VĂN Nguyễn Văn Trường
Houston,
Texas
HÌNH ẢNH KỶ
NIỆM: GS NGUYỄN VĂN TRƯỜNG với sinh
hoạt PTGĐTĐ (do BS Đỗ Mỹ Ánh & Nguyên
Nhung cung cấp) Ảnh mới nhất chụp Dec 30, 2017 với cháu gái từ Seattle
đến thăm chú Trường. Hôm đó chú rất vui GS Trường tại buổi tưởng nhớ anh Võ Văn Nghi Ảnh chụp tại buổi Mừng Tết Quý Tị của Gia Đình
PTGĐTĐ tổ chức tại Houston, Texas Cùng thắp nén hương lòng cầu nguyện Hương
Linh Thầy Nguyễn Văn Trường sớm siêu sinh tịnh độ.
AI ĐIẾU Tưởng nhớ 3 người bạn vừa
ra đi: ĐẠT,
KỲ, NGHI (Bài phát
biểu của GS Nguyễn Văn Trường, Đại Diện gia đình giáo sư-cựu
học sinh Trường Phan Thanh Gỉản Đoàn Thị Điểm Cần
Thơ, nhân ngày Tưởng Nhớ anh Võ Văn Nghi, Chúa Nhật
05 tháng 11, 2017 tại LV Art Gallery, 9722 Hwy 90A, Suite 206, Sugar Land, TX 77478) Thưa Chị Nghi, Các cháu thân mến.
Ngay sau Bão Harvey, chỉ trong một tháng, gia
đình Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm Houston chúng ta lần
lượt mất đi ba người thân quí. Quí anh:
*Trương Hữu Đạt, ra đi ngày 24
tháng 9 *Trần Văn Kỳ, ra đi ngày 11 tháng 10 *Võ Văn
Nghi, ra đi ngày 25 tháng 10 Các anh đã
để lại ở chúng ta một niềm tiếc thương
vô hạn, một nỗi buồn vô biên. I. Đạt (1933-2017): 1. Từ vài năm nay, mắt kém, Đạt không lái xe như xưa,
theo lời khuyên hợp lý hợp tình của các cháu. 2. Mỗi Thứ Tư, hàng tuần, và nếu không
phải đi đây, đi đó, để thăm con, thăm cháu, thì
một ông bạn già, trong xóm, anh Thơm đến rước. Nhờ
vậy, chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, hết quán nầy sang tiệm
nọ, dùng cơm trưa. Đat không dùng cà phê, nhưng vẫn đến
quán Ông Già, cùng nghe Bs. Thiệt cho một cái nhìn khái quát
về tình hình thế giới và VN. 3.
Đạt không mấy khi nhận phone, và cũng không phone cho ai trong chúng
tôi, ngoại trừ anh Thơm, vì Đạt không thấy rõ các số.
Thế nhưng, sau bão Harvey, Đạt có gọi tôi cho tin: nhà ngập,
xe đậu ở driveway bị nước ngập đến chỗ ngồi, phải di
tản về ở nhà một cháu ở Pearland, bình an, mạnh khỏe, nhờ
tôi thông tri cho các bạn trong nhóm. 4.
Thế mà, vài hôm sau, Đạt ra đi: ngày 24 tháng 9, 2017.
II. Kỳ (1934-2017): Kỳ và tôi là bạn cố tri, có nhau
trong cảnh khó-bế tắc, cùng đường, hoặc chỉ
còn một nước: Đi chui. Tại 1 buổi họp mặt hàng tháng của PTGĐTĐ
Houston: Anh Nghi, chị Thơ, Thầy Kỳ, anh chị Hiệp 1. Lần đầu gặp nhau ở Tổng Nha Trung Tiểu
Học và Bình Dân Giáo Dục từ 1963, nhưng rồi duyên đưa,
chúng tôi, một đám lục tặc, từ nhiều nguồn, gần nhau
trong công việc, trong nghĩ suy, trong ý tình. Có lắm chuyện làm
cho tuổi trẻ dễ hiểu nhau, dễ hợp với nhau. Nhờ vậy mà
cái tuổi 30-40 thời ấy dễ thành một khối với tiềm năng
không ngừng lớn mạnh. 2. Rồi 30
tháng tư, 1975, mỗi người một ngả. * Người thì đi cải
tạo, tù khổ sai mà không bản án, không biết ngày về.
Bành Ngọc Quí, Nguyễn Duy Xuân, và nhiều người khác phải
bỏ mình vì cải tạo tập trung. * Người thì theo cái gọi
là cách mạng, làm dân biểu quốc hội, hội đồng nhân
dân, làm báo Tin Sáng; có ngươi đành làm cây sậy
của La Fontaine: "Tôi cong, rạp mình, nhưng không gãy gục". * Chúng tôi, Kỳ, tôi, và một số bằng hữu, khoảng 10 tên,
được xã nghĩa tạm sắp loại là công dân tốt, cần
cải tạo tại chỗ. Trong những ngày tối tăm nhất của Miền
Nam VN đó, những ngày mà "cây cột đèn đường, mà
có chân, nó cũng đi chui", Miền Nam đi chui, Miền Bắc cũng
chui, chúng tôi là chỗ tựa cho nhau. 3. Kỳ, với chiếc Honda hai bánh, cũ kỹ, lam lủ, chở
bao bố tời đựng xuyên tâm liên từ Chợ Bình Tây ra chợ
Cầu Ông Lãnh, hay Quận Tư, để bán, lời mỗi bao là hai đồng.
Thế mà khi đưa tiễn lần cuối chị Long, vợ của Lê Thanh Liêm,
rồi Lê Thanh Liêm, rồi Lê Khánh Thoại, rồi Trương Quang Sáng,
và ngay những ma chay trong nhà tôi, Kỳ luôn tế nhị hỏi nhỏ,
có cần tiền, thì Kỳ đã đem sẵn. Không rõ là
bao nhiêu, nhưng cái sẵn sàng, sốt sắng, "khi cần, thi tôi có";
trong khi không ít người, trong cảnh khó chung cho cả nước, phải
thủ, có người không dám gần bạn cũ mà có chút
chức phận ngày xưa, trong chế độ trước. 4. Và không chỉ có vậy. Với Kỳ, không đa
ngôn. Bộc trực, thấy sao nói vậy. Không để bụng, không
khách sáo. Nhất là: không lý luận để biện minh cho
một thái độ hay một hành vi, cũng không phê phán người
nầy người khác, chụp lên người khác cái mà mình
dồn nén bên trong. Người xuề xoa, đơn giản, không mua sắm
gì cho bản thân nhưng sẵn sàng giúp đỡ con cháu bạn bè.
5. Kỳ là hành động,
cụ thể hành động. "Khi bạn cần, tôi có, có mặt, và
thật có lòng, có tình, trong giới hạn khả năng của tôi."
Chúng tôi gần nhau ở điều nầy, ở cái thật tình, thật
lòng, và có thể còn nhiều cái khác nữa. Và chúng
tôi có nhau suốt hơn 17 năm xã nghĩa, từ thời bao cấp-con người
phải lệ thuộc ở sổ hộ khẩu, sổ gạo,
sổ thực phẩm, mỗi người 13,5Kg gạo hẩm, hoặc gạo đầy
thóc, bông cỏ, sạn, những năm phải ăn bobo, sắn, khoai lang- cho đến
thời bắt đầu đổi mới. Rồi tái ngộ ở đây. 6. Kỳ có trí nhớ rất tốt.
Gặp ai một lần, vài năm sau vẫn nhắc lại rõ ràng quen nhau
trong hoàn cảnh nào. Rất trọng tình nghĩa, ai giúp đỡ gì,
chia sẽ gì đều nhớ dù là có khi mấy chục năm sau. Cần cù chăm chỉ lao động. Năm 2002 qua Mỹ lúc đã
68 tuổi mà vẫn đi làm. Sáng 4:30 đã lái xe hơn 40
miles đi làm nhân viên ở trường học. Làm việc chăm chỉ,
sẵn sàng làm thêm giờ, nên được hiệu trưởng và
các viên chức ban giám đốc của trường quý mến.
8. Sau 5 năm đến Mỹ, thi đậu quốc
tịch công dân Hoa Kỳ, đủ điều kiện lãnh lương hưu,
Kỳ nghỉ làm ở trường học năm 2007 ở tuỗi 73, nhưng lại
tiếp tục làm việc cho 1 tiệm giặt gần nhà. Vẫn sáng đi
chiều về cho tới khi cơn bịnh ụp tới từ năm 2014 mới nghỉ
để lo trị bịnh. 9. Tuần lễ
chót, trong bệnh viện, Kỳ còn gọi tôi cho hay là nếu
mọi việc được tốt đẹp, thì cuối tuần,
được về nhà. Có thể Kỳ sợ tôi lo nên không
nói thật tình trạng của mình để chúng tôi luôn lạc
quan, nhìn cuộc đời trong hi vọng. Thế mà, vài hôm sau,
thứ tư 11 tháng 10, 2017, Kỳ ra đi. III.Nghi (1934-2017): 1. Chúng
tôi biết nhau, trễ lắm, trong cái nôi Phan Thanh Giản-Đoàn
Thị Điểm của chúng ta. Chị Thơ, phu nhân của Anh, là
cựu học sinh trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. Chị Thơ, cùng
đông đảo quí chị: Huệ-Trưởng Nhóm của chúng
ta trong nhiều năm liền, Hương, Diệu, Ánh Nguyệt, Thanh
Thủy, Ngọc Bích, Phước, Cúc, Nga, Liên, cô Tám Thu Nguyệt,
Diễm Phượng, Nguyên Nhung,v.v...và cháu Hoàng Thúy, cùng các
đấng phu quân, là thành phần năng nổ, chịu khó,
bền lòng, gầy dựng, cũng cố và phát triển
Hội Đoàn Cựu Học Sinh-Giáo Sư Phan Thanh Giản-Đoàn
Thị Điểm Houston. 2. Khoảng bốn,
năm năm gần đây, Anh cho biết mình bị bệnh nan y. Mỗi
lần gặp nhau, Anh gầy hơn, nước da trắng phảng phất
tí màu xanh, tóc có thưa hơn. Nhưng bước qua cái bát
thập, thì ai mà tóc không thưa, đầu không sói; cũng
ít có ai không ốm, không gầy. Anh vẫn giữ nhịp
sinh hoạt bình thường, cùng Chị đi hội họp thường
xuyên với chúng tôi. Chị được anh chị em tín nhiệm
là "nhạc trưởng" trong ban nhạc tổ chức Đại
Hội PTG-ĐTĐ 2017. Chị có những ngần ngại hợp
lý, hợp tình: Anh đang bệnh, và bệnh có thể biến
chuyển. Nhưng Anh bảo Chị: "Em cứ nhận, không sao đâu,
đừng vì bịnh tình của anh mà phụ lòng tín nhiệm của
anh chị em." Ban tổ chức kêu gọi anh chị em Houston đóng
góp để làm phương tiện buổi đầu trong việc tổ chức.
Chị Thơ: ‘Xin đóng 100." Anh Nghi: "Thêm 100 nữa đi em."
Và trong Đại Hội, tháng 5 vừa qua,
Anh cùng 5 cháu -Hoàng Thư, Hoàng Thúy, Hoàng Thắm, Hoàng Trân,
Hoàng Trúc-góp mặt trong một màn múa cực đẹp: Đêm
Hoa Đăng. Đêm Hoa Đăng đẹp ở màu sắc, ở điệu
múa nhịp nhàng trong tiếng nhạc cuốn lôi. Đêm Hoa Đăng
cũng là tuồi về chiều, tóc bạc trắng, áo Trạng
Nguyên, - đỉnh cao, không là của trí tuệ loài người,
mà là cái maturity, cái wisdom, tương đối cao với tuổi
trẻ đang lên, đang trăm hoa đua nở. Một sự tương
phản dễ thương, hình ảnh một kế thừa cần
thiết. Để chấm dứt điệu vũ, Anh Nghi và 5 cháu
nắm tay cúi chào hơn 700 người dưới hội trường im phăng
phắc, dường như vẫn còn sống với Đêm Hoa Đăng. Đó
phải chăng là cái chào vĩnh biệt của Anh với chúng ta? Và
người trong cuộc-Chị Thơ, Chị Huệ, và tất cả
chúng tôi đều cảm nhận cái mong manh của thân phận.
Cái đẹp nào cũng mong manh! Tôi có xem lại Đêm Hoa Đăng, Video Đêm Đại Hội,
không thấy Đạt-vì một lý do riêng không dự được
(?), nhưng thấy Kỳ ngồi bên chị Chi, thoải mái, khỏe mạnh.
Nghi thì có lần nhẹ nói với tôi: "Nó đã ngưng,
và lùi xuống dưới cổ, mà nay hình như nó di động
lại, hướng lên đầu." Quỹ thời gian của Anh
như sắp cạn. Thế mà Anh vẫn bình tĩnh, thủ vai Ông
Trạng với 5 người nữ trẻ trung, đẹp lộng lẫy trong điệu
múa Hoa Đăng trống kèn nhôn nhịp, màu sắc rực rỡ.
IV.Bài
học cho tôi qua 3 người bạn Sự vắng bóng của Đạt, sự hiện diện
của Kỳ-Chi và Nghi-Thơ trong Đêm Đại Hội; mỗi người
mỗi cảnh, mỗi cảnh mỗi khác. 1. Đạt,
mắt kém, nên suốt các buổi gặp nhau Thứ Tư
hàng tuần, thường yên lặng, lắng nghe, làm như gợi
ý: * Sự tĩnh lặng của nhà Phật, để lắng
nghe, để bắt gặp cái sâu nhất ẩn tàng trong
lời, trong giọng nói của tha nhân. * Hoặc: Cuộc đời
về chiều, thì phải trầm mặc, nhâm nhi, từ từ
nếm cái phẩm chất thật sự của giòng đời.
* Hoặc: "hãy lấy thanh tịnh làm dụng mà ở đời." 2. Kỳ bên Chi, như nhắc nhở tôi: * Tri mà
không hành là lý thuyết suông, không đi đến đâu.
Hành mà không tri, có thể nguy hiểm, vì không lường
trước được hệ quả của hành động.
* Nhưng hành trước đã, rồi học lấy kinh nghiệm,
thì đó là cái học thực nghiệm. Và điều kiện
tiên quyết là tâm phải thành, ý phải chánh, thật thà
với chính mình trong nhận thức đúng sai, phải trái ngay
sau khi thực nghiệm. * Trên năm thập niên có
nhau, hình như mọi hành động của Kỳ là vị tha, vô ngôn,
nhưng ngầm nói với tôi: "khi tôi vừa chào đời,
thì chỉ có mình tôi khóc mà mọi người đều
cười; khi tôi lìa đời, mong rằng chỉ mình tôi cười
mà mọi người đều khóc"[1] 3. Nghi, trong quá trình
mà tôi vừa kể trên, thì như có nghĩ suy khác hẳn:
* Biết lắng nghe tha nhân, lấy thanh tịnh làm dụng, để
ở đời: Đó là một điều tốt. *
Biết xử thế trọn tình trọn nghĩa, để khi lìa
đời, mọi người đều thương, đều tiếc;
thì quá hay. * Tuy nhiên, không nên nghe lời dọa của các
cha, các sư sãi - cái tội tổ tông, hay đời là khổ,
khổ chồng thêm khổ - rồi nghĩ dại, ‘bỏ đời
theo nhà thờ hay nhà chùa'. Chúa ở trong tâm, Phật tánh
nằm trong tâm. Đừng nhẹ dạ nghe lời xúi dại đi tìm
Chúa ở nhà thờ, hay Phật trong chùa . * Trăm năm
đời người như bóng ngựa qua cửa sổ.
Mới đó, mà giờ đã quá 80. Và Ông Xanh không
cho một ai biết tuổi thọ của mình đến ngày nào,
tháng nào, năm nào. Vậy, phải nắm bắt
duyên may, sống hết cái hồng ân có được hôm
nay. Quỹ thời gian: một ngày qua là vơi thêm một này;
càng vơi, thì càng phải "chịu chơi", trọn vẹn với
tình với nghĩa, với vợ, với con cháu, với bè
bạn. Một cuộc sống tràn đầy. Nếm hết
cái tân khổ, vui hết cái vui của đời người;
có suy tư, có lý luận, và cũng đủ hỹ nộ ái
ố ai lạc dục, trọn vẹn với hồng ân, sống đầy
từng ngày, từng phút, từng giây, để khi Trời
kêu, Chúa gọi, ra đi không luyến tiếc. Cho nên Anh căn
dặn Chị: ‘Khi Anh ra đi, chỉ cho bạn bè, thân thuộc hay biết
sau khi tang lễ. Rồi mời một buổi cơm trưa họp
mặt không nhuốm màu tang chế, có kể chuyện, có nhạc, có
ca hát, để mọi mọi người vui tiễn Anh về với
tổ tiên, ông bà. Là lính, Anh đã trọn vẹn với non sông,
đất nước. Anh đã vì Trách Nhiệm người trai thời
chiến mà cống hiến tuổi trẻ cho Danh Dự, Tổ
Quốc. Tha hương, Anh dành cho Em, cho con, cho cháu, cho bè bạn bốn
phương, và đó cũng là cho chính mình. Cho nên, không còn
gì để nuối tiếc.' Thưa
Chị Nghi, Tưởng nhớ Anh, cũng là nhớ Kỳ và Đạt.
Ghi lại đôi nét đặc thù mà ba anh Đạt, Kỳ, Nghi, mỗi
người một vẻ như nhủ với bọn tôi: người
thì như mở cửa Thiền tông, người thì như ngầm
bảo đóng góp, đóng góp cho tuổi trẻ, cho tha nhân, làm
cho cuộc đời thêm đẹp, và Anh như ngầm bảo hãy trở
về với chính mình, mình chỉ có một cuộc sống
trên dưới 100 năm, mà ngày về mong manh như treo trước
mắt mọi lứa tuổi; và sống là sống với
tha nhân và vạn vật, có người có mình. Hãy sống
hết, sống đầy cái ân sũng của Ơn Trên. Rồi
vui vẻ ra đi. Ghi lại, để nhớ những hình ảnh, những
quảng đời, để chúng ta thêm sức, thêm can đảm,
trọn vẹn với giòng đời, giáp mặt với mọi biến
cố, bối cảnh, và như hôm nay, để giảm cái buồn
ly biệt, niềm thương tiếc người ra đi. Nguyện
cầu Anh sớm tiêu diêu nơi Miền Cực Lạc. Mong Chị
có nhiều can đảm và sớm trở lại cuộc sống
bình thường. Kính, Nguyễn Văn Trường
[1] Lời của một giáo sư Trường Đại Học Sư Phạm
Paris ở thế kỳ thứ 19 (?)
Tản mạn: Từ chuyện "Con
Ruồi" của Lê Công Tâm đến
"To Kill a Mockingbird" của Harper Lee và
Gương của một đoạn đường tu tập
Nguyễn Văn
Trường 1. Duyên đưa.
1.1. Sự. Tôi, là
một đứa bé của đồng quê, học Trường Tiểu học Vũng
Liêm, từ lớp tư đến lớp nhất, cách nhà 4 cây số, đường
đất, phải qua bốn cây cầu - cầu tre lắc lẻo, khó đi.
Cả quận Vũng Liêm, năm 1943, chỉ có
hai trò trúng tuyển vào Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ, thằng
cháu tôi đậu cao, nhưng vì không được học bổng, nên
bỏ học, và tôi , hạng chót. Với
cái tuổi 12-13, đi học Trường PTG, là rời làng mạc, lên
thành thị, lần đầu đi học xa, như đi du học.
Vào Trường PTG, là: * Rời
bỏ cuộc sống thư thả của nhà quê, dễ dãi trong gia đình;
* Rời cái học: "Thương cho roi cho vọt",
của các lớp Tiểu học; * Vào
"trường lớn", tập tành học trách nhiệm, học sống với
tha nhân; * Và ít nhiều dấn thân
vào cuộc sống chen lấn của thị thành. Những ấn tượng đầu đời nầy, ăn sâu trong tôi,
và lớn mạnh khi tôi từ Huế về Sài Gòn, 1963, gặp lại
các bậc đàn anh đi trước trong Hội Liên Trường.
Tóm lại, tôi lớn lên trong cái
nôi của Trường PTG, về Sài Gòn được sinh hoạt với
bậc đàn anh, rồi sang đây, xứ lạ quê người, với các
bạn trẻ, cùng là học trò cũ của trường xưa, tiếp tục
gặp nhau hàng tháng, hoặc trong những Đại Hội Thường Niên, nương nhau, tạo cho nhau một sinh khí quê hương.
Trong bối cảnh đó, tháng 5 vừa qua,
chúng tôi, những học trò cũ, giáo sư của hai trường
Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm Cần thơ cùng thân
hữu có tổ chức ba ngày Đại Hội, đánh dấu lần thứ
21, thường niên gặp nhau. Sau đó
là một chuyến đi du thuyền, một tuần lễ. Tôi, vì những lý do riêng, phải ở
nhà: Đọc Đặc San PTG-ĐTĐ 21. Đọc để vui đọc. Đọc
để nghe nhịp sống chung chung của anh chị em chúng tôi, của quí
vị giáo sư trường chúng tôi, đọc để đón gió
bốn phương, Canada, Úc, Pháp, Garden Grove, San-Jose, Seattle, Virginia, Maryland. Đọc
cũng là để sống lại thuở ban đầu, nhiều vất vả và
thách đố ấy. Duyên đưa, cho tôi gặp "Con Ruồi"
của anh Lê Công Tâm, trang 141, Đặc San PTG-DTD 21, 2017. Tác giả ƯU THỨC (Lê Công
Tâm) 1.2. Lý.
Cách đây hơn 4 thập niên, tôi gặp cảnh cùng
khổ, tôi phải gõ cửa nhà Thờ, nhà Chùa, đọc Thánh
Kinh, đọc Kinh Phật, hỏi Lão Trang, tìm lại Nho Giáo. Duyên đưa,
tôi gắn bó với Phật Gia, tu Thiền Tứ Niệm Xứ, hành Tứ
Vô Lượng Tâm. Tôi được dạy: Tiệm Tu và Đốn Ngộ.
Và tôi cũng có những chứng nghiệm cụ thể, tiêu cực và
tích cực. Quý thầy thường
dạy: "Mỗi người chúng ta đều có Phật Tánh, ai cũng
có thể thành Phật." Kinh Pháp Hoa, Quyển VI, Phẩm 20, Thường
Bất Khinh Bồ Tát hay nói: "Tôi chẳng dám khinh quý Ngài,
quý Ngài đều sẽ thành Phật". Có thầy thúc dục:
"Tu mau, kẻo trễ." Trì tụng Kinh Bát Nhã, nhiều nghĩa,
tôi lại hiểu là: vì "vô sở
đắc mà tam thế chư Phật viễn ly điên đảo, vọng tưởng
Niết Bàn". - Thế nên, tôi
nhập tâm và hoan hỷ nhận cái ý, cái hướng là: Tu
Phật, không là để đạt một sở đắc, một quả
A La Hán, Bồ Tát, hay bất cứ một quả vị nào;
- Tôi lại nhận thấy: Hầu như ai ai
cũng muốn về Nước của chư Phật, nước của Chúa, mà
khi đến ngày về thì tìm mọi cách nấn ná ở lại
trần gian;
- Tu là một quá
trình hình thà nh, luôn sẽ thành, sắp Giác Ngộ Chân
Như; vậy, người tu là một đức Phật sắp thành.
Cho nên, phải biết vui với tâm thái đang hình thành, giác
ngộ cái đúng, cái chân như, đúng đó nhưng rồi
trong một sát na, một khắc, một thời gian sau thì nó không còn
đúng nữa, để bước tới , vui với đúng sai, hay dở, thành
bại.
Tâm thái dính mắc nầy (1.2), và bối
cảnh nêu trên(1.1), đưa duyên tôi được
gặp "Con Ruồi của anh Lê Công Tâm. 2. Con Ruồi "Con Ruồi" là chuyện của một
tu sĩ chuyên tu-chuyên cần tu hành, mà
tác giả gọi là "đức Phật", với chữ
‘đức" nhỏ-lower case; có lẽ nhằm để phân biệt với
Đức Phật-Như Lai, Đấng Giác Ngộ. Tuy nhiên, hai hiền hữu của tôi, có phản ứng rõ
ràng, dứt khoát. - Người
thứ nhất, một bà Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, mà
cũng là người mà tôi thường hỏi, để học, mỗi
khi có một vấn nạn khi tu học. Đại để, Bà khẳng định:"Nói
Phật là nói Đấng Giác Ngộ, không có chuyện một "đức
Phật sắp thành". Đó là chuyện bịa đặt, không
có thật. Thầy nên bỏ đi;
- Người
thứ hai, đàn anh của tôi vừa ở tuổi tác, vừa
trong làng giáo, vừa chịu khó đầu tư công
sức và thời gian, nhiều năm, cho nhiều công trình nghiên cứu
nghiêm túc về Phật Học. Anh viết cho tôi:"Ở
đây, danh từ ‘đức Phật' (trong câu: đức Phật mở
mắt) dùng không đúng, là vì nếu là ‘đức Phật'
thời câu chuyện sẽ không thể xảy ra như theo óc tưởng
tượng của Lê Công Tâm. Đáng lý phải dùng cụm
từ ‘đức Phật đang thành', hay ngắn gọn hơn, ‘cư sĩ'.
Chính vì ở trong địa vị cư sĩ thời óc tưởng tượng
(óc phịa chuyện) mới tác động được. Những lời
kêu thảm thiết của con ruồi hay câu hỏi giận dữ của con nhện,
và ngay cả câu trả lời của ‘đức Phật đang thành'
đều do óc tưởng tượng (của Lê Công Tâm?) phịa ra.
Câu ‘Đức Phật thấy con đường còn rất xa' là một
câu vô nghĩa. Phật là
Giác ngộ hay Tánh Không. Vậy Ngài chẳng thấy con đường
nào rất xa như Lê Công Tâm tưởng."
Anh xác quyết lời của Bà Huynh Trưởng mà
tôi vừa nêu trên. Dùng
chữ "phịa" thì hơi nặng. Nhưng thật thì đó là
chuyện phịa; mà phịa được một chuyện như vậy, không
phải dễ; và đúc được một từ "đức
Phật", để gán cho một cư sĩ chuyên tu-một đức
Phật đang thành mà trong khoảnh khắc, tưởng rằng sắp
thành đạt, thì ngộ ra rằng con đường còn xa, càng khó
hơn. Câu chuyện là "phịa"
đấy, nhưng rất là người. Những đối thoại
qua lại giữa Nhện và "đức Phật" hay giữa Ruồi và đức
Phật, là những tiếng nói nội tâm-khéo gói ghém- của
người cư sĩ chuyên tu. Nghĩ
cho cùng, cái chuyện phịa đó, là một sáng tạo ít có:
- Đã tạo những phản
ứng thẳng thắn, từ những hiền hữu mà tôi hằng kính thương.
Nhờ đó, tôi được biết quí hiền hữu của tôi
còn mạnh khỏe-ở thể chất, trí tuệ và tâm linh. Ở tuồi
quá 80, hay đã tròn 92, mà còn giúp tôi hiểu thêm là
khi nói là Phật, tức là Đấng Giá Ngộ. Cho nên, tôi
vui và thích thú đón nhận lởi phê phán. Ở tuổi của
chúng tôi, quỹ thời gian sắp cạn, mà còn dành cho nhau, một
lời khuyên, một xác quyết, thảo luận với nhau, email cho nhau, thật
là quí;
- Đã thành
công, tạo duyên cho tôi bị dẫn, hết chuyên nầy sang chuyện khác.
Từ chuyện, ngỡ rằng đến đích, nhưng rồi thức ngộ con
đường còn xa, thì giờ đây sang chuyện giáo dục con em.
3. Duyên khởi thêm duyên. To Kill a mockingbird.
3.1. Sự. Cũng trong khoảng
thời gian trên-trước spring break vài hôm-Catherine, cháu nội chúng
tôi, 13 tuổi, lớp 8, ở một Middle School, ở Austin, phải đọc quyển
"To Kill a Mockingbird", trong chương trình do nhà trường
qui định. Cháu gọi tôi, và muốn "trao đổi" với tôi
về một vài điều trong nội dung quyển sách nầy. Nội dung mà cháu đưa ra gồm ở hai điểm:
- Mình không bao giờ thực sự biết lòng người
ta cho đến khi "mình đi guốc trong bụng họ".[1]
- "Hãy
nhớ nhé: đó là tội lỗi khi giết một
con chim nhại." "Chim nhại không làm gì khác hơn
là líu lo ca hát, hát tự trong tâm, cho ta thưởng thức.
Đó là lý do tại sao nói là tội lỗi để
giết một con chim nhại."[2]
Cháu nói:"Killing a mocking
bird is like killing man's innocence", mentioning especially kid's innocence. 3.2. Lý. Hầu hết, chúng ta, ai ai
cũng được duyên làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, hướng
dẫn, dạy dỗ con em mình. Riêng tôi, lại thêm cái nghề
làm thầy: thầy giáo. Làm thầy giáo, tôi được học
trò tôi cho tôi một "bí danh", mà tôi không thấy hãnh
diện chút nào: "tuổi con cọp". Và đã có ít
nhất hai giáo sinh viết thơ cho tôi:"Thầy nóng nảy. Càng nóng
nảy, càng làm tụi con quớ, không có ích lợi gì".
Tôi cũng nhớ những năm học Tiểu
học, cái giáo dục "thương cho roi cho vọt". Vì sợ đòn
mà tôi học giỏi. Và tôi-và bạn bè tôi- có bị
những trận đòn oan. Pháp và
Mỹ có câu tương đương với "thương cho roi cho vọt":
"Qui aime bien, châtie bien."[3] "Spare the rod, spoil the child."4 Nhưng trong học đường Pháp,
từ lâu đã cấm "peine corporelle". Ở Mỹ, từ lâu, dùng
roi vọt với trẻ con sẽ bị Child Protective Service can thiệp và có thể
ra hầu tòa. Thiết nghĩ: làm cha,
làm mẹ, làm thầy cô giáo, trong giáo dục con em, nên ghi trong tâm
hai điểu: - Phải
biết lắng nghe, để hiểu biết chúng nó. Không có sự hiểu
biết nầy, thì làm sao thể hiện giáo dục?
- Thiếu sự hiểu biết nầy, không khéo ta bạo
hành đứa nhỏ, nói tiêng, có thể giết chết tính ngây
thơ trong sáng của nó.
Vậy, nếu ta bắt
gặp một chân lý, chân thật bất hư, chắc như bắp rang,
thì hãy nhớ lại gương của người cư sĩ của anh Lê
Công Tâm, trong phút chốc đã ngộ được rằng "con đường
còn rất xa", để không tròng, không giam, không nhốt trẻ
trong bất cứ một gía trị nào: hãy để trẻ con
là trẻ con, để cho cái thơ ngây của chúng bắt gặp
các giá trị, để chúng nghĩ suy, phát triển, và dần
dần êm ả hội nhập. 3.
3. "To Kill a mockingbird." là tựa và là đề tài chính
của quyển truyện của bà Nelle Harper Lee, một quyển truyện
được giải thưởng Pulitzer, năm 1961, được Presidential Medal of Freedom for literature, năm 2007, và cũng trở thành quyển truyện cổ điển
trong văn học hiện đại Mỹ; được quây thành phim truyện,
và phim nầy được nhiều giải thưởng. 3.3.1. Chim nhại[4]-mockingbird-ẩn dụ cho sự ngây thơ. "Ngây" hàm ý,
ngây dại, dại khờ, "thơ" nói: thơ ấu, trong sáng, chưa
nhiễm bụi đời. Ngây thơ, trong trong bối cảnh nấy có hai nghĩa
tương đương nhau: - Innocence của người Mỹ. Innocence gồm có
tiếp đầu ngữ "in", có nghĩa phủ định, và nocence mà
gốc la-tinh là "nocere" có nghĩa là "to harm"; như vậy innocence
có nghĩa là không hại ai, not-nocere.[5] Trong cái nghĩa nầy, ngây thơ cũng nói: vô-tội;
-
Thiện, trong
"nhân chi sơ tánh bổn thiện" của Mạnh Tử, hoặc là
"tốt" trong "con người sinh ra vốn tốt, chính xã
hội làm nó băng hoại"[6] của J.J. Rousseau. "Thiện" và "tốt"
chính là cái hồn nhiên, thơ ngây, trong sáng của tuổi thơ,
phi giá trị, phi không gian, phi thời gian; "thiện" không phải là
thiện đối với ác; "tốt" không là tốt đối với
xấu. "Bản lai diện mục của nhà Phật" có
thể - trong cái nhìn nầy - là trở về với cái tính phi giá
trị, "phi thiện phi ác"[7], của trẻ thơ.
- Câu nói của Rousseau làm
cho ta nghĩ đến ‘tính người vốn gần nhau, do tập
tính mà xa nhau"[8] trong Luận Ngữ. Tuy nhiên, Rousseau nói rõ hơn, Ông khẳng định:
"chính xã hội làm nó băng hoại". Xác quyết nầy là
cho chúng ta phải nghĩ:
1. Giáo
dục - do gia đình, học đường hay cuộc sống hợp quần - có
hai mặt - mâu thuẫn hay xung đột nhau: giúp đứa trẻ thành người
và cũng làm băng hoại tính ngây thơ, cái tốt tự nhiên
của nó; 2. Hình như ông phân
biệt "trồng người" với giáo dục. Ông
phân biệt culture với education: Culture-trồng trọt- trong nghĩa agriculture.[9] Giáo dục là đem lại cho trẻ thơ một nếp sống văn hóa.
Trồng cây, thì trong ruộng lúa, vườn dừa, vười mận, cây
cối đồng loạt như nhau cùng một thứ đất, thứ phân, thứ
nước tưới. Nhưng trong giáo dục, mỗi con người mỗi khác,
mỗi cá tính đặc thù, không thể xem chúng in nhau, dù chúng
cùng tuổi tác, cùng giới tính, cùng cha cùng mẹ..."Mỗi
lứa tuổi, mỗi điều kiện của cuộc sống đều có sự
hoàn hảo phù hợp, một sự chín chắn phù hợp với nó",[10] "Trưởng thành là một tâm thái sẵn
sàng hội nhập vào thế giới lý luận. Hãy cho
phép trẻ con là
trẻ con trước khi trưởng thành".
Cái ý của Rousseau như tô đậm nét
đề tài "to Kill a Mockingbird." 3.3.2.
Thời tiểu học của tôi, hình như không một ai hiểu, thấy
cái sợ roi vọt của chúng tôi, hình như cũng không một ai
trân trọng cái thơ ngây của tuổi thơ trong chúng tôi. Thời
tôi làm thầy giáo, giáo sinh của tôi nhìn tôi trong hình
ảnh của một thầy giáo nóng nảy, và đã gán cho tôi
cái bí danh "tuổi con cọp". Tôi có ý thức điều nầy,
có tiệm tu-tu thân, để trở về với cái "bản lai diện
cục" của tôi là "tuổi con ngựa," mà làm thế nào
được: cái gì đã qua rồi, làm sao sửa được. Thế
nên, tôi ước mong: quí vị lãnh đạo tinh thần, lãnh đạo
chánh trị, lãnh đạo cộng đồng lớn nhỏ, lãnh đạo
giáo dục, phụ huynh, thầy cô giáo: - Thận trọng, trân trọng cái tính ngây thơ, vô tội-trong
cả hai nghĩa nêu trên-của con người;
- Đừng vì thiên kiến, do đức tin-tín ngưỡng,
chủ nghĩa, triết thuyết, dư luận quân chúng, phong tục, tập
quán, hoặc những sở đắc của tự thân- mà bạo hành
trẻ con, xem rẻ quyền sống của con người;
- Thiên kiến làm ta nhìn lệch, nhìn sai, không
thấy thật. Nhưng thiên kiến rất là người,
ai ai cũng có; cho nên, khi ngỡ rằng mình thành đạt, bắt
gặp chân lý, thì nên nhớ người cư sĩ trong chuyên "con
ruồi", trực ngộ con đường còn xa, mà
đắn đo, nghĩ lại;
- Giáo
dục là phương tiện gỡ bỏ cái màng che thiên kiến.
Giáo dục là khai mở: mở, vứt bỏ màng che, giải phóng
con người. Cho nên một đặc tính của giáo dục là
khai-phóng. Vậy, giáo dục không
là nhồi sọ. Nhồi sọ - nhồi nhét, bắt buộc
hằng ngày phải lặp đi lặp lại cùng một động tác,
cho đến nhuần nhuyễn, mới thôi. Nhồi sọ nhằm điều
kiện hóa con người, để tiện điều khiển, sai khiến, khi
cần. Nhồi sọ nhằm đóng khung con người trong một mẫu người
ít nhiều rõ nét;
- Giáo dục
nhằm tạo ra những cá thể có một cá tính, một tâm
tư, một lý trí, biết thương yêu hờn giận, biết lý
luận, phê phán, ý thức mình đối chiếu với tha nhân và
môi trường, ý thức quyền hạn và trách nhiệm; trong giới
hạn nào tôi là tôi, và tôi là một thành phần của
cộng đồng của tôi;
- Nói
riêng, mỗi cá thể phải biết lắng nghe, tìm hiểu những
cá thể khác, và như thế phải nghe được tiếng
nhạc trầm bổng, bá vạn âm vận của môi trường.
Tôi tha thiết với những điều vừa
nêu, nhưng nhìn lại tự thân: là một thầy giáo, tôi cảm
nhận tôi có một cách dạy áp đặt, và điều đó
ít nhiều vì tự tin. Thế nên, tôi đã xa lạ với cái
lắng nghe của nhà Phật, tôi thiếu tâm từ, tâm bi, tôi không
biết ngưng động tâm thái trong một thời lúc, để bắt
gặp ít nhiều những nghĩ suy, dòng suy luận, hay sự dao động trong
học trò của tôi. Có lẽ vì đó, mà câu chuyện
giác ngộ rằng "con đường còn rất xa" trong bài "Con
Ruồi" là một gương sáng cho tôi. Tôi mong những đồng nghiệp trẻ của tôi, lưu tâm
đến cái gương sáng nầy. 4. Duyên lại dẫn thêm duyên. Tuy nhiên, "noi gương" không có nghĩa
là "xưa bày, nay làm". Xưa, "Thân thể phát phu,
thọ chi phụ mẫu bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã"[11], thì ngày nay, hầu hết, ở mọi nơi, nam, nữ, già trẻ, đều
hớt tóc, cắt móng tay, thậm chí có người xăm mình.
Trong
một giới hạn nào đó, Đức Khổng, giam người trong một
chữ Trung - lắm người thành danh vì chết lảng
xẹt cho - hay vì - một hôn quân vô đạo.. Và
như thế, trong nhiều thế kỷ. Vì nhẹ dạ, chạy theo
dư luận, tin ở giới khoa bảng, phong các ngài là thánh; thế
rồi nghe các ngài xúi dại, mà lắm người thiệt thân.
Vì cái trật tự Quân Sư Phụ, Tứ thư, Ngũ
kinh mà cả dân tộc Việt Nam, dưới các triều đại chịu
làm nô lệ cho triều đình nhà vua. Đất đai, tài sản,
sinh mạng của riêng mình và của con cháu ba đời, đều thuộc
nhà vua. Có thể nói:
cho đến khi tiếp cận với Tây Phương, trong ngôn ngữ kẻ
sĩ, của triều đình Việt Nam, hay cả của Trung quốc, không có
từ "tự do", và theo đó, cũng không có từ "nô lệ".
Dân Việt hay dân Tàu, có một thời gian dài nhiều thế
kỷ xem việc nô lệ cho nhà vua và triều đình là một gía
trị luân lý tối thượng. Nói đi rồi cũng phải nói lại: Không phải tất
cả cái di sản của cha ông chúng ta đều lỗi thời, phải đập
bỏ. yCái di sản của tiền nhân là công sức, trí tuệ, thời
gian và không biết bao nhiêu tâm huyết mà các thế hệ đi
trước ấp ủ, ân cần trao lại, không phải để ta thụ động,
ôm cây đợi thỏ, cũng không phải để ta ỷ lại mà
phung phí, hay tự cao tự mãn, đập bỏ , phá sạch, để rồi,
mất gốc,chơi vơi, không còn một cơ sở nào, không còn
một nền tảng giá trị nào, để trên đó ta xây dựng
một nền văn minh, văn họcVN, có khả năng đi cùng nhịp với
thời đại hôm nay. Ta phải biết trân quý, nghĩ suy, cân nhắc,
đắn đo, để khai triển, mở rộng, làm giàu mạnh cái
di sản của cha ông, làm cho phong phú hơn mãi và nói riêng,
làm cho đời sống mọi người ngày càng dễ chịu hơn.y
5 . Con đường còn xa? Nên
chăng kết luận bài nầy bằng một chữ: Duyên?
Duyên đưa, từ cái gốc - Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ - cho
gặp CON RUỒI của Lê Công Tâm, đưa vào những suy nghĩ, rồi
nhờ bằng hữu mở rộng tầm nhìn, lại được cô cháu
kéo vào một thế giới khác, thế giới phịa của bà Harper
Lee, đầy kịch tính, làm tôi nhớ chuyện xưa, nghĩ chuyện nay,
nghĩ đến thân phận nô lệ của các quan lại, giới khoa bảng
thời xưa, nghĩ đến đôi nét Việt Nam, xưa và nay. Duyên
thống nhất bài viết. Tôi thích thú theo Duyên.
Thế nhưng, tôi lại muốn kết luận
bằng câu chuyện xưa, học trong Cổ Học Tinh Hoa: Thầy Tử Cống hỏi Khổng Tử: "Tử này mệt
về học, khốn về đạo, bây giờ muốn nghỉ để thờ
vua có nên không?" Đức
Khổng Tử nói: - Phận làm
tôi thờ vua, sớm tối kính cẩn, mà cho trọn được chức
trách cũng là việc khó, nghỉ thế nào được.
- Vậy xin nghỉ để thờ song thân?
- Lòng con hiếu thờ cha mẹ thật là
vô cùng, lại có thể lấy sự hiếu thảo của mình cảm
hoá được lòng người cũng là việc khó, nghỉ thế
nào được! - Vậy xin nghỉ
để vui chơi với vợ con? -
Đạo làm chồng phải làm gương cho vợ, lại để cho anh
em và thiên hạ trông vào mà bắt chước cũng là việc
khó, nghỉ thế nào được! - Vậy xin nghỉ để chơi với bầu bạn? - Nghĩa bầu bạn phải giúp đỡ nhau, hết lòng
hết sức với nhau, cũng là việc khó, nghỉ thế nào được!
- Vậy xin nghỉ để làm ruộng?
- Công việc nhà nông phải cày,
cấy, gặt hái hai sương một nắng, chân lấm tay bùn, cũng là
việc khó, nghỉ thế nào được! - Như thế thì Tử này không lúc nào được
nghỉ ư? - Có chứ. Lúc
nào ngắm thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, trông thấy cái
mồ đắp chắc chắn, ngó thấy người đi đưa cách biệt
hẳn mình, ấy lúc bấy giờ mới là lúc được nghỉ
đó. Thầy Tử Cống nói:
- Như thế cái chết chẳng là cái
hay à! Người quân tử đến bây giờ mới được nghỉ;
kẻ tiểu nhân đến bây giờ mới chịu thôi, cái chết thật
là hay vậy! @ Con,
hậu sanh, hậu học, không hiểu được cái học xưa nặng
nhọc như thế nào, mà làm Thầy thấm mệt. Con
cũng không rõ cái Đạo của người quân tử khó như
thế nào để làm Thầy phải khốn. Con, không vì chỉ một câu chuyện nhỏ đọc trong Cổ
Học Tinh Hoa, thời thơ ấu, mà dám phê phán hay bình luận về
người xưa. Con chỉ muốn nhờ
câu chuyện của Thầy làm duyên, để chúng con học hỏi.
Bỏ khó tìm dễ và cái tâm lý
muốn nghỉ ngơi, trong cái nghĩa câu chuyện vừa nêu, là thường
tình, rất là người. Ai ai trong chúng con cũng ít nhiều mắc
phải. Nhất là trong cái học làm người. Cái học của người xưa, trong cái nhìn Khổng
gia, có thể tóm lại trong câu: "Cách vật, trí tri, thành ý,
chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ."
Cái học hôm nay không khác mấy. Có
khác chăng là nội dung của mỗi từ, mỗi chặn đường học
hỏi. Ví dụ: trí tri xưa như ngầm hiểu phải tới cùng
lý, thì hôm nay đông đảo người nghĩ rằng trong
tri (nhận thức, hiểu biết) có trí; trí tuệ (minh
trí thông đạt) có thể giúp con người: -
Không tự xây cho mình cái tháp
ngà thành kiến, tiên kiến, định kiến, để tự giam mình
trong ấy, giam mình trong một tâm thức tự mãn, tự kiêu, ung dung tự
tại, nghỉ ngơi trong một cái nhìn lệch về cuộc sống;
-
Luôn mở rộng tri thức, ý thức rằng
mỗi thành quả chỉ đánh dấu một chặn đường, để
khỏi đầu cho một chặn đường khác, và như thế mãi.
Có lúc, con người ngủ nghỉ, để
tái tạo sinh lực cần thiết. Trong những lúc ấy, tim vẫn không
ngừng đập, máu vẫn tuần hoàn, hô hấp hít vô thở
ra vẫn đều hòa, không ngừng nghỉ. Cho nên, ngừng nghỉ, nghỉ
ngơi như trong câu chuyện Thầy Tử Cống, là hình ảnh thu hẹp
cuộc sống, rút lui khỏi giòng đời. Nó biểu hiện cái chết.
Chết một phần khả năng sống. Chết trước khi chết.
Vì vậy, mà Đức Khổng dạy là chỉ khi nắm dưới ba tấc
đất mới được nghỉ ngơi. Cuộc
sống là một giòng chảy, không ngừng luân lưu, biến chuyển.
Theo đó, cái học cũng là một giòng
chảy, thường xuyên tiến hóa. Tím hiểu - phân tích, sắp
loại, tổng hợp, lắm công phu, vấn hỏi - hỏi sách vở, hỏi
người xưa, người nay, rồi phải nghĩ suy, thảo luận, luận bàn,
lắng nghe lẫn nhau, nhận thức dị biệt, và chứng nghiệm trong thực
tiển hằng ngày. Đó cũng là ý "học,
vấn, tư, biện, hành", là lời dạy của Thầy
Mạnh. Như thế, học là
tiệm tu. Tu là sửa, sửa sai, sao cho cái sai, ước tính độ
sai tiến về "không", gần mãi "không" mà chẳng bao giờ
triệt tiêu: Chẵng bao giờ triệt tiêu vì rằng cuộc đời vốn
gần đúng. Nói khoa học, và riêng khoa học thực nghiệm là
nói sai số. Tiến bộ trong một giới hạn nào đó là sự
tiến dần của sai số về không. Tiệm nói dần dần. Quá
trình học - hay tiệm tu, là quá trình cải tiến dần dấn, độ
sai tiến dần về không, để cái đúng tiệm cận - dần
dần, đứng hơn, đúng hơn mãi, mà không bao giờ đúng
rốt ráo, đúng tuyệt đối.
Hiểu như vậy, hiểu rằng cuộc đời
vốn khuyết, biết rằng con người vốn bất toàn,
cho nên có cầu toàn, có muốn làm đầy cái mà vốn
chẳng bao giờ đầy, như thế mãi, thường xuyên cho cái biết
luôn rộng mở và sâu, cho cái trí được khoáng đạt,
thông minh - làm sáng cái biết, để mỗi ngày mỗi biết
hơn, hiểu hơn, thấy rõ hơn, và như thế mãi. Gọi như vậy là sống, sống đầy, sống
hết cái ân sủng Trời ban; không buộc cuộc sống phải
thế nầy, thế khác, không buộc con mình, cháu mình phải hiếu
để như người nầy, người kia; không có điểm đến
để mà nhìn mà trông, mà đợi, thì: thấy hay không thấy con đường còn xa là
tâm thái của mỗi người ở mỗi thời lúc, mỗi hoàn
cảnh cụ thể trong giòng đời. @ Thế kỷ thứ 20 nhìn
thấy sự tiến bộ vượt bực của khoa học kỷ thuật, gần
như ở mọi lãnh vực. Người ta cảm nhận như thế giới thu
nhỏ lại, Paris-New York, bình thường khoảng 10 giờ bay; một ông ngoại
- ở Sàigòn - líu lo với cháu ngoại ở Houston, hầu như hằng
ngày, và thấy hình ảnh nhau qua iphone; các sắc tộc như xích
gần nhau hơn. Vì vậy, có người nghĩ đến Nhân Loại, với
một chữ N và L lớn. Thế nhưng,
thế kỷ thứ 20 cũng chứng kiến hai thế chiến tàn khốc. Thế
chiến thứ I, mà có người gọi là The War to End All Wars.
Thế chiến thứ II, rộng lớn hơn và cũng tàn khốc
hơn gắp bội. 1946, hòa bình trở
lại. Nhưng rồi chiến tranh lạnh (1947-1991), chiến tranh cục
bộ: Triều Tiên (1950-53), Cách Mạng Nicaragua (1976-79),
Chiến tranh Algeria (1954-62); Nội chiến Nigreria (1966-70); xung đột Árập-Do Thái
(1966-đến giờ); Iran-Iraq (1980-88); Chiến tranh Vùng Vịnh (1990-91); Chiến tranh
Ấn-Hồi (1947-99, 1965, 1971), Chiến tranh Việt Nam (1945-1975), Chiến tranh Kosovo, Serbia.
Và thế kỷ 21 bắt đầu bằng Chiến tranh Afganistan (2001-..); Chiến
tranh Iraq (2003-1014), Chiến tranh ISIS (2014 -...).
Chiến tranh cùng khắp, và hình
như ở mọi thời lúc. Kỹ thuật càng cao, khí giới càng
tinh vi, chết chốc, tàn phá, tang thương càng thảm khốc. Nhân
loại, xưa: bình thiên hạ, nay: mộng hòa bình; và mọi
người như luôn thiết tha muốn đem cho nhau an cư lạc nghiệp.
Thế mà nghĩ cho cùng, quả thật: CON ĐƯỜNG CÒN RẤT XA,
QUÁ XA. Houston, Texas,
October 1st, 2017 Nguyễn Văn Trường
[1]Tạm dịch câu: "you never really know a man until you stand in his shoes and walk around in them."
[2] Tạm dịch câu: "Remember it's a sin to kill a mockingbird." "Mockingbirds don't do one thing
but make music for us to enjoy . . . but sing their hearts out for us. That's why it's a sin to kill a mockingbird."
[3] Tạm dịch. Càng thương, càng phải phạt. [4] Google Translate. [5] Theo Wikipedia. Cũng theo Wikipedia, innocence cũng được tầm nguyên sai quấy,
false etymology, là:in và gốc latinh "noscere" (to know, to learn)-not-knowing, không
biết, dốt. [6] L'homme est né bon, c'est la société qui le corrompt. [7] Lục Tổ Huệ Năng: " không nghĩ thiện, không nghĩ
ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng
tọa Minh" [8] tính tương cận dã, tập tương viễn dã.
[9] Tạm dịch "On façonne les plantes par la culture, et les hommes par l'éducation" Emile.
Livre I, [10] Tạm dịch: "Each age, each condition of life, has its suitable perfection, a sort of maturity proper to."
Internet: Article Myriad. Summary, Analysis & Insights on Emile by Rousseau [11] Mình mẩy tóc da, cha mẹ sinh ra, chớ nên huỷ hoại, là hiếu
trước tiên vậy.
TÔI LÀM RỂ ĐỒNG KHÁNH Lời mở đầu: Chị Trưởng
Nhóm Phượng Vỹ, có một vài lần "đặt hàng" cho
Giai Phẩm Phượng Vỹ ở Houston. Bài viết sau đây
là để đáp ứng lời kêu gọi của Chị, cũng là để
làm vui lòng quí chị và đọc giả Phượng Vỹ.
Viết xong, như thường lệ, tôi có
trình cho tiện nội duyệt khán. Đây là một thủ tục,
cũng không rõ có từ lúc nào, và lý do hình như vì
tiện nội là một giáo sư Việt Văn - có môn bài
- mà tôi thì chính tả lôi thôi, pháp cú lộn xộn, ý
tứ có khi không ổn. "thiếu trách nhiệm". Có nàng, ngữ
pháp sẽ trong sáng, tư tưởng có thể rõ ràng, súc tích
và mạch lạc hơn. Ngoài nàng
ra, còn một số bạn thân tình, sửa chữa và phê phán. Lần đầu tiên, ông bạn văn chương
của tôi khen rằng: "Đây là bài anh viết hay nhất từ trước
đến giờ." Ông là người
Huế, chịu khó đọc, sửa, góp ý, giúp tôi rất nhiều.
Tôi vui mừng, thích thú. Và tiện nội, chỉ sửa cho chính tả, chấm phết câu
văn. Tôi phấn khởi đăng
đàn, chờ đợi. Một
tuần, hai tuần, rồi được các chị Phượng Vỹ, nhắn gởi,
quá tiếc rằng bài như vậy
là không thể có trong văn đàn Phượng Vỹ.
Lý
do đến giờ này cũng chỉ biết là có như vậy. Sau đó,
cũng có thể vì sự phê phán tiêu cực của nhóm Phượng
Vỹ, tiện nội kiểm duyệt toàn bài. Thiếu duyên, đành
phải chịu! Cho nên, tôi chỉ có thể gởi cho một số
bạn thân tình, đọc cho vui, để chia xớt với tôi những tâm
tình, và nếu bài này đến các bạn, xin các bạn xem qua
rồi bỏ vào xọt rác. Mong rằng đừng gởi đăng ở bất
cứ một tờ báo nào, dầu tờ đó chỉ là cho nội bộ,
hoặc một lần xuất bản chỉ một vài trăm số mà thôi.
Gần
đây, việc đã nguội, trên dưới một thập niên qua, và
cũng nghĩ rằng đã gần ngày về với ông bà, nên tôi
tự cho phép chia xớt với bạn bè thân hữu, trao đổi tâm
tình, mong các bạn góp ý cho vui. Houston, Texas, 09/03/2017. Nguyễn văn Trường
Tôi làm rể Đồng Khánh.
Tôi vốn là rể của Đồng Khánh. Chắc chắn
không ai hiểu là rể của nhà vua. Ở
cố đô, ngàn năm văn vật này, từ "rể"
là dành cho thứ dân, trong hoàng gia phải gọi là phò mã.
Vã lại, nhà Vua chẳng có con rơi đâu đó, mà duyên
may cho tôi giữa đường lượm được. Vậy rể đây
rõ ràng là rể của Trường Nữ Trung Học
Đồng Khánh Huế, có vợ là nữ sinh hoặc giáo
sư Đồng Khánh. Theo định nghĩa này thì tôi có hai lần
đủ tư cách. Tiện nội trước kia học Trường Đồng Khánh,
và cũng có một thời dạy ở Trường Đồng Khánh. Trước hết, rõ ràng và
dứt khoát, tôi rất hãnh diện về tiện nội, nói rộng hơn
tí là hãnh diện làm rể Đồng Khánh trong mọi
chỉ tiêu. Càng hãnh diện về tiện nội, thì càng hãnh
diện về việc làm rể Đồng Khánh. Nữ
sinh và giáo sư Đồng Khánh thời bấy giờ, dầu "thị
trường" có xuống, nhưng giá còn tương đối rất cao.
Trước kia cả Miền Trung chỉ có Trường Đồng Khánh, cũng
như cả Miền Nam chỉ có trường Nữ Học Đường (Collège
des Jeunes Filles Annamites), hai trung tâm đào tạo người
phụ nữ tiến bộ và thông thái. Mỗi năm cả
hai trường sản suất không quá số 200 tốt nghiệp Trung Học Đệ
Nhất Cấp. Trong những năm 1957-60, chất và lượng đã tăng lên
gấp bội, và học sinh của các trường nữ này vẫn còn
rất cao giá. 1- Đất Thần kinh ngàn năm
khép kín Trước hết, làm rể Đồng Khánh không khó.
Bằng chứng: nhiều bạn bè tôi và tôi đã là rể Đồng
Khánh. Học trò ở Quảng ra thi,
Thấy cô gái
Huế mà đi không đành. Cái dễ là ở lời
nói dân gian này. Đàng trong ra thi, rồi gởi rể luôn, không
về. Người
Huế có truyền thống, dành nhiều cảm tình với anh học trò,
lúc còn cù bơ cù bấc. Nếu may thì gặp thám hoa, bảng nhản,
ông cống, ông nghè; còn rũi thì cũng là ông đồ, cũng
nên đình nên đám. Đến
lúc "ông nghè ông cống cũng nằm co", cái học "Tây"
thay cái học xưa, thì anh học trò đi thi
vẫn là tiềm năng trẻ, người có học, có nhiều triển
vọng. Có một ông chồng có học vẫn hơn là có ông
chồng dốt. Cho nên, thường thì các ông các bà tìm trong
đám thơ sinh để chọn rể, các cô trao thân gởi phận.
Trong thời buổi, mà cả nước, le que một vài trường trung học,
thì anh học trò có giá lắm.
Chi bằng đi học làm ông
phán, Sáng
rượu sâm banh, tối sữa bò. Cụ Tú Xương có chua
chát với cái học Tây. Tuy nhiên hai câu thơ có phản ảnh
một thực trạng tâm lý thời của Cụ. Làm công chức là
một việc làm ổn định.
Cái tâm lý ấy trong dân gian vẫn còn
ở thời chúng tôi.
Tuy nhiên, tôi đến Huế không còn
là học trò. Tương lai tôi đã định. Cái tối đa
đạt được là trở thành một giáo sư đại học.
Đại Học là thứ giống mới. Giống mới nào cũng được
nâng niu, ân cần chăm sóc, vì nó là hi vọng, và cũng
vì trong bản chất, nó là một cuộc phiêu lưu ít nhiều
hiểm nguy. Vả lại, dầu chiến tranh đã tạo lắm xáo trộn
trong trật tự xã hội - có lần tôi được nghe: "phi
sĩ quan, bất thành phu phụ"- cái truyền thống trọng ông
đồ vẫn còn tiềm tàng đâu đó. Nói chung, lúc bấy
giờ tôi có thớ lắm, mặc dầu chỉ là một giảng nghiệm
viên hạng chót mà thôi.
Ngoài ra, còn sự niềm nở, ân cần
của ông Viện Trưởng của tôi. Ông là một linh mục và
là một giáo sư nhiều năm của hai trường Quốc Học và
Đồng Khánh. Thường tình, các nhà tu có nhiều con. Ngoại
trừ một ít trường hợp, ai đến với ngài đều gọi
ngài là cha mà tự xưng là con, và ngài cũng đối xử
với người có khi như ... cha con. Nói chung, ngài đông con, đông
học trò, và ngài cũng thương tôi như các con của ngài.
Năm đầu ở Huế, hằng ngày, trưa và chiều, tôi dùng
cơm ở nhà ngài. Và có cái lệ là mỗi đầu tháng,
ngài được mời, và tôi cũng nhờ đó mà lắm khi
được nếm cái ngon, cái khéo nhất của những bàn tay đẹp
nhất cố đô. Có lần, trường Đồng Khánh cấm trại
trên dòng Thiên An. Ngài bảo tôi theo ngài, vì ở đó
cảnh đã đẹp, lại có người đẹp (vì lúc đó
tôi còn độc thân). Đồi Thiên An đẹp thật; nhưng tâm
tôi lại lạc giữa rừng tiên. Những chiếc
nón lá nghiêng nghiêng, mái tóc thề đen ánh trên tà
áo trắng, tiếng cười, tiếng nói, tiếng lá thông trôi theo
gió. Thiên đường thơ mộng, cảnh vật an bình. Thiên
An tên chốn này thật là phải. Thấy tôi ngẩn ngơ như lạc
lõng, cha khẻ dạy: ở liều số X số Y, đệ nhất/đệ nhị,
hãy đến đó đi; và ngài không quên nhắc tên các
người đẹp và mô tả vài nét để tôi dễ nhận
diện. Tôi có hơi ngại ngùng trước sự thẳn thắng của
cha. Nhưng rồi cũng nhẹ lòng vâng lời cha dạy. Cũng nên thêm lòng trắc ẩn về hoàn cảnh
đơn cô của chúng tôi, một thân, một chắt, một gói
hành lý tùy thân, từ đàng trong ra đây lập nghiệp. Tình yêu có thể khởi đầu từ một lòng "từ
bi" đơn giản. Tóm lại
quả nhiên có nhiều yếu tố tích cực khiến tôi hội
nhập vào cộng đồng những người rể Đồng Khánh.
Đó
là xét chung chung. Với cô nữ sinh Đồng Khánh, chắc chắn
phải khác. Trường Đồng Khánh lúc
bấy giờ vẫn còn là một trung tâm đào tạo phụ nữ
thông thái của xứ thần kinh. Thông thái là có học,
có nhìn xa, hiểu rộng hơn người. Lấy cái tâm lý chung
mà gán cho những con người thông thái ắt phải sai. Không phải
có cái bằng cấp lắc qua lắc lại mà dễ cuốn dễ lôi.
Cũng đừng nghĩ là các cô chẳng biết giảng nghiệm viên
là chưa phải là giáo sư.
Đại Học Huế mới nẩy mầm còn
quá mong manh. Đại Học Sài Gòn mới thật là cây cổ
thụ, có chiều dày giá trị. Cây cổ thụ vẫn dễ thấy
từ xa hơn là cái mầm non ở kế cận. "Huế
đi để mà nhớ hơn sống để mà thương".
Cho nên, đừng thấy sự ân cần chăm
sóc của cha Viện trưởng, của bạn bè, sự tiếp đón
niềm nở của người dân Huế mà tưởng bở. Có
lắm khó khăn. Khó khăn thứ đến là ở tôi. Trên
đồi Thiên An, và ở nhiều nơi khác tôi được diện
kiến với hàng trăm người duyên sắc vẹn toàn, nhưng tôi
không được may mắn đi xa trong quan hệ. 2- Dòng
Cửu Long rộng mở chân trời
Mạng tôi vốn là duyên trời đưa
đẩy. Và cái may lớn nhất của tôi có lẽ là những
năm du học. Bên mẹ tôi, tôi bị cấm rất nhiều điều. Không
tắm sông, không bơi ngang rạch, không lội ruộng ngoéo cua, bắt
ốc như những trẻ con khác, không trèo cây hái trái, nhứt
là không gia nhập Thanh Niên
Tiền Phong,...., vì những sông rạch có "noi", ruộng
hang có rắn độc, trèo cao có thể té nặng, và TNTP thì
chẳng có ai theo trông chừng tôi. Đó là một vài cái
"không" mà tôi còn nhớ. Xa nhà, xa cha mẹ, anh chị tôi,
tôi thoát khỏi những bản cấm đoán của mẹ tôi, tôi
tự tổ chức cuộc sống, tôi thật sự là tôi. Quyết định trở về cũng là quyết định
trở vào khung, vào nếp. Trên còn mẹ, còn anh, còn chị. Tôi
du học là cả một sự hy sinh của gia đình tôi, và vô điều
kiện. Việc trở về, vào nếp, và vô điều kiện, nghĩ
ra cũng phải. Tuy nhiên, về được vài hôm, thì được
chị tôi giới thiệu cô này cô khác: thương tôi, bà
muốn chọn người nâng khăn sửa trấp cho tôi. Thật sự, các
cô và gia đình các cô, chẳng ai khoe khoang rằng mình sắc nước
hương trời, hay giàu có ruộng cò bay thẳng cánh, hay công dung
ngôn hạnh thế này thế kia. Nhưng người muốn môi giới thì rổn rảng khua đồng tiền trong ngân hàng,
làm cho vật vô tri biết nói, rao công dung ngôn hạnh. Điều
này làm tôi khó chịu. Tôi có cảm tưởng được
đi "gả" cho những cô phú hộ, biết quản lý tài sản.
Ba năm sau cùng ở Pháp, tôi có việc làm, làm giám thị[1] cho các trường trung học. Với đồng lương giám thị, tôi
sống khá thoải mái. Cho nên, tôi không nghĩ cần một bà
vợ tảo tần (biết quản lý tài sản) để nuôi tôi. Cái
cảm tưởng chuột sa hủ nếp làm cho tôi khó chịu. Gia
đình lúc nào cũng là điểm tựa của tôi, và
có khả năng bảo bọc cho tôi, cả những năm du học. Tôi cũng
mong được là điểm tựa của mẹ, và các anh chị của
tôi. Vậy tôi phải là điểm tựa cho chính mình trước
đã, và nếu lập gia đình phải có khả năng lo cho gia đình
mình. Sự ỷ lại ở cái thế, cái quyền, ở sự giàu
có, ở nơi người khác có thể làm con người yếu đi.
Cha Viện
trưởng là người dễ mến. Suốt 6 năm làm việc với ngài,
cũng có nhiều mâu thuẫn, va chạm, nhưng chúng tôi vẫn giữ
được một hòa khí, tốt cho công việc làm của chúng
tôi. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, trên đồi Thiên An, và vài
dịp khác, cái cảm tưởng bị "gả" trở lại với tôi.
Xứ Huế không giàu, không có việc chuột sa hủ nếp, nhưng
xứ Huế có cành vàng lá ngọc, thiên
kim tiểu thơ, mà lòng tôi thật sự không nghĩ đến và
cũng không mong. Tôi có nói, tôi muốn trở lại khuôn nếp,
trong cái gia phong riêng của gia đình tôi, và điều này hẳn
là trong phong tục tập quán của môi trường. Môi trường ấy
là miền Nam đồng ruộng của những sông
ngòi nước đục tanh mùi bùn, nhưng là nguồn sống của
chúng tôi. Vào nếp với tôi là chấm dứt cuộc
đời con trai, chấm dứt mọi phóng túng, buông thả, để
lập gia đình, có con cái, ổn định cuộc sống, cho mẹ tôi
an tâm. Tôi cũng hiểu rằng trong cái nếp chung ấy, mỗi người
một ý, nhưng rồi ai ai trong gia đình cũng phải hiểu rằng tôi
đã lớn và theo đó, tôn trọng cái tự do của riêng
tôi, trong đó có cái tự do chọn lựa người hôn phối
của tôi. Cái khó là cái tâm lý bị "gả". Tôi
không quan tâm lắm về việc "ở rể". Đâu đâu cũng
có thể là nhà. Từ làng Trung Hiệp, quê ngoại của tôi,
lên Vĩnh Long đã có khác biệt, từ Vĩnh Long lên Sài Gòn,
tôi là "chú nhà quê lên Sài Gòn", lạc lõng trong
chợ đời tấp nập. Rồi Marseille, Toulouse, Paris. Tôi đã quen với
những đổi thay. Thêm một lần nữa, thì nhằm nhò gì.
Nhưng bị "gả" là không được. Và
nàng cũng không bị "gả". Mời một người phụ
nữ cùng tôi là bạn đời, vào cái nếp của gia đình
tôi, làm tôi đắn đo. Tôi không dám nghĩ đến người
thông thái. Tôi cũng không chấp nhận người mù chữ. Bình
thường, càng có học, càng hiểu, càng dễ thấm thấu cho
những giá trị mới. Tuy nhiên, đối với nhiều người, cái
học có khi chỉ là một trang trí, như hột kim cương đeo trên
tay hay lủng la lủng lẳng trên ngực, khoe khoang một sự giàu có kiến
thức. Một con người như thế thường tự xem mình là "đỉnh
cao", theo đó khó hội nhập vào một nếp sống khác. Tôi
không ngại cái dốt. Ai ai cũng mang một phần dốt của mình: hiểu
biết của một người lúc nào cũng giới hạn, bên ngoài
giới hạn này là cái dốt. Các "đỉnh cao" không nghĩ
rằng mình dốt, nên khó học, không học được những thực
tiển của cuộc đời.
Thật sự khó
lắm. Khó tự bên trong, khó vì tiên kiến. Cái khó còn ở bên
ngoài, khó vì người kia.
Ai ai cũng có một hình ảnh về mình
và về người khác. Ở một xứ Huế mà các bà, các
cô buôn gánh bán bưng lúc nào cũng trong một chiếc áo
dài, ngay cả vào mùa nóng bức, thì những hình ảnh này
càng đậm. Linh mục, sư sãi, thầy giáo, cô giáo, công chức,
thương gia,...phải thế này thế nọ. Lúc bấy giờ ở Huế
có ba chiếc xe Mercedez, thì đã có người nói vầy, nói
khác, cũng vì những hình ảnh ấy nó trái với thông thường.
Một hôm, khoảng 9 giờ đêm, tôi ra ngồi vệ đường trước
nhà ăn hột vịt lộn, thì ngay hôm sau, ông anh đáng kính
bên kia đường điểm mặt tôi: "hôm qua, anh mặc pyjama, ngồi
vệ đường ăn hột vịt lộn, thầy giáo như vậy là
không được." Thêm một hình ảnh, cái không được
của người thầy. Cái hình ảnh về mình, về người,
về cái phải là của thế sự lắm khi là yếu tố phân
cách tình người, nói riêng, phân cách giữa chúng tôi.
3- Duyên tao ngộ Trên đây, tôi
có nói, trường Đồng Khánh là nơi đào tạo người
phụ nữ thông thái. Càng thông thái, càng khó tìm người
tương xứng. Ở cao nên khó có người
vói tới. Khó hơn
nữa là lúc bấy giờ nàng vừa rời Trường Đồng Khánh
vào học Năm thứ nhất Trường Luật. Thường tình cứ chồng
thêm một năm Đại Học thì giá cả chồng thêm, theo tỷ
lệ thuận, mà hệ số tỷ lệ thì chắc chắn là lớn hơn
1. Thế
nên càng khó vói.
Đọc giòng này, tiện nội sẽ cương
quyết phủ định. Nàng lúc nào cũng khiêm nhường, chẳng
bao giờ làm cao. Thật sự, cao hay thấp, cành vàng lá ngọc, thiên
kim tiểu thơ, hay con của dân giả, với tôi không có vấn đề.
Hình như tôi đáp ứng được những điều kiện
cần để làm rể xứ Huế, cả làm rể Đồng Khánh.
Cái khó là điều kiện đủ, cái khuôn mà nàng hình
dung về người chồng của nàng. Thật khó mà đáp ứng
đúng y như nàng mong muốn. Trong nàng tôi có biết trời trăn
gì đâu. Vả lại, trong đời chỉ có cái gần đúng.
Phải làm sao tạo ở nàng cảm giác rằng cái độ sai tiến
mãi về không. Điều này cần cơ hội
và thời gian. Có
người vợ thông thái, không là chuyện dễ. Duyên trời
đưa đẩy; tôi gặp nàng trong một buổi sáng mát trời
dễ thương, và sau đó chúng tôi có nhiều lần gặp nhau.
Nàng có hiểu ý tốt của tôi, nhưng vẫn khư khư gọi
tôi bằng thầy và xưng là con (và đây cũng là cung cách
« phòng thủ » và khép kín của người con gái
Huế!). Tôi thuộc Trường Sư Phạm và Khoa Học thì chẳng
có mắc mớ gì với Trường Luật. Tôi có dạy nàng giờ
nào đâu. Cách xưng hô thật không ổn. Ở xứ mà hoàng
gia "thời" chớ không ăn, nhà quyền quí cũng
«xơi» chớ không ăn, chỉ thường dân mới
thật sự có «ăn», thì không thể bắt
quàng từ chỗ này sang chỗ nọ được. Bắt quàng từ trường
Luật sang trường Sư phạm, hay Khoa học thì quả là hồ đồ,
nếu không phải là có hậu ý không tốt. Không hậu ý
tốt mà vẫn tiếp tôi. Đó là nghịch lý. Thật khó xử cho tôi. Nhưng may quá, gần tôi có Dzương Tiên Sinh, Ngài
bảo: "Cỗ nhân có dạy: Nữ
nhân thuyết "bất", tức tha ý vị "khả năng đích";
Nữ nhân thuyết "khả năng đích",
tức tha ý vị "thị đích"" Nói nôm na là: "Nếu
một người nữ nói "không", tức là "có thể"
đấy; Nếu
một người nữ nói "có thể" tức là "chịu rồi
đấy, cứ tiến tới. Sông có cạn, núi có mòn, những chân lý khác của
người đời đều như bọt biển, nhưng cái chân lý này
thì không bao giờ thay đổi."
Nghĩ lại, suốt trên 15 năm ở trường,
từ Đông sang Tây, không một thầy cô nào dạy cho tôi nguyên
lý sinh tử và bất biến này của người xưa. May mà
có tiên sinh dạy cho đúng lúc. Nàng
đã rõ ràng nói không. Cửa có đóng nhưng then có
thể chưa gài. Thầy và con, như âm dương cách trở, nhưng
tương sinh, như anh với em: không âm làm sao có dương, không
em làm sao có anh. Diễn dịch như vậy, thì rõ ràng là cửa
bên trong đà mở khóa.
"Đường đi khó, không vì
ngăn sông cách núi, mà vì lòng người ngại núi e sông."
Câu này tôi cũng học ở Huế. Phải biết chuyên cần làm
bài tập; dày công tiệm tu thì ắt có ngày đốn ngộ.
Lúc bấy giờ tôi chưa biết tu với hành, dù rằng hằng ngày
tôi vẫn tiếp cận với các linh mục, sư huynh; nhưng bài tập
vốn là nghề của tôi: học toán lý hóa thì người
bình thường ai cũng phải thường xuyên thực tập. Tôi cũng
có xin tiên sinh họ Dzương gieo cho một quẻ. Tiên sinh gieo hai lần cả
hai lần đều là quẻ Càn, thuần dương, và động ở
hào hai. "Hiện long tại điền, lợi kiến đại nhân." Rồng
còn kẹt trên ruộng, cần sự giúp đở của đại nhân.
Tứ cố vô thân, nằm nghĩ mãi không biết đại nhân nào
đây. Anh Chủ Sự Phòng Văn Thư của Viện Đại Học, hay anh
Chánh Lục Sự bên Tòa Án? Cả hai đều là bậc đàn
anh khả kính, thương tôi rất mực, cả hai đều từng trãi
chuyện cố đô, không một ngỏ ngách nào mà chẳng biết,
người thì trực tánh, người thì mềm dẽo, có dương,
có âm, đủ cả, việc gì mà chẳng xong. Tuy nhiên, tôi có
linh tính báo là chưa đủ.. Cha Viện trưởng? Tôi không muốn
ngài lại "gả" tôi cho nàng. Tôi cần thêm "đại
nhân" giúp đở. Nằm nghĩ mãi, nhìn lên trần, sực
nhớ đại nhân phải là người ở trên. Quẻ thật là
linh, ứng ngay vào hai ông bà ở lầu trên. Bà là Khoa Trưởng
Luật Khoa, ông là giáo sư văn chương Anh của Văn Khoa, vừa
ở lầu trên, vừa vai vế trên.
Vậy là: Nàng
dầu có kín cổng cao tường. Nhưng trời lại ban cho tôi cây
thang và chiếc khóa, mà thang trời thì cao đến đâu cũng
tới, khóa trời thì cửa nào lại chẳng mở ra. 4-
Phá cách của đất Thần Kinh Con người vốn
là nghịch lý. Đâu đâu cũng vậy. Nhưng rõ nét hơn
hết là ở Huế. Giữa thiên nhiên nên thơ và thanh bình,
trước mặt Đại Nội là Núi Ngự, Sông Hương,
bên trái có Phá Tam Giang là Thanh Long, bên mặt có Trường
Sơn là Bạch Hổ, giữa một địa thế đẹp như vậy, thì
sừng sửng một đồn lính, kiểu Vauban, lạnh lùng, vô
duyên, cổ lỗ, lạc loài, chẳng giống ai. Nhà vua vẫn muốn ở
trong lòng dân chúng, vua tôi một lòng, ý vua là ý dân,
ý dân là ý vua, nhưng cái đồn lính
thô lổ làm vua tôi cách biệt, bên trong là hoàng tộc, triều
đình, bên ngoài dân dã, mà cũng có thể là giặc,
hoặc mầm của soán nghịch.
Rồi những lễ nghi hoàng triều, màu
vàng dành cho hoàng cung, rồng vua thì 5 ngón, rồng ở nhà dân,
hoặc trong đình đám thì chỉ được 4 ngón, tế lễ
vua thì phải lạy hơn tế lễ ông bà một lạy.... Lắm
kiểu cách, càng kiểu cách càng phân biệt sang hèn, quí tộc
với thường dân, trong khi vận nước cần vua với dân như cá
với nước. Nhà vua cần dân, ở trong dân hơn bất
cứ lúc nào. Thế mà lắm hàng rào ngăn cách, nhất là
thói quen kiểu cách biểu tượng cho một thể chế quân chủ
chuyên chế tập quyền, trong lúc mà thực quyền đã ở nơi
khác, trong lúc mà dân chúng thèm khát
được thoát khỏi sự thống trị của ngoại bang. Hình
ảnh này không chỉ là của triều đình. Nó cũng là hình ảnh của các ông cha bà
mẹ có con gái trong tuổi đôi mươi, nhất là
ở đây. Lòng thì mong, muốn, cầu, và có khi còn nguyện
cầu có một cậu trai "cù lần" dễ coi nào đó đến
rước. Thế mà, vẫn kín cổng cao tường, treo giá, nếu có
khả năng thì cũng làm một cái thành Vauban tí ti chung quanh nhà,
để nói rằng tuy chưa là cung, chưa là phủ, nhưng cũng là
giàu có, chức phận, nhưng là nhà "rơm rác". Và chắc
chắn là còn thêm những kiểu cách, thế này thế khác.
Và người con gái, trong gia phong ấy, cũng vậy, lòng thì như
mít sắp rụng, nhưng lại ngoãnh mặt tay xô. Đó là cái
tâm lý của chàng Lục Vân Tiên làm màu: "Khoan khoan ngồi
đó chớ ra. Nàng là phận gái, ta là phận trai". Một câu
nói mà hai tác dụng.
Một: Tự
tô mình là con nhà lễ giáo. Hai: Tạo nơi người kia phản ứng
nghịch, họ muốn bước ra. Tôi đã bắt thang, không để lên hỏi ông trời mà
để "hỏi" nàng, cũng vì cái "khoan khoan" tương tự.
Nàng giăng cho tôi cái bẩy Vân Tiên. Tôi thơ ngây tôi dễ
tin, vào bẩy một cách dễ ợt. Nàng thích thú được
mồi, tôi cũng thích thú làm mồi.Tuy nhiên, thói quen khó bỏ,
những kiểu cách, thế này, thế khác, thường là do thái
độ phòng ngự, đóng kín, xây quanh mình một thành lũy
Vauban kiên cố lấy cơ sở trên khuôn vàng thước ngọc của
thánh hiền, trên thuần phong mỹ tục. Những thứ ấy có làm
cho chúng tôi khá vất vã trong duyên tình và trong cuộc sống
vợ chồng. Về điều này thì Trường Đồng Khánh góp
phần không nhỏ. Nhà trường
đồng lõa với gia đình, không để trẻ thơ sống và
phát triển trong cái tự nhiên của chúng. Phải
tạo ở chúng một hình ảnh mà chúng phải đạt đến,
lợi danh tài sắc, và tôi luyện ở người con gái ý chí
và quyết tâm bảo vệ an toàn bản thân. Đừng thế này,
đừng thế khác. Người dưng khó biết. Phải dè dặt, giữ
khoảng cách. Kinh nhật tụng. Tôi không có điều gì chê
trách về việc này. Tuy nhiên, bệnh nhà vua ở bên trong,
do cái nhục mất nước, sanh nhức đầu, chóng mặt, nổi nhọt,
thì xây làm chi các bức tường Vauban, đặt làm chi những
khẩu đại bác chỉa ra ngoài. Cuộc sống
vốn bất toàn, đổi thay và dang dỡ. Nhờ đổi thay nên có cái mới, cuộc sống mới không
buồn chán, nhờ dang dỡ nên mới cầu toàn, cố gắng tiến
mãi về cái thiện. Không một đổi thay nào
không có những hiểm nguy của nó. Muốn tập
đi phải có té bổ. Muốn lái xe, phải chấp nhận
có thể gặp tai nạn. Thế nhưng quí bà lại không chấp nhận
hiểm nguy, dày công xây chung quanh năm ba hàng dậu. 5-
Lời kết Phần trên đây là
những khó khăn và thuận tiện cho "thuở ban đầu lưu luyến
ấy" của chúng tôi. Có cái công của Trường Đồng
Khánh đánh bóng cái học thời nay, nhờ đó tạo cho tôi
nhiều thuận tiện, dầu rằng nhà trường cũng có xây dựng
những bức tường thiên kiến ngăn cách tình đời.
Phần kết xin dành một điểm riêng
về cuộc sống vợ chồng của người rể Đồng Khánh.
Chúng tôi hẹn
nhau là người tình, người bạn đời tri kỷ, người mẹ,
người cha của các con chúng tôi. Và
chúng tôi thực hiện lời hẹn ước. Những khó khăn, cách
trở bắt đầu từ đây.
Nhìn ngoài, chúng tôi có những thuận
tiện: cả hai đều là giáo chức, và không gặp cảnh chồng
một nơi, vợ một ngả vì nhiệm sở ở hai thành phố xa nhau.
