So tay 8-2009

phiếm.

trần bang thạch

.

 .

LAN MAN ĐẦU NĂM HỌC

.

1.THÌ RA MÌNH ĐÃ GIÀ

.

Bây giờ là đầu tháng 8. Nhiều trường học ở Mỹ sẽ bắt đầu khai giảng niên học mới trong vòng hai, ba tuần nữa. Giờ này các phụ huynh đã chuẩn bị áo quần, tập vở, giấy bút…cho con em mình.

Bỗng nhận ra một điều: Không nhớ từ hồi nào mình đã không mó tay vào mấy cái việc mua sắm nầy. Chuyện này mình đã làm nhiều lắm mà. Ba chục năm trước, lúc mới đến đây thằng lớn 11, con gái 8, thằng út vừa tuổi rưỡi. Đầu năm học nào mà mình không vợ chồng con cái khuân học cụ từ Kmart? quần áo từ Goodwill? Mới đây mà đã là dĩ vãng rồi sao cà?

.

Thì ra từ cái “hồi nào” ấy mình đã là một ông già!

Ông già có con cái đã lớn, dù có con út đi nữa thì chúng nó đã ra trường, cùng lắm cũng là sinh viên rồi, ông già đâu còn cái dịp mua cho con cái backpack hay hộp bút chì màu. Ông già là ông nội, ông ngoại thì lại càng rảnh tay, càng mất việc, các cháu đã có cha mẹ nó lo, còn lâu mới tới ông bà già. Ông bà có ngứa tay mua cái học cụ hay áo quần, giày dép  gì đó mà thằng cháu không thích, nó sẽ cảm ơn rối rít, nhưng món đồ ấy sẽ nằm hoài ở một góc nhà nào đó. Tốt nhứt là đưa tiền cho thằng cháu, nó mua theo ý nó. Như vậy cũng tạm gọi là gián tiếp tham gia vào hành trình đi về tương lai của con cháu!

.

Đến đây có người sẽ phản biện: Thì mình dẩn thằng cháu đi Walmart, hay Target, hay Sam’s…để cho nó tự chọn, mình cứ có mặt ở quầy tính tiền là đủ. Điều nầy thì hay quá rồi, khỏi cần bàn. Nhưng thực tế không biết có bao nhiêu ông bà già nào làm được. Nhiều khi già cả chậm lục, ý nghĩ đi trước hành động cả chục cây số, chưa làm thì thằng  con đã làm cho thằng cháu của mình rồi! Còn đâu tới phiên mình!

.

Vòng vo như vậy để thấy rằng mình không phải là nhân vật chánh trong tấn tuồng ở vào cái thời điểm nầy. Vai phụ cũng được, có sao đâu. Ngồi ở một góc nào đó trong nhà, nhìn thấy con cháu rộn rịp chuẩn bị cho ngày nhập học, chắc mình cũng vui lây cho dù thiếu cái háo hức của cậu học trò mấy mươi năm trước. Nhớ lại mấy mươi năm trước, đố ai không khỏi ngậm ngùi. Thời gian sao mà nhanh như ánh chớp. Nhớ như in đoạn văn của Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc trôi đi, thì lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”. Nhớ như in ngôi trường làng bên bờ sông tuổi nhỏ có đàn dê ngang nhiên vào lớp bỏ lại mấy cái hột đen đen, tròn tròn rồi be be dẩn bầy dê cái đi mất. Nhớ những trận đá banh bưởi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, vừa đứng trả bài vừa thở. Nhiều khi bây giờ còn làm ông già lẫm cẫm tìm hoài trong ký ức cái tên của chủ nhân một đôi mắt ướt kẹp giữa hai cái bím tóc thuở nào…

.

2.ĐẦU NĂM HỌC, NHÌN VỀ HAI NGÔI TRƯỜNG

..

Đôi mắt ướt mộng mị ấy đã mất dấu từ hồi nẫm rồi. Cái ký ức bây giờ không còn được bao nhiêu, nếu còn thì chắc cũng không lành lặn, tìm làm chi cho mất ngủ. Thôi thì xin méo mó nghề nghiệp nói chuyện bây giờ, nhân ngày nhập học sắp đến.

