấy mỹ nữ đều đem đi nấu cháo lòng ăn hết. Mà đau chừng nào thì thơ lại hay chừng ấy?

Mà mấy ông nhà văn, nhà thơ ‘ba trợn’ nầy ít có ông nào mà có vợ đẹp lắm; ngoại trừ nhà văn Mỹ Arthur Miller được em Marilyn Monroe ‘nâng khăn, móc túi’ mấy năm; còn hầu như phu nhân của các nhà văn đều không sắc nước hương trời, vì nhà văn nhà thơ nghèo mạt rệp…em đẹp ai mà chịu uống nước lã để yêu anh?

Ông Trời chí công, bù lại cho vợ nhà thơ, nhà văn…phần đức bao la, ta bà thế giới… đảm đang lắm, mới chịu nỗi mấy ông thần nầy nhậu vô rồi nằm…than mây khóc gió. Ở với tui mà cứ tối ngày “Tố của Hoàng ơi! Tố của anh!” Nghe mà có ứa gan hông chớ!

Qua ngòi bút của mấy ổng, người đã đẹp, sắc nước hương trời rồi, nghe mấy ổng ‘cao đơn hườn tán’ thêm, thiệt tui nghe cũng chạy ‘te’ luôn!

Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử của Tàu, vua, thiên tử, con trời, hằng hà sa số, lủ khủ như một lũ ruồi mà hỏng ai thèm biết, thèm nhớ; mà chỉ nhớ tới 4 tứ đại mỹ nhân là: Tây Thi, Vương Chiêu Quân, Điêu Thuyền Dương Quý Phi mới lọa! Chắc có lẽ là nhờ công đức của mấy nhà văn nhà thơ…Lục Tàu Xá nầy.

Mấy giả ‘ca’ rằng Tây Thi đẹp ‘trầm ngư’ nghĩa là con cá chìm sâu dưới nước luôn, bất tỉnh hỏng còn lội nỗi khi thấy mặt nàng. Còn Vương Chiêu Quân thì đẹp lạc nhạn nghĩa là chim nhạn thấy mặt nàng bèn rớt xuống đất cái bịch…‘ngủm củ tỏi’! Điêu Thuyền đẹp bế nguyệt nghĩa là trăng thấy nàng bèn lặn luôn; làm trời đất tối hù mới khổ chớ. Cuối cùng là Dương Quý Phi đẹp tu hoa nghĩa là mỗi khi nàng ngắm hoa, hoa thấy mặt em đều rũ héo vì hổ thẹn.

Có người nói mấy ông nhà văn nhà thơ hồi xưa bên Tàu thực ra là đã xã hội chủ nghĩa, xạo hết chỗ nói từ lâu lắm rồi; chớ đâu cần chờ tới thời Mao xếnh xáng. Vì thực ra là: Tây Thi chân bự chảng, Vương Chiêu Quân vai xệ cánh, Điêu Thuyền tai nhỏ xíu, Dương Quý Phi thì hôi nách! Ôi! Một sự thực trần truồng và đầy trắng trợn!

Mấy chú ba nầy rõ khổ! Chuyện gì khen chê, nói tới nói lui, nói xuôi nói ngược đều được ráo?!

Anh bạn văn cắc cớ, thắc mắc rằng: hồi xưa bên Tàu không có thi hoa hậu ‘đại trà’ nghĩa là thi tùm lum, thi tà la như nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bây giờ;  thi tới hoa hậu cấp phường nữa đó! Ha ha! Vậy làm sao mình tìm được người đẹp Trung Hoa hả? Cái nầy thì dễ ợt. Cứ đến tam cung lục viện của mấy ông trời con, (thiên tử), nầy thời gặp. Leo lên dương xa tức xe dê rảo một vòng. Cửa phòng em nào có dắt cành sua đủa dụ cho dê ăn, thì xe dê dừng lại ‘quằm sua đũa’ thời ta vén áo bước vào, thì sẽ được em mời ngay lên giường mà đàm đạo, khi trăng vừa mới nhú! Chu choa đã quá chừng chừng!

Nhưng chắc là em đẹp hông? Chắc chứ! Vì hồi xưa mấy ông vua con nầy truyền chiếu chỉ tới tận địa phương là có em nào xinh; cứ việc bắt bỏ lên ‘kiệu’, khiêng về cho trẫm nghe! Gọi là tiến cung.

Con gái tiến cung rầu gần chết! Một là vua già; biết có làm ăn gì được nữa hay không? Hai là bỏ chàng lại ở quê để gánh nước đêm trăng một mình. Thì lòng em sao nỡ! Mà cãi lại thời không dám; vì sợ ‘vua’ nỗi tam bành lục tặc, là tru di tam tộc, chớ không phải chuyện giỡn chơi. Mất cái gì thì mất, còn châm chước được, chứ mất ‘cái’ đó là ‘Quân đâu! Đem tụi nó ra pháp trường, chém hết ráo cho ta!” Thế nên bên Tàu, ngày xửa ngày xưa, đẹp chưa chắc đã là hên!

Ngày nay trong chế độ cộng sản, độc tài, thân phận mấy ‘ẻn’ cũng hỏng khá gì hơn, em là con gái trời cho đẹp, đẹp là hồng nhan bạc phận hết ráo! Hỏng nghe “Kim Chú Em’ của Bắc Hàn đem người yêu cũ ra bắn cái ‘bùm’ đó sao?

Bên Tàu và Bắc Hàn xưa giờ vậy rồi; còn ở Mỹ xem phần số mấy em có khá gì hơn chăng?

Tin rằng: em Nina Davuluri, Mỹ gốc Ấn Ðộ, hoa hậu New York vừa đoạt vương miện hoa hậu nước Mỹ, em Crystal Lee gốc Hoa đoạt giải Á Hậu Một và em Rebecca Yeh gốc Phi Luật Tân đoạt giải Á Hậu Bốn vào ngày 15 tháng 9 năm 2013 tại cuộc thi Miss America lần thứ 87. Có 5 em đoạt giải năm nay mà hết ba em gốc Á rồi nên mấy tay Mỹ kỳ thị rùm beng lên, nói mấy em nầy đâu có phải là Mỹ? Thời buổi nầy mà còn kỳ thị chủng tộc vậy là xưa lắm Diễm ơi!

Nhớ lại cuộc thi Miss America lần đầu tiên vào ngày 7 tháng 9 năm 1921 tại thành phố Atlantic, New Jersey và người đẹp  Margaret Gorman, mới 16 tuổi, đội vương miện, được thưởng 100 đô. Hồi đó Mỹ còn kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử lắm. Vì theo Luật số 7 là "phải có sức khỏe tốt và là người da trắng".

Cái nầy kỳ! Trắng như sữa mới đẹp sao, đen như cà phê, hay nửa đen nửa trắng như cà phê sữa thì uống cũng ngọt, cũng ngon như thường nha. Thấy vậy, mấy người đẹp cà phê đen cự nự quá trời. Cho tui thi với chớ! La rát họng luôn cho tới thập niên 1970, mấy em mới được ngoe ngẩy đi thi. Mấy em Mỹ gốc Phi Châu lý luận rằng: “Trắng da vì bởi phấn dồi! Đen da vì bởi chưa dồi phấn thôi!

Và khi đoạt giải năm 1984, em Vanessa L. Williams, Mỹ gốc Phi Châu,  dĩ nhiên có  thi trang phục áo tắm một, hai mảnh gì đó… tội nghiệp mấy ông coi chưa đã thèm…em bèn chịu chơi chơi tới bến luôn, bằng cách đồng ý chụp hình cỡi truồng cho mát, lên trang bìa của tạp chí Penthouse. He he! Đã ơi là đã! Đó là cái đẹp về thể hình. Em làm vậy chắc ngầm cho biết: “Nè! Coi đi, đồ ‘gin’ đó! Hỏng có ‘dao, kéo gì đâu!”

Ngoài thể hình ra; còn trí tuệ của mấy em thời sao?  Báo chí trong nước bây giờ ở không, rỗi chuyện hay dè bỉu, gọi mấy em hoa hậu là ‘chân dài mà đầu ngắn!’ Nói ví von vậy thôi chứ nói huỵch tẹt ra là đẹp mà ngu?! Người viết xa quê đã lâu chưa về nên không rõ, không dám có ý kiến gì hết!

Còn làm hoa hậu bên Mỹ, chân dài mà đầu ngắn là thua! Đẹp mà còn phải khôn nữa kìa.

Vì muốn làm hoa hậu là phải thi, hỏng có cái vụ phe đảng hay ăn gian, đút lót gì cho được!

Muốn làm hoa hậu ‘Miss America’ là phải là hoa hậu tiểu bang trước. Tổng cộng là phải đấu với 49 em tiểu bang khác, 1 em thủ đô Washington DC, 1 em quần đảo Virgin thuộc Mỹ mà em nào cũng đẹp như tiên, cũng khôn hết sức thì chân dài đầu ngắn thì làm sao mà đậu được mấy ‘chế’ ơi!

Phải lọt qua 5 cửa ải! Một: ban giám khảo phỏng vấn thì em phải trả lời lưu loát, lể phép, chánh xác và tự tin chiếm 25% tổng số điểm. Em nào có thói quen chữ thề thì huề nha!

Hai: thi tài hát, đàn…múa gì đó; trình diễn ngay trên sân khấu chiếm 35% số điểm. Ba thi áo tắm, he hé cho mấy ảnh coi ba vòng 1,2,3 chiếm 15%  số điểm. Bốn thi trang phục dạ hội chiếm 20% số điểm và cuối cùng là thi ứng xử, lẹ làng, thông minh, sắc sảo trong đối đáp chiếm 5% còn lại.

Nhìn vào cách chấm điểm nầy em nào đoạt giải thì đã đẹp mà chắc chắc là hỏng có ‘ngu’ rồi. Mà đa phần mấy người đẹp đoạt giải bây giờ đều là sanh viên đại học hết trơn.

Như em Nina Davuluri, hoa hậu, đang học y khoa, định ra bác sĩ. Em Crystal Lee, gốc Hoa, đã tốt nghiệp Standford. Em Rebecca Yeh, gốc Phi Luật Tân, đang học dược!

Đậu hoa hậu tiểu bang, em được 25 ngàn đô rồi; hoa hậu Miss America thì ‘cổ tại’ hơn

thêm 50 ngàn đô nữa. Tiền thưởng lãnh bỏ túi là hỏng có vụ muốn đi quánh bài hay kéo máy linh tinh gì đó mà phải dành trả học phí đại học. Do đó em nào thắng giải là ‘phẻ’ cho cái túi tiền của tía má lắm đa!

Nước Mỹ là tư bản; là kinh tế thị trường chánh hiệu con nai vàng nên thấy có lợi cho công chuyện mua bán mần ăn là mấy công ty nó nhào vô như chớp, ký hợp đồng quảng cáo cái rẹt với mấy em. Cái nầy mới khẳm địa. Đẹp cỡ Nguyễn Cao Kỳ Duyên dẫu chưa là hoa hậu Miss America, cũng ‘sữa ong chúa’ được bộn bạc; là ấm túi lắm rồi!

Còn tân hoa hậu Mỹ gốc Ấn mới đây nếu được Bollywood mời làm diễn viên ‘cà ri, cà ri cay… xà rông xà rông bay!’… hay hãng bột cà ri nào đó mướn em làm đại diện quảng bá sản phẩm trên bao bì giống như cô Ba xà bông ở miền Nam mình hồi xưa là ‘phẻ’ lắm!

Em hoa hậu năm nay tính ra làm bác sĩ như tía má em nhưng người viết e rằng đời em đã quẹo sang hướng huy hoàng nhung lụa rồi. Đi đường đó đi em ui! Vì nếu em nhứt quyết làm bác sĩ để cứu nhân độ thế, mà lại đẹp quá, bệnh nhân hết bịnh rồi nó lại hỏng chịu xuất viện, cứ nằng nặc đòi cho tui ở lại bịnh viện chữa thêm ít ngày nữa đi chớ; chưa có hết đâu, thì báo hại cho ngân sách y tế của ông Obama lắm đó nha!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

 

 

Hẩu xực! đừng có ‘gâu gâu’!

dxt_Sept2113_1.jpgdxt_sept2113_2.jpg

 www.akshardhool.com 

Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản khác biệt nhau như nước với lửa.

Nước theo chủ nghĩa tư bản là làm giàu trước rồi quyền lực sau. Có tiền là có quyền! Vì có tiền mua tiên cũng được.

Nước theo chủ nghĩa cộng sản là phải có quyền rồi mới có tiền. Có quyền rồi làm sao có tiền? Thì ăn hối lộ chớ làm sao! Hồi xưa gọi là tham quan ô lại; còn bây giờ thì gọi nhiều tên lắm, nhớ không xuể, như tham nhũng, như bầy sâu; ăn hối lộ thì gọi là đục khoét của nhân dân là… bla… bla...

Nước cộng sản nói chung, quan, ai cũng ăn hết! Quan nhỏ ăn nhỏ; quan lớn ăn lớn; quan bự tổ bố không ăn nữa mà xực. Xực những miếng rất lớn nhưng ít lần nên khó mà bại lộ!

Tuy nhiên ăn hối lộ cũng đòi hỏi kheo khéo một chút, ăn cho có nghệ thuật. Chớ bạ đâu táp đấy; vừa ăn vừa sủa gâu gâu; vừa chửi dân như ông quan ‘nhí’ dưới đây mà tuyệt đường hoạn lộ, là rã bành tô!

 

Chuyện rằng: một quan huyện ở Trung Quốc vừa bị mấy anh ở trên ‘bợp tai đá đít’ sau khi một đoạn băng video đã bắn lên internet, cho thấy quan huyện vừa hẩu xực tôm hùm và đưa cay bằng rượu Mao Đài, vừa chửi dân Tàu là đồ vong ơn bội nghĩa?!

Mấy chú, thiếm ba xem được đoạn video dài năm phút nầy bèn nổi cơn tam bành lục tặc, chửi lại: Tổ cha cái thằng nầy, ăn cho mập thây, mập thi mà còn quác cái họng ra mà chửi dân nữa hả!

Ông thần nầy là ai? Cũng thường thường cấp huyện thôi. Ổng là: Lương Văn Dũng (Liang Wenyong), Bí thơ huyện ủy Cô Sơn Tử (Gushanzi), nằm về phía đông bắc tỉnh Hồ Bắc (Hebei).

Ông chửi như thế nào?  Ông chửi rằng: “Dân có cơm ăn với thịt mà cũng còn chửi cán bộ nữa chớ.  Thiệt bạc như dân! Đồ cái bản mặt trơ trẻn; thôi đừng nói chuyện sĩ diện với bọn chúng làm gì cho mất công! ".

“They have rice in their hands and pork in their mouths and still they curse you," "This is what the common folk are like. They are shameless and you can't give them face." 

 

Ông Chệt ‘Dũng’ nầy chửi dân mà sao giống chửi chính mình quá vậy hả ông?

Hỏng biết tay nào chơi khăm, bí mật quay lén cái video nầy hồi tháng 5 nhưng mới bắn lên mạng toàn cầu vào trung tuần tháng 9? Tác giả còn phụ đề thêm tiếng Chệt rằng: “Hải sản, rượu xịn, thuốc lá ngoại tốn hết 10,000 nhân dân tệ (khoảng 1600 đô Mỹ).

Sao tay nầy rành dữ vậy ta? Hay y có tham gia bữa tiệc, cánh hẩu với nhau, ngồi nhậu cùng nhau, ngọ ngọ nị nị, mới cạn lòng tâm sự như vậy chớ? Còn nếu không phải là bạn quan, đồng liêu; thì cũng phải là đại gia nào đó, đãi quan ăn nhậu, đút lót để kiếm hợp đồng chớ gì?

Còn dân ngu khu đen như chú ba đội cái sề đi bán bánh bò, bánh tiêu hay thiếm ba oằn lưng dưới gánh ‘xí mà phủ’(chè mè đen)  ngày nào cũng lội rã cái giò để kiếm từng xu, từng cắc thì cách chi mà léo hánh vô được cái nhà hàng sang trọng nầy để mà quay phim?

Do đó tui bảo đảm với quan rằng: dân nghèo, dù có muốn đá ông văng nó cũng không có cách chi mà chơi ông cho được! Đừng có chửi bậy! Oan cho họ lắm Chệt Dũng ơi!

Trong bụng, thiệt tui e rằng thằng phó bí thơ đang ngồi nhậu chung với Dũng đó. Nó thèm cái ghế của Dũng mà nước miếng chảy dài tới rún; lâu lâu lại phải vén lên. Dũng ngồi ghế bí thơ là cản đường hoạn lộ của nó rồi, nó phải đá Dũng văng ra, để leo lên chớ. Quan trường là đấu trường! Dũng không biết hay sao? Dù bí thơ huyện ủy là đầu con chuột thôi; nhưng đầu con chuột mới có ăn. Còn đít con chuột chỉ dùng để gắn cái đuôi mà ngoe nguẩy đuổi ruồi. Lên một chức, là ăn hối lộ thêm một chút. Thử hỏi ai mà lại không thèm hả? 

 

Tay nầy chơi chiêu nầy mà ác chiến nha! Chắc cũng nằm vác cẳng lên trán mà suy nghĩ ròng rã mấy đêm liền; tìm bí kiếp vẽ ra trận ‘quánh’ sao cho tiến thoái an toàn. Bí kiếp đó gọi là “Giáo Tàu đâm Chệt” và thủ pháp gọi là: “Ném đá giấu tay”.  

Vũ khí YouTube nầy cũng lợi hại lắm nha. Trự nào biết xài, xài đúng lúc, xài đúng chỗ thì nó trở thành một vũ khí hiện đại, không hại điện và hiệu nghiệm để thịt kẻ nào cản đường thăng tiến của ta. Cách đây vài tháng, một quan cấp tỉnh cũng bị dứt cho một giáo mà ngã ngựa, “Chết ngộ rồi!”. Y tên Yang Dacai, biệt danh là ‘đổng đại ca’ (“watch brother”) đeo đồng hồ xịn đi thị sát hiện trường một tai nạn xe cộ gây chết người. Rồi cũng có chú ba khác chơi y, quay video rồi bắn lên YouTube. Mấy anh ở trên bèn nắm ‘chú’ ra; hỏi, tiền đâu mà mua đồng hồ xịn? Phải ăn cắp của dân hông? Sau đó tặng cho chú 14 cuốn lịch vô trong trỏng mà xem đồng hồ cho nó đã!

Do đó lần nầy ta sẽ học bí kiếp đó mà xuống tay hạ thủ nó cho rồi.

Bữa đó trà tam, rượu tứ mà! Có 4 thằng, trừ Dũng ra, thì 3 đứa còn lại nhậu chung, đố cha Dũng biết đứa nào mà ra tay tàn độc thế ni?

Chơi Dũng vố nầy thì có hai tình huống: nếu Dũng văng về vườn được là quá tốt. Hảo hảo! Còn xui, lỡ Dũng có ‘piston’ mạnh, trơ như đá, vững như đồng thì cũng hỏng sao! Chức đâu ngồi đó; từ ăn tới huề. Ngu sao mà không ‘thịt’ nó!

Mà sao quay hồi tháng 5 mà giờ tháng 9 mới bắn lên YouTube. Câu trả lời là quay rồi để đó, đợi thời cơ!

Tập Chủ Tịch lên ngôi cửu ngũ vào tháng 3 rồi; đang hò hét: đào tận gốc, trốc tận rễ cái bọn tham nhũng ăn tiền, bức hiếp nhân dân! Vụ kêu gào chống tham nhũng trong cái đảng Cộng Sản Trung Quốc thì xếnh xáng nào lên mà không gào. Gào mỏi miệng khát nước thì thôi. Lần nầy tại thiên tử mới lên, giọng còn tốt, tiếng còn to nên bàng dân thiên hạ mới biết thế thôi!

Sau cái vụ quan huyện Cô Sơn Tử, Hồ Bắc bị ‘bợp tai đá đít’ nầy, từ rày về sau tui bảo đảm với quý độc giả là mấy chú ba bí thơ sẽ mang dép râu, mặc bà ba đen, quần nylong dầu mà đi nhậu… giống như hồi còn ở trong bưng vậy. Vì không làm vậy mấy đồng chí trong đảng ủy nhà ta nó chộp được hình lúc ăn nhậu, nói hỗn ẩu chửi dân hay là bận rộn tay chưn, ôm ấp mấy em chân dài thì chết…

Chuyện Trung Cộng xảy ra trước, chuyện Việt Cộng xảy ra sau? Anh em mà! Cái đó không do tui nói mà do một ông sư trong nước đăng đàn thuyết pháp “Biển Đông Dậy Sóng”. Sư cắt nghĩa là xưa giờ Trung Quốc là anh; Việt Nam là em. Ông Lý Thường Kiệt đem quân đánh Châu Ung, Châu Liêm của nhà Tống là hỗn?! Sao em dám đánh anh! Trời ạ!

Thôi theo ông sư quốc doanh nầy Trung Cộng là anh đi. Nhưng chuyện ăn nầy ông anh Trung Cộng phải học ông em Việt Cộng vài chiêu như bài học dưới đây.

Có một tay nhà báo được quan lớn kêu tới nhà mà viết bài đánh bóng cho quan. Lần đầu tới, thấy nhà quan hực hỡ; nhưng trên bàn chỉ có chai rượu đế nút lá chuối khô và vài cái bánh đa trên bàn. Nghĩ ông giản dị?

Sau, lần nào cũng thấy thế, vẫn chai rượu nút lá chuối khô, vẫn chỗ đó, vẫn mấy cái bánh đa vứt chỏng chơ trên bàn… mới hiểu là ông “Phan Diễn”.

Nghĩa là quan đóng kịch thanh liêm, uống rượu đế, ăn bánh đa để ‘xí gạt’ đàn em. Còn sau bếp là khô lân chả phụng cụng với rượu Mao Đài ai mà biết được?!

Trời đất ơi mãi bao năm rồi mà ông nhà văn nầy mới biết sao?

Nhà văn, nhà báo thường là con người ‘trí tuệ’! Sao ông lại chậm tiêu quá vậy? Rầy chút đừng buồn nha! Người viết lù khù thiệt mà cũng biết chuyện nầy hồi xửa hồi xưa, hồi năm nẩm rồi. Vì vậy mới chạy tuốt qua đây nè!

Có thể nhà văn nầy sẽ hỏi sao thông minh vậy?  Câu trả lời nó dễ ợt. Nguyễn Thổng Thống hồi xưa có nói rằng: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!”.

Dân Miền Nam kinh nghiệm xương máu sờ sờ ra đó nên còn đi xa hơn Nguyễn Tổng Thống nữa kìa. Không những không nghe mà cũng không nhìn luôn. Tại sao vậy? Vì cái gì cũng dóc hết thì nghe nhìn chi cho nó mệt hai cái lỗ tai và hai con mắt chớ!

Thấy Đảng lui cui chống tham nhũng dân thường nói: “con mèo tha cục mỡ thì đánh chí chết, còn con cọp bắt cả con heo thì chẳng dám làm gì, có khi bắt người dân lập cả miếu, đúc tượng để thờ?!”.

Nghĩa là sao? Nghĩa là: đảng Cộng Sản chống tham nhũng là chống từ rún trở xuống. Còn từ rún trở lên thì đừng có ‘rớ’!

Trung Cộng đàn anh vĩ đại đang hô hào chống tham nhũng? Ai tin? Đã gọi là Trung Hoa Cộng Sản rồi nghĩa là cộng cái tài sản của người ta vô tài sản của mình. Thì làm sao mà chống? Giờ chỉ còn có cách là đổi tên Trung Cộng thành Trung Trừ. Không Cộng mà Trừ thì may ra! Nhưng e rằng chuyện đó chắc còn lâu!

Do đó các quan ăn thì xin cứ vô tư ăn nhưng kỹ kỹ một chút. Kiếm cái tay nào ăn vài tỉ đô mà vẫn phẻ re mà ‘cọp dê’ theo sách đó. Cứ thế mà làm! Thì sờ sờ trước mặt là Ôn Thừa Tướng. Hãy mang nhang đèn, quà cáp, phi thân đến, bái y làm sư phụ!

Còn nhớ mấy năm trước, dân bị nạn động đất hay lũ lụt, chết hà rầm, nhà cửa tan hoang hết, Ôn Thừa Tướng lẹ lẹ vi hành đến khóc lóc ỉ eo như Lưu Bị xong chuồn về nhà, lau khô dòng lệ, rồi tiếp tục kiếm tiền mà đút túi. Kịch như vậy gọi là ‘kinh’ kịch hay hơn ‘Phan Diễn’ nhiều?! Giờ Ôn Thừa Tướng đã hạ cánh an toàn với hàng tỉ đô la mà chú, thiếm ba, có ai nói gì đâu? Vậy mới là siêu sư phụ chớ!

Đừng như Bạc Hi Lai, cựu bí thơ Trùng Khánh, vừa ăn, vừa sủa gâu gâu làm mấy anh trong Thường Vụ Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Trung Quốc nghe điếc cả tai. Không nhốt thì chú luông tuồng. Mà đem nhốt chú là buồn lòng anh!

22 tháng 9 nầy, anh cho chú vài cuốn lịch vô trỏng mà gỡ. Bởi không làm như vậy dân nó nói khùng lên, làm loạn, chừng đó chết chú mà mấy anh chưa chắc đã được yên thân!

Bạc Hi Lai gặp thời thế thế thời phải thế, rầu rờ râu râu rụng cũng rán tự trấn an: Tía ngộ, Bạc Nhứt Ba, hồi xưa cũng ở tù. Ra tù rồi làm quan lớn trở lại. Số ngộ cũng vậy thôi! Tù giờ, quan sau nầy thì có gì đâu mà sợ chớ!

Bạc Hi Lai nói vậy nhưng chẳng mấy ai tin vì ông bà mình từng nói rằng phước bất trùng lai quạ vô ăn chuối. Bị nhốt trong hộp rồi, ở ngoài chuối tụi nó ăn hết ráo làm gì còn có tới phần mà chổng mông trông hả chú?

 

đoàn xuân thu. 

melbourne.

 

 

 

Trăm Ngày Trăng Mật!

 dxt_sept18_1.jpg dxt_sept18_2.jpg

 

với sự hiện diện của phu nhân Margie, ba ái nữ là Louise, Bridget, Frances cùng song thân là Dick và Faye và hai người em gái là Christine Forster và Pip Abbott, sáng ngày 18 tháng 9 năm 2013, ông Tony Abbot đã tuyên thệ nhậm chức Thủ Tướng thứ 28 của nước Úc trước Tổng Toàn Quyền Quentin Bryce.

Sau đó là 18 vị Bộ Trưởng trong nội các, 11 Phụ Tá Bộ Trưởng và 12 Thơ Ký Quốc Hội cũng tuyên thệ nhậm chức luôn.

Nội các vừa tuyên thệ gồm có 19 thành viên kể cả Thủ Tướng:

1.Tony Abbott (NSW) - Prime Minister.

Thủ Tướng.

2. Warren Truss (Qld) - Deputy Prime Minister; Infrastructure and Regional Development, Leader of the Nationals.

Phó Thủ Tướng, phụ trách cơ sở hạ tầng và phát triển vùng.

3. Julie Bishop (WA) - Foreign Affairs; Deputy Leader of the Liberal Party.

Bộ Trưởng Ngoại Giao. Phó Lãnh Tụ đảng Tự Do.

4. Eric Abetz (Tas) - Employment; assisting the Prime Minister on the Public Service; Leader of the Government in the Senate.

Bộ Trưởng Nhân Dụng, Trợ Lý Thủ Tướng về Dịch Vụ Công Cộng; Lãnh Tụ Chánh Phủ ở Thượng Viện.

5. George Brandis (Qld)- Attorney-General; Arts; Deputy Leader of the Government in the Senate.

Tổng Chưởng Lý, Nghệ Thuật; Phó Lãnh Tụ Chánh Phủ ở Thượng Viện.

6. Joe Hockey (NSW) – Treasurer.

Bộ Trưởng Bộ Ngân Khố.

7. Barnaby Joyce (NSW) – Agriculture.

Bộ Trưởng Nông Nghiệp.

8. Christopher Pyne (SA) - Education; Leader of the House.

Bộ Trưởng Giáo Dục; Lãnh Tụ ở Hạ Viện.

9. Nigel Scullion (NT) - Indigenous Affairs.

Bộ Trưởng Thổ Dân Bản Địa.

10. Ian Macfarlane (Qld) – Industry.

Bộ Trưởng Kỹ Nghệ

11. Kevin Andrews (Vic) - Social Services.

Bộ Trưởng Dịch Vụ Xã Hội.

12. Malcolm Turnbull (NSW) – Communications.

Bộ Trưởng Thông Tin Liên Lạc.

13. Peter Dutton (Qld) - Health; Sport'.

Bộ Trưởng Sức Khỏe và Thể Thao.

14. Bruce Billson (Vic) - Small Business.

Bộ Trưởng Thương Vụ Nhỏ.

15. Andrew Robb (Vic) - Trade and Investment.

Bộ Trưởng Thương Mại và Đầu Tư.

16. David Johnston (WA) – Defence.

Bộ Trưởng Quốc Phòng.

17. Greg Hunt (Vic) – Environment.

Bộ Trưởng Môi Trường.

18. Scott Morrison (NSW) - Immigration and Border Protection.

Bộ Trưởng Di Dân và Bảo Vệ Biên Giới.

19. Mathias Cormann (WA) – Finance.

Bộ Trưởng Tài Chánh.

***

Outer ministry - 11 members.

11 vị ngoài Nội Các.

Mitch Fifield - Assistant Minister for Social Services; Manager of Government Business in the Senate.

Phụ Tá Bộ Trưởng Dịch Vụ Xã Hội. Quản Lý Công Việc của Chánh Phủ ở Thượng Viện.

Luke Hartsuyker - Assistant Minister for Employment; Deputy Leader of the House.

Phụ Tá Bộ Trưởng Nhân Dụng; Phó Lãnh Tụ ở Hạ Viện.

Fiona Nash - Assistant Minister for Health; Deputy Leader of the Nationals in the Senate.

Phụ Tá Bộ Trưởng Sức Khỏe; Phó Lãnh Tụ Đảng Quốc Gia ở Thượng Viện.

Michael Ronaldson - Veterans' Affairs; Assisting the Prime Minister for the Centenary of ANZAC; Special Minister of State.

Cựu Chiến Binh, Phụ Tá Bộ Trưởng về Một Thế Kỷ ANZAC. Bộ Trưởng đặc trách Tiểu Bang.

Sussan Ley - Assistant Minister for Education.

Phụ Tá Bộ Trưởng Giáo Dục.

Marise Payne - Human Services.

Dịch Vụ Nhân Sinh.

Michael Keenan – Justice.

Tư Pháp.

Stuart Robert - Assistant Minister for Defence.

Phụ Tá Bộ Trưởng Quốc Phòng.

Michaelia Cash - Assistant Minister for Immigration and Border Protection; Minister Assisting the Prime Minister for Women.

Phụ Tá Bộ Trưởng Di Dân và Bảo Vệ Biên Giới. Bộ Trưởng Phụ Tá Thủ Tướng về Phụ Nữ.

Jamie Briggs - Assistant Minister for Infrastructure and Regional Development.

Phụ Tá Bộ Trưởng về Cơ Sở Hạ Tầng và Phát Triển Vùng.

Arthur Sinodinos - Assistant Treasurer.

Phụ Tá Bộ Trưởng Ngân Khố.

 

***

Parliamentary secretaries - 12 members.  

12 Thơ Ký Quốc Hội.

Richard Colbeck - Parliamentary Secretary to the Minister for Agriculture.

Thơ Ký Quốc Hội cho Bộ Trưởng Nông Nghiệp.

Bob Baldwin - Parliamentary Secretary to the Minister for Industry.

Thơ Ký Quốc Hội cho Bộ Trưởng Kỹ Nghệ.

Brett Mason - Parliamentary Secretary to the Minister for Foreign Affairs.

Thơ Ký Quốc Hội cho Bộ Trưởng Ngoại Giao.

Steven Ciobo - Parliamentary Secretary to the Treasurer.

Thơ Ký Quốc Hội cho Bộ Trưởng Ngân Khố.

Concetta Fierravanti-Wells - Parliamentary Secretary to the Minister for Social Services.

Thơ Ký Quốc Hội cho Bộ Trưởng Dịch Vụ Xã Hội.

Simon Birmingham – Parliamentary Secretary to the Minister for the Environment.

Thơ Ký Quốc Hội cho Bộ Trưởng Môi Trường.

Scott Ryan - Parliamentary Secretary to the Minister for Education.

Thơ Ký Quốc Hội cho Bộ Trưởng Giáo Dục.

Darren Chester - Parliamentary Secretary to the Minister for Defence.

Thơ Ký Quốc Hội cho Bộ Trưởng Quốc Phòng.

Paul Fletcher - Parliamentary Secretary to the Minister for Communications. Thơ Ký Quốc Hội cho Bộ Trưởng Thông Tin và Liên Lạc.

Josh Frydenberg - Parliamentary Secretary to the Prime Minister.

Thơ Ký Quốc Hội cho Thủ Tướng.

Alan Tudge - Parliamentary Secretary to the Prime Minster.

Thơ Ký Quốc Hội cho Thủ Tướng.

Michael McCormack - Parliamentary Secretary to the Minister for Finance. Thơ Ký Quốc Hội cho Bộ Trưởng Tài Chánh.

Sau khi tuyên thệ, ông tân Thủ Tướng Tony Abbott đọc diễn văn, hứa là sẽ phục vụ cho toàn thể dân chúng Úc Đại Lợi, kể cả những người không bỏ phiếu cho ông. Ông sẽ không quên những người khốn khổ, tật nguyền, thổ dân bản địa và những người phụ nữ đang gặp khó khăn để chu toàn công ăn việc làm và đời sống gia đình.  Ông sẽ không bỏ quên tầng lớp nào hết trơn hết trọi!

Cha! Nghe mà muốn rớt nước mắt!

Kẻ chiến thắng và những người cùng hội cùng thuyền với ông, ngồi trong Dinh Tổng Toàn Quyền (Government House) chờ tuyên thệ, cười vui như Tết. Trong khi người thua cuộc thì âm thầm lặng lẽ ra đi. ‘Ngày nào cỡi ngựa bắn cung. Giờ mình đi lượm dây thun bắn ruồi’. Hu hu!

Ông Kevin Rudd đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng: Với sự tuyên thệ nhậm chức của ông Abbott hôm nay, ‘tui’ chính thức thôi chức Thủ Tướng. Xin cám ơn Oz (người Úc) đã cho ‘tui’ cơ hội được phục vụ đồng bào. Và ông cũng cho biết thêm là: sẽ dắt bà xã Therese ngao du, tiếu ngạo giang hồ Trung Quốc, Mỹ và Anh Cát Lợi chơi cho đỡ buồn!

Thôi tui cũng xin tạm biệt cựu Thủ Tướng nhé!  Đi chơi vui vẻ! Hé!

Sau khi tuyên thệ xong, tân Thủ Tướng bắt tay ngay vào việc. Hai việc đầu tiên phải giải quyết là: bảo vệ biên giới, chánh sách về người tầm trú và hủy bỏ thuế thán khí (The Carbon Tax).

Dù là dân ngu khu đen, ít học như ‘tui’ thiệt, nhưng lịch sự có thừa nên tôn trọng hết mình một trăm ngày trăng mật với chánh phủ tân cử mà Tây gọi là ‘honeymoon!’ Dẫu biết rằng ‘moon’ chỉ có một tuần trăng, là một tháng; nhưng thôi xính xái một chút đi, cho chánh phủ mới nầy 3 tháng 10 ngày luôn đó. Chịu hông? Tụi mình, người viết và quý độc giả thân mến, sẽ cho mấy ổng nói gì thì nói; chờ mấy ổng làm xong rồi, sau 100 ngày trăng mật, thì tụi mình sẽ tính sau!

Cái truyền thống nầy cũng giống như vợ chồng son mới cưới nhau về, thì trăm ngày đầu nồng ấm…là cấm nói xấu về nhau nhá?! Dẫu có bực mình, quạu quọ, quạu đeo gì đi chăng nữa, dẫu đã lầm đưa em sang đây, để đêm đêm nghe tiếng thở dài thì cũng rán chịu, rán nhịn…nhục, rán chờ cho hết một trăm ngày rồi thì…tha hồ bới móc và xỉ vả lẫn nhau!

Nhìn vào thành phần tân nội các mới vừa nhậm chức, sao thấy toàn là mấy ông không hà? Chỉ có một bà (một nữ lưu duy nhứt: bà Bộ Trưởng Ngoại Giao Julie Bishop; nên phe đối lập đã nhao nhao, nhẩy cẫng lên, công kích là: nam trọng, nữ khinh?) Nhưng cái phe đối lập, cái đảng Lao Động vừa mới thua xiểng liểng và mất chánh quyền nên còn tức lắm hay sao mà không chịu tôn trọng truyền thống tốt đẹp ‘honeymoon’ nầy chớ? Chưa gì mà phê bình, phê phán rồi! Làm như vậy là ‘tiểu nhân’ lắm đa! Muốn cự cãi nhau còn khối thời gian, cả 3 năm nữa. Gấp làm chi cho con nít nó khi?

Tuy ‘rầy’ mấy ông đối lập như vậy nhưng thú thiệt người viết cũng có cái thắc mắc trong lòng cũng y chang như vậy mà thôi!  Vì lúc đi tranh cử, Ông Tony Abbott  đã khen một em ứng cử viên của phe ta là ‘sex appeal’ người viết xin dịch đại là ‘gợi dục’, nghĩa là thấy là muốn nhẩy lên giường… cho sập? Giờ thì em cũng đắc cử rồi! Sao không chia cho em một ghế để em đặt cái vòng số 3 em xuống; để cho nội các của ông có cái gì tươi tươi mát mát một chút chớ?! Còn đàn ông không hà, ra Quốc Hội tranh luận mà đằng đằng sát khí quá người viết e rằng trong tương lai có vặn đài ABC theo dõi ‘Question Time’ rồi đêm ngủ dám mớ toàn là ác mộng. Khóc ré lên lại làm phiền hàng xóm đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi!

Nhưng thôi! Đã nói là 100 ngày trăng mật thì mình cũng nên nói tốt về nhau một chút.

Cái tốt đầu tiên hy vọng không phải là cái tốt cuối cùng của chánh phủ Liên Đảng nầy là Bà Bộ Trưởng Ngoại Giao, Julie Bishop, dù chưa chánh thức nhậm chức, đã tính đi công du, họp với các nhà lãnh đạo trên thế giới tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào ngày 19 và 20 tháng 9 với sự tháp tùng của 2 Bộ Trưởng cùng 3 nhân viên và 23 chuyên gia của chánh phủ.

Để lấy lòng bà xếp mới, các em út trong bộ Ngoại Giao dự định cho cả phái đoàn chơi sang vài ba bữa bằng tiền thuế của dân, phòng khách sạn tốn xỉu xỉu có 1850 đô một đêm thôi. Và đi bằng vé máy bay hạng nhứt. Tốn sơ sơ tất cả là 132,048 đô cho mấy ngày phó hội.

Bà bảo: Thôi mà! Xài chi mà xài dữ vậy hè? Khách sạn mình ở, phòng thường thôi và vé máy bay mình đi cũng thường thôi! Vậy nha!

Bà Bộ trưởng Ngoại Giao nầy chưa biết làm việc ra sao nhưng bước đầu biết tiếc kiệm cho dân đồng nào hay đồng ấy. Vậy là tốt!

Trong khi đó nhớ ông Bob Carr nhà ta, cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao của thời chánh phủ Lao Động, ổng đi đâu cũng dắt ‘má thằng cu’ theo, ngồi ghế hạng nhứt, ở khách sạn 5 sao cho nó ‘đã’! Hai ông bà ‘đã’; nhưng người thọ thuế như tui thì xót. Bởi vì hai ông bà 5 sao thì  những người dân bình thường như người viết và mấy tay Úc thòi lòi bình dân bịnh viện khác nếu có đi du lịch mà mậu lúi vì phải đóng thuế quá nhiều, còn cắc nào trong túi đâu mà 5 sao nên đành phải đành ở khách sạn ‘ngàn sao’ thôi?!

Đày tớ mà xài sang là ông chủ mạt! Hu hu!

Ông bà mình thường nói đầu xuôi đuôi lọt. Một trăm ngày trăng mật được chánh phủ tân cử ‘dọng’ mật ọng vào họng thì hy vọng là sẽ trăng mật dài dài với chánh phủ cho đến hết nhiệm kỳ đầu. Ba năm sau, dân Úc sẽ nhớ ơn đầy tớ, sẽ bầu cho quý ông quý bà nữa.  Còn cầm bằng nói vậy mà hỏng phải vậy! Làm việc còn tệ hơn vợ thằng Đậu, tối ngày chỉ lo ăn và nhậu… thì dân chắc sẽ ‘bái bai đầy tớ’ thôi nha!

Đầy tớ nước Úc nầy, chủ giận là cuốn gói đi nhe em chứ không phải như đầy tớ nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam bây giờ, ông, bà chủ nào dám hó hé là đầy tớ ‘quánh’ cho ông, bà chủ cái lỗ mũi ăn trầu và cái đầu xỉa thuốc!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

Theo ‘The Sydney Morning Herald’.

 

Nổ súng ở Washington!

“the shooting in Washington”

dxt_sept16_wash.jpg

 

 

 

 

 Ít nhất một tên đã nổ súng bên trong một tòa nhà tại  Căn Cứ Chỉ Huy Hải Quân ở Washington , làm ít nhất 13 người thiệt mạng.

Một tay súng đã chết , sau khi đọ súng cảnh sát . Cảnh sát cho biết có thể còn có thêm hai tay súng nữa.

Đô Trưởng thủ đô Washington DC, Vincent Gray nói:  Đã có ít nhất 12 người thiệt mạng và nhiều  người bị thương.  Hiện chưa rõ con số đó có bao gồm một tay súng đã bị bắn chết hay không?

Ông Gray nói "Động cơ của vụ nổ súng nầy giờ cũng chưa rõ" . Ông cũng không cho biết tên của kẻ sát nhân . Ông cho biết chưa có chứng cớ gì để nghĩ rằng đây là một cuộc tấn công khủng bố .

Các nhân chứng thuật lại: Một tay súng từ lầu tư bắn vào những người trong quán cà phê ở tầng trệt. Những người khác thì cho biết một tay súng bắn vào họ trong một hành lang ở tầng ba .

 NBC News đưa tin rằng một tay súng là Aaron Alexis 34 tuổi từ Fort Hood, Texas, người đã sử dụng căn cước của một người đàn ông đã từng làm việc tại Căn Cứ Hải quân nầy . Ông nầy là một người dân sự làm theo hợp đồng, và đã được xác định thông qua dấu vân tay của mình trên căn cước.

Cảnh sát bắt giữ người đàn ông có căn cước được sử dụng nhưng chưa xác định  được ông là một nạn nhân vô tội hoặc ông có liên hệ gì với các hung thủ?

Bà Cathy Lanier, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát của Thủ Đô Washington DC,  ca ngợi phản ứng của cảnh sát là xuất sắc và anh hùng. Cách ứng phó của cảnh sát đã giúp giảm số người chết. Bà cho biết cuộc điều tra đang được FBI tiến hành và  cảnh sát vẫn đang truy tìm, có thể, là hai tay súng khác?

 Lanier cho biết thêm một trong hai là một người đàn ông da trắng , tuổi từ 40-50 , mặc đồng phục hải quân và mang theo một khẩu súng ngắn. Trong khi một người da đen thứ hai , cùng độ tuổi  tóc bạc và cũng mặc quân phục.

  Lanier  lúc 08:15  có người gọi kêu cứu, cấp báo về một tay súng tại Căn Cứ Hải Quân và Cảnh Sát khẩn cấp đến hiện trường trong vòng bảy phút.

Những tường thuât khác cho biết: Tay nổ súng đầu tiên đã  trang bị môt khẩu súng trường AR15, một khẩu súng ngắn và một khẩu súng lục

Xe cứu thương và nhân viên công lực  tràn ngập đường phố xung quanh căn cứ.  Một chiếc trực thăng bay lượn trên không.  Trường học gần đó đã đóng cửa và  hoạt động của máy bay ở Phi trường quốc gia Reagan đã tạm ngưng để khỏi ngăn trở hoạt động của trực thăng của cơ quan công lực.

Căn cứ Hải quân nầy là lớn nhất trong năm hệ thống của Hải quân và chiếm một phần tư của toàn bộ ngân sách của Hải quân . Nó có nhiệm vụ đóng mới các tàu của Hải quân và tàu ngầm và hệ thống chiến đấu của họ .

Căn cứ Hải quân  chiếm một phần của một khu phố đang phát triển mạnh trên bờ sông Anacostia, đông nam Washington, chỉ cách Công Viên Quốc Gia vài dãy nhà và cách Quốc Hội Mỹ khoảng 2,5 km về phía đông nam.

Tổng thống Mỹ Barack Obama họp báo và nói rằng: Ông thương tiếc các nạn nhân đã bỏ mình, những người Mỹ yêu nước đã bị thảm sát.

Ông nói: " Chúng ta đang đối mặt thêm một vụ giết người hàng loạt và sáng nay nó đã xảy ra ngay trên một căn cứ quân sự ở thủ đô đất nước chúng ta. Các nạn nhân là những người đàn ông và phụ nữ đi làm để bảo vệ tất cả chúng ta. Họ là những người yêu nước! Họ đã không tiên liệu được rằng mình sẽ bị tấn công ngay chính trên quê hương mình, ngay chính trong văn phòng của mình .

Tổng Thống  Obama cam kết dù bằng cứ giá nào: Bất kỳ ai thực hiện hành động hèn nhát này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Tới giờ phút nầy, số người thiệt mạng chính xác và những người bị thương nặng nhẹ như thế nào vẫn chưa rõ. Có khoảng 3.000 người làm việc tại căn cứ  Hải quân nầy, là cơ sở chính để đóng tàu, bảo dưởng các tàu Hải quân kể cả tàu ngầm.

Todd Brundidge , một trợ lý điều hành của Hải quân, chỉ huy Hệ Thống Biển , cho biết ông và các đồng nghiệp khác chạm mặt một tay súng trên tầng ba. "Hắn quay lại và bắt đầu nổ súng ", ông Brundidge nói.

Terrie Durham , một trợ lý điều hành với cùng một cơ quan , cho biết cô cũng nhìn thấy tay ​​súng bắn về phía cô và ông Brundidge .

Morgan, một người con, lo lắng cho Mẹ mình đang làm việc tại Căn Cứ Hải Quân nầy đã gọi Mẹ mình đến 30 lần. Cuối cùng, anh biết Mẹ mình may mắn được bình yên. Anh nói đây không phải là lần đầu tiên những người trong gia đình anh phải đối mặt với hiểm nguy.

Ngày 11 tháng 9 Mẹ anh đang làm việc ở Ngũ Giác Đài. Và chính anh  cũng là sinh viên ở trường Virginia Tech trong cuộc thảm sát năm 2007 đã giết chết 32 người .

 

Patricia , một chuyên gia quản lý hậu cần, cho biết cô đang ở trong quán cà phê và nghe tiếng súng nổ  ‘pop, pop , pop, " cô nói.  Mọi người kinh hoàng và bắt đầu bỏ chạy.

Cảnh sát Thủ Đô  và Đặc vụ Liên bang FBI,  xe cứu thương tràn ngập trên đường phố  quanh  hiện trường. Máy bay cất cánh từ sân bay quốc gia Reagan đã tạm thời  đình chỉ vì lý do an ninh .

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

Theo CNN.

5 giờ sáng giờ Đông bộ Úc Châu

ngày 17/09/2013.

 

Có một dòng sông vẫn chia hai lớp cũ!

  dxt_sept13_NDChieuHS.jpgdxt_sept13_hoaphuong.jpg

 Người viết xa Mỹ Tho, nghĩa là xa trường Nguyễn Đình Chiểu, năm 1970. Tính tới nay đã 43 năm rồi, nghĩa là gần nửa thế kỷ. Cậu học trò 18 tuổi, tóc còn xanh mơn mởn, chưa vướng bụi đời, đậu tú tài hai, rồi tòng ten ngồi sau cốp xe lô Minh Chánh để đi Sài Gòn ‘du’ học!

Đâu biết rằng xa trường lần đó là xa luôn, là đi vòng vo trong xứ cho tới ngày sập tiệm và cũng như cả triệu người dân Miền Nam khốn khổ khác, sau chiến tranh, bị trấn lột đến chỉ còn lại cái quần xà lỏn… nên phải tìm cách… đi luôn ra biển! Tha hương và tha phương! Vì ở lại là chết! Chết từ từ nhưng chết chắc… giống như Nguyễn Biểu bị giặc Tàu Trương Phụ trói vào cọc cầu Lam, lúc nước ròng rồi chờ cho nước lớn! Sặc nước! Chết!

Bây giờ ở một nơi rất xa quê cũ, ngàn dặm biển, đêm nay trầm ngâm bên ly rượu đắng lại nhớ về những ngày lang thang ở trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn; mà sáng sáng ngồi uống cà phê trước khi vào lớp cùng Trương Hiếu Dân. Trầm ngâm nhìn mấy con sâu đo xấu xí buông mình từ nhánh điệp tây, chắn cả lối đi. Cuộc chiến tranh nầy xấu xí như những con sâu đo trước mặt, chắn hết cả tương lai tươi đẹp của một đời người!

Rồi quẩn quanh thêm hai năm nữa ở giảng đường cho đến mùa hè 72, Bắc Quân đánh Thừa Thiên, Kon Tum và An Lộc. Xếp bút nghiên, người viết vào Thủ Đức, ra trường, giầy sô áo trận, Bình Đại, Bến Tre. Rồi lại theo dòng đời mà chìm nổi. Cứ lưu lạc như một giề lục bình, cứ trôi trên sông, không định hướng, mắc kẹt ở chân cầu nào, bờ nào, bến nào thì ở lại một lúc, sút ra, lại trôi đi. Cứ lầm lủi sống như vậy! Chán chưa?!

Quê người, tưởng chừng như đà quên hết, buồn quá, thảm quá nên cũng ráng quên lắm chớ! Thì đêm nay, một người bạn trẻ đồng môn năm cũ, Trần Thanh Liêm, Brisbane, kêu réo: “Anh viết cho trường mình một bài đi!” Thì kỷ niệm ngày xưa thơ dại lại tràn về trong tâm khảm như đồng bằng quê mình đang mùa nước nổi. Nước cứ dâng, dâng… lên!

Cậu học trò nhỏ ‘híu’ năm đó về Nguyễn Đình Chiểu lúc mới 15 tuổi. Mấy thầy cho ‘chú mầy’ vô lớp Đệ Tứ 8. Lớp của mấy ‘trự’ quê Tân Thới, Gò Công, Tân Thạch, Kiến Hòa chuyển trường hay phải theo Tía Má làm công chức, quân nhân rày đây mai đó, gạo chợ nước sông! Ba năm trước, Thất, Lục, Ngũ thì học ở Petrus Ký Sài Gòn. Ba đổi về Bưu Điện Mỹ Tho thì con phải đi theo!

Lớp Tứ 8 nầy hồi xưa là phòng ngủ dành cho học sinh nội trú; nên cửa lớp xây xuyên ngang hông, để cho mấy thầy giám thị, đêm đêm, dễ đi kiểm tra, chia lớp ra làm hai. Ba dãy bàn học phía trên dành cho mấy đứa nhỏ con, chưa tới tuổi dậy thì, còn siêng học, vì ngây thơ chưa biết ‘Em tan trường về, anh theo Ngọ về’ và bàn giáo sư. Lối vào lớp chia hai, tụi học trò gọi là… dòng sông Bến Hải!

Lớp Tứ 8 nằm ở bìa trái, từ cổng đi vào, thuộc dãy lầu dơi. Dãy lầu nầy cất hồi xửa hồi xưa, xưa quá rồi, hồi chưa có xi măng, tường kết dính lại bằng cát pha với bọt đường…Sườn nhà bằng khung sắt đã mục rỉ, sậm màu nâu sỉn…Cầu thang cây ọp ẹp như muốn rã bèn! Vì vậy trên lầu không có lớp học nào hết! Sợ sập! Không có học trò, chỉ có dơi nên mới gọi là lầu dơi. Tầng trệt còn có lớp nhưng lúc đó đi học không bao giờ đám học trò khờ khạo nầy lại nghĩ rằng có ngày lầu dơi ở trên sẽ đổ ập xuống đầu mình. Mãi sau 75, trời mới sập. Còn dãy lầu dơi, lớp cũ ngày xưa nghe nói đã xương tàn cốt rụi, sập cái rầm năm 73 rồi! Như một điềm báo trước vận trường, vận nước…sẽ sập luôn… xui tận mạng!

Thầy Lê Thế Khởi hình như năm ấy hình như mới ra trường, dạy Anh Văn và làm Giáo Sư hướng dẩn. Cùng về trường với thầy là cô Chi, đẹp, cũng người Bắc như thầy, tóc Sylvie Vartan, thơ cả một khung trời mộng?! Chuông vào học mới vừa reng reng, là thầy đã xuống tới lớp rồi. Học trò còn đứng, lau nhau chưa chịu ngồi xuống thì cả bọn, xóm nhà lá, ráng ngoái nhìn ra cửa lớp, rồi xôn xao: “Thầy ơi!” “Cái gì?” “Cô Chi kìa thầy! He he!” Thầy cũng nhìn ra, cũng cười…Có người không cười là cô! Cô có biết gì đâu mà cười. Chỉ có thầy chợt nhìn theo… “Em đi áo mỏng buông hờn tủi…Là hết thôi rồi chuyện trước sau!” Và cái lũ nhứt quỷ, nhì ma, thứ ba học trò nầy là nhăn răng ra cười hết cỡ… trông rất tiếu…lâm!

Nhớ cuối năm học đó, thầy là Giáo Sư hướng dẩn, phê thành tích biểu giống như học bạ bây giờ, thầy khuyên: “Có khiếu về ngoại ngữ, có thể đi ban C nếu thích!” Không theo ban C như lời thầy bảo; mà đi ban B; vì nghĩ chỉ cần làm trúng toán là đậu. Ban C nghe nói học hành làng nhàng, lạng quạng, chơi nhiều hơn học là rất dễ rớt tú tài anh đi trung sĩ, em ở nhà lấy Mỹ nuôi con. Hu hu!

Mãi năm, sáu năm sau, khi thi tuyển vào Đại Học Sư Phạm, không biết phải chọn môn nào vì môn nào mình cũng dở ẹt; lại nhớ tới lời thầy dạy, nên chọn đại môn Anh Văn và phước đức ông bà để lại, chó táp phải ruồi, nên đậu…gần bét lớp! Và mãi khi chạy ra được nước ngoài, với cái vốn tiếng Anh dù hơi ‘nổ’ là đã từng đi dạy à nha, thực sự chỉ ‘English for Today’ quyển 1, bìa vàng hoặc quyển 2, bìa xanh đậm, nghĩa là tiếng Anh đựng không đầy cái lá mít. Nghe Tây nói dù chưa điếc đặc, chỉ hơi lảng tai thôi, tiếng còn tiếng mất! Trả lời Tây còn cà lập bập, cà lăm lăm, tuy vậy cũng giúp ích cho người viết rất nhiều để ‘bắt’ ngay được cái ‘job’ của Tây; dù chẳng vẻ vang gì cho lắm…nhưng cũng đủ chút tiền ‘còm’ mà nuôi vợ, nuôi con thời mới qua, còn lơ ngơ lóng ngóng!

Em chắc mấy chữ thầy phê hồi xưa, thầy đã quên mất tiêu rồi? Mà ngay cả tên em, chắc thầy cũng không nhớ nó là thằng nào mà viết văn…‘khỉ’ quá?! Dù vậy, mấy chữ đó đã làm thay đổi cả đời em sau nầy theo hướng tốt hơn chớ không có làm em sập tiệm! Em xin cám ơn thầy!

Sau nầy ngao du mấy trang web bên Mỹ, thấy mấy anh, mấy chị trường xưa họp mặt, chợt thấy hình thầy cũ. Nhìn thầy, rồi nghĩ “Thầy trò ta tóc bạc như nhau!” Ai mà lại không bồi hồi nhớ đến trường xưa thầy cũ?!

Ngoài ra dù còn kẹt lại quê nhà hay sống đời lưu lạc thì theo năm tháng đời người đã có một số thầy giờ đã trở thành người muôn năm cũ, đã trở về cát bụi.

Thầy Thứ dạy Anh Văn, (gần đám giỗ thầy rồi!), Thầy Thanh, Thầy Nhân, Thầy Chi dạy toán. Thầy Bổn, Thầy Nhơn dạy Pháp Văn, Thầy Quang, Thầy Tính dạy Lý Hóa…

Mấy thầy còn kẹt lại quê nhà khi qua đời…sao vẫn chưa thấy tụi nó, mấy thằng học trò cũ của trường Nguyễn Đình Chiểu hồi xưa, mà giờ làm quan quyền…gì gì đó ở Mỹ Tho, còn sót lại chút ‘tình nghĩa giáo khoa thư’, nghĩa là còn nghĩ đến tình thầy trò năm cũ để đứng ra mà khấp báo…Hay là vì tụi nó bận ăn no ngập mặt rồi nên quên ráo trọi? Hay vì dưới mắt mấy đứa ‘quỷ hó’ nầy ân sư dạy chữ ngày xửa ngày xưa đều là giáo Ngụy hết ráo… hay sao?! Ê! Làm như vậy là bậy bạ lắm nha! Mấy chục năm rồi, chờ hoài sao không có đứa nào chịu ‘sửa sai’ hết vậy ta? Vậy mà trong tiểu sử các ‘quan lớn’, thì vẫn dám đề là cựu học sanh trường Nguyễn Đình Chiểu chớ?! Thiệt là đã đứt dây thần kinh ‘hổ thẹn’ à nha!

Anh bạn thơ cùng trường năm cũ nói: “Ông ơi! Ông đừng có mơ chuyện hão huyền. Trường mình hồi xưa đã chia hai như vậy đó. Với nó, mình là giặc. Anh bèn lẩy thơ Vũ Cao: “Anh nghĩ, trường ta giặc chiếm rồi. Trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi. Giờ tin trường cũ tan hoang hết. Sương trắng, người đi lại nhớ người!” Quê ta, trường ta nó đã chiếm mất rồi! Mình nhớ; chớ tụi nó phải giả bộ quên cho hợp chánh sách chớ?!

Lớp Đệ Tứ 8 hồi xưa cũng chia hai như vậy. Đêm, nửa khuya, VC pháo kích vô thị xã Mỹ Tho; sáng đứa nào may mà còn sống sót, thì vẫn ôm cặp vào lớp học như thường. Cả nước đang chiến tranh mà!

Trò Nhung đi học sớm, qua Cầu Vĩ, đạp lựu đạn gài, rồi chết. Đứa chưa kịp thi tú tài một, phải đi lính, đạp mìn, cụt mất hai chân như trò Châu hoặc cưa một chân như trò Hiệp. Hy sinh một phần thân thể vì đất nước để cho những đứa may mắn hơn, được hoãn dịch vì lý do học vấn, mà đi du học như trò Liêm, trò Thiệu, trò Trực, hay học lên tới Tiến Sĩ, Cử Nhân, Bác Sĩ, Dược Sĩ, Kỹ Sư như trò Chín, trò Hòa, trò Cung, trò Cường. Mà không biết mấy thằng ‘khoa bảng’ nầy có nhớ, có nhìn đến bạn cũ tình xưa nữa không ta; nếu có dịp gặp lại bạn bè năm cũ đang lê tấm thân tật nguyền đi bán vé số để mưu sinh?

Thua trận, trò Nhung, trò Hùng, Nha Kỹ Thuật… phải lê thân mình trong gông cùm cải tạo 6, 7 năm đất Bắc… Thì cũng có đứa, phe thắng cuộc, vênh vang vác súng K 54 vào trường cũ, ‘kiếm’ thầy xưa như thằng Thông chẳng hạn! Hay thằng Dân (hồi xưa tao với mầy thân lắm mà! Sao nỡ làm vậy?) ngồi chéo ngoảy ở Ủy Ban Quân Quản ghi tên mấy thằng bạn học cũ đến trình diện học tập cải tạo, nó giả bộ tảng lờ như hỏng có quen ai?!

Lớp Đệ Tứ 8, phần số có đứa bên nầy, có đứa bên kia, cũng có đứa đứng chàng hảng, lèng phèng, không ông mà cũng không thằng, thì về nhà buôn bán, hay làm ruộng nuôi vợ, nuôi con như trò Hoàng, trò Điệu!

Đứa thua cuộc biết nếu ở lại thì sẽ bị đứa thắng cuộc trả thù là chắc chết; cho nên dù xác em giờ ở phương nào, cũng đêm chôn dầu vượt biển mà thôi. Nhưng nhờ bà độ, hên quá là hên… chạy tuốt qua Canada như trò Cấm. Đứa thì tha phương cầu thực tận đáy địa cầu, Melbourne, như người viết đây thôi!

Học trò bước xuống thềm tam cấp, trường cũ xa rồi…có người về đất buông xuôi, năm ba đứa bạt phương trời… là có một phần số rất khác nhau! Và tất cả đều là bi kịch! Tại ai? Tại cái gì hả?

Lịch sử Việt Nam có một điều rất kỳ lạ là: Khi bị ngoại xâm là cả nước đoàn kết lại, chống quân thù. Còn khi không còn ngoại xâm nữa là quay lại đánh lẫn nhau tơi bời, đến u đầu sứt trán?!

38 năm qua, dòng sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, chia hai bờ Quốc Cộng. Bây giờ dòng sông đó vẫn còn chia hai những lứa học trò lớp Đệ Tứ 8 trường Nguyễn Đình Chiểu hồi xưa, năm cũ.

Đôi khi quê người, họp mặt trường xưa, mấy người bạn đồng môn hoặc đồng song thường hay hỏi tại sao xảy ra chiến tranh Việt Nam? Tại sao mình mất nước? Có người nói tại Mỹ? Có người nói tại ông Thiệu, ông Kỳ?!

Còn anh bạn thơ của người viết lại cho rằng người Việt mình dù rất khoái gọi nhau là đồng bào, đồng hương, đồng môn, đồng song…nhưng vì khoái đồng…tiền…nghĩa là khoái ‘chí tử’ danh và lợi… nên không biết thương nhau?!

Xưa tới nay bao giờ cũng vậy!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

“Nguyen” ơi! Đừng tuyệt vọng!

 dxt_sept9_nguyen1.jpg dxt_sept9_nguyen2.jpg

  www.blogotariat.com                             www.greenleft.org.au

  Cuộc bầu cử Liên Bang Úc Châu xảy ra hôm nay ngày thứ bảy 7 tháng 9 năm 2013. Phòng phiếu mở cửa lúc 8 giờ sáng và đóng cửa lúc 6 giờ chiều. Bất cứ đảng nào chỉ cần đạt được 76 ghế ở Hạ Viện là ra thành lập tân chánh phủ.

Nước Úc có rất nhiều đảng phái chánh trị đưa người ra tranh, hay tự mình ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, hỏng có theo ‘cha’ nào hết trọi! Có đảng đặt tên rất vui và rất sướng… như ‘Sex Party’ chẳng hạn…

(Tui cũng tính gia nhập cái đảng nầy mà hỏng biết ông hay bà đảng trưởng biểu đảng viên làm cái giống gì nên cũng hơi sợ! He he! Còn con vợ ‘hiền’ nghe tui rục rịch đòi làm chánh trị cho đời vui trở lại, nó bèn nhẩy đong đỏng lên, ra nghiêm lệnh là: Cấm tiệt! Hu hu!)

Mặc dầu có nhiều đảng như ruồi mùa hè xứ Úc vậy, nhưng hồi xưa tới giờ chỉ có hai đảng lớn thay nhau nắm chánh quyền, hết tao tới mầy: một là Đảng Lao Động; hai là Liên Đảng (liên minh giữa Đảng Tự Do và Đảng Quốc Gia).

Tối nay, khi người viết viết tin nóng hổi nầy, lúc 9 giờ 40 phút tối ngày 7 tháng 9 năm 2013, giờ Đông Bộ Úc Châu thì Kevin Rudd đã lên truyền hình chấp nhận thua cuộc; trước đó đã gọi điện chúc mừng đối thủ chính trị của mình là Tony Abbott vừa chiến thắng!

Kiểu Úc là vậy, thua là chịu thua, buồn rớt nước mắt đi chớ, chẳng phải chơi nhưng phải nuốt hận vào lòng, vào bụng chớ không phải như của các nước khác như Campuchia, Zimbabwe. Bầu cử xong rồi, đối lập la làng: “Ê! Nó ăn gian đó nha!”.

Lúc 03:32 rạng sáng ngày 8/09/2013, kiểm phiếu mới được 76.3 % và Lao Động chỉ được 51 ghế (tối đa là 57); Liên Đảng được tới 81 ghế (tối đa là 89). Đảng Xanh được 1 ghế. Và các đảng khác 2 ghế (tối đa là 3). Nghĩa là đảng Lao Động, không thể dùng chữ thất bại mà phải dùng chữ thảm bại mới đúng! Nghĩa là thua thê thảm trong vòng 100 năm trở lại đây như Tony Abbott vừa cười ha ha văng nước miếng vừa nói. Điều đó cũng có nghĩa là Liên Đảng đã giành chiến thắng một cách quá dễ dàng và Tony Abbott sẽ trở thành tân Thủ Tướng thứ 28 của Úc.

(Xin đừng quên con vợ tui nó bỏ cho ông đó nghe. He he! Vì nó ghét Carbon tax hay là thuế thán khí vì nó làm em ‘yêu’ phải ‘ma rốc’, móc ra thêm bộn tiền để trả ‘biu’ điện, ‘biu’ ga và ‘biu’ nước? Em ‘yêu’ đòi thêm tiền chợ mà tui hỏng có để đưa thêm nên em ‘yêu’ trút căm hờn qua lá phiếu là trừng phạt đảng Lao Động bằng cách bầu cho đảng Tự Do! Hành động đó, em ‘yêu’ nghiến răng, cho là phải… phải! Làm tui cũng rùng mình… ớn quá mấy ông ơi!

Còn tui thì khỏi cần; vì tui bỏ cho bà đảng Green (Đảng xanh lè) dù biết rằng nó không có cách chi mà đủ túc số, có một ghế duy nhứt ở Melbourne mà nhờ Trời Phật độ trì, phù hộ mới giữ được, thì cách chi mà thành lập chánh phủ cho được chớ?! Nhưng tui vẫn bỏ cho Đảng Xanh vì bà Đảng Trưởng không chửi di dân, “Stop the Boat”, như mấy ‘cha’, của cả hai đảng lớn cứ đem ra mà ra rả! Phần tui cũng muốn phiếu số một của tui dành cho đảng Xanh thì đảng sẽ được hơn 2 đô 48 xu tiền trợ cấp tranh cử để ăn cà rem chơi cho đỡ buồn vậy!)

Đêm chưa tàn mà ‘huynh’ đã vội ra đi sao? Trước ống kính truyền hình, Kevin Rudd cùng vợ, hai con trai và một con gái, một mặt công nhận thất bại, mặt khác từ chức Lãnh Tụ Đảng Lao Động nhưng người viết lại rờ mu rùa rằng: Kevin chưa chắc đã chịu về đuổi gà cho vợ đâu? Phần vì Kevin vẫn còn giữ được chiếc ghế dân biểu của mình ở Queensland; khá hơn John Howard năm 2007, dẫn dắt Liên Đảng tới chỗ đại bại mà còn mất luôn ghế dân biểu của mình. Trong lịch sử Úc chỉ có hai trường hợp như vậy.

Kevin thua, thua thảm… nhưng cũng còn hay! Vì Bill Shorten nói nếu tui hỏng trở cờ bỏ Julia Gillard mà theo ẳm hộ Kevin Rudd là có thể tanh bành hết ráo. Dân Úc thấy hiền như vậy mà chọc tới là nó quánh còn đau hơn ong vò vẻ đốt!

Thôi hụt giải độc đắc thì Kevin trúng giải an ủi vậy! Còn làm dân biểu là còn cơ hội ‘biểu’ dân mà. Biết đâu chừng ba năm tới…?

Mấy bữa trước, lúc chưa xổ gà đá độ mà đã chắc thua, nên Cựu Thủ Tướng Bob Hawke của Lao Động đã đề cử Bill Shorten (vẫn còn giữ được cái ghế của mình ở đơn vị bầu cử Maribyrnong) lên làm Lãnh Tụ Đối Lập rồi hà? Rồi Kevin Rudd lại lo nướng xúc xích vừa ăn vừa uống beer nữa chớ! Cái nầy là dành cho mấy trự ở không kìa. Còn mình đang đi tranh cử mà? Thiệt là làm điềm xui quá xá là xui! Hỏi hỏng thua sao được?!

Thua thì phải kiếm người đổ thừa chớ! Bàn về nguyên nhân thất bại, Peter Beattie, nguyên Cựu Thủ Hiến tiểu bang Queensland, nói là do sự mất đoàn kết trong đảng Lao Động và trong chánh phủ. Bà lật ông, rồi ông lật lại bà. Lật qua lật lại chìm xuồng… ướt ráo! Dân Úc chán quá bèn quất cho đảng một hèo! Đau thấy ông bà ông vải!

Ông Beattie nóng ruột sợ đồng chí thân yêu… dấu của mình chết ráo… bèn hy sanh xả thân ra mà cứu đảng nhưng cũng cứu cũng không được, bệnh nặng quá mà; đành bó tay luôn; cho dù ở cấp tiểu bang Peter đã từng lãnh đạo đảng Lao Động thắng hai lần rồi nhưng con vợ cằn nhằn ‘Đừng bỏ em một mình! Trời lạnh quá! Trời lạnh quá!’ nên Peter về hong lại tình em cho ấm… nên từ nhiệm Thủ Hiến giữa mùa thu lá đổ, từ chức dân biểu luôn, để nhường lại cho ‘em’ Anna Bligh mà sau đó bị thua tơi tả, bị Campbell Newman đảng Tự Do Quốc Gia ‘quánh’ cho một chưởng không còn một manh giáp!

Lần nầy dù Peter muốn nhẩy ra cứu đảng chứ không phải cứu bồ Kevin vì thực ra hai ‘trự’ chả ưa thích gì nhau. Nhưng tới giờ phút nầy ngay cả Peter Beattie cũng tiêu tán thòn luôn rồi! Thôi chìm tàu, chết theo tàu như vậy cũng là chánh nhân quân tử Úc!

Nội các đối lập của Tony Abbott giờ thắng, lập chánh phủ thì ghế đã chia chác trước rồi. Khỏi bàn! Giờ chỉ cần bay lên Canberra, gặp Tổng Toàn Quyền Úc, bà Quentin Bryce, đặt tay lên Thánh Kinh mà tuyên thệ nhậm chức. Thề nhớ giữ lời nha! Thưa quý vị! Sao ‘qua’ nghi quá tay hà!

Còn ai sẽ làm lãnh tụ đối lập? Câu hỏi vẫn còn trước mặt. Thôi để đảng Lao Động lau khô dòng nước mắt vì thua trận đi đã rồi hãy tính sau. Ai sẽ lên làm lãnh tụ đối lập thì bắt buộc là phải có, để Thủ Tướng đi đâu, làm gì là ‘tui’ đi theo y như bóng để mà nghe ngóng và để vô Hạ Viện mà ‘chửi’ chơi cho đã tức… He he!”.

Dĩ nhiên là tin nóng, nên có những dữ liệu còn chưa chín, còn sừng sực! Sẽ cập nhựt sau! Thưa quý độc giả thân mến!

Còn điều muốn nói thêm ở đây lại là điều oái ăm! Đó là đảng mình thắng nhưng mình lại thua, mới đau! Mình thua là vì đảng đưa mấy cục xương khó nuốt, vì cục thịt nạc tía con nó chia nhau, lủm hết trơn rồi?!

Đó là trường hợp ứng cử viên gốc Việt John Nguyen ở đơn vị Chilshom, Victoria. Lúc 4 giờ 26 phút sáng ngày 8 tháng 9, 41 trong 45 phòng phiếu và 69.6% phiếu đã được đếm xong. Và bà Anna Burke, nguyên dân biểu đương nhiệm và chủ tịch Hạ Viện vẫn giữ được ghế của mình với 25,868 phiếu bầu số 1 chiếm 40.2 % nghĩa là mất khoảng 4.1 % so với kỳ bầu cử trước. Trong khi đó John Nguyen được hơn với 28,069 phiếu bầu số 1 chiếm 43.6 %, nhiều hơn đối thủ chánh của mình nhưng vì không được hơn 50% tổng số phiếu nên phải tính đến việc nhường phiếu ưu tiên. Và bà Anna Burke được 33,749 phiếu được 52,4% đắc cử dù số phiếu thua kỳ bầu cử vừa rồi hết 3.3%. Còn John Nguyen thì 28,769 chiếm 47.6% vẫn thua dù được thêm 3.3% nữa so với kỳ bầu cử trước.

Thắng phiếu bầu số 1 lại thua sau khi tính nhường phiếu ưu tiên nên vẫn thua. Thiệt là oái ăm quá! Nhưng luật chơi là vậy nên đành phải chịu thôi!

Ghế chủ tịch Hạ Viện của bà Anna Burke sẽ gởi gió cho mây ngàn bay nhưng có thể bà Anna sẽ bắt được cái ghế bộ trưởng đối lập nào đó cũng còn thơm chán!

Còn John Nguyen thì người viết cũng tiếc hùi hụi cho John vì mình là người gốc Việt với nhau không ủng hộ còn ủng hộ ai vô đây nữa?

Thành bại không luận được anh hùng. John còn trẻ, đường tương lai còn dài! Thua keo nầy mình bày keo khác. Dĩ nhiên chen vào dòng chánh trị chánh mạch của Úc nó còn khó hơn là leo núi Everest! Vì mấy cái ghế ngon, ghế an toàn mà đảng đưa ‘Con Lừa’ ra ứng cử cũng thắng như thường thì tụi nó giành hết ráo rồi đâu có tới phần mình?!

Để an ủi! Xin đám con em người Úc gốc Việt sau nầy, thế hệ một rưỡi hay hai gì đó đừng có nản nha! Vì nhìn xa xa một chút, người Việt tỵ nạn chúng ta trên toàn thế giới sau gần 40 năm tha hương cũng có nhiều người nước khác thành công đó thôi, người Việt mình ‘number one’ mà, như: Phó thủ tướng Đức kiêm bộ trưởng Kinh Tế và Kỹ Thuật Philipp Rösler, tên Đức nhưng gốc Việt. Còn ở Canada thì có cựu Dân Biểu: Thái thị Lạc. Hay cựu Dân Biểu Cao Quang Ánh ở Hoa Kỳ.

Úc thòi lòi lần nầy chưa có con thòi lòi gốc Việt nào nhào được vô quốc hội nhưng người viết thiệt tình tin rằng rồi có một ngày… Chắc mẻm như vậy rồi!

Thua lần nầy mình sẽ đua lần tới nữa nhé. Trước sau rồi phần thắng sẽ về ta! Ha ha! Thua mà mình hỏng buồn nhiều vì đời mà có thua rồi mới biết thắng chớ. Thua thì chua. Chua chừng nào thì thắng mới ngọt ngào chừng ấy!

Do đó: ‘Nguyen’ ơi! Đừng tuyệt vọng!

Tường trình nóng hổi từ Melbourne, Úc Châu lúc 4:29 am 08/09/2013.

đoàn xuân thu.

melbourne

 

 24 giờ ở Liên Đội Chung Sự!

dxt_sept5_tiecthuong.jpg

my.opera.com

Ngày 13 tháng 8 năm 1971, trưa hầm hập nóng. Cái nóng  của Sài Gòn, hừng hực mái tôn, như chảo lửa đun… sôi…

Chiến tranh… khói… khói… lãng đãng mặt người. Trong căn nhà trọ trong hẻm 482 đường Phan Thanh Giản Sài Gòn, mình nằm chịu trận như một con cá mắc cạn, ngóc lên mà thở trong cuộc chiến khốc liệt nầy… thì nhận được thơ anh.

Bức thơ nhầu nhĩ, bì thơ là một tờ giấy, người viết chỉ việc viết vào mặt sau, xếp lại, rồi đề địa chỉ ở mặt trước, có in tem sẵn, dán lại, gởi đi cho nó gọn mà những người lính từ mặt trận thường dùng để gởi về thân nhân là ba, má, vợ hay người yêu hoặc mấy đứa em thơ ngây còn ở hậu phương.

Thơ anh viết từ ngọn núi Ba Hô nào đó, khoảng 17 cây số đường chim bay về phía Tây Bắc Quảng Trị, án ngữ đường 9 Nam Lào. Ai kiểm soát độ cao nầy là kiểm soát đường  chuyển quân phía dưới. Và muốn tấn công, xâm nhập vào Quảng Trị thì phải tìm cách nhổ sạch quân trú phòng ở đỉnh Ba Hô! Anh nói những ngày ở đây thật là gian khổ và ác nghiệt nhưng gian khổ nhứt là đi lấy nước vì địch quân rình bắn sẻ. Anh nói: Gió Lào mùa nầy ác nghiệt cũng không kém mấy thằng Bắc Quân bên kia núi rình bắn lén. Bầu trời trên đầu, ngày lại ngày, không một đám mây, không mưa… khô khốc! Nước!

Đại đội 1, Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến của anh nằm trên đỉnh Ba Hô đó. Anh không biết ngày về vì hành quân liên miên như vậy và đóng chốt ở đây không biết đến bao lâu mới có đơn vị khác đến thay?

Thơ anh đến, chưa kịp trả lời, thì 21 tây, xác anh đã về tới.

Người anh bà con bạn dì, trên chiếc xe Honda, mượn của thằng bạn học khác, chở mình lên Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Chạy trong cái nắng đổ lửa của Sài Gòn mà không nghĩ gì hết. Không tin gì hết. Đầu óc như cứng lại, khô khốc, đặc quánh lại… như cơn gió Lào vi vút, u u… thổi ngoài kia của dãy Trường Sơn.

Xe qua tượng Thương Tiếc, quẹo vào con đường vòng cung. Phía trên đồi là Nghĩa Dũng Đài sừng sững, rồi ngừng lại ở tiền sảnh của Nhà Quàn Liên Đội Chung Sự Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa!

Không có ai chỉ dẫn. Như linh tính của tình anh em ruột thịt, mình đến ngay chiếc quan tài hình chữ nhựt màu xanh biển thẫm, đã phủ quốc kỳ. Đầu hòm có một chữ Hán không hiểu nghĩa là gì? Anh bà con đi chung đang học năm thứ hai Văn Khoa, võ vẽ chữ Hán nói: “Chữ thượng nghĩa là trên. Đầu nó nằm đây nè!”

Mặt trước quan tài có đính một tờ giấy. Trên đó viết vài hàng chữ: Cấp bậc: Thiếu Úy. Họ tên: Đoàn Xuân Hòa. Sanh ngày 14 tháng 9 năm 1949. Đại đội

Phó, Đại đội 1, Tiểu Đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến. Tử trận ngày 15 tháng 8 năm 1971 tại Quảng Trị.

Nằm kế bên anh là Chuẩn Úy Lê Định, sanh năm 1952, sanh quán Huế, cùng

chung đơn vị. Phía sau lưng anh là khoảng hai mươi chiếc quan tài nữa, chia làm hai hàng, có một vài cái thuộc Sư Đoàn 5, còn bao nhiêu đều là lính Đại Đội 1 với anh.

Sau nầy, nghe kể lại, ngày 15 tháng 8 một trận đánh khốc liệt đã xảy ra trên

đỉnh Ba Hô giữa bộ đội quân chánh quy Bắc Việt và Đại Đội của anh. Đại Đội bắn hết đạn, bị tràn ngập. Trận đánh xáp lá cà bằng lưỡi lê đã diễn ra và kết thúc bằng phi cơ phản lực đến ném bom. 24 người chiến sĩ Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 6

Thần Ưng Cảm Tử tử trận! 24 chiến sĩ ngã xuống và bao nhiêu vành khăn tang đội lên đầu của thân nhân tử sĩ ? Nào ai biết được con số chính xác.

Nỗi đau người lính không còn đau nữa, đã đền xong nợnước, mà nỗi đau của cha mẹ, vợ con, anh em của người chiến sĩ thì còn đau mãi đến tận bây giờ!

Quanh quẩn bên chân anh, nhang tàn rồi thắp nhang khác, nến tàn rồi đốt ngọn nến khác. Một cọng chân nhang, cắm vào đó một điếu thuốc thơm! Mời luôn những người đồng ngũ của anh mỗi người một điếu! Hà tiện chi nữa! Hết thuốc, lại dốc hết tiền trong túi ra, xuống câu lạc bộ nhà quàn mua cho anh hút trước khi xác thân các anh về với đất.

Phía sau tiền sảnh là một căn phòng tối lù mù, chiếu sáng bằng những ngọn đèn tròn, vàng vọt. Rồi có tiếng trực thăng sơn chữ thập hồng, phầm phập xuống bãi đáp. Hai người lính cứu thương, quân y, bước ra, chuyển từ trong trực thăng xác một người lính thuộc Sư Đoàn 5, phù hiệu ngôi sao trắng và số 5 màu đỏ máu trên tay áo! Xác tử sĩ nằm trên băng ca, một tay thòng xuống, còn đòng  đưa theo nhịp đi của hai người lính đang khiêng… chứng tỏ anh vừa mới chết, xác hãy còn nóng hổi, chưa lạnh, nên chân tay hãy còn dịu nhiễu. Quần áo trận của anh vẫn còn ướt sũng và vấy đầy bùn đất!

Xác anh được mang vào phòng và những người lính Quân Nhu thuộc Liên Đội Chung Sự xúm lại làm phần việc của mình trong im lặng. Trước hết dùng kéo

cắt quần áo trận ra để tắm rửa cho tử sĩ lần cuối. Cái vòi nước xịt vào khuôn mặt giờ hơi tai tái nhưng vẫn còn lật qua lật lại được theo tia nước. Sau đó là lau khô xác, hớt tóc cho ngắn gọn, dùng phấn và son tô lại khuôn mặt, môi người tử sĩ để thân nhân nếu có lên nhìn  mặt cho đỡ tủi. Mặc cho người lính vừa ngã xuống một bộ ka ki vàng còn hồ cứng.

Công đoạn cuối cùng là đổi cáng. Hai chiếc thẻ bài đeo trên ngực tử sĩ được rứt ra. Một sẽ giao lại cho thân nhân và một gắn trên đầu hộc tủ, một trong khoảng ba trăm cái của phòng lạnh, để biết mà mở ra cho thân nhân lên nhận diện. Năm giờ chiều thì Ba, Má dẫn mấy đứa em từ Mỹ Tho lên. Lúc đó thấy Má đi không nổi nữa. Chân như khuỵu xuống; phải tựa vào vai Ba mà bước! Mấy đứa em còn nhỏ quá nhìn quanh… ngơ ngác. Thấy Má như vậy, nước mắt mình bây giờ, trưa tới giờ có khóc được giọt nào đâu, mới trào ra như suối:

 “Ảnh nằm đây nè! Má!”

Má chỉ kêu: “Con ơi!” Rồi khóc! Nghe thảm làm sao!

Ba chỉ im lặng, không nói gì, mặt nhăn nhúm lại!

Đêm xuống, Ba, Má và mấy đứa em vô nhà khách nghỉ đểbình minh, rạng sang mai đưa xác anh về quê cũ. Mình không ngủ được, mặc chiếc áo ba-đờ-xuy cho đỡ lạnh.

Trên đồi, gió nhiều quá, thổi u…u. Mình ngồi bó gối, dưới chân anh. Nhang tàn thắp khuya. Thuốc tàn lại đốt. Tiếng con vạc sành bám trên nóc sảnh lâu lâu lại rơi xuống, đập cánh xè xè, nghe như hơi người chết từ những chiếc quan tài chập chờn ánh nến, thoát ra.

Nhìn lên đồi cao nơi mộ ông Tướng Đỗ Cao Trí đèn thủy ngân sáng choang. Nhìn xuống dưới, những hàng bia mộngười chết trận… lặng im… chìm trong tối. Dọc đường từnhà quàn vào khu gia binh của Liên Đội Chung Sự, những mảnh ván quan tài đang đốt dở, cháy leo lét trong gió. Những mảnh ván quan tài đang cháy dở là do việc thân nhân mướn những người thầu tư nhân rửa xác tử sĩ lại để còn nhìn mặt lần cuối. Hòm cũ bỏ đi, sau đó xác được đặt vô cái hòm kẽm mới, cò chì lại để ngăn mùi tử khí không thoát được ra ngoài, có người nằm lại nghĩa trang cùng đồng đội, có người được mang về quê an táng.

Ba không muốn khui nắp quan tài anh ra nữa, không phải sợ tốn tiền. Mà ba sợ ảnh chết như vậy chắc không còn nguyên vẹn gì… mà nếu Má nhìn thấy thì làm sao chịu cho nổi!

Hai là hy vọng người tử sĩ nằm đó không phải là xác của con mình. Một hy vọng hão huyền là có thể ngày nào đó anh sẽ về, gặp lại Ba, gặp lại Má chăng? Rõ ràng hy vọng đó chỉ là ảo vọng; dù vậy Ba vẫn còn ráng nắm níu, rang mà bám víu theo?!

Sáng hôm sau, một bán tiểu đội lính, 6 người, ông Trung Úy già, Trưởng Hậu Cứ Tiểu Đoàn chỉ huy và chiếc GMC mười bánh đến! Những người lính kê vai, vác, đưa chiếc quan tài lên xe! Và anh về quê cũ. Tiếng kèn đồng nghe u uất. Trước đầu xe có tràng hoa cườm và băng vải tím. Người yêu anh, chị Loan, y tá Bệnh Viện Lê Hữu Sanh của Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, nức nở: “Anh Hòa ơi! Anh Hòa ơi!” lúc di quan! Tình nồng thắm của anh chị như bọt nước đã đành tan theo vận nước. Lại theo xác anh. Xe qua những đường phố Sài Gòn nhộn nhịp. Người lính tử trận… lẳng lặng đi qua. Có người dừng lại, chào kính xác người chiến sĩ. Có người dừng lại, ngả nón cúi đầu! Đa số vẫn tiếp tục đi.Và xe chở xác vẫn đi! Mang anh về lại quê nhà, Mỹ Tho… nơi, anh vì nước phải bỏ nó mà đi chỉ mới có 4 năm!

Mình không nghĩ được gì hết! Cuộc chiến tranh nầy ai gây ra ư? Tại sao vậy? Làm sao cắt nghĩa được tham vọng của một lũ điên? Chỉ biết một điều là một thanh niên mới vừa xong trung học là lên đường nhập ngũ, từ Mỹ Tho ra tận

Miền Trung gió Lào khô khốc thổi, rồi ngã xuống ở Đỉnh Ba Hô nào đó của Quảng Trị để ngăn chận Bắc Quân tràn vào thị xã.

Ngày 25 tháng 8, ôm tấm di ảnh của anh, thằng em kế, thứ năm, nối bước theo sau, trên hai tay là chiếc gối nhỏ, màu vàng viền đỏ, màu cờ, có cặp lon trung úy và chiếc bảo quốc huân chương đệ ngũ đẳng kèm anh dũng bội tinh với

nhành dương liễu, đưa anh đến huyệt mộ! Thòng dây đưa quan tài anh xuống kim tĩnh mà mấy ông thợ hồ vừa mới xây xong, xi măng chỉ vừa kịp khô nước.

Ba loạt tiếng M-16 bắn chỉ thiên, chào vĩnh biệt người chiến sĩ.

Lại tiếng kêu khóc của người yêu anh ở giờ hạ huyệt: “Anh Hòa ơi! Anh Hòa ơi!”

Đất lấp lại! Và năm ấy mình vừa 20 tuổi. Ngày chôn anh, ngày 25 tháng 8, là ngày sinh nhựt của mình!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

Cướp! Vậy mà vui!

dxt_sept1_2013.jpg

 

Thưa quý độc giả thân mến!

Có người nói đọc báo bây giờ không có tin gì vui hết trơn hết trọi. Toàn là tin tội phạm gì đâu không hà, đọc rầu chết đi! Thưa không phải vậy cả đâu! Cũng có tin hình sự, ăn trộm, ăn cướp… nhưng đôi khi mình đọc xong, dám cười bể bụng, cười té ghế luôn!

Chuyện rằng một tên ăn trộm lẻn vô nhà tính dọn. Vợ chồng chủ nhà đi chơi đêm về, vui quá! Y hoảng hồn, bèn trốn tuốt lên lầu, nghe ngóng. Ông chồng chắc cũng có máu hài hước cỡ ‘Quang Minh, Hồng Đào’ hay ‘David Letterman’ bèn kể cho con vợ nghe một câu chuyện vui. Vợ khoái… cười khanh khách. Tên trộm núp trên lầu nghe… cũng khoái… cười khanh khách luôn?!

Do đó óc hài hước có lợi lắm nha! Nếu không, sao vợ chồng ông nầy bắt được ‘thằng’ ăn trộm đang trốn ở trên lầu?

Và để tới luôn bác tài, người viết vốn ở Nam Bán Cầu, Úc Châu, xin thuật chuyện vui nầy xảy ra ở Bắc Bán Cầu để hầu quý độc giả thân mến.

Chuyện rằng: Stockholm là thủ đô của Sweden mà mình quen gọi là Thụy Điển. Đất nước Bắc Âu nầy nghe nói là lạnh ‘quéo’ luôn. Chắc vì lạnh nên anh chàng nầy muốn ấm; bèn lang thang lên mạng xã hội mà tìm cách hẹn hò ‘tù ti tú ti’ cho tình em làm ấm lại đời ta! Chuyện không có gì ầm ĩ đáng nói, nếu em đây là em ‘bự’! Còn em nầy thì lại nhỏ xíu hà mới có 13 tuổi thôi! Chàng bèn trả trước 500 kronor tiền Thụy Điển, tương đương với 85 đô Úc, vô tài khoản ngân hàng của em. Đến hẹn mà không thấy em đâu nên thiệt là tức tối, rán lần mò tìm ra số điện thoại của Tía em, bèn gọi đến Tía thuật lại đầu đuôi gốc ngọn để đòi lại tiền đặt cọc. Ăn bánh thì trả tiền. Bánh trái không có mà lấy tiền tui sao được hả? He he! Kết quả ra tòa về tội dụ dỗ gái vị thành niên!

Ha ha! Ngu chừa chỗ cho người ta ngu với chớ!

Ngoài hai cái chuyện vui nói trên, những câu chuyện vui dưới đây lại là chuyện về bọn ăn trộm, ăn cướp. Đối với những người dân lương thiện, tay làm hàm nhai mà nghe nói tới mấy thằng đầu trâu mặt ngựa nầy, mấy thằng ăn cướp, ăn trộm hỏi ai mà không sợ?

Mà bàn về ăn cướp, chữ nghĩa của ông bà mình thiệt là thâm trầm và thâm thúy. Chẳng hạn như ăn trộm, ăn cướp…Nghĩa là trộm để ăn, cướp để ăn…Nghĩa là đói người ta mới trở thành tội phạm. Bần cùng sinh đạo tặc! Câu nầy hoàn toàn đúng khi nó xảy ra ở Mỹ mới đây.

Hai tên cướp, có súng, xông vào một nhà hàng, đe dọa ông chủ và mấy người nấu bếp rằng: nếu không cho bọn chúng đồ ăn miễn phí thì chúng sẽ bắn chết hết ráo!

Ông chủ nhà hàng bèn tìm kế hoãn binh, nói: “Nhà hàng mới vừa bị ăn cướp hồi chiều nên giờ lu bu lắm, còn bụng dạ nào đâu mà nấu nướng gì được nữa! Thôi hai ông đi đâu đó chừng một tiếng đồng hồ sau trở lại, đầu bếp nó nấu cho ăn!”

Vậy mà một tiếng đồng hồ sau, hai tên cướp nầy quay trở lại thiệt. He he! Và dĩ nhiên bọn chúng hân hạnh được gặp mấy thầy phú lít!

“Ha ha! Ngu chừa chỗ cho người ta ngu với chớ!”

Hai tên nầy cướp nhà hàng vì đói bụng. Còn tên cướp ‘nhí’ dưới đây thì cướp xong rồi mới đói. John Szwalla, 17 tuổi, bước vào một cửa hàng internet café nói với viên thâu ngân: “Đưa tiền đây! Tui có cây súng giấu trong túi áo nè!”

Cây súng mà cu cậu khoe thực ra chỉ là một trái chuối già. Thiên hạ xúm lại bắt giữ cu cậu. Trong khi chờ cảnh sát tới, đói bụng quá, cu cậu bèn xực luôn cả ‘cây súng’ của mình!

Mấy thầy đội tới, cười rần: “Ngoài cái vụ truy tố nó ra tòa về tội cướp, tụi tui sẽ truy tố nó thêm một tội nữa là thủ tiêu vật chứng "destroying evidence".

“Ha ha! Ngu chừa chỗ cho người ta ngu với chớ!”

Còn tay ăn cướp nầy cũng nhẩy vô giành ngu luôn cho thiên hạ biết mặt hảo hán giang hồ. Derrick Mosley thấy cửa hàng bán súng đang quảng cáo khuyến mãi, cu cậu khoái súng mà không có tiền mua; bèn đi cướp. Y vác cây khúc côn cầu bước vào cửa hàng, đập bể kiếng tủ chưng súng, tính hốt lẹ rồi dọt. Ai dè ông bán súng, dĩ nhiên là có súng rồi, móc chó lửa ra. “Ê! Chú mầy giơ tay lên! Kẻo tao phơ một phát là nát cái gáo của mầy!”. Cu cậu rét quá, giơ tay lên và chờ phú lít tới mới được đưa tay xuống mà đưa tay vô còng, theo thầy đội về bót mà đi ‘holiday’ là nói theo kiểu Úc; còn nói theo kiểu Mỹ là đi ‘vacation’; còn nói theo kiểu Việt Nam mình là đi ‘nghỉ mát’…He he!

Cướp đâu không cướp mà nhè cửa hàng bán súng mà cướp vậy chú em?!

“Ha ha! Ngu chừa chỗ cho người ta ngu với chớ!”

Nói vậy chớ ăn cướp cũng là con người. Mà con người thì luôn luôn có nhiều chuyện phải mắc cười cho dù là chuyện về ăn cướp.

Chuyện rằng: cũng ở bên Mỹ, một tên cướp vác súng vào đe dọa cô thâu ngân Angela Montez, 43 tuổi. Sợ quá, cô khóc và nói về Thượng Đế. Cô bảo cũng chưa trễ mà; nên dừng lại, đừng ăn cướp, đừng phạm vào tội ác ông ơi!

Tên cướp nói: “Tui có đứa con hai tuổi ở nhà phải nuôi nữa!” Rồi yêu cầu nạn nhân với mình cùng cầu nguyện. Cả hai quỳ xuống đọc kinh khoảng 10 phút.  Làm cái chuyện ác nhân thất đức nầy mà cũng sùng đạo hổng thua ai há! Sau đó, để đáp lại lòng tử tế của nạn nhân đã cùng mình ‘đọc kinh cầu nguyện kẻo sa linh hồn’, y lấy viên đạn ra khỏi nòng súng rồi đưa cho cô ấy; nói súng chỉ có một viên đạn thôi và hứa là sẽ không làm gì để gây hại cho ai cả?! Nhưng ngạc nhiên thay cho dù hai người đã có một câu chuyện tâm tình, đầy cãm xúc như thế; y vẫn tiếp tục chương trình cướp bóc của mình y chang theo kế hoạch. Y cướp cái điện thoại di động của nạn nhân và chỉ lấy trong két 4 tờ giấy bạc, mỗi tờ  5 đô, tổng cộng 20 đô, đút túi rồi xin lỗi ‘I’m sorry’ và dặn rằng chờ khoảng 20 phút sau rồi hay gọi cảnh sát nhé! Ha ha!

Ngoài chuyện cướp mà còn cầu nguyện thì tên trộm nầy không tin vào Thượng Đế mà lại tin dị đoan:

Năm 2007, y vô nhà  của Suzie Fronterotta ở New Mexico ‘khoắng’ được một số nữ trang và 1000 đô tiền mặt.

Ba năm sau, khổ chủ bất ngờ nhận được một bưu phẩm mà người gởi nặc danh. Trong bưu phẩm đó, có số nữ trang đã bị trộm kèm theo lời xin lỗi: “Xin hãy tha thứ cho tui; tui thực lấy làm hối tiếc là đã đến nhà cô mà ăn trộm. Tuy nhiên, sau đó xui quá, vợ tui cũng chết rồi, nên tui gởi nữ trang trả lại cho cô. Còn vụ một ngàn đô, tui hy vọng sẽ hoàn trả nay mai khi tui kiếm được đủ tiền”. Mặc dù có báo cảnh sát nhưng khổ chủ không muốn cảnh sát điều tra, bắt giữ, và truy tố tên trộm nầy ra tòa mà làm chi. Vì vợ y đã chết rồi hè! Tội nghiệp quá! Khổ chủ đã lịch sự mà tên trộm nầy cũng tin dị đoan thấy gớm hé ?! He he!

Để chấm dứt bài viết mua vui cũng được một vài trống canh nầy, người viết lại xin kể chuyện ‘lọa rứa’ nầy ở bên Nga!

Một gã tên là Viktor vào cướp một thẩm mỹ viện. Chủ nhân là một cô 28 tuổi, võ nghệ đầy mình, tên Olga. Dù tên là Viktor có nghĩa là thắng nhưng y lại bị thua!  Bị bắt giữ nhưng không có chuyện giải giao cho cảnh sát mà y chỉ bị ‘em’ còng tay lại, cho uống ‘Viagra’ và buộc phải làm ‘nô lệ tình dục’ suốt ba ngày.

Được thả ra, thằng lớn chạy thẳng luôn tới bịnh viện để nhờ bác sĩ cứu ‘thằng nhỏ’! Kẻo muộn, thì lớn nhỏ gì cũng đều chết ráo! Sau đó Viktor bèn đi thưa cảnh sát. Olga chửi: “Cái thằng mất dạy! Chuyện đó cũng có độ một, hai chục lần… nhưng ‘em’ cũng có mua cho nó cái quần jean, rồi cho nó ăn, và còn đút túi nó 1000 đồng rúp nữa mà!”. Hình như tên cướp nầy hơi bị ‘đẹp’ chăng?

Kết cuộc là Olga bị cảnh sát truy tố về tội hiếp dâm; còn Viktor bị tội ăn cướp.

Một lần cho mầy tởn tới già! Đừng đi nước mặn mà hà ăn chưn nghe ‘chú’. He he!

 

đoàn xuân thu.

melbourne.

 

 

 

Điềm trời: sư tử mà biết sủa!

dxt_aug18_dog.jpg 

  vietyo.com

Thưa quý độc giả thân mến!

Người viết tin chắc như bắp rằng quý vị cũng đã đọc chuyện Tề Thiên của Trung Quốc. Chuyện về con khỉ có nhiều phép thần thông, biến mình thành ra hàng trăm, hàng ngàn con khỉ khác, giống ‘hịt’ mình, mà bây giờ cả ngàn năm sau mấy ông Tây gần đây mới làm được, gọi là nhân bản. Tây chỉ lấy một tế bào gốc rồi nhân bản ra; chỉ từ một tế bào gốc mà làm ra được một con cừu đặt tên là ‘Cừu Dolly’; còn Tề Thiên thì hay hơn nhiều, lúc thì hóa thành cục đá, cục đất lúc thì thành em ‘xinh’, vũ sexy nữa chớ! Chính vì thừa hưởng sự thông minh láu cá của tổ tiên mình như vậy nên thời nầy mấy chú, thiếm ba Mao Trạch Đông mới bắt chước ông tằng tổ Tề Thiên của mình mà hô phong hoán vũ, biến hóa tùm lum tà la. Nếu có chức, có quyền thì biến đất người ta thành đất của mình, vợ của người ta, nếu đẹp như Cũng Lợi hay Chương Tử Di thì thành vợ ‘bé’ của mình.  Còn nếu không phải là ‘con cháu các cụ cả’ để được làm xếp lớn như Bạc Hy Lai, Bí Thơ Trùng Khánh mà phải cày cục, lạy lục, nịnh bợ mới vớ được cái ‘job’ bé tẻo teo, là làm xếp nho nhỏ của một cái sở thú… thì biến con chó ngao Tây Tạng thành con sư tử để xí gạt người coi mà kiếm bạc cắc?

Chuyện rằng thành phố Tháp Hà, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, Bà Liu dẫn con trai mình đến sở thú để dạy cho nó biết phân biệt tiếng kêu của các loài động vật khác nhau. Khi con trai 6 tuổi chỉ vào chuồng sư tử và nói rằng: “Má ơi! Con sư tử nầy nó sủa y như con chó kìa!”. Quả thật, trong chuồng, không thấy sư tử đâu mà chỉ thấy một chú chó ngao Tây Tạng to lớn với bộ lông dài thườn thượt.

Tốn 15 nhân dân tệ mua vé vô coi mà bị gạt, tức thiệt, nên bà càm ràm: “Cái sở thú nầy đã xí gạt mẹ con tui một cách trần trắng trợn quá!”.

Liu Suya, viên quản lý sở thú, chống chế cho biết con sư tử châu Phi vắng mặt có lý do, vì được gởi đi để nhân giống nên để chú chó đóng thế vài bữa vậy mà?! Có gì đâu mà ầm ĩ? Bảo Tàng Viện Trung Quốc còn chưng đồ giả hằng hà sa số; còn tụi tui giả có chút xíu mà. Khó gì mà khó dữ vậy? 

Nhưng dân Trung Quốc bị xí gạt nhiều lần quá rồi, ầm ầm lên, phản đối; nên cuối cùng thì ban lãnh đạo sở thú đành thú thiệt, đứng ra xin lỗi và tạm đóng cửa để mà “sửa chữa’.

Thật nực cười là ở thế kỷ 21 rồi mà sở thú này còn dám dùng chó ngao Tây Tạng để đóng giả sư tử châu Phi?! Bộ tính lấy muối ớt chà vô mắt tụi tui sao chớ?

Theo người viết thì cái chuyện ruồi bu nầy nó xưa như trái đất. Vì hồi tạo thiên lập địa tới giờ, mấy chú ba là vua làm hàng dỏm, cho nên mới có câu là: ‘Made in Hong Kong bên hông Chợ Lớn’ là vậy!

dxt_aug18_2b.jpgHết chuyện Tàu thì mình nói chuyện Tây, bò qua Pháp, ở Liên Hoan Phim Cannes, có ông Denis Carre cũng làm đồ giả, giả bộ làm Psy, ca sỉ Hàn Quốc nổi tiếng với màn ‘ngựa phi ngựa phi đường xa, tiến lên đường nắng cháy lóa lóa’ …gọi là ‘Gangnam’s style dance!’.

Y đã gạt được khối người, kể cả ban tổ chức Liên Hoan Phim, được ăn chực, uống chùa, được chụp hình chung với người đẹp diễn viên, người mẫu khác nữa kìa!

Chú Củ Sâm nầy tay nghề lừa đảo cũng thuộc hạng thượng thừa so với Chú Ba thì kẻ tám lạng người nửa cân!

Nhưng hỏng phải là dân Trung Cộng, dân Đại Hàn chơi đồ dỏm không đâu mà ngay cả những nước văn minh Bắc Âu như Na Uy ông Thủ Tướng cũng chơi đồ dỏm như thường.

 Ông Thủ Tướng Na Uy Jens Stoltenberg, lãnh tụ Đảng Lao Động, gần ngày bầu cử, bèn đóng vai tài xế taxi dỏm, đi rước khách và nói rằng để lắng dxt_aug18_3b.jpgnghe ý kiến của cử tri về những vấn đề mà họ quan tâm. Đó là do ổng nói vậy chớ sự thực là vì ổng ngồi cũng hơi lâu…lâu, từ năm 2005 tới nay, nên dân Na Uy cũng hơi ‘ớn chè đậu’ ổng rồi! Phần, lúc ổng ngồi, thì xảy ra vụ nổ bom ở thủ đô Oslo, rồi thảm sát, bắn giết, làm chết tới 77 người trên một hòn đảo do Anders Breivik's Oslo thủ ác năm 2011. Làm Thủ Tướng mà để mấy em thanh, thiếu niên nầy bị bắn chết một cách tức tưởi, oan ức như vậy đáng lẽ ổng phải lên ti vi mà xin nhận ‘Lỗi tại tui!” rồi từ chức cho rồi. Đằng nầy chỉ có ‘cha’ xếp sòng cảnh sát đi ‘đong’; còn ông số 1, ‘number one’ thì lại muốn ngồi lì. Coi kỳ quá xá há!?

Vì mùa bầu cử tới bên chưn, muốn ngồi nữa không chịu đi đâu hết ráo, nên ông Thủ Tướng nầy lại hóa phép thành tài xế taxi, có ghi hình để lên ti vi mà quảng cáo. Rồi ông cũng thú nhận với một hành khách là 8 năm nay ông chưa cầm tới cái vô lăng. Phải rồi, làm lớn là phải ngồi cho người ta lái, mình ngồi chơi cho nó mát… cái giò…giữa?!

Trong chiếc taxi Mercedes màu đen, hành khách đi không phải trả tiền; còn ông Thủ Tướng mặc đồng phục tài xế đàng hoàng. Sướng nhé! Một bà cụ hành khách nhận ra cái bản mặt của ông Thủ Tướng, bèn đưa ra ý kiến là lương bổng của mấy xếp lớn trong chánh phủ cả triệu kroner, tiền Na Uy, năm là bất công lắm đó nghe! Bà cụ nói: “Đừng làm như vậy mới là phải… phải!” Tuy nhiên có một cụ ông hành khách, khoái cái cách thăm dân cho biết sự tình mới lạ của ngài Thủ Tướng thuộc Đảng Lao Động nầy bèn hứa: “Được rồi! Chuyến nầy tui sẽ bầu cho Lao Động!” Vậy là ổng được thêm một phiếu đó nha!

Một tờ báo Na Uy không thích cái lối quảng cáo ‘người tài xế taxi giả danh’ một cách trần trắng trợn như thế nầy, bèn hỏi xỏ ông: “Nếu Thủ Tướng thất cử lần nầy thì có về chạy taxi hông? He he!”

Ông xuống nước, năn nỉ: “Cho tui một nhiệm kỳ nữa đi; tui sẽ phục vụ nhân dân nhiều chuyện hệ trọng hơn là làm tài xế taxi mà!”

Riêng người viết chỉ có một cái thắc mắc cỏn con là: Không biết ông Thủ Tướng nầy có phạm luật, phạm lệ gì không? Vì không phải làm Thủ Tướng, nhứt là ở mấy cái xứ tự do nầy muốn làm gì là làm đâu. Xứ cộng sản thì miễn bàn. Làm tài xế taxi là phải có ‘lái sần’ nha, phải có bảo hiểm cho tài xế lẫn hành khách. Lỡ xảy ra tai nạn là còn có người đền chớ. Vừa lái vừa nói chuyện với hành khách, không chịu dòm trước với dòm sau là nguy hiểm lắm à! Nếu tui là cớm Na Uy, tui sẽ chặn xe taxi ổng lại, xét giấy rồi biên cho ‘Ngài’ một giấy phạt để cho ‘Ngài’ bỏ cái tật làm đồ giả!

Tuy nhiên giả làm tài xế taxi của ông Thủ Tướng Na Uy nhằm mục đích quảng cáo tranh cử mà so với cái giả của Việt Nam ta thì thua xa lắc, xa lơ, thua hàng trăm, hàng ngàn cây số.

Chuyện rằng hôm thứ Sáu ngày 9/8 tại chùa Pháp Hải, huyện Bình Chánh, chỉ vài ngày trước khi chư tăng ni chấm dứt ba tháng cấm túc, tu tập kéo dxt_aug18_4b.jpgdài từ tháng tư đến tháng bảy âm lịch, được gọi là An cư kiết hạ.

Vậy An cư kiết hạ là gì? An cư kiết hạ là pháp tu hành của các vị xuất-gia trong ba tháng hạ. Bắt đầu từ ngày Ðản Sinh của Ðức Phật Thích Ca(15/4 âm lịch) cho đến ngày Lễ Vu Lan (15/7 âm lịch). Trong ba tháng ấy, Tăng chúng tập họp trong một ngôi chùa, ở một chỗ thanh vắng, để chuyên lo tu học, không làm một việc gì ngoài sự tu học để tinh tấn đạo nghiệp.

Nhưng tại sao Tăng chúng lại chọn ba tháng mùa hạ để tu học? Vì đó là mùa mưa gió, cũng là mùa sanh sản của các loài sâu bọ. Ðể khỏi dẫm đạp, giết hại các loài sanh vật nhỏ bé, trái với từ bi, nên trong ba tháng hạ, các vị xuất gia không được đi ra ngoài.

Ngoài ra, người tu hành cần phải tìm chỗ an tịnh, chuyên tu thiền quán mới mong có kết quả. Trong một năm để chín tháng truyền bá chánh pháp, ba tháng còn lại hoàn toàn dành cho sự tu học.

Người đời lấy năm sanh mà kể tuổi. Người xuất gia trong đạo Phật lấy số kiết hạ làm tuổi. Một người chưa kiết hạ là xem như chưa sinh ra thì chưa có tuổi nào. Người kiết hạ hai lần thì được hai tuổi. Ngày rằm tháng bảy là ngày thọ tuổi của người xuất-gia, người nào tuổi đạo cao thì được tôn trọng, được ngôi thứ cao trong Tăng chúng, được nuôi dạy, truyền giới pháp cho người tin vào Phật Pháp.

Vậy mà cái Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh ‘mắc ôn, mắc dịch’ nầy khi chấm dứt mùa An cư kiết hạ năm nay lại chỉ đạo nhà chùa: cho các ni cô cởi áo nâu sồng, mặc áo tứ thân và những trang phục sặc sỡ, diêm dúa ra sân khấu mà múa hát. Đi xa hơn nữa, còn cho các ni cô mặc quân phục, nón tai bèo, cầm súng giả, ra sân khấu bắn ‘pằng pằng’, rồi nhảy cà tưng, cà tưng, (‘Đoàn giải phóng quân một lòng ra đi. Nào có sá chi đâu ngày trở về? Nghĩa là một đi không trở lại? Đi luôn?) nhằm đẩy mạnh phong trào rèn luyện của ni cô (!?).

Vậy mà có người vỗ tay nhen! Đó là Thượng tọa Thích Huệ Minh, Phó Ban Trị sự GHPGVN huyện Bình Chánh phát biểu khen: “Mô hình này thật hay, mang nhiều ý nghĩa. Vì vậy, cần phải mở rộng và phổ biến cho các cơ sở tu viện trong mùa An cư kiết hạ những năm sau"?!

Lập lờ đánh lận con đen diễn ra hà rầm trên thương trường, trên chính trường, giờ lại còn len sâu vào đạo đức tôn giáo. Đây là một thành công vượt bực đáng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh?  Trời ạ!

Phật tử trong và ngoài nước nghe thấy đều chắc lưỡi lắc đầu.Thật ngao ngán thế đạo, tình đời!!!

Người ta tự hỏi: “Sao không để các ni cô mặc áo lam, áo nâu, hát những bài đạo ca như Mẹ hiền Quan âm, Mục Kiền Liên, Phật Giáo Việt Nam, Trầm hương đốt hay Bông hồng cài áo (Nhất Hạnh - Phạm Thế Mỹ), Lòng mẹ (Y Vân), Mẹ yêu con (Nguyễn văn Tý), Tình cha… vv...” nhân Mùa Vu Lan. Còn hoạt động xã hội thì làm việc từ thiện, kiếm tiền nuôi dưỡng cô nhi, quả phụ, những người già yếu neo đơn hay người tàn tật… Thiếu gì chuyện phải làm! Đâu cần cái kiểu quái đản là cho các ni cô mặc quần áo bộ đội, đội nón tai bèo, cầm súng giả… (vốn dĩ xa lạ với đức từ bi, nghiêm cấm sát sanh của đạo pháp), nhẩy cà tưng cà tưng ngay cả trong sân chùa?

Trước đây, trên các trang mạng loan tin các sư Trung quốc ôm súng tập bắn, tay trong tay dắt gái đi bách phố, sắp hàng mua hot dog, đánh bài trên xe lửa với gái...Bây giờ đến Việt Nam, trước tình hình chánh trị, kinh tế của đất nước rối như một mớ bòng bong, rối như canh hẹ thì đạo, đời lại lẫn lộn thế ư?

Do đó đi tu là đi tu, tu là để giúp đời. Đi tu không phải là đi làm văn công như vợ Tập Cận Bình, người đẹp Bành Lệ Viên, leo cao, đeo tới cái lon thiếu tướng, nhờ hát, ca ngợi xe tăng đàn áp đẫm máu, cán bừa sinh viên biểu tình đòi dân chủ ở Thiên An Môn, Bắc Kinh hồi năm nẩm.

Báo chí quốc doanh trong nước ‘ngạo’ Sở Thú Trung Quốc có con sư tử mà biết sủa, mắc cười ha hả, he he… nên quên coi lại cái bản mặt mình trong kiếng; thì ôi thôi! Nó cũng lọ nghẹ không hà!

Còn người viết, thưa quý độc giả thân mến khi thấy mấy ni cô mặc áo, quần bộ đội, đội nón tay bèo, cầm súng, bắn ‘pằng pằng’, nhẩy cà tưng cà tưng ở Việt Nam; còn ở Trung Quốc, sư tử mà biết sủa thì cho đó là điềm trời báo cho biết là: Chế độ nào dựa trên sự dóc láo, dóc từ trên xuống dưới, dóc từ trong ra ngoài, dóc từ đời đến đạo thì chắc sẽ cáo chung thôi! Đời thì ‘mạt’ vận! Đạo thì ‘mạt’ pháp! Dân thì ‘mạt’ rệp! Hỏng chóng thì chầy chuyện gì tới là phải tới! Tin ‘tui’ đi!

đoàn xuân thu.

melbourne. 

 

 

Còn lâu mới sợ!

dxt_aug15_1.jpgdxt_aug15_2.jpg

Photo: Andrew Meares                               www.facebook.com

Thưa quý độc giả thân mến!

Tuần rồi, người viết may mắn có đọc được bài: “Ông biết tôi là ai không?” của nhà văn Bùi Bảo Trúc trên bán tuần báo Việt Luận.

Ông thuật lại câu chuyện như thế nầy: xin chép lại nguyên văn một đoạn: 

“Một bữa đang ngồi trong quán Cái Chùa (La Pagode), đường Tự Do, Sài Gòn thì tôi bị một người đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi: “Ông biết tôi là ai không ?”

“Quả thật lúc ấy, tôi không biết ông ta là ai thật. Ông không phải là một tài tử, một nhà văn, hay một chính trị gia nổi tiếng để tôi phải biết. Tôi đành ngồi đó, chịu thua ông, không có câu trả lời.

Ít lâu sau, tôi được cho biết ông là đàn em của một ông tướng, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút “hào quang” vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi.”

Ông Bùi Bảo Trúc giận hình như hơi dai thì phải? Hơn ba chục năm đằng đẳng rồi mà ông cũng còn không chịu tha thứ cho cái thằng dám cả gan hỏi ông một câu: “Ông biết tôi là ai không?” Nếu người viết va vào trường hợp của ông thì chắc không đủ can đảm nín thinh như ông mà sẽ ỏn ẻn trả lời rằng: ‘Dạ! Thưa! Em biết ạ!’ cho nó phẻ. Rồi sau đó quên phắt đi cái bản mặt của thằng đầu trâu mặt ngựa ấy cho rồi! Lại cũng cho nó phẻ! Nhớ làm chi để tối ngủ, ác mộng, gặp lại cái bản mặt đó như gặp cái bản mặt của thằng Hà Bá thì chỉ thiệt sức khỏe tâm thần của mình thôi! Chứ ích lợi gì đâu mà nhớ chớ?! Nó nhát mình, nó muốn mình sợ nó thì thôi là nhà văn, nghĩa là một con người lịch sự có thừa và dũng cảm có dư, dù cóc có sợ thằng cha căng chú kiết nào chăng đi nữa thì mình cũng chịu khó giả bộ sợ cho nó vui! Cho nó mừng, tưởng mình là sợ thiệt! Cái gì mà không mất đồng xu cắc bạc nào mà làm cho con chó nó vui thì mình còn làm huống hồ gì là cái thằng cha đó!

Hàn Tín thuở hàn vi còn bị thằng bán thịt biểu lòn trôn nghĩa là chui qua háng nó nhằm mục đích hạ nhục ông. Nếu ông nổi giận mà chém chết nó; vì ông có mang theo cây gươm, thì đã tức thiệt nhưng lôi thôi cò bót thì làm sao sau nầy làm tới đại tướng quân hả? Nhịn là nhục nhưng đôi co với mấy thằng đầu trâu mặt ngựa làm gì cho nó rách việc, cho nó lôi thôi và cho nó mất thời giờ vàng ngọc của mình chớ?!

Cái thằng cha dám cả gan hỏi nhà văn Bùi Bảo Trúc : “Ông biết tôi là ai không?” Nó cũng còn lịch sự chán vì nó còn gọi nhà văn là ông thì cho dù một câu hỏi hàm ý đe đọa cho ông lên bờ xuống ruộng bởi cái thế lực dựa hơi cọp đó thì theo ý người viết là cũng rất nên nghe qua rồi bỏ cho rồi, cho nó khỏi tổn thọ!

Vì ngay cả bên Mỹ là đất nước mệnh danh tự do cùng mình, tự do từ đầu tới chưn mà giỡn mặt với ‘ông lớn’ là cũng phiền… lắm đó?!

Chuyện rằng: Trong cuộc thi cỡi bò đực, anh hề này mang mặt nạ cao su cố tình làm giống Tổng Thống Barack Obama, với một cây chổi kéo ngược phía sau như một cái đuôi, đứng trước mặt một bầy bò đực và bỏ chạy khi bị chúng rượt.

Giỡn chút vậy thôi mà Ban quản lý hội chợ Missouri State Fair quyết định cấm anh hề vĩnh viễn không được làm việc tại hội chợ do tiểu bang tổ chức nữa. Nghĩa là nỡ lòng nào đập nồi cơm của thằng nhỏ? Hỏi tại sao thì:

Đuổi vì giễu như vậy là một “việc làm thiếu ý thức; có tính kỳ thị chủng tộc KKK.” Hề làm cho người ta cười; giờ thì mấy ông quản lý nầy lại nỡ lòng làm cho anh và vợ con anh khóc? Thiệt là nhẫn tâm!

Người viết cho rằng làm vậy, thi hành kỷ luật như vậy là nặng tay một cách vô cùng không cần thiết; vì ông Tổng Thống Obama thứ thiệt mà đứng trước một bầy bò đực hung hăng lao tới; hỏng lẻ đứng lại cho nó húc… thì cũng phải cao bay xa chạy mà thôi. Tía tui cũng chạy chớ đừng nói chi tới Tổng Thống Obama!

