GSNgNhuHung2018.jpg

 TRANG

     VĂN - ẢNH

 Nguyễn Như Hùng

 __________________________________________________________________

 

 

SĂN ẢNH: 

NGƯỜI SAN JOSE ĐI TÌM DÁNG THU

 

__________________________________________________ 

Ca dao thời đại:

" Trăm năm trong cõi người ta,

Những điều muốn biết, cứ vào gu-gô ( google)"

Thu năm nay, qua Canada chụp lá vàng. Google là người chỉ đường dẫn lối rất tài tình.

Trên google có hình cây lá đỏ rất đẹp (hình 1).

NNH_falltree_1.jpg 

                                                                            Dáng Thu trên Google (Before) 

Qua bao dặm đường, bay từ tây sang đông nước Mỹ, rồi tiếp sang Ottawa, lái xe, suốt bao nhiêu giờ, tìm cây lá đỏ. Lại phải hỏi google! Google chỉ, đến nơi rồi, Hunsville! Sao không thấy?

À nó đây rồi! Đứng ngay trước mặt mà không nhận ra, vì cứ tìm màu đỏ! (BBT: Sao nghe như "Before/ After" của giải phẫu thẩm mỹ)

Cuối cùng, trước khi chia tay ra về, đứng chụp với nàng Thu Canada một tấm cho bõ công tìm kiếm!

NNH_falltree_2.jpg 

                                                                                    Nàng Thu Canada! (After)

Hình dưới đây mới chụp sáng nay (Nov 26), gần nhà, chẳng khác gì...

 

NNH_fallTree_SJ.jpg 

                                                                                                     Nàng Thu gần nhà 

...hình google chỉ tận bên Canada:

NNH_falltree_canada.jpg 

                                                                                                 Lại Nàng Thu Canada! 

"Bụt chùa nhà không thiêng"!

 

NNH 

 

 

_________________________________________________________________________________________ 

Từ Sơn -1945-

Khởi đầu cuộc đời tản cư.

Nguyễn-Như-Hùng

 

Lọc cọc! lọc cọc!

Chiếc xe ngựa chuyên chở gia đình chúng tôi rời khỏi thị xã Đáp-Cầu hướng về phủ Từ-Sơn. Nơi đây có làng Tiêu-Sơn, nhiều bà con họ hàng của bà Ngoại sinh sống tại đây. Bà Ngoại thường nói: đi về Tiêu. Vị trí phủ Từ-Sơn, nay là thị xã Từ-Sơn,  nằm ở khoảng giữa, cách Đáp-Cầu chừng 20 km về phía bắc, cách thành phố Hà-Nội chừng 20 km về phía nam.(Tên gọi và danh giới địa lý dùng trong bài này được áp dụng ở thời điểm năm 1945, trước khi VM cướp chính quyền).

Theo trí nhớ của đứa trẻ 8 tuổi, trên xe ngựa có Mẹ và 7 anh chị em.  Chị lớn 12 tuổi, em bé nhất, khoảng hai tháng tuổi . Bà Nội và Bố ở lại trông nhà vì có  công việc hàng ngày. Nội trông coi cửa tiệm bán giầy dép. Bố đi làm công sở, xế bên kia đường. Theo lời kể của chị Nga, chị cả, trên xe còn có U Bê (vú nuôi cô em bé, nhà thường gọi là Bê ) và thằng Bút ( Bút phải lớn tuổi hơn tôi, nhà quen gọi là thằng Bút) phụ Mẹ để trông coi đàn trẻ nhỏ . Tộng cộng 10 người với những túi quần áo cùng đồ dùng lỉnh kỉnh hàng ngày chất đầy trên xe, 2 ngựa kéo. Chị Nga nhớ, phải 2 ngựa mới kéo nổi. Xe chở nặng, đường lại xa. Chiếc xe ngựa với 2 bánh xe bằng gỗ, viền sắt, không bọc cao su , lọc cọc lăn trên đường đất gồ ghề. Mỗi lần sụt ổ gà, bọn trẻ chúng tôi lại có dịp vui cười, đùa rỡn. Lúc đầu mới trèo lên xe, đứa nào cũng rụt rè, sợ sệt. Bây giờ xe đi được một quãng xa, bọn nhỏ thích lách ra ngồi ngoài để dễ nhìn ngắm phố xá, nhà cửa hai bên đường. Ra khỏi thị xã, ruộng đồng bát ngát, không khí khoáng đãng, chúng tôi lại càng phấn khởi hơn, vì từ bé chỉ quanh quẩn trong thị xã nhỏ xíu này, chưa đi đâu xa. Nhưng đâu có biết rằng người lớn rầu rĩ, lo lắng biết chừng nào!. Mẹ tôi, lúc đó mới 33 tuổi, đem 7 đứa con, 2 trai, 5 gái đi chạy loạn. Mới tuần trước đây, máy bay Đồng Minh ( Mỹ) thả bom xập cầu sắt Đáp-Cầu, bắc qua sông Cầu, nối liền 2 tỉnh, Bắc-Ninh với Bắc Giang. Nhà tôi ở phố Chính, gần cầu, cửa kính lớn trưng bày ngoài tiệm của Nội vỡ tan tành. Máy bay Mỹ vần vũ thường ngày. Trại lính Nhật là mục tiêu oanh tạc của không quân Mỹ, lại nằm kế cận nhà tôi. Tôi học trường nam tiểu học Đáp Cẩu. Từ nhà đến trường đi bộ chưa tới 10 phút. Sáng nào đi học, tôi cũng phài qua trước cổng trại lính Nhật. Trong sân trại, nhiều toán lính xếp thành hàng tập thể dục, tập võ, chạy nhẩy, đấm đá, hô vang những tiếng lạ hoắc. Tất cả đều cắt tóc ngắn, người lùn, phục phịch, trông có vẻ dữ tợn. đằng đằng sát khí. Trước ngày quân Nhật đảo chánh Pháp, 9-3-1945, trại này là trại lính Pháp. Sau 2 trái nguyên tử Mỹ thả trên đất Nhật, Nhật thua trận và tuyên bố đầu hàng Đồng Minh, ngày 14-8-1945. Nghĩa là, Nhật làm chủ trên toàn lãnh thổ VN được 5 tháng, 5 ngày.

Như vậy, lúc Bố Mẹ quyết định đưa bọn trẻ chúng tôi ra khỏi thị xã Đáp-Cầu, tản cư về vùng quê, để tránh máy bay oanh tạc, là lúc chiến tranh thế giới thứ 2 ( ở VN là giữa Mỹ và Nhật),  đang thời kỳ quyết liệt. Thời gian đó là vào dịp hè năm 1945. Ngồi trong xe ngựa,thỉnh thoảng làn gió mát đồng nội thổi tới, người và ngựa cũng cảm thấy bớt mệt mỏi. Bọn nhỏ lim dim ngủ. Trên xe chỉ có Mẹ tôi biết đường và chỉ lối cho anh xà ích lái xe ngựa vào Tiêu Sơn.

Đến Tiêu, chúng tôi gặp Ngoại và gia đình cậu Cả Đắc đã đến rồi.  5 con của cậu Cả, khoảng cùng lứa tuổi với chúng tôi, gặp nhau tíu tít, quên cả đói, mệt. Gia đình tôi ở nhà Ông Ninh, Ngoại và gia đình Cậu ở nhà ông Ban. 2 nhà trông sang nhau, giữa là con đường nhỏ. Nhà quê nên vườn sau rất rộng. Trẻ nhỏ tha hồ chạy nhẩy. Vì còn bé, chúng tôi chỉ chơi quanh quẩn gần nhà. Tiêu Sơn có hồ nước lớn, ao Tiêu, đứng ở cửa, nhìn thấy, không xa mấy, nhưng chúng tôi, con nít, nên cũng chưa được đến nơi đó để thăm thú, để bơi lội. Bà con Đáp Cầu tản cư đến Từ Sơn nhiều lắm. Đi chợ huyện, gặp đủ mặt. Gia đình chúng tôi, cũng giống như bà con Đáp Cầu khác, ở Từ Sơn khoảng 1 tuần, thấy tình hình êm êm lại rủ nhau về.

Về nhà được ít lâu, tình hình chiến sự thay đổi dồn dập:

14-8-1945 Nhật đầu hàng, chấm dứt thế chiến thứ 2.

19-8-1945 Việt Minh nổi lên cướp chính quyền.

2-9-1945 Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập

(Sau ngày này ít lâu, HCM có đến thăm Đáp Cầu. Lúc đó, trong đội "Nhi đồng cứu quốc", đứng dàn chào chủ tịch trước sở cẩm (trụ sở Cảnh sát, tên thường gọi thời Pháp thuộc), tôi nhìn thấy rõ HCM ngồi trong chiếc xe hơi nhỏ mầu cam đậm. Điều mà tôi nhớ nhất đến bây giờ là phía trên góc trần trong xe có gắn một cái quạt máy nhỏ chạy vù vù, tôi phục quá, văn minh quá, từ bé chưa bao giờ thấy ly kỳ như vậy!)

5-10-1945 quân Pháp do tướng Leclerc vào Saigon.

6-3-1946 hiệp địng sơ bộ Việt Pháp

18-3-1946 quân Pháp vào Hanội

15-6-1946 người lính Tưởng Giới Thạch cuối cùng dời VN

19-12-1946 cuộc chiến Việt Pháp bùng nổ khắp nước.

16-1-1947 HCM phát lệnh Tiêu thổ kháng chiến toàn quốc.

 

VC học đòi theo chính sách "Tiêu thổ kháng chiến" man rợ của đàn anh, đuổi người dân vô tội ra khỏi thành phố. Gia đình chúng tôi lại phải khăn gói lếch thếc lên đường, bỏ lại tất cả nhà cửa, đồ đạc, tìm nơi lánh nạn. Lần này, có thêm bà Nội, gia đình xuống thuyền đậu ở bờ sông Cầu, cùng một số đồ dùng cần thiết. Thuyền chèo và thêm 2 người kéo chạy trên bờ dọc theo giòng sông, đến làng Xuân-Thủy thì dừng lại. Tất cả lên bờ, lội bộ về ấp Xuân-Thủy, ấp của Ngoại. Chúng tôi ở trong căn nhà ngói đỏ rộng lớn cùng với gia đình các cậu, các dì. Thời gian sống ở đây là vui nhất vì có nhiều anh chị em cùng lứa tuổi, tạm thời bình yên, Tây chưa càn quét tới.

 Vài tuần sau ngày ra đi, tôi theo Mẹ và U Bê đem theo túi vải đựng hoa, quả, nhang, nến về thăm nhà cũ.  Than ôi! Cả thị xã Đáp Cầu trở thành đống gạch vụn. Những con đường quen thuộc tôi đi học hàng ngày, giờ đây không nhận ra nổi ! Bủn rủn chân tay, đầu óc hoang mang, như đang lạc lõng trong một nghĩa trang xa lạ! Dừng chân, định thần lại, đảo mắt tìm Mẹ. Mẹ và U vẫn lầm lũi phía trước, bước thấp bước cao trên đống gạch đổ vỡ hoang tàn. Mẹ ơi! Mẹ có buồn không? Mẹ có khóc không? Bao nhiêu của cải tan tành theo mây khói! Cậu bé 10 tuổi, chỉ biết bước theo Mẹ, đạp lên những tảng gạch đổ vỡ, tìm về căn nhà cũ. -"Ô..! Mẹ ơi! Cây dâu nhà ta kìa!"  Mừng rỡ, tôi chạy vội về hướng đó. Mẹ và bà U theo sau. Cây dâu còn nguyên vẹn giữa những hoang tàn đổ nát. Cây dâu với bao kỷ niệm thời ấu thơ như vừa sống lại trong tôi, sau bao tai họa khủng khiếp do chính những con người mù quáng không xa lạ với dân trong làng. Cành lá rung rinh như đang chờ đón chúng tôi. Sân sau nhà tôi có độc nhất 1 cây là cây dâu, loại dâu ta, như loại dâu lấy lá nuôi tằm, không biết trồng từ bao giờ, cao hơn mái nhà, cho nhiều trái (nhỏ hơn dâu tây), khi chín đen thì rất ngon và ngọt. Có lần té, sướt tay chân khi trèo lên hái trái. Về sau, tôi thường dùng cây sào hái xuống ăn. Bây giờ đang đứng trên nền nhà mình , Mẹ và bà U lo tìm chỗ để đặt bàn thờ, thắp nhang...Tôi thẩn thơ, lững thững trên đống gạch vụn rải rác trong sân nhà, cố tìm xem còn vật gì quen thuộc. Không còn gì ngoài cây dâu! Hôm ra đi vội vàng, đâu có đem theo được hết. Giầy dép trưng bầy trên kệ trong tủ kính ngày ra đi, nay không còn một chiếc. Tôi đi tìm cây sào hái dâu, cũng mất tiêu. Căn nhà này, ông bà Nội tôi đã sống bao năm với các con. Khi Bố tôi lập gia đình, cơ quan đổi đi xa ít lâu. Sau lại về sống ở căn nhà này. Rồi 7 anh chị em chúng tôi lớn lên ở căn nhà này từ nhỏ. Nhà 1 tầng, mái ngói thấp, mặt tiền là cửa hàng bán giầy dép của bà Nội, hiệu Thái Long, số 15 phố Chính, Đáp Cầu.