.

Mấy hôm trước, tình cờ đọc được 2 cái tin trên cùng 1 trang báo: Tin thứ nhứt là tin vui, tin thứ hai là tin buồn.

.

Tin vui nói về số học sinh có năng khiếu – gifted and talented students - tại khu học chánh Houston (HISD). Theo tin nầy thì tính tới mùa Xuân năm 2009 Khu học chánh đã có 28,300 học sinh năng khiếu, tăng 2000 em so với năm 2007. Tính theo tỉ lệ thì số học sinh năng khiếu này bằng 14% tổng số học sinh toàn Khu, một con số mà giới chức giáo dục cho là rất khả quan. Khắp các nơi khác trong nước, số học sinh giỏi cũng tăng tương tự như ở Khu Học Chánh Houston. Xin mở ngoặc nói một chút về học sinh VN mà không thấy báo nhắc tới: Dân số VN chỉ bằng 4% dân số Houston, nhưng các Á Khoa và Thủ Khoa VN vừa tốt nghiệp lớp 12 năm nay chiếm 21% tại các trường Trung học. Đóng ngoặc.

.

Và đây là tin buồn. Tin buồn này báo đăng ngay phía dưới tin vui trên đây. Đó là tin đóng cửa trường tiểu học Power Point vào tháng 7 năm tới, và dĩ nhiên Khu Học Chánh Kendleton cũng đóng cửa vì khu học chánh này chỉ có duy nhứt ngôi trường tiểu học Power Point này. Lý do: 5 năm liền, học sinh tại đây không đạt được tiêu chuẩn học tập của tiểu bang Texas. Các học sinh rồi đây sẽ phải mỗi ngày đi, về 40 dặm để tiếp tục học tại trường khác. Trường Power Point nằm ở phía tây nam, cách Houston 50 dặm, là trường có từ thời những người nô lệ bị đưa về đây trồng trọt. Dân cư là những người cố cựu đã từng là học sinh của trường, từ đời ông cố, ông sơ tới đời cháu chắt. Bao nhiêu là kỷ niệm giữa bốn bức tường này. Mai đây nó sẽ là một cơ sở khác, một siêu thị, hay một bãi đất trống, hay một công viên. Ngôi trường sẽ mất tên và mất dấu, nhưng chắc nó không mất trong máu thịt của người Kendleton.

Phá bỏ một kỷ niệm bằng xương bằng thịt nghe sao mà dễ quá. Người Kendleton làm sao quên được dãy hành lang nạm từng viên đá xanh hình chữ L, họ sẽ nhớ hoài mái ngói màu rêu cua và cái cổng trường nằm giữa hai cây xồi mấy trăm tuổi.

..

Bỗng nhớ tới ngôi trường trung học lớn nhứt vùng Hậu Giang đã mất tên không vì học trò dở mà vì giới chức cầm quyền không thuộc bài học lịch sử. Họ đã đánh giá sai lầm tư cách và vai trò lịch sử của một kẻ sĩ miền Nam: Tiến sĩ  Phan Thanh Giản. Ngôi trường có hơn 90 năm lịch sử đã theo cơn quốc nạn mà mất tên. Bao nhiêu kỷ niệm về ngôi trường mẹ đang trụ ở quê nhà và đang theo bước chân người viễn xứ hiện có mặt khắp quả địa cầu. Trường bị mất tên, nhưng trường vẫn đi theo họ, trường nằm âu yếm trong lòng mỗi người Phan Thanh Giản.

.

Người Mỹ theo chủ nghĩa thực tế - pragmatism : Phí phạm thì giờ, tiền bạc và vốn quí của con người là học vấn và kiến thức thì tốt nhứt là đừng tiếp tục công việc của một cơ sở giáo dục liên tục thất bại. Điều nầy thì dễ hiểu. Nhưng vì nhận thức sai lầm và vì định kiến mà thay tên một danh nhân tại một ngôi trường thuộc di sản văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến nay đã hơn ba mươi năm mà chưa chịu sửa đổi,  thì quả là điều không thể hiểu!!!

.

Aug.1 , 2009

tbt

Enter supporting content here