Nói chung, với học sinh, sinh viên, với đồng nghiệp, phụ huynh, cấp
trên, trời cho thuận giòng, thuận gió. Thuận cảnh
có khi làm con người chậm lớn, chậm hiểu, chậm cảm nhận
những đổi thay. Có thể vì cái truyền thống "không
thầy đố mầy làm nên", "tôn sư trọng đạo", "tiên
học lễ hậu học văn", nên lời nói và việc làm
của chúng tôi được dễ dàng chấp nhận. Nhiều yếu tố
khác trong cuộc sống thầy giáo, cho chúng tôi cảm giác rằng
lúc nào chúng tôi cũng đúng, cái dạy đúng, lời
nói đúng, giữ gìn đúng một khuôn mẫu hay mực thước
ít nhiều theo qui định của nhà trường hay của xã hội.
Kết
quả, tiện nội là một con người đúng. Bất
cứ lời nói, việc làm của nàng đều "đàng hoàng",
trật tự, ngăn nắp, đâu ra đó, và có lý do vững chắc.
Nàng không bao giờ chậm, trể, chẳng qua là vì quá bận, không
có thời gian. Nàng chẳng bao giờ sai, mọi việc có cái lý
của nó, và cái lý của nàng về sự việc lúc nào
cũng vững như bức tường thành Huế. Điều này làm tôi
khó chịu. Và vì cái lỗi không thể nào là ở tiện
nội. Vậy cái lỗi phải ở nơi khác, nói riêng 6 năm ở
Trường Đồng Khánh đã tôi-luyện nàng trong cái đúng,
rồi thêm 4 năm để nàng thực tập dạy đúng, nói đúng,
làm đúng. Tuy nhiên, đó
cũng là cái may vô cùng cho tôi. Nàng đã đúng thì
người khác nàng phải sai. Có ai giống ai đâu. Nói riêng,
tôi, người hàng ngày bên nàng, ắt phải sai bét. Khởi
đầu rất bực bội, nhưng dần dần ngộ ra đó là cái
may vô cùng. Sai ắt phải sửa, có sửa mới
có tiến triển. Nàng thấy tôi sửa, nàng cũng vui, và
theo cái vui ấy là vui cả nhà. Và cũng có khi nàng nhìn
lại, nàng cũng sửa cho đúng hơn. Ở đây thì rõ ràng
rằng công lớn là ở nơi
tiện nội. Sau cùng, với
những người đồng cảnh với tôi, làm rể Đồng Khánh,
xin nhớ những nguyên lý sau đây:
1. Mình lúc nào
cũng sai để sửa để vui nhà vui cửa, và nhất là
để cho bà, đã đúng, sửa cho đúng hơn. 2. Phải biết đến
một ngày nào đó chồng vợ con cái cùng ở trong
một vòng rào Vauban an toàn nào đó. 3. Phải
biết dễ thương với con người khó thương: có
thể họ rất cần điều này hơn bất cứ ai. 4. Không nhất thiết phải tham gia vào một
cuộc cãi vã, dầu có được mời hay thách thức.
Đó
là những lời dặn dò của người đi trước. Riêng tôi,
thì bún bò Huế mụ Rớt ở Đường Phạm Hồng Thái,
chẳng đâu bằng, và cũng chẳng món ăn nào đậm đà
hơn. Tuy nhiên, muốn thật ngon, thì đừng xơi,
đừng thời mà phải ăn.
Cay, mặn, nồng đã có, nhưng phải cắn thêm ớt trái, ăn
xong mồ hôi nhuể nhải, thì mới biết vị ngon đến thế là
cùng. Làm rể Đồng Khánh cũng tương tự, cũng phải chịu
chơi, cũng chua cay nồng mặn, cũng đổ mồ hôi. Nhưng có khác
một tí, cái chua cay nồng mặn ấy, không được ăn vội
ăn vàng, mà phải xơi, thời, nhâm nhi như người thế tộc.
Hơn 50 năm tôi làm rể Đồng Khánh,
đã hưởng tất cả chua ngọt mặn nồng, cho nên: "Je pense, donc
je suis!" Nguyễn Văn trường
[1] Ngạch trật thấp nhất trong trường, thường ưu tiên cho sinh viên.
RUỒI Nguyễn Văn Trường____________________________________
MỘT: TỪ CHUYỆN MỘT CON RUỒI Ruồi lằn là chuyện của làng Cổ Nhuế, ngoại
ô Hà Nội, của ông Hàn Sĩ[1], cũng là chuyện các bãi rác Thành phố mang tên Bác của
Tiểu Tử--người dân lăn lộn cùng ruồi lằn chia nhau phân và
rác. Với đa số dân gian, chung đụng với ruồi lằn là
số phận của người rủi ro cùng tột. Ruồi là hình
ảnh của sự dơ bẩn, là nguồn cung cấp vi trùng, là nguồn
cho lắm bệnh hiểm nghèo. Thế giới
ruồi lằn là địa ngục trần gian. Thế nhưng, anh bạn tôi-anh Lê Công Tâm-lấy Ruồi làm duyên
đề nói việc tu hành của đức Phật. Lấy địa ngục
để nói Niết Bàn, chuyện trần tục để gợi cảm tâm
linh. Có một cái gì đó vui vui, ngộ ngộ, cho tôi làm đề
tài chia sẻ với huynh đệ bốn phương và mong chờ góp ý
để soi sáng con đường tu học. Truyện rằng: "Con Ruồi."
"Một hôm, đức
Phật mở mắt, đứng dậy rời cội bồ đề. Ngài
dạo quanh sườn núi. Nắng ấm. Gió nhẹ. Tâm
hồn Ngài trong veo như hư không. Hạnh từ bi tỏa thành một ánh
sáng trên đỉnh đầu Ngài. Cuộc hành trình chứng ngộ
có lẽ sắp kết thúc. Trên đường Đức Phật
cúi xuống chiêm ngưỡng vẻ đẹp trắng nuột của một khóm
hoa rừng. Bất ngờ Ngài nhìn thấy một tấm lưới nhện
óng ánh giăng ngang hai nhánh lá. Một con ruồi hốt hoảng, giãy
giụa nhưng không thể thoát khỏi sự trói buộc của những
sợi tơ. Đằng sau chiếc lá, một con nhện luông luôn ngắm nhìn
con mồi bằng ánh mắt thỏa mãn và kiêu hãnh. Lát sau
con nhện chậm chạp bò tới. Con ruồi cuống quýt vùng vẫy. Đức
Phật nghe nó kêu thảm thiết: -Lòng từ bi của Ngài để
đâu? Trong trái tim hay trong ánh hào quang? Không suy nghĩ, đức
Phật dùng móng tay cắt một đường ngang tấm lưới, tạo
một khoảng cách giữa con nhện và con ruồi. Con nhện giương con
mắt đen óng nhìn đức Phật giận dữ: -Tại sao Ngài
can thiệp vào câu chuyện của tôi? -Ta không thể đứng nhìn
sự chết chóc. Ta thương con vật bé bỏng kia. -Thế thì ai
thương tôi? Mười ngày nay tôi không có một miếng thức
ăn. Lòng từ bi của Ngài đã giết tôi. Ngài không biết
gì về thế giới sinh tồn cả. Con nhện kiệt sức, rũ xuống, bất động. Đức Phật khều
con ruồi khỏi lưới nhện. Con ruồi bay chấp chới chung quanh Ngài.
-Tạ ơn Ngài đã cứu tôi. -Nếu không gặp ta thì sao? -Tôi sẽ là thức ăn của con
nhện. -Ta đã cứu ngươi thì sao? Con ruồi cười vang: -Con
nhện là thức ăn nuôi sống tôi. Con ruồi bám ngay vào xác con nhện bắt đầu thối
rữa dưới ánh nắng. Đức Phật đưa tay lên
rồi lắc đầu quay trở lại. Ngài thở dài, thấy con đường
còn rất xa. Ngài ngồi dưới gốc bồ đề và tiếp
tục nhắm mắt."[2] *** Với 402 chữ, chưa đầy một trang giấy, với
một ngôn từ bình dị, rõ ràng, một cấu trúc súc tích,
một cách hành văn lôi cuốn, tác giả đã khéo dẫn
tôi vào thế giới của một đức Phật sắp-thành.
Trong câu chuyên, có ba nhân vật:
- Đức Phật, Nhện và Ruồi.
Vai chánh: đức Phật. .Cuộc hành trình chứng
ngộ có lẽ sắp kết thúc." "Có lẽ"
tức là còn có một cái gì đó: nhập nhằn, không
chắc chắn. "Sắp kết thúc", tức chưa kết
thúc; Ngài chưa hoàn toàn giác ngộ. Ngài
chưa chứng quả Phật; dù rằng, "Tâm hồn Ngài trong veo như hư không. Hạnh từ bi tỏa
thành một ánh sáng trên đỉnh đầu Ngài" "36
tướng tốt của Phật không là Phật"; áo tràng, đầu
trọc không có nghĩa là chân tu, đắc đạo.
- Nhện và Ruồi là duyên cho cái gút
của bi kịch. thử thách hạnh từ bi của đức Phật.
Ruồi khích tướng."Không suy nghĩ", đức
Phật bị vào tròng: cứu Ruồi, hại Nhện. - Và Ngài giác ngộ: "con đường
còn rất xa". "Ngài đưa tay lên rồi lắc đầu quay
trở lại. Ngài thở dài".
Con đường của đức Phật trong chuyện nầy là một
vòng kín: Khởi điểm, đức Phật như vừa xong một
thời tọa thiền, tịnh tâm, dưới cây bồ đề: Ngài mở mắt, đứng dậy
rời cội bồ đề. Tâm thức thư thái. Hạnh
từ bi tỏa thành một ánh sáng trên đỉnh đầu. Nhưng
cuối cùng, nhận thấy con đường còn xa, ngài lắc đầu
quay vể chốn cũ, tiếp tục nhắm mắt, định tâm. Ngài còn dính mắc: - ở hai chữ từ bi,
- ở lời khích tướng của con Ruồi,
- ở lời trách cứ của Nhện
- ở cảm giác bất lực trước
cảnh cá ăn kiến, kiến ăn cá.
- ở nghi thức hay phương thức sám hối, tịnh
tâm, tọa thiền.
Thế nên,
câu chuyện rất là người, rất gần chúng ta. Vì
tâm lành mà hại người; vì những cái bất ngờ, bất
trắc, không lường trước được-bây
giờ và ở ngay đây- lúc nào cũng có thể xảy
ra, mà tạo nghiệp.. Nói chung, một đức Phật chưa thành,
hay đang thành, mà khéo viết, khéo mô tả, như trong bài nầy,
dễ đi vào lòng người, và có thể thật sâu.
Nhà Chùa thường dạy: "Mỗi người
chúng ta đều có Phật tính. Chúng ta là một đức
Phật đang thành." Có sư còn thêm:"Tu mau kẻo trễ."
Tóm lại, một đức Phật--tu
không rõ bao nhiêu kiếp và cuộc hành trình chứng ngộ như
sắp kết thúc--thế mà vừa bước ra khỏi bồ đoàn, đã
vấp ngay trọng tội sát sanh. Vì từ-bi-hạnh khởi, mà làm nhện
chết.. Tác giả đã
qua đời, nhưng hình như Anh đã để lại đôi lời nhắn
gởi cho riêng tôi: HAI: LÃNH
ĐẠO Khi cảm nhận thành
đạt ngay trước mặt, đừng để mất mình trong cao ngạo hay
tự mãn, nhất là đừng tự gạt mình trong ảo ảnh mà
mang trọng tội. - Trong đời
sống, ai ai cũng có dịp giữ trách nhiệm "lãnh đạo":
lãnh đạo gia đình, học đường-làm cha mẹ, anh chị, thầy cô giáo; lãnh đạo
tinh thần-tăng, ni, linh mục, mục sư; lãnh đạo chánh
quyền; lãnh đạo cơ quan: trưởng tổ, trưởng phòng,
trưởng cơ quan, giám đốc, tổng giám đốc các cơ
quan công, tư,...
Và hầu hết chúng ta phải học ..
"lãnh đạo". Học thì có hỏi, có suy tư, có luận
bàn, hỏi sách vở, hỏi người xưa, người nay, ..rồi thử
nghiệm. Thu thập kết quả, nhìn lại quá trình, lắm khi
gặp duyên cho nhiều chứng ngộ. Chứng ngộ rằng mình đúng,
sai, hay, dở, tối, sáng, và ước lượng độ sai lạc. Đó
là quá trình tu tập "lãnh đạo". Cuộc hành trình
của đôi bên, của đức Phật và của người đời
học lãnh đạo, trong một giới hạn nào đó, thì như
nhau, có khác chăng là ở phương tiện và cứu cánh.
Nếu trong cuộc hành trình ấy, ta bắt
gặp chân lý, nếu duyên đưa, ta ngộ được,
như nhà thơ Tố Hữu thốt: Từ
ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lý chói
qua tim. thì đừng nghĩ rằng
"chân lý " ấy là hướng đi tất yếu, con đường
tất yếu cho mọi ai có lương tri. Trái lại, phải để
một phút, một giây, một sát na, để nhìn lại, nhìn
vào trong, xét lại mình, xem xem có phải cái ánh
sáng, cái sướng-bắt gặp "cái chân, cái lý
muôn đời nầy"-đã che lấp, làm cho mình
mù, mình chỉ thấy có nó; và như vậy, nó
có thể làm lòng mình chai-không nghe, không thấy, không
hiểu, không cảm nhận những phức tạp, đổi thay của giòng
đời. Vì đó là phút giây mà
con người dễ ngộ nhận, dễ tự gạt mình, gói mình trong
cái thanh thoát chứng ngộ, trong cái sướng khám phá, và
có thể vì đó mà khởi đầu những tai họa cho những
người thân cận, cho môi trường chung quanh. Hồ Chí
Minh, Tố Hữu,.., lập giáo-Giáo Hội Xã Nghĩa, Xích Giáo,
có thể do từ phút giây "bừng nắng hạ, mặt trời chân
lý chói qua tim" ấy. Và các ông đã thành công xây
dựng Giáo Hội Đỏ, quy Việt Nam về một mối, nhưng
cũng vì đó mà, trong nhiều thập niên, gieo tang tóc ở mọi
miền đất nước, gieo đói rách- đói cơm áo,đói
tin tức, đói tri thức, đói tình thương, đói một đời
sống tương đối ổn định, đói tự do, vì bị tù
đày, tẩy não, bị giam nhốt trong một chủ nghĩa chiến tranh-chiến
tranh giai cấp, liên tục, trường kỳ, không ngưng nghỉ.
Nhà nhà tử sĩ, Tổ Quốc Ghi Công, anh hùng cách mạng. Tháp Mười đẹp nhất bông sen, Việt Nam
đẹp nhất có tên Bác Hồ[3]. Những ca dao ấy- loại vạn tuế, tung hô- được
xây dựng trên xương máu, tang tóc, đói khổ suốt nhiều
thập niên dài, dai dẳng, liên tục, trường kỳ, cùng khắp,
từ Bắc chí Nam. Trong lịch sử loài người, nói riêng
của các chế độ độc tài toàn trị, thì Đảng
Cộng Sản đứng hàng đầu và cao chót vót, trong "công
trình" tàn sát dân mình. Staline: Đại Khủng bố:
20 triệu dân Nga[4]. Mao Trạch Đông: Cách Mạng Văn Hóa, Đại Nhảy Vọt:
từ 20 triệu đến 30 triệu dân Trung Quốc[5]. Vậy nếu cơ duyên cho ta khám phá một
chân trời mới, một "chân lý chân thật bất hư,"
mà triệu triệu cánh tay giơ lên, xác quyết: "Đây
là con đường, hướng đi tất yếu" thì: Hãy
nhớ câu chuyện ‘Con Ruồi" trên đây. Đức Phật
rời bồ đoàn, tâm tư thanh thoát, trong veo như
hư không, cảm nhận cuộc hành trình chứng ngộ sắp kết
thúc. Thì ngay lúc ấy, Ngài cảm nhận: mang
trọng tôi sát sanh. Và không phải bất cứ ai
cũng cũng "ngộ" được là "con đường còn rất
xa". - Nói riêng, cho người
làm cha làm mẹ, làm thầy cô giáo-là những
người được xã hội giao cho cái thiên chức giáo dục
trẻ thơ. Phải thận trọng:
Đừng vì cái
thiên chức ấy, đừng vì những học hỏi, những kinh nghiệm
đầy mình, cái thông mình xuất chúng của tự thân, đừng
vì những giá trị văn hóa ngàn đời của cha ông, chắc
như bắp rang, như thường nghe: Thương cho roi cho vọt, Ghét
cho ngọt cho bùi. hay, Cá không ăn muối
cá ươn, Con cãi cha mẹ trăm đường con hư. hay Công cha như núi thái sơn, Nghĩa mẹ như nước
trong nguồn chảy ra. mà tự cho mình có cái quyền bạo
hành trẻ thơ, sớm diệt cái hồn nhiên, ngây thơ trong trắng
của tuổi ấu thơ, bằng cách nhồi nhét chữ nghĩa, giá
trị, tri thức, cách nghĩ suy của người lớn, tạo ở chúng
một "bước đại nhẩy vọt", một "thần đồng"
để ta khoe khoang, hãnh diện với xóm làng hay năm châu. "Nhân chi sơ tánh bổn thiện" là lời của
Thầy Mạnh. Về sau, J.J. Rousseau lại nói: "L'homme naît bon, c'est
la société qui le corrompt." [6] Mạnh Tử không xác định rõ thế nào là thiện.
Tôi cũng không rõ thế nào là tốt trong bối cảnh
những tác phẩm của Rousseau. Tôi muốn mượn thầy Mạnh và
Rousseau, để minh định nghĩa hai chữ "thiện" và "tốt",
mà tôi nghĩ, làm cha mẹ, hay thầy cô giáo nên có cái
nhìn nầy. "Thiện" và "tốt" chính
là cái hồn nhiên, thơ ngây, trong sáng của tuổi thơ, phi giá
trị, phi không gian, phi thời gian; "thiện" không phài là thiện
đối với ác; "tốt" không là tốt đối với xấu.
"Bản lai diện mục của nhà Phật" có thể --trong cái
nhìn nầy- là trở về với cái tính phi giá trị, "phi thiện
phi ác"[7], mà ta vừa nói. Cho nên, nhà giáo dục-phụ
huynh, thầy cô giáo- nên ghi nhận là: trong những giây phút
mà mình tự tin trong sở đắc của tự thân, chắc chắn ở
những giá trị và phương cách truyền đạt hay bất cứ
cái chi chi khác trong quan hệ với trẻ thơ, thì phải thận trọng,
luôn xét lại mình. Đời người trên dưới100 năm, mỗi tuổi có cái thời của nó, người
làm giáo dục phải thấu hiểu và trân trọng cái thơ ngây
của tuồi trẻ. Không khéo, sẽ như người
nước Tống "bạt miêu trợ trưởng"[8]-- mỗi ngày, nhấc cây lúa mạ lên một tí để giúp
nó chóng lớn. Ông Lâm Nhược Trần, tác giả
"Người Việt Nam Tồi Tệ' nhận xét: "...quyền được học-được phát triển với đúng
năng lực bản thân đang là một quyền mà phần đông học
sinh VN đang bị chính bố mẹ, thầy cô, và xã hội vô hình
chung xâm phạm một cách không thương tiếc. Tuổi thơ và
những tháng ngày tươi đẹp nhất của rất nhiều học sinh
Việt Nam đang bị đánh cắp bởi một logic[9] đang ngày càng tỏ ra không phù hợp trong thời đại mới."[10] Ông nhận xét trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, trong những
năm 2000-2015. Nhưng thiết tưởng đó cũng là lời nhắn
gởi cho mọi thầy cô giáo, phụ huynh ở mọi nơi, và mọi thời
đại. Sớm
giết chết tính "thiện", "tốt", cái tính thơ dại,
hồn nhiên và thiên phú của trẻ thơ hay thanh thiếu niên, là
một trọng tội. Trở lại chuyện "Con Ruồi": Đức Phật đưa tay lên rồi lắc đầu quay trở
lại. Ngài thở dài, thấy con đường còn rất xa." Ngài
thức ngộ: Thất bại. Ngài có cử chỉ: chán nản. Thái
độ của Ngài: Thất vọng. Ngài là người chuyên tu,
nguyện để hết đời mình trong tu hành, phương tiện là
tứ vô lượng tâm, nhằm giác ngộ chân tâm, Niết Bàn
tịch diệt. Thế nhưng, vừa cảm nhận thành đạt gần kề,
thong dong "thõng tay vào chợ"[11] thì hóa ra đó chỉ là ảo vọng. Ai
ai cũng có dịp gặp những kinh nghiệm tiêu cực, những thất bại
ê chề. Nhận thức tiêu cực, thất bại -mà không biện minh,
không bào chữa, không tìm đổ lỗi cho người khác, cho hoàn
cảnh hoặc cho những yếu tố khách quan-có khi không là chuyện
dễ. Ruồi, nhện không biết tiếng nói của con người.
Những lởi kêu cứu, thúc dục như khích tướng của
ruồi: "-Lòng từ bi của Ngài để đâu? Trong trái
tim hay trong ánh hào quang?" và lời trách móctrong tuyệt
vọng của nhện: "-Tại sao Ngài can thiệp vào câu chuyện
của tôi? -Thế thì ai thương tôi? Mười ngày nay tôi
không có một miếng thức ăn. Lòng từ bi của Ngài đã
giết tôi. Ngài không biết gì về thế giới sinh tồn cả." Những trao đổi bức thúc qua lại nầy là tiếng nói trong nội
tâm, trong tiềm thức của đức Phật, và không phải bất
cứ ai cũng được cái duyên may cảm nhận những bức xúc
nầy, nhờ đó mà được như Đức
Phật, trực diện với sự thật-"con đường còn rất xa",
trở về bồ đoàn, tiếp tục tọa thiền, nhắm mắt, chiêm
nghiệm, hành trì tứ vô lượng tâm.. Thoạt tiên, tôi nghĩ: Ngài đi một vòng lẫn quẫn.
Tôi đã vội vã phê bình, lấy lý, lấy cái thang
giá trị của mình mà chụp lên sự kiện. Tôi thiếu sự
kính trọng với một bậc chân tu, thiếu hiểu biết trong tình người.
Nghĩ cho cùng, Ngài là một cái gương lớn: đơn thuần
nhận thất bại, trở về với chính mình, tìm căn nguyên cho
sự giải thoát. Giác ngộ cái gì, giải thoát ra khỏi cái
gì, còn dính mắc cái gì, chỉ có Ngài biết cái bên
trong sâu thẳm của Ngài. Ngài là cái gương để
chúng ta theo đó mà hành trì, tu học, tu tâm dưỡng tánh.
Đó là gương sáng cho sự thành tâm, nhận thật, cho sự
chịu khó, kiên nhẫn, chịu đầu tư công sức, trí tuệ,
thời gian, và có thể còn nhiều điều khác nữa.
BA: THÁNH VÀ PHÀM Tuy nhiên,
"noi gương" không có nghĩa là "xưa bày, nay làm".
Xưa, "Thân thể phát phu, thọ chi phụ mẫu bất cảm hủy
thương, hiếu chi thủy dã"[12], thì ngày nay, hầu hết, từ ở mọi nơi nam, nữ, già trẻ,
đều hớt tóc, cắt móng tay, thậm chí có người xăm
mình. Một ông bạn tôi "cợt" cả xưa và
nay: " Làm cổ nhân có lợi lớn. Quá vãng
= bất thuyết. Hậu nhân bảo nhau:" Không có tiền nhân, không
có ta. Tôn được thì tôn, đừng có mà hục
với hặc." Suốt đời của tiểu đệ ôm mộng
làm sư nhưng mãi mãi cạo đầu không được vì
nếu đầu của tiểu đệ mà mất hết tóc đi
thì cái mỏ ác quý báu của tiểu đệ sẽ
nhức nhối vì lạnh. Làm sư suông còn không xong thì làm
sao có thể làm sư phụ? Thế nghĩa là đời đời
không có cơ hội thăng nhiệm làm cổ nhân."[13] Thiển nghĩ: với cổ nhân, nên dè dặt, nhất là
với bậc thánh hiền. Trong một giới hạn nào
đó, thánh hiền gieo bất hạnh cho loài người, hay đúng hơn vì mhẹ dạ nghe lời thánh hiền xúi dại,
mà lắm người thiệt thân. Đức Khổng, thầy Mạnh
giam người trong một chữ Trung-lắm người thành danh vì chết
lảng xẹt cho một hôn quân vô đạo..
Và như thế, trong nhiều thế kỷ. Thời xã-nghĩa[14], không biết bao nhiêu thế hệ đã hy sinh làm củi đốt
vì "Trung với Đảng", chết vì lãnh đạo "anh minh",...,
hoặc chết vì "chủ nghĩa anh hùng các mạng".
Là người thì ắt không
là thánh. Là người ắt bất toàn; bản chất là khuyết.
- Thế nên, nếu thánh hiền là
người, thì đó là những người bất thường. Bất
thường là không bình thường.
- Bất thường vì họ thuộc số it, ít lắm.
Người bất thường-không giống ai, khác đông đảo
thiên hạ. Thế mà, được đông đảo quần chúng
sùng bái, cũng là một điều bất thường khác.
- Một đặc điểm của thánh
hiền: Nói A rồi nói B, mà A và B đánh lộn nhau. Thí dụ:
Dạy rằng "Dân vi quý, quân vi khinh"; nhưng đồng thời
lại giam nhốt con người trong một chữ Trung, tuyệt đối: "trung
với vua'. Nói rằng "giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, tự do" rồi tròng vào cổ người
dân một con đường tất yếu đúng của thời đại",
nói cách khác là giải phóng để tròng vào
một cái gông cùm chủ nghĩa, áp đặt một chế độ
hà khắc hơn, đời nầy sang đời khác, mà lại có
đông đảo người "hoan nghinh" " hồ hởi" -nghĩ cho
cùng, không chỉ bất thường, mà còn bất tường[15]. - Thời đại chúng ta là thời
đại dân chủ--hiểu nôm na là người dân làm chủ, nói
rộng ra là thời đại của phàm phu. Đại
đa số là phàm phu và khi sực tỉnh, cảm nhận mình có
quyền sống, và đòi quyền sống. Thế nhưng,cấp lãnh đạo
quốc gia, lãnh đạo tinh thần-- các sư sãi, các cha,
các học giả-- vẫn viện lời của thánh hiền để trám
miệng phàm phu, buộc họ phải sống gương mẫu theo những qui
định của nhà nước, nhà chùa hay nhà thờ... Thêm
một cái bất thường: cùng là người, mà lời của
một thiểu số thánh bịt miệng được thiên hạ.
Có nên chăng kết luận rằng: Thánh
hiền là những con người không bình thường, là duyên
cho bất an, cho những họa lớn nhỏ của nhân loại? Khởi sự
là Khổng Tử--Đức Vạn Thế Sư Biểu- với trật tự Quân
Sư Phụ, và các đệ tử của Ngài. Nhà nho, "dài
lưng tốn vải ăn no lại nằm." Chẳng lợi
ích gì cho ai, học thơ văn, để thờ một ông vua, và nhờ
đó mà làm cha thiên hạ, gọi như vậy là phụ mẫu chi
dân. Đó là mầm của cái họa mất nước. Và giờ đây cả xứ đi tu, hoặc để "làm đầy
tớ của nhân dân', gắn bó với HỘI THÁNH ĐỎ, buôn quyền,
bán chức, và cả buôn dân, bán nước, làm giàu trên
sự thống khổ của người dân, hoặc để thành Đại
Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng, một loại thánh hiền
tân lập, để không động móng tay mà được người
lạy, cúng dường, cho Thầy ‘thượng tọa'[16], thượng hưởng. Tôi thiếu duyên, nên chưa thấy được
những nét thông tục của đời sống các cha và các nữ
tu Ky Tô Giáo. Nhưng nghĩ cho cùng nếu cả nước, già trẻ,
bé lớn, đều ngồi không, "bất chiến tự nhiên thành",
cả nước đi tu-chuyên-tu, thì ai làm ra của cải
vật chất? Nghèo là cái logic tất yếu, không có gì
là bất thường cả. Cái họa vong quốc không xa.
BỐN. BÌNH THƯỜNG TÂM
THỊ ĐẠO Nhà Phật
dạy: "Bình thường tâm thị đạo." Đó là lần
ít oi mà thánh hiền nói một câu có ý nghĩa. Phàm
phu là người bình thường trong thiên hạ. Muốn ngộ đạo,
phải nhìn cái bình thường, nói riêng cái thế giới của
những con người bình thường. Vậy,
- Hãy nhìn phàm phu mới
thấy cuộc đời thật nó ra làm sao, mới có cơ duyên ngộ
đạo.
- Và là phàm phu,
thì phải nhìn cái bình thường trong cuộc sống.
Có
đúng, có sai, có tốt, có xấu; đúng sai, tốt xấu, với
ai, ở đâu, thời nào, trong bối cảnh nào, trong những thang giá
trị nào. Thất tình lục dục là đươg nhiên.
Tự lai tự khứ: Ý thức, theo dõi hỷ nộ ái ố ai cụ
dục, và những phản ứng tự nhiên của tự thân. Nó tự
đến rồi tự đi. Đó là bình thường. - Nếu gặp thánh hiền, thì phải nhớ:
Thánh không là người, mà nếu là người
thì là người bất thường. Người bất thường
có thể là điên, là khùng -Ông Đạo Khùng-cũng
có thể là chi chi khác. Gặp thánh phải thận trọng, vì
thánh có thể làm phép lạ; và một trong những phép lạ
thường thấy là mình có thể mất mình
vì nghe theo lời thánh. Ngoài cái phù
du, năm chìm bảy nổi bá vạn lênh đênh của cuộc sống-mà
mình đương nhiên không tránh được-phàm nhân, lắm
khi, còn mang thêm vào cổ cái "phải là", cái "đúng"
của thánh nhân, thì ..quá ư tội nghiệp. Luôn phải ghi trong
tâm: Thánh nhân là bất thường và cũng bất tường.
- Thánh nói lý, nói chân lý,
cái lý tuyệt đối chân thật bất hư. Cái lý nằm
trong cuộc đời, và không là cuộc đời. Cái
lý đơn giản hóa cuộc đời, biến nó thành ngôn
ngữ, rồi theo những qui ước logic, biến cái phức tạp thật
sự xảy ra, thành tư tưởng, hay cảm tính, từ đó mà
suy luận. Thế nên, chân lý, vì là lý, nên không
có gì là thật cả. Cái lý không thể thật, nói chân
lý -cái lý tuyệt đối đúng-chỉ có thể là một
ảo tưởng, hoặc một cách lạm dụng ngôn từ. Nói
nó ‘chân thật bất hư' là ‘cả vú lấp miệng em'
đó.
- Khuất Nguyên, vì
mang cái gương chân lý mà nhìn đời, phóng chụp cái
nhìn của mình lên giòng đời, nên thấy đời đục
ta trong, nên không có một chỗ cho mình trong đời.
Ông
muốn gói giòng đời trong cái nhìn của ông, gói nó trong
tâm ông, mà làm sao gói , chứa một giòng chảy triền miên,
liên tục, dù là trong tâm của một người. Giòng
đời là giòng chảy của tử sinh, sinh tử, của những đúng
sai, phải trái, của thất tình lục dục-nối tiếp thường
xuyên, liên tục, vô cùng, vô tận. Bằng cách trầm
mình trong sông Mịch La, Ông như muốn nhắn gởi hậu thế: "Ta
đã chạy theo ảo ảnh của một chân lý tuyệt đối,
của một cái trong trắng minh bạch, rõ ràng, hoàn hảo. Ta có
nhận thấy, khi nói "đời đục, ta trong" nên không có
chỗ cho ta trong đời, ta cũng có nghĩ, đục trong là tương đối-không
đục làm gì có trong, không trong làm gì có đục.
Cái tương đối ấy là bản chất, là cái "thể",
bản thể của đời người. Thế nhưng, ta vẫn không
chấp nhận được rằng đó là thân phận làm người.
Tôi xuất thân là dân ruộng,
Ở tuổi thiếu niên, tôi cũng như hầu hết mọi người trong
cái tuồi ấy, thèm muốn gia nhập Thanh Niên Tiền Phong, nhưng Mẹ
tôi không cho. Rồi kháng chiến, ..đuổi chúng tôi ra thành
thị. Gốc rễ là nước phèn, phù sa nước đục, nhưng
có cái tự do thôn dã của đồng quê. Về thành thị
nước trong, nước máy, nhưng chen chúc, và lắm luật vua phép
nước. Tôi trôi nổi, mặc cho giòng đời đưa đẩy. Tôi cũng được duyên may: học sách thánh hiền.
Trong biến loạn, như mọi người nhẹ dạ, tôi có cầu nguyện,
cầu Phật, cầu Chúa, đi chùa, đi nhà thờ, nghe sư, nghe cha giảng
cái lý muôn đời. Rồi đọc Kinh Phật, Kinh Thánh; cố theo
lời dạy của người xưa mà hành trì. Chìm nổi
cũng nhiều, cuối đời nhìn lại, Trời thương, cho tôi giác
ngộ nhiều việc. Và duyên may, tôi không đắc, hoặc
có đắc nhưng rồi cũng thấy rằng: "Đáo đắc
hoàn lai vô biệt sự"[17]. Đắc một quả, có thể vì thế mà bằng lòng,
trụ ở quả vị đó-Phật, Thánh, Tăng- tức là cuộc sống
ngừng ở đó. Vì sống là đổi thay, có đó rồi
mất đó-nói là phù du, là vân cẩu, là bọt biển,
là vô thường, luân hồi vạn nẻo,..., nhưng đó là đặc
tính của cuộc sống. Cái hằng tồn, bất biến là biểu tượng
của cái chết. Tôi không muốn "chết trước khi chết".
Kinh Kim cang có câu; "Bố thí mà không
bố thí mới thật là bố thí." Bố thí-tôi hiểu
trong nghĩa là buông bỏ: Buông bỏ thành kiến, tiên kiến, định
kiến, mà không thấy mình phải buông bỏ, buộc phải buông
bỏ, nuối tiếc mà buông bỏ, buông bỏ vô điều kiện;
như vậy, mới thât sự là buông bỏ. Buông bỏ như vậy,
để đối thoại, giao lưu với người xưa, người nay, để
vấn hỏi kinh sách, và nhất là để nghe, thấy, cảm
nhận hết những âm điệu của giòng đời, để sống
hết và sống thật thà với những đúng sai, hay dở, phải
trái, vui buồn, hờn giận của người đời. Đó
là sống, sống đầy trong một cuộc sống vốn
luôn là khuyết. Với
cái gốc nhà quê, pha cái nét thành thị, rồi cơ duyên
đưa đẩy, được dạy dỗ theo những thang giá trị của
thánh hiền, rồi trong cơn biến, đi tìm Đạo, tìm nơi nương
tựa cho tâm linh, mới ngộ ra rằng: - Trời thương, không cho tôi an trú ở một quả
vị "hằng tồn bất biến, chân thật bất hư" nào. Cho nên
phải chấp nhận giòng đời trong cái thật là của
nó-không ngừng biến chuyển, không ngừng đổi thay. Sông
có nguồn, đổ ra sông lớn hay ra biển. Đời sống của
loài người, thì lại không rõ từ đâu và sẽ
đến đâu; nhưng là một giòng chảy, đổi thay vô
chừng, không lường trước được.
Đời của
một người-trên dưới 100 năm, người xưa sánh như bóng
ngựa qua cửa sổ. Vậy, không được phí phạm. Ở tuổi đang
đi vào cữu thập, quỹ thời gian cạn dần, một lần nữa, tự
dặn mình: không nên "chết trước khi chết."[18] - Cho nên, tình thiệt mà chia xớt
với hiền hữu bốn phương: Cuộc sống mỗi ngày mỗi mới,
mỗi ngày mình đều giáp mặt với cái mới. Cái mới
là cái mình chưa biết, chỉ vì chưa biết mà nó có
lắm cái bất ngờ, bất như ý, không lường trước được.
Cho nên sống là chấp nhận rủi ro; chấp nhận hiểm nguy, dấn thân
vào cái chưa biết, ngay ở đây và bây giờ.
- Vậy, dù muốn hay không, cũng phải trực diện
với cái mới, ngay ở đây và bây giờ, ôm lấy
giòng đời, trọn vẹn với nó. Xem vô thường là duyên
may; lấy bất đắc làm động lực tiến bước.
Biết đâu, đắc rồi, lại ngồi ở đó, "ung dung tự
tại", thích thú , bằng lòng ôm lấy cái chết-cái bất
biến hằng tồn- gọi như vậy là đạt đến cứu cánh,
mà thật ra là "chết trước khi chết".
Cho nên, nhìn
đức Phật trở lại cội bồ đề mà nhận thúc: "vô
sở đắc" là duyên may; nhờ đó mà mình luôn
đi tới, luôn cố làm đầy cái mà vốn khuyết, cái
mà không thể làm đầy: đùa với đổi thay, vui với tình
đời. Rồi đến ngày, Chúa kêu, Trời gọi, hay Satan bắt,
thì mình lặng lẽ ra đi, không nuối tiếc. "Con ruồi" đã dẫn tôi đi quá xa.
Thôi thì ngưng ngay tại đây, để lắng nghe lời chỉ dạy
của bằng hữu bốn phương. Houston, Texas, June 10 2017. NGUYỄN VĂN TRƯỜNG
[1] https://minhlien.wordpress.com. Làng Cổ Nhuế. Hàn Sĩ, Tiến Sĩ Vật Lý. Posted 31/3/2011.
[2] Đặng Thư Cưu. Đò Trăng. Tiểu thuyết, 1989. Trích: Đặc
San 22, PTGĐTĐ, trang 140-41, "Tưởng Nhớ Bạn Đồng Môn, giới thiệu
Vài Trang Viết của Đặng Thư Cưu", tức anh Lê Công Tâm
(1951-1991), CHS khóa (1963-70).
[3] Bảo Đinh Giang. [4] Wikipedia. Chủ Nghĩa Stalin. [5] Wikipedia. Cách Mạng Văn Hóa. [6] Ý nói: Con người sinh ra vốn là tốt. Chính xã hội làm
nó trở nên đồi bại." [7] Lục Tổ Huệ Năng: " không nghĩ thiện, không nghĩ
ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng
tọa Minh" [8] Đỗ Chiêu Đức: "Bạt miêu trợ trưởng"-nhóm cây
lúa non, để gúp nó chóng lớn. [9] Chạy đua theo thành tích. [10] Người Việt Nam Tồi Tệ. 2016. Trang 41. [11] Từ vay mượn trong bức tranh thừ 10, của "thập mục ngưu đồ",
ý nói: Khi đã trở về với nguồn cội, thì cứ đi vào
chợ (đời), thong dong, hai tay buông thõng, "tâm vơ quái ngại".
[12] Mình mẩy tóc da, cha mẹ sinh ra, chớ nên huỷ hoại, là hiếu
trước tiên vậy. [13] Email gởi cho một nhòm bạm. [14] Xã hội chủ nghĩa. [15] Điềm gở, điềm chằng lành, điềm xấu. Hán Việ Từ
điển. Internet. [16] Ngồi trên [17] Tô Đông Pha. [18] Tôi không muốn chết trước khi chết là lời của một ông
bạn của tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh (đã có một cuộc
sống lương thiện, lương thiện với mình và với tha nhân).
Khi anh được biết anh bị cancer, anh bị dao động nhiều; và sau cùng
anh bảo:"sống là một hồng ân, tôi không để tôi chết
trước khi chết."
TUẤN Một Tên anh là Tuấn.
Tuấn, như trong ‘anh tuấn', ‘tuấn kiệt', bao hàm cái ý: ‘xinh
đẹp, tài giỏi, thông minh xuất chúng'[1]. Anh thông minh, nhưng xuất chúng thì có thể không có gì
là đậm nét. Nếu không thông minh, không tài giỏi ở một
mức độ nào đó, thì làm sao Anh được mời vào
hàng ngũ giảng huấn của một trường Đại Học. Nhưng thông
minh và tài giỏi của con người thì giới hạn; nhất là
với những người mà cái mộng là trở thành một thầy
giáo biết nghề; và như thế, thì trong bối cảnh thời bấy
giờ, không thể gọi là xuất chúng. Đó là những gì
tôi nghĩ đã bắt gặp ở Anh. Anh thuộc nam giới, tác trung bình,
chắc người, nước da rất đàn ông, nên tôi không có
cái nhìn ‘tuấn tú", hay nói Anh xinh đẹp. Xinh đẹp nên
dành cho phái đẹp, phái cần làm đẹp. Anh là người Huế. Dầu ở trong Nam khá lâu, Anh
vẫn giữ cái giọng Huế rặc, Huế chay của Anh. Nặng chịch. Dân
gian có câu: Bắc: khôn, Nam: khờ, Huế: thâm. Nhưng Anh không
là con người thâm sâu khó hiểu, ‘có tính hay giấu kỹ những ý nghĩ mưu toan, nói năng kín đáo có khi mỉa mai, không để lộ ác ý'[2]. Làm thầy giáo thì phải có một thái độ cởi
mở. Dạy học, trong một giới hạn nào đó, là tôi luyện
tài khéo, mở mang trí tuệ, dìu dắt nhau khám phá cái mới.
Anh không khép kín. Anh vui tính, ào ào, như người Nam,
ruột thẳng ro. Anh thẳng tính, trực tính, cái tính đặc thù
của tuổi trẻ. Anh rất trẻ trong đám nhân viên giảng huấn
của trường; trẻ ở tuồi tác, trẻ ở tính tình. Vốn
bình dị, Anh dễ cho bạn bè tiếp cận. Giữa Anh và tôi có một khoảng cách. Cách nhau hơn
một con giáp. Có lẽ vì vậy mà Anh gọi tôi bằng thầy
và xưng là em. Lúc đầu tôi có chút ngại ngùng. Có
lần tôi phải nói với Anh: "Đừng xưng hô như vậy, tội
cho tôi! Người ngoải sẽ nghĩ rằng tôi là một ông sư
để tóc và nhảy rào." Còn
một khoảng cách khác là: Anh dạy Vạn Vật, tôi dạy Toán.
Toán là trừu tượng, suy luận, duy lý, là cuộc đời đơn
giản hóa đến trơn tru, trơ trụi, cho lý luận một chiều. Vạn
vật hàm ý thiên nhiên, cây cỏ, thú vật, chánh yếu là
khoa học thực nghiệm-duy vật và duy lý --cụ thể hài hòa chung
sống với môi trường. Thế rồi, duyên đưa, thỉnh thoảng
chúng tôi gặp nhau ở Phòng Giáo Sư, nơi dừng chân, uống
tách trà, giữa hai giờ dạy, hoặc trong sân trường, hay đôi
khi ở một quán cà phê nhỏ gần trường. Sau 30 tháng tư 1975, chúng tôi, nhân viên cũ của
trường, gần nhau hơn vì: a/
cùng số phận, ban đầu, hằng ngày trình diện ở trường,
rồi ngồi chờ ngoài sân, rồi sang quán cốc bên trường Bác
Ái, nói chuyện thời tiết, chuyện Đông Tây. Cùng nhau học
tập: ‘yêu nước là yêu xã nghĩa', ‘chủ nghĩa anh hùng
cách mạng', ‘tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã
hội chủ nghĩa', XHCN-xếp hàng cả ngày... b/ cùng sợ đổi thay, e ngại những bất ngờ
-quân quản, cách mạng. Quân quản là luật nhà binh, một chiều,
trên phán, dưới nghe và thi hành, không có đối thoại,
cũng ngầm hiểu là tòa án mặt trận. Cách mạng là thay
đổi tận gốc rễ--radical-quét sạch để xây dựng cái
mới "ngàn lần đẹp hơn". Cái mới, cái chưa biết, có lắm ngẫu nhiên. Mỗi
người có nỗi lo âu riêng, sợ cái họa ngẫu nhiên đang
dồn dập đến, và tiếp tục chồng chất lên chúng tôi.
Gia đình cách mạng có
những lo âu ‘cách mạng'. ‘Bắt lầm hơn tha lầm' là phương
châm cách mạng. ‘Giết lầm hơn tha lầm' là thực tiển
cách mạng. Làm trong sạch Đảng là những cuộc thanh trừng đẫm
máu. Gươm bén trước mặt không đáng sợ bằng cây
kim nhỏ đánh sau lưng. Riêng
chúng tôi: Chỉ cần một người học trò tố mình là
ác ôn, và chi chi đó, là có thể mang họa...Tôi nhớ có
lần đọc về Cách Mạng Văn Hóa, Bước Đại Nhảy Vọt
ở Trung Quốc. Tôi cũng nhớ những hình ảnh, và bài tường
thuật, tuần lễ đầu tiên sau ngày giải phóng Paris: những cô
gái điếm-tội nghiệp-bị cởi trần, đối đã i tồi
tệ, dẫn đi trên Đại lộ Canebière ở Marseille, vì làm điếm
cho quân đội Đức Quốc. Hoặc vợ ngoại tình, tố chồng
làm điệp viên cho Đức Quốc. Anh
thuộc gia đình cách mạng. Tôi được nghe:
Ông Cụ từ Bắc trở về, và ngày
ngày đọc báo Sài Gòn Giải Phóng, nhựt báo chính thức
của Đảng: đọc kỹ, đọc thích thú, highlight những điểm
chánh yếu, giải thích những nghị quyết linh tinh cho các con cháu.
Hình như Anh còn có hai người cậu, Bí Thư Tỉnh Ủy hay Chủ
Tịch ở Biên Hòa, và Huế. Ông Hoàng Xuân Tùy, Thứ Trưởng
Bộ Giáo Dục và Đào Tạo là cậu của Anh. Anh không
dấu những điều nầy. Anh cũng không quá hãnh diện về những
thành tích gia đình mình, nhưng cũng không có lời lẽ phê
phán quá đáng, hay xúc phạm. Nhà nước cách mạng sớm lập trong mỗi Ban, bây giờ gọi
là Khoa-Toán, Lý, Hóa, Vạn-Vật, Triết Văn, Sử,..., một Tổ-Nòng-Cốt,
gồm những người trẻ, còn trong sáng, ‘chưa bị nhiễm
nhiều bởi nếp sống ‘sa đọa của ngụy dân tư bản''.
Anh được chọn làm thành phần nồng cốt "cách mạng"
của Khoa Vạn-Vật; được đi học đường lối, chánh sách
của Đảng và Nhà Nước, hay Triết Học Mác-LêNin-cái
mà về sau nầy được cái ‘bí danh' là "thầy không
muốn dạy, trò không muốn học'-để rồi phổ biến lại
cho chúng tôi, hay điều khiển những buổi học tập, "cải tạo
tư tưởng". Chúng tôi có
e dè với Anh, lúc ban đầu. Nhưng vì Anh trực tính và cởi
mở; thấy cái gì chướng tai, gai mắt thì Anh nói ‘toạc
móng heo' trong khi, ai ai cũng ngầm hiểu: im lặng là vàng, có những
sự thật không nên nói, hay nếu có nói phải quay cái lưỡi
vài chục vòng, nghĩ cho cặn kẽ....rồi im lặng. Anh thì ào ào, không e sợ cái mà mọi
người đều sợ. Anh quên lời dạy của "thánh hiền":
lời nói, lúc bấy giờ, không là bạc mà là chì,
còn im lặng là vàng. Lúc đầu, ai cũng nghĩ là Anh có
gốc, mới dám...tự do như vậy. Anh thật có gốc. Nhưng dần
dần, nghĩ đến chuyên xưa, chuyện nay, mới ngộ ra là tại cái
tánh của Anh nó như vậy. Hai
Tôi có một tật xấu: cả đời,
hút thuốc lá của thiên hạ; nói đúng ra là của bạn
bè hay đồng nghiệp. Có lắm điều lợi: không phải mua, không
phải giữ trong túi, tìm kiếm thuốc và hộp quẹt, không hôi
nhà cửa. Không bị ghiền. Bà chủ tôi khuyên đừng hút
thuốc; thánh hiền lại dạy: ‘phụ nhơn chi ngôn, bất khả
bất thính'[3]. Lời thánh hiền thì ắt phải phụng hành mà thôi!
Ngoài ra, tôi là con út trong nhà, mà
lại là dân ‘cậu': bên ngoại là điền chủ--không
gieo mạ, mà góp lúa; bên nội là hương cả trong làng
và cũng có chút đất điền, theo đó bên nào tôi
cũng được người dân quê gọi là ‘cậu'. Cậu,
‘ngồi mát ăn bát vàng', nên: yếu lắm! Đã vậy
mà còn là cậu út, nên: quá yếu! Trên tôi, ngoài
sự "kềm kẹp của ba má tôi"-"gọi dạ, bảo vâng"
một chiều, năm nầy sang năm khác- còn thêm một tá anh chị.
Cho nên, trong bản chất, tôi nhút nhát. Với bạn bè thân,
thì thoải mái, cãi lý, chí chóe đến nơi đến chốn.
Ở chỗ lạ, thì thận trọng, ít nói, ít lời. Thế
nên, khi thấy cần thiết phải đặt vấn đề, và phải trực
diện đối thoại, tôi cần hút một điếu thuốc lá, để
‘lấy hứng', để quên cái thói quen e dè, sợ va chạm, sợ
mất lòng anh em, và trong bối cảnh "cách mạng", dầu sôi,
lửa bỏng, thì khẩu-nghiệp, khẩu-họa khó lường.
Sau 1975, tôi hút thuốc lá thường hơn,
và cũng không đợi bạn mời mọc, mà phải xin một điếu.
Lần đó, Tuấn gặp tôi. Như hiểu
ý, Anh đưa tôi một gói Vàm Cỏ, đã mở. Tôi bóc
một điếu, vừa định để lên môi, thì Anh vội vã
nói: ‘Khoan đã thầy, thầy lấy nhầm rồi, đó là Vàm
Cỏ, dành cho cán bộ, thầy để lại; phía bên trong, có
thuốc ba số (555, thuốc lá Anh Quốc) để mời thầy.' Thì
ra: Thời cách mạng, thuốc lá cũng có giai cấp, giai cấp ‘ba
số 5' và giai cấp Vàm Cỏ. Tôi
thấy vui vui, dễ chịu. Anh không xinh đẹp, nhưng có một cách cư
xử đẹp, làm đẹp cuộc sống. Ba "Không có
gì quí hơn độc lập, tự do" là những biểu ngữ, trên
khắp đường phố, từ ngày đầu mà chúng tôi được
"giải phóng". Nhưng cái nội dung "độc lập", "tự
do" không được ai giải thích cho người dân, người dân
vừa được "giải phóng". Thực
tế là gần như mọi gia đình ở Miền Nam đều có thân
nhân, ‘được giải phóng', ‘có tự do', nhưng phải đi
‘cải tạo tư tưởng', tại chỗ, hoặc trong một trại tập
trung mà thực chất là một trại tù, một trại giam tạm,
nói là tạm nhưng có lắm người tạm ở trên một thập
niên, và lắm người bỏ mình trong đó. Tự do, nhưng không được nghĩ khác. Phải
nghĩ: "yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa". Phải
tin: "Chủ Nghĩa Mác Lê bách chiến bách thắng". Phải xác
quyết trong tâm: "Xã Nghĩa là hướng đi tất yếu của nhân
loại, sông có cạn, núi có mòn nhưng chân lý ấy không
bao giờ thay đổi". Tự do, mà ngay trong tư tưởng, phải đi "tẩy
não". Không có cái tự do chung chung, hay tự do lựa chọn,
chỉ có một tự do là tự do xã nghĩa, chọn con đường
đúng, con đường mà trí tuệ tập thể đã chọn và
áp đặt cho mình. Độc
lập? Chúng tôi được dạy: Phải khuyến khích "tư
duy độc lập" trong các học sinh, sinh viên mình. Nhưng cũng
luôn được nhắc nhở là mỗi giáo chức phải là một
cán bộ tuyên huấn của Đảng. "Hồng trước rồi mới
chuyên". Lại còn phải nhớ:" Yêu nước là yêu xã
hội chủ nghĩa". Không có cái yêu chung chung, yêu nước
chung chung, yêu xã hội chủ nghĩa mới thật là yêu nước,
mà yêu xã hội chủ nghĩa cũng không là yêu xã hội
chủ nghĩa chung chung, hay yêu xã hội chủ nghĩa của ông Max hay Engels...
mà là yêu xã hội chủ nghĩa hiểu theo cái cách hôm nay
của Đảng-tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã nghĩa
mà không qua tư bản chủ nghĩa." Thế nên, đừng xúi
dại tuổi trẻ... "tư duy độc lập". Người ngoại đạo-Đạo
Cộng Sản-mà có tư duy độc lập thì có khả năng đi
tù cải tạo. Người trong Đạo-đảng viên-mà có tư
duy độc lập có thể là người dị giáo, thuộc thành
phần xét lại, "đánh lận con đen", không bị thiêu sống
nhưng bị "mò tôm"[4], chôn sống, hay âm thầm thủ tiêu. Thế nên, chúng tôi không dám xúi dại: Hầu hết
bạn bè tôi thuộc diện cải tạo, không khéo lại thêm
con cháu, học trò tôi, đi "tẩy não".
*** 1979,
gần Tết, tôi phải bới xách đi thăm nuôi anh tôi, ‘học
tập cải tạo' tại Trại Hà Nam Ninh. Nghe tôi đi Bắc,
Bà Nhan Minh Trang, có gởi nhờ tôi một số thức ăn và thuốc
men cho chồng, ‘học tập cải tạo' ở Trại Hà Tây.
Tôi có người bạn thân, anh Nguyễn
Duy Xuân. Trong những năm tháng Anh về làm việc ở Cần Thơ, thỉnh
thoảng, thứ Bảy và Chúa Nhât, chúng tôi gặp nhau cùng một
số bạn bè, vui trong những câu chuyện Đông Tây. Trong đám,
có Lê Công Trực, anh em cột chèo của Xuân, và một vài
người khác. Xuân, Trực và tôi rất thân nhau. Tin đưa: anh Xuân, Viện Trưởng Viện Đại
Học Cần Thơ, đang ‘học tập cải tạo' ở Hà Tây,
và có tin rằng Anh không có ai ‘thăm nuôi'.
Nghe mà xót. Xuân là một chuyên viên được đào tạo
từ nhiều nguồn-Pháp, Anh, Mỹ, và có kinh nghiệm về quản lý,
tài chánh, kinh tế, giáo dục Miền Nam. Anh là một trong ít người
mà có một cái nhìn tổng thể và cụ thể trong nhiều lãnh
vực khác nhau. Đi vào cụ thể, Anh có số liệu, có kinh nghiệm
sống để chia sẻ, và đặt những vấn đề rõ ràng,
mạch lạc, để hỏi ý, để anh chị em cùng suy nghĩ. Anh có
những cái nhìn địa phương trong chi tiết, một cái nhìn
bao quát về Miền Nam trong tương quan thuận nghịch của chiến tranh lạnh.
Các đảng phái, hiệp hội, phong trào Miền Nam ve vảng, muốn lôi
kéo anh vào, nhưng Anh muốn giữ cái tự do riêng của mình, không
chịu khép mình trong một đường lối, trong những triết thuyết
của các thánh hiền xưa và nay. Trong những ngày cuối tháng Tư 1975, Anh có gọi tôi, cho hay
là đã đưa gia đình lên máy bay, Anh sẵn sàng...ở
lại. Thế rồi, như bao anh em khác, Anh đi tù cải tạo.
Muốn có một chuyên viên, như anh
Xuân, tối thiểu phải 12 năm Trung Tiểu học, 4 năm Đại Học,
thêm vài năm cho Luận Án Tiến sĩ. Đó là chưa kể thời
gian vọc phá đầu đời, vì chưa kinh nghiệm. Xuân không chỉ
đã qua cái tối thiểu ấy. Anh lăn lộn trong những vấn đề
cổ điển-academics, và thực tiển quan sát môi trường trong các
Đại Học Pháp, Anh, Mỹ, và ở Việt Nam, Anh đi từ cấp bậc
khiêm nhường lên đến trách nhiệm Tổng Giám Đốc, Viện
Trưởng, Tổng Trưởng. Ít người có cái tri thức và
kinh nghiệm của Anh. Và riêng tôi nhận xét: ít ai có cái
bình dị, thẳng thắn, trung thực, liêm chính và hiểu biết của
Anh. Anh "nằm ấp"[5], tri thức Anh bị lỗi thời, mai một. Thật xót xa. Tôi muốn
thăm Xuân. Chút quà, chút tình, trong cảnh nầy, có thể đem
lại Anh chút vui nhẹ, chút an ủi. Nhưng nghĩ mãi, không phương
cách. Tôi không biết một ai trong gia đình anh Xuân, để
xin được ủy quyền đi thăm Anh. Tôi
nghĩ đến Tuấn, người có gốc, và gốc là một đại
cổ thụ. Hơn nữa, sâu trong tôi, có cái trực giác là có
thể nhờ Tuấn được điều nầy. "Hiếu nghĩa bất vi vô
dõng giả" là con người của Tuấn. Tôi cũng nhớ điếu
thuốc "ba số", tôi may mắn được Tuấn mời. Tôi phải
hỏi, phải nhờ, và chấp nhận khả năng ...bị từ chối, và
có thể những hệ quả bất ngờ khác. Tôi cũng phải biết
thêm về người bạn trẻ của tôi. Uống cà phê với Tuấn bên hè phố, gần Trường
Đại Học Sư Phạm, cơ sở Đại Học Vạn Hạnh cũ, ở
dốc cầu Trương Minh Giảng. Tôi
hỏi Tuấn: -Tuấn có biết anh Nguyễn
Duy Xuân không? -Biết chớ thầy,
thầy Xuân ở Cần Thơ, nhưng không thân. Tôi giải thích là tôi muốn đi thăm anh Xuân,
và cần một giấy ủy quyền của gia đình. Tôi hỏi Tuấn
có thể nào nhận ông Xuân là cậu của mình, rồi về
phường làm giấy ủy quyền, nhờ tôi đi thăm. Như vậy có
được hay không? -Được chớ
thầy, em làm ngay bây giờ. Thầy chờ đây, em vào trường,
xin ngay giấy ủy quyền cho thầy. Không
đợi tôi trả lời hay phản ứng, Anh đi ngay vào trường.
Một lát sau, Anh trở ra: Có cho thầy rồi đây. Em bảo họ là cho tôi
xin nghỉ một tuần và xin giấy phép đi thăm nuôi người cậu
là ông Nguyễn Duy Xuân, ở trại Hà Tây. Họ bảo là không
tiện vì chưa nghỉ Tết. Em nói: Như vậy, sao ông Trường
lại được phép đi thăm ông anh của ổng? Họ lúng túng.
Em cười giảng hòa: Thôi thì chứng nhận cho tôi ủy quyền
nhờ ông Trường đi bới xách cho Cậu tôi, thay cho tôi.
Anh đưa cho tôi tờ giấy nhà trường
cấp. Vậy mà Anh vẫn chưa yên
tâm: -Em về Phường làm thêm
một giấy ủy quyền có Phường thị thực cho chắc ăn.
Lòng tôi nhẹ hẳn. Trong "cao trào cách mạng", ai ai cũng giữ gìn,
e dè, và sợ. Sợ mà không biết là sợ cái chi. Được
‘giải phóng', vậy mà sợ. Tôi tuổi ngọ, mà học trò
tôi thì nhất quyết rằng tôi tuổi con cọp: Tôi sợ. Khuya, nghe
chiếc xe jeep, ngừng trước nhà: tôi sợ. Sợ chính quyền
cách mạng chiếu cố. Sợ lỡ lời, sợ hiểu lầm, sợ những
anh em mình vì quá sợ, mà trở thành cách mạng giờ chót,
sợ bất cứ cái chi, một thái độ không phải lúc, không
phải chỗ, mà có thể gây ra lắm phiền phức cho bản thân
và thân tộc. Cách mạng, không là cải cách, không
là sửa đổi, mà là đập phá, dẹp mọi cái cũ,
mà Miền Nam thuộc cái cũ. Cả não bộ Miền Nam đang ở
trong các trại tù cải tạo tập trung, chỉ vì nó thuộc cái
cũ. Tuấn đã cho lại trong
tôi niềm tin ở lòng người. Người xưa nói đúng: "tuấn"
có nghĩa là xinh đẹp. Trong tôi có một hình ảnh đẹp
về Anh, đẹp người, đẹp tính, đẹp tình người.
Cám ơn Anh. Lần đầu tiên, tôi đi Bắc, với bốn giấy
phép thăm nuôi: anh tôi ở Hà Nam Ninh, Xuân, Trang ở Hà Tây
và một người cháu họ gọi tôi bằng cậu, ở Trại Phủ
Lý. Đàn ông đi thăm nuôi, hầu như không có ai. Hầu
hết đàn ông, có chút học thức, tuổi từ 18-19 đến
60, đều nằm trong các trại cải tạo. Tôi như con quái điểu
lạc đàn. Bốn
Lại thêm một lần, không hẹn mà
gặp nhau, ở quán cà phê, bên kia đường Thành Thái ngang
cổng trường Quốc Gia Sư Phạm hồi trước, mà bây giờ là
Cổng chính Trường Đại Học Sư Phạm. Khá trưa, sau giờ
dạy. Tiết trời nóng. Năm ba anh em. Hình như có cả ông
Khoa Trưởng thất sủng của chúng tôi nữa. Vẫn là những câu
chuyện cuộc sống đó đây, thời xã nghĩa. Chuyện kinh tế
mới, chợ trời, thăm nuôi, tin tức đi chui, chuyện lý lịch, tiêu
chuẩn trong các kỳ thi .... Chúng tôi chia tay, Tuấn đi về phía Chợ
Lớn, theo đường Thành Thái, tôi theo đường Cộng Hòa,
hướng về đường Hồng Thập Tự, Nguyễn Hoàng, đi về
nhà. Đến ngang Trường Petrus Ký, bây giờ gọi là Lê
Hồng Phong, tôi nghe như có ai theo tôi, thở mạnh, hoặc gọi tôi.
Quay lại: là Tuấn, thở gấp. Vì đạp nhanh để kịp gặp
tôi. Chúng tôi dừng lại bên
đường. Tôi nhìn Tuấn như hỏi: Có chuyện chi? Tuấn hổn hển: -Em chào thầy, mai em đi. -??
-Đi chui, đi vượt biên. Mắt Anh đỏ, như Anh đã khóc hay bị bụi mà
phải dụi mắt. Chúng tôi chia tay
nhau. Đạp xe dọc con đường Hồng
Thập Tự, sang Cường Để, rồi về đến nhà, tôi băn
khoăn, ngẩn ngơ, nghĩ đến Anh. Nghĩ đến ngày mai. Nếu Anh
may mắn lọt lưới công an, thì biển rộng, trời cao, thế giới
như rộng mở đón Anh và gia đình nhỏ của Anh; đồng thời
những ngẫu nhiên, chết người cũng đang chờ Anh. Gió bão,
chiếc thuyền mong manh, trang bị thô sơ, mà lắm khi lại chở người
quá tải, tài công thường là chưa bao giờ lái ra biển cả,
định hướng thì chỉ một chiếc la bàn, mua ở chợ trời.
.. . Trong vòng bạn bè tôi, lúc bấy giờ, tính ra thì có
50% đến được bờ bên kia. Anh chị Lê Trọng Vinh, cùng ở
trong chung cư với chúng tôi, và năm con cùng cô dâu, anh Đang,
Ban Việt Hán, trường tôi, và gia đình nhỏ của Anh đều
làm mồi cho biển cả... Và còn nhiều người bạn khác mà
giờ đây, tôi không nhớ rõ. Sao
Anh lại tin tôi? Đâu có cái gì bảo đảm ‘chui mà
lọt'? Tôi cầu nguyện cho gia đình
Anh an ổn đến bờ bên kia. ***
Anh đi là từ bỏ quê hương thân
yêu của Anh, mẹ cha, anh chị, gia đình lớn êm ấm của Anh. Anh
từ chối bóng mát cây đại thụ, cái gốc ‘cách mạng
to lớn' của Anh, để nhận những hiểm nguy có thể mất mạng,
và nếu may mắn thoát khỏi, thì là một cuộc đời
lưu xứ, xứ lạ quê người, tha hương cầu thực. Một
ngôn ngữ khác lạ, những tập tục khác lạ, một nền văn
hóa khác lạ, mà Anh phải hội nhập cho kỳ được.
"Cây cột đèn
mà có chân, thì nó cũng đi..lưu xứ," là một câu
nói dân gian. Khoa Toán chúng tôi có anh Trọng Tuấn-Tổ Trưởng
tổ Nồng-Cốt - là một trong những người đầu tiên của
Trường tôi, được chọn đi viếng thăm Lăng Bác...cũng
đi chui. Những nồng-cốt cách mạng, có thiện tâm, thiện
ý, cũng phải tìm cách đi...chui. Quý anh, không phải theo gương
‘Bác' mà...chui. Bác chui để đem về cho quê Bác, tang
tóc, nhà nhà là tử sĩ, thương binh, để nhân danh giải
phóng con người, mà thực chất, là thay thực dân bằng một
chế độ toàn trị, gấp 10 lần tàn nhẫn, ác ôn, thâm
độc hơn. Giờ đây, không còn thực-dân chủ-nghĩa -colonialism-mà
là "chủ-nghĩa ăn-dân"-demophagy[6]. - Chiến tranh chấm
dứt, mà lòng người bất an.
- Hòa bình trở lại, mà gia đình tan nát. Người
trong tù lo, đau xót không biết gia đình sinh sống ra sao. Người
ở ngoài, trông con, trông vợ, trông chồng, trông cha, trông mẹ.
- Cách Mạng thành công mà cả
nước đi chui, Miền Nam chui, Miền Bắc cũng chui. Thành phần
còn lại hoặc trong tù, hoặc trong quân ngũ, hoặc trong đội
ngũ cán bộ, hoặc là bô lão hay thương binh tàn tật.
- Đói, đói dài dài, đói
triền miên: Đói cơm áo, đói thuốc men, đói tin tức,
đói thông tin, đói tri thức, đói tình thương,...,.
- Thức ăn mà nhà nước cấp
cho là gạo hẩm, bo bo, khoai sắn. Xuyên tâm liên là thần dược.
Diện châm, châm cứu...trị bá bệnh!
Sự ra đi của anh phải chăng là dấu hiệu
báo trước cho sự tan rã của Liên Bang Sô Viết-Thánh Địa
Xã Nghĩa, và sự hình thành những quái thai như ‘kinh tế
thị trường theo định hướng xã nghĩa"? Hay là một bản
án tử hình-án treo- cho chủ nghĩa vô nhân đạo nầy?
Đôi giòng ghi lại một đoạn
đường chông gai, mịt mù tăm tối, không thấy hướng đi,
vì bị cột nhốt, giam hãm, tù đày trong một chủ nghĩa độc
tài toàn trị, mà chủ trương là chiến tranh giai cấp, "trí,
phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ', giết người
hàng loạt. Trong giai đoạn nghiệt ngã đó, có những lúc
chúng ta gần nhau, chia xớt, nương tựa; và Anh đã để lại
ở tôi nhiều ký ức sâu đậm, dễ thương, làm ấm
lòng người. Ghi lại để cám ơn Anh, để cám ơn những
người bạn đã giúp tôi, trong tuyệt vọng, không phải gục
ngã. Nguyễn văn Trường
Houston, Texas 04/12/2017
[1] Hán Việt Từ điển trích dẫn tổng hợp. Internet. [2] Wikitionary. Thâm. [3] Lời của Lưu Linh (210-270), một trong Thất Hiền Đời Tấn: "Phụ
nhân chi ngôn, thận bất khả thính" . Lời nói của người
đàn bà, cẩn thận, không nên nghe. Thánh hiền đời
sau đổi lại cho thực tế hơn: Lời nói của người đàn
bà không thể không nghe. [4] 1946-48. Cột tay chân nạn nhân, rồi thả ngoài sông lớn.
[5] Tiếng dân gian Miền Nam có nghĩa là bị giam cầm. [6] Từ của Hồ Xích Tú, quí tử của Cụ Hồ Hữu Tường.
Cụ Tường là một nạn nhân của những Trại Từ Cải Tạo.
1. ÂM VANG ĐẠI
HỘI 05/08/2017 Thân gởi các em tôi, cựu học sinh Phan Thanh Giản
Đoàn Thị Điểm Cần Thơ, trong Tổ Chức Đại Hội Kỳ
21, 2017. Các em thân mến,
Thơ nầy chánh yếu ở hai điểm: Cám
ơn và xin lỗi. 1.
Cám ơn: - Tôi có viết
và đọc trước Đại Hội: "Chúng ta có hội họp
hàng tháng và nhiều lần khi gần ngày Đại Hội. Ai ai cũng
muốn cái hoàn hảo nhất; mà mỗi người thì mỗi ý
tình riêng. Thế nên có: dị biệt, bất đồng, mâu
thuẫn, tranh luận, đối chọi, thậm chí, va chạm...; nhưng chúng
ta đã để những ốn ào đó lắng động, chúng
ta đã lắng nghe lẫn nhau, chúng ta đã dành cho nhau cảm thông
và hiểu biết. Nhờ vậy mà tranh cãi trở thành
đối thoại, xung khắc biến thành giao lưu; làm như tổ chức
Đại Hội giúp chúng ta gần nhau hơn, khắng khích nhau hơn.
Chúng ta có nhau , đồng tình, đồng đội, trong cái
dễ thương nhất của tình người. Trong dị biệt các em
đã tìm được tương đồng và hòa đồng.
Tôi cám ơn các em về bài học nầy mà tôi
học được ở các em." Một trong những thử thách lớn nhất của tôi
trong nhiều năm nay là : lắng nghe tha nhân, hiểu biết và cảm
thông. Hôm nay, có thời gian nhiều hơn, tôi xin thêm
đôi giòng: - Cám ơn các
em đã tin và giao cho những nhiệm vụ trong tầm tay. Cám
ơn riêng anh Thành, anh Đức, anh Hựu, anh chị Hậu; nhờ quí anh
chị mà công việc rước đồng môn ở phi trường Hobby
hoàn tất tốt đẹp. "Tiện nội"có se da, khá
nặng, chị Hậu, tức Cô Cúc, tình nguyện sang thay tôi trông
và chăm sóc "tiện nội" gần suốt ngày 05/04.
- Nhưng
không chỉ có như vậy.
Hôm qua, trong lúc các em đang
rất chi là bận rộn tiếp khách, hay đưa khách đến phi
trường hay xuống tàu đi cruise-gần 200 du khách-mà khách là
những vị thầy cô hay bằng hữu thân thương, thì
tôi, ‘ung dung tự tại" đọc Đặc San 22.
Những hình ảnh và chú thích gợi nhớ bao nhiêu ký ức.
Nhớ Huỳnh vĩnh Lại, Lưu Phương Thinh, Trương
Hiệp Khánh, Lương Minh Khóa,Trịnh Chí Sĩ...mỗi người
một vẻ, lắm nét thân thương. Rồi "Mỡ Ngõ",
lời nhắn gởi của Chị Thơ, "thương cảm
và đồng tình", như ẩn tàng cái ý: Đại
Hội nầy là của chúng ta, học sinh PTG-ĐTĐ, và nói riêng
của những cựu hoc sinh có mặt, để đón rước quý
thầy cô của chúng ta. Chúng ta cùng cúng giỗ thứ 150 cụ
Phan, kỷ niệm 100 năm sự có mặt của Trường Phan. Tôi được đọc lại bài nói
chuyện của Thầy Lưu Khôn và Thầy Nguyễn Trung Quân, bài
Tôn Sư Trọng Đạo của Ông Đồ Đỗ Chiêu Đức,
Trăm Tuổi thành..một tuổi của Thầy Đoàn Xuân Thu, Thơ
xướng họa Phương Hà và Mai Lộc,..Tôi có xem và đọc
nhanh các ghi chú hình ảnh 20 năm sinh hoạt của anh chị em chúng
ta, trong phần cuối. Tôi cám ơn các em đã cho
tôi cơ duyên khám phá dĩ vãng, sống lại
ký ức; học ở các em ý tình mà các em dành cho trường,
dành cho quí thầy cô và anh chị em chúng ta cùng các thân
hữu. Các em khéo gói ghém, khéo sắp xếp, hình ảnh,
thơ văn, nghiên cứu, thuật chuyện, những nghĩ suy, trong một trật
tự--rõ ràng, súc tích, mà hấp dẫn, mời mọc, gợi
cảm. Các em không là Nguyễn Đồng và Nguyễn Thị Hợp,
nhưng Đồng-Hợp đồng-hợp lại cũng không trách tôi nhận
xét: nghệ thuật trình bày Đặc San 22, không kém Đồng
-Hợp tí nào. Cám ơn các em: về
cái ý tình tàng ẩn trong mỗi chi tiết trình bày của
Đặc San 22, mà các em gởi gấm cho đồng môn, thầy cô và
thân hữu. Cái ý đã quí, tình nghĩa quí trọng hơn.
Tôi xin cám ơn riêng hai em Nguyễn Công
Danh và Lê Hoàng Viện, ở quá trình đầu tư trong Đặc
San. Riêng em Nguyễn Công Danh đã liên tục 11 năm nay cặm cụi
dưỡng nuôi Trang Nhà ptgdtdusa.com, đường giây
liên lạc nhanh nhất và hữu hiệu nhất giữa quí thầy cô,
anh chị em chúng ta và các thân hữu. Nhân đây,
tôi muốn ghi lại lòng tri ân của tôi đối với quí anh chị:
Phạm Khắc Trí, Lưu Khôn, Trầm Vân, Mai Lộc, Lộc Mai, Phương
Hà, Song Quang, Quên Đi, Danh Hữu, Cao Linh Tử, Quang Tuấn, Thái Huy, Mai
Xuân Thanh, Nguyên Nhung, Diễm Phượng ... Dương Hồng Đức, Đoàn
Xuân Thu,.. đã luôn năng động làm Trang Nhà ptgdtdusa sống
động, đầy ý tình, luôn giúp tôi mở rộng, đào
sâu tầm nhìn. Mong quí anh chị em, tiếp tục mạnh hơn, để
ptgdtdusa là cánh cửa luôn mở rộng cho quá khứ, hôm nay và
ngày mai. Đang chậm bước vào tuổi 90, ptgdtdusa là điểm
tựa cuối đời, giúp tôi một phần, để sống trọn cái
duyên mà Trời ban, trọn vẹn với khổ lạc, vui đùa với
phù du, với luân hồi vạn nẽo. Rồi chừng nào Chúa gọi,
Trời Kêu, hay Sa tăng bắt, thì vui vẻ dạ thưa: tôi ở đây
có mặt. - Cám
ơn các em cũng là ghi nhận cái công sức
của những anh chị em mình, ít lời, nhưng nhiều đóng
góp, luôn chăm sóc chúng ta: Chị Huệ và
gia đình-nói riêng cháu Hoàng Thúy, bao sân, đâu cũng
có mặt, chị Thơ, cô Tám Thu Nguyệt và đức lang quân,
anh Phạm Phi Long và phu nhân, anh chị Phùng Văn Huỳnh, Trương Công
Hạnh, Ung Ngọc Đạt,..Và là một thiếu sót lớn nếu
tôi không ghi lại ở đây, hai chị Ngọc Diệu và Ánh Nguyệt,
nhờ hai Chị, chi tiêu ngân sách phân minh, hai anh Hựu và Danh, trong
ngoài xông pha bất kể giờ giấc. Phải nhiều công sức, nhiều
tình nghĩa, chịu thích nghi với một kỷ luật tồ chức chung,
mới có được những lễ nghi, nghiêm túc, mà đầy
tình người, như những ngày vừa qua.
- Các em đã tạo cho tôi duyên may
1. Gặp
lại cố nhân: anh chị Phạm Khắc Trí, anh chị Nguyễn Trung Quân,
anh chị Phạm Văn Đàm, anh Lưu Khôn, anh chị Phan Thanh Thư, anh chị
Đinh Hoài Xuân,...Mọi người mạnh giỏi trong cái tuổi của
mình 2. Thêm bạn mới: anh Nguyễn Việt Tân, quí
tử của Thầy Nguyễn Gia Lịnh-thầy Lịnh là giáo sư toán
của tôi, năm 3eme Année, quí chị: Thu Vân, Thu Hương,
Thu Nga, Lê Bạch, Lê Trinh,.. quí anh Phát, Sung, Tài,...và anh Hanh Florida.
Anh Hanh ơi! Bài vọng cổ quá hay. Tôi không lãnh
hội được nội dung, nhưng giọng ca trầm bổng, quyện lấy
tiếng đờn, đã làm cho tôi-gốc ruộng, chân phèn, nước
đục phù sa-nhớ lại những đêm trăng sáng, nghe tiếng hò
trong đêm, và đôi khi cũng được nghe vọng cổ--không
là của Út Bách Lan, Thành Được hay Út Trà Ôn, trong
một auditorium đầy khán giả--mà là tiếng hát của dân
quê đối đáp với tiếng đàn kìm hay đàng guitar:
Hò lìu xang xê cống. Cám ơn anh Hanh, nhớ nhà
đứt ruột. 2. Và tôi
xin lỗi: - Tôi, trong ban tiếp
tân, có đến trễ hôm Tiền Đại Hội, khoảng 1:30 phút.
Thật quá đáng. Cuộc sống vốn bất toàn, làm người
không ai hoàn hảo. Luôn có những bất như ý, không lường
trước được. Tôi không lấy đó mà biện minh hay bào
chữa. Tình thật lòng ngay, cho tôi xin lỗi.
- Nhờ ở Đại Hội, tôi được
duyên may, gặp lại cố nhân nhưng, tôi đã để mình
lạc trong tiếng nhạc, trong trầm bỗng của lời ca, trong trăm
sắc trăm màu của các điệu múa Đông Tây, ngâm khúc,
lâm thon, bebop,...Trước Đại Hội, tôi dự định đến
cám ơn anh chị Lê Văn Hai, mà đã cho tôi một buổi chiều
Tiền Đại Hội 2004, ở Phoenix, nhớ đời, ở nhà của anh
chị; tôi cũng dự định gặp anh chị Nguyễn Phép, để hỏi
và thảo luận về một vài việc, trọng yếu đối với
tôi. Thế mà tôi đã để lỡ duyên, không gặp
anh chị Hai, và chỉ được chào hỏi anh Phép trong một thoáng.
Tôi còn được duyên may ngồi cùng bàn
với anh Lý An Lộc và anh chị Dương Văn Gia; nhưng phải
đến khi anh chị Gia lên sân khấu, thì tôi mới ngộ ra là
cây gậy của Anh, là cây gậy thần, Anh Chị đã sáng
chói, và tôi thán phục. Tôi có thấy chị Diễm Buồn
từ bàn của tôi, có đến chào Chị , cám ơn quyển
truyện Chị mới tặng, mới biết quyển sách Cây Quỳnh, Cành
Giao của Hồ Trường An, cũng là do Chị cho. Nói
chung, tôi có dự tính, có lòng thành mà lòng lại lăn
xăn trước "thế cuộc". Các em tạo cho nhiều duyên
may, mà tôi không biết nắm bắt. Thiếu sót bất khả thứ
tha. Lời Kết: "Con Ruồi." "Một
hôm, đức Phật mở mắt, đứng dậy
rời cội bồ đề. Ngài dạo quanh sườn núi. Nắng ấm.
Gió nhẹ. Tâm hồn Ngài trong veo như hư không.
Hạnh từ bi tỏa thành một ánh sáng trên đỉnh đầu Ngài.
Cuộc hành trình chứng ngộ có lẽ sắp kết thúc.
Trên đường Đức Phật cúi xuống chiêm ngưỡng vẻ đẹp
trắng nuột của một khóm hoa rừng. Bất ngờ Ngài nhìn thấy
một tấm lưới nhện óng ánh giăng ngang hai nhánh lá. Một
con ruồi hốt hoảng, giãy giụa nhưng không thể thoát khỏi
sự trói buộc của những sợi tơ. Đằng sau chiếc lá,
một con nhện luông luôn ngắm nhìn con mồi bằng ánh mắt thỏa
mãn và kiêu hãnh. Lát sau con nhện chậm chạp bò tới.
Con ruồi cuống quýt vùng vẫy. Đức Phật nghe nó kêu thảm
thiết: -Lòng từ bi của Ngài để đâu? Trong trái tim
hay trong ánh hào quang? Không suy nghĩ, đức Phật dùng móng
tay cắt một đường ngang tấm lưới, tạo một khoảng cách
giữa con nhện và con ruồi. Con nhện giương con mắt đen óng nhìn
đức Phật giận dữ: -Tại sao Ngài can thiệp vào câu
chuyện của tôi? -Ta không thể đứng nhìn sự chết chóc.