Một bên là tiệm bán đồ sứ của OB Đội Chiểu. Một bên là hiệu thuốc bắc Bảo Tâm Chai của người Hoa. Ngoài tiệm bán thuốc bắc, bên trong là một xưởng rất lớn với  nhiều nhân viên, chuyên sản xuất rượu thuốc ngâm rắn, cung cấp khắp vùng Bắc Kỳ. Tôi nhớ nhất ông chủ Bảo Tâm Chai, vui vẻ, nói tiếng Việt lơ lớ, khi gặp Hùng Tí chơi ở cửa là gọi vào cho gói ô mai. Khi quân Nhật chiếm Đáp Cầu, ông bị Nhật bắt, nghe nói bị thủ tiêu vì làm tình báo cho Tàu Tưởng!  Trước đó, bên kia đường là nhà bà Năm Trấn có  bác Trí, cô Tuyết ( cô Tuyết là bà ngoại của NCKỳ Duyên).

Như vậy kỳ đầu tản cư tránh máy bay Mỹ là hè 1945. Kỳ này với chiến dịch tiêu thổ kháng chiến của VM, chúng tôi tản cư về vùng quê tránh máy bay Pháp và các cuộc càn quét của quân Pháp là đầu năm 1947.

Từ đó trở đi, chúng tôi trở thành kẻ vô gia cư, chạy hết làng này sang làng khác, phần lớn vẫn trong địa phận tỉnh Bắc Ninh. Tôi còn nhớ những nơi gia đình đã tản cư, sau Từ-Sơn là: Xuân-Thuỷ, Xuân-Hoà, Lạc-Xá, Khả-Lý, Tam-Sơn, làng Um, một làng tề bên huyện Gia-Bình Lang-Tài, ấp Ông Nghị Phồn...Nhiều lắm, không biết còn thiếu nơi nào không? Nhưng có một lần, lại tản cư về Từ Sơn, nhưng lần này không phải làng Tiêu Sơn mà là ấp Tam Sơn. Gia chủ là Ong Bà Cựu Bơ, sống trên tỉnh, nhưng thời gian chạy loạn này cũng tản cư về đây. Về Tam Sơn, Mẹ tôi có dịp buôn bán vải cùng bà Cựu Bơ ở chợ Từ Sơn. OB có mấy anh lớn là anh Phương, anh Nghĩa, anh Chung. 2 anh lớn theo kháng chiến, nên ít được gặp. Anh Chung hơn tôi vài tuổi còn ở nhà. Chiều đến, tôi thường theo anh Chung ra khoảng đất trống để cùng với các thiếu nhi trong ấp học hát, học vác súng gỗ, đi đứng đều bước. Tất cả do anh Chung chỉ dẫn.  Thật là vui, được sinh hoạt với mấy đứa trẻ đồng trang lứa. Nhưng vui và nhớ nhất là rỡn đùa với cô Tuyết, gái cưng của ÔB chủ, bằng tuổi tôi, khoảng 10 tuổi. Sau Tuyết, còn 2 cô em nữa thì phải? Nhà rộng, sân rộng, ông bà chủ lại vui tính, tốt bụng, tha hồ mà chạy nhẩy, vui đùa. Gia đình chúng tôi tản cư ở Tam-Sơn khoảng 2 tháng, rồi vì tình hình chiến sự, nơi này không yên ổn, Mẹ tôi lại đưa các con chạy tản cư sang nơi khác. Những lần sau này, tất cả đều cuốc bộ, không có xe ngựa hay thuyền bè như những lần trước. Bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa một bị cói đeo trên vai đi thoăn thoắt.  Riêng 2 bé  gái - hình ảnh tôi còn nhớ rõ -  ngồi trong 2 thúng do bà U gánh, đong đưa, chúng phải bám chặt vào giây quang gánh. Tản cư đến đâu đều được tiếp đón niềm nở. Dân quê mình thật tốt ! tính tình đôn hậu, thật thà, không giàu có những vẫn sẵn sàng chia cơm sẻ áo cho người tỵ nạn.

Thế mà tới nay (2016), 70 năm có lẻ, không biết tin tức gì của các ân nhân. Người còn, người mất! người trong nước, người ngoài nước! người bên thắng, người bên thua! Không biết bây giờ, sau hơn 40 năm VN thống nhất, có cùng một ý nghĩ như nhau không? Hy vọng với phương tiện truyền thông nhanh chóng và tân tiến hiện nay, lừa bịp không còn đất sống, sự thật được phơi bày, chúng ta sẽ không còn phải e dè, khách sáo như nhiều người gặp lại nhau sau 30-4-1975 mà tất cả chúng ta cùng nắm tay nhau một lòng tranh đấu cho mục tiêu chính: độc lập, tự do, dân chủ thực sự cho quê hương.

Tới năm 1949, Mẹ tôi tìm được người đưa bà Nội và tôi hồi cư về Đáp Cầu, rồi ra Hà Nội. Ở Hà Nội mới cắp sách đi học lại, sau 2 năm rong chơi từ làng này sang làng khác. Chạy loạn, người lớn lo, chứ con nít 9, 10 tuổi biết gì mà lo. Chỉ vài lần lính Tây càn quét đến vùng, hay máy bay Pháp bắn phá gần nhà, chúng tôi mới nhốn nháo lo chạy giặc, lo ẩn núp. Còn thì suốt ngày anh em rủ nhau đi chơi, bắn chim, câu cá, tắm ao, đua trâu, trèo cây hái ổi, ra đồng mót lúa..., nhất là thời gian tản cư ở  Xuân-Thủy, ấp của nhà. Ngày nay tự hỏi, có bao giờ ở tuổi thiếu nhi mà được về quê nghỉ hè lâu như vậy không? Thật tuyệt vời phải không quý vị? Thôi cứ tạm coi như thế cho đời lên hương!

Về sau, học hành qua sách vở, báo chí, tôi mới biết Từ Sơn, nơi 2 lần tản cư chạy loạn trong thập niên 40 của thế kỷ trước, là một vùng đất rất đặc biệt, được nhắc nhở nhiều trong văn học, lịch sử VN.

 Lúc tản cư ở Từ Sơn ,

-Đâu có biết rằng: Từ Sơn có tiếng tăm là nơi nhiều danh lam thắng cảnh, đền đài cổ kính, như chùa Tiêu (Tiêu Sơn Tự hay Thiên Tâm Tự) nằm trên sườn núi Tiêu, đền Đô ( Cổ Pháp Điện hay đền Lý Bát Đế) thờ các vị vua nhà Lý, rất gần nơi chúng tôi tản cư. Và còn rất nhiều đình chùa cổ kính khác, vì đây là nơi xuất phát Phật giáo VN từ thế kỷ thứ 10 với nhà sư Lý Công Uẩn, sau trở thành vua Thái Tổ nhà Lý. Có thể nói, Từ Sơn, Kinh Bắc này là vùng có nhiều lễ hội nhất VN.

NguyenNhuHung_TuSon.jpg

Chùa Tiêu (Từ Sơn)        Đền Đô (Từ Sơn)

 

-Đâu có biết rằng: Từ Sơn là sinh quán của thân mẫu đại thi hào Nguyễn Du(1765-1820), bà Trần-Thị-Tần (1740-1778). Sau khi thân phụ Nguyễn Du, Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm (1708-1775) mất, Nguyễn Du mới được 10 tuổi, thường theo Mẹ về sống ở quê ngoại Từ-Sơn.

Người địa phương thường nhắc câu: "Trai Tiên-Điền Hồng-Lĩnh, Gái Kinh-Bắc Từ-Sơn". Hai vùng đất quê hương ươm nguồn cho ra đời kiệt tác "Kim Vân Kiều" của Nguyễn Du sau này

-Đâu có biết rằng: Từ Sơn cũng là quê hương của thân mẫu Công chúa Lê-Ngọc-Hân (1770-1799), bà Chiêu Nghi Nguyễn-Thị-Huyền. Xin nhớ rằng, Ngọc Hân công chúa, con vua Lê-Hiển-Tông, sau trở thành Bắc Cung Hoàng Hậu, vợ vua Quang -Trung Nguyễn-Huệ, là tác giả bài văn tế Tế vua Quang TrungAi Tư Vãn. Bài văn tế, có một không hai trong lịch sử văn học VN, thật ai oán, thật bi thương, của  một Hoàng Hậu tài sắc vẹn toàn, gửi gấm tâm sự, kể lể nỗi niềm buồn đau, thương tiếc người chồng vừa ra đi là Hoàng Đế Quang-Trung. vị anh hùng áo vải có công đánh đuổi quân nhà Thanh, giữ gìn sự vẹn toàn tổ quốc.

-Đâu có biết rằng:  Từ Sơn là bối cảnh trong tiểu thuyết của Khái Hưng: Hồn bướm mơ Tiên, Tiêu Sơn tráng sĩ.. Đền chùa, sông nước vùng Từ Sơn là khung cảnh thơ mộng, lãng mạn được Khái Hưng khéo léo đưa vào một cuộc tình, nửa đạo nửa đời, nửa tiên nửa thực . Tiếc là lúc đó còn nhỏ, chứ không, tôi đã đi tìm tráng sĩ Tiêu Sơn nhờ đưa đến mộ Trương Quỳnh Như để đốt nén nhang tưởng nhớ người thiếu nữ tài hoa bạc mệnh! Và lúc tản cư lần đầu ở Tiêu Sơn (1945), biết đâu Khái Hưng cũng đang ở vùng này, lang thang tìm nguồn cảm hừng cho cốt truyện tiếp theo? Và lần sau tản cư tới vùng này, ấp Tam Sơn (1947), không biết Khái-Hưng Trần-Khánh-Giư (1896-1947), còn sống hay đã chết?  Vì sau này sử sách ghi chép, Khái-Hưng bị Việt Minh thủ tiêu tại bến đò Cựa Gà  (phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định), rồi vứt xác suống sông năm 1947.

 

"Đâu có biết rằng" "Đâu có biết rằng" như thế này thì tới sang năm cũng không hết. Xin chấm dứt  tại đây để còn kịp gởi bài cho báo xuân Bắc Ninh, nam Cali.

Kính chào và Chúc Mừng Năm Mới Bính Thân (2016).


 Nguyễn Như Hùng

Cali,1/2016

 

 

 

KHÓC BẠN

NgNhuHung_GSDHDuc_self2.jpg 

Thân gửi anh Trí,

Mấy bữa qua không được khoẻ. Bây giờ mới coi email của anh. Bạn bè cứ rơi rụng dần! Rầu quá anh Trí ơi ! Anh DHĐức hình như là chưa dự đh PTGDTD lần nào, nên đồng môn PTGDTD ít được gặp. May cho tôi được gặp 1 lần, khoảng 15 phút tại Paris, năm 2008. Hôm đó, tôi đt cho anh Đức và hẹn gặp nhau tại một nhà 

NgNhuHung_GSDuongHongDuc_self.jpg

hàng VN, quận 13 Paris. Tôi ở gần, nên đi xe điện đến trước, ngồi trong quán chờ. Lúc sau, thấy 1 người từ dưới đường hầm xe điện bước lên (coi hình). Nhận ra ngay ông bạn đồng nghiệp của gần nửa thế kỷ về trước. Kg khác xưa mấy, vẫn nụ cười hồn nhiên với cặp kính luôn gắn trên khuôn mặt. Mừng vui gặp lại nhau, sau bao biến đổi đau thương của đất nước. Không thể ngờ được lại có ngày 2 bàn tay xiết chặt vào nhau, lắc thật mạnh mà không nói nên lời, tại một nơi mơ tưởng thời còn cắp sách tới trường ở quê nhà, kinh thành Ánh Sáng.

