PHIẾM 2
.
LẠI
NAO NỨC NHỮNG KỶ NIỆM….
“…thì
lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”. Nhiều năm rồi, đoạn văn ấy của Thanh Tịnh hình
như chẳng buông tha đầu óc tôi mỗi khi một năm học mới
bắt đầu. Dĩ nhiên là cái khoảng thời gian mười mấy
năm ngồi trên ghế nhà trường chắc tôi cũng có được
những kỷ niệm vui buồn, tình tứ lãng mạn, đớn đau chua xót,
thất điên bát đảo…Không như vậy thì sao gọi là
kỷ niệm! Nhưng những kỷ niệm ấy hãy còn quá nóng hổi
trong một tuổi trẻ Việt Nam thời chiến, thời của “rớt tú
tài anh đi trung sĩ, em ở nhà rầu rĩ suốt năm canh…”, nên
chưa thấy bồi hồi, xúc cảm hay luyến tiếc nhiều bằng thời
gian rời trường.
.
Ở thời điểm nào đó trong
một mảng đời tàn úa của mình, bỗng nhận ra “…thì lòng tôi lại nao
nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường….” Thời gian rời trường càng lâu thì “nỗi nhớ”
những ngày xa xưa ấy hình như mỗi ngày một mới. Kỷ niệm
càng lâu thì càng sâu, chắc vậy.
.
Hai năm liên tục,
tôi đã mất cái dịp nắm tay cháu ngoại tới trường
ngày đầu năm học. Năm ngoái bận đi xa. Năm nay không nghỉ
việc được. Nhớ hồi mới đến Houston, chẳng biết mô tê
gì hết ở cái xứ lạ hoắc lạ huơ nầy, vậy mà cũng
làm được cái việc gọi là đưa con đi nhập học;
tuy đoạn đường chỉ
mấy chục thước tây, từ cửa
nhà tới ngả tư chỗ dừng của chiếc xe buýt vàng. Chưa kịp
nhìn “lá ngoài đường rụng nhiều và trên không
có những đám mây bàng bạc” của Thanh Tịnh thì đã
tới cái ngả tư đường. Nhìn chiếc schoolbus nuốt chửng hai
đứa nhỏ lòng cảm thấy chút hụt hẫng, thằng bé
Thanh Tịnh trong tôi bỗng nhiên đi lạc ở đâu mất tiêu. Nhưng
thôi kệ, trôi dạt đến một nơi chẳng thấy một con đường
làng bằng đất thì dầu sao mình và hai con cũng có dịp
nắm tay nhìn cảnh, nhìn người đang náo nức đến trường.
Cảnh nầy cứ như vậy mà diễn ra hàng năm, vào những ngày
cuối tháng 8, cho đến khi cả 3 đứa con rời trường trung học.
.
Đưa con nhập học mà như đưa mình
về với những kỷ niệm một thời. Mỗi năm được một
lần thì không nhiều nhưng đầy. Đầy niềm vui và những
háo hức năm xưa của mình lưng dần theo năm tháng cũng được
“refilled & refreshed”.
.
Hôm nay là 25 tháng 8, trước giờ
làm việc, tôi ngồi trong breakroom. Cái TV trước mặt vẫn chiếu
những hình ảnh tựu trường hôm qua. Hôm qua, ngày tựu trường,
tôi đã miễn cưỡng ngồi đây nhìn màn ảnh TV chiếu
cả đoàn trẻ con ùa ra từ những chiếc buýt vàng trong sân
trường. Hình ảnh nầy sao không thấy hay ho, có lẽ nó quá
khác với hình ảnh ngày nhập học của trường làng Mỹ
Lý đã khắc sâu trong trí óc tôi, một thằng bé Thanh
Tịnh mấy mươi năm trước. Cũng có lẽ vì tôi đang
ngồi đây, mất dịp nắm tay dẩn cháu tới trường trong một
ngày rất mới này. Đổi đài. Màn hình hiện ra trên
một đoạn đường nào đó có một bé gái đi một mình, mặt buồn so, vai mang backpack trông khá nặng. Cảnh
nầy cũng không giống đoạn phim trong ký ức của mình rồi.
Không thấy hình ảnh một phụ huynh nào nắm tay con nhìn lá
rụng và nhìn mây bàng bạc trên không. Và cũng
không có “ em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ lần
đầu tiên đến trường …” Vậy thì làm sao mà
những học trò nầy về sau có được “nao nức những
kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường?” Hay là các phụ
huynh hôm nay cũng như mình, tất cả chỉ là ký ức trước
cuộc sống chạy đua với thời gian và công việc? Tắt TV, vớ
tờ nhật báo. Đây rồi! Mình đang có những người cùng
tâm cảm về ngày nhập học. Đó là những thầy cô giáo
dùng kỹ thuật hiện đại - twitter - để nói lên nỗi háo
hức của mình trong ngày khai giảng đầu năm học. Thử đọc
vài cái “tweets”:
Từ một giáo viên thuộc trường Pin Oak Middle School, thầy J.B:
“Bây
giờ là 4:44 a.m ngày 24/8/09 – ngày đầu năm học
2009-10, mình không thể chờ lâu hơn nữa để bắt đầu ngày
hôm nay.”
Lúc 7:21 a.m. ban
giám đốc trường tiểu học Janowski :
“ Mặt trời đẹp
rực rỡ khi cánh cửa trường mở rộng chào đón một năm
học mới! Buổi điểm tâm đầu năm đang bắt đầu.”
Từ 1
thầy giáo ở trường trung học Furr, lúc 7:46
a.m.:
“ Mình đến đây rất sớm để
chờ đón học sinh mới. Không hiểu sao mình có chút hồi
hộp trong ngày đầu năm học này…Mình thấy lâng lâng
như bay bổng dù đã có 19 năm trong nghề! Lạ thật!”
Từ cô
giáo mới ra trường, cô P.K. của trường tiểu học Klein:
“Con
bé sao mà dễ thương quá! Bé cứ đứng hoài ngoài
cửa lớp, cái miệng méo xẹo. Mắt ướt mà không khóc.
Sao giống mình quá vậy! Lần đó mình ước có mẹ bên
cạnh. Betty, cô sẽ là mẹ của con đây.”
.
Hôm qua,
tôi không được đưa cháu tới trường, nhưng tôi được
mấy phút làm người học trò trường làng Mỹ Lý,
sống hàm thụ cái nao nức những kỷ niệm của buổi tựu trường.
Thực
tế bây giờ có chút chua cay, nhưng những kỷ niệm tuổi nhỏ
thì lúc nào cũng ngọt như đường phèn.
.
Houston, Aug.25 ’ 09
Trần Bang Thạch