Ta thương con vật bé bỏng kia. -Thế thì ai thương tôi? Mười
ngày nay tôi không có một miếng thức ăn. Lòng từ bi của
Ngài đã giết tôi. Ngài không biết gì về thế giới
sinh tồn cả. Con nhện kiệt sức,
rũ xuống, bất động. Đức Phật khều con ruồi khỏi lưới
nhện. Con ruồi bay chấp chới chung quanh Ngài. -Tạ ơn Ngài đã cứu tôi. -Nếu không gặp
ta thì sao? -Tôi sẽ là thức ăn của con nhện. -Ta đã
cứu ngươi thì sao? Con ruồi
cười vang: -Con nhện là thức
ăn nuôi sống tôi. Con
ruồi bám ngay vào xác con nhện bắt đầu thối rữa dưới
ánh nắng. Đức Phật đưa tay lên rồi lắc
đầu quay trở lại. Ngài thở dài, thấy con đường còn
rất xa. Ngài ngồi dưới gốc bồ đề và tiếp tục
nhắm mắt." Tôi
đọc những giòng trên trong Đặc San 22, PTGĐTĐ, trang 140-41, "Tưởng
Nhớ Bạn Đồng Môn, giới thiệu Vài Trang Viết của Đặng
Thư Cưu", tức anh Lê Công Tâm (1951-1991), CHS khóa (1963-70).
Ít khi, được đọc một bài
ngắn, súc tích, rõ ràng, gần như mọi chi tiết được
ghi chính xác, trong một ngôn ngữ, cấu trúc, bình dị, dễ cho
một người -đang mạnh tiến vào cái tuổi 90-lãnh hội.
Tôi muốn chia sẻ với các em, gọi là món quà
tinh thần để cám ơn và tạ lỗi. 1.Tác giả: - Anh là một Cựu Học Sinh Phan Thanh Giản, duyên
phúc đầu tiên của tôi là ở đó: Anh là sư
đệ của tôi.
- Tên Anh
là Công Tâm--公 心. Công như trong công bằng, công chính; tâm nói tấm lòng.
Công tâm, trong một giới hạn nào đó, là tâm Phật: cái tâm không "biên kiến"[1], không tiên kiến, không nhìn lệch lạc; nói theo thời nay, là
cái tâm khách quan.
Đó là phương tiện
cho giác ngộ. Tôi thích thú khám phá ra điều nầy
trong tên Anh: Tên Anh là duyên may tiền định. - Và Anh viết "Con Ruồi" trong tinh thần vấn hỏi
Phật gia.
2. Nội dung:
2.1. Những điểm chánh: - Trong câu chuyên có ba nhân vật: Đức Phật,
Nhện và Ruồi.
Vai chánh: đức Phật. .Cuộc
hành trình chứng ngộ có lẽ sắp kết thúc."
"Sắp kết thúc", tức chưa kết thúc; Ngài chưa hoàn toàn giác ngộ. Ngài chưa chứng quả
Phật; dù rằng, "Tâm hồn Ngài trong
veo như hư không. Hạnh từ bi tỏa thành một ánh sáng trên
đỉnh đầu Ngài" 36 tướng tốt của Phật không
là Phật; áo tràng, đầu trọc không có nghĩa là bậc
chân tu. - Nhện và Ruồi là
duyên cho cái gút của bi kịch. thử thách hạnh từ bi của
đức Phật.
-Lòng từ bi của Ngài để đâu?
Trong trái tim hay trong ánh hào quang? Ruồi khích tướng. "Không suy nghĩ", đức Phật bị vào tròng: cứu
Ruồi, hại Nhện. - Và
Ngài giác ngộ: "con đường còn rất xa". "Ngài
đưa tay lên rồi lắc đầu quay trở lại. Ngài thở dài".
2.2. Nhận xét: Con đường của đức Phật trong chuyện nầy là một
vòng kín: Khởi điểm, đức Phật như vừa xong một
thời tọa thiền, tịnh tâm, dưới cây bồ đề: Ngài mở mắt, đứng
dậy rời cội bồ đề.Tâm thức thư thái. Hạnh
từ bi tỏa thành một ánh sáng trên đỉnh đầu. Nhưng
cuối cùng, nhận thấy con đường còn xa, ngài lắc đầu
quay vể chốn cũ, tiếp tục nhắm mắt, định tâm.
Ngài còn dính mắc: - ở hai chữ từ bi,
- ở lời khích tướng của con Ruồi,
- ở lời trách cứ của Nhện
- ở cảm giác bất lực
trước cảnh cá ăn kiến, kiến ăn cá.
- ở nghi thức hay phương thức sám hối,
tịnh tâm, tọa thiền.
Thế
nên, câu chuyện rất là người, rất gần chúng ta. Vì tâm
lành mà hại người; những cái bất ngờ, bất trắc, không
lường trước được luôn có thể xảy ra. Nói chung, một
đức Phật chưa thành, hay đang thành, mà khéo viết, khéo
mô tả, như trong bài nầy, dễ đi vào lòng người, và
có thể thật sâu. 3.3. Hình
thức: Thêm vài chi tiết: - Trong câu chuyện chỉ có ba nhân vật: đức Phật-một
siêu nhân, "hạnh từ bi tỏa thành một ánh
sáng trên đỉnh đầu". Con Ruồi biểu tượng
sự dơ bẫn, hôi tanh. Ruồi và Phật tương phản. Nhện
ở giữa, như để làm nổi hai nhân vật kia. Câu chuyện
là chuyện của Phật. Sao không lấy tựa là "Từ Bi?"
hay "đức Phật" mà tựa là "Ruồi". Cái khéo
là ở đó. Ruồi muỗi, có ai ưa đâu. Chỉ một con
ruồi trong bếp, là phải cố đuổi, cố đập cho nó chết
cho kỳ được. Cái tựa là "Ruồi". Cái quỷ quái
gì đây? Thế là tôi thọc mạch đi vào!
- Ruồi tạo duyên cho cái "gút" của thảm
kịch: thảm kịch trong tâm của đức Phật. Lời
khích tướng của Ruồi, lời trách cứ tuyệt vọng của
Nhện, lời cám ơn như châm chọc và hành động theo bản
năng của Ruồi, tất tất đều trong nội tâm của đức
Phật, do cảnh quan bên ngoài tạo duyên. Nội tâm-xáo
trộn, ray rứt và bứt xúc vấn hỏi-mình nói với mình,
trong nội tâm đức Phật, đã được phân phối sinh động,
tạo bi kịch éo le giữa Phật, Ruồi và Nhện. Tài thật!
- Hình như, truyện cũng ngầm nói:
Ruồi, Nhện, đức Phật-sắp-thành đều là chúng sinh, và
chúng sinh thì bình đẳng trong quyền sống. Thế nên, những
việc đương nhiên như kiến ăn cá, cá ăn kiến
hay quyền sống của người nầy phạm vào quyền sống của
người khác là vấn đề để mở cho nhà
Phật và đọc giả nghĩ suy.
- Cũng nên ghi: "đức Phật" thay vì "Đức Phật",
tác giả dùng chử ‘đức" nhỏ, để chỉ một "đức
Phật" mà cuộc hành trình chứng ngộ có lẽ
sắp kết thúc. Tác giả khéo dùng từ và cân nhắc
ngay trong hình thức chữ nghĩa.
Tóm lại, một đức Phật-tu không rõ bao nhiêu kiếp và
sắp thành-mà vừa bước ra khỏi bồ đoàn, đã vấp
ngay trọng tội sát sanh. Huống chi như tôi, còn bô lô ba
la, chè chén, chỉ cách đây vài hôm thôi, cũng
có cái tâm tu học, nhưng cái trí đã bị méo mó,
bụi trần bám chăt, trắng cả tóc tai, thì lỗi hẹn trễ
giờ, lỗi vì xe kẹt ngay trên freeway, lỗi vì lãng tai, mắt mờ,
bỏ mất duyên may thì..nhằm nhò gì. Thiết nghĩ các em
sẵn sàng châm chước. Dầu vậy, phải giữ phận, chân thành xin lỗi và thành
thật cám ơn. Thương
mến, Trường
[1] Từ ngữ của Phật gia.
_______________________________________________________________________________________________________________________________
2. LỜI CHÀO MỪNG CỦA NIÊN TRƯỞNG Gia Đình
PTGĐTĐ HOUSTON Kính thưa Quý
Thầy Cô, Quý Thân Hữu và Quý anh chị em đồng môn PTG và
ĐTĐ, Thật là vinh dự cho chúng
tôi được thay mặt Gia Đình PTGĐTĐ Houston Texas chào đón
Quý liệt vị , đến tham dự ĐH PTGĐTĐ Hải Ngoại lần
thứ 21, mà cũng là lần thứ Ba tổ chức tại Houston, Texas, trong vòng
20 năm. Nhớ lại, lần ĐH đầu
tiên của đại gia đình PTGĐTĐ hải ngoại, tại Houston năm
1997, chúng tôi còn lạ nước lạ cái, sinh hoạt PTGĐTĐ
hải ngoại còn quá mới mẽ và rời rạc, vậy mà đã
có hơn 300 người đến dự. Rồi 10 năm sau, năm 2007, chúng tôi
đã vô cùng hân hoan đón chào hơn 40 thầy cô của
chúng tôi và đạt con số kỷ lục với hơn 700 người tham
dự. Lần ĐH nầy, ĐH lần thứ 3, ở Houston, quí thầy cô
giáo sư về tham dự cũng đã quá 40 vị và cũng đã
trên 700. Số lượng là cụ
thể, thực tế, khoa học, đo lường thành công. Nhưng âm vang
còn lại nơi mỗi chúng ta cũng là đáng ghi khắc trong lòng:
chúng ta muốn gần nhau hơn, muốn gặp nhau, và càng muốn gặp
càng nghe cái mong manh của cuộc đời. Nhiều người về dự là niềm vui lớn. Vui thì vui nhưng
nỗi lo lắng làm cho trách nhiệm của chúng tôi nghe nặng thêm,
nhất là trên đôi vai của những người đã vượt qua
cái thất thập. Tổ chức một Đại Hội- lắm người
lắm việc- cho nên dù có cố gắng đến đâu cũng không
tránh khỏi những sai sót ngoài ý muốn . Chúng
tôi kính mong chư vị miễn thứ. Chúng tôi thành thật cám
ơn lòng bao dung của chư vị. Chúng tôi xin chân thành cảm tạ tấm lòng vì Trường,
vì Thầy và vì Bạn mà Quý vị đã bỏ công khó,
bỏ thời gian để tụ hội về đây chung vui cùng chúng tôi.
Đại Hội hôm nay nhằm kỷ niệm:
Giỗ thứ 150 của Vị Hiệu Tổ ngôi trường xưa của chúng
ta, kỷ niệm 100 năm Trung Học PTG có mặt và đánh dấu 2 thập
niên sinh hoạt hàng năm của đại gia đình PTGĐTĐ Hải Ngoại.
Trong niềm vui hạnh ngộ hôm nay, một lần
nữa, Gia Đình PTGĐTĐ Houston hân hoan chào đón tất cả Quý
Thầy Cô, Quý Đồng Môn và Quý Thân Hữu. Rất mong Quý
vị được nhiều sức khỏe, có những giây phút thật
vui, đầy ý nghĩa và nhiều kỷ niệm suốt thời gian Đại
Hội. Sau cùng, chúng tôi xin
phép quí vị có đôi lời riêng với các em trong tổ chức
Đại Hội lần nầy. Chúng ta có hội họp hàng tháng
và nhiều lần khi gần ngày Đại Hội. Ai ai cũng muốn cái
hoàn hão nhất; mà mỗi người thì mỗi ý tình riêng.
Thế nên có: dị biệt, bất đồng, mâu thuẫn, tranh luận,
đối chọi, thậm chí, va chạm...; nhưng chúng ta đã để
những ồn ào đó lắng đọng, chúng ta đã lắng nghe lẫn
nhau, chúng ta đã dành cho nhau cảm thông và hiểu biết.
Nhờ vậy mà tranh cải trở thành đối thoại, xung khắc biến
thành cảm thông; làm như tổ chức Đại Hội giúp chúng
ta gần nhau hơn, khắng khích nhau hơn. Chúng ta có nhau , đồng
tình, đồng đội, trong cái dễ thương nhất của tình người.
Trong dị biệt các em đã tìm được tương đồng và
hòa đồng. Tôi cám ơn các em về bài học nầy mà
tôi học được ở các em. Trân trọng cảm ơn và kính chào. 6 tháng 5, 2017 NGUYỄN
VĂN TRƯỜNG
Một nền Giáo dục Nhân bản? NHÂN-BẢN
THẦY-GIÁO Sử dụng ngôn ngữ
trong giao tiếp, không mấy ai nghĩ: phải đúng theo văn phạm.
Thế nhưng, trong tựa đề "NHÂN-BẢN THẦY-GIÁO", thiết nghĩ
phải nói rõ sự liên quan văn phạm của hai từ kép nầy:
chúng tôi dùng ‘thầy-giáo' làm tĩnh từ để
bỗ nghĩa cho danh-từ ‘nhân-bản'. Bổ túc cái nghĩa, nhưng
là chánh, là chủ đạo. Chúng tôi không giải trình
một nhân bản chung chung, trừu tượng của các triết gia, của các
nhà thần học, hay các chuyên gia nghiên cứu về cái chất người.
Ngay trong phần đầu, NHÂN BẢN chung chung, cũng ở trong giới hạn tầm
nhìn của một thầy giáo, của một thời cụ thể: Đệ Nhất
và Đệ Nhị Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam. Phần đầu, chỉ
là rao, hay dạo. Rao dạo cho quen với ý niệm NHÂN BẢN, rồi mới
vào chánh đề: NHÂN-BẢN THẦY-GIÁO Phần Một NHÂN-BẢN Nhân bản,
人本, là bản chất con người. Ý nói cái gốc ban đầu,
cái tính chất người, cái tinh chất người,
thực chất con người. . Nhà Phật dạy: Chân
tâm. Người tu Phật tin rằng có một chân tâm hằng tồn,
bất biến, bị che lấp; cái màng-vô-minh che lấp là vọng-ngã;
vọng ngã mất, vô- minh rơi, chân tâm hiện tiền, kiến tánh-thấy
được chân tâm- thì... thành Phật. . Với người theo Đạo
Chúa thì Chúa tạo con người theo hình ảnh của Chúa; con người
vì ăn trái cấm, mà phải bị đọa xuống trần gian,... Cái
tinh chất của con người là trái cấm, trái của sự hiểu
biết thiện và ác. Thế nên, nói nhân bản, đi vào
nguồn gốc, ta thường lạc vào lãnh vực đức tin, tín ngưỡng.
Tin mà không nghi. Không thể nghĩ bàn. . Mạnh Tử viết: "Con người
sinh ra vốn là thiện"[1]. Tuân Tử lại bảo: "Con người vốn ác"[2]. Nghĩ cho cùng, nếu bản chất con người đã là thiện thì
cần gì phải dạy dỗ. Vì con người vốn ác, nên cần
phải giáo dục mới thành người tốt? Thầy Mạnh và thầy
Tuân, thánh hiền của Nho gia, mà người nói thiên đàng,
người bảo địa ngục. Theo ai đây? . Xưa và nay, vẫn có
người than: "Làm người? Khó! Làm người? Khó!"[3] Khó hơn nữa, có lẽ là xác định cái "chất
người" Không là một nhà thần học, không là
một triết gia, cũng không là một chuyên viên bản thể học--ontology,
cái bản chất rốt ráo của con người nằm ngoài tầm khả
năng nghiên cứu của người thầy giáo, và riêng của chúng
tôi. Cho nên,
để cùng trao đổi trên đề tài "nhân bản", giới
hạn cho học đường, chúng tôi xin thưa trình đôi nét
về nội dung cụm từ ‘Nhân- Bản' như sau đây: Một : Nhị Nguyên Ngoài chữ nhân--人-là
người, Hán Việt còn một chữ nhân thứ hai, cũng
liên quan với con người, đó là: 仁[4]. Thí dụ: Nhân ái[5] . Theo Hán Việt Từ Điển của Cụ Thiều Chữu, thì cái nghĩa
đầu tiên của chữ nhân " 仁" nầy
là: Đạo-lý làm người; yêu người.
Chúng ta hiểu "nhân" trong cái nghĩa nầy: Đạo
lý và tình thương. Nhân,
仁, bên trái là bộ nhân (chữ nhân, 人, mà viết ‘đứng'[6], nghĩa là người), bên mặt là chữ ‘nhị',二, nghĩa là hai. Cái đạo lý làm người,
tối thiểu là hai, và thương yêu thì phải tối thiểu cũng
phải: hai. Ý như muốn nói: -
Không có con người đơn
độc.
‘Con ngựa hoang, đơn độc trong rừng vẫn
là ngựa. Con người đơn độc từ lúc sơ sinh, không tiếp
cận với xã hội loài người, thì không biết tiếng người,
ý người, tình người, nên không là người'[7]. Vậy, cá nhân phải ‘thuộc'-hay sống cùng với- một
tập-thể người mới là người. Tập thể ấy là
gia tộc, bộ tộc, dân tộc, quốc gia,..hay loài người nói chung. Là người, tối thiểu phải là hai: cá thể
với cá thể, hoặc cá thể với tập thể, hay nói rộng hơn,
cá thể với môi trường; môi trường hàm ý có cả
thiên nhiên, vạn vật. Đạo lý làm người
nằm trong sự thông lưu qua lại, đối đáp giữa đôi bên.
Thương ghét của con người cũng sinh ra từ cái đạo lý
giao lưu nầy. - Nói
theo ngôn ngữ Phật gia:
a/ Con người -cá thể--hiện
hữu trong một quan hệ nhân-quả đồng-thời với môi trường
sống của nó, tương khắc mà cũng là tương sinh, cái
nầy khác hẳn cái kia, nhưng xác định lẫn nhau. Cái
nầy hiện hữu thì cái kia hiện hữu, cái nầy mất thì
cái kia mất. Cá thể và môi trường, đồng thời hiện
hữu và dị biệt. b/ Ngoài ra, còn có quan-hệ nhân-quả
dị-thời. Gieo và gặt. Tác động qua lại, trong
một khoảng thời gian nhất định, của những con người
đồng thời hiện hữu. - Thực tế, con người thì có nam có nữ.
Ông Tổ loài người, có giỏi như Bà Nữ Oa, đội
đá vá trời, hay như Ông Tề Thiên, đại náo Thiên
Cung, cũng không sinh sản được. Phải có Bà Eva, mà chỉ
có Bà mà không có Ông..Adam, thì cũng chịu phép không
sinh sản được cái giống-người. Và cả hai
phải ăn trái kiến thức, trái biết phân
biệt thiện ác -the fruit of knowing good from evil[8]. Thế nên mắc tội, bị đọa thành người trần thế.
Đó là hình ảnh cái tội tổ tông, mà cũng là
phước tội. Nói là phước vì không mang cái tội ấy
thì không có loài người, không có chúng ta hôm nay. Vậy, nam nữ, phước tội, âm dương là
tiên thiên. Trời sanh: làm người thì là như vậy. Nhưng sau đó là hậu thiên,
chuyện của con người. Có lắm chuyện. Xin ghi qua đôi
điều: 1. Kinh Thánh cũng có
ghi: Không có "free lunch"[9]. Theo đó trong xã hội loài người, mọi sự việc đều
có cái giá của nó. Giá-cả thì
có mắc rẻ, cao thấp, hời hay không hời,.., dùng trong thị
trường. Ngoài giá-cả, còn có giá-trị.
Giá trị thuộc lãnh vực tính người, tình người.
Thiện ác, tốt xấu, hay dỡ, thương ghét, nhân
và bất-nhân, nghĩa và bất-nghĩa,...... Nói chung,
giá cả và giá trị đều có hai cực âm dương, dị
biệt nhưng xác định lẫn nhau, tương khắc, tương sinh. Giữa
hai cực và ngoài hai cực, có vô số biến thái đa dạng.
Vậy, có cả một vùng
để chọn giá cả trong thương thảo, hay giá trị trong giao lưu.
Vì đó mà chúng ta thường được khuyên:
giữa người với nhau, phải biết cư xử tử tế. ‘Tử'[10] nói :‘kỹ lưỡng', ‘cẩn thận'; tế[11] nói: tinh vi, tinh tế. Tử tế hàm ý: cẩn trọng, chu
đáo, ý thức trách nhiệm, ý thức về quan hệ, về cái
đang xảy ra và những hệ quả của nó. 2. Thiết
nghĩ, với chúng ta, người Việt Nam, cần nhấn mạnh: phải tử
tế với thiên nhiên. Việt Nam, rừng vàng biển bạc, đất
phì nhiêu, thiên nhiên ưu đải, nhưng giờ đây, biển thì
có người ngại không muốn tắm, vì dơ bẩn; cá tôm
thì nhiểm độc; đất dai thì có nơi hạn hán, có
nơi lụt lội, nước mặn tràn vào đồng ruộng; ở
thành phố ra đường phải mang khẩu trang,.. Đó là do con người
bạc đải thiên nhiên, phá rừng, xây cất bừa bãi, lạm
dụng hóa chất, xã rác vô tội vạ... 3. Ngày xưa, ‘âm' được ghi một gạch
đứt đoạn: -- , ‘dương' được ghi bằng một gạnh liền:-
Âm Dương còn được gọi là lưởng nghi. Lưởng nghi,
chấp chặp hai, sinh tứ tượng[12], chấp chặp ba, cho bát quái, chấp chặp sáu cho 64 quẻ của
Kinh Dịch. Dịch[13] là thay đổi, biến đổi. Vì cuộc sống luôn tự nhiên
biến đổi, không ai chắc ở tương lai, nên dùng quẻ Dịch
để đoán việc sắp đến, lành dữ, rũi may,... Đó
là chuyện của người xưa. 4.
Người nay, đọc Kinh Dịch, có khi học quẻ Dịch, và cả Hà
Đồ, Lạc Thơ[14], cũng chơi cái trò bói toán, phõng đoán vị lai. Thế
nhưng lại ghi Âm Dương bằng 0 và 1, và thay vì sắp chặp
6, như trong Kinh Dịch, thì sắp chập 8[15], và vì dốt chữ Hán, nên gọi là bytes; mỗi byte cho một quẻ;
mỗi quẻ, khi thì gọi là tự mẫu, khi thì gọi là số, khi
thì gọi là dấu,.... Kết họp tự mẫu với nhau thì được
các từ--words. Kết hợp các từ với nhau thì được các
cụm-từ, hoặc câu-văn. Có những qui định gọi là văn
phạm hay ngữ pháp. Các từ, cụm-từ, câu-văn đáp ứng
thỏa đáng những qui tắc ngữ pháp thì mới có nghĩa.
Thế rồi, phát sinh những ngôn ngữ mới, không giống ai, danh xưng
quái đản: Pascal, Cobolt, Algol, Fortran, Basic, Jawa, C, C++,... Đó là
các phần mềm của điện toán. Muốn sử dụng phải có
phần cứng, tức là những máy điện toán. Thế
rồi tin học ra đời. Ngày nay, Google và Yahoo là
những nguồn vô tận kiến thức; người ta hỏi nhau qua Facebook, Twitter,..
Hỏi bất cứ cái chi, và nhờ vậy mà thông thường
giao lưu trên địa bàn thế giới. Quan hệ thầy trò-vấn
đáp trình độ middle school, có thể đã qua ipad hay tablets, và
từ nhiều năm nay, có người ở VN điện đàm với thân
nhân ở Mỹ và thấy hình ảnh của nhau. Người nay, có
những bước tiến vượt bực, như một phép lạ, trong nhiều
lãnh vực. Người nay,
dùng điện toán, thu thập dữ liệu, xử lý dữ liệu, tính
xác xuất, và căn cứ trên khả năng xảy ra của một
sự kiện, và với ước lượng độ sai có thễ chấp
nhận được, mà hành sự. Kinh tế, thương mại,
xã hội, khoa học, tâm lý,.., đâu đâu cũng dùng thống
kê và xác xuất. Có
thể nói: thế giới hôm nay là thề giới của thống kê và
xác xuất, cũng là thế giới của những ngẫu
nhiên, và phiêu lưu có tính toán, tính toán đến một
độ sai khả chấp.
Hai: Nhất Nguyên
Nhị-nguyên cho quẻ Dịch, sinh điện
toán. Dịch truyền đạt sự huyền diệu của những đổi thay
phức tạp của duyên phận. Điện toán sinh ra khoa học của những
ngẫu nhiên của đời sống. Xưa thì đoán mà không
lường trước được, nay thì ước lượng được
cái ngẫu nhiên có thể xảy ra với một độ chính xác--sai
số--khả chấp. Dầu vậy, con người, giàu nghèo, sang
hèn, mọi tầng lớp xã hội, đều như nhau: lăn trôi
trong đổi thay, khổ và lạc. Thế nên, ai ai cũng mong một
sự ổn định bền vững: an cư lạc nghiệp.
An cư, nhưng nếu buộc đổi thay thì cái mới phải an ổn
hơn, bền vững hơn. Lạc nghiệp, ‘có vui, thì cuộc vui phải
kéo dải mãi, mà như thế, thì nhàm chán, nên phải vui
hơn, vui hơn mãi'[16]. Đó là thường tình. Vậy nên, khi có một thánh
hiền, một tổ, một vị khai đạo, ca bài trường ca
‘đời là biển khổ', rồi dạy "hảy theo ta", ta chỉ
cho con đường thoát khổ, một pháp môn chắc như bắp rang,
lời của ta là "chân thật bất hư", thì đông đảo
vội vã nghe theo; chỉ vì nó đúng tâm nguyện
từ lâu của mình, nên nó đúng quá. Thí dụ như
cái logic sau đây: "Khởi
điểm của vũ trụ là Thái Cực, Thái cực sinh lưỡng nghi,
và từ đó phát sinh cái chuỗi vô tận ‘sinh-tử tử-sinh,
luân hồi sáu bảy nẻo", con người mới chìm đắm
trong dục lạc, điên đảo, đảo điên. Khổ! Khổ
sinh khổ! Khổ chồng thêm khổ! Không bao giờ dứt. Muốn nội tâm
an lạc, hãy trở về Thái Cực, thì lưởng cực
mất, sinh tử luân hồi mất; tức nhiên, và tức thời "viễn
ly điên đảo"[17]. Chỉ cần ‘quay đầu lại là thấy bờ'[18]--kiến tánh[19], trực ngộ cái chân thật tuyệt đối là Thái Cực thì
mọi việc được an vui. Thật
logic. Rời bỏ lưởng cực, nguồn của điên đảo giòng đời,
trở về cái trạng thái chỉ còn một cực, không nhân không
quả, không khác biệt, không va chạm, không xung đột, thì tất
phải là một trạng thái an lạc vĩnh hằng, bất biến. Lành
thay! Đúng như ta hằng mong đợi; nhất là trong lúc ta đang thật
tình trong điên đảo, mất hướng đi, trong tuyệt vọng.
Nhưng nghĩ lại, đó chỉ là suy
luận, theo một đường, một cách tuyến tính (linear), một trò
chơi trí tuệ hay tâm linh mà con người thường dùng, để
biện minh cho một con đường, một lời giải, một lý giải tất
yếu, tuyệt đối đúng, có khả năng giải quyết mọi mâu
thuẫn, mọi xung đột... Và như thế : -
hoặc để khai đạo, lập giáo, tổ chức giáo phái hay đảng
phái, lấy giáo dân hay đảng viên làm công cụ cho quyền
lực, và cho việc.. tiến thân, hoặc ‘để' viết trang sử
oai hùng bằng máu và nước mắt của ....kẻ khác. - hoặc
vì nhẹ dạ, mất mình trong một lý tưởng, chủ nghĩa, một
tổ chức tôn giáo, đảng phái.. - hoặc hòa theo giòng người
tín hữu để kinh doanh trục lợi. Và còn nhiều động cơ khác nữa.
Cũng có người trung thực với hình
ảnh mà mình có về Đạo, về chủ nghĩa, lý tưởng,
"tu hành" rất mực, hay "dám hy sinh vì đại nghĩa". Họ
là bậc chân tu, tự mình thật thà chạy theo tham vọng-tham vọng
thành đạo, đạt đạo, đạt "đỉnh cao trí tuệ",
hay ‘tử vì đạo'... Họ trung thành với logic của sự suy diễn
và với vọng tưởng của mình. Bên họ, đông đão
xem việc tu hành là một phương cách kinh doanh, lấy thị hiếu
quần chúng làm duyên, lấy lợi nhuận hay quyền lực làm cứu
cánh. Một bên, thật thà theo ảo ảnh? Một bên, xem mình là
thông minh, chí thú kinh doanh? Trong
lịch sử loài người, phương Tây có những Thập Tự
Chinh, Thánh Chiến; phương Đông, nhan nhản những ‘gương' "
‘chết' hoặc ‘khóc' vì một hôn quân vô đạo"[20]. Hai thập kỷ gần đây, có những chủ nghĩa Phát Xít,
Quốc Xã, Mácxít-Lêninít, với những tên tuổi vĩ-đại
Franco, Mussoloni, Hitler, Stalin, Mao, Kim, Hồ. Riêng nạn nhân của họ
Sít[21] ước tính:7 triệu; của họ Mao: từ 49 đến 78 triệu; riêng
Bước Đại Nhảy Vọt 1958-1962 của họ Mao: 30 triệu người chết
đói, chỉ lấy một vài số liệu, và ‘danh nhân' trên
Internet. Tất cả những tang thương, bi thảm, khốc hận thấu tận
trời xanh ấy, cũng vì ‘ngàn ngàn cánh tay dơ lên', ‘hồ
hở', xung phong, làm củi đốt cho một Ngài Khai Đạo; thí dụ
họ Sít, Đạo Xã Nghĩa. ***
Nhất-nguyên, nhị-nguyên, thái-cực, âm-dương,
quẻ dịch, điện toán, huyền học, khoa-học, xử lý dữ liệu,
tính xác xuất của những ngẫu nhiên,.. là ngôn ngữ, vũ
trụ quan và thành quả của con người. Thập tự chinh, thánh chiến,
chiến tranh nói chung là những ấn tích trong lịch sữ loài người.
Torquémada, Stalin, Mao, Hít,...là những hung thần ...vĩ đại của một
thời. Họ là ấn tượng của chết chóc, đói nghèo, đỗ
nát điêu tàn; cũng là biễu hiện cảnh ‘người là
con sói đối với đồng loại'. Bên họ, có những bậc thánh,
Khổng, Mạnh, Lão, Trang, Đức Phật, Chúa Ky-Tô, Socrates, Plato, Aristotle,
...mà lời nói và việc làm gieo ánh sáng cho nhân loại. Thiện ác đều là người. Xưa trong các
chùa, luôn có thờ Ông Thiện và Ông Ác. Hai Ông luôn
đi chung nhau: hoặc sát cánh bên nhau trên một bàn thờ; hoặc
ngay bên trong hoặc ngoài cổng chùa, Ông bên mặt, Ông bên trái.
Ý như nhắc nhở rằng: trong mỗi chúng sanh, có Thiện, có
Ác. Đó là tóm lược cái chất người, tiêu biểu
trong những con người cụ thể, trong những bối cảnh lịch sử cụ
thể của nhân loại. Dù ở thởi của điện toán, của
sự toàn cầu hóa ngôn ngữ, thông tin, kinh tế, thương mại,..,
thế giới như thu hẹp, chúng ta chưa ra khỏi những tính đặc
thù nêu trên. Với những nét sơ khởi chung chung ấy, thì cái
nhìn hạn hẹp của người thầy giáo, và nói riêng cho người
thầy giáo Việt Nam có thể như thế nào? Phần Hai NHÂN-BẢN THẦY-GIÁO Ngày nay, thầy cô giáo, thọ lãnh cái di sản của
người xưa, nghĩ về ‘nhân-bản', thường hay "pha". Pha là
pha chế, pha trộn: pha trộn xưa với nay, pha trộn Đông với Tây.
Nói riêng, pha thêm cái chất thầy-giáo. Nhìn chung, thầy cô giáo nhìn con người
qua tuổi trẻ thơ dại, trong sáng và sinh động. Thơ ngây,
dại dột, vì chưa thực sự tiếp cận với những thử thách
lớn nhỏ của cuộc sống, nên chưa bị ô nhiểm bởi
đúng sai, phải trái hay buồn vui hờn giận, của người đời.
Sinh là sống, đối nghĩa với chết. Sinh hàm ý
‘sinh xôi nẩy nở'. Sinh cũng hàm ý là ‘chưa có
kinh nghiệm'[22], ẩn tàng trong người học sinh; chưa kinh nghiệm nên phải học.
, đang hình thành, nẩy nở, giàu mạnh-giàu ở tiềm năng
đóng Động nói di chuyễn, không đứng chết một chỗ,
không bám trụ ở một nơi. Sinh động nói sức sống
của tuổi trẻ đang lên, đang phát triển, đang hình thành,
nẩy nở, luôn trở nên giàu mạnh-giàu ở tiềm năng đóng
góp, giàu ở trí tuệ, ở tính người, tình người,
giàu trong tiến trình phát triển. Sinh động nói lên
một hoài vọng ở tương lai. Cái tánh vốn thiện của thuở
còn thơ dại, chẳng lợi ích gì cho ai, ngoài việc làm vui nhà
vui cửa; phải học, trao dồi khả năng, tính tình, mới thành người.
Đó là màu áo thầy-cô-giáo khoác lên cái nhân-bản
sơ thảo bên trên. Cái màu ấy có thể tóm lược
trong một số định đề, ghi sau đây, để luận bàn, xin ý,
với lòng mong đượcc học hỏi. Đó là: 1. Định đề tiên quyết:
Dạy là vì nó, cho nó, bởi nó[23]. Nó là đứa học trò. Không trò, làm gì có
thầy. Vì nó mà có cái giống làm thầy. Nó
là duyên và là cứu cánh của công việc làm thầy.
Nội dung cái dạy là nhằm cho nó, phù hợp với lứa tuổi
và khả năng lãnh hội của nó. Động cơ
của cái dạy nằm trong cái học, trong cái lòng muốn học, ham
học của nó. Tất tất đều do ở
nó. Xưa , ‘học thi phú văn chương', thuộc lòng tứ
thư, ngủ kinh, để làm quan, ‘phụ mẫu chi dân'. Giờ thì
cái học, nhìn gần, thì có thể để làm ‘công
chức' hay ‘cán bộ', hay ‘có công ăn việc làm'; mà
nhìn xa và sâu thì học là để trang bị cho mình một cá
tính, để mình thành ‘một người'[24]; nói riêng, một người có khả năng tích cực
đóng góp cho lợi ích chung, và là một vốn quý của xã
hội. 2. Hệ quả là:
Không có việc: ‘Xưa bày nay làm'; ‘người ta sao
thì mình cũng vậy.' Xưa: Quân Chủ chuyên chế,
vua là con Trời-Thiên Tử. Cái học tập trung vào mộ chữ ‘Trung'.
Xưa, có người xướng: ‘Chế độ nào, giáo dục nấy,
chế độ quân chủ, giáo dục quân chủ; chế độ dân
chủ, giáo dục dân chủ.'[25] Theo cái logic nầy, ngày nay, ở các nước xã-nghĩa, giáo dục
nhằm đào tạo con người xã-nghĩa, ‘học đường là
máy chánh, thầy cô giáo là những kỷ sư tâm hồn và
là cán bộ tuyên huấn của Đảng'[26]; và khi ‘người người nhất trí, nhà nhà nhất trí',
thì ta cũng nhất trí; người sao thì ta cũng vậy, an toàn
nhắm mắt qua sông. Người thầy hẳn phải nói: ‘không'
với cách suy nghĩ nầy. ‘Ngàn con số không cộng lại
vẫn bằng không'[27], không có lý do để mình là con số không thứ 1001, hay con
cừu Panurge thứ 1001. Càng không có lý do để người-thầy
đồng lõa trong việc sản xuất nô lệ. Xưa, ‘trung với
vua', được chết vì vua, thì được ‘sắc phong' là ‘thần',
được thờ ở các đình miếu, danh thơm muôn thuở,
một cổ tục thởi vua Văn, vua Võ bên Tàu, rất là Tàu.
Ngày nay, ngoại trừ một vài nơi như ở Cộng Hòa Xã
Nghĩa Triều Tiên, ông Kim cha qua đời, khi ông Kim con chuẫn bị đăng
quan, thì thần dân xã nghĩa phải khóc ông Kim cha, còn hơn mất
cha mất mẹ. Ông Sít[28] mất, ông Tố[29] khóc Ông Sít: ‘Thương
cha thương mẹ, thương chồng, Thương mình thương một
thương ông thương mười.' Dạy học không là
đơn thuần theo gót người xưa. Cái di sản của tiền
nhân phải được khai thác, mở rộng, đào sâu, sáng tạo,
tạo một môi trường thích hợp cho sự phát triển, cho mình
và cho mỗi thành viên của xã hội. Không phài vỉ một
số cuồng tín mà ta phải điên theo. Đứng để cổ
tục thành ngục tù trí tuệ. Đừng để học đường
trở thành công xưởng sản xuất nô lệ. 3. Tiên đề 2: Dạy là khai phóng. Khai là
mở, như trong khai thông, khai trí, khai phá, khai triển,.. Phóng
là buông, thả như trong phóng tích, giải phóng, phóng sinh. Khai
phóng là ‘mở rộng và buông thả'[30]. Khai phóng hàm ý một thái độ cởi mở, mở trí,
mở lòng mình, và buông bỏ vị kỷ, thành kiến, thoát
khỏi các xiềng xích trí tuệ hay tâm linh, để rộng đón,
tiếp cận và tìm hiểu cái mới. Đó là biểu
hiện của tinh thần khai phá, tiên phong, chịu khó, kiên trì, chấp
nhận hiểm nguy-một hiểm nguy có tính toán, có ước lượng
thiệt hơn, trong cuộc phiêu lưu Nam Tiến của cha ông ta. Đó cũng là tinh thần buông xả, vô trụ của
nhà Phật, để tránh cái nhìn lệch lạc, ít nhiều không
chính xác của giác quan, của một tâm tư nhiều cảm xúc
và định kiến. Xả là xả bỏ, không dính mắc,
tức cảm nhận có dính mắc, cần xả bỏ. Vô trụ là
không bám víu vào cái sẳn có, nói riêng không bám
víu tiên kiến. Xả bỏ, vô trụ, để thấy, biết hiểu để
tiếp thu cái mới, trong mức độ tối đa mà ta có được;
cũng có thể là rời bỏ cái vị trí chủ quan để tiến
đến một cái nhìn thật sự khách quan. 4. Tiên đề 3: Dạy học không là nhồi
sọ. Nhồi sọ là ‘ban pháp': Thầy, ở trên, người
nắm vững kiến thức, cái đúng, cái
lẽ phải, cái tốt, cái chân thật bất hư, ban bố cho trò,
ở dưới, còn thơ dại, chưa biết, còn dốt, phải tin, nghe,
nhập tâm, và thi hành lời thầy dạy. ‘Nhồi sọ' buộc
người học tin mà không nghi. Nếu có vấn hỏi, thì sự vấn
hỏi lắm khi là hình thức nhằm củng cố lòng tin ‘sắc đá'
của tự thân. ‘Nhồi sọ' cũng buộc người học ‘nương
tựa, vâng lời, và phục tùng', nếu không tin hẳn ở người
dạy, thì tin ở trí tuệ tập thể, ở tổ chức Đảng,
ở tổ chức tôn giáo, hoặc rập khuôn theo người xưa: Nghiêu,
Thuấn, Khổng, Lão,..., đông đảo thánh hiền. Ban
pháp là một từ mà có một thời, thường nghe ở các
chùa. Quí sư sãi, thường được mời ‘quang lâm và
thí pháp hay ban pháp' cho tín đồ. ‘Sự-quy-y' là ‘‘nương
tựa, vâng lời, và phục tùng' tam bảo mà người ban pháp
là đại diện. Sư sãi ban pháp, nhưng không ‘nhồi sọ':
người tín đồ thường lớn tuổi, tự nguyện tìm đến
quy y học đạo, tin ở lời sư giảng, tin mà không nghi. Nếu có
nghi vấn, và sư thấy có chút khó khăn, thì sư lấy một
lời của Đức Phật, hoặc của một tổ-căn cứ theo kinh nầy,
kinh khác, mà giài đáp. Lời Đức Phật, của tổ
ắt phải đúng thôi. Lấy lời của Phật, của tổ
mà trám miệng người, là một thái độ... thiếu lương
thiện, mà ít ai không vấp phải. Ngoài ra, Sư
Sãi còn có cái áo vàng, chuông mõ, hương trầm, có
được cái không khí cho người học buông xã thành kiến,
buông xã những lo âu, phiền não hằng ngày, để chú tâm
nghe pháp, và để pháp nhập tâm. Công việc của Sư
tương tựa như ‘tẩy não', nhưng không hẳn là tẩy não,
theo cái nghĩa thông thường. Người bị tẩy não bị
bắt buộc, bị đe dọa, và luôn lo sợ, còn tín đồ
đến sư với lòng mong muốn, muốn được trang bị một tinh
thần mới, thì dụ tìm an tịnh thân tâm. "‘Tẩy não'-洗 腦- bắt nguồn từ những trại cải tạo do Đảng Cộng Sản Trung
Quốc thành lập năm 1949, sau khi nội chiến chấm dứt. Nó có nghĩa
là cải tạo tư tưởng. Trong thực tế, đó là một
bạo hành tâm linh, buộc người bị cải tạo phải từ
bỏ mọi quan niệm, ý riêng của mình, để chỉ theo tiếng nói
của Đảng."[31] Tẩy não, cải tạo có bao hàm cái ý răn đe, dọa dẫm,
hoặc đối xử người bị cải tạo như với một kẻ bất
lương hay có mang trọng tội. Người-thầy
không làm công việc của người cán bộ coi tù cải tạo.
Công việc người thầy là trang bị cho trẻ những kiến
thức cần thiết cho cuộc sống, giúp trẻ thấu hiểu
quyền hạn và nghĩa vụ công dân, ý thức cấu trúc luật
pháp, chánh quyền, kinh tế, thị trường, xã hội,.. cảm nhận
những giới hạn của tự do và trách nhiệm, quyền lợi và
bổn phận, là trang bị cho nó các thói quen siêng
năng, cần mẫn, kiên nhẫn, chịu khó, để học, hỏi, để
chính chắn trong suy tư, trung thực trong luận bàn và hành sự.
Và nhờ vậy, nó có khả năng đối thoại được
với môi trường, và hội nhập vào môi trường
mà nó đang sống, nói riêng vào cái nếp sống văn hóa
đương thời. Hội nhập là vào trong, nhập cuộc,
có người có mình. Hội nhập không có nghĩa:
mình là của xã hội, nô lệ một tổ
chúc, hay là kết quả của một sự vong thân. Trong
diễn trình học tập và hội nhập, nó tự tạo
một cá tính đặc thù, không ngừng hình thành,
hiểu việc, hiểu đời, hiểu mình, hiểu người, một
tiến trình hiểu biết. Nó là nó.
Nó không là cái ảnh của người-thầy, hay bất
cứ của một ai, càng không là ảnh hay công cụ của một tổ
chức. Nó không khép kín trong tự ti, không cứng
ngắc, tự mãn trong một cái đúng tuyệt đối, để
không hiểu bất cứ cái chi về tính người, tình người,
để thành ‘trơ', vô cảm trước những đổi thay của
môi trường chung quanh.. Nó là nó trong những dị biệt
với đồng loại; nó chấp nhận dị biệt để tìm
hiểu, tương giao, học hỏi, và cảm thông. Nó là
nó trong những bối cảnh thuận nghịch; thuận thì biết vui,
biết sướng; nghịch là thử thách phải vượt qua, để trưởng
thành, thế nên, không trốn chạy; mà lắm khi muốn tránh né
cũng không được. Vậy, hội nhập
không có nghĩa là rập khuôn, là bị hay chịu cho người nhồi
sọ hay tẩy não. Nhìn lại thời học đường
VN Đê Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, không phải mọi
việc đều hoàn hão, trơn tru như đi trên thảm đỏ.
Thế nhưng, ở các trường sư phạm, các khóa tu nghiệp, trong
các công văn, luôn có ẩn tàng hay trực tiếp, nêu lên cái
ý: tôn trọng con người trong mỗi đứa trẻ, tôn
trọng cái con người mong manh đang hình thành trong đứa trẻ.
Về chương trình dạy, trong cái tuổi
mẫu giáo, tuổi của chuyện ‘Tấm Cám', Thạch Sanh Lý Thông,
Bạch Viên Tôn Các.., người thầy có dùng huyên thoại, huyền
thoại An Dương Vương, Phù Đổng Thiên Vương,... Nhưng, cũng
ngay ở cái tuổi nầy, đã bắt dầu dạy vệ sinh thường
thức[32], vệ sinh cá nhân, nhất là ở thôn quê, chưa có nước
máy, và trẻ con là mồi ngon cho các bệnh sốt rét, tiêu chảy,
dịch tả, phong đòn gánh.... Sang tiểu học thì sớm xây dựng
ngôn ngữ, nói và viết, quan sát, tả cảnh, thuật chuyện. Đến
tuổi 13-15, tạm gọi là làm chủ được ngôn ngữ, thì
đến giai đoạn khai tâm vào lý luận: đúng sai, hay dỡ,
đẹp xấu, qua những bài phân tích và bình luận văn chương
hay nghĩ suy về luân lý, về một số ca dao tục ngữ. Vào
Trung Học đệ nhị cấp là nghĩ đến chuẫn bị vào Đại
Học, mà thầy trò có thể trao đổi với nhau, nói riêng
trong các lãnh vực văn chương, luân lý, triết học. Song
song với việc rèn luyện trí tuệ và tính tình, là
cái học để trở thành một thành viên sản xuất-của
cải vật chất hay dịch vụ. Cái cảm giác mình có
lợi ích, mình có đóng góp, đem lại cho con người lòng
tự tin, và là động cơ thúc đẩy con người tiến bước,
tìm tòi, mở rộng, đào sâu và cứ như thế mãi mà
học hỏi. Đó là chuyện xưa.Việt Nam Đệ Nhất
và Đệ Nhị Cộng Hòa. Ngày
nay, ‘tất cả vì chủ nghĩa xã hội.' Nói cách khác,
dạy và học nhằm để vong thân trong một chủ nghĩa: xã nghĩa.
Có lẽ vì vậy mà ‘xã nghĩa' luôn là môn chánh.
"Chánh" trong cả hai nghĩa: hệ số cao nhất, điều kiện tiên
quyết cho việc đỗ đạt và thành đạt. Nghĩ cho cùng,
‘xã nghĩa' là một đạo giáo, có Kinh Thánh[33], có tổ chức giáo phẩm, có tòa án thẩm tra kẻ lạc giáo
hay dị giáo, như thời Trung Cổ. Thật không ngoa khi gọi là Xích
Giáo--赤 敎, Giáo Hội Đỏ; hoặc nói theo ngôn ngữ xã nghĩa là Sít-Giáo,
tưởng nhớ đến ông Giáo Hoàng đầu tiên họ Sít,
ở Thánh Địa Mát-xco-va, và theo ngôn ngữ của văn chương
‘phản động': Đạo Sít-盜 Xít, cái tặc-đạoc của họ Sít. Thế nên, làm
thầy cô giáo, thời xã nghĩa, khó lắm. Sống cơ cực,
động lương eo hẹp, ngày càng eo hẹp. Mà ai ai chẳng như
vậy! Nhưng có những thầy cô giáo còn phải uốn cong lương
tri chức nghiệp, để làm một bộ phận, một mắc xích, cho
cái máy đào tạo hàng loạt những rô-bô xã nghĩa,
tung hô, nhất trí,...Nhượng bộ với hoàn cảnh, đồng lõa
với ma vương, làm cây sậy của La Fontaine, nép theo sức gió:
Khó! Thật quá khó! Nhưng vẫn không khó bằng sòng phẳng
với chính mình.
Tiên đề 4: Dạy là truyền
đạt kiến thức.
Truyền đạt những giá trị. Kiến thức, giá trị là phương tiện, tạo duyên cho
đối thoại, đổi trao, cứu cánh nằm ở con người - Kiến thức phải cổ điển, phải có những giá trị
vững chắc mời được chọn và ghi trong chương trình và
viết thành sách giáo khoa. Kiến thức-cũ rích, trơ, chết,
bất động, vô hồn trong sách vở, người-thầy lấy đó
làm duyên cho những buổi gặp gở thầy trò, làm đề tài
cho giờ học. Học thì có hỏi; hỏi chưa thấu đáo chưa
thôi; phải suy tư, đem ra bàn luận, mà chưa thấu đáo vẫn
chưa thôi, phải đưa thử nghiệm, .... Thế nên, kiến
thức cũng là duyên cho thầy trò tôi luyện quan sát, nhận
xét, phê phán, phân tích, tổng họp, suy đoán, dự trù,
làm dự án,.., và thực thi; vì vậy mà cũng giúp cho
sự tôi luyện tính kiên nhẫn, chịu khó, bền lòng, bền
chí,... Cũng là duyên cho đổi trao thông tin, duyên cho thông cảm,
cho sự giao lưu giữa thầy trò và giữa bạn bè
trong lớp học. Duyên nào cũng có thuận, có nghịch. Nghịch
duyên là thử thách. Thử thách cho việc tôi luyện trí,
tính, và tình người, trước nghịch cảnh. Cho nên,
không có cái học ‘bị học', ‘được truyền giảng'
một chiều: thầy cô, bên trên-trên bục, ‘một bồ kinh sử'
-‘độc quyền' thí pháp cho cái đám tín đồ dốt
nát cần được dẫn dắt ở phía dưới; không có cái
học như ‘con vẹt' mà là cái học năng động, cái
học sống. (Phải ghi nhận ở đây, cái phương
cách truyền giảng rất thuận cho người dạy và người học,
trong cái nghĩa là; cả hai bên đều yên ổn: người học
không bị động, không bị hỏi, không phải động não để
trả lời, và về phía người dạy, thì tất tất đều
có trong sách vở, mọi việc đều gói đẹp trong cái không
có vấn để, không một sự rũi may rắc rối xảy ra.
Điều nầy thường được các thầy, cô ở cấp Đại
Học áp dụng; ở Đại Học, người học được xem là
có đủ khả năng tìm hiểu, tự vấn về mọi vấn đề
khác biệt ở mọi lãnh vực, văn chương, triết học, khoa học,..) -Như vậy, ‘truyền đạt' là một cách nói thiếu may
mắn. Dạy, trong bất cứ bối cảnh nào, không chỉ là một
sự truyền đạt đơn thuần kiến thức hay giá
trị. Nói đúng sai, phải trái, người-thầy ắt
phải nêu rõ là trong bối cảnh nào, với những giả thiết
nào, ở hệ thống tiên đề nào, qui về thang giá trị nào.
Có những cái xưa đúng mà nay sai; thí dụ: xưa ‘trung
với vua' và chết vì chữ ‘trung', như Nhạc Phi thì ‘đúng
quá đi thôi'(?); nay thì, ngoại trừ những người cuồng tín,
không ai muốn chết hay làm nô lệ cho một ông lãnh đạo,
hay vì một chữ ‘trung'-thí dụ: ‘Trung với Đảng', hay trung thành
với một chủ thuyết, một chủ nghĩa, hay tử vì đạo. Ngoài
ra, cái đúng ở Tây Phương có thể sai ở Đông Phương.
Anh và Pháp cách nhau một eo biển nhỏ, The English Channel, mà ở Anh,
xe chạy bên trái, ở Pháp xe chạy bên mặt. Người thầy
có thể ‘giảng'-đặt vấn đề nhất nguyên, nhị nguyên,
tiên thiên, hậu thiên, chân lý,..., nhưng không gói, không
nhốt, không giam, không nô lệ hóa học trò mình hay tự
thân mình trong cái huyền diệu nhất nguyên, hay trong chuyên chính
nhị nguyên, hay bất cứ một chủ thuyết, một chủa nghĩa, hay
một tổ chức, dù hoàn hão tuyệt luân.. Theo đó, người
thầy hành xử theo ‘duyên nghiệp', gieo nhân, gặt quả, lấy quả
làm nhân, quay cuồng trong luân hồi trăm ngả'. Có vui, có khổ.
Có thành, có bại. Thành
đạt, người học có thể là đổ trạng nguyên, tiến
sĩ, nhưng không vì đó chết ở bằng cấp, càng không
chếtởt miếng đỉnh chung, trong tranh đua quyền lực; nói cách
khác, không chết vì ham muốn hay vì tự mãn. Thành
đạt có thể là một khám phá lớn cho nhân loại, nhưng
không vì đó mà nghĩ ngơi, mụ người, mai một trong hào
quang. Thành đạt phải là cơ duyên mở một con đường
mới, một giai đoạn mới; cái mới, cái chưa biết nào cũng
có những phiêu lưu, vừa hấp dẫn, vừa làm lòng người
e ngại, e ngại những hiểm nguy, ngẫu nhiên xảy ra, không lường
trước được, e ngại va chạm, e ngại gieo nghiệp, e ngại thất
bại. Cái mới nào cũng có những vấn nạn, nan
giải, và là thách đố, là cơ duyên tôi luyên tài
năng và tính tình. Thế nên, ‘không có cái
gì thay thế được ‘sự cật lưc làm việc'.'[34] Cô Pryianka Chopra, ca sĩ, minh tinh màn ảnh, ý thức sâu sắc điều
nầy, khi Cô nói: ‘Hãy khoác cái áo thành công như
mặc T-Shirt, không như mặc tuxedo.' Nói cách khác, Học
là thường xuyên, là chịu khó, suốt giòng đới.
Thế giới học-và-dạy của các thầy
và cô giáo, nhân-bản thầy-giáo, có thể là như thế
đó. Nhìn ngoài, nó là cái Đạo, vì như mọi
đạo giáo, nó có một rừng kinh điển, có lễ nghi, văn-tư-tu
đầy đủ,..; Đạo mà không là đạo vì không
gói, nhốt, giam, hay nô lệ hóa con người vào một chủ nghĩa,
chủ thuyết, pháp môn, một hệ thống giáo lý, giáo điều,
một tổ chức đạo giáo; cũng không bỏ đời, tìm
một sự an ổn cho tự thân. Người-thầy trọn vẹn
với cuộc sống thế tục, chấp nhận nghiệp-báo; trong cái rừng
kinh sách, mượn kiến thức làm duyên để mong và nhờ tuổi
trẻ mở rộng và đào sâu, với hi vọng một tương lai phong
phú. Đó là cái chất của giao lưu,
của đối thoại, của hợp tác,
của học hỏi, giữa những thế hệ, mà
lớn nhỏ tôn trọng nhau, để cùng vun bón tình người,
tính lý con người. Có dính, có mắc;
dính trong kiến thức, mắc trong lý tình,
nhưng có buông, có xả. Buông xả, không
nhầm để phiền não trôi đi, để tâm an, mà là
để buông bỏ thành kiến, tiên kiến, định kiến, để
thấy, hiểu, cảm thông, hiểu mình, hiểu người, hiểu vấn đề,
hiều quan hệ, và như vậy, thầy và trò luôn trọn vẹn
trong những bun xun, lăn xăn, phức tạp, thuận nghịch của duyên phận,
tiến bước trong một cuộc sống thật là người. Buông xả
để trưởng thành. Đó là nhân bản thầy giáo.
Thay lời kết: Công việc thầy cô
giáo là một công việc đồng đội: theo chiều ngang, văn chương,
luân lý, sử, địaa, vạn vật, lý hóa, toán, kinh tế gia
đỉnh, nhạc, hội họa,..đều nhằm một cứu cánh: giúp
giới trẻ xây dựng trí tuệ, tính tình, một cá tính cho
tự thân. Và cũng là một công việc đồng đội theo chiều
dọc, thầy cô giáo lớp học năm trước nghĩ đến người
dạy năm sau. Ngang hay dọc đều cùng nhằm giúp giới trẻ xây
dựng diễn trình những cái ‘Tôi' luôn hình thành
và khác biệt. Trên thực tế, thầy cô giáo dạy kiến
thức, buộc phải dạy những kiến thức
ghi rõ trong chương trình, và viết thành bài bản trong nhiều
sách giáo khoa. Thế nhưng , kiến thức, với người
dạy chỉ là phương tiện, và với người học, còn có
thể là phương tiện tiến thân, có được một cái
nghề, để cống hiến, đóng góp tích cực cho sự giàu
mạnh chung. Cứu cánh vẫn là con người, con người đang
hình thành trong mỗi đứa học sinh. Nhắc lại điều
nầy, để nhấn mạnh: Làm thầy không lúc nào có
nghĩa là nhồi sọ, là tẩy não, là biến trẻ thơ thânh
những con rối, làm nô lệ cho quan trên tùy tiện sai bảo,
hay mê ngũ trong một chân lý, mà'sông có cạn, núi có
mòn, chẳng bao giờ thay đồi' Người thầy nhìn công việc của mình như là
‘nhuộm mây, nẩy trăng'[35], vẻ mây vì trăng. Dạy kiến thức, lấy kiến
thức làm phương tiện, để giúp trẻ trưởng thành,
để nó thành người, một người hiểu
biết cộng đồng và môi trường mình đang sống. Nhưng
cũng nhìn nhận rằng lắm khi phải chịu nhân nhượng với
thị hiếu quấn chúng, chạy theo bán chữ, bán kiến
thức, dạy cho thi cử, cấp bằng, học vị. Trong cái thói quen cố hữu nói trắng thì
phải thêu đen, để trắng rõ thêm trắng, chúng tôi có
sử dụng ngôn ngữ đạo giáo, chân lý tuyệt đối, ‘chân
thật bất hư', dính mắc và xả bỏ, trụ và vô trụ,...,
chẳng qua là chúng tôi muốn dùng mây vẻ trăng, để làm
sáng cái nhân-bản thầy-giáo.. Mọi ý tưởng châm
biếm, xoi bói, chỉ trích đều ngoài ý muốn của chúng
tôi. Chúng tôi chân thành cám
ơn - Ông đồ nhà Đổ Chiêu Đức đã xem lại việc
sử dụng Hán Văn của chúng tôi. Houston, Texas July 15, 2016 NGUYỄN VĂN TRƯỜNG
[1] Nhơn chi sơ tánh bổn thiện. Wikipedia. [2] Nhơn chi vốn ác. Giản Chi: Tuân Tử. [3] Khổng Tử: "Vi nhân nan! vi nhân nan!" (?) [5] Như trong: "nhân dân ái vật, 仁民愛物. thương dân yêu vật . Hán Việt Từ Điển Trực
Tuyến. Internet. [6] nên cũng thường gọi là ‘nhân-đứng' [7] Lý chánh Trung (?) [8] Genesis 3:5 [9] Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn,
Sáng Thề Ký. Chương 3: 19. [10] 仔. Hám Việt Từ Điển Trực tuyến. Internet. [11] 細. Hám Việt Từ Điển Trực tuyến. Internet [12] [13]易. Từ Điển Hán Việt Trực tuyến. Internet [14] Nhân tử Nguyễn Văn Thọ: "Trong các sách Dịch, bao giờ cũng
có những hình mô tả Hà Đồ, Lạc Thư...Hà Đồ,
và Lạc Thư đều bàn về lẽ sinh thành của vũ trụ quần
sinh, đều chủ trương lẽ Thiên Địa vạn vật đồng nhất
thể, và Nhất Thể tán vạn thù, Vạn thù qui Nhất Thể,
đều chủ trương Vạn vật phát xuất từ một Tâm Điểm,
phóng phát ra ngoài, rồi cuối cùng lại qui hướng về Tâm
Điểm ấy. [15] Trong thực tế hình như họ ghép chập 16, hai bytes (?) [16] Thích Viên Minh. [17] Từ của Kinh Bã Nhã [18] Hồi đầu thị ngạn, [19] Trực ngộ chán tâm, kiến tánh thành Phật. [20] Theo một ý của Dươn Chu. 430-380 trước Công Nguyên.
[21] Stalin [22] Thiều Chữu. Hán Việt Tự Điển. ‘Sống chưa chỉn gọi
là sanh, làm việc không có kinh nghiệm gọi là sanh thủ 生手' Nguyên Văn. [23] Dương Thiệu Tống. Giáo sư, Ban Giáo Dục Đại Học Sư Phạm
Sài gòn. [24] Một Người. Tựa của một quyển tiểu thuyết của Ông Lê
Văn Trương. [25] Lycurgue. Nhà lập pháp Sparte. Thế kỷ thứ IX, trước Công Nguyên.
[26] Ít nhất là trong hai thập niên 1975-1995, ở Miền Nam được ‘giải
phóng'. [27] Giáo sư Trần Quang Đệ. Nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học
Sài gòn. [28] Joseph Stalin [29] Tố Hữu [30] Wikitionary. Internet. [31] Theo Wikipedia và Wikitionary. [32] Một từ thông dụng thời bấy giờ và rộng nghĩa hơn là:
Khoa học thường thức. [33] Mácxítlêninít. Ở Trung Quốc, thời Mao Trạch Đông còn
có quyển Kinh Đỏ. [34] Time Magazine. May 2-May 9, 2016. P.26 [35] Mái Tây. Bản Dịch Nhượng Tống. Lời bình của Kim Thánh
Thán. _________________________________________________________________________________________________________-_____________________________________________________________--
‘Văn
Tư Tu'[1]
Trong Cái NGHIỆP Làm Thầy .
6/28/16
Nguyễn Văn Trường
Mở Đầu Trong một bài trước-Văn
Tư Tu trong cái ĐẠO làm Thầy-chúng tôi có giải- trình
hai việc: 1. Làm thầy giáo, cô giáo, trong giới hạn đức
tin, lễ nghi, kinh sách,.., là một Đạo, như Đạo Khổng,
Đạo Lão, Đạo Phật,... Cái hạnh "Văn-Tư-Tu"
có đủ. Nói là Đạo mà thật sự không là
Đạo, vì người-thầy nói có giáo lý[2] mà không có giáo điều, có thể có một cái nhìn
triết gia, nhưng không gói người và mình trong một triết thuyết.
Nói chung, người thầy có thể có một lý tưởng, nhưng
không dính mắc trong một cái đúng tuyệt đối "chân
thật bất hư"[3]. 2. "Văn-Tư-Tu" phải là thiết yếu, và là
"ba ngôi"[4] như trong Đạo Thiên Chúa, hay "tam thân"[5], như trong Đạo Phật: ba mà là một, bất khả phân. Hạnh,
ý nói: đức hạnh 德行, thi hành cái đức ‘Văn, Tư, Tu" Bài trước, chúng
tôi thưa trình: "cái phải là', trong tư duy, lý luận trừu
tượng. Bài nầy, chúng tôi mong nói được phần
nào ‘cái thật sự là văn-tư tu' trong hành động
hành ngày của người thầy, trong cái NGHIỆP LÀM THẦY. NGHIỆP trong bài nấy, có hai nghĩa: 1. Nghề nghiệp, như tu nghiệp,
tốt nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp,..2. Nghiệp quả, nghịệp
báo, nghiệp chướng, khẩu nghiệp, ác nghiệp, thiện nghiệp của
nhà Phật[6]. Trong cái nghĩa thứ hai nầy, nghiệp nói: ‘hành động',
gieo ‘nhân', lăn trôi trong luân hổi lắm nẽo. Cùng là sư-‘thầy
giáo đạo'[7], Đạo Phật với các sư, Đạo Làm Thầy cho các thầy cô
giáo- nhưng sư may mắn hơn, với ‘Văn, Tư Tu', có thể liễu
Đạo, và Niết Bàn rộng mở; còn với thầy, cô giáo
thì duyên sinh nghiệp chướng, trùng trùng duyên nghiệp, luôn
trong đúng sai, thiện ác, khổ lạc, năm chìm bảy nổi trăm
ngàn cái lênh đênh. Đó là thân phận, là cái
NGHIỆP làm thầy. Chúng tôi mong nói lên được một vài
nét của cái nghiệp duyên nầy. ***
Thầy, và người-thầy
trong bài nầy cũng như trong bài trước được hiểu trong nghĩa
là thầy-giáo và cô-giáo, nói riêng cho các trẻ
em chưa đến tuổi thành nìên. Chưa vào cấp
cấp Đại Học, các em được xem là chưa trưởng thành.
Ở cấp Đại Học, sự giao lưu thầy trò có thể thoáng
hơn, không theo một nề nếp nhất định, Văn, Tư, Tu', thực chất
có thể khác đi ít nhiều. ‘Văn' vẫn có
nghĩa là nghe, như trong câu "như thị ngã văn"-tôi
nghe như vầy, của Phật gia. Trong cái Đạo làm thầy, ‘văn'
cụ thể là nghe kinh sách (từ sách giáo khoa các lọai, đến
tâm lý, triết học,..), internet, người xưa, người nay, nghe học
trò, phụ huynh, đồng nghiệp, nghe ngay trong chính mình; không chỉ
nghe lời nói, mà nghe âm vang, giọng nói, cử chỉ, thái
độ, để hiểu, để mở tầm nhìn trorng cái đa dạng,
đa nguyên, đa sắc, đa âm, trong giòng biến thiên vô cùng
của cuộc sống. Nghe để bắt gặp và đặt vấn đề,
để vấn hỏi, luận bàn. Nghe cũng là nhận thức những cảm
xúc của lớp học, nghe được những lo âu, vui buồn của phụ
huynh về cái học của con em họ, chia xớt được những khó
khăn, phân vân, suy đoán, và luận bàn với đồng nghiệp
về những kinh nghiệm liên quan đến đời sống thầy giáo,.. Vậy, ‘nghe' không chỉ là nghe lời nói, âm thanh, mà
còn bắt gặp cử chỉ, thái độ, sắc mặt, ánh mắt,...,
nghe cả ‘cái không lời'. ‘Lời' và ‘không-lời',
‘thanh và vô-thanh', người thầy chụp bắt, lấy đó làm
duyên, để trực nhận, đánh giá và có phản ứng -một
giá trị nhất thời, thích hợp ít-nhiều; tất tất cùng
trong một khoảnh khắc. Tạm gọi như vậy là lắng nghe.
Nghe duyên hợp rồi tan, khách quan, không chờ đợi ý tình khai
triển. Luôn ‘tỉnh thức'[8] để nghe cả ‘lởi' và ‘không-lời', để nắm bắt
cơ duyên-thuận nghịch, trong ngoài, và tùy duyên mà ứng xử.
Người thầy quen thuộc với ‘sắc sắc không không'[9], với bọt biển sóng ngầm, với những đổi thay ‘vân cẩu'[10] ấy của giòng chảy học đường. Trong đổi thay ‘hư
giả'[11] của nhà trường, người thầy học lắng nghe và
vấn hỏi những tâm tư cá biệt và vị ngọt đắng của
cuộc đời. Nói là học, vì cái nghe nầy
không là thiên phú, tự nhiên, sanh ra đã vậy. Đương
nhiên, thầy trò, bên phát, bên thâu, nhưng phải học thâu,
học phát; không những học mà còn phải tôi luyện, để
quen chú ý, chú tâm, quen bắt gặp ý tình, trầm bổng, mạnh
yếu của âm giai, trong những đổi thay trên nét mặt, ánh mắt,
cử chỉ, thái độ...của bên kia. Nếu nghe qua, thấy phớt, hoặc
nghe mà tâm trí ở chỗ khác, thì không phải là cái
nghe thầy-giáo. Muốn nghe và lắng nghe, không chỉ phải học,
mà còn phải tôi luyện. Người công-giáo có sự
lặng-ngắm hay thiền-contemplation or meditation-mình chỉ với mình, tập sao
cho tâm thức hoàn toàn lắng động, sao cho cái TÔI
của thành-bại-thị-phi chết đi, để đi vào một chiều
sống mới: hiệp thông huyền diệu với Thiên Chúa[12]. Nhà Phật có Thiền: Thiền Minh Sát, Thiền Tứ Niệm
Xứ. Thiền giúp tâm tịnh; tâm tịnh thì có huệ, mở đầu
cho sự giác ngộ chân tâm,... Hằng ngày, dành thời gian, tìm
nơi yên tĩnh, để lắng nghe mình thở ra, thở vô, ‘quán
thân, thọ, tâm, pháp'[13]. Tìm lại chính mình.
Tôi luyện như thế chỉ
để cho mình..... thoát khổ. Thế mà cũng lắm công phu. Các
công phu lặng ngắm và thiền tập có thể rất cần thiết và
hữu ích cho tâm linh: không nên nghĩ bàn. Người-thầy
cũng tu tập, nhưng không được chọn cho mình cái không khí
an bình, tĩnh lặng của những buổi cấm phòng-lặng ngắm và
thiền- của người công-giáo và phật-giáo, cũng không tìm
một sự tĩnh lắng của tâm thức cho một sự hiệp thông hay chứng
ngộ diệu huyền. Một bên-tín đồ--nhìn vào trong,
trở về với tự thân, hướng về huyền học siêu hình. Bên kia, thầy-cô-giáo, như hướng ngoại, sứ mạng
vị tha: dạy là cho nó, vì nó, bởi ở nó; nó là
người học. Nói là vị tha nhưng thật chất là
có người, có ta; thầy học làm thầy-và cũng
là học làm người- ở lớp học, ở những giờ gặp gỡ
đồng nghiệp và phụ huynh; trò học làm người, học với
thầy, với bạn, với môi trường. Người và ta. ‘học,
vấn, tư biện, hành'[14] đều có đủ. Người tu Phật tìm sự tĩnh
lặng, trong ngoài, ‘ không trừ vọng, cũng không cầu chân.'[15] Người-thầy thì trọn vẹn trong cái ồn-ào bát
nháo, 'nhân-quả', ‘quả-nhân', trong cả hai nghĩa: a/ Nhân
quả đồng thời. Không trò, thì thầy thầy nghiệp.
Không chỉ có như vậy, không trò thì làm gì có thầy.
Vậy trò là nhân, thầy là quả. Thầy trò là nhân
quả của nhau: Tương sinh, tương khắc. Hai bên khác biệt,
nhưng không có bên nây thì cũng chẳng có bên kia. Trò
và thầy, phụ huynh và giáo chức, tôi và động nghiệp của
tôi, nói rộng hơn, tôi và môi-trường sống của tôi,
khác hẳn mà đồng sinh. b/ Nhân quả dị thời.
Giữa hai bên-thầy trò, tôi và môi trường-có
giao lưu qua lại. Bên phát bên thâu. Qua lại thông tin, qua lại ý
tình, tác động trên nhau. Bên gieo nhân, bên gặt quả, và
như vậy trong một chuỗi thời gian. Mỗi thành viên trực
nhận mình trong quan hệ sống với những con người cụ thể. Mỗi bên ‘tùy duyên' mà ứng xử. Duyên
khởi rồi trùng trùng duyên khởi, không ai thắc mắc, không vấn
hỏi hay tìm xem: có hay không có cái duyên ban đầu.
***
Duyên thầy trò, ngẫu nhiên,
nhưng đặc tính là một chuỗi dị biệt, đa dạng, có thuận
có nghịch. Nghịch duyên là thường tình. Đó là những
mâu thuẫn , va chạn, xung đột. Tình huống có thể do: 1. Người-thầy kinh nghiệm, từng trải, và trách nhiệm-trách
nhiệm về kỷ cương và an sinh lớp học, về kết quả dạy
dỗ[16]. Thầy chủ động. Học trò phải gìn giữ kỷ
cương, học và làm bài vở mà thầy cho làm ở lớp
hoặc ở nhà. Nhiệm vụ của trò là: ‘học, vấn, tư,
biện, hành' quanh cái dạy của thầy. Trò bị động..
Chủ động và bị động, hai bên như hai đối cực, như
chọi nhau. 2. Thầy: già hơn[17] và cũng già dặn hơn; trò: trẻ thơ, lắm khi thơ
ngây, trong sáng. Đối kháng nhau ở tuổi tác và kinh
nghiệm, đối kháng nhau ở trình độ, ở vị thế, ở trách
nhiệm và ở chỗ hai con đường -dạy và học-nghịch chiều
nhau, nên có nhiều duyên cho sự ngộ nhận, mâu thuẫn , và
có khi sinh sóng gió. Thêm vào đó, truyền
thống ‘tôn sư Trọng đạo', ‘thương cho roi cho vọt' có
thể dẫn đến sự bạo hành trẻ con. Trong cái nhìn
tốt nhất về duyên thầy trò, vẫn có hai khả năng tiêu cực
đáng ghi: a/ Thầy càng giỏi, và có một cuộc sống
gương mẫu, trò càng tin, thì những giá trị truyền đạt
có thể nhập tâm và có thể trở thành một tháp
ngà, giam hảm trò, mà trò không hay biết. Có nguy cơ là trò
tự mãn trong đền vàng điện ngọc nầy của những giá
trị minh triết, hay kiến thức khoa học hiện đại,...., chắc như bắp
rang; và theo đó, tâm thức không mở rộng để đón
nhận cái sinh khí luôn đổi mới của giòng đời. b/ Thầy, quen thuộc và an toàn trên xa lộ một chiều- luôn
nói đúng, truyền đạt những điều đúng,.. tất tất
điều.. đúng, và học trò mình luôn(?).. ‘ vâng lời,
nương tựa, phục tùng'[18], thì thầy cũng có thể chết trong tự mãn, tự kiêu. Ở Miền Nam, nước Pháp, có câu dân gian: ‘Đừng
bao giờ cưới một cô giáo tiểu học.'[19] Có thể là vì cô-giáo quen nói đúng, làm đúng,
nghĩ đúng, cô không khi nào sai. Thế thì cô là thánh.
Thánh mẫu thì phải thờ, chớ không thể là vợ hay bạn.
Cũng nên ghi thêm: dầu có câu nói như vậy, các cô giáo
Miền Nam nước Pháp, thời bấy giờ, vẫn đắc như tôm tươi. Nói chung, trong cái an ổn nhất-thầy và trò hài lòng nhất
về kết quả cái dạy (của thầy) và cái học (của trò)
-thầy và trò vẫn có nguy cơ mất mình trong tự mãn
của sự thành đạt. 3. Mâu thuẫn và.. xung đột
nội tại: Dạy là cho nó, vì nó, bởi nó. Là
giúp nó hình thành một nhân cách, hướng dẫn nó hội
nhập vào nếp sống của môi trường. Nói là như vậy,
nhưng mỗi người-thầy-dầu là văn, sử, toán, lý, khoa học,
.. hay chi chi khác, đều có một chương trình, một nội dung phải
hoàn thành cuối niên khóa; bước vào lớp thì đã
sẵn sàng một ‘giáo án'-dự án về diễn trình nội
dung mà phải hoàn tất trong buổi học. Nhìn chung, nói là
đào tạo con người, hay trang bị cho tuổi trẻ một hành trang nhập
cuộc, nhưng thực sự là dạy kiến thức, và trong một giới
hạn nào đó, là nhồi nhét kiến thức, tập luyện
trẻ con tích lũy kiến thức, mà thực chất là cổ điển-xưa,
cũ, nhưng là ‘khuôn vàng thước ngọc' để đi thi, đỗ
đạt hay chỉ để đạt ‘thành tích.' ‘Khuôn
vàng thước ngọc', cái bền vững, bất động, bất biến,
là đặc tính của một cái gì đó ‘trơ', xơ cứng,
... của cái chết. Họ bảo nhau: Mỗi thầy giáo, cô giáo, ở bất cứ một bộ môn
nào-Văn, Sử, Địa, Công-Dân, Kinh-Tế-Gia-Đình, Toán, Khoa-Học,
Thể-Dục,..-phải là một nhà giáo dục. Mỗi
thầy giáo, cô giáo, ở bất cứ một bộ môn nào-Văn,
Sử, Địa, Công-Dân, Kinh-Tế-Gia-Đình, Toán, Khoa-Học, Thể-Dục,..-phải
là một nhà giáo dục. Và cũng nói với nhau: Dạy là lấy kiến thức làm phương tiện để đào
luyện con người. Cứu cánh của giáo dục, không là kiến
thức mà là : con người. Và, hằng
ngày, họ bị chi phối giữa: phương tiện-dạy kiến
thức, và cứu cánh- đào tạo con người. Kiến
thức: Rõ ràng cụ thể, có chương trình, có những
qui định hẳn hoi. Con người: Hoặc trừu tượng, của
muôn nơi muôn thuở; nói chung, tính người, tình người. Hoặc
ít nhiều cụ thể, như con người trung hiếu trong cái trật tự
quân-sư-phụ của Khổng Gia, hay gần đây, con người xã-hội-chủ-nghĩa,
để rồi cái dạy thực chất là một sự nhồi sọ,
đóng khung, có tổ chức và có bài bản. Có
một thời, khoảng 1945-50, ở một trường của các sư huynh Taberd,
ở Miền Nam Viêt Nam, môn giáo lý-catechism- thì hệ số 6, mà
toán lý hay chi chi khác thì hệ số 2. Ở Việt Nam, ngày nay
thời xã-nghĩa, Triết Mác-Lênin là ưu tiên hàng đầu
vì ‘muốn xây dựng xã nghĩa, phải có con người xã
nghĩa.' Ngày nay, muốn có bằng danh dự, hay tiên tiến, hay chiến sĩ
thi đua, phải thuộc giáo lý, rành ‘sáu câu' triết Mac-Lê.
Có lắm người-thầy dạy kiến thức
vì kiến thức, có những trung tâm luyện thi đủ loại. Vì rằng: nhiệm vụ của họ đã cụ thể qui
định là hoàn thành một chương trình, chuyển đạt
kiến thức mà đánh giá cuối cùng là thi cử, bằng cấp,
học vị,... mở cho người học con đường ... ‘ngựa anh đi
trước, võng nàng theo sau', .. hoặc ‘chồng quan sang, vợ hầu đẹp'...hoặc
‘phải có danh gì với núi sông' , hoặc chi chi khác, đại
lọai là một cuộc sống ít nhiều ổn định, giàu danh,
giàu đặt lợi, đặt quyền. Yếu tố con người bị quên
đi. Học mà đội sổ, mà ở lại lớp, hoặc
thi rớt là học dỡ: điểm số, hạng thứ, bằng khen, bằng
danh dự, bằng cấp,.thông thường là động cơ của học
sinh. Dạy mà tương đối nhiều trò thi rớt là dạy
dỡ. Dạy dỡ thì mất mặt, cũng có khả năng gặp những
phiền toái nhất định. Không ai chịu cho mình cứ bám ở
đó mà dạy dỡ, và chính mình cũng không muốn cái
tiếng tăm dạy dỡ. Thế nên, dạy kiến thức là chính, thậm
chí còn dạy ‘mánh', dạy ‘tủ', chọn cái chánh,
bỏ cái phụ,..., dạy cả những kỹ xảo thi cử. Hồi
tôi ở Trung Học, năm chót, lớp Toán[20], ở Hyères [21], một giáo sư cho biết trong Hội Đồng Thi, Viện Đại Học
Marseille, giám khảo mà cho điểm 0, zero, thì phải làm một biên
bản nhò cho biết lý do; không ai muốn mất công phải làm
biên bản, mà quá nhiểu biên bản thì mang tiếng là khắc
khe. Thế nên, thường thường, thay vì cho zero, thì cho ¼ điểm.
Thế là tôi bỏ không học vạn vật, vì ở Ban Toán,
vạn vật chỉ có thi vấn đáp với hệ số là 1. Tôi nghĩ
cái vạn vật mà tôi học thời Trung Học Đệ Nhất Cấp,
đủ cho tôi thừa sức qua cầu. Thi cử, điểm số vẫn là
động cơ quan trọng hàng đầu cho học sinh, trong những bối cảnh
cụ thể. Nói chung có sức ép của quyền lực, tổ
chức, dư luận, và tập quán,..., của cuộc sống hằng ngày
‘buộc' thiện tâm thiện ý phải nhượng bước cho thực
tiển hàng ngày: Khi còn cha mẹ-- già yếu, bệnh
hoạn, cần chăm sóc, khi còn con cái -nheo nhóc, thơ
dại, thì còn cần cái tối thiểu để "yên thân';
khi mọi gia đình vẫn nhìn sự đỗ đạt là
bước tiến thân của con cái-và họ có lý do vũng chắc;
khi nghĩ khác, làm khác là phản vua, phản chúa,
phản động hay thuộc thành phần xét lại,...và không
biết bao nhiêu đe dọa, sức ép, và lý do khác-số mạng,
nghiệp-quả,...-- để người-thầy thỏa hiệp với Satan: chọn
cái dễ. Thôi thì, thầy trò an ổn chạy theo
điểm số, thi cử--sự đánh giá ‘khách quan' của kết
quả học vấn. Kết quả: điểm số, thi đua, tiên tiến, bằng
khen, bằng danh dự, bằng cấp, vấn chiếm ưu tiên hàng ngày.
4. Cái chung và
cái riêng. Duyên thầy trò thường là một niên
khóa, gặp nhau không quá 180 ngày[22]; ở Tiểu học không quá 25 giờ/ tuần, ở Trung học, tối đa
5 giờ/ tuần. Lớp học tối thiểu trung bình là 30 trò. Mỗi tiết
học trung bình 50 phút. Trừ thời giờ chết-ổn định lớp
học trò lên bảng, trở về, bôi bảng, .., còn 45 phút, dành
cho giảng bài, hỏi bài, kiểm tra,.., chia cho 30 trò thì mỗi trò
chỉ được 1 phút rưởi. Thoáng một cái là hết niên
học.