Từ bài học đó, người viết mà có lỡ có va vô trường hợp của ông Bùi Bảo Trúc bị một thằng khuyển ưng hù dọa, hay anh hề cả gan chọc quê ông ‘trùm đế quốc Mỹ Obama’ thì người viết vì nồi cơm, manh áo cho vợ mình và mấy thằng ‘cu’ bèn theo gương Hàn Tín nhịn cho nó yên thân. Vì lỡ có bề gì, bị quánh cho phù mỏ đi nằm nhà thương hay bị cất vô hộp thì ở nhà có thằng khác đang chực sẳn nhảy vô nuôi ‘em yêu’; rồi tiện thể bạt tai đá đít mấy thằng ‘cu’ của mình, nạt nộ, bắt nó cầm chai đi mua rượu cho y uống thì sẽ đau lòng tui lắm lắm!

Tuy nhiên cũng có những người không chịu hèn như người viết hay ông Hàn Tín bên Tàu mà chịu chơi, chơi tới cùng! Chén đá đụng chén kiểu coi chén nào mẻ trước?

Chuyện rằng: Chiều thứ năm ngày 2 tháng 8 năm 2012,  khoảng 5 giờ ông Bill Shorten, Tổng Trưởng Quan Hệ Lao Tư của chính phủ Lao Động Julia Gillard, bước vào một cái milk-bar, hỏi mua mấy cái bánh pie, giá 4 đô 80 xu một cái cho thằng con đi tập đá banh ‘xực’. Bà chủ tiệm, một người Hoa, đã định cư ở Úc được 23 năm và nhiệt tình ‘ẵm hộ’ Đảng Lao động, nói: “Xin lỗi! Ngộ bán hết bánh nóng rồi! Còn bánh nguội!” “Tuy nhiên nếu nị muốn, ngộ bỏ vô lò vi ba, hâm lại!”

Ông Bill  Shorten bèn hỏi: ‘Vậy thì khác nhau chổ nào?’ Rồi ông không nói gì hết, mở cửa đi ra. Nghĩ sao bèn quay trở lại “Nị sẽ mất cái doanh nghiệp của nị đó!”

Ngộ nói cho mấy ông phát thanh nghe: “Tại sao ổng đòi đóng cửa tiệm của ngộ chớ. Ngộ giận lắm à nha! Đừng có ăn hiếp ngộ như vậy chớ?”

Đó là bên bà chủ tiệm milk-bar.

Còn bên ông Tổng Trưởng Quan Hệ Lao Tư Bill Shorten thì ổng nói rằng: “Tui nghe bả nói bánh pie sẽ mềm như Julia Gillard vậy!” ("It would be soft, like Julia Gillard!") Còn bây giờ, thì chắc tại tui nghe nhầm. Ý bả nói là bánh pie sẽ mềm và bả thích Julia Gillard.” ("It would be soft. I like Julia Gillard!") Nghe thiếu có chữ ‘I’ mà rắc rối quá xá há!

Thôi cho tui xin lỗi! Hiểu lầm mà! Đâu ai muốn đâu? Còn cái vụ chửi thề, xài giấy năm trăm với bả, đòi đóng cửa tiệm bả? Thú thiệt là tui không nhớ!

Ông Tổng Trưởng nầy quên hơi ‘bị’ khôn?

Nhưng dân Úc thì không tha ông Tổng Trưởng nghe nhầm nầy. Họ nói: “Ông Tổng Trưởng nầy ngạo mạn quá! Nên nhớ là ai trả lương cho mấy ông hả? Đừng có ăn hiếp người dân nha!”

Thiệt là Lục Vân Tiên nói tiếng tiếng Úc: Ra đường thấy chuyện bất bình…chơi luôn?!

Do đó ở các nước dân chủ coi bộ ăn hiếp dân khó hơn ở mấy nước độc tài đó nha! Người viết sống dưới chế độ Cộng Sản hình như coi bộ hơi lâu…lâu nên hèn và nhát nó lậm vào máu mất rồi!

Nhớ hồi còn kẹt trong nước là bị ăn hiếp từ thằng tổ phó an ninh đến thằng cảnh sát khu vực cò con. Chọc nó ngứa mắt là tối nó báo công an phường tới nhà, xét hộ khẩu rồi dắt về đồn, nhốt cho muỗi cắn chơi! Muốn nhốt lúc nào là nhốt! Muốn nhốt ngày nào là nhốt! Nhốt bao lâu cũng được! Chỉ tùy theo cái mũ nó cho mình đội trên đầu là loại nào? Cái nầy thì dễ ợt thì hỏi làm sao mà không sợ chớ?

Bây giờ, đêm đêm đôi khi mớ, lạc về quê cũ, tìm lại người xưa mà lúc thì bị chôm thông hành; lúc thì bị giựt mất bóp; lúc thì bị công an đòi tiền mãi lộ mà không có để mà đưa; bị kẹt lại không có cách chi mà trở qua thành phố dấu yêu Melbourne mà gặp lại con vợ hiền tấm mẳn cùng hai thằng ‘cu’ yêu dấu.  Sợ đến xuất hạn dầm dề, mồ hôi, mồ kê nhễ nhại; giựt mình mở hí hí một con mắt thì thấy nằm dưới sàn nhà; vì cơn ác mộng quá kinh hoàng làm mình vùng vẫy đến nổi rớt xuống sàn. Nhưng không cảm thấy đau mà còn mừng vì mình còn ở Úc chớ không có kẹt lại cái nước dân chủ gấp triệu lần tư bản đâu nha? Ha ha! Khoái quá!

Mà cái nước Úc nầy nó cũng ngộ? Dân sợ mới dễ đè đầu, cỡi cổ chớ! Mới dễ cai trị, mới dễ dàng bóc lột và bóc lủm; vậy mà nó lại dạy mấy đứa con nít rằng hổng có sợ ai hết… kể cả ông Thủ Tướng nếu mình không có làm gì bậy bạ!

Chuyện rằng: Joseph Kim, năm tuổi, khi có dịp chụp hình chung với ngài Thủ Tướng Kevin Rudd khi ngài đến nhà thờ Ryde Uniting Church ở Sydney, nơi cháu đang đi lễ cùng Tía Má cháu mà xin phiếu. Thì bất kể rụt rè, cháu bèn chiếm đài truyền hình, làm mặt ‘khỉ khọn’ rất đáng yêu và còn ‘High- Five!’ với ngài Thủ Tướng nữa chớ! Xin xem hình!

Do đó từ Hàn Tín, tới ông Bùi Bảo Trúc, rồi tới người viết, qua bà chủ tiệm milk-bar ở Melbourne rồi lên tới Joseph Kim, chú nhỏ ở Sydney, cái sợ nó giảm dần dần đi. Từ cú phải lòn trôn của Hàn Tín, cái im lặng biết trả lời sao của ông Bùi Bảo Trúc, cho đến cái sợ chạy mất dép như của người viết, lẹ lẹ vọt ra khỏi nước đến hơi sợ sợ của bà chủ milk-bar đã bớt run mà kêu lên báo chí, đài phát thanh và đài truyền hình để ‘méc’ ông Tổng Trưởng mà theo nhiều người xủ quẻ trong tương lai sẽ là Thủ Tướng nước Úc cho đến Joseph Kim là hỏng sợ gì ráo. Tại sao phải sợ chớ?

Tự do dân chủ là trong tay mấy con, mấy cháu đó nha! Tiến lên toàn thắng ắt về ta! Kha kha! Còn bậc cha, ông như người viết đối với cháu Joseph Kim, nguyện sẽ noi gương anh hùng của các cháu để coi ông có bớt sợ chút nào chăng?

 

đoàn xuân thu!

melbourne.

 

 

‘Phẻ’ hơn bán cá!

dxt_aug10_2pix.jpg

theorstrahyun.blogspot.com   www.brisbanetimes.com.au

  Thưa quý độc giả thân mến!

  Trong khi bà con cô bác mình đang chú ý theo dõi cuộc bầu cử Hạ Viện, vì nước Úc theo thể chế Westminster giống mẫu quốc Anh Cát Lợi, nên đảng nào chiếm được nhiều ghế dân biểu hơn sẽ lên làm ‘cha’, lập chánh phủ để điều hành đất nước ‘Úc thòi lòi’ nầy trong vòng 3 năm tới. Nếu Đảng Lao Động tiếp tục giữ được chánh quyền sau khi đã ‘đu’ được 2 nhiệm kỳ thì sẽ tiếp tục mượn nợ để mà xài. Lỗ hổng ngân sách to bằng cái thúng, ba năm nữa chắc nó sẽ bự bằng cái nia! Điều đó là chắc ăn như bắp! Còn nếu Liên Đảng thắng thì sẽ đè đầu những người dân bình thường, đang cày để trả kiếp trâu, chịu khó móc xỉa vì mấy ‘chả’ sẽ tăng thuế, bằng cách nầy hay cách khác, mà lấy tiền trả nợ cho mấy ‘chả’. Chuyện bầu cử, thắng thua đó dù theo phe nào đi chăng nữa chắc là hỏng có gì vui rồi? Bởi vì ai thắng thì người thọ thuế cũng phải thua! Thua trắng tay luôn!

  Nên thay vì viết bầu cử Hạ Viện, người viết bèn chọn đề tài bầu cử Thượng Viện vì ở đó vui hơn nhiều!

Thượng Viện Úc hiện nay có 76 ghế. Liên Đảng được 34, Đảng Lao Động 31, Đảng Xanh 9, Đảng Lao Động Dân Chủ 1, Thượng Nghị Sĩ độc lập Nick Xenophon 1. Đảng Xanh đang nắm cán cân quyền lực. Kỳ nầy Thượng Viện sẽ bầu lại 40 ghế. Ông, bà nào đắc cử sẽ bắt đầu nhiệm kỳ của mình vào ngày 1 tháng 7 năm 2014.

Viết về Thượng Viện Liên Bang Úc Châu, ra tranh cử lần nầy có đảng Wikileaks của ông Julian Assange, người tiết lộ tài liệu mật của Mẻo, nên phải trốn vào trong Tòa Đại Sứ Ecuador ở Luân Đôn hơn một năm rồi! Ổng hỏng dám ra ngoài. Nếu ra khỏi Tòa Đại Sứ Ecuador là bị phú lít Anh Cát Lợi bắt giải giao ngay cho Thụy Điển về cái tội dê ‘ăn sua đũa’ không đúng cách. Không có phép tắc gì ráo? Nhưng ông nầy chối, nói: Hai ‘em’ đó đồng thuận với tui à nha! Cây kim sợi chỉ mà! Cây kim nhút nhít, thì sợi chỉ… cách chi? Chẳng qua dựng chuyện để bắt tui giao cho ‘Obama’ cạo lông, mần thịt tui đó mà!

Nền chánh trị Úc có nhiều chuyện vui quá đổi là vui như vậy đó! Và vui hơn nữa, ngoài Julian Assange còn có Pauline Hanson!

  Nói tới Pauline Hanson thì gần hai chục năm nay ai cũng biết nàng hết trơn! Không những trong nước mà lan ra cả nước ngoài nữa. Thế mới kinh! Nàng sanh ngày 27 tháng 5 năm 1954 tại Brisbane, Queensland, Australia. Năm nay nàng 59 tuổi xuân… xanh. Năm 1971, mới 16 tuổi nàng đã có chồng, e hơi sớm à nha? Chàng tên Walter Zagorski. Chàng và nàng sản xuất ra hai thằng nhóc: Tony Zagorski và Steven Zagorski. Năm 1980, đi thêm bước nữa với Mark Hanson, nàng tặng chàng hai đứa: một gái, một trai: Lee Hanson và Adam Hanson.

  ‘Khi xưa ta bé ta ngu! Bang bang!’ ‘Bang bang’ hơi nhiều nên mới có ba thằng cu và một cái hĩm. Trong khi Cựu Tổng Trưởng Ngân Khố Peter Costello chỉ năn nỉ dân Úc rằng: Rán ba đứa đi. Một cho Tía, một cho Má và một cho đất nước Úc Đại Lợi vĩ đại nầy. Kẻo ‘nín đẻ’ như thế nầy vài chục năm nữa già khú hết ráo, thì ai thay thế đi làm, trả thuế mà nuôi tui đây hởi các bà má Australian! Và Pauline Hanson vốn là một người yêu nước Úc cuồng nhiệt, nên nàng sản xuất vượt chỉ tiêu? Tặng cho Ông Tổng Trưởng Ngân Khố nầy thêm một đứa nữa để an ủi nỗi buồn của ổng là: không được làm tướng quốc vì John Howard cứ đòi ‘hi sanh’ hoài mà nuốt trọng luôn lời mình đã hứa!

  Thời gian dần dần trôi, nàng đã lên chức bà ngoại, bà nội… rồi! Chắc nàng cũng còn ‘bang bang” được chút chút; nhưng hết tọt ra được ‘thằng cu, cái hĩm’ nào nữa rồi; trừ trường hợp muốn chơi nổi là: thụ tinh nhân tạo’?! Ai? Chớ nàng dám lắm à nha?

  Pauline Hanson, chuyện ‘cầu gia đạo, cạo da đầu’ là thế đó. Đó là chuyện đời tư, đời riêng nhưng khi nàng đã trở thành chánh trị gia sáng như sao Hôm, sao Mai trên chánh trường xứ Úc thì không còn đời tư, đời riêng gì hết ráo! Nàng đã sung sướng, tự nguyện mà trở thành người trong quần…chúng rồi! 

  Pauline Hanson bắt đầu làm chánh trị từ năm 1994 tới nay. Mới đầu thì thuộc Đảng Tự Do nhưng sau đó bị mời đi chỗ khác chơi, bèn ra ứng cử với tư cách độc lập, đắc cử vào Hạ Viện Liên Bang Úc (1996-1998).

  Sau đó nàng thành lập đảng One Nation và trong cuộc bầu cử Tiểu Bang Queensland năm 1998, đảng của nàng chiếm gần tới 23% số phiếu và được tới 11 ghế trong Hạ Viện Tiểu Bang. Rồi giành ăn, cãi lộn, lại bị chính cái chánh đảng của mình khởi xướng ra mời đi chỗ khác chơi! Giận quá, nàng bèn thành lập một đảng khác để mà tiếp tục tranh cử, từ Hạ Viện, Thượng Viện Tiểu Bang đến Liên Bang, từ Queensland tới New South Wales. Nghĩa là làm ráo hết! Chỗ nào vui, có ăn… là ai kêu tui đó? Hỏng ai kêu hả? Cũng có tui luôn! Nàng trở thành chuyên gia ứng cử và thất cử từ dạo ấy!

  Dù nàng từng bán cá chiên nhưng trong suốt hai thập niên qua, Pauline Hanson thôi…nghỉ bán cá..mệt quá, bèn lập ra cái chánh đảng cũng có cương ‘ẩu’ đàng hoàng nha! Người ta cương lĩnh còn nàng là cương ‘ẩu’, cương… nhặng xị lên! Nàng đặt ra những vấn đề hóc búa của xã hội Úc rồi tự ‘ên’ trả lời. Cách nầy làm nàng nổi tiếng và cũng được nhiều người ái mộ trong cộng đồng chính mạch của nước Úc thòi lòi. Dù quan điểm cực đoan của nàng bị các nhà bình luận chính trị cho rằng cực kỳ bảo thủ và cực kỳ kỳ thị chủng tộc!

  Tháng 3 năm 1996 khi vận động tranh cử dân biểu Liên Bang, trả lời tờ Thời Báo Queensland, nàng cố ý tạo ra một cuộc tranh luận là: người thổ dân bản địa có nên được chánh phủ giúp đở về các thứ và nhứt là về trợ cấp thất nghiệp trong khi những người Úc khác không được hưởng ân huệ đó hay không?

  Khi thắng cử, trong diễn văn ‘đầu đời’ ở Hạ Viện Liên Bang Úc, tháng 9 năm 1996, Pauline Hanson tạo ra một cuộc cãi lộn khác. Trước tiên nàng chống mấy chánh trị gia khác. Kết tội họ là tham lam và ích kỷ, không lo lắng gì đến nhu cầu và ước muốn của nhơn dân! Sau đó nàng tự giới thiệu mình là một con người thông minh và đầy kinh nghiệm, là mẹ đơn thân, nghĩa là bỏ chồng hay bị chồng bỏ, tự điều hành một tiệm bán cá lăn bột và khoai tây chiên để nuôi một đám con còn khờ và dại. Tốn tiền quá nên giờ nàng làm dân biểu coi có đở chút nào chăng?

  Cương lĩnh và chánh sách của nàng bắt đầu bằng hai Chữ C.. nghĩa là: chửi và chống.

  Chửi mấy nhà kinh tế học không biết gì là kinh tế. Làm ăn cái kiểu gì mà dân Úc tình thương mến thương của nàng sống mỗi ngày một thêm vất vả vậy? Dở quá! Và nếu các nhà kinh tế học nầy có xin làm quản lý tiệm ‘Fish and Chip’ của nàng đi chăng nữa nàng nhứt định hỏng có cho!

  Còn chửi là nàng chửi thổ dân bản địa, chửi người di dân, người tầm trú, người tỵ nạn, chửi người Á Châu, người Châu Phi, người Hồi Giáo… Chửi ráo! Cứ ‘Người’ là nàng chửi! Nàng cóc cần biết Công Ước về người tỵ nạn của Liên Hiệp quốc là cái giống gì? Nàng không cần biết vì có đọc đâu mà biết? Công ước nầy chánh phủ ký vô chi vậy? Nó nhiều chữ quá mà? Nên nàng phang đại, nói đại ý: Nước Úc sẽ bị tràn ngập bởi di dân Á Châu; nên muốn ‘tốp’ lại, bằng cách xác lập quyền làm bà chủ nhà của nàng rằng: “Tui được quyền mời ai tới nhà tui! Thì đất nước nầy cũng vậy mà thôi!”

  Sau khi thất cử vài lần, trong kỳ bầu cử Liên Bang năm 2007, nàng mếu máo rằng: con đường nàng đang đi đó, toàn là đá xanh lục cục lòn hòn, đi đau chưn thấy bà tiên tổ mà chẳng ai thèm giúp tráng nhựa cho nó êm! Vì thấy nàng làm chánh trị ăn khách, mấy đảng lớn cà nanh, xúm nhau ăn hiếp, không dành phiếu ưu tiên gì cho nàng hết ráo vậy? ‘Mông xừ’ Tony Abbott còn vận động gây quỹ pháp lý để đưa nàng ra tòa về tội gian lận bầu cử! Ra tòa tháng 8 năm 2003 nàng cùng một xếp sòng khác của Đảng Một Nước (One Nation) bị ông Tòa cho mỗi đứa 3 cuốn lịch vô hộp ngồi mà gỡ. Tuy nhiên ngồi gỡ chưa được 3 tháng, nàng chống án, vụ án được hủy bỏ, nàng ra khỏi hộp?

  Mà thù nàng, ghét nàng đâu phải chỉ có ‘mông xừ Tony Abbott’ thôi đâu mà còn vô số thiên hà địa lũng khác nữa kìa! Làm nàng phát hoảng, phải la lên: “Đồng bào thân mến! Khi đồng bào coi được cái ‘video’ nầy thì tụi nó đã giết ‘tui’ rồi!”.

  Nhưng không có ‘tụi nó’ nào giết nàng hết; nên nàng lấy lại can đảm, quyết tiếp tục đấu tranh không thèm tránh đâu, không đầu hàng, không có vụ ‘hàng sống chống chết’! Nhứt định ‘quánh’ tới cùng. Kẻ thù ta: ‘Đừng có mà tưởng bở! Hãy đợi đấy!’

  Lại ứng cử, lại thua, nhưng số phiếu nàng kiếm được lại nhiều hơn số phiếu bầu cho ứng viên cái đảng Một Nước (One Nation) đã từng đá nàng ra! Thế mới hay! Năm 2007 nàng lập đảng mới Đảng Nước Úc Đoàn Kết của Pauline (Pauline’s United Australia Party) lại ra ứng cử Hạ Viện Liên Bang, lại thua, nhưng phiếu kiếm được cũng khá nên trừ tiền bỏ ra quảng cáo…cộng tiền trợ cấp bầu cử căn cứ vào số phiếu… tính ra lời!

  Sau đó để quấy động dư luận và đánh bóng tên tuổi, nàng bèn bắn lên web một tấm hình cực kỳ sexy chụp năm ‘em’ 19 tuổi! Cho tụi bây coi mà đui con mắt luôn vì nó nóng, nóng quá chừng chừng! Điều đó chứng tỏ nàng là tay giang hồ bãn lãnh, cao thủ, đủ chiêu, đủ trò chớ chẳng phải giỡn chơi!

  Tuy nhiên, năm 2010, nàng bỗng nhớ quê Tía Má, bèn bán nhà mà trở về mẫu quốc Anh Cát Lợi. Nhưng sống không nổi sao đó hay xa mấy con kangaroos nàng buồn; nên tháng 3 năm 2011, Pauline quay về lại đất nước dấu yêu nơi nàng đã giận dỗi bỏ ra đi, để ứng cử Thượng Viện Liên Bang  cho New South Wales lại thua! Hết ‘hạ’ rồi ‘thượng’ cho nó ‘oách’?

  Tuồng của Pauline Hanson ‘Vũ Như Cẩn’ là ‘vẫn như cũ’. Tuồng xưa hát lại, hát hoài, hát mãi; nếu có người tiếp tục nghe để nàng kiếm bộn bộn tiền thì ngu sao mà không hát! Vẫn là chống đối các đảng phái chánh trị khác là ích kỷ, tham lam, hỏng lo gì cho dân tộc và tiền đồ tổ quốc. Vẫn chửi di dân dù hợp pháp hay bất hợp pháp!

  Năm nàng đắc cử Dân Biểu Liên Bang mới 41 tuổi. Mười tám mùa lá rụng đã qua, nàng 59 tuổi rồi, vừa lên chức bà ngoại, bà nội, tưởng về già, chỉ còn một năm nữa là ăn đáo tế, an nhiên tự tại, ngồi giữa phòng khách, mặc ‘mini jupe’ cho con cháu nó lạy mừng? Thôi! Bon chen chi nữa? Về cùng ‘già nhơn ngải non vợ chồng’ với dượng Tony Nyquist chuyên mua bán nhà đi cho nó phẻ? Sao không chịu mà cứ ra ứng cử hoài vậy? Hở Pauline?

  Câu trả lời là cứ ra ứng cử là có tiền! Nếu thắng lần nầy, làm Thượng Nghị Sĩ, nàng sẽ bỏ túi được 190.550 đô một năm chưa kể các phụ cấp râu ria. Xem ra cũng bộn! Cần gì học hành chi cho nó mệt mà chưa chắc tốt nghiệp đại học ngành xịn mà kiếm được tới phân nửa số đó. Thơm quá là thơm! Còn nếu thua, mỗi phiếu của nàng, cử tri quánh số một, là có 2 đồng 48 xu! Cứ việc đếm số phiếu mà nhơn lên tới tấp. Chẳng hạn như năm 2004, ‘đua’ vào Thượng Viện Liên Bang cho Queensland, dẫu thua, nàng kiếm được xỉu xỉu có 199.866 đô. Đảng Pauline’s United Australia Party của nàng được khá hơn 213.095 đô. Dù nàng có than đứt ruột là tốn 100 ngàn đô rồi đó! Thì dù có ‘khơ huyền khờ’ đi chăng nữa, làm bài toán trừ thì được gần 300 ngàn đô tiền đóng thuế chứ có ít ỏi gì! Phải chi mỗi năm mỗi bầu thì đã quá đã phải không Pauline?

  Pauline Hanson ơi! Pauline Hanson hởi! Hởi con ‘kangaroo mái’ yêu dấu!

  Dẩu biết rằng: “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân của công lý!” Tuy nhiên: cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc. Tham tiền dập tắt mọi tình cảm quý giá: bác ái, đức độ, nhân cách, và tự lòng trọng v.v... Tham tiền là Pauline sống, nhưng tâm hồn Pauline đã chết. Chết nhăn răng!

  Tuy nhiên người viết là ‘Vietnamese’ vốn có lòng từ bi đại bác, hỏng chấp nhứt gì đâu và luôn luôn kính trọng con ‘Kangaroo mái’, biểu tượng của nước Úc, nên thành tâm thương chúc: Pauline Hanson! Good Luck!

  Vì có can, Pauline chắc chẳng có chịu nghe; bởi kiếm tiền kiểu nầy ‘phẻ’ hơn bán cá nhiều phải không ‘em’?!

 đoàn xuân thu.

melbourne.

 

 

 

Giọt nước mắt cho thuyền nhân!

  dxt_aug5_giotnuocmat.jpg dxt_aug5_giotnuocmat2.jpg

 Picture: Rante Ardiles         Selvamalar tells her heartbreaking story to Paul Toohey.

Trong hình là Selvamalar, một người mẹ Sri Lanka nức nở khi biết con trai thơ dại của mình đã chết chìm rồi nhưng không thể nào chấp nhận được sự thật bi thảm đó.

 Người phụ nữ đang đầm đìa nước mắt trong ảnh là một người vợ, người mẹ… như một trong chính chúng ta trong những thập niên 70 và 80 khi chúng ta ra biển làm thuyền nhân, túa ra khắp các nước vùng Đông Nam Á: Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân sau khi Sài Gòn sụp đổ.

Chồng Selvamalar là Balamanokaran, người thiểu số Tamil ở phía đông bắc đảo quốc Sri Lanka, đã đào thoát khỏi quê nhà, vượt biển đến Úc trên con thuyền gổ mỏng manh 4 năm về trước và giờ đây anh đang ở Perth, Tây Úc với chiếu khán tạm có thời hạn 5 năm. Ngày đi người vợ đang có mang 5 tháng.      

Anh muốn bảo lãnh vợ con mình nhưng vì chưa nhập quốc tịch Úc nên đơn xin nhập cảnh bị từ chối? Người vợ và con thơ đang kẹt lại quê nhà nên chỉ còn duy nhứt một con đường là chấp nhận hành trình gian nan, đánh liều với phần số, là lên đường vượt biển!

Cuối năm ngoái, cùng em là Rahulan, 25 tuổi, và con Darmithan, 4 tuổi,  Selvamalar rời bỏ quê nhà Vavuniya, một tỉnh cực bắc Sri Lanka .

Trung tuần tháng 11 năm 2012, cả ba đến Galle, nằm về phía Nam đảo quốc biến động nầy cùng 43 người tầm trú khác rồi lên thuyền vượt biển. Mỗi người phải trả cho bọn tổ chức 7200 đô để được hứa là sẽ tới Nam Dương.

Cách Nam Dương khoảng 2000 cây số, tàu chết máy, trôi giạt. Sau 25 ngày lênh đênh, thực phẩm hết sạch; rồi có một chiếc tàu dừng lại cho thức ăn và nước uống. Thuyền trôi giạt mãi trên biển đến ngày thứ 36 lại được một chiếc tàu khác cho thức ăn và nước uống rồi lại tiếp tục…trôi giạt! Và cuối cùng vào ngày 1 tháng giêng năm 2013, ngày đầu năm mới, một chiếc tàu dừng lại, vớt và đưa họ đến Nam Dương. Tính ra thuyền đã trôi giạt trên biển suốt 45 ngày đêm ròng rã.

Selvamalar thuật lại câu chuyện đau lòng của mình cho ký giả Paul Toohey của tờ Sunday Times: “Chánh quyền Nam Dương đưa chúng tôi vào trại tị nạn đầy nghẹt những người Sri Lanka, người Ba Tư, người A Phú Hãn và người Miến Điện ở Medan, thủ phủ Bắc Đảo Sumatra. Sau 3 tháng trong trại, Tổ chức di dân quốc tế, IOM (the International Organisation for Migration), cho ra ngoài. Ngày 22 tháng 4 lại được đưa tới Cisarua miền Trung của West Java nơi mà hầu hết người tầm trú ghi tên với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR với hy vọng là sẽ được tái định cư ở Úc Đại Lợi. Chờ quá lâu nên lại phải tìm đến bọn buôn người. Việc nầy không khó khăn gì vì có tới khoảng 40 tay bắt mối cho những tay đầu nậu tổ chức. Giá 7200 đô cho mỗi đầu người, riêng con nhỏ quá thì được miễn!

Selvamalar thuật tiếp: “Họ cho chúng tôi xem hình một chiếc tàu du lịch lộng lẫy với ba tầng rồi nhấn mạnh nó sẽ đưa chúng tôi tới Úc Đại Lợi. Tàu chớ không phải thuyền gỗ mong manh. Thật khó mà tin được vì chồng tôi đã vượt thoát từ Nam Dương tới Úc Châu 4 năm trước đó trên một chiếc thuyền gỗ tuềnh toàng như sắp đắm. Rồi ký ức hãi hùng của 45 ngày giạt trôi trên biển nữa thì làm sao mà tin được lời hứa có vẻ hão huyền nầy. Tuy nhiên tận cùng trong tâm khảm tôi lại nghĩ mình đã đến gần Úc lắm rồi và niềm hy vọng được đoàn tụ với chồng cứ lớn dần lên!

Như sự thực là những đầu nậu tổ chức vượt biển nầy là những tay lừa đảo. Với họ, lợi nhuận tối đa là trên hết. Mạng con người như cỏ rác! Trẻ con, phụ nữ có mang cũng chẳng làm chúng phải bận tâm!

Chiều tối ngày 22 tháng 7 từ Cisarua lại tới một thị trấn nhỏ khác và sáng hôm sau, ngày thứ ba chúng tôi ra bờ biển chuẩn bị ra đi. Khi xuống con thuyền ọp ẹp nầy, chúng tôi rất lo sợ! Tuy nhiên bọn tổ chức trấn an rằng chiếc này chỉ trung chuyển chúng tôi ra tàu lớn. Sau hai giờ lênh đênh trên biển tôi biết rằng họ đã lừa gạt mình rồi vì không có tàu lớn nào hết! Và chiếc thuyền gỗ mỏng tang nầy bắt đầu vô nước. Chúng tôi tất cả những hành khách trên thuyền khẩn khoản viên tài công quay đầu trở lại. Được 3 tiếng thì một đợt sóng lớn làm thuyền tròng trành lật. Thuyền bắt đầu chìm. Nhờ mặc áo phao chúng tôi nổi trên mặt biển và cách mình chỉ 50 m có một con tàu hiện đại, chúng tôi la hét, cầu xin cứu giúp trong cơn hoảng loạn. Chúng tôi cởi áo phao ra, vẫy vẫy! Vậy mà trên boong, họ chỉ im lặng đứng nhìn chúng tôi sắp chết đuối. Họ bỏ mặc chúng tôi rồi!

Tôi và em trai tôi bị một con sóng đánh dạt nhau ra! Tôi vẫn còn ôm con mình trong tay. Tôi có áo cứu sinh nhưng tôi lại không biết bơi. Tôi không muốn cùng con mình trôi giạt trên biển nữa nên khi có một người Sri Lanka bơi gần đấy tôi trao con tôi cho ông ấy với hy vọng cháu sẽ được vào bờ một cách an toàn. Người đàn ông ấy nhận lấy thằng bé nhưng rồi cuối cùng con tôi đã chết. Tôi không biết người đàn ông đó có đưa con tôi được vào bờ không? Và ai đã nhẫn tâm cướp đi chiếc áo cứu sinh của cháu?”

Đầm đìa nước mắt, Selvamalar hồi tưởng: “Con tôi hát hay lắm, múa giỏi lắm! Mỗi ngày nó đều nói con muốn gặp ba! Chừng nào mình gặp được? Chừng nào mẹ con mình đi. Đừng khóc má à! Nó rất dễ thương, rất thông minh! Sau nầy nó lớn lên tôi mơ ước cháu sẽ trở thành một phi công!”

Còn bây giờ: “Tôi không còn muốn đi Úc nữa! Con tôi là tương lai của tôi. Nó là đời tôi! Tôi muốn gặp mặt cháu lần cuối! Ông nhà báo ơi! Xin ông hãy giúp tôi! Trả con tôi lại cho tôi mấy ông ơi!”

Ông nhà báo đang làm cuộc phỏng vấn mủi lòng bèn thay mặt người phụ nữ đáng thương nầy xin nhân viên pháp y của cảnh sát chấp thuận lời yêu cầu đó; nhưng họ gạt đi, nói rằng đang rất bận, đừng làm phiền họ nữa!”

Có ai đó thương tình, cho mượn một chiếc điện thoại di động để Selvamalar gọi báo hung tin cho chồng mình ở Perth.

Ông Balamanokaran dự định mang vợ con mình đến Úc vào năm tới khi ông có được quốc tịch Úc. “Một đất nước đầy tương lai và cơ hội để chúng tôi dựng lại cuộc đời! Giờ giấc mơ đó đà tan vỡ. Xin chánh phủ Úc hãy gởi tôi tới Nam Dương! Cho tôi được gặp vợ tôi và nhìn mặt con tôi lần cuối; dù cháu đã chết rồi vì tôi chưa bao giờ nhìn thấy mặt cháu bao giờ! Xin hãy gởi tôi đến Nam Dương! Bằng không được, xin gởi vợ tôi và xác cháu đến với tôi! Chỉ hai tuần thôi! Tôi muốn gia đình mình đoàn tụ dù chỉ hai tuần ngắn ngủi. Rồi sau đó gởi trả vợ tôi về Sri Lanka cũng được! Xin các ông! Tôi muốn gặp vợ con tôi!”

Làng Cidaun trên bờ biển nam của đảo West Java điểm gần nhất giữa Nam Dương và Đảo Giáng Sinh của Úc ngày thứ tư 24/07 nhuộm đẫm màu tang chế! Hai người phụ nữ Sri Lanka khác sống sót trong vụ đắm thuyền lặng lẽ khóc. Một người có chồng và ba đứa con vẫn còn mất tích. Người thứ hai mất một đứa con trai duy nhứt.

Ai đó từ nhà xác gọi tên người phụ nữ thứ hai. Bà nghe lắng nghe với nỗi kinh hoàng hiện lên nét mặt. Một chiếc xe cứu thương vừa đến, mang theo xác một trẻ thơ vừa được kéo lên từ mặt nước. Người phụ nữ chạy ào đến, kêu khóc thảm thiết chộp lấy xác con mình tím ngắt, vẫn còn ướt đẫm, rồi chạy biến đi!

Đã quá nhiều câu chuyện thương tâm khi chiếc thuyền chở 187 người Sri Lanka và Ba Tư vỡ và chìm sau khi ra khơi chẳng bao lâu vào sáng thứ ba. Hình ảnh đó làm gợi lại những thảm kịch vẫn chưa hề phai nhạt trong tâm trí người Việt chúng ta vài chục năm về trước!

Vấn đề thuyền nhân, người tầm trú, người tị nạn, người di dân kinh tế, bị trục xuất, bị kéo trở ra biển, bị đưa tới Papua New Guinea trở thành một đề tài rất nóng trong cuộc tranh cử chánh quyền Liên Bang ở Úc. Chánh sách càng khắc nghiệt bao nhiêu càng thu hút được sự ủng hộ của các cuộc thăm dò trên báo chí.

Nhưng nước Úc không tệ như thế, không ác như thế đâu! Chỉ có những chánh trị gia hoạt đầu, chăm bẫm lo cho cái ghế của mình còn sống chết mặc bây! Sau nầy chắc họ sẽ chìm trong hối hận vì số xác người tị nạn trôi trên biển không hề nhỏ chút nào ?!

Đây là vấn đề nhân đạo! Tình người, con người với con người sao lại nỡ dửng dưng? Dẹp những đấu đá chánh trị bẩn thỉu qua một bên! Xin quý ông, quý bà bên chính quyền cũng như phe đối lập cùng ngồi lại với nhau, bàn bạc cùng các nước trong khu vực và trên toàn thế giới để tìm ra một giải pháp khả thi. Vì tị nạn giờ đây trong cơn biến loạn là một vấn nạn toàn cầu chở chẳng phải của riêng ai!

Còn chánh quyền những nước đã đối xử làm sao để đến nỗi con dân nước mình phải liều chết bỏ nước ra đi? Có bao giờ bọn ‘bạo chúa’ đó suy nghĩ lại mà ngưng đàn áp, bắt bớ, truy bức, truy sát những người không cùng chung chánh kiến với mình? Cuộc đời con người vốn ngắn ngủi! Sao không nghĩ suy là mình phải sống cho ra một kiếp con người!

 Alex, một người Úc, công tâm và chánh trực đã gởi một bình luận chua xót như sau: “Thay vì vượt biển liều chết đến đây thì hàng trăm ngàn người Anh, người Mỹ đã theo một phương cách cổ điển hơn là kiếm được một giấy nhập cảnh du lịch, đến, rồi không chịu về quê cũ.  Đơn giản như vậy! Số người tị nạn mà chánh phủ Úc cố ý gọi là di dân bất hợp pháp chẳng thấm gì đâu nếu so với số những người nhập cư da trắng bất hợp pháp ở lại đất nước nầy. Nhưng vì họ là người da trắng, họ nói tiếng Anh. Nên được thôi! Có gì đâu mà ầm ĩ!”

 Và Alex, người viết bình luận, kết một câu chua chát và cũng có phần chua xót: “Bởi vì người Úc đồng nghĩa với kẻ phân biệt chủng tộc!”

 “…But because they’re white and speak English, we don’t mind.

Australian is a synonym for racist!”

Hãy nhìn kỹ bức ảnh của một người Mẹ dù khác màu da chủng tộc với chúng ta ràn rụa nước mắt vì đã mất đứa con trai duy nhứt của mình trên đường vượt biển mà suy nghĩ lại dùm hởi các chánh trị gia xứ Úc!

Đừng cứ gân cổ lên: “Stop the boat! Stop the boat!” “Chận tàu vượt biên lại!” “Chận tàu vượt biên lại!” để mong kiếm phiếu cho cuộc bầu cử Liên Bang sắp tới.

Xin nhớ rằng kể cả những người dân bản địa từ đại lục đến đây cả hàng chục ngàn năm về trước và nhiều đợt di dân sau đó rằng: “Chúng ta là thuyền nhân!”

Xin đừng quên chữ ‘Nhân’ đi!

 đoàn xuân thu.

melbourne

(Theo: Fatal journey: the cruel lie that tore a family apart!

Paul Toohey! The Sunday Times!)

 

 

Thư tình cuối mùa thu!

dxt_aug5_Time.jpg dxt_aug5_2b.jpg

www.time.com                                                                                           www.cotidianul.ro

Khi ông George W. Bush 43, tức ông Bush con làm hết 8 năm, hai nhiệm kỳ Tổng Thống, lui về Texas chăn bò và vẽ hình con chó cưng thì bên đảng Cộng Hòa đưa Thượng Nghị Sĩ John McCain tiểu bang Arizona ra đấu cùng Thượng Nghị Sĩ Barack Obama năm 2008 rồi thua. Ông Tổng Thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, thắng lần hai năm 2012 hạ Mitt Romney, Cựu Thống Đốc tiểu bang Massachusetts, sẽ làm hai nhiệm kỳ xong… nghỉ. Dù còn hơn ba năm nữa mới tới, cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2016 đã rục rịch bước vào vòng sơ tuyển! Thế nên quý độc giả chắc cũng không ngạc nhiên gì lắm khi Cựu Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton vào Bạch Cung ăn ‘sandwich’ cùng đương kim Tổng Thống. “Tới phiên tui ra à nha!”

Đảng Cộng Hòa có thể đã sai lầm khi chọn John McCain? Nếu lúc đó mà dụ khị được Cựu Ngoại Trưởng thứ 65 của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ Colin Powell ra tranh và đá độ với Barack Obama, hai ông đều da màu, một ông đẹp trai đấu với một người đẹp lão thì thế giới chưa biết mèo nào cắn mỉu nào? Và có thể lịch sử Hoa Kỳ và cả thế giới thay đổi rồi chăng?

Và khi bà Cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao thứ 67 của Mỹ Hillary Clinton ra, có thể là đảng Cộng Hòa sẽ đưa ông Cựu Ngoại Trưởng thứ 65 Colin Powell ra song đấu cũng hỏng biết chừng? Bà ‘Ngoại’ đấu với ông ‘Ngoại’ vì cả hai đều già hết thì cũng vui! Người viết nhớ ông Ronald Reagan làm Tổng Thống nhiệm kỳ đầu cũng đã 70 cái xuân xanh rồi đó! Mà luật Mỹ cấm phân biệt tuổi tác thì chỉ cần giấy chứng nhận của bác sĩ là ‘còn xí quách’ thì cứ ‘hy sanh”!

Người viết đoán mò như vậy dám trúng bậy, trúng bạ lắm à nha! Mà trước khi ra võ đài, tui ‘khui’ giả trước nên mới có cái vụ ‘xì căng đan’ thư tình cuối mùa thu mà người viết, theo tài liệu báo chí ầm ĩ mấy hôm nay, mà cống hiến cho quý độc giả thân mến vài phút giây thư giãn.

Chuyện rằng: Colin Powell, vị tướng 4 sao của quân đội Hoa Kỳ, sau khi đã leo chót vót nấc thang danh vọng trong quân đội, làm Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ; bèn leo qua tham chính và chức vụ cao nhất là đứng hàng thứ ba trong chính phủ Mỹ chỉ sau Tổng Thống và Phó Tổng Thống nghĩa là làm Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ từ 20 tháng giêng năm 2001 đến 20 tháng giêng năm 2005.  Rồi từ nhiệm!

Tưởng ổng về nhà để lấy hơi… đua lên ghế số 1, là ra tranh cử Tổng Thống, ai dè không phải.  Lại tưởng về dắt con vợ đầu ấp tay gối suốt năm chục năm dài ra ngắm trăng bên bờ suối? Ai dè cũng không phải luôn?  

Vậy ông về nghỉ để làm gì? Thì tía má ơi! Ổng về nghỉ… để lén má thằng cu ở nhà mà thư tình cuối mùa thu với người em Lỗ Ma Ni bên kia biển!

Viết tới đây, người viết lại nghe văng vẳng trong đầu mình ‘Thư Tình Cuối Mùa Thu’ của nhà thơ vắn số Xuân Quỳnh do Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc và em Bảo Yến nức nở như vầy:

“Tình ta như hàng cây đã yên mùa bão gió. Tình ta như dòng sông đã yên ngày thác lũ. Thời gian như ngọn gió, mùa đi cùng tháng năm. Tuổi theo mùa đi mãi. Chỉ còn anh và em. Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại... Kìa bao người yêu mới đi qua cùng heo may. Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại. Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại!”

Đúng là: Chỉ còn anh và em cùng tình yêu ở lại!”

Dù người ta dấu gần chết mà mấy thằng hacker, tin tặc, “Guccifer” nầy hỏng biết tụi nó có nghe lời xúi dại của mấy tay trong Ban vận động tranh cử của Đảng Dân Chủ hay không mà nó đột nhập vào tài khoản ‘Thư tình cuối mùa thu’ của tui rồi thăng lên mạng cho bà con bá tánh đọc chơi và báo chí thế giới khoái quá…xúm vô cười rần rần. Chắc Đảng Dân Chủ tính ‘tiên hạ thủ vi cường’ với tui đây mà?! Ngăn không cho tui ‘tơ tưởng’ đến chiếc ghế Tổng Thống Hoa Kỳ năm 2016 khi Tổng Thống Obama chấm dứt nhiệm kỳ hai quay về với vợ…?

Khi ‘đánh hơi’ được bọn rình mò hộp thư, tui đã giục em rằng: Xóa cho mau mà em ‘lờ quờ’ quá và tui cũng vậy! Bắn chậm thì chết! Ra chiến trường tui chưa chết mà giờ đây em và tui ‘delete’ chậm, coi có chết tui hông? Hu hu!”

“May mà nó chỉ chôm được đa phần là thư em gởi tui thôi! Tui cũng có ‘chít chát’ chút chút lại: ‘gió đưa gió đẩy về rẫy ăn…còng’ vậy mà! Nhưng đọc lại thấy cũng ‘quê xệ’ quá trời he! Thôi thì nó vạch tới đâu thì mình nhận tới đó vậy! Vì thư tình cuối mùa thu nầy nó bị cho bay tá lả trên net thì có chối, chối hỏng có, cũng hỏng được!

Tình thư nầy là rất riêng tư nha; vậy mà mấy thằng phá làng phá xóm làm rùm lên chi vậy? Tui có viết nhưng tui đâu có ngoại tình đâu he; vẫn một lòng chung thủy với má bầy trẻ ở nhà suốt 50 năm rồi đó!

Nói thiệt: Để tui khai cho nghe: Tui gặp Cretu cách đây 10 năm khi còn là Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ và Em là phát ngôn viên của chính phủ Romania. Tụi tui chỉ gặp nhau "một hoặc hai lần" trong vòng 8 năm qua. Giờ thì em cũng đã ‘chống lầy’ là ‘lấy chồng’ rồi. Chuyện gì qua cho nó qua luôn được hông? Hả? Hỏng chịu cho qua hả?

Mấy ông nói tui nghe; giờ tới phiên mấy ông nghe tui nói:

“Thỉnh thoảng nàng và tui có gặp nhau trong các cuộc tiếp tân chính thức mà thôi! Lúc tui làm Bộ Trưởng Ngoại Giao. Làm Bộ Ngoại Giao thì phải

‘Giao’ tiếp nhưng hỏng có “Ngoại”… tình à nha!

 Đừng gán cho tui tội tui không có làm nhe mấy thằng ông nội con nít!

 Đúng ra em Corina Cretu có viết vầy: “Hãy nhấp cùng em ly rượu như anh đã thường nói với em. Tổ cha cái tiếng Anh nầy nó tra tấn em khi em viết cho anh!”

“Sao anh đành vô tâm, bỏ em một mình trong khi em luôn nghĩ về anh! Anh là tình yêu vĩ đại nhứt của đời em "the greatest love of my life". He he!

 Rồi nàng có gởi cho tui một tấm ảnh sexy chụp mặc bikini hai mảnh để cho tui xem mà giựt gân chơi! Mà gân tui đâu có giựt! Vậy thôi! Có gì đâu mà ầm ĩ?

Rồi cho tới đêm Giáng Sinh 24 tháng 12 năm 2010, em lại viết:

“Em muốn cho anh hạnh phúc vì em dại dột tin rằng anh vẫn luôn chăm sóc cho em nhưng giờ thì anh chỉ lo cho anh thôi! Không cho em cơ hội nào được nói chuyện với anh vài phút nữa. Chỉ mới 19 tháng 12 mà anh đã gởi thiệp Chúc Giáng Sinh và Mừng năm mới? Có nghĩa là anh không muốn mình tâm tình thủ thỉ với nhau trong khoảng thời khắc cuối năm phải không anh?

“Em yêu anh” viết tháng 11 năm 2011, trước khi em đi lấy chồng tình ta 10, 15 năm tha thiết anh là mãi mãi là tình em nhưng là tình vô vọng! Thôi em đi lấy ông khác đây! Hu hu! He he!

Vậy  đó! Nếu có tình yêu chăng đi nữa thì là em yêu tui chớ tui nào có yêu ai?!

Tui chỉ viết cho em mấy câu ‘vô thưởng, vô phạt: “Thời tiết và em có thể làm anh sẽ tới!” vào ngày 19/8/2005 ? Nhưng lâu rồi he!

Còn đụng tay chạm chưn thì cũng có, nhưng chút chút thôi!

(Sự thực là: tháng 7 năm 2011 chàng gặp nàng ngắn ngủi ở Washington và khi chụp hình chung trong một nhóm, bác phó nhòm nhòm thấy chàng đưa một tay vòng qua eo ếch của nàng và dấu hỏi được ngoéo ra là: “Hay chàng muốn bắt ếch?”)

"Không hề có cuộc ngoại tình nào lúc đó, và bây giờ cũng không". Tụi tui tiếp tục là ‘bạn’ thôi chớ không có ‘bè’?

Nên kết luận là:"Đây là một tình bạn mà khi ở trên mạng, nó trở nên rất riêng tư và rồi trở về bình thường",

Hỏng tin hả thì hãy đọc kỹ thư em xem sao? “Em xin lỗi vì em đã trở thành một đe dọa cho tiếng tăm anh, một con người nguy hiểm mà anh phải lánh xa em! Em đâu có rủ anh trèo lên giường đâu, em chỉ muốn gặp anh thôi!

"Nobody is saying to go to bed, I just want to see you, nothing more."

"Em yêu anh quá nhiều, suốt quá nhiều năm.  Anh là tình yêu lớn nhất của đời em...", trong điện thư em gởi tui vào ngày 14/11/2011.

 Vào đêm trước lễ tình nhân năm 2011, em chỉ ước: "Nhấp một ngụm rượu với anh, như anh từng nói với em, và khuyên em tựa đầu lên ghế sofa...".

 "Kể cả chỉ một đêm tuyệt vời thôi em cũng không xứng sao? Và đến lúc nào thì anh muốn thấy tim em hoàn toàn vỡ nát? Thật không công bằng, Colin, anh thật không công bằng".

Em gửi tui một tin nhắn giận dữ vào tháng 5/2011, sau khi tui từ chối lời hẹn gặp của em ở Brussels.

Do đó, tình yêu nếu có là đến từ em. Tình đơn phương! Tình một chiều! Tình ‘one way’! Còn tui, tui vô tội! Oan tui quá mấy ông ơi! Hu Hu!

Thưa ông bạn đồng minh Colin!

Năm 1962, ông bạn Colin đã từng tham chiến, cố vấn cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Hành quân dẩm phải chông, nên ông về Mỹ. Tui xin cám ơn ông! Tôi cũng phục ông là anh hùng khi năm 1968 quay trở lại VN với cấp bậc Thiếu Tá, sĩ quan phụ tá hành quân cho Sư đoàn Bộ Binh số 23 của Mỹ. Khi chiếc trực thăng rớt và bốc cháy ông đã dũng cảm cứu thoát 3 người khác kể cả viên Tư lệnh Sư Đoàn: Thiếu Tướng Charles Martin Getty. Nhờ vậy, từ ấy ông lên vù vù như pháo thăng thiên!

Trong tình chiến hữu thắm thiết, cùng là lính và cùng là đàn ông con trai với nhau tôi cũng ao ước được em nào nhỏ hơn 31 tuổi mà viết tình thư mùi như Út Bạch Lan xuống sáu câu vọng cổ mà không được! Ông hay hơn và hên hơn tui nhiều!

Thôi thì: Mình có làm mình biết, mình hỏng làm mình biết. Người biết thứ hai là ông Trời nên xin chiến hữu đừng thèm ‘thanh minh thanh nga’ chi cho nó mệt cái thân già! Ngon mới được em yêu ‘one way’ ‘một chiều’ chớ phải không? Tụi nó ganh, tụi nó ‘bươi móc’ Kệ tụi nó nhe!

Thêm nữa để an ủi bạn hiền trong cơn hoạn nạn nầy tôi lại xin gởi ông thêm một đoạn nữa của thư tình cuối mùa thu cho ông ngồi suy tưởng bên hồ trong rừng, để nhớ đến tình em đã từng một thời làm ‘qua’ xao xuyến! He he!

“Cuối trời mây trắng bay, lá vàng thưa thớt quá. Phải chăng lá về rừng, mùa Thu đi cùng lá. Mùa Thu ra biển cả theo dòng nước mênh mông.

Mùa Thu vàng hoa cúc, chỉ còn anh và em. Là của mùa Thu cũ. Chỉ còn anh và em.”

Mùa thu đó kiếp nầy chỉ có trong mơ! Thôi thì hẹn nhau kiếp sau ta tìm thấy nhau nhen em Romania! Bucharest!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Những con cua trong giỏ!

dxt_jul30_1.jpg

 www.tienphong.vn

Tháng 4 năm 1975, người viết đang đi dạy học rồi đột nhiên mất nước, mất trường, ‘mất dạy’… nên không biết phải về đâu? Phần là gốc sĩ quan biệt phái, về quê cũ, lỡ có thằng cách mạng 30 tháng 4 cà chớn nào trong xóm nó ghét, nó điềm chỉ thì phải vô hộp cải tạo là ‘tàn đời hoa mộng’! Ở ngoài, nhà tù lớn, ăn bo bo đói rã ruột ra rồi mà còn phải đi học tập cải tạo, phải chui vô nhà tù nhỏ, không có ai thăm nuôi, thì bỏ mạng sa tràng là cái chắc. Cho nên phải nuốt nhục mà bám theo; chứ trong lòng ai nào có muốn vậy đâu! Chỉ thầm trách là ‘Nguyễn Tổng Thống’ ra đi mà không bảo gì nhau, không cho hay gì ráo trọi và cũng hỏng chịu dắt tui theo?

Trường mở lại, các thầy, các cô tứ tán khá nhiều nên thiếu… Trong khi chờ cho đám sinh viên Văn Khoa, Luật Khoa chuyển qua Sư Phạm học 6 tháng ra trường mà trám vào chổ trống đó thì chúng nó đành lưu dung tức là dung thứ ‘giáo ngụy’ cho dạy đỡ…để chờ ngày ‘đá đít’ chớ có tốt lành gì đâu mà hòa giải dân tộc như tía con nó thường hay ra rả?

Khoảng thời gian nầy người viết ngẫu nhiên quen với Nguyễn Viết Kỷ. Tay Kỷ nầy tốt nghiệp đại học Sư Phạm Vinh, (10+3), dạy văn, theo xe tăng Trung Quốc tràn vô Sài Gòn…rồi bò xuống Vị Thanh, (tỉnh Chương Thiện hồi xưa), nhẩy ngang hông lên làm giám hiệu. 

Sau đó đụng chạm, giành ăn với cấp ủy địa phương về chuyện tiền nong, gái gú sao đó nên bị hạ tầng công tác chuyển về làm giáo viên quèn, dạy chung trường với người viết.

Bất mãn nên Kỷ thường rủ rê người viết ra chợ huyện nhậu chơi cho quên cái tình đời đen bạc, đồng chí với nhau mà nó nỡ chơi tui!

Thường đề tài trên bàn nhậu là chuyện văn chương cho nó ‘lành’. Chớ bàn chính trị lỡ nó ‘ốp’ mình thì sao. Trong cái chế độ đầy ‘tai vách mạch rừng’ nầy ai mà dám tin ai cho được phải không?

Có lần, anh ta thuật lại một giai thoại nầy hỏng biết có thiệt hay không? Người viết chỉ xin phép thuật lại nguyên xi như vầy hầu quý độc giả thân mến.

Chuyện rằng: Tố Hữu có làm bài thơ: Kính gửi Cụ Nguyễn Du! “Hỡi người xưa của ta nay. Khúc vui xin lại so dây cùng Người”?

Xuân Diệu nghe vậy, phê ‘lén’ Tố Hữu là: “Tài Tố Hữu chỉ tới cái đầu gối của Nguyễn Du” mà cũng đòi so dây cùng Người. Tại sao tài chỉ tới ngang cái đầu gối? Nghĩ cho kỹ thì thấy ông Xuân Diệu nầy thâm thiệt?

Và hỏng biết tay nào mách lẻo mà tới tai ông trùm văn nghệ của Đảng. Chu choa ton hót lấy điểm như vầy chắc chết ‘tui’, nên mặt xanh như tàu lá chuối, chối bai bải là: ‘Em nào dám nói anh Lành như vậy đâu. Nó ‘cáo’ oan em đó’ Hu hu!

Tố Hữu, nhà thơ công thần của chế độ, leo lên tới Bộ Chính Trị, làm Phó Thủ Tướng giá lương tiền.  Chọc tới ảnh là mất sổ gạo như chơi!

Giai thoại văn nghệ nào cũng thực thực hư hư. Cái thực là Tố Hữu đòi so dây với Cụ Nguyễn Du. Còn hư hư là biết ông Xuân Diệu có nói như vậy hay không? Hay là tay cung thủ nào đó đã bắn một mũi tên làm trúng một lượt hai con ‘chim’ cho bỏ ghét!

Sau Tố Hữu, Cù Huy Cận cũng là nhà thơ, cũng bò lên tới chức Bộ Trưởng Bộ Văn Hóa. Khi ông về hưu rồi, ông Xuân Sách thấy giậu đã đổ nên bìm leo, bèn ‘giỡn mặt’ chơi cho đỡ lòng căm tức; chứ nếu ông Huy Cận còn tại chức mà viết như vậy là dám cùng chung số phận với Quang Dũng Đôi Bờ hoặc Hữu Loan Màu Tím Hoa Sim là về nhà đuổi gà cho vợ nhe em?

Xuân Sách dán nhãn ông Cù Huy Cận là nói dóc mà theo tiếng Hà Nội ngàn năm văn vật là nói dối! Rồi tiện tay ông ‘quất’ cho mấy câu: “Các vị La hán chùa Tây phương. Các vị gầy quá, tôi thì béo. Năm xưa tôi hát Vũ trụ ca. Bây giờ tôi hát Đất nở hoa. Tôi hát chiến tranh như trẩy hội. Đừng nên xấu hổ khi nói dối. Việc gì ủ mặt với mày chau. Trời mỗi ngày lại sáng có sao đâu!”

Thì ra một số nhà văn, nhà thơ miền Bắc đã dùng tài văn thơ của mình mà chửi bới, đấm đá, dẩm đạp lên nhau… vì kẻ ăn ngập mặt mà người lần không ra. Giành ăn rồi dùng thơ văn xỏ xiên nhau thiệt là bậy bạ quá! Mà ‘chơi’ nhau nặng quá, không ‘tình nghĩa giáo khoa thư’ gì ráo trọi? Sao không nghĩ có lúc mình lại phải gặp mặt nhau?

Thời Tây thuộc địa vậy mà còn đỡ hơn nhiều. Nhà văn, nhà thơ đều tự nguyện vác trên vai mình một thiên mệnh là khai trí nhân dân để chờ thời cơ giành độc lập! ‘Văn dĩ tải đạo’ chờ không phải ‘văn dĩ tà đạo’ như bây giờ.

Chính vì vậy mà anh bạn văn của người viết ‘bức xúc’ lắm? Anh còn mang máu Lục Vân Tiên trong người: Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha! Nên khi thấy chữ nào ‘Bên Thắng Cuộc’ dùng sai thì anh ‘bức’ và ‘xúc’ luôn cho sạch. Chuyện nào bố láo, bố lếu là anh la rùm lên “Bớ làng nước ơi! Coi mấy ‘giả’ viết tầm bậy tầm bạ như vầy nè trời!”

Chuyện văn chương mà anh bạn văn lại muốn ‘ân oán giang hồ’ chi vậy? Người viết thì ‘an nhiên tự tại’ và ‘an bần lạc đạo’. Chuyện ai muốn viết gì thì viết, sai đúng thì kệ người ta. Rảnh đâu mà gây thù chuốc oán vậy hả?

Anh bạn nhà văn thì không chịu cái tánh lè phè thường dân Nam Bộ của người viết nên rầy rà quá. Anh nói: Theo cụ Nguyễn Đình Chiểu ‘văn dĩ tải đạo’ và để chứng minh cái thiên chức của người cầm bút, anh bèn đọc cho người viết nghe bài thơ  Nợ Bút Nghiên của La Quốc Tiến:

Về Ba Tri nghe người làng đồn rằng. Cụ Đồ Chiểu dù sớm mù đôi mắt. Về già, tai lại còn bị điếc. Nhưng mỗi khi muốn viết. Người đều bảo: "Hãy để ta tự tay mài mực. Các con múc cho thầy gáo nước. Ta cần rửa và lau mặt. Trước khi soi vào nghiên gương mặt của mình" Cụ Đồ gọi đó là chút nợ bút nghiên.”

Theo cụ Nguyễn Đình Chiểu viết văn là truyền bá cái đạo nghĩa thánh hiền. Và văn là người, nên khi cầm cây viết lên là lòng mình phải thật và tâm mình phải sáng, phải trong mới được!

Anh nói nhà văn, nhà thơ là phải học Cụ Nguyễn Đình Chiểu Lục Vân Tiên sống có tư cách như vậy mới được!

Còn bây giờ vài ông văn sĩ Bắc Hà sau 75, tràn vô miền Nam trù phú kiếm ăn thì đáng chán và đáng ngán lắm chú ơi! Không thèm giữ gìn sĩ diện của nhà văn, nhà thơ gì ráo trọi?

Thay vì tìm hiểu nền văn học phương Nam sau 21 năm đất nước bị chia cắt (1954-1975) nó phát triển ra làm sao? Có cái nào hay; cái nào dở để học hỏi thêm mà mở mắt, sáng với người ta thì lại giở cái giọng huênh hoang, khoác lác một tấc tới trời của ‘Bên Thắng Cuộc’ mà chê bai vô lối ?

Mấy ‘ổng’ chứng tỏ ta đây là ‘duy ngã độc tôn’ nên đem Sơn Nam, một trong những nhà văn được coi là nổi cộm, nổi bật, nổi trội nhứt của văn học Miền Nam ra mà ‘dợt’ trước. Chưa chắc mấy ‘ổng’ có đọc hết và có hiểu nổi Sơn Nam không đi nữa mà dám mở miệng ‘phê bình’ như vầy:

 “… Sỡ dỉ Sơn Nam không được lãnh giải thưởng gì đó ngoài trung ương, vì chỉ nhờ biết tiếng Tây, đọc các bài viết cũ rồi viết lại chứ không có công trình gì…”?

Đi xa hơn nữa là chê hết ráo:“Người Miền Nam nói chung, cả nhà văn nữa, viết như nói!”. Câu này có ý chê “Văn miền Nam dở.”(!?), do nói sao viết vậy, nhiều từ ngữ đời thường, câu cú không thành, ý tứ không chặt...”.

Bình tĩnh, từ tốn, Ông Sơn Nam ‘phản biện’ như vầy:  “... Không phải cứ ghi âm lại cuộc nói chuyện của người Nam Bộ là thành văn chương được đâu...Văn chương Nam Bộ có một cái gì khác nữa kìa. Đó là thứ văn chương gần với ngôn ngữ nói, không nặng trau chuốt mượt mà, làm mất đi bản sắc đời thường, vốn có những “góc cạnh” của nó!”.

“Với ‘Đồng quê’ của Phi Vân, ta thấy ‘văn nói’ nào phải lấy cái máy ghi âm để ‘thâu băng’ rồi phát ra, viên thơ ký đánh máy lại là xong. Đó là một kỹ thuật riêng, đòi hỏi tay nghề, câu nào phải cải biên, nói theo người viết nhạc là “biến tấu” lại, tóm gọn hoặc kéo dài ra. Chữ nghĩa trên trang sách khó diễn đạt lại giọng điệu hoặc bộ tịch của người nói. Về mặt nầy, tôi thấy Phi Vân lúc bấy giờ đâu khoảng ba mươi tuổi đã thành công”.

Như vậy nhà văn Sơn Nam đã đem ông Phi Vân (1917-1977) với tập truyện ‘Đồng Quê’ mà trong đó nổi tiếng cho tới bây giờ là truyện ngắn “Trao Thân Con Khỉ Mốc’ ra mà ‘đá’ với mấy tay ‘Bên Thắng Cuộc’ vì đừng ỷ mình làm lớn, quan chức văn nghệ rồi nói cho thơ ký đánh máy lại và lại gọi đó là văn chương?

Tuy nói vậy nhưng ông Sơn Nam bổn tánh xuề xòa của Hương Rừng Cà Mau dĩ hòa di quý, kẻo nó thù vặt lại mất công lo bể nồi cơm vì lẽ ‘cơm áo không đùa với khách thơ’?! Nên ông nói:

“Có thể nhiều người không thích lối văn này, riêng tôi lại khác. Thôi, đó là chuyện sở thích. Ai thích thứ gì thì tùy!”

Thôi! Cứ để cho dân ngu khu đen như tui đọc rồi sẽ biết ‘ông’ nào hay ‘ông’ nào dở liền hà?

Tuy nhiên cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng! Giờ thì tới phiên mấy chú nhỏ… mà dám vuốt râu hùm! Xin quý độc giả thân mến đọc một đoạn ‘nhăng nhố’ nầy cho biết:

“Chơi với nhà văn Sơn Nam bền bỉ mấy chục năm nó không nói cho ông biết nó đọc gì của ông. Đến khi Sơn Nam sắp về trời nó mới liệt kê 14 cuốn sách của ông, kể cả cuốn Chuyện xưa tình cũ in năm 1958, năm nó mới hai tuổi, khiến Sơn Nam quá ngạc nhiên. Chưa hết, nó còn tính cho ông những gì ông chưa in thành sách, cả thảy hơn mười nghìn trang. Nghe thế Sơn Nam rưng rưng nước mắt, nói tao chết cũng vui rồi, ít nhất có một người nhớ tao, đó là mày.

…Dần dà mới biết chẳng những thơ nó hay, văn nó cũng hay không kém. Hai tập bút kí về đất rừng Cà Mau nó viết từ những năm tám mươi đến giờ đọc vẫn sướng. Đặc biệt mảng tản văn vài trăm cái về những nét đặc sắc văn hóa miền Tây và văn hóa Việt thì nói thật trừ Sơn Nam không ai bì được... Mình vẫn nói vui với bạn văn, nói thằng Tín là ông Sơn Nam đời mới. Anh Sơn Nam nghe chúng nó nói lại thì cười, nói Sơn Nam chỉ văn hóa Nam Bộ thôi, thằng Tín có cả văn hóa Việt. Tức Sơn Nam là một bộ phận của thằng Tín. Nói xong ông ngửa cổ cười lớn, như phát hiện điều gì to lớn lắm.”

Thiên hạ chắc cười cái rần khi thấy hai ‘chú’ nầy đem nhà văn ‘Sơn Nam’ vô làm cái cớ để vái lạy lẫn nhau?!

Phải thiệt vậy hông ? Hay đặt chuyện bốc phét đây cho nổi ? Sao tui nghi quá à nha? Ông Sơn Nam có nói vậy không? Chú nào nói dóc là ‘bà bẻ cổ’ đó nha!

Anh bạn văn và người viết đều nhớ rằng: Nhà văn Sơn Nam xưa giờ chưa có ‘Chuyện Xưa Tình Cũ’ nào hết ráo! Nếu có na ná là ‘Chuyện Xưa Tích Cũ’ viết chung với nhà văn Tô Nguyệt Đình xuất bản năm 1958 mà thôi.

Và cũng nên nhớ rằng ‘chú Tín’ nào đó sanh năm 1956, còn nhỏ hơn con gái lớn của nhà văn Sơn Nam là Đào Thùy Hằng tức Mỹ Linh tên gọi ở nhà, sanh năm 1951. Thì ‘chú Tín’ nầy còn chưa đẻ khi nhà văn đã cầm bút từ rất lâu trước đó! Sao dám đặt chuyện “Tức Sơn Nam là một bộ phận của thằng Tín!” cho được hỡi mấy ông nội con nít!

Còn nếu nói là giỡn chơi thì ít nhứt cũng phải chừa cái bàn thờ ra chớ? Giỡn chơi như vậy mà gọi là ‘nói vui’ thì người viết đọc thấy hỏng có cái gì ‘vui’ hết trơn hết trọi?!

Trộm nghĩ: Người viết văn là người tao nhã và để xứng đáng với lòng độ lượng của độc giả xưng tụng, gọi mình là văn sĩ, thi sĩ thì nên cư xử cho nó đàng hoàng một chút!  Đừng biến mình thành những con cua trong giỏ thấy ai trèo cao hơn mình mà quơ càng kéo xuống! Vì làm như vậy coi kỳ lắm nha quý hỡi các ‘nhà văn đáng kính’!

đoàn xuân thu.

Melbourne

 dxt_Jul30_charlot.jpg  dxt_Jul30_SNam.jpg

www.doctormacro.com                       phapluattp.vn                                

Chữ và nghĩa!

Ông Charlie Chaplin (1889-1977) mà người mình thường gọi là Vua Hề Sạc Lô chuyên diễu, phim câm. Có thể là thuở ban đầu phim ảnh còn thô sơ, chỉ có hình ảnh mà chưa có tiếng nói nên phim phải câm, chỉ có lồng nhạc theo phim mà thôi?

Dù không có lời thoại nhưng những tác phẩm đó thật là tuyệt!  Nó làm người ta cười và nó làm người ta khóc!  Cái cười có ý nghĩa thâm thúy, giáo dục chứ không phải là cái cười cợt rẻ tiền, vô vị, vô duyên. Diễn viên không phải õng ẹo giả gái, chanh chua, mồm loa mép giải, tung hứng một cách lãng xẹt vô chừng vô độ mà không chứa đựng một thông điệp gì hay ho ráo trọi?

Làm hề ăn khách thì còn dễ nhưng mà làm hề để đời phải ngả nón cuối đầu, xưng tụng như nghệ sĩ: Charlie Chaplin, thì người viết e rằng phải vài thế kỷ mới có được một ông.

 Ông Charlie Chaplin cũng có nói một câu rất thú vị rằng:

“Words are cheap. The biggest thing you can say is 'elephant' ”.

“Tiếng nói, chữ là chuyện nhỏ. Vì cái lớn nhứt bạn có thể dùng chữ để diển đạt là ‘con voi!”

Như vậy ông Sạc Lô chỉ xưng tụng điệu bộ, cữ chỉ, hành động! Còn ngôn ngữ ông coi chẳng ra ‘cà ram’ nào cả nên ông khoái đóng phim câm chăng? Và những phim câm tuyệt tác đó chẳng cần đến một lời nói gì hết ráo mà sao ai cũng hiểu hết? Vậy mới hay!

Người viết thì không cực đoan như ổng! Phàm viết văn, tất phải sử dụng tới chữ. Và theo lời tuyên bố của anh bạn văn: “Chữ nghĩa quan trọng lắm chớ! Nếu nghe theo ông Sạc Lô, thì làm sao mình lại có được một nền văn chương trên thế giới đồ sộ đến mức kinh hồn, đọc cả đời chưa ‘mẻ’ đi một góc?!”

Và khi dùng chữ để làm văn, anh cũng tỉ mỉ soạn riêng cho mình một quyển từ điển. Những chữ gì chưa rõ mà nói theo kiểu của ông Vương Hồng Sển là còn ‘tồn nghi’ thì anh dọng thêm cái dấu hỏi bự ‘tổ bố’ đằng sau, để lúc có thời giờ rảnh, ảnh sẽ tìm hiểu mà sửa đổi hay bổ sung thêm. Cách làm nầy thiệt hay! Ngày một chút! như kiến tha lâu đầy tổ. Nên vốn từ vựng của anh nhà văn nầy một ngày một giàu có thêm.Thiệt là nghề chơi cũng lắm công phu!

Mấy hôm trước, anh bạn nhà văn ghé tệ xá chơi. Sau buổi trà dư tửu hậu, anh nhắc lại chuyện hồi xửa hồi xưa.  Khoảng những năm cuối thập kỷ 70, trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, sau Tết Mậu Thân, có chương trình Phát Thanh Thương Mại. Chương Trình Phát Thanh Thương Mại nầy thường chơi mấy bản nhạc do Hoàng Oanh và Trung Chỉnh hát như  “Trộm Nhìn Nhau” xem dung nhan đó bây giờ ra sao? chẳng hạn… rồi kèm thêm mấy cái quảng cáo!

Dù là quảng cáo thương mại nhưng câu chữ hành văn thiệt là đàng hoàng, rõ ràng và tề chỉnh như: “An toàn trên xa lộ, thanh lịch trong thành phố! Suzuki!” để quảng cáo cho xe gắn máy làm tại Nhựt Bổn!

Người viết nghe anh nói bèn nhớ tới đoạn quảng cáo thuốc ho Acodin. Có người đẹp, ngâm sĩ, ngâm thơ của thi sĩ Tản Đà: “Trận gió thu phong rụng lá vàng. Lá rơi hàng xóm lá bay sang. Vàng bay mấy lá năm già nửa. Hờ hững ai xui thiếp phụ chàng.  Ho! Ho! Ho! Acodin!”

Anh bạn văn nói: Khổ thơ nầy của ông Tản Đà hay nhứt là ba chữ ‘năm già nửa’. Chữ ‘già’ thiệt là đắt à nha! ‘Già’ là đã qua…có nghĩa là hết hai mùa xuân hạ tới mùa thu là hết nửa năm rồi! Tuy nhiên ‘trận gió thu phong’, thì gió thu là đủ, còn thêm chữ phong làm gì, dư. Lại một lần nữa người viết phải đồng ý…kiến với anh.

Anh cũng ‘phê’ là có tác giả lại không cẩn trọng lắm khi dùng thành ngữ! Thay vì “cục đất chọi chim’ thì lại xài ‘mảnh đất chọi chim’?

Anh nói: Bà con nông dân mình ở Miền Tây, tay lấm, chân bùn, bán lưng cho đất, bán mặt cho trời, vất vả, gian nan. Thất mùa đã chết rồi mà được mùa cũng chết luôn vì mấy công ty thu mua gạo xuất khẩu của nhà nước hè nhau chèn, ép giá. Nghèo, thiếu ăn, dù làm ra lúa gạo thì xí quách đâu? Sức khỏe đâu? Sao mạnh bằng Hercules mà vác nổi cả một ‘mảnh đất’ để chọi chim’ đây hở trời? ‘Cục’ đất còn may ra? Do đó trật có một chữ…‘sai một li, đi một dặm’ nghe!

Rồi tới luôn bác tài, anh cắt nghĩa cho người viết nghe sự khác biệt của hai động từ ‘Cầm lòng và Dằn lòng’. Thí dụ thấy đàn ông ăn hiếp đàn bà nên anh tức quá, nộ khí xung thiên, muốn ra tay can thiệp, làm anh hùng cứu mỹ nhân thì phải nói:  “Dù cái thằng đầu trâu mặt ngựa đó có dữ dằn, mặt mày bặm trợn cách mấy đi chăng nữa, tui cũng không thể dằn lòng được nữa! Dù chết nhát, không dám…nhẩy vô can thiệp thì ít nhứt tui cũng đã kêu lính bắt nó…?!”

Còn ‘Cầm lòng” là khi ta thấy một chuyện gì thương cảm; phải ra tay hành hiệp! Chẳng hạn như về Việt Nam du hí, đi uống bia ôm, nghe em than não ruột: “Má ốm, ba đau, nhà ngập nước!”  Bèn móc hết tiền túi ra, ‘boa’ cho mấy em ráo trọi rồi về nhà có bị bà xã ‘dợt’ thì rán chịu. Hành động đó phải gọi là ‘cầm lòng không đậu!”

Anh bạn văn nhấn nhấn: Chú thấy tiếng Việt của mình huyền diệu hông? Dằn lòng và Cầm lòng khác nhau lắm đó nha! Chỉ có chữ ‘lòng’… mà lòng thòng vậy đó!

Rồi người viết thấy anh đang cao hứng làm diễn giả, diễn giải tùm lum, bèn đẩy đưa cho anh tới bến luôn nên hỏi:  Nếu đọc sách vỡ, báo chí hay xem, nghe đài truyền hình, ra dô mà gặp chữ nào mà không rõ, mờ mờ ảo ảo thì tui phải làm sao?

Anh nói thì tra tự điển. Chớ đừng vỗ ngực ta đây, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của tui nên tui biết hết ráo là lầm to nhe. Nên nhớ: Những gì mình biết chỉ là ‘hạt cát’. Còn những gì mình không biết là một ‘đống cát’!

Nhưng cẩn thận, đừng cả tin, coi chừng bị dụ! Khi tra từ điển phải lựa cuốn nào được soạn một cách đàng hoàng nghiêm chỉnh một chút như cuốn Việt Nam Từ Điển của Lê văn Đức do Lê Ngọc Trụ hiệu đính, nhà Khai Trí phát hành là xài được! Chớ đừng ‘khờ’ như tui mà vác cái quyển từ điển ‘mắc ôn’ nầy về, vừa mất tiền, vừa mất công vừa mang thêm cục tức.

Anh nói: Mấy năm trước, anh có nhờ thằng bạn bắn cu li hồi nhỏ, còn kẹt lại trong nước, mua giùm cuốn từ điển về chữ nghĩa quê mình. Tội nghiệp ‘thằng nhỏ’ khệ nệ đi mua cuốn Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ của ông Tiến Sĩ Huỳnh Công Tín do Nhà Chính Trị Quốc Gia xuất bản rồi gởi qua tui.

Chú ơi! Thiệt là tiếc tiền và tiếc công của thằng bạn hiền hết sức!

Sao vậy? Coi nè. Coi chữ Bảo an đi. ‘Giả’ dám cắt nghĩa như vầy chớ:

Bảo an: dt  một sắc lính của quân đội Sài Gòn cũ trước năm 1975, chuyên mặc đồ đen, thường là bọn an ninh, bọn chỉ điểm, “Mấy thằng lính bảo an này, phải coi chừng, chớ bọn nó ác lắm đó.”

Lính Bảo An sau nầy gọi là Địa Phương Quân, cũng như Dân Vệ sau gọi là Nghĩa Quân. Lính là mặc đồ lính chớ. Phải không? Tui nghi cha tiến sĩ nầy ‘bé cái lầm’ không phân biệt được giữa lính bảo an và cán bộ bình định xây dựng nông thôn thời Việt Nam Cộng Hòa mà dám cả gan cắt nghĩa ẩu, lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia?

Nhưng cái tệ hại nhứt của soạn giả tiến sĩ nầy là ông không tuân thủ những tiêu  chuẩn căn bản khi soạn từ điển gì ráo trọi. Vì làm từ điển là làm một công trình khoa học nhân văn thì phải chính xác, phải ngắn gọn, phải hết sức trung thực và hoàn toàn trung lập!

Từ điển là sách để tra cứu! Chớ nó không phải là bích chương, khẩu hiệu tuyên truyền cho phe ta, mà chửi bới phe địch cho sướng cái mỏ thì e rằng ông tiến sĩ nầy chưa già mà đã lẫn rồi chăng?

Khi bàn về cách soạn từ điển, nhà văn Sơn Nam có viết: Ông được đọc Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, Việt ngữ chánh tả tự vị của Lê Ngọc Trụ và một quyển là của Vương Hồng Sển. Ông cũng ao ước : “Từ lâu rồi, tôi muốn bắt chước làm một quyển như thế ...”

Ông muốn… nhưng chưa làm được vì thấy:  “…Việc làm gian nan của các cụ lão thành phần lớn là do ‘có chí lớn’, ghi chép cẩn thận trong sổ tay!”

Rồi khi nhà văn Sơn Nam được ông tiến sĩ nầy ‘dời gót ngọc’ đến xin mấy lời giới thiệu cho quyển từ điển của mình thì nhà văn nể tình, bèn chia sẻ chút kinh nghiệm một chữ trong câu hát: “Ru em em théc cho muồi. Mẹ đi chợ Truồi mua bánh em ăn”. Nhà văn Sơn Nam nói: “Một bà ở Huế kế bên nhà giải thích: “Théc là khóc, đứa bé théc là khóc lớn tiếng”. Ở Sài Gòn và ở rừng U Minh, đã quen với hai tiếng “khóc théc”?

Bà Huế hàng xóm của nhà văn Sơn Nam nói trật lất rồi vì anh bạn văn có lần cũng thắc mắc y ‘hịt’ như vậy; nên đem chữ théc ra, đi hỏi một người em xứ Huế, đất Thần Kinh chánh tông như ca sĩ Ngọc Hạ vậy, thì được cắt nghĩa là:  “Ở Huế, không gọi là con ngủ, mà nói là théc. Théc cho muồi là ngủ say sưa, con hãy ngủ một giấc thật dài để mẹ rảnh tay ra chợ mua sắm các thứ nhật dụng, như vôi, trầu, cau và thuốc lá Cẩm Lệ!”

Chính vì: ‘Em nói gà, mà bà nói vịt’nên Nhà Văn Sơn Nam đã than thở: “Chữ nghĩa quả thật là gánh nặng dành cho thế hệ trẻ!”

Chắc chủ ý ông Sơn Nam muốn khuyên mấy chú nhỏ sau nầy nên cẩn trọng đừng có liều mạng mà làm ẩu à nha?

Nhưng tiếc thay mấy chú nhỏ nầy hăng tiết vịt quá, coi trời bằng vung nên chẳng chịu nghe lời khuyên chí lý của bực hiền giả?!

Theo anh bạn văn, phải nói ngay rằng:  Dù mấy ông tác giả nầy dù có học hàm Giáo Sư, học vị Tiến Sĩ gì đi chăng nữa thì một mình ông cái chắc là chưa đủ sức, chưa đủ khả năng một mình làm từ điển…mà múa gậy vườn hoang như thế?

Tây nó có hàng trăm ông Giáo Sư Tiến Sĩ đủ các thứ chuyên ngành rồi mới dám  hợp nhau lại mà làm từ điển; như từ điển tiếng Anh của Oxford chẳng hạn. Vậy mà khi phát hành rồi, đôi khi cũng phải thu hồi mà chỉnh sửa sai sót do những người tra cứu phát hiện ra. Làm ăn kỹ càng như vậy còn chết; huống hồ gì mấy ‘chú’ cu ky một mình mà dám ‘hát’ sơn đông mãi võ? Do đó mới trật tùm lum, trật tà la, trật nát bét…trật nát ngấu như tương tàu!

Tra cứu từ điển của mấy chú, mấy đứa nhỏ học trò, sanh viên thơ ngây tin mấy chú thì có mà bán lúa giống!

Vậy mà khi nghe mấy chú nổ quá, dám một mình làm từ điển: Đây là công trình biên soạn dưới sự ‘chỉ đạo hay chỉ đại’ của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ, người viết cũng hơi ‘khớp, khớp con ngựa ô”, thì úi trời đất ơi! soạn cái từ điển dành cho tra cứu mà cũng sợ ‘thành ủy’ rầy nữa sao mà bẻ cong sự thực như trong từ ‘bảo an’ đã trích phía trên ?

Thiệt: Tui sợ mấy ‘cha’ trong nước làm từ điển ‘lôm côm’ như vầy quá xá hà! Vậy mà cũng khoe là đoạt được hai cái giải…thưởng gì rồi đó nhe!

đoàn xuân thu.

melbourne

“Mình ông giữ đến hai bồ, ớn chưa?!”

dxt_Jul19_1.jpgdxt_Jul19_2.jpg

namrom64.blogspot.com                                     nhungbaivanhay.edu.vn

Thưa quý độc giả thân mến!

Người viết có anh bạn văn cũng in đâu được vài chục cuốn sách để dành tặng bằng hữu vì một lẽ dể hiểu là bán hỏng ai mua?

Anh bạn văn vốn chữ nghĩa đầy một bụng, cũng từng thành thực thú nhận rằng anh có cái tật xấu là hay cà khịa! Nhứt là về phương diện văn chương, chữ nghĩa. Mà về văn chương chữ nghĩa thì lại dính tới các nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà đài. Mà nhà nào thì chữ nghĩa cũng dài như rau muống biển! Nên quý vị danh giá đó không hề thích ai ‘cà khịa’ mình rồi. “Tui viết vậy đó! Rồi sao?”

Anh bạn văn cũng biết vậy nhưng anh than: Thấy rồi! Ngứa miệng! Mà nói thì chúng ghét; nên tui muốn “qua phà’ cho rồi nhưng thiệt im re thì tức quá!

Chẳng là hôm tối thứ ba, ngày 16 tháng 7 năm 2013, ảnh có vặn cái ra-dô mà theo dõi bản tin của đài SBS thì nghe người em sầu mộng, phát thanh viên, nói về cái vụ “Hai năm sau sự sụp đổ của chế độ Miền Nam”?

Nghe sao thấy kỳ kỳ? Bèn tầm nguyên trích cú, dò đến lạch, nguồn coi nó có phải vậy hông em?

Anh nói: “Tuy là chuyện nhỏ nhưng nó thành lớn vì cái danh từ “Chế độ Miền Nam” nầy nó liên quan đến Địa Lý, đến Sử Ký của nước mình mà! Cứ để vậy, im re hỏng nói gì hết ráo; sợ tụi nhỏ sau nầy không hiểu, bèn gọi cái đất nước, cái chế độ mà mình yêu dấu là “Chế độ miền Nam” như vậy thì hư bột hư đường ráo trọi?!”.

Nên buộc lòng anh bạn văn phải lên tiếng, cà khịa, sửa lưng ‘em’. Mà nếu em có lưng, nhưng không cho sửa, thì ảnh nhứt quyết cũng phải sửa. Sửa rồi có đau chút chút thì ảnh thành thật mà xin lỗi nhe! Đau mà hết bịnh cũng nên ‘đau’ lắm chớ?

Người em sầu mộng đọc cái bản tin về người Việt mình tầm trú như sau: “…Xu hướng hiện tại cho thấy năm nay 2013 sẽ chứng kiến số lượng kỷ lục của người tầm trú Việt Nam đến Úc bằng thuyền sẽ vượt qua con số 868 người tỵ nạn hồi năm 1977 hai năm sau sự sụp đổ của chế độ Miền Nam.”

Anh bạn văn không khoái chữ “chế độ Miền Nam” nầy nên bỏ công lục trên tờ The Australian thì thấy như vầy:

“On current trends, this year will see the greatest number of Vietnamese boat arrivals on record; surpassing the 868 asylum-seekers who arrived in 1977, two years after the fall of the South Vietnamese regime.”

Nếu tay ký giả Úc nầy viết là “The South Vietnam regime’ em dịch là “Chế độ Miền Nam” cũng còn “châm chế’ được đi. Chứ nó viết là: “The South Vietnamese Regime” mà dịch là “Chế độ Miền Nam” thì làm buồn lòng tui lắm nhe em ‘ui’!

Ảnh bèn múa rìu qua mắt thợ, mà ‘dịch… vật’ như vầy:

“The South Vietnamese regime” nên dịch là chế độ của người dân miền Nam thì mới chính xác? Bởi vì South Vietnamese là tính từ sở hữu có nghĩa là của người dân Việt miền Nam.

Hơn nữa, chúng ta không có ‘Chế độ Miền Nam’? Mà chỉ có Chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Vì cuộc chiến Việt Nam không phải là một cuộc nội chiến như ở Hoa kỳ hồi xưa; mà nó là một cuộc xâm lăng, nếu nói một cách chánh thức và chính xác là: Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng Sản Bắc Việt) xâm lăng, tấn công Việt Nam Cộng Hòa!

Theo hiệp định Geneve 1954 thì chúng ta là một nước độc lập và có chủ quyền đàng hoàng à nha! Nên nói về Chế độ thì phải nói là Chế độ Việt Nam Cộng Hòa thì mới chính xác. Còn Chánh quyền phải là chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa mới được!

Chứ không hỗn hào như tụi nó, thường gọi tụi mình là ‘Ngụy quyền Sài Gòn’ hay “Chế độ Miền Nam” đâu nha?

Người viết nghe! Thiệt hoàn toàn tán đồng ý kiến của anh bạn văn nên ‘nịnh’ anh một phát: “Anh thiệt là trí tuệ!”

Anh bạn văn nghe ‘nịnh’ khoái quá, quất cạn ly rượu đỏ nghe cái trót, khà một tiếng, rồi cao hứng tiếp luôn:

Giờ để tui ‘bình’ đề thi trong nước cho chú nghe! Để tui ‘sửa’ lưng tụi nó!

Đề thi là: “Khi có lỗi, người tử tế thì sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi”.

Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh, chị về ý kiến trên”.

Theo ông Trần Mạnh Hảo thì câu 2 của "Đề thi môn ngữ văn cao đẳng 2013" của Bộ GD&ĐT mắc hai lỗi sai văn phạm”.

Và ông Trần Mạnh Hảo phê như thế nầy:

“Bất kể ai đã học qua cấp một (tiểu học) khi chỉ thoáng nhìn phần đề bài thi trên đã nhận ra câu ra đề có hai lỗi văn phạm.

Lỗi thứ nhất: thừa một từ: “THÌ”.

Lỗi thứ hai: thiếu ba từ: “CHO NGƯỜI KHÁC”.

Như vậy, đề thi cao đẳng quốc gia môn ngữ văn, câu 2, phải viết lại như vầy mới đúng văn phạm:

“Khi có lỗi, người tử tế sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện chỉ tìm cách đổ lỗi cho người khác”.

Rồi ổng ‘xì nẹt’ mấy ông Giáo Sư Tiến Sĩ đầu ngành môn Ngữ Văn hơi nặng như sau:

“Than ôi, một hội đồng ra đề thi đại học, cao đẳng gồm toàn các giáo sư tiến sĩ, hoặc các giáo sư đầu ngành môn ngữ văn, lại được duyệt bởi một hội đồng toàn các giáo sư đầu ngành khác, sao lại để sai hai lỗi văn phạm rất nặng như trên? Cái lỗi mà một học sinh đã học qua tiểu học cũng không được phép sai phạm. Xem ra, nền dạy văn và học văn nước nhà đã đến thời mạt vận rồi sao!”

Nhưng một ông bạn văn của ông Trần mạnh Hảo thì lại nói rằng:

“Mình thì (he he lại “thì”) thấy trong câu đề thi trên không phải thừa một chữ THÌ ở vế trước mà thiếu một chữ THÌ ở vế sau. KHI có thêm chữ CHO NGƯỜI KHÁC như ý kiến của nhà văn Trần Mạnh Hảo THÌ làm cho câu thêm rõ nghĩa nhưng không cần thiết phải có chữ CHỈ. Cụ thể là nên viết lại như sau:

“KHI có lỗi, người tử tế THÌ sẵn sàng nhận lỗi, kẻ ti tiện THÌ tìm cách đổ lỗi CHO NGƯỜI KHÁC”.

Anh bạn văn của người viết thì nói: Mấy ‘giả’ cứ hò hét hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt mà lại khoái xài tiếng Hán Việt ‘quá xá quà xa’? Dĩ nhiên ngữ vựng tiếng Việt ta có rất, rất nhiều từ Hán Việt, nó làm cho tiếng Việt giàu có, phong phú hơn. Điều đó khỏi cãi rồi nhưng nếu mình xài từ Hán Việt vô độ, vô chừng mực thì lại làm cho một câu văn đơn giản lại trở nên tối tăm ngữ nghĩa như đêm ba mươi> Viết xong rồi lạc luôn trong đó hỏng thấy đường mà đi ra nữa?!

Theo anh, trong cái đề thi nầy, Người tử tế là người sống đàng hoàng, không bất lương, không trộm cắp, không cướp của, giết người. Còn kẻ ti tiện là kẻ nhỏ nhen, hèn hạ!

Và sau ba chữ “Khi có lỗi” phần còn lại phải nói về khi có lỗi thì phải làm  sao? Về văn phạm thì phải là hai vế đối nhau, tương phản ý nghĩa với nhau. Người tử tế không có phản nghĩa là kẻ ti tiện.

Cho nên cả hai chữ đó trớt he hết trơn, không có liên quan, có bà con gì với “Khi có lỗi…” hết á!

Cho nên anh bạn văn đề nghị sửa lại thế nầy để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; để câu văn rõ ràng mạch lạc, xuôi chèo mát mái chớ không lục cục lòn hòn như đường rải đá xanh mà chưa tráng nhựa!

Cái đề phải như vầy, theo ý ảnh: “Khi có lỗi, người trung thực sẵn sàng nhận lỗi; kẻ dối trá thì đổ thừa cho người khác”.

Vì: người trung thực là người luôn luôn tôn trọng sự thực, tôn trọng chân lí, lẽ phải. Sống ngay thẳng, thật thà! Nhận lỗi khi mình lầm lỗi.

Còn kẻ dối trá là kẻ dóc từ trên xuống dưới, dóc từ trong ra ngoài, dóc từ xưa đến nay, nghĩa là toàn dóc tổ.

Phản nghĩa của người trung thực là kẻ dối trá. Hai hạng người trong xã hội, hai cách ứng xử đối lập, khác nhau khi lầm lỗi! Trung thực là nhận; còn dối trá là đổ thừa…!

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt bằng cách xài từ Hán Việt đúng nơi, đúng lúc! Đừng lạm dụng nó! Viết văn đơn giản rõ ràng như mình ăn canh chua, cá kho tộ; còn lạm dụng từ Hán Việt lúc hành văn giống như đi ăn ‘yum cha’ của nhà hàng Tàu.  Vừa phải thì ngon mà nhiều quá làm nặng bụng lắm chú ba ơi!

Rót đầy thêm ly rượu, anh cao hứng cất giọng Minh Vương và biểu người viết làm Lệ Thủy, để anh chơi một màn trích đoạn cải lương về vụ có lỗi và nhận lỗi trong việc làm em có bầu rồi ‘dọt’ của Minh trong tuồng Tô Ánh Nguyệt của ông Trần Hữu Trang tức soạn giả Tư Trang để mình học hỏi thêm về cách xài chữ của mấy ông soạn giả cải lương. Coi vậy, chớ thâm trầm ảo diệu lắm à nha?!

Người viết cũng khoái cải lương lắm; nhưng tiếc thay lại có cái giọng ồ ồ như con vịt đực mà bắt làm Tô Ánh Nguyệt là em hỏng chịu đâu nha! Vì thế cho nên, anh bạn văn đóng hai vai luôn vừa là Minh, Minh Vương vừa là Tô Ánh Nguyệt, Lệ Thủy!

Trước khi bắt đầu trích đoạn nầy, người viết cũng vỗ bàn nhậu nghe ‘cộp cộp’ như hồi xưa mấy ông bầu gánh lột guốc ra, đập ‘cộp cộp’ trên sàn sân khấu trước khi mở màn của Gánh hát Bầu Tèo năm cũ vậy mà.

Người viết cũng ‘phi lộ’ cho quý khán, thính giả gồm có: bà xã tức em yêu và mấy đứa cháu nội đang ngóng mỏ chờ nghe… Rằng thì là:

Tô Ánh Nguyệt, câu chuyện tình đẫm nước mắt, kể về người phụ nữ đời chỉ một lần yêu. Nguyệt là con ông Hương Cả, gia đình dư dã chút đỉnh ở làng nên Nguyệt được Tía cho lên Châu Thành ăn học. Ở đây Nguyệt gặp Minh rồi tự nguyện yêu nhau… rồi tự nguyện văng luôn khỏi vòng lễ giáo. Nguyệt ‘dính’ bầu! Gia đình Nguyệt còn phong kiến. Gia đình Minh buôn bán nên thực dụng. Mối tình Minh, Nguyệt không còn là trăng sáng nữa mà tối hù, là phải vỡ tan thôi. Nhưng dù ba bắt anh về cưới vợ khác chăng đi nữa… thì “anh vẫn mãi mãi yêu em hé hé!”.

Người viết bèn dùng cái miệng móm sọm của mình thế cây đàn ghi ta phiếm lõm mà họa theo lời ca của anh bạn văn ‘tăng tăng tẳng tằng tăng’.

Và Minh, Minh Vương hát như vầy:

“Nguyệt ơi, anh đang cuối đầu chờ ơn huệ, em rộng lòng tha thứ cho anh. Kẻ gây cho em khổ đau lận đận. Suốt cuộc đời duyên nợ dở dang!”

Nguyệt:“Lương tâm thầy cắn rứt chăng?”

Minh: “Tui mong chuộc lại lỗi lầm xưa!”

Nguyệt:“Để chiều ý thầy, tui sẽ kêu thầy bằng mình, hoặc ba thằng Tâm, hay chỉ bằng anh thôi?”

Minh: “Mình (Ho! Ho!Ho!)… Ba thằng Tâm… nếu được tiếng mình, có nghĩa là em đã sẵn lòng tha... thứ?”

Rồi anh lấy hơi, xuống sáu câu muồi rệu:

“Nguyệt ơi, từ nay chúng ta âu yếm gọi nhau cho đến hơi thở sau… cùng! Nửa đời còn lại anh với em gắn bó mặn nồng”

Mấy đứa cháu nội lẫn bà xã nghe khoái quá, vỗ tay ầm ĩ, còn la: “Bis! Bis!” nữa chớ.

Anh bạn văn cảm động, đứng lên cúi đầu chào quý vị khán giả con nít một cách cực kỳ cảm khái! Anh nói: Lầm lỗi rồi xin lỗi là phải như vậy đó. Viết văn như vậy mới là viết chớ!

Nghe anh bạn văn lên lớp người viết về chữ và nghĩa, nói theo kiểu nhà thơ Bùi Chí Vinh thì người viết phải công nhận công lực của anh bạn văn đã đạt đến mức thượng thừa, võ công vô cùng cao siêu, thâm hậu. Thiệt là:
“Thiên hạ chữ nghĩa bốn bồ! Mình ông giữ đến hai bồ, ớn chưa?!

Ớn thiệt! Chớ không phải chuyện giỡn chơi nha?

đoàn xuân thu.

melbourne.

“Dân chơi mà nhát hít!”

dxt_jul14_1.jpgdxt_jul14_2.jpg

  khmerization.blogspot.com                                                  

Đời con người ngắn ngủi. Mà đời tình ái ‘tò tí te tè le’ của con người càng ngắn ngủi hơn! Lúc dậy thì, bắt đầu phựt cháy, hừng hực tuổi thanh xuân, rồi leo lét như ngọn đèn cạn dầu, lụi bấc lúc gần về chầu ông bà ông vải.

Chính vì ngắn ngủi như vậy nên đàn ông dù có vợ rồi cũng năm bảy lá gan, lá ở cùng vợ, lá toan cùng người. Nhưng lỡ con vợ biết được thì giải quyết chuyện ‘hai trái bầu một con cua nầy’ ra làm sao? Mỗi người có một đối sách khác nhau mới là chuyện đáng bàn, đáng nói phải hông bạn?

Đọc Kiều, ai cũng chê Thúc sinh là kẻ sợ vợ! Người viết thì rất thông cảm với chàng. Trong truyện Kiều, các nhân vật đàn ông của Nguyễn Du, thì người viết chấm Thúc Kỳ Tâm là nhân vật ‘người’ nhứt, đáng yêu nhứt!

Sao vậy? Thúc Sinh học hành làng nhàng, dang dở (giống như người viết) bèn theo Tía mình, mở cửa hàng mua bán ở Lâm Truy. Một ngày đi uống beer ôm, Chàng Thúc gặp Thúy Kiều lần đầu tiên ở xóm Bình Khang.

Ôi! Chu choa mẹt ơi!  "làn thu thủy nét xuân sơn, hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh". Đẹp! mê là cái chắc; nên "trước còn trăng gió, sau ra đá vàng". Tiền tốn biết bao nhiêu mà kể, mặc ai chê là thằng dại gái, "trăm nghìn đổ một trận cười như không!" Dù Kiều là con người "phượng chạ loan chung" nhưng Chàng Thúc đứng trước tấm thân ngà ngọc "làm cho đổ quán xiêu đình" thì mình cũng sập cái rầm thôi, (tui cũng vậy); nên hỏng có cười chi ổng hết!

Sợ em hỏng tin ‘qua’ hả? Thúc Sinh bèn bảo hiểm với Kiều rằng:  Sinh rằng: Hay nói đè chừng. Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao? Đường xa chớ ngại Ngô Lào, Trăm điều hãy cứ trông vào một ta! Đã gần chi có điều xa. Đá vàng đã quyết phong ba cũng liều!"

Thế nên khi Tía biết được, giận thì chàng đòi tự tử cho vẹn câu thề nha: “Phong lôi nổi trận bời bời, Nặng lòng e ấp, tính bài phân chia!”  Bởi "Chưa vui sum họp đã sầu chia ly". Tía kêu con bỏ nó là con nhẩy cầu Bình Lợi à nha! “Lượng trên quyết chẳng thương tình! Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi!" làm ông già cũng chịu thua luôn.

Thiệt còn gì hạnh phúc cho bằng được sống với người mình yêu! Nhưng khi ‘Bà Chằn Lửa’, ‘con Sư Tử Hà Đông’ ở nhà biết được thì: Mè ôi! Khóc thôi chứ biết làm sao bây giờ nữa hở trời?! "Sụt sùi giở nỗi đoạn trường, giọt châu tầm tã đẫm tràng áo xanh". Thôi chia tay từ đây, chạy cho lẹ đi em, kẻo chết! “Liệu mà xa chạy cao bay, ái ân ta có ngần nầy mà thôi!”

Thúc Kỳ Tâm, chơi vậy là tình nghĩa với nàng lắm rồi. Nhắm không êm, hết phương bảo bọc em được trước cơn thịnh nộ của vợ nhà, chàng Thúc vẫn can đảm lẻn vào Quan Âm Các khuyên nàng nên dọt lẹ!

Còn Hun Thủ Tướng là dân chơi Biển Hồ Tonlesap thì lại tệ hơn nhiều! Tệ như thế nào? Tệ làm sao? Xin quý độc giả thân mến kiên nhẩn xem tiếp hồi sau sẽ rõ.

Hun Thủ Tướng đây là Hun Sen, Thủ Tướng Cambodia, xuất thân làm ruộng.

Làm ruộng thì có gì đâu mà dấu? Nói theo kiểu nhà thơ Bùi Chí Vinh là: “Sau này con lỡ làm thiên tử! Nhớ đừng quên gia phả chăn trâu!”

Hun Sen đã từng biểu diễn trước các nhà báo nước ngoài bằng cách: đáp trực thăng xuống bờ mẫu. Và trước mặt bà con nông dân tay lấm chân bùn, cổ quấn khăn rằn, ông dùng liềm cắt lúa? Ha ha! mị dân chút đỉnh thôi mà!

Nhỏ chăn trâu, sau theo du kích Khmer đỏ, rồi thời thế tạo anh hùng, leo lên làm Bộ Trưởng Ngoại Giao năm 27 tuổi và chót vót quyền lực xứ Chùa Tháp, Thủ Tướng, năm mới 33 tuổi. Rồi ngồi lì ở đó cho tới nay cũng được 28 cái thu sầu rồi mà còn dự tính ngồi đến năm 90 tuổi nữa chớ!

Tại sao ông ngồi lâu tới mục ghế như vậy? Không phải bởi dân thương; mà vì thế lực của Hun Thủ Tướng tạo dựng ra còn lớn hơn Sihanouk, còn ngon hơn cả Pol Pot!

Thế lực lớn và muốn dài lâu là phải lo xa vì lỡ giữa chừng có trúng gió mắc phong gì đó rồi ‘hui nhị tì’ cũng không sao cho cái tài sản bỏ biết bao nhiêu công mà tom góp của đồng bào! Nên cụ bị, chuẩn bị trước cho con cái hết rồi: trai lẫn gái! Con trai cả, Hun Manet, tướng hai sao, chủ chốt Bộ Quốc phòng. Con trai thứ, Hun Manith, đại tá lực lượng tình báo quân đội. Con trai út, Hun Many, 30 tuổi, con rể Dy Vichea, sỹ quan cảnh sát cao cấp sẽ làm dân biểu kỳ bầu cữ tới!  Sao giống đàn anh Việt Nam quá tay vậy? Hay hai ‘cha’ học cùng một sách?

Còn má bầy trẻ là Bun Rany thì làm Chủ Tịch Hội Hồng Thập Tự. Đúng ra Hội Chữ Thập Hồng nầy là phải cứu người, giúp người nhưng bà Chủ Tịch Bun Rany lại ‘mần thịt’ tình địch. Ai biểu nó léng phéng với chồng tui chi?

Chuyện ‘mần thịt tình địch’ nầy theo tờ L’Express của Tây nói như sau:

Piseth Pilika mồ côi năm 13 tuổi, vì cha nàng là giáo sư Pháp Văn trường Đại Học Korokosl, chết trong chế độ Khmer đỏ. Được cậu, dì nuôi dưởng, lớn lên là diễn viên múa Apsara trường Nghệ Thuật Sân Khấu Nam Vang.

Tài sắc vẹn toàn làm nên danh tiếng, nàng trở thành ngôi sao điện ảnh rực rỡ được quần chúng Khmer cực kỳ ái mộ. Thành hôn với nam tài tử Khai Praseth. (Giống như Thanh Nga và Thành Được!) Nàng đóng vai chánh hơn 60 phim và còn trình diễn ở  nước ngoài như: Ấn Độ, Thái Lan,Việt Nam, Singapore, Nam Dương, Trung Quốc, Đại Hàn, Nhựt Bổn, Nga, Pháp và ngay cả Hoa Kỳ!

Theo tuần báo L’Express, xuất bản tại Paris, số đề ngày 7 tháng 10 năm 1999 hung thủ vụ ám sát nữ tài tử Pilika hôm 6 tháng 7 năm 1999 là Bun Ranny, phu nhân đương kim Thủ Tướng Hun Sen vì có chuyện tình ái ‘lăng quằn lít quỵt’ với Thủ Tướng Hun Sen.

Minh tinh màn bạc Piseth Pilika đã tỉ mỉ ghi lại nhiều điều bí mật trong quyển nhật ký của nàng. Cả đứa cháu gái và chị của nàng cũng đã trốn ra được ngoại quốc. Vì thế âm mưu ám hại Piseth Pilika mới được phơi bày ra ánh sáng. Trong quyển nhật ký có đoạn như sau: Ngày thứ hai, 10 tháng 5 năm 1999: “Ông Hok Lundy, Giám Đốc Sở Công An, kêu tôi tới gặp trong một nhà hàng kín đáo của khu phố Kieu Svay và khuyên tôi nên tạm lánh ở một nơi nào đó vì bà Bun Ranny Hun Sen giận dữ vì ghen với tôi và muốn giết tôi...

Tôi không biết họ tha tôi hay giết tôi bởi họ hiện là chủ nhân của xứ này... Chỉ có Trời mới cứu được tôi...”

Nhưng Bun Ranny chối và hăm sẽ đưa L’Express ra Tòa. Hăm thôi chớ hỏng có làm?

Cũng theo bài báo, Heng Pov, Phó Giám Đốc Sở Công An thủ đô Nam Vang kiêm Trưởng Phòng Điều Tra Xét Hỏi năm 1999, chịu trách nhiệm chính điều tra về cái chết của minh tinh màn bạc, khai như sau: Khi án mạng xảy ra, tôi thẩm vấn hai thằng khuyển ưng, đầu gấu: Bon Na và Keov Vichet. Tụi nó đã ra tay theo lịnh của Hok Lundy. Vì tội ác liên quan tới Hok Lundy, và dù là Phó Giám Đốc Sở Công An nhưng tui cũng không làm gì được, vì nó là ‘boss’ của tui! Nên một người vô tội bị giết, mà không ai bị trừng phạt làm tôi rất là tức tối nha ?!

Tôi biết trước khi bị giết, nàng có quan hệ tình ái với Hok Lundy, Giám Đốc Sở Công An. Chồng nàng thì thường xuyên ở ngoại quốc, bỏ nàng một mình thui thủi ở nhà, Hok Lundy nhân cơ hội, thừa nước đục thả câu, đưa nàng đi ăn nhậu và mua quà biếu xén!

Sau đó Hok Lundy giới thiệu nàng cho Hunsen. Trước khi là người tình của Thủ Tướng thì em cũng chẳng khá giả gì.  Nhưng sau đó em lại kiếm được rất nhiều, nhiều tiền. Thì ra là vậy! Ngân khoản của em trong nhà băng Canada có khoảng 30,000 Gia Kim khi em mất. Em cũng được ‘ảnh’ cho một chiếc Honda CRV mới cáu cạnh và một biệt thự to đùng! Anh cho em xếp ‘hộp’ thì em cho anh ‘độp’ vậy thôi! Đời mà! Bánh ít đi bánh quy lại!

Nhưng khi phát hiện ra cuộc tình bí mật nầy, vợ Hun Thủ Tướng kết tội Hok Lundy là thằng dắt mối! Chết tía tui rồi! Để được an thân và tiến thân, Hok Lundy hứa sẽ tìm cách chia cắt ngôi sao màn ảnh nầy với Hun Sen.

Chia cách làm sao? Chia cắt kiểu nào? Chia cắt như thế nầy: Sáng hôm 6 tháng 7 năm 1999, Piseth Pilika cùng với hai người chị và hai đứa cháu đến tiệm bán xe đạp Derong trong khu phố cổ O’Russei của Nam Vang mua một chiếc xe đạp, để tặng cho đứa cháu trai 12 tuổi vừa thi đậu.

Vừa bước vào trong tiệm thì một người đàn ông trạc ba mươi theo vào, rút  khẩu súng lục ra và bóp cò hết băng đạn vào người Piseth Pilika.

Cháu gái Sereimean đã bị thương, thuật lại: “Khi ông ấy bắn phát đầu tiên, cháu tưởng đâu có một bánh xe nào đó nổ. Dì cháu té xuống vừa kêu lên “Cứu tôi!” Và cháu nhào xuống đất bên cạnh dì!”

Hung thủ bình tĩnh hoàn tất công việc được giao phó, nhảy lên một chiếc mô tô, ngồi phía sau, cho tên đồng lõa vụt chạy.

Pilika được hai người chị và hai đứa cháu chở ở băng sau xe, đến nhà thương

Caloatte, nơi các giới chức chánh quyền thường hay đến để được điều trị bịnh, nhưng nàng muốn được chở đi nơi khác vì sợ sẽ bị ám hại thêm một lần nữa.Và than ôi! Chỉ một tuần sau, Pilika chết!

Giữa tháng 7 năm 1999, như một quốc tang, hàng vạn dân Khmer đã thương khóc như mưa, tiễn đưa nữ minh tinh Piseth Pilika về nơi chín suối! Tất cả cửa hàng ở Nam Vang đều đóng cửa, các ban nhạc, báo chí, đài phát thanh đồng ca ngợi tài hoa và thương tiếc số phần bạc mệnh của nàng! Nhưng không một ai dám hó hé điều gì về hung thủ cả?

Tình cờ run rủi, người viết tìm tài liệu viết bài nầy để thương tiếc một tài hoa bạc mệnh, là đồ chơi trong tay mấy tay ‘Trùm Đỏ’ lại xảy ra đúng vào ngày 13 tháng 7 mà cách đây 14 năm trời, nàng đã từ giã cõi đời ô trọc, đáng chán nầy? Hai người đẹp, sắc nước hương trời: Piseth Pilika và Thanh Nga cùng tài hoa và cùng chung mệnh bạc? Sao vậy? Nỡ lòng nào:Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen!

Thưa quý độc giả thân mến!

Nhưng nếu tui là Hun Sen, chó táp phải ruồi, vớ được một em đẹp như Hằng Nga tái thế mà lỡ con vợ già, sư tử Hà Đông muốn xé xác nàng ra, tui sẽ bỏ hết, bỏ chức Thủ Tướng một nước nghèo mạt rệp nhứt Đông Nam Á luôn! Tui sẽ đưa nàng tới thành quách cũ, Đế Thiên Đế Thích của ông cố nội tui, thuộc tỉnh Xiêm Rệp mà bắt ‘rệp’ cho nàng! Chớ ai nỡ lòng nào để nàng bị bắn chết thảm thương như vậy hỡ trời?

So với Thúc Sinh, cùng là ‘dân chơi’ với nhau, mà cư xử như Hun Thủ Tướng thì tệ quá!

Thiệt là: “Dân chơi mà nhát hít!” “Sợ vợ quá trời he!”

đoàn xuân thu

melbourne.

Ngẫu Hứng Lý Tên Đường!

dxt_jul13_1.jpgdxt_jul13_2.jpg

  biquyetdep.com

Nhà Văn Sơn Nam nói viết văn trước hết là yêu đất, rồi yêu nước. Mà đất thì có tên, có tuổi nghĩa là có địa danh. Chẳng hạn về Miệt Vườn, ông nói: khác với mấy ông khoa bảng trí thức, dân không gọi ‘Đồng bằng sông Cửu Long’ mà gọi là Miệt Vườn, vì câu ca dao: “Mẹ mong gả thiếp về vườn, ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh!”.

Rồi từ cái tên Miệt Vườn tới cái địa danh Cà Bây Ngọp trong Tình nghĩa giáo khoa thư, ông cắt nghĩa cái ‘tích’ như sau:

“Xứ Cà Bây Ngọp, nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu “len” tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp, trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn… Bởi vậy dân tình bệnh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học…”

Khoái cái tên Cà Bây Ngọp, người viết bắt chước ông mà yêu đất, yêu nước nên yêu luôn cái địa danh, cái tên làng, cái tên xóm. Người viết vốn là dân ‘vưỡn’, dù ‘vưỡn’ vậy nhưng đôi khi nằm gác tay lên trán, nghĩ về những cái tên ở Miệt Vườn lại đem lòng kính trọng ông cha mình từ hồi năm nẩm, cơm đùm cơm gói từ ngoài Trung vô Nam mà khẩn đất biết bao nhiêu! Vì thấy rõ cái lòng tôn kính, cái sự ‘galant’, cái nịnh đầm nếu nói theo bây giờ, của mấy ổng đối với đàn bà con gái xứ mình. Địa danh, tên đất, vùng mới khẩn hoang lập ấp là ưu tiên dành cho quý bà, quý cô trước… Như cho em ưu tiên qua cầu Bến Lức vậy! Tại sao người viết nói vậy? Thưa bà con cô bác: Là vì địa danh vùng đất mới do quý ông đặt ra thì đa phần là dành cho phụ nữ không hà! Phụ nữ đặt cho phụ nữ là thường vì phe ta cùng là má phấn môi son nên muốn ủng hộ nhau? Còn cái nầy đàn ông đặt cho đàn mà mới hay chớ cho dù chế độ mẫu hệ nước mình hình như nó ‘vãn’ từ trước thời Hai Bà Trưng rồi đó!

Đi theo Lộ Đông Dương hồi xưa, Quốc lộ 4 thời mình, còn thời nó, hỏng biết nó kêu là cái giống gì? Thì thấy biết bao tên đất, tên làng bắt đầu bằng Cái (có nghĩa là của con gái) như Cái Bè, Cái Bé, Cái Côn, Cái Hươu, Cái Nai, Cái Mơn, Cái Răng, Cái Sắn, Cái Nước, Cái Thia, Cái Vồn, Cái Vừng…

Ai dám bảo đàn ông Việt Nam coi thường đàn bà con gái xin chỉ ‘tui’ coi! Rồi từ cái hình tượng của người phụ nữ… đồi núi chập chùng… mới có: Gò Bầu, Gò Găng, Gò Quao, Gò Tre, Gò Xoài… Gò Công. Nhiều Gò thì thành Giồng như Giồng Ông Tố, Giồng Tháp, Giồng Tượng, Giồng Xe…

Và tượng hình hơn cả là Xẻo (nơi có nước chảy ra) như: Xẻo Bần, Xẻo Lá, Xẻo Nước, Xẻo Rô…

Phần mấy ông tự nguyện để em yêu xí phần gần hết, chỉ chừa cho mình chút đỉnh là Hòn… như: Hòn Chông, Hòn Chồng… Hòn Đất mà thôi?

Thưa quý bạn đọc thân mến! Thưa những tri kỷ sanh cùng thời với người viết chắc đều nhớ Mùa Hè đỏ lửa 72? Bắc quân đánh Thừa Thiên, Kontum, An Lộc thì lệnh tổng động viên từng phần được ban hành. Mấy chú sanh viên như người viết xếp bút nghiên, giã nhà đeo bức chiến bào, thét roi cầu Vị ào ào gió thu. Vô Thủ Đức ‘đường trường xa, con chó nó tha con mèo’!

Trưa thứ bảy được đi phép 24 tiếng, vội vã đóng bộ ka ki vàng hồ cứng, đội kết pi, vai đeo alpha vàng chóe, giầy bóng lưỡng, nhìn vô cười nhăn răng thấy hết mấy cái răng vàng, vội ra chợ Nhỏ, đồi Tăng Nhơn Phú, bắt xe lam, dọt về Sài Gòn để gặp em yêu. Thằng bạn cùng trung đội, ngồi chung xe, người viết hỏi nó về đâu? Nó cười hè hè nói: “Tao về Ngã Ba Chú Ía!”. Người viết ngây thơ tưởng nhà nó ở Ngã Ba Chú Ía thiệt chớ? Sau nầy lớn thêm chút đỉnh… À thì ra là vậy... vậy!

Do đó cái địa danh quan trọng lắm nghe! Nhắc tới là gợi lên đầy nỗi nhớ. Mà thiệt vậy, ngay cả cố nhà báo Trường Kỳ, dù gốc Bắc di cư vô Sài Gòn, sau 75 ông vượt biên tới tận Canada và khi nhớ về quê cũ, cũng bồi hồi nhắc nhớ: “Hồi xưa tui ở đường Da Bà Bầu đó nhe! He he!”

Do đó cái lớp lính tráng già như người viết bây giờ có ai nhắc đến “Ngã Ba Chú Ía’ của Sài Gòn mình hồi trước 75 lại bồi hồi cả một trời kỷ niệm à nha!

Sau nầy bỏ nước ra đi cũng khá lâu không biết có còn cái tên Ngã Ba Chú Ía hay không nữa? Nhưng cái chắc là nếu không còn Ngã Ba thì đã có Ngã Tư nhảy vào thay thế. Ngã Tư Sung Sướng? Nơi mà những người con gái dân quê bị cướp ruộng, cướp vườn, cướp đất… phải sa chân vào chốn bùn nhơ, chốn đèn mờ, chốn đèn xanh đèn đỏ, bán nốt cái thân xác còn lại của mình để mà ráng sống sót cho tới bình minh?

Đó là cái địa danh làng xóm! Còn hổm rày trong nước mấy ‘giả’ ở không, hỏng có chuyện gì làm nên ‘đề xuất’ đặt lại tên đường! Chu choa! Tía con nó xúm nhau cãi lộn còn vui hơn là mổ bò. Dù có một bực thức giả nhảy vô can: “Tàu của Tập Cận Bình nó nườm nượp tràn xuống biển Đông kìa! Hãy tập trung lo việc đại sự trước, nguy cấp lắm rồi, đừng lạc đề vào hoa hòe, tên đường, chim kiểng, non bộ... nữa, các bác ơi!”.

Vậy mà anh ba, anh tư giả bộ: ‘Đêm nghe tiếng ếch bên tai! Giựt mình lại tưởng tiếng ai gọi đò?”. Người ta gọi đò chớ có ai gọi Hội Nghị Diên Hồng toàn dân nghe chăng sơn hà nguy biến đâu mấy em?

Nhớ hồi xửa hồi xưa khi chiếm được Sài Gòn, tay nào làm lớn thì chiếm nhà lớn, biệt thự to tổ bố hay nhà mặt phố! Nhà vừa vừa, nho nhỏ như cái chuồng thỏ cũng giành luôn, giành hết ráo! Nhà cửa, ruộng đất giành đã đành vì nó là vàng, là bạc, là ‘đô’ Mỹ. Vậy mà còn chưa đã thèm? Nên ngay cả cái tên đường nó cũng giành luôn? Cái tên đường ‘đưa em về dưới mưa’ của người viết cũng đành cam chịu chung số phận cùng vận nước!

Những con đường mang tên những người yêu nước đã bỏ mình khi chống lại Thực Dân Pháp như Phan Thanh Giản hay Nguyễn Thái Học thì tượng bị đập bỏ, tên đường tháo ra đem vụt láng chít. Nghĩ mà đau lòng con ‘quốc quốc’?!

Bỏ tên đường cũ, đòi đặt tên đường mới thì chí ít cũng phải biết chút chút về Sử Ký chớ mấy cha nội! Đằng nầy: Bù trất! Dốt đặc cán mai! Dốt đầy cán cuốc! Dốt như cây cột còn bày đặt thưa với thốt hỏng chịu ‘nín’ mà nghe? Nên mới có cái chuyện như vầy:

Cô giáo dạy Sử hỏi: Ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương?

