TL_happyFDay.jpgTHƠ
TRUYỆN
nhân Ngày Hiền Phụ
Song Quang, Nguyễn Hồng Ẩn, Ngô Cẩm Hồng, Nguyễn Thị Thanh Dương, Trần Bang Thạch

SONG QUANG 

MỘT CHÚT SUY NGHĨ VỀ NGÀY LỄ CHA

.

                                                          (Kính tặng cho tất cả những người còn Cha và làm Cha)

.

Một năm có 365 ngày. Đối với người đời ở các nước phát triển thì trong một năm có 2 ngày rất có ý nghĩa và thật đẹp: đó là ngày lễ Mẹ (Mother's Day) vào tháng 5 và lễ Cha (Father's Day) vào tháng 6 hằng năm. Ở các nước Đông phương như VN, TQ...chỉ có một ngày lễ Vu Lan (Bông Hồng cài áo) dùng để nói chung công đức ơn sinh thành dưởng dục của Cha Mẹ vào tháng 7 âm lịch mà thôi.

    Trong những ngày nầy, đây là dịp để cho các con biểu lộ được tình cảm riêng tư của mình đối với 2 đấng sinh thành. Có người đã nghĩ :"ngày nào cũng phải là ngày hiếu thảo của các con đối với Cha Mẹ " vì thế xét ra không cần thiết. Xét cho cùng, có thêm những "ngày đặc biệt" thì cũng chẳng sao mà nó còn làm tăng thêm giá trị và ý nghĩa của công Cha nghĩa Mẹ thật khó lường :

                                                              Công Cha như núi Thái Sơn

                                                              Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra .

                                                              Một lòng thờ Mẹ kính Cha

                                                              Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con .

   Nếu nói về ngày lễ Mẹ (Mother's Day) thì đã có biết bao sách vở, thi ca , âm nhạc đã ca tụng nói về người hiền mẫu. Có không biết bao nhiêu kho tàng văn chương, bao tấm gương hy sinh, lòng thương yêu của người Mẹ đối với con, hoặc lòng hiếu thảo của con đối với mẹ như sự tích Mục Liên Thanh Đề :

                                                               Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào

                                                                Tình Mẹ như dòng suối chảy ngọt ngào  ....

Nhưng có rất ít, thật ít ỏi viết và nói lên được tình Cha thấm thiết và mặn nồng ra sao đối với con. Có phải chăng người Cha không bộc lộ được tình cảm của riêng mình hay cái tính nghiêm khắc mà khó được gần gủi với con ? Người con chỉ biết qua ca dao truyền khẩu : "Công Cha như núi Thái Sơn" mà có biết đâu rằng công của Cha cũng to lớn như núi như biển đâu thua gì nghĩa Mẹ ?

    Tôi đã được nhìn thấy biết bao tấm gương sáng của người Cha, một mình chăm sóc, lo lắng, dạy dỗ đàn con nhỏ dại nên người như "gà trống nuôi con". Tôi cũng trãi qua một thời có người Cha Dượng tuyệt vời. Ông trọn đời tận tụy hy sinh, làm lụng vất vả để nuôi đàn con (trong số ấy, tôi là người con riêng của vợ) ăn học và dạy dổ cho đến ngày khôn lớn (ngời Cha sinh ra tôi vì nặng nợ nước nhà nên gia đình phải ly tán ). Hình ảnh người Cha gầy gò, ốm yếu và bệnh hoạn vì kiệt sức sau bao năm tháng chăm lo cho gia đình không bao giờ quên trong ký ức của tôi. Tôi xin cúi đầu tạ ơn người.

    Ngày lễ Cha (Father's Day) không chỉ là ngày để cho cả gia đình đoàn tụ, vui chơi, quà biếu chúc tụng và cũng không đơn thuần là ngày dành tình cảm, thương yêu và biết ơn của các con đối với người Cha hoặc người Ông mà lúc nào cũng tỏ ra nghiêm khắc và khó gần gủi như người Mẹ, người Bà mà chính là dịp để mọi người trong gia đình cùng nhau chia sẻ nổi niềm, thông cảm và thương yêu nhau hơn.Về phần mình, người Cha cũng nhận thấy trách nhiệm, phải chịu hy sinh nhiều hơn nữa, vì chính mình là cột trụ của gia đình làm nơi chốn nương tựa.

     Nói tóm lại, Ngày lễ Cha là một ý tưởng tốt, một truyền thống đẹp và một trào lưu tiến bộ làm cho loài người thấy hạnh phúc và cuộc đời có ý nghĩa sống hơn vậy.

        SONG QUANG

       Kính dâng hương hồn người Cha Dượng  Ngày lễ Cha Father's Day 2011

                  DÂN  CA LÝ CÁI MƠN :TÌNH CHA

                                                    (kính tặng tất cả những người Cha )

.

                                                Ngày...hôm nay,lễ Cha đã đến !

                                                Nhớ quá Cha ơi ! Những ngày thơ ấu đã qua

                                                Cha cho con niềm thương mến thiết tha đậm đà

                                                Giờ ngồi đây,nhớ tưởng về Cha

                                                Ôi xót xa nào nguôi,trong những ngày con chẳng gần Cha .

  

                                                Lời ..của Cha ,dạy con ghi khắc

                                                Nhớ lúc khi xưa,Cha thường che chở đời con

                                                Tuởi ấu thơ nào đâu biết nghĩa Cha mặn nồng

                                                 Lòng của Cha như mặt biển Đông

                                                 Như núi cao Trường Sơn,cũng không sánh bằng ơn nghĩa tình Cha.

.

                                                 Rồi...giờ đây lòng con thương tiếc

                                                 Ánh mắt thân yêu của người lo lắng vì con

                                                 Đã chăm nom từng tấm áo , miếng ăn ,học hành

                                                 Phận làm con báo hiếu đền ơn

                                                 thêm dưỡng nuôi , mà con  đã xa người Cha kính mến ngàn xa .

                                                                         SONG QUANG

                                                                       Father's day/2011                              

Trọn Kiếp Gọi Cha

Mới năm tuổi, đầu đã mang tang trắng,

Tiển cha ra phần mộ một chiều mưa.

Rời cha khi chưa xong cuộc tiển đưa,

Người chị đã bồng* tôi xa buổi lễ.

Còn quá bé để hiểu cuộc đời dâu bể

Nhưng biết rằng đã mất hẳn cha rồi!

Tôi gào thét: “Đừng chôn mất cha tôi

Làm sao sống khi cha hiền vắng bóng?”

Từ đó mỗi lần mưa to gió lộng

Tôi gọi cha: “Cha hởi, cha ở đâu?

Để mẹ con thổn-thức suốt đêm thâu;

Bao hận, khổ, ưu sầu vươn ánh mắt!”

Tôi lớn lên bên mẹ hiền hiu-hắt

Theo chuổi ngày dằn-dặt với cô-đơn!