Nhưng mỗi người-thầy là một thế
giới, mỗi bộ môn là một nhóm văn hóa riêng, có những
thói quen, thuật ngữ, một cái nhìn đặc thù. Thế nên,
giữa các nhóm, dầu có giao lưu, có ngầm thỏa hiệp là
phải học lẫn nhau, cùng ‘nhất trí' ở những biện pháp,
‘thích ứng' với các bối cảnh dị biệt, thực chất là
rời rạc, tạo nghịch duyên, thêm thách đố cho người-
thầy. Duyên thầy trò thường là một niên
khóa, gặp nhau không quá 180 ngày[22]; ở Tiểu học không quá 25 giờ/ tuần, ở Trung học, tối đa
5 giờ/ tuần. Lớp học tối thiểu trung bình là 30 trò. Mỗi tiết
học trung bình 50 phút. Trừ thời giờ chết-ổn định lớp
học trò lên bảng, trở về, bôi bảng, .., còn 45 phút, dành
cho giảng bài, hỏi bài, kiểm tra,.., chia cho 30 trò thì mỗi trò
chỉ được 1 phút rưởi. Thoáng một cái là hết niên
học. Thế nên, công việc của thầy cô là công-việc-đồng-đội-teamwork
-mà điểm chung là phải chọn: hoặc Giáo dục hoặc
kiến-thức và thi-cử.
Tóm lại, trong nội dung
của cái dạy, trong nội tâm của người-thầy, trong quan hệ thầy
trò, trong những nếp văn hóa dị biệt,.. trong sự chi phối giữa
phương tiện và cứu cánh-- tích lũy kiến thức, học cho thi
cử, bằng cấp, học vị hay học làm người- trong cái nhìn
đa dạng đa sắc thái nầy, làm thầy cô giáo là nghiệp-duyên,
là nhân-quả... Trùng trùng duyên-nghiệp, nhân-quả, quá-nhân. Thế nên, nghe, suy tư, phân tích, tổng hợp vấn hỏi, và
trực nghiệm -hỏi môi trường, hỏi tự thân, hỏi về thân
phận, và thử nghiệm, để rồi không mấy khi, tìm ra một
lời giải thỏa đáng. Người-thầy cảm nhận: Bản chất
cuộc sống là dang dở. Dang dở vì nó vốn bất toàn, vốn
khiếm khuyết, luôn thiếu một cái gì đó, buộc con người
phải tìm cách làm tròn đầy, và như thế mãi. Cho
nên, sống là vấn đề, làm ‘thầy' là vấn đề.
Người tu Phật, nhìn cái bất toàn là duyên cho vô minh, nguồn
của khổ hãi. Người-thầy hiểu bất toàn là đặc tánh
của cuộc đời, khiếm khuyết là tự nhiên, vô mình
là nguồn vô tận cho khám phá. Bên cái logic có cái illogic.
Lý luận thì theo đường tuyến tính-linear[23]; phi lý luận thì... vô cùng phức tạp. Sống là sống với
cả hai. Logic và không logic; nói cách khác là , lý và
tình. Thế nên, luôn có vấn đề. Phải vui với những
vấn đề khác biệt, dù rằng không phải vấn đề nào
cũng dễ nuốt trôi. Đó là cái NGHIỆP làm thầy.
Nếu có nhìn ‘VĂN, TƯ, TU' trong ánh sáng của Đạo, thì
càng phải thấy trong cái NHIỆP. Ngụp lặn trong biển động
của mâu thuẩn, dị biệt, đối kháng, trong bể khổ-lạc của
vô thường, của đổi thay nghiệp quả, là thực tiển hình
thành người-thầy, với chữ người
đậm nét, và chữ thầy thật..nhỏ.
Houston,
Texas, 12/13/2015
[1] Nghe, suy tư và tu tập, từ vay mượn của Phật gia [2] thí dụ giáo lý làm người, [3] Từ của Phật Gia. Tam Thân: Pháp thân (zh. 法身,
sa. dharmakāya), là thể tính thật sự của Phật, đồng nghĩa
với Chân như, là thể của vũ trụ. Báo thân (zh.
報身, sa. saṃbhogakāya), cũng được dịch là Thụ
dụng thân (zh. 受用身), "thân của sự thụ hưởng
công đức". Ứng thân (zh. 應身, sa. nirmāṇakāya),
cũng được gọi là Ứng hoá thân hoặc Hoá thân, là thân Phật và Bồ Tát hiện diện trên Trái Đất. Nguồn: Wikipedia. [4] Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần. [5] Từ mượn trong Kinh Thánh. Ba Ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa
Con, Đức Chúa Thánh Thần. [6] Hán Việt Từ Điển Trích dẫn tổng họp., Internet [7] Tựa một bài dịch cũa Ni Sư Trí Hãi, tử một truyện trong
The Glass Bead Game;của Herman Hess. [8] Từ của Phật gia. [9] Từ của Phậ gia. [10] O^n Như Hấu Nguyễn Gia Thiều. Cung Oán ngâm Khúc: ‘Bức tranh vân
cẩu vẽ người tang thương.' [11] Từ của Phật gia. [12] ""Whoever wants to be my disciple must deny themselves and take up their cross and follow me. 25 For
whoever wants to save their life[a] will lose it, but whoever loses their life for me will find it. 26 What good will it be for someone
to gain the whole world, yet forfeit their soul? Or what can anyone give in exchange for their soul?" Mathew 16: 24-27.
Marc: 8: 34-91. [13] Tứ niệm xứ. [14] Mạnh Tử. [15] Huyền Giác. Chúng Đạo Ca. Bất trừ vọng tưởng, bất
cầu chân. Trúc Thiên dịch: Không trừ vọng tưởng, chẳng
cầu chân. Nguồn: Inernet. Vĩnh Gia Chúng Đạo Ca. [16] Rõ ràng nhất là ở các lớp mà cuối niên học có
thi tốt nghiệp. [17] ở tuổi tác. [18] Vay mượn của nhà Phật. [19] Ne te marries jamais une institutrice [20] Lúc bấy giờ, chỉ có ba ban: Triết, Khoa học thực nghiệm (Vạn
Vật) và Toán. [21] Một thành phố nhỏ, ven biển Địa Trung Hãi. Pháp. [22] In the USA, the average teacher: School year = 180 days 14 Holidays/year= -14 5 personal days/year= -5 7 Sick days/year- -7 ? Vacation days/year= ? * Total days worked 154 Days/ year *I have heard rumors teachers get vacation time as well but not confirmed Work day is 7 hours including a 1/2 hour
PAID lunch and one hour FREE period/day Nguồn: Internet: www.sodahead.com/united-states/how-many-days-per-year-does-a-teacher-work/que
[23] Thí dụ: Theo kinh Duyên khởi, mười hai nhân duyên cụ thể
như sau:1. Vô minh sự không thấu hiểu Tứ diệu đế, không hiểu Khổ là tính chất căn bản của đời sống. 2. Vô minh sinh Hành
hành động tạo nghiệp. Hành động này có thể tốt,
xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng: thân, khẩu và
ý. 3. Hành sinh Thức làm nền tảng cho một đời
sống tới. Thức này đi vào bụng mẹ. Thức lựa chọn cha mẹ
đúng như Hành tốt xấu quy định. 4. Thức sinh Danh sắc,
là toàn bộ tâm lí và vật lí của bào thai mới, do Ngũ
uẩn tạo thành. 5. Danh sắc sinh Lục căn, là các
giác quan, sáu căn (năm giác quan và khả năng suy nghĩ là sáu). 6. Lục
căn bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài gọi là Xúc
Xúc sinh Thụ, là cảm nhận của con người mới với
thế giới bên ngoài. 7. Thụ sinh Ái, tham ái, lòng
ham muốn xuất phát từ vô minh. 8. Ái sinh Thủ là
điều cá nhân mới muốn chiếm lấy cho mình. 9. Thủ dẫn
đến Hữu, là toàn bộ những gì ta gọi là
tồn tại, sự sống, thế giới. 10. Hữu dẫn đến Sinh,
một thế giới và cá nhân mới xuất hiện hẳn hoi. 11. Sinh
sinh ra Lão tử, vì có Sinh nên có hoại diệt.
MỘT VÀI LỄ NGHI TRONG LỚP HỌC
Nguyễn văn Trường ______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________ 1.CHIÊU HỒN LỄ: cái lễ đầu giờ, ngắn ngủi nhưng cần thiết. ...vì
tự trọng, vì cảm thông nỗi khó khăn của các đồng
nghiệp có thể bị quấy rầy, vì quí trọng con người mai
hậu trong đứa trẻ, vì muốn dưỡng nuôi linh hồn của lớp
học... biết bao lý do để ta khẳng định rằng, giáo chức chỉ
có một tự do trong việc nầy là: đúng giờ, đúng hẹn. 2.LỄ NGHI CUỐI GIỜ ....ông giáo đến đúng
hẹn, đi đúng giờ và nếu những lễ nghi đầu giờ nhằm
tạo một không khí thích hợp cho việc học thì những lễ
nghi cuối giờ nhằm chuẩn bị cho lúc thầy cô vắng mặt, để
hình ảnh của lớp học còn như đâu đó, để những lời dặn, những
ghi chép sau cùng còn rõ ràng, minh bạch, để
sự hiện diện của thầy cô bên đứa trẻ gần như toàn
diện. ______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
"Tiên
học Lễ, Hậu học Văn". Đó là câu châm ngôn vở
lòng ở các trường Tiểu Học. "Gọi dạ, bảo vâng",
gặp người lớn tuổi, biết cung kính; gặp kẻ khó, biết giúp
đỡ tận tình,..phải học cách ăn nói, đi đứng, cư
xử... trước đã. Nhưng theo thời gian, lần lần người ta không
nói đến Lễ nữa. Bắt đầu từ lớp Sáu, Lễ hầu như
chỉ cón là một dư âm, nhường chỗ lại cho Văn Chương,
Khoa học. Trong thời đại của Khoa học và Kỹ thuật, cái
dạy phải hướng về các Khoa học căn bản và nhân văn
là hẳn nhiên rồi. Vả lại, trong thời gạo châu củi quế
nầy, chạy vắt giò lên cổ mới đủ ăn là may, nói chi
là những hình thức bên ngoài, đôi khi trói buộc, đôi
khi làm con người khô cằn, làm xã hội cô đọng, không
phát triển. Thế nhưng, lớp học có lắm nghi thức và hôm
nay tôi phải bàn về những nghi thức ấy. Thật khó thay!
1. CHIÊU HỒN LỄ. Nghi thức đầu tiên của lớp học có lẽ là: đến
lớp học đúng giờ. Giờ
học là buổi hẹn của những người trách nhiệm, trách nhiệm
đóng góp một phần của mình vào cuộc sống chung để
xây dựng linh hồn của lớp học. Học sinh trễ học, gặp lắm
chuyện bực mình: xin giấy vào lớp, có khi bị hạch hỏi đủ
điều, có khi bị cảnh cáo, lần sau.. phải có đơn xin của
cha mẹ.. Ông thầy trễ hẹn thì...cũng không có gì bực
mình cả, vì không mấy khi được ai hỏi đến: Ông giám
học, ông hiệu trưởng, thường thì công vụ đa đoan, nên
cũng có khi.... đi trễ về sớm . Thôi thì việc ai nấy lo,
miễn là phụ huynh không thưa, không kiện là được. Đa
số phụ huynh hoặc thông cảm cái cảnh thanh bần cũng như những
đa đoan của giáo chức, hoặc không muốn đụng chạm: con học
gần nhà, ít tốn kém, thế là phước rồi, rắc rối
làm chi! Cho nên, có ông giáo,
bà giáo đã dành cho mình cái tự do đến trễ, về
sớm. Trễ vài phút, sớm vài phút, không hại gì ai; có
khi nhờ đó mà cái kiếp thầy giáo lại dễ chịu hơn:
dễ chịu cho thầy và cũng thích cho trò, vì trong những lúc
‘nhà vắng chủ' ấy, mặc sức ta thi nhau phá quấy. Một đồng
nghiệp của tôi (nguyên là giáo sinh Trường Sư Pham chúng tôi)
kể rằng ở một trường nọ, giáo sư đến lớp trễ năm
ba phút là thường và mỗi ai rời phòng giáo sư ngay khi chuông
reo vào lớp đều bị vài đồng nghiệp nhìn dưới những
đôi mắt khó chịu hay trách cứ. Trong xứ tự do, cái tự
do nầy của giáo chức thật cùng tột! Tuy nhiên, cái chế độ tự do ấy đã chia giáo chức
thành hai hạng: hạng nhất, đến trễ về sớm; hạng nhì, luôn
đúng hẹn, đúng giờ và chịu hậu quả khó chịu của
những ‘trễ-sớm' của hạng nhất. Một nước mà có hai
loại công dân: loại một, nhiều đặc ân, ít trách nhiệm;
loại hai, nhiều việc, ít quyền, và chịu hậu quả của những
khôn lanh của loại trước, là một nước sắp tan hay sắp loạn.
Một lớp học mà có hai loại thầy dị biệt như trên chỉ
có thể là một môi trường phân hóa: đó là một
lớp bệnh hoạn: Hồn của lớp đang chuẩn bị lìa khỏi xác.
Hơn nữa thầy trò cốt ở tình.
Như mọi thứ tình, tình sư đệ phải được đặt
trên sự mến trọng lẫn nhau. Chúng quí tôi; hẳn nhiên rồi
vì tôi là thầy của chúng, vì với tâm hồn trong sáng
và ngây thơ của chúng, chúng đến tôi với sẵn cái
lòng kính trọng bên trong. Đáp lại, tôi cũng quí chúng,
vì chính chúng đã dạy tôi làm thầy giáo, vì với
chúng tôi xây dựng sự nghiệp của tôi. Tôi mến chúng vì
chúng là hoài vọng của tôi: cái vốn của tôi là ‘thầy
giáo' và trong trường hợp tốt đẹp nhất thì "một ông
giáo giỏi" là cái trở thành cùng tột của tôi; còn
chúng hiện tại chỉ biết ăn tiêu, vô tích sự; hiện là
cái lo âu, phiền toái cho mọi người; còn tương lai chúng
chưa định và chính vì yếu tố chưa định nầy, chúng
đã thành niềm hi vọng thiết tha nhất của mọi người. Chúng
thuộc tương lai, còn tôi thì đang chuẩn bị qua dĩ vãng. Chúng
vượt qua thế hệ của tôi, đó là phước lớn của
nước nhà, là cái may chung cho nhân loại. Tôi đúng hẹn, đúng giờ vì mến cái tình
chúng dành cho tôi và cũng vì những hoài vọng mà tôi
đặt nơi chúng. Tôi có dịp
hướng dẫn một số giáo sinh thực tập tại các trường
ở Đô Thành. Chúng tôi đến lớp đúng giờ, nhưng
đôi khi, ở lớp kế bên, thầy chưa có mặt. Ông thầy trễ
hẹn. Thật ra, ông còn bận hàn huyên ở phòng giáo sư,
chưa đến kịp hoặc còn đang trên đường đến lớp,
với bước chân nặng nhọc của con người nhiều năm trong nghề,
hoặc ông còn đang vui vẻ đấu láo với thầy giám thị
ngoài hành lang. Theo đó, lớp ông đã biến thành cái
chợ, kẻ hét, người la, kẻ đập bàn, người khua ghế,
thật đủ trò (có một phần vì học sinh của ông biết
có khách ở lớp bên cạnh). Không cách chi dạy được
với cái ồn ào, hỗn độn đó. Thật khó chịu và
hẳn các lớp của dãy lầu ấy đồng số phận với chúng
tôi. Là một nhà giáo, con người ấy đã xem thường
lớp học, coi thường đồng nghiệp; như thế, họ đã phủ
nhận môi trường sống của họ, và theo đó, họ phủ nhận
chính bản thân họ. Vô tâm đến thế là cùng!
Tóm lại, vì tự trọng, vì cảm
thông nỗi khó khăn của các đồng nghiệp có thể bị
quấy rầy, vì quí trọng con người mai hậu trong đứa trẻ,
vì muốn dưỡng nuôi linh hồn của lớp học... biết bao lý
do để ta khẳng định rằng, giáo chức chỉ có một tự
do trong việc nầy là: đúng giờ, đúng hẹn. Đúng hẹn không có nghĩa là hấp tấp,
vội vã, hay trịnh trọng đến trước giờ, để đợi.
Đúng hẹn, ông giáo đến lớp học với trang nghiêm, tề
chỉnh, chứng tỏ ông đã sẵn sàng. Vậy ông không đến
với quần áo xốc xếch, dép đi lẹp xẹp, tóc rối bùi
nhùi, trong một trạng thái buông trôi, thả lỏng. Đó
là nghi lễ thứ hai của lớp học. Nghe tôi nói, một anh bạn cố tri của tôi hỏi: "Lúc
anh còn ở Huế, hình như mỗi ngày anh đến trường với
áo bỏ ra ngoài, dép đi lẹp xẹp và lúc ấy, hơn cả
thầy giáo, anh giữ trách nhiệm học vụ của một trường đào
tạo thầy giáo. Trong mấy năm liền, chẳng ai nói gì anh cả, anh
nghĩ sao?". Tôi đáp: "Cũng ở Huế, lúc Tết Mậu Thân,
có một chàng trai đi dưới lằn đạn, suốt con đường
dài ngang Bến Vân Lâu mà không sao cả. Hỏi ra: anh ta điếc. Có
lần tôi mang "bệnh" điếc, tôi đi dưới lằn đạn
suốt hàng giờ mà không hay biết; nhưng may, không sao cả, anh có
muốn thử như tôi không?" Tôi
được nghe: Ở Đài Bắc, trước lớp học, có một gương
soi khá lớn để giáo chức soi mình trước khi vào lớp. Tôi
bỗng nhớ đến câu chuyện hi hữu sau đây: Lúc còn đi
học, tôi có dịp làm giám thị trong một trường trung học
ở Pháp. Một buổi sáng nọ, một giáo sư trẻ vào điểm
tâm với chúng tôi, hấp tấp, vội vàng, mang một vết son nơi
cổ áo. Thế là anh đã trở thành trọng tâm của những
mẫu chuyện tếu của phòng ăn hôm ấy. Sau cùng, anh phải nhờ
chúng tôi xin phép cho anh nghỉ giờ đầu. Ở Pháp không
có gương trước mỗi lớp học như ở Đài Bắc; dầu
có đi nữa, phỏng anh có nhớ soi trước khi vào lớp học của
anh? Không bữa điểm tâm ấy, có thể anh đã phơi bày
những chuyện tình lặt vặt riêng tư của anh cho bọn trẻ, có
thể anh đã biến thành đề tài của những chuyện vui của
chúng trong ngày: cái uy tín cần thiết cho mọi giáo chức đã
tan biến nơi anh. Không buông thả,
nhà giáo cũng không trang sức lố lăng, lập dị. Các thầy
không nên để tóc "hippy", mặc quần áo vượt thời
trang... vào lớp học. Các cô không nên đi dạy với mini-jupe,
quần ống voi, áo quá hở hang, như vừa chưng bày, vừa che đậy.
Mặc áo tràng, tay lần chuỗi hạt, không hẳn đã là bậc
chân tu. Biết vậy, nhưng khi hành Thánh lễ tại Thánh Đường,
thì chân hay giả, trong bối cảnh bình thường, tối thiểu vị
linh mục phải có một phục sức trang nghiêm. Sách Lễ Ký, thiên Đàn Cung Hạ có chép: "Ở
chỗ mồ mả, chưa dạy dân phải thương mà tự nhiên dân
có lòng thương; ở chỗ xã tắc tông miếu, chưa dạy dân
phải kính mà dân tự nhiên có lòng kính". Cụ Trần
Trọng Kim chú giải: "Ở chỗ mồ mả thì có cái không
khí bi ai, ở chỗ tông miếu thì có cái không khí tôn
kính; ai đã hô hấp được cái không khí ấy thì
tự hòa theo mà không biết...."[1] Cũng tương tự, tôi muốn
lớp học tôi có một không khí trang nghiêm mà không khe khắt,
cởi mở mà không phóng túng buông lơi, khả dĩ lôi cuốn
được trẻ con vào sự tìm tòi học hỏi. Chuông vừa reo, học sinh phải bỏ cuộc chơi, đến
ngay nơi hẹn, lắm khi vội vã: áo quần xốc xếch, mình đẫm
mồ hôi. Dấu vết của cuộc chơi còn trên khuôn mặt của
chúng, trong nhịp thở không đều của chúng. Đứng trước
mặt tôi, đa số chúng còn gởi hồn ở sân chơi. Trong vài
phút nữa đây, chúng phải học, hoạt động của chúng
bị giới hạn, vì tối đa là chúng được hỏi, được
đối đáp; và trong cái đối đáp, có khi cũng dè
dặt, suy tư. Dầu không khí có cởi mở, cái học vẫn khô
khan, lớp học vẫn không hấp dẫn bằng sân chơi mà chúng
được tự do chạy nhảy, gào thét. Tôi phải kéo chúng
ra khỏi sân chơi, chuyển chúng về cho lớp học. Cho nên, phải buộc
chúng sắp hàng nghiêm chỉnh; đôi khi còn bảo một trò
cài lại một nút áo bỏ hở hay lau lại mồ hôi trên mặt....
Giờ thì thầy trò đã chỉnh tề,
yên lặng. Tôi mời và trông chúng vào lớp. Tôi vào lớp
sau cùng. Trên bục, tôi nhìn chúng như chờ đợi. Khi dứt
tiếng khua bàn ghế, khi cả lớp vừa yên lặng, tôi mời chúng
ngồi. Đó là nghi cách chào hỏi hằng ngày của thầy trò
tôi. Thật lắm chuyện, nhưng chỉ một hồi chuông, chỉ một phương
thức sắp hàng nghiêm chỉnh trong một giây, có tài thánh tôi
cũng không chiêu hồn về cho lớp học. Cho nên, phải theo dõi, quan
sát, giữ yên lặng cho đến lúc tất cả cùng ngồi.
Có trường tổ chức cho học sinh tự
xếp hàng vào lớp và khi giáo sư vừa đến thì với
một tiếng "nghiêm" rất nhà binh, lớp học chào trọng lệnh.
Tôi vốn không thích binh nghiệp, vì đó là hình ảnh của
giết chóc, của nghèo đói và là cái ngu xuẩn điên
rồ nhất của loài người. Nhưng tiếng "nghiêm" lạnh
người của anh trưởng lớp, hình như chỉ có lợi cho tôi
trong việc tạo một không khí trang nghiêm học tập. Tôi có thể lợi dụng một hai phút vào lớp
ấy, để nhận ra những phần tử mà hồn còn vơ vẩn nơi
sân chơi (để khi có dịp, săn sóc một cách thích đáng)
và ước định một thái độ nhất thời cho lớp học
hôm nay: nghiêm khắc, hiền hòa, cởi mở.... Hôm nay chúng có
vẻ hiếu động, đa số muốn làm việc bằng tay chân hơn
trí não, có lẽ phải thử một thái độ lạnh nhạt hay
khắt khe? Trái lại nếu chúng tỏ ra nhu mì, trầm lặng, có
lẽ nên cởi mở hơn; bằng không, chúng sẽ rút vào cái
vỏ khô khan của nhút nhát, e sợ.... Tôi phải kiểm nghiệm những
dự đoán của mình và mỗi giờ dạy của tôi có thể
tóm lược thành một chuỗi dài dự đoán, kiểm nghiệm,
kết luận kế tiếp. Bây giờ,
có lẽ chỉ còn một nghi lễ cuối cùng để thật sự bước
sang việc dạy: kiểm soát hiện diện. Có một luật lệ hành chánh buộc giáo chức
phải đúng giờ, nhưng vẫn có nhiều ông giáo không đúng
giờ. Điều nầy không thiệt gì cho ông cả; chỉ phiền cho người
giám thị, phải chờ đợi để chuyển giao học sinh hay phiền
cho các lớp học kế cận vì bị ồn. Nếu chẳng may ông
giám thị bỏ đi về (điều nầy cũng có thể xảy ra) và
sau đó có một tai nạn (thí dụ học sinh gây gổ nhau rồi
lấy viết đâm nhau hay lấn nhau té lầu) thì trách nhiệm vẫn
thuộc ông giám thị, ông giáo cũng không thiệt gì. Nhưng
nếu đứa trẻ trốn giờ học ông và sau đó gặp một
tai nạn mà ông không hay biết, trách nhiệm hẳn thuộc về ông.
Sau đây là một thí dụ nghe đâu có thật: "Một nữ sinh của một trường tại Đô
Thành, đã thi đỗ Tú Tài II. Kỳ thi nầy lại có chuyện
thưa gởi; có người thưa rằng em không thi thể dục mà vẫn
có 18 điểm thể dục. Theo hồ sơ, em thi thể dục tại Bình
Dương. Nhà trường lại xác nhận ngày thi ấy em có
mặt tại lớp học, tại Đô thành. Thế thì cùng một
lúc em ấy có mặt ở hai nơi? Tôi không rõ những gì
xảy ra kế đó. Tôi chỉ ghi: nếu các giáo sư hôm ấy
ghi nhầm hiện diện thì cả một oan uổng và rủi ro cho em ấy."
Thế nhưng, việc kiểm soát hiện diện
thường được giao cho trưởng lớp và ít khi được nghiêm
chỉnh thi hành. Đành rằng ta muốn tập học sinh tự điều khiển,
tự tổ chức, tự kiểm soát và thi hành một số kỷ luật
chung, muốn chúng nhờ đó mà ý thức được trách nhiệm
của chúng trong cộng đồng; nhưng thực sự thì cái ý muốn
tốt đẹp ấy không trùng nghĩa với "chuyển giao trách nhiệm"
hay "làm nhẹ gánh cho ta". Có người trái lại, quá chu
đáo điểm danh mỗi giờ dạy. Như thế phải mất thêm
đôi ba phút; đó là những phút chết, không lợi gì
cho trò và cho thầy, ngoài cái việc thi hành đúng mức một
nhiệm vụ hành chánh, khô khan, vô vị. Thiết tưởng, dạy là giáo dục. Đã nhiều lần
chúng ta khẳng định: mỗi thầy giáo, cô giáo, bất kỳ
thuộc bộ môn nào, phải là một nhà giáo dục...Giáo
dục cũng không đồng nghĩa với dạy chữ, bán kiến thức,
một thứ kiến thức lắm khi cằn cỗi, ngu người. Với chúng
ta, giáo dục là "nhuộm mây, nẩy trăng", vẽ mây chỉ
vì trăng, là dùng kiến thức để đạt đến con người.
Muốn thế, phải hiểu biết trẻ, không chỉ dưới hình thức
một lớp học nhất tâm, nhất trí-mà tôi mạo muội gọi
là môt lớp học có hồn-mà phải biết gần như từng
cá nhơn một. Cho nên nhìn qua lớp học, tối thiểu tôi phải
biết những ai vắng mặt. Không phải tôi quá quan tâm về
những luật lệ hành chánh, hay về những rủi ro trăm năm mới
có một lần. Tôi cũng hiểu, trong thời nhiễu loạn nầy, mạng
người lắm khi còn rẻ, thì cái lỗi của ông thầy giáo
cũng dễ được khoan dung. Nhưng đây thuộc nguyên tắc: tôi
không thể nói giáo dục một người mà không biết gì
về người đó cả; thậm chí, vắng mặt, tôi không biết;
có mặt, tôi không hay; và cả cái tên thân yêu của họ,
tôi cũng không nhớ nỗi. Vậy, tôi phải biết, và nếu cần,
tôi sẽ hỏi thăm về sự vắng mặt: Không phải một thứ
hỏi thăm tò mò về đời sống riêng tư của người
khác, mà là một sự chăm sóc của thầy dành cho trò.
Thật lắm chuyện, nhưng nào hết, đây
chỉ mới là chiêu hồn lễ, cái lễ đầu giờ, ngắn ngủi
nhưng cần thiết. Giờ dạy là
một buổi hẹn, như mọi hẹn hò, có lúc phải chia tay. Việc
chia tay thầy trò sau giờ học không lâm ly, không như "đưa
chàng lòng dặc dặc buồn" hay "cảnh biệt ly sao mà buồn
vậy" với khăn lau nước mắt, tay vẫy tay chào....nhưng nó vẫn
có những dấu hiệu hẹn ngày tao ngộ. Thế nên phải dành
năm ba phút cho cái lễ cuối giờ. 2.
Lễ nghi cuối giờ. Tôi có dịp dự nhiều buổi họp
của những người lớn, đa sự, đa vụ. Buổi họp thường
được chuẩn bị kỹ càng, có chương trình nghị sự,
tài liệu đính kèm, gởi cho các họp viên cả tuần lễ
trước. Nhưng người đa sự đa vụ không là người
thường, nên có những người khác làm cái việc đọc
và suy nghĩ cho họ; hầu hết họ chỉ đọc các tờ trình
của những người nầy vài phút trước khi vào họp. Thế
nên lắm khi người đa sự, đa vụ, vào buổi họp lại chẳng
biết gì, hoặc phải mất mươi lăm phút, mới rõ những
yếu điểm của những vấn đề nghị sự. Ông giáo không là người lớn, trong cái nghĩa:
ông có một địa vị xã hội khiêm tốn và cũng
không đa sự, đa vụ. Hơn nữa, đối tượng của ông là
con nít. Họp với con nít, hẳn phải khác với người lớn.
Người lớn thường nhiều quyền nên có thể họp bàn những
chuyện trọng đại để...không làm. Con nít, thật thà, thơ
dại, nên ít biết nói để không làm. Ông giáo cũng
không muốn trẻ con mình trở thành những thứ đa ngôn hành
thiểu. Cho nên ông không hẹn trổng, hẹn bông lông, hẹn gặp
nhau hẳn hay; ông phải chuẩn bị buổi hẹn từ hôm nay, ngay lúc
nầy, đang sắp chia tay. Biên bản
buổi họp hôm nay thì đã có rồi; đó là bản toát
yếu ghi trong tập các em học sinh, là những điểm, những lời phê,
lời ghi nhớ trong sổ của thầy.... Nhưng buổi gặp lại, mai mốt đây,
chúng ta sẽ làm gì? Thầy sẽ bảo: "Các con, lấy sổ đầu
bài và ghi: ngày... tháng.. giờ... bài học...bài làm...trang
số..sách...hay các con xem lại bài...có thể thầy hỏi đến.."
"Sổ đầu bài" là một danh từ
cũ mà có người không còn nhớ hay chưa biết. Thường
mỗi lớp có một Sổ Đầu Bài dành cho giáo sư ghi lại
các đầu bài dạy, cho các vị hiệu trưởng, giám học,
thanh tra theo dõi công việc hàng ngày của giáo chức. Tùy trường,
tùy ban giám đốc, hình thức các Sổ Đầu Bài khác
biệt nhau, có sổ chia thành bộ môn, có sổ chia theo giáo sư
phụ trách lớp học. Đó lại là một đặc chế khác
của người lớn, tôi không dám lạm bàn. "Sổ đầu bài" mà tôi muốn nói đây
thuộc lãnh vực con nít. Đó là những tập 100 trang, thường
được chia thành sáu phần dành cho sáu ngày học trong tuần
lễ, để trẻ con tiện ghi công việc hằng ngày của chúng.
Đó là một loại ‘agenda' cho trẻ con, rẻ tiền và tiện dụng,
để tập trẻ con sử dụng thời gian, và tự tổ chức cuộc
sống. Về phương diện nầy, có thể nó không có chỗ
trong các lớp 11 và 12 vì đa số học sinh tuổi ấy thường
đã biết hoặc có cảm tưởng biết tự tổ chức lấy;
nhưng ở các lớp nhỏ thì thật cần thiết. Hơn nữa, tuy cùng một nhiệm vụ giáo dục, trong
thực tế, phụ huynh và giáo chức không mấy khi được biết
nhau, giúp đỡ nhau trong gánh nặng chung ấy. Ngoại trừ những
trường hợp ít oi như khen thưởng, cảnh cáo hay đuổi (cho nên,
thường phụ huynh được mời đến trường hoặc với niềm
vui cao độ, hoặc với thất vọng, lo âu), sự liên lạc gia-đình
học-đường được tóm lược qua các thành-tích-biểu,
học bạ mỗi lục-cá-nguyệt hay mỗi tháng; sự chung lo thường
xuyên gần như không có. Tập sổ-đấu-bài của học
sinh là nhịp cầu liên lạc hằng ngày giữa phụ huynh và giáo
chức. Nếu cần, ta thêm những cột ghi điểm, ghi lời phê
của thầy cô, lời khen, lời khuyến cáo, những nơi ký khán
của phụ huynh... Mỗi tối, phụ huynh chỉ cần xem qua sổ-đầu-bài
của con em mình để có một ý niệm khái quát về sự
diễn tiến của các cố gắng của chúng ở học đường
và rõ được công việc mà chúng phải thực hiện ở
nhà cho ngày học hôm sau. Thuở
xưa, tôi có biết ‘sổ-đầu-bài' với danh hiệu là ‘cahier
de textes'; hiện nay nó còn có mặt trong một vài trường như
Lasan Taberd với tên là ‘sổ bài học và bài làm'. Tên
tuy có khác nhưng vai trò vẫn là một. Tiếc rằng nó vắng
bóng trên hầu hết các trường công lập và đa số trường
tư thục, để học đường chấm dứt ngay sau giờ học, để
sự liên lạc gia đình-học đường đã lỏng lẻo, càng
thêm lỏng lẻo. Chúng đã chép
đầu bài học, bài làm, ghi công việc phải thực hiện ở
nhà, nhưng mấy khi ta đã yên tâm với bao nhiêu đó, phải
chỉ dẫn thêm, mớm hơi nhiệm vụ giao phó, để luôn trong tầm
tay của chúng. Thí dụ muốn ngày học cây đậu, mỗi học
sinh đều phải mang tới lớp một cây đậu con, phải chỉ dẫn
loại đậu, cách gieo, cách chăm sóc, dự đoán từ lúc
gieo, và cây đậu phải ở vào cỡ nào để sự quan sát
có thể xem là tốt nhất....Thí dụ thầy giáo phải cho một
bài toán làm ở nhà, nhưng bài ấy có vẻ hơi khó
hoặc thuộc một loại mới hay đòi hỏi một lý luận mà
đa số học sinh chưa quen thuộc...thì lắm khi thầy phải chú giải
hay đặt thêm câu hỏi dẫn đường... Cái chánh yếu là
sao cho đừng quá khó để chúng không chán nản, đừng
quá dễ để chúng không xem thường, và chúng chịu khó
tìm tòi. Đứa con đầu lòng
phải đi xa; nó được chọn đi học ở tỉnh hay nó phải
đi làm ở tận Sài gòn... Cuộc viễn du ấy có thể là
cái may vô cùng của đời nó và là cái mong đợi
của toàn gia đình. Thế nhưng, người mẹ vẫn lo âu khổ
sở; ngoài buổi cơm tối thịnh soạn, những chăm sóc nho nhỏ
nhưng chu đáo: từ chiếc va-li, quần áo xếp kỹ cho đến
gói tiền mọn phòng xa.., những dặn dò chi tiết không bao giờ
dứt. Đó là nghi lễ ra đi. Nghi lễ cuối giờ không khác
mấy; có khác là người mẹ hoàn toàn bị động, với
hình ảnh một đứa con lúc nào cũng thơ dại, còn nhà
giáo thì quyết định theo những ước đoán về mức độ
trưởng thành và hiểu biết của học sinh mình. Thế nên,
những tình tiết của nghi lễ cuối giờ chỉ chấm dứt với tiếng
chuông ra chơi như những dặn dò của người mẹ chỉ chấm
dứt khi xe đã lăn bánh. Vậy, nhà giáo không rời lớp học
trước tiếng chuông reo, vì như thế các lớp học kế cận
có thể bị ồn, không học được. Nhà giáo cũng không
để học sinh mình ngồi đợi chuông vì như thế lớp học
quen với thời gian chết. Nhà giáo cũng không kéo dài giờ học
sau tiếng chuông reo vì nếu là giờ chơi thì lớp học bị
chi phối bởi tiếng nô đùa kế cận; vả lại, giờ chơi
cũng lợi ích và cần thiết không kém giờ học.. Trong thực
tế, tiếng cười la bên ngoài lấn áp cả lời đối đáp
bên trong: không nghe nhau được, không chú ý được, không
học được...Nếu là tiếng chuông đổi giờ thì có
một lớp học khác đang chờ đợi mình hoặc một đồng
nghiệp sắp đến và không một lý do nào để buộc người
đồng nghiệp phải chờ đợi ngoài hành lang. Cho nên, kéo
dài giờ học chỉ biện minh được: người dạy chưa trù
liệu đúng mức hoặc chưa nắm vững thời gian của lớp học
mình. Tóm lại, ông giáo đến
đúng hẹn, đi đúng giờ và nếu những lễ nghi đầu
giờ nhằm tạo một không khí thích hợp cho việc học thì
những lễ nghi cuối giờ nhằm chuẩn bị cho lúc thầy cô vắng
mặt, để hình ảnh của lớp học còn như đâu đó,
để những lời dặn, những ghi chép sau cùng còn rõ ràng,
minh bạch, để sự hiện diện của thầy cô bên đứa trẻ
gần như toàn diện. Hẳn còn
những nghi cách khác cho thầy, cho trò trong suốt giờ học. Tuy nhiên,
giờ học không là một chuỗi dài nghi thức....Những tiểu xảo,
những hình thức bên ngoài chỉ có thể là những việc ‘bất-đắc-dĩ',
‘chẳng -đặng-đừng'. Đức Phật từ bỏ ngai vàng,
điện ngọc thì người đời lại xây chùa cao, đền
đẹp. Chúa Ky-Tô sanh ở máng cỏ, một đời khổ cực
cho chúng sanh thì nhiều khu ổ chuột bao quanh những Vương Cung Thánh
Đường đồ sộ, nguy nga. Đó là lễ nghi. Nào trầm, hương,
đèn đuốc,... bao nhiêu tốn kém để tạo một không khí
tôn nghiêm thích hợp cho lòng người mặc niệm, từ bỏ những
bản năng, nhu cầu nhỏ nhặt hằng ngày, để hướng về thế
giới chân thiện mỹ... Lễ nghi trở nên cần thiết. Nhưng rồi
bỗng phát sinh ông từ giữ miếu mà đa số thì lễ nghi rất
mực; phải như thế nầy thế nọ, thần mới linh, người cúng
mới đông, ông từ mới sống mạnh. Ông giáo cố tạo điều
kiện để hướng học trò ông về một phương trời chân
thiện mỹ; ông nói đạo làm người, ông không khác những
người khai đạo, ông bày lễ nghi, ông giữ lễ nghi...nhưng ông
không là hạng ‘từ giữ miếu' nêu trên vì lễ nghi không
nhằm cho ông thêm chút xôi thịt hay lợi lộc nào. Cho nên, nếu
ta đã lạm bàn về một vài nghi thức trong lớp học, nếu
ta nghĩ ‘không lễ lấy gì mà đứng', thì kết luận có
thể là những lời sau đây của Đức Phật. Phật dạy: "Ớ
các tì khưu! Có người kia đi đến một vũng nước
rộng thấy mé mình đứng rất nguy hiểm và ghê sợ, còn
bên kia thì yên ổn hiền lành. Muốn sang qua đó thì lại
không cầu. Anh ta bèn nghĩ: ta hãy bẻ cây làm tạm một
chiếc bè để đưa ta qua sông. Sau khi đến mé bên kia
rồi, anh ta bèn nghĩ: nhờ chiếc bè nầy mà ta qua được bên
nầy; như vậy, ta phải đội nó trên đầu ta, hoặc vác
nó trên vai ta luôn luôn bất cứ đi đâu. Ớ các tì
khưu, các anh nghĩ thế nào về việc làm của anh đó! Làm
như thế có đối xử đúng với chiếc bè của anh ta không?
--Thưa Thế Tôn, không ạ! --Vậy thì, người ấy phải đối xử
cách nào đó đối với chiếc bè cho phải lẽ? Giờ đây,
nhờ chiếc bè để qua được mé bên kia, vậy thì bây
giờ ta không còn cần dùng đến nó nữa, hãy để yên
nó lại đây bên mé sông, hay buông thả nó trôi tha hồ
theo giòng nước mà đừng lưu luyến gì đế nó nữa.
Người ấy nghĩ thế và làm thế, là sáng suốt, là
đúng lẽ. Ớ các tì khưu,
giáo lý của Ta cũng chẳng khác nào chiếc bè trên đây:
nó dùng để chở Ta qua sông, chớ không phải để mà
đội trên đầu, mang trên vai mãi mãi..."[2] Thế nên, có một lần Đức Phật chỉ mặt Trăng mà bảo
các đệ tử: "Kia là mặt Trăng? Các con cứ theo ngón tay
Ta chỉ thì thấy. Nhưng nhớ rằng ngón tay Ta không phải là
mặt Trăng...cũng như những lời ta giảng về Đạo. Các con có
thể theo lời Ta giảng mà tìm thấy Đạo. Nhưng nhớ rằng
lời giảng của Ta không phải là Đạo."[3] Một vài nghi thức cho lớp học
hẳn không sánh được với giáo lý thâm sâu của Đức
Phật. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung của việc học làm thầy giáo,
có lẽ phải ghi: Hãy nhìn Trăng, và nhớ rằng ngón tay chỉ
Trăng của Đức Phật không phải là Trăng. Trích từ Tạp chí Tư Tưởng-Viện
Đại Học Vạn Hạnh tháng 5-1974- Chủ đề: Quốc Tổ Hùng
Vương Hiệu đính: Houston,
Tháng 5/2016 Nguyễn
Văn Trường Giảng sư Đ.H.S.P. Saigon ____________________________________________________________________________________________________
[1] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, quyển
thượng, in lần thứ tư, Tân Việt xuất bản. [2] Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, Khai Trí xuất bản.
[3] Trang Tử, Nam Hoa Kinh, bản dịch của Nhượng Tống, Tân Viêt xuất
bản, In lần thứ hai. _______________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
ĐỒNG
MÔN NIÊN TRƯỞNG NGUYỄN VĂN TRƯỜNG Thay
mặt Gia Đình PTGĐTĐ Houston chúc Tết tại
Buổi Họp Mặt Tất Niên Ất Mùi & đón
mừng Năm Mới Bính Thânngày
31-1-2016 2/1/2016 Kính
thưa quí vị giáo sư, Kính
thứa quí vị quan khách, Thưa quí
anh chị em Cựu Học Sinh hai Trường Phan Thanh Giản và Đoàn thị
Điểm Cần Thơ. Thưa quí vị,
Tôi được quí Anh Chị Em trong Ban Tổ
Chức ủy nhiệm lên đây để chúc Tết quí thầy cô
của chúng tôi , quí vị quan khách và đồng môn cùng thân
hữu có mặt hôm nay. Lời nói
đầu tiên của tôi là chân thành cám ơn quí vị đã
dành một buổi sáng Chúa Nhật, đẹp trời, nắng ấm, để
đến chung vui đón Tết Bính Thân với Anh Chị Em chúng tôi.
Chúng tôi xin Quí vị giáo sư, Quí vị quan khách, Quí Anh Chị Em đồng môn và thân
hữu Nhận nơi đây lời chúc -
Một Tết Nguyên Đán tròn đầy
hỷ lạc,
- Một Năm Bính
Thân với nhiều Hồng Ân Thượng Đế, với Vạn Sự Kiết
Tường và Thân Tâm Thường An Lạc.
Lần nữa, xin quí
vị nhận nơi đây lòng biết ơn và lời chúc chân thành
của chúng tôi. Thứ đến,
xin quí vị cho phép tôi có đôi lời ngắn gọn với các
anh chị em đồng môn của chúng tôi có mặt hôm nay.
Thưa quí Anh Chị Em, Chúng ta có nhận tổ chức Đại Hội cho
toàn thể anh chị em chúng ta trên toàn thế giới, vào năm tới
2017. Chúng ta sẽ mời quí thầy cô của chúng ta cùng về tham
dự. Đây đến đó, còn khoảng trên dưới một năm,
chúng ta cần chung lưng đâu cật, chuẩn bị là vừa. Sau Đại
Hội 2016 tại Úc Châu, Ban Đại Diện sẽ mời chúng ta họp
để bàn thảo, quy hoạch chương trình làm việc. Chúng ta sẽ chung vui bàn thảo, nghị sự, chung
vui góp phần mình vào việc chung. Hai
mươi năm trước, chúng ta mở màn Đại Hội. Thành công
tốt đẹp. Và tinh thần PTG-ĐTĐ, từ ấy, đã xây dựng
thành truyền thống. Năm 2017, trở lại đến phần của chúng
ta. Hai mươi năm sau, chúng
ta hầu hết trong cái tuổi "cổ lai hy", "tòng tâm sở dục'".
Thử thách như cao độ, nhưng thử thách không chỉ ở khả
năng, mà còn ở cái tính, cái tình. Thử thách quyết
tâm, thử thách sự bền chí, sự cần cù, sự chịu khó;
thử thách tình người, tình của chúng ta với thầy cô,
với bè bạn, với ngôi trường cũ. Cho nên, xin phép ban tổ chức cho tôi có lời
kêu gọi thiện chí của anh chị em đồng môn. Chúng ta cùng
nhau chung vui, chung làm, sao cho Đại Hội PTG-ĐTĐ Thế Giới, tại Houston
năm 2017, được tổ chức hoàn mỹ. Xin cám ơn sự lưu tâm của quí vị. Nguyễn Văn Trường PTG 43-48 _________________________________________________
ĐÔI NÉT VỀ ĐẠO
LÀM THẦY
Nguyễn Văn Trường Một
Một
ít thuật ngữ. - Trong suốt bài nầy: thầy là thầy giáo, cô giáo.
Thầy giáo là những giáo viên, giáo sư các cấp, nam hay nữ.
Không nên nhầm với sư sãi.
- Đạo.
Hán Việt có nhiều chữ ‘đạo', đồng âm mà khác
nghĩa và cũng khác chữ viết. Có chữ ‘đạo' là đường
đi, là cái lẽ phải tôn trọng, noi theo, thí dụ: đạo
lý, đạo Khổng, đạo Lão, đạo Phật, đạo Thiên Chúa,...Chữ
đạo nầy, 道: bên trái là bộ ‘sước', 辶, mà
nghĩa là ‘chợt đi chợt dừng lại'[i]; bên mặt là chữ ‘thủ', 首; thủ là đầu, như trong
các cụm từ ‘thủ lãnh', ‘thủ phủ', ‘thủ tướng',
... Đạo là con đường mà con người ‘chợt đứng
chợt đi', không lường trước được. Thế nên, vào đạo,
lên đường, phải có cái ‘đầu', suy tư, vận dụng
trí não, tuệ căn để thấy, biết, hiểu, tiếp cận, và
sống đạo. Trong cụm từ ‘đạo làm thầy (giáo)',
danh từ ‘đạo' được dùng theo nghĩa vừa nêu.
Hai
Một thoáng lịch sử về Đạo
Làm Thầy thời cận đại VN. Đạo nào cũng nêu lên một mẫu người. Đạo Khổng:
con người quân tử--tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Đạo Lão-Trang thì hướng về vô vi, ‘tiêu dao, tề vật,
dưỡng sinh',.. và chủ trương: ‘chí nhân vô kỷ, thần
nhân vô công, thánh nhân vô danh'[ii]. Trong một giới hạn nào đó, con đường tu Phật là ‘
thoát vòng tay vọng ngã'[iii] và trực ngộ chân tâm. Còn Đạo Chúa, thì ‘sinh là
ký, mà tử là qui', sống gởi thác về, về Nước của
Thiên Chúa; thân phận con người là phải ‘đổ mồ hôi,
mới có miếng ăn'[iv], và cái biết của con người luôn là tương đối- thị
phi, thiện ác, đúng sai hai ngã. Đạo
làm thầy giáo cũng có mẫu người phải hướng đến.
Xưa, Lycurge[v] nhận định: "Giáo dục là đào tạo công dân. Chế
độ nào công dân đó: giáo dục quân chủ cho chế độ
quân chủ, dân chủ cho chế độ dân chủ." Thực tế
thì hình như đâu đâu và thời nào cũng vậy. Quân
tử là mẫu người của Khổng gia, trong chế độ quân chủ
toàn trị. Thời nay ở nước ta, thì con người xã nghĩa phải
giác ngộ chủ nghĩa xã hội. Đạo làm thầy là phải
làm tuyên huấn cho Đảng, ‘trung với Đảng' (dù không là
đảng viên), ‘thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương
mình thương một, thương Ông thương mười.' Ông ở đây
là Ông Tổ khai đạo: Đạo Xã Nghĩa. 1.
Ngày nay, Việt Nam thời xã-nghĩa. Nhà nước xác quyết: Chủ Nghĩa Xã Hội-xã-nghĩa-là
‘hướng đi tất yếu của lịch sử...nhân loại'. Cho nên
toàn dân, toàn quân, toàn Đảng ‘hồ hởi', ‘nhất trí',
cùng nhau là ‘đồng chí' chung lưng đâu cật để xây
dựng xã nghĩa. ‘Muốn xây dựng xã nghĩa' phải có ‘con
người xã nghĩa'[vi]. Con người xã nghĩa, ‘trung với Đảng, hiếu với dân'. Đảng
thì lớn và chỉ có một: ‘Đảng vi quí'; mà dân thì
nhỏ và quá đông, nên ‘dân vi khinh'. Con người xã nghĩa
thì ‘hận thù phân minh', ‘nhất trí' với ta thì là ‘đồng
chí', khác-ý -ta là thù. Cùng là yêu nước, mà khác
ta thì phải tận diệt; nhưng nếu ta còn yếu thì tạm kết
hợp; gặp duyên may thì ngại gì mà không thủ tiêu, để
rảnh rỗi về sau. Cùng là xã nghĩa, mà Đệ Tứ thì
dứt khoát tận diệt, không thể để chúng đánh lận con
đen. Phải biết nuôi hận thù, và ‘biến hận thù thành
sức mạnh'. Mọi phương tiện đều tốt để chiếm quyền
lực. Có quyền lực trong tay, thì ta ‘nghiêng đồng đổ nước,
thay trời làm mưa', ‘tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ
nghĩa.' Trong bối cảnh đó, theo
giáo điều cùa Đảng: người thầy giáo là ‘cán
bộ tuyên huấn của Đảng', phải ‘hồng'[vii] trước đã rồi mới ‘chuyên[viii]'. Người thầy giáo là ‘kỹ sư tâm hồn', nhà trường
là cơ xưởng sản xuất những con người xã nghĩa; theo đó,
ta phải nghĩ rằng: những con người xã nghĩa đều in hệt nhau,
như cái smart phone Galaxy 6, chỉ khác nhau cái lớp sơn, cái vỏ bên
ngoài, còn bên trong, các chức năng đều in hệt, và dễ
dàng cho sử dụng. Nói chung, cái Đạo làm thầy xã nghĩa
được tóm lượt trong kinh nhật tụng Maxit-Lêninit thực dụng,
thực hiện do trường Đảng, ‘hồng thì quan trọng' mà chuyên
có thể dốt cũng không sao. Nhiệm vụ thầy giáo là đào
tạo hàng loạt-như sản xuất dây chuyền trong công nghiệp hiện
đại-những thế hệ xã nghĩa, rập khuôn, biết ‘nhất trí'.
‘hồ hởi', ‘tung hô' sùng bái nàng tiên xã nghĩa. Nói
cách khác, làm thầy giáo xã nghĩa thì nhàn lắm vì
như mọi người, dành mọi suy nghĩ-về đời sống, về tương
lai, về đất nước, về thân phận ,về nghề nghiệp,..., tất
tất cho cấp lãnh đạo đảng, để đổi lại một cuộc
sống an bình, an ninh, ổn định, nhờ ơn mưa móc của Bác và
Đảng. Có nghĩ suy mà lại nhiều lời, lắm khi vì đó
mà nguy hiểm đến bản thân. Cũng nên thêm, như người
quân tử hồi xưa, người thầy xã nghĩa ‘ăn không cần
no, mặc không cần đủ ấm'. Đảng
"nói" như vậy, Đảng muốn như vậy, nhưng đâu phải
người thầy ở thời xã nghĩa nào cũng nghe và răm rắp
làm theo! Người thầy "lưu dụng" (chỉ nhà giáo chế độ
cũ còn được đứng lớp) càng là những người ít
"hồng" nhất, nếu không nói là chẳng muốn "hồng"
chút nào, nhất là sau cái gọi là "đổi mới" từ
cuối thập niên tám mươi.
2. Miền
Nam VN trước 30 tháng tư 1975, chế độ cộng hòa. 2.1. Đệ
Nhất Cộng Hòa. Thuyết Nhân-Vị. Miền Bắc có Mátxít-Lêninnít, thì Miền Nam
cũng phải có một triết thuyết đối kháng. Đó là thuyết
Nhân-Vị, mà nhiều người gọi là personnalism, một triết thuyết
về ‘con người'. Duyên đưa, có một lần, tôi được
gặp Linh Mục Lê Tôn Nghiêm, trong khuôn viên Viện Đại Học
Đà Lạt; Ngài đang dạy trong một khóa Nhân-Vị cho công chức
hay cho cán bộ Cần Lao. Ngài cho tôi biết là nguồn tài liệu
của Ngài nằm trong hai quyển sách của Emmanuel Mounier và Karl Jaspers.
Thiết nghĩ: Là một duyên may,
thuyết Nhân Vị, có thể vì nó khó-trong thuật ngữ, trong lý
luận,..-nên nó dừng lại trước cổng các trường của
ta. Mà Bộ GD của ta cũng không chủ trương đem chính trị
/ tôn giáo vào học đường. Học sinh và sinh viên ta không
bị nhồi nắn bởi một triết thuyết, buộc rập khuôn theo một
con đường, như ở Miền Bắc. Học đường miền Nam lúc
bấy giờ còn trong sáng. 2.2. Đệ Nhị Cộng Hòa. Nhân Bản-Dân
Tộc-Khai Phóng-Khoa Học. Nhiệm
vụ của người thầy giáo tế nhị hơn. Không có
con người mẫu-ít nhiều rõ ràng như con người xã nghĩa.
Không có kinh Mátxít-Lêninnít. Cũng không có thuyết Nhân
Vị. Nhiệm vụ của tôi, người
thầy thời bấy giờ, là truyền dạy kiến thức theo chương
trình qui định với những chỉ thị rõ ràng-mà gần như
tôi không có quyền tùy tiện châm chước, nhưng có thể
uyển chuyển giảng dạy bằng phương pháp và tài năng của
mình. Đồng thời tôi phải làm sao để nhờ đó
mà mà học trò tôi thấy, hiểu, và thích ứng với những
hoàn cảnh khác biệt trong cuộc sống. Phải làm sao cho cái dạy
của tôi giúp cho học trò tôi luôn phát triển. Công văn nhắc nhở: phát triển con người
toàn diện; nhưng không mô tả con người ấy như thế nào.
Thật khó cho tôi. Nhưng nghĩ lại: Không buộc tôi phải theo một
cái khuôn, một mẫu người nhất định, nhà nước dành
cho chúng tôi nhiều tự do để nghĩ và hình dung con người
toàn diện ấy. Bên nhà nước, còn có Hội Đồng
Quốc Gia Giáo Dục(HĐQGGD). HĐQGGD xác quyết: Nhân Bản-Dân Tộc-Khai
Phóng, và sau đó thêm hai chữ: Khoa Học để làm nền tảng
của nền giáo dục quốc gia và làm phương châm hành động
của chúng tôi. Nhân Bản: Giáo dục nhằm đào tạo
con người. Có thể là con người nói chung, của muôn nơi
muôn thuở; có tính người, tình người, trách nhiệm làm
người,.., một cách chung chung, tình, tính chung chung của loài người.
Nhưng HĐQGGD có nhấn mạnh: Không chỉ có như vậy, con người
ấy phài là con người của dân tộc nầy-dân tộc VN--ở
trong thời khoảng lịch sử trước mặt, trong tình trạng chiến tranh
dai dẳng và đang tập tành dân chủ. Trở về với dân
tộc là một khẩu hiệu thường nghe. Nhưng ‘trở về' không
là về thời ăn lông ở lổ, cũng không là
trở lại thời bế quan tỏa cảng; ‘ung dung, tự tại' ta với ta, ta
chỉ biết có ta, hãnh diện và khép kín trong một cái ta to
lớn, dù rằng ta lạc hậu và sống cơ cực. Hơn
nữa dân tộc Việt Nam không chỉ có người Việt, mà giờ
đây gọi là người kinh. Còn những dân tộc thiểu số--người
Chàm, người Thượng, người Miên,...Phải minh xác và đào
sâu nghĩa của hai chữ Dân Tộc để thích ứng bối cảnh
lịch sử nước nhà. Ngoài ra, thụ lãnh một di sản-vật chất
và tinh thần-mỗi thế hệ đều có nhiệm vụ phải làm
giàu mạnh cái di sản ấy-giàu ở sản xuất, ở phát triển
công nông, ở tri kiến, ở tình người, nói chung ở mọi mặt.
Theo đó, sự giao lưu với lân bang, với toàn cầu là cần
thiết. Thái độ cởi mở, mở lòng mình, trí mình để
đón gió bốn phương là tối ư cần thiết. Thế nên,
HĐQGGD nhấn mạnh yếu tố: Khai Phóng. Khai Phóng cũng hàm ý thái
độ cởi mở của cá thể đối với tha nhân và vạn
vật. Nhưng, làm sao cho đứa trẻ đủ tự tin, mà không tự
kiêu, và không mất mình trong luồng văn hóa nầy hay văn hóa
kia? Phải có tinh thần khoa học. Phương châm: Nhân
Bản-Dân Tộc-Khai Phóng-Khoa Học, với những lời hướng dẫn
súc tích, ngắn gọn, cụ thể, đủ gợi ý cho chúng tôi,
thầy-cô giáo, một hướng đi trong việc xây dựng ở nó,
đứa học trò của chúng tôi, một nhân cách, một khả
năng, một con người; nói riêng, một con người
hữu dụng cho quốc gia, cho nhân loại. Phương châm ấy cũng khá
rộng mở (open), để mỗi người thầy có đủ tự do-tự
do trong trách nhiệm-để hình dung và có những ước vọng
về con người ấy. Ba
Đôi
nét về cái Đạo làm thầy. ‘Đạo
làm thầy' có những tương đồng với các đạo giáo,
tôn giáo. 3.1.
Kinh, Luận, Luật. Đạo nào cũng có kinh sách. Đạo
Khổng có Tứ Thư Ngũ Kinh, Đạo Lão Trang có Đạo Đức
Kinh và Nam Hoa Kinh. Đạo Phật có Kinh Kim Cang, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Viên
Giác, Hoa Nghiêm, ...., Đạo Thiên Chúa thì có Cựu Ước,
Tân Ước.... Đạo làm thầy giáo cũng có kinh sách.
Đó là: Bộ pháp chế học đường, cập nhật hằng
ngày, trong đó nhiệm vụ và quyền hạn của người thầy
giáo, quan hệ thầy trò, quan hệ giữa nhà trường và phụ
huynh, chương trình học của các lớp, và nhiều thể thức
khác được rõ ràng qui định, Ngoài những kiến thức
cổ điển thu thập ở các trường đại học, còn các
sách về triết lý giáo dục, triết học nói chung, sư phạm,
phương pháp giảng dạy, Internet, facebook, twitter-trao đổi kinh nghiệm,...,
thế giới ngày nay như mở rộng cho mọi người, nói riêng cho
thầy giáo. Đạo Phật có
84 ngàn pháp môn. Pháp môn nào cũng đúng(!). Đạo làm
thầy không biết có bao nhiêu pháp môn; pháp môn nào cũng
đúng và không đúng; đúng cho ai và không đúng cho
ai. 3.2.Đạo
nào cũng có nghi thức phụng vụ-rite, rituals, liturgy. Đạo làm thầy
cũng vậy. Ông thầy phải soạn bài, vào lớp phải ăn mặc
chỉnh tề, đúng giờ, đúng hẹn, chấm bài, vô điểm,
tất tất phải theo những qui định của nhà nước. Roi vọt, hình
phạt về thể xác bị nghiêm cấm. 3.3.Xưa ‘tử vì Đạo' được
phong thánh. ‘Tử vì Đạo' không là những người ngoại
đạo hay dị-giáo-heretic-mà bị thiêu sống trên giàn hỏa.
‘Thánh tử Đạo'là những con chiên ngoan đạo mà chết
vì trung thành với Đạo, ‘thập tự chinh' hay giờ đây là'thánh
chiến' là từ ngữ của những tổ chức tự cho mình cái quyền
giết người ‘ngoại đạo'. Chết trong ‘thập tự chinh' là
‘tử vì đạo'. Ở Việt Nam, Hòa Thượng Thích
Quảng Đức, ‘tử vì Đạo', được tôn vinh là
Bồ tát. ‘Đạo làm thầy' không có ‘thánh chiến',
không có ‘chết vì Đạo', cũng không xả thân cầu tịnh
để chứng ngộ ‘chân tâm', hay dùng tuồi trẻ làm bia cho
súng đạn nhằm cụ thể hóa một đức tin hay một triết
thuyết ‘chân thật, bất hư'. Tuy nhiên, Đạo làm thầy có ‘Văn-Tư-Tu' của nhà
Phật, có ‘Tôn-sư, Trọng-Đạo' của Khổng-gia, dù rằng
nội dung của các cụm từ nầy có hiểu khác đi. Ngôn
từ đổi thay theo thời gian và không gian là lẽ thường. Đạo làm thầy cũng có một
nét của Lão Trang. Đó là ‘Thượng Đạo, Bất Đạo',
nói theo thời nay, ngắn hơn, ‘Đạo Bất Đạo'[ix] Hiểu nôm na: còn cầu Đạo, là còn có ngoài và trong;
ở trong Đạo, hành Đạo, sống Đạo, thì không thấy có
Đạo hay không có Đạo-con mắt thấy mọi vật chung quanh nhưng
không tự thấy chính nó; cho nên gọi là Đạo bất Đạo'.
3.4.Đức tin. Đạo nào cũng đòi hỏi
Đức Tin. Lòng tin ở tôn giáo là tuyệt đối. Tin mà không
nghi. Thầy giáo có thể là tín đồ của bất cứ một
tôn giáo nào; theo đó Ông có tin mà không nghi. Tin được
cứu rỗi, tin rằng sẽ được giải thoát khỏi luân hồi
sinh tử.,... Nhưng, trong cái Đạo làm thầy, Ngoại trừ
nhà trường của giáo hội xã nghĩa, của Hồi giáo, và
nói chung, một số quốc gia có chế độ chuyên chế toàn trị,
thì hầu hết các nước tân tiến trên thế giới đều
theo qui tắc phân cách Nhà Thờ và Nhà Nước-separation of the Church
and the State, qui thành luật pháp cụ thể. Thế nên, trong giới hạn
những qui định của luật pháp nầy, nhà trường là phi
tôn giáo. Nói rõ hơn, tôn giáo có thể hiện hữu
trong học đường dưới dạng triết học, nhân chủng học,
hay văn minh học, ở các lớp trên. Trong bối cảnh nầy, tin và nghi là một. Hai
mặt đối lập, tương khắc nhưng tương sinh. Cái nầy khác
hẳn cái kia, nhưng cũng xác định cái kia. Đó cũng là
hai mà là một, một mà là hai ghi trong kinh Duy Ma Cật. Đó là
một đặc điểm của Đạo làm thầy. 3.5.Văn, Tư, Tu. Sư sãi các chùa có Văn, Tư, Tu. Đạo
làm thầy không nói tu hành, không tìm thoát khổ, nhưng ‘văn,
tư, tu' có đủ và là trọng tâm. Như vậy, thế nào
là ‘văn, tư, tu' trong cái Đạo làm thầy? - Văn-聞-có nghĩa là nghe. Chữ nhĩ-耳-nằm
trong chữ môn--門 -cho ra chữ văn-聞. Hay nói theo Cụ Nguyễn Công
Trứ: ‘Nhĩ tại môn tiền: văn'. Lỗ tai mà ở trước cửa
thì: nghe. Các kinh điển nhà Phật thường mở đầu bằng
câu: ‘Như thị ngã văn', tôi nghe như vầy[x] Đó là chữ văn nầy.
Một chữ văn thứ hai, cũng Hán
Việt, là文. Trái nghĩa với chữ ‘vũ'(vũ như trong vũ lực,
vũ trang, vũ khí), chữ văn nầy có nghĩa là lời văn, như
trong văn tự, văn chương, văn hóa, văn minh,... Tư-思-gồm
hai chữ: điền 田 ở trên, và tâm 心 ở dướí. Tư
có nghĩa là ‘nghĩ ngợi, tưởng tượng, suy xét, ghi nhớ'[xi] như trong tư tưởng, tư duy, suy tư, tương tư, tâm tư,... Tu
- 修-nghĩa là sửa, như trong các cụm từ: tu bổ, tu chính, tu
hành, tu luyện, tu học, tu thân,... Tu sĩ là người chuyên tu theo một
đạo giáo hay giáo phái nào đó, thường có một pháp
môn, một phương thức luyện tập, thí dụ; tọa thiền, thiền,
thiền hành, niệm lục tự di đà,..., nhằm vào một mục tiêu
nhất định. Trong cái đạo làm thầy, Văn là nghe mà cũng có nghĩa chữ văn trong ‘văn
hóa'. Cụ thể là đặt lại vấn đề, hỏi và
nghe sách vở, kinh điển, internet, người xưa, người nay, nghe học
trò, phụ huynh, đồng nghiệp, và nghe ngay ở chính mình, để
mở tầm nhìn trong cái đa dạng, đa nguyên, đa sắc, trong giòng
chảy biến thiên vô cùng của cuộc sống. Đó là cái
học từ chương, ít nhiều thụ động, dù có để những
luồng tư tưởng dị biệt, luôn đổi thay ấy, giao lưu. Nhưng
nếu nghe được những cảm xúc của lớp học, qua cách hỏi,
giọng nói, ánh mắt, vẻ mặt,.., của người học sinh, nếu
nghe được những lo âu, vui buồn của người phụ huynh về cái
học của con em họ, nếu chia xớt những phân vân và luận bàn
được với đồng nghiệp về những kinh nghiệm liên quan với
đời sống học đường,.. thì cái ‘văn' nầy, tự nó
rất năng động, và là nguồn hứng khởi nội tâm của thầy
cô giáo. - Tư là
suy nghĩ trên vấn đề, là phân tích, biện luận, tổng hợp,
kết lại thành giá trị, rồi buông bỏ để chúng không
giữ mình trong thành kiến, để tâm mình rảnh rỗi tiếp tục
bước đi. Tư ngầm nói những dị biệt, mâu thuẫn, xung đột
trong nội tâm, cùng là những va chạm bên ngoài.
Thời quân
quản, một đồng nghiệp bảo tôi: "Thầy[xii]nghĩ sao? Em sẽ thôi dạy, vì: em không thể vừa đứng lớp vừa
làm tuyên huấn cho Đảng." Anh nói khá nhiều, nhưng tóm
lại: Anh muốn bỏ nghề. Tôi nghe xót, xót tận trong sâu thẳm.
Từ chối, không cộng tác với chánh quyền mới, chỉ đơn
giản bao nhiêu đó mà thôi, có thể là cái cớ để
vào các trại tập trung, tù không bản án, tù không biết
ngày mãn hạn. Chưa kể là phải giả từ cả một cuộc
đời thầy giáo của anh.Tôi có nhẹ nêu điều nầy cho
Anh. Vài tháng sau Anh thôi việc. Anh muốn lương thiện. Anh
sống lương thiện. Lương thiện với học trò của Anh, lương
thiện với chính Anh. Quân luật. Cao trào cách mạng. Sức
ép của quyền lực, sức ép của hàng vạn con cừu Panurge- ‘người
người nắm tay giơ cao', ‘nhất trí', hoan hô, hồ hởi, ‘đảng
ta' muôn năm, Bác muôn năm. Muốn lương thiện! Muốn nói không
với những khẩu hiệu! Muốn nói không với những tiếng tung hô
rỗng nghĩa! Muốn la to rằng phải nghĩ suy: nếu cả nước, trong cái
tuổi sản xuất-18-50-hoặc vào trại tập trung, hoặc trong quân đội
hoặc thanh niên xung phong, còn lại thì sợ hãi, căng thẳng, chịu
làm con cừu non, thì còn ai sản xuất, còn ai thật dạ nghĩ suy
về những vấn đề thiết thân và nóng bỏng trong bối cảnh
lúc bấy giờ? Nhất trí, tung hô không tạo được của
cải vật chất. Chỉ bao nhiêu thôi, không biết nói với ai,
và có biết cũng không dám hở môi. Khẩu hiệu là "dám
nghĩ dám làm". Nhưng, trong thực tế, suy nghĩ phải dành cho lãnh
đạo Đảng. Để đổi lấy an ninh, thì cứ làm theo lời
lãnh đạo, gọi như vậy là ‘trung'. Già trẻ--những
người không phải đi tập trung, hay trong quân đội, đông đảo
là phụ nữ và trẻ con-nét mặt bơ phờ, mong con, mong chồng, và
đói-đói cơm áo, đói học thức, đói tin tức, đói
khát sự ổn định, đói một nụ cười,.., đói trong
ảo vọng! Trong bối cảnh đó, con người dễ nhượng bộ
với hoàn cảnh. Phải tồn tại, phải tỉnh thức, vững trên
hai chân mình. ‘Sông có khúc, người có lúc' , ‘qua sông
phãi lụy đò', hoặc tự nhắc nhở câu chuyện Việt Vương
Câu Tiển,.., không biết bao nhiêu lý do để biện minh cho sự yếu
hèn, để lương tri được an ổn. Thật là, sống
lương thiện: không dễ, nếu có chút suy tư. - Tu là một quá trình trải nghiệm.
thực nghiệm. trực nghiệm. Nghiệm là: ‘sự hiểu biết
từng trải, có chứng cứ hoặc thông qua quá trình kiểm tra hẳn
hoi, chớ không phải sự hiểu biết khơi khơi, cả tin ở sách
vở hay Internet ! Trực nghiệm nhấn mạnh trên cái ý trực tiếp
không qua trung gian, nhưng cũng hàm ý một nhận thức mạo hiểm,
phiêu lưu qua trực giác. Có thể nói tu là một quá trình
sống thật, trong tìm tòi, dò dẫm, học hỏi, chứng nghệm, trong
đó người thầy giáo luôn trưởng thành, vươn lên
trong cái đạo làm thầy'[xiii]. Theo đó, đem ‘văn' và ‘tư' ra để chứng nghiệm.
Tu cũng là sửa. Sửa từ"cái ta này"biến
thành"cái ta khác"[xiv], mà ‘cái ta sau' tốt hơn, thiện hơn, khỏe hơn, hiệu quả
hơn ‘cái ta trước'. Sửa nói lên một sự cải thiện,
cải hóa trong chiều tiến bộ. Và cứ sửa như thế mãi suốt
cuộc đời thầy giáo. Văn, tư, tu, tuy là ba ngôi[xv], tuy là tam thân[xvi], nhưng thật là một, thống nhất, bổ túc lẫn nhau, đồng hành,
bất khả phân. Cũng tương tự trải nghiệm, thực nghiệm, trực
nghiệm tuy ba nhưng mà là một đồng hành và hợp nhất. -
Không ‘Văn': Không biết nghe, không
đọc, không học, không tiếp cận những tư tưởng minh triết
xưa và nay, tức là sống trên cái vốn liếng đã có
mà không chịu làm làm cho nó giàu mạnh hơn; tức là
biến cái sẵn có thành một tháp ngà và bằng lòng tự
giam mình trong đó. Giòng đời luôn chảy, luôn đổi thay,
mặc giòng đời. Thế thì làm sao nghe được lớp học,
nghe được những học sinh cá biệt của mình, nghe để hiểu,
thấy, cảm nhận, suy đoán, và thực nghiệm những biện pháp
mà mình nghĩ là tối ưu. Đó là chưa kể thỉnh thoảng
còn phải tiếp phụ huynh, phải nghe và cảm thông những lo âu
của họ về những điều cụ thể liên quan đến con họ mà
là trọng tâm của công việc hàng ngày của ta..
Nghe là
vấn đề sinh tử của nghề dạy: nghe lớp học, nghe những học
sinh cá biệt, nghe phụ huynh, nghe đồng nghiệp, nghe ngôn ngữ, tập tục
địa phương,...Lắng nghe được tha nhân là cả một nghệ
thuật. Người thầy không thiền tọa, cũng không thiền hành,
để tịnh tâm, để tìm bản ngã, hay để cho ‘tiểu
ngã hòa nhập trong đại ngã'. Cũng không tìm ‘thoát vòng
tay vọng ngã' để giác ngộ hay hội nhập ‘chân tâm' và
‘thoát khỏi sinh tử luân hồi. Người thầy không có những
may mắn đó của các Sư, các Cha được xã hội dưỡng
nuôi để ‘chuyên tu' để thành ‘Chư Tôn Đức' hoặc
thành Cha thiên hạ, để được thỉnh, giáng lâm, thí
pháp hay ban pháp, để cuối đời về nước của chư Phật,
hay của Thiên Chúa.. Người thầy trọn vẹn dấn thân trong
cuộc sống phù du, bấp bênh, đầy bất trắc nầy.Với người
thầy, ngũ uẩn-- sắc, thọ, tưởng, hành, thức-không phải là
‘giai không', mà là thật sống; quen thuộc với bảng đen, phấn
trắng, với nùi lau bảng, quen thuộc với những tâm hồn trẻ luôn
đổi mới, dễ thương, ngỗ nghịch, khó dạy, quen với cái
hư giả lúc có, lúc không, một cuộc sống nổi trôi theo
giòng chảy học đường. - Thiếu
vắng suy tư, người thầy có thể chỉ là cái máy
thu-và-phát-thanh, hoặc là cái thùng trống; ồn ào, rổn rảng
mà không thực chất. Nghe mà không nghĩ suy là nhẹ dạ. Học
mà không hỏi, không suy tư, không luận bàn, không đem ra chứng
nghiệm, là cái học của loài két.
Thầy không là cái
máy, không là thùng rỗng, cũng không là két. Và nếu
chẳng may, phải nhượng bước với Satan, thầy có trăm cách
để không làm cái việc nhồi sọ, nhằm biến học trò
mình thành những thứ ấy. - Không
tu.
Truyện kể[xvii]: ‘Xưa, thời Giáo Tông của Giáo Hội Đỏ, có
một Thượng Thủ--và cũng là một nhà tư tưởng lớn
của Giáo Hội, khám phá ra một sự thật, ‘chân thật bất
hư'-chắc như bắp rang, ‘sông có cạn, đá có mòn, nhưng
cái chân lý nầy' của Ngài, không bao giờ thay đổi. Do đó,
Hội Thánh trao một giải thưởng lớn, chưa từng có cho đến
giờ, cho ai giải thích được sự thật, ‘bất khả tư nghì'
nầy. Đó là: ‘Tại sao, một cục đá bỏ vào một
thau nước đầy thì nước tràn, mà một con cá, dầu rất
nhỏ, thả vào một thau nước đầy, thì nước không tràn.' Thế rồi, năm châu bốn biển, nhiều luận án của các vị
tiến sĩ, thạc sĩ, hàn lâm sĩ,.., gởi về,.. Một hội đồng
viện sĩ được triệu tập, để nghiên cứu và đánh
giá. Trong những luận án gởi đến, luận án nào cũng
vài trăm trang. Nhưng có một, chỉ có một, rất đơn giản,
gồm hai câu, của một cậu bé: ‘Con có lấy một thau nước
đầy, có thả một cục đá vào đó, thì đúng
như vậy, nước trong thau trào ra. Và cũng in hệt những điều
kiện trên, cũng thau nước đầy, con thả vào một con cá lòng
tong nhỏ xíu, và con lập đi lập lại như vậy rất nhiều lần,
như lạ thay, nước vẫn tràn ra.' Từ ấy, trong kinh thánh của
Giáo Hội, về câu chuyện trên, có chú thêm một câu: "Triệu
triệu người đều xác quyết rằng đúng, huống chi, họ
đều là tiến sĩ, thạc sĩ, học sĩ, hàn lâm sĩ, ...thì
tất yếu phải đúng thôi. Thế nhưng, qui luật tổng quát nào
cũng có những trường hợp ngoại lệ. Đó là trường
hợp xảy ra cho cậu bé con nầy.' Tu là thực chứng. Chứng
cứ cho mọi lý thuyết, lý luận, suy đoán. Thiếu vắng tu, con
người trôi lăn trong ảo tưởng, hoặc trong một chuỗi logic suy từ
những tiên đề sai, và có một lòng tin sắc đá mà
vô căn cứ.
- 3.6. Lớp học
- Trong cái nhìn vĩ mô,
trong làng giáo có ba loại thầy:
Loại 1: Loại thiên
phú, có máu thầy cô giáo trong huyết quản . Đó
là loại ‘thượng đạo bất đạo', không nói đạo,
không giảng đạo, cũng có thể không cần học đạo, nhưng
thái độ, cử chỉ, lời nói, giọng nói, ánh mắt, cách
nhìn khi tiếp cận học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp, thanh tra, hiệu
trưởng,.., tất tất đều thích hợp. Sách đạo: chỉ đọc
qua một lần, liền thấu hiểu và ‘trực ngộ' những giới hạn
và khả năng mở rộng, đúng sai hai ngã, mà không cảm thấy
một khó khăn nào. Đây là hạng suất sắc. Trời sanh ra là
đã vậy. Loại 2: Loại làm thầy bất đắc dĩ.
Những người trốn quân dịch thời VN Cộng Hòa, những người
tạm nương nghề làm thầy để tiến thân, thí dụ để
thành luật sư, chánh khách,..Nghĩ là tạm, nhưng lắm khi nhìn
lại, cũng một thập niên. Xưa có câu: ‘trước bỏ thời
niên thiếu, sau bỏ tuổi già, còn lại ở giữa là ba thập
niên.' [xviii] Nói là tạm nương, nhưng thoáng một cái là đã trên
dưới một thập niên; có người nhìn lại, thì đã
non nửa cái thời sinh động nhất của mình. Hoặc như tôi,
đứng ngoài nhìn vào, nghĩ rằng dạy học có được
cái nhàn. Nói là nhàn, nhưng nghề nào mà không phải
đổ mồ hôi? Thuở tạo thiên lập địa, Chúa đã phán
bảo con người: ‘Phải đổ mồ hôi trán mới có miếng
ăn'[xix] Với loại nầy, người xưa dạy: ‘Cuộc đời như
bóng câu qua cửa sổ, quỹ thời gian sống giới hạn và mỗi
ngày mỗi vơi. Quí vô cùng.' và cũng dạy: ‘Nhàn
cư vi bất thiện.' Theo đó, nếu có duyên học chữ ‘Nhàn'
của hai Cụ Nguyễn Công Trứ hay Nguyễn Bĩnh Khiêm, thì phải cặn
kẻ nghĩ suy, chứng nghiệm, không nóng vội (như tôi) ôm lấy
lười biếng mà gọi là nhàn. Loại 3: Tốt nghiệp
các trường Sư Phạm. Họ được huấn luyện nhiều niên
khóa. Họ học và dấn thân làm thầy. Rồi nghề dạy nghề.
Với nhiệt tâm, công sức, họ mở rộng tầm nhìn, tôi luyện
văn-tư-tu, không tự mãn, khám phá nghề nghiệp, để luôn
cải thiện ‘tay nghề'. Đông đảo nhất là loại 3 nầy.
Đó là những con người cần học, cần đọc, cần trao đổi
kinh nghiệm với đồng nghiệp, cần vấn hỏi môi trường, cần
đưa cái học vào thực nghiệm trong lớp học. Nếu thấy
mình trong loại một, thì phải xét lại. Ông thầy, thường
quen ‘thí pháp' hay ‘ban pháp', luôn nói đúng, nghĩ đúng,
vì nội dung cái dạy là cổ điển, có những giá trị
bền vững, nên có thể nghĩ rằng mình được ... ‘thiên
phú', rồi chết trong ngục tù tự mãn, chết trước khi chết,
thì thật tội nghiệp Lớp học cũng có ba loại học
trò: Loại 1: Không cần thầy; rất ít, mỗi lớp có
năm ba trò: Suất sắc, thông minh nhờ thiên phú, và thêm có
phụ huynh theo dõi, hướng dẫn, hoặc có thầy dạy kèm.
