Sổ Tay

Trần Bang Thạch

CHUYỆN

MẤY

CON CÁ TỘI NGHIỆP

TL_salmon_againstStream.jpg

Tuần trước, người bạn văn Nguyên Nhung, sau chuyến đi chơi 2 tuần lễ vùng Seattle và Alaska, vừa về nhà đã kể cho chúng tôi nghe nhiều điều lý thú. Từ chuyện người thiếu phụ ngồi hàng giờ trên băng đá cạnh ngôi mộ chàng Lý Tiểu Long ở Seattle đến chuyện ngắm cảnh đẹp như thần tiên vùng biển Alaska. Có một chuyện làm cho tôi vô cùng xúc động. Đó là chuyện con cá hồi.

.

Chuyện con cá hồi thì chắc không lạ gì đối với nhiều người. Thì ai cũng biết đó là cá salmon, loại cá sanh đẻ ở nước ngọt rồi sống ở biển khơi, rồi bị nướng, bị luộc, bị kho hay bị đóng hộp thành cá mòi; có con may mắn được trở về vùng nước ngọt để sanh đẻ. Tôi cũng hiểu như vậy. Nhưng qua câu chuyện kể của Nguyên Nhung, bằng những quan sát, nhận xét và cách diển đạt của một nhà văn rất tinh tế trong các đề tài mẩn cảm nội tâm, tôi bổng thấy một nỗi xúc động đã len lén đi vào lòng mình hồi nào không biết. Tôi giục Nguyên Nhung viết, viết trong lúc thân phận con cá hồi đang nằm thở phì phò trong đầu óc nhà văn và trong trái tim đang xúc động của người được nghe câu chuyện còn nóng hổi.

.

        Nước chảy, từ trên nguồn đổ xuống

        Cá quẫy ven bờ ngược nước lên

        Vài thân cá chết vương ghềnh đá

        Gửi nắm xương tàn trong  lãng quên

       (Chuyện Con Cá Hồi Vượt Sóng, thơ Nguyên Nhung tháng 9-2009)

.

Phải, tôi đã xúc động không ngờ. Hình ảnh từng đàn, từng đàn cá mái bụng mang dạ chữa rời biển mặn, mắt trợn trừng, ngoi đầu vượt ngàn dặm trùng dương với bao thác ghềnh, bão to, sóng dữ. Những con cá hồi tội nghiệp chỉ muốn về vùng nước ngọt sanh con đẻ cái tại đúng nơi chôn nhau cắt rún mấy năm trước mình đã bỏ đi. Có con chưa về đến nơi đã gởi thân tàn nơi xứ lạ. Có con trầy vi, tróc vãy về đến nơi sanh xong rồi chết. Tôi không chứng kiến cái chết của cá hồi, nhưng tôi thấy những nụ cười mãn nguyện trên từng con, từng con. Chắc vậy. Không thể nào khác được.

.

Cái gì đã buộc chúng phải quay về? Có phải đó là quê hương ? Là hơi hám của một bãi bờ, một ghềnh đá thân yêu ngày cũ? Quê hương của cá hồi hiền từ lắm, không có một độc tố ngoại lai hay những kẻ đồng chủng nội thù. Thiên nhiên chớ đâu phải là con người mà có hằn thù, phải không?. Vùng hồ ao đó vẫn là chiếc nôi còn thơm mùi sữa mẹ cho nên cá hồi, từng đàn, từng đàn vượt sóng trở về, chết cũng trở về. Trở về để cất tiếng cười rồi chết trên quê hương.

.

              Tôi nhìn cá chết trong lòng suối

              Dẫu về, nhưng có sống được đâu

              Thoáng thấy bóng mình in đáy nước

              Mới đó mà nay đã bạc đầu ...

              .....................................................................

           (Chuyện Con Cá Hồi Vượt Sóng, thơ Nguyên Nhung tháng 9-2009)

.

Thoáng thấy bóng mình in đáy nước. Phải mà, đây chính là điều đã làm tôi xúc động, thương cá thì ít mà thương thân phận lưu vong của mình thì nhiều. Cá còn có đường về để ngửa mặt cười vang trước khi chết. Còn mình, dù có về nhưng tiếng cười chưa thấy thì đã thấy một cõi âm u nào khác.

.

Cả chục năm trước, một bạn thơ khác của tôi, anh Đạm Thạch viết bài thơ Con Cá Lưu Vong. Bài thơ nổi tiếng ngay sau khi xuất hiện trên báo vì nó là tâm trạng của non 2 triệu người Việt Nam lưu vong. Bài thơ kể chuyện tác giả bổng gặp con cá cháy tại 1 cửa hàng thực phẩm ở Little Saigon: Thì ra đến con cá cháy cũng lưu vong huống chi là con người Việt Nam của thời đại xã nghĩa!

.