Mộng thấy cha trong giấc ngủ chập-chờn

Thảng-thốt gọi: “Về với con cha hởi!”

Giờ mẹ đã gặp cha nơi chín suối,

Tóc của con nay cũng trắng mái đầu,

Có những đêm nhung nhớ suốt canh thâu

Cha lẫn mẹ cho đến khi trọn kiếp.

Nguyễn Hồng Ẩn

June 03, 2010

NGÔ CẨM HỒNG
LÀM BA CỦA NGƯỜI TA …

Những ngày Father-day, mọi người chúc mừng nhau, có những món quà có giá trị từ tinh thần đến vật chất để tỏ tấm lòng của đứa con đối với cha mình, có những món quà nho nhỏ không đáng là bao, nhưng tràn ngập thương yêu và niềm vui vô giá mà vật chất không gì mua được...

Làm Ba người ta thiệt là khó !... Đó là câu nói của một người bạn đã nói với chúng tôi cách đây không lâu, vợ anh đã qua đời sau cơn bạo bệnh khi các con bắt đầu vào tuổi trưởng thành, anh đã vừa làm cha vừa làm mẹ, đưa đón các con đến trường, chăm sóc các con và làm những việc mà ngày xưa anh chưa từng làm, thương yêu càng ngày càng lớn, như các con càng lúc càng trưởng thành mà không hề nghĩ đến một người phụ nữ nào khác,  hằng đêm anh thường cầu xin một đấng vô hình nào đó, giúp anh có nhiều nghị lực để làm tròn bổn phận của mình lo cho các con thành đạt mà không thấy thiếu vắng tình mẫu tử... Tóc anh đã phai màu thì các con cũng thành danh, những bữa cơm vắng tiếng cười của các con xa dần, vì chúng đã lập gia đình, và làm việc nơi xa,... Anh muốn có người để bậu bạn lúc xế chiều, nhưng suy nghĩ mãi không chọn lựa được cho mình một người phù hợp, hay nói đúng hơn, anh chỉ sợ các con sẽ buồn cho dù chúng bây giờ đã lớn khôn, ... Làm Ba người ta thiệt là khó !!!... Anh thường nói vậy khi có dịp gặp lại bạn bè khi trở về quê hương... Có lẽ đó là sự hy sinh cho các con ở quãng đời còn lại...

Trong cuộc sống có những hoàn cảnh vô vàn khó khăn, người cha là người gồng gánh cả gia đình không kể gì mưa gió, lao thân làm những việc nặng nhọc, đổi đồng tiền bằng mồ hôi và nước mắt, hoặc có những khi mang vào người chứng bệnh trầm kha, nhưng cũng cố gắng kiếm ít tiền về trang trải tiền học hành cho các con, tiền gạo, tiền thuốc men...

Làm Ba người ta thiệt là khó... Câu nói nầy khiến chúng tôi lại nhớ đến những câu chuyện đời thường của một phu xe ở thời trước, trong mưa gió phủ phàng anh chạy chiếc xe lôi đạp chở năm người đàn ông trong buổi chiều tối, để mong có thêm chút tiền mua hộp sữa, gói bánh cho các con, và đứa con gái lớn đang mang một cơn bệnh ngặt nghèo mà vợ chồng anh biết rằng không bao giờ cứu được : Ung thư máu !... Thêm một cuốc xe để có thêm tiền mua cho con hộp sữa, một phong kẹo mà con đã thèm ăn từ lâu...

Người ta thường ca ngợi người mẹ luôn vĩ đại, chịu thương chịu khó, hy sinh cho chồng con cả một quãng đời, ngày lễ Vu Lan người mẹ được ca tụng, được mọi người tôn vinh, điều nầy bao giờ  với đạo lý cũng là điều tốt đẹp, nhưng bên cạnh đó có những người họ thật sự thương yêu người cha vô bờ bến, họ quan tâm từng giấc ngũ, miếng ăn, từng viên thuốc, khi người cha qua đời họ lại tưởng Đất Trời đão lộn, và cứ tự trách mình chưa hoàn thiện bổn phận làm con, cho dù có những chuyện đưa đến ngoài tầm tay của họ...

Làm Ba thiệt là khó !!!... Một câu nói bình thường nhưng mang nhiều hoàn cảnh, có những người không cho là như vậy, không có gì là khó, một thời vàng son của tuổi trẻ, đứa con không mong đợi, họ có thể bỏ cô gái chơi vơi giữa chợ đời, chợ tình, chữa hoang, đẻ lạnh, vì hoàn cảnh nào đó, vì lý do gì đó mà người làm Ba lý giải hợp lý cho họ và họ quên mất họ là ai, tại sao tạo ra như thế, phải như thế nào ?. Nhiều khi họ cho rằng chuyện nầy không phải họ là tác giả, không phải là  một người tạo ra hình hài bé nhỏ đó, một lý do dể hiểu và dể làm, rồi tung tăng với tình yêu mới, thật ra cũng không có gì đáng trách nếu người làm Ba đã làm như thế, vì trong đời người ta chỉ cưới và cùng sống trọn đời với người đàn bà nào họ yêu thương nhất mà thôi... Yêu mới cưới ! Chúng tôi nghĩ như vậy. Người ta có thể yêu nhiều lần, nhưng chỉ có một lần duy nhất mà thôi.

Trong tình cảm đừng nên níu kéo ai, ràng buộc ai, dù cho người con gái ấy luôn yêu, tin tưởng và nuôi con một mình... Hãy để mọi thứ thật tự nhiên, điều gì cũng có cái giá của nó, Ông Trời thì rất công bình ! Một câu nói mà khi khổ sở hay va vào hoàn cảnh tận cùng, người ta thường ai ủi mình như vậy, hay ở hiền thì gặp lành....

Ai cũng vậy, đôi lúc người ta cũng không hiểu tại sao ngày xưa họ làm như vậy, họ càng xa lánh người con gái có một thời họ đeo đuổi thương yêu, thì người con gái ấy lại càng cầu xin nơi họ, họ càng xa lánh, đôi lúc họ chưa tìm được một lý do nào để xa nhau, nên họ dùng những trận đánh đập, xua đuổi, đòn roi rất phủ phàng giáng lên thân người của cô ấy để nhanh chóng mà dứt khoát... Khi tuổi đã về chiều, nếu sự nghiệp thành công, họ đở phần suy nghĩ, cũng có thể dùng vật chất để bù đắp tổn thương ngày xưa, nếu người phụ nữ ấy có lòng vị tha, đứa con hiền hòa nhân hậu. Nhưng nếu họ nghèo nàn, sa sút từ tinh thần đến vật chất, gia đình không thuận hòa, không hiểu họ có những dòng suy nghĩ như thế nào, khi  giọt máu rơi đó bây giờ là một nhân tài trong xã hội, có một cuộc sống bình yên hạnh phúc. Rồi họ lặng nhìn với một cơ thể còm cỏi, xanh xao, nghèo nàn, không biết có nên chạy đến để nói với mọi người là : Đó là con tôi. Có lẽ, dù trong lòng rất muốn nhưng cũng phải chùn bước, vì bây giờ không còn một thời thanh xuân nữa, đã qua rồi. Làm Ba thiệt là khó.... Mà khó thiệt...