Cả lớp im lặng như tờ! Cô bèn chỉ đại một học sinh: Em biết ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương không? Học sinh sợ sệt, mếu máo: Dạ không phải em! Cô ơi!

Vừa lúc đó thầy hiệu trưởng đi ngang. Cô giáo phân bua: Thầy xem, học trò bây giờ tệ quá. Tui hỏi ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương mà không ai biết.

Thầy hiệu trưởng gật gù: Thôi cô nói anh Vương làm bản báo cáo rồi tui nói ban giám hiệu xuất quĩ đền cho. Đừng làm rùm beng nhe! Trường mình mang tiếng chết!

Trời đất ơi! Ông An Dương Vương tên là Thục Phán, vua nước Âu Lạc, từng đóng đô tại Phong Khê (nay là vùng Cổ Loa, huyện Đông Anh-Hà Nội).

Năm 218 trước công nguyên, ông chống lại cuộc xâm lăng do Đồ Thư, tướng của Tần Thủy Hoàng thống lãnh và làm Đồ Thư phải bỏ mạng giữa sa tràng.

Sau, vì vụ gián điệp tình ta “Trọng Thủy Mỵ Châu’ và nỏ thần mà mất nước!

Vậy mà có học như Thầy Hiệu Trưởng cũng ‘bù trất’ thì nói chi tới mấy cha học mới tới lớp ba mà cũng đòi đặt tên đường ?

Đặt tầm bậy tầm bạ nên mới có cái vụ: “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý! Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do!”.

Rồi đi xa hơn nữa, tên đường do mấy ‘giả’ ngẫu hứng lý tên đường, làm bà con cô bác còn kẹt lại trong nước cũng ‘la trời không thấu’! Mà ngẫu hứng là gì hả? Là hứng lên, là làm đại, bất kể quân thần gì ráo trọi nên mới có cái vụ tên đường Cựu chiến binh không rác (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn -xin xem hình- kẻo không lại nói ‘tui’ bày đặt chuyện nói dóc mà xuyên tạc chánh quyền cách mạng!).

Dù ngẫu hứng lý tên đường gì chăng đi nữa thì thiệt ra hứng là hứng nhưng cũng phải có điều kiện là ông nào, bà nào là bà con với tui, hay là má, là ba, là ‘mèo’, là vợ của đồng chí Bí thơ Tỉnh Ủy, Bí thơ Huyện Ủy là tui cho lên bảng ráo trọi, chẳng cần đồng bào biết mấy ổng, mấy bả là ai? Tui biết là đủ rồi!

Chắc có lẽ vì cái ‘tiêu chí’ đó nên ở phường Phú Thạnh, quận Tân Phú có một loạt tên đường mang họ Lê nhưng thiệt cũng không hiểu thuộc triều đại nào, công trạng ra sao với đất nước? Như: Lê Lâm, Lê Niệm, Lê Lư, Lê Lộ, Lê Sao, Lê Thúc Hoạch…vân vân và vân vân. Người viết thiệt cũng ‘bí’ luôn vì lần đầu em mới được nghe tên mấy ‘chả’ he he!

Hèn chi học trò bây giờ nó ngán, nó chán môn ‘Sử Địa’ là phải lắm! Mới đây học sinh trường THPT Nguyễn Hiền ở Sài Gòn nghe thi Tú Tài không có môn Sử, tụi nó vui mừng vui quá vui xúm lại xé đề cương môn Sử rồi thả từ tầng 4 xuống trắng cả sân trường. Lỗi đâu phải của tụi nhỏ mà do mấy thằng lớn đầu mà dại…?!

Thôi! Lấy tên người mà đặt thì nghe thiên hạ than phiền hỏng biết ổng là ai thì lấy tên bông hoa mà đặt cho mấy tay nhiều chuyện nín quách cho yên như tính đặt đường “Sen Hồ Tây” ở ngoài Hà Nội. Còn trong Sài Gòn quận Phú Nhuận thì có tên đường Hoa Lan với lại Hoa Mai... rồi.

Ngoài tên Hoa, thì có ông đầy tâm hồn ăn uống nên ‘đề xuất’ tên đường phải là các loại đặc sản của Nam Bộ để đặt tên như:  đường Hủ tiếu Mỹ Tho, đường Bún nước lèo Sóc Trăng, đường Cá lóc kho tộ, đường Xoài cát Hòa Lộc...?

Và tên đường theo đặc sản vùng miền thì dân Quảng cũng muốn có tên đường Mì Quảng nữa. Mà đường Mì Quảng thì chung chung quá nên người ta sẽ đặt tên cụ thể là đường Mì Quảng Nam, đường Mì Quảng Ngãi, đường Mì Quảng Bình, đường Mì Quảng Trị, đường Mì Quảng Ninh....

Một nhân dân ký tên:Yêu lắm Trảng Bàng quê tui thì năn nỉ ỉ ôi xin đừng có bỏ sót cái quê của ổng nha, nên đề nghị mấy quan đặt tên đường "Bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc" hoặc đường "Bánh canh Trảng Bàng" để ổng nhớ quê của ổng.

Tuy nhiên có ông lại không chịu nên nói rằng: đặt tên theo các loại đặc sản tiêu biểu cũng chỉ làm tăng thêm bệnh đau bao tử vì ăn nhiều quá mấy ông ơi!

Có ông quan lớn, chắc cỡ nhứt phẩm triều đình, thiệt là nghiêm túc, chen vô: “Nên lấy tên mấy bà mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, những người có công đối với đất nước mà đặt. Cuộc xâm chiếm miền Nam từ phương Bắc làm đất nước ta có hàng triệu liệt sĩ, hàng chục nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Các liệt sĩ, các mẹ ở địa phương nào thì lấy tên họ ra đặt cho địa phương đó. Chức vụ cao thì đặt tên cho đường lớn, chức vụ nhỏ thì đặt tên cho đường nhỏ, còn cấp thấp thì đặt tên hẻm?! Xài tới Tết Congo! Xài làm sao hết, nên nếu thằng Mỹ, thằng Tàu, thằng Nga mà muốn, ta sẽ tặng miễn phí luôn cho tụi nó; để tụi nó biết nước ta giàu…!

Còn có ông không xin đặt tên đường gì ráo trọi mà chỉ xin, tha thiết xin, thống thiết xin: Tên đường gì cũng được, miễn đừng có tên "Đường xuống âm phủ" là OK!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Ngọn Đèn ‘Qunu’ Cháy Mãi Chẳng Lụi Tàn!

dxt_jul7_NelsonM.jpg dxt_jul7_2.jpg

Nói tới Nelson Mandela là phải nói tới Apartheid!

Nhưng Apartheid là gì? Apartheid, tiếng Hòa Lan, có nghĩa là phân biệt chủng tộc. Chính quyền thiểu số da trắng nước Nam Phi đã phân biệt, tách dân tộc nước mình ra thành nhiều nhóm khác nhau: nhóm dân da trắng, nhóm dân da đen, nhóm dân châu Á và nhóm dân da màu (dân lai). Phân biệt chủng tộc để nhằm mục đích xác lập và củng cố quyền uy của người da trắng đối với các chủng tộc khác.

Quốc hội chỉ dành riêng cho người da trắng.Người dân da đen không có quyền bầu cử, ứng cử.

Người dân da đen và người lai phải sống riêng, không được ở chung hoặc lai vãng đến những nơi có người da trắng. Hôn nhân giữa người da trắng và người da đen bị cấm. 

Người dân da đen phải học riêng. Các trường học của người da trắng không nhận người da đen, da màu.

Có công việc chỉ đặc biệt dành riêng cho người da trắng, những nhóm khác không được làm. Người dân da đen không được quyền đình công.

Năm 1910, nhóm dân da trắng thiểu số chiếm tới 80% đất đai. Nhóm dân da đen chiếm 75% dân số mà chỉ có 13% đất đai.

Năm 1912, Đại Hội Dân Tộc Châu Phi (ANC) được thành lập nhằm chống lại  chính sách phân biệt chủng tộc hà khắc đó với tuyên ngôn là: “Nam Phi thuộc về tất cả những người sống trên mảnh đất này, cả người da đen và người da trắng” .

ANC tiến hành cuộc đấu tranh trường kỳ đòi bãi bỏ luật Apartheid

Từ năm 1960 đến giữa những năm 1970, chính phủ còn đưa người da đen tới những vùng kinh tế mới, tạo nên những làng quê bị bần cùng hóa -  những khu vực “hạng hai”.

Dĩ nhiên không thể cam chịu những bất công khắc nghiệt đó, những người bị áp bức đã vùng lên chống lại: bằng biểu tình, bằng đình công, bằng bãi thị…

Các nhà văn có lương tâm cầm bút, cho dù là da trắng như Gerald Gordon cũng tham gia vào.

Nhà văn, Chủ Tịch Văn Bút Nam Phi, Gerald Gordon sinh ngày 19.01.1909, tại Kimberley, Cộng hòa Nam Phi. Ông cũng là luật sư, từng bào chữa thành công nhiều vụ án, giành quyền bình đẳng cho người da đen. Ông mất năm 1998, thọ 89 tuổi.

Và để lại cho đời một trong những tác phẩm được cho là hay nhất, vẽ ra toàn bộ thảm trạng của đất nước Nam Phi dưới chánh sách phân biệt chủng tộc tàn bạo, vô luân là tiểu thuyết: “Hãy để cho ngày ấy lụi tàn” (Let the day perish)

Chuyện rằng: Mary, da màu, yêu và lấy chồng da trắng. Mary có hai người con. Con đầu là Anthony, da trắng giống cha, thông minh, tuấn tú, được học ở trường của người da trắng. Em là Steve, da đen giống mẹ.

Lớn lên, Anthony trở thành một luật sư nổi tiếng trong xã hội da trắng. Anh chối bỏ cội nguồn, xa lánh tất cả cha mẹ, em ruột và họ hàng.

Mary tự tử khi có thai lần thứ ba vì sợ đẻ con ra, nó lại phải chịu số phận cay nghiệt như hai đứa anh mình. Vì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, gia đình Mary tan nát: vợ chết, chồng tìm quên trong men rượu rồi chết trong cơn say, để lại hai đứa con bất hạnh.

Biến cố xảy ra khi một người da trắng đến nhà Anthony để đánh ghen. Lúc ấy, em trai Steve đang ở trong nhà. Vì không muốn lộ nguồn gốc, Anthony đã ngộ sát người luật sư da trắng nầy.

Ra Tòa, vì để chứng minh mình vô tội, Anthony phải tiết lộ mình là dân da màu, cha trắng, mẹ đen. Rồi đau đớn nhận ra lâu nay mình chỉ là kẻ giả dối, sống nơm nớp như cá nằm trên thớt, sợ những người da trắng biết được mình có mẹ là da đen.

Cuộc sống như vậy có còn ý nghĩa gì? Anthoney hiểu ra mình quá hèn yếu; trong khi Steve, em mình, lại sống bất khuất, tích cực làm báo chống phân biệt chủng tộc.

Anthony nói: “Chúng tôi đã bị đem ra xử án từ lâu. Phiên toàn đó đã diễn ra từ trước khi chúng tôi ra đời. Chúng tôi bị xử án vì những hành động của tổ tiên chúng tôi, bị kết tội và bị kết án phải sống trong một thế giới đầy thiên kiến về màu da. Cho dù giờ đây các ngài có tha bổng cho tôi, bản án đó vẫn còn hiệu lực. Nó vẫn còn hiệu lực cho đến khi cuộc sống dưới trần thế của chúng tôi chấm dứt"

Đất nước Nam Phi mà tệ nạn phân biệt chủng tộc đã ngấm vào tâm can, vào máu của biết bao thế hệ! Không chỉ người da trắng khinh miệt người da đen, mà chính người da đen cũng tự ghê tởm, chối bỏ nguồn cội của mình. Đó là bi kịch do chánh sách phân biệt chủng tộc tạo ra kéo dài hằng thế kỷ!

Còn Nelson Rolihlahla Mandela thì khác. Ông không hề muốn chối bỏ nguồn cội của mình. Ông chào đời ở một làng quê, Qunu, thuộc Mveso, Transkei của đất nước Nam Phi vào ngày 18 tháng 7 năm 1918. 

Cái làng nhỏ Qunu nằm trong một thung lũng đồng cỏ dọc theo dòng sông Mbashe. Không có đường xá chỉ có lối mòn. Dân làng sống trong những túp lều tồi tàn. Thực phẩm thì thiếu thốn! Chỉ có ngô, lúa miến, bí và đậu. Nhưng gia đình ráng sức cho ông đi học và là người con duy nhứt trong gia đình được đi học. Thầy giáo đặt tên ông là Nelson cho dễ gọi.

Thời thơ ấu, Mandela được ông bà kể lại là: trước khi người da trắng đến, những người da đen sống trong hòa bình, thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Nhưng người da trắng đến, đã chia rẽ họ, làm tan vỡ nghĩa đồng bào để cướp đất đai của họ, cướp đi tất cả, kể cả không khí làm cho họ ngợp thở, sống thoi thóp trong hoàn cảnh đọa đày!

Lớn lên, Mandela theo học trường Đại Học Fort Hare và Witwatersrand rồi tốt nghiệp ngành luật năm 1942. Năm 1944, ông gia nhập Quốc Dân Đại Hội Châu Phi (the African National Congress) gọi tắt là ANC.

Suốt hai mươi năm đầu, Mandela tranh đấu một cách hòa bình, không bạo động để chống lại tệ phân biệt chủng tộc, đòi hỏi mọi người dân Nam Phi phải được có đầy đủ quyền công dân, đòi phân chia lại đất đai một cách công bằng, đòi quyền thành lập nghiệp đoàn, đòi quyền được hưởng một nền giáo dục cưỡng bách và miễn phí cho tất cả trẻ em bằng cách dùng những biện pháp như tẩy chay, đình công, bất tuân dân sự (civil disobedience) và bất hợp tác.

Ông cũng lập ra công ty luật bào chữa miễn phí cho những người da đen.

Sau khi ANC bị cấm hoạt động vào năm 1960. Năm 1961, ông nhận thấy phương pháp bất bạo động không mang lại kết quả, ông nghiêng về biện pháp vũ trang, dùng vũ lực!

Năm 1962, ông bị bắt, bị kết án 5 năm tù lao động khổ sai. Năm 1963, cùng với nhiều lãnh tụ khác của ANC, Mandela bị truy tố về tội âm mưu dùng vũ lực để lật đổ chính quyền. Lời biện hộ trước Tòa của ông đã được công luận toàn thế giới quan tâm đến.

Ngày 12 tháng 6 năm 1964, ông bị xử chung thân, bị nhốt và phải lao động khổ sai ở một mỏ vôi thuộc nhà tù đảo Robben ngoài khơi Cape Town.

Ở nhà tù nầy, tù chính trị bị giam giữ riêng biệt với tù thường phạm. Tù chính trị bị đối xử khắc nghiệt hơn. Ông thuộc tù nhân da đen, nhóm D (hạng thấp nhất). Sáu tháng mới được thăm nuôi một lần và nhận phần ăn ít nhất. Ăn uống kham khổ, làm việc khổ sai đã làm ông mắc bệnh lao nhưng vẫn ráng học hàm thụ, qua thơ tín, để lấy được Cử Nhân Luật của trường Đại Học Luân Đôn.

Năm 1969, chính phủ Nam Phi đã âm mưu tổ chức cho Mandela một cuộc vượt ngục để có cớ mà bắn ông. Nhưng kế hoạch bỉ ổi đó không thành!

Mười tám năm sau, tháng 3 năm 1982,  ông bị giải tới nhà tù Pollsmoor trên  đất liền, để tách rời ảnh hưởng của ông đối với những tù nhân chính trị khác. Vì nhà tù Robben này được những nhà tranh đấu gọi là ‘Trường Đại Học Mandela!’

Năm 1985, Tổng Thống P.W. Botha, chiêu dụ, hứa phóng thích với điều kiện Mandela từ bỏ đấu tranh vũ trang nhưng ông thẳng thừng từ chối.

Trong những năm tù ngục, tiếng tăm Nelson dần dần vang dội ra khỏi nước. Nhân loại xem ông là một lãnh tụ da đen của Nam Phi và là biểu tượng của phong trào chống lại chánh sách phân biệt chủng tộc do ông từ chối thỏa hiệp với nhà cầm quyền là ngừng tranh đấu để đổi lấy tự do cho chính bản thân mình.

Ngày 11 tháng 2 năm 1990, sau 27 năm tù, ông được phóng thích, ra khỏi nhà tù Victor Verster ở Paarl vào ngày 11 tháng 2 năm 1990. Sự kiện này được phát hình trực tiếp trên toàn thế giới.

Ông vẫn tiếp tục theo con đường đấu tranh chống chánh sách phân biệt chủng tộc mà ông đã từng theo đuổi suốt 40 năm dài.

Năm 1991, ANC được phép hoạt động trở lại và Mandela được bầu là Chủ Tịch Đảng. Năm 1993 ông đoạt giải Nobel Hòa Bình.

Năm 1994, Nelson Mandela được bầu làm tổng thống nước Cộng Hòa Nam Phi lúc đã 77 tuổi. Tất cả các luật lệ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi đều được hủy bỏ.

Không tham quyền cố vị, Mandela chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ.

Ông từng chỉ trích Robert Mugabe, Tổng Thống Zimbabwe, cũng hoạt động vì tự do quốc gia; nhưng sau khi thành công thì lại bám chặt vào quyền lực để trở thành độc tài và tham nhũng!

Barack Obama, vị Tổng Thống da màu đầu tiên của Mỹ, so sánh Mandela với  George Washington. “Vị Tổng Thống đầu tiên của nước Mỹ, được khâm phục vì ông chỉ phục vụ hai nhiệm kỳ dù lúc đó không hề có giới hạn. Ông trở lại đời thường. Đến lúc dành cho người khác và đó mới là dân chủ!”

Ông Obama xưng tụng Mandela là anh hùng của cả thế giới. Và Mandela cũng được so sánh với Abraham Lincoln, Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ, vì đã giải phóng người da đen khỏi ách nô lệ!

Trong quyển tự truyện xuất bản năm 1994, bí mật viết trong tù: ‘A long walk to freedom’: ‘Con đường dài mới tới tự do’, Mandela viết:

“Tôi chiến đấu chống tệ phân biệt chủng tộc suốt cả đời tôi. Tôi không muốn người da trắng hoặc người da đen thống trị. Tôi chỉ muốn xây dựng một đất nước Nam Phi mà tất cả người dân bất luận đen hay trắng đều có quyền sống bình đẳng như nhau. Và tôi sẵn sàng hy sinh cả mạng sống của mình vì lý tưởng đó!”

“Để thực hiện được điều nầy thì giáo dục là vũ khí hiệu lực nhứt để chúng ta thay đổi toàn thế giới. Một cái đầu thông minh, một trái tim nhân hậu cộng với sự quyết tâm là chúng ta làm được tất cả ngay những điều tưởng chừng không thể!”

“Chúng ta phải can đảm. Can đảm không phải là không sợ hãi mà là chiến thắng sự sợ hãi. Và khi đã đạt được tự do, tự do không chỉ đơn giản là bức tung xiềng xích mà còn phải tôn trọng tự do của người khác nữa!”

“Vì con người sinh ra là để yêu thương nhau chớ không phải để căm thù người khác vì màu da, vì giai cấp xã hội hay vì tôn giáo khác nhau!”

Và khi được trả tự do, Mandela nói:  “Bước ra khỏi nhà tù nầy để được tự do, tôi đã bỏ lại sự căm thù, cay đắng mà tôi phải chịu ở lại sau lưng!”

Lên cầm quyền, ông kêu gọi  các nước giàu hãy giúp đở nước nghèo. Người giàu hãy giúp đở người nghèo. Vì theo ông hành động giúp kẻ khốn cùng vượt qua đói khát không phải là làm từ thiện mà là một hành động công bằng. Vì chính nhân loại đã tạo ra sự nghèo khổ nên chính nhân loại phải cùng nhau giải quyết vấn đề!

Tháng 6 năm 2004, chánh thức về hưu, tóc ông bạc trắng, phải chống gậy đi từng bước một; và dù bị chứng mất trí nhớ của người già, nụ cười vẫn luôn nở trên môi! Ông trở về làng quê cũ ‘Qunu’, tỉnh Eastern Cape, cách Pretoria khoảng 1.000km.

Và trong di chúc viết vào tháng giêng năm 1996 lúc còn làm Tổng Thống, Mandela ước nguyện khi mất sẽ được chôn cất ở quê nhà gần ba người con đã mất của ông; mà Makgatho, một trong những người con, năm 2005, đã chết vì bệnh liệt kháng, làm ông hối hận là mình đã không làm đủ để chống lại cơn đại dịch nầy trên đất nước Nam Phi yêu dấu của ông cũng như trên toàn thế giới.

Ngày 8 tháng 6 năm 2013, ông được đưa tới một bệnh viện ở Pretoria vì nhiễm trùng phổi. Ông đang  ở trong tình trạng nguy kịch!

Ông Mandela 94 tuổi rồi thì trước sau gì, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải vĩnh biệt ông! Dù phải vĩnh biệt Nelson Mandela đi nữa thì ngọn đèn ‘Qunu’ sẽ cháy mãi chẳng lụi tàn!

đoàn xuân thu

melbourne

“Chào Em! Đệ Nhứt Tình Nhơn”

“Bye bye! Timothy Mathieson”

dxt_jun26_1.jpg

Nguồn: http://t.co/Uvbj46Lice

Cuộc đảo chánh đã thành công! Không có súng ống, xe tăng, thiết giáp nổ ‘bùm bùm’, ‘chéo chéo’. Không có người chết hay giới nghiêm gì hết. Chỉ có ‘hu hu’ của người thua. Và ‘ha ha’ của người vừa thắng cuộc. Kẻ thắng thì khen người thua? Người thua thì chúc mừng người thắng? Dù trong bụng giận lắm à nha?!

Kevin Rudd quay trở lại sau 3 năm 3 ngày khi bị Julia Gillard lật đổ.

Hôm qua, nghe ‘cha’ nào xúi bậy, Julia Gillard lên truyền hình đan áo cho con Hoàng Tử William và Công nương Kate Middleton dù hoàng tử hay công chúa nầy chưa ‘tọt’ ra đời? Người viết vốn tin dị đoan, than thầm: Thôi rồi! Đang làm Thủ Tướng Úc mà về nhà đang áo cho em bé! Điềm gở thế nào cũng về nhà mà đan cho nó đã… ‘Cha’ nào đạo diễn tuồng nầy cho ‘người’ diễn nhằm kiếm phiếu mấy bà má Aussie, gốc mẫu quốc Anh Cát Lợi.. thiệt là…đáng ‘quánh’ trăm roi!

Còn Kevin Rudd trở lại, mình sẽ nghe ‘chửi thề’ dài dài! Vì chửi thề là một tật ‘đáng yêu’ và cực kỳ khó bỏ! Ha ha!

Số phiếu bầu của các nhà lập pháp, Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu Đảng Lao Động là 57 cho Kevin Rudd và 45 cho Julia Gillard. Chỉ cần 52 phiếu là đậu!

Julia Gillard thua, mất chức Thủ Tướng và cũng từ giã chính trường luôn! Vì đã hứa: Nếu thua, sẽ không tiếp tục ra ứng cữ dân biểu lần tới!

Cùng giũ áo ra đi với Bà ‘thuyền trưởng’ là những Bộ Trưởng cao cấp trong nội các. Chìm xuồng rồi mạnh ai nấy lội!

Theo Malcolm Farr của news.com.au  thì: Lội theo Bà Thủ Tướng đầu tiên của nước Úc có:

1. Bộ Trưởng Bộ Ngân Khố (Treasurer) Wayne Swan.

2. Bộ Trưởng  Bộ Truyền Thông (Communications Minister) Stephen Conroy.

3. Bộ Trưởng Bộ Biến Đổi Khí Hậu (Climate Change) Greg Combet.

4. Bộ Trưởng Bộ Thương Mại (Trade Minister) Craig Emerson.

5. Bộ Trưởng Bộ Nông Nghiệp (Agriculture Minister) Joe Ludwig.

6. Bộ Trưởng Bộ Phụ Trách Trường Học ( Schools Minister) Peter Garrett.

Ngoài ra còn có Bộ Trưởng Bộ Định Cư (Immigration Minister) Brendan O'Connor và Bộ Trưởng Bộ Thể Thao (Sports Minister)  Kate Lundy cũng ra đi!

Dù Kevin Rudd đã hứa là sẽ không báo thù, sẽ không có cái vụ “ông đá tui, tui đá lại ông!’ Vì hành động nhỏ nhen như vậy là thuộc về nền chánh trị kiểu xưa rồi Diễm?!

Cuộc họp kín của Đảng Lao Động (Labor Party caucus) cũng đã bầu Anthony Albanese làm Phó Lãnh Tụ, người được 61 phiếu, thắng Simon Crean, người chỉ được 38 phiếu.

Penny Wong sẽ thay Conroy làm Lãnh Tụ Đảng ở Thượng Viện và Jacinta Collins làm Phó Lãnh Tụ Đảng ở Thượng Viện.

Cựu Bộ Trưởng Chris Bowen, phước lại trùng lai, sẽ quay từ hàng ghế sau trở lại nắm Bộ Ngân Khố!

Dĩ nhiên phe Liên Đảng đối lập của ‘mông xừ’ Tony Abbott sẽ tiến hành chiến dịch tấn công ‘mông xừ’ Kevin Rudd, võ sĩ vừa mới trở lại võ đài, sẽ ‘chọc quê’ ông, là nói dóc, là hỏng chịu giữ lời, bằng cách dựa vào lời tuyên bố của ông Rudd vào ngày 22 tháng 3 năm 2013:

“Dù bất cứ hoàn cảnh nào, tôi cũng sẽ không trở lại làm lãnh tụ trong tương lai”

"There are no circumstances whatsoever under which I'd return to the leadership in future".

Nhưng chính trị mà! Cờ tới tay ‘ngu sao mà không phất’? Chỉ cần nói: “Vì hàng chục ngàn người dân Úc bình thường yêu cầu tôi trở lại? Vì tiếng nói của nhân dân có ảnh hưởng rất lớn đối với tui nha! Vân vân và vân vân!”

Ha ha! Nói xuôi cũng được; nói ngược cũng xong!

Những người dân Úc thòi lòi, bình dân bịnh viện như người viết cũng hào hứng theo dõi tấn tuồng chính trị hỉ nộ ái ố nầy chơi cho đở buồn mấy hôm nay! Vì quốc hội chỉ còn họp hai ngày nữa là nghỉ; để quý ông bà ‘dân biểu’ đi vận động tranh cử, đi ‘biểu dân’ bầu cho mình một lần nữa vào ngày 14 tháng 9 năm 2013.

Lần nầy thay chủ đổi ngôi có thể bầu cử sẽ làm sớm hơn vào đầu tháng 8 cũng hỏng biết chừng?

Trên đài truyền hình quốc gia ABC báo: Lúc 7 giờ tối 26 tháng 6 năm 2013 sẽ bầu lại lãnh tụ Đảng Lao Động.

6 giờ 30, chỉ 30 phút trước giờ bỏ phiếu, Bill Shorten (Employment Minister) Bộ Trưởng Bộ Nhân Dụng họp báo: “ Cũng vì nước, cũng vì dân, cũng vì đảng, tui thôi ‘ủng hộ’ Julia Gillard mà đổi qua ‘ẵm hộ’ Kevin Rudd”. Vậy là xong!

Cách đây 3 năm 3 ngày, cũng Bill Shorten đưa “ông nầy xuống, bà nầy lên!”. Bây giờ thì lại “ông nầy lên, bà nầy xuống”.

Báo chí Úc gọi Bill Shorten là người ‘nặn ra vua’!

Thói đời là vậy! Trong chính trường làm gì có bạn trăm năm đâu mà nhờ, mà cậy, mà tin tưởng lúc tối lửa tắt đèn. Mà lỡ có tắt đèn là cho em tối thui luôn!

Nhưng ‘chơi’ là chấp nhận thương đau! Đời chính trị chỉ là một ván xì phé. Hai bên tố cạn láng! Được ăn cả ngã về không! Được làm Thủ Tướng; còn thua thì mất luôn ghế ‘Dân Biểu’ như ‘mông xừ’ John Howard, cựu Thủ Tướng Úc của Liên Đảng năm 2007 vậy thôi! Chớ hỏng có chơi kiểu ăn gian ‘được làm vua mà thua làm giặc’ như mấy Chú Ba trong lịch sử Trung Quốc.

Cũng như Cao Tần nói là: “ Láng đời chót đã tan trên chiếu bạc! Thì sá gì thêm một chuyến ra khơi!”

Quý bạn đọc cũng như người viết, thua thì phải ra khơi! Ở lại nó ‘đì’ làm sao mà sống?

Còn Julia Gillard thua thì chắc cũng về nhà, tay trong tay với đệ nhứt tình nhơn Timothy Mathieson mà đi du hí… để bỏ những ngày em, anh xa vắng? Tiền bạc hả? Khoe re! Tiền hưu trí, bạc triệu đô, cả đống! Xài sao hết?!

Thiệt tình, người viết thấy ai làm Thủ Tướng cũng vậy thôi! Mình cũng cày tuần 5 ngày, ngày 8 tiếng,  cơm ngày ba bữa và đóng thuế đều chi…để nuôi mấy ‘giả’ vô quốc hội mà ‘chửi lộn’? Làm thường dân xứ Úc, không lên voi xuống chó gì hết! Cỡi Kangaroo tà tà chơi! Khỏi có âu với sầu chi cho nó mệt?!

Chỉ thương Tim, ‘đệ nhứt tình nhơn’! Hôm qua còn ‘quá giang’ máy bay của Không Quân Hoàng Gia Úc Đại Lợi, tháp tùng em yêu, đi ngoại quốc miễn phí thì hôm nay lại phải Ma rốc, móc ra, trả tiền như ‘tui’ vậy thôi.

Giấc kê vàng sực tỉnh! Giấc Nam Kha khéo bất bình! Bừng con mắt dậy thấy mình tay không? He he!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Những kẻ khốn cùng!

dxt_jun22_1.jpg

1.Kính thưa quý độc giả thân mến!

Bức hình trên làm chúng ta nhỏ lệ!

Trong cái đổ nát, tan tành là hình ảnh một thanh niên ôm một thiếu nữ trong vòng tay. Cả hai đều đã chết. Có vệt máu từ tuyến lệ chảy ra, in hằn trên khuôn mặt thống khổ của những kẻ khốn cùng đẫm đầy bụi cát. Trước khi chết, chắc họ đã có một thời gian dài hấp hối, đớn đau?

Hình ảnh nầy được một phóng viên nhiếp ảnh ghi lại trong thảm kịch kinh hoàng nhất của nền công nghiệp may quần áo ở Bangladesh, Đông Hồi.

Xưởng may Rana Plaza ngoại ô thủ đô Dhaka của Bangladesh đổ sập tan tành thành đống gạch vụn vào ngày 1 tháng 4 năm 2013. Hơn 1.129 người chết, nhiều công nhân khác, tuy còn sống sót,  nhưng lại phải chịu cụt tay hoặc cụt chân!

Khi tòa nhà cao 8 tầng sụp đổ, những người cứu hộ vội vã đến để đào bới đống gạch vụn, hy vọng còn tìm được người sống sót. Nhưng những nhân viên cứu cấp nầy không hề có kỹ năng nào về phẫu thuật, về cưa chân, cắt tay và không có cả thuốc mê! Đành phải dùng dao chặt thịt hay ngay cả cưa sắt để xẻ thịt, cắt xương hầu đem những người bị thương còn mắc kẹt ra ngoài cấp cứu.

Cô Rikta, 27 tuổi, đang làm việc ở tầng 3, bị cưa tay phải. Cô Noor, 25 tuổi, đang làm ở tầng 6, thì bị cưa chân phải. Cô Laboni, 21 tuổi, đang làm ở tầng 4, cánh tay trái bị cắt rời mới đem được cô ra khỏi đống gạch vụn 36 tiếng đồng sau khi tòa nhà sụp đổ.

Chủ nghĩa tư bản hoang dã rừng rú, chủ nhân bóc lột tận xương tủy công nhân mà không hề tỏ ra một chút gì thương tiếc vẫn đã, đang và sẽ còn tiếp tục hoành hành trên đất nước Đông Hồi nghèo khổ nầy. Một đất nước chìm trong tham nhũng và bất công. Tiền là tất cả, là mục đích cuối cùng phải đạt đến bằng bất cứ giá nào cho dù phải mất đi hàng ngàn sinh mạng những người cùng khốn.

Tình cảnh công nhân Bangladesh cũng giống hệt, giống y chang như ở Trung Quốc hay ở Việt Nam hiện nay!

dxt_jun21_2.jpg2. Còn bức hình thứ hai đưa chúng ta về lại đất nước Sudan một thời chìm trong nội chiến vì cái tội có quá nhiều dầu hỏa?

Đàn ông, người lớn đi bắn nhau để kiếm cơm. Còn trẻ con và đàn bà thì ở nhà mà chết đói!

Trong khi chúng ta, những người may mắn ở Úc, ở Mỹ thừa dinh dưỡng, hằng năm quẳng vào thùng rác cả hàng tỷ mỹ kim tiền thực phẩm! Có cái còn chưa khui, chưa hề được đụng tới. Thì ở đất nước Châu Phi đó người ta, dẫu không cùng màu da chủng tộc với chúng ta nhưng cũng là nhân loại, lại đang chết dần, chết mòn vì đói khổ?!

Chúng ta chạy vòng vòng vì chúng ta sợ mập! Em nhỏ Sudan lết đi tìm một miếng ăn! Còn cái con kên kên, loài quái điểu thích ăn xác chết, đang kiên nhẫn chờ em...gục chết. Nhà nhiếp ảnh nhìn em...tay bấm máy...Thế giới gì tàn nhẫn vậy Chúa ơi?

Bức hình Kevin Carter chụp là một em bé không biết gái hay trai, kiệt sức vì đói, đang cố gắng bò, lết đến nơi phân phối thực phẩm cứu trợ. Sau lưng em là một con kên kên đang đứng đợi. Kên kên là loài chim ăn thịt và ăn xác chết. Kên kên ít khi tấn công một con thú khỏe mạnh nhưng có thể giết chết những con bị thương hay bị bệnh. Chắc nó đánh hơi được mùi tử khí quanh đây?

Ngược lại với nhiều loài chim săn mồi khác, trong văn hóa phương Tây, kên kên thường bị coi là đáng ghê tởm do nó gắn liền với cái chết. Một số nhà báo trong nước bây giờ chuyên viết tin giật gân, tìm kiếm các tin tức về các vụ phạm tội đẫm máu, đôi khi cũng bị gọi là nhà báo "kên kên". Các nhà đầu tư tài chính tìm kiếm các công ty hay các quốc gia đang mắc nợ để mua các loại chứng khoán ở giá thấp cũng được gọi là các nhà đầu tư ‘kên kên’. Các luật sư thu lợi từ cái chết, chẳng hạn thừa kế, ngộ sát hay các luật sư trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cũng có thể bị gọi là luật sư "kên kên".

Tấm hình nầy nhanh chóng trở thành một biểu tượng thống khổ khôn cùng và vô cùng tuyệt vọng của Lục Địa Châu Phi. Nó làm cho cả thế giới phải sụt sùi rơi lệ!

Kevin Carter sanh ngày 13 tháng 9 năm 1960 tại Johannesburg trong một gia đình trung lưu da trắng thời đất nước Nam Phi yêu dấu của ông vẫn còn chìm đắm trong tệ ‘phân biệt chủng tộc’, chủ nghĩa Apartheid.

Hồi niên thiếu, thỉnh thoảng Kevin nhìn thấy các cuộc tấn công của cảnh sát để bắt giữ người da đen bất hợp pháp, những người đã sống trong khu vực.

Tốt nghiệp trung học, bỏ dở đại học Dược Khoa, ông gia nhập không quân. Năm 1980, chứng kiến một người bồi bàn da đen bị sỉ nhục,  Kevin Carter đã đứng lên bảo vệ nạn nhân. Kết quả là ông bị các bạn đồng ngũ da trắng đập cho một trận tơi bời!

Rời quân đội và sau khi chứng kiến các vụ đánh bom ở Church Street, Pretoria, ông quyết định trở thành phóng viên nhiếp ảnh cho tờ The Star năm 1983. Những bức ảnh đăng báo của ông hướng vào việc phơi bày sự tàn bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trên đất nước Nam Phi.

Kevin Carter đoạt nhiều giải thưởng của Nam Phi và là thành viên của Bang Bang Club. Sau đó, Kevin làm cho tờ The Sunday Tribune, The Daily Mail 1990; rồi làm việc toàn thời cho hãng thông tấn Reuters.

Vào tháng Ba năm 1993, trong một chuyến đi đến Sudan, Kevin Carter đã chụp được tấm ảnh nầy. Tấm ảnh được bán cho tờ New York Times và xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 26 tháng 3 năm 1993.  Sau đó nó được nhiều tờ báo khác trên thế giới đăng lại.

Thư độc giả tới tấp về tòa soạn hỏi về số phận của em bé đó ra sao? Độc giả còn hỏi là Kevin Carter có làm gì để giúp đỡ em không?

Tòa soạn trả lời là không biết em bé khốn cùng đó có bò, có lết đến được Trung Tâm cứu trợ thực phẩm hay không nữa?

Năm 1994, bức ảnh đoạt giải Pulitzer. Giải Pulitzer là một giải thưởng của Mỹ, trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là về báo chí và văn học. Đặc biệt về báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất.

Phóng viên nhiếp ảnh Kevin Carter đã đạt tới đỉnh vinh quang!

Sau nầy, trong một cuộc phỏng vấn của giới truyền thông, Kevin thuật lại là: Ông thấy một con kên kên hạ cánh phía sau em bé. Kevin bò đến rất chậm để không làm con kên kên sợ hãi bay đi! Và ảnh được chụp từ khoảng cách độ10 mét. Chụp xong thì Kevin đuổi con kên kên bay đi. Sau đó ông làm gì? Kevin ngồi xuống dưới một tàng cây, châm một điếu thuốc rồi khóc nức nở!

Hình ảnh bi thảm đó ghim vào tâm trí ông. Bức ảnh đó đưa ông tới vinh quang nhưng nó cũng đưa ông chìm sâu trong trầm cảm và tuyệt vọng.

Ông trở về dòng sông thuở nhỏ thời thơ ấu. Dòng sông chảy xuyên qua khu ngoại ô phía bắc Johannesburg. Mặc chiếc quần jean lâu ngày không giặt và chiếc áo T- shirt. Kevin đã dùng một vòi nước tưới cây, nối nó vào ống xả khói của xe hơi, rồi đề máy, nằm ngã đầu trên ghế xe, nghe nhạc bằng cái Walkman và không bao giờ dậy nữa.

Trong bức thơ tuyệt mệnh: “Tôi chìm trong tuyệt vọng. Không điện thoại! Tiền nhà, tiền nuôi con… Tôi chìm trong những hình ảnh kinh hoàng năm cũ.  Sát nhân, xác người!  Cuồng nộ, đau đớn! Trẻ con bị thương, chết đói! Những thằng điên lấy chuyện giết người để được làm vui! Cảnh sát, những tên đao phủ!”

“Thôi! Tôi đi gặp Ken đây! (Ken Oosterbroek (1963-1994) người bạn cũ, phóng viên nhiếp ảnh đã bị bắn chết ngày 18 tháng 4 năm 1994!)

Kevin Carter mất ngày 27 tháng 7 năm 1994 ở tuổi 33, bỏ lại con gái vừa lên sáu, cha mẹ già và hai chị em gái.

Câu chuyện đời ông được dựng thành phim năm 2010, The Bang-Bang Club và tài tử Taylor Kitsch đã thủ vai Kevin Carter.

dxt_jun21_3.jpg3. Đó là cuộc đời của một phóng viên nhiếp ảnh chuyên nghiệp đã đạt được tột đỉnh vinh quang; rồi kết cục lại là bi kịch!

Còn hình ảnh dưới đây lại được chụp bởi một phóng viên nhiếp ảnh Việt Nam chưa được nổi danh lắm; dù vậy tác phẩm cũng đủ làm chúng ta tuôn rơi nước mắt! Vì đồng bào của mình đây mà!

Hình ảnh bi thảm đó và câu chuyện: Chó và người!

Khoảng 5 giờ sáng, ngày 10 tháng 6 năm 2013, một số người dân ở xóm 3, xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An thấy hai tên trộm chó với một túi đồ nghề đang ôm một con chó bỏ chạy. Thấy vậy mọi người đã hô hoán nhau đuổi bắt hai người này. Chạy được một đoạn, cả hai bị ngã xe, dân làng quây đến đánh, chiếc xe gắn máy cũng bị đốt ngay sau đó.

Đó là hai anh em ruột: Nguyễn Trọng Hóa và Nguyễn Trọng Minh ở xóm 1, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Hóa đã bị đánh đến chết. Minh thì bị thương nặng!

Không còn từ nào khác hơn để diễn tả chuyện nầy là: “man rợ”

Trong ảnh là một thiếu phụ còn rất trẻ. Mặc chiếc áo màu, bông nhỏ đang ôm người chồng, mình ở trần, nằm úp mặt xuống, bị thương nặng sau khi bị cả làng ùa ra đánh hội đồng một cách dã man vì ăn trộm chó.

Khuôn mặt, ánh mắt người thiếu phụ đó ám ảnh để tôi có bài viết nầy. Xung quanh người con gái đó là những bàn chân của cả ngàn dân làng mà trước đây chẳng bao lâu đã bằng gậy gộc, đập túi bụi cho hai người ngã xuống rồi giẫm đạp một cách điên cuồng và giết chết người anh mà xác đẫm đầy những máu vẫn còn nằm sóng soài trên mặt đất, trong sự hả hê của một đám đông cuồng loạn. Những tay thủ ác đó còn ngăn, cản không cho xe chở người em đi cấp cứu.

Ánh mắt đó nói gì? Ánh mắt đó nói rằng: “Chồng con có ăn trộm chó nhưng ảnh cũng là đồng bào của mình mà! Làng nước ơi! Sao đến nông nỗi nầy?”

Tình làng nghĩa xóm. Lòng nhân hậu đã biến mất đi đâu để cả một bọn người, bầy đàng xúm vào ‘hành hình’ một người nghèo đi ăn trộm chó. Có phải dân tộc mình đang ở thế kỷ 21 hay vẫn còn chìm đắm trong hỗn mang thời trung cổ? Vậy mà có rất đông người nhẫn tâm bình luận: “Chết như vậy là đáng đời rồi! Ai biểu đi ăn trộm chó làm chi?”

Thì thôi! Chắc không còn gì để nói nữa? Một đất nước đang trên hồi tan rã phải không? Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu!

đoàn xuân thu.

melbourne

Từ vợ kiểng tới vợ cọp!

dxt_Jun17_1.jpgdxt_Jun17_2.jpg

Trong buổi điều trần tại Quốc Hội Anh, ngày 19 tháng 7 năm 2011, về cái vụ nghe lén điện thoại của tờ News of the World, Luân Đôn, có một người xông vào biểu tình, phản đối bằnh cách ném một cái bánh làm bằng kem cạo râu vào mặt Rupert Murdoch, vì vua không ngai của đế chế truyền thông thế giới!

Ông lão 82 tuổi nầy đớ người ra vì tuổi già bóng xế chiều hôm. Già là chậm. Cậu con trai, Lachland, còn trẻ, khỏe, nhạy hơn, vội giơ tay ra, ngăn lại. Người vợ yêu của ông lão thì lẹ hơn nhiều. Đang ngồi phía sau lưng chàng và vốn là một danh thủ bóng chuyền từng đoạt giải quán quân thời trung học, em đã quơ tay phải, đập một cú như trời giáng vào mặt cái thằng dám hỗn láo với chồng tui. Tui hỗn thì được!

Cú đập ‘đìa rét’ này hỏng biết có làm cái bản mặt dài như mặt ngựa biến thành tròn quay như quả bóng chuyền hay không?  Nhưng cú đập này nổ cái bốp, rào rào trên Youtube làm em nổi như cồn!

Bà con xưng tặng em hỗn danh rất thân thương là: ‘Vợ Cọp’. Chữ ‘Vợ Cọp’ mà người viết dịch từ chữ ‘Tiger Wife’ không có nghĩa là vợ của con cọp mà là vợ dữ như cọp. Là ‘nữ kê tác quái, gà mái đá gà cồ’. Sao giống vợ tui quá? Ha ha!

Người ‘Vợ Cọp’ dữ như cọp nầy là ai?

Em chào đời ngày 8 tháng 12 năm 1968 tại Jinan, Trung Quốc, năm nay đang bước vào nửa chừng xuân, 44 tuổi và cao 1m83.

Ba em là kỹ sư, quản đốc một xưởng máy ở Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc. Em có hai chị gái và một em trai!

Em nói: Trung Quốc, ở quê, người ta thích con trai, (chắc khỏe để kéo cày thay trâu chớ gì?). Còn ở thành thì khác vì thị dân biết con gái thông minh hơn nhiều?!

Em cũng nói ba má muốn em học Y, ra bác sĩ để chăm sóc cho ba má lúc về già. Dưỡng nhi đãi lão mà! Nuôi con để trông cậy lúc về sau, theo truyền thống Trung Hoa! Dù em không thích chích thuốc người ta; em chỉ thích người ta chích em thôi! Em chỉ mơ, chỉ muốn đi Mỹ, để coi con cọp giấy Mỹ nầy, theo Mao Chủ Tịch nói, nó ra làm sao?

Cơ hội tới, em bèn chụp lấy để ‘quy mã’, qua Mỹ! Có kế hoạch hẳn hoi, em cứ từng bước mà làm. Khi sống ở Quảng Châu, một thành phố lớn gần Hương Cảng, em quen được một gia đình người Mỹ. Chồng là Jake, vợ là Joyce Cherry, cùng mấy đứa con. Jake dạy tiếng Mỹ cho em rồi bảo trợ cho em sang Los Angeles học đại học. Lúc đó em mới vừa 19 tuổi!

Để đền ơn đáp nghĩa, em chăm lo hai trái cherry của Jake! Joyce phát hiện, đuổi em đi! Nào ngờ Jake cũng cuốn gói đi luôn, rồi cưới khi em mới vừa 22 tuổi.

Tình ta lận đận được 3 năm. Cưới nhau được 4 tháng, rồi em ‘dông’, vì em đã có thẻ xanh ở lại Mỹ rồi. Em giờ với David Wolf, trẻ hơn nhiều. Jake Cherry, trái anh đào nầy già quá, hơn em gần 30 tuổi, thành rượu mất rồi còn ngon lành gì nữa mà xơi… Em hết khoái trái ‘Cherry’ rồi; bây giờ em khoái ‘Wolf’, con chó sói nầy hơn!

Em muốn xóa đói, giảm nghèo bằng cách vừa học vừa làm ở nhà hàng Trung Quốc. Dù cực nhưng vui khi nhớ lại ngày xưa quê, em chưa từng được đi siêu thị lần nào. Ở nhà, có cái tủ lạnh mà má, ba không cho mở. Sợ mở cửa nhiều lần, nó sẽ sút ra?! À! không phải cái tủ lạnh thôi đâu. Cái gì ‘Made in China’ cũng rứa. Kể cả cái chủ nghĩa ‘Cộng Sản mang màu sắc Trung Hoa’ nữa đó?!

Sau khi lấy được MBA ở Yale, em làm cho Star TV do Rupert Murdoch làm chủ. Em, người phụ nữ Trung Quốc duy nhứt, làm quản đốc, trong khi mấy cánh hồng Trung Quốc khác là lo đẩy xe để phục vụ trà, cà phê, cà pháo mà thôi?!

Năm 1997, cuộc đời em vọt lên như pháo thăng thiên khi gặp con dê già Rupert Murdoch, (old goat), chủ của em! Trong buổi họp công ty, em ‘tiếp thị’ cánh bướm vườn xuân của em với ông chủ một cách rất thông minh, sắc sảo: bằng cách đứng lên hỏi Murdoch rằng thì là: “Tại sao chiến lược kinh doanh công ty mình ở thị trường Trung Quốc tệ quá vậy?” Một mũi tên trúng hai con ‘chim’. Một, em chê boss mà em đang dưới quyền dở ẹt! Hai, xin ngài hãy nhìn em đây! Hi hi! Cánh bướm vườn xuân đây! Mời người vô bắt bướm?

Và viện lẽ không hài lòng với câu trả lời sau buổi họp, em giăng bẫy nhền nhện, tìm cách thảo luận thêm với ngài về công việc mần ăn.

Và Rupert Murdoch dính ‘bùa yêu’, ‘dính chưởng”!

Tháng 6 năm 1999, em bay tới London, Ngài xưng anh với em rồi nói: “Qua vừa mới ly thân và rất cô đơn! Thôi mình đi ăn tối đêm nay em nhé!” Hỏng biết một người đang cô đơn rủ một người đẹp không thua gì Cũng Lợi hay Chương Tử Di đi ăn tối, rồi còn gì nữa làm sao ai biết được? Đoạn nầy xin kiểm duyệt. Nhưng theo bà vợ thứ nhì, Anna, ‘tui tố cáo’ thì ông ăn ‘chả’ đã lâu rồi! Nếu không, tại sao chỉ mới 17 ngày, sau khi ra tòa xé hôn thú cái rột, chấm dứt hơn 30 năm con đường tình ta đi, ổng bèn cưới nó hả?

Thôi nhận được 1 tỉ 2 đô la Mỹ là đã quá rồi! Giờ thì cũng vui mà vui với tiền! Vì có tiền, tiên mua còn được; há gì ba cái lẻ tẻ tình ta?

Trước em, Rupert Murdoch đã có hai đời vợ rồi! Vợ thứ nhứt là chiêu đãi viên hàng không, Patricia Booker, cưới năm 1956 và có một đứa con gái tên Pruden năm 1958. Ông bà ly dị vào năm 1967. Cùng năm ông cưới Anna, ký giã làm việc cho tờ Daily Telegraph ở Sydney và họ có 3 con: Elisabeth, Lachland và James!

Em là ai mà ‘nghiêng thùng đổ nước’? Nội công thâm hậu vô lường?

Thưa: Em là Wendi Deng, một cánh hồng Trung Quốc, một ‘China Rose’, làm cho một ông Mỹ khờ, Jake Cherry, bỏ vợ chạy theo và một ông Úc ‘khạo’, Rupert Murdoch, bị viêm túi và cõi lòng tan nát… ngấu!

Ngày 25 tháng 6 năm 1999, em làm đám cưới trên chiếc du thuyền sang trọng đậu ở Cảng New York với 81 khách mời danh dự. Lúc em lấy nhà tỷ phú nầy, mấy người ghen tức gọi em là kẻ đào mỏ ‘gold digger’. Còn ác miệng hơn, gọi em là vợ kiểng ‘Trophy Wife’. Còn xúm lại chọc quê em là: “Hỏng biết khi hun chàng, em có dòm mặt không há?”. Ý chê ‘tân lang’ già cỡ ông ngoại em đó!

Nhưng hề gì! Cưới vợ trẻ hơn 40 cái xuân xanh thì anh nhuộm tóc, mặc quần áo thời trang đúng hàng hiệu là kéo lại tuổi xuân thì. Dù chưa cần tới Viagra nhưng nếu không tự tin; thì xài nó cũng được!

Em xưa thì ‘xuềnh xoàng’ quần áo chợ! Giờ thì khác rồi, quần áo, nữ trang do chính những nhà vẽ kiểu trứ danh nhứt trên thế giới làm cho.

Em rặn cho chàng, hai công nương: Grace, 11, and Chloe, 9. Grace được Tony Blair, cựu Thủ Tướng Anh Quốc, nhận làm cha đỡ đầu.

Nhưng cơm lành canh ngọt được 14 năm, cũng hơi dài? Mấy năm sau này, buồn bã, ông tâm sự với con trai mình, Lachland, là: “Tía đã lầm đưa em sang sông rồi!”

Và thứ năm ngày 13 tháng 6 năm 2013, Rupert Murdoch sai luật sư của mình đệ đơn lên Tòa Án Tối Cao New York xin bỏ vợ với lý do là : cuộc hôn nhân không thể nào cứu..nên vãn luôn… cho nó ‘phẻ’!

Hiện giờ, Murdoch xếp thứ 78 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, theo Bloomberg, với 12,2 tỷ USD. Chắc là phải ‘Ma Rốc’, móc ra cũng bộn bộn theo hợp đồng ‘tiền hôn nhân’ để mua lấy sự tự do!

Ai làm tan vỡ tình ta?

Thiên hạ đồn rùm trên internet, người thứ ba chen vô phá vỡ tình ta lại là: Tony Blair. Cố vấn của Tony chối: “Bậy nà! Bạn thân thôi! Vì đỡ đầu cho con của bạn mà xấu miệng đồn bậy bạ quá đi!”

Người viết cũng không tin! Tony Blair bây giờ bán nước bọt, diễn thuyết có khối tiền. Nếu muốn, thì có ngay biết bao em đẹp, em xinh, mơn mởn đào tơ! Dại dột gì rớ vào một em nửa chừng xuân, trong đã héo; dẫu ngoài còn tươi? Quan trọng hơn nữa là ‘cục cưng’ của đại vương giới truyền thông! Ổng giận, ổng sai em út viết bài bơi móc chuyện đời tư, ăn vụng, ăn vặt của mình thì chắc chết. Còn uy tín đâu mà người ta mời tới mà nói dóc ăn tiền. Bể nồi cơm sao? Nên em hỏng có ngu? Còn nếu có, chỉ là tình mộng mà thôi!

Nghe tin ly dị nầy, người ‘bênh’ Wendi, nói: “Sống với con dê già nầy 14 năm đủ rồi! Giờ thì mình vui vẻ về hưu trong nhung lụa nhá em!”

Nhưng giới thượng lưu lại hốt hoảng, báo động đỏ: “Xin quý mệnh phụ phu nhân nhốt mấy ông lại. Wendy Deng đã sổng chuồng rồi…bà con làng nước ơi!”

Người thì dạy đời Ruper Mudoch rằng: “Mấy trự đực rựa Phương Tây đừng nghĩ phụ nữ Á Châu là ngu, ‘em’ ở trong tay mình! Hôn nhân với họ là cuộc mua bán. Lấy nhau, là em lột, lột và lột… chỉ chừa anh cái quần xà lỏn. Khi làm ăn thất bại đừng mong em cho mình: vai em anh hãy tựa đầu…Không làm ra tiền thì cút đi…chỗ khác chơi!”

Ông Tây nầy nói chuyện xưa như trái đất. Trung Hoa biết chuyện nầy lâu lắm rồi. “Trai tài gái sắc!”. Thử hỏi đẹp như Wendi Deng lấy ông già bằng tuổi ông ngoại mình mà nếu ổng không là tỷ phú thì lấy làm gì?

Đó là lẽ công bằng! Nghèo rán chịu chớ có trách ai đành phụ rẫy nghĩa tao khang.

Giàu như Rupert Murdoch, ly dị, chung một mớ, chắc cũng chẳng nhằm nhò gì?

Không tới 1 tỉ 2 như chung cho con vợ thứ nhì đâu?

Nhưng người viết cũng tội nghiệp cho ông Rupert Murdoch quá! 82 tuổi rồi! Hỏng biết sống chết ngày nào! Tiền như núi Everest mà sao tình duyên lại lận đận quá tay? Đúng là người giàu cũng khóc?

Ông bạn văn nghe chuyện, rầy: “Chú chỉ lo con bò trắng răng! Có tiền, ổng thanh lý hợp đồng với bả cái rẹt, là được tự do bay nhảy. Bay đâu thì bay; nhảy đâu thì nhảy. Còn ở, mà ‘léng phéng’ là nó xài giấy ‘năm trăm’ không mà đôi khi nó đập vô mặt như đập trái bóng chuyền thì phiền nữa?”

“Tui mới là người đáng tội nghiệp nhứt đây: Sáng sớm, tui lui cui chiên 2 cái trứng gà, một vào bỏ vào hộp cơm đem theo vô hãng để ăn trưa. Một để ăn sáng. Dọn ra bàn, ngồi một mình trong cơn lạnh mùa đông Melbourne lạnh thấu xương vì gió len qua cửa sổ. Con vợ còn đang ngủ say, vì tối hôm qua coi Paris By Night khuya quá. Ngồi chăm bẳm nhìn vào cái trứng chiên, bỗng tui khóc ồ ồ lên, như bò rống. Con vợ giựt mình tỉnh giấc, cằn nhằn: “Chuyện gì nữa đây hả? Hỏng cho ai ngủ nghê gì hết trơn hết trọi. Thiệt là bất lịch sự!”

Tui thổn thức trả lời: “Em yêu đừng rầy anh nữa! Tại anh nhớ chuyện 30 năm về trước. Lúc đó, tò tí với em mà em mới vừa 16 tuổi. Ba em biết được, đe dọa anh, rồi cho anh hai điều kiện: Một là cưới em. Hai là ổng sẽ kêu lính bắt. Anh sẽ bị ở tù ‘mút chỉ cà tha’, ít nhứt là ba chục năm vì tội dụ dỗ gái vị thành niên. Anh sợ ở tù lắm nên đồng ý cưới em. Bữa nay anh khóc vì anh ngu quá! Nếu thay vì cưới em mà anh chịu ở tù thì bữa nay là ngày anh được tự do rồi! Hu hu! Má ơi!

Do đó: ‘Không có gì quý hơn độc lập tự do! Hu Hu! Ha ha!’

Xin chúc mừng ngài Rupert Murdoch! Giàu, có tiền bồi thường, bỏ em cái rụp! Đời đã vui trở lại!

Còn tui tiền đâu mà thường, tui buồn muốn chết chú ơi!

đoàn xuân thu.

melbourne

Một đi không trở lại!

dxt_Jun7_1.jpg dxt_Jun7_2.jpg

Hổm rày cái đồn cảnh sát Sunshine, Melbourne đang ‘tang gia bối rối’!

Chẳng qua là tại đồn nầy có hai thầy cai, thượng sĩ trong cái câu lạc bộ vui chơi của Cảnh Sát Sunshine (Sunshine police social club) đem phân phát cho mấy thằng em, lính lác của của mình 50 cái ‘stubby holders’ tạm dịch là ca làm lạnh đựng chai bia.

Trên cái ca đó có in hình con ‘mudfish’, một loài cá, môi dầy thười lười và mắt lộ như ốc bưu. Ám chỉ khuôn mặt người da đen Phi Châu.

Dưới cái hình chọc quê nầy, còn chơi thêm câu: Thằng nào nói: Làm cảnh sát ở Sunshine là vui lắm là thằng đó (dóc tổ) chưa bao giờ làm việc ở đây!

"Sunshine police. Whoever says Sunshine brings happiness has never worked here."

Phía sau thì in “Ngày sanh của ‘tui’ là: mồng một, tháng giêng, không có năm sanh, "My date of birth is 01/01/?". Ám chỉ di dân Sudan hoặc di dân Phi Châu khác đến từ những đất nước bị chiến tranh tàn phá nên không có giấy khai sanh gì ráo trọi, nên không biết được mình sanh năm nào?

Cười, nhạo về hình dáng người khác như mấy tay Cảnh Sát nầy làm người viết nhớ hồi còn nhỏ thường nghe mấy thằng nhóc tì trong xóm hay hát như vầy: “Chà Và Ma Ní tí te! Cái bụng thè lè, con mắt ốc bưu!”

Con nít, nó hỏng biết, kỳ thị thì thôi còn châm chước được! Chứ thế kỷ 21 rồi, văn minh, tiến bộ lên chút đi chớ! Bên Mỹ, nó còn có Tổng Thống, Thống Đốc, Thượng Nghị Sĩ, Dân Biểu… da màu kìa!

Vấn đề không phải là màu da! Dân tộc nào, cộng đồng nào cũng có người xấu, người tốt. Mà đa phần là tốt. Chỉ vài ba thằng ‘quậy’ rồi gom đũa cả nắm coi sao đặng? Nhứt là người thi hành luật pháp mà luật pháp cấm ngặt việc kỳ thị mà mình lại ngồi xổm lên luật pháp thì bậy bạ quá!

Xếp lớn quạu, nên chuyến nầy tao làm tới nơi tới chốn chứ hỏng bỏ qua đâu nha! Thủ Hiến Victoria, Denis Napthine, nói: “Tui chán ơi là chán…ghét ơi là ghét… có cái thói nầy mà làm cảnh sát à nha!”

“Victorian Premier Denis Napthine said he was frustrated and disgusted by the police officers' behaviour!”

Chính vì vậy nên hai thầy cai nầy mới lo sốt gió. Giỡn chút chơi mà lớn chuyện vậy sao? Thôi giỡn ngu thì rán chịu đi nghe. Hỏng ai dại mà nhảy vô bao che, binh đâu mà mong!

Bên Mỹ thì cũng thế. Cảnh sát làm bậy cũng lãnh búa như thường. Ông Tòa ổng dùng búa mà gõ ‘bộp bộp’ tuyên án ‘Ỷ quyền làm quá!’ Là hao lắm đó!

Một sinh viên Việt Nam đi du học Mỹ, gây lộn với bạn cùng phòng rồi hăm: Ở Việt Nam, tao cho mầy chết!

Sự thực thì bố nó cũng làng nhàng, Giám Đốc Sở ở miền Trung nghèo lắm anh ơi, vậy thôi chớ cũng chả to bự gì đâu; nhưng quen cái thói nổ cho Mỹ ngán vậy mà. Thằng Mỹ con nầy ngán thiệt; bèn kêu cảnh sát. Chắc tiếng Anh, tiếng U mới qua hỏng có bao nhiêu; kinh nghiệm đụng chạm với ‘cớm’ Mỹ chưa có lần nào? Lớ rớ sao đó, cớm Mỹ nó ‘dợt’ cho mấy cái. Ra Tòa, được bồi thường khoảng chín chục ngàn đô, cỡ tỉ đồng tiền VN, mừng hơn trúng số! Chú con quan nầy giờ chắc khoái Mỹ rồi. Và không còn ‘tè’ cớm Mỹ nữa: “Mầy ngon, mầy quánh tao đi, mầy quánh tao đi! Ăn đòn chút xíu, tao lại có tiền tỉ!” He he!

Nhưng thưa! Đừng thấy vậy mà ham! Việt Nam là khác, khác xa luôn. Người viết thường khuyên quý bạn hiền, khúc ruột ‘già’ xa ngàn dặm, về Việt Nam ‘du hí’ mà  lỡ  có lôi thôi gì với cảnh sát thì đừng nổ là Việt Kiều Mỹ hay Úc về. Đừng tưởng khúc ruột xa ngàn dặm mà làm tàng, làm phách là có thể một đi không trở lại đó nha. Khúc ruột hay dồi trường gì đó, nó quạu lên là nó đem ra khìa, nhậu hết à nha!

Có khoái bia ôm, bia iếc gì đó mà đang hồi mê ly cụp lạc, lỡ Công An, Cảnh Sát VC nhào vô nó còng thì đừng có cự nự. Cứ bình tĩnh, thư thả về đồn, phải quấy tính sau. Cứ ‘xùy đô’ ra là êm re như con bò kéo xe. Chờ nó thả ra thì mình đi bia ôm tiếp; chớ cự nó, nó quánh… không còn cái răng mà ăn cháo. Việt Kiều nó quánh theo kiểu Việt Kiều! Có khi lỡ tay là bay một mạng, là một đi không trở lại, là bỏ mạng sa trường, làm con vợ hiền bên nầy nó khóc lòi con mắt ‘biếc’ luôn đó!

Bà con trong nước ở gần, đi tới, đi lui gặp mặt mỗi ngày mà nó còn đập chết tươi thì nhằm nhè gì bà con Việt Kiều ở xa, lâu lâu về thăm nhà mà ‘chảnh’!

Rừng nào cọp nấy đừng ỷ có rũng rĩnh tiền đô mà lớn lối nha mấy ‘cha’?

Hỏng tin tui hả? Đọc cái nầy đi: Sáng 28 tháng 5, Công An xã Trường An, Thành Phố Vĩnh Long mời Nguyễn Văn Đức, (sanh năm 1982, thường trú đường 8/3, phường 5, Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) để điều tra một vụ cướp giật xảy ra hơn một năm trước.

Được Công An mời? Làm người viết nhớ đến chuyện đùa thời Stalin ở Liên Xô.

Nửa đêm cả gia đình kinh hoàng bật dậy vì nghe tiếng đập cửa rầm rầm. “Hãy mang theo tất cả đồ đạc và ra khỏi đây! Ngay lập tức!”

Mọi người thiếu điều chết giấc; cho tới khi giọng nói tiếp tục: “Tui không phải Công An đâu! Tui là hàng xóm nè! Đừng kinh hoảng! Chẳng qua chúng cư mình đang bị cháy! Thế thôi!”

Mà tại sao người dân Nga kinh hoàng, kinh hoảng…sợ như vậy khi được Công An mời lên làm việc? Vì được mời đi, có khi rất lâu mới được về nhà như câu chuyện dưới đây: Tù cũ hỏi tù mới “Mấy năm?” “Mười năm!” “Tội gì?” “Không tội gì hết!” “Nói dóc vừa vừa thôi cha nội! Không tội gì hết chỉ bị…năm năm thôi!”

Còn anh Đức được Công An Vĩnh Long mời tạm giam có bốn tháng thôi! Nhưng mới một ngày trong ‘hộp’ thì đã vào cấp cứu tại Bệnh Viện Đa Khoa tỉnh Vĩnh Long trong tình trạng sốt cao, co giật. Gia đình vội đến bệnh viện nhưng nạn nhân đã ‘đi rồi’ lúc 18 giờ ngày 29 tháng 5.

Vợ, Trịnh Kiêm Liên, xin người giữ nhà xác cho vào nhìn mặt. Cởi quần áo chồng ra, thấy nạn nhân thương tích đầy mình: gãy 2 xương sườn ở 2 bên, nứt sọ, có vết thương dưới nách trái.

Mẹ, Tống Thị Lý, nói mấy ngày nay, cơ quan Thi hành án của Công An cứ điện thoại kêu lên phường, lên trụ sở công an nào đó để giải quyết nhận khoảng mười mấy triệu đồng, gọi là tiền giải quyết chế độ; nhưng bà sợ quá không dám đi. Bà nói: “Con tôi bị cho là nghi can, đâu phải con ‘quan’ hay người có công với cách mạng gì đâu mà được giải quyết ‘chế độ’?!”

Người dân trong nước bình luận như vầy: “Xin chia buồn với gia đình. Tôi cũng không hiểu, theo quy định của pháp luật thì cơ quan thi hành án có vai trò gì trong vụ anh Đức bị chết đây? Đang trong giai đoạn điều tra, án đã tuyên đâu mà thi hành án…tử?”

Có người lại bình rất ‘đểu’ như thế nầy: “Nạn nhân vì sợ hãi và suy nghĩ nhiều quá nên làm nứt sọ! Việc gẫy 2 xương sườn thì Công An nói do bác sĩ  rồi ...Bác sĩ đâu phải sức trâu mà ấn đến dập gan, nát phổi, bể tim...Chắc ‘Bác sĩ Khủng long, Bác sĩ Kung-fu, Sát thủ miền Tây, nên làm hô hấp nạn nhân đến nỗi gãy hai xương sườn một thanh niên như vậy...đó?”

Có người nhân cơ hội, nhào vô tố thêm: “Tôi vi phạm luật giao thông nhưng không như mấy đồng chí Công An viết trong biên bản, tôi cãi lại thì bị bắt về phường, đầu tiên vào anh trực ban có màn chào hỏi bằng tay chân trước, sau đó mới dùng đến...dùi cui!”

"Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - chánh văn phòng Công An tỉnh Vĩnh Long - cho hay trong quá trình làm việc, anh Đức tự té và bị chấn thương ở đầu".

Dạo này nghe nhiều vụ vào đồn công an ‘tự té’ rồi… chết khá nhiều đó nha! Cho nên tốt nhất là vi phạm điều gì thì đừng để công an bắt về đồn là ‘tiêu đời’!

Người khác lại cắt nghĩa ‘ba trợn’ như thế nầy: “Anh Đức ‘hy sinh’ trong khi giúp công an truy tìm tội phạm". Do đó Công An Vĩnh Long ‘kêu’ gia đình anh Đức lên lãnh tiền chế độ là đúng!

Có ‘cha’ giả bộ đóng vai Công An ‘bự’, trả lời dân như thế nầy: “Công An Vĩnh Long sẽ cho điều tra liền. Và sẽ "xử lý nghiêm khắc những ai có sai phạm ...", "Sai đến đâu sẽ xử lý đến đó...". Người thân anh Đức và bạn đọc đừng bức xúc lo lắng mà ảnh hưởng tới sức khoẻ và công việc làm ăn nha! Thôi chết trước thì khỏi chết sau. Chết trước được mười mấy triệu cũng được rồi. Kiện cáo chẳng đến đâu, gây mất trật tự an ninh lắm!”

Thật tội nghiệp cho một gia đình đang yên ấm bổng tan nát, đau thương. Tội nghiệp người vợ trẻ mất chồng, đứa con thơ mất cha, bà mẹ già mất con. Với bà mẹ già của anh Đức, thêm vào nỗi đau con chết, cháu mồ côi. Rồi tôi già ai nuôi tôi đây hở trời?

Có người ‘chỉ chọt’ thưa chỗ này chỗ nọ nhưng có một bực thức giả nói rằng: “Chính phủ biết hết nhưng không làm; do đó cũng không nên trách gì lực lượng cảnh sát, công an vì họ cũng chỉ là công cụ, tay sai; là đầu trâu mặt ngựa! Hãy thẳng thắn đặt vấn đề với "người" sử dụng công cụ mà thôi bạn nhé! Than thân trách phận mà được tha chết hay sao? Chỉ ngay mặt nó! Còn không dám thì mai mốt tới phiên mình đó!

Nỗi sợ khủng khiếp mang tên ‘được công an mời’!

Mà nỗi sợ này nguyên ủy xuất phát từ cái nôi Cách Mạng Mười Nga, rồi như vết dầu loang, lan qua Trung Quốc rồi tràn xuống Việt Nam.

Chuyện rằng: Một phái đoàn đại biểu nhân dân vào họp với Stalin một tiếng đồng hồ rồi ra về. Stalin không tìm được cái ‘ống vố’ để hút thuốc bèn sai Công An điều tra coi thằng nào dám lấy cái ống vố của tao?  Ba mươi phút sau Stalin tìm lại được cái ống vố, bèn ra lịnh thả phái đoàn đại biểu nhân dân ra. Viên cầm đầu Công An điều tra xét hỏi báo cáo: “Thưa! Xin lỗi đồng chí lãnh tụ Stalin! Trễ quá rồi ạ! Vì phân nửa đoàn đại biểu nhân dân thú nhận là có ăn cắp cái ống vố của đồng chí. Còn phân nửa đã theo ‘ông bà ông vải’ trong quá trình điều tra tội phạm rồi ạ!”

Đọc cái chuyện Nga rồi cái chuyện Việt Nam xong, người viết nghe cũng sợ thiệt! Sợ quá đi chớ!

Còn ‘cha’ nào ham vui, liều mạng về Việt Nam, ‘chơi tới bến’, ‘chơi cho đã’, nếu có gì thì rán chịu nha! Đừng trách sao bạn hiền biết mà không bảo gì nhau!

đoàn xuân thu.

melbourne

Phải Chi Còn Má!

 dxt_jun2_13_2.jpgdxt_jun2_13_1.jpg

Bà ‘chằn’ của người viết hồi xửa, hồi xưa là con gái Cần Thơ. Con gái Cần Thơ thì không cắc cớ, nhưng em là trường hợp ‘ngoại lệ’!

Yêu là phải lựa ‘thằng’ thông minh, học giỏi, con nhà giàu rồi mới chịu ‘ưng’ cho nó ‘phẻ’! Làm như là Hoa Hậu Venezuela không bằng?

Mà muốn biết thông minh hay không thì ‘em’ thường ra câu đố cho ‘chàng’ giải đáp; để coi cái IQ (xin đọc theo kiểu Việt Nam mình) của ‘chàng’ ra sao? Giống như bây giờ mấy thằng Úc, trước khi mướn người làm, thường ‘interview’. Không qua được ‘interview’ là mình tiêu. Vậy thôi!

“Tiếng anh ăn học làu thông! Lại đây em hỏi khăn lông mấy đường?”

Câu trả lời dễ ợt: “Em về đếm sạch cỏ vườn! Ra đây anh nói: mấy đường khăn lông!” Hỏi vậy mà cũng bày đặt hỏi!

Nhưng có lần em chơi khó, hỏi: “Anh là dân Mỹ Tho. Anh nói: Má anh có quầy bán cơm tấm để nuôi anh ăn học trên đường Huyện Toại. Mà anh có biết Huyện Toại là ông nào vậy hông?”

Mình bí! Nhém chút nữa là em cho mình rớt rồi! Nhưng có lẽ nhờ ‘đẹp trai’ và nói hơi ‘dai’ nên em cho đậu vớt.

Dù em cho đậu vớt nhưng không trả lời được cho em: “Huyện Toại là ông nào?”  Người viết rất tức tối! Rất: ‘Hận đời đen bạc! Hận kẻ bạc tình! Hận cả gia đình! Hận luôn hàng xóm!’ Nghĩa là hận hết ráo! Và trong trường hợp nầy người viết còn hận luôn mấy ông soạn sách giáo khoa nữa đó!

Như quý độc giả thân mến từng biết:  Trước 1975, thời trung học, từ lớp đệ thất tới lớp đệ nhứt, năm nào cũng có môn Sử Địa, 2 giờ một tuần. Một giờ Sử, một giờ Địa. Giờ học đã ít, mà chương trình học thì ‘thiên la địa võng’. Học Sử Việt từ thưở ‘Được Voi đòi Hai Bà Trưng’ cho tới thời ‘Bảo Đại’! Học từ ‘Tây mũi lõ’ cho tới ‘Tàu khựa, Tàu phù’. Học thiệt nhiều nhưng biết chẳng bao nhiêu vì ‘lớt lớt bên ngoài như xài thuốc đỏ’. Nhưng có cái ngộ, kỳ kỳ là địa phương mình, nơi mình ăn dầm nằm dề thì bù trất? Học trò hỏng biết xa hơn cái lỗ mũi. Sử anh hùng dân tộc ngay chính quê hương bản thổ của mình thì mấy ổng không cho vô chương trình. Không học! Sao biết?  Nên thấy tên ông Huyện Toại mình cứ tưởng người dưng?

Sau nầy VC vô, còn tệ hại hơn! Không có Huyện Toại gì ráo? Chỉ có ‘Ông Lê Nin ở nước Nga! Mà sao ông đứng vườn hoa nước nầy?  Ông ngửa mặt, Ông chỉ tay! Làm như  nước Việt này là của ông?’. Đó là ngoài Hà Nội. Còn trong Sài Gòn thì: Huỳnh văn Bánh, Đoàn văn Bơ, Mạc thị Bưởi. Bộ đói lắm sao mà đặt tên đường toàn là bánh trái không vậy hả mấy thằng ‘ông nội con nít’? Mấy cái tên đường nầy ‘Lê văn Tám’ quá  nên khỏi có ý kiến gì cho nó mệt!

Phàm muốn dạy dân yêu nước, thương nòi đâu phải ngang xương nhẩy cái rét vô ‘Yêu tổ quốc, yêu đồng bào…?’ Mà phải bắt nguồn từ gia đình. Gia đình là rường cột quốc gia mà! Phải thương yêu cha mẹ, anh em trước. Lớn lên một chút thì bà con cô bác… rồi láng giềng thôn ấp. Lúc ‘dậy thì’, râu măng ‘tí chút’, bể tiếng khàn khàn như con vịt đực… mới ngó qua cô em láng giềng, người em cách dậu mồng tơi xanh rờn chớ! Thương như vậy mới tuần tự nhi tiến và hợp lẽ giềng mối với Đất và Trời!

Vì là phe ta, nên người viết mới bỏ công ‘buồn’ mấy ông soạn chương trình giáo khoa Sử  Địa hồi trước 75 lắm nha! ‘Mấy thầy soạn chung chung, ta bà thế giới quá! Còn học trò như ‘em’ lại không biết ất giáp gì về địa phương, về cuống rún chưa lìa, về quê hương bản thổ hết trơn hết trọi á!’

Gần 40 năm sau, xa quê, xa cái xã Điều Hòa, cái Thị Xã Mỹ Tho ngày mất nước, quê người, Melbourne, đêm nay viết bài nầy thì con đường Huyện Toại mới trở lại mà hành hạ đứa học trò từ lúc tóc còn xanh mơn mởn ngày xưa cho đến đầu chớm bạc bây giờ!

Ổng là ai? Ông là ai? Là ai? Là ai?

Bèn làm cái nghiên cứu, lục lọi thì thấy rằng:

Ông Huyện Toại thực ra là Huyện Thoại. Tây, nó viết bỏ chữ h nên thành Toại. Tên họ ổng là: Đỗ Trình Thoại, người thôn Yên Luông, huyện Kiến Hòa, trấn Định Tường (thời VC thì thuộc huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).

Năm Quý Mão (1843), đậu Cử nhân tại Trường Hương Gia Định, được bổ làm Tri huyện Tân Hòa (bao gồm khu vực Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay) nên được mọi người quen gọi là Huyện Thoại.

Tây đánh Lục Tỉnh Nam Kỳ, ông chống lại. Vào tờ mờ sáng ngày 22 tháng 6 năm 1861 (Tân Dậu), ông cùng 600 nghĩa quân đánh đồn Gò Công do một sĩ quan hải quân Pháp là Paulin Vial và 27 quân sĩ trú đóng.

Huyện Toại dùng gươm giết được một tên lính Hải Quân Bodiez và đâm trọng thương trung úy Paulin Vial, Trưởng đồn kiêm Giám đốc bản xứ sự vụ Gò Công.  Nhưng sau đó, bị trúng đạn, ông hy sinh tại trận tiền cùng với 14 chiến sĩ khác.

Để trả lời một câu hỏi về chính quê nhà mình… mà cần tới 40 năm mới làm được! Thiệt nghĩ mắc cỡ quá! Nhưng trễ còn hơn không!

Sau khi dựng em yêu đang ‘ngáy như sấm’ dậy, để nghe ‘trả lời một câu hỏi’ 40 năm về trước. Người viết còn nhắc cho ‘em yêu’ về quan niệm hồi xưa đi chọn vợ của mình như thế này: chỉ cần có hai điều kiện thôi. Một chánh, một phụ. Chánh là phải đẹp! He he! (con vợ nghe, nó khoái quá trời?) Phụ là phải biết nấu cơm tấm để về nhà tiếp Má mình đi bán…để nuôi mình!

Nhớ ngày xưa em nói em yêu có anh thôi! Không ai ngoài anh nữa? Và em là con gái Cần Thơ chỉ biết làm bánh cống. Còn cơm tấm, chịu thua! Thua thì bỏ. Em nghe hăm; sợ không được làm ‘Con Gấu Mẹ Vĩ Đại’, nên năn nỉ ỉ ôi: “Anh dạy em đi!”

Người viết từng chạy bàn cho quầy cơm tấm của Má mòn gần chục đôi dép nên rành sáu câu vọng cổ, bèn soạn cái ‘giáo án’ nầy để ‘Dạy con dạy thuở còn thơ. Dạy vợ dạy thuở bơ vơ mới về!’ Trước hết là bày cách cho em lấy lòng Má của mình; sau là cho em biết thế nào là lễ độ!  Chớ hỏng phải bất cứ cái gì cũng ong óng lên: “Tui biết hết” đâu nha!

Người viết dạy em rằng: Dĩa cơm bì sườn ngon phải nhiều màu sắc đẹp mắt như tranh Picasso. Trắng của cơm, vàng ươm của sườn nướng, đỏ của cà rốt, xanh của dưa leo.  Sườn nướng phải mềm, thơm. Bì thịt, thính và bông da ăn phải ngứa răng.  Đồ chua phải dòn, nhai rau ráu . Nếu muốn, chơi thêm một trứng gà ốp la nữa cho nó bổ… ‘thận’?

Sườn nướng phải là thịt ‘cốt lết’ ngon, tẩm mật ong, muối, nước mắm, dầu hào, dầu mè, tỏi, hành khô, hạt tiêu cho ngấm rồi đem nướng vĩ than. Chu choa, mỡ  cháy xèo xèo, khói thơm bay xa …ba cây số!

Còn bì thịt là thịt nạc mông hoặc thịt nạc vai, ướp muối, hạt tiêu, tỏi, đường, nước mắm.  Xong đem ram cho vàng rồi xắt sợi.

Phần nước mắm: nước mắm ngon Phú Quốc, hiệu ba con cá cơm, đựng trong tỉn. Nấu sôi, vớt bọt, nêm đường, giấm, tỏi với ớt bầm pha thêm vài trái dừa xiêm.

Còn đồ chua là cà rốt, đường, giấm, muối, có thể thêm củ cải trắng với dưa leo và cà chua ăn kèm cho đỡ ngán.

Còn phi mỡ hành: hành lá rửa sạch, thái nhỏ, trộn vào tô hành một ít dầu ăn, phi trên bếp khoảng 30 giây để hành vừa chín tới.

Nấu cơm tấm, sau khi đã nhặt hết mấy hạt sạn nho nhỏ còn lẫn trong tấm.  Làm ẩu tả, còn sót sạn, cắn nghe cái ‘bốp’ là gãy răng.  Không nấu kiểu thường, trừ trường hợp muốn ăn cơm cháy với tép mỡ rắc đường, mà phải đổ tấm, sau khi vo sạch, vào từng vỉ nhỏ, xăm xắp nước, bỏ vào nồi lớn, hấp. Thêm vài cái lá dứa cho thơm ‘râu’!

Sau khi hướng dẫn em yêu thật tỉ mỉ phần lý thuyết, tính dắt ‘ Con Gấu Mẹ Vĩ Đại’ về thưa với Má là: con đi học ở Cần Thơ kiếm được một đứa về đỡ tay đỡ chân cho Má nè! Nhưng chưa lần nào em được ‘hân hạnh’(?) làm dâu thì Má bị tai biến mạch máu não và ra đi khi tuổi mới 40. Má ơi!

Tháng 6, Melbourne, trời cuối thu, sắp sang đông. Gió nhiều, mưa cũng lắm.  Tới ngày giỗ má rồi. Năm nay như mọi năm, vợ con sẽ làm cơm tấm sườn bì cúng má. Chính tay con sẽ làm nước mắm với ‘bí quyết gia truyền’ nầy cho hai thằng con, hai đứa con dâu và 4 đứa cháu nội ăn, để tụi nó ngả nón cuối đầu mà khâm phục Tía nó cũng biết làm… chớ không phải chỉ chuyên ‘dóc tổ’!

Con đường Huyện Toại, quầy cơm tấm của má ngày xưa đi suốt theo con cả thời niên thiếu cho mãi đến bây giờ!

Thu Melbourne, lá vàng đã đầy trên lối! Dĩa cơm tấm ngày xưa, con đường Huyện Toại và bài hồi ức nầy làm con nhớ Má biết bao nhiêu!

Vợ con, ‘Con Gấu Mẹ Vĩ Đại’, nói rằng: nó cám ơn Má nhiều biết bao nhiêu vì Má đã đẻ ra con và cho nó một người chồng rất dễ thương…và dễ dạy!

‘Con Gấu Mẹ Vĩ Đại’ nói một câu rất ăn tiền là: “Phải chi Má còn sống! Giờ dẫu Má có già, có quên trước quên sau hoặc tánh tình khó khăn gì đi chăng nữa, em nhứt định làm bổn phận dâu con…mà dâu ‘ngọt’ chớ hỏng có chua; hết lòng phụng dưỡng Má của anh như Má của em! Nhứt định không bao giờ ‘xúi bẩy’ anh đưa Má vô Nhà Dưỡng Lão( Nursing  Home) đâu nha?!”

đoàn xuân thu.

melbourne.

Vọc Nước Chiêm Bao!

Gởi Bạn Văn Hoàng Chu!

dxt_May31.jpg

"Makes the Whole World Kin", có người dịch là Đồng Bệnh Tương Thân, là truyện ngắn của O. Henry in năm 1911 ở New York.

Truyện rằng: Một tên đầu trộm đuôi cướp, còn trẻ, bỏ túi một khẩu súng lục, leo qua cửa sổ vào nhà định ăn trộm. Trong lúc lục lọi tìm những vật quý giá, hắn thấy đèn trong phòng ngủ còn sáng và thấy ông chủ nhà đang ngủ. Hắn đánh thức ông dậy, bắt dơ tay lên. Ông già chỉ dơ được một tay thôi vì ông bị bệnh thấp khớp. Trùng hợp thay, tên cướp này cũng bị bệnh y như vậy. Tên ăn cướp và nạn nhân, hai người rủ rỉ rù rì, ‘tâm sự loài chim biển’ về bệnh trạng và cách chạy chữa rồi trở thành bạn thiết. Rủ nhau ra pub nhậu. Ra khỏi nhà ông già quên mang tiền theo thì tên cướp nói: “Đừng lo, để tui trả!” He he!

Do đó bạn ôi!

Cuộc đời đôi khi bất ngờ lại cho ta những điều còn quý hơn là cả tiền bạc, châu báu: Đó là tình bạn!

Hai người trước là kẻ cướp và người bị cướp. Một trẻ, một già. Vậy mà cùng bị bệnh thấp khớp đã làm họ trở thành bạn nhậu!

Còn chúng ta, cùng khoái đọc, khoái viết, khoái văn thì trước sau gì rồi cũng sẽ có những tình bạn văn quá đã, quý giá hơn châu báu nữa bạn ôi! 

Chẳng hạn, mới đây, bài 'Hành Trình một tiếng ru em!' đi trên Trẻ Magazine, Texas, Hoa Kỳ, có độc giả hỏi về nghĩa chữ 'Ve'? Người viết rất hân hạnh vì bài mình được đọc, nên sung sướng trả lời rằng : “Bắp non mà nướng lửa lò. Đố ai 've' đặng con đò Thủ Thiêm!”

Viết là học! Vui là độc giả đọc, rồi có thảo luận một vài cái chưa rõ. Để mình có cái cơ hội mà 'ngâm' cứu thêm.  He he!

Đó là chuyện bên Mỹ. Còn bên Úc nầy, người viết vừa mới nhận được cái bài viết của anh bạn trẻ măng, mới 5 bó, Hoàng Chu, dưới đây! Xin kính trình quý độc giả thân mến, kèm theo những lời ‘cà khịa’ của người viết trong cái tình thắm thiết văn nghệ ‘gừng cay, muối mặn’ như sau:

Theo dõi cái blog Việt Luận này từ hồi còn trứng nước, thỉnh thoảng cũng góp vui, lời qua tiếng lại với bà con cho rậm đám. Từ các cây viết tài tử buổi đầu ngày càng vững tay cho đến sau này có sự tham gia của vài cây bút như Đoàn Xuân Thu (dxt) chẳng hạn. Và lâu nay đọc mấy bài viết của ổng mà nhớ tới nhiều chuyện xưa.

Từ bài 'Tần Quỳnh khóc bạn' làm mình nhớ tới truyện 'Thuyết Đường', quyển truyện Tàu dầy cộm đầu tiên mình đọc trọn, và mở đầu cho 'Tàn Đường', 'La Thông Tảo Bắc', 'Tiết Nhơn Quý Chinh Đông', ‘Tiết Đinh San Chinh Tây', ‘Tam Quốc Chí’, v.v... sau này.

Hồi đó đang học lớp Năm, còn ở với ông bà ngoại, đang tuổi ham chơi mà trưa nào cũng bị bắt phải nằm ngủ cả tiếng đồng hồ; không buồn ngủ cũng phải nằm xuống, dù nhắm mắt... để đó. Trưa nào cũng vậy, nằm mà không ngủ được, ngọ nguậy ngồi dậy là có cây roi mây chờ sẵn. May quá vớ được quyển Thuyết Đường dầy cộm, trước chẳng để vào mắt, nay đem đọc tạm; lúc đầu định đọc cho dễ ngủ, nào ngờ càng đọc càng bị hấp dẫn, ngày qua ngày cho đến hết quyển sách hồi nào không hay.

Từ nhân vật Tần Quỳnh tức Tần Thúc Bảo, quân sư Từ Mậu Công cho đến anh chàng ba búa Trình Giảo Kim, anh chúa đảng cướp ngồi không chia của Đơn Hùng Tín. Những nhân vật trong truyện là những điển hình về các mẫu người: trung, ngay, gian, nịnh - khác hẳn trong các truyện cổ tích trước kia - đã dẫn mình vào một thế giới rộng lớn hơn để sau này đến với Kim Dung, Cổ Long.

Rồi đến bài 'Bến Thành! Súp Lê vội thổi!' ông dxt lại nhắc đến 'Tuấn, chàng trai nước Việt' cùa Nguyễn Vỹ, một quyển truyện dài khác, 2 tập dầy cộm, đã cho mình những kiến thức vỡ lòng về thời Pháp thuộc. Từ cậu Ký Thanh với câu tiếng Tây rau muống dài lòng ngòng , đến những nhà hoạt động chính trị Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, đến cả các tay tổ Cộng sản Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Đặng Thái Mai.

Thủa đó mới lên trung học, ở với ba má trên Ngã Bảy; lúc đó kinh tế gia đình cũng khá, má lại phát hiện ra chợ sách cũ Sài Gòn trên đường Nguyễn Trung Trực, gần trường Kỹ Thuật Cao Thắng. Mình đã đi với má lên đó mua sách; gọi là chợ sách cũ nhưng đa số các sách bán ở đó còn mới toanh, không biết do nhà in in dư tuồn ra hay in lậu mà giá thì rẻ hơn trong nhà sách rất nhiều. 

Má mua một loạt các truyện của các nhà văn Tiền Chiến như 'Xóm Cầu Mới' của Nhất Linh, 'Tiêu Sơn Tráng Sĩ' của Khái Hưng,... đặc biệt má rất thích các truyện của nhà văn Lê Nguyên Trương. Ngoài ra còn có các bộ truyện Tàu, và bộ 'Tuấn chàng trai nước Việt' mà trước đó mình có đọc một vài đoạn trong bán nguyệt san Phổ Thông. Chả là cũng trong thời gian 'ngủ trưa' thời tiểu học đã kể ở trên, sau khi 'ngốn' xong bộ 'Thuyết Đường' mình quay sang 'ăn tạp', đọc đến cả các nguyệt san của các cậu từ Bách Khoa, Thời Nay cho đến Phổ Thông, dĩ nhiên là không đọc hết mà chỉ các bài viết ngắn hoặc các truyện mà mình thấy thích. Đến bây giờ vẫn còn nhớ vài đoạn trong 'Mình ơi' (một mục tạp ghi tương tự như 'Thư gửi bạn ta' của Bùi Bảo Trúc bây giờ) của Diệu Huyền (một bút hiệu khác của Nguyễn Vỹ) chẳng hạn như bài viết về trận đấu giữa hai đội bóng tròn nữ ở Cái Vồn, Long Xuyên với đoạn thơ dưới đây:

“Mấy cô thôn nữ Long Xuyên. Cô nào cũng đẹp như tiên hở đùi. Đen thui đen thủi đen thùi. Hăm hai thiếu nữ trông mùi quá ta. Hăm hai cầu tướng chu choa. Giành nhau một quả banh da giữa trời!”

Bạn văn ôi!

Nhà văn Lê Văn Trương chứ không phải Lê Nguyên Trương! Ông mà đổi tên ổng là phải nấu chè đó nhe! He he!

Còn Cái Vồn, tức Bình Minh, bên kia Bắc Cần Thơ, thuộc Vĩnh Long chứ không phải Long Xuyên. Đất, căn cứ địa, của Trần văn Soái tức Năm Lửa, Hòa Hảo. Tui cho rằng hai đội ‘đàn bà đá banh’ nầy: một của Cái Vồn, Vĩnh Long và một của Long Xuyên. Còn quả banh da giữa trời là của tui? He he!

Trong những quyển sách má mua ở chợ sách cũ cũng có các tác phẩm của Bình Nguyên Lộc như 'Quán bên đường', 'Đò dọc'. Ông dxt cũng nhắc đến một đoạn nói về công tử Quờn trong bài 'Chữ của thánh thần!'.  Đoạn này mình còn nhớ đọc lần đầu tiên trong quyển sách Giảng văn lớp Đệ Thất của tác giả Đỗ Văn Tú, sau đó được đọc toàn bộ trong quyển 'Đò dọc'. Tuy chỉ là một nhân vật phụ, rất phụ trong quyển truyện mà sao mình vẫn nhớ đến bây giờ?

Trong bài 'Ba Tôi! Người Đánh Máy Mướn!' dxt nhắc về các tiệm Ronéo và đoạn đường Lý Thái Tổ - Phan Đình Phùng. Đoạn đường này mình cũng rất rành. Khi ở ngôi nhà trên Ngã Bảy mình học thêm Toán Lý Hóa ở một trường dạy kèm nằm trên lầu của một tiệm Ronéo như vậy. Hàng ngày từ nhà ở đường Pétrus Ký len lỏi qua khu nhà của các đồng bào tạm cư do hỏa hoạn sau Tết Mậu Thân và Việt kiều chạy nạn 'cáp duồn' từ Campuchia về, ra đường Lý Thái Tổ, băng qua đường đi về phía ngã ba Phan Đình Phùng để đến lớp. Cũng con đường này cuối tuần ba má hay chở các con, từ Pétrus Ký quẹo vào Lý Thái Tổ, rồi sang Phan Đình Phùng, quẹo vào đường Nguyễn Thiện Thuật để ăn hủ ‘tíu’ bò viên. Thỉnh thoảng mình còn được ưu tiên thêm một chén bò viên không: chỉ có bò viên và hành lá thái nhỏ thơm phưng phức.

Bạn văn ôi!

Ông nhắc tới bò vò viên, làm tui lại nhớ quá chừng những chiếc xe bò vò viên gần rạp Đại Đồng, ngã tư Phan Thanh Giản và Cao Thắng. Tui thì 'hẩu xực' bò vò viên có ngò gai xắt nhỏ chớ không có bỏ hành như của ông đâu! Mà bò vò viên là của người Tiều, trong khi hủ ‘tíu’, mì thì lại do người Quảng nấu! Do đó hủ ‘tíu’ bò vò viên là Tiều Quảng giao duyên? He he!

Cũng trong bài viết này mình mới biết: Hóa ra ông dxt là đồng môn của mình. Ổng là đàn anh học trước mình cả mười năm ở trường Pétrus Ký. Hồi đó nhà dọn lên Ngã Bảy nên ở nhà muốn mình thi vào trường này vì trường nổi tiếng mà gần, đi bộ chỉ khoảng hai mươi phút. Than ôi! Lực bất tòng tâm! Mình thi rớt, chỉ đủ điểm vào lớp bán công, học buổi tối. Còn nhớ trường có 15 lớp mỗi bậc, chia đều cho 5 lớp mỗi buổi, mình vào lớp 6/13. Học bán công cũng cùng chương trình, cùng các thầy cô như lớp ngày chỉ có vài khác biệt nhỏ. Thứ nhất là cái phù hiệu, học sinh lớp ngày mang phù hiệu có chữ Pétrus Trương Vĩnh Ký màu đỏ, còn học sinh lớp tối phù hiệu cũng y vậy nhưng chữ màu xanh. Ngoài ra mỗi ba tháng cả lớp xếp hàng đi lên văn phòng đóng học phí. Học buổi tối với ước mong có ngày nào đó do học giỏi sẽ được chuyển lên lớp ngày (chỉ nghe nói thôi chứ chưa thấy trường hợp nào). Đến cuối năm lớp 8 thì Việt Cộng vào, giải tán lớp tối, học sinh được chuyển sang các trường tư thục nay đã biến thành trường công. Trường Pétrus Ký mất tên, tượng ông Trương Vĩnh Ký trong sân trường và ngoài công trường đối diện nhà thờ Đức Bà cũng bị hạ bỏ, còn nhớ có một bài báo trên tờ Sàigòn Giải Phóng ca tụng việc đó và gọi ông là "tên học phiệt". Ôi! Thật là một cuộc đổi đời!

Đọc mỗi bài viết của dxt lại làm mình nhớ đến những chuyện xưa, vậy mà muốn bỏ vài câu bình luận lại không biết viết gì, chắc vì có nhiều điều muốn viết quá chăng!?

Nay thôi thì gom góp lại làm một bài gọi là tạ lòng người viết đã nhắc nhớ nhiều đến thời thơ ấu.

Bạn văn ôi!

Petrus Ký chứ không phải là Pétrus Ký. Không có dấu sắc trên chữ e. Tên thánh của ông Trương Vĩnh Ký!

Bạn có để ý cái tượng đồng bán thân của Ông Trương Vĩnh Ký, mặc áo dài khăn đống, đeo một dãy huân chương bên ngực trái và trên gò má phải có vết lõm không?

Vết nầy, nghe thuật lại, là do đạn bắn gây ra. Vì trưa ngày 27 tháng 4 năm 1955, trường Petrus Ký là chiến trường giữa lính Bình Xuyên Bảy Viễn và Quân đội Quốc gia của ông Ngô Đình Diệm (lúc đó Lại văn Sang, phe Bảy Viễn, đang nắm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Tổng Nha nằm phía bên kia đường Cộng Hòa đối diện trường Petrus Ký. Cái tiếu lâm là hồi trước đó Bảy Viễn là ăn cướp! Ha ha!)

Bạn văn Hoàng Chu ôi! Xin cám ơn nhiều…nhiều!

Mình xa quê, xa Sài Gòn đã lâu mà nhắc tới vẫn thấy bồi hồi quá xá hé?

Những hình ảnh cũ bây giờ chỉ còn lại trong chiêm bao. Đêm quê người thỉnh thoảng lại nhớ những ngày vui năm cũ thì cũng chỉ là ‘vọc nước chiêm bao’ của những người phải làm cái thân xa xứ mà thôi!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Hội chứng Stockholm!

dxt_May25_1.jpg dxt_May25_2.jpg

Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2013, với sự giúp sức của một ‘anh hùng bất đắc dĩ’, Charles Ramsey, người hàng xóm, Amanda Berry đã đào thoát khỏi căn nhà, cũng là ngục tù, mà tên bắt cóc đã giam giữ cô gần suốt một thập niên trên Seymore Avenue, thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ.

Lời nói đầu tiên của Amanda với nhân viên trực tổng đài Cảnh Sát 911 là:

“I’m free now” “Tôi đã được tự do!”

Hai phút sau,  Cảnh Sát ào tới căn nhà của Ariel Castro, 52 tuổi, tên hung phạm.

Căn nhà hoàn toàn bị khóa kín. Khóa ở tầng hầm, khóa ở các phòng, khóa ở nhà chứa xe. Những cửa sổ đều bị dán kín bằng những bao vụt rác khiến người bên trong không thể nhìn ra bên ngoài và người bên ngoài cũng không nhìn thấy được bên trong!

Ở đó, cảnh sát giải cứu được 3 người phụ nữ và một bé gái vừa lên 6, tên Jocelyn, con của Amanda.

Tin tức về tội ác này, nhanh như chớp, qua giới truyền thông, làm rúng động nước Mỹ và toàn thế giới!

Tên thủ ác, con quỷ đội lớp người nầy, dưới một cái vỏ bọc rất hiền hòa, là một tài xế xe bus cho một trường học ở địa phương, chuyên đưa đón học trò đi học.

Nạn nhân của y là:

Amanda Berry biến mất lúc tuổi mới vừa 16 vào ngày 21 tháng 4 năm 2003 khi chấm dứt ca làm ở Burger King và trên đường về nhà.

Gina de Jesus là bạn học với con gái hung phạm, biến mất lúc tuổi mới vừa 14, lúc trên đường đi học về, một năm sau đó.

Michelle Knight biến mất năm 2002 và lúc được cứu thoát cô đã 32 tuổi.

Những nạn nhân nầy đã lần lượt bị Ariel Castro bắt cóc, mang về nhà tù của y, trói lại, giam giữ ở những căn phòng khác nhau và bắt buộc họ phải làm nô lệ tình dục cho con quỷ nầy suốt cả một thập niên dài.

Một trong ba người phụ nữ này được biết đã sẩy thai ba lần vì bị đánh đập, tra tấn và bị bỏ đói.

Dù khoảng thời gian dài đằng đẳng, thê lương như vậy nhưng gia đình, bè bạn của những người bị mất tích, thất tung chưa bao giờ từ bỏ niềm hy vọng là họ vẫn còn sống sót ở đâu đó. Sẽ có ngày gặp lại?

Bà ngoại của Amanda Berry nức nở nói:

 “Xin cám ơn Thượng Đế! Bà luôn luôn nghĩ tới con. Không bao giờ quên được! con ơi!”

Nhưng mẹ của Berry, bà Louwana Miller, không được may mắn gặp lại con mình.

Suốt ba năm, sau ngày Berry bị bắt cóc, bà vẫn không ngừng tìm kiếm. Niềm đau đớn đó đã làm bà lâm bệnh nặng, rồi từ giã cõi đời vào tháng 3 năm 2006 với một trái tim hoàn toàn tan vỡ. "She literally died of a broken heart!"

Tên hung phạm nầy rồi đây sẽ phải ra trước Tòa để trả lời về những hành động tàn ác mà y đã gây ra. Hắn đã tước đoạt tự do của người khác; giờ chắc có lẽ là hắn sẽ không bao giờ có được tự do nữa. Ác giả, ác báo!

Còn nạn nhân thì có thể sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, mới hồi phục được sức khỏe tâm thần sau những thử thách khắc nghiệt mà họ phải trải qua. Và trong trường hợp này, chưa rõ ba nạn nhân có mắc phải ‘Hội chứng Stockholm’ hay không?

Nhưng hội chứng Stockholm là gì?

Hội chứng Stockholm là thuật ngữ được nhà tội phạm học, bác sĩ tâm thần Nils Bejerot đặt ra, sau một vụ cướp ngân hàng và cầm giữ con tin xảy ra năm 1973 tại Stockholm, Thụy Điển, dùng để mô tả một trạng thái tâm lý của một người bị bắt cóc lâu ngày, chuyển từ sợ hãi và căm ghét sang thông cảm và quý mến chính kẻ bắt cóc mình!

Ngày 23/8/1973, Jan Erik "Janne" Olsson, là một tù nhân đang được đi phép,  mang một khẩu súng máy, xông vào cướp ngân hàng Kreditbanken ở Stockholm, bắt 4 nhân viên ở đây làm con tin trong suốt 6 ngày liền.

Hắn đòi hỏi phải phóng thích và mang bạn tù của y là Clark Olofsson đến, cùng 3 triệu đồng tiền Thụy Điển (Swedish Krona) tương đương với 3 triệu đô Mỹ theo thời giá bây giờ, với hai khẩu súng, áo giáp chống đạn, nón sắt và một chiếc xe ‘cực kỳ tốc độ!’

Trận đánh cướp nầy lần đầu tiên được trực tiếp truyền hình trên thế giới.

Ngày 28 tháng 8, Cảnh Sát dùng hơi gas tấn công và hai tên cướp đầu hàng. Những con tin được giải thoát.

Nhưng kinh ngạc, bất ngờ thay những con tin nầy không những đã ôm hôn những kẻ đã cầm giữ mình suốt sáu ngày liền, mà còn lên tiếng oán than, chê trách những nhân viên công lực đã đương đầu với nguy hiểm (bằng cớ là có hai cảnh sát đã bị chúng bắn trọng thương) để giải cứu mình!

Tại sao như vậy?

Các bác sĩ tâm thần giải thích rằng các nạn nhân đã bị hội chứng Stockholm. Hội chứng nầy xảy ra khi nạn nhân bị ép buộc phải đối diện với một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, đe dọa đến mạng sống của mình thì phản ứng lại bằng cách cam chịu thay vì kháng cự. Nạn nhân đã tự biện luận và chấp nhận việc cầu thân với kẻ địch để thích hợp với môi trường mới, hòng khỏi bị giết hoặc bị đánh đập, bạo hành.  Sau một thời gian dài thì các nạn nhân dần dần tỏ ra tuân phục,  rồi cảm mến do sự chăm sóc dù rất nhỏ nhoi của thủ phạm mà không ý thức được phải trái nữa!

Mà không phải chỉ 4 nhân viên ngân hàng này mà còn có những trường hợp khác còn quái đản hơn nữa như:

Natascha Kampusch, người Áo, bị nhốt dưới tầng hầm suốt 8 năm, từ năm 1998, khi mới 10 tuổi. Wolfgang Priklopil đánh đập cô hơn 200 lần một tuần và xích cô lại trong khi họ ngủ chung, nhưng mãi đến tháng 8/2006, Kampusch mới quyết định thoát ra. Còn Priklopil thì đâm đầu vào tàu hỏa tự sát.

Có người còn đi xa hơn nữa! Không những không căm ghét mà còn cộng tác nhiệt tình với kẻ thù, như vụ: Patty Hearst bị bắt cóc năm 1974 đã tiếp tay, giúp bọn chúng cướp ngân hàng!

Khi bị bắt làm nô lệ, làm con tin thường thì có hai trường hợp xảy ra: Nếu bọn cướp này hung bạo đánh đập, tra tấn con tin thì chúng sẽ bị nạn nhân căm thù đến tận xương tủy.

Còn nếu chúng chỉ đối xử lịch sự một chút thôi, cũng đủ làm nạn nhân hàm ơn vì được tha chết; mà hết lòng thương mến và ủng hộ bọn chúng!

Chuyện nầy xảy ra hà rầm trong các chế độ độc tài Cộng Sản.

Theo ý người viết, những hành động về hùa, tiếp tay với kẻ thù, gọi nó là ‘Stockholm Syndrome’ chi cho nó rối rắm! Gọi một cách trần trụi hơn là hội chứng “Hun Hít Kẻ Thù” cho nó dễ hiểu hơn!

Xét trên bình diện một quốc gia. Chẳng hạn như mới đây ở Bắc Triều Tiên cũng có ít nhứt là một người đang chịu hội chứng đó.

Ông nội, cha, rồi con nhà họ Kim cầm giữ dân tộc Triều Tiên như nô lệ. Nhân dân Bắc Triều Tiên chịu biết bao nhiêu là thống khổ; đói rách, lầm than…Vậy mà nữ cảnh sát giao thông, 22 tuổi, Ri Kyong-sim đã… dập lửa cứu một tấm áp phích có tên Kim Jong-un.  Rồi thành “Anh hùng Cộng hòa”! Ri Kyong-sim, khóc suốt lúc nhận huân chương...Ngoài danh hiệu anh hùng, ‘em’ còn được thưởng một căn hộ mới ở Bình Nhưỡng.

Một người Việt, trong nước, nói rằng: “Nếu tặng tôi... cái nhà, chẳng cần phong anh hùng gì ráo trọi, mà kêu tôi khóc; tôi còn khóc nhiều hơn ‘em’ nữa kìa! Khóc như cha chết vậy đó?!” He he!

Cả một dân tộc bị ông nội rồi cha, rồi con họ Kim, nhất là lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong-un thường hay ông lên bà xuống nầy, bắt cóc, làm tù nhân đã quá lâu trên chính đất nước của mình thì hội chứng Stockholm thì làm cách chi mà tránh cho khỏi?

Còn Việt Nam thì sao? Thì cũng vậy thôi!

Cả dân tộc bị bắt làm con tin, làm tù nhân quá lâu rồi, hằng mấy chục năm dài, thì làm sao mà tránh khỏi, không bị hội chứng Stockholm ?

Có người bị bịnh, bịnh rất nặng, nặng đến nỗi không những không căm ghét kẻ đã hành hạ mình, tước đoạt sự tự do của mình; mà còn quay lại, tung hô vạn tuế, khen ngợi, bợ đỡ, hun hít để được gia nhập vào guồng máy cai trị độc đảng, để đàn áp, bắt bớ ngay chính đồng bào mình, dân tộc mình suốt bấy nhiêu năm nhằm phục vụ cho tham vọng của bọn cường quyền!

Những người bị bắt làm nô lệ, làm con tin mà phản ứng như vậy để sống còn là điều còn có thể hiểu được.

Nhưng những ông tai to mặt lớn đã nhanh chân leo lên máy bay mà đào tẩu, tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng, chạy thoát năm 75, chưa hề bị bắt làm nô lệ, làm con tin một ngày nào hết thì sao bây giờ cũng thấy họ hoàn toàn tuân phục kẻ tính giết hại đời mình như vậy hả?

Chẳng hạn như mới đây có một ông tai to, mặt cũng vừa vừa thôi, không lớn lắm, nói vầy:

“Tôi thấy Việt Nam đang phát triển vùn vụt, dầu còn thua Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Hàn Quốc, nhưng quả thật đang thay da đổi thịt, đang phát triển thật sự?”

“…Lòng dân ư? Tôi tiếp xúc và tôi thấy đa phần dân chúng ở Việt Nam chỉ muốn yên ổn phát triển làm ăn và họ muốn ôn hòa đối thoại để cải tiến những mặt trái của chính trị và xã hội…”

Nghĩa là sao? Nghĩa là đừng tìm cách kêu cứu rồi đào thoát khỏi một cảnh đời nô lệ như Amanda Berry đã làm. Hãy vui vẻ mà ở tù đi nhá!

À! Cái nầy thì chắc không phải bị hội chứng Stockholm rồi! Vì ổng chạy lẹ quá;  đâu có bị nó bắt làm con tin đâu mà bị ‘Stockholm Syndrome’! 

Nhưng tự dưng quay đầu về nộp mạng cho chằn; tôi cho rằng ổng bị hội chứng ‘Tiền và Gái’, nhứt là tiền đô Mỹ và gái chân dài! Không cần phải là bác sĩ tâm thần mới hiểu được! Vì dễ hiểu quá mà?!

Bà con, dân ngu khu đen mình, nghe và nhìn ổng ‘đờn’, rao hơi ‘xề’, là mình chẩn đoán bịnh ‘tiền và gái’ của ổng trúng ngay chóc! Khỏi có cãi. Ha ha!

Nhưng mà kệ ổng! Bạn ơi! Y ‘dụ’ mà mình không nghe thì huề trớt!

Tin tôi đi!  Một ngày nào đó, sớm hay muộn, thì dân tộc Việt Nam và dân tộc Bắc Triều Tiên cũng sẽ nói giống hệt như Amanda Berry thôi.

 “I'm free now!” “Tôi đã được tự do!”

Nghe sao mà nó quá đã! Đã quá đã! Phải không?

đoàn xuân thu.

melbourne.

Hành Khất Đại Hiệp: Bill Gates!

     dxt_may17.jpg

Người sáng lập Microsoft, Bill Gates, 57 tuổi, ngày 23 tháng 4 năm 2013, đã đến Hán Thành (Seoul) để đọc bài diễn văn nói về Quỹ từ thiện mang tên Bill và Melinda Gates trước Quốc Hội của Nam Triều Tiên.

Hôn thứ hai, báo chí Nam Triều Tiên ‘chộp’ hình Bill Gates dùng tay phải bắt tay Tổng Thống Park Geun-hye trong khi tay trái lại ‘thọt’ trong túi quần!

Hình ảnh cái bắt tay, chuyện nhỏ… này, được in đầy trên trang nhứt các nhựt báo phát hành vào ngày thứ ba. Truyền thông Nam Triều Tiên ‘nhao nhao’ lên, kết tội Bill Gates là vô phép, không tôn trọng lãnh tụ của họ?!

Ở Nam Triều Tiên và một phần của Á Châu, bắt một tay được xem là không tôn trọng người đối diện và thường chỉ làm đối với người trẻ hơn; hay là với bạn chí thân!

Báo chí Nam Triều Tiên còn vạch lá tìm sâu, khi viết : Năm 2002 Gates bắt hai tay với Tổng Thống Kim Dae-jung ; nhưng năm 2008 thì chỉ bắt một tay với Tổng Thống Lee Myung-Bak .

Báo chí Nam Triều Tiên coi bộ hơi ở không và hơi khó? Chứ cách chào hỏi mỗi nơi mỗi khác mà! Dễ dễ chút đi!

Như ở Nhựt khi chào mà không cuối đầu thấp hơn người đối diện thì bị cho là vô lễ. Còn chào cuối đầu hơi sâu như Tổng Thống Obama trước Nhựt Hoàng thì bị báo chí Mỹ cho là hèn…?!

Vỗ nhẹ trên đầu nhau, Tây là thân thiện, mà làm như vậy ở Thái Lan là nó quánh cho cái lỗ mũi ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc. Đầu để ‘thờ’ à nha?!

Cũng như lấy ngón cái và ngón trỏ chạm vào nhau tạo thành một vòng tròn,  ở Mỹ gọi là ‘OK sign’ thì ở Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ lại cho rằng là thô tục; là chỉ ‘cái đó’? Nó quạu, nó quánh cho về nhà má nhìn hỏng ra luôn!

Còn ở Trung Quốc hay Đài Loan tốn tiền mua tặng gia chủ một cái ‘đổng’, cái đồng hồ, không những nó chẳng cám ơn mà còn chửi rùm lên vì cho rằng mình trù cho nó chết sớm?!

Thiệt là lắm chuyện!

Trở lại cái bắt tay của Bill Gates với Nữ Tổng Thống xinh đẹp Park Geun-hye không phải chỉ xảy ra với ‘em yêu’ mà còn đối với những tay ‘cộm cán’ trên chốn giang hồ chính trường nữa. Bill Gates từng bắt bằng một tay, tay kia thọt vô túi quần với tân Hoàng Đế Trung Hoa Tập Cận Bình, với Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon, Tổng Thống Pháp  Nicolas Sarkozy, Tổng Thống Nam Phi Thabo Mbeki ..vv..

Bà con trên mạng thì vui như đua ngựa Melbourne Cup, bình loạn cả lên.

Có người thì nói ổng thọt tay vô túi quần vì phải giữ chặt cái ví tiền của mình để trong đó!

“He keeps his wallet in his left pocket.”

Có người tiếu lâm hơn, nói rằng: “Ổng thọt tay vô túi quần để giữ cho con ‘cọp’ của ổng không sút chuồng vì em Park, Nữ Tổng Thống Nam Triều Tiên, ‘nóng’ quá, hấp dẩn quá tay!”

“He was probably just keeping the tiger in the cage. Park is pretty hot!”

Ông Bill Gates sanh năm 1955, theo người Việt mình, thì ông tuổi Mùi, ‘Con Dê!’, khoái ăn sua đũa nên câu bình ‘loạn’ nói trên thiệt là hợp tình, hợp cảnh của một con người cực kỳ trí tuệ!

Người viết cho rằng chẳng qua là thói quen của Bill Gates mà thôi? Khi đi dạo một mình, ổng cũng thường thọt tay vô túi quần, để kiểm tra cho chắc ăn là ‘con cọp’ của mình còn ở trong đó hay không?

Vậy thôi! Chớ có gì đâu mà làm lớn chuyện hở mấy chú Sâm Cao Ly?

Hãy phán xét những hành động nhân ái của Bill Gates dành cho nhân loại thì hay hơn nhiều!

Là người giàu thứ hai trên trái đất này, chỉ sau tỷ phú truyền thông Mexico,  Carlos Slim Helú , 69 tỷ USD, thì  người sáng lập tập đoàn Microsoft, Bill Gates, chỉ có ‘xỉu xỉu’ 61 tỷ USD thôi! 

Đổi tất cả tiền của Bill Gates ra tờ 1 USD, bạn có thể làm con đường nối từ trái đất đến mặt trăng và phải sử dụng 713 máy bay Boeing 747 để chở số tiền đó.

Bill Gates kiếm được 250 USD mỗi giây, khoảng 20 triệu USD mỗi ngày và 7,8 tỷ USD một năm.

Bill Gates có thể cho mỗi người trên trái đất này 15 đô, đi ăn phở, tô xe lửa, mà vẫn còn giữ lại được 5 triệu USD.

Còn so sánh với Michael Jordan, là vận động viên được trả lương cao nhất ở Mỹ,  nếu Michael không ăn, không uống, mà không ngỏm củ từ, thì sẽ giữ lại toàn bộ thu nhập khoảng 30 triệu USD mỗi năm, thì phải đợi đến đến năm 227 tuổi thì mới giàu như Bill Gates hiện nay.

Có người nói tiền bạc không làm nên một con người? Mà chính nhân cách mới làm nên một con người vĩ đại?!

Chúng ta, những người dân ngu khu đen, thường có thành kiến và nhìn những tay nhà giàu không mấy thiện cảm?

Tuy nhiên công tâm mà nói, người viết phải cảm ơn, thank you so much, những công việc Bill Gates đang làm với Quỹ từ thiện Bill và Melinda Gates, khi ông cho đi hàng tỷ USD của mình để chống lại sự lan tràn của dịch bệnh và phát triển nguồn lương thực cho những người đang đói rách trên thế giới.

Theo Business Insider, Quỹ từ thiện của Bill Gates quyết thực hiện những việc sau đây:

Quỹ Gates muốn loại bỏ hoàn toàn căn bệnh bại liệt bằng cách thực hiện một chương trình tiêm chủng trên toàn thế giới.

Quỹ Gates giúp người dân Zambia có mùng trừ muỗi. Giúp họ phun thuốc xịt muỗi trong nhà. Tìm kiếm vắc-xin phòng bệnh sốt rét và các loại thuốc diệt muỗi mới.

Quỹ Gates đã chi 2 tỷ USD vào vắc-xin chống lại HIV, ngăn chặn sự bùng phát của căn bệnh thế kỷ ở Châu Phi và làm giảm chi phí điều trị cho người bệnh.

Quỹ Gates chi 1,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, để chăm sóc sức khỏe các bà mẹ và trẻ em tại Ấn Độ, Ethiopia và một số nước có tỷ lệ phụ nữ và trẻ em tử vong cao.

Cho gần hết tài sản của mình, ông chỉ muốn để lại cho 3 đứa con, Jennifer Katharine, Rory John  và Phoebe Adele  mỗi đứa 10 triệu đô, để làm vốn, vào đời. Số tiền đó với người viết thì ngủ nằm ‘mơ và mớ’ cũng không thấy được!

Nhưng dù có cho đi gần hết, vẫn không đủ tiền tài trợ những dự án dành cho nhân loại còn đang thống khổ, nên ông đành phải trở thành ‘hành khất đại hiệp’! Phải ‘ông đi qua, bà đi lại’, xin tiền ‘tỷ’ các nhà tỷ phú khác cũng có lòng thương nhân loại vô bờ bến như vợ chồng ông!

Hành khất đại hiệp Bill Gates được sự tiếp tay của tỷ phú Warren Buffett và ít nhất là 30 tỷ phú khác đã hứa hiến tặng một nửa số tài sản của họ cho việc từ thiện.

Người viết xin chào ông với tấm lòng khâm phục vô biên! Và nếu may mắn được gặp và bắt tay với ông; nếu ông có bắt một tay, còn tay kia ông muốn ‘thọt’ đi đâu thì cứ ‘thọt’?! Xin cứ ‘vô tư’!

Anh bạn văn, trong buổi ‘lai rai’ cuối tuần, may mắn hơn người viết, cho biết là gặp ông Bill Gates hoài; nhưng mà không có bắt tay!