Giữa chợ ABC tôi muốn la lên cho người Cần Thơ xúm lại

Để tận mặt nhìn con cá thuở nào

Con cá sống quẩn quanh giữa khúc sông Trà Ôn, Đại Ngãi

Sao bây giờ giữa chợ phơi thây?

Tôi kịp la to nhưng kịp gìm tiếng tôi khựng lại

Tự hỏi lòng cá cũng lưu vong

........................................................................

(Con Cá Lưu Vong, thơ Đạm Thạch, 2000)

.

Cá cháy chỉ sống ở vùng nước lợ, chỗ giáp ranh nước mặn và nước ngọt. Khi nước đã thay lòng, không giữ được mùi vị quen thuộc thì đàn cá phải ra đi hay chịu chết trên dòng sông cũ. Đã có bao nhiêu con cá cháy đã trầy vi, tróc vãy mới đến được khu chợ nào đó, như chợ ABC, chợ Hồng Kông 4? Và bao nhiêu con phơi mình trên những khúc sông không còn nước lợ hay trên vùng biển dữ Thái Lan, Indo, Mã Lai? Phải chăng đó cũng là hình ảnh của người Việt mình, những người đành cam sống lưu vong ở khắp nơi trên thế giới, hay những người không tới được bến bờ? Chết hay sống thì cũng đều là người ly xứ!

Cá với người cùng có những tâm trạng chua xót như nhau.

.

Theo tin báo chí: Cuối năm 1999, một con cá đuối, loại cá chỉ sống ở nước mặn, bị mắc lưới ỏ huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, vốn là vùng nước ngọt. Thì ra cá đuối đã theo nước mặn mà xuôi Nam. Tai họa đã tới: sông rạch Miền Nam đang trở thành nước mặn và nước mặn sẽ tràn vào đồng ruộng miền Nam vào một ngày không xa. Đồng ruộng miền Nam sẽ là đồng khô cỏ cháy. Cám cảnh này, hồi năm 1999 tôi đã làm bài thơ Chuyện Con Cá Đuối Ở Huyện Lấp Vò. Con cá đuối từ bể Bắc lặn lội về Nam để báo tin tai họa đang giáng xuống đầu cổ người Phương Nam. Biết là về đó cá sẽ bị lưới, nhưng thà là làm thằng mõ báo bão còn hơn là làm người giá áo túi cơm.

.

Nhưng ta về phương Nam

Làm thằng mõ phương Nam

Theo biển mặn về nơi bãi thấp

Theo sóng dữ mang về tin dữ

Về phương Nam

Ta báo bão phương Nam

……………………………………….

(Chuyện Con Cá Đuối Ở Huyện Lấp Vò, thơ Trần Bang Thạch, 1999)

.

Thương thay mấy con cá tội nghiệp. Mỗi con mỗi cảnh, mười phân khổ cả mười!

.

Người ngư phủ đồng bằng quần vải áo thô

Người có thấy người đang vào trận chiến

Sông rạch miền Nam phải đâu là biển

Hà cớ chi nước mặn tràn bờ?

(Chuyện Con Cá Đuối Ở Huyện Lấp Vò, thơ Trần Bang Thạch, 1999)

.

Trên đây là lời báo tử cho môi sinh, đồng lúa, cây trái Miền Nam, không vài năm thì cũng vài mươi năm nữa. Qué sera, sera!

Rất mong đây không phải là lời báo tử cho cả một dân tộc, về một hay nhiều phương diện nào đó.

Người ta đã nói nhiều tới 7 con đập bậc thềm Vân Nam đã và đang được Trung Quốc xây dựng từ thập niên 80. Đáng kể nhất là đập Xiaowan trên sông Dương Tử được coi là đập cao nhất thế giới, cao 292 thước, bằng nhà chọc trời 100 tầng, xây từ năm 2001 và sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2010. Đập Xiaowan có sức chứa tới 15 tỉ mét khối nước lấy từ sông Mêkông (theo Ngô Thế Vinh). Yết hầu sông Mêkông từ phía Trung Quốc thắt hay mở đều do những ông trời con ở đó. Biển Đông sẽ dậy sóng và Cửu Long sẽ cạn dòng. Bao nhiêu triệu tấn chất thải từ những nhà máy Phương Bắc đang trôi về Phương Nam? 

Chừng đó sẽ không còn một con cá đuối nào sống sót để về Phương Nam báo bão. Chắc vậy.

.

Cuối cùng, có lẽ  người Việt lưu vong chỉ còn một chỗ để về, cũng là một nơi để tâm tư nương tựa: Dòng lịch sử oai hùng dựng nước và giữ nước của tiền nhân và nền văn hóa Hòa Bình, Nhân Bản bắt nguồn từ năm 2879 trước Công Nguyên với truyền thuyết Mẹ Tiên, Cha Rồng, Nhất Bào, Bách Noãn.

TL_Trongdong.jpg

.

Trần Bang Thạch

Tháng 9-2009

Enter supporting content here