Loại 2: Cũng không đông. Không cần học, không muốn học, không
thèm học, và theo đó cũng không cần thầy. Thầy là duyên
cho lắm phiền toái của họ. Ngỗ nghịch, chống lại quyền bính
và trật tự học đường, họ xem lớp học là nhà tù,
mà sân chơi là môi trường phát triển. Họ cũng thông
minh, nhưng không thích ngồi im, thụ động. Mỗi lớp thường
có một vài em. Loại 3: Đông đảo phần còn lại của
lớp học, đã có nề nếp, muốn học và cần sự hướng
dẫn, chăm sóc của người thầy. Có người bảo: ‘Loại
1: không thầy, chúng cũng giỏi. Loại 2: Đầu tư bao nhiêu công
sức vào cái nhóm tí ti nhỏ xíu ấy, là hoài công,
vô ích mà lại làm chúng khổ sở. Trọng tâm công việc
của người thầy nằm ở loại 3, loại cần thầy.' Đó
là cái nhìn rất thực tiễn, có vẻ khách quan, và ‘khoa-học'
về sự vụ làm thầy. Cũng vì đó mà nó vô tư
đến độ vô tình. Nghĩ rằng cái duyên thầy trò chỉ
trong một niên-khóa; cắt bỏ các ngày cuối tuần và ngày
lễ, thì còn lại khoảng 190 ngày/năm, và mỗi tuần trên
dưới 20 giờ ở Tiểu học, và vài giờ ở Trung học, thôi
thì để sống yên vui cho cả làng, hãy để cho đứa trẻ
khó dạy-loại 2-an ổn trong cái góc của nó. Nó không cần
học. Đừng làm khó nó, đừng làm khổ mình. Thế
nhưng, ta quên một tiên đề tối thượng trong Đạo làm thầy: ‘Đứa trẻ-- ngỗ nghịch nhất, mất dạy nhất-- là
đứa trẻ cần được giáo dục nhất.' Nó cần
cha, cần mẹ, cần thầy, cần học đường nhất. Nhưng lắm
khi nó thiếu cha hoặc mẹ, hoặc cả cha mẹ. Hơn ai hết, nó cần
tình người, cần thầy. 3.7 . Quan hệ thầy trò. Trong Đạo
Phật ngày nay, Sư Sãi là chư tôn đức, Thầy tụng cũng
thuộc hàng chư tôn đức. Được thỉnh mời, giá lâm
và ban pháp. Nếu được hỏi, thì lấy kinh, lấy lời Phật
mà trám miệng thế gian. Với
Ky-Tô-Giáo, từ Cộng Đồng Vatican II, có những đổi thay căn
để trong lễ nghi phục vụ. Nói riêng trong thánh lễ, các linh
mục không còn xây lưng về phía tín hữu. Điều nầy
như nhắc nhở: giáo hội phục vụ con người, không như xưa
con người hy sinh cho giáo hội. Nhưng chung chung các cha, các thầy
vẫn còn trên cao ‘thí pháp'. Thái độ chung: người trên ban bố cho kẻ dưới. Đạo Xã Nghĩa, sanh sau, đẻ muộn, nên
người CÁN BỘ phải làm ‘đầy tớ của nhân dân'.
Đầy tớ thông thường là để sai vặt, có biết gì
đâu mà dạy với dỗ. Thầy giáo lại là CÁN BỘ TUYÊN
HUẤN, đạo làm thầy vì vậy mà ít nhiều bị hạ
cấp. Nói chung trong thực tế, cán bộ không là nghề hạ cấp.
Họ được trang bị kinh Mác-xít Lê-nin- nít, kinh misa của họ,
và biện chứng pháp duy vật thực dụng, và như ở VN, họ
có non 3 triệu người sẵn sàng hồ hởi, hoan nghênh, nhất trí
với họ. Do đó, họ quên mình là đầy tớ, và xử
sự như hàng giáo phẩm của những thế kỷ trước. Về điều nầy, Đạo làm thầy khác các tôn giáo vừa
nêu. Dạy là cho nó,
bởi nó, vì nó. Nó là đứa
học trò của người thầy giáo. Nhà nước lấy thuế xây trường ốc, trang bị bàn ghế,
phòng thí nghiệm, sân chơi, thuê chuyên viên nghiên cứu nhu cầu,
lập chương trình, thuê người và huấn luyện cho thích hợp
từng lứa tuổi, tất tất là cho nó, bởi có
nó, vì nó cần hội nhập êm
thắm vào xã hội người lớn. Cho nên, thầy là
phụ mà nó là chánh. Tất cả phải là cho
nó. Thế nhưng, nó
còn non dại, mà tôi-thầy giáo- thì sành đời. Tôi từng
trải hơn nó, ít nhiều có qua trường học và
được trường đời tôi luyện. Tôi có trách nhiệm
giáo dục nó, qui định trong những văn bản
cụ thể. Ngoài ra còn có những qui định bất thành văn trong
phong tục tập quán. Nói trách nhiệm, phải nghĩ đến quyền
hạn, cái quyền giới hạn do trách nhiệm. Quyền của ông thầy-trong
lớp học-chính yếu là quyền bính. Hàng giáo phẩm ngày
nay mà ai cũng kính nể, dạ thưa, thỉnh mời, và răm rắp nghe
dạy ‘nương tựa, phục tùng, và vâng lời'[xx] là do quyền bính, mà không do quyền lực. Thầy giáo
không có quyền lực. Thực
tế, trong những giới hạn pháp lý, tôi hoàn toàn tự do, tôi
biết nhiều và có ý thức mà nó thì non
dại. Trách nhiệm của nó là lo học và tôn
trọng trật tự nhà trường, còn tôi thì hoàn toàn trách
nhiệm không chỉ về sự học vấn của nó mà
cả về sự an ninh của nó trong lãnh vực học đường.
Nếu xảy ra một tai nạn cho nó, thì tôi bị lôi
thôi, và gặp phải lắm phiền toái. Nói chung, nó không có một trách nhiệm
gì đối với tôi, không buộc phải thương tôi, nghe tôi,
quí tôi,.. Còn tôi, tôi buộc phải tạo một môi trường
mà nó thương, nghe, quí-thương nhau, nghe nhau, quí
nhau-thuận tiện cho sự học hỏi. Học hỏi với nhau, trao đổi với
nhau. Vì cái trách nhiệm một chiều đó, vì thầy từng
trải, trò non dại, nên xảy ra lạm dụng: đó là những lúc
thầy mất trí. Mất trí vì tôi quên rằng tôi được
thuê để đóng vai phụ, vì tôi còn nghĩ rằng ‘không
thầy đố mấy làm nên', vì với đám trẻ nít giao cho
tôi, tôi có thể -- như một giáo phẩm-từ trên, ‘thí
pháp', ‘ban pháp', ‘gieo ánh sáng' cho đám con chiên lạc đạo. Một vai phụ mà lướt vai chánh là một vai phụ tồi tệ.
Đã là phụ thì phải làm nổi vai chánh. Huống chi, cái tối đa của tôi là một
ông giáo biết việc. Còn với nó, tương lai
chưa định, mọi khả năng đều ở trong tầm tay của nó.
3.8.Giáo Dục.
Định đề
tiên quyết: Mỗi thầy giáo, cô giáo, ở bất cứ bộ môn
nào-Văn, Triết, Sử, Địa, Toán, Lý, Hóa, Vạn Vật, Thể
Dục, Thể Thao, Hội Họa, ....-đều là một nhà giáo
dục. Giáo dục không
có nghĩa là nhồi sọ, cũng không đóng khung con người, hay
nhốt tâm thức con người vào ngục tù của một lý tưởng,
dù rằng lý tưởng ấy có vĩ đại như thế nào đi
nữa, dù rằng có triệu triệu người, người người như
một, đồng loạt ‘hồ hởi', vỗ tay, ‘hoan nghênh', ‘nhất
trí'. Tôi còn nhớ một câu bất hủ của một một vị
đàn anh và bậc thầy[xxi] của tôi: "Triệu triệu con số không mà cộng lại vẫn bằng
không." Giáo dục
là giúp trẻ thành người. Trong một chừng mực
nào đó, giáo dục nhằm trang bị cho đứa trẻ những
hành trang mà người lớn cho là cần thiết để vào đời:
đời sống xã hội, văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế kinh
doanh, công nghiệp, nông nghiệp, v. v. của môi trường sống. Nói riêng, ở bậc tiểu học phổ thông
thì đọc, viết, tính toán, vệ sinh và khoa học thường thức
là căn bản, ở Trung Học Đệ nhất cấp chánh yếu củng
cố việc tổ chức học tập, xử dụng chuyển ngữ-bước
đầu tập mô tả, thuật chuyện, sau tập phân tích một bài
văn hay thơ, nhận thức và lý luận-- bắt đầu một sinh ngữ,
bắt đầu khai tâm quan sát và lý luận ở mọi bộ môn.
Trung Học Đệ Nhị Cấp nhằm chuẩn bị vào Đại Học.
Ở các nước nghèo thì phải nghĩ đến số đông
đảo học sinh phải bỏ học-chỉ vì nghèo, hoặc cha mẹ không
thấy lợi ích xa của giáo dục học đường-chương trình
phải có khả năng giúp những học sinh nầy chóng trở thành
những phần tử sản xuất hữu hiệu, thí dụ có đủ hành
trang để nhanh chóng học được một nghề. Nhất nghệ tinh, nhất
thân vinh. Hệ luận đương nhiên là; làm thầy là mượn
kiến thức làm duyên để tôi luyện tính siêng năng, cần
mẫn, kiên nhẫn, chịu khó trong việc đầu tư công sức và
thời gian trong những vấn đề cụ thể, trong tầm sức, không quá
khó để phải chán nản, không quá dễ để xem thường
mà vô tâm, làm duyên để tôi luyện khả năng suy tư,
phân tích, tổng hợp, diễn tả trên những vấn đề, và
cũng là duyên may cho gặp gỡ, cùng chung làm việc, trao đổi,
giao lưu, có tương đồng, có dị biệt, có thuận, có
nghịch để tạo cho nhau một thói quen team work. 3.9.Tôn Sư Trọng Đạo. Học nghề làm thầy có thể ở sách
vở, ở các trường sư phạm, ở các khóa hội thảo, với
đồng nghiệp, với phụ huynh, ở những đổi trao trên Internet, nhưng
chính yếu vẫn là trong sự tiếp cận với học trò của mình,
ở lớp học, ở sân chơi, ở văn phòng hay khi nhàn bộ, và
những âm vang sau đó, khi mình với mình trên đường về
hoặc bên đèn sửa hay soạn bài. Tuy nhiên, không học dạy ở đâu bằng học ở ánh
mắt, gương mặt, câu hỏi, giọng nói, thái độ, cử chỉ,
và đủ trò-vụng về, phản kháng, thông minh, bén nhạy,
láu lỉnh, quậy phá, câu giờ,..- của người học trò mà
đã làm cho mình cảm thấy khó chịu, bối rối, hoang mang, bất
an, tự tin và bằng lòng. Không học ở đâu bằng
học ở những người học trò của mình. Họ thực
sự là những ông thầy cho mình nhiều kinh nghiệm nhất, thực tiễn
và sâu đậm nhất. Như vậy, nếu "tôn
sư trọng đạo", là cái đạo của người học trò,
thì tôi, trong cái học làm thầy giáo, tôi cũng phải biết
"tôn sư trọng đạo": kính, nể, trọng cái
nhân cách đang hình thành trong những người thầy thật
sự-mà là học trò của tôi. Đó là tôn
sư. Còn ‘trọng đạo'? Nó-học
trò của tôi và cũng là người thầy thật sự giúp tôi
biết hiểu, thực hành và lớn mạnh trong nghề làm thầy-không
có cái đạo nào để cụ thể truyền lại cho tôi. Vậy, trong cụm từ ‘trọng đạo',
chữ ‘đạo' chỉ có thể hiểu trong cái nghĩa là ‘đạo
làm thầy', tóm lược trong những ‘nghi lễ phụng sự',
trong việc lấy kiến thức làm phương tiện, trong phương châm
nhân bản, trong thực tiễn văn-tư- tu, trong cái nhìn học trò
là chính mà thầy là phụ, học và dạy thực chất là
sống, và sau cùng là tôi, thầy giáo, phải biết, hiểu, hành
trì ‘tôn sư trọng đạo', Tôn sư: tôn trọng
cái nhân cách đang thành của người học. Trọng
Đạo: Trân trọng, quí trọng cái đạo làm thầy.
Kết
Luận: Một thoáng riêng tư Ở cái tuổi 85, trước mặt
là cực lạc quốc hoặc ngục A-tỳ, không một ai muốn về nhưng
buộc phải về. Nhìn lại, đã ‘mất dạy' trên hai thập
niên. Muốn ghi lại những trăn trở trong cái nghề làm thầy, nhưng
bỗng thèm muốn nó là một cái đạo-‘đạo mà
không là đạo', không phải để ‘vọng cầu một cái
gì ‘thường hằng', phi thời gian, mà nhằm tự nhắc: cái
khả năng mất mình trong đạo lý, một triết thuyết, một tổ
chức. Đắc đạo không bằng không đắc đạo. Mong được
chia xớt với các bạn đồng nghiệp và phụ huynh, và được
góp ý. Mong lắm thay. Ghi chú:
Tôi chân thành cám ơn: 1.
Nhà văn và giáo sư Trần Bang Thạch đã chịu khó
đọc, góp ý, sửa chữa để bài đến độc giả trong hình thức trang trọng
và dễ đọc tối đa 2.
Giáo sư Đổ Chiêu Đức đã giúp tôi về phần
Hán Việt. Houston, TX Tháng 7, 30, 2015 [i] Thiều Chửu. Hán Việt Từ Điển. In lần thứ hai. trang 677.
[ii] Trang tử. Nam Hoa Kinh. [iii] Lê Khắc Thanh Hoài. Internet. [iv] Cựu Ước. Sáng thế Ký. [v] Theo Wikipedia, Lycurge là nhân vật huyền thoại của Sparte thế kỷ
9 hoặc 8 trước Chúa giáng sinh. [vi] Hồ Chí Minh. Hồ Thị Thùy Dung. Giữ gìn và phát huy truyền
thống tôn sư trọng đạo trong giai đoạn hiện nay. Internet:
Ngày đăng: T4, 04/12/2013 - 15:28 [vii] Tính đảng, hiểu biết, gắn bó với xã nghĩa. [viii] Thí dụ thầy dạy toán thì phải chuyên về toán,...
[ix] Lão Tử. Đạo Đức Kinh. chương 38. Mở đầu quyển hạ.
Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức; hạ đức
bất thất đức, thị dĩ vô đức. Người có đức
cao thì [thuận theo tự nhiên] không có ý cầu đức, cho nên
có đức; người có đức thấp thì có ý cầu đức,
cho nên không có đức. Nguyễn Hiến Lê. Nguồn Internet,
[x] Thí dụ: Kinh Kim Cang. [xi] Thiều Chửu. Hán Việt Từ Điển. Tái bản lần thứ hai.
[xii] Anh học Văn, tôi dạy Toán cùng trong trường, nên quen gọi tôi
là thầy. [xiii] Đổ Chiêu Đức. NGHIỆM 驗 : là loại chữ
Hài Thanh thuộc bộ MÃ 馬 bên trái chỉ Ý, và chữ THIÊM
僉 bên phải chỉ ÂM, nên NGHIỆM nghĩa gốc vốn là TÊN
của một loại NGỰA quí chạy thật nhanh. Có 3 nghĩa thông dụng
hiện nay của chữ NGHIỆM là : 1. NGHIỆM là XEM XÉT,
là KIỂM TRA, như : XÉT NGHIỆM, Nghiệm Thi ( Xem xét xem tử thi chết
vì lí do gì ). Nghiệm Thu ( Xem xét kiểm tra để chấp nhận )... 2. NGHIỆM là HIỆU QUẢ, là Có Hiệu Quả, như Ứng
Nghiệm, Linh Nghiệm, Hiệu Nghiệm,... 3. NGHIỆM là CHỨNG
NGHIỆM, là Bằng Cớ, là Từng Trải, là Kinh Nghiệm. Cho nên...
NGHIỆM : có nghĩa chung là : Sự Hiểu Biết có Chứng Cứ, Từng
Trải hoặc Thông qua quá trình Xét Nghiệm hẵn hoi, chó không
phải sự Hiểu Biết Khơi Khơi ! Vì vậy,
ta có thể hiểu : *
TRẢI NGHIỆM : là từ viết gộp lại của 2 từ TỪNG TRẢI và
KINH NGHIỆM, có nghĩa : Những Hiểu Biết Kinh Nghiệm do quá trình Từng
Trải mà có được. TRẢI NGHIỆM là Cái Kết Quả có
Quá Trình ! * THỰC
NGHIỆM : Chữ THƯC 實: là chữ Hội Ý, gồm Bộ MIÊN 宀
là Cái Nóc Nhà ở trên và chữ QUÁN 贯 là Tài
Vật, Đồ Đạc bên dưới. Ý chỉ : Đồ Vật đầy
cả Nhà, nên THỰC có nghĩa là GIÀU CÓ, Nghĩa phát sinh
là ĐẦY ĐẶN, là CÓ THẬT, trái với chữ HƯ 虛
là trống lỏng không có gì ! Từ đó, THỰC có nghĩa
là THẬT như THỰC TẾ, THỰC THỂ, THỰC TIỄN... Nên,
THỰC NGHIỆM : là Sự Hiểu Biết,Kinh Nghiệm có được
thông qua Thực tế có thật do mắt thấy tai nghe hoặc do Quá trình
làm việc hẵn hoi. Còn... * TRỰC NGHIỆM : TRỰC 直 : là chữ Hội Ý, gồm
chữ THẬP 十 là số Mười ở trên, bên dưới là chữ
MỤC 目 là con Mắt ở dưới. Ý chỉ Mười con Mắt cùng
đổ dồn về một hướng, nên có nghĩa là THẲNG, như
Trực Tiếp, Trực Diện, Trực Giác... Nên, TRỰC
NGHIỆM : là Cái Kinh Nghiệm, Hiểu biết đến một cách Trực
Tiếp thông qua những kiến thức, kinh nghiệm CÓ SẴN từ trước. Vì thế... TRỰC NGHIỆM
chỉ dựa vào quá trình hiểu biết chủ quan rồi CẢM NHẬN
ra sự việc, thiếu cơ sở vững chắc như THỰC NGHIỆM và TRẢI
NGHIỆM ! [xiv] Minh Đức Triều Tâm Ảnh: Những Hiểu Lầm Về Đạo Phật.
"Tu là sửa: Nếu tu là
sửa thì mình đã từ "cái ta này" biến thành "cái
ta khác". Nếu tu là không sửa thì cứ để nguyên trạng
tham sân si như vậy hay sao? Xin thưa, sửa hay không sửa đều trật.
Đạo Phật quan trọng ở Cái Thấy! Có Cái Thấy mới nói
đến giác ngộ và giải thoát. Không có Cái Thấy này
thì tu kiểu gì cũng trệch hướng hoặc rơi vào phước
báu nhân thiên.' [xv] Vay mượn ngôn từ và ý niệm Ky-Tô-Giáo: Ba Ngôi-Đức
Chúa Cha-Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, tuy ba nhưng
mà là một, bất khả phân.. [xvi] Vay mượn ngôn từ và ý niệm Phật Giáo: Tam thân là PhápThân,
Hóa Thân, Báo Thân. tuy ba nhưng mà là một, bất khả phân.
[xvii] Phỏng theo một truyện trong quyển ‘Le Livre unique de français, par
D. Lafferanderie.' [xviii] ‘Tiền trừ niên thiếu, hậu trừ lão, duy hữu trung gian tam thập
niên.' Câu tôi học thuở nhò. [xix] Genesis 3:19. By the sweat of your brow you will eat your food until you return to the ground. [xx] HT Thích Thiện Hoa. Phật Học Phổ Thông. Sự Quy Y. [xxi] Giáo sư Bác sĩ Trần Quang Đệ, Nguyên Viện Trưởng Viện
Đại Học Sài gòn.
TÔI LÀ AI?
Nguyễn Văn Trường
1. Một nét của tôn giáo ngày nay.
Trong
đời sống hằng ngày, cái gì đã qua, ta không để nó
qua, mà trái lại thường cố giữ, ôm chặt, ôm cứng, có
khi lại kể lể, lê thê, dài giòng...văn tự. Chuyện vui mấy
rồi cũng trở thành nhàm chán, huống chi là chuyện khổ. Càng
khổ, càng cực nhọc khó khăn, càng ôm lấy trong ký ức.
Cho nên tâm thức càng ngày càng thêm đầy, thêm nặng,
khổ chồng thêm khổ. Các
sư sãi, muốn lập giáo, lại dọa : ‘Đời là khổ,
hãy theo ta- xây chùa, lập giáo.' Nghe theo sư, chúng ta, cùng chung nhau
dựng lên một hàng giáo phẩm. Họ sẽ chỉ cho ta con đường
thoát khổ, thoát khỏi sinh tử luân hồi, họ bảo đó là
‘con đường mà khi xưa Đức Phật theo đó đã chứng
ngộ Niết Bàn.' Sư sãi, vô tình hay hữu ý, tạo nơi
chúng sinh một tâm lý khổ, muốn thoát khổ, tìm an lạc. Trong lễ qui y, người tín đồ được dạy: thay tên đổi
họ, và nguyện rằng: từ nay luôn ‘nương tựa, vâng lời,
và phục tùng'[i] tam bảo. Tam bảo là Phật, Pháp, Tăng. Phật thuộc quá khứ, biết qua truyền thuyết thì
quá nhiều so với cái biết lịch sử. Pháp là ngôn từ, văn học: truyền khẩu; kết tập
lần thứ nhất, lần thứ nhì,..., tam sao thất bổn, rồi chuyển
từ Phạn, Pali sang chữ Hán, và Việt hoặc chuyển từ Hán
sang Việt, rồi thêm công trình các Tổ, và.... luận bàn.
Ngôn từ, chữ nghĩa lại đổi thay theo thời gian và không gian,
mỗi sư hiểu một cách, mỗi người một cách, khác nhau, tùy
nơi, tùy thời, tùy bối cảnh. Từ Đức Phật đến các
tăng lữ ngày nay--khoảng 2500 năm, một khoảng giới hạn thời gian,
thế nhưng vô cùng xa : ngôn từ, chữ nghĩa truyền đi từ
thời nầy sang thời khác, từ nền văn hóa nầy sang nền văn
hóa khác, đổi thay từ hình thức đến nội dung. Cho
nên, ‘Theravada chưa hẳn đã thật là nguyên thủy, mà
Đại Thừa chưa hẳn đã xa Đức Phật hơn Nguyên Thủy.'
Thế mà, hầu hết tín hữu trọn vẹn tin Tăng, lấy lời
Tăng làm lời vàng thước ngọc. Mặt khác, người tín
hữu, đã mang một tâm lý ‘khổ-và-khổ-chồng-thêm-khổ',
gặp được ‘minh sư'; ‘minh sư' xác quyết ‘sinh,
lão, bệnh, tử : khổ ; cầu bất đắc : khổ, ..v.v', rồi
bảo người tín hữu nguyện từ nay ‘nương tựa, vâng lời,
phục tùng' tam bảo, mà thật sự là Tăng, và nghĩ cho cùng,
Tăng là ‘minh sư', ‘bổn sư' của mình. Tóm lại,
lòng mình đã đầy vì tích lũy kiến thức, kinh nghiệm,
và quen thuộc tích lũy. Học và luyện. Huấn luyện kỹ xảo,
tài khéo, trí tuệ, tính tình, tâm linh, để mình luôn
tài giỏi hơn, kiên nhẫn hơn, sáng suốt hơn, và... thành
đạt ngày càng cao hơn. Và như vậy, có lúc mình trở
thành như cái máy, mà không hay biết. Đến khi được
sư dạy: ‘Đây là kinh, mà kinh là lời của Phật, bất
khả tư nghì-không thể nghĩ bàn.' Thế rồi, đông đảo
chúng ta cả-tin theo sư. Nương tựa, vâng lời, và phục
tùng.' Vậy là giao hồn mình cho sư. Dễ ợt! Mình trở thành như cái máy, lặp đi
lặp lại chỉ một vài động tác-tìm tòi ở sách vở,
ở danh nhân,.. rồi cả tin, tích lũy, tích lũy,....để rồi
tự trang bị một tâm lý sẵn sàng: "nương tựa, vâng
lời, và phục tùng" nhà chùa. Thế là giao hồn mình
cho sư. Mặc áo tràng hay áo đen,
tay lần chuỗi hột, chưa hẳn là tu. Nói hay, nói giỏi, thông
minh trong ngôn từ, trong xử thế, không hẳn có lòng thành tu học,
cũng không hẳn có khả năng tự độ và cứu độ
cho người khác. Vả lại là người, chưa là Phật, cái
ánh sáng của sư sãi cũng giới hạn, dù rằng có nhiều
người trong họ thuộc hạng thánh hiền. Mặc khác, trong
thời đại kinh tế thị trường ngày nay, đi tu có khi là
một nghề nghiệp : Đại Đức, Thượng Tọa, Hòa Thượng,
Cha sở , Đức Ông, Đức Cha, Đức Hồng Y,.. với những hào
quang, danh vọng, huy hoàng mà các tước vị --làm Thầy hay làm
Cha thiên hạ--đem đến cho họ. Trong số họ, hẳn có những
người chân chất, sòng phẳng với khách hàng, nhưng bọn
gian thương thì lúc nào cũng lẫn lộn, vẫn đông, thật
khó lường. Trong bối cảnh đó, còn lắm người tín
hữu lại lười biếng, không chịu học, không chịu suy nghĩ về
nội dung kinh kệ, lễ nghi cúng kiến, phương cách tu tập, tổ chức
và hướng đi của hàng giáo phẩm. Có người cứ
nghĩ lấy tiền mua tiên cũng được, rồi đóng góp cúng
dường cho sư, gọi như vậy là tu phước, nghĩ rằng làm
như vậy là đầu tư cho kiếp sau. Hồi xưa thì mua bán‘bằng
xá tội vong nhân-indulgences[ii].' Giờ thì cúng sao, cầu an, chiêu hồn, xin xăm, ấn tống, đại
nhạc hội xây chùa, cất nhà nguyện, trai đường,....hoặc
đăng báo‘bạch y thần chú, lấy ảnh của một cô nào
đó làm ảnh của Bồ Tát Quan Thế Âm, hay lời nguyện cám
ơn Cha TBN với ảnh của Ngài,.. Có hơn một sư trụ trì
gọi đó là phương tiện để lôi cuốn phật tử đến
chùa, tạo điều kiện cho họ nghe giảng pháp. Vậy thì mọi
phương tiện đều tốt để đến mục tiêu tối hậu
là....??? Một bên thì ẩn tàng nhiều kẻ bất lương,
một bên thì lắm người biếng nhác, tin ở lời hay tiếng đẹp,
nạp hồn mình cho Satan mà nghĩ rằng đi theo Chúa, hoặc ỷ lại
nơi Thầy, nơi Cha, không chịu khó tìm hiểu-hiểu Kinh, hiểu tổ
chức, hiểu thầy, cha, và nhất là hiểu chính bản thân trong
quan hệ với môi trường hay ngay trong nội tâm. Cho nên,
trong việc tu tâm, dưỡng tánh, hoặc tu Đạo Phật hay Đạo Chúa,
các kinh sách, thánh nhân, đều dạy: ‘Hãy trở về với
chính mình' Trong Phật
Học Phổ Thông, Bài thứ 4, về Quy Y Tam Bảo, Hòa Thượng Thích
Thiện Hoa có viết về Lý Quy-Y Tam bảo như sau : ‘Lý
là bên trong. Lý quy-y Tam-bảo nghĩa là quy-y Tam-bảo trong tâm chúng
ta. 1- Tự Quy-Y Phật: Tự quy-y Phật là mình tự trở về với
Phật tánh sáng suốt của tâm mình, 2- Tự Quy-Y Pháp: nghĩa
là vâng theo pháp tánh của mình. Trong tâm ta có đủ tất
cả các Pháp: Từ-bi, Trí-tuệ, Bình đẳng, Sáng-suốt, Nhẫn-nhục,
Tinh-tấn... chúng ta cần phát huy những đức tánh ấy và hành
động theo chúng, tuân theo chúng.. 3- Tự Quy-Y Tăng: nghĩa là
vâng theo Thầy trong tâm mình, Thầy trong tâm mình là đức tánh
hòa hợp thanh tịnh của mình..'. Về phía Ky-Tô-Giáo : ‘Nước của Chúa là
ở ngay trong trong bạn'[iii] là tựa đề của một quyển sách của đại văn hào
Nga Leo Tolstoy. Trong một kỳ đi du lịch Châu Âu, chúng tôi có
dịp viếng một nhà thờ cổ--hình như ở Ý-Ông bạn tôi,
Bác Sĩ Nguyễn Văn Vĩnh có chép lại một bài ngắn khắc
trên cẩm thạch, tựa đề là ‘Hành trình đích thực
của con người...' Đó là : ‘Nơi mà tất
cả các công trình tu-đức đều hướng tới, có thể
được diễn-tả bằng một danh-từ: Trái Tim.. Kho tàng
của người Ki-Tô-hữu ở đâu, nếu không phải là ở
trong Tâm? Ở trong mỗi người, có một nơi, thâm sâu hơn
cả bản thân mình, nơi bạn không thể vào được, nếu
không được phép bản thể đang ở trong đó, nơi mà
bạn phải cố gắng lâu dài, dưới ơn soi của một ánh
sáng tinh-tuyền, sau khi đã từ bỏ bản thân mình. Chính ở
đó Thượng-Đế đã đặt tia sáng huyền-diệu mà
bạn đã mang trong người bạn, là hình ảnh của Thượng-Đế,
là nguồn nước hằng sống nuôi dưỡng đời sống vĩnh-cửu.
(John 4,14). Thượng-Đế đã tạo dựng TráiTim của bạn
lớn đủ để chứa đựng Ngài. Trái Tim bạn chứa đựng
Đấng mà cả vũ trụ không chứa đựng nỗi. Vì thế,
Trái Tim con người lớn hơn cả vũ-trụ. TÂM con người lớn
hơn cả vũ-trụ. TÂM con người là nơi Đấng Tạo-Hóa
ngự-trị, và, với Ngài, chứa đựng cả vũ-trụ càn-khôn[iv]..........' Nói chung, với Phật giáo và Ky tô giáo, tu là
trở về với chính mình, với cái Tâm của mình Vậy, mình là ai ? Tâm mình là cái gì ?
2.TÔI LÀ AI ?
Với câu hỏi "TÔI là
cái gì?"-WHAT IS ‘MYSELF'? - Bà Tâm Minh[v] đáp : I am my feelings Feelings come and go Like clouds in windy sky My
mind is a TV[vi] With thousand of shapes I am what I choose to be Calm and compassionate Collected and happy[vii] Phải chăng Bà muốn nói:
Tôi là cái ‘hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục' ấy.
Chúng đến rồi đi, như mây, như gió. Tâm tôi như
màng ảnh truyền hình, triệu triệu hình ảnh và sắc thái.
Tôi là cái mà tôi chọn. Tĩnh lặng và từ bi. Thanh thản
và hạnh phúc. Bà như
muốn nhấn mạnh trên sự đổi thay liên tục của tâm thức:
như mây, như gió. Không ai giữ mây đừng tụ, đừng tan,
đừng bay, không ai buộc được gió phải ngưng thổi, hay thổi
chậm, thổi mau, về hướng nầy, hướng khác,...Nhưng tôi,
con người, tôi có khả năng chọn lựa. Thí dụ: 1/ hoặc, tôi
chọn làm con rối chạy theo những đổi thay nhanh và vô cùng ấy.
Điên đảo, quay cuồng, không còn biết mình là ai. Một tâm
thức vong thân. 2/ hoặc tôi để nó -những tâm
thức ấy-tự đến rồi tự đi. Chọn để nó
‘tự lai tự khứ': chọn không trú ẩn ở một nơi, một
ý tưởng, một nguyên lý, một dogma nào, hay chọn an bài trong
một số nguyên tắc, hay chi chi khác,.. Tôi là cái mà
tôi chọn. Và Bà chọn: Tĩnh lặng. Tĩnh
lặng. Tĩnh đối nghĩa với động. Tĩnh
ngầm có nghĩa là ‘im lặng, yên ổn'[viii] Lặng là chữ nôm, ở đây như để nhấn mạnh nghĩa
cho ‘tĩnh'. Nói riêng: Nó tự đến, tự
đi, tôi không bận tâm. Nó là sự việc, là
cảm xúc, là tư tưởng, là giá trị, là ký ức,...,
tất tất tôi đều cảm nhận được, biết được,
ý thức rõ ràng. Vui? Tôi không ôm lấy, muốn nó
ở mãi với tôi. Nhờ vậy, mà không nuối tiếc; hoặc
giả thấy mình mất mát. Buồn? Hận? Tôi không ghi tâm,
khắc cốt, không dưỡng nuôi để ‘biến hận thù thành
sức mạnh,' không giữ nó mãi trong lòng. Buông. Xả: Lòng
được nhẹ. Đó là cái nghĩa mà tôi thường
hiểu, khi học Phật. Tuy nhiên, trong giới hạn khả năng ngôn
ngữ, những điều nhắn gởi sau đây đáng cho ta ghi nhận:
‘Tĩnh lặng không có nghĩa là
ngồi yên.' Ngồi yên mà tâm lăng xăng lo nghĩ, thì không
là tĩnh lặng. ‘Tĩnh lặng không nghĩa là không cảm.'
Vô cảm như cây, gỗ, đá. Con người không là gỗ đá.. ‘Tĩnh lặng không có nghĩa là không làm gì cả.'
‘Tĩnh lặng không là: sống nhờ ăn bám xã hội.' ‘Tĩnh
lặng không có nghĩa là bất cần,' mà cũng là ‘tỉnh
thức'-tỉnh như người ra khỏi cơn mê, ‘tỉnh' viết với
dấu hỏi -và ý thức được thực chất những gì đang
xảy ra cho mình và môi trường chung quanh. ‘Tĩnh lặng không
có nghĩa là tốt...' Tĩnh lặng ở ngoài phạm vi giá trị,
tốt xấu, đúng sai,.. Tĩnh lặng
không có nghĩa gì khác hơn là... tĩnh lặng. ‘Bạn có thể ngồi yên và tĩnh lặng,
hay đang chạy mà tĩnh lặng. Bạn thấy tất cả mọi sự
và vẫn tĩnh lặng. Bạn cảm được mọi sự và vẫn
tĩnh lặng. Bạn có thể làm mọi sự và vẫn tĩnh lặng. Bạn vượt lên trên cả tốt và xấu trong phán xét. Bạn vượt lên trên cả thiện và ác trong định giá Bạn vẫn làm các việc thiện và tránh việc ác, nhưng
không chấp vào thiện ác đúng sai.' Đây không
phải là lý luận. Tĩnh lặng là ‘trải nghiệm, thực nghiệm,
và trực nghiệm.'[ix] Tĩnh lặng là duyên lành cho từ bi: từ bi ba-la-mật,
từ bi của nhà Phật. Tiếng Anh, từ bi còn là ‘Com-passionate': ‘Com'
hàm ý: ‘cùng với nhau'; ‘passion' là ‘cuộc thương khó'[x] , cái khó ẩn tàng, ví với những cảm xúc của Chúa
Giuse từ bữa tiệc cuối cùng đến lúc lên thập giá. Tình
thương thật, mà là tình thương khó. Không có
một tình thương nào là tình thương dễ--nhẹ dạ, chơi
qua rồi bỏ, chạy theo thú vui của bản năng. Chơi qua rồi bỏ không
có nghĩa là ‘tự lai tự khứ'-tự nó đến rồi tự
nó đi, lòng ta không dính mắc- mà là biểu hiện sự nô
lệ ở bản năng. Hồi nhỏ, tôi thích thú, và giờ
vẫn còn nhớ, mấy câu thơ sau đây: ‘Yêu, là chết ở trong lòng một ít, Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu? Cho rất nhiều,
song nhận chẳng bao nhiêu: Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.' Giờ đây, thì tôi nghĩ: đó là tình
yêu ‘cân, đo, đong, đếm,' ‘cho, nhận', trong đó có cái
tôi -tính-toán-thiệt-hơn. Cái tôi-an trú-trên-những-điều-kiện-nầy
khác, hãy tạm gọi nơi an trú nầy là vọng-ngã. Ngay cả
cái tình cân-đo-đong-đếm đơn giản thế mà cũng có
cái khó của nó. Thương yêu là một tình cảm trong
sáng. Nhưng vừa phát khởi thì ngay đó, vọng ngã chặn
trên đường. Rồi tính toán thiệt hơn. Ba-la-mật có nghĩa:
vọng ngã ‘tự lai, tự khứ', tâm không vướng trong ấy, không
vì đó mà dao động.Gọi như vậy là ‘tĩnh'-dấu
ngã-mà cũng là ‘tỉnh'-dấu hỏi-tỉnh thức, sực tỉnh
như sau cơn mê; mê vì mình đã chụp vọng tưởng của
mình trên tự thân và trên đối tượng thương yêu. Cho nên nói Balamật là nói không bị vọng ngã chi phối,
để thấy hiểu, cảm thông đối tượng, và cũng thấy
hiểu chính mình, trong cái thật thà nhất, trung thực nhất mà
có được. Có lẽ nhờ vậy
mà Bà Tâm Minh thấy thanh thản, bình tâm, an lạc, hạnh phúc. Cũng cần phải ghi thêm một lần nữa: Đây không phải là lý luận. Tĩnh lặng,
thanh thản, bình tâm, an lạc, hạnh phúc nầy là một phút
giây, một thời điểm thuộc một quá trình thực chứng:"trải
nghiệm, thực nghiệm, và trực nghiệm.'[xi] 3.TRẢi NGHIỆM, THỰC NGHIỆM, TRỰC NGHIỆM
Những trích dẫn về nghĩa của ‘tĩnh
lặng' trên đây, có giúp tôi hiểu ít nhiều về những
từ ngữ nầy. Tôi cũng hiểu cái biết của mình bao giờ cũng
giới hạn, cho nên, tôi có xin Ông Thầy Đồ của tôi[xii] soi sáng thêm cho tôi. - Nghiệm,
dùng trên đây và trong suốt bài nầy, có cả ba nghĩa-kiểm
tra xét nghiệm, hiệu nghiệm, chứng nghiệm-trong lời giảng của
ông thầy đồ của chúng tôi, nhưng chính yếu là trong cái
nghĩa thứ ba: Nghiệm là chứng nghiệm.
- Trải nghiệm hàm ý một
quá trình từng trải qua chứng nghiệm. Trong cái nhìn vĩ mô,
có hai loại ‘từng trải':
Thứ nhất:
Chuyện kể rằng hồi xưa, thời ‘liều chỏng', có một thí
sinh cần mẫn, mỗi đêm treo tóc lên trần nhà[xiii]-để phòng xa ngủ gật, và để học bài. Một hôm,
ông liên tục đọc ‘hàn thử[xiv] là nóng lạnh', và đến khuya,vì quá mệt và buồn
ngủ thì ‘hàn thử là nóng lạnh' trở thành: ‘Hoàng
tử nóng lạnh'. Chuyện tiếu lâm, nhằm minh họa cái ‘từng
trải' học thuộc lòng của người xưa. Đó cũng
là cách học của các em học nghề, lặp đi lặp lại những
động tác nhất định, cho thuần thục, mà không cần phải
nghĩ suy. Đó cũng là anh hề Charlie Chaplin trong phim The Modern Times[xv], hai tay vặn óc, trong giây chuyền lắp ráp công nghệ, để
rồi vẫn tiếp tục những động tác ấy một vài phút
sau tiếng còi cho phép nghỉ ngơi. Những thí dụ nầy minh
họa cho thói quen lặp đi lặp lại thường xuyên, một
cách tự nhiên, tự động, không ý thức, mà
lắm khi rất tinh xảo của chúng ta. Đó là những lời chào
hỏi hằng ngày khi gặp nhau, tự động, theo lệ thường. Đó
cũng là những kết luận trong khuôn nếp của thành kiến,...Những
thói quen thường ngày ấy, cần thiết cho cuộc sống, cần thiết
cho việc làm teamwork, đòi hỏi một sự ‘từng trải', và
có thể biến con người thành con rối, múa men, xử thế, theo
những qui định, do cấu trúc của việc làm, của cơ quan, của
cộng đồng hay nói chung là môi trường sống. Thứ
hai: Thực chất của trải nghiệm, là một loạt thử
nghiệm tính nhạy cảm của con người, trong đó, ngũ
uẩn[xvi]-sắc, thọ, tưởng , hành, thức-phải trực diện với thử thách
trước mặt, được sử dụng và phát triển cực đa,
để tiếp cận, thấy biết, thấu hiểu, để không chỉ
lặp lại đơn thuần một số động tác thô thiển, mà
còn đòi hỏi nhiều trí tuệ, suy tư, sáng tạo, để
sử dụng hữu hiệu những kinh nghiệm, mà không kẹt, không
bị lún sâu hay mù quáng trong thành kiến, trong thói quen.
Tóm lại, trải nghiệm hàm ý cả hai loại nêu trên: luyện
tập, học hỏi, thói quen, trí tuệ và công sức đầu
tư.
- Thực nghiệm hàm ý là
thật, như trong thực tế, thực tiễn. Nói cách
khác, thực nghiệm là thực chứng; không chỉ do hệ
quả của lý luận trừu tượng, cũng không do ảo tưởng
mà có.
Truyện kể[xvii]: ‘Xưa, thời Giáo Tông của Giáo
Hội Đỏ, có một Thượng Thủ--và cũng là một nhà
tư tưởng lớn của Giáo Hội, khám phá ra một sự thật,
‘chân thật bất hư'-chắc như bắp rang, ‘sông có cạn,
đá có mòn, nhưng cái chân lý nầy' của Ngài, không
bao giờ thay đổi. Do đó, Hội Thánh trao một giải thưởng
thưởng lớn, chưa từng có cho đến giờ, cho ai giải thích được
sự thật, ‘bất khả tư nghì' nầy. Đó là:
‘Tại sao, một cục đá bỏ vào một thau nước đầy
thì nước tràn, mà một con cá, dầu rất nhỏ, thả vào
một thau nước đầy, thì nước không tràn.' Thế rồi,
năm châu bốn biển, nhiều luận án của các vị tiến sĩ,
thạc sĩ, hàn lâm sĩ,.., gởi về,.. Một hội đồng viện
sĩ được triệu tập, để nghiên cứu và đánh giá.
Trong những luận án gởi đến, luận án nào cũng vài
trăm trang. Nhưng có một, rất đơn giản, gồm chỉ hai câu,
của một cậu bé: ‘Con có lấy một thau nước đầy,
có thả một cục đá vào đó, thì đúng như
vậy, nước trong thau trào ra. Và cùng in hệt những điều
kiện trên, cũng thau nước đầy, con thả vào một con cá
lòng tong nhỏ xíu, và con lập đi lập lại như vậy rất
nhiều lần, nhưng lạ thay, nước vẫn tràn ra.' Từ
ấy, con người-ngoài hội thánh- đòi hỏi bằng cớ, thực
nghiệm, thực chứng. - Trực nghiệm, trong bài nầy, ngoài
cái ý trực-tiếp tiếp-cận-không qua trung gian--còn hàm
ý là: có do trực giác-intuition, insight- mà nhận thức.
Trong trường hợp nầy, , trực nghiệm cần được bổ túc
bằng thực nghiệm. Điều nầy làm tôi nhớ lại một trong những
bài thơ ít oi mà tôi đọc được: bài Tống Biệt[xviii] của Tản Đà.
"Giới thiệu bài thơ
này, thi sĩ Bùi Giáng có lời bình: Lá rơi
- Hình ảnh của lìa tan, của ly biệt...Người đi. Khách phàm
trần đã lên đây, đem lên đây tình yêu của hạ
giới, gây bàng hoàng cho lòng xanh tiên nữ, để giờ đây
chia biệt, đem tình về hạ giới, cho lòng xanh tiên nữ lại bâng
khuâng...Lời tiễn đưa vang nhè nhẹ giữa Đào Nguyên trăng
sáng rộng vô ngần. Như hồn xuân đêm yểu điệu. Như
ngậm ngùi tình vương vấn thiên thai. Như gió lùa thổi vào
tâm hiu hắt... Sực tỉnh rồi...còn
đâu nữa mộng lòng xuân. Nụ hồng giữa vườn xuân không
hé phơi lần nữa. Đá mòn. Rêu nhạt. Nước chảy-Huê
trôi. Cái hạc bay lên vút tận trời...đem đi mộng cũ của
lòng ta...Tình của người lặng đi giữa bốn bề câm nín.
Lạnh mang mang vây ám mãi nghìn năm. Đường lối cũ, nơi
đầu non cửa động. Trăng chơi vơi còn sáng mãi, hững
hờ. Mộng Thiên Thai võ vàng, đã mòn mỏi... Bài thơ quả là có mang ý nghĩa tượng
trưng đó. Tống biệt? Vĩnh biệt Thiên Thai là vĩnh biệt hồn
thơ của tuổi mộng-Tuổi mộng không ở mãi với hồn thơ,
để thắm mãi giữa đời...[xix]. Trích dẫn lời đánh giá trên đây của một thi nhân,
tôi không mạo hiểm đi vào nghệ thuật thơ văn. Tôi chỉ
muốn là mượn một ý của Ông Bùi Giáng, để nói
về một trực nghiệm của tôi.
Truyện kể: Có một lần tôi lạc chốn Thiên Thai: Huế,
giữa hai giờ dạy học, một buổi sáng mát trời, tôi rảo
bước trong sân trường. thì bỗng nhiên, nàng hiện lên, thong
thả đạp xe ngang, áo nữ sinh tha thước, vành nón lá nghiêng
nghiêng. Hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ; ngoài thế tục.Thế là,
thêm một họ Nguyễn lạc Thiên Thai. Duyên lành, tình đẹp,
một ‘năm tiên cảnh'. Duyên khởi, cái ban đầu
ấy là trực giác, trực nhận, thẳng vào đối tượng,
không nghĩ suy, không đắn đo, không tính toán thiệt hơn.
Cái trực giác ấy cần thiết cho hứng khởi của thi nhân, cần
thiết để buông bỏ các thói quen, để buông mình xuống
vực thẳm thơ văn-hay thăng hoa, vượt khỏi cái thông tục trần
ai. Cái duyên khởi, trực giác, trực nhận là một bước
... nhập Thiên Thai, là duyên cho thi nhân gặp Nàng Thơ, là tình
cho Nguyễn tôi tương ngộ với người trong mộng. Nhưng rồi,
cái thói quen đong-đo-toan-tính-thiệt-hơn, từ từ trở lại
với tôi: vui tôi muốn vui hơn, vui mãi, ..Tôi sanh lòng chiếm đoạt,
tính chuyện trăm năm. Thế là chúng tôi rơi về trần tục.
Thiên Thai không có chỗ cho phàm nhân. Trong trực nghiệm, tôi
muốn nhấn mạnh cái chi tiết trực giác-duyên ban đầu mà
đẩy con người vào một cuộc phiêu lưu ‘vô-định',
đầy hiểm nguy nhưng lắm khi cũng là hiểm nguy kỳ diệu và
lý thú. Những giòng thơ bất hủ--Tống Biệt- của Tản
Đà, và duyên tình của chúng tôi! Giờ
thì ta có thể xác quyết: Tôi là một quá
trình sống-trải nghiệm, thực nghiệm, trực nghiệm-và cũng là
một quá trình ý thức những đổi thay trong tâm thức,
ý thức ở mỗi thời điểm về môi trường và sự
tương giao mình-môi trường. Đó cũng là một quá
trình tiến hóa, từ trạng thái vô tri, vô thức đến tri
thức- biết và ý thức- ý thức về tha nhân, về thiên nhiên,
về cuộc sống chung quanh tôi, ý thức về những diễn biến nội
tại trong chính tự thân. Hoặc:
Cái tiến trình nêu trên đây biểu hiện cụ thể
Tôi. Và như vậy, Tôi hiện hữu, tôi
có một nhân cách, một tính tình, một bản sắc đặc
thù, không giống bất cứ ai.
@@@
4. Phần Kết. Tôi là cái mà tôi
chọn. Xác quyết
nầy ẩn tàng chấp nhận những tiên đề sau đây:
- Tiên đề 1: Tôi có nhiều đường lựa
chọn. Tổng quát hơn, con người có nhiều đường nhiều
thứ để lựa chọn.
Lần
duy nhất lạc Đào Nguyên, đối tượng duy nhất, thì làm
gì được lựa với chọn; duyên may sực đến, thời giờ
đâu để đắn đo suy nghĩ thiệt hơn, phải nắm bắt ngẫu
nhiên, thả người vào phiêu lưu vô định. Ngoài ra, không
có đối tượng thì có cái gì để chọn?
Muốn
có chọn lựa phải có nhiều đối tượng. Ít nhất là
hai. Vào một tiệm ăn bao bụng-buffet ở Mỹ, trả khoáng,
ăn no bụng mới thôi, thì tôi có nhiều món ăn tùy hỷ.
Sự lựa chọn thật dễ. Nhưng cũng có những trường hợp
ở ngã ba đường, như Thúy Kiều, một bên là cha mình,
một bên là người yêu. Chọn bên nầy, mất bên kia. Cho
nên: ‘Ôi Kim Lang hỡi Kim Lang, Ôi thôi, thiếp đã
phụ chàng từ đây.'
là tiếng kêu thống thiết, tuyệt vọng
của nàng Kiều khi đã chọn ‘bán mình để chuộc cha.' Những năm tháng cận ngày 30 tháng tư 1975, hầu hết người
Miền Nam Việt Nam đều phải chọn giữa hai con đường: đi hay ở.
Đi là xứ lạ quê người, dị biệt ngôn ngữ, dị biệt
nếp sống, phong tục, tập quán, nói chung là khác biệt văn hóa,
... phiêu lưu,..với hai bàn tay trắng. Đi thì có thể thoát
thân, lập lại cuộc đời, nhưng còn mẹ cha, anh chị bỏ lại
đàng sau,... Ở lại, thì chế độ mới-mà chẳng ai biết
gì, ngoại trừ một số sách báo, ... với những dữ liệu
thật dễ sợ. Đi hay ở, đường nào cũng tối om.
Đường nào, cũng phải mang thập giá. Theo đó, cần phải
thêm: -
Tiên đề 2: Tôi có phương tiện
hoặc bản lãnh hay khả năng để tính toán thiệt hơn, để
ước tính thập giá mà tôi phải mang, những hệ quả xấu
nhất mà tôi phải chịu. Tổng quát hơn, con người có năng
lực chọn lựa. Thí dụ: phải hay trái, đúng hay sai, .... cái
thích hợp, hay không thích hợp cho mình hay cho ai khác.
Nếu không có những khả năng nầy
thì việc đi bên nầy bên khác, là việc may rủi, ngẫu nhiên,
phú cho Trời, cho số mạng.
- Cũng phải ghi nhận rằng
khả năng của một cá thể--của riêng tôi-thì giới hạn,
ánh sáng và tầm nhìn của tôi tùy thuộc ở cái thấy,
biết và hiểu của tôi, theo đó rất hạn hẹp. Ở thế
tục, không có sự hoàn hảo, rốt ráo, không thể nghĩ bàn.
Cho nên, nhận lấy thập giá của sự chọn lựa, một phần
là do trách nhiệm tự thân-trong giới hạn thấy, biết, hiểu của
tôi; còn phần mù của tôi do Chúa định. @@@@
Với
câu hỏi "Tôi là cái gì?", Bà Tâm Minh gợi nhớ:
một quá trình tìm tòi học hỏi, thực nghiệm, thực chứng
của tôi, manh nha thuở tôi còn ở ghế các trường Trung Học,
trong các cuộc cãi vã nhau về chủ nghĩa hiện sinh, về sự vong
thân, về nghệ thuật-vì nhân sinh hay vì nghệ thuật, giữa anh
chị tôi, hay giữa bạn bè tôi trong bàn ăn nội trú. Bốn
thập niên qua, tôi có đi tìm đạo, học Đạo Phật, học
hỏi ở nhiều thầy. Tôi được may mắn: Chùa nào
cũng mở rộng cửa, quý thầy mở rộng vòng tay. Tôi có nhiều
đường chọn lựa: Chùa, thầy, phương pháp tu. Tôi có
một thời gian tập thiền, để... an tịnh trong lòng. Muốn
an, tức lòng bất an. Cố gắng an tâm bằng cách nầy cách khác,
có khi là đè ép tâm thái, hoặc tạo một tự kỷ ám
thị, một an tịnh giả tạo, mà bên dưới thì sôi sục. Thế rồi, cho đến giờ, tôi quanh quẩn trước cổng chùa,
quanh quý thầy, còn đắn đo, chưa bước vào trong, quy y, cầu
nguyện, rước lễ, xin một pháp danh, .., có một minh sư hướng
dẫn. Nhìn lại, tôi có những lý do nhất định:
Lý
do nông cạn: - Giáo
Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hình thành từ 1963, có
vẻ như muốn đi vào chính trường, tranh dành quyền lực, cố
tạo một kiến trúc ít nhiều theo hình ảnh của Giáo Hội
La mã, thời xưa.
- Giáo
Hội bị phân hóa. Nhà chùa trong cái bát nháo của thế
gian, chia thành năm phe bảy phái, và trong một giới hạn nào đó,
trở thành những cơ sở kinh doanh. Ở trong nước, chùa chiền là
nơi cho du khách thăm viếng. Việc ‘phật sự' có nơi, gói
lại là tụng kinh, cầu siêu, cầu an, cầu hồn, cúng sao hạn, xin
xăm, đại nhạc hội xây chùa, hội trường,..., tạo điều
kiện để lôi kéo du khách, tín hữu...
- Mọi phương tiện đều tốt để
tụ tập người đến chùa, tạo duyên cho quý thầy ban pháp.
Lý do bên trong:
- Lý
quy y là quy y tam bảo trong tâm của chúng ta.
- Tu học không chỉ là lý luận. Bên cái lý-logic,
rational- có cái phi lý, vô lý-illogic, irrational-mà cái phần
phi lý, vô lý của con người thì vô cùng lớn và
đa dạng hơn cái phần hữu lý. Vì rằng cái phần phi lý,
vô lý ấy thuộc lãnh vực tình tự con người, và cũng
phát xuất từ những khác biệt, mâu thuẫn, xung đột, trong
tương giao giữa người với người.
- Tu học là một tiến trình chứng nghiệm. Nó vô
ngôn. Không diễn tả được bằng lời, bất khả nghĩ
bàn.
Tôi vô tình đã chọn cuộc sống của
tôi là một quá trình tu học. Trong quá trình nầy, có
lần tôi muốn giải thoát ra khỏi những qui định của xã
hội, vì tôi có cảm giác mất mình trong những vai trò-làm
con, làm cha, làm một ông giáo,làm một công dân, làm người
trong những trách nhiệm và quyền hạn ít nhiều rõ rệt.
Cũng có một thời tôi có cảm giác ngày, tháng dài
như thiên thu, và cuộc đời như mang thập giá trên vai, tôi
muốn tìm sự an bình tâm thái, tôi mưốn trốn chạy cuộc
đời, tìm an bình thân tâm trong đạo: muốn giải thoát
ra khỏi cái tôi qui định của xã hội, tôi lại phải
chun vào cái khung triết thuyết, giới luật và lễ nghi của Phật
gia, nghiêm chỉnh hơn và theo đó gắt gao hơn. Rời cái khuôn
nầy để vào một cái khuôn khác, chật hẹp hơn. Và
tôi đã từ chối điều nầy. Giờ đây,
còn vài năm nữa, tôi lại hỏi tôi thêm một lần nữa:
Vậy tôi là ai? là cái gì? Xin thưa: Tôi là cái
tiến trình tu học ấy, mãi đến giờ vẫn chưa xong. May mà
nó chưa xong, nên tôi còn tìm, còn học, còn trải nghiệm,
thực nghiệm, trực nghiệm. Cuộc đời nhờ vậy mà còn rộng
mở với tôi. Làm sao có thể gói một tiến trình trên 80
năm, và chưa chấm dứt vào một vài trang giấy.
Thế nên, nếu buộc phải có
một lời đáp, thì đó là: Tôi là tôi. chấm hết. Houston,
TX ngày 24 tháng 4, 2015 Tôi chân thành cám ơn: - Bác sĩ Trịnh Hồng Vân, đã tạo duyên
cho tôi viết bài nầy,
- Bà
Tâm Minh. Bài ‘What's myself'là nền cho nội dung của bài.
-
Ông Đồ Đổ Chiêu Đức đã
khai thông cho tôi phần Hán Việt.
[i] Thích Thiện Hoa. Phật Học Phổ Thông. Bài 4. Quy Y Tam Bảo. Sự Quy
Y. [ii] Công Giáo La Mã: Trong thời Trung cổ, nhà thờ thường bán những
indulgences, và giáo huấn về indulgences thường bị bóp méo. Các
cuộc chống đối của Martin Luther về việc bán indulgences khởi đầu
cho sự hình thành Hội Thánh Tinh Lành. [iii] The Kingdom of God is within you' by Leo Tolstoy [iv] Nguyên văn tiếng Pháp: ‘Le vrai pélerinage de l'homme, Un mot resume le lieu où converge toute aventure de sainteté: LE COEUR.
Où serait le trésor du chrétien sinon au fond de son
coeur? Au dedans de toi, il est un lieu, plus intime à
toi que toi, où tu ne saurait entrer sans la permission de celui qui l'habite dèjà, mais don't tu ne
peux trouver le chemin qu'au prix d'un très long effort, qu'avec la lumière d'une grande pureté, qu'au
terme d'un total depoillement. C'est là où Dieu
a mis l'étincelle du divin que tu portes en toi, l'image de son visage qui ta fait à sa ressemblance, la source
de l'eau vive qui peut jaillir en toi en Vie Eternelle (Jean 4, 14). Dieu
a fait ton coeur assez grand pour Le conternir. Ton coeur contenant celui que l'univers ne contient pas, est donc plus grand
que l'univers. Au coeur de toi reside le Createur du monde, et, avec lui, le monde!'.........Bản dịch của
Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh.
[v] Giáo sư Lý Hóa và huynh trưởng Phật Giáo.
[vi] television [vii] Còn một đoạn. Nhưng cái hiểu biết của tôi chưa cho phép
tôi liên kết với nội dung bài nầy. Đó là: I am my breath breathing out, I am fresh Breathing in, I know Breathing is the anchor of my mind-the boat with
my body-the land. [viii] Đào Duy Anh. Hán Việt Từ Điển Giản Yếu. Nhà Xuất
Bản Văn Hóa Thông Tin. 2005 [ix] Trần Đình Hoành www.dotchuoinon.com. Nguốn Internet [x] Luca VI [xi] Trần Đình Hoành www.dotchuoinon.com. Nguốn Internet. Tĩnh lặng là gì? Trích nguyên văn: Tĩnh lặng
không có nghĩa là ngồi yên. Tĩnh lặng không nghĩa là
không cảm. Tĩnh lặng không có nghĩa là không làm gì
cả. Tinh lặng không có nghĩa là bất cần. Tĩnh lặng
không có nghĩa là tốt... Tĩnh
lặng không có nghĩa gì khác hơn là... tĩnh lặng.
Bạn có thể ngồi yên và tĩnh lặng,
hay đang chạy mà tĩnh lặng. Bạn thấy tất cả mọi sự
và vẫn tĩnh lặng. Bạn cảm được mọi sự và vẫn
tĩnh lặng. Bạn có thể làm mọi sự và vẫn tĩnh lặng. Bạn vượt lên trên cả tốt và xấu trong phán xét. Bạn vượt lên trên cả thiện và ác trong định giá Bạn vẫn làm các việc thiện và tránh việc ác, nhưng
không chấp vào thiện ác đúng sai. Đây không phải là lý luận. Tĩnh lặng là trải
nghiệm, thực nghiệm, và trực nghiệm. Tĩnh lặng rất tĩnh lặng nhưng lại sức mạnh vô cùng-làm
cho trái tim của bạn nhẹ như lông hồng nhưng lại vững như
núi, nhẹ như gió thoảng nhưng mạnh như bão tố. Tĩnh lặng không có công thức, không có
hình dáng. Nhìn thì như là
không, nhưng khi chuyển thì lại vô cùng. Các bạn đừng hỏi-làm thế này có phải là
tĩnh lặng không? suy tư thế nầy có phải là tĩnh lặng không?
Hành động nào cũng có thể
là tĩnh lặng, mà cũng có thể là không. Như là giọt
nước nào cũng giống nhau, nhưng có thể có những nhiệt độ
khác nhau. Cách để có được
tĩnh lặng là thực hành tĩnh lặng. Ngồi quán tâm mình,
và khi tâm mình tĩnh lặng mình biết tâm mình tĩnh lặng.
Tĩnh lặng không phải là không suy nghĩ.
Tâm có thể suy tư về một điều gì đó, quán một
điều gì đó, nhưng vẫn tĩnh lặng. Chúng ta tập tĩnh lặng bằng thiền, cầu nguyện, ứng
xử khiêm tốn, thành thật và yêu người vô điều kiện.
Và ta biết ta tĩnh lặng đã đến
đâu bằng cách quán sát tâm ta thường xuyên. Đừng làm một hành động và hỏi
"Làm như thế là mình đã tĩnh lặng chưa?"
Hãy để tâm hoàn toàn tĩnh lặng-không
giận, không ghét, không sợ, không giành giật, không lý luận
bào chữa-rồi hỏi "Tâm mình tĩnh lặng chưa?"
[xii] Anh Đổ Chiêu Đức, bạn đồng môn của tôi, và cũng
là ông thầy Hán Việt của tôi. Anh email cho tôi: "NGHIỆM
驗 : là loại chữ Hài Thanh thuộc bộ MÃ 馬
bên trái chỉ Ý, và chữ THIÊM 僉 bên phải
chỉ ÂM, nên NGHIỆM nghĩa gốc vốn là TÊN của một loại
NGỰA quí chạy thật nhanh. Có 3 nghĩa thông dụng hiện nay của
chữ NGHIỆM là : 1. NGHIỆM là XEM XÉT, là KIỂM
TRA, như : XÉT NGHIỆM, Nghiệm Thi ( Xem xét xem tử thi chết vì lý
do gì ). Nghiệm Thu ( Xem xét kiểm tra để chấp nhận )...
2. NGHIỆM là HIỆU QUẢ, là Có Hiệu Quả, như Ứng Nghiệm,
Linh Nghiệm, Hiệu Nghiệm,... 3. NGHIỆM là CHỨNG NGHIỆM,
là Bằng Cớ, là Từng Trải, là Kinh Nghiệm. Cho nên...
NGHIỆM : có nghĩa chung là : Sự Hiểu Biết có Chứng Cứ, Từng
Trải hoặc Thông qua quá trình Xét Nghiệm hẳn hoi, chớ không
phải sự Hiểu Biết Khơi Khơi ! Vì vậy, ta có thể hiểu :
* TRẢI NGHIỆM : là
từ viết gộp lại của hai từ TỪNG TRẢI và KINH NGHIỆM, có
nghĩa : Những Hiểu Biết Kinh Nghiệm do quá trình Từng Trải
mà có được. TRẢI NGHIỆM là Cái Kết Quả có
Quá Trình !
* THỰC NGHIỆM : Chữ THỰC 實: là chữ Hội Ý, gồm
Bộ MIÊN 宀 là Cái Nóc Nhà ở trên và chữ
QUÁN 贯 là Tài Vật, Đồ Đạc bên dưới.
Ý chỉ : Đồ Vật đầy cả Nhà, nên THỰC có nghĩa
là GIÀU CÓ, Nghĩa phát sinh là ĐẦY ĐẶN, là CÓ
THẬT, trái với chữ HƯ 虛 là trống lổng không
có gì ! Từ đó, THỰC có nghĩa là THẬT như THỰC TẾ,
THỰC THỂ, THỰC TIỄN... Nên, THỰC NGHIỆM
: là Sự Hiểu Biết,Kinh Nghiệm có được thông qua Thực
tế có thật do mắt thấy tai nghe hoặc do Quá trình làm việc
hẳn hoi. Còn... * TRỰC NGHIỆM : TRỰC 直 : là chữ Hội Ý,
gồm chữ THẬP 十 là số Mười ở trên, bên
dưới là chữ MỤC 目 là con Mắt ở dưới.
Ý chỉ Mười con Mắt cùng đổ dồn về một hướng,
nên có nghĩa là THẲNG, như Trực Tiếp, Trực Diện, Trực Giác...
Nên, TRỰC NGHIỆM : là Cái Kinh Nghiệm,
Hiểu biết đến một cách Trực Tiếp thông qua những kiến thức,
kinh nghiệm CÓ SẴN từ trước. Vì thế... TRỰC NGHIỆM chỉ dựa vào quá trình
hiểu biết chủ quan rồi CẢM NHẬN ra sự việc, thiếu cơ sở vững
chắc như THỰC NGHIỆM và TRẢI NGHIỆM !" [xiii] Thời bấy giờ ở Việt Nam, nam, nữ đều búi tóc.
[xiv] Hàn-Hán Việt là lạnh, Thử--Hán Việt là nóng.
[xv] Xin xem: The Modern times, Charlie Chaplin. You Tube. Internet [xvi] Ngũ uẩn (zh. wǔyùn 五蘊, sa. pañca-skandha,
pi. pañca-khandha, bo. phung po lnga ཕུང་པོ་ལྔ་),
cũng gọi là Ngũ ấm (五陰), là năm (pañca)
nhóm (skandha) tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành
con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không
có gì gọi là cái "ta". Ngũ uẩn là: 1.
Sắc (zh. 色; sa., pi. rūpa), chỉ thân và sáu giác quan (hay còn gọi là lục căn, bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), do Tứ đại chủng (sa., pi. mahābhūta) tạo thành, đó là bốn yếu tố đất,
nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối
tượng của chúng. 2. Thụ (zh. 受, sa., pi. vedanā),
tức là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính. 3. Tưởng (zh. 想, sa. saṃjñā, pi. saññā),
là nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị...,
kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện. 4. Hành (zh. 行, sa. saṃskāra, pi. saṅkhāra),
là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng, ví dụ
chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh
giác. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện
ác... 5. Thức (zh. 識, sa. vijñāna, pi. viññāṇa),
bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý
thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thức phụ thuộc vào
sáu căn tiếp xúc với sáu trần để hình thành nên
sáu thức. Nếu không có thức người ta sẽ không phân biệt
được màu sắc hay âm thanh v.v Ngũ uẩn cũng được gọi
là năm ràng buộc vì chỉ có Phật hay A-la-hán mới không bị dính mắc nơi chúng. Đặc tính chung của chúng
là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh nhấn mạnh đến tính Không của ngũ uẩn. Nguồn: Wikipedia. [xvii] Theo ký ức, phỏng theo một truyện trong quyển ‘Le Livre unique de français,
par D. Lafferanderie.' [xviii] Wikipedia. Tống biệt Lá
đào rơi rắc lối thiên thai, Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi! Nửa năm tiên cảnh, Một bước trần ai, Ước
cũ duyên thừa có thế thôi! Đá mòn, rêu nhạt, Nước
chảy, huê trôi, Cái hạc
bay lên vút tận trời! Trời
đất từ đây xa cách mãi. Cửa động, Đầu non,
Đường lối cũ, Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.
[xix] Wikipedia. Tống Biệt. Đánh Giá. ____________________________________________________________________________________________________________________________
Tâm
Vô Trụ Chân
và Vọng Nguyễn văn Trường Chân ◊Truyện
Truyện
rằng: ‘Tanzan và Ekido trong lúc di
hành, gặp một cô gái đẹp, đang lúng túng vì không
thể qua ngả tư đoạn
đường lầy lội. Lập tức Tanzan bảo "Đi này cô bé."
Rồi Tanzan bế cô gái lên và đưa qua quãng đường lầy. Ekido từ đó không buồn nói một tiếng
nào cho đến khi cả hai dừng lại trong một ngôi đền. Rồi như
không còn chịu được nữa, Ekido lên tiếng nói với Tanzan
"Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn
bà, làm như thế là phạm giới và bị người đời
dị nghị ." Tanzan mỉm cười đáp "Tôi đã bỏ nàng
ở chỗ đó rồi, anh còn mang nàng theo đây sao?"[1] Đó là một câu chuyện thiền,
cổ điển, để minh họa "tâm vô trụ".
Tanzan không trụ ở giới luật, không ngại dư luận người đời,
không sợ sự quyến rủ duyên dáng của người đẹp, và
sau khi giúp người đẹp qua con đường lầy lội, không còn
giữ một hình ảnh nào của nàng trong tâm, cũng không nghĩ
tốt nghĩ xấu về việc giúp đỡ người đang gặp khó
khăn. Trái lại Ekido thì dính mắc ở giới luật, e ngại
sự dị nghị của người đời, và những ý nghĩ nầy
đã ở trong Ekido suốt cuộc hành trình sau khi người đẹp
đã qua đoạn đường lầy lội. Tâm của
Tanzan là tâm vô trụ. Tâm của Ekido còn
trụ ở giới luật, còn
e ngại dị nghị của người
đời. ◊Danh
xưng và con đường
tu học Trụ là
một từ Hán-Việt. Trong ‘Thành, Trụ, Hoại, Không' của
nhà Phật, thì ‘Thành' là thời kỳ từ sanh đến trưởng
thành, con người hay sự việc luôn biến đổi, hình thành,
lớn mạnh trong mọi mặt. ‘Trụ' là thời kỳ đã trưởng
thành, sung mãn cực đa, nên có một bên ngoài không biến
đổi. ‘Hoại' là thời kỳ hoại diệt, biền đổi tiêu
cực, từ có đến không. Sau đó là Không. Cái
may, cái rủi của người đời, hay bất cứ cái chi đều
phải qua các giai đoạn ‘thành, trụ, hoại, không'. Đó cũng là nghĩa, hiểu một cách đơn
sơ, trong các cụm từ: ‘trụ trì Phật Bảo'[2], ‘trụ trì Pháp bảo'[3]. Chữ ‘Trụ' nầy , từ Hán Việt, gồm bộ nhơn-đứng
bên trái-và chữ ‘chủ', bên mặt. ‘Chủ'[4]-Hán Việt- có nghĩa trong các danh từ đôi: chủ-nghĩa, chủ-thuyết,
chủ-hòa, chủ-ý, chủ-nô, chủ -điền, chủ hộ, chủ-lực,
chủ-tịch, chủ-tướng, v.v.... ‘Chủ' như nhấn mạnh trên cái
nghĩa là chủ yếu: Trong cái may sung mãn tận cùng
của thời-kỳ-thành-trụ, con người có thể cảm nhận như
đã thành đạt, rồi buông trôi trong thích thú, bằng lòng
và hưởng thụ. Người thì ‘chồng quan sang, vợ hầu đẹp,
thần tiên chi nhất thế'; người thì ‘công thành danh toại,
phỉ chí nam nhi, bia truyền tạc để',..Thậm chí có người
trở thành ngông, hô hào ‘nghiên đồng đổ nước,
thay trời làm mưa'[5]. Trong cái rủi kéo dài cùng tột,
thì có người ôm mãi hận đời, ‘trụ' ở đó,
‘nuôi hận thù thành sức mạnh', để, khi quyền lực đến
tay, kêu gọi: "Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ, Cho ruộng
đồng lúa tốt, thuế mau xong, Cho Đảng bền lâu, Cùng rập
bước chung lòng, Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!"[6] Cả hai thái độ hay chủ trương
nầy đều không tốt. Đó
cũng còn là nghĩa trong câu: "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ
tâm- 應無所住而生其心-- cần phải
không có chỗ trụ, thì cái tâm ấy
mới xuất hiện"[7]. Cụm từ ‘sở trụ' có thể làm cho ta nghĩ:
một nơi chốn, một cơ sở, một cây gậy, một vật
gì đó, một thang giá trị, để nương tựa, trú
ẩn. Cũng có người nghĩ rằng, ‘ưng vô sở trụ
nhi sanh kỳ tâm' có nghĩa là ‘nên vô sở
trụ để cái tâm kỳ diệu phát
sinh'[8]. Vô trụ là không trụ,
không dừng lại ở sự thành đạt nhất thời, cũng không
ôm mãi hận ngàn thu. Dừng lại là chấp nhận không tiến
triển. Cái gì không còn phát triển là đi vào thời-kỳ-hoại;
nói rộng ra là ‘chết trước khi chết'. Ôm hận thì nặng
lòng, làm tâm thức tối tăm, có mắt nhưng như mù, cho nên
mới thốt lên những câu thơ tanh mùi máu như trên đây.
Nói chung, tâm vô trụ
là tâm không ‘trụ', không dính
mắc ở
thành bại, ở
thói quen, tập tục,
giới luật,
định kiến,
ở những
giá trị, cũng không dính mắc
ở một
tâm thức-vui, buồn,
hờn ghen, sân hận-nhất
thời. Tâm mà không dính mắc
ở bất
cứ cái gì là ‘tâm vô trụ'.
Tuy nhiên, tâm vô trụ không là tâm trơ,
không xúc cảm, không tình, không ý, không biết
phải trái, không biết chánh tà. Hành
tâm vô trụ không là nhằm để ‘trở thành
như gỗ đá, vô cảm, vô tình'.
Hành giả--người thực hành tâm
vô trụ--cảm nhận cả
thất tình (hỉ, nộ, ái, ố,
ai, lạc, dục) và cũng bình thường
như mọi người trong nhãn nhĩ, tỹ,
thiệt, thân, ý. Nhưng không trụ,
không giữ lại, không dính mắc,
không cột mình vào những cảm xúc,
ý tình hay giá trị hay bất cứ
cái chi xảy ra trong tâm thức. Tâm vô
trụ càng không là: nhân danh vô trụ mà buông
thả trong dục vọng, ‘nếm
mùi đời cho đủ thứ mà chơi'. Vô trụ cũng là vô sở trụ: không có
một nơi chốn, một lý tưởng, một thang giá trị, một con đường
tu học cứng ngắt phải theo hay một cái chi ghi khắc
trong tâm-không có chỗ trong tâm, để ‘trụ', ỷ
lại, hay nương tựa vào đó mà phê phán hay hành xử.
Minh họa ‘tâm vô trụ', thật khó tìm được
hình ảnh nào rõ hơn bốn câu thơ của Tô Đông Pha:
‘Phong lai sơ trúc, phong khứ
nhi trúc bất lưu thanh, Nhạn quá
hàn đàm, nhạn khứ nhi đàm vô lưu
ảnh. Thị
cố quân tử sự lai nhi tâm thỉ
hiện Sự
khứ nhi tâm tùy không' ‘Gió qua lay trúc, gió đi rồi trúc không giữ âm thanh Nhạn lướt mặt hồ, nhạn đi rồi hồ không lưu hình ảnh
Người quân tử cũng vậy, việc xảy
ra tâm mới tiếp xử Việc qua rồi, tâm lại thảnh thơi'[9] Như gió đưa khóm trúc,
như chim nhạn bay qua mặt hồ trong-lặng, ‘người quân-tử, tức
là hành giả, khi sự việc tới thì tâm đón nhận, không
chờ đợi, không mong muốn trước; sự việc đi thì tâm lại
rảnh rang, trống không. ‘Sự lai nhi tâm thỉ hiện', tức là chỉ
khi sự việc đến thì mới để tâm nhìn nhận, với tất
cả tâm ý. ‘Sự khứ nhi tâm tùy không', tức là sự
việc đi qua rồi thì cái tâm ta theo đó mà trở thành vắng
không.'[10] ‘Tự lai, tự
khứ[11]' là cách nói tóm gọn ý trong bốn câu thơ của Tô
Đông Pha. Tự đến rồi tự
đi, không để lại một dấu
ấn nào trong tâm. Hình ảnh của chim nhạn tự in trên
mặt hồ rồi tự biến mất. Gió đến, cây khua, gió ngừng
âm thanh lặng. Nói khác đi
là tâm trụ tức là tâm còn giữ một
số dấu ấn. Nếu tâm còn giữ lại một dấu ấn, nhà thiền
gọi đó là niệm. Tâm vô niệm là tâm không vướng
mắc một niệm nào. Nói cách khác, tâm vô niệm là
tâm vô trụ. Niệm,
các hình ảnh còn thấy được trên mặt hồ khi nhạn đã
bay qua, hay dư âm xào xạt còn nghe được sau khi gió đã
ngừng mà cành trúc chưa ngừng dao động. Niệm
làm cho mặt hồ mờ đi hay không gian
còn ồn ào, tâm vì đó mà không nhận
thức được những sắc
thái khác, những âm thanh khác trong thực chất
của chúng. Vì vậy mà nói: niệm nhiễm tâm.
Tâm vô niệm theo đó cũng là tâm vô nhiễm. ‘Vô
nhiễm' là không bị các niệm-dư âm, dư
ảnh, ..của một kinh nghiệm nhất thời-làm ô nhiễm. Nhờ không
giữ lại, ta không bị dẫn, không bị điên đảo trong cái
rừng luôn khua động của các niệm, mà, trong cái nhìn vĩ
mô, Phật gia gọi là bát phong[12]. Không bị điên đảo, không bị qui định, không bị điều
khiển, nên cũng gọi là tâm thanh tịnh, thanh tịnh
như ‘mặt hồ tĩnh lặng'. Cũng
gọi là tâm giải thoát, giải thoát ra khỏi dấu
ấn của quá khứ, ra khỏi những qui định của môi trường.
Quá khứ có thể trở lại, nhưng rồi cũng tự đến, tự
đi. Thông thường, người
tu Phật nhằm được giải thoát ra khỏi cái chu kỳ ‘thành,
trụ, hoại, không' hay ‘sanh, tử, luân hồi'. Đó là con đường
Tứ Diệu Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Hoặc giải thoát
ra khỏi vô minh. Vô minh là dốt. Cái biết của
con người hoặc giới hạn,
hoặc chưa đến nơi đến
chốn, chưa rốt ráo, cho nên gọi
là vô minh. Vô minh là nguồn, làm duyên sinh sản mọi điên
đảo, khổ đau cho con người. Giải thoát khỏi vô minh là con
đường ‘Thập Nhị Nhân Duyên'[13]. Mỗi một danh xưng ghi một phương cách, một hướng tu
học, nhằm đạt một thành quả, một quả vị. Ngoài tâm
vô trụ, vô niệm, vô nhiểm, vô sở trụ, giải thoát, còn
nhiều tên khác nữa. Tâm hiện tiền, tâm
nhất tướng, tâm phi tư tưởng,
tâm phi thời gian[14]. Thế nhưng, nói chung, mọi phương
tiện, phương cách, con đường đều hướng về một cứu
cánh duy nhất: Tâm vô trụ, ‘Phật
tri kiến', ‘chân tâm', hay ‘Phật tánh',
hay ‘tâm chân như'. Những tên gọi
đó, theo nhà Phật, là cùng nghĩa. Quá trình
tu có thể tóm lược là ‘Khai, Thị,
Ngộ, Nhập Phật Tri Kiến',
mở, thấy, gặp, và là một
với chân tâm. Và trong giới hạn
những bài giảng, luận, mà chúng
tôi được học, hay đọc, thì
‘chân tâm' là cái tâm ‘chân thật bất
hư'-không hư giả, hằng
tồn, trong sáng, tuyệt đối thanh tịnh. ◊Hiện
hữu, Có, Không, Tâm vô trụ,
chân tâm, chân tật bấ hư? Hỏi: Chân tâm ấy hiện hữu, có
thật hay không? Đáp: Có. Có
thật. Vì theo Ngài Thần Tú, một vị Tổ thiền,
thì: ‘Thân thị Bồ Đề
Thọ, Tâm như Minh Cảnh Đài, Thời
thời cần phất thức,Vật
sử nhá trần ai.' [15] Có nghĩa là: ‘Thân là cội bồ
đề, Tâm như đài gương sáng,
Luôn luôn phải lau chùi, Chớ để
dính bụi bặm.'[16] Tướng của tâm như gương sáng, luôn phải chùi
lau. Có nhiều danh xưng, ắt có nhiều tướng khác nhau, sao lại
gọi là nhất tướng? Nhưng
cũng đáp là Không-vô tướng.
Vì theo Tổ Huệ Năng, Ngài dạy:
‘Bồ Đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài, Bổn lai vô
nhứt vật, Hà xứ nhá trần
ai ?' [17] Có nghĩa là: ‘Bồ-đề chẳng
phải cây, Gương sáng chẳng
nơi đài ; Xưa nay không một
vật;Bụi trần bám nơi
đâu'[18] Ngài Thần Tú nói có. Ngài Huệ Năng nói không.
Vậy tướng của tâm có thể là ba: Có, Không, và có
thể là vừa Có vừa Không? Vô tâm mà diệu hữu?
Hai vị
tổ sư thiền, cả hai, cùng một thầy và đều có khả
năng lãnh y bát của thầy, thế mà, Tổ nầy nói Đông,
Tổ kia nói Tây. Tôi thật sự
: Mù. Mù thì phải hỏi? tôi đã hỏi Internet. Đến
giờ nầy, vẫn chưa thông. Viết lên đây để mong được
học. Tuy nhiên, phải ghi rằng: hai lời đáp là hai nét cơ
bản cho hai trường phái: Tiệm tu:
Tâm như đài gương sáng, Luôn luôn
phải lau chùi. Ngày ngày phải tu tập. Đốn ngộ: ‘Bồ-đề
chẳng phải cây. Xưa nay không
một vật. Trực ngộ chân tâm.
Và theo đó, có một trường phài thứ ba, chủ trương: Tiệm tu và đốn ngộ: Phải tu luyện hằng ngày mới có
cơ duyên trực ngộ chân tâm? Tóm lại, Tu Phật nhằm
giáo ngộ chân tâm. Chân tâm bị nhiễm, bị bụi trần
che lấp. Tiệm tu là hằng ngày phải lau chùi. Vứt bỏ bức
màng vô minh-mà Phật gia còn gọi là ‘vọng'-thì trực
ngộ chân tâm. Đạo Phật là Đạo giác ngộ.