Chúng tôi có những người bạn già đã làm Ba, làm Ông Nội, làm Ông Ngoại, ... Có một người bạn đang làm Ba sau, mà người ta gọi là Bố dượng... Anh ta tốt lắm, kết hôn với cô bạn gái đã li dị và hai con, cô nàng không được đẹp, lại nghèo, nhưng khi về sống chung anh ta lại hết lòng lo cho hai con của vợ ăn học đàng hoàng, gả nơi tử tế, lại được làm Ông Ngoại, chiều chiều dẫn cháu ngoại đi uống cà phê, Ông cháu rất vui vẽ... Anh thường vui nói với chúng tôi... Làm Ba...dể ợt...

Mổi người trong chúng ta có mỗi cảnh khác nhau, không ai hiểu hết, không hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào, nhưng nếu khi xa nhau mà luôn giữ ấn tượng tốt về nhau, thì thật là hay, vì cuộc đời một lúc nào đó, một phút giây nhỏ nhoi nào đó cũng chợt nhớ lại chuyện đã qua, và tự hỏi sao lúc đó mình phủ phàng với người ta như vậy, hay tại sao bị phủ phàng và giỏi chịu đựng như vậy.

Thật sự, chúng tôi muốn nói đến những người làm BA có trách nhiệm, họ vĩ đại lắm, nhất là khi con cái thành đạt, thì tóc họ cũng đã phai màu, họ được làm Ông, họ sung sướng lắm, giữ cháu dùm con gái, thấy cháu tung tăng đùa giởn trên sân nhà, hay mua vài món đồ chơi cho cháu trong sự mừng rỡ của nó... thiệt là vui... Thiệt là sung sướng hết sức...

Một vài câu chuyện về người làm Ba cũng rất đáng kính phục, họ xí xóa hết những lỗi lầm của người vợ vì hạnh phúc của các con, họ yêu vợ vô bờ bến cho dù cô ấy đã một bước lỡ lầm nghiêm trọng, hay có những câu chuyện đầy nước mắt, người làm Ba luôn tin tưởng lòng chung thủy, có bao giờ biết được người vợ rất nhiều lần sai phạm trong hôn nhân, rồi thời gian trôi nhanh, câu chuyện cũng vào quên lãng.

Ai cũng có Ba, ai cũng có Ông Ngoại, Ông Nội... và có sự thương yêu không tính toán của ông bà, ... Ông Ngoại của con vĩ đại lắm... Ông Ngoại của con rất giỏi... Ông yêu chúng con lắm... hay... Đây là quà của Ông Ngoại hôm con mừng Sinh Nhật... Ồ... Ông Nội của con là người thương con nhất nhà, con đẹp giống Ông Nội của con lắm....

Biết bao lời yêu thương của cháu dành cho người làm Ba... Làm Ba thì rất khó ! Làm Ba tuy khó nhưng cũng dễ thấy mồ... khi ôm cháu vào lòng... rồi nói câu.. Cháu tôi thật đẹp, thật thông minh, Nó giống tôi... là vui rồi !!!

Có một vài bài hát về Ông Nội, Ông Ngoại nghe cũng rất hay, vài bài hát về người Cha do các ca sĩ Việt Nam hát, cũng rất cảm động, mà Chúng tôi lại là người có những người Cha rất tuyệt vời, có trách nhiệm, có vòng tay che chở ấm áp của Cha khi các con gặp bảo tố, nên sự nghiệp tương đối khá ổn định, vì vậy cùng ngồi lại, mỗi đứa nhắc về Ba mình trong ngày lễ CHA, xem như tưởng nhớ công ơn của người đã khuất.

Làm BA như Ba của chúng Tôi quả thật thiệt là khó lắm, không dể chút nào.

Còn rất nhiều người BA tốt. Dù là hoàn cảnh như thế nào,đang sống ra sao, nghèo hay giàu, ai cũng muốn mình là một người chồng tốt, là người Ba tốt, ai cũng muốn làm việc có nhiều tiền để lo cho các con đi học đến nơi đến chốn, ai cũng muốn con cái thành đạt, và có niềm tự hào về các con của mình….

Vậy bạn thấy Làm Ba của người ta có khó không...

Riêng Chúng tôi thì thấy... LÀM BA CỦA NGƯỜI TA THÌ KHÓ THIỆT...

...............................................................................................................................  

                                                                               Tháng 6- 2011

NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

  ÔNG BỐ ĐẢM ĐANG

 Ba giờ sáng, chị khều chồng:

- Em đang đau bụng lâm râm, anh dậy chở em đến bệnh viện.

Anh mở choàng mắt, làu nhàu:

- Sao lại đau bụng vào giờ này?

Tuy nói thế, anh đã biết điều nhanh chóng ngồi dậy, vội vàng thay quần áo, và đánh thức hai cô con gái Tabi và Betsy dậy. Một người đi sinh đẻ mà cả nhà cùng đi, vì không thể để hai đứa nhỏ ở nhà mà không có người lớn được.

Chị xách giỏ đồ ra xe ngồi trước, ôm bụng nhăn nhó. Anh tay bế con Betsy còn ngủ vùi và tay kéo con Tabi  đi cho nhanh, lên xe sau.

Bệnh viện không xa nhà, sáng sớm đường vắng nên chỉ 15 phút là tới, anh đưa chị vào  bên trong thì chị giục anh đưa các con về cho chúng ngủ tiếp, anh ở đây cũng chẳng ích lợi gì, vì ba bố con không thể vào phòng sinh với chị được. Khi nào sinh xong chị sẽ gọi.

Anh đồng ý:

-         Ừ, sáng ra anh sẽ gọi hãng xin lấy 4 tuần vacation bắt đầu từ hôm nay để ở nhà chăm sóc vợ đẻ.

-         Em cũng sẽ gọi hãng xin nghỉ đẻ một tháng. Vậy thì anh gọi day care cho Tabi và Betsy nghỉ 4 tuần luôn, nhân dịp này để các con ở nhà, quây quần với bố mẹ, và ngủ thêm tí nào hay tí ấy. Tôi nghiệp, trẻ con ở Mỹ cũng vất vả, sáng sớm phải thức dậy và lên đường như bố mẹ.

Anh cảm động:

-         Anh sẽ là một người bố đảm đang chăm sóc các con, đền bù cho chúng trong 4 tuần lễ em ạ. Hay để anh đăng báo tìm người đến nhà trông 3 đứa trẻ cho tiện, em nhỉ? Nay mai chúng mình sẽ khỏi phải mang con đi gởi nữa.