 “Gặp ở đâu vậy?”  Thằng chả cười ‘hè hè’, rồi trả lời: “Trên truyền hình chớ ở đâu?”. Trả lời nghe lãng xẹt!

Dẫu ‘Tiền kỳ thanh, bất kiến kỳ hình’, cũng xin đa tạ cái Quỹ học bổng do ông sáng lập, vừa giúp một em học sinh Mỹ gốc Việt, Ngân Nguyễn, Bloomington Kennedy High School, Minnesota tiếp tục con đường học vấn bậc đại học cho dù ông đã từng bỏ ngang trường Harvard khi còn rất trẻ!

Tuy vậy, anh bạn văn lại ‘đâm xuồng bễ’, cà chớn nói rằng: “Vụ làm từ thiện của Bill Gates còn thua xa mấy em người mẫu trong nước bây giờ? Mấy em chân dài nầy còn dám ở truồng chụp ảnh mà làm từ thiện đó nha! Bill Gates dám hông? Chắc là hông rồi?” 

Đem thân xác của mình ra tiếp thị, quảng cáo, lại đội lốt, mang danh từ thiện mà hỏng biết mắc cỡ gì hết trơn hết trọi?

Bill Gates giàu tiền tỷ đô, cho đi gần hết để làm từ thiện;  còn  ở VN có ‘cậu nhỏ’ ca sĩ nầy, đã từng ‘hửi nước mắm hòa với tiêu cay’ ở Huê Kỳ hai ba năm về trước, không biết giàu mấy ‘mủn’ mà la hoảng lên! “Em mất cái đồng hồ Cartier tiền tỷ VN, khi đi trình diễn ở Bạc Liêu và vài chiếc nhẫn kim cương mấy năm trước?”

‘Cậu nhỏ’ này bỏ ra chút tiền còm, không phải để làm từ thiện ‘khỉ khô’ gì mà là nhờ đám phóng viên báo lá cải trong nước viết la um xùm, vừa quảng cáo, vừa khoe khoang, vừa nổ sảng… Nổ mà không biết nhục?! 

Thưa quý bạn đọc thân mến!

Người viết sau khi làm ‘nháp’ xong một bài, thường gởi cho anh bạn văn già, trên ‘thông thiên văn; dưới tường địa lý’, duyệt trước để xem coi có sửa đổi, thêm thắt gì hông?  Vì viết lạng quạng là dể bị ‘tơi bời hoa lá’ lắm chớ hỏng phải chuyện giỡn chơi!

Đọc xong bài nầy, anh bèn hạ cố ‘rồng đến nhà tôm’. Người viết chuẩn bị sẵn dĩa thịt bò xào và chai rượu đỏ.

Nhưng anh khoát tay “Bữa nay anh đến chú, để nói về đạo lý, về sự giàu có và lòng nhân ái, nên không uống rượu?!”

Người viết nài nỉ: “Chút chút thôi mà!  Cho thông cổ họng!”.

“Thôi nể tình chú, rót cho anh một ly! Anh đến vì muốn nói về Vương Khải và Thạch Sùng, con thằn lằn! Hai ‘cha’ giàu mà không làm từ thiện gì sất! Chỉ lo đọ kim cương, hột xoàn, đô la Mỹ và tài khoản trong nhà băng Thụy Sĩ. Cuối cùng Thạch Sùng thua ‘cá độ’ vì không có cái ‘mẻ kho’. Thạch Sùng tức quá, ngỏm, thành con thằn lằn, cứ chắt lưỡi hoài!

Bà con cho rằng y tiếc của? Anh thì nghĩ không phải vậy. Cái ‘mẻ kho’ là dấu chỉ một khoảng đời nghèo khó. Thạch Sùng giàu có bởi đầu cơ, tích trữ lúa gạo lúc thiên hạ mất mùa đói khát lầm than vì lũ lụt! Giàu tiền nhưng lòng nhân từ thì nghèo mạt! Không làm từ thiện cho ai hết nên trời phạt chết thành con thằn lằn, cứ chắt lưỡi, tiếc hoài sao khi xưa mình không sống cho đàng hoàng tử tế một chút!

Đó là chuyện xưa. Còn bây giờ thằng nào giàu vì tham nhũng, cướp nhà, cướp đất của dân; phá rừng, bán đất, dâng biển cho ngoại bang rồi vênh mặt lên, quên thuở chân quê ‘chèo xuồng chống Mỹ’, làm cho đồng bào cực kỳ thống khổ…khi chết sẽ thành con thằn lằn. Chú xem coi có đúng như vậy hay không?”

Người viết phải buột miệng khen anh bình như vậy thiệt là thâm trầm ảo diệu. “Cám ơn chú khen anh! Xin rót cho anh thêm ly nữa! He he!”

Nhìn lại chai rượu đỏ cạn queo! Anh bạn văn này không ‘từ thiện’ cho mình một giọt nào! (dù rượu của mình mua). Hu hu !

đoàn xuân thu.

melbourne.

Sụp lỗ chưn trâu!

dxt_may15.jpg

Thưa quý độc giả kính mến!

Chắc quý vị đều đã từng nghe qua hai câu đối nầy:

“Vũ vô kiềm toả năng lưu khách! Sắc bất ba đào dị nịch nhân!”

Chuyện rằng ngày xửa ngày xưa ở nước ta: Nguyễn Giản Thanh, người làng Ông Mặc (làng Me), huyện Ðông Ngàn (nay là Từ Sơn), Bắc Ninh sinh năm 1482, mất năm nào không rõ, đời Vua Lê Uy Mục.

Một hôm đi học, thầy là Thượng Thư Ðàm Thận Huy vừa giảng bài xong thì trời đổ mưa to, học trò đều phải ngồi lại.

Nhân vậy, để giết thời giờ, thầy ra một câu đối để học trò cùng đối cho vui:

“Vũ vô kiềm toả năng lưu khách”. Nghĩa là: Mưa không giữ chân mà người khách phải ở lại. Trò Thanh đối ngay rằng: “Sắc bất ba đào dị nịch nhân!”

Nghĩa là: Sắc đẹp chẳng phải là sóng gió mà lại làm người ta chết đuối.

Thầy xem xong, khen hay, rồi bói cho trò một quẻ về đường hậu vận: "Câu đối này hay lắm, giọng văn này có thể đỗ Trạng được, nhưng sau tất mê đắm vào vòng sắc dục làm hại lây đến sự nghiệp!".

Quả nhiên, mấy năm sau, Nguyễn Giản Thanh thi đỗ Thủ Khoa, rồi đỗ Trạng làm tới quan tới Lễ Bộ Thượng Thư, nhưng vì say đắm cô gái đẹp ở kinh thành mà đến ô danh bại giá.

Cái đó mình gọi là đi sông, đi biển dẫu sâu; về nhà ‘sụp lỗ…chưn trâu’… chết?!

Đàn ông con trai theo thời thế ngày càng văn minh, khôn ra nhưng về đường sắc dục người viết e rằng ngàn năm trước đến ngàn năm sau rồi cũng ‘ngu’ y như vậy!

Chẳng hạn mới đây tại Mỹ, cũng “Sắc bất ba đào dị nịch nhân’. Nhưng ‘Nhân’ ở đây là ‘Nhân Sâm’ hay còn gọi là ‘Củ Sâm’. Mà nhắc tới ‘Củ Sâm’ là nhắc tới nước Nam Triều Tiên còn gọi là Đại Hàn. Và chắc có lẽ vì ngậm ‘củ sâm’ hoài, nên sung, nên ‘Củ Sâm’ trên đầu bảo ‘Củ Sâm’ ở dưới mà nó hỏng chịu nghe cho nên mới tới ô danh bại giá!

Chuyện rằng: Cô (chưa chồng nên gọi là Cô) Tổng Thống Park Geun-hye của Nam Triều Tiên trong chuyến công du tới Huê Kỳ đã phải buộc lòng ‘đá đít’ phát ngôn viên của mình: ‘Mông xừ Yoon Chang-jung’ về chuyện sờ ‘Mông’ mà không được phép của người chủ chiếc ‘Mông’. Ông sờ ‘Mông’ mà em đã nói ‘Non’ Mông xừ! Vậy là xong! Chổng mông!

Cảnh sát Washington DC cho biết ‘Củ Sâm’ này đã sờ, bóp mông một nữ thực tập sinh, người em gái Nam Triều Tiên, nhưng quốc tịch Mỹ, tại một khách sạn trong thành phố vào tối thứ ba ngày 7/05/ 2013 từ  9 giờ 30- tới 10 giờ tối theo giờ địa phương khi đi nhậu về!

(Lại thực tập sinh nữa? Làm gợi nhớ em thực tập sinh Monica Lewinsky của tay chơi kèn Saxophone, cựu Tổng Thống Mỹ Bill Clinton!)

Cô Tổng Thống nầy chưa lấy chồng nên chưa có kinh nghiệm nhiều về chuyện nầy? Vậy mà nghe ‘cấp báo, cấp báo’ đã không thông cảm gì ráo, lại còn nổi tam bành lục tặc mà ra lịnh cho ‘Mông xừ Củ Sâm’ này bay về nước ngay tức khắc. Chắc sợ chậm  chân, Cảnh Sát Mỹ, nó ‘tó’ thì nhục cho cả đám !

Báo chí Đại Hàn nhào vô ăn có! Sờ, bóp mông có một chút xíu mà kết tội là làm nhục quốc thể thì hơi quá lời đó nha?! Nhưng chắc có lẽ tại hơi lâu từ 9 giờ 30 tối tới 10 giờ đêm.  Nửa tiếng đồng hồ chớ có ít ỏi gì đâu! Trong nửa tiếng ‘sơ huyền sờ’ mấy lần? Sờ một lần, là số ít; mà hai lần trở lên là số nhiều! Mà nhiều thì nhục quốc thể thiệt. Hỏng dám cãi!

Nhưng cái lạ là phát ngôn viên của Nữ Tổng Thống, dĩ nhiên là phải có tài ăn nói và đối đáp; chắc còn giỏi hơn Tôn Nữ Thị Ninh hồi xưa hay Lương Thanh Nghị bây giờ của Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam, (cái miệng của Tổng Thống  chắc là phải ‘môi mép’ hơn cái miệng của Bộ Trưởng rồi) mà hỏng hiểu sao ông ‘im re’, nín khe, hỏng có cãi, dù một lời ‘cay đắng cho nhau’?!  Nên thiên hạ tin chắc như bắp là ông này có làm ‘bậy’ thiệt rồi?

Anh bạn văn của người viết nghe chuyện, cười ha hả, thiếu điều phun rượu vào mặt người viết, rồi nói: “Thằng cha này thiệt là chậm tiêu mà hỏng hiểu sao được làm lớn vậy ta? Nếu tui là thằng chả, nhậu ba hột cửng cửng rồi, mà thấy cái vòng số ba của em, đồi núi quá nên mình cầm lòng không đặng thì mình xin phép trước. Em phựt đèn xanh thì tới, chớp chớp đèn vàng thì mời đi ăn‘kim chi’ cho nó cay cay cái đã… rồi quà cáp gì đó. Còn đèn đỏ thì dừng. Thắng cái rét, dù lết bánh, mòn hết vỏ xe Hyundai đi chăng nữa!”

Nhìn thôi!  Đừng đụng tới! Look! Don’t touch! Có phải là ‘an toàn trên xa lộ; thanh lịch trong thành phố’ phải không?

Thôi mất chức rồi! Cũng tại thằng nhỏ xúi bậy mà thằng lớn ngu, làm theo; nhưng cũng còn may là nhanh tay lẹ cẳng mà chạy thoát. Chẳng qua là nhờ tình bạn thắm thiết Mỹ- Hàn, nên nó giả bộ chậm cho mình chạy. Chớ sực nhớ cái chuyện thằng cha Tổng Giám Đốc Quỷ Tiền Tệ quốc tế Dominique Strauss-Kahn  ăn bánh trả tiền, vậy mà lên máy bay rồi, nó còn rượt theo mà bắt ‘nhốt’, hỏng thấy sao?  Nhớ lại còn run hai cái đầu gối nè!

“Một lần thôi tởn tới già! Đừng đi nước mặn mà hà ăn chưn!”

Nhưng về tới Seoul, biết trả lời sao với con ‘Sư Tử Hán Thành’ đây? Thiệt một lần ngu dại mà di hại ngàn thu là vậy!

Làm đàn ông con trai, thói thường, ai thấy người đẹp mà không khoái chớ? Khoái thì khoái nhưng cũng nên ‘Ôn Cố Tri Tân!’ một chút!

Một là phải theo lời dạy của Khổng Tử muốn làm bất cứ cái gì thì phải ‘Tu thân’ trước đã. Nghĩa là trong thân thể của mình, trên bảo dưới phải nghe! Nó lì lợm không nghe thì chết chắc?

Hai là làm bậy như vậy; dẫu có ‘phê như con tê tê’, giựt giựt …hỏng bao lâu mà đường hoạn lộ bấy nay dày công vun đắp nay trở thành tuyệt lộ?

Dân Mỹ có lẽ khoái Cô Tổng Thống Đại Hàn nầy nên tha thiết đề nghị cô qua Mỹ để thống lãnh cái chuyện dọn dẹp cho sạch sẽ cả đống vụ quấy nhiễu tình dục đang xảy ra hà rầm trong quân đội Mỹ:

“We need to put her in charge of the US military to clean up the rot that is causing these kinds of assaults!”

Ông ‘Củ sâm’ này làm lớn, đã 56 tuổi đầu rồi mà còn ngu; thì trách chi mấy thằng thanh niên đang ‘sung…sức’  khỏe?! 

Thanh niên hả? Làm ‘bậy’ cũng bị chửi tá lả tà la luôn! Hỏng miễn trừ gì ráo! Thiệt là bất công nha?!

Chuyện rằng: “Ngày 20 tháng 4 năm 2013 vừa qua,trên chuyến bay VN 595, từ Hồng Kông đi Sài Gòn. Vì hâm mộ người đẹp, các phi công đã mời Đại Sứ Du Lịch VC Lý Nhã Kỳ vào buồng lái chụp ảnh. Đang điều khiển máy bay, nhưng các phi công vẫn rời ghế lái để nhường chỗ cho Lý Nhã Kỳ và thay phiên nhau, quay mặt lại cùng chụp ảnh.”

Dĩ nhiên hai chàng này đã để ‘auto pilot’, lái tự động, thì làm gì la um sùm lên vậy? Làm như phi cơ rớt … rớt tới nơi vậy! Hai phi công Ấn Độ trên chuyến bay của hãng hàng không Air India từ Bangkok tới Delhi còn giao cho chiêu đãi viên hàng không coi, để mình đi ngủ nữa kìa! Sao không qua đó mà ‘xì nẹt’ tụi nó?

Ông nhà văn Nguyễn Quang Lập trong nước hỏng chịu cái lập luận cà chớn để chống chế nầy, nên ông rầy rà quá.  Xin chép một đoạn:

“Thật là nguy hiểm. Những viên phi công vô trách nhiệm với con người kia phải được tống cổ ra khỏi ngành. Máu gái đến lú lấp. Người bình thường cũng hiểu cho người lạ ngồi vào ghế điều khiển trong khi máy bay đang bay trên trời nguy hiểm đến nhường nào, cớ gì bọn này không hiểu?

Lý Nhã Kỳ là đại sứ du lịch chứ không phải là con bò, cô thừa hiểu người không có nhiệm vụ không được vào buồng lái. Đáng lẽ khi các phi công mời vào buồng lái chụp ảnh cô phải mắng họ, rằng tại sao lại bỏ nhiệm vụ đi chụp ảnh, các anh không biết sau lưng các anh là tính mạng của hàng trăm con người hay sao?

Đằng này cô lại tí tởn ôm vai hót cổ với các phi công đang làm nhiệm vụ. Thế mà khi phóng viên báo Tiền phong gọi điện hỏi, cô còn nói: “Anh hỏi cái này làm gì? Điều này có liên quan gì tới anh và em đâu”. Thật là quá đáng, không lẽ lại văng tục với người đẹp.”

Ông nhà văn này khoái thực hiện quyền làm chủ nhân dân XHCN trên ‘blog’ của ổng; nên ổng rầy ‘đầy tớ phi công và đầy tớ Đại Sứ Du lịch’ quá xá quà xa! Thôi thì cũng phải?!

Hai phi công và người đẹp chân dài đầu ngắn nầy một lần ngu dại mà hại ngàn thu, bị chửi lu bù là vậy!

Chuyện phi công CSVN ‘hám gái’ là chuyện ‘nhỏ như con thỏ’. Còn chuyện của ông Tổng Giám Đốc Quỷ Tiền Tệ Thế Giới IMF Dominique Strauss-Kahn thì ‘bự’ hơn nhiều.

Trời còn ngó lại cho dân Phú Lang Sa. Nếu không, ‘y’ làm Tổng Thống Pháp thì mấy bà đầm chắc chết!

Vì sao vậy? Tháng 5 năm 2011, trong thâm tâm, chắc ổng nghĩ rằng: ‘Mù u đống lá mù u! Lá nhiều quá xá… ngu sao nhịn thèm?’

Vốn là luật sư, nên theo luật, ‘consensual relationship’ nghĩa là sợi chỉ cây kim đều đồng thuận thì ‘ngựa phi đường xa’ chớ!  

Vậy mà xong rồi, ra phi trường, quy cố hương, lại bị em Nafissatou Diallo, bồi phòng khách sạn ở New York, chơi đểu, thưa lính bắt.

Bị còng, bị nhốt. Thả ra, mất ‘job’ thơm, tan tành luôn cái mộng làm Tổng Thống Pháp, để được dọn vô Điện Élysée mà ‘nhẩy đầm”; rồi lại phải bù cho ‘em đểu’ này sáu con số để mua được sự ‘im lặng’ của em! Thiệt là đau!

Vậy mà có hết đâu! Mấy chục em ‘xưa’ thấy có ăn, bay tới vo ve tới, rồi chích lung tung. Viết sách khai tùm lum tà la trong khi mình muốn dấu thấy bà!

Dẫu không còn tình thì còn nghĩa chớ. Vậy mà em Marcela Iacub chỉ có 7 tháng tình lận đận với anh mà nỡ lòng nào viết sách ‘Beauty And Beast’ chửi anh là “Nửa người, nửa heo!” “Half man, half pig”! Heo gì?

Đọc sách em viết mà anh kinh hoàng! Cũng bởi đồng tiền mới ra đến nông nỗi nầy .

Thôi mấy em ơi! Lợi dụng tính trăng hoa của anh để kiếm tiền nhiều quá rồi. Xin để anh yên! Please!

"I've had enough of people using me. I want one thing only, to be left in peace,"

Người viết nghe ‘ổng’ than mà thương đứt ruột!

  mình vốn làm ‘nhỏ như con thỏ’, lương thì ba cọc ba đồng; dù có muốn cũng không có tiến tỉ như ‘y’ để mà ‘ngao du sơn thủy’ ‘lên đèo, xuống núi’ cho được. Nên dù có thèm, nước miếng có nhểu tới rún, cũng rán mà vén lên.

Cam đành số phận:

“Trâu ta ăn cỏ đồng ta,

Tuy đồng cỏ chát… nhưng mà thơm… râu!”

He he! Cho nó ‘phẻ’! Khỏi lo sụp lỗ chưn trâu gì ráo trọi!

đoàn xuân thu.

melbourne

“Cái con… ba chấm chấm!”

Trong phiên tòa xử blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải về tội: ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’ tại tòa án Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24 tháng 9 năm 2012, trước sự canh gác dày đặc của hàng trăm công an, Trung tá công an Vũ Văn Hiển, phó công an phường 6 quận 3, đã tuyên bố với một người phụ nữ, bà Dương Thị Tân, vợ cũ của ông Điếu Cày một câu xanh dờn là: “Tự do cái con… ba chấm chấm!”

(Xin lỗi quý bạn đọc kính mến! Người viết không dám chép nguyên văn e rằng sẽ vi phạm thuần phong mỹ tục!)

Câu nói nầy của Vũ Văn Hiển gây ấn tượng mạnh đến độ nhà văn Nguyễn Quang Lập, trong nước, đề nghị đưa nó vào đề thi môn Văn trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông lần tới, như sau:

“…Trung tá công an Vũ Văn Hiển nói:“ Tự do là cái con …ba chấm chấm!” Từ những gì trải nghiệm ở nước ta, bạn hãy viết một bài luận về vấn đề này để chứng minh phát ngôn của Trung tá công an Vũ Văn Hiển về tự do ở Việt Nam là hoàn toàn chính xác.”

Theo người viết, ý kiến của ông Nguyễn Quang Lập rất là thú vị! Thú vị vì nhiều lẽ. Thứ nhứt là chỉ một câu tuyên bố ngắn, gọn, đã đủ để lột trần, lột truồng cái xã hội chủ nghĩa hiện thực nầy cho bàng quan trên thế giới được nhìn và…được ngắm!

Phải nói ông Trung tá công an nầy là một người can đảm và phát ngôn ‘cực kỳ chuẩn không cần chỉnh’; nghĩa là trúng quá rồi, không cần sửa chữa hay thêm thắt gì nữa hết?!

Câu nói ngắn ngọn, dễ hiểu, không thiếu, không thừa một chữ, đã diễn tả đầy đủ tự do ở cái nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nầy! Theo suy nghĩ của người viết: Nó đã đi vào văn học sử hiện đại và sẽ đứng rất lâu trong trí nhớ của nhiều bloggers trong nước đang đấu tranh về quyền tự do ngôn luận?!

Trung tá công an Hiển này cực kỳ xứng đáng để thay thế ông nhà thơ Hữu Thỉnh mà làm Chủ Tịch Hội Nhà Văn trong nước đó nha!

Người viết cũng đồng ý với ông Nhà văn Nguyễn Quang Lập là vì câu nói gây ấn tượng rất mạnh…rất nên chọn… để làm đề thi môn Văn.

Nhưng thôi! I ‘can’ you! Tha cho mấy em nhỏ, học trò lớp 12, một bàn nầy đi ‘thầy’! Vì mấy em mới 17 tuổi, còn vị thành niên, còn nhỏ quá… mà mấy ‘thầy’ cho bình luận một câu trần truồng và trần trụi như thế, thì người viết e rằng các em sẽ bắt chước mà xổ nho… từng chùm, từng chùm… trong bài viết thì chắc chắn sẽ làm khổ các cô giáo lỡ dạy Việt Văn lắm lắm?!

Không nên giữ làm đề thi Phổ Thông Trung Học được, thì người viết xin đề nghị chuyển nó qua thành đề tài luận án tiến sĩ đi!

Nghe nói trong nước cần tới 20 ngàn tiến sĩ trong vòng vài năm tới. Cần nhiều, rất nhiều; vì ngay cả xã trưởng, phường trưởng cũng phải cần văn bằng tiến sĩ mới làm việc được. Thì cái đề tài này sẽ là thước đo, là cái sàng, cái nong, cái nia, cái sịa để lọc, lựa mấy thằng ‘ngu’ ra, để không cho nó được bén mảng đến gần cái văn miếu dành riêng cho một ‘bầy’ tiến sĩ nhá!

Cũng trên web, người viết có đọc được một giai thoại vui nói về đồng bào ta hồi thập niên 90, đi xuất khẩu lao động ở nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức của đồng chí Erich Honecker (1912-1994).  Khi bức tường Bá Linh sụp đổ, nước Đức thống nhứt, bà con ta bèn làm đơn xin ở lại và viết như vầy:

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Đơn Xin Tỵ Nạn!

Người viết thiệt tình không hiểu độc lập, tự do, hạnh phúc mà xin tỵ nạn cái gì mấy ‘bố’?

Sau nầy, sau cái vụ Trung tá công an làm từ điển, định nghĩa chữ ‘tự do là cái con…ba chấm chấm!’ này và trong cái đơn xin tị nạn này, đồng bào dùng chữ tự do của ông Trung tá công an Vũ văn Hiển, thì người viết mới ‘ngộ’ ra, hiểu ra và thấy được đồng bào miền Bắc làm đơn xin tị nạn như thế là không có gì sai trật mà còn trúng…trúng từng chữ, trúng từng câu một đấy nhá!

Thiệt là trí tuệ của nhân dân!

Mà không phải riêng cái Cộng Hòa Xã Hội Việt Nam đâu, mà còn có  cái mồ ma Cộng Hòa Dân Chủ Đức của đồng chí Erich, rồi Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên của đồng chí Thống Chế ‘Kim Ủn Ỉn’ nữa. Dân Chủ và Dân Chủ?!

Riêng các đồng chí Cu-Ba ‘Phi Đen’ thì ‘ba chấm chấm’ này nó rút bớt còn ‘hai chấm chấm’ thôi; nên không cần chữ ‘dân chủ’ của ông Trung tá công an nầy đâu nhá!

Cu-Ba là đủ nghĩa rồi! Phải không?

Lại nữa người viết cứ những tưởng trong quá trình cách mạng vô sản toàn thế giới liên hiệp lại, Đảng Cộng Sản Việt Nam luôn luôn học tập và làm theo đàn anh vĩ đại là Đảng Cộng Sản Trung Quốc, luôn luôn là người học trò xuất sắc của Mao Chủ Tịch!

Nhưng lần nầy thì không phải! Đảng Cộng Sản Trung Quốc lại phải học đàn em Trung tá công an Vũ Văn Hiển bài học: “Tự do là cái con… ba chấm chấm!” mà không cần tranh cãi lôi thôi gì hết.

Khổng Tử đã từng, rất xưa, chê bai: ‘Năng thuyết bất năng hành!’ nên đảng đàn anh bèn dựng luôn cả một tượng đài hoành tráng ngay tại thủ đô Bắc kinh! Không cần ‘thuyết’ ‘hành’ luôn! Thế mới kinh chớ! 

dxt_may8_1.jpg              dxt_may8_2.jpg

      hugchina.com                                                     hình Telegraph

Tượng đài, đáng chiêm ngưỡng đó, là Trụ sở Nhân Dân Nhật Báo đang được xây dựng (xin xem hình!)

Như quý bạn đọc kính mến đều biết: Nhân Dân Nhật Báo là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, với nhiều ấn phẩm bằng nhiều thứ tiếng và các kênh tuyên truyền bằng nhiều phương tiện bây giờ lại phải xách cặp mà đi học đàn em! Thế mới sướng chứ?!

Hình ảnh tượng đài hoành tráng này đã trở thành tin tức ‘nóng bỏng’ sau khi một số người có đầu óc "đen tối" phát hiện ra tòa nhà trụ sở đang xây dựng của báo này bắt đầu trông giống... cái "đồ của nợ"?!

Tòa nhà cao 150 mét và đang được xây dựng tại Bắc Kinh. Nhờ hình dáng khá ‘đặc biệt’ của nó mà nhiều người đã tạo ra những hình ảnh vô cùng tinh nghịch, ranh mãnh và lan truyền nó trên mạng Sina Weibo của Trung Quốc.

Hơn một người, đã chỉ ra rằng, chỉ với một chút kỹ thuật photoshop, tòa nhà mới này của Nhật Báo Nhân dân Trung Quốc (People's Daily) cùng với trụ sở của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) được gọi đùa là cái "quần lót cỡ đại "(hình bên phải) sẽ tạo thành cặp ‘song kiếm hợp bích’ không thể chê vào đâu được!

Trang HuffPost, theo blog Hug China viết rằng: “Hai tòa nhà nầy có ý nghĩa rất thâm trầm, ảo diệu về triết học lắm đó!”

“Hai toà nhà này thực sự là hiện thân của triết lý âm dương hoà hợp của Trung Quốc. Trong đó, trụ sở của CCTV đóng vai trò là Âm (nữ) và trụ sở mới của Nhật báo Nhân dân là Dương (nam)?!”

Các trang mạng Trung Quốc ‘cóc thèm’ thấy cái ảo diệu triết học gì ráo, bèn tràn ngập bình luận, chế giễu cái trụ sở mới của Nhân Dân Nhật Báo, mà người ta cho là giống hình ‘sinh thực khí’ của đàn ông.

Một người Trung Quốc xem hai tấm ảnh này rồi khen ‘đểu’ như sau:

“Tôi thấy đẹp và sáng tạo đấy chứ! Tòa nhà đầu tiên tuy không ‘đẹp’ nhưng ‘quý’!

Một người khác sử dụng mạng xã hội Sina Weibo viết:

"Tất nhiên cơ quan ngôn luận quốc gia thì phải hoành tráng rồi!".

Và một người khác lại viết:

"Chắc là Nhân Dân Nhật báo sẽ còn vươn lên, và thế là có hy vọng cho giấc mơ Trung Quốc!"

Ý người này nhắc tới cụm từ 'Trung Hoa mộng', mà lãnh đạo Đảng Cộng Sản mới đưa ra gần đây để cổ súy cho lòng tự hào và sự phục hưng của dân tộc Trung Hoa.

Mấy ‘chú ba’ nầy viết comment nầy thiệt là hài hước không thua gì bà Hồ Xuân Hương hay Ba Giai, Tú Xuất của Việt Nam mình!

Phải công bình mà nói Đảng Cộng Sản Trung Quốc rất đáng ‘khen’ khi dẹp qua cái tư tưởng bá quyền nước lớn, chuyên đi ‘cà khịa láng giềng’, mà lại khiêm tốn đi học hỏi, ‘cọp dê’ ý tưởng của đàn em!

Có gì xấu đâu? Hồi xưa xây dựng Tử Cấm Thành Bắc Kinh cũng do kiến trúc sư người Việt, ông Nguyễn An (1381-1453), làm đấy thôi!

Câu chuyện phiếm trên mạng này đã nhanh chóng đến tai các quan chức kiểm duyệt của Trung Quốc, và ngạc nhiên thay, họ quyết định cần phải dập tắt câu chuyện cười đùa, nhạo báng này của mọi người. Thiệt mấy ‘chú’ có quyền, có tiền mà không có óc hài hước chút nào hết? He he!

Trong khi đó các cơ quan truyền thông quốc tế như BBC và Reuters lại vui vẻ chạy tin: Trung Quốc chặn Internet bàn về tòa nhà hình ‘của quý’!

Giờ đây, khi mọi người vào mạng xã hội Weibo và tìm kiếm từ "People's Daily building" (toà nhà Nhật Báo Nhân dân), họ sẽ gặp thông báo: "Theo các quy định, chính sách và luật pháp, kết quả tìm kiếm không thể hiển thị".

Nên Reuters bình luận về việc này như sau: "Điều này đã khiến những người dùng Internet trẻ tuổi của Trung Quốc tức giận, đồng thời vấn đề nhạy cảm này biến các nhà kiểm duyệt Internet trở nên ngớ ngẩn".

Tuy nhiên, giới chức kiểm duyệt không thể chặn được hết các bình luận trên internet. Lực bất tòng tâm! Hu hu! Ha ha!

Vì bị chọc quê, bị cười, nên mấy quan ‘quạu đeo’, dám nổi khùng lên mà đem tòa nhà nầy đi đập bỏ lắm đa? Lại tốn tiền dân!

Xin can mấy ‘chú’! Cứ để đó đi! 

Vì nói cho cùng ‘cái con… ba chấm chấm’ này nó có tội tình gì đâu hả?

Không có nó, thì làm sao có mấy chú, để mà ngăn chặn quyền tự do ngôn luận, quyền tự do phát biểu và quyền truy cập internet của nhân dân hả ?

đoàn xuân thu.

melbourne

Hành trình một tiếng ru em!

dxt_may4_1.jpgdxt_may4_2.jpg

Ca dao là một từ Hán-Việt. Ca là bài hát có chương khúc, giai điệu; dao là bài hát ngắn, không có giai điệu, chương khúc.

Tác giả thường là không được biết đến. Có thể là bà con, cô bác, xóm giềng làm ra, rồi truyền từ đời này qua đời khác. Nhà thơ đầu tiên, làm ra câu ca dao đó, câu ru em đó, mới thực chính là ‘Nghệ Sĩ Nhân dân’ mà không cần phải làm đơn từ xin xỏ ‘thằng nào, con nào’ để mình được phong tặng danh hiệu gì ráo trọi!

Nhưng không phải tất cả các bài ca dao nào cũng được trúng tuyển, chọn để hát ru em đâu! Lời thơ, ca dao dành ru em, là phải mượt mà, dễ hiểu, dễ nhớ và nhứt là nội dung phải diễn tả ngổn ngang một trời tâm sự!  Nghèo khổ nên tình duyên trắc trở hay phụ phàng duyên kiếp ba sinh gì gì đó. Càng buồn thì con nít, nằm trên võng nghe ầu ơ…ầu ơ… mới buồn theo… mà buồn… ngủ!

Cách đây hai, ba chục năm về trước, người viết có anh bạn thơ sống không nổi ở cái ‘thiên đường’ tưởng tượng, bèn giã từ ‘em’ mà ra biển. Thằng bán dầu khốn nạn, lấy tiền dầu bỏ túi rồi điềm chỉ, báo công an chặn bắt khi anh bạn thơ  vừa mới từ ‘taxi’ đổ ra con ‘cá lớn’. Cả bọn bị tụi công an Trà Vinh, bắt đi tù vượt biên cải tạo. Hai năm sau, ra tù, một ngày trở về quê cũ muốn tìm lại người xưa mà mới dừng chưn trước cổng nhà em, bất ngờ kinh ngạc đến kinh hoàng khi nghe tiếng em kẽo kẹt võng, ru con! Con của thằng khác chớ không phải con của mình, thì ca dao đúng là ‘dao’ thiệt, nó cắt mình đứt từng đoạn ruột mấy ông ơi!

Lại đoạn trường nhớ ‘Ngày xưa em nói: em thương có anh thôi! Không ai ngoài anh nữa’. Lại còn thề tán mạng nữa chớ! Em mà phụ anh là ‘bà bắt em đi!’ Ha ha!

“Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành!

Tàu Tây kia liệt máy em mới đành xa anh!”

Dù em nói vậy mà không phải vậy nhưng đàn ông, con trai Mỹ Tho dễ thương vô cùng! Bị em đá, đau hơn ‘bò’ đá, cũng lẳng lặng, im khe mà chịu trận. Còn nếu có buồn quá thì cũng hỏng đủ ngu để đâm đầu xuống sông mà tự vận hay vác dao ra mà xử đẹp em như bọn trẻ trong nước làm vì thất tình như bây giờ. Cũng đâm đầu vậy nhưng đâm đầu vô ‘em’ khác! He he!

Cưới vợ, em khác, rồi cũng xong, cũng sanh con đẻ cái đùm đùm. Cày ná thở nuôi vợ, nuôi con; còn cái tình xưa nghĩa cũ, cái vết đau lâm râm ấy…lâu mấy cũng thành thẹo chớ! Mà nếu có nhớ đến người xưa phụ bạc thì trưa hè ru con trên võng cho con vợ giặt đồ chẳng hạn, buồn buồn, chơi một tiếng hát ru, chọc quê người cũ, là hàng xóm khít vách, trách em nỡ lòng nào phụ bạc, bỏ anh, không thăm nuôi gì ráo, lúc anh sa cơ thất thế, tù rạc mà lại đi ưng thằng khác hả? Và nhân tiện vừa trách em ‘tham đó bỏ đăng’; vừa ca tụng cái thủy chung như nhứt của mình thì cách hay nhứt là ru con bằng câu ca dao này; chỉ có việc thay vị trí chữ em qua anh là muồi rệu rồi?

“Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành!

Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em!”

***

Câu ru em này hay nên bay xuống tới tận Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Cà Mau… Nhưng khi tới những vùng đất không có xe lửa thì nó thay đổi. Nghĩa cũng vậy nhưng thay vì: “Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành!” lại thành: “Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành! Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em!”

Người viết không biết chiếc xáng nó có cái vành hay không để mà bung vành như xe lửa Mỹ (Tho)?

Tình cờ thì được biết cũng có một nhà văn đàn anh cũng khoái tỉ tê câu ru em này như người viết vậy. Đó nhà văn gốc Tiều Châu, Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa (1941-2007) của xứ Xà Tón, Tri Tôn, Châu Đốc.

Xin chép một đoạn văn của ông:

“Cách đây 9 năm, lúc tôi làm trong hãng cưa gỗ làm bàn tủ ở Wildbad, máy bị hư bất ngờ, tiếng ken két ngưng làm người quen với tiếng động thấy chơi vơi. Tôi đứng thẩn thờ mệt nhừ trước những miếng gỗ nặng khiêng gẫy lưng, trong đầu trống rỗng, đón nhận câu hát ru em dội về, xa vắng man mác, dù lúc đó gần hai giờ sáng của ca làm đêm, cuối năm tuyết đổ, lạnh rát mặt. Câu ru em vỏn vẹn bốn chữ buồn xa vắng "Tàu Tây kia liệt máy..." kéo dài than thở, dặn dò, khuyên nhủ.

Nhưng khi đi làm công, chợt thấm thía, nhờ máy cưa gãy cốt im lìm như ‘Tàu Tây kia liệt máy’, tôi tìm được duyên tri kỷ với câu ru em này. Đầu óc ám ảnh, tại sao " Tàu Tây kia liệt máy?" Câu trước, câu sau tìm không ra, hỏi ai cũng không nhớ. Câu hát ru em làm nao lòng người mà thất truyền thì uổng phí và thiệt thòi biết chừng nào!

Tôi cất giữ mấy chữ đó trong tận đáy lòng, giống như giữ một phần tấm bản đồ tìm kho tàng, chờ tìm những mảnh còn lại để ráp cho đủ.

Câu ru em đã tìm tôi, cũng như tôi đi tìm nó, gặp duyên may bất ngờ. Tháng 6 rồi, tình cờ bạn tôi nhắc, thêm mấy câu ráp thành trọn vẹn:

 ‘Khi nào xáng nọ bung vành

Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em!’

Người đó là anh Phan Lương Quới, hôm gặp anh, dù chưa quen, tôi quên phép xã giao, hỏi quê quán anh Quới (anh gốc Cần Thơ) rồi hỏi phăng ra bốn câu trên. Anh xua tay và đọc lại nguyên văn anh còn nhớ:

“Khi nào chiếc xáng nọ bung vành!

Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành phụ em!”

Ông Phong Hưng Lưu Nhơn Nghĩa đã may mắn tìm lại được ‘người xưa” rồi đó!

Nhưng mà xáng là cái gì chớ? Người viết thiệt không biết chiếc xáng hình thù tròn méo ra sao? Có thấy đâu mà biết? Nó có vành không để mà bung. Chứ chiếc xe lửa thì ắt có và phải có vành bằng sắt để chạy trên đường rầy mà nó chắc ơi là chắc, cách chi mà bung được; cũng như tình anh mãi mãi yêu em, nó cứng khư, cứng khừ như vậy.

Thì theo nhà văn Nguyễn văn Ba, cũng đất Cần Thơ, trong bài “Ca Dao, Dân Ca Kinh Xáng, Cửu Long” cắt nghĩa:

“Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu 20, một hệ thống kinh rạch đã hình thành khắp nơi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bằng phương tiện cơ giới gọi là xáng. Thời đó kỹ thuật móc đất còn thô sơ, chưa có xáng thổi, chỉ có xáng cạp.

Xáng cạp gồm hai miếng sắt rất nặng hình cong như hai cái muỗng, đưa lên cao, mở rộng ra, hay đổi vị trí, buông xuống, khép lại... Bởi cần cẩu và dây cáp, động tác cạp đất của xáng tương tự cầm cái muỗng múc nên được gọi nôm na là xáng múc. Do đó xáng là phương tiện cơ giới dùng để đào kinh thay sức người vì năng suất cao hơn hẳn.

Có hai loại kinh xáng ở đồng bằng sông Cửu. Thứ nhứt là kinh xuôi, thường dài, rộng, giúp nước lưu thông giữa đồng ruộng và sông lớn như sông Hậu hoặc vịnh Thái Lan. Thứ hai là kinh ngang, thường hẹp, ngắn, như cây cầu nối những kinh xuôi lại với nhau. Hệ thống kinh xuôi và kinh ngang dày đặc như lưới nhện thuộc các tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ), Chương Thiện, Bạc Liêu...

Nước ngọt sông Cửu Long theo kinh xáng vô ruộng; nước phèn, nước tù theo kinh xáng ra biển. Những khu vực trước kia là đồng chua đầy năng, lác, đế, sậy, là rừng tràm hoang vu... trở thành đồng lúa phì nhiêu, vườn cây ăn trái xanh tốt, năng suất lúa gia tăng gấp hai, ba lần!”

Thì ra câu hát ru này: “Chừng nào xe lửa Mỹ bung vành! Tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em!” từ Mỹ Tho, lội bộ qua Phà Mỹ Thuận rồi Bắc Cần Thơ ‘di tản’ xuống  tới Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No, thì nó đổi khá nhiều nha!

Vì Cần Thơ không có thiết lộ như Sài Gòn Mỹ Tho mà chỉ có Kinh Xáng Xà No chẳng hạn, nên từ chiếc xe lửa Mỹ nó chuyển qua chiếc xáng.

Nhưng dù xe lửa Mỹ hay xáng nọ gì thôi cũng được đi nhưng “Khi nào xáng nọ bung vành!” thì không hay bằng chữ  “Chừng nào xáng nọ bung vành!”

‘Chừng nào’ trong tận cùng của chữ, nghĩa đã là không, là chẳng bao giờ xãy ra được hết á! Con gái Mỹ Tho mà mình theo ‘ve’; mà em trả lời rằng: ‘Chừng nào á!’ nghĩa là hết đường tương chao rồi đó ông bạn hiền ơi? Gài số de đi là vừa!

Do đó chỉ hai câu: “Chừng nào chiếc xáng nọ bung vành! Và “Khi nào chiếc xáng nọ bung vành!” cũng đủ làm cho chúng ta suy nghĩ đến cái thâm diệu vô cùng về cách dùng chữ của ông bà mình.  Người viết càng nghĩ, càng ‘kinh’ tiếng Việt của mình và kính trọng lòng chung thủy của con trai Mỹ Tho biết chừng nào?! Trong đó có mình! He he!

Vậy mà có một ‘trự’ cũng xưng hùng xưng bá.. là văn sĩ Bắc Hà 75, vô Sài Gòn kiếm ăn, muốn viết về chợ Bến Thành đã ‘càm ràm’ như thế này:

“Bây giờ, chúng ta sẽ đi tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của chợ. Để làm được điều này, ta sẽ phải nghiên cứu sử sách Sài Gòn. Tuy nhiên, ta sẽ gặp một số bất lợi. Thứ nhất, lịch sử của Sài Gòn xưa gắn liền với sự xâm lược, chiếm đóng của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ vì thế có nhiều địa danh, tên đường Sài Gòn liên quan đến các nước này. Thứ hai, các nhà sử học miền Nam có một lối viết sử dụng phương ngữ khá nhiều mà nếu bạn là người vùng khác thì bạn sẽ rất khó hiểu. Thứ ba, một số nhà nghiên cứu về vùng đất này lại thích viết theo lối “bác học” nên càng khó cho chúng ta khi muốn tìm hiểu về vùng đất Sài Gòn. Đây là những bất lợi chính mà bạn cần quan tâm khi muốn khám phá vùng đất này qua sử sách. (sic!)

Tiếng địa phương trong văn chương Nam Kỳ Lục Tỉnh như của Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Sơn Nam… viết,  nếu mình không hiểu thì tìm hiểu, thì học chớ! Làm biếng nhớt thây mà còn cằn nhằn cái gì hả ‘thằng ông nội con nít’?

Viết bá láp như vậy mà cũng lên mặt ‘làm tàng, làm phách’ ý quên ‘làm kiêu  làm hãnh, chảnh!’ (xài chữ kiêu hãnh cho ‘chả’ hiểu)… Sợ mình sử dụng phương ngữ Nam Bộ ‘làm phách, làm tàng’ thì khứa lại rầy…la lối… bậy!

Ha ha!

đoàn xuân thu

melbourne.

____________________________________________________

Bến Thành! Súp Lê vội thổi!

dxt_may3_1.jpgdxt_may3_2.jpg

Nhà văn Sơn Nam(1926-2008) có lần than phiền rằng:  Mấy thằng Tây làm bản đồ nước Việt Nam mà ghi mấy cái địa danh trật lất hết trơn!

Tây! Trật là phải rồi mà ngay cả người Việt mình, quê mình, mình còn trật huống hồ Tây?!

Chẳng hạn Sơn Nam cắt nghĩa Cần Thơ là ‘con cá sặt rằn’; thì mấy tay tỉnh ủy Cần Thơ đòi đưa ông ra gặp mấy ông tòa quan lớn vì tội ‘biêu xấu’ tỉnh nhà? Vì theo mấy giả, Cần Thơ là Cầm Thi, đất của thơ mới phải.

Thôi nó có súng thì nói gì hỏng được? He he!

Nhà văn Sơn Nam chắc cũng không thèm chấp mấy thằng vừa dốt, vừa ngu lại vừa hỗn ẩu nên ông chỉ khuyên mấy thằng em út văn nghệ, văn gừng của ông đang tập tễnh ‘bò’ vào đường văn học sử là: “Muốn viết văn cho hay là phải học Sử Địa!”

Mà Sử Địa nào mới được chớ? Chớ cái Sử Địa ‘Tề Thiên dóc tổ’ mà học; thì thôi để tui đi nhậu lai rai với bạn văn sướng hơn nhiều?!

Do đó mình cũng không lấy làm gì ngạc nhiên khi mấy đứa nhỏ bây giờ nghe tin bỏ môn Sử trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông đã ‘vui mừng vui quá vui’ xé đề cương môn Sử dỏm, từ trên lầu quăng xuống, bay lả tả đầy sân trường Nguyễn Hiền ở Sài Gòn như vừa mới xảy ra đây!

Người viết thì may mắn không phải đọc cái ‘Sử ruồi bu’ đó!

Nhưng phải học ‘Sử xịn’ chớ!  Dù là ‘Sử xịn’ nhưng đôi khi cũng có trường hợp ông nói gà mà bà nói vịt?  Mà mấy ông toàn là sư phụ , ‘danh trấn giang hồ’, mà mỗi ông lại hiểu một kiểu, ‘đá’ với nhau ‘chan chát’ thì em biết tin ai bây giờ?

Chẳng hạn như ông Vương Hồng Sển (1902-1996) có chép câu ca dao:

"Mười giờ tàu lại Bến Thành,

"Xúp lê vội thổi, bộ hành lao xao"

Rồi ông cắt nghĩa là: Mười giờ có một chuyến xe lửa từ Mỹ Tho lên, đỗ ga "Bến Thành" thì kéo còi....

Ông Vương Hồng Sển là người Sóc Trăng nhưng lại cắt nghĩa chữ tàu đây là tàu hỏa hay còn gọi là xe lửa theo tiếng miền Nam nên người viết không đồng ý… kiến….Bèn lục tìm, kiếm thêm coi còn cái nào khả dĩ hợp lý hơn chăng?

Mười giờ, lúc có đồng hồ, thì chắc câu ca dao này là thời Tây thuộc địa rồi. Nhưng động từ ‘lại Bến Thành’ để chỉ chiếc xe lửa vào ga thì nghe không có lý. ‘Lại’ chỉ chiếc tàu vô, cặp bến thì có lý hơn?!

Còn ‘súp lê’ theo ông Hồ Biểu Chánh (1884-1958) cắt nghĩa rất rõ và rất chi tiết rằng: Súp lê, ông viết bằng chữ ‘s’ thay vì chữ ‘x’ như ông Vương Hồng Sển.

“Síp lê (siffler: thổi còi xe lửa) ở chỗ nơi thoát hơi nước. Xe lửa không được phép cho hơi nước thoát xuyên qua ống khói vì sẽ gây ô nhiễm (bụi than) nên có âm thanh như tiếng huýt sáo; Tiếng Pháp siffler: thổi, hút gió, huýt sáo, còi. Ở đây: thổi còi bằng hơi nước, nghĩa là còi xe lửa”

“Súp lê (soufler: thổi còi tàu) khác với xe lửa, tàu được phép cho hơi nước thoát qua ống khói nên có âm thanh như thụt ống bễ.

Như vậy theo ông Hồ Biểu Chánh nên dùng ‘súp lê’ cho tàu, còn xe lửa thì là ‘síp lê’.

Thế nên theo ông Hồ Biểu Chánh thì lúc 10 giờ, tàu mới vừa cặp vô bến Bến Thành; thì chưa gì đã vội thổi súp lê, chuẩn bị tách bến; nên bộ hành lao xao hỏi sao kỳ vậy cà?

  dxt_may3_3.jpg dxt_may3_4_ChoBenThanh.jpg

Còn Bến Thành cũng là tên một bến sông, một cái chợ, một ga xe lửa vì thế cho nên mình mới dễ lẫn lộn.

Tuy nhiên “Bên dưới có sông; bên trên có chợ! Ta với mình chồng vợ nên chăng?” Để tiện giao thông, buôn bán hàng hóa, khi đường bộ còn chưa phát triển, thì đường thủy, đường sông là chọn lựa trước tiên?

Quả vậy! theo các nhà Sử Địa cho biết về Bến Thành và Chợ Bến Thành như sau:

“Nguyên thủy, chợ Bến Thành đã có từ trước khi người Pháp xâm chiếm Gia Định. Ban đầu, vị trí của chợ nằm bên bờ sông Bến Nghé, cạnh một bến sông gần thành Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái).

Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.

Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835), thành Quy bị triệt hạ, phố chợ Bến Thành cũng không còn sầm uất như trước.

Tháng 2 năm 1859, Pháp chiếm thành Gia Định và hai ngày sau, các binh lính người Việt đã tổ chức hỏa công thiêu rụi cả thành phố, tất nhiên chợ Bến Thành cũng bị thiêu hủy.

Sau khi đã vững chân trên mảnh đất Nam Kỳ, năm 1860, người Pháp đã cho cho xây cất lại chợ Bến Thành ở địa điểm cũ (thời Việt Nam Cộng hòa là địa điểm Tổng Nha Ngân khố trên đường Nguyễn Huệ).

Ngôi chợ được xây cất bằng cột gạch, sườn gỗ, và lợp lá. Đến tháng 7 năm 1870, chợ bị cháy mất một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói, tất cả có năm gian: gian thực phẩm, gian hàng cá, gian hàng thịt, gian hàng ăn uống và gian hàng tạp hóa.

Vào năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sát nhập hai con đường lại làm một thành đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường Kinh Lấp (nay là Đại lộ Nguyễn Huệ). Khu chợ càng trở nên đông đúc với các cửa hiệu phần nhiều là của người Hoa, người Ấn Độ và người Pháp.

Tuy nhiên, khoảng giữa năm 1911, ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ. Để tránh tai họa, người Pháp cũng lựa chọn một địa điểm khác để xây cất một khu chợ mới, lớn hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán sầm uất ngày càng phát triển.

Địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho (nay là Bến xe Sài Gòn), tức là địa điểm chợ Bến Thành ngày nay.

Năm 1955 thời Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam, bốn con đường này đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn, đường Phan Bội Châu và đường Phan Châu Trinh.

Do đó “Mười giờ tàu lại Bến Thành. Súp lê vội thổi bộ hành lao xao” là nên hiểu theo nghĩa là chiếc tàu (khách, tàu đò) cặp bến Bến Thành hơn là chiếc xe lửa vào ga Bến Thành?!

Người viết thiệt trong bụng là hỏng dám cãi ông Vương Hồng Sển rồi. Nhưng không cãi nghe cũng tức ‘anh ách’ trong bụng làm sao đó?!

Còn về chữ ‘súp lê’ người viết cũng tìm được thêm trong câu ca dao:

“Tàu súp lê một! Còn trông còn đợi!
Tàu súp lê hai! Còn đợi còn chờ!
Tàu súp lê ba! Tàu ra biển Bắc...
Tay anh vịn song sắt, nước mắt chảy ròng ròng;
Anh lấy khăn mu soa ra chậm.

Cái điệu vợ chồng ngàn dặm không quên!”

Thì lại nghe ông Toan Ánh (1916-2009) cắt nghĩa như vầy người viết cũng hỏng chịu luôn?!

Ông viết rằng: “Pháp chiếm Việt Nam, một mặt dân Việt Nam căm hờn, một mặt một số cô gái Việt Nam kém ý thức, vì hoàn cảnh đã sánh duyên với Pháp trở thành me Tây. Lính Pháp lấy me trong thời gian ở đất Việt, rồi anh lính trở về Pháp, cô me Tây ở lại nước Việt lại lấy chồng, một anh lính khác.

Cuộc tiễn đưa ắt phải xảy ra tại bến tàu Saigon, và có anh chàng Tây đã thút thít vì phải xa vợ, anh bảo rằng ngàn dặm không quên, có thật hay chăng anh ra cửa bể như rồng lên mây?

Sao có sự mâu thuẫn giữa hai câu thơ trên, hay ý tại ngôn ngoại, chỉ có sự mâu thuẫn trên hình thức, còn thực ra thì ngàn dặm có đời nào mà không quên đối với những lứa đôi dị chủng, nhất là trong cuộc chắp nối giang hồ.”

(Trích tác phẩm "Hương Nước Hồn Quê", tác giả Toan Ánh, NXB. Thanh Niên)

Theo ông Toan Ánh là vậy; nhưng có ông bạn văn không đồng ý; vì nghĩ Tây thì làm ‘quái’ gì mà rành tiếng Việt quá vậy để có thể làm ra được một đoạn ca dao tuyệt vời như thế này? 

Mà theo anh bạn văn này nói: Đây là của một anh chàng nông dân nghèo khổ,có con vợ mà lại bị bắt đi lính cho Tây trong đệ nhứt thế chiến (1914-1918).

Anh đọc cho người viết nghe một đoạn trong ‘Tuấn, Chàng Trai Nước Việt, chương 12, của ông Nguyễn Vỹ(1912-1971) để ủng hộ cho cái phản bác của mình.

“Tuấn đọc to lên cho cả làng nghe. Tờ ‘Trung Kỳ Bảo Hộ công báo’ là một tờ báo của Toà Khâm Sứ ở Huế gởi đi các tỉnh, tỉnh gởi về huyện, huyện gởi về các làng. Tờ báo đăng tin Nhà nước Bảo hộ Pháp-lang-sa đang đánh giặc với Đức, tức là nước Phổ-lô-si (phiên âm chữ Prusse, Đức phiên âm chữ Deutsch ).

Đức là một nước "dã man, tàn bạo", bị Pháp-lang-sa đánh cho liểng-xiểng, binh lính Đức chết vô số, có cả hàng ngàn, hàng vạn…v.v...

Nhưng trận giặc còn lâu dài, cho nên "dân An Nam nhờ nước Pháp-lang-sa bảo hộ, phải quyên tiền và đem binh lính sang Pháp để đánh lũ giặc Đức mọi rợ... v.v...

Dân làng, bất luận giàu, nghèo, đều phải góp tiền để mua Phiếu Quốc Trái.

Hơn nữa, làng phải mộ dân tình nguyện đi lính sang Pháp để ‘đánh đuổi giặc Đức’.

Sự thật, không có dân nào tình nguyện cả. Sau cùng làng xã phải bắt ép thanh niên khoẻ mạnh, gọi là tráng đinh đi lính. Hầu hết lớp "lính tình nguyện" nầy ở khắp xứ Trung Kỳ , Bắc Kỳ cũng như ở Nam Kỳ đều là thanh niên nho học từ 21, 22 đến 24, 25 tuổi.

Phong trào mộ thanh niên đi tùng chinh sang ‘Mẫu Quốc’ là một dịp cho các quan An Nam từ quan tỉnh xuống quan huyện , cho đến các ông hương , ông xã trong làng , đòi ăn hối lộ.  Một số đông các ông này chơi ác, cứ nhè bắt bọn thanh niên trai tráng con nhà giàu, đi tùng chinh. Thế là các bậc cha mẹ phú hộ phải đem của tiền lo lót, cho con khỏi đi. Phải lo lót xã một phần, lên lo lót huyện một phần , rồi lo lót các cụ lớn trên tỉnh nữa.

Hối lộ gần như công khai. Nhà giàu đua nhau nhờ cậy chổ này chổ nọ, chạy chọt ông này ông kia, bán cả ruộng đất, nhất là con trai trưởng trong gia đình , khỏi bị bắt "tình nguyện" đi lính sang Pháp.

…Vì lớp thanh niên nhà giàu, hoặc nhà khá giả, hoặc con trai các vị hương chức đều nhờ hối lộ, và nhờ có quyền thế, đã được miễn tùng chinh. Sót lại chỉ có con nhà nghèo không có miếng đất cắm dùi, cho nên phải đi lính "tình nguyện" qua ‘mẫu quốc’ đánh giặc ‘Phổ Lổ Sĩ’.

Nói là qua ‘mẫu quốc’ đánh giặc, nhưng sự thật thì qua bên đó nhập vào một đơn vị gọi là ‘đoàn quân thuộc địa’ chỉ dùng riêng vào việc vận tải lương thực ở hậu tuyến mà thôi.  Một số bị bắt ra mặt trận, nhưng cũng chỉ là khiêng vác các khẩu súng lớn, đẩy các cổ đại bác và đào hầm trú ẩn. Chẳng có một người "lính thuộc địa" nào, nhất là lính "Tirailleurs Annamites" được cầm súng đánh giặc cả.

Tất cả thanh niên tùng chinh đều được lịnh đến trình diện tại đồn lính Khố xanh ở các tỉnh, rồi từ tỉnh họ được chở đi tập trung lại, đợi tầu sang Pháp.”

Do đó bị bắt đi lính vì nghèo, phải xa vợ, xa con, xuống tàu đứng sau song sắt như bị ở tù, hỏng khóc sao được? Xúc cảm như vậy mới làm được bài thơ não lòng, bi thiết!  Rồi bài thơ đó trải qua biết bao thử thách của thời gian mới được trở thành ca dao, thành tiếng hát ru cho thân phận những người cùng khốn.

Chứ không phải là lời của thằng Tây nào với em Me Tây nào ráo trọi như ông Toan Ánh nói đâu?

Thưa quý độc giả thân mến! Đối với những nhà văn tiền bối như Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển, Nguyễn Vỹ, Toan Ánh thì người viết đều kính phục cả , xin ngả nón cúi đầu; nhưng sỡ dỉ theo ông nầy; bỏ ông kia chẳng qua là chuyện chẳng đặng đừng?!

Ca dao, hát ru là tiếng quê hương. Xa quê, viễn xứ, vẫn nhớ về quê cũ, lại nhớ tới ca dao.

Em yêu sai: “Ru con ngủ cho em đi chợ!” mà thằng nhỏ cứ khóc hoài?

Ru tới ru lui chỉ có hai bài làm thằng nhỏ chắc sẽ thuộc lòng như cháo; mà lớn lên cắc cớ nó hỏi: “Tía ơi! Nghĩa nó là gì vậy?” Làm tía mà hỏng biết trả lời sao thì mất mặt ‘bầu cua’ lắm lắm! Cho nên mới có bài viết nầy thưa quý độc giả thân mến!

Có gì sai, xin bỏ quá, và người viết cũng rất hân hạnh sẵn lòng nghe chỉ giáo của các bực cao minh… để mà được học hỏi thêm!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Từ Bill tới Khiêu!

dxt_apr27_1.jpgdxt_apr27_2.jpg

Bill và Khiêu là hai cái tên cúng cơm, khi đọc lên, đều có vần “iêu’ hay ‘yêu’. Cũng tại chữ ‘iêu’ mới ra đến nông nỗi này! Nếu mà yêu con vợ nhà như người viết, một lòng một dạ thủy chung, cơm nhà quà vợ, không léng phéng thì làm sao mà ‘thân bại danh liệt’ cho được?

Trước hết, mình cười đế quốc Mỹ trước đi; kẻo mấy tay Cộng Sản nói mình bất công với nó? Hỏng có ‘phe’ (fair) ?

Bill tên rất phổ biến của Mỹ là phải rồi! Mà Bill còn là tên của một người Mỹ rất tăm tiếng và đầy tai tiếng nữa! Bill đã từng làm Tổng Thống Hoa Kỳ hai nhiệm kỳ tới tám năm (1993-2001). Người viết muốn nói đến Bill Clinton!

Còn Khiêu là Ba Khiêu tức Trần Khiêu, Chủ Tịch Tỉnh Trà Vinh vừa bị buộc từ chức vì vụ lùm xùm gái gú!

Ông bạn văn của người viết cho rằng đặt tựa bài như vậy là khập khà khập khiễng! Làm sao mà so sánh một trùm đế quốc Mỹ như Bill Clinton với Trần Khiêu, Chủ Tịch Tỉnh Trà Vinh cho được?

Quyền lực của Bill lớn hơn nhiều. Bill đã từng là lãnh tụ siêu cường duy nhứt còn lại trên thế giới khi Mikhail Gorbachev bị buộc cho siêu cường thứ hai Liên Bang Xô Viết rã bành tô, sập tiệm.

Còn Khiêu chỉ là Chủ Tịch Tỉnh Trà Vinh quèn, phèn vàng vạt áo, nghèo nhứt nước Việt Nam Cộng Sản mà thôi!

Nghĩ như anh bạn văn, thì theo người viết, là chỉ đúng một nửa!

Khiêu mặc dù chức ‘nhỏ như con thỏ’ nhưng dám chơi, dám chịu, dám bao che cho ‘em’…Bị buộc, thì cũng dám từ chức… chớ không cần chờ cho mấy anh ở trên nổi khùng mà ‘nắm đầu và đá đít!’

Còn Bill Clinton là không dám rồi nha! Từ chức, về nhà, bà xã là Hillary Clinton quánh cho không còn cái răng mà ăn ‘xúc xích’?

Do những điểm tương đồng và tương phản của hai tay chơi nổi tiếng, nổi đình nổi đám này người viết xin trích từ ‘luận án tiến sĩ’ của chính mình, với tựa đề là ‘Sex and Power’ tạm dịch là ‘Tình dục và Quyền lực’ mà người viết sẽ long trọng bảo vệ trước trường đại học Kangaroo, Úc Châu sắp tới đây!

Xin kính trình để quý độc giả thân mến thẩm định trước:

Trước hết nói về gái, về ‘sex’, thì ‘cha’ nào hỏng ham? Từ trẻ tới già. Già thì già tóc già râu. Tóc râu già hết…cái cần câu… không già!

Khi bị Quốc Hội và báo chí Mỹ ‘quay mòng mòng’ quá, đòi đàn hặc lung tung về vụ tò tí của mình với ‘cún yêu’, Bill Clinton khẳng định như đinh đóng vô cột là:

“I want to say one thing to the American people. I want you to listen to me. I'm going to say this again: I did not have sexual relations with that woman, Miss Lewinsky. I never told anybody to lie, not a single time; never!”

 “Tui muốn nói điều này với dân chúng Hoa Kỳ. Xin đồng bào lắng nghe tui nói. Tui xin xác định một lần nữa là: Tui không hề có quan hệ tình dục với người phụ nữ này, cô Lewinsky.Tui chưa bao giờ nói dóc, dù chỉ một lần. Chưa bao giờ!”

Sau đó thì dân Mỹ, ai cũng biết ‘khứa lão’ này dóc ơi là dóc!

Do đó để cười cái thói ‘trăng hoa, già không bỏ nhỏ không tha’ của chàng Bill, dân Mỹ có truyện vui như sau:

Trong một cuộc phỏng vấn hai ngàn phụ nữ Mỹ, câu hỏi là: “Quý bà có muốn quan hệ tình dục với Bill Clinton không?”

94%  người được hỏi đã trả lời rằng: “Chẳng bao giờ có… lần thứ hai… đâu nha!”

A recent poll asked 2000 women if they would have sex with Bill Clinton.
94% replied, "Never again."

Thói thường khi ăn vụng, thì người ta dấu thấy ‘tía’ luôn,  mà báo chí tư bản và cộng sản cứ nhè cái ‘mụt’ đó mà khui ra. Phải khui, mới bán báo được chớ! Tư Bản hay Cộng Sản gì thì cũng cần tiền hết ráo! Trự nào mặc quần áo đều có may túi hết trơn, phải không?

Chuyện của Bill rùm quá, ai cũng biết và cũng hơi xưa rồi! Còn chuyện Chú Ba Khiêu, Chủ Tịch Tỉnh Trà Vinh, thì mới xảy ra đây nên xin dài dòng một chút cho bà con, ai chưa biết thì biết, để cười chơi!

Khi bị hỏi có phải từ chức là vì gái hay không? Thì Chủ Tịch Ba Khiêu này nói: Tui từ chức là vì lý do sức khỏe, 59 tuổi rồi, sau nữa là cho lớp trẻ lên thay!

Cha! mấy lớp trẻ này nghe ‘đại ca’, một sứ quân cát cứ Tỉnh Trà Vinh này, bày tỏ nỗi lòng mà cãm động tới rụng rún. Phải thiệt vậy hông ông anh?

Xin nghỉ mấy lần rồi đó chớ mà mấy ảnh không cho? Chớ tui có ham quyền cố vị gì đâu?! Bốn chục năm theo cách mạng, thấy cống hiến đã đủ rồi; mà ăn nhậu cũng đã đủ rồi… giờ mấy anh ở trên muốn ‘cách cái mạng’ em; thì xin lỗi mấy anh cư xử như vậy cũng hệt như chú chệt trong truyện Tàu là: vắt chanh bỏ võ, hết thú giết chó săn, đặng chim bẻ ná hay sao á? "Trách ai đặng cá
quên nơm, đặng chim bẻ ná, quên ơn… tao nằm vùng?"

Tóm lại,vụ Ba Khiêu nói qua nói lại với mấy anh ở trên đúng ra chỉ là một chuyện ruồi bu, who cares?

Vậy mà chuyện ruồi bu này cũng được lên trên web của đài BBC Luân Đôn nữa đó! Xin trích một đoạn như sau:

Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Đảng ‘xì’ ra cho dân Đà Nẳng biết. Và báo chí hải ngoại tận Úc Châu, như tờ Việt Luận, cũng chạy nhựt trình rằng: Mới đây, báo chí Việt Nam nói nhiều vụ một nữ phó phòng ở tỉnh Trà Vinh bị kỷ luật vì ‘quậy phá’ trụ sở UBND tỉnh.

Sau vụ này, ông Trần Khiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, đã làm đơn xin nghỉ hưu sớm trong khi có nghi vấn về quan hệ giữa ông và người phó phòng ở trên.

Nghĩa là Trần Khiêu, 59 tuổi, Chủ Tịch Tỉnh Trà Vinh có ‘quen’ người em gái nhỏ: Trần Hồng Ly, mới tuổi băm…băm, trên mức bình thường… Ba Khiêu chối!

Báo chí hải ngoại là kẻ thù của cách mạng thì không nói làm chi! Chỉ buồn là phe ta, huynh đệ như thủ túc, anh em vậy thôi, mà anh Nguyễn Bá Thanh, cựu Bí Thơ Đà Nẵng, giờ là Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, lại ‘xì’ ra để ‘chơi’ em : Nỡ lòng nào mà anh nói như vầy cho được hở Bá Thanh?

“…Nhưng cũng nói thật nghe, phải coi chừng đó, chứ một ông chủ tịch UBND tỉnh trong miền Nam có xôn xao léng phéng với một cô gái, Bộ Chính trị vừa có ý kiến cho nghỉ luôn đó, không đùa đâu!”

Anh là đồng chí của tui mà khui hũ ‘mắm bò hóc’ này ra chi vậy?

Thôi anh chơi cạn tàu ráo máng thì cũng cho em đọc diển văn đáp từ với chớ: “Thưa các đồng chí chưa bị lộ! Thằng nào cũng như thằng nấy thôi. Cười người nên chớ cười lâu. Cười người hôm trước hôm sau người cười’ He he!

Hỏi 59 tuổi rồi, ăn sơn hào hải vị, rồi đông trùng hạ thảo, uống Mao Đài Trung Quốc hay whiskey Mỹ hay Viagra gì chăng đi nữa thì đời sống tình dục của tui cũng y như của mấy anh thôi. Rán kéo thì cũng dài thêm chút đỉnh, chứ có dài thòng đâu mà sợ mất uy tín đảng bộ của mình. Nó cũng như ngọn đèn sắp tắt vậy thôi. Phựt lên một cái rồi tắt ngủm luôn thì mấy anh trên Bộ Chính Trị làm khó em chi. Hỏi tới hỏi lui hoài. Hỏng hỏi cũng biết thì hỏi làm chi cho mất tình đồng chí với nhau. Chẳng qua là Tư Lực,Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh, muốn cưa ghế của em! Nó mà nhằm nhò gì. Em gãy ghế nó cũng không lên ngồi được đâu. Nó cũng ăn quá trời, tiền tỉ không! Tuần nào thứ bảy, chủ nhựt đều dông lên Sài Gòn, du hí bằng công xa đó thì sao? Nhưng sau lưng nó là cái thằng đở đầu cho nó kìa. Em biết sư phụ nó thèm cái ghế của em nhểu nước miếng đầm đìa tới rún đó!

Dân nghèo tỉnh Trà Vinh và cả nước nghe chuyện cha con nó chơi nhau vui như Tết, vui hơn là xem cậu Hoài Linh giả gái, ẹo tới, ẹo lui trên đài truyền hình nhà nước; nên chế ra cái chuyện vui này xin cống hiến bà con cô bác trong nước đọc chơi cho đở đói!

Chuyện rằng:  Ba Khiêu chết, phải leo lên hai ngàn bậc thềm, mới vào được thiên đàng. Ông Thánh giữ cổng cho Ba Khiêu một viên phấn. Khiêu hỏi: Để làm gì?

Thì được trả lời: Mỗi lần chú ngoại tình, dấu chuyện bồ bịch với vợ con thì gạch một vệt phấn lên bậc thềm để được xóa tội, khi nào xóa hết… mới vào được thiên đàng!

Giữa đường, đang lui cui bước lên, vạch…vạch thì Ba Khiêu ngạc nhiên khi thấy Bill Clinton từ trên đi xuống, bèn hỏi:

“Bill! Anh đi đâu vậy?” Bill Clinton trả lời : “À! Tao đi xuống cổng lấy thêm phấn đó mà!”

Do đó đường chơi mấy con gà móng đỏ của chú em Ba Khiêu so với Bill Clinton thì nhằm nhò gì?

Để chấm dứt bài tạp ghi này người viết vốn cũng là đàn ông, ‘càng nhìn em và yêu em mãi’, nên xin phép quý độc giả thân mến có đôi lời phi lộ…liễu với hai ông già mà mất nết, răng rụng gần hết…ráo mà trệu trạo cỏ non như vầy:

“Thôi mà hai ‘tía’! Mình cùng là đàn ông với nhau nên biết tỏng cả rồi. Dấu làm chi. Dấu đầu thì lòi đuôi. Mang tiếng anh hùng hảo hớn, có chơi là có chịu…thiệt! Mới là ‘dân chơi sợ gì mưa rơi’ chớ! Dấu làm chi cho mấy con mèo hai cẳng của mình và thiên hạ nói mình ham chơi mà nhát..! Mắc cỡ chết! He he!

Cứ xem Đường Minh Hoàng vì sủng ái Dương Quý Phi mà bị An Lộc Sơn vốn là ‘tà lọt’ của mình rượt chạy, nhém sút quần. Còn Ngô Phù Sai vì sủng ái Tây Thi mà bị Câu Tiển ‘niểng’ cho một phát mà mất nước. Còn Bill thì bất quá chỉ bị Hillary Clinton bắt mang khóa trinh tiết như trong hình minh họa. Còn Ba Khiêu mất chức Chủ Tịch Tỉnh về đuổi gà cho vợ thì cũng là chuyện nhỏ phải không?

Ruồi, (con gà móng đỏ), tới mỏ mà không táp, để cho ‘đồng chí’ khác nó táp! Chừng đó  tiếc…là quá muộn. Táp một phát cho đã… rồi kệ tới đâu thì tới hé Chủ Tịch Tỉnh Ba Khiêu! Quâu quâu!”

đoàn xuân thu.

melbourne.

Cẩu xực xí quách!

       dxt_apr24_1.jpg dxt_apr24_2.jpg                       

    spinalboxing.com   www.wagerweb.ag                                       

Cẩu xực xí quách’ nguyên nghĩa là con chó ăn xương hầm. Nhưng theo bà con dân gian mình khi ‘quánh’ không lại chẳng hạn, kẻ yếu hơn, dùng toàn lực để tổng tấn công địch thủ; mà võ khí rất hữu hiệu trong trường hợp này là hàm răng, làm địch thủ đau thấy bà tiên tổ, còn cho mình đở phải ngứa răng đó là: chiêu ‘cắn’ hay gọi kiểu kiếm hiệp giang hồ Kim Dung tiền bối là ‘cẩu xực xí quách!’

Sau một tuần lễ căng thẳng do tin tức khủng bố ở Boston, ở Canada; căng quá sợ đứt dây đàn, nên tuần này người viết ‘vũ như cẩn là vẫn như cũ’ trở về với tạp ghi, viết ‘tùm lum tà la’ để quý bạn đọc quên đi âu lo trong cuộc đời đầy rủi ro và bất trắc này mà cười lên một chút cho đời lên men giấm…

Nên cho dù là chuyện tào lao nhưng cũng nên viết lắm phải không, thưa quý độc giả thân mến?

Đầu tiên là chuyện về mấy chú nhỏ đá banh.

Luis Suárez là cầu thủ đang chơi ở vị trí tiền đạo cho đội bóng Liverpool Anh Quốc và cũng là tuyển thủ của đội tuyển quốc gia Uruguay.

Không ai có thể phủ nhận tài năng thiên phú và sự siêng năng tập luyện của chú em 26 tuổi này (sinh ngày 24 tháng giêng năm 1987).  Chú có tài thì tài thật nhưng tật, tật xấu lại chẳng thiếu chi. Mà đã gọi là tật thì khó bỏ giàn trời, cứ lập đi lập lại hoài. Làm bậy, xin lỗi, bị phạt rồi lại làm nữa! Tật mà!

Luis Suárez, mới 15 tuổi, đá banh đã hay và cũng đã có máu anh chị trong người rồi. Bằng cớ là chú bị thẻ đỏ, bị đuổi ra sân vì húc đầu vào ông trọng tài. Sau đó, lớn lên một chút, chơi bóng càng lúc càng hay thì máu anh chị càng nhiều hơn, càng quậy tợn!

Kiếm tiền coi bộ dễ, nên chú ăn nhậu ‘mút chỉ cà tha’, bù khú thâu đêm suốt sáng đến nỗi huấn luyện viên phải cảnh cáo là sẽ không cho ra sân đấu; trừ trường hợp là cư xử một cách đứng đắn đàng hoàng một chút nhá!  

Rời quê nhà qua Âu Châu đá, dù được câu lạc bộ bóng đá Hòa Lan Ajax bầu là cầu thủ xuất sắc trong năm (Player of the Year!) nhưng chú cũng nhận khá nhiều thẻ vàng và thẻ đỏ khi chơi cho câu lạc bộ hay ngay cả khi đại diện cho màu cờ sắc áo của đội tuyển quốc gia Uruguay.

Giải vô địch bóng đá thế giới năm 2010 tổ chức tại Nam Phi, ở vòng tứ kết, Uruguay đấu với Ghana. Sau khi hòa 1-1, trận đấu bước vào hai hiệp phụ, Suárez chơi bóng bằng tay để ngăn cú đánh đầu của Dominic Adiyiah trước vạch cầu môn. Trọng tài phạt chú thẻ đỏ, đuổi cổ ra khỏi sân và cho đội Ghana được hưởng phạt đền. Nhưng xui là Asamoah Gyan lại sút trúng xà ngang và đội Ghana thua tức tưởi 2-4 trong đợt đá phạt đền luân lưu. Ghana bị loại.

Luis Suárez bị dân Ghana, cay hơn ăn ớt, gọi là kẻ côn đồ (villain), là thằng chơi lận (a cheat)! Tuy nhiên chú cười hè hè rồi nói: "If I am obliged to stop a ball in the last minute and we win, then I will repeat the action."

“Nếu tui có bổn phận phải chận quả banh lại vào phút chót và thắng trận thì tui sẽ lại làm như thế nữa! He he!”

Đội bóng Ajax chắc cũng ‘râu huyền rầu’ với chú em lắm tài nhiều tật này lắm, thôi đở phải nhức đầu, nên bán chú đi.

Ngày 28 tháng giêng năm 2011, Luis Suárez đến thi đấu cho đội Liverpool với hợp đồng hậu hỉnh giá 22.8 triệu bảng Anh cho tới năm 2016.

Tại Anh Quốc, chú vẫn chứng nào tật ấy. Vẫn chơi bóng rất hay và tiếp tục chơi bóng bằng tay nếu có dịp. Và lần này không phải để ngăn đối thủ ghi bàn mà là để mình ghi bàn như trong trận Liverpool thắng Mansfield Town 2-1 ở vòng 3 Cúp FA.

Vì quan niệm phải thắng bằng mọi giá cho dù là ma giáo, tà đạo cũng không từ. Đạo đức thể thao là cái ‘quái’ gì? Nên chú thường hay ‘té’ dỏm trong khu cấm địa để hòng kiếm phạt đền cho đội mình.

Đối với đồng đội thì hung hăng, chửi lộn để giành đá phạt. Đối với đối thủ thì phun ra những lời lẽ sặc mùi kỳ thị khi gọi Patrice Evra của đội Manchester United là thằng mọi đen (Negro!).

Còn nếu không chửi rủa đấu thủ thì chú em này dỡ chiêu ‘cẩu xực xí quách!’

Ngày 20 tháng 11 năm 2010, chú cắn vào vai của Otman Bakkal của đội PSV. Báo De Telegraaf Hòa Lan đặt hổn danh cho chú là: the “Cannibal of Ajax”, “Kẻ ăn thịt người của đội Ajax”. Sau đó chú bị cấm đá 7 trận và bị phạt một số tiền không được tiết lộ.

Ngày 21 tháng 4 năm 2013, tại sân Anfield, Luis Suárez lại ngứa răng, bèn ‘táp’ hậu vệ của đội Chelsea là Branislav Ivanović vào tay nhưng trọng tài không thấy, dù Ivanovic có trình dấu cắn cho ông xem. Sau đó, trong giờ đá bù, chú em ghi bàn gở hòa 2-2 cho Liverpool.

Hình như mỗi lần chơi xấu, xài tiểu xảo, nhào dỏm trong vòng cấm địa, chơi bóng bằng tay, hay ‘cẩu xực xí quách’, Luis Suárez lại hưng phấn hơn, chơi hay hơn chăng?!

‘Cẩu xực xí quách’ lần này thì Luis Suárez bước đầu bị Liên Đoàn bóng đá Anh FA cấm đá 3 trận và bị phạt 300,000 bảng tương đương với ba tuần lương.

Hỏng biết mất tiền kha khá như vậy chú có tởn chưa? Nhưng dám cắn hai lần, thì ai dám bảo đảm là sẽ không có cắn lần thứ ba?!

Nhưng hai lần cắn đối thủ của Luis Suárez cách khoảng 3 năm; còn đối với võ sĩ quyền anh Mike Tyson không cần chờ chi tới ba năm cho lâu lắc.

Một trận đấu mà sau đó báo chí gọi là trận cắn lộn "The Bite Fight". Tyson cắn đối thủ hai lần luôn cho nó gọn!

Trong trận tranh giải vô địch quyền anh hạng nặng giữa Mike Tyson và Evander Holyfield tại võ đài MGM Grand Garden Arena ở Las Vegas, Nevada năm 1997, chắc bị đấm đau quá, nên Tyson dỡ chiêu ‘cẩu xực xí quách!’

Lần thứ nhứt khi chỉ còn 40 giây nữa là chấm dứt hiệp 3, Tyson cắn đứt vành tai phải của Holyfield và chắc chê vành tai này không ngon bằng bánh lỗ tai heo, nên phun miếng thịt nhầy nhụa máu này xuống sàn đài. Trận đấu ngừng vài phút cho bác sĩ khám tai Holyfield …rồi cho ‘đấm’ nữa. Lần thứ nhì thì Tyson cắn bên tai trái. Tuy trầy trụa sơ sơ nhưng Holyfield hoảng quá nên mét trọng tài và trận đấu dừng lại! Tyson bị xử thua, bị truất quyền thi đấu vĩnh viễn và bị phạt 3 triệu đô Mỹ. Sau đó, thưa gởi tới lui, Tyson lấy lại được cái ‘lái sần’ để tiếp tục thượng đài đánh bốc.

Lần này, tía nó cũng không dám ‘cắn’ bậy nữa đâu! Hao quá mà!

Đến ngày 16 tháng 10 năm 2009, trên show truyền hình The Oprah Winfrey, Tyson đã công khai xin lỗi Holyfield. Thời gian chắc cũng làm vành tai không còn đau đớn nữa; nên Holyfield cười hề hề, xí xóa cho chiêu ‘cẩu xực xí quách’ của chú em Mike Tyson ‘hăng quá dại!’ nầy rồi!

Hai chú em nói trên vì ham ăn thua đủ nên xài chiêu ‘cẩu xực xí quách’ còn chú em 27 tuổi này, cư dân Palm Bay, tiểu bang Florida bên Mỹ, xài chiêu ‘cẩu xực xí quách’ với con vợ không phải vì muốn ăn thua đủ mà vì tức và vì sợ.

Tức là bị nó quánh chỉ vì thọt lét con vợ đang ngủ, thức dậy nấu cơm chiều cho ba cha con chú ăn mà em vẫn còn nằm ‘phê’ thẳng cánh. Con vợ bị thọt léc, phá giấc ngủ, quạu, lấy cái gì đó quánh vào đầu anh chàng này hỏng biết?

Đau vì bị vợ quánh mà không dám quánh lại vì sợ bị cảnh sát nhốt về tội bạo hành trong gia đình nên ‘cẩu xực xí quách’ vào vai em một phát!

Ông Tòa thông cảm cho đương sự bị quánh trước; nên không nhốt, mà chỉ bắt phải làm vài trăm giờ lao động công ích về tội ngứa răng, cắn bậy… cắn không nhằm chỗ và cắn cũng không đúng lúc?!

Ông bà mình nói: “Yêu nhau lắm cắn nhau đau!” chắc là nghĩa bóng thôi! Chớ yêu nhau ai nỡ cắn nhau cho đành. Đau thấy năm bảy ông trời chớ chẳng phải chuyện giỡn chơi? Còn nghĩa đen, ghét mầy lắm nên tao cắn và ba trường hợp trên đây đều là ‘cẩu xực xí quách’ kẻ thù mà thôi!

Đưa cái tin: ‘Con vợ vì làm biếng không nấu cơm chiều cho chồng con ăn nên bị cắn’ này cho em yêu đọc. Thì em cứ nhăn răng ra, cười hè hè, mà phán rằng: “Cái thằng nhỏ, Christopher Huyhey này, mới 27 tuổi, răng còn tốt, cắn còn đau! Chứ già như anh yêu thì… ha ha!”

Chắc quý độc giả thân mến của bổn báo đã biết tại sao rồi chớ gì?

đoàn xuân thu.

melbourne.

Bài chót trong loạt bài viết về vụ bom nổ tại Boston

Từ Chechnya tới Boston!

dxt_apr22_map.jpg

 

www.news.com.au                                                                                        tvnz.co.nz 

Dzhokhar A. Tsarnaev, nghi phạm thứ hai, trong hai vụ nổ bom tại mức đến cuộc thi chạy Marathon quốc tế tại thành phố Boston, bang Massachusetts, Hoa Kỳ đã được tìm thấy nằm trốn trong một chiếc tàu nhỏ ở sân nhà trên đường Franklin, thị trấn Watertown rất gần nơi hai anh em nghi phạm chạm súng với cảnh sát 24 giờ trước đó.

Chủ căn nhà này đã phát hiện ra Dzhokhar A. Tsarnaev khi ông thấy vệt máu bên ngoài tàu, ông dở miếng bạt che lên và thấy nghi phạm, mình đẩm máu, đang trốn trong tàu. Ông vào nhà gọi 911. Trực thăng cảnh sát dùng tia hồng ngoại xác định nghi phạm vẫn còn ở đó.  Nghi phạm bị bao vây, sau vài loạt súng nổ qua lại của đôi bên thì cảnh sát bắt được y, đưa đến bệnh viện dưới sự canh phòng cẩn mật của cảnh sát trong tình trạng bị thương tích trầm trọng ở cổ và lưởi nên không nói được.

Do đó cảnh sát phải chờ đợi để thẩm vấn nghi can. Phát hiện trễ hơn có thể hung phạm đã bỏ mạng vì mất máu quá nhiều!

Ngay tối thứ sáu, 19/04/2013, trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Cung, Tổng Thống Barack Obama đã nói rằng: “Bảy ngày qua đất nước Hoa Kỳ đã trải qua một giai đoạn rất khó khăn: cuộc tấn công khủng bố ở Boston, vụ nổ nhà máy phân bón ở West, Texas và hai bức thơ có tẩm chất độc ricin gởi tới ông và một Thượng Nghị Sĩ Mỹ.”

Khi nói về hai vụ nổ bom khủng bố ở Boston, ông đã ca tụng dân chúng Hoa Kỳ rất can đảm, không chấp nhận bị đe dọa và khen ngợi cơ quan công lực Tiểu Bang cũng như Liên Bang Mỹ đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ dân chúng bằng việc bắt sống được nghi phạm số 2 Dzhokhar A. Tsarnaev  .

Tuy nhiên cũng còn nhiều câu hỏi được đặt ra? Tại sao hai thanh niên này lớn lên, học tập và là một phần tử của cộng đồng, đất nước Hoa Kỳ lại dùng những phương sách bạo động tàn ác đến thế?

Chúng đã lên kế hoạch và thực hiện cuộc tấn công như thế nào? Có tổ chức khủng bố nào đã giúp đở cho chúng thực hiện không?

Xét về nhân thân của hai nghi phạm này thì chúng đã đến Hoa Kỳ tỵ nạn một thập niên trước đó từ Chechnya thuộc Liên Bang Nga. Trong rừng tin tức của giới truyền thông quốc tế cho chúng ta thấy vài điều đáng lưu ý như sau:

Nghi phạm 19 tuổi Dzhokhar A. Tsarnaev không thích bạn gọi mình là người Nga mà phải gọi là người Chechen dù y được sinh ra ở Kyrgyzstan.

Trên mạng xã hội Twitter, sau vụ đặt bom, vào quá nửa đêm tối thứ ba, y từng chia sẻ với bạn bè rằng:

"There are people that know the truth but stay silent & there are people that speak the truth but we don't hear them cuz they're the minority."

“Có những người biết được sự thật nhưng lại im lặng & có những người nói lên sự thật nhưng chúng ta không muốn nghe vì họ chỉ là thiểu số”

Từ những câu nói mập mờ nói trên, cộng với sự kiện, cách đây hai năm, FBI đã thẩm vấn nghi phạm thứ nhất, Tamerlan Tsarnaev, giờ đã chết, theo lời yêu cầu của chính phủ Nga.

Sau được báo cáo là hai anh em nhà Tsarnaev gốc Chechnya, Tổng Thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Tổng Thống Nga Vladimir Putin để tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn trong các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố.

Từ những chi tiết đáng chú ý nói trên đưa chúng ta trở về với đất nước Chechnya.

Những năm 90s khi Liên Xô sụp đổ, chính phủ lâm thời của Chechnya tuyên bố độc lập, đặt tên nước là Cộng hòa Chechen. Và hai cuộc chiến cách khoảng nhau giữa những người đòi độc lập cho Chechnya và Nga đã nổ ra đẩm máu.

Lần thứ nhứt từ tháng 12 năm 1994 đến tháng 8 năm 1996.  Quân Nga tử vong là 5.500.  Số dân quân Chechnya bị giết, con số ước lượng là từ 3.000 đến hơn 15.000 người.

Số thường dân bị chết từ 30.000 và 100.000 người, có thể hơn 200.000 người bị thương. Các thành phố và làng mạc trên khắp nước cộng hòa bị tàn phá.

Lần thứ hai là giai đoạn sau của cuộc chiến tranh ở Bắc Kavkaz, từ ngày 26 tháng 8 năm 1999. Quân đội Nga và Lực lượng bán quân sự Chechnya thân Nga phải trả giá đắt mới chiếm được thủ đô Grozny, sau một cuộc vây hãm từ cuối năm 1999 đến tháng 2 năm 2000. Nga thiệt hại hơn 5.200 quân (con số thương vong chính thức của Nga).

Và khoảng từ 25.000 đến 50.000 người chết hoặc mất tích, chủ yếu là thường dân Chechnya.

Phiến quân Chechnya tiếp tục gây thương vong nặng cho quân Nga khắp khu vực Bắc Kavkaz trong vài năm tiếp theo. Cho đến năm 2009, về cơ bản, quân Nga mới dập tắt được phiến quân Chechnya.

Trong khoảng thời gian đánh nhau ác liệt đó, một số phiến quân Chechnya cũng tiến hành các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào thường dân ở Nga.  

Năm 2002, dân quân Chechen bắt 8 trăm thường dân đang xem hát ở Moscow làm con tin. Lực Lượng Đặc Biệt Nga (Russian Special Forces) phản ứng mạnh. Kết quả là 129 con tin bị chết cùng với 41 tên khủng bố.

Và bi thảm hơn, làm thiệt mạng nhiều người hơn, là cuộc khủng hoảng con tin  tại trường Số Một, thị trấn Beslan, vùng Bắc Caucasus thuộc Liên Bang Nga vào ngày mùng 1 tháng  9 năm 2004 kéo dài suốt 3 ngày. Nhóm dân quân vũ trang Hồi Giáo ly khai (group of armed Islamic separatist militants) đã bắt giữ 1.100 người làm con tin, trong đó có 777 trẻ  em. Những tên cầm giữ con tin này thuộc tiểu đoàn Riyadus-Salikhin Battalion, do lãnh tụ đòi ly khai người Chechen, Shamil Basayev chỉ đạo. Y đòi Liên Hiệp Quốc phải công nhận nền độc lập cho Chechnya và quân Nga phải triệt thoái. Ngày thứ 3 của cuộc khủng hoảng, quân đội Nga phản ứng rất mạnh với xe tăng, rốc kết… Kết quả kinh hoàng là 334 con tin bị giết trong đó có 186 trẻ em và một số rất lớn người bị thương và mất tích.

Trong lịch sử cuộc tranh chấp giữa người Nga và người Chechen kéo dài hằng thế kỷ, đánh nhau rồi ngưng; rồi lại tiếp tục đánh nhau.

Lịch sử chủ nghĩa khủng bố Chechen cũng rất tàn bạo, gian ác. Không một thủ đoạn mà không được dùng tới như: tấn công xe lửa, xe điện ngầm, nổ bom tự sát trên máy bay!

Giờ đây đến thành phố hiền hòa Boston của Mỹ rất xa Chechnya cũng bị lôi vào cuộc.

Giải quyết như thế nào rõ ràng là một vấn đề rất nan giải?

Cuộc điều tra của FBI và các cơ quan công lực Mỹ đang tiến hành, chúng ta chỉ biết chờ xem.

Chỉ xót thương những thường dân vô tội phải bỏ mình một cách oan uổng đúng như  Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng viết trong cuộc chiến tranh Việt Nam “Thịt da này dành cho thù hận! Cho bạo cường! Cho tham vọng của một lũ điên!”

đoàn xuân thu

melbourne

 

 Bài viết nóng hổi về vụ bom nổ tại Boston

Cần một câu trả lời! Tại sao?

dxt_apr19_1.jpg

Lúc 22 giờ 48 phút ngày 18 tháng 4 giờ địa phương, cảnh sát viên tên là Sean Collier, 26 tuổi, khi đến điều tra một vụ náo động (disturbance),  đã bị bắn chết khi ngồi trong xe,  gần Tòa nhà số 32 trong khuôn viên trường đại học kỹ thuật MIT(Massachusetts Institute of Technology) ở Cambridge thuộc thành phố Boston.

Hai nghi can vừa bắn chết viên cảnh sát; đã dùng súng cướp một chiếc xe, bắt người tài xế làm con tin, lên đường bôn tẩu. Nửa tiếng sau, viên tài xế xe được chúng thả ra tại một trạm xăng mà không bị thương tích gì.

Hai nghi phạm giống như hình mà Cơ Quan Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) công bố trên phương tiện truyền thông nhờ dân chúng nhận diện để giúp cho cuộc điều tra của cơ quan công lực đang tiến hành về vụ nổ bom tại mức đến của cuộc thi chạy Marathon do thành phố Boston tổ chức vào hôm thứ hai 15 tháng  4 năm 2013.

Nghi can thứ nhứt đội chiếc kết của cầu thủ bóng chày, màu đen.

Nghi can thứ hai đội ngược chiếc kết màu trắng. (Xin xem hình)

Cơ Quan Điều Tra Liên Bang Mỹ (FBI) đã thâu thập những hình ảnh, cử chỉ, hành động khả nghi của hai nghi can trong hai vụ nổ bom khủng bố nói trên từ camera an ninh, từ mobile phone của quần chúng.

Thì đến tối thứ năm, chúng lại ra tay, tiếp tục sát hại một cảnh sát viên đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho trường đại học MIT; rồi cướp xe, chạy trốn hướng về thị trấn Watertown khoảng 10 dặm, phía Tây thành phố Boston.

Cảnh sát đặc nhiệm, biệt đội chống khủng bố, trực thăng quần đảo trên bầu trời. Và cuộc đọ súng đã xảy ra khoảng 1 giờ sáng ngày thứ sáu. Súng và chất nổ được hai nghi can sử dụng nhằm ngăn cản sự truy đuổi của cơ quan công lực.

Kết quả là thêm một cảnh sát giao thông bị thương nặng. Và nghi can số một đã chết vì trúng đạn và vết thương do chất nổ của chúng gây ra. Còn nghi can thứ hai thì vẫn còn đang tại đào.

Cảnh sát thông báo rằng: y có võ trang và cực kỳ nguy hiểm. Cảnh sát cũng khuyến cáo dân chúng không nên tìm cách tự mình bắt giữ nghi phạm mà hãy thông báo cho cơ quan thẩm quyền có trang bị đầy đủ phương tiện hữu hiệu đối phó với hung phạm!

***

Đêm bình yên Boston đã tan vỡ từ vụ đặt bom ở cuộc chạy marathon quốc tế. Tan vỡ vì cái chết của một cảnh sát viên đang làm nhiệm vụ giữ an ninh cho 11,000 sinh viên đang theo học tại trường MIT.

Tan vỡ vì một cảnh sát giao thông bị thương nặng trong vụ đọ súng với hai hung thủ.

Tan vỡ vì 3 người đã chết khi đứng xem tại mức đến cuộc thi chạy marathon ở Boston vào chiều thứ hai 15 tháng 4 năm 2013. Còn 23 nạn nhân trong tình trạng thập tử nhứt sanh (critical condition); 40 người với thương tích trầm trọng (serious) và nhiều người phải cụt tay, cụt chân trong vụ nổ bom khủng bố.

***

dxt_apr19_2.jpgẢnh bên: Dzhokhar Tsarnaev (hình fbi.gov)

Hai tên khủng bố này là ai?

Reuters đưa tin: Dzhokhar Tsarnaev, sinh ngày 22/07/1993 (nghi phạm thứ hai), đang là một sinh viên y khoa, từng đăng link trên các trang web đạo Hồi, kêu gọi tự trị cho Chechen.

Còn nghi phạm thứ nhứt vừa bị bắn chết là anh ruột của y tên là Tamerlan Tsarnaev.

Tại sao họ lại nhẫn tâm làm như vậy, vẫn là câu hỏi chưa được trả lời thỏa đáng?

Nhân dân Mỹ, nhất là thân nhân của những người đã chết và bị thương trong vụ nổ bom và trên đường truy bắt hung phạm cần câu trả lời đó.

Hy vọng Cơ Quan Công Lực Hoa Kỳ sẽ bắt giữ được nghi phạm thứ hai vẫn còn sống; để y ra trước Tòa mà trả lời về những hành động tàn ác mà y đã gây ra cho những người lương dân vô tội!

Tại sao?

đoàn xuânthu

melbourne.

(tổng hợp từ CNN, CBS, ABC, VOA, BBC, Reuters  breaking news)

Không trở về nhà nữa rồi!

dxt_apr17_ve.jpg

        www.stuff.co.nz                                      

Boston là thủ phủ của tiểu bang Massachusetts ở Hoa Kỳ. Được thành lập năm 1630, Boston là một trong những thành phố cổ xưa nhất và có ảnh hưởng lớn đến văn hóa và thể thao của Mỹ quốc.

Năm nay là lần kỷ niệm năm thứ 238, ngày Patriots’ Day (Ngày Ái Quốc, vinh danh lòng yêu nước) của thành phố Boston. Như thông lệ, một cuộc thi chạy ‘marathon’ được tổ chức với hàng chục ngàn người từ khắp nơi, trong nước Mỹ và cả nước ngoài đến tham dự. Sự kiện thể thao này trở thành truyền thống đáng gìn giữ không những cho thành phố Boston mà cho toàn thể nước Mỹ.

Nhưng kinh hoàng thay, ngày thứ hai 15 tháng 4 năm 2013, trước 3 giờ chiều giờ đông bộ Hoa Kỳ, hai trái bom đã phát nổ cách nhau khoảng 10 giây nơi mức đến của cuộc đua và đã biến nơi đây thành bãi chiến trường. Máu loang lổ khắp nơi, người bị thương nằm la liệt!

Dù khói bom chưa tan hết, nhân viên cứu cấp, có mặt trước tại cuộc đua, đã bất chấp hiểm nguy còn rình rập, đổ xô đến tiếp cứu và đưa những người bị thương đến bịnh viện.

Một cảnh tượng kinh hoàng đầy máu và nước mắt làm khắp nơi trên thế giới người xem truyền hình không thể nào ngăn được niềm xúc động sâu xa!

Theo các chuyên gia về vũ khí, bước đầu, cho biết mặc dù được chế tạo tại nhà (home-made bomb) nhưng nó vận hành tương tự như một quả mìn ‘claymore’ mà các đơn vị quân đội thường sử dụng ở chiến trường nhằm chống lại biển người. Quả bom có chứa chất nổ, mảnh kim loại bén, những hòn bi nhỏ bằng sắt, nén trong một nồi áp suất làm bằng inox, thép không rỉ, dùng để nấu ăn trong gia đình (dung tích 1.6 gallon tương đương với 6 lít), được sát thủ bỏ trong một cái túi xách bằng nylon màu đen, đặt cạnh một thùng bỏ rác ven đường, gần mức đến. Khi đám đông khán giả đang tụ tập, đứng reo mừng, cổ võ những lực sĩ vừa cán mức đến thì bom phát nổ.

Hai vụ nổ bom này đã giết chết một bé trai 8 tuổi, tên là Martin Richard, người Boston. Nạn nhân thứ hai là cô Krystle Campbell, 29 tuổi ở Medford. Nạn nhân thứ ba là một nữ sinh viên, mang quốc tịch Trung Quốc, đang theo học bậc cao học về toán thống kê tại trường đại học Boston, tên Lu Lingzi và làm bị thương nặng một trong hai người bạn của cô tại Quảng Trường Copley, nơi bom phát nổ

Ngoài ra, hai vụ nổ này còn làm bị thương hơn 183 người khác và vài người đang ở trong tình trạng trầm trọng đến nỗi em gái vừa lên 6 tuổi của Martin Richard phải cưa chân và má em, Denise cũng bị thương ở đầu rất nặng. Cả một gia đình tơi tả, tan tác sau vụ đánh bom.

Martin Richard, một đứa bé yêu hòa bình, chống bạo lực đã từng viết trên bảng trong trường cháu theo học là :

‘No hurting people’ ‘Đừng giết hại con người!’

và ‘Peace’ ‘Hòa Bình!’

Giờ thì em đã chết vì bạo lực mà em đã từng kêu gọi những kẻ thủ ác hãy dừng tay lại! Hỏi làm sao không khiến những người thiện tâm trên toàn thế giới không đau xót cho được?

Hai cô gái còn rất trẻ và một cháu trai chỉ vừa lên 8 tuổi phải chết mà không biết tại sao? Hay mình đã làm nên tội tình gì? Mà phải chết một cách thảm khốc như vậy?

Bạn bè của hai cô gái: một người Hoa, một người Mỹ đã chia sẻ nỗi đau xót, lòng nuối tiếc tất cả người đã chết và cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân.

"Wish there's no pain in heaven!” “May the girls rest in peace!"

“Không còn nỗi đau đớn trên thiên đường!” “Mong hai em hãy yên nghỉ!”

Còn hàng xóm của gia đình chú bé Martin Richard chua xót, đau đớn nói rằng: “Từ nay cháu không về nhà được nữa rồi!”

"That little boy will never come home again!''

Ai cũng đều rơi nước mắt!

Vậy mà một nhóm khủng bố gọi là Jordanian Muslim Salafi, tên cầm đầu Mohammad al-Chalabi đã nói:

 “Tôi lấy làm vui sướng khi thấy nỗi kinh hoàng ở Boston” “I am happy to see the horror in Boston” theo tờ Washington Post.

Y còn nói rằng: “Máu của người Mỹ không quý giá hơn máu của người Hồi Giáo” “American blood isn’t more precious than Muslim blood”

và rằng: “Hãy để cho người Mỹ phải chịu đau đớn như chúng tôi đã chịu khi quân đội các người chiếm đóng Iraq và Afghanistan và giết chết dân tộc chúng tôi”. “Let the Americans feel the pain we endured by their armies occupying Iraq and Afghanistan and killing our people there.”

Thì thử hỏi một cháu bé chỉ mới vừa lên 8 tuổi đã biết kêu gọi hòa bình, cùng hai cô gái đang tuổi thanh xuân, tràn đầy nhựa sống mà cuộc đời bị cắt ngang một cách bất ngờ như thế này cùng hơn 183 nạn nhân, có cả các trẻ thơ chưa hề biết hận thù là gì mà giờ đây bác sĩ phải cưa chân, cưa tay các em để hy vọng các em còn sống sót!  Các em thơ này đã làm nên tội tình gì?

Tiếng kêu gọi ‘máu trả máu’ của loài quỷ dữ làm phẫn nộ những người công chính trên toàn thế giới.

Tổng Thống Mỹ Barack Obama thề quyết đưa hung thủ ra trước công lý để xem xét về tội ác chống nhân loại đáng ghê tởm này!

Bom nổ ở Boston mà Melbourne và toàn Úc Châu lòng chúng ta rúng động. Xin gởi lời cầu nguyện cho những người đã nằm xuống và cầu chúc cho những người đang đau đớn trong bịnh viện vì những vết thương do bom nổ gây ra mau bình phục.

Thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nếu tất cả chúng ta quyết liệt và nhứt định nói không với chủ nghĩa khủng bố! Điều cực kỳ phi lý là bọn khủng bố thường nhân danh những điều tốt đẹp… mà lại nhẩn tâm giết hại những người vô tội! Từ già tới trẻ!

Em Martin Richard, Krystle Campbell và Lu Lingzi  không về nhà nữa rồi! Nhưng cái chết của các em làm chúng ta hiểu hơn, yêu hơn về cuộc đời đẹp đẻ biết bao nhiêu, đáng cho chúng ta trân quý biết bao nhiêu. Những người thiện tâm và công chính trên toàn thế giới sẽ hiệp lực lại truy đuổi và đem bọn khủng bố tàn ác, dã man này ra trước cán cân công lý để đền tội. Thì lúc đó những nạn nhân đã bỏ mình một cách oan ức này mới có thể yên nghỉ trên chốn thiên đường!

đoàn xuân thu.

Melbourne

_____________________________________________

Thơ gởi Anh Ba!

dxt_apr17_thugoi.jpg

www.tinmoi.vn                                    www.atlazbooks.com                        

Anh Ba ơi!

Em nhớ hồi còn nhỏ, đi học, cô giáo dạy văn ra đề: “Em hãy phát biểu cảm nghĩ của mình về thân phận nàng Kiều trong thời đại phong kiến!”

Hỏng biết con bạn em, là học trò giỏi văn cấp xã này, có máu tiếu lâm hay không, mà nó viết như vầy: "Kiều là 1 người con gái tài sắc vẹn toàn, song nàng đã bị chế độ phong kiến vùi vào đống bùn nhơ. Đến nỗi, chịu không nổi, nàng đã nhảy xuống sông Tiền Giang tự vận. May thay lúc đó có một bà đảng viên đi công tác về, bà liền nhảy xuống sông cứu nàng. Sau đó, Kiều giác ngộ và đi theo con đường Cách Mạng."

Dĩ nhiên đi theo Cách Mạng là vô Đảng, thành đảng viên mới có cơ hội mà chấm mút chớ!

Riêng Hồng , người đẹp Càng Long, là em, như Anh Ba thường gọi, lại ở Trà Vinh, hơi xa sông Tiền Giang thuộc Mỹ Tho, nên em không có cách chi mà nhảy xuống sông Tiền Giang tự vận, để được vớt lên rồi thành đảng viên.

Sở dĩ em thành đảng viên là vì bà nội em nuôi chứa Anh Ba thời kháng chiến. Để bây giờ anh được làm xếp sòng ở tỉnh. Cám ơn Anh Ba đã nghĩ ‘tình xưa nghĩa cũ’ với bà nội em, nên không cần ướt quần, ướt áo em cũng thành đảng viên như thường.

Nhưng Anh Ba ôi! Em hơi nóng tánh, giận lẫy có một chút, mà em quậy Anh Ba lộ liểu quá, làm cả đám đảng viên khác sợ ‘văng miễng’, bèn ‘đuổi’ em đi chổ khác chơi, không cho ngồi ăn nhậu chung như trước nữa! Ai cần?

Chẳng qua là em mới cất căn nhà lầu cho Tía Má vui, nên ăn tân gia ba ngày, ba đêm liên tục. Chắc ba ngày, ba đêm ăn nhậu ‘lu bù xích xác’ nên em hơi ‘quỷnh’ và hơi ‘quậy’. Em lấy chiếc xe SH, biển số đẹp, vào công đường của Anh Ba để kiếm tài xế của Anh Ba. Xin ‘nhấn nhấn’ là tài xế của Anh Ba chớ không phải Anh Ba.

(Anh Ba có nhớ đoạn Truyện Kiều nầy hông? Mà í quên! Anh Ba có học đâu mà nhớ. Cái nầy cũng giống như là đoạn gả Thúy Kiều cho ‘cha’ thổ quan chứ không phải cho Hồ Tôn Hiến.  Dù tối qua hai người đã ‘lu bù xích xác’ với nhau nhưng: “Nghĩ mình phương diện quốc gia!  Quan trên trông xuống người ta trông vào!”). Em kỹ, nên em nói thế thôi!

Kiếm tài xế Anh Ba không được, sao tự nhiên em nổi nóng: đập xe, đập cả công đường của Anh Ba. Lính lệ vô cản, em đập luôn cho đã tức. Mà em tức cái gì thì Anh Ba ơi em quên rồi. Cấn thai hai tháng nay làm em hay quên lắm. Anh Ba thông cảm cho em nhá!

Vậy là kẻ thù của Anh Ba mừng hơn cha nó chết để lại vài căn nhà lầu mặt phố;  bèn đem ‘em’ ra mà hài tội!

Cái ‘thằng’ đểu này còn rủ mấy thằng phóng viên đang ‘đói mồi, khát rượu’ về ‘quê em lúa thơm đậm tình’ ăn nhậu…rồi làm phóng sự.

Mấy tay phóng viên này, tụi nó ‘phóng’ tùm lum, hỏi nhiều câu móc họng, toàn là đi ‘dép râu’ dẫm nát đời son trẻ. Dám thản nhiên bước vào đời tư của em với Anh Ba Chủ Tịch không hà?

Toàn là những câu hỏi ‘nhạy cảm’ làm em cực kỳ ‘bức xúc.! (Hỏi nhạy cảm là hỏi tới là nhột. Còn bức xúc là em nóng ‘gà’ lên rồi đó nha!)

Như nó hỏi: “ Em và Anh Ba có gì hông?

Người ta anh em thiệt tình, ‘thân thiệt là thân’ nên em mới dám đòi đuổi cổ mấy thằng lính lệ đó chớ. Lính mà nhằm gì! Quan ‘Trưởng’ Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Tỉnh, em còn muốn đuổi nó luôn đấy chớ!

Nó còn hỏi: “Em mới 34 tuổi mà Anh Ba gần 60 cái xuân xanh ? Năm tới về hưu rồi, mà sao ‘anh em cà rem’ quá vậy; hỏng sợ chảy tòe le toét lét hết trơn sao?”

Nó còn hỏi vụ em lại nhà Chị Ba, dợt cho bả một trận về cái vụ bả dám kêu em ‘con…này, con… nọ’.. vv… là ‘bia ôm nội bộ’ nữa chớ. Nhưng Chị Ba chối leo lẻo nên em chỉ nhổ hai cây kiểng ‘Trinh Nữ Hoàng Cung’ của Chỉ, để phạt vi cảnh, dằn mặt Chỉ, về tội nghe đồn ‘thổi’ mà chia cách tình ta thắm thiết bấy nay!  Tiện tay em lấy về nhà chữa bịnh phụ nữ luôn thể!

Anh Ba cũng hứa với em là ‘trời yên bể lặng rồi’. Em có hỏi: “Sao hay vậy?”  Thì Anh nói đã ‘đả thông tư tưởng’ Chị Ba bằng câu ca dao mùi tận mạng là :“Con cá làm ra con mắm. Vợ chồng già thương lắm mình ơi!”

Anh Ba làm kinh tế thiệt giỏi, nên tỉnh mình nghèo mạt rệp, bét…nhứt nước, nhưng làm văn nghệ cũng hay!

Mấy thằng phóng viên còn hỏi: “ Cái bầu tâm sự của em đang mang là của ai khi em đã thôi chồng rồi?”  Cha! Cái nầy là đáng thưa tụi nó ra ông Tòa áo đỏ lắm nha? Của ai? Kệ tụi chớ! Luật pháp đâu có cấm! Vậy mà có thằng đọc báo, xấu miệng, viết ‘comment’ là: “Hỏi em, em còn không biết của ai nữa kìa!” Sao không biết. Nhưng nói ra làm chi hả?

Mấy thằng phóng viên nầy từ ngoài Bắc vô, không làm sao nó biết được: “Con cá Trà Vinh xanh kỳ đỏ dạ. Con gái xứ nầy không lang chạ đâu nha!’

Còn kẻ thù của Anh Ba, nó phao tin em là ‘bia ôm nội bộ’, nó cũng dốt luôn. Nó không biết là: “Con quạ nó đậu nhánh gáo. Nó kêu nam đáo nữ phòng. Biểu cô hai đừng lấy hai chồng. Dao phay kia hai lưỡi nó hòng phanh thây!”. Do đó em đâu có ngu như tụi nó nghĩ ?

Còn cái vụ nhà đất cả hàng chục tỷ thì do công khó của em mần ra; chớ dựa vào lương công chức là húp nước mắm. Đời mà! Trâu buộc ghét trâu ăn. Vậy thôi!

Anh Ba là người ‘trí tuệ’, đã từng nói với em rằng: “Quan trường như một cái giỏ cua. Con này trèo lên là con kia quơ càng để mong kéo nó xuống!” Thiệt là đúng như kinh!

Mỗi lần họp đảng bộ, tụi nó còn mang theo mỗi đứa một cây cưa. Biết chi hông? Thì để cưa ghế lẫn nhau chớ để làm gì? Có đứa còn đòi cưa ghế của Anh Ba nữa chớ! Còn có một năm nữa Anh Ba về vườn rồi mà nóng lòng chi! Chơi vậy sao không nghĩ đến thuở xưa nằm hầm chung, chống Mỹ! Cục muối sẻ đôi mà cục đường lủm hết hay sao?

Chuyến này Anh Ba ‘quánh’ lớn, em biết! Nhưng lỡ Anh Ba xui, mà ngã ngựa, thì bất quá em với Anh Ba như  ‘Phạm Lãi với Tây Thi’. cắp tay nhau chèo vô Ngũ Hồ rồi hô ‘biến’ vậy thôi!

Ngũ Hồ bên Tàu hơi xa. Thôi em với anh, quê Càng Long, mình qua Tiểu Cần đi cho nó gần. Em sẽ an ủi nỗi buồn của anh bằng: Tiểu Cần một khúc tình ca: “Về Trà Vinh, quê em đất mẹ kiên trung. Say hương lúa thơm đậm tình. Mênh mang gió trên dòng sông. Tiểu Cần miền quê em đó. Cho anh gởi tặng bài thơ. Ai về Cửu Long thương nhớ. Mênh mông biển lúa xanh rờn. Xuồng ai thấp thoáng trên sông. Nước chảy xuôi dòng. Tiểu Cần đất mang phù sa. Để người hát khúc tình ca. Ơi…ơi hò ơi hò là hò ơi! Xuồng em tải gạo trên sông. Nước chảy xuôi dòng. Tiểu Cần ơi! Quê em nắng chảy trên sông. Xôn xao tiếng chuông giọng hò. Quê hương miền đất phù sa!”

Em thương Trà Vinh, Tiểu Cần, Càng Long và Anh Ba nữa. Trong cơn hoạn nạn này bỏ ảnh sao đành?

Thôi thì: “Anh về dìu em trong nắng. Trao nhau người em ngày xưa.  Mang tình giòng sông thương nhớ. Thêm thương hạt nước yêu tình!”

Cuối cùng thì  Anh Ba ơi nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Cạn đìa, lóc cũng chết, mà trê cũng chết. Chết hết! Tụi nó nướng rơm, nhậu hết trơn!

Chỉ tình ta, đố ‘cha’ thằng nào phản anh, mà nhậu được!

Hồng Càng Long của anh Ba!

đoàn xuân thu.

melbourne

Tình phụ! Làm gì?

  dxt_apr11_1.jpg                                                           

Kính thưa quý độc giả thân mến!

Xin thưa trước là: Bài tạp ghi này nói về những mối tình dang dở, dở dang là của ai kia từ Tây cho tới Mít. Người viết không có ‘lan can’ gì trong đó!

Vì để lỡ con vợ người viết có đọc bài này, sợ nó hiểu lầm, nó ‘Hoạn Thư’ lên, phát biểu linh tinh: “Thằng chả nhị tâm, hai lòng… Đã có vợ rồi mà còn dám ‘tơ tưởng…nhớ’ đến người xưa hồi năm nẩm! Nó sẽ biết tay tui!”

Nghe mà phát rét! E! Phải tốn cả đống tiền mua Panadol để chống lại nhức đầu!

Sở dĩ lo xa như vậy vì người viết vốn thuộc nhóm người đứng bên tay phải như trong câu chuyện dưới đây:  

Một nhóm đàn ông chết và lên thiên đàng. Thượng Đế ra lệnh chia làm hai nhóm: Nhóm sợ vợ đứng bên tay phải!  Nhóm không sợ vợ bên tay trái! Thế là tất cả đều chạy sang...bên tay phải !

Thượng Đế sau vài giây ngạc nhiên… cũng chạy sang bên tay phải đứng. Chỉ còn sót duy nhứt một anh chàng đứng lẻ loi bên tay trái.

Thượng Đế khen:“Ta thật khâm phục nhà ngươi! Ngay cả Ta còn sợ vợ như vậy mà nhà ngươi không sợ! Thật đáng mặt anh hùng?”
Y đáp: “Dạ! Anh hùng gì cơ ạ ? Chẳng qua ở nhà, vợ tớ dặn rằng: Chỗ nào tụ tập đông người thì...CẤM!”

Do đó người viết xin hầu chuyện quý độc giả cho vui thôi, chứ thiệt tình không dám và không muốn bài viết của mình sẽ gây ra trăm ngàn cái‘rắc rối’ làm chi cho nó khổ! Và vốn dĩ từ hồi đi Thủ Đức về nên có tánh ‘cư an tư nguy!’ cứ ăn tự ngủ. Muốn yên ổn là phải lo trước cho nó ‘phẻ’!

Nên chuyện dưới đây, một lần nữa, là của người khác, chứ không phải của người viết. Dạ xin minh xác trước cho con vợ khỏi phải hiểu lầm. Vì người viết hồi nhỏ đến khi lập gia đình là không có ‘tình nhỏ làm sao quên’ hay ‘tình vắt vai, sầu ai nấy chịu’ gì cả?

Ba má dắt đi hỏi vợ, chỉ một lần thôi! Về biểu cưới là cưới; chứ không dám cãi lời cha mẹ. Vì một lẽ rất đơn giản là: Ngu sao mà cãi?

Và do đó chỉ có một mối tình duy nhứt với má hai ‘thằng cu’ nếu ai hỏng tin thì người viết xin thề ‘độc’ là : “Thề có đất trời anh không ‘dóc’ em đâu?!”.

Dà! Bắt đầu bài viết, xin nói chuyện Ăng-Lê trước:

dxt_apr11_2.jpgĐêm buồn, sương sương chút đỉnh mà nghe Adele rền rĩ "Someone Like You" thiệt là muốn tự vẫn cho rồi?

“I heard that you're settled down. That you found a girl and you're married now. I heard that your dreams came true. Guess she gave you things I didn't give to you”.

Nghe anh yêu đã yên bề gia thất. Anh đã tìm được và cưới được ai kia! Niềm ao ước đó đã trở thành sự thật. Ai kia có những điều, em không có cho anh!

Thua là phải! Tuy nhiên: “…Never mind, I'll find someone like you. I wish nothing but the best for you too. Don't forget me, I beg. I remember you said "Sometimes it lasts in love but sometimes it hurts instead”.

Nhưng đừng lo! Em sẽ tìm được một người giống như anh! Em chỉ cầu chúc cho anh hạnh phúc. Nhưng van anh! Đừng có quên em! Em vẫn nhớ lời anh thường bảo: Trong tình yêu mong hạnh phúc nhưng đôi khi lại lẫn đắng cay!

Tuy nhiên đừng quên em! Hãy để em quên trước đã. He he!

Còn con gái Việt Nam mà bị chàng phụ rẫy tình xưa thì ngồi làm thơ mà chửi rủa khi nghe tin vui thiệt là hả dạ, lợi gan khi người xưa của mình lại bị con nhỏ chằn ăn, trăn quấn đó đá ‘đít’:

Nắng lên cho héo lá lan. Cho đáng kiếp chàng, phụ rẫy tình xưa. Nắng lên cho héo ngọn dừa. Đánh chết chẳng chừa cái thói đổi thay.
Nắng lên cho héo nhánh mai
. Tui rủa tối ngày kẻ chẳng thủy chung!”

Nhưng đàn ông Việt Nam dẫu bị em đá dù đau hơn ‘bò’ đá cũng độ lượng ra đây người quân tử chẳng thèm chửi rủa mà làm chi? Chuyện đó để đàn bà làm. Còn dxt_apr11_3.jpgnam nhi chi chí, nếu biết được Do Ré Mi Fa Sol La Sí thì người viết sẽ bắt chước ông Trần Thiện Thanh đặt nhạc cho Tuấn Vũ hát, thở than chơi:

“Yêu người như thế đó. Người bỏ người ra đi. Lời thề bay theo gió. Gió ơi gió bay cao thôi từ đây còn nói năng gì? Yêu người như thế đó! Nên lỡ một lầm hai. Tình ngờ đâu tan vỡ. Thôi còn dám yêu ai thôi từ đây còn dám yêu ai! Anh vẫn hỏi thầm anh từng ngày…
Tại sao em phụ anh cho đành lòng? Anh cứ hỏi lòng anh từng giờ
Tình em hay tình loài bươm bướm bay?..