(Không biết, bên kia thế giới, anh Đức có đọc được lá thư này không?)

Xin kèm vài hình kỷ niệm.

Thân mến,

Nguyễn Như Hùng 

NgNhuHung_GSDuongHDuc_grp.jpg

Ghi chú hình đen trắng: các gs dạy PTG đầu thập niên 60 của thế kỷ trước.

Từ trái, 2 người bận áo mầu đứng sau là : NgDuyTại, QuảnHùng và tiếp theo từ trái: 

NgTrungQuân, VũĐìnhLạc, NgNhưHùng, MaiĐứcTrí, PhạmVănĐàm, DươngHồngĐức (giữa Đàm và Bằng), NgVănBằng, ĐoànHân, PhanThanhThư 

 

NgNhuHung_GSHungGSDuc.jpg 

HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI XXI-Houston 2017:
 
Click: 

Nguyễn Như Hùng_ ĐHXXI
Open
 
Double left click ngay trên hình #1, hình sẽ lớn hơn. Rồi click mũi tên bên mặt để xem tiếp các ảnh.
 
 

CHIẾC NẠNG ÂN TÌNH

Nguyễn Như Hùng

Lời nói đầu:

Dưới đây là email tôi gửi tới 2 ông bạn: VNT và PĐV (tên người: xin phép được viết tắt ) vào ngày 28 tháng 8 năm 2012, để đề nghị 2 nhân vật chính có liên quan đến "Chiếc Nạng ân tình" (CNAT)  kể lại chi tiết về cuộc đời của chiếc nạng đặc biệt này. Không biết câu truyện tác giả viết đến đâu rồi, nhưng đến nay, sau gần một năm, tôi chưa nhận được tin tức gì. Vì thế, CNAT này được đưa lên đặc san của đại hội CVA toàn thế giới tổ chức tại Houston, TX vào tháng 10, 2013, để trình diện với các đồng môn CVA và cũng để nhắc nhở 2 ông bạn CVA đừng quên nhiệm vụ với CNAT. Hơn nữa, Houston là nơi cư ngụ của CNAT và cũng là nơi tôi được gặp Nạng lần đầu.  (12Jun2013,NNH).-

 

Thư gửi hai bạn VNT và PĐV,

Xin gửi tới 2 bạn vài hình "CHIẾC NẠNG ÂN TÌNH":

NNH_chiecnang.jpg 

Vào một buổi sáng đẹp trời, VNT lái xe chở tôi ra khu Bellaire, Houston. Xe dừng trước cửa tiệm cà phê và đậu ngay ô dành cho người tàn tật. Hỏi ra, tôi mới biết và chính đó là nguyên do có mấy bức hình này.

Nghe chuyện kể xong thì chiếc nạng này không còn là vật vô tri nữa, và ngay cả những tấm hình chụp chiếc nạng (hình, chứ không phải chiếc nạng thực) mà mỗi khi nhìn vào tôi cảm thấy nạng như là một sinh vật, có linh hồn, có tình cảm.

Dựa vào góc tường hay nằm xó xỉnh trong nhà kho, Nạng (từ đây Nạng viết chữ hoa) vẫn an nhiên tự tại, không vui, không buồn. Nạng và Chủ luôn luôn bên nhau từ ngày Nạng mới ra đời, tháng 3 năm 1980, trong nhà tù hắc ám ngoài miền bắc VN của Việt gian CS. Chủ đứng, Nạng đứng. Chủ đi, Nạng đi. Chủ nằm, Nạng nằm. Nạng và Chủ không rời nhau nửa bước. Rồi có một hôm Nạng phải bước những bước thật dài mới theo kịp được Chủ. Thường ngày, Chủ đi cà thọt, chậm chạp, mà hôm nay Chủ vui mừng, vội vã, đi như chạy. Có vẻ như Chủ quên là có Nạng đi bên. À thì ra, Chủ được lệnh di chuyển từ Bắc vào Nam. Rồi... lại một ngày đẹp trời khác, sau hàng chục năm tủi nhục sống dưới chế độ XHCNVN, Nạng lại được lên máy bay cùng Chủ sang xứ HoaKỳ tự do. Ngày lên máy bay mới rắc rối làm sao! Không biết có phải vì Nạng không có tên trong danh sách xuất ngoại hay người ta coi Nạng là một thứ vũ khí đáng sợ trên phi cơ hay vì lý do gì khác mà Chủ cứ kéo lê Nạng chạy từ chỗ này đến chỗ khác, với vẻ mặt căng thẳng, lo lắng. Sau cùng, cũng nhờ Trời Phật phù hộ nên Chủ và Nạng không phải chia cách.

Ngày nay, sau hơn 30 năm ra đời, dù không ăn uống, tẩm bổ, nhưng Nạng vẫn mạnh khỏe, cứng cáp, vẫn đủ sức đỡ Chủ dậy, dìu Chủ đi đứng vững vàng. Nhưng, than ôi! Từ ngày sang xứ Cờ Hoa này, với nền y khoa tiên tiến, Chủ càng ngày càng lơ là, không ngó ngàng gì đến Nạng. Chủ vứt Nạng cô quạnh ở xó nhà, tối tăm, ẩm ướt. Nhưng... Nạng... không buồn, mà lại còn vui nữa vì cảm thấy mình đã làm xong bổn phận của một chiếc nạng.

Chiều nay, đang lim dim trong giấc ngủ muộn, cánh cửa hé mở, ánh sáng ùa vào, mùi hương quen thuộc của bao năm xa cách, một bàn tay êm ái dựng Nạng dậy, phủi bụi, gỡ mạng nhện quanh Nạng, rồi bế Nạng ra tắm rửa, lau chùi sạch sẽ. Ôi! Sao mà thích thú thế! Vòi nước mát mẻ giữa mùa hè nóng bức của xứ cao bồi này, lần đầu tiên được thưởng thức, thật là tuyệt vời! Qua một đêm ngủ say sưa, yên lành, mình mẩy khô ráo, sạch sẽ, Nạng được Chủ rước lên xe hơi màu đỏ, dạo chơi phố phường thành phố Houston. Nhưng Nạng đâu có ngắm được gì vì bị Chủ nhốt kín trong cốp phía sau xe, nằm trên mấy tờ báo chợ. Vòng vo một quãng, xe dừng lại, Chủ mở cốp xe, dựng Nạng dạy và dẫn Nạng vào một ngôi nhà để ra mắt bà con cô bác. Nạng được người ta nâng niu ngắm nghía, trầm trồ khen ngợi. Lúc được giơ lên cao, lúc bị đè xuống thấp. Lúc được đứng trên bục, lúc bị đặt dưới đất. Nạng phải xoay đủ các thế, đứng đủ các kiểu. Có lúc đầu lộn xuống đất, vó chổng lên trời. Mắc cở thấy mồ đi chứ! Thế mà Nạng không kêu ca, không nói nửa lời. Nếu Nạng ho nhẹ lên một tiếng, chắc họ quăng ngay Nạng xuống đất rồi hùa nhau tháo chạy có cờ. Thấy mà vui chi lạ!  Mò mẫm mãi, người ta mới tìm thấy tháng năm sinh của Nạng: 3- 1980 (được khắc sâu dưới cán tay cầm)  và lão phó nhòm đặt tên cho Nạng là "Chiếc Nạng Ân Tình".

 

Sao lại gọi là CNAT? Đấy là tình Người, tình tù. PĐV, VNT là sĩ quan QLVNCH, sau 30/4/75, phải đi tù cải tạo và có thời gian tù chung trong một trại giam của CS ngoài miền bắc VN.

VNT đi lao động, bị tai nạn làm sao, cứu chữa như thế nào, đến nỗi chân không bước được phải cần đến nạng?

PĐV, trong hoàn cảnh tù đầy giữa rừng thiêng nước độc, thiếu thốn đủ thứ, dụng cụ không có, vật liệu khan hiếm, làm cách nào mà thực hiện được một chiếc nạng bằng gỗ lim, nẹp sắt, đẹp đẽ và chắc chắn như vậy? Tay nghề không có, cơ thể yếu đuối, thiếu dinh dưỡng  mà PĐV cho ra đời một "kiệt tác" đầy tình người giữa một xã hội tù đầy, lừa lọc, gian ác, luôn luôn bị quản giáo theo dõi.Thật là một việc phi thường! Chỉ có TÌNH NGƯỜI, TÌNH TÙ, TÌNH CHIẾN HỮU, TÌNH ĐỒNG MÔN  mới làm  được điều đó.

 

Đến đây là lúc Chiếc Nạng Ân Tình  chờ đợi bài viết kể lại chi tiết về Nạng từ:

 Người- sinh- thành- ra- Nạng hàng tháng trời là CVA PĐV  và

 Người- đã- sống- với- Nạng hàng chục năm trời là CVA VNT.

 

Thân chào 2 bạn,

 

Nguyễn Như Hùng

 

ÐI THĂM GIÁO SƯ NGUYỄN-KHẮC-KHAM

Nguyễn Như Hùng_______________________________________

 web_NNH_GSNgKhacKham.jpg

Gs Nguyễn Khắc Kham (chụp ngày thăm Thầy 9/2003) 

Trong giới cắp sách đi học ở thế hệ thập niên 50-60 chắc không mấy ai là không biết đến danh tiếng GS Nguyễn-Khắc-Kham, một nhà giáo dục gương mẫu, một học giả uyên bác, một bậc Thầy của bao thế hệ. Thầy là giáo sư trường Chu Văn An từ ngoài bắc đến trong nam. Môn dạy chính của Thầy là Pháp văn vì Thầy tốt nghiệp cử nhân văn chương (licence en letters) và cử nhân luật khoa (licence en droit) tại Paris năm 1934. Tuy nhiên ít ai được biết GS Nguyễn-Khắc-Kham là ngừơi đầu tiên dạy triết học bằng tiếng Việt tại trường CVA Hà Nội trong chương trình Việt ngữ Hoàng Xuân Hãn ( niên khóa 1944-45 hiệu trưởng là GS Nguyễn-Gia-Tường và niên khóa 45-46 hiệu trưởng là GS Dương-Quảng-Hàm )

Trong buổi tiệc tân niên mừng xuân Quý Mùi tổ chức ngày 8 tháng 2 năm 2003 của hội cựu học sinh CVA Bắc Cali (CVABC) các GS hiện diện gồm có: GS Lê Văn Lâm, GS Nguyễn Xuân Vinh, GS Cung Nhật Tân, GS Nguyễn Hữu Hưng, GS Nguyễn Ðức Hưng, GS Trần Quang Lãng. Vắng mặt GS Nguyễn Ðức Hiếu, GS Lê Thành Việt và GS Nguyễn Khắc Kham. Theo bài tường trình buổi họp mặt này trong "Tin thư CVA/BC" ngày 17/05/03, GS Nguyễn Khắc Kham năm nay đã 94, mặc dầu tinh thần còn minh mẫn nhưng sức khỏe đã yếu kém nên không tham dự được.

Không phải chỉ buổi họp này mà mấy kỳ họp mặt CVA trong vùng gần đây cũng không thấy Thầy tham dự. Vì thế tôi đề nghị hội CVA/BC tổ chức một buổi đến thăm Thầy. Thầy ở ngay San Jose, thật thuận tiện và vinh hạnh cho đám học sinh CVA/BC. Bao nhiêu môn đệ của Thầy ở rất xa muốn đến thăm Thầy đâu phải dễ, nhờ cuốn đặc san này mà biết được tin tức về Thầy.