-         Anh đăng thì cứ đăng, nhưng không dễ đâu, cô bạn em cũng có 3 con, thuê được một bà Việt Nam và chiều bà hơn cả chiều mẹ chồng khó tính mà còn không giữ được lâu dài. Có điều  không vừa ý, nó đã khéo léo nhẹ nhàng phê bình thế mà bà cũng giận, bà tự ái, tự nguyện xin “lay off” bất thình lình làm nó đỡ không kịp, phải nghỉ làm một ngày, bôn ba đi tìm day care cho con. Chủ thì lập luận trả lương 1,200 đồng một tháng, bằng những đồng tiền họ làm ra sau khi đã trừ thuế là cao rồi, lại còn bao ăn ở, bà chỉ việc cất trọn tiền lương vào túi. Còn bà trông trẻ thì có lập luận của bà, cái khoản bao ăn ở tại nhà mới là tai hại đấy, thà tôi đến đây sáng đi chiều về, còn có thời gian riêng tư, nghỉ ngơi. Ở lại, công việc như vô tận, khi chủ nhà đi làm về, vợ chồng con cái rối rít, bận rộn chẳng lẽ tôi lại làm ngơ? Cho nên coi như tôi làm việc trọn gói từ sáng sớm cho đến giờ đi ngủ, hậu hỉ gì mà ham?.

-         Hèn gì anh thấy mục rao vặt tìm người giữ trẻ đầy cả ra, gía cả từ 1,000 đến 1,200 và thậm chí 1,400 đồng một tháng, tiền càng cao chắc càng nhiều việc? Bên nào cũng có những toan tính có lợi cho mình, chẳng ai tử tế cho không ai đâu.

                                      ***************

Về tới nhà ba bố con ngả lăn ra giường ngủ tiếp không khó khăn gì, đến khi anh  tỉnh giấc thì đã 7 giờ sáng, anh vội vàng gọi Tabi dậy và chở nó đến trường, cách nhà một block đường, dĩ nhiên cũng phải mang con Betsy theo. Một tiếng sau thì nhận được phone của chị từ bệnh viện, chị đã sinh xong, mẹ tròn con vuông. Thằng cu Tí dài 21 inches, nặng 7.4 ounces, đạt tiêu chuẩn một đứa bé khỏe mạnh bình thường của Mỹ.

Anh lại mang Betsy lên đường  đến bệnh viện. Anh sung sướng vì sau hai cô con gái là một thằng con trai, vợ chồng anh không coi trọng con trai  hơn con gái, nhưng có nếp phải có tẻ, phải thay đổi cho hào hứng. Thử tưởng tượng lần này chị đẻ con gái nữa, vài năm sau trở thành một cô bé đỏng đảnh, nhõng nhẽo như hai bà chị và mẹ nó, thì anh chịu sao nổi?

Thằng bé đang nằm trong nôi, quấn mình trong lớp khăn bông trắng tinh, để lộ ra một khuôn mặt xinh xẻo chỉ nhỉnh hơn qủa cam một chút. Hai mắt nó nhắm nghiền, chưa thèm nhìn đời, nhân trung nó dài và sâu là phúc hậu và sống lâu, sách tướng số bảo thế. Anh hân hoan nói với vợ:

-         Nó đẹp trai giống anh.

-         Ừ, giống cả cái trán gồ lì lợm nữa. Chị bổ sung thêm.

Betsy ngồi trên giường với mẹ để nhìn em bé với vẻ thích thú, nhưng khi thấy bố đang nâng niu trìu mến thằng em thì Betsy ghen tị, chồm ra ôm chầm lấy bố:

-         Bố ơi, bố có thương Betsy không?

Lại câu hỏi quen thuộc của Betsy, luôn bắt bố phải khẳng định tình yêu dành cho nó, mỗi ngày nó hỏi tới mấy chục lần, dù đang chơi, hay đang ăn uống cứ chợt nhớ ra là nó hỏi, và anh cũng trả lời nó mấy chục lần như cái máy đã được ghi âm sẵn: “ Có, bố yêu Betsy”.

Những đứa trẻ luôn cảm thấy bị tổn thương khi chúng có em bé. Ngày xưa vợ chồng anh đã yêu thương chiều chuộng Tabi, hai năm sau đẻ Betsy, con bé Tabi đã ghen tức, hờn dỗi, và nay đến lượt Betsy ganh tị với thằng cu Tí. Cuộc chiến ganh tị giữa Tabi và Betsy chưa bao giờ chấm dứt, nay có thêm thằng cu Tí lại càng gay cấn.

Sau một  đêm ngủ ở bệnh viện, hôm sau chị đã trở về nhà, để giám sát và chỉ huy chồng con tại chỗ.

Ba phòng ngủ đều ở trên lầu, tầng dưới là hai phòng khách và nhà bếp. Thằng cu Tí  được đặt nằm  giữa chiếc giường rộng thênh thang cho thoải mái  trong căn phòng ngủ của bố mẹ, những lúc đói nó khóc ọ ẹ như tiếng mèo rên, và những lúc ấy nó mới hé mở cặp mắt bé nhỏ ra, cái nhìn vẫn còn  khờ khạo. Hai bà chị dành nhau nhìn em và đưa cho nó đồ chơi, dù thằng bé nào đã biết gì, thế là hai đứa lại cãi nhau như đã từng cãi nhau:

-         Bố ơi, con Betsy làm rơi con gấu bông vào người em bé.

Betsy đổ lỗi:

-         Tại Tabi đụng vào tay con mà.

Anh  đang nấu cơm dưới nhà vội phóng ngay lên lầu để phân xử, nếu không cuộc cãi cọ sẽ kéo dài và làm điếc tai người khác. Hai đứa luôn cạnh tranh nhau từng tí một, nên mua cái gì cho hai đứa cũng phải giống nhau, cùng màu, cùng kiểu, nếu khác nhau thì bao giờ đứa này cũng thấy món đồ của đứa kia đẹp hơn của mình.

 Mới lúc nãy, mỗi con ngồi vào cái bàn nhỏ của mình, Tabi đang học mẫu giáo, có thể đọc được vài cuốn sách truyện bằng tranh đơn giản, còn con Betsy mới hơn 3 tuổi đang hí hoáy với hộp bút chì màu, với giấy trắng để vẽ lên những hình ảnh ngộ nghĩnh. Tabi đụng vào bàn của Betsy và làm rơi những cây bút chì xuống đất, cô em đanh đá khóc thét lên, anh đã phải kê lại cho hai bàn cách nhau xa hơn, và bắt Tabi xin lỗi em. Nhưng anh vừa quay đi thì Tabi hậm hực kêu lên:

-         Bố xem kìa, con đã xin lỗi rồi mà Betsy còn nhìn con với cái nhìn đầy vẻ độc ác.

Thì ra con em vẫn đang nhìn con chị với ánh mắt chưa hề tha thứ.