Nhưng không phải ai cũng dịu dàng chỉ than thở như ông nhạc sĩ bị tình phụ này;  rồi lấy hứng viết nhạc đem bán, lấy tiền mua rượu nhậu chơi giải sầu; cho quên hết người ‘đá’ ta sao đành?

Ông nông dân miệt xứ Cổ Cò, Mỹ Tho, đặc sệt chất dân quê này lỡ có con ‘bạn’ hơi xí xọn một chút hay trần trụi hơn là hay ‘ngọ’ một chút như chim… cứ chuyền từ cành này qua cành khác; ôi rầu cách chi mà kể: “Chim chuyền nhành ớt líu lo. Mãn sầu con bạn ốm o gầy mòn!” Rầu đến nỗi lòi cả hai cái lỗ tai luôn. Nhưng nhịn thì tức, dạy hoài hỏng nghe. “Không chồng đi dọc về ngang Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi”. Nên ông quạu quá, ổng dợt cho vài cái mà lòng đau như kiến cắn: “Không đánh thì bậu luông tuồng. Giơ tay đánh bậu cho buồn lòng qua!”

Dẫu sao cái chuyện chàng phụ nàng, nàng phụ chàng cũng có cái hay là nỗi đau thất tình đó đã làm biết bao ‘cha’ vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu, một chữ bẻ đôi không biết, bỗng trở thành  nhà văn, nhà thơ, ‘nhà nhạc’ ráo trọi!

Nhà văn, nhà thơ thì vẫn mạt nhưng ‘nhà nhạc’ hết mạt thành nhà giàu vì nhờ sản xuất ra đĩa hát cả triệu người mua nghe, đĩa bạch kim, như của Adele!

Đó là chuyện hồi xửa hồi xưa. Còn bây giờ trong nước, bọn trẻ, bọn 9X, giải quyết nhanh hơn, gọn hơn và cũng giúp ích rất nhiều cho các báo lá cải như báo Công An, báo Pháp Luật tăng thêm số bán. Và hãng làm lịch có thêm khách hàng vì mấy em, mấy chú sẽ mua vài chục cuốn để vô hộp, ngồi gỡ từng tờ một!

Cách giải quyết của mấy cô, mấy chú choai choai này là giải quyết bằng dao Thái Lan!

Hồi xưa người ta nói: “Lấy kim chích thịt thì đau. Lấy thịt chích thịt nhớ nhau suốt đời”. Còn bây giờ thì lấy kim chích thịt thì đau. Lấy dao chích thịt thì đau hơn nhiều!”

Do đó có người mách nước: mấy cô khi đi chơi với kép trước khi cãi lộn vụ con này, con kia, thằng này, thằng nọ chẳng hạn… thì nên xét xem coi nó có mang dao theo không?

Vì lỡ cãi nhau với nó, nó quạu lên bất tử, nó lụi cho một phát thì trời cứu nị!

Nhưng mấy cô em 9X này không chịu, cãi lại là: “Làm sao xét coi nó có mang dao theo hay không cho được ?

Nếu em thọt tay vô túi quần của nó, lỡ mà ‘đụng hàng’ thì còn chết lớn! He He!”

Đem câu: “Tình phụ! Làm gì?” đi hỏi một thằng bạn Úc làm chung tên Johnny thì nó cười hè hè trả lời: “Hỏng làm gì hết!” Rồi còn rống cổ lên ca bản: “Don’t worry! Be happy!” Đừng lo lắng, buồn phiền gì hết! Cứ vui lên đi! Chỉ cần một thùng beer VB (Vợ Bỏ) là đủ!

Nó còn phát biểu một câu xanh dờn rằng: “Nếu con vợ tui đá ‘đít’ tui mà đi theo thằng cha phát thơ chẳng hạn… thì tui cũng hỏng có buồn gì. Đời mà! Có hợp rồi có tan chớ! Niềm vui nào mà không nằm trong thiên tai. Nó nói y như ông Vũ Thành An vậy đó”

Nhưng mà sao có vụ ông phát thơ trong này vậy cà? Thì nó kể: Có một thằng nhóc Úc vô trường, học được cái ‘mánh’ của bạn.

Về nhà : “Con biết được cái bí mật của Ba rồi!”. Ba nó cho 20 đô ăn Mc Donald’s. Dặn đừng nói cho Má nó nghe!

Nó ăn quen, nói với Má nó: “Con biết bí mật của Má rồi!”. Má nó bèn cho 100 đô, muốn mua games nào chơi cũng được! Dặn đừng nói cho Ba nó nghe!

Cuối cùng, nó quay qua ông phát thơ : “Con biết được bí mật của Ông rồi!”

Ông phát thơ rơm rớm lệ, giơ cả hai tay ra: “Vậy hả! Lại đây con!”

Do đó mấy ông bị tình phụ, nếu nó cương quyết ra đi đôi khi lại hay hơn là phải nuôi con thằng khác. He he!

đoàn xuân thu.

melbourne

Khoe vợ kiểu China!

dxt_apr7_1.jpgdxt_apr7_2.jpg

 

Úc Đại Lợi là một đất nước tự do. Tự do không có nghĩa là: muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết. Làm cũng phải theo luật, theo lệ đàng hoàng. Viết báo, phát thanh, truyền hình, internet, vân vân và vân vân cũng phải tuân thủ theo luật pháp.

Cho nên dù là ‘free speech’ mà viết lách lạng quạng là phải xách chiếu ra tòa! Thường ít khi bị vô hộp nhưng đôi khi phải móc tiền túi ra đền, có khi đến táng gia bại sản mà phải ca cái bài ca ‘homeless’.

Bài học ‘chế’ ra tin tức lôm côm, bậy bạ của tập đoàn truyền thông Rupert Murdoch còn sờ sờ ra đấy. Nhém chút nữa là ông vua truyền thông đầy quyền lực người Mỹ, gốc Úc Thòi Lòi, gốc Adelaide này ‘tiêu tán thòn’ rồi! 

Tuy nhiên căng quá thì ai dám cầm bút? Cho nên Tây, mỗi năm, có ngày 1 tháng 4 theo truyền thống của báo chí gọi là ‘April Fools’, Việt mình thì gọi là ‘Cá Tháng Tư’ cho mấy ông làm báo mặc tình mà nói dóc để ‘xả xú páp’!

Ngày ‘Cá Tháng Tư’, là ngày hội vui vẻ, hấp dẫn đối với những người tinh nghịch và hài hước. Đây là ngày mà bạn bè có thể bị lừa nhau hoặc chơi khăm nhau mà không sợ bị giận hay bị đánh!

‘Cá Tháng Tư’ dù không phải là ngày nghỉ lễ chính thức nhưng vẫn được rất nhiều nước tổ chức kỉ niệm hàng năm vào đúng ngày 1 tháng 4, bằng cách tung nhiều tin đồn hoặc nói xạo, nói đùa về rất nhiều chủ đề khác nhau nhằm tạo niềm vui hay trêu chọc ai đó!

Những tin giả như thế thường được tung ra trong cả ngày 1 tháng 4 ở hầu hết các nước như Hoa Kỳ, Pháp, Ireland,... trong khi một số quốc gia khác nó phải được chấm dứt vào giữa trưa như Anh, Gia Nã Đại, Úc và Tân Tây Lan.

Nhưng ở Trung Quốc thì không cần một ngày đặc biệt như thế. Vì ngày nào, suốt 365 ngày trong năm, đều là ngày ‘Cá Tháng Tư’ ráo trọi. Nghĩa là ngày nào cũng ‘dóc’ hết. Vì vậy mới là Trung Quốc vĩ đại chớ!

Do đó khi người viết đọc bản tin trên web là Chủ Tịch Tập Cận Bình chọn Nga là nơi đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài sau khi lên ngôi cửu ngũ, ngồi trên đầu trên cổ 1,3 tỉ người Trung Quốc, dắt vợ là Ca sỉ Bành Lệ Viện đi theo?

Thì người viết coi bản tin này có vào đăng vào ngày ‘Cá Tháng Tư’ không? Thì không phải. Nghĩa là tin thứ thiệt, chứ không phải là tin dóc ‘tổ sư bồ đề’ trên báo chí, truyền thông Trung Quốc ra rả mỗi ngày.

Tại sao người viết đa nghi như Tào Tháo vậy? Vì cái này coi bộ mới?! Với Phương Tây, nguyên thủ quốc gia vác vợ ra khoe là chuyện thường ngày ở huyện. Nhưng với Trung Quốc thì không?

Mang theo Đệ nhất Phu nhân, the First Lady, khi xuất ngoại để tăng thêm hình ảnh của chồng là việc đã được các Tổng Thống Hoa Kỳ, thực hiện từ rất lâu. Từ J.F. Kennedy đến B. Obama. Vì vợ ‘cha’ nào ‘cha’ nấy cũng đẹp hết trơn!

Mà ở Phương Tây, chẳng cần phải là vợ chồng có ký hôn thú, có ra nhà thờ ‘I do’ mới có quyền tháp tùng nguyên thủ quốc gia đi công du hải ngoại; chỉ cần ‘bồ bịch’ là đủ.

Chẳng hạn như tình nhân của Nữ Thủ Tướng Úc Julia Gillard là ‘xừ’ Tim Mathieson, vốn là thợ hớt tóc, cũng được ‘ăn theo’ vợ như thường.

Báo Chí Úc gọi thằng chả là: ‘The First Bloke!’ ‘Đệ Nhứt Tình Nhân!”. Khứa này đúng là ‘đẻ bọc điều’ lại hỏng chịu im đi mà ‘hưởng phước!’ Đôi khi ông lên, bà xuống nổi hứng, giỡn vô duyên thấy ông bà ông vải!

Có lần ‘y’ phát biểu linh tinh rằng là: mấy ông đi khám ung thư tuyến tiền liệt nên lựa nữ bác sĩ Úc gốc Á Châu vì cô nàng có bàn tay nhỏ nhắn? Hỏng biết ‘y’ suy nghĩ cái gì trong đầu mà nói chuyện đùa nhạt như nước ốc và vô duyên một cách kỳ lạ như vậy?

Mới hôm qua, hôm kia, ăn theo ‘mèo’, công du Trung Quốc, lẻo đẻo sau ‘đít’ bả, tới phi trường Bắc Kinh; người ta ra đón chào Nữ Thủ Tướng, để hy vọng mua được thêm quặng mỏ từ tài nguyên bạt ngàn xứ Úc. Khi bước ra khỏi máy bay của Không Quân Hoàng Gia Úc Đại Lợi, Nữ Thủ Tướng chưa vẫy tay chào Chú Chệt thì ‘chả’ đã dành, giơ tay ra trước, mặc dù đang đứng ở đằng sau?

Người viết coi truyền hình thiệt là mắc cỡ với bạn bè năm châu thế giới! Vì dầu gì chăng đi nữa thì mình cũng là người Úc gốc Vietnamese mà nó là ‘The First Bloke’, tức là nó đứng trước mình mà làm ‘bất kể quân thần’, chẳng có bài bản ngoại giao đoàn gì sất làm mình cũng thấy ‘quê’ lây!

Giận cá thì chém thớt! Tháng chín này bầu cử Liên Bang Úc, người viết sẽ không bầu cho ‘mèo’ y nữa, để cho y về vườn hớt tóc; cho bỏ cái thói ăn cơm hớt nhe ông bạn! Thấy mà ghét!

Đó là chuyện của Úc còn trở lại chuyện của Chú Ba: ngày 14/03/2013, Tập Cận Bình được Quốc hội bù nhìn Trung Cộng bầu làm Chủ Tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thay thế Hồ Cẩm Đào về vườn. Vợ ông ta, đời thứ hai, là Bành Lệ Viện, một bước, từ Thiếu Tướng Ca Sĩ dân ca nhảy lên làm ‘Đệ Nhứt Phu Nhân Trung Quốc!’ Ôi! Mừng vui quá vui!

Vì bây giờ Trung Cộng đã khác hồi xưa nhiều lắm rồi?!

Nhớ hồi mồ ma Lưu Thiếu Kỳ, năm 1963, lấy tư cách Chủ Tịch Trung Cộng, y dắt người vợ thứ 6 là Vương Quang Mỹ đi ‘nhậu’ ở 4 nước Indonesia, Miến Điện, Cambodia và Bắc Việt!

Về! Mao Xếnh Xáng không nói gì! Chờ cho Cách Mạng Văn Hóa do Mao phát động nhằm loại trừ đối thủ chính trị, Mao đem Lưu ‘đồng chí’ ra mà bắt ‘chí’!

Mao Trạch Đông phê phán Lưu Thiếu Kỳ đi thăm các nước mà đưa vợ đi theo là ‘tư tưởng tư sản’, a dua theo các nước phương Tây!

Chụp cho Lưu Chủ Tịch cái ‘nón tư sản’ này hơi ‘bị’ nặng à nha!

Từ đấy, mấy bà vợ quan lớn, hình như hơi ‘bị’ giận lẫy: “Tao thà ở nhà đánh mạt chượt còn sướng hơn đi theo mấy ổng!”

Cho đến khi Giang Trạch Dân làm ‘big boss’, thì y chẳng thèm dắt vợ là Vương Trị Bình đi đâu cho nó vướng cẳng, vướng chưn. Viện lẽ là bà này vừa già, vừa bịnh, tánh tình thì thầm lặng, đặt đâu ngồi đó, đuổi ruồi cũng không bay… nên đem theo làm chi cho nó mệt…mỏi?! 

Nhân dân Trung Quốc thấy vậy cũng tội nghiệp cho ‘người’; bèn âu yếm gọi Đệ Nhứt Phu nhân của mình là ‘Vú Già’ cho thêm phần thân mật với đảng ta?

Đến thời Hồ Cẩm Đào, vợ là Lưu Vĩnh Thanh, theo Hồ công du thế giới vài ba lần. Nhưng ăn mặc chẳng ‘fashion’ gì ráo trọi, làm cho một số dân Tàu cảm thấy thất vọng và suy nghĩ: “Vợ Chủ Tịch Trung Quốc gì mà giống vợ Hai Lúa quá tay?!

Nhưng thời Tập Cận Bình thì khác. Sau khi dạy cho Bí Thơ Trùng Khánh Bạc Hy Lai một bài học thế nào là lễ độ, nhốt đầu Bạc Bí Thơ vô khám, để ăn mừng ‘chiến thắng’, Tập Chủ Tịch dắt vợ công du!

Bành Lệ Viện, Đệ Nhứt Phu Nhân, là một văn công quân đội nổi tiếng! Là ca sĩ nổi tiếng thì phải cần thanh và sắc. Nhờ giọng ca đó, khuôn mặt đó, thân hình đó mà làm tới thiếu tướng?

Thiệt tội nghiệp cho ca sĩ, bác sĩ Trung Chỉnh nhà mình chỉ được đeo tới lon ‘Đại Úy’ mặc dù ông hát nhạc ‘muồi’ nghe cũng khỏi chê!

Ông Trời thiệt hỏng công bằng!

Ông bà mình cũng nói: “Người đẹp nhờ lụa!” Mà Bành Lệ Viện mặc lụa Tô Châu nữa thì phen này Putin, Tổng Thống Cộng Hòa Nga, dám trặc cần cổ chớ hỏng phải chuyện giỡn chơi?!

Đúng vậy! Báo chí tường thuật rằng: khi đến phi trường quốc tế của Moscow, Bành Lệ Viện một tay cầm chiếc túi xách, mặc chiếc áo khoác ngoài xanh đậm chít eo, bước xuống cầu thang chiếc máy bay Air China một cách tự nhiên, rực rỡ bên cạnh ông chồng, mặt hơi ‘bị’ khó đăm đăm như đau khổ vì bịnh trĩ?

Sau khi cụng vodka với Putin, Tập dắt vợ bay đi về rừng rậm Châu Phi, đem Mao Đài Tửu ra mà dụ mấy chú: Tanzania, Congo và Nam Phi để xì nhân dân tệ, đồng yuan, ra mà mua rẻ mạt tài nguyên xứ họ!

Nghe vợ của tân Chủ Tịch Trung Quốc sắc nước hương trời, dù đã gần năm chục cái xuân xanh, nên thấy khó đọ với vợ ông trời con, Thiên Tử này bằng ‘phẩm’; Jacob Zuma, tổng thống 6 vợ của Nam Phi, tính đọ bằng ‘lượng’? Bèn lựa ra hai con ‘vợ’ đẹp hơn bốn ‘em’ còn lại, ra phi trường ‘nghinh’ rồi…đón!’

Tiện thể khoe cùng thế giới rằng: “Còn ai dám chụi chơi hơn tui nữa không hả?”

Mấy ông Tổng Thống, Thủ Tướng, Chủ Tịch gì gì đi chăng nữa khoe một vợ thì OK. Mà khoe hai vợ thì hơi kỳ kỳ rồi đó!

Nhưng xin mấy ông nghe lời khuyên thiệt là chân tình, khẩn thiết của người viết rằng: “Đừng có bao giờ bắt chước Hoàng đế Cao Vỹ sanh năm 556 của Bắc Triều Trung Hoa mà làm ‘dân ngu khu đen’ như em mừng hụt!”

Sao vậy? Vì có chuyện rằng: Cao Vỹ có người thiếp, vợ bé, tuyệt đẹp tên Phùng Tiểu Liên. Nhưng y nghĩ một mình, mình hưởng thụ thì sẽ không còn đẹp nữa? Vì như thế chỉ có một mình mình biết là nàng đẹp, sẽ uổng phí sắc đẹp khuynh thành và làn da như ngọc quý của nàng!

Thế nên ông Vua Tàu chịu chơi, chơi tới bến này, ra lệnh cho Phùng Tiểu Liên, ngay giữa triều đình, cởi bỏ hết quần áo, khỏa thân nằm trên một chiếc bàn lớn, sau đó bắt các quan, xếp thành hai hàng, lần lượt từng người, bước lên chiêm ngưỡng sắc đẹp và thân thể mỹ nhân! Quá đã!

Chịu chơi như vậy mà nỡ lòng nào quân Bắc Chu lại tấn công và bắt được Cao Vỹ đem ra mà xử tử năm 577.

Hoàng Đế Vạn Tuế! Vạn Vạn Tuế! Hưởng dương 21 tuổi!

Chắc tại Cao Vỹ quên mời Hoàng Đế Bắc Chu qua coi vợ mình vũ ‘sexy’ chớ gì! Giận là phải!

Nhưng cũng xin mấy ông đừng khoe theo kiểu Jacob Zuma!

Đất nước Nam Phi nghèo sặc gạch. Công nhân Mỏ mới đình công đòi tăng lương chút chút là cảnh sát đã bắn họ chết tươi rồi mà Tổng Thống lại nhiều vợ quá thì ai nuôi cho nổi đây ông nội!

Vừa vừa phải phải thôi chớ!

đoàn xuân thu.

melbourne

Tình ta thời ôn dịch!

dxt_apr6_1.jpg dxt_apr6_2.jpg

Thanh niên Việt Nam hồi xưa, nhứt là mấy chú ở vườn ở ruộng, ở bưng khi chấm em nào thì rất là kiên trì và kiên nhẩn…nhục! Cho dù em đã nổi lửa lên rồi, làm phỏng cả trái tim anh! Chú cũng rán mà không nhảy tưng tưng ‘trai tơ đòi vợ khóc thầm suốt đêm’!

Muốn rước em về ‘dinh’, về cái chòi tranh với hai quả tim vàng mà lở kẹt tiền đem cầm chẳng ai chịu cầm mà đem bán chả có ai chịu thèm mua? Mấy chú đêm nằm gác ‘chưn’ lên trán mà tính. Để cho chắc ‘cú’, chú thường đi có bài, có bản như quánh võ Vovinam, từng, từng bước một.

Trước là lễ phép với tía má nàng cái đã. ‘Bước qua nhà má, cái tay con xá, cái cẳng con quỳ, lòng thương con má sá gì cái thân con!’

Sau là lỡ có đi đâu xa, như đi quân dịch là thương nòi giống chẳng hạn, thì cũng phải viết thơ thường thường mà thăm hỏi, nhắc nhở ‘Em ơi! Đợi anh về!’ Kẻo tía má và em lỡ quên thì công mình thành công ‘cốc’.

Viết thơ thăm hết mọi nhà. Trước thăm phụ mẫu sau là thăm em!’ Viết thơ thăm hết trơn nhe, thăm tía má, nhưng cái chính cũng là thăm em thôi. Ai cũng biết vậy nhưng không ‘màu mè’ là thua, thua trắng tay luôn!

Kế đó, bước thứ hai, nếu tía má có bằng lòng cho chú đến nhà ở rể, để coi giò coi cẳng tiện thể ‘bóc lột sức lao động’ của mình luôn thì nếu có khổ, có cực quá thì phải rán nhịn, chớ cự nự um sùm là hư bột hư đường, bể bạc hết trơn!

Nhưng cũng đừng có khờ mà nín khe nghe. Than với em một tiếng chớ: ‘Giếng đâu thì dắt anh ra, kẻo anh chết khát vì cà nhà em!’ Để em biết mà thương xót cho tình anh với chớ! Vì yêu em mà dẫu má em có ‘hà tiện hà tặn’, vắt chày ra nước, cho ăn anh cà mà sợ cà hao, bỏ muối cả đống, mặn gần chết! Anh uống thiếu điều cạn queo giếng nước nhà em mà vẫn chưa đã khát, dù vậy anh cũng rán chịu, bấm bụng mà chịu, vì lỡ thương em rồi, em ôi!

Còn khi nào đã rán làm thân trâu cày, ngựa kéo cho cả nhà em mà vẫn bị từ hôn vì nghèo mạt rệp thì mình có quyền chửi thề, chửi đổng hay chửi xỏ xiên, chửi chó mắng mèo gì đi chăng nữa cũng đâu có muộn màng chi?

‘Tiếng đồn cha mẹ em hiền. Cắn cơm không bể cắn tiền bể hai’.

Tía má em hiền thiệt, cắn cơm không bể mà đưa cho vài trăm quan tiền để làm sính lễ, tía má hơi nghi ngờ tiền giả một chút là cắn liền để thử, ai dè cắn mạnh quá đồng tiền nó bể làm hai rồi mấy cha ôi!

Nhưng đời ai mà hỏng ham tiền? Đâu phải riêng ba má của em đâu mà ‘càm ràm’ chi cho nó mệt. Còn chờ, chờ hoài, chờ hũy… để kiếm được ông bà già vợ nào chê tiền thì e rằng chắc phải chờ cho tới Tết Congo?!

Tuy nhiên, cũng có người khôn ‘lỏi’ hơn. Đi đường đó coi bộ hơi ‘bị’ xa thì mình kiếm đường tắt mà đi! Tây gọi là ‘short cut’.

Như trong bài ca vọng cổ: Gánh nước đêm trăng của ông Viễn Châu, đương sự trực tiếp tiếp cận đối tượng mà không thèm thông qua tía má bằng cách: è cái vai ra, gánh nước dùm em hay hơn là gánh nước dùm má em chi cho nó mệt. Lấy lòng con nhỏ nầy trước. Nó chịu đèn rồi mà tía má nó có chê mình nghèo không thèm gả, thì mình dắt nó trốn đi; sau đó cho em mang cái ba lô ngược về ‘thú phạt’ là huề. Ai về nhà nấy!

Nhưng người tính không bằng trời tính? Cái xui của chú nầy là em đã có vẻ chịu đèn rồi mà chú lại nổi hứng đi làm ăn xa chi vậy?  Xa mặt là cách lòng! Chú hỏng biết sao?

Cái sai thứ hai là em tặng cho chiếc khăn tay thì lấy làm chi xui lắm! Điềm gở cho tình duyên tan nát đó! Xa em rồi, mà có buồn, có khóc đầy một hồ lệ, đầy một dòng sông.. thì cái khăn tay này nhỏ chút tẳn thì làm sao thấm hết cả dòng châu cho được?! …

‘Tôi vội lấy khăn ra lau nước mắt và gánh hộ cho em đi một đổi đường gọi là lần cuối cùng giúp đỡ cho nhau... Khăn tay tôi cất đem theo, còn in nước mắt bạn nghèo năm xưa... ?’

Còn cái màn trước khi đi kiếm tiền về làm đám cưới, mà bắt em hứa thì hứa vậy thôi. Biết anh có kiếm được cắc nào hông chớ? Chớ đêm khuya chỉ có hai đứa ngoài giếng nước; hỏng hứa, gặp thằng vũ phu nó đục cho phù mỏ thì sao? Nên phải hứa! Còn hứa, mà thằng nào ngu, tin thì rán chịu. ...

‘Em có thương tôi thì đừng vội lấy chồng... Em cười em bảo với tôi, thề có đất trời em không phụ anh đâu!’

Mà đâu phải con trai làng Đôn Châu, huyện Trà Cú, Tỉnh Vĩnh Bình trong Gánh nước đêm trăng này ngây thơ mà Tây như Michael Bublé cũng rứa:

Bây giờ em nói em cô đơn. Em đã khóc suốt đêm.Thì em ơi! Hãy khóc cho tình anh lệ cả một dòng sông đi em!

Anh đã từng tuôn rơi bao nước mắt! Bây giờ em xin lỗi vì đã lầm! Em đã làm tim anh tan nát mà em yêu chưa hề nhỏ cho tình anh một giọt lệ nào!

Em đã từng nói yêu anh mà em đã lừa dối anh! Bây giờ em lại nói yêu anh. Hãy chứng minh bằng cách khóc cho tình anh cả một dòng sông đi em yêu! Nếu em còn có thể!

Em yêu, em đá anh rồi, giờ cô đơn nên em quay trở lại. Ai tin? Hãy khóc cho tình anh lệ cả một dòng sông, cry me a river, rồi anh sẽ tin em vì nước mắt không thể nào nói dóc được, trừ khi em là tài tử Elizabeth Taylor thì không nói!

Tây thì vậy! Hở cái là chứng minh chứng cớ, chứng tùm lum… chứ chú em gánh nước đêm trăng thì chân thật, chất phác như rau mác đất đồng bằng, bị em đá, giận thì chửi toáng lên. Chửi thằng tình địch ỷ giàu, đem tiền ra mà ăn hiếp thằng nghèo, nên gọi nó là tốt mã giàu sang. Nó đâu phải là gà đâu mà gọi là tốt mã?

Thôi thì rán chịu, chửi đổng thôi ‘chớ chờ đợi chi nữa uổng công đợi chờ!’

‘Ba năm sau tôi trở về quê củChồng của em ở miền đô thị , lại là người tốt mã giàu sang, còn tôi mặt nám da đen bởi mưa nắng của miền rừng sâu núi thẳm... …Ai phụ tôi có đất trời chứng giám... Phận tôi nghèo đâu xứng đáng cùng ai... Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài... hay đâu giếng cạn tôi tiếc hoài sợi dây....’

Hồi xưa, như trong gánh nước đêm trăng, con gái lấy chồng giàu dù ở thành thì cũng vòng vo tam quốc trong nước; còn bây giờ mấy em trong nước còn bay ra nước ngoài, qua tới tận Đài Loan, Hàn Quốc nữa nha! Gọi là cô dâu xuất khẩu!

Mà món hàng này đắt quá! Làm mấy ông ‘nhà’ văn, ‘nhà’ thơ, ‘nhà’ soạn nhạc phải lên tiếng, la dùm mấy chú ‘nhà’ nghèo rằng:

‘Rồi con chim đa đa ngẩn ngơ đứng trông về chốn xa. Còn âm vang câu ca ngày em bước chân đi theo chồng. Lời ru nghe mênh mang ngày đưa tiễn em về bến sông. Nhìn mây trôi mênh mông nơi quê chồng em còn buồn không?’

Ông nhạc sĩ Võ Đông Điền này hỏi ‘ngộ’ dù có buồn thì cũng rán chớ. Lấy vì tiền mà dù có buồn cũng phải gắng gượng làm vui! Vì đâu phải mình em đâu. Cả bầy đó chớ! Chỉ nội cái cù lao nhỏ xíu, nằm lọt thỏm giữa dòng sông Hậu, xã Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ đã có gần 700 em đi lấy Đài Loan trong vòng 5 năm trở lại đây, còn trước đó thì không kể, nên mới có tên là đảo Đài Loan!  

Lấy nhiều đến nỗi ông thi sĩ Hoài Tường Phong, ổng nhìn trăng, kêu trời… mà ‘Trăng Nghẹn’ luôn:

‘Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi: Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất! Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất! Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa!’

Người viết cũng thắc mắc là sao các ông văn, thi sĩ, nhạc sĩ này khoái so sánh người con gái lấy Củ Sâm Hàn Quốc hay Chú Tàu Vị Yểu Đài Loan là chim đa đa mà tại sao là chim đa đa mà không là chim se sẻ, chim bồ nông hay chim gì gì đó…chẳng hạn?

Đem thắc mắc này đi hỏi ông bạn nhà thơ trọng tuổi ‘đầy trí tuệ’ thì ông nêu nghi vấn là chim đa đa nó cùng ‘vần’ với cái lá đa chăng?

Tuy nhiên, viết mà ‘xỏ xiên’ mấy em nầy nặng lời quá coi cũng ‘bậy’! Vì đã là phận nữ nhi rồi khi yêu, có em cũng lãng mạn lắm chớ… Nhưng khi lấy chồng thì phải thực tế mới sống được!

Mấy em đầm thường nói: ‘No money! No honey!’ Vì lấy chồng nghèo, đầu tiên là tiền đâu mà trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ga và đủ thứ ‘hầm bà lằng xắn cấu’ khác cho cái tổ uyên ương?

Mà cho dùm em có chịu anh hai đi chăng nữa thì tía cũng ‘can’ em.

Em về hỏi tía, đặng em tính lấy anh hai làm chồng thì tía hỏi:

-“Nó có nhà không?”

-“Không!”

-“Nó có xe không?”

-“Không!”

-“Nó có ‘job’ không?”

-“Không.”

Thì tía em nói: “Nó khổ quá rồi, theo tía nghĩ, con nên ‘tha’ cho nó đi! Làm phước!”

Tía em nói vậy thì em cũng bó tay chấm cơm (botay.com) luôn!

Thôi thông cảm cho em nghe đi anh hai! Bởi tình ta là tình ta thời ôn dịch chỉ có tiền là ‘địch’ lại nó thôi anh hai ơi?!

đoàn xuân thu.

melbourne

_____________________________________________________________

Coi như anh đã qua sông đắm đò!

dxt_mar29_1.jpgdxt_mar29_2.jpg

 

                         Trước và sau khi lấy vợ!

Người viết rất hân hạnh được làm bạn với một nhà thơ xuất chúng. Anh đã xuất tiền túi ra, in được vài tập thơ, chất đầy cả nhà để xe; nên tiếng tăm cũng lừng lẫy trên chốn Tao Đàn! Bút hiệu anh là ‘Trường Hận’.

Có lần người viết hỏi nhà thơ sao bút hiệu anh có vẻ ‘hận đời đen bạc’ thì được anh ngâm cho nghe hai câu lục bát của Nguyễn Bính trong bài Lỡ Bước Sang Ngang như vầy: “Anh giờ sống cũng như không. Coi như anh đã sang sông đắm đò.” Anh nói hai câu này anh đã gởi cho người muôn năm cũ của anh khi nàng rủ anh can đảm lên, bỏ con vợ Hàn Quốc ở Melbourne mà bay lên vùng nắng ấm Sunshine State, Queensland để đàn lại bản tình xưa.

Người viết tò mò lại hỏi: Rồi sao nữa? Trường Hận trả lời : “Trăng sao gì nữa. I wasn’t born yesterday. Anh đâu phải mới đẻ hôm qua đâu chú. Tin đàn bà con gái, dù là đàn bà con gái của bất cứ xứ nào, là chết liền lập tức!”

Chú không có nghe người ta thường hay nói: “Tình yêu là mù quáng mà hôn nhân làm người ta sáng mắt ra sao?”

Cha! Cái nầy mới! Chứ người viết từ hồi cưới bà xã tới giờ có sáng mắt ra đâu hay có lẽ vì mình thiếu Vitamin A nên bị quáng gà chăng?

Thi sĩ Trường Hận ra vẻ đàn anh, kẻ cả, vỗ vai người viết môt cách sỗ sàng… rồi thân mật nói rằng: “Anh là nhà thơ nên anh biết đàn bà hơn chú nhiều. ‘Nai’ như chú có mà chết?!

“Nè! Nguyễn Bính trong Lỡ Bước Sang Ngang nói: người con gái trong thơ ông trước khi lấy chồng, mới 17, mà đã ‘tò tí’ với người khác rồi. "Em ơi! Em ở lại nhà.Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương…Chuyến này chị bước sang ngang. Là tan vỡ giấc mộng vàng từ nay!”

“Em lỡ bước sang ngang, xa thằng bồ cũ, lòng khôn nguôi thương nhớ.. mà mình, chồng, xui vớ phải thứ ‘second hand’ hỏi chú sao cánh đàn ông mình không tức? Nhưng lỡ rồi; ván đóng thuyền rồi gỡ ra còn dấu đinh?! Còn con cái nữa chớ. Mình thôi nó ra thì con theo mẹ là mất cha, mà theo cha là mất mẹ. Mà bè lũ, lủ khủ đó có tội tình gì đâu? Tan đàn thì xẻ nghé! Do đó đi cũng dở mà ở lại cũng ‘dỡ…dang’ luôn?!”

Chu choa! Coi bộ cuộc hôn nhân của Thi sĩ Trường Hận nầy không được trong ấm ngoài êm; mà sao ngộ cái là ‘công xi’ của ‘giả’ lại sản xuất ra một bè lũ, lủ khủ như vậy há?

Thi sĩ Trường Hận cắt nghĩa: “Anh không bao giờ biết hạnh phúc là gì… cho đến khi anh lấy vợ.......không phải một lần mà hai lần…và sau đó mọi chuyện đã trở nên quá trễ!!”

“Thôi trễ thì cho nó trễ luôn mới ra cớ sự như vầy. Và đó cũng chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm anh trở thành Thi sĩ Trường Hận nổi tiếng ngày hôm nay. Vì phải mang tâm sự gì ‘u uất’ lắm làm thơ mới hay được chú ơi!”

Người ta hay nói mà anh thấy rất đúng là: “Một hôn nhân hạnh phúc là phải có cho và nhận - người chồng cho và vợ anh ta nhận! Mình cho, cho hết… để cuối cùng nhận ra là mình đã trả giá quá đắt để được quần áo giặt miễn phí?!”

Chẳng hạn mới hôm qua ‘người’ càm ràm là: “Em già rồi nên anh không còn yêu em nữa!” Anh giỡn chơi đáp lại rằng: “Phải hồi xưa thay vì lấy anh, em hãy kết hôn với một ông khảo cổ học. Em càng già ổng sẽ càng yêu em hơn nữa!”. Vậy là bà xã Hàn Quốc ‘Choi Song Dong’ của anh dơ tay ra. Và anh nắm lấy. Hồi anh mới yêu ‘người’, anh nắm tay ‘người’ xao xuyến. Bây giờ anh nắm tay ‘người’ không còn tình yêu nữa mà chỉ là sự tự vệ đó thôi!

***

“Mà chú ơi! Anh đã ‘dại’ hai lần mà nhìn qua, nhìn lại thấy Úc, nó cũng ‘ngu’ như mình.

Trong sở làm, anh có chơi với một thằng Úc còn trẻ, khá thân. Thằng này độc thân vui tính, tiền lính tính liền. Tối thứ sáu nào nó cũng bị hội chứng gọi là ‘Friday night fever!”. Tắm rửa, cạo râu, xức dầu thơm vào nách, diện kẻng, nó bò ra pub, trước là nhậu, sau kiếm một em mà nó gọi là ‘hot chick’ để có một tối cuối tuần ‘âm ấm’. Sống như vậy là vua, anh nhìn thấy mà thèm nhễu nước miếng.”

Vậy mà tuần rồi, ông lên bà xuống sao đó? Nó nói với anh rằng nó tính từ giã cuộc sống độc thân, lông bông quá và tính cưới vợ. Nó nói: “Con ghệ của em là thiên thần!”. Anh xỏ ngọt nó: “Joe thiệt là may mắn, vì con ‘ghệ’ của em đã lên thiên đàng!”. “Còn con ‘ghệ’ của anh vẫn còn sống nhăn răng!” “Bậy nà! Em đâu có nói nó chết đâu; ý em là: nó đẹp như thiên thần! Em tính cưới nó làm vợ!”

“Thằng Joe này đã ‘lậm bùa mê thuốc lú’ rồi chú ơi! Anh rất thân với nó nên rán mà lai tỉnh bạn hiền; kẻo mà ngu dại, sa chân vào ‘đường vào hôn nhân có trăm lần vui có vạn lần buồn!’

Chúa nhựt rồi anh rủ nó đi uống cà phê để cố thuyết phục nó từ bỏ cái ý định ‘ngu xuẩn’ đó đi. Dẫu sao anh với nó là bạn thân của nhau năm bảy năm rồi. Thấy bạn mình sắp ‘tra chân vào cùm’ thì lòng anh không nỡ!

Anh kể cho nó chuyện tình ‘hoa muống biển’ của anh để cho nó ‘rút kinh nghiệm’

Anh nói: “Joe à! Hai mươi năm về trước, vợ anh, Úc đàng hoàng à nha, đẹp như Nicole Kidman, một hôm trời xui đất khiến làm sao nó đến nhà anh, cực kỳ ‘sexy’ và trên tay một ‘pack of beer’. Sau đêm đó, hai đứa ra nhà thờ lẩm bẩm gì đó và nên vợ nên chồng. Hai mươi năm sau thì em từng đến với ta như cơn bão và khi em ra đi, cũng giống hệt như cơn bão: em mang theo một nửa căn nhà của ta và một chiếc xe hơi!”

Sau đó, chưa tởn,  anh đi thêm bước nữa với người em Hàn Quốc, chân dài như người mẫu, chỉ có mắt hơi một mí, hơi hí một tí. Nhưng anh đã cho tiền đi cắt mắt rồi nên trông cũng đơ đở.

Hôm qua nghe Joe đòi cưới vợ, anh can hoài mà em chẳng chịu nghe; nên anh về nhà thỏ thẻ với vợ anh, người em Hàn Quốc, như vầy:

“Em yêu! Honey! Anh muốn mời Joe, thằng bạn thân, đến nhà mình ăn tối!

“Cái gì? Bộ anh điên hả? Nhà thì dơ dáy, bề bộn như thế này. Em chưa đi chợ, chén bát còn đầy ra đó, chưa rửa. Tối qua bận coi phim tập Hàn Quốc suốt đêm nên hỏng muốn nấu nướng vì sất?”

“Anh biết!”.

“Biết! Biết! Thì tại sao anh lại mời bạn đến nhà mình ăn tối?”

“À! Chẳng qua là anh muốn dạy cho thằng ngu nầy một bài học thực tế vì nó cứ nằng nặc đòi cưới vợ!”

***

Thưa quý độc giả thân mến.

Người viết hoàn toàn không đồng ý với nhà thơ Trường Hận, có lẽ vì anh ‘xài’ đồ ngoại, mà đồ ngoại thì khác đồ nội…đôi khi phẩm chất của nó lại không bằng? Nhưng công khai ‘phát biểu’ thì sợ anh buồn, giận, mất đi một ông bạn nhậu mà bữa nào lỡ bà xã giận đuổi ra khỏi nhà, thì mình không biết phải đi đâu?

Nên chỉ xin ‘trình’ một vài ý nho nhỏ với quý độc giả thân mến là: căn nhà nào cũng có bếp lửa, như tình yêu đôi lứa, thuở xuân xanh cho đến lúc bạc đầu. Dĩ nhiên là có mưa sa gió táp chút chút… đôi khi… nhưng vợ chồng phải xúm với nhau mà giữ ‘lửa’ chớ…để tình ta cháy mãi tới ngàn thu…vĩnh biệt! Vì ông bà mình đã dạy: ‘tình nghĩa vợ chồng’ Dẫu không còn tình thì còn nghĩa chớ. Chớ hở ra là ‘hăm’ về Việt Nam rước một em chân dài qua cho bả biết tay mà đừng làm phách… thì coi kỳ quá phải không?

Còn nhà thơ Trường Hận có vợ Úc, vợ Hàn, không phải vợ Việt Nam, có chơi có chịu, khoái chơi ‘đồ ngoại’ thì kệ ‘thằng chả’

Cứ coi như là : Giả đã qua sông đắm đò vậy thôi!

Còn người viết, dù ai nói ngã nói nghiêng; thì ta cứ vững như kiềng ba chân.

Người viết vẫn một lòng chung thủy sắc son mà ‘ăn cơm nguội’. Chàng ơi giận thiếp mà chi. Thiếp là cơm nguội phòng khi đói lòng! Cho nó ‘phẻ!’

đoàn xuân thu.

melbourne.

Năm bảy đường ‘ăn’!

dxt_mar28_1.jpgdxt_mar28_2.jpg

Mấy thằng Tây làm chung sở thường hay nói: ‘Tell me what you eat, I’ll know who you are’. Cho tui biết ‘bồ’ ăn cái gì, tui sẽ biết ‘bồ’ là ai? Cái nầy là khỏi cãi vì nó đúng quá trời!

Chẳng hạn như Úc thì ăn cá lăn bột và khoai tây chiên (fish and chip) như em Pauline Hanson chẳng hạn. Ý thì mì ống, mì sợi, tùm lum loại mì… spaghetti, Thổ thì Kebab, chú Ba thì xì dầu, còn Việt mình thì nước mắm!

Nhưng dẫu cùng một dân tộc, cùng ăn ‘xì dầu’ hay nước mắm gì đi chăng nữa thì dân thường và vua chúa, quan quyền bất cứ ở đâu cũng đều ăn uống rất khác nhau… trừ Mỹ?

Do đó, thưa quý độc giả thân mến, trước khi bàn về cái ăn của quan và dân thời hiện đại, ta cũng nên coi lại cái ăn thời ‘cổ trang’ nó như thế nào?

Mà nói đến cái ăn của vua chúa thời ‘cổ trang’ thì không thể không nói tới 7 món ăn ‘kinh dị’ của Từ Hi Thái Hậu!!!

Vì trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại từ trước đến nay, chưa có yến tiệc nào linh đình, trọng thể, vĩ đại… bằng tiệc Xuân năm Canh Tý (1874) do Từ Hi Thái Hậu (Tây Thái Hậu), đời nhà Thanh, Trung Hoa, tổ chức để khoản đãi phái đoàn Sứ Thần, tướng lãnh các quốc gia Tây phương.

Tiệc được chuẩn bị 11 tháng 6 ngày trước, sử dụng 1750 người phục vụ, tốn kém 98 triệu hoa viên thời đó tương đương 374 ngàn lượng vàng ròng, gồm 400 thực khách và đại tiệc kéo dài suốt 7 ngày đêm bắt đầu từ giao thừa (12 giờ đêm) Tết nguyên đán năm Canh Tý.

Thực đơn gồm tất cả 140 món. Theo chiếu chỉ của Tây Thái Hậu, mỗi tỉnh tuyển lựa mười đầu bếp tài giỏi. Các đầu bếp này họp nhau ở thủ đô từ ngày rằm tháng hai năm Kỷ Hợi (1873) nghĩa là 11 tháng 6 ngày trước đại tiệc để cùng nhau soạn thảo các món ăn ngon, lạ.

Sau gần hai tháng thảo luận, một thực đơn gồm 140 món được hình thành, trong số này có 7 món thật bổ dưỡng, thật đặc biệt, thật lạ lùng, mỗi ngày chỉ thiết đãi một món, thực khách ăn vào chẳng những không thấy đầy bụng mà sự mệt mỏi, bực bội như tan biến đi, tinh thần sảng khoái gấp bội.

Bảy món ‘quái dị’ ấy là:

1)Sâm thử là chuột sâm, chuột nuôi bằng sâm. 2) Não Hầu là óc khỉ. 3)Tượng tinh là tinh khí của voi. 4)Trư vương là một giống heo quí báu. 5) Phương Chi Thảo 6) Sơn Dương Trùng 7) Trứng Công.

Ăn như vậy mất nước là phải quá rồi. Còn cằn nhằn gì nữa!

Chắc vì học được cái bài học lịch sử ‘ăn’ nầy của Từ Hi Thái Hậu bên Tàu nên ‘trùm đế quốc Mỹ’ là Tổng Thống Barack Obama thời hiện đại này đã chọn cách ăn uống giản dị như bao người dân Mỹ khác. Chắc có lẽ ông không muốn ăn mà làm mất nước như bà Từ Hy Thái Hậu chịu ‘ăn’ nói trên chăng?!

Bắt chước huynh trưởng Bill Clinton ăn rất bình dân bằng cách dắt vợ Hillary và con gái Chelsea đi ăn phở ở Sài Gòn, Obama chưa đi Sài Gòn, chưa có dịp ăn phở tái nạm gầu thêm nước béo và hành trần nên đành ăn trứng trong bữa sáng với 5 chủ doanh nhân cỡ nhỏ tại quán cà phê Rausch tại Guttenberg, Iowa, ăn món sườn trong một chuyến thăm quán Kenny BBC tại Washington, ăn tại cửa hàng xúc xích Rudy tại Toledo, Ohio cho các bữa trưa!

Ăn vậy có vẻ ta đây là người ‘Bình Dân Bịnh Viện’! Nên khi các nguyên thủ nước ngoài đến thăm chơi, ông dắt Thủ Tướng Anh David Cameron đi xem bóng rổ, là môn ông khoái, và rủ cha ‘Ăng Lê’ nầy ăn xúc xích chơi. Được trớn tới luôn bác bài, khi Tổng thống Nga thời đó Dmitry Medvedev đến, ông dắt ra nhà hàng Ray's Hell tại Arlington, Virginia ăn hamburger cho nó gọn, (xin mở ngoặc ở đây Obama ăn ‘ham’ nghĩa là thịt heo vậy mà có thằng Mỹ xấu miệng xuyên tạc rằng Obama là anh em chú bác với Osama…Bin Laden?!)

Ăn như vậy không tốn ‘bi’ nhiêu, nên đở tiền thuế của nhân dân Mỹ rất nhiều. ‘Number one’ hà tiện như vậy thì ‘Number two’ sao dám ‘sáng ăn khoai, là khoái ăn sang’. Nên trưa hôm 18/8/2011, sau khi hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc xong, ông Phó Joe Biden cùng cô cháu gái được Đại Sứ Mỹ Gary Locke dẫn đến ăn trưa tại một nhà hàng bình dân khiêm tốn nằm trong một khu dân cư ở Bắc Kinh. Bữa ăn chỉ tốn tất cả hết 79 yuan. Ăn xong, ông Biden rút ví lấy tờ 100 yuan (300.000 VNĐ) trả, cộng thêm tiền ‘tip’ nghĩa là chưa tới 20 đô Úc.

Còn đại sứ Mỹ gốc Hoa, Gary Locke, cũng ‘hà tiện, hà tặn’ như vậy. Vai đeo ba lô dắt tay con gái tự đi mua cà phê tại sân bay, trên đường sang Trung Quốc nhậm chức.

Hình ảnh các quan chức tại Mỹ tự mình làm các việc lặt vặt vốn là điều hết sức bình thường. Nhưng đây là điều gì đó không thể tin nổi tại Trung Quốc vì với ngay cả những quan chức cấp thấp cũng không tự làm các việc. Sẽ có ai đó đi mua cà phê cho họ và có ai đó mang hành lý cho họ nữa?!

Chú ba nói: ‘Phó Tổng thống cùng Đại Sứ người ta, cả đoàn 5 người, ăn trưa hết có 79 nhân dân tệ, trong lúc mấy vị “đày tớ dân” cỡ tép riu của Hội Hồng Thập Tự chúng ta nhậu một bữa trưa hết hơn chục nghìn ‘yuan’ thì lại được coi là chuyện bình thường?! Hỏng biết mắc cỡ sao mấy quan ‘anh’?

Tác phong “giản dị, liêm khiết, gần dân” của Phó Tổng Thống và Đại sứ Mỹ làm cho giới quan chức Trung Quốc khó chịu, bực bội… tới giận dữ. Mấy quan nói: ‘Nó ‘kịch’ đó! Đừng tin mấy thằng ‘thực dân mới!’

Thì dân Tàu phản ứng lại, cho rằng cứ cho là mấy ‘chả’ kịch đi… thì xem lại các quan nhà ta làm biếng nhớt thây… cũng chẳng thèm kịch chi cho mệt xác. Ăn thì cứ ăn cho đã! Có phải tiền đổ mồi hôi sôi nước mắt của mình đâu mà tiếc?!

Chẳng hạn như một huyện nghèo ở tỉnh Hồ Bắc bỏ ra 800.000 yuan (120.000 USD hoặc 2,4 tỷ đồng VN) để thết đãi mấy quan chức cấp tỉnh về huyện làm việc 20 ngày. Rồi Cục Kiểm toán thành phố Hải Môn cử 24 cán bộ tiếp 15 quan chức Tứ Xuyên đến công tác 2 ngày 2 đêm, thời gian làm việc hết có 4 tiếng đồng hồ, còn lại là ăn nhậu, chơi bời, quà cáp, tốn hơn 100.000 yuan (300 triệu đồng VN).

Và còn…nhiều, nhiều nữa?!

Dân ngu khu đen Trung Quốc tức quá, la làng: ‘Các quan chức Trung Quốc, hãy nhìn người Mỹ mà đỏ mặt. Họ tự trả tiền ăn, trong khi các quan chức của chúng ta tiêu hàng nghìn tệ, tiền của chúng ta!’

Ăn như vậy hèn chi dân không tàn, không mạt, đất nước không ‘banh xà rông’ sao được?

Trung Quốc là vậy rồi, đệ tử ruột của Trung Quốc, Kim Jong-un, Bắc Triều Tiên, còn chơi ngon hơn nữa! Cần gì dấu diếm hay đóng kịch chi cho nó mắc công. Mình ăn khô lân, chả phụng, tôm hùm, trứng cá caviar còn nhân dân Bắc Triều Tiên ăn gì thì kệ nó. Nên mới có câu chuyện dưới đây:

Vào một buổi chiều cuối năm rồi, hai vợ chồng Kim Jong-un, lãnh tụ Bắc Triều Tiên vi hành, thăm dân cho biết sự tình, thì thấy một người nghèo đang nhai cỏ bên đường; vợ chồng y dừng xe lại, hỏi:
- Tại sao
nhân dân
lại ăn cỏ?
- Dạ!
Thưa Đồng Chí Chủ Tịch tại tôi không có tiền mua thức ăn!

- À
! vậy hả, đi theo ta!
- Nhưng thưa
tôi còn vợ và 6 con nhỏ.
- Mang họ đi theo
luôn. Dẫn cả làng theo cũng được!

Vợ chồng, con cái nhân dân Bắc Triều Tiên cực kỳ cảm động; bèn tán dương hai vợ chồng Kim Chủ Tịch rằng:
-
Đồng Chí Chủ Tịch thật là vĩ đại! Cảm ơn vì đã dẫn chúng tôi về nhà.
-
Nhân dân đừng lo! Cỏ trong sân dinh Chủ Tịch của ta cao tới 2 mét lận?!

Trở lại Việt Nam, nhớ hồi còn ‘chèo xuống chống Mỹ’, giặc càn ác liệt quá nên phải họp ‘chi bộ’ dưới hầm và đồng chí bí thư đã chỉ đạo rằng: ‘Ăn hột mít lùi tro có thể gây mất đoàn kết nội bộ và nghi ngờ lẫn nhau?!’

Sau này cướp được chánh quyền, các đồng chí không phải ăn hột mít lùi tro nữa mà khoái ăn cái khác như: ăn đất, ăn cát, ăn vàng, ăn đô la… mạnh ai nấy ăn; nên các đồng chí đoàn kết nội bộ hơn rất nhiều và chấm dứt việc nghi ngờ lẫn nhau vì thằng nào cũng ăn như thằng nấy!
Còn dân nghèo ở Việt Nam bây giờ sau khi mất nhà, mất đất do bị các đại gia và quan chức toa rập cùng nhau ăn cướp thì bây giờ họ không ăn nữa mà họ ‘húp’, húp cháo trắng cầm hơi cho qua ngày đoạn tháng!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Người ‘chửi’ ta sao đành?

dxt_mar24_1.jpg dxt_mar24_2.jpg

Người viết có người bạn ‘nhậu’chí thân tên Hiền. Sở dĩ chí thân vì hai lẽ: thứ nhứt là anh, chiều cuối tuần, cứ khoái lai rai mặc kệ mưa bay! Thứ hai là tên Hiền, nên anh không có dữ. Phải nói là hiền như ‘cục đất’. Nhưng cục đất, đôi khi còn bị người ta dùng để chọi vào mặt kẻ thù, đối thủ  nên cũng chưa được hiền lắm! Hoặc cục đất nằm im lìm trên mặt đất mà khi đi qua nếu mình không để ý, vấp phải cũng đau. Nên so sánh anh Hiền với cục đất là chưa chính xác vì anh còn hiền hơn thế nữa! Anh hiền như con sò, con ốc ngoài biển, chỉ nhờ vào cái vỏ ‘cứng ngắt’ của mình để che chắn trước cơn cuồng nộ của bão táp mưa sa?!

Đôi khi đang ngồi ‘chén chú, chén anh’ với người viết mà ‘chị nhà’ có dằn mâm, xáng chén hay mắng chó, chửi mèo gì đó… anh coi cũng như ‘pha’. Anh còn nói với người viết là: ‘Chú đừng để ý làm gì! Chú đến đây nhậu với anh thì là chuyện anh với chú; còn chị nhà đôi khi làm vậy để xả ‘stress’ đó mà?!

Người viết thì chả để ý làm gì: vì vợ thằng ‘chả’, chớ có phải vợ mình đâu? Mà vợ mình, đôi khi mình nhậu với bạn hiền cũng ‘ưa’ làm như vậy. Thì hơi sức nào mà ‘để ý’ đến vợ người dưng. Thân mình, mình lo, cho nó ‘phẻ’. Tuy mới đầu cũng thấy mất mặt ‘bầu cua’ lắm lắm; sau thì nói theo kiểu Ông Trịnh Công Sơn là: ‘lâu rồi đời mình sẽ quen?!’.

Dù hơi nể vợ như ‘Ngưu Ma Vương’ sợ bà ‘La Sát’, đôi khi người viết cũng làm gan trốn bà ‘La Sát’ ở nhà, bò lại ‘bạn Hiền’ mà ‘bù khú’.  Lại xui rủi gặp thêm một bà ‘La Sát’ nữa thì coi bộ đời ‘u ám’ quá;  nên độ sau này người viết ít ghé nhà ‘chiến hữu’, dù rất nhớ và rất muốn vì vốn dĩ đôi ta là hai bạn đồng hội, đồng thuyền, đồng râu quặp như nhau!

Nhưng cuối tháng rồi,  Hiền gọi và tha thiết mời người viết đến lần chót, dự tiệc tiễn hành. Đưa người sao không đưa qua sông? Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng? Giọng Hiền nghe buồn bã quá, coi bộ sức khỏe ‘tâm thần’ không ổn rồi nha!  Nếu mình làm lơ; mà ‘giả’ làm bậy, hủy hoại cuộc đời ‘son trẻ’ của y thì chắc người viết sẽ ân hận tới già vì đã lỡ thản nhiên trước nỗi đau đồng loại! Nên người viết bèn trốn vợ ra đi. Chứ còn xin phép nó, thì còn lâu nó mới chịu gật đầu.

Nhưng trước cái sợ hoang tưởng của mình, khi người viết bước vào phòng khách thì thấy anh đang ngồi tréo ngoảy trên ghế sofa mà hát karaoke.

- Chị đâu rồi anh?

- Bả ôm đồ về với má bả rồi. Ngồi đây, làm một ly đi!

Rồi anh tiếp tục hát, giọng đầy cảm xúc như Tuấn Vũ: ‘Yêu người như thế đó! Người bỏ người ra đi!’

Nhưng đoạn cuối là: ‘Yêu người như thế đó người nỡ đành ‘nạt’ ta! Chim chuyền bay trong gió người ‘chửi’ ta sao đành?’

Và nước mắt anh ràn rụa trên má!

‘Chu choa cái này găng rồi đây! Anh kể tui nghe đi!’

‘Chú ơi! hồi chiều anh đọc trên báo thấy có một nghiên cứu mới của trường đại học Yale bên Mỹ. Nó nói: ‘Muốn thành công, phái nữ nên nói ít hơn!’. Trúng ý anh quá, nên anh đưa bản tin này cho ‘chị chú’ xem. Ai dè bả nỗi trận đùng đùng gió táp mưa sa. Anh đành chịu trận! Vậy mà chưa đã giận, bả lái xe về nhà má bả rồi?!

Người viết cười nói: Vậy thì hai anh em mình khỏe!

Anh cự lại: Khỏe cái gì? Anh mời chú lại, uống với anh một bữa cuối cùng đêm nay rồi chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà! Anh sẽ ra đi về miền gió cát trước khi bà ‘La Sát’ kịp thời quay trở lại đây.

-Giỡn chơi hoài anh! Đi đâu?

-Đi Anh quốc.

-Sao Anh Quốc vậy anh?

Hiền nói; Chú biết anh mà! Nhỏ thì sợ mẹ, sợ cha! Lớn lên sợ vợ, về già sợ con! Bạn bè cười nói anh là râu quặp. Anh cũng nuốt nhục làm quên. Nhưng cái gì cũng vừa vừa phải phải thôi chớ! Tức nước thì vỡ bờ; anh muốn thoát ra, vì nói theo Tây là:

I am sick to death of my wife, I cannot take any more!’

Diễn Nôm là : ‘Tui chán con vợ tui muốn chết! Hết chịu nỗi nữa rồi. Tui ‘dông’

Nhưng tại sao anh chọn Anh quốc vì anh đọc báo thấy ‘con đường cứu rỗi’ của đời anh rồi.

Sau đó, Hiền bèn đưa cho người viết một bài báo nguyên văn như vầy:
Julie Griffiths, 43 tuổi, tại Anh bị toà phạt về tội... ‘chửi’ chồng nhiều quá!

Julia bị phạt về thái độ phản xã hội (Anti-Social Behavior) khi bị hàng xóm gọi cảnh sát, báo cáo là bà hay la mắng chồng, người được hàng xóm tả là “người đàn ông ngọt ngào nhất trên đời”. Dù bị ‘bạo hành’ dữ dội như vậy, ông cũng chưa bao giờ (dám) hó hé điều gì với cảnh sát cả?!

Lần đầu bà Julia bị phạt $700. Tốn tiền, nên bà bớt hung hăng với chồng được một thời gian ngắn, nhưng rồi cảnh cũ, tuồng xưa tái diễn?!

Máy dò kiểm soát thái độ mà Tòa cho phép gắn trong nhà của bà đã ghi được bà ‘chửi anh yêu’ đến 47 lần trong vòng 3 tháng!  Có hơi ‘bị’ nhiều!  Lệnh Toà lần này là cấm bà chửi chồng đến 5 năm.

Bản án này sẽ thành Thông Luật và ông Tòa khuyên nên được áp dụng rộng rãi đến các nước khác.

Anh cũng hy vọng là luật này sẽ áp dụng ở nước Úc mình; nhưng chắc còn lâu quá vì Thủ Tướng mình là phụ nữ. Mà phụ nữ thì ‘bênh’ đàn bà, tất nhiên, vì thế cho nên anh tuyệt vọng lắm rồi chú ơi!

Thưa quý độc giả thân mến!

Xin hãy kiên nhẫn, cùng lắng nghe một con người tuyệt vọng tỏ bày ý kiến:

Bấy lâu nay ta nghe quý bà than phiền về nạn bạo hành trong gia đình (domestic violence), về ‘chồng chúa vợ tôi! Chồng quánh vợ! Dạy con dạy thuở còn thơ. Dạy vợ dạy thuở bơ vơ mới về!’ Mấy bà nhân viên xã hội còn chỉ bảo cách thức gọi đường dây nóng (hot line) cho cảnh sát khi bị chồng ‘dợt’. Mà không cần tới ‘dợt’ nữa; chửi cũng là ‘bạo hành’ rồi nha?.

Còn chúng ta, những người ‘nam nhi chi chí’, khi bị vợ chửi, mắng thì chẳng ai thèm đoái hoài, lo lắng, giúp đỡ gì hết, dù mình cũng phải đóng thuế như ai?! Vậy mà xã hội còn cười sao mình ‘nhát hít hà!’ để cho: ‘Nữ kê tác quái; gà mái đá gà cồ!’

Họ cười trên nỗi đau khổ vô cùng tận của chúng ta. Thì thiệt là phân biệt đối xử! Thiệt là bất công quá xá!

Nói xong anh lại ngửa cổ tu một hơi, cạn hết chai rượu đỏ. Rồi từ tốn, cầm cái ‘speaker’ lên than thở, nghe buồn não ruột làm sao, khiến người nghe cũng đầm đầm giọt lệ, dòng châu lã chã: ‘Yêu người như thế đó! Người bỏ người ra đi!’ ‘Yêu người như thế đó, người nỡ đành ‘nạt’ ta! Chim chuyền bay trong gió người ‘chửi’ ta sao đành?’

Cám cảnh bạn hiền và cũng thương cho chính thân phận mình; nên đêm đó người viết cùng anh ‘dục tửu phá thành sầu’ đến 22 nút, quắc!

Sau đó vài tháng không nghe tin tức gì anh Hiền nữa.  Tưởng chừng anh đã vượt thoát, đi rồi. Mừng cho anh đã vượt biên thành công lần nữa, qua Anh Quốc, để nhờ luật pháp xứ Ăng Lê bảo vệ cho mình!

Nào ngờ, mới hôm qua, người viết khệ nệ xách cái giỏ theo sau bà xã đi chợ Footscray thì lại thấy anh Hiền cũng khệ nệ xách cái giỏ theo sau, tiếp bước em yêu của ảnh?!

Trời ơi! cái mộng đào thoát đã bể rồi, đã không thành rồi bạn ơi!

Thôi thì rán chịu dù: ‘Yêu người như thế đó người nỡ đành ‘nạt’ ta! Chim chuyền bay trong gió, người ‘chửi’ ta sao đành?’

Mong mấy bà ‘La Sát’ có đọc bài này, suy nghĩ lại cho em nhờ chút chút được không ạ?

Hu Hu! Hiền ơi! Tui ơi!

đoàn xuân thu.

melbourne

Căn Nhà Trên Đường Bush!

Gởi Trần Bang Thạch!

dxt_mar18_cannha.jpg

Ông bạn văn, Trần Bang Thạch, ở Houston Texas, xa người viết ở Melbourne một rẽo đất trên Google Earth và một cái biển Thái Bình. Mấy năm trước, ông có gởi tặng người viết một tuyển tập truyện ngắn: ‘Quẩn Quanh Chuyện Đời’ của ông do Thư Ấn Quán của ông Trần Hoài Thư phát hành.

(Sách in đẹp; nhưng không bền, vì đọc chỉ vài lần là long bìa, sút gáy. Nói vậy không phải là chê mà là phục: phục vì sách trình bày đẹp, ít lỗi còn sở dĩ không bền là vì vì ông Trần Hoài Thư tự làm bằng tay hết ráo từ A tới Z cho bạn văn của mình! Phục là phục ở chổ đó! Đời rãnh, người viết thường la cà nhậu nhẹt khắp nơi; chứ chẳng hề có tấm lòng nào bằng một góc, nếu so với ông Trần Hoài Thư đối với bạn văn của ổng đâu!)

Trong tập truyện ngắn này, người viết cảm nhất là chuyện ‘Căn Nhà Trên Đường Bush’. Nên định nghiền ngẫm lại; rồi viết một bài. Nhưng khổ thay! tập sách đọc quá nhiều lần; nên trang còn, trang mất. Xin nữa thì sợ bạn tốn cước phí bưu điện tới hai, ba chục đô gởi từ bên Mỹ qua đây; nên điện thư xin nhà văn gởi qua email, ‘attachement’ vừa nhanh, vừa rẻ nếu ông còn có chứa nó trong USB của ổng. Ổng hứa; làm mình chờ hoài! ‘Hẹn cùng ta Lũng Tây Nham ấy. Sớm đã trông nào thấy tăm hơi?!’ ‘Người sao mười hẹn,chín thường đơn sai?’

Ông Trần Bang Thạch ơi!

Thôi thì chuyện của ông, tui nhớ gì viết đó, nếu có sai vài chi tiết hoặc không trúng ý ông; thì xin ông ‘chín bỏ làm bù’ cho tui nhé?!

Chuyện về một cặp vợ chồng người Việt Nam, bồng bế mấy đứa con, bỏ xứ ra đi, như những cánh chim tan tác, lìa tổ quốc, quê hương, trôi dạt đến tận đất người, quê lạ!

Căn nhà đầu tiên hai ông bà mua, dĩ nhiên, mới tới là phải nghèo rồi, phải mua nhà rẻ - ở khu lao động, không an ninh cho lắm! Họ làm việc vất vã, cực khổ để gầy dựng lại mái ấm gia đình. Vợ chồng con cái đoàn tụ, sum họp với nhau dưới một mái nhà sau một thời nước mất nhà tan; là một giấc mơ nay đã trở thành hiện thực. Nhưng thời gian dần trôi đi, con cái lớn lên, thành đạt, rời cái tổ ấm nhỏ nhoi đó để bay đi vào khung trời cao và rộng!

Người cha già yếu rồi qua đời; người mẹ thui thủi một mình trong căn nhà nghèo thiệt là nghèo nhưng đầy ắp biết bao là kỷ niệm; không muốn bỏ nhưng cuối cùng cũng phải ra đi.

Người viết cho là đây là một trong những truyện xuất sắc nhất của ông Trần Bang Thạch! Vì không phải ổng viết riêng cho ổng mà cho cả người viết nữa!

Không phải ‘nịnh’ ổng đâu mà tận đáy lòng, người viết thiệt tình suy nghĩ như vậy vì mình cũng tha hương, cũng dắt vợ con đi.

Căn nhà người viết đã và đang ‘cày sâu, cuốc bẩm’ để mua không phải ở đường Bush, Houston, Texas như của ông mà ở đường Ballarat, Melbourne.

Căn nhà, nơi chốn có khác, nhưng cái giống là người cha, người mẹ Việt Nam nào cũng muốn quần tụ vợ chồng, con cái để gầy dựng lại cái tổ ấm gia đình sau một thời bão giông tan tác!

Chuyện ngắn nhưng cái tình lại dài! Cái tình cảm giữa cha mẹ và con cái; nghĩa vợ chồng trong cái thời buổi hỗn mang, thần suy quỷ lộng?!

***

Nhưng tại sao tự nhiên người viết lại nhớ đến câu chuyện ‘Căn Nhà Trên Đường Bush’ của ông Trần Bang Thạch?

Số là hôm qua, đọc trên báo mạng một câu chuyện mà sao khi đọc xong…khó lòng mà ngăn được dòng nước mắt về tình phụ tử.

Ông Mikio Okada ở thị trấn Yubetsu trên đảo Hokkaido, bắc Nhựt Bổn. Vợ ông mất vì bạo bệnh cách đây đã hai năm. Ông ở vậy nuôi con. Một đứa con gái dể thương vừa lên chín.

Bốn giờ chiều ngày 2/3 Mikio đến trường đón con về. Hai cha con kẹt trong bão tuyết kinh hoàng dưới cơn gió lên tới 109 km/giờ, nhiệt độ xuống trừ 6 độ Celcius. Ông quyết định rời chiếc xe truck, bế con đi, vì ở lại cũng chết. Nhà chỉ còn cách vài km, Mikio đã ôm chặt con mình vào lòng, cố gắng vượt qua giông bão. Tuyết rơi dày đặc đã cản bước chân ông. Ông chỉ đi được có 300 m từ chiếc xe tải. Thế mới biết cơn bão tuyết đó kinh khủng tới dường nào?

Bảy giờ sáng ngày chủ nhật 3 tháng 3, người ta tìm thấy cha con ông thì ông đã từ giã cõi đời này rồi; để lại đứa con gái chỉ mới vừa lên chín; bây giờ hoàn toàn côi cút.

Trong vòng tay của xác ông đà lạnh giá; thì con ông, Natsune, còn sống sót đang tức tưởi khóc. Ông đã nhường sự sống cho con bằng chiếc áo ấm của mình và ôm chặt con vào lòng để tránh cơn gió rét.

***

Cách đây gần 20 năm, khi lần đầu đặt chân tới Úc, tháng 9, Melbourne đang mùa xuân, hoa nở rộ. Ra khỏi cửa tự động của phi trường quốc tế Tullamarine, thân phụ người viết và mấy đứa em ra mừng đón. Ba cũng đã cởi chiếc áo choàng đang mặc, đưa cho người viết rồi nói: ‘Con mặc vô kẻo lạnh!’

Melbourne mùa xuân 19 hay 20 độ C nhưng đối với những người bay từ vùng nhiệt đới sang  đây thì lạnh lập cập đến run người. Suốt cả cuộc đời vất vả của ba, lúc nào ba cũng sợ con mình đói lạnh! Tấm áo của ba đưa ngày đó làm sao con quên được vì con biết bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, mãi mãi trong lòng, ba đều ước muốn cho đàn con của mình được no và ấm!

Cám ơn ông Trần Bang Thạch và ‘Căn Nhà Trên Đường Bush’ đã gợi hứng cho bài viết về tình phụ tử này!

Xin nhang tàn thắp khuya, tưởng nhớ ông Mikio Okada. Tình phụ tử của ông dành cho con gái Natsune của ông đã làm người viết nhớ tới ba mình tha thiết biết bao vì bây giờ ba đã mất, còn đâu!

Chừng tuổi nào đi nữa; mà mất ba mất má rồi thì mình cũng vẫn mồ côi!

đoàn xuân thu.

melbourne

Bạn văn!

DXT_Mar16_banvan.jpg Thưa quý bạn đọc thân mến. Người viết làm thơ, viết báo lai rai, chủ yếu ‘vui thôi mà’! Mà vui cũng có; buồn cũng có. Vui quá xá là vui mà buồn đôi khi quá ‘hớp’ thành ‘rầu’ luôn! Nhứt là trường hợp hơi bị xui…‘va’ vô trường hợp của một tác giả nổi danh bên Mỹ bị ‘phê’ và  bị ‘chê’ là: Phần đầu viết thật dài, mà không chịu xuống hàng, khó chịu cho người đọc quá. Truyện lãng mạn, nhưng đọc một nửa đã biết được đoạn cuối. Hy vọng sẽ được đọc truyện khác của ông khá hơn…?! Phê kiểu này này ‘khó’ sao giống như giám khảo mấy cuộc thi ‘Hoa Hậu Hoàn Vũ’ vậy ta?! Vậy mà ‘Đã mang lấy nghiệp vào thân! Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa!  Vì đã ‘sa chân’ vào chốn đoạn trường: làm văn, viết báo… ra giữa chợ đời… thì ai là người tri kỷ?  Ông Nguyễn Du, đại thi hào, còn nhang tàn thắp khuya, thở than: ‘Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Ba trăm năm nữa nào biết được. Thiên hạ ai người khóc Tố Như!’Ông Nguyễn Du còn vậy; người viết lại là ‘cù lủ nhí’ nên coi như pha. Bèn bỏ qua  nỗi buồn tai nạn ‘nghề tay trái’ mà vui mừng vui quá vui khi có được vài người bạn văn chịu chơi và chơi được là đủ để khoái thấu trời xanh rồi. Hỏng dám đòi hỏi gì thêm nữa? Trời cho bao nhiêu (bạn) là chơi bấy nhiêu!Cầu là được. Ước là thấy. Tuần rồi  bất ngờ nhận được một cái ‘meo’ do báo Việt Luận chuyển đến nguyên văn như vầy:‘Tôi xin đường đột tự giới thiệu là Ông Già Ba Tri ‘dziết’ báo Việt Luận. Tôi đọc bài của anh và thấy thích nên muốn làm quen. Trước là nói chuyện văn nghệ, văn gừng giữa người cùng nghề cho vui; sau lại xin nói thẳng cái hậu ‎ý như thế này: Số là tôi coi cái blog Việt Luận (tại blogvietluan.blogspot.com) nên trước hết mời anh ghé ‘dzô’ đó coi thử mặt mũi cháu ra sao; sau lại xin anh gởi vài bài cho blog. Mong được tin của anh. Ký là: OG3T Thưa quý bạn đọc thân mến.Ông bà mình nói: ‘Mã tầm mã. Ngưu tầm ngưu!’( Xin đừng hiểu lầm tui câu này! Tội nghiệp!) Viết văn, viết báo thì ‘tầm’ nhau là chí phải. Hồi xưa, thân phụ người viết cũng làm văn nghệ, dù là văn nghệ tay ngang mà cũng có biết bao là văn hữu. Lúc người viết tắm sông còn ở truồng, một hôm, khoảng năm 1957, người viết thấy bạn làm báo của ba, từ Sài Gòn chạy xe hơi xuống thăm chơi, ông Việt Định Phương, sau này làm chủ nhiệm nhựt báo Trắng Đen. Cha! Chiếc xe của ổng hiệu Traction, màu đen, còn lấm bụi đường, ngừng cái xịch trước nhà, gần cua Đạo Ngạn, cách Mỹ Tho chừng 4 cây số, mà hơi nước bốc lên ngùn ngụt. Chẳng qua là chiếc xe của ‘ổng’ hơi bị cũ. Ông xin nước đổ vào bình cho mát máy kẻo nó ‘lột dên’; mà phải nước ‘soda’ mới được. Làm báo nghèo thấy ‘bà tiên tổ’ mà ông này lại chơi sang hơn Úc! Ba má người viết mời bạn văn ở lại dùng cơm lấy thảo. Ổng bèn xin ‘hùn’ một cái ‘đùi’ thịt chó, gói bằng giấy nhựt trình, bỏ trong túi quần sọt, mang theo phòng xa, sợ tới nhà bạn văn, ở quê… xa chợ nên thiếu ‘đồ nhắm’ hay chăng?Cái gì chớ ‘thịt chó’ là má người viết ‘chịu thua’ nên chỉ đãi khách văn ăn canh chua cá lóc nấu với bông sua đũa. Món quê nghèo, vậy mà thấy ổng sì sụp húp đến chảy cả mồ hôi trán! Thấy thương luôn!Cái tình bạn văn như vậy mà ‘cảm động…đậy!’ đến mấy chục năm sau?!Vì thế cho nên, khi được bạn văn muốn bắc nhịp cầu thông cảm, tri âm muốn tìm Hoàng Oanh, Trung Chỉnh thì người viết khoái lắm chứ; vì bạn này là bạn thứ thiệt, vì hai ‘cha’ cùng nghèo do làm văn, làm báo, nên có tiền là đãi nhau nhậu một cuộc là dữ lắm; chứ hỏng có cái vụ mượn tiền nhau…(vì có ai dư đâu mà cho mượn?) Rồi hỏng thèm trả để phải xích mích, tan vở tình bạn như ở đời thường. Vả lại bạn văn thường đối với nhau phóng khoáng, chữ ‘sòng phẳng’ đi chổ khác chơi, chẳng câu nệ gì hết. Đó là về tiền bạc, còn về tính khí thì người viết xin thú thiệt là: hơi ‘tưng tửng’ do đó bạn văn có cái gì ‘hình như’ không được bình thường thì cũng cho qua luôn. Vì trộm nghĩ, bữa nay ‘thằng chả’ thì mai tới phiên mình thôi. Chắc như cua gạch!Nói về chuyện chơi với bạn văn, lại nhớ ông Bùi Giáng! Theo lời người ta kể, ông tới tòa soạn tuần báo Nghệ Thuật, để cái túi vải thơ xuống, nói khát quá và xin một chai bia uống. Ông nói ông thích chai bia lớn hơn chai nhỏ vì uống được nhiều hơn, rồi ngồi tréo ngoảy châm thuốc hút. Uống cạn chai bia, đeo cái túi vải thơ lên và bỏ đi. Còn thầm thì… thầm thì:  “vui thôi mà!”. Vui thôi mà của ông Bùi Giáng là vui kiểu tía người ta?! Có lẽ ông Bùi Giáng với bạn văn, bạn thơ của ổng thân quá nên ông mới chơi ‘cha’ như vậy?! Còn mình với ông bạn văn ‘Bích Câu kỳ ngộ’ này, bút hiệu ‘Ông Già Ba Tri’! Cha! dám ông ‘thần thừ’ này là cháu đích tôn của Ông Già Ba Tri thứ thiệt đã từng hai tay ôm mo cơm nếp, quần xắn gối, lội bộ từ Ba Tri, Bến Tre ròng rã cả năm trời ra triều đình Huế để mà thưa cái ‘thằng’ cường hào ác bá dám chặn ngang đường nước dẩn vô ruộng của  ổng?!Thôi thủ cho chắc ăn, nên cũng phải tìm hiểu ‘lý lịch’ trích ngang của ông bạn này chớ. Để biết cách mà cư xử cho có vẻ là con người có ăn và có ‘văn’ có… ‘học’?!Bèn ‘meo’ hỏi về cái bút hiệu ‘Ông Già Ba Tri’ của ‘giả’ để tiện việc xưng hô cho cái buổi đầu sơ ngộ. Vì bà xã người viết cười, nói: ‘Ông bạn văn mới của anh 'khôn' ghê, lấy bút hiệu như thế nên ai cũng kêu ổng bằng 'Ông Già'! May phước là còn có chữ Ba Tri. Chứ không, thì tưởng ổng là 'tía' của mình rồi!Thì được ổng trả lời là: Cám ơn anh nối tình văn nghệ văn gừng với Ông Già Ba Tri. Tui chọn cái tên trịch thượng này và tự xưng với bá tánh mình là "OG" cho nó....già.  OG cày ở VL chắc chừng hơn chục năm có à. Hiện thời, OG lui về phía sau và 'dziết" mấy bài không báo nào không có nhưng chắc là không có nhiều người đọc...
OG và anh cày chung hãng Việt Luận nhưng chưa thấy mặt nhau. OG lâu lâu cũng liếc qua bài của anh và thấy bài của 'thằng chả" hay lắm. Rồi định bụng lâu lâu chôm vài ý ở trỏng. Từ đó, biên thơ tìm cách ra mắt với anh…
(Đăng lời bạn văn ‘ca’ mình lên! Sao mắc cở quá! Hehe)Rồi sau đó ngon trớn chạy luôn; ổng ‘lăng xê’ tui trên blog của ổng nguyên văn như sau:  Cây viết này từng in nhiều bài trên báo giấy Việt Luận. đoàn xuân thu. không viết chữ hoa và thêm dấu chấm dứt khoát ở phía sau. Rồi còn thêm chốn ở Melbourne; mỗi ngày có đủ bốn mùa.Nhìn vào cái tên, ta thấy cây viết này chăm chút từng chữ từng chấm. Nhờ chăm chút, đoàn xuân thu. có cái nhìn đến tận chi tiết nhỏ trong đời. Có chi tiết thật nhỏ nhưng chần dần ở giữa một nước và đeo dính cứng nhiều thế hệ. Chi tiết này lồ lộ ra đó mà chả ai thấy.  Như cái mặt của phỗng sành chỉ Tú Xương thấy:Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành .Mặt thời lơ láo, mắt thời xanh. Vuốt râu nịnh bợ, con bu nó.Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh .Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ. Rượu chè trai gái đủ tam khoanh .Thế mà vẫn nghĩ rằng ta giỏi .Cứ việc ăn chơi, chẳng học hànhNhư cảnh đời lưu vong chỉ Cao Tần thấy:Chiều đi bát phố gặp toàn Tây. Bỗng tiếc xưa không làm quen cả xóm . Tự trách mình ngu hơn con cầy. Đáng kẹt lại cho thằng Cộng tóm. Cần một chút chăm chút. Cấn một chút khinh bạc. Cần thêm tấm lòng trải rộng ghê lắm mới có đoàn xuân thu.Blog Việt Luận xin mở cửa đón bạn văn vào và mời bà con đọc đoàn xuân thu. cho vui. Og3tBạn hiền ôi!Thôi thì ông ‘xá’ tui thì theo phép tui cũng xin ‘xá’ lại ông một cái! Bữa nào quỡn từ Canbera bay về Melbourne, xin hú tui một tiếng; trước là biết mặt tròn mặt méo của nhau; sau nâng ‘cốc’ chúc cho tình hữu nghị bạn văn bền vững… xanh mãi tới ngàn sau?! Câu này hình như ‘quen quen’ à nha?! Chịu hông ông bạn?! đoàn xuân thu.melbourne.

 

Cái yếm!

  dxt_mar9_1.jpg dxt_mar9_2.jpg

Trong bài thơ Quê Hương, ông Đỗ Trung Quân rầy rà hay nói đúng hơn là chửi bới: 'Quê hương nếu ai không nhớ. Sẽ không lớn nổi thành người!' Sẽ không lớn nổi thành người? Thì thành cái gì? Ông chửi bới người ta thì có người chửi lại ông; nên ông chống chế là bài thơ của ông không có câu: ‘Sẽ không lớn nổi thành người’ mà do biên tập, nó thêm vào. Mà người biên tập đó giờ đã đi ‘bán muối’ rồi; nên độc giả nào muốn kiểm chứng coi ai nói thiệt? ai nói dóc? cũng phải chịu thua. Huề!

Vì sợ ông Đỗ Trung Quân rầy: ‘Sao ở nước ngoài mà không chịu nhớ quê hương hả?’ người viết cũng rán lên web, tìm về quê cũ, làng xưa nhớ chút đỉnh; kẻo phải văng miểng do nhà thơ họ Đỗ cho ‘nổ’.

Mà muốn tìm kiếm hình xưa, ảnh cũ của quê hương để nhớ thì không gì bằng hình ảnh của cái trường xưa. Cái trường mà hơn 40 năm về trước người viết đã từng là ‘giáo’. Đó là trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ mà bây giờ thiên hạ gọi là Trường PTTH Châu Văn Liêm Cần Thơ.

Trên You Tube, người viết may mắn hay xui rủi xem được một tiết mục múa của các em, các cháu nữ sinh lớp 10 A9 nhân dịp khai giảng đầu năm học vào ngày 5 tháng 9 năm 2012.

Mời xem link dưới đây do BBT/Website sưu tầm: 

http://youtu.be/903hM4nEAHw. Khai giảng trường THPT Châu Văn Liêm - Cần Thơ.mp4

về trường Châu văn Liêm tức Phan thanh Giản hồi xưa!

Cảm giác khi xem xong rồi: là kinh ngạc tới kinh hoàng?!

Nhưng tại sao kinh hoàng hay là tại mình không đủ trình độ để thưởng thức múa đương đại Việt Nam?

Không hiểu thì tìm hiểu; không biết, dốt, thì mình học.

Thì cũng trên web, có một ông NSND Múa dạy rằng: Một vở múa thành công phải đạt được 3 tiêu chí về ngôn ngữ múa, âm nhạc và trang phục trong đó ngôn ngữ múa là yếu tố tiên quyết.

Nhưng cho dù múa bằng ngôn ngữ nào đi nữa thì điều quan trọng bao trùm lên vẫn là nói được cái gì với khán giả.

Nhưng ông còn thêm: Múa hiện đại Việt Nam là đứa con mang nhiều dòng máu mà không biết con ai. Trời đất! Vậy sao?

‘Trên sàn diễn múa hiện nay, người xem dễ dàng nhận ra sự pha trộn, lai căng những phong cách đông tây kim cổ là sự hổ lốn là “tả pí lù”.

Đem bài học căn bản vở lòng về Múa của ông dạy để mà tìm hiểu cái tiết mục văn nghệ Múa, trình diễn ngày 05/9/2012,  ‘clip’ dài 11phút 47 giây của trường xưa vừa được thăng lên You Tube.  

Trên cái nền nhạc sao mà giông giống của Trung Quốc quá vậy cà? Các em nữ sinh lớp 10 A9 đội vương miện, mặc yếm đào, màu đỏ, hở cả cái lưng ong. Váy bằng voan mỏng, màu vàng trong suốt nhìn thấy cả cái bắp đùi…

Nghĩa là cái váy vàng ‘mỏng vánh như cánh con chuồn chuồn’, mỏng đến mức không còn mỏng hơn được nữa?!

Ngôn ngữ Múa là đóa sen hồng thôi thì cũng được đi! Cho dù trong một đống bùn tanh nhơ nhuốc… Sầm Đức Xương, Nguyễn Trường Tô…Hiệu Trưởng và Chủ Tịch tỉnh Hà Giang, là Mã Giám Sinh và Thúc Sinh thời a còng (@) đó, có còn mọc lên được đóa sen hồng nào thơm ngát nữa hay không?

Nhưng váy thì biết rồi còn yếm là cái gì?

Người viết vốn là Tư Ếch, dân văn minh miệt vườn Sơn Nam, hồi cha sanh mẹ đẻ tới giờ có thấy đàn bà con gái xứ mình mặc yếm bao giờ đâu mà biết.  Chỉ thấy Má hay Ngoại, mùa hè nóng nực mặc chiếc áo ‘lá’ ở nhà. Còn có phải đi tiệm, đi xóm thì mặc thêm chiếc áo bà ba nút bóp bên ngoài cho nó có phần kín đáo!

Đem cái ‘théc méc’ của mình đi hỏi một bà cụ, thân mẫu một bạn văn gốc Bắc, thì được cho biết: yếm là nội y, là áo lót, nên nhớ là áo lót, dùng để che ngực, không thể thiếu của phụ nữ miền Bắc nước ta xưa.

Vào thế kỷ 18-19, chiếc yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét làm cổ, hai đầu đính mẩu dây để cột ra sau gáy. Nếu cổ khoét tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cỗ xe, đáy chữ V mà sẻ sâu xuống gọi là yếm cổ nhạn. Hai góc hai bên có dây để buộc ra sau lưng.

Yếm thường được mặc chung với áo cánháo tứ thân, với nón quai thao, khăn nhiễu và khăn mỏ quạ.

Màu sắc yếm nói lên khá nhiều về tư cách, nghề nghiệp người chủ của nó: Bà cụ thời mặc yếm cũng nhấn mạnh: yếm cũng có nhiều loại, loại cho con gái nhà nông, loại cho tiểu thư nhà danh giá, loại cho người buôn thúng, bán bưng, loại chỉ dùng cho các cô đầu, kỹ nữ...

Người lao động đồng ruộng mặc yếm màu nâu bằng vải thô. Người lớn tuổi mặc yếm màu thẫm. Con gái nhà gia giáo thì mặc yếm màu trang nhã và kín đáo. Kiểu yếm màu sặc sỡ, cổ khoét sâu thì ít người dùng, chỉ những người như kiểu Thị Mu mới dám xài.

Yếm không còn được sử dụng rộng rãi nữa, yếm thường chỉ được dùng cùng với các trang phục cổ trong các dịp lễ hội truyền thống.

Số người sử dụng hiện nay rất hiếm hoi vì lẽ áo loại này không kín đáo, không phù hợp với gia phong truyền thống của người Việt

Người con gái đứng đắn đàng hoàng không bao giờ chỉ mặc độc chiếc yếm ra đường vì mặc như vậy bị cho là con nhà không có người dạy.

Kết luận là không phải muốn mặc yếm ở đâu thì mặc, muốn màu gì cũng được…?

Hỡi ôi! vậy mà cái trường xưa yêu quý của tôi bây giờ không biết ai "biên đạo" cho các em trình diễn màn Múa… từ kinh ngạc đến kinh hoàng… như vậy?

Các em, các cháu học lớp 10 thì mới 15, 16 tuổi. Vị thành niên! Thơ dại! Các em không có lỗi gì hết. Còn nhỏ quá mà! Lỗi là người lớn kia kìa. Bậy bạ quá!

Mà không phải chỉ có người lớn ở cái trường Châu văn Liêm Cần Thơ này bậy bạ mà ngay cả cái trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong Sài Gòn từ giả 3 năm học ngày 21/05/2012 bằng một màn nhảy tập thể ở sân trường gọi là nhảy ‘flashmop’ như một đàn khỉ mắc kinh phong… giựt giựt.

Còn trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, trong chương trình, cái gọi là ‘Khúc hát nắng sân trường’ ngày 27/03/2011 , gọi là nhảy hiện đại, mấy em diễn viên múa, là nam sinh, lại ‘vị thành niên’, bắt chước Michael Jackson, đưa tay xuống dưới… bốc thẩy… bốc thẩy…

Lên YouTube xem mà lòng đau như cắt! Tụi nó là con, là cháu của tụi mình cả mà. Sao mà đến nông nổi này?

Có người nói sao người viết Vương Hồng Sển, xưa quá?! Trách tui thì tui chịu; chứ trong lòng người viết tin chắc rằng: 'There was something wrong somewhere' như Tây nó nói đó thôi!

đoàn xuân thu.

Melbourne

Em đã nín rồi !

dxt_mar7_1.jpg dxt_mar7_2.jpg

Hugo Chavez, Tổng thống Venezuela, đang còn ngáp ngáp chuyển qua từ trần. BBC Vietnamese nói ông hưởng thọ 58 tuổi thì ông bạn văn lại cãi là: dưới 60, là hưởng dương chứ không được gọi là hưởng thọ.

Theo người viết, thì dù hưởng dương hay hưởng thọ gì thì Hugo đều có ‘hưởng’ hết. Mười bốn năm ngồi trên đầu thiên hạ rồi mà vẫn còn hưởng chưa đã sao? Còn tính ngồi thêm sáu năm nữa cho chẳn hai chục. Có lẽ chưa đã vì Venezuela, xứ dầu, hút lên, bán là có tiền. Còn con gái Venezuela biết bao cô xinh như mộng; là hoa hậu thế giới đó nha! Đời chỉ có tiền và gái thì dại hay sao mà xuống chớ?!

Nhưng nhiêu đó nhằm nhò gì nếu so với ông bạn nhậu kiêm ‘tía nuôi’ Fidel Castro, Cuba của ông, y còn ngồi lâu hơn ông nhiều, ngồi từ năm 1959, ngồi đến khi hết ‘xí quách’; bữa nọ đang nói dóc với dân chúng Cuba, thì cắm đầu, nhủi ra phía trước, làm mấy tay ‘tà lọt’ chạy theo đở đồng chí Fidel gần chết… mà không kịp. Bị lỗ đầu, đồng chí mới ‘de’ qua một bên, để ‘thằng em tao’ lên thay mà cầm trịch cái đảo quốc vùng Caribbean này chớ! Chú em này trẻ hơn nhiều…chỉ có ngấp nghé 78 cái xuân xanh. Và mới đây, chú Raul Castro cho biết sẽ về vườn năm 2016 nghĩa là chẳn chòi 86 cái xuân tròn.

Mấy ông độc tài này khi bám được cái ghế quyền lực rồi thì bắt hàng trăm cái bù lon, con tán, ốc vít… vào ghế ngồi cho chắc; chứ dễ gì chịu xuống trừ trường hợp bị nhân dân ‘bợp tay hay đá đít’  rồi mới chịu đi luôn.

Mười bốn năm là cha thiên hạ vậy mà ‘ngỏm củ tỏi’ rồi cũng có đứa khóc than trên đường phố Caracas, thủ đô Venezuela. Người viết không ngạc nhiên chút nào trước hiện tượng này. Nhớ hồi Kim Jong-il, lãnh tụ Bắc Triều Tiên, ‘xí lắc léo’ thì nhân dân Bắc Triều Tiên khóc như ‘bò’ rống dù phải đang ăn cỏ thay cơm. Chẳng qua là có vị quan tham nhũng đụng gì ăn nấy, quan trên về xem xét muốn đổi ‘y’ đi. Dân khóc lóc, kêu than rùm trời. Đừng làm vậy quan ơi! Sao vậy? Nó ăn quá mà! Dạ nó ăn dữ thiệt nhưng cũng lưng lửng bụng rồi. Quan đưa thằng khác tới nó còn đói, nó không ăn mà nó ‘táp’ thì chết tụi con hết trơn! Hu hu!

Đời mà; làm chính trị bao giờ cũng có đứa thích, đứa không, khi đi bán muối thì có đứa khóc nhưng cũng có đứa cười, vui mừng vui quá vui! Tại Doral, Florida, thành phố đông di dân Venuezula nhất Hoa Kỳ, hàng trăm người gốc Venezuela tụ họp tại nhà hàng lớn nhất ở đây, cười vui, phất cờ quốc gia, mắt sáng ngời niềm hy vọng là có lẽ dân chủ, tự do và thịnh vượng sắp đến cho một “Venezuela không có Chavez.”

Họ nói Chavez là kẻ độc tài, chuyên quyền, thâu tóm quyền lực chính trị và kinh tế vào tay nhà nước, quân sự hóa chính trị, và đưa Venezuela đến chỗ “ngày càng bệ rạc.”

Như nhiều nhà độc tài khác, sau khi nhậm chức năm 1999, Chavez tập trung hết quyền bính trong tay, kiểm soát mọi ngõ ngách chính quyền, nắm quân đội, ngân hàng quốc gia, kỹ nghệ dầu hỏa, hầu hết các cơ quan truyền thông, quốc hữu hóa nhiều doanh nghiệp tư nhân.

Chavez biến Venezuela thành một nước ngày càng lệ thuộc vào dầu hỏa.

Năm 1998, dầu chiếm 77% tổng số xuất cảng của Venezuela, giờ đây lên đến 96%. Ðiều này phải mất nhiều chục năm mới có thể cứu vãn vì chính sách quốc hữu hóa của chính quyền Chavez đã làm què quặt nền doanh thương tư nhân, xua đuổi cả giới đầu tư quốc nội lẫn ngoại quốc.

Kết quả gia tài Hugo Chavez để lại là nền kinh tế Venezuela đang trong tình trạng hỗn độn, với tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, tăng liên tục 23% một năm trong hơn mười năm liên tiếp, so với 4.6% của châu Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, Hugo Chavez, hồi còn sanh tiền, cứ mở miệng ra là xã hội chủ nghĩa, là bình đẳng, bình đẳng… cũng dụ khị được một số tầng lớp dân ngu khu đen. Cho dù “bình đẳng mà làm gì, nếu cả nước ngày càng lụn bại.”

Tự tin vào cái lưỡi không xương nhiều đường lắc léo của mình, Chavez không thèm chơi trò gian lận trong việc kiểm phiếu; Chavez gian lận bằng truyền thông vì tin quá xá vào cái tài hùng biện của mình: khi nói con chim nghe cũng rớt xuống đất cái bịch; mà con cá đang lội cũng phải nhảy lên bờ. Vì ‘đẹp trai không bằng nói dai mà!’ Hay nghe quen quen hơn là: ‘Xạo hết chổ nói!'

Trong suốt 14 năm trị vì, Chavez nói chuyện với dân chúng mỗi hai hay ba ngày một lần, với những bài nói chuyện dài mấy tiếng đồng hồ, mà  các đài truyền hình và truyền thanh nhà nước lẫn tư nhân bắt buộc phải truyền đi.

Dù vậy, đời tin ai được, nên sau khi Hugo Chavez ‘vĩnh biệt đồng bào!’, mấy thằng đệ tử đã dàn quân đội và cảnh sát ra cho chắc ăn để mà làm lễ quốc tang chớ.

Chavez chết đi để lại một Venezuela thiếu hụt điện nước, tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới, tỷ lệ lạm phát cao tới gần 27% theo tính toán của Wall Street Journal. Năm 2009, nước này tăng trưởng âm 2,9%. Nghĩa là người ta chạy tới thì y de lại!

Người viết may mắn không phải là con dân của đất nước Venezuela nên không dám có ‘ý kiến, ý cò’ gì hết; vì chính những người dân lầm than, tội nghiệp đó có nằm trong chăn mới biết có bao nhiêu con rận và con rận đó bao lớn, hút máu bao nhiêu người?

Cái người viết không thích là cái lối khoe khoang, dạy đời của Hugo Chavez đối với những đối thủ chính trị của mình: ‘Chân mình còn lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người’. Như chuyện cô (gọi là cô vì em chưa ‘chống lầy’) cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice: năm 2006, Condoleeza  Rice nói: Venezuela là đe dọa cho dân chủ khu vực. Thì Chavez đáp lại một cách ‘cà chớn’ rằng:

"Hãy nhớ cho, bé con, tôi như cây có gai nở hoa giữa đồng bằng. Đừng giỡn mặt, Condoleezza. Đừng giỡn mặt với ta, em bé.”

Đối với Hillary Clinton thì Chazez cũng giởn mặt ‘bầu cua cá cọp’: khi đang đọc dở bài diễn văn hồi tháng Sáu 2010, Chavez bắt đầu ngâm nga lời hát “Hillary Clinton không yêu tôi…mà tôi cũng chẳng yêu em!”

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khi đi thăm Châu Mỹ Latinh đã chỉ trích chính phủ Chavez. Bà nói: Mỹ muốn cải thiện quan hệ với Chavez nhưng “có vẻ ông ta không muốn” ?!

Còn với những lãnh tụ ‘đực rựa’ như ông, Chavez còn đi xa hơn nữa khi gọi người ta là ‘chó”: Năm 2005, ông mô tả tổng thống Mexico, Vicente Fox, là “con chó kiểng” của chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

Vì bạn ông toàn là một giuộc, mã tầm mã, ngưu tầm ngưu…như Cuba Fidel Castro, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad toàn là một lũ độc tài; lên rồi không bao giờ muốn xuống.

Hugo Chavez ghét George Bush ‘con’ thậm tệ; nên ai ghét Bush là bạn của ông vì: kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta!

Trong diễn văn toàn quốc tháng Ba 2006, ông mắng nhiếc Tổng thống Bush: ‘Cha ấy là thằng hèn, kẻ giết người, thằng say rượu, kẻ dối trá, vô đạo đức.”

Nhưng Bush là dân chơi, cowboy Texas thứ thiệt, nên đâu có coi chuyện đó ra ký lô gram nào. Bush đã từng bị một phóng viên lột giày, chọi hai cái vào mặt mà ông đều né được, còn cười hề hề khi trả lời báo chí là:  ‘Cha đó mang giày số 10!’. He he! Bush là dân Mỹ nhưng lại phớt tỉnh Ăng Lê khi nghe Hugo Chavez chửi bới…

Nhưng tại một hội nghị năm 2007 ở Santiago, Chile, Hugo Chavez không được gặp may như vậy: Vua Juan Carlos của Tây Ban Nha thì ‘quạu’ hơn khi bị Chavez cứ ngắt lời hoài, khiến nhà vua nổi giận nói: “Sao ông không im giùm đi!’ Tiếng Anh gọi là ‘Shut up! Please’.

Bây giờ Hugo Chavez đi chầu ‘ông bà ông vải’ rồi, Vua Tây Ban Nha khỏi cần kêu: ‘em nín đi em!’ vì em đã nín ngàn thu rồi ông ạ!

Người viết chắc cũng như quý vị độc giả thân mến: ghét chế độ độc tài toàn trị cho dù ông có giỏi, có hay… giàn trời mây gì chăng đi nữa. Ngồi mãi, đi vô đi ra cũng thằng cha hồi nãy, cái mặt hãm tài trên TV, xem hoài, trông chán chết!

Khoái cái kiểu Đại Hàn Dân Quốc, cứ hết một nhiệm kỳ năm năm là ‘dông’, để cho người khác ‘hi sinh’ với chớ!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Câu chuyện Tề Thiên!

dxt_Mar2_monkeys.jpg

Người viết là một thằng ‘liếng khỉ’ như má hồi xưa thường hay nói . Lớn lên, cưới vợ, lập gia đình đã vài chục năm nay rồi mà vẫn còn ‘khỉ khọn’ như ngày nào, dù tóc đã muối nhiều hơn tiêu?!

Đôi khi thấy bà xã rán thức dậy sớm, ‘nổi lửa lên em’, để nấu cơm cho chồng cho con mang theo đi làm, dưới cái ánh lửa bập bùng của bếp ga trong nhà bếp mà bà xã hà tiện, không chịu mở đèn lên! Cái bóng hiu hắt, hằn lên vách, lung linh hình ảnh một người vợ, một người mẹ Việt Nam chịu thương, chịu khó cho gia đình nơi đất lạ quê người. Ai mà không cảm động!

Trước hình ảnh cảm động đó, người viết hay nói với vợ hiền: ‘Cho anh ‘thơm’ một cái để cám ơn em!’ Bà xã e thẹn: ‘Nè! đừng có làm cái trò khỉ nữa! Con, nó thấy, nó cười cho!’ Người viết biết bà xã giả bộ cự nự, làm màu, chứ khoái gần chết. Vì suy bụng ta ra bụng người, người viết đây mà được vợ ‘thơm’ một cái đã khoái giàn trời mây; mà nếu được vợ thằng Úc hàng xóm đòi ‘thơm’ mình một cái thì còn khoái triệu lần hơn!

Tuy nhiên, hãy coi chừng! Người viết có anh bạn văn xa quê đã lâu nay về thăm quê cũ. Tới phi trường Tân Sơn Nhứt, có người em đẹp như Tây Thi đang đứng đón. Nàng yểu điệu thục nữ, vội bước lại, ôm chầm lấy anh bạn văn, hôn đánh chụt vào má một cái rõ to!

-Ôi anh yêu! anh đi đường có mệt lắm hôn?

Ông bạn văn ngạc nhiên, sướng đến tê cả người.

-Ô! không phải! Em  nhầm! Xin lỗi ông!

Người bạn văn cư xử như Tây: dỡ nón, nghiêng đầu, lịch sự:

-Thưa cô không có chi! Rất lấy làm hân hạnh!

Về tới nhà coi lại thì mất cái bóp!!!

Do đó cái ‘trò khỉ’ đôi khi người viết trêu bà xã chắc chắn là an toàn trên xa lộ, vì ao nhà, ta về ta tắm ao ta?! Không lo bị mất bóp như anh bạn văn vừa nói trên vì cái bóp của tui bà xã đã tịch thu từ thuở anh về với em rồi. Còn đâu nữa mà mất?!  

Ngoài cái chuyện ‘liếng khỉ’ là tánh từ thuở cha sanh mẹ đẻ ra mình, nói tới khỉ là khoái, chắc có lẽ vì phần hồi nhỏ người viết khoái đọc Tây du ký, còn gọi là chuyện Tề Thiên. Nó là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa,  những năm 1590  được cho là của Ngô Thừa Ân.Trong tiểu thuyết, Trần Huyền Trang  được Quan Âm Bồ Tát bảo đến Tây Trúc (Ấn Độ) thỉnh kinh Phật giáo mang về Trung Quốc. Theo ông là ba đệ tử - một khỉ đá tên Tôn Ngộ Không, Tề Thiên, một yêu quái nửa người nửa lợn tên Trư Bát Giới và một thủy quái tên Sa Tăng.

Tề Thiên coi mình to ngang với Trời (Tề Thiên: bằng Trời), và muốn lên trời xuống biển, quậy phá đều làm được tất, không chút đắn đo, chẳng hề ngần ngại. Đối với Trời, vẫn tự xưng "Lão Tôn" một cách kiêu căng. Trước mặt ông Trời vẫn nghênh ngang, không chịu quỳ, ăn nói bất kể tôn ti trật tự . Cái tánh ngang tàng đó làm cho mấy đứa ‘chọc trời  khuấy nước’ khoái quá nên từ xưa tới giờ Tề Thiên đã và đang trở thành một trong những nhân vật hư cấu được yêu mến nhất trong văn học Trung Hoa. Và cả Việt Nam!

Khỉ rất nghịch ngợm và hay bắt chước. Bởi vậy, khi ai đó nhắc tới một đứa trẻ nghịch ngợm thì họ luôn nói: ‘Con nghịch như con khỉ vậy!’ Mà nghịch chừng nào thì lại thông minh chừng ấy như câu chuyện dưới đây:

Hồi xửa hồi xưa ở một cái làng nhỏ bên Ấn Độ có một người bán nón nghèo. Ông kiếm sống bằng nghề chằm nón và đem đi bán ở các làng bên. Một lần đi bán nón, phải băng qua một cánh rừng, mệt mỏi nên ông ngủ quên dưới một gốc cây. Khi tỉnh giấc, ông vô cùng kinh ngạc khi thấy tất cả  cái nón bỏ trong giỏ đều mất sạch.. Và ông thấy một bầy khỉ đang lủng lẳng trên cành, mỗi con trên đầu đều đội cái nón của ông.  Ông nảy ra một sáng kiến để lấy lại nón bằng cách lấy cái nón mà mình đang đội trên đầu vụt xuống đất. Khỉ bắt chước làm theo. Ông lượm lại được tất cả, mĩm cười chiến thắng!

Nhiều năm nữa trôi qua, ông có một đứa cháu nội cũng nối nghiệp bán nón. Một hôm đứa cháu đi bán nón ở làng bên. Trước khi đi, ông dặn cháu hãy cẩn thận với bầy ‘khỉ khọn’ và truyền cho bí quyết nếu bị bọn khỉ ăn cắp nón.

Đứa cháu băng rừng, mệt mỏi rồi cũng nằm ngủ quên dưới gốc cây. Thức dậy cũng bị mất nón giống y chang như ông nội của mình. Chú mĩm cười; mình sẽ xài cái ‘bí kiếp’ của ông mình truyền lại bằng cách lấy cái nón đang đội trên đầu vụt xuống đất và hy vọng bọn khỉ sẽ bắt chước làm y như vậy. Nào ngờ có con khỉ nhỏ, trên đầu chưa có nón, nhảy xuống lượm cái nón, đội lên, rồi phóng vụt lên cây, còn cười ‘khọt khẹt’, chọc quê: ‘Ha ha! bộ chú tưởng chỉ có loài người của chú là có ông nội thôi sao hả?’

Khác với Đông Phương, Tây Phương hình như chỉ khoái chó, khoái mèo, mèo hai chưn lẫn bốn chưn; còn với khỉ, nó không khoái lắm mà còn ‘ cà chớn’ với khỉ nữa. Chẳng hạn khi tả một đứa trẻ trông xấu xí thì họ luôn nói:‘giống  y như con khỉ vậy!’

Một bà bế con, lên xe bus. Viên tài xế bĩu môi: ‘Tui chưa hề thấy đứa nhỏ nào xấu quắc như thế!’. Bà ngồi xuống ghế, rất tức giận, nói với ông hành khách kế bên là: viên tài xế đã xúc phạm bà! Ông khách kế bên nói: ‘Bà hãy bước lên, bảo y:‘Hãy câm miệng lại! Và tôi sẽ trông chừng ‘con khỉ’ này cho bà. Đừng lo!’

Đối với Tây, khỉ không những xấu, không khôn lanh như người Việt mình nghĩ mà nó còn ngu nữa. Như để xỏ ngọt thằng sếp ở chổ làm, Úc nó đố nhau: Con khỉ nặng 200 ký lô gọi là gì? Thì gọi nó là ‘boss’!

Khỉ còn đồng nghĩa với những hành động ngu xuẩn!

Thầy đội đến điều tra môt tai nạn xe cộ nghiêm trọng làm hai người mất mạng: một nam, một nữ. Bỗng có con khỉ từ trong xe phóng ra, nhảy tới nhảy lui.

Thầy đội hỏi: ‘Có hiểu tiếng người không?’ Con khỉ gục gặc cái đầu! ‘Chuyện gì đã xãy ra vậy? Con khỉ cầm lon beer đưa lên miệng. ‘À! tụi nó nhậu hả?’ Rồi con khỉ kẹp hai ngón tay lại, đưa lên môi. ‘À! tụi nó hút cần sa hả?’ Con khỉ lại gật đầu. ‘Sao, rồi tụi nó còn ‘giao lưu’ nữa hả?’ Con khỉ lại gật đầu. Vậy thì: ‘Ai lái xe?’ Con khỉ lấy tay chỉ vô ngực mình: ‘Tao!’

Ngoài ra Tây còn dùng hình ảnh, tiếng kêu, thói quen ẩm thực của khỉ để phân biệt chủng tộc, kỳ thị, nhục mạ người khác nhất là đối với người Phi Châu

Tiền vệ Mario Balotelli của đội AC Milan là người Ý, gốc Ghana, trong trận đấu với đội Inter Milan, mỗi lần anh chạm banh là cổ động viên đội Inter đồng loạt kêu ‘khọt khẹt’ và đưa trái chuối về phía anh. Kết quả hành động kỳ thị này là đội Inter Milan bị phạt khoảng 66,500 đô Úc! Thế kỷ 21 rồi mà còn phân biệt chủng tộc như vậy thì tệ quá!
Nhưng cho dù Tây nghĩ về khỉ như thế nào người viết vẫn không quan tâm; vì tấm lòng ái mộ đối với Tề Thiên Đại Thánh từ nhỏ ở Việt Nam, giờ qua Úc, vẫn không hề thay đổi; vì người viết rất khoái ‘trò khỉ’ và cũng vì ngay cả khi theo ông theo bà, khỉ cũng còn giúp cho chúng ta có tiền mà sống sót trong thời buổi kinh tế suy thoái toàn cầu như câu chuyện dưới đây:

Có ông diễn viên đoàn kịch câm bị thất nghiệp, đến sở thú và quyết định kiếm sống bằng cách trình diễn ngoài đường kiếm chút tiền còm mà ăn KFC hay McDonald’s cầm hơi, qua ngày đoạn tháng. Khi anh bắt đầu thu hút được một số khán giả thì nhân viên Thảo cầm viên lôi anh vào gặp ông Giám Đốc.

Ông Giám đốc nói với anh rằng: ‘Con khỉ đã từng thu hút rất nhiều khách tham quan nhưng nó già quá và chết ngắc rồi; nên tôi muốn anh ‘hóa trang’, trùm vào bộ da khỉ để thành con khỉ… trong khi chờ đợi mình có con khỉ khác!’

Dĩ nhiên là anh diễn viên đồng ý tức thì. Sáng hôm sau đi làm, anh rất thích công việc mới này: vì có thể ngủ bất cứ lúc nào, thức dậy bất cứ lúc nào, chỉ có việc chơi, giỡn, nhảy nhót trong chuồng và ăn chuối bất cứ lúc nào mình muốn. Sau vài cơn bão ở Queensland, chuối mắc lắm, tới 10 đồng một ký lận!

Mới đầu anh cũng thu hút khá nhiều khán giả nhưng dần dần thì ế! Con sư tử ở chuồng kế bên hấp dẩn hơn! Không muốn mất việc vì ế khách, nên anh đu qua, đu lại, nhảy tới, nhảy lui trên chuồng sư tử, kêu khọt khẹt, chọc quê con sư tử cho bỏ ghét, vì cướp khách của mình. Và trò này rất tuyệt, số khán giả đông dần lên và anh cứ được tăng lương đều đều!

Cho đến một hôm, vì quá phấn khích, lúc nhảy nhót, anh trật chân, té lọi giò, nằm một đống trên nền chuồng. Con sư tử chăm chú nhìn anh, chuẩn bị vồ. Anh kinh hoàng, rán gượng dậy, nhảy lò cò quanh chuồng trong khi con sư tử đuổi riết theo sau. Anh kiệt sức nằm ngã ngửa. Thôi hết đời! Anh định kêu: ‘Cứu tui với! Cứu tui với!’ Thì còn con sư tử đã thì thầm: ‘Câm miệng lại thằng ngu! Bộ mầy muốn tao với mầy bị đuổi việc hết hay sao chớ!’

Do đó khỉ ơi, anh yêu em! Em đã theo ông bà, ông vải rồi mà còn giúp cho người bạn của anh có ‘job’ và giúp cho anh có đề tài viết báo, được tiền nhuận bút, mua beer uống chơi.

Ngoài bà xã anh ra, anh vẫn mãi mãi yêu em; dù cho ai có nói ngã nói nghiêng gì chăng đi nữa!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Xót hình bóng cũ!

dxt_feb24_1.jpgdxt_feb24_2.jpg

Mấy lần đi họp hội ‘Cụ’ Học Sinh trường cũ (sở dĩ gọi là ‘Cụ’ Học Sinh thay vì Cựu Học Sinh vì  mặt mày ai nấy cũng xếp ‘li’ hết trơn, hết trụi), tui đều lận lưng theo chai rượu đỏ để chén tạc, chén thù với các bạn đồng môn.

Sau vài vòng giao cảm, có tí hơi men, làm mình ăn nói lưu loát hơn, người viết khoái chạy lên sân khấu giành cái ‘speaker’ của ông MC để kể chuyện tiếu lâm.

Văn nghệ ai cũng khoái, riêng người viết càng khoái hơn thiên hạ?! Làm sao vui thì thôi! Nhưng ca cẩm thì bù trất. Như vọng cổ người ta xuống câu hò, trầm, thì cái giọng ‘vịt đực’ của mình lại ‘bổng’ ngang xương, tréo cẳng ngỗng! Mà theo lẽ thường trên đời: ‘xấu che, tốt khoe’, người ta đem khoe cái gì thì cái đó phải hay, phải tốt!

Nằm gác tay lên trán suy nghĩ hoài, văn nghệ thì mình đâu có cái gì hay để đem khoe đâu ta? Chợt nhớ lời bà xã nói : ‘Anh tuy xấu nhưng lại có ăn nói có duyên nên em mới ‘ưng’ anh chớ bộ?!’. Thiệt là một sự thực phủ phàng đầy cay đắng!

Nghe lời vợ phán là mình có duyên ăn… và nói… nên lần họp mặt trước bèn làm gan, lên sân khấu kể một chuyện vui như vầy: ‘Vợ tui nói: thằng cha Úc hàng xóm mới dọn đến; trước khi leo lên xe, vọt đi làm, đều ôm vợ, hôn từ giã! Thiệt là đã! Sao anh không làm như vậy? Tui trả lời rằng: anh cũng muốn lắm chớ; nhưng bà ấy mới tới anh sợ làm như vậy e có đường đột lắm không?!’

Mấy ông bạn ngồi bên dưới nghe, cười, thiếu điều sặc rượu, té ghế mà chết!

Từ đó, tự dưng tui nổi tiếng ngang xương. Lần này họp nữa, tui đến sớm cho bà con ‘chiêm ngưỡng cái bản mặt’ mình chớ; thì từ xa có ông bạn hình như mới gặp đầu, đến chào rồi nói: ‘Hai’ (Hi!) chào kiểu Úc mà; cho nó gọn. Tui lại trả lời ổng: Dạ xin lỗi, tui thứ ba. (Cho ổng kêu mình bằng ‘Ba’ chơi!). Nhưng ông bạn không phiền mà nói:  Giỡn chơi hoài ông bạn!

- Dạ thưa, quý danh?

- À! tôi tên Tùng nhưng hãy gọi tôi là Tửng!

- Tàu hả? Không, bà xã! Xẩm!

Tửng hỏi: lần này ông có tiết mục nào không?

- Sao khỏi! Chí Tài mà!

- Vậy xong phần ông, nhờ ông giới thiệu tôi lên với nhá. Tôi hơi nhát ánh đèn sân khấu.

- Anh hát hò gì?

- Tôi ngâm thơ cũng được, mà hát cũng hay!

 (Cha tự tin dữ à nha?!)

Tửng tằng hắng, rồi ngân nga luôn : ‘Từ khi bước xuống thềm tam cấp. Là đã sa chân xuống nẻo đời!’

(Nghe cũng lâm li lắm!)

Còn hát, thì hội cựu học sinh, mình sẽ chơi: Nỗi buồn Hoa Phượng: Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương...

"Lưu bút ngày xanh": Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi. Nhắc lại câu chuyện buồn. Trường còn kia ôi mái đổ tường rêu. Nơi kỷ niệm êm ái...

- Được! nhưng anh mua ‘beer’ cho tui uống trước đi!

- Chuyện nhỏ!

Từ đó tui và Tửng thành bạn thân chí cốt. Rảnh là Tửng rủ tui trốn bà xã, đến nhà anh nhậu nhẹt hoài!

Năm nay Tửng và tui lấy phép thường niên cùng một lượt, anh mời tui đến nhà ăn giỗ. Sau vài tuần rượu, rơm rớm nước mắt, anh kể: Cách đây 30 năm, tàu Kim Hoàng,  MT65,  đi từ Cửa Đại, Mỹ Tho ngày 26 tháng 11 năm 1978 chở theo trên 300 người vượt biển. Sáu ngày sáu đêm lênh đênh cũng đến được Mã Lai 6 giờ chiều ngày mùng một tháng chạp năm 1978. Biên Phòng Mã Lai không cho cập bến, bắn đuổi, đành phải neo đậu, cách bờ  khoảng 200m.  Năm giờ sáng, bão tới, tàu chìm. 196 người chết, trong đó có vợ con tôi.  Gia đình tôi chỉ mình tôi sống sót! Hôm nay là ngày đám giỗ vợ con tôi!

Đêm, tôi ác mộng hoài! Tôi nghe tiếng gỏ cửa, mở cửa ra, tôi thấy vợ tôi bồng đứa con trên tay mà người ướt đẫm. Vợ tôi nói: ‘Lạnh quá! Cho em vô!’

Hơn ba mươi năm rồi tôi vẫn chưa quên. Nên ở vậy!

Ôi! cuộc đời đôi khi ta thản nhiên đi qua nỗi đau của người khác mà không chút bận lòng để dừng lại an ủi, hỏi han?!

Khoảng gần Tết, lại vắng tin anh. Khi từ Việt Nam bay trở lại, anh nhắn tôi qua. Anh nói: Từ độ đi tới giờ, hơn ba mươi năm, tôi chưa về lại Việt Nam lần nào. Vì còn gì nữa đâu mà về! Nhưng lần nầy phải về vì Má tôi bịnh nặng, rất nặng và mất rồi! Tôi bay về vuốt mắt cho Má yên nghỉ! Nên vắng tăm hơi! Trong tiếng nói nghèn nghẹn của anh nghe chừng có long lanh nước mắt!

Rồi anh mang cái Ipad ra, cho tôi xem một tấm hình, anh hỏi:

- Ông còn nhớ con đường này hông?

- Nếu tui đoán không lầm thì tấm hình này là đường Gia Long hồi xưa;  sau này VC đổi tên là đường 30 tháng 4 thì phải!

Con đường này hồi xưa đẹp biết bao với những căn biệt thự xây kiểu Pháp, như Dinh Tỉnh Trưởng, Nhà Biện lý, Dự thẩm, Ty Bưu Điện Mỹ Tho, Ty Ngân Khố... Sau 75, tụi nó phá sạch trơn thiệt là tiếc. Cũng như con đường Hùng Vương với hai hàng me thơ mộng trước cổng trường Nguyễn Đình Chiểu, mùa mưa lá xanh mướt, mùa khô là lá rụng bay bay đầy trên tóc học trò mà bây giờ bị tụi nó đốn sạch trơn và nghe nói ngay cả trường xưa cũng đã bị kéo sập xuống rồi! Bên Úc chuyện như vậy chắc chắn là không được vì đã được xếp hạng 'di tích’ rồi.

Con đường này trong hình nếu so với biết bao con đường ở Melbourne hay Sydney thôi thì nó chả là cái 'đinh' gì cả, kể cả cái cầu Rạch Miễu mới xây xong.