Hơn tháng trước đây, tôi có gọi điện thoại thăm sức khỏe Thầy và báo cho Thầy biết tin nhà sách Hồng Bàng sắp dẹp tiệm. Thầy hay đi xe bus đến đây tìm mua sách. Vùng Thung lũng Hoa Vàng, với số dân Việt tị nạn hàng trăm ngàn người, từ trước tới nay có 3 nhà sách: Toàn Thư, Tự Do, Thư Lâm. Khi Toàn Thư đóng cửa thì Hồng Bàng thay thế. Nay Hồng Bàng cũng đi theo Toàn Thư. Thị trường chữ nghĩa tiếng Việt ở hải ngoại ngày một ảm đạm. Các tiệm sách ngày nay còn cầm cự được có thể là nhờ bán băng đĩa ca nhạc. Tin nhà sách Hồng Bàng sắp đóng cửa và hạ giá các loại sách, giới cao niên trong vùng phần lớn đều biết. Và Thầy cũng đã biết vì thường ngày Thầy vẫn theo dõi tin tức qua báo chí, qua đài phát thanh địa phương. Thầy có mua được vài cuốn sách trong dịp nhà sách Hồng Bàng sắp đóng cửa.

 

NGÀY VIẾNG THĂM.- 

Anh hội trưởng CVABC Phạm Nguyên Khôi đã liên lạc với GS Nguyễn Khắc Kham và được Thầy cho một cái hẹn. Sáng ngày Chủ Nhật 7 tháng 9, 2003, chúng tôi 3 ngườI, anh hội trưởng PNK, anh cựu hội trưởng Vũ Mạnh Phát và tôi hẹn nhau 10 giờ sáng trước cửa nhà Thầy. Chưa kịp bấm chuông, đã thấy GS, quần aó chỉnh tề mở cửa mời chúng tôi vào nhà. GS bắt tay từng người và từ tốn chỉ ghế cho chúng tôi ngồi. Cả 3 chúng tôi đã được hầu chuyện với GS một vài lần. Lần nào cũng vậy, khi đã có hẹn, GS luôn luôn quần áo chỉnh tề ngồi sẵn trong nhà đợi khách. Dù người khách đó chỉ là học trò thế hệ sau của học trò Thầy.

 

- "Cô mặc chúng con". Vừa nói, tôi đỡ khay trà từ tay Cô, phu nhân GS. Hôm nay trông Cô không được khỏe. Thầy bảo, mấy hôm nay Cô hơi bị mệt. Thế mà Cô vẫn loay hoay trong bếp và mang ra khay bánh Trung Thu. Lần nào tới thăm Thầy, chúng tôi cũng được uống trà tàu, ăn bánh ngọt và thường chỉ gặp Thầy Cô. Căn nhà hai tầng, sân sau trồng nhiều cây ăn trái. Nghe nói, Thầy Cô sống với gia đình người con gái ở đây. Trông thấy bánh nướng, bánh dẻo bầy trên bàn,  tôi mới chợt nhớ ra là sắp Tết Trung Thu. Thật đáng trách, hôm nay là ngày 11 tháng 8 âm lịch, còn 4 ngày nữa là Tết trung Thu. Các chợ VN trưng bầy đầy bánh trái, lồng đèn cho thiếu nhi. Thế mà cả 3 đứa chúng tôi không ai nhớ hay để ý đến ngày Tết Nhi Ðồng sắp tới. Nay được ăn bánh Trung Thu uống nước trà tàu của Thầy Cô mà cảm thấy lỗi đạo đối với bậc Thầy đáng kính. Ðến thăm Thầy vào dịp sắp Tết mà không có gì đem theo chúc Tết Thầy Cô. Thật sự  thì hôm nay tôi có đem theo một tấm hình khổ lớn chụp Thầy tại nhà một người quen mà chưa có dịp kính tặng Thầy. Tôi được biết đã nhiều lần Thầy từ chối nhận quà. Nếu khách nói khéo quá hay cứ để quà lại, Thầy phải nhận, nhưng Thầy Cô lại phải tìm quà khác biếu lại hay mua món khác đáp lễ dù rằng người khách đó chỉ là hạng con cháu hay môn đệ của Thầy. Xưng hô với môn đệ, Thầy thường gọi Ông với Tôi. Từ tốn, điềm đạm, thân mật. Ít lộ vẻ vui buồn trên nét mặt. Luôn luôn giữ phong cách nhà nho xưa. Tinh thần minh mẫn, suy nghĩ bén nhạy, đối đáp nhanh chóng, ở tuổi  95 ít người được sức khoẻ tốt như Thầy.  Tuy nhiên thính lực bị hạn chế, phải ghé gần tai và nói lớn Thầy mới nghe được.

GS NGUYỄN KHẮC KHAM, THẦY CỦA THẦY.

- "Thưa Thầy, nhóm cựu HS CVA vùng bắc Cali này dự định ra một số đặc san vào mùa xuân tới (Giáp Thân, 2004). Chúng con đến trước hết thăm Thầy Cô, sau là xin vài lời chỉ giáo của Thầy"

Ðây là một cuộc nói chuyện thân mật, ăn bánh trung thu uống nước trà tầu, giữa Thầy trò nên chúng tôi cố tránh tạo ra một không khí phỏng vấn có vẻ báo chí chuyên nghiệp. Cả 3 chúng tôi không ai cầm giấy bút ghi chép gì cả. Nhưng chúng tôi có đem theo một máy ảnh và một máy ghi âm nhỏ cầm tay. Cốt là để lưu giữ vài hình ảnh và lời nói của Thầy, khi Thầy ở tuổi 95.

 Hình ảnh và lời giảng trên bục của GS Nguyễn Khắc Kham, khởi đầu từ năm 1937 đến năm 1974 (năm GS nghỉ hưu từ trường đại học ngoại ngữ Tokyo), chuyển  từ Hà Nội vào Saigon rồi ra ngoại quốc, trải qua các trường trung học Gia Long, Hoài Ðức, Thăng Long, Văn Lang, Bưởi , Chu Văn An, Minh Tân, Văn Hóa, Petrus Ký, đến các trường đại học Văn Khoa, Sư Phạm, Vạn Hạnh, ngoại ngữ Nhật Bản (Tokyo). Rất nhiều môn sinh của GS hiện nay ở rải rác khắp nơi trên thế giới vẫn còn nhớ và rất mong muốn biết tin tức về vị Thầy đáng kính. Khi tin chúng tôi tới nhà vấn an GS Nguyễn Khắc Kham được anh hội trưởng CVABC thông báo trên diễn đàn điện thư CVA, nhiều các bạn từ xa gọi đến mong muốn được liên lạc với Thầy, nhưng tiếc rằng vì tuổi già nên những ngày gần đây  Thầy rất khó nghe được qua điện thoại. Trong số đó có nhóm CVA Úc Châu vùng Sydney, anh hội trưởng CVA Nguyễn Bát Tuấn ngỏ lời muốn có hình ảnh mới nhất của GS Kham để đăng trong đặc san của hội phát hành vào tháng 10/2003. Ðặc san CVA của chúng tôi mãi tới đầu năm 2004 mới phát hành, chẳng lẽ tấm hình Thầy của chúng tôi chụp lại phải in sau đặc san của các bạn? Nói vui thế thôi, chứ CVA Nguyễn Bát Tuấn đã nhận được hình ảnh GS Nguyễn Khắc Kham cho kịp ngày lên khuôn báo rồi.

            Suốt 40 năm trong ngành giảng dạy, GS Nguyễn Khắc Kham đã đào tạo biết bao nhân tài cho đất nước. Học trò nhỏ nhất của GS hiện giờ cũng phải trên 50 tuổi, còn tuổi của những học trò kỳ cựu phải tới trên tám chục hay chín chục.  Ngay cố GS Nguyễn Ðình Hòa cũng từng nhận là môn đệ của GS Nguyễn Khắc Kham. Trong "Lời nói đầu" của Tuyển tập Ngôn Ngữ và Văn Học VN số đặc biệt Khánh Hạ GS Nguyễn Khắc Kham nhân dịp thượng thọ 85 tuổi, GS Nguyễn Ðình Hòa viết : " Riêng chúng tôi đã sớm có liên hệ của một học trò đối với thầy Nguyễn..." Thật đúng GS Nguyễn Khắc Kham là bậc Thầy của Thầy chúng tô

GS NGUYỄN KHẮC KHAM, MỘT HỌC GIẢ UYÊN BÁC, MỘT CUỐN TỰ ÐIỂN  SỐNG.- 

Thời tiết chuyển mùa sắp sang thu làm người già thấy mệt mỏi. GS cho biết mấy hôm nay hai cụ  không được khỏe. Hàng ngày GS phải uống nhiều thứ thuốc. Tuy thế GS vẫn ưu ái vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi suốt hơn 3 giờ đồng hồ. Bao nhiêu thắc mắc được dịp đưa ra hỏi Thầy. Từ truyện văn học lịch sử, đến truyện người, truyện vật, truyện xưa truyện nay, GS đều giải đáp một cách thỏa đáng. Sau bao biến đổi của cuộc sống, với tuổi  95, nhiều cụ đã lú lẫn, nhưng GS vẫn giữ được trí nhớ thật tốt. Chúng tôi  thường nói với nhau, GS là cuốn Bách Khoa tự điển sống. Rất vinh hạnh cho anh em CVABC chúng tôi được cư ngụ ở gần GS. Khi tra cứu điều gì không được, lại tìm đến thỉnh ý Thầy.

            Có lần tôi muốn tìm kiếm nguyên bản "thất trảm sớ" của cụ Chu Văn An dâng lên vua Trần Dụ Tôn (1341-1369) để xin chém  7 kẻ lộng thần. Chúng ta ai cũng biết CVA là một vị quan thanh liêm, cương trực. Vua Trần không nghe, CVA xin từ quan về quê nhà mở trường dạy học. Sử sách mà tôi được đọc chỉ ghi sơ sài như thế. Làm sao tìm ra nguyên bản Thất trảm sớ. Làm sao tìm ra tên tuổi, chức tước của 7 kẻ gian thần đó. Tra cứu khắp nơi không thấy giải đáp, tôi đành phải cầu cứu GS Nguyễn Khắc Kham. Thầy nói: Thất trảm sớ của ông Chu An ( theo gs, không có ai tên Chu Văn An cả, tên đúng là Chu An hay có thể là Chu Văn Trình) dâng lên vua nhà Trần nay không thấy lưu truyền, có thể bị thất lạc hoặc đã bị tiêu huỷ. Tên tuổi của 7 người đó cũng trong tình trạng như vậy. Thế là tôi yên trí, không phải mất công tìm tòi ở đâu nữa. Tuy nhiên qua câu chuyện Thất trảm sớ của người xưa làm ngày nay tôi tự nghĩ, với chế độ dân chủ, tự do như ở Hoa Kỳ ngày nay thì những người như cụ CVA có phải dâng sớ tâu trình lên Tổng thống không. Không. Cứ việc tố cáo qua  báo chí, qua quốc hội. Ngay cả Tổng thống có tội cũng bị pháp luật  trừng trị, huống hồ gì chỉ là vài tên quan chức lộng quyền đàn áp dân lành. Rồi đến đây tôi lại thắc mắc, nếu như câu chuyện dâng sớ của cụ CVA mà xẩy ra ở VN hiện nay thì sao? cụ CVA có được yên ổn mà về quê mở trường dậy học không? Hay xã hội đen đến hỏi thăm sức khoẻ?

 

   THƯ VIỆN CỦA GS NGUYỄN KHẮC KHAM.-                                                             

Tôi gọi là thư viện để nói lên số lượng sách hiếm quý trong tủ sách của GS. Phần lớn là sách báo về văn học VN, đủ mọi thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nhật...Một số báo chí rất xa xưa xuất bản tại VN bằng tiếng Việt, như Ðại Nam Ðăng Cổ Tùng báo, Lục Tỉnh Tân Văn, Ðông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí...hay tiếng Pháp như Notre Journal, Notre Revue, L'Annam Nouveau...còn lưu giữ trong thư viện của GS. Tiếc rằng, theo GS, phần lớn các tài liệu đó còn nằm trong thùng, chưa được xắp xếp lại thứ tự, giấy biến mầu vàng và chữ rất khó đọc.