 Nhưng con bé mau quên lắm, chốc nữa hay ngày mai có hỏi Betsy yêu ai thì nó sẽ hớn hở kể từ bố mẹ, chị Tabi đến thành viên mới là thằng cu Tí, chỉ có một thứ không bao giờ nó yêu nổi là…con bug. Mỗi lần nhìn thấy con bug bò ngoài khung kính cửa sổ là nó sợ hãi ôm chầm lấy bố cần sự che chở.

Ngoài ra Betsy còn mau mồm mau miệng, đứng chơi ngoài sân thấy con chó nhà hàng xóm đi qua cũng hớn hở chào “ Hi, doggie”. Con  bé khôn khéo, biết xã giao, mai mốt không sợ ế chồng.

Còn Tabi nếu hỏi nó cùng câu hỏi như đã hỏi Betsy thì lúc nào nó cũng giữ vững lập trường trước sau như một, yêu mọi người trong nhà trừ Betsy. Ấy vậy mà tuần trước Betsy bị dị ứng, mặt , hai mắt sưng vù và đỏ lựng lên trông thật thảm hại, Tabi đã lo lắng hỏi bố với nước mắt ràn rụa:

-         Bố ơi, Betsy có chết không?

Anh trấn an nó, Betsy sẽ khỏi sau khi đi khám bác sĩ và uống thuốc, thế là Tabi mừng rỡ, hôm ấy nó thương em ra mặt, cái gì cũng chiều và nhường em.

Dàn xếp cho hai con gái xong anh lại chạy xuống bếp tiếp tục. Chợt nhớ ra món cá chưa kho, anh lại tất tả lên lầu để hỏi ý kiến vợ:

-         Em ơi, làm ơn chỉ anh cách kho cá.

Như một bà mẹ chồng ra oai trước mặt con dâu, chị lên mặt:

-         Anh từng ăn cá kho, từng nhìn em kho cá  mà không học hỏi ra được điều gì à? Này nhé, cá ướp tiêu muối đường cho thấm,  cho đường vào chảo thắng nước màu rồi cho cá vào…

Anh làm theo lời vợ, rồi thái rau để chuẩn bị cho nồi canh khi chảo cá đang sôi trên bếp. Một lần nữa anh lại mang thắc mắc lên lầu:

-         Em ơi, khi nào thì xong  món cá kho?

-         Anh cứ để lửa riu riu cho đến khi gần cạn hết nước là thấm cá rất ngon.

Thấy cu Tí đang bú sữa mẹ thật dễ thương, anh cúi xuống nựng nhẹ vào má con thì chị  kêu lên làm anh giật cả mình:

-         Trời ơi, có mùi gì khen khét kìa anh?

 Ôi, anh nhớ ra là chưa hề vặn nhỏ lửa chảo cá kho, và anh lao xuống lầu với một tốc độ khủng khiếp chưa từng thấy để kịp thời nhắc cái chảo ra khỏi bếp. May quá, vừa mới cạn nước, chỉ cháy khét một chút không đáng kể, nếu chậm thêm vài phút là coi như mất cá kho và tiêu đời luôn cái chảo nonstick yêu qúy của vợ.

Cuối cùng ông bố đảm đang cũng dọn được bữa cơm ra bàn, nấu cơm đã cực khổ mà cho hai đứa con gái ăn càng cực khổ hơn, Betsy ăn nhiều và  thích tự ăn một mình, nhưng rơi vãi tùm lum, cùng với ly nước cam để bên cạnh, mỗi khi uống vơi nó lại gọi bố, như người ta gọi anh bồi bàn phục vụ bữa ăn trong nhà hàng:

-         Bố ơi, rót thêm nước cam cho con. Please!

-         Bố ơi, cho con tờ napkin. Please!

Còn Tabi, anh đã từng thấy vợ phải bưng bát cơm chạy theo năn nỉ và chờ đợi từng cơ hội, khi Tabi sơ ý vì mải chơi hay mải làm gì đó để đút được thìa cơm vào miệng nó mà không bị từ chối. Tabi lười ăn, hơn 5 tuổi rồi mà mẹ vẫn phải vất vả đút cơm, người nó chỉ có chiều cao mà không có bề ngang, chị  rầu rỉ chỉ sợ con suy dinh dưỡng. Anh an ủi chị:

-         Dù sao, vai gầy trơ xương và chân dài như Tabi là tiêu chuẩn ước mơ của các cô người mẫu đấy, và còn là nguồn cảm hứng trong thi ca,  âm nhạc. Trịnh Công Sơn đã viết: “Vai em gầy guộc nhỏ, như cánh vạc về chốn xa xôi…”. Hay Lê Trọng Nguyễn  với :” Qua bến nước xưa, dáng em gầy gầy…” có nhà thơ nào, nhạc sĩ nào mang các cô gái mập over weight vào sáng tác của họ, em nói anh nghe?

Hôm nay đến lượt chính anh phải đút cơm cho cô người mẫu tương lai, anh mới hiểu vợ anh kiên nhẫn biết bao, anh bê bát cơm đi theo Tabi từ chỗ bàn của nó đến chỗ ti vi mấy lượt mà chưa đút cho nó được miếng nào, sốt cả ruột chỉ muốn túm nó lại, quát tháo nạt nộ cho đến khi nó mở miệng ra ăn cơm anh mới hả dạ. Bố đang lên cơn như thế mà con thì vẫn đủng đỉnh, hay nó chê món cá kho của anh không ngon bằng mẹ nó nấu?.

 Đối với trẻ con mà nổi giận quát tháo là thất bại, anh biết thế,  nên cố nén giận, nở một nụ cười thân ái bất đắc dĩ:

-         Con ngoan nào!. Nếu con không chịu ăn thì sẽ gầy và chết như cô người mẫu Brazil đấy.

Tabi sợ chết, ăn liên tiếp mấy thìa cơm. Nhưng anh bị vợ mắng:

-         Anh hù dọa, khủng bố tinh thần con bé 5 tuổi như thế à?. Hãy nói những điều vui tươi, tốt đẹp với nó.

Anh vội sửa lại cho vừa lòng vợ con:

-         Nói một cách khác, nếu con ăn nhiều con sẽ trở nên xinh đẹp như Cinderella đấy.

Phía bên kia, con Betsy chen vào xí phần:

-         Con cũng xinh đẹp như Cinderella nữa.

 Ôi, con bé Betsy cưng của bố, chẳng hiểu sao lại khác biệt nhất nhà, xấu nhất nhà: nước da nâu nâu, trán gồ, mũi gẫy, môi vểnh, mà luôn bắt bố mẹ phải khen nó xinh đẹp. Sau này con sẽ là một phụ nữ sống trong ảo mộng đó con ơi.

-         Ừ, Betsy cũng xinh đẹp. Anh không thể nào nói khác hơn nếu không muốn nó gào khóc, dỗi hờn.