@@
Vọng ♦Tâm
vọng: hằng
biến-hư
giả-giả
hợp? Theo Phật gia,
Đối nghịch với chân tâm-hằng
tồn, bất biến, thanh tịnh, mà ai ai cũng có, bình đẳng- là
cái tâm hư giả. Hư là không
thực như trong ‘hư danh, hư ngôn'[19]. Giả cũng là không thực, như trong ‘giả
mạo'[20]. Cũng còn gọi là tâm giả hợp:
Đủ duyên thì thành, hết duyên thì
mất, như mây khói, có đó rồi
mất đó. Cái tâm ấy đổi
thay từng thời điểm một.
Phật gia còn gọi nó là tâm vọng. Vọng
nói: trông xa; như trong chiêm vọng (trông mong), danh vọng, uy vọng (mà
người thường mong ước), hoặc như trong ‘hy vọng, thất vọng,
tuyệt vọng'[21]. Không nên nhầm lẫn tâm vọng
với hư tâm là cái tâm ‘không tự
cho là đủ, còn cần phải học hỏi thêm'[22] Nếu chân tâm hằng tồn, tuyệt
đối trong sáng và tinh khiết thì tâm vọng
là hư giả, giả hợp,
trong cái nghĩa: đổi thay từng
thời điểm
một. Vọng
nói phù du, ảo ảnh, có đó rồi
mất đó. Nhà Phật
còn gọi tâm vọng là vọng
ngã, vì người đời thường đồng nhất mình
với nó, nghĩ rằng nó là chính mình. Đã nói chân tâm, phải xét vọng ngã.
Cái nầy soi sáng cái kia. Phần
sau đây dành cho vọng ngã. Chân
thuộc tiên thiên, con người ngay khi sinh ra đã sẵn
có. Đó là Trời, Chúa ban cho mọi người. Vọng thuộc hậu thiên.
Nếu đời người là cuộc hành trình từ sinh đến tử,
thì vọng ngã hình thành trong quá trình nầy. Vọng
ngã, trong một giới
hạn nào đó, là thành quả
của sự
dưỡng nuôi, của
giáo dục, của
kinh nghiệm bản
thân. Con người luôn phải thích nghi với môi
trường: trong bụng mẹ, trong gia đình, ở học đường, ngoài
xã hội, từ lúc còn là thai nhi, cho đến chết. Học ăn nói,
đi đứng-ăn coi nồi ngồi coi hướng, tiên học lễ hậu học
văn-sống theo gia phong, gia đạo; vào trường, học để luyện
mình trở nên một thành viên hữu ích của cộng đồng;
vào đời, học qua giao lưu với tha nhân, qua những kinh nghiệm chung sống,
và như thế mãi, ta tích lũy-kiến thức, giá trị, kinh nghiệm,
thói quen, ..để có một nếp sống-và tôi luyện tài khéo
và tính tình. Theo đó, ta xây dựng cho chính mình một
nhân cách, nhân phẩm, có danh, có
phận. ‘Phải có
danh gì với núi sông.' ‘Không thành danh cũng thành nhân.'
‘Vi nhân nan, vi nhân nan, làm người, khó! Làm người, khó!'
Là những câu mà ta thường nghe nhắc nhở. Hệ quả là
ta có một cái ‘tôi', một cái ‘ta', một hình ảnh về
mình, mà ta gán cho một nhản hiệu là tư
cách, nhân cách, hay danh phận của
mình, mà từ của
Phật gia là: vọng ngã.
Là người ai cũng có vọng ngã. Như đã nói,
vọng ngã là hậu thiên, ta tự xây dựng lấy. Luân hồi lục đạo- súc sanh, ngạ quỷ, atula, người,
trời? Nghĩ cho cùng, đó là những tâm thái-trạng
thái tâm linh- của con người, từ
cái sống bản năng-như thú vật-đến
sự thăng hoa cao độ của vọng
ngã. Trong cuộc hành trình từ sinh đến tử, trên thế gian,
không mấy ai tránh khỏi luân hồi trong cái nghĩa nầy, và luân
hồi luôn tái diễn. Con người vì đó mà đảo
điên, quay cuồng trong hỉ-nộ-ái-ố-ai-lạc-dục, trong khổ
lạc. Khóc rồi cười, cười rồi khóc. Phật
gia cho rằng cái nguồn của mọi
điên đảo, của mọi khổ
đau, là vọng ngã: Vọng ngã là tội
đồ. Vọng ngã che lấp chân tâm.
Ta mù vì tâm vọng, chẳng nhận
được chân tâm ngay trong ta, và vì thế,
ta khổ. R. Tagore nhận
thức trong ‘Thơ Dâng': ‘Tên
tôi là một nhà tù, Tôi đã tự nhốt mình vào đó
và tôi đang than đang khóc. Ngày
qua ngày, tôi đã dày công tô đắp bức
tường chung quanh. Ngày
qua ngày, nhà tù vươn tới trời
xanh; trong bóng tối của nó, tôi không còn
thấy tôi đâu nữa.'[23] ♦Giác Ngộ ‘Phật' hàm ý : giác ngộ hoàn toàn[24], viên giác. Giác ngộ
đầu tiên của hành giả là : ngục tù vọng
ngã-con người không thấy bất cứ cái chi ngoài nhà tù
nầy. ‘Ngày qua ngày, nhà tù vươn tới trời xanh; trong
bóng tối của nó, tôi không còn thấy tôi đâu nữa'.
Tiếng kêu của Tagore cũng là tiếng gào thét của những con người
giác ngộ-không phải là không nắm bắt được chân tâm-mà
là thấy mình đã mất mình-vong
thân-trong vọng ngã. Con người cảm nhận khổ sở trong cái
nhà tù nhỏ hẹp nầy của mình. Rất nhiều người chỉ có định kiến, thành kiến,
biên kiến, và tin chắc rằng vọng ngã là trụ đồng
kiên cố biện minh cho cái ‘tôi' vĩ-đại của mình, để
không thấy những gì khác. Bên trong cái ‘tôi' là ánh
sáng. Bất cứ ánh sáng ấy ra sao-mờ nhạt, chói mắt, xanh, vàng,
trắng, đỏ, khổ hay lạc-tôi bằng lòng nó, vì nó là
tôi. Thế là tôi tự giam mình trong cái ‘tôi' của
tôi. Sực tình, tôi giựt mình, ngộ
ra rằng, lâu nay tôi mù, tôi dốt vì không
biết bất cứ cái gì bên ngoài.
Và ngay chính mình, mình không biết mình là ai. Giác ngộ thứ hai: Thân phận con người
là con rối mà xã hội là ông thầy
tuồng? Nói giáo dục là nói có sự tác
động bên ngoài và phản ứng bên trong: có dạy, có
học, có tập luyện theo bài bản hay không theo bài bản.
Sống là tương quan với một xã hội
cụ thể trong một bối cảnh lịch sử cụ thể. Theo đó phải
nói ngôn ngữ của xã hội ấy,
theo những qui định của xã hội
ấy: qui định trong cấu trúc ngôn
ngữ, trong nghĩa các từ, qui định
trong nếp sống, phong tục tập
quán, luật pháp,... Đứa bé vừa chào đời
phải nhờ sự chăm sóc của mẹ cha mà sinh tồn. Không có
sự chăm sóc nầy đứa bé khó sống sót. Rồi nó được
chuyển giao một gia phong, gia đạo, những tập tục, truyền thống dân
tộc, nói chung là cả một di sản ngàn đời của tiền nhân
mà ít nhiều nó hãnh diện nhận lãnh. Một chuỗi dài
những tác động qua lại, theo đó, đứa bé tôi luyện
thành người hữu dụng. Tóm
lại, ngay từ lúc lọt lòng mẹ,
con người bị qui định, và như
thế suốt giòng đời. Rồi
đến một tuổi nào đó, con người như sực tỉnh, tự
vấn: Tôi là ai? Tôi phải chăng chỉ là sản phẩm của
các qui định của xã hội? Tôi phải chăng chỉ là anh kép
hay cô đào hát trên sân khấu mà xã hội-gia đình,
học đường và môi trường- là ông thầy tuồng, người
viết kịch bản? Vọng ngã, cái ‘tôi' vĩ-đại
của tôi, chẳng qua là một con rối
do trò đời điều khiển? ♦Tỉnh
thức! Tỉnh thức! Tôi từ chối cái
khám đường chật hẹp vọng ngã và khẳng định, tôi
phải ra khỏi đó. Ở đó, thiếu sinh khí. Tôi từ chối
và khẳng định không là một con rối cho xã hội luôn giựt
giây điều khiển. Tôi cảm nhận có một cái tôi-thực-chất,
một cái tôi-chân-như, mà tôi đã đánh mất. Tôi
đi tìm tôi. Cái vọng ngã ấy, không ý thức nó
thì không sao, mà ý thức nó rồi thì cảm thấy nó là
tội đồ, là nguyên nhân của vô minh, nguyên nhân cho sự tha
hóa, vong thân. Vong thân vì tôi cảm nhận
đã mất cái tôi-chân-như, cái tôi-thật-là tôi, mất
trong nhà tù vọng ngã. Vọng ngã lại là những sở đắc,
tích lũy suốt giòng đời, cho đến giờ nầy. Nói là
nhà tù, vì khi sực tỉnh, thấy rằng mình đã bị cột,
nhốt trong nó. Càng muốn tháo gỡ, càng muốn ra, càng bị thắt
chặt. ‘Không thành danh, cũng thành nhơn.' ‘Phải có
danh gì với núi sông.' Những câu tục
ngữ học đầu đời,
giản đơn, như câu thiệu
nghề võ, thế mà có hiệu quả
chết người, vì nó có thể
giam người trong một cái danh phù du, hão huyền,
hay chỉ trong một cái tên gọi. Cái tôi-chân-như là gì? Nó là một thực thể
rõ ràng, phân biệt với cái tôi-vọng-ngã hằng biến? Hay
vọng ngã là biểu hiện bên ngoài của cái-tôi-chân-như
bất-biến-hằng-tồn ở đâu đó bên trong? Hoặc cái tôi-chân-như
chỉ là kết quả của một lý luận, hệ quả logic của con người?
Vọng ngã là phù phiếm, hư giả, sinh tử, tử sinh, giả hợp,
phù du, thì có thể là những biểu hiện của một cái gì
chân như, hằng tồn bất biến hay không? Mọi
suy tư, mọi logic, mọi biện
giải đều là ngôn từ, qui ước,
và chỉ dẫn đến những
quan niệm, nguyên lý, nguyên tắc trừu
tượng đều không-thật-có
vì chỉ có trong trí não, trong luận
cứ. Nếu Phật-Tánh
chỉ là hệ quả của một
lý luận, suy từ cái vọng ngã-mà
tôi cảm nhận thật-có ở
mỗi thời điểm-thì Phật
Tánh chỉ là một ý niệm trừu
tượng. Theo đó cũng không thật.
♦Ở
đây, hình như mỗi
người phải
‘tự đốt
đuốc lên mà đi'.
- Tuy nhiên,
Đông đảo là những người
theo lời gọi của ‘thầy'-Đại Đức, Thượng-Tọa, Hòa
Thượng, Giáo Chủ: ‘Đời là khổ, hành khổ, hoại khổ,
khổ-chồng-lên-khổ, hãy theo ta, ta có con đường tu thoát-khổ?
Hoặc như một ông bạn tu hành rất mực của tôi dạy: tu là
để tịch diệt sinh tử,...?' Trong thực tế, nói khổ phải nói
lạc. Cuộc sống có khổ, có
lạc. Đời người là một
cuộc hành trình đầy khổ và
lạc, do có lắm vấn đề,
vô cùng đa dạng và phức tạp.
Thất tình lục dục, có đủ
cả và đó chỉ là cái nhìn vĩ mô. Không khổ làm gì có lạc? Không lạc
làm gì có khổ? Cuộc sống là vấn đề,
có lo âu, phiền toái, bực dọc, đổ mồ hôi, có khi cả
nước mắt, để thích ứng. Mà vấn đề là thử thách.
Thử thách khả năng-suy tư, tìm tòi, thử nghiệm, ứng xử,
hành động, giải quyết. Thử thách tính tình- siêng năng,
cần mẫn, kiên nhẫn, bền lòng, chịu khó, bình tĩnh, năng
động mà không dao động... Đó là cái giá phải
trả để
trưởng thành, để
có cái vui-lạc thú-- cảm
nhận mình lớn
mạnh. Cho nên không
nhẹ dạ
theo ‘thầy', không theo những
khẩu hiệu,
không theo những câu thiệu,
nhất là không theo những
lời lẽ
‘nhân danh'. Nhân danh Kinh, Tổ, hay Phật.
Cũng không có lời giải
lười biếng.
Không có bữa cơm
miễn phí. Muốn
được một
cái gì có giá trị, có bổ
ích, phải chịu
khó. Chân-tâm, Phật-Tánh? Tôi là ai?
Là gì trong cuộc đời nầy? Cái
ý, cái lý của cuộc sống? Đó
là vấn đề trọng đại
của cuộc hành trình còn lại của
tôi. Nó nằm trong tôi, bức thiết
với tôi. Tu là hành trì, trực nghiệm,
thực nghiệm, kinh nghiệm. Tôi phải
để công, để sức, để thời gian, không chỉ
nghe kinh, tìm hiểu, suy tư, lý luận,
mà thực chất phải hành, để
nhận thức khoảng cách giữa
tri và hành, lý luận và thực sống,
vọng và chân.
Vấn đề của
tôi không hẳn là của thầy-sư,
sãi, giáo chủ, giáo hội. Thầy là
người, cũng như tôi, có ưu, có khuyết. Cái biết của
thầy, cũng như của tôi, cũng giới hạn. cho nên không có lý
do để tôi giao cái việc khó khăn nhất của tôi-tôi là
ai? cuộc đời nầy là gỉ?-nhờ thầy giải quyết. - Có một số thầy
muốn lập giáo, xây dựng giáo hội, giáo phẩm, để ban pháp,
và đem pháp đến mọi người, mọi trình độ, cho nên
phải tạo duyên cho mọi người đến chùa. Thế nên, chùa
phải to, phải rộng, phải ‘hoành tráng', và như các chùa
Tàu, có xin xăm, có cúng sao, có cầu hồn, và chùa ngày
nay, có cả đại nhạc hội gây quỷ.
- Có thể vì thế nên trong nghi thức quy y, ‘thầy'
bảo người tín hữu phải
nguyện: "nương tựa, vâng lời,
phục tùng tam bảo"[25] Phật, Pháp, Tăng.
- Phật thì xa ở thời gian. - Pháp thì là cái rừng ngôn từ. Ngôn từ do qui định
của con người, như mọi vấn đề thuộc con người, nó hằng
biến trong nội dung và cả cấu trúc hình thức. Huống chi, kinh kệ
là truyền khẩu, rồi kiết tập-lần 1, lấn 2, lần 3-rồi đến
các tổ giảng theo các tổ, rồi phiên dịch từ Phạn, Pali,...Tam
sao thất bổn. - Còn lại là Tăng, mà đại diện là
hàng giáo phẩm VN mới hình thành từ
1963, và cần phải củng cố
và ổn định quyền bính. Thế
nhưng, vừa hình thành chưa được một thập niên thì đã
tranh chấp nội bộ--tranh chấp ảnh hưởng hay quyền lực-giáo hội
chia ra từng mảnh. Giờ lại có thêm tăng quốc doanh. - Xây dựng giáo hội, giáo phẩm, giáo quyền,
tổ chức thần quyền-theocraty-là việc của các ngài Tăng Thống,
Tổng Thư Ký, chủ tịch, tổng vụ trưởng, vụ trưởng, vụ
phó chuyên ngành-nội vụ, ngoại vụ, tài chánh, nghi lễ, cư
sĩ, tăng sự,...--không ‘mắc mớ' đến việc tu hành hay thân
phận làm người mà chúng ta vấn hỏi. Không nên can dự vào.
Chú tâm của hàng giáo phẩm là trật tự, đẳng cấp,
quyền bính, quyền lực,.., cho nên họ cũng không hiểu, không biết
gì nhiều về những vấn nạn của chúng ta.
- Xổ số, lô tô, đại nhạc hội, tiệc tùng
gây quĩ, bán đấu giá tượng Phật, ký sổ cúng dường
hàng tháng, mượn vốn không lời,... dâng sớ cầu an, cầu
hồn, ... giới thiệu ca sĩ, vận động xin tiền, xây chùa, xây
thêm phòng họp, trai đường,..cũng không can gì đến chúng
ta.
♦Hãy
trở về
với những
vấn đề
của chúng ta Đó là: - Tìm
lại chính mình. Tìm cái tôi mà mình cảm nhận
đã mất trong những qui định xã hội. Hoặc muốn rõ ý
nghĩa hay cho một ý nghĩa cho cuộc hành trình trăm năm nầy của
mình.
- Hoặc chỉ làm nhẹ những
ràng buộc của môi trường, đang đè nặng cuộc sống hằng
ngày.
- Hoặc đơn giản hơn nữa
chỉ là một sự là tỉnh thức. Ý thức ở mỗi thời
điểm về mình, về tha nhân, về những tương quan phức tạp-mình-và-môi
trường- trong quá trình đổi thay của cuộc sống. Tự tin mà
không cao ngạo, nghe giảng, nghe kinh mà tìm hiểu và kiểm nghiệm
trong thực tiển hằng ngày. Tin ở tam bảo mà không ỷ lại,
không mất mình trong tam bảo hay vì tam bảo. Tam bảo, mà dạy cầu
hồn, cầu phước, cầu an, cầu siêu thoát, là tam ma. Nói
khất thực-xin ăn-mà thật sự là xin tiền- là nói dối.
- Tỉnh thức cũng là trực nhận vọng
ngã. Trực nhận là sống ý thức ở mỗi thời điểm. Một
thời điểm, không đo lường được. Cho nên, không thể
diễn tả cái xảy ra ở một thời điểm bằng lời. Nó
vô ngôn, nhưng thật sự hiện
hữu ở thời điểm mà
nó xảy ra. Nhìn lại, ta có thể diễn
tả nó bằng lời, để ghi lại. Nhưng nó là
nó, lời không nói hết được,
và không lúc nào là trung thực với
nó. Lời chỉ nói được những
ký ức về nó, một hình ảnh
ít nhiều thô sơ của nó, mà
không là nó. Cho nên có câu: ‘Lời không nói hết
ý, ý không nói hết tình.' Huống chi là những sự việc
gồm cả tình lẫn ý, và những thứ khác nữa.
- Sự việc xảy ra ở một thời điểm là
thật có, thật sự hiện
hữu, nhưng nhất thời, có đó
rồi mất đó. Nó phù du, qua nhanh như
chớp, ta không nắm bắt nó được, không giữ
nó bất biến dù trong một thời khoảng ngắn, vô cùng bé;
nó không thuộc bất cứ ai, nó vừa hiện, liền biến mất.
Nó vô ngôn, không diễn tả được bằng những qui ước
của loài người. Cái-thật-nhất-thời nầy là tuyệt
đối thật: tuyệt đối trong cái nghĩa là nó tự hiện-hiện
hữu, tự biến-tự hủy diệt ngay sau đó; nó tự-lai-tự-khứ.
Vì ta không nắm bắt nó được, ổn định nó được
trong một thời-khoảng dầu rất ngắn, ta gọi nó là phù du, là
giả hợp, là hư giả, là vọng. Thật sự, bản chất
của nó-vọng ngã-là thật, nhất thời
thật có, nhất thời hiện
hữu. Còn tâm-chân-như trong giới
hạn hiểu biết và lý luận,
thì: bên ngoài là kết quả của
một lý luận, ít nhiều logic, vì
vọng mà nói chân, vọng nguồn của
khổ đau thì chân là nơi an nhiên tự
tại, vọng là phù du thay đổi, thì
chân là hằng tồn vĩnh cữu. Vọng chân đối kháng, thì nếu
vọng là phù du, thì chân cũng phù du. Tỉnh
thức là luôn vấn hỏi về
vọng và chân. - Nhưng Phật gia sẽ bảo: " Chân ở đây là chân thật tuyệt đối, ‘chân thật bất hư'. Kinh sách ghi chép như vậy. Và
Phật là Đức Giác Ngộ, giác ngộ sự huyền diệu của chân tâm.
Sư dạy: "Ai tu
nấy hưởng. Hãy theo ta, ta dạy cho con đường giải thoát." Tín hữu theo sư. Kẻ không
tin thì bảo sư lấy kinh kệ lấp miệng người. Đường Tăng-nhân vật chánh trong Tây Du Ký-khi tìm được chân kinh, thì thấy là kinh vô tự, không có một chữ?
Kết Luận:
Thêm một lần nữa,
xin lặp lại: Không có lời giải
lười biếng, Không có free lunch. ‘Hãy
tự đốt đuốc lên mà đi.'[26] Mỗi người chúng ta chỉ có
một cuộc đời để
sống, trên dưới trăm năm. Rất
giới hạn, phải biết trân
trọng. Đó là một cuộc hành
trình từ sinh đến tử. Càng đi,
càng khám phá. Khám phá là giác ngộ. Giác
ngộ: thật-giả, đúng-sai, đẹp-xấu,
giàu-nghèo, khổ-lạc,..., cái tính đối-đãi,
tương đối -nghiệt ngã hay may mắn-
của cuộc đời. Một sự
giác ngộ tạm thời, đúng đó
rồi lại sai đó, một sự
giác ngộ bất toàn, nhờ vậy
mà con người tiếp tục cuộc
hành trình, luôn mở rộng tầm nhìn,
luôn hướng thiện-cái thiện nhứt
thời tuyệt đối, nhưng
tương đối trong cuộc hành trình.
Một sự tương đối
nhứt thời, xảy ra ‘cùng
khắp' và thường
xuyên như có vẻ
vô tận và không bị
gián đoạn.
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI và
Francis I, gọi đó là sự độc tài chuyên chế của chủ
nghĩa tương đối-the dictatorship or tyranny of the relativism. Vậy thì Chúa
ở đâu? Chân-như ở đâu? Sự thật tuyệt đối, vĩnh
hằng ở đâu? ‘Hãy tự đốt đuốc lên mà đi.' ‘Trong quy y, ngoài sự quy y
còn lý quy y. ‘Lý quy y là trở
vế với
chính mình.'[27] Sư ở
chùa. Phật ở
tâm. ‘Nước của Đức Chúa Trời là ở
ngay trong bạn-the realm of God is within you." là tựa của một quyển sách
của Lev Tolstoy. Nó gợi ý: đừng tìm Nước của Chúa-sự
thật tuyệt đối--ở ngoài, mà phải nhìn lại bên trong chúng
ta. Cái ở ngoài-tiếp cận, tương giao với ngoại nhân-là
sự thật tương đối. Chân-như ở bên trong, thực chất là
nội tại, toàn vẹn bất khả phân? Tỉnh
thức là đốt ngọn đuốc
bên trong. Ánh sáng đến đâu, thấy đến đó. Không
có phép lạ. Phép lạ do Chúa, do Trời, do những ngẫu nhiên
ngoài dự đoán, tính toán của con người. Phép lạ
không là bùa chú, không do các pháp sư, cậu trạng, bà
bóng, thầy bùa, thầy chùa, sư sãi. Nhất thiết không
tòng phạm với giới buôn thần bán thánh. Người tu không để dính mắc ở trụ
hay vô trụ. Tu là tỉnh
thức. Tỉnh thức để buông xả?
Và lời sau cùng để suy nghiệm là
lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma: "Khi trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông
xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống,
thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác. Nếu một
người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu
buông xuống thì trí huệ chỉ có thể đạt đến ở
một mức độ nào đó mà thôi."[28] Houston, June 30, 20014 Ghi chú:
Chúng tôi chân thành cám ơn bác sĩ Nguyễn văn Vĩnh,
giáo sư Vương Thúy Nga, giáo sư và nhà văn Trần
Bang Thạch và ông đồ Đỗ Chiêu Đức đã
chịu khó đọc và góp ý. Nhờ vậy, chúng tôi có
những hiệu chính thích ứng.
[1] Internet [2] Phật tuy tịch rồi, còn tượng Ngài lưu lại, cũng như Phậtở
đời mãi, thế là ‘trụ trì Phật Bảo. Thiều Chữu.
Hán Việt Từ Điển. Tái Bản Lần thứ hai. trang 20 [3] Pháp tuy tịch rồi, nhưng kinh sách còn lưu truyền lại, thế
là ‘trụ.trì Pháp Bảo', Thiều Chữu. Hán Việt Từ
Điển. Tái Bản Lần thứ hai. Trang 20 [4] Thiều Chữu. Hán Việt Từ Điển. Tái Bản Lần thứ hai.
Trang 6 [5] Thơ Tố Hữu. Nguồn Internet [6] Thơ Tố Hữu. Nguồn Internet. [7] Duy Lực Thiền. Posted on 09/07/2013. Internet. [8] Nhi Chỉ Nhược. Giải thoát tức thì. Tâm Vô Trụ. Nguồn
: Internet. [9] Nguyễn Duy Nhiên, Ấm một Bình Minh. Sinh Thức 55-1. Phật học Online.
Trái Tim của Bụt. [10] Phật học Online. Trái Tim của Bụt [11] Từ mượn của một bức tranh Thiền của giáo sư Nguyễn Đức
Hiển. [12] "thịnh và suy, hủy và dự, xưng và cơ, khổ và lạc".
Tức là bát phong có bốn cặp: Một là hưng thịnh, lợi lộc
và suy sụp, điêu tàn. Hai là hủy báng, gièm pha và danh dự,
tiếng thơm. Ba là xưng dương, tán tụng và cơ bài, chỉ
trích. Bốn là phiền não, khổ đau và an lạc, hạnh phúc.'
Nguồn: Cư Trần Lạc Đạo, Bát Phong. Phật Học Ngày Nay. Internet
[13] Nhân là nguyên nhân, chỉ cho những sự vật chính đó là
nhân, trực tiếp sanh ra một vật khác, như hạt lúa lam nhân sanh
ra cây lúa. Duyên là trợ duyên, chỉ cho những vật gì có
tánh cách trợ giúp trực tiếp hay gián tiếp cho vật khác được
thành. Như phân, nước, ánh sáng, nhân công...là trợ duyên
giúp cho hạt lúa được thành cây lúa. Vậy nhân duyên
là chỉ cho các vật làm nhân cho nó mà cũng vừa là trợ
duyên cho tất cả vật chung quanh nó. Chữ "Nhân duyên"
lại có nghĩa thứ hai: Các vật đều là "nhân", các
"nhân" đó "duyên" với nhau mà thành ra các vật
khác. Như vôi, gạch, ngói, gỗ v.v...là nhân, các nhân này
duyên nhau (nương giúp) mà thành ra cái nhà. Vì các pháp
trùng điệp nhiều lớp làm duyên cho nhau, mà thành ra vật thế
này hay thế khác, nên trong kinh chép: "Chư pháp trùng trùng
duyên khởi". Thập nhị nhân duyên gồm có: 1. Vô minh,
2. Hành, 3. Thức, 4. Danh sắc, 5. Lục nhập, 6. Xúc, 7. thọ, 8. Ái, 9. thủ,
10. Hữu, 11. Sanh, 12. Lão tủ. Tạnh Thư Phật Học. Thích Thiện
Hoa. Phật Học Phổ Thông. Internet.
[14] Nhi Bất Nhực, Tâm Vô Trụ. Giải Tức Thì. Nguồn: Internet/
[15] Pháp Bữu Đàn Kinh. Internet [16] Pháp Bữu Đàn Kinh. Internet [17] Pháp Bữu Đàn Kinh. Internet [18] Pháp Bữu Đàn Kinh. Internet [19] Đào Duy Anh: Hán Việt Từ Điển [20] Thiều Chữ: Hán Việt Từ Điển. Lạc Thiện: Hoa Việt Thông
Dụng Từ Điển. [21] Thiều Chữu. Hán Việt Từ Điển [22] Thiều Chữu, Hán Việt Từ Điển. Lạc Thiện: Hoa Việt Thông
Dụng Từ Điển. Đào Duy Anh: Hán Việt Từ Điển.
[23] Nguyên Nguyên Huỳnh Hồn Cẩm. Nguồn Thiền. Nhà Xuất Bản Văn
Học Thông Tin. trang 34. [24] Thiều Chửu. Hán Việt Tự Điển. Lạc Thiện. Hoa Việt Thông
Dụng Tự Điển. Đào Duy Anh. Hán Việt Từ Điển.
[25] HT Thích Thiện Hoa. Phật Học Phổ Thông. Sự Quy Y. [26] Lời của Đức Phật. [27] HT Thích Thiện Hoa. Như Trên. [28] Nguồn. Internet _________________________________________________________________________________________________
DUYÊN MAY Bài nói
chuyện của GS. Nguyễn văn Trường trong buổi hội thường niên
HAHCSVYK Huế hải ngoại, 26 tháng 7, 2014
Thưa giáo sư Khoa Trưởng,
Thưa quý Vị, Quý Bạn, Và quý Anh Chị,
Tôi là Nguyễn văn Trường,
một người bạn đến với quý anh chị...không là giáo
sư tiến sĩ, phó tiến sĩ, không là bác sĩ, không là
cựu tổng trưởng, bộ trưởng, phần vì tôi không được
có những tước vị, và những học hàm đó, phần khác,
mấy cái danh vị nếu có được từ một thuở xa xưa , bây
giờ nhắc lại, nghe sao cũng có chút vị đắng. Cho nên, nếu
tôi được giới thiệu như một thành phần của tập thể
những người có gốc Huế, đi ra từ Viện Đại hoc Huế, có
dây mơ rễ má với Huế, có vợ Huế, có bạn Huế, biết
ăn cơm Huế, dầu không phải là Huế chay, Huế mặn, tôi cũng
sẽ sung sướng hơn nhiều. Và tôi xin gởi đến quý vị
lời chào trong cái niềm vui đó. Chúng tôi,
một số anh em ở Houston, có dự tính về miền đông
thăm bè bạn. Tuổi cao, cơ hội đi càng ít, nên nhân
biết anh em cựu sinh viên y khoa Huế họp mặt, chúng tôi về. Anh Lê
đình Thương, thấy chúng tôi ghi danh, có liên lạc với
tôi, và đề nghị giành cho tôi ít phút trò chuyện với
môi trường cũ, trong không khí của những ngày còn
trai trẻ. Tôi suy nghĩ về đề nghị của anh trong nhiều ngày, càng
nghĩ càng thấy như mình có được cho cái duyên, cái
duyên gặp lại nhau, duyên tương ngộ cùng bạn xưa, người
cũ, duyên được thêm bạn mới. Tôi suy nghĩ mãi, hai chữ
duyên may cứ ám ảnh tôi, để cuối cùng trở thành cái
đề tài tôi soạn để nói chuyện với các anh chị, với
quý vị tối nay. Xin cảm ơn anh Thương, các anh chị trong ban điều
hành, và cảm ơn quý vị hiện diện. Trong
đời sống, tôi được nhiều duyên may. Gọi là duyên
may, là cơ duyên,...gọi là vận số, gọi là cơ hội, chi chi
đó cũng được. Duyên may là một yếu tố tương hợp,
tương giao. Tôi người gốc miền Nam, Nam kỳ lục tỉnh chính
gốc, tầm nhìn có khi không xa quá đồng bằng sông Cửu,
bước chân đi không quá Bến Nghé, Thị Nghè,... Vậy mà
tôi đã được đi học tận bên Pháp. Số là vào
năm 1950, khi học chưa hết chương trình première thì học
đường Sài gòn xẩy biến cố trò Ơn, trò lên
đường, xuống đường, nay biểu tình, mai bãi khóa, xáo
trộn đến cùng cực, trường lớp đóng cửa. Vậy là
tôi được gia đình gởi cho qua Pháp học tiếp. Mấy năm
sau, vừa học, vừa làm, vừa đi dạy thêm kiếm sống, vừa chơi,
tôi cũng xong được học trình cử nhân, thêm cái DES về
toán. Nhưng càng ở lâu, tôi càng có cái ý muốn trở
về quê cũ. Tôi muốn về lại nhà, vì tôi không muốn
vĩnh viễn mất đi con người Việt nam trong tôi, và tôi biết
chỉ ở lại thêm một vài năm, tôi sẽ không còn cơ hội
trở về. Tôi cũng nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ xóm làng. Năm
1957, tôi viết một lá đơn gởi bộ giáo dục, xin cho cơ hội
trở về phục vụ. Không lâu sau, tôi được một lá thư
dài của cha Luận, khuyến khích tôi về làm việc với cha,
với Viện Đại học tân lập ở Huế, với nhiều hứa hẹn
về quyền lợi, và những điều kiện làm việc tốt. Tôi
không biết chi về Huế, nhưng ngày đó còn trẻ, điếc
không sợ súng, không đắn đo cân nhắc nhiều, tôi về,
rồi đi Huế. Khi quyết định về Huế, thật lòng mà nói,
tôi đã không nghĩ đến quyền lợi, mà chỉ nghĩ đến
cơ hội, cơ hội san sẽ và phục vụ. Người buồn nhất cho
quyết định của tôi là mẹ tôi, vì mẹ tôi cứ nghĩ
đi Huế là đi ngoại quốc, là đi xa lắm, như đã bỏ
lại mẹ mà đi như mấy năm vừa qua. Cận
hè 1957, tôi đến Huế nhận việc. Tôi là một người trẻ
đầu tiên, không gốc rễ, từ một nơi xa, đến một xứ
xa, để nhận một cái việc chưa rõ là việc chi, với
một chức vụ mơ hồ và nhỏ nhất, thấp nhất trong nấc thang
đại học: giảng nghiệm viên. Ngày đó đại học Huế
hầu chỉ mới có cái tên, và cái nghị định thành
lập, chưa có trường ốc, chưa có lớp học, chưa có sinh
viên, chưa có giáo trình, chưa có một đội ngũ giáo
sư cơ hữu. Tất cả cái có của Huế chỉ là trong trí
não, trong dự tính, có nghĩa là chưa có chi hết. Tôi được
cấp cho một phòng trên lầu Thư Viện, khá khang trang, ăn cơm
tháng, ngày ngày đi bộ đến chỗ làm, loe que mấy mống
nửa thầy, nửa thợ, ngơ ngơ ngác ngác, không biết bắt đầu
từ nơi mô.
Rồi lần hồi, từ cái trạng
huống sơ khai khập khểnh đó, hình thành một cơ sở, từ
cái mông lung, hình thành một nền giáo dục, một tiến
trình, một cơ sở văn hóa cho một thành phố,
giữa cái được gọi là kinh đô văn vật. Sau tôi, thêm
một số người trẻ trở về, hoặc tìm đến, cũng không
nhiều-chỉ năm bảy người, Lê Văn, Lê Tuyên, Nguyễn văn
Trung, Trần Nhật Tân, Trần văn Bé,... Trở về, cùng đến
trong một ý niệm, một quyết tâm, một ước muốn được
truyền đạt từ cha viện trưởng đến từng
cá nhân người cộng sự: giúp cho những người
dân Huế, những con người trẻ nghèo, thua thiệt, mà chịu khó,
chịu cực, hiếu học, một duyên may, một cơ hội học hỏi,
thăng tiến. Từ cái tâm niệm đó, mà Viện đại
học Huế thành hình với cái bản sắc sơ khởi, để
từ đó, mau chóng phát triển, trở thành một định chế
có căn bản và đẳng cấp, có quy cũ, nề nếp, có
cái hồn, có tư tưởng, có ngôn ngữ, có tập tục, lễ
nghi. Sự phát triển của đại học
Huế những năm sau đó chắc không cần phải nhắc lại. Viện
đại học Huế đã khắc phục được khó khăn, những
khó khăn nhiều khi tưởng không thể vượt qua, để trở thành
một đại học thứ hai của miền Nam với hầu hết mọi phân
khoa. Chỉ một điều đặc biệt mà tôi muốn nói tới, là
từ ngày khởi lập cho đến nhiều năm về sau, đại
học Huế vẫn chưa thể hoàn bị một đội ngũ giáo
sư cơ bản, với những điều kiên về bằng cấp, học
vụ, công trình nghiên cứu,... thỏa đáng. Tại sao vậy?
Thật khó nói! Tại vì cái vị thế địa lý non bất
cao, thủy bất thâm, tại lòng người, hay tại những hờn ghen của
đất trời ? Tại vì Huế nghèo, và chặt lòng quá, Huế
không cho ai một cơ hội? Hay bởi không đủ quyến dụ, thiếu
điều kiện thăng tiến!!! Cái thực tế đó càng
cho thấy sự hiện diện của chúng tôi, ban giảng huấn thường
trực với những người trẻ tuy có thiếu tầm cở, nhưng
mang cùng tâm huyết, mang tính san sẻ, hòa đồng, ...hợp cùng
những người sinh viên trẻ thành một khối tương tri, tương
ngộ, hòa nhập, thích ứng. Và cái tinh
thần đó là căn bản trong tiến trình trưởng thành đặc
thù của Viện đại hoc Huế từ khởi đầu, cho đến về
sau, hay ít nhất cho đến sáu năm sau, lúc tôi rời Huế: Đó
là một môi trường giáo dục không nặng tính áp đặt,
mà nặng tính san sẻ, chuyển hóa. Giữa chúng tôi,
vượt trên nguyên tắc thầy trò, quân sư phụ, là một
thực tế tương quan cọng sinh, nương nhau, giúp nhau trong một nỗ
lực đồng tiến. Vì dạy là học, là đào sâu vào
những điều thủ đắc, để hiểu thêm về những điều
đã biết, khơi rộng hơn, và truyền bá đến người
khác. Khi khả năng chuyển đạt càng mạnh, tác dụng truyền
bá càng hữu hiệu, cái dạy và cái học mang tính lưỡng
lợi. Và như vậy, cái dạy và cái học cùng mang một nghĩa
như nhau. Đó là cái đặc thù bất biến của giáo
dục, là cái lợi thế của những cơ sở giáo dục mà
chưa có những cái khung cứng ngắc đóng hộp cá thể vào
trong định kiến, định chế. Cái đặc thù này
thường chỉ có thể tìm thấy, bắt gặp trong những môi trường
giáo dục mới, cởi mở, chưa bị gò bó bởi truyền thống,
gạt bỏ ra ngoài những cố chấp, những ý niệm và vị thế
tự cho là tuyệt đối. Trong
tinh thần đó, tôi đã ở lại làm việc với đại
học Huế trong suốt sáu năm, để được chứng kiến sự
trưởng thành, và những thành quả của nỗ lực. Tôi
đã được thấy, được tham dự, trong một thời gian ngắn
ngủi, bao lớp sinh viên tốt nghiệp các trường khoa học, sư
phạm, luật khoa, văn khoa,...các viện hán học, mỹ thuật, âm nhạc,
...từ đó đi ra, nhập vào giòng đời với bao niềm hảnh
tiến, tự tin, và thành đạt. Trường đại
học y khoa Huế cũng đã thành hình, và trưởng thành trong
bối cảnh chung đó. Đã không có một đại học y khoa
nào được thai nghén và tượng hình trong một thời gian kỹ
lục, và trong một hoàn cảnh khó khăn như vậy. Chỉ không
đầy hai năm, một ý nghĩ, một dự tính không tưởng đã
trở thành hiện thực, trở thành một thực tế. Tôi không
biết nhiều về những diễn biến chi tiết của từng giai đoạn,
nhưng trên đại thể tôi vẫn nghĩ từ những quyết
tâm của một ông tổng thống nặng lòng với Huế, của một
ông viện trưởng biết khai thác thời cơ, óc thực tế của
bác sĩ Lê khắc Quyến, cơ hội đã được nắm bắt,
phối hợp thiên thời, địa lợi, nhân hòa, trong một giai đoạn
chính trị ổn cố nhất của miền Nam. Sự quyết tâm đối
diện với nhu cầu, với thực tế, và trên hết là ý
thức công bằng, chia xẽ đã thắng vượt trở ngại.
Ý thức công bằng đó phát sinh từ sự đồng đều
trong cơ hội, trong duyên may cho mọi người. Thời
giờ, và bối cảnh của một bài nói chuyện không cho phép
tôi dông dài đi vào chi tiết của những điều đáng tự
hào, những khó khăn, những niềm vui, những giọt nước mắt,
những đau thương trong đời sống của ngôi trường đó.
Các bạn biết và nhớ rõ hơn tôi. Các bạn và
những vị đã sống chết với trường y khoa Huế bây giờ
đang đã và đang ngẩng mặt nhìn lên, hãnh diện và
tự hào về những đóng góp, về những khởi đầu, về
nơi chốn từ đó đi ra. Tôi cũng không dám nói đến
những thành quả, những đóng góp của tập thể những
bác sĩ y khoa Huế đã cho cộng đồng quê nhà, và
hải ngoại cùng những hội nhập vào cộng đồng y khoa quốc
tế, dầu có biết bao nhiêu điều hay, điều tốt tôi muốn
nói tới, từ từng cá nhân tôi được biết, cho đến
quý vị giáo sư, khoa trưởng tôi thường được nghe nhắc
nhở. Bây giờ, về già, tôi vẫn thường
nghĩ đến hai chữ duyên may, thành bại qua hai chữ số phần, cơ
hội. Cho nên tôi vẫn thấy quyết định về làm việc ở
Huế của tôi là đúng. Đó là chưa nói đến những
ân sủng đã đến với tôi như một dự phần trong quyết
định.Ước chi trong cuộc đời có được những
cơ hội san sẽ, cho nhau một chút duyên may. Với một chút duyên
may đó, bao nhiêu người đã vươn lên, và cuộc sống
đã tốt hơn, đã đẹp hơn biết bao. Sau 1963, Huế nói chung, và đại học Huế nói riêng
chìm ngập trong đấu tranh, trong thù hận, ngột ngạt. Trong một dịp
về Sài gòn công tác vào khoảng cuối hè 1963, đang lang thang
trên đường Phan Thanh Giản, tình cờ tôi gặp người bạn
cũ, giáo sư Trần văn Tấn. Ảnh rủ tôi ghé thăm giáo
sư Phạm Hoàng Hộ, ngày đó mới được bổ nhiệm làm
tổng trưởng giáo dục. Ông Hộ đã giữ tôi lại làm
việc trong bộ, để rồi từ đó tôi đi vào hệ thống
cấp quyền trung ương. Lại cũng là một tình cờ, một duyên
may. Và như vậy, tôi đã bỏ lại đàng sau một thành
phố của tôi, một phần đời của tôi, quê hương của
Mẹ những đứa con của chúng tôi, những bạn bè, những người
học trò thân quý. Bây giờ, gần sáu mươi năm sau, Huế
vẫn là của tôi, bên tôi, một phần đời của tôi. Bên
tôi, như người vợ giòng họ Hồ đắc của tôi. Bên
tôi, như những người học trò cũ của tôi, như dòng sông
Hương, như núi Ngự đã ấp ủ tôi, chia xẽ buồn vui.
Cũng trong phòng hội hôm nay, tôi có một người
đàn anh, một người bạn cũ, giáo sư Lê Thanh Minh Châu,
nguyên Viện trưởng Viện Đại học Huế, và phu nhân, Giáo
sư Tăng Thị Thành Trai, vị khoa trưởng Luật khoa đầu tiên của
Huế. Giáo sư Châu đã dính liền với đời sống
của Đại học Huế từ buổi đầu, năm 1957, cho đến ngày
cuối của đại học trong chế độ miền Nam. Có giáo sư
Châu ở đây, mà không nói đến những thành quả do giáo
sư đã đem lại cho Viện Đại học Huế là một sự thiếu
sót lớn. Vì giáo sư Châu là biểu tượng của
sự ổn định, sự phát triển và tồn tại của Viện ĐH
Huế, nhất là trong những năm 1970-1975. Sau 1975, tại hải
ngoại, giáo sư Châu là Chủ tịch hội đồng khoa lưu vong,
cùng các giáo sư Nguyễn văn Hai, Đinh Văn Tùng, bác sĩ
Bùi minh Đức, làm việc bên cạnh tổ chức AMA lo cho các
bác sĩ Huế hội nhập vào sinh hoạt của cộng đồng y tế Mỹ. Cũng hiện
diện tối nay, trong không gian này, chúng tôi biết có bà Đinh
Văn Tùng. Chúng tôi xin các bạn giành một phút tri ân
cho những người thân của chúng ta. Tôi xin cảm ơn quý Vị và các Bạn. NVT ________________________________________________________________________________________________________________________
THÂN PHẬN CON NGƯỜI ●Nguyễn Văn
Trường ◙.MỞ ĐẦU: Felix Culpa
1. Câu
chuyện Trái Cấm. 1.1. ‘Rắn là loài
xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Ðức
Chúa là Thiên Chúa đã TẠO ra. Nó nói với người
đàn bà: "Có thật Thiên Chúa bảo: các ngươi không
được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” Người
đàn bà nói với con rắn: "Trái của các cây trong vườn,
thì chúng tôi ăn được, trừ trái trên cái cây ở
giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: các ngươi không được
ăn, không được động tới, kẻo phải chết." Rắn
nói với người đàn bà: "Chẳng chết chóc gì đâu!
Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây
đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ như những
vị thần biết điều thiện, điều ác." Người
đàn bà NGHĨ RẰNG trái cây đó ăn thì ngon, trông thì
đẹp mắt, và đáng quý, vì làm cho mình được
tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả
chồng đang ở đó với mình CÙNG ăn.’
Thế rồi, tổ tông loài người—Adam
và Eva—bị phạt. Chúa phán với Adam:
“Ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi,
mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Ngươi sẽ
phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở
về với đất, vì từ đất, ngươi đã được
lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi
đất.’ 1.2. Trái cấm—the forbidden fruit— cũng có tên là
trái tri thức—fruit of knowledge, còn có tên là - trái cho sự biết
thiện và ác—fruit of knowledge of good and evil.
a/ Nói
là trái của tri thức, trái của sự biết thiện và
ác, vì ăn nó xong, Adam và Eva biết thịện, biết ác, thị
phi hai ngã. Nói là trái tri thức cũng vì ăn nó xong, Adam và
Eva biết xấu hổ: ý thức về mình—nói riêng, bản
năng và dục tính, về môi trường chung quanh, về cái khác
mình. Nói rộng hơn là biết nhiều ‘mặt
đối lập’ của một sự việc: Phải quấy, đúng sai, giả
chân, tốt xấu, hay dỡ, được thua, thành bại, mạnh yếu, nhanh
chậm, vui buồn, bạn thù, tôi và môi trường….Một cách
tổng quát hơn, Đông Phương gọi là âm dương.
b/
Nói là trái cấm, vì Chúa cấm không được
ăn..
2. Có người gọi cái tội tổ tông là Félix Culpa—Phước
Tội. Tội nhưng cũng là phước. 2.1. Tội:
Vì làm trái lời của Chúa. Và bị răn phạt: -Bị đuổi xuống trần . -Eva: đau đớn khi thai nghén, cực nhọc
lúc sinh con. -Adam: Phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn.
Chết sẽ trở về với cát bụi. Cũng là tội vì
Adam và Eve đánh mất sự trong trắng, bắt đầu xa rời Chúa.
Tội lỗi không chỉ trong nghĩa đen—không vâng lời Chúa—tội
lỗi còn có thể hiểu là con người mang Satan hay Ma Vương ngay
trong tự thân. Lòng con người có hướng thiện,
muốn điều lành, hướng lòng mình về Thiên Chúa, nhưng
Satan đã ở sẵn, nằm sâu trong tiềm thức, trong dục tính, dục
tình. Tuân tử khẳng định: ‘Nhơn chi tính ác’. Con người
vốn ác. Plautus cũng có nói:’Homo homini lupus’—con người
là sói với con người. Tuy ý thức thiện ác, nhưng con người
cũng theo sự thúc dục của bản năng và dục tính mà
hành sự. Theo đó thường bước qua những giới hạn của
tình lý mà gây nên tội. Nói chung Thánh và Satan, Phật và
Ma Vương cùng hiện hữu trong tâm thức con người. Có
lẽ vì vậy mà người Mỹ cũng gọi Holy Spirit là Ghost Spirit.
2.2 Và
cũng là Phước: - Phước là vì nhờ đó
mà có loài người. Có chúng ta hôm nay. - Cũng là
phước vì chúng ta biết thiện ác. Và trong giới
hạn nầy, con người trở thành như Chúa. - Khi biết bên nặng bên nhẹ, bên thiện
bên ác, thì ắt có lựa chọn. Muốn
chọn bên nào cũng được. Vậy phước còn là có
tự do lựa chọn. Mở đầu cho khái niệm tự do cho con người. - Cũng là phước vì ‘nhàn cư vi bất thiện’—nhàn
rỗi không tốt cho con người. ‘Tay làm hàm nhai là
phải.’ Không có cái gì là miễn phí. Nói theo người
Mỹ: ‘There is no such things as a free lunch.’ - Phước nhất là: Trong con người
có Ngôi Thứ Ba—Chúa Thánh Thần. Hay nói theo nhà
Phật, mỗi người đếu có Phật Tính. Điều nầy mở
ra cho con người con đường trí huệ.
◙.THÂN
PHẬN CON NGƯỜI
Thân phận như định
mệnh, trời sinh ra thì phải thế. Cho nên, tôi nhờ câu chuyện
‘ăn phải trái biết thiện biết ác’ mà dẫn nhập vào
đề. Là con người--thì ắt phải biết thiện biết ác.
Đảo lại bất cứ sinh vật nào mà biết thiện biết ác
LÀ CON NGƯỜI. Như vậy có thể nói biết thiện biết ác
là một điều kiện cần và đủ để làm
người. Cũng vì vậy mà gọi đó là một
quan điểm về thân phận.
Trong ba pần đầu chúng
ta bàn về thiện ác, phần thứ tư dành cho quan điểm về thân
phận.
Một. Thế nào là thiện, thế nào
là ác? Xưa, ở VN ta thì “Thương cho roi, cho vọt,
ghét cho ngọt cho bùi”. Ở Pháp và Mỹ cũng tương
tự. “Qui aime bien châtie bien”. “Spare the rod, spoil the child”.
Xưa như vậy—cho roi vọt— là thiện, là xây dựng đứa
con, dạy dỗ cho nó thành người. Nhưng nay mà còn
cho con roi vọt, thì ở Mỹ nầy, và có thể ở Pháp, cha mẹ
sẽ gặp những phiền toái nhất định với chánh quyền.
Riêng ở Mỹ, chắc chắn cơ quan CPS , nếu biết, sẽ can thiệp
ngay, và người cha hay mẹ, mà cho con roi vọt, phải gặp nhiều rắc
rối, phiền phức, có khi còn phải ra tòa. Vậy có nên chăng
kết luận rằng không có cái thiện của muôn nơi muôn thuở.
Và tương tự, không có cái ác của muôn nơi muôn
thuở. Không có thiện tuyệt đối, không có
ác tuyệt đối? Hoặc là: Thiện ác tùy qui định của
một xã hội cụ thể, của một nền văn hóa cụ thể, và
vào một thời khoảng cụ thể? Theo đó, cái thiện hay ác
ở VN, vào một thời điểm nào đó, không là thiện hay
ác ở Indonesia cùng thời điểm hay ở một thời điểm khác.
Hay nói theo Pascal: ‘Sự thật bên nầy dãy Pyrénées là
sai ở phía bên kia.’ Hiểu rằng: Sự thật là thiện,
cái sai là ác.
Trong một nền văn hóa có những nền
văn hóa con, và nền văn hóa cháu, chắt mà chịu ảnh hưởng
của nền văn hóa nầy. Thí dụ: Các bác sĩ—hay
kỹ sư, hay thợ mộc, thợ máy,..—có một nếp sống, ngôn
ngữ và những giá trị riêng của họ, và nếu họ ở
VN, thì họ tạo nên một nền văn hóa con của nền văn hóa
VN. Gia phong, gia đạo là những nền văn hóa con của nền
văn hóa môi trường sống. Và như vậy, mỗi cá
nhân đều có một nền văn hóa riêng, một thang giá trị
riêng, dù rằng chịu ảnh hưởng gia phong, chịu ảnh hưởng môi
trường sống.
Theo đó, thiện là cái gì thuận cho cá nhân
mình, và ác là cái gì nghịch ý của mình, có phải
vậy không?
Tóm lại, câu hỏi một có ba phần: 1-1.
Không có thiện không có ác tuyệt
đối, ở muôn nơi muôn thuờ? 1-2. Thiện ác được qui định bởi thang giá trị
của môi trường sống ở một thởi điểm hay thời khoảng
lịch sử nhất định? 1-3. Thiện chủ quan? Cái gì
thuận cho mình là thiện? Cái gì nghịch với mình là ác?
Hai Sư dạy: ‘Mọi người đều có Phật
Tánh.’ Sư cũng nói: ‘Phật cũng có dạy: ‘Phật cao bao
nhiêu thì Ma Vương cũng cao bấy nhiêu.’ Tôi không
mấy khi tin ở Sư, vì rằng tôi chưa sẵn sàng để được
ban pháp. Tuy nhiên, về điều nầy thì tôi tin. Nói
rõ hơn, tôi tin rằng Phật thì thiện mà Ma Vương
thì ác; tôi cũng tin rằng trong mỗi người đều có
Phật tính, và cũng có Ma tính. Tôi cảm nhận trong tôi
có một thang giá trị để phê phán: thiện ác, đúng
sai, phải trái,… và tôi sống theo thang giá trị đó;
tôi luôn muốn mình hành thiện, làm phải, tri hành hợp nhất
và đúng. Đồng thời, tôi cũng bị thất tình
lục dục sai khiến, có những thèm muốn tà tâm mà tôi
nghĩ rất là người. Lắm khi những thứ ấy ẩn náu trong tận
sâu xa, trong tiềm thức mà tôi không hay biết, và tôi
chỉ nhận ra sau khi đã làm điều đáng tiếc. Lòng muốn
biết thiện, làm thiện là ông thiện trong tôi. Những
thúc đẩy do tà tâm là ông ác trong tôi. Thiện cũng là
tôi mà ác cũng là tôi. Mặt khác, có những cái
tôi biết, có những việc tôi mù. Cái biết của
tôi soi sáng cho tôi: đó là Ông Thiện. Cái không
biết của tôi, phần mù của tôi: đó là Ông
Ác. Câu hỏi thứ hai gồm 4 phần: 2.1.
Trong mỗi người có một từng trên, biết thiện ác, và ai
ai cũng có một tâm lý hướng thiện: đó là Ông Thiện.
Cũng có một từng dưới, sâu trong tiềm thức những đòi
hỏi rất là người mà không biết thiện ác là gì,
như quỷ đói, đòi con người phải đáp ứng thỏa đáng
cho kỳ được. Có phải vậy chăng? 2.2. Cái
biết của con người thì giới hạn, cái không biết của con
người thì vô cùng. Nếu cái biết của mình
là Ông Thiện. Cái không biết của mình là Ông Ác, thì
ra: trong cái nhìn nầy, Ma vương trong con người cao hơn Phật? Trong
cái nhìn ‘biết và không biết,’ một ông bạn tôi,
trong một buổi thuyết trình, cách đây khoảng hai thập niên, có
nhận xét: ‘cái biết của con người mỗi ngày một rộng,
luôn mở rộng giới hạn của nó và theo đó đẩy lùi
huyền học. Ví như ánh sáng đến đâu thì
bóng tối phải nhường bước. Có thật như vậy không?
Nếu thật, thì mong được quí vị cho một thí dụ minh
họa nhận thức nầy. Nếu được trong lãnh vực y
khoa hay thần học thì quá tốt? 2.3. Còn có những
nét gì khác nữa trong con người mà ta có thể sánh với
Phật và Ma? 2.4. Nếu thật có cái gốc Ma trong
con người, và nếu con người không ngừng tiến bộ thì đời
người—hay loài người—là một chuỗi dài trừ diệt
ma chướng. Hay nói theo Nhà Thờ, sanh ra đã có tội,
và cuộc đời là một chuỗi rửa tội, diệt quần ma? Hay nói
theo nhà Chùa thì cuộc đời là một chuỗi dài giác ngộ--ngộ
rằng mình sai, ngộ rằng mình đang mê ngủ--rồi tỉnh thức,
sửa sai, và như thế mãi,..đúng-sai, sai-đúng,..?
Ba Có người
bảo: thiện ác là hai mặt của một đồng tiền.
Nói cách khác: số 0 và số 1 của hệ thống nhị phân trong
toán học. Phải ít nhất là hai—khác biệt—mới kết
hợp được với nhau mà sinh ra vô cùng. Chỉ sáu
hào tiền, mà sinh được 64 quẻ Dịch. Từ 0,1 sắp vào
8 chỗ, người Mỹ gọi là byte, chấp những bytes với nhau, theo những
qui định cụ thể--một thứ văn phạm—ta có ngôn ngữ của
các máy tính điện tử; thí dụ: Pascal, Fortran, Cobal, C, C++, Java,…
Nói khác hơn nữa ‘0, 1’là âm dương. Âm dương tương khắc mới sinh ra vô cùng. Thiết
nghĩ, người đàn ông—tượng trưng cho dương tính—dù
có giõi như Phù Đổng Thiên Vương, hay Tề Thiên Đại
Thánh cũng không sanh con đẻ cháu được. Cũng tương
tự một phụ nữ--tượng trưng cho âm tính—dù có tài
như bà Nữ Oa đội đá vá trời, mà không có người
đàn ông thì cũng không sanh sản được. Phải đủ âm
dương, mới sanh một rồi hai, nhiều và vô số. Cho nên xưa có
câu: Lưỡng Nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát Quái,…
Câu hỏi duy nhất: Có nên
tổng quát hóa các khái niệm thiện ác, đúng sai, phải
trái, phước tội, mê ngộ, giả chân, phàm thánh,…,
gồm tất cả vào hai chữ ‘âm dương?’
Bốn Âm dương tương khắc, tương sinh. Cái
nầy dứt khoác đối nghịch với cái kia, nhưng cái nầy cũng
xác định cái kia. Cái nầy là nhân và cái kia là quả,
của nhau. Không có cái nầy thì làm gì có cái kia. Âm
dương cũng tương tác và là nguồn cho sự không ngừng
biến đổi của những chuỗi dài sinh tử, tử sinh, còn mất,
mất còn. Âm dương nói thiện ác, phải trái,
đúng sai, hay dỡ, trên dưới, sang hèn, xấu tốt, phước tội,
…, nói chung là hai mặt đối lập của mọi sự việc. Trong
âm có dương, trong dương có âm—như trong lá cờ của
Nam Hàn. Vậy 4.1. Trong thiện có ác, trong ác có thiện?
Âm có
cái lý, sự, và cái thật của nó. Dương có cái
lý, sự, và cái thật của nó. Nói cách khác
hai bên thiện ác, đối kháng nhau, nhưng bên nào cũng có
cái lý và cái thật của nó.
Nếu được như
vậy thì dưới đây là quan điểm thân phận làm người
mà tôi muốn trình làng:
4.1. Thân phận con người là
Âm-Dương. Nó nằm trong ý, nghĩa và tình
của hai chữ Âm Dương trong những bối cảnh sống cụ thể của
mỗi người. Cho phép tôi lấy một hình ảnh để minh họa
điều nầy: Con người không khác người đi dây trong gánh
xiếc, lúc nghiêng bên nây—âm , lúc nghiêng bên kia—dương.
Chỉ có khác, là người đi dây được tập luyện
nhuần nhuyển, lập đi lập lại một thao tác cả ngàn lần có
thể đứng lại, đi tới, đi lui, hay cả nhảy múa trên dây,
và có những biện pháp an toàn bảo vệ khi rủi ro bị té
ngã. Còn với con người, cái dây là đường
đời, bên dưới là vực thẳm, và chẳng bao giớ có dịp
gặp lại một tình huống in hệt để thao tác, tập luyện; và
trong bất cứ tình huống nào cũng phải bước tới; nếu mất
thăng bằng, rơi xuống, thì kết thúc cuộc đời. Mưa nặng
giọt, giông bão, tuyết lạnh, cũng phải bước tới. Mỗi phút,
mỗi giây, là một tình huống mới. Đó là thân
phận. Thân phận của con người vì thế mà động.
Động là không tĩnh. Động là năng động. Đời
người là đổi thay, con người là đổi thay. Luôn
tiến về phía trước. Phía trước là cái mới.
Cái mới là cái chưa biết, có lắm chuyện bất ngờ,
bất cập, không tiên đoán được. Vậy có
thể nói thân phận con người là một thân phận phiêu lưu,
bất ổn, hiểm nguy rình rập, xảy ra không biết bất cứ lúc
nào. Điều nầy tạo cho con người một tâm trạng bất ổn.
Thế nên con người luôn thèm muốn một sự ổn định
bền vững, một tịnh độ vĩnh hằng, một thiên đàng vĩnh
cữu,… Đó là một tâm trạng mâu thuẫn với thân phận,
và có thể là nguyên nhân của khổ đau. Sống, luôn
là thay đồi, trở thành một cái gì đó. Chết,
đối nghịch với sống, là một cái gì đó không đổi
thay, bất di dịch, vĩnh hằng, vĩnh cữu. Như vậy, nước tịnh độ,
thiên đàng, niết bàn, cái thèm muốn nhất của con người,
để an ổn, phải chăng là cõi chết? 4.2. Cũng phải
ghi rằng: ‘Người đi dây có luyện tập, thì con người
–tuy không được tập luuyện như người đi dây—nhưng
cũng được dạy để chung sống với đời. Có
thể đó là những nguyên lý thực tiển như ‘chồng quan
sang, vợ hầu đẹp, thần tiên chi nhất thế,’ hay chung
chung như: để ‘có danh gì với núi sông’, hoặc ‘không
thành danh cũng thành nhân,’ Từ lọt lòng mẹ cho đến trưởng
thành, con người được dạy dỗ mọi thứ: ăn uống, cầm
đũa, muỗng, nĩa, dao, ‘ăn coi nồi ngồi coi hướng,’ rồi
vào trường thì ‘tiên học lễ, hậu học văn’, ‘gọi
dạ, bảo vâng’, ‘nhân, nghĩa, lễ, trí, tín,’ ‘cách
vật, trí tri, cùng lý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc,
bình thiên hạ,’….Nói chung gia đình, học đường luôn
uốn nắn con người theo những qui định ít nhiều rõ rệt của
luật pháp, của phong tục tập quán, của luân thường đạo
lý. Ở Việt Nam, thời Cộng Hòa chúng ta, thì Hội đồng
Quốc Gia Giáo Dục xác quyết phương châm: Nhân Bản-Dân Tộc-Khai
Phóng, cho nền giáo dục quốc gia. Nhân Bản là nói
tính người, tình người, bản chất con người. Nhưng
không phải là con người nói chung ở muôn nơi muôn thuở,
mà là con người của dân tộc VN, ở đất nước VN, trong
thời khoảng lịch sử trước mặt. Cho nên, phải nhấn
mạnh hai chữ Dân Tộc. Và có lẽ, các nhà giáo
dục VN, thời bấy giờ, ý thức rằng dạy, trong một giới hạn
nào đó, có nghĩa là đóng khung con người trong
một thang giá trị, trong một nếp sống văn hóa, thầy ra thầy,
trò ra trò, cha ra cha, mẹ ra mẹ, …, trong một ước vọng ít
nhiều rõ ràng. Đã đóng thì phải mở.
Từ đóng bao hàm cái ý là thiếu sinh khí, là kiềm
hãm sự phát triền. Cho nên, phải thêm vào : Khai phóng.
Vì mục đích của giáo dục không là kiềm hãm con
người, mà là nhằm để con người phát triển, để
cái di sản của tiền nhân luôn được thêm giàu mạnh
và phong phú.
Nêu lên những điều nầy, tôi muốn nhấn
mạnh sự e ngại rằng: không khéo con người sẽ mất mình trong
nền văn hóa mà mình thọ lãnh.
Cho nên, khi đọc: “Tên tôi là một nhà tù, Tôi
đã tự mình vào đó, và tôi đang khóc. Ngày
qua ngày, tôi đã dày công đắp bức tường chung quanh. Ngày qua ngày, nhà tù vươn tới trời xanh; trong bóng tối
của nó tôi không còn thấy tôi đâu nữa” của thi hào Rabindranath Tagore, tôi cảm nhận được phần nào sự bức xúc của ông
về thân phận.
Và tôi nghĩ đến câu tự vấn:
‘Tôi là ai?’ ‘Tôi là cái gì trong thế giới
nầy?’ của các nhà hiện sinh. Phải chăng tôi chỉ là những
vai trò mà xã hội qui định? Tôi không khác những các
vai trên sân khấu? Là vai trò người tình, là vợ, là
chồng, là cha, là mẹ, là vua , là tôi,…. luôn phải diễn
xuất như thật? Vậy thân phận của tôi là thân phận con rối,
do một bàn tay vô hình của xã hội giựt dây? Thân phận
của tôi—cũng là thân phận con người—là thân phận
con thằn lằn, sống với cây xanh thì mang áo màu xanh, sống trong
đất thì lấy màu của đất. Nhưng tệ hơn: con thằn lằn:
tuy khoác áo, màu của môi trường sống, nó vẫn là thằn
lằn, còn tôi, tôi bị qui định trong tận trong tâm sâu xa nhất
của tôi bởi những giá trị mà tôi được dạy, do gia
phong, do học đường và xã hội ngay từ lúc tôi lọt lòng
mẹ. Tôi cảm nhận: tôi đã mất tôi. Tôi cảm
nhận: Con người không khác con tằm. Mình bị qui định –-
không để nhả tơ—mà tìm mọi cách để tạo thành
một cái kén; mình tự nhốt mình trong ấy, trong một cái ‘tôi’vĩ đại. Cái ‘tôi’ấy—cái ego ấy—càng lớn,
thì tính vị kỷ--egocentrism—của mình càng to. Đến
một mức độ nào đó, mình mất cả sinh khí trong cái
kén-tôi-to-lớn của mình. Có người đồng nhất mình
với sở hữu mà mình tích tụ suốt giòng đời: cái
nhà của tôi, điền đất của tôi, trương mục, stocks của
tôi, tư tưởng của tôi, sự nghiệp, công trình của tôi,
vợ con tôi,…. Tỉnh thức, tôi muốn trở về với tôi,
tôi muốn tìm lại tôi. Lên chùa hỏi
Sư. Sư dạy: ‘Cái tôi qui định là vọng ngã. Cái tôi
thật của mi là chân tâm. Vọng ngã là hư giả.
Vọng ngã rơi. Chân tâm hiện tiền.’ Nghe
dễ ợt, nhưng đến giờ tôi vẫn chưa gặp được chân
tâm. Hỏi cha linh hướng. Ngài bảo: ‘Cái tôi
ấy là cái tôi giả (false self). Nếu cái tôi ấy
chết đi, thì sẽ thấy Chúa.’ Trở về với Chúa là trở về
với cái Chân Thật Tuyệt Đối. Bỗng nhiên, tôi giật mình,
như bừng tỉnh. Vô hình chung, tôi, theo thói quen, lại
muốn học đạo, học cái cách để tìm lại chính mình,
cái cách để không phải vong thân. Nghĩ lại tôi
suýt tự cột mình thêm một lần nữa—chặt chẽ hơn—
trong tam qui ngũ giới, và thêm một lần nữa tôi suýt vào lại
con đường học để tự đánh mất mình—không trong
những qui điều của thế gian—mà trong những giới luật khắc
khe hơn của tôn giáo.Tóm lại, nếu phải nêu lên
đây một quan điểm về thân phận, tôi xin thưa:
Thân phận của tôi
là nhị nguyên—âm (A) dương (D), đối nghịch nhau, nhưng xác
định lẫn nhau, không có cái nầy thì không có cái kia.
Trong thực tiển sống, người ta gọi đó là thiện ác,
đúng sai, chân hư, phải trái, trên dưới, giàu nghèo, sang
hèn, ổn định và bất ổn…. A và D tương tác cho ra
B, thì tức khắc sẽ hiện hữu một đối nghịch C của B.
B và C xác định lẫn nhau như A và D, và như thế mãi…
Con người có thể như con tằm suốt
đời nhả tơ, tạo thành cái kén, để tự giam mình trong
ấy, mất mình trong ấy. Và mình chỉ thật sự sống
khi ngộ ra rằng mình tự chôn mình trong những sở hữu—tài,
sắc, danh, lợi, kiến thức, giá trị, ,..—và tỉnh thức, mượn
lời của Phật Gia, mình tự mở cửa nhà giam—vô môn quan--tự
giải thoát mình ra những sở đắc của tự thân. Thân
phận con người là một chuỗi vô tận tìm lại mình, ‘thành
ý, chính tâm’ mà cốt yếu vẫn là đối với tự
thân. Hay như người xưa dạy: phải Vô kỷ? Vô công? Vô
danh?
Trong cả hai cái nhìn, có những băn khoăn, cấn cái
của nó; chấp nhận phiêu lưu, nguy hiểm, hay là ổn định trong
cái kén nhỏ bé của cái tôi? Thật là: Tội của
tôi, mea culpa Mong được bằng hữu chỉ giáo. Houston, TX April 22, 2013
Nguyễn
Văn Trường
Kinh Thánh Cựu Ước.
Sáng Thế Ký. Bản dịch Việt Ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các
Giờ Kinh Phụng Vụ. Chương 3 1-6 .Internet
SỢ · GS..Nguyễn Văn Trường .
Quanh bài nói chuyện ở Hội Cựu
Giáo Chức VN và Thân Hữu Houston, Chú Nhật 07/31/2011 .
Một
Sợ
là gì?
1. Có hai cái
sợ: A: Chúa Nhựt nầy, mời anh chị đến chơi, nhân
sinh nhật của nhà tôi. B: Tôi sợ rằng chúng tôi không
đến được,.... Cái sợ của B không là sợ mà
một lời từ chối nhẹ nhàng
Nhưng,
‘Yêu là chết ở trong lòng một ít Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu . Cho rất nhiều song
nhận chẳng bao nhiêu ; Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết
...’
là tình yêu cân-đo-đong-đếm. Còn e ngại,
sợ mất mát, được-thua, lời-lỗ.
Cái sợ trong bài nầy
là trong cái nghĩa của trường hợp thứ hai. Nhưng sợ là gì?
Theo Wiktionary[i], thì ‘sợ’ là một động
từ có nghĩa là: 1. ‘hãi’. 2.
‘một trạng thái tâm lý của con người khi lo quá về các mất mát có thể đến
cho chủ thể, tổ chức hoặc các cá thể có liên quan về sự toàn vẹn, sự biến đổi, sự giảm sút về lượng hoặc chất về mọi mặt tinh thần, tình cảm, vật chất, quyền lợi’
Định
nghĩa 1 nói: ‘Sợ’ tức
là ‘hãi’. Vậy, -
‘Hãi’ là gì? - ‘Hãi’ là ‘kinh’. -
‘Kinh’ là ‘sợ’. Vậy , Thay một từ nầy bằng
một từ khác,‘sợ’ bằng ‘hãi’, ‘hãi’ bằng
‘kinh’ , rồi ‘kinh’ bằng ‘sợ’, mà không
định nghĩa ‘hãi’ hay ‘kinh’ là gì. Đó
chỉ là một cách chơi chữ, phù phiếm, có thể làm rối,
làm loạn, làm phức tạp thêm cái mà vốn là đơn giản
dễ hiểu như khái niệm về ‘sợ’.
Còn định
nghĩa động từ ‘sợ’ bằng ‘một trạng
thái tâm lý…’ thì e rằng tôi thay cái ‘sợ’—dễ,
gần, ai cũng hiểu, cảm nhận được—bằng những từ ngữ
thông thái, chuyên môn—trạng thái tâm lý, chủ thể, cá
thể, ….— ít quen thuộc, trừu tượng, khó hiểu hơn. Vã lại, định nghĩa là qui định cái nghĩa.
Điều nấy có thể là việc ‘gói nước trong bao giấy’:
Cái sợ là thật. Thật sống. Đa
dạng vô cùng, sâu sắc vô củng, phạm vi rộng, cường độ
sâu, vì là thuộc lãnh vực tâm lý—mỗi cảnh mỗi
khác, mỗi người mỗi khác, cùng một người mà mỗi
thời điểm mỗi khác. Vừa gói nó vào một bao giấy, thì
nó đã thấm thấu vọt ra ngoài.[ii] Ý tại ngôn ngoại, có văn nào
gói được ý đâu. Sợ không chỉ có ý
mà còn là tình, rộng hơn, sâu sắc hơn nhiểu. Thôi thì, hãy chấp nhận ‘sợ’ là một
từ ngữ ban đầu, từ đó ta xây dựng những từ ngữ khác.
Chúng ta sẽ rõ nghĩa của từ ‘sợ’ qua các thí dụ:
Có người sợ gián, nhện, rắn,
lên cao (acrophobia), xuống nước (aquaphobia), không gian khép kín (claustrophobia),
bị xã hội ruồng bỏ (social rejection), sợ thất bại, sợ chết…
Riêng tôi, soạn một
bài nói chuyện với bạn bè thân thương, không có gì
dễ sợ hay đáng sợ. Cũng không có gì mà khi nghĩ đến phải phát sợ. Chắc chắn là không hú
hồn, kinh khiếp. Nhưng thật thà mà nói, tôi
có lo sợ, hay đúng hơn, e-sợ.
Sợ rằng không đem lại cho buổi hôị ngộ một
không khí vui tươi, sống động. Tuổi trẻ ham sống,
tuổi già tham sống. Trẻ, sinh lực tràn đầy, lúc nào cũng
muốn ôm lấy cuộc đời, tất cả, như để nuốt trọn,
một lần một mà thôi, trong chỉ một sát na mà thôi, để
nghe thấy hết mọi mùi vị của cuộc sống, vụt chảy khắp châu
thân, thấm thấu mọi giác quan, lan tộng và sâu thẩm trong tâm
hồn. Cho đã, cho hả. Những lúc ấy, thật không
biết sợ. Thế nhưng, cũng có lúc, họ trầm mặc, lo âu về tương lai, lo ngại cho cái
job. Cuộc sống vốn vô thường. Đổi thay rõ nét,
và nhanh chóng, gần như trong mọi lãnh vực; nói riêng trong kinh
tế, kinh doanh, kỹ nghệ. Và điều nầy tạo ra một tâm lý
bất ổn, bất an, một tâm lý
sợ, có lẽ không hãi, không kinh, không khiếp, nhưng có
khi cũng ơn ớn, nhất là
trong một thoáng nhớ lại lúc phải đôn đáo tìm việc
làm. Già là thu đời. Cũng có thể
xem là cuối thu, hoặc thu chuyển sang đông, hoàng hôn của cuộc
sống. Quỷ thời gian càng vơi cạn, mỗi thời khắc càng trở
nên trân quí. Cho nên, phải nhâm nhi, từng chút, từng chút
một. Mùi vị, cay, đắng, ngọt, bùi. Đủ cả rồi.
Nếu còn chút gắn bó với cuộc đời, đến đây
hôm nay, có thể vì là tình bè bạn, tri kỷ, tri âm. Cũng
có thể là muốn tìm một cái gì tinh tế, phiêu diêu,
nhẹ nhàng, thoát tục. Thế nhưng lại vấn
hỏi vế cái chết. Chết rồi sẽ về đâu. Cho nên,
lắm người công quả, ấn tống (kinh hệ), cúng chùa, cúng
sao,.., làm mọi cách để an tâm cho kiếp sau. Hoặc
nghĩ đến thân phận khi vào các trung tâm chờ chết
(dying centers). Nghĩ đến mà kinh hoàng. Nhưng cũng có tuổi già mà còn rất trẻ,
và tuổi trẻ đã sớm già. Và tôi phải thích ứng
với mỗi lứa tuổi. Và tôi không biết
tâm trạng hôm nay của bất cứ một thính giả nào. Cho nên:
sợ.
Vậy,
tuy không sợ hãi, hoảng hốt,
kinh sợ, nhưng tôi có lo âu,
e-ngại, băn khoăn là không biết sẽ đáp
ứmg được sự chờ đợi của thính giả của tôi hôm
nay?
Kết để mở đầu 1. Trên đây là những thí
dụ để chúng ta cùng chấp nhận nghĩa của từ ‘sợ’—cũng như những từ liên quan
—như là từ ngử ban đầu, cần thiết để xây dựng
những từ ngữ khác. 2. Những thí dụ nầy, ít nhiều nói lên
‘một trạng thái tâm lý của con người khi lo quá về những khả năng bất ngờ xảy ra có thể đến
cho chủ thể--chủ thể nầy có thể là một tổ chức, một tập thể, hoặc một cá thể 3. Phạm vi ‘sợ’ rất rộng: từ “e dè, lo ngại, hồi hộp”, đến
“sợ, hãi, kinh, khiếp,
từ băn khoăn, lo âu”, đến “dễ
sợ, đáng sợ, kính sợ, hãi hùng, kinh hoàng, hoảng hốt”,
từ cái sợ trừu tượng, trong tưởng tượng như
sợ ma đến “run sợ, sợ
tái mặt, sợ té đái, sợ đến chân tay co rúm, sợ đến
bất tỉnh, sợ đứng tim”, thật là cả một
phạm vi rộng lớn nói lên sự phong phú của ngôn ngữ sợ,và
sự giàu có của mức độ khác nhau của mỗi thể
loại.
Cái trạng
thái tâm lý ‘sợ’ nầy có thể rất tự nhiên. Ai ai
cũng có sợ, nhiều lần sợ, sợ suốt cuộc đời, bất cứ
lúc nào[iii]. Sợ ma quỷ, sợ thần thánh, sợ trời phạt,
sợ dơ (thiếu vệ sinh),sợ nghèo, sợ đói, sợ dốt, sợ
vợ, sợ trộm cướp, sợ chiến tranh, sợ đám đông,
sợ cô đơn, sợ mất thể diện, sợ thất bại, sợ quả
báo, sợ công an,.. thật không sao kể xiết. Tuy
nhiên, trong cái nhìn vĩ mô, chúng ta có thể phân biệt hai
loại ‘sợ’: Loại 1: Cái ‘sợ-bẩm
sinh’ hay cái sợ tự nhiên. Loại 2: Cái
‘sợ-tâm lý’, hình thành theo giòng đời. .
Hai ‘Sợ-bẩm
sinh’?
a/ Tôi xuýt té xuống vực thẩm. Thật hú hồn, may mà
tôi bám được nhánh cây gần bên. Con chó vồ tôi, may
mà tôi kịp đóng ngay cái cửa. Đó là do phản ứng
sinh tồn, phản ứng nầy phát xuất từ cái sợ
chết, sợ bị thương, sợ tai nạn.
Nhờ biết sợ mà
con người có những phản ứng tự nhiên như thế để sống
còn, khi gặp phải hoặc cảm nhận gặp phải những nguy hiểm cho
bản thân. Nói cách khác ‘sợ’ là bản năng
phòng thủ bảo vệ bản thân.
Theo đó, sợ là cần thiết cho cuộc sống. Nếu không
có cái cảm giác sợ đó, thì con người sẽ hoàn toàn
thụ đông, không một phản ứng nào để tự bảo vệ
trước những đe dọa thật sự trong đời sống.
Cái
sợ nầy ai ai cũng có, tiềm tàng tận sâu trong lòng,
không biết tự thuở nào và tự động tạo những phản
ứng chớp nhoáng, tức khắc. Vậy nó có là bẩm-sinh
không? b/ Theo Tuân-tử[iv], tâm lý con người gồm hai phần: Tính và
Ngụy. Tính là ‘trời sinh ra đã thế, không
thể học và cũng không thể làm ra được’, ‘chẳng
đợi phải làm gì mà sau mới như vậy.’ [v] Ngụy là ‘cái ở người,
học rồi mới biết, làm rồi mới thành,’ ‘cái sinh ra tự
nhiên không được như vậy, tất phải đợi làm gì
mà sau mới thành được như vậy.’[vi] ‘Tính thì
ai cũng như ai, tính thánh nhân cũng như tính người thường’.
Tính, trong đó có tình, thuộc tiên thỉên. Ngụy thuộc
hậu thiên.
Tuân Tử thuộc Nho gia, mà theo Nho Giáo
thì ‘tình’ gồm có: hỷ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục[vii].
Vậy, theo Tuân Tử, ‘sợ’, cũng như ‘mừng,
giận, thưong, ghét,‘muốn’, là ‘cái trời
sinh ra đã thế’. Thánh nhân và phàm phu cũng sợ như
nhau. Tuy nhiên, cái duyên đưa tôi đến
với ‘Tuân tử’—quyển Tuân Tử--không là cái sợ,
mà là bốn chữ ‘Nhân chi tính ác’—tính người
vốn ác.[viii] Thế thì cái xã hội loài người—bản tính vốn ác—đáng sợ
lắm.
Cái tính
ác, chính yếu là do lòng dục—lòng ham muốn, tình yếu
thứ 7—của con người.[ix]
Sợ và dục, trong một giới hạn nào đó, là hai mặt
của một sự việc: Dục nói lòng ham muốn. Lợi, danh, tài, sắc.
Đã có thì sợ mất. Chưa có, thì sợ muốn mà chẳng được, sợ công sức đầu
tư chưa đủ, còn sợ mạng trời không cho.
Cho nên, riêng cho cái sợ, có nên mượn thầy Tuân để
kết luận rằng sợ là bẩm-sinh, tiên thiên, nhưng cũng
có cái hậu học—hóa ngụy—tích tụ suốt giòng đời?