            Nói đến thư viện sách báo tiếng Việt ở vùng bắc Cali này, tôi còn được biết đến tủ sách gia đình rất phong phú và giá trị của cụ Nguyễn Huy Trực, một nhiếp ảnh gia danh tiếng với những cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật phong cảnh quê hương, một giáo sư nhiếp ảnh cho các lớp ảnh nghệ thuật tại hội Việt Mỹ / Saigon và các lớp ảnh tại hải ngoại. Cụ còn là một nhà nghiên cứu văn hóa VN với các bài khảo cứu viết về di tích lịch sử rất công phu.

            Tôi chưa mượn được quyển sách nào từ tủ sách của GS Nguyễn Khắc Kham vì muốn tìm kiếm điều gì, hỏi GS là được giải đáp ngay. Còn từ thư viện của nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Trực, đã nhiều lần tôi mượn mang sách về nhà. Quyển nào cũng được dán nhãn " From the library of Nguyễn Huy Trực". Cụ xắp xếp thứ tự, tổ chức khoa học. Trong thư viện, chung quanh 4 vách tường, sách trên kệ chất cao đến trần nhà. Có ghế để với cao như trong các thư viện lớn. Cách đây hơn một năm, vài sinh viên VN trong nhóm Việt học tình nguyện mỗi cuối tuần đến thư viện Nguyễn Huy Trực để giúp phân loại sách báo theo từng bộ môn, đánh số thứ tự, hệ thống hóa các  dữ kiện cho vào máy điện toán. Mượn, trả đều có sổ sách ký nhận. Nhiều sách chưa thấy bầy bán trong các tiệm sách địa phương, thế mà thư viện Nguyễn Huy Trực đã có. Suốt ngày Cụ bận rộn, vất vả mà vui với công việc phụng sự văn học nghệ thuật. Nhưng dạo gần đây, sức khỏe Cụ đã không cho phép.

 

            TIỂU SỬ VÀ CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA GS.

            GS Nguyễn Khắc Kham sinh ngày 23 tháng 12 năm 1910  tại Hà Nội. Như vậy GS cùng tuổi Canh Tuất (1910) với ông Ngô Ðình Nhu và ông Hồ Hữu Tường? Không, thật sự tuổi ta tôi sinh năm Mậu Thân (1908). Năm Mậu Thân 1968, Cụ vừa tròn một vòng con Giáp. Trong thời gian VC tổng công kích vào các đô thị lớn miền Nam Tết Mậu Thân, GS đang công tác tại Nhật Bản. Cụ tổ tam đại vốn gốc họ Nguyễn Doãn, sinh quán xã An Ðiềm, huyện Thiện Lộc, phủ Ðức Quang, Xứ Nghệ An. Thân phụ GS là nhà báo Nguyễn Văn Luận, cùng thời với nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. GS có một trai ( sống ở Pháp ) và 4 gái ( 2 người ở Hoa Kỳ ). GS cho biết :Hai người con gái còn ở VN và ngôi nhà của ông thân tôi tại Hà Nội, hiện nay Nông Ðức Mạnh đang chiếm ngụ.

            Ðậu cử nhân văn khoa và cử nhân luật khoa tại Paris năm 1934. Về VN làm giáo sư hoặc kiêm nhiệm hiệu trưởng một số trường trung học tại Hà Nội. Hội viên ban văn học hội Khai Trí Tiến Ðức. Viết báo với bút hiệu Lãng Hồ hay một vài bút hiệu khác cho các báo L'Annam Nouveau, La Patrie Annamite, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Trung Bắc Tân Văn, Trung Bắc Chủ Nhật. Chủ nhiệm Báo Mới, Hà Nội. Từ 1946 tản cư về vùng quê Việt Bắc. Trở lại Hà Nội năm 1952, giảng viên đại học Văn Khoa và hiệu trưởng trung học tư thục Minh Tân và Văn Hóa ở Hà Nội. Di cư vào Nam năm 1954, giáo sư các trường trung học Petrus Ký, CVA, đại học Văn Khoa Saigon, Huế, Vạn Hạnh, Cao Ðẳng Sư Phạm, Ðại Học Sư Phạm. Sau lần lượt giữ các chức vụ Xử lý Giám Ðốc Viện Khảo Cổ, Giám Ðốc Nha Văn Hóa kiêm tổng thư ký Uỷ Hội Quốc Gia UNESCO. Ngoài ra GS còn giữ nhiều chức vụ trong các cơ quan văn hóa, trong các phái đoàn tham dự hội nghị quốc tế. Tháng 9/1967 Cụ sang Nhật làm Giáo sư biệt thỉnh, sau được vinh thăng Giáo Sư thực thụ tại đại học Ngoại ngữ Tokyo. Cụ về hưu năm 1974. Ðến tháng 4/1975 miền Nam VN rơi nốt vào tay CS. Cụ nghĩ ở Nhật cũng không an toàn với các quốc gia CS bao quanh, Cụ quyết định cùng phu nhân người Nhật (người mà cùng với GS di cư từ Bắc vào Nam năm 1954) xin tị nạn sang Pháp với con trai (1975) rồi năm 1976 sang Mỹ  đoàn tụ với con gái .

            Công trình trước tác văn học của GS Nguyễn Khắc Kham rất nhiều bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Nhật. (Chi tiết có thể tham khảo trong Tuyển Tập Ngôn Ngữ và Văn Học VN số 2 Tập I, Dòng Việt 1994 ).

 

            VÀI HÌNH ẢNH ÐÁNG NHỚ.-

            Hình ảnh hai cụ già Á Ðông, cụ Ông đội mũ, chống gậy đi trước, cụ Bà xách túi theo sau. Hình ảnh quen thuộc nơi quy tụ đông đảo người Việt tị nạn tại thung lũng điện tử San Jose, bắc Cali. Dáng nghiêng nghiêng về phía trước, chậm chạp đi từng bước một. Từ đằng xa, tôi đã nhận ra GS Nguyễn Khắc Kham và Phu nhân. Lái xe vào lề đường, bước xuống chắp tay kính cẩn chào Thầy Cô.

            - Kính Thầy Cô, Thưa Thầy Cô đi đâu đây ạ?

            Thầy Cô dừng lại, ngẩng lên và nhận ra tôi:

            - Chúng tôi đi đến nhà GS Lưu Khôn.

            - Kính mời Thầy Cô lên xe con đưa đến nhà GS Lưu Khôn.

Ðến nơi, ông bà Lưu Khôn đã chờ sẵn trước cửa để chào đón (vì đã được điện thoại trước của Thầy Kham) và dẫn chúng tôi vào thang máy đưa lên nhà ở lầu hai. Chưa ngồi xuống ghế, Cô đã lấy từ trong túi xách ra cân bánh trung thu đưa biếu OB Lưu Khôn (Thầy cô biếu lại vì tết nào trò Lưu Khôn cũng đến tết Thầy Kham). Ông bà chủ nhà cảm động và không thể chối từ được, nghiêng người trang trọng đỡ lấy hộp bánh đầy tình sư đệ.

 - Thầy Cô còn mất công mang đến cho chúng con. Chúng con xin cám ơn Thầy Cô.

 GS Lưu Khôn từng là môn đệ của GS Nguyễn Khắc Kham. Thế là bữa đó tôi được hầu truyện hai vị GS khả kính đã một thời cùng giảng dạy tại đại học Văn Khoa Saigon và lại có dịp thưởng thức bánh trung thu của Thầy Cô Nguyễn Khắc Kham và trà tàu của Ông Bà Lưu Khôn.

 web_NNH_GSNNH_GSNgKKham_GSLKHD.jpg

Gs Nguyễn Khắc Kham và phu nhân (ngồi) chụp với vợ chồng trò Lưu Khôn và trò NNH -12/2002  

            Hình ảnh thứ hai mà tôi nhớ mãi là lối chào theo kiểu Nhật Bản của giáo sư phu nhân. Mỗi khi tiễn đưa khách ra về, GS và phu nhân ra tận ngoài cửa, thân mật, chân tình từ giã khách. Hai tay chắp lại, lưng hơi vòng về phía trước, Cô gật đầu chào khách, đúng cung cách của người phụ nữ Nhật Bản thời xưa. Một hình ảnh rất đẹp, rất quý phái. Chúng tôi vào hàng con cháu, đáp lễ bằng cách cũng chắp tay, cúi đầu, lưng cong xuống thấp hơn một chút. Có lần Cô còn chạy ra sân sau hái mấy trái lê chín trao cho chúng tôi khi ra về. Lần nào cũng vậy, xe ra tới đầu khúc rẽ, chúng tôi ngó lại vẫn thấy Thầy Cô còn đứng trước cửa nhìn theo. Hình ảnh đáng yêu, đáng kính đó của hai thân hình bé nhỏ mang nặng trên lưng còng lớp lớp thời gian và khối dầy kiến thức đã in đậm trong tâm trí tôi, làm sao có thể quên được. Cầu mong Thầy Cô luôn luôn khỏe mạnh, vui sống bên con cháu và các môn đệ của Thầy.

 

            VÀI LỜI NHẮN NHỦ CỦA THẦY.-

            Thu thập tiểu sử và các công trình trước tác của các GS CVA._

 Thầy đề nghị, ưu tiên những vị quá cố. Chúng tôi xin ghi nhận. Hiện nay tôi thấy một vài website CVA đã in hình và tiểu sử một số giáo sư. Tuy chưa đầy đủ nhưng bước đầu cũng là điều đáng khích lệ.

            Thư viện CVA._

            Ðây là mong muốn của chúng tôi. Mấy lần trước Thầy cũng nhắc nhở như vậy. Thu thập các tác phẩm của các GS, các học sinh CVA . Từ ngày thành lập tới nay, gần 100 năm, biết bao công trình nghiên cứu, trước tác của các thành viên CVA.  Bây giờ làm sao thu thập, lưu giữ, điều hành? Thật là nan giải, vớI thành phần nhân sự quá ít ỏi và phương tiện hầu như không có gì. Mong muốn như vậy nhưng thực hiện không phải dễ. Cần sự tiếp tay của nhiều người. Hy vọng trong tương lai gần đây, các cựu môn sinh của GS cùng với các cựu học sinh CVA cố gắng để có thể thực hiện phần nào những gì mà các bậc Thầy của chúng ta như GS Nguyễn Khắc Kham đã nhắc nhở. Và gần đây, nghe nói một thư viện của trung tâm Việt Học tại thủ đô người Việt tị nạn, vùng quận Cam, Nam California, đã đi vào hoạt động. Thật đáng ca ngợi.

NGUYỄN NHƯ HÙNG

Santa Clara. CA 

Vài hình ảnh của GS Lưu Khôn & GS Nguyễn Hiếu Đức do NNH chụp tại ĐH 2014-Arizona

web_NNH_GSLKHD_2.jpg web_NNH_GSLKHD.jpg 

_________________________________________________________________ ___________________________

 

 

 

Ỷ LAN XƯA và  Ỷ LAN NAY

 NguyễnNhưHùng

 

Ỷ Lan (Ỷ dấu hỏi ? ) là tên người. Xin giới thiệu 2 nhân vật tên Ỷ Lan trong bài này.

Ỷ LAN Xưa - Ỷ Lan là tên một cung phi đời nhà Lý trong lịch sử VN. Gốc gác là một thôn n, thường ngày làm việc hái dâu, chăn tằm, người làng Thổ Lỗi, huyện Thuần Thành, tỉnh Bắc Ninh (sau đổi là Siêu Loại, làng Sủi, nay là xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Khi còn ở quê, tên là Yến ( có sách ghi tên khác như Khiết, Khiết Nương, Yến Loan...), Lê Thị Yến, sinh vào khoảng năm 1044, đời Lý Thái Tông. Năm 1063, đời Lý Thánh Tông, cô gái quê này được tuyển vào cung, và cái tên Ỷ Lan xuất hiện từ ngày đó. Năm 1117, đời Lý Nhân Tông (con trai của Bà), Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu băng hà, thọ 73 tuổi. Vì mẹ mất lúc 12 tuổi, phải sống cực khổ với mẹ kế, giống cô Tấm trong truyện cổ tích, nên sau này dân gian thường gọi Ỷ Lan Thái Hậu là bà Tấm, đền bà Tấm...

 Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục có ghi rằng, khi " Nhà vua 40 tuổi, chưa có con trai, thường đi các đền chùa để cầu tự; ngự giá đến đâu, người xem chật đường. Khi đến làng Thổ Lỗi, có người con gái hái dâu đứng tựa vào khóm cỏ lan, nhà vua lấy làm lạ, cho vời vào cung, lập làm Ỷ Lan phu nhân. Đến khi có mang, sinh hoàng tử Càn Đức, nhà vua mừng lắm. Ngày hôm sau lập làm thái tử, đổi niên hiệu, đại xá, phong Ỷ Lan phu nhân làm Thần Phi, lại gọi là Nguyên Phi. Đổi làng Thổ Lỗi làm làng Siêu Loại, vì là sinh quán của Nguyên Phi."  

Lời bàn: "Nhà vua lấy làm lạ" là đúng rồi. Mọi người đổ ra đường cái nghênh đón đoàn xe của vua, chỉ có một cô gái hái dâu đứng tựa khóm lan - chắc là nghỉ mệt - mơ mơ màng màng tận đâu đâu, không để ý đến ngự giá đi qua, vì... lơ đãng hay cố ý làm khác người để gây sự chú ý của nhà vua. Cuối cùng, nàng đã toại nguyện, được vời vào cung. Niềm mơ ước của bao thiếu nữ đương thời . Em là gái Bắc Ninh mà!!

Buổi gặp gỡ do duyên tiền định này xẩy ra vào năm Quý Mão (1063), lúc đó cô gái họ Lê làng Thổ Lỗi, 19 tuổi, vua Lý Thánh Tông 40 tuổi, lên ngôi được gần 10 năm. Hai năm trước, Tân Sửu (1061), "mùa xuân, tháng 2, (vua) chọn con gái dân gian 12 người vào hậu cung"  (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư). Như vậy từ khi lên ngôi, lúc ngoài 30 tuổi, Lý Thánh Tông đã tuyển nhiều thiếu nữ vào cung.

Vua thường về vùng Bắc Ninh, vừa đi lễ chùa (vì Bắc Ninh có nhiều chùa cổ kính), vừa  tìm kiếm người đẹp xứ Kinh Bắc. Hơn nữa, ngay từ khi còn nhỏ, Nhật Tôn (tên Lý Thánh Tông khi chưa lên ngôi) đã từng theo cha, ông về quê Bắc Ninh nhiều lần. Nên nhớ là ông nội của vua Lý Thánh Tông là Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (1009-1028), quê làng Cổ Pháp thuộc tỉnh Bắc Ninh (sau đổi là Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh).

Xin trở lại câu truyện về buổi hạnh ngộ đặc biệt này:

 Vua sai quan gọi lại, hỏi đáp vài câu. Vua thấy cô gái quê có vẻ đẹp mặn mà, xinh xắn, nói năng lễ phép, dịu dàng, cử chỉ đoan trang, đối đáp rành rẽ, tỏ ra thông minh, hiểu biết.  Thế là nhà vua đem lòng cảm mến và thán phục. Cô thôn nữ hái dâu làng quê Bắc Ninh được mời ngay theo long giá về kinh đô, được vua đặt tên là Ỷ Lan (dựa gốc cây lan), phong làm Phu Nhân (1063). Khi sinh Hoàng tử  đầu tiên, Càn Đức, được phong là Thần Phi (1066). Hai năm sau (1068) sinh hoàng tử thứ hai, Minh Nhân, được phong là Nguyên Phi, Ỷ Lan Nguyên Phi (đứng đầu hàng cung phi).

Hoàng hậu Thượng Dương không có con. Các cung phi khác sinh toàn công chúa. Đến khi Ỷ Lan phu nhân sinh cho vua được một hoàng tử, vua và triều thần rất nỗi vui mừng.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có ghi rằng:

"Bính Ngọ (1066), mùa xuân, tháng giêng, ngày 25, giờ hợi, hoàng tử Càn Đức sinh. Ngày hôm sau, lập làm Hoàng Thái Tử, đổi niên hiệu, đại xá, phong mẹ Thái tử là Ỷ Lan Phu Nhân làm Thần Phi. Sử gia Ngô Sĩ Liên nói: thái tử là căn bản của nước, không lập sớm không được...Vua tuổi đã cao, may mà sinh hoàng tử, mừng vui bội phần, vội lập làm hoàng thái tử, đại xá thiên hạ, để yên lòng mong mỏi của muôn dân là phải lắm."  

Năm Kỷ Dậu (1069), mùa xuân, tháng 2, vua Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Trong khi vua và Lý Thường Kiệt ở ngoài biên cương, Ỷ Lan Nguyên Phi được  giao nhiệm vụ điều hành triều chính, chăm lo quốc sự. Từ đó, xã hội thêm an bình, nhân dân sống trong ấm no hạnh phúc. Người người một lòng kính nể, thán phục.  Bà lại rất tôn sùng đạo Phật, hay đi lễ chùa, thường đóng góp để tu sửa chùa cũ, xây dựng chùa mới. Vì thế có nơi, người dân gọi Bà là Phật Quan Âm (ĐVSKTT).

 Năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông băng hà. Hoàng thái tử Càn Đức lên ngôi trước linh cữu, đổi niên hiệu là Thái Ninh năm thứ nhứt. Bấy giờ vua mới 7 tuổi, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan Nguyên Phi làm Hoàng Thái Phi, tôn mẹ đích ( mẹ già, vợ chính của cha) là Thượng Dương làm Hoàng Thái Hậu.

Hoàng tử Càn Đức sinh năm 1066, lên ngôi lấy hiệu là Lý Nhân Tông (1072-1127), thật sự mới có 6 tuổi. Mọi việc triều chính phải do Hoàng Thái Hậu buông rèm nhiếp chính. Thượng Dương là Hoàng Hậu, được phong là Hoàng Thái Hậu. Ỷ Lan là Nguyên Phi được phong là Hoàng Thái Phi là đúng luật lệ của triều đình. Nhưng Ỷ Lan là mẹ đẻ của vua mà không được nhiếp chính, nên Thái Phi mới tìm cách hãm hại Thái Hậu. Đó là năm 1073, một năm sau khi vua Lý Nhân Tông lên ngôi. ĐVSKTT có chép rằng: Linh Nhân có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?". Vua bèn sai đem giam Dương Thái Hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông.

 Vụ bức tử này là một vết nhơ trong sự nghiệp của Thái Hậu Ỷ Lan. Nhiều sử gia chỉ trích, nhưng cũng có vị tỏ ra thông cảm, như sử gia Ngô Sĩ Liên nói: "Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Bấy giờ vua còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là thích, mà không biết là lỗi to..."

76 thị nữ chết theo mới thực là tội nghiệp. Tục lệ gì mà tàn ác quá vậy! Cũng như Thái Hậu Ỷ Lan mất năm 1117, 3 người hầu gái phải chết theo!( ĐVSKTT).

Trong thời gian đầu làm nhiếp chính triều Lý Nhân Tông, nhà vua còn nhỏ, tất cả việc triều chính, quốc sự đều do tài điều hành khéo léo của Bà. Thái sư Lý Đạo Thành, người bênh vực Thái Hậu Thượng Dương, bị giáng chức xuống làm quan ở Nghệ An. Nhưng năm sau, để tạo sức mạnh đoàn kết dân tộc, trọng dụng hiền tài,Thái Hậu Ỷ Lan bỏ qua hiềm khích cũ, triệu Lý Đạo Thành về kinh, trao cho chức Thái Phó Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự trông coi nội chính, còn Lý Thường Kiệt thống lãnh binh lực, chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc. Những chiến công hiển hách, phá Tống, bình Chiêm của danh tướng Lý Thường Kiệt, cùng những đóng góp về văn học, tôn giáo, kinh tế như lập Quốc Tử Giám, mở khoa thi chọn hiền tài, xây nhiều chùa tháp... phần lớn dưới thời nhiếp chính của Ỷ Lan Hoàng Thái Hậu.  

Ngày nay, ở xã Dương Xá, huyện Gia Lâm (xưa thuộc Bắc Ninh), nơi sinh quán của Bà, có đền thờ Thái Hậu Ỷ Lan (coi hình bên). Dân gian thường gọi là đền Bà Tấm (dựa theo truyện cổ tích Tấm Cám). Hậu cung trong đền có tượng Thái Hậu Ỷ Lan. Và cũng trong địa phận xã Dương Xá này, còn có chùa Linh Nhân Từ Phúc Tự (Linh Nhân, tên khác của Ỷ Lan), xây dựng từ thời Thái Hậu Ỷ Lan.

Hiện nay có tất cả 72 nơi trong nước lập đền thờ bà Ỷ Lan. Nhưng đền thờ ở quê Bà, xã Dương Xá, vẫn bề thế, quy mô, nhiều di tích lịch sử hơn cả.

 Đấy là Ỷ Lan Xưa, Ỷ Lan thời nhà Lý, trong lịch sử VN. Sau đây là Ỷ Lan Nay.

 

 

nnh_jan10_15_YLan.jpg

Ỷ LAN Nay- Là một phụ nữ gốc Anh quốc, quê quán cố đô York (cách thủ đô Luân Đôn khoảng 200 dặm về phía bắc), tên là Penelope Faulkner, hiện sinh sống tại Paris, Pháp quốc. Rất thông thạo tiếng Việt, cả nói và viết. Rất thông thuộc lịch sử Việt Nam. Rất yêu thích thơ văn Việt Nam. Có thể vì thế Penelope Faulkner đã chọn cho mình tên Ỷ Lan. Bao nhiêu tên không chọn, lại chọn tên Ỷ Lan, một nữ lưu danh tiếng trong lịch sử VN. Có thể vì thấy tên Ỷ Lan hay, vừa dễ phát âm, vừa gợi hình ảnh đẹp, thiếu nữ tựa gốc lan, vừa thích giai thoại nhà vua với cô gái hái dâu, hao hao truyện cổ tích Cô Bé Lọ Lem (Cinderella) bên Âu châu, vừa cảm phục tài điều hành đất nước tài giỏi của người phụ nữ quê mùa VN. Thế là tên Ỷ Lan gắn liền với tên Penelope Faulkner. Ngày nay, qua báo chí, truyền thanh, truyền hình, thường nhắc nhiều đến tên Ỷ Lan, đó là Ỷ Lan này, Ỷ Lan Nay, Ỷ Lan Penelope Faulkner. Muốn coi hình ảnh, nghe giọng nói của Ỷ Lan Nay thì rất dễ, cứ mở Google gõ mấy chữ "Phóng viên Penelope Faulkner Ỷ Lan" là có ngay. Bao nhiêu bài viết tiếng Việt của Ỷ Lan (Nay) hiện lên trên mạng, càng đọc càng thấy thích thú. Tập truyện ngắn "Quê Nhà" của Ỷ Lan (Nay) xuất bản năm 1998, nay đã 4 lần tái bản. Văn Việt của một người nước ngoài viết, họ có cái nhìn đặc biệt mà người trong cuộc không nhận thấy. Giọng văn dí dỏm, hấp dẫn, xen kẽ những câu ca dao, tục ngữ. Bài viết không dài dòng, thường là những câu truyện hàng ngày, nhưng luôn toát ra một ý tưởng nhân bản, bênh vực người cô thế, giúp đỡ người kém may mắn.

Xin coi một vài đoạn văn của Ỷ Lan (Nay) sau đây:

"Mỗi lúc các bạn Việt Nam xem Ỷ Lan như người Việt, Ỷ Lan cảm động lắm, và rất hãnh diện để làm người Việt Nam" (trích trong bài Quê Nhà).

"...những chuyện vượt biển do anh em mới qua kể cho nghe. Họ kể một cách bình thường, mà ngồi nghe, tâm thần mình rung động, lòng mình dấy lên niềm thương tiếc cho đất nước và dân tộc này, bị chà đạp quá mức, sau bao nhiêu thế kỷ sống với chiến tranh...".