Vợ anh thì luôn lạc quan phơi phới:

-         Một gương mặt như thế mới gây ấn tượng anh ạ, tới tuổi dậy thì trổ mã khối anh mê, cái mặt gẫy mà duyên dáng như bà Jacqueline Kennedy, môi cong vếu càng hấp dẫn giống cô đào Hollywood Angelina Jolie, và làn da nâu nâu  mạnh khỏe gợi cảm y chang cô ca sĩ  Jennifer Lopez vậy đó.

-         Nói tóm lại, theo ý em con Betsy nhà mình đẹp…tòan diện chứ gì.

Thì ra con Betsy ảo mộng di truyền từ mẹ nó. Đàn bà nào cũng thích được khen là đẹp, dù là lời khen giả dối.

Đút xong bát cơm cho Tabi mất hơn một tiếng đồng hồ, đã xuống tinh thần, anh lại còn phải dọn dẹp cái bàn ăn bừa bãi cơm rơi, nước rớt của Betsy và lau lại sàn nhà. “Đời là bể khổ” chắc cũng chỉ thế này?

Đến tối, được ngả lưng trên giường mà vẫn chưa yên, Tabi và Betsy xúm vào với bố để hỏi cùng một câu hỏi:

-         Bố yêu ai nhất?

Thì ra chúng đang tranh cãi về vấn đề này, Betsy luôn nghĩ rằng bố yêu nó nhất nhà, nhưng Tabi đã cho nó vỡ mộng, là bố yêu thằng cu Tí nhất nhà, nên chúng muốn bố trực tiếp trả lời.

Betsy đang mở to đôi mắt vốn đã to và cái môi cong vếu của nó ra, thở mạnh và hồi hộp chờ đợi. Anh chậm rãi nói rõ từng chữ một:

-         Bố… yêu… Tabi… nhất….

-         Không! Không!...Betsy khóc nấc lên.

-         Nghe nè, bố chưa nói hết mà, bố cũng yêu Betsy nhất, yêu cu Tí nhất và  yêu mẹ nhất. Không ai nhiều hơn, không ai ít hơn, nghĩa là ai cũng nhiều nhất.

Betsy nín khóc ngay. Hai con bé đều hài lòng, mỉm cười sung sướng và ôm chầm lấy bố làm anh muốn ngộp thở.

                               ************.

Ba tuần lễ đã trôi qua, cu Tí lớn lên từng ngày, sự thay đổi thấy rõ, người nó mập hơn, gương mặt nó to tròn, phúng phính hơn. Cu Tí mở mắt nhìn cuộc đời bé nhỏ trong căn phòng này nhiều hơn.

Ba tuần lễ trôi qua, đều đặn sáng anh đưa Tabi đến trường, chiều đón về. Anh nấu cơm, đút cơm cho con lớn, hầu đứa con thứ hai, lăng xăng với thằng con thứ ba bé bỏng, và làm đủ thứ chuyện nhà để vợ nghỉ dưỡng sức.

Ông bố đảm đang tuy đã quen với công việc nhà nhưng trong thâm tâm chỉ mong mau tới ngày trở lại đi làm, dù sao 8 tiếng làm việc ở hãng cũng êm đềm gấp bội so với việc nhà. Ở hãng anh chỉ đối diện một ông boss, ở nhà boss lớn boss nhỏ làm anh tối tăm cả mày mặt.

Anh đã đăng mẩu rao vặt tìm bà trông trẻ bao ăn ở tại nhà, trên báo Việt Nam từ ngày sinh thằng cu Tí đến giờ chỉ có hai bà gọi, bà nào cũng hỏi han cặn kẽ từng chi tiết và thoái thác sẽ gọi lại sau.

Các bà giữ trẻ rất có gía,  nên tha hồ kén chọn. Anh luôn cầu mong một trong hai bà gọi lại và đồng ý nhận việc để ba đứa con anh đỡ vất vả và để anh thoát khỏi cái cảnh nội trợ bất đắc dĩ này càng sớm càng tốt.

                    Nguyễn thị Thanh Dương.

TRẦN BANG THẠCH

 ĐIỀU CHƯA KỊP NÓI VỚI BA

      Sau ngày má tôi mất thì ba tôi như một cánh lá khô, chỉ chờ thêm một chút gió để lìa cành.

      Hơn một năm nay ba tôi cứ hết bịnh này tới bịnh khác, một phần là do hậu quả của chứng muộn phiền, của tinh thần tuột dốc; phần khác là do chứng cao huyết áp. Hai chứng bịnh này không biết đã hiện diện từ bao giờ trong cơ thể ba tôi nhưng bác sĩ chỉ mới phát hiện gần đây thôi. Một đêm đi làm về tôi thấy ba nằm bất tỉnh trong phòng tắm, đầu ngoẻo trên thành bồn cầu, áo quần chưa kịp mặc. Một bệt máu đã khô phía trước trán. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi biết thế nào là nỗi kinh hoàng . Đến ngày thứ ba sau khi được chở khẩn cấp vào bịnh viện thì ba tôi bắt đầu tỉnh được chốc lát rồi lại khi mê, lúc tỉnh. Những ống dẫn dưỡng khí, thuốc men và thực phẩm nối từ miệng mũi không biết kéo dài cái sống của ba tôi được bao lâu . Hơn bảy mươi tuổi với một cuộc đời đầy sóng gió, rày đây mai đó, bảy nổi ba chìm, rồi sẽ phải chấm dứt ở cái phòng hẹp té đầy mùi ê-te này với sự có mặt của mỗi một mình tôi là người thân duy nhất. Còn anh Trọng, người anh cùng cha khác mẹ của tôi, trước ngày ba tôi ngã bịnh đã lấy hai tuần phép, hiện anh đang ở đâu đó bên Âu châu mà tôi không liên lạc được. Điều hiện nay tôi quan tâm không phải là cái chết của ba mà là sự trở về và sự có mặt của anh Trọng trước khi các ống dẫn được tháo gỡ và tấm vải trắng được phủ lên mặt khi người ta đưa xác ba tôi xuống lầu. Tôi đang quan tâm cái quan tâm cuối cùng của ba tôi. Tôi đang ước mơ cái ước mơ độc nhất bây giờ của ba tôi. Tôi biết giờ phút này, trong trí não, trong đầu óc của ba tôi, cho dù đang dần dần chết cứng, là sự trở về của anh Trọng . Nếu có được cái khắc giây ngắn ngủi lúc ba tôi chợt ra khỏi cơn hôn mê và nhìn thấy khuôn mặt đứa con trai duy nhất của mình thì đó quả là điều vô cùng diệu kỳ, tôi nghĩ như vậy. Và lúc đó chắc chắn ba tôi sẽ ngậm cười nơi chín suối.