Văn minh loài người là một giòng chảy không ngừng, không
dửng ở thầy Tuân, hoặc ở một thời điểm nào. Người
thời nay, với sự phổ biến sâu rộng của khoa học và kỹ thuật
đã có cả một kho văn chương, triết học, khoa học, rất
đa dạng, để mở rộng tầm nhìn. Chỉ cần lên net—thí
dụ Google hay Yahoo—tìm Fear hoặc Sợ và chọn lựa.
Ba.
Con người là con sói của
loài người ?
Nói ‘tính ác’ của Tuân Tử, thì nghĩ đến
câu ‘homo homini lupus’ của Plautus[x]. ‘Con người là con sói của loài người.’
Nói bi thảm hơn là: người ăn thịt người, hoặc con người
là kẻ thù dễ sợ nhất của loài người. Thomas Hobbes[xi] là một trong đông đảo những người
trích dẫn câu nầy của Plautus. Như Tuân Tử, ông muốn cho một
hướng đi, một giải pháp ‘bình thiên hạ’, một ‘thiên
hạ’ sống trong hòa bình. Ông không nói
tiên thiên, không giảng hậu thiên. Ông phân biệt con người
trong hai trạng thái: Trạng thái tự nhiên—state
of nature— và trang thái xã hội phồn thịnh—commonwealth.
Trong trạng thái tự nhiên,
con ngưởi sống vô chính phủ, và có
nhiều tự do. Nhưng, ‘trong bản chất, con người có ba nguyên nhân
để gây nhau: cạnh tranh (competition), đa nghi (diffidence[xii]), danh tiếng (glory).’ ‘Cái thứ
nhất làm con người xâm chiếm để đạt lợi; cái thứ
nhì, vì an ninh, cái thứ ba, vì danh tiếng.’ ‘Cái thứ nhất: dùng bạo lực để chiếm
đoạt con người của người khác, vợ, con, và gia
súc; cái thứ nhì: để tự vệ; cái thứ ba: cho những tiểu
tiết—một tiếng nói, một cái cười, một ý kiến khác,
hay bất cứ một dấu hiệu nào làm xúc phạm, hoặc trực tiếp
hoặc phản ảnh qua những người thân, bạn bè, xứ sở, nghề
nghiệp, hoặc tên tuổi của họ.’ ‘Bởi đó, trong thời
gian mà con người sống mà chưa có một quyền
lực nào giữ cho nó kính và sợ, thì con người luôn
ở trong tình trạng chiến-tranh’[xiii], người với người. ‘Đây không
phải là đánh nhau trong nghĩa thông thường mà là cái căng
thẳng, luôn sẳn sàng dùng bạo lực, để giải quyết những
bất đồng, và cứ giữ trạng thái đó cho đến khi chắc
chắn rằng sự bất đồng không còn nữa. Trong một tình trạng
căng thẳng như vậy, thì không cách gì cần cù làm ăn
lâu dài, con người luôn ở trong bất ổn, lo sợ hiểm nguy chết
vì bạo lực. Cuộc đời vì vậy mà luôn cô độc,
đáng sợ, đáng ghê, nặng nề, ngắn ngủi, và không khác
con thú là bao nhiêu.’ Ở trạng thái tự nhiên, con người
là con sói đối với loài người. Ở
trạng thái xã hội, mà mỗi người bằng lòng nhường
(hay từ bỏ) những tự do của mình, cho một ông vua, cho một nhóm
người, để họ có đặt quyền tổ chức để bảo
vệ an ninh trật tự xã hội—thì, chừng ấy ‘con người
là Thượng Đế (God) của loài người.’
Cái sợ, sợ bất an, lòng muốn có
hòa bình, đẩy con người tổ chức thành bộ tộc,
thành quốc gia, mà tộc trưởng, triếu đình, nhà nước
hay chính quyền là những pháp nhân được trao quyền—quyền
cai trị, quyền lực tối cao. Đó là khởi đầu tư tưởng
vế một ‘Khế Ứớc Xã Hội’(Social Contract) mà Hobbes chủ
trương thiên hẳn về một chế độ quân chủ toàn trị.
Lịch sử các triều đại cho thấy
đã có những vị minh quân, hiểu được rằng ‘dân
vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh’. Cũng đã
có những thời thịnh trị, có luật pháp, có luân thường
đạo lý, dân chúng an cư lạc nghiệp.
Tư tưởng ‘khế ước
xã hội’ trong một giới hạn nào đó, giải thích thỏa
đáng cho thực tại một chế độ quân chủ lập hiến, hay
viễn ảnh một chế độ dân chủ. Thực hiện điều đó
là một bước dài của xã hội loài người. Cũng
phải ghi nhận rằng trong một giới hạn nào đó, con người
biết ‘dưỡng nhân chi dục, cấp nhân chi cầu’[xiv], biết từ nhượng, nhường quyền cho một ông
vua hay một tổ chức, và điều kiện an sinh của con người,
ở một số quốc gia, đã trở nên tốt hẳn
đi.
Thế nhưng, có
hai điều phải nói:
1. Con người vẫn
là con sói của loài người: Sự hình thành quốc gia đưa
đến tinh thần quốc gia dân tộc. Quốc gia dân tộc là không
chỉ là một tập thể nhân quần rời rạc, mà là một con-người-tập-thể, có hồn—hồn
thiêng, hồn nước, hồn dân tộc. Lợi ích, văn hóa, đạo
giáo, thể chế chính trị, kinh tế, xã hội, của các quốc
gia thường khác nhau, cho nên giữa các quốc gia thường có mâu
thuẩn, đối chọi, xung đột. Và đương nhiên là mạnh
hiếp yếu, cá lớn nuốt cá bé. Mỗi quốc gia
trở thành con sói đối với những quốc gia khác. Con người
cổ võ hòa bình, nhưng chiến tranh liên miên. Thế chiến thứ
nhất, rồi thứ hai, rồi chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, Afganistan, Iraq,
Libanon, Kosovo,..và gần như khắp nơi trên lục địa Châu Phi.
Chiến tranh tự vệ, phòng ngừa, nội chiến, chiến tranh diệt chũng,
chiến tranh lạnh, chiến tranh ý thức hệ, chiến tranh qui ước, chiến
tranh chống khủng bố, chiến tranh tôn giáo,.. chiến tranh nguyên tử.
Chúa, Ala, Thượng Đế luôn đứng vế phía ‘chúng ta’.
Và, cho đến lúc ‘chúng ta’ chưa thất bại, thì ‘chúng
ta’ luôn là ‘lương tri của thời đại’. Người lính, người công dân luôn sẳn sàng vũ
trang, rút dao, rút kiếm, chỉ súng và sẵn sàng hạ sát người
đồng loại để bảo vệ tổ quốc hay nhà nước hay lý
tưởng của phe mình. Nói cách khác là con
người lúc nào cũng tìm hoặc có được một chính
nghĩa để giết người, những người phía bên kia, mà họ
chưa hề gặp. Cũng phải thêm rằng trong thế giới hôm
nay, con người không còn những vũ trang đơn sơ; họ có súng
ống bắn chính xác, tối tân, họ có vũ khí giết người
hàng loạt. Vừa có chính nghĩa, vừa
được vinh danh, vừa được huấn luyện chuyên nghiệp, trong việc
giết đống loại, con người bây giờ vẫn là con sói của
loài người, và có khi còn dữ dằn tệ hại hơn, vì
biết tổ chức, có ‘chính nghĩa’, và có vũ khí tinh
vi. Nạn nhân của Hitler, Mussoloni, Togo lên đến hàng triệu, triệu.
Và giờ đây Việt Nam đang bối rối vì các tham vọng bành
trướng của Tàu Cộng. Đó chỉ là vài trường hợp
‘điển hình’. Ghi nhận điều nầy, tôi không có
ý phê phán, phân tích phải trái để kết luận rằng
chúng ta phải làm thế nầy thế khác. Tôi muốn
nhân đó mà lưu ý rằng: Cái con ma sợ của
thời trước—về cái ‘tính vốn ác’ của con người
hoặc hoặc về sự hổn loạn của cái vô chính phủ mà
‘con người là con sói đối với đồng loại’ của
T. Hobbes—cái con ma sợ đó, không vì ‘dưỡng
nhơn chi dục, cấp nhơn chi cầu,’ mà chết hay ngũ đi. Nó chỉ
biến dạng, trở thành to lớn hơn, thường xuyên hơn, dễ sợ
hơn vì rằng giờ đây là “sói quốc gia’,
sáng ngời chính nghĩa. Hồi chiến tranh lạnh, chỉ có Mỹ
và Nga có bom nguyên tử, bây giờ thì thêm Ấn Độ, Pakistan,
Trung Quốc, đó là viễn ảnh một cuộc chiến nguyên tử như
một thứ gươm Damoclès treo trên đầu nhân loại. Lịch
sử loài người cho thấy có những nền văn minh sinh ra, phát triển,
phồn vinh, rồi tắt, chết: Ancient Egypt, Maya, Mesoponamia,... Một cuộc
chiến nguyên tử giữa những cường quốc cũng có nghĩa là
ngày cuối cùng của nền văn minh nhân loại chúng ta.
2. Cũng phải ghi rằng T. Hobbes chủ truơng một vương quyền
chuyên chế. Có thể Ông nghĩ rằng quân chủ chuyên chế vẫn
hơn là cái loạn nội chiến; một ông vua chuyên chế vẫn có
thể là một minh quân: dân giàu, nước mạnh. Thế
thì, con người có nên từ bỏ tự do—của trạng
thái tự nhiên—để ôm lấy một triều đại chuyên
chế
· Nghĩ cho cùng,
dùng cái sợ để trị dân, để ‘bình thiên hạ’,
để đạt được và nắm lấy quyền lực chính trị,
thời nào cũng có. Nhưng đậm nét là dưới các chế
độ độc tài. Nói riêng, quân chủ chuyên chế. Mọi
chế độ độc tài đều dùng cái sợ mà chế ngự
con người. Trong The Prince, Machiavelli dặn ‘Ông Hoàng’ là phải làm
cho dân sợ, mà không ghét. Cũng có truyến
thuyết nói rằng quyển The Prince là quyển sách đầu giường
của Stalin. ·
Độc tài—dictatorship—thì
toàn trị--totalitarianism: Chỉ một đảng (hay triều đình), nhà
nước và đảng là một, điền thổ, cơ xưởng, mọi
tư liệu sản xuất đều thuộc nhà nước (hay nhà vua). Chế độ có thể khoa trương rằng đã giữ được
an ninh trât tự trong một hay nhiều thập niên. Nhưng trong cái an ninh đó, cá thể phải hy sinh cho tập
thể. Mà tập thể là một đám con chiên ngoan đạo. Trong thực
tế, mỗi người là một mắc xích trong guồng máy của thể
chế. Nhân cách vì thế mà không còn nữa. Con người
không còn là người.
· Tôi nhớ mãi cái ‘thời
kỳ quá độ tiến lên xã hội chủ nghĩa mà không qua
tư bản chủ nghĩa’ của VN từ 1975 đến 1990. Thật
đáng ghê sợ. Nói ra thì dài dòng
lắm. Chỉ xin tóm tắt thế nầy: Thời kỳ đó hay hơn 30
năm sau ( và còn thêm bao nhiều năm nữa?) ai cũng
sợ guồng máy chánh trị độc tôn, độc tài, độc
đảng; một xã hội suy đồi, một nền văn hóa kiểu: ‘Thương cha, thương mẹ, thương
chồng, Thương mình thương
một, thương ông thương mười.( Tố Hữu) Văn thơ loại đó
được in và phổ biến rộng rãi. Người ta đã quên
rằng Dương Chu đã có lần than: ‘Không
hiểu tại sao có người khóc cho một hôn quân vô đạo’[xv]
Từ
sau tháng Tư 1975 và mãi đến bây giờ người dân VN vẫn
nói: Cây cột đèn mà có chân thì nó cũng vượt
biên. Xem thế thì đủ biết cái SỢ của người dân
mình nó lớn và dài đến cỡ nào!
Người may mắn thoát
khỏi văn hóa Xã Nghĩa vẫn mang theo ác mộng, ít nhất một
thập niên. Người chẳng may sớm xuống địa ngục,
thì thấy địa ngục chẳng có chi là ác ôn, đáng sợ,
nhờ đã chay lòng khi kinh qua một thời xã nghĩa. Có anh chị cho rằng nói như vậy là quá.
Có thể vì quí anh chị chưa có con cái phải học thứ
văn chương ‘thương cha, thương mẹ, thưong chồng,..’ vừa
nêu trên. Với những anh chị nầy, tôi xin giới thiệu ‘1984’
hoặc ‘Animal Farm’ của George Orwell, hoặc ‘The Giver’ của Lois Lowry. Nếu
chưa đọc, nên đọc. Nếu đã đọc, nên đọc lại.
Mong rằng quí anh chị thấy đọc vui và lý thú. Cũng mong rằng
sau đó quí anh chị hiểu cái sợ của đông đảo người
đã trải nghiệm thời xã nghĩa mà một đặc thù khác
nữa là: nhà nhà là tử sĩ hay phạm nhân, trẻ con còi
cộc vì thiếu dinh dưỡng, đui mù vì thiếu sinh tố A, thất
học, vì thiếu phương tiện hoặc vì bị học đường—độc
quyền (cơ quan tuyên huấn[xvi]) của Đảng—từ khước.
·
Lịch
sử cho thấy có người, khi đã mê muội, mê ảo tưởng,
mê một xã hội toàn hảo, thiên đàng tại thế, và
lại có sức thuyết phục, có tài chế ngự, thêm một đám
‘thánh nhân’ viết lách –a dua hoặc bị thuyết phục—
cổ vũ, ‘vinh danh’. Thế rồi, một mình mình mê
chưa đủ, phải làm mê cả ‘thiên hạ’ biến cả nước
thành một đoàn cừu Panurge, cùng nhau xuống địa ngục.
Địa ngục chiến tranh thời Hitler, Mussolini, và Togo. Địa ngục
xã nghĩa ở Liên Bang Sô Viết và Trung Quốc, thời Stalin và
Mao. Rồi đến Việt Nam. · Thiết nghĩ, thời nay, thời của radio, TV, Internet,
nhịp độ, mật độ và tốc độ trao đổi thông tin tăng
tỉ tỉ lần hơn xưa. Nhờ vậy mà trình độ
tri thức con người có tiến bộ hơn xưa nhiều, sự hiểu biết
có rộng và sâu hơn, và nếu có cơ duyên
được sống trong một xã hội tự do, con người hiểu được
những giới hạn của mình, hiểu quyền hạn và trách nhiệm,
và theo đó, lòng tự trọng cũng là lòng biết trọng tha
nhân và những qui ước môi trường. Con người
không nhất thiết phài đánh mất mình để đổi lấy
một cuộc sống an bình và ổn định.
Tóm lại, con người không bao giờ
thoát khỏi cái sợ. Xưa sợ theo xưa, nay sợ theo nay. Cái
sợ hôm nay hình như dữ dằn hơn, nặng nề ơn hơn thuở xưa:
khoa học đã đẩy lùi bóng tối của dị đoan, của
huyền bí, của thần học, của siêu hình, và con người có
nhiều cơ sở khách quan hơn để ham muốn tự do, khẳng
định nhân cách của mình, ...và sợ và biết
mình sợ cái gì. .
Bốn
Cây roi và củ carot. Răn dạy?
Biết
như vậy, xưa cũng như nay, đông đảo người đã dùng
cái sợ của con người mà răn đời dạy đạo. Và đại
đa số, vì sợ mà nghe lời răn dạy.
Các nhà hiền triết, thánh nhân, đạo giáo,
nhà nước, học đường, gia đình thường vin vào cái
sợ mà giữ con người trong một nề nếp khả chấp. Cũng có
hạng ăn theo, dùng cái sợ để thao túng lòng người. Thưởng
phạt, dọa và dụ là phương cách thông thường của thánh
nhân cũng như của người ăn theo. Thánh nhân giả vì vậy
mà nhiều, chánh tà khó phân.
·
Nhà Thờ dạy:
Vừa sinh ra là phải mang cái cái tội của tổ tiên.
Tổ Tiên loài người vì ăn phải trái thiện ác, cũng
gọi là trái cấm. Muốn được cứu rỗi, phải rửa tội,
tu hành theo Đạo Chúa. · Nhà Chùa thì bảo:
cuộc sống vốn là khổ. Sanh, lão bệnh tử: khổ; cầu bất
đắc: khổ; ái biệt ly: khổ, Ái tắng hội: khổ, và có
thể còn nhiều cái khổ khác. Tại sao lại như vậy?
Vì kiếp trước ta gieo (nghiệp chướng) thì kiếp nầy ta phải
gặt.? Phật Đạo là con đường thoát khổ. Cúng chùa,
công quả, tụng kinh cầu siêu, ấn tống là những phương cách
‘thực tiển’ tu phước, đầu tư cho kiếp sau. Cây roi tội
lỗi: địa ngục, đời vốn khổ, nghiệp chướng kiếp trước.
Có dọa thì cũng có dụ: Viễn ảnh Thiên Đàng, Niết
Bàn, Nước của Chúa, của chư Phật, tu để kiếp sau hưởng
phước vô biên. Tu mau kẻo trể, đừng đợi tới ngày phán
quyết cuối cùng, đừng đợi tới Long Hoa Hội, rồi mới hối
cải? · Trong Giorgias, Socrates cố hết sức thuyết phục Callicles rời bỏ con đường vô luân, trở về với đạo lý,
mà Callicles vẫn trơ trơ; sau cùng Ông cũng phải dùng hình ảnh
địa ngục mà răn đe. · Gần đây thôi, trong các chủ
đề ứng cử tổng thống của TT G.W.Bush là an ninh quốc gia—diệt
trừ khủng bố là rõ nét. Tôi có cái cảm
giác ông thao túng cái lo sợ mất an ninh của người
dân. · Nghĩ cho cùng, không phải bất cứ ai cũng ý thức tôn
trọng luật pháp, cho nên phải có sợ vi luật mới
có trật tự và an ninh xã hội. ·
Tuân
Tử tin cái ‘tính’ có thể cải hóa được.
Ông thuyết ‘dưỡng dục, cấp cầu’[xvii]. Vậy mà, Ông không quên thưởng phạt . Nói cách khác, có dọa bằng
hình phạt, có dụ bằng tưởng thưởng. ·
Hồi
nhỏ, sợ đòn, sợ mất mặt với bạn bè, mới chăm học.
Đó là trường hợp của tôi. Cho nên , Thương cho roi cho vọt Ghét cho ngọt cho bùi là
lẻ thường thời chúng tôi còn ở cấp tiểu học. Và
đương nhiên bên cái hù dọa, có điểm số, lời khen
thưởng, bằng danh dự, phần thưởng cuối năm,.. Nói chung, đó
là những cái không đáng, mà làm mình nở
mũi, nở mặt, nở mài, làm mình hãnh diện, mà giờ nghĩ
lại thật vô duyên, lãng xẹt. Tôi là một trong những con ngưởi
đã nhiều lần vô duyên, lảng xẹt, chạy theo những
cái phù du như thế.
Giờ đây, đọc, viết và nói về cái
sợ, tôi phải thú thật rằng tôi có sợ, và sợ trọn
đời, và gần như cái gì cũng sợ. Lần đầu vào
học mẫu giáo, trường Ông Chưởng ở Trà Vinh: sợ. Lần
đầu về học trường tiểu học Vũng Liêm: sợ. Mỗi
lần nhận một trách nhiệm mới, một chương trình dạy mới,
lớp học mới, tôi luôn có cái lo âu, e ngại, không rõ
ràng lắm. Sợ về những bất ngở, sợ không tròn
trách nhiệm có thể xảy ra. Hồi còn ở Huế,
1963, có lần được nghe, hay nhắn khéo, rằng sẽ có một sinh
viên sẳn sàng tư thiêu tại sân trường, trong khuôn viên khách
sạn Morin cũ. Tôi có nghĩ: tuổi trẻ không mấy ai muốn hủy
đời mình, nhất là người VN và sùng đạo. Mà
Đạo Phật là đạo của sự tỉnh thức, của sự thông
hiểu, của tứ vô lượng tâm, của tinh thần vô trước, của
sự không dính mắc với bất cứ cái chi. Một phật tử, một
con người ý thức vế cuộc sống và tự thân, khó có
thể là một con người cuống tín. Hơn nữa, một sinh viên—một
người tối thiểu có kiến thức tú tài, tức là có
khả năng tự mở rộng kiến thức và tầm nhìn của mình—càng
học, càng biết, càng có nhiều tham số về một sự việc,
cho nên càng hiểu sùng tín không là cuồng tín. Biết
vậy, tôi vẫn sợ. Biết đâu sẽ lả một sinh viên
Phật tử của trường tôi, trong giới hạn trách nhiệm của tôi
sẽ tự thiêu. Cái sợ có thể đến
mức độ làm cho người ta đần độn, ngu mê,
điên loạn. Tình cờ, đọc trên báo Việt
Nam Mới, mục Rao Vặt, trang 12, bên trái là Tạ Ơn Đức Quan Thế
Âm Bồ Tát, với Bạch Y Thần Chú và một tấm ảnh[xviii]; bên phải là Lời Nguyện: Lạy Chúa, Lạy
Cha Phanxico Trương Bữu Hiệp, Ngài là Bậc Thánh...[xix] Tôi thấy lại tôi, lúc ba đứa con lớn
của tôi đi chui, còn lênh đênh trên biển cả. Tôi cũng
hàng ngày niệm Bạch Y Thần Chú, cũng có lên mộ của một
vị linh mục (có thể là của Cha Trương Bữu Hiệp, gần
bên Dòng Đồng Công ở Thủ Đức, mà những người
đồng cảnh với tôi đều tin là linh thiêng) để cầu xin,
van vái. Xin một phép lạ để con chúng tôi được an toàn
đến trại tị nạn. Nghĩ lại, lúc bấy giờ
tôi không còn là tôi thường ngày, tôi có đần
độn, ngu mê, và điên loạn. Kết luận: Đừng để quá sợ đến
ngu si mê loạn. Cũng đừng để vì sợ mà bị người
thao túng.
Sợ thuộc tiên thiên, thánh nhân và phàm phu đều
sợ như nhau (Tuân Tử).
Tuy nhiên, thái độ, cử chỉ, lời
nói thánh nhân và phàm phu thì khác nhau: mức độ tu vi khác
nhau; mục tiêu, cứu cánh cũng khác. Cứu cánh của
thánh nhân nhắm vào cái tốt cho đời, còn của
phàm phu lắm khi là trục lợi cho riêng họ. Thánh nhân thì xa và ít người. Lời dạy
cũng xa, cao xa hoặc xa vời. Đông đảo là phàm phu, phàm phu không
dạy, phàm phu hành động có thể vì lợi, vì danh sắc,
và ta luôn chung đụng với phàm phu. Vì vậy, phàm phu là cuộc đời, sống với phàm
phu là thật sống, học với phàm phu là thật học, học về
cuộc sống. Cho nên không vì hai chữ phàm
phu mà sợ, hoặc xem nhẹ, cũng không vì hai chữ thánh nhân mà
trọng hoặc mê. Muốn học, hiểu, thấy, biết, thì đừng
xem nhẹ, xem thường, cũng đừng quá xem trọng mà mê loạn.
Nên học trong tinh thần vô trước với ý thức rằng mình
đã nặng mang một bầu ‘kinh sử’, gặt hái suốt giòng
đời. Bầu ‘kinh sử’ nầy có thể giúp mình mở mang
trí tuệ và cuộc sống, cũng có thể che lấp khi nó trở
nên thành kiến, hoặc cuồng tin, quá tin ở nó.
Năm
Dám nghĩ, dám làm?
Đối nghĩa
với sợ là không sợ. Người không biết sợ
bất cứ cái chi, cả sợ chết, thường rất đáng sợ. Kẻ
khủng bố ôm bom vào đám đông cho nổ, là một con người
đáng sợ. Một từ khác để nói không sợ
là: dám. ‘Dám nghĩ, dám làm’ là khẩu hiệu thường
nghe thời xã nghĩa trong những năm 1975-90, mà người vô sản và
kẻ địch xấu miệng xấu mồm lại nói ‘dám nghĩ bậy,
và dám làm bậy là nghề của Đảng ta’. ‘Dám
nghĩ, dám làm’ chỉ là một khẩu hiệu, chưa có nội
dung. Nghĩ và làm cái gì? Biến triết thuyết
xã-nghĩa thành kinh thánh, hình thành Giáo Hội Đỏ,
mà Stalin là Đức Thánh Cha, ngự ở ‘Tân-Roma’, tên thật
là Mốt cô va, Mao là Thượng Phụ, mà ‘Tân-Constantinople’
là Bắc Kinh. Rồi ở Việt Nam cũng như ở nhiều xứ khác, mọc
lên một người khai-đạo, một Thượng Phụ Đỏ, một lớp
giáo sĩ cao cấp đỏ, đông đảo giáo sĩ thấp cấp đỏ,
còn lại là con chiên vô sản. Hồ giáo chủ dạy: ‘Con đường
vào Đạo thênh thang mở rộng cho mọi người, nhưng
không là con đường trải thảm đỏ, mà lắm chông gai thử
thách.’ Tuy nhiên, ngoại đạo là dị giáo, cũng
gọi là phản động, phản Đạo. Vào Hội Thánh Đỏ
phải dám ‘tề nhân’: tề sao cho mọi người in như nhau, nghèo
như nhau, dốt như nhau, mất nhân cách như nhau; tề cũng là sẳn
sàng bắt nhốt hoặc thủ tiêu những ai dám nghĩ khác và
làm khác. Bọn người – bị mất tự do, tước đoạt
nhân cách—gọi: nghĩ ra ‘tề nhân’
là nghĩ bậy, thực hiện ‘tề nhân’ là làm bậy.’
Trong phần còn lại, ‘dám’
không có nghĩa là ‘dám nghĩ bậy’ hoặc ‘dám làm
bậy’.
Trong ngôn từ
chúng ta có câu: ‘Người điếc không sợ súng’.
Không phải người điếc dám hứng làn tên
mũi đạn. Họ không nghe được tiếng súng, không
biết có làn đạn, vì vậy họ không sợ trúng đạn,
nhưng nói họ ‘dám không sợ đạn lạc’ là không
đúng. Một em bé vào sở thú
bỏ tay mẹ nó, đến gần một con sấu, mọi người đếu
hoảng vía vội chạy ôm nó lại kịp thời, nhưng em bé dửng
dưng không biết sợ. Sở dĩ bà mẹ và những
người trong hiện trường ở sở thú hoảng sợ là vì họ
có kinh nghiệm, thấy ở TV, movies, đọc trên báo, ..đâu đó
về những tai nạn do cá sấu. Khi em bé bất ngờ lại gần con sấu,
họ giựt mình kinh sợ, vì những kinh nghiệm thu thập, chìm trong tiềm
thức, bổng trở lại, tạo phản xạ chạy bồng em bé.
Nói chung cái mà người ta không
biết thì người ta không sợ, chớ không phải là
‘dám’. Vậy thế
nào là ‘dám’?
Ở
Mỹ, ai cũng có xe hơi và ai cũng biết lái. Tôi là người
mới đến. Tôi có cảm giác người Mỹ chạy xe quá nhanh,
chạy như điên. Phản ứng đầu tiên của tôi là không
dám lái xe. Tôi muốn an ổn. Thế nhưng, chỉ trong vài ngày đầu
thôi, muốn đi dâu, tôi phải nhờ con cái. Trong tuần thì chúng
đi làm, cuối tuần, thì chúng đi…chơi. Tôi có thể
đi chơi với chúng, hoặc bảo chúng đi chơi với tôi. Ở
chỗ của tôi lại không có xe buýt. Thế thì trong tuần tôi
phải luôn ở nhà, không đi đâu được. Hồi ở Sảigòn, 1975-92. không mấy khi tôi ra khỏi thành
phố, mà khi rời thành phố, tôi phải cho công an phường và
tổ dân phố biết tôi đi đâu. Thì dụ tôi về quê
tôi ở Vĩnh Long. Tôi xin một giấy di chuyển cho an tâm. Khi đến
Vĩnh Long, tôi bảo cháu tôi trình cho công an và tổ trưởng
phường biết. Những thủ tục nho nhỏ đó làm cho
tôi lười ra khỏi thành phố, và tôi có cảm tưởng mình
bị giam cầm trong cái khám Sàigòn. Nói thì nghe quái đảng,
nhưng đó là thật. Giờ đến Mỹ, vì không dám lái
xe, mỗi tuần ít nhất năm ngày, tôi tự giam mình trong căn nhà
của con tôi. Sự không dám đã giới
hạn môi trường sống của tôi. Sống
là phải dám. Và tôi đã đi học và thi lấy bằng
lái xe.
Trước hết, dám là dám giáp mặt với vấn đề.
Nếu vấn đề là của mình thì không trốn chạy.
Thí dụ mình sợ: sợ con gián. Cái sợ ấy nằm trong mình,
vì mình có một kinh nghiệm sợ gián: bị người ta nhát,
hoặc mình sống trong những điếu kiện vệ sinh tối ưu, và
trong tiềm thức đã có sẳn hình ảnh: gián là dơ bẩn,
mang vi trùng—do mình có đọc, xem phim tài liệu về gián.
Thế rồi, mình sợ gián. Cái sợ nầy
ở trong tâm Mang cái sợ trong tâm, thì
có đi đâu, nó theo đấy, như thân mình với bóng. Và có khả năng rằng càng
chạy, càng trốn tránh, càng sợ, vì có thêm gia trọng là
cái sợ của người chạy trốn. Vậy, nên trực
diện với cái sợ, tìm hiểu nó, tức là hiểu, thấy mình trong cái sợ. Gíáp
mặt là như vậy đó. Không có cái giáp mặt thụ động,
tiêu cực, chờ đợi một phép lạ. Nhờ vậy, mà mình biết mình hơn, để có
những đổi thay thích hợp.
Thứ đến, dám
cũng là dám thi gan cùng thử thách, vì vấn đề nào
cũng là thử thách. Tìm hiểu, học hỏi, chịu khó, kiên
nhẫn, tìm dữ liệu, phân tích, tổng hợp, thử mọi cách
để vượt qua thử thách. Đó là thi gan cùng
thử thách. Nói cách khác là dám để công sức và
thời gian để tìm một lời giải khả chấp. Ta có thể thất
bại, nhưng không chịu thua. Mỗi lần vấp ngả, là phải đứng
lên ngay và đi tiếp tục. Đạt một mục tiêu, đến một
cứu cánh là quan trọng. Nhưng cuộc đời không có điểm
đến: điểm tới nào cũng là một điểm khởi đầu.
Dám là ý thức, thấu, hiểu rằng cuộc sống
chỉ có thể là một chuổi dài khởi điểm. Cứu cánh
của cuộc sống chính là diễn trình của chuổi khởi điểm
nầy. Không có cứu cánh
cuối cùng. Người mà bảo: Cứu cánh biện minh cho phương tiện[xx], là tự dối mình và dối người.
Dám cũng là dám sáng tạo,
bước ra khỏi con đường mòn cùng đi hàng ngày với thiên
hạ. Sau
đây là một câu chuyện, tôi được nghe kể:
Có một ông , người VN ở Houston, làm nghề cắt
cỏ dạo: một xe truck, máy cắt cỏ lớn nhỏ, máy xén (trimmer),
…, và hai người Mể giúp việc. Vốn liếng đầu tư không
bao nhiêu, công việc tuy dãi nắng, có khi cũng dầm mưa, cũng nặng
nhọc, nhưng cuộc sống thoải mái, dư dả, dễ chịu. Ông
để ý mỗi nhà đều có sân sau, khoảng 1000-2000 square-feet. Ông
để ý người VN hay trồng rau cải sau nhà để chi dùng hay
cho bè bạn. Ông bèn đề nghị với họ rằng Ông sẽ trồng
cho họ: hành lá, rau muống, rau thơm, rau răm, rau dền…vân vân.
Và như vậy, sân sau củ họ sẽ đẹp hơn, họ sẽ có
rau tươi gần như bốn mùa, với điều kiện là họ phải
tưới hằng này cho Ông. Bù lại, có hai người Mễ của
Ông đi chăm sóc vườn rau, và sau mỗi lần gặt hái, ông
sẽ cân và mua rau với giá sĩ, để Ông đi bỏ mối các
tiệm bán lẻ. Ông phải có những đề nghị khả chấp,
thuyết phục cho kỳ được. Ông cũng đã lên net, khảo
sát các giống, đến các nursery học hỏi, thử nghiệm ở sân
sau của Ông. Đó là thí dụ một
con người dám ra khỏi cái thông tục, dám phiêu lưu nghĩ
suy, tính toán, kết hợp cái lợi của tha nhân với cái lợi
riêng của mình, và dám đầu tư vốn liếng, thời gian, công
sức, thử nghiệm một con đường kinh doanh mới. Cái mới nào
cũng đáng ngại, chỉ vì nó mới, ta chưa biết bất cứ
một cái gì về nó. Cho nên, đi vào cái mới, ta thường
có một cảm giác hoang mang, chới với, dễ bị tổn thất hoặc
tồn thương. Phải có gan. Thế cũng chưa đủ. có gan không
có nghĩa là mù quáng, hay cứ theo quán tính mà hành sự.
Có gan là có ý thức về sự phiêu lưu, về những khả
năng xảy ra bất ngờ, ý thức về tính vô thường của
cuộc thế, để vui tìm những phương thức thích ứng với
đổi thay. Không phải lúc nào cũng thành công như Henry Ford, Bill
Gate, Lee Iacoca,… Thành bại cũng quan trọng, nhưng cứu cánh vẫn là
cuộc phiêu lưu, là trải nghiệm một nếp sống mới, một cách
làm ăn mới.
Vậy,
‘dám’ không là hành động ngẩu nhiên tùy hứng, mà
là theo sự thấy, hiểu, ý thức về mình, về người, về
bối cảnh; và trong giới hạn của sự thấy, hiểu, ý thức
nầy, có thể phiêu lưu sáng tạo một hướng đi mới cho
tự thân. .
Phần Kết
Sự thật sẽ
giải phóng con người, nói riêng thoát khỏi cái sợ ?
Hình
như cuộc sống luôn mở rộng và trở nên phong phú hơn cho
những người dám sống, chấp nhận hiểm nguy, trong giới hạn những
qui ước khả chấp. Tuy nhiên, không ai muốn
sống trong sợ hãi. Vậy, vấn đề sau cùng là làm sao để
hết sợ, phải hết sợ mới dám, mới sống dầy, sống hết
khả năng mà Trời ban.
Khi trà dư
tữu hậu, mình có thể sắp loại cái sợ. Có những cái không đáng sợ: sợ ma, sợ
quỷ, sợ bùa chú, sợ gián, sợ rệp, … Có những cái đáng sợ: sợ chiến tranh, sợ độc
tài toàn trị, sợ vi phạm luật pháp,… Có những cái
sợ ‘sướng’. Thí dụ, lần đầu đi gặp người
đẹp: Sợ. Phải dọn cái ‘mã’ cho tươm tất, dọn
lời, dọn ý, cữ chỉ, thái độ, tất tất đếu phải
dọn trước tĩ mĩ trong chi tiết để.. chỉ để tự tin. Biết sợ ‘sướng’ thỉ nên sướng. Biết
không đáng sợ, thì đừng sợ: lòng cũng nhẹ đi nhiều.
Ý đã quyết thì còn lo gì những cái không đáng.
Thế nhưng, đó là ý, là lý. Cái lý trong lúc bình
thường là vậy. Sợ lại không thuộc lý, mà là tình.
Khi nó đến, và lúc nào nó đến cũng bất ngờ, không
cho hay trước, thật vô lý, vô lễ. Thì ra: nó vốn phi lý,
phi lễ, phi nghĩa. Trong hoảng hốt, vì sợ, thì nào có
nghĩ xem nó thuộc loại nào, đáng hay không đáng sợ. Vậy, phải làm sao? Như đã thưa trên, cái sợ nằm trong
ta: cũng là ma, quỷ, gián, rệp, nhưng có người sợ,
có người không sợ, và trong những người sợ, cách sợ
và mức độ sợ cũng khác nhau. Và theo đó, thái độ
thích hợp nhất để ‘trừ’ cái sợ, là không trốn
chạy. Có trốn chạy cũng vô ích, nó ở ngay trong chính mình.
Vậy, xin lặp lại phải dám giáp mặt với cái sợ. Phải có
gan để một phút, một giây, lưỡng lự, do dự, giữa trốn
chạy, tránh né, và đối mặt, tìm hiểu. Muốn có được cái thời khắc quan trọng đó,
những ai có đạo, thí dụ Ky-Tô-Giáo hay Đạo Phật, thì
phải thức ngộ ngay tức khắc rằng mình có Chúa Ky-Tô, có
chư Phật. Đức tin có khả năng giúp
mình bình tỉnh lại, lý trí trở lại với mình. Mình
có thể cầu nguyện, và chỉ cần một thời khắc nhỏ về
lại với đức tin, thì có thể trực nhận mình đã chao
đảo, không khéo sẽ bị cái sợ hốt hồn, quên cả Chúa,
quên cả chư Phật. · Với người tín hữu Ky-Tô
thì Satan là vua của đêm đen, đêm tối mịt, đêm của
sự dốt nát, tối của sự u mê. Satan chỉ ngự trị
được mình qua u mê và dốt nát, ở mọi lãnh vực mà
mình không có kiến thức. Khi mình khám phá, biết và trải
nghiệm được sự thật, thì mình được tự do, không
phải sợ bất cứ cái chi. Chúa Jesus dạy: ‘các ông sẽ
biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng các ông’
John 8 : 32[xxi] Thật ra không phải sự thật giải
phóng mình, mà vì biết được sự thật mà mình được
ra khỏi bóng tối của Satan, theo đó, không còn sợ.
Sự thật là cuộc sống
vốn đổi thay mà con người thì muốn ổn định. Thiện ác,
tốt xấu, sang hèn, giàu nghèo, hay dỡ, được thua, thành bại,…
nói chung thị phi hai ngã là thân phận con người, mà con người
thỉ chỉ muốn một bên mà thôi: thiện, tốt, .. ..chẳng ai muốn
bên kia: cái ác, cái xấu. Vì ta hi vọng
hay chờ đợi một sự hằng tồn, luôn ổn định, nên phải
nghĩ ra một Niết Bàn, một Chơn Tâm, bất biến, thoát khỏi
luân hồi sinh tử. Vì ta chỉ muốn đúng, phải, tốt, thành
đạt,.., mà nghĩ đến một nước Tịnh Độ, một Cực
Lạc Quốc, một Thiên Đàng để đi về. Cho nên, sợ
bất ổn, sợ đổi thay. Sợ cái mà ta không muốn sẽ xảy
ra.
Vậy, hãy ôm
trọn cuộc đời, cả thị lẫn phi. Đừng buộc sự việc phải
thế nầy, thế khác. Phải nhận nó như nó thật sự là.
Gọi như vậy là trọn, là tròn, là thật.
Về việc nầy, Thiên
Chúa không ban cho ta một tinh thần nhút nhát, mà là
một tinh thần đầy sức mạnh, tình thương và trí tuệ.’
2 Timothy 1 : 7 ,[xxii]
Thí dụ không thiếu.
·
Trong một giới hạn
nào đó, như đã thưa trên, Đạo Phật là đạo
của sự tỉnh thức: Tỉnh thức là ra khỏi cơn mê.
Mê sắc, mê tài, mê danh, mê lợi, mê lời hay tiếng đẹp,
mê không biết bao nhiêu cái khác nữa. Không những như vậy,
mà còn hãnh diện, tự mãn, tự kiêu, về cái bồ ‘kinh
sử’, về những hành động ‘vĩ đại’, về cái
nấy cái khác mà mình đầu tư nhiểu công sức, tích
lủy suốt đời mình. ‘Phải có
danh gì với núi sông’. Cái danh ấy lắm khi bịt mắt mình
làm mình mù nên không bắt gặp bao nhiêu sự việc và giá
trị khác lạ. ‘Sông có cạn, núi
có mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi’. Lịch
sử cho thấy, đã có lần, người lãnh đạo vì say mê
một ‘chân lý’, trở nên mê sảng, đã biến cả
một quốc gia thành một đoàn cừu Panurge, hy sinh vì một tương
lai ‘xáng lạng’ trên giấy mực, trên khẩu hiệu, trên triết
thuyết.
Tỉnh
thức không chỉ ở tỉnh giấc mê loạn, mà còn ý thức
giây nhợ ràng buộc mình với môi trường, nói riêng ý
thức về sức ép của môi trường. Không phải vì ông
tiến sĩ nầy, bà bác sĩ kia, cô thạc sĩ nọ, những
chức vị,.., nhất trí hoan nghênh một đường lối,
một hướng đi, rồi ta bịt mắt đi theo. Trong những con
cừu của Panurge[xxiii], những con đi đầu có thể được dán
nhản là thông minh, ‘đỉnh cao của trí tuệ’. Học
vị dầu có cao đến mấy, nhưng đã là cừu của Panurge,
thì người đầu nhảy xuống biển, thì các người kia cũng
nhảy theo, có ai làm khác đâu. Vậy, khi thấy người người
‘hồ hởi’ là ‘lương tri của nhân loại’, thì nên
có một phút giây để nhớ rằng: ‘Triệu triệu con số
không mà cọng lại với nhau thì…cũng là số không.’[xxiv] Tỉnh thức cũng là tự tri, khám phá chính
mình. Lấy môi trường làm gương soi, thấy mình trong những
đổi thay của thế tục: mừng giận, vui buồn, thương ghét, sợ
hãi và ham muốn; khi lo âu, chao đảo, tối tăm, lúc bình tỉnh,
sáng suốt, rõ ràng, những tiềm năng, những giới hạn. Và
cứ như thế suốt giòng đời.
·
Thế giới của
chúng ta hôm ngay là thế giới của giao lưu, trao đổi giữa những
nền văn hoá, giữa những con người đa dạng, khác biệt nhau
ở màu da, ở đạo giáo, ở phong tục tập quán, ở tổ
chức chính trị, xã hội, kinh tế, tài chánh,…Và cũng
thế giới của đồi thay nhanh, rộng, sâu với một vận tồc
kinh người. Cho nên, không có con người
khép kín. Khép tín là tự cô lập, là sợ gió mới,
là từ khước đổi thay. Nói cách khác, khép kín là
chấp nhận trì trệ, chấp nhận lạc hậu. Cuộc aống vì thế
mà nghèo, vì bằng lòng an nhàn với những giá trị cổ
đại.
Vậy,
muốn sống mạnh, sống cái thế giới của thế hệ mình, phải
mở rộng lòng mình, trí mình để rước gió bốn phương,
luôn thở không khí mới, luôn giao lưu với tha nhân và
vạn vật.
Vậy, người không thuộc một đạo giáo nào—nói
cách khác là thuộc cái ‘đạo khoa học’ hoặc cái
đạo ‘phi-đạo’—hoặc thuộc bất cứ một
đạo giáo nào—cũng phải mở rộng tâm và trí
để đón, học hỏi những tín hữu của các đạo
giáo khác. Nói riêng, học những trải nghiệm và suy nghĩ
của họ. Học sự tỉnh thức của Phật gia, học sức mạnh,
tình thương, và trí tuệ của người tính hữu Ky-Tô-giáo. Ánh sáng trong ta đến đâu, thì đêm tối của cái
sợ lùi tới đó.
Viết xong, tôi trình thầy tôi, Sư Bất Tịnh. Xem qua, Thầy bảo: ‘Vọng ngã của mi còn quá
to. Làm sao mà thấy được sự thật.’ Tôi thưa: Vậy, mất cái vọng ngã đó thì tôi
là ai? Thầy: ???
Cái
đáng sợ nhất là sống mà không biết mình là ai?
Tôi cám ơn sự lắng
nghe của quí vị.
Ghi Chú: Tôi trân trọng cám
ơn giáo sư Nguyễn Công Danh và các bạn xa gần và
phu nhân của tôi đã chịu khó đọc, góp ý và sửa
chữa cho bài được ngắn gọn và dễ đọc hơn. .
Sơ
lược sách tham khăo: Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê.
Tuân Tử. Văn Nghệ xuất bản, California-USA, 1993 Giản
Chi và Nguyễn Hiến Lê. Đại Cương Triết Học Trung Quốc, Cảo
Thơm xuất bản, lần I Thomas Hobbes. Leviathan. Chương XIII. Internet. Thomas Hobbes. Standford publications. Internet Philosophie et spiritualité.
L’existence et la peur. Internet Alan W. Watts. The
Wisdom of Insecurity. Vintage Books, Copyright 1951, by Pantheon Books Wikipedia.
Wiktionary. Bible. Internet
ii ít nhất là trong trường hợp của
tôi. [iv] 313TCN-238TCN. Nguồn: Wikipedia [v] Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê. Tuân Tử.
1993, “bất khả học, bất khả sự nhi tại nhân giả chi vị tính’
Trang 56. [vii] Mừng, giận, thương, ghét, buồn, sợ,
muốn. Hiến tài Nguyễn Văn Hồng. Cao Đài Từ Điển. Internet. [ix] N.t.. Trang 49. ‘Chính
cái lòng hiếu lợi, lòng đố kị, lòng dục mới là
“bản thủy tài phác”—cái tài chất thuần phác nguyên
sơ, cái tính của con người, còn nhân, nghĩa, lễ, trí là
do thánh nhân—nghĩa là người—đặt ra, chứ không phải
là trời sinh, vậy là “NGỤY”, chứ không phải là tự
nhiên.’ [x] 254 TCN-184 TCN. Nguồn Wikipedia [xi] 1588-1679. Nguồn Wikipedia [xii] Distrusfulness (archaic). Nguồn Merriam-Webster Dictionary.Internet [xiii] “...
in the nature of man, we find three principal causes of quarrel. First, competition; secondly, diffidence; thirdly, glory.
The first maketh men invade for gain; the second, for safety; and the third, for reputation. The first use violence, to make
themselves masters of other men's persons, wives, children, and cattle; the second, to defend them; the third, for trifles,
as a word, a smile, a different opinion, and any other sign of undervalue, either direct in their persons or by reflection
in their kindred, their friends, their nation, their profession, or their name. Hereby it is manifest that during the time men live without a common power to
keep them all in awe, they are in that condition which is called war; and such a war as is of every man against every man. [xiv] N.t. trang 73:’ nuôi cái muốn của con người,
cấp cho con người cái mà lòng họ muốn. [xv] Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê. Đai Cương
Triết Học Trung Quốc. Không nhớ chi tiết. [xvi] Các cán bộ lúc bấy giờ khẳng định:
Đảng ta thẳng thắn rõ ràng [xvii] n.t. trang 73. dưỡng nhân chi dục, cấp nhân
chi cầu. (nuôi cái muốn của con người, cấp cái mà lòng
họ muốn) [xviii] Nguyên Văn. Lời Nguyện. Nam mô đại từ
đại bi, tâm thanh cứu khổ, cứu nạn quảng đại linh cảm Quán
Thế Âm Bồ Tát Ma Ha Tát. (Thành tâm đọc lời nguyện
này nhiều lần trong ngày trong vòng 9 ngày, được việc như
ý cầu xin. Được việc nhớ in lời nguyện nầy. [xix] Nguyên Văn. Lời Nguyện. Đa Tạ Cha. Đã
có vị ân nhân đến kịp thời giúp đỏ. Gia Đình
Hãi Nam Hà. Ảnh Lời Nguyện Lạy Chúa, Lạy Cha Phanxico
Trương Bữu Hiệp, Ngài Là Bậc Thánh ở cận Đấng Cứu
Thế đầy quyền năng. Nay con cầuCha giúpcon vượt khó
khăn cấp thiếthiện nay. (kể sự việc khó) xin Cha giải thoát cho
chúng con khỏi cảnh khó khăn này và ban cho chúng con sự may mắn
bằng Con đã được Ngài giúp. Thành kính tạ ơn Cha.
Đọc những lời nguyện này 9 lần một ngày. Đọc
liên tiếp 9 ngày với lòng thành tâm sẽ được toại
nguyện. Được việc, hứa in lời nguyện này và
hình Cha Trương Bữu Diệp. [xx] the end justify the means. [xxi] And ye shall know the truth, and the truth shall make you free. King James Version [xxii] For God has not given us the spirit of fear; but of power, and of love, and of
a sound mind. King James Version [xxiii] Trong một đoàn cừu, con đầu đàn
đi đâu thì những con khác đi theo một cách ngu ngốc.
Trong Pantaguel của Rabelais, quyển 4, Chương VIII, Panurge gặp một
lái buôn cừu đi cùng tàu. Panurge không bằng lòng về ông
lái buôn, nhưng mua được của ông nầy một con
cừu rất đẹp. Panurge quăng con cừu nầy xuống biển. Tất cả
đoàn cừu của ông lái buôn lao theo xuống biển. Từ đó,
nhóm từ ‘những con cừu của Panurge’ được dùng để
chỉ những con người mà mù quáng làm theo người khác.
Tiếng Anh: Act like lemmings [xxiv] Giáo sư Trấn Quang Đệ, nguyên Viện Trưởng
Viện Đại Học Sàigòn. _______________________________________________________________________________________________
Nguyễn
Văn Trường TẢN MẠN TUỔI 79
Trước
thềm Tết Tân Mão, giáo sư Phan Khắc Trí viết cho một nhóm
cựu học sinh Trường Phan Phanh Giản-Đoàn Thị Điểm Cần Thơ.
Nguyên văn:
“Thế là
đến Tết Tân Mão 2011 này, tôi trở thành người 79 tuổi
đấy. Nghĩ về con số 79, lạm bàn . Bảy chín
là số nguyên tố, một con số không chia đúng cho số nào
khác được ngoài số 1 và chính nó. 79 chia cho 1 đúng
là 79 , 79 chia cho 79 đúng là 1. Như vậy, phải chăng 79 là một
con số bướng bỉnh, cứng đầu , không thỏa hiệp , ích kỷ,
tự cao tự đại , (thiên thượng địa hạ duy ngã độc
tôn ), thiên hạ không ai chỉ có mình ta 79 là số 1 , là
nhất.” Nhưng cũng có thể nói ngược lại , 79 phải chăng
chính là một con số khiêm nhường , có nhân cách , biết
mình, biết người, biết có thể làm được gì và
không làm được gì thiết thực có ích, không ôm đồm
, không bắt người khác phải gánh vác trách nhiệm của
mình ,không đổ tại , bởi, vì , không chia cho số nào khác
ngoài chính nó và 1. Hay nghĩ đến cùng , (simply put) ,chỉ
vẽ chuyện, có nghĩa gì đâu , 79 đơn thuần chỉ là
một con số , dù là một con số được gọi là nguyên
tố , một con số không chia đúng cho số nào khác ngoài số
1 và chính nó. Ngày xuân , thừa dịp , ăn
nói lang bang , cho vui , chắc không ai nỡ trách. Còn nếu muốn
trách thì xin trách con số 79 lắm chuyện , chớ đừng trách người tuổi
79 mà...tội nghiệp. Chú Thích
: Ngoại
trừ số 1 và số 2 , tất cả các số nguyên tố (3, 5 , 7 , 11 ,
13, 17 , 19 , 23, 29 , 31, 37... ) đều có thể tính từ công thức 4n +
1 hay 4n - 1 với n là một số nguyên /tự nhiên. Nhưng ngược
lại số suy từ 2 công thức này có thể không là số
nguyên tố .”
Thưa Anh,
E-mail của Anh:
Lời lẽ rõ ràng, súc tích và chính xác. Không
có gì phải thêm hay bớt. Nó chắc nịch như vậy.
“Bảy chín
là số nguyên tố”
Nguyên là nguyên sơ. Là cái ban đầu, khởi điểm,
và trong một giới hạn nào đó, nó bao hàm một tính khai
phá, mở đầu một công trình. Tố ngầm
nói sự trọn vẹn với cái bản chất nguyên sơ ấy. Giữ
luôn được nguyên chất.
Theo truyền thuyết, khi Đức Phật đản sanh thì bước đi bảy
bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà
nói rằng: “Thiên thượng địa hạ duy ngã độc tôn.”
Ý là chỉ cái tâm nguyên sơ—‘chân tâm’,
hay ‘bản lai diện mục’, cái cứu cánh rốt ráo của
mọi con đường tu hành của Phật gia— biểu hiện qua đứa
trẻ sơ sinh, còn trong sáng, chưa nhiễm bụi đời.
Thật ra, đứa bé sơ sinh đã thụ
bẩm di truyền của mẹ cha, đã thích nghi với môi trường sống
trong tử cung người mẹ, và khi chào đời phải chịu sự chăm
sóc của mẹ cha, bác sĩ, y tá, bà mụ, rồi tập lật, bò,
đứng, đi, ăn, nói… tất tất đều theo người lớn,
giáo dục gia đình, rồi học đường, rồi trường đời.
Nói chung, ngay từ trong bụng mẹ, đã có giáo thai—người
mẹ phải cử kiêng trong đi đứng, trong ăn uống; thuở xưa và
cả ngày nay tại các nước văn minh, có người còn đọc
sách thánh hiền cho thai nhi. Dù ấu nhi chưa
nghe, chưa hiểu gì cũng được nghe cha mẹ đọc sách hay nghe
nhạc…. Tất cả là nhằm để đứa bé thành người:
Con người của một xã hội cụ thể trong một bối cảnh lịch
sử cụ thể. Nói riêng: a/ một cá tánh—để
sống hài hoà với môi trường; b/ một khả năng, thí dụ:
khả năng tiếp thu cái di sản của cha ông, khả năng làm giàu
mạnh cái di sản nầy, và khả năng truyền lại cho các thế
hệ sau....Nói chung là khả năng hội nhập và làm giàu cho xã
hội. Nhờ đó mà trong mỗi người hình thành một nhân
cách, một tên tuổi, một cái “Tôi” hay cái ‘Ta”—mà
hầu hết, cả các người tu Phật, đều hãnh diện, thiết
tha ôm ấp, bảo vệ; ai mà đụng đến cái “Tôi”
ấy là như mắc phải cái tội khi quân, đáng chém đầu—mà
Phật gia gọi là ngã vọng: Cái tôi vọng tưởng,
hư giả, cái tôi ảo vọng, không thật. Nói là vọng,
là hư giả vì nó luôn đổi thay, hằng biến, một sát
na trước nó là A, một sát na sau nó là B và A khác hẳn
B. Nhưng nó có một họ, một tên, một khai sanh, một
thẻ căn cước, và nhất là có một vẻ bên ngoài liên
tục trước sau như một, làm như nó hằng tồn. Chính
ngã vọng –luôn đổi thay, hằng biến—đã che lấp chân
tâm: ta không thấy thật, biết thật, hiểu thật, nên ta bị thất
tình lục dục quay cuồng, bị bát phong quấy động, nên ta đánh
mất cái tâm chân thật của mình mà không hay biết. Ta chỉ
thấy, biết, hiểu, qua lăng kính của ngã vọng, của các so sánh,
tiêu chuẩn, giá trị mà ta tích lủy suốt giòng đời. Mà
về những giá trị, tiêu chuẩn nầy, thì Đông khác Tây—
bên nây núi Pyrénées là chân, bên kia là giả - xưa khác
nay. Thi hào R. Tagore,
ngộ ra điều nầy:
“Tên
tôi là một nhà tù, Tôi đã tự mình vào đó, và tôi đang khóc. Ngày qua ngày, tôi đã dày công đắp bức tường chung
quanh. Ngày qua ngày, nhà tù vươn tới trời xanh; trong bóng
tối của nó tôi không còn thấy tôi đâu nữa.”
“Tên tôi”
đó là “cái ta”, cái ta ngã chấp, cái vọng ngã.
Vấn đề là phải tự giải thoát khỏi cái ta đó.” Đúng là vậy. Cái
“tôi”, cái “ta” ấy nằm trong bộ
nhớ của não bộ-- tích lủy tư tưởng, định kiến, phương
pháp, lý luận, giá trị, tiêu chuẩn, tài khéo, ngôn ngữ,
v.v. Mình càng thành công với nó, càng tin ở nó, mình càng
dễ chịu trong ngục tù của nó, càng không thấy nhu cầu giải
thoát, càng mù trước những cái mới lạ. Cái giác ngộ
đầu tiên của người tu Phật, là thấy được rằng mình
luôn nhìn sự vật qua lăng kính của vọng ngã. Theo đó,
có nhu cầu bỏ cái lăng kính ấy để thấy thật, sống
thật. Thế rồi quí thầy—sư sãi, ‘chư tôn đức’—
lại nhồi thêm rằng , vì cuộc sống vốn vô thường, nên
có “sanh lão bệnh tử, nên cầu bất đác, nên có ái
biệt ly’,...” nên có khổ, tạo nơi ta một tâm
lý khổ đau. Định kiến chồng thêm định kiến. Đi chùa
không thêm phước mà lòng thêm nặng.
Tuy nhiên không phải cái đó—đi chùa, cúng dường,
nghe thầy—là cái mà tôi muốn thưa. Điều tôi
muốn thưa trình là: Chân Tâm và Vọng Ngã. Để
nói rõ hơn:
Đức Phật chỉ Chân Tâm là ‘thiên
thượng điạ hạ duy ngã độc tôn”. Ngài nói đúng, đúng tuyệt đối,
không thể nghĩ bàn. Vì
tôi tin rằng Ngài là Đấng Giác Ngộ--Ngộ Chân Tâm. Đó
là đức tin: Tin vô điều kiện, không lý do, không vì lẽ
nầy, cớ khác. Nhưng nếu có một
người lặp lại lời của Tổ Đạt Ma, và khẳng định:
“Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật,” thì tôi
cũng tin, tin rằng người đó chân thật với tôi. Nhưng
tôi vấn hỏi về cái tâm và cái tánh mà người ấy
muốn nói. Nếu ‘chân” trong câu nầy là đối đãi
với “vọng” thì cái “chân tâm” hay “chân tánh”
cũng trong vòng lẩn quẩn của sinh tử luân hồi. Phải được
xét lại và bàn thảo. Cho nên, khi Anh dùng lời của Đức
Phật, để nói cái tính duy nhất của tuổi 79, thì tôi nghĩ
mình cũng nên góp lời với anh cho vui. Tôi nên góp những hò,
xự, xàng, xê, cống,.., đôi câu, chút giai điệu, bàn thảo
cho có lễ. Bàn, không để phủ định, bôi bác, mà để
nói lên lòng kính ngưỡng của anh em học trò cũ của
hai trường Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm Cần Thơ—trong
đó có tôi, và lòng mến thương của chúng tôi riêng
với Anh, một giáo sư Toán, một học giả Hán Nôm thâm hậu,
một ngôi sao sáng trong Nhóm Tao Đàn Thi Văn PTG-ĐTĐ chúng ta.
MỘT “79 là số nguyên
tố”. Đó là duyên khởi. Nhưng không
là ‘vô minh’ rồi từ ‘vô minh’ sinh ‘ hành’
và một chuỗi dài thêm 10 nhân duyên khác như một số các
sư sãi thường ca cho chúng sinh nghe. Mà là duyên cho ‘tản
mạn về tuổi 79 của thầy Trí’, nó đến
vào năm Tân Mão nầy.
“Thất thập
cổ lai hi, tòng tâm sở dục chi, bất du cũ.” Người thời
nay, đây chỉ nói một số người, tuổi 70 : loạn lắm. Loạn
là nhiều, mà cũng có cái nghĩa
là lộn xộn, không theo cái trật tự thông thường, chưa chính
chắn như ta thường nghĩ . Có nhiều cái loạn kiểu nầy
lắm, thí dụ không hiếm. Có người thất thập
còn ẵm thêm một bà vợ tuổi đáng con cháu mình, tôi
gọi như vậy là loạn. Thế nên, trước ngưởng
cửa bát thập, giựt mình, tỉnh giấc, cảm nhận như cái thời
đoạn ‘tòng tâm sở dục’ của mình như sắp vọt
khỏi tầm tay, nên mượn cái ‘79 nguyên tố’ làm
duyên, đùa chơi với bè bạn. Cái hứng khởi, tự phát, tự nhiên,
là chân thật nhất của người đời, nên rất quí, phải
biết trân trọng.. Cho
nên, Năm Mới, cũng lại là năm Anh 79 tuổi, mà 79 là
số bất khả phân, chỉ chia đúng cho chính nó; dùng những trường hợp
ngẫu nhiên nầy, để khẳng định tính “bướng
bỉnh, cứng đầu , không thỏa hiệp, ích kỷ, tự cao tự đại”,
lại thêm ‘thiên thượng địa hạ chỉ có mình ta’
thì quả vừa khéo, vừa gan. Một cuộc sống thanh đạm, trong
một môi trường tương đối trong lành, hằng ngày chung đụng
với những tâm hồn còn lành mạnh—những môn sinh và một
số đồng nghiệp - lắm khi buộc ông/bà giáo
phải có chút tự hãnh diện về cuộc sống, về công việc,
và về chính mình. Đó là cần thiết
cho lòng tự tin, để đứng vững và đi suốt con
đường trách nhiệm của bản thân. Giờ đây, cuối đời nhìn lại,
một tiếng thật thà tận trong sâu, thốt lên, chọc phá bạn
bè, cho vui năm mới, cũng là một điều phải chăng thôi.
HAI
Thời điểm
mà Anh tròn 79, nó nhỏ hơn một tic tắc đồng hồ,
nhỏ hơn một sát na, vì là một điểm—điểm thời
gian, nên không có một đơn
vị nào đo được nó. Nó là nó. Duy ngã
độc tôn. Những trải nghiệm của Anh trong thời điểm đó,
trong một chớp, trong một nhoáng cũng bất khả tư nghì. Vừa
muốn nghĩ, vừa muốn bàn, thì nó đã qua rồi, đã thuộc
quá khứ lâu rồi. Nghĩ và bàn phải dùng lời, mà ngôn
ngữ thì thuộc bộ nhớ của não bộ, tức thuộc quá khứ.
Làm sao trong cái chớp—thời điểm 79 của Anh—mà Anh có
thể nói lên được những gì Anh trải nghiệm ngay lúc bấy
giờ. Một cách tổng quát, hiện tại—thời điểm phân
chia quá khứ và vị lai— những gì chúng ta trải nghiệm ngay
bây giờ là thật, tuyệt đối thật, mà bộ nhớ của chúng
ta chỉ ghi lại được một vài nét thô sơ. Sư cô Trí
Hải gọi chúng là ‘thiên thu trong khoảnh khắc’.
Trải nghiệm của chúng ta thì giới hạn—giới hạn bởi giác
quan, hoặc dụng cụ sử dụng, mà thời điểm trải nghiệm chỉ
trong một cái chớp. Cái tỷ lệ trải nghiệm, trên
thời điểm (có thể xem là một vô cùng bé, một lượng
tiến về không), cái tỷ lệ đó ắt tiến về thiên thu,
vô cùng lớn, không thể nghĩ bàn, duy ngã độc tôn. Anh nói đúng.
BA
Trong chữ ‘nguyên
tố’, nguyên còn có nghĩa là số nguyên (tự nhiên)—nombre
entier, integer--‘nguyên chất’, trọn vẹn với chính nó. Cho nên chữ
nguyên tố còn nhắc nhở: sống nguyên vẹn, trọn vẹn với chính
mình, với cái bản chất chân thật của mình—dù rằng
cuộc sống trong một giới hạn nào đó, là một chuỗi vô
tận đổi thay nhiều chiều, đa nguyên, đa dạng. Nhưng, thế nào là trọn vẹn với
chính mình? Thế nào là cái bản chất chân thật của mình?
Người học toán, ông thầy toán—và cả trong lãnh vực
văn chương, triết học ngày nay—đều định nghĩa các
thuật ngữ mà mình sử dụng. Cho nên, ở đây,
phải thận trọng: mình là gì? Cái bản chất chân thật
của mình là gì? Và như thế nào là trọn vẹn? Socrate
dặn bảo: “Hãy biết mình”. Mình là ai? Là gì? Là
cha, là mẹ, là con, là một công dân,..., là một vai trò—với
những trách nhiệm và quyền hạn ? Như vậy, mình chỉ là
một cát vai, trên sân khấu trò đời, mà tất cả đều
được qui định trước—bởi phong tục, tập quán, luân
thường đạo lý, luật pháp,v.v...—mà cha ông để lại.
Cuộc đời chỉ là con đường mòn, cá thể chỉ là
con rối. Gọi như thế là số mạng, là nhân gieo từ
các kiếp trước, giờ đây, chỉ còn có rước cái
quả rủi may bất thường, hoặc mọi việc đều do Chúa, Phật,
Trời sắp đặt. Thế thì thật đáng buồn cho thân phận
làm người. Thiết nghĩ có thể mạnh dạn hơn khẳng định
chính mình, thí dụ là cái thể xác nầy mang bên trong một
cuộc sống tâm linh. Cả hai đều không ngừng biến đổi,
từng sát na một. Nói cách khác, nó là một diễn trình,
một giòng chảy, lúc vầy, lúc khác. Định nghĩa
nó tức cố định nó, ức thúc nó, gói nó trong một
số chữ nghĩa giới hạn: làm như vậy có khác chi gói gió
trong bao giấy. Nghĩ cho cùng, làm sao gói được tâm linh con người
trong một vài chữ? Lại nữa, thí dụ định nghĩa tâm linh,
tức phải dùng một nhóm từ khác, rồi lại phải định
nghĩa những từ-chính trong nhóm từ nầy, và như thế mãi,
có khi trở lại cái ban đầu. Thật không khác con rắn Ouroboros
cứ cố gắng cắn cái đuôi của nó, quay vòng vòng như
vậy mãi. Vậy,
nên nhận cái mình ấy là từ ngữ ban đầu, ta hiểu chung
chung qua những thí dụ cụ thể, như khái niệm tập hợp ở
các lớp vỡ lòng. Từ ngữ ban đầu hay từ ngữ nguyên sơ.
Nguyên đây là trong Nguyên Hanh Lợi Trinh của quẻ
Càn—thuần Dương, một gạch ( ______ ) không đứt đoạn.
Nó biểu hiện cho Thái Cực—duy nhất, bất khả phân, nó
là nó, không có đối tượng để so sánh. Cho nên bảo
nó là ‘bướng bỉnh, cứng đầu , không thỏa hiệp, ích
kỷ , tự cao tự đại’ có sao đâu, không có cái gì
tốt hay xấu trong đó cả.
Theo Kinh Sáng
Thế, thì con người khởi điểm chỉ có Ông Adam. Thái Cực,
Quẻ Cán. Dầu Ông có tài giỏi đến đâu—như
Tề Thiên Đại Tánh, náo loạn Thiên Cung—Ông cũng không
sanh được con cháu: Ông là người đầu tiên và cũng
là người cuối cùng. Loài người chỉ có một mình
Ông mà thôi. Đức Chúa Trời, ngộ ra cái lẽ
nầy và thấy Ông cô đơn, mới mượn Ông cái ba sưởn,
biến thành bà Eva. Từ ấy, Ông là Thái Dương,
Bà là Thái Âm, tượng trưng bởi quẻ Khôn, một gạch
đứt ở giữa ( __ __ ). Âm Dương không tương
giao, thì Bà—tức Thái Âm, Cực Âm—có tài ba cách
mấy, cũng không mang bầu được để sanh con đẻ cháu. Vậy,
Đức Chúa Trời phải cho âm dương tương giao, để lời
phán của Ngài—“hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều..”—được thể hiện.
Vậy, nếu 79 là “duy ngã
độc tôn”, “bướng bỉnh, cứng đầu , không thỏa hiệp,
ích kỷ, tự cao tự đại”, đúng là quẻ Càn, Thái
Dương, thì “cũng có thể nói ngược lại
, 79 phải chăng chính là một con số khiêm nhường, có nhân
cách , biết mình, biết người, biết có thể làm được
gì và không làm được gì thiết thực có ích, không
ôm đồm , không bắt người khác phải gánh vác trách
nhiệm của mình, không đổ tại, bởi, vì, không chia cho số
nào khác ngoài chính nó và 1.” Đó là nói Dương phải có Âm, và
ngược lại. Âm Dương tương khắc—cái nầy không là
cái kia, nhưng cũng tương sinh—cái nầy xác định cái
kia. Đó là luật nhân
quả nguyên sơ của Phật gia. Tôi khác tha nhân, không là tha nhân,
nhưng tôi xác định tha nhân, tha nhân xác định tôi: cái
nầy là nhân, cái kia là quả của nhau. Đó cũng là luật tiến
hoá của nhân loại: Cứ nhìn vào lá cờ Đại Hàn
mà xem. Một vòng tròn, bên trắng bên đen.
Bên Dương, Bên Âm. Bên trắng có chấm đen, bên đen
có chấm trắng. Trong Thái Dương có Thiếu Âm, Trong Thái Âm
có Thiếu Dương. Vật cùng tất biến: một bên, Thiếu Âm
sẽ phát triển biến Thái Dương thành Thái Âm; bên kia,
thiếu Dương sẽ phát triển để biến Thái Âm thành Thái
Dương, và như thế mãi. Đó là hình ảnh
sóng sau dồn sóng trước, trẻ thay thế già. Cho nên, nếu ở các chùa, sư sãi, tu để thành chư
tôn đức, thoát tục, siêu nhân, đến một cứu cánh tối
hậu, thì ở trường học, thầy
trò cùng tu học, hiểu môi trường, để dấn thân, nhận
trách nhiệm, tự tin mình có khả năng thay thế, lướt qua thế
hệ đàn anh, và như thế mãi để cuộc đời luôn mở,
không có điểm đến. Có được như vậy,
mới có ‘lương sư’ và ‘hưng quốc’. Nói trọn
vẹn thì có nên nghĩ trong cái nghĩa trung thực với chính mình,
trong những tương quan với tha nhân và vạn vật, dầu rằng nhận
thức về cái “mình” có thô sơ, hay chỉ trong một khoảnh
khắc hay ở một thời điểm? Cái tối thiểu là hạnh với
hành tương thông, nếu không là một
“Ngày
xuân , thừa dịp, ăn nói lang bang , cho vui, chắc không ai nỡ trách.” Cũng phải cám ơn cái
số 79 lắm chuyện. Nó là duyên lành, cho tôi thưa chuyện cùng
Anh và bè bạn đồng môn. Cũng là dịp cho tôi
đưa tin lành. Đó là sức khỏe tôi
đã dần dần bình phục, trở lại sinh hoạt bình thường.
Một duyên may khác là: tôi có nhờ anh Thái Trường Xuân
của chúng mình, sửa cho cái vai trái bớt đau và trở lại
bình thường. Kết quả khả quan lắm. Để kết thúc, trong nhiều bài chúc
thọ Anh, tôi xin mượn thơ của anh Song Quang, mà tôi nghĩ là
hợp với chúng ta nhất : Chúc Thọ Thầy Pham Khắc Trí Qua lời TẢN MẠN "79" . Bảy chín,Thầy chưa đến nổi già TRÍ còn minh mẫn, nghiệm xâu xa Ngày Xuân tản mạn: Vui ra phết ! Tết đến ngao du: thưởng ngoạn hoa
. Dịch , họa thơ Đường hay đáo để, Thơ, Văn nét bút tựa mưa sa Chúc Thầy trăm tuổi ......Trời ban số , Khỏe mãi, tao đàn rộn tiếng ca Song Quang . Thân chúc Anh Chị một Năm Mới thân tâm an lạc.
. Kính
thơ, Nguyễn Văn Trường Học sinh Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ. 1943-48
NGUYỄN VĂN TRƯỜNG Một Nét Thu Ca
Bài nói chuyện
tại Trung Tâm Việt Mỹ, 9530 Antoine Drive , Houston , TX 877086 ĐT: 713-320-7555 ngày 31-10-2010 “Buổi sinh hoạt để cùng sống với không khí mùa
thu qua Thơ, Nhạc và những câu chuyện về Thu với chủ đề THU
CA”[1] Kính thưa Ông
Giám Đốc Trung Tâm, Kính thưa quí
vị trong Ban Tổ Chức, Kính thưa quí vị quan
khách, Lời nói đầu tiên của tôi là thành tâm cám ơn quí
vị đã cho tôi duyên lành được cùng quí vị sống
trong không khí thu. Thu Houston, năm nào cũng ấm áp, nắng đẹp,
trời trong, thật như xuân trở lại trong lòng người. Trong cái
không khí dễ thương và bao dung đó của thu Houston, tôi cảm
nhận cái tình mà quí vị dành cho chúng tôi, tôi cảm
nhận hồng ân mà tạo hóa ban cho. Tôi quí trọng và ghi khắc
trong lòng.
Chúng
tôi cũng xin quí vị cho phép chúng tôi cám ơn riêng các
bằng hữu của chúng tôi:
1. Xin quí
anh chị Hội Vĩnh Long-Vĩnh Bình Sađec nhận nơi đây lòng quí
trọng và biết ơn của chúng tôi. Quí anh chị đã
sớm đến trong quảng nửa thu-đời sau cùng của chúng tôi,
và gợi ý cho chúng tôi về một nếp sống mới, nếp sống
đa văn hoá, không là một melting pot như tôi thường nghĩ mà
là một salad bowl trăm màu trăm sắc. Mà nói cultural diversity thì
tất yếu phải nghĩ human unity. Ba tỉnh VL-VB-SD, ba sắc thái khác nhau, nhưng mà là một, cái một đó có thể đó
là vị trí ở giữa sông Tiền và sông Hậu, cũng có
thể cùng một lịch sử--thí dụ lịch sử di dân; cũng là
một vì từ trước đến giờ, Hội luôn
giữ được hoà khí và là nguồn nương tựa tinh thần
cho anh chị em hội viên chúng tôi. Ảnh
bên: TBT chào mừng quan khách và tuyên bố lý do 2..
Thứ đến, chúng tôi xin được phép cám ơn riêng quí
vị giáo sư trường chúng tôi, huynh trưởng và các em chúng
tôi—cựu học sinh hai trường PTG-ĐTĐ Cần Thơ, ở Houston—luôn
dành cho chúng tôi một ưu ái đặc biệt. Buổi
nói chuyện hôm nay cũng do quí anh chị em tạo cơ duyên và giúp
đỡ. 3. Thứ đến nữa là cám ơn những bằng hữu của
chúng tôi, luôn khuyến khích, hỗ trợ, và tiếp sức cho chúng
tôi trong mọi cảnh. 4.. Lời nói sau cùng hết là
cám ơn người đã luôn bên tôi để chăm sóc và
làm đẹp cho cuộc sống của cha con chúng tôi.
Giờ đây,
tôi xin vào đề: Một Nét Thu Ca. Phần Một. Thu Thu ca hôm nay là khúc ca mùa thu của giòng đời. Đời người
cũng có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông. Chỉ có khác là
mỗi người chúng ta chỉ có một đời, khoảng trăm năm;
và trong trăm năm ấy chỉ có một xuân, một hạ, một thu, một
đông. Chỉ một mà thôi. Ảnh
bên: Nguyên Nhung đang đọc bài thơ CHIẾC LÁ... Trước khi đi xa, xin cho phép tôi minh xác nghĩa của
mùa thu đời ngưòi. Một
cách khái quát ta có thể chấp nhận: Sang thu là quá nửa
năm, ‘thu-đời’ là quá nửa đời người:
cuộc đời quá ngọ, đi vào xế chiều. Nữ sĩ Nguyên Nhung gởi gấm tâm tình
trong “Chiếc lá..” thu: “Một nửa đời đã đong đầy nỗi nhớ Một nửa đời còn lại để lãng quên”[2]
Nói rõ hơn, có năm điểm để xác định
thu-đời : a/ Xuân là tuổi trẻ. Hạ là trung niên Thu là xế chiều cuộc đời: Một nửa đời đã đong đầy nỗi nhớ Đông
là ở hospice, một mình làm quen với thần chết. b/ Mắt đeo gương viễn thị, Bắt đầu hình thành nếp
nhăn chân vịt. Tóc, râu, mày, bắt đầu điểm sương Nhiều khả năng bị các bệnh gọi là bệnh của người
cao niên: đau khớp xương khi trở trời, bệnh tiểu đường,
cao máu, tim mạch, .....,.. c/ Nhiều khả năng phải chịu tang lớn: Cha
mẹ, anh chị, cô bác, hoặc người hôn phối, hoặc một bạn
cố tri. Nhiều khả năng thấy con cái đủ lông cánh bay đi
xa: cảm giác cô đơn Nhiều khả năng có cảm giác phải
sống bên lề xã hội. Không còn bay nhảy giữa giòng đời.
d/ Gặp nhau thì nói chuyện thuốc men, bác sĩ, những đổi
thay trong hệ thống an sinh xã hội, những bài ‘thuốc ta’ ngừa
bệnh nầy, trị bệnh kia, mà không một cơ sở khoa học nào.
Chỉ tin vào người xưa, tin ở cây cỏ thiên nhiên, e ngại phản
ứng phụ của thuốc tây. Nhớ dĩ vãng xa xôi, hay quên chuyện
xảy ra gần. Cũng có khả năng gặp một cuộc đổi đời—một
tai nạn lớn—như 30/4/1975 tại Miền Nam VN, phải ngồi tù, vươt
biên, ly hương, hoặc gặp một suy thoái kinh tế như vừa qua. e/ Có nhiều khả năng có niềm tin ở Chúa, Phật, Trời, Đấng
Chí Tôn. Có nhiều khả năng qui y theo một đạo giáo tổ chức.
Thường xuyên đi chùa hoặc nhà nguyện, tụng niệm cầu phước,
đầu tư cho kiếp sau. Tuy nhiên đó là những dấu hiệu hay hiện tượng ít nhiều
khách quan, dùng để cho một định nghĩa hình thức về thu
đời, chính yếu vẫn là cái tâm, những cảm nhận
chủ quan của mình về cuộc đời xế bóng. Ảnh:
Chị Thu Nguyệt ngâm thơ Tản Đà Nhớ
và quên trong “Chiếc lá...” của Nguyên Nhung không chỉ
là một hình thức nghệ thuật gieo vần, gieo ý. Vào thu, là
giã từ một thời xuân sắc, là như muốn đóng khép
một dĩ vãng. Càng muốn, dĩ vãng càng hiện lên, cho nên
có cái cảm giác “Một nửa đời đã đong đầy
nỗi nhớ”. Và đâu đó tiềm ẩn
chút lo âu trăn trở trong cái ‘nửa còn lại’: “Một ngày nào sẽ không nhớ nỗi tên Của những người quen mà mình đã biết”[3] Nhưng, ngay đầu bài
thơ của NN, “chiếc lá..” đã tự vấn: “Tôi
là ai?”. Câu hỏi về thân phận, về bản sắc con người,
hoặc cho chính tự thân ; đến rồi lại đi, suốt giòng
đời ; mỗi lần đến, mỗi khác, khác trong xúc cảm, nghĩ
suy, nhận thức. Ở tuổi đôi tám, nó
có thể là biểu hiện của một sự khủng hoảng bản sắc
(crisis of identity), đứa trẻ muốn khẳng định bản sắc của mình,
bằng cách phủ định và chống đối quyền bính của
cha mẹ, thầy cô giáo, những giá trị của gia đình và học
đường. Đó là cái tuổi bướng bỉnh, nổi loạn, khẳng
định « cái tôi », mà chẳng cần biết tôi là
gì ? là ai ? Đến khi tiếp cận với
triết học ở lớp 12 hoặc cao hơn, thì lại học và phát hiện :
1. một cái tôi văn hóa :
tôi là người Sàigòn, người Kinh, người Thượng,... 2. một cái tôi nghề nghiệp : tôi
là kỹ sư, thợ điện, cô giáo,... 3.
một cái tôi xác định bởi một cơ thể, bởi thất tình
lục dục, bởi một cá tính, hay nói chung bởi một bản sắc
đặc thù, cho tôi, chỉ có tôi mới có được, không
ai khác. 4. một cái tôi
gắn liền với một quá khứ riêng tôi. 5. một cái tôi gắn liền với một đạo
làm người, ý thức về mình, về người, về môi trường,
6. Và còn nhiều điều
tế nhị và rắc rối khác nữa. Nói chung, tất cả điều ấy được khai tâm,
học hỏi, thảo luận, suy luận, viết thành bài, văn hay ý đẹp,
lý luận chặt chẻ..., có khi chỉ để cho học vị, hay thỏa
mãn lòng kiêu ngạo của cái tôi, hoặc khai tâm và chuẩn
bị cho tuổi thanh niên vào đời. Tiếp theo là xây dựng sự
nghiệp, hoặc ‘phải có danh gì với núi sông’, hoặc ‘chồng
quan sang, vợ hầu đẹp’, hoặc ‘không thành danh,cũng thành
nhân’. Những thứ ấy biểu hiện ít nhiều cái ‘tôi’
của hai mùa xuân, hạ. Khi vào thu, con người đã
qua lắm ‘cuộc bể dâu’, trải nghiệm cũng nhiều thử thách,
và có những thử thách khắc nghiệt, nghiệt ngã khắc ghi trong
tâm khảm, cuộc đời quả như ‘đong đầy quá khứ’.