Dưới bàn tay của những con người ‘khoái bắn vào quá khứ bằng súng lục’, không có cái kiến thức căn bản về kiến trúc, về bảo tồn di tích thì những hình ảnh đẹp của quê nhà chắc lại tiếp tục bị 'banh chành' như thế này thôi. Hình xưa, cảnh cũ còn đâu? người xưa đà mất trong màu tịch dương!

Xem ảnh thiệt là bùi ngùi...thương cho Mỹ Tho mình thiệt biết bao nhiêu?! Cũng như Kiều mà lọt vào tay ‘thằng’ Mã Giám Sinh!

Thiệt là: Xót hình bóng cũ!

Lần này thì người viết cũng có một niềm đau giống Tửng! Tửng ơi!


đoàn xuân thu

melbourne.

Anh còn nợ em!

dxt_feb22_1.jpg

Golf là một môn chơi bằng cách đánh một trái banh nhỏ từ một nơi… đến khi banh… lọt vào lỗ nhỏ… ở nơi khác. Sau khi đánh cho banh lọt vào hết số lỗ quy định (thường là 18) thì xếp hạng. Số lần đánh càng ít càng có hạng cao.

Có người nói golf là một trò chơi ở Trung Quốc thời cổ đại. Người thì nói golf là của người Roman, người chơi sử dụng một cây gậy cong để đánh một quả bóng da nhồi. Người thì nói golf từ Iceland, là trò chơi của những người chăn cừu ngày xưa. Trong khi lùa cừu đi ăn, họ dùng cây gậy có một đầu to để đánh viên sỏi tròn đi xa, và họ thi với nhau xem ai đánh đi xa nhất và chính xác nhất.

Mấy ông nói ‘tùm lum, tùm la’ rồi rốt cuộc… ‘tui’ hỏng biết tin người nào. Nhưng có cái lạ là: cái gì cũng Trung Quốc ‘xía’ vô hết vậy ta?

Muốn chơi golf, người chơi cần phải có một sân cỏ rộng đến vài chục ha, trồng loại cỏ đắt tiền . Sân golf được thiết kế đẹp và càng hoang dã càng tốt. Trong màu cỏ xanh mát mắt, người chơi sẽ cảm thấy thư thái, quên đi những lo toan hàng ngày... Khung cảnh đẹp, nhiều cây xanh, là một môi trường lý tưởng để hít thở không khí trong lành, vì vậy chi phí bảo trì và vận hành rất lớn, điều này được tính vào giá chơi golf, tất cả những thiết bị chơi golf cũng rất đắt tiền nên môn chơi này còn được gọi là môn chơi của các nhà quý tộc, nhà giàu. Còn nghèo như ‘tui’ là phải coi mấy ông nhà giàu, nó chơi trên đài truyền hình chớ tiền đâu mà mua vé vô cửa đây?!

Mà nói tới golf là phải nói tới Tiger Woods. Một siêu sao! Vài bữa trước, Tiger đã ‘quánh’ với Tổng Thống Mỹ Obama. Và sau trận đấu, Tổng thống Obama đã nói với đài truyền hình San Francisco rằng: “He is on another planet.” (Chú em nó đến từ hành tinh khác!’)

Khen như vậy thì cũng đúng thôi vì Tiger đã và đang vác gậy, đi ‘quánh’ toàn thế giới và đoạt biết bao giải quán quân; nên tiền vô như nước: tiền vô cửa trước; mà tiền cũng vô cửa sau luôn. Nên giàu nứt vách. Tài sản chừng 600 triệu đô Mỹ.

Nhưng ngày ‘quánh’ golf, đêm về khách sạn, xa nhà, xa em yêu dấu, biết ai cho ‘tay em, anh hãy tựa đầu; cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…’ nên Tiger vác ‘gậy’ của mình đi ‘quánh’ lung tung…Chú em có hàng tá người tình, vợ bé, gái bao, cho quên hết nỗi cô đơn xa nhà, để khỏi buồn nào hơn đêm nay?!

Cũng có thể vì Tiger còn trẻ người, nên non dạ, cũng tò mò: Chưa đi chưa biết ‘Đồ’ Sơn?! Nên muốn thử?! Còn mấy ông Việt Nam ham vui của mình thì đi rồi, kinh nghiệm nhiều rồi, về phán một câu xanh dờn: ‘Đi rồi mới biết chẳng hơn ‘Đồ’ nhà?!

Ông bà mình nói y như kinh: cây kim trong bọc có ngày lòi ra! Huống hồ là cây ‘gậy’ quánh golf.  Nên đêm 27 tháng 11 năm 2009, vợ biết…tao cho mầy chết. Lần này không phải là Tiger cầm gậy mà vợ y, Elin, người em xứ lạnh Thụy Điển, mà tánh không ‘lạnh’ chút nào, vác gậy rượt theo. Tiger lái chiếc Cadillac Escalade cáu cạnh chạy có cờ, dộng vô trụ nước cứu hỏa rồi táng vô một gốc cây. Elin rượt theo, quật gậy làm nát bét chiếc xe…cho đã giận.

Sau 5 năm, mặn nồng ân ái, đưa vợ ra nhà bảo sanh hai lần, ‘rặn’ ra hai đứa: Samantha và Charlie, hai người ra Tòa ly dị; anh đường anh, tui đường tui vào năm 2010. Em chia được 110 triệu đô Mỹ. Khỏe à nha!

Bị vợ bỏ, Tiger xuống dốc không phanh: bị cắt hợp đồng quảng cáo nhiều.. nhiều triệu đô, xuống tinh thần, ‘quánh’ đâu thua đấy. Lại tìm vui với mấy em ‘chân dài, đầu ngắn’ nhưng chỉ là tình một đêm không thể nào khỏa lấp được nỗi cô đơn.

Em cũng chẳng ‘chính chuyên’ gì! Ông ăn chả, bà ăn nem! Cũng sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh. Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

Tại em giận thằng chả quá mà?!

Hai năm tình lận đận, Tiger tâm sự loài chim biển với người bạn thân rằng: 'I love Elin. Without her, I'll be miserable for the rest of my life.' Tui yêu Elin. Không có em bên, tui sẽ khổ suốt đời tui!’ Hu hu!.

Thiệt là: ‘Chưa đi chưa biết ‘Đồ’ Sơn! Đi rồi mới biết chẳng hơn ‘Đồ’ Nhà! Tò mò sân của người ta! Đi rồi mới biết sân nhà sướng hơn!’

Nhưng Tiger cũng còn hy vọng gương vỡ lại lành nhờ có dán keo. Dù keo hơi mắc: Cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền ...Cũng như ông bà mình nói: Có tiền mua tiên cũng được!
Nên Tiger ‘bỏ nhỏ’ với Elin là: Về đây đi em! ‘Qua’ sẽ cho em thêm 200 triệu đô nữa. Em lắc…hỏng tin anh nữa đâu! Tuy nhiên nếu trong điều khoản hợp đồng tiền hôn nhân do anh đề nghị, nếu anh còn ‘chít’(cheat) em nữa thì phải trả thêm 350 triệu đô.

Tiger đồng ý liền, không chút đắn đo, đến nỗi viên kế toán phải la trời: ‘Cha nầy điên rồi! Hợp đồng này chiếm hơn nửa tài sản của nó rồi?!’

Giáng sinh vừa rồi, ‘cọp’ chớ hỏng phải châu về hợp phố, Tiger cho bà vú dắt hai đứa nhỏ đi chơi và trước khi lên giường, ‘quánh’ golf với Elin, để bỏ bao ngày nhung nhớ, Tiger quỳ xuống, dâng cho nàng cái nhẫn kim cương to tổ chảng để làm sính lễ: mong em ráp lại tình xưa.

Rõ ràng là Tiger Woods đang ca bản ‘Anh còn nợ em!’ Nên về đây đi em… cho anh trả tiếp! 

Nhưng thưa quý bạn đọc thân mến xin đừng tưởng Tiger Woods là dân chơi thứ thiệt, vì mấy ông vua Tàu (lại Tàu nữa), hồi xưa mới chính hiệu ‘playboys’. Đường Minh Hoàng trả nợ em Dương Quý Phi mà sém mất nước. Rồi còn Trụ Vương, Đắc Kỹ nữa chớ!

Nhưng cũng còn thua ‘tui’ nếu xét về phần trăm. Tiger, ‘Anh còn nợ em’ mới trả chừng 50% tài sản. Còn người viết thì trả gần 100% luôn. Một tuần làm được khoảng ngàn đô, chạy u về nhà, đưa cho em cất, vì ‘anh còn nợ em’; chỉ được em cho lại năm chục dằn túi… phòng khi ra đường, đạp bánh tráng mà có tiền đền. Cho nên xét theo tỷ lệ phần trăm thì ‘tui’ chịu chơi hơn mấy ‘chả’ nhiều?!

Nhưng người viết biết mình không phải là hạng nhứt mà chỉ được giải nhì vì còn thua ông nhà thơ Phan Thành Tài. (Xin lỗi ông nha! Cho ‘giỡn’ chơi chút mà?). Ông ‘trả nợ tình gần!’… sạch bách hết trơn mà vẫn còn: ‘Anh còn nợ em’. Công viên ghế đá. Lá đổ chiều êm. ‘Anh còn nợ em’: Dòng xưa bến cũ. Con sông êm đềm.  ‘Anh còn nợ em’: Chim về núi nhạn. Trời mờ mưa đêm. ‘Anh còn nợ em’: nụ hôn vội vàng . Nắng chói qua song . ‘Anh còn nợ em’. Con tim bối rối. ‘Anh còn nợ em’. Và còn nợ em . Cuộc tình đã lỡ. ‘Anh còn nợ em’. Nợ… em…em…em!!!

Trả hết cho em cuộc đời, tiền bạc, công danh sự nghiệp mà vẫn còn nợ nên ông đòi rinh ghế đá công viên và dòng sông bến cũ để trả thêm?!

Nhưng tui xin can ông vì cái  ghế đá công viên không phải của mình, mà của ‘cáo sồ’, ông mà gỡ lên, trả bậy coi chừng bị lính bắt nha ông?! Lại xin lỗi ông nhà thơ lần nữa để chấm hết bài này!


đoàn xuân thu.

melbourne.

đoàn xuân thu

Tường trình từ Springvale! Australia!

dxt_Feb17_tuongtrinh.jpg

Hồi xưa thiệt là xưa, lúc học đệ nhị, đệ nhứt, khuya nhà im ắng, lo học bài thi Tú Tài 1 và Tú tài 2 tại nhà là Ty Bưu Điện Mỹ Tho, số 31 đường Gia Long, lâu lâu lại vặn cái radio transistor, nghe đài tiếng nói Hoa Kỳ. Lại để ý đến cái bài đọc của một ông mà khi chấm dứt bài, ông nói: ‘Tôi là Hoàng Trọng Tuổi tường trình từ Hoa Thịnh Đốn!’

Ông này là phóng viên của đài VOA, ông tường trình cái gì thì lâu quá người viết quên mất tiêu rồi! Nhưng cái tên Hoàng Trọng Tuổi từ Hoa Thịnh Đốn lại ở trong trí người viết rất lâu. Lâu thiệt là lâu! Để sau khi, ‘chó táp phải ruồi’ đậu được cái Tú tài 2, ngồi sau cốp xe lô Minh Chánh từ Mỹ Tho lên Sài Gòn ‘du học’, người viết định là mình sẽ học về Báo Chí để có ngày nào đó được lên đài VOA và chấm dứt bài bằng câu nói: Tôi là: đoàn xuân thu tường trình từ Cạnh Đền, muỗi kêu như sáo thổi; mà đỉa lội lền như bánh canh!

Nhưng mơ là một chuyện; thực tế là chuyện khác! Mơ học Báo Chí thì năm 70s chỉ có Viện Đại Học Đà Lạt mới có. Nghèo sặc gạch như người viết, đi học Toán Lý Đại Cương ở Đại học Khoa Học Sài Sòn mà má, ba còn lo không xuể thì cách chi mà lên Đà Lạt để ‘mùa xuân sang có hoa anh đào!’ Thôi đành: ‘em ơi! nếu mộng không thành thì thôi!’

Mãi đến khi phiêu bạt quê người mới có dịp làm báo. Chẳng qua bạn hiền Bùi Hữu Trạng, nguyên là một giáo sư dạy Việt văn, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Cần Thơ, cảm tình ái mộ, hú: ‘Ông ơi! Viết cho tờ đặc san trường mình Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm một bài đi!’

Ai kêu tui đó?

Viết đến ai kêu tui đó; lại nhớ đến một chuyện vui: Ba Tèo, Hai Tèo đã là nghèo thấy ông bà ông vải rồi… mà ông này lại tới Ba Tèo, khỏi nói chắc bạn đọc cũng biết là ông này ổng nghèo tới mức nào rồi! Nghèo mà ham vui. Vui thì phải nhậu! Mà nhậu thì cần rượu. Ngặt cái hỏng có tiền mua! Nên chiều chiều dạo quanh trong xóm để coi ‘Ai kêu tui đó?’ Ba Tèo không có ai thèm kêu hết trơn hết trọi á? Qua bàn nhậu, cha! vui mừng vui quá vui! mà tụi nó ‘đui’ hết trơn không thấy được Ba Tèo. Thôi thì ‘Ai kêu tui đó? À! hỏng có ai kêu hết hả? Thôi tui xin chịu lỗi, uống ba ly! Trước khi từ giã ra về, vô ba, ra bảy! Thôi tui cũng xin chịu phép cáo từ theo luật bảy ly!

Khỏe re!

Do đó, người viết, được Thầy Bùi Hữu Trạng hú….

Bèn “Ai kêu tụi đó? Có chai ‘Jack Daniel’ nào không thầy?

Chuyện nhỏ! Chiều thứ sáu ngày 25 tháng giêng, nhằm 14 tháng chạp âm lịch. Ông giáo Việt Văn nầy hơi khó… nhắc đi, nhắc lại là tháng giêng tây, tháng chạp ta, chứ không phải như mấy ông đài SBS Việt Ngữ Úc Châu kêu tháng một và tháng mười hai nhe! Thính giả nghe đài chứ hỏng có vụ khán giả nhe cha?! Nói tiếng Việt cho đúng à nha!

Nhưng để làm cái gì?

Thì nhậu! Hỏng lẻ tui kêu ông để ‘mi’ ông một cái đâu?! Mình một hệ chứ đâu đa hệ? Phải không?

Có đóng tiền hôn?

Ăn? Ai hỏng trả tiền! 25 đô!  Ông khỏi; với điều kiện là sau đó ông viết cho tui một bài tường trình! OK?

Buồn ngủ gặp chiếu manh. Mậu lúi mà được bạn mời cho ăn, cho nhậu miễn phí thiệt là quá đã! Chỉ xin vài chữ. Mà chữ mình một bụng; nhưng bán chẳng ai mua. Thôi thì ‘ế!’ Đem đổi rượu cũng được! Cái nào cũng tiền hết trơn!

Năm giờ chiều, Thiếu Úy Nguyễn Hoàng Nhân lái chiếc Toyota Tarago đời tám hoảnh, tới rước. Nhân là Sĩ Quan Trợ Y, con thầy thuốc Bắc ở chợ Tham Tướng. Đúng là con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh. Nên Nhân có hai đứa con làm dược sĩ, làm một giờ cả trăm mấy đô, bằng người viết cày một ngày. Con cái chúng ta thiệt là ‘vẻ vang dân Việt’!

Nhưng khoái Nhân một chổ là Nhân ‘uống rượu như thằn lằn uống nước cúng!’ Nên đi nhậu có Nhân là  ‘đường trường xa, con chó nó tha con mèo!’. Tao chấp cho cớm Úc thổi rượu!

Bên Mỹ nói: ‘Không ăn đậu không phải là Mễ; không đi trễ không phải Việt Nam!’. Úc cũng vậy thôi! Mời sáu giờ, sáu giờ rưỡi Nhân còn ở city. Ò e í e! Mầy đâu vậy? City! Bận nói chuyện tào lao với ‘chã’; nên lạc! Sorry!

Mùa hè xứ Úc ngày dài đêm vắn, nên bảy giờ chiều rồi mà vẫn còn chói chang nắng. Thôi thì vô mà khai mạc đi chớ!

Người viết có cái ngạc nhiên là qua đây có rất nhiều hội đoàn. Mà nhiều nhứt lại là hội cựu học sinh các trường trung học!  Đem thắc mắc này hỏi ông bạn ‘già khú đế’ thì được trả lời rằng: ‘Con trai mới vừa bể tiếng, có râu măng! ăn cơm nhà, ba má nuôi, học là phụ, mà ‘Em tan trường về; anh theo Ngọ về’ là chính! Có đứa đuôi dài, đầu sọc theo em. Em hoảng quá; bèn ‘ngựa’ phi đường xa. Vừa về tới cổng nhà thì đã thấy má đang cầm cái chổi lông gà ‘Ngọ ơi là Ngọ!’. Bỏ qua cái oan thị Mầu, thị Kính này đi, giờ già nhớ lại, thì đúng là cái thời ở trường trung học là khoảng thời gian đẹp nhứt của đời người. Đẹp thì mình nhớ, chớ xấu nhớ làm chi!

Vô bàn, đặt mâm, người viết ngồi kế kỹ sư Trần Đông, Văn Khố Thuyền Nhân. Đông ‘tu’, cữ rượu, uống ít, nhưng vụ ‘kia’ thì từ từ sẽ cữ!

Mình nói anh bạn văn Trần Bang Thạch ở Houston, Texas gởi lời thăm Bùi Hữu Trạng và ông; ảnh có nhờ tui uống dùm ảnh mỗi người một ly. Nhưng tui không có rượu!

Khỏe re, Trần Đông nói: tui có chai Penfold 1993 đây; rót cho ông một ly!

Lại vô mánh! Luật sư nói là có tiền; còn mình nói là có rượu!

Người dẩn chương trình hôm nay là Bùi Hữu Việt, cũng là Giáo Sư dạy Việt Văn, em kế của Bùi Hữu Trạng. Trạng thứ sáu, Việt thứ bảy nên anh em thân mật gọi là Bảy Việt! Việt là một người nghệ sĩ chịu chơi, thích sưu tầm các loại nhạc khí, nhạc cụ và rất nhiều các loại đàn…từ đàn đá …tới cả…‘đàn…bà! Thiệt hết biết luôn?!

Việt thích ngâm thơ. Bữa nay, Việt ‘ai oán’ với phần phụ họa của tiếng sáo Tô Kiều Ngân từ đĩa CD : ‘Con mất nước giờ mất thêm cả má! Lã chã lệ đời trắng hết cả màu bông!’. Sao vậy?

Thì còn má, mình cài bông hồng đỏ; Má mình mất rồi… mình khóc đến nỗi màu đỏ cũng phai luôn! Bà con nghe khôn cầm, lã chã giọt châu!

Việt là giáo, đọc nhiều, có duyên.  Nói chuyện cảm động cũng có mà hài hước cũng nhiều…nên khi dẩn chương trình mà Nguyễn Ngọc Ngạn ở đây thì người viết tin rằng “Ngạn’ sẽ cà lăm!

Nói có sách; mách phải có chứng! Khi chương trình bắt đầu dạ vũ, chẳng qua là mấy chị Đoàn thị Điểm, Melbourne, Australia được một vũ sư của Ban Văn Nghệ Hoàng Thi Thơ, tên gì quên mất tiêu rồi, hướng dẩn, nên khi múa đẹp như Hằng Nga múa điệu Nghê Thường, Giáo Việt rao như thế này: Việt Nam, chồng hay ‘quánh vợ’ nên gọi là vũ phu. Qua đây, đất của Nữ Hoàng, vợ ‘quánh’ chồng gọi là ‘vũ nữ’. Còn thưa quý vị! Khi hai vợ chồng ‘quánh’ nhau thì ta gọi là vũ ‘sexy’!

Sau màn vũ sexy là tới Karaoke, KQ Lưu Minh Đức, (vốn là dòng dõi hoàng tộc bên Tàu vì Đức kêu Lưu Bị bằng Chú Ba?!) với ‘Mắt biếc em xưa ngày nào!’ (Tuấn Ngọc mà nghe Lưu Minh Đức hát thì chỉ còn có nước ‘chun một góc giường?!’)

Thôi tui về đây ông ơi! Sao vậy? Con vợ của ông ngoài cửa kìa! Chị ấy người Việt Nam mình, mắt đen; mà ông ca mắt biếc, màu mắt của mấy con Úc, là mình chết! Chết chắc!

Người viết vốn là dân ‘vưỡn’, ở vườn. Quê đồng bằng, ruộng vườn rẫy bái…chiều chiều ra bờ mẫu ngồi, nhìn trời hiu quạnh, bèn làm sáu câu vọng cổ, lên bổng xuống trầm, mình ‘hót’ mình nghe; vậy mà cảm khái cách chi?! Xa quê lâu, đất khách quê người, bữa nay lại có dịp may nghe người em ‘sầu mộng’, tên gì quên mất tiêu rồi, lên ca sáu câu vọng cổ “Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà’; người viết cũng còn ‘phiêu’ y như thế?!

Em kể rằng: Võ Đông Sơ bị giặc phục kích, bây giờ gọi là ‘tao ngộ chiến’, trúng tên, thọ tiễn nhưng trước khi ‘ngỏm củ từ’ còn đủ sức ca sáu câu vọng cổ, biểu con ngựa của mình về báo hung tin cho Bạch Thu Hà lấy chồng khác mần ăn!

Giọng em hòa với tiếng đàn kìm, đàn cò, đàn gáo, đàn ghi-ta phiếm lõm làm mình nhớ Minh Cảnh quá chừng chừng!

Đêm vui nào cũng phải tàn. Thôi gặp nhau đây rồi chia tay!

Người bạn nhậu mới quen, bắt tay tạm biệt, bùi ngùi: Ông về với tui. Con vợ tui bay về Việt Nam ăn Tết rồi! Đêm nay về nhà một mình! Đêm lạnh chùa hoang!

Thôi hỏng dám đâu anh. Vợ tui, nó rầy chết! Thôi hẹn sáu tháng sau nhá bạn hiền!

Đường về, cớm chặn Nhân lại thổi rượu vì là tối thứ sáu. Nhân cười hè hè: ‘Cứ vô tư đi! Có uống giọt nào đâu mà thổi… hè hè! Xí hụt!”

đoàn xuân thu tường trình từ Springvale! Australia!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Năm mới! Trường xưa!

dxt_feb2_1.jpg dxt_Feb2_2.jpg

Mấy thằng Tây làm chung, mới ngày thứ ba của tuần lễ đầu tiên trong tháng tháng 11 dương lịch là Melbourne Cup, thì tụi nó đã xúm lại đi coi đua ngựa và đánh cá trên TAB. Mùa lễ hội tới sát bên rồi, cũng có đứa ham chơi hơn, đã lai rai từ khi vừa chớm xuân, đầu tháng 9.

Tháng 11 nóng thấy cha, nhưng mấy bà đầm khoái nóng, viện cớ làm sao cho bớt nực nên mặc thiếu vải, khoe hai trái dưa hấu ‘Tân Mỹ Chánh, Mỹ Tho’ một chút, cho mấy thằng đực rựa, đàn ông, tụi nó nhìn trật cần cổ và đui con mắt nó luôn!  

Cái không khí háo hức, rạo rực lan tỏa cả không gian thì làm cách chi mà ‘cày’ cho nỗi? Nên tụi nó ào ào lấy phép thường niên, phép nghỉ bệnh rồi chuồn, đi chơi cho nó đã!

Cuối tháng giêng, cha con nó quay trở lại, thì tới phiên mình. Tết âm lịch sau tết tây thường một tháng. Mầy nghỉ đã rồi tới phiên tao chớ! Lấy một tháng, chơi! Cày cho lắm thì tắm cũng ở truồng! Vậy thôi!

Nhưng mà nghỉ ở nhà thì buồn. Làm ‘trâu’ quen, nằm trong chuồng ‘nhơi’ rơm hỏng quen, cũng chán. Cũng như đời nô lệ, làm ‘trâu’, làm ‘chó’ quen… giờ tự nhiên được tự do, cũng không biết phải làm gì?

Bèn dỡ tờ báo ra đọc thơ để giải sầu con đom đóm. Cảm thương người ôm ốm mà cao?!

Bài “Chiều cuồi năm trong quán bên sông nhìn lá rụng’.

Ông Hạc Thành Hoa than… thấy thương luôn:

‘Chiều cuối năm còn ngồi trong quán

Nỗi lòng ta biết gửi về đâu

Mây đã ngừng trôi sông nước lặng

Mang mang thiên địa ý xuân sầu!’

Cuối năm, ông ra quán, uống một mình, nghĩ về tuổi già buồn thấy tía! Nhưng buồn mà chi ông Hạc Thành Hoa ơi!

Trên sáu mươi, sống thêm được một năm nữa là do trời thương, Tây gọi là ‘bonus’, được trời cho sống thêm chút nữa thì vui lên đi! Vì ông Y Vân đã từng nói: ‘Em ơi có bao lăm! Sáu mươi năm cuộc đời!’. Nghĩa là sáu mươi năm thì mình ngỏm, mình đi bán muối, nên khi vừa chẳn sáu mươi, con cháu đã quần tụ, ‘chu choa’, ông nội già quá há! Mình mặc áo dài, khăn đóng, đội trên đầu một khúc cá kho, cho con cháu lạy mừng, mình ăn đáo tế! Là ‘vui mừng vui quá vui!’ rồi còn gì!

Mặc dù ở tuổi sáu mươi, cái nào cũng cao hết. Tuổi cao, đường cao, máu cao chỉ có một cái là xuống!  Không nói thì quý độc giã thân mến chắc đều biết cái nào xuống cả rồi?!

Nói vậy, chứ một mình, ở không, cũng buồn như dế kêu chiều chạng vạng!

dxt_feb2_3.jpg dxt_feb2_4.jpg

Vì thế cho nên khi cái điện thoại di động ‘ò ò e í e’, nghe như là Phạm Đình Chương, Hoài Bắc chơi ‘Ly rượu mừng!” Tết mà! Mừng là mừng như hồi xưa, còn nhỏ, mừng má đi chợ về, có mua bánh mì và đường tán!

- Sáu Quan…Quan Sáu…đây ông!

 (Quan ba là đại úy, quan sáu là đại tá. Hồi trước 63, trên quan sáu là thiếu tướng rồi. Sau 63, khi mấy ông lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm của tụi tôi, chấm dứt thời kỳ hoa mộng, không có giới nghiêm, tối đi chơi thả ga, chơi xả láng, sáng về sớm! Mấy ông nhìn qua, trông lại, sao tướng nhiều quá ta? Bèn đặt ra lon chuẩn tướng.  Tá không phải là ông, mà tướng thì mới chuẩn, chẳng qua là ‘trầm đò’ một chút vậy thôi. Nên gọi là C. tướng!

Nguyên ‘quan sáu’ hồi ở Việt Nam Tía Má đặt tên là Quang hy vọng đời con ‘sáng’ hơn một chút. Ra nhà việc làng, mấy ông hộ tịch ‘ba xí ba tú’ sao đó cắt mất của ‘thằng nhỏ’ cho chữ ‘g’. Mấy ông hộ tịch nầy rầu ghê! Em tên Lan ‘Lan, Huệ sầu ai Lan, Huệ héo’ mà nỡ lòng nào ông dọng thêm cho em một chữ ‘g’. Hư bột hư đường ráo trọi!

Sáu Quan coi bộ ít tiền quá; bèn đổi ra Quan Sáu cho nó le! Nhậu ‘cườm cườm’ Quan Sáu tự xưng mình là Đại Tá Tỉnh Trưởng tỉnh Chắc Cà Đao?!)

Ờ! bữa nay thứ sáu, mai thứ bảy, hai mươi sáu tháng giêng, quốc khánh Úc, kỷ niệm ngày Hạm đội số 1, đổ bộ lên Sydney, rượt thổ dân chạy có cờ, tui lên Footscray rước ông, xuống nhà, nhậu!

Nhà tui lộng gió bốn phương, tiền, tui gởi nhà băng lấy lời hết rồi, không lo ăn trộm, ăn cướp như ở Việt Nam bây giờ. Cho tui làm Bình Nguyên Quân một bữa nhe ông!

Phần người yêu cũ của tui, tức con vợ tui bây giờ vừa được mấy anh chị em cựu học sinh bầu làm Chủ Tịch Victoria. Bả làm chủ ‘Hội’ chứ hỏng phải chủ ‘Hụi’ rồi giựt chạy nghe cha; bả khoái quá, nên tụi mình ‘líp ba ga’, tới luôn bác tài. Hỏng lo mệt cái lỗ tai!  OK Salem?

Thiệt là: Cửu hạn phùng cam vũ. Tha hương ngộ cố tri. Động phòng hoa chúc dạ. Kim bảng quải danh thì! Nắng hạn gặp mưa rào. Xa quê gặp bạn cũ. Đêm động phòng hoa chúc. Lúc đề tên bảng vàng!

Đời có bốn cái sướng! Người ta gọi là tứ khoái?!

Hai cái sau: đêm động phòng hoa chúc. Lâu quá, nên quên mất rồi!

Đi thi thấy mình thi đậu! Người viết hồi nhỏ tới lớn thi đâu rớt đó đến nỗi Má phải than: ‘Con thi trường học, má thi trường đời!’ Nên thi xong, rồi lặn luôn có dám ló mặt ra xem kết quả đâu, mà có ló ra, thì cầm chắc là mình cũng rớt cái bịch, nên cái sướng được bảng hổ đề danh thiệt tình là chưa biết mặt mũi nó tròn méo ra làm sao cả?

Chỉ có hai cái đầu là khoái thiệt. Một là: mùa hè nước Úc, nó nóng thôi bá cháy! Mà gặp mưa, trời không mưa tui cũng gọi trời mưa…Trời ơi! trời không mưa là tui chết!

Hai là: chiều cuối năm xa quê, gặp bạn hiền! Tàu gọi là ‘hảo bằng hữu’, Tây gọi là ‘mate’. Còn Việt gọi là ‘mầy’!

Phần người viết là ‘Cu Li’ mà được quan sáu làm tài xế đưa rước, cho ăn, cho nhậu thì người ta nhìn thấy dám tưởng mình ít nhứt cũng là là ‘C. Tướng’ chứ không phải ‘Cu Li’ đâu thì hỏi làm sao hỏng OK Salem sao được?!

Viết tới đây, lại nhớ chuyện vui thời còn mồ ma cộng sản Liên Xô.

Gorbachev, tối, quất cho mầy bốn, năm chai vodka. Xin bạn đọc thông cảm cho y; vì mùa đông Mạc Tư Khoa lạnh thấu xương, lạnh quá, trừ cả chục độ C.  

Tối qua, chống lạnh quá chén, nên Gorbachev sáng dậy trễ, mà bữa nay lại có cuộc họp Bộ Chính Trị tại Điện Cẩm Linh. Lặn không được, nên Gorbachev nói với thằng tài xế: “Mầy ra băng sau ngồi, để tao lái đi cho lẹ!’

Cảnh sát giao thông Mạc Tư Khoa lại được lịnh là bất cứ thằng nào chạy quá tốc độ là phạt!

Thấy chiếc xe chạy vù vù như đua Formula 1, hai tay cảnh sát giao thông rượt theo, rồi về tay không!

Về, thằng trưởng đồn hỏi: Sao không phạt nó?

Hỏng dám đâu Sếp! Sao vậy? Cha này quan trọng lắm! Nó là ai?

Em không biết? Nhưng tài xế của nó là: đồng chí Tổng Bí Thư Ban Chấp Hành Đảng Cộng Sản Liên Xô: Gorbachev!

Do đó người viết có quan sáu làm ‘tà lọt’, tài xế thì còn ‘ngon’ hơn Gorbachev thuở hoàng kim nhiều?!

Nhà ‘quan sáu’ tận Doncaster, tựa bìa rừng. Chiều chạng vạng, chim về trên nhánh cây ‘thương’. Xa ‘em yêu’ mới mấy tiếng đồng hồ, nghe tiếng chim chét chét kêu chiều, ‘ỏm tỏi’ cả thảo lư… làm anh nhớ em tha thiết, em ôi! Muồi như Út Trà Ôn!

Đêm thứ sáu gọi là nhóm họ, mai họp hội cựu học sinh, mà lại tổ chức tại nhà, coi như là ‘hấp hôn’, đám cưới chủ gia, thì chìm xuồng tại bến cho rồi. Khỏi lo mất ‘dầm’, mất xuồng?! Ghe lui còn sót lại dầm. Người thương đâu mất, chổ nằm còn đây!

Khách mời danh dự là chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt, chủ Hội Liên Bang, bay từ Brisbane xuống với ‘em yêu dấu”; lúc trước ‘dấu’; giờ thì không ‘dấu’ nữa; mà vác ra khoe (người viết dùng chữ ‘vác’ sợ chú em buồn nên người viết có hỏi ý).  Chàng cười hè hè…: “Có gì đâu anh ơi! Bà xã em, dù không ‘sổ sữa’ chút nào hết thì em cũng đã:  ‘Vác em xuống phố trưa nay, đang còn nhức mỏi đôi vai!’. Anh viết vậy, nó hỏng có buồn gì đâu?! Mà có buồn, thì nó chỉ ‘cự’ em thôi! Mai mốt, tụi em bay về nhà rồi. Anh có nghe, thấy gì đâu mà e với ngại!

Đêm vui ngắn chỉ tày gang, tan hàng sau khi 5 ‘trự’ cưa hết hai thùng beer VB đang ‘on sale’ chỉ có 76 đô…

Sáng sớm lạ nhà, giựt mình tỉnh giấc, lại nhớ Cao Tần: ‘bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc, thấy chiến trường la liệt xác anh em, năm tráng sĩ bị hai thùng quất gục, đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm!’ (Xin lỗi ông Cao Tần vì dám cả gan đổi thơ ông từ ‘mười chai’ qua ‘hai thùng’ cho nó phù hợp với thực tế!)

***

Hôm sau, đúng ngọ ta, 12 giờ trưa tây, bàn ghế dọn ra xong. Anh chị em trường cũ quê hương lục tục đến. Lần này, ‘quan’ sáu không có mời Luật Sư Trần Bá Láp. ‘Phẻ’ à nha! Thôi Chúa ai nấy thờ! Chớ Luật Sư Bá Láp cũng như các ca, nhạc sĩ sáng ‘quánh’, tối ‘đầu’ để về Việt Nam được ăn xà bần là mình hỏng có quen đâu nha quan sáu!

Mấy chị nữ sinh thiệt là giỏi quá tay, làm bánh bèo mặn, tôm chấy, ăn với nước mắm cay thiệt là cay, chu choa, Melbourne, thèm bánh bèo...tốn bi nhiêu thì bi…mà có ai bán đâu mà ăn?!

Rồi lẩu chua, quan sáu là ‘chef cook’, nấu cái gì cũng phải chua chua, vô mới bắt! Rồi thêm món hủ tiếu Mỹ Tho nữa! mà nhìn kỹ thì hỏng phải là hủ tiếu mà là mì Mỹ Tho. Bèn hỏi: cái này trật chìa rồi nhe! Mỹ Tho phải là hủ tiếu chớ mì Chợ Lớn mới là vô địch?!

‘Quan’ sáu nói: Thông cảm đi mấy ông!  Đóng có mười đồng mà đòi hỏi cho dữ?! Thì nấu mì hay hủ tiếu cũng vậy thôi. Cũng nhiêu đó công!

Hỏng phải! tiếc công gì đâu ông ơi, dân chơi không sợ mưa rơi mà!  Chẳng qua là tại tui hỏng biết nấu hủ tiếu Mỹ Tho. Bả là dân Mỹ Tho.  Còn tui là rễ ‘đu đủ!’ Bộ mấy ông quên sao?

Thấy ‘quan’ anh có vẻ hơi ‘buồn nào hơn đêm nay!’ nên có anh bạn lên, xin phát biểu đôi lời và hát vài bài để thay đổi không khí.

Ông nầy nói có đôi lời nhưng đôi lời của ổng bằng hàng ngàn, hàng vạn lời của người ta. Sau đó ông còn làm thêm…Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn…chưa đã, lại thêm… Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu? Nên ông Phó Hội, kiêm MC, muốn cắt. Nhưng ông không có chơi kiểu ‘ba que, xỏ lá’ như chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh ‘cắt’ nhà thơ Tố Hữu, nguyên là Phó Thủ Tướng nhưng đã hết thời rồi, mà còn khoái đăng đàn, phát biểu linh tinh, bằng cách cúp điện!

Ông Phó chỉ thỏ thẻ vô lỗ tai ông này một chút! Nhưng lạ thay lại thấy ông này nói nữa?! Cha cái nầy ở nhà chắc ‘đời tôi cô đơn; nên yêu ai cũng cô đơn đây?!’

Lúc sau, người viết hỏi thăm: Coi mấy ổng nói cái gì? Thì được biết: Ông biểu cho ổng nói thêm 5 phút nữa đi; ông cho hội thêm một trăm đô! Người viết cười ha hả nói:  ‘Lần sau nếu muốn, nói ổng cho Hội chiếc Toyota Tarago của ổng; mình sẽ cho ổng nói tới Tết Congo!’

Chuyện còn rất dài…nhưng có cái rất ‘dài’ thì ‘hay’ nhưng viết văn, viết dài, viết dai ắt là viết dỡ.

Hai bữa tiếu ngạo giang hồ vặt, vác cái mặt về, ‘em yêu’ không thèm nói một câu, chỉ nhìn người viết với ‘đôi mắt hình viên đạn!’ Người viết biết thân, bèn lủi thủi lên lầu, ngủ vùi hai bữa. Bữa nay ló mặt xuống, check mail, thì nghe anh Chủ Nhiệm biểu viết bài cho số Tân Niên.

Thôi anh biểu thì tui xin vâng! Mà anh còn chơi ‘ngặt’, kêu viết gì …vui vui một chút. Tết mà! Muốn là chiều! Vì nói thiệt với anh có bài đăng báo là tui khoái lắm vì:‘Tui cũng háo danh lắm anh ơi!’

Do đó để kết bài viết ‘Năm mới! Trường xưa’ này! Người viết xin kính chúc quý độc giã thân mến:

“Vạn sự như ý! Công thành danh toại! Miệng cười chúm chím như hoa nở giữa mùa xuân năm Quý Tỵ!”

đoàn xuân thu.

melbourne.

dxt_jan18_1.jpgNịnh!

Khi con người biết sống quần tụ lại thành bộ lạc, có tù trưởng làm ‘cha’, có quyền lực thì ‘nịnh’ đã ra đời. Rồi khi các bộ lạc quần tụ lại, ở không, hung hăng tìm cách đánh nhau, chinh phạt, giết chóc tơi bời để thành lập triều đình phong kiến. Có quân thần thì nịnh cũng đã có ‘em đây!’. Nghĩa là nịnh cũng xưa như trái đất!

Hồi còn nhỏ, đi xem hát bội cúng đình, hát mấy cái tuồng xưa thiệt là xưa, hát những tích như Nhạc Phi, Tần Cối…chắc quý bạn đọc thân mến đều thấy diễn viên hát bội phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, ai minh chánh, ai gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần. Trung thần như Nhạc Phi thì được tán thưởng, còn gian thần, nịnh thần như vợ chồng Tần Cối thì bị căm ghét đến nỗi mấy chú ba chế ra cái bánh làm bằng bột mì, bỏ vô vạc dầu chiên tới chiên lui cho nó phình lên và đặt tên là ‘dò chá quảy’ ăn mầy luôn với mì hay hoành thánh cho bỏ ghét.

Còn bây giờ, thời hiện đại, ‘nịnh’ hơi khang khác một chút nhưng nếu quý bạn thấy, nghe và để ý một chút thì ‘nịnh’ cũng khó dấu lắm bạn ơi!

Nhưng đôi khi thấy vậy mà không phải vậy! Thấy có vẽ ‘nịnh’ mà lại không phải là ‘nịnh’. Chẳng hạn như chuyện dưới đây!

dxt_jan18_2.jpgNgày thứ bảy, 14 tháng 11 năm 2009 khi được Hoàng đế Nhựt Bổn Akihito và Hoàng hậu Michiko đón tiếp ở Hoàng cung, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cúi rạp mình 90 độ khi bắt tay Hoàng đế Nhựt Bổn. Mấy thằng Mỹ ở không, chê: đường đường là Tổng Thống một siêu cường duy nhứt còn lại sau khi Liên Xô sập tiệm, rã bành tô, mà lễ phép quá đáng, nịnh quá coi kỳ, làm mất thể diện một đống quốc gia?!

Theo ý người viết: chuyện nhỏ mà; chẳng qua Obama cao tới 185 cm mà Nhựt hoàng thì hơi thiếu thước tấc một chút thì khi bắt tay, ông phải cúi mình xuống, chớ đứng sổng lưng, e phải ‘nhấc’ Nhựt Hoàng lên, hỏng giò sao mấy tía! Có vậy mà cũng chê khen, bình loạn lên, thiệt là ở không quá xá?!

Barrack Obama lịch sự có thừa vậy thôi, vì khiêm tốn là bốn lần làm phách; chớ đã là trùm ‘Đế Quốc Mỹ” rồi thì có ngán ‘thằng’ nào đâu mà phải giở bài nịnh nọt.

dxt_Jan18_4.jpgNếu mấy tía có ở không mà rỗi hơi chê cái thói nịnh nọt thì nên chê cái ông ‘thần thừ’ nầy. Chê thôi chứ đừng chửi chớ. Nhỏ, yếu mới phải nịnh! Còn lớn, mạnh thì nói chi ?

Chuyện rằng một blogger trong nước đã đăng lại tấm hình một tiến sĩ, kiến trúc sư … cúi khom đến gập nửa thân người, ôm lấy bàn tay Chủ tịch nước trong buổi lễ trao giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật ngày 27/5/2012 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Đăng hình lên đã làm ‘quê’ mặt người ta rồi; lại còn xài xể nặng lời là: “Bức ảnh thể hiện một tư thế hèn mạt của người trí thức. Sự hèn mạt không gì hèn mạt hơn!”

Nịnh có ‘chút xíu’ vậy mà ‘xài’ nặng người ta chi ông bạn?!

Hèn vì nịnh, vì muốn kiếm chút cháo ‘bào ngư’ chớ hèn mà còn bị ‘mạt’ nữa thì ngu sao mà hèn? Phải không?

Người nịnh vì có kẻ khoái được nịnh. Vì lời nịnh như mật rót vào tai! Sao không khoái? Mật ngọt, ruồi còn chết; huống chi con người! Còn người nịnh hót thì phải có cái gì đó bỏ túi: nếu không lợi thì danh mà đôi khi còn có cả hai. Đôi khi nịnh không phải vì danh, vì lợi mà vì sợ. Sợ không nịnh nó, tới cơn, nó ‘dợt’ tui sao?

Còn nếu anh không cần lợi và không cần danh và cũng không sợ…thì anh ‘nịnh’ để làm gì?

Chẳng hạn như trong truyện dưới đây:

Tề Tuyên Vương nghe tiếng Nhan Súc là bậc kỳ-sĩ, một hôm ngự xe đến chơi nhà, muốn vời ra, cho làm quan. Nhan Súc từ chối.

Một lần Tề Tuyên Vương đến chơi nhà Nhan Súc. Vua bảo: “Súc lại đây!”. Nhan Súc cũng bảo: “Vua lại đây!”.
Các quan thấy vậy, nói: “Vua là bậc chí tôn, Súc là kẻ thần hạ, vua bảo “Súc lại đây!” thì không sao, nhưng Súc cũng bảo “Vua lại đây!” thì như thế có nghe được hay không?”
Nhan Súc nói: “Vua gọi Súc, mà Súc lại, thì Súc là người ‘xu nịnh’ quyền thế. Súc gọi vua, mà vua lại, thì vua là người người quý trọng hiền sĩ. Nếu để Súc này mang tiếng xu nịnh quyền thế, thì sao bằng để nhà vua được tiếng quý trọng hiền tài?!

Nhan Súc biện luận sắc sảo như vầy nếu có đầu thai sống lại chắc chắn sẽ làm Luật Sư nỗi tiếng cũng cỡ Trịnh Hội hay Thùy Dương chứ chắc hỏng có thua đâu?!

Còn ở Việt Nam hồi xưa cũng có hai nhà thơ rất tài ba mà cũng ‘cóc’ có chịu nịnh ai: Một là Cao Bá Quát; hai là Trần Tế Xương!

Giai thoại rằng: sau khi khởi nghĩa chống lại triều đình thất bại, Cao Bá Quát bị đem ra pháp trường xử trãm. Ông vẫn thản nhiên như không và làm bài thơ sau đây:

“Một bước cùm lim chân có đế

Ba vòng xích sắt bước thì vương”

Ý nói Đế và Vương là thứ ông đạp dưới chân. Ông chẳng sợ ai và cũng chẳng xu nịnh tay nào!

Còn Tú Xương không những không thèm nịnh quan quyền mà thấy mấy thằng nịnh quan quyền, ông còn làm thơ chọc quê nữa chớ:

“Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt

Dưới sân ông cử ngổng đầu rồng”

Tú Xương đem cái đít vịt bà đầm ra đối với đầu rồng một ông cử dốt đang lạy tạ mũ áo vua ban.

Nhà thơ đất Vị Xuyên ‘xì nẹt’ mấy ông khoa bảng này nghe sao mà ‘nhục ơi là nhục!’

Còn người viết ra nước ngoài, sống cũng khá lâu lâu, thấy Tây có gì hay hay thì mình cũng học. Nhưng Tây hỏng phải cái gì nó cũng hay hết đâu nha! Cái hỏng hay là: Tây cũng như ta, nịnh dữ lắm! ‘Boss is always right!’ Xếp bao giờ cũng đúng!

Người viết có một ông bạn nhậu rất thân, vốn là Phó thường dân Nam Bộ, tự nhận mình là ‘dân ngu, khu đen’ vì không có bằng Tiến Sĩ, Kiến Trúc Sư gì ráo trọi… nhưng ổng rất lấy làm tự hào về cái tánh khẳng khái của mình nên nói với bà xã rằng: ‘ Anh đi làm không nịnh thằng Tây nào hết!’.  Bà xã nghe xong, phán rằng: ‘Anh làm vậy là chí phải vì nịnh hót chi cho mất công. Mình cu li, thì bét hạng rồi, còn sợ bị ai ‘đì’ nữa? Còn rán trèo lên được chức ‘cai’(supervisor), thêm vài đô một tuần, không đáng ‘nịnh’, để làm mất mặt ‘bầu cua cá cọp Vietnamese!’

dxt_Jan18_4.jpgNói vậy, không có nghĩa là ông bạn của người viết không có nịnh ai bao giờ! Có chớ! Nịnh đầm. Đầm này dứt khoát là không phải là mấy con nhỏ Úc, tóc vàng sợi nhỏ, mỏ đỏ, mắt xanh làm chung sở. Mà ‘đầm’ này là con vợ của ổng, da vàng, mũi tẹt 72 phần dầu.

Mà tại sao phải ‘nịnh’ đầm? Vì đàn ông yêu bằng con mắt; mà đàn bà thì yêu bằng hai cái lỗ tai.

Hơn nữa trong nhà, ‘nó’ lại có quyền lực hơn mình nhiều; dù nó chỉ lo toàn chuyện nhỏ như chuyện tiền bạc, nhà cửa, xe cộ. Còn ổng lại toàn lo chuyện lớn như chuyện Đảo Senkaku.  Chừng nào Trung Nhật ‘quánh’ nhau chẳng hạn?

Ông bạn nói: ‘Chính vì định cư ở Úc nên vật đổi sao dời, tôn ti trật tự gia đình đảo lộn nên những tật xấu như ‘bợp tay, đá đít bà xã’ thì ổng đã bỏ lại quê nhà rồi!’

Hồi xưa ‘chồng chúa vợ tôi’ còn bây giờ đem con vợ ra đằng trước, dời thằng chồng ra đằng sau nên thành ‘vợ chúa chồng tôi’. Mà trong hai người, người này quyền lực hơn người kia thì ‘nịnh’ lại ra đời! Nịnh là biểu hiện của sự bất bình đẳng và sống dai hơn con đỉa đói vì công bằng là không bao giờ có thiệt ở trên cõi đời này?!

Cái mới, ổng học của Tây, là nịnh đầm, hôn tay người vợ hiền nhân ngày ‘hiền mẫu’ chẳng hạn (ngày hiền mẫu chứ không phải ngày tình yêu, Valentine’s Day, vì ổng thường đối đãi với bà xã như đối đãi với mẹ hiền).

Chẳng hạn, đi làm về mệt gần chết, cũng rán bắt chước Tây, hôn tay vợ một cái: ‘Chu choa sao mà bàn tay em ‘thơm’ (chứ không phải hôi!) mùi nước mắm dữ vậy?! Tay em làm anh nhớ quê mình tha thiết. Nhớ cơm tấm bì, chả. Nhớ canh chua cá lóc, nhớ cá lòng tong kho tộ! Xa nhà mà em lại mang theo được quê hương. Lại chịu cực khổ vì chồng, lo lắng cho con thì đáng được anh ‘nịnh’ một ‘cái’ lắm phải không?’

Do đó cứ ‘đàn’ lên đi, thưa quý bạn đọc thân mến!

Nghe ổng khuyên người viết rằng: ‘Nịnh vợ tối đa, nịnh mọi lúc, nịnh mọi nơi, nịnh không mắc cỡ, không cần biết nịnh trúng hay nịnh trật; vì mình chẳng tốn đồng xu cắc bạc nào cả mà còn yên nhà, lợi cửa!

Đừng ‘nịnh’ như kiểu ông Tiến Sĩ, Kiến Trúc Sư gì gì đó… nói trên thì coi hỏng có đặng đâu nha?!’

đoàn xuân thu.

melbourne

 

Như bác Ba Phi!

dxt_jan13_1.jpg

Bác Ba Phi là một nhân vật có thật ở Đầm Dơi, Cà Mau những năm  thế kỷ trước (1884-1964).  Ông có óc hài hước, tài kể chuyện, mà chuyện lại ‘dóc tổ’ một cách tài tình.

Chẳng hạn, có lần đi thăm đồng, theo lời ông kể, ông gặp một con rắn dài chừng hơn trăm thước và bề ngang cũng hơn một trăm thước?! Nghĩa là con rắn nó hình vuông?!

Ai cũng biết là ông ‘dóc tổ’ rồi nhưng bà con nông dân tay lấm chân bùn rất khoái nghe ông kể chuyện ‘trèo lên cây ớt, té lọi chưn!’

Có giai thoại là hồi xưa, Việt Minh đêm về họp dân, kêu ông hiến đất. Ông cứ giơ tay lên: “Tôi xin hiến...Tôi xin hiến…”. Và cuối cùng số đất ông hiến nhiều gấp mấy lần số đất ông đang có!

Hài hước nhưng chua cay! Nó có ‘súng’, nó kêu mình hiến đất, không hiến không được…thôi thì hiến đất của mình, hiến của bà con, hiến của chòm xóm luôn cho tiện bề sổ sách?!  Nè tụi bây lấy hết ‘cha’ nó cho rồi!

Và người viết cứ tưởng khi xa quê, xa Bác Ba Phi rồi thì không còn nghe ai ‘nói dóc’ nữa cho vui rồi chớ! Ngờ đâu tại nước Úc này, người viết còn may mắn gặp lại Bác Ba Phi mà không những Bác Trai mà còn Bác Gái nữa như mấy câu chuyện dưới đây:

1.Một ông Mỹ dự định viết cuốn sách về những ngôi giáo đường nổi tiếng trên thế giới; nên ông mua vé máy bay, bay khắp nước Mỹ từ Nam chí Bắc. 

Ngày đầu tiên, ông đặt chân vào một giáo đường để chụp ảnh, ông để ý thấy có cái điện thoại bằng vàng, mắc trên tường, với lời ghi chú: một cú gọi: giá 10 ngàn đô!

Ông tò mò hỏi Cha Xứ và được trả lời rằng: “Nếu ông trả 10 ngàn đô thì ông có thể gọi trực tiếp đến thiên đường và nói chuyện với Thượng Đế!”

Sau đó, ông chu du khắp các tiểu bang nước Mỹ, từ Cali tới Texas và bất cứ giáo đường nào ông cũng thấy cái điện thoại bằng vàng và cước phí 10 ngàn đô để gọi đến thiên đường!

Cuối cùng, ông bay qua Úc để xem trong các giáo đường của nước Úc có cái điện thoại bằng vàng nào có thể gọi đến thiên đường như nước Mỹ của ông hay không?

Cái nhà thờ đầu tiên ông bước vào cũng có cái điện thoại bằng vàng, mắc trên tường, gọi thẳng đến thiên đường nhưng lạ thay chỉ tốn có 25 xu?!

Rất đổi ngạc nhiên, ông tìm đến Cha Xứ và hỏi: “Thưa Cha! Bên Mỹ, nhà thờ nào cũng có điện thoại gọi thẳng đến thiên đường nhưng phải tốn tới 10 ngàn đô cho một cú gọi; nhưng tại sao ở Úc này lại rẻ quá, chỉ tốn có 25 xu?”

Vị Cha Xứ mỉm cười, trả lời: “Vì đó là một cú gọi địa phương!”

Nghĩa là nước Úc này là thiên đường; nên người Úc ‘vui mừng vui quá vui!’ nên thành ‘dóc tổ’! như chuyện dưới đây:

2.

Một nông dân từ tiểu bang Texas, Hoa Kỳ đến Úc du lịch.

Ông được một nông gia Úc chỉ cho coi những cánh đồng lúa mì bạt ngàn xứ Úc. Ông Mỹ này trề môi nói: “Bên tui, nó còn rộng gấp đôi mấy cái này!”

Ông Úc hơi quê, chỉ một đàn bò sửa đang gặm cỏ.

Ông Mỹ cũng trề môi nói: “Ôi! cái đàn bò bên Texas của tui còn nhiều gấp đôi. Nhiêu đây nhằm nhò gì!”

Ông Úc cụt hứng, hết khoe.

Bỗng có một bầy kangaroos chạy rào rào trước mặt. Ông Mỹ, hồi nhỏ tới lớn, chưa thấy con kangaroo lần nào nên vọt miệng hỏi: “Ồ! Cái con gì vậy?”

Ông nông gia Úc, giả bộ ngạc nhiên, hỏi lại: “Bộ cái xứ Texas của ông hỏng có con cào cào, châu chấu nào hay sao?”

Thiệt là ‘dóc Ba Phi’ hết biết!

3.

Nhưng dóc vậy cũng chưa nhằm nhò gì khi so với Bà Bộ Trưởng Bộ Gia Đình, Jenny Macklin, của Chính Phủ Liên Bang Úc, giờ đang do Đảng Lao Động lãnh đạo.

Vì muốn cắt giảm thâm thủng ngân sách Liên Bang trong vòng 4 năm tới một số tiền là 728 triệu đô Úc, nên bà Bộ Trưởng chuyển trợ cấp cho các các bậc cha mẹ Úc thất nghiệp mà phải nuôi con nhỏ (Parenting Payment) qua trợ cấp tìm việc (Newstart Allowance) chỉ còn có 35 đô một ngày.

Khi trả lời báo chí, trong một cuộc phỏng vấn,  Bà Bộ Trưởng, lãnh lương 6321 đô một tuần,  có thể sống sót với 35 đô một ngày này hay không?

Bà ta nói: “Được chớ!”

Thiệt người viết cũng xá ‘bà Ba Phi Úc’ này ba xá. Vật giá như vầy, 35 đô một ngày, thì làm sao mà sống cho được hỡi trời!?

4.

dxt_Jan13_2.jpgVà chắc vì chán như cơm nếp nát cái cảnh nói dóc của các chánh trị gia xứ Úc cho nên mới đây một con trăn dài 3m ở tiểu bang Queensland, cùng quê với bà Bộ Trưởng, đã từ bỏ thiên đường ‘Down Under’, lên đường bôn tẩu.

Nó bám trên cánh máy bay Qantas QF 191, suốt hai giờ, từ thành phố Cairns  đến Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea.

Nhưng nhiệt độ bên ngoài máy bay là trừ 12 độ C với sức gió 400 cây số giờ. Gió đánh vào cái đuôi còn ló ra ngoài chừng ba tấc, kéo dãn thân nó ra. Con trăn này trở thành một lá cờ đuôi nheo bất đắc dĩ, bay phất phới cho đến khi máy bay đáp xuống phi trường thì tội nghiệp thay! nó đã lặng lẽ từ giã cỏi đời ô trọc sao mà dóc quá tay này rồi!

Kết: Nói dóc cho vui như Bác Ba Phi thì được! Chứ mà nói dóc, có tà ý, có dã tâm, nói lấy được như bà Bộ Trưởng Bộ Gia Đình chánh phủ Liên Bang Úc này thì nói thiệt là ngày người viết ngày còn kẹt lại ở quê nhà,  sau khi miền Nam Việt Nam thất thủ đã nghe đầy cả hai cái lỗ tai này rồi!

Nên xin quý ông, quý bà… chánh trị gia xứ ‘Úc thòi lòi’… Em đã đi làm đóng thuế nuôi quý ông , quý bà… Nên xin quý ông, quý bà niệm tình tha cho ‘Em’ một bàn đi nhá! Xin đừng có ‘Ba Phi’ em nữa! Được không ạ?!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Người lính!

dxt_Dec10_soldier1.jpg

1. Chiến Trường

Vừa nhô đầu lên một chút khỏi giao thông hào, để quan sát địch quân thì  anh binh nhì thấy tim mình như bị ai xiết vào đau nhói.  Trước mắt mình, thằng bạn thân cùng chiến đấu lâu nay, vọt khỏi giao thông hào, thét xung phong, chạy tới…rồi trúng đạn, ngã vật xuống.

Tiếng đạn của địch quân vẫn rít qua đầu. Người lính xin với viên Trung Úy, đại đội trưởng, cho anh bò lên kéo xác bạn mình.

‘Tùy mầy! Nhưng tao nghĩ  không làm được gì đâu! Chắc nó chết rồi! Tụi nó bắn rát quá mà mày bò lên thì nguy hiểm lắm! Chết như chơi!’

Người lính không quan tâm đến lời khuyên của viên Trung Úy.  Anh bò lên khỏi giao thông hào và trườn lên về phía trước. Súng vẫn nổ liên hồi.

Kỳ diệu thay, anh đến được xác bạn, vác vội lên vai, chạy thiệt nhanh trở lại.  Cả hai thân người cùng ngã nhào xuống rãnh.  Tiếng đạn vẫn réo trên đầu!

Viên Trung Úy cúi nhìn, xem xét lại vết thương trí mạng, máu loang cả màu áo trận của người lính vừa ngã xuống, rồi nói với anh binh nhì: ‘Thấy chưa! Tao đã nói rồi: Không đáng liều lĩnh như vậy. Nó chết rồi! Mà mầy cũng sém đi luôn!.’

Người lính trả lời: ‘Đáng liều lĩnh lắm chứ ông Thầy!’

Viên Trung Úy nói: ‘Đáng cái gì? Bề nào thì nó cũng đã chết!’

‘Không! Khi em bò lên, nó vẫn còn đang hấp hối!’

Nó nói với em rằng: ‘Tao biết mầy không bao giờ chịu bỏ tao đâu !’

dxt_Dec10_soldier2.jpg

2. Qui cố hương!

Từ cuộc chiến tranh khốc liệt Việt Nam, cuối cùng thì người lính cũng trở lại được quê nhà.

Từ San Francisco, anh gọi điện về cho ba má mình.

‘Má  ơi! Ba ơi! Con về tới rồi; nhưng con xin ba má một điều: Con có một người bạn đồng ngũ. Con muốn đưa nó về nhà mình với con!’

Ba má anh trả lời: ‘Được! con à!’

Người con tiếp tục: ‘Nhưng con có cái này phải nói cho ba má biết trước. Nó bị thương rất nặng lúc hành quân. Nó dẩm phải một trái mìn. Mìn nổ… cắt mất của nó một chân và một cánh tay rồi!’ Nó quay về nước và không biết sẽ đi đâu mà ở. Con muốn nó về sống với gia đình mình!’

‘Nè con! Ba má rất đau buồn khi biết chuyện này! Nhưng chắc con không hiểu được là yêu cầu của con có quá đáng lắm không?  Chúng ta có cuộc đời của chúng ta quen sống. Bây giờ con mang về một người bạn chiến đấu chịu nhiều thương tật nặng nề như thế là vô tình con mang cả một gánh nặng đặt lên vai cả gia đình mình. Đừng để gánh nặng quá sức đó chen vào cuộc sống của chúng ta! Ba má nghĩ con nên về nhà và quên người bạn đó đi. Tự cậu ấy sẽ tìm cách sống mà! Lo lắng mà chi!’

Nghe tới đây người lính cắt ngang cuộc gọi và gác máy. Gia đình không nghe được thêm tin tức gì của anh nữa.

Vài ngày sau. Cảnh Sát San Francisco gọi cho ba má anh và báo rằng anh đã nhảy lầu tự sát!

Ba má anh hết sức đau buồn, vội vã đáp chuyến bay lên San Fancisco và được Cảnh Sát đưa đến nhà xác bệnh viện thành phố để nhận dạng con mình.

Ba má nhận ra anh ngay và trong nỗi ngạc nhiên đến kinh hoàng hiện lên ánh mắt: Người con yêu quý của họ chỉ còn lại mỗi một chân và mỗi một cánh tay!

đoàn xuân thu.

melbourne

phỏng dịch từ trang web :

Moral Stories dưới đề mục: “Inspirational Stories,

Motivational Stories” | by AcademicTips.org,

tác giả vô danh.

Ngày thứ sáu đẫm máu! tang thương!

.

dxt_dec17_1.JPG dxt_dec17_2.JPG

Sáng thứ sáu, 14 tháng chạp, năm 2012, còn đúng 11 ngày nữa là tới lễ Giáng Sinh. Kinh Hoàng!

Sau khi bắn chết người Mẹ đã mang nặng, đẻ đau ra mình tại nhà, đường Yoganda, thị trấn nhỏ Newtown, chỉ khoảng 27 ngàn cư dân, cách Newyork khoảng 60 dặm phía đông bắc, Adam Lanza, 20 tuổi, lái xe của Mẹ y đến trường Newtown's Sandy Hook Elementary School.

Trường có chừng 700 học sinh, tuổi từ 5 tới 10.  Y mặc áo giáp và mang theo 3 khẩu súng: hai súng ngắn và một khẩu súng trường.

Adam Lanza đã bắn chết cô Hiệu trưởng Dawn Hochsprung và một chuyên gia tâm lý của nhà trường rồi y lầm lì tiến vào hành lang các lớp học.

Cô giáo Kaitlin đang dạy lớp 1, vội vã đóng cửa lớp và bảo học sinh núp trốn trong phòng vệ sịnh và may mắn thay, lớp học đầu tiên này trên con đường cuồng sát của y… còn sống sót!

Cô Kaitlin Roig thuật lại:

"I told them we had to be absolutely quiet, because I was just so afraid if he did come in, then he would hear us and just start shooting the door,"

Tôi bảo các em học trò hãy cực kỳ im lặng vì tôi sợ y ta khi bước ngang qua lớp, nghe tiếng chúng tôi, hắn sẽ bắn vào cửa để xông vào”

Lớp học kế bên không còn cơ hội sống sót như vậy nữa. Hung thủ xông vào và bắn chết tất cả 14 em học sinh và cô Lauren Rousseau, 30 tuổi . 14 em mới vừa 6 hay 7 tuổi, sợ hãi chui rúc vào nhau và tên cuồng sát này nhẩn tâm bắn chết hết tất cả.

dxt_dec17_3.JPGKhi cảnh sát vào được phòng học, nghe tiếng kêu rên, sau khi dời xác các em bị giết chết rồi, họ tìm được một bé trai đang hấp hối, vội chở em đến nhà thương nhưng em đã chết trên đường tới bịnh viện.

Cuộc bắn giết này xãy ra trong phạm vi hai lớp học và chỉ trong vòng vài phút.

Còn những lớp học khác khi nghe tiếng súng nổ, các thầy cô khóa cửa lớp lại và đưa các em trốn vào trong tủ.

Khi cảnh sát đến hiện trường lúc 9:38 thì hung thủ tự sát.

6 người lớn và 18 trẻ em bị giết ngay tại chổ và hai em chết trên đường đi cứu cấp và chỉ duy nhất một người bị thương còn sống sót.

Nước Mỹ, năm rồi, có 9000 người bị giết bằng súng trong khi đó ở Đức là 170 và Canada 150.

Đây là cuộc tấn công bằng súng gây chết người đứng hàng thứ hai sau vụ thảm sát ở trường đại học Virginia Tech năm 2007 làm 32 người mất mạng và nhiều người khác bị thương

Tòa Bạch Ốc và một số tiểu bang trong Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ treo cờ rũ.

Tổng thống Obama không cầm được nước mắt trước thảm kịch này.

‘Lòng tôi trĩu nặng nỗi đau buồn này. Xin chia sẻ cùng với cha mẹ, ông bà, anh, chị em của những em xấu số và gia đình của các cô giáo thiệt mạng trong nỗi tang thương này!’

"Our hearts are broken today, for the parents, grandparents, sisters and brothers of these children, and for the families of the adults who were lost,"

Nhưng ông thị trưởng New York, Michael Bloomberg, đòi hỏi phải hành động ngay tức khắc.

‘Chúng ta nghe quá đủ về những lời hùng biện. Cái cần là hành động ngay từ Tòa Bạch Ốc và Lưỡng Viện Quốc hội đế chấm dứt những vụ giết người kinh khiếp như ở Newtown!’

Nhìn lại những cuộc bắn giết kinh hoàng trong lịch sử Hoa Kỳ, ta thấy:

1984: James Oliver Huberty bắn chết 21 người tại McDonald's ở California

1986: Một nhân viên giết 14 người tại Sở Bưu Điện Oklahoma

1991: George Hennard giết 23 người tại một cafeteria ở Texas

1999: Hai sinh viên trường trung học Columbine giết 13 và làm bị thương 20 người trước khi tự sát

2007: Môt sinh viên bắn chết 32 người và bắn bị thương nhiều người khác tại trường đại học kỹ thuật Virginia.

2009: 13 người bị giết tại  căn cứ quân sự Ford Hood, Texas

2012: James Holmes giết 12 người và làm 58 người bị thương tại rạp chiếu phim Aurora, Colorado.

Những người dân vô tội chết đã nhiều rồi và thảm sát ngày thứ sáu 14/12/2012 là một biển máu trong nhiều biển máu…

Xin hãy tìm cách nào đó ngăn lại bàn tay quỷ dữ để cho các em thơ bỏ mạng ngày thứ sáu tang tóc đẫm máu này còn chút an ủi trên chốn thiên đường là cái chết của các em đã làm thức tỉnh nền văn hóa súng của Hoa Kỳ!

Xin đốt nến cầu nguyện cho các em và các cô giáo, các nhân viên nhà trường Newtown's Sandy Hook Elementary School  đã bỏ mình một cách đau thương và tức tưởi trong mùa Giáng Sinh bi thảm năm nay!

đoàn xuân thu

melbourne.

_________________________________

Tình anh như ngọn hải đăng!

dxt_nov24_1.jpgdxt_nov24_2.jpg

Có người bạn văn, thường tâm sự với người viết về bà vợ rất thích ‘ca trù’, vừa gởi cho người viết hai câu chuyện tình cảm động về một chàng trai có người yêu mù lòa tăm tối và một người chồng có vợ phải sống trong cảnh tối tăm.

Người viết xin lược dịch, để chia sẻ cùng quý độc giả thân mến, nhất là quý ông, cùng một cánh phe ta. Khi yêu, ta hy sinh tất cả cho người mình yêu, coi như thân nầy kể bỏ. Tình anh làm sáng lại đời em!

1.Có cô gái mù, cô căm thù thân phận mù đui của mình. Cô căm thù tất cả mọi người trừ người yêu của cô. Anh ấy luôn ở cạnh bên để giúp đở khi cô cần tới. Cô nói nếu có thể sáng mắt, cô sẽ kết hôn với anh!

Rồi một ngày, có người hiến cho cô đôi mắt và rồi cô nhìn thấy rõ cuộc đời đục trong…và cả người mình yêu dấu!

Người yêu cô nói: Bây giờ em đã sáng mắt rồi!  Em có đồng ý làm vợ anh không?

Người con gái kinh hoàng khi nhận ra anh cũng mù đui, tăm tối như mình thuở trước nên từ chối lời cầu hôn.

Anh rơi nước mắt, rồi bỏ ra đi. Và sau đó, gởi lại cho em một lá thơ:

Em yêu! hãy giữ gìn cẩn thận đôi mắt của anh!

“Just take care of my eyes dear!

2.Còn câu chuyện thứ hai là: Hành khách trên chuyến xe bus cảm thông nhìn người phụ nữ trẻ đẹp, dùng cây gậy màu trắng, cẩn thận lần dò tìm bực cửa xe. Cô trả tiền cho tài xế rồi dùng tay, xúc giác, để xác định hàng ghế, rồi xuyên qua  lối đi, đến được chiếc ghế mà ông tài xế nói với cô là còn trống. Cô ngồi xuống, đặt cái cặp táp lên đùi và để cây gậy dò đường tựa vào chân mình.

Susan, 34, mù đã một năm. Do sự chẩn đoán nhầm lẫn, chữa trị muộn màng, cô mất dần thị lực, rồi mù hoàn toàn, chìm đắm trong bóng tối đêm đen, trong buồn bã, tuyệt vọng và tự ti mặc cảm. Tất cả bây giờ là phải dựa dẫm vào Mark, chồng cô.

Mark là sĩ quan không quân. Anh yêu Susan tha thiết. Khi cô mất thị lực, anh đau đớn nhìn vợ mình chìm sâu trong tuyệt vọng. Anh quyết định giúp vợ mình tìm lại sức mạnh và lòng tự tin để có thể sống đời tự lập.

Cuối cùng, sau bao ngày đau khổ, Susan cũng muốn quay trở lại làm việc để khuây khỏa tìm quên! Nhưng làm sao để đi đến được sở làm?

Hồi xưa cô thường đi xe bus. Nhưng bây giờ, một mình ra thành phố khi mù lòa như thế nầy quả là một chuyện làm cô cảm thấy kinh hoàng khi nghĩ tới!

‘Em mù!’ cô trả lời một cách cay đắng. ‘Làm sao em biết được em sẽ đi đâu? Em có cảm giác là anh đã bỏ rơi em!’ !

Mark nghe những lời này mà cõi lòng tan nát nhưng anh biết mình sẽ phải làm gì! Anh hứa với Susan rằng mỗi sáng và mỗi chiều anh sẽ cùng đi xe bus với em cho đến khi em tự đi được một mình mà không cần anh giúp.

Và những gì xảy ra đúng như vậy. Suốt hai tuần liền, Mark trong bộ quân phục, đưa Susan đi làm và đón cô về mỗi ngày. Anh dạy cô dựa vào những giác quan khác, nhất là thính giác, để xem coi mình đang ở chổ nào; để quen thuộc với môi trường xung quanh. Anh giúp cô ấy kết bạn với những viên tài xế xe bus, người có thể thay anh, coi chừng cô và dành sẳn cho cô một chổ để ngồi.

Sau hai tuần làm quen, cuối cùng Susan quyết định là mình có thể đi xe bus một mình. Sáng thứ hai, trước khi rời nhà, Susan choàng tay ôm Mark, người bạn đồng hành trên xe bus với mình bấy lâu, người chồng, người bạn đời yêu dấu của cô! Nỗi hàm ơn làm Susan rơi nước mắt vì sự chung thủy, kiên nhẫn và tình yêu của Mark dành cho mình. Cô từ giã và lần đầu tiên họ đi làm theo hai ngã khác nhau. Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm… ngày qua ngày… Susan tự đi được một mình và cảm thấy sung sướng khi mình lại trở nên tự lập.

Vào sáng thứ sáu, Susan đón xe bus như thường lệ và khi cô trả tiền vé để xuống xe người tài xế nói:  ‘Chàng trai đó! Tôi thật lòng khâm phục ông ấy biết bao!’

Susan không rõ là người tài xế nói chuyện với mình hay đang nói với người nào khác.

Nói cho cùng, ai lại khâm phục một người phụ nữ khiếm thị như mình đang tìm cách sống lại như những ngày trước khi rơi vào tăm tối?

Tò mò, cô hỏi người tài xế: ‘Tại sao ông lại nói ông khâm phục tôi?’

Người tài xế trả lời: ‘Thật là hạnh phúc cho cô khi có người hết lòng lo lắng và bảo vệ cho cô!’

Susan không hiểu người tài xế nói gì, bèn hỏi lại: ‘Ông nói vậy, có nghĩa là sao?’

Người tài xế trả lời:  ‘Mỗi sáng, suốt mấy tuần qua, có chàng thanh niên mặc quân phục, đứng ở góc đường, dõi mắt trông theo khi cô vừa bước xuống xe bus. Anh chờ, để đoan chắc là cô băng qua lộ an toàn.  Anh chờ,  cho đến khi cô bước lên bực thềm công sở, Anh gởi cho cô cái hôn, vẫy tay chào, rồi mới bước  đi. Cô thật là một người may mắn!’

Nước mắt vì sung sướng ràn rụa chảy trên má Susan. Dù không thể trông thấy chồng mình nhưng cô luôn luôn cảm thấy sự hiện diện của anh. Cô vô cùng may mắn vì anh đã cho cô một món quà còn quý hơn là thị lực. Món quà tình yêu đó sáng như là một ngọn hải đăng trong đêm tối bất kể đôi mắt cô nay đã mù rồi!

Chuyện tình đẹp như mơ đó làm người viết nhớ tới tiếng hát Whitney Houston And so you'll go, and yet you know. That I'll think of you each step of my way. And I will always love you! I will always love you!

Khi em đi và em biết rằng anh dõi theo từng bước chân em! Anh mãi mãi yêu em! Anh mãi mãi yêu em!

dxt_nov24_3.jpgdxt_nov24_4.jpg

3.Tây yêu em, hy sinh cao cả như vậy thì Việt mình cũng chẳng có thua gì!

Trong đêm thi chung kết ngày 10 tháng 9 năm 2012, với ba món ăn: Salad cua papaya Thái, cơm tấm sườn ốp-la Việt Nam và kem dừa chanh, Cô gái khiếm thị gốc Việt đoạt giải Vua đầu bếp Mỹ  Chistine Hà,  gốc Việt, 32 tuổi, đến từ Houston, Texas là thí sinh khiếm thị đầu tiên trong lịch sử giành chiến thắng vinh quang trong cuộc thi MasterChef ở Mỹ.

Bắt đầu từ năm 1999, Christine  bắt đầu mắc căn bệnh viêm thần kinh thị giác (neuromyelitis optica: một chứng bệnh xảy ra tại hệ thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng lên thị lực và tủy sống). Từ sau khi mắc bệnh, thị lực một bên mắt c giảm dần, cho đến năm 2007,  Christine hầu như không thấy được gì nữa.

Vinh quang cộng với sự giàu sang sẽ đến: với tiền thưởng, tiền hợp đồng viết sách, Christine Ha sẽ thành triệu phú đô la. Thật đáng khâm phục!

Tuy nhiên người còn đáng khâm phục hơn nữa là người bạn đời của Christine. Anh dõi theo từng bước em đi. Anh là ngọn đèn biển của đời em!

Người viết tin rằng Christine cũng tin như vậy. Nhìn anh đẩy tiếp chiếc xe, bên cạnh người vợ, phải dùng gậy để dò đường, ra dự cuộc thi được truyền hình cho hàng triệu khán giã trên nước Mỹ và toàn thế giới xem, không ai mà không cảm động đến rơi nước mắt! Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa thật lớn biết bao!

4.Để kết bài tạp ghi này người viết có đôi lời với: ‘Tình em sáng mãi đời anh!?’

Vợ yêu! Dù yêu em, lấy em, anh đã trở thành ‘mù’… ‘quáng’.

Nhưng cám ơn ‘má bầy trẻ!’  Em là ngọn hải đăng, đèn biển của đời anh. Anh không kể khổ gì hết, vì vốn thân phận, đời anh là như vậy rồi. Chứ anh không như ‘thằng’ bạn văn của anh nói trên đầu bài là nó cứ than phiền: có con vợ mà nó cứ ‘ca trù’ hoài?! Chắc có lẽ tại ‘y ta’ chưa tìm được ngọn đèn biển đích thực của đời mình như anh đã tìm thấy em trong cuộc đời tăm tối này!  Hỡi má…thằng ‘cu’!

Trong tình yêu, phe cánh chúng ta thiệt đáng phục biết bao?

đoàn xuân thu

melbourne.

 Mùa đông Quý Châu lạnh quá! Ngoại ơi!               

dxt_nov21_1.jpgdxt_nov21_2.jpg

 

Hàng năm khi những ngón tay giá lạnh của mùa đông về, chạm lại vào thân thể những người vô gia cư, rét buốt! Những mảnh đời càng bất hạnh hơn trong nỗi cơ hàn. Cơ là đói. Hàn là lạnh, rét. Cơ hàn là đói lạnh. Khi bao tử rổng không, thì cái lạnh càng thêm khắc nghiệt!

Mùa đông năm nay có thể đến rất sớm ở Quý Châu, Trung Quốc, khi người viết đọc cái tin chua xót: 5 trẻ em vô gia cư Trung Quốc chết ngạt trong thùng rác đặt trên đường phố, làm gợi nhớ đến truyện ngắn xuất bản lần đầu năm 1845, Cô bé bán diêm (The Little Match Girl) của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen.

Câu chuyện về niềm hy vọng và ước mơ đã chết của em bé bán diêm trong đêm Thiên Chúa sắp chào đời!:

Que thứ nhất bật lên, hơ tay trên ngọn lửa ấm áp sáng bừng như cây nến nhỏ, em tưởng mình đang ngồi trước chiếc lò sưởi sắt to với chân đế và tháp trang trí bằng đồng. Lửa vụt tắt, lò sưởi biến mất, chỉ còn lại trong tay em là nửa que diêm cháy dở.

Cô bé bật que diêm thứ hai, bức tường trước mặt bỗng trở nên trong suốt, bé nhìn thấy trong nhà là một bàn ăn phủ khăn trắng như tuyết với con ngỗng quay nhồi táo và mận khô đang bốc hơi nghi ngút. Và lạ kỳ chưa! con ngỗng bỗng từ trên đĩa nhảy xuống, lạch bạch tiến về phía em với dĩa và dao cắm ở ngực. Bỗng que diêm phụt tắt, chẳng còn gì ngoài bức tường dày tối tăm, ẩm ướt và lạnh lẽo ngay trước mặt.

Bé bật một que diêm nữa, và thấy mình đang ngồi dưới cây thông Noel trang hoàng dây nến và tranh rực rỡ. Với tay về phía cây thông, que diêm tắt lịm, em thấy ánh nến bay lên cao, cao mãi trông như những vì sao. Rồi một vì sao rơi xuống, "Ai đó đang từ giã cõi đời.", em bé nghĩ vì nhớ đến lời bà, người duy nhất yêu quý mình trên cõi đời này.

Cô bé bật que diêm thứ tư, ánh sáng bỗng bao trùm, giữa vầng sáng, bà đang đứng đó, mỉm cười hiền hậu và âu yếm. "Bà ơi!", em khóc nấc lên, "Bà mang cháu đi cùng nhé! Cháu biết bà sẽ rời bỏ cháu khi que diêm cháy hết, bà sẽ biến mất như chiếc lò sưởi ấm áp kia, như chú ngỗng quay và cây thông rực rỡ".

Em vội vàng cho cả gói diêm vào ngọn lửa, ánh sáng bừng lên còn hơn cả vầng dương và bà trông như chưa đẹp lão, cao lớn đến thế bao giờ. Bà ôm em trong vòng tay rồi cả hai cùng bay lên, trong ánh sáng và niềm hân hoan, xa dần mãi mặt đất, đến với Chúa, đến nơi không còn đói khát và nỗi khổ đau.

Rạng sáng hôm sau, người ta thấy cô bé đáng thương đang ngồi tựa vào tường, má ửng hồng, nụ cười nở trên môi. Em đã chết cóng, tay vẫn nắm chặt những que diêm, một nhúm đã cháy tàn…

dxt_nov21_3.jpgdxt_nov21_4.jpg

 

Hơn 150 năm sau, câu chuyện thương tâm ở xứ  Đan Mạch xa xôi đã trở thành một sự kiện bi thảm ở Trung Quốc. Sáng thứ sáu, ngày 16, tháng 11, thành phố Bijie, tây nam tỉnh Quý Châu, nhiệt độ xuống tới 6 độ C, một người nhặt rác tình cờ phát hiện thi thể của 5 em nhỏ chết ngạt, vì thán khí, bên cạnh một đống than đang cháy dở trong thùng rác.

Các em đã chui vào cái thùng rác ngang 1.3m, dài 1.6m, trốn cái lạnh cắt da bằng cách đốt than lên để sưởi. Các em đóng cửa thùng rác lại, để tránh cơn gió Đông và các em đã đóng lại cuộc đời mình vĩnh viễn khi tuổi mới lên mười…

Cái chết bi thảm của 5 đứa trẻ làm bùng lên nỗi niềm căm giận từ dư luận; nên  chính quyền tỉnh Quý Châu trước sự phẫn nộ của nhân dân đã ‘chỉ’ lung tung.

Một chính quyền của Bí thơ tỉnh ủy ‘Đổ Thừa!’. Tám quan chức ‘cắc ké, cò con’ bị sa thải hoặc đình chỉ chức vụ tối 19/11. Phải có ‘thằng’ nào chịu tội chớ với điều kiện không phải là ‘tao’. Vậy thôi!

Còn chính quyền Trung Ương của Ôn Thừa Tướng sao không thấy động tĩnh gì hết, chỉ im re?!

Mấy lần trước, khi đất nước Trung Quốc gặp thiên tai như động đất hay lũ lụt thì  Ôn Thừa Tướng đều vội vã đi thăm nhưng không quên lận lưng theo chai dầu ‘Nhị Thiên Đường’ để nếu cần, thì xức vào mắt, mà khóc thương cho những cảnh đời bi thảm của quần chúng ‘nhân dân’ đang ‘nhăn răng’ ra vì đói khổ.

Ôn Thừa Tướng đã chia sẻ bữa cơm đạm bạc với những kẻ khốn cùng nên truyền thông Trung Quốc ‘đè’ Thừa Tướng ra, mà gắn cho cái tiếng thân thương ‘Ông Ngoại Ôn’ (Grandpa Wen)

  dxt_nov21_5.jpgdxt_nov21_6.jpg

Vậy mà mới đây cái ‘thằng’ nhà báo phản động ‘Thời Báo Nữu Ước’ (The New York Times) dám chạy tin rằng: tài sản chìm nổi của gia đình Ôn Thủ Tướng không thể nào đếm nổi. Vì mỏi miệng lắm, xéo quai hàm, mà chưa chắc đã đếm xong?!

Ôn Thừa Tướng tục danh là Ôn Gia Bảo, bảo vật của gia đình nên Ông Ngoại lên ngôi Thừa Tướng năm 2003 cho tới nay mà Gia Bảo của Ôn Thừa Tướng đã lên tới 2.7 tỉ đô la.  Và tháng 11 năm 2012 là Ngoại xuống rồi, nếu không, chắc Gia Bảo còn nhiều…nhiều tỉ nữa. 

Chắc tay Bạc Hy Lai, vì mất chức Bí Thơ Trùng Khánh, nên thù Ngoại, chơi xỏ bằng cách ‘xì’ thông tin tối mật này cho bọn phản động nước ngoài  nhằm ‘bôi tro, trét trấu’ lên mặt Ngoại.

Nó nói rằng: má Ngoại tức bà “Cố’, 93 tuổi rồi, mà còn đầu tư vào công ty Bảo Hiểm Ping An 120 triệu đô Mỹ.

Còn phu nhân của  ‘Ngoại’, tức Bà Ngoại, lợi dụng uy quyền của chồng mình để nhận hoa hồng ‘khủng’ trong việc mua bán kim cương.

Còn con trai của Ngoại, gọi là ‘Cậu’, là Xếp của công ty Unihub. Con gái của ‘Ngoại’, gọi là ‘Dì’, thì có cổ phần trong công ty vàng bạc đá quý Gallop.

Ôn Thừa Tướng đòi thưa ‘thằng’ báo New York Times, của con cọp giấy Mỹ, ra tòa về tội đặt điều, bêu xấu lãnh đạo!

Và có lẽ Ngoại bận ‘thưa’ mấy thằng phản động ‘Bạch Quỷ’ ra ba tòa quan lớn cho nó biết thân vì đặt điều láo khoét,  nên ‘Ngoại’ quên bẳng đi lời kêu than thống thiết, không những của 5 em nhỏ chết thảm ở Quý Châu mà còn cả chừng 1.5 triệu  em bé Trung Quốc đang lang thang trên nẻo đời cơ nhở khi mùa đông đã tới sát bên khung cửa.

Mùa đông Quý Châu, Mùa đông Trung Quốc năm nay lạnh quá! Ngoại ơi!

đoàn xuân thu.

melbourne

______________________________________________

Thương tiền bá tánh!!!

dxt_nov18_cauTheHuc.jpgdxt_nov18_chutieu.jpg

Đạo Phật xuất hiện ở nước ta gần hai nghìn năm trước. Người sáng lập ra đạo Phật là Thái Tử Tất-đạt-đa (Sidharta) ở Ấn Độ.  Ngài là Thích Ca Mầu Ni (Sakia Muni), tức là Phật Tổ.

Người Việt Nam ta, phần đông theo đạo Phật, thường hay đến chốn chùa chiền cúng lễ và thờ Phật ngay trong nhà mình.  Ở các chùa nổi tiếng, những ngày mồng một, ngày rằm, ngày tết, ngày lễ, Phật Tử đến lễ rất đông,

Tư tưởng của đạo Phật rất rộng, rất sâu.

Phàm là con người, chớ có những ham muốn thấp hèn, đừng làm điều xấu, điều ác, nghĩa là phải từ bi bác ái với nhau. Có như thế, mới thoát khổ, không bị nghiệp báo.  Triết lý đạo Phật dạy mọi người sống có đức, có nhân và hợp lòng, hợp sức với nhau làm cho xã hội trở nên tốt đẹp. ‘Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa’

Phật tại tâm - là triết lý có ý nghĩa rất cao đẹp và sâu xa- Phật chính ở cái tâm, ở lòng lương thiện của mỗi người, từ ngay trong gia đình của mình đến các mối quan hệ xã hội.

Từ tư tưởng, triết lýđó, Phật cũng dạy Phật Tử: Tam Quy, Ngủ Giới:

Tam Quy : Tam là 3 , quy là nương tựa.

1/ Quy y Phật : nương tựa vào Phật, người đã sáng tạo ra đạo Phật .
2/ Quy y
Pháp : nương tựa vào các điều dạy của P
hật .
3/ Quy y
Tăng : nương tựa vào các Tăng Sĩ của Pht Giáo để học
đạo .
Ngủ là 5 , giới là điều răn cấm . Năm điều
giới cấm
đó là :
1/ Không
sát sinh
.
2/ Không
 trộm cắp
.
3/ Không tà dâm
.

4/ Không  nói dối.

5/ Không  uống rượu.

Những  giới cấm căn bản đó từ xưa cho tới bây giờ đã giúp rất nhiều trong việc gìn giữ kỷ cương, giềng mối của xã hội được bền vững trước mọi biến động của cuộc đời.

 trong văn hóa, văn chương Việt Nam hình ảnh ngôi chùa ở một làng quê nào đó và tiếng chuông chùa ngân nga mỗi buổi chiều tà là âm thanh, hình ảnh thanh bình của quê hương, luôn thao thức trong lòng những người con xa quê, xa xứ…

Nhà thơ Xuân Tâm khi mất mẹ, đã than thở rằng:… ‘Hoàng hôn phủ trên mộ. Chuông chùa nhẹ rơi rơi. Tôi thấy tôi mất mẹ. Mất cả một bầu trời!’

Lời thơ làm người viết nhớ lại ngày xưa cùng thân mẫu viếng chùa Tam Bảo ở Rạch Giá, Kiên Giang thời thơ ấu. Hình ảnh đẹp về mẹ hiền, về ngôi chùa ở một làng quê, những sư cụ, bà vãi, sư thầy, chú tiểu đầu ba vá miếng vùa, là những hình ảnh đẹp, khó phai mờ trong tâm trí, nhứt là của những kẻ tha hương.

Thế nên khi đọc những câu chuyện có tính cách xỏ xiên, bêu xấu tăng sĩ là người viết có cảm giác như là họ xúc phạm tới chính tới bản thân mình.

Như chuyện Lỗ Trí Tâm trong Thủy Hử của Thi Nại Am trong văn học cổ điển Trung Quốc. Người viết xin chép lại một đoạn:

Lỗ Trí Thâm tên thật là Lỗ Đạt, vốn làm chức Đề hạt ở Đông Kinh, là người lực lưỡng, mặt tròn tai lớn, mũi thẳng mồm vuông, hai bên mép có một hàng râu xoăn xoăn, mình cao tám thước Tàu. Vì giết Trấn Quan Tây Trịnh Đồ nên bị truy nã, phải xuống tóc đi tu trên núi Ngũ Đài Sơn, làm môn đệ của trưởng lão Trí Chân.  Sư cụ đặt pháp danh Lỗ Đạt là Trí Thâm và dạy bảo Tam Quy, Ngủ Giới.
dxt_nov18_lotriTham.jpgNhưng Lỗ Trí Thâm là nhà sư ‘casual’, nhà sư thời vụ, vì trốn sai nha, kẹt quá phải làm ‘sư’, cũng như trong câu ca dao của ông cha mình thời khẩn hoang miền Nam: Đến đây gặp vịt cũng lùa. Gặp gái cũng chọc, gặp chùa cũng tu! Nên khi thèm rượu, quên hết lời sư phụ, Lỗ Trí Thâm ‘bò’ xuống Hạnh Hoa Thôn kiếm nhậu:
- Tôi muốn mua rượu uống chơi, xin chủ nhân bán cho tôi một ít. Chủ hàng đem rượu đến, Trí Thâm uống luôn mấy mươi be, rồi ngửi thấy mùi thịt thơm xông đặc lên mũi liền đứng dậy chạy vào sân trong thấy bên cạnh tường có nồi thịt chó đương nấu bèn bảo với chủ hàng rằng: Trong nhà có thịt chó sao bác không bán cho tôi ?

Thưa ngài! Tôi sợ những người ‘xuất gia’ không xơi được thịt chó, cho nên không dám hỏi.Tiền đây hãy bán cho tôi nửa quầy. Chủ hàng lấy nửa quầy thịt chó mang ra để trước mặt bàn. Trí Thâm trông thấy cả mừng giơ tay cầm lấy đùi chó vừa xé vừa ăn, lại vừa uống hết mươi be rượu nữa. Bấy giờ còn thừa lại nửa quầy thịt nữa, Trí Thâm lại đút túi để mang về.

Về chùa, xỉn, Lỗ Trí Thâm quậy tưng bừng. (Hết trích)

Ai đọc Thủy Hử của Thi Nại Am cũng ‘Thầy chạy! chạy Thầy!’ Lỗ Trí Thâm. Sư mà ăn thịt chó và nhậu bét nhè, bí tỉ!!!

Tưởng cái chuyện như vậy chỉ là hư cấu trong tác phẩm, văn học cổ điển Trung Quốc, đọc chơi rồi bỏ! Nào ngờ cuối tháng 4 năm 2012, tại thủ đô Hán Thành của nước Đại Hàn, 6 nhà sư cấp cao tụ tập trong khách sạn, nhậu nhẹt, hút thuốc, đánh bạc ăn tiền suốt 13 tiếng đồng hồ mà số tiền bài bạc lên đến 1 tỉ won tiền Đại Hàn tương đương với 875,300 đô Mỹ. Giáo hội này có hơn 10 triệu tín đồ, chiếm 1 phần 5 dân số Đại Hàn. Tín đồ nổi giận. Họ nói: "Basically, Buddhist rules say don't steal. Look at what they did, they abused money from Buddhists for gambling," Căn bản,  Phật Giáo cấm không cho ăn cắp. Nhưng nhìn những gì mấy sư thầy làm, họ lạm dụng tiền bạc của Phật Tử cúng dường Tam Bảo để đánh bài, đánh bạc!”

Thiệt là: ‘Thầy chạy! chạy Thầy!’

Còn chuyện này không biết nên cười hay mếu vừa mới xảy ra tại Việt nam còn nóng hổi , làm biết bao nhiêu Phật Tử buồn lòng: một nhà sư lên sân khấu ‘hôn môi’ với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.

dxt_nov18_DVHsu.jpgMột màn kịch ‘sơn đông mãi võ’ trong buổi đấu giá, bên nầy mua, bên kia mua chăng ? Rất có thể! Nhưng dù là kịch, dù là sơn đông mãi võ đi chăng nữa, ai cũng ‘kinh’ trước sự ‘chịu chơi quá cỡ thợ mộc của hai sư thầy’, một ở Long Thành, một ở tận Hồng Ngự, Sa Đéc, một Nam Tông, một Bắc Tông.

Hai sư dùng tiền cúng dường của Phật Tử (cúng dường lo cho Tam Bảo) mua chai rượu đấu giá với 55 triệu đồng trong khi giá thực chỉ có 4 triệu đồng và được ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng  khuyến mãi một ‘nụ hôn môi’ trước mặt bàng quan thiên hạ.

Việt Nam đã từng là một quốc gia mà đạo Phật hưng thịnh cách đây nhiều thế kỷ, từ thời Lý- Trần cho đến ngày hôm nay, đạo Phật vẫn giữ được vị trí trang trọng trong lòng người, cho dù không xuất gia hành đạo, người viết vẫn thành kính mỗi khi nhắc tới Đức Phật, Phật Pháp và Tăng Ni.

Bởi thế người viết chỉ biết thở dài, đúng là thời mạt pháp, khi thấy sư thầy được ca sĩ nổi tiếng quậy, ‘vít cổ hôn môi’?!

Nhưng còn buồn hơn thế, là hai ông sư này ‘cứ ngỡ đùa vui trong chốc lát. Nào ngờ đâu đùa mãi đến điêu linh’, nên vô tình giết chết đi hình ảnh đẹp trong lòng người viết, đang tha hương, về tiếng chuông chùa ngân nga thời thơ ấu.

Nhưng người viết cũng không dám ‘cự nự’ gì, vì sợ hai sư thầy nầy hành xử giống như sư thầy trong truyện vui dưới đây:

Có một thằng bé chạy vào chùa nghịch ngợm.Thế là nó bị các nhà sư đánh cho một trận . Nó chạy về nhà khóc và gọi bố nó đến. Bố nó gặp nhà sư và nói:
-Tại sao ông chửi con tôi ?
-Thiện tai! thiện tai! Bần tăng chưa chửi ai bao giờ , nhà sư nói:
-Thế tại sao ông đánh con tôi?
-Thiện tai! thiện tai!  Bần tăng chưa đánh ai bao giờ!
-Cái ông này, đã đánh con tôi tại sao lại không nhận . Có giỏi thì đánh tôi đây này!
-Thiện tai! thiện tai! Bần tăng chưa ‘ngán’ ai bao giờ ...!!!

Và chắc bần tăng chưa ‘ngán’ ai bao giờ… nên mới thản nhiên làm trò ‘khỉ’ trước mặt bàng quan thiên hạ, ‘vít cổ hôn môi’ như vậy chớ?! Thiệt là: ‘Thương tiền bá tánh!!!’

đoàn xuân thu.

melbourne.

Ông nói thiệt hay giỡn chơi, 

thưa Tổng Thống?

dxt_Oct29_1.jpg dxt_Oct29_2.jpg

 

Xế trưa ngày thứ sáu 19 tháng 10, 2012, một thanh niên gốc Việt vừa treo cổ, tự tử chết tại một công viên thuộc thành phố Milpitas, California, Hoa Kỳ.

Henry Lê, 21 tuổi, học giỏi, tốt nghiệp trung học, nhưng xin việc ở đâu cũng không có.  Đôi khi có người nhờ vài việc lặt vặt, cho ít tiền, là cháu đi ngay

Bà ngoại kể: “Chiều qua, cháu ngồi bóp chân cho bà suốt buổi, rồi hỏi nhà có gì ăn không, thì bà nói nhà đâu có gì ăn, và bà chỉ có 2 mỹ kim trong túi mà thôi. Cháu lấy 2 mỹ kim đi mua gà về nấu cho bà và các em ăn, và đâu có ngờ là bây giờ cháu đã thắt cổ, tự tử chết…Từ nay! ai sẽ bóp chân cho tôi nữa đây…rồi bà khóc…

Người mẹ Phương Lê, than rằng: cháu đi như thế thì không biết lấy gì lo cho cháu: “Tôi thậm chí không có nổi 25 xu. Cả nhà ăn welfare, và chỉ còn 100 mỹ kim phiếu thực phẩm mà thôi.”
Từ Melbourne,  Úc Châu, đọc cái tin đó, trên tờ Cali Today ở Mỹ, buồn quá, người viết tìm đường ra biển, ngồi trên dốc, đời đi xuống, nhìn buổi chiều chầm chậm rớt, lại nhớ ông Cao Tần:  Này biển chiều sóng xô ào lớp lớp. Những tiếng đời tan nát khóc thương nhau!

Đời người lặn hụp trước đói nghèo, tuyệt vọng, ngoi lên để thở, trước những đợt sóng xô. Những đợt sóng xô do những con người đầy tham vọng quyền lực - một lũ điên- chồm lên nhau, rượt đuổi, giành giựt, ăn cho nhiều, ăn cho ngập mặt. Cuối cùng thì cũng va vào thành đá dựng, vỡ tan thành bọt nước.

Vậy mà tụi nó cứ tiếp tục giành, giành và không từ một thủ đoạn dơ bẩn nào từ thuở khai thiên lập địa cho mãi tận tới bây giờ?!

Ông Cao Tần cũng than rằng: ‘Ông học được Mỹ đất trời bát ngát. Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm!’

Tiền chôn cất Henry Lê sẽ tốn khoảng 10 ngàn đô; nhưng tình người Việt Nam bên ấy, không nhỏ hơn que tăm như ông Cao Tần than, cách đây gần 30 năm về trước; mà lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách nát. Cuộc lạc quyên do báo Cali Today bắt đầu và chỉ trong vòng hai ngày đã  được hơn 17 ngàn đô để lo cho cháu Henry Lê đi và lo cho bà ngoại và mẹ, cùng anh em cháu đang vật lộn với nền kinh tế tiếp tục suy trầm ở Mỹ.

Trong khi đó thì ông Tổng Thống Barack Obama, trong một lần giểu dở, ông xin dân chúng Hoa Kỳ trả lương cho bà vợ của ông, Michelle Obama. Vì, theo ông, làm đệ nhứt phu nhân nước Mỹ là cực lắm.

‘Job’ của Michelle là ‘tough job’! Cực thiệt! Mà bà lại không được hưởng lương.

Nhưng lương mà nhằm nhè gì! Bổng mới là quan trọng chớ!

Cái bổng đó là: Nhà ở không trả tiền, không bill điện, nước, ga, điện thoại gì ráo. Bà chỉ có hơn hai mươi người tôi tớ thôi: từ đầu bếp, dọn phòng, tài xế  thay phiên nhau làm việc 24 tiếng một ngày. Và dân Mỹ è cổ ra mà trả hơn 1.5 triệu đô Mỹ một năm cho họ .

Còn tiền ăn diện, dù không ‘fashion’, nghĩa là thời trang ‘chớp nháy’ như Jackie Kennedy, chỉ chiếc áo choàng của Michelle Obama, giá đã hơn 6,800 đô, hơn xa tiền một gia đình người Mỹ trung bình kiếm trong một tháng là 4,284 đô.

Còn tiền đi chơi thì thôi khỏi nói, theo tờ The Washington Times, tháng 8 năm 2010, đi Costa del Sol, Tây Ban Nha, tốn gần 0.5 triệu đô. Tháng 12 năm 2011, Michell Obama đi Hawaii chơi với bạn bè tốn dân đóng thuế Mỹ…xỉu xỉu  có 1.5 triệu đô!

Người ta nói: nước chảy ào ào không hao bằng lổ mội! Mà lổ mội của bà tổng thống ‘bành ky nái’ như vậy, mà ông Tổng Thống còn xin dân Mỹ trả lương cho vợ ông nữa. Ông nói thiệt hay giởn chơi, thưa Tổng Thống?

Xót thương Henry Lê, cháu còn trẻ quá, 21 tuổi, lại nhớ Cao Tần: Này biển chiều sóng xô ào lớp lớp . Những tiếng đời tan nát khóc thương nhau!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Câu chuyện bí, bầu!

dxt_oct20_1.jpg dxt_Oct20_2.jpg

 

Hồi mới đặt chân lên nước Úc, mặc dù được chính phủ cấp ngay tiền, gọi là trợ cấp an sinh xã hội để sống, người viết vốn biết phận mình, tha hương cầu thực, ráng tìm việc; vì vốn nghĩ mình đâu phải ‘tía’ nó đâu mà nó nuôi hoài!

Trời không phụ người ‘ngay’; nên sau sáu tháng chạy vòng vòng, người viết đã tìm được một việc, làm chung với mấy thằng Úc. Thôi thì ráng cày để trả nợ áo cơm, để nuôi con khôn lớn nên người đàng hoàng. Nhưng khổ nỗi cái tiếng Úc này, nhất là tiếng Úc bình dân, nghe mà hiểu được chết liền, dù người viết có cơ may đã học hết mấy quyển ‘English for today!’ Quần tới, quần lui nát nhừ như cháo. Vậy mà cũng không hiểu tụi nó nói cái giống gì? Thí dụ như mình gặp Úc thì chào hỏi: ‘Good morning! How are you?’ Trả lời là: ‘Very well! thank you! And you?  Úc thì không nói vậy; mà là: “G’day! Mate!  How are you going? Trả lời là: “Good. Yourself ?” Cái gì? tiếng Anh gì mà ‘quái’ vậy ta? Sau mới nghiệm ra rằng: À! cái tiếng Anh mình học trong sách giáo khoa là để nói chuyện với Tổng Thống Mỹ Obama hay Nữ Hoàng Anh Elizabeth… chứ  thực sự nó không có tồn tại trên đường phố Melbourne này. 

Nhưng lâu dần đời mình sẽ quen! Nghe riết rồi hiểu, rồi bắt chước, cho nó hội nhập vào dòng chính mạch tiếng Úc ngọng chớ. Từ từ vượt qua cái cửa ải, trở ngại về ngôn ngữ, thì lại đụng tới cái văn hóa nơi làm việc. Và cu li Á Châu trở thành cái đề tài cho mấy thằng Úc xỏ lá ba que chế nhạo. Sau này kinh nghiệm nhiều, mới hiểu đó là một trong thiên hình vạn trạng cách bắt nạt, ăn hiếp mình ở chỗ làm việc.

Có lần, một tay Úc làm chung hỏi người viết rằng: ‘Mấy đứa Việt Nam bây khoái ăn ‘baby duck’ lắm hả? Rán hiểu coi ‘baby duck’ là cái giống gì! Thì ra nó nói dân mình khoái ăn ‘hột vịt lộn’. Mình cũng ừ! Thì nó nhăn mặt, chun mũi, ra vẻ ghê tởm lắm. Người viết trả lời ‘chuyện nhỏ như con thỏ!’ Cũng như tụi bây ăn thịt con Kangaroo hay con Emu, vốn là quốc huy, quốc hồn, quốc túy của tụi bây thôi. Phải không?

Mình cứ tưởng nó hỏi chơi vì tò mò, vì muốn tìm hiểu sự khác nhau của hai nền ẩm thực. Nào ngờ lần sau nó lại đố: ‘Ở đâu con chó chạy nhanh nhứt ?’ Chưa kịp trả lời; thì nó trả lời luôn là: ‘Ở Springvale!’ nơi có đông người Việt. Nó cười hô hố, nghe rất là khả ố. Nghe là muốn ‘dọng’ vô mặt nó một cái. Nó nói là người Việt mình khoái ăn thịt chó, ăn thịt người bạn mà nó còn thương hơn cả vợ con, tía má nó nữa, do đó nó ghét; bèn ‘chế’ ra cái chuyện con chó lạc tới Springvale là phải chạy cong đuôi, chạy tuốt. Thiệt là cái thằng ‘đểu cáng’!

Tới đây thì người viết lờ mờ hiểu rằng: mình đã trở thành mục tiêu cho bọn xỏ lá ba que này hiếp đáp rồi. Nên thủng thẳng, bình tỉnh mà trả lời rằng:  ‘Ê! bạn nói với tôi thì tôi bỏ qua cho; nhưng bạn có đi Springvale mà ‘cà khịa’, ‘cà chớn’, ‘cà pháo’ như vậy, tôi e rằng bạn sẽ chạy nhanh hơn con chó đó nữa à nha!

Thấy mình phản ứng quyết liệt với trò đùa quá lố đó, tụi nó ‘ê càng’ không dám xắn tới mà chỉ dám nói xấu sau lưng. Nói xấu mình sau lưng không phải là hảo hán nên kệ tía nó. Đời mà ‘mềm nó nắn, rắn nó buông’! Đi làm việc để kiếm tiền nuôi vợ con chớ đâu phải đi để gây lộn…Thôi xính xái! Chín bỏ làm mười! Cho qua!

Dẫu vậy, trước cái nạn ăn hiếp, hiếp đáp nghiêm trọng hơn là phải cương quyết nói không, cự lại, chớ ‘nhịn là nhục’…đó nha! Dập ngay đóm lửa mới bắt… còn hơn là chữa một trận cháy rừng; ắt hẳn phải tốn nhiều công sức mà chẳng được lợi lộc gì ráo!

Bị Úc ‘ăn hiếp’, cũng tức lắm nên người viết về ‘mét’ vợ. Má thằng ‘cu’ thương chồng nên nói : ‘Thôi để em đi kiếm việc làm, cho anh quay lại trường Đại Học, học lại, rồi ‘định bằng cấp’, thành công nhân cổ trắng, làm việc với những người có học, lịch sự hơn… chắc nó không dám và không muốn ‘ăn hiếp’ anh yêu’. Nói là làm! Vợ hiền xin đi làm cho hãng may của người Việt nhỏ xíu như cái lỗ mũi mà số công nhân chỉ được 8 mống kể luôn cả vợ chồng chủ hãng.  Xui cái là ‘khứa’ chủ hãng này chắc là con cháu Hội Đồng Dư, Tiếng Hò Sông Hậu, nên đối xử với nhân công khắc nghiệt, thiệt là tệ hơn vợ thằng Đậu. Lương thì trả dưới quy định của chính phủ… mà hống hách, chửi thề, nạt nộ nhân công, coi như luật Lao Động Úc như pha. Đi đâu cũng nổ như kho đạn Long Bình khi trúng pháo kích của VC, xưng mình là Giám Đốc hãng may, mà chẳng chứng tỏ chút nào là văn minh, có học. Người viết nóng lòng con vợ… định sửa trị cho nó một trận; nhưng má thằng ‘cu’ can gián:  ‘Thôi anh! dẫu sao cũng là người Việt của mình!’. Thiệt là tấm lòng ‘đại bác!’

Không phải đi làm mới bị hiếp đáp bởi Úc mà ngay khi đến sở An Sinh Xã Hội của chính phủ cũng bị dính ‘chấu’ luôn.

Người viết có đứa em gái mới chân ướt chân ráo qua Úc, chăm sóc cho thân phụ bị ung thư giai đoạn cuối. Có việc, phải ra sở An Sinh Xã Hội (Centrelink), cập nhập thông tin về tiền trợ cấp. Em gái người viết không sắc nước hương trời, thiên kiều bá mị cỡ Thùy Dương mà chỉ bằng một nửa. Dù tiếng Anh kiểu Mỹ em đã học hết 12 lớp của hội Việt Mỹ 55 Mạc đĩnh Chi Sài Gòn; nhưng vì giọng Úc nghe chưa quen nên buổi phỏng vấn có ‘khứa lão’ làm thông dịch. Không biết có phải nhằm gây ấn tượng với người đẹp ‘Bạch Hoa Thôn’ không? mà y hống hách quá trời. Thông dịch thì cứ việc chuyển ngữ qua lại giữa đôi bên; mà y tưởng mình là trùm sò, ‘trùm Năm Cam’ thiên hạ?! Bộ cứ tưởng thông dịch cho Centrelink thì mình có quyền cắt trợ cấp của người ta hay sao chớ? Còn thông dịch cho cảnh sát thì tưởng mình là cảnh sát có quyền bắt ai là bắt, sao tía? Ôi thôi! tiếng than phiền dậy cả đất trời miền Tây Melbourne! Không biết có tới tai ‘y’ không? Để y sám hối, quay đầu về nẻo thiện, bỏ cái tánh ‘ăn hiếp’ đồng bào mình.

Đừng để thông dịch viên trở thành thông dịch ‘vật’ chớ. Phải không?

Nhưng chuyện ông thông dịch ‘vật’ kia mà so với cái chuyện bí bầu này thì cái chuyện em người viết bị ‘ăn hiếp’ là ‘chuyện nhỏ như con thỏ’.  

Suốt hai tuần qua, trên các báo địa phương như The Age, Herald Sun và đài phát thanh sắc tộc SBS, chương trình tiếng Việt và bán tuần báo Việt Luận chạy tin ‘phe ta ăn hiếp phe mình’ qua câu chuyện một đốc công người Việt hiếp đáp công nhân Việt Nam, mà toàn là nữ ở hãng làm thực phẩm ở Brunswick, Melbourne.

Sự bức hiếp này kéo dài cả hàng năm, sáu năm trời. Cuối cùng một trong những nạn nhân bị trầm cãm, tự cắt tay mình, phải đưa vào bệnh viện Miền Tây Footscray cấp cứu và bác sĩ đưa chuyện này qua Sở An Toàn nơi làm việc, WorkSafe, để điều tra cho tới nơi, tới chốn.

Theo báo chí thì do việc sự ‘lơ huyền lờ’ của lão chủ, bà đốc công này thường xuyên la hét, chửi bới nhân công. Bà phớt lờ luật lao động. Tự bà làm ra luật như Quốc Hội Liên Bang: như  muốn nghỉ bịnh, phải báo trước 48 tiếng đồng hồ. Bắt nhân công làm thêm giờ phụ trội mà không cần cho biết trước. Cấm nhân công liên lạc với ông chủ hãng. Gìm lương công nhân đôi khi đến hai tháng. Những ai làm việc theo thời vụ (casual) nếu được vào chính ngạch (full time) thì phải  xuất tiền túi ra, đãi cả hãng ăn trưa và mua quà kính biếu bà xếp ‘nhí’ này!

Ông bà mình nói: là người Việt với nhau, là đồng bào, cùng tha phương cầu thực như nhau, đất lạ quê người, thương nhau không hết, còn ỷ thế, hà hiếp đồng hương coi sao đặng ? Sao không chịu nhớ câu: Bầu ơi thương lấy bí cùng. Tuy cùng khác giống nhưng chung một giàn!

Chuyện hiếp đáp là không ai chịu được rồi. Mình phải chống lại nó chớ! Phải không? Nhưng chống lại bằng cách nào đây? Khi mình làm công, là làm nhỏ, nhỏ như con thỏ. Nhưng nhỏ thì phải có ‘võ’.

Và đây là vài miếng võ người viết học lóm được ở chùa ‘Thiếu Lâm’... xin truyền lại cho anh chị em mình, cùng phận ‘cu li’ với nhau. Hõng thương sao được?!

Mấy miếng võ đó là: khi bị ăn hiếp thì đừng buồn bực. Bình tĩnh, tự tin, không cay cú. Âm thầm chịu đựng trả thù sau. Đừng tự ti mặc cảm. Làm tốt phần việc của mình; đừng cho nó có cơ hội ‘đì’ mình sói trán. Đoàn kết với những công nhân cùng cảnh ngộ; đừng lo đoàn kết là chết chùm. Ghi chép, ghi âm lại bằng chứng, vật chứng, nhân chứng. Tìm kiếm sự giúp đở từ các sở, ban, ngành của chính phủ, của nghiệp đoàn. Mình làm có đóng thuế đàng hoàng thì họ phải có cái bổn phận, giúp đở mình khi đụng ‘trận’. Nói chuyện với tâm lý gia để tránh sự buồn bực làm mình rơi vào tình trạng trầm cãm; chỉ có hại cho bản thân, gia đình mình thôi. Nếu đổ bịnh thì ai nhào vô lo đây? Cho nên phải giữ gìn sức khỏe để học hỏi thêm về cách chống lại cách bức hiếp nơi làm việc mà Tây gọi là ‘anti bullying at work’. Đừng trông mong những kẻ hiếp đáp sẽ buông tha khi mình im lặng, thủ khẩu như bình vì: giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Và cuối cùng đây sẽ là cuộc kháng chiến trường kỳ bạn ơi! Nhưng phần thắng ắt về ta!

Để kết bài viết về câu chuyện bí, bầu này, người viết xin gợi nhớ câu hò này với mấy tay ‘hơi bị bịnh’, khoái ăn hiếp đồng hương rằng:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng.

Mai sau có lúc nấu chung một nồi!”

đoàn xuân thu.

melbourne

Tôi chỉ mới vừa 19 tuổi!

dxt_oct7_1.jpg dxt_Oct7_2.jpg

1.  Có nghững người làm thơ rất ít; nhưng bài thơ lại đứng lâu, rất lâu trong lòng người đọc. Trần Bích Tiên trong giai phẩm xuân 1972, trường nữ trung học Bùi Thị Xuân - Đà Lạt với bài thơ: ‘Nói Với Em Lớp Sáu’ là như thế!

‘Này em lớp sáu này em nhỏ. Em hãy dừng chân một chút lâu. Chị vuốt tóc em rồi chị nhớ .Tóc em thơm ngát mùi hương cau …Hương cau vườn chị xa như tuổi. Ba má chị nằm dưới mộ sâu .Vườn cũ nhà xưa tàn với lửa. Chị đi về hai buổi âm u!’
Tác giả bài thơ chắc cũng chừng 18, 19 tuổi thì thầm với người em lớp 6: ‘Giữ hoài cho chị tuổi hoa niên!’

Nhưng tuổi hoa niên của Trần Bích Tiên và người em lớp 6 đó cũng đã tàn theo binh lửa mất rồi! Cuộc chiến tranh tàn khốc đó, hủy hoại biết bao nhiêu là mộng ước một thời phải nói là đẹp nhất của đời người.

2. Những ngày thanh bình miền Nam xem chừng ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn được vài năm dưới chế độ Đệ Nhứt Cộng Hòa cho đến khi Bắc Quân phát động cuộc chiến tranh, xâm chiếm Miền Nam. Mà một trong những cao điểm tàn khốc của cuộc chiến là Tổng tấn công và Tổng nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tổng tấn công thì có mà tổng nổi dậy thì không.

Dưới dòng nhạc Trịnh Công Sơn, ông hát trên những xác người trong trận đánh 68, Tết Mậu Thân, cố đô Huế: ‘Chiều đi lên đồi cao, hát trên những xác người. Tôi đã thấy, tôi đã thấy:Trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn…Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con…Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá. Chiều đi qua Bãi Dâu, hát trên những xác người .Tôi đã thấy, tôi đã thấy:Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em…’ để những người mẹ, người cha mất con, người vợ mất chồng, người con gái mất anh, mất em, đến nỗi phải phát điên …
‘Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh. Chị vỗ tay hoan hô hòa bình. Người vỗ tay cho thêm thù hận.Người vỗ tay xa dần ăn năn!’

3. Còn người lính, Linh Phương, ngoài mặt trận: ‘Em hỏi anh bao giờ trở lại? Xin trả lời mai mốt anh về. Không bằng chiến trận Plei Me hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giã. Anh trở về hàng cây nghiêng ngả. Anh trở về hòm gỗ cài hoa. Anh trở về bằng chiếc băng ca. Trên trực thăng sơn màu tang trắng. Mai trở về chiều hoang trốn nắng. Poncho buồn liệm kín hồn anh. Mai trở về bờ tóc em xanh. Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt. Mai anh về em sầu thê thiết. Kỷ vật đây viên đạn màu đồng. Cho em làm kỷ niệm sang sông. Đời con gái một lần dang dở. Mai anh về trên đôi nạng gỗ. Bại tướng về làm gã cụt chân.Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân. Bên người yêu tật nguyền chai đá. Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ. Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen. Anh nhìn em – anh sẽ cố quên. Tình nghĩa cũ một lần trăng trối!’…

Có người cho đó là những bài thơ phản chiến. Nhưng ai mà không phản chiến bởi con người sinh ra không phải để đánh nhau. Mà cầm súng là chuyện bắt buộc, chuyện chẳng đặng đừng vì phải đem thịt xương này ra để ngăn lại bạo tàn, chống lại tham vọng của một lũ điên.

4. Cái tham vọng của lũ điên đó cũng đã lôi kéo cả một người lính Úc từ Melbourne thanh bình, lên tàu về chốn lạ, tham gia cuộc chiến trong một thời gian cực kỳ ngắn ngủi, một năm; mà vết thương trong tâm hồn còn dai dẳng cho tới bây giờ:

‘Mẹ, ba, Denny nhìn cuộc diễn binh ở Puckapunyal. Cuộc diễn hành dài của những tân binh.Tiểu đoàn 6 tới phiên và tôi là người trúng tuyển. Tới Canunggra và Shoalwater huấn luyện thêm trước khi đi.
Townsville sắp hàng trên lối khi chúng tôi tiến ra bến cảng.

Chúng tôi trẻ, khỏe, sạch sẽ, tinh tươm in hình trên báo chí!

Đó là tôi, chiếc nón nhà binh, khẩu súng và quân phục màu xanh lá.

Trời ơi! Tôi chỉ mới vừa 19 tuổi! God help me, I was only nineteen.
Từ Vũng Tàu trực thăng vào bụi mù Núi Đất. Đã trèo lên, nhảy xuống trực thăng cả tháng trời. Lấy lều làm nhà, beer VB và hình gái khỏa thân dán trong tủ áo. Xuyên qua rừng bụi, trời hoàng hôn đẫm màu độc chất da cam!

Thưa bác sĩ sao tôi không ngủ được? Đêm đêm về…cánh rừng đen… hòa tiếng M16? Sao những vết mẩn đỏ này cứ đến rồi đi?

Trời ơi! Tôi chỉ mới vừa 19 tuổi! God help me, I was only nineteen.
Hành quân dài bốn tuần và mỗi bước đi có thể chỉ còn lại một chân! Tôi chiến đấu cùng nỗi sợ! Nhưng không bỏ rơi đồng đội trừ phi phải nhắm mắt xuôi tay!

Thôi nhắm mắt lại, rán nghĩ ra điều gì khác!
Có ai đó la lên ‘chạm địch!’ Đồng đội phía sau bật lên tiếng chửi thề! Loay hoay cả giờ… rồi tiếng nổ… long trời lở đất. Frankie đặt chân lên trái mìn ngày nhân loại đặt chân lên tới mặt trăng!

Trời ơi! nó sẽ trở về nhà vào tháng sáu.