      Mấy hôm truóc, khi còn chút tỉnh táo, ba tôi chỉ hỏi tôi mỗi một câu này : anh con đã về chưa . Tôi cứ dối quanh, nói là đã liên lạc được với anh Trọng, nói là anh sẽ tức tốc trở về. Tôi còn dám nói láo là anh Trọng thương ba lắm , vv. . . Tôi biết là không nên nói dối trước một người sắp chết nhưng tôi không làm sao hơn . Tôi không muốn ba tôi tuyệt vọng ở những giây phút cuối cùng của một đời người . Hơn hai mươi năm là cha con mà ba tôi và anh Trọng đã có mấy lần gặp nhau trong tình cha con thân ái đậm đà như bao nhiêu những người cha con khác trên quả địa cầu này! Điều này, tôi biết, đã không làm cho ai vui hết, nhất là ba tôi, người đã gần hết một đời đứng trên sân khấu làm vui thiên hạ, mà có mấy mươi năm cuối đời không thể làm vui cho bản thân mình và cho đứa con trai duy nhất của mình.  Ba tôi, người nghệ sĩ tên H. T. đó trong suốt cuộc đời đi hát là nguòi lúc nào cũng được khán thính giả yêu thương; mỗi tâm tình, mỗi lời ca, mỗi câu nói được đón nhận tận tình. Người ta vui, buồn, cười, khóc theo ba tôi trong suốt mấy chục năm. Vậy mà đứa con trai như bịt tai, nhắm mắt trước người cha ruột đau khổ của mình. Hình như cái thảm kịch gia đình này bắt đầu từ khi tôi vừa mới được sinh ra, lúc anh Trọng bắt đầu có chút nghĩ suy trong đầu óc một đứa trẻ lên mười. Bây giờ anh Trọng đã gần ba mươi. Hơn hai mươi năm cho một vết nứt trong tình cha con không phải là dài lắm sao! Đớn đau vô cùng. Tôi biết ba tôi đã bao nhiêu năm nay âm thầm sống trong cái đớn đau đó. Và anh Trọng của tôi cũng chẳng khác gì. Vậy mà vết nứt vẫn chưa có một chút hàn gắn nào, hơn hai mươi năm! Quá dài!

      Bắt đầu cho cái hơn hai mươi năm đó, theo lời kể của má tôi, là cái chết của má anh Trọng, người vợ lớn của ba tôi. Sau này tôi còn nghe nhiều người trong gia đình nói rằng chính cuộc sống của một nghệ nhân thường xuyên đi lưu diễn, năm thì mười thuở mới có mặt ở nhà đã góp phần không nhỏ trong sự lạnh nhạt tình nghĩa vợ chồng và tình cha con. Người nghệ nhân đó không biết thương yêu vợ lớn của mình cỡ nào chớ những mối tình dọc đường thì không thể đếm hết được là bao nhiêu. Còn đối với má tôi, người vợ sau cùng, thì ba tôi sống thật trọn vẹn. Đó chẳng qua là do nơi thời thế đẩy đưa. Má tôi thường nói: Đi ra cái nước ngoài này đâu còn lưu với diễn, bướm với hoa, chỉ cơm nhà áo vợ mới làm trọn đạo làm chồng. Điều này thì tôi không biết có đúng hay không, nhưng tôi biết chắc một điều: Việc ba tôi trong cơn thất tán cuối tháng Tư năm 75 đã chỉ đủ thì giờ dẫn theo má tôi, người vợ nhỏ của mình, để lại người vợ lớn đang sống với đứa con trai vừa mới tập đi tập nói ở một vùng quê miền Hậu giang.

      Rồi do những ràng buộc luật pháp xứ này, lại ít hiểu biết về thủ tục, ba tôi chưa dám nghĩ đến việc bảo lãnh má con anh Trọng. Tôi dần dà biết được câu chuyện trở nên phức tạp hơn khi ba má tôi bằng cách này cách nọ giúp đỡ má con anh Trọng mà đều bị từ chối. Khi có tin má con anh Trọng không còn ở chỗ cũ và không ai biết hai mẹ con đã dời đi đâu thì coi như bặt vô âm tín. Điều này càng làm cho ba tôi sống trong tâm trạng bồn chồn lo âu, khắc khoải, đợi chờ. Nỗi ăn năn cũng theo ngày tháng mà lớn dần. Tôi biết được điều đó là do ba má tôi thầm thì những đêm khuya vắng. Thuở đó chưa có những chuyến về thăm quê hương nên ba má tôi không thể làm sao hơn được. Người nghệ sĩ trong ba tôi có lẽ đây mới chính là những tháng ngày sống thật cái niềm đau của chính mình, không thương vay khóc mướn như những ngày đứng trên một sân khấu đại ban. Niềm đau này từ mười  năm nay đã dâng lên tới tột đỉnh khi anh Trọng vượt biên bằng đường bộ đến xứ này và ngụ cùng thành phố với chúng tôi. Lần đầu tiên gặp chúng tôi tại nhà của người bảo lãnh, anh chỉ nói mỗi một câu:  má tôi đã chết”. Sau đó anh không nói gì thêm nữa nhưng đôi tròng mắt thì mênh mông còn đôi hốc mắt thì sâu thăm thẳm, hai tay anh nắm ghì thành cửa, nửa như  không muốn phải quị ngã trước mặt chúng tôi, nửa như muốn đè nén cơn xúc động đang chực dâng trào như thác đổ. Cũng có thể lúc ấy anh muốn nói với chúng tôi rằng: cánh cửa đang mở, các người hãy bước ra khỏi căn nhà này và đừng bao giờ trở lại. Điều này tôi chỉ suy luận được về sau khi biết anh không muốn chúng tôi, đặc biệt là ba tôi, tới nơi anh cư ngụ,  bấy giờ là căn chung cư nghèo nàn ở phía đông thành phố. Sau đó đã bao nhiêu lần ba tôi đi ngang nhà anh để thấy cánh cửa luôn đóng kín, mà anh Trọng thì rất ít khi ra đường ngoài hai lượt đi về mỗi ngày. Đã mười  năm tình trạng vẫn không khá hơn. Ba tôi có cái mặc cảm của một người chồng, người cha phạm tội, đã vô trách nhiệm đối với vợ con nên chỉ biết tối ngày ăn năn, buồn bã, khó mở lời với đứa con mà mình đã không làm tròn bổn phận của một người cha. Dù vậy cũng có lúc ba tôi càng muốn đến gần thì anh Trọng càng dang xa. Hai năm trước, lúc mẹ tôi mất, anh Trọng có đến nhà quàn và đưa linh cữu mẹ tôi đến phần mộ. Hai cha con vẫn không nói với nhau một lời vì anh Trọng cứ cố tránh cha mình. Hôm ấy trông ba tôi thật là tội nghiệp, mang quá nhiều nỗi buồn trong một ngày tang khó. Mẹ mất, trong nhà chỉ còn hai người : Ba tôi thì thường xuyên bịnh hoạn; tôi thì vừa làm vừa học nên nhiều đêm khuya khoắt mới về đến nhà. Thân nhân bây giờ không còn ai ngoài ba cha con chúng tôi. Giá mà anh Trọng về với chúng tôi thì tốt đẹp biết chừng nào. Tôi và anh Trọng, có lẽ nhờ chút huyết thống, nên chúng tôi có gặp nhau thỉnh thoảng. Những dịp này tôi cố tìm lời nói với anh tôi về cơn bịnh của ba, về cảnh cửa nhà quạnh quẽ , về cái khổ tâm của ba, về nỗi ăn năn dằn dặt trong tâm tư ba suốt từ bao nhiêu năm qua. Anh Trọng cũng có lần tiết lộ với tôi rằng anh không ghét ba nhưng anh cũng không quên được cuộc sống lầm than khốn khó, và thiếu thốn của hai mẹ con trên một vùng hoang vu nước độc đã đem đến cơn bịnh ngặt nghèo, rồi dẫn tới cái chết của mẹ. Mẹ anh với tâm trạng bị chồng bỏ rơi và với sự tự trọng tuyệt đối đã từ chối tất cả những trợ giúp từ cha mẹ tôi, bà đã ôm con trốn tất cả mọi người để không ai tìm ra tông tích. Và anh, một đứa con  bị cha bỏ rơi từ những ngày còn non dại. Anh, một thằng bé lúc mới lên mười, trong túp lều trống hoang trống hoác giữa những đêm mưa mịt mùng đã  bong gân rát họng kêu trời gọi đất, mà đất trời cũng không ngăn được những cơn đau quằn quại của mẹ. Anh đã hơn một lần cắn môi chảy máu để không được khóc như lời mẹ dặn, dù cho đó là những lúc bịnh hoạn, đói khát, dù cho đó là lần cuối cùng còn thấy mẹ trên đời. Anh, một đứa con của một người đàn bà khốn khổ, thà đem sức cùn lực kiệt mà sống, thà vắt cạn bầu sữa nuôi con hơn là nhận sự đoái hoài từ một người đàn ông vô tâm. Tôi thường nói với anh cái thảm trạng chung của đất nước dẫn tới bao nhiêu thảm trạng của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, nếu cứ nuôi hoài niềm phẩn uất, nỗi oán hờn, nhất là đối với người thân, thì thảm trạng sẽ không bao giờ dứt được. Hệ lụy sẽ thêm chất chồng. Tình phụ tử chắc chắn là điều không có gì thay thế, càng không thể bức tử nó bằng những nghiệt oan của lịch sử. Tôi nói với anh tình trạng già yếu, bịnh hoạn của ba. Tôi cần phải có anh tiếp tay, và chỉ có anh mới làm cho ba bớt muộn phiền. Anh Trọng lắng nghe mà không nói gì, đôi mắt vẫn cứ xa xăm. Sau đó tôi nghiệm ra một điều: Ba tôi và anh Trọng, mỗi người cứ mang hoài trong tâm tư mình một điều muốn nói .