Cho nên không còn bộp chộp, lăn xăn, nóng vội. Cái muốn
cho kỳ được xẹp xuống, bớt hẳn đi. Con người trưởng
thành hơn, trầm tĩnh hơn, lòng như ‘ao thu, nước trong veo’,
như ‘mặt hồ tĩnh lặng’, thấy-hiểu-biết sự giao lưu tất
yếu môi trường-và-ta, câu hỏi ‘tôi là ai ?’ trở
lại với một thực tế sinh động. Cho
nên đọc ‘Chiếc lá..’ không để mình bị lạc
trong âm vận, trong chữ nghĩa, trong ý tình, mà phải bước thêm
nhiều bước, để cảm nhận một con người vào thu, một
thi nhân trầm mặc : ‘lãng quên’ có thể không chỉ
là ’lãng’, mà còn là buông bỏ. Buông là không
nắm bắt, bỏ là không cố giữ, đó là xả, hành tu
tâm xả của Phật gia : hành mà không hành. Nếu đọc ‘Tôi là ai ?’[4] của Bà Trần Mộng Tú, thì đừng
chỉ nghĩ đến một lữ khách vào thu, ước vọng về nguồn,
chơi vơi tự vấn : mình là ai ? thuộc về nền văn
hoá nào ? nền văn hóa gốc hay trước mặt ? Cũng
đừng nghĩ hiện tượng ‘trái chuối’ của các cháu
sinh trưởng ở đây, hoặc ở Châu Âu, ngoài thì da vàng
nhưng trong thì từ ngôn ngữ, thái độ, xử thế đến nghĩ
suy, tình tự thì trắng như người da trắng, và đang hoang
mang trong một sự khủng hoảng bản sắc.
Phần hai : ‘Cuối thu nhìn ‘thu’ hay
‘mùa thu-đời của tôi.’ Đã bước qua ngưỡng
cửa của bát thập, tôi vẫn xem mình thuộc mùa thu, nhưng là
cuối thu. Nhìn lại, thì có thể tôi khởi bước vào
thu trong những năm 1973-75. Người Việt Nam mình thuở xưa, lục tuần
đã là thọ, thất thập cổ lai hi, giờ đây thì 90 cũng
có thể xem là thượng-thượng thọ. 1975, tôi tròn 45 tuổi,
kể như bước qua cái mốc ‘nửa đời còn lại’.
Như vậy, gọi là bước sang thu cũng được rồi.
Tuy nhiên, như đã thưa ở trên, cốt
tủy của thu-đời là tâm thức của mỗi người.
Có người còn trẻ lắm, như nhạc sĩ Đặng Thế Phong, mà
lại ôm lấy cái thu, và ...‘thu sầu vạn cổ’[5]. Vì sớm qua đời[6], ông viết chỉ ba bài, cả ba đều
về thu. Cả ba—Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến, Giọt Mưa Thu—đều
gợi buồn[7]—nhạc : buồn !; lời ca : buồn
hơn !—một cái buồn mênh mông, bao la không bờ bến.
Có thể nói ông chưa qua thu, cũng có thể nói, thu-đời đến
sớm với ông, và đến cùng lúc ông phải chống chọi
với bệnh nan y ; cho nên bi quan, thu sầu, thu buồn, buồn lãng mạn,
kêu mây gọi gió nhắn mưa, trách trời đất. Lời ca ‘Giọt
mưa Thu’ vỏn vẹn 132 từ, gồm 5 đoạn ngắn, và trong cả 5 đoạn,
các từ ‘buồn’, ‘khóc’, ‘than’ , ‘hờn’, ‘sầu’,
‘nức nở’, ‘lê thê’,.. có khi lặp đi lặp lại,
để sầu thêm sầu,..
Như nhủ trời xanh Gió ngừng đi mưa buồn chi cho cõi
lòng lâm ly
và nếu gặp phải giọng ca của
nghệ sĩ Lệ Thu thì bài ca nầy quả thật là cái ‘buồn
vạn cổ’, buồn chết đi được. Tôi
thiếu may mắn—hay được may mắn—là không biết mình
đã vào thu, vì không được cái rảnh rỗi ngắm thu,
nghe thu, khóc thu, than thu, giận ông trời, hờn thân phận. Nhớ lại,
thời ấy, 1973-75, vấn đề gây cấn, thúc hối, âm thầm giằn
xé trong mỗi người hình như là đi hay ở : đi là lưu
xứ, đất khách quê người ; ở là chia sớt nhau trong cái
khó. Trước ngả ba đường, đi bên nào cũng tối
đen như mực, âm khí đằng đằng, bên nào cũng là
ngõ cụt. Và đã chọn thì không đường lui, như Jules
Cesar vượt sông Rubicon.
Và tôi đã chọn
ở lại. Lý do : mẹ tôi và nhạc mẫu của tôi đều
qua cái thất thập, mẹ tôi thì đau nhiều, nhạc mẫu tôi thì
bắt đầu bệnh Alzheimer, và còn nhiều lý do khác. Rồi đến nạn hồng thủy : Bao nhiêu hệ lụy
xảy ra sau đó thì chúng ta đều biết. Thời khoảng ấy, 1975-80, cũng là thời lúc mà những
người không tin thần thánh, không tin Chúa, không tin Phật Trời,
lì lợm nhất, ‘vô đạo’ nhất cũng bỏ lổ ẩn cá
nhân của mình, để cầu nguyện, cầu xin Ơn Trên tiếp sức,
để qua được cơn quốc nạn.
Tôi
không là một một ngoại lệ. Tôi đến
các giáo đường, các chùa,.., để cầu nguyện, và hằng
ngày vái van cầu xin Ơn Trên cho tôi đủ sức để qua đại
nạn. Giờ đây, nghĩ lại, Ơn Trên đã
ban cho chúng tôi thật nhiều ân sủng. Không có phép lạ, chúng
tôi không biết sẽ ra như thế nào, khi lượng sóng thần ‘vĩ
đại’ đó quét toàn diện mọi miền đất nước,
mà chúng tôi thì ở ngay đầu sóng ngọn gió. Có hai điều tôi nhớ mãi:
1.
Ơn
Trên gởi đến chúng tôi ba loại người : Loại 1 :
Thí dụ1. Trong không khí căn thẳng tận cùng của những
ngày tháng ‘thi đua’ ngồi không chờ việc, một đồng
nghiệp trẻ của tôi mời tôi một điếu thuốc lá. Những
lúc như vầy, thì thuốc lá cần lắm, người không nghiện
cũng bấp bấp vài hơi cho sảng khoái. Vừa bóc một điếu
thì anh tươi cười bảo tôi : ‘Thầy nhầm rồi, thuốc
Vàm Cỏ[8] em dành cho cán bộ, thầy lấy phía
bên nây là thuốc ba số[9], loại ‘xịn’, có ‘cán’,
‘cao cấp’ dành cho thầy’. Hồn nhiên, nửa đùa nửa
thật, những cử chỉ nho nhỏ, thật nhỏ như vậy, nhưng gần gũi,
thật ấm lòng. Tôi có một anh bạn đang học tập ở trại
Hà Tây. Nhân đi thăm và bới xén cho anh tôi ở trại Hà
Nam Ninh, tôi muốn kết hợp thăm anh ấy. Thời bấy giờ, nếu không
là bà con thân quyến mà đi thăm người cải tạo thì
rất có thể có vấn đề với nhà cầm quyền. Anh đồng
nghiệp trẻ tuồi nói trên của tôi mạo nhận là cháu của
bạn tôi, đưa cho tôi những giấy tờ cần thiết để tiếp
tế cho ‘cậu’ của mình. Đó là vào Tết 1979, lần
duy nhất tôi được biết ‘1000 năm’ Thăng Long. Thí dụ
2. Tôi có gởi ba đứa con lớn của chúng tôi cho 3 người bạn
và là đồng nghiệp, để học tiếng Anh và nếp sống ở
Mỹ trong nhiều tháng để chuẩn bị cho chúng đi chui. Quí
vị ấy đã hết lòng giúp đỡ và nhất là giữ
kín cho chúng tôi. Khi chúng đến Terampa, Indonesia, tôi gởi năm
điện tín cho thân tộc và hai bạn đồng nghiệp ở Mỹ.
Tôi đều được trả lời : sẵn sàng làm thủ tục
rước các cháu, xin địa chỉ để gởi tiền cho các cháu.
Tôi cảm động, rơi nước mắt. Thí dụ 3. Tôi giới hạn những gặp gỡ có thể bi hiểu
lầm là có động cơ chính trị. Tôi cũng hiểu rằng
có những bạn bè e ngại đến thăm viếng chúng tôi vì
ý tốt ; họ ngại đem đến những hệ lụy không hay cho chúng
tôi. Cũng có người tránh chúng tôi như sợ bị
truyền nhiễm chính trị, tôi hiểu và không lấy đó làm
phiền. Trong cái không khí e dè cho nhau và e sợ nhau đó, trong
cái hỗn độn và đảo lộn giá trị xã hội đó,
thì một người bạn chúng tôi ghi vào tờ khai lý lịch cá
nhân rằng người bạn thân nhất trong trường là nhà tôi.
Thật ấm lòng, khi được nghe Chị bảo nhà tôi : « trong
lý lịch mình nói A-Trang là bạn thân nhất của mình đó
nghe». Chúng tôi nghĩ chị bạn ấy can đảm chớ không
phải là ‘điếc không sợ súng’.’ Đó là những con người tuyệt vời : những tấm
lòng vàng, những tâm hồn chân chất, những trí tuệ logic
đa chiều, thông hiểu và luôn như nhắn nhủ chúng
tôi phải tin ở tình người, tin ở cuộc đời. Loại
2. Trong cái không khí tan hàng, hỗn quan hỗn quân, cũng
có vài người, quá sớm ‘giác ngộ’ ‘xã nghĩa’[10], tưởng tượng ra những
âm mưu Mỹ Ngụy, gieo những nghi ngờ nguy hiểm cho anh em trong trường
tôi. Hành vi đó, trong bối cảnh đó thật bất xứng,
đáng đánh nhiều roi. Mãi về sau, tôi mới ngộ ra rằng
nếu Ơn Trên gởi cho tôi những thiên thần thì cũng buộc tôi
gặp những hành động quỷ dữ để dạy cho tôi
sự kiên nhẫn, tập cho tôi nghĩ suy, chỉ cho tôi thấy hiểu ‘sông
có khúc, người có lúc’, đừng lấy đó làm điều.
Chẳng qua là : những con người bình thường, hiền
lành, không quen sóng gió, nên khi gặp phải bão tố
thì trở thành ‘dễ sợ’ như vậy đó. Thật tội
nghiệp. Thế nhưng, thấy tội nghiệp một người, tức
là đã cho mình cao hơn người đó ; đó là
kiêu ngạo có lý do, và càng có lý do, tính kiêu
ngạo càng nguy hiểm cho mình hơn. Loại 3.
Thí dụ : Một giáo sư Văn và hiệu trưởng của
nhiều trường trung học Miền Nam, trong những tháng ngày
sôi động ấy, khẳng định với tôi là Anh sẽ từ nhiệm,
bỏ cái nhiêm vụ dạy Văn của Anh. Nói cách khác là Anh
vĩnh biệt cái nghề thầy giáo. Lý do : Không lúc nào
học đường có thể là cơ quan tuyên huấn của một đảng,
dầu đảng đó lãnh đạo, điều hành toàn thể các
định chế của quốc gia. Một ông giáo, nhất là Văn Sử,
không và nhất thiết không là một công cụ
tuyên huấn của Đảng, cả của nhà nước. Tôi ngại
ngùng khuyên Anh nên nghĩ lại, vì trong bối cảnh lúc bấy giờ,
thì cái bản án ‘bất hợp tác’ có thể có những
hệ lụy không lường trước được. Nhưng rồi khoảng tháng
sau, Anh nghỉ việc.
Tiếng nói của Anh là tiếng kêu la của thân phận,
thân phận trói buộc nhiều bề của người thầy giáo, trói
buộc trong những giá trị tự thân, trong những nguyên tắc chức
năng, trói buộc bởi những đổi thay chính trị, đe dọa của
quyền lực, sức ép của môi trường. Nghĩ rộng ra, đó
cũng là thân phận của con người. Ai ai rồi cũng bị cột trong nhiều chiều. Tôi là
ai ? là người con, người cha, người mẹ, người vợ, người
chồng, thầy giáo, cô giáo, công chức, thương gia, công nhân,
nông dân,... Trong những vai trò khác biệt nầy, tôi được
huấn luyện, để đáp ứng những nhiệm vụ, những thiên
chức, và nếu may mắn, tôi đáp ứng được một phần
nào những đòi hỏi của tổ chức, của định chế, thì
tôi được vinh danh là mẫu mực. Thời bấy giờ là điển
hình tiên tiến, chiến sĩ thi đua,...Thế rồi, những nhu cầu thiết
yếu trở thành thứ yếu, hoặc quên hẳn đi. Suy cho cùng, tôi
có thể mất mình mà không hay biết. Vì
rằng con người tôi đã đồng nhất với những vai
trò mà tôi diễn xuất, qui định bởi những tiêu chuẩn của
môi trường, mà trong thời buổi bấy giờ tùy thuộc rất
nhiều nơi sự tùy hứng của những “ông Hồng Y
hay Đại Lão Hoà Thượng Hội Thánh Đỏ”. Vấn đề không là như cây xồi của La Fontaine:
cao ngạo, quả cảm, để tróc gốc. Cũng không phải đơn giản
như lời nói của cây sậy: “tôi gập mình, nép
sát, nhưng không gảy gục.” Cái khác biệt giữa Xuân-Hạ, và
Thu trong câu hỏi thân phận nầy là : ở Xuân, thì khẳng
định bản sắc cái tôi, không thấy biết tha nhân ; ở
Hạ, thì lăn xăn vào sự nghiệp, trọng tâm là thành công
trong đóng góp ; vào Thu, là trải nghiệm, thực sống, thực
vấn hỏi, nghĩ suy về thân phận, và câu hỏi có thể theo
mình suốt quảng đời còn lại.
Một hôm, ngồi uống cà phê nơi quán cóc cùa
một ông giáo sư Vật Lý Trường Lê Hồng Phong, tức Pétrus
Trương Vĩnh Ký hồi trước, tôi bỗng nghe tiếng ngâm nho nhỏ : ‘Thuốc xuống, vàng lên sầu chót vót’[11] Thì
ra có thêm một giáo sư Văn không thỏa hiệp bị đẩy ra
chợ trời thuốc tây, mượn vàng để buôn thuốc. Nhưng
nghề nào cũng lắm công phu, chợ trời không biết văn hay lời
đẹp, cũng không hiểu khí tiết. Gặp phải lúc giá thuốc
thì xuống, giá vàng thì lên, nên ‘sầu chót vót’.
Chuyện ‘người tốt việc tốt’ thời ‘xã nghĩa’[12], nói
sao cho hết.
2.
Thời
khoảng ấy, ‘thời kỳ quá độ sang xã hội chủ nghĩa mà
không qua tư bản chủ nghĩa’, cũng là thời gian mà tôi đọc
hoặc học nhiều sách và nhiều thầy nhất. Đương nhiên
là phải học ‘Tân Ước’—qui ước mới—của ‘Hội
Thánh Đỏ Mácxít-Lêninnít’, với bài bản
có hệ thống về ‘hướng đi tất yếu của lịch sử’,
để ‘giác ngộ giai cấp’, ‘giác ngộ sự tất thắng
của giai cấp công nhân-nông dân’ do Hội Thánh Đỏ lãnh
đạo trong các cuộc thánh chiến. Song song với những cái bất
đắc dỉ trên, chúng tôi dưỡng nuôi tinh thần bằng Tam giáo—Phật
Giáo, Lão-Trang và Khổng Mạnh—và những triết thuyết phương
Tây, trong đó Kinh Thánh giữ một vai trò trọng yếu. Riêng về
Phật giáo, chúng tôi có theo nghe giảng với quí thầy sau đây :
Viên Minh, Thanh Từ, Trí Hải, Trí Quảng, Diệu Không, Minh Châu.
Chúng tôi có mời anh Thanh Trí, một vị đệ tử của Hòa
Thượng Thanh Từ giảng cho một nhóm bạn bè chúng tôi năm
sáu người vào mỗi chiều thứ sáu, suốt gần hai năm. Chúng
tôi lần lượt học : những bài khai tâm của HT Thanh Từ, rồi
đến : Tín Tâm Minh của Ngũ Tổ, Chứng Đạo Ca của Ngài
Huyền Giác, Hé mở cửa Giải Thoát của HT Thanh Từ, Kinh Kim Cang,
Kinh Bát Nhã, Pháp Bữu Đàn Kinh,.. Riêng tôi, tôi còn được
khai tâm thiền do một anh bạn, anh là đồ đệ của Ông Tám
Lương Sĩ Hằng, sau đó thì theo chỉ vẻ của anh Thanh Trí,
và sư cô Trí Hải. Người giúp cho chúng tôi nhiều
trong việc tìm học đạo trong khoảng thời gian nầy là anh Lư Tấn
Hồng[13].
Chính Anh đã đưa anh Doãn Quốc Sỹ đến nói chuyện Thiền
cho chúng tôi. Cũng chính Anh đưa chúng tôi đến thầy Viên
Minh, Chùa Kỳ Viên, đường Phan Đình Phùng Sàigòn, một
vị tăng Tiểu Thừa mà giảng Đại Thừa một cách mạch
lạc, đâu ra đó. Ông là một ngôi sao sáng trong giới tăng
ni thời bấy giờ.
Nói chung tôi đi rất nhiều chùa—Kỳ
Viên, Xá Lợi, Linh Sơn, Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm, Tu Viện Chân Không,
Thường Chiếu, Viên Chiếu, Kiều Đàm, Tịnh Xá (Sư Cô
Trí Hải), học rất nhiều thầy, chưa kể là đi cầu nguyện
ở các nhà thờ, nhà nguyện. Tôi có thực hành thiền tọa
một vài năm. Nhưng cái tâm của tôi, lúc bấy giờ không
lúc nào an trụ được một nơi, mà thường là ngao du
đây đó, thí dụ : ở các bệnh viện—Triều Châu,
Sùng Chính, Nguyễn văn Học, Bình Dân, chợ trời,
ở những nơi bất định trong hành trình đi chui của các con
tôi, ở những trăn trở nghề nghiệp, vận số, thân phận do những
bạn bè và bối cảnh đưa đến cho tôi, như đã thưa
trên đây. Cho nên, học thì nhiều, mà nhớ và hành tu thì
không bao nhiêu. 1978 người anh, cột trụ gia đình tôi, qua đời.
Năm 1979, mẹ tôi qua đời, 3 đứa con lớn của tôi vượt biên
bình an. Tuy nhiên kiểm lại số bạn bè tôi vượt biên, phân
nửa bị tử nạn. Thật hãi hùng.
1980 chấm dứt giai đoạn
bắt đầu sang thu của tôi. Tôi vẫn chưa ý thức mình đã
vào thu.
Thập niên 1980-90, tình hình bớt căn thẳng. Đã
có kiều bào về nước ngày càng đông. Và cả những
người được xem là phản quốc, giờ trở về, được
xem là “khúc ruột ngàn dặm”. Người đi học tập cải
tạo lần lượt trở vế, ngỡ ngàng, có khi không còn gặp
được vợ con, cha mẹ; mà nếu may mắn gia đình còn nơi
chốn cũ, thì con thất học, người già không thuốc men, còn
mình thì bị quản chế tại gia, và .. thất nghiệp. Riêng chúng
tôi, đây là thập niên chờ đi đoàn tụ gia đình,
tôi nạp đơn xin đi vào cuối 1980. Cuộc sống chúng tôi có
dễ chịu hơn trước nhiều, đã có cơ duyên ‘hé mở
cửa giải thoát’. 1987 đứa con Út tôi đi chui sang Thái
Lan. Nó đi cùng 4 đứa bạn nhưng 2 người bạn của nó
mất trên biển. Thêm một lần khiếp đảm. Một tháng sau
nhạc mẫu tôi qua đời.
Vào mùa thu 1992, chúng tôi được
đoàn tụ với các con tôi ở Houston và đi vào một cuối
thu ấm áp, ít vấn đề. Cuộc sống ít vấn đề, ít
thử thách, thường không có gì để thưa trình. Thật
ra, có ngôn ngữ nào, văn thơ nào mà gói được hết
cuộc đời, dầu chỉ trải nghiệm trong một sát na, huống
chi đây là cả một thu-đời. Cho nên, cho phép tôi kết thúc
bài thưa trình nầy trong vài nhận xét. 3. Tóm lại, 3.1. Tôi bước sang thu mà
không ý thức đã sang thu. 3.2. Tôi trải nghiêm một thời
kỳ mà người VN ta phải đi đứng bằng hai tay, chân chỉ thiên,
như Âu Dương Tây Độc trong truyện Kim Dung, hoặc như lời Marx
chê trách biện chứng pháp của Hegel. 3.3. Giờ nhìn lại, tôi
thấy rõ tôi là ai trong bối cảnh đó? là một diễn viên sân khấu : là con, là đứa
em út trong gia đình, là cậu, là chú, là cha, là chồng,
là anh thầy giáo, là một ông đồ lỗi thời, là một
con người chơi vơi, mất hướng trước những đợt sóng
thần, luôn lo sợ, cảm thấy bất cứ lúc nào mình cũng
dễ bị tổn thương và gục ngã. Tôi phải kiềm hãm, đè
nén hỷ nộ ái ố, ai, dục trong tôi, và khắc phục thể chất
của tôi, để diễn xuất các vai, theo những qui định không
lời, không văn tự, của nếp sống gia đình và môi trường.
Càng muốn thoát ra khỏi các tuồng tích ấy, chúng càng
thắt chặc, trong khi tôi không có quyền chối từ, không có quyền
trốn chạy, không có quyền bỏ cuộc, không có quyền gục
ngã.... Tôi là ai ? Tôi không là gì cả, hoặc tôi
là tất cả những vai đó trên sân khấu trò đời.
Tôi cũng không có may mắn có thời gian và điều kiện để
nghĩ về hai chữ ‘vong thân’ của các nhà hiện sinh Tây Phương.
Tôi cũng không thấy cuộc đời đáng ‘buồn nôn’ như
ông J.P.Sartre. Tôi chỉ chỉ cảm nhận mình bị quay trong một cơn
lốc dữ dội, và chỉ cố gắng để vượt qua. Qua thu,
tôi có khóc, nhưng thu của tôi không lúc nào là một
thu chết, một thu buồn đến chết. 3.3. Tôi được dưỡng
nuôi trong đạo ‘thờ cúng ông bà’, phi đạo giáo[14]. Tôi
được giáo dục trách nhiệm về những hành động của
mình : ‘mình làm thì mình chịu’. Nhưng giờ đây,
tôi nghĩ : có phép lạ. Ơn Trên đã gởi đến
cho tôi những tấm lòng vàng, những thách đố để tôi
luyện con người tôi, giúp tôi hiểu biết về tôi hơn. Tuy
nhiên, cũng phải nói thêm: không vì như vậy mà mọi việc
đều phú cho Trời, giao cho số mạng. Phải ‘tận nhân lực,
mới tri thiên mạng’. Không phải người xưa nói bất cứ
cái chi cũng đúng, nhưng lời khuyên nầy, thiết nghĩ luôn
nên theo. 3.4. Từ ấy, tôi có theo Đạo Phật, học đạo,
và hành tu trong giới hạn một sự hiểu biết còn lắm thiếu
sót, nông cạn của một tín đồ bình thường. Trong ‘tín’
có ‘tin’. Về điều nầy nên phân biệt hai cụm từ
‘tín ngưỡng’ và ‘Đức Tin’. - ‘Tín
ngưỡng’ nói lên một lòng tin có mong cầu, chờ đợi
một hồng ân, một ân sủng, một phép lạ, đắc một quả
vị, thí dụ: A La Hán, Bồ Tát, Bích Chi Phật, Viên Giác
Phật,..Thí dụ: ‘Tu là để thành Phật’. Hoặc thực tế và trừu tượng hơn : ‘đi
chùa, cúng dường thì phước báo vô biên.’ - ‘Đức
Tin’ là nói lòng tin tuyệt đối, phi vọng ngã, trong vô ngã.
Muốn theo Chúa, phải thập tự giá cái ‘tôi’, mất
đi cái ‘tôi’ thì tìm được linh hồn chân thật
của mình.[15]. Cũng trong chiều hướng đó, Sư
bà Diệu Không, Chùa Kiều Đàm, tóm lựợc Đạo Phật
trong một chữ : Giác[16]. ‘Giác’ là ‘hiểu biết’. Trong chữ giác Hán-Việt,
có chữ ‘kiến’—‘giác’ thuộc bộ ‘kiến’—‘kiến’
là ‘trông thấy’. ‘Kiến tánh thành Phật’ là
lời của một vị sư có tiếng là thâm tu.
Giác có
hai loại : -‘Viên giác’ hay ‘giác tròn’ là tính
giác của người ‘kiến tánh’ (viên kiến) ; đó
là hiểu, biết, thấy trong tâm thái vô ngã. Chữ ‘Giác’
của sư bà Diệu Không trong nghĩa nầy. -Tính giác thứ hai
là tính giác thế gian, cũng có thể gọi là ‘giác
méo’ hay ‘biên giác’ là hiểu biết, nhìn thấy sự
việc qua lăng kính của vọng ngã. Đó là giác tính
qua cái nhìn biên kiến, thấy biết theo kiến thức, kinh nghiệm, giá
trị, thất tình, lục dục, tích tụ suốt giòng đời, mà
Phật gia gọi chung là vọng ngã. Vọng ngã che lấp không cho ta thấy
thật biết thật. Vọng ngã rơi, cái màng che lấp rơi thì
‘chơn tâm hiện tiền’. Vọng ngã là cánh cửa ngăn cách ta với
nước của chư Phật, cửa mà không là cửa—vô môn
quan. Muốn mở vô môn quan, kiến tánh, chỉ có một cách là
giả từ vọng ngã, gọi như vậy là vô ngã. . Tôi
còn ở giai đoạn tín ngưởng, và vẫn chưa có pháp
danh.
Tóm gọn, tôi có một đầu thu xáo trộn, đầy
thử thách, mở đầu cho một chuỗi dài giác ngộ: giác ngộ
Ơn Trên, giác ngộ về những xáo trộn bên ngoài, về những
xáo trộn trong tôi, về những tính tình, hành động của
những con người cụ thể, giác ngộ về những ngõ cụt, gíác
ngộ về thân phận, về những con đường giải thoát. Cho nên, Thu Ca của tôi hôm nay có thể thu vào một nét, một
từ thôi . Đó là :
Giác
Nhưng cũng phải thêm
một tĩnh từ thiết yếu. Đó là méo : Giác méo.
Méo tức không tròn, không trọn, còn thiếu, còn
khuyết, chưa hoàn tất. Cho nên, còn phải làm cho tròn, cho trọn,
làm cho đầy chỗ thiếu, chỗ khuyết. Cuộc sống vốn vô thường,
tức là luôn đổi mới, luôn méo để làm tròn, luôn
khuyết để làm đầy, luôn dang dỡ để hoàn tất. Nhờ
vậy mà loài người không ngừng tiến bộ. Cho nên, nếu méo
là một khuyết tật, thì méo cũng là
một phước tật. Phước
thay kẻ thấy được rằng cuộc đời vốn méo, thân phận
của họ vốn khuyết, vì tự nhiên lúc nào họ cũng làm
cho tròn đầy. Nhờ vậy mà họ sống trọn ân sủng Trời
ban. Xin cầu chúc chúng ta luôn có môt
chuỗi dài thu-giác-méo.
Xin chân thành cám ơn sự lắng nghe của quí vị.
Phụ chánh: Trong buổi sinh hoạt, Bà Vương Thúy Nga có góp
ý: Xuân , Hạ, Thu, Đông của đời một người tùy thuộc
ở tâm thức, mà tâm thức không ngừng thay đổi, cho nên, trong
một khoảng thời gian ngắn, ta có thể có rất nhiều thu, đông,
xuân, hạ.
[1]
Trích thơ mời tham dự buổi Sinh Hoạt Văn Hóa của Trung Tâm ngày
hôm ấy, 31 tháng 10, 2010 [2] Thơ Nguyên Nhung. Chiếc Lá. Nguồn: http://www.ptgdtdusa.com [3]
Như trên. Thơ NN. [4]
Nguồn: Internet [5]
Bài Giọt Mưa Thu, còn có tên là Vạn cổ Sầu. Nguồn: Wikipedia [6]
1918 1942. Nguồn: Wikipedia [7]
Bài Đêm Thu là một bản valse. Nếu đàn chậm nhịp,
valse boston , thì cảm giác “buồn lê thê, không kém hai bài
kia. Nếu đàn nhanh, valse musette, thì rất cuốn lôi, và lời
ca sẽ quện trong nhịp nhạc, nên không nghe rõ được. Đây
là nói về nhạc khiêu vũ. [8]
Nội hoá, không cán rẻ tiền [9]
Thuốc Anh Quốc, có cán (có đầu lọc) , được sắp loại
hàng cao cấp. [10]
Xã hội chủ nghĩa. [11]
Huy Cận. Tràng Giang. Nắng xuống , trời lên, sầu chót vót ;
Sông dài , trời rộng , bến cô lieu [12]
Xã hội chủ nghĩa. [13]
Trong những năm đầu ở Mỹ, Anh tổ chức những buổi hội luận,
cùng tu học Thiền. [14]
Trong cái nghĩa thông thường là không có qui y hay rửa tội. [15]
Matthew 16:24 , 16:25 . The New Testament in Vietnamese and English (Authorised Version). Published by The British &
Foreign Bible Society for Gideons International. Phần trong dấu ngoặc là do tác giả
diễn dịch. [16]
Lạc Thiện, Hoa Viêt Thông Dụng Từ Điển. Thiều Chữu, Hán
Việt Từ Điển. Đào Duy Anh, Hán Việt Từ Điển
CUỘC TÌNH LỚN CỦA
TÔIHayMột
ông thầy giáo nghiêm túc nói chuyện tình.
BBT: Niên Trưởng Nguyễn Văn Trường, sanh năm 1930 tại Vĩnh
Long, là cựu học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ, niên khóa 1943-1948, giảng
dạy tại Viện ĐH Huế và Sài Gòn sau khi du học Pháp trở
về nước. Niên Trưởng đã 2 lần được mời giữ
chức vụ Tổng Trưởng Giáo Dục thời Đệ Nhị Cộng Hòa.
Định cư tại Houston từ đầu thập niên 1990, Niên Trưởng
đã tích cực cùng những anh chị CHS PTG-ĐTĐ góp tay xây
dựng và đẩy mạnh sinh hoạt của Nhóm từ hơn 14 năm nay tại
Houston. Bài viết dưới đây là đề
tài Niên Trưởng đã thuyết trình trong buổi họp hàng tháng
của Hội Giáo Chức Và Thân Hữu Houston ngày Chủ Nhật 28 tháng
2 năm 2010 tại Trung Tâm Giáo Dục Pacific Learning Center, vùng Tây Nam Houston. Chúng tôi rất cảm ơn Niên Trưởng đã dành
ưu ái cho Trang Nhà để giới thiệu bài thuyết trình cùng
chư đọc giả gần xa. . Xác định đề tài: . Đó
là một cuộc tình của tôi, nhưng không phải là một
cuộc tình thông tục, hay lăng nhăn, thoáng qua rồi quên
lãng. Cuộc tình này, tôi trải nghiệm suốt giòng đời.
Giờ đây, đã trên hai thập niên duyên mãn, tuổi đã
vào bát thập, mà âm vang thời ấy như mới hôm qua. Thể
mới nói, trong một giới hạn nào đó, cuộc
tình này là lẽ sống, là lý sống, cũng
là nguồn sống của tôi. Tôi vui buồn, tôi lớn mạnh,
hay tôi lên voi xuống chó đều do mối tình này mà
ra Cho nên, gọi là mối tình lớn. Gọi là lớn
cũng vì môi trường trải nghiệm rộng lớn, và cũng vì
bên đó còn có một cuộc tình nhỏ đi song song,
nhỏ vì chỉ có hai—hay nói theo Kinh Duy Ma Cật, hai mà là một,
một thế mà là hai. Đó là tình với
người vợ, người tình, người tri kỷ và là mẹ của
các con tôi. Nhưng đó là chuyện khác. Trở lại vấn
đề, tôi ở đây là một ông thầy giáo, trong vai trò
một ông giáo nghiêm túc, và nghiêm túc nói chuyện tình Nói
như vậy, vì cũng có—dầu là không nhiều—những ông
giáo không nghiêm túc. Và cũng có những lúc mà con người
nghiêm túc nhất khi ăn nói hoặc khi có
thái độ hay hành động lại không nghiêm túc. Với
một cử tọa chọn lọc như hôm nay, tôi tự nhủ phải biết
trân trọng nghiêm túc thưa trình. Thưa rằng: Một. Những điều tôi nói ra đây đều là thật, những
sự việc thật, những con người thật, những sinh hoạt thật có
xảy ra, những lời nói, suy nghĩ, xúc cảm thật, tất tất đều
thật. Thật 100%. Hai. Cáí thật không có
đạo. Nó không biết đạo lý, nó không vô
luân, nhưng trong một mức độ nào đó, có thể nói nó
phi luân; cho nên không thể buộc rằng nó “phải đạo”.
Hoặc là thật hoặc không thật. Điều “phải đạo”
có thể thật, nhưng muốn cho cái thật “phải đạo” là
đã có ý dối mình, dối người, muốn biến nó thành
một cái gì đó cho “phải đạo”, “thuận theo luân
thường đạo lý”; nói cách khác, nó không còn là
nó nữa. Vậy, nghiêm túc không có nghĩa là “phải
đạo”, mà là thật. Tôi có đắn đo, có lựa lời,
vì thật không có nghĩa là thô lổ, trắng trợn, thẳng thừng,
bất chấp mọi sự, vì tôi mong được lắng nghe, lưu ý,
để tâm, cũng vì tôi biết không lời nào diễn
tả được hết tình ý, càng không diễn tả đúng
cái thật. Ba. Con người vốn là tình. Tình người—dầu
chỉ là của một thầy giáo—đa dạng, phong phú, vô cùng,
vô tận. Mà nói chuyện tình thì như kể chuyện
Đông Châu, không biết bao giờ mới dứt.
Cho nên xin Chị Chủ Tịch trước khi thời gian cho phép đôi
ba phút, ra dấu, bảo tôi kết thúc. . Ảnh trái: GS Nguyễn Văn Trường
tại 1 buổi họp mặt PTGĐTĐ Ảnh phải: Diển Giả đang thuyết trình Tóm
lại, tôi sẽ thuật lại ở đây cuộc đời thầy giáo
của mình, mà tôi gọi là cuộc tình lớn, vì nghĩ cho cùng
nó vốn là tình : tình thầy trò, tình đồng nghiệp,
tình đồng sự, tình với người phụ huynh, tình với ngôi
trường, với môi trường. Nói là tình vì nó
bao gồm : bực dọc, bực bội, lo âu, trăn trở, hoang mang, trông chờ,
hồi hộp, muốn và không muốn, thất vọng và hi vọng.
Vì nó ẩn tàng những chìm nổi trong vui buồn, hỉ nộ, có
lúc như trăm mối buộc ràng, mâu thuẩn chằng chịt, nhưng cũng
có khi lên hương, vui mừng phấn khởi có được giác cảm
đã thoát qua khổ nạn, đạt được một thành quả,
thọ lảnh một hồng ân, một phép lạ. . Cuộc
sống thầy giáo của tôi có thể chia ra làm 5 giai đoạn : 1. 1954-57 pionicat ở Pháp, với từ 4 dến 8 giờ dạy một tuần. 2. 1957-63 ở Viện Đại Hoc Huế. 3. 1963-75 ở Viện
Đại Học Sài Gòn 4. 1975-1988 ở Trường
Đại Học Sư Phạm Tp Hồ Chí Minh. 5. 1988
đến giờ : hoài niệm về một cơ duyên—cơ duyên làm
thầy giáo—đã mất. . Mỗi khúc nho nhỏ của
một giai đoạn là cả một quyển truyện Đông Châu . Chuyện
Đông Châu Liệt Quốc—hết hồi nầy đến hồi
khác— liên miên vô tận. Cho nên người kể chuyện tình
phải ý thức cái lộn xộn, lung tung, không logic, không đầu đuôi,
để có một trình tự dễ theo dõi, đó cũng là một
cách tỏ sự thành kính, trân trọng của mình với thính
giả. Cho nên, tôi phải lựa chọn, và noi theo người xưa, tôi
tuân theo qui luật 3 đơn vị của các nhà viết kịch Pháp
thế kỷ 17, đó là ; một chủ đề hay hành động, ở chỉ một nơi chốn và trong một thời khoảng nhất định. . Nơi chốn và thời khoảng : Những
ngày tháng đầu tiên của tôi ở cố đô Huế, khoảng
tháng 10,1957, là thời điểm các sĩ tử chuẩn bị
thi tuyển vào Trường Cao Đẳng Sư Phạm Huế và ngày khai trường
của Viện Đại Học Huế . Chủ đề là tình. Tình là cảm nhận những gút mắc
trong những quan hệ qua lại, hai hay nhiều chiều. Trăm hoa đua nở, một
nguyên duyên đã khởi thì trùng trùng duyên khởi. Bên
cái chung chung của nghề dạy học, có cái riêng tư của tôi.
Mỗi người một vẻ, chẳng có một cái tôi nào giống
một cái tôi nào. Tình tôi có những chuyện, sự
việc đặc thù, với sắc thái đặc thù. Nói đặc
thù vì chúng duy nhất không giống ai trong chủng loại của chúng.
Tôi mong diễn tả được cái chung ở mọi nơi mọi chốn—hoặc
cái chung của Huế thời bấy giờ--và cái riêng không giống
ai của tôi. Nếu tôi không diễn tả được chỉ là vì
tôi thiếu văn tài, không biết ăn nói, chớ không vì
thiếu thành tâm. .. Cử tọa Hình
1:hàng đầu, từ trái: GS Hồ Đắc A Trang (NVT phu nhân), GS Phạm
Thị Kim Chi, GS TS Dương Đức Nhự (Khóa 1 ĐHSP Huế)
Thân bài : .. 1. Vì
sao tôi về Huế ? . 1-1. Tôi muốn trở
vế VN. Gia đình, mẹ cha, anh chị em là cái nôi, là nguồn
của tình thương, nguồn cung cấp sinh lực và sự lớn mạnh
của con người ; nhưng trong một mức độ nào đó gia đình
cũng là lực lượng kềm kẹp, giữ con người trong nề, trong nếp,
trong gia đạo, gia phong. Bảy năm du học, xứ lạ quê người, xa cha
mẹ, anh chị, ở một phòng trọ, một mình một chắt, trên
không một ai trông coi, dưới chẳng có ai để ý, ra đường
không có bác cả ở xóm trên, chú bộ hay ông
hương thân, hương hào xóm dưới. 7 năm, không tên tuổi,
không ai để ý, muốn làm gì thì làm, tôi có lắm
tự do. . Trở về--về VN—là trở về với trật tự
gia đình, trên còn có mẹ, anh chị, là khép mình trong cái
khuôn cái thước, khuôn thước gia đình. Thêm vào đó,
còn cái khuôn thước con người có học thức của làng
xóm, một khuôn thước chung chung. Thương thì trái ấu cũng
tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo. Tôi nguyện sẽ làm mẹ
tôi vui lòng, và gia đình tôi hãnh diện với làng xã
thôn xóm. Nhưng tôi cũng muốn giữ nếp sống tự do của người du
học sinh. Ở Pháp lúc bấy giờ, để được là giáo
sư trung học thì hoặc là phải đậu thạc sĩ, hoặc là
bi-admissible, hoặc là đậu chứng chỉ năng khiếu dạy trung học (gọi
tắt là CAPES). Thi thạc sĩ là thi tuyển, không
chắc đã qua, nhưng CAPES toán thì quá dễ, Trường Khoa Học
Toulouse năm 1956, có 11 thí sinh, chỉ có một không qua được vấn
đáp. Tôi đã có 3 năm Pionicat, nếu đỗ CAPES, tôi được
vào ngay chánh ngạch giáo sư Trung Học, không phải qua hai năm tập
sự. Nói chung, trong những năm 1950-60, người sinh viên toán,
lý hoá có được đôi ba chứng chỉ không khó khăn
tìm việc làm. Đây cũng là một điều muốn giữ tôi
lại Pháp. . Tôi vừa muốn là
tôi, tự tung tự tác, thoát ly khỏi những buộc ràng của gia
phong, của lệ làng ; đồng thời cũng muốn được là
đứa con ngoan của gia đình và thôn xóm. Hai
ý muốn này là hai áp lực đè nặng trong suy nghĩ của tôi.
Tôi nhận thức rõ mình ở trước ngả ba đường,
đi bên nào cũng chết. Tôi thấm thía câu kết
luận của Don Rodrigue, trong Le Cid « Des deux côtés le mal est infini . Đông
hay Tây, chọn bên nào, cái đau cũng vô tận ».
Ba tôi đã qua đời năm 1954, ba năm trước, chờ tôi về
mà không được. Về nhà là khai tử cuộc sống
tự tung tự tác. Ở lại Pháp, tôi sẽ không bao giờ tự tha
thứ cho mình được. . Tôi dứt khoát chọn con đường
sẽ được kềm kẹp, con đường của đứa con ngoan, của
con người có học, biết có trước có sau, con đường mà
tôi sẽ mất ít nhiều cái rất là tôi. Tôi sẽ sống
một cách thuận thiên, phải đạo; thuận lòng trời, vừa lòng
người.
1-2. Huế là duyên lành duy nhất đến với
tôi.
Tôi gởi đơn xin làm assistant ở Trường Đại Học Khoa Học Sàigòn.
Bộ Giáo Dục đáp rằng tôi có hai lựa chọn : hoặc
dạy ở Trường Petrus Ký với tư cách là giáo sư trung học
đệ nhị cấp, hạng 5 , chỉ số lương 470, hoặc là
giàng nghiệm viên hạng 5 , chỉ số lương 550 ở Đại
Học Khoa Học Huế.
Trời thương nên đã mở cho tôi
con đường về xứ Huế. Nếu nói là duyên, thì
Huế lúc bấy giờ, với tôi là duyên lành, duyên đẹp.
Trước mắt, mẹ tôi và các anh chị tôi sẽ hài lòng
vì tôi đã trở về, gia đình đề huề như xưa, và
hãnh diện vì tôi có chút đổ đạt. Còn tôi, tôi
nghĩ : sau những « tuần trăng mật » với gia đình,
tôi sẽ trở lại chính tôi trong một vai trò mới :
Ở Huế, xa nhà, tự do, thoải mái. Bối cảnh có đổi
thay, nhưng tôi vẫn là tôi. Pion và assistant có những điểm giống nhau: pion là
nhân viên thấp nhất trong hàng giáo huấn của một trường
trung học, giảng nghiệm viên cũng là nhân viên giảng huấn hạng
chót của Đại Học; mỗi hai năm pion phải đỗ một chứng
chỉ, assistant phải làm một luận án tiến sĩ. Cả hai đều
nửa là sinh viên, nửa là nhân viên giảng huấn. . Tôi có
vào thư viện tìm sách học hỏi về cố đô Huế. Lúc
bấy giờ chưa có internet, tài liệu rất ít hình ảnh, cái
biết của tôi về Huế cũng như về nhiều địa danh khác
thường thường là trừu tượng. . Trong lúc đó,
tôi lại được một thơ dài của Linh Mục Viện Trưởng
hứa hẹn nhiều quyền lợi, hầu hết là liên quan đến đời
sống và tiện nghi vật chất và vì có cái tật lạc quan,
tôi nhìn Huế là giải pháp tối ưu ; người hiền gặp
lành, Huế là phước lớn Trời ban. Tôi không ngây thơ nghĩ
con đường sẽ trải thảm đỏ. Tôi ý thức rõ
rằng về VN, mọi khó khăn mới bắt đầu. Tuy nhiên Sông Hương,
Núi Ngự, đất thần kinh, xứ ngàn năm văn vật chỉ có
thể là nơi đất lành, người đẹp. Cọng thêm
cái lạc quan tuổi trẻ và cái trí tưởng tượng phong phú
của tôi, tôi thật sự bị cuốn lôi. Tôi mạnh
dạn và phấn khởi chọn về Huế. . 2.
Cảm giác ban đầu.
. Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều, Vị đáo sinh bình hận bất tiêu . Chưa đến Huế, chưa dừng chân bên núi Ngự, chưa được
ngắm cảnh Sông Hương,…, thỉnh thoảng được nghe bạn bè
tán tụng : Huế thơ, Huế mộng, Huế đẹp….thì cũng
có cái gì đó làm cho nếu không một lần được
đến Huế thì ắt cũng « sinh bình hận bất tiêu ».
Cái mà mình chưa được, danh lam thắng cảnh mà mình chưa
đến, mình háo hức muốn có, muốn đạt, muốn đến,
mình hình dung nó muôn màu muôn vẻ, thần tiên chi nhất thế.
Và tôi đến Huế với tâm trạng nầy. Thế
nhưng, đến Huế rồi, tôi có những ngỡ ngàng, lo âu, và
cũng có thể nói là thất vọng. . Sau đây là một vài điểm
mà tôi còn nhớ. . 1. Thành
Vauban và ngọn đồi trọc Trong một cảnh thiên nhiên, thơ mộng như vậy, nhà vua
lại xây lên một thành lũy, kiểu Vauban. Hoàng cung được
xây bên trong một thứ đồn bót, vua như sợ dân, bên ngoài
là dân chúng bên trong là triều đình, vua và dân cách
biệt. Điều nầy làm tôi nhớ một chuyện ngắn của Alphonse
Daudet, La Mort du Dauphin—Cái chết của Hoàng tử. Hoàng tử còn thơ
dại, nhưng đau nặng, sắp chết. Hoàng tử lại tin rằng
một hoàng tử không thể chết như vậy được, và xin cho
triệu lính tráng và kéo súng « canons » chung quanh thành
để chống thần chết. Chiến lủy Maginot, từng là niềm
hãnh diện của người Pháp, đã là vô dụng trong thế
chiến thứ hai, thì cái thành trì nhỏ bé Vauban xứ Huế thì
làm sao có thể bảo vệ được cái Đại Nội hay
hoàng cung nhỏ bé của nhà vua. Vả lại đã từ lâu, nước
đã mất, đã phân chia ba đoạn. Từ lâu nhà vua đã
rong chơi ở Châu Âu, thành Vauban như một thách thức vô duyên. Núi Ngự là một ngọn đồi, và là
đồi trọc. Gọi là núi có lẽ do lệnh vua, hoặc vì nó
làm bình phong cho Đại Nội, hoặc vì chúng ta có thói quen
nhìn bất cứ cái gì của mình đều vĩ đại. Đầu
thì có tóc, núi đồi có cây. Cạo trọc đầu, làm
trọc núi đồi là do người. Tôi không tin đồi trọc, núi
trọc là đẹp hơn núi đồi có cây xanh bóng mát.
Tôi cũng nghĩ : núi đồi trọc là mầm móng làm
cho đất chùi, cho tai họa. Chỉ có con người là tự gieo họa
cho chính mình. . 2. Huế, thành phố thánh thiện. Nói cho đúng thì lúc bấy giờ, Huế là một
thành phố lành mạnh, chỉ có những thú vui lành mạnh. Lành
mạnh đến độ thánh thiện. Vì thế mà Huế có thiếu
hẳn chất ngừời. Có thể vì vậy Huế là một thành
phố buồn. Nói quá, nhưng không quá đáng bao nhiêu, Huế
là một thành phố chết, chết trong những giờ giấc nhất định
nào đó trong ngày. Nếu không có sinh viên học sinh, thì Huế
chỉ thoi thóp như một tỉnh lẻ của Hoàng Triều Cương Thổ
lúc về chiều hoặc về đêm. . 3. Cha con tôi Cha ở đây là Linh Mục Viện Trưởng
của tôi. Lần đầu tiên gọi Ngài bằng cha, tôi không
thấy có chi khó khăn, nhưng xưng mình là con, thì tôi có
ngượng ngập, cảm nhận trong tôi một cái gì đó bất
ổn. Nhưng quanh tôi, ai ai cũng cha cha con con với Ngài, tôi
cũng phải như mọi người, nhập gia tùy tục. Cũng nhờ đó
mà về sau, khi tiếp cận với các sư sãi, tôi xưng con rất
ngọt. . 4. Triều Đình của Cha Với Triều Đình của Cha Viện
Trưởng —quí vị chủ sự, nhân viên các phòng ban—tôi
ngạc nhiên, lo ngại, cảm nhận mình lạc vào một thế giới
khác : Ai ai cũng ăn mặc nghiêm túc ; chào hỏi, cử chỉ,
thái độ, ăn nói tất tất đều nghiêm túc ;
lễ nghĩa đâu ra đó. Âu đó cũng là một điều
tốt đẹp. Có điều là ai ai cũng gọi tôi
là giáo sư. Thật là không nên. Bên
phố, vì không biết chúng tôi hầu hết chưa có ai có tước
vị giáo sư, hay nghe tiếng đồn Viện Đại Học sắp khai giảng,
người bán buôn hay lao động ngộ nhận đã đành,
nhưng ngay trong Viện Đại Học, quí vị đồng sự với tôi
đều phong cho chúng tôi cái hàm giáo sư. Tôi được
trân trọng gọi là giáo sư, một là giáo sư, hai
cũng là gíáo sư. Tôi cảm thấy bất an, bất ổn, khó
chịu. Vô tình tôi chiếm nhiệm chức vị và điều nầy
không chấp nhận được. Rồi một hôm, Linh Mục Viện Trưởng
bảo tôi đảm nhiệm chức vụ Khoa Trưởng Trường Đại
Học Khoa Học. Đó là giọt nước cuối cùng buộc
tôi phải thưa với Ngài rằng : « Thế
thì con đường sự nghiệp của con hoàn tất chỉ trong vài
tháng : Mấy tháng trước đây còn là sinh viên cao học,
rồi được tuyển dụng làm giảng nghiệm viên hạng 5, khi nhận
nhiệm sở thì biết mình là sẽ đứng lớp giảng bài
như một giáo sư, lại được nhiều người tặng cho tước
hiệu giáo sư, rồi giờ đây, Cha cho làm Khoa Trưởng. Thật
quá nhanh ? » Tôi tiếc rằng cách nói nửa đùa
nửa thật nầy đã làm Ngài khó chịu. Tôi cảm nhận
Ngài cũng hiểu như tôi rằng trò chơi tước vị không nên
có, và đã có thì không thể kéo dài Ngoài ra,
Ông Tổng Thư Ký, nhỏ người, nhỏ tác, cùng trang lứa với
tôi và cũng như tôi, vừa rời ghế nhà trường
không lâu, nhưng lớn hơn tôi nhiều trong vai trò mới của Ông.
Nói theo người Pháp, thì Ông hoàn toàn được thổi
phồng. Và tôi cũng có cảm tưởng ông Viện trưởng của
tôi cũng như vậy. Điều nầy không làm cho tôi lạc quan. Thiết nghĩ cứu cánh trong sự nghiệp dạy học vẫn là tước
vị giáo sư, chỉ có khác là nó tới không phải lúc,
trong lúc chúng tôi chưa hội đủ những điều kiện qui định,
và tâm thức chúng tôi chưa sẵn sàng. Trong thâm
tâm, tôi cảm nhận : sự trân trọng và cảm tình của
quí vị đồng sự của tôi là thật. Điều
nầy có làm nhẹ cái mặc cảm « giáo sư » của
tôi, nhưng cũng buộc tôi phải nghĩ đến những trách
nhiệm nặng nề đang chờ đợi. Trong hơn một
niên học đầu, Cha Viện Trưởng và tôi có những va
chạm làm cho quan hệ xấu đi. Cuộc sống của tôi vì thế cũng
bất ổn. Nhưng không
lý mối tình đầu của tôi, vì những chuyện lăn nhăng
như vậy, mà sớm vở tan ? Vã lại cuộc sống vốn là
là gặp gở--gặp gở tha nhân, vạn vật ; cho nên ma sát, va
chạm là đương nhiên. Cuộc sống cũng vốn vô thường,
đổi đổi thay thay, không ngừng biến hoá ; cho nên, bất
ổn cũng là đương nhiên. Vậy, phải xem va chạm, bất ổn,
những bất như ý trong nhất thời là những cơ duyên giúp
mình tôi luyện trí tuệ và tính tình. Một
cuộc sống không vấn đề, không thách đố, chỉ có thể
là môt cuộc sống đơn điệu, buồn tẻ. Tuổi trẻ có
trăm ngàn lý do để biện minh sự dấn thân của mình. . 5. Thư Viện và lực lượng giảng
huấn. Thư viện là
thư viện chung cho tất cả các khoa, mới hình thành nên còn
nghèo nàn. Riêng môn toán, thư viện chỉ có hai tác phẩm
cho sinh viên năm đầu đại học, và mỗi loại chỉ một bản.
Về nhân viên giảng huấn môn toán, thì cũng có hai người—anh
Nguyễn Văn Hai và tôi— cả hai đều là cá mè một lứa,
chẳng có ai có cái bằng tiến sĩ, chẳng có ai ở trong danh sách
những người có năng khiếu dạy đại học. Mà anh Hai lại
không là nhân viên Viện Đại Học ; anh còn là Đại
Diện Bộ Giáo Dục, trách nhiệm toàn bộ hệ thống Trung Tiểu
Học và Bình Dân Giáo Dục Miền Trung. Về các môn khác
ở các khoa khác, tôi có cảm giác cũng như vậy.
Vài tháng sau khi khai giảng, các nhân viên giảng huấn khác
mới lục tục về. Hầu hết trong khoảng chung quanh 30 tuổi, đa số
từ Phàp, cử nhân, cao học, kỷ sư, tiến sĩ luật, tiến sĩ
đại học, tiến sĩ đệ tam cấp, và hầu hết chưa có
một kinh nghiệm nào đứng lớp ở một đại học. Nói chung,
chúng tôi, dầu có thêm người, nhân sự vẫn mỏng (ít
người), khả năng và kinh nghiệm đại học khiêm tốn, nhưng
phải đảm nhận một trách nhiệm quá to tát : xây dựng
nền tảng cho một Đại Học có nội dung, có qui củ, lòng
tin ở sinh viên, phụ huynh, và người dân không những của Bình
Trị Thiên, Miền Trung, mà cả nước. Thật là cả một
biển Đông để uống.
. 6. Ông
Cậu, chính quyền Tôi
đã từng ở Cần Thơ thời kỳ Ông Năm Lửa còn hét
ra lửa, ở Mỹ Tho lúc Ông Le Roy còn là Ông Cọp vùng Bình
Đại-An Hóa. Tôi có được vài tháng ở ngay Sàigon
nhưng được căn dặn không được qua bên kia Cầu Chữ
Y, lãnh cư của Ông Bảy Viễn. Vì vậy tôi luôn
luôn cảm thấy bất an khi trong vùng tôi ở có một vị anh hùng
Lương Sơn Bạc. Đôi ba tháng với gia đình, tôi có
dịp đi Cần Thơ, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Di Linh, Đà Lạt, Nam Vang,
Battambang,…, tôi không phải thận trọng trong lời nói, lo ngại những
phạm úy mà rủi ro đến tai các « ngài », phải
lụy đến thân. Chỉ trong vòng ba năm thôi, 1954-57, quân đội
Cao Đài, Hoà Hảo, Bình Xuyên, Le Roy được qui về một mối
vào Quân Đội Quốc Gia, thật là như chuyện thần thoại, Trời
Đất an bài. Tuy nhiên, Huế lại còn có Ông Cậu. Ông
Cậu, người em của đương kim Tổng Thống, là một vị sứ
quân mà tiếng đồn làm lòng người khiếp sợ.
Trước khi đi Huế, các anh tôi kỹ lưởng dặn dò :
phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, Huế không phải
là Sài gòn, Huế có Ông Cậu. Chính quyền địa phương
là yếu tố thứ hai làm tôi e ngại : Quảng Trị, Thừa Thiên
là hai tỉnh địa đầu, xa Thủ Đô. Càng xa Trung Ương, thì
thông thường luật lệ địa phương dẩm trên luật vua phép
nước, nhất là khi tình hình an ninh vừa được ổn định
mới vài năm. Trong thực tế, có thể quí vị ấy cũng
không dữ dằn như lời đồn đãi, nhưng luật nước không
có hai, và đã là luật pháp, thì không thể có cái
tùy tiện, tùy hứng, tùy tâm thái nhất thời của một « ông
kẹ » nào đó trong vùng. . Ngay trước khi về VN, tôi đã tự nhủ, không nói, không
bàn, không làm chính trị, không liên hệ đến các đảng
phái. Tôi cũng nghĩ tôi sẽ có nhiều may mắn yên thân trong
trách nhiệm khiêm tốn của một giảng nghiệm viên hạng chót.
Nhưng làm giáo sư—dù là giả định, hay giả hiệu—thì
có chút danh, chút nổi đình nổi đám; theo đó có
khả năng được cấp trên lưu ý, hay đoàn thể
khuyến dụ, và không khéo sẽ bị cuốn vào những phiền toái
đảng phái, bên nó bên ta, vô bổ mà hệ quả khó lường. . Vì những điều vừa nêu, tôi không
có nhiều hảo cảm với Ông Cậu. . 7.
Suy tôn Ngô Tổng Thống Thường thì vào dịp Tết, tôi được
phái vào tiếp xúc với Bộ Giáo Dục vì đôi chuyện
của VĐH ; đó cũng là cơ duyên cho tôi về thăm nhà.
Sau cái Tết đầu tiên, trở về Huế, tôi được một
đồng nghiệp của tôi thuật lại việc đi ăn giỗ trên nhà
Ông Cậu và chúc Tết Tổng Thống. Ông thuật lại rằng tất
cả--các ông Bộ Trưởng, Tổng Giám Đốc, Giám Đốc,
Trưởng cơ quan, Dân Biểu Quốc Hội,..—những người có
mặt hôm đó đều đứng dậy ca bài « Ngô TổngThống »,
Tổng Thống cũng đứng đó, tự nhiên. Ông nói thêm rằng
ông cảm thấy nhục nhã. Riêng tôi, hồi còn học tiểu học,
tôi đã sớm thuộc bài « Maréchal Nous Voilà », suy
tôn Thống chế Pétain. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ
lời ca . Hết thời Pháp thuộc, tôi nghĩ trẻ con VN không còn
bị những hành hạ tương tự. Nhưng rồi lại có
một thời khoản năm ba tháng, người ta ca bài Hồ Chí Minh Muôn
Năm. Giờ thì « Ngô Tổng Thống, người về đây »,
và không phải là trẻ con ca hát suy tôn, mà cấp lãnh đạo
quốc gia, và Tổng Thống đứng đó « khiêm cung »
chấp nhận. Rồi không hiểu sao tôi thấy có một gì xót
xa, lợm giọng. Tôi hiểu là đông đảo những người như
ông bạn tôi phải nhép miệng theo người--ở cảnh dở khóc,
dở cười—chớ mới vừa về nước đôi tháng, có
thuộc, có biết mô tê gì đâu. Tôi cảm thấy
thương cái thân phận người lãnh đạo, sự can đảm
và chịu đựng cùng tột của họ, của cả những người
thực lòng ca, và những người qua sông phải lụy đò . 3. Tôi
thích ứng với cuộc sống Huế. . Tuy nhiên, cái gì rồi cũng
quen. Cái thành Vauban xấu xí đó, ngọn đồi còi cọc đó,
thế mà hay, nghĩ cho cùng không có tiểu nhân làm gì
có đại trượng phu, bên cái xấu, cái đẹp chỉ có
thể tăng thêm nét đẹp. Đẹp xấu, hay dỡ lắm khi tùy
thuộc tâm thái của người đời. Tôi không là một
ngoại lệ. Nhất là khi đã tiếp cận với người đẹp
xứ Huế. Huế không biết tự lúc nào đã trở thành
của tôi, mà là của tôi thì cái gì cũng đẹp. . Sau
đây là những thách đố hay thuận cảnh giúp tôi hội
nhập vào môi trường Huế . 1. Lại nói về Chính quyền
và Ông Cậu Trên
đây, tôi có vinh danh một thành quả tối quan trọng của chính
quyền : sự an sinh của Đồng Bằng Sông Cữu do sự thu
nhập được quân đội bán quân sự của các lãnh
chúa. Những ông lãnh chúa và lực lượng quân sự của
các ông là những ổ khủng bố hợp pháp, làm khiếp sợ
tầng lớp dân chúng Miền Đồng Bằng Sông Cữu. Và cũng
nhân đó tôi ghi thêm rằng tôi không nhìn Ông Cậu với
thiện cảm. ...
. Tuy nhiên, nói đi rồi cũng
phải nói lại : từ ngày khai giảng đến cuối triều Ngô,
VĐH Huế và cả chúng tôi, được che chắn không phải chịu
đựng các ngọn gió chính trị, đảng phái, phong trào. Một
lần, có lệnh Trung Ương buộc chúng tôi phải vào Phong Trào
Cách Mạng Quốc Gia. Chúng tôi có thưa trình thiệt
hơn với cha VT, rồi mọi việc được chìm trong quên
lãng. Một lần khác, chúng tôi được triệu tập đi học
tập chính trị ở Suối Lồ Ồ cùng với Đại Học Sài
gòn, chúng tôi đã có lý do chính đáng không dự;
Bộ Giáo Dục có lớn tiếng dọa dẫm, nhưng rồi cũng bỏ
qua. Tôi có cảm giác rõ rệt là nhờ Ông Cậu, và
cha VT làm tấm bình phong vững chắc, che chắn cho. Điều nầy vô
cùng cần thiết và quí báu cho bất cứ một Trường Đại
Học nào, nói riêng cho VDH Huế sơ sanh của chúng tôi. . 2. Vài nét về nếp
sống văn hoá Huế
a/ Món ăn Huế, dễ ăn nhất, bình dân nhất, có lẽ là
bún bò Huế, và họ hàng của nó như bún riêu, bún
ốc, cơm hến, bánh canh,..Bánh canh Huế không giống bất cứ bánh
canh nào của Miền Nam, nó là Huế, « Huế chay » như
giọng nói các cô, các bà Huế. Tuy nhiên, điều mà tôi
muốn ghi nhận ở đây là : . * Hầu
hết những người bán là các bà, các cô—suốt thời
gian ở Huế--tôi chưa gặp một ông bán gánh bún bò, bún
riêu … * Các bà, các cô, tuy buôn gánh bán bưng, nhưng
đều mặc áo dài, như thách thức cái nóng cháy da của
mùa gió Lào, và như nhắn nhủ với khách lãng du, trong cái
nghèo, cái khó, trong lam lủ chịu nắng dầm sương, lúc nào
cũng phải giữ cái nề cái nếp. Đây là một điểm
son cho phái đẹp chốn thần kinh. Tôi ngạc nhiên và khâm phục. Điều sau cùng nầy buộc tôi nghĩ : * Cách phân chia nhiệm
vụ giữa chồng và vợ khác nhiều với miền đồng bằng
sông Cữu Long. * Người phụ nữ Huế đảm đang quán xuyến
không chỉ bên trong mà cả chịu khó phong sương, cực nhọc,
để có thêm lợi tức cho gia đình. * Trong lam lũ, không quên
thể diện, phong cách của mình. * Huế là xứ của lễ nghĩa,
thuần phong mỹ tục. Mà thật như vậy. Người
Huế không ăn mà thời hoặc xơi, họ không ngủ
nghỉ mà ngơi. Nói ăn, ngủ là thô. Xứ
ngàn năm văn vật, có khác với đàng trong, đất mới,
của những con người khẩn hoang, cày sâu cuốc bẩm. Tôi ngỡ
ngàng vì đã chọn lập nghiệp ở xứ ngàn năm văn vật
nầy, mà lại mang trong tự thân một nền văn hoá lai căn, lai Miên,
lai Tàu, lai người Châu Giang, lai thêm văn hoá Pháp mà có
một thời bị xem là man di. Chúng tôi, một đám trẻ
lại tiếp tục gọi nhau bằng mầy tao mi tớ--toa-toa, moa, moa—quái đản
không giống ai. Chúng tôi phải bỏ một số thói quen cũ, tập
một số thói quen mới, tập cho quen với ngôn từ Huế--không chỉ
ngừng ở mô, tê, răng, rứa—và giọng nói của người
Huế. . Trong dòng hoài
niệm này, tôi phải ghi thêm : . 3. Cơ ngơi Viện Đại Học hay cái đẹp của người
dân và chánh quyền Huế. .Ảnh dưới: Một góc ĐHSP
Huế
Rõ ràng là chính quyền địa phương và tầng lớp dân
chúng dành cho Viện Đại Học nhiều ưu tiên và cảm tình
đặt biệt. Cơ ngơi của Toà Đại Biểu Chính
Phủ trở thành toà Viện Trưởng, khách sạn lớn
nhất ở Huế được dành cho các lớp học và
phòng thí nghiệm, trụ sở Ngân Hàng Đông Dương giờ
đây là Thư Viện, tầng trên là phòng trú tạm cho thành
phần giảng huấn. Khu Toà
Khâm Sứ thì dành để xây cất Trường Đại Học Sư
Phạm và Trường Trung học thí điểm, mà sau nầy gọi là
Trường Kiểu Mẫu Huế. Nói chung, Thiên thời thì chưa thấy,
nhưng địa lợi và nhân hoà thì rõ ràng, tôi cảm
nhận những điều này rõ ràng hơn trong những dịp tháp tùng
anh Nguyễn văn Hai « thăm dân cho biết sự tình » hoặc
LM Viện Trưởng đi thăm các cha di cư ở Đà Nẵng, đi viếng
Nhà Thờ La Vang, quận huyện lân cận. Chúng
tôi có tuổi trẻ, thành tâm, thành ý, và nhất là không
có con đường nào khác hơn là tiến tới. Trong thực tế,
chúng tôi thực hiện một cách thận trọng những gì thu lượm
được ở Pháp, và ở Sài gòn. Công việc không khó
như tôi hình dung; đông đảo sinh viên của tôi đều sử
dụng được sách giáo khoa Pháp. Về sách tham khảo, tôi
phải bằng lòng với tủ sách của anh Hai. Nhà sách
Lê Phan ở Sài gòn lúc bấy giờ tương đối có đầy
đủ sách giáo khoa về khoa học, ít nhất là cho các chứng
chỉ dự bị. Thể thức mua sách của nhà nước mình quá
chậm, nhưng chậm vẫn còn hơn không có, hay phải mua tận gốc. .
4. Sinh viên Sinh viên
gồm 3 thành phần : học sinh Quốc Học, Đồng Khánh và những
trường Trung Học Miền Trung vừa tốt nghiệp Tú Tài, sinh viên
Sài gòn trở về Huế, để gần nhà hoặc nghĩ rằng thi
cử ở Huế dễ hơn ở Sài gòn, một số ít sinh viên đồng
bằng sông Cữu Long, công chức và tư chức. Không
khí Đại Học khá tự do. Thời ấy, chưa có một nghiên
cứu nào cho biết sự hài lòng, không hài lòng, hay sự đánh
giá phẩm chất của các nhân viên giảng huấn. Tôi có được
nghe một vài chỉ trích lẻ tẻ liên quan đến nhân sự một
phòng thí nghiệm, nhưng kịp thời chỉnh đốn. Có thể
nói một cách rất chung –mà tôi nghĩ là sai số
không đáng kể--là : sinh viên Huế hiếu học, có khả
năng tự học—đọc ngoại ngữ Pháp và Anh, nói riêng
trong lãnh vực khoa học tự nhiên. Cũng có thể nói họ là
những con người thông minh, cần cù, kiên nhẫn, có nhiều khả
năng, biết biến cơ duyên có đại học trong tầm tay làm phương
tiện trao dồi kỷ năng, tài khéo, trí thông minh, tính tình,
mở rộng tầm nhìn, tạo thêm quan hệ, khẳng định chính mình
trong mọi tình huống. Tôi cũng có cảm giác rằng trong quan hệ
thầy trò, không đâu bằng tình người học trò VN dối
với thầy cô giáo cũ. . 5. Phụ huynh và đồng nghiệp Tôi chưa gặp khó khăn đáng
kể đối với quí vị phụ huynh. . Nhờ
anh Nguyễn Văn Hai tôi tiếp cận với nhiều Đồng nghiệp của
tôi ở các trường Quốc Học, Đồng Khánh, Nguyễn Tri Phương,
Hàm Nghi, Bán Công, Bình Minh, Trung Học Nguyễn Hoàng (Quảng Trị),
Phan Châu Trinh (Đà Nẳng), quí vị ty trưởng Thừa Thiên, Quảng
trị… Có vị tuổi đời và tuổi nghề là bậc thầy
của tôi, đông đảo là đàn anh của tôi trong
làng giáo. Tôi học lắm điều ở họ : tích cực
lẫn tiêu cực.
Cuối buổi thuyết trình,
CHS Võ Lê Thơ đã đại diện PTGĐTĐ tặng hoa diển giả
.
Kết Luận .. Tóm lại, . 1. Tôi
về Huế với những mâu thuẩn ít nhiều khắc nghiệt : mâu
thuẩn trong tự thân, mâu thuẩn với ông Viện Trưởng, với ông
Tổng Thơ Ký Viện. Tôi vừa thích thú vừa thất vọng,
vừa khâm phục một nếp sống xưa cũ vừa cảm nhận sự khắc
khe của cổ tục, vừa thấy dễ chịu vì sự ân cần của
mọi người vừa cảm thấy khổ sở, lo âu không biết có
đáp ứng được sự chờ đợi của mọi người, vừa
phấn khởi về những thành quả của chính quyền vừa bi quan trong
những chi tiết như nghe ca bài suy tôn trong một ngày lễ hội,… Tôi lại về Huế trong thời Huế thánh thiện, mà tôi quả
là tứ cố vô thân. Ước gì Huế có được một
Queen Bee hay Đêm Màu Hồng nho nhỏ hay thêm một vài rạp hát
ciné. Đôi ba tuần trước ngày khai giảng, tôi cảm thấy
trống vắng và thất vọng. Nhưng
thất vọng không có nghĩa là tuyệt vọng. Bên những bất như
ý, bất mãn cụ thể khó quên, tôi cũng được lắm
điều thuận tiện giúp tôi lớn mạnh trong môi trường Đai
Học. Nói chung, nếu có câu rất là Huế ‘Huế đi để mà nhớ, chứ
không phải sống để mà thương’ thì riêng với tôi,
giờ đây, đã quen xứ Huế, thiết nghĩ: Huế đi
thì nhớ, mà ở thì thương, thương cả cái thuận cùng
cái nghịch. Nghịch là thách đố. Thách đố
là cơ duyên tôi luyện tài trí, thử thách tính tình.
Nhờ vậy mà con người được rèn luyện ở khả năng,
ở sự cần cù, kiên nhẫn, ở đức khiêm cung, ở lòng
cởi mở, ở ham muốn học hỏi. Vậy nghịch là động cơ
của tiến bộ. Thuận là lúc cảm nhận được thoải mái,
ung dung, như đi trên thảm đỏ, có thể là lúc
tâm trí an bình, lạc thiện, lúc đã qua được một khó
khăn, thoát được một trăn trở, một bế tắc, một tai ương
lớn, cũng là lúc cuối đoạn đường nhìn lại, cảm
nhận những giới hạn của con người trước cái bao la vô cùng
của vũ trụ, cảm nhận tính mong manh của thân phận trong cái vô
tận của thời gian. Thương Huế, yêu Huế là thương yêu
cả cảnh vật và con người: một quê hương đất đai
cằn cỗi, ít nguyên liệu ở lòng đất, những con người
chịu khó, bền lòng nhưng cơ cực, vì cái tâm gắn liền
với đất đai cha ông, với thi thơ lễ giáo, với đạo lý
luân thường. Ở Huế, thêm một lần tôi học thương yêu. Và
thương yêu là ôm cả thuận nghịch mà thương. . 2. Thế rồi, không biết tự lúc
nào, như tôi đã thưa trình: Huế trở thành của tôi,
mà cái gì của tôi đều tốt, đều hay, đều đẹp. Ở Huế, tôi có nhiều người bạn
tốt, hầu hết đều là huynh trưởng của tôi. Tôi
học nhiều về nếp sống văn hoá Huế ở những ông anh bà
chị nầy. Tôi cũng có những người bạn cùng trang lứa
cùng nhau chia xớt những công việc chung, có nhau trong cái may cũng như
trong cái rũi. Cho phép tôi nói lên ở đây lòng tri ân
của tôi với các ông anh, bà chị và những người bạn
chí thành nầy. . 3. Tôi có “ngọng” lần đầu
xưng là con để nói chuyện với cha VT của tôi. Cũng
có một thời gian tôi nhìn ông: nếu không là một Grippeminaud
của La Fontaine, thì cũng là một Tartuffe của Molière. . Tôi đã có
một cái nhìn không tốt về Ngài. . Tôi đã không thấy hiểu được
hết hoài vọng và mức độ thiết tha cùng tột của Ngài
trong việc đặt Đại Học trong tầm tay con em hiếu học Huế. Tôi
cũng đã không thấy hiểu kịp thời rằng thời cơ đã
chín, mà không có tôi, thì chỉ một mình anh Hai cán đáng
vừa chứng chỉ Toán Học Đại Cương, vừa Năm Thứ Nhất
Ban Toán của Trường Cao Đẳng Sư Phạm, thật quả bất kham, coi
không được. Tôi cũng không thấy hiểu hết
những cố gắng của Ngài Viện Trưởng trong việc dành cho Đại
Học một không khí trong lành cần thiết cho sự học hỏi và
phát triển Lúc bấy giờ tôi thấy cái lý của tôi
mà không thấu hiểu bối cảnh của Ngài, những động cơ
hành động của Ngài. Tôi đã có những
phê phán giá trị, xấu tốt v.v. Tôi có tiếc là đã
không đủ kiên nhẫn nhường nhịn. Tôi cũng tự vấn không
rõ mình có đi quá xa, quá trớn, ra ngoài các giới hạn
khả chấp ? Tuy nhiên, cuộc sống là vấn đề. Sống không
là trốn chạy. Tránh né, chui đầu vào cát như con
đà điểu, vấn đề không vì đó mà triệt
tiêu hay được giải quyết thỏa đáng. Giáp mặt, trực
diện với vấn đề mới là một thái độ thích
hợp. Tìm hiểu : trước không biết, sau thì diễn biến phát
hiện. Gặp bất như ý, khác mình, lạ với những thói quen
của mình, với những giá trị của mình, là việc
đương nhiên. Đụng chạm, cải vả, lời qua tiếng lại làm
sao tránh khỏi, nhưng không vì vậy mà dán nhản
người trong cái sai quấy. Nghe rằng Tây Thi có thẹo thì con người
tốt nhất, cái hoàn hảo nhất cũng có những khuyết tật trong
tự thân. Vậy, nếu được lấy người làm gương soi,
thì có khả năng mình khám phá được phần mù
của chính mình. Và va chạm sẽ là cơ duyên để hiểu
người biết mình. Vậy xá gì những hiểm nguy lẻ tẻ bất
ngờ xảy ra mà phải ngại sợ va chạm. Nói như vậy
không có nghĩa là không đắn đo, không cân phân hơn thiệt. Giờ đây, nhìn lại, thì những đụng chạm như vừa nói
qua trên đây chỉ là những lượng sóng lăn tăn làm cho
tôi hiểu thêm cuộc sống. Và khi hiểu được—hiểu tâm
tình, hiểu tham vọng, hiểu hành động của Cha VT của tôi, và
những hệ quả tốt đẹp của những điều nầy—thiết
nghĩ tôi phải công bằng mà nói : Ngài là một con người
vĩ đại. Trong vòng 6 năm, Ngài đã khai sinh nhiều
trường Đại Học, đưa vào nếp sinh hoạt bình thường,
dự nhiều khóa tốt nghiệp, gởi sinh viên và nhân viên đi
du học hoặc tu nghiệp, nhịp độ kinh người. Không chỉ có thế,
Ngài còn đề xướng lấy quốc ngữ làm chuyển
ngữ ở Đại Học—cái mà có người đã gọi
là prétentieux. Lấy quốc ngữ làm chuyển ngữ ở Đại Học
trong thời buổi ấy là đại chúng hóa Đại Học, và
đồng thời làm giàu ngôn ngữ VN ta. Cách đây khoảng
một thập niên, tôi có viết một bài tựa đề là :
Huế, Viện Đại Học, Cha Luận, và chúng tôi… Chữ
chúng tôi thật nhỏ so với chữ Cha Luận, Viện
Đại Học, Huế, và nội dung tập trung vào Huế, Viện Đại
Học và Cha Luận. Chúng tôi muốn đem lại phần nào công
bằng cho Cha VT của chúng tôi. Hôm nay, một lần nữa, tôi mượn
diễn đàn nầy làm cơ duyên để tỏ lòng kính thương,
mến phục và biết ơn của tôi đối với Ngài. 4. Viện Đại Học được thành
lập là cho sinh viên. Không có sinh viên, không có chi cả, không
có cơ sở , phòng ốc, giảng đường, phòng thí nghiệm,
không có quí vị nhân viên chủ sự phòng ban, không có
VT, Khoa Trưởng, nhân viên giảng huấn, chi chi cả. Nói cách khác
Viện Đại Học hiên hữu là « vì họ, do họ, bởi
họ ». cho nên phần quan trọng nhất trong lời phải dành cho họ. Cha Luận tạo cơ duyên, đưa đến họ một phương tiện
để họ tùy nghi sử dụng theo sở thích và sở năng. Trước
1975, tôi có dịp đi thăm một số giáo sư-cựu sinh viên ĐHSP
Huế từ Đông Hà cho chí Qui Nhơn, Nha Trang và Hoàng
Triều Cương Thổ. Có người vào tận Đồng Bằng Sông
Cữu Long. Tôi cảm mến và tự hào về những đóng góp
và chịu khó của họ. Sau 1975, đông đảo cựu sinh viên Huế
được rải trên toàn thế giới. Nguyễn Mộng Giác, khoa Văn
Trường Đại Học Sư Phạm Huế, đã nổi tiếng nhà văn
được nhiều người yêu chuộng, nhiều người đạt bằng
kỹ sư, tiến sĩ, làm ở hảng xưởng hoặc dạy Trung Học
hay Đại Học ngoại quốc.. Năm vừa qua, tôi có dự Đại
Hội mừng 50 năm thành lập Trường Y Khoa Huế, do quí vị cựu
sinh viên Y Khoa Huế tổ chức ỏ Santa Ana California. Hầu hết họ
đều thành công, và thành công vẻ vang lắm, ngay
trong ngành nghề Y Khoa của họ. Thiết nghĩ : « Người có
tài năng mà có điều kiện thì trí thông minh và năng
khiếu phát triển cực đa ». Người sinh viên Huế lúc
bấy giờ đã sử dụng được những phương tiện khiêm
tốn mà VĐH đã trao vào tay, để đi khắp nẻo đường
đất nước, và sau 1975, đã bay khắp bốn phương
trời. Họ đã đóng góp cho mọi miền đất nước. Giờ
đây, họ tiếp tục đóng góp cho nhân loại nói chung. Thật
là một hồng ân, một phép lạ. Tôi xin quí vị cho phép
tôi nói lên đên đây lời cám ơn chân thành của
tôi với quí anh chị cựu sinh viên Đại Học Huế.
Quí anh chị là cơ duyên cho chúng tôi được hồng ân
nầy . Trên đây, tôi có trích dẫn
hai câu thơ đầu của Tô Đông Pha : Lô Sơn yên tỏa Triết Giang triều, Vị
đáo sinh bình hận bất tiêu
Để kết thúc, thiết nghĩ phải
ghi lại hai câu cuối : . Đáo đắc
hoàn lai vô biệt sự. Lô sơn yên tỏa
Triết Giang triều. . Không là môt thiền sư, hay phật gia trác tuyệt, nhưng qua những
những điều tôi vừa kể trên đây, thì với tôi, khi chưa
đến, tôi ắt phải nuôi hi vọng sẽ đến, và tìm cách
để đến, và chỉ có ân
hận là khi mà đã tìm hết mọi cách mà phải tuyệt
vọng. Cũng phải ghi rằng trong tuyệt vọng, trong ngõ cụt, lạc vào
đường hầm tối đen, khi mọi cơ may như đã mất, Ơn Trên
luôn dành cho con người một tia hi vọng, tí lửa trong lòng, dù
chỉ là hi vọng một phép lạ. Còn như đáo đắc
hoàn lai, không phải không có gi lạ, mà có lắm chuyện lạ
lùng. Chuyện lạ của giòng đời, bể dâu của cuộc sống,
chuyện đổi thay của tâm thái. Huế, Viện Đại
Học, Cha Luận, và cái khối nhân sự bao quanh Linh Mục Viện Trưởng,
tùy lúc tùy thời mà hiện lên sắc thái khác nhau, muôn
vẻ, muôn màu. Riêng tôi, đến Huế, một thân
một chắt, rời Huế với một vợ ba con. Sao lại nói không có
gì lạ? . Xin cám ơn sự lắng
nghe của quí vị. Houston, ngày 28 tháng 2, 2010 . Nguyễn Văn Trường Nguyên Giảng
Nghiệm Viên Trường Đại Học Sư Phạm và
Khoa Học Huế.
“Bài dịch
thơ bằng tiếng Việt (dịch giả: Phạm Khắc Trí): Sông Triết núi Lô những khói sương
Bình sinh nguyện ước cuộc hành hương Đi rồi, về lại , vẫn ngơ ngẩn Sông
Triết núi Lô những khói sương.
|
|