Vẫn còn thấy Frankie uống beer khi đi phép 36 tiếng ở Vũng Tàu. Vẫn còn nghe Frankie nằm thét lên vì đau đớn giữa cánh rừng mênh mông nhiệt đới! Cho đến khi thuốc giảm đau phát huy tác dụng và tiếng rên xiết đó chết đi!

Huyền thoại Anzac không nói về bùn, máu và nước mắt. Và những câu chuyện ba tôi kể đường như là không thật. Tôi dính vài miểng vào lưng mà không hề hay biết.

Trời ơi! tôi chỉ mới vừa 19 tuổi. God help me, I was only nineteen.
Thưa bác sĩ sao tôi không ngủ được ? Sao tiếng trực thăng của đài truyền hình số 7 làm chân tôi lạnh? Sao những vết mẩn đỏ này cứ đến rồi đi?

Trời ơi! tôi chỉ mới vừa 19 tuổi! God help me, I was only nineteen.

5.  Cuộc chiến đó đã về tới Sài Gòn! Chiều qua, nhận thư anh viết từ Núi Ba Hô Quảng Trị. Những địa danh xa lạ: Khe Gió, Cam Lộ, Đông Hà, Ái Tử.  Đại đội 1, Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến. Anh đóng trên núi cao mà mùa này gió Lào khắc nghiệt, khô khốc! Phải bò, trườn, xuống thung lũng lấy nước…Nhưng rán học nha em! Anh dặn! Cuộc chiến này rồi cũng có lúc phải tàn chớ. Mình về xây dựng lại! Nhưng anh không về nữa. Thơ anh đến chiều qua. Chiều nay đã có tin báo tử. Lên nghĩa trang Quân đội Biên Hòa nhận xác anh. Chiếc hòm gổ sơn xanh có chữ thượng trên đầu, phủ cờ vàng ba sọc đỏ. Nằm kế anh là Lê Định, chuẩn úy, và hai mươi người lính đại đội 1, tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến trong trận đánh chống Bắc Quân tràn ngập đỉnh Ba Hô.

Buổi chiều 20 tháng 8 năm 1971, nắng vàng cam thoi thóp thở chân mây. Má tựa vào ba từng bước chậm, theo sau là một đàn em lóc nhóc, lên nhà quàn của Liên đội chung sự, nhận xác anh. Má khóc sưng con mắt, đỏ chạch!

Trời ơi! tôi chỉ mới vừa 19 tuổi! God help me, I was only nineteen!

đoàn xuân thu.

(4/72/SQTBTD)

melbourne

Quà tặng hơi bị nặng!

dxt_sept21_1.jpg dxt_sept21_2.jpg

Nhiệm vụ của cảnh sát nói chung là tuân thủ luật pháp, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ con người lẫn tài sản và điều tra tội phạm. Tuy nhiên nhiều cảnh sát bức hiếp dân, không thực sự bảo vệ và phục vụ nhân dân. Tệ hơn nữa là quấy nhiểu để ăn hối lộ do đó dân gọi cảnh sát, công an là ‘Tên tội phạm mặc sắc phục!’ The criminal in uniform!

Những người ác cảm với cảnh sát còn nói rằng: ‘Cop chỉ tốt khi nó ngỏm củ tỏi!’ ‘The only good cop is a dead cop!’

Để chọc quê, dân Úc thường gọi mấy tay cảnh sát Úc là ‘Cop’. Còn Việt Nam Cộng Hòa mình gọi cảnh sát là ‘cớm’. Sau 75, dân gọi công an là ‘Bò Vàng’, vì nó thường mặc sắc phục màu vàng, mang dép râu, đội nón cối. Còn những người dân hàng ngày phải tiếp xúc với quan quyền thường gọi cảnh sát, công an là anh ‘đội’… gợi nhớ những ‘hung thần’ trong thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc!

Nói chung dân ở đâu cũng vậy thường coi cảnh sát, công an là mấy thằng ngu! Một bệnh nhân đến bịnh viện khảo giá để xin thay não. Bác sĩ cho giá: Não của ông tiến sĩ 10 ngàn đô. Não của khoa học gia đầu ngành thám hiểm không gian NASA 15 ngàn đô. Và cũng có não của cảnh sát, giá 50 ngàn đô. Cái gì? Sao của thầy đội mà lại mắc dữ vậy?

Bác sĩ trả lời: Là vì nó chưa được sử dụng lần nào hết trong đời làm cảnh sát của y!’

Chuyện đùa chê thầy đội ngu vì thầy đội thường ‘cà chớn’ với dân, ngay cả cái ngày quan trọng nhứt đời mình như câu chuyện sau đây: Thầy đội chận một chiếc xe đang chạy như bay về con phố chính của thị trấn.  Tài xế nói: ‘Thưa thầy cho tôi cắt nghĩa’. ‘Câm miệng lại! Về đồn!’ ‘Nhưng thưa thầy đội cho tôi nói.’ ‘Câm miệng lại! Chờ ông trưởng đồn về giải quyết!’

Vài tiếng đồng hồ sau, thầy đội nói với viên tài xế đang bị nhốt: ‘Bữa nay anh may mắn đấy! Vì là ngày đám cưới con gái xếp đó nha!”  Viên tài xế từ trong buồng giam nói vọng ra:’ ‘Thầy khỏi nhắc tới đám cưới con gái ổng làm gì. Trễ rồi! Vì chính tôi là chú rễ đây!’

Quấy nhiễu, lớn lối với người lớn mà ngay cả con nít nó cũng không tha: Ngày lễ Giáng Sinh một thầy đội cởi ngựa tuần tra, dừng lại ở trụ đèn giao thông và một chú bé cởi chiếc xe đạp bóng láng ngừng kế bên. Thầy đội nói với chú bé: Có xe đạp đẹp quá há! Có phải ông già Santa mang đến cho cháu không?  ‘Dạ đúng’ đứa bé trả lời.

Thầy đội nói: ‘Năm tới nói Santa gắn đèn phía sau xe đạp nhé!’ Rồi phạt thằng bé hai chục đô vì vi phạm luật an toàn khi cỡi xe đạp.

Thằng bé nhận giấy phạt xong, hỏi thầy đội: ‘Con ngựa thầy cỡi thiệt là đẹp!’. ‘Có phải Santa mang nó cho thầy không?’  Thầy đội cười hề hề, nói: ‘Phải’.

Thằng bé thêm: ‘Năm tới, nhớ nhắc Santa đặt ‘cái ngu ngốc’ trên đầu con ngựa hay hơn là đặt trên ‘yên’ của nó nha thầy đội!

Thầy đội bị thằng nhỏ chửi xỏ, tức lắm, nhưng ‘ngọng’.

Và cũng có người bực bội cảnh sát, xí gạt nó chơi, như ông cụ này:

Xe cảnh sát ngừng trước nhà một bà cụ và ông cụ, chồng bà, bước ra khỏi xe cảnh sát. Thầy đội nói với bà cụ: ‘Ông cụ lạc ở công viên vì không nhớ đường về nhà!’

Bà cụ nói với chồng: ‘Sao lại thế được? Hai đứa mình dạo chơi công viên đó suốt hơn ba chục năm rồi mà?!’ Ông cụ thì thầm vào tai bà cụ: ‘Tôi đâu có lạc. Chẳng qua đi bộ về mỏi cẳng quá. Vậy thôi!’

Dân thì chơi xỏ cảnh sát; còn tội phạm dĩ nhiên là nó căm thù cảnh sát quá cở thợ mộc rồi:

Tên sát nhân đang ngồi trên ghế điện, chờ bị thi hành án tử. Vị linh mục rửa tội hỏi: ‘Con có đòi hỏi gì trước khi chết không?’‘Thưa cha! Có ạ! Xin cha cho tên cớm đã bắt con, đến đây nắm tay con lần cuối được không ạ?!’

Ngoài ra, dân còn trút cái căm tức lên đầu cảnh sát như trong bài hát ‘Dead cop!’

Down on the street. Giving poor the heat. With their clubs and guns. Doin' it all for fun. Xuống phố. Áp bức người nghèo. Với dùi cui và súng. Làm vậy để vui thôi!

Dù bị chửi, bị chê như vậy, xã hội nào cũng phải cần phải có cảnh sát để giữ gìn an ninh trật tự. Không có nó là loạn liền. Cái ‘job’ này chua lắm! Rất dễ lãnh ‘búa rìu dư luận’. Tuy nhiên cảnh sát không phải tay nào cũng xấu. Cũng có người biết hy sinh vì lý tưởng ‘bảo quốc an dân’ của mình như hai nữ cảnh sát  Anh quốc mới đây.

Một tên tội phạm trên đường đào tẩu đã gài bẫy bằng cách gọi cảnh sát báo giả về một vụ trộm ở khu ngoại ô Hattersley khoảng 10 dặm về phía bắc thành phố Manchester. Và hai nữ cảnh sát không võ trang được phái đến điều tra và bị y bắn chết. Cô Fiona Bone, 32 tuổi, sắp sửa lập gia đình và Nicola Hughes 23 tuổi. Hung thủ là Dale Cregan 29 tuổi, đang bị cảnh sát truy nã vì tình nghi là thủ phạm của hai vụ sát nhân trước đó. Thủ Tướng Anh, David Cameron, nói: ‘Sự kiện bi thảm trên gợi nhớ đến món nợ của chúng ta đối với những người đã xông pha vào chốn hiểm nguy để giúp cho cuộc sống được bình yên!’

Chuyện bên Tây, cảnh sát đa phần là tốt chỉ có vài trự ‘con sâu làm sầu nồi canh’. Còn ở Việt nam thì khỏi nói. ‘Cả một bầy sâu?’. Thưa quý bạn đọc thân mến: như đã nói dù thích hay không thì xã hội nào cũng cần có cảnh sát, công an. Nhưng Việt Nam bây giờ lại là ngoại lệ. Không có cảnh sát, công an thì xã hội có thể bình an hơn. Vì sao có chuyện tréo ngoe, tréo cẳng ngổng như thế? Vì: được công an Việt Nam ‘mời’ đi lấy cung là rất có khả năng ‘một đi không trở lại’. Như ông kế toán trưởng một công ty vỏ xe ở Bình Dương, bị bắt, rồi chết bằng cách thắt cổ. Trước khi tự vẫn, ông không có thời giờ viết thơ tuyệt mệnh gởi lại ba má, anh em hay người vợ mới cưới gì cả; mà ông có thời giờ viết thơ, khen ngợi cán bộ điều tra đã làm việc ‘cực kỳ xuất sắc’. Mấy ông cớm thuộc công an tỉnh Bình Dương này đúng là còn xuất sắc hơn nhà văn viết chuyện ‘Những kẻ thích đùa’ Aziz Nesin Thổ Nhỉ Kỳ?! Nếu ông Aziz Nesin này có sống dậy, chắc ông cũng phải ngả mũ chào và nói: ‘Tao ‘bái’ tụi bây luôn!’’

Trong Nam là vậy mà ngoài Bắc còn lộ liễu hơn nhiều. Sau hơn 3 giờ có mặt tại trụ sở công an, một người dân ở xã Kim Nỗ Hà Nội, đã tử vong với rất nhiều vết bầm tím trên cơ thể ! Xác định ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy ông chết vì có tác động của ngoại lực.

Tác động ngoại lực là cái quái gì? Còng rồi lấy dùi cui đập gảy vài ba cái xương sườn, nát bấy lục phủ  ngũ tạng rồi chết thì nếu mấy quan là anh hùng thì nói : Tao quánh nó đến chết đó! Làm gì tao?  Dám chơi dám chịu mới gọi hảo hán chớ! Chơi chữ vòng vo ‘tác động ngoại lực’ chi cho dân nó nói mình hèn!

Hồi xưa, người ta nói giặc nó ác lắm ‘Giặc tới nhà, đàn bà nó cũng đánh’. Còn bây giờ con nít tới nhà công an thì nó cũng đánh luôn. Ngày 17-9, năm học sinh lớp 7 và lớp 9 Trường THCS Thủy Châu, bị hỏi cung tại Công an phường Phú Bài vì nghi trộm cắp tài sản.

Tại đây, 4 ông ‘bạn dân’ đã hỏi cung các em mà không có giám hộ.

Trong quá trình hỏi cung, mấy ông đã dùng roi mây đánh năm học sinh làm mông và hai đùi của những học sinh này bị sưng tấy, thâm tím! May mà chưa có em nào vong mạng!

Hồi xưa, người viết đôi khi cũng bị thằng công an khu vực nửa đêm dắt dân quân lại khõ cửa nhà, rồi dắt về phường nhốt, hiến máu cho muỗi, vì tội không có tên trong hộ khẩu. Tổ cha nó! Nhà của vợ mình mà nó không cho được ở. Làm người mà đối xử với người dân lương thiện như vậy mà không thấy xấu hổ hay sao? Cái mặt như con ‘kên kên’, nhìn muốn đục vô mỏ nó một cái cho bỏ ghét. Nhưng ‘dân ngu khu đen’, mà ‘cu’ cũng đen luôn, thôi thì một sự nhịn là chín sự nhục cho rồi, vì nó có súng AK!

Còn bây giờ chạy ra được nước ngoài rồi, hú hồn nhìn lại, thì hơn ba mươi năm qua, vẫn thế! Cũng cái màn xét nhà, quấy nhiễu, làm khó, làm dễ, để dân nó lòi tiền ra mà ăn, mà nhậu ngập mặt như câu chuyện dưới đây:

Một bà chủ khách sạn  đã “gởi tặng” hai chiếc quan tài cho một ‘quan anh’ ở phường 5, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Bà cho biết, đã chi gần 150,000 đô la mở khách sạn. Trong vòng ba tháng sau ngày khai trương, chính quyền địa phương sáu lần đến “kiểm tra hành chính” khách sạn của bà. Có đến hai lần, ‘quan anh’ đích thân đưa đoàn kiểm tra đến khách sạn, kiếm chuyện hạch sách, quấy nhiễu lung tung. Bà cho biết, ‘quan anh’ còn xộc đến cửa phòng khách sạn, gõ cửa đòi vào trong để kiểm soát xem “khách đang làm gì?” Vì vậy, khách sạn của bà bị vắng dần.

Ngoài việc b kiểm tra 6 lần, địa phương còn làm khó khi đèn chiếu sáng dẫn từ đường chính vào khách sạn bị cắt. Ông Phó Chủ tịch, anh ruột của ‘quan anh’, kêu góp 3 triệu đồng để phụ tiền điện với địa phương. Ngoài ra, ông Bí thư kêu góp tiền làm đường lên tới vài chục triệu đồng. Làm ăn ế ẩm mà hụi chết nhiều như vậy nhưng bà chủ vẫn vui vẻ gởi ‘quà tặng hơi bị nặng’ phải chở bằng xe ba bánh, là hai chiếc quan tài đến nhà ‘quan anh’ làm tốn thêm của bà hết 4.8 triệu đồng, tương đương 240 đô la. Thiệt là tình nghĩa như bát nước đầy hết biết?!

Hồi xưa ai có ông bà, cha mẹ già, thường hay mua trước cái quan tài, để nằm thu lu trong góc nhà . Họ không gọi là cái ‘hòm’ để chôn người chết mà gọi là cái ‘thọ’; để mong ông bà, cha mẹ được sống lâu cùng con cháu. Bây giờ, bà chủ khách sạn có hảo ý tặng ‘quan anh’ hai cái ‘thọ’ chắc cũng mong ‘quan anh’ được sống lâu… mà sách nhiễu dân lành?!

Vậy mà mấy quan lớn bên trên lại không chịu hiểu cái ý nghĩa sâu xa, thâm trầm của ‘quà tặng hơi bị nặng’ này mà lại đòi khởi tố vụ án “đe dọa giết người”,“khủng bố” bằng 2 chiếc quan tài. Hỏng cám ơn thì thôi mà còn đưa lòng tốt của người ta ra tòa; thiệt đúng là kẻ bạc tình, bạc nghĩa à ta?

Tuy nhiên bây giờ bà chủ khách sạn cũng cất được một mối lo canh cánh trong lòng: vì mình lỡ không biết điều, đóng hụi chết cho ‘quan anh’; cũng như cho anh em ông đang làm chức sắc trong phường, sợ có ngày được mời lên đồn công an làm việc. Mà ngày đi thì có, ngày về thì không!  Nên bà gởi trước hai cái quan tài tới ‘quan anh’ để phòng xa vậy mà?  Thủ cho chắc ăn?!

Dân bị bức hiếp như vậy mà nhà cầm quyền lại cứ ra rả: “Dân chi phụ mẫu?!”. Còn quan thì sao?  Không phải là ‘quan chi phụ mẫu’ gì đâu!  Nó là ông nội của dân thì có!

đoàn xuân thu.

melbourne.

Tình ta… ba tập!

dxt_sept14_1.jpg

Tập 1.

Hồi con trẻ, ông Út Trà Ôn có thiên tình sữ đẫm lệ: ‘Gánh nước đêm trăng Viễn Châu’ như thế này:

Gìn lòng hai chữ nghĩa nhân, yêu ai yêu chỉ một lần mà thôi. Em cười em bảo với tôi thề có đất trời không phụ anh đâu…
Tôi vội lấy khăn tay ra lau nước mắt và gánh hộ cho em đi một đoạn đường gọi là lần cuối cùng giúp đỡ cho nhau...

Nhưng khi ông trở về bờ giếng cũ thì có thằng ‘tốt mã giàu sang’ nào đó nhẩy vô, gánh nước hộ dùm em, rồi tiện thể ‘gánh’ em luôn. Nên ông đau lòng, đứt ruột than rằng:

…Cớ sao em vội bước sang ngang không đợi, không chờ. Chồng của em ở miền đô thị, lại là người tốt mã giàu sang… Tưởng giếng sâu tôi nói sợi dây dài. Hay đâu giếng cạn... hò ơ... hay đâu giếng cạn tôi tiếc hoài sợi dây...

Nhưng người con gái không phải ai cũng ‘tệ’ như con ‘ghệ’ của ông Út Trà Ôn mà cũng có người cũng ‘ngon’ lắm chớ. Ba đánh em đánh quằn, đánh quại; đem em ra treo tại cột đình. Đứt dây rớt xuống, thương mình em vẫn thương!

Tình yêu kẻ vầy người khác phải không? Phụ tình hay chung tình đều  có người làm thơ, viết nhạc để người viết bữa nào bị vợ rầy, chiến tranh lạnh Nga Mỹ, thì bèn bò lên nghe Youtube nghe ông Út Trà Ôn than vãn một hồi mà muốn tự vận cho rồi vì cái thói đời đen bạc?!

Nhưng khi người viết nghe kể chuyện tình này thì tỉnh giấc nam kha ngay. Chuyện rằng: chàng và nàng yêu nhau tha thiết nhưng không lấy được nhau vì môn đăng hộ đối. Hai người hẹn nhau đêm ra bờ mẫu ngoài ruộng, cùng nhau ‘tâm sự loài chim biển’, rồi tự vận, để được sống cùng nhau bên kia thế giới. Chàng trai lận lưng theo chai độc dược. Đêm sắp tàn, chàng đưa chai độc dược cho nàng uống trước. Nàng không chịu, đùn qua đẩy lại, thì thôi chàng uống cho rồi. Uống xong, nằm lăn ra đất, sùi bọt mép, nhưng không quên ‘hí’ con mắt mà nhìn em. Nàng hoảng quá, quăng chai thuốc, rồi bỏ chạy một hơi. Chàng đứng vậy, ‘phủi đít cái rẹt’ rồi đi luôn. Vài năm sau trở về làng cũ thì em đã con con bế, con bồng. Đứa dứt thôi nôi, đứa lôi đầy tháng với thằng khác…Chấm dứt thiên tình sữ… cười bể bụng…

Còn Tây thì không có vụ gánh nước dùm chi, cho nó lôi thôi phiền phức…chỉ cần đầu tiên là tiền đâu. Không tiền, mậu lúi là không có em yêu gì hết? Như câu chuyện dưới đây:

Joe độc thân, sống và làm việc cho tía mình. Khi biết ông già sắp ‘hui nhị tì’ sẽ để lại toàn bộ gia sản cho mình nên Joe định cưới vợ. Chớ một mình ăn sao hết?! Tình cờ Joe gặp một em đẹp cở Nicole Kidman, hút hồn Joe, từ cái nhìn đầu tiên. Joe nói: ‘Coi anh lè phè vậy nhưng khi tía anh qua đời, anh sẽ giàu to vì anh sẽ thừa kế toàn bộ gia sản. Đây là địa chỉ của anh!’. Và ba tháng sau, người đẹp như Nicole Kidman mà Joe dự định lấy làm vợ, đã trở thành ‘kế mẫu’ của Joe! 

Tập 2.

Người Việt mình lảng mạn khi yêu nhưng cưới nhau về thì cũng thực tế như Tây. Vì tập một ‘mùi’. Tập hai phải thực tế hơn mà sống chớ. Chớ ‘mùi’ hoài lấy gì ăn đây ta? Vậy là chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa! Được vậy thì đồng lòng tát biển đông cũng cạn.

Nhưng đời mà khi mới biết nhau người ta chỉ thấy phân nửa của vấn đề: cái đẹp. Còn phân nửa còn lại cái xấu như: ngủ ngáy như ‘trâu rống’ chẳng hạn hay khoái nhậu nhẹt tình tang…còn vợ thì già chuyện…thấy thương thì chưa thấy?!

dxt_sept14_2.jpgChuyện rằng: vợ về nhà và thấy chồng với một cái vỉ đập ruồi trên tay, hỏi: ‘Anh đang làm gì vậy? Đập ruồi! Ồ, thế đã giết được con nào chưa? Rồi, ba con đực, hai con cái! Sao anh biết con nào đực, cái? Ba con bò trên chai bia, hai con đậu ở điện thoại.’ Tức là đàn ông khoái nhậu… còn đàn bà thì nhiều chuyện. Và cũng xin thưa rằng người viết không dám quơ đủa cả nắm. Nếu có rầy, xin rầy cái ông kể chuyện tếu này cho người viết nghe nhen quý bạn.

Đôi khi cày, cuốc cực quá, chiều về chồng chỉ cần vài con ba khía làm "mồi", là "chén chú chén anh" chút chút sầu đời… mà cũng bị vợ càm ràm. Do đó nếu quý bạn nào có đi vô viện bảo tàng nhân chủng học thấy hai bồ xương khô chắc bạn sẽ biết cái nào của ông; cái nào của bà? Rất dễ! Bộ xương của quý bà, cái xương hàm gần môi dưới, trễ xuống một chút vì mấy bà nói nhiều quá đến nhức cả đầu.

Mà đôi khi vác cày về tới nhà mà lửa củi lạnh tanh, đói bụng gần chết mà con vợ mắc tướng đỏ, tướng đen, quằn với khạp hỏi sao không tức. Tức thì dợt. Dợt nhưng cũng đau lòng lắm lắm… Không đánh thì bậu luông tuồng. Mà dang tay đánh bậu cho buồn lòng qua?

Còn vợ Tây ư? Cũng chẳng khá gì hơn. Nhậu xong, chồng Tây nói huyên thuyên, dể xúc cảm, lái xe ẩu tả, không suy xét gì hết và đánh nhau vì những lý do không đâu. Còn vợ Tây cũng cư xử y hệt vậy mà chẳng cần nhậu nhẹt gì hết!

Đã vậy, mà còn yêu cầu cho cả đống như: Chồng phải kính trọng, yêu thương, trung thành, lương thiện và kiên nhẫn đối với vợ. Vợ là số một. Nếu vợ sai, phải chỉ dẩn một cách dịu dàng tránh làm xúc phạm ‘cục cưng’. Nên Tây cũng chán, không dám quánh, sợ nó kêu lính bắt, mà chỉ muốn trốn đi. Do đó có một ông Tây đăng báo cần vợ là hôm sau cả trăm cái thơ bay tới tấp đầy cả hộp thơ, chỉ duy nhất một yêu cầu: Cưới vợ của tao đi?!

Còn không trốn được thì khóc lóc thảm thiết trước mồ. Xin hỏi: ‘ba, mẹ, hay con ông vậy? ‘Không phải! Mộ thằng chồng cũ của vợ tôi. Tổ cha nó, nó chết sớm chi vậy… còn để lại con ‘quỷ hó’ đó cho tôi gánh nè trời?!’

Còn không thì tìm cách trả thù cho bỏ ghét. Chồng nói với nha sĩ: Chúng tôi gấp lắm nên không cần thuốc tê gì ráo! Cứ nhổ đại cái răng đó ra. Nha sĩ nói: ông thật là can đảm. Hãy cho tôi xem cái răng đau nhức đó đi. Chồng quay lại bảo vợ: Em yêu hãy hả họng ra nào!”

Người viết có thằng bạn làm chung người Ethiopian, dắt vợ từ Melbourne bay về thăm quê cũ. Ra khỏi phi trường Addis Ababa, đột nhiên nắm đầu vợ quánh túi bụi ‘Cho mầy kêu cảnh sát nha!’

Tưởng chuyện bị chồng đánh là chuyện xưa trong ca dao hay chuyện nghe chơi rồi bỏ của mấy thằng Tây, nào ngờ trên báo Người Việt online có một bà Việt Nam than: Ngày đầu lấy chồng là em đã bị đánh rồi! Hơn mười năm chịu đựng, nên em tâm sự với Nhật báo Người Việt:  em định ngâm thơ, ra mắt CD 'Thế giới thi ca'. Mục đích để gây quỹ xây dựng nơi nương náu cho những phụ nữ bị chồng đánh. Ông chồng này thiệt tệ! Làm mất mặt ‘Vietnamese’ hết trơn! Ông quên rằng: đừng bao giờ đánh một người phụ nữ dù bằng một cành hoa hay sao?

Còn ở Úc, có bà Việt Nam chỉ mới vừa bị chồng hăm dợt, bả đã kêu phú lít tới. Mà cảnh sát Úc hành xử người người máy, ‘robot’. Bạo hành gia đình hả? Còng, nhốt trước rồi tính sau?! Giải ông chồng đi, bà vợ lịch bịch chạy theo như con vịt ‘Ủa! sao nhốt chồng tui?’
Tập 3.

Chuyện chồng quánh vợ là bậy bạ quá, nhưng cũng có ông thương vợ ‘ra rít’ đi chớ. Như ông Tú Xương, dân chơi thứ thiệt, cũng có một bài thơ tặng vợ rất cảm động: Quanh năm buôn bán ở mom song.Nuôi nổi năm con với một chồng. Lặn lội thân cò khi quãng vắng. Eo sèo mặt nước buổi đò đông. Một duyên hai nợ âu đành phận. Năm nắng mười mưa dám quản công...

Ông Vũ Hữu Định cũng có một bài tặng vợ khi phải vượt cạn một mình: Lần nào em sanh nở. Anh cũng không có nhà. Lần này em sinh nở. Anh đang trên đường xa...

dxt_sept14_3.jpgCòn ông Bùi Giáng có người vợ trẻ ông bỏ lại quê nhà vì ông còn mãi ham vui. Khi vợ mất, ông nhỏ lệ, làm nát lòng người đọc: Anh cứ ngỡ đùa vui trong tí chút. Đâu có ngờ đùa mãi đến điêu linh.

Ở đời, có được bao nhiêu nhà thơ làm thơ tặng vợ? Trừ mấy ông nói trên, vì nhà thơ vốn lãng mạn nên căn bản họ chỉ làm thơ tặng cho người tình, người yêu. Thơ tặng vợ rất hiếm. Đúng vậy! Vậy mà tuần rồi trên đài SBS người viết có ‘trộm nghe’ các thi sĩ ‘xứ’ mình làm thơ ca tụng vợ mình?! Thiệt là những nhà thơ ‘trí tuệ’ đó nha. Vì: Dù không sinh đẻ ra ta. Nhưng công nuôi dưỡng thật là lớn lao!

Tây cũng nói rằng một ông chồng thông minh bao giờ cũng bắt đầu câu nói là: Vợ tôi, nó, nói thế này

Vì thế cho nên trong lớp học về tâm lý giáo dục gia đình: Giáo sư viết lên bảng: cha mẹ, vợ con rồi kêu một học viên lên hỏi: Nếu phải chọn, Ông sẽ chọn ai giữa các người nầy?

Ông học viên gạch tên cha mẹ rồi nói: Tía má già rồi cũng phải chết nên trước sau gì thì cũng bỏ tôi đi. Sau đó gạch tên con. Lớn lên nó phải cưới vợ, lấy chồng rồi cũng bỏ tôi đi thôi. Chỉ còn lại vợ!

Người ta phản đối rầm rầm cho ông là người con bất hiếu, người cha không ra gì. Ông phân trần: Đừng chửi rủa tôi nữa quý bạn ơi! Chẳng qua là: con vợ tôi! trời ơi! nó đang ngồi ở dưới kìa?!

Thưa bạn đọc thân mến người viết thường hay bị bạn bè, em út chê là sợ vợ. Nhưng người viết chỉ cười ‘hề hề’ cho qua, vì trộm nghĩ: sợ vợ mình có gì xấu đâu? Còn đở hơn là sợ vợ hàng xóm!

Còn vợ mình sợ là phải rồi; vì một lẽ rất đơn giản là: con nó, nó còn ‘quánh’ khóc mò…huống chi mình là người dưng?

Sợ là phải? Phải không thưa quý độc giã thân mến?

đoàn xuân thu.

melbourne

______________________________________________

Người đẹp Tây Đô!

dxt_sept9_1.jpgdxt_sept9_2.jpg
 

Xin thưa cùng quý bạn đọc thân mến rằng: Xin đừng nhầm Tây Đô trong bài viết này là Cần Thơ, là Chiều Tây Đô Lam Phương. Chúng ta ra đi mang theo quê hương. Nên nghe Tây Đô là nghĩ ngay tới quê nhà, nghĩ tới… bà đại gia thủy sản cá tra, găm vốn của những người nuôi cá, bán cá của dân rồi không chịu trả tiền; mà lấy, đi đầu cơ nhà đất. Nhà đất không sang tay được, kiếm chút cháo ‘bào ngư’…Không có tiền trả cho dân, bèn tổ chức đám cưới cho con trai một cách ‘hoành tráng, siêu xe cộng với chân dài’ để mong xức ‘dầu cù là’ vào mắt thiên hạ, để câu giờ, mà mượn thêm… rồi giựt chạy. Gạt thêm không đươc, bèn bay qua Mỹ, nằm nhà thương trốn nợ.  Chớ nằm nhà thương trong nước, người ta xót của, đổ mồ hôi nước mắt của mình, họ xúm lại, quánh cho cho lỗ mũi ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc rê luôn nhá.  Cái thói chụp giựt, mượn đầu heo nấu cháo mà cũng gọi đại gia? Làm ăn kiểu đó ở Úc này, là nó nhốt em luôn ?

Xin thưa ngay cùng bạn đọc: Tây Đô của bài viết này là Perth, thủ phủ bang Western Australia.  Người Anh tới bờ Đông Úc Châu: Sydney, Melbourne rồi nhìn về hướng tây gọi đó là Tây Úc, Western Australia.  Người Việt tỵ nạn mình đến Sydney, Melbourne, bờ đông Úc Châu, cũng nhìn về hướng tây, thân thương gọi em Perth là Tây Đô cho đở nhớ nhà?!

Khác với Tây Đô của Việt Nam có đại gia giựt chạy; Tây Đô của Úc sản sinh ra một người em ‘kiệt xuất’ về tài làm ra tiền và cũng ‘kiệt xuất’ về tài nói chuyện ‘ruồi bu’ cho nổi?!

Tên đầy đủ của em là

dxt_sept9_wman.jpgGeorgina "Gina" Hope Rinehart. Gina sinh ngày 9 tháng 2 năm 1954 tại Perth, thủ phủ bang Tây Úc . Em là thừa kế tài sản của tía má em là ông Lang Hancock và bà Hope Margaret Nicholas, trở thành bà trùm của kỷ nghệ khai khoáng, hầm mỏ Úc khi tía em từ giã cỏi đời vào tháng 3 năm 1992.

Việc đầu tiên em làm là: đưa bà mẹ kế, Rose Porteous, ra Tòa để đòi lại tiền, hàng chục triệu đô Úc, mà tía em đã hào phóng tặng cho con bồ nhí, vốn là người giúp việc trong nhà và nâng khăn sửa túi tía em cho đến lúc cuối đời. Mẹ ghẻ, con chồng dắt nhau ra ba tòa quan lớn, ròng rã suốt 14 năm trời. Ông tòa mệt, nhưng luật sư thì mừng: vì vô mánh. Dì ghẻ của em, sau khi tía em mất, phòng không chiếc bóng, chắc lạnh, nên ‘quằm’ luôn ông luật sư cho ấm và hy vọng ‘chàng’ có nghĩ chút tình tấm mẳn đôi ta mà giảm giá chút nào chăng?

Em Gina thưa dì ghẻ dẫu sao cũng là người dưng, rồi tới phiên 3 đứa con em thưa lại em! Mới là ruột thịt? Tòa lại rầu, ngồi xử muốn mục xương sống luôn; thì luật sư lại mừng: vì được vô mánh nữa!

Chuyện là: khi tía em mất, theo di chúc, giao em quyền giám hộ một quỹ đầu tư mà ông chia phần cho mấy đứa cháu ngoại cưng. Hiện tài sản của quỹ có trị giá 2,4 tỷ USD, trong khi tài sản của tập đoàn khai thác mỏ quặng là 10,3 tỷ USD. Trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6/2011, lợi nhuận của quỹ này là 2,01 triệu USD, tăng so với con số 1,01 triệu USD của năm trước đó.

Quyền giám hộ này đã kết thúc vào tháng 9 vừa rồi, nhân dịp sinh nhật lần thứ 25 của cô con gái út Ginia. Tuy nhiên, theo cáo buộc của 3 người con khác, em Gina đã tự ý kéo dài thời hạn giám hộ đến năm 2068. Em dọa sẽ để cho quỹ đầu tư phá sản nếu các con không để em tiếp tục làm người giám hộ quỹ.  Vì theo em, tụi bây  thiếu các kỹ năng kinh doanh cơ bản cũng như kinh nghiệm để quản lý quỹ.

Em Gina tuyên bố là đã cho con cái một cuộc sống sung sướng xa hoa, không bao giờ phải lo lắng về chuyện tiền bạc. Vậy mà còn hõng chịu, thiệt là ngu?!

"Chính lòng tham là thủ phạm gây ra tình cảnh mẹ con kiện nhau, quên cha cái câu ‘mẫu tử tình thâm’, để làm trò cười cho thiên hạ?”

Dù bận rộn chuyện thưa gởi ruồi bu, giành giật tiền bạc với nhau trong gia đình, em cũng không quên làm giàu. Em Gina Rinehart thừa hưởng một công ty trị giá 75 triệu USD từ tía em năm 1992.  Hai mươi năm sau , nó phình lên 386 lần.

Năm 1992, em đã có tên trong bảng phong thần 200 người giàu nhất thế giới của tạp chí the Business Review Weekly (BRW). Năm 2006, em trở thành tỷ phú do kỹ nghệ khai khoáng bùng nổ . Tài sản em vọt lên như pháo thăng thiên. Năm 2010, em giàu nhứt nước Úc. Năm 2012, là phụ nữ giàu nhất thế giới, theo ước tính là A$29.17 tỷ Úc Kim. Và trong tương lai, em sẽ qua mặt luôn mấy ‘trự’ đàn ông, giờ còn giàu hơn em. ‘Tụi bây đợi đấy!’ Vì tài sản em có thể lên đến 100 tỷ Mỹ Kim nếu chuyện làm ăn cứ ‘xuôi chèo mát mái’.

Tuy nhiên càng giàu, em càng tỏ ra keo kiệt và ngạo mạn! Em kêu chính phủ Úc hãy giảm tiền lương tối thiểu của công nhân xuống  khoảng 606.40 đô một tuần và giảm thuế cho em, để em tạo thêm công ăn việc làm cho nước Úc. Em xin nhập khoảng 4,000 công nhân từ Trung Quốc vào, để trả lương rẻ hơn. Em còn nói: nhìn sang Châu Phi kìa, ở đó công nhân làm chỉ có $2 đô một ngày. Còn tụi bây chỉ tối ngày đi nhậu, rồi còn càm ràm nữa sao?

Em dạy đời: “Đừng ghen tị với những người có nhiều tiền hơn mình, đừng ngồi đó mà than trời trách đất. Hãy làm cách nào đó để kiếm tiền,  bớt nhậu nhẹt, bớt hút sách, bớt chơi bời hoa lá cành…hãy làm việc nhiều hơn, chăm chỉ hơn!

Nói trắng ra là em chê những người làm công cho em, giúp em giàu nứt trứng là mấy thằng làm biếng nhớt thây?!

Nhưng thực ra công nhân hầm mỏ có làm biếng đâu. Nhận đồng tiền của em cũng làm đổ mồ hôi sôi nước mắt chớ bộ!

Làm thợ mỏ không phải là công việc cho tất cả mọi người; nhất là những người đã có vợ, có con. Vì phải ở trong mỏ, là nơi hoang vu. Thường thì người ta chỉ làm 40 giờ tuần, theo luật định là 38, có 2 tiếng tính phụ trội…. Còn thợ mỏ thì làm việc ngày 12 tiếng, 7 ngày trong tuần. Nếu quen làm việc 40 tiếng tuần mà phải làm 84 tiếng tuần; thì ‘hết xí quách’ chớ chẳng phải chuyện giỡn chơi!

Thứ hai là nóng, bụi… với ruồi. Mùa hè mà làm ngoài trời nóng như thiêu, như đốt… mới biết đá vàng!

Ngày nào như ngày nấy! 4 giờ sáng thức dậy, ‘đào’ riết 12 tiếng, về nhà  tắm rửa, cơm nước, lên giường lúc 7 giờ tối. Muốn đi chơi một chút thì đi đâu ở cái Hốc Bà Tó này?!

Còn nhớ má thằng cu ở nhà, muốn ‘dục tửu phá thành sầu’, thì cũng phải hạn chế. Trước khi bắt đầu ngày làm việc, phải thử rượu, coi mày còn say xỉn hay không?  mới cho làm, theo tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn nơi làm việc..

Theo bảng lương thợ mỏ, thấy cũng nhiều, hơn A$ 100,000  năm nhưng chủ nghĩa tư bản mà, tiền nào công nấy thế thôi! Thu nhập nhiều hy sinh cũng nhiều. Đời mà! Có ai cho không ai cái gì bao giờ?

Cực khổ như vậy, ‘trần ai khoai củ’ như vậy mà còn bị em Gina Rihart rầy thì cũng tức. Nhiều người Úc phản pháo lại, nói là em ngạo mạn và tham lam vô độ?!

Nhưng buồn, giận mà chi bạn hiền! Không phải người chủ nào cũng tham lam vô độ như em đâu. Melbourne có ông Patriarch Ken Grenda, 79, khởi nghiệp từ 4 tuyến đường xe bus ở Dandenong 1945; tới nay đã có 1300 chiếc xe chạy kiếm ăn trên các nẻo đường gió bụi Melbourne, Adelaide và Perth . Trước khi về hưu, ông tự nguyện gởi cho 1,800 nhân viên của mình, mỗi người một món quà tạm biệt tùy theo số năm họ gắn bó với công ty. Ông giữ bí mật cho đến khi tiền chui vào tài khoản của họ. Người ít nhất thì được $1000; người nhiều nhất tới $30,000. Món quà tạm biệt của ông không nhỏ: A$15 triệu; nhưng tấm lòng nhân hậu của ông lại lớn hơn rất nhiều lần!

Ông nói:. Một thương nghiệp thành công khi có những người giúp việc tuyệt vời. Có người đã làm cho công ty suốt 52 năm từ đời cha tới đời con. Xin cám ơn quý bạn!

So với em Gina Rinehart, thì tài sản của ông nhằm nhò gì?! Tiền triệu mà so với tiền tỷ như châu chấu đá xe. Nhưng túi tiền nhỏ hơn không có nghĩa là có trái tim chuột nhắt . Sở dĩ em Gina giàu mà còn giàu thêm nữa: vì em chỉ biết làm toán cộng, không biết làm toán trừ, biết làm toán nhân mà không biết làm toán chia.

Hỡi ơi! Trong chủ nghĩa tư bản văn minh ở Miệt Dưới này, dù không phải như chủ nghĩa tư bản rừng rú ở Việt Nam bây giờ, dù có luật, có lệ bảo vệ người công nhân trước sự bóc lột, bóc lủm.. quá đáng của những ông, bà chủ tham lam vô độ thì tìm một ông chủ tốt như vậy cũng khó như tìm chiếc lá mùa đông !

Tìm ông ấy, sau nầy, ta có thể lên gặp Thánh Peter trên Thiên đàng. Còn những ông chủ, bà chủ tham lam vô độ khác thì quý bạn đọc thân mến chắc biết phải tìm ở đâu rồi?!

Nhưng tìm họ mà chi chớ? Người chỉ biết ‘tiền và tiền’ thì họ có bạn bè với ai bao giờ đâu?!  Kiếm mắc công! Vã lại, khi chết, cái nút áo còn lắc lại, họ cũng trụi lủi như mình; có mang theo được tỷ nào đâu, mà mua ‘beer’ cho bạn uống phải không?!

Thôi! thay vì ‘lưu xú vạn niên’ thì hai em: một đại gia Tây Đô Việt Nam và em đại, đại gia.. lũy thừa… Tây Đô nước Úc nên ‘cải tà quy chánh’, đế lại cho đời một tấm lòng nhân hậu, coi ‘qua’ (người viết) và mấy người bạn Úc ham nhậu, ham vui… có ké được chút nào chăng?!

đoàn xuân thu

melbourne

_______________________________________________________________________

 

Em hồn nhiên chín háp!  

dxt_aug31_ghemay.jpgdxt_aug31_river.jpg

Trước khi giàu, ai cũng nghèo. Đó là cái chắc! Nghèo mạt rệp, nghèo sặc gạch, nghèo trớt mùng tơi, nghèo đến nỗi cái mùng rách, cái mùng tơi để ngủ cho muỗi khỏi cắn cũng không có, cũng trớt quớt luôn. Chính vì vậy, nghèo là cái đáng sợ nhất?!

Nghèo cũng có nhiều cái tại, cái bị. Nghèo vì tại ba má tui nghèo. Ra đời không có cục đất chọi chim, đất không có để một nắng hai sương làm ruộng, làm rẫy hay có mà bị trưng thu mất rồi…mà tiền bồi thường  rẻ như bèo hoa dâu, hỏng được bao nhiêu! Vì “Nó” mua như ăn cướp. Vốn mần ăn cũng không, thì nếu không đi làm mướn, bán cái thân mẹo dậu, hỏi làm sao mà sống?

Còn nếu ba má tui giàu thì tui khỏe re như con bò kéo xe. Vì con vua thì được làm vua. Con sãi ở chùa phải quét lá đa. Mà không phải cần là con vua mới khỏe re; chỉ cần là con Thái Tử, cỡ con Thái tử Charles chẳng hạn, thì hoàng tử Harry chẳng cần lao động là vinh quang gì sất; vì không lao động cũng vinh quang như thường. Để đêm nay nhậu London, diện đồng phục Đức Quốc Xã Hitler, đêm mai bay đi Las Vegas nhậu cho quắc cần câu, ở truồng nhong nhỏng đưa ‘bố mầy ra’, cho báo chí chụp hình đăng báo để cho bàn dân thiên hạ biết thế nào là kinh…  và tởm…

Nhưng là con người có ai chọn được chổ ‘xịn’ để chui ra đâu. Được như vậy là trúng số phải không? Việt Nam nói giàu trong trứng giàu ra. Còn Tây thì bảo "been born with a silver spoon in his mouth". Mà có lỡ không có cái thìa bạc trong mồm thì có cày như trâu như  em tài công tàu du lịch chợ nổi Cái Răng, thời xã hội chủ nghĩa dính cái đuôi kinh tế thị trường, nhân vật chánh trong bài báo đăng trong trang blog của Ngọc Lan, báo Người Việt online, thì cũng bó tay!

Theo bài báo của nữ ký giả tài hoa Ngọc Lan thì em tài công này tự giới thiệu: Em 22 tuổi, làm nghề lái tàu đưa khách du lịch tham quan sông Hậu, chợ nổi Cái Răng. Em làm việc 7 ngày một tuần, từ 5 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm, tùy theo giờ khách nhậu xong thì về. Lương mỗi tháng em được 1 triệu 800 ngàn (gần $90 đô), ngày nào nghỉ thì bị trừ 60 ngàn. Tháng nào có nhiều khách du lịch, chủ thưởng thêm cho em một trăm ngàn. Lương lãnh bao nhiêu, em về đưa hết cho mẹ. Mỗi ngày đi làm, mẹ cho 50 ngàn tiền cữ ăn sáng và ăn trưa, tính luôn cả tiền cà phê và thuốc lá. Tối về ăn cơm nhà “nên không tốn.”

dxt_aug31_girl.jpgHai mươi hai tuổi, lái tàu du lịch, làm ngày mười mấy tiếng, suốt tuần, suốt tháng, suốt năm. Rồi năm này qua năm nọ. Xong buông ra ngủ, thức dậy làm tiếp. Thiệt cuộc sống còn thua con bò, con trâu cày ruộng đồng sâu nữa?!

Em không có bạn gái, vì “nếu đi chơi với bạn gái, trong túi phải có ít nhất một trăm ngàn đổ lên, em không có đủ số tiền đó nên thôi.” – “Không có bạn gái thì làm sao cưới vợ?” – Em cười hiền lành, “Đó là chuyện ba mẹ tính. Kêu em cưới ai thì em cưới người đó. Không cãi.”

Không có thời giờ, mà ngặt nhứt là không tiền, dù đang tuổi xuân phơi phới, muốn tìm một em để có tay mà gối đêm đêm; cũng khó tựa như mò kim đáy biển Đông. Hồi xưa thanh niên nhà nghèo, ai cũng lo: “Ví dầu nhà dột cột xiêu.  Muốn đi cưới vợ, sợ nhiều miệng ăn!”. Còn bây giờ thì  em này nản quá, khỏi lo luôn, để má tính. Em cứ nghĩ thân trai mười hai bến nước, trong nhờ, đụt lóng phèn vậy thôi?! Thời buổi kim tiền mà. Thiệt là xa ‘ngay ngáy’ cái thời: chết sống vì yêu, tiền kể bỏ: “Cha mẹ em có đánh quằn, đánh quại. Bắt em ra treo tại nhành dương. Biểu từ ai, em từ đặng. Chớ biểu em từ người thương, em không từ!”

Còn bây giờ em tài công này tuyệt vọng lắm rồi trên con đường tình duyên gia đạo. Sao vậy? Vì theo ông Hoài Tường Phong là: Trăng nghẹn

“Xóm bên sông nhiều cô gái rời quê,

Về thăm nhà xênh xang lụa là hàng hiệu.

Vài căn nhà xây, đổi đời nhờ những đồng tiền báo hiếu,

Khởi sắc một vùng quê sao nghe có chút bùi ngùi…”

Người ta bằng tuổi em đã đi lấy chồng xa, Hàn Quốc, Đài Loan hết rồi! Ai mà ở không mà chờ lấy người tài công tàu du lịch chở khách ‘tham quan’ Chợ Nổi Cái Răng như em, mà mỗi ngày chỉ có 50 ngàn dằn túi, vừa cơm trưa, vừa cà phê, thuốc lá. Lấy em về cạp đất mà ăn sao? Chi bằng Hàn Quốc, Đài Loan dù nó có già, có khùng chăng đi nữa cũng còn có chút tiền gới về cho cha mẹ gọi là báo hiếu: công sanh thành dưởng dục và nhơn tiện giúp đở chính quyền tỉnh nhà có thành tích báo cáo lên trên là: quê ta giờ khởi sắc nhờ các thôn nữ xinh đẹp, hiền hòa do phù sa sông Hậu, biến con ‘chim’ mình thành con ‘chim đa đa’…đi lấy chồng xa?

 ‘Em có dự định đổi công việc để có thêm nhiều tiền không?” – “Dạ không. Em thích công việc này. Em thích lái tàu đi đây đó. Lái tàu không bị bụi bặm, không kẹt xe. Tối em cũng xuống tàu nằm ngủ, vừa yên tĩnh vừa mát mẻ.”

Còn đổi công việc khá hơn ở đâu mà có? Thôi thì có cơm ăn, có chổ ngủ là xong rồi. Mơ ngày mai trời lại sáng? Lỡ nó không sáng mà tối thui luôn là chết giấc, còn chết luôn cả má nữa?... Lại tuyệt vọng?!

 Trên hành trình ra chợ nổi có lúc máy tàu đứng khựng, em nói ngay, “bịch nilong cuốn vào chân vịt.” – “Rồi làm sao?’ – “Để em gỡ nó ra.”

Em rời tay lái, đi về cuối tàu, cởi áo, thò nguyên cái đầu và nửa người xuống lòng máy. Dĩ nhiên lúc ngóc lên là một cái đầu và nửa người ướt sũng. Em lắc lắc mái tóc cho khô và nhanh nhanh mặc áo vào. Tiếp tục ngồi vào tay lái.

Thân lo còn chưa xong, hơi đâu mà lo cho môi trường tào lao bá láp? Bịch nilong mắc vào chân vịt máy tàu, khòm đầu xuống nước, cố gở nó ra, rồi chạy tiếp.. Còn ai ném bịch nilong xuống dòng sông? Ai xả nước thải từ nhà máy công nghiệp thẳng ra dòng sông, làm nó ô nhiễm hóa chất, chết dần mòn, em cũng chẳng quan tâm, thắc mắc? Thân mình còn lo chưa xong nữa; nói đến dòng sông chi vậy?

Nhà báo Ngọc Lan nói rằng: Không một lời phàn nàn. Chỉ cười. Vì sao? Vì em tuyệt vọng quá rồi. Sao mới 22 tuổi đầu mà an bần lạc đạo, an nhiên tự tại như ông ‘Đạo Vuốt’ vậy ta?  Ông Nguyễn văn Vĩnh nói: Việt Nam mình gì cũng cười. Hõng lẽ khóc? Tiếng cười của em tài công này là tiếng khóc khô không lệ?!

Tuổi thanh xuân của em là trái, là hoa của đất nước mà ai làm cho em hồn nhiên chín háp vậy hỡi trời? Thanh xuân của em là thanh xuân của đất nước; em là rường cột của quốc gia… mà em tuyệt vọng đến chừng nầy thì ơi hỡi Việt Nam?!

dxt_aug31_ghemay.jpgÔng Trịnh Công Sơn cũng có lần tuyệt vọng như thế, nên ca rằng:

“Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em là tôi và tôi cũng là em.
Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo. Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm…”
Vậy mà ổng lại khuyên đừng làm gì cho rắc rối thêm ra… đừng tung xích xiềng vào mặt nhân gian như ông Nguyễn Đức Quang, đừng ‘tranh đấu’ rồi chẳng biết ‘tránh đâu’? “Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng. Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh?”. Cha! Chắc cái này chờ cho đến khuya lơ khuya lắc, chờ cho đến mút mùa Lệ Thủy, chờ cho đến Tết Ma Rốc đi chăng nữa mà không chịu làm cái gì đó để đạp đổ cái chế độ bất công này, cái chế độ làm cho kẻ ăn không hết, người lần không ra, thì người viết e rằng cái bình minh ông nói chắc chỉ có trong tranh vẽ của ông thôi.

Đi xa hơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khuyên em hồn nhiên chờ bình minh tới, nhà báo Ngọc Lan còn tán dương em tài công Chợ Nổi Cái Răng nhiệt liệt: Tôi nhìn em, thầm nghĩ, “bao giờ thì tôi mới học được cách không hề buông một lời than vãn và biết bằng lòng với cuộc sống như em nhỉ? Em quay sang nhìn tôi, mỉm cười, trong vắt, bình an.

Người viết vốn là dân Miệt Dưới (Down Under), trên là Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị, Tổng Toàn Quyền Madame Quentin Bryce, Thủ Tướng Mademoiselle Julia Gillard , chịu phụ nữ áp bức quen rồi, nên vô cùng ‘cung kính…trọng’ nữ ký giả tài hoa Ngọc Lan. Không dám ‘càm ràm’ chi hết. Tuy nhiên qua lời ký giả Ngọc Lan nói muốn học cái cách sống của em lái tàu tuyệt vọng trên chợ nổi Cái Răng, an nhiên tự tại, an bần lạc đạo để Việt Nam đoạt huy chương bạc, nghĩa là hạng  nhì, về chỉ số sống hạnh phúc trong ‘lồng’, thì  người viết dù có  ‘Lady First’ bấy nhiêu cũng xin phép không đồng ý…kiến?

Em, hai mươi hai tuổi, là hoa, là trái đang độ thanh xuân của đất nước mà em hồn nhiên chín háp vậy sao?! Hoa đất nước thì như mấy em ở cù lao Tân Lộc, Cần Thơ, giờ có tên là đảo Đài Loan, vì con gái nơi nầy đi lấy chồng Đài Loan ráo trọi. Ngay cả mới 14 tuổi là hoa mới chum chúm, chưa nở cánh nào, mà đã lấy khai sinh của con chị để được đủ tuổi kết hôn mà đi lấy chồng xa. Còn trái như em tài công của tàu du lịch trên sóng nước Cái Răng thì thành trái ‘cu ky’.

Đêm nay, sau môt ngày làm việc vất vả, về lại khoang tàu để ngã lưng chắc em sẽ rầu rầu mà hát Chim Đa Đa, chồng gần sao không lấy, lại lấy chồng xa? Hay văn nghệ thêm một chút, em chơi câu ca dao: Tay em đã trắng lại tròn. Em cho ai gối sao mòn một bên? Câu trả lời dể ợt: Tay em đã trắng lại tròn. Cho chú Chệt gối, nên mòn hết trơn!

Còn phần “Qua” cũng xin trả lời em luôn: Đời em chín háp như vậy là tại “Nó” chứ tại ai! Còn không dám chỉ tay thẳng vô mặt “Nó”; tại mầy chứ ai, thì  Cách Mạng Hoa Lài, Mùa Xuân Á rập! Mohamed Bouazizi tự thiêu, chống lại áp bức bất công, cũng kệ anh ấy; thì người viết e rằng đất nước mình chắc còn lâu…còn rất lâu… mới khá?!

đoàn xuân thu.

melbourne.

__________________________________________________________________________

Vài Cái Cù Nèo!

dxt_aug24_ToDongPha.jpg

Hồi xửa hồi xưa Tô Đông Pha đọc thơ Vương An Thạch, thấy có hai câu:

Minh nguyệt sơn đầu khiếu

Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

Đông Pha chê là vô lý: trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa được?

Do nghĩ như vậy nên Đông Pha lấy bút sửa chữ khiếu ra chữ chiếu, sửa chữ tâm thành chữ âm, thành ra:

Minh nguyệt sơn đầu chiếu

Hoàng khuyển ngọa hoa âm

Trăng sáng soi đầu núi

Chó vàng nằm dưới hoa

Sau đó, Tô Đông Pha bị đổi tới một nơi ở phía nam. Ở đó, Đông Pha thấy một loài chim tên là Minh Nguyệt, và một loài sâu tên là Hoàng Khuyển. Lúc đó, Đông Pha nhớ lại hai câu thơ của Vương An Thạch, có nghĩa là:

Con chim Minh Nguyệt hót ở đầu núi

Con sâu Hoàng Khuyển nằm giữa đóa hoa

Lúc ấy Đông Pha mới biết kiến thức của mình còn kém họ Vương nhiều (hết trích)

Bài thơ này của Vương An Thạch, vốn làm quan tới Tể Tướng… như Thủ Tướng bây giờ, theo tài thô trí thiển của người viết thấy, thì có gì hay đâu; nhưng Ông Tô Đông Pha chắc ỷ mình hay chữ nên dám lớn lối sửa thơ Tể Tướng Vương An Thạch mà chẳng hay kiến thức động vật học của ông thua Vương An Thạch nên mới bị hố to…  Minh Nguyệt là tên con chim thì ông lại nghĩ là trăng sáng. Hoàng Khuyển tên một loài sâu thì ông nghĩ là chó vàng.

Cái giai thoại này nghe ‘linh tinh lang tang’ lắm. Bởi, theo người viết, thì mấy chú Ba làm thơ khoái đối nhau chan chát lắm. Câu trên đối câu dưới, chữ này đối chữ kia…thì ‘trăng sáng’ cách chi mà đối với ‘chó vàng’ được. Mà thi bá cỡ Tô Đông Pha hỏng lẽ không biết ‘đối’ mà phê ẩu như vậy để bị ‘quan anh’ căm tức; bèn lạm dụng quyền lực ‘đày’ nhà thơ đi thâm sơn cùng cốc, cho đi thực địa, để đi một đàng học một sàng khôn?! Nhưng nếu ngài tể tướng có ‘đì’ nhà thơ dốt mà láo đi chăng nữa thì cũng châm chước được; vì vậy cũng còn nhẹ; chớ bây giờ trong nước ai mà phê hay chê tể tướng là lên bờ xuống ruộng ngay nghe em.

Thấy cái gương tày liếp của thi bá Tô Đông Pha người viết bèn ‘rút kinh nghiệm’ là: có đọc thơ ai, hiểu tới đâu thì hiểu chứ không dám chê, khen gì ráo trọi. Nếu nhà thơ đó có quyền hành như anh Lành, Tố Hữu làm tới Phó Tể Tướng, ai chê thơ ‘y’ là về nhà ăn ‘bo bo’ mệt nghỉ như Phùng Quán với Hữu Loan…

Nhưng đọc mà không hiểu, rồi lại sợ không dám hỏi ai thì cũng ấm ức trong lòng lắm! Có lần người viết hỏi ông bạn thơ khoái nổ, về bài thơ ông luôn luôn đăng trang trọng trên đầu trang báo nghĩa là gì; thì ông bạn thơ phán rằng: “Tao viết, tao còn không hiểu; huống chi mày! Xin lỗi nhe, bữa đó xỉn quá nên quên là tao muốn nói cái gì rồi?!”

 

dxt_aug24_BuiGiang.jpgNgay cả Bùi Giáng, nghe nhiều người nói ông là nhà thơ lục bát hay nhất Việt Nam thời hiện đại mà người viết đọc cũng không hiểu ông muốn nói cái gì. Chẳng hạn như:                                                                                                                                        

Tôi gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ

Tại sao gọi Mỹ Tho là Mỹ Thỏ?  Hay là ông chê thằng Mỹ đổ quân vào giúp Việt Nam Cộng Hòa chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản, nửa đường như ‘Thỏ’ đã cuốn gói dông luôn; nên bị ông chê ‘nhát như Thỏ’.

Hay câu

Tôi gọi Cần Thơ là Cần Thở

Tại sao Cần Thơ là Cần Thở?  Hay là VC vô, bóp cổ dân mình mắt trợn trắng trợn dọc, nên Cần Thơ phải Cần Thở chăng?

Tôi cũng tính làm gan định hỏi ông; nhưng tiếc thay ông đã qua đời rồi thì giờ biết hỏi ai đây?

Hoặc ông Nguyên Sa, đi Tây về, nên thơ ông cũng cũng rất Tây luôn:

‘Hôm nay Nga buồn như con chó ốm’

dxt_aug24_NguyenSa.jpgÔng Nguyên Sa, người Bắc, nên Nga, con chó ốm của ông, không phải là con chó ốm nhom, ốm nhách… mà là con chó bị bịnh… Nhớ hồi đến gặp em yêu; chắc mới bị ba rầy má chửi sao đó, nên em buồn hiu hắt… Thấy câu thơ Nguyên Sa hay vì lạ, nên người viết ‘chôm’ làm ý của mình.. Người viết lại diễn Nam rằng: “Sao bữa nay em buồn như con chó bị bịnh vậy?”

Kết quả là nhém ăn một bạt tay; may mà lẹ con mắt nên né được…Từ đó ‘cạch’ mấy ông nhà thơ. Không dám ăn cắp; dù là thơ của mấy ông hay đến đâu đi nữa?!

Xa thơ, người viết bò qua văn xuôi. Nhớ hồi còn kẹt ở quê nhà, người viết được một ‘cây đa, cây đề’ trong làng báo đương thời khoe một bài viết của ổng đăng trang trọng trên nhựt báo Nhân Dân tựa là: “Vàng nổi đồng bằng”.

Tính người viết thì xởi lởi, ăn ngay nói thật, nên ‘thỏ thẻ’ với ông rằng: Tôi biết ông viết bài, ‘ca’ công ty Mekong Cần Thơ chuyên ‘thu mua’ vịt rồi ‘quay’, xuất khẩu đi Hong Kong. Vịt nổi đồng bằng mà?! Vịt làm công ty giàu to trong khi nông dân dầm sương dãi nắng với bầy vịt đến bạc trắng phong trần. Tôi biết: nó có ‘bồi dưởng’ để ông ‘ca’. Nhưng ông đặt tựa như vậy, dân Nam Bộ, nó cười ông chết; vì nó tưởng ông nói… ‘cái đó’ nó nổi lềnh bềnh …trên sông nước đồng bằng?!

Tưởng lời ngay tình thật cho ông từ Bắc Pó vào…học thêm cái ‘Văn Minh Miệt Vườn Sơn Nam’ nhè đâu ông nổi ‘cáu’ hỏng thèm cho mầy đọc bài viết của tao nữa! Thiệt người ngay mắc nạn?!

Bị một lần, người viết cũng chưa tởn! Mới đây, người viết đọc bản tin trên báo điện tử Dân Trí của ‘cây đa, cây đề’ ngày xưa; giờ là phóng viên thường trú đồng bằng. Bài này rõ là không do ông mà do thằng đệ tử ông viết. Lỗi lầm hơn 20 năm rồi, thầy trò vẫn y chang, mới chết chớ!

Xin chép nguyên văn trước khi có lời bình Kim Thánh Thán.

Ông Chang Song-taek là chú rể lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Ông Chang Song-taek, người kết hôn với em gái cố Chủ tịch Kim Jong-il và được các nhà quan sát tin là nhân vật quan trọng phía sau tân lãnh đạo Kim Jong-un, đã đến Bắc Kinh hôm qua…

Theo người viết, em hay chị gái của ba mình thì gọi bằng cô, chồng của cô thì gọi bằng dượng nhưng ông ‘thần thừ’ này gọi ổng là chú rể của Kim Jong Un. Viết như vậy có ‘tửng’ hông ông? Hay là tiếng quê ông là vậy? Còn trong đám cưới thì chú rể là thằng nào?

Khoèo phe địch thì cũng ‘móc cù nèo’ phe ta hai cái cho nó công bằng.

Xin chép một đoạn trên trang blog của ông Nguyễn Xuân Hoàng trên VOA:

​​Từ Nhà Ga Flinders thay vì băng ngang qua cầu đi tới sở làm nằm bên Nam ngạn thành phố (Southbank) tôi đi dọc Swanston Street ngược về hướng Bắc, hướng của hai đại học sát phố RMIT và Đại học Melbourne.

Vì là bài đăng trên blog của một nhà văn nổi tiếng, viết về thủ phủ bang Victoria, Melbourne, nơi người viết ‘bèo dạt hoa trôi’ nên được đọc khá kỷ. Té ra tác giả dịch địa danh ‘Southbank’ thành Nam ngạn thành phố. Hồi xưa giờ đọc cũng nhiều, chỉ nghe thấy hữu ngạn, tả ngạn một dòng sông. Như hữu ngạn hay tả ngạn Sông Hồng chớ có bao giờ nghe Nam ngạn thành phố ?

Hay là chữ mới mà người viết ‘văn dốt vũ nát’ chưa hề biết tới?

Bèn lục cuốn từ điển của ông Lê Văn Đức thì thấy: tả ngạn, danh từ, Bờ bên trái (bắt từ nguồn): Tả ngạn sông Cữu Long.

Còn nam ngạn, bắc ngạn thành phố hỏng có gì ráo… thiệt mới tức?! Hỏng lẽ thầy sai?

Theo ý thì Southbank là bờ phía nam của dòng sông Yarra chảy qua Melbourne trước khi đổ vào Vịnh Phillip. Thì bờ phía nam sông Yarra cho rồi. Dịch vậy nghe cũng thơ quá đi chớ; phải không? Nam ngạn thành phố chi cho nó rối việc, thưa thầy?

Đó là chuyện bên Úc; còn bên Mỹ, trên tờ Thời Báo, người viết có đọc một bản tin:

Một cụ ông Việt bị đánh chết trong bệnh viện, vì mê hát

Saturday, 18 August 2012 15:51 Tin Bắc Mỹ

Santa Anna, California: Một cụ ông 83 tuổi đã bị buộc tội đánh chết một cụ ông 94 tuổi người Việt ở cùng một phòng trong bệnh viện,theo bản công bố của tòa thượng thẩm tiểu bang California hôm thứ sáu ngày 17 tháng 8 năm 2012.

Theo bản cáo trạng thì vào ngày 1 tháng 10 năm 2010, nghi can William Leo McDougall và nạn nhân là cụ ông Nguyễn Văn Mạnh, cùng ở trong một phòng tại bệnh viện Palm Terrace ở Laguan Woods, sau cuộc giải phẩu xương hông. Theo bản cáo trạng thì nghi can McDougall đã trở nên giận dữ khi người cùng phòng đã hát những bài hát Việt Nam. Nghi can đã lấy một thanh gỗ trong tủ, liên tiếp đánh vào đầu nạn nhân. Một y tá trông thấy can thiệp, nhưng nạn nhân đã chết sau đó.

Đây là một tấn thảm kịch. Một người vô tội cuối đời rồi còn bị đánh chết chỉ vì hát tiếng mẹ đẻ của mình. Đọc thật chua xót! Vậy mà đọc cái tựa trên của nhà báo, người viết càng buồn hơn nữa, vì trong bản tin này có nói gì về cụ ông này mê hát để bị đánh vào đầu cho tới chết đâu?

Đặt tựa như vậy tạo sự giựt gân, thu hút người đọc, nhưng làm như vậy; có nhẫn tâm quá hay không?

Thưa quý bạn đọc thân mến.

Người viết xin chân thành cáo lỗi với hai tác giả phe ta nói trên; nếu có điều gì thất thố. Còn đối với bọn văn nô, bồi bút trong nước viết lách ‘lôm côm’ như thế thì kệ cha chúng nó!!!

đoàn xuân thu.

melbourne

Tình yêu thời quỷ ám!

dxt_aug18_1.jpg dxt_aug18_2.jpg

 

Đoạn Tuyệt là tiểu thuyết luận đề của nhà văn Nhất Linh, xuất bản năm 1936. Chuyện rằng: Loan, có học, có tư tưởng mới, không muốn sống ‘trong sự phục tòng cổ lệ’ như mọi người con gái khác. Loan yêu Dũng, Dũng yêu Loan; nhưng Loan bị cha mẹ ép gả cho Thân, con nhà giàu ở Thái Hà, một thanh niên tầm thường, cổ hủ, nhu nhược, không có óc tự lập.

Bà Phán Lợi là một bà mẹ chồng rất trung thành với lễ nghi cũ, cay nghiệt và hiểm độc đối với con dâu mà bà muốn phải hoàn toàn tòng phục .

Loan có cố gắng tỏ ra thần phục, kính trọng mẹ chồng và yêu chồng để được yên thân. Nàng sống tủi cực, ngày ngày phải chịu những sự hành hạ vô lý của mẹ chồng, của gia đình chồng.

Cuối cùng cao trào của cuộc xung đột xảy ra: bị chồng đối xử tàn nhẫn nhân một chuyện nhỏ, bẩn thỉu, Loan chống cự. Trong lúc Thân hung hăng như con hổ dữ sấn lại phía nàng, tay cầm một chiếc lọ đồng, nàng hoảng hốt vớ lấy một con dao rọc sách định giơ đỡ. Bị đạp mạnh, Loan trượt chân ngã xuống giường. Thân ngã theo, bị con dao đâm trúng ngực chết. Loan được tòa án tha bổng sau một thời gian bị giam cầm. 

Nhất Linh, dù cuộc hôn nhân của chính bản thân ông là do cha mẹ sắp đặt, nhưng ông đã hết lòng cổ vũ cho quan niệm tự do luyến ái, giải phóng người phụ nữ khỏi những ràng buộc cổ hủ, lổi thời…

Tựa đề Đoạn Tuyệt của Nhất Linh nghĩa là dứt khoát với cái cũ, cái thói gả bán, gả con để trừ nợ…Cuộc hôn nhân không tình yêu mà người phụ nữ là nạn nhân chịu nhiều đau khổ nhất.

Vậy mà cho đến thập niên 60s,  hồi Mậu Thân, đêm ngồi học bài thi Tú Tài 2, nhà là Bưu Điện Mỹ Tho, 31 đường Gia Long , xung quanh toàn là nhà ông lớn… chờ nghe VC pháo kích vào thành phố đêm đêm mà chạy xuống hầm trú ẩn. Và để đở căng thẳng thần kinh vì không biết trái pháo 130 ly của VC nó có rớt xuống trúng đầu mình không? Người viết, trên radio, vẫn còn nghe Giáng Thu than van, rền rỉ cho mối tình trúc trắc, trái ngang: Thân Phận, Lê Mộng Bảo, mà nói theo ông Hoàng Hải Thủy là: ‘Cảm khái cách chi!’

Tối qua có người đến nhà xin bỏ trầu cau. Ba mẹ đón chào chuyện hỏi cưới bàn thật lâu. Em buồn em khóc biết bao nhiêu. Nhớ anh và thương anh thật nhiều nhưng lòng giận anh và yêu anh cớ sao không tìm em?
Mẹ thương em đến bên giường hôn trán em thì thầm: Con nhỏ này dạy ghê mẹ chọn nơi quyền quý người ta thế mà chê? Cưng nghe mẹ đi cưng hai lần hai là bốn thực tế vậy mà thôi!
Vắng anh thấy buồn khóc hoài không ngủ cả đêm. Gió mưa trước thềm đèn lẻ lói càng buồn thêm! Em là con gái yêu hôm nay. Biết sao ngày mai trong cuộc đời xin đừng bỏ em đừng xa em dưới cơn mưa trời đêm!

Té ra 30 năm sau ngày nhà văn Nhất Linh cho nhân vật Loan của mình đoạn tuyệt với cái lề thoái cổ hủ hôn nhân gả bán, trừ nợ gia đình thì cuộc hôn nhân không tình yêu, vì tiền, vì môn đăng hộ đối… vẫn còn rơi rớt, bám lại trong xã hội quê mình ‘dai như con đỉa đói’!.

Sau này ra được nước ngoài thấy có tự do, có cơm ăn áo mặc nhưng cái thích nhứt, đối với người viết, vẫn là tự do luyến ái. Còn yêu còn ở; hết yêu thì ra tòa chia con, chia của, đường ai nấy bước vậy thôi! Người con gái được tôn trọng: Được lấy người mình yêu mà không ai, kể cả cha mẹ được quyền áp đặt nhân danh bất cứ cái gì. Người phụ nữ được tự do yêu và tự do ‘nghỉ’ yêu nếu muốn…

Vậy mà khi đọc báo thấy chuyện sát nhân này xảy ra ở Pakistan người viết cảm thấy kinh hoàng! Thương xót cho người con gái lỡ sinh ra trong một đất nước mà hủ tục hôn nhân do sự sắp đặt của gia đình vẫn còn tồn tại và tác yêu tác quái. Thế mới kinh hoàng!

Hãy nghe một nhà báo nữ Pakistan: Sehrish Wasif  than thở:

Sinh ra làm con gái ở Pakistan là một bi kịch: phụ nữ Pakistan không được quyền đi xe gắn máy hay xe đạp để đi học hay đi làm. Khi ra ngoài thì phải chịu đựng những lời trêu chọc thô bỉ của cánh mày râu, đôi khi bị mấy ông già mất nết, đáng tuổi cha chú, dừng xe lại cho có giang… để tìm cách sàm sỡ. Còn đứng một mình chờ một chiếc taxi thì bọn chúng trố mất nhìn một cách đểu giả như thể mình là một vật chưng bày trong tủ kính.

Còn nếu đủ can đảm ra ngoài đi dạo một mình thì hàng xóm đã mắng vốn  là: “Hãy coi chừng con gái ông bà phóng túng quá, đừng để nó vượt qua những điều cấm kỵ, lề thói của xã hội, của cộng đồng?!”

Và thay vì ủng hộ, khuyến khích con mình hội nhập với thế giới văn minh bên ngoài; thì ba má lại khuyên: “Thôi ở nhà cho nó an thân!” Nói như vậy là mặc nhiên chấp nhận sự tự giam cầm, mất tự do của chính con mình.

Pakistan là đất nước độc lập nhưng nó không có tự do!

We call Pakistan an independent state but I do not experience any freedom!

Tàn nhẫn hơn nữa là chuyện giết người để bảo toàn danh dự (honour killing). Mà ‘honour killing’ là gì? Cái gọi là ‘honour killing’ là gia đình giết hại thành viên trong gia đình bị cho là đã làm ‘điếm nhục gia phong’!

The so-called ‘honour killings’ are murders by families on family members who are believed to have brought ‘shame’ on the family name.

Sự tủi nhục này là do nạn nhân từ chối một cuộc hôn nhân đã định trước hoặc có những quan hệ tình ái mà gia đình cho rằng không đúng đắn.

The apparent "shame" could be caused by a victim refusing to enter into an arranged marriage or for having a relationship that the family considers to be inappropriate.

‘Honour  killing’ kinh hoàng nhất vừa mới xãy ra tuần rồi ở Pakistan,  Luật sư Javed Iqbal Shaikh đã dấu cây súng lục trong áo choàng luật sư , mang vào phòng xử, rồi bắn vào đầu, hạ sát ngay chính em ruột Rahila của mình trong một phiên tòa Hyderabad's Sindh High Court (SHC) Circuit Bench, chỉ vì cô ấy lấy người cô yêu mà không chịu lấy người theo gia đình sắp xếp. Vì làm như thế là ‘điếm nhục gia phong?!’

Sehto, người chồng khốn khổ của nạn nhân, nức nở nói: “ Trước khi ngã xuống, vợ tôi tuyệt vọng đưa ánh mắt hướng về tôi!” 

Sehto said: “Before she fell to the ground, my wife was looking straight at me!”

Kẻ thủ ác thường là người ít học nhưng trường hợp này lại là người học cao hiểu rộng, làm tới luật sư, nghĩa là thầy về luật, mà nỡ nhẫn tâm bắn chết ngay cả em ruột của mình trong phiên tòa có mặt biết bao người. Thì thiệt đúng là thời quỷ ám!

Hành động sát hại chính người ruột thịt của mình nhân danh bảo vệ danh giá gia đình (honour killing) không chỉ xãy ra ở Pakistan mà cả ở Anh Quốc.

Giận dữ vì con gái không đồng ý lập gia đình với người em không yêu do gia đình sắp đặt trước, nên em đã bị cha mẹ đánh đập nhiều lần. Có lần em phản kháng bằng cách uống nước tẩy rửa để chết và phải nằm nhà thương suốt hai tháng trời mới hồi phục. Em đã tìm cách trốn đi và khẩn cầu sự giúp đở của nhà trường, nhân viên xã hội, cảnh sát …

Cho tới một đêm, bực mình vì cách ăn mặc theo lối phương Tây, là chiếc áo T- shirt, của Shafilea, cha mẹ em là Iftikhar Ahmed, 52,  và Farzana, 49, đè em xuống,  nhét bao plastic vào miệng và bịt miệng em lại, làm em ngạt thở đến chết. Sau đó gói xác em vào một cái chăn, Iftikhar Ahmed bỏ lên xe chở đi phi tang. Xác em được tìm thấy ở sông Kent, vùng Cumbria, tháng 2 năm 2004.

Dù cố gắng quanh co che dấu, cuối cùng quả báo nhãn tiền, trước lời khai của chính một trong những đứa con gái đã chứng kiến hành động sát nhân này, khi đó em chỉ vừa 12 tuổi,  khai trước tòa.  Bồi thẩm đoàn tuyên bố hai con người bị quỷ ám này phạm tội sát nhân và lảnh án chung thân.

Một đất nước tự do không thể nào dung thứ cho hành động giết người ghê tởm trên dù nhân danh bất cứ lý do gì chăng nữa!

Năm tới, 2013, kỷ niệm 50 năm ngày mất nhà văn Nhất Linh, người viết nhớ tới ông, nhớ tới Đoạn Tuyệt, nhớ tới Loan, dù đọc nó hồi còn đệ lục, đệ ngũ Petrus Ký Sài Gòn, nên không hiểu hết. Bây giờ nghĩ kỹ lại, người viết càng kính phục cái tuyên ngôn giải phóng người phụ nữ trong tiểu thuyết luận đề Đoạn Tuyệt của ông, đi trước thời quỷ ám này gần tám mươi năm!

Tình yêu không ai hủy diệt được, dẫu trong thời quỷ ám.

Phải không thưa quý bạn đọc thân mến?

đoàn xuân thu.

melbourne




 

Tiền ‘ta’ là nụ cười người ấy!

dxt_aug13_1.jpgdxt_aug13_2.jpg


Ông Bảo Quốc đóng vai một ông râu quặp. Thiên hạ cười, chê ?! Nên chống chế rằng con sư tử Hà Đông ở nhà  rất sợ ông. Ông nói gì là bà ấy làm ngay răng rắc... Chẳng hạn khi lãnh lương về, ông biểu vợ: “Cất đi!” Bả bèn riu ríu nghe lời ông đem cất vô túi bả!

Đó là khi đã thành vợ thành chồng, nghĩa là ván đã đóng thuyền, khi người nữ chiếm được chính quyền, đã làm chủ tình thế… chứ hồi còn là tình nhân em cũng rộng rãi lắm à nha. Em cũng dám ‘chi’ lắm.

Giống Lan Lệ Thủy căn dặn Điệp Trọng Hữu rằng: “Đây chút tiền mọn từ lâu em dành dụm, trao anh làm lộ phí đường xa. Mai mốt đây khi danh phận rỡ ràng, xin chớ phụ phàng tình xưa duyên cũ!”
Còn Điệp thì: “Nhớ người yêu trút ống cho anh ăn học, nguyện trọn một đời không vong phụ đổi thay ...?”

Xui cái là Lan đầu tư tiền bỏ ống nhầm người vong phụ, em bị ‘bankrupt’ nên bỏ đi tu rồi chết!

Chắc vì vậy mà sau này phụ nữ trở nên thực tế hơn. Binh đường thủ cho chắc ăn. Vì có người định nghĩa: Tiền là Tiên là Phật. Là sức bật tuổi trẻ. Là sức khỏe tuổi già. Là cái đà danh vọng. Là cái lọng che thân. Là cái cân công lý. Có tiền là hết ý...!!!”

Cũng có người nói:“Tiền là Tiên, là Phật.  Là sức bật con người . Là nụ cười người ấy!”

Mấy em Lan Úc không biết có đọc được câu vè này không mà cũng hiểu quyền lực của đồng tiền hơn cánh đàn ông Điệp Úc một trời một vực! “No money! No Honey!” “Không tiền thì chẳng có anh yêu nào ráo trọi!”. Ai mà không ‘yêu’ tiền.  Vì yêu tiền nên yêu người là một chuyện; mà lấy người nào làm chồng là chuyện khác?!

Ở Bắc Triều Tiên cũng thế thôi! Chính vì vậy mà Kim Chính Ân, thống chế tự phong, của nước Bắc Triều Tiên Cộng Sản, mặt như con heo ‘sữa’ cũng ‘sắm’ được con vợ đẹp quá chừng chừng?! Không có quyền và có tiền thì còn lâu chú Kim mới rớ được cọng lông…chưn của em nhá!

Tư tưởng lớn gặp nhau! Mấy em Lan Úc cũng rất là thực tế như Kim Phu Nhân, Ri Sol-ju,  thường dạy dỗ với nhau rằng: “Em sẽ lấy một anh chàng nghèo mạt rệp hay em kết hôn với một người, ít nhứt cũng có đủ tiền cho gia đình sống sót? Đem tình yêu đi mua thực phẩm được không em?”

“Will you marry someone if you will live in poverty with him or will you choose to marry someone with enough money at least for you and your family to live? Can you buy food with your love?”

Lúc mới đượm sơ sơ; chưa tới nồng nàn hương lửa, em đã đem bàn tính ra, khỏ ‘cóc cóc’ để xem binh đường nào lợi? Thủ hay dương như đánh bài ‘sập xám’? Còn thành gia thất rồi thì em “thủ” cẳng tiền riêng cho chắc ăn!!!

Như trong các gia đình người Nhật, vợ cầm tiền. Tháng lương, chồng đưa vợ trả tiền nhà, tiền bill, tiền chợ. Vợ đưa lại chồng tiền túi, chừng 30,000 yen khoảng 300 đô Mỹ gọi là ‘kozukai’ đề phòng ảnh ra đường đạp bánh tráng mà có tiền đền…

Sau khi chi dụng cho gia đình, còn dư chút đỉnh, thì em giấu vào một nơi bí mật, phòng những ngày mưa mà ngay cả ông chồng cũng không biết nó nằm ở đâu và được bao nhiêu rồi?! Tiếng Nhựt gọi cái hành động thủ cẳng đó là: heso kuri.

Theo tạp chí Time chuyện vợ giấu tiền riêng không phải là mới mẻ gì Vì từ tạo thiên lập địa, thuở từ cái đám cưới đầu tiên của nhân loại là nó đã có rồi. Một cuộc khảo sát 1000 phụ nữ có đi làm năm 1995, 13% các bà dấu tiền riêng. Mà bà nào trải qua hai ba đời chồng rồi thì còn thủ kỹ hơn nữa. Theo thống kê 71% quý bà ở với đời chồng thứ hai có dấu tiền riêng.

Em dấu; ngu gì anh không dấu?! Nên mấy ông Nhật, dù là truyền thống võ sĩ đạo, danh dự là trọng, chuyện gì cũng quang minh chính đại, đường đường chính chính, cũng dấu như thường, cũng bỏ một số tiền bí mật cho riêng mình trong tủ có khóa ở sở làm, dành để đi nhậu, bù khú với bạn cùng nhiệm sở cho tới chiếc xe lửa cuối cùng trong đêm,  say, ‘quỷnh củ tỉ’ lết về nhà…Tiền dấu vợ xài cho đã chớ không ‘quờ quạng’ dấu tiền như ông Úc ‘thòi lòi’ trong câu chuyện dưới đây:

Ông thần thừ này ở Sydney bán chiếc xe Toyota Supra sport được 15 ngàn đô Úc khoảng 15,652 đô Mỹ. Thay vì dấu dưới tấm nệm trong phòng ngủ hay chôn ở sân sau thì ông dấu vô lò nướng ít khi dùng. Tiền ông nói để trả thêm vào tiền nhà cho nhà ‘bank’. Nếu những gì ông nói là thật; thì dấu vợ làm quái gì?

Xui cho ông là vợ ông lại xài cái lò để nướng gà cho hai đứa con ăn.

Bà nướng gà và nướng luôn số tiền ông dấu. Khi khói bốc lên mù mịt nghe ông la trời, bà mới biết, khóc ròng…May phước là tiền Úc làm bằng giấy ‘polyme’ chứ không phải bằng ‘plastic’ như đồng Gia kim của Gia Nã Đại. Chứ bằng ‘plastic’, gặp nóng, nó chảy tiêu hết; thì ông ‘húp cháo rùa’ rồi.

Ngân hàng trử kim Úc Châu kêu ông ra ngân hàng Westpac, nơi cho ông mượn tiền mua nhà, xin giúp đở. Nếu tiền cháy dưới 20% ông nhận lại đầy đủ. Cháy trên 20% còn bao nhiêu phần trăm thì nhận lại bấy nhiêu phần trăm còn lại của giá trị số tiền bị cháy. Thôi của đổ, hốt lại được đồng nào hay đồng nấy vậy ông ơi. Cho bỏ cái tật giấu tiền với vợ nha ông!

Còn ở Florida, USA, một bà cụ 90, góa chồng cũng khá lâu. Nhớ chồng yêu và những ngày mặn nồng năm cũ; bà đem cuồn ‘film’ đựng trong hộp,  quay cảnh sum họp gia đình hồi năm nẩm, đến Walmart gần nhà để nó chuyển từ ‘film’ nhựa ra DVD cho bà giữ làm kỷ niệm. Walmart gởi cho ‘Yes Video’ ở Georgia làm. Ở đó người ta khám phá ra 3100 đô Mỹ dấu ở trong hộp đựng ‘film’ và muốn trả lại cho bà cụ may mắn này.

Năm 1996, chồng bà, ông Mickey Weiner về hưu được hai tháng thì mất. Hồi sinh tiền, ông thường nói là muốn dành tiền để đi Do Thái.

Ông mất đi mà ước vọng chưa thành. Thương người ‘cày tới chết’!

Bà Evelyn nói rằng: “Bây giờ đọc báo, nghe radio, xem ti vi thấy toàn là người xấu, toàn là bọn ăn cắp mà không ngờ vẫn còn người tốt tìm được số tiền mà không ‘im lặng vô tuyến’; mà bỏ túi riêng; còn tìm cách trả lại cho bà. Xã hội vẫn còn người lương thiện đó chớ! Chắc nhờ người chồng yêu, dẫu chết rồi, vẫn còn phù hộ bà và mấy đứa con, cháu… qua cơn túng ngặt của thời buổi kinh tế Mỹ đang hồi suy thoái!”

Thưa quý bạn đọc thân mến, người viết làm ‘cu li’, lương ba cọc ba đồng, có đồng nào là xào đồng nấy, chỉ đủ tiền đưa cho vợ trả tiền nhà, tiền bill, tiền chợ, có dư cắc nào đâu mà dấu vợ… để năm nay ba đau, năm sau má ốm mà có cớ ‘phịa’ với má thằng cu… để bay về Việt Nam bia ôm, bia iếc. Vã lại người viết vốn là ông chồng ngoan ngoản: “Nhớ người yêu trút ống cho anh ăn học, nguyện trọn một đời không vong phụ đổi thay ...?”

Không những không ‘vong phụ đổi thay’ mà còn cung kính với vợ mình như cung kính Má…bầy trẻ. Xin thề có đất trời anh không dấu em đâu?! Bởi vì có dấu cũng không thoát!!!

đoàn xuân thu

melbourne

Ngôi trường như đóm lửa!

dxt_Aug5_1.jpgdxt_aug5_2.jpg

Bị tạt acid, bị đầu độc: là những nguy cơ có thể xãy ra với các em nữ sinh Afghanistan khi cắp sách đến trường!

Razia Jan đã thành lập một trường nữ  ở ngoại ô Kabul Afghanistan, nơi các em gái nhận được một nền giáo dục miễn phí. Nhiều nhóm vũ trang trong đất nước này chống lại cái ý tưởng các em gái đựợc đi học và đe dọa sử dụng vũ lực nên trường phải thực hiện những biện pháp bảo vệ các em trước những kẻ cuồng tín toan tính tấn công.

Nhưng những tên khủng bố này sẽ không có cách nào ngăn cản được các em gái Afghanistan đi học.

Razia Jan nói: “Họ điên rồi! Ngày chúng tôi khai giảng thì phía bên kia thành phố,  chúng đã ném lựu đạn và giết chết cả trăm nữ sinh”

Mỗi ngày đều có tin ai đó tạt acid vào mặt các em hay bỏ độc chất vào nước uống ở trường”

Theo Liên Hiếp Quốc thì 185 cuộc tấn công nhắm vào trường học và bịnh viện ở Afganistan hồi năm ngoái. Mà đa phần là do bọn khủng bố có vũ trang tiến hành nhằm chống lại việc giáo dục các em gái Afghanistan.

Thật là đau lòng khi thấy những tên khủng bố này đối xử với phụ nữ như thế. Jan, 68 tuổi, nói:  Dưới mắt chúng, phụ nữ chỉ là một đồ vật mà chúng muốn sở hữu. Chúng sợ rằng khi các em gái nhận được nền giáo dục sẽ hiểu được quyền phụ nữ và đòi hỏi  phải được đối xử như một con người!”

Mặc dầu bị đe dọa dùng vũ lực, Jan vẫn mở cửa trung tâm giáo dục Zabuli. Đó là tòa nhà hai tầng có 14 phòng học để cho 354 nữ sinh được đến trường mà không phải trả học phí.

Địa phương trường tọa lạc gồm 7 làng nhỏ, dù không phải do Taliban kiểm soát, nhưng cũng rất khó mà thay đổi quan niệm ngu xuẩn của những người chống đối lại việc giáo dục dành cho phái nữ. Chính vì vậy mà hầu hết đàn ông, đàn bà nơi nầy đều mù chữ. Học trò ở trường này là thế hệ đầu tiên được đi học.

Buổi chiều trước ngày tựu trường có 4 người đàn ông đến gặp Jan và nói:

“Đây là cảnh cáo lần chót… Bà phải chuyển trường dành cho nữ sinh này thành trường nam vì con trai là  trụ cột của Afganistan.”

Jan quay lại nói:

“Xin lỗi! Chính các em gái mới là triển vọng, là tương lai của đất nước này nhưng thiệt là không may khi các ông không nhận ra được điều đó và tôi thực sự muốn giúp quý ông nhìn ra bản chất sự việc!”

Đừng sợ chúng! Bạn phải dũng cảm nói “không”. Và có thể vì tôi đã lớn tuổi rồi nên chúng không dám tranh luận với tôi chăng?

Trung tâm giáo dục Zabuli dạy các em gái từ mẫu giáo đến lớp 8. Không có trường này, các em sẽ không biết đi học ở đâu?

Khi khai giảng năm 2008, học trò đến xin học 90% không biết viết ngay cả chính tên mình dù các em đã lên 13, 14 tuổi. Còn bây giờ tất cả đều biết đọc và biết viết!

Trường dạy toán, khoa học, giáo lý và ba sinh ngữ: tiếng Anh, Farsi và Pashto. Mới đây, trường có thêm phòng máy điện toán kết nối với mạng toàn cầu. Các em có thể ngồi ở đây mà liên lạc với thế giới bên ngoài. Và tri thức là điều mà không ai có thể cướp được của các em!

dxt_Aug5_3.jpg

Các nữ sinh bị đầu độc hay bị tạt acid.

Để bảo vệ các em khỏi bị tấn công, Jan vừa mới xây xong một bước tường bằng đá quanh chu vi trường.

Mỗi ngày hiệu trưởng và nhân viên bảo vệ sẽ uống thử nước từ giếng múc lên để xem có an toàn hay không? Nếu an toàn, họ sẽ châm đầy các bình nước và khuân vào lớp học.

Thêm nữa, mỗi ngày nhân viên bảo vệ đến sớm để xem phòng học có bị nhiểm hơi độc hay không. Nhân viên bảo vệ mở tất cả các cửa lớp ra, xem xét phẩm chất của không khí; trước khi cho các em vào lớp.

Jan nói: “Người ta chống đối việc giáo dục phụ nữ nên chúng tôi phải cẩn thận đề phòng!”

Ra đời tại Afghanistan những năm 40s, Jan đã đến Mỹ 1970 để học Cao Đẳng, Nhiều người trong gia đình Jan đã bị giết hoặc phải đào thoát  khi Nga Sô xâm lăng Afghanistan. Jan ở lại Mỹ, nuôi nấng môt đứa con trai, bằng cách mở một tiệm may và trở thành công dân Mỹ năm 1990, luôn tham gia những việc từ thiện của cộng đồng  Duxury Massachusetts.

Rồi sự kiện kinh hoàng ngày 11 tháng 9 xảy ra làm rúng động cả tâm can nước Mỹ.

dxt_Aug5_4.jpg“Tôi thực sự kinh hoàng trước những gì xảy ra cho những người Mỹ vô tội. Bạn không thể nào tưởng tưởng được là cùng con người với nhau sao lại nỡ ác tâm làm như thế?!”

Jan chuyển tiệm may bé nhỏ của mình thành nhà xưởng để may 400 cái chăn, gởi tới những nhân viên cấp cứu ở ‘Ground Zero’, giúp đở các nạn nhân và  gởi 200 thùng đồ cho binh sĩ Mỹ ở Afganistan, những người lính đang chiến đấu chống lại quân khủng bố. Khi  nghe lính Mỹ cần giày để phân phát cho trẻ em Afghanistan, Jan và những người bạn thiện nguyện khác gởi ngay cho họ 30 ngàn đôi giày.

Trong thâm tâm, Jan còn có một ước mơ lớn hơn nữa!

Trở về thăm quê hương năm 2002, Jan thấy phụ nữ Afganistan đã chịu thống khổ như thế nào trước sự cai trị tàn bạo của chế độTaliban.

“Tôi thấy các phụ nữ là người chịu thống khổ nhất. Chế độ Taliban rất tàn nhẩn.  Phụ nữ không hiện hữu trong chế độ dã man đó. Phụ nữ không có quyền. Không được nói lên điều gì cả!”

Trong khi cuộc sống ở Mỹ đầy đủ, ấm no, do đó giấc mơ lớn hơn nữa của Jan là thành lập một cơ sở giáo dục dành cho các em gái Afghanistan.

Năm 2004 Jan bắt đầu tìm đất để cất trường. Năm 2005, được sự tài trơ của tổ chức thiện nguyện không vụ lợi do chính mình sáng lập: “Tia Hy Vọng của Razia”, Razia's Ray of Hope, Massachusetts. Trong chuyến viếng thăm Afghanistan, Jan thương thảo với Bộ Giáo Dục và tìm được một miếng đất mà Trung Tâm Giáo Dục Zabuli tọa lạc bây giờ.

“Sau năm năm, dân địa phương đã chen vai thích cánh với chúng tôi.  Đó là điều tuyệt diệu và không thể nào tin được rằng họ đã hãnh diện, tự hào về những đứa con gái của mình biết bao!”.

Trường miển phí, dù phải tốn khoảng 300 đô một năm cho mỗi em học trò. Chi phí này được tài trợ bởi tổ chức thiện nguyện vô vụ lợi của Jan.

Dù không phải túc trực ở trường mỗi ngày, Jan cũng dành nhiều thời gian thăm viếng phụ huynh học sinh, lảnh đạo cộng đồng và các bậc kỳ lão tại địa phương hai hay ba lần một năm để nêu lên những vấn nạn phát sinh, tìm cách cùng giải quyết; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của họ dành cho trường.

Jan không nhận bất cứ đồng lương nào khi làm việc ở trường vì tin tưởng rằng nền giáo dục dành cho các em là ích lợi lớn lao không những cho cá nhân mình mà còn cho toàn thể đất nước Afghanistan.

“Trường của tôi rất nhỏ. Không có gì lớn . Nhưng bắt đầu từ đây như đóm lửa, sẽ cháy bùng lên!

Tôi hy vọng một ngày nào đó các em nữ sinh này sẽ quay lại trường cũ để giảng dạy; vì tôi sẽ không ở đây cho đến hết suốt cuộc đời tôi nhưng tôi muốn trường này sẽ tồn tại thêm 100 năm nữa.”

"My school is very small. It's nothing big. But for this to start here, I think it's like a fire. And I think it will grow," she said.

"I hope that one day these girls ... will come back and teach, because I'm not going to be there all my life. I want to make this school something that will last 100 years from now."

Thà nhóm lên đóm lửa; còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm!

đoàn xuân thu

melbourne

nguồn CNN.

Tiếu Ngạo Giang Hồ!

Khi lên net, đọc tin về chú nhóc 11 tuổi, Liam Corcoran, ở Manchester xứ sương mù Anh Cát Lợi tót lên máy bay, bay đi La Mã, Ý rồi lại bay trở về với má, người viết lại nhớ đến Bottom of FormPhạm Hữu Quang (1952-2000), quê Thốt Nốt, Cần Thơ, có bài thơ “Giang Hồ” đọc nghe rất đã và rất tiếu ngạo giang hồ...

Top of Form

Tàu đi qua phố, tàu qua phố
Phố lạ mà quen, ta giang hồ
Chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ
Chẻ củi, trèo thang với… giặt đồ?

Giang hồ đâu bận lo tiền túi
Ngày đi ta chỉ có tay không,
Vợ con chẳng kịp chào xin lỗi
Mây trắng trời xa, trắng cả lòng…

Giang hồ ta ghé nhờ cơm bạn
Đũa lệch mâm suông cũng gọi tình
Gối trang sách cũ nằm nghĩ bụng
Cười xưa Dương Lễ với Lưu Bình.

Giang hồ có bữa ta ngồi quán
Quán vắng mà ta chẳng chịu về
Cô chủ giả đò nghiêng ghế trống
Đếm thấy thừa ra một gốc si.

Giang hồ mấy bận say như chết
Rượu sáng chưa lưa đã rượu chiều
Chí cốt cầm ra chai rượu cốt
Ừ. Thôi. Trời đất cứ liêu xiêu…

Giang hồ ta chẳng thay áo rách
Sá gì chải lược với soi gương
Sáng nay mới hiểu mình tóc bạc
Chợt tiếng trẻ thưa ở bên đường.

Giang hồ ba bữa buồn một bữa,
Thấy núi thành sông biển hoá rừng
Chân sẵn dép giầy, trời sẵn gió
Ngựa về. Ta đứng. Bụi mù tung…

Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
Hình như ta mới khóc hôm qua
Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

Ông nhà thơ này “chẳng lẽ suốt ngày bên bếp vợ” nên ông tiếu ngạo giang hồ. Mậu lúi cũng đi. Áo rách cũng đi. Cần gì chải lược với soi gương. Vẫn đi. Vẫn giang hồ. Vẫn cũng có cơm, có rượu như thường. Mới biết cái tình văn nghệ đối đãi với nhau ‘có gì chơi nấy’ thiệt đúng giang hồ. Nhưng cuối cùng thì ông cũng nhớ nhà quá ‘nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà ’, nhớ má thằng cu ở nhà! Thôi thì quy cố hương vậy! Trong lòng nhà thơ, dẩu tóc râu đã lấm tấm màu tiêu, muối sao vẫn còn chảy hoài cái dòng máu mạo hiểm của tuổi thơ ngây.

Và tiếu ngạo giang hồ của tuổi thơ ngây như Liam Corcoran trong câu chuyện dưới đây:

dxt_Jul28_tieungao.jpgLiam Corcoran, 11 tuổi, đã qua hệ thống kiểm tra an ninh  mà không bị xét hỏi gì hết trước khi lên chuyến bay của hảng hàng không Jet 2 ngày 24/07/2012  tại phi trường Manchester Anh Quốc.

Từ cái vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, trước khi bay trên toàn thế giới, hành khách bị ‘đày ải’ qua biết bao nhiêu là thủ tục nhiêu khê, rắc rối và phiền toái….

1. Khi mua vé máy bay, hành khách trong các nước thuộc khối EU phải cung cấp một số chi tiết cá nhân cho hảng máy bay thường là tên, ngày sinh, nam hay nữ, số và ngày hết hạn của sổ thông hành.

2. Trình sổ thông hành ở quầy check-in tại phi trường để được nhận thẻ lên tàu. Ai làm thủ tục check in bằng máy vi tính thì đi đến quầy kiểm tra an ninh.

3. Trình thẻ lên tàu cho nhân viên an ninh và đôi khi phải chụp hình.

4. Qua máy quét (scan) để coi họ có mang theo những vật gì có thể gây nguy hiểm hay không. Ngay cả chất lỏng cũng phải được đựng trong túi plastic trong suốt.  Phi trường Manchester buộc bạn phải trả 1 bảng Anh cho cái túi plastic này.

5. Trình thông hành một lần nữa trước khi vào phòng chờ đợi.

6. Trình sổ thông hành lần nữa tại cổng lên tàu.

7. Trình thẻ lên tàu cho chiêu đãi viên hàng không xem và được hướng dẩn đến chổ ngồi.

Cuối cùng nhân viên phi hành đoàn đếm số đầu người để đoan chắc khớp với số hành khách trong danh sách chuyến bay.

Và chuyện hi hữu này xảy ra khi Liam Corcoran lén mẹ cậu khi cùng đi shopping ở Wythenshawe Civic Centre lên xe bus đến phi trường Manchester cách đó 3 dặm.

Liam ráp đuôi theo một gia đình đông con và nhân viên an ninh phi trường không nhận ra là chú đi một mình và không có sổ thông hành và thẻ lên tàu.

Tóm lại là ở sân bay Manchester Anh quốc, Liam nhập vào môt nhóm trẻ con khác và có vẻ như môt thành viên trong gia đình đó là lý do tại sao Liam không được ai hỏi và cũng không hỏi ai, lên máy bay rồi tự mình kiếm chổ để ngồi.

Chuyến bay LS&791 của hảng Jet 2 đang bay qua nước Pháp thì hành khách nghi ngờ khi thấy chú chỉ ‘cu ky’ một mình, nên mới báo cho phi hành đoàn, lúc đó đã quá trể để quay trở lại, thế nên cuộc hành trình vẫn tiếp tục

Phi công trưởng gọi Manchester và cảnh sát cho mẹ cậu biết là cậu vẫn an toàn; tuy nhiên máy bay trên đường tới La Mã, Ý Đại Lợi.

Sau khi đáp xuống phi trường Fiumicino ở La Mã và quay trở lại Manchester cùng chuyến bay, chú nhỏ gặp lại mẹ mình vào khoảng 9 giờ tối ngày thứ ba 24/07/2012. Cuối cùng sau 8 tiếng rời khỏi phi trường Manchester, Liam chấm dứt ‘dế mèn phiêu lưu ký’...

Trả lời báo the Sun, Liam nói việc bay đi Ý không cần vé và thông hành còn dể hơn là làm bài tập mà thầy cô cho về nhà.

“Con không phải mang theo một thứ gì và không ai xét hỏi cái gì cả. Họ chỉ mĩm miệng cười duyên khi thấy con?!”

Liam kể lại với mẹ mình rằng: “Con biết là con găp rắc rối khi máy bay quay đầu ra phi đạo rồi cất cánh. Con chỉ làm những gì cô chiêu đãi viên hàng không biểu.  Con ngồi đó và thắt dây an toàn.”

Liam nói: “Cảnh Sát phi trường Ý chờ con ở đó. Lớn chuyện rồi và con hơi sợ. Con chỉ muốn về nhà với má con thôi! Hu hu!...”

Liam ở lại phi trường Ý gần 2 tiếng đồng hồ với cảnh sát và nhân viên phi trường. Họ cho cậu ăn kẹo, bánh mì sandwich và chocolate trước khi đáp chuyến bay trở lại quê nhà.

Tiếu ngạo giang hồ vặt của chú nhỏ làm má chú là Mary, 28 tuổi, kinh hoàng. Bà cứ tưởng con bà bị người ta bắt cóc…

Ông Justine Greening phụ trách về Giao Thông của chính phủ Anh đã phát biểu với đài BBC rằng: “Tôi xem trường hợp này là sự vi phạm rất nghiêm trọng về an ninh rất, rất là nghiêm trọng! Thế nên chúng tôi cùng với phi trường Manchester, hảng hàng không Jet 2 đang mở cuộc điều tra để tìm biết chính xác vụ việc đã xảy ra như thế nào?”

Ngày khai mạc Thế Vận Hội Luân Đôn gần kề mà làm ăn như vậy lỡ khủng bố thì sao? Nên hảng hàng không Jet 2 đình chỉ công tác 3 nhân viên. Nhân viên an ninh phi trường Manchester 4 người ‘dính chấu’…. Vì tội không biết đếm?!

Rõ ràng là chú bé này đã không được kiểm tra giấy tờ ở cổng vào cũng như lúc bước lên tàu. Tuy nhiên chú bé đã bước qua thiết bị kiểm tra an ninh vì thế nên sự an toàn của hành khách và máy bay không bị đe dọa!”

Theo giới chức phi trường biện minh thường thì cha mẹ có thẻ lên tàu cho cả đám con của mình do đó nhân viên an ninh thường đếm đầu người so với thẻ lên tàu nhưng họ đếm không chính xác… dôi ra một đứa không được đếm.

Bà con chú nói : “Liam thường khoái chơi trội để cho người ta chú ý

Chú từng bỏ đi tiếu ngạo giang hồ vặt nhiều lần nhưng lần này chú lại tiếu ngạo giang hồ tới tận La Mã, thủ đô nước Ý. Cũng đáng nể mặt ‘bầu cua cá cọp’ đó chớ!”

Khi trở lại trường, với bè bạn, con dế mèn phiêu lưu này sẽ ‘gáy te te’ cho mà coi. Một chuyến tiếu ngạo giang hồ dài 3000 dặm ! Và rùm beng trên báo chí truyền thông !

Tiếu ngạo giang hồ vặt thì cũng có chuyện cười muốn mếu…

Một trự, bạn người viết, hiện định cư ở Toronto Gia Nã Đại buồn chuyện tình duyên gia đạo, cạo da đầu…bèn tiếu ngạo giang hồ vặt qua Melbourne tìm thằng bạn cũ thời nối khố, thời quần rách, áo ôm…giờ giàu thấy ham luôn. Không phải để đọ: ‘Nhà mầy lớn! Nhà mầy cao! Sao bằng nhà tao!!! Mà sầu đời nên nhớ nghĩa kim bằng! Tưởng bở rằng nó sẽ chắt chai rượu cốt ra mà đãi bạn hiền năm cũ. Nào ngờ đâu nó dắt ra Footscray ăn phở tái nạm gầu rồi ‘bái bai’ ai về nhà nấy ngủ. Về lại Gia Nã Đại, nó viết điện thơ qua chửi… Làm người viết nghe chuyện cũng phải buồn lây cho cái tình đời đen bạc Lưu Bình Dương Lễ.

Người viết ‘cày’ hoài đâm ‘oải’. Đôi khi cũng muốn tiếu ngộ giang hồ vặt để trốn ‘con giặc lái’ dăm ba bữa nhưng khổ nỗi là có mấy thằng bạn thiết, đứa thì bay về Việt Nam trốn lạnh… tìm ấm. Đứa thì cày như ‘trâu’ để trả nợ nhà, xe thì còn có đứa nào ở không đâu mà thù tiếp bạn giang hồ.

Còn cầm cái thông hành, mua vé máy bay, bay qua Mỹ, quy mã, thì cũng vậy thôi. Nên bèn hát theo ông Châu Kỳ là “Em còn buồn nữa chị ơi!”

Tuổi thơ rất là dể thương. Muốn tiếu ngạo giang hồ vặt là đi. Cần gì vé máy bay, sổ thông hành hay chiếu khán chi cho nó rắc rối. Bay như những cánh chim. Chổ nào lạ, mà vui thì tới.

Chỉ vì cái thời buổi khủng bố này mà những biện pháp an ninh hàng không ngày càng phức tạp, nhiêu khê, rắc rối…tầng tầng lớp lớp mà người đi vẫn cảm thấy bất an, làm cho những người khoái tiếu ngạo giang hồ vặt như người viết đâm ra mất hứng.

Thiệt là: “Tổ cha mấy thằng khủng bố!”

đoàn xuân thu.

melbourne.

Bóng người thương lẩn khuất giữa sông... đầy...!

.

dxt_Jul21_1.jpgHồi xưa mục ‘Gỡ rối tơ lòng’ trang báo dành cho đàn bà, con gái như trong tờ Phụ Nữ Diễn Đàn chẳng hạn, thường do bà Tùng Long phụ trách.

Tơ lòng rối là cái chắc.  Một mình gỡ không ra nên phải nhờ thức giả gỡ dùm.

Bây giờ thì trong nước, văn minh hơn, có mục trực thoại truyền thanh gỡ rối tơ lòng…thòng mà thính giả gọi vào thì được chuyên viên tư vấn tâm lý giúp đỡ, gỡ cho.

Đừng tưởng nó là bá láp! Mấy chương trình này có chỉ đạo đàng hoàng đó nha. Nó nhằm mục đích cho đám nhỏ sa đà vào chuyện tình ái ‘lăng quăng’, mà quên đi cái bọn Tàu Phù đang giành đất, lấn biển Đông?!

Một thính giả, chắc là con đám giang hồ đất Cảng, đã gọi vào và khoe rằng: Chú đã thịt cô chị rồi mà nay cô em đang nhởn nhơ, phởn phơ trước mắt, bẹo tới bẹo lui hoài, nên bối rối quá hỏng biết phải tính làm sao?

Chuyện gia tư vấn, chắc cũng cùng một giuộc, thuộc giang hồ đất Cảng, hỏi: “Chú em có muốn thịt luôn cả họ nhà nó không? Nếu không, đến nhà tìm cô chị, không có ở nhà thì vào phòng cô em để làm gì? Mà nếu người ta đóng cửa phòng lại, thì mình phải biết đường ra chớ?! Con chuột nó còn biết tìm cách lách ra khỏi cửa huống chi là mình. Đúng không...?".

Cách hỏi và cách trả lời sao nhuốm ‘mùi xã hội đen’ quá cở thợ mộc?!

Chú em này chắc: Ta đây là: bố quan nha, nhà mặt phố nên nghĩ em nào cũng khoái nhào vô!  Hỏi không phải để hỏi. Hỏi chỉ để khoe thôi…?!

Còn bên Perth, Tây Úc, cũng nói vậy, nhưng không phải vậy. Nói chỉ để khoe thôi. 

Ông ‘thần’ này, không cần ai tư vấn gì sất, tự ‘ên’, tới luôn bác tài, rồi kêu báo, đài, tới phỏng vấn chơi .

Chuyện rằng: Marc Glasby có vợ là Belle gần 30 năm. Thình lình con vợ tìm lại được người em gái song sinh thất tán từ nhỏ. Chị em về ở chung. Ông anh rể này chắc khó lòng phân biệt đứa nào là đứa nào; nên thôi ‘thịt cả nhà nó’ luôn! Cho tiện việc sổ sách. Đêm nay bà này; đêm mai bà kia. Hơi mệt chút nhưng cũng có phần êm ấm. Y cười hè hè nói: “Tui như khúc ‘sausage’ kẹp giữa hai lát bánh mì ‘sandwich’ vậy mà!”

Tưởng gì?  Có vậy mà cũng khoe! Cách đây mấy ngàn năm, theo Tam Quốc Chí,  thì Lưu Bị đã làm trước mấy mươi đời vương rồi.  Khi làm quan ở Dụ Châu, Lưu Bị ‘quằm’ Cam Phu nhân, My phu nhân, là hai chị em ruột, rồi sau đó là em gái Tôn Quyền,  rồi sau đó nữa là Ngô Phu nhân. Sơ sơ có bốn bà thôi! Thời đó chưa có Viagra chắc Lưu tiên sinh ‘oải’ dữ à nha!

Như vậy Tây, Tàu, Ta đều khoái tỉ tê cái chuyện hai mái một trống hay nói một cách cờ bạc là hai bầu một con cua, hay hình tượng hơn một chút là khúc sausage kẹp giữa hai lát bánh mì sandwich. Nhưng  Úc đâu có chịu. Nó làm luật đàng hoàng:

“Ai có vợ, có chồng rồi mà còn kết hôn với người khác là bị tội song hôn theo chương 94 của luật gia đình 1969.  Hình phạt tối đa là 5 năm tù ở!!!”

Do đó cỡ Lưu Bị gặp Úc mà không chạy sút dép (vì tiên sinh thuở thiếu thời từng đi bán dép) thì Úc nó nhốt . Chứ nó không chịu ‘xính xái’ cho ‘xính xáng’ đâu à nha?

Bên Tây chắc cũng có luật na ná như vậy nên ông tổng thống Pháp François Hollande chẳng thèm cưới hỏi gì ráo trọi cho nó rắc rối. Bà nhỏ, ông ở lúc còn nhỏ, là Ségolène Royal, chính trị gia, đẻ cho ông 4 trự. Bà lớn, ‘ghệ’ ông lúc lớn, là Valérie Trierweiler, ký giả. Ông đắc cử thì bà thành ‘đệ nhứt tình nhân’ của nước Phú Lang Sa vì có cưới hỏi gì đâu mà đòi làm ‘đệ nhứt phu nhân’. Và bà này cay như ớt hiểm. Số là Ségolène Royal ứng cử nghị sĩ. Tình xưa, nghĩa cũ, tổng thống, cùng đảng Xã Hội, hết lòng ‘ẵm hộ’ người xưa. Nhưng bà ‘đệ nhứt tình nhân’ này lại ủng hộ Olivier Falorni, là đối thủ chính trị của Ségolène Royal. Rốt cuộc Royal thất cử. Tan tành cái mộng làm chủ tịch quốc hội Phú Lang Sa. Cũng tại ‘nó’ mà ra!.

Do đó tuyên bố rằng hai vợ là trong ấm ngoài êm như vua lúa giống, ở Lương Hòa Lạc, Mỹ Tho là dóc tổ…

Nội cái chuyện ‘đêm nay anh vô em nào’ cũng là rắc rối lắm rồi.

dxt_Jul21_2.jpgChuyện xưa quê mình bằng thơ như vầy:

Người vợ nhỏ:

“Rượu nằm trong nhạo chờ nem”

Nằm hoài mà có thấy khúc ‘sausage’nó đâu? Bèn ấm ức ‘chít chát’ rằng:

“Đêm khuya gió lặng sóng yên
Lái kia có muốn ghé thuyền sang chơi!”

Khúc ‘sausage’ bèn ‘chít chát’ lại rằng:

“Muốn sang bên ấy cho vui
Mắc đồn lính gác, khó xuôi được đò!”
Thì vợ lớn lại ra điều kiện rằng:

“Sông kia ai cấm mà lo
Muốn sang thì nộp thuế đò rồi xuôi!”

Trời đất!

“Không buôn không bán thì thôi
Qua đồn hết vốn còn xuôi nỗi gì?”

Thế là tan vỡ một đêm vui! Mạnh ai nấy nằm chèo queo. Nên nữ sỉ Hồ Xuân Hương tức quá, chửi um:

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng!”

Vây mà Giáo Hương trong Tuyệt Tình Ca của Hoa Phượng và Ngọc Điệp đâu có ngán. Ở Mỹ Tho, Giáo có một bà và hai thằng cu rồi; lại lang bạt qua Vĩnh Long để găp em Lan chi nữa. Rồi ‘tọt’ ra Lê thị Trường An và Lê Long Hồ.

Thời buổi loạn lạc, Giáo lên Sài Gòn làm ông cò quận 9. Thất tán người xưa. Kết cuộc đau lòng là con dòng lớn thì ăn chơi lêu lổng. Vợ thì bài bạc. Còn bà nhỏ, nghèo quá, quần quật làm nuôi con đến nỗi  ho lao. Con gái, Lê thị Trường An, phải đi làm ‘gái bao’ nuôi má, nuôi em!

Ngày găp lại người xưa, Giáo rơi nước mắt. Khổ quá chừng chừng mà hỏng ai thương?! Còn phải nghe bà lớn đay nghiến:

 “Trồng trầu thì phải khai mương
Làm trai hai vợ mà ông thương không đồng
Chim quyên ăn trái nhản lồng
Lia thia quen chậu mà vợ chồng sao ông lại quên hơi”
 Còn em Lan, vợ nhỏ, thì hờn trách:

“Nhưng chồng của tôi lại quá đỗi bạc tình
Về với vợ lớn rồi, không trở lại thăm mẹ con tôi
....Từ Mỹ Tho xuống Vĩnh Long chỉ có một đoạn đường
Tôi chờ đợi mỏi mòn, anh Hương vẫn không thèm xuống
Bỏ tôi lạc lỏng, giữa chợ đời với lũ con thơ
Sống vất vưởng bơ vơ, với cái nghèo bữa đói bữa no!!!”
Thưa bạn đọc trân quý, nhất là quý ông! Nay cơm, mai phở ai mà không khoái. Nhưng nhức đầu quá, xin hỏng dám đâu! Nếu mà lỡ có em nào còn thương xót ‘chim hót trong lồng’ thì cũng xin ‘từ tạ trong đêm’ bằng câu vọng cổ đầy thở than, ai oán của Giáo Hương khi phải giã biệt người xưa, em Lan của cái làng Tân Ngãi, Vĩnh Long rằng:

 “Tôi đứng đây mà tưởng chừng như đang đứng trên bờ sông Mỹ Thuận. Khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con. Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn. Con nước lớn lục bình trên rời rạc. Chiều đã xuống mặt trường giang bát ngát, mà bóng người thương lẩn khuất giữa sông... đầy...!”

Em yêu ơi! Cám ơn em đã yêu anh! Nhưng thôi! Bóng chim tăm cá đi em! Xin bóng người thương lẩn khuất giữa sông đầy… để trái tim ‘qua’ ngủ yên. Cho nó khỏe!

Đa thê là đa mang, là đa khổ hận phải không? Thưa quý bạn hiền!

đoàn xuân thu.

melbourne.

_________________________________________

Liên Xô với Trúc Phương!

dxt_jul16_kmarx.jpg

Karl Marx cải tử hoàn sanh, đến Liên Xô. Ông được đưa đi ‘tham quan’ nhà máy, bịnh viện, thành phố, làng mạc …vv…

Cuối cùng, ông xin phép được phát biểu trên đài truyền hình. Bộ Chính Trị ngần ngại vì e rằng ông sẽ nói những điều chưa được chấp thuận.

Marx hứa là chỉ nói một câu thôi. Với điều kiện như vậy, Bộ Chính Trị đồng ý.

Karl Marx chỉ ấp úng một lời: “Công nhân các nước xin hãy tha tội cho tôi!”

Karl Marx was resurrected and came to the USSR. He was shown factories, hospitals, cities and villages, etc.

Finally, he requested to be allowed to make a speech on TV. The Politburo hesitated as they were afraid he might say something they wouldn't approve.

Marx promised he would say only one sentence. Under this condition, the Politburo agreed.

Karl Marx uttered the following sentence: "Workers of all countries, forgive me!”

Không biết là sau đó Karl Marx có bị KGB đưa đi Seberia cải tạo ‘mút mùa lệ thủy’ hay không? Hy vọng là không?!  Vì dẫu sao ông cũng là cha đẻ của ‘Chủ Nghĩa Cộng Sản’?!

Còn người dân Liên Xô với hàng đống kinh nghiệm đau thương đã từng ‘lòng dặn lòng’ rằng:

“Nếu anh có suy nghĩ thì đừng nói!

Nếu nói thì đừng viết ra!

Nếu nói và viết ra thì đừng ký tên!

Nếu nghĩ, nói, viết ra, ký tên thì đừng ngạc nhiên nhé!

If you think, then don't speak.

If you think and speak, then don't write.

If you think, speak and write, then don't sign.

If you think, speak, write and sign, then don't be surprised.

Vì ngay cả một con vẹt trong chế độ Cộng Sản ở Liên Xô cũng có thể làm bạn gặp rắc rối như câu chuyện dưới đây:

Môt ông hớt hải trình báo với KGB, cơ quan an ninh nhà nước Xô Viết.

“Con vẹt biết nói của tôi đã biến mất rồi”.

“Này! Không phải chuyện của chúng tôi. Qua trình báo bên Cảnh Sát Hình Sự”

Xin lỗi, dĩ nhiên tôi biết; nhưng tôi chỉ muốn đến đây để minh xác với quý ông rằng:

“Tôi hoàn toàn không đồng ý với những lời phát biểu của nó!”

A frightened man came to the KGB "My talking parrot disappeared." "This is not our case. Go to the criminal police."

"Excuse me. Of course I know that I have to go to them.

I am here just to tell you officially that I disagree with that parrot.