"Ỷ Lan bỗng nhớ tiếng hát Thái Thanh vang từ đâu đó rất ngọt ngào:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời..

Tiếng nước tôi, Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi

Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!"

Khi Ỷ Lan "nằm nôi" bên xứ Hồng Mao, không biết con chim nào đã đem tiếng ru Việt xa vời vào lòng mình..."

." Ỷ Lan rất thích nhạc Việt. Mỗi lần nghe giọng Hà Thanh hát "Ai ra xứ Huế"...hay Hỷ Khương ngâm "Sao anh không về chơi thôn Vỹ" là Ỷ Lan tưởng mình như đang đi đò trên sông Hương, hoặc ngồi ăn cơm hến bên Cồn...

Mỗi vùng có một bài riêng. "Hà Ni ơi, nhớ về thành phố xa xôi," "Nha Trang ngày về"; "Saigon niềm nhớ không tên"; "Ai lên xứ hoa đào"...Thoáng nghe, Ỷ Lan đã hình dung ra thành phố, hình dung ra vùng trời...Hình dung ra một tiếng thầm gọi trở về. Bởi chốn quê hương là nơi đẹp hơn cả."

"Và Ỷ Lan chợt hiểu rằng, muốn giúp người Việt thì phải tìm hiểu họ, trước hết bằng cách học tiếng Việt. Vì tất cả sinh hoạt phong phú, triết lý nhân đạo của người Việt nằm trong ngôn ngữ, vừa thi vị, vừa thực tế. Nếu không, Ỷ Lan chỉ có thể đứng ngoài giúp vô, và nhiều khi cách giúp đó còn làm hại người, làm hỏng việc, như một số lớn những người ngoại quốc qua ý thức hệ tây phương, đã làm hại dân tộc Việt, đã nô lệ hoá con người Việt trong lịch sử cận đại... Ỷ Lan cũng muốn trở-thành-người-Việt, để có thể sử dụng chữ "đồng bào". Trở thành người Việt bằng cách tranh đấu cho "Quyền làm người Việt Nam" cho chính mình, và cho mọi người khác!"...

 Ỷ Lan thuộc rất nhiều bài ca Việt, biết nhiều về xứ sở, con người VN, coi đất nước Việt như quê hương của mình, thầm mong một ngày được trở về quê. Nhưng bạn có biết không? Ỷ Lan chưa bao giờ được đặt chân trên mảnh đất hình chữ S này! Ỷ Lan muốn lắm, nhưng không được. Vì sao? Vì Ỷ Lan, đã từ bao năm nay, tham gia vào nhiều công tác cứu giúp nạn nhân CSVN như "Một con tàu cho VN" vớt người vượt biển, chống nạn hải tặc Thái Lan và nhất là tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền VN, như tố cáo tội ác của đảng CSVN trên các diễn đàn quốc tế, kiện Hà Nội vi phạm nhân quyền trước LHQ (1985)... và gần đây nhất là bài Tham luận góp ý, do chính Ỷ Lan Penelope Faulkner đọc tại diễn đàn LHQ Genève ngày 27 tháng 11 năm 2013 về Cuộc Kiểm Điểm Thường Kỳ Phổ Quát của VN lần thứ 2, sẽ diễn ra tại LHQ ngày 28 tháng giêng năm 2014.

 Dưới đây là một vài câu trích từ bài phát biểu đó:

"Nhưng tiếc thay, tại VN ngày nay không có xã hội dân sự thực sự độc lập, chỉ có những xã hội dân sự trực thuộc chính quyền...Chẳng những nhà cầm quyền gia tăng đàn áp chính trị sau cuộc kiểm điểm, mà còn thông qua nhiều sắc luật mới để ngày  càng hạn chế mọi hành xử nhân quyền qua mọi lãnh vực."

 

Cách nay cũng khá lâu, tôi có dịp đi đón Ỷ Lan PF (Penelope Faulkner), đến nhà một người bạn, dự  bữa cơm gia đình thân mật. Hôm đó, Ỷ Lan PF mặc áo dài hoa màu nâu, tóc buông xõa, ánh vàng hung hung. Gốc người Hồng Mao, vóc dáng cao lớn hơn phụ nữ  Việt trung bình, lại tha thiết trong chiếc áo dài truyền thống VN, trông thật đặc biệt và dễ thương (coi hình đính kèm). Khi nói chuyện thì khỏi chê. Từ  ngữ dùng rất chính xác, nhất là những câu vui đùa, nhiều ẩn ý, cứ như là người được sinh ra và lớn lên tại VN . Ỷ Lan nói giọng Huế. Nhưng rất dễ nghe, lại có vẻ nhẹ nhàng, thanh thoát, làm tôi nhớ đến làn hò văng vẳng trên giòng Hương Giang, khi lần đầu tiên đặt chân tới đất Thần Kinh năm 1960 của thế kỷ trước.

Tôi đã từng nghe nhiều người ngoại quốc nói tiếng Việt, rất giỏi, rất lưu loát. Nhưng phần lớn họ đã có một thời gian dài sinh sống trên đất nước VN. Đằng này, Ỷ Lan PF chưa một lần đặt chân tới VN, mà nói tiếng Việt rất thông thoại, phải nói là rất điêu luyện, giọng không khác gì người địa phương, có khi còn nhái giọng từng vùng quê.

nnh_jan11_15_denBaChuaYLan.jpg

Đó thật là một điều đặc biệt.

 Hai Ỷ Lan, Xưa và Nay, sinh ra ở 2 nơi xa nhau hàng vạn dậm, sống cách nhau hàng ngàn năm, nhưng cùng mang tên Ỷ Lan, cái tên mà hầu như người Việt Nam nào cũng biết . Tại sao một cô gái bên trời Âu, cách xa vời vợi, chưa một lần đến VN, mà nói chuyện tiếng Việt, diễn thuyết tiếng Việt, viết văn, làm báo tiếng Việt, rất là xuất sắc, lại có tâm hồn VN, thương yêu đất nước, dân tộc VN, tranh đấu bền bỉ cho quyền làm người VN? Tại sao? Và tại sao? Thật là kỳ bí!  Có thể..., kiếp trước, Ỷ Lan PF là người VN (?),  có khi chính Ỷ Lan Nay là Ỷ Lan Xưa , là cô gái hái dâu, quê làng Thổ Lỗi, tỉnh Bắc Ninh không chừng?

 

NguyễnNhưHùng

Thầy tôi.

Thầy tôi,

Tuổi hạc chưa cao,

Mới ngoài chín chục,

Trí nhớ tinh tường.

Nguyễn Như Hùng

 

Xin thưa, Thầy đây là Thầy giáo, Thầy dậy chữ. Nói rõ hơn là Thầy dạy toán. Chúng tôi học Thày từ năm 1950. Và đây là tấm hình quý hiếm mà tôi còn giữ được, tính ra đã hơn 64 năm :

NNH_DeThat1950.jpg 

Hình lớp đệ thất, lớp đầu tiên của bậc trung học (HàNội, 1950).

Trong hình có 4 vị giáo sư là: thày Phú , đứng dựa tay phải vào tường, dạy anh văn; còn 3 vị tiếp theo đều đeo cà vạt, từ trái qua là thày Quang, dạy Việt văn, thày Đạt dạy toán và thày Hiếu dạy vạn vật. Còn lại là lũ lau nhau chúng tôi, đứa đầu trần, đứa đội mũ, phần lớn khoác áo ấm bên ngoài. Như vậy hình này phải chụp vào mùa lạnh,  dịp Giáng Sinh hay Tết.  Cũng không quên ghi công bác phó nhòm chụp tấm hình này. Bác phó nhòm là ai, không biết. Nhưng máy hình có lẽ là của bạn PhạmVănTuấn . (Bạn Tuấn là con trai của nhiếp ảnh gia PhạmVănMùi ).Thời đó, máy hình hiếm lắm, chạy tiền cho con theo học trường tư đã vất vả lắm rồi.

 Ngày nay, nhìn vào tấm hình, tôi còn nhận ra một vài người:  PhạmVănTuấn (Virginia), PhạmVănQuảng (Canada), TạVănTài (Boston), TạVănDục, NgôThếĐiềm (Cali), PhạmChíCông (Pháp), LươngDuyênCan (Cali), NguyễnNhưHùng (Cali),  và một vài bạn nhớ tên , nhưng không nhớ họ:Tường, Cường, Từ . Đây không phải là cả lớp, vì còn nhiều bạn không có mặt trong hình, như một số bạn thân mà tôi nhớ :PhạmVănHải (Cali) TrịnhVănDương (Sg), TrầnĐứcLợi (Sg), NguyễnHoàng (hy sinh), ChuTrungNghĩa (yên nghỉ bên kia thế giới)..Và... không hiểu tại sao lại thiếu bóng dáng quý vị nữ sinh. Lớp chúng tôi thời đó có nhiều áo dài lắm chứ: DiệuLinh (Cali), DiệuYên ( qua đời), VânYến (Virginia),ThuýNga (Chicago), MộngTuyết (TX)), TuyếtAnh (Cali), KimChi (Cali), ThanhThảo (Cali), XuânHoa (Hanoi), HướngQuỳ (Hanoi), Diệp, Trinh, Hương...Chắc là các chị còn e lệ (!) ,hay ...theo quan niệm cổ hủ thời xưa, con gái phải đứng ra...ngoài lề? (Đọc tới đây, tôi đoán, nhiều lão bà kể trên sẽ cau mày xỉ vả cái thằng... tôi. Nhất là cụ DL, khi nghe điện thoại của tôi, tai hơi có vấn đề, cụ cứ hỏi đi hỏi lại, ai đó, ai đó. Tôi nói tên, cụ vẫn cứ hỏi hoài. Tôi phải nói lớn,  thằng H đây. Cụ à một tiếng, nhận ra ngay. Cụ phán: phải có chữ thằng đi trước , chứ tên H thì biết là H nào.Thế là 2 chúng tôi đều cười ha hả. Cảnh già lão nó vậy đó, các cụ ơi. Vui ơi là vui!)

Chúng tôi học với nhau từ năm 1950. Phần lớn đều mới hồi cư về  HàNội. Ngơ ngơ, ngáo ngáo, đúng là nhà quê ra tỉnh. Tuổi tác học sinh trong lớp rất sai biệt, trẻ nhất 11 tuổi mà lớn nhất có thể 17, 18 tuổi. Nhiều nhà có tới 3, 4 anh chị em ruột học cùng một lớp. Tản cư 4-5 năm, chạy từ làng này sang làng khác trong vùng thôn quê, không được đi học. Nay về thành, chữ nghĩa rơi rụng hết, thi vào đệ thất trường công, rớt, đành phải ghi tên học tư thục vậy. Nhớ là, thời đó, muốn học đệ thất (lớp 6 bây giờ) là phải có bằng tiểu học.

Nay ở Mỹ, thỉnh thoảng ngồi nói chuyện xưa với nhau, đều công nhận rằng, thế hệ tụi mình chịu đựng nhiều tang thương, mất mát nhất vì chiến tranh. Nào tản cư (1946-47), hồi cư (1948-53), di cư (1954-55), rồi đến tháng tư đen 1975, tai họa giáng xuống cho toàn dân miền nam, người người phải di tản, vượt biên, vượt biển tìm tự do. Đến nay tạm gọi là được định cư.  Ba, bốn chữ CƯ nó theo ta suốt cả cuộc đời !!

Bây giờ trở lại bức hình trên với Thày Tôi nhé. Trong hình có 4 thày. Nhưng bài viết này tôi dành để nói "Thày Tôi" là thày Đạt, thày LêVănĐạt. Vì Thày gần gũi với tụi tôi nhất, cho đến ngày nay (12/2014). Còn 3 thày kia đã yên nghỉ từ lâu . Thày Quang, thày Hiếu, không di cư vào Nam năm 1954, mất tại Hanội. Thày Phú mất ở Saigon.