                                                      x X x

      Có thật là sức lực của tôi không còn một chút nào hết ? Tay chân tôi sao cứng đơ thế này? Miệng lưỡi cũng trơ ra như đông đá. Tôi có đang mơ hay không: hãy nhìn kìa, quí ông bà cô bác, mặt thằng con tôi đã kề sát mặt tôi, tôi nghe tiếng khóc từ trong cổ họng của nó, tiếng khóc thật nhỏ như một âm vang từ xa thăm thẳm. Tôi thấy từng phiến đau khổ hằn trên gương mặt nó. Hình như tôi còn nghe âm âm u u những tiếng  gọi  ba, ba . . . những âm thanh tôi chờ trọn một đời, đến bây giờ mới nghe được. Ôi hạnh phúc biết chừng nào. Tôi thấy đây là giờ phút sung sướng nhất đời tôi. Con trai tôi đâu còn thù ghét tôi, nó đã gọi tôi bằng ba. Phải, nó đã kêu lên nhiều tiếng ba, ba, ba . . . Tôi không lầm được đâu. Cuối cùng rồi con cũng đến với ba. Tôi biết tiếng nói của tôi không phát ra được nhưng thằng con tôi sẽ nghe từ trái tim còn ấm của tôi, nó sẽ nghe tôi nói tôi thương yêu nó, ba thương yêu con, Trọng à. Lỗi lầm của ba, ba không mong được tha thứ, nhưng được con trở về thăm và nói với ba những lời ba mong đợi thì đã quá đủ để ba giữ làm hành trang đi về cõi khác.

                                                  x X x

      Giữa hai dãy ghế thưa thớt người đứng cúi đầu tiễn đưa người quá cố là chiếc quan tài màu huyết dụ với vòng nguyệt quế đính phía trước. Vị sư tụng hồi kinh cuối cho lễ di quan. Chỉ có hai người mặc tang phục là anh Trọng và tôi. Hai tay anh Trọng cầm ngang ngực tấm ảnh bán thân của ba tôi chụp trong khi đóng vai Lử Bố với mặt mũi đầy phấn son và trên đầu là chiếc mũ nạm ngọc với cặp lông công màu cẩm thạch. Lúc sinh tiền Ba tôi thích tấm ảnh này nhất trong số các ảnh hiện còn giữ được

      Đám tang ba tôi không có nhiều người đưa tiễn, chỉ có mấy người bạn già của ba ở trong thành phố; đến từ xa thì có vài nghệ sĩ một thời đứng chung với ba trên sân khấu và vài nghệ sĩ đàn em, cùng với mấy bạn bè của tôi và của anh Trọng. Cái chết của ba thật êm như ngủ, đám tang ba cũng lặng lẽ, âm thầm, không kèn không trống. Đó là ý nguyện của ba. Lúc sinh thời ba nói cả cuộc đời ba đã bị du vào quá nhiều cơn lốc; những cơn lốc tàn nhẫn ngoài đời và những cơn lốc tự mình nhập vai trên sân khấu; gươm giáo loang xoang, trống kèn inh ỏi;  cho nên khi nhắm mắt xuôi tay xin cho ba một lần đi trong thinh lặng.

      Khi chiếc quan tài được đẩy từ từ vào cái hộc vuông của lò thiêu, anh Trọng trong giây phút xúc động tột cùng đã ôm lấy phần cuối của chiếc quan tài, nói trong tiếng khóc: “ Đứa con bất hiếu này đã không còn dịp nào nữa để nói rằng con rất thương yêu ba”.

      Tôi thì tôi tin rằng ba tôi đã thấy hết và đã nghe hết. Thấy một đứa con đã trở về và nghe những  tiếng mà lúc sanh tiền ba chưa nghe được .

      Xin ba thương yêu của anh em chúng con hãy đời đời an nghỉ.

      Tôi đã thay anh Trọng mà bấm cái nút ON khi cánh cửa lò thiêu vừa khép lại. Một cánh màn đã khép lần cuối cho cuộc đời của một nghệ sĩ về chiều.

Enter supporting content here