Vì phát biểu ‘linh tinh, lạng quạng’ là gở lịch như chơi:

Trong khám, hai bạn tù chia sẻ kinh nghiệm:

“Ông bị bắt tội gì? Chính trị hay hình sự?”

“Dĩ nhiên là tù chính trị rồi!

Tôi là thợ sửa ống nước. Họ kêu tôi đi sửa ống cống bên Huyện Ủy.

Tôi xem xét, rồi nói: “ Ê! Cần phải thay toàn bộ hệ thống này!”

Thế đấy, họ cho tôi bảy năm!

“In a prison, two inmates share their experience.

"What did they arrest you for?" one of them asks. "Was it a political or common crime?"

"Of course political!”.

I'm a plumber. They summoned me to the district Party committee to fix the sewage pipes.

I looked and said, 'Hey, the entire system requires replacement.' So, they gave me seven years."

Quý bạn thân mến! Đọc các đoạn trên, chắc quý bạn mĩm cười nhưng đến khi nghe những lời tâm sự hiếm hoi cuối đời của người nhạc sĩ tài hoa Trúc Phương, chúng ta lại muốn ‘khóc’.

 “Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó,”bèo dạt hoa trôi”…Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no…Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nổi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được…đến nửa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắt. Lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám “chứa” tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả.

Tôi nghĩ ra được một cách..là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ…

Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, 1 chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng…thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta..thế là mình lấy 1 đồng về….như là tiền thế chân…Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết 9 tháng…

Mà nói anh thương…khổ lắm….”

Người viết cũng có một thời bi thảm như thế nhưng chắc chưa tội nghiệp bằng xấp nhỏ sau này:

Một người Cộng Sản già nói vói đồng chí của mình:

“Chắc tui với ông không còn sống để thấy cái chủ nghĩa Cộng Sản. Nhưng con cháu chúng ta. Ôi! tội nghiệp cho chúng biết bao!”

"No my friend, we will not live long enough to see communism, but our children... poor children!"

đoàn xuân thu.

melbourne.

Mộ Gió!                   

dxt_Jul4_hope.jpg

Có người nói: ‘ Tất cả những người Úc đều là thuyền nhân!’, kể cả thổ dân cách đây khoảng 5, 6 chục ngàn năm từ đại lục vượt biển đến đây, sau đó, thế kỷ 19 là ‘convicts’, tội phạm, từ mẫu quốc Anh Cát Lợi, bị lưu đày, mà lúc đầu tưởng nơi đây là hoang đảo, những người đến từ Âu Châu… và làn sóng thuyền nhân Việt nam thập niên 70s, 80s…

Mới nghe, thì thấy có lý. Tới đảo, mà là cái đảo lớn nhất địa cầu thì phải đi thuyền, người đi thuyền là ‘thuyền nhân’ thì rất hợp lý, rất đúng. Nhưng nghĩ lại thì thuật ngữ thuyền nhân ‘boat people’ chỉ mới xuất hiện sau này, khi Cộng Sản chiếm Miền Nam Việt Nam, để chỉ người dân Việt từ chối cái thiên đường Cộng Sản đó, mà liều mình ra biển.

Theo các bực thức giả thì:

Boat people is a term that usually refers to refugees, illegal immigrants, or asylum seekers who emigrate in numbers in boats that are sometimes old and crudely made. The term came into common use during the late 1970s with the mass departure of Vietnamese refugees from Communist-controlled Vietnam, following the Vietnam War.

Thuyền nhân là thuật ngữ thường chỉ làn sóng người tị nạn, người nhập cư bất hợp pháp hoặc người tầm trú bằng thuyền ọp ẹp, đóng sơ sài, không an toàn để đi biển. Thuật ngữ này ra đời từ cuối thập niên 1970 khi một số rất lớn người Việt Nam đào tị khi Cộng Sản xích hóa Miền Nam Việt Nam sau cuộc chiến.

Đêm nay, quê người, Melbourne, chính đông, trời mưa bụi, lắc rắc, rất lạnh, đọc tin trên net về người tị nạn lật thuyền, chết ngoài khơi đảo Christmas, kỷ niệm đớn đau xưa lại trở về trong trí não. Người viết lên You Tube nghe “Xác em nay ở phương nào?” của Nhạc sĩ Trần Chí Phúc phổ thơ Ngọc Khôi:

Chiều ra biển đứng ê chề /Tìm trên ngọn sóng ngó về xác em /Vớt rong rêu ngọn tóc mềm /Quay về hướng gió tưởng em thơ dại /Biển lớn cuốn em đi /Biển lớn cuốn em đi /Rồi xa, rồi xa, rồi xa mãi /Biển ơi, trả cho ta ... /Biển ơi, trả cho ta ... /Xác em yêu /Xác em yêu /Chiều ra biển đứng ngậm ngùi /Nhớ em và nhớ cả trời Việt Nam.

Người viết nhớ mình cũng từng là thuyền nhân. Vậy mà khi nghe 94 người đã chết khi thuyền vượt biển của họ chìm ngoài khơi đảo Christmas, thân nhân đau xót, nước mắt chan lời cầu nguyện?! mình ở đâu trong thảm kịch này? Nhân loại sẽ về đâu nếu chúng ta không còn lòng trắc ẩn nữa?

Tin nói: cuộc tìm kiếm đã dừng lại. Tìm được 17 xác. Số còn lại dập dềnh trên biển sóng. Rồi rã tan?!

Đây không phải là lần đầu những người đào tị bỏ mình trên biển cả. Tháng 12 năm 2010 khoảng 50 người tị nạn thiệt mạng khi tàu đâm vào vách đá ngoài đảo Christmas. Trong tháng mười hai, theo báo chí, 200 người tị nạn Afghanistan và Iran được cho là đã chết sau khi chiếc thuyền quá tải của họ bị chìm ngoài khơi Indonesia trên đường đến Úc.

Nhưng bi thảm nhất là vụ đắm thuyền X SIEV trong năm 2001, 353 của hơn 400 người tị nạn đã chết.

dxt_Jul4_sinkingship.jpgĐảo Christmas, 135 km² . Dân số là 1.493. Đảo Christmas hay Đảo Giáng Sinh là một lãnh thổ của Úc nằm ở Ấn Độ Dương, 2600 kilômét về phía tây bắc của Perth, Tây Úc và 500 kilômét về phía nam của Jakarta, Indonesia, được thuyền trưởng William Mynors đặt tên khi ông đặt chân lên đảo vào ngày Giáng sinh 25 tháng 10 năm 1643 trên chiếc tàu Royal Mary của công ty Đông Ấn.

Về khoảng cách, đảo gần với Indonesia hơn, và vẫn luôn là thiên đường phải chạm tới của những người tuyệt vọng trên biển cả.dxt_Jul4_manBoy.jpg Thuyền như chiếc lá trên biển mênh mông, đêm đen đe dọa, bão táp chực chờ! Đâu là bờ, là bến? Đâu là đảo Giáng Sinh? Giáng Sinh niềm hy vọng của những con người tuyệt vọng chạy trốn cuộc đàn áp ở quê mình.

Ngày xưa là người Việt chạy trốn Cộng Sản. Bây giờ là thuyền nhân Irak…Iran, Afghanistan, Sri Lanka chạy trốn bạo quyền…..Lịch sử là điều lập lại. Người ta vào chỗ chết để tìm ra chỗ sống, rồi bỏ mình trên biển. Con số là rất nhiều, nhiều lắm, chắc chắn chúng ta không bao giờ biết rõ được.

Ngay cả Việt Nam sau 37 năm Miền Nam thất thủ vẫn còn có người tuyệt vọng, không thấy được ngày mai, vẫn còn tìm cách bỏ nước ra đi.

Tháng 6 năm 2010, 26 người Việt đến lãnh hải Úc được đưa vào trại tị nạn ở đảo Giáng sinh. Ngày 21.2.2011, 35 người Việt khác lại liều chết ra đi, đến được đảo Giáng Sinh. Nhưng cũng có người bị bắt giử, giam cầm trước khi đến được đảo Giáng Sinh. Ngày 2.6. 2012, cảnh sát Indonesia bắt giử 50 người Việt Nam, gồm 47 nam và 3 nữ, trong tình trạng kiệt sức trên một con tàu đang hướng đến Úc.

Đó là những mảnh đời phiêu dạt, những con người đã hoàn toàn tuyệt vọng trên chính quê hương mình dù là Việt Nam, Irak, Iran, Afghanistan hay Sri Lanka.

Còn những người đã vùi thây trong chập chùng biển sóng thì sao?

Thầy người viết, một giáo sư Trung Học Nguyễn Đình Chiểu, chống lại hải tặc, bị giết, xác bị ném xuống biển. Một người bạn, giã từ buổi nhậu cuối cùng trên hè phố Cần Thơ năm nào, một người yêu không kịp trao nhau nụ hôn vĩnh biệt… chỉ ngậm tăm ra biển, rồi biệt tăm…không còn ai biết xác em nay ở phương nào… cho tới bây giờ…?!

Người dân vùng biển quê mình có một tập tục: Đó là những người chết trên biển, không tìm được thi thể thì phải làm ‘Mộ Gió’, dựng cây tre đầu làng, trên cành tre buộc mảnh vải trắng với niềm tin là gọi hồn người chết trở về nhập vào ngôi mộ.

Đã bao nhiêu người chết trên biển, không tìm được xác? Có bao nhiêu ngôi ‘Mộ Gió’ trong thảm trạng thuyền nhân?

Nguy hiểm chết người như vậy nhưng tại sao người ta vẫn tiếp tục ra đi? Vì ngay chính trên quê hương mình, họ không còn tương lai nữa. Không có ngày mai thì phải đi thôi!!

Chừng nào còn áp bức bất công, chừng nào còn nghèo đói và mất hết hy vọng về tương lai, con người vẫn buồn đau rời bỏ quê hương cố thổ, nơi chôn nhau cắt rún để ra đi, dù biết rằng thân xác mình có thể dập dềnh trên sóng dữ.

Các chính trị gia quy lỗi cho bọn buôn người, đúng nhưng chưa đủ. Thủ ác chính là bọn cầm quyền bạo ngược đã làm cho người dân tuyệt vọng, không thể thấy ngày mai tốt hơn hôm nay, đã khiến họ phải ra đi…

Chỉ có tự do, dân chủ và nhân quyền là lời đáp cuối cùng, tuyệt đối đúng, để giải quyết thảm kịch người tỵ nạn trên toàn thế giới.

Bằng không thì chúng ta vẫn còn đau xót khi nghe lời căn dặn của nhà thơ Du Tử Lê:

dxt_jul4_bear.jpgKhi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Đời lưu vong không cả một ngôi mồ

Vùi đất lạ thịt xương e khó rã

Hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi

Bên kia biển là quê hương tôi đó

Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

dxt_Jul4_casket.jpgVà nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi

Cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối

Biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi

Những năm trước bao người ngon miệng cá

Thì sá gì thêm một xác cong queo

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Cho tôi về gặp lại các con tôi

Cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi

Từ những mắt đã buồn hơn bóng tối

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển

Và trên đường hãy nhớ hát quốc ca

Ôi lâu quá không còn ai hát nữa

(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết

Đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.

.

Mộ Gió của hàng trăm ngàn người mất xác trên biển rồi! Những kẻ cầm quyền bạo ngược cần bao nhiêu ‘Mộ Gió’ nữa để sám hối, để biết xót thương chính dân tộc mình đang dập dềnh trên sóng dữ?

đoàn xuân thu.

melbourne.

________________________________________________

Rửng Mỡ!

dxt_Jun16_1.jpg dxt_Jun16_2.jpg

Đây là chuyện ở Liên Xô: Người chồng về nhà thấy vợ mình trên giường với một người lạ mặt. Điên tiết, anh ta hét lên: “Thiệt là đồ vô tích sự! Giờ này mà còn nằm đây trong khi cửa hàng mậu dịch quốc doanh ở góc phố đang bán trứng gà và tụi nó chỉ còn có ba hộp nữa là sạch bách.”

A man came home and found his wife in bed with a stranger. Furious, the man shouted, "You, good-for nothing, look at what you're spending your time for, while at the corner store they're selling eggs, and they have only three boxes left!"

Không biết nghe vậy, người vợ và tình nhân còn trần truồng, có cuống cuồng chạy ra cửa hàng mậu dịch quốc doanh, trong cái lạnh mùa đông nước Nga buốt căm căm, để mua trứng gà về, để có cái gì mà bỏ vô bụng trong cái thiên đường xã hội chủ nghĩa Xô Viết hay không?!

dxt_Jun16_3.jpgĐây là chuyện ở Trung Quốc: Một người Tàu bị an ninh nhà nước Trung Quốc nhốt và bỏ đói một tháng để hy vọng anh ta khai ra bè đảng phản động dám chống đối đảng và nhà nước ta.

Gần một tháng, không thấy kết quả, nên nhân viên an ninh nhà nước nghĩ ra một kế: mang vào phòng giam một tô cơm và một em đẹp như  Chương Tử Di lúc ở truồng, để ‘dụ khị’.

Nhà nước cho anh hai điều chọn một: ‘Cơm hay Chương Tử Di ?”

Tên phản động thều thào: “C…ơ…m”

Do đó: Đói là ăn trước! Tình yêu, tình dục, chuyện đó tính sau!

Nhưng ở cái nước Việt Nam đang ‘đâm đầu ra biển lớn’ này, thì theo báo chí trong nước, bây giờ, có nhiều triệu phú giàu rồi không còn ‘c…ơ…m’ nữa, mà chơi cái ‘xế’ hàng triệu đô nhập xe ‘ăn cắp’ từ xứ Cờ Hoa.

Ông bà mình nói: ‘cơm no bò cưỡi’‘ăn no rửng mỡ’ nên người viết kính mời quý bạn đọc thân mến theo dõi câu chuyện rửng mỡ dưới đây của lão đại gia Lê Ân.

Đại gia là nhà lớn, theo ổng khoe, là có 15 ngàn tỉ đồng khi chết, sẽ sung vào quỹ từ thiện của ông, chứ hỏng cho vợ con một cắc nào hết. Ngay cả người vợ đầu đẻ cho ông 7 đứa con, cái nhà nó lấy, ông cũng muốn ông tòa đòi lại dùm, để ông sung vào cái quỹ từ thiện của ông luôn, cho nó tiện việc sổ sách.

Còn gọi là lão nghĩa là già, nghĩa là ông không còn trẻ nữa. 74 tuổi rồi còn gì. Trời coi bộ hơi xa mà đất lại rất gần. Có lẽ biết vậy nên lão đại gia này ‘còn ít thời giờ quá’ ngu sao hỏng chơi?!

Do đó ông mới vừa ‘thôi’ con vợ thứ tư mới 25 tuổi, để cưới một em 20 tuổi, vốn cũng nghèo, sanh ra trong một gia đình rất đông con giống y chang cái hoàn cảnh của ông thuở hàn vi.

Nên lúc em ‘xinh’ mang cái ‘miếng da trâu’ (nói theo kiểu nhà văn Phùng Nhân) đi xin việc ở công ty ông, với máu ‘từ thiện’ sục sôi trong huyết quản, ông hỏi: Em lấy tôi làm chồng không?  Em nhỏ nhẹ nói: “Ông để em suy nghĩ ít lâu...” Rồi sau đó, em: “Ừ”

Thấy cái hình lão đại gia chụp với em ‘xinh’ trong đám cưới, đầu còn đen mướt quá mà, chắc nhờ thuốc nhuộm ‘Made in China’. Hy vọng lão đại gia còn sống lâu lâu…

Một bạn văn hỏi người viết; ‘Ông có biết tại sao em mới 20 cái xuân xanh mà chịu lấy ông già khú đế như vậy không?”

Người viết trả lời: “Tiền”.

Người bạn nói: “Đúng nhưng chưa đủ; vì khi em hỏi tuổi thằng chả để đi coi bói. Chả nói: anh 94 tuổi rồi; nên em ưng cái rụp vì nghĩ 94 rồi thì còn được mấy lăm hơi!”

Người viết hy vọng rằng đây là người vợ thứ năm, cũng là người vợ cuối của lão đại gia vì mỗi lần thôi vợ, cưới con vợ mới, thì con vợ mới này lại trẻ hơn con vợ cũ 5 tuổi. Nếu lão đại gia thôi người vợ thứ 5 để cưới người vợ thứ 6 trẻ hơn em 5 tuổi, thì người vợ này theo toán học, là 15 tuổi thì người viết e rằng lão đại gia sẽ lại vô ‘hộp’ vì tội ‘ấu dâm’.

Mà vô hộp thì lão đại gia đã vô hai lần rồi: một là lúc vượt biên, toan bỏ đảng và nhà nước để ‘chuồn’. Hai là với tội danh lừa đảo, lạm dụng chức vụ, chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng, cái án hơn 5 năm tù.

Sách dạy Văn Phạm tiếng Anh viết: một là số ít, hai trở lên là số nhiều.

Lão đại gia Lê Ân nhiều tiền, người viết nghèo trớt mùng tơi, chỉ ao ước cái số lẻ của ông. Còn nhiều vợ như lão đại gia người viết xin ‘hổng dám đâu’! Vợ giàu thì ham, còn ‘giàu’ vợ, nghĩa là có nhiều vợ như lão đại gia và ca sĩ Chế Linh, lên báo khoe rùm beng, thì người viết ‘lạy cả nón’!

Vì theo tiểu sử của lão đại gia mỗi lần lão đại gia vô hộp là em lại rinh hột xoàn, vàng vòng dông theo thằng khác!

Mong rằng đây là tình cuối của lão đại gia để không có hôm nào đó người viết xem Paris by night không phải thấy MC Nguyễn Ngọc Ngạn trân trọng:  “Xin khán giả cho một tràng pháo tay để chào đón Ca Sĩ Lê Ân vói nhạc phẩm Tình Bơ Vơ của nhạc sĩ Lam Phương”

dxt_Jun16_4.jpg…Anh đâu ngờ
có ngày đàn đứt dây tơ
một phút tim em ơ hờ
trọn kiếp anh vương sầu nhớ
cho ngày mộng được nên thơ
Cuối cùng là tình bơ vơ!”

…“Ngày mình yêu
anh đâu hay tình ta gian dối…?!

 ‘Good Luck’ nghe chú 5 Ân!

đoàn xuân thu

melbourne

 

Đan Mạch nó à nha!

.

dxt_Jun9_1.jpgNgười viết chưa hề hân hạnh được biết hết tất cả các dân tộc trên thế giới; nhưng ở nước Úc này hơn 130 dân tộc khác nhau và hầu như dân tộc nào cũng có tiếng chửi thề.

Tiếng Việt mình cũng vậy. Hồi mới qua, ra đường còn ít đồng hương, tối ngày chỉ nghe quanh mình tiếng Úc “sì sì” nghe nhột thấy bà. Thảng hoặc nghe sau lưng có ai đó xài tiếng ‘Đức’ hay tiếng ‘Đan Mạch’ của mình, thiệt là mừng như trúng số. Đảo mắt qua lại tìm, nhìn đồng hương rồi dắt nhau vô ‘Pub’ làm vài vại beer cho quên sầu cố xứ!

Còn bây giờ đông rồi. Xuống Footscray, chiều cuối tuần, nghe bà con xài tiếng ‘Đan Mạch’ thấy thương luôn?!

Tiếng Việt mình ngồ ngộ và hay lắm như “Muôi” thêm dấu sắc thành muối, dấu huyền thành muồi, dấu ngã thành muỗi dấu nặng thành muội thì nghĩa hoàn toàn khác hẳn nhau.

Nhưng chữ “đu” không dấu, bỏ dấu huyền hoặc bỏ dấu nặng thì nghĩa lại the ‘same’.

Viết tới đây khoái quá! Hình như người viết là người đầu tiên phát hiện ra chuyện này. Giống như Newton bị trái táo rớt lên lỗ mủi mà Định Luật Vạn Vật Hấp Dẩn ra đời vậy.

Phải hỏi luật sư để chỉ cách đăng ký bản quyền hay là chọn nó làm đề tài làm luận án tiến sĩ mới được. Vì thú thật với bạn đọc kính mến rằng: Ước mơ được thiên hạ gọi mình là tiến sĩ; đã và đang cháy bỏng trong lòng, từ khi người viết mới biết khóc oe oe.

Cứ tưởng phải là dân ngu khu đen, chữ nghĩa không đầy cái lá mít như người viết mới khoái chửi thề chớ?! Nào ngờ đâu cũng có một bậc tiền bối xài tiếng “Đan Mạch’ bằng thơ. Mà thơ ‘Đan Mạch’ này lại nổi tiếng nhứt, mới đã làm sao?

Đó là ông Cao Bá Quát (1809-1855) tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên. Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán (Văn như Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát, đời Tiền Hán không có ai bằng).

Ông thường tự hào : “Thiên hạ có 4 bồ chữ, mình tôi chiếm 2 bồ, anh tôi là Bá Đạt và bạn tôi là Nguyễn Văn Siêu gi 1 bồ, còn lại 1 bồ phân phát cho mọi người trong thiên hạ”.

Chữ hai bồ như Cao Bá Quát là quá xá dư xài nhưng đôi khi ông cũng cần xài tiếng ‘Đan Mạch’ như ai. Bằng chứng là: Sau khi khởi nghĩa chống triều đình thất bại, Cao Bá Quát bị đem ra pháp trường xử trảm. Ông vẫn thản nhiên như không và làm bài thơ sau đây:

“Ba hồi trống giục đ. cha kiếp
Một nhát gươm đưa đ.. mẹ đời!”

Đó là hơi ‘xưa xưa’, còn nhà thơ hiện đại bây giờ như Ông Nguyễn Bắc Sơn chẳng hạn:

 “Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi

Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ

Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi

Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô

Chân rục rã tôi đi luồn ra núi

Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô!”

Ông này rảnh ghê! Đi luồn ra núi rồi lại luồn vô núi. Vậy mà ‘chú’ nào dám phê ông lười ‘lao động xã hội chủ nghĩa’ thì ông xài tiếng ‘Đan Mạch’ ngay.

Bằng chứng là: “Đ. mẹ/Cây bông/Hắn không/Lao động/Ai trồng/Chật chỗ/Mày nhổ/Xem sao/Máu trào/Thiên cỗ!”

Không những xài tiếng ‘Đan Mạch’ mà ông còn đòi ‘dộng’ hộc máu ‘cha nội’ nào uống mật gấu dám nhổ cây bông của ổng?!

Cao Bá Quát hay Nguyễn Bắc Sơn vốn là thi sĩ, làm thơ, thì chắc tính cũng hơi ‘ngông’ nên chửi thề bằng thơ. Thôi cũng đặng?!

Còn ở nước Úc Kangaroo này, tinh hoa dân tộc như Thủ Tướng hay lãnh tụ đối lập đều chửi thề tuốt luốt.
Kevin Rudd, cựu thủ tướng Úc, con người đầy xúc cãm, có giọng nói ‘ỏn ẻn’ như Nguyễn Cao Kỳ Duyên, tay chân thì dịu nhiễu như diễn viên múa “ba lê”. Tưởng con người đầy nữ tính như vậy sẽ ăn nói dịu dàng như con gái, nào ngờ ông là một người hay xài giấy năm trăm, xổ nho chùm, nói tiếng ‘Đan Mạch’ khét tiếng, lừng danh. Mà nói theo kiểu Úc là ông sính xài chữ “F”

“Mr Rudd said it was no secret that he did often swear.”

Ông Rudd nói rằng cái việc ông hay chửi thề đâu có gì đâu là bí mật, nghĩa là ai cũng biết.

Cái gì không vừa ý ông: từ bữa ăn tối trên chuyến bay lúc công du ngoại quốc; ông văng tục. Đến người phiên dịch tiếng Hoa làm ông nỗi quạu, ông văng tục luôn. Làm cô chiêu đãi viên hàng không phải thút thít khóc, nước mắt, nước mũi chàm ngoàm.

dxt_jun9_2.jpgVậy mà người Úc binh ông, nói: “Kevin là người chớ đâu phải robot, người máy đâu?!”. Mà là người thì ai không ‘hỉ nộ ái ố ai lạc dục’. Nên chửi thề khi nỗi nóng là điều có thể thông cảm được.

Thấy vậy, lãnh tụ đối lập Tony Abbott, vốn tu xuất, nên ăn nói chắc cũng đàng hoàng, bèn bắt chước theo?!

Trong chuyến đi thăm lính Úc ở A Phú Hãn để cố gắng chứng minh rằng chính phủ Lao Động, đối thủ của ông, không cung cấp yểm trợ đầy đủ cho chiến sĩ ngoài tiền tuyến và khi được các binh sĩ trả lời là họ được chăm sóc khá đầy đủ. Đó là câu trả lời ông không muốn nghe; nên ông bèn văng tục “S..t”

Đài truyền hình số 7 ‘chơi’ ông, vặn lên, vẹo xuống, vặn qua, vặn lại làm ông “ngọng”!

Dù ông Kevin Rudd khoái xài tiếng ‘Đan Mạch’ và ông Tony Abbott rán học mà trật vuột lên xuống vì chửi không đúng lúc, đúng chổ, đúng người …Bà Tiến Sĩ Kate không ‘đề nghị hoan nghinh’. Bà dạy rằng: người ta chửi thề khi nóng giận, khi bực bội, hay khi thất vọng. Người ta cũng chửi thề để sỉ nhục người khác. Đôi khi người ta chửi thề để chứng tỏ mình là người thông minh và vui tính.

Dù để làm gì đi nữa thì chửi thề nơi công cộng làm người xung quanh bực bội, thực sự làm phiền nhiễu người khác bằng lời thô tục.

Nên nhớ rằng nhớ mình đang ở đâu, đâu phải một mình một chợ đâu mà hở một cái là xài tiếng ‘Đan Mạch’. Phải nghĩ về quyền lợi của người khác, nghĩ về cảm xúc của họ nữa chớ.

Ai cũng có quyền được cảm thấy an toàn mà bị bắt nghe những lời nói thô tục sẽ làm họ cảm thấy bất an.

Mình có quyền nói ra điều mình nghĩ nhưng nhớ nên dùng từ ngữ thanh tao. Chửi thề không chấp nhận được! Nên ta quyết không chửi thề nơi công cộng, nơi có con nít, có bậc cao niên, trường học, rạp hát,  shopping, sân chơi thể thao, thánh đường, trên truyền hình, đài phát thanh hay bất cứ nơi nào để khỏi làm người nghe bực bội vì cảm thấy bị xúc phạm. Nếu người ta làm phiền bạn bởi ngôn ngữ thô bỉ đó hãy bỏ đi và không sử dụng ngôn ngữ đó để chửi lại.

Chửi thề là một thói xấu nhưng thật ngạc nhiên là thói xấu đó rất khó từ bỏ.

Theo cuộc khảo sát gần đây của báo The Irish Daily Mail, chửi thề là thói xấu khó bỏ nhứt, còn khó bỏ hơn là bỏ uống cà phê hay thôi hút thuốc.

Má thằng ‘cu’ đọc được tin này bèn ra ‘lịnh’ cho người viết ngưng ngay cái việc chửi thề à nha! Người viết cũng như các bạn đọc thân mến: Nhỏ sợ ba, lớn sợ vợ, già sợ con; cho nên dù bỏ khó ‘giàn trời mây’ cũng rán bỏ và bỏ được khá lâu. Đôi khi cảm xúc buồn vui lẫn lộn chỗ làm việc, bực bội tiền nong ‘hẻo’ quá, tình đời thế thái, lại muốn chửi thề một tiếng cho xả ‘stress’ nhưng sợ má thằng ‘cu’ buồn lại thôi!!!

Em nói từ ngày thôi chửi thề, mặt anh đẹp trai hơn, lời nói thơm tho như hoa hồng, hoa cẩm chướng buổi bình minh, đêm thì như dạ lý hương tỏa hương thơm ngát.

Mè ơi! Mật ngọt chết ruồi. Nghe khen ai không khoái nhất là má thằng ‘cu’ ở nhà ít khen ai lắm. Ít thì quý. Nên người viết khoái tỉ, khoái tê… tê.

Vậy mà hôm qua đọc cái bản tin về vụ bà Phạm Thị Lài, 52 tuổi, và con gái Hồ Nguyên Thủy, 33 tuổi, khỏa thân để chống lại bọn công ty CP Đầu tư Xây dựng 8 cướp đất của mình. Và sáng ngày 6-6, Ông Lê Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng, nói: “Ngoài phương án bồi thường đã được phê duyệt, còn nâng giá đất lên 400.000 đồng/m2 cho hộ ông Tư, bà Lài tổng cộng thành tiền là hơn 1,25 tỉ đồng.  So sánh giá đất do nhà nước quy định tại thời điểm này thì giá đất mà công ty bồi thường cao gấp 3,3 lần”

Người viết nhớ lời vợ dạy không dám xài tiếng ‘Đan Mạch’  mà chỉ hỏi ông ‘quan’ tên Tâm mà ổng có trái tim không vậy cà?

Rồi bà Võ Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN quận Cái Răng cũng hùa theo: “Hình ảnh khỏa thân của mẹ con bà Lài được đăng tải trên mạng tạo phản cảm, gây dư luận không tốt cho xã hội và trái với thuần phong mỹ tục, bất chấp pháp luật. Chúng tôi có vận động và bà Lài cùng con gái cam kết không làm như vậy nữa?!!”.

Quan ông, quan bà nói rồi tới dân nói chớ…cho nó công bằng! Nhưng dân giận quá không thèm nói mà dân chửi: “Đất đai của dân, mang danh nhà nước vào cướp trắng trợn của người ta với giá rẻ mạt ... Quyền ở trong tay các ông, các bà… không ai làm gì được nhưng Trời Phật sẽ không dung tha những hạng người như vậy đâu”.

Ông phó quận Tâm, ông ‘đại điểm quần thần’ Chấm To * này à: Xin đừng giả mù sa mưa nữa! Mức giá bán hiện nay của công ty tại miếng đất này khoảng 7 triệu đồng/m2 thì 3.000m2 của người dân có phải là 21 tỷ không?. 21 tỷ bắt người ta bán 1 tỷ. Vậy mà nói bồi thường thỏa đáng thì làm sao nghe cho đặng!

Còn Bà Võ Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN quận Cái Răng, phụ nữ mà không ‘binh’ phụ nữ, lại ‘binh’ tiền: Nếu gia đình bà bị thu đất như vậy thì bà làm gì?

Nghe ông bà trời ơi đất hỡi, chức sắc quan quyền Tây Đô này, “thỏa đáng…thỏa đáng”; nghe cả tiếng kêu bi thương, thống thiết của người dân bị áp bức, lâm vào cảnh khốn cùng, người viết chưa kịp mở miệng ra xài tiếng ‘Đan Mạch’; thì nghe tiếng gầm như ‘sư tử hống’ phía sau lưng, từ cái miệng xinh đẹp có hai đồng tiền duyên của má thằng ‘cu’, vốn hồi xưa là con gái đất Cần Thơ: 

“Đất đai của người ta đổ mồ hôi, sôi nước mắt mà mua như ăn cướp vậy. Giá 21 tỉ, trả 1 tỉ. Bắt phải bán vậy mà mở miệng ra là đền bù thỏa đáng!” 

Đan Mạch nó à nha!”

Người viết nhìn má thằng ‘cu’trân trân… thiếu điều té ghế!

Em nói: “Xin lỗi anh yêu! Chứ cái này không chửi không được!”

đoàn xuân thu.

melbourne

*Chuyện “Đại điểm quần thần”. Năm 1934, quận Tâm (Nguyễn Văn Tâm) được thăng ngạch Đốc phủ sứ. Ngày khai bằng khánh hạ, mấy trăm người đến dự và tặng rất nhiều quà cáp.

Bấy giờ ở Long Tiên có ông Nguyễn Thiện Tiên, tục gọi là Hương Nghị Sảnh, nguyên là con trai cụ Nguyễn Minh Triết, người của phong trào Minh Tân. Ông Nghị vốn là người học giỏi và cương nghị, tuy chỉ làm chức vụ nhỏ trong Ban hội hương nhưng cũng bị buộc phải đi dự lễ khai bằng. Ông bèn thuê thợ làm một tấm hoành phi sơn son thếp vàng, chạm khắc bốn chữ “Đại điểm quần thần”, hàm ý khen tặng, trong số bầy tôi của mẫu quốc, quan Đốc phủ làm điểm nổi bật nhất, to nhất.

Ít lâu sau mới có người phát hiện đây chỉ là câu chơi chữ, nói lái:

- Đại điểmchấm to, lái lại là chó Tâm.

- Quần thầnbầy tôi, nói lái là bồi Tây.

Quận Tâm tức cành hông, nhưng tác giả thì đã cao chạy xa bay.

_____________________________________________

Cõng !

Hồi nhỏ, khoảng mười tuổi, nhà người viết ở lầu 2, cư xá Bưu Điện Tân Định, đường Hai Bà Trưng, Sài Gòn. Dưới lầu có khoảng sân chơi nho nhỏ, có đám con nít trong xóm tùng tam tụ ngũ bắn bi, chọi đáo. Trên lưng người viết là nhỏ em chừng ba tuổi ngủ gà, ngủ gật. Chiều đi học về, cõng em đi chơi, tối, cõng em ra trước nhà thờ Tân Định đợi ba về. Ba thường về muộn vì phải làm hai ‘jobs’. Và ba hay mua bánh mì Tám Cẩu ở ngả tư Cao Thắng, Phan Thanh Giản cho con mình. Đón, mừng ba và mừng bánh mì luôn thể…

Người viết cõng ‘dài dài’, hết đứa này tới đứa khác vì nhà đông em. Làm anh khó lắm phải đâu chuyện đùa. Cõng mà vui, được đi ra ngoài chơi, được ăn bánh mì Tám Cẩu… mà không bị tù túng trong nhà.

Sau này, quê người, vì chỉ lo viết văn, nên ‘mậu lúi’, người viết thường ghé mấy đứa, kiếm chút tiền mua beer uống chơi, lại nhắc kỷ niệm xưa: “Tụi bây có nhớ hồi nhỏ anh cõng mấy đứa hông?” Tụi nó cười nắc nẻ…

dxt_jun2_1.jpgAnh cõng em mình là chuyện nhỏ, chuyện thường ngày ở huyện. Còn ông Ding Zhu Ji (62 tuổi) bồng bế, cõng mẹ đi chửa bịnh mới là “Thập Nhị Tứ Hiếu”. Chuyện rằng: Một người đàn ông bế mẹ đi khám bệnh tại bệnh viện Chi Mei, Đài Loan đã làm lay động hàng triệu trái tim người Đài Loan…

Ding Zhu Ji (62 tuổi), một cựu nhân viên của cơ quan tư pháp ở Tainan, mẹ ông 85 tuổi, tháng trước bị gãy chân, và ông Ding cõng mẹ đi chữa bệnh.

“Năm 2007, mẹ muốn đi thăm người thân ở Trung Quốc, nhưng ông Ding không thể đưa bà đi do công việc không cho phép. Ông ấy phụ trách công việc an ninh nội địa ở Đài Loan. Vì tính chất nhạy cảm của công việc, ông ấy không thể đến Trung Quốc khoảng 3 năm sau khi nghỉ việc. Vì vậy, ông ấy quyết định nộp đơn xin nghỉ hưu sớm so với tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 65 tuổi. Ngay sau khi hết hạn 3 năm, ông Ding lập tức thực hiện mong muốn của mẹ”.
Ông Ding đã từng từ chối được thăng chức, vì điều đó sẽ khiến ông phải chuyển sang sống ở một khu vực khác và không thể trông nom mẹ mình.

Người ta hay nói: “Mẹ thương con như Biển Hồ lai láng. Con thương mẹ tính tháng tính ngày” Trong chuyện này thì câu ca dao đó trật lất, trật tuốt luốt, trật quá xa.

dxt_jun3_2.jpgVà cũng cõng mẹ là Hùng Quý Tài, người Quý Châu - Trung Quốc, đã cõng mẹ già 81 tuổi, sức khỏe rất yếu, mắt kém, đi lại khó khăn vượt hơn 700 km từ thành phố An Huy đến nhà em gái ở tận thành phố Liêu Thành - tỉnh Sơn Đông để cho mẹ thăm em.

Cõng mẹ đi chửa bệnh, cõng mẹ hàng 7 trăm cây số thăm em thiệt là cãm động. Còn cãm động hơn nữa là cõng mẹ chồng. Chuyện xưa rằng :

Châu Tuấn bị lưu đày, vợ là Thoại Khanh suốt 17 năm sống truân chuyên để giữ tiết và lao khổ để nuôi mẹ chồng.

Sau đó, Thoại Khanh cõng mẹ đi tìm chồng : Ông Viễn Châu ‘tao đàn’ rằng :

Ai nức nở với giọng đàn Tư Mã nhạc sầu vương theo xác lá lạnh lùng rơi. Đàn làm chi buồn lắm Thoại Khanh ơi! ta ray rứt bồi hồi sa ngấn lệ cầm chiếc đàn lên, nghiêng vai cõng mẹ, tìm người thương khắp cả bốn phương trời.”

 

Mẹ chồng dẩu sao cũng là má của anh ấy. Còn cô bé Việt Nam đáng yêu này lại cõng người dưng.

dxt_jun2_3.jpgNguyễn Thị Lân, học sinh lớp 11B8, trường THPT Lê Văn Hưu, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa, là con cả trong gia đình có ba chị em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bố mẹ Lân phải tha hương vào Nam cầu thực. Và Lân sớm trở thành trụ cột chính của gia đình với ông bà nội bị mù lòa, năm nay đã hơn 80 tuổi và hai đứa em thơ.

Gánh gia đình sớm đè nặng lên đôi vai cô học trò nghèo. Nhưng vượt lên những khó khăn trong cuộc sống,  hàng ngày cô học trò nghèo Nguyễn Thị Lân vẫn liên tục cõng em Nguyễn Thị Liên, bạn học, tật nguyền vì sốt bại liệt hồi nhỏ, đến trường. Và ròng rã cõng suốt 9 năm. Bao nhiêu cây số? Làm sao mà đo, đếm được lòng em hả?!.

dxt_Jun2_4.jpgCõng người dưng, giúp người dưng làm ai cũng cãm động nhưng trường hợp này thì lại bị chửi.

Wu Xiuying, 50 tuổi,  lao công trường Cao đẳng Truyền thông Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cõng trên lưng một thiếu nữ tay cầm ô và sách, lội qua sân trường lấp xấp nước mưa đến 10 cm hôm 29/5 vừa qua.

Trong khi thầy cô ca ngợi trái tim nhân hậu của bà Wu thì hầu hết những người xem ảnh lại phản đối gay gắt và bày tỏ lo ngại về tương lai khi các nữ sinh này tỏ ra quá yếu ớt, đến mức một đoạn nước ngập cũng không thể tự mình vượt qua.  

Có lẽ vì tiểu thư mặc quần jean, giày hiệu nên sợ bị ướt chăng?

Vậy mà có cha quỷ ‘đêm lạnh chùa hoang’ nào ở Việt Nam, hồi xưa, thấy em: ‘Xắn quần em lội qua lung. Quần em tụt xuống anh hun chổ nào’. Hỏng cõng em qua lung, qua bàu thì thôi mà còn ở đó dòm cho đã đời rồi chơi một câu lục bát nữa. Mà trời đất ơi! câu này lại ‘đi cẳng không’ vô ca dao mới đã chớ!

Con nhà nghèo thì phải chịu thôi. Dân nghèo lội qua lung, qua bàu mà lỡ…thì cũng rán chịu cho nó dòm, chớ ai cõng mình bây giờ. Nhưng nếu là con Ủy viên bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng CSVN, Tô Huy Rứa thì khác. Ba em cõng em đã rồi đặt em xuống, bắt 2000 nhân viên Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex - PVC (PVV) bắt đầu cõng em Hương. từ sáng 14/4/2012, em sẽ ‘chỉ đại’ công ty này trong nhiệm kỳ bốn năm 2012-2016.

Sỡ dĩ gọi là ‘chỉ đại’ vì em học báo chí thì biết cái ‘khỉ mốc’ gì về xây dựng mà ‘chỉ đạo’.

dxt_Jun2_5.jpgTô Linh Hương sinh năm 1988, là Cử nhân ngành Quan hệ Quốc tế tại Học viện Báo Chí và Tuyên Truyền. Sau khi được (có) bầu, ngày 19/4 Tô Linh Hương đã "đến thăm, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân đang thi công" tại một công trình xây chung cư cao cấp ở Cổ Nhuế.

Trong ảnh, tân chủ tịch HĐQT mặc bộ váy màu hồng và tuy đội mũ bảo hộ nhưng đi giày cao gót cũng màu hồng. Chỉ thiếu tấm thảm màu hồng là tưởng em đi thi hoa hậu chân dài… đầu ngắn chớ!

Đó là chuyện hai ngàn người cõng một người ở Việt Nam. Còn ở Bắc Triều Tiên hơn 25 triệu người oằn lưng cõng ba đời chú Kim Ủn-Ỉn. Cõng ông nội, cõng tía, rồi cõng con luôn… muốn ná thở!!!.

Là cháu nội của Kim Nhật Thành, là con thứ ba, cũng là con út của người lãnh đạo tối cao thứ hai của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên Kim Chính Nhật, Kim dxt_Jun2_6.jpgJong-un, phiên âm Hán Việt: Kim Chính Ân sinh ngày 8 tháng 1 năm 1984, là lãnh đạo tối cao của Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, đương kim Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Quốc phòng Triều Tiên, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Đại tướng Quân đội Nhân dân Triều Tiên.

Kim Chính Ân, khi còn du học Thụy Sĩ, làm biếng nhớt thây và học như hạch…Năm đầu  Kim trốn học 75 ngày. Năm thứ hai, tới 105 ngày. Rớt  môn khoa học, tiếng Anh và tiếng Đức thì đậu vớt. Môn toán, khá nhất, điểm trung bình.Vậy mà giống như cha và ông nội, được mấy thằng nịnh không hay hỏng ăn tiền, ‘hót’ là:

 'Đại tướng Kim Chính Ân: ba tuổi bắn súng, tám tuổi lái xe'. Đại tướng Kim lái chiếc xe chở hàng cỡ lớn vượt qua đoạn đường khúc khuỷu với vận tốc bình quân 120 km/h và tới đích an toàn (!)".

"Không có môn nào Kim Chính Ân không giỏi", nhất là môn bóng rổ thì ngay từ 10 tuổi Kim đã "khiến nhiều vận động viên chuyên nghiệp ngả mũ kính phục".

Chính Kim Chính Ân đã ra lệnh phóng "hỏa tiễn vệ tinh" trong tháng Tư này, gây phản ứng lo lắng và tức giận từ nhiều quốc gia trong khi nhân dân Bắc Triều Tiên nhơi cỏ như trâu.

Nhưng đời không phải người nào cũng tệ như “vợ thằng đậu đâu.” Cũng có người em tự cõng đời em vậy.

dxt_jun2_7.jpgDiane Tran, học sinh lớp 11 trường Willis High School, Willis là một thành phố nhỏ 6100 dân, ở cách Houston 50 miles về hướng bắc, từng bị ra tòa một lần vì tội vắng mặt quá nhiều. Thẩm phán Lanny Moriarty ra lệnh cấm em vắng mặt lần nữa, nhưng tới khi em lại không tới lớp, tòa gọi lên và bắt bỏ tù  ngay tại chỗ 24 tiếng đồng hồ và phạt $100.

Diane học điểm cao, xuất sắc nhưng Diane phải làm toàn thời gian ở một tiệm giặt ủi, và làm thêm ở Vineyard of Waverly Manor, một ngôi nhà cho thuê làm đám cưới, vào cuối tuần. để nuôi anh và em cũng còn đi học. Diane nói lý do vắng mặt là buổi sáng mệt quá không dậy nỗi.

Thẩm Phán Lanny Moriarty nói vụ án này không phải chỉ cho riêng Diane Tran mà để làm gương cho tất cả. “Tha một học sinh trốn học, rồi những học sinh trốn học khác thì sao? Tha hết à?”

'If you let one (truant student) run loose, what are you gonna' do with the rest of 'em? Let them go too?' he said.

Luật sư Brian Wice nói: “Em ấy không phải kiểu người trốn học để đi xem nhạc Rock - Em vừa làm vừa học suốt ngày đêm để giúp anh, em.

 

Người Mỹ thấy ông Tòa xử vậy kỳ quá?!. Có người còn mỉa mai bản án của ông Tòa bằng cách chơi chữ: “Your Honor isn’t honor!” tạm dịch là: “Ông Tòa xử vậy không danh dự gì đâu!”

Chủ của Diane nơi em làm việc bán thời nói: “Mấy ông có quyền uy nên giúp em hơn là làm tổn thương em ấy”

Ms Tran's employer at the Waverly Manor wedding venue, where she works over the weekends, suggested that the authorities should 'help (the family), don't harm them'.

dxt_jun2_8.jpgSau khi thông tin này được đưa ra, hàng nghìn người trên toàn thế giới đã quyên góp được tổng số tiền hơn 100.000 USD thông qua trang HelpDianeTran.com chỉ trong vài ngày ngắn ngủi để ủng hộ; bởi họ biết em phải vất vả làm thêm để hỗ trợ gia đình.

Cuối cùng ông Tòa cũng chịu không nỗi búa rìu dư luận bèn hủy bản án ‘dư’ luật mà thiếu tình người này.

100,000 đô là một số tiền rất lớn với Diane Tran, tuy nhiên em nói “không” vì: “Còn có nhiều trẻ em khác ngoài kia đang phải vật lộn với đời vất vả hơn em”, 'There's some other kid out there struggling more than me.'

Diane Tran muốn đứng trên chính đôi chân của mình vừa làm vừa học, em cõng chính đời em, để ngày nào đó em trở thành bác sĩ giúp đời chứ không phải để kéo “Medicare”.“She one day hopes to become a doctor!”.

Từ đó người viết mong rằng một người cũng trẻ tuổi đẹp như tiên: Tô Linh Hương, một ngày nào đó, ăn trúng phải thứ gì đó, nói với ông Tô Huy Rứa rằng: “Bố ơi! Đừng bắt người ta cõng con nữa! Hãy để cho con đứng lên bằng đôi chân của con” thì phước đức ba đời cho dân tộc Việt Nam.

Và ông Kim Ủn-Ỉn ngày nào đó, cũng ăn trúng phải thứ gì đó, rồi tuyên bố với nhân dân dân Bắc Triều Tiên đang nhơi cỏ thay cơm rằng: “Cám ơn nhân dân Bắc Triều Tiên đã nhăn răng cõng ông nội,cõng tía tôi, rồi cõng tới tôi… Sợ cõng thêm nữa sẽ làm gãy xương sống của đồng bào. Để tôi xuống. Tôi sẽ lật, sẽ bò, sẽ đứng chựng… rồi đi trên chính đôi chân của mình”.

Ngày đó chắc toàn thể nhân dân Việt Nam và nhân dân Bắc và Nam Triều Tiên sẽ bắn pháo hoa. Và thế giới sẽ vổ tay!

đoàn xuân thu.

melbourne.

KissSmile_____________________________________

Có gì đâu mà nhục!

.

1. Quê người.

Hôm rồi, buổi tối nhóm họ, tại nhà ông bạn già làm sui so. Người viết may mắn được ngồi gần một anh bạn trẻ chừng 5 bó, bay qua Melbourne từ Perth, Tây Úc. Rượu vô lời ra. Anh bạn trẻ biểu tui.

“Anh rờ tay em đi!”

Cha cái này ngặt dữ à nhen! Tui đâu có hai hệ đâu.

Anh hỏi: “cứng hay mềm?

 “Cứng!”

“Làm gì biết không?

‘Làm rẫy !”

“Đúng! bên nây gọi là làm farm.”

Chờ một chút, anh bạn vô phòng, lôi ra chai ông già đi bộ: Johnny Walker, nhản xanh, blue label.

 “Uống cái này mới đã, chứ uống cái Jack Daniel’s này bịnh chết?!”.

Tôi tự hỏi: chú em này chắc đẻ gần kho đạn Long Bình nên nổ dữ!

Đoán được ý tôi, anh bạn phân trần :

“Em trúng số!”

“Bao nhiêu?”

“Triệu rưởi” .
“Đã quá!”

“Nhưng không phải trúng vé số tattslotto. Mà vầy. Em người Cần Thơ. Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về. Cái đó là cho mấy thằng VC kìa. Còn em dân chánh gốc Cần Thơ à nhen. Nó vô thì em đi. Đi luôn ra biển.”

“Qua Perth làm gì?”

“Ba má em làm ruộng. Em qua đây làm rẫy. Tiếng Anh tiếng U một chữ hỏng biết thì làm sao?

Cực trần thân chớ! Mùa hè, em chui vô nhà kiếng, nửa tiếng chui ra. Lâu hơn là chết. Mà có người chết rồi. Cực, nhưng có tiền kha khá, mua lại cái farm của thằng Ý, chừng trăm ngàn.

Tàu, thôi cách mạng văn hóa, đánh đấm nhau. Mèo trắng, mèo đen, mèo gì cũng được; biết bắt chuột thì OK. Tàu mở cửa, sản xuất dỏm, thiệt đủ thứ. Anh hỏng nghe trời đất tạo ra mình, còn phần còn lại là ‘Made in China’ sao?”

Vậy là kỹ nghệ khoáng sản Úc bùng nổ. Công nhân khắp nơi tụ về, cần nơi ở. Giá nhà , giá đất ở Perth lên vùn vụt như tàu vũ trụ Discovery. Mấy thằng công ty xây dựng Úc mua đất, cất nhà bán, kiếm lời. Nó trả farm em 1 triệu. Em đòi triệu rưởi. Nó Ok. Em khỏe re như con bò hết kéo xe.” Hay hỏng bằng Hên!

“Giờ làm gì?”

“Ở không đi nhậu và nói dóc.

Anh qua Perth. Xuống phi trường, hú em một tiếng. Mercedes rước anh. Cơm nước, nhậu nhẹt là chuyện nhỏ. Dân Cần Thơ, em nói thiệt, chứ hỏng nói dóc như tụi nó trong nước bây giờ.”

2. Quê nhà.

Cũng là mua đất cất nhà, bán, lấy lời như bên Úc, chủ đất thì trúng số, còn ở Phường Hưng Phú, Quận Cái Răng, Thành Phố Cần Thơ của chú em nói trên thì lại khác. Chủ đất không trúng số mà trúng gió. Vì phải trần truồng chống lại bọn đi cưỡng chế. Cưỡng chế là nói văn hoa còn huỵch tẹt ra là đi ăn cướp.

Nhớ Tắt Đèn của Ngô Tất Tố.
"Chị Dậu, như người ta vẫn nói 'con giun xéo lắm cũng quằn', đã nói với bọn lính lệ như thế này: “Mày động vào chồng bà đi, rồi bà sẽ cho mày xem”.

dxt_may29_1.jpgỞ đây không phải là: “Mày động vào chồng bà mà là động vào đất của bà” và bà cho chúng nó xem thật!

Trưa 22/5, tại lô 49, dự án Khu dân cư Hưng Phú (Q. Cái Răng, Cần Thơ) do Cty CP Xây dựng số 8 - CIC 8 (Bộ Xây dựng) làm chủ đầu tư, gia đình ông Hồ Văn Tư, 58 tuổi, ngụ khu vực 1, phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng,

bà Phạm Thị Lài, 52 tuổi, với con gái Hồ Nguyên Thủy, 33 tuổi, đã lột hết quần áo để “nghênh chiến” với những người đàn ông đang có mặt trên công trường.

Hai người này đã bị đám vệ sĩ lôi trên cát, bãi cỏ và các đống vật liệu trong tình trạng khỏa thân dưới cái nắng gay gắt.

Một người dân chứng kiến nói rằng nhiều thanh niên “trấn áp” hai phụ nữ không mảnh vải che thân là “chướng mắt”.

Bà Lài nghẹn lời: “Đất này gia đình tôi bỏ tiền mua để cất nhà sinh sống mấy chục năm. Tụi nó tự đưa giá rồi ép chúng tôi nhận tiền mà không cho chúng tôi quyền được thỏa thuận mua bán. UBND Q. Cái Răng dùng lực lượng CA cưỡng chế giao đất.

Hiện giá đất mà đang chào bán ngay tại vị trí đất của hộ bà Lài là hơn 5 triệu đồng/m2. Trong khi theo bà Lài, Cty này chỉ bồi thường cho gia đình bà chỉ 500.000 đồng/m2 và cũng không được bố trí tái định cư.

Được biết, giá bồi hoàn đưa ra bị nhiều người dân trong khu vực nầy phản đối.

Tuy cách xa về địa lý, tuy khác xa về quy mô, xong Cái Răng và Văn Giang đều có những người dân bị hất văng khỏi đất đai, điền sản của mình với số tiền đền bù quá nhỏ mà nỗi uất ức lại quá lớn.   

Khi không thể bấu víu vào đâu để giữ đất, khi không còn biết “kêu” ai về quyết dxt_may29_2.jpgđịnh một chiều từ chính quyền, khi mà trụ cột trong gia đình, ông Hồ Văn Tư, đã tìm đến cái chết bằng thuốc trừ sâu (may mà cứu được) để dxt_may29_3.jpgphản đối chính sách đền bù, thì những người phụ nữ tội nghiệp kia còn biết làm gì hơn là trần truồng để phản đối việc cướp đất bất nhân. Nè còn cái này, tụi mầy lột luôn đi!

Người mẹ bị lôi đi trong tình trạng không mảnh vải che thân.

3. Quê xưa.

Ôn cố tri tân, đọc lại “Hình bóng cũ” của Sơn Nam, lại thấy những kẻ lợi dụng uy quyền để bóc lột, chà đạp lên nỗi oan khổ của người dân quê ngàn năm còn đó.

Nhân vật Henri Nhan và vợ, trong “Hình bóng cũ” đại diện cho lớp “côn đồ ác ôn”, thời nào cũng có. Chúng không ngại nhúng tay vào những việc nhơ bẩn, bất nhơn, bất nghĩa miễn sao được lợi riêng mình. Chúng cấu kết với bạo quyền để tạo thế mạnh. Chúng xảo trá, lưu manh. Chúng là quân giết người, quân khốn nạn. Chúng là vết nhơ của xã hội. Chúng ích kỷ, đê hèn. Chúng ngụy tạo danh nghĩa để che đậy sự thối tha, nhơ nhớp do chúng tạo nên.

Chỉ biết có tiền mà không cần đạo lý. Một lũ cướp ngày trắng trợn. Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.

Nhưng xưa chúng ta còn có lão Tư Hiếm ở vùng Mốp-Giăng, chúng ta có cô Thừa dám cởi hết áo quần trước mặt quan kinh lý che ngang ống kính đạc điền và cãi lý vì quyền lợi chung:

“Làm cái gì vậy? Trần truồng như nhộng giữa đám đông chẳng biết mắc cỡ à?”

Cô gái đáp:

“Mắc cỡ gì? Hễ cái miệng đói thì cái… mông cũng chết! Xưa nay, chưa có người nào chết đói mà cái mông còn sống được. Tôi làm vậy đó. Không mắc cỡ gì hết!”

Đó là hồi xưa, còn bây giờ chúng ta cũng có bà Phạm Thị Lài và người con gái Hồ Nguyên Thủy cũng liệt nữ, anh thư như vậy:

“Mẹ con tôi biết lột hết quần áo để phản đối trước mặt nhiều người là quá nhục nhưng phải cắn răng chịu vì quá bức xúc!”

4. Kết.

Người viết xin ngã nón, chào kính hai người phụ nữ đất Cần Thơ còn chìm trong vòng áp bức, đã kiên cường, bất khuất, đấu tranh nhưng cũng xin lổi có điều không đồng ý là:

Có gì đâu mà nhục?! Mình là nạn nhân bị ăn cướp mà nhục cái gì? Nhục chăng là bọn đi ăn cướp đất của dân và bè lũ núp sau lưng chúng nó mà thôi!

đoàn xuân thu.

melbourne




Vĩnh biệt tình hè!

dxt_May27_1.jpg

1.Tình Mộng

Hồi 16, 17 tuổi tập tễnh đường yêu, người viết đọc Uyên Ương Gãy Cánh (Broken Wings) của Kahil Gibran , nhà văn Mỹ gốc Li-Băng.

Kahil và Selma yêu nhau nhưng Selma vâng lời cha lấy người, vốn có quyền thế, mà nàng không yêu, vì hiểu rằng cha nàng phải làm điều đó để tránh những thảm họa đổ xuống gia đình..

Rồi nàng chết. Cùng với cái chết của nàng, Gibran đã chôn vùi luôn cả trái tim của mình dưới mộ sâu, ôm xác em sầu!!!

Tình mộng kết thúc đầy nước mắt!!!

Chịu ảnh hưởng tiểu thuyết, người viết nguyện với lòng rằng: lớn lên sẽ lấy người mình yêu. Tiền bạc nhằm nhò gì?! Có sức mình sỏi đá cũng thành sạn…

Giờ cưới vợ gần bốn chục năm rồi, nghĩ lại…thấy mình “khờ” biết bao! Tình mộng chỉ đẹp trong tiểu thuyết mà thôi?!

Phải chi hồi đó giống cái chuyện này:

Mình hẹn nàng ra Đèn Ba Ngọn, Bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Đêm đầy sao. Lung Linh. Mình quỳ xuống cầm tay nàng. “Em làm vợ anh nhá?” Nàng nói “không” và sau đó hai người đều sống trong hạnh phúc.

Còn bây giờ lỡ rồi Băng Đình bạn ơi! Thuyền đã ra cửa biển!!!

2.Tình chia hai.

dxt_May27_2.jpg

Nhưng, hôm qua, đọc Herald Sun, thấy lòng ấm lại khi thấy “khứa lão” này còn “khốn nạn” (xin hiểu theo tiếng Bắc) hơn mình nhiều!!!

Chuyện như vầy: Hai người gặp nhau vào cuối những năm 1980, đưa nhau ra nhà thờ để “I do!”. Sau 11 năm thì anh đường anh, tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi! Chàng biết thân, là dân đất Nữ Hoàng, Lady First, nên chung chi trước cho nàng và thằng “cu” 19 triệu đô bất động sản rồi cộng 1 triệu tiền mặt, năm, cho phí ăn chơi chóng lớn.

 

Vậy mà nàng cũng chưa chịu, trong khi chờ chính thức ly dị, coi anh được bao nhiêu tui bao nhiêu, thì nàng đòi thêm 24 triệu nữa trong phần bất động sản, 2 triệu cho thằng “cu” xài với 400,000 cho nó đi du hí.

dxt_May27_3.jpgCòn hàng tuần thì 9,000 đô để trả trả biu bộng chớ. Để mua đồ ăn, 1200, quần áo 1100, tóc tai 770, làm vườn, sửa xe, xà bông tắm …vân vân và vân vân…

Em nói rằng xưa tình nồng, xài thả cửa. Bây giờ 9,000 đô tuần nhằm nhò gì… Bà Tòa cho rằng hơi nhiều nên cắt bớt 3,000 còn 6,000 chẳn, tuần.

Của chồng, công vợ?!

Hồi xưa ông bà mình nói: của chồng công vợ. Thôi nhau thì chia hai. Án lệnh bất thành văn này có trước án lệnh thành văn của quan tòa Tây cả mấy trăm năm.

Nhưng phụ nữ mình hồi xưa dễ thương lắm cà! Lỡ có xa chàng, vàng vòng, bông tai, hột xoàn, cà rá… cũng hỏng thèm, chỉ xin mang con theo, để mẹ con em về với má. Hu Hu!!!

“Lỡ mai thiếp có xa chàng

Đôi bông thiếp trả, con chàng thiếp xin.”

Hai mẹ con khóc hu hu, xách bọc quần áo cũ, xin chàng đủ tiền đò rồi thôi.

“Lỡ mai thiếp có xa chàng

Thì xin cho thiếp đò ngang thiếp về.”

Chứ đâu phải như bây giờ em đưa chàng ra ba tòa quan lớn để kiếm thêm triệu nào hay triệu nấy.!!!

   
3. Tình đời.

dxt_May27_4.jpgĐó là chuyện “Tây”. Còn dưới đây là chuyện “Ta” được viết ra chỉ để giải sầu trước tình đời đen bạc. Mà tình đời đen bạc không phải cho người viết mà cho một ông đồng hương ở xứ Cờ Hoa; vì là đàn ông con trai với nhau “thố tử hồ hỏng bi” coi sao đặng?!

Chuyện rằng: Mến Nguyễn sinh năm 1954, tên cúng cơm là Nguyễn Văn Mến,  dân Phan Thiết. Bỏ học năm 13 tuổi, làm lơ xe, vượt biên. Đến Mỹ, 1978, Mến Nguyễn mất mũ, mất râu trên đầu thành Men Nguyen.

Tình thơ dại với người em Châu Mỹ La Tinh. Một đứa con gái xinh xắn tưởng rằng kết nối tình ta tới ngày răng long tóc bạc. Nào ngờ  một ngày đi làm về,  em bế con đi mà chẳng thèm nói ‘bái bai”. Vợ bỏ Men, Men nghĩ: tui nghèo, em cũng chẳng cao sang, sao em nỡ bỏ Men cho đành.. ?! Đúng là đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn. Men hát Thói đời Trúc Phương tập một:

“…Người yêu ta rồi cũng xa ta
nên chung thân ta giận cuộc đời!”

Đen tình biết đâu chừng đỏ bạc?

Men lên Las Vegas, nghĩ đánh cho vui, cho giải sầu và thua tối tăm mặt mũi". Men có hổn danh là money machine" (máy rút tiền) vì cứ thua hết phỉnh là Men lại chạy ra máy ATM của casino rút tiền. Tây còn khi dễ gọi Men là Men Monkey. Men Khỉ.
Có công mài sắt có ngày nên sắt, cộng với thiên tài xác xuất thống kê, Men dần nổi danh trong làng cờ bịch, chơi poker, phé, và chơi chuyên nghiệp. Hai mươi năm chơi Poker, Men Nguyen, Nguyễn Văn Mến, đã có tới 75 trận toàn thắng với giá trị tiền thưởng lên tới 10 triệu USD. Tây, tâm phục, khẩu phục, bây giờ gọi Men là Men Master. Sư Phụ Mến.

Thói đời là vậy: Nghèo chúng khi. Mà giàu chúng ghét?!!!

Giàu rồi, em xưa muốn “hàn” lại, nhưng Men nói “No”.

Men tâm sự loài chim biễn rằng: "Trong sâu thẳm, Men vẫn biết ơn em, vì bị em đá, Men không văng xuống mà văng lên… thành đa triệu phú…đô.”

Men tài đến nỗi đọc được ngay cả bài của đối thủ còn giấu trên tay nhưng lại, lần nữa, không đọc được tình em, Thói Đời Trúc Phương tập hai:

“Đôi mắt nào từng đêm buốt giá!
bên chiếu chăn tình xa nhịp thở,
Tiền đổi thay khi rủ cơn mê
để chua xót trên lối về !...”


Năm 1990, Men về thăm quê. Lần về ấy, gặp một người con gái xinh như mộng, ngủ mớ còn chưa thấy được, tên Nguyễn Thị Tuyết V. Tuy V. ít hơn Men 13 tuổi nhưng bằng trái tim của người đàn ông đa tài và đa tình, Men đã nhanh chóng chinh phục được V. Men đã quyết định cưới V. ngay dù lúc đó rất nhiều người khuyên Men không nên cưới bởi Tuyết V. quá trẻ.
Tình yêu không phân biệt tuổi tác nên Men Nguyen và Tuyết V. đã nên duyên chồng vợ. Men chăm lo cho V. và gia đình bên vợ không thiếu thứ gì. Vậy mà khi Men và em có với nhau đến ba đứa con thì Tuyết V. đòi ly dị và lấy đi gần hết số tài sản mà bao năm Men dành dụm được.

“Lỡ mai thiếp có xa chàng.

Nhà đất thiếp… “xí”, nợ nần chàng ...ôm”

Em còn đòi “xí” phần luôn cả cái nhà Men mua cho em gái của mình ở Phan Thiết nữa. Thiệt… tình tận, em, tận tình… lột sạch sành sanh...

“Bắt thang lên hỏi ông Trời!
Lấy tiền cho gái có đòi được không?
Ông trời ngoảnh mặt lại trông
Tao đòi chưa được huống chi là mày!”

Do đó bây giờ cặp nào trước khi thành hôn, mà lỡ có giàu bạc tỷ như ông chủ Facebook: Mark Zuckerberg và Priscilla Chan, trước khi động phòng hoa chúc, lo chạy kiếm luật sư vắt giò lên cần cổ để làm cái hợp đồng tiền hôn nhân gọi là “prenup” để theo đó mà chia tài sản… nếu lỡ mai thiếp có xa chàng.

Yêu mà tiền bạc… coi kỳ quá phải không Men ơi?

Cho nên Men ơi! Khi yêu, con tim mình còn cho nó được, mất trái tim là mình chết, chết chắc, thì vài triệu đô hay vài chục triệu đô mà nhằm nhò gì.

Và khi em ca bài “Vĩnh biệt tình hè” thì thôi mình ra hè mà ở vậy. Men ơi!!! Hu Hu!!!

 

đoàn xuân thu.

melbourne

__________________________________________________

tl_loughingFace.jpgGiễu Giỏi

Hay Giễu Dở!

Người ta nói rằng: “Rừng nhu biển thánh khôn dò, nhỏ mà không học lớn mò sao ra!” Hồi nhỏ người viết không học, thiệt lớn, già rồi cũng khó. Nhưng Tây hay nói: “It’s never too late” do đó khi rảnh rỗi, người viết thường hay lên web tìm học lời hay ý lạ của những nhân vật tăm tiếng trên chốn giang hồ (xin quý độc giả thân mến đừng đọc nhầm chữ “tăm tiếng” thành “tai tiếng”!) để tu tâm dưởng tánh…

Khổng Tử nói: “tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư” nghĩa là trong ba người cùng đi chắc có người là thầy của ta. Vạn thế sư biểu mà còn khiêm tốn như vậy, nên tôi, vốn biết phận mình, càng khiêm tốn hơn.

Trong bài tạp ghi dưới đây: không phải là ba mà là bốn, đều là thầy tôi cả. “Tứ nhân đồng hành tất cả ngã sư.!”

Người thứ nhứt là Ronald Reagan. Óc hài hước, dù trong hoàn cảnh thập tử nhứt sinh, đã làm ông là một trong những vị Tổng Thống được yêu mến nhứt của nước Mỹ.

dxt_may21_1.jpgChẳng hạn, sống sót khi bị bắn năm 1981, ông nói với vợ, Nancy, rằng:

“Em yêu! Hồi nãy anh quên ‘né’!” ''Honey, I forgot to duck.''

Rồi trước khi lên bàn mổ để lấy viên đạn nằm trong phổi ra, ông còn “bông phèn” với toán phẫu thuật rằng: “Hy vọng quý ông là đảng viên đảng Cộng Hòa” ''I hope you're all Republicans.''

Đúng vậy! Giao sanh mạng cho “phe ta” là chắc ăn như bắp!

Bàn về chủ nghĩa Cộng Sản, ông cũng có những câu thiệt đáng kể, đáng nể và đáng để đời như: “Người Cộng Sản là người đọc Marx và Lenin. Còn Người Chống Cộng là người hiểu Marx và Lenin.”

How do you tell a communist? Well, it's someone who reads Marx and Lenin. And how do you tell an anti-Communist? It's someone who understands Marx and Lenin.

Về nhà nước Liên Xô độc đảng, ông ‘bó tay chấm cơm’ (botay.com) rằng:

“Nếu Liên Xô cho thành lập một đảng thứ hai thì vẫn là một nhà nước độc đảng, vì đảng viên đảng Cộng Sản sẽ chạy qua cái đảng mới thành lập này ráo trọi!”

If the Soviet Union let another political party come into existence, they would still be a one-party state, because everybody would join the other party.

Tổng Thống Ronald Reagan cũng nói nhưng lời ông nói thiệt là ‘tăm tiếng’ chứ không ‘tai tiếng’ như ông ‘thần thừ’ Bill Clinton dưới đây:.

Người mà người viết phục lăn ra đất, mà có đứng được, đi được thì cũng tam bộ nhất bái, ba bước lạy một cái, là tổng thống Bill Clinton. Tại sao vậy?

Giống như chư bằng hữu hải nội huynh đệ, người viết cũng có cái tật hay ‘léng phéng’ nhưng không dám, vì còn sợ ‘con sư tử Hà Đông ở nhà’. Nó bắt được! Có nước chết!

Vậy mà học cái bài học của Bill tổng thống thấy hiệu nghiệm vô cùng: Chối! chối. Chối bai bải. Ngu sao mà nhận!

Đứng bên vợ, Hillary, trong cuộc họp báo ở Bạch Cung, ông nói:

“Tôi không hề có quan hệ tình dục với người phụ nữ này, cô Lewinsky.”

“I did not have sexual relations with that woman, Miss Lewinsky”

Dù em thực tập sinh ở tòa Bạch Cung thú nhận, môt cách sung sướng, rằng: từ năm 1995 đến 1997, Bill tổng thống chỉ dạy em chơi kèn saxophone có chín lần.

Ông tổng thống tài hoa, biết chơi đàn saxophone này, khi chối bay, chối biến làm tim em tan nát nhưng túi em lại đầy tiền, đầy hàng triệu đô xanh qua thù lao do trả lời phỏng vấn của truyền thông nước Cờ Hoa về mối tình diễm lệ của em với “quân vương”  của thế kỷ 20.

Còn hơn là Thị Hến bị quan huyện ‘khám điền thổ’ trong Nghêu Sò Ốc Hến chẳng có một xu… ăn xôi!!!

dxt_may21_3.jpgCó người giễu giỏi như Ronald Reagan, cũng có người giễu như thiệt là Bill Clinton; nhưng cũng có người giễu dở. Đã giễu dở mà giễu hoài là Hoàng Tế Philip, chồng của Nữ Hoàng Elizabeth, nước Anh Cát Lợi.

Trong chuyến du hành thăm dân cho biết sự tình, nhân kỷ niệm 60 năm Nữ Hoàng Elizabeth đăng quang, khi đến Bromley, nam thủ đô Luân Đôn, thần dân sắp hàng đón chào Hoàng Gia có người em, Hannah Johnson, 25 tuổi, diện chiếc áo đỏ rất bắt mắt, với dây kéo phía trước.  Ông rể Hoàng Gia này bèn ‘rủ rỉ rù rì’ với thầy đội đứng gần đó: 'I would get arrested if I unzipped that dress!' " Tôi sẽ bị nhốt ngay nếu tôi tuột cái dây kéo đó xuống!” làm thầy đội nghe xong muốn ngã ngửa ra mà chết giấc…Vì ông rể Hoàng Gia thích đùa này sẽ ăn mừng sinh nhật lần 91 vào tháng tới.

Còn người đẹp nạn nhân thì nói: “Giễu vô duyên!” (Being brushed off as joke, but not OK!")

Nhưng đây không phải lần đầu, ông bị ‘vạ miệng’ như vậy. Có lần được đón tiếp bởi Tổng Thống Nigeria Phi Châu, mặc chiếc áo truyền thống na ná như áo ngủ của ông, ông bèn vọt miệng hỏi:

“Ông chuẩn bị đi ngủ hả?  "You look like you're ready for bed!"

Qua Tây Úc, Australia, được Thổ Dân bản xứ đón tiếp cũng theo truyền thống, ông hỏi: “Mấy chú còn phóng lao giết nhau không?” "Do you still throw spears at each other?”

Nigeria và Australia dẫu sao thì cũng thuộc khối Thịnh Vượng Chung còn gọi là khối Liên Hiệp Anh thôi thì châm chế, dù gì cũng là rể đu đủ của Hoàng Gia nhưng với Trung Quốc, là nước không thuộc Khối Liên Hiệp Anh, chàng rể này cũng ‘vui’ luôn.

Khi nói chuyện với sinh viên Anh Quốc đang đi học ở Trung Hoa năm 1986: “Chú em đừng ở đây lâu nhá, về nhà mắt bị hí đó nha!”

"If you stay here much longer, you will go home with slitty eyes."

Còn với người Quảng Đông, ông cũng ‘vui quá là vui’:

“Cái gì bốn chân mà không phải là ghế, hai cánh, biết bay mà không phải là phi cơ, biết lội mà không phải là tàu ngầm thì người Quảng Đông sẽ ‘xơi tất tần tật!”

"If it has got four legs and it is not a chair, if it has got two wings and it flies but is not an aeroplane, and if it swims and it is not a submarine, the Cantonese will eat it."

Tôi coi ông là thầy để học cách ông nói mà có học gồng tôi cũng không dám nói như ông. Ông thuộc Hoàng Gia, người ta bị ông ‘chọc quê’ không dám ‘dợt’ ông. Còn tôi ‘dân ngu, khu đen’ mà làm vậy thì có nước lỗ mũi ăn trầu và cái đầu xỉa thuốc hay cái mỏ sưng chù vù, về nhà má bầy trẻ nhìn hết có ra?

Chuyện “ta bà thế giới” từ Anh qua Mỹ nhưng người viết lại phục nhứt là những thiên tài trẻ tuổi hài hước Hoài Linh Việt Nam, dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, mà tương lai đầy xán lạn (sáng lạng?!) như đêm ba mươi, qua hai câu chuyện dưới đây:

Cô giáo biểu giải thích câu tục ngữ "Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh".
Trò trả lời: "Câu tục ngữ nói lên sự tàn ác của bọn giặc cướp nước, khi đã tràn vào làng mạc, nhà cửa thì không cứ đàn ông, mà cả đàn bà, trẻ con chúng cũng đều đánh tuốt…luốt… "

Mà còn “ác liệt” hơn nữa là bài văn, bình tác phẩm Tắt Đèn của Ngô Tất Tố.
"Chị Dậu, như người ta vẫn nói 'con giun xéo lắm cũng quằn', đã nói với bọn lính lệ như thế này: “Mày động vào chồng bà đi, rồi bà sẽ cho mày xem”.

Và chị cho chúng nó xem thật."
Người viết không biết chị Dậu cho bọn lính lệ xem cái gì nhỉ?

Xin nhứt bộ nhứt bái, một bước lạy một cái, thiên tài của xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đàn em của Phạm Tuân, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, người từng mang dép lốp… ‘quá giang’ tàu Liên Xô vào vũ trụ!

Người viết, cũng có môt thời ‘dạy giáo’, nghe vậy, chỉ còn biết là: “Thầy Chạy”. Thiệt là “Bó tay chấm cơm!!!”

đoàn xuân thu

.melbourne. 

Một Gói Khoai Chiên

Từ Thành Phố Vạn Sồi!

 

dxt_May14_1.jpgNam Kinh là "Kinh Đô phía Nam", thủ phủ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Nam Kinh, hạ lưu sông Dương Tử, là thành phố lớn trong lịch sử và văn hóa Trung Hoa. Nam Kinh từng là kinh đô của 6 triều đại phong kiến Trung Hoa và là thủ đô của Trung Hoa Dân Quốc thời Tưởng Giới Thạch. Đây còn là trung tâm thương mại, giao thông vận tải, du lịch, giáo dục nghiên cứu trong suốt lịch sử Trung Hoa thời cận đại, sau Thượng Hải.

Thời Tam Quốc, Khổng Minh Gia Cát Lượng viết về Nam Kinh như sau: "Chung Sơn long bàn, thạch đầu hổ cứ, chân nại đế vương chi trạch dã"  nghĩa là: "Núi Chung thế rồng cuộn, đá hình hổ phục, thật là chốn đế vương vậy!".

Ngày nay thì đế vương đã về Bắc Kinh. Nam Kinh chỉ còn sót lại một bà lảo ăn mày, cô độc, đói và khát trên đường phố đông người mà chẳng thấy ai lo?!

dxt_May14_2.jpgThousand Oaks (Vạn Sồi), thường được gọi là "T.O.", thành phố thuộc tiểu bang California, Vùng Đại Los Angeles, vì nó có nhiều Sồi.

Chàng thanh niên Mỹ lớn lên từ thành phố Vạn Sồi (Thousand Oaks) vừa tốt nghiệp trường đại học Arizona đến Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, Trung Quốc làm việc.

Trên góc phố Nam Kinh, chàng thanh niên Mỹ Quốc chia sẻ cùng một bà cụ ăn xin Trung Quốc vài miếng khoai chiên, và chút nước suối giữa mùa hè nóng bức. Ai đó, người dân Trung Quốc, chụp lại hình ảnh này, đưa lên mạng xã hội Sina Weibo. Và nó đã tạo nên cơn bão.

 

Trả lời phỏng vấn tờ Thời Báo Los Angeles, Jason Loose nhớ lại:

Tôi thấy một bà cụ, vẻ buồn bã và cô độc đang xin ăn trên phố đông người. Lúc đó trong cái lon xin tiền của bà, chẳng có một xu.

Tôi chợt nghĩ chắc bà ấy đang đói và khát. Mà cần hơn đói và khát là cần một ai đó để cảm thông.

Tôi hỏi mình có thể giúp gì được cho bà cụ đáng thương này hay chăng? Tôi mua một gói khoai chiên, chai nước suối từ McDonald's và chia sẻ với bà ấy.

Bà ấy, từ một vùng quê tỉnh An Huy, phiêu bạt đến đây. Già…yếu! Làm gì bây giờ? Không ai lo! Chỉ nước ăn xin?!

Trời nóng, khát quá. Tôi rót nước từ chai nước suối cho bà, hỏi han về sức khỏe. Bà nói: Già… yếu rồi. Cám ơn tôi, dù bà không thích khoai tây chiên lắm…!!!

Jason Loose theo học trường Ðại Học Nam Kinh đã được 9 tháng, không ngờ mình lại trở nên một người nổi tiếng.

“Tôi chỉ tình cờ tặng bà ấy vài miếng khoai chiên mà theo tôi, chúng cũng không tốt cho sức khỏe lắm, đồng thời ngồi nói chuyện với bà trong vài phút. Theo tôi, hành động như thế, chẳng có gì đáng để trở thành một mẩu tin.”

Một hành động có thể rất bình thường của chàng sinh viên Mỹ, đến từ thành phố Vạn Sồi, nhưng trở thành phi thường trong mắt một người Trung Quốc, chụp được bức hình nầy, rồi tải lên trang mạng xã hội Sina Weibo Trung Quốc.

Một người Trung Quốc cho rằng: “Chinese people, let’s all learn from this!”

“Nhân dân Trung Quốc hãy học lấy điều này!”

dxt_May14_3.jpgNhiều người dân ở Hoa Lục nghĩ rằng: đất nước họ đang nhắm mắt chạy theo đồng tiền mà đánh mất hết đạo lý, khiến ai cũng trở nên dửng dưng trước nỗi thống khổ của những người không quen biết!!!

Người viết cho rằng: Người phải học bài học về tình người này nhất: phải là Bạc Qua Qua?

Bạc Qua Qua là ai? Tại sao phải học?

Bạc Qua Qua, sinh năm 1987, cháu nội Bạc Nhất Ba, nguyên Phó Thủ Tướng Trung Quốc, là con Bí Thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai vừa bị các đồng chí “kính yêu” bợp tai, đá đít văng ra khỏi Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc và lột luôn lon Bí Thư Thành Ủy Trùng Khánh.

Bạc Qua Qua là một trong những cái tên hàng đầu trong nhóm “Con Cháu Các Cụ Cả”. Thiếu gia nhà họ Bạc lớn lên trong khu biệt thự dành cho cán bộ cao cấp, có lính gác, có tài xế riêng.

“Tôi biết nhiều người thuộc tầng lớp quý tộc thích sống kín đáo, nhưng như thế thì tẻ nhạt quá” - Bạc Qua Qua nói-

Bạc thiếu gia nổi tiếng với những chiếc xe cỡ Ferrari và xài tiền như nước nhưng “không mặn mà với sách vở”.

Theo bè bạn, thiếu gia họ Bạc từng mời một đoàn võ sư từ chùa Thiếu Lâm sang biểu diễn tại Oxford, nơi thiếu gia đang học.

Thiếu gia cũng “nổ” với bạn cùng trường qua việc mời siêu sao phim hành động Thành Long qua chơi, thậm chí còn nhảy lên sân khấu hát chung với Thành Long.

Bạc Qua Qua nổi tiếng với các màn tiệc tùng. Ngay trong những tuần đầu mới nhập học, anh ta đã mua rượu champagne cho tất cả mọi người và mở một bữa tiệc “kinh hoàng” ngay tại nơi ở.

Những tấm hình Bạc Qua Qua quần áo xộc xệch, nhậu nhẹt, nhảy nhót với các thiếu nữ xuất hiện đầy trên trang mạng làm người dân Trung Quốc bình thường chua xót phận mình?!

dxt_May14_4.jpgKết bài viết này, xin có bốn câu thơ gởi Bạc Qua Qua, chơi bạt mạng, sẽ làm đất nước Trung Hoa tàn mạt như vầy:

Có chàng tên Bạc Qua Qua

Bí thư Trùng Khánh là cha của chàng

Mỹ du ăn học làng nhàng

Nhậu nhẹt, gái gú thì chàng là cha!

Bạc Qua Qua và hàng ngàn thiếu gia nữa “Con Cháu Các Cụ Cả”, sẽ cai quản đất nước Trung Quốc trong một tương lai không xa. Mà bây giờ đã ăn chơi tàn mạt như vầy thì chắc chẳng bao lâu Nhân Dân Trung Quốc sẽ đi ăn mày ráo trọi!

Những hành động, lời nói, cách sống của hai thanh niên, đồng trang lứa, thuở đôi mươi: Bạc Qua Qua và Jason Loose cho chúng ta biết trước hai nước: Trung Quốc và Mỹ Quốc sẽ đi về đâu!!!?

 

đoàn xuân thu.

melbourne

_______________________________________________

 

 Con Quỷ Phạm Nhan*!

dxt_May6_1.jpgdxt_May6_2.jpg

Chiều thứ sáu, thằng nhóc Johnny ngồi trong lớp học thì cô giáo bảo:

“Các em nghe đây: ai trả lời được một trong những câu đố này thì cô sẽ cho về sớm bữa nay và được nghỉ học ngày thứ hai tới.”

Ai khám phá ra Châu Úc và năm nào?

Trò Jenny Chan dơ tay, trả lời: “Thưa cô Thuyền Trưởng Cook năm 1788”

Giỏi lắm Jenny, em có thể về sớm, thứ ba đi học”

Thưa cô không! Lớn lên em muốn làm bác sĩ nên em phải siêng học. Em không nghỉ ngày thứ hai đâu!”

 Câu kế:  Ai tìm ra Châu Mỹ và khi nào?

Jimmy Nguyen trả lời: “Christopher Columbus năm 1648 ạ!”

“Giỏi lắm Jimmy! Em có thể về sớm và được nghỉ ngày thứ hai tới.”

Thưa cô không! Lớn lên em muốn làm luật sư nên em phải rán học. Em không muốn nghỉ ngày thứ hai đâu!”

Thình lình cuối lớp có đứa hét tướng lên: “Tổ cha mấy đứa Á Châu!”

Cô giáo giận dữ hỏi:

“Em nào nói đó?”

Thằng nhóc Johnny trả lời:

“Pauline Hanson, năm 1996”

Trả lời xong, Johnny chạy ù ra cửa, còn nói vói lại:

“Gặp cô thứ ba nhé!”

Trong truyện vui này có Jenny Chan, gốc Trung Hoa, Jimmy Nguyen gốc Việt Nam, căn cứ vào họ của các em. Còn Little Johnny là tên những người Úc thích đùa gọi cựu Thủ Tướng Úc John Howard vì vốn dĩ ông hơi nhỏ con. Pauline Hanson, chủ quán bán cá chiên, fish and chips, khét tiếng kỳ thị…

dxt_May6_3.jpgTưởng rằng Pauline Hanson, dân biểu liên bang một nhiệm kỳ thuộc đơn vị Oxley, Queensland, 1996–1998, và Thủ Tướng John Howard thất bại thê thảm trong cuộc bầu cử liên bang năm 2007, mất chánh quyền về tay đảng Lao Động mà còn mất luôn cái ghế dân biểu của chính cá nhân mình trên lãnh địa Bennelong gọi là an toàn khu của Đảng Tự Do thì tệ nạn phân biệt chủng tộc đã thuộc về lịch sử.

Nhưng không! Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tệ nạn kỳ thị như con quỷ Phạm Nhan, bị chặt đầu này nó mọc ra đầu khác.

Sau Pauline Hanson tới phiên dân biểu tự do liên bang Teresa Gambaro thuộc Brisbane, Queensland.

Khi trả lời phỏng vấn của báo The Australian, người đẹp thuộc gia đình di dân gốc Ý này đã phán một câu xanh dờn rằng:

Di dân đến Úc làm việc theo diện tay nghề phải được dạy bảo là giữ vệ sinh thân thể như: dùng thuốc khử mùi hôi nách và học cách xếp hàng.

Những người Úc đàng hoàng như nghe thấy kỳ quá, bèn nhao nhao phản đối như ông Pino Migliorino chẳng hạn. Ông nói: Giởn chơi hoài ! Những di dân đến đây theo chiếu khán làm việc đều là người có học và học cao nữa mà chê rằng họ “hôi” quá nghe sao đặng!

dxt_may6_4.jpgNhững di dân diện tay nghề từ ngoại quốc đến đây làm việc cho bệnh viện, chăm sóc những người già yếu, neo đơn hay đến những vùng quê hẻo lánh đang thiếu hụt nhân công trầm trọng.

Em Teresa quên rằng những di dân dân đến đây theo diện tay nghề đa phần là tốt nghiệp đại học, khác với những năm sáu mươi mà những di dân gốc Ý lúc đó đã từng bị kỳ thị, bị gọi là dirty wogs! (mấy thằng đen ở dơ!) chỉ vì da họ không được “trắng” lắm? đa phần là lao động chân tay!!!
Có người còn đùa, xỏ xiên, gọi em Teresa Gambaro là “Người em hửi nách (Armpit Sniffer)”.

Có người còn xài xể hơi nặng là chắc Teresa, dù miếng pizza còn dính kẽ răng, đã vội quên bố mình là di dân gốc Ý đến đây, đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong xưởng máy hay hầm mỏ. Và những giọt mồ hôi, nước mắt đó đã giúp em ăn học nên người mà sao em nỡ lòng nào nói vậy?!

Cuối cùng bị dư luận phản đối quá xá, dân biểu Gamaro xin lỗi là không cố tình nói những lời xúc phạm, kỳ thị di dân; chứ thực ra em ủng hộ chủ nghĩa đa văn hóa?!

Chuyện bọn chánh trị gia lợi dụng con bài di dân để kiếm phiếu như Pauline Hanson, Teresa Gamaro hay ngay cả tổng thống Pháp Sarkozy là chuyện xưa rồi Diễm ơi!

Còn cái chuyện ông “cớm” ở Victoria, Australia, người tuân thủ và thi hành luật pháp mà còn “dọng vô mặt” thiên hạ vì kỳ thị thì cái này mới “lọa”.

Theo báo The Age, ngày thứ sáu 4 tháng 5 năm 2012 viết: cảnh sát bang Victoria đã phải trả nhiều chục ngàn đô la, dàn xếp ngoài tòa, cho những “di dân” bị “bạn dân”  nựng  hơi quá tay như:  em Abdullah Abdi năm 2007, từ Phi Châu, khi mới 15 tuổi. Ông “cớm” này đã gầm lên:

''If you want to f--- around with the police, this is what you get you f---ing black c---,'’ ''I'll f---ing shoot you, you black c---.”

Xin tạm dịch là:

“Nếu mầy muốn giỡn mặt với cảnh sát, thì cái mầy được đây nè thằng mọi đen! Ông sẽ bắn mầy..”

Đất nước này không của riêng ai, hành tinh xanh này cũng không của riêng ai. Mà là của tất cả chúng ta: đỏ, vàng, đen, trắng nào cũng có quyền được sống một cách tự do, bình đẳng không phải chịu những cảnh áp bức, bất công như lúc còn ở quê nhà. Vì áp bức, bất công nên nên họ mới bỏ quê hương, dù cực kỳ yêu dấu, mà trốn đến đây. Thì cho dù kỳ thị là con quỷ Phạm Nhan có triệu đầu đi chăng nữa chúng ta, những con người chân chính, chặt nó đầu này nó hiện ra đầu khác thì chúng ta vẫn phải tiếp tục chặt…chặt… dù chặt hoài “mỏi tay thấy tía”, thì cũng phải làm…làm thế hệ này qua thế hệ tới để cho con cháu chúng ta sau nầy dù đỏ, vàng, đen, trắng có đi khắp nơi trên thế giới, khắp bốn phương trời, đều hãnh diện: “Aussie! Aussie! Aussie!  Oi! Oi! Oi!” (Úc! Úc! Úc! Đây! Đây! Đây!). Chứ không phải cuối gầm mặt xuống, xấu hổ, khi thiên hạ hỏi: Có phải quý vị đến từ đất nước của Pauline Hanson???!!!

*(Theo truyền thuyết, Phạm Nhan vốn là một thầy phù thuỷ đi theo quân Nguyên xâm lăng nước ta. Y có tài hô phong, hoán vũ “gọi gió, kêu mưa”, đặc biệt là khả năng “chém đầu này mọc đầu khác”).

đoàn xuân thu.

melbourne

____________________________________________

Tình đời ghẻ lạnh!

Lúc 5 giờ 30 phút chiều ngày 13 tháng 10 năm 2011, thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, ngôi chợ nhỏ, trời sắp chuyển mưa, lúc mẹ đang lo đi gom quần áo đang phơi thì bé Vương Duyệt Duyệt, hai tuổi lang thang ra ngoài đường chơi.

Rồi Duyệt Duyệt bị môt chiếc xe ‘van’ màu trắng đụng phải. Duyệt Duyệt ngã xuống, bánh xe trước cán qua người em. Chiếc xe ‘van’ ngừng lại nhưng tài xe không bước xuống, dừng một lát, rồi lái xe đi. Và bánh sau chiếc xe lại cán qua người em.

Ít nhất 18 người đã đi qua chỗ em nằm sóng soài. Vài người dừng lại, nhìn, rồi bỏ đi luôn. Thêm chiếc xe tải nữa chạy đến. Bánh trước và bánh sau xe cán qua hai cái chân bé bỏng của Duyệt Duyệt. Cuối cùng rồi cũng có bà nhặt rác, cúi xuống bế em vào lề. Bà đến quá trễ. Máy thu hình an ninh gắn trên đường phố cho thấy Duyệt Duyệt khóc vì đau đớn, đôi tay bé bỏng ôm lấy đầu, tay và chân của bé giựt giựt… người đầy những máu…

Duyệt Duyệt được đưa vào bệnh viện, chìm vào hôn mê sâu.

Ba Duyệt Duyệt khóc: “Tôi ước sao con tôi tỉnh lại và gọi hai tiếng Ba ơi !”

Nhưng không!!! Duyệt Duyệt đã giã từ cuộc đời ghẻ lạnh nầy vào hôm thứ sáu 15 tháng 10 năm 2011

dxt_Apr29_man.jpg dxt_Apr29_baby.jpg dxt_Apr29_truckBaby.jpg dxt_Apr29_dogs.jpg

Trời ơi! một em bé 2 tuổi bị xe tải cán qua người, nằm sóng soài giữa đường chờ chết trước sự thờ ơ, lãnh đạm của mọi người xung quanh. Những người lái xe thấy em bé đang nằm bất tỉnh trên đường cũng mặc kệ, cố lách để đi tiếp nên em bị cán thêm một lần nữa bởi một chiếc xe tải khác và tài xế xe tải cũng bỏ chạy luôn làm như cán phải một con chó băng qua đường không bằng! Không một ai kêu xe hồng thập tự chở em vào bịnh viện cấp cứu.

Tai nạn thương tâm đó đã khuấy động dư luận quốc tế về lương tâm, về đạo đức của người dân trong xã hội Trung Quốc hiện đại.

Sự vô cảm đáng sợ của một bộ phận người dân Trung Quốc. Họ thấy chết cũng mặc kệ cho dù là một em bé gái đáng thương xót. Cái gì không có lợi cho bản thân họ, họ không làm.

Có báo Trung Quốc viết rằng: “Mang tên là thành phố Phật Sơn thế mà người dân ở nơi đây không có tâm Phật, hay là Phật đã đi nơi khác rồi nên người dân ở đây mới chạy theo phù hoa, danh lợi mà sinh ra dững dưng với tha nhân.”

Khổng Tử dạy: ‘Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín’, lấy chữ ‘Nhân’ làm đầu. Chữ Nhân đâu rồi trong nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa?

Niềm ô nhục của người dân Trung Quốc!!!

Như một blogger Trung Quốc viết: Đó chính là chỗ suy đồi của đạo đức, luân lý xã hội.

Người viết chợt nhớ đến đoạn kết phim “Chuyện Tử Tế” do nhà đạo diễn trong nước Trần Văn Thủy :“Tất nhiên chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi khổ đau của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình”.

Sợ rằng lời bình trong phim viết ra có thể làm ‘mếch’ lòng người duyệt phim kỹ tính, nên mượn lời của các danh nhân thì đuợc ‘bảo kê’ hơn, vì đó là chân lý, là danh ngôn, vì vậy nên thay chữ HẾT của bộ phim nhỏ bé này bằng câu nói của Karl Marx tôn kính: “Ê! Marx nói à nha!”

Mấy năm trước qua Hoa Kỳ, đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm một ‘chuyện tử tế’ là thành thật tự thú rằng : “Tất nhiên chỉ có súc vật mới có thể quay lưng lại nỗi khổ của đồng loại mà chăm lo riêng cho bộ lông của mình” thiệt không phải là của “Karl Marx tôn kính” nào cả mà câu nói này là của ‘tui’?!!

Thôi ‘xính xái’ đi!!! Vì muốn bảo vệ nồi cơm của mình, muốn tránh bị dợt tơi tả, lên bờ xuống ruộng bởi các quan văn nghệ kiểm duyệt, dưới bàn tay của những anh Lành, Tố Hữu, chẳng hạn…Cái gương tày liếp: Nhân Văn Giai Phẩm còn sờ sờ ra đó, nên ông Trần Văn Thủy làm cái phim “Chuyện Tử Tế” này phải dán cái ‘bùa lổ ban’ to tổ bố trên trán bằng cách gắn câu nói trên vào mồm ông Karl Marx… Nhưng cho dù là ông Trần Văn Thủy nói hay ông Karl Marx râu xồm nào đó nói… thì tôi cũng thấy rằng câu nói đó trật chìa, trật bàn đạp và trật lất… thấy rõ.

Bằng cớ là ngày thứ bảy 14 tháng 4 năm 2012, hai con chó băng qua đường phố tấp nập ở La Puente, California, Hoa Kỳ. Và hình ảnh do bộ phận chăm sóc thú vật thuộc County of Los Angeles cho thấy: một con Mực buồn bã đứng cạnh bạn mình đang nằm chết, sau khi bị xe đụng trên đường phố Hoa Kỳ, mà không hề e sợ những dòng xe cộ ầm ầm xuôi ngược.

Do đó, sinh mạng của Duyệt Duyệt trong “thiên đường Cộng Sản Trung Quốc” của mấy cha nằm như Đặng Tiểu Bình, hay còn ngồi ngáp ngáp như Hồ Cẩm Đào ở Trung Nam Hải bền tâm xây dựng và sinh mạng của một con chó ở “hang ổ bọn tư bản dẫy chết Hoa Kỳ” làm chúng ta thấm thía đâu là tình đời ghẻ lạnh?

Người và Chó ai sẽ hơn ai? Chữi súc vật hay chữi chó chỉ biết “chăm lo bộ lông riêng của mình”như ông Karl Marx hay ôngTrần Văn Thủy nói thì thiệt là hỏng phe (fair)?!

Thiên đường chắc có chỗ cho Duyệt Duyệt và bà già hốt rác từ thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đến định cư. Và cũng có chỗ cho hai con chó: một Mực, một Vàng trên đường phố Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Còn những con người ghẻ lạnh chỉ biết “chăm chút cho bộ lông” của mình chắc phải đi chỗ khác chơi thôi!

đoàn xuân thu.

melbourne

_______________________________________________

Bắn vào quá khứ

bằng súng lục…!

dxt_truongPTG.jpg

 

Xa quê hương, bóng chiều đã xuống gần tới chân mây, những người học trò năm cũ cuối năm thường hay tổ chức gặp mặt, hàn huyên ấm lạnh, nhắc lại kỷ niệm thời đi học.

Trường xưa, bất kể lớn hay nhỏ, lâu đời hay không, đào tạo ra những con người lỗi lạc là quan trọng; nhưng còn quan trọng hơn nữa là trường xưa, thầy cũ, bạn bè là hình bóng quê hương, là người đó… Là chỉ dấu để cho mình tìm về thời thơ dại, phải nói là đẹp nhất đời người mà sau này những người học trò đã tung cánh chim xa lìa tổ cũ, dù thành công hay thất bại trong đường đời đã lắm phong ba, mà khi nhìn lại, ai cũng bùi ngùi nhớ tiếc một thời hoa mộng.

Mang xúc cảm đó, người viết bèn làm một bài thơ, đăng vào đặc san, coi như là bài tưởng niệm một thời phấn bảng:  khi năm 75 trường xưa bị mất tên, tượng cụ Phan Thanh Giản* bị đập bằng búa.

dxt_tuongCuPhan.jpg

Trường xưa còn đó, bao thương nhớ!

từng gốc phượng đau, rụng lá sầu.

phấn trắng, bảng đen, mình một thuở

trôi vào quá khứ, cuộc bể dâu.

Bục giảng ngày nào, ta đứng đó,

trầm ngâm trong gió đợi thu về.

lá rụng ngoài sân như muốn tỏ:

chào cố nhân! người trở lại xóm quê.

Em hỏi: ta làm gì khi xa quê hương?

ta chỉ là nhà thơ khốn khổ,

với những bài thơ buồn.

(thơ ta đăng, những trang còn trống chổ

em đọc để mà quên!)

Em hỏi: thơ ta nói những gì?

toàn là tan vỡ với chia ly.

đời toàn mất mát! vui sao được?

ngay chính trường ta cũng mất tên.

Ôi! trường ta! tang thương!

theo vận nước nhiễu nhương!

học trò năm cũ giờ đâu cả,

em giạt về đâu mấy nẻo đường?

(Viết cho ngôi trường đã bị mất tên!)

Nhớ mà tiếc. Vì hồi xưa đi học, đi dạy… sao mà vui quá xá. Kỷ niệm học trò, kỷ niệm “dạy giáo” hằn sâu vào tâm trí để gần năm mươi năm sau vẫn còn muốn “hằng năm cứ vào độ cuối thu”

Xin nghe nhà văn Lương Thư Trung nhắc về thời đi học của mình với nhiều thương mến:

Hồi trước, đi học ở đâu cũng vậy, học trò nhỏ chúng tôi sợ nhất là bị thầy kêu trả bài. Hôm nào rủi không thuộc là hôm ấy cái mông coi như bầm tím mấy ngày vì roi mây ghé thăm. Nhất là những bài học thuộc lòng bằng tiếng Tây rất khó nhớ. Hồi còn tiểu học Bình Hoà, thầy Nhì, thầy Chánh nổi tiếng là nghiêm khắc. Thầy Chánh nói tiếng Tây ra khói mà đánh học trò cũng ra khói luôn. Nhưng ai đã qua lớp Nhứt của thầy rồi là nên thân ráo trọi, trừ khi đứa nào quá dở vì đi học mà mê theo mấy con dế lửa, dế mun gáy te te vào tháng ba nắng cháy trên đất cày…”

Học trò hồi xưa biếng học, ham chơi bị thầy đánh mà không dám “oán”, không dám về nhà méc ba, méc má, hay xúi ba má đi thưa. Không dám than một tiếng vì sợ ba má sẽ đánh thêm.

Còn sau này thì:

 
dxt_dao.jpg

Học sinh vác dao đuổi chém thầy giáo chủ nhiệm

Ngày 9/1/2012, trong giờ học thầy Bùi Văn Toàn Trường THPT Phan Bội Châu, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, thấy em Đỗ Thế Hòa, học sinh lớp 12B7, không thuộc bài và trốn học hai ngày nên mời phụ huynh vô để mắng vốn.
Vậy mà chờ lúc thầy ra ngoài hành lang, Hòa núp phía sau vung dao lên chém. Thầy Toàn né được và bỏ chạy. Hòa tiếp tục vác dao rượt theo. Rất may, nhát dao chí mạng đã không trúng người, do thầy đã kịp giơ vội chiếc cặp lên đỡ.

Hỡi ơi trò biếng học, thầy rầy; trò trả lời bằng dao búa.

Đó là chuyện ở Lâm Đồng. Còn chuyện này thì xảy ra ở Cần Thơ, trường Châu Văn Liêm vốn là trường Phan Thanh Giản cũ.

 

dxt_truongCVLiem.jpgCô Nguyễn Hoài Thi - Hiệu phó Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ cho biết: sáng 12/1/2012, trong giờ thể dục một nam học sinh khối lớp 10 của trường bất ngờ dùng một viên đá đập vào mặt một thầy giáo thể dục của trường (cụ thể là đập trực tiếp vào một bên tai của thầy giáo).

Được biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, phụ huynh học sinh này đã tới tận nhà thầy giáo xin lỗi và đưa thầy giáo đi bệnh viện chụp hình vết thương. Kết quả cho thấy vết thương ở phần mềm, bị trầy xước ngoài ra và chảy máu chứ không nghiêm trọng.

Học trò lấy đá đập vào mặt thầy. Hỡi trời cao đất dầy ơi! Vì không nghiêm trọng nên học sinh nam đó, nhà trường đã cho về nhà lấy lại tinh thần, bình tĩnh, viết bản kiểm điểm.

Dư luận quần chúng ào ào phản đối, dù "ban giám hiệu" cố làm nhẹ vấn đề. Hỏng có sao! Thầy bị thương nhẹ nhẹ thôi mà …trầy sơ sơ, chảy máu chút chút vậy mà?!

Đứa học trò “trời ơi đất hởi” này đập vào mặt ông thầy, là nó đập vào mặt cả một hệ thống giáo dục đã đi trật lất. Một nền giáo dục xem nhẹ “Quốc Văn Giáo Khoa Thư”!

Nghe nói sau đó em có đến nhà xin lỗi. Vậy cũng còn đơ đở.

Còn những những người được gọi chung là người (?) năm 75,  họ lấy búa đập vào mặt ân sư Phan Thanh Giản sao cho tới giờ này mà họ vẫn cứ êm re?

đoàn xuân thu.

melbourne

* Rasun Gamzatov, nhà thơ của dân tộc Dagestan.

 "Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác".

Bottom of Form

*Phan Thanh Giản.

Cuối tháng sáu năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Trước sức mạnh quân sự của Pháp, Kinh Lược Sứ Phan Thanh Giản thấy rõ tương quan lực lượng giữa quân ngoại xâm và binh đội trỉều đình, nên quyết định bảo toàn tính mạng dân chúng. Cụ trao thành, không kháng cự rồi tuyệt thực và uống thuốc độc quyên sinh vào ngày 4 tháng 8, hưởng thọ 72 tuổi.

_________________________________________________________________________________

 



 

Con có còn sống tới ngày mai ?

_____________________________________________

Cám ơn bạn văn Trần Bang Thạch, Houston và Lộc Tưởng, Boston có lời thăm hỏi người viết trong trận cháy rừng kinh hoàng nhất trong lịch sử Australia ngày thứ bảy 7 tháng 2 năm 2009 làm hơn 173 người đã chết.

đoàn xuân thu.

melbourne

dxt_concocon1.jpg

Melbourne là thủ phủ bang Victoria, Australia và Marysville là thị trấn yên bình rợp bóng cây, phía tây bắc, chỉ cách Melbourne một giờ rưởi lái xe, chưa đầy 100 km.

Marysville với những cây cổ thụ ngập tràn màu sắc, vang tiếng hót của bầy chim, những thảm cỏ xanh mướt, vườn hoa rực rỡ trước những ngôi nhà xinh xắn.

Mùa đông, đi núi tuyết Lake Mountain, tôi đã từng dừng chân ở Marysville vì cảnh nơi đây đẹp như là tranh vẽ của Levitan.

Nhưng chỗ thiên đường đó đã biến thành hỏa ngục: Trận cháy rừng ngày 7 tháng 2 năm 2009, ngày thứ bảy đen tối, ngày thứ bảy tang tóc, Marysville đã hoàn toàn bị thiêu hủy.

dxt_concocon2.jpgNhững lớp khói bụi đen ngòm, che cả ánh mặt trời, trong khi ngọn lửa vàng rực, nuốt dần những ngôi nhà xinh xắn đó.

"Không khác gì trận bão lửa từ địa ngục đuổi theo".

"Chẳng khác gì thảm họa ở Hiroshima, chẳng khác gì một vụ bom nguyên tử. Xác động vật nằm la liệt khắp trên đường!".

Toàn bộ thị trấn này bị thiêu rụi và ngôi làng Marysville đẹp như tranh giờ chỉ còn là đống tro tàn.

"Marysville, một trong những thị trấn đẹp nhất bang Victoria, nếu không nói cả Australia, đã hoàn toàn bị xóa sổ"

Ngày tang tóc đó, một người cha đặt hai đứa con thơ vào xe rồi quay vào nhà lấy thứ gì đó. Một loáng sau, chiếc xe chìm trong biễn lửa, lũ trẻ vẫn còn kẹt trong xe. Nước mắt!

"Khi điện tắt, tôi vội vã chộp lấy vài món đồ cho vào túi. 'Bế lấy con! Ra khỏi nhà ngay!'.

Chúng tôi lái xe đi, khi lửa ngùn ngụt trên những ngôi nhà hai bên vệ đường”.

dxt_concocon3.jpgKhi đó, Melbourne, nhiệt độ lên hơn 47 độ C. Lịnh cấm lửa toàn diện.

Tôi vẫn ung dung ngồi ở nhà, trong cái hiu hiu mát của máy điều hòa không khí chạy hết ga thì chuông điện thoại reo. Nhà trường kêu đón cháu về sớm, vì khói rừng cháy đã theo gió tràn về thành phố.

Đến trường, hai ông cháu ra trước sân. Con bé dừng lại, nhìn về phía xa xa, nói:

Nội à! cháy rừng! Hỏng biết mấy bạn có sao không?

Tôi nói cho cháu yên lòng “ Chắc hỏng sao đâu con?!”

Cùng lúc ấy, môt bé gái trạc tuổi cháu tôi, trên đường bôn tẩu ở Marysville, hỏi mẹ  khi trận bão lửa cùng hơi nóng quét qua:

'Mẹ, khi nào con gặp lại các bạn?

Con có còn sống đến ngày mai không?'.

Câu trả lời là:

Có! con yêu! Con sẽ còn sống để về dựng lại Marysville

Marysville thành phố của một người con gái tên “Mary” chiều nay đã cháy!

dxt_concocon4.jpg

đoàn xuân thu.

melbourne.

______________________________________________

Tạp ghi đoàn xuân thu

Thương hình bóng cũ!

Hồi còn nhỏ, ba má tôi thường bắt ngủ trưa. Ba đứa nằm sấp lớp trên giường mà con mắt mở trao tráo. Con nít thích chơi hơn thích ngủ. Nhưng sợ bị đòn thì phải vậy chứ biết sao hơn? Thằng em nhỏ nhứt được cưng, nằm võng. Trong cái trưa hè của làng quê Đạo Ngạn, Mỹ Tho…gió hây hây thổi, má tôi ru:

Gió đưa bụi chuối sau hè;

anh mê vợ bé bỏ bè con thơ,

con thơ tay ẳm tay bồng,

tay nào xách nước tay nào vo cơm.”

Nhưng ba tôi lại ru con, không bằng ca dao mà bằng bài ca vọng cổ:

“Sầu Vương Biên Ải” Út Trà Ôn phát trên đài phát thanh Pháp Á:

... “Thâu canh hồn ngơ ngẩn nhìn bóng trăng khuya lặng lẽ giữa đêm… trường…"

dxt_UtTraOn.jpgNhững năm 50, miền Nam thanh bình, trù phú, thạnh trị. Đêm không giới nghiêm. Nhà tôi có cái ra dô chạy đèn, lúc đó chưa có ra dô tran- sit- to như sau này. Thời đó có cái ra dô như vậy là “oách” lắm rồi. Tối thứ bảy bà con lối xóm: bà dì, bà cô, bà thiếm xách theo giỏ trầu đến nằm, ngồi trên bộ ngựa trong nhà, vừa nhai trầu bõm bẽm vừa thả hồn theo câu xàng xê, câu vọng cổ của tuồng cải lương trực tiếp truyền thanh trên đài phát thanh Sài Gòn.

Ba tôi là người nghệ sĩ mần văn. Năm 1957, ông Trần Tấn Quốc, chủ báo Tiếng Dội, phụ trách trương kịch trường đầu tiên của làng báo Việt Nam Cộng Hòa, khuyến khích, thân phụ tôi viết kịch trường, phê bình những vở cải lương cùng với Thanh Tâm, bút hiệu của ông Trần Tấn Quốc, Phong Vân, Nguyễn Ang Ca và Việt Định Phương.

Cách phê bình của thân phụ tôi hơi khác, hơi lạ. Thay vì nhận xét về tuồng tích, phê phán khen chê soạn giả và diễn viên thì ba tôi lại lượm lặt những cảm xúc chân thành của bà con khán giả: bà năm, cô bảy, chị hai, em ba gom lại thành bài viết…

Ông đóng vai kép độc như Việt Hùng chẳng hạn mà khán giả kêu ông bằng “thằng”, chửi ông tắt bếp thì ông đã thành công xuất sắc trong vai trò kép độc.

dxt_UtBL.jpgCòn “Sầu Nữ Út Bạch Lan’ xuống một câu vọng cổ mà ai nấy đều thút thít khóc thì xứng danh với “Đệ Nhứt Đào Thương”.  Những mỹ danh này đều do ký giả kịch trường đặt cho họ.

Cách viết đó, nửa thế kỷ về trước, là mới. Còn bây giờ là xưa rồi. Bây giờ họ “comment” bài viết của mình đôi khi chửi tác giả như tát nước…thôi hết biết đường nào mà kể...?!

Tôi được ba dẩn theo đi coi cải lương. Ba mặc áo dài tay, gài nút măn sét, thắt cà vạt. Tôi, áo trắng bỏ vô quần sọt, mang xăng đan. Ba nói: mình ăn mặc chỉnh tề để tôn trọng người nghệ sĩ. Khi trình diễn, họ ăn mặc đàng hoàng, y trang, cảnh trí, mình là khán giả, tại sao không?

Theo ba, tôi vừa hào hứng vừa e dè khi vào hậu trường, nơi có bàn thờ tổ khói hương nghi ngút. Có bàn trang điểm, làm mặt của kép và đào. Có ban nhạc cổ đang so dây, nắn phím. Đàn kìm giữ nhịp song lang, cò, guitar phím lõm, sáo, tranh, bầu, trống. Còn giàn nhạc tây thì ngồi gần hàng ghế danh dự chứ không ngồi sau cánh gà như dàn cổ nhạc…

Khi trình diễn thì có người đứng sau lưng phông màn nhắc tuồng và người kéo micro theo cái ròng rọc cho nghệ sĩ hát.

Ký giả kịch trường được ngồi ghế thượng hạng, thường là sát bên với soạn giả còn gọi là thầy tuồng. Xưa chỉ có soạn giả viết tuồng rồi phân vai cho nghệ sĩ. Chứ không có đạo diễn như bây giờ

Năm 1957, đoàn Thúy Nga Phước Trọng về Mỹ Tho, diễn phúc khảo tuồng hương xa: “ Khi Hoa Anh Đào Nở” của Hà Triều Hoa Phượng tại rạp Vĩnh Lợi đường Lý Công Uẩn của thầy Năm Tú, ba tôi là ký giả kịch trưòng được mời đi xem.

dxt_TDuoc.jpgCha con tôi ngồi sát bên hai bác soạn giả Hà Triều Hoa Phượng. Kép chánh đêm diễn là Thành Được, năm ấy ông mới vừa mười chín tuổi, mặc áo kiểu hiệp sĩ Lã Sanh Môn, dắt gươm trên lưng. Còn đào chánh là “Kiều nữ Bích Sơn” mặc kimono đi từng bước ngắn trên đôi dép cao của Nhựt.

Đoạn cuối vở tuồng còn ngâm hai câu thơ: “Cổng chùa đã khép lại rồi…”

Dàn nhạc tây thì chơi “Ò e Robe đánh đu, Tạc dăng nhảy dù, Zoro bắn súng”.

Và màn nhung buông xuống, em trở lại đời thường, trả lại phấn son.

Ba tôi được hai bác soạn giả Hà Triều Hoa Phượng mời đi ăn cháo khuya cùng anh em nghệ sĩ. Cái tình văn nghệ thuở ấy sao mà nồng ấm như tô cháo trắng tép rang có chan nước cốt dừa của ngày năm cũ.

Vài hôm sau, bài viết của ba lên trương kịch trường của nhựt báo Tiếng Dội, tạo dư luận háo hức chờ đoàn hát nhập thủ đô Sài Gòn, rạp Nguyễn văn Hảo ra mắt bà con mộ điệu.

Sau “Khi Hoa Anh Đào Nở” thành công vang dội, Hà Triều Hoa Phượng còn thêm “Đợi Anh Mùa Lá Rụng, Cầu Sương Thiếp Phụ Chàng”.

Năm 61, tuồng hương xa đã xa hương, Hà Triều Hoa Phượng chuyển qua tuồng xã hội mà vở đầu tiên là “Nửa Đời Hương Phấn”

Hương, con nhà gia giáo ở vùng Lái Thiêu, bị một tên nhạc sĩ sở khanh dụ dỗ đến mang thai. Sợ dư luận đàm tiếu, cô phải lên Sài Gòn trốn tránh. Số phận cay nghiệt đã đưa đẩy Hương vào con đường bán phấn buôn hương, rồi tình cờ gặp được Tùng. Vì danh giá gia đình không cho phép Tùng lấy một người con gái bán phấn buôn hương. Cang, anh Tùng phản đối và bày kế chia rẽ, khiến Tùng cứ ngỡ Hương phản bội mình nên đã bỏ đi lấy vợ.

Nhưng trái ngang, đau lòng, vợ Tùng, Dịu, là em ruột của Hương. Hương đã vào chùa quy y để quên đi mối tình dang dỡ!

Thân phụ tôi nói: “Dịu chứ không phải Diệu do Ngọc Nuôi đóng. Vì Hương, Út Bạch Lan tên “The” trước khi thành gái giang hồ. Tên mùi vị quê nhà, mà The cho là “quê” nên đổi tên là “Hương”. Hương, tên đẹp, nhưng là Hương của “Nửa Đời Hương Phấn”. Cách chọn tên của soạn giả thiệt thâm trầm!

“Nửa Đời Hương Phấn”, phảng phất Marguerite Gautier trong Trà Hoa Nữ và Lan Điệp trước cổng chùa, đã lấy đi nước mắt biết bao nhiêu khán giả khóc thương cho một mảnh hồng nhan bạc phận!

Đó là chuyện ba mươi năm về trước, khi tôi còn thơ dại…theo ba.

Năm 90, từ Adelaide, Nam Úc…thằng Quân, em tôi gởi giấy bảo lãnh về cho thân phụ tôi đi. Ba không muốn. Vì ba già rồi, vì không muốn má tôi nằm lại một mình, không ai nhang khói. Quê nhà ai muốn bỏ mà đi.?!

Tôi từ Cần Thơ “bay” về, nói “bay” nghĩa là về thiệt lẹ chứ Cần Thơ Mỹ Tho giàu có gì mà đi máy bay. Mà có máy bay đâu mà đi…

Tôi thuyết phục ba tôi: “Em con lãnh ba đi, chắc nó có ở hai bên rồi, nên biết sướng khổ thế nào, nó không lãnh ba qua đó mà chịu khổ đâu. Đi khó về dể! Ba cứ đi, nếu khổ quá thì về…”

Ba tôi thấy tôi có lý.

Tiệc tiển hành, ba nói: “Bên đó chắc không có cải lương đâu con?!”

Em gái tôi tìm được cuồn cát sét “Nửa Đời Hương Phấn” cho ba mang theo…

Cả nhà nghe bài Phụng Hoàng với Út Bạch Lan vai Hương, Thành Được vai Tùng và Ngọc Nuôi vai Dịu.

dxt_NgocNuoiVietHung.jpg“Dù em có thành hôn với ai đi nữa,

thì chị cũng ráng về với ..... em;
để mừng ngày em xuất giá.
Cho vui lòng ba má
chị cũng nở mặt nở mày với lối xóm bà con…
Còn dượng ba đây-
là một thanh niên-  có học thức lại đàng hoàng.
Chị vô cùng sung sướng;
thấy em có một tấm chồng đúng như lòng chị đã ước mong!

Cha con tôi nghe hết mấy câu Phượng Hoàng này thì lại nhớ về hình bóng một thời thơ mộng cũ. Thời có ba, có má, có anh, có em, có cải lương, có thanh bình mà không có tham vọng của một lũ điên.Thời ba làm ký giả kịch trường dắt con thơ dại theo coi hát.

Ba nói: “Mai, ba đi, mang theo hình ảnh quê nhà, hình ảnh má con và kỷ niệm nầy. Không biết ba còn có dịp trở về quê cũ nữa hay không?” 

Ba tôi suốt một đời lao khổ vì con, chỉ hưởng được năm năm ở chốn thiên đường rồi vướng vào bạo bịnh, chiến đấu với bệnh tật ba năm nữa rồi thua cuộc. Trước khi đi vào hôn mê, ba trăng trối: “Hết giặc, tụi con mang tro than của ba về quê cũ. Ba muốn về cạnh má con! Sao đành bỏ má con một mình cho được…!”

“Nhà thương thí miền tây con đâu ngờ lần cuối,

ráng chiều cháy chân mây,

ngày cuối cùng hấp hối,

“quê nhà! trái tim ba!”

ba nhìn con trăng trối...

***

Mộ má nhìn ra lộ Đông Dương ,

như trông như ngóng người thương trở về;

người thương nay đã trở về,

dẫu tro than vẫn câu thề ngày xanh:

“chừng nào xe lửa Mỹ bung vành;

tàu Tây kia liệt máy anh mới đành xa em”*

Ba tôi mất hơn mười năm lẻ, anh em tôi vẫn chưa đáp ứng được lời trăng trối tha thiết của phụ thân; vì lẽ đêm quê nhà dài, dài quá cho tới bây giờ mà sao bình minh vẫn còn diệu vợi. Vậy là hằng năm tới ngày giỗ ba, em tôi bay từ Adelaide lên, cả nhà đoàn tụ nhắc về kỷ niệm xưa của gia đình.

Phượng, em gái tôi, mang cuồn cát sét kỷ vật “ Nửa Đời Hương Phấn” ra hát lại. Thời gian hủy hoại dần tất cả. Cuồn băng nhão đi, chỉ còn nghe được câu đầu:

“Dù em có thành hôn với ai đi nữa,

thì chị cũng ráng về với ..... em!”

Và nước mắt!

đoàn xuân thu.

melbourne

Enter supporting content here