Thày Lê Văn Đạt là gs dạy toán, vừa là hiệu trưởng của trường. Trường tư thục LamSơn. Trường dạy học sinh từ mẫu giáo lên tới trung học. Lớp lớn nhất trường là lớp đệ thất, lớp của chúng tôi, năm 1950. Đấy cũng là năm trường thành lập. Thày Đạt xin giấy phép, đứng làm hiệu trường và quy tụ một số bàn bè thân quen cùng nhau thành lập ngôi trường mới. Trường ốc là một biệt thự, gần hồ Thuyền Quang. Năm 1950, khi trường Lam Sơn khai trương, ngoài 2 trường trung học công lập nam ( CVA, Nguyễn Trãi) và 1 trường trung học công lâp nữ (Trưng Vương), HàNội còn có một số trường trung học tư thục khác như VănLang, DũngLạc, HànThuyên...Thế mà Lam Sơn cũng có đủ học sinh và cầm cự suốt 4 năm trời, từ 1950 đến 1954. Năm chia cắt đất nước, toàn miền bắc VN rơi vào tay CS.

Trưóc khi VC tiếp thu Hanội 1954, theo hiệp định Geneve, hè năm đó, chúng tôi còn kịp dự kỳ thi Trung Học Phổ Thông khoá Một. (Khoá Hai tổ chức tại SaiGòn). Đấy là kỳ thi cuối cùng tại Hà Nội của một nền giáo dục quốc gia với đường hướng dân tộc, nhân bản, khai phóng. Khi vào Saigon, một số học sinh chúng tôi gặp lại nhau trong lớp đệ tam tại các trường trung học di cư như CVA, HồNgọcCẩn, TrưngVương (nữ sinh)... vào kỳ khai giảng niên học 1954-55. Mấy đứa tôi theo gia đình vào Saigon nên liên lạc được với nhau. Ai về các tỉnh khác đều bặt vô âm tín.  Các vị gs cũng vậy. Nhưng riêng Thày Tôi, GS LêVănĐạt,  chúng tôi có được gặp ở Saigon và chụp mấy tấm hình ở sở thú. Vào khoảng cuối năm 1955 thì phải(?). Nhưng không nhớ là làm sao liên lạc được với Thày, vì lúc đó, chân ướt chân ráo đặt chân tới thành phố rộng lớn như Saigon, đời sống còn khó khăn,phương tiện rất eo hẹp. (Sẽ hỏi lại Thày và các bạn sau).

Sang năm 1955, Việt cộng đã tiếp thu toàn thành HàNội. Thày Tôi còn ở lại. Trong thời gian Hải Phòng vẫn thuộc quyền kiểm soát của phe Quốc gia, Thày Tôi mới tìm cách trốn xuống HảiPhòng. Trên chuyến tàu hỏa HaNội- HảiPhòng, tới ga Phạm Xá, ranh giới phân chia quốc cộng, Thày vụt chạy về phía quốc gia. Chỉ ít ngày sau đó, cả miền Bắc chìm đắm trong chế độ CS (theo hiệp định Geneve 20-7-1954).

Bẵng đi một thời gian dài, không được tin tức về Thày.

Chúng tôi bận rộn học hành, rồi ra trường, mỗi đứa đi làm mỗi nơi. Không biết Thày tôi làm gì. Nghe nói, có thời gian, Thày ra Nha-Trang  mở  lại trường trung học Lam Sơn. Nhưng được vài tháng, trường đóng cửa. Sau đó, Thày Tôi, cũng như bao thanh niên khác ở miền Nam, phải nhập ngũ quân đội. Thày được trưng dụng với cấp bậc đại úy quân y đồng hoá, vì Thày là bác sĩ thú y bên dân sự. Đến ngày mất nước 30-4-1975, cấp bậc cuối cùng của Thày là đại tá quân lực VNCH. Thày di tản kịp thời năm 1975. Tôi bị kẹt lại. Không ngờ thày trò chúng tôi lại được gặp nhau tại Cali, đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi tôi mới từ trại tỵ nạn Mã Lai, đến Hoa Kỳ định cư được ít lâu. Lúc đó Thày đang làm việc ở New Jersey, miền đông Hoa Kỳ, qua Cali thăm bà con. Nơi Thày làm việc, ít người Việt, khí hậu lạnh lẽo, mùa đông tuyết băng, nên khi về hưu, Thày chuyển về Cali. Không phải 65 tuổi về hưu đâu, Thày còn làm thêm vài năm nữa mới nghỉ hẳn. Thày nói, về nghỉ hưu không biết làm gì. Đúng vậy, Thày không vướng bận vợ con, suốt đời sống tự do một mình.Thày Tôi chưa bao giờ lập gia đình. Khi chúng tôi học ở Lam Sơn, Hà Nội, Thày Tôi , hiệu trưởng, chưa tới 30 tuổi. Hầu như lúc nào cũng có mặt tại trường. Trường như nhà của Thày. Sau giờ học, Thày chơi bóng chuyền với chúng tôi tại sân trường. Tôi còn nhớ, bên thắng cũng như bên thua, mỗi đứa đều được thưởng 1 que kem. Cậu bé bán dạo ôm phích kem HùngVương chờ sẵn ở sân trường. Chiều xuống, cầu thủ bóng chuyền ra về, cậu bé bán kem cùng theo ra cổng trường, mặt mày hớn hở với  2 tay xách 2 phích kem, không còn một que vì Thày đã mua hết để khao chúng tôi rồi.

Ngày nay, Thày ở cùng vùng bắc Cali, nên chúng tôi có nhiều dịp thăm Thày hoặc  mời Thày ra tiệm để hàn huyên, nhất là khi có trò nào ở xa tới.

Sau đây là mấy hình Thày Tôi:

1/ Tấm hình kỷ niệm, Thày ký tặng, với ghi chú sau tấm hình: "Thân mến tặng Hùng để kỷ niệm những ngày Lam-Sơn.  Trường L.S, ngày 12-8-54. Thày cũ, (ký tên) LVĐạt".

NNH_ThayToi.jpg NNH_ChuKyThay.jpg 

Ngày ký tặng 12-8-54. Tuần sau, ngày 20-8-54, tôi lên máy bay di chuyển theo gia đình vào Saigon. (Đúng 1 tháng sau ngày ký hiệp định Geneve phân chia đất nước, 20-7-54). Tính đến nay (2014), tấm hình với nét chữ của Thày đã tồn tại đúng 60 năm trời, trải qua bao dâu bể của thời thế. Thật không ngờ! Từ HàNội vào SaiGon. Rồi từ VN sang Mỹ. Đúng là, sống chết chạy giặc, nhưng vẫn không quên mang theo kỷ niệm thời học sinh. Giáng Sinh năm nay 2014, tôi sẽ mang đến "Thầy Tôi" món quà GiángSinh thật đặc biệt này.

2/ Hình chụp tại sở thú Saigon (1955) với các trò: Nghiã, Hùng, Dương, Cẩm, nữ: Hoàn, Mộng Tuyết, Xuân Hương. Thày đứng ngoài bên phải.

NNH_Zoo.jpg 

3/  Đại tá Quân Y LêVănĐạt của Quân lực VNCH (Saigon):

NNH_ThayDat.jpg 

4/ Hình với các trò gặp lần đầu tại Mỹ (198X):

Hùng, Điềm, Hải, Dương, Luận. nữ: Tuyết Anh, Hoàn

NNH_InUSA.jpg 

5/ Với các trò (2014): Hùng, Hải, Tuấn, VânYến, DiệuLinh.

NNH_2014.jpg 

6/ Thày trò 60 năm sau ngày chia tay tại HaNội(1954-2014) :

NNH_ThayTro2014.jpg 

Cali, Mùa Giáng Sinh, 2014

Kỷ niệm 60 năm lìa xa HàNội.

NguyễnNhưHùng_____________________________________

 

TƯỞNG NIỆM NGÀY 11 THÁNG 9 

9-11 VÀ TẤM HÌNH KỶ NIỆM.

Như Không

9-11-2001 đến 9-11-2011.

TVD_BurningWorldTradeCenter_110901.jpgTừ ngày 9-11-2001, bọn khủng bố Al Qaeda phá xập tháp đôi cao chót vót của thành phố New York (NY), gieo rắc bao tang thương chết chóc đến hàng ngàn  gia đình người dân vô tội, đến nay, 9-11-2011, 10 năm trôi qua, khu tháp đôi vẫn còn là khoảng đất trống (ground zero). Phá hoại thì dễ, xây dựng mới khó.

 Hình ảnh kinh hoàng trên TV ngày 9-11-2001, máy bay đâm thẳng vào tòa tháp, tháp đôi ngùn ngụt bốc cháy, khói đen tỏa khắp bầu trời, rồi ..xụp đổ. Từ đó đến nay chúng ta không trông thấy tháp đôi vượt lên cao giữa bao cao ốc khác của NY nữa.

 Tôi tìm lại phim chụp cũ và phóng lớn treo trên tường. Tấm hình kỷ niệm đó nay trở thành tấm hình lịch sử đối với tôi và cũng có tiểu sử như bất kỳ một hiện vật nào khác.

nnh_NY2.jpg

Ảnh nnh: New York, 2000.

Nhân chuyến qua miền đông nước Mỹ, hè 2000, ông bạn thân đưa chúng tôi đi thăm tượng Nữ Thần Tự Do (NTTD) và thành phố NY. Khi phà rời bến New Jersey, đưa du khách ra thăm tượng NTTD, ông bạn tôi đứng chờ trên bờ. Chúng tôi vẫy tay chào tạm biệt, cứ như Ông Tây Bà Đầm tiễn đưa nhau ở bến cảng Hải Phòng hay Saigon của những năm đầu thế kỷ trước. Tôi chợt nhớ lại là khoảng hơn 20 năm trước, 1979, chúng tôi cũng có dịp xuống tàu dời xa quê hương mà không có người thân nào vẫy tay chào tiễn đưa. Trời tối như mực, dắt díu đàn con nhỏ, chạy trốn loài quỷ đỏ, tâm trạng hoang mang lo sợ, còn lòng dạ nào mà ngó lên bờ chào vĩnh biệt quê hương yêu dấu; rồi tất cả già trẻ lớn bé bị đẩy xuống hầm tàu chật ních những người, thiếu không khí, mùi hôi nồng nặc… Đâu có thảnh thơi đứng giữa trời cao mây nước, thở không khí tự do, trên chiếc phà đi thăm tượng NTTD như thế này. Phà đang hướng về đảo Tự Do (Liberty Island) có tượng NTTD, xa kia là thành phố New York với tháp đôi cao vượt trội. Tôi đứng dựa vào cột sắt  trên tàu để giảm bớt độ rung, lấy máy bấm vài kiểu hình kỷ niệm. Phà tới đảo, tôi rảo bước thẳng đến tượng NTTD. Đứng dưới chân tượng, sao cảm giác vui sướng lạ lùng. Giấc mơ từ nửa thế kỷ nay, khi còn là cậu học sinh bé nhỏ, chỉ ngắm tượng NTTD qua hình mấy trang sách anh ngữ vỡ lòng, bây giờ mới thực hiện đươc. Cái chữ TỰ DO (Liberty), tên bức tượng, nó ám ảnh suốt cuộc đời và là niềm khao khát vô biên của con dân xứ nhược tiểu. Bức tượng Nữ thần vĩ đại đứng giữa cửa biển, giơ cao ngọn đuốc Tự Do, chào đón di dân từ mọi nơi đến. Tôi bấm máy lia lịa quanh tượng, đằng trước, đằng sau, bên trái, bên phải, từ dưới lên trên, chỉ tiếc không có trực thăng để có thể chụp từ trên xuống. Hướng nào cũng đẹp. Nhưng khi chui vào trong bụng thì chẳng thấy gì đẹp nữa . Đấy cũng là một kinh nghiệm nho nhỏ cho những vị thích đi săn “cái đẹp”!

Nghe đâu, tổng thống Obama sẽ đọc diễn văn nhân ngày 9-11-2011 để tưởng niệm khoảng 3000 nạn nhân xấu số, cùng tôn vinh các nhân viên cứu hỏa đã hy sinh trong thảm nạn này, cũng như vinh danh những chiến sĩ đã và đang chiến đấu tận diệt bọn khủng bố tại hai chiến trường Iraq và Afghanistan.

Như Không

Tháng 9-2011

Enter supporting content here